DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

03 điều cần lưu ý khi khởi kiện dân sự tại Tòa án

Bài viết tham khảo 

>>> [TỔNG HỢP]- AI PHẢI CHỊU NGHĨA VỤ ĐÓNG ÁN PHÍ?

>>> Tất tần tật về án phí và lệ phí;

>>> Hướng dẫn cách tính án phí trong hình sự, dân sự và hành chính;


Theo quy định tại Bộ Luật Tố tụng dân sự 2015 thì Cơ quan, tổ chức, cá nhân do Bộ luật này quy định có quyền khởi kiện vụ án dân sự, yêu cầu giải quyết việc dân sự tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu Tòa án bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của mình hoặc của người khác.

Do đó, khi bạn bị người khác xâm phạm đến quyền và lợi ích của mình bạn hoàn toàn có quyền gửi đơn khởi kiện đến tòa án để yêu cầu giải quyết. 

Tuy nhiên, bạn cần lưu ý một số trường hợp trước khi nộp đơn khởi kiện tại tòa án thì bạn phải tiến hành thủ tục hòa giải tại cơ sở.

Bạn tham khảo: Tổng hợp những tranh chấp phải tiến hành hòa giải;

Sau đây là những điều bạn cần lưu ý khi tiến hành khởi kiện tại tòa án:

1. Xác định tòa án giải quyết.

Việc xác định tòa án giải quyết được xác định dựa trên ba tiêu chí sau:

- Xác định đây là vụ án hay việc dân sự và có thuộc thẩm quyền của tòa án hay không?
 
- Xác định vụ việc dân sự đó thuộc thẩm quyền của tòa án nhân dân cấp nào?
 
- Xác định thẩm quyền lãnh thổ?

Bài tham khảo: 03 bước xác định thẩm quyền của tòa án trong vụ việc dân sự;

2. Xác định thời hiệu khởi kiện:

Thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự là thời hạn mà chủ thể được quyền khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm. Nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền khởi kiện.

Thời hiệu khởi kiện áp dụng cho mỗi loại vụ việc dân sự là khác nhau.

Các loại thời hiệu khởi kiện tranh chấp phổ biến hiện nay là:

+ Thời hiệu khởi kiện tranh chấp về hợp đồng là 03 năm kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm (Điều 429 Bộ luật Dân sự năm 2015)

 + Thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại là: 03 năm kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm (Điều 588 Bộ luật Dân sự năm 2015);

 + Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản kể từ thời điểm mở thừa kế. (Điều 623 Bộ luật Dân sự năm 2015)

3. Chuẩn bị hồ sơ.

Đơn khởi kiện là một trong những điều cơ bản khi tham gia khởi kiện tại tòa án. Do đó, công tác chuẩn bị đơn, soạn, viết đơn để được tòa án chấp nhận là vô cùng quan trọng. Vì vậy, ta cần lưu ý khi chuẩn bị đơn khởi kiện như sau:

- Điều kiện thỏa về người viết đơn khởi kiện:

 + Cá nhân có đầy đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự thì có thể tự mình hoặc nhờ người khác làm hộ đơn khởi kiện;

+ Cá nhân là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thì người đại diện hợp pháp của họ có thể tự mình hoặc nhờ người khác làm hộ đơn khởi kiện;

+ Cá nhân thuộc hai trường hợp nêu trên là người không biết chữ, người khuyết tật nhìn, người không thể tự mình làm đơn khởi kiện, người không thể tự mình ký tên hoặc điểm chỉ thì có thể nhờ người khác làm hộ đơn khởi kiện và phải có người có đủ năng lực tố tụng dân sự làm chứng. Người làm chứng phải ký xác nhận vào đơn khởi kiện.

+ Cơ quan, tổ chức là người khởi kiện thì người đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức đó có thể tự mình hoặc nhờ người khác làm hộ đơn khởi kiện.

- Về mặt hình thức: Đơn khởi kiện theo mẫu số 23 – DS ban hành kèm theo Nghị quyết số 01/2017/NQ – HĐTP.

Mặc dù, đơn khởi kiện đã có mẫu theo quy định pháp luật. Nhưng người khởi kiện cần lưu ý những thông tin không thể thiếu trong đơn khởi kiện là:

 + Ngày, tháng, năm làm đơn khởi kiện;

 + Tên Tòa án nhận đơn khởi kiện;

 + Tên, nơi cư trú của người khởi kiện;

 + Tên, nơi cư trú của người bị kiện;

 + Yêu cầu khởi kiện;

 + Tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện

- Tài liệu, chứng cứ chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm.

Lưu ý:

- Các tài liệu nộp kèm theo đơn phải được công chứng, chứng thực hợp pháp, hoặc xuất trình bản chính để cán bộ Tòa án đối chiếu.

- Những tài liệu chứng cứ không thể cung cấp được thì phải có đơn tường trình lý do không thể cung cấp.

Trường hợp vì lý do khách quan mà người khởi kiện không thể nộp đầy đủ tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện thì họ phải nộp tài liệu, chứng cứ hiện có để chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm.

Người khởi kiện bổ sung hoặc giao nộp bổ sung tài liệu, chứng cứ khác theo yêu cầu của Tòa án trong quá trình giải quyết vụ án.

Cách thức nộp đơn:

-  Nộp trực tiếp tại Tòa án có thẩm quyền - Khi nhận đơn khởi kiện nộp trực tiếp, Tòa án có trách nhiệm cấp ngay giấy xác nhận đã nhận đơn cho người khởi kiện;

-  Gửi đến Tòa án có thẩm quyền theo đường dịch vụ bưu chính - trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đơn, Tòa án phải gửi thông báo nhận đơn cho người khởi kiện.

-  Gửi trực tuyến bằng hình thức điện tử qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án có thẩm quyền (nếu có) - Thông báo ngay việc nhận đơn cho người khởi kiện qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có).

Thời hạn giải quyết:

Bài tham khảo: Thời gian giải quyết một vụ án dân sự tối thiểu là bao lâu?

Tóm lại, việc khởi kiện là quyền của mỗi công dân khi bị xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Tuy nhiên, để thuận tiện cho quá trình giải quyết vụ việc của tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền thì những người tham gia khởi kiện cũng cần phải lưu ý thực hiện đúng trình tự thủ tục. Đặc biệt là đơn khởi kiện, cần chỉnh chu và không được thiếu một trong những thông tin cơ bản nên trên.

Trên đây là bài viết về một số lưu ý khi khởi kiện, hi vọng sẽ giúp ích cho các bạn.

  •  4035
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

0 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…