DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

Ý nguyện hiến tạng của tử tù – câu chuyện đầy nan giải

Ngày 09/07/2018, Tòa án Nhân dân (TAND) TP.HCM đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Hữu Tình (18 tuổi, quê tỉnh An Giang) mức án tử hình về tội giết người, 8 năm tù về tội cướp tài sản, tổng hợp hình phạt chung là tử hình. Trước đó, khi được nói lời sau cùng, Tình bình tĩnh nói lời xin lỗi không thể trả hiếu cho cha mẹ "chỉ vì hành động nhỏ thiếu suy nghĩ con phải trả giá bằng mạng sống của mình" và xin được hiến tạng cho y học.

Đây không phải lần đầu có tử tù xin hiến tạng. Trước đó, Nguyễn Hải Dương (25 tuổi, kẻ chủ mưu vụ thảm sát 6 người trong một gia đình Bình Phước); Nguyễn Văn Kỳ (46 tuổi, thủ phạm sát hại 2 người trong một vụ cướp tại Hà Nội) và Nguyễn Thị Thanh (55 tuổi, người bị tuyên án tử hình vì hành vi vận chuyển  trái phép chất ma túy) cũng có mong muốn tương tự.

Vấn đề đặt ra là liệu nguyện vọng được hiến tạng cho y học của các tử tù có thực hiện được hay không?

Người bị kết án tử hình sẽ phải trả giá cho những hành vi tàn ác mà họ đa gây ra bằng cách phải chịu thi hành bản án nghiêm khắc theo quy định pháp luật. Tuy nhiên, nguyện vọng được hiến tạng cho y học nhằm phục vụ khoa học hoặc cứu sống người bệnh là hoàn toàn chính đáng và thể hiện tính nhân văn, tính hướng thiện, mong muốn chuộc lại lầm lỗi của người tử tù trước khi cuộc đời họ đặt dấu chấm kết. Quả thực, đây là ước nguyện đáng trân trọng của người bị kết án tử hình.

Nhưng, với hành lang pháp lý hiện hành thì ý nguyện cao đẹp trên chỉ mới có thể dừng lại ở mong muốn mà thôi, điều này khó thực thi được trên thực tế.

Khoản 3 Điều 20 Hiến pháp 2013 quy định khung pháp lý chung về quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác như sau:

Mọi người có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác theo quy định của luật. Việc thử nghiệm y học, dược học, khoa học hay bất kỳ hình thức thử nghiệm nào khác trên cơ thể người phải có sự đồng ý của người được thử nghiệm.

Quyền hiến, nhận mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác việc hiến xác đã được ghi nhận là một quyền được quy định cụ thể tại Điều 35 Bộ luật dân sự 2015:

Điều 35. Quyền hiến, nhận mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác

1. Cá nhân có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể của mình khi còn sống hoặc hiến mô, bộ phận cơ thể, hiến xác của mình sau khi chết vì mục đích chữa bệnh cho người khác hoặc nghiên cứu y học, dược học và các nghiên cứu khoa học khác.

2. Cá nhân có quyền nhận mô, bộ phận cơ thể của người khác để chữa bệnh cho mình. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, pháp nhân có thẩm quyền về nghiên cứu khoa học có quyền nhận bộ phận cơ thể người, lấy xác để chữa bệnh, thử nghiệm y học, dược học và các nghiên cứu khoa học khác.

3. Việc hiến, lấy mô, bộ phận cơ thể người, hiến, lấy xác phải tuân thủ theo các điều kiện và được thực hiện theo quy định của Bộ luật này, Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác và luật khác có liên quan.

Để cụ thể hóa thực thi việc hiến, nhận mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác thì Quốc hội đã ban hành Luật việc hiến, lấy, ghép mô bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác 2006, và tại Điều 5 có quy định cụ thể Quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác như sau:

Điều 5. Quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác

Người từ đủ mười tám tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể của mình khi còn sống, sau khi chết và hiến xác.

Như vậy, pháp luật không cấm tử tù hiến xác, hiến tạng cho y học hay nhằm mục đích hiến tạng cứu người bệnh. Tuy nhiên, trên thực tế theo quy định tại Điều 59 Luật Thi hành án hình sự 2010,  thi hành án tử hình sẽ được thực hiện bằng phương thức tiêm thuốc độc. Do thế, khi tiêm thuốc độc vào người thì có thể cơ thể của người đó sẽ không được đảm bảo nguyên vẹn và đạt chuẩn để hiến tạng, hiến xác nữa. Như vậy, mặc dù người bị kết án tử hình có quyền và rõ ràng pháp luật ghi nhận nhưng thực tiễn quyền này sẽ khó mà  thực thi được.

Giáo sư Trần Ngọc Sinh (Phó chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hội ghép tạng Việt Nam) cho hay: để lấy được bộ phận cơ thể của tử tù ghép cho người sống thì phải làm sai quy trình thi hành án, tức là phải lấy trước khi tiêm thuốc. "Từng có nhiều vụ bị lên án, khó để vượt qua nguyên tắc pháp lý là lấy mô tạng còn tươi, có thể tái sinh; trong khi thi hành án tử thì người đó phải thật sự chết", ông Sinh nói.

Giáo sư cũng nêu vấn đề là sẽ có ý kiến cho rằng tại sao lại bỏ sót nguồn tạng từ tử tù, nhưng ông cho rằng không thể vì sự khan hiếm nguồn tạng mà làm điều không thể. Vì thật sự nguồn tạng từ tử tù không nhiều, trong khi hệ lụy lại quá nhiều. Ngoài ra, ông cũng cho biết mặc dù bộ phận cơ thể người không ảnh hưởng gì đến gen ác hay thiện khi cho - nhận, nhưng ở một số nước, người nhận tạng bày tỏ quan điểm từ chối tạng của tử tù.

Mặc dù người bị kết án tử hình trước đó họ đều đã từng có hành vi vi phạm nghiêm trọng, tàn nhẫn hay độc ác đến mức độ nào đi chăng nữa nhưng họ đã phải trả giá bằng chính mạng sống của mình. Thế nên, với ý nguyện cao đẹp là được hiến tạng, hiến xác của mình cho y học hoặc để cứu người thì chúng ta nên trân trọng, điều đó là chính đáng và thật sự ý nghĩa. Chính vì vậy, theo mình, để có cơ sở pháp lý cho việc hiến mô, bộ phận cơ thể và xác của người bị kết án từ hình nhằm nâng cao tính nhân đạo, tính hướng thiện của tử tù thì cần có quy định đảm bảo việc thi hành án và hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác. Mặt khác, khi ban hành hành lang pháp lý này, chúng ta cũng sẽ đảm bảo được nguồn chất lượng mô, bộ phận cơ thể của người bị kết án tử hình nhằm đạt hiệu quả và không để lại những hệ lụy không mong muốn như một vụ việc trước đây đã từng xảy ra tại BV Chợ Rẫy, khi tiếp nhận người ghép tạng từ nguồn tạng phi pháp bị nhiễm HIV và phải trả giá bằng tính mạng.

Gần 10 năm trước (2009), khi thảo luận tại diễn đàn Quốc hội về dự thảo Luật Thi hành án hình sự, câu hỏi có nên cho tử tù hiến xác, hiến tạng hay không đã được nhiều đại biểu nêu ra. Sở dĩ phải đặt ra vấn đề này là do thời điểm đó có một nội dung rất mới được đưa vào dự thảo luật là chuyển hình thức thi hành án tử hình từ xử bắn sang tiêm thuốc độc. Khi ấy, các đại biểu Quốc hội cũng có ý kiến khác nhau. Người thì nói nên cho phép vì đó là nguyện vọng chính đáng của người phạm tội, thể hiện họ biết quay đầu khi phải trả giá cho tội ác. Người thì phản đối vì cho rằng về tâm lý sẽ không ai chấp nhận được nếu biết một phần cơ thể mình có nguồn gốc từ một tử tù...

Năm 2010 , Luật Thi hành án hình sự được Quốc hội thông qua và nội dung trên không được đề cập đến.

Năm 2015, câu hỏi "tử tù có thể hiến xác được không?" một lần nữa được đặt ra tại hội thảo về dự án Luật Tạm giữ, tạm giam do Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức. Tại hội thảo này, nhiều ý kiến tranh luận thẳng thắn, thú vị. 

Lãnh đạo Tổng cục Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp, Bộ Công an cho biết một số trường hợp tử tù có nguyện vọng hiến xác cho y học sử dụng vào mục đích nhân đạo nhưng do thi hành án bằng tiêm thuốc độc và pháp luật cũng chưa quy định về vấn đề này nên chưa thể đáp ứng.

Đại diện Trung tâm điều phối hiến ghép mô tạng quốc gia cũng nói việc thi hành án tử hình bằng cách tiêm thuốc độc nên nội tạng tử tù sẽ bị hỏng, kể cả có cơ sở pháp luật cũng không thể lấy mô tạng ghép cho người bệnh.

Cũng có ý kiến cho rằng người bị kết án tử hình thì phải chịu thi hành bản án nghiêm khắc của pháp luật, nhưng nguyện vọng cuối cùng của họ được hiến tặng thân xác mình để có thể phục vụ mục đích khoa học hoặc cứu sống người bệnh đang cần là nguyện vọng chính đáng, nhân văn.

Có người thì gợi ý nên chăng nghiên cứu có thêm một hình thức tử hình khác phù hợp để có thể cho phép tử tù được hiến xác, mô, bộ phận cơ thể theo tâm nguyện.

Ý kiến của bạn như thế nào về nguyện vọng hiến xác, hiến tạng của tử tù?

Nguồn: Bài viết có sự tham khảo thông tin từ Báo Tuổi trẻ.

<iframe width="500" height="300" src="https://www.youtube.com/embed/v1LdQAxdb3Y" frameborder="0" allow="accelerometer; autoplay; clipboard-write; encrypted-media; gyroscope; picture-in-picture" allowfullscreen></iframe>

  •  2236
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

0 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…