DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

Ý kiến Pháp lý của Luật sư Hà Nội xung quanh vụ việc Đại biểu Quốc Hội Châu Thị Thu Nga bị bắt

Vụ việc bà Châu Thị Thu Nga bị bắt tạm giam phục vụ công tác điều tra vào tối 7/1/2015, khiến nhiều dự án bất động sản của Housing Group vốn dĩ đã lỗi hẹn khách hàng từ lâu, nay tương lai lại thêm mù mịt.

 
           Bà Châu Thị Thu Nga-Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn đầu tư xây dựng nhà đất (Housing Group) 
 
 
Tối ngày 7.1, Cơ quan CSĐT Bộ Công an thực hiện lệnh khám xét, bắt tạm giam bà Châu Thị Thu Nga, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa 13, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn đầu tư xây dựng nhà đất (Housing Group), để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Việc khám xét nhà riêng của bà Nga tại số 78A9 cổng 3 phố Hồng Mai, Q.Hai Bà Trưng, bắt đầu từ 21 giờ và kết thúc vào khoảng 23 giờ tối qua. Theo quan sát của phóng viên tại hiện trường, cơ quan điều tra đã thu giữ nhiều tài liệu được cho là liên quan đến vụ án. Trước đó chiều ngày 7/1chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đã ký Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ QH đồng ý đề nghị khởi tố bị can của Viện KSND tối cao đối với bà Châu Thị Thu Nga về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cũng tại nghị quyết này, Ủy ban Thường vụ QH đã tạm đình chỉ nhiệm vụ ĐBQH của bà Nga. Dưới đây, là nội dung trao đổi với Luật sư Nguyễn Văn Tuấn – Công ty TNHH NewVision Law về vụ việc trên.
 
 
 
Thưa Luật sư có một số ý kiến cho rằng: Đại biểu tham dự/ tham gia kỳ họp của Quốc Hội thì quyền bất khả xâm phạm của Đại biểu quốc hội là tối thượng. Vậy, việc bắt tạm giam bà Châu Thị Thu Nga, đại biểu Quốc hội có vi phạm pháp luật hay không?
 
ĐBQH là công dân, nếu công dân vi phạm pháp luật thì các cơ quan pháp luật sẽ tiến hành làm, tuy nhiên quy trình tố tụng đối với ĐBQH có đặc biệt hơn so với trường hợp khác.
 
Theo Điều 81 Hiến pháp 2013 quy định: “Quyền Đại biểu Quốc hội không bị bắt giam và truy tố nếu không có sự đồng ý của Quốc hội hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định trong Điều 81, Hiến pháp Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, không phải  là một đặc quyền của cá nhân đại biểu, vì trong chế độ ta, không ai có thể có một thứ đặc quyền đặc lợi nào. Quyền bất khả xâm phạm của đại biểu Quốc hội nhằm đảm bảo sự hoạt động của Quốc hội, tránh cho đại biểu Quốc hội mọi áp lực, mọi ảnh hưởng không chính đáng trong khi làm nhiệm vụ người đại biểu. Nếu vi phạm quả tang mà đại biểu quốc hội bị tạm giữ thì cơ quan tạm giữ phải lập tức báo cáo để Quốc hội hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội xét và quyết định”.
 
Bên cạnh đó, Điều 58 Luật Tổ chức Quốc hội cũng quy định: "Không có sự đồng ý của Quốc hội và trong thời gian Quốc hội không họp, không có sự đồng ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì không được bắt giam, truy tố đại biểu Quốc hội và không được khám xét nơi ở và nơi làm việc của đại biểu Quốc hội. Việc đề nghị bắt giam, truy tố, khám xét nơi ở và nơi làm việc của đại biểu Quốc hội thuộc thẩm quyền của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao….”.
 
Như vậy, việc bắt đại biểu Quốc hội phải có đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và được sự đồng ý của Quốc hội hoặc sự đồng ý của Ủy ban thường vụ Quốc hội (trong thời gian Quốc hội không họp). Việc thực hiện lệnh bắt thuộc về cơ quan điều tra phát hiện ra hành vi phạm tội của đại biểu Quốc hội và có thẩm quyền điều tra hành vi phạm tội đó.
 
Với các quy định trên, đại biểu Quốc hội không có quyền miễn trừ trong tố tụng, quyền bất khả xâm phạm của ĐBQH không phải là tối thượng. Việc bắt giữ bà Châu Thị Thu Nga đã tuân theo pháp luật hiện hành vì có sự đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và đồng ý của UB Thường vụ Quốc Hội.
 
 
Liên quan tới việc khám xét, bắt giữ ĐBQH thì theo Luật sư trường hợp nào có thể bắt khẩn cấp khi chưa được sự đồng ý của Quốc hội?
 
Theo Điều 58 Luật tổ chức Quốc hội: “Nếu vì phạm tội quả tang mà đại biểu Quốc hội bị tạm giữ thì cơ quan tạm giữ phải lập tức báo cáo để Quốc hội hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội xét và quyết định”.
Như vậy, trong trường hợp mà bắt giữ tạm giam khẩn cấp thì phải lập tức báo cáo để để Quốc hội hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội xét và quyết định”.
 
 
Luật sư cho ý kiến về việc Ủy ban thường vụ quốc hội tạm đình chỉ nhiệm vụ ĐBQH của bà Nga, sau khi bị bắt, tạm giamtư cách ĐBQH của bà Nga sẽ thế nào?
 
Theo quy định tại Điều 9 Bộ luật tố tụng hình sự: “Không ai được coi là có tội khi chưa có bản án kết tội của tòa án có hiệu lực pháp luật”. Do đó, việc bắt người mới chỉ là bước khởi đầu để phục vụ cho quá trình điều tra. Tuy nhiên, Điều 58 Luật tổ chức Quốc hội quy định: “Trong trường hợp đại biểu Quốc hội bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội đó”.
 
Như vậy, để phục vụ công tác điều tra thì Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của bà Nga. Còn các hình thức xử phạt khác như bãi nhiệm tư cách sẽ phải dựa trên bản án kết tội của tòa án. Trong trường hợp bà Nga bị tòa án kết án thì đương nhiên mất quyền đại biểu Quốc hội, kể từ ngày bản án, quyết định của tòa án có hiệu lực pháp luật” (Điều 56, 58 Luật Tổ chức quốc hội). Còn nếu được Tòa án xác định không phạm tội thì quyền của người bị bắt sẽ được khôi phục theo quy định của pháp luật.
 
 
Trân trọng cảm ơn Luật sư !
 
 
Quan điểm riêng của Luật sư Công ty TNHH NewVision Law – Đoàn Luật sư Hà Nội
 
 
  •  3575
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

0 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…