DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

Xúc phạm giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục bị xử lý như thế nào?

Dạo gần đây, trên nhiều diễn đàn xuất hiện thông tin về các vụ việc xúc phạm giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục,..mà đối tượng còn là những em học sinh còn ngồi trên ghế nhà trường.

Sự việc này gây bức xúc trong dư luận, tuy nhiên không thể vì thế mà cộng đồng mạng có thể dùng những lời lẽ công kích hay vùi dập cá nhân, đặc biệt học sinh là lứa tuổi còn nhỏ, chưa trưởng thành. Theo pháp luật, các em là người chưa thành niên cần tránh những tác động tâm lý ảnh hưởng đến tương lai sau này của các em.

Theo đó, pháp luật có những quy định về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục, mà cụ thể là hành vi xúc phạm danh dự giáo viên tại trường. Bài viết sau đây sẽ giải đáp một số thắc mắc như quy định pháp luật về xúc phạm giáo viên là gì? Học sinh chưa thành niên có bị xử phạt vi phạm không?

Xúc phạm danh dự, nhân phẩm là gì?

Xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác là hành vi dùng những lời lẽ khó nghe, mang tính sỉ nhục, thô bỉ, nhục mạ nhằm để hạ thấp, chà đạp giá trị của người khác. Đồng thời làm giảm uy tín, gây thiệt hại về danh dự, nhân phẩm của đối phương. 

Hiến pháp 2013Bộ luật Dân sự 2015 quy định mọi người được pháp luật bảo hộ về danh dự và nhân phẩm; không bị bất kỳ hình thức đối xử nào xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm. Danh dự, nhân phẩm của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ và là một trong những quyền về nhân thân.

Xử phạt vi phạm về xúc phạm danh dự giáo viên tại trường bị xử lý thế nào?

Xử phạt vi phạm hành chính

Theo Điều 22 Luật Giáo dục 2019 nêu rõ hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự, xâm phạm thân thể nhà giáo, cán bộ, người lao động của cơ sở giáo dục và người học là hành vi bị nghiêm cấm trong cơ sở giáo dục.

Đồng thời, căn cứ tại Điều 26 Nghị định 04/2021/NĐ-CP quy định Xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trong cơ sở giáo dục; vi phạm quy định về chính sách đối với nhà giáo như sau:

- Phạt tiền từ 05-10 triệu đồng đối với hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm; xâm phạm thân thể nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trong cơ sở giáo dục nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

- Phạt tiền từ 10-15 triệu đồng đối với hành vi vi phạm về chính sách đối với nhà giáo.

xuc-pham-giao-vien

- Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc xin lỗi công khai người bị xúc phạm danh dự, nhân phẩm; xâm phạm thân thể đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 26, trừ trường hợp người bị xúc phạm danh dự, nhân phẩm; xâm phạm thân thể có yêu cầu không xin lỗi công khai.

Truy cứu trách nhiệm hình sự

Trường hợp bạn bị xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự thì người này sẽ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội làm nhục người khác, quy định tại Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015 cụ thể như sau:

Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10-30 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

Mức phạt cao nhất đối với hành vi này là phạt tù đến 02 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Học sinh có bị xử phạt vi phạm trong trường hợp này không?

Điều 21 Bộ luật Dân sự 2015 quy định người chưa thành niên là người chưa đủ 18 tuổi.

Trong đó, theo Điều 1 Luật Trẻ em 2016 quy định trẻ em là người dưới 16 tuổi.

Có thể thấy, khái niệm người chưa thành niên tương đối rộng, bao hàm cả trẻ em và từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi.

Theo đó, trong lĩnh vực xử phạt vi phạm hành chính, người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi chỉ bị xử phạt vi phạm về vi phạm hành chính do lỗi cố ý. Còn người từ đủ 16 tuổi trở lên sẽ bị xử phạt về mọi vi phạm hành chính (theo khoản 1 Điều 5 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012).

Theo Điều 134 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, sửa đổi năm 2020, việc xử lý vi phạm hành chính với người chưa thành niên chỉ được thực hiện trong trường hợp cần thiết nhằm giáo dục và giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh, trở thành công dân có ích.

Quyết định xử phạt hoặc áp dụng biện pháp xử lý hành chính sẽ căn cứ vào khả năng nhận thức của người chưa thành niên về tính chất nguy hiểm của hành vi, nguyên nhân và hoàn cảnh vi phạm.

Trong đó, quyết định mức xử phạt vi phạm hành chính với người chưa thành niên phải nhẹ hơn so với người thành niên có cùng hành vi vi phạm hành chính. Cụ thể:

- Người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi: Không áp dụng hình thức phạt tiền.

- Người từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi: Mức tiền phạt không quá 1/2 mức tiền phạt áp dụng với người thành niên; bị buộc phải nộp một khoản tiền tương đương trị giá tang vật, phương tiện vi phạm bằng 1/2 trị giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

Nếu không có tiền nộp phạt, không có khả năng thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả thì cha mẹ hoặc người giám hộ phải thực hiện thay.

Đồng thời, theo quy định của  Bộ luật Hình sự 2015 thì người đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại khoản 3 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017.

Đối với người từ đủ 16 tuổi trở lên thì phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà BLHS có quy định khác.

  •  1936
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

2 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…