DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

XỬ LÝ NỢ XẤU BẰNG BIỆN PHÁP CHUYỂN NỢ THÀNH VỐN GÓP TẠI VIỆT NAM – HIỆN TRẠNG VÀ KIẾN NGHỊ

 

Ths. NGUYỄN VĂN THỌ (Vietcombank) –Ths. NGUYỄN NGỌC LINH (Baovietbank)

Thời gian qua, hoạt động của hệ thống ngân hàng thương mại đang phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức. Vấn đề trọng tâm hiện nay là xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng thương mại, bởi nó làm tắc nghẽn dòng tín dụng trong nền kinh tế Việt Nam. Xử lý nợ xấu là bước đi quan trọng trong quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng và có ảnh hưởng không nhỏ đến điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước, tính an toàn, hiệu quả kinh doanh của chính các ngân hàng. Có nhiều biện pháp để TCTD xử lý nợ xấu, tuy nhiên, chuyển nợ thành vốn góp được coi là một trong những biện pháp nhanh chóng, hiệu quả và mang lại lợi ích cho cả người vay và người nợ.

1. Khái niệm nội dung xử lý nợ xấu bằng biện pháp chuyển nợ thành vốn góp

1.1. Khái niệm chuyển nợ thành vốn góp

Chuyển nợ thành vốn góp là việc chủ nợ hoặc tổ chức thay vì thu hồi tiền nợ đã cho doanh nghiệp vay, họ sẽ lấy khoản nợ phải thu đó để “mua” chính cổ phần của doanh nghiệp hoặc một đối tác quan tâm mua lại chính khoản nợ đó từ chủ nợ với giá tương đương hoặc theo thỏa thuận. Khi đó, chủ nợ hoặc người mua nợ sẽ trở thành chủ sở hữu của doanh nghiệp, đầu tư thêm vốn để tái cơ cấu lại toàn bộ hoạt động của doanh nghiệp từ tổ chức nhân sự đến hoạt động kinh doanh và định hướng phát triển…

1.2. Ưu điểm của biện pháp chuyển nợ thành vốn góp

  – Đối với TCTD: Việc áp dụng biện pháp này sẽ giúp ngân hàng sớm thoát khỏi nợ xấu, “làm đẹp” bản báo cáo tài chính, đồng thời giúp ngân hàng tăng nguồn vốn do vốn vay chuyển thành khoản đầu tư tài chính của ngân hàng.

  – Đối với doanh nghiệp: Việc chuyển nợ thành vốn góp sẽ ngay lập tức giúp doanh nghiệp bỏ áp lực trả nợ cho ngân hàng, có điều kiện khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh từ nguồn cấp vốn của các TCTD hoặc các nguồn vốn đầu tư khác.

 

  – Đối với nền kinh tế: Việc xử lý nợ xấu theo biện pháp chuyển nợ thành vốn góp sẽ giảm thiểu được những tác động tiêu cực như: doanh nghiệp bị phá sản, người lao động mất việc làm… Biện pháp này không chỉ giúp các TCTD sớm thu hồi được nợ xấu, vừa tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có cơ hội phục hồi và phát triển.

1.3. Đối tượng áp dụng

Biện pháp chuyển nợ thành vốn góp cổ phần tỏ rõ hiệu quả trong việc xử lý khoản nợ của các doanh nghiệp gặp khó khăn tạm thời trong hoạt động kinh doanh, có đủ thực lực để khôi phục lại hoạt động sản xuất kinh doanh nếu có nguồn vốn hỗ trợ. Các doanh nghiệp này phải có thương hiệu trên thị trường, có hệ thống nhà xưởng, dây chuyền máy móc thiết bị sản xuất kinh doanh, lãnh đạo doanh nghiệp có tâm huyết và thực sự muốn vực dậy doanh nghiệp…

2. Thực trạng hoạt động chuyển nợ thành vốn góp tại Việt Nam

2.1. Những kết quả đạt được

Những năm gần đây, tại Việt Nam, việc xử lý nợ xấu bằng biện pháp góp vốn cổ phần đã giúp các doanh nghiệp gặp khó khăn, đứng trước bờ vực phá sản khôi phục lại hoạt động sản xuất kinh doanh, tiêu biểu là các trường hợp sau:

- Sadico Cần Thơ (SDG: HNX) có vốn điều lệ 50 tỷ đồng, từng là doanh nghiệp mạnh về sản xuất kinh doanh vật liệu xây dựng tại Cần Thơ. Do đầu tư dồn hết vào nhà máy sản xuất bao bì, SDG rơi vào tình cảnh thua lỗ nặng nề, mất khả năng thanh toán nợ, được DATC xử lý tài chính và nắm giữ 50% cổ phần từ tháng 6/2007. Sau 4 năm tái cấu trúc, hoạt động kinh doanh của SDG đã khôi phục hoàn toàn và tăng trưởng trở lại.

- Công ty cổ phần Mía đường Kon Tum (KTS: HNX) là DNNN trực thuộc UBND tỉnh Kon Tum đã từng làm ăn không hiệu quả. Với vốn điều lệ 30 tỷ đồng, KTS được tái cơ cấu, chuyển đổi sở hữu từ tháng 7/2008. Sau 6 tháng, KTS đã bắt đầu có lãi 5,4 tỷ đồng. Sau khi DATC tái cấu trúc nợ và chuyển đổi sở hữu, tình hình tài chính của KTS có sự cải thiện đáng kể về chất và lượng.

- Công ty CP Thủy sản Bình An (Bianfishco): Năm 2011 và 7 tháng đầu năm 2012, Bianfishco gặp khó khăn do nguồn nguyên liệu đầu vào thiếu ổn định, chi phí tài chính tăng cao, ngân hàng ngưng cung cấp tín dụng, quản trị điều hành doanh nghiệp yếu kém khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh bị đình trệ, Công ty bị thua lỗ, số dư nợ đọng ngân hàng và người dân bán cá lớn. Các chủ nợ chính là các TCTD đã cùng phối hợp tái cấu trúc lại hoạt động của Công ty thông qua việc chuyển nợ thành vốn góp cổ phần. Đến 24/08/2012, Công ty đã được Sở Kế hoạch và Đầu tư Cần Thơ cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh mới, theo đó, ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) chính thức trở thành cổ đông lớn nhất, sở hữu 25 triệu cổ phần bằng 50% vốn điều lệ Bianfishco (Bianfishco có vốn điều lệ 500 tỷ đồng) và tham gia vào hoạt động tái cấu trúc toàn diện hoạt động sản xuất kinh doanh của Bianfishco.

2.2. Những tồn tại, hạn chế

a) Sân chơi riêng của DATC

Tại Việt Nam hiện nay, việc xử lý nợ xấu bằng biện pháp chuyển nợ thành vốn góp gần như chỉ thực hiện bởi Công ty mua bán nợ tồn đọng – Bộ Tài chính (DATC) thông qua việc thực hiện mua bán các khoản nợ xấu của ngân hàng thương mại. Theo đó, DATC sẽ mua lại khoản nợ của doanh nghiệp từ các ngân hàng thương mại để trở thành chủ nợ chính và chuyển nợ thành vốn góp tại doanh nghiệp, trở thành cổ đông chính kiểm soát doanh nghiệp. Trên cơ sở nguồn vốn của mình, DATC sẽ “bắt tay” vào việc “cứu sống” doanh nghiệp bằng cách tiến hành khôi phục lại các hoạt động sản xuất kinh doanh, đưa doanh nghiệp trở lại hoạt động. Sau khi doanh nghiệp hoạt động ổn định và phát triển trở lại, DATC sẽ cổ phần hóa doanh nghiệp, đưa lên sàn chứng khoán hoặc bán lại doanh nghiệp cho các nhà đầu tư quan tâm để thu hồi vốn. Đây là một quá trình đầu tư dài hạn, bắt đầu từ khi DATC bỏ tiền mua lại khoản nợ từ các TCTD, cấp thêm vốn để khôi phục lại hoạt động sản xuất kinh doanh cho đến khi thu hồi lại vốn đầu tư.

b) Các ngân hàng thương mại không mặn mà

Trên thực tế, hiện nay các TCTD không mặn mà với biện pháp chuyển nợ xấu thành vốn góp cổ phần tại doanh nghiệp, tiêu biểu là trường hợp của Công ty CP Thủy sản Phương Nam: (Vào thời điểm tháng 11/2012, Công ty Phương Nam nợ các ngân hàng số tiền khoảng 1.599 tỷ đồng, đứng trên phá sản. Các ngân hàng chủ nợ cùng DATC đã thống nhất tái cơ cấu lại Công ty Phương Nam, theo đó, có 2 ngân hàng tham gia góp vốn đó là LienVietPostBank và ABBank. LienVietPostBank (nắm 62,43% vốn điều lệ), ABBank với tỷ lệ 34,17%. Sau 4 tháng tái cấu trúc, Phương Nam đã đạt được những kết quả khả quan. Kim ngạch xuất khẩu tháng 7,8,9/2013 liên tục tăng, lương của tất cả các lao động tại công ty đã tăng thêm 20% lên gần bằng mặt bằng chung của các nhà máy thủy sản trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, nhiều khách hàng truyền thống từ Mỹ, Nhật, EU đã quay lại với công ty.)

Các TCTD không mặn mà với biện pháp này vì những nguyên nhân như sau:

- Chức năng chính của TCTD hiện nay vẫn tập trung phát triển hoạt động kinh doanh, bao gồm các mảng: tín dụng, huy động vốn, dịch vụ thẻ… Do đó, thay vì góp vốn trực tiếp vào khách hàng nợ xấu và đầu tư thời gian, cấp tín dụng cũng như sắp xếp nhân sự tổ chức vào các doanh nghiệp nợ xấu, các TCTD chọn cách chuyển “chức năng” này sang DTAC thông qua biện pháp bán nợ. Bằng biện pháp này, TCTD sẽ có vốn (dù tỷ lệ mất vốn khá cao) để tiếp tục đưa dòng vốn vào hoạt động kinh doanh thay vì góp vốn và tiếp tục rót vốn vào doanh nghiệp và không biết bao giờ mới có thể thu hồi toàn bộ vốn cho vay.

- Hầu hết các TCTD có chức năng đầu tư và lãnh đạo các doanh nghiệp “ngoài ngành” khôi phục hoạt động: Các doanh nghiệp vay vốn tại các TCTD rất đa dạng, hoạt động kinh doanh trong nhiều ngành nghề, các TCTD nếu thực hiện chuyển nợ vay thành vốn góp cổ phần không thể tự mình thực hiện việc “chèo lái” doanh nghiệp đang trên bờ vực phá sản.

c) Đối tượng xử lý hạn chế

  Do việc mua nợ sau đó chuyển nợ thành vốn góp chủ yếu được thực hiện bởi DATC nên đối tượng xử lý rất hạn chế. Mục tiêu của DATC là các DNNN không thể cổ phần hóa do thua lỗ. Như vậy, nếu các TCTD không mặn mà áp dụng biện pháp này, nhiều doanh nghiệp cổ phần, tư nhân không có cơ hội khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh và buộc phải chấp nhận xử lý bán hết tài sản để trả nợ ngân hàng và bị xóa sổ trên thị trường.

3. Kiến nghị và giải pháp

3.1. Các giải pháp giúp đẩy mạnh hoạt động của thị trường mua bán nợ

Các tổ chức cho vay vốn sau khi thực hiện góp vốn và vực dậy doanh nghiệp thường sẽ bán lại doanh nghiệp để thu hồi vốn, vì vậy, một thị trường mua bán nợ ổn định sẽ tạo động lực cho hoạt động chuyển nợ thành vốn góp sôi động và được quan tâm hơn. Một số kiến nghị thúc đẩy sự hình thành và phát triển của thị trường mua bán nợ như:

- Xây dựng hệ thống/xác định giá bán Nợ: Bộ Tài chính, NHNN và các cơ quan liên quan cần thống nhất với nhau trong việc xây dựng hệ thống cơ sở xác định giá trị khoản Nợ để làm cơ sở đàm phán giữa bên mua và bên bán bởi hiện tại trong giao dịch mua bán nợ, sự chênh lệch lớn giữa giá chào mua và giá chấp nhận bán làm kéo dài thời gian đàm phán và dẫn đến thất bại trong giao dịch.

- Xây dựng chính sách ưu đãi thuế đối với hoạt động này để khuyến khích việc mua bán: Hiện nay, thuế thu nhập doanh nghiệp của Việt Nam là 25% (sẽ giảm còn 22% từ tháng 1/2014), thuế thu nhập doanh nghiệp là 10%… chưa kể đến các loại phí khác phát sinh thực hiện việc mua bán nợ. Nhiều nhà đầu tư sau khi mua bán nợ không bán lại nợ mà trực tiếp cấp thêm vốn để cứu sống doanh nghiệp, khôi phục và phát triển lại hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trước khi bán lại doanh nghiệp để thu hồi vốn, vì thế, chính sách ưu đãi thuế sẽ khuyến khích và tạo động lực cho các nhà đầu tư khi nghiên cứu việc mua các khoản nợ để tái đầu tư.

- Có các chính sách kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài gia nhập thị trường mua bán nợ tại Việt Nam: Thực lực của các công ty mua bán nợ tại Việt Nam như phân tích ở trên không đủ sức để có thể xử lý khoản nợ xấu lớn với giá trị khoảng 14 tỷ USD tại Việt Nam, vì vậy Nhà nước cần có các chính sách kêu gọi và hỗ trợ các nhà đầu tư nước ngoài tham gia thị trường mua bán nợ tiềm năng tại Việt Nam. Với nguồn vốn lớn và kinh nghiệm hàng chục năm phát triển thị trường mua bán nợ, các nhà đầu tư ngoại sẽ là một trong những đối tác tham gia hoạt động hiệu quả trên thị trường Việt Nam.

  3.2. NHNN cần có chính sách khuyến khích TCTD tự chuyển nợ xấu thành vốn góp

  – Đối với các doanh nghiệp nợ xấu cần xử lý, hầu hết đã dừng hoạt động hoặc chỉ hoạt động cầm chừng, không còn vốn lưu động để hoạt động sản xuất kinh doanh, vì vậy, các TCTD nếu muốn áp dụng biện pháp chuyển nợ thành vốn góp cần phải cấp thêm vốn để DN khôi phục hoạt động trở lại. Liên quan đến việc phân loại nợ đối với khoản tín dụng cấp mới, NHNN cần có cơ chế riêng về phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro đối với các khoản tín dụng cấp thêm cho doanh nghiệp do doanh nghiệp gặp khó khăn có thể xếp nhóm nợ xấu tại nhiều TCTD, việc cấp thêm vốn nếu vẫn bị nợ xấu sẽ tăng áp lực trả nợ cũng như chi phí trích lập dự phòng rủi ro tín dụng cho ngân hàng, vì vậy, theo Thông tư 02, cần giữ doanh nghiệp này ở nhóm nợ tốt khi cho vay bổ sung vốn thay vì chuyển nợ xấu theo xếp hạng tại các TCTD khác.

  3.3. Các biện pháp từ chính các TCTD

  – Các TCTD cần chủ động tham gia vào các Hiệp hội, ngành nghề nhằm tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh trong trường hợp quyết định đầu tư thêm vốn để vực dậy doanh nghiệp, thay vì chỉ tham gia với tư cách tìm kiếm thông tin và khách hàng phục vụ mục đích phát triển hoạt động tín dụng như hiện nay.

  – Các TCTD cũng cần bổ sung chức năng hoạt động của các Công ty AMC trực thuộc, bên cạnh việc quản lý, khai thác tài sản như hiện tại, cần chú trọng thêm vào hoạt động quản lý kinh doanh, tái cấu trúc lại doanh nghiệp thuộc các hoạt động sản xuất kinh doanh TCTD đã cấp vốn vay nhằm tăng tính hiệu quả của việc sử dụng tài sản đã nhận để cấn trừ nợ. Trường hợp TCTD không có hoặc chưa thành lập Công ty AMC trực thuộc, cần đẩy mạnh và tăng cường cấp vốn cho Bộ phận/Phòng ban đầu tư nhằm mục đích tăng khả năng sử dụng, khai thác và đầu tư các tài sản nhận cấn trừ nợ.

  – Các TCTD cần chú trọng hơn vào biện pháp chuyển nợ thành vốn góp cổ phần, thay vì chỉ tập trung vào các danh mục đầu tư tài chính, các TCTD cần thực hiện nghiên cứu nội dung kinh tế phát triển đầu tư hoạt động kinh doanh của các lĩnh vực ngành nghề khác nhau, để có thể chủ động tham gia vào việc khôi phục lại hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, cùng với việc nâng cao chất lượng khi thẩm định hồ sơ cho vay.

  – Các TCTD cần xây dựng riêng cho mình đội ngũ chuyên gia về quản trị và tái cơ cấu DN vì việc chuyển nợ thành vốn góp và tham gia trực tiếp vào quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp không đơn thuần chỉ là cấp thêm vốn cho doanh nghiệp mà cần phải giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, “sống dậy” trở thành doanh nghiệp tốt. Do đặc thù của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, thương mại, xuất nhập khẩu có những điểm khác biệt so với hoạt động kinh doanh ngân hàng, các TCTD nếu không có sự chuẩn bị và đầu tư kỹ càng (đặc biệt là yếu tố con người) sẽ “lợi bất cập hại”, không những không “cứu” được doanh nghiệp mà còn tự làm khó mình khi nợ xấu không giảm mà còn tăng thêm. Đội ngũ chuyên gia về quản trị doanh nghiệp cùng với cán bộ ngân hàng trực tiếp thẩm định doanh nghiệp và cấp vốn vay khi đó sẽ tạo thành tiền đề vững chắc cho nhiệm vụ giải quyết nợ xấu, chuyển nợ thành vốn góp và vực dậy các doanh nghiệp đứng bên bờ vực giải thể, phá sản của các TCTD.

  Để thực hiện điều này, trong ngắn hạn, các TCTD có thể thuê các chuyên gia có kinh nghiệm về quản trị doanh nghiệp để phối hợp cùng cán bộ ngân hàng tham gia tái cấu trúc lại các doanh nghiệp có khả năng khôi phục trở lại hoạt động. Tuy nhiên, trong dài hạn, các TCTD cần có cơ chế, chính sách tuyển dụng và đào tạo cán bộ, thành lập thêm các phòng ban chuyên biệt với chức năng chính là thực hiện việc quản trị, cấu trúc lại các doanh nghiệp do TCTD đã thực hiện chuyển nợ thành vốn góp.

  – Với kinh nghiệm tham gia chuyển đổi nợ thành vốn góp lâu năm, của DATC trong quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp, các TCTD cần xúc tiến việc hợp tác với DATC trong quá trình xử lý nợ. Trong quá trình hợp tác này, DATC sẽ phụ trách quá trình doanh nghiệp hoạt động và tìm kiếm các đối tác đầu tư, TCTD sẽ xem xét, thẩm định, cấp thêm vốn vay và/hoặc phối hợp cùng DATC trong việc góp vốn để giúp doanh nghiệp khôi phục lại hoạt động sản xuất kinh doanh.

Có thể thấy, việc chuyển nợ thành vốn góp gắn với tái cấu trúc doanh nghiệp là một hướng đi mới trong việc xử lý triệt để nợ xấu và góp phần làm lành mạnh hóa tình hình tài chính của nền kinh tế nói chung và của chủ nợ nói riêng. Biện pháp này tương đối lạ lẫm với các TCTD trong nước, tuy nhiên, hiệu quả xử lý nợ xấu thông qua việc chuyển nợ thành vốn góp bước đầu đã được ghi nhận. Nếu nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của các cơ quan ban ngành, chuyển nợ thành vốn góp sẽ trở thành biện pháp xử lý nợ hiệu quả được các ngân hàng lựa chọn trong quá trình xử lý nợ xấu và tái cấu trúc lại hoạt động trong tương lai không xa.

 

Tài liệu tham khảo:

1. http://www.tapchitaichinh.vn/Tai-chinh-Kinh-doanh/Hoa-giai-no-xau-thanh-von-gop-Hieu-qua-da-ro-rang/30010.tctc

2. http://www.tinmoi.vn/de-xuat-chuyen-no-xau-thanh-co-phan-01966882.html

3.http://gafin.vn/20130109082516866p0c36/chuyen-no-xau-thanh-von-gop-tu-ly-thuyet-toi-thuc-hanh.htm

4. http://hoidoanhnhan.vn/news_detail_hdn.php?id=7323

5. http://database.cophieu68.vn/wap/news_detail.php?newsid=206661

 

SOURCE: TẠP CHÍ NGÂN HÀNG SỐ 7/2014

Trích dẫn từ: Cổng thông tin điện tử Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

 

 

  •  7940
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

0 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…