DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

Xử hành vi “ăn gian” ở cây xăng: Hành chính hay hình sự ?

 
 

 

Mới đây, Báo điện tử CAND đăng bài “Thanh tra Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) “né” kiến nghị xử lý hình sự các cây xăng gian?”, cho biết:“Ông Phạm Xuân Cần, Phó Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Nghệ An, Trưởng Đoàn Thanh tra liên ngành nói, Đoàn Thanh tra đã tiến hành xử lý hành chính và chuyển giao tài liệu cần thiết cho Sở Công thương, Công an tỉnh…...

Tuy nhiên, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC15), Công an tỉnh Nghệ An lại cho biết, PC15 nhận được thông báo từ phía Sở KH&CN về các cây xăng vi phạm chứ không phải văn bản kiến nghị, chuyển hồ sơ xem xét khởi tố, điều tra... Các chuyên gia hàng đầu về luật nhất quán khẳng định: Hành vi vi phạm của các cây xăng được Thanh tra Bộ KH&CN công bố là rất nghiêm trọng, có đủ căn cứ khởi tố về tội "Lừa dối khách hàng" theo Điều 162 Bộ luật Hình sự. Thế nhưng, Thanh tra các Sở KH&CN nơi có cây xăng vi phạm vẫn chỉ xử lý hoặc kiến nghị xử lý hành chính, mà không kiến nghị xử lý hình sự. Tại sao có nghịch lý này trong khi hành vi, tính chất, thủ đoạn vi phạm tương tự như ở cây xăng Nhật Vân tỉnh Đồng Nai đã bị khởi tố?”.

 

Vậy, có quy định nào của pháp luật xử lý tình huống nêu trên không? Trong trường hợp Cơ quan Thanh tra không kiến nghị khởi tố hình sự đối với hành vi “ăn gian”(hay “lừa dối khách hàng”) ở cây xăng thì phải chăng người vi phạm đương nhiên được... “an toàn”?

 

Ý kiến của tôi

1. Việc xử lý tình huống nêu trên đã được hướng dẫn rất rõ tại Thông tư liên tịch số 03/2006/TTLT/VKSNDTC-TTrCP-BCA-BQP ngày 23/5/2006 của Viện KSND Tối cao, Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng “Về quan hệ phối hợp trong việc phát hiện, điều tra, xử lý các vụ có dấu hiệu tội phạm do Cơ quan Thanh tra kiến nghị khởi tố”. Theo đó, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ thanh tra, nếu Cơ quan Thanh tra phát hiện vụ việc có dấu hiệu tội phạm, thì “trong thời hạn 5 ngày, kể từ ngày phát hiện dấu hiệu tội phạm, Cơ quan Thanh tra phải chuyển hồ sơ vụ việc đó và bản kiến nghị khởi tố đến Cơ quan Điều tra có thẩm quyền để xem xét khởi tố vụ án hình sự, đồng thời thông báo ngay bằng văn bản cho Viện Kiểm sát cùng cấp biết” (khoản 2.1 TTLT).

 

2. “Mọi hành vi phạm tội phải được phát hiện kịp thời, xử lý nhanh chóng, công minh theo đúng pháp luật” là nguyên tắc đã được Bộ luật Hình sự khẳng định. Các Cơ quan Thanh tra, điều tra, kiểm sát hay tòa án, tùy chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn khác nhau, nhưng đều là những cơ quan quyền lực Nhà nước có vai trò quan trọng và nòng cốt trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, giữ gìn trật tự an toàn xã hội nên trong hoạt động của mình, nguyên tắc đó càng phải được tôn trọng.

 

3. Cần lưu ý, ngay cả khi Cơ quan Thanh tra... “né” kiến nghị khởi tố đối với việc “ăn gian” ở các cây xăng, thì điều đó cũng không có nghĩa là người đã thực hiện hành vi vi phạm (đến mức cần phải xử lý hình sự) đương nhiên được... “an toàn”, bởi vấn đề này đã được pháp luật quy định chặt chẽ.

 

Thật vậy, Thông tư liên tịch số 03/2006/TTLT/VKSNDTC-TTrCP-BCA-BQP hướng dẫn như sau: “Khi kết thúc cuộc thanh tra, Cơ quan Thanh tra không kiến nghị khởi tố, nhưng Cơ quan Điều tra phát hiện vụ việc đã thanh tra có dấu hiệu tội phạm thì ra quyết định khởi tố vụ án hình sự và gửi quyết định đó kèm theo tài liệu liên quan đến Viện Kiểm sát cùng cấp để kiểm sát việc khởi tố. Trong trường hợp này, nếu Cơ quan Điều tra đề nghị thì Cơ quan Thanh tra có trách nhiệm phối hợp cung cấp những tài liệu liên quan đến việc xác định tội phạm mà Cơ quan Thanh tra đã thu thập được trong quá trình thanh tra” (khoản 2.2 TTLT).

 

4. Tại sao tồn tại nghịch lý: Đối với vụ này, Cơ quan Thanh tra không kiến nghị khởi tố trong khi hành vi, tính chất, thủ đoạn vi phạm của nó tương tự như ở cây xăng Nhật Vân (tỉnh Đồng Nai) đã bị khởi tố?

 

Chính sách nhất quán của Nhà nước ta là: “Không để lọt tội phạm”, “Không làm oan người vô tội”.

Chắc chắn câu hỏi về “nghịch lý” đó sẽ được giải đáp thỏa đáng, bởi qua thông tin đại chúng, việc cơ quan Nhà nước có thẩm quyền áp dụng chế tài hành chính hay hình sự để xử lý hành vi “ăn gian” ở các cây xăng đang được các cơ quan dân cử và nhân dân quan tâm theo dõi và giám sát chặt chẽ.

 

(Bài đăng trên Báo Thanh tra, số 136/2008. 11/11 KTHT VN. 34/2009)

(Luật gia, Nhà báo Nguyễn Chấn - Chuyên viên cao cấp tại Hãng Văn phòng Luật NewVision)

 

 
  •  3930
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

0 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…