DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

Xem xét ban hành Nghị định mới về hóa đơn vào tháng 10/2017

Nghị định mới về hóa đơn

Năm 2010, Chính phủ đã ban hành Nghị định 51/2010/NĐ-CP quy định về hóa đơn bán hàng hóa, dịch vụ và Nghị định 04/2014/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 51. Qua thực tế triển khai áp dụng hóa đơn điện tử, hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế thì quy định quản lý, sử dụng đơn hiện hành còn gặp những hạn chế, bất cập sau:

- Một số đối tượng lợi dụng sự thông thóang của Luật doanh nghiệp để thành lập nhiều doanh nghiệp nhưng thực tế không kinh doanh, và tự tạo hóa đơn, xuất hóa đơn khống, sử dụng hóa đơn lòng vòng để khấu trừ, hoàn thuế GTGT hoặc thanh toán tiền từ ngân sách nhà nước.

- Không có quy định bắt buộc doanh nghiệp chuyển dữ liệu hóa đơn về cơ quan thuế nên việc quản lý thuế gặp nhiều khó khăn đặc biệt trong quản lý, kê khai và hoàn thuế.

- Quy định hiện hành về quản lý, sử dụng hóa đơn được sử dụng để áp dụng đối với hóa đơn giấy đã có nhiều sơ hở, bất cập và không còn phù hợp với bối cảnh triển khai thủ tục hành chính điện tử như hiện nay.

- Chưa có quy định áp dụng bắt buộc đối với hóa đơn điện tử mặc dù nó mạng lại nhiều lợi ích kinh tế so với hóa đơn giấy.

Vì vậy, việc ban hành Nghị định mới về hóa đơn thay thế Nghị địnb 51/2010/NĐ-CP và Nghị định 04/2014/NĐ-CP là cần thiết.

Dự kiến Nghị định mới về hóa đơn sẽ được ban hành trong tháng 10/2017 và có hiệu lực từ 01/01/2018 với nội dung gồm 4 Chương và 31 Điều, được chia thành nhóm các vấn đề chính:

1. Nhóm vấn đề quy định chung về hóa đơn:

(i) Quy định về loại, hình thức hóa đơn (trong đó hướng dẫn rõ hình thức: hóa đơn điện tử do doanh nghiệp tự tạo, hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế);

(ii) Nội dung hóa đơn;

(iii) Nguyên tắc sử dụng hóa đơn;

(iv) Lập hóa đơn, các trường hợp không phải lập hóa đơn (trong đó quy định trường hợp sử dụng hóa đơn điện tử/hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế thì người bán phải lập hóa đơn kể cả trường hợp có giá trị dưới 200.000VND); đối với hóa đơn giấy theo hình thức tự in/đặt in thì trường hợp cung cấp hàng hóa, dịch vụ dưới 200.000 VND thì không phải lập và giao hóa đơn, trừ trường hợp người mua yêu cầu).

(v) Ủy nhiệm lập hóa đơn; sử dụng hóa đơn của người mua hàng.

(vi) Quy định sử dụng hóa đơn bất hợp pháp/sử dụng bất hợp pháp hóa đơn.

2. Nhóm vấn đề quy định đối tượng bắt buộc sử dụng hóa đơn điện tử, hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế và lộ trình áp dụng

Với mục tiêu đến năm 2020, cơ bản thực hiện hóa đơn điện tử với khoảng 90% số doanh nghiệp hoặc 90% lượng hàng hóa được mua bán (lưu thông) bằng hóa đơn điện tử thì lộ trình thực hiện từ năm 2018 như sau:

Từ ngày 01/01/2018 các đối tượng sau sử dụng hóa đơn điện tử/hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế cho hoạt động bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ:

(i) Các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử kể từ khi có mã số thuế và định kỳ thực hiện kết chuyển dữ liệu hóa đơn cho cơ quan thuế gồm:

- Doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật trong khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất, khu công nghệ cao.

- Các đơn vị sự nghiệp công lập có sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật.

- Doanh nghiệp, Ngân hàng có mức vốn điều lệ từ 15 tỷ đồng trở lên tính theo số vốn đã thực góp đến thời điểm thông báo phát hành hóa đơn, bao gồm cả Chi nhánh, đơn vị trực thuộc khác tỉnh, thành phố với trụ sở chính có thực hiện kê khai, nộp thuế GTGT.

(ii) Các doanh nghiệp, tổ chức sử dụng hóa đơn điện tử có mã xác thực của cơ quan thuế gồm:

- Doanh nghiệp mới thành lập (không bao gồm doanh nghiệp nêu tại điểm i ở trên);

- Các doanh nghiệp, tổ chức đang mua hóa đơn của cơ quan thuế gồm: Doanh nghiệp vi phạm về quản lý, sử dụng hóa đơn; doanh nghiệp có rủi ro theo thông báo của cơ quan thuế và tổ chức, doanh nghiệp khác thuộc đối tượng mua hóa đơn của cơ quan thuế trước ngày 01/01/2018 phải sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế theo Thông báo của cơ quan thuế.

(iii) Từ ngày 01/01/2019: 30% các tổ chức, doanh nghiệp còn lại.

(iv) Từ ngày 01/01/2020:

- 80% các doanh nghiệp, tổ chức sử dụng hóa đơn điện tử, hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế.

- Bắt đầu triển khai Hóa đơn điện tử cho các hộ kinh doanh có doanh thu/năm từ 3 tỷ trở lên.

3. Nhóm vấn đề quy định về sử dụng hóa đơn có mã của cơ quan thuế gồm năm (05) nội dung:

(i) Điều kiện sử dụng hóa đơn có mã của cơ quan thuế, nội dung trên hóa đơn xác thực;

(ii) Đăng ký, phát hành hóa đơn có mã của cơ quan thuế gồm: đăng ký sử dụng thông qua tổ chức cung cấp dịch vụ truyền nhận dữ liệu hóa đơn điện tử trung gian giữa cơ quan thuế và người nộp thuế (gọi là tổ chức cung cấp dịch vụ T-VAN); đăng ký phát hành hóa đơn xác thực; thay đổi thông tin đăng ký; ngừng sử dụng hóa đơn xác thực.

(iii) Quy trình cập mã của cơ quan thuế theo mô hình tập trung /theo mô hình phân tán gồm các bước: lập hóa đơn và ký điện tử; gửi hóa đơn để cấp mã; cấp mã; nhận kết quả cấp mã; tra cứu thông tin hóa đơn có mã của cơ quan thuế; cung cấp thiết bị cấp mã.

(iv) Quản lý hóa đơn có mã của cơ quan thuế, trách nhiệm của doanh nghiệp bán hàng, trách nhiệm của tổ chức cung cấp dịch vụ T-VAN.

(v) Xử lý sự cố trong quá trình sử dụng hóa đơn có mã của cơ quan thuế.

4. Nhóm vấn đề quy định về sử dụng hóa đơn điện tử do doanh nghiệp phát hành gồm ba (03) nội dung:

(i) Điều kiện sử dụng, nội dung trên hóa đơn điện tử do doanh nghiệp phát hành.

(ii) Lập, phát hành hóa đơn điện tử, phương thức truyền hóa đơn điện tử.

(iii) Lưu, hủy hóa đơn điện tử.

5. Nhóm vấn đề quy định về cơ sở pháp lý đối với tổ chức cung cấp dịch vụ truyền nhận dữ liệu hóa đơn điện tử trung gian giữa cơ quan thuế và người nộp thuế (gọi là tổ chức cung cấp dịch vụ T-VAN) và giá cung cấp dịch vụ hoá đơn điện tử với mục tiêu (xã hội hóa) tổ chức cung cấp dịch vụ T-VAN sẽ cung cấp dịch vụ cho khoảng 90% người nộp thuế sử dụng hóa đơn điện tử, gồm ba (03) nội dung:

(i) Điều kiện của tổ chức cung cấp dịch vụ T-VAN;

(ii) Lựa chọn tổ chức cung cấp dịch vụ T-VAN;

(iii) Quy định về giá dịch vụ của tổ chức cung cấp dịch vụ T-VAN.

(Quyền lợi, trách nhiệm của tổ chức cung cấp dịch vụ T-VAN)

6. Nhóm vấn đề quy định về việc sử dụng hóa đơn giấy theo hình thức đặt in/tự in gồm bốn (04) nội dung:

(i) Điều kiện sử dụng hóa đơn tự in, trong đó rút ngắn thời gian đăng ký sử dụng hóa đơn tự in từ 05 ngày xuống 2 ngày làm việc;

(ii) Sử dụng hóa đơn đặt in trong đó rút ngắn thời gian đăng ký sử dụng hóa đơn đặt in từ 05 ngày xuống 2 ngày làm việc;

(iii) In hóa đơn đặt in;

(iv) Cấp, bán hóa đơn do Cục Thuế đặt in, tự in.

7. Nhóm vấn đề quy định về quyền lợi, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong quản lý, sử dụng hóa đơn gồm năm (05) nội dung:

(i) Quyền lợi, trách nhiệm của người bán hàng hóa, dịch vụ.

(ii) Quyền lợi và trách nhiệm của người mua hàng hóa, dịch vụ.

(iii) Điều kiện của tổ chức nhận in hóa đơn, tổ chức cung ứng phần mềm tự in hóa đơn.

(iv) Trách nhiệm của cơ quan thuế trong hỗ trợ (khoảng 10% doanh nghiệp, doanh nghiệp mới chuyển lên từ hộ kinh doanh có kê khai) về phần mềm và trong việc quản lý hóa đơn.

(v) Quy định rõ nội dung: Hóa đơn điện có giá trị sử dụng trong việc thực hiện các thủ tục về thuế, chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa lưu thông trên thị trường, để đăng ký quyền sử dụng, quyền sở hữu, để kê khai thanh toán vốn ngân sách. Các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan sử dụng Hóa đơn điện tử phục vụ yêu cầu quản lý, không yêu cầu cung cấp Hóa đơn giấy (tương tự như quy định Tờ khai hải quan điện tử).

8. Nhóm vấn đề về xây dựng cơ sở dữ liệu về hóa đơn: Người bán hàng hóa, dịch vụ có trách nhiệm truyền dữ liệu hóa đơn điện tử cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp theo hướng dẫn của Bộ Tài chính. Cơ quan thuế có trách nhiệm xây dựng CSDL về hóa đơn phục vụ công tác quản lý thuế theo thông lệ quốc tế, gồm năm (05) nội dung:

(i) Khái niệm về cơ sở dữ liệu về hóa đơn.

(ii) Nguyên tắc xây dựng cơ sở dữ liệu về hóa đơn.

(iii) Nguồn thông tin hình thành cơ sở dữ liệu về hóa đơn.

(iv) Mục đích của việc sử dụng cơ sở dữ liệu về hóa đơn.

(v) Trách nhiệm xây dựng cơ sở dữ liệu về hóa đơn.

9. Nhóm vấn đề tạo thuận lợi cho Doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử, khuyến khích sử dụng hóa đơn điện từ gồm ba (03) nội dung như sau:

(i) Được hoàn thuế trước kiểm tra sau.

(ii) Không thuộc đối tượng rủi ro khi thanh tra, kiểm tra.

(iii) Không phải báo cáo về tình hình sử dụng hóa đơn

Mời các bạn xem chi tiết Toàn văn Dự thảo Nghị định mới về hóa đơn bán hàng hóa, dịch vụ. 

  •  13092
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

0 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…