DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

[Vụ việc hành hung KSV, nhà báo tại phiên tòa] - Bị đơn có thể đối mặt với trách nhiệm pháp lý gì?

Hôm nay, ngày 23/7, TAND huyện Bình Chánh, TP.HCM mở phiên xử sơ thẩm vụ tranh chấp lối đi chung giữa nguyên đơn ông Nguyễn Văn Nam và bị đơn là ông Nguyễn Văn Hiền, bà Trần Thị Em. Qua quá trình xét xử, HĐXX đã tuyên án yêu cầu bị đơn là ông Nguyễn Văn Hiền không được phép chặn lối đi của hàng chục hộ dân ở hẻm 164B Tân Nhiễu, xã An Phú Tây. Và phán quyết trên đã đưa đến cuộc náo loạn tại phiên tòa, ngay khi tòa vừa tuyên án, bất ngờ ông Hiền chạy lên đấm chảy máu mũi kiểm sát viên là ông Nguyễn Văn Lân. Chưa dừng lại, người thân của ông Hiền còn nháo nhào đòi hành hung cả HĐXX. Khi nhìn thấy phóng viên báo Người lao động là Lê Văn Phong (bút danh Lê Phong) đang tác nghiệp, gia đình ông Hiền liền quay sang đánh anh này chảy máu đầu, đồng thời đập phá phương tiện tác nghiệp là máy ảnh, điện thoại. Sau hơn 3 phút bị tấn công, anh Lê Phong mới được giải thoát và đưa vào bên trong sơ cứu với nhiều vết thương ở cổ, rách môi. Bên ngoài sân tòa, 1 công an khu vực tên Bình cũng bị đánh sưng mắt.

Hiện, Công an thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh đã tạm giữ những người có liên quan để làm rõ vụ việc.

Được biết, trước đó, tại phiên xử hồi tháng 6 (tạm hoãn), gia đình bị đơn cũng đã từng làm náo loạn tòa. Do nắm được khả năng phía bị đơn tiếp tục có những hành động quá khích, TAND huyện Bình Chánh đã nhờ lực lượng y tế tới túc trực.

Câu hỏi được nhiều người đặt ra: Liệu bị đơn- ông Nguyễn Văn Hiền và gia đình ông sẽ có thể phải đối mặt với những trách nhiệm pháp lý gì?

Bài viết dưới đây mình xin phân tích 03 loại trách nhiệm pháp lý mà ông Hiền và gia đình có thể phải chịu khi thực hiện hành vi hành hung người khác tại phiên tòa đối với vụ việc trên nói riêng và trách nhiệm pháp lý về hành vi hành hung người khác nói chung.

Hiểu đơn giản, hành hung là làm những điều thô bạo, xâm phạm một cách trái phép đến người khác, như đánh đập, đấm đá, phá phách, ...Và khi chủ thể nào tiến hành hành hung người khác thì chủ thể đó tùy vào tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi có thể sẽ phải chịu những loại trách nhiệm pháp lý cụ thể sau đây:

        1.     Trách nhiệm hành chính:

Nếu mức độ thương tích của người bị hành hung dưới 11% và không thuộc các trường hợp theo quy định tại khoản 1 Điều 134 Bộ Luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) hoặc Điều 391 về Tội gây rối trật tự phiên tòa, phiên họp thì hành vi hành hung của người đó chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự mà sẽ bị xử lý hành chính. Cụ thể, căn cứ tại khoản 2 Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống, chống bạo lực gia đình quy định:

2. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Đánh nhau hoặc xúi giục người khác đánh nhau;

Theo đó, người nào có hành vi đánh nhau hoặc xúi giục người khác đánh nhau mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng.

Mức tiền phạt cụ thể sẽ căn cứ vào tình tiết tăng nặng hoặc tình tiết giảm nhẹ (nếu có). Tuy nhiên, mức tối đa không quá 1.000.000 đồng và mức tối thiểu không dưới 500.000 đồng/người.

      2.    Trách nhiệm hình sự:

Nếu tỷ lệ tổn thương cơ thể của người bị hành hung từ 11% trở lên đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc các trường hợp theo quy định tại khoản 1 Điều 134 BLHS 2015 thì người hành hung người khác sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự và hình phạt tương ứng với hành vi họ đã thực hiện theo các khoản quy định tại Điều 134:

Điều 134. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác

1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Dùng hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn gây nguy hại cho từ 02 người trở lên;

b) Dùng a-xít sunfuric (H2SO4) hoặc hóa chất nguy hiểm khác gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác;

c) Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân;

d) Phạm tội 02 lần trở lên;

đ) Phạm tội đối với 02 người trở lên;

e) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;

g) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng mình, thầy giáo, cô giáo của mình;

h) Có tổ chức;

i) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

k) Phạm tội trong thời gian đang bị tạm giữ, tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù hoặc đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở cai nghiện bắt buộc;

l) Thuê gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe do được thuê;

m) Có tính chất côn đồ;

n) Tái phạm nguy hiểm;

o) Đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.

Mặt khác, trong vụ việc này, bị đơn đã có hành vi tấn công Kiểm sát viên - người tiên hành tố tụng; vì vậy, trong trường hợp tỷ lệ thương tật chưa đủ cấu thành Tội cố ý gây thương tích tại Điều 134 thì bị đơn có thể sẽ bị truy tố vào Tội gây rối trật tự phiên tòa, phiên họp theo điểm b khoản 2 Điều 391 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017):

Điều 391. Tội gây rối trật tự phiên tòa, phiên họp

1. Người nào tại phiên tòa, phiên họp mà thóa mạ, xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của Thẩm phán, Hội thẩm, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng khác hoặc người tham gia phiên tòa, phiên họp hoặc có hành vi đập phá tài sản, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 178 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:

a) Dẫn đến phải dừng phiên tòa, phiên họp;

b) Hành hung Thẩm phán, Hội thẩm, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng khác, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 134 của Bộ luật này.

 

Ngoài ra, tùy tình huống thì xem xét vụ việc cụ thể thì hành vi hành hung có thể không thuộc vào Điều 134 đã nêu trên mà sẽ thuộc vào một trong các tội sau:

+ Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh (Điều 135);

+ Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội (Điều 136);

+ Tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong khi thi hành công vụ (Điều 137);

Bên cạnh đó, nếu hành vi hành hung gây đến hậu quả chết người và xét mặt chủ quan, mặt khách quan của hành vi thỏa mãn các tội phạm về giết người thì chủ thể hành hung sẽ phải chịu trách nhiệm về các tội giết người tương ứng.

Lưu ý: Người phạm tội hành hung người khác phải chịu trách nhiệm hình sự nếu người đó đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự luật định và có năng lực trách nhiệm hình sự.

Tuy nhiên nếu người hành hung là người chưa thành niên (chưa đủ 18 tuổi) thì khi xử lý hình sự đối người này còn phải căn cứ theo các quy định tại chương XII BLHS 2015. 

             3.     Trách nhiệm dân sự:

Dù hành vi hành hung người khác có bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay bị xử lý hành chính hay không thì người đó vẫn phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng cho người bị hành hung bị thiệt hại về sức khỏe theo quy định của Bộ luật dân sự. Cụ thể là các thiệt hại quy định tại Điều 590 Bộ luật dân sự 2015:

Điều 590. Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm

1. Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm bao gồm:

a) Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;

b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;

c) Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại;

d) Thiệt hại khác do luật quy định.

2. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp sức khỏe của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá năm mươi lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.

 

Kết luận: Như vậy tuỳ vào mức độ thương tật của người bị hành hung thì người hành hung sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự hay trách nhiệm hành chính với hành vi mình đã thực hiện, còn trách nhiệm dân sự là trách nhiệm người đó chắc chắn phải chịu.

  •  1621
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

0 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…