Chào bạn! Dựa vào những thông tin mà bạn đã cung cấp tôi có một vài góp ý như sau:
Thứ nhất, về vấn đề bồi thường nhà nước
Căn cứ Điều 13, Luật trách nhiệm bồi thường nhà nước 2009 thì Nhà nước có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây ra không bao gồm hành vi công chứng sai. Cụ thể Điều luật này quy định:
“Điều 13. Phạm vi trách nhiệm bồi thường trong hoạt động quản lý hành chính
Nhà nước có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây ra trong các trường hợp sau đây:
1. Ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính;
2. Áp dụng biện pháp ngăn chặn vi phạm hành chính và bảo đảm việc xử lý vi phạm hành chính;
3. Áp dụng biện pháp buộc tháo dỡ nhà ở, công trình, vật kiến trúc và biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính khác;
4. Áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa người vào trường giáo dưỡng, đưa người vào cơ sở giáo dục hoặc đưa người vào cơ sở chữa bệnh;
5. Cấp, thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; Giấy chứng nhận đầu tư, giấy phép và các giấy tờ có giá trị như giấy phép;
6. Áp dụng thuế, phí, lệ phí; thu thuế, phí, lệ phí; truy thu thuế; thu tiền sử dụng đất;
7. Áp dụng thủ tục hải quan;
8. Giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng, tái định cư; cấp hoặc thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất;
9. Ban hành quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh;
10. Cấp văn bằng bảo hộ cho người không đủ điều kiện được cấp văn bằng bảo hộ; cấp văn bằng bảo hộ cho đối tượng sở hữu công nghiệp không đủ điều kiện được cấp văn bằng bảo hộ; ra quyết định chấm dứt hiệu lực của văn bằng bảo hộ;
11. Không cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Giấy chứng nhận đầu tư, giấy phép và các giấy tờ có giá trị như giấy phép, văn bằng bảo hộ cho đối tượng có đủ điều kiện;
12. Các trường hợp được bồi thường khác do pháp luật quy định.”
Như vậy, luật trách nhiệm bồi thường nhà nước không áp dụng đối với trường hợp người thực hiện việc chứng thực tại Ủy ban nhân dân xã, phường vi phạm quy định về chứng thực. Do đó, trong trường hợp này bạn không thể kiện đòi bồi thường nhà nước.
Thứ hai, quỹ nên kiện ai?
Trước hết, theo thông tin Quỹ cung cấp, Ông Thắng có hành vi giả mạo chữ ký trong hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa Ông Thắng, Bà Hà và Ông Cận, Bà Thiệp và người trực tiếp chứng thực ở UBND xã cũng đã chứng thực hợp đồng này dù Ông Cận đã chết từ lâu, do đó, Quỹ có thể viết đơn trình báo, tố giác tội phạm đối với hành vi dùng thủ đoạn giả mạo chữ ký của ông Cận trong hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất năm 2009 nhằm chiếm đoạt tài sản là quyền sử dụng đất sở hữu chung của các đồng thừa kế của ông Cận (hoặc của ông Cận và bà Thiệp trong trường hợp bà Thiệp cũng đã mất). Do dó, hành vi của Ông Cận có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo điều 139 BLHS 1999 sửa đổi 2009. Cụ thể Điều luật này quy định:
“Điều 139. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.”
Bên cạnh đó, nếu thấy trên thực tế có căn cứ cho rằng người đã chứng thực thiếu trách nhiệm khi chứng thực hợp đồng thế chấp mà không kiểm tra tính xác thực của chữ ký hoặc thậm chí nếu thấy có dấu hiệu, cơ sở cho rằng người này có hành vi cấu kết với Ông Thắng hoặc có hành vi nhận hối lộ mà cố tình làm trái quy định về chứng thực … thì Quỹ cũng hoàn toàn có quyền viết đơn trình báo, tố giác tội phạm đối với người này lên cơ quan công an về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng hay tội nhận hối lộ, tội cố ý làm sai lệch hồ sơ theo điều 284 (trong trường hợp có dấu hiệu cho thấy có hành vi này) để cơ quan công an có xử lý kịp thời. Quỹ cũng có thể qua quá trình tố tụng đưa ra yêu cầu đòi bồi thường.
Hiện nay do thông tin bạn cung cấp còn hạn chế để có được câu trả lời chính xác hơn bạn nên liên hệ trực tiếp với chúng tôi để cung cấp thêm những thông tin cụ thể, cũng như trao đổi để tìm ra phương án tốt nhất.
BỘ PHẬN TƯ VẤN PHÁP LUẬT DÂN SỰ | CÔNG TY LUẬT VIỆT KIM
M: (+84-4) 32.123.124; (+84-4) 32.899.888 - E: cle.vietkimlaw@gmail.com; luatvietkim@gmail.com - W: www.vietkimlaw.com
Ad: Trụ sở chính - Tầng 5, Tòa nhà SHB, 34 Giang Văn Minh, Ba Đình, HN | VPGD - Tầng 5, Nhà C, 236 Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, HN.