DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

Từ bê bối “phù phép” điểm thi ở Hà Giang, hàng loạt dấu chấm hỏi được đặt ra

Xuất phát từ một thống kê điểm thi trung học phổ thông (THPT) quốc gia 2018 của báo VnExpress, chiều 11/7, trên mạng xã hội có thầy giáo đã đặt ra nghi vấn "phi lý Hà Giang": Cả nước có 76 thí sinh có điểm thi khối A1 (Toán, Lý, Anh) từ 27 điểm trở lên thì riêng Hà Giang đã có 36 em, chiếm 47,37% cả nước. Trong khi đó cả nước có hơn 925.000 thí sinh dự thi THPT quốc gia năm 2018, gấp gần 168 lần số lượng thí sinh ở Hà Giang (5.500 thí sinh).

Trong chiều ngày 12/7, cả Ban chỉ đạo thi THPT quốc gia của Bộ GD-ĐT và Ban chỉ đạo thi THPT quốc gia 2018 của tỉnh Hà Giang đã phát các công văn rà soát nghi vấn mà dư luận nêu ra.

Từ thực tế nói trên, ngày 14/7, Ban Chỉ đạo thi THPT tỉnh Hà Giang đã đề nghị Ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia tiến hành chấm thẩm định toàn bộ các bài thi trắc nghiệm của tất cả các thí sinh ở đây.

Ngày 15/7, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT  thành lập hội đồng chấm thẩm định bài thi trắc nghiệm. 

Ngày 17/7, tổ công tác của Bộ GD&ĐT và Ban chỉ đạo thi THPT quốc gia 2018 họp báo để thông tin về những sai phạm trong quá trình chấm thi tại tỉnh Hà Giang. Theo kết quả chấm thẩm định, hơn trăm thí sinh có điểm chênh lệch so với ban đầu. Cụ thể, kết quả chấm thẩm định cho thấy:

- Có 102 bài thi Toán đã chênh lên từ 1,0 điểm đến 8,0 điểm (điểm chấm thẩm định là 1,0; điểm đã công bố là 9,0 điểm);

- Có 85 bài thi Vật lý đã chênh lên từ 1,0 điểm đến 7,75 điểm (điểm chấm thẩm định là 1,0; điểm đã công bố là 8,75 điểm);

- Có 56 bài thi Hóa đã chênh lên từ 1,0 điểm đến 8,75 điểm (điểm chấm thẩm định là 0,75; điểm đã công bố là 9,5 điểm);

- Có 08 bài thi Sinh đã chênh lên từ 1,0 điểm đến 4,25 điểm (điểm chấm thẩm định là 4,75; điểm đã công bố là 9,0 điểm);

- Có 09 bài thi Lịch sử đã chênh lên từ 1,0 điểm đến 7,25 điểm (điểm chấm thẩm định là 2,5; điểm đã công bố là 9,75 điểm);

- Có 03 bài thi Địa lí đã chênh lên từ 1,25 điểm đến 3,0 điểm (điểm chấm thẩm định là 6,0; điểm đã công bố là 9,0 điểm);

- Có 52 bài thi tiếng Anh đã chênh lên từ 1,4 điểm đến 7,8 điểm (điểm chấm thẩm định là 1,2; điểm đã công bố là 9,0 điểm).

Có tất cả 114 thí sinh, với hơn 330 bài thi có tổng điểm đã công bố chênh lên hơn 1,0 điểm so với điểm chấm thẩm định. Không ít thí sinh có tổng điểm chênh lên hơn 20 điểm so với điểm chấm thẩm định. Cá biệt có những thí sinh có tổng điểm được làm tăng lên đến 26,8 điểm, thậm chí 29,95 điểm so với điểm chấm thẩm định.

Qua xác minh ban đầu cho thấy ông Vũ Trọng Lương - Phó Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng, Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang là người trực tiếp can thiệp vào kết quả thi của thí sinh. Được biết ông Vũ Trọng Lương được Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang phân công sử dụng máy tính. "Sau khi Bộ GD&ĐT công bố đáp án, có nhiều tin nhắn đến số điện thoại của ông Lương. Cán bộ này đã nhập số báo danh vào máy sau đó thực hiện hành vi sửa điểm. Quy trình bảo mật liên quan giám sát chưa chặt chẽ nên đã để ông Lương xử lý toàn bộ quá trình" - đại diện PA83, Công an tỉnh Hà Giang cho biết.

Ngoài ra, qua kiểm tra trên máy tính ông Lương, hiện vẫn còn dữ liệu điểm thi của năm 2017. Công an tỉnh Hà Giang đã có trao đổi với Sở GD-ĐT để phục vụ công tác điều tra, bản thân ông Lương cũng tự nguyện chuyển giao máy tính với tất cả cơ sở dữ liệu của năm 2017 và năm 2018 để tổ công tác mang về Bộ GD-ĐT. Tuy nhiên, việc xác minh lại kết quả của kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 hay không thì sẽ phải do Bộ trưởng Bộ GD-ĐT có ý kiến.

 

Từ vụ bê bối “phù phép” điểm thi trên tại Hà Giang, có hàng loạt dấu chấm hỏi được đặt ra:

Ai là người chịu trách nhiệm? Và liệu có phải chịu trách nhiệm hình sự không?

Với thông tin sơ bộ ban đầu thì ông Lương - Phó Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng, Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang là người đã thực tiếp tiến hành sửa đổi điểm thi của thí sinh, đây được xe là hành vi sửa chữa nội dung bài dung và sửa điểm bài thi trái quy định nên có thể sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo điểm d khoản 3 Điều 13 Nghị định 138/2013/NĐ-CP. Tuy nhiên, nếu xem xét mức độ đủ để truy cứu trách nhiệm hình sự vì đã có hành vi sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ, tài liệu thì ông Lương có thể bị xử lý hình sự với tội danh giả mạo trong công tác theo Điều 359 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017). Mặt khác, nếu động cơ để ông Lương thực hiện hành vi trên là do nhận hối lộ từ phụ huynh học sinh thì ông còn có thể đối mặt với Tội nhận hối lộ tại Điều 354.

Ngoài ra, nếu gia đình, phụ huynh học sinh có hành vi hối lộ để “mua điểm” thì rõ ràng có nguy cơ đối mặt với Tội đưa hối lộ tại Điều 364.

Bài thi của thí sinh bị sai lệch xử lý thế nào? Có hủy bài thi sai phạm không?

Có 2 cách xử lý đối với thí sinh.

(1) Một là, trả về điểm thi đúng cho các em vì rất có thể thí sinh chỉ là trò chơi của người lớn.

(2)Hai là, huỷ bài thi, cho tất các các bài đó điểm 0 vì vi phạm nghiêm trọng quy chế thi cử (gian lận trong chấm thi và xử lý kết quả thi).

Hội đồng chấm thẩm định quyết định: kết quả chấm thẩm định được sử dụng để thay thế cho toàn bộ kết quả chấm bài thi trắc nghiệm do Hội đồng thi Sở GD-ĐT Hà Giang công bố ngày 11/7. Như vậy, kết quả chấm thẩm định này được sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh ĐH, CĐ trung cấp năm 2018.

Chuyển sang cách thức chấm chéo giữa các địa phương?

Chúng ta thấy rằng, nếu để các địa phương được quyền tự chấm điểm thi trên lãnh phận của mình thì ắt hẳn sẽ có tính địa phương, tính cục bộ rất lớn trong đó và sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng kỳ thi THPT quốc gia.

Trước đây, việc chấm chéo giữa các địa phương cũng đã từng được thực hiện trong vài năm khi còn kỳ thi tốt nghiệp THPT (chưa gộp kỳ thi tuyển đại học, cao đẳng và THPT quốc gia làm 01 kỳ thi duy nhất). Tuy nhiên, năm 2011 đã phát hiện "liên minh ma quỷ" của 11 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long nên sau đó Bộ GD- ĐT không tổ chức chấm chéo nữa.

Do vậy, thực tiễn nếu giao chấm thi chéo giữa các địa phương thì vẫn loại trừ được khả năng sẽ có nhiều địa phương láng giềng liên kết với nhau để bao che gian lận.

Có nên xóa bỏ kỳ thi THPT quốc gia (kỳ thi “hai trong một”)?

Từ năm 2015, kể từ khi thay đổi phương án chỉ tiến hành một kỳ thi duy nhất là kỳ thi THPT quốc gia vừa để xét tốt nghiệp THPT, vừa để xét tuyển đại học, cao đẳng thì xay ra không ít bất cập về: thời gian, địa điểm thi, công tác tổ chức, coi thi,…nên nhiều người có ý kiến cho rằng nên xóa bỏ kỳ thi "hai trong một". Kỳ thi gộp này có ưu điểm là tiết kiệm chi phí, sức lực cho phụ huynh, bởi thay vì thi 02 kỳ: một xét tốt nghiệp, một xét tuyển cao đẳng đại học thì bây giờ chỉ cần thi một kỳ duy nhất nhưng kết quả sẽ được sử dụng để xét cho cả hai. Nhưng, điều này cũng làm cho các trường đại học lại quá bị động trong việc xét tuyển của mình.

Nếu xóa bỏ thì phương án thi “hai trong một này” thì có các hướng sau:

- Giao quyền xét tốt nghiệp THPT cho các Sở GD&ĐT, sẽ tổ chức các kỳ thi xét tốt nghiệp riêng hoặc có thể xem xét phương án đánh giá kết quả tốt nghiệp dựa trên kết quả học tập và hạnh kiểm của ba năm học THPT.

- Giao quyền tuyển sinh đại học cho các trường tự chủ về phương án tuyển sinh, Bộ GD&ĐT chỉ cần xem xét để duyệt. Có thể thấy, với phương án này thì các trường đại học sẽ hoàn toàn chủ động trong việc tuyển sinh, họ sẽ phải làm thật tốt vì uy tín, chất lượng và tên tuổi của trường để tìm ra những sinh viên phù hợp, đủ tiêu chuẩn để theo học.

Trở lại bài thi tự luận?

Hiện nay, có đến 8/9 môn là thi trắc nghiệm (trừ môn ngữ văn), được chấm bằng máy chấm quét, nhiều ứng dụng công nghệ thông tin đã được áp dụng trong các khâu tổ chức thi, đề thi, coi thi, chấm thi, xét tốt nghiệp và cả trong xét tuyển vào các trường đại học tiếp theo ngay sau đây. Tuy nhiên, vẫn xảy ra tiêu cực như Hà Giang. Mặt khác, bài thi trắc nghiệm cũng gây ra nghi ngại cho nhiều người về vấn đề “ăn may”, “lụi đúng”; từ đó dẫn đến chất lượng kỳ thi không được đảm bảo, điểm số không đánh giá đúng năng lwujc của học sinh và điều này sẽ là không công bằng cho tất cả các thí sinh.

Bởi vậy, có nhiều người cho rằng, nên chăng với tình hình tiêu cực như hiện nay thì việc trở lại thi tự luận là cần thiết, ít nhất là môn toán sẽ giúp cho việc đánh giá chính xác hơn.

Liệu còn nhiều Hà Giang khác chưa bị lộ?

Với kết quả thi chênh lệch thực sự quá lộ liễu tại Hà Giang đã khiến Bộ GD-ĐT phải vào cuộc để rà soát, kiểm tra, thẩm định lại và phát hiện sai phạm nghiêm trọng. Tuy nhiên, không loại trừ khả năng ở nhiều địa phương khác cũng đã diễn ra vi phạm nhưng chưa bị phát hiện, làm rõ. Điều này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng kỳ thi THPT quốc gia và gây bất mãn dư luận, cộng đồng vì sự thiếu trung thực, không đảm bảo được công bằng trong kỳ thi được xem là “định mệnh cuộc đời” đối với nhiều bạn học sinh.

 

  •  8557
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

0 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…