DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

Tranh chấp giữa Viglacera với khách hàng

 

Thiết nghĩ, Viglacera nên chấp nhận giải pháp giảm lãi trong kinh doanh, bán nhà với giá cả hợp lý, hợp tình để giữ chữ “Tín” với khách hàng.

Một sự việc được báo chí quan tâm phản ánh trong những ngày này: Năm 2007, Tổng công ty Thủy tinh và Gốm xây dựng (Viglacera) có văn bản 125/ TCT-TCKT cho phép cán bộ, công nhân viên của mình được mua nhà, đất ưu đãi tại dự án nhà ở Xuân Phương với mức giá 8 triệu đồng/m2 (diện tích đất kinh doanh) và đơn giá hoàn thiện 3,5 triệu đồng/m2 (tức khoảng 12 triệu đồng/m2, bao gồm cả xây thô).

 

Đổi lại ưu đãi này, Viglacera  huy động vốn cán bộ, công nhân viên dưới hình thức sổ tiết kiệm với số tiền 330 triệu đồng/1 sổ, lãi suất 0,8%/tháng, thời hạn: 6 tháng.

Sau 4 năm “án binh bất động”, đến cuối tháng 10/2011, khách hàng nhận được thông báo của Công ty Đầu tư hạ tầng và Đô thị Viglacera (chủ đầu tư dự án) yêu cầu họ đến thanh lý sổ tiết kiệm, ký hợp đồng mới cho Công ty vay tài sản và bản đăng ký mua nhà. Đối với những khách hàng đã nộp tiền nhưng không có nhu cầu chuyển sang ký hợp đồng mới hoặc không muốn mua nhà nữa, công ty chi trả toàn bộ gốc của sổ tiết kiệm với lãi suất  0,8%/tháng.

Còn với những người có nhu cầu ký hợp đồng mua nhà, thay vì đưa ra mức giá như đã cam kết 4 năm trước, mức giá bán đất mới được công ty đưa ra là 34 – 40 triệu đồng/m2, chưa bao gồm tiền xây dựng thô khoảng 10 triệu đồng/m2.

 

Khách hàng cho rằng:

Chủ đầu tư áp giá quá cao so với một số dự án khác và điều này càng không hợp lý trong giai đoạn thị trường nhà ở hiện đang gặp khó khăn; nhiều chủ đầu tư phải giảm giá, thậm chí, chấp nhận bán hòa vốn hoặc chịu lỗ. Đối với những người có nhu cầu thanh lý sổ tiết kiệm, chủ đầu tư trả lãi suất 0,8%/tháng cũng là quá bất công. 

 

Theo các chuyên gia pháp luật, trước ngày 8/8/2010, việc chủ đầu tư huy động vốn từ người có nhu cầu mua nhà ở chưa được quy định chặt chẽ. Do đó, chủ đầu tư dễ dàng “lách” các quy định của pháp luật để huy động vốn bằng hình thức ký hợp đồng góp vốn (trong đó có góp vốn bằng “sổ tiết kiệm”) để nhận tiền ứng trước của người mua nhà. Từ ngày 8/8/2010, Nghị định 71/2010/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở có hiệu lực làm cho hoạt động huy động vốn kinh doanh nhà ở được quy định chặt chẽ hơn, tránh được rủi ro.

Tuy nhiên, để xử lý một cách công bằng đối giao dịch góp vốn mua nhà ở trước ngày Nghị định 71/2010/NĐ-CP có hiệu lực, cần phải căn cứ vào các văn bản pháp luật khác, đặc biệt là Bộ Luật Dân sự.

 

Tại Điều 409 (Giải thích hợp đồng dân sự), Bộ Luật này quy định như sau:

- Khoản 1: “Khi hợp đồng có điều khoản không rõ ràng thì không chỉ dựa vào ngôn từ của hợp đồng mà còn phải căn cứ vào ý chí chung của các bên để giải thích điều khoản đó”.

- Khoản 2: “Khi một điều khoản của hợp đồng có thể được hiểu theo nhiều nghĩa thì phải chọn nghĩa nào làm cho điều khoản đó khi thực hiện có lợi nhất cho các bên”.

- Khoản 3: “Khi hợp đồng có ngôn từ có thể hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau thì phải giải thích theo nghĩa phù hợp nhất với tính chất của hợp đồng”.

 

Cụ thể, sổ tiết kiệm (năm 2007) là một hình thức hợp đồng góp vốn, thỏa thuận lãi suất 0,8%/tháng, thời hạn: 6 tháng, nhưng lại không thể hiện từ tháng thứ 7 trở đi, nếu người gửi không rút tiền thì lãi suất là bao nhiêu? Như vậy, đây là điều khoản không rõ ràng, hoặc điều khoản có thể được hiểu theo nhiều nghĩa. Ngoài ra, tuy ngôn từ gọi là “sổ tiết kiệm” nhưng xét về tính chất của hợp đồng thì đây là hợp đồng cho vay để kinh doanh bất động sản; đổi lại, về quyền lợi, người gửi tiết kiệm được ưu đãi khi mua nhà ở (vì chỉ với điều kiện “được ưu đãi” thì họ mới chấp nhận lãi suất “bèo” 0,8%/tháng).

 

Như vậy, đối với những khách hàng góp vốn bằng sổ tiết kiệm nay không có nhu cầu mua nhà nữa nhưng Viglacera chiếm dụng vốn của họ suốt 5 năm qua mà chỉ thanh toán cho họ lãi suất 0,8%/tháng là không thỏa đáng, không đúng quy định của Bộ Luật dân sự về giải thích hợp đồng dân sự.

 

Tiếp đó, nhìn nhận vụ việc này, có thể thấy Viglacera là “bên mạnh thế”, còn khách hàng mua nhà là “bên yếu thế”. Khoản 8 Điều 409 Bộ Luật Dân sự quy định: “Trong trường hợp bên mạnh thế đưa vào hợp đồng nội dung bất lợi cho bên yếu thế thì khi giải thích hợp đồng phải theo hướng có lợi cho bên yếu thế”.

 

Ngoài ra, huy động tiền tiết kiệm để kinh doanh, nhưng khi thời hạn huy động (6 tháng) lãi suất 0,8% đã hết, mà trong 5 năm tiếp theo, doanh nghiệp vẫn “lẳng lặng” chiếm dụng vốn, “không có ý kiến” gì với người gửi, có thể xem là hành vi vi phạm nguyên tắc kinh doanh bất động sản quy định tại khoản 3 Điều 5 Luật Kinh doanh bất động sản: “Hoạt động kinh doanh bất động sản phải công khai, minh bạch”?

 

Hai bên đang thương lượng để giải quyết vụ việc này. Ngày 24/12/2011, Vigalacera đã chấp nhận một số đề nghị của người mua nhà, như đồng ý giãn tiến độ nộp tiền mua nhà; chấp nhận chỉ xây thô và hoàn thiện bên ngoài nhà ở, còn phần bên trong thì dành cho người sử dụng nhà xử lý… Tuy nhiên, về giá nhà ở, hai bên vẫn chưa đi đến thống nhất.

 

Trong vụ việc này, năm 2007, ở vào thời điểm Nghị định số 71/2010/NĐ-CP chưa có hiệu lực, khách hàng đã “mua nhà trên giấy” đầy rủi ro, nhưng khó có thể nói doanh nghiệp không  có lỗi. Vì vậy, thiết nghĩ Viglacera nên chấp nhận giải pháp giảm lãi trong kinh doanh, bán nhà với giá cả hợp lý, hợp tình để giữ chữ “Tín” với khách hàng, nhất là đối với khách hàng đã “sát cánh”cùng doanh nghiệp ngay từ những ngày đầu khi dự án đang còn là khu đất hoang.

 

 

  •  4574
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

0 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…