DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

TỔNG HỢP NHỮNG ĐỀ XUẤT MỚI TRONG BỘ LUẬT DÂN SỰ

Thời hiệu, mang thai hộ,đại diện dòng họ, vật quyền…. là những đề xuất mới trong dự thảo Bộ luật Dân sự (BLDS). Bài viết xin tổng hợp những đề xuất này cùng phân tích của các chuyên gia.

 

1/ Chỉ nên quy định hai loại thời hiệu :

Dự thảo sửa đổi BLDS của nước ta nên theo hướng chỉ quy định 2 loại thời hiệu. Một là thời hiệu hưởng quyền (tiếp tục giữ nguyên như hiện tại). Hai là thời hiệu mất quyền (không quy định “thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ dân sự”), theo đó “thời hiệu mất quyền là thời hiệu làm chấm dứt quyền nếu quyền này không được thực hiện trong một thời gian được pháp luật quy định”, góp ý của các tác giả Đỗ Văn Đại và Nguyễn Ngọc Hồng Phượng (Khoa Luật Dân sự - ĐH Luật TPHCM).

BLDS 2005 có quy định chung về "thời hiệu" tại Chương IX, gồm 9 điều, từ Điều 154 - Điều 162. Thời hiệu trong BLDS 2005 được hiểu là “thời hạn do pháp luật quy định mà khi kết thúc thời hạn đó thì chủ thể được hưởng quyền dân sự, được miễn trừ nghĩa vụ dân sự hoặc mất quyền khởi kiện vụ án dân sự, quyền yêu cầu giải quyết việc dân sự”."Thời hiệu" là một cách thức, biện pháp làm chủ thể có được hoặc bị mất đi quyền của mình, thông qua một khoảng thời gian nhất định với những điều kiện do pháp luật quy định. Dự thảo Bộ luật Dân sự (BLDS) đã có nhiều thay đổi về thời hiệu trong phần quy định chung cũng như trong lĩnh vực cụ thể như thời hiệu trong lĩnh vực thừa kế so với BLDS 2005.

Sự khác biệt

Theo đó, BLDS 2005 quy định có bốn loại thời hiệu, bao gồm: thời hiệu hưởng quyền dân sự (là thời hạn mà khi kết thúc thời hạn đó thì chủ thể được hưởng quyền dân sự – khoản 1 Điều 155); thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ dân sự (là thời hạn mà khi kết thúc thời hạn đó thì người có nghĩa vụ dân sự được miễn việc thực hiện nghĩa vụ – khoản 2 Điều 155); thời hiệu khởi kiện (là thời hạn mà chủ thể được quyền khởi kiện để yêu cầu Toà án giải quyết vụ án dân sự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm; nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền khởi kiện – khoản 3 Điều 155); thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự (là thời hạn mà chủ thể được quyền yêu cầu Toà án giải quyết việc dân sự để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức, lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước; nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền yêu cầu – khoản 4 Điều 155).

BLDS 2005 quy định thời hiệu theo phương án liệt kê các loại thời hiệu tại Điều 155, nhưng cách thức liệt kê như vậy khiến cho các quy định của BLDS không đầy đủ và chưa phù hợp với quy định về thời hiệu trong văn bản pháp luật khác. Cụ thể, theo BLDS 2005 thời hiệu khởi kiện là thời hạn mà chủ thể được quyền khởi kiện để yêu cầu Toà án giải quyết vụ án dân sự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm; nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền khởi kiện. Theo quy định này, chúng ta hiểu thời hiệu khởi kiện chỉ áp dụng trong trường hợp chủ thể kiện ra Tòa án yêu cầu giải quyết. Tương tự như vậy đối với thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự: Đó là thời hiệu để chủ thể yêu cầu giải quyết việc dân sự tại Tòa án.

Cách quy định này không chính xác khi đối chiếu với quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2009, theo khoản 1 Điều 4 “người bị thiệt hại có quyền yêu cầu cơ quan có trách nhiệm bồi thường giải quyết việc bồi thường” và khoản 1 Điều 5 Luật vừa nêu quy định “thời hiệu yêu cầu bồi thường quy định tại khoản 1 Điều 4 của Luật này là 02 năm”. Qua đó thấy rằng thời hiệu yêu cầu bồi thường theo Luật TNBTCNN là thời hạn mà người bị thiệt hại có quyền yêu cầu cơ quan có trách nhiệm bồi thường giải quyết. Ở đây, chủ thể giải quyết yêu cầu chính là cơ quan nhà nước có người có hành vi gây thiệt hại, không phải là Tòa án. Chẳng hạn, nếu người của UBND gây thiệt hại thì thời hiệu yêu cầu bồi thường trên không phải là thời hiệu yêu cầu Tòa án giải quyết như BLDS hiện hành mà là yêu cầu UBND giải quyết bồi thường (về loại thời hiệu này, xem thêm Đỗ Văn Đại và Nguyễn Trương Tín, Pháp luật Việt Nam về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, Nxb. ĐHQG TP. HCM 2015 (xuất bản lần thứ hai), phần số 138 và tiếp theo).

Điều đó cho thấy quy định của BLDS 2005 về thời hiệu vẫn còn bất cập. BLDS là văn bản chung về pháp luật dân sự nhưng lại không bao quát được hết các trường hợp đang tồn tại trong pháp luật thực định Việt Nam.

Một điểm khác biệt rất quan trọng là Điều 167 Dự thảo chỉ còn hai loại thời hiệu là: thời hiệu hưởng quyền dân sự và thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ dân sự. Ở đây, thời hiệu hưởng quyền dân sự là thời hạn mà khi kết thúc thời hạn đó thì chủ thể được hưởng quyền dân sự (Điều 168 Dự thảo); còn thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ dân sự là thời hạn mà khi kết thúc thời hạn đó thì người có nghĩa vụ dân sự được miễn thực hiện nghĩa vụ (Điều 169 Dự thảo).

Việc Dự thảo chỉ tập trung vào thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ dân sự (bên cạnh thời hiệu hưởng quyền) là chưa phù hợp.

Thứ nhất, khi đề cập tới thời hiệu “miễn trừ nghĩa vụ dân sự” thì đồng nghĩa với việc loại thời hiệu này sẽ phải gắn với một nghĩa vụ dân sự nhất định với hệ quả là khi hết thời hiệu thì nghĩa vụ đó được miễn thực hiện và nghĩa vụ dân sự liên quan chấm dứt. Tuy nhiên, trong Dự thảo cũng như văn bản khác còn tồn tại những loại thời hiệu không gắn với một nghĩa vụ dân sự như thời hiệu yêu cầu giao dịch dân sự vô hiệu (Điều 176 Dự thảo), thời hiệu yêu cầu Tòa án giải quyết việc thừa kế (Điều 646 Dự thảo) hay thời hiệu yêu cầu Tòa án hủy phán quyết trọng tài trong Luật Trọng tài (theo khoản 1 Điều 69 Luật Trọng tài, “trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được phán quyết trọng tài, nếu một bên có đủ căn cứ để chứng minh được rằng Hội đồng trọng tài đã ra phán quyết thuộc một trong những trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 68 của Luật này, thì có quyền làm đơn gửi Toà án có thẩm quyền yêu cầu huỷ phán quyết trọng tài”). Đối với những trường hợp này, chúng ta áp dụng loại thời hiệu nào? Câu hỏi không có câu trả lời thuyết phục trong Dự thảo vì đây chắc chắn không là thời hiệu hưởng quyền cũng không phải là thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ dân sự vì không gắn với nghĩa vụ dân sự cụ thể nào.

Thứ hai, theo khoản 7 Điều 396 Dự thảo, khi kết thúc thời hạn thì người có nghĩa vụ dân sự được miễn thực hiện nghĩa vụ - đây là một trong những căn cứ làm chấm dứt nghĩa vụ. Khi người có nghĩa vụ đã được chấm dứt nghĩa vụ theo thời hiệu thì cũng dẫn đến chấm dứt quyền yêu cầu trên thực tế của người có quyền. Theo BLDS 2005 (công nhận thời hiệu khởi kiện), khi hết thời hiệu yêu cầu Tòa án giải quyết, nhìn chung chủ thể chỉ mất đi quyền khởi kiện (tức mất quyền tố tụng), còn quyền yêu cầu trên thực tế làm phát sinh quyền khởi kiện (tức là quyền nội dung) thì không mất đi. Chẳng hạn, A cho B vay 100 triệu đồng. A cóquyền yêu cầu B trả tiền – đây là quyền nội dung, từ quyền này làm phát sinh quyền khởi kiện của A – đây là quyền tố tụng, còn B có nghĩa vụ trả tiền. Nếu hết thời hiệu khởi kiện do BLDS 2005 quy định mà A không yêu cầu Tòa án giải quyết, buộc B thực hiện nghĩa vụ thì A chỉ mất đi quyền khởi kiện, còn quyền yêu cầu B trả tiền trên thực tế vẫn tồn tại, không bị mất đi. Với việc phân biệt rõ thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ dân sự với thời hiệu khởi kiện hay thời hiệu yêu cầu việc dân sự trong BLDS hiện nay, chúng ta rất hiếm gặp trường hợp thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ dân sự trong pháp luật hiện hành. Ngược lại, với quy định như Dự thảo, thời hiệu đối với nghĩa vụ dân sự sẽ có nguy cơ trở thành thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ dân sự do Dự thảo chỉ ghi nhận thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ dân sự bên cạnh thời hiệu hưởng quyền. Chẳng hạn, trong Dự thảo có quy định theo đó “trường hợp pháp luật không có quy định khác, thời hiệu yêu cầu thực hiện quyền, nghĩa vụ phát sinh từ nghĩa vụ, yêu cầu bồi thường thiệt hại là ba năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền của mình bị xâm phạm và người vi phạm” (Điều 180). Do Dự thảo đã bỏ thời hiệu khởi kiện cũng như thời hiệu yêu cầu việc dân sự nên thời hiệu vừa nêu có nguy cơ sẽ bị coi là thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ dân sự. Nếu theo hướng này (tức áp đặt quy định về thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ dân sự của Dự thảo vào các hoàn cảnh vừa nêu), chúng ta sẽ làm chấm dứt quyền yêu cầu trên thực tế (quyền nội dung) của người có quyền. Quy định như vậy là quá khắt khe, không phù hợp với thực tiễn và xu hướng đương đại trên thế giới mà chúng ta đã thấy trong phần sau.

Thứ ba, việc chỉ ghi nhận thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ dân sự bên cạnh thời hiệu về hưởng quyền như Dự thảo còn tạo ra sự không thống nhất với các văn bản khác đang có hiệu lực. Chẳng hạn, theo khoản 3 Điều 159 BLTTDS sửa đổi năm 2011, “thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự được thực hiện theo quy định của pháp luật. Trường hợp pháp luật không có quy định về thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự thì thực hiện như sau: a) Tranh chấp về quyền sở hữu tài sản; tranh chấp về đòi lại tài sản do người khác quản lý, chiếm hữu; tranh chấp về quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện; b) Tranh chấp không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản này thì thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự là hai năm, kể từ ngày cá nhân, cơ quan, tổ chức biết được quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm”. Phải dung hòa các quy định trong Dự thảo như thế nào với loại quy định như vừa nêu trong các văn bản khác? Liệu các quy định về thời gian không tính vào thời hiệu (Điều 174 của Dự thảo) hay các quy định về bắt đầu lại thời hiệu (Điều 175 Dự thảo) có được áp dụng cho loại thời hiệu nêu trên (trong văn bản khác) hay không? Cách quy định như Dự thảo có thể sẽ làm cho người quan tâm hiểu rằng các quy định này sẽ không được áp dụng vì Dự thảo chỉ đề cập tới hai loại thời hiệu (hưởng quyền và miễn trừ nghĩa vụ dân sự) và như vậy sẽ dẫn đến lỗ hổng pháp lý cho các loại thời hiệu được quy định trong văn bản khác.

Kinh nghiệm nước ngoài và đề xuất

Dưới góc độ nghiên cứu so sánh, nhiều quốc gia cũng chỉ quy định hai loại thời hiệu, nhưng đó là thời hiệu hưởng quyền và thời hiệu mất quyền (chứ không phải là thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ dân sự). Chẳng hạn, BLDS Nhật Bản quy định về thời hiệu tại Chương 7. Ở đây, sau phần Những quy định chung về thời hiệu, BLDS Nhật Bản chia thời hiệu làm hai loại và quy định ở hai phần riêng, gồm thời hiệu hưởng quyền từ Điều 162 đến Điều 165, và thời hiệu mất quyền (hết quyền) từ Điều 166 đến Điều 174. Như vậy, bản chất của thời hiệu hết hay mất quyền trong BLDS Nhật Bản chính là khoảng thời gian do luật định để chủ thể được thực hiện quyền yêu cầu, hết thời hạn đó mà không thực hiện thì chủ thể không được quyền yêu cầu nữa. Loại thời hiệu này khác với thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ như chúng ta đang quy định (vì như đã phân tích ở trên, thời hiệu này chỉ áp dụng trong mối quan hệ nghĩa vụ dân sự).

BLDS Quebec cũng quy định hai loại thời hiệu. Điều 2875 BLDS Quebec định nghĩa “thời hiệu là một phương tiện/cách thức để đạt được hay bị mất đi thông qua khoảng thời gian do luật quy định. Thời hiệu bao gồm hai loại, thứ nhất là thời hiệu hưởng quyền, thứ hai là thời hiệu mất quyền”. Luật của Quebec quy định “thời hiệu hưởng quyền là một biện pháp giúp chủ thể có được quyền sở hữu, hoặc một trong các quyền của quyền sở hữu, thông qua sự tác động của việc chiếm hữu tài sản của chủ thể” (Điều 2910). Còn Điều 2921 quy định “thời hiệu mất quyền là một phương tiện làm chấm dứt một quyền bởi việc không thực hiện (trong khoảng thời hạn luật quy định) hoặc là phương tiện cho việc phản đối chấp nhận một yêu cầu”. Điều đó cho thấy, pháp luật của Quebec cũng chỉ quy định về thời hiệu làm cho một người mất đi quyền yêu cầu của mình (bên cạnh thời hiệu hưởng quyền), chứ không quy định việc hết thời hiệu chấm dứt nghĩa vụ dân sự như quy định trong Dự thảo.

Pháp mới tiến hành cải cách quy định về thời hiệu năm 2008. Ở đây, BLDS Pháp cũng có hai loại thời hiệu là thời hiệu hưởng quyền và thời hiệu chấm dứt quyền. Đối với loại thời hiệu hưởng quyền thì tương đồng với chúng ta. Tuy nhiên, điểm khác biệt với Dự thảo, chính là thời hiệu chấm dứt quyền. Cụ thể, “đây là một phương thức chấm dứt một quyền xuất phát từ việc chủ thể không hành động trong một khoảng thời gian”. Đối tượng bị mất ở đây không phải “nghĩa vụ dân sự” như Dự thảo mà là “quyền”. Quyền này có thể là quyền nội dung hay cũng chỉ là quyền tố tụng tùy vào nội dung quy định cụ thể về thời hiệu; quyền này cũng có thể không gắn liền với một nghĩa vụ dân sự nào (như quyền yêu cầu tuyên bố giao dịch vô hiệu).

Như vậy, nhiều quốc gia quy định hai loại thời hiệu là “thời hiệu hưởng quyền” (acquisitive prescription) và “thời hiệu mất quyền” (extinctive prescription) – chứ không phải là thời hiệu hưởng quyền và thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ dân sự như Dự thảo.

Việc Dự thảo theo hướng đơn giản hóa các quy định về thời hiệu là thuyết phục, nên làm để cho pháp luật không quá rườm rà. BLDS hiện hành đưa ra 04 loại thời hiệu nhưng xét một cách tổng thể thì việc liệt kê này vẫn không đầy đủ vì vẫn còn loại thời hiệu không nằm trong 04 loại này và thời hiệu trong Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước là một ví dụ. Kinh nghiệm nước ngoài cũng cho thấy nhìn chung là pháp luật nước ngoài cũng không liệt kê tới 04 loại thời hiệu như BLDS hiện hành của chúng ta mà xu hướng chung là chỉ có 02 loại thời hiệu. Do đó, Dự thảo theo hướng chỉ còn 02 loại thời hiệu là thuyết phục nhưng nội hàm của việc quy định 2 loại thời hiệu này là cần xem lại.

Chúng ta đã thấy, bên cạnh thời hiệu hưởng quyền, Dự thảo đưa ra loại thời hiệu thứ hai là thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ dân sự. Chính việc ghi nhận thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ dân sự bên cạnh thời hiệu hưởng quyền là điểm yếu của Dự thảo vì vẫn còn những loại thời hiệu không thuộc thời hiệu hưởng quyền cũng như không thuộc thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ dân sự như thời hiệu thực hiện quyền tuyên bố giao dịch vô hiệu hay thời hiệu yêu cầu Tòa án hủy phán quyết trọng tài.

Kinh nghiệm nước ngoài cho thấy xu hướng chung là, bên cạnh thời hiệu hưởng quyền, pháp luật ghi nhận thời hiệu mất quyền chứ không ghi nhận thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ dân sự và thực tế thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ dân sự chỉ là một dạng của thời hiệu mất quyền vì, khi nghĩa vụ dân sự chấm dứt, quyền về nội dung của nghĩa vụ cũng chấm dứt (tức đây là thời hiệu làm mất cả quyền nội dung). Từ đó, chúng tôi đề xuất thay vào vị trí của thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ dân sự (có phạm vi hẹp là chỉ áp dụng khi có quan hệ nghĩa vụ dân sự) chúng ta ghi nhận thời hiệu mất quyền (có thể là mất quyền tố tụng, mất quyền nội dung tùy vào nội dung cụ thể của quy định liên quan đến thời hiệu).

Với hướng trên, chúng ta vẫn giữ được sự ổn định trong pháp luật dân sự cũng như sự tương thích được với các quy định hiện hành về thời hiệu trong các văn bản khác vì thời hiệu khởi kiện và thời hiệu yêu cầu việc dân sự đang tồn tại trong BLDS sẽ thuộc nhóm thời hiệu mất quyền (mất quyền khởi kiện ra Tòa án, mất quyền yêu cầu ra Tòa án). Hướng này cũng đồng thời bao quát cả thời hiệu không nằm trong BLDS hiện hành khi thời hiệu này không thuộc thời hiệu khởi kiện hay thời hiệu yêu cầu việc dân sự như thời hiệu yêu cầu bồi thường trong Luật TNBTCNN.

Trên cơ sở phân tích trên, chúng tôi đề xuất quy định về thời hiệutrong Dự thảo sửa đổi BLDS của Việt Nam là nên theo hướng chỉ quy định hai loại thời hiệu: Một là thời hiệu hưởng quyền (tiếp tục giữ nguyên như hiện tại). Hai là thời hiệu mất quyền (không quy định “thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ dân sự”), theo đó “thời hiệu mất quyền là thời hiệu làm chấm dứt quyền nếu quyền này không được thực hiện trong một thời gian được pháp luật quy định”. Việc quy định thời hiệu mất quyền có ý nghĩa thực tiễn vì nó buộc người có quyền phải hành động để bảo vệ quyền lợi của mình và giảm áp lực công việc cho cơ quan có thẩm quyền trong việc giải quyết những vụ, việc đã xảy ra trong thời gian dài.

Đỗ Văn Đại và Nguyễn Ngọc Hồng Phượng

Khoa Luật Dân sự - ĐH Luật TPHC

(Theo www.chinhphu.vn)

  •  8294
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

0 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…