DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

Tổng hợp điểm mới Luật bảo hiểm xã hội 2014

Mặc dù đến 01/01/2016, Luật bảo hiểm xã hội 2014 mới bắt đầu có hiệu lực, nhưng không ít người đang quan tâm về các chế độ bảo hiểm xã hội mà mình sẽ được hưởng trong thời gian tới.

Bài viết sau đây sẽ tổng hợp các điểm mới của Luật bảo hiểm xã hội 2014 nhằm giải đáp thắc mắc quy định mới về bảo hiểm xã hội (BHXH) sẽ được áp dụng và phục vụ cho việc nghiên cứu, học tập.

Trong bài viết có sử dụng các từ viết tắt, sau đây là chú thích:

- BHXH: bảo hiểm xã hội.                                     - HĐLĐ: hợp đồng lao động.           

- NLĐ: người lao động.                                        - QĐND: Quân đội nhân dân.                       

- NSDLĐ: người sử dụng lao động.                     - BHTN: bảo hiểm thất nghiệp.

- CAND: Công an nhân dân.                                - BHYT: bảo hiểm y tế.

- NSNN: Ngân sách nhà nước                             - TNLĐ: tai nạn lao động.

1/ Cụ thể nội dung phạm vi điều chỉnh

Luật này quy định chế độ, chính sách BHXH; quyền và trách nhiệm của người lao động, người sử dụng lao động; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến BHXH, tổ chức đại diện tập thể lao động, tổ chức đại diện người sử dụng lao động; cơ quan BHXH; quỹ BHXH; thủ tục thực hiện BHXH và quản lý nhà nước về BHXH.

(Căn cứ Điều 1 Luật bảo hiểm xã hội 2014)

2/ Mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc

Ngoài các đối tượng quy định tại Luật bảo hiểm xã hội 2006, còn có thêm các đối tượng sau đây:

- Người làm việc theo HĐLĐ xác định thời hạn, HĐLĐ theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả HĐLĐ được ký kết giữa NSDLĐ với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định pháp luật về lao động.

- Người làm việc theo HĐLĐ có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng.

- Người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu.

- Học viên quân đội, công an, cơ yếu đang theo học được hưởng sinh hoạt phí.

- Người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định tại Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

- Người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương.

- Người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn.

- NLĐ là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp được tham gia BHXH bắt buộc theo quy định của Chính phủ.

Ngoài ra, cụ thể hóa các nội dung sau:

- NSDLĐ tham gia BHXH bắt buộc bao gồm cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân; tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội khác; cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam; doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp tác, tổ chức khác và cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động.

Trước đây: cụm từ này được sử dụng rất mơ hồ, “sử dụng và trả công cho người lao động”.

- Người tham gia BHXH tự nguyện là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng bắt buộc tham gia BHXH.

Trước đây: không quy định cụ thể số tuổi mà quy định một cách chung chung “trong độ tuổi lao động”

(Căn cứ Điều 2 Luật bảo hiểm xã hội 2014)

3/ Sửa đổi, bổ sung các thuật ngữ

- BHXH là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của NLĐ khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hết tuổi lao động hoặc chết, trên cơ sở đóng vào quỹ BHXH.

Quy định trước đây bao gồm trường hợp mất thu nhập do thất nghiệp.

- BHXH bắt buộc là loại hình BHXH do Nhà nước tổ chức mà NLĐ và NSDLĐ phải tham gia.

- BHXH tự nguyện là loại hình BHXH do Nhà nước tổ chức mà người tham gia được lựa chọn mức đóng, phương thức đóng phù hợp với thu nhập của mình và Nhà nước có chính sách hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội để người tham gia hưởng chế độ hưu trí và tử tuất.

- Quỹ BHXH là quỹ tài chính độc lập với NSNN, được hình thành từ đóng góp của NLĐ, NSDLĐ và có sự hỗ trợ của Nhà nước.

Giải thích thuật ngữ này được bổ sung nhằm làm rõ nội dung.

- Thân nhân là con đẻ, con nuôi, vợ hoặc chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, cha vợ hoặc cha chồng, mẹ vợ hoặc mẹ chồng của người tham gia bảo hiểm xã hội hoặc thành viên khác trong gia đình mà người tham gia bảo hiểm xã hội đang có nghĩa vụ nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình.

Bổ sung thêm đối tượng được xem là thân nhân theo Luật này.

- Bảo hiểm hưu trí bổ sung là chính sách BHXH mang tính chất tự nguyện nhằm mục tiêu bổ sung cho chế độ hưu trí trong BHXH bắt buộc, có cơ chế tạo lập quỹ từ sự đóng góp của NLĐ và NSDLĐ dưới hình thức tài khoản tiết kiệm cá nhân, được bảo toàn và tích lũy thông qua hoạt động đầu tư theo quy định pháp luật.

Đây là khái niệm mới được sử dụng tại Luật bảo hiểm xã hội 2014.

(Căn cứ Điều 3 Luật bảo hiểm xã hội 2014)

4/ Các chế độ bảo hiểm xã hội

Các chế độ BHXH bao gồm: BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện và bảo hiểm hưu trí bổ sung.

Bảo hiểm hưu trí bổ sung là chế độ BHXH mới được áp dụng theo Luật bảo hiểm xã hội 2014. Trước đây, chế độ BHXH gồm BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện và BHTN.

(Căn cứ Điều 4 Luật bảo hiểm xã hội 2014)

5/ Cụ thể hóa một số nguyên tắc bảo hiểm xã hội

- Mức đóng BHXH bắt buộc được tính trên cơ sở tiền lương tháng của NLĐ. Mức đóng BHXH tự nguyện được tính trên cơ sở mức thu nhập tháng do NLĐ lựa chọn.

Quy định cụ thể tiền lương, mức thu nhập tháng so với trước đây.

- Thời gian đóng BHXH đã được tính hưởng BHXH một lần thì không tính vào thời gian làm cơ sở tính hưởng các chế độ BHXH.

- Quỹ BHXH được quản lý tập trung, thống nhất, công khai, minh bạch; được sử dụng đúng mục đích và được hạch toán độc lập theo các quỹ thành phần, các nhóm đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định và chế độ tiền lương do NSDLĐ quyết định.

(Căn cứ Điều 5 Luật bảo hiểm xã hội 2014)

6/ Chính sách mới của Nhà nước đối với bảo hiểm xã hội

Ngoài các chính sách của Nhà nước đối với BHXH theo Luật bảo hiểm xã hội 2006, còn mở rộng thêm các chính sách:

- Hỗ trợ người tham gia BHXH tự nguyện.

- Khuyến khích NSDLĐ và NLĐ tham gia bảo hiểm hưu trí bổ sung.

- Ưu tiên đầu tư phát triển công nghệ thông tin trong quản lý BHXH.

(Căn cứ Điều 6 Luật bảo hiểm xã hội 2014)

7/ Nội dung quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội

Ngoài các nội dung quản lý nhà nước về BHXH theo quy định cũ, còn bổ sung thêm:

- Quản lý về thu, chi, bảo toàn, phát triển và cân đối quỹ BHXH.

(Căn cứ Điều 7 Luật bảo hiểm xã hội 2014)

8/ Bổ sung cơ quan quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội

Ngoài các cơ quan theo quy định cũ, còn bổ sung cơ quan:

- Bảo hiểm xã hội Việt Nam tham gia, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính, UBND cấp tỉnh quản lý về thu, chi, bảo toàn, phát triển và cân đối quỹ BHXH.

(Căn cứ Điều 8 Luật bảo hiểm xã hội 2014)

9/ Hiện đại hóa quản lý bảo hiểm xã hội

- Nhà nước khuyến khích đầu tư phát triển công nghệ và phương tiện kỹ thuật tiên tiến để quản lý, thực hiện BHXH.

- Đến năm 2020, hoàn thành việc xây dựng và vận hành cơ sở dữ liệu điện tử về quản lý BHXH trong phạm vi cả nước.

Đây là nội dung mới, đồng thời là mục tiêu phát triển việc quản lý BHXH trong tương lai gần.

(Căn cứ Điều 9 Luật bảo hiểm xã hội 2014)

10/ Trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về bảo hiểm xã hội

- Xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển BHXH.

- Xây dựng chính sách, pháp luật về BHXH; trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền văn bản pháp luật về BHXH.

- Xây dựng và trình Chính phủ chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH.

- Tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về BHXH.

- Chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH.

- Thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật, giải quyết khiếu nại, tố cáo về BHXH, trừ trường hợp khiếu nại, tố cáo việc quản lý tài chính về BHXH.

- Trình Chính phủ quyết định biện pháp xử lý trong trường hợp cần thiết để bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng về BHXH của NLĐ.

- Thực hiện công tác thống kê, thông tin về BHXH.

- Tổ chức tập huấn, đào tạo về BHXH.

- Tổ chức nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế về BHXH.

- Hằng năm, báo cáo Chính phủ về tình hình thực hiện BHXH.

Trách nhiệm quản lý BHXH được phân định cụ thể cho từng cơ quan so với quy định cũ.

(Căn cứ Điều 10 Luật bảo hiểm xã hội 2014)

Còn tiếp – sẽ cập nhật cho đến khi hoàn thành

  •  73503
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

0 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…