DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

Toàn văn Nghị quyết hướng dẫn giải quyết tranh chấp về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu tại TAND

Tòa án nhân dân tối cao vừa công bố Dự thảo Nghị quyết hướng dẫn giải quyết tranh chấp về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu tại TAND.

Dự thảo Nghị quyết hướng dẫn giải quyết tranh chấp về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu tại TAND có các nội dung chính như sau:

1. Thủ tục giải quyết tranh chấp liên quan đến tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu quy định tại Điều 8 Nghị quyết 42/2017/QH14

- Tòa án áp dụng Điều 8 Nghị quyết 42/2017/QH14 và các quy định tại Phần thứ tư của Bộ luật Tố tụng dân sự, trừ quy định tại khoản 1 và 2 Điều 317 của Bộ luật này để giải quyết tranh chấp về nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm hoặc tranh chấp về quyền xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu.

- Trường hợp đang giải quyết tranh chấp về hợp đồng tín dụng thông thường nhưng khoản nợ được xác định là nợ xấu trước khi Tòa án ra quyết định đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm, thì Tòa án ra quyết định chuyển vụ án sang xét xử theo thủ tục rút gọn. Trong trường hợp này, thời hạn xét xử theo thủ tục rút gọn được tính lại từ ngày ra quyết định chuyển vụ án sang xét xử theo thủ tục rút gọn.

- “Không có đương sự cư trú ở nước ngoài” theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 8 Nghị quyết 42/2017/QH14 là trường hợp tranh chấp không có đương sự sinh sống ở nước ngoài dưới hình thức thường trú hoặc tạm trú tại thời điểm Tòa án thụ lý đơn khởi kiện hoặc khi Tòa án ra quyết định chuyển vụ án sang xét xử theo thủ tục rút gọn theo hướng dẫn tại khoản 2 Điều này. Tòa án xác định việc thường trú hoặc tạm trú theo quy định của Luật Cư trú.

- “Tài sản tranh chấp ở nước ngoài” theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 8 Nghị quyết số 42/2017/QH14 là tài sản được xác định theo quy định của Bộ luật dân sự ở ngoài lãnh thổ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam vào thời điểm Tòa án thụ lý đơn khởi kiện hoặc khi Tòa án ra quyết định chuyển vụ án sang xét xử theo thủ tục rút gọn theo hướng dẫn tại khoản 2 Điều này.

2. Ủy quyền khởi kiện, tham gia tố tụng

- Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu có quyền ủy quyền cho nhau hoặc ủy quyền cho cá nhân hoặc pháp nhân khác khởi kiện, tham gia tố tụng tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu giải quyết tranh về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu.

- Việc ủy quyền theo khoản 1 Điều này phải được lập thành văn bản và có công chứng hoặc chứng thực hợp pháp. Văn bản ủy quyền phải xác định rõ những nội dung và thời hạn ủy quyền.

Cá nhân được ủy quyền khởi kiện ký vào phần cuối đơn khởi kiện, pháp nhân được ủy quyền khởi kiện thì người đại diện theo pháp luật của pháp nhân ký vào phần cuối đơn khởi kiện và đóng đấu của pháp nhân đó; tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu đã ủy quyền không phải ký tên, đóng dấu vào đơn khởi kiện. Trong trường hợp này, các văn bản tố tụng phải ghi rõ tên nguyên đơn là tên của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu đã ủy quyền; tên người được ủy quyền là cá nhân, pháp nhân được ủy quyền.

- Người được ủy quyền là pháp nhân thì người đại diện của pháp nhân được ủy quyền tham gia tố tụng là người đại diện theo pháp luật của pháp nhân đó. Pháp nhân có nhiều người đại diện theo pháp luật thì pháp nhân đó phải có văn bản cử một người đại diện theo pháp luật tham gia tố tụng. 

Trường hợp người đại diện theo pháp luật của pháp nhân được ủy quyền không thể tham gia tố tụng thì phải có văn bản cử người khác có đủ thẩm quyền của pháp nhân tham gia tố tụng.
 
- Khi giải quyết tranh chấp về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu, nếu hợp đồng ủy quyền được xác lập trước ngày 01-01-2017 giữa tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu chưa hoặc đang được thực hiện mà có nội dung và hình thức phù hợp với quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 và không phát sinh tranh chấp về chính hợp đồng ủy quyền đó thì Tòa án công nhận hiệu lực của hợp đồng ủy quyền đó mà không yêu cầu các bên phải xác lập lại.
 
3. Kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng 
 
- Bên mua khoản nợ có nguồn gốc từ khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu thì có quyền kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng của bên bán theo quy định tại khoản 4 Điều 74 của Bộ luật tố tụng dân sự.
 
- Vụ án dân sự đang được Tòa án thụ lý, giải quyết theo thủ tục xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm hoặc xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm mà đương sự thực hiện việc mua bán khoản nợ có nguồn gốc từ khoản nợ xấu thì Tòa án tiếp tục giải quyết vụ án theo thủ tục chung. Tòa án căn cứ hợp đồng mua bán nợ để giải quyết vụ án.
 
Bên mua khoản nợ có nguồn gốc từ khoản nợ xấu được kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng với tư cách tố tụng được kế thừa (Ví dụ bên bán khoản nợ là nguyên đơn thì bên mua khoản nợ là nguyên đơn; bên bán khoản nợ là bị đơn thì bên mua khoản nợ là bị đơn; bên bán khoản nợ là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì bên mua khoản nợ là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan).
 
Trường hợp kế thừa toàn bộ quyền, nghĩa vụ thì Tòa án thay đổi tư cách của các bên đương sự theo tư cách tố tụng được kế thừa. Trường hợp kế thừa một phần quyền, nghĩa vụ thì Tòa án bổ sung bên được kế thừa vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
c) Tòa án bổ sung, thay đổi các thông tin của các đương sự kể từ ngày nhận được thông báo của các bên về hợp đồng mua bán nợ mà hợp đồng mua bán nợ đã có hiệu lực và ghi rõ trong bản án của Tòa án tại phần thông tin chung của các đương sự. 
 
4. Về tài sản bảo đảm theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 7 Nghị quyết 42/2017/QH14
 
Trường hợp tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu là tài sản của doanh nghiệp đang bị yêu cầu mở thủ tục phá sản hoặc đã bị mở thủ tụ phá sản, thì tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu không có quyền thu giữ tài sản bản đảm. Việc xử lý tài sản bảo đảm trong trường hợp này được thực hiện theo quy định của Luật Phá sản.
 
5. Xử lý tài sản bảo đảm là tài sản của bên thứ ba bảo lãnh cho khoản nợ xấu của doanh nghiệp, hợp tác xã bị mở thủ tục phá sản 
 
Trong quá trình giải quyết phá sản, sau khi lập bảng kê tài sản, danh sách chủ nợ, danh sách người mắc nợ, nếu doanh nghiệp, hợp tác xã có khoản nợ là nợ xấu được bảo đảm bằng tài sản của bên thứ ba thì theo đề xuất của quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản, Tòa án giải quyết đồng thời yêu cầu của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu về việc xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu đó.
 
Đối với những khoản nợ xấu có tài sản bảo đảm chưa đến hạn thì trước khi tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản, Tòa án nhân dân đình chỉ hợp đồng và xử lý khoản nợ có bảo đảm theo quy định của pháp luật.
 
Mời các bạn xem chi tiết tại file đính kèm. 

 

  •  10853
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

0 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…