DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

Tòa có được thụ lý và giải quyết hay không?

Vay tiền rồi “trốn”, ngân hàng bó tay?

Xung quanh chuyện các ngân hàng có được khởi kiện đòi nợ khi không biết khách hàng đang ở đâu hay không đang phát sinh nhiều tranh cãi. Có tòa chấp nhận thụ lý, xét xử vắng mặt bị đơn nhưng cũng có tòa đình chỉ giải quyết…

Tòa Dân sự TAND Tối cao vừa xử giám đốc thẩm, tuyên hủy một bản án dân sự phúc thẩm của TAND TP.HCM để giải quyết lại từ đầu. Điều đáng nói trong vụ việc này là giữa cấp giám đốc thẩm và cấp phúc thẩm đã có cách hiểu khác nhau về chuyện ngân hàng có được khởi kiện đòi nợ khi không biết khách hàng đang ở đâu hay không...

Tòa nói phải xử, tòa bảo đình chỉ

Theo hồ sơ, tháng 10-1999, Chi nhánh Sài Gòn của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á châu (ACB) ký hợp đồng tín dụng cho ông PCY vay 18 triệu đồng để mua xe máy với phương thức trả góp trong 24 tháng. Trong quá trình thực hiện hợp đồng, ông Y. chỉ mới trả được hơn 10 triệu đồng tiền vốn cộng lãi thì ngưng luôn. ACB đã nhiều lần gửi thư báo đến nhà nhưng ông Y. vẫn không chịu trả nợ.

Hết thời hạn hai năm, ACB chuyển số nợ trên thành nợ quá hạn. Song song đó, tháng 4-2005, ACB cũng khởi kiện ra TAND quận 11 (TP.HCM) để đòi ông Y. phải trả 17 triệu đồng. Kèm đơn kiện, ACB cung cấp cho tòa địa chỉ của ông Y. theo hợp đồng mà ông này ký với ngân hàng.

Sau khi thụ lý và xác minh, TAND quận 11 đã ra quyết định đình chỉ vụ án. Theo tòa, ông Y. hiện không còn sinh sống tại địa chỉ mà ACB cung cấp. Mặt khác, ACB cũng không cung cấp được nơi ở mới của ông Y. nên chưa đủ điều kiện khởi kiện.

Quyết định của TAND quận 11 sau đó đã bị TAND TP hủy với nhận định ngân hàng đã cung cấp được địa chỉ cuối cùng của bị đơn nên cấp sơ thẩm vẫn phải thụ lý, giải quyết. Làm theo hướng này, tháng 9-2007, TAND quận 11 đã đưa vụ kiện ra xử vắng mặt ông Y. Tòa tuyên bác yêu cầu đòi nợ của ACB. ACB kháng cáo. Ba tháng sau, TAND TP đã bác kháng cáo, giữ nguyên án sơ thẩm.

Mới đây, bản án này đã bị Tòa Dân sự TAND Tối cao hủy theo thủ tục giám đốc thẩm. Theo Tòa Dân sự TAND Tối cao, chỉ trong trường hợp tòa đã thông báo cho bên bị đơn biết về việc khởi kiện của nguyên đơn mà sau đó bị đơn bỏ trốn thì tòa mới được quyền thụ lý, giải quyết. Còn trường hợp bị đơn đã bỏ đi nơi khác sinh sống trước khi tòa thụ lý như trường hợp cụ thể của ông Y. thì tòa cần phải đình chỉ giải quyết vì nguyên đơn không cung cấp được địa chỉ của bị đơn.

Hai quy định dẫn đến hai cách hiểu

Theo điểm a khoản 1 Điều 36 Bộ luật Tố tụng dân sự, nếu không biết nơi cư trú, làm việc, trụ sở của bị đơn thì nguyên đơn có thể yêu cầu tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, có trụ sở cuối cùng hoặc nơi bị đơn có tài sản giải quyết. Tuy nhiên, điểm đ khoản 1 Điều 168 Bộ luật Tố tụng dân sự lại quy định tòa án trả lại đơn khởi kiện khi chưa có đủ điều kiện khởi kiện (một trong các điều kiện là nguyên đơn phải cung cấp được địa chỉ của bị đơn).

Như tài liệu tập huấn của TAND TP thừa nhận, hai quy định này đã dẫn đến hai cách hiểu và vận dụng pháp luật trái ngược trong trường hợp không tìm được địa chỉ của bị đơn: Theo cách hiểu thứ nhất, tòa cứ việc xét xử vắng mặt bị đơn, không cần phải phân biệt là bị đơn bỏ đi trước hay sau khi tòa thụ lý và có thông báo. Theo cách hiểu thứ hai, một khi ngân hàng không cung cấp được địa chỉ bị đơn thì tòa từ chối thụ lý, nếu đã thụ lý rồi thì đình chỉ vụ kiện.

Nhiều chuyên gia cho rằng đã đến lúc TAND Tối cao cần ban hành hướng dẫn chính thức bằng văn bản để áp dụng thống nhất. Bởi lẽ quan điểm của Tòa Dân sự TAND Tối cao chỉ nằm trong phạm vi một vụ kiện cụ thể của ACB đối với ông Y. Nguyên tắc của pháp luật Việt Nam là không áp dụng “án lệ” nhưng thực tế lại đang có không ít vụ kiện tương tự của các ngân hàng bị các tòa địa phương đình chỉ giải quyết vì sợ rằng nếu đưa ra xử thì sẽ bị cấp trên hủy án.

Không xử, ngân hàng bị thiệt thòi

Xét về lý, rõ ràng ngân hàng đã cung cấp được địa chỉ nơi ở cuối cùng của bị đơn, thỏa quy định tại điểm a khoản 1 Điều 36 Bộ luật Tố tụng dân sự nên tòa cần phải thụ lý, giải quyết. Xét về tình, ngân hàng bị khách hàng “xù” tiền vay nên việc khởi kiện nhờ tòa thu hồi nợ là điều đúng đắn. Nếu làm theo cách hiểu thứ hai, chẳng lẽ khách hàng cứ việc vay tiền rồi đi nơi khác sống thì các ngân hàng sẽ mãi mãi bó tay, không thể khởi kiện một khi không biết họ ở đâu hay sao? Như vậy, các ngân hàng sẽ bị thiệt thòi nặng nề.

Một thẩm phán Tòa Dân sự TAND TP.HCM

Phải đình chỉ để đảm bảo công bằng

Không phải vô duyên cớ mà luật quy định nguyên đơn phải cung cấp địa chỉ của bị đơn. Nếu giải quyết án dân sự chỉ dựa vào các chứng cứ, tài liệu cùng sự trình bày của một bên nguyên đơn thì sẽ không đảm bảo được sự thật khách quan. Chỉ trừ trường hợp bị đơn biết bị kiện nhưng cố tình lẩn tránh, không đến tòa, còn lại việc tham gia tố tụng của bị đơn là rất cần thiết để làm sáng tỏ vụ việc và đảm bảo công bằng.

Một thẩm phán Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM

Nguồn: http://phapluattp.vn/201105051112593p0c1063/vay-tien-roi-tron-ngan-hang-bo-tay.htm


  Theo tôi thì Tòa có quyền thụ lý và xét xử vắng mặt bị đơn trong trường hợp này. Như vậy mới bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn (ngân hàng ACB).

 Ý kiến của anh (chị) và các bạn như thế nào nhỉ?
  •  17153
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

0 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…