DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

TIỀN LƯƠNG TĂNG CA CÓ PHẢI ĐÓNG BẢO HIỂM XÃ HỘI BẮT BUỘC HAY KHÔNG?

Trong quá trình tư vấn pháp luật cho các doanh nghiệp, chúng tôi nhận được rất nhiều thắc mắc, câu hỏi từ các doanh nghiệp và người lao động về vấn đề: Tiền lương tăng ca của người lao động có phải đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc hay không?

Luật Bảo hiểm xã hội 2014 đã có sự điều chỉnh mở rộng phạm vi tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc so với Luật Bảo hiểm xã hội 2006, đã khiến không ít doanh nghiệp và người lao động lúng túng khi áp dụng.

Theo Luật Bảo hiểm xã hội 2006 thì đối với người lao động hưởng chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tiền lương đóng BHXH bắt buộc là mức tiền lương, tiền công ghi trong hợp đồng lao động.

Tuy nhiên, theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội 2014, Thông tư 59/2015/TT-BLDTBXH ngày 29/12/2015 và Thông tư 47/2015/TT-BLDTBXH ngày 16/11/2015 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thì tiền lương đóng BHXH bắt buộc là mức lương, phụ cấp lươngcác khoản bổ sung khác. Riêng đối với các chế độ và phúc lợi khác, như: tiền thưởng theo quy định tại Điều 103 của Bộ luật lao động, tiền thưởng sáng kiến; tiền ăn giữa ca; các khoản hỗ trợ xăng xe, điện thoại, đi lại, tiền nhà ở, tiền giữ trẻ, nuôi con nhỏ; hỗ trợ khi người lao động có thân nhân bị chết, người lao động có người thân kết hôn,… (theo điểm b, khoản 3, Điều 4 Thông tư 47/2015/TT-BLDTBXH) thì không đóng bảo hiểm xã hội.

Cụ thể, tại khoản 1, 2 Điều 30 Thông tư 59/2015/TT-BLDTBXH quy định:

  • Từ ngày 01 tháng 01 năm 2016 đến ngày 31 tháng 12 năm 2017, tiền lương tháng đóng BHXH là mức lươngphụ cấp lương.
  • Từ ngày 01 tháng 01 năm 2018 trở đi, tiền lương tháng đóng BHXH là mức lương, phụ cấp lươngcác khoản bổ sung khác theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 4 của Thông tư số 47/2015/TT-BLĐTBXH.

Tại điểm a, khoản 3 Điều 4 của Thông tư số 47/2015/TT-BLĐTBXH, quy định: “Các khoản bổ sung xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động và trả thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương”.

Như vậy, “các khoản bổ sung khác”, nếu xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động và trả thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương, là khoản tiền lương phải đóng BHXH.

“Các khoản bổ sung khác” là những khoản nào? Tiền tăng ca có phải thuộc “các khoản bổ sung khác” hay không?

Theo quy định tại điểm c, khoản 1, Điều 21 Nghị định 05/2015/NĐ-CP; điểm c, khoản 1, Điều 3 Thông tư 23/2015/TT-BLĐTBXH thì “các khoản bổ sung khác” là khoản tiền ngoài mức lương, phụ cấp lương và có liên quan đến thực hiện công việc hoặc chức danh trong hợp đồng lao động, trừ tiền thưởng; tiền ăn giữa ca; các khoản hỗ trợ khi người lao động có thân nhân bị chết, người lao động có người thân kết hôn, sinh nhật của người lao động, trợ cấp cho người lao động gặp hoàn cảnh khó khăn khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và các khoản hỗ trợ, trợ cấp khác không liên quan đến thực hiện công việc hoặc chức danh trong hợp đồng lao động.

Như vậy, theo các quy định nêu trên thì tiền lương tăng ca được xem là “các khoản bổ sung khác”.

Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 2 Điều 30 Thông tư 59/2015/TT-BLDTBXH và điểm a, khoản 3 Điều 4 của Thông tư số 47/2015/TT-BLĐTBXH nêu trên, thì đối với các khoản bổ sung xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động và trả thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương thì mới đóng BHXH. Còn đối với các khoản bổ sung mà không xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động thì không đóng BHXH.

Trên thực tế, tiền lương tăng ca có thể phát sinh tùy thuộc vào nhu cầu sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp tại các thời điểm khác nhau. Do đó, không thể xác định được mức tiền lương tăng ca cụ thể cùng với mức lương trong hợp đồng lao động. Vì vậy, tiền lương tăng ca của người lao động không thuộc trường hợp phải đóng BHXH.

Luật sư Đoàn Khắc Độ - Công ty Luật TNHH Sài Gòn Á Châu.

  •  1563
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

0 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…