DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

Thực trạng vai trò của cơ quan quản lý nhà nước trong bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

         Bảo vệ lợi ích chính đáng của NTD trong HĐTM cũng chính là hoạt động bảo vệ lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh dịch vụ chân chính, góp phần bảo vệ sự phát triển bền vững của xã hội. Do vậy, công tác bảo vệ lợi ích NTD không chỉ là trách nhiệm của các thương nhân mà còn là trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội.

          Trong thời gian qua, vấn đề xâm phạm lợi ích NTD đang trở nên đáng báo động, cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội đã ngày càng quan tâm, chú trọng đến công tác bảo vệ lợi ích NTD. Mạng lưới tổ chức Hội bảo vệ quyền lợi NTD đã được phát triển rộng đến cấp huyện, giúp đưa các tổ chức này đến gần với NTD ở các cơ sở, tạo điều kiện thuận lợi cho việc hỗ trợ NTD. Hơn nữa, giữa các cơ quan quản lý nhà nước như: Cục quản lý cạnh tranh, Hội đồng cạnh tranh, Bộ Công thương…đã có sự phối hợp nhịp nhàng, hỗ trợ lẫn nhau trong công tác bảo vệ lợi ích NTD. Mới đây, Cục quản lý cạnh tranh cũng đã đa dạng hóa các phương thức hỗ trợ, tư vấn và tiếp nhận khiếu nại từ NTD, với mong muốn giúp NTD có thể thực hiện được các quyền lợi của mình. Theo đó, NTD có thể gọi điện đến tổng đài hỗ trợ, tư vấn; có thể gửi những thắc mắc, khiếu nại đến trang web bảo vệ quyền lợi NTD hay địa chỉ email của Cục quản lý cạnh tranh; hoặc cũng có thể gửi khiếu nại qua đường bưu điện, hay đến nộp trực tiếp tại địa chỉ của Cục quản lý cạnh tranh. Với nhiều phương thức khác nhau, công tác bảo vệ quyền lợi NTD đã bước đầu đạt được một số thành tựu. Trong quý một năm 2015, Tổng đài tư vấn đã ghi nhận có 4383 cuộc gọi đến, trong đó các chuyên viên của Cục đã tiếp nhận và trả lời 1796 cuộc gọi, chiếm 40,98%. Ngoài ra, Cục quản lý cạnh tranh cũng đã nhận được 30 đơn khiếu nại của NTD trong khoảng thời gian này và nhiều đơn khiếu nại trong số đó đã được giải quyết, đòi lại lợi ích hợp pháp cho NTD

          Tuy nhiên, bên cạnh những điểm sáng trên, hoạt động của các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội trong công tác bảo vệ lợi ích chính đáng của NTD trong HĐTM vẫn còn khá nhiều hạn chế. Thực tế hiện nay, hầu như những vụ việc vi phạm quyền lợi NTD chỉ được các cơ quan chức năng vào cuộc sau khi vụ việc bị báo chí phanh phui và NTD đã bị thiệt hại. Điều này phần nào thể hiện sự thờ ơ, tắc trách trong việc thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan nhà nước. Hay đáng buồn hơn nữa, các cơ quan nhà nước lại thông đồng với các thương nhân để che giấu, lấp liếm đi các vụ việc mới bị phát hiện. Điển hình như vụ án “bánh mì bẩn” của cửa hàng Minh Tuyến (Phú Khương, thành phố Bến Tre, tỉnh Bến Tre). Tổng số trường hợp ngộ độc do ăn bánh mì của cơ sở này được ghi nhận thời điểm đó lên tới hơn 160 người. Vụ việc được phát hiện vào năm 2013,thế nhưng mãi đến đầu tháng 3 năm 2015, Tòa án Nhân dân thành phố Bến Tre mới đưa vụ việc ra xét xử. Kết quả bà Thuyên – NTD bị ngộ độc do sử dụng sản phẩm của cửa hàng này đã bị thua kiện bởi bà không cung cấp được chứng từ hóa đơn và khi cấp cứu đã không lưu mẫu bệnh phẩm. Sau đó, vụ án này đã “chìm vào im lặng”. Tương tự, những vụ án gần đây như: vụ chai nước C2 có chứa 6 con ruồi hay vụ chai nước có chứa dị vật, cặn bẩn của Tân Hiệp Phát cũng chỉ được cơ quan chức năng điều tra sau khi vụ việc bị báo chí phanh phui. Tuy thế, điều đáng nói hơn là cơ quan nhà nước dường như... bất lực, không đòi lại được quyền lợi cho NTD. Vì vậy, nhiều NTD đã phải nhờ cậy đến Hội Bảo vệ NTD, thế nhưng sự tham gia của Hội Bảo vệ NTD chỉ mang tính hình thức. Vậy vai trò của cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội trong công tác bảo vệ lợi ích NTD nằm ở đâu khi mà NTD dù đã lên tiếng thì vẫn không được bảo vệ? Thêm vào đó, mặc dù Hội bảo vệ NTD được thành lập với mục đích trở thành đại diện cho NTD, thay mặt NTD đứng lên đòi lại quyền lợi; thế nhưng trên thực tế, vai trò của Hội trong hoạt động bảo vệ quyền lợi NTD hiện nay khá mờ nhạt. Phần lớn các hội thiếu sự chủ động trong việc bảo vệ quyền lợi NTD. Từ vụ việc các chai nước của Công ty Tân Hiệp Phát chứa dị vật, cho tới các vụ việc NTD mua phải hàng giả, bị lừa đảo khi mua hàng hóa qua trang web thương mại điện tử, hoặc bị tính sai cước điện thoại...thì dường như không thấy bóng dáng của các Hội bảo vệ NTD. Điều này có thể xuất phát từ nguyên nhân: nguồn nhân lực, kinh phí hoạt động của các tổ chức bảo vệ NTD hiện nay còn nhiều hạn chế, đa phần từ sự đóng góp của các hội viên; ngoài ra, các thành viên trong những tổ chức này lại thường không nắm vững các quy định pháp luật nên nhiều trường hợp việc hòa giải, tư vấn pháp luật cho NTD chưa chính xác, chưa phù hợp với các quy định pháp luật. Chính những nguyên nhân này khiến cho hoạt động của các tổ chức xã hội trong công tác bảo vệ lợi ích NTD còn mang tình hình thức.

 


Nguồn: Cục Quản lý cạnh tranh, báo Nhân dân 

 

  •  13945
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

0 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…