DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

THỰC TIỄN XÁC ĐỊNH CHA, MẸ, CON VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ CẦN TRAO ĐỔI

 

            Việc xác định cha, mẹ, con là một vấn đề rất tế nhị và cũng hết sức phức tạp. Theo quy định của pháp luật hiện hành thẩm quyền xác định cha, mẹ, con có thể tiến hành theo 2 thủ tục:

            Thứ nhất: Theo thủ tục hành chính - loại việc thuộc thẩm quyền giải quyết của ủy ban nhân dân theo thủ tục đăng ký về hộ tịch khi không có tranh chấp về việc xác định cha, mẹ, con: “Uỷ ban nhân dân cấp xã, nơi cư trú của người nhận hoặc người được nhận là cha, mẹ, con thực hiện việc đăng ký việc nhận cha, mẹ, con nếu bên nhận, bên được nhận là cha, mẹ, con còn sống vào thời điểm đăng ký nhận cha, mẹ, con và việc nhận cha, mẹ, con là tự nguyện và không có tranh chấp” (Điều 32, 33 Nghị định 158/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 của Chính Phủ về đăng ký và quản lý hộ tịch).

            Thứ hai: Theo thủ tục tư pháp - Nếu có tranh chấp về việc xác định cha, mẹ, con thì các đương sự có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết. Tòa án tiến hành thụ lý và xét xử theo thủ tục tố tụng thông thường (Điều 64 Luật HNGĐ năm 2000; khoản 4 Điều 27 BLTTDS).

            Như vậy, dựa trên tính chất của quan hệ xác định cha, mẹ, con có tranh chấp hay không có tranh chấp là cơ sở để xác định cơ quan có thẩm quyền xác định cha, mẹ, con. Tuy nhiên, việc xác định thẩm quyền giải quyết loại việc này từ góc độ thực tiễn đã và đang phản ánh những bất cập và khó khăn liên quan đến cách hiểu và vận dụng điều luật cũng như những quy định còn “bỏ ngỏ” trong Luật dẫn đến những lúng túng nhất định trong việc xác định thẩm quyền, thủ tục tố tụng và nghĩa vụ chứng minh…

            1. Việc xác định cha, mẹ, con theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 và Bộ luật tố tụng dân sự:

            Xác nhận cha, mẹ, con theo quan hệ pháp Luật Hôn nhân và Gia đình là việc xác nhận mối quan hệ huyết thống giữa cha, mẹ và con. Theo quy định tại Điều 63 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 căn cứ trên cơ sở tình trạng hôn nhân của người mẹ để xác định cha cho con:

Con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ đó là con chung của vợ chồng. Con sinh ra trước ngày đăng ký kết hôn và được cha mẹ thừa nhận cũng là con chung của vợ chồng.

Trong trường hợp cha mẹ không thừa nhận con thì phải có chứng cứ và được Tòa án chấp nhận.”

Điều 63 Luật Hôn nhân Gia đình năm 2000 đặt ra nguyên tắc suy đoán pháp lý xác định cha, mẹ, con trong hôn nhân. Tại khoản 2 Điều 21 Nghị định 70/2001/NĐ-CP ngày 3/10/2001 của Chính Phủ quy định chi tiết thi hành Luật Hôn nhân và Gia đình quy định “Con sinh ra trong vòng 300 ngày, kể từ ngày người chồng chết hoặc kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án xử cho vợ chồng ly hôn có hiệu lực pháp luật, thì được xác định là con chung của vợ chồng”.

Khi người vợ sinh con trong thời kỳ hôn nhân – từ khi nam nữ kết hôn cho đến khi hôn nhân chấm dứt do vợ chồng ly hôn hoặc một bên chết, đứa trẻ được khai sinh tại Uỷ ban nhân dân. Người chồng của người mẹ đứa trẻ được khai là cha của đứa trẻ thì việc xác định cha cho con đã được thực hiện tại cơ quan hành chính nhà nước.

Trường hợp người chồng của người mẹ đứa trẻ không thừa nhận đứa trẻ là con của họ thì có quyền yêu cầu Tòa án xác định. Đây thuộc trường hợp có tranh chấp và được giải quyết theo thủ tục tư pháp. Khi khởi kiện ra Tòa người chồng phải đưa ra được những chứng cứ để chứng minh rằng họ là chồng của mẹ đứa trẻ nhưng không phải là cha đứa trẻ như: Trong thời gian có thể thụ thai đứa trẻ thì người chồng đi công tác xa, bị ốm đau bệnh tật nặng mà không thể có khả năng quan hệ vợ chồng và có con hoặc người chồng bị vô sinh (đối với những trường hợp này phải có giấy chứng nhận của cơ quan y tế…).

Vấn đề khó khăn trong việc xác định thẩm quyền thường đặt ra với trường hợp xác nhận cha, mẹ cho con ngoài hôn nhân. Con ngoài giá thú thường do người mẹ không có chồng sinh ra hoặc tuy người mẹ đang có chồng nhưng người chồng đã chứng minh trước Tòa rằng người con đó không phải là con của họ. Điều 64 Luật hôn nhân Gia đình năm 2000 quy định căn cứ để xác định con:

Người không được nhận là cha, mẹ của một người có thể yêu cầu Tòa án xác định người đó là con mình.

Người được nhận là cha, mẹ của một người có thể yêu cầu Tòa án xác định người đó không phải là con mình”.

Như vậy, việc cha, mẹ nhận con có thể thông qua thủ tục hành chính trong trường hợp không có tranh chấp. Người nhận là cha, mẹ, con phải phải nộp tờ khai. Trường hợp cha hoặc mẹ nhận con chưa thành niên, thì phải có sự đồng ý của người hiện đang là mẹ, hoặc cha (trừ trường hợp người đó đã chết, mất tích, mất năng lực hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự). Việc nhận này được uỷ ban nhân dân công nhận, cán bộ hộ tịch ghi vào Sổ đăng ký việc nhận cha, mẹ, con và quyết định công nhận việc nhận cha, mẹ, con.

Căn cứ theo các quy định hiện hành, việc xác định thẩm quyền giải quyết đối với yêu cầu xác nhận cha, mẹ, con phụ thuộc vào việc xác định tính chất của vụ việc là có tranh chấp hay không có tranh chấp.

- Trường hợp có tranh chấp: Thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân theo quy định tại khoản 4 Điều 27 Bộ Luật tố tụng dân sự;

- Trường hợp không có tranh chấp: Thuộc thẩm quyền giải quyết của Uỷ ban nhân dân.

Từ quy định này cho phép khẳng định một trong những đặc trưng của việc xác nhận cha, mẹ, con không đặt ra việc xác định theo thủ tục giải quyết việc dân sự trong trường hợp không có tranh chấp. Tuy nhiên, hiểu như thế nào là có “tranh chấp” cũng là một khái niệm có nhiều tranh cãi liên quan đến hình thức biểu hiện của “tranh chấp”. Nhiều trường hợp không có tranh chấp trong việc xác định cha, mẹ, con nhưng cơ quan hộ tịch khi giải quyết bằng một thủ tục đăng ký thông thường dưới khía cạnh pháp lý lại có những vướng mắc nhất định. Đây cũng là vấn đề đang có sự mâu thuẫn và gặp ít nhiều lúng túng khi áp dụng luật trong một số trường hợp yêu cầu xác định cha, mẹ, con khi người cha, người mẹ bị yêu cầu xác định đã chết.

2. Một số vướng mắc về tố tụng trong thủ tục xác định cha, mẹ, con khi áp dụng quy định của Bộ luật tố tụng dân sự trong thực tiễn xét xử:

 Thực tiễn xét xử thời gian gần đây khá nhiều vụ án đương sự khởi kiện ra Tòa yêu cầu xác định cha, mẹ cho con mà người cha hoặc người mẹ được yêu cầu xác định là cha hoặc mẹ của cháu bé đã chết hoặc trong trường hợp cả người cha, người mẹ của cháu bé đều đã chết. Điều này không chỉ liên quan đến thủ tục tố tụng từ việc thụ lý, thông báo thụ lý, hòa giải, đến việc đưa ra xét xử tại phiên tòa mà còn liên quan đến vấn đề xác định chứng cứ và chứng minh cho yêu cầu của người khởi kiện.

Điều 65 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 có quy định: “Con có quyền xin nhận cha mẹ của mình, kể cả trong trường hợp cha, mẹ đã chết’. Như vậy pháp luật bảo đảm trong mọi trường hợp người con đều có quyền xin nhận cha, mẹ của mình ngay cả khi người được nhận là cha, mẹ đã chết. Nguyên tắc chung người đưa ra yêu cầu phải có nghĩa vụ chứng minh. Tuy nhiên, việc thực hiện nghĩa vụ chứng minh này trong thực tế không phải là vấn đề đơn giản.

Xin trao đổi xung quanh một số trường hợp sau:

* Trường hợp 1: A có yêu cầu xin xác nhận B là cha của con mình. Thời điểm A khởi kiện ra Tòa B đã chết. Vấn đề đặt ra ở đây là Tòa án phải xác định yếu tố tranh chấp trong vụ kiện. Thế nào là có tranh chấp: Tranh chấp giữa những người thân trong gia đình của B về việc không nhận cháu bé là con B hay là không có tranh chấp trong trường hợp những người thân của B chấp nhận cháu bé là con B. Giả sử đây là vụ án xác định có yếu tố tranh chấp thì việc B sẽ tham gia tố tụng với tư cách gì? Tòa án có phải tiến hành thông báo thụ lý giải quyết vụ án tới những người thân của B hay không? Về vấn đề này đã và đang đặt ra một số vướng mắc cơ bản sau:

(i) Về việc xác định tư cách tố tụng: Theo quy định tại khoản 3 Điều 56 BLTTDS, về nguyên tắc người bị người khác khởi kiện khi cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn bị người đó xâm phạm sẽ được xác định là bị đơn trong vụ kiện, tuy nhiên trong trường hợp này có thể xác định B là bị đơn hay không khi B đã chết. Khá nhiều các bản án hiện hành khi rơi vào trường hợp này đều không khỏi lúng túng khi xác định tư cách của B trong vụ kiện.

 Thực tế nhiều Tòa án, do loại việc “xác định cha, mẹ, con” không nằm trong loại việc thuộc thủ tục giải quyết việc dân sự hoặc hôn nhân gia đình nên đối với yêu cầu khởi kiện xác định cha (mẹ) cho con mà người cha (người mẹ) đã chết vẫn được áp dụng theo quy định tại Điều 56 BLTTDS như với các vụ án thông thường. Trong đó, B được xác định là bị đơn và ghi chú thêm bên cạnh là: ‘Bị đơn đã chết’.

Tôi cho rằng việc xác định B là bị đơn trong trường hợp này không hợp lý. Mặc dù B là người bị kiện tuy nhiên đối tượng của quyền yêu cầu là quyền nhân thân. Theo quy định tại Điều 24 BLDS 2005: “Quyền nhân thân là quyền dân sự gắn liền với mỗi cá nhân, không thể chuyển giao cho người khác, trừ trường hợp pháp luật có quy định”. Vì vậy, nếu xác định B là bị đơn thì khi bị đơn đã chết, vụ kiện sẽ bị tạm đình chỉ giải quyết nếu chưa có người kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng trong khi đây lại thuộc trường hợp pháp luật nội dung hạn chế đối với việc kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng. Bên cạnh đó nếu xác định B là bị đơn thì Tòa án sẽ phải gửi thông báo thụ lý tới cho ai theo quy định tại Điều 176 BLTTDS trong khi bị đơn đã chết? Vì vậy tôi cho rằng sẽ hợp lý hơn khi xác định đây là trường hợp ngoại lệ về tư cách đương sự, xác định A là người yêu cầu, B là người bị yêu cầu và những người thân của B (người có tranh chấp với A) được xác định là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. Việc thực hiện nghĩa vụ chứng minh sẽ thuộc về 2 chủ thể trong quan hệ là người yêu cầu và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Xuất phát từ tính chất đặc trưng của loại án trong trường hợp này, tôi mong muốn Tòa án nhân dân Tối cao nên có sự hướng dẫn thống nhất để thống nhất áp dụng chung trong các Tòa án địa phương vì việc xác định tư cách đương sự như đề xuất của tôi sẽ ít nhiều có sự băn khoăn về mặt lý luận khi đương sự là người yêu cầu và người liên quan BLTTDS chỉ quy định áp dụng đối với “việc dân sự hoặc hôn nhân gia đình” trong khi đây lại là loại vụ án hôn nhân gia đình.

(ii) Xác định vấn đề chứng minh và nghĩa vụ chứng minh: Vấn đề cơ bản nhất là phải chứng minh được mối quan hệ giữa người bị kiện và mẹ (cha) của đứa trẻ. Chứng cứ chứng minh có thể thông qua các chứng cứ gián tiếp như:

- Các giấy tờ hoặc thư từ do người đàn ông bị kiện viết xác nhận đứa trẻ là con của họ;

- Trong thời gian có thể thụ thai đứa trẻ, người đàn ông bị kiện và mẹ đứa trẻ đã yêu thương nhau, hứa hẹn kết hôn hoặc định kết hôn nhưng sau đó đã không cưới nữa;

- Trong thời gian có thể thụ thai đứa trẻ, người đàn ông bị kiện và mẹ đứa trẻ chung sống với nhau như vợ chồng khi đứa trẻ sinh ra người đàn ông bị kiện đã yêu thương đứa trẻ như con của mình;

- Trong thời gian có thể thụ thai đứa trẻ, mẹ đứa trẻ đã bị người đàn ông bị kiện cưỡng dâm hoặc hiếp dâm…

- Quan hệ xác định cha, mẹ, con cũng có thể được xác định về phương diện xã hội như việc các bên đương sự cư xử với nhau như cha - con (mẹ - con) thông qua việc trông nom, chăm sóc, giáo dục, gây dựng tương lai của con, thông qua việc cư xử của người con với bố mẹ…

Nhiều trường hợp chứng cứ gián tiếp cũng có thể được xác định thông qua dư luận xã hội…

Tuy nhiên, cho dù có xuất trình những chứng cứ này thì tính thuyết phục cũng không cao trừ trường hợp người bị kiện thừa nhận. Vấn đề ở chỗ người bị kiện không còn sống, pháp luật lại không đặt ra việc kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng đối với quyền nhân thân. Vậy có đương nhiên người được coi là đối tượng bị kiện khi không có người kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng bị tước bỏ quyền chứng minh của mình hay không. Tôi cho rằng trong trường hợp này trước tiên nghĩa vụ chứng minh thuộc về người đưa ra yêu cầu, người có tranh chấp đối với người đưa ra yêu cầu (bố, mẹ… những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị yêu cầu theo quy định tại Đ.676 BLDS 2005) được xác định là người có quyền và nghĩa vụ liên quan trong vụ kiện – Những người này được thực hiện quyền và nghĩa vụ chứng minh của mình để phản bác lại những chứng cứ do phía người yêu cầu đưa ra. Nếu việc xác định bằng các thủ tục thông thường không đạt hiệu qủa thì một trong những chứng cứ rất thuyết phục là việc người đưa ra yêu cầu đề nghị Toà án trưng cầu giám định gen theo quy định tại Điều 92 BLTTDS. Theo hướng dẫn tại điểm b, mục 5 Nghị quyết số 02/2000/NQ-HĐTP ngày 23/12/2000 của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 có quy định: “Khi có yêu cầu Toà án xác định một người nào đó là con của họ hay không phải là con của họ thì phải có chứng cứ; về nguyên tắc người có yêu cầu phải cung cấp chứng cứ. Trong trường hợp cần thiết phải giám định gen. Người có yêu cầu giám định gen phải nộp lệ phí giám định gen”. Ngay cả trong trường hợp người cha, người mẹ là đối tượng của quyền yêu cầu được xác định đã chết thì khoa học hiện đại vẫn có thể xác định được quan hệ huyết thống thông qua giám định gen của ông bà, cô dì, chú bác ruột hoặc anh em ruột của người được yêu cầu xác định huyết thống. Tôi cho rằng kết luận giám định gen phải được coi là chứng cứ thuyết phục nhất, có giá trị chứng minh nhất để chứng minh trong các vụ án xác định cha, mẹ, con.

* Trường hợp 2: Trường hợp cha, mẹ đã chết, ông bà nội hoặc ông bà ngoại cháu bé làm đơn đề nghị xác định cháu bé là cháu ruột của mình.

- Việc xác định tư cách chủ thể kiện: Điều 66 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 và Điều 162 BLTTDS quy định về 2 nhóm chủ thể có quyền trực tiếp yêu cầu Tòa án giải quyết việc xác định cha, mẹ, con:

+ Cha, mẹ hoặc người giám hộ của con chưa thành niên; con đã thành niên;

+ Cơ quan về dân số, gia đình và trẻ em, Hội liên hiệp phụ nữ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có quyền khởi kiện vụ án về Hôn nhân gia đình trong trường hợp do Luật Hôn nhân và Gia đình quy định.

Khoản 2. Điều 61 Bộ Luật dân sự 2005 quy định về người giám hộ đương nhiên của người chưa thành niên: “Trong trường hợp không có anh ruột, chị ruột hoặc anh ruột, chị ruột không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại là người giám hộ”.

Như vậy quyền khởi kiện có thể đặt ra thông qua người giám hộ đương nhiên của người chưa thành niên.

Quy định này đặt ra vấn đề băn khoăn trong vụ án xin xác nhận cha cho con mà người cha, người mẹ đã chết. Người giả thiết được gọi là ông bà nội của cháu bé có được quyền khởi kiện không? Ví dụ: Năm 2002 A có quan hệ với B sinh cháu C, quan hệ hôn nhân của A và B là hôn nhân trái pháp luật vì B đã có vợ là H. Giấy khai sinh của cháu C phần người cha bỏ trống. Trong một vụ tai nạn giao thông cả A và B đều chết. Cháu C ở với ông bà ngoại. Do B và H không có con, vì vậy G (giả thiết là bà nội hoặc ông nội của B) muốn nhận lại cháu C là cháu nội mình nhưng ông bà ngoại của cháu C không đồng ý. Vì vậy G làm đơn khởi kiện ra Tòa đề nghị xác định cháu C là con B.

Theo quy định của Bộ Luật dân sự thì người giám hộ được quyền kiện. Tuy nhiên cơ sở nào để chứng minh G là ông (hoặc bà nội) của cháu bé để thực hiện quyền này. Giả thiết không đủ cơ sở để chứng minh chủ thể có quyền kiện thì nếu chưa thụ lý Tòa án sẽ trả lại đơn khởi kiện (điểm b khoản 1 Điều 168 BLTTDS), nếu đã thụ lý Tòa án sẽ ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án (điểm c, khoản 1 Điều 192 BLTTDS).

Tôi cho rằng khó có cơ sở để ngay từ ban đầu đề nghị chủ thể khởi kiện xuất trình chứng cứ chứng minh G là ông (hoặc bà nội) cháu bé khi chưa có phán quyết của Tòa án trong việc xác định C có đúng là con của B không. Theo quy định tại Điều 165 BLTTDS “Người khởi kiện phải gửi kèm theo đơn khởi kiện tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho những yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp”. Như vậy, Khi thụ lý giải quyết vụ án một trong các giấy tờ các chủ thể phải xuất trình để chứng minh cho yêu cầu của mình đó là chủ thể kiện phải xuất trình được các “giấy tờ chứng minh tư cách chủ thể kiện” bên cạnh những chứng cứ chứng minh quan hệ tình cảm giữa A, B và B, C. Vì vậy, nếu G có yêu cầu kiện thì yêu cầu này nên thực hiện thông qua chủ thể có quyền khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, lợi ích công cộng và lợi ích của Nhà nước đó là cơ quan dân số, gia đình và trẻ em, Hội liên hiệp phụ nữ theo quy định tại khoản 1 Điều 162 BLTTDS.

3. Bàn về quy định tại Điều 35 Nghị định 158/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 của Chính Phủ về đăng ký và quản lý hộ tịch liên quan đến thẩm quyền xác định cha, mẹ, con.

Theo quy định tại Điều 35 Nghị định 158/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 về việc “bổ sung, cải chính sổ đăng ký khai sinh và giấy khai sinh của người con” có quy định bổ sung mới như sau: “Trong phần khai về cha, mẹ trong sổ đăng ký khai sinh và bản chính giấy khai sinh của người con đã ghi tên người khác, không phải là cha, mẹ đẻ thì đương sự phải làm thủ tục cải chính theo quy định tại mục 7 chương này”.

Như vậy, quy định này đã cho phép tôn trọng tối đa sự thỏa thuận của các bên đối với vấn đề xác nhận cha, mẹ, con mà không có tranh chấp. Điều này cũng giúp giảm tải một lượng lớn các loại việc mà đương sự phải khởi kiện ra Tòa. Trên cơ sở tinh thần của Điều 35 Nghị định 158/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 Điều 36 hướng dẫn cụ thể hơn “Phạm vi thay đổi, cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc, xác định lại giới tính, bổ sung hộ tịch, điều chỉnh lại hộ tịch”, tại khoản 2 điều này quy định: “Cải chính những nội dung đã được đăng ký trong sổ đăng ký khai sinh và bản chính giấy khai sinh, nhưng có sai sót trong khi đăng ký”. Khoản 6 quy định: “Điều chỉnh những nội dung trong sổ đăng ký hộ tịch và giấy tờ hộ tịch khác, không phải sổ đăng ký khai sinh và bản chính giấy khai sinh”. Phạm vi thay đổi, cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc, xác định lại giới tính, bổ sung hộ tịch, điều chỉnh hộ tịch theo quy định tại mục này.

Quy định chỉ cần cải chính về hộ tịch trong trường hợp theo giấy khai sinh về mặt pháp lý người cha, người mẹ của một người nay lại không phải cha, mẹ mà là một người khác. Việc xác định quan hệ cha, mẹ, con về phương diện pháp lý chịu sự chi phối bởi những quy tắc đặc thù tùy theo việc xác định được thực hiện trong hay ngoài thủ tục tư pháp. Điều này liên quan đến vấn đề xác định giá trị chứng minh của giấy khai sinh đối với quan hệ cha mẹ – con ruột và thẩm quyền giải quyết của cơ quan hộ tịch hay Tòa án nhân dân đối với việc xác định lại bản chất của quan hệ.

Nghiên cứu các quy định của pháp luật tôi cho rằng mặc dù chưa có một văn bản nào ghi nhận chính thức giá trị pháp lý của giấy khai sinh đối với việc chứng minh quan hệ cha, mẹ, con kể cả trong Nghị định 158/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005. Tuy nhiên, trong quan hệ giao dịch xã hội và trong thực tiễn xét xử, giấy khai sinh được đánh giá là chứng cứ quan trọng về quan hệ cha, mẹ, con ruột. Ngay cả trong trường hợp những người được khai là cha, mẹ của đưa trẻ không có đăng ký kết hôn hoặc hôn nhân của người cha, người mẹ là hôn nhân trái pháp luật thì tư cách cha, mẹ cũng có thể được chứng minh bằng cách dựa vào các chi tiết ghi nhận trên giấy khai sinh. Điều này không chỉ liên quan đến quyền nhân thân mà còn là cơ sở để xác lập các quyền tài sản đặc biệt là quyền hưởng thừa kế theo quy định của pháp luật dân sự.

Vấn đề đặt ra đối với trường hợp quy định tại Điều 35 Nghị định 158/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 về thủ tục cải chính mà không đòi hỏi bất cứ điều kiện chứng minh  quan hệ huyết thống trong trường hợp này. Tôi cho rằng xét về bản chất, đây không phải là quan hệ đăng ký sửa đổi đơn thuần về hộ tịch mà thực chất là quan hệ xác nhận lại cha, con - loại quan hệ đặc biệt mà không chỉ dựa đơn thuần vào lời khai của các bên đương sự hoặc sự thỏa thuận của các đương sự. Dưới khía cạnh pháp lý quan hệ này là việc xác nhận quan hệ huyết thống - quan hệ phải thông qua một kết luận khoa như kết luận giám định. Vì vậy kể cả trong trường hợp mở rộng thẩm quyền của Ủy ban đối với vấn đề cải chính về hộ tịch theo quy định tại Điều 35 Nghị định 158/2005 tôi cho rằng vẫn phải có quy định người đưa ra yêu cầu phải có chứng cứ khoa học về quan hệ huyết thống để xác định cha, mẹ, con trong trường hợp này để đảm bảo tính chất pháp lý của quan hệ xác định cha, mẹ, con và đề cao nghĩa vụ chứng minh không chỉ trong thủ tục tư pháp mà còn ở cả thủ tục hành chính./.

 

 

  Luật sư Nguyễn Văn Tuấn

Đoàn luật sư thành phố Hà Nội

 

 

  •  64122
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

0 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…