DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

Thủ tục hành chính

Ông 80 tuổi, bà hơn 70. Gia đình ông và bà vốn là bạn thân của nhau. Vợ ông mất ngót 20 năm, còn chồng bà không còn ở trên đời cũng chừng đó. Cảnh già cô đơn đã đưa họ đến với nhau. Họ sống riêng biệt, độc lập, không phụ thuộc vào tài chính của bất cứ người con nào. Hàng ngày bà chăm sóc ông bệnh tật ốm yếu, cơm bưng nước rót, hầu hạ ông. Cuộc sống như vậy đã được 11 năm.

Nay họ muốn đăng ký kết hôn để hợp thức hóa cuộc sống vợ chồng, để không còn mang tiếng chung sống với nhau mà không có hôn thú.

Sự việc tưởng chừng đơn giản như đan rổ, nhưng cái thủ tục hành chính nước ta nó như là chiếc thuyền thúng, trông hình dáng giống cái rổ mà đan mãi mà chẳng xong.  

Đầu tiên là phải ra UBND phường A nơi ông bà có hộ khẩu để làm thủ tục. Giấy tờ gồm: (1) Đơn đăng ký theo mẫu; (2) Giấy chứng tử của vợ ông và chồng bà; (3) Hộ khẩu của hai người.

Về phía bà đủ cả, nhưng ông lại thiếu hộ khẩu và giấy chứng tử của vợ cũ. Hộ khẩu của ông chẳng phải mất đâu, chỉ là vì anh con trai giấu đi. Có lẽ anh này sợ ông bà lấy nhau hợp pháp thì sẽ lằng nhằng về tài sản của ông nên quyết liệt phản đối, trong khi nuôi ông thì anh lại chẳng thể cáng đáng. Anh này chỉ muốn ông bà cứ thế ở với nhau, tài sản của ông vẫn là của ông, còn công sức của bà là phải dành cho ông.

Tuy thiếu hộ khẩu nhưng ông có đủ giấy tờ khác để chứng minh ông đăng ký thường trú ở phường A đó. Ông có chứng minh thư mới được cấp, có lý lịch tư pháp, có thẻ thương binh và hàng loạt giấy tờ khác ghi rõ địa chỉ như theo hộ khẩu, thậm chí anh CSKV còn sẵn sàng xác nhận về việc ông ở nơi phường A đó. Còn về giấy chứng tử của vợ cũ, mặc dù thiếu nhưng ông lại có giấy báo tử.

Phường A nhất định không chấp nhận những giấy tờ trên. Họ lý luận, luật quy định hộ khẩu là phải hộ khẩu, chứng tử là phải chứng tử (mặc dù chứng tử hay báo tử cũng chỉ là tờ giấy chứng nhận người đã chết). Không có thì nghỉ đăng ký kết hôn.

Cực chẳng đã, ông già 80 lọ mọ đi xin cấp lại hộ khẩu và giấy chứng tử của vợ cũ.

Oái oăm ở chỗ, muốn được cấp giấy chứng tử, phải có sổ hộ khẩu để xuất trình.

Cũng may là phường B thương ông, họ linh động cấp cho ông giấy chứng tử của vợ ông, căn cứ vào giấy báo tử.

Việc còn lại là đi xin cấp lại hộ khẩu.

Tưởng rằng điều này hắt xì hơi một cái là xong, vì ông đứng tên chủ hộ. Đơn của ông đã được CSKV xác nhận cái roẹt. Nhưng đến khi mang lên quận thì có một vấn đề phát sinh. Tuy ông là chủ hộ nhưng trong đó còn có tên của con trai ông, mặc dù đã chết. Quận yêu cầu ông phải đi xin giấy chứng tử của con trai ông.

Ông già 80 lại lọ mọ chống gậy đến bệnh viện nơi con trai ông mất để xin giấy báo tử.

Đến lần đầu tiên, bệnh viện bảo không tìm thấy thông tin về việc này.

Đến lần thứ hai, với cuốn sổ tang ghi lời chia buồn của mọi người, họ hẹn ông hai ngày sau quay lại.

Lần thứ ba, đúng hẹn ông đến thì lại nhận được cái hẹn khác là sau 7 ngày để họ tìm lại thông tin. Người hẹn lần này chính là ông bác sỹ đã ghi lời chia buồn trong cuốn sổ tang.

Nghĩ đơn giản, ông bác sỹ đó là người sẽ ký giấy xác nhận con trai ông 80 chết, ông bác sỹ cũng là người có mặt trong đám tang đó. Ông bác sỹ đã biết ngày giờ và lý do người ta chết. Vậy thì cấp cho người ta một cái giấy báo tử cho xong chuyện, đỡ phải hành nhau.

Nhưng ông bác sỹ đã không làm cái điều đơn giản nhưng lại có thể gây ra bao khó khăn phức tạp đối với một ông lão 80 tuổi như thế.

Bẩy ngày sau, ông 80 chống gậy lên gặp ông bác sỹ. Ơn trời là lần này ông đã được toại nguyện. Cầm tờ giấy báo tử của con trai trong tay, ông vui mừng như con trai ông được sống lại.

Với tờ giấy này trong tay, sau đó ông sẽ lên quận nộp. Hy vọng họ sẽ cấp lại cho ông cuốn hộ khẩu.

Nhưng đó mới chỉ là hy vọng. Còn từ phía công an, họ đang yêu cầu phải có giấy chứng tử kia.

Mà ngay cả khi được cấp hộ khẩu rồi, không biết sẽ còn khó khăn thử thách nào nữa đến với ông bà khi làm thủ tục đăng ký kết hôn.

Khốn khổ cho ông bà.

Trong lúc ông bà chờ để được thực hiện quyền và nghĩa vụ của một công dân đối với Nhà nước, tạm mở bài hát “Dĩ vãng cuộc tình” do ca sỹ Tuấn Hưng trình bày để ông bà nghe giết thời gian và tìm được sự đồng cảm qua lời bài hát.

“Tại sao yêu nhau không đến được với nhau, để giờ đây hai ta phải mỏi chân…”

GHT (28 – 7 – 2013)

  •  3208
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

0 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…