DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

Thêm kênh tích luỹ cho tuổi già ngoài bảo hiểm xã hội

Quỹ hưu trí tư nhân - Minh họa

Quỹ hưu trí tư nhân - Minh họa

Quỹ hưu trí tự nguyện tư nhân đầu tiên của Việt Nam vừa được ra mắt, giúp đảm bảo thu nhập cho người về hưu khi đóng góp của bảo hiểm xã hội có hạn.

Ngày 27/4, Công ty quản lý quỹ đầu tư Dragon Capital Việt Nam (DCVFM) ra mắt chương trình Hưu trí An Vui – chương trình hưu trí tự nguyện đầu tiên tại Việt Nam. Đây là công cụ hoạch định tài chính giúp người lao động tham gia tiết kiệm, đầu tư tích luỹ bổ sung thu nhập khi đến tuổi về hưu.

Hiện nay, người lao động tham gia bảo hiểm xã hội được hưởng lương hưu khi về già. Theo đại diện của DCVFM, kể cả khi họ tham gia từ sớm, mức chi trả tối đa 75% thu nhập trung bình từ lúc đi làm cho đến khi nghỉ hưu nhưng mức thực lĩnh tương đương 45% thu nhập bình quân 5 năm làm việc gần nhất trước nghỉ hưu.

Trong khi đó, nghiên cứu cho thấy mức thu nhập hưu trí cần thiết để duy trì mức sống như trước khi nghỉ hưu là 70-75% thu nhập bình quân trong 5 năm làm việc gần nhất. Bởi vậy, quỹ hưu trí tự nguyện ra đời với mục đích bù đắp 30% phần tiền thiếu hụt này cho người lao động.

Lãnh đạo DCVFM cho biết sẽ tiếp cận công chúng bằng cách ưu tiên triển khai chương trình hưu trí an vui thông qua doanh nghiệp. Có nghĩa là, doanh nghiệp và người lao động cùng tham gia góp tiền vào quỹ hưu trí (theo tỷ lệ tuỳ muốn) để người lao động có tiền khi về hưu.

Tiền của doanh nghiệp và cá nhân đóng góp sẽ được DCVFM đầu tư vào trái phiếu chính phủ và các quỹ cổ phiếu, trái phiếu, dưới giám sát của Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Ngân hàng Standard Charted là đơn vị độc lập giám sát hoạt động của quỹ.

Mỗi người lao động sẽ có tài khoản hưu trí cá nhân riêng, được quản trị bởi Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD). Người lao động có thể trực tiếp truy cập tài khoản hưu trí bất kỳ lúc nào.

Tiền của doanh nghiệp và người lao động được dùng đầu tư vào các tài sản an toàn, do đó lợi nhuận kỳ vọng hàng năm của quỹ hưu trí tự nguyện khoảng 7%, ngang với gửi tiết kiệm.

Mấu chốt chính là thay vì người lao động tự bỏ tiền túi ra gửi tiết kiệm là họ được doanh nghiệp cùng cùng san sẻ và đóng góp tiền vào quỹ hưu trí dành cho chính họ. Bên cạnh đó, kể cả trong trường hợp xấu nhất là khi công ty quản lý quỹ phá sản, người lao động và doanh nghiệp cũng không bị mất tiền. Công ty quản lý quỹ chỉ làm một việc duy nhất là ra quyết định đầu tư, còn tiền thì do ngân hàng (bên thứ ba) quản lý. Nếu công ty quản lý quỹ phá sản, ngân hàng giám sát sẽ "khoá" tiền lại, một công ty quản lý quỹ khác sẽ được chỉ định để quản lý danh mục đầu tư.

Chương trình hưu trí tự nguyện này bổ sung một loại phúc lợi hiệu quả cho doanh nghiệp để đãi ngộ và giữ chân nhân tài bên cạnh lương thưởng. Doanh nghiệp có thể áp dụng cho một số nhóm chọn lọc trong tổng số người lao động, với tỷ lệ đóng góp giữa người lao động và doanh nghiệp được thiết kế linh hoạt. Người lao động được khấu trừ 1 triệu đồng vào thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân hàng tháng, còn doanh nghiệp được khấu trừ thuế thu nhập với khoản đóng góp vào quỹ hưu trí này.

Hai yếu tố khiến ông Trần Thanh Tân, Phó chủ tịch DCVFM tin tưởng quỹ hưu trí tự nguyện có tiềm năng tại Việt Nam là sự gia tăng nhanh chóng của tầng lớp trung lưu và tốc độ già hóa dân số nhanh chóng.

Việt Nam đang đối mặt tình trạng già hoá dân số khi 15 năm nữa, những người tuổi từ 30 đến dưới 50 tuổi (nhóm tuổi đông nhất) sẽ cận tuổi về hưu. Bên cạnh đó, kinh nghiệm cho thấy, khi thu nhập bình quân người dân trên 5.000 USD, nhu cầu đầu tư ngoài kênh tiết kiệm sẽ bùng nổ. Theo thống kê, thu nhập bình quân hiện tại ở 10,5 triệu dân ở Hà Nội là 5.420 USD và 8 triệu người ở TP HCM năm 2020 là hơn 6.300 USD. Thêm vào đó, tuổi thọ trung bình của người Việt tăng lên do chăm sóc y tế tốt đang khiến bảo hiểm xã hội đứng trước áp lực quá tải.

Lãnh đạo của DCVFM nói rằng sau 10-15 năm nhìn lại, chúng ta sẽ có đáp án liệu đây có phải là thời điểm phù hợp để phát triển quỹ hưu trí hay không.

Có mặt tại sự kiện, ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó Vụ trưởng Tài chính ngân hàng, Bộ Tài chính đánh giá việc phát triển hệ thống hưu trí đa trụ cột, đặc biệt là chương trình hưu trí bổ sung tự nguyện là xu thế tất yếu. Điều này giúp củng cố sự bền vững của hệ thống an sinh xã hội khuyến khích tiết kiệm và hỗ trợ cho sự phát triển thị trường vốn.

Quỳnh Trang

Nguồn: VnExpress

  •  813
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

0 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…