Chào bạn, dựa vào thông tin bạn cung cấp, tôi xin có một vài trao đổi như sau:
Tại Điều 278 BLHS sửa đổi năm 2009 quy định về Tội tham ô như sau:
Điều 278. Tội tham ô tài sản
1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:
A) Gây hậu quả nghiêm trọng;
B) Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm;
C) Đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục A Chương này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm.
Như vậy, ta có thể hiểu dấu hiệu của tội tham ô được quy định như sau:
-Chủ thể ở đây phải là người có chức vụ, quyền hạn trong lĩnh vực công.
-Có hành vi chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý vào “túi riêng” của mình.
Tuy nhiên như bạn đã trình bày ở trên thì tôi không rõ bạn làm ở công ty thuộc Nhà nước hay công ty tư nhân. Vì nếu có hành vi chiếm đoạt tài sản của công ty thuộc Nhà nước thì mới bị coi là tham ô tài sản.
Hơn nữa, bạn không hề chiếm đoạt số tiền nào hết, tất cả đều sử dụng vào đúng mục đích của mọi người và công khai. Cả đi ăn và phát thưởng bạn đều tự nguyện chi tiền riêng của bạn ra để phục vụ lợi ích mọi người.
Do đó, trường hợp của bạn không thể bị coi là Tội tham ô tài sản được!
Tôi cũng xin bổ sung thêm cho bạn một số căn cứ pháp lý và thủ tục để bạn có thể khởi kiện quyết định sa thải đó theo Bộ Luật Tố tụng dân sự 2015 quy định như sau:
-Thứ nhất, đây là tranh chấp lao động, việc giải quyết này thuộc thẩm quyền Tòa án cấp huyện.
Điều 32. Những tranh chấp về lao động thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án
1. Tranh chấp lao động cá nhân giữa người lao động với người sử dụng lao động phải thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động mà hòa giải thành nhưng các bên không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, hòa giải không thành hoặc không hòa giải trong thời hạn do pháp luật quy định, trừ các tranh chấp lao động sau đây không bắt buộc phải qua thủ tục hòa giải:
a) Về xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải hoặc tranh chấp về trường hợp bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động;
Điều 35. Thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp huyện
1. Tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp sau đây:
c) Tranh chấp về lao động quy định tại Điều 32 của Bộ luật này.
-Tiếp theo, bạn sẽ gửi đơn khởi kiện theo hình thức, nội dung dưới đây đến Tòa án cấp huyện nơi bạn làm việc.
Điều 189. Hình thức, nội dung đơn khởi kiện
4. Đơn khởi kiện phải có các nội dung chính sau đây:
a) Ngày, tháng, năm làm đơn khởi kiện;
b) Tên Tòa án nhận đơn khởi kiện;
c) Tên, nơi cư trú, làm việc của người khởi kiện là cá nhân hoặc trụ sở của người khởi kiện là cơ quan, tổ chức; số điện thoại, fax và địa chỉ thư điện tử (nếu có).
Trường hợp các bên thỏa thuận địa chỉ để Tòa án liên hệ thì ghi rõ địa chỉ đó;
d) Tên, nơi cư trú, làm việc của người có quyền và lợi ích được bảo vệ là cá nhân hoặc trụ sở của người có quyền và lợi ích được bảo vệ là cơ quan, tổ chức; số điện thoại, fax và địa chỉ thư điện tử (nếu có);
đ) Tên, nơi cư trú, làm việc của người bị kiện là cá nhân hoặc trụ sở của người bị kiện là cơ quan, tổ chức; số điện thoại, fax và địa chỉ thư điện tử (nếu có). Trường hợp không rõ nơi cư trú, làm việc hoặc trụ sở của người bị kiện thì ghi rõ địa chỉ nơi cư trú, làm việc hoặc nơi có trụ sở cuối cùng của người bị kiện;
e) Tên, nơi cư trú, làm việc của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là cá nhân hoặc trụ sở của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là cơ quan, tổ chức; số điện thoại, fax và địa chỉ thư điện tử (nếu có).
Trường hợp không rõ nơi cư trú, làm việc hoặc trụ sở của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì ghi rõ địa chỉ nơi cư trú, làm việc hoặc nơi có trụ sở cuối cùng của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;
g) Quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm; những vấn đề cụ thể yêu cầu Tòa án giải quyết đối với người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;
h) Họ, tên, địa chỉ của người làm chứng (nếu có);
i) Danh mục tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện.
5. Kèm theo đơn khởi kiện phải có tài liệu, chứng cứ chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm. Trường hợp vì lý do khách quan mà người khởi kiện không thể nộp đầy đủ tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện thì họ phải nộp tài liệu, chứng cứ hiện có để chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm. Người khởi kiện bổ sung hoặc giao nộp bổ sung tài liệu, chứng cứ khác theo yêu cầu của Tòa án trong quá trình giải quyết vụ án.
Trên đây là toàn bộ góp ý của tôi, hy vọng trợ giúp pháp lý trên giúp ích được bạn.
Mọi thắc mắc xin vui lòng liên hệ theo địa chỉ dưới đây.
Trân trọng!
Chuyên gia tư vấn: Đỗ Thị Mến.
BỘ PHẬN TƯ VẤN PHÁP LUẬT HÌNH SỰ - HÀNH CHÍNH | CÔNG TY LUẬT VIỆT KIM
M: (+84-4) 32.123.124; (+84-4) 32.899.888 - E: cle.vietkimlaw@gmail.com; luatvietkim@gmail.com - W: www.vietkimlaw.com
Ad: Trụ sở chính - Tầng 5, Tòa nhà SHB, 34 Giang Văn Minh, Ba Đình, HN | VPGD - Tầng 5, Nhà C, 236 Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, HN.