Đề xuất điều kiện được cấp chứng chỉ thẩm tra viên an toàn giao thông đường bộ
Bộ Giao thông vận tải đang lấy ý kiến về Dự thảo Nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đường bộ 2024. Trong đó có đề xuất về điều kiện được cấp chứng chỉ thẩm tra viên an toàn giao thông đường bộ. >>> Xem Dự thảo Nghị định tại đây https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/9/04/duthaond-tt-bgtvt.docx (1) Chứng chỉ thẩm tra viên an toàn giao thông đường bộ là gì? Theo đó, tại khoản 1 Điều 52 Dự thảo Nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đường bộ 2024 (sau đây gọi là Dự thảo Nghị định), cá nhân tham gia thẩm tra an toàn giao thông (sau đây gọi là thẩm tra viên) phải có chứng chỉ thẩm tra viên an toàn giao thông đường bộ còn giá trị sử dụng do Cục Đường bộ Việt Nam cấp. Theo đề xuất tại khoản 1 Điều 56 Dự thảo Nghị định, chứng chỉ thẩm tra viên an toàn giao thông đường bộ (sau đây gọi là chứng chỉ) được Cục Đường bộ Việt Nam cấp và quản lý thống nhất trong phạm vi cả nước; mẫu chứng chỉ theo quy định tại Phụ lục XI của Dự thảo Nghị định. Chứng chỉ được đề xuất có thời hạn sử dụng trong 05 năm kể từ ngày cấp, trừ trường hợp cấp lại. Như vậy, chứng chỉ thẩm tra viên an toàn giao thông đường bộ là giấy tờ được dùng để chứng nhận cá nhân đủ điều kiện tham gia thẩm tra an toàn giao thông, do Cục Đường bộ Việt Nam cấp và quản lý thống nhất trên toàn quốc. Người muốn làm các công việc liên quan đến thẩm tra an toàn giao thông thì phải có chứng chỉ này. Việc yêu cầu chứng chỉ này nhằm đảm bảo rằng các thẩm tra viên có đủ năng lực và kiến thức chuyên môn để thực hiện công tác thẩm tra an toàn giao thông đường bộ. (2) Điều kiện được cấp chứng chỉ thẩm tra viên an toàn giao thông đường bộ Theo đề xuất tại khoản 2 Điều 55 Dự thảo Nghị định, học viên tham gia đào tạo thẩm tra viên an toàn giao thông đường bộ phải đảm bảo các điều kiện sau đây: - Là công dân Việt Nam, người nước ngoài được phép cư trú hoặc đang làm việc, học tập tại Việt Nam; - Có năng lực hành vi dân sự; có đủ sức khỏe; - Có trình độ từ đại học trở lên về chuyên ngành công trình đường bộ và có thời gian làm việc về thiết kế công trình đường bộ ít nhất 03 năm; hoặc có trình độ từ đại học trở lên và có thời gian ít nhất 05 năm tham gia hoạt động trong các lĩnh vực: quản lý giao thông, vận tải đường bộ, xây dựng đường bộ, bảo trì đường bộ. Nếu đáp ứng được các điều kiện trên, học viên sẽ được tham gia lớp đào tạo thẩm tra viên an toàn giao thông đường bộ. Sau khi có kết quả đạt trong kỳ thi khóa đào tạo, học viên sẽ được nhận Quyết định công nhận kết quả thi của học viên tham gia khóa đào tạo, đây là một thành phần quan trọng trong hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ thẩm tra viên an toàn giao thông đường bộ. (3) Hồ sơ, trình tự thủ tục cấp chứng chỉ thẩm tra viên an toàn giao thông đường bộ Theo khoản 2 Điều 56 Dự thảo Nghị định, hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ thẩm tra viên an toàn giao thông đường bộ sẽ do cơ sở đào tạo lập thành 01 bộ, bao gồm các thành phần: - Tờ trình cấp chứng chỉ theo mẫu quy định tại Phụ lục XII Dự thảo Nghị định; - Quyết định công nhận kết quả thi của học viên tham gia khóa đào tạo; - 02 ảnh màu của mỗi học viên đề nghị cấp chứng chỉ (ảnh cỡ 4 cm x 6 cm, nền màu xanh, kiểu thẻ căn cước, chụp trong thời gian không quá 06 tháng). Theo đó, trình tự thủ tục cấp chứng chỉ thẩm tra viên an toàn giao thông đường bộ như sau: Bước 1: Cơ sở đào tạo có nhu cầu nộp hồ sơ trực tiếp hoặc qua hệ thống bưu điện đến Cục Đường bộ Việt Nam; Bước 2: Cục Đường bộ Việt Nam tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ: - Đối với trường hợp nộp trực tiếp: Sau khi kiểm tra thành phần hồ sơ, nếu đúng quy định thì tiếp nhận ngay hồ sơ; nếu không đúng quy định, hướng dẫn trực tiếp cho cơ sở đào tạo hoàn thiện hồ sơ; - Đối với trường hợp nộp qua hệ thống bưu điện: Nếu hồ sơ chưa đầy đủ theo quy định, chậm nhất sau 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, phải có văn bản hướng dẫn cho cơ sở đào tạo hoàn thiện hồ sơ. Bước 3: Cục Đường bộ Việt Nam tiến hành thẩm định hồ sơ, nếu đủ điều kiện, cấp chứng chỉ cho từng học viên có tên trong Tờ trình của cơ sở đào tạo. Trường hợp không cấp chứng chỉ phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do. - Thời hạn giải quyết: 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định. Bước 4: Học viên theo dõi Danh sách thẩm tra viên an toàn giao thông đường bộ được cấp chứng chỉ được công khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam để biết kết quả của mình. Trên đây là điều kiện, hồ sơ, trình tự cấp chứng chỉ thẩm tra viên an toàn giao thông đường bộ theo đề xuất tại Dự thảo Nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đường bộ 2024 của Bộ Giao Thông Vận tải. >>> Xem Dự thảo Nghị định tại đây https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/9/04/duthaond-tt-bgtvt.docx
Thủ tục cấp Giấy phép vận tải đường bộ quốc tế ASEAN mới nhất
Thủ tục cấp Giấy phép vận tải đường bộ quốc tế ASEAN là thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực đường bộ được Bộ Giao thông Vận tải công bố tại Quyết định 155/QĐ-BGTVT năm 2022 công bố thủ tục hành chính mới ban hành, được sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ trong lĩnh vực đường bộ thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Giao thông vận tải. Trình tự thực hiện cấp Giấy phép vận tải đường bộ quốc tế ASEAN - Đơn vị kinh doanh vận tải nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép vận tải đường bộ quốc tế ASEAN đến Tổng cục Đường bộ Việt Nam. - Tổng cục Đường bộ Việt Nam tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ. Trường hợp tiếp nhận hồ sơ trực tiếp tại cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép hoặc qua đường bưu chính, cán bộ tiếp nhận hồ sơ cập nhật thông tin của các hồ sơ đúng theo quy định vào hệ thống dịch vụ công trực tuyến của cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép. Trường hợp hồ sơ cần sửa đổi, bổ sung, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép thông báo trực tiếp hoặc bằng văn bản hoặc qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến cho đơn vị kinh doanh vận tải trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ. - Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép thực hiện cấp Giấy phép vận tải đường bộ quốc tế ASEAN. Trường hợp không cấp, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép thông báo bằng văn bản hoặc qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến và nêu rõ lý do. - Việc trả kết quả được thực hiện tại trụ sở Tổng cục Đường bộ Việt Nam hoặc qua đường bưu chính hoặc hình thức trực tuyến theo quy định. Cách thức thực hiện cấp Giấy phép vận tải đường bộ quốc tế ASEAN Nộp hồ sơ trực tiếp, trực tuyến, đường bưu chính. Thành phần hồ sơ cấp Giấy phép vận tải đường bộ quốc tế ASEAN - Giấy đề nghị cấp Giấy phép vận tải đường bộ quốc tế ASEAN theo mẫu. Số lượng hồ sơ cấp Giấy phép vận tải đường bộ quốc tế ASEAN: 01 bộ. Thời hạn giải quyết: Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định. Cơ quan thực hiện thủ tục hành chính: - Cơ quan có thẩm quyền quyết định: Tổng cục Đường bộ Việt Nam. - Cơ quan hoặc người có thẩm quyền được uỷ quyền hoặc phân cấp thực hiện: Không có. - Cơ quan trực tiếp thực hiện thủ tục hành chính: Tổng cục Đường bộ Việt Nam. - Cơ quan phối hợp: Không có. Phí, lệ phí: Không có. Kết quả của việc thực hiện thủ tục hành chính: Giấy phép vận tải đường bộ quốc tế ASEAN. Trên đây là thủ tục hành chính cấp Giấy phép vận tải đường bộ quốc tế ASEAN mới nhất.
Mở rộng đường bộ đang khai thác nâng cấp thành đường cao tốc từ ngày 01/01/2025
Luật Đường bộ 2024 bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01/01/2025 trong đó có quy định về việc mở rộng, nâng cấp đường cao tốc và trách nhiệm của Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong quản lý, vận hành, khai thác đường cao tốc như sau: Chính sách phát triển đường cao tốc Ngoài chính sách phát triển đối với hoạt động đường bộ tại Điều 4 Luật Đường bộ 2024, chính sách phát triển đường cao tốc thực hiện theo quy định tại Điều 46 Luật Đường bộ 2024 như sau: - Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân sử dụng các nguồn lực tham gia đầu tư, xây dựng, vận hành, khai thác và bảo trì công trình đường cao tốc theo phương thức đối tác công tư và hình thức khác theo quy định của pháp luật; - Bảo đảm ưu tiên bố trí ngân sách nhà nước để đầu tư, xây dựng các dự án có yêu cầu bảo đảm quốc phòng, an ninh; dự án đi qua địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; dự án kết nối tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội và dự án khác không thu hút được nguồn vốn ngoài ngân sách; - Nhà nước ưu tiên bố trí ngân sách nhà nước, nguồn lực khác trong các trường hợp sau đây: + Thực hiện nghĩa vụ của Nhà nước theo quy định của pháp luật và hợp đồng dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư; + Mở rộng, nâng cấp đường cao tốc đang đầu tư hoặc đã khai thác theo quy mô phân kỳ. Mở rộng, nâng cấp đường cao tốc, đường bộ đang khai thác nâng cấp thành đường cao tốc Theo Điều 48 Luật Đường bộ 2024 quy định như sau: - Đối với dự án đã được đầu tư theo phương thức đối tác công tư đang trong giai đoạn thực hiện hợp đồng dự án, cơ quan ký kết hợp đồng thỏa thuận với nhà đầu tư về việc mở rộng, nâng cấp đường cao tốc hoặc đường bộ đang khai thác nâng cấp thành đường cao tốc theo một trong các phương án sau đây: + Nhà đầu tư đề xuất điều chỉnh dự án đầu tư để mở rộng, nâng cấp; + Nhà nước tổ chức lập dự án đầu tư mở rộng, nâng cấp theo phương thức đối tác công tư hoặc đầu tư công, trừ trường hợp trùng lặp với dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư đã có quyết định chủ trương đầu tư hoặc quyết định dự án hoặc trùng lặp với dự án đầu tư công đã có quyết định chủ trương đầu tư hoặc đã có quyết định đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư, pháp luật về đầu tư công. - Trường hợp thỏa thuận được với nhà đầu tư, cơ quan có thẩm quyền thực hiện thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư, dự án đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và tổ chức đàm phán với nhà đầu tư hiện hữu để điều chỉnh hợp đồng. - Trường hợp không thỏa thuận được với nhà đầu tư theo 2 nội dung trên, cơ quan có thẩm quyền thực hiện chấm dứt hợp đồng theo quy định của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư đối với trường hợp chấm dứt hợp đồng vì lợi ích quốc gia, bảo đảm yêu cầu về quốc phòng, an ninh quốc gia. Quy định về công tác thực hiện quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường cao tốc Theo Điều 49 Luật Đường bộ 2024, Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và các tổ chức khác thực hiện quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường cao tốc như sau: - Ứng dụng giao thông thông minh trong quản lý, vận hành, khai thác và bảo trì kết cấu hạ tầng đường cao tốc nhằm cung cấp các thông tin cần thiết cho người tham gia giao thông đường bộ; phát hiện, cảnh báo và xử lý sự cố trên đường cao tốc; theo dõi phương tiện, thu thập, quản lý và khai thác dữ liệu giao thông; - Công tác kiểm tra, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường cao tốc được thực hiện thường xuyên, kịp thời xử lý sự cố trên đường cao tốc; - Đối với các hạng mục liên quan đến an toàn xe chạy, các công trình cầu, hầm đường bộ và các công trình, thiết bị liên quan đến an toàn trong vận hành, khai thác phải được kiểm tra đánh giá thường xuyên, định kỳ; sửa chữa, khắc phục kịp thời; - Việc khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường cao tốc thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư và quy định khác của pháp luật có liên quan. Như vậy, việc mở rộng, nâng cấp đường cao tốc hoặc đường bộ đang khai thác nâng cấp thành đường cao tốc được thực hiện để đáp ứng yêu cầu vận tải, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, vì lợi ích quốc gia, bảo đảm yêu cầu về quốc phòng, an ninh và phù hợp với quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Từ ngày 01/01/2025 khi Luật Đường bộ 2024 có hiệu lực từ ngày 01/01/2025 sẽ bắt đầu áp dụng những quy định trên.
Thủ tục cấp giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ
Đối với trường hợp muốn vận chuyển hàng hóa nguy hiểm là các chất ôxy hóa, các hợp chất ô xít hữu cơ và các chất ăn mòn bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ phải thực hiện xin cấp phép vận chuyển như thế nào. Cần chuẩn bị hồ sơ gồm những giấy tờ gì để xin cấp phép nhập khẩu Trình tự cấp giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm là các chất ôxy hóa, các hợp chất ô xít hữu cơ và các chất ăn mòn bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ Bước 1: Tiếp nhận hồ sơ Tổ chức, cá nhân có nhu cầu vận chuyển hàng nguy hiểm bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa chuẩn bị hồ sơ theo quy định và gửi hồ sơ qua đường bưu điện hoặc nộp trực tiếp tại trụ sở hoặc qua Cổng thông tin điện tử của Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi tổ chức, cá nhân đăng ký doanh nghiệp, cụ thể: - Trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp tại trụ sở Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, các tài liệu quy định chưa được chứng thực từ bản chính, tổ chức, cá nhân phải xuất trình bản chính để đối chiếu. - Trường hợp hồ sơ được gửi qua bưu điện, các tài liệu quy định, tổ chức, cá nhân phải nộp bản sao đã được chứng thực từ bản chính. - Trường hợp nộp hồ sơ qua Cổng thông tin điện tử của Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, thực hiện theo văn bản hướng dẫn về giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến tại địa phương. Bước 2: Xử lý hồ sơ Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tiếp nhận hồ sơ, xem xét, thẩm định theo quy định: - Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ hoặc hồ sơ đầy đủ nhưng nội dung chưa hợp lệ, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thông báo bằng thư điện tử (email) hoặc bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân đề nghị bổ sung hồ sơ theo quy định. Sau 30 (ba mươi) ngày kể từ ngày có thông báo yêu cầu tổ chức, cá nhân bổ sung hồ sơ nhưng không nhận được văn bản giải trình lý do không bổ sung được hồ sơ theo quy định, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng có văn bản thông báo từ chối cấp Giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm và nêu rõ lý do. - Trường hợp hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tổ chức thẩm định hồ sơ và cấp Giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm cho tổ chức, cá nhân. - Trường hợp hồ sơ đề nghị vận chuyển hàng nguy hiểm có số lượng lớn hơn mức quy định tại cột 7 Phụ lục 1 về ngưỡng khối lượng cần xây dựng phương án ứng cứu khẩn cấp ban hành kèm theo Thông tư 37/2020/TT-BCT quy định về Danh mục hàng hóa nguy hiểm phải đóng gói trong quá trình vận chuyển và vận chuyển hàng hóa nguy hiểm bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa do Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành + Việc thẩm định thực tế được sử dụng chuyên gia và thành lập Tổ thẩm định để thực hiện. Tổ thẩm định do Chi cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng ra quyết định thành lập. + Sau khi kết thúc thẩm định thực tế, Tổ thẩm định phải lập Biên bản thẩm định thực tế, trong đó phải kết luận rõ hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm phù hợp hoặc không phù hợp với quy định và kiến nghị cấp hoặc không cấp Giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm cho tổ chức, cá nhân hoặc nêu rõ các nội dung yêu cầu tổ chức, cá nhân phải khắc phục. + Trường hợp tổ chức, cá nhân không phải thực hiện hành động khắc phục để hoàn thiện hồ sơ cấp Giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng có trách nhiệm cấp Giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm cho tổ chức, cá nhân. + Trường hợp tổ chức, cá nhân phải thực hiện hành động khắc phục để hoàn thiện hồ sơ cấp Giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tổ chức thẩm định bổ sung kết quả hành động khắc phục. Việc thẩm định bổ sung do Tổ thẩm định thực hiện. Kết quả thẩm định bổ sung phải được lập thành Biên bản và ghi rõ là “Biên bản thẩm định bổ sung”. Nội dung Biên bản thẩm định bổ sung nêu rõ kết luận đạt yêu cầu hoặc không đạt yêu cầu và kiến nghị cấp hay không cấp Giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm cho tổ chức, cá nhân. Sau khi có kết quả thẩm định bổ sung, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng có trách nhiệm cấp hoặc từ chối cấp Giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm cho tổ chức, cá nhân. Trường hợp từ chối cấp Giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm thì văn bản từ chối phải nêu rõ lý do. Bước 3: Trả kết quả Trả kết quả trực tiếp tại trụ sở Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng hoặc theo đường bưu điện. Thành phần hồ sơ cấp giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm là các chất ôxy hóa, các hợp chất ô xít hữu cơ và các chất ăn mòn bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ - Giấy chứng nhận đã tham gia, hoàn thành khóa đào tạo và huấn luyện kỹ thuật an toàn hóa chất còn thời hạn hiệu lực do Sở Công Thương cấp cho người điều khiển phương tiện vận chuyển, người áp tải và người tham gia vận chuyển hàng nguy hiểm; - Phiếu an toàn hóa chất của hàng nguy hiểm cần vận chuyển bằng tiếng Việt của doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu hàng nguy hiểm. - Đơn đề nghị cấp Giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm; - Giấy chứng nhận tổ chức, cá nhân được phép hoạt động kinh doanh hàng nguy hiểm hoặc được phép kinh doanh vận chuyển hàng hóa theo quy định của pháp luật hiện hành; - Giấy chứng nhận tổ chức, cá nhân được phép hoạt động kinh doanh hàng nguy hiểm hoặc được phép kinh doanh vận chuyển hàng hóa theo quy định của pháp luật hiện hành; - Giấy phép điều khiển phương tiện vận chuyển còn thời hạn hiệu lực của người điều khiển phương tiện vận chuyển phù hợp với loại phương tiện dùng để vận chuyển hàng nguy hiểm; - Giấy đăng ký phương tiện vận chuyển, Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện vận chuyển còn thời hạn hiệu lực do cơ quan có thẩm quyền cấp; Giấy chứng nhận bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ phương tiện vận chuyển còn thời hạn hiệu lực do cơ quan Bảo hiểm cấp cho chủ phương tiện; - Bản sao hợp đồng thương mại hoặc bản sao văn bản thỏa thuận về việc vận chuyển hàng nguy hiểm có chữ ký, đóng dấu xác nhận (nếu có) của các bên ký hợp đồng hoặc văn bản thỏa thuận trong trường hợp tổ chức, cá nhân có hàng nguy hiểm cần vận chuyển phải thuê phương tiện vận chuyển. - Chứng chỉ huấn luyện an toàn lao động - vệ sinh lao động còn thời hạn hiệu lực của những người tham gia vận chuyển hàng nguy hiểm; - Phương án ứng cứu khẩn cấp sự cố hóa chất trong vận chuyển hàng nguy hiểm được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. - Phương án làm sạch thiết bị và thực hiện các yêu cầu về bảo vệ môi trường sau khi kết thúc việc vận chuyển hàng nguy hiểm có chữ ký, đóng dấu xác nhận của tổ chức, cá nhân đề nghị cấp Giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm =>> Trên đây là trình tự thủ tục cũng như thành phần hồ sơ cần có để thực hiện cấp giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm là các chất ôxy hóa, các hợp chất ô xít hữu cơ và các chất ăn mòn bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ
Hướng dẫn các phương thức nộp phí sử dụng đường bộ năm 2024
Đây là nội dung được quy định tại Nghị định 90/2023/NĐ-CP ngày 13/12/2023 quy định mức thu, chế độ thu, nộp, miễn, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ từ ngày 01/2/2024. 1. Đối tượng nào phải chịu phí sử dụng đường bộ năm 2024? Căn cứ khoản 1 Điều 2 Nghị định 90/2023/NĐ-CP quy định đối tượng chịu phí sử dụng đường bộ là các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ đã đăng ký (có giấy chứng nhận đăng ký xe và biển số xe), kiểm định để lưu hành (được cấp Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường), bao gồm: - Xe ô tô. - Xe đầu kéo. - Các loại xe tương tự (sau đây gọi chung là ô tô). 2. Mức thu phí sử dụng đường bộ năm 2024 là bao nhiêu? Theo Điều 5 Nghị định 90/2023/NĐ-CP quy định mức thu phí sử dụng đường bộ quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này tải. Trường hợp số tiền phí phải nộp là số tiền lẻ thì tổ chức thu phí tính tròn số theo nguyên tắc số tiền phí lẻ dưới 500 đồng thì tính tròn xuống, số tiền phí lẻ từ 500 đồng đến dưới 1.000 đồng thì tính tròn lên 1.000 đồng. 3. Phương thức tính, nộp phí sử dụng đường bộ từ năm 2024 Đối với xe ô tô của các tổ chức, cá nhân đăng ký tại Việt Nam (trừ xe ô tô của lực lượng quốc phòng, công an quy định tại khoản 2 Điều này). Đối với xe ô tô kiểm định lần đầu, thời điểm tính phí sử dụng đường bộ tính từ ngày phương tiện được cấp Giấy chứng nhận kiểm định. Đối với xe ô tô cải tạo, chuyển đổi công năng hoặc chuyển đổi sở hữu từ tổ chức sang cá nhân (và ngược lại) thì mức thu phí tính từ ngày chuyển đổi công năng hoặc chuyển đổi sở hữu theo Giấy chứng nhận đăng ký mới của xe ô tô. Phí sử dụng đường bộ tính theo năm, tháng hoặc theo chu kỳ kiểm định của xe ô tô. Đơn vị đăng kiểm cấp Tem nộp phí sử dụng đường bộ tương ứng với thời gian nộp phí. Cụ thể như sau: - Tính, nộp phí theo chu kỳ kiểm định + Đối với xe ô tô có chu kỳ kiểm định từ 01 năm trở xuống: Chủ phương tiện thực hiện nộp phí sử dụng đường bộ cho cả chu kỳ kiểm định và được cấp Tem nộp phí sử dụng đường bộ tương ứng với thời gian nộp phí. + Đối với xe ô tô có chu kỳ kiểm định trên 01 năm (18 tháng, 24 tháng và 36 tháng): Chủ phương tiện phải nộp phí sử dụng đường bộ theo năm (12 tháng) hoặc nộp cho cả chu kỳ kiểm định (18 tháng, 24 tháng và 36 tháng). Trường hợp nộp phí theo chu kỳ kiểm định (18 tháng, 24 tháng và 36 tháng): Đơn vị đăng kiểm cấp Tem nộp phí sử dụng đường bộ tương ứng với chu kỳ kiểm định. Hết thời hạn nộp phí (chu kỳ kiểm định), chủ phương tiện phải đến đơn vị đăng kiểm để kiểm định và nộp phí cho chu kỳ kiểm định tiếp theo. Trường hợp nộp phí theo năm (12 tháng): Đơn vị đăng kiểm cấp Tem nộp phí sử dụng đường bộ tương ứng với thời gian nộp phí 12 tháng. Hết thời hạn nộp phí (12 tháng), chủ phương tiện phải đến đơn vị đăng kiểm nộp phí và được cấp Tem nộp phí sử dụng đường bộ của thời gian tiếp theo (12 tháng hoặc thời gian còn lại của chu kỳ đăng kiểm). + Trường hợp chủ phương tiện đến kiểm định sớm hơn hoặc chậm hơn thời gian theo chu kỳ kiểm định quy định, đơn vị đăng kiểm kiểm tra xe và tính tiền phí sử dụng đường bộ nối tiếp từ thời điểm cuối của khoảng thời gian đã nộp phí sử dụng đường bộ lần trước cho đến hết chu kỳ kiểm định của kỳ tiếp theo (nếu chu kỳ kiểm định tiếp theo trên 12 tháng, chủ phương tiện có thể nộp đến 12 tháng hoặc nộp cả chu kỳ kiểm định). Trường hợp thời gian tính phí không tròn tháng thì số phí phải nộp sẽ tính bằng số ngày lẻ chia 30 ngày nhân với mức phí của 01 tháng. + Trường hợp chủ phương tiện chưa nộp phí sử dụng đường bộ của các chu kỳ kiểm định trước theo thời hạn quy định thì ngoài số phí phải nộp cho chu kỳ tiếp theo, chủ phương tiện còn phải nộp số phí chưa nộp của chu kỳ trước. Đơn vị đăng kiểm sẽ truy thu số phí phải nộp của chu kỳ trước, số phí phải nộp bằng mức thu phí của 01 tháng nhân với thời gian nộp chậm. + Trường hợp chủ phương tiện muốn nộp phí sử dụng đường bộ cho thời gian dài hơn chu kỳ kiểm định, đơn vị đăng kiểm thu phí và cấp Tem nộp phí sử dụng đường bộ tương ứng với thời gian nộp phí. + Đối với xe ô tô bị tịch thu, bị thu hồi bởi cơ quan Nhà nước có thẩm quyền; xe ô tô của các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập (mang biển kiểm soát màu xanh); xe ô tô của lực lượng quốc phòng, công an thanh lý; xe ô tô thế chấp bị tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thu hồi mà trong thời gian bị tịch thu, thu hồi, chờ thanh lý không kiểm định để lưu hành sau đó được bán phát mại, thanh lý thì chủ mới của phương tiện chỉ phải nộp phí sử dụng đường bộ từ thời điểm mang xe đi kiểm định để lưu hành. Khi kiểm định lưu hành, chủ phương tiện phải xuất trình cho cơ quan đăng kiểm các giấy tờ liên quan như: Quyết định tịch thu hoặc thu hồi của cấp có thẩm quyền; quyết định thu hồi tài sản thế chấp; quyết định cho phép thanh lý tài sản đối với các tài sản thuộc sở hữu của các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị lực lượng quốc phòng, công an; biên bản hoặc hợp đồng thực hiện hoàn tất thủ tục mua tài sản được bán thanh lý, bán đấu giá. Trường hợp xe bán thanh lý, phát mại đã nộp phí qua thời điểm đi kiểm định lại để lưu hành thì chủ phương tiện nộp phí tính từ thời điểm nối tiếp theo kỳ hạn đã nộp phí của chu kỳ trước. - Nộp phí theo năm dương lịch Các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có nhu cầu nộp phí sử dụng đường bộ theo năm dương lịch gửi thông báo bằng văn bản (lần đầu hoặc khi phát sinh tăng, giảm phương tiện) đến đơn vị đăng kiểm và thực hiện nộp phí sử dụng đường bộ theo năm dương lịch đối với các phương tiện của mình. Hàng năm, trước ngày 01 tháng 01 của năm tiếp theo, chủ phương tiện phải đến đơn vị đăng kiểm nộp phí cho năm tiếp theo. Khi thu phí, đơn vị đăng kiểm cấp Tem nộp phí sử dụng đường bộ cho từng xe tương ứng thời gian nộp phí. - Nộp phí theo tháng Doanh nghiệp có số phí sử dụng đường bộ phải nộp từ 30 triệu đồng/tháng trở lên được thực hiện nộp phí theo tháng. Doanh nghiệp có văn bản (lần đầu hoặc khi phát sinh tăng, giảm phương tiện) gửi đơn vị đăng kiểm và thực hiện nộp phí đối với các phương tiện của mình. Hàng tháng, trước ngày 01 của tháng tiếp theo, doanh nghiệp phải đến đơn vị đăng kiểm (đã đăng ký nộp phí theo tháng) nộp phí sử dụng đường bộ cho tháng tiếp theo. Khi thu phí, tổ chức thu phí cấp Tem nộp phí sử dụng đường bộ tương ứng thời gian nộp phí.
Bãi đỗ xe trạm dừng nghỉ chân đường bộ cần đáp ứng tiêu chuẩn ra sao?
Trạm dừng chân đường bộ thường được xây dựng gần các đường cao tốc để cho các xe khách trên đường dài có thể đến để nghỉ ngơi, mua sắm và vệ sinh. Vậy, bãi đỗ xe trạm dừng chân giao thông đường bộ cần đáp ứng tiêu chuẩn gì? 1. Bãi đỗ xe và đường ra, vào bãi đỗ xe cần đáp ứng tiêu chuẩn gì? Căn cứ 2.3.2. QCVN 43: 2012/BGTVT quy định về bãi đỗ xe và đường ra, vào bãi đỗ xe như sau: - Khu vực bãi đỗ xe: Thiết kế hướng đỗ xe hợp lý để đáp ứng nhu cầu đỗ xe của từng loại phương tiện, đảm bảo an toàn, thuận tiện; - Diện tích tối thiểu cho một chỗ đỗ của xe ô tô khách, xe ô tô tải là 40 m2 và cho xe ô tô con là 25m2. Có vạch sơn để phân định rõ từng vị trí đỗ xe. Có vị trí đỗ xe riêng cho người khuyết tật với diện tích tối thiểu 25m2 (Theo QCVN 07:2010/BXD); - Đường lưu thông trong trạm dừng nghỉ phải có các biển báo hiệu, vạch kẻ đường; có bán kính quay xe phù hợp (nhưng bán kính tối thiểu không nhỏ hơn 10m tính theo tim đường được quy định tại QCVN 07:2010/BXD để đảm bảo cho các loại phương tiện lưu thông an toàn trong khu vực trạm dừng nghỉ; - Đường ra, vào bãi đỗ xe phải được thiết kế theo các quy định và tiêu chuẩn hiện hành, đảm bảo lưu thông, hạn chế tối thiểu xung đột giữa dòng phương tiện vào và ra và với người đi bộ. 2. Nơi nghỉ ngơi của trạm dừng chân dành cho lái xe và hành khách Quy định về nơi nghỉ ngơi của lái xe và hành khách được quy định tại 2.3.3. QCVN 43: 2012/BGTVT như sau: - Phòng nghỉ tạm thời cho lái xe phải được trang bị ghế ngả, quạt điện hoặc điều hòa nhiệt độ. - Không gian nghỉ ngơi là khu vực kết cấu kiến trúc có mái che hoặc khu vực trong cây xanh, thảm cỏ có bố trí ghế ngồi (không kể khu vực các công trình dịch vụ thương mại), số lượng ghế ngồi được tính toán căn cứ theo lưu lượng khách vào trạm dừng nghỉ, đảm bảo khách vào trạm dừng nghỉ có nơi nghỉ ngơi khi không sử dụng các dịch vụ thương mại của trạm dừng nghỉ. 3. Quy định về khu vệ sinh của trạm dừng chân Căn cứ 2.3.4. QCVN 43: 2012/BGTVT quy định về khu vệ sinh trạm dừng chân được xây dựng như sau: - Khu vệ sinh phải được bố trí ở những nơi dễ quan sát, tiện cho khách sử dụng, đồng thời tránh ảnh hưởng tới các khu vực ăn uống và nghỉ ngơi của hành khách. Khu vệ sinh phải bố trí vệ sinh nam, nữ riêng và đảm bảo người khuyết tật có thể tiếp cận sử dụng; nơi vệ sinh dành cho người khuyết tật phải có biển báo theo quy ước quốc tế; - Khu vệ sinh phải đảm bảo chống thấm, chống ẩm ướt, thoát mùi hôi thối, thông thoáng, tường, mặt sàn và thiết bị phải luôn sạch sẽ. Số lượng, chất lượng các loại thiết bị vệ sinh phải phù hợp với quy định của từng loại công trình theo TCXDVN 276:2003; - Khu vệ sinh phải được thông gió tự nhiên trực tiếp; nếu thông gió tự nhiên không đáp ứng yêu cầu thì phải dùng thông gió cơ giới theo quy định tại TCVN 5687:2010; - Nền, mặt tường khu vệ sinh phải dùng loại vật liệu không hút nước, không hút bẩn, chịu xâm thực, dễ làm vệ sinh; - Tại các vị trí bố trí chậu để rửa tay nên bố trí bàn, gương, móc treo. 4. Khu vực giới thiệu và bán hàng hóa được xây dựng thế nào? Theo 2.3.6. QCVN 43: 2012/BGTVT quy định về khu vực giới thiệu và bán hàng hóa như sau: - Việc bố trí nội thất, kệ, quầy bán hàng phải bảo đảm đồng thời hai yếu tố thẩm mỹ và thông thoáng. Việc bố trí không gian nội thất nên cơ động, linh hoạt, dễ dàng thay đổi khi cần thiết; - Không gian mua hàng của khách phải đảm bảo thuận tiện để hành khách đi lại, đứng xem, chọn hàng, thử hàng, mua hàng. 5. Tiêu chuẩn đối với khu vực phục vụ ăn uống, giải khát của trạm dừng chân Căn cứ 2.3.7. QCVN 43: 2012/BGTVT về khu vực phục vụ ăn uống, giải khát được quy định như sau: - Khu vực phục vụ ăn uống, giải khát cho hành khách và lái xe phải được bố trí một khu vực riêng; - Khu vực phục vụ ăn uống phải được bố trí bàn ăn, ghế ngồi và thùng rác đảm bảo vệ sinh môi trường; - Khu vực chế biến thức ăn và khu vực phục vụ hành khách được ngăn cách bằng vách ngăn lửng hoặc được bố trí khu vực riêng biệt; - Nền khu vực phục vụ ăn uống phải dùng loại vật liệu dễ làm vệ sinh; - Khu vực phục vụ ăn uống phải được thông gió tự nhiên và trang bị hệ thống quạt mát, quạt hút mùi. Tùy theo yêu cầu cụ thể của từng trường hợp có thể thông gió bằng phương pháp cơ giới và thiết bị điều hòa nhiệt độ theo quy định tại TCVN 5687: 2010; - Khu vực ăn uống phải đảm bảo luôn sạch sẽ, đáp ứng đầy đủ các quy định về vệ sinh môi trường, các sản phẩm ăn uống phục vụ khách hàng phải đảm bảo các quy định về vệ sinh, an toàn thực phẩm.
Bộ GTVT hướng dẫn rà soát việc kết nối các tuyến đường bộ cao tốc
Ngày 15/9/2023, Bộ Giao thông vận tải ban hành Công văn 10353/BGTVT-KHĐT về việc hướng dẫn rà soát việc kết nối các tuyến đường bộ cao tốc theo Công điện 769/CĐ-TTg ngày 26/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện 769/CĐ-TTg ngày 26/8/2023 về việc rà soát việc kết nối các tuyến đường bộ cao tốc nhằm phát huy hiệu quả đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các vùng, địa phương, để có cơ sở báo cáo các cấp có thẩm quyền, Bộ GTVT đề nghị Ủy ban nhân dân (UBND) các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: (1) Nghiên cứu, rà soát quy hoạch tỉnh/thành phố đã và đang được triển khai về định hướng phát triển các khu vực đô thị, các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu du lịch, khu đô thị mới, cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu quốc tế... để tổng hợp, thống kê nhu cầu kết nối với hệ thống đường bộ cao tốc trên địa bàn (bao gồm các tuyến đường bộ đang khai thác, đang đầu tư và theo quy hoạch). Lưu ý khi quy hoạch xây dựng đầu tư các tuyến đường của địa phương kết nối với các tuyến đường bộ cao tốc phải bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả cao nhất có thể. (2) Việc kết nối đường bộ cao tốc phải tuân thủ quy định tại khoản 10 Điều 1 Nghị định 25/2023/NĐ-CP ngày 19/5/2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 32/2014/NĐ-CP ngày 22/4/2014 về quản lý, khai thác và bảo trì công trình đường cao tốc. Các vị trí kết nối (là nút giao khác mức liên thông với đường bộ cao tốc) phải bảo đảm khoảng cách theo quy định tại Mục 8.4 TCVN 5729:2012 (Đường ô tô cao tốc - Yêu cầu thiết kế). (3) Rà soát, đánh giá hiện trạng và đề xuất đầu tư các tuyến kết nối hoặc bổ sung/hoàn thiện nút giao khác mức liên thông. Các đề xuất đầu tư phải phù hợp với hiện trạng, quy hoạch của tuyến kết nối/nút giao khác mức liên thông, tiến trình đầu tư công trình, dự án có liên quan để bảo đảm kết nối hiệu quả, đồng bộ, sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư. Đối với các tuyến kết nối/nút giao khác mức liên thông cần đầu tư ngay, đề nghị thuyết minh làm rõ các nội dung: - Sự cần thiết đầu tư: làm rõ việc kết nối đường bộ cao tốc với các đô thị, khu chức năng quan trọng của địa phương, trường hợp khoảng cách với nút giao liền kề từ 5km đến 10km, đề nghị thuyết minh chi tiết sự cần thiết bảo đảm đáp ứng yêu cầu theo quy định Mục 8.4.2 TCVN 5729:2012. - Phạm vi, quy mô đầu tư (số làn xe, đầu tư phân kỳ hay hoàn chỉnh). - Sơ bộ tổng mức đầu tư. - Nguồn vốn: địa phương nghiên cứu ưu tiên bố trí vốn và chủ động các nguồn lực để đầu tư: (i) các tuyến kết nối thuộc thẩm quyền đầu tư của địa phương; (ii) các nút giao khác mức, tuyến kết nối thuộc nhiệm vụ, dự án đã được phân cấp đầu tư; (iii) các nút giao khác mức với đường bộ cao tốc đang khai thác theo quy định tại khoản 10 Điều 1 Nghị định 25/2023/NĐ-CP. Đối với tuyến kết nối/nút giao khác mức thuộc thẩm quyền đầu tư của Trung ương, đề nghị bổ sung thống kê để rà soát, tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét. - Tiến trình đầu tư: thuyết minh bảo đảm phù hợp tiến trình đầu tư, thời điểm hình thành các đô thị, khu chức năng, các khu vực phát sinh nhu cầu vận tải; tiến trình đầu tư tuyến đường bộ cao tốc. Văn bản rà soát bao gồm phần thuyết minh đề xuất các tuyến kết nối/nút giao khác mức liên thông cần đầu tư ngay và phụ lục thống kê nhu cầu kết nối theo Biểu mẫu gửi kèm, đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gửi về Bộ GTVT trước ngày 05/10/2023. Xem và tải Phụ lục https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2023/09/26/phu-luc.docx (4) Giao Cục Quản lý đầu tư xây dựng, Cục Đường cao tốc Việt Nam, Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông rà soát, đánh giá sự phù hợp các kiến nghị của địa phương theo các quy định pháp hiện hành liên quan đến việc kết nối đường bộ cao tốc (về khoảng cách giữa các nút giao, phạm vi, quy mô đầu tư nút giao/tuyến kết nối...); Vụ Kế hoạch - Đầu tư tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo chỉ đạo tại Công điện 769/CĐ-TTg. Xem chi tiết tại Công văn 10353/BGTVT-KHĐT ngày 15/9/2023.
Quy định khi tham gia giao thông trên đường cao tốc
Khi tham gia giao thông đường bộ thì việc tham gia giao thông trên đường cao tốc cần đảm bảo tuân thủ những nguyên tắc theo quy định pháp luật để việc tham gia giao thông không bị cản trở, đảm bảo an toàn cho những người tham gia giao thông. Đường cao tốc là gì? Căn cứ Điều 3 Luật giao thông đường bộ 2008: - Đường cao tốc là đường dành cho xe cơ giới, có dải phân cách chia đường cho xe chạy hai chiều riêng biệt; không giao nhau cùng mức với một hoặc các đường khác; được bố trí đầy đủ trang thiết bị phục vụ, bảo đảm giao thông liên tục, an toàn, rút ngắn thời gian hành trình và chỉ cho xe ra, vào ở những điểm nhất định. Nguyên tắc cần tuân thủ khi tham gia giao thông trên đường cao tốc Căn cứ Điều 26 Luật giao thông đường bộ 2008 thì khi tham gia giao thông trên đường cao tốc cần tuân thủ quy định sau: - Người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng trên đường cao tốc ngoài việc tuân thủ các quy tắc giao thông quy định tại Luật giao thông đường bộ 2008 còn phải thực hiện các quy định sau đây: + Khi vào đường cao tốc phải có tín hiệu xin vào và phải nhường đường cho xe đang chạy trên đường, khi thấy an toàn mới cho xe nhập vào dòng xe ở làn đường sát mép ngoài, nếu có làn đường tăng tốc thì phải cho xe chạy trên làn đường đó trước khi vào làn đường của đường cao tốc; + Khi ra khỏi đường cao tốc phải thực hiện chuyển dần sang làn đường phía bên phải, nếu có làn đường giảm tốc thì phải cho xe chạy trên làn đường đó trước khi rời khỏi đường cao tốc; + Không được cho xe chạy ở làn dừng xe khẩn cấp và phần lề đường; + Không được cho xe chạy quá tốc độ tối đa và dưới tốc độ tối thiểu ghi trên biển báo hiệu, sơn kẻ trên mặt đường. - Người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng phải cho xe chạy cách nhau một khoảng cách an toàn ghi trên biển báo hiệu. - Chỉ được dừng xe, đỗ xe ở nơi quy định; trường hợp buộc phải dừng xe, đỗ xe không đúng nơi quy định thì người lái xe phải đưa xe ra khỏi phần đường xe chạy, nếu không thể được thì phải báo hiệu để người lái xe khác biết. - Người đi bộ, xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô và máy kéo; xe máy chuyên dùng có tốc độ thiết kế nhỏ hơn 70 km/h không được đi vào đường cao tốc, trừ người, phương tiện, thiết bị phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc. =>> Như vậy khi tham gia giao thông trên đường cao tốc ngoài những quy định chung về giao thông đường bộ thì cần tuân thủ những quy định trên để hạn chế rủi ro trong quá trình tham gia giao thônh.
Xe biển số nước ngoài chạy tại Việt Nam đáp ứng điều kiện gì?
Du lịch bằng đường bộ là một trong những phương thức được nhiều nước láng viền với Việt Nam lựa chọn vì giá thành rẻ, có thể tự do cũng như dừng chân khám phá dễ dàng nhất là bằng ô tô. Sử dụng xe ô tô chạy sang biên giới du lịch là một lựa chọn tối ưu cho khách du lịch láng viền. Vậy khi khách nước ngoài sử dụng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ mang biển số nước ngoài vào địa phận Việt Nam có cần phải đáp ứng điều kiện gì không? 1. Phương tiện xe cơ giới đường bộ gồm những gì? Cụ thể, tại khoản 18 Điều 3 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định phương tiện giao thông cơ giới đường bộ bào gồm những phương tiện sau đây: - Xe ô tô. - Xe máy kéo. - Có rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi xe ô tô, máy kéo. - Xe mô tô hai bánh. - Xe mô tô ba bánh. - Xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự. Theo đó, khi người nào sử dụng một trong các loại phương tiện trên vào địa phận Việt Nam thì được xem là sử dụng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. 2. Điều kiện đối với xe nước ngoài vào Việt Nam Xe mang biển số nước ngoài phải đáp ứng một số điều kiện của cơ quan có thẩm quyền và quy định pháp luật việt Nam thì mới đủ điều kiện mới được phép lưu thông theo Điều 3 Nghị định 152/2013/NĐ-CP (sửa đổi bởi Nghị định 157/2015/NĐ-CP). (1) Đầu tiên phải thông qua doanh nghiệp lữ hành quốc tế của Việt Nam làm thủ tục đề nghị chấp thuận và tổ chức thực hiện. Thời gian được phép lưu thông tại Việt Nam tối đa không quá 30 ngày. Trong trường hợp bất khả kháng (thiên tai, tai nạn giao thông, hỏng phương tiện không thể sửa chữa tại Việt Nam), phương tiện được lưu lại Việt Nam thêm không quá 10 ngày. (2) Có văn bản chấp thuận của Bộ Giao thông vận tải. (3) Điều kiện đối với phương tiện: - Là xe ô tô chở khách có tay lái ở bên trái từ 9 chỗ trở xuống, xe ô tô nhà ở lưu động có tay lái ở bên trái và xe mô tô. - Thuộc quyền sở hữu của tổ chức, cá nhân nước ngoài, đã được đăng ký tại nước ngoài và gắn biển số nước ngoài. - Có Giấy đăng ký xe do cơ quan có thẩm quyền của quốc gia đăng ký xe cấp và còn hiệu lực. - Có Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới do cơ quan có thẩm quyền của quốc gia đăng ký xe cấp còn hiệu lực (đối với xe ô tô). (4) Điều kiện đối với người điều khiển phương tiện: - Phải là công dân nước ngoài. - Có hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu còn giá trị sử dụng ít nhất 06 tháng phù hợp với thời gian tạm trú tại Việt Nam. - Có Giấy phép lái xe phù hợp với loại xe điều khiển. 3. Điều kiện đối xe nước ngoài tham gia giao thông Quy định việc người điều khiển và phương tiện cơ giới nước ngoài tham gia giao thông tại Việt Nam sẽ được căn cứ tại Điều 5 Nghị định 152/2013/NĐ-CP như sau: Phải có phương tiện đi trước để dẫn đường cho phương tiện cơ giới nước ngoài trong quá trình tham gia giao thông tại Việt Nam. Đây là một điều kiện quan trọng vì khách du lịch nước ngoài khi vào Việt Nam không quen và rành đường dễ dẫn đến vi phạm giao thông. Lưu ý: Phương tiện dẫn đường là xe ô tô hoặc xe mô tô do doanh nghiệp lữ hành bố trí và phải được gắn logo hoặc cắm cờ của doanh nghiệp đó. Phải tham gia giao thông trong phạm vi tuyến đường và thời gian lưu hành trên lãnh thổ Việt Nam theo đúng quy định tại văn bản chấp thuận của Bộ GTVT. Bên cạnh đó, khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông, người điều khiển phải chấp hành đúng quy định của pháp luật về giao thông đường bộ của Việt Nam và phải mang theo các giấy tờ sau: - Hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu còn giá trị sử dụng ít nhất 06 tháng. - Giấy phép lái xe phù hợp với loại xe điều khiển. - Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới (đối với xe ô tô). - Giấy đăng ký xe do cơ quan có thẩm quyền của quốc gia đăng ký xe cấp và còn hiệu lực. - Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới có giá trị tại Việt Nam. - Chứng từ tạm nhập phương tiện. Ngoài ra, tại Điều 6 Nghị định 152/2013/NĐ-CP quy định xử lý vi phạm đối với người điều khiển phương tiện cơ giới nước ngoài được thực hiện như sau: Người điều khiển phương tiện cơ giới nước ngoài vi phạm các quy định của pháp luật Việt Nam và Điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên thì bị xử lý theo quy định. Như vậy, để khách du lịch sử dụng phương tiện giao thông cơ giới nước ngoài chạy tại Việt Nam cần thông qua 02 giai đoạn kiểm duyệt là phải đáp ứng được yêu cầu vào Việt Nam và giai đoạn tiếp theo là lưu thông trên đường bộ Việt Nam.
Xe khách chở quá số người quy định bị phạt bao nhiêu tiền?
Căn cứ theo Điều 23 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định về việc Xử phạt người điều khiển xe ô tô chở hành khách, ô tô chở người và các loại xe tương tự xe ô tô chở hành khách, chở người vi phạm quy định về vận tải đường bộ ... - Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng trên mỗi người vượt quá quy định được phép chở của phương tiện nhưng tổng mức phạt tiền tối đa không vượt quá 40.000.000 đồng đối với người điều khiển xe ô tô chở hành khách, ô tô chở người (trừ xe buýt) thực hiện hành vi vi phạm: + Chở quá từ 02 người trở lên trên xe đến 9 chỗ, chở quá từ 03 người trở lên trên xe 10 chỗ đến xe 15 chỗ; + Chở quá từ 04 người trở lên trên xe 16 chỗ đến xe 30 chỗ; + Chở quá từ 05 người trở lên trên xe trên 30 chỗ, trừ các hành vi vi phạm quy định tại khoản 4 Điều này. ... - Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng trên mỗi người vượt quá quy định được phép chở của phương tiện nhưng tổng mức phạt tiền tối đa không vượt quá 40.000.000 đồng đối với người điều khiển xe ô tô chở hành khách chạy tuyến có cự ly lớn hơn 300 km thực hiện hành vi vi phạm: + Chở quá từ 02 người trở lên trên xe đến 9 chỗ; + Chở quá từ 03 người trở lên trên xe 10 chỗ đến xe 15 chỗ; + Chở quá từ 04 người trở lên trên xe 16 chỗ đến xe 30 chỗ; + Chở quá từ 05 người trở lên trên xe trên 30 chỗ. ... - Ngoài việc bị áp dụng hình thức xử phạt, người điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả sau đây: Thực hiện hành vi quy định tại khoản 2, khoản 4 Điều này (trường hợp chở hành khách) buộc phải bố trí phương tiện khác để chở số hành khách vượt quá quy định được phép chở của phương tiện; Căn cứ Điều 30 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định về việc xử phạt chủ phương tiện vi phạm quy định liên quan đến giao thông đường bộ như sau: - Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng trên mỗi người vượt quá quy định được phép chở của phương tiện nhưng tổng mức phạt tiền tối đa không vượt quá 40.000.000 đồng đối với chủ phương tiện là cá nhân Từ 800.000 đồng đến 1.200.000 đồng trên mỗi người vượt quá quy định được phép chở của phương tiện nhưng tổng mức phạt tiền tối đa không vượt quá 80.000.000 đồng đối với chủ phương tiện là tổ chức giao phương tiện hoặc để cho người làm công, người đại diện điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 Điều 23 Nghị định này hoặc trực tiếp điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 Điều 23 Nghị định này. ... - Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng trên mỗi người vượt quá quy định được phép chở của phương tiện nhưng tổng mức phạt tiền tối đa không vượt quá 40.000.000 đồng đối với chủ phương tiện là cá nhân Từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng trên mỗi người vượt quá quy định được phép chở của phương tiện nhưng tổng mức phạt tiền tối đa không vượt quá 80.000.000 đồng đối với chủ phương tiện là tổ chức giao phương tiện hoặc để cho người làm công, người đại diện điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm quy định tại khoản 4 Điều 23 Nghị định này hoặc trực tiếp điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm quy định tại khoản 4 Điều 23 Nghị định này. Như vậy theo quy định hiện hành đối với trường hợp mà chở quá số người quy định của nhà xe khách đó là hành vi vi phạm quy định về vận tải đường bộ về chở hành khách, chở người. Đối với hành vi này không chỉ người điều khiển xe phải chịu phạt mà chủ xe tùy theo mức độ mà sẽ có mức phạt tương ứng như trên.
Hà Nội dự kiến thu phí ôtô vào nội đô: Cao nhất 100.000 đồng
Theo Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, dự kiến mức thu hợp lý để có tác dụng điều chỉnh hành vi người điều khiển phương tiện khoảng 100.000 đồng. Nguyên tắc mức phí đủ tác động điều chỉnh hành vi trên cơ sở thực tế về mức thu các điểm đỗ xe trong khu vực trung tâm thành phố. Thu phí đến 100.000 đồng khi vào nội đô Hà Nội - Minh họa Sở Giao thông Vận tải Hà Nội vừa có báo cáo một số nội dung cơ bản của đề án thu phí phương tiện cơ giới đường bộ đi vào một số khu một số khu vực nhằm giảm thiểu ùn tắc giao thông. Theo Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, hiện tại kết cấu hạ tầng giao thông vận tải chưa đồng bộ theo quy hoạch; các tuyến vành đai 1-2-3 được đầu tư chưa hoàn chỉnh. Các tuyến đường sắt đô thị đều chậm tiến độ, theo như dự kiến. Tình trạng ùn tắc giao thông vẫn diện biến phức tạp đặc biệt vào giờ cao điểm và các dịp lễ, tết tập trung đông người. Vì vậy, giải pháp thu phí là hết sức cần thiết. Đây là một biện pháp kinh tế của cơ quan nhà nước nhằm điều chỉnh hành vi của người tham gia giao thông khi không cần thiết đi vào vùng thu phí và hạn chế việc sử dụng phương tiện giao thông cá nhân. Nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trong phạm vi thu phí. Đối tượng thu phí là các xe ôtô di chuyển từ bên ngoài vào trong khu vực thu phí có nguy cơ ùn tắc giao thông (trừ xe ưu tiên theo quy định). Các phương tiện được miễn phí có điều kiện là xe hộ gia đình và xe ôtô của cơ quan công sở trong khu vực thu phí bắt buộc phải đi lại qua khu vực thu phí được miễn phí theo lượt nhất định. Trên cơ sở các nguyên tắc nêu trên, căn cứ kết cấu hạ tầng giao thông và mật độ giao thông, dự kiến phạm vi thu phí giới hạn bởi các đường: Vành đai 3 – Cầu Thanh Trì – Pháp Vân – Mai Dịch – Phạm Văn Đồng - trục Tây Thăng Long – Võ Chí Công – Cầu Nhật Tân – Đường Hoàng Sa – Đường Trường Sa – Đường Lý Sơn – Đường Nguyễn Văn Linh và khép kín vào Vành đai 3. Với vành đai thu phí như trên, dự kiến đặt trạm thu phí tại 68 vị trí và 87 trạm thu phí. Phạm vi thu phí này có điều kiện để các xe ôtô các tỉnh thành phố không cần thiết đi qua khu vực thu phí có điều kiện đi ra ngoài khu vực thu phí. Cũng theo Sở Giao thông Vận tải, mức thu phí được xác định đảm bảo bù đắp chi phí đầu tư và chi phí vận hành bảo trì hệ thống thu phí. Mức thu phí phải đảm bảo tính khả thi, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế xã hội và phù hợp với khả năng đóng góp của người tham gia giao thông. Do đó, trên cơ sở khái toán kinh phí đầu tư, chi phí vận hành bảo trì hệ thống thu phí và lưu lượng xe, dự kiến mức thu phí thấp nhất đủ bù đắp chi phí đầu tư và chi phí quản lý, vận hành khoảng 50.000 đồng. Theo nguyên tắc mức phí đủ tác động điều chỉnh hành vi trên cơ sở thực tế về mức thu các điểm đỗ xe trong khu vực trung tâm Thành phố. Dự kiến mức thu hợp lý để có tác dụng điều chỉnh hành vi người điều khiển phương tiện khoảng 100.000 đồng. Mức phí cụ thể và các chính sách miễn giảm cho các đối tượng sẽ được UBND thành phố (trên cơ sở dự án đầu tư và phương án quản lý tài chính của sự án đầu tư được duyệt) trình HĐND TP xem xét tại kỳ họp trong năm 2024 trước khi thu phí. Trước đó, ngày 29.10, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP Hà Nội (Sở Giao thông Vận tải) đã báo cáo thành phố đề án thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực có nguy cơ ùn tắc và ô nhiễm môi trường. Theo đề xuất, mức phí vào nội đô ngày làm việc trong tuần đối với các xe ôtô cá nhân dưới 9 chỗ từ 25.000 - 60.000 đồng/lượt. Về lộ trình thực hiện, Sở Giao thông Vận tải cho biết, dự kiến HĐND TP thông qua Đề án: “Thu phí phương tiện cơ giới đường bộ đi vào một số khu vực nhằm giảm ùn tắc giao thông” tại kỳ họp cuối năm 2021 về loại phí và khung phí. Từ năm 2022-2023: Hoàn thiện các điều kiện thu phí. Xây dựng dự án đầu tư trạm thu phí. Phương án tài chính, quản lý chi phí, xác định cụ thể mức thu phí và các chính sách miễn giảm cụ thể cho các đối tượng thu phí. Năm 2024, trình HĐND TP ban hành mức thu phí cụ thể và các chính sách miễn giảm phí theo dự án đầu tư được duyệt và tổ chức thực hiện sau khi HĐND TP quyết định trong năm 2024. PHẠM ĐÔNG Theo báo Laodong
Thí điểm: Bộ GTVT cho phép xe khách liên tỉnh hoạt động trở lại, người dân cần tuân thủ quy định gì?
Bộ GTVT vừa ban hành Quyết định số 1777/QĐ-BGTVT ngày 10/10/2021 Ban hành Quy định tạm thời về thí điểm tổ chức hoạt động vận tải hành khách đường bộ đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, sẽ áp dụng từ ngày 13 đến ngày 20/10/2021. Tổ chức vận tải hành khách đường bộ từ 13/10 - Minh họa Quy định tạm thời này nêu rõ mục đích từng bước khôi phục lại hoạt động vận tải hành khách theo tuyến cố định liên tỉnh bằng xe ô tô tạo điều kiện để vận chuyển hành khách phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân, góp phần thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế. Theo đó, yêu cầu Đối với hành khách bao gồm: 1.1. Đi từ địa phương/khu vực có nguy cơ rất cao, nguy cơ cao đến địaphương/khu vực có nguy cơ tương đương hoặc thấp hơn: a) Phải tiêm đủ liều vắc xin phòng COVID-19 (thẻ xanh trên Sổ Sức khoẻ điện tử/PC-COVID hoặc giấy chứng nhận tiêm đủ liều vắc xin của cơ quan có thẩm quyền cấp, liều cuối cùng đã được tiêm ít nhất 14 ngày) hoặc đã khỏi bệnh COVID19 trong vòng 6 tháng tính đến thời điểm về địa phương (có giấy ra viện/giấy xác nhận khỏi bệnh COVID-19); b) Có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên âm tính trong vòng 72 giờ trước khi lên xe ô tô; c) Tuân thủ “Thông điệp 5K”; khai báo y tế theo quy định của Bộ Y tế (không tham gia chuyến đi khi có các triệu chứng ho, sốt, khó thở, đau mỏi cơ, đau rát họng…); d) Trường hợp hành khách chưa đủ điều kiện tiêm chủng vắc xin theo quy định của Bộ Y tế khi đi cùng người thân trên chuyến xe: phải đáp ứng quy định tại điểm b, điểm c mục này. 1.2. Đi từ địa phương/khu vực có nguy cơ và bình thường mới đến địa phương/khu vực có nguy cơ cao hơn: a) Tuân thủ “Thông điệp 5K”; khai báo y tế theo quy định của Bộ Y tế (không tham gia chuyến đi khi có các triệu chứng ho, sốt, khó thở, đau mỏi cơ, đau rát họng…); b) Có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên âm tính trong vòng 72 giờ trước khi lên xe ô tô; c) Thực hiện các biện pháp về phòng, chống dịch của Bộ Y tế và từng địa phương nơi đến. 1.3. Kê khai thông tin vào Danh sách hành khách đi xe theo hướng dẫn của lái xe hoặc nhân viên phục vụ trên xe. 1.4. Khi ở trên phương tiện: Đeo khẩu trang, sát khuẩn tay, hạn chế tiếp xúc. 1.5. Kết thúc chuyến đi: a) Trong quá trình di chuyển từ bến xe, điểm đón, trả khách về nơi cư trú, lưu trú: tuân thủ “Thông điệp 5K”, sử dụng ứng dụng PC-COVID, hạn chế dừng và không tiếp xúc nơi đông người; b) Chủ động thông báo với chính quyền địa phương nơi cư trú, lưu trú; c) Tự theo dõi sức khoẻ hoặc thực hiện cách ly tại nơi cư trú, lưu trú theo quy định của Bộ Y tế và cụ thể của từng địa phương về các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 kể từ ngày về địa phương; tuân thủ “Thông điệp 5K”; d) Trường hợp có dấu hiệu bất thường về sức khỏe như ho, sốt, khó thở, đaurát họng, mất vị giác... thì thông báo ngay cho cơ quan y tế để theo dõi và triển khai quy trình xử lý dịch bệnh theo quy định. Ngoài ra, Quy định còn đưa ra các yêu cầu dành cho tài xế, nhân viên trên xe, các trạm xe, bến xe. Trong giai đoạn thí điểm này, các đơn vị thực hiện tối thiểu 5% và tối đa không vượt quá 30% số chuyến trong 7 ngày theo lưu lượng đã được Sở GTVT công bố (số chuyến/tháng) và có giãn cách chỗ trên phương tiện (không áp dụng giãn cách đối với xe giường nằm) Đối với các địa phương nguy cơ thấp và bình thường đến địa phương/khu vực có nguy cơ tương đương thì tổ chức hoạt động vận tải bình thường Tải và xem chi tiết Quyết định 1777 TẠI ĐÂY.
Bị phạt vì không bật đèn xe sau 18h? Đọc bài viết, bạn sẽ biết mình vừa mất tiền oan!
Phải bật đèn xe từ mấy giờ? Sau một thời gian làm việc trong lĩnh vực tư vấn, giải quyết các vấn đề về pháp luật cho nhiều đối tượng, bao gồm cả những người học luật, hiểu luật và những người không biết nhiều về luật, mình sẽ giải thích tại sao việc phạt người không bật đèn xe sau 18 giờ là hoàn toàn sai luật! 1. Bị phạt vì không bật đèn xe sau 18h? Trước đây, Nghị định 34/2010/NĐ-CP có định nghĩa: “Thời gian sử dụng đèn chiếu sáng về ban đêm là khoảng thời gian từ 18 giờ ngày hôm trước đến 6 giờ ngày hôm sau.” Đó là lý do nhiều người vẫn quen với cách hiểu thời gian bắt buộc phải bật đèn xe là từ 18h. Sau đó, các văn bản quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ thay thế cho văn bản này gồm có Nghị định 171/2013/NĐ-CP (có hiệu lực từ 01/01/2014), Nghị định 46/2016/NĐ-CP (có hiệu lực từ 01/08/2016) Trong các văn bản trên, cho đến khi Nghị định 46 có hiệu lực, người ta vẫn quen việc xác định thời gian bật đèn xe là từ 18 giờ, tuy nhiên theo quy định tại Nghị định 46, cụ thể là Điều 5, thời gian bắt buộc bật đèn xe đã được thay đổi: từ 19 giờ đến 5 giờ sáng ngày hôm sau! Các quy định xử phạt hành chính về giao thông đường bộ được áp dụng thi hành hiện nay thực hiện theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP, bỏ vài phút ra đọc văn bản, bạn sẽ thấy việc xử phạt liên quan đến “đèn chiếu sáng” cũng sẽ được áp dụng nếu bạn không bật đèn xe trong khoảng thời gian từ 19 giờ đến 5 giờ sáng hôm sau (Điều 5, Điều 6 Nghị định này). Nghị định 100 đã có hiệu lực từ 1/1/2020, thay thế cho Nghị định 46/2016, nghĩa là quy định về việc bật đèn xe sau 19 giờ đã áp dụng từ 1/8/2016 và chưa có thay đổi cho đến tận bây giờ! Nếu bạn bị thổi phạt vì lỗi không bật đèn xe trước 19h, xin khẳng định người phạt vi phạm đang cố tình làm trái luật và lợi dụng sự thiếu hiểu biết của các bạn để thực hiện hành vi bất chính! 2. Nếu thật sự vi phạm, bạn sẽ bị phạt bao nhiêu tiền? Trích từ bài viết dưới đây, mình sẽ đưa ra những mức phạt cho toàn bộ những hành vi liên quan đến sử dụng đèn xe (bao gồm cả việc bật đèn chiếu xa). >>> Hướng dẫn bật đèn xe máy, xe ô tô đúng luật (1). Đối với xe ô tô: (Căn cứ Điểm b, Điểm g, Điểm r Khoản 3 Điều 5 NĐ 100) Mức phạt từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng khi: + Sử dụng đèn chiếu xa trong đô thị, khu đông dân cư, trừ các xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ theo quy định. + Không sử dụng hoặc sử dụng không đủ đèn chiếu sáng trong thời gian từ 19 giờ ngày hôm trước đến 05 giờ ngày hôm sau, khi sương mù, thời tiết xấu hạn chế tầm nhìn. + Sử dụng đèn chiếu xa khi tránh xe đi ngược chiều. + Chạy trong hầm đường bộ không sử dụng đèn chiếu sáng gần. (2). Đối với xe mô tô, xe gắn máy: (Căn cứ Điểm l, Điểm m Khoản 1 Điều 6 và Điểm m Khoản 3 NĐ 100) Mức phạt từ 100.000 đến 200.000 đồng khi: + Không sử dụng đèn chiếu sáng trong thời gian từ 19 giờ ngày hôm trước đến 05 giờ ngày hôm sau hoặc khi sương mù, thời tiết xấu hạn chế tầm nhìn. + Sử dụng đèn chiếu xa khi tránh xe đi ngược chiều. + Sử dụng đèn chiếu xa trong đô thị, khu đông dân cư. Mức phạt từ 400.000 đến 600.000 đồng khi: + Chạy trong hầm đường bộ không sử dụng đèn chiếu sáng gần. Như vậy, các bạn đã hiểu được quy định về việc bật đèn xe hiện này áp dụng theo văn bản nào và cụ thể ra sao, hy vọng bài viết sẽ giúp ích cho các bạn tránh bị xử lý sai luật khi tham gia giao thông!
Hỏi đáp về Luật giao thông đường bộ. (Mong Luật Sư đọc hết vì bài viết hơi dài)
Em có 1 số câu hỏi sau liên quan đên luật giao thông đường bộ mà vô tình đi trên đường em bị bắt và cảm thấy rất bực bội trước sự trả lời " cho có" của CSGT. Câu 1: em có thắc mắc này, là e đang đi trên đường ( đi bằng xe gắn máy) vì tránh xe của người qua đường nên em đã đi qua phần đường của xe khác nhanh chóng thì e đã vào lại phần đường của xe gắn máy và không những 1 mình e mà có rất nhiều người trên đường cũng lấn tuyến giống như em... và cũng vì lí do là nhiều người buôn bán lấn chiếm lề đường nên mọi người đi trên đường rất nhiều người lấn đến 1/2 tuyến thứ 2. Một mình e bị bắt vào, được hỏi thỳ CSGT nói là e đã lấn tuyến... E trả lời: vì em tránh xe qua đường và e đã nhanh chóng vào lại phần đường của mình. CSGT: tôi không cần biết a đi như thế nào và làm gì. nhưng tôi thấy a đã lấn tuyến. Em: Nhưng rất nhiều ngời lần tuyến giống như em. CSGT: đó là chuyện của người ta, còn 1 lần bắt tôi chỉ bắt đc 1 người. rồi CSGT lấy biên bản ra xữ phạt em( trong biên bản e thấy còn kẹp tiền :(( ) Cho em hỏi việc chạy xe tránh người nên lấn tuyến và nhanh chóng đi lại vào đúng phần đường quy định thỳ sẻ bị phạt như thế nào. và trọng cuộc trò chuyện trên thì chú CSGt trả lời như vậy đã chính xác chưa. và nếu như e thấy mình ko có lổi thì e có phải kí tên vào biên bản vi phạm không. vì CSGT bắt buộc em kí vào biên bản và nói nếu em ko kí sẻ xữ phạt nặng. trong biên bản có ghi phần "ý kiến của người vi phạm" thì CSGT nói em là ghi vào đó 1 chử " Đúng" điều này có nghĩa là e chấp nhận vi phạm, nhưng e nói đây là mục ý kiến riêng của em, nên em có quyền ghi những ý kiến của m vào đây. thì nhanh chóng bị CSGT lấy lại biên bản có lẻ vì sợ e ghi những điều " Xấu của chú CSGT đó" và cho em hỏi: khi em thấy việc làm sai trái của CSGT thì e có đc quyền ghi hình lại không. e nghe CSGT nói là tôi sẻ tịch thu điện thoại của a. trong khi em đã nói cho e xin phép quay hình lại, và được sự đồng ý của CSGT " em cứ quay thoải mái đi". sau đó là câu nói "tôi sẻ tịch thu điện thoại của a". e cảm thấy rất bức xúc về thái độ cách ứng xữ và cách làm việc của chú CSGt trên.. Mong nhận được câu trả lời từ phía luật sư... Em xin chân thành cám ơn,
Đề xuất điều kiện được cấp chứng chỉ thẩm tra viên an toàn giao thông đường bộ
Bộ Giao thông vận tải đang lấy ý kiến về Dự thảo Nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đường bộ 2024. Trong đó có đề xuất về điều kiện được cấp chứng chỉ thẩm tra viên an toàn giao thông đường bộ. >>> Xem Dự thảo Nghị định tại đây https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/9/04/duthaond-tt-bgtvt.docx (1) Chứng chỉ thẩm tra viên an toàn giao thông đường bộ là gì? Theo đó, tại khoản 1 Điều 52 Dự thảo Nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đường bộ 2024 (sau đây gọi là Dự thảo Nghị định), cá nhân tham gia thẩm tra an toàn giao thông (sau đây gọi là thẩm tra viên) phải có chứng chỉ thẩm tra viên an toàn giao thông đường bộ còn giá trị sử dụng do Cục Đường bộ Việt Nam cấp. Theo đề xuất tại khoản 1 Điều 56 Dự thảo Nghị định, chứng chỉ thẩm tra viên an toàn giao thông đường bộ (sau đây gọi là chứng chỉ) được Cục Đường bộ Việt Nam cấp và quản lý thống nhất trong phạm vi cả nước; mẫu chứng chỉ theo quy định tại Phụ lục XI của Dự thảo Nghị định. Chứng chỉ được đề xuất có thời hạn sử dụng trong 05 năm kể từ ngày cấp, trừ trường hợp cấp lại. Như vậy, chứng chỉ thẩm tra viên an toàn giao thông đường bộ là giấy tờ được dùng để chứng nhận cá nhân đủ điều kiện tham gia thẩm tra an toàn giao thông, do Cục Đường bộ Việt Nam cấp và quản lý thống nhất trên toàn quốc. Người muốn làm các công việc liên quan đến thẩm tra an toàn giao thông thì phải có chứng chỉ này. Việc yêu cầu chứng chỉ này nhằm đảm bảo rằng các thẩm tra viên có đủ năng lực và kiến thức chuyên môn để thực hiện công tác thẩm tra an toàn giao thông đường bộ. (2) Điều kiện được cấp chứng chỉ thẩm tra viên an toàn giao thông đường bộ Theo đề xuất tại khoản 2 Điều 55 Dự thảo Nghị định, học viên tham gia đào tạo thẩm tra viên an toàn giao thông đường bộ phải đảm bảo các điều kiện sau đây: - Là công dân Việt Nam, người nước ngoài được phép cư trú hoặc đang làm việc, học tập tại Việt Nam; - Có năng lực hành vi dân sự; có đủ sức khỏe; - Có trình độ từ đại học trở lên về chuyên ngành công trình đường bộ và có thời gian làm việc về thiết kế công trình đường bộ ít nhất 03 năm; hoặc có trình độ từ đại học trở lên và có thời gian ít nhất 05 năm tham gia hoạt động trong các lĩnh vực: quản lý giao thông, vận tải đường bộ, xây dựng đường bộ, bảo trì đường bộ. Nếu đáp ứng được các điều kiện trên, học viên sẽ được tham gia lớp đào tạo thẩm tra viên an toàn giao thông đường bộ. Sau khi có kết quả đạt trong kỳ thi khóa đào tạo, học viên sẽ được nhận Quyết định công nhận kết quả thi của học viên tham gia khóa đào tạo, đây là một thành phần quan trọng trong hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ thẩm tra viên an toàn giao thông đường bộ. (3) Hồ sơ, trình tự thủ tục cấp chứng chỉ thẩm tra viên an toàn giao thông đường bộ Theo khoản 2 Điều 56 Dự thảo Nghị định, hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ thẩm tra viên an toàn giao thông đường bộ sẽ do cơ sở đào tạo lập thành 01 bộ, bao gồm các thành phần: - Tờ trình cấp chứng chỉ theo mẫu quy định tại Phụ lục XII Dự thảo Nghị định; - Quyết định công nhận kết quả thi của học viên tham gia khóa đào tạo; - 02 ảnh màu của mỗi học viên đề nghị cấp chứng chỉ (ảnh cỡ 4 cm x 6 cm, nền màu xanh, kiểu thẻ căn cước, chụp trong thời gian không quá 06 tháng). Theo đó, trình tự thủ tục cấp chứng chỉ thẩm tra viên an toàn giao thông đường bộ như sau: Bước 1: Cơ sở đào tạo có nhu cầu nộp hồ sơ trực tiếp hoặc qua hệ thống bưu điện đến Cục Đường bộ Việt Nam; Bước 2: Cục Đường bộ Việt Nam tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ: - Đối với trường hợp nộp trực tiếp: Sau khi kiểm tra thành phần hồ sơ, nếu đúng quy định thì tiếp nhận ngay hồ sơ; nếu không đúng quy định, hướng dẫn trực tiếp cho cơ sở đào tạo hoàn thiện hồ sơ; - Đối với trường hợp nộp qua hệ thống bưu điện: Nếu hồ sơ chưa đầy đủ theo quy định, chậm nhất sau 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, phải có văn bản hướng dẫn cho cơ sở đào tạo hoàn thiện hồ sơ. Bước 3: Cục Đường bộ Việt Nam tiến hành thẩm định hồ sơ, nếu đủ điều kiện, cấp chứng chỉ cho từng học viên có tên trong Tờ trình của cơ sở đào tạo. Trường hợp không cấp chứng chỉ phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do. - Thời hạn giải quyết: 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định. Bước 4: Học viên theo dõi Danh sách thẩm tra viên an toàn giao thông đường bộ được cấp chứng chỉ được công khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam để biết kết quả của mình. Trên đây là điều kiện, hồ sơ, trình tự cấp chứng chỉ thẩm tra viên an toàn giao thông đường bộ theo đề xuất tại Dự thảo Nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đường bộ 2024 của Bộ Giao Thông Vận tải. >>> Xem Dự thảo Nghị định tại đây https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/9/04/duthaond-tt-bgtvt.docx
Thủ tục cấp Giấy phép vận tải đường bộ quốc tế ASEAN mới nhất
Thủ tục cấp Giấy phép vận tải đường bộ quốc tế ASEAN là thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực đường bộ được Bộ Giao thông Vận tải công bố tại Quyết định 155/QĐ-BGTVT năm 2022 công bố thủ tục hành chính mới ban hành, được sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ trong lĩnh vực đường bộ thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Giao thông vận tải. Trình tự thực hiện cấp Giấy phép vận tải đường bộ quốc tế ASEAN - Đơn vị kinh doanh vận tải nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép vận tải đường bộ quốc tế ASEAN đến Tổng cục Đường bộ Việt Nam. - Tổng cục Đường bộ Việt Nam tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ. Trường hợp tiếp nhận hồ sơ trực tiếp tại cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép hoặc qua đường bưu chính, cán bộ tiếp nhận hồ sơ cập nhật thông tin của các hồ sơ đúng theo quy định vào hệ thống dịch vụ công trực tuyến của cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép. Trường hợp hồ sơ cần sửa đổi, bổ sung, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép thông báo trực tiếp hoặc bằng văn bản hoặc qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến cho đơn vị kinh doanh vận tải trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ. - Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép thực hiện cấp Giấy phép vận tải đường bộ quốc tế ASEAN. Trường hợp không cấp, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép thông báo bằng văn bản hoặc qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến và nêu rõ lý do. - Việc trả kết quả được thực hiện tại trụ sở Tổng cục Đường bộ Việt Nam hoặc qua đường bưu chính hoặc hình thức trực tuyến theo quy định. Cách thức thực hiện cấp Giấy phép vận tải đường bộ quốc tế ASEAN Nộp hồ sơ trực tiếp, trực tuyến, đường bưu chính. Thành phần hồ sơ cấp Giấy phép vận tải đường bộ quốc tế ASEAN - Giấy đề nghị cấp Giấy phép vận tải đường bộ quốc tế ASEAN theo mẫu. Số lượng hồ sơ cấp Giấy phép vận tải đường bộ quốc tế ASEAN: 01 bộ. Thời hạn giải quyết: Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định. Cơ quan thực hiện thủ tục hành chính: - Cơ quan có thẩm quyền quyết định: Tổng cục Đường bộ Việt Nam. - Cơ quan hoặc người có thẩm quyền được uỷ quyền hoặc phân cấp thực hiện: Không có. - Cơ quan trực tiếp thực hiện thủ tục hành chính: Tổng cục Đường bộ Việt Nam. - Cơ quan phối hợp: Không có. Phí, lệ phí: Không có. Kết quả của việc thực hiện thủ tục hành chính: Giấy phép vận tải đường bộ quốc tế ASEAN. Trên đây là thủ tục hành chính cấp Giấy phép vận tải đường bộ quốc tế ASEAN mới nhất.
Mở rộng đường bộ đang khai thác nâng cấp thành đường cao tốc từ ngày 01/01/2025
Luật Đường bộ 2024 bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01/01/2025 trong đó có quy định về việc mở rộng, nâng cấp đường cao tốc và trách nhiệm của Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong quản lý, vận hành, khai thác đường cao tốc như sau: Chính sách phát triển đường cao tốc Ngoài chính sách phát triển đối với hoạt động đường bộ tại Điều 4 Luật Đường bộ 2024, chính sách phát triển đường cao tốc thực hiện theo quy định tại Điều 46 Luật Đường bộ 2024 như sau: - Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân sử dụng các nguồn lực tham gia đầu tư, xây dựng, vận hành, khai thác và bảo trì công trình đường cao tốc theo phương thức đối tác công tư và hình thức khác theo quy định của pháp luật; - Bảo đảm ưu tiên bố trí ngân sách nhà nước để đầu tư, xây dựng các dự án có yêu cầu bảo đảm quốc phòng, an ninh; dự án đi qua địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; dự án kết nối tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội và dự án khác không thu hút được nguồn vốn ngoài ngân sách; - Nhà nước ưu tiên bố trí ngân sách nhà nước, nguồn lực khác trong các trường hợp sau đây: + Thực hiện nghĩa vụ của Nhà nước theo quy định của pháp luật và hợp đồng dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư; + Mở rộng, nâng cấp đường cao tốc đang đầu tư hoặc đã khai thác theo quy mô phân kỳ. Mở rộng, nâng cấp đường cao tốc, đường bộ đang khai thác nâng cấp thành đường cao tốc Theo Điều 48 Luật Đường bộ 2024 quy định như sau: - Đối với dự án đã được đầu tư theo phương thức đối tác công tư đang trong giai đoạn thực hiện hợp đồng dự án, cơ quan ký kết hợp đồng thỏa thuận với nhà đầu tư về việc mở rộng, nâng cấp đường cao tốc hoặc đường bộ đang khai thác nâng cấp thành đường cao tốc theo một trong các phương án sau đây: + Nhà đầu tư đề xuất điều chỉnh dự án đầu tư để mở rộng, nâng cấp; + Nhà nước tổ chức lập dự án đầu tư mở rộng, nâng cấp theo phương thức đối tác công tư hoặc đầu tư công, trừ trường hợp trùng lặp với dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư đã có quyết định chủ trương đầu tư hoặc quyết định dự án hoặc trùng lặp với dự án đầu tư công đã có quyết định chủ trương đầu tư hoặc đã có quyết định đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư, pháp luật về đầu tư công. - Trường hợp thỏa thuận được với nhà đầu tư, cơ quan có thẩm quyền thực hiện thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư, dự án đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và tổ chức đàm phán với nhà đầu tư hiện hữu để điều chỉnh hợp đồng. - Trường hợp không thỏa thuận được với nhà đầu tư theo 2 nội dung trên, cơ quan có thẩm quyền thực hiện chấm dứt hợp đồng theo quy định của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư đối với trường hợp chấm dứt hợp đồng vì lợi ích quốc gia, bảo đảm yêu cầu về quốc phòng, an ninh quốc gia. Quy định về công tác thực hiện quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường cao tốc Theo Điều 49 Luật Đường bộ 2024, Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và các tổ chức khác thực hiện quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường cao tốc như sau: - Ứng dụng giao thông thông minh trong quản lý, vận hành, khai thác và bảo trì kết cấu hạ tầng đường cao tốc nhằm cung cấp các thông tin cần thiết cho người tham gia giao thông đường bộ; phát hiện, cảnh báo và xử lý sự cố trên đường cao tốc; theo dõi phương tiện, thu thập, quản lý và khai thác dữ liệu giao thông; - Công tác kiểm tra, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường cao tốc được thực hiện thường xuyên, kịp thời xử lý sự cố trên đường cao tốc; - Đối với các hạng mục liên quan đến an toàn xe chạy, các công trình cầu, hầm đường bộ và các công trình, thiết bị liên quan đến an toàn trong vận hành, khai thác phải được kiểm tra đánh giá thường xuyên, định kỳ; sửa chữa, khắc phục kịp thời; - Việc khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường cao tốc thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư và quy định khác của pháp luật có liên quan. Như vậy, việc mở rộng, nâng cấp đường cao tốc hoặc đường bộ đang khai thác nâng cấp thành đường cao tốc được thực hiện để đáp ứng yêu cầu vận tải, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, vì lợi ích quốc gia, bảo đảm yêu cầu về quốc phòng, an ninh và phù hợp với quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Từ ngày 01/01/2025 khi Luật Đường bộ 2024 có hiệu lực từ ngày 01/01/2025 sẽ bắt đầu áp dụng những quy định trên.
Thủ tục cấp giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ
Đối với trường hợp muốn vận chuyển hàng hóa nguy hiểm là các chất ôxy hóa, các hợp chất ô xít hữu cơ và các chất ăn mòn bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ phải thực hiện xin cấp phép vận chuyển như thế nào. Cần chuẩn bị hồ sơ gồm những giấy tờ gì để xin cấp phép nhập khẩu Trình tự cấp giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm là các chất ôxy hóa, các hợp chất ô xít hữu cơ và các chất ăn mòn bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ Bước 1: Tiếp nhận hồ sơ Tổ chức, cá nhân có nhu cầu vận chuyển hàng nguy hiểm bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa chuẩn bị hồ sơ theo quy định và gửi hồ sơ qua đường bưu điện hoặc nộp trực tiếp tại trụ sở hoặc qua Cổng thông tin điện tử của Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi tổ chức, cá nhân đăng ký doanh nghiệp, cụ thể: - Trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp tại trụ sở Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, các tài liệu quy định chưa được chứng thực từ bản chính, tổ chức, cá nhân phải xuất trình bản chính để đối chiếu. - Trường hợp hồ sơ được gửi qua bưu điện, các tài liệu quy định, tổ chức, cá nhân phải nộp bản sao đã được chứng thực từ bản chính. - Trường hợp nộp hồ sơ qua Cổng thông tin điện tử của Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, thực hiện theo văn bản hướng dẫn về giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến tại địa phương. Bước 2: Xử lý hồ sơ Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tiếp nhận hồ sơ, xem xét, thẩm định theo quy định: - Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ hoặc hồ sơ đầy đủ nhưng nội dung chưa hợp lệ, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thông báo bằng thư điện tử (email) hoặc bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân đề nghị bổ sung hồ sơ theo quy định. Sau 30 (ba mươi) ngày kể từ ngày có thông báo yêu cầu tổ chức, cá nhân bổ sung hồ sơ nhưng không nhận được văn bản giải trình lý do không bổ sung được hồ sơ theo quy định, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng có văn bản thông báo từ chối cấp Giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm và nêu rõ lý do. - Trường hợp hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tổ chức thẩm định hồ sơ và cấp Giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm cho tổ chức, cá nhân. - Trường hợp hồ sơ đề nghị vận chuyển hàng nguy hiểm có số lượng lớn hơn mức quy định tại cột 7 Phụ lục 1 về ngưỡng khối lượng cần xây dựng phương án ứng cứu khẩn cấp ban hành kèm theo Thông tư 37/2020/TT-BCT quy định về Danh mục hàng hóa nguy hiểm phải đóng gói trong quá trình vận chuyển và vận chuyển hàng hóa nguy hiểm bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa do Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành + Việc thẩm định thực tế được sử dụng chuyên gia và thành lập Tổ thẩm định để thực hiện. Tổ thẩm định do Chi cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng ra quyết định thành lập. + Sau khi kết thúc thẩm định thực tế, Tổ thẩm định phải lập Biên bản thẩm định thực tế, trong đó phải kết luận rõ hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm phù hợp hoặc không phù hợp với quy định và kiến nghị cấp hoặc không cấp Giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm cho tổ chức, cá nhân hoặc nêu rõ các nội dung yêu cầu tổ chức, cá nhân phải khắc phục. + Trường hợp tổ chức, cá nhân không phải thực hiện hành động khắc phục để hoàn thiện hồ sơ cấp Giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng có trách nhiệm cấp Giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm cho tổ chức, cá nhân. + Trường hợp tổ chức, cá nhân phải thực hiện hành động khắc phục để hoàn thiện hồ sơ cấp Giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tổ chức thẩm định bổ sung kết quả hành động khắc phục. Việc thẩm định bổ sung do Tổ thẩm định thực hiện. Kết quả thẩm định bổ sung phải được lập thành Biên bản và ghi rõ là “Biên bản thẩm định bổ sung”. Nội dung Biên bản thẩm định bổ sung nêu rõ kết luận đạt yêu cầu hoặc không đạt yêu cầu và kiến nghị cấp hay không cấp Giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm cho tổ chức, cá nhân. Sau khi có kết quả thẩm định bổ sung, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng có trách nhiệm cấp hoặc từ chối cấp Giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm cho tổ chức, cá nhân. Trường hợp từ chối cấp Giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm thì văn bản từ chối phải nêu rõ lý do. Bước 3: Trả kết quả Trả kết quả trực tiếp tại trụ sở Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng hoặc theo đường bưu điện. Thành phần hồ sơ cấp giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm là các chất ôxy hóa, các hợp chất ô xít hữu cơ và các chất ăn mòn bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ - Giấy chứng nhận đã tham gia, hoàn thành khóa đào tạo và huấn luyện kỹ thuật an toàn hóa chất còn thời hạn hiệu lực do Sở Công Thương cấp cho người điều khiển phương tiện vận chuyển, người áp tải và người tham gia vận chuyển hàng nguy hiểm; - Phiếu an toàn hóa chất của hàng nguy hiểm cần vận chuyển bằng tiếng Việt của doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu hàng nguy hiểm. - Đơn đề nghị cấp Giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm; - Giấy chứng nhận tổ chức, cá nhân được phép hoạt động kinh doanh hàng nguy hiểm hoặc được phép kinh doanh vận chuyển hàng hóa theo quy định của pháp luật hiện hành; - Giấy chứng nhận tổ chức, cá nhân được phép hoạt động kinh doanh hàng nguy hiểm hoặc được phép kinh doanh vận chuyển hàng hóa theo quy định của pháp luật hiện hành; - Giấy phép điều khiển phương tiện vận chuyển còn thời hạn hiệu lực của người điều khiển phương tiện vận chuyển phù hợp với loại phương tiện dùng để vận chuyển hàng nguy hiểm; - Giấy đăng ký phương tiện vận chuyển, Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện vận chuyển còn thời hạn hiệu lực do cơ quan có thẩm quyền cấp; Giấy chứng nhận bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ phương tiện vận chuyển còn thời hạn hiệu lực do cơ quan Bảo hiểm cấp cho chủ phương tiện; - Bản sao hợp đồng thương mại hoặc bản sao văn bản thỏa thuận về việc vận chuyển hàng nguy hiểm có chữ ký, đóng dấu xác nhận (nếu có) của các bên ký hợp đồng hoặc văn bản thỏa thuận trong trường hợp tổ chức, cá nhân có hàng nguy hiểm cần vận chuyển phải thuê phương tiện vận chuyển. - Chứng chỉ huấn luyện an toàn lao động - vệ sinh lao động còn thời hạn hiệu lực của những người tham gia vận chuyển hàng nguy hiểm; - Phương án ứng cứu khẩn cấp sự cố hóa chất trong vận chuyển hàng nguy hiểm được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. - Phương án làm sạch thiết bị và thực hiện các yêu cầu về bảo vệ môi trường sau khi kết thúc việc vận chuyển hàng nguy hiểm có chữ ký, đóng dấu xác nhận của tổ chức, cá nhân đề nghị cấp Giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm =>> Trên đây là trình tự thủ tục cũng như thành phần hồ sơ cần có để thực hiện cấp giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm là các chất ôxy hóa, các hợp chất ô xít hữu cơ và các chất ăn mòn bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ
Hướng dẫn các phương thức nộp phí sử dụng đường bộ năm 2024
Đây là nội dung được quy định tại Nghị định 90/2023/NĐ-CP ngày 13/12/2023 quy định mức thu, chế độ thu, nộp, miễn, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ từ ngày 01/2/2024. 1. Đối tượng nào phải chịu phí sử dụng đường bộ năm 2024? Căn cứ khoản 1 Điều 2 Nghị định 90/2023/NĐ-CP quy định đối tượng chịu phí sử dụng đường bộ là các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ đã đăng ký (có giấy chứng nhận đăng ký xe và biển số xe), kiểm định để lưu hành (được cấp Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường), bao gồm: - Xe ô tô. - Xe đầu kéo. - Các loại xe tương tự (sau đây gọi chung là ô tô). 2. Mức thu phí sử dụng đường bộ năm 2024 là bao nhiêu? Theo Điều 5 Nghị định 90/2023/NĐ-CP quy định mức thu phí sử dụng đường bộ quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này tải. Trường hợp số tiền phí phải nộp là số tiền lẻ thì tổ chức thu phí tính tròn số theo nguyên tắc số tiền phí lẻ dưới 500 đồng thì tính tròn xuống, số tiền phí lẻ từ 500 đồng đến dưới 1.000 đồng thì tính tròn lên 1.000 đồng. 3. Phương thức tính, nộp phí sử dụng đường bộ từ năm 2024 Đối với xe ô tô của các tổ chức, cá nhân đăng ký tại Việt Nam (trừ xe ô tô của lực lượng quốc phòng, công an quy định tại khoản 2 Điều này). Đối với xe ô tô kiểm định lần đầu, thời điểm tính phí sử dụng đường bộ tính từ ngày phương tiện được cấp Giấy chứng nhận kiểm định. Đối với xe ô tô cải tạo, chuyển đổi công năng hoặc chuyển đổi sở hữu từ tổ chức sang cá nhân (và ngược lại) thì mức thu phí tính từ ngày chuyển đổi công năng hoặc chuyển đổi sở hữu theo Giấy chứng nhận đăng ký mới của xe ô tô. Phí sử dụng đường bộ tính theo năm, tháng hoặc theo chu kỳ kiểm định của xe ô tô. Đơn vị đăng kiểm cấp Tem nộp phí sử dụng đường bộ tương ứng với thời gian nộp phí. Cụ thể như sau: - Tính, nộp phí theo chu kỳ kiểm định + Đối với xe ô tô có chu kỳ kiểm định từ 01 năm trở xuống: Chủ phương tiện thực hiện nộp phí sử dụng đường bộ cho cả chu kỳ kiểm định và được cấp Tem nộp phí sử dụng đường bộ tương ứng với thời gian nộp phí. + Đối với xe ô tô có chu kỳ kiểm định trên 01 năm (18 tháng, 24 tháng và 36 tháng): Chủ phương tiện phải nộp phí sử dụng đường bộ theo năm (12 tháng) hoặc nộp cho cả chu kỳ kiểm định (18 tháng, 24 tháng và 36 tháng). Trường hợp nộp phí theo chu kỳ kiểm định (18 tháng, 24 tháng và 36 tháng): Đơn vị đăng kiểm cấp Tem nộp phí sử dụng đường bộ tương ứng với chu kỳ kiểm định. Hết thời hạn nộp phí (chu kỳ kiểm định), chủ phương tiện phải đến đơn vị đăng kiểm để kiểm định và nộp phí cho chu kỳ kiểm định tiếp theo. Trường hợp nộp phí theo năm (12 tháng): Đơn vị đăng kiểm cấp Tem nộp phí sử dụng đường bộ tương ứng với thời gian nộp phí 12 tháng. Hết thời hạn nộp phí (12 tháng), chủ phương tiện phải đến đơn vị đăng kiểm nộp phí và được cấp Tem nộp phí sử dụng đường bộ của thời gian tiếp theo (12 tháng hoặc thời gian còn lại của chu kỳ đăng kiểm). + Trường hợp chủ phương tiện đến kiểm định sớm hơn hoặc chậm hơn thời gian theo chu kỳ kiểm định quy định, đơn vị đăng kiểm kiểm tra xe và tính tiền phí sử dụng đường bộ nối tiếp từ thời điểm cuối của khoảng thời gian đã nộp phí sử dụng đường bộ lần trước cho đến hết chu kỳ kiểm định của kỳ tiếp theo (nếu chu kỳ kiểm định tiếp theo trên 12 tháng, chủ phương tiện có thể nộp đến 12 tháng hoặc nộp cả chu kỳ kiểm định). Trường hợp thời gian tính phí không tròn tháng thì số phí phải nộp sẽ tính bằng số ngày lẻ chia 30 ngày nhân với mức phí của 01 tháng. + Trường hợp chủ phương tiện chưa nộp phí sử dụng đường bộ của các chu kỳ kiểm định trước theo thời hạn quy định thì ngoài số phí phải nộp cho chu kỳ tiếp theo, chủ phương tiện còn phải nộp số phí chưa nộp của chu kỳ trước. Đơn vị đăng kiểm sẽ truy thu số phí phải nộp của chu kỳ trước, số phí phải nộp bằng mức thu phí của 01 tháng nhân với thời gian nộp chậm. + Trường hợp chủ phương tiện muốn nộp phí sử dụng đường bộ cho thời gian dài hơn chu kỳ kiểm định, đơn vị đăng kiểm thu phí và cấp Tem nộp phí sử dụng đường bộ tương ứng với thời gian nộp phí. + Đối với xe ô tô bị tịch thu, bị thu hồi bởi cơ quan Nhà nước có thẩm quyền; xe ô tô của các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập (mang biển kiểm soát màu xanh); xe ô tô của lực lượng quốc phòng, công an thanh lý; xe ô tô thế chấp bị tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thu hồi mà trong thời gian bị tịch thu, thu hồi, chờ thanh lý không kiểm định để lưu hành sau đó được bán phát mại, thanh lý thì chủ mới của phương tiện chỉ phải nộp phí sử dụng đường bộ từ thời điểm mang xe đi kiểm định để lưu hành. Khi kiểm định lưu hành, chủ phương tiện phải xuất trình cho cơ quan đăng kiểm các giấy tờ liên quan như: Quyết định tịch thu hoặc thu hồi của cấp có thẩm quyền; quyết định thu hồi tài sản thế chấp; quyết định cho phép thanh lý tài sản đối với các tài sản thuộc sở hữu của các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị lực lượng quốc phòng, công an; biên bản hoặc hợp đồng thực hiện hoàn tất thủ tục mua tài sản được bán thanh lý, bán đấu giá. Trường hợp xe bán thanh lý, phát mại đã nộp phí qua thời điểm đi kiểm định lại để lưu hành thì chủ phương tiện nộp phí tính từ thời điểm nối tiếp theo kỳ hạn đã nộp phí của chu kỳ trước. - Nộp phí theo năm dương lịch Các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có nhu cầu nộp phí sử dụng đường bộ theo năm dương lịch gửi thông báo bằng văn bản (lần đầu hoặc khi phát sinh tăng, giảm phương tiện) đến đơn vị đăng kiểm và thực hiện nộp phí sử dụng đường bộ theo năm dương lịch đối với các phương tiện của mình. Hàng năm, trước ngày 01 tháng 01 của năm tiếp theo, chủ phương tiện phải đến đơn vị đăng kiểm nộp phí cho năm tiếp theo. Khi thu phí, đơn vị đăng kiểm cấp Tem nộp phí sử dụng đường bộ cho từng xe tương ứng thời gian nộp phí. - Nộp phí theo tháng Doanh nghiệp có số phí sử dụng đường bộ phải nộp từ 30 triệu đồng/tháng trở lên được thực hiện nộp phí theo tháng. Doanh nghiệp có văn bản (lần đầu hoặc khi phát sinh tăng, giảm phương tiện) gửi đơn vị đăng kiểm và thực hiện nộp phí đối với các phương tiện của mình. Hàng tháng, trước ngày 01 của tháng tiếp theo, doanh nghiệp phải đến đơn vị đăng kiểm (đã đăng ký nộp phí theo tháng) nộp phí sử dụng đường bộ cho tháng tiếp theo. Khi thu phí, tổ chức thu phí cấp Tem nộp phí sử dụng đường bộ tương ứng thời gian nộp phí.
Bãi đỗ xe trạm dừng nghỉ chân đường bộ cần đáp ứng tiêu chuẩn ra sao?
Trạm dừng chân đường bộ thường được xây dựng gần các đường cao tốc để cho các xe khách trên đường dài có thể đến để nghỉ ngơi, mua sắm và vệ sinh. Vậy, bãi đỗ xe trạm dừng chân giao thông đường bộ cần đáp ứng tiêu chuẩn gì? 1. Bãi đỗ xe và đường ra, vào bãi đỗ xe cần đáp ứng tiêu chuẩn gì? Căn cứ 2.3.2. QCVN 43: 2012/BGTVT quy định về bãi đỗ xe và đường ra, vào bãi đỗ xe như sau: - Khu vực bãi đỗ xe: Thiết kế hướng đỗ xe hợp lý để đáp ứng nhu cầu đỗ xe của từng loại phương tiện, đảm bảo an toàn, thuận tiện; - Diện tích tối thiểu cho một chỗ đỗ của xe ô tô khách, xe ô tô tải là 40 m2 và cho xe ô tô con là 25m2. Có vạch sơn để phân định rõ từng vị trí đỗ xe. Có vị trí đỗ xe riêng cho người khuyết tật với diện tích tối thiểu 25m2 (Theo QCVN 07:2010/BXD); - Đường lưu thông trong trạm dừng nghỉ phải có các biển báo hiệu, vạch kẻ đường; có bán kính quay xe phù hợp (nhưng bán kính tối thiểu không nhỏ hơn 10m tính theo tim đường được quy định tại QCVN 07:2010/BXD để đảm bảo cho các loại phương tiện lưu thông an toàn trong khu vực trạm dừng nghỉ; - Đường ra, vào bãi đỗ xe phải được thiết kế theo các quy định và tiêu chuẩn hiện hành, đảm bảo lưu thông, hạn chế tối thiểu xung đột giữa dòng phương tiện vào và ra và với người đi bộ. 2. Nơi nghỉ ngơi của trạm dừng chân dành cho lái xe và hành khách Quy định về nơi nghỉ ngơi của lái xe và hành khách được quy định tại 2.3.3. QCVN 43: 2012/BGTVT như sau: - Phòng nghỉ tạm thời cho lái xe phải được trang bị ghế ngả, quạt điện hoặc điều hòa nhiệt độ. - Không gian nghỉ ngơi là khu vực kết cấu kiến trúc có mái che hoặc khu vực trong cây xanh, thảm cỏ có bố trí ghế ngồi (không kể khu vực các công trình dịch vụ thương mại), số lượng ghế ngồi được tính toán căn cứ theo lưu lượng khách vào trạm dừng nghỉ, đảm bảo khách vào trạm dừng nghỉ có nơi nghỉ ngơi khi không sử dụng các dịch vụ thương mại của trạm dừng nghỉ. 3. Quy định về khu vệ sinh của trạm dừng chân Căn cứ 2.3.4. QCVN 43: 2012/BGTVT quy định về khu vệ sinh trạm dừng chân được xây dựng như sau: - Khu vệ sinh phải được bố trí ở những nơi dễ quan sát, tiện cho khách sử dụng, đồng thời tránh ảnh hưởng tới các khu vực ăn uống và nghỉ ngơi của hành khách. Khu vệ sinh phải bố trí vệ sinh nam, nữ riêng và đảm bảo người khuyết tật có thể tiếp cận sử dụng; nơi vệ sinh dành cho người khuyết tật phải có biển báo theo quy ước quốc tế; - Khu vệ sinh phải đảm bảo chống thấm, chống ẩm ướt, thoát mùi hôi thối, thông thoáng, tường, mặt sàn và thiết bị phải luôn sạch sẽ. Số lượng, chất lượng các loại thiết bị vệ sinh phải phù hợp với quy định của từng loại công trình theo TCXDVN 276:2003; - Khu vệ sinh phải được thông gió tự nhiên trực tiếp; nếu thông gió tự nhiên không đáp ứng yêu cầu thì phải dùng thông gió cơ giới theo quy định tại TCVN 5687:2010; - Nền, mặt tường khu vệ sinh phải dùng loại vật liệu không hút nước, không hút bẩn, chịu xâm thực, dễ làm vệ sinh; - Tại các vị trí bố trí chậu để rửa tay nên bố trí bàn, gương, móc treo. 4. Khu vực giới thiệu và bán hàng hóa được xây dựng thế nào? Theo 2.3.6. QCVN 43: 2012/BGTVT quy định về khu vực giới thiệu và bán hàng hóa như sau: - Việc bố trí nội thất, kệ, quầy bán hàng phải bảo đảm đồng thời hai yếu tố thẩm mỹ và thông thoáng. Việc bố trí không gian nội thất nên cơ động, linh hoạt, dễ dàng thay đổi khi cần thiết; - Không gian mua hàng của khách phải đảm bảo thuận tiện để hành khách đi lại, đứng xem, chọn hàng, thử hàng, mua hàng. 5. Tiêu chuẩn đối với khu vực phục vụ ăn uống, giải khát của trạm dừng chân Căn cứ 2.3.7. QCVN 43: 2012/BGTVT về khu vực phục vụ ăn uống, giải khát được quy định như sau: - Khu vực phục vụ ăn uống, giải khát cho hành khách và lái xe phải được bố trí một khu vực riêng; - Khu vực phục vụ ăn uống phải được bố trí bàn ăn, ghế ngồi và thùng rác đảm bảo vệ sinh môi trường; - Khu vực chế biến thức ăn và khu vực phục vụ hành khách được ngăn cách bằng vách ngăn lửng hoặc được bố trí khu vực riêng biệt; - Nền khu vực phục vụ ăn uống phải dùng loại vật liệu dễ làm vệ sinh; - Khu vực phục vụ ăn uống phải được thông gió tự nhiên và trang bị hệ thống quạt mát, quạt hút mùi. Tùy theo yêu cầu cụ thể của từng trường hợp có thể thông gió bằng phương pháp cơ giới và thiết bị điều hòa nhiệt độ theo quy định tại TCVN 5687: 2010; - Khu vực ăn uống phải đảm bảo luôn sạch sẽ, đáp ứng đầy đủ các quy định về vệ sinh môi trường, các sản phẩm ăn uống phục vụ khách hàng phải đảm bảo các quy định về vệ sinh, an toàn thực phẩm.
Bộ GTVT hướng dẫn rà soát việc kết nối các tuyến đường bộ cao tốc
Ngày 15/9/2023, Bộ Giao thông vận tải ban hành Công văn 10353/BGTVT-KHĐT về việc hướng dẫn rà soát việc kết nối các tuyến đường bộ cao tốc theo Công điện 769/CĐ-TTg ngày 26/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện 769/CĐ-TTg ngày 26/8/2023 về việc rà soát việc kết nối các tuyến đường bộ cao tốc nhằm phát huy hiệu quả đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các vùng, địa phương, để có cơ sở báo cáo các cấp có thẩm quyền, Bộ GTVT đề nghị Ủy ban nhân dân (UBND) các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: (1) Nghiên cứu, rà soát quy hoạch tỉnh/thành phố đã và đang được triển khai về định hướng phát triển các khu vực đô thị, các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu du lịch, khu đô thị mới, cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu quốc tế... để tổng hợp, thống kê nhu cầu kết nối với hệ thống đường bộ cao tốc trên địa bàn (bao gồm các tuyến đường bộ đang khai thác, đang đầu tư và theo quy hoạch). Lưu ý khi quy hoạch xây dựng đầu tư các tuyến đường của địa phương kết nối với các tuyến đường bộ cao tốc phải bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả cao nhất có thể. (2) Việc kết nối đường bộ cao tốc phải tuân thủ quy định tại khoản 10 Điều 1 Nghị định 25/2023/NĐ-CP ngày 19/5/2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 32/2014/NĐ-CP ngày 22/4/2014 về quản lý, khai thác và bảo trì công trình đường cao tốc. Các vị trí kết nối (là nút giao khác mức liên thông với đường bộ cao tốc) phải bảo đảm khoảng cách theo quy định tại Mục 8.4 TCVN 5729:2012 (Đường ô tô cao tốc - Yêu cầu thiết kế). (3) Rà soát, đánh giá hiện trạng và đề xuất đầu tư các tuyến kết nối hoặc bổ sung/hoàn thiện nút giao khác mức liên thông. Các đề xuất đầu tư phải phù hợp với hiện trạng, quy hoạch của tuyến kết nối/nút giao khác mức liên thông, tiến trình đầu tư công trình, dự án có liên quan để bảo đảm kết nối hiệu quả, đồng bộ, sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư. Đối với các tuyến kết nối/nút giao khác mức liên thông cần đầu tư ngay, đề nghị thuyết minh làm rõ các nội dung: - Sự cần thiết đầu tư: làm rõ việc kết nối đường bộ cao tốc với các đô thị, khu chức năng quan trọng của địa phương, trường hợp khoảng cách với nút giao liền kề từ 5km đến 10km, đề nghị thuyết minh chi tiết sự cần thiết bảo đảm đáp ứng yêu cầu theo quy định Mục 8.4.2 TCVN 5729:2012. - Phạm vi, quy mô đầu tư (số làn xe, đầu tư phân kỳ hay hoàn chỉnh). - Sơ bộ tổng mức đầu tư. - Nguồn vốn: địa phương nghiên cứu ưu tiên bố trí vốn và chủ động các nguồn lực để đầu tư: (i) các tuyến kết nối thuộc thẩm quyền đầu tư của địa phương; (ii) các nút giao khác mức, tuyến kết nối thuộc nhiệm vụ, dự án đã được phân cấp đầu tư; (iii) các nút giao khác mức với đường bộ cao tốc đang khai thác theo quy định tại khoản 10 Điều 1 Nghị định 25/2023/NĐ-CP. Đối với tuyến kết nối/nút giao khác mức thuộc thẩm quyền đầu tư của Trung ương, đề nghị bổ sung thống kê để rà soát, tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét. - Tiến trình đầu tư: thuyết minh bảo đảm phù hợp tiến trình đầu tư, thời điểm hình thành các đô thị, khu chức năng, các khu vực phát sinh nhu cầu vận tải; tiến trình đầu tư tuyến đường bộ cao tốc. Văn bản rà soát bao gồm phần thuyết minh đề xuất các tuyến kết nối/nút giao khác mức liên thông cần đầu tư ngay và phụ lục thống kê nhu cầu kết nối theo Biểu mẫu gửi kèm, đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gửi về Bộ GTVT trước ngày 05/10/2023. Xem và tải Phụ lục https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2023/09/26/phu-luc.docx (4) Giao Cục Quản lý đầu tư xây dựng, Cục Đường cao tốc Việt Nam, Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông rà soát, đánh giá sự phù hợp các kiến nghị của địa phương theo các quy định pháp hiện hành liên quan đến việc kết nối đường bộ cao tốc (về khoảng cách giữa các nút giao, phạm vi, quy mô đầu tư nút giao/tuyến kết nối...); Vụ Kế hoạch - Đầu tư tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo chỉ đạo tại Công điện 769/CĐ-TTg. Xem chi tiết tại Công văn 10353/BGTVT-KHĐT ngày 15/9/2023.
Quy định khi tham gia giao thông trên đường cao tốc
Khi tham gia giao thông đường bộ thì việc tham gia giao thông trên đường cao tốc cần đảm bảo tuân thủ những nguyên tắc theo quy định pháp luật để việc tham gia giao thông không bị cản trở, đảm bảo an toàn cho những người tham gia giao thông. Đường cao tốc là gì? Căn cứ Điều 3 Luật giao thông đường bộ 2008: - Đường cao tốc là đường dành cho xe cơ giới, có dải phân cách chia đường cho xe chạy hai chiều riêng biệt; không giao nhau cùng mức với một hoặc các đường khác; được bố trí đầy đủ trang thiết bị phục vụ, bảo đảm giao thông liên tục, an toàn, rút ngắn thời gian hành trình và chỉ cho xe ra, vào ở những điểm nhất định. Nguyên tắc cần tuân thủ khi tham gia giao thông trên đường cao tốc Căn cứ Điều 26 Luật giao thông đường bộ 2008 thì khi tham gia giao thông trên đường cao tốc cần tuân thủ quy định sau: - Người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng trên đường cao tốc ngoài việc tuân thủ các quy tắc giao thông quy định tại Luật giao thông đường bộ 2008 còn phải thực hiện các quy định sau đây: + Khi vào đường cao tốc phải có tín hiệu xin vào và phải nhường đường cho xe đang chạy trên đường, khi thấy an toàn mới cho xe nhập vào dòng xe ở làn đường sát mép ngoài, nếu có làn đường tăng tốc thì phải cho xe chạy trên làn đường đó trước khi vào làn đường của đường cao tốc; + Khi ra khỏi đường cao tốc phải thực hiện chuyển dần sang làn đường phía bên phải, nếu có làn đường giảm tốc thì phải cho xe chạy trên làn đường đó trước khi rời khỏi đường cao tốc; + Không được cho xe chạy ở làn dừng xe khẩn cấp và phần lề đường; + Không được cho xe chạy quá tốc độ tối đa và dưới tốc độ tối thiểu ghi trên biển báo hiệu, sơn kẻ trên mặt đường. - Người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng phải cho xe chạy cách nhau một khoảng cách an toàn ghi trên biển báo hiệu. - Chỉ được dừng xe, đỗ xe ở nơi quy định; trường hợp buộc phải dừng xe, đỗ xe không đúng nơi quy định thì người lái xe phải đưa xe ra khỏi phần đường xe chạy, nếu không thể được thì phải báo hiệu để người lái xe khác biết. - Người đi bộ, xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô và máy kéo; xe máy chuyên dùng có tốc độ thiết kế nhỏ hơn 70 km/h không được đi vào đường cao tốc, trừ người, phương tiện, thiết bị phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc. =>> Như vậy khi tham gia giao thông trên đường cao tốc ngoài những quy định chung về giao thông đường bộ thì cần tuân thủ những quy định trên để hạn chế rủi ro trong quá trình tham gia giao thônh.
Xe biển số nước ngoài chạy tại Việt Nam đáp ứng điều kiện gì?
Du lịch bằng đường bộ là một trong những phương thức được nhiều nước láng viền với Việt Nam lựa chọn vì giá thành rẻ, có thể tự do cũng như dừng chân khám phá dễ dàng nhất là bằng ô tô. Sử dụng xe ô tô chạy sang biên giới du lịch là một lựa chọn tối ưu cho khách du lịch láng viền. Vậy khi khách nước ngoài sử dụng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ mang biển số nước ngoài vào địa phận Việt Nam có cần phải đáp ứng điều kiện gì không? 1. Phương tiện xe cơ giới đường bộ gồm những gì? Cụ thể, tại khoản 18 Điều 3 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định phương tiện giao thông cơ giới đường bộ bào gồm những phương tiện sau đây: - Xe ô tô. - Xe máy kéo. - Có rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi xe ô tô, máy kéo. - Xe mô tô hai bánh. - Xe mô tô ba bánh. - Xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự. Theo đó, khi người nào sử dụng một trong các loại phương tiện trên vào địa phận Việt Nam thì được xem là sử dụng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. 2. Điều kiện đối với xe nước ngoài vào Việt Nam Xe mang biển số nước ngoài phải đáp ứng một số điều kiện của cơ quan có thẩm quyền và quy định pháp luật việt Nam thì mới đủ điều kiện mới được phép lưu thông theo Điều 3 Nghị định 152/2013/NĐ-CP (sửa đổi bởi Nghị định 157/2015/NĐ-CP). (1) Đầu tiên phải thông qua doanh nghiệp lữ hành quốc tế của Việt Nam làm thủ tục đề nghị chấp thuận và tổ chức thực hiện. Thời gian được phép lưu thông tại Việt Nam tối đa không quá 30 ngày. Trong trường hợp bất khả kháng (thiên tai, tai nạn giao thông, hỏng phương tiện không thể sửa chữa tại Việt Nam), phương tiện được lưu lại Việt Nam thêm không quá 10 ngày. (2) Có văn bản chấp thuận của Bộ Giao thông vận tải. (3) Điều kiện đối với phương tiện: - Là xe ô tô chở khách có tay lái ở bên trái từ 9 chỗ trở xuống, xe ô tô nhà ở lưu động có tay lái ở bên trái và xe mô tô. - Thuộc quyền sở hữu của tổ chức, cá nhân nước ngoài, đã được đăng ký tại nước ngoài và gắn biển số nước ngoài. - Có Giấy đăng ký xe do cơ quan có thẩm quyền của quốc gia đăng ký xe cấp và còn hiệu lực. - Có Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới do cơ quan có thẩm quyền của quốc gia đăng ký xe cấp còn hiệu lực (đối với xe ô tô). (4) Điều kiện đối với người điều khiển phương tiện: - Phải là công dân nước ngoài. - Có hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu còn giá trị sử dụng ít nhất 06 tháng phù hợp với thời gian tạm trú tại Việt Nam. - Có Giấy phép lái xe phù hợp với loại xe điều khiển. 3. Điều kiện đối xe nước ngoài tham gia giao thông Quy định việc người điều khiển và phương tiện cơ giới nước ngoài tham gia giao thông tại Việt Nam sẽ được căn cứ tại Điều 5 Nghị định 152/2013/NĐ-CP như sau: Phải có phương tiện đi trước để dẫn đường cho phương tiện cơ giới nước ngoài trong quá trình tham gia giao thông tại Việt Nam. Đây là một điều kiện quan trọng vì khách du lịch nước ngoài khi vào Việt Nam không quen và rành đường dễ dẫn đến vi phạm giao thông. Lưu ý: Phương tiện dẫn đường là xe ô tô hoặc xe mô tô do doanh nghiệp lữ hành bố trí và phải được gắn logo hoặc cắm cờ của doanh nghiệp đó. Phải tham gia giao thông trong phạm vi tuyến đường và thời gian lưu hành trên lãnh thổ Việt Nam theo đúng quy định tại văn bản chấp thuận của Bộ GTVT. Bên cạnh đó, khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông, người điều khiển phải chấp hành đúng quy định của pháp luật về giao thông đường bộ của Việt Nam và phải mang theo các giấy tờ sau: - Hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu còn giá trị sử dụng ít nhất 06 tháng. - Giấy phép lái xe phù hợp với loại xe điều khiển. - Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới (đối với xe ô tô). - Giấy đăng ký xe do cơ quan có thẩm quyền của quốc gia đăng ký xe cấp và còn hiệu lực. - Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới có giá trị tại Việt Nam. - Chứng từ tạm nhập phương tiện. Ngoài ra, tại Điều 6 Nghị định 152/2013/NĐ-CP quy định xử lý vi phạm đối với người điều khiển phương tiện cơ giới nước ngoài được thực hiện như sau: Người điều khiển phương tiện cơ giới nước ngoài vi phạm các quy định của pháp luật Việt Nam và Điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên thì bị xử lý theo quy định. Như vậy, để khách du lịch sử dụng phương tiện giao thông cơ giới nước ngoài chạy tại Việt Nam cần thông qua 02 giai đoạn kiểm duyệt là phải đáp ứng được yêu cầu vào Việt Nam và giai đoạn tiếp theo là lưu thông trên đường bộ Việt Nam.
Xe khách chở quá số người quy định bị phạt bao nhiêu tiền?
Căn cứ theo Điều 23 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định về việc Xử phạt người điều khiển xe ô tô chở hành khách, ô tô chở người và các loại xe tương tự xe ô tô chở hành khách, chở người vi phạm quy định về vận tải đường bộ ... - Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng trên mỗi người vượt quá quy định được phép chở của phương tiện nhưng tổng mức phạt tiền tối đa không vượt quá 40.000.000 đồng đối với người điều khiển xe ô tô chở hành khách, ô tô chở người (trừ xe buýt) thực hiện hành vi vi phạm: + Chở quá từ 02 người trở lên trên xe đến 9 chỗ, chở quá từ 03 người trở lên trên xe 10 chỗ đến xe 15 chỗ; + Chở quá từ 04 người trở lên trên xe 16 chỗ đến xe 30 chỗ; + Chở quá từ 05 người trở lên trên xe trên 30 chỗ, trừ các hành vi vi phạm quy định tại khoản 4 Điều này. ... - Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng trên mỗi người vượt quá quy định được phép chở của phương tiện nhưng tổng mức phạt tiền tối đa không vượt quá 40.000.000 đồng đối với người điều khiển xe ô tô chở hành khách chạy tuyến có cự ly lớn hơn 300 km thực hiện hành vi vi phạm: + Chở quá từ 02 người trở lên trên xe đến 9 chỗ; + Chở quá từ 03 người trở lên trên xe 10 chỗ đến xe 15 chỗ; + Chở quá từ 04 người trở lên trên xe 16 chỗ đến xe 30 chỗ; + Chở quá từ 05 người trở lên trên xe trên 30 chỗ. ... - Ngoài việc bị áp dụng hình thức xử phạt, người điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả sau đây: Thực hiện hành vi quy định tại khoản 2, khoản 4 Điều này (trường hợp chở hành khách) buộc phải bố trí phương tiện khác để chở số hành khách vượt quá quy định được phép chở của phương tiện; Căn cứ Điều 30 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định về việc xử phạt chủ phương tiện vi phạm quy định liên quan đến giao thông đường bộ như sau: - Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng trên mỗi người vượt quá quy định được phép chở của phương tiện nhưng tổng mức phạt tiền tối đa không vượt quá 40.000.000 đồng đối với chủ phương tiện là cá nhân Từ 800.000 đồng đến 1.200.000 đồng trên mỗi người vượt quá quy định được phép chở của phương tiện nhưng tổng mức phạt tiền tối đa không vượt quá 80.000.000 đồng đối với chủ phương tiện là tổ chức giao phương tiện hoặc để cho người làm công, người đại diện điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 Điều 23 Nghị định này hoặc trực tiếp điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 Điều 23 Nghị định này. ... - Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng trên mỗi người vượt quá quy định được phép chở của phương tiện nhưng tổng mức phạt tiền tối đa không vượt quá 40.000.000 đồng đối với chủ phương tiện là cá nhân Từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng trên mỗi người vượt quá quy định được phép chở của phương tiện nhưng tổng mức phạt tiền tối đa không vượt quá 80.000.000 đồng đối với chủ phương tiện là tổ chức giao phương tiện hoặc để cho người làm công, người đại diện điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm quy định tại khoản 4 Điều 23 Nghị định này hoặc trực tiếp điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm quy định tại khoản 4 Điều 23 Nghị định này. Như vậy theo quy định hiện hành đối với trường hợp mà chở quá số người quy định của nhà xe khách đó là hành vi vi phạm quy định về vận tải đường bộ về chở hành khách, chở người. Đối với hành vi này không chỉ người điều khiển xe phải chịu phạt mà chủ xe tùy theo mức độ mà sẽ có mức phạt tương ứng như trên.
Hà Nội dự kiến thu phí ôtô vào nội đô: Cao nhất 100.000 đồng
Theo Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, dự kiến mức thu hợp lý để có tác dụng điều chỉnh hành vi người điều khiển phương tiện khoảng 100.000 đồng. Nguyên tắc mức phí đủ tác động điều chỉnh hành vi trên cơ sở thực tế về mức thu các điểm đỗ xe trong khu vực trung tâm thành phố. Thu phí đến 100.000 đồng khi vào nội đô Hà Nội - Minh họa Sở Giao thông Vận tải Hà Nội vừa có báo cáo một số nội dung cơ bản của đề án thu phí phương tiện cơ giới đường bộ đi vào một số khu một số khu vực nhằm giảm thiểu ùn tắc giao thông. Theo Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, hiện tại kết cấu hạ tầng giao thông vận tải chưa đồng bộ theo quy hoạch; các tuyến vành đai 1-2-3 được đầu tư chưa hoàn chỉnh. Các tuyến đường sắt đô thị đều chậm tiến độ, theo như dự kiến. Tình trạng ùn tắc giao thông vẫn diện biến phức tạp đặc biệt vào giờ cao điểm và các dịp lễ, tết tập trung đông người. Vì vậy, giải pháp thu phí là hết sức cần thiết. Đây là một biện pháp kinh tế của cơ quan nhà nước nhằm điều chỉnh hành vi của người tham gia giao thông khi không cần thiết đi vào vùng thu phí và hạn chế việc sử dụng phương tiện giao thông cá nhân. Nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trong phạm vi thu phí. Đối tượng thu phí là các xe ôtô di chuyển từ bên ngoài vào trong khu vực thu phí có nguy cơ ùn tắc giao thông (trừ xe ưu tiên theo quy định). Các phương tiện được miễn phí có điều kiện là xe hộ gia đình và xe ôtô của cơ quan công sở trong khu vực thu phí bắt buộc phải đi lại qua khu vực thu phí được miễn phí theo lượt nhất định. Trên cơ sở các nguyên tắc nêu trên, căn cứ kết cấu hạ tầng giao thông và mật độ giao thông, dự kiến phạm vi thu phí giới hạn bởi các đường: Vành đai 3 – Cầu Thanh Trì – Pháp Vân – Mai Dịch – Phạm Văn Đồng - trục Tây Thăng Long – Võ Chí Công – Cầu Nhật Tân – Đường Hoàng Sa – Đường Trường Sa – Đường Lý Sơn – Đường Nguyễn Văn Linh và khép kín vào Vành đai 3. Với vành đai thu phí như trên, dự kiến đặt trạm thu phí tại 68 vị trí và 87 trạm thu phí. Phạm vi thu phí này có điều kiện để các xe ôtô các tỉnh thành phố không cần thiết đi qua khu vực thu phí có điều kiện đi ra ngoài khu vực thu phí. Cũng theo Sở Giao thông Vận tải, mức thu phí được xác định đảm bảo bù đắp chi phí đầu tư và chi phí vận hành bảo trì hệ thống thu phí. Mức thu phí phải đảm bảo tính khả thi, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế xã hội và phù hợp với khả năng đóng góp của người tham gia giao thông. Do đó, trên cơ sở khái toán kinh phí đầu tư, chi phí vận hành bảo trì hệ thống thu phí và lưu lượng xe, dự kiến mức thu phí thấp nhất đủ bù đắp chi phí đầu tư và chi phí quản lý, vận hành khoảng 50.000 đồng. Theo nguyên tắc mức phí đủ tác động điều chỉnh hành vi trên cơ sở thực tế về mức thu các điểm đỗ xe trong khu vực trung tâm Thành phố. Dự kiến mức thu hợp lý để có tác dụng điều chỉnh hành vi người điều khiển phương tiện khoảng 100.000 đồng. Mức phí cụ thể và các chính sách miễn giảm cho các đối tượng sẽ được UBND thành phố (trên cơ sở dự án đầu tư và phương án quản lý tài chính của sự án đầu tư được duyệt) trình HĐND TP xem xét tại kỳ họp trong năm 2024 trước khi thu phí. Trước đó, ngày 29.10, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP Hà Nội (Sở Giao thông Vận tải) đã báo cáo thành phố đề án thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực có nguy cơ ùn tắc và ô nhiễm môi trường. Theo đề xuất, mức phí vào nội đô ngày làm việc trong tuần đối với các xe ôtô cá nhân dưới 9 chỗ từ 25.000 - 60.000 đồng/lượt. Về lộ trình thực hiện, Sở Giao thông Vận tải cho biết, dự kiến HĐND TP thông qua Đề án: “Thu phí phương tiện cơ giới đường bộ đi vào một số khu vực nhằm giảm ùn tắc giao thông” tại kỳ họp cuối năm 2021 về loại phí và khung phí. Từ năm 2022-2023: Hoàn thiện các điều kiện thu phí. Xây dựng dự án đầu tư trạm thu phí. Phương án tài chính, quản lý chi phí, xác định cụ thể mức thu phí và các chính sách miễn giảm cụ thể cho các đối tượng thu phí. Năm 2024, trình HĐND TP ban hành mức thu phí cụ thể và các chính sách miễn giảm phí theo dự án đầu tư được duyệt và tổ chức thực hiện sau khi HĐND TP quyết định trong năm 2024. PHẠM ĐÔNG Theo báo Laodong
Thí điểm: Bộ GTVT cho phép xe khách liên tỉnh hoạt động trở lại, người dân cần tuân thủ quy định gì?
Bộ GTVT vừa ban hành Quyết định số 1777/QĐ-BGTVT ngày 10/10/2021 Ban hành Quy định tạm thời về thí điểm tổ chức hoạt động vận tải hành khách đường bộ đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, sẽ áp dụng từ ngày 13 đến ngày 20/10/2021. Tổ chức vận tải hành khách đường bộ từ 13/10 - Minh họa Quy định tạm thời này nêu rõ mục đích từng bước khôi phục lại hoạt động vận tải hành khách theo tuyến cố định liên tỉnh bằng xe ô tô tạo điều kiện để vận chuyển hành khách phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân, góp phần thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế. Theo đó, yêu cầu Đối với hành khách bao gồm: 1.1. Đi từ địa phương/khu vực có nguy cơ rất cao, nguy cơ cao đến địaphương/khu vực có nguy cơ tương đương hoặc thấp hơn: a) Phải tiêm đủ liều vắc xin phòng COVID-19 (thẻ xanh trên Sổ Sức khoẻ điện tử/PC-COVID hoặc giấy chứng nhận tiêm đủ liều vắc xin của cơ quan có thẩm quyền cấp, liều cuối cùng đã được tiêm ít nhất 14 ngày) hoặc đã khỏi bệnh COVID19 trong vòng 6 tháng tính đến thời điểm về địa phương (có giấy ra viện/giấy xác nhận khỏi bệnh COVID-19); b) Có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên âm tính trong vòng 72 giờ trước khi lên xe ô tô; c) Tuân thủ “Thông điệp 5K”; khai báo y tế theo quy định của Bộ Y tế (không tham gia chuyến đi khi có các triệu chứng ho, sốt, khó thở, đau mỏi cơ, đau rát họng…); d) Trường hợp hành khách chưa đủ điều kiện tiêm chủng vắc xin theo quy định của Bộ Y tế khi đi cùng người thân trên chuyến xe: phải đáp ứng quy định tại điểm b, điểm c mục này. 1.2. Đi từ địa phương/khu vực có nguy cơ và bình thường mới đến địa phương/khu vực có nguy cơ cao hơn: a) Tuân thủ “Thông điệp 5K”; khai báo y tế theo quy định của Bộ Y tế (không tham gia chuyến đi khi có các triệu chứng ho, sốt, khó thở, đau mỏi cơ, đau rát họng…); b) Có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên âm tính trong vòng 72 giờ trước khi lên xe ô tô; c) Thực hiện các biện pháp về phòng, chống dịch của Bộ Y tế và từng địa phương nơi đến. 1.3. Kê khai thông tin vào Danh sách hành khách đi xe theo hướng dẫn của lái xe hoặc nhân viên phục vụ trên xe. 1.4. Khi ở trên phương tiện: Đeo khẩu trang, sát khuẩn tay, hạn chế tiếp xúc. 1.5. Kết thúc chuyến đi: a) Trong quá trình di chuyển từ bến xe, điểm đón, trả khách về nơi cư trú, lưu trú: tuân thủ “Thông điệp 5K”, sử dụng ứng dụng PC-COVID, hạn chế dừng và không tiếp xúc nơi đông người; b) Chủ động thông báo với chính quyền địa phương nơi cư trú, lưu trú; c) Tự theo dõi sức khoẻ hoặc thực hiện cách ly tại nơi cư trú, lưu trú theo quy định của Bộ Y tế và cụ thể của từng địa phương về các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 kể từ ngày về địa phương; tuân thủ “Thông điệp 5K”; d) Trường hợp có dấu hiệu bất thường về sức khỏe như ho, sốt, khó thở, đaurát họng, mất vị giác... thì thông báo ngay cho cơ quan y tế để theo dõi và triển khai quy trình xử lý dịch bệnh theo quy định. Ngoài ra, Quy định còn đưa ra các yêu cầu dành cho tài xế, nhân viên trên xe, các trạm xe, bến xe. Trong giai đoạn thí điểm này, các đơn vị thực hiện tối thiểu 5% và tối đa không vượt quá 30% số chuyến trong 7 ngày theo lưu lượng đã được Sở GTVT công bố (số chuyến/tháng) và có giãn cách chỗ trên phương tiện (không áp dụng giãn cách đối với xe giường nằm) Đối với các địa phương nguy cơ thấp và bình thường đến địa phương/khu vực có nguy cơ tương đương thì tổ chức hoạt động vận tải bình thường Tải và xem chi tiết Quyết định 1777 TẠI ĐÂY.
Bị phạt vì không bật đèn xe sau 18h? Đọc bài viết, bạn sẽ biết mình vừa mất tiền oan!
Phải bật đèn xe từ mấy giờ? Sau một thời gian làm việc trong lĩnh vực tư vấn, giải quyết các vấn đề về pháp luật cho nhiều đối tượng, bao gồm cả những người học luật, hiểu luật và những người không biết nhiều về luật, mình sẽ giải thích tại sao việc phạt người không bật đèn xe sau 18 giờ là hoàn toàn sai luật! 1. Bị phạt vì không bật đèn xe sau 18h? Trước đây, Nghị định 34/2010/NĐ-CP có định nghĩa: “Thời gian sử dụng đèn chiếu sáng về ban đêm là khoảng thời gian từ 18 giờ ngày hôm trước đến 6 giờ ngày hôm sau.” Đó là lý do nhiều người vẫn quen với cách hiểu thời gian bắt buộc phải bật đèn xe là từ 18h. Sau đó, các văn bản quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ thay thế cho văn bản này gồm có Nghị định 171/2013/NĐ-CP (có hiệu lực từ 01/01/2014), Nghị định 46/2016/NĐ-CP (có hiệu lực từ 01/08/2016) Trong các văn bản trên, cho đến khi Nghị định 46 có hiệu lực, người ta vẫn quen việc xác định thời gian bật đèn xe là từ 18 giờ, tuy nhiên theo quy định tại Nghị định 46, cụ thể là Điều 5, thời gian bắt buộc bật đèn xe đã được thay đổi: từ 19 giờ đến 5 giờ sáng ngày hôm sau! Các quy định xử phạt hành chính về giao thông đường bộ được áp dụng thi hành hiện nay thực hiện theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP, bỏ vài phút ra đọc văn bản, bạn sẽ thấy việc xử phạt liên quan đến “đèn chiếu sáng” cũng sẽ được áp dụng nếu bạn không bật đèn xe trong khoảng thời gian từ 19 giờ đến 5 giờ sáng hôm sau (Điều 5, Điều 6 Nghị định này). Nghị định 100 đã có hiệu lực từ 1/1/2020, thay thế cho Nghị định 46/2016, nghĩa là quy định về việc bật đèn xe sau 19 giờ đã áp dụng từ 1/8/2016 và chưa có thay đổi cho đến tận bây giờ! Nếu bạn bị thổi phạt vì lỗi không bật đèn xe trước 19h, xin khẳng định người phạt vi phạm đang cố tình làm trái luật và lợi dụng sự thiếu hiểu biết của các bạn để thực hiện hành vi bất chính! 2. Nếu thật sự vi phạm, bạn sẽ bị phạt bao nhiêu tiền? Trích từ bài viết dưới đây, mình sẽ đưa ra những mức phạt cho toàn bộ những hành vi liên quan đến sử dụng đèn xe (bao gồm cả việc bật đèn chiếu xa). >>> Hướng dẫn bật đèn xe máy, xe ô tô đúng luật (1). Đối với xe ô tô: (Căn cứ Điểm b, Điểm g, Điểm r Khoản 3 Điều 5 NĐ 100) Mức phạt từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng khi: + Sử dụng đèn chiếu xa trong đô thị, khu đông dân cư, trừ các xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ theo quy định. + Không sử dụng hoặc sử dụng không đủ đèn chiếu sáng trong thời gian từ 19 giờ ngày hôm trước đến 05 giờ ngày hôm sau, khi sương mù, thời tiết xấu hạn chế tầm nhìn. + Sử dụng đèn chiếu xa khi tránh xe đi ngược chiều. + Chạy trong hầm đường bộ không sử dụng đèn chiếu sáng gần. (2). Đối với xe mô tô, xe gắn máy: (Căn cứ Điểm l, Điểm m Khoản 1 Điều 6 và Điểm m Khoản 3 NĐ 100) Mức phạt từ 100.000 đến 200.000 đồng khi: + Không sử dụng đèn chiếu sáng trong thời gian từ 19 giờ ngày hôm trước đến 05 giờ ngày hôm sau hoặc khi sương mù, thời tiết xấu hạn chế tầm nhìn. + Sử dụng đèn chiếu xa khi tránh xe đi ngược chiều. + Sử dụng đèn chiếu xa trong đô thị, khu đông dân cư. Mức phạt từ 400.000 đến 600.000 đồng khi: + Chạy trong hầm đường bộ không sử dụng đèn chiếu sáng gần. Như vậy, các bạn đã hiểu được quy định về việc bật đèn xe hiện này áp dụng theo văn bản nào và cụ thể ra sao, hy vọng bài viết sẽ giúp ích cho các bạn tránh bị xử lý sai luật khi tham gia giao thông!
Hỏi đáp về Luật giao thông đường bộ. (Mong Luật Sư đọc hết vì bài viết hơi dài)
Em có 1 số câu hỏi sau liên quan đên luật giao thông đường bộ mà vô tình đi trên đường em bị bắt và cảm thấy rất bực bội trước sự trả lời " cho có" của CSGT. Câu 1: em có thắc mắc này, là e đang đi trên đường ( đi bằng xe gắn máy) vì tránh xe của người qua đường nên em đã đi qua phần đường của xe khác nhanh chóng thì e đã vào lại phần đường của xe gắn máy và không những 1 mình e mà có rất nhiều người trên đường cũng lấn tuyến giống như em... và cũng vì lí do là nhiều người buôn bán lấn chiếm lề đường nên mọi người đi trên đường rất nhiều người lấn đến 1/2 tuyến thứ 2. Một mình e bị bắt vào, được hỏi thỳ CSGT nói là e đã lấn tuyến... E trả lời: vì em tránh xe qua đường và e đã nhanh chóng vào lại phần đường của mình. CSGT: tôi không cần biết a đi như thế nào và làm gì. nhưng tôi thấy a đã lấn tuyến. Em: Nhưng rất nhiều ngời lần tuyến giống như em. CSGT: đó là chuyện của người ta, còn 1 lần bắt tôi chỉ bắt đc 1 người. rồi CSGT lấy biên bản ra xữ phạt em( trong biên bản e thấy còn kẹp tiền :(( ) Cho em hỏi việc chạy xe tránh người nên lấn tuyến và nhanh chóng đi lại vào đúng phần đường quy định thỳ sẻ bị phạt như thế nào. và trọng cuộc trò chuyện trên thì chú CSGt trả lời như vậy đã chính xác chưa. và nếu như e thấy mình ko có lổi thì e có phải kí tên vào biên bản vi phạm không. vì CSGT bắt buộc em kí vào biên bản và nói nếu em ko kí sẻ xữ phạt nặng. trong biên bản có ghi phần "ý kiến của người vi phạm" thì CSGT nói em là ghi vào đó 1 chử " Đúng" điều này có nghĩa là e chấp nhận vi phạm, nhưng e nói đây là mục ý kiến riêng của em, nên em có quyền ghi những ý kiến của m vào đây. thì nhanh chóng bị CSGT lấy lại biên bản có lẻ vì sợ e ghi những điều " Xấu của chú CSGT đó" và cho em hỏi: khi em thấy việc làm sai trái của CSGT thì e có đc quyền ghi hình lại không. e nghe CSGT nói là tôi sẻ tịch thu điện thoại của a. trong khi em đã nói cho e xin phép quay hình lại, và được sự đồng ý của CSGT " em cứ quay thoải mái đi". sau đó là câu nói "tôi sẻ tịch thu điện thoại của a". e cảm thấy rất bức xúc về thái độ cách ứng xữ và cách làm việc của chú CSGt trên.. Mong nhận được câu trả lời từ phía luật sư... Em xin chân thành cám ơn,