Những điểm mới trong Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi)
Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) có những điểm mới nào đáng chú ý? Cùng điểm qua một số điểm mới nổi bật và phân tích những điểm này qua bài viết dưới đây. Sau hơn 10 năm từ ngày Luật Công đoàn 2012 được ban hành, thực tế đã xuất hiện thêm nhiều yêu cầu, bất cập đòi hỏi có sự đổi mới, điều chỉnh, hoàn thiện hơn về các quy định để đáp ứng được nhu cầu phát triển của tổ chức Công đoàn trong thời kỳ đổi mới. Trên cơ sở kế thừa những quy định đã khẳng định được tính hợp lý, ổn định và hiệu quả, Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) tập trung sửa đổi, bổ sung những nội dung liên quan đến tổ chức bộ máy, tài chính công đoàn phù hợp với thể chế chính trị và yêu cầu phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế ở nước ta. Theo đó, Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) đã sửa đổi, bổ sung 32 Điều, thêm mới 05 điều, bỏ đi 01 Điều so với Luật Công đoàn 2012. Trong đó, những quy định nổi bật, nhận được nhiều sự quan tâm là những quy định về phạm vi điều chỉnh; quyền thành lập, gia nhập Công đoàn; quản lý, sử dụng tài chính Công đoàn và trường hợp miễn, giảm đóng phí Công đoàn. >>> Xem Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) 2024 https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/10/09/du-thao-luat-cong-doan-sua-doi.pdf (1) Phạm vi điều chỉnh của Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) Theo đề xuất tại Điều 2 Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi), phạm vi điều chỉnh được quy định như sau: Luật này quy định về quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn của người lao động; quyền gia nhập Công đoàn Việt Nam của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp; chức năng, nhiệm vụ, quyền, trách nhiệm của Công đoàn; quyền, trách nhiệm của đoàn viên công đoàn; trách nhiệm của Nhà nước, cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, người sử dụng lao động đối với Công đoàn; bảo đảm hoạt động của Công đoàn; giải quyết tranh chấp và xử lý vi phạm pháp luật về công đoàn. Theo đó, Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) đã thêm quy định về "quyền gia nhập Công đoàn Việt Nam của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp", nhấn mạnh quyền gia nhập không chỉ của cá nhân người lao động mà còn của các tổ chức lao động. Như vậy, phạm vi điều chỉnh tại Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) đã bao quát hơn vì bao gồm cả quyền của tổ chức lao động, thay vì chỉ tập trung vào quyền của người lao động cá nhân mà không đề cập đến quyền gia nhập của tổ chức lao động như Luật Công đoàn 2012. Việc sửa đổi quy định này đã tạo ra một khung pháp lý rộng hơn, toàn diện hơn trong việc quy định về phạm vi điều chỉnh của Luật Công đoàn nói chung và việc thành lập và gia nhập Công đoàn nói riêng. (2) Quyền thành lập, gia nhập Công đoàn Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) đề xuất 02 phương án về quyền thành lập, gia nhập Công đoàn tại Điều 5 như sau: Phương án 1: - Người lao động Việt Nam làm việc trong các đơn vị sử dụng lao động hoặc lao động tự do hợp pháp trên lãnh thổ Việt Nam, có quyền thành lập, gia nhập và hoạt động trong tổ chức Công đoàn Việt Nam. - Người lao động là người nước ngoài làm việc trong các đơn vị sử dụng lao động trên lãnh thổ Việt Nam, có quyền gia nhập và hoạt động trong tổ chức Công đoàn Việt Nam. - Trình tự, thủ tục thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam. Phương án 2: - Người lao động Việt Nam làm việc trong các đơn vị sử dụng lao động hoặc lao động tự do hợp pháp trên lãnh thổ Việt Nam, có quyền thành lập, gia nhập và hoạt động trong tổ chức Công đoàn Việt Nam. - Trình tự, thủ tục thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam. Theo đó, điểm khác biệt ở Phương án 1 và Phương án 2 tại Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) là Phương án 1 đề cập đến cả người lao động Việt Nam và người lao động nước ngoài, trong khi đó Phương án 2 chỉ nhấn mạnh quyền của người lao động Việt Nam. Không đề cập đến người lao động nước ngoài. Tuy nhiên, cả 2 phương án trên có điểm chung là đã mở rộng phạm vi áp dụng cho cả người lao động trong các doanh nghiệp và những người lao động tự do, thay vì chỉ áp dụng cho những người lao động làm việc trong các cơ quan và doanh nghiệp chính thức, không bao gồm người lao động tự do như Luật Công đoàn 2012. (3) Quản lý, sử dụng tài chính Công đoàn Theo đó, Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) đề xuất sửa đổi đưa ra 02 phương án trong việc quản lý, sử dụng tài chính Công đoàn tại khoản 2 Điều 30 như sau: Phương án 1: Tại những nơi đã có tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp, kinh phí công đoàn theo điểm b khoản 1 Điều 29 được phân phối cho các tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở theo quy định của Chính phủ. Phương án 2: Kinh phí công đoàn theo điểm b khoản 1 Điều 29 do công đoàn cấp trên quản lý, sử dụng 25%; 75% còn lại được phân phối cho công đoàn cơ sở và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp như sau: a) Ở cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp chỉ có tổ chức công đoàn, công đoàn cơ sở được phân phối toàn bộ kinh phí nêu trên; b) Ở doanh nghiệp chỉ có tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp thì tổ chức này được phân phối theo số thành viên trên số lao động thu được kinh phí công đoàn; c) Ở doanh nghiệp có cả công đoàn cơ sở và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp, công đoàn cơ sở được phân phối số kinh phí công đoàn nêu trên sau khi trừ đi số kinh kinh phí cho tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp theo điểm b khoản 2 Điều này; d) Ở doanh nghiệp chưa có công đoàn cơ sở và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở tạm giữ toàn bộ số kinh phí nêu trên để thực hiện chi cho người lao động tại doanh nghiệp và hoàn trả số chưa chi cho công đoàn cơ sở và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp khi được thành lập theo điểm a và điểm b. Việc quản lý, sử dụng kinh phí công đoàn của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp do Chính phủ quy định Đây là quy định được bổ sung mới hoàn toàn tại Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi). Theo đó, Phương án 1 chỉ nêu kinh phí Công đoàn được phân phối cho các tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở, nhưng không nêu rõ tỷ lệ phân chia hay cách thức cụ thể. Ngược lại, Phương án 2 đã cung cấp một cơ chế phân phối rõ ràng hơn với tỷ lệ cụ thể hơn: 25% do Công đoàn cấp trên quản lý và 75% được phân phối cho Công đoàn cơ sở và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Phương án 2 cũng đưa ra các điều kiện cụ thể cho từng trường hợp, điều này tạo ra sự minh bạch hơn trong việc sử dụng nguồn tài chính của Công đoàn. (4) Trường hợp miễn, giảm đóng phí Công đoàn Theo đó, tại Điều 29 Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) đã bổ sung thêm quy định mới được xem xét miễn, giảm hoặc tạm dừng đóng phí Công đoàn trong trường hợp doanh nghiệp gặp khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh phải tạm dừng sản xuất, kinh doanh dẫn đến không có khả năng đóng kinh phí Công đoàn. Đề xuất này thể hiện sự linh hoạt và thích ứng của pháp luật trước những biến động bất ngờ trong môi trường kinh doanh, giúp bảo vệ quyền lợi của người lao động và đảm bảo sự tồn tại của doanh nghiệp trong những thời điểm khó khăn. Đồng thời góp phần tạo ra một môi trường làm việc ổn định và bền vững hơn, khuyến khích doanh nghiệp duy trì hoạt động và đảm bảo công ăn việc làm cho người lao động. Ngoài ra, một điểm cũng nhận được nhiều sự quan tâm trong quy định tại Điều 29 Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) đó là kinh phí công đoàn. Theo đó, kinh phí công đoàn được quy định do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động. Như vậy, mức đóng này vẫn giữ nguyên là 2% trong khi một số doanh nghiệp có ý kiến giảm. Việc giữ nguyên mức đóng này đã tạo ra nhiều ý kiến tranh luận trong thời gian qua. Giải thích về việc giữ nguyên mức đóng phí công đoàn 2%, ông Ngọ Duy Hiểu - Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, mức đóng 2% đã được quốc hội xem xét và đồng tình, đồng thời xét thấy mức đóng 2% vẫn nằm trong phạm vi chấp nhận được đối với sức chịu đựng của các tổ chức, doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khẳng định, tỷ lệ 2% là phù hợp với thực tế và đóng góp vào việc bảo đảm phúc lợi ổn định cho người lao động. Trên đây là một số điểm mới nổi bật tại Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi). Dự thảo luật này dự kiến sẽ được Quốc hội xem xét và thông qua tại kỳ họp thứ 8, diễn ra trong tháng 10 và 11/2024. >>> Xem Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) 2024 https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/10/09/du-thao-luat-cong-doan-sua-doi.pdf
Những điểm mới về chế độ ốm đau trong Luật Bảo hiểm xã hội 2024 (P2)
(tiếp tục…) Tiếp nối phần trước, tại phần này chúng ta sẽ điểm qua các điểm mới về thời gian hưởng và mức hưởng của chế độ ốm đau trong Luật Bảo hiểm xã hội 2024 nhé! Xem thêm: Danh sách nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại TPHCM Quý 4/2024 >>> Những điểm mới về chế độ ốm đau trong Luật Bảo hiểm xã hội 2024 (P1) (4) Thời gian hưởng chế độ ốm đau Theo quy định tại Điều 43 của Luật Bảo hiểm xã hội 2024, thời gian tối đa để hưởng chế độ ốm đau trong một năm (từ ngày 01/01 đến ngày 31/12) đối với những người được hưởng chế độ ốm đau (trừ đối tượng quy định tại điểm d khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 vì đối tượng này sẽ được hưởng mức riêng) được tính theo số ngày làm việc, không bao gồm ngày nghỉ lễ, Tết và ngày nghỉ hàng tuần, cụ thể như sau: - Đối với người lao động làm việc trong điều kiện bình thường: + 30 ngày nếu đã đóng BHXH bắt buộc dưới 15 năm; + 40 ngày nếu đã đóng BHXH từ 15 năm đến dưới 30 năm; + 60 ngày nếu đã đóng BHXH từ 30 năm trở lên. - Đối với người lao động làm nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc thuộc danh mục nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành, hoặc làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn: + 40 ngày nếu đã đóng BHXH bắt buộc dưới 15 năm; + 50 ngày nếu đã đóng BHXH từ 15 năm đến dưới 30 năm; + 70 ngày nếu đã đóng BHXH từ 30 năm trở lên. Ngoài ra, nếu hết thời hạn hưởng chế độ ốm đau mà người lao động vẫn cần tiếp tục điều trị cho các bệnh thuộc danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành, họ sẽ được tiếp tục hưởng chế độ ốm đau. Thời gian nghỉ hưởng chế độ này cũng được tính theo ngày làm việc, không tính ngày nghỉ lễ, Tết và ngày nghỉ hàng tuần. Đối với các đối tượng quy định tại điểm d khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 (bao gồm sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân), thời gian hưởng chế độ ốm đau sẽ dựa vào thời gian điều trị nội trú tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và thời gian nghỉ việc theo chỉ định của nhân viên y tế tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Luật Bảo hiểm xã hội 2024 đã cập nhật và làm rõ hơn một số điều khoản so với Luật Bảo hiểm xã hội 2014, đặc biệt là việc phân loại đối tượng và quy định về thời gian hưởng chế độ ốm đau cho những người làm việc trong điều kiện nặng nhọc, độc hại. Đồng thời, Luật mới cũng quy định rõ hơn về chế độ cho những bệnh cần chữa trị dài ngày, không còn ấn định thời gian tối đa được nghỉ dài ngày là 180 ngày như trước. (5) Thời gian hưởng chế độ khi chăm sóc con ốm đau Theo quy định tại Điều 44 Luật Bảo hiểm xã hội 2024, thời gian hưởng chế độ chăm sóc con ốm đau trong một năm (từ ngày 01/01 đến ngày 31/12) được quy định tối đa 20 ngày cho mỗi con dưới 03 tuổi và tối đa 15 ngày cho mỗi con từ đủ 03 tuổi đến dưới 07 tuổi. Trong trường hợp cả cha và mẹ đều tham gia BHXH bắt buộc, thời gian hưởng chế độ chăm sóc con ốm đau của mỗi người sẽ được tính theo quy định nêu trên. Thời gian nghỉ việc để hưởng chế độ chăm sóc con ốm đau được tính theo ngày làm việc, không bao gồm ngày nghỉ lễ, Tết và ngày nghỉ hằng tuần Luật Bảo hiểm xã hội 2024 và Luật Bảo hiểm xã hội 2014 đều có những quy định tương tự về thời gian hưởng chế độ chăm sóc con ốm đau, trường hợp cả cha và mẹ cùng tham gia BHXH, cũng như cách tính thời gian nghỉ việc. Sự khác biệt chủ yếu nằm ở cách diễn đạt, nhưng nội dung cơ bản vẫn được giữ nguyên. (6) Mức hưởng trợ cấp chế độ ốm đau Căn cứ theo Điều 45 Luật Bảo hiểm xã hội 2024, mức hưởng trợ cấp chế độ ốm đau được quy định như sau: - Trợ cấp đối với trường hợp hưởng chế độ ốm đau và chế độ chăm sóc con ốm đau: + Bằng 75% tiền lương làm căn cứ đóng BHXH. - Trợ cấp đối với trường hợp chữa trị dài ngày: + Bằng 65% tiền lương làm căn cứ đóng BHXH nếu đã đóng BHXH bắt buộc từ đủ 30 năm trở lên; + Bằng 55% tiền lương làm căn cứ đóng BHXH nếu đã đóng BHXH bắt buộc từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm; + Bằng 50% tiền lương làm căn cứ đóng BHXH nếu đã đóng BHXH bắt buộc dưới 15 năm. - Trợ cấp đối với trường hợp thuộc đối tượng tại điểm d khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2024: + Bằng 100% tiền lương làm căn cứ đóng BHXH. Theo đó, mức hưởng trợ cấp ốm đau một ngày được tính bằng mức hưởng trợ cấp ốm đau theo tháng chia cho 24 ngày. Mức hưởng trợ cấp ốm đau nửa ngày được tính bằng một nửa mức hưởng trợ cấp ốm đau một ngày. Khi tính mức hưởng trợ cấp ốm đau đối với người lao động nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau không trọn ngày thì trường hợp nghỉ việc dưới nửa ngày được tính là nửa ngày; từ nửa ngày đến dưới một ngày được tính là một ngày. Về điểm mới so với Luật Bảo hiểm xã hội 2014, cả hai đều quy định mức hưởng trợ cấp ốm đau tương tự về tỷ lệ phần trăm dựa trên thời gian đóng BHXH. Tuy nhiên, Luật Bảo hiểm xã hội 2024 có bổ sung quy định cho người lao động mới bắt đầu làm việc và quy định rõ ràng hơn về cách tính mức hưởng cho trường hợp nghỉ không trọn ngày, trong khi Luật Bảo hiểm xã hội 2014 không đề cập đến những điểm này. >>> Những điểm mới về chế độ ốm đau trong Luật Bảo hiểm xã hội 2024 (P1) (7) Chế độ dưỡng sức sau ốm đau Theo quy định tại Điều 46 Luật Bảo hiểm xã hội 2024, người lao động đã nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau từ đủ 30 ngày trở lên trong một năm, nếu sức khỏe chưa phục hồi trong vòng 30 ngày kể từ ngày hết thời gian nghỉ ốm, sẽ được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe tối đa 10 ngày trong năm (từ 01 tháng 01 đến 31 tháng 12). Theo đó, thời gian nghỉ dưỡng sức bao gồm cả ngày nghỉ lễ, Tết và ngày nghỉ hằng tuần. Người lao động đủ điều kiện nghỉ dưỡng sức trong năm nào thì thời gian nghỉ sẽ được tính cho năm đó. Trường hợp thời gian nghỉ dưỡng sức kéo dài từ cuối năm trước sang đầu năm sau, thời gian đó sẽ được tính cho năm trước. Thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sẽ do người sử dụng lao động và Ban Chấp hành công đoàn cơ sở quyết định. Nếu có sự khác biệt giữa hai bên, người sử dụng lao động sẽ quyết định số ngày nghỉ dựa trên đề nghị của Ban Chấp hành công đoàn cơ sở. Trong trường hợp đơn vị không có công đoàn cơ sở, người sử dụng lao động sẽ tự quyết định. Thời gian nghỉ dưỡng sức tối đa được quy định như sau: - Người lao động sức khỏe chưa phục hồi sau thời gian ốm đau do bệnh cần chữa trị dài ngày: 10 ngày; - Người lao động sức khỏe chưa phục hồi sau phẫu thuật: 07 ngày; -Các trường hợp khác: 05 ngày. Trong thời gian nghỉ dưỡng sức, người lao động vẫn được nhận trợ cấp bằng 30% mức tham chiếu cho 01 ngày nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau ốm đau. Theo đó, Luật Bảo hiểm xã hội 2024 có một số điểm rõ ràng hơn về thời gian nghỉ dưỡng sức và quy trình quyết định so với Luật Bảo hiểm xã hội 2014. Tuy nhiên, mức hưởng và quy định về số ngày nghỉ dưỡng sức vẫn tương đồng giữa hai luật. Chỉ có sự khác biệt ở mức hưởng trợ cấp nghỉ dưỡng là Luật Bảo hiểm xã hội 2024 sẽ dựa vào 30% mức tham chiếu, trong khi Luật 2014 dựa vào 30% mức lương cơ sở. Trên đây là toàn bộ những điểm mới về chế độ ốm đau trong Luật Bảo hiểm xã hội 2024. Luật Bảo hiểm xã hội 2024 bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01/7/2024. >>> Những điểm mới về chế độ ốm đau trong Luật Bảo hiểm xã hội 2024 (P1)
Những điểm mới về chế độ ốm đau trong Luật Bảo hiểm xã hội 2024 (P1)
Luật Bảo hiểm xã hội 2024 đã có những điều chỉnh đáng kể về chế độ ốm đau. Hãy cùng tìm hiểu những điểm mới này để bảo vệ quyền lợi của mình một cách tốt nhất nhé! Xem thêm: Danh sách nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại TPHCM Quý 4/2024 (1) Đối tượng được hưởng chế độ ốm đau Theo khoản 1 Điều 42 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 quy định, đối tượng được hưởng chế độ ốm đau là người lao động tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc thuộc các điểm a, b, c, d, i, k, l, m và n khoản 1 và khoản 2 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2024, bao gồm: - Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ đủ 01 tháng trở lên, kể cả trường hợp người lao động và người sử dụng lao động thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên; - Cán bộ, công chức, viên chức; - Công nhân và viên chức quốc phòng, công nhân công an, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu; - Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân; - Người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật; thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc, thành viên Ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên và các chức danh quản lý khác được bầu của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo quy định của Luật Hợp tác xã có hưởng tiền lương; - Người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố; - Đối tượng quy định tại điểm a khoản 1 Điều 42 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 làm việc không trọn thời gian, có tiền lương trong tháng bằng hoặc cao hơn tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc thấp nhất; - Chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh tham gia theo quy định của Chính phủ; - Người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật; thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc, thành viên Ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên và các chức danh quản lý khác được bầu của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo quy định của Luật Hợp tác xã không hưởng tiền lương. - Người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc khi làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên với người sử dụng lao động tại Việt Nam, trừ các trường hợp sau đây: + Di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam; + Tại thời điểm giao kết hợp đồng lao động đã đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại khoản 2 Điều 169 Bộ luật Lao động 2019; + Điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác. Luật Bảo hiểm xã hội 2024 cơ bản đã kế thừa quy định về đối tượng hưởng của Luật Bảo hiểm xã hội 2014, tuy nhiên có bổ sung thêm 04 đối tượng mới, bao gồm: - Người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố; - Người lao động làm việc không trọn thời gian, có tiền lương trong tháng bằng hoặc cao hơn tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc thấp nhất; - Chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh tham gia theo quy định của Chính phủ; - Người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Việc mở rộng đối tượng hưởng chế độ ốm đau không chỉ mang tính chất bảo vệ quyền lợi mà còn góp phần tạo ra động lực cho người lao động tham gia vào hệ thống BHXH. Điều này có thể dẫn đến sự gia tăng số lượng người tham gia BHXH, từ đó củng cố nguồn quỹ bảo hiểm và nâng cao khả năng chi trả cho các quyền lợi khác trong tương lai. (2) Điều kiện được hưởng chế độ ốm đau Theo quy định tại khoản 1 Điều 42 Luật Bảo hiểm xã hội 2024, những đối tượng được hưởng chế độ ốm đau kể trên khi nghỉ việc thuộc một trong các trường hợp sau đây thì được hưởng chế độ ốm đau: - Điều trị khi mắc bệnh mà không phải bệnh nghề nghiệp; - Điều trị khi bị tai nạn mà không phải là tai nạn lao động; - Điều trị khi bị tai nạn khi đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc về nơi ở theo tuyến đường và thời gian hợp lý theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động; - Điều trị, phục hồi chức năng lao động khi thương tật, bệnh tật tái phát do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hoặc do bị tai nạn; - Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người theo quy định của pháp luật; - Chăm sóc con dưới 07 tuổi bị ốm đau. Như vậy, Luật Bảo hiểm xã hội 2024 đã liệt kê các trường hợp và điều kiện được hưởng chế độ ốm đau chi tiết hơn so với Luật Bảo hiểm xã hội 2014. Đặc biệt, Luật Bảo hiểm xã hội 2024 đã bổ sung thêm 03 trường hợp được hưởng chế độ ốm đau, bao gồm: - Đang điều trị do bị tai nạn trên đường từ nơi làm việc về nhà hoặc từ nhà đến nơi làm việc; - Đang điều trị, phục hồi chức năng lao động khi thương tật, bệnh tật tái phát do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hoặc do bị tai nạn; - Thực hiện các cuộc đại phẫu như hiến, lấy, ghép mô bộ phận cơ thể. Việc quy định rõ ràng các trường hợp được hưởng chế độ ốm đau và mở rộng phạm vi được hưởng chế độ ốm đau không chỉ giúp người lao động hiểu rõ quyền lợi và nghĩa vụ của mình mà còn khuyến khích người lao động tham gia BHXH tích cực hơn nữa. (3) Các trường hợp không được hưởng chế độ ốm đau Tuy nhiên, theo khoản 2 Điều 42 Luật Bảo hiểm xã hội 2024, nếu người lao động rơi các trường hợp sau đây thì không được hưởng chế độ ốm đau: - Tự gây thương tích hoặc tự gây tổn hại cho sức khỏe của mình; - Sử dụng chất ma túy, tiền chất ma túy theo danh mục do Chính phủ quy định, trừ trường hợp sử dụng thuốc tiền chất hoặc thuốc dạng phối hợp có chứa tiền chất theo chỉ định của người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh thuộc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; - Trong thời gian lần đầu phải nghỉ việc để điều trị, phục hồi chức năng lao động khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; - Trong thời gian nghỉ việc theo quy định tại khoản 1 Điều 42 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 trùng với thời gian nghỉ theo quy định của pháp luật về lao động hoặc đang nghỉ việc hưởng nguyên lương theo quy định của pháp luật chuyên ngành khác hoặc đang nghỉ việc hưởng chế độ thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe theo quy định của pháp luật về BHXH. Theo đó, Luật Bảo hiểm xã hội 2024 đã phân loại rõ ràng các trường hợp cụ thể, bao gồm cả việc không được hưởng chế độ trong thời gian nghỉ việc trùng với các chế độ khác. Dù quy định hiện hành hay quy định mới đều nhằm mục đích bảo vệ quyền lợi của người lao động và đảm bảo tính công bằng trong việc phân bổ quỹ bảo hiểm. Tuy nhiên, Luật Bảo hiểm xã hội 2024 đã cung cấp một cái nhìn tổng quát và chi tiết hơn về các trường hợp không đủ điều kiện hưởng chế độ ốm đau, giúp người lao động hiểu rõ hơn về quyền lợi và nghĩa vụ của mình. (còn tiếp…) >>> Những điểm mới về chế độ ốm đau trong Luật Bảo hiểm xã hội 2024 (P2)
Một số điểm mới của kỳ thi học sinh giỏi lớp 9, lớp 12 TPHCM năm học 2024 - 2025
Vừa qua Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM đã ban hành Hướng dẫn việc tổ chức kỳ thi chọn học sinh giỏi lớp 9, lớp 12 cấp thành phố năm học 2024 - 2025. Trong đó, có một số điểm mới như môn thi và tỉ lệ đạt giải. Xem toàn văn: Công văn 5535/SGDĐT-GDTrH ngày 04/9/2024: https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/9/10/5535-sgddt-gdtrh-huong-dan-thi-hsg-9-cap-thanh-pho-2024-2025_59202414.docx Công văn 5270/SGDĐT-GDTrH ngày 26/8/2024: https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/9/10/5270-sgddt-gdtrh-huong-dan-thi-hsg-12-cap-thanh-pho-2024-2025_59202414.docx Một số điểm mới của kỳ thi học sinh giỏi lớp 9, lớp 12 TPHCM (1) Thi học sinh giỏi lớp 9, lớp 12 TPHCM sẽ có môn thi mới Thi học sinh giỏi lớp 9 có 2 môn thi mới Theo Công văn 5535/SGDĐT-GDTrH ngày 04/9/2024, theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 nên kỳ thi sẽ có 2 môn mới so với kỳ thi những năm trước là lịch sử và địa lý, khoa học tự nhiên. Cụ thể: - Môn khoa học tự nhiên có 2 phần: Phần bắt buộc (chiếm 30% số điểm): Kiến thức chung; Phần tự chọn (chiếm 70% số điểm): Học sinh được lựa chọn một trong 3 mạch nội dung: + Chất và sự biến đổi của chất; Trái đất và bầu trời. + Năng lượng và sự biến đổi; Trái đất và bầu trời. + Vật sống; Trái đất và bầu trời. - Môn lịch sử và địa lý: Học sinh được lựa chọn một trong 2 phân môn: Lịch sử, địa lý. Theo đó, thi học sinh giỏi lớp 9 sẽ có các môn thi là Ngữ văn, lịch sử và địa lý, toán, khoa học tự nhiên, tin học, tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Trung, tiếng Nhật, công nghệ (định hướng công nghiệp), công nghệ (định hướng nông nghiệp). Thi học sinh giỏi lớp 12 sẽ có 2 môn thi mới Theo Công văn 5270/SGDĐT-GDTrH ngày 26/8/2024, môn mới được đưa vào kỳ thi là Giáo dục kinh tế và pháp luật và môn khoa học tự nhiên. Các môn ngoại ngữ có thêm phần thi nghe. Như vậy, thi học sinh giỏi lớp 12 sẽ có các môn thi gồm Toán, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Tin học, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật, tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nhật, tiếng Trung (2) Xét giải học sinh giỏi lớp 9, lớp 12 TPHCM Cũng tại Công văn 5535/SGDĐT-GDTrH và Công văn 5270/SGDĐT-GDTrH, Sở GD&ĐT TP.HCM quy định chỉ xếp giải cá nhân (nhất, nhì, ba) theo từng môn thi. Tỉ lệ học sinh đạt giải không quá 60% số học sinh dự thi (trong đó học sinh đạt giải nhất không quá 5% số học sinh đạt giải) và điều kiện xếp giải từ 10 điểm trở lên. So với năm trước thì, Sở GD&ĐT chỉ quy định tỉ lệ học sinh đạt giải không quá 60% thí sinh dự thi. Học sinh đạt giải nhất đạt từ 18 đến 20 điểm; giải nhì từ 15 đến dưới 18 điểm; giải ba từ 10 đến dưới 15 điểm. Tất cả học sinh đạt giải được cấp giấy chứng nhận học sinh giỏi cấp thành phố. Học sinh đạt giải nhất được khen thưởng theo Nghị quyết 02/2021/NQ-HĐND. Theo đó, năm học 2024 - 2025 thì sẽ chỉ có từ 5% học sinh đạt giải nhất trong số tổng học sinh đạt giải. Đối tượng, điều kiện dự thi học sinh giỏi lớp 9, lớp 12 TPHCM (1) Đối tượng, điều kiện dự thi học sinh giỏi lớp 9 TPHCM Theo Công văn 5535/SGDĐT-GDTrH, mỗi phòng GD-ĐT; Trường THCS và THPT Trần Đại Nghĩa; Trường Trung học thực hành Sài Gòn là một đơn vị dự thi. Điều kiện dự thi là học sinh đang học lớp 9 tại các trường THCS năm học 2024-2025, có kết quả học tập và rèn luyện của HKI từ khá trở lên, là thành viên của đội tuyển học sinh giỏi của các đơn vị dự thi. Trong đó, các môn ngữ văn, toán, tin học, tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Trung, tiếng Nhật, công nghệ (định hướng công nghiệp), công nghệ (định hướng nông nghiệp) thành viên đội tuyển tối đa 15 học sinh/môn thi. Riêng TP Thủ Đức thành viên đội tuyển tối đa 30 học sinh/môn thi. Môn khoa học tự nhiên tối đa 45 học sinh. Riêng TP Thủ Đức tối đa 90 học sinh. Môn lịch sử và địa lí tối đa 30 học sinh. Riêng TP Thủ Đức tối đa 60 học sinh. Ngoài ra, các đơn vị có học sinh đạt giải Nhất ở một môn thi trong năm học 2023-2024 được cử thêm tối đa 5 học sinh cho môn thi đó. (2) Đối tượng, điều kiện dự thi học sinh giỏi lớp 12 TPHCM Theo Công văn 5270/SGDĐT-GDTrH, đối tượng dự thi là học sinh lớp 12 năm học 2024-2025, có kết quả học tập và rèn luyện HKI từ khá trở lên. Riêng sinh trong đội tuyển học sinh giỏi của thành phố thi học sinh giỏi Quốc gia không được dự thi. Cụ thể: Học sinh lớp 12 của các lớp chuyên thuộc trường chuyên và trường có lớp chuyên đều phải tham gia. Đối với các trường THPT, các trường phổ thông nhiều cấp học (có cấp THPT) và Trường Phổ thông năng khiếu - ĐHQG TP.HCM: các môn toán, vật lí, hóa học, sinh học, ngữ văn, lịch sử, địa lí, giáo dục kinh tế và pháp luật, tin học, tiếng Anh: mỗi đơn vị cử tối đa 5 học sinh/môn thi; các môn tiếng Pháp, tiếng Nhật, tiếng Trung: mỗi đơn vị cử tối đa 10 học sinh/môn thi. Ngoài ra, các đơn vị có học sinh đạt giải Nhất ở một môn thi trong năm học 2023-2024 được cử thêm tối đa 5 học sinh cho môn thi đó. Học sinh đạt giải nhất kỳ thi học sinh giỏi lớp 9, lớp 12 TPHCM được thưởng bao nhiêu? Theo điểm c, điểm d khoản 1 Điều 3 Nghị quyết 02/2021/NQ-HĐND quy định mức chi khuyến khích đối với học sinh, học viên như sau: - Học sinh, học viên đoạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia được hưởng theo mức sau: Giải Nhất: 50.000.000 đồng; Giải Nhì: 40.000.000 đồng; Giải Ba: 30.000.000 đồng; Giải Khuyến khích, giải chuyên đề và các giải theo cơ cấu giải thưởng: 20.000.000 đồng. - Học sinh, học viên đoạt giải Nhất trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp thành phố được hưởng theo mức sau: Cấp Tiểu học: 5.000.000 đồng; Cấp Trung học cơ sở: 10.000.000 đồng; Cấp Trung học phổ thông: 12.000.000 đồng. Như vậy, học sinh đạt giải nhất kỳ thi học sinh giỏi lớp 9, lớp 12 TPHCM sẽ được thưởng 10 - 12 triệu đồng. Xem toàn văn: Công văn 5535/SGDĐT-GDTrH ngày 04/9/2024: https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/9/10/5535-sgddt-gdtrh-huong-dan-thi-hsg-9-cap-thanh-pho-2024-2025_59202414.docx Công văn 5270/SGDĐT-GDTrH ngày 26/8/2024: https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/9/10/5270-sgddt-gdtrh-huong-dan-thi-hsg-12-cap-thanh-pho-2024-2025_59202414.docx
Một số điểm mới của Luật Nhà ở 2023 có hiệu lực từ 01/8/2024
Luật Nhà ở 2023 chính thức có hiệu lực từ ngày hôm nay (01/8/2024), bài viết dưới đây sẽ tổng hợp một số điểm mới của Luật Nhà ở 2023 (1) Các trường hợp tổ chức, cá nhân nước ngoài không được cấp Giấy chứng nhận đối với nhà ở Điều 22 Luật Nhà ở 2023 quy định về các trường hợp tổ chức, cá nhân nước ngoài không được cấp Giấy chứng nhận đối với nhà ở, quy định này là một quy định mới hoàn toàn, chưa được quy định tại Luật Nhà ở 2014. Theo khoản 1 Điều 22 Luật Nhà ở 2023, tổ chức, cá nhân nước ngoài không được cấp Giấy chứng nhận đối với nhà ở mà chỉ được bán hoặc tặng cho nhà ở này cho đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam trong trường hợp: (i) Tổ chức, cá nhân nước ngoài được tặng cho hoặc được thừa kế nhà ở không thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 2 Điều 17 Luật Nhà ở 2023 hoặc vượt quá số lượng nhà ở được phép sở hữu theo quy định tại Điều 19 Luật Nhà ở 2023 hoặc thuộc khu vực cần bảo đảm quốc phòng, an ninh theo quy định tại Điều 16 Luật Nhà ở 2023 (ii) Tổ chức nước ngoài không hoạt động tại Việt Nam, cá nhân nước ngoài không được phép nhập cảnh vào Việt Nam nhưng được tặng cho, được thừa kế nhà ở tại Việt Nam. Theo đó, đối tượng (i) được trực tiếp hoặc ủy quyền cho tổ chức, cá nhân khác bán hoặc tặng cho nhà ở. Còn đối với đối tượng (ii) chỉ được ủy quyền cho tổ chức, cá nhân khác đang cư trú, hoạt động tại Việt Nam bán hoặc tặng cho nhà ở. Ngoài ra, khi đối tượng được thừa kế nhà ở có cả tổ chức, cá nhân thuộc trường hợp được sở hữu nhà ở và không thuộc trường hợp được sở hữu nhà ở tại Việt Nam thì các bên phải thống nhất xử lý tài sản thừa kế là nhà ở này theo một trong 02 hướng sau: - Để cho tổ chức, cá nhân thuộc trường hợp được sở hữu nhà ở tại Việt Nam thừa kế nhà ở này; tổ chức, cá nhân không thuộc trường hợp sở hữu nhà ở tại Việt Nam được hưởng giá trị của nhà ở này tương ứng với phần tài sản được thừa kế; - Tặng cho hoặc bán nhà ở này cho tổ chức, cá nhân thuộc trường hợp được sở hữu nhà ở tại Việt Nam để hưởng giá trị. (2) Quy định về nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp Theo quy định tại khoản 8 Điều 2 Luật Nhà ở 2023 giải thích, nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp là công trình xây dựng được đầu tư xây dựng trên phần diện tích đất thương mại, dịch vụ thuộc phạm vi khu công nghiệp theo quy định của pháp luật về quản lý khu công nghiệp để bố trí cho cá nhân là công nhân thuê trong thời gian làm việc tại khu công nghiệp đó. Đây cũng là một loại nhà ở hoàn toàn mới xuất hiện tại Luật Nhà ở 2023. Theo Điều 91 Luật Nhà ở 2023, những đối tượng được hưởng chính sách nhà lưu trú công nhân bao gồm: (i) Công nhân đang làm việc tại doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã sản xuất trong khu công nghiệp (ii) Doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã sản xuất trong khu công nghiệp đầu tư xây dựng nhà lưu trú công nhân Để được thuê nhà lưu trú công nhân, các đối tượng được hưởng chính sách này còn phải đáp ứng các điều kiện như: - Đối tượng (ii) phải có hợp đồng thuê mặt bằng khu công nghiệp và đang hoạt động sản xuất, kinh doanh trong khu công nghiệp đó, đồng thời phải có hợp đồng thuê, sử dụng lao động với đối tượng (i) - Đối tượng (i) thuê nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp phải có hợp đồng lao động và xác nhận của doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã sản xuất trong khu công nghiệp, doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp. Theo đó, giá thuê nhà lưu trú công nhân do bên cho thuê thỏa thuận với bên thuê theo khung giá do UBND cấp tỉnh quy định. (3) Hướng dẫn xử lý khi mua bán nhà ở có thời hạn Luật Nhà ở 2014 cũng đã xuất hiện thuật ngữ nhà ở có thời hạn, tuy nhiên chưa quy định chi tiết về vấn đề mua bán loại nhà ở này, dẫn đến một số bất cập khi xử lý việc giao dịch mua bán nhà ở có thời hạn. Do đó, Điều 166 Luật Nhà ở 2023 đã chi tiết hóa về trường hợp mua bán nhà ở có thời hạn, theo đó, khi mua bán nhà ở có thời hạn thì xử lý như sau: - Trong thời hạn sở hữu nhà ở, bên mua nhà ở thực hiện quyền, nghĩa vụ theo thỏa thuận trong hợp đồng - Khi hết thời hạn sở hữu thì Giấy chứng nhận cấp cho bên mua không còn giá trị pháp lý. Quyền sở hữu nhà ở được chuyển lại cho bên bán nhà ở. Bên bán nhà ở hoặc người thừa kế hợp pháp của bên bán đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đối với nhà ở đó. Trình tự, thủ tục cấp Giấy chứng nhận quy định tại khoản này thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai; - Trường hợp chủ sở hữu lần đầu là tổ chức bị phá sản, giải thể hoặc chấm dứt hoạt động thì nhà ở của tổ chức này được xử lý theo quy định của pháp luật về phá sản, giải thể hoặc chấm dứt hoạt động và quyền sở hữu nhà ở này được chuyển lại cho cá nhân, tổ chức được sở hữu theo quy định của pháp luật về phá sản, giải thể hoặc chấm dứt hoạt động. - Trường hợp chủ sở hữu lần đầu là cá nhân chết mà không có người thừa kế hoặc người thừa kế không nhận lại nhà ở thì việc xác lập quyền sở hữu nhà ở thực hiện theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015 - Trong thời gian xác định chủ sở hữu nhà ở, tổ chức, cá nhân đang quản lý nhà ở được tiếp tục quản lý và không được thực hiện quyền của chủ sở hữu đối với nhà ở này; việc bàn giao lại nhà ở được thực hiện trong thời hạn 03 tháng, kể từ ngày xác định được chủ sở hữu nhà ở. Trên đây là một số điểm mới của Luật Nhà ở 2023 so với Luật Nhà ở 2014. Luật Nhà ở 2023 sẽ chính thức có hiệu lực từ hôm nay, ngày 01/8/2024.
3 điểm mới trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược mới nhất 2024
Luật Dược năm 2016 ban hành đã thay thế Luật Dược năm 2005 áp dụng trong nhiều năm nay. Tuy nhiên trong thực tiễn đứng trước những yêu cầu cấp bách, Luật Dược năm 2016 vẫn còn nhiều vướng mắc, bất cập và đặc biệt là tình trạng thiếu thuốc trong thời gian gần đây. Chính vì vậy, Bộ Y tế đã đề xuất Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, dưới đây là 3 điểm mới trong dự thảo. Ngành dược phẩm đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ và nâng cao sức khỏe cộng đồng. Việc cập nhật và điều chỉnh các quy định pháp luật trong lĩnh vực này luôn được quan tâm. Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược mới nhất đã đề xuất nhiều điểm mới nhằm cải thiện quy trình quản lý, sản xuất và phân phối dược phẩm. (1) Dự thảo mới đã sửa đổi, bổ sung các thuật ngữ mới Tại khoản 1 Điều 1 Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược đã sửa đổi các thuật ngữ như Dược liệu, Thuốc cổ truyền, Vị thuốc cổ truyền, Thuốc gây nghiện, Thuốc hướng thần, Thuốc tiền chất, Thực hành tốt. Bổ sung các thuật ngữ mới như Bán thành phẩm, Chuỗi nhà thuốc, Oxy y tế, Nghiên cứu phát triển thuốc, Tham chiếu, Thừa nhận, Công nhận như sau: - Bán thành phẩm là sản phẩm đã qua một, một số hoặc tất cả các công đoạn chế biến, sản xuất, trừ công đoạn đóng gói cuối cùng theo điểm h tại khoản 1 Điều 1 Dự thảo bổ sung khoản 44 vào Điều 2 - Chuỗi nhà thuốc là hệ thống các nhà thuốc đạt tiêu chuẩn GPP thuộc cơ sở sản xuất, xuất nhập khẩu thuốc, bán buôn thuốc, nguyên liệu làm thuốc hoặc thuộc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và hoạt động kinh doanh dược theo hệ thống chất lượng thống nhất của cơ sở theo điểm i tại khoản 1 Điều 1 Dự thảo bổ sung khoản 45 vào Điều 2 - Oxy y tế là chế phẩm thuốc đặc thù dưới dạng khí hoặc lỏng, có chứa hàm lượng Oxy đạt tiêu chuẩn làm thuốc và được người dùng trực tiếp thông qua các ống dẫn vào cơ thể để hỗ trợ, duy trì sự sống hoặc điều trị một số bệnh về đường hô hấp, bệnh chuyên biệt về oxy theo điểm k tại khoản 1 Điều 1 Dự thảo bổ sung khoản 46 vào Điều 2 - Nghiên cứu phát triển thuốc là các hoạt động liên quan đến nghiên cứu phát triển công thức bào chế, công nghệ bào chế thuốc và nghiên cứu độ ổn định của thuốc theo điểm l tại khoản 1 Điều 1 Dự thảo bổ sung khoản 47 vào Điều 2 - Tham chiếu là hình thức trong đó cơ quan quản lý quốc gia xem xét và dựa vào kết quả đánh giá, thẩm định hồ sơ đăng ký đã được thực hiện bởi một cơ quan quản lý quốc gia khác hoặc tổ chức tin cậy khác để đưa ra kết luận về việc cấp phép lưu hành thuốc theo điểm m tại khoản 1 Điều 1 Dự thảo bổ sung khoản 48 vào Điều 2 - Thừa nhận, công nhận là cơ chế chấp nhận thường xuyên của một cơ quan quản lý đối với quyết định của một cơ quan quản lý hay tổ chức tin cậy khác. Việc công nhận phải dựa trên bằng chứng về việc các quy định, yêu cầu quản lý của cơ quan quản lý được công nhận hoàn toàn đáp ứng theo các quy định, yêu cầu của cơ quan quản lý công nhận theo điểm n tại khoản 1 Điều 1 Dự thảo bổ sung khoản 49 vào Điều 2 Bài được viết theo Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược lần 02:https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/05/23/du-thao-luat-sua-doi-bo-sung-mot-so-dieu-cua-luat-duoc.docx Theo dõi cập nhật mới nhất của Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược (2) Sửa đổi, bổ sung hồ sơ đề nghị cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc Tại Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược đã sửa đổi, bổ sung hồ sơ đăng ký lưu hành thuốc theo phương thức giảm thủ tục hồ sơ, giấy chứng nhận sản phẩm dược phẩm có thể được thay thế bằng tài liệu khác do cơ quan có thẩm quyền cấp chứng minh thuốc được phép. Dự thảo đã sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 56 Luật Dược năm 2016 như sau: Hồ sơ hành chính bao gồm: - Đơn đề nghị cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc - Bản sao có chứng thực Giấy phép thành lập văn phòng đại diện còn thời hạn hiệu lực đối với cơ sở kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc của nước ngoài hoặc Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược còn thời hạn hiệu lực đối với cơ sở kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc của Việt Nam - Bản gốc hoặc bản sao có chứng thực giấy chứng nhận sản phẩm dược phẩm đối với thuốc nhập khẩu còn thời hạn hiệu lực - Mẫu nhãn thuốc, nguyên liệu làm thuốc - Thông tin về thuốc và các tài liệu khác về kinh doanh và lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc. Trường hợp để đáp ứng nhu cầu cấp bách cho quốc phòng, an ninh, phòng, chống dịch bệnh, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, giấy chứng nhận sản phẩm dược phẩm có thể được thay thế bằng tài liệu khác do cơ quan có thẩm quyền cấp chứng minh thuốc được phép lưu hành hợp pháp Ngoài ra hồ sơ kỹ thuật chứng minh thuốc, nguyên liệu làm thuốc đáp ứng các yêu cầu quy định tại khoản 4 Điều 54 của Luật Dược năm 2016. + Đối với thuốc mới, sinh phẩm tham chiếu, vắc xin, thuốc cổ truyền có chỉ định đối với các bệnh thuộc danh mục do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành phải có thêm hồ sơ lâm sàng chứng minh đạt an toàn, hiệu quả + Đối với sinh phẩm tương tự phải có thêm hồ sơ chứng minh tương tự về chất lượng, an toàn, hiệu quả so với một sinh phẩm tham chiếu. + Đối với thuốc có yêu cầu thử tương đương sinh học phải có thêm báo cáo số liệu nghiên cứu tương đương sinh học của thuốc. + Đối với thuốc mới sản xuất trong nước, trừ vắc xin, đáp ứng nhu cầu cấp bách cho quốc phòng, an ninh, phòng, chống dịch bệnh, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa có cùng hoạt chất, dạng bào chế, đường dùng, chỉ định với thuốc đã được cấp phép lưu hành tại một trong các cơ quan quản lý dược tham chiếu, khi nộp hồ sơ đề nghị đăng ký lưu hành cho phép được miễn nộp dữ liệu thử nghiệm lâm sàng. Bộ Y tế có trách nhiệm phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức giám sát, theo dõi chặt chẽ tình hình sử dụng, an toàn, hiệu quả của thuốc sau khi cấp phép. + Đối với thuốc nhập khẩu là thuốc mới sử dụng cho công tác phòng, chống dịch đã được cơ quan quản lý dược tham chiếu cấp phép lưu hành, khi đăng ký lưu hành tại Việt Nam cho phép cấp giấy đăng ký lưu hành trên cơ sở tham chiếu, công nhận kết quả cấp phép lưu hành của cơ quan quản lý dược tham chiếu mà không phải đánh giá đáp ứng thực hành tốt sản xuất thuốc đối với cơ sở sản xuất và không phải thẩm định hồ sơ kỹ thuật (chất lượng, tiền lâm sàng, lâm sàng) trong hồ sơ đăng ký thuốc. Như vậy, so với Luật Dược năm 2016, Dự thảo mới đã đề xuất trường hợp cho quốc phòng, an ninh, phòng, chống dịch bệnh, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, giấy chứng nhận sản phẩm dược phẩm có thể được thay thế bằng tài liệu khác do cơ quan có thẩm quyền cấp chứng minh thuốc được phép lưu hành hợp pháp. (3) Thẩm quyền thu hồi thuốc, nguyên liệu làm thuốc Điều 65 Luật Dược năm 2016 quy định: - Bộ Y tế sẽ ra quyết định thu hồi thuốc trong trường hợp thuốc bị thu hồi bắt buộc và trường hợp thu hồi tự nguyện khi thuốc vi phạm ở mức độ 1, mức độ 2. - Người đứng đầu cơ sở đăng ký thuốc, cơ sở sản xuất thuốc trong nước, cơ sở pha chế, chế biến, bào chế thuốc, cơ sở nhập khẩu hoặc ủy thác nhập khẩu thuốc ra quyết định thu hồi thuốc trong trường hợp thu hồi tự nguyện thuốc vi phạm ở mức độ 3 sau khi có ý kiến của Bộ Y tế. Tuy nhiên, tại Dự thảo mới đã sửa đổi Điều 65 như sau: - Bộ Y tế ra quyết định thu hồi thuốc trong trường hợp thuốc bị thu hồi bắt buộc và trường hợp thu hồi tự nguyện khi thuốc vi phạm ở mức độ 1, mức độ 2. - Sở Y tế ra quyết định thu hồi thuốc trong trường hợp thu hồi bắt buộc đối với thuốc vi phạm chất lượng mức độ 3 được phát hiện trên địa bàn. - Thời gian ra quyết định thu hồi thuốc không quá 24 giờ kể từ khi có kết luận thuốc thuộc trường hợp phải thu hồi và mức độ vi phạm của thuốc hoặc có kết luận về việc thu hồi thuốc tự nguyện không phù hợp với mức độ vi phạm của thuốc Như vậy, Dự thảo mới đã phân cấp quyền thu hồi thuốc vi phạm chất lượng mức 3 được phát hiện trên địa bàn cho Sở Y tế. Tóm lại, trên đây là 3 điểm mới của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Dược năm 2016 nhằm sửa đổi, bổ sung một số quy định cho phù hợp với thực tiễn và tránh tình trạng thiếu thuốc trong các trường hợp đặc biệt như thiên tai, thảm họa đồng thời bảo đảm cung cấp thuốc chất lượng, kịp thời. Bài được viết theo Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược lần 02: https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/05/23/du-thao-luat-sua-doi-bo-sung-mot-so-dieu-cua-luat-duoc.docx Theo dõi cập nhật mới nhất của Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược
3 điểm mới của Nghị định 50/2024/NĐ-CP hướng dẫn Luật Phòng cháy và chữa cháy
Ngày 10/05/2024, Chính phủ ban hành Nghị định 50/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 136/2020/NĐ-CP và Nghị định 83/2017/NĐ-CP về hướng dẫn Luật Phòng cháy và chữa cháy. Dưới đây là một số điểm mới của Nghị định 50/2024/NĐ-CP. So với Nghị định 136/2020/NĐ-CP và Nghị định 83/2017/NĐ-CP, Nghị định 50/2024/NĐ-CP có hiệu lực vào ngày 15/05/2024 đề cập một số điểm mới sau đây: Thứ nhất, về điều kiện an toàn về PCCC đối với phương tiện giao thông cơ giới Cụ thể khoản 3 Điều 1 Nghị định 50/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung cho khoản 2 Điều 8 Nghị định 136/2020/NĐ-CP như sau: Phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy (PCCC) được quy định tại mục 19 Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định 136/2020/NĐ-CP phải bảo đảm và duy trì các điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy sau đây: Các điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 8 - Phương tiện giao thông cơ giới đường bộ từ 04 chỗ ngồi trở lên phải bảo đảm điều kiện hoạt động đã được kiểm định; vật tư, hàng hóa bố trí, sắp xếp trên phương tiện phải bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy. - Đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ trên 09 chỗ ngồi, phương tiện hoạt động trên đường thủy nội địa, phương tiện giao thông đường sắt phải bảo đảm các điều kiện sau đây: + Có nội quy, biển cấm, biển báo, biển chỉ dẫn phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn về PCCC hoặc theo quy định của Bộ Công an + Hệ thống điện, nhiên liệu, vật tư, hàng hóa bố trí, sắp xếp trên phương tiện phải bảo đảm an toàn PCCC + Có phương tiện chữa cháy phù hợp với tính chất, đặc điểm hoạt động bảo đảm số lượng, chất lượng phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn về PCCC hoặc theo quy định của Bộ Công an + Có quy định, phân công nhiệm vụ PCCC và tổ chức sẵn sàng chữa cháy đáp ứng yêu cầu chữa cháy tại chỗ. Có Giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế hoặc văn bản thẩm duyệt thiết kế (nếu có) và văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu về PCCC của cơ quan Công an (nếu có), trừ phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn PCCC được cơ sở quốc phòng chế tạo hoặc hoán cải chuyên dùng cho hoạt động quân sự. Thay vì văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy của cơ quan Cảnh sát PCCC được đề trong Nghị định 136/2020/NĐ-CP thì Nghị định 50/2024 đã sửa đổi thành văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu về PCCC của cơ quan Công an. Thứ hai, kiểm tra về PCCC Nghị định 50/2024/NĐ-CP đã sửa đổi, bổ sung Điều 16 Nghị định 136/2020/NĐ-CP về kiểm tra về PCCC như sau: - Điều kiện an toàn về PCCC đối với công trình xây dựng trong quá trình thi công: Nội quy về PCCC, biển chỉ dẫn thoát nạn Quy định về phân công trách nhiệm bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy của chủ đầu tư, đơn vị thi công trong phạm vi thẩm quyền, chức trách, nhiệm vụ của người được phân công làm nhiệm vụ PCCC. - Việc sử dụng hệ thống, thiết bị điện, sinh lửa, sinh nhiệt, nguồn lửa, nguồn nhiệt; trang bị phương tiện, thiết bị chữa cháy ban đầu phù hợp với tính chất, đặc điểm của công trình xây dựng. - Điều kiện của cơ sở kinh doanh dịch vụ về phòng cháy và chữa cháy theo quy định tại Điều 41 Nghị định 136/2020/NĐ-CP - Việc thực hiện các hoạt động kinh doanh dịch vụ PCCC của cơ sở theo ngành nghề đã được cơ quan Công an có thẩm quyền cấp. - Hạ tầng kỹ thuật có liên quan đến PCCC của đô thị, khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao quy định tại Điều 10 và Điều 31 Nghị định 136/2020/NĐ-CP. Như vậy, Nghị định 50/2024/NĐ-CP đã bỏ giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế hoặc văn bản thẩm duyệt thiết kế về PCCC ra khỏi điều kiện an toàn về PCCC đối với công trình xây dựng trong quá trình thi công. Ngoài ra còn bổ sung điều kiện an toàn liên quan đến hạ tầng kỹ thuật ở các của đô thị, khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao. Thứ ba, về hồ sơ đề nghị phê duyệt phương án chữa cháy cơ sở Cụ thể Nghị định 50/2024/NĐ-CP đã sửa đổi, bổ sung Điều 13 Nghị định 136/2020/NĐ-CP về hồ sơ như sau: Đối với thiết kế kỹ thuật hoặc thiết kế bản vẽ thi công dự án, công trình xây dựng mới: - Văn bản đề nghị thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy của chủ đầu tư (Mẫu số PC06) Xem và tải mẫu số PC06 tại đây: https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/05/15/M%E1%BA%ABu%20PC06.docx - Văn bản về chủ trương đầu tư xây dựng công trình theo quy định pháp luật về đầu tư, đầu tư công, đầu tư theo phương thức đối tác công tư hoặc văn bản chứng minh quyền sử dụng đất đối với dự án, công trình. - Dự toán xây dựng công trình - Hồ sơ thiết kế kỹ thuật hoặc thiết kế bản vẽ thi công thể hiện những nội dung yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy quy định tại Điều 11 Nghị định 136/2020/NĐ-CP. Đối với thiết kế kỹ thuật hoặc thiết kế bản vẽ thi công dự án, công trình cải tạo, thay đổi tính chất sử dụng hoặc thiết kế điều chỉnh: - Văn bản đề nghị thẩm duyệt thiết kế về PCCC của chủ đầu tư (Mẫu số PC06) Xem và tải mẫu số PC06 tại đây: https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/05/15/M%E1%BA%ABu%20PC06.docx - Dự toán xây dựng công trình đối với phần cải tạo, thay đổi tính chất sử dụng. - Hồ sơ thiết kế kỹ thuật hoặc thiết kế bản vẽ thi công thể hiện những nội dung yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy. Đối với thiết kế kỹ thuật phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy: - Văn bản đề nghị thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy của chủ đầu tư, chủ phương tiện (Mẫu số PC06). Xem và tải mẫu số PC06 tại đây: https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/05/15/M%E1%BA%ABu%20PC06.docx - Dự toán tổng mức đầu tư phương tiện - Hồ sơ thiết kế kỹ thuật thể hiện những nội dung yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy. Văn bản, giấy tờ có trong hồ sơ là bản chính hoặc bản chứng thực hoặc bản sao hoặc bản chụp kèm theo bản chính để cán bộ tiếp nhận hồ sơ đối chiếu. Bản vẽ và bản thuyết minh thiết kế phải có xác nhận của chủ đầu tư hoặc chủ phương tiện. Nghị định 50/2024/NĐ-CP đã sửa đổi, bổ sung nhiều điểm mới quan trọng so với Nghị định 136/2020/NĐ-CP và Nghị định 83/2017/NĐ-CP về hướng dẫn Luật PCCC. Nghị định 50/2024/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 15/5/2024.
Bỏ “khung giá đất” và quy định “bảng giá đất” theo Luật Đất đai 2024
Tại kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) 2024 với nhiều điểm mới quan trọng. Trong đó, Luật Đất đai (sửa đổi) 2024 đã bỏ “khung giá đất” và quy định “bảng giá đất” tại Điều 159. Quy định bảng giá đất mới theo Luật Đất đai 2024 Theo đó, tại Luật Đất đai (sửa đổi) 2024 đã bỏ “khung giá đất”quy định tại Điều 113 Luật Đất đai 2013 trước đó, cụ thể: Theo Luật Đất đai 2013, chính phủ ban hành khung giá đất định kỳ 05 năm một lần đối với từng loại đất, theo từng vùng. Trong thời gian thực hiện khung giá đất mà giá đất phổ biến trên thị trường tăng từ 20% trở lên so với giá tối đa hoặc giảm từ 20% trở lên so với giá tối thiểu trong khung giá đất thì Chính phủ điều chỉnh khung giá đất cho phù hợp. Đối với Luật Đất đai (sửa đổi) 2024 đã bỏ quy định này và quy định bảng giá đất được áp dụng cho các trường hợp sau: - Tính tiền sử dụng đất khi Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất ở của hộ gia đình, cá nhân; chuyển mục đích sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân - Tính tiền thuê đất khi Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất hằng năm, trừ trường hợp cho thuê đất thông qua đấu giá quyền sử dụng đất - Tính thuế sử dụng đất - Tính thuế thu nhập từ chuyển quyền sử dụng đất đối với hộ gia đình, cá nhân - Tính lệ phí trong quản lý, sử dụng đất đai - Tính tiền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai - Tính tiền bồi thường cho Nhà nước khi gây thiệt hại trong quản lý, sử dụng đất đai - Làm căn cứ tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất khi công nhận quyền sử dụng đất có thu tiền sử dụng đất, đất thuê trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê đối với hộ gia đình, cá nhân - Tính giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất khi Nhà nước giao đất, cho thuê đất đối với trường hợp thửa đất, khu đất đã được đầu tư hạ tầng kỹ thuật theo quy hoạch chi tiết xây dựng* - Tính tiền sử dụng đất đối với trường hợp giao đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân* - Tính tiền sử dụng đất đối với trường hợp bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước cho người đang thuê* *điểm mới so với Luật Đất đai 2013 Bên cạnh đó, bảng giá đất được xây dựng theo khu vực, vị trí. Đối với khu vực có bản đồ địa chính số và cơ sở dữ liệu giá đất thì xây dựng bảng giá đất đến từng thửa đất trên cơ sở vùng giá trị, thửa đất chuẩn. Theo đó, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng, trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định Bảng giá đất lần đầu để công bố và áp dụng từ ngày 01/01/2026. Hằng năm, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung bảng giá đất để công bố và áp dụng từ ngày 01 tháng 01 của năm tiếp theo. Trường hợp Bảng giá đất cần thiết phải điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung trong năm, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định. Cơ quan có chức năng quản lý đất đai cấp tỉnh có trách nhiệm giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức việc xây dựng, điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung bảng giá đất. Trong quá trình thực hiện, cơ quan có chức năng quản lý đất đai cấp tỉnh được thuê tổ chức tư vấn xác định giá đất để xây dựng, điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung bảng giá đất. Như vậy, “bảng giá đất” được xây dựng hằng năm và “bảng giá đất lần đầu” được công bố và áp dụng từ ngày 01/01/2026 và được điều chỉnh từ ngày 01 tháng 01 của năm tiếp theo. Việc này sẽ giúp cho “bảng giá đất” tiệm cận giá đất thị trường, tuy nhiên cũng sẽ làm gia tăng áp lực công việc cho các địa phương. 04 phương pháp định giá đất theo Luật Đất đai 2024 Căn cứ tại khoản 5 Điều 158 và Điều 160 Luật Đất đai (sửa đổi) 2024 đã quy định 4 phương pháp định giá đất gồm: - Phương pháp so sánh được thực hiện bằng cách điều chỉnh mức giá của các thửa đất có cùng mục đích sử dụng đất, tương đồng nhất định về các yếu tố có ảnh hưởng đến giá đất đã chuyển nhượng trên thị trường, đã trúng đấu giá quyền sử dụng đất mà người trúng đấu giá đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính theo quyết định trúng đấu giá thông qua việc phân tích, so sánh các yếu tố ảnh hưởng đến giá đất sau khi đã loại trừ giá trị tài sản gắn liền với đất (nếu có) để xác định giá của thửa đất cần định giá; - Phương pháp thu nhập được thực hiện bằng cách lấy thu nhập ròng bình quân năm trên một diện tích đất chia cho lãi suất tiền gửi tiết kiệm bình quân của loại tiền gửi bằng tiền Việt Nam kỳ hạn 12 tháng tại các ngân hàng thương mại do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết trên địa bàn cấp tỉnh của 03 năm liền kề tính đến hết quý gần nhất có số liệu trước thời điểm định giá; - Phương pháp thặng dư được thực hiện bằng cách lấy tổng doanh thu phát triển ước tính trừ đi tổng chi phí phát triển ước tính của thửa đất, khu đất trên cơ sở sử dụng đất có hiệu quả cao nhất (hệ số sử dụng đất, mật độ xây dựng, số tầng cao tối đa của công trình) theo quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết xây dựng đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; - Phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất được thực hiện bằng cách lấy giá đất trong bảng giá đất nhân với hệ số điều chỉnh giá đất. Hệ số điều chỉnh giá đất được xác định thông qua việc so sánh giá đất trong bảng giá đất với giá đất thị trường; Trong đó, phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất để xác định giá đất cụ thể và trong trường hợp cần thiết phải quy định phương pháp định giá đất khác chưa được quy định thì Chính phủ đề xuất và được sự đồng ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, để đảm bảo vận hành thông suốt công tác định giá đất để phát triển kinh tế - xã hội. Ngoài ra, việc định giá đất phải bảo đảm các nguyên tắc: phương pháp xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường; tuân thủ đúng phương pháp, trình tự, thủ tục định giá đất; bảo đảm khách quan, công khai, minh bạch; bảo đảm tính độc lập trong các khâu xác định giá đất, thẩm định giá đất, quyết định giá đất. Xem thêm tại Luật Đất đai (sửa đổi) 2024.
Quy định mới về hủy thầu theo Luật Đấu thầu 2023
Luật Đấu thầu 2023 có hiệu lực từ 01/01/2014 quy định mới nhiều điểm mới hơn so với Luật Đấu thầu 2013. Những thay đổi mới gồm: Bổ sung đối tượng áp dụng Luật Đấu thầu 2023; Bổ sung hành vi bị cấm trong hoạt động đấu thầu; quy định chi tiết hơn các trường hợp hủy thầu... để phù hợp hơn so với thực tiễn và khắc phục những vướng mắc mà Luật Đấu thầu 2013 còn tồn tại. Một trong số đó kể đến là quy định chi tiết hơn các trường hợp hủy thầu. Cụ thể căn cứ quy định tại Điều 17 Luật Đấu thầu 2023 có hiệu lực từ ngày 01/01/2024 thì những trường hợp hủy thầu bao gồm: Các trường hợp hủy thầu đối với lựa chọn nhà thầu bao gồm: - Tất cả hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất không đáp ứng được các yêu cầu của hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu; - Thay đổi về mục tiêu, phạm vi đầu tư trong quyết định đầu tư đã được phê duyệt làm thay đổi khối lượng công việc, tiêu chuẩn đánh giá đã ghi trong hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu; - Hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu không tuân thủ quy định của Luật này, quy định khác của pháp luật có liên quan dẫn đến nhà thầu được lựa chọn không đáp ứng yêu cầu để thực hiện gói thầu; - Nhà thầu trúng thầu thực hiện hành vi bị cấm; - Tổ chức, cá nhân khác ngoài nhà thầu trúng thầu thực hiện hành vi bị cấm dẫn đến sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu. Các trường hợp hủy thầu đối với lựa chọn nhà đầu tư bao gồm: - Tất cả hồ sơ dự thầu không đáp ứng được các yêu cầu của hồ sơ mời thầu; - Thay đổi mục tiêu, quy mô, địa điểm, vốn đầu tư, thời hạn thực hiện dự án đầu tư kinh doanh vì lý do bất khá kháng, làm thay đổi tiêu chuẩn đánh giá trong hồ sơ mời thầu đã phát hành; - Hồ sơ mời thầu có một hoặc một số nội dung không tuân thủ quy định của luật này, quy định khác của pháp luật có liên quan dẫn đến sai lệch kết quả lựa chọn nhà đầu tư hoặc nhà đầu tư được lựa chọn không còn đáp ứng yêu cầu để thực hiện dự án đầu tư kinh doanh; - Nhà đầu tư trúng thầu thực hiện hành vi bị cấm; - Tổ chức, cá nhân khác ngoài nhà đầu tư trúng thầu thực hiện hành vi bị cấm dẫn đến sai lệch kết quả lựa chọn nhà đầu tư. Ngoài ra việc hủy thầu được thực hiện trong thời gian từ ngày phát hành hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu đến trước khi ký kết hợp đồng, thỏa thuận khung đối với mua sắm tập trung. và các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của pháp luật dẫn đến hủy thầu theo quy định trên phải đền bù chi phí cho các bên liên quan. =>> Theo đó Luật Đấu thầu 2023 quy định chi tiết hơn về các trường hợp hủy thầu.
Sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung các quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập
Sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung các quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập khi xây dựng Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/6/2006. Sau 10 năm thi hành, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 đã giúp công tác phòng, chống tham nhũng đạt được nhiều kết quả tích cực, quan trọng, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của nhà nước. Tuy nhiên, ngoài những thành quả đạt được nêu trên, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 cũng cho thấy nhiều điểm bất cập trong các quy định. Kết quả 10 năm thực hiện của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 cho thấy, số vụ việc, vụ án tham nhũng được phát hiện còn ít, một số vụ việc xử lý còn kéo dài, chưa nghiêm, thu hồi tài sản tham nhũng đạt kết quả thấp, gây tâm lý bức xúc và ngoài nghi trong xã hội về quyết tâm phòng, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước. Một trong những điểm bất cập trong Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 là nhóm các quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập. Cụ thể: Thứ nhất, quy định về minh bạch tài sản, thu nhập chưa giúp kiểm soát biến động về thu nhập. Thứ hai, trình tự, thủ tục công khai bản kê khai, giải trình, xác minh tài sản, thu nhập khi có yêu cầu chưa được quy định rõ ràng, dẫn đến nhiều vướng mắc khi thực hiện trên thực tế. Thứ ba, chưa có quy định rõ ràng về việc sử dụng bản kê khai tài sản vào mục đích phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng. Xuất phát từ những điểm bất cập trong quá trình thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005, nhằm thực hiện các chủ trương, nghị quyết mới của Đảng về vấn đề Phòng, chống tham nhũng, đồng bộ các quy định trong Luật Phòng, chống tham nhũng với các đạo luật quan trọng, nâng cao mức độ tuân thủ Công ước Liên hợp quốc về Chống tham nhũng, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 đã có những thay đổi đáng kể, trong đó có các quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập. Mời quý độc giả xem bài viết tiếp theo về các điểm mới trong quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018
Điểm mới Thông tư hướng dẫn giao dịch điện tử về thuế - Minh họa Ngày 20/4/2021, Tổng cục thuế ra Công văn 1194/TCT - CK V/v giới thiệu các nội dung mới của Thông tư 19/2021/TT-BTC hướng dẫn giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế gửi Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Những điểm mới của Thông tư 19 được giới thiệu bao gồm: 1. Phạm vi điều chỉnh (Điều 1 Thông tư 19) 2. Nguyên tắc giao dịch thuế điện tử (Điều 4 Thông tư 19) 3. Gửi thông báo, quyết định, văn bản điện tử của cơ quan thuế (Điều 5 Thông tư 19) 4. Chứng từ điện tử (Điều 6 Thông tư 19) 5. Ký hiệu điện tử trong giao dịch điện tử (Điều 7 Thông tư 19) 6. Cách xác định thời gian nộp hồ sơ thuế điện tử, nộp thuế điện tử của người nộp thuế và thời gian cơ quan thuế gửi thông báo, quyết định, văn bản cho người nộp thuế (Điều 8 Thông tư 19) 7. Sửa đổi, bổ sung hậu quả pháp lý đối với người nộp thuế nộp hồ sơ thuế điện tử, nộp tiền thuế trong thời gian Cổng thông ti của Tổng cục Thuế, Cổng thông tin của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, Cổng của tổ chức cung cấp dịch vụ T-VAN bị lỗi. (Điều 9 Thông tư 19) 8. Đăng ký giao dịch thuế điện tử (Điều 10 Thông tư 19) 9. Đăng ký thay đổi, bổ sung thông tin giao dịch điện tử (Điều 11 Thông tư 19) 10. Ngừng giao dịch vơi cơ quan thuế bằng phương thức điện tử (Điều 12 Thông tư 19) 11. Giao dịch điện tử trong đăng ký thuế (Điều 13 Thông tư 19) 12. Giao dịch điện tử trong khai thuế (Điều 15, 16, 17, 18, 19 Thông tư 19) 13. Giao dịch điện tử trong nộp thuế điện tử (Điều 20, 21, 22, 23, 24, 25, 26, Thông tư 19) 14. Giao dịch điện tử trong hoàn thuế điện tử (Điều 27, 28 Thông tư 19) 15. Giao dịch điện tử trong miễn giảm thuế điện tử (Điều 19, 30Thông tư 19) 16. Giao dịch điện tử trong quản lý nợ thuế và cưỡng chế nợ thuế (Điều 31 Thông tư 19) 17. Xử phạt vi phạm hành chính bằng phương thức điện tử (Điều 32 Thông tư 19) 18. Giao dịch điện tử trong cung cấp các dịch vụ hỗ trợ người nộp thuế bằng phương thức điện tử (Điều 33, 34 Thông tư 19) 19. Kết nối trao đổi thông tin, dữ liệu giữa các cơ quan thuế với các cơ quan quản lý nhà nước có t hẩm quyền, tổ chức, cá nhân trong tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính thuế cho người nộp thuế bằng phương thức điện tử (Điều 35, 36, 37, 38, 39, 40 Thông tư 19) 20. Dịch vụ người trung gian trong lĩnh vực thuế (tổ chức cung cấp dịch vụ T-VAN) 21. Các mẫu biểu 22. Hiệu lực thi hành Xem chi tiết tại file đính kèm dưới đây.
[TỔNG HỢP] Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV có gì mới?
Chính phủ nhiệm kỳ mới - Minh họa Thời gian tới, Quốc hội sẽ bước sang khóa XV, đồng nghĩa với việc một nhiệm kỳ mới của Chính phủ sẽ được định hình. Luật Tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi 2019 đã có hiệu lực từ 1/7/2020, qua bài viết này, xin thông tin đến bạn đọc những điểm mới của Chính phủ nhiệm kỳ sắp tới! 1. Mở rộng phạm vi quyền hạn của Chính phủ Khoản 1 Điều 1 Luật Tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi 2019 sửa đổi Điều 23 Luật Tổ chức chính phủ 2015 về Nhiệm vụ và quyền hạn của Chính phủ trong quản lý về tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, chế độ công vụ, cán bộ, công chức, viên chức và công tác thi đua, khen thưởng. Ở Khoản 3 Luật Tổ chức chính phủ, Chính phủ chỉ có quyền quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức các cơ quan từ trung ương đến địa phương và các cơ quan ngang bộ, Luật sửa đổi đã bổ sung thêm những cơ quan như: - Cơ quan thuộc Chính phủ - Đơn vị trực thuộc cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (Chính phủ có quyền quy định về tổ chức, khung số lượng, tiêu chí thành lập và số lượng biên chế tối thiểu của các cơ quan này) Ngoài ra, Luật sửa đổi còn bổ sung cho Chính phủ: - Quyền quy định số lượng cấp phó tối đa của người đứng đầu đơn vị trực thuộc cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện, đơn vị trực thuộc cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh - Quyền quyết định phân cấp quản lý cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập 2. Thay đổi một số quyền hạn của Thủ tướng chính phủ Ở Điều 28 Luật Tổ chức chính phủ 2015, Thủ tướng có quyền chỉ đạo việc quản lý cán bộ, công chức, viên chức, quyết định phân cấp hoặc ủy quyền thực hiện những nội dung thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng Chính phủ về quản lý công chức, viên chức trong các cơ quan hành chính nhà nước. Từ khóa tiếp theo, Thủ tướng sẽ được thêm quyền thực hiện những công việc trên với đơn vị sự nghiệp công lập. Thêm vào đó, quyền quyết định các tiêu chí, điều kiện thành lập hoặc giải thể các cơ quan chuyên môn đặc thù, chuyên ngành thuộc UBND cấp huyện đã bị bãi bỏ. 3. Thay đổi một số quyền hạn của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ Các Khoản 5, 8, 9 Điều 34 Luật tổ chức chính phủ 2015 quy định về Nhiệm vụ và quyền hạn của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ với tư cách là người đứng đầu bộ, cơ quan ngang bộ. Sau khi sửa đổi, Bộ trưởng, Thủ trưởng sẽ có không còn quyền “cách chức” cán bộ, công chức, viên chức mà đổi thành “cho từ chức”. Đối với cấp phó của người đứng đầu tổ chức, đơn vị trực thuộc, quyền "cách chức" lại đổi thành “cho từ chức”. 4. Một số đơn vị sẽ có nhiều cấp phó hơn Khoản 2 Điều 40 Luật Tổ chức Chính phủ 2015 quy định về Cơ cấu tổ chức của Vụ, văn phòng, thanh tra, cục, tổng cục, đơn vị sự nghiệp công lập có người đứng đầu. Theo quy định mới, từ nhiệm kỳ tiếp theo, ở các đơn vị này vẫn có: - Không quá 4 cấp phó của người đứng đầu tổng cục - Không quá 3 cấp phó của người đứng đầu vụ, văn phòng, thanh tra, cục, đơn vị sự nghiệp công lập Tuy nhiên, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ còn có quyền cấp phó của người đứng đầu vụ, văn phòng, thanh tra, cục, đơn vị sự nghiệp công lập, vì vậy sẽ có những cơ quan có nhiều hơn 3 cấp phó, nhưng những cơ quan khác sẽ phải hạn chế bớt số cấp phó! Ở bài viết tiếp theo, chúng tôi sẽ cập nhật những điểm mới của của Quốc hội khóa XV.
Những nội dung cơ bản và một số điểm mới của Luật cư trú 2020
Một số điểm mới của Luật cư trú - Minh họa Tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Cư trú năm 2020 với 93,15% đại biểu tán thành, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2021. Theo đó, Luật Cư trú năm 2020 cơ bản kế thừa quy định của Luật hiện hành, đồng thời sửa đổi, bãi bỏ và làm rõ hơn các quy định trước đây nhằm bảo đảm tốt hơn nữa quyền tự do cư trú của công dân; góp phần nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự trong tình hình mới; thực hiện việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến công tác đăng ký, quản lý cư trú; đáp ứng yêu cầu ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến trong công tác quản lý cư trú mà trọng tâm là xây dựng, quản lý cư trú qua Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Luật Cư trú năm 2020 gồm 07 chương 38 điều, quy định về việc thực hiện quyền tự do cư trú của công dân Việt Nam trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; việc đăng ký, quản lý cư trú; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của công dân, cơ quan, tổ chức về đăng ký, quản lý cư trú. Đối với các hành vi bị nghiêm cấm về cư trú, Luật Cư trú năm 2020 đã bổ sung những quy định như: Không tiếp nhận, trì hoãn việc tiếp nhận hồ sơ, giấy tờ, tài liệu, thông tin đăng ký cư trú hoặc có hành vi nhũng nhiễu khác; không thực hiện, thực hiện không đúng thời hạn đăng ký cư trú cho công dân khi hồ sơ đủ điều kiện đăng ký cư trú; xóa đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú trái với quy định của pháp luật. Làm giả giấy tờ, tài liệu, dữ liệu về cư trú; sử dụng giấy tờ, tài liệu, dữ liệu giả về cư trú; cung cấp thông tin, giấy tờ, tài liệu sai sự thật về cư trú; khai man điều kiện, giả mạo hồ sơ, giấy tờ, tài liệu để được đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú; mua, bán, thuê, cho thuê, mượn, cho mượn, cầm cố, nhận cầm cổ, hủy hoại giấy tờ, tài liệu về cư trú. Truy nhập, khai thác, hủy hoại, làm cản trở, gián đoạn hoạt động, thay đổi, xóa, phát tán, cung cấp trái phép thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú... Đối với thủ tục đăng ký thường trú, so với quy định hiện hành thì Luật Cư trú năm 2020 giảm thời gian giải quyết đăng ký thường trú từ 15 ngày xuống còn 07 ngày. Người đăng ký thường trú nộp hồ sơ đăng ký thường trú đến cơ quan đăng ký cư trú nơi mình cư trú. Khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký thường trú, cơ quan đăng ký cư trú kiểm tra và cấp phiếu tiếp nhận hồ sơ cho người đăng ký; trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ thì hướng dẫn người đăng ký bổ sung hồ sơ. Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thẩm định, cập nhật thông tin về nơi thường trú mới của người đăng ký vào Cơ sở dữ liệu về cư trú và thông báo cho người đăng ký về việc đã cập nhật thông tin đăng ký thường trú; trường hợp từ chối đăng ký thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do. Người đã đăng ký thường trú mà chuyển đến chỗ ở hợp pháp khác và đủ điều kiện đăng ký thường trú thì có trách nhiệm đăng ký thường trú tại nơi ở mới theo quy định của Luật này trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày đủ điều kiện đăng ký. Đáng chú ý, Điều 23 Luật Cư trú năm 2020 quy định 05 địa điểm không được đăng ký thường trú mới, gồm: Chỗ ở nằm trong địa điểm cấm, khu vực cấm xây dựng hoặc lấn, chiếm hành lang bảo vệ quốc phòng, an ninh, giao thông, thủy lợi, đê điều, năng lượng, mốc giới bảo vệ công trình hạ tầng kỹ thuật, di tích lịch sử - văn hóa đã được xếp hạng, khu vực đã được cảnh báo về nguy cơ lở đất, lũ quét, lũ ống và khu vực bảo vệ công trình khác theo quy định của pháp luật. Chỗ ở mà toàn bộ diện tích nhà ở nằm trên đất lấn, chiếm trái phép hoặc chỗ ở xây dựng trên diện tích đất không đủ điều kiện xây dựng theo quy định của pháp luật. Chỗ ở đã có quyết định thu hồi đất và quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; chỗ ở là nhà ở mà một phần hoặc toàn bộ diện tích nhà ở đang có tranh chấp, khiếu nại liên quan đến quyền sở hữu, quyền sử dụng nhưng chưa được giải quyết theo quy định của pháp luật. Chỗ ở là nhà ở đã có quyết định phá dỡ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền... Ngoài ra, kể từ ngày Luật Cư trú năm 2020 có hiệu lực thi hành, Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú đã được cấp vẫn được sử dụng và có giá trị như giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú theo quy định của Luật này cho đến hết ngày 31/12/2022. Trường hợp thông tin trong Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú khác với thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú thì sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú. Khi công dân thực hiện các thủ tục đăng ký, khai báo về cư trú dẫn đến thay đổi thông tin trong Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú thì cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thu hồi Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú đã cấp, thực hiện điều chỉnh, cập nhật thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú theo quy định của Luật này và không cấp mới, cấp lại Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú. Chính phủ, Bộ, cơ quan ngang Bộ và cơ quan khác có liên quan rà soát các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành có nội dung quy định liên quan đến Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú hoặc có yêu cầu xuất trình giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với quy định của Luật này, hạn chế việc sử dụng thông tin về nơi cư trú là điều kiện để thực hiện các thủ tục hành chính. Minh Ngân Cổng thông tin điện tử Bộ Công an Xem thêm tại file đính kèm dưới đây.
Chuyển kỳ kê khai thuế GTGT từ quý sang tháng?
Công ty chị đang kê khai VAT theo quý trong năm 2020. Tuy nhiên hết năm 2020 do doanh thu hơn 50 tỷ, nên qua năm 2021 chị kê khai theo tháng. Để chuyển sang tháng thì cần thực hiện gì trước khi nộp tờ khai tháng vậy em? Cho chị xin quy định về điểm mới về kỳ kê khai thuế GTGT luôn nhé?
Công văn 271/TCT-TTKT: 7 điểm mới của Nghị định 132/2020/NĐ-CP
7 Điểm mới của Nghị định 132/2020/NĐ-CP Ngày 5/11/2020, Chính phủ đã ký ban hành Nghị định 132/2020/NĐ-CP quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết (thay thế Nghị định 20/2017/NĐ-CP và Nghị định 68/2020/NĐ-CP), có hiệu lực thi hành từ 20/12/2020. Nay Tổng cục Thuế giới thiệu các nội dung mới của Nghị định 132 đến cán bộ thuế và người nộp thuế tại Công văn 271/TCT-TTKT Cụ thể, tại Công văn, 7 điểm mới được giới thiệu là: (1) Nghị định 132 không có Thông tư hướng dẫn như Nghị định 20/2017/NĐ-CP. (2) Về giải thích từ ngữ: - Bổ sung thuật ngữ quy định “Thỏa thuận của nhà chức trach có thẩm quyền” và “Thỏa thuận quốc tế về thuế”, “Tổ chức thay mặt nộp báo cáo” - Sửa đổi, bổ sung quy định về “Cơ sở dữ liệu của cơ quan thuế” - Sửa đổi, bổ sung quy định về khoảng giá trị giao dịch độc lập chuẩn. (3) Sửa đổi, bổ sung quy định về các bên có quan hệ liên kết: - Sửa đổi, bổ sung quy định tại Điểm g Khoản 2 Điều 5 Các bên có quan hệ liên kết - Bổ sung Điểm l Khoản 2 Điều 5 Điều 5 Các bên có quan hệ liên kết. (4) Kế thừa Nghị định 68/2020/NĐ-CP quy định sửa đổi, bổ sung Khoản 3 Điều 8 Nghị định 20/2017/NĐ-CP quy định về chi phí lãi vay được trừ và bổ sung loại trừ áp dụng quy định giới hạn chi phí lãi vay đối với các khoản vay đầu tư chương trình, dự án thực hiện chính sách phúc lợi xã hội của Nhà nước là nhà ở xã hội. (5) Sửa đổi bổ sung quy định về nộp báo cáo lợi nhuận liên quốc gia (6) Bổ sung quy định về trách nhiệm và quyền hạn của Cơ quan thuế trong quản lý giá giao dịch liên kết (7) Quy định về hiệu lực thi hành. Xem chi tiết Công văn 271/TCT-TTKT tại file đính kèm dưới đây
4 điểm mới về Giấy phép xây dựng từ năm 2021
Điểm mới về Giấy phép xây dựng năm 2021 Năm 2021, nhiều luật, bộ luật mới bắt đầu có hiệu lực thi hành, trong đó có Luật xây dựng sửa đổi 2020. Dưới đây là tổng hợp 4 điểm mới về Giấy phép xây dựng theo quy định của văn bản này. 1. Rút ngắn thời gian cấp giấy phép xây dựng Theo quy định cũ tại Luật Xây dựng 2014, thời gian cấp giấy phép xây dựng là không quá 30 ngày kể từ ngày cơ quan có thẩm quyền nhận được hồ sơ hợp lệ và 15 ngày đối với nhà ở riêng lẻ. (Điểm e Khoản 2 Điều 102) Hiện nay, Điểm b Khoản 36 Điều 1 Luật Xây dựng 2020 quy định: “Kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng phải xem xét hồ sơ để cấp giấy phép trong thời gian 20 ngày đối với trường hợp cấp giấy phép xây dựng công trình, bao gồm cả giấy phép xây dựng có thời hạn, giấy phép xây dựng điều chỉnh, giấy phép di dời và trong thời gian 15 ngày đối với nhà ở riêng lẻ.” Như vậy thời gian cấp giấy phép xây dựng đối với nhà ở riêng lẻ vẫn giữ nguyên nhưng thời hạn cấp phép xây dựng các công trình khác đã giảm 10 ngày. 2. Thay đổi một số công trình được miễn phép xây dựng Nội dung này đã được đề cập tại bài viết dưới đây >>> Infographic: Các trường hợp xây nhà không phải xin giấy phép xây dựng theo Luật mới 3. Thay đổi về thẩm quyền cấp GPXD Thẩm quyền cấp GPXD được quy định tại Điều 103 LXD 2014, theo đó: - Bộ Xây dựng cấp giấy phép xây dựng đối với công trình cấp đặc biệt. - UBND cấp tỉnh cấp giấy phép xây dựng đối với các công trình xây dựng cấp I, cấp II và một số hạng mục khác - Ủy ban nhân dân cấp huyện cấp giấy phép xây dựng đối với các công trình, nhà ở riêng lẻ xây dựng trong đô thị, trung tâm cụm xã, trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử - văn hóa thuộc địa bàn do mình quản lý, trừ các công trình xây dựng thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ và UBND cấp tỉnh. Khoản 37 Điều 1 LXH 2020 đã bãi bỏ quy định về việc cấp GPXD của Bộ, cụ thể hiện nay chỉ có UBND cấp tỉnh và UBND cấp huyện được cấp phép xây dựng với nội dung như sau: - UBND cấp huyện: cấp giấy phép xây dựng đối với công trình cấp III, cấp IV và nhà ở riêng lẻ trên địa bàn do mình quản lý. - UBND cấp tỉnh: những hạng mục còn lại. 4. Quy định mới về cấp giấy phép xây dựng có thời hạn Giấy phép xây dựng có thời hạn là giấy phép xây dựng cấp cho xây dựng công trình, nhà ở riêng lẻ được sử dụng trong thời hạn nhất định theo kế hoạch thực hiện quy hoạch xây dựng. Theo quy định cũ (Điều 94 LXD 2014), có 3 điều kiện cấp phép xây dựng có thời hạn, nội dung chi tiết được sử đổi tại Khoản 33 Điều 1 LXD 2014 như sau: Quy định cũ Quy định mới Thuộc khu vực có quy hoạch phân khu xây dựng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, công bố nhưng chưa thực hiện và chưa có quyết định thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền Thuộc khu vực có quy hoạch phân khu xây dựng, quy hoạch phân khu xây dựng khu chức năng hoặc quy hoạch chi tiết, quy hoạch chi tiết xây dựng khu chức năng đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, công bố nhưng chưa thực hiện và chưa có quyết định thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền Phù hợp với quy mô công trình do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định cho từng khu vực và thời hạn tồn tại của công trình theo kế hoạch thực hiện quy hoạch phân khu xây dựng đã được phê duyệt Phù hợp với quy mô công trình do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định cho từng khu vực và thời hạn tồn tại của công trình theo kế hoạch thực hiện quy hoạch phân khu xây dựng, quy hoạch phân khu xây dựng khu chức năng hoặc quy hoạch chi tiết, quy hoạch chi tiết xây dựng khu chức năng đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Chủ đầu tư cam kết tự phá dỡ công trình khi hết thời hạn tồn tại được ghi trong giấy phép xây dựng có thời hạn, nếu không tự phá dỡ thì bị cưỡng chế và chịu mọi chi phí cho việc cưỡng chế phá dỡ Khi hết thời hạn tồn tại của công trình ghi trong giấy phép xây dựng có thời hạn và cơ quan nhà nước có thẩm quyền có quyết định thu hồi đất, chủ đầu tư cam kết tự phá dỡ công trình, nếu không tự phá dỡ thì bị cưỡng chế và chịu mọi chi phí cho việc phá dỡ. Trường hợp quá thời hạn này mà quy hoạch xây dựng chưa thực hiện được, chủ đầu tư được tiếp tục sử dụng công trình cho đến khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền có quyết định thu hồi đất. Việc hỗ trợ khi phá dỡ được thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai. Phù hợp với mục đích sử dụng đất được xác định tại giấy tờ hợp pháp về đất đai của người đề nghị cấp giấy phép xây dựng có thời hạn
Điểm mới về những hành vi bị nghiêm cấm theo Luật Bảo vệ môi trường 2020
Để dễ dàng hơn trong việc nắm bắt thông tin về các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động bảo vệ môi trường, mời bạn đọc tham khảo bảng so sánh sau: Lưu ý: Đối với các ô trống có thể hiểu là không có nội dung thay thế hoặc đã bị thay đổi bởi nội dung mới không sử dụng nội dung có hàm ý tương tự. Những hành vi bị nghiêm cấm (Luật Bảo vệ môi trường năm 2014) Các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động bảo vệ môi trường (Luật bảo vệ môi trường năm 2020) 1. Phá hoại, khai thác trái phép nguồn tài nguyên thiên nhiên. 2. Khai thác nguồn tài nguyên sinh vật bằng phương tiện, công cụ, phương pháp hủy diệt, không đúng thời vụ và sản lượng theo quy định của pháp luật. 3. Khai thác, kinh doanh, tiêu thụ các loài thực vật, động vật hoang dã thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định. 4. Vận chuyển, chôn lấp chất độc, chất phóng xạ, chất thải và chất nguy hại khác không đúng quy trình kỹ thuật về bảo vệ môi trường. 1. Vận chuyển, chôn, lấp, đổ, thải, đốt chất thải rắn, chất thải nguy hại không đúng quy trình kỹ thuật, quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. 5. Thải chất thải chưa được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường; các chất độc, chất phóng xạ và chất nguy hại khác vào đất, nguồn nước và không khí. 2. Xả nước thải, xả khí thải chưa được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường ra môi trường. 3. Phát tán, thải ra môi trường chất độc hại, vi rút độc hại có khả năng lây nhiễm cho con người, động vật, vi sinh vật chưa được kiểm định, xác súc vật chết do dịch bệnh và tác nhân độc hại khác đối với sức khỏe con người, sinh vật và tự nhiên. 6. Đưa vào nguồn nước hóa chất độc hại, chất thải, vi sinh vật chưa được kiểm định và tác nhân độc hại khác đối với con người và sinh vật. 7. Thải khói, bụi, khí có chất hoặc mùi độc hại vào không khí; phát tán bức xạ, phóng xạ, các chất ion hóa vượt quá quy chuẩn kỹ thuật môi trường. 8. Không thực hiện công trình, biện pháp, hoạt động phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và quy định khác của pháp luật có liên quan. 4. Gây tiếng ồn, độ rung vượt mức cho phép theo quy chuẩn kỹ thuật môi trường; xả thải khói, bụi, khí có mùi độc hại vào không khí. 5. Thực hiện dự án đầu tư hoặc xả thải khi chưa đủ điều kiện theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. 9. Nhập khẩu, quá cảnh chất thải từ nước ngoài dưới mọi hình thức. 6. Nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, quá cảnh chất thải từ nước ngoài dưới mọi hình thức. 10. Nhập khẩu, quá cảnh động vật, thực vật chưa qua kiểm dịch; vi sinh vật ngoài danh mục cho phép. 7. Nhập khẩu trái phép phương tiện, máy móc, thiết bị đã qua sử dụng để phá dỡ, tái chế. 8. Không thực hiện công trình, biện pháp, hoạt động phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và quy định khác của pháp luật có liên quan. 15. Che giấu hành vi hủy hoại môi trường, cản trở hoạt động bảo vệ môi trường, làm sai lệch thông tin dẫn đến gây hậu quả xấu đối với môi trường. 9. Che giấu, hành vi gây ô nhiễm môi trường, cản trở, làm sai lệch, thông tin, gian dối trong hoạt động bảo vệ môi trường dẫn đến hậu quả xấu đối với môi trường. 11. Sản xuất, kinh doanh sản phẩm gây nguy hại cho con người, sinh vật và hệ sinh thái; sản xuất, sử dụng nguyên liệu, vật liệu xây dựng chứa yếu tố độc hại vượt quá quy chuẩn kỹ thuật môi trường. 10. Sản xuất, kinh doanh sản phẩm gây nguy hại cho sức khỏe con người, sinh vật và tự nhiên; sản xuất, sử dụng nguyên liệu, vật liệu xây dựng chứa yếu tố độc hại vượt mức cho phép theo quy chuẩn kỹ thuật môi trường. 11. Sản xuất, nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất và tiêu thụ chất làm suy giảm tầng ô-dôn theo quy định của điều ước quốc tế về các chất làm suy giảm tầng ô-dôn mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. 12. Phá hoại, xâm chiếm trái phép di sản thiên nhiên, khu bảo tồn thiên nhiên. 12. Phá hoại, xâm chiếm trái phép di sản thiên nhiên. 13. Xâm hại công trình, thiết bị, phương tiện phục vụ hoạt động bảo vệ môi trường. 13. Phá hoại, xâm chiếm công trình, thiết bị, phương tiện phục vụ hoạt động bảo vệ môi trường. 16. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn, vượt quá quyền hạn hoặc thiếu trách nhiệm của người có thẩm quyền để làm trái quy định về quản lý môi trường. 14. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để làm trái quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. 14. Hoạt động trái phép, sinh sống ở khu vực được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định là khu vực cấm do mức độ đặc biệt nguy hiểm về môi trường đối với con người.
Công văn 5189/TCT-CS: 17 thay đổi của Nghị định 126 hướng dẫn Luật quản lý thuế
Điểm mới của Nghị định quy định chi tiết Luật quản lý thuế Nghị định 126/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ 5/12/2020, quy định chi tiết một số điều của Luật quản lý thuế 2019. Ngày 7/12/2020, Tổng cục Thuế ban hành Công văn 5189/TCT-CS giới thiệu những điểm mới của Nghị định này. Phần giới thiệu một số nội dung mới được ban hành tại Phục lục kèm theo Công văn, trong đó: Điều 5.1 giới thiệu điểm mới về việc khai bổ sung hồ sơ khai thuê, gồm có: Điểm mới 1: Sửa đổi quy định về khai bổ sung tờ khai quyết toán thuế thu nhập cá nhân đối với tổ chức, cá nhân trả thu nhập từ tiền lương, tiền công thì đồng thời phải khai bổ sung tờ khai tháng, quý có sai, sót tương ứng. (Điểm a Khoản 4 Điều 7 Nghị định 126). Trước đây: Tại Khoản 5 Điều 10 Thông tư 156/2013/TT-BTC quy định: Trường hợp đã nộp hồ sơ khai quyết toán thuế năm thì chỉ khai bổ sung hồ sơ khai quyết toán thuế năm, không phải khai bổ sung tờ khai tháng, quý có sai, sót tương. Điểm mới 2: Sửa đổi quy định người nộp thuế chỉ được khai bổ sung tăng số thuế giá trị gia tăng đề nghị hoàn khi chưa nộp hồ sơ khai thuế của kỳ tỉnh thuế tiếp theo và chưa nộp hồ sơ đề nghị hoàn thuế (Điểm b Khoản 4 Điều 7 Nghị định 126). Trước đây: Tại Thông tư 156/2013/TT-BTC có hướng dẫn: - Trường hợp chưa đến thời hạn khai thuế của kỳ tính thuế tiếp theo, người nộp thuế chưa nộp hồ sơ khai thuế để đưa số thuế GTGT còn được khấu trừ chuyển kỳ sau của kỳ tính thuế trước sang chỉ tiêu số thuế khấu trừ kỷ trước chuyển sang trên tờ khai chỉnh thức của kỳ tính thuế tiếp theo - Nếu chưa nộp hồ sơ đề nghị hoàn thuế gửi cơ quan thuế thì được khai bổ sung tăng chỉ tiêu đề nghị hoản trên tờ khai bổ sung của kỷ tính thuế đó. Công văn giới thiệu tổng cộng 17 thay đổi của Nghị định 126, mỗi thay đổi bao gồm một số điểm mới. Xem chi tiết Công văn tại file đính kèm.
Tăng thời gian lưu ban lên 3 lần trong một cấp cho học sinh THCS & THPT
Trường THPT - Hình minh họa Bộ Giáo dục và đào tạo mới ban hành Thông tư 32 2020/TT-BGDĐT thay thế cho Thông tư 12/2011/TT-BGDĐT Ban hành điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học có hiệu lực vào ngày 01 tháng 11 năm 2020.Theo đó điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học có một số điểm mới sau đây: - Học sinh sẽ được sử dụng điện thoại và các thiết bị điện tử khác để phục vụ công việc học tập trong lớp và với sự đồng ý của giáo viên (quy định tại khoản 1 Điều 41, khoản 4 Điều 37) xem chi tiết tại đây - Học sinh không được lưu ban quá 03 lần trong một cấp học (trong khi quy định hiện hành chỉ được bảo lưu 02 lần trong 1 cấp học). (được quy định tại khoản 3 Điều 33) - Bổ sung hành vi không được thực hiện của học sinh: Sử dụng, trao đổi sản phẩm văn hóa có nội dung kích động bạo lực, đồi trụy; sử dụng đồ chơi hoặc chơi trò chơi có hại cho sự phát triển lành mạnh của bản thân (căn cứ theo khoản 6 Điều 37). - Giáo viên chủ nhiệm được giảm giờ dạy định mức theo quy định pháp luật (được quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 29) - Hệ thống hồ sơ quản lý hoạt động giáo dục nhà trường sẽ còn 14 loại đối với nhà trường, 2 loại với tổ chuyên môn và 4 sổ sách của giáo viên (quy định tại Điều 21) - Giáo viên hiện chỉ quy định sổ ghi kế hoạch giáo dục của giáo viên (theo năm học), kế hoạch bài dạy (giáo án), sổ theo dõi và đánh giá học sinh, sổ chủ nhiệm (đối với giáo viên làm công tác chủ nhiệm). (Căn cứ vào khoản 3 Điều 21).
Phân tích điểm mới về hiệu lực của Luật hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung 2017)
Mình đang có thắc mắc về những điểm mới về Hiệu lực của Luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 so với bộ luật 1999 - Hiệu lực theo không gian - hiệu lực theo thời gian - hiệu lực hồi tố
Những điểm mới trong Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi)
Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) có những điểm mới nào đáng chú ý? Cùng điểm qua một số điểm mới nổi bật và phân tích những điểm này qua bài viết dưới đây. Sau hơn 10 năm từ ngày Luật Công đoàn 2012 được ban hành, thực tế đã xuất hiện thêm nhiều yêu cầu, bất cập đòi hỏi có sự đổi mới, điều chỉnh, hoàn thiện hơn về các quy định để đáp ứng được nhu cầu phát triển của tổ chức Công đoàn trong thời kỳ đổi mới. Trên cơ sở kế thừa những quy định đã khẳng định được tính hợp lý, ổn định và hiệu quả, Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) tập trung sửa đổi, bổ sung những nội dung liên quan đến tổ chức bộ máy, tài chính công đoàn phù hợp với thể chế chính trị và yêu cầu phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế ở nước ta. Theo đó, Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) đã sửa đổi, bổ sung 32 Điều, thêm mới 05 điều, bỏ đi 01 Điều so với Luật Công đoàn 2012. Trong đó, những quy định nổi bật, nhận được nhiều sự quan tâm là những quy định về phạm vi điều chỉnh; quyền thành lập, gia nhập Công đoàn; quản lý, sử dụng tài chính Công đoàn và trường hợp miễn, giảm đóng phí Công đoàn. >>> Xem Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) 2024 https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/10/09/du-thao-luat-cong-doan-sua-doi.pdf (1) Phạm vi điều chỉnh của Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) Theo đề xuất tại Điều 2 Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi), phạm vi điều chỉnh được quy định như sau: Luật này quy định về quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn của người lao động; quyền gia nhập Công đoàn Việt Nam của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp; chức năng, nhiệm vụ, quyền, trách nhiệm của Công đoàn; quyền, trách nhiệm của đoàn viên công đoàn; trách nhiệm của Nhà nước, cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, người sử dụng lao động đối với Công đoàn; bảo đảm hoạt động của Công đoàn; giải quyết tranh chấp và xử lý vi phạm pháp luật về công đoàn. Theo đó, Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) đã thêm quy định về "quyền gia nhập Công đoàn Việt Nam của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp", nhấn mạnh quyền gia nhập không chỉ của cá nhân người lao động mà còn của các tổ chức lao động. Như vậy, phạm vi điều chỉnh tại Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) đã bao quát hơn vì bao gồm cả quyền của tổ chức lao động, thay vì chỉ tập trung vào quyền của người lao động cá nhân mà không đề cập đến quyền gia nhập của tổ chức lao động như Luật Công đoàn 2012. Việc sửa đổi quy định này đã tạo ra một khung pháp lý rộng hơn, toàn diện hơn trong việc quy định về phạm vi điều chỉnh của Luật Công đoàn nói chung và việc thành lập và gia nhập Công đoàn nói riêng. (2) Quyền thành lập, gia nhập Công đoàn Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) đề xuất 02 phương án về quyền thành lập, gia nhập Công đoàn tại Điều 5 như sau: Phương án 1: - Người lao động Việt Nam làm việc trong các đơn vị sử dụng lao động hoặc lao động tự do hợp pháp trên lãnh thổ Việt Nam, có quyền thành lập, gia nhập và hoạt động trong tổ chức Công đoàn Việt Nam. - Người lao động là người nước ngoài làm việc trong các đơn vị sử dụng lao động trên lãnh thổ Việt Nam, có quyền gia nhập và hoạt động trong tổ chức Công đoàn Việt Nam. - Trình tự, thủ tục thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam. Phương án 2: - Người lao động Việt Nam làm việc trong các đơn vị sử dụng lao động hoặc lao động tự do hợp pháp trên lãnh thổ Việt Nam, có quyền thành lập, gia nhập và hoạt động trong tổ chức Công đoàn Việt Nam. - Trình tự, thủ tục thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam. Theo đó, điểm khác biệt ở Phương án 1 và Phương án 2 tại Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) là Phương án 1 đề cập đến cả người lao động Việt Nam và người lao động nước ngoài, trong khi đó Phương án 2 chỉ nhấn mạnh quyền của người lao động Việt Nam. Không đề cập đến người lao động nước ngoài. Tuy nhiên, cả 2 phương án trên có điểm chung là đã mở rộng phạm vi áp dụng cho cả người lao động trong các doanh nghiệp và những người lao động tự do, thay vì chỉ áp dụng cho những người lao động làm việc trong các cơ quan và doanh nghiệp chính thức, không bao gồm người lao động tự do như Luật Công đoàn 2012. (3) Quản lý, sử dụng tài chính Công đoàn Theo đó, Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) đề xuất sửa đổi đưa ra 02 phương án trong việc quản lý, sử dụng tài chính Công đoàn tại khoản 2 Điều 30 như sau: Phương án 1: Tại những nơi đã có tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp, kinh phí công đoàn theo điểm b khoản 1 Điều 29 được phân phối cho các tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở theo quy định của Chính phủ. Phương án 2: Kinh phí công đoàn theo điểm b khoản 1 Điều 29 do công đoàn cấp trên quản lý, sử dụng 25%; 75% còn lại được phân phối cho công đoàn cơ sở và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp như sau: a) Ở cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp chỉ có tổ chức công đoàn, công đoàn cơ sở được phân phối toàn bộ kinh phí nêu trên; b) Ở doanh nghiệp chỉ có tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp thì tổ chức này được phân phối theo số thành viên trên số lao động thu được kinh phí công đoàn; c) Ở doanh nghiệp có cả công đoàn cơ sở và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp, công đoàn cơ sở được phân phối số kinh phí công đoàn nêu trên sau khi trừ đi số kinh kinh phí cho tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp theo điểm b khoản 2 Điều này; d) Ở doanh nghiệp chưa có công đoàn cơ sở và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở tạm giữ toàn bộ số kinh phí nêu trên để thực hiện chi cho người lao động tại doanh nghiệp và hoàn trả số chưa chi cho công đoàn cơ sở và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp khi được thành lập theo điểm a và điểm b. Việc quản lý, sử dụng kinh phí công đoàn của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp do Chính phủ quy định Đây là quy định được bổ sung mới hoàn toàn tại Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi). Theo đó, Phương án 1 chỉ nêu kinh phí Công đoàn được phân phối cho các tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở, nhưng không nêu rõ tỷ lệ phân chia hay cách thức cụ thể. Ngược lại, Phương án 2 đã cung cấp một cơ chế phân phối rõ ràng hơn với tỷ lệ cụ thể hơn: 25% do Công đoàn cấp trên quản lý và 75% được phân phối cho Công đoàn cơ sở và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Phương án 2 cũng đưa ra các điều kiện cụ thể cho từng trường hợp, điều này tạo ra sự minh bạch hơn trong việc sử dụng nguồn tài chính của Công đoàn. (4) Trường hợp miễn, giảm đóng phí Công đoàn Theo đó, tại Điều 29 Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) đã bổ sung thêm quy định mới được xem xét miễn, giảm hoặc tạm dừng đóng phí Công đoàn trong trường hợp doanh nghiệp gặp khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh phải tạm dừng sản xuất, kinh doanh dẫn đến không có khả năng đóng kinh phí Công đoàn. Đề xuất này thể hiện sự linh hoạt và thích ứng của pháp luật trước những biến động bất ngờ trong môi trường kinh doanh, giúp bảo vệ quyền lợi của người lao động và đảm bảo sự tồn tại của doanh nghiệp trong những thời điểm khó khăn. Đồng thời góp phần tạo ra một môi trường làm việc ổn định và bền vững hơn, khuyến khích doanh nghiệp duy trì hoạt động và đảm bảo công ăn việc làm cho người lao động. Ngoài ra, một điểm cũng nhận được nhiều sự quan tâm trong quy định tại Điều 29 Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) đó là kinh phí công đoàn. Theo đó, kinh phí công đoàn được quy định do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động. Như vậy, mức đóng này vẫn giữ nguyên là 2% trong khi một số doanh nghiệp có ý kiến giảm. Việc giữ nguyên mức đóng này đã tạo ra nhiều ý kiến tranh luận trong thời gian qua. Giải thích về việc giữ nguyên mức đóng phí công đoàn 2%, ông Ngọ Duy Hiểu - Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, mức đóng 2% đã được quốc hội xem xét và đồng tình, đồng thời xét thấy mức đóng 2% vẫn nằm trong phạm vi chấp nhận được đối với sức chịu đựng của các tổ chức, doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khẳng định, tỷ lệ 2% là phù hợp với thực tế và đóng góp vào việc bảo đảm phúc lợi ổn định cho người lao động. Trên đây là một số điểm mới nổi bật tại Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi). Dự thảo luật này dự kiến sẽ được Quốc hội xem xét và thông qua tại kỳ họp thứ 8, diễn ra trong tháng 10 và 11/2024. >>> Xem Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) 2024 https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/10/09/du-thao-luat-cong-doan-sua-doi.pdf
Những điểm mới về chế độ ốm đau trong Luật Bảo hiểm xã hội 2024 (P2)
(tiếp tục…) Tiếp nối phần trước, tại phần này chúng ta sẽ điểm qua các điểm mới về thời gian hưởng và mức hưởng của chế độ ốm đau trong Luật Bảo hiểm xã hội 2024 nhé! Xem thêm: Danh sách nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại TPHCM Quý 4/2024 >>> Những điểm mới về chế độ ốm đau trong Luật Bảo hiểm xã hội 2024 (P1) (4) Thời gian hưởng chế độ ốm đau Theo quy định tại Điều 43 của Luật Bảo hiểm xã hội 2024, thời gian tối đa để hưởng chế độ ốm đau trong một năm (từ ngày 01/01 đến ngày 31/12) đối với những người được hưởng chế độ ốm đau (trừ đối tượng quy định tại điểm d khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 vì đối tượng này sẽ được hưởng mức riêng) được tính theo số ngày làm việc, không bao gồm ngày nghỉ lễ, Tết và ngày nghỉ hàng tuần, cụ thể như sau: - Đối với người lao động làm việc trong điều kiện bình thường: + 30 ngày nếu đã đóng BHXH bắt buộc dưới 15 năm; + 40 ngày nếu đã đóng BHXH từ 15 năm đến dưới 30 năm; + 60 ngày nếu đã đóng BHXH từ 30 năm trở lên. - Đối với người lao động làm nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc thuộc danh mục nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành, hoặc làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn: + 40 ngày nếu đã đóng BHXH bắt buộc dưới 15 năm; + 50 ngày nếu đã đóng BHXH từ 15 năm đến dưới 30 năm; + 70 ngày nếu đã đóng BHXH từ 30 năm trở lên. Ngoài ra, nếu hết thời hạn hưởng chế độ ốm đau mà người lao động vẫn cần tiếp tục điều trị cho các bệnh thuộc danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành, họ sẽ được tiếp tục hưởng chế độ ốm đau. Thời gian nghỉ hưởng chế độ này cũng được tính theo ngày làm việc, không tính ngày nghỉ lễ, Tết và ngày nghỉ hàng tuần. Đối với các đối tượng quy định tại điểm d khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 (bao gồm sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân), thời gian hưởng chế độ ốm đau sẽ dựa vào thời gian điều trị nội trú tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và thời gian nghỉ việc theo chỉ định của nhân viên y tế tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Luật Bảo hiểm xã hội 2024 đã cập nhật và làm rõ hơn một số điều khoản so với Luật Bảo hiểm xã hội 2014, đặc biệt là việc phân loại đối tượng và quy định về thời gian hưởng chế độ ốm đau cho những người làm việc trong điều kiện nặng nhọc, độc hại. Đồng thời, Luật mới cũng quy định rõ hơn về chế độ cho những bệnh cần chữa trị dài ngày, không còn ấn định thời gian tối đa được nghỉ dài ngày là 180 ngày như trước. (5) Thời gian hưởng chế độ khi chăm sóc con ốm đau Theo quy định tại Điều 44 Luật Bảo hiểm xã hội 2024, thời gian hưởng chế độ chăm sóc con ốm đau trong một năm (từ ngày 01/01 đến ngày 31/12) được quy định tối đa 20 ngày cho mỗi con dưới 03 tuổi và tối đa 15 ngày cho mỗi con từ đủ 03 tuổi đến dưới 07 tuổi. Trong trường hợp cả cha và mẹ đều tham gia BHXH bắt buộc, thời gian hưởng chế độ chăm sóc con ốm đau của mỗi người sẽ được tính theo quy định nêu trên. Thời gian nghỉ việc để hưởng chế độ chăm sóc con ốm đau được tính theo ngày làm việc, không bao gồm ngày nghỉ lễ, Tết và ngày nghỉ hằng tuần Luật Bảo hiểm xã hội 2024 và Luật Bảo hiểm xã hội 2014 đều có những quy định tương tự về thời gian hưởng chế độ chăm sóc con ốm đau, trường hợp cả cha và mẹ cùng tham gia BHXH, cũng như cách tính thời gian nghỉ việc. Sự khác biệt chủ yếu nằm ở cách diễn đạt, nhưng nội dung cơ bản vẫn được giữ nguyên. (6) Mức hưởng trợ cấp chế độ ốm đau Căn cứ theo Điều 45 Luật Bảo hiểm xã hội 2024, mức hưởng trợ cấp chế độ ốm đau được quy định như sau: - Trợ cấp đối với trường hợp hưởng chế độ ốm đau và chế độ chăm sóc con ốm đau: + Bằng 75% tiền lương làm căn cứ đóng BHXH. - Trợ cấp đối với trường hợp chữa trị dài ngày: + Bằng 65% tiền lương làm căn cứ đóng BHXH nếu đã đóng BHXH bắt buộc từ đủ 30 năm trở lên; + Bằng 55% tiền lương làm căn cứ đóng BHXH nếu đã đóng BHXH bắt buộc từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm; + Bằng 50% tiền lương làm căn cứ đóng BHXH nếu đã đóng BHXH bắt buộc dưới 15 năm. - Trợ cấp đối với trường hợp thuộc đối tượng tại điểm d khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2024: + Bằng 100% tiền lương làm căn cứ đóng BHXH. Theo đó, mức hưởng trợ cấp ốm đau một ngày được tính bằng mức hưởng trợ cấp ốm đau theo tháng chia cho 24 ngày. Mức hưởng trợ cấp ốm đau nửa ngày được tính bằng một nửa mức hưởng trợ cấp ốm đau một ngày. Khi tính mức hưởng trợ cấp ốm đau đối với người lao động nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau không trọn ngày thì trường hợp nghỉ việc dưới nửa ngày được tính là nửa ngày; từ nửa ngày đến dưới một ngày được tính là một ngày. Về điểm mới so với Luật Bảo hiểm xã hội 2014, cả hai đều quy định mức hưởng trợ cấp ốm đau tương tự về tỷ lệ phần trăm dựa trên thời gian đóng BHXH. Tuy nhiên, Luật Bảo hiểm xã hội 2024 có bổ sung quy định cho người lao động mới bắt đầu làm việc và quy định rõ ràng hơn về cách tính mức hưởng cho trường hợp nghỉ không trọn ngày, trong khi Luật Bảo hiểm xã hội 2014 không đề cập đến những điểm này. >>> Những điểm mới về chế độ ốm đau trong Luật Bảo hiểm xã hội 2024 (P1) (7) Chế độ dưỡng sức sau ốm đau Theo quy định tại Điều 46 Luật Bảo hiểm xã hội 2024, người lao động đã nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau từ đủ 30 ngày trở lên trong một năm, nếu sức khỏe chưa phục hồi trong vòng 30 ngày kể từ ngày hết thời gian nghỉ ốm, sẽ được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe tối đa 10 ngày trong năm (từ 01 tháng 01 đến 31 tháng 12). Theo đó, thời gian nghỉ dưỡng sức bao gồm cả ngày nghỉ lễ, Tết và ngày nghỉ hằng tuần. Người lao động đủ điều kiện nghỉ dưỡng sức trong năm nào thì thời gian nghỉ sẽ được tính cho năm đó. Trường hợp thời gian nghỉ dưỡng sức kéo dài từ cuối năm trước sang đầu năm sau, thời gian đó sẽ được tính cho năm trước. Thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sẽ do người sử dụng lao động và Ban Chấp hành công đoàn cơ sở quyết định. Nếu có sự khác biệt giữa hai bên, người sử dụng lao động sẽ quyết định số ngày nghỉ dựa trên đề nghị của Ban Chấp hành công đoàn cơ sở. Trong trường hợp đơn vị không có công đoàn cơ sở, người sử dụng lao động sẽ tự quyết định. Thời gian nghỉ dưỡng sức tối đa được quy định như sau: - Người lao động sức khỏe chưa phục hồi sau thời gian ốm đau do bệnh cần chữa trị dài ngày: 10 ngày; - Người lao động sức khỏe chưa phục hồi sau phẫu thuật: 07 ngày; -Các trường hợp khác: 05 ngày. Trong thời gian nghỉ dưỡng sức, người lao động vẫn được nhận trợ cấp bằng 30% mức tham chiếu cho 01 ngày nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau ốm đau. Theo đó, Luật Bảo hiểm xã hội 2024 có một số điểm rõ ràng hơn về thời gian nghỉ dưỡng sức và quy trình quyết định so với Luật Bảo hiểm xã hội 2014. Tuy nhiên, mức hưởng và quy định về số ngày nghỉ dưỡng sức vẫn tương đồng giữa hai luật. Chỉ có sự khác biệt ở mức hưởng trợ cấp nghỉ dưỡng là Luật Bảo hiểm xã hội 2024 sẽ dựa vào 30% mức tham chiếu, trong khi Luật 2014 dựa vào 30% mức lương cơ sở. Trên đây là toàn bộ những điểm mới về chế độ ốm đau trong Luật Bảo hiểm xã hội 2024. Luật Bảo hiểm xã hội 2024 bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01/7/2024. >>> Những điểm mới về chế độ ốm đau trong Luật Bảo hiểm xã hội 2024 (P1)
Những điểm mới về chế độ ốm đau trong Luật Bảo hiểm xã hội 2024 (P1)
Luật Bảo hiểm xã hội 2024 đã có những điều chỉnh đáng kể về chế độ ốm đau. Hãy cùng tìm hiểu những điểm mới này để bảo vệ quyền lợi của mình một cách tốt nhất nhé! Xem thêm: Danh sách nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại TPHCM Quý 4/2024 (1) Đối tượng được hưởng chế độ ốm đau Theo khoản 1 Điều 42 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 quy định, đối tượng được hưởng chế độ ốm đau là người lao động tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc thuộc các điểm a, b, c, d, i, k, l, m và n khoản 1 và khoản 2 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2024, bao gồm: - Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ đủ 01 tháng trở lên, kể cả trường hợp người lao động và người sử dụng lao động thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên; - Cán bộ, công chức, viên chức; - Công nhân và viên chức quốc phòng, công nhân công an, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu; - Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân; - Người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật; thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc, thành viên Ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên và các chức danh quản lý khác được bầu của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo quy định của Luật Hợp tác xã có hưởng tiền lương; - Người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố; - Đối tượng quy định tại điểm a khoản 1 Điều 42 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 làm việc không trọn thời gian, có tiền lương trong tháng bằng hoặc cao hơn tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc thấp nhất; - Chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh tham gia theo quy định của Chính phủ; - Người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật; thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc, thành viên Ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên và các chức danh quản lý khác được bầu của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo quy định của Luật Hợp tác xã không hưởng tiền lương. - Người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc khi làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên với người sử dụng lao động tại Việt Nam, trừ các trường hợp sau đây: + Di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam; + Tại thời điểm giao kết hợp đồng lao động đã đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại khoản 2 Điều 169 Bộ luật Lao động 2019; + Điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác. Luật Bảo hiểm xã hội 2024 cơ bản đã kế thừa quy định về đối tượng hưởng của Luật Bảo hiểm xã hội 2014, tuy nhiên có bổ sung thêm 04 đối tượng mới, bao gồm: - Người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố; - Người lao động làm việc không trọn thời gian, có tiền lương trong tháng bằng hoặc cao hơn tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc thấp nhất; - Chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh tham gia theo quy định của Chính phủ; - Người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Việc mở rộng đối tượng hưởng chế độ ốm đau không chỉ mang tính chất bảo vệ quyền lợi mà còn góp phần tạo ra động lực cho người lao động tham gia vào hệ thống BHXH. Điều này có thể dẫn đến sự gia tăng số lượng người tham gia BHXH, từ đó củng cố nguồn quỹ bảo hiểm và nâng cao khả năng chi trả cho các quyền lợi khác trong tương lai. (2) Điều kiện được hưởng chế độ ốm đau Theo quy định tại khoản 1 Điều 42 Luật Bảo hiểm xã hội 2024, những đối tượng được hưởng chế độ ốm đau kể trên khi nghỉ việc thuộc một trong các trường hợp sau đây thì được hưởng chế độ ốm đau: - Điều trị khi mắc bệnh mà không phải bệnh nghề nghiệp; - Điều trị khi bị tai nạn mà không phải là tai nạn lao động; - Điều trị khi bị tai nạn khi đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc về nơi ở theo tuyến đường và thời gian hợp lý theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động; - Điều trị, phục hồi chức năng lao động khi thương tật, bệnh tật tái phát do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hoặc do bị tai nạn; - Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người theo quy định của pháp luật; - Chăm sóc con dưới 07 tuổi bị ốm đau. Như vậy, Luật Bảo hiểm xã hội 2024 đã liệt kê các trường hợp và điều kiện được hưởng chế độ ốm đau chi tiết hơn so với Luật Bảo hiểm xã hội 2014. Đặc biệt, Luật Bảo hiểm xã hội 2024 đã bổ sung thêm 03 trường hợp được hưởng chế độ ốm đau, bao gồm: - Đang điều trị do bị tai nạn trên đường từ nơi làm việc về nhà hoặc từ nhà đến nơi làm việc; - Đang điều trị, phục hồi chức năng lao động khi thương tật, bệnh tật tái phát do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hoặc do bị tai nạn; - Thực hiện các cuộc đại phẫu như hiến, lấy, ghép mô bộ phận cơ thể. Việc quy định rõ ràng các trường hợp được hưởng chế độ ốm đau và mở rộng phạm vi được hưởng chế độ ốm đau không chỉ giúp người lao động hiểu rõ quyền lợi và nghĩa vụ của mình mà còn khuyến khích người lao động tham gia BHXH tích cực hơn nữa. (3) Các trường hợp không được hưởng chế độ ốm đau Tuy nhiên, theo khoản 2 Điều 42 Luật Bảo hiểm xã hội 2024, nếu người lao động rơi các trường hợp sau đây thì không được hưởng chế độ ốm đau: - Tự gây thương tích hoặc tự gây tổn hại cho sức khỏe của mình; - Sử dụng chất ma túy, tiền chất ma túy theo danh mục do Chính phủ quy định, trừ trường hợp sử dụng thuốc tiền chất hoặc thuốc dạng phối hợp có chứa tiền chất theo chỉ định của người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh thuộc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; - Trong thời gian lần đầu phải nghỉ việc để điều trị, phục hồi chức năng lao động khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; - Trong thời gian nghỉ việc theo quy định tại khoản 1 Điều 42 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 trùng với thời gian nghỉ theo quy định của pháp luật về lao động hoặc đang nghỉ việc hưởng nguyên lương theo quy định của pháp luật chuyên ngành khác hoặc đang nghỉ việc hưởng chế độ thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe theo quy định của pháp luật về BHXH. Theo đó, Luật Bảo hiểm xã hội 2024 đã phân loại rõ ràng các trường hợp cụ thể, bao gồm cả việc không được hưởng chế độ trong thời gian nghỉ việc trùng với các chế độ khác. Dù quy định hiện hành hay quy định mới đều nhằm mục đích bảo vệ quyền lợi của người lao động và đảm bảo tính công bằng trong việc phân bổ quỹ bảo hiểm. Tuy nhiên, Luật Bảo hiểm xã hội 2024 đã cung cấp một cái nhìn tổng quát và chi tiết hơn về các trường hợp không đủ điều kiện hưởng chế độ ốm đau, giúp người lao động hiểu rõ hơn về quyền lợi và nghĩa vụ của mình. (còn tiếp…) >>> Những điểm mới về chế độ ốm đau trong Luật Bảo hiểm xã hội 2024 (P2)
Một số điểm mới của kỳ thi học sinh giỏi lớp 9, lớp 12 TPHCM năm học 2024 - 2025
Vừa qua Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM đã ban hành Hướng dẫn việc tổ chức kỳ thi chọn học sinh giỏi lớp 9, lớp 12 cấp thành phố năm học 2024 - 2025. Trong đó, có một số điểm mới như môn thi và tỉ lệ đạt giải. Xem toàn văn: Công văn 5535/SGDĐT-GDTrH ngày 04/9/2024: https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/9/10/5535-sgddt-gdtrh-huong-dan-thi-hsg-9-cap-thanh-pho-2024-2025_59202414.docx Công văn 5270/SGDĐT-GDTrH ngày 26/8/2024: https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/9/10/5270-sgddt-gdtrh-huong-dan-thi-hsg-12-cap-thanh-pho-2024-2025_59202414.docx Một số điểm mới của kỳ thi học sinh giỏi lớp 9, lớp 12 TPHCM (1) Thi học sinh giỏi lớp 9, lớp 12 TPHCM sẽ có môn thi mới Thi học sinh giỏi lớp 9 có 2 môn thi mới Theo Công văn 5535/SGDĐT-GDTrH ngày 04/9/2024, theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 nên kỳ thi sẽ có 2 môn mới so với kỳ thi những năm trước là lịch sử và địa lý, khoa học tự nhiên. Cụ thể: - Môn khoa học tự nhiên có 2 phần: Phần bắt buộc (chiếm 30% số điểm): Kiến thức chung; Phần tự chọn (chiếm 70% số điểm): Học sinh được lựa chọn một trong 3 mạch nội dung: + Chất và sự biến đổi của chất; Trái đất và bầu trời. + Năng lượng và sự biến đổi; Trái đất và bầu trời. + Vật sống; Trái đất và bầu trời. - Môn lịch sử và địa lý: Học sinh được lựa chọn một trong 2 phân môn: Lịch sử, địa lý. Theo đó, thi học sinh giỏi lớp 9 sẽ có các môn thi là Ngữ văn, lịch sử và địa lý, toán, khoa học tự nhiên, tin học, tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Trung, tiếng Nhật, công nghệ (định hướng công nghiệp), công nghệ (định hướng nông nghiệp). Thi học sinh giỏi lớp 12 sẽ có 2 môn thi mới Theo Công văn 5270/SGDĐT-GDTrH ngày 26/8/2024, môn mới được đưa vào kỳ thi là Giáo dục kinh tế và pháp luật và môn khoa học tự nhiên. Các môn ngoại ngữ có thêm phần thi nghe. Như vậy, thi học sinh giỏi lớp 12 sẽ có các môn thi gồm Toán, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Tin học, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật, tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nhật, tiếng Trung (2) Xét giải học sinh giỏi lớp 9, lớp 12 TPHCM Cũng tại Công văn 5535/SGDĐT-GDTrH và Công văn 5270/SGDĐT-GDTrH, Sở GD&ĐT TP.HCM quy định chỉ xếp giải cá nhân (nhất, nhì, ba) theo từng môn thi. Tỉ lệ học sinh đạt giải không quá 60% số học sinh dự thi (trong đó học sinh đạt giải nhất không quá 5% số học sinh đạt giải) và điều kiện xếp giải từ 10 điểm trở lên. So với năm trước thì, Sở GD&ĐT chỉ quy định tỉ lệ học sinh đạt giải không quá 60% thí sinh dự thi. Học sinh đạt giải nhất đạt từ 18 đến 20 điểm; giải nhì từ 15 đến dưới 18 điểm; giải ba từ 10 đến dưới 15 điểm. Tất cả học sinh đạt giải được cấp giấy chứng nhận học sinh giỏi cấp thành phố. Học sinh đạt giải nhất được khen thưởng theo Nghị quyết 02/2021/NQ-HĐND. Theo đó, năm học 2024 - 2025 thì sẽ chỉ có từ 5% học sinh đạt giải nhất trong số tổng học sinh đạt giải. Đối tượng, điều kiện dự thi học sinh giỏi lớp 9, lớp 12 TPHCM (1) Đối tượng, điều kiện dự thi học sinh giỏi lớp 9 TPHCM Theo Công văn 5535/SGDĐT-GDTrH, mỗi phòng GD-ĐT; Trường THCS và THPT Trần Đại Nghĩa; Trường Trung học thực hành Sài Gòn là một đơn vị dự thi. Điều kiện dự thi là học sinh đang học lớp 9 tại các trường THCS năm học 2024-2025, có kết quả học tập và rèn luyện của HKI từ khá trở lên, là thành viên của đội tuyển học sinh giỏi của các đơn vị dự thi. Trong đó, các môn ngữ văn, toán, tin học, tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Trung, tiếng Nhật, công nghệ (định hướng công nghiệp), công nghệ (định hướng nông nghiệp) thành viên đội tuyển tối đa 15 học sinh/môn thi. Riêng TP Thủ Đức thành viên đội tuyển tối đa 30 học sinh/môn thi. Môn khoa học tự nhiên tối đa 45 học sinh. Riêng TP Thủ Đức tối đa 90 học sinh. Môn lịch sử và địa lí tối đa 30 học sinh. Riêng TP Thủ Đức tối đa 60 học sinh. Ngoài ra, các đơn vị có học sinh đạt giải Nhất ở một môn thi trong năm học 2023-2024 được cử thêm tối đa 5 học sinh cho môn thi đó. (2) Đối tượng, điều kiện dự thi học sinh giỏi lớp 12 TPHCM Theo Công văn 5270/SGDĐT-GDTrH, đối tượng dự thi là học sinh lớp 12 năm học 2024-2025, có kết quả học tập và rèn luyện HKI từ khá trở lên. Riêng sinh trong đội tuyển học sinh giỏi của thành phố thi học sinh giỏi Quốc gia không được dự thi. Cụ thể: Học sinh lớp 12 của các lớp chuyên thuộc trường chuyên và trường có lớp chuyên đều phải tham gia. Đối với các trường THPT, các trường phổ thông nhiều cấp học (có cấp THPT) và Trường Phổ thông năng khiếu - ĐHQG TP.HCM: các môn toán, vật lí, hóa học, sinh học, ngữ văn, lịch sử, địa lí, giáo dục kinh tế và pháp luật, tin học, tiếng Anh: mỗi đơn vị cử tối đa 5 học sinh/môn thi; các môn tiếng Pháp, tiếng Nhật, tiếng Trung: mỗi đơn vị cử tối đa 10 học sinh/môn thi. Ngoài ra, các đơn vị có học sinh đạt giải Nhất ở một môn thi trong năm học 2023-2024 được cử thêm tối đa 5 học sinh cho môn thi đó. Học sinh đạt giải nhất kỳ thi học sinh giỏi lớp 9, lớp 12 TPHCM được thưởng bao nhiêu? Theo điểm c, điểm d khoản 1 Điều 3 Nghị quyết 02/2021/NQ-HĐND quy định mức chi khuyến khích đối với học sinh, học viên như sau: - Học sinh, học viên đoạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia được hưởng theo mức sau: Giải Nhất: 50.000.000 đồng; Giải Nhì: 40.000.000 đồng; Giải Ba: 30.000.000 đồng; Giải Khuyến khích, giải chuyên đề và các giải theo cơ cấu giải thưởng: 20.000.000 đồng. - Học sinh, học viên đoạt giải Nhất trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp thành phố được hưởng theo mức sau: Cấp Tiểu học: 5.000.000 đồng; Cấp Trung học cơ sở: 10.000.000 đồng; Cấp Trung học phổ thông: 12.000.000 đồng. Như vậy, học sinh đạt giải nhất kỳ thi học sinh giỏi lớp 9, lớp 12 TPHCM sẽ được thưởng 10 - 12 triệu đồng. Xem toàn văn: Công văn 5535/SGDĐT-GDTrH ngày 04/9/2024: https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/9/10/5535-sgddt-gdtrh-huong-dan-thi-hsg-9-cap-thanh-pho-2024-2025_59202414.docx Công văn 5270/SGDĐT-GDTrH ngày 26/8/2024: https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/9/10/5270-sgddt-gdtrh-huong-dan-thi-hsg-12-cap-thanh-pho-2024-2025_59202414.docx
Một số điểm mới của Luật Nhà ở 2023 có hiệu lực từ 01/8/2024
Luật Nhà ở 2023 chính thức có hiệu lực từ ngày hôm nay (01/8/2024), bài viết dưới đây sẽ tổng hợp một số điểm mới của Luật Nhà ở 2023 (1) Các trường hợp tổ chức, cá nhân nước ngoài không được cấp Giấy chứng nhận đối với nhà ở Điều 22 Luật Nhà ở 2023 quy định về các trường hợp tổ chức, cá nhân nước ngoài không được cấp Giấy chứng nhận đối với nhà ở, quy định này là một quy định mới hoàn toàn, chưa được quy định tại Luật Nhà ở 2014. Theo khoản 1 Điều 22 Luật Nhà ở 2023, tổ chức, cá nhân nước ngoài không được cấp Giấy chứng nhận đối với nhà ở mà chỉ được bán hoặc tặng cho nhà ở này cho đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam trong trường hợp: (i) Tổ chức, cá nhân nước ngoài được tặng cho hoặc được thừa kế nhà ở không thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 2 Điều 17 Luật Nhà ở 2023 hoặc vượt quá số lượng nhà ở được phép sở hữu theo quy định tại Điều 19 Luật Nhà ở 2023 hoặc thuộc khu vực cần bảo đảm quốc phòng, an ninh theo quy định tại Điều 16 Luật Nhà ở 2023 (ii) Tổ chức nước ngoài không hoạt động tại Việt Nam, cá nhân nước ngoài không được phép nhập cảnh vào Việt Nam nhưng được tặng cho, được thừa kế nhà ở tại Việt Nam. Theo đó, đối tượng (i) được trực tiếp hoặc ủy quyền cho tổ chức, cá nhân khác bán hoặc tặng cho nhà ở. Còn đối với đối tượng (ii) chỉ được ủy quyền cho tổ chức, cá nhân khác đang cư trú, hoạt động tại Việt Nam bán hoặc tặng cho nhà ở. Ngoài ra, khi đối tượng được thừa kế nhà ở có cả tổ chức, cá nhân thuộc trường hợp được sở hữu nhà ở và không thuộc trường hợp được sở hữu nhà ở tại Việt Nam thì các bên phải thống nhất xử lý tài sản thừa kế là nhà ở này theo một trong 02 hướng sau: - Để cho tổ chức, cá nhân thuộc trường hợp được sở hữu nhà ở tại Việt Nam thừa kế nhà ở này; tổ chức, cá nhân không thuộc trường hợp sở hữu nhà ở tại Việt Nam được hưởng giá trị của nhà ở này tương ứng với phần tài sản được thừa kế; - Tặng cho hoặc bán nhà ở này cho tổ chức, cá nhân thuộc trường hợp được sở hữu nhà ở tại Việt Nam để hưởng giá trị. (2) Quy định về nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp Theo quy định tại khoản 8 Điều 2 Luật Nhà ở 2023 giải thích, nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp là công trình xây dựng được đầu tư xây dựng trên phần diện tích đất thương mại, dịch vụ thuộc phạm vi khu công nghiệp theo quy định của pháp luật về quản lý khu công nghiệp để bố trí cho cá nhân là công nhân thuê trong thời gian làm việc tại khu công nghiệp đó. Đây cũng là một loại nhà ở hoàn toàn mới xuất hiện tại Luật Nhà ở 2023. Theo Điều 91 Luật Nhà ở 2023, những đối tượng được hưởng chính sách nhà lưu trú công nhân bao gồm: (i) Công nhân đang làm việc tại doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã sản xuất trong khu công nghiệp (ii) Doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã sản xuất trong khu công nghiệp đầu tư xây dựng nhà lưu trú công nhân Để được thuê nhà lưu trú công nhân, các đối tượng được hưởng chính sách này còn phải đáp ứng các điều kiện như: - Đối tượng (ii) phải có hợp đồng thuê mặt bằng khu công nghiệp và đang hoạt động sản xuất, kinh doanh trong khu công nghiệp đó, đồng thời phải có hợp đồng thuê, sử dụng lao động với đối tượng (i) - Đối tượng (i) thuê nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp phải có hợp đồng lao động và xác nhận của doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã sản xuất trong khu công nghiệp, doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp. Theo đó, giá thuê nhà lưu trú công nhân do bên cho thuê thỏa thuận với bên thuê theo khung giá do UBND cấp tỉnh quy định. (3) Hướng dẫn xử lý khi mua bán nhà ở có thời hạn Luật Nhà ở 2014 cũng đã xuất hiện thuật ngữ nhà ở có thời hạn, tuy nhiên chưa quy định chi tiết về vấn đề mua bán loại nhà ở này, dẫn đến một số bất cập khi xử lý việc giao dịch mua bán nhà ở có thời hạn. Do đó, Điều 166 Luật Nhà ở 2023 đã chi tiết hóa về trường hợp mua bán nhà ở có thời hạn, theo đó, khi mua bán nhà ở có thời hạn thì xử lý như sau: - Trong thời hạn sở hữu nhà ở, bên mua nhà ở thực hiện quyền, nghĩa vụ theo thỏa thuận trong hợp đồng - Khi hết thời hạn sở hữu thì Giấy chứng nhận cấp cho bên mua không còn giá trị pháp lý. Quyền sở hữu nhà ở được chuyển lại cho bên bán nhà ở. Bên bán nhà ở hoặc người thừa kế hợp pháp của bên bán đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đối với nhà ở đó. Trình tự, thủ tục cấp Giấy chứng nhận quy định tại khoản này thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai; - Trường hợp chủ sở hữu lần đầu là tổ chức bị phá sản, giải thể hoặc chấm dứt hoạt động thì nhà ở của tổ chức này được xử lý theo quy định của pháp luật về phá sản, giải thể hoặc chấm dứt hoạt động và quyền sở hữu nhà ở này được chuyển lại cho cá nhân, tổ chức được sở hữu theo quy định của pháp luật về phá sản, giải thể hoặc chấm dứt hoạt động. - Trường hợp chủ sở hữu lần đầu là cá nhân chết mà không có người thừa kế hoặc người thừa kế không nhận lại nhà ở thì việc xác lập quyền sở hữu nhà ở thực hiện theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015 - Trong thời gian xác định chủ sở hữu nhà ở, tổ chức, cá nhân đang quản lý nhà ở được tiếp tục quản lý và không được thực hiện quyền của chủ sở hữu đối với nhà ở này; việc bàn giao lại nhà ở được thực hiện trong thời hạn 03 tháng, kể từ ngày xác định được chủ sở hữu nhà ở. Trên đây là một số điểm mới của Luật Nhà ở 2023 so với Luật Nhà ở 2014. Luật Nhà ở 2023 sẽ chính thức có hiệu lực từ hôm nay, ngày 01/8/2024.
3 điểm mới trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược mới nhất 2024
Luật Dược năm 2016 ban hành đã thay thế Luật Dược năm 2005 áp dụng trong nhiều năm nay. Tuy nhiên trong thực tiễn đứng trước những yêu cầu cấp bách, Luật Dược năm 2016 vẫn còn nhiều vướng mắc, bất cập và đặc biệt là tình trạng thiếu thuốc trong thời gian gần đây. Chính vì vậy, Bộ Y tế đã đề xuất Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, dưới đây là 3 điểm mới trong dự thảo. Ngành dược phẩm đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ và nâng cao sức khỏe cộng đồng. Việc cập nhật và điều chỉnh các quy định pháp luật trong lĩnh vực này luôn được quan tâm. Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược mới nhất đã đề xuất nhiều điểm mới nhằm cải thiện quy trình quản lý, sản xuất và phân phối dược phẩm. (1) Dự thảo mới đã sửa đổi, bổ sung các thuật ngữ mới Tại khoản 1 Điều 1 Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược đã sửa đổi các thuật ngữ như Dược liệu, Thuốc cổ truyền, Vị thuốc cổ truyền, Thuốc gây nghiện, Thuốc hướng thần, Thuốc tiền chất, Thực hành tốt. Bổ sung các thuật ngữ mới như Bán thành phẩm, Chuỗi nhà thuốc, Oxy y tế, Nghiên cứu phát triển thuốc, Tham chiếu, Thừa nhận, Công nhận như sau: - Bán thành phẩm là sản phẩm đã qua một, một số hoặc tất cả các công đoạn chế biến, sản xuất, trừ công đoạn đóng gói cuối cùng theo điểm h tại khoản 1 Điều 1 Dự thảo bổ sung khoản 44 vào Điều 2 - Chuỗi nhà thuốc là hệ thống các nhà thuốc đạt tiêu chuẩn GPP thuộc cơ sở sản xuất, xuất nhập khẩu thuốc, bán buôn thuốc, nguyên liệu làm thuốc hoặc thuộc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và hoạt động kinh doanh dược theo hệ thống chất lượng thống nhất của cơ sở theo điểm i tại khoản 1 Điều 1 Dự thảo bổ sung khoản 45 vào Điều 2 - Oxy y tế là chế phẩm thuốc đặc thù dưới dạng khí hoặc lỏng, có chứa hàm lượng Oxy đạt tiêu chuẩn làm thuốc và được người dùng trực tiếp thông qua các ống dẫn vào cơ thể để hỗ trợ, duy trì sự sống hoặc điều trị một số bệnh về đường hô hấp, bệnh chuyên biệt về oxy theo điểm k tại khoản 1 Điều 1 Dự thảo bổ sung khoản 46 vào Điều 2 - Nghiên cứu phát triển thuốc là các hoạt động liên quan đến nghiên cứu phát triển công thức bào chế, công nghệ bào chế thuốc và nghiên cứu độ ổn định của thuốc theo điểm l tại khoản 1 Điều 1 Dự thảo bổ sung khoản 47 vào Điều 2 - Tham chiếu là hình thức trong đó cơ quan quản lý quốc gia xem xét và dựa vào kết quả đánh giá, thẩm định hồ sơ đăng ký đã được thực hiện bởi một cơ quan quản lý quốc gia khác hoặc tổ chức tin cậy khác để đưa ra kết luận về việc cấp phép lưu hành thuốc theo điểm m tại khoản 1 Điều 1 Dự thảo bổ sung khoản 48 vào Điều 2 - Thừa nhận, công nhận là cơ chế chấp nhận thường xuyên của một cơ quan quản lý đối với quyết định của một cơ quan quản lý hay tổ chức tin cậy khác. Việc công nhận phải dựa trên bằng chứng về việc các quy định, yêu cầu quản lý của cơ quan quản lý được công nhận hoàn toàn đáp ứng theo các quy định, yêu cầu của cơ quan quản lý công nhận theo điểm n tại khoản 1 Điều 1 Dự thảo bổ sung khoản 49 vào Điều 2 Bài được viết theo Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược lần 02:https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/05/23/du-thao-luat-sua-doi-bo-sung-mot-so-dieu-cua-luat-duoc.docx Theo dõi cập nhật mới nhất của Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược (2) Sửa đổi, bổ sung hồ sơ đề nghị cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc Tại Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược đã sửa đổi, bổ sung hồ sơ đăng ký lưu hành thuốc theo phương thức giảm thủ tục hồ sơ, giấy chứng nhận sản phẩm dược phẩm có thể được thay thế bằng tài liệu khác do cơ quan có thẩm quyền cấp chứng minh thuốc được phép. Dự thảo đã sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 56 Luật Dược năm 2016 như sau: Hồ sơ hành chính bao gồm: - Đơn đề nghị cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc - Bản sao có chứng thực Giấy phép thành lập văn phòng đại diện còn thời hạn hiệu lực đối với cơ sở kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc của nước ngoài hoặc Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược còn thời hạn hiệu lực đối với cơ sở kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc của Việt Nam - Bản gốc hoặc bản sao có chứng thực giấy chứng nhận sản phẩm dược phẩm đối với thuốc nhập khẩu còn thời hạn hiệu lực - Mẫu nhãn thuốc, nguyên liệu làm thuốc - Thông tin về thuốc và các tài liệu khác về kinh doanh và lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc. Trường hợp để đáp ứng nhu cầu cấp bách cho quốc phòng, an ninh, phòng, chống dịch bệnh, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, giấy chứng nhận sản phẩm dược phẩm có thể được thay thế bằng tài liệu khác do cơ quan có thẩm quyền cấp chứng minh thuốc được phép lưu hành hợp pháp Ngoài ra hồ sơ kỹ thuật chứng minh thuốc, nguyên liệu làm thuốc đáp ứng các yêu cầu quy định tại khoản 4 Điều 54 của Luật Dược năm 2016. + Đối với thuốc mới, sinh phẩm tham chiếu, vắc xin, thuốc cổ truyền có chỉ định đối với các bệnh thuộc danh mục do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành phải có thêm hồ sơ lâm sàng chứng minh đạt an toàn, hiệu quả + Đối với sinh phẩm tương tự phải có thêm hồ sơ chứng minh tương tự về chất lượng, an toàn, hiệu quả so với một sinh phẩm tham chiếu. + Đối với thuốc có yêu cầu thử tương đương sinh học phải có thêm báo cáo số liệu nghiên cứu tương đương sinh học của thuốc. + Đối với thuốc mới sản xuất trong nước, trừ vắc xin, đáp ứng nhu cầu cấp bách cho quốc phòng, an ninh, phòng, chống dịch bệnh, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa có cùng hoạt chất, dạng bào chế, đường dùng, chỉ định với thuốc đã được cấp phép lưu hành tại một trong các cơ quan quản lý dược tham chiếu, khi nộp hồ sơ đề nghị đăng ký lưu hành cho phép được miễn nộp dữ liệu thử nghiệm lâm sàng. Bộ Y tế có trách nhiệm phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức giám sát, theo dõi chặt chẽ tình hình sử dụng, an toàn, hiệu quả của thuốc sau khi cấp phép. + Đối với thuốc nhập khẩu là thuốc mới sử dụng cho công tác phòng, chống dịch đã được cơ quan quản lý dược tham chiếu cấp phép lưu hành, khi đăng ký lưu hành tại Việt Nam cho phép cấp giấy đăng ký lưu hành trên cơ sở tham chiếu, công nhận kết quả cấp phép lưu hành của cơ quan quản lý dược tham chiếu mà không phải đánh giá đáp ứng thực hành tốt sản xuất thuốc đối với cơ sở sản xuất và không phải thẩm định hồ sơ kỹ thuật (chất lượng, tiền lâm sàng, lâm sàng) trong hồ sơ đăng ký thuốc. Như vậy, so với Luật Dược năm 2016, Dự thảo mới đã đề xuất trường hợp cho quốc phòng, an ninh, phòng, chống dịch bệnh, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, giấy chứng nhận sản phẩm dược phẩm có thể được thay thế bằng tài liệu khác do cơ quan có thẩm quyền cấp chứng minh thuốc được phép lưu hành hợp pháp. (3) Thẩm quyền thu hồi thuốc, nguyên liệu làm thuốc Điều 65 Luật Dược năm 2016 quy định: - Bộ Y tế sẽ ra quyết định thu hồi thuốc trong trường hợp thuốc bị thu hồi bắt buộc và trường hợp thu hồi tự nguyện khi thuốc vi phạm ở mức độ 1, mức độ 2. - Người đứng đầu cơ sở đăng ký thuốc, cơ sở sản xuất thuốc trong nước, cơ sở pha chế, chế biến, bào chế thuốc, cơ sở nhập khẩu hoặc ủy thác nhập khẩu thuốc ra quyết định thu hồi thuốc trong trường hợp thu hồi tự nguyện thuốc vi phạm ở mức độ 3 sau khi có ý kiến của Bộ Y tế. Tuy nhiên, tại Dự thảo mới đã sửa đổi Điều 65 như sau: - Bộ Y tế ra quyết định thu hồi thuốc trong trường hợp thuốc bị thu hồi bắt buộc và trường hợp thu hồi tự nguyện khi thuốc vi phạm ở mức độ 1, mức độ 2. - Sở Y tế ra quyết định thu hồi thuốc trong trường hợp thu hồi bắt buộc đối với thuốc vi phạm chất lượng mức độ 3 được phát hiện trên địa bàn. - Thời gian ra quyết định thu hồi thuốc không quá 24 giờ kể từ khi có kết luận thuốc thuộc trường hợp phải thu hồi và mức độ vi phạm của thuốc hoặc có kết luận về việc thu hồi thuốc tự nguyện không phù hợp với mức độ vi phạm của thuốc Như vậy, Dự thảo mới đã phân cấp quyền thu hồi thuốc vi phạm chất lượng mức 3 được phát hiện trên địa bàn cho Sở Y tế. Tóm lại, trên đây là 3 điểm mới của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Dược năm 2016 nhằm sửa đổi, bổ sung một số quy định cho phù hợp với thực tiễn và tránh tình trạng thiếu thuốc trong các trường hợp đặc biệt như thiên tai, thảm họa đồng thời bảo đảm cung cấp thuốc chất lượng, kịp thời. Bài được viết theo Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược lần 02: https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/05/23/du-thao-luat-sua-doi-bo-sung-mot-so-dieu-cua-luat-duoc.docx Theo dõi cập nhật mới nhất của Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược
3 điểm mới của Nghị định 50/2024/NĐ-CP hướng dẫn Luật Phòng cháy và chữa cháy
Ngày 10/05/2024, Chính phủ ban hành Nghị định 50/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 136/2020/NĐ-CP và Nghị định 83/2017/NĐ-CP về hướng dẫn Luật Phòng cháy và chữa cháy. Dưới đây là một số điểm mới của Nghị định 50/2024/NĐ-CP. So với Nghị định 136/2020/NĐ-CP và Nghị định 83/2017/NĐ-CP, Nghị định 50/2024/NĐ-CP có hiệu lực vào ngày 15/05/2024 đề cập một số điểm mới sau đây: Thứ nhất, về điều kiện an toàn về PCCC đối với phương tiện giao thông cơ giới Cụ thể khoản 3 Điều 1 Nghị định 50/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung cho khoản 2 Điều 8 Nghị định 136/2020/NĐ-CP như sau: Phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy (PCCC) được quy định tại mục 19 Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định 136/2020/NĐ-CP phải bảo đảm và duy trì các điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy sau đây: Các điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 8 - Phương tiện giao thông cơ giới đường bộ từ 04 chỗ ngồi trở lên phải bảo đảm điều kiện hoạt động đã được kiểm định; vật tư, hàng hóa bố trí, sắp xếp trên phương tiện phải bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy. - Đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ trên 09 chỗ ngồi, phương tiện hoạt động trên đường thủy nội địa, phương tiện giao thông đường sắt phải bảo đảm các điều kiện sau đây: + Có nội quy, biển cấm, biển báo, biển chỉ dẫn phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn về PCCC hoặc theo quy định của Bộ Công an + Hệ thống điện, nhiên liệu, vật tư, hàng hóa bố trí, sắp xếp trên phương tiện phải bảo đảm an toàn PCCC + Có phương tiện chữa cháy phù hợp với tính chất, đặc điểm hoạt động bảo đảm số lượng, chất lượng phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn về PCCC hoặc theo quy định của Bộ Công an + Có quy định, phân công nhiệm vụ PCCC và tổ chức sẵn sàng chữa cháy đáp ứng yêu cầu chữa cháy tại chỗ. Có Giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế hoặc văn bản thẩm duyệt thiết kế (nếu có) và văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu về PCCC của cơ quan Công an (nếu có), trừ phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn PCCC được cơ sở quốc phòng chế tạo hoặc hoán cải chuyên dùng cho hoạt động quân sự. Thay vì văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy của cơ quan Cảnh sát PCCC được đề trong Nghị định 136/2020/NĐ-CP thì Nghị định 50/2024 đã sửa đổi thành văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu về PCCC của cơ quan Công an. Thứ hai, kiểm tra về PCCC Nghị định 50/2024/NĐ-CP đã sửa đổi, bổ sung Điều 16 Nghị định 136/2020/NĐ-CP về kiểm tra về PCCC như sau: - Điều kiện an toàn về PCCC đối với công trình xây dựng trong quá trình thi công: Nội quy về PCCC, biển chỉ dẫn thoát nạn Quy định về phân công trách nhiệm bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy của chủ đầu tư, đơn vị thi công trong phạm vi thẩm quyền, chức trách, nhiệm vụ của người được phân công làm nhiệm vụ PCCC. - Việc sử dụng hệ thống, thiết bị điện, sinh lửa, sinh nhiệt, nguồn lửa, nguồn nhiệt; trang bị phương tiện, thiết bị chữa cháy ban đầu phù hợp với tính chất, đặc điểm của công trình xây dựng. - Điều kiện của cơ sở kinh doanh dịch vụ về phòng cháy và chữa cháy theo quy định tại Điều 41 Nghị định 136/2020/NĐ-CP - Việc thực hiện các hoạt động kinh doanh dịch vụ PCCC của cơ sở theo ngành nghề đã được cơ quan Công an có thẩm quyền cấp. - Hạ tầng kỹ thuật có liên quan đến PCCC của đô thị, khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao quy định tại Điều 10 và Điều 31 Nghị định 136/2020/NĐ-CP. Như vậy, Nghị định 50/2024/NĐ-CP đã bỏ giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế hoặc văn bản thẩm duyệt thiết kế về PCCC ra khỏi điều kiện an toàn về PCCC đối với công trình xây dựng trong quá trình thi công. Ngoài ra còn bổ sung điều kiện an toàn liên quan đến hạ tầng kỹ thuật ở các của đô thị, khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao. Thứ ba, về hồ sơ đề nghị phê duyệt phương án chữa cháy cơ sở Cụ thể Nghị định 50/2024/NĐ-CP đã sửa đổi, bổ sung Điều 13 Nghị định 136/2020/NĐ-CP về hồ sơ như sau: Đối với thiết kế kỹ thuật hoặc thiết kế bản vẽ thi công dự án, công trình xây dựng mới: - Văn bản đề nghị thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy của chủ đầu tư (Mẫu số PC06) Xem và tải mẫu số PC06 tại đây: https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/05/15/M%E1%BA%ABu%20PC06.docx - Văn bản về chủ trương đầu tư xây dựng công trình theo quy định pháp luật về đầu tư, đầu tư công, đầu tư theo phương thức đối tác công tư hoặc văn bản chứng minh quyền sử dụng đất đối với dự án, công trình. - Dự toán xây dựng công trình - Hồ sơ thiết kế kỹ thuật hoặc thiết kế bản vẽ thi công thể hiện những nội dung yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy quy định tại Điều 11 Nghị định 136/2020/NĐ-CP. Đối với thiết kế kỹ thuật hoặc thiết kế bản vẽ thi công dự án, công trình cải tạo, thay đổi tính chất sử dụng hoặc thiết kế điều chỉnh: - Văn bản đề nghị thẩm duyệt thiết kế về PCCC của chủ đầu tư (Mẫu số PC06) Xem và tải mẫu số PC06 tại đây: https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/05/15/M%E1%BA%ABu%20PC06.docx - Dự toán xây dựng công trình đối với phần cải tạo, thay đổi tính chất sử dụng. - Hồ sơ thiết kế kỹ thuật hoặc thiết kế bản vẽ thi công thể hiện những nội dung yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy. Đối với thiết kế kỹ thuật phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy: - Văn bản đề nghị thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy của chủ đầu tư, chủ phương tiện (Mẫu số PC06). Xem và tải mẫu số PC06 tại đây: https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/05/15/M%E1%BA%ABu%20PC06.docx - Dự toán tổng mức đầu tư phương tiện - Hồ sơ thiết kế kỹ thuật thể hiện những nội dung yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy. Văn bản, giấy tờ có trong hồ sơ là bản chính hoặc bản chứng thực hoặc bản sao hoặc bản chụp kèm theo bản chính để cán bộ tiếp nhận hồ sơ đối chiếu. Bản vẽ và bản thuyết minh thiết kế phải có xác nhận của chủ đầu tư hoặc chủ phương tiện. Nghị định 50/2024/NĐ-CP đã sửa đổi, bổ sung nhiều điểm mới quan trọng so với Nghị định 136/2020/NĐ-CP và Nghị định 83/2017/NĐ-CP về hướng dẫn Luật PCCC. Nghị định 50/2024/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 15/5/2024.
Bỏ “khung giá đất” và quy định “bảng giá đất” theo Luật Đất đai 2024
Tại kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) 2024 với nhiều điểm mới quan trọng. Trong đó, Luật Đất đai (sửa đổi) 2024 đã bỏ “khung giá đất” và quy định “bảng giá đất” tại Điều 159. Quy định bảng giá đất mới theo Luật Đất đai 2024 Theo đó, tại Luật Đất đai (sửa đổi) 2024 đã bỏ “khung giá đất”quy định tại Điều 113 Luật Đất đai 2013 trước đó, cụ thể: Theo Luật Đất đai 2013, chính phủ ban hành khung giá đất định kỳ 05 năm một lần đối với từng loại đất, theo từng vùng. Trong thời gian thực hiện khung giá đất mà giá đất phổ biến trên thị trường tăng từ 20% trở lên so với giá tối đa hoặc giảm từ 20% trở lên so với giá tối thiểu trong khung giá đất thì Chính phủ điều chỉnh khung giá đất cho phù hợp. Đối với Luật Đất đai (sửa đổi) 2024 đã bỏ quy định này và quy định bảng giá đất được áp dụng cho các trường hợp sau: - Tính tiền sử dụng đất khi Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất ở của hộ gia đình, cá nhân; chuyển mục đích sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân - Tính tiền thuê đất khi Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất hằng năm, trừ trường hợp cho thuê đất thông qua đấu giá quyền sử dụng đất - Tính thuế sử dụng đất - Tính thuế thu nhập từ chuyển quyền sử dụng đất đối với hộ gia đình, cá nhân - Tính lệ phí trong quản lý, sử dụng đất đai - Tính tiền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai - Tính tiền bồi thường cho Nhà nước khi gây thiệt hại trong quản lý, sử dụng đất đai - Làm căn cứ tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất khi công nhận quyền sử dụng đất có thu tiền sử dụng đất, đất thuê trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê đối với hộ gia đình, cá nhân - Tính giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất khi Nhà nước giao đất, cho thuê đất đối với trường hợp thửa đất, khu đất đã được đầu tư hạ tầng kỹ thuật theo quy hoạch chi tiết xây dựng* - Tính tiền sử dụng đất đối với trường hợp giao đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân* - Tính tiền sử dụng đất đối với trường hợp bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước cho người đang thuê* *điểm mới so với Luật Đất đai 2013 Bên cạnh đó, bảng giá đất được xây dựng theo khu vực, vị trí. Đối với khu vực có bản đồ địa chính số và cơ sở dữ liệu giá đất thì xây dựng bảng giá đất đến từng thửa đất trên cơ sở vùng giá trị, thửa đất chuẩn. Theo đó, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng, trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định Bảng giá đất lần đầu để công bố và áp dụng từ ngày 01/01/2026. Hằng năm, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung bảng giá đất để công bố và áp dụng từ ngày 01 tháng 01 của năm tiếp theo. Trường hợp Bảng giá đất cần thiết phải điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung trong năm, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định. Cơ quan có chức năng quản lý đất đai cấp tỉnh có trách nhiệm giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức việc xây dựng, điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung bảng giá đất. Trong quá trình thực hiện, cơ quan có chức năng quản lý đất đai cấp tỉnh được thuê tổ chức tư vấn xác định giá đất để xây dựng, điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung bảng giá đất. Như vậy, “bảng giá đất” được xây dựng hằng năm và “bảng giá đất lần đầu” được công bố và áp dụng từ ngày 01/01/2026 và được điều chỉnh từ ngày 01 tháng 01 của năm tiếp theo. Việc này sẽ giúp cho “bảng giá đất” tiệm cận giá đất thị trường, tuy nhiên cũng sẽ làm gia tăng áp lực công việc cho các địa phương. 04 phương pháp định giá đất theo Luật Đất đai 2024 Căn cứ tại khoản 5 Điều 158 và Điều 160 Luật Đất đai (sửa đổi) 2024 đã quy định 4 phương pháp định giá đất gồm: - Phương pháp so sánh được thực hiện bằng cách điều chỉnh mức giá của các thửa đất có cùng mục đích sử dụng đất, tương đồng nhất định về các yếu tố có ảnh hưởng đến giá đất đã chuyển nhượng trên thị trường, đã trúng đấu giá quyền sử dụng đất mà người trúng đấu giá đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính theo quyết định trúng đấu giá thông qua việc phân tích, so sánh các yếu tố ảnh hưởng đến giá đất sau khi đã loại trừ giá trị tài sản gắn liền với đất (nếu có) để xác định giá của thửa đất cần định giá; - Phương pháp thu nhập được thực hiện bằng cách lấy thu nhập ròng bình quân năm trên một diện tích đất chia cho lãi suất tiền gửi tiết kiệm bình quân của loại tiền gửi bằng tiền Việt Nam kỳ hạn 12 tháng tại các ngân hàng thương mại do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết trên địa bàn cấp tỉnh của 03 năm liền kề tính đến hết quý gần nhất có số liệu trước thời điểm định giá; - Phương pháp thặng dư được thực hiện bằng cách lấy tổng doanh thu phát triển ước tính trừ đi tổng chi phí phát triển ước tính của thửa đất, khu đất trên cơ sở sử dụng đất có hiệu quả cao nhất (hệ số sử dụng đất, mật độ xây dựng, số tầng cao tối đa của công trình) theo quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết xây dựng đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; - Phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất được thực hiện bằng cách lấy giá đất trong bảng giá đất nhân với hệ số điều chỉnh giá đất. Hệ số điều chỉnh giá đất được xác định thông qua việc so sánh giá đất trong bảng giá đất với giá đất thị trường; Trong đó, phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất để xác định giá đất cụ thể và trong trường hợp cần thiết phải quy định phương pháp định giá đất khác chưa được quy định thì Chính phủ đề xuất và được sự đồng ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, để đảm bảo vận hành thông suốt công tác định giá đất để phát triển kinh tế - xã hội. Ngoài ra, việc định giá đất phải bảo đảm các nguyên tắc: phương pháp xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường; tuân thủ đúng phương pháp, trình tự, thủ tục định giá đất; bảo đảm khách quan, công khai, minh bạch; bảo đảm tính độc lập trong các khâu xác định giá đất, thẩm định giá đất, quyết định giá đất. Xem thêm tại Luật Đất đai (sửa đổi) 2024.
Quy định mới về hủy thầu theo Luật Đấu thầu 2023
Luật Đấu thầu 2023 có hiệu lực từ 01/01/2014 quy định mới nhiều điểm mới hơn so với Luật Đấu thầu 2013. Những thay đổi mới gồm: Bổ sung đối tượng áp dụng Luật Đấu thầu 2023; Bổ sung hành vi bị cấm trong hoạt động đấu thầu; quy định chi tiết hơn các trường hợp hủy thầu... để phù hợp hơn so với thực tiễn và khắc phục những vướng mắc mà Luật Đấu thầu 2013 còn tồn tại. Một trong số đó kể đến là quy định chi tiết hơn các trường hợp hủy thầu. Cụ thể căn cứ quy định tại Điều 17 Luật Đấu thầu 2023 có hiệu lực từ ngày 01/01/2024 thì những trường hợp hủy thầu bao gồm: Các trường hợp hủy thầu đối với lựa chọn nhà thầu bao gồm: - Tất cả hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất không đáp ứng được các yêu cầu của hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu; - Thay đổi về mục tiêu, phạm vi đầu tư trong quyết định đầu tư đã được phê duyệt làm thay đổi khối lượng công việc, tiêu chuẩn đánh giá đã ghi trong hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu; - Hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu không tuân thủ quy định của Luật này, quy định khác của pháp luật có liên quan dẫn đến nhà thầu được lựa chọn không đáp ứng yêu cầu để thực hiện gói thầu; - Nhà thầu trúng thầu thực hiện hành vi bị cấm; - Tổ chức, cá nhân khác ngoài nhà thầu trúng thầu thực hiện hành vi bị cấm dẫn đến sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu. Các trường hợp hủy thầu đối với lựa chọn nhà đầu tư bao gồm: - Tất cả hồ sơ dự thầu không đáp ứng được các yêu cầu của hồ sơ mời thầu; - Thay đổi mục tiêu, quy mô, địa điểm, vốn đầu tư, thời hạn thực hiện dự án đầu tư kinh doanh vì lý do bất khá kháng, làm thay đổi tiêu chuẩn đánh giá trong hồ sơ mời thầu đã phát hành; - Hồ sơ mời thầu có một hoặc một số nội dung không tuân thủ quy định của luật này, quy định khác của pháp luật có liên quan dẫn đến sai lệch kết quả lựa chọn nhà đầu tư hoặc nhà đầu tư được lựa chọn không còn đáp ứng yêu cầu để thực hiện dự án đầu tư kinh doanh; - Nhà đầu tư trúng thầu thực hiện hành vi bị cấm; - Tổ chức, cá nhân khác ngoài nhà đầu tư trúng thầu thực hiện hành vi bị cấm dẫn đến sai lệch kết quả lựa chọn nhà đầu tư. Ngoài ra việc hủy thầu được thực hiện trong thời gian từ ngày phát hành hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu đến trước khi ký kết hợp đồng, thỏa thuận khung đối với mua sắm tập trung. và các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của pháp luật dẫn đến hủy thầu theo quy định trên phải đền bù chi phí cho các bên liên quan. =>> Theo đó Luật Đấu thầu 2023 quy định chi tiết hơn về các trường hợp hủy thầu.
Sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung các quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập
Sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung các quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập khi xây dựng Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/6/2006. Sau 10 năm thi hành, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 đã giúp công tác phòng, chống tham nhũng đạt được nhiều kết quả tích cực, quan trọng, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của nhà nước. Tuy nhiên, ngoài những thành quả đạt được nêu trên, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 cũng cho thấy nhiều điểm bất cập trong các quy định. Kết quả 10 năm thực hiện của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 cho thấy, số vụ việc, vụ án tham nhũng được phát hiện còn ít, một số vụ việc xử lý còn kéo dài, chưa nghiêm, thu hồi tài sản tham nhũng đạt kết quả thấp, gây tâm lý bức xúc và ngoài nghi trong xã hội về quyết tâm phòng, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước. Một trong những điểm bất cập trong Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 là nhóm các quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập. Cụ thể: Thứ nhất, quy định về minh bạch tài sản, thu nhập chưa giúp kiểm soát biến động về thu nhập. Thứ hai, trình tự, thủ tục công khai bản kê khai, giải trình, xác minh tài sản, thu nhập khi có yêu cầu chưa được quy định rõ ràng, dẫn đến nhiều vướng mắc khi thực hiện trên thực tế. Thứ ba, chưa có quy định rõ ràng về việc sử dụng bản kê khai tài sản vào mục đích phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng. Xuất phát từ những điểm bất cập trong quá trình thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005, nhằm thực hiện các chủ trương, nghị quyết mới của Đảng về vấn đề Phòng, chống tham nhũng, đồng bộ các quy định trong Luật Phòng, chống tham nhũng với các đạo luật quan trọng, nâng cao mức độ tuân thủ Công ước Liên hợp quốc về Chống tham nhũng, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 đã có những thay đổi đáng kể, trong đó có các quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập. Mời quý độc giả xem bài viết tiếp theo về các điểm mới trong quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018
Điểm mới Thông tư hướng dẫn giao dịch điện tử về thuế - Minh họa Ngày 20/4/2021, Tổng cục thuế ra Công văn 1194/TCT - CK V/v giới thiệu các nội dung mới của Thông tư 19/2021/TT-BTC hướng dẫn giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế gửi Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Những điểm mới của Thông tư 19 được giới thiệu bao gồm: 1. Phạm vi điều chỉnh (Điều 1 Thông tư 19) 2. Nguyên tắc giao dịch thuế điện tử (Điều 4 Thông tư 19) 3. Gửi thông báo, quyết định, văn bản điện tử của cơ quan thuế (Điều 5 Thông tư 19) 4. Chứng từ điện tử (Điều 6 Thông tư 19) 5. Ký hiệu điện tử trong giao dịch điện tử (Điều 7 Thông tư 19) 6. Cách xác định thời gian nộp hồ sơ thuế điện tử, nộp thuế điện tử của người nộp thuế và thời gian cơ quan thuế gửi thông báo, quyết định, văn bản cho người nộp thuế (Điều 8 Thông tư 19) 7. Sửa đổi, bổ sung hậu quả pháp lý đối với người nộp thuế nộp hồ sơ thuế điện tử, nộp tiền thuế trong thời gian Cổng thông ti của Tổng cục Thuế, Cổng thông tin của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, Cổng của tổ chức cung cấp dịch vụ T-VAN bị lỗi. (Điều 9 Thông tư 19) 8. Đăng ký giao dịch thuế điện tử (Điều 10 Thông tư 19) 9. Đăng ký thay đổi, bổ sung thông tin giao dịch điện tử (Điều 11 Thông tư 19) 10. Ngừng giao dịch vơi cơ quan thuế bằng phương thức điện tử (Điều 12 Thông tư 19) 11. Giao dịch điện tử trong đăng ký thuế (Điều 13 Thông tư 19) 12. Giao dịch điện tử trong khai thuế (Điều 15, 16, 17, 18, 19 Thông tư 19) 13. Giao dịch điện tử trong nộp thuế điện tử (Điều 20, 21, 22, 23, 24, 25, 26, Thông tư 19) 14. Giao dịch điện tử trong hoàn thuế điện tử (Điều 27, 28 Thông tư 19) 15. Giao dịch điện tử trong miễn giảm thuế điện tử (Điều 19, 30Thông tư 19) 16. Giao dịch điện tử trong quản lý nợ thuế và cưỡng chế nợ thuế (Điều 31 Thông tư 19) 17. Xử phạt vi phạm hành chính bằng phương thức điện tử (Điều 32 Thông tư 19) 18. Giao dịch điện tử trong cung cấp các dịch vụ hỗ trợ người nộp thuế bằng phương thức điện tử (Điều 33, 34 Thông tư 19) 19. Kết nối trao đổi thông tin, dữ liệu giữa các cơ quan thuế với các cơ quan quản lý nhà nước có t hẩm quyền, tổ chức, cá nhân trong tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính thuế cho người nộp thuế bằng phương thức điện tử (Điều 35, 36, 37, 38, 39, 40 Thông tư 19) 20. Dịch vụ người trung gian trong lĩnh vực thuế (tổ chức cung cấp dịch vụ T-VAN) 21. Các mẫu biểu 22. Hiệu lực thi hành Xem chi tiết tại file đính kèm dưới đây.
[TỔNG HỢP] Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV có gì mới?
Chính phủ nhiệm kỳ mới - Minh họa Thời gian tới, Quốc hội sẽ bước sang khóa XV, đồng nghĩa với việc một nhiệm kỳ mới của Chính phủ sẽ được định hình. Luật Tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi 2019 đã có hiệu lực từ 1/7/2020, qua bài viết này, xin thông tin đến bạn đọc những điểm mới của Chính phủ nhiệm kỳ sắp tới! 1. Mở rộng phạm vi quyền hạn của Chính phủ Khoản 1 Điều 1 Luật Tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi 2019 sửa đổi Điều 23 Luật Tổ chức chính phủ 2015 về Nhiệm vụ và quyền hạn của Chính phủ trong quản lý về tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, chế độ công vụ, cán bộ, công chức, viên chức và công tác thi đua, khen thưởng. Ở Khoản 3 Luật Tổ chức chính phủ, Chính phủ chỉ có quyền quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức các cơ quan từ trung ương đến địa phương và các cơ quan ngang bộ, Luật sửa đổi đã bổ sung thêm những cơ quan như: - Cơ quan thuộc Chính phủ - Đơn vị trực thuộc cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (Chính phủ có quyền quy định về tổ chức, khung số lượng, tiêu chí thành lập và số lượng biên chế tối thiểu của các cơ quan này) Ngoài ra, Luật sửa đổi còn bổ sung cho Chính phủ: - Quyền quy định số lượng cấp phó tối đa của người đứng đầu đơn vị trực thuộc cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện, đơn vị trực thuộc cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh - Quyền quyết định phân cấp quản lý cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập 2. Thay đổi một số quyền hạn của Thủ tướng chính phủ Ở Điều 28 Luật Tổ chức chính phủ 2015, Thủ tướng có quyền chỉ đạo việc quản lý cán bộ, công chức, viên chức, quyết định phân cấp hoặc ủy quyền thực hiện những nội dung thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng Chính phủ về quản lý công chức, viên chức trong các cơ quan hành chính nhà nước. Từ khóa tiếp theo, Thủ tướng sẽ được thêm quyền thực hiện những công việc trên với đơn vị sự nghiệp công lập. Thêm vào đó, quyền quyết định các tiêu chí, điều kiện thành lập hoặc giải thể các cơ quan chuyên môn đặc thù, chuyên ngành thuộc UBND cấp huyện đã bị bãi bỏ. 3. Thay đổi một số quyền hạn của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ Các Khoản 5, 8, 9 Điều 34 Luật tổ chức chính phủ 2015 quy định về Nhiệm vụ và quyền hạn của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ với tư cách là người đứng đầu bộ, cơ quan ngang bộ. Sau khi sửa đổi, Bộ trưởng, Thủ trưởng sẽ có không còn quyền “cách chức” cán bộ, công chức, viên chức mà đổi thành “cho từ chức”. Đối với cấp phó của người đứng đầu tổ chức, đơn vị trực thuộc, quyền "cách chức" lại đổi thành “cho từ chức”. 4. Một số đơn vị sẽ có nhiều cấp phó hơn Khoản 2 Điều 40 Luật Tổ chức Chính phủ 2015 quy định về Cơ cấu tổ chức của Vụ, văn phòng, thanh tra, cục, tổng cục, đơn vị sự nghiệp công lập có người đứng đầu. Theo quy định mới, từ nhiệm kỳ tiếp theo, ở các đơn vị này vẫn có: - Không quá 4 cấp phó của người đứng đầu tổng cục - Không quá 3 cấp phó của người đứng đầu vụ, văn phòng, thanh tra, cục, đơn vị sự nghiệp công lập Tuy nhiên, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ còn có quyền cấp phó của người đứng đầu vụ, văn phòng, thanh tra, cục, đơn vị sự nghiệp công lập, vì vậy sẽ có những cơ quan có nhiều hơn 3 cấp phó, nhưng những cơ quan khác sẽ phải hạn chế bớt số cấp phó! Ở bài viết tiếp theo, chúng tôi sẽ cập nhật những điểm mới của của Quốc hội khóa XV.
Những nội dung cơ bản và một số điểm mới của Luật cư trú 2020
Một số điểm mới của Luật cư trú - Minh họa Tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Cư trú năm 2020 với 93,15% đại biểu tán thành, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2021. Theo đó, Luật Cư trú năm 2020 cơ bản kế thừa quy định của Luật hiện hành, đồng thời sửa đổi, bãi bỏ và làm rõ hơn các quy định trước đây nhằm bảo đảm tốt hơn nữa quyền tự do cư trú của công dân; góp phần nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự trong tình hình mới; thực hiện việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến công tác đăng ký, quản lý cư trú; đáp ứng yêu cầu ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến trong công tác quản lý cư trú mà trọng tâm là xây dựng, quản lý cư trú qua Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Luật Cư trú năm 2020 gồm 07 chương 38 điều, quy định về việc thực hiện quyền tự do cư trú của công dân Việt Nam trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; việc đăng ký, quản lý cư trú; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của công dân, cơ quan, tổ chức về đăng ký, quản lý cư trú. Đối với các hành vi bị nghiêm cấm về cư trú, Luật Cư trú năm 2020 đã bổ sung những quy định như: Không tiếp nhận, trì hoãn việc tiếp nhận hồ sơ, giấy tờ, tài liệu, thông tin đăng ký cư trú hoặc có hành vi nhũng nhiễu khác; không thực hiện, thực hiện không đúng thời hạn đăng ký cư trú cho công dân khi hồ sơ đủ điều kiện đăng ký cư trú; xóa đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú trái với quy định của pháp luật. Làm giả giấy tờ, tài liệu, dữ liệu về cư trú; sử dụng giấy tờ, tài liệu, dữ liệu giả về cư trú; cung cấp thông tin, giấy tờ, tài liệu sai sự thật về cư trú; khai man điều kiện, giả mạo hồ sơ, giấy tờ, tài liệu để được đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú; mua, bán, thuê, cho thuê, mượn, cho mượn, cầm cố, nhận cầm cổ, hủy hoại giấy tờ, tài liệu về cư trú. Truy nhập, khai thác, hủy hoại, làm cản trở, gián đoạn hoạt động, thay đổi, xóa, phát tán, cung cấp trái phép thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú... Đối với thủ tục đăng ký thường trú, so với quy định hiện hành thì Luật Cư trú năm 2020 giảm thời gian giải quyết đăng ký thường trú từ 15 ngày xuống còn 07 ngày. Người đăng ký thường trú nộp hồ sơ đăng ký thường trú đến cơ quan đăng ký cư trú nơi mình cư trú. Khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký thường trú, cơ quan đăng ký cư trú kiểm tra và cấp phiếu tiếp nhận hồ sơ cho người đăng ký; trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ thì hướng dẫn người đăng ký bổ sung hồ sơ. Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thẩm định, cập nhật thông tin về nơi thường trú mới của người đăng ký vào Cơ sở dữ liệu về cư trú và thông báo cho người đăng ký về việc đã cập nhật thông tin đăng ký thường trú; trường hợp từ chối đăng ký thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do. Người đã đăng ký thường trú mà chuyển đến chỗ ở hợp pháp khác và đủ điều kiện đăng ký thường trú thì có trách nhiệm đăng ký thường trú tại nơi ở mới theo quy định của Luật này trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày đủ điều kiện đăng ký. Đáng chú ý, Điều 23 Luật Cư trú năm 2020 quy định 05 địa điểm không được đăng ký thường trú mới, gồm: Chỗ ở nằm trong địa điểm cấm, khu vực cấm xây dựng hoặc lấn, chiếm hành lang bảo vệ quốc phòng, an ninh, giao thông, thủy lợi, đê điều, năng lượng, mốc giới bảo vệ công trình hạ tầng kỹ thuật, di tích lịch sử - văn hóa đã được xếp hạng, khu vực đã được cảnh báo về nguy cơ lở đất, lũ quét, lũ ống và khu vực bảo vệ công trình khác theo quy định của pháp luật. Chỗ ở mà toàn bộ diện tích nhà ở nằm trên đất lấn, chiếm trái phép hoặc chỗ ở xây dựng trên diện tích đất không đủ điều kiện xây dựng theo quy định của pháp luật. Chỗ ở đã có quyết định thu hồi đất và quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; chỗ ở là nhà ở mà một phần hoặc toàn bộ diện tích nhà ở đang có tranh chấp, khiếu nại liên quan đến quyền sở hữu, quyền sử dụng nhưng chưa được giải quyết theo quy định của pháp luật. Chỗ ở là nhà ở đã có quyết định phá dỡ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền... Ngoài ra, kể từ ngày Luật Cư trú năm 2020 có hiệu lực thi hành, Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú đã được cấp vẫn được sử dụng và có giá trị như giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú theo quy định của Luật này cho đến hết ngày 31/12/2022. Trường hợp thông tin trong Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú khác với thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú thì sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú. Khi công dân thực hiện các thủ tục đăng ký, khai báo về cư trú dẫn đến thay đổi thông tin trong Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú thì cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thu hồi Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú đã cấp, thực hiện điều chỉnh, cập nhật thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú theo quy định của Luật này và không cấp mới, cấp lại Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú. Chính phủ, Bộ, cơ quan ngang Bộ và cơ quan khác có liên quan rà soát các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành có nội dung quy định liên quan đến Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú hoặc có yêu cầu xuất trình giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với quy định của Luật này, hạn chế việc sử dụng thông tin về nơi cư trú là điều kiện để thực hiện các thủ tục hành chính. Minh Ngân Cổng thông tin điện tử Bộ Công an Xem thêm tại file đính kèm dưới đây.
Chuyển kỳ kê khai thuế GTGT từ quý sang tháng?
Công ty chị đang kê khai VAT theo quý trong năm 2020. Tuy nhiên hết năm 2020 do doanh thu hơn 50 tỷ, nên qua năm 2021 chị kê khai theo tháng. Để chuyển sang tháng thì cần thực hiện gì trước khi nộp tờ khai tháng vậy em? Cho chị xin quy định về điểm mới về kỳ kê khai thuế GTGT luôn nhé?
Công văn 271/TCT-TTKT: 7 điểm mới của Nghị định 132/2020/NĐ-CP
7 Điểm mới của Nghị định 132/2020/NĐ-CP Ngày 5/11/2020, Chính phủ đã ký ban hành Nghị định 132/2020/NĐ-CP quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết (thay thế Nghị định 20/2017/NĐ-CP và Nghị định 68/2020/NĐ-CP), có hiệu lực thi hành từ 20/12/2020. Nay Tổng cục Thuế giới thiệu các nội dung mới của Nghị định 132 đến cán bộ thuế và người nộp thuế tại Công văn 271/TCT-TTKT Cụ thể, tại Công văn, 7 điểm mới được giới thiệu là: (1) Nghị định 132 không có Thông tư hướng dẫn như Nghị định 20/2017/NĐ-CP. (2) Về giải thích từ ngữ: - Bổ sung thuật ngữ quy định “Thỏa thuận của nhà chức trach có thẩm quyền” và “Thỏa thuận quốc tế về thuế”, “Tổ chức thay mặt nộp báo cáo” - Sửa đổi, bổ sung quy định về “Cơ sở dữ liệu của cơ quan thuế” - Sửa đổi, bổ sung quy định về khoảng giá trị giao dịch độc lập chuẩn. (3) Sửa đổi, bổ sung quy định về các bên có quan hệ liên kết: - Sửa đổi, bổ sung quy định tại Điểm g Khoản 2 Điều 5 Các bên có quan hệ liên kết - Bổ sung Điểm l Khoản 2 Điều 5 Điều 5 Các bên có quan hệ liên kết. (4) Kế thừa Nghị định 68/2020/NĐ-CP quy định sửa đổi, bổ sung Khoản 3 Điều 8 Nghị định 20/2017/NĐ-CP quy định về chi phí lãi vay được trừ và bổ sung loại trừ áp dụng quy định giới hạn chi phí lãi vay đối với các khoản vay đầu tư chương trình, dự án thực hiện chính sách phúc lợi xã hội của Nhà nước là nhà ở xã hội. (5) Sửa đổi bổ sung quy định về nộp báo cáo lợi nhuận liên quốc gia (6) Bổ sung quy định về trách nhiệm và quyền hạn của Cơ quan thuế trong quản lý giá giao dịch liên kết (7) Quy định về hiệu lực thi hành. Xem chi tiết Công văn 271/TCT-TTKT tại file đính kèm dưới đây
4 điểm mới về Giấy phép xây dựng từ năm 2021
Điểm mới về Giấy phép xây dựng năm 2021 Năm 2021, nhiều luật, bộ luật mới bắt đầu có hiệu lực thi hành, trong đó có Luật xây dựng sửa đổi 2020. Dưới đây là tổng hợp 4 điểm mới về Giấy phép xây dựng theo quy định của văn bản này. 1. Rút ngắn thời gian cấp giấy phép xây dựng Theo quy định cũ tại Luật Xây dựng 2014, thời gian cấp giấy phép xây dựng là không quá 30 ngày kể từ ngày cơ quan có thẩm quyền nhận được hồ sơ hợp lệ và 15 ngày đối với nhà ở riêng lẻ. (Điểm e Khoản 2 Điều 102) Hiện nay, Điểm b Khoản 36 Điều 1 Luật Xây dựng 2020 quy định: “Kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng phải xem xét hồ sơ để cấp giấy phép trong thời gian 20 ngày đối với trường hợp cấp giấy phép xây dựng công trình, bao gồm cả giấy phép xây dựng có thời hạn, giấy phép xây dựng điều chỉnh, giấy phép di dời và trong thời gian 15 ngày đối với nhà ở riêng lẻ.” Như vậy thời gian cấp giấy phép xây dựng đối với nhà ở riêng lẻ vẫn giữ nguyên nhưng thời hạn cấp phép xây dựng các công trình khác đã giảm 10 ngày. 2. Thay đổi một số công trình được miễn phép xây dựng Nội dung này đã được đề cập tại bài viết dưới đây >>> Infographic: Các trường hợp xây nhà không phải xin giấy phép xây dựng theo Luật mới 3. Thay đổi về thẩm quyền cấp GPXD Thẩm quyền cấp GPXD được quy định tại Điều 103 LXD 2014, theo đó: - Bộ Xây dựng cấp giấy phép xây dựng đối với công trình cấp đặc biệt. - UBND cấp tỉnh cấp giấy phép xây dựng đối với các công trình xây dựng cấp I, cấp II và một số hạng mục khác - Ủy ban nhân dân cấp huyện cấp giấy phép xây dựng đối với các công trình, nhà ở riêng lẻ xây dựng trong đô thị, trung tâm cụm xã, trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử - văn hóa thuộc địa bàn do mình quản lý, trừ các công trình xây dựng thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ và UBND cấp tỉnh. Khoản 37 Điều 1 LXH 2020 đã bãi bỏ quy định về việc cấp GPXD của Bộ, cụ thể hiện nay chỉ có UBND cấp tỉnh và UBND cấp huyện được cấp phép xây dựng với nội dung như sau: - UBND cấp huyện: cấp giấy phép xây dựng đối với công trình cấp III, cấp IV và nhà ở riêng lẻ trên địa bàn do mình quản lý. - UBND cấp tỉnh: những hạng mục còn lại. 4. Quy định mới về cấp giấy phép xây dựng có thời hạn Giấy phép xây dựng có thời hạn là giấy phép xây dựng cấp cho xây dựng công trình, nhà ở riêng lẻ được sử dụng trong thời hạn nhất định theo kế hoạch thực hiện quy hoạch xây dựng. Theo quy định cũ (Điều 94 LXD 2014), có 3 điều kiện cấp phép xây dựng có thời hạn, nội dung chi tiết được sử đổi tại Khoản 33 Điều 1 LXD 2014 như sau: Quy định cũ Quy định mới Thuộc khu vực có quy hoạch phân khu xây dựng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, công bố nhưng chưa thực hiện và chưa có quyết định thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền Thuộc khu vực có quy hoạch phân khu xây dựng, quy hoạch phân khu xây dựng khu chức năng hoặc quy hoạch chi tiết, quy hoạch chi tiết xây dựng khu chức năng đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, công bố nhưng chưa thực hiện và chưa có quyết định thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền Phù hợp với quy mô công trình do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định cho từng khu vực và thời hạn tồn tại của công trình theo kế hoạch thực hiện quy hoạch phân khu xây dựng đã được phê duyệt Phù hợp với quy mô công trình do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định cho từng khu vực và thời hạn tồn tại của công trình theo kế hoạch thực hiện quy hoạch phân khu xây dựng, quy hoạch phân khu xây dựng khu chức năng hoặc quy hoạch chi tiết, quy hoạch chi tiết xây dựng khu chức năng đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Chủ đầu tư cam kết tự phá dỡ công trình khi hết thời hạn tồn tại được ghi trong giấy phép xây dựng có thời hạn, nếu không tự phá dỡ thì bị cưỡng chế và chịu mọi chi phí cho việc cưỡng chế phá dỡ Khi hết thời hạn tồn tại của công trình ghi trong giấy phép xây dựng có thời hạn và cơ quan nhà nước có thẩm quyền có quyết định thu hồi đất, chủ đầu tư cam kết tự phá dỡ công trình, nếu không tự phá dỡ thì bị cưỡng chế và chịu mọi chi phí cho việc phá dỡ. Trường hợp quá thời hạn này mà quy hoạch xây dựng chưa thực hiện được, chủ đầu tư được tiếp tục sử dụng công trình cho đến khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền có quyết định thu hồi đất. Việc hỗ trợ khi phá dỡ được thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai. Phù hợp với mục đích sử dụng đất được xác định tại giấy tờ hợp pháp về đất đai của người đề nghị cấp giấy phép xây dựng có thời hạn
Điểm mới về những hành vi bị nghiêm cấm theo Luật Bảo vệ môi trường 2020
Để dễ dàng hơn trong việc nắm bắt thông tin về các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động bảo vệ môi trường, mời bạn đọc tham khảo bảng so sánh sau: Lưu ý: Đối với các ô trống có thể hiểu là không có nội dung thay thế hoặc đã bị thay đổi bởi nội dung mới không sử dụng nội dung có hàm ý tương tự. Những hành vi bị nghiêm cấm (Luật Bảo vệ môi trường năm 2014) Các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động bảo vệ môi trường (Luật bảo vệ môi trường năm 2020) 1. Phá hoại, khai thác trái phép nguồn tài nguyên thiên nhiên. 2. Khai thác nguồn tài nguyên sinh vật bằng phương tiện, công cụ, phương pháp hủy diệt, không đúng thời vụ và sản lượng theo quy định của pháp luật. 3. Khai thác, kinh doanh, tiêu thụ các loài thực vật, động vật hoang dã thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định. 4. Vận chuyển, chôn lấp chất độc, chất phóng xạ, chất thải và chất nguy hại khác không đúng quy trình kỹ thuật về bảo vệ môi trường. 1. Vận chuyển, chôn, lấp, đổ, thải, đốt chất thải rắn, chất thải nguy hại không đúng quy trình kỹ thuật, quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. 5. Thải chất thải chưa được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường; các chất độc, chất phóng xạ và chất nguy hại khác vào đất, nguồn nước và không khí. 2. Xả nước thải, xả khí thải chưa được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường ra môi trường. 3. Phát tán, thải ra môi trường chất độc hại, vi rút độc hại có khả năng lây nhiễm cho con người, động vật, vi sinh vật chưa được kiểm định, xác súc vật chết do dịch bệnh và tác nhân độc hại khác đối với sức khỏe con người, sinh vật và tự nhiên. 6. Đưa vào nguồn nước hóa chất độc hại, chất thải, vi sinh vật chưa được kiểm định và tác nhân độc hại khác đối với con người và sinh vật. 7. Thải khói, bụi, khí có chất hoặc mùi độc hại vào không khí; phát tán bức xạ, phóng xạ, các chất ion hóa vượt quá quy chuẩn kỹ thuật môi trường. 8. Không thực hiện công trình, biện pháp, hoạt động phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và quy định khác của pháp luật có liên quan. 4. Gây tiếng ồn, độ rung vượt mức cho phép theo quy chuẩn kỹ thuật môi trường; xả thải khói, bụi, khí có mùi độc hại vào không khí. 5. Thực hiện dự án đầu tư hoặc xả thải khi chưa đủ điều kiện theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. 9. Nhập khẩu, quá cảnh chất thải từ nước ngoài dưới mọi hình thức. 6. Nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, quá cảnh chất thải từ nước ngoài dưới mọi hình thức. 10. Nhập khẩu, quá cảnh động vật, thực vật chưa qua kiểm dịch; vi sinh vật ngoài danh mục cho phép. 7. Nhập khẩu trái phép phương tiện, máy móc, thiết bị đã qua sử dụng để phá dỡ, tái chế. 8. Không thực hiện công trình, biện pháp, hoạt động phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và quy định khác của pháp luật có liên quan. 15. Che giấu hành vi hủy hoại môi trường, cản trở hoạt động bảo vệ môi trường, làm sai lệch thông tin dẫn đến gây hậu quả xấu đối với môi trường. 9. Che giấu, hành vi gây ô nhiễm môi trường, cản trở, làm sai lệch, thông tin, gian dối trong hoạt động bảo vệ môi trường dẫn đến hậu quả xấu đối với môi trường. 11. Sản xuất, kinh doanh sản phẩm gây nguy hại cho con người, sinh vật và hệ sinh thái; sản xuất, sử dụng nguyên liệu, vật liệu xây dựng chứa yếu tố độc hại vượt quá quy chuẩn kỹ thuật môi trường. 10. Sản xuất, kinh doanh sản phẩm gây nguy hại cho sức khỏe con người, sinh vật và tự nhiên; sản xuất, sử dụng nguyên liệu, vật liệu xây dựng chứa yếu tố độc hại vượt mức cho phép theo quy chuẩn kỹ thuật môi trường. 11. Sản xuất, nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất và tiêu thụ chất làm suy giảm tầng ô-dôn theo quy định của điều ước quốc tế về các chất làm suy giảm tầng ô-dôn mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. 12. Phá hoại, xâm chiếm trái phép di sản thiên nhiên, khu bảo tồn thiên nhiên. 12. Phá hoại, xâm chiếm trái phép di sản thiên nhiên. 13. Xâm hại công trình, thiết bị, phương tiện phục vụ hoạt động bảo vệ môi trường. 13. Phá hoại, xâm chiếm công trình, thiết bị, phương tiện phục vụ hoạt động bảo vệ môi trường. 16. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn, vượt quá quyền hạn hoặc thiếu trách nhiệm của người có thẩm quyền để làm trái quy định về quản lý môi trường. 14. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để làm trái quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. 14. Hoạt động trái phép, sinh sống ở khu vực được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định là khu vực cấm do mức độ đặc biệt nguy hiểm về môi trường đối với con người.
Công văn 5189/TCT-CS: 17 thay đổi của Nghị định 126 hướng dẫn Luật quản lý thuế
Điểm mới của Nghị định quy định chi tiết Luật quản lý thuế Nghị định 126/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ 5/12/2020, quy định chi tiết một số điều của Luật quản lý thuế 2019. Ngày 7/12/2020, Tổng cục Thuế ban hành Công văn 5189/TCT-CS giới thiệu những điểm mới của Nghị định này. Phần giới thiệu một số nội dung mới được ban hành tại Phục lục kèm theo Công văn, trong đó: Điều 5.1 giới thiệu điểm mới về việc khai bổ sung hồ sơ khai thuê, gồm có: Điểm mới 1: Sửa đổi quy định về khai bổ sung tờ khai quyết toán thuế thu nhập cá nhân đối với tổ chức, cá nhân trả thu nhập từ tiền lương, tiền công thì đồng thời phải khai bổ sung tờ khai tháng, quý có sai, sót tương ứng. (Điểm a Khoản 4 Điều 7 Nghị định 126). Trước đây: Tại Khoản 5 Điều 10 Thông tư 156/2013/TT-BTC quy định: Trường hợp đã nộp hồ sơ khai quyết toán thuế năm thì chỉ khai bổ sung hồ sơ khai quyết toán thuế năm, không phải khai bổ sung tờ khai tháng, quý có sai, sót tương. Điểm mới 2: Sửa đổi quy định người nộp thuế chỉ được khai bổ sung tăng số thuế giá trị gia tăng đề nghị hoàn khi chưa nộp hồ sơ khai thuế của kỳ tỉnh thuế tiếp theo và chưa nộp hồ sơ đề nghị hoàn thuế (Điểm b Khoản 4 Điều 7 Nghị định 126). Trước đây: Tại Thông tư 156/2013/TT-BTC có hướng dẫn: - Trường hợp chưa đến thời hạn khai thuế của kỳ tính thuế tiếp theo, người nộp thuế chưa nộp hồ sơ khai thuế để đưa số thuế GTGT còn được khấu trừ chuyển kỳ sau của kỳ tính thuế trước sang chỉ tiêu số thuế khấu trừ kỷ trước chuyển sang trên tờ khai chỉnh thức của kỳ tính thuế tiếp theo - Nếu chưa nộp hồ sơ đề nghị hoàn thuế gửi cơ quan thuế thì được khai bổ sung tăng chỉ tiêu đề nghị hoản trên tờ khai bổ sung của kỷ tính thuế đó. Công văn giới thiệu tổng cộng 17 thay đổi của Nghị định 126, mỗi thay đổi bao gồm một số điểm mới. Xem chi tiết Công văn tại file đính kèm.
Tăng thời gian lưu ban lên 3 lần trong một cấp cho học sinh THCS & THPT
Trường THPT - Hình minh họa Bộ Giáo dục và đào tạo mới ban hành Thông tư 32 2020/TT-BGDĐT thay thế cho Thông tư 12/2011/TT-BGDĐT Ban hành điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học có hiệu lực vào ngày 01 tháng 11 năm 2020.Theo đó điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học có một số điểm mới sau đây: - Học sinh sẽ được sử dụng điện thoại và các thiết bị điện tử khác để phục vụ công việc học tập trong lớp và với sự đồng ý của giáo viên (quy định tại khoản 1 Điều 41, khoản 4 Điều 37) xem chi tiết tại đây - Học sinh không được lưu ban quá 03 lần trong một cấp học (trong khi quy định hiện hành chỉ được bảo lưu 02 lần trong 1 cấp học). (được quy định tại khoản 3 Điều 33) - Bổ sung hành vi không được thực hiện của học sinh: Sử dụng, trao đổi sản phẩm văn hóa có nội dung kích động bạo lực, đồi trụy; sử dụng đồ chơi hoặc chơi trò chơi có hại cho sự phát triển lành mạnh của bản thân (căn cứ theo khoản 6 Điều 37). - Giáo viên chủ nhiệm được giảm giờ dạy định mức theo quy định pháp luật (được quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 29) - Hệ thống hồ sơ quản lý hoạt động giáo dục nhà trường sẽ còn 14 loại đối với nhà trường, 2 loại với tổ chuyên môn và 4 sổ sách của giáo viên (quy định tại Điều 21) - Giáo viên hiện chỉ quy định sổ ghi kế hoạch giáo dục của giáo viên (theo năm học), kế hoạch bài dạy (giáo án), sổ theo dõi và đánh giá học sinh, sổ chủ nhiệm (đối với giáo viên làm công tác chủ nhiệm). (Căn cứ vào khoản 3 Điều 21).
Phân tích điểm mới về hiệu lực của Luật hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung 2017)
Mình đang có thắc mắc về những điểm mới về Hiệu lực của Luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 so với bộ luật 1999 - Hiệu lực theo không gian - hiệu lực theo thời gian - hiệu lực hồi tố