Vì sao lại không nên “phông bạt” trong CV ứng tuyển?
Nhiều người cho rằng việc tô vẽ thêm một chút kinh nghiệm hay kỹ năng sẽ giúp họ tăng cơ hội được tuyển dụng. Tuy nhiên, liệu cách làm này có thực sự hiệu quả và mang lại những lợi ích lâu dài? (1) “Phông bạt” trong CV là gì? “Phông bạt” trong CV (hồ sơ xin việc) là việc các ứng viên tô vẽ, “phóng đại” thêm một chút về kinh nghiệm hay kỹ năng của mình trong hồ sơ ứng tuyển việc làm, nhằm mục đích cho hồ sơ đẹp hơn, thu hút nhà tuyển dụng hơn, và từ đó nâng cao khả năng có việc làm hơn. Trong thị trường việc làm cạnh tranh cao như hiện nay, nhiều bạn trẻ cảm thấy áp lực và muốn tạo ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng nên đã chọn cách “phông bạt” trong CV ứng tuyển việc làm. Tuy nhiên, việc "phóng đại", “phông bạt” về năng lực tưởng chừng không sao này lại gây ra không ít hậu quả cho doanh nghiệp và chính ứng viên đó. Đơn cử như khi một doanh nghiệp cần tuyển một nhân viên bán hàng thì nhận được CV rất phù hợp từ kinh nghiệm làm việc đến những kỹ năng mà ứng viên có, nhưng đến khi vào thì ứng viên không làm được việc mà chính người này đã “phông bạt trong CV. Điều này dẫn đến việc doanh nghiệp không chỉ mất thời gian và chi phí tuyển dụng mà còn đối diện với rủi ro về hiệu suất làm việc và uy tín thương hiệu khi một nhân viên không đủ khả năng có thể làm giảm năng suất của cả đội ngũ, gây ảnh hưởng đến các mục tiêu kinh doanh và sự hài lòng của khách hàng. Hơn nữa, trong bối cảnh công nghệ thông tin phát triển, việc kiểm tra thông tin trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Các nhà tuyển dụng hoàn toàn có thể xác minh thông tin một cách nhanh chóng thông qua mạng xã hội hoặc các nền tảng chuyên nghiệp như LinkedIn hoặc gọi trực tiếp để kiểm tra chéo tại công ty cũ của ứng viên. Khi sự thật về kinh nghiệm và kỹ năng của ứng viên bị phát hiện, ứng viên có thể phải đối mặt với những hậu quả nghiêm trọng như bị sa thải hoặc mất cơ hội thăng tiến trong tương lai. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến sự nghiệp mà còn làm tổn hại đến danh tiếng cá nhân trong ngành nghề. Có thể thấy, việc “phông bạt” trong CV không chỉ là một hành động thiếu trung thực mà còn thể hiện sự thiếu tự tin của ứng viên về khả năng của chính mình. Thay vì phóng đại, ứng viên nên tập trung vào việc phát triển kỹ năng và kinh nghiệm thực tế, từ đó xây dựng một hồ sơ xin việc chân thực và ấn tượng. Một CV trung thực, mặc dù có thể không hoàn hảo, nhưng lại thể hiện được sự tự tin và tính cách của ứng viên, từ đó tạo dựng được niềm tin với nhà tuyển dụng. (2) Hậu quả của việc “phông bạt” trong CV ứng tuyển Theo quy định tại khoản 2 Điều 16 Bộ Luật Lao động 2019, người lao động có nghĩa vụ phải cung cấp thông tin trung thực cho người sử dụng lao động về họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi cư trú, trình độ học vấn, trình độ kỹ năng nghề, xác nhận tình trạng sức khỏe và vấn đề khác liên quan trực tiếp đến việc giao kết hợp đồng lao động mà người sử dụng lao động yêu cầu. Cùng với đó, theo quy định điểm a và điểm g tại khoản 1 Điều 36 Bộ Luật Lao động 2019, người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong trường hợp: - Người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động được xác định theo tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành công việc trong quy chế của người sử dụng lao động. - Người lao động cung cấp không trung thực thông tin theo quy định tại khoản 2 Điều 16 Bộ Luật Lao động 2019 khi giao kết hợp đồng lao động làm ảnh hưởng đến việc tuyển dụng người lao động. Chiếu theo các quy định trên, có thể thấy rằng việc “phông bạt” không chỉ là hành động thiếu trung thực mà còn vi phạm pháp luật. Nếu nhà tuyển dụng phát hiện ứng viên đã cung cấp thông tin sai lệch, họ có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động. Điều này không chỉ gây ra thiệt hại cho ứng viên về mặt tài chính mà còn làm tổn hại đến danh tiếng cá nhân trong ngành, tạo ra một rào cản lớn cho những cơ hội nghề nghiệp trong tương lai. Ngoài ra, việc “phông bạt” cũng có thể dẫn đến những hệ lụy khác như sự mất lòng tin từ phía đồng nghiệp và cấp trên. Một ứng viên không trung thực sẽ gặp khó khăn trong việc xây dựng mối quan hệ làm việc tốt đẹp và có thể bị cô lập trong môi trường làm việc. Việc “phông bạt” trong CV ứng tuyển có thể mang lại lợi ích ngắn hạn nhưng lại gây ra nhiều hậu quả lâu dài và nghiêm trọng. Sự trung thực và chính trực không chỉ là những yếu tố quyết định thành công trong sự nghiệp mà còn là nền tảng cho một môi trường làm việc tích cực và bền vững. Ứng viên nên nhận thức rõ rằng sự phát triển bền vững đến từ việc xây dựng một hình ảnh chân thực và đáng tin cậy, từ đó mở ra nhiều cơ hội hơn trong tương lai.
Có thể bố trí nghỉ 60 phút cuối ngày làm việc đối với lao động nữ nuôi con nhỏ không?
Theo quy định thì lao động nữ nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi thì có thể bố trí nghỉ 60 phút một ngày làm việc. Vậy có thể bố trí 60 phút nghỉ này ở cuối ngày thay vì giữa ngày làm việc không? Có thể bố trí nghỉ 60 phút cuối ngày làm việc đối với lao động nữ nuôi con nhỏ không? Theo khoản 4 Điều 137 Bộ luật lao động 2019 quy định lao động nữ trong thời gian hành kinh được nghỉ mỗi ngày 30 phút, trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi được nghỉ mỗi ngày 60 phút trong thời gian làm việc. Thời gian nghỉ vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động. Theo đó, khoản 4 Điều 80 Nghị định 145/2020/NĐ-CP hướng dẫn như sau: Nghỉ trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi: - Lao động nữ trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi có quyền được nghỉ mỗi ngày 60 phút trong thời gian làm việc để cho con bú, vắt, trữ sữa, nghỉ ngơi. Thời gian nghỉ vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động; - Trường hợp lao động nữ có nhu cầu nghỉ linh hoạt hơn so với quy định tại điểm a khoản này thì người lao động thỏa thuận với người sử dụng lao động để được bố trí nghỉ phù hợp với điều kiện thực tế tại nơi làm việc và nhu cầu của lao động nữ; - Trường hợp lao động nữ không có nhu cầu nghỉ và được người sử dụng lao động đồng ý để người lao động làm việc thì ngoài tiền lương được hưởng theo quy định tại điểm a khoản này, người lao động được trả thêm tiền lương theo công việc mà người lao động đã làm trong thời gian được nghỉ. Như vậy, trường hợp lao động nữ có nhu cầu nghỉ linh hoạt hơn (không nghỉ trong giờ làm việc mà nghỉ cuối ngày) thì mới có thể bố trí cho lao động nữ nghỉ 60 phút cuối ngày, còn nếu lao động nữ vẫn muốn nghỉ trong giờ làm việc thì phải bố trí nghỉ trong giờ làm việc. Lao động nữ đang nuôi con nhỏ có được làm thêm giờ không? Theo khoản 1 Điều 137 Bộ luật Lao động 2019 quy định như sau: Người sử dụng lao động không được sử dụng người lao động làm việc ban đêm, làm thêm giờ và đi công tác xa trong trường hợp sau đây: - Mang thai từ tháng thứ 07 hoặc từ tháng thứ 06 nếu làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; - Đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, trừ trường hợp được người lao động đồng ý. Như vậy, người sử dụng lao động không được sử dụng lao động nữ đang nuôi con nhỏ (dưới 12 tháng tuổi) làm thêm giờ, trừ trường hợp người lao động đồng ý. Công ty có được đơn phương chấm dứt hợp đồng khi lao động nữ nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi không? Theo Điều 37 Bộ luật Lao động 2019 quy định về trường hợp người sử dụng lao động không được thực hiện quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động bao gồm: - Người lao động ốm đau hoặc bị tai nạn, bệnh nghề nghiệp đang điều trị, điều dưỡng theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều 36 Bộ luật Lao động 2019. - Người lao động đang nghỉ hằng năm, nghỉ việc riêng và trường hợp nghỉ khác được người sử dụng lao động đồng ý. - Người lao động nữ mang thai; người lao động đang nghỉ thai sản hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi. Như vậy, công ty không được thực hiện đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với lao động nữ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
Phụ nữ mới mang thai có được đi trễ một tiếng so với giờ làm không?
Phụ nữ mới mang thai có được đi trễ một tiếng so với giờ làm không? Trách nhiệm của công ty trong thực hiện công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản của người lao động? Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng của lao động nữ mang thai được quy định như thế nào? 1. Phụ nữ mới mang thai có được đi trễ một tiếng so với giờ làm không? Căn cứ khoản 2 Điều 137 Bộ luật Lao động 2019, lao động nữ làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc làm nghề, công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản và nuôi con khi mang thai và có thông báo cho người sử dụng lao động biết thì được người sử dụng lao động chuyển sang làm công việc nhẹ hơn, an toàn hơn hoặc giảm bớt 01 giờ làm việc hằng ngày mà không bị cắt giảm tiền lương và quyền, lợi ích cho đến hết thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi. Như vậy, nếu lao động nữ mới mang thai mà đang làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc làm nghề, công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản và có thông báo cho người sử dụng lao động biết thì được giảm bớt 01 giờ làm việc hằng ngày. Khi đó, người lao động có thể thỏa thuận với công ty về việc đi trễ một tiếng so với giờ làm. 2. Trách nhiệm của công ty trong thực hiện công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản của người lao động? Căn cứ Điều 11 Thông tư 10/2020/TT-BLĐTBXH, người sử dụng lao động có trách nhiệm trong thực hiện công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản của người lao động như sau: - Thực hiện công bố công khai để người lao động biết về những nghề, công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản và nuôi con đang có tại nơi làm việc (sau đây gọi tắt là nghề, công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản và nuôi con). - Cung cấp đầy đủ thông tin về tác hại cũng như các biện pháp phòng, chống các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại của các nghề, công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản và nuôi con để người lao động lựa chọn, quyết định làm việc; thực hiện khám sức khỏe trước khi bố trí làm việc, khám sức khỏe định kỳ, khám bệnh nghề nghiệp và bảo đảm điều kiện an toàn, vệ sinh lao động theo quy định của pháp luật, khi sử dụng người lao động làm nghề, công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản và nuôi con. Như vậy, công ty có trách nhiệm công bố công khai để người lao động biết về công việc, ngành nghề có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản. Đồng thời phải cung cấp đầy đủ thông tin liên quan, thực hiện khám sức khỏe và bảo đảm cho người lao động. 3. Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng của lao động nữ mang thai được quy định như thế nào? Căn cứ Điều 138 Bộ luật Lao động 2019, lao động nữ có quyền đơn phương chấm dứt, tạm hoãn hợp đồng lao động trong các trường hợp sau: - Lao động nữ mang thai nếu có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc tiếp tục làm việc sẽ ảnh hưởng xấu tới thai nhi thì có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động hoặc tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động. Trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động hoặc tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động thì phải thông báo cho người sử dụng lao động kèm theo xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc tiếp tục làm việc sẽ ảnh hưởng xấu tới thai nhi. - Trường hợp tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, thời gian tạm hoãn do người lao động thỏa thuận với người sử dụng lao động nhưng tối thiểu phải bằng thời gian do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền chỉ định tạm nghỉ. Trường hợp không có chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về thời gian tạm nghỉ thì hai bên thỏa thuận về thời gian tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động. Như vậy, lao động nữ có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nếu có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc tiếp tục làm việc sẽ ảnh hưởng xấu tới thai nhi. Tóm lại, nếu lao động nữ mới mang thai mà đang làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc làm nghề, công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản và có thông báo cho người sử dụng lao động biết thì được giảm bớt 01 giờ làm việc hằng ngày. Việc giảm bớt 01 giờ làm này có thể thỏa thuận để đi trễ, về sớm hoặc nghỉ trong giờ làm việc. Còn đối với lao động nữ mang thai làm việc trong môi trường bình thường thì có thể thỏa thuận với công ty để đi trễ hơn một tiếng so với giờ làm, việc này hoàn toàn phụ thuộc vào thỏa thuận giữa các bên, pháp luật không hạn chế điều này.
Viên chức nghỉ ngay sau khi nộp đơn xin thôi việc, cơ quan phải xử lý thế nào?
Việc viên chức nghỉ ngay sau khi nộp đơn xin thôi việc sẽ gây ra nhiều khó khăn trong việc sắp xếp công việc và ảnh hưởng đến hoạt động chung, cơ quan phải xử lý như thế nào? (1) Viên chức nộp đơn xin thôi việc được nghỉ sau bao lâu? Theo quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều 29 Luật Viên chức 2010, viên chức được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc, tuy nhiên phải tuân thủ theo các quy định sau: - Đối với hợp đồng làm việc không xác định thời hạn: phải thông báo bằng văn bản cho người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập biết trước ít nhất 45 ngày; trường hợp viên chức ốm đau hoặc bị tai nạn đã điều trị 06 tháng liên tục thì phải báo trước ít nhất 03 ngày. - Đối với hợp đồng làm việc xác định thời hạn, viên chức có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng trong các trường hợp sau: + Không được bố trí theo đúng vị trí việc làm, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm các điều kiện làm việc đã thỏa thuận trong hợp đồng làm việc; + Không được trả lương đầy đủ hoặc không được trả lương đúng thời hạn theo hợp đồng làm việc; + Bị ngược đãi; bị cưỡng bức lao động; + Bản thân hoặc gia đình thật sự có hoàn cảnh khó khăn không thể tiếp tục thực hiện hợp đồng; + Viên chức nữ có thai phải nghỉ việc theo chỉ định của cơ sở chữa bệnh; + Viên chức ốm đau hoặc bị tai nạn đã điều trị từ 03 tháng liên tục mà khả năng làm việc chưa hồi phục. Theo thủ tục giải quyết thôi việc cho viên chức trong trường hợp viên chức đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc được quy định tại điểm a khoản 3 Điều 57 Nghị định 115/2020/NĐ-CP như sau: Trường hợp viên chức đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc thì phải thông báo bằng văn bản gửi cho người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập biết theo quy định tại khoản 6 Điều 29 Luật Viên chức 2010 Theo quy định trên, khi viên chức đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc thì phải tuân theo quy định tại khoản 6 Điều 29 Luật Viên chức 2010, cụ thể: Viên chức phải thông báo bằng văn bản về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc cho người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập biết trước ít nhất 03 ngày đối với các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, đ và e khoản 5 Điều 29 Luật Viên chức 2010; ít nhất 30 ngày đối với trường hợp quy định tại điểm d khoản 5 Điều 29 Luật Viên chức 2010. Như vậy, dựa theo các quy định trên, viên chức sau khi nộp đơn xin thôi việc, tùy vào lý do nghỉ việc và loại hợp đồng làm việc đã ký mà phải báo cho cơ quan trước ngày muốn nghỉ việc là 03 ngày, 30 ngày hoặc 45 ngày. Ngoài ra, viên chức phải có quyết định cho thôi việc của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập thì mới xem là thôi việc hợp pháp. (2) Cơ quan phải xử lý thế nào khi viên chức nghỉ ngay sau khi nộp đơn thôi việc Việc viên chức nghỉ ngay sau khi nộp đơn thôi việc là đã vi phạm quy định pháp luật về chức trách, nhiệm vụ của viên chức trong vấn đề thôi việc. Theo quy định tại khoản 2 Điều 16 Nghị định 112/2020/NĐ-CP, khi viên chức vi phạm quy định của pháp luật về: thực hiện chức trách, nhiệm vụ của viên chức; kỷ luật lao động; quy định, nội quy, quy chế làm việc của đơn vị sự nghiệp công lập đã được cấp có thẩm quyền nhắc nhở bằng văn bản thì cơ quan áp dụng hình thức kỷ luật khiển trách đối với viên chức. (3) Kết luận Việc viên chức nghỉ việc ngày khi nộp đơn thôi việc sẽ làm ảnh hưởng đến tiến độ công việc, gây khó khăn cho việc bàn giao, tiếp nhận công việc. Ngoài ra còn gây mất cân bằng nhân sự, thiếu hụt nguồn nhân lực và tạo tâm lý e dè, lo lắng cho các cán bộ, công chức khác, ảnh hưởng đến tinh thần chung của tập thể. Do vậy, khi nghỉ việc, viên chức cần nâng cao ý thức trách nhiệm, thực hiện đúng nghĩa vụ, cam kết trong hợp đồng lao động. Bên cạnh đó, trong trường hợp có ý định nghỉ việc, cần báo cáo theo đúng quy định, bàn giao công việc cẩn thận, đầy đủ để không ảnh hưởng đến hoạt động chung. Về phía cơ quan, để ổn định nhân sự, cơ quan cần có chính sách đãi ngộ, chế độ làm việc hợp lý, tạo môi trường làm việc chuyên nghiệp, văn minh để thu hút và giữ chân nhân tài. Ngoài ra, người đứng đầu cơ quan cần quan tâm, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của viên chức, kịp thời giải quyết những mâu thuẫn, bất cập trong công việc. Cùng với đó là tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục về ý thức trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp của viên chức và xây dựng quy trình xử lý rõ ràng, cụ thể khi viên chức nộp đơn xin thôi việc và tự ý nghỉ việc, đảm bảo vừa tuân thủ pháp luật vừa đảm bảo hoạt động của cơ quan.
Hợp đồng thuê nhà có tự động chấm dứt khi chủ nhà không may gặp tai nạn qua đời?
Căn nhà thuê có thời hạn 1 năm, không may thay chủ nhà vừa bị tai nạn qua đời. Liệu có thể tiếp tục hợp đồng thuê nhà không? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết sau : Hợp đồng thuê nhà là gì? Theo Điều 472 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về Hợp đồng thuê tài sản như sau: - Hợp đồng thuê tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho thuê giao tài sản cho bên thuê để sử dụng trong một thời hạn, bên thuê phải trả tiền thuê. - Hợp đồng thuê nhà ở, hợp đồng thuê nhà để sử dụng vào mục đích khác được thực hiện theo quy định của Bộ luật này, Luật nhà ở và quy định khác của pháp luật có liên quan. Căn cứ Điều 121 Luật nhà ở 2014 quy định hợp đồng về nhà ở do các bên thỏa thuận và phải được lập thành văn bản bao gồm các nội dung sau đây: - Họ và tên của cá nhân, tên của tổ chức và địa chỉ của các bên; - Mô tả đặc điểm của nhà ở giao dịch và đặc điểm của thửa đất ở gắn với nhà ở đó. Đối với hợp đồng mua bán, hợp đồng thuê mua căn hộ chung cư thì các bên phải ghi rõ phần sở hữu chung, sử dụng chung; diện tích sử dụng thuộc quyền sở hữu riêng; diện tích sàn xây dựng căn hộ; mục đích sử dụng của phần sở hữu chung, sử dụng chung trong nhà chung cư theo đúng mục đích thiết kế đã được phê duyệt ban đầu; - Giá trị góp vốn, giá giao dịch nhà ở nếu hợp đồng có thỏa thuận về giá; trường hợp mua bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở mà Nhà nước có quy định về giá thì các bên phải thực hiện theo quy định đó; - Thời hạn và phương thức thanh toán tiền nếu là trường hợp mua bán, cho thuê, cho thuê mua, chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở; - Thời gian giao nhận nhà ở; thời gian bảo hành nhà ở nếu là mua, thuê mua nhà ở được đầu tư xây dựng mới; thời hạn cho thuê, cho thuê mua, thế chấp, cho mượn, cho ở nhờ, ủy quyền quản lý nhà ở; thời hạn góp vốn; - Quyền và nghĩa vụ của các bên; - Cam kết của các bên; - Các thỏa thuận khác; - Thời điểm có hiệu lực của hợp đồng; - Ngày, tháng, năm ký kết hợp đồng; - Chữ ký và ghi rõ họ, tên của các bên, nếu là tổ chức thì phải đóng dấu (nếu có) và ghi rõ chức vụ của người ký. Theo đó, ta có thể hiểu hợp đồng nhà ở hợp đồng thuê nhà là một thỏa thuận pháp lý giữa chủ nhà và người thuê nhà. Trong hợp đồng này, chủ nhà đồng ý cho người thuê sử dụng tài sản của mình, thường là một căn nhà hoặc căn hộ trong một khoảng thời gian nhất định với điều kiện người thuê phải trả tiền thuê nhà theo đúng thỏa thuận. Chủ cho thuê nhà chết thì hợp đồng thuê nhà có tự động chấm dứt không? Căn cứ khoản 1 Điều 133 Luật nhà ở 2014 quy định về quyền tiếp tục thuê nhà ở như sau: - Trường hợp chủ sở hữu nhà ở chết mà thời hạn thuê nhà ở vẫn còn thì bên thuê nhà ở được tiếp tục thuê đến hết hạn hợp đồng. Người thừa kế có trách nhiệm tiếp tục thực hiện hợp đồng thuê nhà ở đã ký kết trước đó, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác. Trường hợp chủ sở hữu không có người thừa kế hợp pháp theo quy định của pháp luật thì nhà ở đó thuộc quyền sở hữu của Nhà nước và người đang thuê nhà ở được tiếp tục thuê theo quy định về quản lý, sử dụng nhà ở thuộc sở hữu nhà nước. - Trường hợp chủ sở hữu nhà ở chuyển quyền sở hữu nhà ở đang cho thuê cho người khác mà thời hạn thuê nhà ở vẫn còn thì bên thuê nhà ở được tiếp tục thuê đến hết hạn hợp đồng; chủ sở hữu nhà ở mới có trách nhiệm tiếp tục thực hiện hợp đồng thuê nhà ở đã ký kết trước đó, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác. - Khi bên thuê nhà ở chết mà thời hạn thuê nhà ở vẫn còn thì người đang cùng sinh sống với bên thuê nhà ở được tiếp tục thuê đến hết hạn hợp đồng thuê nhà ở, trừ trường hợp thuê nhà ở công vụ hoặc các bên có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác Theo đó, nếu bạn và người chủ đã chết ký kết hợp đồng thuê nhà với thời hạn 1 năm, hợp đồng cho thuê có giá trị pháp lý và còn thời hạn thì hợp đồng thuê nhà không tự động chấm dứt. Bạn vẫn tiếp tục được thuê nhà cho đến khi hết hợp đồng. Người thừa kế có trách nhiệm tiếp tục thực hiện hợp đồng thuê nhà đã ký kết trước đó. Bên cạnh đó, người thừa kế căn nhà không được ép buộc chấm dứt hợp đồng thuê nhà hoặc tăng giá thuê nhà so với hợp đồng đã ký kết trước đó. Trường hợp nào bên thuê có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng cho thuê nhà trước thời hạn? Căn cứ Điều 131 Luật nhà ở 2014 quy định các trường hợp chấm dứt hợp đồng thuê nhà ở: - Trường hợp thuê nhà ở thuộc sở hữu nhà nước thì việc chấm dứt hợp đồng thuê nhà được thực hiện khi có một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 84 của Luật này. - Trường hợp thuê nhà ở không thuộc sở hữu nhà nước thì việc chấm dứt hợp đồng thuê nhà ở được thực hiện khi có một trong các trường hợp sau đây: + Hợp đồng thuê nhà ở hết hạn; trường hợp trong hợp đồng không xác định thời hạn thì hợp đồng chấm dứt sau 90 ngày, kể từ ngày bên cho thuê nhà ở thông báo cho bên thuê nhà ở biết việc chấm dứt hợp đồng; + Hai bên thỏa thuận chấm dứt hợp đồng; + Nhà ở cho thuê không còn; + Bên thuê nhà ở chết hoặc có tuyên bố mất tích của Tòa án mà khi chết, mất tích không có ai đang cùng chung sống; + Nhà ở cho thuê bị hư hỏng nặng, có nguy cơ sập đổ hoặc thuộc khu vực đã có quyết định thu hồi đất, giải tỏa nhà ở hoặc có quyết định phá dỡ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; nhà ở cho thuê thuộc diện bị Nhà nước trưng mua, trưng dụng để sử dụng vào các mục đích khác. Bên cho thuê phải thông báo bằng văn bản cho bên thuê biết trước 30 ngày về việc chấm dứt hợp đồng thuê nhà ở quy định tại điểm này, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác; + Chấm dứt theo quy định tại Điều 132 Luật nhà ở 2014. Theo đó, nếu bạn muốn đơn phương chấm dứt hợp đồng thuê nhà trước thời hạn phải đáp ứng một trong các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 131 Luật nhà ở 2014. Đồng thời bạn phải tiến hành thông báo bằng văn bản cho bên thuê biết trước ít nhất 30 ngày về việc chấm dứt hợp đồng thuê nhà ở, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
Có được đơn phương hủy hợp đồng ủy quyền đã công chứng, chứng thực không?
Xin chào TVPL, tôi có vấn đề cần tham khảo về việc đơn phương chấm dứt HĐ ủy quyền. Nếu tối là người được ủy quyền thì tôi có được đơn phương hủy hợp đồng ủy quyền đã công chứng không. Vì HĐ ủy quyền này xung đột lợi ích của người ủy quyền với tôi. Đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng ủy quyền? Theo quy định tại Điều 569 Bộ luật Dân sự 2015 về đơn phương chấm dứt hợp đồng thực hiện ủy quyền: “Đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng ủy quyền - Trường hợp ủy quyền có thù lao, bên ủy quyền có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bất cứ lúc nào, nhưng phải trả thù lao cho bên được ủy quyền tương ứng với công việc mà bên được ủy quyền đã thực hiện và bồi thường thiệt hại; nếu ủy quyền không có thù lao thì bên ủy quyền có thể chấm dứt thực hiện hợp đồng bất cứ lúc nào, nhưng phải báo trước cho bên được ủy quyền một thời gian hợp lý. - Bên ủy quyền phải báo bằng văn bản cho người thứ ba biết về việc bên ủy quyền chấm dứt thực hiện hợp đồng; nếu không báo thì hợp đồng với người thứ ba vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp người thứ ba biết hoặc phải biết về việc hợp đồng ủy quyền đã bị chấm dứt. - Trường hợp ủy quyền không có thù lao, bên được ủy quyền có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bất cứ lúc nào, nhưng phải báo trước cho bên ủy quyền biết một thời gian hợp lý; nếu ủy quyền có thù lao thì bên được ủy quyền có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bất cứ lúc nào và phải bồi thường thiệt hại cho bên ủy quyền, nếu có.” Theo quy định trên, người được ủy quyền có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng ủy quyền bất cứ lúc nào, tuy nhiên người được ủy quyền cần phải thông báo trước cho người ủy quyền trong thời gian hợp lý. Theo đó, nếu cảm thấy hợp đồng xung đột với lợi ích của mình thì người được ủy quyền có thể đơn phương chấm dứt HĐ ủy quyền bất cứ lúc nào. Trường hợp hợp đồng ủy quyền có được trả thù lao thì người được ủy quyền cần phải bồi thường thiệt hại cho bên ủy quyền (nếu có). Có được đơn phương hủy hợp đồng ủy quyền đã công chứng? Căn cứ Điều 51 Luật Công chứng 2014 quy định về việc công chứng việc sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hợp đồng, giao dịch như sau: "Công chứng việc sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hợp đồng, giao dịch - Việc công chứng sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hợp đồng, giao dịch đã được công chứng chỉ được thực hiện khi có sự thỏa thuận, cam kết bằng văn bản của tất cả những người đã tham gia hợp đồng, giao dịch đó. - Việc công chứng sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hợp đồng, giao dịch đã được công chứng được thực hiện tại tổ chức hành nghề công chứng đã thực hiện việc công chứng đó và do công chứng viên tiến hành. Trường hợp tổ chức hành nghề công chứng đã thực hiện việc công chứng chấm dứt hoạt động, chuyển đổi, chuyển nhượng hoặc giải thể thì công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng đang lưu trữ hồ sơ công chứng thực hiện việc sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hợp đồng, giao dịch. - Thủ tục công chứng việc sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hợp đồng, giao dịch đã được công chứng được thực hiện như thủ tục công chứng hợp đồng, giao dịch quy định tại Chương này." Theo quy định trên, với hợp đồng ủy quyền đã có công chứng, người được ủy quyền chỉ được hủy bỏ, chấm dứt khi có sự thỏa thuận hoặc cam kết bằng văn bản của người ủy quyền và bên thứ ba (nếu có). Theo đó căn cứ quy định của pháp luật công chứng thì người được ủy quyền muốn hủy hợp đồng ủy quyền thì mình và người ủy quyền cần thực hiện thỏa thuận, cam kết hủy bỏ hợp đồng ủy quyền này tại nơi đã công chứng hợp đồng ủy quyền trước đó.
Bộ LĐTBXH hướng dẫn giải quyết tiền lương ngừng việc và lao động nữ sau khi sinh tăng ca
Công văn 308/CV-PC năm 2022 tải về việc thông báo kết luận của Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Lê Văn Thanh thông báo kết luận về các nội dung trả lời một số câu hỏi về Bộ luật Lao động 2019. Theo đó, Bộ LĐTBXH hướng dẫn giải quyết tiền lương ngừng việc và lao động nữ sau khi sinh muốn làm thêm như sau: (1) Giải quyết trường hợp NLĐ tự ý bỏ việc liên tục trên 5 ngày Về đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong trường hợp người lao động (NLĐ) tự ý bỏ việc 05 ngày làm việc liên tục trở lên Câu hỏi: “NLĐ tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng từ 05 ngày làm việc liên tục trở lên” (điểm e khoản 1 Điều 36 Bộ luật Lao động 2019) thì có được coi là NLĐ đã đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật (Điều 39 Bộ luật Lao động 2019) không? Trong trường hợp NLĐ đã thông báo cho người sử dụng lao động (NSDLĐ) về việc chấm dứt HĐLĐ theo đúng thời hạn báo trước quy định tại khoản 1 Điều 35 Bộ luật Lao động 2019 nhưng trong khoảng thời gian từ ngày thông báo cho NSDLĐ đến ngày HĐLĐ chấm dứt theo thông báo, NLĐ tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng từ 05 ngày làm việc liên tục trở lên thì có được coi là NLĐ đã đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật không? Hướng trả lời, hướng dẫn: - Để xác định hành vi của NLĐ là đơn phương chấm dứt HĐLĐ thì NSDLĐ phải chứng minh ý chí chủ quan của NLĐ là muốn chấm dứt HĐLĐ và không muốn quay trở lại làm việc nữa. - Khi NSDLĐ chứng minh được NLĐ không có nhu cầu làm việc nữa và NLĐ đã tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng từ 05 ngày làm việc liên tục trở lên (kể cả trong khoảng thời gian từ ngày thông báo cho NSDLĐ đến ngày HĐLĐ chấm dứt theo thông báo) thì trường hợp này được coi là NLĐ đã đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật. - Đối với các trường hợp khác thì không có cơ sở để khẳng định NLĐ đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật. Trong trường hợp này, NSDLĐ có thể đơn phương chấm dứt HĐLĐ theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều 36 Bộ luật Lao động 2019 hoặc xử lý kỷ luật NLĐ theo quy định tại khoản 4 Điều 125 Bộ luật Lao động 2019. (2) Giải quyết về tiền lương NLĐ ngừng việc Tại khoản 3 Điều 99 Bộ luật Lao động 2019 quy định tiền lương ngừng việc của NLĐ được thực hiện như sau: Câu hỏi: 14 ngày ngừng việc theo quy định tại khoản 3 Điều 99 Bộ luật Lao động 2019 được tính là 14 ngày ngừng việc liên tục hay cộng dồn? Nếu là cộng dồn thì cộng dồn trong 01 tháng hay cộng dồn trong chuỗi các sự kiện hay cộng dồn theo chu kỳ trả lương? Hướng trả lời, hướng dẫn Khoản 3 Điều 99 Bộ luật Lao động 2019 xác định rõ 2 nội dung, đó là: ngừng việc phải gắn với lý do (sự cố điện, nước; thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm...) và ngừng việc 14 ngày. Điều luật không quy định rõ 14 ngày làm việc liên tục hay cộng dồn. Do việc ngừng việc phải được gắn với lý do/sự kiện cụ thể dẫn đến ngừng việc, nên 14 ngày ngừng việc cần được hiểu là 14 ngày ngừng việc liên tục theo từng sự kiện. (3) Hướng dẫn trường hợp lao động nữ được giảm giờ làm nhưng làm thêm giờ Về làm thêm đối với lao động nữ trong thời gian được giảm bớt 01 giờ làm việc hằng ngày (khoản 2 Điều 137 Bộ luật Lao động 2019) Câu hỏi: Trong thời gian được giảm bót 01 giờ làm việc hằng ngày đối với lao động nữ (1) làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc làm nghề, công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản và nuôi con (2) khi mang thai từ dưới tháng thứ 07 hoặc từ dưới tháng thứ 06 nếu làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo thì lao động nữ có được làm việc không và mức tiền được trả trong thời gian này là như thế nào? Hướng trả lời, hướng dẫn: - Khoản 1 Điều 137 Bộ luật Lao động 2019 chỉ cấm 02 trường hợp không được sử dụng người lao động làm thêm giờ, BLLĐ không cấm làm thêm giờ trong các trường hợp nêu ở câu hỏi. Đồng thời, đây là quy định về quyền được nghỉ của người lao động. Do đó, NLĐ được phép thỏa thuận với NSDLĐ để làm việc trong thời gian được nghỉ đó. - Về mức tiền được trả trong thời gian làm việc của 01 giờ làm việc hằng ngày được giảm bớt: Để bảo đảm việc áp dụng chính sách đối với lao động nữ được thống nhất, trường hợp này cần được thực hiện tương tự như chính sách quy định tại khoản 4 Điều 137 Bộ luật Lao động 2019; điểm c khoản 3 và điểm c khoản 4 Điều 80 Nghị định 145/2020/NĐ-CP. Theo đó, trường hợp lao động nữ không có nhu cầu nghỉ và được NSDLĐ đồng ý để NLĐ làm việc thì ngoài tiền lương được hưởng theo HĐLĐ, NLĐ được trả thêm tiền lương theo công việc mà NLĐ đã làm trong thời gian được nghỉ. tải Công văn 308/CV-PC năm 2022
Công ty đơn phương chấm dứt hợp đồng do người lao động không đồng ý giảm lương có vi phạm?
Nguyên tắc trả lương? Công ty cắt giảm lương mà không được sự đồng ý của NLĐ thì có vi phạm? Nếu NLĐ không đồng ý giảm lương NSDLĐ đơn phương chấm dứt HĐLĐ có báo trước cho NLĐ thì có vi phạm luật? Nguyên tắc trả lương? Tại Bộ luật Lao động 2019 quy định về Nguyên tắc trả lương: Người sử dụng lao động phải trả lương trực tiếp, đầy đủ, đúng hạn cho người lao động. Trường hợp người lao động không thể nhận lương trực tiếp thì người sử dụng lao động có thể trả lương cho người được người lao động ủy quyền hợp pháp. Như vậy, về nguyên tắc trả lương công ty phải trả đủ lương và đúng hạn theo như thỏa thuận trong hợp đồng lao động cho người lao động. Công ty cắt giảm lương mà không được sự đồng ý của NLĐ thì có vi phạm? Tại Bộ luật Lao động 2019 quy định về việc sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động: Trong quá trình thực hiện hợp đồng lao động, nếu bên nào có yêu cầu sửa đổi, bổ sung nội dung hợp đồng lao động thì phải báo cho bên kia biết trước ít nhất 03 ngày làm việc về nội dung cần sửa đổi, bổ sung. Theo đó, nếu muốn giảm tiền lương của NLĐ thì công ty phải báo trước ít nhất là 03 ngày làm việc. Nếu người lao động đồng ý về việc giảm lương thì cả hai bên có thể thỏa thuận ký phụ lục hợp đồng hoặc là ký hợp đồng mới để điều chỉnh lại mức lương. Tuy nhiên, nếu như NLĐ không đồng ý việc giảm lương thì công ty vẫn phải có trách nhiệm trả đủ lương và đúng hạn. Công ty cắt giảm lương mà không được sự đồng ý của NLĐ thì công ty đang vi phạm pháp luật. Nếu NLĐ không đồng ý giảm lương NSDLĐ đơn phương chấm dứt HĐLĐ có báo trước cho NLĐ thì có vi phạm luật? Căn cứ tại Bộ luật Lao động 2019 quy định NSDLĐ chỉ được đơn phương chấm dứt hợp đồng trong các trường hợp: 1. Người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động được xác định theo tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành công việc trong quy chế của doanh nghiệp. Quy chế đánh giá mức độ hoàn thành công việc do doanh nghiệp ban hành nhưng phải tham khảo ý kiến tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở. 2. Người lao động bị ốm đau, tai nạn đã điều trị với thời gian tối thiểu như sau mà khả năng lao động vẫn chưa hồi phục: - 12 tháng liên tục đối với người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn. - 06 tháng liên tục đối với người lao động làm theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng. - Quá nửa thời hạn hợp đồng lao động đối với người làm theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng. Khi sức khỏe của người lao động bình phục, thì người lao động được xem xét để tiếp tục giao kết hợp đồng lao động; 3. Do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, địch họa hoặc do di dời, thu hẹp sản xuất, kinh doanh theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền mà doanh nghiệp đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải giảm chỗ làm việc. 4. Người lao động không có mặt tại nơi làm việc sau thời hạn tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động 5. Người lao động đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại Bộ luật Lao động 2019 6. Người lao động tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng từ 05 ngày làm việc liên tục trở lên. 7. Người lao động cung cấp không trung thực thông tin mà người sử dụng lao động yêu cầu khi giao kết hợp đồng lao động làm ảnh hưởng đến việc tuyển dụng người lao động. Để việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đúng pháp luật thì ngoài việc phải thuộc các trường hợp nêu trên, doanh nghiệp còn phải đáp ứng yêu cầu về thời hạn báo trước cho người lao động. Ngoài ra, còn lưu các trường hợp không được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với trường hợp người nêu tại Điều 37 Bộ luật lao động 2019. Như vậy, nếu Doanh nghiệp thông báo đơn phương chấm dứt hợp đồng đúng thời hạn theo quy định nhưng lý do không thuộc các trường hợp được đơn phương chấm dứt hợp đồng nêu trên do đó không được đơn phương chấm dứt hợp đồng. Việc đơn phương này sẽ trái quy định của pháp luật.
Có được bán nhà khi còn hợp đồng cho thuê không?
Hiện nay, việc thuê nhà để ở và kinh doanh theo nhu cầu diễn ra khá nhiều, dẫn đến hợp đồng cho thuê cũng dần trở nên phổ biến hơn. Tuy nhiên, trong thực tế, không ít vụ tranh chấp xảy ra về hợp đồng cho thuê, đặc biệt là tranh chấp về việc bên cho thuê muốn tiến hành bán nhà trong thời hạn hợp đồng cho thuê. Vậy trong trường hợp này, việc bán nhà sẽ được xử lý như thế nào để quyền lợi của bên thuê vẫn được đảm bảo? 1. Các trường hợp được đơn phương chấm dứt hợp đồng thuê nhà Theo quy định tại khoản 2 Điều 132 Luật Nhà ở 2014, bên cho thuê được đơn phương chấm dứt hợp đồng thuê nhà và thu hồi nhà ở đang cho thuê nếu thuộc các trường hợp sau: – Bên cho thuê nhà ở thuộc sở hữu nhà nước, nhà ở xã hội cho thuê không đúng thẩm quyền, không đúng đối tượng, không đúng điều kiện theo quy định của Luật Nhà ở – Bên thuê không trả tiền thuê nhà ở theo thỏa thuận từ 03 tháng trở lên mà không có lý do chính đáng; – Bên thuê sử dụng nhà ở không đúng mục đích như đã thỏa thuận trong hợp đồng; – Bên thuê tự ý đục phá, cơi nới, cải tạo, phá dỡ nhà ở đang thuê; – Bên thuê chuyển đổi, cho mượn, cho thuê lại nhà ở đang thuê mà không có sự đồng ý của bên cho thuê; – Bên thuê làm mất trật tự, vệ sinh môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt của những người xung quanh đã được bên cho thuê nhà ở hoặc tổ trưởng tổ dân phố, trưởng thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc lập biên bản đến lần thứ ba mà vẫn không khắc phục; – Bên cho thuê thực hiện cải tạo nhà ở và không thoả thuận được với bên thuê thì bên cho thuê có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng thuê nhà ở và phải bồi thường cho bên thuê theo quy định của pháp luật (khoản 2 Điều 129 Luật Nhà ở 2014). Có thể thấy, nếu bên cho thuê đơn phương chấm dứt hợp đồng thuê nhà trước thời hạn mà không thuộc vào trường hợp nêu trên là hành vi trái pháp luật. Bên cho thuê có thể sẽ bồi thường thiệt hại cho bên thuê theo quy định của pháp luạt. 2. Có được bán nhà khi hợp đồng cho thuê còn thời hạn không? Theo khoản 1 Điều 127 Luật Nhà ở 2014 quy định về việc mua bán nhà ở đang cho thuê như sau: -Trường hợp chủ sở hữu bán nhà ở đang cho thuê thì phải thông báo bằng văn bản cho bên thuê nhà ở biết về việc bán và các điều kiện bán nhà ở; bên thuê nhà ở được quyền ưu tiên mua nếu đã thanh toán đầy đủ tiền thuê nhà cho bên cho thuê tính đến thời điểm bên cho thuê có thông báo về việc bán nhà cho thuê, trừ trường hợp nhà ở thuộc sở hữu chung; trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày bên thuê nhà ở nhận được thông báo mà không mua thì chủ sở hữu nhà ở được quyền bán nhà ở đó cho người khác, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác về thời hạn. -Trường hợp bán nhà ở đang cho thuê thuộc sở hữu nhà nước thì thực hiện theo quy định tại Mục 2 Chương VI của Luật này. Theo đó, bên cho thuê được quyền bán nhà khi hợp đồng cho thuê còn thời hạn. Tuy nhiên, bên cho thuê phải thông báo bằng văn bản cho bên thuê nhà được biết về việc bán và các điều kiện bán nhà ở. Lúc này, người thuê nhà được quyền ưu tiên mua trước và trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày người thuê nhà ở nhận được thông báo mà không mua thì bạn được quyền bán nhà ở đó cho người khác, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác về thời hạn. Trường hợp bên cho thuê chuyển quyền sở hữu nhà ở đang cho thuê cho người khác mà thời hạn thuê nhà ở vẫn còn thì bên thuê nhà ở được tiếp tục thuê đến hết hạn hợp đồng; chủ sở hữu nhà ở mới có trách nhiệm tiếp tục thực hiện hợp đồng thuê nhà ở đã ký kết trước đó (khoản 2 Điều 133 Luật nhà ở năm 2014). Như vậy, khi bán nhà trong thời gian cho thuê, bên cho thuê cần phải thông báo cho người thuê được biết và đảm bảo quyền được tiếp tục thuê nhà cho người thuê trong thời hạn hợp đồng.
Quá hạn đóng bảo hiểm thì có bị đơn phương chấm dứt hợp đồng?
Thời hạn đóng bảo hiểm là một trong những vấn đề quan trọng và cũng là nghĩa vụ phải thực hiện đúng quy định đã thỏa thuận theo hợp đồng bảo hiểm của doanh nghiệp mua bảo hiểm. Trường hợp mà bên mua bảo hiểm chậm thời hạn không đóng phí bảo hiểm hoặc không đóng đủ phí bảo hiểm thì bên kinh doanh bảo hiểm có được đơn phương chấm dứt hợp đồng bảo hiểm? 1. Quyền của doanh nghiệp bảo hiểm trong hợp đồng Căn cứ khoản 1 Điều 20 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 quy định doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài có các quyền sau đây: - Thu phí bảo hiểm theo thoả thuận trong hợp đồng bảo hiểm. - Yêu cầu bên mua bảo hiểm cung cấp đầy đủ, trung thực mọi thông tin có liên quan đến việc giao kết và thực hiện hợp đồng bảo hiểm. - Hủy bỏ hợp đồng bảo hiểm quy định tại khoản 2 Điều 22 hoặc đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bảo hiểm quy định tại Điều 26 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022. - Từ chối bồi thường, trả tiền bảo hiểm trong trường hợp không thuộc phạm vi trách nhiệm bảo hiểm hoặc trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm theo thoả thuận trong hợp đồng bảo hiểm. - Yêu cầu bên mua bảo hiểm áp dụng các biện pháp đề phòng, hạn chế tổn thất. - Yêu cầu người thứ ba bồi hoàn số tiền mà doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài đã bồi thường cho người được bảo hiểm đối với thiệt hại về tài sản; lợi ích kinh tế hoặc nghĩa vụ thực hiện hợp đồng hoặc nghĩa vụ theo pháp luật; trách nhiệm dân sự do người thứ ba gây ra. - Quyền khác theo quy định của pháp luật. Theo đó, doanh nghiệp bảo hiểm được quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bảo hiểm nêu theo định của hợp đồng. 2. Quá thời hạn đóng bảo hiểm có chấm dứt hợp đồng? Theo Điều 26 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 quy định các trường hợp sau đây thì được đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bảo hiểm: Doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài hoặc bên mua bảo hiểm có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bảo hiểm trong trường hợp sau đây: - Bên mua bảo hiểm không đóng phí bảo hiểm hoặc không đóng đủ phí bảo hiểm theo thời hạn thỏa thuận hoặc sau thời gian gia hạn đóng phí. - Doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, bên mua bảo hiểm không chấp nhận yêu cầu về thay đổi mức độ rủi ro được bảo hiểm. - Người được bảo hiểm không thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn cho đối tượng bảo hiểm. - Bên mua bảo hiểm không đồng ý chuyển giao danh mục hợp đồng bảo hiểm. Việc doanh nghiệp mua bảo hiểm không đóng hoặc quá hạn đóng bảo hiểm theo hợp đồng đã giao kết và thỏa thuận thì doanh nghiệp bảo hiểm có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng. 3. Hậu quả pháp lý nếu đơn phương chấm dứt hợp đồng Trường hợp đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bảo hiểm do bên mua bảo hiểm không đóng phí bảo hiểm hoặc không đóng đủ phí bảo hiểm theo thời hạn thỏa thuận thì theo khoản 1 Điều 27 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 thực hiện như sau: - Bên mua bảo hiểm vẫn phải đóng đủ phí bảo hiểm đến thời điểm đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bảo hiểm: Quy định này không áp dụng đối với hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, hợp đồng bảo hiểm sức khỏe, trừ hợp đồng bảo hiểm nhóm. - Đối với hợp đồng bảo hiểm nhân thọ và hợp đồng bảo hiểm sức khỏe, doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài có trách nhiệm: Trả tiền bảo hiểm cho người được bảo hiểm khi sự kiện bảo hiểm xảy ra trước thời điểm đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bảo hiểm và có quyền khấu trừ phí bảo hiểm đến thời điểm đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bảo hiểm. - Đối với hợp đồng bảo hiểm tài sản, hợp đồng bảo hiểm thiệt hại và hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm, doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài có trách nhiệm: Bồi thường cho người được bảo hiểm khi sự kiện bảo hiểm xảy ra trước thời điểm đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bảo hiểm và có quyền khấu trừ phí bảo hiểm theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm. Như vậy, việc doanh nghiệp mua bảo hiểm không đóng hoặc quá hạn đóng bảo hiểm theo hợp đồng đã giao kết và thỏa thuận thì doanh nghiệp bảo hiểm có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng.
Hợp đồng ủy quyền chấm dứt hiệu lực
Trong trường hợp hợp đồng uỷ quyền đang có hiệu lực, vợ trong phạm vi được ủy quyền của mình mang thửa đất đi thế chấp để vay vốn. Trong thời gian vay vốn, nếu hợp đồng uỷ quyền này bị chấm dứt đơn phương thì hợp đồng thế chấp có còn hiệu lực không? Tại Điều 317, Điều 327, Điều 567, Điều 143 Bộ luật dân sự 2015 quy định: “Điều 317. Thế chấp tài sản 1. Thế chấp tài sản là việc một bên (sau đây gọi là bên thế chấp) dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và không giao tài sản cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận thế chấp). 2. Tài sản thế chấp do bên thế chấp giữ. Các bên có thể thỏa thuận giao cho người thứ ba giữ tài sản thế chấp.” “Điều 327. Chấm dứt thế chấp tài sản Thế chấp tài sản chấm dứt trong trường hợp sau đây: 1. Nghĩa vụ được bảo đảm bằng thế chấp chấm dứt; 2. Việc thế chấp tài sản được hủy bỏ hoặc được thay thế bằng biện pháp bảo đảm khác; 3. Tài sản thế chấp đã được xử lý; 4. Theo thoả thuận của các bên.” “Điều 567. Nghĩa vụ của bên uỷ quyền 1. Cung cấp thông tin, tài liệu và phương tiện cần thiết để bên được uỷ quyền thực hiện công việc. 2. Chịu trách nhiệm về cam kết do bên được uỷ quyền thực hiện trong phạm vi uỷ quyền. 3. Thanh toán chi phí hợp lý mà bên được uỷ quyền đã bỏ ra để thực hiện công việc được uỷ quyền; trả thù lao cho bên được uỷ quyền, nếu có thỏa thuận về việc trả thù lao.” “Điều 143. Hậu quả của giao dịch dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện vượt quá phạm vi đại diện 1. Giao dịch dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện vượt quá phạm vi đại diện không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của người được đại diện đối với phần giao dịch được thực hiện vượt quá phạm vi đại diện, trừ một trong các trường hợp sau đây: a) Người được đại diện đồng ý; b) Người được đại diện biết mà không phản đối trong một thời hạn hợp lý; c) Người được đại diện có lỗi dẫn đến việc người đã giao dịch không biết hoặc không thể biết về việc người đã xác lập, thực hiện giao dịch dân sự với mình vượt quá phạm vi đại diện. 2. Trường hợp giao dịch dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện vượt quá phạm vi đại diện không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của người được đại diện đối với phần giao dịch được xác lập, thực hiện vượt quá phạm vi đại diện thì người đại diện phải thực hiện nghĩa vụ đối với người đã giao dịch với mình về phần giao dịch vượt quá phạm vi đại diện, trừ trường hợp người đã giao dịch biết hoặc phải biết về việc vượt quá phạm vi đại diện mà vẫn giao dịch. 3. Người đã giao dịch với người đại diện có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hoặc hủy bỏ giao dịch dân sự đối với phần vượt quá phạm vi đại diện hoặc toàn bộ giao dịch dân sự và yêu cầu bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp người đó biết hoặc phải biết về việc vượt quá phạm vi đại diện mà vẫn giao dịch hoặc trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều này. 4. Trường hợp người đại diện và người giao dịch với người đại diện cố ý xác lập, thực hiện giao dịch dân sự vượt quá phạm vi đại diện mà gây thiệt hại cho người được đại diện thì phải chịu trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại.” Trường hợp này cần xác định rõ, thửa đất mà chồng ủy quyền cho vợ là tài sản riêng của chồng và chồng ủy quyền cho vợ để thay mình thực hiện việc thế chấp tài sản để vay vốn. Theo quy định của pháp luật về thế chấp tài sản thì chủ sở hữu mới có quyền thế chấp tài sản do đó ở đây vợ thực hiện giao dịch thế chấp tài sản thay chồng trong phạm vi được ủy quyền. Căn cứ theo quy định của pháp luật, việc chấm dứt thế chấp tài sản, cụ thể ở đây là quyền sử dụng đất xảy ra trong các trường hợp: - Bên vay vốn đã trả xong khoản vay; - Việc thế chấp tài sản được hủy bỏ hoặc được thay thế bằng biện pháp bảo đảm khác; - Tài sản thế chấp đã được xử lý; - Theo thoả thuận của các bên. Bên cạnh đó, nghĩa vụ của bên ủy quyền là phải chịu trách nhiệm về cam kết do bên được uỷ quyền thực hiện trong phạm vi uỷ quyền. Từ những căn cứ trên, hợp đồng ủy quyền bị đơn phương chấm dứt không phải là căn cứ để chấm dứt hợp đồng thế chấp. Do đó, khi hợp đồng ủy quyền bị đơn phương chấm dứt thì hợp đồng thế chấp vẫn còn hiệu lực vì chỉ chấm dứt khi thuộc 4 trường hợp trên. Trong hợp đồng ủy quyền, nghĩa vụ của bên ủy quyền là phải chịu trách nhiệm về cam kết do bên được uỷ quyền thực hiện trong phạm vi uỷ quyền. Theo đó, nếu những việc vợ thực hiện bao gồm thế chấp thửa đất là trong phạm vi ủy quyền của chồng thì chồng sẽ phải chịu trách nhiệm về tiếp tục thực hiện tiếp hợp đồng thế chấp này sau khi hợp đồng ủy quyền chấm dứt hiệu lực. Trường hợp vợ thực hiện vượt quá phạm vi được ủy quyền tùy theo trường hợp mà sẽ xử lý theo Điều 143 Bộ luật dân sự 2015.
Chồng có được lập hợp đồng ủy quyền cho vợ với nội dung ủy quyền liên quan đến thửa đất là tài sản riêng của chồng được không? Trong hợp đồng chồng có được quy định về trả thù lao là 1 triệu đồng cho vợ không? Nếu chồng không thanh toán thù lao này thì sao? Tại Điều 562, Điều 565, Điều 566, Điều 567, Điều 568 Bộ luật dân sự 2015 quy định: “Điều 562. Hợp đồng ủy quyền Hợp đồng ủy quyền là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên được ủy quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền, bên ủy quyền chỉ phải trả thù lao nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.” “Điều 565. Nghĩa vụ của bên được ủy quyền 1. Thực hiện công việc theo ủy quyền và báo cho bên ủy quyền về việc thực hiện công việc đó. 2. Báo cho người thứ ba trong quan hệ thực hiện ủy quyền về thời hạn, phạm vi ủy quyền và việc sửa đổi, bổ sung phạm vi ủy quyền. 3. Bảo quản, giữ gìn tài liệu và phương tiện được giao để thực hiện việc ủy quyền. 4. Giữ bí mật thông tin mà mình biết được trong khi thực hiện việc ủy quyền. 5. Giao lại cho bên ủy quyền tài sản đã nhận và những lợi ích thu được trong khi thực hiện việc ủy quyền theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật. 6. Bồi thường thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ quy định tại Điều này.” “Điều 566. Quyền của bên được ủy quyền 1. Yêu cầu bên ủy quyền cung cấp thông tin, tài liệu và phương tiện cần thiết để thực hiện công việc ủy quyền. 2. Được thanh toán chi phí hợp lý mà mình đã bỏ ra để thực hiện công việc ủy quyền; hưởng thù lao, nếu có thỏa thuận.” “Điều 567. Nghĩa vụ của bên ủy quyền 1. Cung cấp thông tin, tài liệu và phương tiện cần thiết để bên được ủy quyền thực hiện công việc. 2. Chịu trách nhiệm về cam kết do bên được ủy quyền thực hiện trong phạm vi ủy quyền. 3. Thanh toán chi phí hợp lý mà bên được ủy quyền đã bỏ ra để thực hiện công việc được ủy quyền; trả thù lao cho bên được ủy quyền, nếu có thỏa thuận về việc trả thù lao.” “Điều 568. Quyền của bên ủy quyền 1. Yêu cầu bên được ủy quyền thông báo đầy đủ về việc thực hiện công việc ủy quyền. 2. Yêu cầu bên được ủy quyền giao lại tài sản, lợi ích thu được từ việc thực hiện công việc ủy quyền, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. 3. Được bồi thường thiệt hại, nếu bên được ủy quyền vi phạm nghĩa vụ quy định tại Điều 565 của Bộ luật này.” “Điều 569. Đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng ủy quyền 1. Trường hợp ủy quyền có thù lao, bên ủy quyền có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bất cứ lúc nào, nhưng phải trả thù lao cho bên được ủy quyền tương ứng với công việc mà bên được ủy quyền đã thực hiện và bồi thường thiệt hại; nếu ủy quyền không có thù lao thì bên ủy quyền có thể chấm dứt thực hiện hợp đồng bất cứ lúc nào, nhưng phải báo trước cho bên được ủy quyền một thời gian hợp lý. Bên ủy quyền phải báo bằng văn bản cho người thứ ba biết về việc bên ủy quyền chấm dứt thực hiện hợp đồng; nếu không báo thì hợp đồng với người thứ ba vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp người thứ ba biết hoặc phải biết về việc hợp đồng ủy quyền đã bị chấm dứt. 2. Trường hợp ủy quyền không có thù lao, bên được ủy quyền có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bất cứ lúc nào, nhưng phải báo trước cho bên ủy quyền biết một thời gian hợp lý; nếu ủy quyền có thù lao thì bên được ủy quyền có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bất cứ lúc nào và phải bồi thường thiệt hại cho bên ủy quyền, nếu có.” Căn cứ quy định trên, hiện tại pháp luật không hạn chế việc vợ chồng ủy quyền cho nhau. Do đó, chồng có thể ủy quyền cho vợ để thực hiện các việc liên quan đến thửa đất và vợ sẽ thực hiện các công việc trong phạm vi được ủy quyền, chồng là người ủy quyền và vợ là người được ủy quyền. Ngoài ra trong hợp đồng ủy quyền còn có điều khoản về thanh toán chi phí, có thể hiểu là thù lao cho người được ủy quyền để thực hiện công việc, việc thỏa thuận thù lao này là phù hợp theo quy định của pháp luật. Do đó chồng có thể ủy quyền cho vợ và trả thù lao 1 triệu đồng cho vợ. Nếu hai bên có thỏa thuận trong hợp đồng thì chồng có nghĩa vụ phải trả thù lao cho vợ và vợ có quyền được nhận thù lao từ chồng. Trường hợp chồng không trả thù lao cho vợ theo nghĩa vụ trong hợp đồng thì có thể là một trong những lí do để vợ có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng và chồng vẫn phải trả thù lao cho vợ tương ứng với công việc mà được ủy quyền đã thực hiện và bồi thường thiệt hại nếu có thỏa thuận về bồi thường.
Hỏi về chấm dứt hợp đồng lao động?
Hiện tại tôi đang làm tại công ty A hợp đồng lao động không xác định thời hạn. Và hiện tại công ty đang muốn thoa thuận chấp dứt hợp đồng với tôi (lý do cắt giảm chi phí nhân sự cho công ty), với các thỏa thuận: Phương án 1:Hoàn thành công việc bàn giao, kết thúc tại cty đến hết ngày 15/2 (thông báo từ ngày 14/1). HĐLĐ của tôi là HĐ ko xác định thời gian 2. Công ty tiến hành thanh toán tiền lương tháng 2(số ngày đã làm việc) vào ngày 15/3 (kỳ trả lương) Phương án 2: Tôi vẫn làm việc và bàn giao đến hết ngày 28/2 (đủ 45 ngày) 2. Cty tiến hành thanh toán lương tháng 2 vào ngày 15/4 (giam lương 1 tháng) với lý do đảm bảo an toàn cho cty....và không chắc ngày trả ngày, với lý do cty khó khăn nên co thể chậm và giam. cùng lắm cty chịu lãi suất trả chậm cho NLĐ. Ngoài nội dung này ra, cty ko có bất kỳ khoản bồi thường nào cho tôi cả. Nên nhờ bên mình tư vấn giúp tôi, nếu không đạt được thỏa thuận và cty vẫn đơn phương chấm dứt hđlđ trái luật thì tôi cần giải quyết trnah chấp hoặc khởi kiện ra tòa ạ
Công ty không có đơn hàng có được phép cho người lao động nghỉ việc hay không?
Căn cứ khoản 1 Điều 36 Bộ luật lao động 2019 quy định quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người sử dụng lao động bao gồm: 1/ Người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động được xác định theo tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành công việc trong quy chế của người sử dụng lao động. Quy chế đánh giá mức độ hoàn thành công việc do người sử dụng lao động ban hành nhưng phải tham khảo ý kiến tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở; 2/ Người lao động bị ốm đau, tai nạn đã điều trị 12 tháng liên tục đối với người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc đã điều trị 06 tháng liên tục đối với người làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng hoặc quá nửa thời hạn hợp đồng lao động đối với người làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng mà khả năng lao động chưa hồi phục. Khi sức khỏe của người lao động bình phục thì người sử dụng lao động xem xét để tiếp tục giao kết hợp đồng lao động với người lao động; 3/ Do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, địch họa hoặc di dời, thu hẹp sản xuất, kinh doanh theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải giảm chỗ làm việc; 4/ Người lao động không có mặt tại nơi làm việc sau thời hạn quy định tại Điều 31 của BLLĐ; 5/ Người lao động đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại Điều 169 của BLLĐ, trừ trường hợp có thỏa thuận khác; 6/ Người lao động tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng từ 05 ngày làm việc liên tục trở lên; 7/ Người lao động cung cấp không trung thực thông tin theo quy định tại khoản 2 Điều 16 của BLLĐ khi giao kết hợp đồng lao động làm ảnh hưởng đến việc tuyển dụng người lao động. Theo như quy định trên thì NSDLĐ chỉ được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với NLĐ khi phải thu hẹp sản xuất, kinh doanh theo quyết định của nhà nước mà NSDLĐ đã dùng mọi cách nhưng vẫn phải cắt giảm nhân sự. Theo đó, trường hợp công ty đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với NLĐ do không có đơn hàng là không đúng với quy định pháp luật.
Cần làm gì để chấm dứt hợp đồng thuê nhà đúng luật và đòi lại cọc?
Câu chuyện chủ trọ và sinh viên luôn là vấn đề được đặt ra trong những năm học đại học. Những trường hợp như đổi trọ, tăng giá tiền điện, hay không lấy được tiền cọc luôn được các bạn sinh viên quan tâm. Bài viết sau đây sẽ bàn đến vấn đề việc đơn phương chấm dứt hợp đồng đúng luật khi chủ trọ vi phạm hợp hồng và cách để đòi lại cọc đúng luật. Tại Điều 472 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về khái niệm hợp đồng thuê nhà như sau: Hợp đồng thuê tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho thuê giao tài sản cho bên thuê để sử dụng trong một thời hạn, bên thuê phải trả tiền thuê. Hợp đồng thuê nhà ở, hợp đồng thuê nhà để sử dụng vào mục đích khác được thực hiện theo quy định của Bộ luật này, Luật nhà ở và quy định khác của pháp luật có liên quan. Dựa vào quy định trên, hợp đồng thuê nhà được xác định là hợp đồng thuê tài sản, theo đó bên cho thuê giao tài sản cho bên thuê để sử dụng trong một thời hạn, bên thuê phải trả tiền thuê. Trường hợp nào bên thuê nhà có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng Căn cứ theo khoản 3 Điều 132 Luật Nhà ở 2014 quy định về đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng thuê nhà ở như sau: Bên thuê nhà ở có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng thuê nhà ở khi bên cho thuê nhà ở có một trong các hành vi sau đây: - Không sửa chữa nhà ở khi có hư hỏng nặng; -Tăng giá thuê nhà ở bất hợp lý hoặc tăng giá thuê mà không thông báo cho bên thuê nhà ở biết trước theo thỏa thuận; - Khi quyền sử dụng nhà ở bị hạn chế do lợi ích của người thứ ba. Như vậy, nếu chủ trọ của bạn vi phạm một trong các trường hợp trên thì bạn hoàn toàn có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng thuê nhà. Nghĩa vụ thông báo của bên đơn đơn phương CDHĐ thuê nhà Theo quy định tại khoản 4 Điều 132 Luật Nhà ở 2014 quy định bên đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng thuê nhà ở phải thông báo cho bên kia biết trước ít nhất 30 ngày, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác; nếu vi phạm quy định tại khoản này mà gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Trách nhiệm khi chấm dứt hợp đồng thuê nhà trước thời hạn là gì? Theo Điều 428 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng như sau: - Một bên có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng và không phải bồi thường thiệt hại khi bên kia vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trong hợp đồng hoặc các bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định. - Bên đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng phải thông báo ngay cho bên kia biết về việc chấm dứt hợp đồng, nếu không thông báo mà gây thiệt hại thì phải bồi thường. - Khi hợp đồng bị đơn phương chấm dứt thực hiện thì hợp đồng chấm dứt kể từ thời điểm bên kia nhận được thông báo chấm dứt. Các bên không phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ, trừ thỏa thuận về phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại và thỏa thuận về giải quyết tranh chấp. Bên đã thực hiện nghĩa vụ có quyền yêu cầu bên kia thanh toán phần nghĩa vụ đã thực hiện. - Bên bị thiệt hại do hành vi không thực hiện đúng nghĩa vụ trong hợp đồng của bên kia được bồi thường. - Trường hợp việc đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng không có căn cứ quy định tại khoản 1 Điều này thì bên đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng được xác định là bên vi phạm nghĩa vụ và phải thực hiện trách nhiệm dân sự theo quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan do không thực hiện đúng nghĩa vụ trong hợp đồng. Đơn phương chấm dứt hợp đồng có lấy lại được tiền đặt cọc? Đặt cọc là việc một bên (sau đây gọi là bên đặt cọc) giao cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận đặt cọc) một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác (sau đây gọi chung là tài sản đặt cọc) trong một thời hạn để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng. Trường hợp hợp đồng được giao kết, thực hiện thì tài sản đặt cọc được trả lại cho bên đặt cọc hoặc được trừ để thực hiện nghĩa vụ trả tiền; nếu bên đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì tài sản đặt cọc thuộc về bên nhận đặt cọc; nếu bên nhận đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Do thuê nhà không phải trường hợp bắt buộc phải đặt cọc bởi đây chỉ là hành vi để đảm bảo cho việc thực hiện hợp đồng thuê nhà. Đồng thời, theo khoản 2 Điều 328 Bộ luật Dân sự 2015, khi hợp đồng thuê nhà được thực hiện thì tiền cọc sẽ được trả lại cho người thuê hoặc được trừ vào tiền nhà. Tuy nhiên, thực tế, nhiều trường hợp tiền cọc bị người cho thuê giữ lại, chờ đến khi người thuê chấm dứt việc thuê nhà mới trả lại cho bên thuê. Do đó, để xác định có phải trả tiền cọc khi chấm dứt hợp đồng thuê nhà trước hạn không, hai bên cần căn cứ vào thỏa thuận trước đó nêu trong hợp đồng thuê nhà và có thể xác định trong một số trường hợp sau đây tiền cọc có thể sẽ không được trả lại: - Hai bên không đặt cọc trước khi ký hợp đồng thuê nhà. - Hai bên thỏa thuận không phạt cọc khi một trong hai bên chấm dứt hợp đồng thuê nhà trước hạn. - Tiền đặt cọc đã được trừ vào tiền thuê nhà ngay tháng sau đó khi người thuê chuyển vào ở trong nhà thuê. - Cả hai bên cùng có lỗi hoặc có sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan... theo quy định tại Nghị quyết 01/2003/NQ-HĐTP. Theo đó, đối với hợp đồng đơn phương chấm dứt, bên thuê chỉ được đơn phương chấm dứt hợp đồng theo những quy định của pháp luật tại Điều 132 của Luật Nhà ở 2014 hoặc những trường hợp khác theo hợp đồng thuê nhà thì lúc này mới được hoàn lại tiền cọc. Còn không thì vẫn sẽ phải mất tiền cọc nếu các bên không có thỏa thuận khác. Hướng dẫn cách đòi lại tiền cọc Thương lượng Khi xảy ra tranh chấp hợp đồng thuê nhà về tiền cọc, các bên nên chủ động liên lạc và tiến hành thương lượng. Trình bày quan điểm và khó khăn của mình với các bên còn lại, nhằm tìm ra tiếng nói chung, hướng đến giải pháp tích cực nhất. Tuy nhiên hầu hết các trường hợp khi xảy ra tranh chấp, phương thức thương lượng trở nên không mấy khả quan, vì vậy rất cần có bên thứ 3 tham gia đứng ra hỗ trợ giải quyết vụ việc. Trường hợp hòa giải không thành, các bên có thể khởi kiện lên Tòa án để yêu cầu giải quyết theo quy định của pháp luật. Khởi kiện Hồ sơ khởi kiện: Đơn khởi kiện (Mẫu đơn 23-DS theo Nghị quyết số 01/2017/NQ-HĐTP do Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao ban hành ngày 13/01/2017) Các giấy tờ liên quan đến vụ kiện: hợp đồng cho thuê nhà ở, giấy tờ có liên quan Đối với cá nhân: Giấy chứng minh nhân dân, hộ khẩu (bản sao có công chứng). Cách thức thực hiện. Nộp hồ sơ khởi kiện và các giấy tờ có liên quan đến Tòa án nhân dân cấp huyện nơi bên cho thuê nhà đang cư trú để tòa án tiến hành xem xét tính hợp pháp của đơn kiện. Có thể nộp hồ sơ qua hình thức trực tiếp tại Tòa án hoặc qua bưu điện đến Tòa án có thẩm quyền. - Trong vòng 05 ngày đến 08 ngày nếu đơn khởi kiện thuộc thẩm quyền, hợp pháp Tòa án sẽ ra thông báo về việc nộp tiền tạm ứng án phí. - Từ thời điểm người khởi kiện nộp lại biên lai thu tiền tạm ứng án phí Tòa án sẽ tiến hành thụ lý đơn khởi kiện và giải quyết vụ việc.
UBND cấp xã đơn phương chấm dứt hợp đồng thì phải bồi thường gì?
UBND xã có ký với hộ dân về thuê kiot chợ nhưng do tranh chấp về kiot giữa hộ dân với hộ dân lên UBND xã nên UBND xã đã đơn phương chấm dứt hợp đồng cho thuê. Vậy thủ tục để UBND đơn phương chấm dứt hợp đồng là gì và thì phải bồi thường với hộ dân như thế nào? Tại Nghị định 02/2003/NĐ-CP về phát triển và quản lý chợ thì không có quy định cụ thể về việc khi đơn phương chấm dứt hợp đồng thuê này thì sẽ xử lý như thế nào. Tuy nhiên, theo nguyên tắc thì khi đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng, các bên sẽ căn cứ vào điều khoản hợp đồng đã ký kết để xem xét vấn đề giải quyết như thế nào theo Hợp đồng. Nếu không thể thỏa thuận được hoặc không có quy định trong hợp đồng và muốn đảm bảo quyền lợi thì hộ dân có thể làm đơn khởi kiện tại Tòa án. Về nguyên tắc, tại Điều 428 Bộ luật Dân sự 2015 quy định như sau: "Điều 428. Đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng 1. Một bên có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng và không phải bồi thường thiệt hại khi bên kia vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trong hợp đồng hoặc các bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định. 2. Bên đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng phải thông báo ngay cho bên kia biết về việc chấm dứt hợp đồng, nếu không thông báo mà gây thiệt hại thì phải bồi thường. ... 4. Bên bị thiệt hại do hành vi không thực hiện đúng nghĩa vụ trong hợp đồng của bên kia được bồi thường." >> Như vậy, nếu hộ thuê kiot đó chứng minh được việc UBND đơn phương chấm dứt hợp đồng mà gây thiệt hại, nếu không thỏa thuận được phương án thì có thể làm đơn khởi kiện ra Tòa án để Tòa xem xét giải quyết, chứ không có quy định cụ thể.
Phân biệt đơn phương chấm dứt hợp đồng và hủy bỏ hợp đồng
Hủy bỏ hợp đồng và đơn phương chấm dứt hợp đồng đều thuộc trường hợp kết thúc thực hiện hợp đồng. Vậy 2 trường hợp này giống và khác nhau như thế nào. Giống nhau: - Đều có hậu quả là kết thúc việc thực hiện hợp đồng - Do một bên thực hiện - Chỉ không phải bồi thường khi một bên vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trong hợp đồng. Đây cũng là điều kiện để áp dụng việc hủy bỏ hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng. - Phải thông báo ngay cho bên kia biết về việc chấm dứt hoặc hủy bỏ, nếu không thông báo mà gây thiệt hại thì phải bồi thường Khác nhau: Tiêu chí Hủy bỏ hợp đồng Đơn phương chấm dứt hợp đồng Căn cứ pháp lý Điều 423 Bộ luật Dân sự 2015 Điều 428 Bộ luật Dân sự 2015 Các trường hợp - Do chậm thực hiện nghĩa vụ - Do không có khả năng thực hiện - Do tài sản bị hư hại, bị hỏng, bị mất - Khi một bên vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trong hợp đồng - Do hai bên thỏa thuận - Do pháp luật quy định Điều kiện áp dụng Phải có sự vi phạm hợp đồng và đây cũng là điều kiện để hủy bỏ hợp đồng Không bắt buộc phải có sự vi phạm hợp đồng bởi hai bên có thể thỏa thuận hoặc do pháp luật quy định Hậu quả - Hợp đồng không có hiệu lực từ thời điểm giao kết, các bên không phải thực hiện nghĩa vụ đã thỏa thuận - Hoàn trả cho nhau những gì đã nhận sau khi trừ đi chi phí - Hợp đồng chấm dứt kể từ thời điểm bên kia nhận được thông báo chấm dứt - Các bên không phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ nữa
Chào luật sư, cho em hỏi là em mới thi đậu viên chức và đang làm nhân viên thiết bị - thư viện ở trường cấp 1, nhưng em học sp hóa. Lí do em thi vào tbi vì năm nay chỗ em ko có chỉ tiêu gv hóa. Nhưng sau 1 TG em làm em thấy mình không hợp với cv này và mong muốn năm sau thi lại GV hóa nếu có chỉ tiêu. Vậy thì năm sau em Viet đơn nghỉ ở nơi mình làm ở c1 rồi dự thi viên chức gv tiếp cũng ở nơi em ở có đc ko ạ? Và khi em thi tiếp thì phải viết đơn nghỉ ở chỗ e làm trước rồi mới đc thi phải ko ạ? Và khi em viết đơn chấm dứt hợp đồng như vậy thì có Sao ko ạ? Vì em mới làm đc 1 năm.
Vì sao lại không nên “phông bạt” trong CV ứng tuyển?
Nhiều người cho rằng việc tô vẽ thêm một chút kinh nghiệm hay kỹ năng sẽ giúp họ tăng cơ hội được tuyển dụng. Tuy nhiên, liệu cách làm này có thực sự hiệu quả và mang lại những lợi ích lâu dài? (1) “Phông bạt” trong CV là gì? “Phông bạt” trong CV (hồ sơ xin việc) là việc các ứng viên tô vẽ, “phóng đại” thêm một chút về kinh nghiệm hay kỹ năng của mình trong hồ sơ ứng tuyển việc làm, nhằm mục đích cho hồ sơ đẹp hơn, thu hút nhà tuyển dụng hơn, và từ đó nâng cao khả năng có việc làm hơn. Trong thị trường việc làm cạnh tranh cao như hiện nay, nhiều bạn trẻ cảm thấy áp lực và muốn tạo ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng nên đã chọn cách “phông bạt” trong CV ứng tuyển việc làm. Tuy nhiên, việc "phóng đại", “phông bạt” về năng lực tưởng chừng không sao này lại gây ra không ít hậu quả cho doanh nghiệp và chính ứng viên đó. Đơn cử như khi một doanh nghiệp cần tuyển một nhân viên bán hàng thì nhận được CV rất phù hợp từ kinh nghiệm làm việc đến những kỹ năng mà ứng viên có, nhưng đến khi vào thì ứng viên không làm được việc mà chính người này đã “phông bạt trong CV. Điều này dẫn đến việc doanh nghiệp không chỉ mất thời gian và chi phí tuyển dụng mà còn đối diện với rủi ro về hiệu suất làm việc và uy tín thương hiệu khi một nhân viên không đủ khả năng có thể làm giảm năng suất của cả đội ngũ, gây ảnh hưởng đến các mục tiêu kinh doanh và sự hài lòng của khách hàng. Hơn nữa, trong bối cảnh công nghệ thông tin phát triển, việc kiểm tra thông tin trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Các nhà tuyển dụng hoàn toàn có thể xác minh thông tin một cách nhanh chóng thông qua mạng xã hội hoặc các nền tảng chuyên nghiệp như LinkedIn hoặc gọi trực tiếp để kiểm tra chéo tại công ty cũ của ứng viên. Khi sự thật về kinh nghiệm và kỹ năng của ứng viên bị phát hiện, ứng viên có thể phải đối mặt với những hậu quả nghiêm trọng như bị sa thải hoặc mất cơ hội thăng tiến trong tương lai. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến sự nghiệp mà còn làm tổn hại đến danh tiếng cá nhân trong ngành nghề. Có thể thấy, việc “phông bạt” trong CV không chỉ là một hành động thiếu trung thực mà còn thể hiện sự thiếu tự tin của ứng viên về khả năng của chính mình. Thay vì phóng đại, ứng viên nên tập trung vào việc phát triển kỹ năng và kinh nghiệm thực tế, từ đó xây dựng một hồ sơ xin việc chân thực và ấn tượng. Một CV trung thực, mặc dù có thể không hoàn hảo, nhưng lại thể hiện được sự tự tin và tính cách của ứng viên, từ đó tạo dựng được niềm tin với nhà tuyển dụng. (2) Hậu quả của việc “phông bạt” trong CV ứng tuyển Theo quy định tại khoản 2 Điều 16 Bộ Luật Lao động 2019, người lao động có nghĩa vụ phải cung cấp thông tin trung thực cho người sử dụng lao động về họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi cư trú, trình độ học vấn, trình độ kỹ năng nghề, xác nhận tình trạng sức khỏe và vấn đề khác liên quan trực tiếp đến việc giao kết hợp đồng lao động mà người sử dụng lao động yêu cầu. Cùng với đó, theo quy định điểm a và điểm g tại khoản 1 Điều 36 Bộ Luật Lao động 2019, người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong trường hợp: - Người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động được xác định theo tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành công việc trong quy chế của người sử dụng lao động. - Người lao động cung cấp không trung thực thông tin theo quy định tại khoản 2 Điều 16 Bộ Luật Lao động 2019 khi giao kết hợp đồng lao động làm ảnh hưởng đến việc tuyển dụng người lao động. Chiếu theo các quy định trên, có thể thấy rằng việc “phông bạt” không chỉ là hành động thiếu trung thực mà còn vi phạm pháp luật. Nếu nhà tuyển dụng phát hiện ứng viên đã cung cấp thông tin sai lệch, họ có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động. Điều này không chỉ gây ra thiệt hại cho ứng viên về mặt tài chính mà còn làm tổn hại đến danh tiếng cá nhân trong ngành, tạo ra một rào cản lớn cho những cơ hội nghề nghiệp trong tương lai. Ngoài ra, việc “phông bạt” cũng có thể dẫn đến những hệ lụy khác như sự mất lòng tin từ phía đồng nghiệp và cấp trên. Một ứng viên không trung thực sẽ gặp khó khăn trong việc xây dựng mối quan hệ làm việc tốt đẹp và có thể bị cô lập trong môi trường làm việc. Việc “phông bạt” trong CV ứng tuyển có thể mang lại lợi ích ngắn hạn nhưng lại gây ra nhiều hậu quả lâu dài và nghiêm trọng. Sự trung thực và chính trực không chỉ là những yếu tố quyết định thành công trong sự nghiệp mà còn là nền tảng cho một môi trường làm việc tích cực và bền vững. Ứng viên nên nhận thức rõ rằng sự phát triển bền vững đến từ việc xây dựng một hình ảnh chân thực và đáng tin cậy, từ đó mở ra nhiều cơ hội hơn trong tương lai.
Có thể bố trí nghỉ 60 phút cuối ngày làm việc đối với lao động nữ nuôi con nhỏ không?
Theo quy định thì lao động nữ nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi thì có thể bố trí nghỉ 60 phút một ngày làm việc. Vậy có thể bố trí 60 phút nghỉ này ở cuối ngày thay vì giữa ngày làm việc không? Có thể bố trí nghỉ 60 phút cuối ngày làm việc đối với lao động nữ nuôi con nhỏ không? Theo khoản 4 Điều 137 Bộ luật lao động 2019 quy định lao động nữ trong thời gian hành kinh được nghỉ mỗi ngày 30 phút, trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi được nghỉ mỗi ngày 60 phút trong thời gian làm việc. Thời gian nghỉ vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động. Theo đó, khoản 4 Điều 80 Nghị định 145/2020/NĐ-CP hướng dẫn như sau: Nghỉ trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi: - Lao động nữ trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi có quyền được nghỉ mỗi ngày 60 phút trong thời gian làm việc để cho con bú, vắt, trữ sữa, nghỉ ngơi. Thời gian nghỉ vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động; - Trường hợp lao động nữ có nhu cầu nghỉ linh hoạt hơn so với quy định tại điểm a khoản này thì người lao động thỏa thuận với người sử dụng lao động để được bố trí nghỉ phù hợp với điều kiện thực tế tại nơi làm việc và nhu cầu của lao động nữ; - Trường hợp lao động nữ không có nhu cầu nghỉ và được người sử dụng lao động đồng ý để người lao động làm việc thì ngoài tiền lương được hưởng theo quy định tại điểm a khoản này, người lao động được trả thêm tiền lương theo công việc mà người lao động đã làm trong thời gian được nghỉ. Như vậy, trường hợp lao động nữ có nhu cầu nghỉ linh hoạt hơn (không nghỉ trong giờ làm việc mà nghỉ cuối ngày) thì mới có thể bố trí cho lao động nữ nghỉ 60 phút cuối ngày, còn nếu lao động nữ vẫn muốn nghỉ trong giờ làm việc thì phải bố trí nghỉ trong giờ làm việc. Lao động nữ đang nuôi con nhỏ có được làm thêm giờ không? Theo khoản 1 Điều 137 Bộ luật Lao động 2019 quy định như sau: Người sử dụng lao động không được sử dụng người lao động làm việc ban đêm, làm thêm giờ và đi công tác xa trong trường hợp sau đây: - Mang thai từ tháng thứ 07 hoặc từ tháng thứ 06 nếu làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; - Đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, trừ trường hợp được người lao động đồng ý. Như vậy, người sử dụng lao động không được sử dụng lao động nữ đang nuôi con nhỏ (dưới 12 tháng tuổi) làm thêm giờ, trừ trường hợp người lao động đồng ý. Công ty có được đơn phương chấm dứt hợp đồng khi lao động nữ nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi không? Theo Điều 37 Bộ luật Lao động 2019 quy định về trường hợp người sử dụng lao động không được thực hiện quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động bao gồm: - Người lao động ốm đau hoặc bị tai nạn, bệnh nghề nghiệp đang điều trị, điều dưỡng theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều 36 Bộ luật Lao động 2019. - Người lao động đang nghỉ hằng năm, nghỉ việc riêng và trường hợp nghỉ khác được người sử dụng lao động đồng ý. - Người lao động nữ mang thai; người lao động đang nghỉ thai sản hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi. Như vậy, công ty không được thực hiện đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với lao động nữ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
Phụ nữ mới mang thai có được đi trễ một tiếng so với giờ làm không?
Phụ nữ mới mang thai có được đi trễ một tiếng so với giờ làm không? Trách nhiệm của công ty trong thực hiện công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản của người lao động? Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng của lao động nữ mang thai được quy định như thế nào? 1. Phụ nữ mới mang thai có được đi trễ một tiếng so với giờ làm không? Căn cứ khoản 2 Điều 137 Bộ luật Lao động 2019, lao động nữ làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc làm nghề, công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản và nuôi con khi mang thai và có thông báo cho người sử dụng lao động biết thì được người sử dụng lao động chuyển sang làm công việc nhẹ hơn, an toàn hơn hoặc giảm bớt 01 giờ làm việc hằng ngày mà không bị cắt giảm tiền lương và quyền, lợi ích cho đến hết thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi. Như vậy, nếu lao động nữ mới mang thai mà đang làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc làm nghề, công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản và có thông báo cho người sử dụng lao động biết thì được giảm bớt 01 giờ làm việc hằng ngày. Khi đó, người lao động có thể thỏa thuận với công ty về việc đi trễ một tiếng so với giờ làm. 2. Trách nhiệm của công ty trong thực hiện công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản của người lao động? Căn cứ Điều 11 Thông tư 10/2020/TT-BLĐTBXH, người sử dụng lao động có trách nhiệm trong thực hiện công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản của người lao động như sau: - Thực hiện công bố công khai để người lao động biết về những nghề, công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản và nuôi con đang có tại nơi làm việc (sau đây gọi tắt là nghề, công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản và nuôi con). - Cung cấp đầy đủ thông tin về tác hại cũng như các biện pháp phòng, chống các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại của các nghề, công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản và nuôi con để người lao động lựa chọn, quyết định làm việc; thực hiện khám sức khỏe trước khi bố trí làm việc, khám sức khỏe định kỳ, khám bệnh nghề nghiệp và bảo đảm điều kiện an toàn, vệ sinh lao động theo quy định của pháp luật, khi sử dụng người lao động làm nghề, công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản và nuôi con. Như vậy, công ty có trách nhiệm công bố công khai để người lao động biết về công việc, ngành nghề có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản. Đồng thời phải cung cấp đầy đủ thông tin liên quan, thực hiện khám sức khỏe và bảo đảm cho người lao động. 3. Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng của lao động nữ mang thai được quy định như thế nào? Căn cứ Điều 138 Bộ luật Lao động 2019, lao động nữ có quyền đơn phương chấm dứt, tạm hoãn hợp đồng lao động trong các trường hợp sau: - Lao động nữ mang thai nếu có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc tiếp tục làm việc sẽ ảnh hưởng xấu tới thai nhi thì có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động hoặc tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động. Trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động hoặc tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động thì phải thông báo cho người sử dụng lao động kèm theo xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc tiếp tục làm việc sẽ ảnh hưởng xấu tới thai nhi. - Trường hợp tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, thời gian tạm hoãn do người lao động thỏa thuận với người sử dụng lao động nhưng tối thiểu phải bằng thời gian do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền chỉ định tạm nghỉ. Trường hợp không có chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về thời gian tạm nghỉ thì hai bên thỏa thuận về thời gian tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động. Như vậy, lao động nữ có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nếu có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc tiếp tục làm việc sẽ ảnh hưởng xấu tới thai nhi. Tóm lại, nếu lao động nữ mới mang thai mà đang làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc làm nghề, công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản và có thông báo cho người sử dụng lao động biết thì được giảm bớt 01 giờ làm việc hằng ngày. Việc giảm bớt 01 giờ làm này có thể thỏa thuận để đi trễ, về sớm hoặc nghỉ trong giờ làm việc. Còn đối với lao động nữ mang thai làm việc trong môi trường bình thường thì có thể thỏa thuận với công ty để đi trễ hơn một tiếng so với giờ làm, việc này hoàn toàn phụ thuộc vào thỏa thuận giữa các bên, pháp luật không hạn chế điều này.
Viên chức nghỉ ngay sau khi nộp đơn xin thôi việc, cơ quan phải xử lý thế nào?
Việc viên chức nghỉ ngay sau khi nộp đơn xin thôi việc sẽ gây ra nhiều khó khăn trong việc sắp xếp công việc và ảnh hưởng đến hoạt động chung, cơ quan phải xử lý như thế nào? (1) Viên chức nộp đơn xin thôi việc được nghỉ sau bao lâu? Theo quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều 29 Luật Viên chức 2010, viên chức được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc, tuy nhiên phải tuân thủ theo các quy định sau: - Đối với hợp đồng làm việc không xác định thời hạn: phải thông báo bằng văn bản cho người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập biết trước ít nhất 45 ngày; trường hợp viên chức ốm đau hoặc bị tai nạn đã điều trị 06 tháng liên tục thì phải báo trước ít nhất 03 ngày. - Đối với hợp đồng làm việc xác định thời hạn, viên chức có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng trong các trường hợp sau: + Không được bố trí theo đúng vị trí việc làm, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm các điều kiện làm việc đã thỏa thuận trong hợp đồng làm việc; + Không được trả lương đầy đủ hoặc không được trả lương đúng thời hạn theo hợp đồng làm việc; + Bị ngược đãi; bị cưỡng bức lao động; + Bản thân hoặc gia đình thật sự có hoàn cảnh khó khăn không thể tiếp tục thực hiện hợp đồng; + Viên chức nữ có thai phải nghỉ việc theo chỉ định của cơ sở chữa bệnh; + Viên chức ốm đau hoặc bị tai nạn đã điều trị từ 03 tháng liên tục mà khả năng làm việc chưa hồi phục. Theo thủ tục giải quyết thôi việc cho viên chức trong trường hợp viên chức đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc được quy định tại điểm a khoản 3 Điều 57 Nghị định 115/2020/NĐ-CP như sau: Trường hợp viên chức đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc thì phải thông báo bằng văn bản gửi cho người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập biết theo quy định tại khoản 6 Điều 29 Luật Viên chức 2010 Theo quy định trên, khi viên chức đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc thì phải tuân theo quy định tại khoản 6 Điều 29 Luật Viên chức 2010, cụ thể: Viên chức phải thông báo bằng văn bản về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc cho người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập biết trước ít nhất 03 ngày đối với các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, đ và e khoản 5 Điều 29 Luật Viên chức 2010; ít nhất 30 ngày đối với trường hợp quy định tại điểm d khoản 5 Điều 29 Luật Viên chức 2010. Như vậy, dựa theo các quy định trên, viên chức sau khi nộp đơn xin thôi việc, tùy vào lý do nghỉ việc và loại hợp đồng làm việc đã ký mà phải báo cho cơ quan trước ngày muốn nghỉ việc là 03 ngày, 30 ngày hoặc 45 ngày. Ngoài ra, viên chức phải có quyết định cho thôi việc của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập thì mới xem là thôi việc hợp pháp. (2) Cơ quan phải xử lý thế nào khi viên chức nghỉ ngay sau khi nộp đơn thôi việc Việc viên chức nghỉ ngay sau khi nộp đơn thôi việc là đã vi phạm quy định pháp luật về chức trách, nhiệm vụ của viên chức trong vấn đề thôi việc. Theo quy định tại khoản 2 Điều 16 Nghị định 112/2020/NĐ-CP, khi viên chức vi phạm quy định của pháp luật về: thực hiện chức trách, nhiệm vụ của viên chức; kỷ luật lao động; quy định, nội quy, quy chế làm việc của đơn vị sự nghiệp công lập đã được cấp có thẩm quyền nhắc nhở bằng văn bản thì cơ quan áp dụng hình thức kỷ luật khiển trách đối với viên chức. (3) Kết luận Việc viên chức nghỉ việc ngày khi nộp đơn thôi việc sẽ làm ảnh hưởng đến tiến độ công việc, gây khó khăn cho việc bàn giao, tiếp nhận công việc. Ngoài ra còn gây mất cân bằng nhân sự, thiếu hụt nguồn nhân lực và tạo tâm lý e dè, lo lắng cho các cán bộ, công chức khác, ảnh hưởng đến tinh thần chung của tập thể. Do vậy, khi nghỉ việc, viên chức cần nâng cao ý thức trách nhiệm, thực hiện đúng nghĩa vụ, cam kết trong hợp đồng lao động. Bên cạnh đó, trong trường hợp có ý định nghỉ việc, cần báo cáo theo đúng quy định, bàn giao công việc cẩn thận, đầy đủ để không ảnh hưởng đến hoạt động chung. Về phía cơ quan, để ổn định nhân sự, cơ quan cần có chính sách đãi ngộ, chế độ làm việc hợp lý, tạo môi trường làm việc chuyên nghiệp, văn minh để thu hút và giữ chân nhân tài. Ngoài ra, người đứng đầu cơ quan cần quan tâm, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của viên chức, kịp thời giải quyết những mâu thuẫn, bất cập trong công việc. Cùng với đó là tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục về ý thức trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp của viên chức và xây dựng quy trình xử lý rõ ràng, cụ thể khi viên chức nộp đơn xin thôi việc và tự ý nghỉ việc, đảm bảo vừa tuân thủ pháp luật vừa đảm bảo hoạt động của cơ quan.
Hợp đồng thuê nhà có tự động chấm dứt khi chủ nhà không may gặp tai nạn qua đời?
Căn nhà thuê có thời hạn 1 năm, không may thay chủ nhà vừa bị tai nạn qua đời. Liệu có thể tiếp tục hợp đồng thuê nhà không? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết sau : Hợp đồng thuê nhà là gì? Theo Điều 472 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về Hợp đồng thuê tài sản như sau: - Hợp đồng thuê tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho thuê giao tài sản cho bên thuê để sử dụng trong một thời hạn, bên thuê phải trả tiền thuê. - Hợp đồng thuê nhà ở, hợp đồng thuê nhà để sử dụng vào mục đích khác được thực hiện theo quy định của Bộ luật này, Luật nhà ở và quy định khác của pháp luật có liên quan. Căn cứ Điều 121 Luật nhà ở 2014 quy định hợp đồng về nhà ở do các bên thỏa thuận và phải được lập thành văn bản bao gồm các nội dung sau đây: - Họ và tên của cá nhân, tên của tổ chức và địa chỉ của các bên; - Mô tả đặc điểm của nhà ở giao dịch và đặc điểm của thửa đất ở gắn với nhà ở đó. Đối với hợp đồng mua bán, hợp đồng thuê mua căn hộ chung cư thì các bên phải ghi rõ phần sở hữu chung, sử dụng chung; diện tích sử dụng thuộc quyền sở hữu riêng; diện tích sàn xây dựng căn hộ; mục đích sử dụng của phần sở hữu chung, sử dụng chung trong nhà chung cư theo đúng mục đích thiết kế đã được phê duyệt ban đầu; - Giá trị góp vốn, giá giao dịch nhà ở nếu hợp đồng có thỏa thuận về giá; trường hợp mua bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở mà Nhà nước có quy định về giá thì các bên phải thực hiện theo quy định đó; - Thời hạn và phương thức thanh toán tiền nếu là trường hợp mua bán, cho thuê, cho thuê mua, chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở; - Thời gian giao nhận nhà ở; thời gian bảo hành nhà ở nếu là mua, thuê mua nhà ở được đầu tư xây dựng mới; thời hạn cho thuê, cho thuê mua, thế chấp, cho mượn, cho ở nhờ, ủy quyền quản lý nhà ở; thời hạn góp vốn; - Quyền và nghĩa vụ của các bên; - Cam kết của các bên; - Các thỏa thuận khác; - Thời điểm có hiệu lực của hợp đồng; - Ngày, tháng, năm ký kết hợp đồng; - Chữ ký và ghi rõ họ, tên của các bên, nếu là tổ chức thì phải đóng dấu (nếu có) và ghi rõ chức vụ của người ký. Theo đó, ta có thể hiểu hợp đồng nhà ở hợp đồng thuê nhà là một thỏa thuận pháp lý giữa chủ nhà và người thuê nhà. Trong hợp đồng này, chủ nhà đồng ý cho người thuê sử dụng tài sản của mình, thường là một căn nhà hoặc căn hộ trong một khoảng thời gian nhất định với điều kiện người thuê phải trả tiền thuê nhà theo đúng thỏa thuận. Chủ cho thuê nhà chết thì hợp đồng thuê nhà có tự động chấm dứt không? Căn cứ khoản 1 Điều 133 Luật nhà ở 2014 quy định về quyền tiếp tục thuê nhà ở như sau: - Trường hợp chủ sở hữu nhà ở chết mà thời hạn thuê nhà ở vẫn còn thì bên thuê nhà ở được tiếp tục thuê đến hết hạn hợp đồng. Người thừa kế có trách nhiệm tiếp tục thực hiện hợp đồng thuê nhà ở đã ký kết trước đó, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác. Trường hợp chủ sở hữu không có người thừa kế hợp pháp theo quy định của pháp luật thì nhà ở đó thuộc quyền sở hữu của Nhà nước và người đang thuê nhà ở được tiếp tục thuê theo quy định về quản lý, sử dụng nhà ở thuộc sở hữu nhà nước. - Trường hợp chủ sở hữu nhà ở chuyển quyền sở hữu nhà ở đang cho thuê cho người khác mà thời hạn thuê nhà ở vẫn còn thì bên thuê nhà ở được tiếp tục thuê đến hết hạn hợp đồng; chủ sở hữu nhà ở mới có trách nhiệm tiếp tục thực hiện hợp đồng thuê nhà ở đã ký kết trước đó, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác. - Khi bên thuê nhà ở chết mà thời hạn thuê nhà ở vẫn còn thì người đang cùng sinh sống với bên thuê nhà ở được tiếp tục thuê đến hết hạn hợp đồng thuê nhà ở, trừ trường hợp thuê nhà ở công vụ hoặc các bên có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác Theo đó, nếu bạn và người chủ đã chết ký kết hợp đồng thuê nhà với thời hạn 1 năm, hợp đồng cho thuê có giá trị pháp lý và còn thời hạn thì hợp đồng thuê nhà không tự động chấm dứt. Bạn vẫn tiếp tục được thuê nhà cho đến khi hết hợp đồng. Người thừa kế có trách nhiệm tiếp tục thực hiện hợp đồng thuê nhà đã ký kết trước đó. Bên cạnh đó, người thừa kế căn nhà không được ép buộc chấm dứt hợp đồng thuê nhà hoặc tăng giá thuê nhà so với hợp đồng đã ký kết trước đó. Trường hợp nào bên thuê có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng cho thuê nhà trước thời hạn? Căn cứ Điều 131 Luật nhà ở 2014 quy định các trường hợp chấm dứt hợp đồng thuê nhà ở: - Trường hợp thuê nhà ở thuộc sở hữu nhà nước thì việc chấm dứt hợp đồng thuê nhà được thực hiện khi có một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 84 của Luật này. - Trường hợp thuê nhà ở không thuộc sở hữu nhà nước thì việc chấm dứt hợp đồng thuê nhà ở được thực hiện khi có một trong các trường hợp sau đây: + Hợp đồng thuê nhà ở hết hạn; trường hợp trong hợp đồng không xác định thời hạn thì hợp đồng chấm dứt sau 90 ngày, kể từ ngày bên cho thuê nhà ở thông báo cho bên thuê nhà ở biết việc chấm dứt hợp đồng; + Hai bên thỏa thuận chấm dứt hợp đồng; + Nhà ở cho thuê không còn; + Bên thuê nhà ở chết hoặc có tuyên bố mất tích của Tòa án mà khi chết, mất tích không có ai đang cùng chung sống; + Nhà ở cho thuê bị hư hỏng nặng, có nguy cơ sập đổ hoặc thuộc khu vực đã có quyết định thu hồi đất, giải tỏa nhà ở hoặc có quyết định phá dỡ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; nhà ở cho thuê thuộc diện bị Nhà nước trưng mua, trưng dụng để sử dụng vào các mục đích khác. Bên cho thuê phải thông báo bằng văn bản cho bên thuê biết trước 30 ngày về việc chấm dứt hợp đồng thuê nhà ở quy định tại điểm này, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác; + Chấm dứt theo quy định tại Điều 132 Luật nhà ở 2014. Theo đó, nếu bạn muốn đơn phương chấm dứt hợp đồng thuê nhà trước thời hạn phải đáp ứng một trong các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 131 Luật nhà ở 2014. Đồng thời bạn phải tiến hành thông báo bằng văn bản cho bên thuê biết trước ít nhất 30 ngày về việc chấm dứt hợp đồng thuê nhà ở, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
Có được đơn phương hủy hợp đồng ủy quyền đã công chứng, chứng thực không?
Xin chào TVPL, tôi có vấn đề cần tham khảo về việc đơn phương chấm dứt HĐ ủy quyền. Nếu tối là người được ủy quyền thì tôi có được đơn phương hủy hợp đồng ủy quyền đã công chứng không. Vì HĐ ủy quyền này xung đột lợi ích của người ủy quyền với tôi. Đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng ủy quyền? Theo quy định tại Điều 569 Bộ luật Dân sự 2015 về đơn phương chấm dứt hợp đồng thực hiện ủy quyền: “Đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng ủy quyền - Trường hợp ủy quyền có thù lao, bên ủy quyền có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bất cứ lúc nào, nhưng phải trả thù lao cho bên được ủy quyền tương ứng với công việc mà bên được ủy quyền đã thực hiện và bồi thường thiệt hại; nếu ủy quyền không có thù lao thì bên ủy quyền có thể chấm dứt thực hiện hợp đồng bất cứ lúc nào, nhưng phải báo trước cho bên được ủy quyền một thời gian hợp lý. - Bên ủy quyền phải báo bằng văn bản cho người thứ ba biết về việc bên ủy quyền chấm dứt thực hiện hợp đồng; nếu không báo thì hợp đồng với người thứ ba vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp người thứ ba biết hoặc phải biết về việc hợp đồng ủy quyền đã bị chấm dứt. - Trường hợp ủy quyền không có thù lao, bên được ủy quyền có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bất cứ lúc nào, nhưng phải báo trước cho bên ủy quyền biết một thời gian hợp lý; nếu ủy quyền có thù lao thì bên được ủy quyền có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bất cứ lúc nào và phải bồi thường thiệt hại cho bên ủy quyền, nếu có.” Theo quy định trên, người được ủy quyền có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng ủy quyền bất cứ lúc nào, tuy nhiên người được ủy quyền cần phải thông báo trước cho người ủy quyền trong thời gian hợp lý. Theo đó, nếu cảm thấy hợp đồng xung đột với lợi ích của mình thì người được ủy quyền có thể đơn phương chấm dứt HĐ ủy quyền bất cứ lúc nào. Trường hợp hợp đồng ủy quyền có được trả thù lao thì người được ủy quyền cần phải bồi thường thiệt hại cho bên ủy quyền (nếu có). Có được đơn phương hủy hợp đồng ủy quyền đã công chứng? Căn cứ Điều 51 Luật Công chứng 2014 quy định về việc công chứng việc sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hợp đồng, giao dịch như sau: "Công chứng việc sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hợp đồng, giao dịch - Việc công chứng sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hợp đồng, giao dịch đã được công chứng chỉ được thực hiện khi có sự thỏa thuận, cam kết bằng văn bản của tất cả những người đã tham gia hợp đồng, giao dịch đó. - Việc công chứng sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hợp đồng, giao dịch đã được công chứng được thực hiện tại tổ chức hành nghề công chứng đã thực hiện việc công chứng đó và do công chứng viên tiến hành. Trường hợp tổ chức hành nghề công chứng đã thực hiện việc công chứng chấm dứt hoạt động, chuyển đổi, chuyển nhượng hoặc giải thể thì công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng đang lưu trữ hồ sơ công chứng thực hiện việc sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hợp đồng, giao dịch. - Thủ tục công chứng việc sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hợp đồng, giao dịch đã được công chứng được thực hiện như thủ tục công chứng hợp đồng, giao dịch quy định tại Chương này." Theo quy định trên, với hợp đồng ủy quyền đã có công chứng, người được ủy quyền chỉ được hủy bỏ, chấm dứt khi có sự thỏa thuận hoặc cam kết bằng văn bản của người ủy quyền và bên thứ ba (nếu có). Theo đó căn cứ quy định của pháp luật công chứng thì người được ủy quyền muốn hủy hợp đồng ủy quyền thì mình và người ủy quyền cần thực hiện thỏa thuận, cam kết hủy bỏ hợp đồng ủy quyền này tại nơi đã công chứng hợp đồng ủy quyền trước đó.
Bộ LĐTBXH hướng dẫn giải quyết tiền lương ngừng việc và lao động nữ sau khi sinh tăng ca
Công văn 308/CV-PC năm 2022 tải về việc thông báo kết luận của Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Lê Văn Thanh thông báo kết luận về các nội dung trả lời một số câu hỏi về Bộ luật Lao động 2019. Theo đó, Bộ LĐTBXH hướng dẫn giải quyết tiền lương ngừng việc và lao động nữ sau khi sinh muốn làm thêm như sau: (1) Giải quyết trường hợp NLĐ tự ý bỏ việc liên tục trên 5 ngày Về đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong trường hợp người lao động (NLĐ) tự ý bỏ việc 05 ngày làm việc liên tục trở lên Câu hỏi: “NLĐ tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng từ 05 ngày làm việc liên tục trở lên” (điểm e khoản 1 Điều 36 Bộ luật Lao động 2019) thì có được coi là NLĐ đã đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật (Điều 39 Bộ luật Lao động 2019) không? Trong trường hợp NLĐ đã thông báo cho người sử dụng lao động (NSDLĐ) về việc chấm dứt HĐLĐ theo đúng thời hạn báo trước quy định tại khoản 1 Điều 35 Bộ luật Lao động 2019 nhưng trong khoảng thời gian từ ngày thông báo cho NSDLĐ đến ngày HĐLĐ chấm dứt theo thông báo, NLĐ tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng từ 05 ngày làm việc liên tục trở lên thì có được coi là NLĐ đã đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật không? Hướng trả lời, hướng dẫn: - Để xác định hành vi của NLĐ là đơn phương chấm dứt HĐLĐ thì NSDLĐ phải chứng minh ý chí chủ quan của NLĐ là muốn chấm dứt HĐLĐ và không muốn quay trở lại làm việc nữa. - Khi NSDLĐ chứng minh được NLĐ không có nhu cầu làm việc nữa và NLĐ đã tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng từ 05 ngày làm việc liên tục trở lên (kể cả trong khoảng thời gian từ ngày thông báo cho NSDLĐ đến ngày HĐLĐ chấm dứt theo thông báo) thì trường hợp này được coi là NLĐ đã đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật. - Đối với các trường hợp khác thì không có cơ sở để khẳng định NLĐ đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật. Trong trường hợp này, NSDLĐ có thể đơn phương chấm dứt HĐLĐ theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều 36 Bộ luật Lao động 2019 hoặc xử lý kỷ luật NLĐ theo quy định tại khoản 4 Điều 125 Bộ luật Lao động 2019. (2) Giải quyết về tiền lương NLĐ ngừng việc Tại khoản 3 Điều 99 Bộ luật Lao động 2019 quy định tiền lương ngừng việc của NLĐ được thực hiện như sau: Câu hỏi: 14 ngày ngừng việc theo quy định tại khoản 3 Điều 99 Bộ luật Lao động 2019 được tính là 14 ngày ngừng việc liên tục hay cộng dồn? Nếu là cộng dồn thì cộng dồn trong 01 tháng hay cộng dồn trong chuỗi các sự kiện hay cộng dồn theo chu kỳ trả lương? Hướng trả lời, hướng dẫn Khoản 3 Điều 99 Bộ luật Lao động 2019 xác định rõ 2 nội dung, đó là: ngừng việc phải gắn với lý do (sự cố điện, nước; thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm...) và ngừng việc 14 ngày. Điều luật không quy định rõ 14 ngày làm việc liên tục hay cộng dồn. Do việc ngừng việc phải được gắn với lý do/sự kiện cụ thể dẫn đến ngừng việc, nên 14 ngày ngừng việc cần được hiểu là 14 ngày ngừng việc liên tục theo từng sự kiện. (3) Hướng dẫn trường hợp lao động nữ được giảm giờ làm nhưng làm thêm giờ Về làm thêm đối với lao động nữ trong thời gian được giảm bớt 01 giờ làm việc hằng ngày (khoản 2 Điều 137 Bộ luật Lao động 2019) Câu hỏi: Trong thời gian được giảm bót 01 giờ làm việc hằng ngày đối với lao động nữ (1) làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc làm nghề, công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản và nuôi con (2) khi mang thai từ dưới tháng thứ 07 hoặc từ dưới tháng thứ 06 nếu làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo thì lao động nữ có được làm việc không và mức tiền được trả trong thời gian này là như thế nào? Hướng trả lời, hướng dẫn: - Khoản 1 Điều 137 Bộ luật Lao động 2019 chỉ cấm 02 trường hợp không được sử dụng người lao động làm thêm giờ, BLLĐ không cấm làm thêm giờ trong các trường hợp nêu ở câu hỏi. Đồng thời, đây là quy định về quyền được nghỉ của người lao động. Do đó, NLĐ được phép thỏa thuận với NSDLĐ để làm việc trong thời gian được nghỉ đó. - Về mức tiền được trả trong thời gian làm việc của 01 giờ làm việc hằng ngày được giảm bớt: Để bảo đảm việc áp dụng chính sách đối với lao động nữ được thống nhất, trường hợp này cần được thực hiện tương tự như chính sách quy định tại khoản 4 Điều 137 Bộ luật Lao động 2019; điểm c khoản 3 và điểm c khoản 4 Điều 80 Nghị định 145/2020/NĐ-CP. Theo đó, trường hợp lao động nữ không có nhu cầu nghỉ và được NSDLĐ đồng ý để NLĐ làm việc thì ngoài tiền lương được hưởng theo HĐLĐ, NLĐ được trả thêm tiền lương theo công việc mà NLĐ đã làm trong thời gian được nghỉ. tải Công văn 308/CV-PC năm 2022
Công ty đơn phương chấm dứt hợp đồng do người lao động không đồng ý giảm lương có vi phạm?
Nguyên tắc trả lương? Công ty cắt giảm lương mà không được sự đồng ý của NLĐ thì có vi phạm? Nếu NLĐ không đồng ý giảm lương NSDLĐ đơn phương chấm dứt HĐLĐ có báo trước cho NLĐ thì có vi phạm luật? Nguyên tắc trả lương? Tại Bộ luật Lao động 2019 quy định về Nguyên tắc trả lương: Người sử dụng lao động phải trả lương trực tiếp, đầy đủ, đúng hạn cho người lao động. Trường hợp người lao động không thể nhận lương trực tiếp thì người sử dụng lao động có thể trả lương cho người được người lao động ủy quyền hợp pháp. Như vậy, về nguyên tắc trả lương công ty phải trả đủ lương và đúng hạn theo như thỏa thuận trong hợp đồng lao động cho người lao động. Công ty cắt giảm lương mà không được sự đồng ý của NLĐ thì có vi phạm? Tại Bộ luật Lao động 2019 quy định về việc sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động: Trong quá trình thực hiện hợp đồng lao động, nếu bên nào có yêu cầu sửa đổi, bổ sung nội dung hợp đồng lao động thì phải báo cho bên kia biết trước ít nhất 03 ngày làm việc về nội dung cần sửa đổi, bổ sung. Theo đó, nếu muốn giảm tiền lương của NLĐ thì công ty phải báo trước ít nhất là 03 ngày làm việc. Nếu người lao động đồng ý về việc giảm lương thì cả hai bên có thể thỏa thuận ký phụ lục hợp đồng hoặc là ký hợp đồng mới để điều chỉnh lại mức lương. Tuy nhiên, nếu như NLĐ không đồng ý việc giảm lương thì công ty vẫn phải có trách nhiệm trả đủ lương và đúng hạn. Công ty cắt giảm lương mà không được sự đồng ý của NLĐ thì công ty đang vi phạm pháp luật. Nếu NLĐ không đồng ý giảm lương NSDLĐ đơn phương chấm dứt HĐLĐ có báo trước cho NLĐ thì có vi phạm luật? Căn cứ tại Bộ luật Lao động 2019 quy định NSDLĐ chỉ được đơn phương chấm dứt hợp đồng trong các trường hợp: 1. Người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động được xác định theo tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành công việc trong quy chế của doanh nghiệp. Quy chế đánh giá mức độ hoàn thành công việc do doanh nghiệp ban hành nhưng phải tham khảo ý kiến tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở. 2. Người lao động bị ốm đau, tai nạn đã điều trị với thời gian tối thiểu như sau mà khả năng lao động vẫn chưa hồi phục: - 12 tháng liên tục đối với người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn. - 06 tháng liên tục đối với người lao động làm theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng. - Quá nửa thời hạn hợp đồng lao động đối với người làm theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng. Khi sức khỏe của người lao động bình phục, thì người lao động được xem xét để tiếp tục giao kết hợp đồng lao động; 3. Do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, địch họa hoặc do di dời, thu hẹp sản xuất, kinh doanh theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền mà doanh nghiệp đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải giảm chỗ làm việc. 4. Người lao động không có mặt tại nơi làm việc sau thời hạn tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động 5. Người lao động đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại Bộ luật Lao động 2019 6. Người lao động tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng từ 05 ngày làm việc liên tục trở lên. 7. Người lao động cung cấp không trung thực thông tin mà người sử dụng lao động yêu cầu khi giao kết hợp đồng lao động làm ảnh hưởng đến việc tuyển dụng người lao động. Để việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đúng pháp luật thì ngoài việc phải thuộc các trường hợp nêu trên, doanh nghiệp còn phải đáp ứng yêu cầu về thời hạn báo trước cho người lao động. Ngoài ra, còn lưu các trường hợp không được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với trường hợp người nêu tại Điều 37 Bộ luật lao động 2019. Như vậy, nếu Doanh nghiệp thông báo đơn phương chấm dứt hợp đồng đúng thời hạn theo quy định nhưng lý do không thuộc các trường hợp được đơn phương chấm dứt hợp đồng nêu trên do đó không được đơn phương chấm dứt hợp đồng. Việc đơn phương này sẽ trái quy định của pháp luật.
Có được bán nhà khi còn hợp đồng cho thuê không?
Hiện nay, việc thuê nhà để ở và kinh doanh theo nhu cầu diễn ra khá nhiều, dẫn đến hợp đồng cho thuê cũng dần trở nên phổ biến hơn. Tuy nhiên, trong thực tế, không ít vụ tranh chấp xảy ra về hợp đồng cho thuê, đặc biệt là tranh chấp về việc bên cho thuê muốn tiến hành bán nhà trong thời hạn hợp đồng cho thuê. Vậy trong trường hợp này, việc bán nhà sẽ được xử lý như thế nào để quyền lợi của bên thuê vẫn được đảm bảo? 1. Các trường hợp được đơn phương chấm dứt hợp đồng thuê nhà Theo quy định tại khoản 2 Điều 132 Luật Nhà ở 2014, bên cho thuê được đơn phương chấm dứt hợp đồng thuê nhà và thu hồi nhà ở đang cho thuê nếu thuộc các trường hợp sau: – Bên cho thuê nhà ở thuộc sở hữu nhà nước, nhà ở xã hội cho thuê không đúng thẩm quyền, không đúng đối tượng, không đúng điều kiện theo quy định của Luật Nhà ở – Bên thuê không trả tiền thuê nhà ở theo thỏa thuận từ 03 tháng trở lên mà không có lý do chính đáng; – Bên thuê sử dụng nhà ở không đúng mục đích như đã thỏa thuận trong hợp đồng; – Bên thuê tự ý đục phá, cơi nới, cải tạo, phá dỡ nhà ở đang thuê; – Bên thuê chuyển đổi, cho mượn, cho thuê lại nhà ở đang thuê mà không có sự đồng ý của bên cho thuê; – Bên thuê làm mất trật tự, vệ sinh môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt của những người xung quanh đã được bên cho thuê nhà ở hoặc tổ trưởng tổ dân phố, trưởng thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc lập biên bản đến lần thứ ba mà vẫn không khắc phục; – Bên cho thuê thực hiện cải tạo nhà ở và không thoả thuận được với bên thuê thì bên cho thuê có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng thuê nhà ở và phải bồi thường cho bên thuê theo quy định của pháp luật (khoản 2 Điều 129 Luật Nhà ở 2014). Có thể thấy, nếu bên cho thuê đơn phương chấm dứt hợp đồng thuê nhà trước thời hạn mà không thuộc vào trường hợp nêu trên là hành vi trái pháp luật. Bên cho thuê có thể sẽ bồi thường thiệt hại cho bên thuê theo quy định của pháp luạt. 2. Có được bán nhà khi hợp đồng cho thuê còn thời hạn không? Theo khoản 1 Điều 127 Luật Nhà ở 2014 quy định về việc mua bán nhà ở đang cho thuê như sau: -Trường hợp chủ sở hữu bán nhà ở đang cho thuê thì phải thông báo bằng văn bản cho bên thuê nhà ở biết về việc bán và các điều kiện bán nhà ở; bên thuê nhà ở được quyền ưu tiên mua nếu đã thanh toán đầy đủ tiền thuê nhà cho bên cho thuê tính đến thời điểm bên cho thuê có thông báo về việc bán nhà cho thuê, trừ trường hợp nhà ở thuộc sở hữu chung; trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày bên thuê nhà ở nhận được thông báo mà không mua thì chủ sở hữu nhà ở được quyền bán nhà ở đó cho người khác, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác về thời hạn. -Trường hợp bán nhà ở đang cho thuê thuộc sở hữu nhà nước thì thực hiện theo quy định tại Mục 2 Chương VI của Luật này. Theo đó, bên cho thuê được quyền bán nhà khi hợp đồng cho thuê còn thời hạn. Tuy nhiên, bên cho thuê phải thông báo bằng văn bản cho bên thuê nhà được biết về việc bán và các điều kiện bán nhà ở. Lúc này, người thuê nhà được quyền ưu tiên mua trước và trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày người thuê nhà ở nhận được thông báo mà không mua thì bạn được quyền bán nhà ở đó cho người khác, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác về thời hạn. Trường hợp bên cho thuê chuyển quyền sở hữu nhà ở đang cho thuê cho người khác mà thời hạn thuê nhà ở vẫn còn thì bên thuê nhà ở được tiếp tục thuê đến hết hạn hợp đồng; chủ sở hữu nhà ở mới có trách nhiệm tiếp tục thực hiện hợp đồng thuê nhà ở đã ký kết trước đó (khoản 2 Điều 133 Luật nhà ở năm 2014). Như vậy, khi bán nhà trong thời gian cho thuê, bên cho thuê cần phải thông báo cho người thuê được biết và đảm bảo quyền được tiếp tục thuê nhà cho người thuê trong thời hạn hợp đồng.
Quá hạn đóng bảo hiểm thì có bị đơn phương chấm dứt hợp đồng?
Thời hạn đóng bảo hiểm là một trong những vấn đề quan trọng và cũng là nghĩa vụ phải thực hiện đúng quy định đã thỏa thuận theo hợp đồng bảo hiểm của doanh nghiệp mua bảo hiểm. Trường hợp mà bên mua bảo hiểm chậm thời hạn không đóng phí bảo hiểm hoặc không đóng đủ phí bảo hiểm thì bên kinh doanh bảo hiểm có được đơn phương chấm dứt hợp đồng bảo hiểm? 1. Quyền của doanh nghiệp bảo hiểm trong hợp đồng Căn cứ khoản 1 Điều 20 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 quy định doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài có các quyền sau đây: - Thu phí bảo hiểm theo thoả thuận trong hợp đồng bảo hiểm. - Yêu cầu bên mua bảo hiểm cung cấp đầy đủ, trung thực mọi thông tin có liên quan đến việc giao kết và thực hiện hợp đồng bảo hiểm. - Hủy bỏ hợp đồng bảo hiểm quy định tại khoản 2 Điều 22 hoặc đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bảo hiểm quy định tại Điều 26 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022. - Từ chối bồi thường, trả tiền bảo hiểm trong trường hợp không thuộc phạm vi trách nhiệm bảo hiểm hoặc trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm theo thoả thuận trong hợp đồng bảo hiểm. - Yêu cầu bên mua bảo hiểm áp dụng các biện pháp đề phòng, hạn chế tổn thất. - Yêu cầu người thứ ba bồi hoàn số tiền mà doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài đã bồi thường cho người được bảo hiểm đối với thiệt hại về tài sản; lợi ích kinh tế hoặc nghĩa vụ thực hiện hợp đồng hoặc nghĩa vụ theo pháp luật; trách nhiệm dân sự do người thứ ba gây ra. - Quyền khác theo quy định của pháp luật. Theo đó, doanh nghiệp bảo hiểm được quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bảo hiểm nêu theo định của hợp đồng. 2. Quá thời hạn đóng bảo hiểm có chấm dứt hợp đồng? Theo Điều 26 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 quy định các trường hợp sau đây thì được đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bảo hiểm: Doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài hoặc bên mua bảo hiểm có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bảo hiểm trong trường hợp sau đây: - Bên mua bảo hiểm không đóng phí bảo hiểm hoặc không đóng đủ phí bảo hiểm theo thời hạn thỏa thuận hoặc sau thời gian gia hạn đóng phí. - Doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, bên mua bảo hiểm không chấp nhận yêu cầu về thay đổi mức độ rủi ro được bảo hiểm. - Người được bảo hiểm không thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn cho đối tượng bảo hiểm. - Bên mua bảo hiểm không đồng ý chuyển giao danh mục hợp đồng bảo hiểm. Việc doanh nghiệp mua bảo hiểm không đóng hoặc quá hạn đóng bảo hiểm theo hợp đồng đã giao kết và thỏa thuận thì doanh nghiệp bảo hiểm có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng. 3. Hậu quả pháp lý nếu đơn phương chấm dứt hợp đồng Trường hợp đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bảo hiểm do bên mua bảo hiểm không đóng phí bảo hiểm hoặc không đóng đủ phí bảo hiểm theo thời hạn thỏa thuận thì theo khoản 1 Điều 27 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 thực hiện như sau: - Bên mua bảo hiểm vẫn phải đóng đủ phí bảo hiểm đến thời điểm đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bảo hiểm: Quy định này không áp dụng đối với hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, hợp đồng bảo hiểm sức khỏe, trừ hợp đồng bảo hiểm nhóm. - Đối với hợp đồng bảo hiểm nhân thọ và hợp đồng bảo hiểm sức khỏe, doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài có trách nhiệm: Trả tiền bảo hiểm cho người được bảo hiểm khi sự kiện bảo hiểm xảy ra trước thời điểm đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bảo hiểm và có quyền khấu trừ phí bảo hiểm đến thời điểm đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bảo hiểm. - Đối với hợp đồng bảo hiểm tài sản, hợp đồng bảo hiểm thiệt hại và hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm, doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài có trách nhiệm: Bồi thường cho người được bảo hiểm khi sự kiện bảo hiểm xảy ra trước thời điểm đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bảo hiểm và có quyền khấu trừ phí bảo hiểm theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm. Như vậy, việc doanh nghiệp mua bảo hiểm không đóng hoặc quá hạn đóng bảo hiểm theo hợp đồng đã giao kết và thỏa thuận thì doanh nghiệp bảo hiểm có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng.
Hợp đồng ủy quyền chấm dứt hiệu lực
Trong trường hợp hợp đồng uỷ quyền đang có hiệu lực, vợ trong phạm vi được ủy quyền của mình mang thửa đất đi thế chấp để vay vốn. Trong thời gian vay vốn, nếu hợp đồng uỷ quyền này bị chấm dứt đơn phương thì hợp đồng thế chấp có còn hiệu lực không? Tại Điều 317, Điều 327, Điều 567, Điều 143 Bộ luật dân sự 2015 quy định: “Điều 317. Thế chấp tài sản 1. Thế chấp tài sản là việc một bên (sau đây gọi là bên thế chấp) dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và không giao tài sản cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận thế chấp). 2. Tài sản thế chấp do bên thế chấp giữ. Các bên có thể thỏa thuận giao cho người thứ ba giữ tài sản thế chấp.” “Điều 327. Chấm dứt thế chấp tài sản Thế chấp tài sản chấm dứt trong trường hợp sau đây: 1. Nghĩa vụ được bảo đảm bằng thế chấp chấm dứt; 2. Việc thế chấp tài sản được hủy bỏ hoặc được thay thế bằng biện pháp bảo đảm khác; 3. Tài sản thế chấp đã được xử lý; 4. Theo thoả thuận của các bên.” “Điều 567. Nghĩa vụ của bên uỷ quyền 1. Cung cấp thông tin, tài liệu và phương tiện cần thiết để bên được uỷ quyền thực hiện công việc. 2. Chịu trách nhiệm về cam kết do bên được uỷ quyền thực hiện trong phạm vi uỷ quyền. 3. Thanh toán chi phí hợp lý mà bên được uỷ quyền đã bỏ ra để thực hiện công việc được uỷ quyền; trả thù lao cho bên được uỷ quyền, nếu có thỏa thuận về việc trả thù lao.” “Điều 143. Hậu quả của giao dịch dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện vượt quá phạm vi đại diện 1. Giao dịch dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện vượt quá phạm vi đại diện không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của người được đại diện đối với phần giao dịch được thực hiện vượt quá phạm vi đại diện, trừ một trong các trường hợp sau đây: a) Người được đại diện đồng ý; b) Người được đại diện biết mà không phản đối trong một thời hạn hợp lý; c) Người được đại diện có lỗi dẫn đến việc người đã giao dịch không biết hoặc không thể biết về việc người đã xác lập, thực hiện giao dịch dân sự với mình vượt quá phạm vi đại diện. 2. Trường hợp giao dịch dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện vượt quá phạm vi đại diện không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của người được đại diện đối với phần giao dịch được xác lập, thực hiện vượt quá phạm vi đại diện thì người đại diện phải thực hiện nghĩa vụ đối với người đã giao dịch với mình về phần giao dịch vượt quá phạm vi đại diện, trừ trường hợp người đã giao dịch biết hoặc phải biết về việc vượt quá phạm vi đại diện mà vẫn giao dịch. 3. Người đã giao dịch với người đại diện có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hoặc hủy bỏ giao dịch dân sự đối với phần vượt quá phạm vi đại diện hoặc toàn bộ giao dịch dân sự và yêu cầu bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp người đó biết hoặc phải biết về việc vượt quá phạm vi đại diện mà vẫn giao dịch hoặc trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều này. 4. Trường hợp người đại diện và người giao dịch với người đại diện cố ý xác lập, thực hiện giao dịch dân sự vượt quá phạm vi đại diện mà gây thiệt hại cho người được đại diện thì phải chịu trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại.” Trường hợp này cần xác định rõ, thửa đất mà chồng ủy quyền cho vợ là tài sản riêng của chồng và chồng ủy quyền cho vợ để thay mình thực hiện việc thế chấp tài sản để vay vốn. Theo quy định của pháp luật về thế chấp tài sản thì chủ sở hữu mới có quyền thế chấp tài sản do đó ở đây vợ thực hiện giao dịch thế chấp tài sản thay chồng trong phạm vi được ủy quyền. Căn cứ theo quy định của pháp luật, việc chấm dứt thế chấp tài sản, cụ thể ở đây là quyền sử dụng đất xảy ra trong các trường hợp: - Bên vay vốn đã trả xong khoản vay; - Việc thế chấp tài sản được hủy bỏ hoặc được thay thế bằng biện pháp bảo đảm khác; - Tài sản thế chấp đã được xử lý; - Theo thoả thuận của các bên. Bên cạnh đó, nghĩa vụ của bên ủy quyền là phải chịu trách nhiệm về cam kết do bên được uỷ quyền thực hiện trong phạm vi uỷ quyền. Từ những căn cứ trên, hợp đồng ủy quyền bị đơn phương chấm dứt không phải là căn cứ để chấm dứt hợp đồng thế chấp. Do đó, khi hợp đồng ủy quyền bị đơn phương chấm dứt thì hợp đồng thế chấp vẫn còn hiệu lực vì chỉ chấm dứt khi thuộc 4 trường hợp trên. Trong hợp đồng ủy quyền, nghĩa vụ của bên ủy quyền là phải chịu trách nhiệm về cam kết do bên được uỷ quyền thực hiện trong phạm vi uỷ quyền. Theo đó, nếu những việc vợ thực hiện bao gồm thế chấp thửa đất là trong phạm vi ủy quyền của chồng thì chồng sẽ phải chịu trách nhiệm về tiếp tục thực hiện tiếp hợp đồng thế chấp này sau khi hợp đồng ủy quyền chấm dứt hiệu lực. Trường hợp vợ thực hiện vượt quá phạm vi được ủy quyền tùy theo trường hợp mà sẽ xử lý theo Điều 143 Bộ luật dân sự 2015.
Chồng có được lập hợp đồng ủy quyền cho vợ với nội dung ủy quyền liên quan đến thửa đất là tài sản riêng của chồng được không? Trong hợp đồng chồng có được quy định về trả thù lao là 1 triệu đồng cho vợ không? Nếu chồng không thanh toán thù lao này thì sao? Tại Điều 562, Điều 565, Điều 566, Điều 567, Điều 568 Bộ luật dân sự 2015 quy định: “Điều 562. Hợp đồng ủy quyền Hợp đồng ủy quyền là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên được ủy quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền, bên ủy quyền chỉ phải trả thù lao nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.” “Điều 565. Nghĩa vụ của bên được ủy quyền 1. Thực hiện công việc theo ủy quyền và báo cho bên ủy quyền về việc thực hiện công việc đó. 2. Báo cho người thứ ba trong quan hệ thực hiện ủy quyền về thời hạn, phạm vi ủy quyền và việc sửa đổi, bổ sung phạm vi ủy quyền. 3. Bảo quản, giữ gìn tài liệu và phương tiện được giao để thực hiện việc ủy quyền. 4. Giữ bí mật thông tin mà mình biết được trong khi thực hiện việc ủy quyền. 5. Giao lại cho bên ủy quyền tài sản đã nhận và những lợi ích thu được trong khi thực hiện việc ủy quyền theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật. 6. Bồi thường thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ quy định tại Điều này.” “Điều 566. Quyền của bên được ủy quyền 1. Yêu cầu bên ủy quyền cung cấp thông tin, tài liệu và phương tiện cần thiết để thực hiện công việc ủy quyền. 2. Được thanh toán chi phí hợp lý mà mình đã bỏ ra để thực hiện công việc ủy quyền; hưởng thù lao, nếu có thỏa thuận.” “Điều 567. Nghĩa vụ của bên ủy quyền 1. Cung cấp thông tin, tài liệu và phương tiện cần thiết để bên được ủy quyền thực hiện công việc. 2. Chịu trách nhiệm về cam kết do bên được ủy quyền thực hiện trong phạm vi ủy quyền. 3. Thanh toán chi phí hợp lý mà bên được ủy quyền đã bỏ ra để thực hiện công việc được ủy quyền; trả thù lao cho bên được ủy quyền, nếu có thỏa thuận về việc trả thù lao.” “Điều 568. Quyền của bên ủy quyền 1. Yêu cầu bên được ủy quyền thông báo đầy đủ về việc thực hiện công việc ủy quyền. 2. Yêu cầu bên được ủy quyền giao lại tài sản, lợi ích thu được từ việc thực hiện công việc ủy quyền, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. 3. Được bồi thường thiệt hại, nếu bên được ủy quyền vi phạm nghĩa vụ quy định tại Điều 565 của Bộ luật này.” “Điều 569. Đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng ủy quyền 1. Trường hợp ủy quyền có thù lao, bên ủy quyền có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bất cứ lúc nào, nhưng phải trả thù lao cho bên được ủy quyền tương ứng với công việc mà bên được ủy quyền đã thực hiện và bồi thường thiệt hại; nếu ủy quyền không có thù lao thì bên ủy quyền có thể chấm dứt thực hiện hợp đồng bất cứ lúc nào, nhưng phải báo trước cho bên được ủy quyền một thời gian hợp lý. Bên ủy quyền phải báo bằng văn bản cho người thứ ba biết về việc bên ủy quyền chấm dứt thực hiện hợp đồng; nếu không báo thì hợp đồng với người thứ ba vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp người thứ ba biết hoặc phải biết về việc hợp đồng ủy quyền đã bị chấm dứt. 2. Trường hợp ủy quyền không có thù lao, bên được ủy quyền có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bất cứ lúc nào, nhưng phải báo trước cho bên ủy quyền biết một thời gian hợp lý; nếu ủy quyền có thù lao thì bên được ủy quyền có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bất cứ lúc nào và phải bồi thường thiệt hại cho bên ủy quyền, nếu có.” Căn cứ quy định trên, hiện tại pháp luật không hạn chế việc vợ chồng ủy quyền cho nhau. Do đó, chồng có thể ủy quyền cho vợ để thực hiện các việc liên quan đến thửa đất và vợ sẽ thực hiện các công việc trong phạm vi được ủy quyền, chồng là người ủy quyền và vợ là người được ủy quyền. Ngoài ra trong hợp đồng ủy quyền còn có điều khoản về thanh toán chi phí, có thể hiểu là thù lao cho người được ủy quyền để thực hiện công việc, việc thỏa thuận thù lao này là phù hợp theo quy định của pháp luật. Do đó chồng có thể ủy quyền cho vợ và trả thù lao 1 triệu đồng cho vợ. Nếu hai bên có thỏa thuận trong hợp đồng thì chồng có nghĩa vụ phải trả thù lao cho vợ và vợ có quyền được nhận thù lao từ chồng. Trường hợp chồng không trả thù lao cho vợ theo nghĩa vụ trong hợp đồng thì có thể là một trong những lí do để vợ có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng và chồng vẫn phải trả thù lao cho vợ tương ứng với công việc mà được ủy quyền đã thực hiện và bồi thường thiệt hại nếu có thỏa thuận về bồi thường.
Hỏi về chấm dứt hợp đồng lao động?
Hiện tại tôi đang làm tại công ty A hợp đồng lao động không xác định thời hạn. Và hiện tại công ty đang muốn thoa thuận chấp dứt hợp đồng với tôi (lý do cắt giảm chi phí nhân sự cho công ty), với các thỏa thuận: Phương án 1:Hoàn thành công việc bàn giao, kết thúc tại cty đến hết ngày 15/2 (thông báo từ ngày 14/1). HĐLĐ của tôi là HĐ ko xác định thời gian 2. Công ty tiến hành thanh toán tiền lương tháng 2(số ngày đã làm việc) vào ngày 15/3 (kỳ trả lương) Phương án 2: Tôi vẫn làm việc và bàn giao đến hết ngày 28/2 (đủ 45 ngày) 2. Cty tiến hành thanh toán lương tháng 2 vào ngày 15/4 (giam lương 1 tháng) với lý do đảm bảo an toàn cho cty....và không chắc ngày trả ngày, với lý do cty khó khăn nên co thể chậm và giam. cùng lắm cty chịu lãi suất trả chậm cho NLĐ. Ngoài nội dung này ra, cty ko có bất kỳ khoản bồi thường nào cho tôi cả. Nên nhờ bên mình tư vấn giúp tôi, nếu không đạt được thỏa thuận và cty vẫn đơn phương chấm dứt hđlđ trái luật thì tôi cần giải quyết trnah chấp hoặc khởi kiện ra tòa ạ
Công ty không có đơn hàng có được phép cho người lao động nghỉ việc hay không?
Căn cứ khoản 1 Điều 36 Bộ luật lao động 2019 quy định quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người sử dụng lao động bao gồm: 1/ Người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động được xác định theo tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành công việc trong quy chế của người sử dụng lao động. Quy chế đánh giá mức độ hoàn thành công việc do người sử dụng lao động ban hành nhưng phải tham khảo ý kiến tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở; 2/ Người lao động bị ốm đau, tai nạn đã điều trị 12 tháng liên tục đối với người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc đã điều trị 06 tháng liên tục đối với người làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng hoặc quá nửa thời hạn hợp đồng lao động đối với người làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng mà khả năng lao động chưa hồi phục. Khi sức khỏe của người lao động bình phục thì người sử dụng lao động xem xét để tiếp tục giao kết hợp đồng lao động với người lao động; 3/ Do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, địch họa hoặc di dời, thu hẹp sản xuất, kinh doanh theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải giảm chỗ làm việc; 4/ Người lao động không có mặt tại nơi làm việc sau thời hạn quy định tại Điều 31 của BLLĐ; 5/ Người lao động đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại Điều 169 của BLLĐ, trừ trường hợp có thỏa thuận khác; 6/ Người lao động tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng từ 05 ngày làm việc liên tục trở lên; 7/ Người lao động cung cấp không trung thực thông tin theo quy định tại khoản 2 Điều 16 của BLLĐ khi giao kết hợp đồng lao động làm ảnh hưởng đến việc tuyển dụng người lao động. Theo như quy định trên thì NSDLĐ chỉ được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với NLĐ khi phải thu hẹp sản xuất, kinh doanh theo quyết định của nhà nước mà NSDLĐ đã dùng mọi cách nhưng vẫn phải cắt giảm nhân sự. Theo đó, trường hợp công ty đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với NLĐ do không có đơn hàng là không đúng với quy định pháp luật.
Cần làm gì để chấm dứt hợp đồng thuê nhà đúng luật và đòi lại cọc?
Câu chuyện chủ trọ và sinh viên luôn là vấn đề được đặt ra trong những năm học đại học. Những trường hợp như đổi trọ, tăng giá tiền điện, hay không lấy được tiền cọc luôn được các bạn sinh viên quan tâm. Bài viết sau đây sẽ bàn đến vấn đề việc đơn phương chấm dứt hợp đồng đúng luật khi chủ trọ vi phạm hợp hồng và cách để đòi lại cọc đúng luật. Tại Điều 472 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về khái niệm hợp đồng thuê nhà như sau: Hợp đồng thuê tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho thuê giao tài sản cho bên thuê để sử dụng trong một thời hạn, bên thuê phải trả tiền thuê. Hợp đồng thuê nhà ở, hợp đồng thuê nhà để sử dụng vào mục đích khác được thực hiện theo quy định của Bộ luật này, Luật nhà ở và quy định khác của pháp luật có liên quan. Dựa vào quy định trên, hợp đồng thuê nhà được xác định là hợp đồng thuê tài sản, theo đó bên cho thuê giao tài sản cho bên thuê để sử dụng trong một thời hạn, bên thuê phải trả tiền thuê. Trường hợp nào bên thuê nhà có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng Căn cứ theo khoản 3 Điều 132 Luật Nhà ở 2014 quy định về đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng thuê nhà ở như sau: Bên thuê nhà ở có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng thuê nhà ở khi bên cho thuê nhà ở có một trong các hành vi sau đây: - Không sửa chữa nhà ở khi có hư hỏng nặng; -Tăng giá thuê nhà ở bất hợp lý hoặc tăng giá thuê mà không thông báo cho bên thuê nhà ở biết trước theo thỏa thuận; - Khi quyền sử dụng nhà ở bị hạn chế do lợi ích của người thứ ba. Như vậy, nếu chủ trọ của bạn vi phạm một trong các trường hợp trên thì bạn hoàn toàn có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng thuê nhà. Nghĩa vụ thông báo của bên đơn đơn phương CDHĐ thuê nhà Theo quy định tại khoản 4 Điều 132 Luật Nhà ở 2014 quy định bên đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng thuê nhà ở phải thông báo cho bên kia biết trước ít nhất 30 ngày, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác; nếu vi phạm quy định tại khoản này mà gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Trách nhiệm khi chấm dứt hợp đồng thuê nhà trước thời hạn là gì? Theo Điều 428 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng như sau: - Một bên có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng và không phải bồi thường thiệt hại khi bên kia vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trong hợp đồng hoặc các bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định. - Bên đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng phải thông báo ngay cho bên kia biết về việc chấm dứt hợp đồng, nếu không thông báo mà gây thiệt hại thì phải bồi thường. - Khi hợp đồng bị đơn phương chấm dứt thực hiện thì hợp đồng chấm dứt kể từ thời điểm bên kia nhận được thông báo chấm dứt. Các bên không phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ, trừ thỏa thuận về phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại và thỏa thuận về giải quyết tranh chấp. Bên đã thực hiện nghĩa vụ có quyền yêu cầu bên kia thanh toán phần nghĩa vụ đã thực hiện. - Bên bị thiệt hại do hành vi không thực hiện đúng nghĩa vụ trong hợp đồng của bên kia được bồi thường. - Trường hợp việc đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng không có căn cứ quy định tại khoản 1 Điều này thì bên đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng được xác định là bên vi phạm nghĩa vụ và phải thực hiện trách nhiệm dân sự theo quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan do không thực hiện đúng nghĩa vụ trong hợp đồng. Đơn phương chấm dứt hợp đồng có lấy lại được tiền đặt cọc? Đặt cọc là việc một bên (sau đây gọi là bên đặt cọc) giao cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận đặt cọc) một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác (sau đây gọi chung là tài sản đặt cọc) trong một thời hạn để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng. Trường hợp hợp đồng được giao kết, thực hiện thì tài sản đặt cọc được trả lại cho bên đặt cọc hoặc được trừ để thực hiện nghĩa vụ trả tiền; nếu bên đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì tài sản đặt cọc thuộc về bên nhận đặt cọc; nếu bên nhận đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Do thuê nhà không phải trường hợp bắt buộc phải đặt cọc bởi đây chỉ là hành vi để đảm bảo cho việc thực hiện hợp đồng thuê nhà. Đồng thời, theo khoản 2 Điều 328 Bộ luật Dân sự 2015, khi hợp đồng thuê nhà được thực hiện thì tiền cọc sẽ được trả lại cho người thuê hoặc được trừ vào tiền nhà. Tuy nhiên, thực tế, nhiều trường hợp tiền cọc bị người cho thuê giữ lại, chờ đến khi người thuê chấm dứt việc thuê nhà mới trả lại cho bên thuê. Do đó, để xác định có phải trả tiền cọc khi chấm dứt hợp đồng thuê nhà trước hạn không, hai bên cần căn cứ vào thỏa thuận trước đó nêu trong hợp đồng thuê nhà và có thể xác định trong một số trường hợp sau đây tiền cọc có thể sẽ không được trả lại: - Hai bên không đặt cọc trước khi ký hợp đồng thuê nhà. - Hai bên thỏa thuận không phạt cọc khi một trong hai bên chấm dứt hợp đồng thuê nhà trước hạn. - Tiền đặt cọc đã được trừ vào tiền thuê nhà ngay tháng sau đó khi người thuê chuyển vào ở trong nhà thuê. - Cả hai bên cùng có lỗi hoặc có sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan... theo quy định tại Nghị quyết 01/2003/NQ-HĐTP. Theo đó, đối với hợp đồng đơn phương chấm dứt, bên thuê chỉ được đơn phương chấm dứt hợp đồng theo những quy định của pháp luật tại Điều 132 của Luật Nhà ở 2014 hoặc những trường hợp khác theo hợp đồng thuê nhà thì lúc này mới được hoàn lại tiền cọc. Còn không thì vẫn sẽ phải mất tiền cọc nếu các bên không có thỏa thuận khác. Hướng dẫn cách đòi lại tiền cọc Thương lượng Khi xảy ra tranh chấp hợp đồng thuê nhà về tiền cọc, các bên nên chủ động liên lạc và tiến hành thương lượng. Trình bày quan điểm và khó khăn của mình với các bên còn lại, nhằm tìm ra tiếng nói chung, hướng đến giải pháp tích cực nhất. Tuy nhiên hầu hết các trường hợp khi xảy ra tranh chấp, phương thức thương lượng trở nên không mấy khả quan, vì vậy rất cần có bên thứ 3 tham gia đứng ra hỗ trợ giải quyết vụ việc. Trường hợp hòa giải không thành, các bên có thể khởi kiện lên Tòa án để yêu cầu giải quyết theo quy định của pháp luật. Khởi kiện Hồ sơ khởi kiện: Đơn khởi kiện (Mẫu đơn 23-DS theo Nghị quyết số 01/2017/NQ-HĐTP do Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao ban hành ngày 13/01/2017) Các giấy tờ liên quan đến vụ kiện: hợp đồng cho thuê nhà ở, giấy tờ có liên quan Đối với cá nhân: Giấy chứng minh nhân dân, hộ khẩu (bản sao có công chứng). Cách thức thực hiện. Nộp hồ sơ khởi kiện và các giấy tờ có liên quan đến Tòa án nhân dân cấp huyện nơi bên cho thuê nhà đang cư trú để tòa án tiến hành xem xét tính hợp pháp của đơn kiện. Có thể nộp hồ sơ qua hình thức trực tiếp tại Tòa án hoặc qua bưu điện đến Tòa án có thẩm quyền. - Trong vòng 05 ngày đến 08 ngày nếu đơn khởi kiện thuộc thẩm quyền, hợp pháp Tòa án sẽ ra thông báo về việc nộp tiền tạm ứng án phí. - Từ thời điểm người khởi kiện nộp lại biên lai thu tiền tạm ứng án phí Tòa án sẽ tiến hành thụ lý đơn khởi kiện và giải quyết vụ việc.
UBND cấp xã đơn phương chấm dứt hợp đồng thì phải bồi thường gì?
UBND xã có ký với hộ dân về thuê kiot chợ nhưng do tranh chấp về kiot giữa hộ dân với hộ dân lên UBND xã nên UBND xã đã đơn phương chấm dứt hợp đồng cho thuê. Vậy thủ tục để UBND đơn phương chấm dứt hợp đồng là gì và thì phải bồi thường với hộ dân như thế nào? Tại Nghị định 02/2003/NĐ-CP về phát triển và quản lý chợ thì không có quy định cụ thể về việc khi đơn phương chấm dứt hợp đồng thuê này thì sẽ xử lý như thế nào. Tuy nhiên, theo nguyên tắc thì khi đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng, các bên sẽ căn cứ vào điều khoản hợp đồng đã ký kết để xem xét vấn đề giải quyết như thế nào theo Hợp đồng. Nếu không thể thỏa thuận được hoặc không có quy định trong hợp đồng và muốn đảm bảo quyền lợi thì hộ dân có thể làm đơn khởi kiện tại Tòa án. Về nguyên tắc, tại Điều 428 Bộ luật Dân sự 2015 quy định như sau: "Điều 428. Đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng 1. Một bên có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng và không phải bồi thường thiệt hại khi bên kia vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trong hợp đồng hoặc các bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định. 2. Bên đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng phải thông báo ngay cho bên kia biết về việc chấm dứt hợp đồng, nếu không thông báo mà gây thiệt hại thì phải bồi thường. ... 4. Bên bị thiệt hại do hành vi không thực hiện đúng nghĩa vụ trong hợp đồng của bên kia được bồi thường." >> Như vậy, nếu hộ thuê kiot đó chứng minh được việc UBND đơn phương chấm dứt hợp đồng mà gây thiệt hại, nếu không thỏa thuận được phương án thì có thể làm đơn khởi kiện ra Tòa án để Tòa xem xét giải quyết, chứ không có quy định cụ thể.
Phân biệt đơn phương chấm dứt hợp đồng và hủy bỏ hợp đồng
Hủy bỏ hợp đồng và đơn phương chấm dứt hợp đồng đều thuộc trường hợp kết thúc thực hiện hợp đồng. Vậy 2 trường hợp này giống và khác nhau như thế nào. Giống nhau: - Đều có hậu quả là kết thúc việc thực hiện hợp đồng - Do một bên thực hiện - Chỉ không phải bồi thường khi một bên vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trong hợp đồng. Đây cũng là điều kiện để áp dụng việc hủy bỏ hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng. - Phải thông báo ngay cho bên kia biết về việc chấm dứt hoặc hủy bỏ, nếu không thông báo mà gây thiệt hại thì phải bồi thường Khác nhau: Tiêu chí Hủy bỏ hợp đồng Đơn phương chấm dứt hợp đồng Căn cứ pháp lý Điều 423 Bộ luật Dân sự 2015 Điều 428 Bộ luật Dân sự 2015 Các trường hợp - Do chậm thực hiện nghĩa vụ - Do không có khả năng thực hiện - Do tài sản bị hư hại, bị hỏng, bị mất - Khi một bên vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trong hợp đồng - Do hai bên thỏa thuận - Do pháp luật quy định Điều kiện áp dụng Phải có sự vi phạm hợp đồng và đây cũng là điều kiện để hủy bỏ hợp đồng Không bắt buộc phải có sự vi phạm hợp đồng bởi hai bên có thể thỏa thuận hoặc do pháp luật quy định Hậu quả - Hợp đồng không có hiệu lực từ thời điểm giao kết, các bên không phải thực hiện nghĩa vụ đã thỏa thuận - Hoàn trả cho nhau những gì đã nhận sau khi trừ đi chi phí - Hợp đồng chấm dứt kể từ thời điểm bên kia nhận được thông báo chấm dứt - Các bên không phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ nữa
Chào luật sư, cho em hỏi là em mới thi đậu viên chức và đang làm nhân viên thiết bị - thư viện ở trường cấp 1, nhưng em học sp hóa. Lí do em thi vào tbi vì năm nay chỗ em ko có chỉ tiêu gv hóa. Nhưng sau 1 TG em làm em thấy mình không hợp với cv này và mong muốn năm sau thi lại GV hóa nếu có chỉ tiêu. Vậy thì năm sau em Viet đơn nghỉ ở nơi mình làm ở c1 rồi dự thi viên chức gv tiếp cũng ở nơi em ở có đc ko ạ? Và khi em thi tiếp thì phải viết đơn nghỉ ở chỗ e làm trước rồi mới đc thi phải ko ạ? Và khi em viết đơn chấm dứt hợp đồng như vậy thì có Sao ko ạ? Vì em mới làm đc 1 năm.