Thực tập Phương án phòng cháy chữa cháy trong doanh nghiệp
Luật sư cho tôi hỏi doanh nghiệp có cần thực tập Phương án phòng cháy chữa cháy trong doanh nghiệp hay không? Và nếu không thực tập thì có bị xử phạt hay không và phạt như thế nào? Tôi cảm ơn Luật sư!
Nhà chung cư mấy tầng thì thuộc diện quản lý về phòng cháy chữa cháy, có nguy hiểm về cháy nổ?
Hầu như các vụ cháy nhà chung cư hay xảy ra ở các nhà chung cư cao tầng. Nhà chung cư cũng được đánh giá là nơi có nguy hiểm về cháy nổ. Như vậy theo quy định thì nhà chung cư có thuộc diện quản lý về phòng cháy chữa cháy không, nó có phải là nơi có nguy hiểm về cháy nổ không? Nhà chung cư mấy tầng thì thuộc diện quản lý về phòng cháy chữa cháy, có nguy hiểm về cháy nổ? Căn cứ theo Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 50/2024/NĐ-CP có quy định về danh mục cơ sở thuộc diện quản lý về phòng cháy và chữa cháy thì tại mục số 2 danh mục có đề cập đến “Nhà chung cư; nhà tập thể, nhà ở ký túc xá; nhà hỗn hợp.” Như vậy có thể hiểu tất cả nhà chung cư không phân biệt là cao mấy tầng đều thuộc diện quản lý về phòng cháy chữa cháy. Tuy nhiên, theo Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định 50/2024/NĐ-CP cũng có đề cập đến danh mục cơ sở có nguy hiểm về cháy thì mục số 2 có đề cập đến “Nhà chung cư, nhà tập thể, nhà ở ký túc xá cao từ 7 tầng trở lên hoặc có tổng khối tích từ 10.000 m3 trở lên; nhà hỗn hợp cao từ 5 tầng trở lên hoặc có tổng khối tích từ 5.000 m3 trở lên.” Như vậy, cũng là nhà chung cư nhưng nếu cao từ 7 tầng trở lên hoặc có tổng khối tích từ 10.000 m3 trở lên thì sẽ được tính là cơ sở có nguy hiểm về cháy nổ. Mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc cho nhà chung cư là trách nhiệm của ai? Theo khoản 9 Điều 38 Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư ban hành kèm theo Thông tư 02/2016/TT-BXD có quy định về quyền và trách nhiệm của chủ đầu tư trong việc quản lý, sử dụng nhà chung cư thì việc mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc theo quy định của pháp luật phòng cháy, chữa cháy và pháp luật về kinh doanh bảo hiểm là một trong những trách nhiệm của chủ đầu tư dự án xây dựng nhà chung cư trong trường hợp dự án nhà chung cư vẫn thuộc sở hữu của chủ đầu tư. Trường hợp, người mua nhà chung cư đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà chung cư thì chủ sở hữu nhà chung cư sẽ có trách nhiệm phải mua bảo hiểm cháy nổ phần nhà chung cư đã mua (điểm i khoản 1 Điều 39 Thông tư này). Phân hạng nhà chung cư và yêu cầu khi phân hạng là gì? Theo Điều 6 Thông tư 31/2016/TT-BXD có quy định về phân hạng nhà chung cư thì hiện nay nhà chung cư được phân thành 03 hạng: Hạng A: là nhà chung cư đáp ứng đầy đủ các yêu cầu để được phân hạng theo quy định tại Khoản 2 Điều 3 của Thông tư này, đồng thời phải đạt tối thiểu 18 trên tổng số 20 tiêu chí theo hướng dẫn tại phụ lục số 01 ban hành kèm theo Thông tư này. Hạng B: là nhà chung cư đáp ứng đầy đủ các yêu cầu để được phân hạng theo quy định tại Khoản 2 Điều 3 của Thông tư này, đồng thời phải đạt tối thiểu 18 trên tổng số 20 tiêu chí theo hướng dẫn tại phụ lục số 02 ban hành kèm theo Thông tư này. Hạng C: là nhà chung cư đáp ứng đầy đủ các yêu cầu để được phân hạng theo quy định tại Khoản 2 Điều 3 của Thông tư này nhưng không đạt đủ tiêu chí để công nhận hạng A và hạng B theo quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này. Yêu cầu khi phân hạng nhà chung cư được quy định tại khoản 2 Điều 3 Thông tư 31/2016/TT-BXD, cụ thể việc phân hạng và công nhận hạng được thực hiện đối với từng tòa nhà chungphải đảm bảo các yêu cầu sau đây: - Có đề nghị của tổ chức, cá nhân quy định tại Điều 4 của Thông tư này; - Nhà chung cư được xây dựng phù hợp với quy hoạch chi tiết xây dựng đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; theo đúng Giấy phép xây dựng được cấp (đối với trường hợp yêu cầu phải có Giấy phép xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng); - Nhà chung cư phải đảm bảo tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nhà chung cư và các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia khác có liên quan; - Nhà chung cư đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng theo đúng quy định của pháp luật về nhà ở, pháp luật về xây dựng và pháp luật có liên quan, đã được bàn giao đưa vào sử dụng và không vi phạm các quy định của pháp luật tại thời điểm nộp hồ sơ đề nghị công nhận hạng; - Nhà chung cư phải không thuộc diện bị phá dỡ, không thuộc khu vực đã có quyết định thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Nhà thuốc dược liệu có thuộc diện quản lý về phòng cháy, chữa cháy không?
Nhà thuốc, tiệm thuốc dược liệu có thể được biết là cơ sở chuyên bán lẻ thuốc dược liệu, theo quy định pháp luật được xem là cơ sở kinh doanh dược. Vậy cơ sở này có thuộc đối tượng được quản lý về phòng cháy, chữa cháy hay không? Nhà thuốc dược liệu có thuộc diện quản lý về phòng cháy, chữa cháy? Theo khoản 2 Điều 32 Luật Dược 2016 có quy định về cơ sở kinh doanh dược, bao gồm: - Cơ sở sản xuất thuốc, nguyên liệu làm thuốc; - Cơ sở xuất khẩu, nhập khẩu thuốc, nguyên liệu làm thuốc; - Cơ sở kinh doanh dịch vụ bảo quản thuốc, nguyên liệu làm thuốc; - Cơ sở bán buôn thuốc, nguyên liệu làm thuốc; - Cơ sở bán lẻ thuốc bao gồm nhà thuốc, quầy thuốc, tủ thuốc trạm y tế xã, cơ sở chuyên bán lẻ dược liệu, thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền; - Cơ sở kinh doanh dịch vụ kiểm nghiệm thuốc, nguyên liệu làm thuốc; - Cơ sở kinh doanh dịch vụ thử thuốc trên lâm sàng; - Cơ sở kinh doanh dịch vụ thử tương đương sinh học của thuốc. Theo đó, nhà thuốc dược liệu hay là cơ sở chuyên bán lẻ thuốc dược liệu (cơ sở bán lẻ thuốc) là một cơ sở kinh doanh dược theo quy định của Luật Dược. Cũng theo Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 50/2024/NĐ-CP có quy định về danh mục cơ sở thuộc diện quản lý về phòng cháy và chữa cháy. Danh mục bao gồm các cơ sở như: - Trụ sở cơ quan nhà nước các cấp. - Nhà chung cư; nhà tập thể, nhà ở ký túc xá; nhà hỗn hợp. - Nhà trẻ, trường mẫu giáo, mầm non; trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông; trường phổ thông có nhiều cấp học; trường cao đẳng, đại học, học viện; trường trung cấp chuyên nghiệp; trường dạy nghề; cơ sở giáo dục thường xuyên; cơ sở giáo dục khác được thành lập theo Luật Giáo dục. - Bệnh viện; phòng khám đa khoa, khám chuyên khoa, nhà điều dưỡng, phục hồi chức năng, chỉnh hình, nhà dưỡng lão, cơ sở phòng chống dịch bệnh, trung tâm y tế, cơ sở y tế khác được thành lập theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh. …(xem toàn bộ danh mục tại Phụ lục I kèm theo Nghị định này)… Tuy nhiên danh mục này không đề cập đến cơ sở bán lẻ thuốc như là nhà thuốc dược liệu hoặc là đề cập đến cơ sở kinh doanh dược nói chung. Như vậy, nhà thuốc dược liệu không thuộc diện quản lý về phòng cháy, chữa cháy. Điều kiện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược đối với nhà thuốc dược liệu là gì? Căn cứ theo khoản 5 Điều 31 Nghị định 54/2017/NĐ-CP, được sửa đổi bởi điểm a, b khoản 10 Điều 5 Nghị định 155/2018/NĐ-CP quy định điều kiện của cơ sở chuyên bán lẻ dược liệu, thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền nói chung để được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược như sau: - Người chịu trách nhiệm chuyên môn về dược của cơ sở bán lẻ dược liệu, thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền phải có một trong các văn bằng chuyên môn quy định tại điểm a, c, e, g, i hoặc l khoản 1 Điều 13 Luật Dược 2016 và có 01 năm thực hành chuyên môn tại cơ sở dược hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bằng y học cổ truyền, trừ trường hợp quy định tại điểm c khoản 2 Điều 13 Luật này; - Có địa điểm cố định, riêng biệt; được xây dựng chắc chắn; diện tích phù hợp với quy mô kinh doanh; bố trí ở nơi cao ráo, thoáng mát, an toàn, cách xa nguồn ô nhiễm; - Phải có khu vực bảo quản và trang thiết bị bảo quản phù hợp với yêu cầu bảo quản ghi trên nhãn. Dược liệu độc phải được bày bán (nếu có) và bảo quản tại khu vực riêng; trường hợp được bày bán và bảo quản trong cùng một khu vực với các dược liệu khác thì phải để riêng và ghi rõ “dược liệu độc” để tránh nhầm lẫn. Cơ sở chuyên bán lẻ thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền hoặc chuyên bán lẻ dược liệu thì chỉ cần có khu vực bảo quản tương ứng để bảo quản thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền hoặc để bảo quản dược liệu, vị thuốc cổ truyền. - Dụng cụ, bao bì tiếp xúc trực tiếp với thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền, dược liệu phải bảo đảm không ảnh hưởng đến chất lượng của thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền, dược liệu; - Có sổ sách ghi chép hoặc biện pháp phù hợp để lưu giữ thông tin về hoạt động xuất nhập, truy xuất nguồn gốc; - Người bán lẻ dược liệu, thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền phải có một trong các văn bằng quy định tại các điểm a, c, e, g, i hoặc l khoản 1 Điều 13 Luật Dược 2016. Đối với dược liệu độc, thuốc dược liệu kê đơn, thuốc cổ truyền kê đơn thì người trực tiếp bán lẻ và tư vấn cho người mua phải là người chịu trách nhiệm chuyên môn của cơ sở bán lẻ; - Trường hợp cơ sở bán lẻ có kinh doanh thêm các mặt hàng khác theo quy định của pháp luật thì các mặt hàng này phải được bày bán, bảo quản ở khu vực riêng và không gây ảnh hưởng đến dược liệu, thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền.
Tập trung tăng cường PCCC đối với nhà cho thuê trọ theo Chỉ thị 19/CT-TTG
Ngày 24/6/2024, Thủ tướng chính phủ ra chỉ thị 19/CT-TTG. Chỉ thị tập trung tăng cường PCCC đối với nhà cho thuê trọ Thời gian qua, tình hình cháy, nổ có chiều hướng diễn biến phức tạp, khó lường, liên tiếp xảy ra nhiều vụ cháy gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về người và tài sản; điển hình như vụ cháy nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ gây thiệt hại về người và tiền của. (1) Nguyên nhân xảy ra hỏa hoạn, nhiều vụ cháy nổ Tình hình cháy, nổ xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Theo chỉ thị 19/CT-TTG có một số nguyên nhân chủ yếu như sau: - Tại một số địa phương, điều kiện cơ sở hạ tầng về giao thông, nguồn nước còn nhiều bất cập, quy hoạch thiếu đồng bộ, thiếu quy hoạch nơi ở cho người lao động khi xây dựng các khu công nghiệp. - Tại một số nơi, chính quyền địa phương còn buông lỏng, chưa làm hết trách nhiệm trong việc quản lý nhà nước về xây dựng, về phòng cháy chữa cháy. - Nhận thức, ý thức của một bộ phận người dân về công tác phòng cháy chữa cháy còn hạn chế. - Tình trạng vi phạm quy định của pháp luật về trật tự xây dựng, phòng cháy chữa cháy còn phổ biến, nhất là tại các nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ (chung cư mini) như tự ý thiết kế nâng tầng, xây dựng, cải tạo, chuyển đổi công năng không đảm bảo các điều kiện về an toàn phòng cháy chữa cháy. Đặc biệt là các điều kiện an toàn về thoát nạn, ngăn cháy; không trang bị các phương tiện chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ để sẵn sàng xử lý khi có sự cố xảy ra. - Công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, kỹ năng phòng cháy chữa cháy, thoát nạn chưa đạt được mục tiêu, yêu cầu đề ra. - Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh về phòng cháy chữa cháy đối với một số đối tượng nhà và công trình còn chưa đầy đủ, chưa đồng bộ. Xem và tải Chỉ thị 19/CT-TTg tại đây:https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/06/26/19ct.signed.pdf (2) Tập trung tăng cường PCCC đối với nhà cho thuê trọ Để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn tình hình cháy, nổ, hạn chế thấp nhất thiệt hại do cháy, nổ gây ra, theo chỉ thị 19/CT-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các cơ quan chức năng thực hiện việc rà soát,sửa đổi bổ sung hệ thống văn bản pháp luật cũng như tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCCC: - Bổ sung quy định cụ thể trong luật về điều kiện an toàn phòng cháy, chữa cháy đối với nhà ở riêng lẻ kết hợp sản xuất, kinh doanh +Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng,Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về phòng cháy chữa cháy đối với nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ, nhà ở riêng lẻ kết hợp sản xuất, kinh doanh (bao gồm cả nhà ở cho thuê trọ). + Đối với Bộ trưởng Bộ Công An: Thủ tướng Chính phủ yêu cầu chỉ đạo nghiên cứu, rà soát, bổ sung quy định cụ thể trong dự án Luật phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ về điều kiện an toàn phòng cháy, chữa cháy đối với nhà ở riêng lẻ kết hợp sản xuất, kinh doanh. + Bộ trưởng Bộ Xây dựng chỉ đạo đơn vị chức năng chủ trì, phối hợp với đơn vị chức năng của Bộ Công an và các đơn vị liên quan nghiên cứu, xây dựng và công bố tài liệu kỹ thuật hướng dẫn giải pháp cấp thiết tăng cường điều kiện an toàn phòng cháy, chữa cháy đối với nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ, nhà ở riêng lẻ kết hợp sản xuất, kinh doanh (bao gồm cả nhà ở cho thuê trọ) phù hợp với thực tiễn, hoàn thành trước ngày 15/7/2024. - Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCCC + Đối với Bộ trưởng,Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho người dân để từ đó nâng cao tinh thần trách nhiệm tham gia vào công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Gắn phong trào toàn dân tham gia phòng cháy chữa cháy với phong trào xây dựng khu dân cư, gia đình văn hóa; nhân rộng điển hình tiên tiến, kịp thời khen thưởng những tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. + Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam tăng cường thời lượng, ưu tiên bố trí khung giờ có nhiều người theo dõi để tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng phòng cháy, chữa cháy, thoát nạn, cảnh báo nguy cơ cháy xảy ra tại các loại hình cơ sở, nhất là nhà ở có nhiều tầng, nhiều căn hộ. - Ngăn chặn nguyên nhân, điều kiện dẫn đến cháy, nổ + Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, phát hiện và có biện pháp xử lý, khắc phục kịp thời sơ hở, bất cập trong công tác phòng cháy chữa cháy nhằm phòng ngừa, ngăn chặn triệt để các nguyên nhân, điều kiện dẫn đến cháy, nổ đối với nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ, nhà ở riêng lẻ kết hợp sản xuất, kinh doanh. + Yêu cầu Bộ trưởng Bộ Công Thương chỉ đạo ngành Điện thường xuyên tổ chức kiểm tra, hướng dẫn từng cơ quan, tổ chức, hộ gia đình các biện pháp quản lý, sử dụng điện an toàn, khắc phục tình trạng sử dụng điện không đúng cách, không đúng yêu cầu của nhà sản xuất, hạn chế tối đa cháy, nổ do điện gây ra. + Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo tổ chức rà soát, kiểm tra, phân loại, hướng dẫn các giải pháp bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy đối với nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ (chung cư mini), nhà ở riêng lẻ kết hợp sản xuất, kinh doanh (bao gồm cả nhà ở cho thuê trọ); Yêu cầu người đứng đầu cơ sở, chủ hộ gia đình phải cam kết, có lộ trình thực hiện các giải pháp tăng cường phòng cháy, chữa cháy do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố đã ban hành và phải hoàn thành thực hiện các giải pháp trước ngày 30/3/2025. Sau thời gian trên, nếu không tổ chức thực hiện phải dừng hoạt động cho đến khi thực hiện xong. Xem và tải Chỉ thị 19/CT-TTg tại đây:https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/06/26/19ct.signed.pdf Tóm lại, Chỉ thị 19/CT-TTG được Thủ tướng Chính phủ ban hành vào ngày 24/6/2024 chỉ đạo tăng cường công tác PCCC đối với nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ, nhà ở riêng lẻ kết hợp sản xuất, kinh doanh ( kể cả nhà ở cho thuê trọ). Tập trung bổ sung quy định cụ thể trong luật về điều kiện an toàn phòng cháy, chữa cháy đối với nhà ở riêng lẻ kết hợp sản xuất, kinh doanh, ngăn chặn các nguyên nhân gây ra cháy nổ và tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật người dân.
Thủ tướng ra Chỉ thị về tăng cường công tác phòng cháy chữa cháy đối với các loại công trình nhà ở
Ngày 24/06/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Chỉ thị 19/CT-TTg năm 2024 về tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy đối với nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ, nhà ở riêng lẻ kết hợp sản xuất, kinh doanh. Tăng cường công tác phòng cháy chữa cháy đối với các loại công trình nhà ở Thủ tướng nhận định thời gian qua, tình hình cháy, nổ có nhiều hướng diễn biến phức tạp, khó lương, liên tiếp xảy ra nhiều vụ cháy gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về người và tài sản; Điển hình như vụ cháy nhà nhiều tầng, nhiều căn hộ xảy ra vào ngày 12/09/2023 tại quận Thanh Xuân, TP Hà Nội làm 56 người chết và gần đây là vụ cháy nhà ở cho thuê trọ xảy ra vào ngày 24/05/2024 tại quận Cầu Giấy, TP Hà Nội làm 14 người chết; vụ cháy nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh xảy ra vào ngày 16/06/2024 tại quận Hoàng Mai, TP Hà Nội làm 4 người chết Tại Chỉ thị, Thủ tướng Chính phủ có đề cập những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình hình cháy nổ trên và đưa ra yêu cầu cụ thể đối với các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc chủ động phòng ngừa, ngăn chặn tình hình cháy, nổ, hạn chế thấp nhất thiệt hại do cháy, nổ gây ra. Xem chi tiết tại Chỉ thị 19/CT-TTg năm 2024 ban hành 24/06/2024. Qua Chỉ thị 19/CT-TTg năm 2024 có thể thấy tình hình cháy, nổ thời gian qua liên tiếp xảy ra gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về người và tài sản đặc biệt là ở những khu nhà nhiều tầng, nhiên căn hộ, chung cư mini. Khu vực này rất dễ xảy ra cháy, nổ cũng như khó kiểm soát nhưng lại có nhiều người sinh sống. Vậy nhà chung cư thì cần phải đáp ứng những quy định gì về phòng cháy chữa cháy? Yêu cầu về phòng cháy chữa cháy với chung cư như thế nào? Căn cứ tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 50/2024/NĐ-CP quy định danh mục cơ sở thuộc diện quản lý về phòng cháy và chữa cháy Theo đó, chung cư là cơ sở thuộc diện quản lý về phòng cháy và chữa cháy, chung cư phải đáp ứng đủ yêu cầu về an toàn phòng cháy chữa cháy đối với cơ sở như sau: Đối với chung cư cao từ 5 tầng trở lên hoặc có khối tích từ 5.000 m3 trở lên: (1) Có nội quy, biển cấm, biển báo, sơ đồ hoặc biển chỉ dẫn về phòng cháy và chữa cháy, thoát nạn phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn về phòng cháy và chữa cháy hoặc theo quy định của Bộ Công an; (2) Có lực lượng phòng cháy và chữa cháy cơ sở, chuyên ngành tương ứng với loại hình cơ sở, được huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy và tổ chức sẵn sàng chữa cháy đáp ứng yêu cầu chữa cháy tại chỗ theo quy định, trừ trường hợp quy định tại điểm g khoản 3 Điều 31 Nghị định 136/2020/NĐ-CP; (3) Có phương án chữa cháy được cấp có thẩm quyền phê duyệt; (4) Hệ thống điện, chống sét, chống tĩnh điện, thiết bị sử dụng điện, sinh lửa, sinh nhiệt, việc sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt phải bảo đảm an toàn về phòng cháy và chữa cháy phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn về phòng cháy và chữa cháy hoặc theo quy định của Bộ Công an; (5) Có hệ thống giao thông, cấp nước, thông tin liên lạc phục vụ chữa cháy, hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu về phòng cháy, chữa cháy và truyền tin báo sự cố, hệ thống báo cháy, chữa cháy, ngăn cháy, ngăn khói, thoát nạn, phương tiện phòng cháy và chữa cháy khác, phương tiện cứu người bảo đảm về số lượng, chất lượng phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn về phòng cháy và chữa cháy hoặc theo quy định của Bộ Công an; (6) Có Giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế và văn bản thẩm duyệt thiết kế (nếu có) và văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy của cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy đối với dự án, công trình thuộc danh mục quy định tại Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định 50/2024/NĐ-CP. Trừ các cơ sở quốc phòng hoạt động phục vụ mục đích quân sự và phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy được các cơ sở quốc phòng chế tạo hoặc hoán cải chuyên dùng cho hoạt động quân sự. Đối với chung cư cao dưới 5 tầng và có khối tích dưới 5.000 m3 - Các điều kiện quy định tại các điểm (1), (3) và điểm (4); trường hợp cơ sở thuộc danh mục quy định tại Phụ lục V Nghị định 50/2024/NĐ-CP phải có Giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế và văn bản thẩm duyệt thiết kế (nếu có) và văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy; - Có hệ thống giao thông, cấp nước, thông tin liên lạc phục vụ chữa cháy, hệ thống báo cháy, chữa cháy, ngăn cháy, ngăn khói, thoát nạn, phương tiện phòng cháy và chữa cháy khác, phương tiện cứu người bảo đảm về số lượng, chất lượng phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về phòng cháy và chữa cháy hoặc theo quy định của Bộ Công an; - Có quy định và phân công chức trách, nhiệm vụ phòng cháy và chữa cháy. Người làm nhiệm vụ phòng cháy và chữa cháy phải được huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy theo quy định tại Điều 33 Nghị định 136/2020/NĐ-CP. Như vậy, chung cư cần phải đáp ứng những yêu cầu điều kiện của về an toàn phòng cháy chữa cháy đối với cơ sở theo quy định của pháp luật đối với từng loại chung cư để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn tình hình cháy, nổ, hạn chế thấp nhất thiệt hại do cháy, nổ gây ra.
Khu dân cư cần đáp ứng điều kiện gì về phòng cháy, chữa cháy?
Phòng cháy, chữa cháy (PCCC) là một yếu tố quan trọng đảm bảo an toàn cho khu dân cư, giúp bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân. “Khu dân cư cần đáp ứng điều kiện gì về phòng cháy, chữa cháy?” là vấn đề được đông đảo người dân quan tâm. - Khu dân cư là nơi sinh sống của cá nhân, hộ gia đình được bố trí trên phạm vi thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, tổ dân phố và đơn vị dân cư tương đương (gọi chung là thôn). Một thôn được xác định là một khu dân cư thuộc diện quản lý về phòng cháy và chữa cháy. - Khu dân cư có nguy cơ cháy, nổ cao được hướng dẫn bởi Điều 6 Thông tư 149/2020/TT-BCA: Khu dân cư có nguy cơ cháy, nổ cao là khu dân cư quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị định 136/2020/NĐ-CP khi có một trong những tiêu chí như sau: + Có làng nghề sản xuất, kinh doanh hàng hóa dễ cháy, nổ. + Có tối thiểu 20% hộ gia đình sinh sống kết hợp với sản xuất, kinh doanh hàng hóa, hóa chất dễ cháy, nổ trên tổng số nhà ở hộ gia đình. + Có cơ sở chế biến, sản xuất, bảo quản dầu mỏ và sản phẩm dầu mỏ, khí đốt, hóa chất nguy hiểm về cháy, nổ; kho dầu mỏ và sản phẩm dầu mỏ, kho khí đốt, hóa chất nguy hiểm về cháy, nổ; cửa hàng kinh doanh xăng dầu. (1) Khu dân cư cần đáp ứng điều kiện gì về phòng cháy, chữa cháy? Theo Điều 6 Nghị định 136/2020/NĐ-CP quy định về điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy đối với khu dân cư như sau: + Có nội quy về phòng cháy và chữa cháy, về sử dụng điện, sử dụng lửa và các chất dễ cháy, nổ phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về phòng cháy và chữa cháy hoặc theo quy định của Bộ Công an. + Có hệ thống giao thông, nguồn nước phục vụ chữa cháy, giải pháp chống cháy lan, phương tiện phòng cháy và chữa cháy bảo đảm số lượng và chất lượng phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về phòng cháy và chữa cháy hoặc theo quy định của Bộ Công an. + Có phương án chữa cháy được cấp có thẩm quyền phê duyệt. + Có lực lượng dân phòng được huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy và tổ chức sẵn sàng chữa cháy đáp ứng yêu cầu chữa cháy tại chỗ. Điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy quy định tại khoản 2 Điều 6 phải được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức thực hiện và duy trì trong suốt quá trình hoạt động. Như vậy, khu dân cư là nơi sinh sống của cá nhân, hộ gia đình, khu dân cư cần phải đáp ứng 04 điều kiện an toàn phòng cháy, chữa cháy. (2) Điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy đối với hộ gia đình Căn cứ Điều 7 Nghị định 136/2020/NĐ-CP quy định về điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy đối với hộ gia đình: - Hộ gia đình phải bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy theo quy định tại khoản 1 Điều 17 Luật Phòng cháy và chữa cháy. Trong đó, khoản 1 Điều 17 Luật Phòng cháy và chữa cháy đề cập như sau: Nhà ở phải bố trí hệ thống điện, bếp đun nấu, nơi thờ cúng bảo đảm an toàn; các chất dễ cháy, nổ phải để xa nguồn lửa, nguồn nhiệt; chuẩn bị các điều kiện, phương tiện để sẵn sàng chữa cháy. - Hộ gia đình sinh sống kết hợp với sản xuất, kinh doanh phải bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy sau đây: + Điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 7. + Có nội quy về phòng cháy và chữa cháy, về sử dụng điện, sử dụng lửa và các chất dễ cháy, nổ phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về phòng cháy và chữa cháy hoặc theo quy định của Bộ Công an. + Có giải pháp thoát nạn, ngăn cháy lan, ngăn khói giữa khu vực sinh sống với khu vực sản xuất, kinh doanh. - Điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 7 phải được chủ hộ gia đình tổ chức thực hiện và duy trì trong suốt quá trình hoạt động. - Hộ gia đình quy định tại khoản 2 Điều 7 đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp phải bảo đảm điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy tương ứng với loại hình cơ sở theo quy định tại Điều 5 Nghị định 136/2020/NĐ-CP Tóm lại, khu dân cư và hộ gia đình cần đáp ứng các điều kiện về phòng cháy, chữa cháy. Việc tuân thủ các quy định về phòng cháy, chữa cháy không chỉ là trách nhiệm pháp lý mà còn là cách bảo vệ an toàn cho cư dân và tài sản của chính mình.
Sẽ đình chỉ những nhà trọ không đủ điều kiện phòng cháy chữa cháy tại TP.HCM
Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh vừa có chỉ đạo đình chỉ những nhà trọ không đủ điều kiện về phòng cháy chữa cháy, có nguy cơ cháy, nổ, gây ảnh hưởng đến an toàn tính mạng của người dân. TP.HCM đình chỉ những nhà trọ không đủ điều kiện PCCC Theo Cổng Thông tin điện tử UBND TP.HCM, Chủ tịch UBND TP.HCM vừa có chỉ đạo các đơn vị có liên quan tăng cường công tác quản lý trật tự xây dựng đối với loại hình nhà ở nhiều căn hộ của hộ gia đình, cá nhân; cơ sở dịch vụ cho thuê trọ có mật độ người ở cao trên địa bàn TP. Phó Chủ tịch UBND TP giao Sở Xây dựng, UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện căn cứ tình hình hoạt động của các loại hình nhà ở nhiều căn hộ của hộ gia đình, cá nhân, cơ sở dịch vụ cho thuê trọ có mật độ người ở cao trên địa bàn để chủ động xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra. Qua đó kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng theo đúng thẩm quyền và quy định pháp luật. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý trật tự xây dựng và phòng cháy chữa cháy (PCCC) đối với loại hình nêu trên. Công an TP, UBND các quận huyện và TP Thủ Đức được giao chủ động xây dựng các giải pháp tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với loại hình nhà ở nhiều căn hộ của hộ gia đình, cá nhân, cơ sở dịch vụ cho thuê trọ có mật độ người ở cao. Các giải pháp phải đảm bảo phù hợp tình hình thực tiễn tại địa phương và đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của công tác quản lý nhà nước đối với loại hình nhà ở, cơ sở dịch vụ cho thuê. Trước đó, vào ngày 03/6/2024, nhằm thực hiện nghiêm ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND TPHCM về tăng cường công tác quản lý trật tự xây dựng và PCCC; đồng thời, đề ra các giải pháp khả thi nhằm khắc phục tồn tại, hạn chế đối với loại hình nhà ở nhiều căn hộ của hộ gia đình, cá nhân; cơ sở dịch vụ cho thuê trọ có mật độ người ở cao đang hoạt động trên địa bàn nhưng chưa đảm bảo các điều kiện về an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Ngoài ra, UBND TP.HCM yêu cầu các địa phương cần đình chỉ hoạt động ngay đối với các cơ sở không đủ điều kiện an toàn PCCC và cứu nạn, cứu hộ có nguy cơ cháy, nổ, gây ảnh hưởng đến an toàn tính mạng, sức khỏe và tài sản của người dân. Trước đó, đã có nhiều vụ cháy lớn trong các dãy nhà trọ, chung cư mini với lối vào chật hẹp hay không trang bị đủ các thiết bị PCCC cũng như không đáp ứng đủ điều kiện an toàn xây dựng và PCCC. Vì vậy, sự lo lắng của người dân về vấn đề này là vô cùng cần thiết, theo đó mỗi người dân và gia đình cần trang bị cho mình kiến thức về PCCC và cứu hộ, cứu nạn để ứng phó khi có trường hợp không may xảy ra. Trang bị những dụng cụ thoát hiểm và các phương tiện phòng cháy tại nhà 1. Bình chữa cháy Mỗi gia đình cần trang bị ít nhất một bình chữa cháy nhỏ gọn trong nhà, phòng trường hợp những vụ cháy nổ nhỏ có thể tự xử lý trước bằng bình chữa cháy hay ở các cơ sở kinh doanh cần trang bị mỗi tầng ít nhât smootj bình chữa cháy đề phòng tình huống khẩn cấp cần dùng đến. Ngoài ra, việc sử dụng những dụng cụ hỗ trợ này còn giúp người gặp nạn kéo dài được khoảng thời gian chờ lực lượng PCCC đến. 2. Thang thoát hiểm Tại nhà riêng hoặc ở các cơ sở kinh doanh, văn phòng làm việc,… cần dự trữ thang thoát hiểm để đề phòng khi tình huống khẩn cấp người gặp nạn phía trong đám cháy có thể sử dụng thang để ra ngoài từ tầng cao. 3. Mặt nạ phòng độc Mặt nạ phòng độc giúp người bị nạn giảm thiếu được khả năng hít phải khí độc. Các khí độc như CO, CO2 trong khói sẽ thoát ra khi có đám cháy, khi hít phải vài hơi khí độc này, cơ thể người gặp nạn sẽ có nguy cơ rơi vào trạng thái bất tỉnh ngay. Xem thêm bài viết: Cần ghi nhớ: Cách thoát hiểm khi xảy ra cháy 04 phương pháp chữa cháy cơ bản dành cho hộ gia đình Theo Bộ tài liệu tuyên truyền, hướng dẫn về PCCC và cứu nạn, cứu hộ cho hộ gia đình được ban hành bởi Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ thì có những phương pháp chữa cháy cơ bản dành cho hộ gia đình như sau: Phương pháp làm lạnh: Là phương pháp phun chất chữa cháy vào đám cháy nhằm hạ nhiệt độ của vùng cháy và bề mặt chất cháy xuống dưới nhiệt độ bắt cháy của chất đó. Chất chữa cháy điển hình theo phương pháp làm lạnh là nước (H2O) Phương pháp cách ly: Là phương pháp cách ly sự tiếp xúc giữa các yếu tố tạo nên sự cháy (cách ly chất cháy với chất ôxy hoá; cách ly chất cháy với nguồn nhiệt...). Dùng vật liệu không cháy, lớp chất bọt để ngăn cách ôxy tham gia phản ứng cháy; tạo khoảng cách giữa vùng bị cháy với những công trình xung quanh. Phương pháp làm giảm nồng độ các chất tham gia phản ứng cháy: Là phương pháp phun chất chữa cháy vào vùng cháy để làm loãng nồng độ hỗn hợp hơi chất cháy xuống dưới nồng độ có khả năng bốc cháy. Các chất chữa cháy điển hình có thể kể đến như: Khí CO2, N2, các khí trơ khác... Phương pháp ức chế hoá học: Là phương pháp phun các hóa chất có khả năng ức chế các phản ứng cháy và vùng cháy nhằm làm chậm phản ứng cháy, tiến tới triệt tiêu sự cháy. Các chất chữa cháy điển hình bao gồm: Các hợp chất thuộc nhóm halogen (CF3BrCl; CF3Br; C3F7H – 1,1,1,2,3,3,3 Heptan flo propan). Như vậy, theo hướng dẫn của Bộ tài liệu thì hiện hộ gia đình có 04 phương pháp chữa cháy cơ bản. https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/05/24/tai-lieu-tuyen-truyen-pccc-cho-ho-gd.pdf Bộ tài liệu tuyên truyền, hướng dẫn về PCCC và cứu nạn, cứu hộ Xem thêm bài viết: Hộ gia đình cần phải bảo đảm những điều kiện an toàn nào về PCCC?
Quản lý, sử dụng nguồn tài chính từ tài trợ cho hoạt động phòng cháy và chữa cháy như thế nào?
Ngày 10/05/2024, Chính phủ ban hành Nghị định 50/2024/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 136/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật Phòng cháy và chữa cháy sửa đổi và Nghị định 83/2017/NĐ-CP quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy. Nguồn tài chính cho hoạt động phòng cháy và chữa cháy được sử dụng cho những mục đích gì? Căn cứ Điều 47 Nghị định 136/2020/NĐ-CP quy định nguồn tài chính cho hoạt động phòng cháy và chữa cháy được sử dụng cho các nội dung sau đây: - Đầu tư cho hoạt động, cơ sở vật chất, trang bị phương tiện phòng cháy và chữa cháy và các thiết bị của lực lượng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy; - Hỗ trợ hoạt động của lực lượng dân phòng, lực lượng phòng cháy và chữa cháy cơ sở và lực lượng phòng cháy và chữa cháy chuyên ngành; - Hỗ trợ tuyên truyền và xây dựng phong trào toàn dân tham gia phòng cháy và chữa cháy; - Hỗ trợ khen thưởng trong công tác phòng cháy và chữa cháy; - Hỗ trợ các hoạt động phòng cháy và chữa cháy khác. Quản lý, sử dụng nguồn tài chính từ tài trợ cho hoạt động phòng cháy và chữa cháy như thế nào? Căn cứ Khoản 20 Điều 1 Nghị định 50/2024/NĐ-CP Bổ sung Điều 47a Nghị định số 136/2020/NĐ-CP quy định Quản lý, sử dụng nguồn tài chính từ đóng góp tự nguyện, tài trợ của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài cho hoạt động phòng cháy và chữa cháy như sau: 1. Nguồn tài chính do cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài đóng góp tự nguyện, tài trợ cho hoạt động phòng cháy và chữa cháy phải phù hợp với bội dung sử dụng theo quy định. Cơ quan, tổ chức, cá nhân tài trợ có thỏa thuận, đề nghị về mục đích sử dụng, mức chi cho hoạt động phòng cháy và chữa cháy thì việc quản lý, sử dụng thực hiện theo thỏa thuận, đề nghị của cơ quan, tổ chức, cá nhân đóng góp, tài trợ nhưng không trái với những nội dung được sử dụng theo quy định pháp luật. 2. Tiếp nhận, quản lý nguồn tài chính do cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài đóng góp tự nguyện, tài trợ cho hoạt động phòng cháy và chữa cháy như sau: a) Nguồn tài chính bằng tiền được gửi vào tài khoản của Bộ Công an mở tại Kho bạc Nhà nước và được tổng hợp đầy đủ vào ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước và quy định của pháp luật có liên quan. b) Nguồn tài chính bằng hiện vật, sau khi thực hiện xác lập sở hữu toàn dân được giao cho cơ quan, đơn vị có chức năng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ quản lý sử dụng theo quy định pháp luật quản lý tài sản công và quy định của pháp luật có liên quan. c) Thông tin về đóng góp tự nguyện, tài trợ của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài được cung cấp và công bố trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Công an và Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp cơ quan, tổ chức, cá nhân đóng góp tự nguyện, tài trợ có thỏa thuận không công bố thông tin. d) Nguồn tài chính từ việc vận động, tiếp nhận các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn các trường hợp do sự cố thực hiện theo quy định tại Nghị định số 93/2021/NĐ-CP. 3. Bộ Công an căn cứ thực tế nguồn tài chính từ đóng góp tự nguyện, tài trợ và yêu cầu thực tiễn quyết định về mức chi cho các nội dung liên quan đến hoạt động phòng cháy và chữa cháy quy định sau khi thống nhất với Bộ Tài chính. 4. Bộ Công an chịu trách nhiệm quản lý, sử dụng nguồn tài chính từ đóng góp tự nguyện, tài trợ theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước và quy định của pháp luật có liên quan. Nghị định 50/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 10/05/2024.
Một số lưu ý về “điểm chữa cháy công cộng” mà ai cũng nên biết
Điểm chữa cháy công cộng là gì? Điểm chữa cháy công cộng thường được bố trí ở đâu? Bài viết sau đây sẽ cung cấp một số thông tin liên quan đến vấn đề này và lưu ý một số điều cho người dân khi sử dụng điểm chữa cháy công cộng phòng xảy ra cháy nổ. Trước đó, ngày 24/5 vụ cháy lớn tại nhà số 1, hẻm 31, ngách 98, ngõ 43 phố Trung Kính, quận Cầu Giấy, Hà Nội đã khiến 14 người tử vong. Trước sự việc thương tâm này, người dân cả nước cũng từ đó rút kinh nghiệm mà nâng cao cảnh giác, ý thức về công cuộc phòng cháy, chữa cháy tại nơi ở để bảo đảm an toán tình mạng cho chính bản thân và gia đình. (1) Điểm chữa cháy công cộng là gì? Trước đó, theo Kế hoạch 53/KH-UBND ngày 16/2/2023 tuyên truyền, phổ biến pháp luật và xây dựng mô hình phong trào dân tham gia phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho cộng đồng trên địa bàn thành phố Hà Nội có nhắc đến 1 trong 2 mô hình toàn dân tham gia phòng cháy chữa cháy (PCCC) và cứu hộ cứu nạn (CHCN), cụ thể: Điểm chữa cháy công cộng là nơi chứa các thiết bị chữa cháy giúp người dân hỗ trợ xử lý các sự cố hỏa hoạn cháy nổ tại các khu phố, ngõ hẻm nhỏ những nơi mà các phương tiện xe cứu hỏa không thể đi vào để chữa cháy. (2) Điểm chữa cháy công cộng được bố trí ở đâu? Mô hình “điểm chữa cháy công cộng” thường được sử dụng cho các ngõ, hẻm sâu tập trung nhiều nhà (nhà ở hộ gia đình hoặc hộ gia đình kết hợp sản xuất, kinh doanh) có chiều sâu từ 50m trở lên, xe chữa cháy không tiếp cận được. Người sử dụng phương tiện tại mô hình “Điểm chữa cháy công cộng” là người dân thường xuyên sinh sống, làm việc tại hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh hoặc người dân từ 18 tuổi trở lên có đủ sức khỏe và có kiến thức PCCC và CNCH; kỹ năng chữa cháy, thoát nạn và sử dụng phương tiện, thiết bị PCCC trong các khu dân cư có bố trí, lắp đặt mô hình “Điểm chữa cháy công cộng” Các điểm chữa cháy được bố trí thuận lợi cho việc sử dụng các phương tiện để chữa cháy, CNCH; không cản trở lối đi lại của người dân, tránh mưa, nắng và có biển thông báo (khoảng cách giữa 02 điểm đặt phương tiện khoảng 50m). (3) Mỗi điểm chữa cháy công cộng cần đảm bảo bố trí, trang bị những gì? Ở mỗi điểm chữa cháy công cộng cần bố trí, trang bị phương tiện PCCC, CNCH như sau: - Phải có quy định về quản lý, sử dụng phương tiện PCCC, CNCH tại các điểm chữa cháy công cộng (trong đó quy định rõ việc sử dụng, quản lý, kiểm tra, bảo dưỡng, thay thế phương tiện khu hỏng hóc hoặc sau khi sử dụng). - Số lượng, chủng loại phương tiện tại mỗi điểm: + 01 biển thông báo bằng tôn, nền màu đỏ, chữ màu vàng tiếng việt “ĐIỂM CHỮA CHÁY CÔNG CỘNG” và tiếng anh “PUBLIC FIRE-FIGHTING EQUIPMENT”; + 02 bình bột chữa cháy loại ABC; + Nội quy quản lý, sử dụng phương tiện PCCC, CNCH; + Tối thiểu 01 xà beng hoặc kìm cộng lực (căn cứ điều kiện thực tế). + Ban hành, niêm yết quy trình xử lý sự cố cháy, nổ, cứu nạn, cứu hộ (các bước xử lý cháy, nổ, sự cố; số điện thoại liên hệ: Lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH qua số 114 hoặc App báo cháy 114, Đội Cảnh sát PCCC và CNCH trên địa bàn, UBND hoặc Công an cấp xã, Lực lượng dân phòng,...) và hướng dẫn sử dụng các trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. + Căn cứ vào điều kiện thực tế, khu vực có trụ nước chữa cháy có thể trang bị lăng, vòi, đầu nối, thiết bị mở khóa; khu vực có ao, hồ, bể nước có thể trang bị máy bơm chữa cháy khiêng tay, lăng vòi chữa cháy. (4) Xử lý tình huống khi có cháy, nổ, sự cố cứu nạn, cứu hộ Khi có cháy nổ, sự cố, người dân cần thực hiện: - Người phát hiện cháy, nổ, sự cố, tai nạn hô hoán cho mọi người trong ngõ, hẻm biết; - Báo cháy cho lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH (qua số 114 hoặc App báo cháy 114), UBND hoặc Công an cấp xã; - Sử dụng các phương tiện tại các điểm chữa cháy công cộng để chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ. Ngoài ra, cần lưu ý những vấn đề sau, nếu gọi đến số điện thoại 114: - Khi ở trong sự cố hoặc tình huống cháy, hoặc phát hiện sự cố, đám cháy, cần giữ bình tĩnh, cố gắng trấn an tâm lý cho những người xung quanh, thông báo cho người khác hoặc sử dụng điện thoại để gọi cho lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH; - Thời điểm gọi: Ngay khi xảy ra sự cố, nhận thấy ngoài khả năng xử lý của lực lượng tại chỗ, cần gọi ngay lập tức đến số điện thoại 114. - Thông tin cần cung cấp cho lực lượng Cảnh sát PCCC đảm bảo trả lời được 3 câu hỏi: “Bạn là ai?”, “Bạn đang ở đâu”, “Bạn nhìn thấy gì?”. + “Bạn là ai?”: Cần nói đủ họ và tên, cung cấp số điện thoại để lực lượng chữa cháy có thể liên lạc lại với bạn; + “Bạn ở đâu?”: Cần cung cấp chính xác địa chỉ cơ sở xảy ra cháy hoặc sự cố, điều này sẽ giúp lực lượng Cảnh sát PCCC đến địa điểm yêu cầu nhanh nhất; + “Bạn nhìn thấy gì?” Cần cung cấp thông tin về tình hình đám cháy hoặc đặc điểm sự cố: loại nhà, vị trí tầng bị cháy, chất cháy, tình trạng người bị nạn… Như vậy, mô hình “điểm chữa cháy công cộng” này được xây dựng tại các ngõ dân cư có lối ra vào hẹp, xe chữa cháy khó tiếp cận. Các điểm “chữa cháy công cộng” sẽ được trang bị các phương tiện chữa cháy thông dụng như: bình chữa cháy, xà beng, búa, kiềm cộng lực để phá dỡ, tiêu lệnh và nội quy quản lý, sử dụng phương tiện PCCC cho người dân có thể sử dụng khi có cháy nổ kịp thời mà các phương tiện xe cứu hỏa không thể đi vào được. Xem Toàn bộ Danh mục cơ sở, phương tiện PCCC tại Nghị định 50/2024/NĐ-CP Tham khảo: Tội vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy xử lý thế nào? Căn cứ tại Điều 313 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bởi khoản 115 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định về tội vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy như sau: Khung 1: Người nào vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 02 năm đến 05 năm: - Làm chết người; - Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; - Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%; - Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng. Khung 2: Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 08 năm: - Làm chết 02 người; - Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%; - Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng. Khung 3: Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm: - Làm chết 03 người trở lên; - Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên; - Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên. Bên cạnh đó, hành vi vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các hành vi khung 3 nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10-50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01-05 năm. Trên đây là một số lưu ý cho người dân về điểm chữa cháy công cộng khi xảy ra cháy nổ, đồng thời nêu rõ mức phạt về vi phạm về quy định PCCC theo pháp luật hiện hành.
Hướng dẫn cách để thoát nạn an toàn và xác định lối thoát nạn khi có cháy xảy ra
Gần đây, các vụ hỏa hoạn xảy ra liên tiếp trên cả nước, gây ra hậu quả cực kỳ nặng nề. Do đó, mọi người đều cần trang bị cho mình các kỹ năng để thoát hiểm khi hỏa hoạn xảy ra Mới đây, Cổng thông tin điện tử của Bộ Công an đã đưa ra các hướng dẫn về cách để thoát nạn an toàn và xác định đường lối thoát nạn khi có cháy xảy ra Theo đó, các biện pháp được Bộ Công an hướng dẫn như sau: Đối với nhà độc lập, liền kề Để thoát nạn an toàn khi xảy ra cháy, trước hết chúng ta phải xác định được lối ra an toàn ra khỏi căn nhà đang cháy. Thông thường, các lối thoát ra nơi an toàn ở các nhà độc lập hoặc liền kề bao gồm: Lối ra cửa chính của căn nhà; lối ra cầu thang thoát nạn ngoài nhà từ các tầng; lối ra ban công hoặc lôgia; lối lên trên sân thượng hoặc lối lên mái (tầng thượng) để thoát sang công trình liền kề. Ngoài ra, đối với các căn hộ độc lập thì lối thoát nạn an toàn là qua các cửa sổ, ban công khi có các thiết bị hỗ trợ như: thang, thang cây, dây tự cứu hạ chậm… Khi phát hiện ra đám cháy, mọi người cần chú ý một số vấn đề sau: - Người phát hiện đám cháy đầu tiên cần nhanh chóng báo động để mọi người trong nhà biết và nhanh chóng thoát ra ngoài theo lối cửa chính của căn nhà nếu như lối này chưa bị lửa, khói bao trùm. Trong quá trình di chuyển cần bình tĩnh và thực hiện các biện pháp để tránh hít phải khói, khí độc hoặc bị lửa tạt gây bỏng hoặc cháy quần áo; - Trong trường hợp lối thoát qua cửa chính tại tầng 1 đã bị lửa, khói bao trùm thì bình tĩnh và cùng các thành viên trong gia đình suy tính, tìm lối thoát khác như: + Di chuyển ra ngoài ban công và sử dụng các phương tiện như thang dây nếu có, hoặc trong trường hợp cấp thiết có thể sử dụng dây thừng hoặc các dây tự nối bằng các vật dụng như rèm, ga giường, quần, để thoát xuống dưới và ra nơi an toàn. Tuy nhiên, trước khi dùng dây để tụt xuống cần phải đảm bảo dây chắc chắn và dây phải buộc vào các cấu kiện vững chắc; + Di chuyển ra ban công hoặc qua cửa sổ và tìm cách thoát qua các nhà, công trình lân cận; + Di chuyển lên tầng thượng hoặc lên mái và thoát sang các công trình lân cận nếu có thể. Trong quá trình di chuyển cần sử dụng khăn, áo thấm ướt bịt vào mũi, miệng nhằm hạn chế hít phải khói, khí độc; - Đối với các nhà, công trình có lồng sắt bao bọc phía ngoài nhà, thì có thể thoát qua ô cửa trên các lồng sắt đó để sang các công trình liền kề. Nếu trên các lồng sắt đó không có sẵn các cửa thoát hiểm thì hãy bình tĩnh tìm kiếm các vật dụng như búa, rìu hoặc các vật dụng khác nhằm bẻ gãy hoặc banh rộng các ô trên lồng sắt để mọi người có thể chui qua và sang công trình liền kề hoặc xuống nơi an toàn với sự hỗ trợ của những người xung quanh; - Tuyệt đối không chạy vào nhà vệ sinh để trốn tránh, bởi vì rất dễ bị ngạt khói và lửa thiêu khi đám cháy lan ra toàn bộ căn hộ. Trong một số tình huống cấp thiết, để ngăn đám cháy từ các tầng dưới lan lên tầng trên, mọi người có thể xả nước từ nhà tắm để nước tràn ra sàn nhà và chảy xuống các tầng dưới, khi đó có thể ngăn đám cháy lan lên các tầng trên. Tuy nhiên, khi xả nước trong căn hộ cần lưu ý phải cắt cầu dao tổng để tránh bị điện giật do nước tràn làm chập các thiết bị điện; - Trong tất cả các trường hợp, khi phát hiện cháy phải nhanh chóng gọi điện báo cho lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ theo số 114 để kịp thời đến cứu nạn và dập tắt đám cháy. Đối với căn hộ ở các chung cư nhiều tầng, cao tầng Ở các nhà chung cư nhiều tầng, cao tầng thì các lối thoát nạn an toàn là các cầu thang bộ bên trong tòa nhà (lối vào buồng thang có cửa tự động đóng kín) hoặc các cầu thang bộ hở đặt phía ngoài tòa nhà (thường là cầu thang sắt). Khi xảy ra sự cố cháy trong các công trình cao tầng, để thoát nạn an toàn mọi người cần chú ý đến một số vấn đề sau: - Trên hành lang của tòa nhà dẫn từ các căn hộ đến các lối thoát nạn thường có các biển chỉ dẫn, người bị nạn di chuyển theo hướng mũi tên chỉ dẫn để đến buồng thang thoát nạn . Tại lối vào buồng thang (bên trong nhà) hoặc cầu thang hở (bên ngoài) sẽ có đèn chỉ dẫn ký hiệu “EXIT”, khi vào buồng thang mọi người sẽ di chuyển xuống dưới và ra nơi an toàn; - Để thoát nạn an toàn mọi người chỉ được dùng thang bộ, tuyệt đối không được dùng thang máy để thoát nạn, bởi vì hệ thống điện cung cấp cho thang máy có thể bị mất và thang sẽ dừng lại đột ngột ở vị trí bất kỳ, người bị nạn sẽ kẹt trong thang và có nguy cơ bị ngọn lửa tác động, hít phải khói, khí độc dẫn đến tử vong trong thời gian ngắn. - Trên đường di chuyển thoát nạn cần thông báo cho mọi người ở các căn hộ liền kề và nhấn nút báo cháy khẩn cấp để mọi người trong tòa nhà biết có sự cố cháy, kịp thời thoát nạn. - Trong quá trình thoát nạn mọi người hãy hỗ trợ lẫn nhau, đặc biệt chú ý giúp đỡ người già, trẻ em và phụ nữ đang mang thai. Tuyệt đối không được chen lấn, xô đẩy có thể dẫn đến chấn thương và nguy hiểm đến tính mạng nhiều người. - Trường hợp nếu cửa chính ra vào căn hộ và hành lang dẫn đến buồng thang thoát nạn đều bị khói lửa bao trùm, mọi người không thể thoát ra khỏi phòng, thì nhanh chóng đóng cửa và có các biện pháp ngăn khói, lửa lan truyền vào căn hộ. Sử dụng điện thoại nhanh chóng gọi cho lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ theo số 114 để kịp thời đến cứu nạn; di chuyển ra vị trí cửa sổ, ban công hô to và dùng áo, khăn hoặc vật sáng màu để vẫy gọi mọi người biết vị trí mình đang bị nạn - Trong tất cả các trường hợp tuyệt đối không vội vàng nhảy từ trên cao xuống dưới để thoát nạn khi chưa đảm bảo các điều kiện an toàn như đệm hơi hoặc một số phương tiện bảo hộ khác đã được lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ triển khai phía dưới *Lưu ý: Biện pháp nhảy từ trên cao xuống để thoát nạn là giải pháp cuối cùng và chỉ thực hiện khi đã suy xét kỹ và thấy rằng không còn phương án thoát nạn nào khác. (Nguồn Cổng TTĐT Bộ Công an) Link bài viết: https://www.bocongan.gov.vn/hoi-dap/huong-dan-cach-de-thoat-nan-an-toan-va-xac-dinh-duong-loi-thoat-nan-khi-co-chay-xay-ra-15265.html
Đề xuất phương pháp thử độ chịu va đập của bình bột chữa cháy vỏ xốp
Bộ Công an đang lấy ý kiến cho dự thảo Tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia đề xuất một số quy định về yêu cầu kỹ thuật và phương pháp thử nghiệm đối với bình bột chữa cháy vỏ xốp >> Bài được viết theo Tiêu chuẩn quốc gia bình bột chữa cháy vỏ xốp Lần 1 https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/05/24/D%E1%BB%B0%20TH%E1%BA%A2O%20TCVN%20-%20B%C3%8CNH%20B%E1%BB%98T%20V%E1%BB%8E%20X%E1%BB%90P.pdf (1) Bình bột chữa cháy vỏ xốp là gì? Bình bột chữa cháy vỏ xốp (Styrofoam shell fire extinguisher) sử dụng chất chữa cháy là bột chữa cháy, tự động kích hoạt xả chất chữa cháy khi bộ phận dẫn cháy (dây dẫn cháy) tiếp xúc với ngọn lửa kích hoạt bộ phận tạo áp suất làm phá vỡ lớp vỏ bình và phun bột chữa cháy. Dự thảo Tiêu chuẩn quốc gia phân bình bột chữa cháy vỏ xốp thành 03 kích cỡ là: - Cỡ nhỏ (S): khối lượng bột chữa cháy ≤ 1.000g; - Cỡ vừa (M): khối lượng bột chữa cháy > 1.000g và ≤ 2.000g; - Cỡ lớn (L): khối lượng bột chữa cháy > 2.000g và ≤ 6.000g; Theo đó, dự thảo Tiêu chuẩn quy định bình bột chữa cháy vỏ xốp phải dễ dàng vận hành, sử dụng, kiểm tra và bảo trì, có cấu trúc bền theo thời gian, không gây nguy hiểm khi sử dụng và tất cả các bộ phận trong bình bột chữa cháy vỏ xốp không tháo rời, không sử dụng với mục đích khác ngoài việc chữa cháy. >> Bài được viết theo Tiêu chuẩn quốc gia bình bột chữa cháy vỏ xốp Lần 1 https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/05/24/D%E1%BB%B0%20TH%E1%BA%A2O%20TCVN%20-%20B%C3%8CNH%20B%E1%BB%98T%20V%E1%BB%8E%20X%E1%BB%90P.pdf (2) Các yêu cầu về kỹ thuật Dự thảo Tiêu chuẩn quốc gia đưa ra các yêu cầu kỹ thuật đối với bình bột chữa cháy vỏ xốp như sau: Yêu cầu về hình dạng và hình thức bên ngoài Hình dạng: không quy định (có thể là hình cầu, hình vuông, hình trụ). Hình thức bên ngoài thiết bị phải hoàn chỉnh, không cho phép có bất kỳ vết nứt, vết rách hoặc rò rỉ chất chữa cháy nào xuất hiện ngoài vỏ bình. Yêu cầu về độ bền chịu nhiệt và độ bền va đập Dự thảo Tiêu chuẩn quốc gia không cho phép có bất kỳ vết nứt, vết rách hoặc rò rỉ chất chữa cháy nào xuất hiện ngoài vỏ bình khi thực hiện thử độ bền chịu nhiệt và độ bền va đập theo phương pháp thử được đề xuất trong dự thảo. Yêu cầu về chất chữa cháy và dung sai nạp Về chất chữa cháy: Chất chữa cháy bằng bột hóa chất khô, không ở dạng đông cứng hoặc kết tụ và phải phù hợp TCVN 6102:2020. Về dung sai nạp: lượng nạp chất chữa cháy phải trong giới hạn ± 10% lượng nạp theo công bố của nhà sản xuất đối với loại cỡ nhỏ (S) và vừa (M), giới hạn ± 5% lượng nạp theo công bố của nhà sản xuất đối với loại cỡ lớn (L). Yêu cầu về thời gian kích hoạt, hiệu ứng nổ và âm thanh khi phát ra kích hoạt Về thời gian kích hoạt, dự thảo Tiêu chuẩn đặt ra yêu cầu thời gian kích hoạt phải ≤ 10 giây, hiệu ứng nổ phải không gây nứt, vỡ các tấm kính khi thử nghiệm theo phương pháp thử được đề xuất trong dự thảo. Âm thanh phát ra khi kích hoạt bình bột chữa cháy vỏ xốp không lớn hơn 120 dB (3) Các phương pháp thử nghiệm Các mẫu thử được lấy trong cùng 1 lô sản xuất. Mỗi thử nghiệm sử dụng 03 mẫu. Thử độ bền chịu nhiệt và độ chịu va đập Dự thảo Tiêu chuẩn quốc gia đề xuất phương pháp thử nghiệm độ bền chịu nhiệt bằng cách Bật lò sấy cho đến khi nhiệt độ đạt (85 ± 1) độ C. Đưa bình bột chữa cháy vỏ xốp vào lò sấy và đặt trên vật liệu không dẫn nhiệt trong lò. Duy trì nhiệt độ bên trong lò tại 85 độ C, thời gian 24 giờ ± 15 phút. Lấy bình bột chữa cháy vỏ xốp ra khỏi lò sấy, để nguội đến nhiệt độ môi trường và kiểm tra các vết nứt, vết rách hoặc rò rỉ chất chữa cháy xuất hiện tại vỏ bình. Nếu không có vết nứt, vết rách hoặc rò rỉ là đạt yêu cầu Về phương pháp thử độ chịu va đập, dự thảo Tiêu chuẩn quốc gia đề xuất phương án như sau: Dùng sợi dây nilong treo bình bột vỏ xốp, điều chỉnh độ cao sao cho điểm đáy của bình bột trùng với vạch mức đã đánh dấu trên tường. Dùng kéo cắt dây để bình bột rơi tự do xuống nền bê tông (hoặc nền gạch men), sau đó kiểm tra bình bột Lưu ý: Nền bê tông (hoặc nền gạch men) thử nghiệm phải nhẵn, mịn. Chiều cao thử nghiệm độ chịu va đập - Bình cỡ nhỏ (S) thử nghiệm độ cao 2,0 m - Bình cỡ vừa (M) thử nghiệm ở độ cao 1,0 m - Bình cỡ lớn (L) thử nghiệm ở độ cao 0,5 m Thử thời gian kích hoạt, hiệu ứng nổ và âm thanh phát ra khi kích hoạt Phương pháp thử thời gian kích hoạt và hiệu ứng nổ được dự thảo Tiêu chuẩn quốc gia đề xuất như sau: Đặt hộp kính trên nền đất phẳng (hoặc gạch men). Tách đầu dây dẫn cháy (khoảng 30 mm) ra khỏi lớp màng PVC trên mẫu thử nghiệm. Đặt mẫu vào tâm hộp thử nghiệm. Dùng dụng cụ châm lửa lên dây dẫn cháy, tính thời gian trên đồng hồ bấm giây. Sau khi kích hoạt và phun bột chữa cháy, tiến hành kiểm tra hộp kính thử nghiệm và thời gian kích hoạt trên thiết bị đo. Kết quả phải đạt 3/3 mẫu thử nghiệm đối với yêu cầu về thời gian kích hoạt và hiệu ứng kích nổ Phương pháp thử âm thanh phát ra khi kích hoạt như sau: Tách đầu dây dẫn cháy (khoảng 30mm) ra khỏi lớp màng PVC. Đặt mẫu thử vào vị trí như hình dưới đây. Lắp thiết bị đo cường độ âm thanh ở khoảng cách 4m, độ cao 1m so với vị trí đặt bình chữa cháy. Điều chỉnh micro hướng vào tâm của bình bột chữa cháy vỏ xốp. Dùng dụng cụ châm lửa lên dây dẫn cháy. Sau khi bình bột chữa cháy vỏ xốp kích hoạt, tiến hành kiểm tra giá trị âm thanh hiện trên thiết bị đo. Dự thảo Tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia về bình bột chữa cháy vỏ xốp đang trong giai đoạn lấy ý kiến của người dân tại Cổng thông tin điện tử của Bộ Công an, người dân có thể truy cập vào website của Bộ Công an để nêu lên ý kiến của mình về dự thảo, ngày hết hạn lấy ý kiến là ngày 23/7/2024. >> Bài được viết theo Tiêu chuẩn quốc gia bình bột chữa cháy vỏ xốp Lần 1 https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/05/24/D%E1%BB%B0%20TH%E1%BA%A2O%20TCVN%20-%20B%C3%8CNH%20B%E1%BB%98T%20V%E1%BB%8E%20X%E1%BB%90P.pdf
Sửa chữa một phần công trình có cần thẩm duyệt lại thiết kế phòng cháy chữa cháy không?
Trong thực tế, nhiều cơ quan, đơn vị chỉ thuê một tầng hoặc một căn hộ trong tòa nhà để làm địa điểm kinh doanh, vậy khi cơ quan, đơn vị sửa chữa tầng hoặc căn hộ trong tòa nhà thì có phải thẩm duyệt lại thiết kế phòng cháy chữa cháy không? Bài viết sau sẽ cung cấp quy định về vấn đề trên. Quy định pháp luật về thẩm duyệt thiết kế phòng cháy chữa cháy Căn cứ Nghị định 136/2020/NĐ-CP được sửa đổi bởi Nghị định 50/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/05/2024, tại Điều 13 có quy định về thiết kế và thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy: - Quy hoạch xây dựng, thiết kế xây dựng mới, cải tạo hoặc thay đổi tính chất sử dụng dự án, công trình, thiết kế phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy khi chế tạo mới hoặc hoán cải thuộc mọi nguồn vốn đầu tư phải tuân theo các quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn về phòng cháy và chữa cháy. Hồ sơ thiết kế xây dựng dự án, công trình, phương tiện giao thông cơ giới quy định tại Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định này phải do đơn vị có đủ điều kiện theo quy định thực hiện và phải được thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy. - Thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy là việc cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, đối chiếu các giải pháp, nội dung thiết kế dự án, công trình, phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy với các quy chuẩn, tiêu chuẩn, các quy định của pháp luật Việt Nam có liên quan đến phòng cháy và chữa cháy hoặc tiêu chuẩn nước ngoài, tiêu chuẩn quốc tế về phòng cháy và chữa cháy được phép áp dụng tại Việt Nam theo trình tự, thủ tục pháp luật quy định. Kết quả thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy là một trong những căn cứ để xem xét, phê duyệt quy hoạch, phê duyệt dự án, thẩm định thiết kế xây dựng và cấp giấy phép xây dựng. - Đối tượng thuộc diện thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy: + Dự án, công trình quy định tại Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định này khi xây dựng mới hoặc khi cải tạo, thay đổi tính chất sử dụng dẫn đến một trong các trường hợp sau: làm tăng quy mô về số tầng hoặc diện tích khoang cháy; thay đổi chủng loại, vị trí thang bộ thoát nạn; giảm số lượng lối thoát nạn của tầng, khoang cháy, công trình; lắp mới hoặc thay thế hệ thống báo cháy; lắp mới hoặc thay thế hệ thống chữa cháy; thay đổi công năng làm nâng cao các yêu cầu an toàn cháy đối với tầng nhà, khoang cháy và công trình; + Phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy quy định tại mục 19 Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định này khi chế tạo mới hoặc hoán cải ảnh hưởng đến một trong các yêu cầu an toàn phòng cháy và chữa cháy quy định tại điểm c khoản 5 Điều này. Như vậy, khi công trình quy định tại Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định 136/2020/NĐ-CP được sửa đổi bởi Nghị định 50/2024/NĐ-CP khi cải tạo, thay đổi tính chất sử dụng dẫn đến một trong các trường hợp sau: làm tăng quy mô về số tầng hoặc diện tích khoang cháy; thay đổi chủng loại, vị trí thang bộ thoát nạn; giảm số lượng lối thoát nạn của tầng, khoang cháy, công trình; lắp mới hoặc thay thế hệ thống báo cháy; lắp mới hoặc thay thế hệ thống chữa cháy; thay đổi công năng làm nâng cao các yêu cầu an toàn cháy đối với tầng nhà, khoang cháy và công trình thì phải thẩm duyệt thiết kế phòng cháy chữa cháy. Sửa chữa một phần công trình có cần thẩm duyệt lại thiết kế phòng cháy chữa cháy không? Có thẩm duyệt hay không và ai là người có trách nhiệm làm thủ tục thẩm duyệt khi cải tạo công trình: Tòa nhà này cao 15 tầng thuộc Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định 136/2020/NĐ-CP được sửa đổi bởi Nghị định 50/2024/NĐ-CP thì khi cải tạo ảnh hưởng đến một trong các yêu cầu an toàn phòng cháy và chữa cháy quy định tại mục trên thì phải thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy. Còn vấn đề "chủ đầu tư" nào có trách nhiệm lập hồ sơ thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy, tham khảo hướng dẫn tại điểm 6.3 khoản 6 Mục 1 Phụ lục I ban hành kèm Công văn 2075/C07-P4 năm 2022 hướng dẫn công tác thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy do Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ ban hành - Xác định “chủ đầu tư” đề nghị thẩm duyệt thiết kế về PCCC ... + Đối với trường hợp cá nhân hoặc tổ chức thuê lại một phần nhà, công trình để cải tạo, chuyển đổi công năng và sử dụng chung hạ tầng như đường giao thông, bãi đỗ cho xe chữa cháy; hệ thống cấp nước chữa cháy ngoài nhà; trạm bơm, bể cấp nước chữa cháy thì chủ đầu tư đề nghị thẩm duyệt thiết kế về PCCC được xác định là bên cho thuê. ... ==>> Nếu công ty là bên thuê lại một phần nhà, công trình để cải tạo thì chủ đầu tư đề nghị thẩm duyệt thiết kế về PCCC được xác định là bên cho thuê, chứ không phải công ty đi thuê.
Dây cứu nạn, cứu hộ trong PCCC có độ bền kéo đứt và độ giãn như thế nào?
Trong các vụ hỏa hoạn, chúng ta thường được thấy các chiến sĩ PCCC sử dụng dây thừng trèo lên để cứu các nạn nhân. Vậy dây thừng đó có phải là loại dây thừng bình thường không? (1) Dây cứu nạn, cứu hộ trong PCCC Trong công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng PCCC, các chiến sĩ PCCC sử dụng dây để leo lên các tòa và giải cứu nạn nhân. Việc sử dụng dây để cứu nạn, cứu hộ mang tính chất liên quan đến sinh mạng con người và sự an toàn của người sử dụng dây. Do đó việc sản xuất dây cứu nạn, cứu hộ phải đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật nghiêm ngặt, được kiểm tra kỹ lưỡng trước khi đưa vào sử dụng. Như vậy, sợi dây mà các chiến sĩ PCCC sử dụng không phải là dây thừng bình thường mà có tên gọi là dây cứu nạn, cứu hộ có độ co giãn thấp và có hẳn một tiêu chuẩn quy định các yêu cầu về thiết kế, kỹ thuật, tính năng và thử nghiệm đối với dây cứu nạn, cứu hộ có độ giãn thấp cho lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Theo Tiêu chuẩn TCVN 13927 : 2023 quy định, dây cứu nạn, cứu hộ (Life safety rope) là loại dây cấu tạo từ các sợi liên kết với nhau để hỗ trợ tải truyền lực từ điểm gốc đến một điểm được ứng dụng, dây được dùng trong công tác đào tạo, huấn luyện, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ. Dây cứu nạn, cứu hộ được chia làm hai loại: - Dây cứu nạn, cứu hộ kỹ thuật (Technical-use life safety rope) là loại dây có đường kính từ 9,5mm đến dưới 12mm và phải đáp ứng các yêu cầu về chất lượng theo mục 4.2.1 TCVN 13927 : 2023 - Dây cứu nạn, cứu hộ đa dụng (General-use life safety rope) là loại dây có đường kính từ 11mm đến16mm và phải đáp ứng các yêu cầu về chất lượng theo mục 4.2.2 TCVN 13927 : 2023. Các loại dây cứu nạn, cứu hộ phải có độ giãn dài lớn hơn 6% và nhỏ hơn 10% ở 10% của độ bền kéo đứt tối thiểu. (2) Dây cứu nạn, cứu hộ trong PCCC có độ bền kéo đứt và độ giãn như thế nào? Trong mục 4 TCVN 13927 : 2023 quy định các yêu cầu kỹ thuật đối với dây cứu nạn, cứu hộ dùng cho lực lượng PCCC và hoạt động cứu nạn, cứu hộ có quy định chi tiết về độ bền và độ kéo giãn của dây cứu nạn, cứu hộ như sau: Đối với dây cứu nạn, cứu hộ kỹ thuật - Độ bền kéo đứt và độ giãn của dây cứu nạn, cứu hộ kỹ thuật phải được kiểm tra thử nghiệm theo quy định tại 5.3 và có độ bền kéo dứt tối thiểu không nhỏ hom 20 kN, độ giãn dài tối thiểu của dây nằm trong khoảng từ 1% đến dưới 10% ở 10% độ bền kéo đứt. - Dây cứu nạn, cứu hộ kỹ thuật phải được xác định đường kính theo quy định tại 5.3 và phải có đường kính trong khoảng từ 9,5 mm đến dưới 11 mm. Bảo đảm đường kính tính toán của tất cả các dây cứu nạn, cứu hộ phải được làm tròn đến 0,5 mm. Đối với dây cứu nạn, cứu hộ đa dụng - Độ bền kéo đứt và độ giãn của dây cứu nạn, cứu hộ đa dụng phải được kiểm tra thử nghiệm theo quy định tại 5.3 và phải có độ bền kéo đứt tối thiểu không nhỏ hơn 40 kN, độ giãn dài tối thiểu của dây nằm trong khoảng từ 1% đến dưới 10% ở 10% độ bền kéo đứt. - Dây cứu nạn, cứu hộ đa dụng phải được xác định đường kính theo quy định tại 5.2 và phải có đường kính trong khoảng từ 11 mm đến 16 mm. Bảo đảm đường kính tính toán của tất cả các dây cứu nạn, cứu hộ phải được làm tròn đến 0,5 mm. Độ bền kéo đứt tối thiểu của dây cứu nạn, cứu hộ phải bằng hoặc lớn hơn độ bền kéo đứt tối thiểu được liệt kê trong bảng sau: Đường kính dây cứu nạn, cứu hộ, mm Độ bền kẻo đứt tối thiểu, kN 9,5 20,0 11,0 26,7 12,5 40,0 16,0 55,6 Bên cạnh đó, sợi dùng để tạo ra dây cứu nạn cứu hộ cũng phải tuân theo các yêu cầu kỹ thuật nghiêm ngặt như sau: - Dây cứu nạn, cứu hộ phải được làm bằng sợi nguyên sinh. - Các phần tử chịu tải chính của dây cứu nạn, cứu hộ phải được cấu tạo bằng sợi mới, chưa qua sử dụng và liền mạch. - Sợi được sử dụng cho tất cả các dây cứu nạn, cứu hộ phải được thử nghiệm về độ nóng chảy theo quy định tại ASTM E794 và phải có nhiệt độ nóng chảy không nhỏ hơn 204°C. Sau khi sợi dây được tạo ra đạt các yêu cầu về kỹ thuật, nhà sản xuất phải thực hiện việc kiểm tra lại sản phẩm trước khi bán ra thị trường. Ngoài ra, việc bao gói và ghi nhãn cho sản phẩm dây cứu nạn, cứu hộ cũng được quy định chi tiết trong TCVN 13927 : 2023. (3) Cách ghi nhãn cho sản phẩm dây cứu nạn, cứu hộ Mục 6 TCVN 13927 : 2023 quy định cách ghi nhãn cho dây cứu nạn, cứu hộ. Theo đó, dây cứu nạn, cứu hộ được ghi nhãn theo quy định hiện hành, có đủ các thông số kỹ thuật theo yêu cầu tại tiêu chuẩn này và tối thiểu phải có các thông tin như dưới đây và phải gắn nhãn có các nội dung này vào vị trí dễ nhìn và không dễ bị tẩy xoá trên bao bì hoặc nhãn: - Tên sản phẩm và tên loại( Dây cứu nạn, cứu hộ kỹ thuật/Dây cứu nạn, cứu hộ đa dụng) - Ngày sản xuất và mã số sản xuất. - Tên và địa chỉ của nhà sản xuất (hoặc thương hiệu) và số điện thoại; tên và địa chỉ của nhà nhập khẩu (đối với sản phẩm nhập khẩu). - Độ bền kéo đứt tối thiểu, tính bằng kilo newton - Đường kính dây, tính bằng milimet - Loại sợi cấu tạo - Chú ý khi lắp đặt và sử dụng. - Các vấn đề liên quan đến chứng nhận chất lượng (thời gian bảo hành, chi tiết bảo hành…) Dây cứu nạn, cứu hộ hiện nay được bán rất nhiều trên thị trường với đủ loại giá từ đắt đến rẻ. Tuy nhiên, khi lựa chọn dây để sử dụng trong công tác cứu nạn, cứu hộ thì nên chú trọng đến chất lượng sản phẩm và các thông số kỹ thuật của sợi dây hơn giá thành. Lựa chọn loại dây có chất lượng tốt sẽ giúp người sử dụng và người được cứu bảo đảm an toàn, không xảy ra các trường hợp đáng tiếc do sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân kém chất lượng.
Nghị định 50/2024/NĐ-CP: Sửa đổi Quy định kiểm tra về phòng cháy và chữa cháy
Ngày 10/5/2024, Chính phủ ban hành Nghị định 50/2024/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 136/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật Phòng cháy và chữa cháy sửa đổi và Nghị định 83/2017/NĐ-CP quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy Đối tượng kiểm tra Theo quy định tại Điều 16 Nghị định 136/2020/NĐ-CP, Đối tượng kiểm tra như sau - Cơ sở thuộc diện quản lý về phòng cháy và chữa cháy; - Khu dân cư, hộ gia đình, rừng, phương tiện giao thông cơ giới, hạ tầng kỹ thuật có liên quan đến phòng cháy và chữa cháy của đô thị, khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao; - Công trình xây dựng trong quá trình thi công thuộc danh mục quy định tại Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định này, trừ các cơ sở quốc phòng hoạt động phục vụ mục đích quân sự; - Cơ sở kinh doanh dịch vụ phòng cháy và chữa cháy. Nội dung kiểm tra Theo quy định tại Điều 16 Nghị định 136/2020/NĐ-CP, Nội dung kiểm tra như sau - Điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy đối với cơ sở, khu dân cư, hộ gia đình, phương tiện giao thông cơ giới quy định tại các Điều 5, 6, 7 và Điều 8 Nghị định này; - Điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy rừng theo quy định của Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16 tháng 11 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp; - Điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy đối với công trình xây dựng trong quá trình thi công: Giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế hoặc văn bản thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy đối với công trình thuộc danh mục quy định tại Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định này; nội quy về phòng cháy và chữa cháy, biển chỉ dẫn thoát nạn; quy định về phân công trách nhiệm bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy của chủ đầu tư, đơn vị thi công trong phạm vi thẩm quyền; chức trách, nhiệm vụ của người được phân công làm nhiệm vụ phòng cháy và chữa cháy; việc sử dụng hệ thống, thiết bị điện, sinh lửa, sinh nhiệt, nguồn lửa, nguồn nhiệt; trang bị phương tiện, thiết bị chữa cháy ban đầu phù hợp với tính chất, đặc điểm của công trình xây dựng; - Việc thực hiện trách nhiệm phòng cháy và chữa cháy của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng, chủ phương tiện giao thông cơ giới, chủ hộ gia đình, chủ rừng theo quy định; - Điều kiện đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ phòng cháy và chữa cháy theo quy định tại Điều 41 Nghị định này. Tiến hành theo hình thức kiểm tra thường xuyên, định kỳ, đột xuất Theo quy định tại Điều 16 Nghị định 136/2020/NĐ-CP, Kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy được tiến hành theo hình thức kiểm tra thường xuyên, định kỳ, đột xuất, cụ thể: - Người đứng đầu cơ sở, chủ phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy, chủ hộ gia đình, chủ rừng có trách nhiệm tổ chức kiểm tra thường xuyên về an toàn phòng cháy và chữa cháy trong phạm vi quản lý của mình; - Người đứng đầu cơ sở thuộc danh mục quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này có trách nhiệm kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy thường xuyên; định kỳ 06 tháng gửi báo cáo kết quả kiểm tra về cơ quan Công an quản lý trực tiếp và chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả kiểm tra; - Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy định kỳ một năm một lần; kiểm tra đột xuất khi phát hiện các trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 17 Nghị định này hoặc vi phạm quy định an toàn về phòng cháy và chữa cháy mà có nguy cơ phát sinh cháy, nổ hoặc phục vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự theo văn bản chỉ đạo của cơ quan có thẩm quyền đối với các cơ sở thuộc danh mục quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định này, khu dân cư thuộc phạm vi quản lý; - Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện trở lên có trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức kiểm tra đột xuất phục vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự theo văn bản chỉ đạo của cơ quan có thẩm quyền đối với các đối tượng quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều này trong phạm vi quản lý của mình; - Cơ quan Công an có trách nhiệm kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy định kỳ 06 tháng một lần đối với các cơ sở thuộc danh mục quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này; định kỳ một năm một lần đối với hạ tầng kỹ thuật có liên quan đến phòng cháy và chữa cháy của đô thị, khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy và các cơ sở còn lại thuộc danh mục quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này; kiểm tra đột xuất khi phát hiện các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 17 Nghị định này hoặc vi phạm quy định an toàn về phòng cháy và chữa cháy mà có nguy cơ phát sinh cháy, nổ hoặc phục vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự theo văn bản chỉ đạo của cơ quan có thẩm quyền thuộc phạm vi quản lý; kiểm tra một năm một lần trong quá trình thi công đối với công trình xây dựng thuộc danh mục quy định tại Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định này. Kiểm tra cơ sở kinh doanh dịch vụ phòng cháy và chữa cháy Theo quy định tại Điều 16 Nghị định 136/2020/NĐ-CP, được sửa đổi bổ sung tại Nghị định 50/2024/NĐ-CP: Sau khi cơ sở kinh doanh về sản xuất, lắp ráp phương tiện, thiết bị phòng cháy và chữa cháy, cơ sở kinh doanh về tư vấn kiểm tra, kiểm định kỹ thuật về phòng cháy và chữa cháy được cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ phòng cháy và chữa cháy, cơ quan Công an có thẩm quyền quy định tại khoản 12 Điều 45 Nghị định này thực hiện chế độ kiểm tra định kỳ một năm một lần; đột xuất việc duy trì, bảo đảm các điều kiện kinh doanh dịch vụ phòng cháy và chữa cháy, việc thực hiện các hoạt động kinh doanh dịch vụ phòng cháy và chữa cháy của cơ sở, khi có dấu hiệu vi phạm hoặc lợi dụng hoạt động phòng cháy và chữa cháy để xâm phạm an ninh, trật tự bị cơ quan có thẩm quyền kiến nghị xử lý.” Nghị định 50/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/5/2024.
Nghị định 50/2024/NĐ-CP: Tải về toàn bộ Danh mục cơ sở, phương tiện PCCC
Ngày 10/5/2024, Chính phủ ban hành Nghị định 50/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 136/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy 2001 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy 2013 và Nghị định 83/2017/NĐ-CP quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy. Theo đó, Nghị định 50/2024/NĐ-CP đã sửa đổi một số đối tượng thuộc diện quản lý và thẩm duyệt thiết kế về PCCC, cụ thể: Sửa đổi đối tượng thuộc diện quản lý về PCCC Sửa đổi khoản 1 Điều 4 Nghị định 136/2020/NĐ-CP như sau: Cơ sở là nơi sản xuất, kinh doanh, công trình công cộng, trụ sở làm việc, khu chung cư và công trình độc lập khác theo danh mục do Chính phủ quy định đang hoạt động, đang bị tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động là cơ sở thuộc diện quản lý về phòng cháy và chữa cháy (PCCC) Cơ quan, tổ chức có thể có một hoặc nhiều cơ sở; trong phạm vi một cơ sở có thể có nhiều cơ quan, tổ chức cùng hoạt động (So với quy định tại Nghị định 136/2020/NĐ-CP đã bổ sung trạng thái của cơ sở bao gồm: đang hoạt động, đang bị tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động) Danh mục cơ sở thuộc diện quản lý về phòng cháy chữa cháy (sửa đổi) 1. Trụ sở cơ quan nhà nước các cấp. 2. Nhà chung cư; nhà tập thể, nhà ở ký túc xá; nhà hỗn hợp. 3. Nhà trẻ, trường mẫu giáo, mầm non; trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông; trường phổ thông có nhiều cấp học; trường cao đẳng, đại học, học viện; trường trung cấp chuyên nghiệp; trường dạy nghề; cơ sở giáo dục thường xuyên; cơ sở giáo dục khác được thành lập theo Luật Giáo dục. 4. Bệnh viện; phòng khám đa khoa, khám chuyên khoa, nhà điều dưỡng, phục hồi chức năng, chỉnh hình, nhà dưỡng lão, cơ sở phòng chống dịch bệnh, trung tâm y tế, cơ sở y tế khác được thành lập theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh. 5. Nhà hát, rạp chiếu phim, rạp xiếc; trung tâm hội nghị, tổ chức sự kiện; nhà văn hóa; cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường, quán bar, câu lạc bộ; công viên giải trí, vườn thú, thủy cung. ……… Xem và tải điểm mới Danh mục cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/05/15/PHU-LUC-1.docx Sửa đổi đối tượng thuộc diện thẩm duyệt thiết kế về PCCC Sửa đổi khoản 3 Điều 13 Nghị định 136/2020/NĐ-CP như sau: - Dự án, công trình quy định tại Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định 50/2024/NĐ-CP khi xây dựng mới hoặc khi cải tạo, thay đổi tính chất sử dụng dẫn đến một trong các trường hợp sau: + Làm tăng quy mô về số tầng hoặc diện tích khoang cháy; + Thay đổi chủng loại, vị trí thang bộ thoát nạn; + Giảm số lượng lối thoát nạn của tầng, khoang cháy, công trình; + Lắp mới hoặc thay thế hệ thống báo cháy; + Lắp mới hoặc thay thế hệ thống chữa cháy; + Thay đổi công năng làm nâng cao các yêu cầu an toàn cháy đối với tầng nhà, khoang cháy và công trình; - Phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn PCCC quy định tại mục 19 Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định 50/2024/NĐ-CP khi chế tạo mới hoặc hoán cải ảnh hưởng đến một trong các yêu cầu an toàn PCCC quy định tại điểm c khoản 5 Điều 13. Xem bài viết liên quan: 3 điểm mới của Nghị định 50/2024/NĐ-CP hướng dẫn Luật Phòng cháy và chữa cháy Hồ sơ đề nghị thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy chữa cháy mới nhất 2024 Hồ sơ đề nghị cấp Chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ PCCC theo quy định mới nhất? Danh mục cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ (sửa đổi) 1. Trụ sở cơ quan nhà nước các cấp cao từ 10 tầng trở lên hoặc có tổng khối tích của các khối nhà làm việc từ 25.000 m3 trở lên. 2. Nhà chung cư, nhà tập thể, nhà ở ký túc xá cao từ 7 tầng trở lên hoặc có tổng khối tích từ 10.000 m3 trở lên; nhà hỗn hợp cao từ 5 tầng trở lên hoặc có tổng khối tích từ 5.000 m3 trở lên. 3. Nhà trẻ, trường mẫu giáo, mầm non có từ 350 cháu trở lên hoặc có tổng khối tích các khối nhà học tập, phục vụ học tập từ 5.000 m3 trở lên; trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, trường phổ thông có nhiều cấp học có tổng khối tích các khối nhà học tập, phục vụ học tập từ 5.000 m3 trở lên; trường cao đẳng, đại học, học viện, trường trung cấp chuyên nghiệp, trường dạy nghề, cơ sở giáo dục thường xuyên cao từ 7 tầng trở lên hoặc có tổng khối tích các khối nhà học tập, phục vụ học tập từ 10.000 m3 trở lên; cơ sở giáo dục khác được thành lập theo Luật Giáo dục có tổng khối tích từ 5.000 m3 trở lên. 4. Bệnh viện có từ 250 giường bệnh trở lên; phòng khám đa khoa, khám chuyên khoa, nhà điều dưỡng, phục hồi chức năng, chỉnh hình, nhà dưỡng lão, cơ sở phòng chống dịch bệnh, trung tâm y tế, cơ sở y tế khác được thành lập theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh cao từ 5 tầng trở lên hoặc có tổng khối tích từ 5.000 m3 trở lên. 5. Nhà hát, rạp chiếu phim, rạp xiếc có từ 600 chỗ ngồi trở lên; trung tâm hội nghị, tổ chức sự kiện, nhà văn hóa từ 5 tầng trở lên hoặc có tổng khối tích của các nhà tổ chức hội nghị, sự kiện, văn hóa từ 10.000 m3 trở lên; cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường, quán bar, câu lạc bộ từ 5 tầng trở lên hoặc có tổng khối tích các khối nhà phục vụ kinh doanh từ 5.000 m3 trở lên; công viên giải trí, vườn thú, thủy cung có khối tích từ 5.000 m3 trở lên. ………. Xem và tải điểm mới Danh mục cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/05/15/phu-luc-2.docx Danh mục cơ sở do cơ quan Công an quản lý (sửa đổi 1. Trụ sở cơ quan nhà nước từ cấp huyện trở lên. 2. Nhà chung cư cao từ 5 tầng trở lên hoặc có tổng khối tích từ 5.000 m3 trở lên; nhà tập thể, nhà ở ký túc xá cao từ 5 tầng trở lên hoặc có tổng khối tích từ 2.500 m3 trở lên; nhà hỗn hợp cao từ 5 tầng trở lên hoặc có tổng khối tích từ 1.500 m3 trở lên. 3. Nhà trẻ, trường mẫu giáo, mầm non có từ 100 cháu trở lên hoặc có tổng khối tích các khối nhà học tập, phục vụ học tập từ 1.000 m3 trở lên; trường tiểu học, trung học cơ sở có tổng khối tích các khối nhà học tập, phục vụ học tập từ 2.000 m3 trở lên; trường trung học phổ thông, trường phổ thông có nhiều cấp học; trường cao đẳng, đại học, học viện; trường trung cấp chuyên nghiệp; trường dạy nghề; cơ sở giáo dục thường xuyên; cơ sở giáo dục khác được thành lập theo Luật Giáo dục có tổng khối tích các khối nhà học tập, phục vụ học tập từ 1.000 m3 trở lên. 4. Bệnh viện; phòng khám đa khoa, khám chuyên khoa, nhà điều dưỡng, phục hồi chức năng, chỉnh hình, nhà dưỡng lão, cơ sở phòng chống dịch bệnh, trung tâm y tế, cơ sở y tế khác được thành lập theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh cao từ 3 tầng trở lên hoặc có tổng khối tích từ 1.000 m3 trở lên. 5. Nhà hát, rạp chiếu phim, rạp xiếc; trung tâm hội nghị, tổ chức sự kiện, nhà văn hóa cao từ 3 tầng trở lên hoặc có tổng khối tích của các nhà tổ chức hội nghị, sự kiện, văn hóa từ 1.500 m3 trở lên; cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường, quán bar, câu lạc bộ cao từ 3 tầng trở lên hoặc có tổng khối tích các khối nhà phục vụ kinh doanh từ 1.000 m3 trở lên; công viên giải trí, vườn thú, thủy cung có khối tích từ 1.500 m3 trở lên. ……… Xem và tải điểm mới Danh mục cơ sở do cơ quan Công an quản lý https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/05/15/phu-luc-3.docx Danh mục cơ sở do UBND cấp xã quản lý (sửa đổi) 1. Trụ sở cơ quan nhà nước cấp xã. 2. Nhà chung cư cao dưới 5 tầng và có tổng khối tích dưới 5.000 m3; nhà tập thể, nhà ở ký túc xá cao dưới 5 tầng và có tổng khối tích dưới 2.500 m3; nhà hỗn hợp cao dưới 5 tầng và có tổng khối tích dưới 1.500 m3. 3. Nhà trẻ, trường mẫu giáo, mầm non có dưới 100 cháu và có tổng khối tích các khối nhà học tập, phục vụ học tập dưới 1.000 m3; trường tiểu học, trung học cơ sở có tổng khối tích các khối nhà học tập, phục vụ học tập dưới 2.000 m3; cơ sở giáo dục khác được thành lập theo Luật Giáo dục có tổng khối tích các khối nhà học tập, phục vụ học tập dưới 1.000 m3. 4. Phòng khám đa khoa, khám chuyên khoa, nhà điều dưỡng, phục hồi chức năng, chỉnh hình, nhà dưỡng lão, cơ sở phòng chống dịch bệnh, trung tâm y tế, cơ sở y tế khác được thành lập theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh cao dưới 3 tầng và có tổng khối tích dưới 1.000 m3. 5. Trung tâm hội nghị, tổ chức sự kiện, nhà văn hóa cao dưới 3 tầng và có tổng khối tích của các nhà tổ chức hội nghị, sự kiện, văn hóa dưới 1.500 m3; cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường, quán bar, câu lạc bộ cao dưới 3 tầng hoặc có tổng khối tích các khối nhà phục vụ kinh doanh dưới 1.000 m3; công viên giải trí, vườn thú, thủy cung có khối tích dưới 1.500 m3. …………. Xem và tải điểm mới Danh mục cơ sở do UBND cấp xã quản lý https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/05/15/phu-luc-4.docx Danh mục dự án, công trình, phương tiện giao thông cơ giới thuộc diện thẩm duyệt thiết kế về PCCC (sửa đổi) 1. Nhà làm việc của cơ quan nhà nước cao từ 7 tầng trở lên hoặc có khối tích từ 5.000 m3 trở lên. 2. Nhà làm việc của doanh nghiệp, tổ chức chính trị, xã hội, nhà chung cư, nhà tập thể, nhà ở ký túc xá, nhà hỗn hợp, khách sạn, nhà khách, nhà nghỉ cao từ 7 tầng trở lên hoặc có khối tích từ 5.000 m3 trở lên. 3. Nhà của cơ sở bưu điện, cơ sở viễn thông, trung tâm lưu trữ, quản lý dữ liệu, cơ sở phát thanh, truyền hình cao từ 5 tầng trở lên hoặc có khối tích từ 5.000 m3 trở lên. 4. Nhà trẻ, trường mẫu giáo, mầm non cao từ 03 tầng trở lên hoặc có khối tích từ 3.000 m3 trở lên; trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, trường phổ thông có nhiều cấp học có khối tích từ 5.000 m3 trở lên; nhà, công trình của học viện, trường đại học, cao đẳng, trường trung cấp chuyên nghiệp, trường dạy nghề, cơ sở giáo dục thường xuyên cao từ 5 tầng trở lên hoặc có khối tích từ 5.000 m3 trở lên. 5. Bệnh viện cao từ 03 tầng trở lên hoặc có khối tích 3.000 m3 trở lên; phòng khám đa khoa, khám chuyên khoa, nhà điều dưỡng, phục hồi chức năng, chỉnh hình, nhà dưỡng lão, cơ sở phòng chống dịch bệnh, trung tâm y tế cao từ 5 tầng trở lên hoặc có khối tích từ 3.000 m3 trở lên. ………….. Xem và tải điểm mới Danh mục dự án, công trình, phương tiện giao thông cơ giới thuộc diện thẩm duyệt thiết kế về PCCC https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/05/15/phu-luc-5.docx Danh mục dự án, công trình thuộc thẩm quyền thẩm duyệt thiết kế về PCCC của Cục Cảnh sát CCCC và CNCH (bổ sung) 1. Nhà có chiều cao trên 150 m. 2. Công trình xây dựng trên địa bàn hành chính từ 02 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên, trừ các cơ sở quốc phòng hoạt động phục vụ mục đích quân sự. 3. Dự án quan trọng quốc gia; Nhà Quốc hội, Phủ Chủ tịch, Trụ sở Chính phủ, Trụ sở Trung ương Đảng; nhà làm việc của cơ quan công an cấp Trung ương. 4. Dự án không phân biệt nguồn vốn đầu tư đáp ứng tiêu chí phân loại dự án nhóm A theo quy định của pháp luật về đầu tư công (trừ các dự án đầu tư xây dựng sử dụng ngân sách nhà nước do cấp tỉnh là chủ đầu tư) có công trình thuộc một trong các trường hợp sau: a) Trung tâm thương mại có tổng diện tích sàn trên 30.000 m2. b) Nhà cao từ 25 tầng trở lên: nhà làm việc của doanh nghiệp, tổ chức chính trị, xã hội, nhà chung cư, nhà tập thể, nhà ở ký túc xá, nhà hỗn hợp, khách sạn, nhà khách, nhà nghỉ, nhà của cơ sở bưu điện, cơ sở viễn thông, trung tâm lưu trữ, quản lý dữ liệu, cơ sở phát thanh, truyền hình. c) Cảng hàng không, công trình tàu điện ngầm. d) Cơ sở hạt nhân; cơ sở sản xuất vật liệu nổ công nghiệp và tiền chất thuốc nổ. đ) Nhà máy lọc dầu; nhà máy chế biến khí; nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học có tổng công suất trên 500.000 tấn sản phẩm/năm; kho xăng dầu có tổng dung tích chứa trên 100.000 m3; kho chứa khí hóa lỏng có tổng dung tích chứa trên 100.000 m3. e) Khu liên hợp gang thép có dung tích lò cao trên 1.000 m3; nhà máy in tiền; nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô có tổng sản lượng trên 10.000 xe/năm; nhà máy sản xuất, lắp ráp xe máy có tổng sản lượng trên 500.000 xe/năm; nhà máy sản xuất hóa chất cơ bản, hóa chất nguy hiểm độc hại, hóa chất vô cơ, hữu cơ, hóa chất công nghiệp khác có tổng sản lượng từ 10.000 tấn/năm trở lên; nhà máy sản xuất, kho trạm chiết nạp sản phẩm hóa dầu có tổng sản lượng từ 50.000 tấn/năm trở lên; nhà máy sản xuất pin hóa học có tổng sản lượng trên 250 triệu viên/năm; nhà máy sản xuất, tái chế ắc quy có tổng sản lượng trên 300.000 KWh/năm; nhà máy sản xuất săm, lốp ô tô, máy kéo có tổng sản lượng trên 1 triệu chiếc/năm; nhà máy sản xuất sơn có tổng sản lượng trên 100.000 tấn/năm; nhà máy bột giấy và giấy có tổng sản lượng trên 100.000 tấn sản phẩm/năm; nhà máy sản xuất thuốc lá có tổng sản lượng trên 200 triệu bao thuốc lá/năm; nhà máy sản xuất/lắp ráp điện tử (điện lạnh có tổng sản lượng trên 300.000 sản phẩm/năm; nhà máy chế tạo linh kiện, phụ tùng thông tin và điện tử có tổng sản lượng trên 400 triệu sản phẩm/năm). g) Công trình nhiệt điện có tổng công suất từ 600 MW trở lên; công trình thuỷ điện có tổng công suất trên 1.000 MW; công trình điện rác có tổng công suất trên 70 MW; trạm biến áp điện áp từ 500 kV trở lên. h) Công trình hạ tầng kỹ thuật có liên quan đến phòng cháy và chữa cháy của khu công nghiệp có diện tích từ 500 ha trở lên. Danh mục dự án, công trình, phương tiện giao thông cơ giới thuộc thẩm quyền thẩm duyệt thiết kế về PCCC của Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH. (bổ sung) 1. Phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy trên địa bàn quản lý trừ phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy được các cơ sở quốc phòng chế tạo hoặc hoán cải chuyên dùng cho hoạt động quân sự theo phân cấp. 2. Dự án, công trình xây dựng trên địa bàn quản lý thuộc Phụ lục V trừ các cơ sở quốc phòng hoạt động phục vụ mục đích quân sự và các dự án, công trình quy định tại Phụ lục Va. 3. Dự án, công trình trên địa bàn quản lý thuộc Phụ lục Va khi cải tạo, thay đổi tính chất sử dụng thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 5 Điều 1 Nghị định này. Xem và tải điểm mới Danh mục phương tiện PCCC https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/05/15/phu-luc-6.docx Xem và tải điểm mới Danh mục phương tiện PCCC thuộc diện kiểm định https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/05/15/phu-luc-7.docx Xem và tải điểm mới Biểu mẫu sử dụng trong công tác PCCC https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/05/15/phu-luc-9.docx Xem bài viết liên quan: 3 điểm mới của Nghị định 50/2024/NĐ-CP hướng dẫn Luật Phòng cháy và chữa cháy Hồ sơ đề nghị thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy chữa cháy mới nhất 2024 Hồ sơ đề nghị cấp Chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ PCCC theo quy định mới nhất?
Hồ sơ đề nghị thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy chữa cháy mới nhất 2024
Việc quy hoạch xây dựng, thiết kế xây dựng mới, cải tạo dự án công trình, phương tiện giao thông có yêu cầu đặc biệt về phòng cháy chữa cháy phải tuân theo các quy định về phòng cháy chữa cháy Ngày 10/5 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định 50/2024/NĐ-CP sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 136/2020/NĐ-CP và Nghị định 83/2017/NĐ-CP về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy chữa cháy (PCCC). Trong đó, có sửa đổi, bổ sung một số quy định về đối tượng thuộc diện phải thẩm duyệt thiết kế PCCC và hồ sơ đề nghị thẩm duyệt thiết kế về PCCC. (1) Đối tượng thuộc diện thẩm duyệt thiết kế PCCC Theo điểm b khoản 5 Điều 1 Nghị định 50/2024/NĐ-CP sửa đổi khoản 3 Điều 13 Nghị định 136/2020/NĐ-CP, quy định đối tượng thuộc diện thẩm duyệt thiết kế PCCC bao gồm: - Dự án, công trình quy định trong Phụ lục V khi xây dựng mới hoặc khi cải tạo, thay đổi tính chất sử dụng dẫn đến một trong các trường hợp sau: + Làm tăng quy mô về số tầng hoặc diện tích khoang cháy + Thay đổi chủng loại, vị trí thang bộ thoát nạn + Giảm số lượng lối thoát nạn của tầng, khoang cháy, công trình + Lắp mới hoặc thay thế hệ thống báo cháy; lắp mới hoặc thay thế hệ thống chữa cháy + Thay đổi công năng làm nâng cao các yêu cầu an toàn cháy đối với tầng nhà, khoang cháy và công trình. - Phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn PCCC quy định tại mục 19 Phụ lục V khi chế tạo mới hoặc hoán cải ảnh hưởng đến một trong các yêu cầu an toàn PCCC quy định tại điểm c khoản 5 Điều 13 Nghị định 136/2020/NĐ-CP. Khi thực việc việc xây dựng mới, chế tạo mới hoặc cải tạo lại công trình, phương tiện giao thông cơ giới mà thuộc các trường hợp trên đây thì chủ công trình, chủ phương tiện phải làm hồ sơ đề nghị thẩm duyệt thiết kế về PCCC. >> Xem Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định 136/2020/NĐ-CP tại đâyhttps://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/05/15/Phu-luc-V-ND136.docx (2) Hồ sơ đề nghị thẩm duyệt thiết kế về PCCC mới nhất 2024 Căn cứ theo điểm c khoản 5 Điều 1 Nghị định 50/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung cho khoản 4 Điều 13 Nghị định 136/2020/NĐ-CP, các thành phần trong hồ sơ đề nghị thẩm duyệt thiết kế PCCC bao gồm: Đối với thiết kế kỹ thuật hoặc thiết kế bản vẽ thi công dự án, công trình xây dựng mới: - Văn bản đề nghị thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy của chủ đầu tư (Mẫu số PC06) - Văn bản về chủ trương đầu tư xây dựng công trình theo quy định pháp luật về đầu tư, đầu tư công, đầu tư theo phương thức đối tác công tư hoặc văn bản chứng minh quyền sử dụng đất đối với dự án, công trình - Dự toán xây dựng công trình - Hồ sơ thiết kế kỹ thuật hoặc thiết kế bản vẽ thi công thể hiện những nội dung yêu cầu về PCCC quy định tại Điều 11 Nghị định 136/2020/NĐ-CP >> Tải Mẫu PC06 tại đâyhttps://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/05/15/M%E1%BA%ABu%20s%E1%BB%91%20PC06.docx Đối với thiết kế kỹ thuật hoặc thiết kế bản vẽ thi công dự án, công trình cải tạo, thay đổi tính chất sử dụng hoặc thiết kế điều chỉnh: - Văn bản đề nghị thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy của chủ đầu tư (Mẫu số PC06) - Dự toán xây dựng công trình đối với phần cải tạo, thay đổi tính chất sử dụng - Hồ sơ thiết kế kỹ thuật hoặc thiết kế bản vẽ thi công thể hiện những nội dung yêu cầu về PCCC quy định tại Điều 11 Nghị định 136/2020/NĐ-CP Đối với thiết kế kỹ thuật phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn PCCC: - Văn bản đề nghị thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy của chủ đầu tư, chủ phương tiện (Mẫu số PC06) - Dự toán tổng mức đầu tư phương tiện - Hồ sơ thiết kế kỹ thuật thể hiện những nội dung yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy quy định tại điểm b và điểm c khoản 1, điểm b, c, d và điểm e khoản 3 Điều 8 Nghị định 136/2020/NĐ-CP >> Tải Mẫu PC06 tại đâyhttps://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/05/15/M%E1%BA%ABu%20s%E1%BB%91%20PC06.docx Lưu ý: Văn bản, giấy tờ có trong hồ sơ là bản chính hoặc bản chứng thực hoặc bản sao hoặc bản chụp kèm theo bản chính để cán bộ tiếp nhận hồ sơ đối chiếu. Bản vẽ và bản thuyết minh thiết kế phải có xác nhận của chủ đầu tư hoặc chủ phương tiện. (3) Thẩm quyền thẩm duyệt thiết kế về PCCC Về thẩm quyền thẩm duyệt thiết kế về PCCC, điểm e khoản 5 Điều 1 Nghị định 50/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung cho khoản 12 Điều 13 Nghị định 136/2020/NĐ-CP quy định như sau: - Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy đối với dự án, công trình quy định tại Phụ lục Va ban hành kèm theo Nghị định 136/2020/NĐ-CP - Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy đối với dự án, công trình, phương tiện giao thông cơ giới quy định tại Phụ lục Vb ban hành kèm theo Nghị định này trên địa bàn quản lý và những trường hợp do Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ ủy quyền. >> Xem Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định 136/2020/NĐ-CP tại đâyhttps://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/05/15/Phu-luc-V-ND136.docx Chủ đầu tư, chủ phương tiện thuộc diện phải thẩm duyệt thiết kế PCCC làm hồ sơ và gửi về cơ quan có thẩm quyền thẩm duyệt để được giải quyết đề nghị.
Nội dung huấn luyện phòng cháy, chữa cháy có bao gồm kiến thức pháp luật?
Ai bắt buộc phải được huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ về phòng cháy và chữa cháy? Quy định về danh mục cơ thuộc diện quản lý về phòng cháy và chữa cháy? Nội dung huấn luyện phòng cháy, chữa cháy có bao gồm kiến thức pháp luật? 1. Ai bắt buộc phải được huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ về phòng cháy và chữa cháy? Theo khoản 1 Điều 33 Nghị định 136/2020/NĐ-CP có quy định về đối tượng phải được huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ về phòng cháy và chữa cháy như sau: - Người có chức danh chỉ huy chữa cháy quy định tại khoản 2 Điều 37 Luật Phòng cháy và chữa cháy; - Thành viên đội dân phòng, đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở; - Thành viên đội phòng cháy và chữa cháy chuyên ngành; - Người làm việc trong môi trường có nguy hiểm về cháy, nổ hoặc thường xuyên tiếp xúc với hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ; - Người điều khiển phương tiện, người làm việc trên phương tiện giao thông cơ giới vận chuyển hành khách trên 29 chỗ ngồi và phương tiện giao thông cơ giới vận chuyển hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ; - Người làm nhiệm vụ phòng cháy và chữa cháy tại các cơ sở thuộc danh mục quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định này; - Thành viên đội, đơn vị phòng cháy và chữa cháy rừng. Theo đó, những đối tượng thuộc quy định trên thì bắt buộc phải được huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ về phòng cháy và chữa cháy. 2. Quy định về danh mục cơ thuộc diện quản lý về phòng cháy và chữa cháy? Căn cứ quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định 136/2020/NĐ-CP những đối tượng thuộc danh mục quản lý về phòng cháy và chữa cháy gồm có: - Trụ sở cơ quan nhà nước cấp xã. - Nhà chung cư cao dưới 5 tầng và có khối tích dưới 5.000 m3; nhà tập thể, nhà ở ký túc xá cao dưới 5 tầng và có tổng khối tích dưới 2.500 m3; nhà hỗn hợp cao dưới 5 tầng và có tổng khối tích dưới 1.500 m3. - Nhà trẻ, trường mẫu giáo, mầm non có dưới 100 cháu và có tổng khối tích dưới 1.000 m3; trường tiểu học, trung học cơ sở có tổng khối tích các khối nhà học tập, phục vụ học tập dưới 2.000 m3; cơ sở giáo dục khác được thành lập theo Luật Giáo dục có khối tích dưới 1.000 m3. - Phòng khám đa khoa, khám chuyên khoa, nhà điều dưỡng, phục hồi chức năng, chỉnh hình, nhà dưỡng lão, cơ sở phòng chống dịch bệnh, trung tâm y tế, cơ sở y tế khác được thành lập theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh cao dưới 3 tầng và có tổng khối tích dưới 1.000 m3. - Trung tâm hội nghị, tổ chức sự kiện cao dưới 3 tầng hoặc có tổng khối tích dưới 1.500 m3; nhà văn hóa, cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường cao dưới 3 tầng và có tổng khối tích dưới 1.000 m3; quán bar, câu lạc bộ, thẩm mỹ viện, kinh doanh dịch vụ xoa bóp, công viên giải trí, vườn thú, thủy cung có khối tích dưới 1.500 m3. - Chợ hạng 3; trung tâm thương mại, điện máy, siêu thị, cửa hàng bách hóa, cửa hàng tiện ích, nhà hàng, cửa hàng ăn uống có diện tích kinh doanh dưới 300 m2 và có khối tích dưới 1.000 m3. - Khách sạn, nhà khách, nhà nghỉ cao dưới 5 tầng và có tổng khối tích dưới 1.500 m3; nhà trọ, cơ sở lưu trú khác được thành lập theo Luật Du lịch cao dưới 3 tầng và có tổng khối tích dưới 1.000 m3. - Nhà làm việc của doanh nghiệp, tổ chức chính trị, xã hội cao dưới 5 tầng và có khối tích dưới 1.500 m3. - Bảo tàng, thư viện, triển lãm, nhà trưng bày, nhà lưu trữ, nhà sách, nhà hội chợ có khối tích dưới 1.500 m3; cơ sở tôn giáo có khối tích dưới 5.000 m3. - Bưu điện, cơ sở truyền thanh, truyền hình, viễn thông cao dưới 3 tầng và có khối tích dưới 1.500 m3; nhà lắp đặt thiết bị thông tin có khối tích dưới 1.000 m3; trung tâm lưu trữ, quản lý dữ liệu có khối tích dưới 1.000 m3. - Cơ sở thể thao được thành lập theo Luật Thể dục, thể thao có khối tích dưới 1.500 m3. - Cửa hàng kinh doanh, sửa chữa, bảo dưỡng ô tô, mô tô, xe gắn máy có diện tích kinh doanh dưới 500 m2 và có khối tích dưới 5.000 m3 - Gara để xe trong nhà có sức chứa dưới 10 xe ô tô; bãi trông giữ xe được thành lập theo quy định của pháp luật có sức chứa dưới 20 xe ô tô. - Cửa hàng kinh doanh chất lỏng dễ cháy, cửa hàng kinh doanh khí đốt có tổng lượng khí tồn chứa dưới 150 kg. - Cơ sở công nghiệp có hạng nguy hiểm cháy, nổ C có tổng khối tích của các khối nhà có dây chuyền công nghệ sản xuất chính dưới 2.500 m3; hạng nguy hiểm cháy, nổ D, E có tổng khối tích của các khối nhà có dây chuyền công nghệ sản xuất chính dưới 5.000 m3. - Hầm có hoạt động sản xuất, bảo quản, sử dụng chất cháy, nổ có tổng khối tích dưới 1.500 m3; kho hàng hóa, vật tư cháy được hoặc hàng hóa, vật tư không chạy đựng trong các bao bì cháy được có tổng khối tích dưới 1.500 m3; bãi chứa hàng hóa, vật tư, phế liệu cháy được có diện tích dưới 1.000 m2. - Nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh hàng hóa, chất dễ cháy, hàng hóa đựng trong bao bì cháy được của hộ gia đình có tổng diện tích sản xuất, kinh doanh dưới 300 m2. Theo đó, những đối tượng được nêu trong trường hợp trên thuộc diện quản lý về phòng cháy và chữa cháy. 3. Nội dung huấn luyện phòng cháy, chữa cháy có bao gồm kiến thức pháp luật? Theo khoản 2 Điều 33 Nghị định 136/2020/NĐ-CP có quy định về nội dung huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ về phòng cháy và chữa cháy gồm: - Kiến thức pháp luật, kiến thức về phòng cháy và chữa cháy phù hợp với từng đối tượng; - Phương pháp tuyên truyền, xây dựng phong trào toàn dân tham gia phòng cháy và chữa cháy; - Biện pháp phòng cháy; biện pháp, chiến thuật, kỹ thuật chữa cháy; - Phương pháp xây dựng và thực tập phương án chữa cháy; - Phương pháp bảo quản, sử dụng các phương tiện phòng cháy và chữa cháy; - Phương pháp kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy. Theo đó, kiến thức pháp luật là một trong những nội dung có trong huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ về phòng cháy và chữa cháy.
Công điện 01/5: Triển khai các biện pháp PCCC rừng trên phạm vi cả nước
Ngày 1/5/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành Công điện về việc tiếp tục quyết liệt triển khai có hiệu quả các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng trên phạm vi cả nước. Những ngày tới nắng nóng sẽ tiếp tục xảy ra tại nhiều địa phương, nguy cơ cao xảy ra cháy rừng. Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ ngành, địa phương tiếp tục chủ động phòng cháy, chữa cháy rừng, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do cháy rừng gây ra. Công điện nêu: Trong những ngày vừa qua, do tác động của biến đổi khí hậu và ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, nắng nóng gay gắt đã và đang diễn ra ở nhiều địa phương, nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 370C đến 390C, có nơi trên 420C; đã xảy ra 15 vụ cháy rừng tại các tỉnh: Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Quảng Trị, Nghệ An, Cà Mau, Kiên Giang, An Giang…, làm cháy trên 260 ha rừng các loại, ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường sinh thái và đời sống của nhân dân. Đặc biệt, vụ cháy từ ngày 26 - 27 tháng 4 năm 2024 tại huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang đã thiêu rụi gần 20 ha rừng, hai cán bộ kiểm lâm hy sinh và một kiểm lâm khác bị thương khi làm nhiệm vụ chữa cháy rừng. Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia trong những ngày tới nắng nóng sẽ tiếp tục xảy ra tại nhiều địa phương, nhất là các tỉnh khu vực Duyên hải Trung Bộ (từ Quảng Bình đến Phú Yên), Tây Nguyên và Nam Bộ; từ ngày 10 - 20 tháng 5 năm 2024, khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ có khả năng xảy ra nắng nóng diện rộng trở lại. Do đó, nguy cơ xảy ra cháy rừng vẫn ở mức cao. Để tiếp tục chủ động phòng cháy, chữa cháy rừng, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do cháy rừng gây ra, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: (1) Bộ trưởng các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Quốc phòng, Công an, Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Thông tin và Truyền thông; Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; Tổng Giám đốc: Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, theo chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền được giao, tiếp tục thực hiện nghiêm: - Kết luận số 61-KL/TW ngày 17/8/2023 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW, ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; - Công điện số 31/CĐ-TTg ngày 04/4/2024, Công điện số 41/CĐ-TTg ngày 27/4/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc chủ động, tăng cường các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng và các văn bản chỉ đạo có liên quan; - Đây mới là thời điểm bắt đầu mùa hè; vì vậy, tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, nhất là trong thời kỳ cao điểm về nắng, nóng. (2) Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn, khẩn trương chỉ đạo triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách sau: - Chỉ đạo Ủy ban nhân dân các cấp và các cơ quan chức năng thực hiện nghiêm trách nhiệm quản lý về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát về phòng cháy, chữa cháy rừng từ sớm, từ xa, ngay từ cơ sở, phải coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt; - Tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng. Đồng thời, kiểm tra, đôn đốc, kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng lửa trong rừng và gần rừng của người dân, nhất là hoạt động đốt nương làm rẫy, tạm dừng việc dùng lửa để xử lý thực bì; xử lý nghiêm các hành vi dùng lửa có nguy cơ gây cháy rừng trong suốt thời kỳ cao điểm, nguy cơ cháy rừng cao; - Chủ động và khẩn trương rà soát kế hoạch, phương án phòng cháy, chữa cháy rừng tại địa phương với phương châm "bốn tại chỗ"; bố trí lực lượng, phương tiện, vật tư, kinh phí phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy rừng; - Trực tiếp chỉ đạo công tác phối hợp giữa các lực lượng tham gia phòng cháy, chữa cháy rừng, đảm bảo hiệu quả, an toàn; tăng cường đào tạo, tập huấn nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy rừng cho lực lượng làm công tác phòng cháy, chữa cháy rừng; đảm bảo trang thiết bị bảo hộ lao động, phòng chống khói độc, công tác hậu cần, lương thực, thực phẩm, nước uống, vật tư y tế phục vụ các lực lượng thực hiện nhiệm vụ chữa cháy rừng; - Phân công lực lượng ứng trực 24/24 giờ trong suốt mùa khô; bố trí các điểm chốt chặn, tuần tra canh gác ở những khu vực trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng, kiểm soát chặt chẽ người ra vào những khu vực rừng có nguy cơ cháy rừng cao; kịp thời phát hiện điểm cháy, huy động các lực lượng tham gia khống chế và dập tắt cháy rừng trong thời gian ngắn nhất; - Có phương án, kế hoạch di dời người dân, tài sản của nhân dân, nhà nước và doanh nghiệp ra khỏi các khu vực bị ảnh hưởng bởi cháy rừng khi có cháy rừng xảy ra; có biện pháp đảm bảo an toàn tuyệt đối và có chính sách phù hợp, hiệu quả cho các lực lượng tham gia làm nhiệm vụ chữa cháy rừng; tổ chức thực hiện có hiệu quả Đề án Nâng cao năng lực cho lực lượng kiểm lâm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng giai đoạn 2021 - 2030 theo Quyết định số 177/QĐ-TTg ngày 10 tháng 02 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ; - Chủ động chỉ đạo các cơ quan chức năng, phối hợp điều tra làm rõ nguyên nhân, xử lý nghiêm những đối tượng cố tình vi phạm các quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy rừng; xử lý trách nhiệm quản lý của người đứng đầu khi để xảy ra cháy rừng; kịp thời biểu dương, khen thưởng những tổ chức, cá nhân tích cực tham gia phòng cháy, chữa cháy rừng; chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ nếu để xảy ra cháy rừng trên diện rộng và gây thiệt hại lớn về rừng trên địa bàn thuộc phạm vi quản lý; - Thường xuyên theo dõi thông tin về dự báo, cảnh báo nguy cơ nắng nóng, nguy cơ cháy rừng và phát hiện sớm cháy rừng (trên các bản tin của Đài truyền hình Việt Nam, Đài tiếng nói Việt Nam, trang tin của Cục Kiểm lâm: kiemlam.org.vn, của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia: nchmf.gov.vn); kịp thời thông tin, báo cáo ngay khi có cháy rừng về Trực ban của Cục Kiểm lâm, theo số điện thoại: 098 666 8 333; E-mail: fpd@kiemlam.org.vn, đảm bảo thông tin đầy đủ, chính xác để phối hợp chỉ đạo và huy động lực lượng chữa cháy rừng từ các địa phương khác (khi cần thiết). (3) Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm chủ động chỉ đạo công tác dự báo, cảnh báo, tổ chức phòng cháy và chữa cháy rừng trên phạm vi toàn quốc, trong đó tập trung chỉ đạo triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách sau: - Tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, nhất là các vùng trọng điểm có nguy cơ cao xảy ra cháy rừng, kịp thời cung cấp thông tin cho các địa phương để chủ động thực hiện các phương án về phòng cháy, chữa cháy rừng; duy trì, dự báo, cảnh báo, nguy cơ cháy rừng để thông tin kịp thời trên các phương tiện thông tin đại chúng và các kênh liên lạc chỉ đạo, điều hành; - Tăng cường chỉ đạo, kiểm tra công tác phòng cháy, chữa cháy rừng tại các địa phương, nhất là các khu vực trọng điểm về cháy rừng; sẵn sàng hỗ trợ các địa phương về lực lượng, trang thiết bị chữa cháy, thông tin điểm cháy, công tác chỉ huy khi có cháy rừng lớn xảy ra; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong dự báo, cảnh báo nguy cơ cháy rừng và phát hiện sớm cháy rừng; duy trì chế độ thường trực công tác phòng cháy, chữa cháy rừng theo quy định. Ngoài ra, còn giao nhiệm vụ đối với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an; Bộ trưởng Bộ Công Thương, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo ngành điện và Tập đoàn Điện lực Việt Nam; Bộ Thông tin và Truyền thông, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam và các cơ quan truyền thông chỉ đạo và xử lý các vấn đề liên quan đến phòng cháy, chữa cháy rừng; nhất là các vấn đề phát sinh, đột xuất, bất ngờ. Theo Cổng TTDT Chính Phủ
Thẩm quyền cấp biên bản kiểm tra phòng cháy chữa cháy mới nhất
Khi kiểm tra phòng cháy chữa cháy thì ai có thẩm quyền cấp biên bản phòng cháy chữa cháy mới nhất hiện nay? Việc phòng cháy chữa cháy là một trong những điều kiện hoạt động của tổ chức, cá nhân. Vậy nên sẽ có các cuộc kiểm tra phòng cháy chữa cháy và lập biên bản phòng cháy chữa cháy thì cơ quan có thẩm quyền cấp biên bản này là ai thì tìm hiểu qua bài viết dưới đây: 1. Biên bản phòng cháy chữa cháy là gì? Biên bản kiểm tra phòng cháy chữa cháy là mẫu biên bản được lập ra khi có sự kiểm tra về việc phòng cháy chữa cháy. Mẫu biên bản được ban hành kèm theo Nghị định 136/2020/NĐ-CP của Bộ Công An. Mẫu biên bản kiểm tra phòng cháy chữa cháy là Mẫu số PC10 được ban hành tại Phụ lục 9 Nghị định 136/2020/NĐ-CP. Mẫu biên bản kiểm tra phòng cháy chữa cháy năm 2024: https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/DanLuat-BanAn/2024/Mau-bien-ban-kiem-tra-phong-chay-chua-chay_2002085056.docx 2. Thẩm quyền cấp biên bản kiểm tra phòng cháy chữa cháy mới nhất Theo khoản 3 Điều 16 Nghị định 136/2020/NĐ-CP quy định về thẩm quyền kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy được tiến hành theo hình thức kiểm tra thường xuyên, định kỳ, đột xuất, cụ thể: (1) Người đứng đầu cơ sở, chủ phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy, chủ hộ gia đình, chủ rừng có trách nhiệm tổ chức kiểm tra thường xuyên về an toàn phòng cháy và chữa cháy trong phạm vi quản lý của mình; (2) Người đứng đầu cơ sở thuộc danh mục quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định 136/2020/NĐ-CP có trách nhiệm kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy thường xuyên; Định kỳ 06 tháng gửi báo cáo kết quả kiểm tra về cơ quan Công an quản lý trực tiếp và chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả kiểm tra; (3) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm: - Chỉ đạo, tổ chức kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy định kỳ một năm một lần; - Kiểm tra đột xuất khi phát hiện các trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 17 Nghị định 136/2020/NĐ-CP hoặc vi phạm quy định an toàn về phòng cháy và chữa cháy mà có nguy cơ phát sinh cháy, nổ; Hoặc phục vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự theo văn bản chỉ đạo của cơ quan có thẩm quyền đối với các cơ sở thuộc danh mục quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định 136/2020/NĐ-CP, khu dân cư thuộc phạm vi quản lý; (4) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện trở lên có trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức kiểm tra đột xuất phục vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự theo văn bản chỉ đạo của cơ quan có thẩm quyền đối với các đối tượng quy định tại (1) và (2) mục 1 trong phạm vi quản lý của mình; (5) Cơ quan Công an có trách nhiệm: - Kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy định kỳ 06 tháng một lần đối với các cơ sở thuộc danh mục quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định 136/2020/NĐ-CP; - Định kỳ một năm một lần đối với hạ tầng kỹ thuật có liên quan đến phòng cháy và chữa cháy của đô thị, khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy và các cơ sở còn lại thuộc danh mục quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định 136/2020/NĐ-CP; - Kiểm tra đột xuất khi phát hiện các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 17 Nghị định 136/2020/NĐ-CP hoặc vi phạm quy định an toàn về phòng cháy và chữa cháy mà có nguy cơ phát sinh cháy, nổ hoặc phục vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự theo văn bản chỉ đạo của cơ quan có thẩm quyền thuộc phạm vi quản lý. Như vậy, thời hạn kiểm tra phòng cháy chữa cháy sẽ tuỳ vào từng cơ quan có thẩm quyền kiểm tra mà kiểm tra định kỳ từ 06 tháng đến 01 năm.
Loại xe nào bắt buộc trang bị phòng cháy chữa cháy? Xe ô tô phải có trang bị nào?
Các loại xe hay còn gọi là phương tiện giao thông cơ giới đường bộ là một trong các nguồn nguy hiểm cao độ. Vậy, những loại xe nào bắt buộc trang bị phương tiện phòng cháy chữa cháy? Trong đó xe ô tô phải có những trang bị nào? Loại xe nào bắt buộc trang bị phương tiện phòng cháy chữa cháy? Theo Điều 4 Thông tư 57/2015/TT/BCA thay thế bởi Điều 1 Thông tư 148/2020/TT-BCA, phương tiện giao thông cơ giới đường bộ thuộc đối tượng trang bị phương tiện phòng cháy và chữa cháy bao gồm: - Ô tô trên 09 chỗ ngồi, rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc chở khách được kéo bởi xe ô tô, máy kéo theo quy định tại khoản 18 Điều 3 Luật Giao thông đường bộ và TCVN 6211:2003 Phương tiện giao thông đường bộ - Kiểu - Thuật ngữ và định nghĩa, TCVN 7271:2003 Phương tiện giao thông đường bộ - Ô tô - Phân loại theo mục đích sử dụng. - Phương tiện giao thông cơ giới đường bộ vận chuyển chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ thuộc các loại 1, 2, 3, 4 và 9 quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định số 42/2020/NĐ-CP không phụ thuộc vào số chỗ ngồi. Như vậy, các loại xe bắt buộc phải trang bị phòng cháy chữa cháy bao gồm: Ô tô trên 09 chỗ ngồi, rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc chở khách được kéo bởi xe ô tô, máy kéo và các xe vận chuyển chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ. Xe ô tô phải có những trang bị phòng cháy chữa cháy nào? Danh mục, định mức trang bị phương tiện phòng cháy và chữa cháy đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ được quy định tại Phụ lục I Thông tư 148/2020/TT-BCA như sau: - Đối với ô tô trên 09 chỗ ngồi: + Ô tô từ 10 đến 30 chỗ ngồi: 02 Bình bột chữa cháy xách tay có khối lượng chất chữa cháy không nhỏ hơn 2 kg hoặc bình khí chữa cháy CO2 xách tay có khối lượng chất chữa cháy không nhỏ hơn 2 kg hoặc bình chữa cháy gốc nước xách tay có dung tích chất chữa cháy không nhỏ hơn 3 lít 01 chiếc đèn pin cầm tay + Ô tô trên 30 chỗ ngồi: 02 Bình bột chữa cháy xách tay có khối lượng chất chữa cháy không nhỏ hơn 2 kg hoặc bình khí chữa cháy CO2 xách tay có khối lượng chất chữa cháy không nhỏ hơn 2 kg hoặc bình chữa cháy gốc nước xách tay có dung tích chất chữa cháy không nhỏ hơn 3 lít 01 Bình bột chữa cháy xách tay có khối lượng chất chữa cháy không nhỏ hơn 4 kg hoặc bình khí chữa cháy CO2 xách tay có khối lượng chất chữa cháy không nhỏ hơn 5 kg hoặc bình chữa cháy gốc nước xách tay có dung tích chất chữa cháy không nhỏ hơn 6 lít 01 chiếc đèn pin cầm tay - Đối với Rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc chở khách được kéo bởi xe ô tô, máy kéo: 01 Bình bột chữa cháy xách tay có khối lượng chất chữa cháy không nhỏ hơn 2 kg hoặc bình khí chữa cháy CO2 xách tay có khối lượng chất chữa cháy không nhỏ hơn 2 kg hoặc bình chữa cháy gốc nước xách tay có dung tích chất chữa cháy không nhỏ hơn 3 lít 02 Bình bột chữa cháy xách tay có khối lượng chất chữa cháy không nhỏ hơn 4 kg hoặc bình khí chữa cháy CO2 xách tay có khối lượng chất chữa cháy không nhỏ hơn 5 kg hoặc bình chữa cháy gốc nước xách tay có dung tích chất chữa cháy không nhỏ hơn 6 lít 01 chiếc đèn pin cầm tay Như vậy, khi tham gia giao thông, ô tô phải có đầy đủ các trang bị phòng cháy chữa cháy trên. Nếu không đầy đủ hoặc không trang bị có thể bị phạt hành chính. Không trang bị phòng cháy chữa cháy bị phạt bao nhiêu? Theo khoản 2 Điều 16 Nghị định 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 9 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP quy định xử phạt người điều khiển xe ô tô (bao gồm cả rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo theo) và các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm trường hợp này như sau: Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng đối với hành vi điều khiển xe không có đủ đèn chiếu sáng, đèn soi biển số, đèn báo hãm, đèn tín hiệu, cần gạt nước, gương chiếu hậu, dây an toàn, dụng cụ thoát hiểm, thiết bị chữa cháy, đồng hồ báo áp lực hơi, đồng hồ báo tốc độ của xe hoặc có những thiết bị đó nhưng không có tác dụng, không đúng tiêu chuẩn thiết kế (đối với loại xe được quy định phải có những thiết bị đó), trừ các hành vi vi phạm quy định tại điểm m khoản 3 Điều 23, điểm q khoản 4 Điều 28 Nghị định 100/2019/NĐ-CP. Như vậy, căn cứ theo quy định trên thì người điều khiển xe ô tô không trang bị thiết bị chữa cháy thì bị phạt tiền từ 300 đến 400 nghìn đồng. Đồng thời người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại khoản 9 Điều 16 Nghị định 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 9 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP như sau: Buộc phải lắp đầy đủ thiết bị hoặc thay thế thiết bị đủ tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật hoặc khôi phục lại tính năng kỹ thuật của thiết bị theo quy định. Xem thêm: Đề xuất: Ô tô chưa hoàn thiện trở thành một phân loại ô tô tại Việt Nam
Thực tập Phương án phòng cháy chữa cháy trong doanh nghiệp
Luật sư cho tôi hỏi doanh nghiệp có cần thực tập Phương án phòng cháy chữa cháy trong doanh nghiệp hay không? Và nếu không thực tập thì có bị xử phạt hay không và phạt như thế nào? Tôi cảm ơn Luật sư!
Nhà chung cư mấy tầng thì thuộc diện quản lý về phòng cháy chữa cháy, có nguy hiểm về cháy nổ?
Hầu như các vụ cháy nhà chung cư hay xảy ra ở các nhà chung cư cao tầng. Nhà chung cư cũng được đánh giá là nơi có nguy hiểm về cháy nổ. Như vậy theo quy định thì nhà chung cư có thuộc diện quản lý về phòng cháy chữa cháy không, nó có phải là nơi có nguy hiểm về cháy nổ không? Nhà chung cư mấy tầng thì thuộc diện quản lý về phòng cháy chữa cháy, có nguy hiểm về cháy nổ? Căn cứ theo Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 50/2024/NĐ-CP có quy định về danh mục cơ sở thuộc diện quản lý về phòng cháy và chữa cháy thì tại mục số 2 danh mục có đề cập đến “Nhà chung cư; nhà tập thể, nhà ở ký túc xá; nhà hỗn hợp.” Như vậy có thể hiểu tất cả nhà chung cư không phân biệt là cao mấy tầng đều thuộc diện quản lý về phòng cháy chữa cháy. Tuy nhiên, theo Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định 50/2024/NĐ-CP cũng có đề cập đến danh mục cơ sở có nguy hiểm về cháy thì mục số 2 có đề cập đến “Nhà chung cư, nhà tập thể, nhà ở ký túc xá cao từ 7 tầng trở lên hoặc có tổng khối tích từ 10.000 m3 trở lên; nhà hỗn hợp cao từ 5 tầng trở lên hoặc có tổng khối tích từ 5.000 m3 trở lên.” Như vậy, cũng là nhà chung cư nhưng nếu cao từ 7 tầng trở lên hoặc có tổng khối tích từ 10.000 m3 trở lên thì sẽ được tính là cơ sở có nguy hiểm về cháy nổ. Mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc cho nhà chung cư là trách nhiệm của ai? Theo khoản 9 Điều 38 Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư ban hành kèm theo Thông tư 02/2016/TT-BXD có quy định về quyền và trách nhiệm của chủ đầu tư trong việc quản lý, sử dụng nhà chung cư thì việc mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc theo quy định của pháp luật phòng cháy, chữa cháy và pháp luật về kinh doanh bảo hiểm là một trong những trách nhiệm của chủ đầu tư dự án xây dựng nhà chung cư trong trường hợp dự án nhà chung cư vẫn thuộc sở hữu của chủ đầu tư. Trường hợp, người mua nhà chung cư đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà chung cư thì chủ sở hữu nhà chung cư sẽ có trách nhiệm phải mua bảo hiểm cháy nổ phần nhà chung cư đã mua (điểm i khoản 1 Điều 39 Thông tư này). Phân hạng nhà chung cư và yêu cầu khi phân hạng là gì? Theo Điều 6 Thông tư 31/2016/TT-BXD có quy định về phân hạng nhà chung cư thì hiện nay nhà chung cư được phân thành 03 hạng: Hạng A: là nhà chung cư đáp ứng đầy đủ các yêu cầu để được phân hạng theo quy định tại Khoản 2 Điều 3 của Thông tư này, đồng thời phải đạt tối thiểu 18 trên tổng số 20 tiêu chí theo hướng dẫn tại phụ lục số 01 ban hành kèm theo Thông tư này. Hạng B: là nhà chung cư đáp ứng đầy đủ các yêu cầu để được phân hạng theo quy định tại Khoản 2 Điều 3 của Thông tư này, đồng thời phải đạt tối thiểu 18 trên tổng số 20 tiêu chí theo hướng dẫn tại phụ lục số 02 ban hành kèm theo Thông tư này. Hạng C: là nhà chung cư đáp ứng đầy đủ các yêu cầu để được phân hạng theo quy định tại Khoản 2 Điều 3 của Thông tư này nhưng không đạt đủ tiêu chí để công nhận hạng A và hạng B theo quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này. Yêu cầu khi phân hạng nhà chung cư được quy định tại khoản 2 Điều 3 Thông tư 31/2016/TT-BXD, cụ thể việc phân hạng và công nhận hạng được thực hiện đối với từng tòa nhà chungphải đảm bảo các yêu cầu sau đây: - Có đề nghị của tổ chức, cá nhân quy định tại Điều 4 của Thông tư này; - Nhà chung cư được xây dựng phù hợp với quy hoạch chi tiết xây dựng đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; theo đúng Giấy phép xây dựng được cấp (đối với trường hợp yêu cầu phải có Giấy phép xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng); - Nhà chung cư phải đảm bảo tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nhà chung cư và các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia khác có liên quan; - Nhà chung cư đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng theo đúng quy định của pháp luật về nhà ở, pháp luật về xây dựng và pháp luật có liên quan, đã được bàn giao đưa vào sử dụng và không vi phạm các quy định của pháp luật tại thời điểm nộp hồ sơ đề nghị công nhận hạng; - Nhà chung cư phải không thuộc diện bị phá dỡ, không thuộc khu vực đã có quyết định thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Nhà thuốc dược liệu có thuộc diện quản lý về phòng cháy, chữa cháy không?
Nhà thuốc, tiệm thuốc dược liệu có thể được biết là cơ sở chuyên bán lẻ thuốc dược liệu, theo quy định pháp luật được xem là cơ sở kinh doanh dược. Vậy cơ sở này có thuộc đối tượng được quản lý về phòng cháy, chữa cháy hay không? Nhà thuốc dược liệu có thuộc diện quản lý về phòng cháy, chữa cháy? Theo khoản 2 Điều 32 Luật Dược 2016 có quy định về cơ sở kinh doanh dược, bao gồm: - Cơ sở sản xuất thuốc, nguyên liệu làm thuốc; - Cơ sở xuất khẩu, nhập khẩu thuốc, nguyên liệu làm thuốc; - Cơ sở kinh doanh dịch vụ bảo quản thuốc, nguyên liệu làm thuốc; - Cơ sở bán buôn thuốc, nguyên liệu làm thuốc; - Cơ sở bán lẻ thuốc bao gồm nhà thuốc, quầy thuốc, tủ thuốc trạm y tế xã, cơ sở chuyên bán lẻ dược liệu, thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền; - Cơ sở kinh doanh dịch vụ kiểm nghiệm thuốc, nguyên liệu làm thuốc; - Cơ sở kinh doanh dịch vụ thử thuốc trên lâm sàng; - Cơ sở kinh doanh dịch vụ thử tương đương sinh học của thuốc. Theo đó, nhà thuốc dược liệu hay là cơ sở chuyên bán lẻ thuốc dược liệu (cơ sở bán lẻ thuốc) là một cơ sở kinh doanh dược theo quy định của Luật Dược. Cũng theo Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 50/2024/NĐ-CP có quy định về danh mục cơ sở thuộc diện quản lý về phòng cháy và chữa cháy. Danh mục bao gồm các cơ sở như: - Trụ sở cơ quan nhà nước các cấp. - Nhà chung cư; nhà tập thể, nhà ở ký túc xá; nhà hỗn hợp. - Nhà trẻ, trường mẫu giáo, mầm non; trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông; trường phổ thông có nhiều cấp học; trường cao đẳng, đại học, học viện; trường trung cấp chuyên nghiệp; trường dạy nghề; cơ sở giáo dục thường xuyên; cơ sở giáo dục khác được thành lập theo Luật Giáo dục. - Bệnh viện; phòng khám đa khoa, khám chuyên khoa, nhà điều dưỡng, phục hồi chức năng, chỉnh hình, nhà dưỡng lão, cơ sở phòng chống dịch bệnh, trung tâm y tế, cơ sở y tế khác được thành lập theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh. …(xem toàn bộ danh mục tại Phụ lục I kèm theo Nghị định này)… Tuy nhiên danh mục này không đề cập đến cơ sở bán lẻ thuốc như là nhà thuốc dược liệu hoặc là đề cập đến cơ sở kinh doanh dược nói chung. Như vậy, nhà thuốc dược liệu không thuộc diện quản lý về phòng cháy, chữa cháy. Điều kiện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược đối với nhà thuốc dược liệu là gì? Căn cứ theo khoản 5 Điều 31 Nghị định 54/2017/NĐ-CP, được sửa đổi bởi điểm a, b khoản 10 Điều 5 Nghị định 155/2018/NĐ-CP quy định điều kiện của cơ sở chuyên bán lẻ dược liệu, thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền nói chung để được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược như sau: - Người chịu trách nhiệm chuyên môn về dược của cơ sở bán lẻ dược liệu, thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền phải có một trong các văn bằng chuyên môn quy định tại điểm a, c, e, g, i hoặc l khoản 1 Điều 13 Luật Dược 2016 và có 01 năm thực hành chuyên môn tại cơ sở dược hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bằng y học cổ truyền, trừ trường hợp quy định tại điểm c khoản 2 Điều 13 Luật này; - Có địa điểm cố định, riêng biệt; được xây dựng chắc chắn; diện tích phù hợp với quy mô kinh doanh; bố trí ở nơi cao ráo, thoáng mát, an toàn, cách xa nguồn ô nhiễm; - Phải có khu vực bảo quản và trang thiết bị bảo quản phù hợp với yêu cầu bảo quản ghi trên nhãn. Dược liệu độc phải được bày bán (nếu có) và bảo quản tại khu vực riêng; trường hợp được bày bán và bảo quản trong cùng một khu vực với các dược liệu khác thì phải để riêng và ghi rõ “dược liệu độc” để tránh nhầm lẫn. Cơ sở chuyên bán lẻ thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền hoặc chuyên bán lẻ dược liệu thì chỉ cần có khu vực bảo quản tương ứng để bảo quản thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền hoặc để bảo quản dược liệu, vị thuốc cổ truyền. - Dụng cụ, bao bì tiếp xúc trực tiếp với thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền, dược liệu phải bảo đảm không ảnh hưởng đến chất lượng của thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền, dược liệu; - Có sổ sách ghi chép hoặc biện pháp phù hợp để lưu giữ thông tin về hoạt động xuất nhập, truy xuất nguồn gốc; - Người bán lẻ dược liệu, thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền phải có một trong các văn bằng quy định tại các điểm a, c, e, g, i hoặc l khoản 1 Điều 13 Luật Dược 2016. Đối với dược liệu độc, thuốc dược liệu kê đơn, thuốc cổ truyền kê đơn thì người trực tiếp bán lẻ và tư vấn cho người mua phải là người chịu trách nhiệm chuyên môn của cơ sở bán lẻ; - Trường hợp cơ sở bán lẻ có kinh doanh thêm các mặt hàng khác theo quy định của pháp luật thì các mặt hàng này phải được bày bán, bảo quản ở khu vực riêng và không gây ảnh hưởng đến dược liệu, thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền.
Tập trung tăng cường PCCC đối với nhà cho thuê trọ theo Chỉ thị 19/CT-TTG
Ngày 24/6/2024, Thủ tướng chính phủ ra chỉ thị 19/CT-TTG. Chỉ thị tập trung tăng cường PCCC đối với nhà cho thuê trọ Thời gian qua, tình hình cháy, nổ có chiều hướng diễn biến phức tạp, khó lường, liên tiếp xảy ra nhiều vụ cháy gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về người và tài sản; điển hình như vụ cháy nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ gây thiệt hại về người và tiền của. (1) Nguyên nhân xảy ra hỏa hoạn, nhiều vụ cháy nổ Tình hình cháy, nổ xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Theo chỉ thị 19/CT-TTG có một số nguyên nhân chủ yếu như sau: - Tại một số địa phương, điều kiện cơ sở hạ tầng về giao thông, nguồn nước còn nhiều bất cập, quy hoạch thiếu đồng bộ, thiếu quy hoạch nơi ở cho người lao động khi xây dựng các khu công nghiệp. - Tại một số nơi, chính quyền địa phương còn buông lỏng, chưa làm hết trách nhiệm trong việc quản lý nhà nước về xây dựng, về phòng cháy chữa cháy. - Nhận thức, ý thức của một bộ phận người dân về công tác phòng cháy chữa cháy còn hạn chế. - Tình trạng vi phạm quy định của pháp luật về trật tự xây dựng, phòng cháy chữa cháy còn phổ biến, nhất là tại các nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ (chung cư mini) như tự ý thiết kế nâng tầng, xây dựng, cải tạo, chuyển đổi công năng không đảm bảo các điều kiện về an toàn phòng cháy chữa cháy. Đặc biệt là các điều kiện an toàn về thoát nạn, ngăn cháy; không trang bị các phương tiện chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ để sẵn sàng xử lý khi có sự cố xảy ra. - Công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, kỹ năng phòng cháy chữa cháy, thoát nạn chưa đạt được mục tiêu, yêu cầu đề ra. - Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh về phòng cháy chữa cháy đối với một số đối tượng nhà và công trình còn chưa đầy đủ, chưa đồng bộ. Xem và tải Chỉ thị 19/CT-TTg tại đây:https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/06/26/19ct.signed.pdf (2) Tập trung tăng cường PCCC đối với nhà cho thuê trọ Để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn tình hình cháy, nổ, hạn chế thấp nhất thiệt hại do cháy, nổ gây ra, theo chỉ thị 19/CT-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các cơ quan chức năng thực hiện việc rà soát,sửa đổi bổ sung hệ thống văn bản pháp luật cũng như tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCCC: - Bổ sung quy định cụ thể trong luật về điều kiện an toàn phòng cháy, chữa cháy đối với nhà ở riêng lẻ kết hợp sản xuất, kinh doanh +Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng,Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về phòng cháy chữa cháy đối với nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ, nhà ở riêng lẻ kết hợp sản xuất, kinh doanh (bao gồm cả nhà ở cho thuê trọ). + Đối với Bộ trưởng Bộ Công An: Thủ tướng Chính phủ yêu cầu chỉ đạo nghiên cứu, rà soát, bổ sung quy định cụ thể trong dự án Luật phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ về điều kiện an toàn phòng cháy, chữa cháy đối với nhà ở riêng lẻ kết hợp sản xuất, kinh doanh. + Bộ trưởng Bộ Xây dựng chỉ đạo đơn vị chức năng chủ trì, phối hợp với đơn vị chức năng của Bộ Công an và các đơn vị liên quan nghiên cứu, xây dựng và công bố tài liệu kỹ thuật hướng dẫn giải pháp cấp thiết tăng cường điều kiện an toàn phòng cháy, chữa cháy đối với nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ, nhà ở riêng lẻ kết hợp sản xuất, kinh doanh (bao gồm cả nhà ở cho thuê trọ) phù hợp với thực tiễn, hoàn thành trước ngày 15/7/2024. - Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCCC + Đối với Bộ trưởng,Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho người dân để từ đó nâng cao tinh thần trách nhiệm tham gia vào công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Gắn phong trào toàn dân tham gia phòng cháy chữa cháy với phong trào xây dựng khu dân cư, gia đình văn hóa; nhân rộng điển hình tiên tiến, kịp thời khen thưởng những tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. + Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam tăng cường thời lượng, ưu tiên bố trí khung giờ có nhiều người theo dõi để tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng phòng cháy, chữa cháy, thoát nạn, cảnh báo nguy cơ cháy xảy ra tại các loại hình cơ sở, nhất là nhà ở có nhiều tầng, nhiều căn hộ. - Ngăn chặn nguyên nhân, điều kiện dẫn đến cháy, nổ + Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, phát hiện và có biện pháp xử lý, khắc phục kịp thời sơ hở, bất cập trong công tác phòng cháy chữa cháy nhằm phòng ngừa, ngăn chặn triệt để các nguyên nhân, điều kiện dẫn đến cháy, nổ đối với nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ, nhà ở riêng lẻ kết hợp sản xuất, kinh doanh. + Yêu cầu Bộ trưởng Bộ Công Thương chỉ đạo ngành Điện thường xuyên tổ chức kiểm tra, hướng dẫn từng cơ quan, tổ chức, hộ gia đình các biện pháp quản lý, sử dụng điện an toàn, khắc phục tình trạng sử dụng điện không đúng cách, không đúng yêu cầu của nhà sản xuất, hạn chế tối đa cháy, nổ do điện gây ra. + Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo tổ chức rà soát, kiểm tra, phân loại, hướng dẫn các giải pháp bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy đối với nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ (chung cư mini), nhà ở riêng lẻ kết hợp sản xuất, kinh doanh (bao gồm cả nhà ở cho thuê trọ); Yêu cầu người đứng đầu cơ sở, chủ hộ gia đình phải cam kết, có lộ trình thực hiện các giải pháp tăng cường phòng cháy, chữa cháy do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố đã ban hành và phải hoàn thành thực hiện các giải pháp trước ngày 30/3/2025. Sau thời gian trên, nếu không tổ chức thực hiện phải dừng hoạt động cho đến khi thực hiện xong. Xem và tải Chỉ thị 19/CT-TTg tại đây:https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/06/26/19ct.signed.pdf Tóm lại, Chỉ thị 19/CT-TTG được Thủ tướng Chính phủ ban hành vào ngày 24/6/2024 chỉ đạo tăng cường công tác PCCC đối với nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ, nhà ở riêng lẻ kết hợp sản xuất, kinh doanh ( kể cả nhà ở cho thuê trọ). Tập trung bổ sung quy định cụ thể trong luật về điều kiện an toàn phòng cháy, chữa cháy đối với nhà ở riêng lẻ kết hợp sản xuất, kinh doanh, ngăn chặn các nguyên nhân gây ra cháy nổ và tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật người dân.
Thủ tướng ra Chỉ thị về tăng cường công tác phòng cháy chữa cháy đối với các loại công trình nhà ở
Ngày 24/06/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Chỉ thị 19/CT-TTg năm 2024 về tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy đối với nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ, nhà ở riêng lẻ kết hợp sản xuất, kinh doanh. Tăng cường công tác phòng cháy chữa cháy đối với các loại công trình nhà ở Thủ tướng nhận định thời gian qua, tình hình cháy, nổ có nhiều hướng diễn biến phức tạp, khó lương, liên tiếp xảy ra nhiều vụ cháy gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về người và tài sản; Điển hình như vụ cháy nhà nhiều tầng, nhiều căn hộ xảy ra vào ngày 12/09/2023 tại quận Thanh Xuân, TP Hà Nội làm 56 người chết và gần đây là vụ cháy nhà ở cho thuê trọ xảy ra vào ngày 24/05/2024 tại quận Cầu Giấy, TP Hà Nội làm 14 người chết; vụ cháy nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh xảy ra vào ngày 16/06/2024 tại quận Hoàng Mai, TP Hà Nội làm 4 người chết Tại Chỉ thị, Thủ tướng Chính phủ có đề cập những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình hình cháy nổ trên và đưa ra yêu cầu cụ thể đối với các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc chủ động phòng ngừa, ngăn chặn tình hình cháy, nổ, hạn chế thấp nhất thiệt hại do cháy, nổ gây ra. Xem chi tiết tại Chỉ thị 19/CT-TTg năm 2024 ban hành 24/06/2024. Qua Chỉ thị 19/CT-TTg năm 2024 có thể thấy tình hình cháy, nổ thời gian qua liên tiếp xảy ra gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về người và tài sản đặc biệt là ở những khu nhà nhiều tầng, nhiên căn hộ, chung cư mini. Khu vực này rất dễ xảy ra cháy, nổ cũng như khó kiểm soát nhưng lại có nhiều người sinh sống. Vậy nhà chung cư thì cần phải đáp ứng những quy định gì về phòng cháy chữa cháy? Yêu cầu về phòng cháy chữa cháy với chung cư như thế nào? Căn cứ tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 50/2024/NĐ-CP quy định danh mục cơ sở thuộc diện quản lý về phòng cháy và chữa cháy Theo đó, chung cư là cơ sở thuộc diện quản lý về phòng cháy và chữa cháy, chung cư phải đáp ứng đủ yêu cầu về an toàn phòng cháy chữa cháy đối với cơ sở như sau: Đối với chung cư cao từ 5 tầng trở lên hoặc có khối tích từ 5.000 m3 trở lên: (1) Có nội quy, biển cấm, biển báo, sơ đồ hoặc biển chỉ dẫn về phòng cháy và chữa cháy, thoát nạn phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn về phòng cháy và chữa cháy hoặc theo quy định của Bộ Công an; (2) Có lực lượng phòng cháy và chữa cháy cơ sở, chuyên ngành tương ứng với loại hình cơ sở, được huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy và tổ chức sẵn sàng chữa cháy đáp ứng yêu cầu chữa cháy tại chỗ theo quy định, trừ trường hợp quy định tại điểm g khoản 3 Điều 31 Nghị định 136/2020/NĐ-CP; (3) Có phương án chữa cháy được cấp có thẩm quyền phê duyệt; (4) Hệ thống điện, chống sét, chống tĩnh điện, thiết bị sử dụng điện, sinh lửa, sinh nhiệt, việc sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt phải bảo đảm an toàn về phòng cháy và chữa cháy phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn về phòng cháy và chữa cháy hoặc theo quy định của Bộ Công an; (5) Có hệ thống giao thông, cấp nước, thông tin liên lạc phục vụ chữa cháy, hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu về phòng cháy, chữa cháy và truyền tin báo sự cố, hệ thống báo cháy, chữa cháy, ngăn cháy, ngăn khói, thoát nạn, phương tiện phòng cháy và chữa cháy khác, phương tiện cứu người bảo đảm về số lượng, chất lượng phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn về phòng cháy và chữa cháy hoặc theo quy định của Bộ Công an; (6) Có Giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế và văn bản thẩm duyệt thiết kế (nếu có) và văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy của cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy đối với dự án, công trình thuộc danh mục quy định tại Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định 50/2024/NĐ-CP. Trừ các cơ sở quốc phòng hoạt động phục vụ mục đích quân sự và phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy được các cơ sở quốc phòng chế tạo hoặc hoán cải chuyên dùng cho hoạt động quân sự. Đối với chung cư cao dưới 5 tầng và có khối tích dưới 5.000 m3 - Các điều kiện quy định tại các điểm (1), (3) và điểm (4); trường hợp cơ sở thuộc danh mục quy định tại Phụ lục V Nghị định 50/2024/NĐ-CP phải có Giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế và văn bản thẩm duyệt thiết kế (nếu có) và văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy; - Có hệ thống giao thông, cấp nước, thông tin liên lạc phục vụ chữa cháy, hệ thống báo cháy, chữa cháy, ngăn cháy, ngăn khói, thoát nạn, phương tiện phòng cháy và chữa cháy khác, phương tiện cứu người bảo đảm về số lượng, chất lượng phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về phòng cháy và chữa cháy hoặc theo quy định của Bộ Công an; - Có quy định và phân công chức trách, nhiệm vụ phòng cháy và chữa cháy. Người làm nhiệm vụ phòng cháy và chữa cháy phải được huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy theo quy định tại Điều 33 Nghị định 136/2020/NĐ-CP. Như vậy, chung cư cần phải đáp ứng những yêu cầu điều kiện của về an toàn phòng cháy chữa cháy đối với cơ sở theo quy định của pháp luật đối với từng loại chung cư để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn tình hình cháy, nổ, hạn chế thấp nhất thiệt hại do cháy, nổ gây ra.
Khu dân cư cần đáp ứng điều kiện gì về phòng cháy, chữa cháy?
Phòng cháy, chữa cháy (PCCC) là một yếu tố quan trọng đảm bảo an toàn cho khu dân cư, giúp bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân. “Khu dân cư cần đáp ứng điều kiện gì về phòng cháy, chữa cháy?” là vấn đề được đông đảo người dân quan tâm. - Khu dân cư là nơi sinh sống của cá nhân, hộ gia đình được bố trí trên phạm vi thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, tổ dân phố và đơn vị dân cư tương đương (gọi chung là thôn). Một thôn được xác định là một khu dân cư thuộc diện quản lý về phòng cháy và chữa cháy. - Khu dân cư có nguy cơ cháy, nổ cao được hướng dẫn bởi Điều 6 Thông tư 149/2020/TT-BCA: Khu dân cư có nguy cơ cháy, nổ cao là khu dân cư quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị định 136/2020/NĐ-CP khi có một trong những tiêu chí như sau: + Có làng nghề sản xuất, kinh doanh hàng hóa dễ cháy, nổ. + Có tối thiểu 20% hộ gia đình sinh sống kết hợp với sản xuất, kinh doanh hàng hóa, hóa chất dễ cháy, nổ trên tổng số nhà ở hộ gia đình. + Có cơ sở chế biến, sản xuất, bảo quản dầu mỏ và sản phẩm dầu mỏ, khí đốt, hóa chất nguy hiểm về cháy, nổ; kho dầu mỏ và sản phẩm dầu mỏ, kho khí đốt, hóa chất nguy hiểm về cháy, nổ; cửa hàng kinh doanh xăng dầu. (1) Khu dân cư cần đáp ứng điều kiện gì về phòng cháy, chữa cháy? Theo Điều 6 Nghị định 136/2020/NĐ-CP quy định về điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy đối với khu dân cư như sau: + Có nội quy về phòng cháy và chữa cháy, về sử dụng điện, sử dụng lửa và các chất dễ cháy, nổ phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về phòng cháy và chữa cháy hoặc theo quy định của Bộ Công an. + Có hệ thống giao thông, nguồn nước phục vụ chữa cháy, giải pháp chống cháy lan, phương tiện phòng cháy và chữa cháy bảo đảm số lượng và chất lượng phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về phòng cháy và chữa cháy hoặc theo quy định của Bộ Công an. + Có phương án chữa cháy được cấp có thẩm quyền phê duyệt. + Có lực lượng dân phòng được huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy và tổ chức sẵn sàng chữa cháy đáp ứng yêu cầu chữa cháy tại chỗ. Điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy quy định tại khoản 2 Điều 6 phải được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức thực hiện và duy trì trong suốt quá trình hoạt động. Như vậy, khu dân cư là nơi sinh sống của cá nhân, hộ gia đình, khu dân cư cần phải đáp ứng 04 điều kiện an toàn phòng cháy, chữa cháy. (2) Điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy đối với hộ gia đình Căn cứ Điều 7 Nghị định 136/2020/NĐ-CP quy định về điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy đối với hộ gia đình: - Hộ gia đình phải bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy theo quy định tại khoản 1 Điều 17 Luật Phòng cháy và chữa cháy. Trong đó, khoản 1 Điều 17 Luật Phòng cháy và chữa cháy đề cập như sau: Nhà ở phải bố trí hệ thống điện, bếp đun nấu, nơi thờ cúng bảo đảm an toàn; các chất dễ cháy, nổ phải để xa nguồn lửa, nguồn nhiệt; chuẩn bị các điều kiện, phương tiện để sẵn sàng chữa cháy. - Hộ gia đình sinh sống kết hợp với sản xuất, kinh doanh phải bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy sau đây: + Điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 7. + Có nội quy về phòng cháy và chữa cháy, về sử dụng điện, sử dụng lửa và các chất dễ cháy, nổ phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về phòng cháy và chữa cháy hoặc theo quy định của Bộ Công an. + Có giải pháp thoát nạn, ngăn cháy lan, ngăn khói giữa khu vực sinh sống với khu vực sản xuất, kinh doanh. - Điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 7 phải được chủ hộ gia đình tổ chức thực hiện và duy trì trong suốt quá trình hoạt động. - Hộ gia đình quy định tại khoản 2 Điều 7 đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp phải bảo đảm điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy tương ứng với loại hình cơ sở theo quy định tại Điều 5 Nghị định 136/2020/NĐ-CP Tóm lại, khu dân cư và hộ gia đình cần đáp ứng các điều kiện về phòng cháy, chữa cháy. Việc tuân thủ các quy định về phòng cháy, chữa cháy không chỉ là trách nhiệm pháp lý mà còn là cách bảo vệ an toàn cho cư dân và tài sản của chính mình.
Sẽ đình chỉ những nhà trọ không đủ điều kiện phòng cháy chữa cháy tại TP.HCM
Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh vừa có chỉ đạo đình chỉ những nhà trọ không đủ điều kiện về phòng cháy chữa cháy, có nguy cơ cháy, nổ, gây ảnh hưởng đến an toàn tính mạng của người dân. TP.HCM đình chỉ những nhà trọ không đủ điều kiện PCCC Theo Cổng Thông tin điện tử UBND TP.HCM, Chủ tịch UBND TP.HCM vừa có chỉ đạo các đơn vị có liên quan tăng cường công tác quản lý trật tự xây dựng đối với loại hình nhà ở nhiều căn hộ của hộ gia đình, cá nhân; cơ sở dịch vụ cho thuê trọ có mật độ người ở cao trên địa bàn TP. Phó Chủ tịch UBND TP giao Sở Xây dựng, UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện căn cứ tình hình hoạt động của các loại hình nhà ở nhiều căn hộ của hộ gia đình, cá nhân, cơ sở dịch vụ cho thuê trọ có mật độ người ở cao trên địa bàn để chủ động xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra. Qua đó kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng theo đúng thẩm quyền và quy định pháp luật. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý trật tự xây dựng và phòng cháy chữa cháy (PCCC) đối với loại hình nêu trên. Công an TP, UBND các quận huyện và TP Thủ Đức được giao chủ động xây dựng các giải pháp tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với loại hình nhà ở nhiều căn hộ của hộ gia đình, cá nhân, cơ sở dịch vụ cho thuê trọ có mật độ người ở cao. Các giải pháp phải đảm bảo phù hợp tình hình thực tiễn tại địa phương và đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của công tác quản lý nhà nước đối với loại hình nhà ở, cơ sở dịch vụ cho thuê. Trước đó, vào ngày 03/6/2024, nhằm thực hiện nghiêm ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND TPHCM về tăng cường công tác quản lý trật tự xây dựng và PCCC; đồng thời, đề ra các giải pháp khả thi nhằm khắc phục tồn tại, hạn chế đối với loại hình nhà ở nhiều căn hộ của hộ gia đình, cá nhân; cơ sở dịch vụ cho thuê trọ có mật độ người ở cao đang hoạt động trên địa bàn nhưng chưa đảm bảo các điều kiện về an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Ngoài ra, UBND TP.HCM yêu cầu các địa phương cần đình chỉ hoạt động ngay đối với các cơ sở không đủ điều kiện an toàn PCCC và cứu nạn, cứu hộ có nguy cơ cháy, nổ, gây ảnh hưởng đến an toàn tính mạng, sức khỏe và tài sản của người dân. Trước đó, đã có nhiều vụ cháy lớn trong các dãy nhà trọ, chung cư mini với lối vào chật hẹp hay không trang bị đủ các thiết bị PCCC cũng như không đáp ứng đủ điều kiện an toàn xây dựng và PCCC. Vì vậy, sự lo lắng của người dân về vấn đề này là vô cùng cần thiết, theo đó mỗi người dân và gia đình cần trang bị cho mình kiến thức về PCCC và cứu hộ, cứu nạn để ứng phó khi có trường hợp không may xảy ra. Trang bị những dụng cụ thoát hiểm và các phương tiện phòng cháy tại nhà 1. Bình chữa cháy Mỗi gia đình cần trang bị ít nhất một bình chữa cháy nhỏ gọn trong nhà, phòng trường hợp những vụ cháy nổ nhỏ có thể tự xử lý trước bằng bình chữa cháy hay ở các cơ sở kinh doanh cần trang bị mỗi tầng ít nhât smootj bình chữa cháy đề phòng tình huống khẩn cấp cần dùng đến. Ngoài ra, việc sử dụng những dụng cụ hỗ trợ này còn giúp người gặp nạn kéo dài được khoảng thời gian chờ lực lượng PCCC đến. 2. Thang thoát hiểm Tại nhà riêng hoặc ở các cơ sở kinh doanh, văn phòng làm việc,… cần dự trữ thang thoát hiểm để đề phòng khi tình huống khẩn cấp người gặp nạn phía trong đám cháy có thể sử dụng thang để ra ngoài từ tầng cao. 3. Mặt nạ phòng độc Mặt nạ phòng độc giúp người bị nạn giảm thiếu được khả năng hít phải khí độc. Các khí độc như CO, CO2 trong khói sẽ thoát ra khi có đám cháy, khi hít phải vài hơi khí độc này, cơ thể người gặp nạn sẽ có nguy cơ rơi vào trạng thái bất tỉnh ngay. Xem thêm bài viết: Cần ghi nhớ: Cách thoát hiểm khi xảy ra cháy 04 phương pháp chữa cháy cơ bản dành cho hộ gia đình Theo Bộ tài liệu tuyên truyền, hướng dẫn về PCCC và cứu nạn, cứu hộ cho hộ gia đình được ban hành bởi Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ thì có những phương pháp chữa cháy cơ bản dành cho hộ gia đình như sau: Phương pháp làm lạnh: Là phương pháp phun chất chữa cháy vào đám cháy nhằm hạ nhiệt độ của vùng cháy và bề mặt chất cháy xuống dưới nhiệt độ bắt cháy của chất đó. Chất chữa cháy điển hình theo phương pháp làm lạnh là nước (H2O) Phương pháp cách ly: Là phương pháp cách ly sự tiếp xúc giữa các yếu tố tạo nên sự cháy (cách ly chất cháy với chất ôxy hoá; cách ly chất cháy với nguồn nhiệt...). Dùng vật liệu không cháy, lớp chất bọt để ngăn cách ôxy tham gia phản ứng cháy; tạo khoảng cách giữa vùng bị cháy với những công trình xung quanh. Phương pháp làm giảm nồng độ các chất tham gia phản ứng cháy: Là phương pháp phun chất chữa cháy vào vùng cháy để làm loãng nồng độ hỗn hợp hơi chất cháy xuống dưới nồng độ có khả năng bốc cháy. Các chất chữa cháy điển hình có thể kể đến như: Khí CO2, N2, các khí trơ khác... Phương pháp ức chế hoá học: Là phương pháp phun các hóa chất có khả năng ức chế các phản ứng cháy và vùng cháy nhằm làm chậm phản ứng cháy, tiến tới triệt tiêu sự cháy. Các chất chữa cháy điển hình bao gồm: Các hợp chất thuộc nhóm halogen (CF3BrCl; CF3Br; C3F7H – 1,1,1,2,3,3,3 Heptan flo propan). Như vậy, theo hướng dẫn của Bộ tài liệu thì hiện hộ gia đình có 04 phương pháp chữa cháy cơ bản. https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/05/24/tai-lieu-tuyen-truyen-pccc-cho-ho-gd.pdf Bộ tài liệu tuyên truyền, hướng dẫn về PCCC và cứu nạn, cứu hộ Xem thêm bài viết: Hộ gia đình cần phải bảo đảm những điều kiện an toàn nào về PCCC?
Quản lý, sử dụng nguồn tài chính từ tài trợ cho hoạt động phòng cháy và chữa cháy như thế nào?
Ngày 10/05/2024, Chính phủ ban hành Nghị định 50/2024/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 136/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật Phòng cháy và chữa cháy sửa đổi và Nghị định 83/2017/NĐ-CP quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy. Nguồn tài chính cho hoạt động phòng cháy và chữa cháy được sử dụng cho những mục đích gì? Căn cứ Điều 47 Nghị định 136/2020/NĐ-CP quy định nguồn tài chính cho hoạt động phòng cháy và chữa cháy được sử dụng cho các nội dung sau đây: - Đầu tư cho hoạt động, cơ sở vật chất, trang bị phương tiện phòng cháy và chữa cháy và các thiết bị của lực lượng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy; - Hỗ trợ hoạt động của lực lượng dân phòng, lực lượng phòng cháy và chữa cháy cơ sở và lực lượng phòng cháy và chữa cháy chuyên ngành; - Hỗ trợ tuyên truyền và xây dựng phong trào toàn dân tham gia phòng cháy và chữa cháy; - Hỗ trợ khen thưởng trong công tác phòng cháy và chữa cháy; - Hỗ trợ các hoạt động phòng cháy và chữa cháy khác. Quản lý, sử dụng nguồn tài chính từ tài trợ cho hoạt động phòng cháy và chữa cháy như thế nào? Căn cứ Khoản 20 Điều 1 Nghị định 50/2024/NĐ-CP Bổ sung Điều 47a Nghị định số 136/2020/NĐ-CP quy định Quản lý, sử dụng nguồn tài chính từ đóng góp tự nguyện, tài trợ của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài cho hoạt động phòng cháy và chữa cháy như sau: 1. Nguồn tài chính do cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài đóng góp tự nguyện, tài trợ cho hoạt động phòng cháy và chữa cháy phải phù hợp với bội dung sử dụng theo quy định. Cơ quan, tổ chức, cá nhân tài trợ có thỏa thuận, đề nghị về mục đích sử dụng, mức chi cho hoạt động phòng cháy và chữa cháy thì việc quản lý, sử dụng thực hiện theo thỏa thuận, đề nghị của cơ quan, tổ chức, cá nhân đóng góp, tài trợ nhưng không trái với những nội dung được sử dụng theo quy định pháp luật. 2. Tiếp nhận, quản lý nguồn tài chính do cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài đóng góp tự nguyện, tài trợ cho hoạt động phòng cháy và chữa cháy như sau: a) Nguồn tài chính bằng tiền được gửi vào tài khoản của Bộ Công an mở tại Kho bạc Nhà nước và được tổng hợp đầy đủ vào ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước và quy định của pháp luật có liên quan. b) Nguồn tài chính bằng hiện vật, sau khi thực hiện xác lập sở hữu toàn dân được giao cho cơ quan, đơn vị có chức năng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ quản lý sử dụng theo quy định pháp luật quản lý tài sản công và quy định của pháp luật có liên quan. c) Thông tin về đóng góp tự nguyện, tài trợ của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài được cung cấp và công bố trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Công an và Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp cơ quan, tổ chức, cá nhân đóng góp tự nguyện, tài trợ có thỏa thuận không công bố thông tin. d) Nguồn tài chính từ việc vận động, tiếp nhận các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn các trường hợp do sự cố thực hiện theo quy định tại Nghị định số 93/2021/NĐ-CP. 3. Bộ Công an căn cứ thực tế nguồn tài chính từ đóng góp tự nguyện, tài trợ và yêu cầu thực tiễn quyết định về mức chi cho các nội dung liên quan đến hoạt động phòng cháy và chữa cháy quy định sau khi thống nhất với Bộ Tài chính. 4. Bộ Công an chịu trách nhiệm quản lý, sử dụng nguồn tài chính từ đóng góp tự nguyện, tài trợ theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước và quy định của pháp luật có liên quan. Nghị định 50/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 10/05/2024.
Một số lưu ý về “điểm chữa cháy công cộng” mà ai cũng nên biết
Điểm chữa cháy công cộng là gì? Điểm chữa cháy công cộng thường được bố trí ở đâu? Bài viết sau đây sẽ cung cấp một số thông tin liên quan đến vấn đề này và lưu ý một số điều cho người dân khi sử dụng điểm chữa cháy công cộng phòng xảy ra cháy nổ. Trước đó, ngày 24/5 vụ cháy lớn tại nhà số 1, hẻm 31, ngách 98, ngõ 43 phố Trung Kính, quận Cầu Giấy, Hà Nội đã khiến 14 người tử vong. Trước sự việc thương tâm này, người dân cả nước cũng từ đó rút kinh nghiệm mà nâng cao cảnh giác, ý thức về công cuộc phòng cháy, chữa cháy tại nơi ở để bảo đảm an toán tình mạng cho chính bản thân và gia đình. (1) Điểm chữa cháy công cộng là gì? Trước đó, theo Kế hoạch 53/KH-UBND ngày 16/2/2023 tuyên truyền, phổ biến pháp luật và xây dựng mô hình phong trào dân tham gia phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho cộng đồng trên địa bàn thành phố Hà Nội có nhắc đến 1 trong 2 mô hình toàn dân tham gia phòng cháy chữa cháy (PCCC) và cứu hộ cứu nạn (CHCN), cụ thể: Điểm chữa cháy công cộng là nơi chứa các thiết bị chữa cháy giúp người dân hỗ trợ xử lý các sự cố hỏa hoạn cháy nổ tại các khu phố, ngõ hẻm nhỏ những nơi mà các phương tiện xe cứu hỏa không thể đi vào để chữa cháy. (2) Điểm chữa cháy công cộng được bố trí ở đâu? Mô hình “điểm chữa cháy công cộng” thường được sử dụng cho các ngõ, hẻm sâu tập trung nhiều nhà (nhà ở hộ gia đình hoặc hộ gia đình kết hợp sản xuất, kinh doanh) có chiều sâu từ 50m trở lên, xe chữa cháy không tiếp cận được. Người sử dụng phương tiện tại mô hình “Điểm chữa cháy công cộng” là người dân thường xuyên sinh sống, làm việc tại hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh hoặc người dân từ 18 tuổi trở lên có đủ sức khỏe và có kiến thức PCCC và CNCH; kỹ năng chữa cháy, thoát nạn và sử dụng phương tiện, thiết bị PCCC trong các khu dân cư có bố trí, lắp đặt mô hình “Điểm chữa cháy công cộng” Các điểm chữa cháy được bố trí thuận lợi cho việc sử dụng các phương tiện để chữa cháy, CNCH; không cản trở lối đi lại của người dân, tránh mưa, nắng và có biển thông báo (khoảng cách giữa 02 điểm đặt phương tiện khoảng 50m). (3) Mỗi điểm chữa cháy công cộng cần đảm bảo bố trí, trang bị những gì? Ở mỗi điểm chữa cháy công cộng cần bố trí, trang bị phương tiện PCCC, CNCH như sau: - Phải có quy định về quản lý, sử dụng phương tiện PCCC, CNCH tại các điểm chữa cháy công cộng (trong đó quy định rõ việc sử dụng, quản lý, kiểm tra, bảo dưỡng, thay thế phương tiện khu hỏng hóc hoặc sau khi sử dụng). - Số lượng, chủng loại phương tiện tại mỗi điểm: + 01 biển thông báo bằng tôn, nền màu đỏ, chữ màu vàng tiếng việt “ĐIỂM CHỮA CHÁY CÔNG CỘNG” và tiếng anh “PUBLIC FIRE-FIGHTING EQUIPMENT”; + 02 bình bột chữa cháy loại ABC; + Nội quy quản lý, sử dụng phương tiện PCCC, CNCH; + Tối thiểu 01 xà beng hoặc kìm cộng lực (căn cứ điều kiện thực tế). + Ban hành, niêm yết quy trình xử lý sự cố cháy, nổ, cứu nạn, cứu hộ (các bước xử lý cháy, nổ, sự cố; số điện thoại liên hệ: Lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH qua số 114 hoặc App báo cháy 114, Đội Cảnh sát PCCC và CNCH trên địa bàn, UBND hoặc Công an cấp xã, Lực lượng dân phòng,...) và hướng dẫn sử dụng các trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. + Căn cứ vào điều kiện thực tế, khu vực có trụ nước chữa cháy có thể trang bị lăng, vòi, đầu nối, thiết bị mở khóa; khu vực có ao, hồ, bể nước có thể trang bị máy bơm chữa cháy khiêng tay, lăng vòi chữa cháy. (4) Xử lý tình huống khi có cháy, nổ, sự cố cứu nạn, cứu hộ Khi có cháy nổ, sự cố, người dân cần thực hiện: - Người phát hiện cháy, nổ, sự cố, tai nạn hô hoán cho mọi người trong ngõ, hẻm biết; - Báo cháy cho lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH (qua số 114 hoặc App báo cháy 114), UBND hoặc Công an cấp xã; - Sử dụng các phương tiện tại các điểm chữa cháy công cộng để chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ. Ngoài ra, cần lưu ý những vấn đề sau, nếu gọi đến số điện thoại 114: - Khi ở trong sự cố hoặc tình huống cháy, hoặc phát hiện sự cố, đám cháy, cần giữ bình tĩnh, cố gắng trấn an tâm lý cho những người xung quanh, thông báo cho người khác hoặc sử dụng điện thoại để gọi cho lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH; - Thời điểm gọi: Ngay khi xảy ra sự cố, nhận thấy ngoài khả năng xử lý của lực lượng tại chỗ, cần gọi ngay lập tức đến số điện thoại 114. - Thông tin cần cung cấp cho lực lượng Cảnh sát PCCC đảm bảo trả lời được 3 câu hỏi: “Bạn là ai?”, “Bạn đang ở đâu”, “Bạn nhìn thấy gì?”. + “Bạn là ai?”: Cần nói đủ họ và tên, cung cấp số điện thoại để lực lượng chữa cháy có thể liên lạc lại với bạn; + “Bạn ở đâu?”: Cần cung cấp chính xác địa chỉ cơ sở xảy ra cháy hoặc sự cố, điều này sẽ giúp lực lượng Cảnh sát PCCC đến địa điểm yêu cầu nhanh nhất; + “Bạn nhìn thấy gì?” Cần cung cấp thông tin về tình hình đám cháy hoặc đặc điểm sự cố: loại nhà, vị trí tầng bị cháy, chất cháy, tình trạng người bị nạn… Như vậy, mô hình “điểm chữa cháy công cộng” này được xây dựng tại các ngõ dân cư có lối ra vào hẹp, xe chữa cháy khó tiếp cận. Các điểm “chữa cháy công cộng” sẽ được trang bị các phương tiện chữa cháy thông dụng như: bình chữa cháy, xà beng, búa, kiềm cộng lực để phá dỡ, tiêu lệnh và nội quy quản lý, sử dụng phương tiện PCCC cho người dân có thể sử dụng khi có cháy nổ kịp thời mà các phương tiện xe cứu hỏa không thể đi vào được. Xem Toàn bộ Danh mục cơ sở, phương tiện PCCC tại Nghị định 50/2024/NĐ-CP Tham khảo: Tội vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy xử lý thế nào? Căn cứ tại Điều 313 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bởi khoản 115 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định về tội vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy như sau: Khung 1: Người nào vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 02 năm đến 05 năm: - Làm chết người; - Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; - Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%; - Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng. Khung 2: Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 08 năm: - Làm chết 02 người; - Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%; - Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng. Khung 3: Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm: - Làm chết 03 người trở lên; - Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên; - Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên. Bên cạnh đó, hành vi vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các hành vi khung 3 nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10-50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01-05 năm. Trên đây là một số lưu ý cho người dân về điểm chữa cháy công cộng khi xảy ra cháy nổ, đồng thời nêu rõ mức phạt về vi phạm về quy định PCCC theo pháp luật hiện hành.
Hướng dẫn cách để thoát nạn an toàn và xác định lối thoát nạn khi có cháy xảy ra
Gần đây, các vụ hỏa hoạn xảy ra liên tiếp trên cả nước, gây ra hậu quả cực kỳ nặng nề. Do đó, mọi người đều cần trang bị cho mình các kỹ năng để thoát hiểm khi hỏa hoạn xảy ra Mới đây, Cổng thông tin điện tử của Bộ Công an đã đưa ra các hướng dẫn về cách để thoát nạn an toàn và xác định đường lối thoát nạn khi có cháy xảy ra Theo đó, các biện pháp được Bộ Công an hướng dẫn như sau: Đối với nhà độc lập, liền kề Để thoát nạn an toàn khi xảy ra cháy, trước hết chúng ta phải xác định được lối ra an toàn ra khỏi căn nhà đang cháy. Thông thường, các lối thoát ra nơi an toàn ở các nhà độc lập hoặc liền kề bao gồm: Lối ra cửa chính của căn nhà; lối ra cầu thang thoát nạn ngoài nhà từ các tầng; lối ra ban công hoặc lôgia; lối lên trên sân thượng hoặc lối lên mái (tầng thượng) để thoát sang công trình liền kề. Ngoài ra, đối với các căn hộ độc lập thì lối thoát nạn an toàn là qua các cửa sổ, ban công khi có các thiết bị hỗ trợ như: thang, thang cây, dây tự cứu hạ chậm… Khi phát hiện ra đám cháy, mọi người cần chú ý một số vấn đề sau: - Người phát hiện đám cháy đầu tiên cần nhanh chóng báo động để mọi người trong nhà biết và nhanh chóng thoát ra ngoài theo lối cửa chính của căn nhà nếu như lối này chưa bị lửa, khói bao trùm. Trong quá trình di chuyển cần bình tĩnh và thực hiện các biện pháp để tránh hít phải khói, khí độc hoặc bị lửa tạt gây bỏng hoặc cháy quần áo; - Trong trường hợp lối thoát qua cửa chính tại tầng 1 đã bị lửa, khói bao trùm thì bình tĩnh và cùng các thành viên trong gia đình suy tính, tìm lối thoát khác như: + Di chuyển ra ngoài ban công và sử dụng các phương tiện như thang dây nếu có, hoặc trong trường hợp cấp thiết có thể sử dụng dây thừng hoặc các dây tự nối bằng các vật dụng như rèm, ga giường, quần, để thoát xuống dưới và ra nơi an toàn. Tuy nhiên, trước khi dùng dây để tụt xuống cần phải đảm bảo dây chắc chắn và dây phải buộc vào các cấu kiện vững chắc; + Di chuyển ra ban công hoặc qua cửa sổ và tìm cách thoát qua các nhà, công trình lân cận; + Di chuyển lên tầng thượng hoặc lên mái và thoát sang các công trình lân cận nếu có thể. Trong quá trình di chuyển cần sử dụng khăn, áo thấm ướt bịt vào mũi, miệng nhằm hạn chế hít phải khói, khí độc; - Đối với các nhà, công trình có lồng sắt bao bọc phía ngoài nhà, thì có thể thoát qua ô cửa trên các lồng sắt đó để sang các công trình liền kề. Nếu trên các lồng sắt đó không có sẵn các cửa thoát hiểm thì hãy bình tĩnh tìm kiếm các vật dụng như búa, rìu hoặc các vật dụng khác nhằm bẻ gãy hoặc banh rộng các ô trên lồng sắt để mọi người có thể chui qua và sang công trình liền kề hoặc xuống nơi an toàn với sự hỗ trợ của những người xung quanh; - Tuyệt đối không chạy vào nhà vệ sinh để trốn tránh, bởi vì rất dễ bị ngạt khói và lửa thiêu khi đám cháy lan ra toàn bộ căn hộ. Trong một số tình huống cấp thiết, để ngăn đám cháy từ các tầng dưới lan lên tầng trên, mọi người có thể xả nước từ nhà tắm để nước tràn ra sàn nhà và chảy xuống các tầng dưới, khi đó có thể ngăn đám cháy lan lên các tầng trên. Tuy nhiên, khi xả nước trong căn hộ cần lưu ý phải cắt cầu dao tổng để tránh bị điện giật do nước tràn làm chập các thiết bị điện; - Trong tất cả các trường hợp, khi phát hiện cháy phải nhanh chóng gọi điện báo cho lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ theo số 114 để kịp thời đến cứu nạn và dập tắt đám cháy. Đối với căn hộ ở các chung cư nhiều tầng, cao tầng Ở các nhà chung cư nhiều tầng, cao tầng thì các lối thoát nạn an toàn là các cầu thang bộ bên trong tòa nhà (lối vào buồng thang có cửa tự động đóng kín) hoặc các cầu thang bộ hở đặt phía ngoài tòa nhà (thường là cầu thang sắt). Khi xảy ra sự cố cháy trong các công trình cao tầng, để thoát nạn an toàn mọi người cần chú ý đến một số vấn đề sau: - Trên hành lang của tòa nhà dẫn từ các căn hộ đến các lối thoát nạn thường có các biển chỉ dẫn, người bị nạn di chuyển theo hướng mũi tên chỉ dẫn để đến buồng thang thoát nạn . Tại lối vào buồng thang (bên trong nhà) hoặc cầu thang hở (bên ngoài) sẽ có đèn chỉ dẫn ký hiệu “EXIT”, khi vào buồng thang mọi người sẽ di chuyển xuống dưới và ra nơi an toàn; - Để thoát nạn an toàn mọi người chỉ được dùng thang bộ, tuyệt đối không được dùng thang máy để thoát nạn, bởi vì hệ thống điện cung cấp cho thang máy có thể bị mất và thang sẽ dừng lại đột ngột ở vị trí bất kỳ, người bị nạn sẽ kẹt trong thang và có nguy cơ bị ngọn lửa tác động, hít phải khói, khí độc dẫn đến tử vong trong thời gian ngắn. - Trên đường di chuyển thoát nạn cần thông báo cho mọi người ở các căn hộ liền kề và nhấn nút báo cháy khẩn cấp để mọi người trong tòa nhà biết có sự cố cháy, kịp thời thoát nạn. - Trong quá trình thoát nạn mọi người hãy hỗ trợ lẫn nhau, đặc biệt chú ý giúp đỡ người già, trẻ em và phụ nữ đang mang thai. Tuyệt đối không được chen lấn, xô đẩy có thể dẫn đến chấn thương và nguy hiểm đến tính mạng nhiều người. - Trường hợp nếu cửa chính ra vào căn hộ và hành lang dẫn đến buồng thang thoát nạn đều bị khói lửa bao trùm, mọi người không thể thoát ra khỏi phòng, thì nhanh chóng đóng cửa và có các biện pháp ngăn khói, lửa lan truyền vào căn hộ. Sử dụng điện thoại nhanh chóng gọi cho lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ theo số 114 để kịp thời đến cứu nạn; di chuyển ra vị trí cửa sổ, ban công hô to và dùng áo, khăn hoặc vật sáng màu để vẫy gọi mọi người biết vị trí mình đang bị nạn - Trong tất cả các trường hợp tuyệt đối không vội vàng nhảy từ trên cao xuống dưới để thoát nạn khi chưa đảm bảo các điều kiện an toàn như đệm hơi hoặc một số phương tiện bảo hộ khác đã được lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ triển khai phía dưới *Lưu ý: Biện pháp nhảy từ trên cao xuống để thoát nạn là giải pháp cuối cùng và chỉ thực hiện khi đã suy xét kỹ và thấy rằng không còn phương án thoát nạn nào khác. (Nguồn Cổng TTĐT Bộ Công an) Link bài viết: https://www.bocongan.gov.vn/hoi-dap/huong-dan-cach-de-thoat-nan-an-toan-va-xac-dinh-duong-loi-thoat-nan-khi-co-chay-xay-ra-15265.html
Đề xuất phương pháp thử độ chịu va đập của bình bột chữa cháy vỏ xốp
Bộ Công an đang lấy ý kiến cho dự thảo Tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia đề xuất một số quy định về yêu cầu kỹ thuật và phương pháp thử nghiệm đối với bình bột chữa cháy vỏ xốp >> Bài được viết theo Tiêu chuẩn quốc gia bình bột chữa cháy vỏ xốp Lần 1 https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/05/24/D%E1%BB%B0%20TH%E1%BA%A2O%20TCVN%20-%20B%C3%8CNH%20B%E1%BB%98T%20V%E1%BB%8E%20X%E1%BB%90P.pdf (1) Bình bột chữa cháy vỏ xốp là gì? Bình bột chữa cháy vỏ xốp (Styrofoam shell fire extinguisher) sử dụng chất chữa cháy là bột chữa cháy, tự động kích hoạt xả chất chữa cháy khi bộ phận dẫn cháy (dây dẫn cháy) tiếp xúc với ngọn lửa kích hoạt bộ phận tạo áp suất làm phá vỡ lớp vỏ bình và phun bột chữa cháy. Dự thảo Tiêu chuẩn quốc gia phân bình bột chữa cháy vỏ xốp thành 03 kích cỡ là: - Cỡ nhỏ (S): khối lượng bột chữa cháy ≤ 1.000g; - Cỡ vừa (M): khối lượng bột chữa cháy > 1.000g và ≤ 2.000g; - Cỡ lớn (L): khối lượng bột chữa cháy > 2.000g và ≤ 6.000g; Theo đó, dự thảo Tiêu chuẩn quy định bình bột chữa cháy vỏ xốp phải dễ dàng vận hành, sử dụng, kiểm tra và bảo trì, có cấu trúc bền theo thời gian, không gây nguy hiểm khi sử dụng và tất cả các bộ phận trong bình bột chữa cháy vỏ xốp không tháo rời, không sử dụng với mục đích khác ngoài việc chữa cháy. >> Bài được viết theo Tiêu chuẩn quốc gia bình bột chữa cháy vỏ xốp Lần 1 https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/05/24/D%E1%BB%B0%20TH%E1%BA%A2O%20TCVN%20-%20B%C3%8CNH%20B%E1%BB%98T%20V%E1%BB%8E%20X%E1%BB%90P.pdf (2) Các yêu cầu về kỹ thuật Dự thảo Tiêu chuẩn quốc gia đưa ra các yêu cầu kỹ thuật đối với bình bột chữa cháy vỏ xốp như sau: Yêu cầu về hình dạng và hình thức bên ngoài Hình dạng: không quy định (có thể là hình cầu, hình vuông, hình trụ). Hình thức bên ngoài thiết bị phải hoàn chỉnh, không cho phép có bất kỳ vết nứt, vết rách hoặc rò rỉ chất chữa cháy nào xuất hiện ngoài vỏ bình. Yêu cầu về độ bền chịu nhiệt và độ bền va đập Dự thảo Tiêu chuẩn quốc gia không cho phép có bất kỳ vết nứt, vết rách hoặc rò rỉ chất chữa cháy nào xuất hiện ngoài vỏ bình khi thực hiện thử độ bền chịu nhiệt và độ bền va đập theo phương pháp thử được đề xuất trong dự thảo. Yêu cầu về chất chữa cháy và dung sai nạp Về chất chữa cháy: Chất chữa cháy bằng bột hóa chất khô, không ở dạng đông cứng hoặc kết tụ và phải phù hợp TCVN 6102:2020. Về dung sai nạp: lượng nạp chất chữa cháy phải trong giới hạn ± 10% lượng nạp theo công bố của nhà sản xuất đối với loại cỡ nhỏ (S) và vừa (M), giới hạn ± 5% lượng nạp theo công bố của nhà sản xuất đối với loại cỡ lớn (L). Yêu cầu về thời gian kích hoạt, hiệu ứng nổ và âm thanh khi phát ra kích hoạt Về thời gian kích hoạt, dự thảo Tiêu chuẩn đặt ra yêu cầu thời gian kích hoạt phải ≤ 10 giây, hiệu ứng nổ phải không gây nứt, vỡ các tấm kính khi thử nghiệm theo phương pháp thử được đề xuất trong dự thảo. Âm thanh phát ra khi kích hoạt bình bột chữa cháy vỏ xốp không lớn hơn 120 dB (3) Các phương pháp thử nghiệm Các mẫu thử được lấy trong cùng 1 lô sản xuất. Mỗi thử nghiệm sử dụng 03 mẫu. Thử độ bền chịu nhiệt và độ chịu va đập Dự thảo Tiêu chuẩn quốc gia đề xuất phương pháp thử nghiệm độ bền chịu nhiệt bằng cách Bật lò sấy cho đến khi nhiệt độ đạt (85 ± 1) độ C. Đưa bình bột chữa cháy vỏ xốp vào lò sấy và đặt trên vật liệu không dẫn nhiệt trong lò. Duy trì nhiệt độ bên trong lò tại 85 độ C, thời gian 24 giờ ± 15 phút. Lấy bình bột chữa cháy vỏ xốp ra khỏi lò sấy, để nguội đến nhiệt độ môi trường và kiểm tra các vết nứt, vết rách hoặc rò rỉ chất chữa cháy xuất hiện tại vỏ bình. Nếu không có vết nứt, vết rách hoặc rò rỉ là đạt yêu cầu Về phương pháp thử độ chịu va đập, dự thảo Tiêu chuẩn quốc gia đề xuất phương án như sau: Dùng sợi dây nilong treo bình bột vỏ xốp, điều chỉnh độ cao sao cho điểm đáy của bình bột trùng với vạch mức đã đánh dấu trên tường. Dùng kéo cắt dây để bình bột rơi tự do xuống nền bê tông (hoặc nền gạch men), sau đó kiểm tra bình bột Lưu ý: Nền bê tông (hoặc nền gạch men) thử nghiệm phải nhẵn, mịn. Chiều cao thử nghiệm độ chịu va đập - Bình cỡ nhỏ (S) thử nghiệm độ cao 2,0 m - Bình cỡ vừa (M) thử nghiệm ở độ cao 1,0 m - Bình cỡ lớn (L) thử nghiệm ở độ cao 0,5 m Thử thời gian kích hoạt, hiệu ứng nổ và âm thanh phát ra khi kích hoạt Phương pháp thử thời gian kích hoạt và hiệu ứng nổ được dự thảo Tiêu chuẩn quốc gia đề xuất như sau: Đặt hộp kính trên nền đất phẳng (hoặc gạch men). Tách đầu dây dẫn cháy (khoảng 30 mm) ra khỏi lớp màng PVC trên mẫu thử nghiệm. Đặt mẫu vào tâm hộp thử nghiệm. Dùng dụng cụ châm lửa lên dây dẫn cháy, tính thời gian trên đồng hồ bấm giây. Sau khi kích hoạt và phun bột chữa cháy, tiến hành kiểm tra hộp kính thử nghiệm và thời gian kích hoạt trên thiết bị đo. Kết quả phải đạt 3/3 mẫu thử nghiệm đối với yêu cầu về thời gian kích hoạt và hiệu ứng kích nổ Phương pháp thử âm thanh phát ra khi kích hoạt như sau: Tách đầu dây dẫn cháy (khoảng 30mm) ra khỏi lớp màng PVC. Đặt mẫu thử vào vị trí như hình dưới đây. Lắp thiết bị đo cường độ âm thanh ở khoảng cách 4m, độ cao 1m so với vị trí đặt bình chữa cháy. Điều chỉnh micro hướng vào tâm của bình bột chữa cháy vỏ xốp. Dùng dụng cụ châm lửa lên dây dẫn cháy. Sau khi bình bột chữa cháy vỏ xốp kích hoạt, tiến hành kiểm tra giá trị âm thanh hiện trên thiết bị đo. Dự thảo Tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia về bình bột chữa cháy vỏ xốp đang trong giai đoạn lấy ý kiến của người dân tại Cổng thông tin điện tử của Bộ Công an, người dân có thể truy cập vào website của Bộ Công an để nêu lên ý kiến của mình về dự thảo, ngày hết hạn lấy ý kiến là ngày 23/7/2024. >> Bài được viết theo Tiêu chuẩn quốc gia bình bột chữa cháy vỏ xốp Lần 1 https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/05/24/D%E1%BB%B0%20TH%E1%BA%A2O%20TCVN%20-%20B%C3%8CNH%20B%E1%BB%98T%20V%E1%BB%8E%20X%E1%BB%90P.pdf
Sửa chữa một phần công trình có cần thẩm duyệt lại thiết kế phòng cháy chữa cháy không?
Trong thực tế, nhiều cơ quan, đơn vị chỉ thuê một tầng hoặc một căn hộ trong tòa nhà để làm địa điểm kinh doanh, vậy khi cơ quan, đơn vị sửa chữa tầng hoặc căn hộ trong tòa nhà thì có phải thẩm duyệt lại thiết kế phòng cháy chữa cháy không? Bài viết sau sẽ cung cấp quy định về vấn đề trên. Quy định pháp luật về thẩm duyệt thiết kế phòng cháy chữa cháy Căn cứ Nghị định 136/2020/NĐ-CP được sửa đổi bởi Nghị định 50/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/05/2024, tại Điều 13 có quy định về thiết kế và thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy: - Quy hoạch xây dựng, thiết kế xây dựng mới, cải tạo hoặc thay đổi tính chất sử dụng dự án, công trình, thiết kế phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy khi chế tạo mới hoặc hoán cải thuộc mọi nguồn vốn đầu tư phải tuân theo các quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn về phòng cháy và chữa cháy. Hồ sơ thiết kế xây dựng dự án, công trình, phương tiện giao thông cơ giới quy định tại Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định này phải do đơn vị có đủ điều kiện theo quy định thực hiện và phải được thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy. - Thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy là việc cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, đối chiếu các giải pháp, nội dung thiết kế dự án, công trình, phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy với các quy chuẩn, tiêu chuẩn, các quy định của pháp luật Việt Nam có liên quan đến phòng cháy và chữa cháy hoặc tiêu chuẩn nước ngoài, tiêu chuẩn quốc tế về phòng cháy và chữa cháy được phép áp dụng tại Việt Nam theo trình tự, thủ tục pháp luật quy định. Kết quả thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy là một trong những căn cứ để xem xét, phê duyệt quy hoạch, phê duyệt dự án, thẩm định thiết kế xây dựng và cấp giấy phép xây dựng. - Đối tượng thuộc diện thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy: + Dự án, công trình quy định tại Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định này khi xây dựng mới hoặc khi cải tạo, thay đổi tính chất sử dụng dẫn đến một trong các trường hợp sau: làm tăng quy mô về số tầng hoặc diện tích khoang cháy; thay đổi chủng loại, vị trí thang bộ thoát nạn; giảm số lượng lối thoát nạn của tầng, khoang cháy, công trình; lắp mới hoặc thay thế hệ thống báo cháy; lắp mới hoặc thay thế hệ thống chữa cháy; thay đổi công năng làm nâng cao các yêu cầu an toàn cháy đối với tầng nhà, khoang cháy và công trình; + Phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy quy định tại mục 19 Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định này khi chế tạo mới hoặc hoán cải ảnh hưởng đến một trong các yêu cầu an toàn phòng cháy và chữa cháy quy định tại điểm c khoản 5 Điều này. Như vậy, khi công trình quy định tại Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định 136/2020/NĐ-CP được sửa đổi bởi Nghị định 50/2024/NĐ-CP khi cải tạo, thay đổi tính chất sử dụng dẫn đến một trong các trường hợp sau: làm tăng quy mô về số tầng hoặc diện tích khoang cháy; thay đổi chủng loại, vị trí thang bộ thoát nạn; giảm số lượng lối thoát nạn của tầng, khoang cháy, công trình; lắp mới hoặc thay thế hệ thống báo cháy; lắp mới hoặc thay thế hệ thống chữa cháy; thay đổi công năng làm nâng cao các yêu cầu an toàn cháy đối với tầng nhà, khoang cháy và công trình thì phải thẩm duyệt thiết kế phòng cháy chữa cháy. Sửa chữa một phần công trình có cần thẩm duyệt lại thiết kế phòng cháy chữa cháy không? Có thẩm duyệt hay không và ai là người có trách nhiệm làm thủ tục thẩm duyệt khi cải tạo công trình: Tòa nhà này cao 15 tầng thuộc Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định 136/2020/NĐ-CP được sửa đổi bởi Nghị định 50/2024/NĐ-CP thì khi cải tạo ảnh hưởng đến một trong các yêu cầu an toàn phòng cháy và chữa cháy quy định tại mục trên thì phải thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy. Còn vấn đề "chủ đầu tư" nào có trách nhiệm lập hồ sơ thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy, tham khảo hướng dẫn tại điểm 6.3 khoản 6 Mục 1 Phụ lục I ban hành kèm Công văn 2075/C07-P4 năm 2022 hướng dẫn công tác thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy do Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ ban hành - Xác định “chủ đầu tư” đề nghị thẩm duyệt thiết kế về PCCC ... + Đối với trường hợp cá nhân hoặc tổ chức thuê lại một phần nhà, công trình để cải tạo, chuyển đổi công năng và sử dụng chung hạ tầng như đường giao thông, bãi đỗ cho xe chữa cháy; hệ thống cấp nước chữa cháy ngoài nhà; trạm bơm, bể cấp nước chữa cháy thì chủ đầu tư đề nghị thẩm duyệt thiết kế về PCCC được xác định là bên cho thuê. ... ==>> Nếu công ty là bên thuê lại một phần nhà, công trình để cải tạo thì chủ đầu tư đề nghị thẩm duyệt thiết kế về PCCC được xác định là bên cho thuê, chứ không phải công ty đi thuê.
Dây cứu nạn, cứu hộ trong PCCC có độ bền kéo đứt và độ giãn như thế nào?
Trong các vụ hỏa hoạn, chúng ta thường được thấy các chiến sĩ PCCC sử dụng dây thừng trèo lên để cứu các nạn nhân. Vậy dây thừng đó có phải là loại dây thừng bình thường không? (1) Dây cứu nạn, cứu hộ trong PCCC Trong công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng PCCC, các chiến sĩ PCCC sử dụng dây để leo lên các tòa và giải cứu nạn nhân. Việc sử dụng dây để cứu nạn, cứu hộ mang tính chất liên quan đến sinh mạng con người và sự an toàn của người sử dụng dây. Do đó việc sản xuất dây cứu nạn, cứu hộ phải đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật nghiêm ngặt, được kiểm tra kỹ lưỡng trước khi đưa vào sử dụng. Như vậy, sợi dây mà các chiến sĩ PCCC sử dụng không phải là dây thừng bình thường mà có tên gọi là dây cứu nạn, cứu hộ có độ co giãn thấp và có hẳn một tiêu chuẩn quy định các yêu cầu về thiết kế, kỹ thuật, tính năng và thử nghiệm đối với dây cứu nạn, cứu hộ có độ giãn thấp cho lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Theo Tiêu chuẩn TCVN 13927 : 2023 quy định, dây cứu nạn, cứu hộ (Life safety rope) là loại dây cấu tạo từ các sợi liên kết với nhau để hỗ trợ tải truyền lực từ điểm gốc đến một điểm được ứng dụng, dây được dùng trong công tác đào tạo, huấn luyện, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ. Dây cứu nạn, cứu hộ được chia làm hai loại: - Dây cứu nạn, cứu hộ kỹ thuật (Technical-use life safety rope) là loại dây có đường kính từ 9,5mm đến dưới 12mm và phải đáp ứng các yêu cầu về chất lượng theo mục 4.2.1 TCVN 13927 : 2023 - Dây cứu nạn, cứu hộ đa dụng (General-use life safety rope) là loại dây có đường kính từ 11mm đến16mm và phải đáp ứng các yêu cầu về chất lượng theo mục 4.2.2 TCVN 13927 : 2023. Các loại dây cứu nạn, cứu hộ phải có độ giãn dài lớn hơn 6% và nhỏ hơn 10% ở 10% của độ bền kéo đứt tối thiểu. (2) Dây cứu nạn, cứu hộ trong PCCC có độ bền kéo đứt và độ giãn như thế nào? Trong mục 4 TCVN 13927 : 2023 quy định các yêu cầu kỹ thuật đối với dây cứu nạn, cứu hộ dùng cho lực lượng PCCC và hoạt động cứu nạn, cứu hộ có quy định chi tiết về độ bền và độ kéo giãn của dây cứu nạn, cứu hộ như sau: Đối với dây cứu nạn, cứu hộ kỹ thuật - Độ bền kéo đứt và độ giãn của dây cứu nạn, cứu hộ kỹ thuật phải được kiểm tra thử nghiệm theo quy định tại 5.3 và có độ bền kéo dứt tối thiểu không nhỏ hom 20 kN, độ giãn dài tối thiểu của dây nằm trong khoảng từ 1% đến dưới 10% ở 10% độ bền kéo đứt. - Dây cứu nạn, cứu hộ kỹ thuật phải được xác định đường kính theo quy định tại 5.3 và phải có đường kính trong khoảng từ 9,5 mm đến dưới 11 mm. Bảo đảm đường kính tính toán của tất cả các dây cứu nạn, cứu hộ phải được làm tròn đến 0,5 mm. Đối với dây cứu nạn, cứu hộ đa dụng - Độ bền kéo đứt và độ giãn của dây cứu nạn, cứu hộ đa dụng phải được kiểm tra thử nghiệm theo quy định tại 5.3 và phải có độ bền kéo đứt tối thiểu không nhỏ hơn 40 kN, độ giãn dài tối thiểu của dây nằm trong khoảng từ 1% đến dưới 10% ở 10% độ bền kéo đứt. - Dây cứu nạn, cứu hộ đa dụng phải được xác định đường kính theo quy định tại 5.2 và phải có đường kính trong khoảng từ 11 mm đến 16 mm. Bảo đảm đường kính tính toán của tất cả các dây cứu nạn, cứu hộ phải được làm tròn đến 0,5 mm. Độ bền kéo đứt tối thiểu của dây cứu nạn, cứu hộ phải bằng hoặc lớn hơn độ bền kéo đứt tối thiểu được liệt kê trong bảng sau: Đường kính dây cứu nạn, cứu hộ, mm Độ bền kẻo đứt tối thiểu, kN 9,5 20,0 11,0 26,7 12,5 40,0 16,0 55,6 Bên cạnh đó, sợi dùng để tạo ra dây cứu nạn cứu hộ cũng phải tuân theo các yêu cầu kỹ thuật nghiêm ngặt như sau: - Dây cứu nạn, cứu hộ phải được làm bằng sợi nguyên sinh. - Các phần tử chịu tải chính của dây cứu nạn, cứu hộ phải được cấu tạo bằng sợi mới, chưa qua sử dụng và liền mạch. - Sợi được sử dụng cho tất cả các dây cứu nạn, cứu hộ phải được thử nghiệm về độ nóng chảy theo quy định tại ASTM E794 và phải có nhiệt độ nóng chảy không nhỏ hơn 204°C. Sau khi sợi dây được tạo ra đạt các yêu cầu về kỹ thuật, nhà sản xuất phải thực hiện việc kiểm tra lại sản phẩm trước khi bán ra thị trường. Ngoài ra, việc bao gói và ghi nhãn cho sản phẩm dây cứu nạn, cứu hộ cũng được quy định chi tiết trong TCVN 13927 : 2023. (3) Cách ghi nhãn cho sản phẩm dây cứu nạn, cứu hộ Mục 6 TCVN 13927 : 2023 quy định cách ghi nhãn cho dây cứu nạn, cứu hộ. Theo đó, dây cứu nạn, cứu hộ được ghi nhãn theo quy định hiện hành, có đủ các thông số kỹ thuật theo yêu cầu tại tiêu chuẩn này và tối thiểu phải có các thông tin như dưới đây và phải gắn nhãn có các nội dung này vào vị trí dễ nhìn và không dễ bị tẩy xoá trên bao bì hoặc nhãn: - Tên sản phẩm và tên loại( Dây cứu nạn, cứu hộ kỹ thuật/Dây cứu nạn, cứu hộ đa dụng) - Ngày sản xuất và mã số sản xuất. - Tên và địa chỉ của nhà sản xuất (hoặc thương hiệu) và số điện thoại; tên và địa chỉ của nhà nhập khẩu (đối với sản phẩm nhập khẩu). - Độ bền kéo đứt tối thiểu, tính bằng kilo newton - Đường kính dây, tính bằng milimet - Loại sợi cấu tạo - Chú ý khi lắp đặt và sử dụng. - Các vấn đề liên quan đến chứng nhận chất lượng (thời gian bảo hành, chi tiết bảo hành…) Dây cứu nạn, cứu hộ hiện nay được bán rất nhiều trên thị trường với đủ loại giá từ đắt đến rẻ. Tuy nhiên, khi lựa chọn dây để sử dụng trong công tác cứu nạn, cứu hộ thì nên chú trọng đến chất lượng sản phẩm và các thông số kỹ thuật của sợi dây hơn giá thành. Lựa chọn loại dây có chất lượng tốt sẽ giúp người sử dụng và người được cứu bảo đảm an toàn, không xảy ra các trường hợp đáng tiếc do sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân kém chất lượng.
Nghị định 50/2024/NĐ-CP: Sửa đổi Quy định kiểm tra về phòng cháy và chữa cháy
Ngày 10/5/2024, Chính phủ ban hành Nghị định 50/2024/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 136/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật Phòng cháy và chữa cháy sửa đổi và Nghị định 83/2017/NĐ-CP quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy Đối tượng kiểm tra Theo quy định tại Điều 16 Nghị định 136/2020/NĐ-CP, Đối tượng kiểm tra như sau - Cơ sở thuộc diện quản lý về phòng cháy và chữa cháy; - Khu dân cư, hộ gia đình, rừng, phương tiện giao thông cơ giới, hạ tầng kỹ thuật có liên quan đến phòng cháy và chữa cháy của đô thị, khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao; - Công trình xây dựng trong quá trình thi công thuộc danh mục quy định tại Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định này, trừ các cơ sở quốc phòng hoạt động phục vụ mục đích quân sự; - Cơ sở kinh doanh dịch vụ phòng cháy và chữa cháy. Nội dung kiểm tra Theo quy định tại Điều 16 Nghị định 136/2020/NĐ-CP, Nội dung kiểm tra như sau - Điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy đối với cơ sở, khu dân cư, hộ gia đình, phương tiện giao thông cơ giới quy định tại các Điều 5, 6, 7 và Điều 8 Nghị định này; - Điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy rừng theo quy định của Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16 tháng 11 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp; - Điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy đối với công trình xây dựng trong quá trình thi công: Giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế hoặc văn bản thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy đối với công trình thuộc danh mục quy định tại Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định này; nội quy về phòng cháy và chữa cháy, biển chỉ dẫn thoát nạn; quy định về phân công trách nhiệm bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy của chủ đầu tư, đơn vị thi công trong phạm vi thẩm quyền; chức trách, nhiệm vụ của người được phân công làm nhiệm vụ phòng cháy và chữa cháy; việc sử dụng hệ thống, thiết bị điện, sinh lửa, sinh nhiệt, nguồn lửa, nguồn nhiệt; trang bị phương tiện, thiết bị chữa cháy ban đầu phù hợp với tính chất, đặc điểm của công trình xây dựng; - Việc thực hiện trách nhiệm phòng cháy và chữa cháy của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng, chủ phương tiện giao thông cơ giới, chủ hộ gia đình, chủ rừng theo quy định; - Điều kiện đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ phòng cháy và chữa cháy theo quy định tại Điều 41 Nghị định này. Tiến hành theo hình thức kiểm tra thường xuyên, định kỳ, đột xuất Theo quy định tại Điều 16 Nghị định 136/2020/NĐ-CP, Kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy được tiến hành theo hình thức kiểm tra thường xuyên, định kỳ, đột xuất, cụ thể: - Người đứng đầu cơ sở, chủ phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy, chủ hộ gia đình, chủ rừng có trách nhiệm tổ chức kiểm tra thường xuyên về an toàn phòng cháy và chữa cháy trong phạm vi quản lý của mình; - Người đứng đầu cơ sở thuộc danh mục quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này có trách nhiệm kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy thường xuyên; định kỳ 06 tháng gửi báo cáo kết quả kiểm tra về cơ quan Công an quản lý trực tiếp và chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả kiểm tra; - Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy định kỳ một năm một lần; kiểm tra đột xuất khi phát hiện các trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 17 Nghị định này hoặc vi phạm quy định an toàn về phòng cháy và chữa cháy mà có nguy cơ phát sinh cháy, nổ hoặc phục vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự theo văn bản chỉ đạo của cơ quan có thẩm quyền đối với các cơ sở thuộc danh mục quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định này, khu dân cư thuộc phạm vi quản lý; - Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện trở lên có trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức kiểm tra đột xuất phục vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự theo văn bản chỉ đạo của cơ quan có thẩm quyền đối với các đối tượng quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều này trong phạm vi quản lý của mình; - Cơ quan Công an có trách nhiệm kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy định kỳ 06 tháng một lần đối với các cơ sở thuộc danh mục quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này; định kỳ một năm một lần đối với hạ tầng kỹ thuật có liên quan đến phòng cháy và chữa cháy của đô thị, khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy và các cơ sở còn lại thuộc danh mục quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này; kiểm tra đột xuất khi phát hiện các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 17 Nghị định này hoặc vi phạm quy định an toàn về phòng cháy và chữa cháy mà có nguy cơ phát sinh cháy, nổ hoặc phục vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự theo văn bản chỉ đạo của cơ quan có thẩm quyền thuộc phạm vi quản lý; kiểm tra một năm một lần trong quá trình thi công đối với công trình xây dựng thuộc danh mục quy định tại Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định này. Kiểm tra cơ sở kinh doanh dịch vụ phòng cháy và chữa cháy Theo quy định tại Điều 16 Nghị định 136/2020/NĐ-CP, được sửa đổi bổ sung tại Nghị định 50/2024/NĐ-CP: Sau khi cơ sở kinh doanh về sản xuất, lắp ráp phương tiện, thiết bị phòng cháy và chữa cháy, cơ sở kinh doanh về tư vấn kiểm tra, kiểm định kỹ thuật về phòng cháy và chữa cháy được cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ phòng cháy và chữa cháy, cơ quan Công an có thẩm quyền quy định tại khoản 12 Điều 45 Nghị định này thực hiện chế độ kiểm tra định kỳ một năm một lần; đột xuất việc duy trì, bảo đảm các điều kiện kinh doanh dịch vụ phòng cháy và chữa cháy, việc thực hiện các hoạt động kinh doanh dịch vụ phòng cháy và chữa cháy của cơ sở, khi có dấu hiệu vi phạm hoặc lợi dụng hoạt động phòng cháy và chữa cháy để xâm phạm an ninh, trật tự bị cơ quan có thẩm quyền kiến nghị xử lý.” Nghị định 50/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/5/2024.
Nghị định 50/2024/NĐ-CP: Tải về toàn bộ Danh mục cơ sở, phương tiện PCCC
Ngày 10/5/2024, Chính phủ ban hành Nghị định 50/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 136/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy 2001 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy 2013 và Nghị định 83/2017/NĐ-CP quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy. Theo đó, Nghị định 50/2024/NĐ-CP đã sửa đổi một số đối tượng thuộc diện quản lý và thẩm duyệt thiết kế về PCCC, cụ thể: Sửa đổi đối tượng thuộc diện quản lý về PCCC Sửa đổi khoản 1 Điều 4 Nghị định 136/2020/NĐ-CP như sau: Cơ sở là nơi sản xuất, kinh doanh, công trình công cộng, trụ sở làm việc, khu chung cư và công trình độc lập khác theo danh mục do Chính phủ quy định đang hoạt động, đang bị tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động là cơ sở thuộc diện quản lý về phòng cháy và chữa cháy (PCCC) Cơ quan, tổ chức có thể có một hoặc nhiều cơ sở; trong phạm vi một cơ sở có thể có nhiều cơ quan, tổ chức cùng hoạt động (So với quy định tại Nghị định 136/2020/NĐ-CP đã bổ sung trạng thái của cơ sở bao gồm: đang hoạt động, đang bị tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động) Danh mục cơ sở thuộc diện quản lý về phòng cháy chữa cháy (sửa đổi) 1. Trụ sở cơ quan nhà nước các cấp. 2. Nhà chung cư; nhà tập thể, nhà ở ký túc xá; nhà hỗn hợp. 3. Nhà trẻ, trường mẫu giáo, mầm non; trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông; trường phổ thông có nhiều cấp học; trường cao đẳng, đại học, học viện; trường trung cấp chuyên nghiệp; trường dạy nghề; cơ sở giáo dục thường xuyên; cơ sở giáo dục khác được thành lập theo Luật Giáo dục. 4. Bệnh viện; phòng khám đa khoa, khám chuyên khoa, nhà điều dưỡng, phục hồi chức năng, chỉnh hình, nhà dưỡng lão, cơ sở phòng chống dịch bệnh, trung tâm y tế, cơ sở y tế khác được thành lập theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh. 5. Nhà hát, rạp chiếu phim, rạp xiếc; trung tâm hội nghị, tổ chức sự kiện; nhà văn hóa; cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường, quán bar, câu lạc bộ; công viên giải trí, vườn thú, thủy cung. ……… Xem và tải điểm mới Danh mục cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/05/15/PHU-LUC-1.docx Sửa đổi đối tượng thuộc diện thẩm duyệt thiết kế về PCCC Sửa đổi khoản 3 Điều 13 Nghị định 136/2020/NĐ-CP như sau: - Dự án, công trình quy định tại Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định 50/2024/NĐ-CP khi xây dựng mới hoặc khi cải tạo, thay đổi tính chất sử dụng dẫn đến một trong các trường hợp sau: + Làm tăng quy mô về số tầng hoặc diện tích khoang cháy; + Thay đổi chủng loại, vị trí thang bộ thoát nạn; + Giảm số lượng lối thoát nạn của tầng, khoang cháy, công trình; + Lắp mới hoặc thay thế hệ thống báo cháy; + Lắp mới hoặc thay thế hệ thống chữa cháy; + Thay đổi công năng làm nâng cao các yêu cầu an toàn cháy đối với tầng nhà, khoang cháy và công trình; - Phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn PCCC quy định tại mục 19 Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định 50/2024/NĐ-CP khi chế tạo mới hoặc hoán cải ảnh hưởng đến một trong các yêu cầu an toàn PCCC quy định tại điểm c khoản 5 Điều 13. Xem bài viết liên quan: 3 điểm mới của Nghị định 50/2024/NĐ-CP hướng dẫn Luật Phòng cháy và chữa cháy Hồ sơ đề nghị thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy chữa cháy mới nhất 2024 Hồ sơ đề nghị cấp Chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ PCCC theo quy định mới nhất? Danh mục cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ (sửa đổi) 1. Trụ sở cơ quan nhà nước các cấp cao từ 10 tầng trở lên hoặc có tổng khối tích của các khối nhà làm việc từ 25.000 m3 trở lên. 2. Nhà chung cư, nhà tập thể, nhà ở ký túc xá cao từ 7 tầng trở lên hoặc có tổng khối tích từ 10.000 m3 trở lên; nhà hỗn hợp cao từ 5 tầng trở lên hoặc có tổng khối tích từ 5.000 m3 trở lên. 3. Nhà trẻ, trường mẫu giáo, mầm non có từ 350 cháu trở lên hoặc có tổng khối tích các khối nhà học tập, phục vụ học tập từ 5.000 m3 trở lên; trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, trường phổ thông có nhiều cấp học có tổng khối tích các khối nhà học tập, phục vụ học tập từ 5.000 m3 trở lên; trường cao đẳng, đại học, học viện, trường trung cấp chuyên nghiệp, trường dạy nghề, cơ sở giáo dục thường xuyên cao từ 7 tầng trở lên hoặc có tổng khối tích các khối nhà học tập, phục vụ học tập từ 10.000 m3 trở lên; cơ sở giáo dục khác được thành lập theo Luật Giáo dục có tổng khối tích từ 5.000 m3 trở lên. 4. Bệnh viện có từ 250 giường bệnh trở lên; phòng khám đa khoa, khám chuyên khoa, nhà điều dưỡng, phục hồi chức năng, chỉnh hình, nhà dưỡng lão, cơ sở phòng chống dịch bệnh, trung tâm y tế, cơ sở y tế khác được thành lập theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh cao từ 5 tầng trở lên hoặc có tổng khối tích từ 5.000 m3 trở lên. 5. Nhà hát, rạp chiếu phim, rạp xiếc có từ 600 chỗ ngồi trở lên; trung tâm hội nghị, tổ chức sự kiện, nhà văn hóa từ 5 tầng trở lên hoặc có tổng khối tích của các nhà tổ chức hội nghị, sự kiện, văn hóa từ 10.000 m3 trở lên; cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường, quán bar, câu lạc bộ từ 5 tầng trở lên hoặc có tổng khối tích các khối nhà phục vụ kinh doanh từ 5.000 m3 trở lên; công viên giải trí, vườn thú, thủy cung có khối tích từ 5.000 m3 trở lên. ………. Xem và tải điểm mới Danh mục cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/05/15/phu-luc-2.docx Danh mục cơ sở do cơ quan Công an quản lý (sửa đổi 1. Trụ sở cơ quan nhà nước từ cấp huyện trở lên. 2. Nhà chung cư cao từ 5 tầng trở lên hoặc có tổng khối tích từ 5.000 m3 trở lên; nhà tập thể, nhà ở ký túc xá cao từ 5 tầng trở lên hoặc có tổng khối tích từ 2.500 m3 trở lên; nhà hỗn hợp cao từ 5 tầng trở lên hoặc có tổng khối tích từ 1.500 m3 trở lên. 3. Nhà trẻ, trường mẫu giáo, mầm non có từ 100 cháu trở lên hoặc có tổng khối tích các khối nhà học tập, phục vụ học tập từ 1.000 m3 trở lên; trường tiểu học, trung học cơ sở có tổng khối tích các khối nhà học tập, phục vụ học tập từ 2.000 m3 trở lên; trường trung học phổ thông, trường phổ thông có nhiều cấp học; trường cao đẳng, đại học, học viện; trường trung cấp chuyên nghiệp; trường dạy nghề; cơ sở giáo dục thường xuyên; cơ sở giáo dục khác được thành lập theo Luật Giáo dục có tổng khối tích các khối nhà học tập, phục vụ học tập từ 1.000 m3 trở lên. 4. Bệnh viện; phòng khám đa khoa, khám chuyên khoa, nhà điều dưỡng, phục hồi chức năng, chỉnh hình, nhà dưỡng lão, cơ sở phòng chống dịch bệnh, trung tâm y tế, cơ sở y tế khác được thành lập theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh cao từ 3 tầng trở lên hoặc có tổng khối tích từ 1.000 m3 trở lên. 5. Nhà hát, rạp chiếu phim, rạp xiếc; trung tâm hội nghị, tổ chức sự kiện, nhà văn hóa cao từ 3 tầng trở lên hoặc có tổng khối tích của các nhà tổ chức hội nghị, sự kiện, văn hóa từ 1.500 m3 trở lên; cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường, quán bar, câu lạc bộ cao từ 3 tầng trở lên hoặc có tổng khối tích các khối nhà phục vụ kinh doanh từ 1.000 m3 trở lên; công viên giải trí, vườn thú, thủy cung có khối tích từ 1.500 m3 trở lên. ……… Xem và tải điểm mới Danh mục cơ sở do cơ quan Công an quản lý https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/05/15/phu-luc-3.docx Danh mục cơ sở do UBND cấp xã quản lý (sửa đổi) 1. Trụ sở cơ quan nhà nước cấp xã. 2. Nhà chung cư cao dưới 5 tầng và có tổng khối tích dưới 5.000 m3; nhà tập thể, nhà ở ký túc xá cao dưới 5 tầng và có tổng khối tích dưới 2.500 m3; nhà hỗn hợp cao dưới 5 tầng và có tổng khối tích dưới 1.500 m3. 3. Nhà trẻ, trường mẫu giáo, mầm non có dưới 100 cháu và có tổng khối tích các khối nhà học tập, phục vụ học tập dưới 1.000 m3; trường tiểu học, trung học cơ sở có tổng khối tích các khối nhà học tập, phục vụ học tập dưới 2.000 m3; cơ sở giáo dục khác được thành lập theo Luật Giáo dục có tổng khối tích các khối nhà học tập, phục vụ học tập dưới 1.000 m3. 4. Phòng khám đa khoa, khám chuyên khoa, nhà điều dưỡng, phục hồi chức năng, chỉnh hình, nhà dưỡng lão, cơ sở phòng chống dịch bệnh, trung tâm y tế, cơ sở y tế khác được thành lập theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh cao dưới 3 tầng và có tổng khối tích dưới 1.000 m3. 5. Trung tâm hội nghị, tổ chức sự kiện, nhà văn hóa cao dưới 3 tầng và có tổng khối tích của các nhà tổ chức hội nghị, sự kiện, văn hóa dưới 1.500 m3; cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường, quán bar, câu lạc bộ cao dưới 3 tầng hoặc có tổng khối tích các khối nhà phục vụ kinh doanh dưới 1.000 m3; công viên giải trí, vườn thú, thủy cung có khối tích dưới 1.500 m3. …………. Xem và tải điểm mới Danh mục cơ sở do UBND cấp xã quản lý https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/05/15/phu-luc-4.docx Danh mục dự án, công trình, phương tiện giao thông cơ giới thuộc diện thẩm duyệt thiết kế về PCCC (sửa đổi) 1. Nhà làm việc của cơ quan nhà nước cao từ 7 tầng trở lên hoặc có khối tích từ 5.000 m3 trở lên. 2. Nhà làm việc của doanh nghiệp, tổ chức chính trị, xã hội, nhà chung cư, nhà tập thể, nhà ở ký túc xá, nhà hỗn hợp, khách sạn, nhà khách, nhà nghỉ cao từ 7 tầng trở lên hoặc có khối tích từ 5.000 m3 trở lên. 3. Nhà của cơ sở bưu điện, cơ sở viễn thông, trung tâm lưu trữ, quản lý dữ liệu, cơ sở phát thanh, truyền hình cao từ 5 tầng trở lên hoặc có khối tích từ 5.000 m3 trở lên. 4. Nhà trẻ, trường mẫu giáo, mầm non cao từ 03 tầng trở lên hoặc có khối tích từ 3.000 m3 trở lên; trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, trường phổ thông có nhiều cấp học có khối tích từ 5.000 m3 trở lên; nhà, công trình của học viện, trường đại học, cao đẳng, trường trung cấp chuyên nghiệp, trường dạy nghề, cơ sở giáo dục thường xuyên cao từ 5 tầng trở lên hoặc có khối tích từ 5.000 m3 trở lên. 5. Bệnh viện cao từ 03 tầng trở lên hoặc có khối tích 3.000 m3 trở lên; phòng khám đa khoa, khám chuyên khoa, nhà điều dưỡng, phục hồi chức năng, chỉnh hình, nhà dưỡng lão, cơ sở phòng chống dịch bệnh, trung tâm y tế cao từ 5 tầng trở lên hoặc có khối tích từ 3.000 m3 trở lên. ………….. Xem và tải điểm mới Danh mục dự án, công trình, phương tiện giao thông cơ giới thuộc diện thẩm duyệt thiết kế về PCCC https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/05/15/phu-luc-5.docx Danh mục dự án, công trình thuộc thẩm quyền thẩm duyệt thiết kế về PCCC của Cục Cảnh sát CCCC và CNCH (bổ sung) 1. Nhà có chiều cao trên 150 m. 2. Công trình xây dựng trên địa bàn hành chính từ 02 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên, trừ các cơ sở quốc phòng hoạt động phục vụ mục đích quân sự. 3. Dự án quan trọng quốc gia; Nhà Quốc hội, Phủ Chủ tịch, Trụ sở Chính phủ, Trụ sở Trung ương Đảng; nhà làm việc của cơ quan công an cấp Trung ương. 4. Dự án không phân biệt nguồn vốn đầu tư đáp ứng tiêu chí phân loại dự án nhóm A theo quy định của pháp luật về đầu tư công (trừ các dự án đầu tư xây dựng sử dụng ngân sách nhà nước do cấp tỉnh là chủ đầu tư) có công trình thuộc một trong các trường hợp sau: a) Trung tâm thương mại có tổng diện tích sàn trên 30.000 m2. b) Nhà cao từ 25 tầng trở lên: nhà làm việc của doanh nghiệp, tổ chức chính trị, xã hội, nhà chung cư, nhà tập thể, nhà ở ký túc xá, nhà hỗn hợp, khách sạn, nhà khách, nhà nghỉ, nhà của cơ sở bưu điện, cơ sở viễn thông, trung tâm lưu trữ, quản lý dữ liệu, cơ sở phát thanh, truyền hình. c) Cảng hàng không, công trình tàu điện ngầm. d) Cơ sở hạt nhân; cơ sở sản xuất vật liệu nổ công nghiệp và tiền chất thuốc nổ. đ) Nhà máy lọc dầu; nhà máy chế biến khí; nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học có tổng công suất trên 500.000 tấn sản phẩm/năm; kho xăng dầu có tổng dung tích chứa trên 100.000 m3; kho chứa khí hóa lỏng có tổng dung tích chứa trên 100.000 m3. e) Khu liên hợp gang thép có dung tích lò cao trên 1.000 m3; nhà máy in tiền; nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô có tổng sản lượng trên 10.000 xe/năm; nhà máy sản xuất, lắp ráp xe máy có tổng sản lượng trên 500.000 xe/năm; nhà máy sản xuất hóa chất cơ bản, hóa chất nguy hiểm độc hại, hóa chất vô cơ, hữu cơ, hóa chất công nghiệp khác có tổng sản lượng từ 10.000 tấn/năm trở lên; nhà máy sản xuất, kho trạm chiết nạp sản phẩm hóa dầu có tổng sản lượng từ 50.000 tấn/năm trở lên; nhà máy sản xuất pin hóa học có tổng sản lượng trên 250 triệu viên/năm; nhà máy sản xuất, tái chế ắc quy có tổng sản lượng trên 300.000 KWh/năm; nhà máy sản xuất săm, lốp ô tô, máy kéo có tổng sản lượng trên 1 triệu chiếc/năm; nhà máy sản xuất sơn có tổng sản lượng trên 100.000 tấn/năm; nhà máy bột giấy và giấy có tổng sản lượng trên 100.000 tấn sản phẩm/năm; nhà máy sản xuất thuốc lá có tổng sản lượng trên 200 triệu bao thuốc lá/năm; nhà máy sản xuất/lắp ráp điện tử (điện lạnh có tổng sản lượng trên 300.000 sản phẩm/năm; nhà máy chế tạo linh kiện, phụ tùng thông tin và điện tử có tổng sản lượng trên 400 triệu sản phẩm/năm). g) Công trình nhiệt điện có tổng công suất từ 600 MW trở lên; công trình thuỷ điện có tổng công suất trên 1.000 MW; công trình điện rác có tổng công suất trên 70 MW; trạm biến áp điện áp từ 500 kV trở lên. h) Công trình hạ tầng kỹ thuật có liên quan đến phòng cháy và chữa cháy của khu công nghiệp có diện tích từ 500 ha trở lên. Danh mục dự án, công trình, phương tiện giao thông cơ giới thuộc thẩm quyền thẩm duyệt thiết kế về PCCC của Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH. (bổ sung) 1. Phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy trên địa bàn quản lý trừ phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy được các cơ sở quốc phòng chế tạo hoặc hoán cải chuyên dùng cho hoạt động quân sự theo phân cấp. 2. Dự án, công trình xây dựng trên địa bàn quản lý thuộc Phụ lục V trừ các cơ sở quốc phòng hoạt động phục vụ mục đích quân sự và các dự án, công trình quy định tại Phụ lục Va. 3. Dự án, công trình trên địa bàn quản lý thuộc Phụ lục Va khi cải tạo, thay đổi tính chất sử dụng thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 5 Điều 1 Nghị định này. Xem và tải điểm mới Danh mục phương tiện PCCC https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/05/15/phu-luc-6.docx Xem và tải điểm mới Danh mục phương tiện PCCC thuộc diện kiểm định https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/05/15/phu-luc-7.docx Xem và tải điểm mới Biểu mẫu sử dụng trong công tác PCCC https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/05/15/phu-luc-9.docx Xem bài viết liên quan: 3 điểm mới của Nghị định 50/2024/NĐ-CP hướng dẫn Luật Phòng cháy và chữa cháy Hồ sơ đề nghị thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy chữa cháy mới nhất 2024 Hồ sơ đề nghị cấp Chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ PCCC theo quy định mới nhất?
Hồ sơ đề nghị thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy chữa cháy mới nhất 2024
Việc quy hoạch xây dựng, thiết kế xây dựng mới, cải tạo dự án công trình, phương tiện giao thông có yêu cầu đặc biệt về phòng cháy chữa cháy phải tuân theo các quy định về phòng cháy chữa cháy Ngày 10/5 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định 50/2024/NĐ-CP sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 136/2020/NĐ-CP và Nghị định 83/2017/NĐ-CP về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy chữa cháy (PCCC). Trong đó, có sửa đổi, bổ sung một số quy định về đối tượng thuộc diện phải thẩm duyệt thiết kế PCCC và hồ sơ đề nghị thẩm duyệt thiết kế về PCCC. (1) Đối tượng thuộc diện thẩm duyệt thiết kế PCCC Theo điểm b khoản 5 Điều 1 Nghị định 50/2024/NĐ-CP sửa đổi khoản 3 Điều 13 Nghị định 136/2020/NĐ-CP, quy định đối tượng thuộc diện thẩm duyệt thiết kế PCCC bao gồm: - Dự án, công trình quy định trong Phụ lục V khi xây dựng mới hoặc khi cải tạo, thay đổi tính chất sử dụng dẫn đến một trong các trường hợp sau: + Làm tăng quy mô về số tầng hoặc diện tích khoang cháy + Thay đổi chủng loại, vị trí thang bộ thoát nạn + Giảm số lượng lối thoát nạn của tầng, khoang cháy, công trình + Lắp mới hoặc thay thế hệ thống báo cháy; lắp mới hoặc thay thế hệ thống chữa cháy + Thay đổi công năng làm nâng cao các yêu cầu an toàn cháy đối với tầng nhà, khoang cháy và công trình. - Phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn PCCC quy định tại mục 19 Phụ lục V khi chế tạo mới hoặc hoán cải ảnh hưởng đến một trong các yêu cầu an toàn PCCC quy định tại điểm c khoản 5 Điều 13 Nghị định 136/2020/NĐ-CP. Khi thực việc việc xây dựng mới, chế tạo mới hoặc cải tạo lại công trình, phương tiện giao thông cơ giới mà thuộc các trường hợp trên đây thì chủ công trình, chủ phương tiện phải làm hồ sơ đề nghị thẩm duyệt thiết kế về PCCC. >> Xem Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định 136/2020/NĐ-CP tại đâyhttps://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/05/15/Phu-luc-V-ND136.docx (2) Hồ sơ đề nghị thẩm duyệt thiết kế về PCCC mới nhất 2024 Căn cứ theo điểm c khoản 5 Điều 1 Nghị định 50/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung cho khoản 4 Điều 13 Nghị định 136/2020/NĐ-CP, các thành phần trong hồ sơ đề nghị thẩm duyệt thiết kế PCCC bao gồm: Đối với thiết kế kỹ thuật hoặc thiết kế bản vẽ thi công dự án, công trình xây dựng mới: - Văn bản đề nghị thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy của chủ đầu tư (Mẫu số PC06) - Văn bản về chủ trương đầu tư xây dựng công trình theo quy định pháp luật về đầu tư, đầu tư công, đầu tư theo phương thức đối tác công tư hoặc văn bản chứng minh quyền sử dụng đất đối với dự án, công trình - Dự toán xây dựng công trình - Hồ sơ thiết kế kỹ thuật hoặc thiết kế bản vẽ thi công thể hiện những nội dung yêu cầu về PCCC quy định tại Điều 11 Nghị định 136/2020/NĐ-CP >> Tải Mẫu PC06 tại đâyhttps://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/05/15/M%E1%BA%ABu%20s%E1%BB%91%20PC06.docx Đối với thiết kế kỹ thuật hoặc thiết kế bản vẽ thi công dự án, công trình cải tạo, thay đổi tính chất sử dụng hoặc thiết kế điều chỉnh: - Văn bản đề nghị thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy của chủ đầu tư (Mẫu số PC06) - Dự toán xây dựng công trình đối với phần cải tạo, thay đổi tính chất sử dụng - Hồ sơ thiết kế kỹ thuật hoặc thiết kế bản vẽ thi công thể hiện những nội dung yêu cầu về PCCC quy định tại Điều 11 Nghị định 136/2020/NĐ-CP Đối với thiết kế kỹ thuật phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn PCCC: - Văn bản đề nghị thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy của chủ đầu tư, chủ phương tiện (Mẫu số PC06) - Dự toán tổng mức đầu tư phương tiện - Hồ sơ thiết kế kỹ thuật thể hiện những nội dung yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy quy định tại điểm b và điểm c khoản 1, điểm b, c, d và điểm e khoản 3 Điều 8 Nghị định 136/2020/NĐ-CP >> Tải Mẫu PC06 tại đâyhttps://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/05/15/M%E1%BA%ABu%20s%E1%BB%91%20PC06.docx Lưu ý: Văn bản, giấy tờ có trong hồ sơ là bản chính hoặc bản chứng thực hoặc bản sao hoặc bản chụp kèm theo bản chính để cán bộ tiếp nhận hồ sơ đối chiếu. Bản vẽ và bản thuyết minh thiết kế phải có xác nhận của chủ đầu tư hoặc chủ phương tiện. (3) Thẩm quyền thẩm duyệt thiết kế về PCCC Về thẩm quyền thẩm duyệt thiết kế về PCCC, điểm e khoản 5 Điều 1 Nghị định 50/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung cho khoản 12 Điều 13 Nghị định 136/2020/NĐ-CP quy định như sau: - Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy đối với dự án, công trình quy định tại Phụ lục Va ban hành kèm theo Nghị định 136/2020/NĐ-CP - Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy đối với dự án, công trình, phương tiện giao thông cơ giới quy định tại Phụ lục Vb ban hành kèm theo Nghị định này trên địa bàn quản lý và những trường hợp do Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ ủy quyền. >> Xem Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định 136/2020/NĐ-CP tại đâyhttps://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/05/15/Phu-luc-V-ND136.docx Chủ đầu tư, chủ phương tiện thuộc diện phải thẩm duyệt thiết kế PCCC làm hồ sơ và gửi về cơ quan có thẩm quyền thẩm duyệt để được giải quyết đề nghị.
Nội dung huấn luyện phòng cháy, chữa cháy có bao gồm kiến thức pháp luật?
Ai bắt buộc phải được huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ về phòng cháy và chữa cháy? Quy định về danh mục cơ thuộc diện quản lý về phòng cháy và chữa cháy? Nội dung huấn luyện phòng cháy, chữa cháy có bao gồm kiến thức pháp luật? 1. Ai bắt buộc phải được huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ về phòng cháy và chữa cháy? Theo khoản 1 Điều 33 Nghị định 136/2020/NĐ-CP có quy định về đối tượng phải được huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ về phòng cháy và chữa cháy như sau: - Người có chức danh chỉ huy chữa cháy quy định tại khoản 2 Điều 37 Luật Phòng cháy và chữa cháy; - Thành viên đội dân phòng, đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở; - Thành viên đội phòng cháy và chữa cháy chuyên ngành; - Người làm việc trong môi trường có nguy hiểm về cháy, nổ hoặc thường xuyên tiếp xúc với hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ; - Người điều khiển phương tiện, người làm việc trên phương tiện giao thông cơ giới vận chuyển hành khách trên 29 chỗ ngồi và phương tiện giao thông cơ giới vận chuyển hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ; - Người làm nhiệm vụ phòng cháy và chữa cháy tại các cơ sở thuộc danh mục quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định này; - Thành viên đội, đơn vị phòng cháy và chữa cháy rừng. Theo đó, những đối tượng thuộc quy định trên thì bắt buộc phải được huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ về phòng cháy và chữa cháy. 2. Quy định về danh mục cơ thuộc diện quản lý về phòng cháy và chữa cháy? Căn cứ quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định 136/2020/NĐ-CP những đối tượng thuộc danh mục quản lý về phòng cháy và chữa cháy gồm có: - Trụ sở cơ quan nhà nước cấp xã. - Nhà chung cư cao dưới 5 tầng và có khối tích dưới 5.000 m3; nhà tập thể, nhà ở ký túc xá cao dưới 5 tầng và có tổng khối tích dưới 2.500 m3; nhà hỗn hợp cao dưới 5 tầng và có tổng khối tích dưới 1.500 m3. - Nhà trẻ, trường mẫu giáo, mầm non có dưới 100 cháu và có tổng khối tích dưới 1.000 m3; trường tiểu học, trung học cơ sở có tổng khối tích các khối nhà học tập, phục vụ học tập dưới 2.000 m3; cơ sở giáo dục khác được thành lập theo Luật Giáo dục có khối tích dưới 1.000 m3. - Phòng khám đa khoa, khám chuyên khoa, nhà điều dưỡng, phục hồi chức năng, chỉnh hình, nhà dưỡng lão, cơ sở phòng chống dịch bệnh, trung tâm y tế, cơ sở y tế khác được thành lập theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh cao dưới 3 tầng và có tổng khối tích dưới 1.000 m3. - Trung tâm hội nghị, tổ chức sự kiện cao dưới 3 tầng hoặc có tổng khối tích dưới 1.500 m3; nhà văn hóa, cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường cao dưới 3 tầng và có tổng khối tích dưới 1.000 m3; quán bar, câu lạc bộ, thẩm mỹ viện, kinh doanh dịch vụ xoa bóp, công viên giải trí, vườn thú, thủy cung có khối tích dưới 1.500 m3. - Chợ hạng 3; trung tâm thương mại, điện máy, siêu thị, cửa hàng bách hóa, cửa hàng tiện ích, nhà hàng, cửa hàng ăn uống có diện tích kinh doanh dưới 300 m2 và có khối tích dưới 1.000 m3. - Khách sạn, nhà khách, nhà nghỉ cao dưới 5 tầng và có tổng khối tích dưới 1.500 m3; nhà trọ, cơ sở lưu trú khác được thành lập theo Luật Du lịch cao dưới 3 tầng và có tổng khối tích dưới 1.000 m3. - Nhà làm việc của doanh nghiệp, tổ chức chính trị, xã hội cao dưới 5 tầng và có khối tích dưới 1.500 m3. - Bảo tàng, thư viện, triển lãm, nhà trưng bày, nhà lưu trữ, nhà sách, nhà hội chợ có khối tích dưới 1.500 m3; cơ sở tôn giáo có khối tích dưới 5.000 m3. - Bưu điện, cơ sở truyền thanh, truyền hình, viễn thông cao dưới 3 tầng và có khối tích dưới 1.500 m3; nhà lắp đặt thiết bị thông tin có khối tích dưới 1.000 m3; trung tâm lưu trữ, quản lý dữ liệu có khối tích dưới 1.000 m3. - Cơ sở thể thao được thành lập theo Luật Thể dục, thể thao có khối tích dưới 1.500 m3. - Cửa hàng kinh doanh, sửa chữa, bảo dưỡng ô tô, mô tô, xe gắn máy có diện tích kinh doanh dưới 500 m2 và có khối tích dưới 5.000 m3 - Gara để xe trong nhà có sức chứa dưới 10 xe ô tô; bãi trông giữ xe được thành lập theo quy định của pháp luật có sức chứa dưới 20 xe ô tô. - Cửa hàng kinh doanh chất lỏng dễ cháy, cửa hàng kinh doanh khí đốt có tổng lượng khí tồn chứa dưới 150 kg. - Cơ sở công nghiệp có hạng nguy hiểm cháy, nổ C có tổng khối tích của các khối nhà có dây chuyền công nghệ sản xuất chính dưới 2.500 m3; hạng nguy hiểm cháy, nổ D, E có tổng khối tích của các khối nhà có dây chuyền công nghệ sản xuất chính dưới 5.000 m3. - Hầm có hoạt động sản xuất, bảo quản, sử dụng chất cháy, nổ có tổng khối tích dưới 1.500 m3; kho hàng hóa, vật tư cháy được hoặc hàng hóa, vật tư không chạy đựng trong các bao bì cháy được có tổng khối tích dưới 1.500 m3; bãi chứa hàng hóa, vật tư, phế liệu cháy được có diện tích dưới 1.000 m2. - Nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh hàng hóa, chất dễ cháy, hàng hóa đựng trong bao bì cháy được của hộ gia đình có tổng diện tích sản xuất, kinh doanh dưới 300 m2. Theo đó, những đối tượng được nêu trong trường hợp trên thuộc diện quản lý về phòng cháy và chữa cháy. 3. Nội dung huấn luyện phòng cháy, chữa cháy có bao gồm kiến thức pháp luật? Theo khoản 2 Điều 33 Nghị định 136/2020/NĐ-CP có quy định về nội dung huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ về phòng cháy và chữa cháy gồm: - Kiến thức pháp luật, kiến thức về phòng cháy và chữa cháy phù hợp với từng đối tượng; - Phương pháp tuyên truyền, xây dựng phong trào toàn dân tham gia phòng cháy và chữa cháy; - Biện pháp phòng cháy; biện pháp, chiến thuật, kỹ thuật chữa cháy; - Phương pháp xây dựng và thực tập phương án chữa cháy; - Phương pháp bảo quản, sử dụng các phương tiện phòng cháy và chữa cháy; - Phương pháp kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy. Theo đó, kiến thức pháp luật là một trong những nội dung có trong huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ về phòng cháy và chữa cháy.
Công điện 01/5: Triển khai các biện pháp PCCC rừng trên phạm vi cả nước
Ngày 1/5/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành Công điện về việc tiếp tục quyết liệt triển khai có hiệu quả các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng trên phạm vi cả nước. Những ngày tới nắng nóng sẽ tiếp tục xảy ra tại nhiều địa phương, nguy cơ cao xảy ra cháy rừng. Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ ngành, địa phương tiếp tục chủ động phòng cháy, chữa cháy rừng, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do cháy rừng gây ra. Công điện nêu: Trong những ngày vừa qua, do tác động của biến đổi khí hậu và ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, nắng nóng gay gắt đã và đang diễn ra ở nhiều địa phương, nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 370C đến 390C, có nơi trên 420C; đã xảy ra 15 vụ cháy rừng tại các tỉnh: Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Quảng Trị, Nghệ An, Cà Mau, Kiên Giang, An Giang…, làm cháy trên 260 ha rừng các loại, ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường sinh thái và đời sống của nhân dân. Đặc biệt, vụ cháy từ ngày 26 - 27 tháng 4 năm 2024 tại huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang đã thiêu rụi gần 20 ha rừng, hai cán bộ kiểm lâm hy sinh và một kiểm lâm khác bị thương khi làm nhiệm vụ chữa cháy rừng. Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia trong những ngày tới nắng nóng sẽ tiếp tục xảy ra tại nhiều địa phương, nhất là các tỉnh khu vực Duyên hải Trung Bộ (từ Quảng Bình đến Phú Yên), Tây Nguyên và Nam Bộ; từ ngày 10 - 20 tháng 5 năm 2024, khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ có khả năng xảy ra nắng nóng diện rộng trở lại. Do đó, nguy cơ xảy ra cháy rừng vẫn ở mức cao. Để tiếp tục chủ động phòng cháy, chữa cháy rừng, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do cháy rừng gây ra, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: (1) Bộ trưởng các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Quốc phòng, Công an, Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Thông tin và Truyền thông; Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; Tổng Giám đốc: Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, theo chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền được giao, tiếp tục thực hiện nghiêm: - Kết luận số 61-KL/TW ngày 17/8/2023 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW, ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; - Công điện số 31/CĐ-TTg ngày 04/4/2024, Công điện số 41/CĐ-TTg ngày 27/4/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc chủ động, tăng cường các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng và các văn bản chỉ đạo có liên quan; - Đây mới là thời điểm bắt đầu mùa hè; vì vậy, tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, nhất là trong thời kỳ cao điểm về nắng, nóng. (2) Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn, khẩn trương chỉ đạo triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách sau: - Chỉ đạo Ủy ban nhân dân các cấp và các cơ quan chức năng thực hiện nghiêm trách nhiệm quản lý về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát về phòng cháy, chữa cháy rừng từ sớm, từ xa, ngay từ cơ sở, phải coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt; - Tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng. Đồng thời, kiểm tra, đôn đốc, kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng lửa trong rừng và gần rừng của người dân, nhất là hoạt động đốt nương làm rẫy, tạm dừng việc dùng lửa để xử lý thực bì; xử lý nghiêm các hành vi dùng lửa có nguy cơ gây cháy rừng trong suốt thời kỳ cao điểm, nguy cơ cháy rừng cao; - Chủ động và khẩn trương rà soát kế hoạch, phương án phòng cháy, chữa cháy rừng tại địa phương với phương châm "bốn tại chỗ"; bố trí lực lượng, phương tiện, vật tư, kinh phí phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy rừng; - Trực tiếp chỉ đạo công tác phối hợp giữa các lực lượng tham gia phòng cháy, chữa cháy rừng, đảm bảo hiệu quả, an toàn; tăng cường đào tạo, tập huấn nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy rừng cho lực lượng làm công tác phòng cháy, chữa cháy rừng; đảm bảo trang thiết bị bảo hộ lao động, phòng chống khói độc, công tác hậu cần, lương thực, thực phẩm, nước uống, vật tư y tế phục vụ các lực lượng thực hiện nhiệm vụ chữa cháy rừng; - Phân công lực lượng ứng trực 24/24 giờ trong suốt mùa khô; bố trí các điểm chốt chặn, tuần tra canh gác ở những khu vực trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng, kiểm soát chặt chẽ người ra vào những khu vực rừng có nguy cơ cháy rừng cao; kịp thời phát hiện điểm cháy, huy động các lực lượng tham gia khống chế và dập tắt cháy rừng trong thời gian ngắn nhất; - Có phương án, kế hoạch di dời người dân, tài sản của nhân dân, nhà nước và doanh nghiệp ra khỏi các khu vực bị ảnh hưởng bởi cháy rừng khi có cháy rừng xảy ra; có biện pháp đảm bảo an toàn tuyệt đối và có chính sách phù hợp, hiệu quả cho các lực lượng tham gia làm nhiệm vụ chữa cháy rừng; tổ chức thực hiện có hiệu quả Đề án Nâng cao năng lực cho lực lượng kiểm lâm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng giai đoạn 2021 - 2030 theo Quyết định số 177/QĐ-TTg ngày 10 tháng 02 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ; - Chủ động chỉ đạo các cơ quan chức năng, phối hợp điều tra làm rõ nguyên nhân, xử lý nghiêm những đối tượng cố tình vi phạm các quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy rừng; xử lý trách nhiệm quản lý của người đứng đầu khi để xảy ra cháy rừng; kịp thời biểu dương, khen thưởng những tổ chức, cá nhân tích cực tham gia phòng cháy, chữa cháy rừng; chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ nếu để xảy ra cháy rừng trên diện rộng và gây thiệt hại lớn về rừng trên địa bàn thuộc phạm vi quản lý; - Thường xuyên theo dõi thông tin về dự báo, cảnh báo nguy cơ nắng nóng, nguy cơ cháy rừng và phát hiện sớm cháy rừng (trên các bản tin của Đài truyền hình Việt Nam, Đài tiếng nói Việt Nam, trang tin của Cục Kiểm lâm: kiemlam.org.vn, của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia: nchmf.gov.vn); kịp thời thông tin, báo cáo ngay khi có cháy rừng về Trực ban của Cục Kiểm lâm, theo số điện thoại: 098 666 8 333; E-mail: fpd@kiemlam.org.vn, đảm bảo thông tin đầy đủ, chính xác để phối hợp chỉ đạo và huy động lực lượng chữa cháy rừng từ các địa phương khác (khi cần thiết). (3) Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm chủ động chỉ đạo công tác dự báo, cảnh báo, tổ chức phòng cháy và chữa cháy rừng trên phạm vi toàn quốc, trong đó tập trung chỉ đạo triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách sau: - Tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, nhất là các vùng trọng điểm có nguy cơ cao xảy ra cháy rừng, kịp thời cung cấp thông tin cho các địa phương để chủ động thực hiện các phương án về phòng cháy, chữa cháy rừng; duy trì, dự báo, cảnh báo, nguy cơ cháy rừng để thông tin kịp thời trên các phương tiện thông tin đại chúng và các kênh liên lạc chỉ đạo, điều hành; - Tăng cường chỉ đạo, kiểm tra công tác phòng cháy, chữa cháy rừng tại các địa phương, nhất là các khu vực trọng điểm về cháy rừng; sẵn sàng hỗ trợ các địa phương về lực lượng, trang thiết bị chữa cháy, thông tin điểm cháy, công tác chỉ huy khi có cháy rừng lớn xảy ra; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong dự báo, cảnh báo nguy cơ cháy rừng và phát hiện sớm cháy rừng; duy trì chế độ thường trực công tác phòng cháy, chữa cháy rừng theo quy định. Ngoài ra, còn giao nhiệm vụ đối với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an; Bộ trưởng Bộ Công Thương, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo ngành điện và Tập đoàn Điện lực Việt Nam; Bộ Thông tin và Truyền thông, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam và các cơ quan truyền thông chỉ đạo và xử lý các vấn đề liên quan đến phòng cháy, chữa cháy rừng; nhất là các vấn đề phát sinh, đột xuất, bất ngờ. Theo Cổng TTDT Chính Phủ
Thẩm quyền cấp biên bản kiểm tra phòng cháy chữa cháy mới nhất
Khi kiểm tra phòng cháy chữa cháy thì ai có thẩm quyền cấp biên bản phòng cháy chữa cháy mới nhất hiện nay? Việc phòng cháy chữa cháy là một trong những điều kiện hoạt động của tổ chức, cá nhân. Vậy nên sẽ có các cuộc kiểm tra phòng cháy chữa cháy và lập biên bản phòng cháy chữa cháy thì cơ quan có thẩm quyền cấp biên bản này là ai thì tìm hiểu qua bài viết dưới đây: 1. Biên bản phòng cháy chữa cháy là gì? Biên bản kiểm tra phòng cháy chữa cháy là mẫu biên bản được lập ra khi có sự kiểm tra về việc phòng cháy chữa cháy. Mẫu biên bản được ban hành kèm theo Nghị định 136/2020/NĐ-CP của Bộ Công An. Mẫu biên bản kiểm tra phòng cháy chữa cháy là Mẫu số PC10 được ban hành tại Phụ lục 9 Nghị định 136/2020/NĐ-CP. Mẫu biên bản kiểm tra phòng cháy chữa cháy năm 2024: https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/DanLuat-BanAn/2024/Mau-bien-ban-kiem-tra-phong-chay-chua-chay_2002085056.docx 2. Thẩm quyền cấp biên bản kiểm tra phòng cháy chữa cháy mới nhất Theo khoản 3 Điều 16 Nghị định 136/2020/NĐ-CP quy định về thẩm quyền kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy được tiến hành theo hình thức kiểm tra thường xuyên, định kỳ, đột xuất, cụ thể: (1) Người đứng đầu cơ sở, chủ phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy, chủ hộ gia đình, chủ rừng có trách nhiệm tổ chức kiểm tra thường xuyên về an toàn phòng cháy và chữa cháy trong phạm vi quản lý của mình; (2) Người đứng đầu cơ sở thuộc danh mục quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định 136/2020/NĐ-CP có trách nhiệm kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy thường xuyên; Định kỳ 06 tháng gửi báo cáo kết quả kiểm tra về cơ quan Công an quản lý trực tiếp và chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả kiểm tra; (3) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm: - Chỉ đạo, tổ chức kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy định kỳ một năm một lần; - Kiểm tra đột xuất khi phát hiện các trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 17 Nghị định 136/2020/NĐ-CP hoặc vi phạm quy định an toàn về phòng cháy và chữa cháy mà có nguy cơ phát sinh cháy, nổ; Hoặc phục vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự theo văn bản chỉ đạo của cơ quan có thẩm quyền đối với các cơ sở thuộc danh mục quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định 136/2020/NĐ-CP, khu dân cư thuộc phạm vi quản lý; (4) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện trở lên có trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức kiểm tra đột xuất phục vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự theo văn bản chỉ đạo của cơ quan có thẩm quyền đối với các đối tượng quy định tại (1) và (2) mục 1 trong phạm vi quản lý của mình; (5) Cơ quan Công an có trách nhiệm: - Kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy định kỳ 06 tháng một lần đối với các cơ sở thuộc danh mục quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định 136/2020/NĐ-CP; - Định kỳ một năm một lần đối với hạ tầng kỹ thuật có liên quan đến phòng cháy và chữa cháy của đô thị, khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy và các cơ sở còn lại thuộc danh mục quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định 136/2020/NĐ-CP; - Kiểm tra đột xuất khi phát hiện các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 17 Nghị định 136/2020/NĐ-CP hoặc vi phạm quy định an toàn về phòng cháy và chữa cháy mà có nguy cơ phát sinh cháy, nổ hoặc phục vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự theo văn bản chỉ đạo của cơ quan có thẩm quyền thuộc phạm vi quản lý. Như vậy, thời hạn kiểm tra phòng cháy chữa cháy sẽ tuỳ vào từng cơ quan có thẩm quyền kiểm tra mà kiểm tra định kỳ từ 06 tháng đến 01 năm.
Loại xe nào bắt buộc trang bị phòng cháy chữa cháy? Xe ô tô phải có trang bị nào?
Các loại xe hay còn gọi là phương tiện giao thông cơ giới đường bộ là một trong các nguồn nguy hiểm cao độ. Vậy, những loại xe nào bắt buộc trang bị phương tiện phòng cháy chữa cháy? Trong đó xe ô tô phải có những trang bị nào? Loại xe nào bắt buộc trang bị phương tiện phòng cháy chữa cháy? Theo Điều 4 Thông tư 57/2015/TT/BCA thay thế bởi Điều 1 Thông tư 148/2020/TT-BCA, phương tiện giao thông cơ giới đường bộ thuộc đối tượng trang bị phương tiện phòng cháy và chữa cháy bao gồm: - Ô tô trên 09 chỗ ngồi, rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc chở khách được kéo bởi xe ô tô, máy kéo theo quy định tại khoản 18 Điều 3 Luật Giao thông đường bộ và TCVN 6211:2003 Phương tiện giao thông đường bộ - Kiểu - Thuật ngữ và định nghĩa, TCVN 7271:2003 Phương tiện giao thông đường bộ - Ô tô - Phân loại theo mục đích sử dụng. - Phương tiện giao thông cơ giới đường bộ vận chuyển chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ thuộc các loại 1, 2, 3, 4 và 9 quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định số 42/2020/NĐ-CP không phụ thuộc vào số chỗ ngồi. Như vậy, các loại xe bắt buộc phải trang bị phòng cháy chữa cháy bao gồm: Ô tô trên 09 chỗ ngồi, rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc chở khách được kéo bởi xe ô tô, máy kéo và các xe vận chuyển chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ. Xe ô tô phải có những trang bị phòng cháy chữa cháy nào? Danh mục, định mức trang bị phương tiện phòng cháy và chữa cháy đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ được quy định tại Phụ lục I Thông tư 148/2020/TT-BCA như sau: - Đối với ô tô trên 09 chỗ ngồi: + Ô tô từ 10 đến 30 chỗ ngồi: 02 Bình bột chữa cháy xách tay có khối lượng chất chữa cháy không nhỏ hơn 2 kg hoặc bình khí chữa cháy CO2 xách tay có khối lượng chất chữa cháy không nhỏ hơn 2 kg hoặc bình chữa cháy gốc nước xách tay có dung tích chất chữa cháy không nhỏ hơn 3 lít 01 chiếc đèn pin cầm tay + Ô tô trên 30 chỗ ngồi: 02 Bình bột chữa cháy xách tay có khối lượng chất chữa cháy không nhỏ hơn 2 kg hoặc bình khí chữa cháy CO2 xách tay có khối lượng chất chữa cháy không nhỏ hơn 2 kg hoặc bình chữa cháy gốc nước xách tay có dung tích chất chữa cháy không nhỏ hơn 3 lít 01 Bình bột chữa cháy xách tay có khối lượng chất chữa cháy không nhỏ hơn 4 kg hoặc bình khí chữa cháy CO2 xách tay có khối lượng chất chữa cháy không nhỏ hơn 5 kg hoặc bình chữa cháy gốc nước xách tay có dung tích chất chữa cháy không nhỏ hơn 6 lít 01 chiếc đèn pin cầm tay - Đối với Rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc chở khách được kéo bởi xe ô tô, máy kéo: 01 Bình bột chữa cháy xách tay có khối lượng chất chữa cháy không nhỏ hơn 2 kg hoặc bình khí chữa cháy CO2 xách tay có khối lượng chất chữa cháy không nhỏ hơn 2 kg hoặc bình chữa cháy gốc nước xách tay có dung tích chất chữa cháy không nhỏ hơn 3 lít 02 Bình bột chữa cháy xách tay có khối lượng chất chữa cháy không nhỏ hơn 4 kg hoặc bình khí chữa cháy CO2 xách tay có khối lượng chất chữa cháy không nhỏ hơn 5 kg hoặc bình chữa cháy gốc nước xách tay có dung tích chất chữa cháy không nhỏ hơn 6 lít 01 chiếc đèn pin cầm tay Như vậy, khi tham gia giao thông, ô tô phải có đầy đủ các trang bị phòng cháy chữa cháy trên. Nếu không đầy đủ hoặc không trang bị có thể bị phạt hành chính. Không trang bị phòng cháy chữa cháy bị phạt bao nhiêu? Theo khoản 2 Điều 16 Nghị định 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 9 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP quy định xử phạt người điều khiển xe ô tô (bao gồm cả rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo theo) và các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm trường hợp này như sau: Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng đối với hành vi điều khiển xe không có đủ đèn chiếu sáng, đèn soi biển số, đèn báo hãm, đèn tín hiệu, cần gạt nước, gương chiếu hậu, dây an toàn, dụng cụ thoát hiểm, thiết bị chữa cháy, đồng hồ báo áp lực hơi, đồng hồ báo tốc độ của xe hoặc có những thiết bị đó nhưng không có tác dụng, không đúng tiêu chuẩn thiết kế (đối với loại xe được quy định phải có những thiết bị đó), trừ các hành vi vi phạm quy định tại điểm m khoản 3 Điều 23, điểm q khoản 4 Điều 28 Nghị định 100/2019/NĐ-CP. Như vậy, căn cứ theo quy định trên thì người điều khiển xe ô tô không trang bị thiết bị chữa cháy thì bị phạt tiền từ 300 đến 400 nghìn đồng. Đồng thời người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại khoản 9 Điều 16 Nghị định 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 9 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP như sau: Buộc phải lắp đầy đủ thiết bị hoặc thay thế thiết bị đủ tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật hoặc khôi phục lại tính năng kỹ thuật của thiết bị theo quy định. Xem thêm: Đề xuất: Ô tô chưa hoàn thiện trở thành một phân loại ô tô tại Việt Nam