Hành lý gửi trước/sau chuyến bay không vượt quá định mức miễn thuế có cần khai hải quan không?
Khi đi du lịch, nhiều người thường có thói quen gửi hành lý trước hoặc sau chuyến bay để thuận tiện hơn. Vậy, nếu hành lý của chúng ta không vượt quá định mức miễn thuế thì có cần phải làm thủ tục hải quan không? (1) Mức miễn thuế cho hành lý của người nhập cảnh là bao nhiêu? Theo quy định tại Điều 6 Nghị định 134/2016/NĐ-CP, người nhập cảnh bằng hộ chiếu hoặc giấy tờ thay hộ chiếu (trừ giấy thông hành dùng cho việc xuất cảnh, nhập cảnh), do cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam hoặc của nước ngoài cấp, có hành lý mang theo người, hành lý gửi trước hoặc gửi sau chuyến đi được miễn thuế nhập khẩu cho từng lần nhập cảnh theo định mức như sau: - Rượu từ 20 độ trở lên: 1,5 lít hoặc rượu dưới 20 độ: 2,0 lít hoặc đồ uống có cồn, bia: 3,0 lít. - Đối với rượu nguyên chai, bình, lọ, can (sau đây viết tắt là chai) có dung tích lớn hơn dung tích quy định nhưng không vượt quá 01 lít thì được miễn thuế cả chai. Trường hợp vượt quá 01 lít thì phần vượt định mức phải nộp thuế theo quy định của pháp luật; - Thuốc lá điếu: 200 điếu hoặc thuốc lá sợi: 250 gam hoặc xì gà: 20 điếu; - Đồ dùng cá nhân với số lượng, chủng loại phù hợp với mục đích chuyến đi; - Các vật phẩm khác ngoài hàng hóa quy định tại các điểm a, b, và c khoản này (không nằm trong Danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu, tạm ngừng nhập khẩu hoặc nhập khẩu có điều kiện) có tổng trị giá hải quan không quá 10.000.000 đồng Việt Nam; Ngoài ra, trong trường hợp vượt định mức phải nộp thuế, người nhập cảnh được chọn vật phẩm để miễn thuế trong trường hợp hành lý mang theo gồm nhiều vật phẩm. (2) Hành lý gửi trước/sau chuyến bay không vượt quá định mức miễn thuế có cần khai hải quan không? Liên quan đến vấn đề này, khoản 2 Điều 59 Nghị định 08/2015/NĐ-CP, được sửa đổi bổ sung tại khoản 30 Điều 1 Nghị định 59/2018/NĐ-CP quy định như sau: “Người xuất cảnh, nhập cảnh không phải khai hải quan nếu không có hành lý vượt định mức miễn thuế theo quy định của pháp luật về thuế, không có hành lý gửi trước hoặc gửi sau chuyến đi. Người xuất cảnh, nhập cảnh mang hàng hóa vượt định mức hành lý miễn thuế qua khu vực kiểm tra hải quan mà không khai hải quan đều coi là hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu bất hợp pháp và bị xử lý theo quy định của pháp luật. Khi khai hải quan, người khai hải quan không gộp chung định mức miễn thuế của nhiều người nhập cảnh để khai báo miễn thuế cho một người nhập cảnh, trừ hành lý của các cá nhân trong một gia đình mang theo trong cùng chuyến đi. Việc khai báo định mức miễn thuế tính theo từng lần nhập cảnh.” Chiếu theo quy định trên, người xuất cảnh, nhập cảnh không phải khai hải quan trong 02 trường hợp: - Không có hành lý vượt định mức miễn thuế - Không có hành lý gửi trước hoặc sau chuyến đi Như vậy, trường hợp có hành lý gửi trước/sau chuyến đi nhưng không vượt qua định mức miễn thuế vẫn thuộc trường hợp phải thực hiện thủ tục khai hải quan. Lưu ý, nếu không khai hải quan trong trường hợp này, số hàng hóa trong hành lý gửi trước/sau chuyến bay sẽ được xem là hàng hóa xuất/nhập khẩu bất hợp pháp và sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. (3) Hồ sơ hải quan đối với hành lý được gửi trước/sau chuyến bay của người nhập cảnh Theo quy định tại Điều 60 Nghị định 08/2015/NĐ-CP, hành lý của người nhập cảnh được gửi trước hoặc sau chuyến bay phải làm thủ tục hải quan theo quy định tại Mục 5 Chương IV Nghị định 08/2015/NĐ-CP. Hồ sơ hải quan trong trường hợp này được quy định bao gồm các thành phần như sau: - Tờ khai hải quan theo mẫu do Bộ Tài chính ban hành: 02 bản chính - Hộ chiếu hoặc giấy tờ thay thế hộ chiếu có dấu xác nhận của cơ quan xuất cảnh, nhập cảnh đối với người nhập cảnh: 01 bản chụp - Tờ khai xuất nhập cảnh có xác nhận của Chi cục Hải quan nơi làm thủ tục nhập cảnh đối với người nhập cảnh: 01 bản chính - Chứng từ vận tải trong trường hợp hành lý của người nhập cảnh gửi trước, gửi sau chuyến đi: 01 bản chụp Theo đó, để áp dụng chính sách quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, chính sách thuế theo quy định của pháp luật, cơ quan hải quan sẽ thực hiện kiểm tra thực tế hàng hóa trong hành lý của người nhập cảnh. Lưu ý, người nhập cảnh phải thực hiện thủ tục hải quan đối với hành lý gửi trước hoặc gửi sau chuyến đi trong thời hạn không quá 30 ngày, kể từ ngày hành lý về đến cửa khẩu
E-visa là gì, có thời hạn bao lâu? Thủ tục xin E-visa online mới nhất
E-visa là giấy tờ gì? Evisa có thời hạn bao lâu? Thủ tục xin E-visa online thực hiện như thế nào? Thông tin chi tiết qua bài viết sau đây. E-visa là gì, có thời hạn bao lâu? E-visa là gì? Theo khoản 11 Điều 3 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014, thị thực (visa) là loại giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp, cho phép người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam. Đồng thời, đây cũng là loại giấy tờ để công dân Việt nam có thể nhập cảnh vào các nước khác Hiện nay, pháp luật không có quy định về E-visa nhưng có thể hiểu E-visa (Electronic visa) là visa điện tử. Đây là hình thức mới nhất của visa. E-visa là một loại giấy tờ cho phép người sở hữu được nhập cảnh vào 1 quốc gia hay vùng lãnh thổ cụ thể với mục đích làm việc, du lịch, thăm người thân… trong khoảng thời gian nhất định. E-visa có thời hạn bao lâu? Theo Điều 9 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014, sửa đổi 2019, 2023 quy định thời hạn của visa (thị thực) là: - Thị thực ký hiệu SQ có thời hạn không quá 30 ngày. - Thị thực ký hiệu HN, DL, EV có thời hạn không quá 90 ngày. - Thị thực ký hiệu VR có thời hạn không quá 180 ngày. - Thị thực ký hiệu NG1, NG2, NG3, NG4, LV1, LV2, ĐT4, DN1, DN2, NN1, NN2, NN3, DH, PV1, PV2, TT có thời hạn không quá 01 năm. - Thị thực ký hiệu LĐ1, LĐ2 có thời hạn không quá 02 năm. - Thị thực ký hiệu ĐT3 có thời hạn không quá 03 năm. - Thị thực ký hiệu LS, ĐT1, ĐT2 có thời hạn không quá 05 năm. - Thị thực hết hạn, được xem xét cấp thị thực mới. - Thời hạn thị thực ngắn hơn thời hạn hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế ít nhất 30 ngày. - Trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác thì thời hạn thị thực cấp theo điều ước quốc tế. Như vậy, E-visa (thị thực điện tử) là một loại thị thực do Cục Quản lý xuất nhập cảnh cấp cho người nước ngoài qua hệ thống giao dịch điện tử. Thị thực điện tử Việt Nam có giá trị một lần hoặc nhiều lần, thời hạn không quá 90 ngày. Thủ tục xin E-visa online mới nhất Theo quy định của Cục Quản lý xuất nhập cảnh, hiện nay thủ tục xin E-visa online thực hiện như sau: Để được xin E-visa Việt Nam thì phải đáp ứng các điều kiện như: - Người nước ngoài đang ở nước ngoài; - Có hộ chiếu hợp lệ; - Không thuộc các trường hợp chưa cho nhập cảnh theo quy định tại Điều 21 Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Thủ tục xin E-visa online mới nhất: Bước 1: Truy cập vào link đăng ký https://evisa.xuatnhapcanh.gov.vn/web/guest/khai-thi-thuc-dien-tu/cap-thi-thuc-dien-tu Chọn mục Thị Thực điện tử, sau đó chọn Người nước ngoài để đi tiếp. Bước 2: Up ảnh chân dung Sau khi đã truy cập vào link đăng ký, người đăng ký upload ảnh chân dung và ảnh hộ chiếu. Bước 3: Điền thông tin Người đăng ký điền đầy đủ các thông tin theo yêu cầu như: - Thông tin cá nhân bao gồm: Họ, Chữ đệm và tên, Giới tính,... - Thông tin đề nghị cấp thị thực điện tử, bao gồm: + Giá trị thị thực: Một lần / Nhiều lần + Thời gian nhập cảnh từ ngày …. đến ngày …. - Thông tin hộ chiếu, bao gồm: Loại hộ chiếu, Số hộ chiếu, Cơ quan cấp/Nơi cấp, Ngày cấp, Ngày hết hạn, Có hộ chiếu còn giá trị khác không? - Thông tin liên lạc - Thông tin về nghề nghiệp - Thông tin về chuyến đi, bao gồm: Mục đích nhập cảnh, Có cơ quan/ tổ chức/ cá nhân dự kiến liên hệ khi vào Việt Nam?, Thời gian dự định cư trú (Số ngày)... Sau khi điền đầy đủ thông tin, người đăng ký tick chọn vào ô đồng ý sau đó chọn Đồng ý và tiếp tục Bước 4: Xác minh thông tin Xác minh tính chính xác của thông tin và nhận mã xác minh. Cẩn lưu ý nên lưu lại mã xác minh để dùng cho sau này. Bước 5: Thanh toán phí Thanh toán phí dịch vụ E-visa (25 - 50 USD) thông qua nền tảng trực tuyến. Bước 6: Kiểm tra tình trạng xử lý Sau khi hoàn tất các bước đăng ký, trong những ngày sau đó, người đăng ký truy cập vào https://evisa.xuatnhapcanh.gov.vn/vi_VN/tra-cuu-thi-thuc, vào ô tìm kiếm nhập thông tin yêu cầu để kiểm tra tình trạng xử lý thị thực điện tử. Bước 7: In và sử dụng E-visa Sau khi thông tin đã được xử lý và chấp thuận, người đăng ký sẽ được cấp đường link để tải xuống và sau đó in E-visa. Cuối cùng, để sử dụng E-visa, người đăng ký có thể xuất trình E-visa hoặc mã xác minh tại cửa khẩu nhập cảnh vào Việt Nam. Như vậy, trên đây là các bước xin E-visa Việt Nam mới nhất cho người nước ngoài, người đọc có thể tham khảo để việc đăng ký được diễn ra dễ dàng hơn.
Công dân Việt Nam được miễn visa ở những quốc gia, vùng lãnh thổ nào?
Miễn visa (thị thực) là gì? Năm 2024, có những quốc gia nào miễn thị thực cho Việt Nam mới? Các trường hợp được miễn thị thực tại Việt Nam? Bài viết sau đây sẽ giải đáp các thắc mắc trên. Xem thêm: E-visa là gì, có thời hạn bao lâu? Thủ tục xin E-visa online mới nhất Đi du lịch nước ngoài được mang theo bao nhiêu tiền mặt là tối đa? Miễn thị thực là gì? Visa (thị thực) theo quy định tại khoản 11 Điều 3 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014 (sửa đổi 2019) là loại giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp, cho phép người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam. Đây cũng là loại giấy tờ để công dân Việt nam có thể nhập cảnh vào các nước khác Như vậy, miễn visa (thị thực) là việc một quốc gia cho phép người nước ngoài nhập cảnh và lưu trú trên lãnh thổ của quốc gia đó trong một khoảng thời gian nhất định mà không cần phải làm các thủ tục visa hoặc đóng các lệ phí liên quan đến visa. Công dân Việt Nam được miễn visa ở những quốc gia, vùng lãnh thổ nào? Theo thông tin tại bảng xếp hạng Những cuốn hộ chiếu quyền lực nhất 2024 - Henley Passport Index do công ty tư vấn cư trú và quốc tịch toàn cầu Henley & Partners công bố ngày 10/01/2024, Việt Nam đứng vị trí thứ 87 trên tổng 104 bậc, giảm 5 bậc so với lần xếp hạng gần nhất hồi tháng 7/2023. Dù vậy, số quốc gia, vùng lãnh thổ công dân Việt Nam được phép nhập cảnh không cần visa hoặc xin visa cửa khẩu không thay đổi với 55 quốc gia. Cụ thể, các quốc gia, vùng lãnh thổ miễn thị thực cho Việt Nam năm 2024 bao gồm: Miễn Visa trong khoảng thời gian nhất định: Khu vực Châu Á: - Brunei: Thời gian tạm trú dưới 14 ngày. - Campuchia: Thời gian tạm trú dưới 30 ngày. - Indonesia: Thời gian tạm trú không quá 30 ngày, không được gia hạn thời gian tạm trú. - Lào: Thời gian tạm trú dưới 30 ngày. - Malaysia: Thời gian tạm trú dưới 30 ngày. - Myanmar: Thời gian lưu trú dưới 14 ngày. - Philippines: Thời gian tạm trú dưới 21 ngày với điều kiện hộ chiếu còn giá trị sử dụng ít nhất 6 tháng và có vé máy bay khứ hồi hoặc đi tiếp nước khác. - Singapore: Thời gian tạm trú dưới 30 ngày và có vé khứ hồi hoặc vé đi tiếp nước khác. - Thái Lan: Thời gian tạm trú dưới 30 ngày. - Brunei: Thời gian lưu trú tối đa là 14 ngày - Kazahkstan: - Kyrgyzsta: Không giới hạn thời gian lưu trú và không phân biệt mục đích nhập cảnh - Tajikistan: Khu vực Châu Mỹ: - Panama: Thời gian tạm trú tối đa 180 ngày. - Ecuador: Thời gian lưu trú tối đa là 90 ngày. - Haiti: Thời gian lưu trú tối đa 90 ngày. - Turks and Caicos: Đây là vùng lãnh thổ thuộc Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland, cho phép người Việt lưu trú trong 30 ngày. Lưu ý bạn cần xuất trình thêm một vé máy bay khứ hồi. - Cộng hòa Dominica ( vùng biển Caribe): Người Việt được lưu trú tại đây trong 30 ngày. - St. Vincent và Grenadines: Thời gian lưu trú tối đa không giới hạn - Liên bang Micronesia: Thời gian lưu trú tối đa là 30 ngày - Barbados Khu vực Châu Đại Dương: - Liên bang Micronesia: Thời gian lưu trú không quá 30 ngày. - Quần đảo Cook - Đảo Marshall - Quần đảo Puala - Micronesia - Niue - Samoa - Tuvalu Khu vực Trung Đông: - Kuwait: - Oman: Quốc gia cấp visa tại sân bay đến hoặc miễn visa có điều kiện: - Cộng hòa Maldives (quốc đảo thuộc Thái Bình Dương): Nhân viên nhập cảnh sẽ đóng dấu miễn visa trong 30 ngày vào hộ chiếu khi người nhập cảnh đưa vé máy bay khứ hồi & đặt phòng khách sạn. - Đông Timor: Tại sân bay Đông Timor, hải quan sẽ cấp thị thực nhập cảnh - Nepal: Cấp visa tại cửa khẩu với thời gian lưu trú từ 15 đến 90 ngày. - Sri Lanka: Cần nộp đơn xin visa online, thanh toán bằng thẻ ngân hàng cho phí visa, đợi có kết quả, in tờ xác nhận ra đem tới sân bay để làm thủ tục bay đi Sri Lanka. - Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE): Nếu sử dụng vé của 2 hãng Emirates hoặc Etihad để bay từ Việt Nam đến Dubai hoặc Abu Dhabi thì có thể xin visa dễ dàng ngay trên mạng hoặc nhờ văn phòng 2 hãng máy bay này hướng dẫn cách làm visa. - Iran: Người Việt có thể lấy visa tại cửa khẩu Iran có giá trị trong 17 ngày. - Burundi: Visa có thời hạn 30 ngày được cấp tại sân bay Bujumbura. - Hàn Quốc: + Miễn visa cho du khách Việt bay thẳng từ Việt Nam đến đảo Jeju. + Các địa điểm ngoài Jeju cần xin visa Hàn Quốc. - Somalia: Để được cấp visa có thời hạn lưu trú 30 ngày tại sân bay ở Somalia cần gửi trước cho phòng xuất nhập cảnh của sân bay thư mới 2 ngày trước khi đến. - Đài Loan: + Công dân Việt Nam (chưa từng đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài) có visa trong thời hạn còn hiệu lực của các nước Mỹ, Canada, Anh, Nhật, Úc, New Zealand và visa Schengen châu Âu (bao gồm cả thẻ định cư) sẽ được miễn thị thực nhập cảnh Đài Loan lưu trú trong thời gian 30 ngày. + Tuy nhiên đương đơn cần đăng ký trên mạng để được xét duyệt miễn visa Đài Loan. Như vậy, trong năm 2024 Việt Nam được các quốc gia, vùng lãnh thổ trên miễn thị thực. Tuy nhiên cũng cần lưu ý sẽ có quốc gia miễn thị thực có điều kiện, người nhập cảnh phải đáp ứng các điều kiện và làm thủ tục thì sẽ được miễn thị thực khi đến các quốc gia này. Các trường hợp được miễn thị thực tại Việt Nam năm 2024 Theo quy định tại Điều 12 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014 (sửa đổi 2019), các trường hợp sau đây được miễn thị thực tại Việt Nam: - Theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. - Sử dụng thẻ thường trú, thẻ tạm trú theo quy định của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014 (sửa đổi 2019). - Vào khu kinh tế cửa khẩu, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. - Vào khu kinh tế ven biển do Chính phủ quyết định khi đáp ứng đủ các điều kiện: + Có sân bay quốc tế; + Có không gian riêng biệt; + Có ranh giới địa lý xác định, cách biệt với đất liền; + Phù hợp với chính sách phát triển kinh tế - xã hội và không làm phương hại đến quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội của Việt Nam - Theo quy định về đơn phương miễn thị thực tại Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014 (sửa đổi 2019). - Người Việt Nam định cư ở nước ngoài có hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp và người nước ngoài là vợ, chồng, con của họ; người nước ngoài là vợ, chồng, con của công dân Việt Nam được miễn thị thực theo quy định của Chính phủ. Như vậy, nếu thuộc một trong các trường hợp trên, người nước ngoài sẽ được miễn thị thực khi nhập cảnh vào Việt Nam. Điều kiện nhập cảnh vào Việt Nam năm 2024? Theo quy định tại Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014 (sửa đổi 2019), người nước ngoài được nhập cảnh vào Việt Nam khi có đủ các điều kiện sau đây: - Có hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế và thị thực, trừ trường hợp được miễn thị thực theo quy định. Người nước ngoài nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực thì hộ chiếu phải còn thời hạn sử dụng ít nhất 06 tháng; - Không thuộc trường hợp chưa cho nhập cảnh quy định tại Điều 21 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014 (sửa đổi 2019). - Người nước ngoài sử dụng thị thực điện tử nhập cảnh phải đủ các điều kiện như trên và nhập cảnh qua các cửa khẩu quốc tế do Chính phủ quyết định. Như vậy, nếu đáp ứng các điều kiện trên thì người nước ngoài mới được nhập cảnh vào Việt Nam. Xem thêm: E-visa là gì, có thời hạn bao lâu? Thủ tục xin E-visa online mới nhất Làm visa mất bao lâu? Hồ sơ xin visa cho NLĐ nước ngoài làm việc tại Việt nam gồm gì? Từ 15/8/2023, các nước nào được nâng thời hạn visa điện tử Việt Nam lên 90 ngày? Đi du lịch nước ngoài được mang theo bao nhiêu tiền mặt là tối đa?
Được mang bao nhiêu vàng khi xuất, nhập cảnh?
Xuất, nhập cảnh là gì? Được mang bao nhiêu vàng khi xuất, nhập cảnh? Thủ tục cấp giấy phép mang theo vàng cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài ra sao? Bài viết sau sẽ giải đáp các thắc mắc nêu trên. (1) Xuất, nhập cảnh là gì? Nội dung Xuất cảnh Nhập cảnh Khái niệm Căn cứ theo Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019 Xuất cảnh là việc công dân Việt Nam ra khỏi lãnh thổ Việt Nam qua cửa khẩu của Việt Nam. Nhập cảnh là việc công dân Việt Nam từ nước ngoài vào lãnh thổ Việt Nam qua cửa khẩu của Việt Nam. Giấy tờ Căn cứ theo Điều 6 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019 được sửa đổi, bổ sung bởi Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam sửa đổi 2023, các giấy tờ mà người muốn xuất, nhập cần cung cấp các giấy tờ gồm: - Hộ chiếu ngoại giao; - Hộ chiếu công vụ; - Hộ chiếu phổ thông; - Giấy thông hành. - Giấy tờ khác theo quy định tại điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. - Hộ chiếu có gắn chíp điện tử hoặc không gắn chíp điện tử cấp cho công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên. Hộ chiếu không gắn chíp điện tử được cấp cho công dân Việt Nam chưa đủ 14 tuổi hoặc cấp theo thủ tục rút gọn. - Thông tin trên giấy tờ xuất nhập cảnh bao gồm: Ảnh chân dung; Họ, chữ đệm và tên; Giới tính; Nơi sinh; ngày, tháng, năm sinh; Quốc tịch; Ký hiệu, số giấy tờ xuất nhập cảnh; cơ quan cấp; ngày, tháng, năm cấp; ngày, tháng, năm hết hạn; Số định danh cá nhân hoặc số chứng minh nhân dân; Chức vụ, chức danh đối với hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ phù hợp với yêu cầu đối ngoại; Thông tin khác do Chính phủ quy định. (2) Được mang bao nhiêu vàng khi xuất, nhập cảnh? Theo Điều 2 Thông tư 11/2014/TT-NHNN có quy định về việc mang vàng khi xuất cảnh, nhập cảnh bằng hộ chiếu như sau: - Cá nhân Việt Nam và cá nhân nước ngoài khi xuất nhập cảnh bằng hộ chiếu đều bị cấm mang theo vàng miếng, vàng nguyên liệu. Riêng đối với trường hợp cá nhân nước ngoài nhập cảnh mang theo vàng miếng, vàng nguyên liệu, phải thực hiện một trong hai lựa chọn: Gửi tại kho Hải quan để mang ra khi xuất cảnh hoặc làm thủ tục chuyển ra nước ngoài. Cá nhân phải chịu mọi chi phí liên quan phát sinh trong cả hai trường hợp trên. - Trường hợp vàng trang sức, mỹ nghệ như dây chuyền, nhẫn, vòng, hoa tai,.. được phép mang theo khi xuất, nhập cảnh với điều kiện tổng khối lượng không vượt quá 300g. Nếu vượt quá, cá nhân phải khai báo với cơ quan Hải quan để thực hiện các thủ tục kiểm tra theo quy định. Dựa theo quy định nêu trên, có thể thấy pháp luật Việt Nam hiện không giới hạn số vàng mang theo ở chặng bay quốc tế, trong trường hợp nhập cảnh, chỉ giới hạn vàng trang sức, mỹ nghệ không được vượt quá mức là 300g và cần làm thủ tục gửi tại kho hải quan theo quy định. Trường hợp mang vàng hơn khối lượng trên, cần làm đầy đủ giấy phép theo giám đốc chi nhánh NHNN cấp tỉnh, thành phố nơi cá nhân cư trú, để trình báo với cơ quan hải quan. (3) Thủ tục cấp giấy phép mang theo vàng cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài Cụ thể, tại Điều 5 Thông tư 11/2014/TT-NHNN được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 29/2015/TT-NHNN quy định Cá nhân Việt Nam được phép định cư ở nước ngoài có nhu cầu mang vàng khi xuất cảnh phải gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện 01 (một) bộ hồ sơ đến Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi cá nhân đó cư trú. - Hồ sơ gồm: + Đơn xin cấp Giấy phép mang vàng khi xuất cảnh định cư ở nước ngoài theo mẫu tại Phụ lục 1 Thông tư 11/2014/TT-NHNN. Xem và tải về Mẫu Đơn xin cấp phép mang vàng khi xuất cảnh định cư tại nước ngoài tại đây: https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/02/29/mau-phu-luc-2.doc + Hoá đơn mua hàng hoặc giấy tờ khác chứng minh nguồn gốc hợp pháp hoặc giấy cam đoan của cá nhân mang vàng về tính hợp pháp của lượng vàng cần mang đi trong trường hợp không có hóa đơn, giấy tờ chứng minh nguồn gốc; + Hộ chiếu và thị thực nhập cảnh đối với những nước yêu cầu phải có thị thực nhập cảnh; + Quyết định của cơ quan có thẩm quyền cho phép định cư hoặc các giấy tờ khác có giá trị tương đương. - Các giấy tờ nêu trên phải là bản chính hoặc bản sao được cấp từ sổ gốc hoặc bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm xuất trình bản chính để đối chiếu đối với các văn bản, tài liệu. Nếu người nộp hồ sơ nộp bản sao kèm xuất trình bản chính để đối chiếu, người đối chiếu có trách nhiệm xác nhận tính chính xác của bản sao so với bản chính. Trường hợp văn bản, tài liệu bằng tiếng nước ngoài thì phải được dịch sang tiếng Việt và được công chứng hoặc chứng thực chữ ký của người dịch theo quy định của pháp luật. - Trong thời gian 15 (mười lăm) ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xem xét cấp Giấy phép mang vàng khi xuất cảnh định cư ở nước ngoài theo mẫu tại Phụ lục 2 Thông tư 11/2014/TT-NHNN. Trong trường hợp từ chối, NHNN sẽ gửi văn bản giải thích lý do. Xem và tải về Mẫu Giấy phép mang vàng khi xuất cảnh định cư ở nước ngoài ngân hàng nhà nước chi nhánh tại đây: https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/02/29/mau-phu-luc-2.doc - Giấy phép mang vàng khi xuất cảnh định cư ở nước ngoài có giá trị sử dụng trong thời hạn trong vòng sáu (06) tháng kể từ ngày cấp. Tổng kết lại, pháp luật hiện hành không giới hạn số vàng mà cá nhân Việt Nam hay người nước ngoài mang theo khi xuất cảnh, nhập cảnh mang qua cửa khẩu quốc tế tại Việt Nam. Trường hợp muốn mang vàng đi nước ngoài định cư phải thực hiện xin cấp giấy phép mang theo vàng theo quy định.
Một số điều cần lưu ý khi đề nghị cấp thị thực điện tử nhập cảnh Việt Nam cho người nước ngoài
Bộ Công an có câu trả lời cho người dân về thủ tục đề nghị cấp thị thực điển tử để nhập cảnh Việt Nam cho người nước ngoài. Cụ thể, việc Việt Nam áp dụng cấp thị thực điện tử cho công dân tất cả các nước, vùng lãnh thổ sẽ thu hút nhiều người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam, góp phần tạo động lực thúc đẩy phát triển ngành du lịch. Theo đó, đối với người nước ngoài, cần lưu ý gì khi đề nghị cấp thị thực điện tử để nhập cảnh Việt Nam? Bộ Công an nêu rõ, chính sách cấp thị thực điện tử đã đạt được nhiều kết quả tích cực, được dư luận trong và ngoài nước đánh giá cao do thủ tục rất đơn giản, người nước ngoài có nhu cầu đề nghị cấp thị thực điện tử thực hiện hoàn toàn qua mạng, tự làm thủ tục từ khai thông tin đến nộp phí, nhận kết quả, không phải qua khâu trung gian. Quá trình thực hiện, người nước ngoài cần lưu ý: - Thứ nhất, người nước ngoài cần tìm hiểu, truy cập đúng Trang thông tin cấp thị thực điện tử của Việt Nam qua địa chỉ: evisa.xuatnhapcanh.gov.vn và thực hiện theo hướng dẫn, hoặc truy cập Cổng Dịch vụ công Bộ Công an tại địa chỉ: dichvucong.bocongan.vn, lựa chọn dịch vụ công cấp thị thực điện tử để khai thông tin, tải ảnh, nộp phí đề nghị cấp thị thực. Tránh việc truy cập không đúng Trang thông tin dẫn đến phải nộp phí trái quy định của Việt Nam. - Thứ hai, người nước ngoài cần nghiên cứu thông tin trên tờ khai đề nghị cấp thị thực điện tử, khai đủ, đúng thông tin, tải đúng ảnh, trang nhân thân hộ chiếu,… và đảm bảo chính xác các thông tin đã khai, tránh vi phạm pháp luật về việc khai không đúng sự thật để được cấp thị thực sẽ bị xử lý theo quy định. - Thứ ba, người nước ngoài cần tìm hiểu quy định của pháp luật Việt Nam về nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú liên quan đến người nước ngoài để đảm bảo cho quá trình nhập xuất cảnh Việt Nam như: Phải thông qua cơ sở lưu trú để thực hiện việc khai báo tạm trú; xuất trình hộ chiếu giấy tờ cho cơ sở lưu trú để thực hiện khai báo tạm trú, hoạt động đúng mục đích nhập cảnh,… Mẫu tờ khai đề nghị cấp thị thực Việt Nam (dùng cho người nước ngoài) https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/01/08/NA1%20tr6%2C%207.docx Tham khảo: Trước đó, ngày 14/8/2023, Chính phủ ban hành Nghị quyết 127/NQ-CP về việc áp dụng cấp thị thực điện tử cho công dân các nước, vùng lãnh thổ; các cửa khẩu quốc tế cho phép người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh bằng thị thực điện tử. Theo đó, công bố danh sách các cửa khẩu quốc tế cho phép người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh bằng thị thực điện tử, bao gồm: - Danh sách cửa khẩu đường hàng không 1. Cửa khẩu Cảng hàng không Nội Bài. 2. Cửa khẩu Cảng hàng không Tân Sơn Nhất. 3. Cửa khẩu Cảng hàng không Cam Ranh. 4. Cửa khẩu Cảng hàng không Đà Nẵng. 5. Cửa khẩu Cảng hàng không Cát Bi. 6. Cửa khẩu Cảng hàng không Cần Thơ. 7. Cửa khẩu Cảng hàng không Phú Quốc. 8. Cửa khẩu Cảng hàng không Phú Bài. 9. Cửa khẩu Cảng hàng không Vân Đồn. 10. Cửa khẩu Cảng hàng không Thọ Xuân. 11. Cửa khẩu Cảng hàng không Đồng Hới. 12. Cửa khẩu Cảng hàng không Phù Cát. 13. Cửa khẩu Cảng hàng không Liên Khương. - Danh sách cửa khẩu đường bộ 1. Cửa khẩu quốc tế Tây Trang, tỉnh Điện Biên. 2. Cửa khẩu quốc tế Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh. 3. Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, tỉnh Lạng Sơn. 4. Cửa khẩu quốc tế Lào Cai, tỉnh Lào Cai. 5. Cửa khẩu quốc tế Na Mèo, tỉnh Thanh Hóa. 6. Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn, tỉnh Nghệ An. 7. Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, tỉnh Hà Tĩnh. 8. Cửa khẩu quốc tế Cha Lo, tỉnh Quảng Bình. 9. Cửa khẩu quốc tế La Lay, tỉnh Quảng Trị. 10. Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, tỉnh Quảng Trị. 11. Cửa khẩu quốc tế Bờ Y, tỉnh Kon Tum. 12. Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh. 13. Cửa khẩu quốc tế Xa Mát, tỉnh Tây Ninh. 14. Cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên, tỉnh An Giang. 15. Cửa khẩu quốc tế đường bộ và đường sông Vĩnh Xương, tỉnh An Giang. 16. Cửa khẩu quốc tế Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang, - Danh sách cửa khẩu đường biển 1. Cửa khẩu Cảng Hòn Gai, tỉnh Quảng Ninh. 2. Cửa khẩu Cảng Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh. 3. Cửa khẩu Cảng Hải Phòng, thành phố Hải Phòng. 4. Cửa khẩu Cảng Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa. 5. Cửa khẩu Cảng Vũng Áng, tỉnh Hà Tĩnh. 6. Cửa khẩu Cảng Chân Mây, tỉnh Thừa Thiên Huế. 7. Cửa khẩu Cảng Đà Nẵng, thành phố Đà Nẵng. 8. Cửa khẩu Cảng Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. 9. Cửa khẩu Cảng Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. 10. Cửa khẩu Cảng Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi. 11. Cửa khẩu Cảng Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. 12. Cửa khẩu Cảng Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hồ Chí Minh. 13. Cửa khẩu Cảng Dương Đông, tỉnh Kiên Giang. Theo Cổng TTĐT Bộ Công an
Trình tự thủ tục cấp Giấy phép nhập cảnh thi hài, hài cốt, tro cốt về Việt Nam
Đối với trường hợp gia đình tại Việt Nam có người thân mất ở nước ngoài muốn đưa di hài của người thân về Việt Nam để mai táng thì phải xin giấy phép như thế nào? Cần chuẩn bị hồ sơ giấy tờ gì để xin được giấy phép đưa di dài của người thân về nước? Trình tự thủ tục cấp Giấy phép nhập cảnh thi hài, hài cốt, tro cốt về Việt Nam - Trường hợp nhận hồ sơ trực tiếp tại trụ sở cơ quan đại diện, nếu kiểm tra thấy hồ sơ đầy đủ theo quy định, cán bộ tiếp khách cấp giấy hẹn trả kết quả cho khách. - Cơ quan đại diện tại nơi có người chết hoặc Cơ quan đại diện kiêm nhiệm nước đó hoặc Cơ quan đại diện nơi thuận tiện nhất, nếu ở nước có người chết không có Cơ quan đại diện thực hiện cấp giấy phép nhập cảnh thi hài, hài cốt, tro cốt. - Người đề nghị có thể là thân nhân của người chết, người được ủy quyền mang thi hài/di hài về Việt Nam hoặc thuộc cơ quan/đơn vị chủ quản của người chết, hoặc là bạn bè, người quen của người chết, nếu người chết không có thân nhân hoặc thân nhân không phản đối việc đưa thi hài, hài cốt, tro cốt về nước. - Trong thời gian 01 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, trừ trường hợp người chết thuộc diện chưa được phép nhập cảnh vì lý do bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội (được xem xét giải quyết đối với từng trường hợp cụ thể). Cán bộ lãnh sự xem xét hồ sơ, nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện quy định, báo cáo thủ trưởng cơ quan đại diện ký cấp Giấy phép cho người đề nghị và tiến hành các việc sau: + Ghi vào Sổ cấp phép nhập cảnh thi hài, hài cốt, tro cốt; thông báo việc cấp Giấy phép cho Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao, Hải quan cửa khẩu và Cơ quan quản lý xuất nhập cảnh cửa khẩu liên quan; + Đóng dấu hủy Hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị xuất cảnh, nhập cảnh của người chết do cơ quan chức năng của Việt Nam cấp (nếu có); thông báo hủy giá trị Hộ chiếu/giấy tờ về Cục Quản lý xuất nhập cảnh - Bộ Công an. Hồ sơ cấp Giấy phép nhập cảnh thi hài, hài cốt, tro cốt về Việt Nam - Giấy tờ của người chết Bản chụp giấy tờ chứng minh nhân thân của người chết (Chứng minh nhân dân, Thẻ căn cước, hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị nhập cảnh, xuất cảnh). Bản chụp giấy phép thường trú tại Việt Nam của người chết Bản chụp Giấy chứng nhận vệ sinh, kiểm dịch y tế do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp (đối với thi hài); Giấy chứng nhận khai quật và Giấy chứng nhận vệ sinh, kiểm dịch y tế do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp (đối với hài cốt); Giấy chứng nhận hỏa thiêu thi hài (đối với tro cốt) Bản chụp Đơn xin phép mang thi hài/hài cốt/tro cốt của người thân về chôn cất/bảo quản tại địa phương (mẫu số 02/NG-LS ban hành kèm theo Thông tư số 01/2011/TT-BNG) có xác nhận đồng ý của ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan quản lý nghĩa trang tại Việt Nam Bản chụp Giấy chứng tử do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài hoặc Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cấp cho người chết Bản sao giấy phép do cơ quan có thẩm quyền nước sở tại cho phép xuất cảnh thi hài/di hài - Giấy tờ của người đề nghị Đơn đề nghị đưa thi hài, hài cốt, tro cốt về nước theo mẫu số 01/NG-LS ban hành kèm theo Thông tư số 01/2011/TT-BNG Bản chụp hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị xuất cảnh, nhập cảnh của người đề nghị. Bản chụp giấy tờ chứng minh người chết có quan hệ thân nhân với công dân Việt Nam thường trú trong nước Bản chụp sổ hộ khẩu thường trú của công dân Việt Nam có quan hệ thân nhân với người chết Bản gốc văn bản ủy quyền trong trường hợp người đề nghị được thân nhân của người chết ủy quyền Bản gốc văn bản đề nghị trong trường hợp người đề nghị là cơ quan, đơn vị chủ quản của người chết
Thân nhân của bị can phạm tội rất nghiêm trọng có bị cấm xuất cảnh không?
Thân nhân của bị can phạm tội rất nghiêm trọng có bị cấm xuất cảnh không? Tình huống phát sinh: Chào luật sư chồng em bị khởi tố liên quan tội mua bán trái phép chất ma túy, bên cơ quan điều tra họ xác định tội rất nghiêm trọng hiện đang bị tạm giam trong thời gian này em muốn qua nước ngoài xử lý một số công việc có được không? Có quy định nào cấm không? Xin cảm ơn. Căn cứ Điều 36 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019 quy định các trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh như sau: 1. Bị can, bị cáo; người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố mà qua kiểm tra, xác minh có căn cứ xác định người đó bị nghi thực hiện tội phạm và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn hoặc tiêu hủy chứng cứ theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. 2. Người được hoãn chấp hành án phạt tù, người được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, người được tha tù trước thời hạn có điều kiện trong thời gian thử thách, người được hưởng án treo trong thời gian thử thách, người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ trong thời gian chấp hành án theo quy định của Luật Thi hành án hình sự. 3. Người có nghĩa vụ theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự nếu có căn cứ cho thấy việc giải quyết vụ án có liên quan đến nghĩa vụ của họ đối với Nhà nước, cơ quan, tổ chức, cá nhân và việc xuất cảnh của họ ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân hoặc để bảo đảm việc thi hành án. 4. Người phải thi hành án dân sự, người đại diện theo pháp luật của cơ quan, tổ chức đang có nghĩa vụ thi hành bản án, quyết định được thi hành theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự nếu có căn cứ cho thấy việc xuất cảnh của họ ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân hoặc để bảo đảm việc thi hành án. 5. Người nộp thuế, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế, người Việt Nam xuất cảnh để định cư ở nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài trước khi xuất cảnh chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế theo quy định của pháp luật về quản lý thuế. 6. Người đang bị cưỡng chế, người đại diện cho tổ chức đang bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn. 7. Người bị thanh tra, kiểm tra, xác minh có đủ căn cứ xác định người đó vi phạm đặc biệt nghiêm trọng và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn. 8. Người đang bị dịch bệnh nguy hiểm lây lan, truyền nhiễm và xét thấy cần ngăn chặn ngay, không để dịch bệnh lây lan, truyền nhiễm ra cộng đồng, trừ trường hợp được phía nước ngoài cho phép nhập cảnh. 9. Người mà cơ quan chức năng có căn cứ cho rằng việc xuất cảnh của họ ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh. Đối tượng được cấp hộ chiếu công vụ theo quy định hiện nay? Căn cứ Điều 9 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019 quy định về đối tượng được cấp hộ chiếu công vụ như sau: 1. Cán bộ, công chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức. 2. Viên chức của đơn vị sự nghiệp công lập bao gồm: - Người đứng dầu, cấp phó của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập; người giữ chức vụ cấp trưởng, cấp phó tổ chức cấu thành đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ; - Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập; người giữ chức vụ cấp trưởng, cấp phó tổ chức cấu thành đơn vị sự nghiệp công lập thuộc các Ban và cơ quan tương đương của Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, Kiểm toán nhà nước, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập; Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cơ quan trung ương của tổ chức chính trị - xã hội; - Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập; người giữ chức vụ cấp trưởng, cấp phó tổ chức cấu thành đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Tổng cục, Cục và tương đương trực thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ; Tỉnh ủy, Thành ủy thành phố trực thuộc trung ương; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh; - Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Huyện ủy, Quận ủy, Thị ủy, Thành ủy thuộc Tỉnh ủy, Thành ủy thành phố trực thuộc trung ương; cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện; - Người giữ vị trí việc làm gắn với nhiệm vụ quản lý nhà nước trong đơn vị sự nghiệp công lập được giao thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước. 3. Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp trong Quân đội nhân dân, Công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu trong tổ chức cơ yếu. 4. Nhân viên cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài; phóng viên thông tấn và báo chí nhà nước của Việt Nam thường trú ở nước ngoài. 5. Vợ hoặc chồng, con chưa đủ 18 tuổi của người được quy định tại khoản 4 Điều này đi theo hoặc đi thăm những người này trong nhiệm kỳ công tác. 6. Trong trường hợp cần thiết, căn cứ vào yêu cầu và tính chất của chuyến đi, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao thực hiện việc cấp hộ chiếu công vụ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ hoặc xem xét cấp hộ chiếu công vụ theo đề nghị của cơ quan, người có thẩm quyền quy định tại Điều 11 của Luật này cho những người không thuộc diện quy định tại Điều này. Việc quản lý hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ hiện nay quy định ra sao? Căn cứ Điều 24 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019 quy định về Quản lý hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ 1. Cơ quan, người có thẩm quyền quy định tại Điều 11 của Luật này hoặc cơ quan, người được ủy quyền quản lý hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ có trách nhiệm sau đây: - Quản lý hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ của cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp trong Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, người làm công tác cơ yếu thuộc phạm vi quản lý của mình; - Quản lý hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ của người thân quy định tại khoản 13 và khoản 14 Điều 8, khoản 5 Điều 9 của Luật này của người thuộc phạm vi quản lý của mình cùng đi theo hành trình công tác hoặc đi thăm những người này trong nhiệm kỳ công tác. 2. Trình tự, thủ tục quản lý hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ được quy định như sau: - Lập sổ theo dõi việc giao, nhận hộ chiếu và bảo đảm an toàn tuyệt đối cho hộ chiếu khi được lưu giữ tại cơ quan quản lý hộ chiếu; - Bàn giao hộ chiếu cho người được cấp khi có quyết định cử đi công tác nước ngoài. Việc bàn giao hộ chiếu phải có ký nhận; - Chuyển hộ chiếu cho cơ quan, người quản lý hộ chiếu mới khi người được cấp hộ chiếu được điều chuyển công tác; - Báo cáo bằng văn bản cho cơ quan, người có thẩm quyền về việc người được cấp hộ chiếu cố tình không giao hộ chiếu cho cơ quan, người quản lý hộ chiếu, sử dụng hộ chiếu không đúng quy định; - Thông báo ngay bằng văn bản cho cơ quan cấp hộ chiếu thuộc Bộ Ngoại giao và Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an về việc hộ chiếu do cơ quan mình quản lý bị mất, bị hỏng; - Chuyển cho cơ quan cấp hộ chiếu thuộc Bộ Ngoại giao để hủy giá trị sử dụng hộ chiếu của người không còn thuộc đối tượng được sử dụng hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ; - Báo cáo cơ quan có thẩm quyền để xử lý vi phạm đối với việc sử dụng và quản lý hộ chiếu không đúng mục đích. Do đó, tạm hoãn xuất cảnh đối với một số trường hợp như bị can, bị cáo; người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố mà qua kiểm tra, xác minh có căn cứ xác định người đó bị nghi thực hiện tội phạm và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn hoặc tiêu hủy chứng cứ theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Còn vợ thân nhân của bị can trong trường hợp trên không bị cấm việc tạm hoãn, vì cũng không thuộc trường hợp ảnh hưởng quốc phòng, an ninh.
Đang là nguyên đơn trong vụ án dân sự có được xuất cảnh không?
Đang là nguyên đơn trong vụ án dân sự có được xuất cảnh không? Liên quan đến trường hợp xuất cảnh để ra nước ngoài nhằm một mục đích nào đó thì không phải trường hợp nào, đối tượng nào cũng được thực hiện quyền xuất cảnh này, thay vào đó sẽ có những quy định hạn chế tạm hoãn xuất cảnh. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra nếu là nguyên đơn tức người đang đi khởi kiện một vụ án dân sự liệu có bị tạm hoãn theo quy định trên. Căn cứ Điều 28 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014 quy định các trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh và thời hạn tạm hoãn xuất cảnh như sau: - Người nước ngoài có thể bị tạm hoãn xuất cảnh nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây: + Đang là bị can, bị cáo, người có nghĩa vụ liên quan trong vụ án hình sự hoặc đang là bị đơn, người bị kiện, người có nghĩa vụ liên quan trong vụ việc dân sự, kinh doanh thương mại, lao động, hành chính, hôn nhân và gia đình; + Đang có nghĩa vụ chấp hành bản án, quyết định của Tòa án, quyết định của Hội đồng xử lý cạnh tranh; + Chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế; + Đang có nghĩa vụ chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính; + Vì lý do quốc phòng, an ninh. - Các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này không áp dụng đối với người đang chấp hành hình phạt tù bị dẫn giải ra nước ngoài để cung cấp chứng cứ theo quy định tại Điều 25 của Luật tương trợ tư pháp. - Thời hạn tạm hoãn xuất cảnh không quá 03 năm và có thể gia hạn. Các trường hợp và thẩm quyền chưa cho nhập cảnh theo quy định hiện nay? Căn cứ Điều 21, Điều 22 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014 quy định như sau: - Các trường hợp chưa cho nhập cảnh + Không đủ điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 20 của Luật Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014 + Trẻ em dưới 14 tuổi không có cha, mẹ, người giám hộ hoặc người được ủy quyền đi cùng. + Giả mạo giấy tờ, khai sai sự thật để được cấp giấy tờ có giá trị nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú. + Người bị mắc bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh truyền nhiễm gây nguy hiểm cho sức khỏe cộng đồng. + Bị trục xuất khỏi Việt Nam chưa quá 03 năm kể từ ngày quyết định trục xuất có hiệu lực. + Bị buộc xuất cảnh khỏi Việt Nam chưa quá 06 tháng kể từ ngày quyết định buộc xuất cảnh có hiệu lực. + Vì lý do phòng, chống dịch bệnh. + Vì lý do thiên tai. + Vì lý do quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội. - Thẩm quyền quyết định chưa cho nhập cảnh + Người đứng đầu đơn vị kiểm soát xuất nhập cảnh quyết định chưa cho nhập cảnh đối với trường hợp quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5 và 6 Điều 21 của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014 + Bộ trưởng Bộ Y tế quyết định chưa cho nhập cảnh đối với trường hợp quy định tại khoản 7 Điều 21 của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014 + Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định chưa cho nhập cảnh đối với trường hợp quy định tại khoản 8 Điều 21 của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014 + Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định chưa cho nhập cảnh đối với trường hợp quy định tại khoản 9 Điều 21 của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014 + Người có thẩm quyền ra quyết định chưa cho nhập cảnh có thẩm quyền giải tỏa chưa cho nhập cảnh và chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình. Thẩm quyền quyết định tạm hoãn xuất cảnh, gia hạn tạm hoãn xuất cảnh, giải tỏa tạm hoãn xuất cảnh? Căn cứ Điều 29 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014 quy định về Thẩm quyền quyết định tạm hoãn xuất cảnh, gia hạn tạm hoãn xuất cảnh, giải tỏa tạm hoãn xuất cảnh như sau: - Thủ trưởng cơ quan điều tra, Viện trưởng Viện kiểm sát, Chánh án Tòa án, Thủ trưởng cơ quan thi hành án, Chủ tịch Hội đồng cạnh tranh trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình quyết định tạm hoãn xuất cảnh đối với các trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 28 của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014 - Thủ trưởng cơ quan quản lý thuế quyết định tạm hoãn xuất cảnh đối với trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 28 của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014 - Bộ trưởng Bộ Công an quyết định tạm hoãn xuất cảnh đối với người nước ngoài quy định tại điểm d khoản 1 Điều 28 của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014 trong trường hợp sau đây: + Đang có nghĩa vụ chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính của cơ quan Công an; + Theo đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. - Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định tạm hoãn xuất cảnh đối với các trường hợp quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 28 của Luật này. - Người có thẩm quyền ra quyết định tạm hoãn xuất cảnh thì có thẩm quyền gia hạn tạm hoãn xuất cảnh, giải tỏa tạm hoãn xuất cảnh và chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình. - Người ra quyết định tạm hoãn xuất cảnh có trách nhiệm ra quyết định giải tỏa tạm hoãn xuất cảnh ngay sau khi điều kiện tạm hoãn không còn. - Quyết định tạm hoãn xuất cảnh, gia hạn tạm hoãn xuất cảnh, giải tỏa tạm hoãn xuất cảnh được gửi ngay cho cơ quan quản lý xuất nhập cảnh và công bố cho người bị tạm hoãn xuất cảnh để thực hiện. - Sau khi nhận được quyết định tạm hoãn xuất cảnh, gia hạn tạm hoãn xuất cảnh, giải tỏa tạm hoãn xuất cảnh, cơ quan quản lý xuất nhập cảnh có trách nhiệm tổ chức thực hiện. Do đó, đối với thông tin là nguyên đơn trong vụ án dân sự mặc dù đang tham gia tranh chấp khởi kiện nhưng không thuộc trường hợp tạm hoãn xuất cảnh, mặt khác ngược lại đang là bị đơn, người bị kiện, người có nghĩa vụ liên quan trong vụ việc dân sự, kinh doanh thương mại, lao động, hành chính, hôn nhân và gia đình mới bị hạn chế quyền này.
Chính sách mới tháng 8/2023: Quy định về cán bộ, công chức, người lao động và xuất nhập cảnh
Từ đầu tháng 08/2023 sẽ có 02 Luật mới có hiệu lực thi hành trong lĩnh vực Công an nhân dân, xuất nhập cảnh và hàng loạt các Nghị định quy định về cán bộ, công chức, người lao động sẽ có tác động nhiều trong thời gian sắp tới. Từ ngày 15/8/2023 tăng hạn tuổi phục vụ cao nhất của hạ sĩ quan, sĩ quan CAND Ngày 22/6/2023, Luật Công an nhân dân sửa đổi 2023 (sửa đổi Luật Công an nhân dân 2018) được Quốc hội thông qua tại khóa XV, kỳ họp thứ 5, trong đó có quy định hạn tuổi phục vụ cao nhất của hạ sĩ quan, sĩ quan CAND như sau: - Hạ sĩ quan: Tăng lên 47 tuổi (hiện hành 45 tuổi). - Cấp úy: Tăng lên 55 tuổi (hiện hành 53 tuổi). - Thiếu tá, Trung tá: Tăng lên Nam 57 tuổi, nữ 55 tuổi (hiện hành nam 55, nữ 53). - Thượng tá: Tăng lên Nam 60 tuổi, nữ 58 tuổi (hiện hành nam 58, nữ 55). - Đại tá: Tăng lên Nam 62 tuổi, nữ 60 tuổi (hiện hành nam 60, nữ 55). - Cấp tướng: Tăng lên Nam 62 tuổi, nữ 60 tuổi (hiện hành cả nam và nữ đều 60 tuổi). Bổ sung hạn tuổi phục vụ cao nhất của nam sĩ quan Đại tá và Cấp tướng, nữ sĩ quan Thượng tá và Đại tá thực hiện theo lộ trình về tuổi nghỉ hưu đối với người lao động như quy định của Bộ luật Lao động 2019. Ngoài ra, trường hợp đơn vị công an có nhu cầu, sĩ quan quy định tại các Cấp úy, Thiếu tá, Trung tá và Thượng tá nếu có đủ phẩm chất, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, có sức khỏe tốt và tự nguyện thì có thể được kéo dài tuổi phục vụ theo quy định của Bộ trưởng Bộ Công an, nhưng không quá 62 đối với nam và 60 đối với nữ. Trường hợp đặc biệt sĩ quan CAND có thể được kéo dài tuổi phục vụ hơn 62 đối với nam và hơn 60 đối với nữ theo quyết định của cấp có thẩm quyền. Chi tiết Luật Công an nhân dân sửa đổi 2023 có hiệu lực từ ngày 15/8/2023 sửa đổi Luật Công an nhân dân 2018. Chính thức sửa đổi Luật Xuất nhập cảnh 2023 bổ sung nhiều điểm mới Quốc hội khóa XV, tại kỳ họp thứ 5 đã thông qua Luật Xuất nhập cảnh sửa đổi 2023 ngày 24/6/2023 sửa đổi Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019 và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014. (1) Bổ sung thông tin “nơi sinh” vào hộ chiếu từ ngày 15/8/2023 Hiện hành Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019 không có quy định “nơi sinh” trong hộ chiếu và hộ chiếu mẫu mới cũng không quy định nội dung này. Hiện nay, một số nước từ chối cấp thị thực cho công dân Việt Nam vì hộ chiếu không có quy định nơi sinh. Do đó, từ cơ sở Thông tư 68/2022/TT-BCA bổ sung thông tin trên. Từ cơ sở này Luật mới đã quy định thông tin trên hộ chiếu công vụ, hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu phổ thông, giấy thông hành sẽ bao gồm các nội dung: - Ảnh chân dung. - Họ, chữ đệm và tên. - Giới tính. - Nơi sinh; ngày, tháng, năm sinh. - Quốc tịch. - Ký hiệu, số giấy tờ xuất nhập cảnh; cơ quan cấp; ngày, tháng, năm cấp; ngày, tháng, năm hết hạn. - Số định danh cá nhân hoặc số chứng minh nhân dân. - Chức vụ, chức danh đối với hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ phù hợp với yêu cầu đối ngoại. - Thông tin khác do Chính phủ quy định. (2) Bỏ quy định hộ chiếu phải còn hạn 06 tháng khi xuất cảnh Từ ngày 15/8/2023 đã không còn quy định yêu cầu hộ chiếu phải còn hạn sử dụng từ đủ 6 tháng trở lên, điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho công dân Việt Nam khi di chuyển ra nước ngoài. Trước đó, Luật Xuất nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019 yêu cầu công dân phải có giấy tờ xuất nhập cảnh còn nguyên vẹn, còn thời hạn sử dụng trong đó hộ chiếu phải còn hạn sử dụng từ đủ 6 tháng trở lên. (3) Visa điện tử (EV) có hạn đến 90 ngày Điều 9 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019 (sửa đổi năm 2023) quy định thời hạn thị thực như sau: - Thị thực ký hiệu SQ có thời hạn không quá 30 ngày. - Thị thực ký hiệu HN, DL, EV có thời hạn không quá 90 ngày (trước đó chỉ có 30 ngày). - Thị thực ký hiệu VR có thời hạn không quá 180 ngày. - Thị thực ký hiệu NG1, NG2, NG3, NG4, LV1, LV2, ĐT4, DN1, DN2, NN1, NN2, NN3, DH, PV1, PV2, TT có thời hạn không quá 01 năm. Xem thêm Luật Xuất nhập cảnh sửa đổi 2023 có hiệu lực từ ngày 15/8/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019 và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014. Tiêu chuẩn bổ nhiệm từng chức danh công chức cấp xã từ tháng 8 năm nay Chính phủ vừa ban hành Nghị định 33/2023/NĐ-CP ngày 10/6/2023 quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố. Cụ thể, tiêu chuẩn của từng chức danh công chức cấp xã tại Nghị định 33/2023/NĐ-CP được quy định như sau: - Tiêu chuẩn của công chức Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự cấp xã thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành về quân sự. - Tiêu chuẩn của công chức Văn phòng - thống kê; Địa chính - xây dựng - đô thị và môi trường (đối với phường, thị trấn) hoặc Địa chính - nông nghiệp - xây dựng và môi trường (đối với xã); Tài chính - kế toán; Tư pháp - hộ tịch; Văn hóa - xã hội như sau: + Độ tuổi: Đủ 18 tuổi trở lên; + Trình độ giáo dục phổ thông: Tốt nghiệp trung học phổ thông; + Trình độ chuyên môn nghiệp vụ: Tốt nghiệp đại học trở lên của ngành đào tạo phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của từng chức danh công chức cấp xã. Trường hợp luật có quy định khác với quy định tại Nghị định 33/2023/NĐ-CP thì thực hiện theo quy định của luật đó. - UBND cấp tỉnh quy định cụ thể tiêu chuẩn trình độ chuyên môn, nghiệp vụ từ trung cấp trở lên đối với công chức cấp xã làm việc tại các xã, phường, thị trấn thuộc địa bàn miền núi, vùng cao, biên giới, hải đảo, xã đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. - Căn cứ tiêu chuẩn của từng chức danh công chức cấp xã quy định tại khoản 2 Điều này và điều kiện thực tế của địa phương, UBND cấp tỉnh quy định: + Tiêu chuẩn cụ thể của từng chức danh công chức cấp xã cho phù hợp với đặc điểm và yêu cầu thực hiện nhiệm vụ của từng cấp xã nhưng phải bảo đảm không thấp hơn tiêu chuẩn quy định tại Nghị định này; + Ngành đào tạo phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của từng chức danh công chức cấp xã trong từng kỳ tuyển dụng; + Xây dựng kế hoạch tạo nguồn, đào tạo, bồi dưỡng đối với từng chức danh công chức cấp xã về quản lý nhà nước, lý luận chính trị; ngoại ngữ, tin học, tiếng dân tộc thiểu số, thực hiện các chế độ, chính sách và tinh giản biên chế. Xem thêm Nghị định 33/2023/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/8/2023. 03 trường hợp đối tượng được thanh tra sẽ bị phong tỏa tài khoản Đây là nội dung tại Nghị định 43/2023/NĐ-CP ban hành bởi Chính phủ ngày 30/6/2023 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thanh tra 2022. Theo Điều 40 Nghị định 43/2023/NĐ-CP quy định căn cứ để yêu cầu phong tỏa tài khoản được thực hiện như sau: - Đối tượng thanh tra có dấu hiệu tẩu tán tài sản, bao gồm: + Thực hiện hoặc chuẩn bị thực hiện giao dịch chuyển tiền qua tài khoản khác với thông tin không rõ ràng về mục đích, nội dung, người nhận; + Có dấu hiệu chuyển dịch quyền sở hữu, quyền sử dụng, cho tặng, thế chấp, cầm cố, hủy hoại, thay đổi hiện trạng tài sản; + Có hành vi làm sai lệch hồ sơ, sổ sách kế toán dẫn đến thay đổi về tài sản. - Đối tượng thanh tra không thực hiện đúng thời gian giao nộp tiền, tài sản theo quyết định thu hồi tiền, tài sản của cơ quan thanh tra hoặc cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền. Xem chi tiết Nghị định 43/2023/NĐ-CP có hiệu lực ngày 15/8/2023. 07 điều kiện vay vốn của Quỹ Hỗ trợ nông dân Việt Nam Ngày 24/6/2023 Chính phủ đã ban hành Nghị định 37/2023/NĐ-CP về thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ hỗ trợ nông dân. Theo đó, đối tượng vay vốn của Quỹ Hỗ trợ nông dân là hội viên Hội nông dân Việt Nam có nhu cầu vay vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp đáp ứng các điều kiện sau: - Khách hàng vay vốn phải là thành viên của hội, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật. - Khách hàng vay vốn được UBND cấp xã xác nhận đang cư trú ở địa phương nơi Quỹ Hỗ trợ nông dân cho vay vốn tại thời điểm đề xuất vay vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân. - Mục đích sử dụng vốn vay hợp pháp. - Phương án vay vốn của khách hàng phải được tập hợp thành phương án chung của nhóm hội viên Hội nông dân cùng sản xuất, kinh doanh một loại hình sản phẩm, trên cùng một địa bàn cấp xã. Phương án vay vốn của từng khách hàng và phương án chung của nhóm hội viên Hội nông dân được Quỹ Hỗ trợ nông dân đánh giá là khả thi, có khả năng trả được nợ vay. - Tại một thời điểm, một khách hàng chỉ được vay vốn tại 01 phương án chung của nhóm hội viên Hội nông dân từ Quỹ Hỗ trợ nông dân. - Các thành viên trong cùng một hộ gia đình không được phát sinh dư nợ vay tại Quỹ Hỗ trợ nông dân trong cùng một thời điểm. - Các điều kiện cho vay khác quy định cụ thể tại quy định nội bộ về cho vay và quản lý nợ của Quỹ Hỗ trợ nông dân do Hội đồng quản lý Quỹ Hỗ trợ nông dân các. Cụ thể Nghị định 37/2023/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 08/8/2023. Xem thêm chính sách mới về Lao động - Tiền lương và Thuế - Phí có hiệu lực từ tháng 8/2023
10 Mẫu giấy tờ visa, xuất nhập cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam mới nhất 2023
Ngày 30/6/2023 Bộ trưởng Bộ Công an đã có Thông tư 22/2023/TT-BCA sửa đổi một số mẫu giấy tờ ban hành kèm theo Thông tư 04/2015/TT-BCA quy định mẫu giấy tờ liên quan đến việc nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam được sửa đổi bởi Thông tư 57/2020/TT-BCA. 10 Mẫu giấy tờ xuất nhập cảnh cho người nước ngoài tại Việt Nam - Sửa đổi, bổ sung mẫu giấy tờ quy định về Thông tin đề nghị cấp thị thực điện tử (NA1a). tải - Sửa đổi, bổ sung mẫu giấy tờ quy định về Đơn bảo lãnh cho thân nhân là người nước ngoài nhập cảnh (NA3). tải - Sửa đổi, bổ sung mẫu giấy tờ quy định về Tờ khai đề nghị cấp thị thực, gia hạn tạm trú (NA5). tải - Sửa đổi, bổ sung mẫu giấy tờ quy định về Đơn bảo lãnh cấp thẻ tạm trú (NA7). tải - Sửa đổi, bổ sung mẫu giấy tờ quy định về Giấy bảo lãnh cho người nước ngoài thường trú tại Việt Nam (NA11). tải - Sửa đổi, bổ sung mẫu giấy tờ quy định về Tờ khai cấp đổi, cấp lại thẻ thường trú (NA13). tải - Sửa đổi, bổ sung mẫu giấy tờ quy định về Đơn xin phép cho thân nhân vào khu vực cấm, khu vực biên giới (NA15). tải - Sửa đổi, bổ sung mẫu giấy tờ quy định về Công văn trả lời đề nghị cấp tài khoản điện tử (NB8). tải - Sửa đổi, bổ sung mẫu giấy tờ quy định về Thị thực rời (NC2). - Sửa đổi, bổ sung mẫu giấy tờ quy định về Thị thực điện tử (NC2a). tải Xem thêm Thông tư 22/2023/TT-BCA có hiệu lực từ ngày 15/8/2023.
05 loại giấy tờ cho phép công dân Việt Nam xuất cảnh từ ngày 15/8/2023
Ngày 24/6/2023 Quốc hội khóa XV, tại kỳ họp thứ 5 đã thông qua Luật Xuất nhập cảnh sửa đổi 2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019 và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014. (1) Từ ngày 15/8/2023 sẽ có thêm một loại giấy tờ xuất cảnh Cụ thể, bổ sung điểm đ khoản 1 Điều 6 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019 quy định giấy tờ xuất cảnh hiện nay của công dân bao gồm: - Giấy tờ khác theo quy định tại điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên (điểm mới). - Hộ chiếu ngoại giao. - Hộ chiếu công vụ. - Hộ chiếu phổ thông. - Giấy thông hành. (2) Bổ sung thêm thông tin trên giấy tờ xuất cảnh Sửa đổi khoản 3 Điều 6 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019 quy định thông tin trên giấy tờ xuất nhập cảnh bao gồm: - Ảnh chân dung. - Họ, chữ đệm và tên. - Giới tính. - Nơi sinh; ngày, tháng, năm sinh. - Quốc tịch. - Ký hiệu, số giấy tờ xuất nhập cảnh; cơ quan cấp; ngày, tháng, năm cấp; ngày, tháng, năm hết hạn. - Số định danh cá nhân hoặc số chứng minh nhân dân. - Chức vụ, chức danh đối với hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ phù hợp với yêu cầu đối ngoại. - Thông tin khác do Chính phủ quy định (điểm mới). Theo đó, thông tin khác do Chính phủ quy định thêm hoặc cắt giảm đi theo từng thời kỳ để phù hợp với quy định của các nước mà công dân Việt Nam nhập cảnh hoặc theo Điều ước, thông lệ quốc tế mà Việt Nam là thành viên. (3) Hướng dẫn khai báo tạm trú đối với đồn biên phòng khi có người nước ngoài Sửa đổi Điều 30 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014 quy định thực hiện khai báo tạm trú cho người nước ngoài như sau: - Người nước ngoài tạm trú tại Việt Nam phải thông qua người trực tiếp quản lý, điều hành hoạt động của cơ sở lưu trú để khai báo tạm trú với Công an xã, phường, thị trấn hoặc đồn, trạm Công an nơi có cơ sở lưu trú. Cơ sở lưu trú có trách nhiệm yêu cầu người nước ngoài xuất trình hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế, giấy tờ liên quan đến cư trú tại Việt Nam để thực hiện khai báo tạm trú trước khi đồng ý cho người nước ngoài tạm trú. Trường hợp đồn, trạm Biên phòng tiếp nhận khai báo tạm trú của người nước ngoài theo quy định của điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên thì đồn, trạm Biên phòng có trách nhiệm thông báo ngay cho Công an xã, phường, thị trấn hoặc đồn, trạm Công an nơi người nước ngoài tạm trú. - Việc khai báo tạm trú cho người nước ngoài thực hiện qua môi trường điện tử hoặc phiếu khai báo tạm trú. Trường hợp khai báo qua phiếu khai báo tạm trú, người trực tiếp quản lý, điều hành hoạt động của cơ sở lưu trú có trách nhiệm ghi đầy đủ thông tin vào phiếu khai báo tạm trú và chuyển đến Công an xã, phường, thị trấn hoặc đồn, trạm Công an nơi có cơ sở lưu trú trong thời hạn 12 giờ, đối với địa bàn vùng sâu, vùng xa trong thời hạn 24 giờ kể từ khi người nước ngoài đến cơ sở lưu trú. - Người nước ngoài thay đổi nơi tạm trú hoặc tạm trú ngoài địa chỉ ghi trong thẻ thường trú hoặc khi có sự thay đổi thông tin trong hộ chiếu phải khai báo tạm trú theo quy định tại khoản 1 Điều 30 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014. Xem thêm Luật Xuất nhập cảnh sửa đổi 2023 có hiệu lực từ ngày 15/8/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019 và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014.
Bổ sung lối thông quan trở thành 1 loại cửa khẩu biên giới đất liền
Chính phủ ban hành Nghị định 34/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 112/2014/NĐ-CP quy định về quản lý cửa khẩu biên giới đất liền. Theo đó, theo quy định mới Chính phủ quy định lại loại hình cửa khẩu biên giới đất liền như sau: 03 loại hình chính cửa khẩu biên giới đất liền Sửa đổi Điều 4 Nghị định 112/2014/NĐ-CP quy định loại hình cửa khẩu biên giới; lối mở biên giới; lối thông quan, đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa thuộc cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính (cửa khẩu song phương) như sau: - Loại hình cửa khẩu biên giới + Cửa khẩu quốc tế được mở cho người, phương tiện của Việt Nam và nước ngoài xuất cảnh, nhập cảnh; hàng hóa, vật phẩm xuất khẩu, nhập khẩu; + Cửa khẩu chính (cửa khẩu song phương) được mở cho người, phương tiện Việt Nam và nước láng giềng xuất cảnh, nhập cảnh; hàng hóa, vật phẩm xuất khẩu, nhập khẩu; + Cửa khẩu phụ (cửa khẩu địa phương) được mở cho người, phương tiện Việt Nam và nước láng giềng thuộc tỉnh biên giới nơi có cửa khẩu xuất cảnh, nhập cảnh; hàng hóa, vật phẩm xuất khẩu, nhập khẩu. - Lối mở biên giới (đường qua lại chợ biên giới, cặp chợ biên giới; điểm thông quan hàng hóa biên giới; đường qua lại tạm thời) được mở cho cư dân biên giới hai bên, phương tiện, hàng hóa, vật phẩm của cư dân biên giới hai bên và phương tiện, hàng hóa của thương nhân qua lại theo quy định tại Nghị định 14/2018/NĐ-CP quy định chi tiết về hoạt động thương mại biên giới; hoặc được mở trong trường hợp bất khả kháng hay yêu cầu đặc biệt của hai bên biên giới. - Lối thông quan, đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa thuộc cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính (cửa khẩu song phương) được mở để xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa, vật phẩm hoặc cho các trường hợp qua lại biên giới khác theo thỏa thuận giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước láng giềng có chung cửa khẩu. Ngoài ra, các loại hình cửa khẩu; lối mở biên giới; lối thông quan, đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa và đối tượng xuất cảnh, nhập cảnh, xuất khẩu, nhập khẩu qua từng loại hình cửa khẩu biên giới; lối mở biên giới; lối thông quan, đường chuyên dụng vận tải hàng hóa được thực hiện trên từng tuyến biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc, Việt Nam - Lào, Việt Nam - Campuchia theo quy định của các điều ước, thỏa thuận giữa Việt Nam với nước láng giềng. (So với quy định hiện hành, Nghị định 34/2023/NĐ-CP chỉ còn quy định 03 loại hình cửa khẩu biên giới đất liền, bên cạnh đó đưa lối mở biên giới và lối thông quan thành các loại cửa khẩu biên giới khác). Chính phủ quyết định phạm vi khu vực cửa khẩu quốc tế Sửa đổi Điều 12 Nghị định 112/2014/NĐ-CP thẩm quyền xác định phạm vi khu vực cửa khẩu; lối mở biên giới; lối thông quan, đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa và quy hoạch xây dựng khu vực cửa khẩu, lối mở biên giới. - Chính phủ quyết định phê duyệt phạm vi khu vực cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính (cửa khẩu song phương); lối thông quan, đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa. - Ủy ban nhân dân tỉnh biên giới + Quyết định phê duyệt phạm vi khu vực cửa khẩu phụ (cửa khẩu địa phương), lối mở biên giới. + Chủ trì, phối hợp với các Bộ: Quốc phòng, Công an, Ngoại giao, Tài chính, Công Thương, Y tế, TN&MT, NN&PTNT, Xây dựng xác định phạm vi khu vực cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính (cửa khẩu song phương); lối thông quan, đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa và báo cáo Chính phủ quyết định. + Chủ trì, phối hợp với các Bộ: Quốc phòng, Công an, Ngoại giao, Tài chính, Công Thương, Xây dựng, GTVT, KH&ĐT, TN&MT để lập, thẩm định quy hoạch xây dựng khu vực cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. + Lập, thẩm định, phê duyệt đối với quy hoạch phân khu xây dựng và quy hoạch chi tiết xây dựng tại khu vực cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính . + Lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch xây dựng khu vực cửa khẩu phụ (cửa khẩu địa phương), lối mở biên giới. - Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ngành của tỉnh, gồm: Bộ Chỉ huy Quân sự, Công an, Ngoại vụ, Công Thương, Y tế, Hải quan, NN&PTNT, KH&ĐT, Xây dựng, Tài chính, GTVT, TN&MT và UBND cấp huyện có cửa khẩu phụ (cửa khẩu địa phương), lối mở biên giới xác định phạm vi khu vực cửa khẩu phụ (cửa khẩu địa phương), lối mở biên giới và báo cáo UBND tỉnh quyết định. (Quy định mới bổ sung thẩm quyền của Chính phủ trong việc quyết định phê duyệt phạm vi khu vực cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính; lối thông quan, đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa). Chi tiết Nghị định 34/2023/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 31/7/2023 sửa đổi Nghị định 112/2014/NĐ-CP.
BCA đề xuất 10 mẫu giấy tờ sửa đổi về xuất nhập cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam
Ngày 25/5/2023, Bộ Công an lấy ý kiến Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư quy định mẫu giấy tờ liên quan đến việc nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Theo đó, sửa đổi, bổ sung một số biểu mẫu ban hành kèm theo Thông tư quy định mẫu giấy tờ liên quan đến việc nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam như sau: Xem và tải Dự thảo https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2023/05/26/D%E1%BB%B1%20th%E1%BA%A3o%20Th%C3%B4ng%20t%C6%B0%20s%E1%BB%ADa%20%C4%91%E1%BB%95i%20b%E1%BB%95%20sung%20th%C3%B4ng%20t%C6%B0%20v%E1%BB%81%20bi%E1%BB%83u%20m%E1%BA%ABu.doc - Sửa đổi, bổ sung biểu mẫu NA1a quy định về mẫu Thông tin đề nghị cấp thị thực điện tử. Xem và tải biểu mẫu NA1a https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2023/05/26/NA1a.docx - Sửa đổi biểu mẫu NA3 quy định về Đơn bảo lãnh cho thân nhân là người nước ngoài nhập cảnh. Xem và tải biểu mẫu NA3 https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2023/05/26/NA3.doc - Sửa đổi biểu mẫu NA5 quy định về Tờ khai đề nghị cấp thị thực, gia hạn tạm trú. Xem và tải biểu mẫu NA5 https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2023/05/26/NA5.doc - Sửa đổi biểu mẫu NA7 quy định về Đơn bảo lãnh cấp thẻ tạm trú. Xem và tải biểu mẫu NA7 https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2023/05/26/NA7.doc - Sửa đổi biểu mẫu NA11 quy định về Giấy bảo lãnh cho người nước ngoài thường trú tại Việt Nam. Xem và tải biểu mẫu NA11 https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2023/05/26/NA11.doc - Sửa đổi biểu mẫu NA13 quy định Tờ khai cấp đổi, cấp lại thẻ thường trú. Xem và tải biểu mẫu NA13 https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2023/05/26/NA13.doc - Sửa đổi biểu mẫu NA15 quy định về Đơn xin phép cho thân nhân vào khu vực cấm, khu vực biên giới. Xem và tải biểu mẫu NA15 https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2023/05/26/NA15.doc - Sửa đổi, bổ sung biểu mẫu NB8 quy định về mẫu Công văn trả lời đề nghị cấp tài khoản điện tử. Xem và tải biểu mẫu NB8 https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2023/05/26/NB8.doc - Sửa đổi, bổ sung biểu mẫu NC2 quy định về thị thực rời. Lưu ý: Thị thực rời được cấp trước khi Dự thảo Thông tư này có hiệu lực được sử dụng nhập xuất cảnh Việt Nam đến khi hết thời hạn của thị thực. Xem và tải biểu mẫu NC2 https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2023/05/26/NC2.docx - Sửa đổi, bổ sung biểu mẫu NC2a quy định về thị thực điện tử. Lưu ý: Thị thực điện tử được cấp trước khi Dự thảo Thông tư có hiệu lực được sử dụng nhập xuất cảnh Việt Nam đến khi hết thời hạn của thị thực. Xem và tải biểu mẫu NC2a https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2023/05/26/NC2a.doc Dự thảo Thông tư lấy ý kiến từ 25/5 - 25/7/2023. Xem và tải Dự thảo https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2023/05/26/D%E1%BB%B1%20th%E1%BA%A3o%20Th%C3%B4ng%20t%C6%B0%20s%E1%BB%ADa%20%C4%91%E1%BB%95i%20b%E1%BB%95%20sung%20th%C3%B4ng%20t%C6%B0%20v%E1%BB%81%20bi%E1%BB%83u%20m%E1%BA%ABu.doc
Chi nhánh có được thuê người lao động nước ngoài vào Việt Nam để công tác
Giám đốc chi nhánh có được ký hợp đồng lao động với chuyên gia nước ngoài không? Khi được Tổng giám độc ủy quyền thì Giám đốc chi nhánh có được ký hồ sơ liên quan đến nhập cảnh cho những người lao động này không? Giám đốc chi nhánh có được ký hợp đồng lao động với chuyên gia nước ngoài không? Căn cứ Điều 19 Luật Thương mại 2005 quy định về Quyền của Chi nhánh bao gồm: - Thuê trụ sở, thuê, mua các phương tiện, vật dụng cần thiết cho hoạt động của Chi nhánh. - Tuyển dụng lao động là người Việt Nam, người nước ngoài để làm việc tại Chi nhánh theo quy định của pháp luật Việt Nam. - Giao kết hợp đồng tại Việt Nam phù hợp với nội dung hoạt động được quy định trong giấy phép thành lập Chi nhánh và theo quy định của Luật này. - Mở tài khoản bằng đồng Việt Nam, bằng ngoại tệ tại ngân hàng được phép hoạt động tại Việt Nam. - Chuyển lợi nhuận ra nước ngoài theo quy định của pháp luật Việt Nam. - Có con dấu mang tên Chi nhánh theo quy định của pháp luật Việt Nam. - Thực hiện các hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động thương mại khác phù hợp với giấy phép thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. - Các quyền khác theo quy định của pháp luật. Như vậy, trong các quyền trên thì Chi nhánh có quyền tuyển dụng lao động là người nước ngoài để làm việc tại Chi nhánh. Giám đốc Chi nhánh có được quyền ký hồ sơ giấy tờ bảo lãnh người lao động nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam không? Theo khoản 1 Điều 14 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014 quy định thì Cơ quan, tổ chức, cá nhân mời, bảo lãnh người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam theo quy định tại khoản 2 Điều 10 của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014, bao gồm: - Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ; - Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước; Bộ trưởng và tương đương; Bí thư tỉnh ủy, Bí thư thành ủy, Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; - Các ban, cơ quan, đơn vị trực thuộc trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước, bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; - Tỉnh ủy, thành ủy, HĐND, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; - Cơ quan trung ương của tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; - Doanh nghiệp được thành lập theo pháp luật Việt Nam; - Cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện tổ chức quốc tế thuộc Liên hợp quốc, tổ chức liên chính phủ tại Việt Nam; - Văn phòng đại diện, chi nhánh của thương nhân nước ngoài; văn phòng đại diện tổ chức kinh tế, văn hóa và tổ chức chuyên môn khác của nước ngoài tại Việt Nam; - Tổ chức khác có tư cách pháp nhân theo quy định của pháp luật Việt Nam; - Công dân Việt Nam thường trú ở trong nước, người nước ngoài có thẻ thường trú hoặc thẻ tạm trú. Như vậy, theo quy định thì Doanh nghiệp được thành lập theo pháp luật Việt Nam và Văn phòng đại diện, chi nhánh của thương nhân nước ngoài; văn phòng đại diện tổ chức kinh tế, văn hóa và tổ chức chuyên môn khác của nước ngoài tại Việt Nam mới được quyền mời, bảo lãnh người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam. Chi nhánh của doanh nghiệp Việt Nam thì không có tư cách pháp nhân cũng như không thuộc các trường hợp bên trên. Do đó, Giám đốc Chi nhánh không có được quyền ký hồ sơ giấy tờ bảo lãnh người lao động nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam. Mặt khác, căn cứ khoản 1 Điều 44 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về Chi nhánh, văn phòng đại diện và địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp thì Chi nhánh là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, có nhiệm vụ thực hiện toàn bộ hoặc một phần chức năng của doanh nghiệp, bao gồm cả chức năng đại diện theo ủy quyền. Ngành, nghề kinh doanh của chi nhánh phải đúng với ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp. Như vậy, chi nhánh là một phần của doanh nghiệp có nhiệm vụ thực hiện toàn bộ hoặc một phần chức năng của doanh nghiệp, bao gồm cả chức năng đại diện theo ủy quyền. Đồng thời, theo Điều 84 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về Chi nhánh, văn phòng đại diện của pháp nhân như sau: - Chi nhánh, văn phòng đại diện là đơn vị phụ thuộc của pháp nhân, không phải là pháp nhân. - Chi nhánh có nhiệm vụ thực hiện toàn bộ hoặc một phần chức năng của pháp nhân. - Văn phòng đại diện có nhiệm vụ đại diện trong phạm vi do pháp nhân giao, bảo vệ lợi ích của pháp nhân. - Việc thành lập, chấm dứt chi nhánh, văn phòng đại diện của pháp nhân phải được đăng ký theo quy định của pháp luật và công bố công khai. - Người đứng đầu chi nhánh, văn phòng đại diện thực hiện nhiệm vụ theo ủy quyền của pháp nhân trong phạm vi và thời hạn được ủy quyền. - Pháp nhân có quyền, nghĩa vụ dân sự phát sinh từ giao dịch dân sự do chi nhánh, văn phòng đại diện xác lập, thực hiện Như vậy, Người đứng đầu chi nhánh có thể thực hiện nhiệm vụ theo ủy quyền của pháp nhân trong phạm vi và thời hạn được ủy quyền, do đó, để được ký hồ sơ, hoàn tất thủ tục mời, bảo lãnh cho người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam thì người đại diện theo pháp luật của công ty có thể lập văn bản ủy quyền cho Giám đốc Chi nhánh làm đại diện theo ủy quyền của công ty, nhân danh công ty ký hồ sơ liên quan.
Công dân Việt Nam dưới 14 tuổi có quyền và nghĩa vụ như thế nào về xuất nhập cảnh
Có thể thấy thì trẻ em dưới 14 tuổi đi du lịch nước ngoài rất nhiều, một câu hỏi đặt ra là công dân Việt Nam dưới 14 tuổi xuất nhập cảnh có quyền và nghĩa vụ như thế nào? Vì vậy, bài viết sau đây sẽ cung cấp một số thông tin liên quan đến vấn đề này. Công dân Việt Nam dưới 14 tuổi xuất nhập cảnh có quyền và nghĩa vụ như thế nào? Theo Điều 5 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019, thì Công dân Việt Nam dưới 14 tuổi xuất nhập cảnh có quyền và nghĩa vụ sau: - Công dân Việt Nam có các quyền sau đây: + Được cấp giấy tờ xuất nhập cảnh theo quy định của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019; + Người từ đủ 14 tuổi trở lên có quyền lựa chọn cấp hộ chiếu có gắn chíp điện tử hoặc hộ chiếu không gắn chíp điện tử; + Được xuất cảnh, nhập cảnh theo quy định của Luật Xuất nhập, cảnh của công dân Việt Nam 2019; + Được bảo đảm bí mật cá nhân, bí mật gia đình trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, trừ trường hợp phải cung cấp thông tin, tài liệu theo quy định của pháp luật; + Yêu cầu cung cấp thông tin về xuất cảnh, nhập cảnh của mình; yêu cầu cập nhật, chỉnh sửa thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, giấy tờ xuất nhập cảnh của mình để bảo đảm đầy đủ, chính xác; + Sử dụng hộ chiếu của mình để thực hiện giao dịch hoặc thủ tục khác theo quy định của pháp luật; + Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện, yêu cầu bồi thường theo quy định của pháp luật. - Công dân Việt Nam có các nghĩa vụ sau đây: + Chấp hành quy định của pháp luật Việt Nam về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và pháp luật của nước đến khi ra nước ngoài; + Thực hiện thủ tục đề nghị cấp giấy tờ xuất nhập cảnh, gia hạn hộ chiếu, khôi phục giá trị sử dụng hộ chiếu theo quy định của Luật này; + Sử dụng giấy tờ xuất nhập cảnh do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp để xuất cảnh, nhập cảnh; + Chấp hành yêu cầu của cơ quan, người có thẩm quyền trong việc kiểm tra người, hành lý, giấy tờ xuất nhập cảnh khi làm thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh; + Nộp lệ phí cấp giấy tờ xuất nhập cảnh theo quy định của pháp luật. - Người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi theo quy định của Bộ luật Dân sự, người chưa đủ 14 tuổi thông qua người đại diện hợp pháp của mình thực hiện quyền và nghĩa vụ theo quy định của Luật này. Công dân Việt Nam dưới 14 tuổi có quyền và nghĩa vụ như thế nào về xuất nhập cảnh Công dân Việt Nam dưới 14 tuổi phải đáp ứng điều kiện nào để được xuất cảnh? Theo Điều 33 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019, thì công dân Việt Nam dưới 14 tuổi xuất nhập cảnh phải đáp ứng những điều kiện sau: - Công dân Việt Nam được xuất cảnh khi có đủ các điều kiện sau đây: + Có giấy tờ xuất nhập cảnh còn nguyên vẹn, còn thời hạn sử dụng; đối với hộ chiếu phải còn hạn sử dụng từ đủ 6 tháng trở lên; + Có thị thực hoặc giấy tờ xác nhận, chứng minh được nước đến cho nhập cảnh, trừ trường hợp được miễn thị thực; + Không thuộc trường hợp bị cấm xuất cảnh, không được xuất cảnh, bị tạm hoãn xuất cảnh theo quy định của pháp luật. - Người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi theo quy định của Bộ luật Dân sự, người chưa đủ 14 tuổi ngoài các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này phải có người đại diện hợp pháp đi cùng. Công dân Việt Nam dưới 14 tuổi phải đáp ứng điều kiện nào để nhập cảnh? Theo Điều 34 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019, thì công dân Việt Nam dưới 14 tuổi phải đáp ứng điều sau để nhập cảnh vào Việt Nam Công dân Việt Nam được nhập cảnh khi có giấy tờ xuất nhập cảnh còn nguyên vẹn, còn thời hạn sử dụng.
Dẫn khách du lịch "chui" từ nước khác sang Việt Nam bị xử lý thế nào?
Trước thềm Tết Nguyên đán, các tội phạm diễn ra phức tạp và khó kiểm soát hơn. Cụ thể là tình hình vượt biên của một số đối tượng vượt biên từ nước khác sang Việt Nam hoặc thậm chí là tổ chức cho nhiều người khác vượt biên trái phép với mục đích kiếm lợi về việc dẫn du khách du lịch “chui”. Vậy hành vi này sẽ bị xử lý như thế nào? Vượt biên trái phép là hành vi trái pháp luật khi một người di chuyển qua lại giữa các quốc gia mà không làm các thủ tục về quản lý xuất nhập cảnh và xin ý kiến đồng ý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc làm giả giấy tờ để qua mắt các cơ quan kiểm tra. Việc xuất cảnh trái phép như vậy gây rất nhiều rủi ro cho an ninh Quốc gia của nơi đến và đi, làm ảnh hưởng đến sự quản lý của các cơ quan có thẩm quyền, đặc biệt là ở đợt dịch Covid vừa qua khiến tình trạng bệnh dịch lây lan rất nhiều. Ở Việt Nam, hành vi này thường hay diễn ra ở những nơi rậm rạp, khó kiểm soát tại ranh giới giữa Việt Nam với Trung Quốc, Lào, Campuchia, Thái Lan bởi ranh giới giữa các nước này là trên đường bộ, nên hành vi này diễn ra thường xuyên hơn. Xử phạt vi phạm hành chính Căn cứ theo Điều 18 Nghị định 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 quy định như sau: - Hành vi qua lại biên giới quốc gia mà không làm thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh theo quy định của pháp luật bị phạt tiền từ 03-05 triệu đồng. - Hành vi sử dụng hộ chiếu giả, giấy thông hành giả, giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế; giấy tờ cấp cho người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú tại Việt Nam giả hoặc thẻ ABTC giả bị phạt tiền từ 05-10 triệu đồng. - Hành vi giả mạo hồ sơ, giấy tờ để được cấp hộ chiếu; giấy thông hành, giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế; giấy tờ cấp cho người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú tại Việt Nam hoặc thẻ ABTC sẽ bị phạt tiền từ 15-20 triệu đồng; - Hành vi làm giả hộ chiếu, giấy thông hành, giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế; giấy tờ cấp cho người nước ngoài nhập cảnh, cư trú tại Việt Nam hoặc thẻ ABTC sẽ bị phạt tiền từ 30-40 triệu đồng. Ngoài các hình phạt tiền nêu trên, đối với việc thực hiện hành vi tại điểm a khoản 4 và điểm a khoản 7, người thực hiện hành vi vi phạm còn bị tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. Vượt biên trái phép có bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay không? Theo quy định tại Điều 347 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về Tội vi phạm quy định về xuất cảnh, nhập cảnh; tội ở lại Việt Nam trái phép, cụ thể: Người nào xuất cảnh, nhập cảnh trái phép hoặc ở lại Việt Nam trái phép, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 05-50 triệu đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Ngoài ra, đối với hành vi Tổ chức cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh trái phép cũng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép tại Điều 348 Bộ luật Hình sự 2015, quy định: Người nào vì vụ lợi mà tổ chức hoặc môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép, thì bị phạt từ từ 01-05 năm. Mức phạt cao nhất đối với hành vi này lên đến 10 năm tù. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10-50 triệu đồng hoặc cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Hướng dẫn phạm vi xuất nhập cảnh tại cửa khẩu hàng không
Ngày 07/11/2022, Chính phủ ban hành Nghị định 93/2022/NĐ-CP về quản lý, bảo đảm an ninh, trật tự tại cửa khẩu đường hàng không. Theo đó, phạm vi khu vực cửa khẩu đường hàng không bao gồm các khu vực thực hiện việc xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh của người, phương tiện, xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh của hàng hóa, có ranh giới rõ ràng, được đặt biển báo theo quy định, bao gồm: (1) Khu vực nhà ga hành khách: khu vực thực hiện thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh của người, phương tiện vận tải; khu vực thực hiện thủ tục hải quan; khu vực đảo hành lý; khu vực kho lưu giữ hàng hóa, hành lý ký gửi, hành lý thất lạc. (2) Khu vực nhà ga hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh; kho hàng hóa xuất khẩu; kho hàng hóa nhập khẩu. (3) Khu vực sân đỗ tàu bay: khu vực tàu bay xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh; khu vực xếp dỡ, chuyển tải, khu vực bãi chứa hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh. (4) Khu vực khác liên quan: Hoạt động xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh của người; xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa, phương tiện vận tải trong trường hợp chuyến bay quốc tế được cấp phép đến địa điểm không phải cảng hàng không. Bên cạnh đó, phạm vi khu vực cách ly xuất nhập cảnh nằm trong khu vực cửa khẩu đường hàng không được tính từ bục kiểm soát xuất cảnh đến cửa tàu bay và từ cửa tàu bay đến bục kiểm soát nhập cảnh. Trường hợp tàu bay đỗ tại sân đỗ, không gian phía trong phương tiện vận chuyển hành khách từ cửa khởi hành đến cửa lên tàu bay xuất cảnh và từ cửa xuống tàu bay nhập cảnh đến cửa vào khu vực làm thủ tục nhập cảnh được coi là khu vực cách ly xuất nhập cảnh. Đối với dòng lưu chuyển hành khách, hàng hóa, hành lý của hành khách tại cửa khẩu đường hàng không được thực hiện như sau: * Dòng lưu chuyển hành khách: Đối với hành khách nhập cảnh, hành khách khi xuống tàu bay thực hiện lần lượt theo trình tự thủ tục: - Kiểm dịch y tế. - Kiểm dịch động vật. - Thực vật mang theo (nếu có). - Thủ tục kiểm soát nhập cảnh. - Thủ tục hải quan. Đối với hành khách xuất cảnh, hành khách thực hiện lần lượt theo trình tự: - Thủ tục hàng không. - Thủ tục kiểm soát xuất cảnh. - Thủ tục hải quan. - Soi chiếu an ninh hàng không. Đối với hành khách quá cảnh, hành khách khi xuống tàu bay thực hiện lần lượt theo trình tự: - Thủ tục kiểm dịch. - Kiểm tra soi chiếu an ninh hàng không. Lưu ý: Trong thời điểm xảy ra dịch bệnh, dòng lưu chuyển hành khách có thể được điều chỉnh theo các quy định phòng, chống bệnh truyền nhiễm của Bộ Y tế. * Dòng lưu chuyển hàng hóa, hành lý của hành khách: Đối với hàng hóa nhập khẩu, hành lý của hành khách nhập cảnh không đi cùng hành khách khi xuống tàu bay, thực hiện lần lượt theo trình tự: - Thủ tục kiểm dịch (y tế, động vật, thực vật). - Thủ tục hải quan. Đối với hàng hóa xuất khẩu, hành lý của hành khách xuất cảnh không đi cùng hành khách, thực hiện lần lượt theo trình tự: - Thủ tục kiểm dịch (y tế, động vật, thực vật). - Thủ tục hải quan và soi chiếu an ninh hàng không. Xem thêm Nghị định 93/2022/NĐ-CP có hiệu lực ngày 22/12/2022.
Nhập điện thoại “xách tay” để bán có bị xử phạt?
Điện thoại “xách tay” hay hàng 99% là những cụm từ để miêu tả điện thoại phải mua từ một bên trung gian nhập khẩu từ nước ngoài với giá rẻ hơn hàng chính hãng thị trường trong nước. Thời gian vừa qua thương hiệu điện thoại Iphone 14 của hãng Apple vừa ra mắt với mức giá như thường lệ vẫn đắt đỏ và phải chờ đợi chính hãng tại Việt Nam rất lâu. Qua đó, nhiều người lựa chọn mua xách tay từ nước ngoài về với mức giá hợp lý và nhanh chóng. Vậy, hành vi bán điện thoại “xách tay” có bị xử phạt? Kiểm tra hải quan trước khi nhập cảnh Trước khi nhập cảnh vào Việt Nam thì người từ nước ngoài trở về phải được kiểm tra thủ tục hải quan nhằm đảm bảo các quy định về nhập cảnh tránh việc người này sẽ trốn thuế. Căn cứ Điều 54 Luật hải quan 2014 về việc kiểm tra, giám sát hải quan đối với hành lý của người xuất cảnh, nhập cảnh được thực hiện như sau: (1) Hành lý của người xuất cảnh, nhập cảnh phải chịu sự kiểm tra, giám sát hải quan tại cửa khẩu. (2) Hành lý của người xuất cảnh, nhập cảnh vượt định mức miễn thuế phải làm thủ tục hải quan như đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Người xuất cảnh, nhập cảnh có thể gửi hành lý vào kho tại cửa khẩu và được nhận lại khi nhập cảnh, xuất cảnh. (3) Tiêu chuẩn hành lý, định mức hành lý được miễn thuế thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế. Theo mục (2) thì hành lý của người xuất cảnh, nhập cảnh sẽ được miễn thuế theo điểm d khoản 1 Điều 6 Nghị định 134/2016/NĐ-CP như sau: Người nhập cảnh bằng hộ chiếu hoặc giấy tờ thay hộ chiếu, do cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam hoặc của nước ngoài cấp, có hành lý mang theo người, hành lý gửi trước hoặc gửi sau chuyến đi được miễn thuế nhập khẩu cho các vật phẩm khác ngoài hàng hóa quy định tại các điểm a, b, và c khoản 1 Điều 6 Nghị định 134/2016/NĐ-CP (không nằm trong Danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu, tạm ngừng nhập khẩu hoặc nhập khẩu có điều kiện) có tổng trị giá hải quan không quá 10 triệu đồng Việt Nam. Trường hợp vượt định mức phải nộp thuế, người nhập cảnh được chọn vật phẩm để miễn thuế trong trường hợp hành lý mang theo gồm nhiều vật phẩm. Như vậy, căn cứ các quy định trên tổng hàng hóa mang theo phải dưới 10 triệu đồng mới được miễn thuế nhập khẩu, tuy nhiên đối với các dòng Iphone mới thì đa phần đều có mức giá cao hơn 10 triệu đồng vì thế phải làm thủ tục kê khai hàng hóa nhập khẩu. Khi nào được xem là hành vi nhập lậu hàng hóa Trong trường hợp, nếu người nhập khẩu bán điện thoại xách tay mà không có chứng từ nhập khẩu, không thông qua kê khai hải quan theo quy định của pháp luật thì được coi là hành vi buôn lậu trái pháp luật. Theo đó, tại c khoản 6 Điều 3 Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định về hàng hóa nhập lậu như sau: Hàng hóa nhập khẩu không đi qua cửa khẩu quy định, không làm thủ tục hải quan theo quy định của pháp luật hoặc gian lận số lượng, chủng loại hàng hóa khi làm thủ tục hải quan. Trường hợp mà người từ nước ngoài trở về cố tình không khai hoặc khai gian số lượng điện thoại Iphone đem bán thì được xem là hành vi buôn lậu. Xử phạt hành vi nhập lậu điện thoại xách tay Người nhập lậu là cá nhân có hành vi cố ý vận chuyển hàng hóa, tàng trữ hàng hóa nhập lậu hoặc cố ý giao nhận hàng hóa nhập lậu tùy theo mức tiền vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính theo Điều 15 Nghị định 98/2020/NĐ-CP như sau: Phạt tiền từ 500 nghìn đồng - 1 triệu đồng đối với hàng hóa có trị giá dưới 3 triệu đồng; Phạt tiền từ 1 triệu - 2 triệu đồng đối với hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 3 triệu - dưới 5 triệu đồng; Phạt tiền từ 2 triệu - 4 triệu đồng đối với hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 5 triệu - dưới 10 triệu đồng; Phạt tiền từ 4 triệu - 6 triệu đồng đối với hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 10 triệu - dưới 20 triệu đồng; Phạt tiền từ 6 triệu - 10 triệu đồng đối với hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 20 triệu - dưới 30 triệu đồng; Phạt tiền từ 10 triệu - 20 triệu đồng đối với hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 30 triệu - dưới 50 triệu đồng; Phạt tiền từ 20 triệu - 30 triệu đồng đối với hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 50 triệu - dưới 70 triệu đồng; Phạt tiền từ 30 triệu - 40 triệu đồng đối với hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 70.000 triệu - dưới 100 triệu đồng; Phạt tiền từ 40 triệu - 50 triệu đồng đối với hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên. Lưu ý: đối với tổ chức có hành vi vi phạm tương tự thì mức phạt gấp 02 lần so với cá nhân. Ngoài ra, trường hợp phát hiện hành vi vi phạm còn bị tịch thu các hàng hóa vi phạm quy định thủ tục kê khai nhập khẩu. Truy cứu hình sự tội buôn lậu điện thoại xách tay Căn cứ Điều 188 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi năm 2017) quy định Người nào buôn bán qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại trái pháp luật. (1) Hàng hóa trị giá từ 100 triệu đồng - dưới 300 triệu đồng hoặc dưới 100 triệu đồng nhưng tái phạm mà chưa được xóa án tích thì bị phạt tiền từ 50 triệu - 300 triệu đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng - 03 năm. (2) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 300 triệu - 1.5 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 03 năm - 07 năm: (3) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 1.5 tỷ - 5 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 7 năm - 15 năm: - Vật phạm pháp trị giá từ 500 triệu - dưới 1 tỷ đồng. - Thu lợi bất chính từ 500 triệu - dưới 1 tỷ đồng. (4) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm - 20 năm: - Vật phạm pháp trị giá 1 tỷ đồng trở lên. - Thu lợi bất chính 1 tỷ đồng trở lên. Khi phạm tội có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp; giá trị hàng hóa từ 300 triệu - dưới 500 triệu đồng hoặc phạm tội 02 lần trở lên. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 triệu - 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 - 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Như vậy, trường hợp bán người từ nước ngoài trở về mà có mang theo điện thoại xách tay để tặng cho hay bán lại đều phải kê khai và làm thủ tục hải quan nếu số hàng hóa hay điện thoại có giá trị vượt quá tổng giá trị được miễn thuế. Trường hợp có xảy ra sai phạm thì có thể bị xử phạt hành chính lên đến 100 triệu đồng, thậm chí là truy cứu trách nhiệm hình sự đối với cá nhân từ 12 - 20 năm tù giam.
Tàu của tôi có thể làm thủ tục nhập cảnh trong điều kiện này không?
Tôi có một thắc mắc muốn trình bày với quý cơ quan như sau: Tôi hiện tại đang làm đại lý , khi tàu vào cảng chúng tôi sẽ làm thủ tục xuất nhập cảnh cho tàu. Khi làm thủ tục cho tàu, các đồng chi Biên Phòng có kiểm tra hộ chiếu của thuyền viên và phát hiện hạn hộ chiếu của thuyền viên dưới 6 tháng ( thuyền viên nước ngoài). Theo như cá nhân tôi tìm hiểu thì hạn hộ chiếu đối với người nhập cảnh phải có hạn ít nhất 6 tháng, tuy nhiên thuyền viên của chúng tôi không nhập cảnh vào Việt Nam mà chỉ đi trên tàu biển (tàu biển nhập cảnh vào việt nam). Vậy kính mong quý cơ quan hỗ trợ giải đáp,
Chứa chấp người nhập cảnh trái phép vào Việt Nam và chế tài xử lý
Có thể thấy trước đây thời điểm dịch bệnh trên thế giới và trong nước bùng phát lớn một số đối tượng vì lợi ích kinh tế cá nhân đã đưa người nhập cảnh trái phép vào Việt Nam hoặc giúp đỡ, chứa chấp, che giấu, tạo điều kiện cho người khác vào Việt Nam, ở lại Việt Nam trái phép. Tuy nhiên, vấn đề về người nhập cảnh trái phép vào Việt Nam tại thời điểm đó phần lớn lý do về ảnh hưởng của dịch bệnh, phía người bên Việt Nam có những đối tượng lợi dụng tình hình đó để chưa chấp những đối tượng này nhập cảnh trái phép qua các con đường mòn, thậm chí là qua cửa khẩu. Vậy, dưới góc độ pháp luật thì hành vi này sẽ xử lý như thế nào. Tại Khoản 7 và Khoản 8 Điều 18 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định vi phạm các quy định về xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, cư trú và đi lại như sau: … 7. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: a) Làm giả hộ chiếu, giấy thông hành, giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế; giấy tờ cấp cho người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú tại Việt Nam hoặc thẻ ABTC; b) Vào, ở lại đại sứ quán, lãnh sự quán, cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự hoặc trụ sở cơ quan, tổ chức quốc tế đóng tại Việt Nam mà không được phép của cơ quan, tổ chức đó; c) Người nước ngoài cư trú tại các khu vực cấm người nước ngoài cư trú; d) Chủ phương tiện, người quản lý phương tiện, người điều khiển các loại phương tiện vận chuyển người nhập cảnh, xuất cảnh Việt Nam trái phép; đ) Tổ chức, môi giới, giúp sức, xúi giục, chứa chấp, che giấu, tạo điều kiện cho người khác xuất cảnh, ở lại nước ngoài, nhập cảnh, ở lại Việt Nam hoặc qua lại biên giới quốc gia trái phép. e) Người nước ngoài không chấp hành quyết định buộc xuất cảnh Việt Nam của cơ quan có thẩm quyền, tiếp tục cư trú tại Việt Nam. 8. Hình thức xử phạt bổ sung: a) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại điểm b, c, d khoản 3; điểm a khoản 4; điểm a khoản 5; điểm c khoản 6; điểm a, d khoản 7 Điều này; b) Trục xuất người nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6 và 7 Điều này. Theo Khoản 2 Điều 4 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định mức phạt tiền: 2. Mức phạt tiền quy định tại Chương II Nghị định này là mức phạt được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân. Như vậy, khi chứa chấp người nhập cảnh trái phép vào Việt Nam sẽ bị phạt hành chính từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng. Ngoài ra còn trục xuất người đã nhập cảnh trái phép về lại nước. Căn cứ Điều 347 Bộ luật hình sự 2015 quy định tội vi phạm quy định về xuất cảnh, nhập cảnh; tội ở lại Việt Nam trái phép như sau: Người nào xuất cảnh, nhập cảnh trái phép hoặc ở lại Việt Nam trái phép, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Do đó, người nhập cảnh trái phép vào Việt Nam có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu như đã bị xử phạt hành chính nhưng lại vi phạm. Người có hành vi đấy có thể bị phạt tiền lên đến 50.000.000 đồng hoặc phạt tù lên đến 03 năm
Hành lý gửi trước/sau chuyến bay không vượt quá định mức miễn thuế có cần khai hải quan không?
Khi đi du lịch, nhiều người thường có thói quen gửi hành lý trước hoặc sau chuyến bay để thuận tiện hơn. Vậy, nếu hành lý của chúng ta không vượt quá định mức miễn thuế thì có cần phải làm thủ tục hải quan không? (1) Mức miễn thuế cho hành lý của người nhập cảnh là bao nhiêu? Theo quy định tại Điều 6 Nghị định 134/2016/NĐ-CP, người nhập cảnh bằng hộ chiếu hoặc giấy tờ thay hộ chiếu (trừ giấy thông hành dùng cho việc xuất cảnh, nhập cảnh), do cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam hoặc của nước ngoài cấp, có hành lý mang theo người, hành lý gửi trước hoặc gửi sau chuyến đi được miễn thuế nhập khẩu cho từng lần nhập cảnh theo định mức như sau: - Rượu từ 20 độ trở lên: 1,5 lít hoặc rượu dưới 20 độ: 2,0 lít hoặc đồ uống có cồn, bia: 3,0 lít. - Đối với rượu nguyên chai, bình, lọ, can (sau đây viết tắt là chai) có dung tích lớn hơn dung tích quy định nhưng không vượt quá 01 lít thì được miễn thuế cả chai. Trường hợp vượt quá 01 lít thì phần vượt định mức phải nộp thuế theo quy định của pháp luật; - Thuốc lá điếu: 200 điếu hoặc thuốc lá sợi: 250 gam hoặc xì gà: 20 điếu; - Đồ dùng cá nhân với số lượng, chủng loại phù hợp với mục đích chuyến đi; - Các vật phẩm khác ngoài hàng hóa quy định tại các điểm a, b, và c khoản này (không nằm trong Danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu, tạm ngừng nhập khẩu hoặc nhập khẩu có điều kiện) có tổng trị giá hải quan không quá 10.000.000 đồng Việt Nam; Ngoài ra, trong trường hợp vượt định mức phải nộp thuế, người nhập cảnh được chọn vật phẩm để miễn thuế trong trường hợp hành lý mang theo gồm nhiều vật phẩm. (2) Hành lý gửi trước/sau chuyến bay không vượt quá định mức miễn thuế có cần khai hải quan không? Liên quan đến vấn đề này, khoản 2 Điều 59 Nghị định 08/2015/NĐ-CP, được sửa đổi bổ sung tại khoản 30 Điều 1 Nghị định 59/2018/NĐ-CP quy định như sau: “Người xuất cảnh, nhập cảnh không phải khai hải quan nếu không có hành lý vượt định mức miễn thuế theo quy định của pháp luật về thuế, không có hành lý gửi trước hoặc gửi sau chuyến đi. Người xuất cảnh, nhập cảnh mang hàng hóa vượt định mức hành lý miễn thuế qua khu vực kiểm tra hải quan mà không khai hải quan đều coi là hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu bất hợp pháp và bị xử lý theo quy định của pháp luật. Khi khai hải quan, người khai hải quan không gộp chung định mức miễn thuế của nhiều người nhập cảnh để khai báo miễn thuế cho một người nhập cảnh, trừ hành lý của các cá nhân trong một gia đình mang theo trong cùng chuyến đi. Việc khai báo định mức miễn thuế tính theo từng lần nhập cảnh.” Chiếu theo quy định trên, người xuất cảnh, nhập cảnh không phải khai hải quan trong 02 trường hợp: - Không có hành lý vượt định mức miễn thuế - Không có hành lý gửi trước hoặc sau chuyến đi Như vậy, trường hợp có hành lý gửi trước/sau chuyến đi nhưng không vượt qua định mức miễn thuế vẫn thuộc trường hợp phải thực hiện thủ tục khai hải quan. Lưu ý, nếu không khai hải quan trong trường hợp này, số hàng hóa trong hành lý gửi trước/sau chuyến bay sẽ được xem là hàng hóa xuất/nhập khẩu bất hợp pháp và sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. (3) Hồ sơ hải quan đối với hành lý được gửi trước/sau chuyến bay của người nhập cảnh Theo quy định tại Điều 60 Nghị định 08/2015/NĐ-CP, hành lý của người nhập cảnh được gửi trước hoặc sau chuyến bay phải làm thủ tục hải quan theo quy định tại Mục 5 Chương IV Nghị định 08/2015/NĐ-CP. Hồ sơ hải quan trong trường hợp này được quy định bao gồm các thành phần như sau: - Tờ khai hải quan theo mẫu do Bộ Tài chính ban hành: 02 bản chính - Hộ chiếu hoặc giấy tờ thay thế hộ chiếu có dấu xác nhận của cơ quan xuất cảnh, nhập cảnh đối với người nhập cảnh: 01 bản chụp - Tờ khai xuất nhập cảnh có xác nhận của Chi cục Hải quan nơi làm thủ tục nhập cảnh đối với người nhập cảnh: 01 bản chính - Chứng từ vận tải trong trường hợp hành lý của người nhập cảnh gửi trước, gửi sau chuyến đi: 01 bản chụp Theo đó, để áp dụng chính sách quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, chính sách thuế theo quy định của pháp luật, cơ quan hải quan sẽ thực hiện kiểm tra thực tế hàng hóa trong hành lý của người nhập cảnh. Lưu ý, người nhập cảnh phải thực hiện thủ tục hải quan đối với hành lý gửi trước hoặc gửi sau chuyến đi trong thời hạn không quá 30 ngày, kể từ ngày hành lý về đến cửa khẩu
E-visa là gì, có thời hạn bao lâu? Thủ tục xin E-visa online mới nhất
E-visa là giấy tờ gì? Evisa có thời hạn bao lâu? Thủ tục xin E-visa online thực hiện như thế nào? Thông tin chi tiết qua bài viết sau đây. E-visa là gì, có thời hạn bao lâu? E-visa là gì? Theo khoản 11 Điều 3 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014, thị thực (visa) là loại giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp, cho phép người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam. Đồng thời, đây cũng là loại giấy tờ để công dân Việt nam có thể nhập cảnh vào các nước khác Hiện nay, pháp luật không có quy định về E-visa nhưng có thể hiểu E-visa (Electronic visa) là visa điện tử. Đây là hình thức mới nhất của visa. E-visa là một loại giấy tờ cho phép người sở hữu được nhập cảnh vào 1 quốc gia hay vùng lãnh thổ cụ thể với mục đích làm việc, du lịch, thăm người thân… trong khoảng thời gian nhất định. E-visa có thời hạn bao lâu? Theo Điều 9 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014, sửa đổi 2019, 2023 quy định thời hạn của visa (thị thực) là: - Thị thực ký hiệu SQ có thời hạn không quá 30 ngày. - Thị thực ký hiệu HN, DL, EV có thời hạn không quá 90 ngày. - Thị thực ký hiệu VR có thời hạn không quá 180 ngày. - Thị thực ký hiệu NG1, NG2, NG3, NG4, LV1, LV2, ĐT4, DN1, DN2, NN1, NN2, NN3, DH, PV1, PV2, TT có thời hạn không quá 01 năm. - Thị thực ký hiệu LĐ1, LĐ2 có thời hạn không quá 02 năm. - Thị thực ký hiệu ĐT3 có thời hạn không quá 03 năm. - Thị thực ký hiệu LS, ĐT1, ĐT2 có thời hạn không quá 05 năm. - Thị thực hết hạn, được xem xét cấp thị thực mới. - Thời hạn thị thực ngắn hơn thời hạn hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế ít nhất 30 ngày. - Trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác thì thời hạn thị thực cấp theo điều ước quốc tế. Như vậy, E-visa (thị thực điện tử) là một loại thị thực do Cục Quản lý xuất nhập cảnh cấp cho người nước ngoài qua hệ thống giao dịch điện tử. Thị thực điện tử Việt Nam có giá trị một lần hoặc nhiều lần, thời hạn không quá 90 ngày. Thủ tục xin E-visa online mới nhất Theo quy định của Cục Quản lý xuất nhập cảnh, hiện nay thủ tục xin E-visa online thực hiện như sau: Để được xin E-visa Việt Nam thì phải đáp ứng các điều kiện như: - Người nước ngoài đang ở nước ngoài; - Có hộ chiếu hợp lệ; - Không thuộc các trường hợp chưa cho nhập cảnh theo quy định tại Điều 21 Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Thủ tục xin E-visa online mới nhất: Bước 1: Truy cập vào link đăng ký https://evisa.xuatnhapcanh.gov.vn/web/guest/khai-thi-thuc-dien-tu/cap-thi-thuc-dien-tu Chọn mục Thị Thực điện tử, sau đó chọn Người nước ngoài để đi tiếp. Bước 2: Up ảnh chân dung Sau khi đã truy cập vào link đăng ký, người đăng ký upload ảnh chân dung và ảnh hộ chiếu. Bước 3: Điền thông tin Người đăng ký điền đầy đủ các thông tin theo yêu cầu như: - Thông tin cá nhân bao gồm: Họ, Chữ đệm và tên, Giới tính,... - Thông tin đề nghị cấp thị thực điện tử, bao gồm: + Giá trị thị thực: Một lần / Nhiều lần + Thời gian nhập cảnh từ ngày …. đến ngày …. - Thông tin hộ chiếu, bao gồm: Loại hộ chiếu, Số hộ chiếu, Cơ quan cấp/Nơi cấp, Ngày cấp, Ngày hết hạn, Có hộ chiếu còn giá trị khác không? - Thông tin liên lạc - Thông tin về nghề nghiệp - Thông tin về chuyến đi, bao gồm: Mục đích nhập cảnh, Có cơ quan/ tổ chức/ cá nhân dự kiến liên hệ khi vào Việt Nam?, Thời gian dự định cư trú (Số ngày)... Sau khi điền đầy đủ thông tin, người đăng ký tick chọn vào ô đồng ý sau đó chọn Đồng ý và tiếp tục Bước 4: Xác minh thông tin Xác minh tính chính xác của thông tin và nhận mã xác minh. Cẩn lưu ý nên lưu lại mã xác minh để dùng cho sau này. Bước 5: Thanh toán phí Thanh toán phí dịch vụ E-visa (25 - 50 USD) thông qua nền tảng trực tuyến. Bước 6: Kiểm tra tình trạng xử lý Sau khi hoàn tất các bước đăng ký, trong những ngày sau đó, người đăng ký truy cập vào https://evisa.xuatnhapcanh.gov.vn/vi_VN/tra-cuu-thi-thuc, vào ô tìm kiếm nhập thông tin yêu cầu để kiểm tra tình trạng xử lý thị thực điện tử. Bước 7: In và sử dụng E-visa Sau khi thông tin đã được xử lý và chấp thuận, người đăng ký sẽ được cấp đường link để tải xuống và sau đó in E-visa. Cuối cùng, để sử dụng E-visa, người đăng ký có thể xuất trình E-visa hoặc mã xác minh tại cửa khẩu nhập cảnh vào Việt Nam. Như vậy, trên đây là các bước xin E-visa Việt Nam mới nhất cho người nước ngoài, người đọc có thể tham khảo để việc đăng ký được diễn ra dễ dàng hơn.
Công dân Việt Nam được miễn visa ở những quốc gia, vùng lãnh thổ nào?
Miễn visa (thị thực) là gì? Năm 2024, có những quốc gia nào miễn thị thực cho Việt Nam mới? Các trường hợp được miễn thị thực tại Việt Nam? Bài viết sau đây sẽ giải đáp các thắc mắc trên. Xem thêm: E-visa là gì, có thời hạn bao lâu? Thủ tục xin E-visa online mới nhất Đi du lịch nước ngoài được mang theo bao nhiêu tiền mặt là tối đa? Miễn thị thực là gì? Visa (thị thực) theo quy định tại khoản 11 Điều 3 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014 (sửa đổi 2019) là loại giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp, cho phép người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam. Đây cũng là loại giấy tờ để công dân Việt nam có thể nhập cảnh vào các nước khác Như vậy, miễn visa (thị thực) là việc một quốc gia cho phép người nước ngoài nhập cảnh và lưu trú trên lãnh thổ của quốc gia đó trong một khoảng thời gian nhất định mà không cần phải làm các thủ tục visa hoặc đóng các lệ phí liên quan đến visa. Công dân Việt Nam được miễn visa ở những quốc gia, vùng lãnh thổ nào? Theo thông tin tại bảng xếp hạng Những cuốn hộ chiếu quyền lực nhất 2024 - Henley Passport Index do công ty tư vấn cư trú và quốc tịch toàn cầu Henley & Partners công bố ngày 10/01/2024, Việt Nam đứng vị trí thứ 87 trên tổng 104 bậc, giảm 5 bậc so với lần xếp hạng gần nhất hồi tháng 7/2023. Dù vậy, số quốc gia, vùng lãnh thổ công dân Việt Nam được phép nhập cảnh không cần visa hoặc xin visa cửa khẩu không thay đổi với 55 quốc gia. Cụ thể, các quốc gia, vùng lãnh thổ miễn thị thực cho Việt Nam năm 2024 bao gồm: Miễn Visa trong khoảng thời gian nhất định: Khu vực Châu Á: - Brunei: Thời gian tạm trú dưới 14 ngày. - Campuchia: Thời gian tạm trú dưới 30 ngày. - Indonesia: Thời gian tạm trú không quá 30 ngày, không được gia hạn thời gian tạm trú. - Lào: Thời gian tạm trú dưới 30 ngày. - Malaysia: Thời gian tạm trú dưới 30 ngày. - Myanmar: Thời gian lưu trú dưới 14 ngày. - Philippines: Thời gian tạm trú dưới 21 ngày với điều kiện hộ chiếu còn giá trị sử dụng ít nhất 6 tháng và có vé máy bay khứ hồi hoặc đi tiếp nước khác. - Singapore: Thời gian tạm trú dưới 30 ngày và có vé khứ hồi hoặc vé đi tiếp nước khác. - Thái Lan: Thời gian tạm trú dưới 30 ngày. - Brunei: Thời gian lưu trú tối đa là 14 ngày - Kazahkstan: - Kyrgyzsta: Không giới hạn thời gian lưu trú và không phân biệt mục đích nhập cảnh - Tajikistan: Khu vực Châu Mỹ: - Panama: Thời gian tạm trú tối đa 180 ngày. - Ecuador: Thời gian lưu trú tối đa là 90 ngày. - Haiti: Thời gian lưu trú tối đa 90 ngày. - Turks and Caicos: Đây là vùng lãnh thổ thuộc Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland, cho phép người Việt lưu trú trong 30 ngày. Lưu ý bạn cần xuất trình thêm một vé máy bay khứ hồi. - Cộng hòa Dominica ( vùng biển Caribe): Người Việt được lưu trú tại đây trong 30 ngày. - St. Vincent và Grenadines: Thời gian lưu trú tối đa không giới hạn - Liên bang Micronesia: Thời gian lưu trú tối đa là 30 ngày - Barbados Khu vực Châu Đại Dương: - Liên bang Micronesia: Thời gian lưu trú không quá 30 ngày. - Quần đảo Cook - Đảo Marshall - Quần đảo Puala - Micronesia - Niue - Samoa - Tuvalu Khu vực Trung Đông: - Kuwait: - Oman: Quốc gia cấp visa tại sân bay đến hoặc miễn visa có điều kiện: - Cộng hòa Maldives (quốc đảo thuộc Thái Bình Dương): Nhân viên nhập cảnh sẽ đóng dấu miễn visa trong 30 ngày vào hộ chiếu khi người nhập cảnh đưa vé máy bay khứ hồi & đặt phòng khách sạn. - Đông Timor: Tại sân bay Đông Timor, hải quan sẽ cấp thị thực nhập cảnh - Nepal: Cấp visa tại cửa khẩu với thời gian lưu trú từ 15 đến 90 ngày. - Sri Lanka: Cần nộp đơn xin visa online, thanh toán bằng thẻ ngân hàng cho phí visa, đợi có kết quả, in tờ xác nhận ra đem tới sân bay để làm thủ tục bay đi Sri Lanka. - Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE): Nếu sử dụng vé của 2 hãng Emirates hoặc Etihad để bay từ Việt Nam đến Dubai hoặc Abu Dhabi thì có thể xin visa dễ dàng ngay trên mạng hoặc nhờ văn phòng 2 hãng máy bay này hướng dẫn cách làm visa. - Iran: Người Việt có thể lấy visa tại cửa khẩu Iran có giá trị trong 17 ngày. - Burundi: Visa có thời hạn 30 ngày được cấp tại sân bay Bujumbura. - Hàn Quốc: + Miễn visa cho du khách Việt bay thẳng từ Việt Nam đến đảo Jeju. + Các địa điểm ngoài Jeju cần xin visa Hàn Quốc. - Somalia: Để được cấp visa có thời hạn lưu trú 30 ngày tại sân bay ở Somalia cần gửi trước cho phòng xuất nhập cảnh của sân bay thư mới 2 ngày trước khi đến. - Đài Loan: + Công dân Việt Nam (chưa từng đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài) có visa trong thời hạn còn hiệu lực của các nước Mỹ, Canada, Anh, Nhật, Úc, New Zealand và visa Schengen châu Âu (bao gồm cả thẻ định cư) sẽ được miễn thị thực nhập cảnh Đài Loan lưu trú trong thời gian 30 ngày. + Tuy nhiên đương đơn cần đăng ký trên mạng để được xét duyệt miễn visa Đài Loan. Như vậy, trong năm 2024 Việt Nam được các quốc gia, vùng lãnh thổ trên miễn thị thực. Tuy nhiên cũng cần lưu ý sẽ có quốc gia miễn thị thực có điều kiện, người nhập cảnh phải đáp ứng các điều kiện và làm thủ tục thì sẽ được miễn thị thực khi đến các quốc gia này. Các trường hợp được miễn thị thực tại Việt Nam năm 2024 Theo quy định tại Điều 12 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014 (sửa đổi 2019), các trường hợp sau đây được miễn thị thực tại Việt Nam: - Theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. - Sử dụng thẻ thường trú, thẻ tạm trú theo quy định của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014 (sửa đổi 2019). - Vào khu kinh tế cửa khẩu, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. - Vào khu kinh tế ven biển do Chính phủ quyết định khi đáp ứng đủ các điều kiện: + Có sân bay quốc tế; + Có không gian riêng biệt; + Có ranh giới địa lý xác định, cách biệt với đất liền; + Phù hợp với chính sách phát triển kinh tế - xã hội và không làm phương hại đến quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội của Việt Nam - Theo quy định về đơn phương miễn thị thực tại Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014 (sửa đổi 2019). - Người Việt Nam định cư ở nước ngoài có hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp và người nước ngoài là vợ, chồng, con của họ; người nước ngoài là vợ, chồng, con của công dân Việt Nam được miễn thị thực theo quy định của Chính phủ. Như vậy, nếu thuộc một trong các trường hợp trên, người nước ngoài sẽ được miễn thị thực khi nhập cảnh vào Việt Nam. Điều kiện nhập cảnh vào Việt Nam năm 2024? Theo quy định tại Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014 (sửa đổi 2019), người nước ngoài được nhập cảnh vào Việt Nam khi có đủ các điều kiện sau đây: - Có hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế và thị thực, trừ trường hợp được miễn thị thực theo quy định. Người nước ngoài nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực thì hộ chiếu phải còn thời hạn sử dụng ít nhất 06 tháng; - Không thuộc trường hợp chưa cho nhập cảnh quy định tại Điều 21 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014 (sửa đổi 2019). - Người nước ngoài sử dụng thị thực điện tử nhập cảnh phải đủ các điều kiện như trên và nhập cảnh qua các cửa khẩu quốc tế do Chính phủ quyết định. Như vậy, nếu đáp ứng các điều kiện trên thì người nước ngoài mới được nhập cảnh vào Việt Nam. Xem thêm: E-visa là gì, có thời hạn bao lâu? Thủ tục xin E-visa online mới nhất Làm visa mất bao lâu? Hồ sơ xin visa cho NLĐ nước ngoài làm việc tại Việt nam gồm gì? Từ 15/8/2023, các nước nào được nâng thời hạn visa điện tử Việt Nam lên 90 ngày? Đi du lịch nước ngoài được mang theo bao nhiêu tiền mặt là tối đa?
Được mang bao nhiêu vàng khi xuất, nhập cảnh?
Xuất, nhập cảnh là gì? Được mang bao nhiêu vàng khi xuất, nhập cảnh? Thủ tục cấp giấy phép mang theo vàng cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài ra sao? Bài viết sau sẽ giải đáp các thắc mắc nêu trên. (1) Xuất, nhập cảnh là gì? Nội dung Xuất cảnh Nhập cảnh Khái niệm Căn cứ theo Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019 Xuất cảnh là việc công dân Việt Nam ra khỏi lãnh thổ Việt Nam qua cửa khẩu của Việt Nam. Nhập cảnh là việc công dân Việt Nam từ nước ngoài vào lãnh thổ Việt Nam qua cửa khẩu của Việt Nam. Giấy tờ Căn cứ theo Điều 6 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019 được sửa đổi, bổ sung bởi Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam sửa đổi 2023, các giấy tờ mà người muốn xuất, nhập cần cung cấp các giấy tờ gồm: - Hộ chiếu ngoại giao; - Hộ chiếu công vụ; - Hộ chiếu phổ thông; - Giấy thông hành. - Giấy tờ khác theo quy định tại điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. - Hộ chiếu có gắn chíp điện tử hoặc không gắn chíp điện tử cấp cho công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên. Hộ chiếu không gắn chíp điện tử được cấp cho công dân Việt Nam chưa đủ 14 tuổi hoặc cấp theo thủ tục rút gọn. - Thông tin trên giấy tờ xuất nhập cảnh bao gồm: Ảnh chân dung; Họ, chữ đệm và tên; Giới tính; Nơi sinh; ngày, tháng, năm sinh; Quốc tịch; Ký hiệu, số giấy tờ xuất nhập cảnh; cơ quan cấp; ngày, tháng, năm cấp; ngày, tháng, năm hết hạn; Số định danh cá nhân hoặc số chứng minh nhân dân; Chức vụ, chức danh đối với hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ phù hợp với yêu cầu đối ngoại; Thông tin khác do Chính phủ quy định. (2) Được mang bao nhiêu vàng khi xuất, nhập cảnh? Theo Điều 2 Thông tư 11/2014/TT-NHNN có quy định về việc mang vàng khi xuất cảnh, nhập cảnh bằng hộ chiếu như sau: - Cá nhân Việt Nam và cá nhân nước ngoài khi xuất nhập cảnh bằng hộ chiếu đều bị cấm mang theo vàng miếng, vàng nguyên liệu. Riêng đối với trường hợp cá nhân nước ngoài nhập cảnh mang theo vàng miếng, vàng nguyên liệu, phải thực hiện một trong hai lựa chọn: Gửi tại kho Hải quan để mang ra khi xuất cảnh hoặc làm thủ tục chuyển ra nước ngoài. Cá nhân phải chịu mọi chi phí liên quan phát sinh trong cả hai trường hợp trên. - Trường hợp vàng trang sức, mỹ nghệ như dây chuyền, nhẫn, vòng, hoa tai,.. được phép mang theo khi xuất, nhập cảnh với điều kiện tổng khối lượng không vượt quá 300g. Nếu vượt quá, cá nhân phải khai báo với cơ quan Hải quan để thực hiện các thủ tục kiểm tra theo quy định. Dựa theo quy định nêu trên, có thể thấy pháp luật Việt Nam hiện không giới hạn số vàng mang theo ở chặng bay quốc tế, trong trường hợp nhập cảnh, chỉ giới hạn vàng trang sức, mỹ nghệ không được vượt quá mức là 300g và cần làm thủ tục gửi tại kho hải quan theo quy định. Trường hợp mang vàng hơn khối lượng trên, cần làm đầy đủ giấy phép theo giám đốc chi nhánh NHNN cấp tỉnh, thành phố nơi cá nhân cư trú, để trình báo với cơ quan hải quan. (3) Thủ tục cấp giấy phép mang theo vàng cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài Cụ thể, tại Điều 5 Thông tư 11/2014/TT-NHNN được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 29/2015/TT-NHNN quy định Cá nhân Việt Nam được phép định cư ở nước ngoài có nhu cầu mang vàng khi xuất cảnh phải gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện 01 (một) bộ hồ sơ đến Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi cá nhân đó cư trú. - Hồ sơ gồm: + Đơn xin cấp Giấy phép mang vàng khi xuất cảnh định cư ở nước ngoài theo mẫu tại Phụ lục 1 Thông tư 11/2014/TT-NHNN. Xem và tải về Mẫu Đơn xin cấp phép mang vàng khi xuất cảnh định cư tại nước ngoài tại đây: https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/02/29/mau-phu-luc-2.doc + Hoá đơn mua hàng hoặc giấy tờ khác chứng minh nguồn gốc hợp pháp hoặc giấy cam đoan của cá nhân mang vàng về tính hợp pháp của lượng vàng cần mang đi trong trường hợp không có hóa đơn, giấy tờ chứng minh nguồn gốc; + Hộ chiếu và thị thực nhập cảnh đối với những nước yêu cầu phải có thị thực nhập cảnh; + Quyết định của cơ quan có thẩm quyền cho phép định cư hoặc các giấy tờ khác có giá trị tương đương. - Các giấy tờ nêu trên phải là bản chính hoặc bản sao được cấp từ sổ gốc hoặc bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm xuất trình bản chính để đối chiếu đối với các văn bản, tài liệu. Nếu người nộp hồ sơ nộp bản sao kèm xuất trình bản chính để đối chiếu, người đối chiếu có trách nhiệm xác nhận tính chính xác của bản sao so với bản chính. Trường hợp văn bản, tài liệu bằng tiếng nước ngoài thì phải được dịch sang tiếng Việt và được công chứng hoặc chứng thực chữ ký của người dịch theo quy định của pháp luật. - Trong thời gian 15 (mười lăm) ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xem xét cấp Giấy phép mang vàng khi xuất cảnh định cư ở nước ngoài theo mẫu tại Phụ lục 2 Thông tư 11/2014/TT-NHNN. Trong trường hợp từ chối, NHNN sẽ gửi văn bản giải thích lý do. Xem và tải về Mẫu Giấy phép mang vàng khi xuất cảnh định cư ở nước ngoài ngân hàng nhà nước chi nhánh tại đây: https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/02/29/mau-phu-luc-2.doc - Giấy phép mang vàng khi xuất cảnh định cư ở nước ngoài có giá trị sử dụng trong thời hạn trong vòng sáu (06) tháng kể từ ngày cấp. Tổng kết lại, pháp luật hiện hành không giới hạn số vàng mà cá nhân Việt Nam hay người nước ngoài mang theo khi xuất cảnh, nhập cảnh mang qua cửa khẩu quốc tế tại Việt Nam. Trường hợp muốn mang vàng đi nước ngoài định cư phải thực hiện xin cấp giấy phép mang theo vàng theo quy định.
Một số điều cần lưu ý khi đề nghị cấp thị thực điện tử nhập cảnh Việt Nam cho người nước ngoài
Bộ Công an có câu trả lời cho người dân về thủ tục đề nghị cấp thị thực điển tử để nhập cảnh Việt Nam cho người nước ngoài. Cụ thể, việc Việt Nam áp dụng cấp thị thực điện tử cho công dân tất cả các nước, vùng lãnh thổ sẽ thu hút nhiều người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam, góp phần tạo động lực thúc đẩy phát triển ngành du lịch. Theo đó, đối với người nước ngoài, cần lưu ý gì khi đề nghị cấp thị thực điện tử để nhập cảnh Việt Nam? Bộ Công an nêu rõ, chính sách cấp thị thực điện tử đã đạt được nhiều kết quả tích cực, được dư luận trong và ngoài nước đánh giá cao do thủ tục rất đơn giản, người nước ngoài có nhu cầu đề nghị cấp thị thực điện tử thực hiện hoàn toàn qua mạng, tự làm thủ tục từ khai thông tin đến nộp phí, nhận kết quả, không phải qua khâu trung gian. Quá trình thực hiện, người nước ngoài cần lưu ý: - Thứ nhất, người nước ngoài cần tìm hiểu, truy cập đúng Trang thông tin cấp thị thực điện tử của Việt Nam qua địa chỉ: evisa.xuatnhapcanh.gov.vn và thực hiện theo hướng dẫn, hoặc truy cập Cổng Dịch vụ công Bộ Công an tại địa chỉ: dichvucong.bocongan.vn, lựa chọn dịch vụ công cấp thị thực điện tử để khai thông tin, tải ảnh, nộp phí đề nghị cấp thị thực. Tránh việc truy cập không đúng Trang thông tin dẫn đến phải nộp phí trái quy định của Việt Nam. - Thứ hai, người nước ngoài cần nghiên cứu thông tin trên tờ khai đề nghị cấp thị thực điện tử, khai đủ, đúng thông tin, tải đúng ảnh, trang nhân thân hộ chiếu,… và đảm bảo chính xác các thông tin đã khai, tránh vi phạm pháp luật về việc khai không đúng sự thật để được cấp thị thực sẽ bị xử lý theo quy định. - Thứ ba, người nước ngoài cần tìm hiểu quy định của pháp luật Việt Nam về nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú liên quan đến người nước ngoài để đảm bảo cho quá trình nhập xuất cảnh Việt Nam như: Phải thông qua cơ sở lưu trú để thực hiện việc khai báo tạm trú; xuất trình hộ chiếu giấy tờ cho cơ sở lưu trú để thực hiện khai báo tạm trú, hoạt động đúng mục đích nhập cảnh,… Mẫu tờ khai đề nghị cấp thị thực Việt Nam (dùng cho người nước ngoài) https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/01/08/NA1%20tr6%2C%207.docx Tham khảo: Trước đó, ngày 14/8/2023, Chính phủ ban hành Nghị quyết 127/NQ-CP về việc áp dụng cấp thị thực điện tử cho công dân các nước, vùng lãnh thổ; các cửa khẩu quốc tế cho phép người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh bằng thị thực điện tử. Theo đó, công bố danh sách các cửa khẩu quốc tế cho phép người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh bằng thị thực điện tử, bao gồm: - Danh sách cửa khẩu đường hàng không 1. Cửa khẩu Cảng hàng không Nội Bài. 2. Cửa khẩu Cảng hàng không Tân Sơn Nhất. 3. Cửa khẩu Cảng hàng không Cam Ranh. 4. Cửa khẩu Cảng hàng không Đà Nẵng. 5. Cửa khẩu Cảng hàng không Cát Bi. 6. Cửa khẩu Cảng hàng không Cần Thơ. 7. Cửa khẩu Cảng hàng không Phú Quốc. 8. Cửa khẩu Cảng hàng không Phú Bài. 9. Cửa khẩu Cảng hàng không Vân Đồn. 10. Cửa khẩu Cảng hàng không Thọ Xuân. 11. Cửa khẩu Cảng hàng không Đồng Hới. 12. Cửa khẩu Cảng hàng không Phù Cát. 13. Cửa khẩu Cảng hàng không Liên Khương. - Danh sách cửa khẩu đường bộ 1. Cửa khẩu quốc tế Tây Trang, tỉnh Điện Biên. 2. Cửa khẩu quốc tế Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh. 3. Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, tỉnh Lạng Sơn. 4. Cửa khẩu quốc tế Lào Cai, tỉnh Lào Cai. 5. Cửa khẩu quốc tế Na Mèo, tỉnh Thanh Hóa. 6. Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn, tỉnh Nghệ An. 7. Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, tỉnh Hà Tĩnh. 8. Cửa khẩu quốc tế Cha Lo, tỉnh Quảng Bình. 9. Cửa khẩu quốc tế La Lay, tỉnh Quảng Trị. 10. Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, tỉnh Quảng Trị. 11. Cửa khẩu quốc tế Bờ Y, tỉnh Kon Tum. 12. Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh. 13. Cửa khẩu quốc tế Xa Mát, tỉnh Tây Ninh. 14. Cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên, tỉnh An Giang. 15. Cửa khẩu quốc tế đường bộ và đường sông Vĩnh Xương, tỉnh An Giang. 16. Cửa khẩu quốc tế Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang, - Danh sách cửa khẩu đường biển 1. Cửa khẩu Cảng Hòn Gai, tỉnh Quảng Ninh. 2. Cửa khẩu Cảng Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh. 3. Cửa khẩu Cảng Hải Phòng, thành phố Hải Phòng. 4. Cửa khẩu Cảng Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa. 5. Cửa khẩu Cảng Vũng Áng, tỉnh Hà Tĩnh. 6. Cửa khẩu Cảng Chân Mây, tỉnh Thừa Thiên Huế. 7. Cửa khẩu Cảng Đà Nẵng, thành phố Đà Nẵng. 8. Cửa khẩu Cảng Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. 9. Cửa khẩu Cảng Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. 10. Cửa khẩu Cảng Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi. 11. Cửa khẩu Cảng Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. 12. Cửa khẩu Cảng Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hồ Chí Minh. 13. Cửa khẩu Cảng Dương Đông, tỉnh Kiên Giang. Theo Cổng TTĐT Bộ Công an
Trình tự thủ tục cấp Giấy phép nhập cảnh thi hài, hài cốt, tro cốt về Việt Nam
Đối với trường hợp gia đình tại Việt Nam có người thân mất ở nước ngoài muốn đưa di hài của người thân về Việt Nam để mai táng thì phải xin giấy phép như thế nào? Cần chuẩn bị hồ sơ giấy tờ gì để xin được giấy phép đưa di dài của người thân về nước? Trình tự thủ tục cấp Giấy phép nhập cảnh thi hài, hài cốt, tro cốt về Việt Nam - Trường hợp nhận hồ sơ trực tiếp tại trụ sở cơ quan đại diện, nếu kiểm tra thấy hồ sơ đầy đủ theo quy định, cán bộ tiếp khách cấp giấy hẹn trả kết quả cho khách. - Cơ quan đại diện tại nơi có người chết hoặc Cơ quan đại diện kiêm nhiệm nước đó hoặc Cơ quan đại diện nơi thuận tiện nhất, nếu ở nước có người chết không có Cơ quan đại diện thực hiện cấp giấy phép nhập cảnh thi hài, hài cốt, tro cốt. - Người đề nghị có thể là thân nhân của người chết, người được ủy quyền mang thi hài/di hài về Việt Nam hoặc thuộc cơ quan/đơn vị chủ quản của người chết, hoặc là bạn bè, người quen của người chết, nếu người chết không có thân nhân hoặc thân nhân không phản đối việc đưa thi hài, hài cốt, tro cốt về nước. - Trong thời gian 01 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, trừ trường hợp người chết thuộc diện chưa được phép nhập cảnh vì lý do bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội (được xem xét giải quyết đối với từng trường hợp cụ thể). Cán bộ lãnh sự xem xét hồ sơ, nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện quy định, báo cáo thủ trưởng cơ quan đại diện ký cấp Giấy phép cho người đề nghị và tiến hành các việc sau: + Ghi vào Sổ cấp phép nhập cảnh thi hài, hài cốt, tro cốt; thông báo việc cấp Giấy phép cho Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao, Hải quan cửa khẩu và Cơ quan quản lý xuất nhập cảnh cửa khẩu liên quan; + Đóng dấu hủy Hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị xuất cảnh, nhập cảnh của người chết do cơ quan chức năng của Việt Nam cấp (nếu có); thông báo hủy giá trị Hộ chiếu/giấy tờ về Cục Quản lý xuất nhập cảnh - Bộ Công an. Hồ sơ cấp Giấy phép nhập cảnh thi hài, hài cốt, tro cốt về Việt Nam - Giấy tờ của người chết Bản chụp giấy tờ chứng minh nhân thân của người chết (Chứng minh nhân dân, Thẻ căn cước, hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị nhập cảnh, xuất cảnh). Bản chụp giấy phép thường trú tại Việt Nam của người chết Bản chụp Giấy chứng nhận vệ sinh, kiểm dịch y tế do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp (đối với thi hài); Giấy chứng nhận khai quật và Giấy chứng nhận vệ sinh, kiểm dịch y tế do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp (đối với hài cốt); Giấy chứng nhận hỏa thiêu thi hài (đối với tro cốt) Bản chụp Đơn xin phép mang thi hài/hài cốt/tro cốt của người thân về chôn cất/bảo quản tại địa phương (mẫu số 02/NG-LS ban hành kèm theo Thông tư số 01/2011/TT-BNG) có xác nhận đồng ý của ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan quản lý nghĩa trang tại Việt Nam Bản chụp Giấy chứng tử do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài hoặc Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cấp cho người chết Bản sao giấy phép do cơ quan có thẩm quyền nước sở tại cho phép xuất cảnh thi hài/di hài - Giấy tờ của người đề nghị Đơn đề nghị đưa thi hài, hài cốt, tro cốt về nước theo mẫu số 01/NG-LS ban hành kèm theo Thông tư số 01/2011/TT-BNG Bản chụp hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị xuất cảnh, nhập cảnh của người đề nghị. Bản chụp giấy tờ chứng minh người chết có quan hệ thân nhân với công dân Việt Nam thường trú trong nước Bản chụp sổ hộ khẩu thường trú của công dân Việt Nam có quan hệ thân nhân với người chết Bản gốc văn bản ủy quyền trong trường hợp người đề nghị được thân nhân của người chết ủy quyền Bản gốc văn bản đề nghị trong trường hợp người đề nghị là cơ quan, đơn vị chủ quản của người chết
Thân nhân của bị can phạm tội rất nghiêm trọng có bị cấm xuất cảnh không?
Thân nhân của bị can phạm tội rất nghiêm trọng có bị cấm xuất cảnh không? Tình huống phát sinh: Chào luật sư chồng em bị khởi tố liên quan tội mua bán trái phép chất ma túy, bên cơ quan điều tra họ xác định tội rất nghiêm trọng hiện đang bị tạm giam trong thời gian này em muốn qua nước ngoài xử lý một số công việc có được không? Có quy định nào cấm không? Xin cảm ơn. Căn cứ Điều 36 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019 quy định các trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh như sau: 1. Bị can, bị cáo; người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố mà qua kiểm tra, xác minh có căn cứ xác định người đó bị nghi thực hiện tội phạm và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn hoặc tiêu hủy chứng cứ theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. 2. Người được hoãn chấp hành án phạt tù, người được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, người được tha tù trước thời hạn có điều kiện trong thời gian thử thách, người được hưởng án treo trong thời gian thử thách, người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ trong thời gian chấp hành án theo quy định của Luật Thi hành án hình sự. 3. Người có nghĩa vụ theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự nếu có căn cứ cho thấy việc giải quyết vụ án có liên quan đến nghĩa vụ của họ đối với Nhà nước, cơ quan, tổ chức, cá nhân và việc xuất cảnh của họ ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân hoặc để bảo đảm việc thi hành án. 4. Người phải thi hành án dân sự, người đại diện theo pháp luật của cơ quan, tổ chức đang có nghĩa vụ thi hành bản án, quyết định được thi hành theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự nếu có căn cứ cho thấy việc xuất cảnh của họ ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân hoặc để bảo đảm việc thi hành án. 5. Người nộp thuế, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế, người Việt Nam xuất cảnh để định cư ở nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài trước khi xuất cảnh chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế theo quy định của pháp luật về quản lý thuế. 6. Người đang bị cưỡng chế, người đại diện cho tổ chức đang bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn. 7. Người bị thanh tra, kiểm tra, xác minh có đủ căn cứ xác định người đó vi phạm đặc biệt nghiêm trọng và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn. 8. Người đang bị dịch bệnh nguy hiểm lây lan, truyền nhiễm và xét thấy cần ngăn chặn ngay, không để dịch bệnh lây lan, truyền nhiễm ra cộng đồng, trừ trường hợp được phía nước ngoài cho phép nhập cảnh. 9. Người mà cơ quan chức năng có căn cứ cho rằng việc xuất cảnh của họ ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh. Đối tượng được cấp hộ chiếu công vụ theo quy định hiện nay? Căn cứ Điều 9 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019 quy định về đối tượng được cấp hộ chiếu công vụ như sau: 1. Cán bộ, công chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức. 2. Viên chức của đơn vị sự nghiệp công lập bao gồm: - Người đứng dầu, cấp phó của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập; người giữ chức vụ cấp trưởng, cấp phó tổ chức cấu thành đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ; - Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập; người giữ chức vụ cấp trưởng, cấp phó tổ chức cấu thành đơn vị sự nghiệp công lập thuộc các Ban và cơ quan tương đương của Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, Kiểm toán nhà nước, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập; Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cơ quan trung ương của tổ chức chính trị - xã hội; - Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập; người giữ chức vụ cấp trưởng, cấp phó tổ chức cấu thành đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Tổng cục, Cục và tương đương trực thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ; Tỉnh ủy, Thành ủy thành phố trực thuộc trung ương; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh; - Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Huyện ủy, Quận ủy, Thị ủy, Thành ủy thuộc Tỉnh ủy, Thành ủy thành phố trực thuộc trung ương; cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện; - Người giữ vị trí việc làm gắn với nhiệm vụ quản lý nhà nước trong đơn vị sự nghiệp công lập được giao thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước. 3. Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp trong Quân đội nhân dân, Công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu trong tổ chức cơ yếu. 4. Nhân viên cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài; phóng viên thông tấn và báo chí nhà nước của Việt Nam thường trú ở nước ngoài. 5. Vợ hoặc chồng, con chưa đủ 18 tuổi của người được quy định tại khoản 4 Điều này đi theo hoặc đi thăm những người này trong nhiệm kỳ công tác. 6. Trong trường hợp cần thiết, căn cứ vào yêu cầu và tính chất của chuyến đi, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao thực hiện việc cấp hộ chiếu công vụ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ hoặc xem xét cấp hộ chiếu công vụ theo đề nghị của cơ quan, người có thẩm quyền quy định tại Điều 11 của Luật này cho những người không thuộc diện quy định tại Điều này. Việc quản lý hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ hiện nay quy định ra sao? Căn cứ Điều 24 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019 quy định về Quản lý hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ 1. Cơ quan, người có thẩm quyền quy định tại Điều 11 của Luật này hoặc cơ quan, người được ủy quyền quản lý hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ có trách nhiệm sau đây: - Quản lý hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ của cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp trong Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, người làm công tác cơ yếu thuộc phạm vi quản lý của mình; - Quản lý hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ của người thân quy định tại khoản 13 và khoản 14 Điều 8, khoản 5 Điều 9 của Luật này của người thuộc phạm vi quản lý của mình cùng đi theo hành trình công tác hoặc đi thăm những người này trong nhiệm kỳ công tác. 2. Trình tự, thủ tục quản lý hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ được quy định như sau: - Lập sổ theo dõi việc giao, nhận hộ chiếu và bảo đảm an toàn tuyệt đối cho hộ chiếu khi được lưu giữ tại cơ quan quản lý hộ chiếu; - Bàn giao hộ chiếu cho người được cấp khi có quyết định cử đi công tác nước ngoài. Việc bàn giao hộ chiếu phải có ký nhận; - Chuyển hộ chiếu cho cơ quan, người quản lý hộ chiếu mới khi người được cấp hộ chiếu được điều chuyển công tác; - Báo cáo bằng văn bản cho cơ quan, người có thẩm quyền về việc người được cấp hộ chiếu cố tình không giao hộ chiếu cho cơ quan, người quản lý hộ chiếu, sử dụng hộ chiếu không đúng quy định; - Thông báo ngay bằng văn bản cho cơ quan cấp hộ chiếu thuộc Bộ Ngoại giao và Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an về việc hộ chiếu do cơ quan mình quản lý bị mất, bị hỏng; - Chuyển cho cơ quan cấp hộ chiếu thuộc Bộ Ngoại giao để hủy giá trị sử dụng hộ chiếu của người không còn thuộc đối tượng được sử dụng hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ; - Báo cáo cơ quan có thẩm quyền để xử lý vi phạm đối với việc sử dụng và quản lý hộ chiếu không đúng mục đích. Do đó, tạm hoãn xuất cảnh đối với một số trường hợp như bị can, bị cáo; người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố mà qua kiểm tra, xác minh có căn cứ xác định người đó bị nghi thực hiện tội phạm và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn hoặc tiêu hủy chứng cứ theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Còn vợ thân nhân của bị can trong trường hợp trên không bị cấm việc tạm hoãn, vì cũng không thuộc trường hợp ảnh hưởng quốc phòng, an ninh.
Đang là nguyên đơn trong vụ án dân sự có được xuất cảnh không?
Đang là nguyên đơn trong vụ án dân sự có được xuất cảnh không? Liên quan đến trường hợp xuất cảnh để ra nước ngoài nhằm một mục đích nào đó thì không phải trường hợp nào, đối tượng nào cũng được thực hiện quyền xuất cảnh này, thay vào đó sẽ có những quy định hạn chế tạm hoãn xuất cảnh. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra nếu là nguyên đơn tức người đang đi khởi kiện một vụ án dân sự liệu có bị tạm hoãn theo quy định trên. Căn cứ Điều 28 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014 quy định các trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh và thời hạn tạm hoãn xuất cảnh như sau: - Người nước ngoài có thể bị tạm hoãn xuất cảnh nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây: + Đang là bị can, bị cáo, người có nghĩa vụ liên quan trong vụ án hình sự hoặc đang là bị đơn, người bị kiện, người có nghĩa vụ liên quan trong vụ việc dân sự, kinh doanh thương mại, lao động, hành chính, hôn nhân và gia đình; + Đang có nghĩa vụ chấp hành bản án, quyết định của Tòa án, quyết định của Hội đồng xử lý cạnh tranh; + Chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế; + Đang có nghĩa vụ chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính; + Vì lý do quốc phòng, an ninh. - Các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này không áp dụng đối với người đang chấp hành hình phạt tù bị dẫn giải ra nước ngoài để cung cấp chứng cứ theo quy định tại Điều 25 của Luật tương trợ tư pháp. - Thời hạn tạm hoãn xuất cảnh không quá 03 năm và có thể gia hạn. Các trường hợp và thẩm quyền chưa cho nhập cảnh theo quy định hiện nay? Căn cứ Điều 21, Điều 22 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014 quy định như sau: - Các trường hợp chưa cho nhập cảnh + Không đủ điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 20 của Luật Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014 + Trẻ em dưới 14 tuổi không có cha, mẹ, người giám hộ hoặc người được ủy quyền đi cùng. + Giả mạo giấy tờ, khai sai sự thật để được cấp giấy tờ có giá trị nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú. + Người bị mắc bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh truyền nhiễm gây nguy hiểm cho sức khỏe cộng đồng. + Bị trục xuất khỏi Việt Nam chưa quá 03 năm kể từ ngày quyết định trục xuất có hiệu lực. + Bị buộc xuất cảnh khỏi Việt Nam chưa quá 06 tháng kể từ ngày quyết định buộc xuất cảnh có hiệu lực. + Vì lý do phòng, chống dịch bệnh. + Vì lý do thiên tai. + Vì lý do quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội. - Thẩm quyền quyết định chưa cho nhập cảnh + Người đứng đầu đơn vị kiểm soát xuất nhập cảnh quyết định chưa cho nhập cảnh đối với trường hợp quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5 và 6 Điều 21 của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014 + Bộ trưởng Bộ Y tế quyết định chưa cho nhập cảnh đối với trường hợp quy định tại khoản 7 Điều 21 của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014 + Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định chưa cho nhập cảnh đối với trường hợp quy định tại khoản 8 Điều 21 của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014 + Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định chưa cho nhập cảnh đối với trường hợp quy định tại khoản 9 Điều 21 của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014 + Người có thẩm quyền ra quyết định chưa cho nhập cảnh có thẩm quyền giải tỏa chưa cho nhập cảnh và chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình. Thẩm quyền quyết định tạm hoãn xuất cảnh, gia hạn tạm hoãn xuất cảnh, giải tỏa tạm hoãn xuất cảnh? Căn cứ Điều 29 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014 quy định về Thẩm quyền quyết định tạm hoãn xuất cảnh, gia hạn tạm hoãn xuất cảnh, giải tỏa tạm hoãn xuất cảnh như sau: - Thủ trưởng cơ quan điều tra, Viện trưởng Viện kiểm sát, Chánh án Tòa án, Thủ trưởng cơ quan thi hành án, Chủ tịch Hội đồng cạnh tranh trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình quyết định tạm hoãn xuất cảnh đối với các trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 28 của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014 - Thủ trưởng cơ quan quản lý thuế quyết định tạm hoãn xuất cảnh đối với trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 28 của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014 - Bộ trưởng Bộ Công an quyết định tạm hoãn xuất cảnh đối với người nước ngoài quy định tại điểm d khoản 1 Điều 28 của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014 trong trường hợp sau đây: + Đang có nghĩa vụ chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính của cơ quan Công an; + Theo đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. - Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định tạm hoãn xuất cảnh đối với các trường hợp quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 28 của Luật này. - Người có thẩm quyền ra quyết định tạm hoãn xuất cảnh thì có thẩm quyền gia hạn tạm hoãn xuất cảnh, giải tỏa tạm hoãn xuất cảnh và chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình. - Người ra quyết định tạm hoãn xuất cảnh có trách nhiệm ra quyết định giải tỏa tạm hoãn xuất cảnh ngay sau khi điều kiện tạm hoãn không còn. - Quyết định tạm hoãn xuất cảnh, gia hạn tạm hoãn xuất cảnh, giải tỏa tạm hoãn xuất cảnh được gửi ngay cho cơ quan quản lý xuất nhập cảnh và công bố cho người bị tạm hoãn xuất cảnh để thực hiện. - Sau khi nhận được quyết định tạm hoãn xuất cảnh, gia hạn tạm hoãn xuất cảnh, giải tỏa tạm hoãn xuất cảnh, cơ quan quản lý xuất nhập cảnh có trách nhiệm tổ chức thực hiện. Do đó, đối với thông tin là nguyên đơn trong vụ án dân sự mặc dù đang tham gia tranh chấp khởi kiện nhưng không thuộc trường hợp tạm hoãn xuất cảnh, mặt khác ngược lại đang là bị đơn, người bị kiện, người có nghĩa vụ liên quan trong vụ việc dân sự, kinh doanh thương mại, lao động, hành chính, hôn nhân và gia đình mới bị hạn chế quyền này.
Chính sách mới tháng 8/2023: Quy định về cán bộ, công chức, người lao động và xuất nhập cảnh
Từ đầu tháng 08/2023 sẽ có 02 Luật mới có hiệu lực thi hành trong lĩnh vực Công an nhân dân, xuất nhập cảnh và hàng loạt các Nghị định quy định về cán bộ, công chức, người lao động sẽ có tác động nhiều trong thời gian sắp tới. Từ ngày 15/8/2023 tăng hạn tuổi phục vụ cao nhất của hạ sĩ quan, sĩ quan CAND Ngày 22/6/2023, Luật Công an nhân dân sửa đổi 2023 (sửa đổi Luật Công an nhân dân 2018) được Quốc hội thông qua tại khóa XV, kỳ họp thứ 5, trong đó có quy định hạn tuổi phục vụ cao nhất của hạ sĩ quan, sĩ quan CAND như sau: - Hạ sĩ quan: Tăng lên 47 tuổi (hiện hành 45 tuổi). - Cấp úy: Tăng lên 55 tuổi (hiện hành 53 tuổi). - Thiếu tá, Trung tá: Tăng lên Nam 57 tuổi, nữ 55 tuổi (hiện hành nam 55, nữ 53). - Thượng tá: Tăng lên Nam 60 tuổi, nữ 58 tuổi (hiện hành nam 58, nữ 55). - Đại tá: Tăng lên Nam 62 tuổi, nữ 60 tuổi (hiện hành nam 60, nữ 55). - Cấp tướng: Tăng lên Nam 62 tuổi, nữ 60 tuổi (hiện hành cả nam và nữ đều 60 tuổi). Bổ sung hạn tuổi phục vụ cao nhất của nam sĩ quan Đại tá và Cấp tướng, nữ sĩ quan Thượng tá và Đại tá thực hiện theo lộ trình về tuổi nghỉ hưu đối với người lao động như quy định của Bộ luật Lao động 2019. Ngoài ra, trường hợp đơn vị công an có nhu cầu, sĩ quan quy định tại các Cấp úy, Thiếu tá, Trung tá và Thượng tá nếu có đủ phẩm chất, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, có sức khỏe tốt và tự nguyện thì có thể được kéo dài tuổi phục vụ theo quy định của Bộ trưởng Bộ Công an, nhưng không quá 62 đối với nam và 60 đối với nữ. Trường hợp đặc biệt sĩ quan CAND có thể được kéo dài tuổi phục vụ hơn 62 đối với nam và hơn 60 đối với nữ theo quyết định của cấp có thẩm quyền. Chi tiết Luật Công an nhân dân sửa đổi 2023 có hiệu lực từ ngày 15/8/2023 sửa đổi Luật Công an nhân dân 2018. Chính thức sửa đổi Luật Xuất nhập cảnh 2023 bổ sung nhiều điểm mới Quốc hội khóa XV, tại kỳ họp thứ 5 đã thông qua Luật Xuất nhập cảnh sửa đổi 2023 ngày 24/6/2023 sửa đổi Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019 và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014. (1) Bổ sung thông tin “nơi sinh” vào hộ chiếu từ ngày 15/8/2023 Hiện hành Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019 không có quy định “nơi sinh” trong hộ chiếu và hộ chiếu mẫu mới cũng không quy định nội dung này. Hiện nay, một số nước từ chối cấp thị thực cho công dân Việt Nam vì hộ chiếu không có quy định nơi sinh. Do đó, từ cơ sở Thông tư 68/2022/TT-BCA bổ sung thông tin trên. Từ cơ sở này Luật mới đã quy định thông tin trên hộ chiếu công vụ, hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu phổ thông, giấy thông hành sẽ bao gồm các nội dung: - Ảnh chân dung. - Họ, chữ đệm và tên. - Giới tính. - Nơi sinh; ngày, tháng, năm sinh. - Quốc tịch. - Ký hiệu, số giấy tờ xuất nhập cảnh; cơ quan cấp; ngày, tháng, năm cấp; ngày, tháng, năm hết hạn. - Số định danh cá nhân hoặc số chứng minh nhân dân. - Chức vụ, chức danh đối với hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ phù hợp với yêu cầu đối ngoại. - Thông tin khác do Chính phủ quy định. (2) Bỏ quy định hộ chiếu phải còn hạn 06 tháng khi xuất cảnh Từ ngày 15/8/2023 đã không còn quy định yêu cầu hộ chiếu phải còn hạn sử dụng từ đủ 6 tháng trở lên, điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho công dân Việt Nam khi di chuyển ra nước ngoài. Trước đó, Luật Xuất nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019 yêu cầu công dân phải có giấy tờ xuất nhập cảnh còn nguyên vẹn, còn thời hạn sử dụng trong đó hộ chiếu phải còn hạn sử dụng từ đủ 6 tháng trở lên. (3) Visa điện tử (EV) có hạn đến 90 ngày Điều 9 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019 (sửa đổi năm 2023) quy định thời hạn thị thực như sau: - Thị thực ký hiệu SQ có thời hạn không quá 30 ngày. - Thị thực ký hiệu HN, DL, EV có thời hạn không quá 90 ngày (trước đó chỉ có 30 ngày). - Thị thực ký hiệu VR có thời hạn không quá 180 ngày. - Thị thực ký hiệu NG1, NG2, NG3, NG4, LV1, LV2, ĐT4, DN1, DN2, NN1, NN2, NN3, DH, PV1, PV2, TT có thời hạn không quá 01 năm. Xem thêm Luật Xuất nhập cảnh sửa đổi 2023 có hiệu lực từ ngày 15/8/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019 và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014. Tiêu chuẩn bổ nhiệm từng chức danh công chức cấp xã từ tháng 8 năm nay Chính phủ vừa ban hành Nghị định 33/2023/NĐ-CP ngày 10/6/2023 quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố. Cụ thể, tiêu chuẩn của từng chức danh công chức cấp xã tại Nghị định 33/2023/NĐ-CP được quy định như sau: - Tiêu chuẩn của công chức Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự cấp xã thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành về quân sự. - Tiêu chuẩn của công chức Văn phòng - thống kê; Địa chính - xây dựng - đô thị và môi trường (đối với phường, thị trấn) hoặc Địa chính - nông nghiệp - xây dựng và môi trường (đối với xã); Tài chính - kế toán; Tư pháp - hộ tịch; Văn hóa - xã hội như sau: + Độ tuổi: Đủ 18 tuổi trở lên; + Trình độ giáo dục phổ thông: Tốt nghiệp trung học phổ thông; + Trình độ chuyên môn nghiệp vụ: Tốt nghiệp đại học trở lên của ngành đào tạo phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của từng chức danh công chức cấp xã. Trường hợp luật có quy định khác với quy định tại Nghị định 33/2023/NĐ-CP thì thực hiện theo quy định của luật đó. - UBND cấp tỉnh quy định cụ thể tiêu chuẩn trình độ chuyên môn, nghiệp vụ từ trung cấp trở lên đối với công chức cấp xã làm việc tại các xã, phường, thị trấn thuộc địa bàn miền núi, vùng cao, biên giới, hải đảo, xã đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. - Căn cứ tiêu chuẩn của từng chức danh công chức cấp xã quy định tại khoản 2 Điều này và điều kiện thực tế của địa phương, UBND cấp tỉnh quy định: + Tiêu chuẩn cụ thể của từng chức danh công chức cấp xã cho phù hợp với đặc điểm và yêu cầu thực hiện nhiệm vụ của từng cấp xã nhưng phải bảo đảm không thấp hơn tiêu chuẩn quy định tại Nghị định này; + Ngành đào tạo phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của từng chức danh công chức cấp xã trong từng kỳ tuyển dụng; + Xây dựng kế hoạch tạo nguồn, đào tạo, bồi dưỡng đối với từng chức danh công chức cấp xã về quản lý nhà nước, lý luận chính trị; ngoại ngữ, tin học, tiếng dân tộc thiểu số, thực hiện các chế độ, chính sách và tinh giản biên chế. Xem thêm Nghị định 33/2023/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/8/2023. 03 trường hợp đối tượng được thanh tra sẽ bị phong tỏa tài khoản Đây là nội dung tại Nghị định 43/2023/NĐ-CP ban hành bởi Chính phủ ngày 30/6/2023 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thanh tra 2022. Theo Điều 40 Nghị định 43/2023/NĐ-CP quy định căn cứ để yêu cầu phong tỏa tài khoản được thực hiện như sau: - Đối tượng thanh tra có dấu hiệu tẩu tán tài sản, bao gồm: + Thực hiện hoặc chuẩn bị thực hiện giao dịch chuyển tiền qua tài khoản khác với thông tin không rõ ràng về mục đích, nội dung, người nhận; + Có dấu hiệu chuyển dịch quyền sở hữu, quyền sử dụng, cho tặng, thế chấp, cầm cố, hủy hoại, thay đổi hiện trạng tài sản; + Có hành vi làm sai lệch hồ sơ, sổ sách kế toán dẫn đến thay đổi về tài sản. - Đối tượng thanh tra không thực hiện đúng thời gian giao nộp tiền, tài sản theo quyết định thu hồi tiền, tài sản của cơ quan thanh tra hoặc cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền. Xem chi tiết Nghị định 43/2023/NĐ-CP có hiệu lực ngày 15/8/2023. 07 điều kiện vay vốn của Quỹ Hỗ trợ nông dân Việt Nam Ngày 24/6/2023 Chính phủ đã ban hành Nghị định 37/2023/NĐ-CP về thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ hỗ trợ nông dân. Theo đó, đối tượng vay vốn của Quỹ Hỗ trợ nông dân là hội viên Hội nông dân Việt Nam có nhu cầu vay vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp đáp ứng các điều kiện sau: - Khách hàng vay vốn phải là thành viên của hội, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật. - Khách hàng vay vốn được UBND cấp xã xác nhận đang cư trú ở địa phương nơi Quỹ Hỗ trợ nông dân cho vay vốn tại thời điểm đề xuất vay vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân. - Mục đích sử dụng vốn vay hợp pháp. - Phương án vay vốn của khách hàng phải được tập hợp thành phương án chung của nhóm hội viên Hội nông dân cùng sản xuất, kinh doanh một loại hình sản phẩm, trên cùng một địa bàn cấp xã. Phương án vay vốn của từng khách hàng và phương án chung của nhóm hội viên Hội nông dân được Quỹ Hỗ trợ nông dân đánh giá là khả thi, có khả năng trả được nợ vay. - Tại một thời điểm, một khách hàng chỉ được vay vốn tại 01 phương án chung của nhóm hội viên Hội nông dân từ Quỹ Hỗ trợ nông dân. - Các thành viên trong cùng một hộ gia đình không được phát sinh dư nợ vay tại Quỹ Hỗ trợ nông dân trong cùng một thời điểm. - Các điều kiện cho vay khác quy định cụ thể tại quy định nội bộ về cho vay và quản lý nợ của Quỹ Hỗ trợ nông dân do Hội đồng quản lý Quỹ Hỗ trợ nông dân các. Cụ thể Nghị định 37/2023/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 08/8/2023. Xem thêm chính sách mới về Lao động - Tiền lương và Thuế - Phí có hiệu lực từ tháng 8/2023
10 Mẫu giấy tờ visa, xuất nhập cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam mới nhất 2023
Ngày 30/6/2023 Bộ trưởng Bộ Công an đã có Thông tư 22/2023/TT-BCA sửa đổi một số mẫu giấy tờ ban hành kèm theo Thông tư 04/2015/TT-BCA quy định mẫu giấy tờ liên quan đến việc nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam được sửa đổi bởi Thông tư 57/2020/TT-BCA. 10 Mẫu giấy tờ xuất nhập cảnh cho người nước ngoài tại Việt Nam - Sửa đổi, bổ sung mẫu giấy tờ quy định về Thông tin đề nghị cấp thị thực điện tử (NA1a). tải - Sửa đổi, bổ sung mẫu giấy tờ quy định về Đơn bảo lãnh cho thân nhân là người nước ngoài nhập cảnh (NA3). tải - Sửa đổi, bổ sung mẫu giấy tờ quy định về Tờ khai đề nghị cấp thị thực, gia hạn tạm trú (NA5). tải - Sửa đổi, bổ sung mẫu giấy tờ quy định về Đơn bảo lãnh cấp thẻ tạm trú (NA7). tải - Sửa đổi, bổ sung mẫu giấy tờ quy định về Giấy bảo lãnh cho người nước ngoài thường trú tại Việt Nam (NA11). tải - Sửa đổi, bổ sung mẫu giấy tờ quy định về Tờ khai cấp đổi, cấp lại thẻ thường trú (NA13). tải - Sửa đổi, bổ sung mẫu giấy tờ quy định về Đơn xin phép cho thân nhân vào khu vực cấm, khu vực biên giới (NA15). tải - Sửa đổi, bổ sung mẫu giấy tờ quy định về Công văn trả lời đề nghị cấp tài khoản điện tử (NB8). tải - Sửa đổi, bổ sung mẫu giấy tờ quy định về Thị thực rời (NC2). - Sửa đổi, bổ sung mẫu giấy tờ quy định về Thị thực điện tử (NC2a). tải Xem thêm Thông tư 22/2023/TT-BCA có hiệu lực từ ngày 15/8/2023.
05 loại giấy tờ cho phép công dân Việt Nam xuất cảnh từ ngày 15/8/2023
Ngày 24/6/2023 Quốc hội khóa XV, tại kỳ họp thứ 5 đã thông qua Luật Xuất nhập cảnh sửa đổi 2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019 và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014. (1) Từ ngày 15/8/2023 sẽ có thêm một loại giấy tờ xuất cảnh Cụ thể, bổ sung điểm đ khoản 1 Điều 6 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019 quy định giấy tờ xuất cảnh hiện nay của công dân bao gồm: - Giấy tờ khác theo quy định tại điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên (điểm mới). - Hộ chiếu ngoại giao. - Hộ chiếu công vụ. - Hộ chiếu phổ thông. - Giấy thông hành. (2) Bổ sung thêm thông tin trên giấy tờ xuất cảnh Sửa đổi khoản 3 Điều 6 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019 quy định thông tin trên giấy tờ xuất nhập cảnh bao gồm: - Ảnh chân dung. - Họ, chữ đệm và tên. - Giới tính. - Nơi sinh; ngày, tháng, năm sinh. - Quốc tịch. - Ký hiệu, số giấy tờ xuất nhập cảnh; cơ quan cấp; ngày, tháng, năm cấp; ngày, tháng, năm hết hạn. - Số định danh cá nhân hoặc số chứng minh nhân dân. - Chức vụ, chức danh đối với hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ phù hợp với yêu cầu đối ngoại. - Thông tin khác do Chính phủ quy định (điểm mới). Theo đó, thông tin khác do Chính phủ quy định thêm hoặc cắt giảm đi theo từng thời kỳ để phù hợp với quy định của các nước mà công dân Việt Nam nhập cảnh hoặc theo Điều ước, thông lệ quốc tế mà Việt Nam là thành viên. (3) Hướng dẫn khai báo tạm trú đối với đồn biên phòng khi có người nước ngoài Sửa đổi Điều 30 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014 quy định thực hiện khai báo tạm trú cho người nước ngoài như sau: - Người nước ngoài tạm trú tại Việt Nam phải thông qua người trực tiếp quản lý, điều hành hoạt động của cơ sở lưu trú để khai báo tạm trú với Công an xã, phường, thị trấn hoặc đồn, trạm Công an nơi có cơ sở lưu trú. Cơ sở lưu trú có trách nhiệm yêu cầu người nước ngoài xuất trình hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế, giấy tờ liên quan đến cư trú tại Việt Nam để thực hiện khai báo tạm trú trước khi đồng ý cho người nước ngoài tạm trú. Trường hợp đồn, trạm Biên phòng tiếp nhận khai báo tạm trú của người nước ngoài theo quy định của điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên thì đồn, trạm Biên phòng có trách nhiệm thông báo ngay cho Công an xã, phường, thị trấn hoặc đồn, trạm Công an nơi người nước ngoài tạm trú. - Việc khai báo tạm trú cho người nước ngoài thực hiện qua môi trường điện tử hoặc phiếu khai báo tạm trú. Trường hợp khai báo qua phiếu khai báo tạm trú, người trực tiếp quản lý, điều hành hoạt động của cơ sở lưu trú có trách nhiệm ghi đầy đủ thông tin vào phiếu khai báo tạm trú và chuyển đến Công an xã, phường, thị trấn hoặc đồn, trạm Công an nơi có cơ sở lưu trú trong thời hạn 12 giờ, đối với địa bàn vùng sâu, vùng xa trong thời hạn 24 giờ kể từ khi người nước ngoài đến cơ sở lưu trú. - Người nước ngoài thay đổi nơi tạm trú hoặc tạm trú ngoài địa chỉ ghi trong thẻ thường trú hoặc khi có sự thay đổi thông tin trong hộ chiếu phải khai báo tạm trú theo quy định tại khoản 1 Điều 30 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014. Xem thêm Luật Xuất nhập cảnh sửa đổi 2023 có hiệu lực từ ngày 15/8/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019 và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014.
Bổ sung lối thông quan trở thành 1 loại cửa khẩu biên giới đất liền
Chính phủ ban hành Nghị định 34/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 112/2014/NĐ-CP quy định về quản lý cửa khẩu biên giới đất liền. Theo đó, theo quy định mới Chính phủ quy định lại loại hình cửa khẩu biên giới đất liền như sau: 03 loại hình chính cửa khẩu biên giới đất liền Sửa đổi Điều 4 Nghị định 112/2014/NĐ-CP quy định loại hình cửa khẩu biên giới; lối mở biên giới; lối thông quan, đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa thuộc cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính (cửa khẩu song phương) như sau: - Loại hình cửa khẩu biên giới + Cửa khẩu quốc tế được mở cho người, phương tiện của Việt Nam và nước ngoài xuất cảnh, nhập cảnh; hàng hóa, vật phẩm xuất khẩu, nhập khẩu; + Cửa khẩu chính (cửa khẩu song phương) được mở cho người, phương tiện Việt Nam và nước láng giềng xuất cảnh, nhập cảnh; hàng hóa, vật phẩm xuất khẩu, nhập khẩu; + Cửa khẩu phụ (cửa khẩu địa phương) được mở cho người, phương tiện Việt Nam và nước láng giềng thuộc tỉnh biên giới nơi có cửa khẩu xuất cảnh, nhập cảnh; hàng hóa, vật phẩm xuất khẩu, nhập khẩu. - Lối mở biên giới (đường qua lại chợ biên giới, cặp chợ biên giới; điểm thông quan hàng hóa biên giới; đường qua lại tạm thời) được mở cho cư dân biên giới hai bên, phương tiện, hàng hóa, vật phẩm của cư dân biên giới hai bên và phương tiện, hàng hóa của thương nhân qua lại theo quy định tại Nghị định 14/2018/NĐ-CP quy định chi tiết về hoạt động thương mại biên giới; hoặc được mở trong trường hợp bất khả kháng hay yêu cầu đặc biệt của hai bên biên giới. - Lối thông quan, đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa thuộc cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính (cửa khẩu song phương) được mở để xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa, vật phẩm hoặc cho các trường hợp qua lại biên giới khác theo thỏa thuận giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước láng giềng có chung cửa khẩu. Ngoài ra, các loại hình cửa khẩu; lối mở biên giới; lối thông quan, đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa và đối tượng xuất cảnh, nhập cảnh, xuất khẩu, nhập khẩu qua từng loại hình cửa khẩu biên giới; lối mở biên giới; lối thông quan, đường chuyên dụng vận tải hàng hóa được thực hiện trên từng tuyến biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc, Việt Nam - Lào, Việt Nam - Campuchia theo quy định của các điều ước, thỏa thuận giữa Việt Nam với nước láng giềng. (So với quy định hiện hành, Nghị định 34/2023/NĐ-CP chỉ còn quy định 03 loại hình cửa khẩu biên giới đất liền, bên cạnh đó đưa lối mở biên giới và lối thông quan thành các loại cửa khẩu biên giới khác). Chính phủ quyết định phạm vi khu vực cửa khẩu quốc tế Sửa đổi Điều 12 Nghị định 112/2014/NĐ-CP thẩm quyền xác định phạm vi khu vực cửa khẩu; lối mở biên giới; lối thông quan, đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa và quy hoạch xây dựng khu vực cửa khẩu, lối mở biên giới. - Chính phủ quyết định phê duyệt phạm vi khu vực cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính (cửa khẩu song phương); lối thông quan, đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa. - Ủy ban nhân dân tỉnh biên giới + Quyết định phê duyệt phạm vi khu vực cửa khẩu phụ (cửa khẩu địa phương), lối mở biên giới. + Chủ trì, phối hợp với các Bộ: Quốc phòng, Công an, Ngoại giao, Tài chính, Công Thương, Y tế, TN&MT, NN&PTNT, Xây dựng xác định phạm vi khu vực cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính (cửa khẩu song phương); lối thông quan, đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa và báo cáo Chính phủ quyết định. + Chủ trì, phối hợp với các Bộ: Quốc phòng, Công an, Ngoại giao, Tài chính, Công Thương, Xây dựng, GTVT, KH&ĐT, TN&MT để lập, thẩm định quy hoạch xây dựng khu vực cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. + Lập, thẩm định, phê duyệt đối với quy hoạch phân khu xây dựng và quy hoạch chi tiết xây dựng tại khu vực cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính . + Lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch xây dựng khu vực cửa khẩu phụ (cửa khẩu địa phương), lối mở biên giới. - Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ngành của tỉnh, gồm: Bộ Chỉ huy Quân sự, Công an, Ngoại vụ, Công Thương, Y tế, Hải quan, NN&PTNT, KH&ĐT, Xây dựng, Tài chính, GTVT, TN&MT và UBND cấp huyện có cửa khẩu phụ (cửa khẩu địa phương), lối mở biên giới xác định phạm vi khu vực cửa khẩu phụ (cửa khẩu địa phương), lối mở biên giới và báo cáo UBND tỉnh quyết định. (Quy định mới bổ sung thẩm quyền của Chính phủ trong việc quyết định phê duyệt phạm vi khu vực cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính; lối thông quan, đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa). Chi tiết Nghị định 34/2023/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 31/7/2023 sửa đổi Nghị định 112/2014/NĐ-CP.
BCA đề xuất 10 mẫu giấy tờ sửa đổi về xuất nhập cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam
Ngày 25/5/2023, Bộ Công an lấy ý kiến Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư quy định mẫu giấy tờ liên quan đến việc nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Theo đó, sửa đổi, bổ sung một số biểu mẫu ban hành kèm theo Thông tư quy định mẫu giấy tờ liên quan đến việc nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam như sau: Xem và tải Dự thảo https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2023/05/26/D%E1%BB%B1%20th%E1%BA%A3o%20Th%C3%B4ng%20t%C6%B0%20s%E1%BB%ADa%20%C4%91%E1%BB%95i%20b%E1%BB%95%20sung%20th%C3%B4ng%20t%C6%B0%20v%E1%BB%81%20bi%E1%BB%83u%20m%E1%BA%ABu.doc - Sửa đổi, bổ sung biểu mẫu NA1a quy định về mẫu Thông tin đề nghị cấp thị thực điện tử. Xem và tải biểu mẫu NA1a https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2023/05/26/NA1a.docx - Sửa đổi biểu mẫu NA3 quy định về Đơn bảo lãnh cho thân nhân là người nước ngoài nhập cảnh. Xem và tải biểu mẫu NA3 https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2023/05/26/NA3.doc - Sửa đổi biểu mẫu NA5 quy định về Tờ khai đề nghị cấp thị thực, gia hạn tạm trú. Xem và tải biểu mẫu NA5 https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2023/05/26/NA5.doc - Sửa đổi biểu mẫu NA7 quy định về Đơn bảo lãnh cấp thẻ tạm trú. Xem và tải biểu mẫu NA7 https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2023/05/26/NA7.doc - Sửa đổi biểu mẫu NA11 quy định về Giấy bảo lãnh cho người nước ngoài thường trú tại Việt Nam. Xem và tải biểu mẫu NA11 https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2023/05/26/NA11.doc - Sửa đổi biểu mẫu NA13 quy định Tờ khai cấp đổi, cấp lại thẻ thường trú. Xem và tải biểu mẫu NA13 https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2023/05/26/NA13.doc - Sửa đổi biểu mẫu NA15 quy định về Đơn xin phép cho thân nhân vào khu vực cấm, khu vực biên giới. Xem và tải biểu mẫu NA15 https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2023/05/26/NA15.doc - Sửa đổi, bổ sung biểu mẫu NB8 quy định về mẫu Công văn trả lời đề nghị cấp tài khoản điện tử. Xem và tải biểu mẫu NB8 https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2023/05/26/NB8.doc - Sửa đổi, bổ sung biểu mẫu NC2 quy định về thị thực rời. Lưu ý: Thị thực rời được cấp trước khi Dự thảo Thông tư này có hiệu lực được sử dụng nhập xuất cảnh Việt Nam đến khi hết thời hạn của thị thực. Xem và tải biểu mẫu NC2 https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2023/05/26/NC2.docx - Sửa đổi, bổ sung biểu mẫu NC2a quy định về thị thực điện tử. Lưu ý: Thị thực điện tử được cấp trước khi Dự thảo Thông tư có hiệu lực được sử dụng nhập xuất cảnh Việt Nam đến khi hết thời hạn của thị thực. Xem và tải biểu mẫu NC2a https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2023/05/26/NC2a.doc Dự thảo Thông tư lấy ý kiến từ 25/5 - 25/7/2023. Xem và tải Dự thảo https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2023/05/26/D%E1%BB%B1%20th%E1%BA%A3o%20Th%C3%B4ng%20t%C6%B0%20s%E1%BB%ADa%20%C4%91%E1%BB%95i%20b%E1%BB%95%20sung%20th%C3%B4ng%20t%C6%B0%20v%E1%BB%81%20bi%E1%BB%83u%20m%E1%BA%ABu.doc
Chi nhánh có được thuê người lao động nước ngoài vào Việt Nam để công tác
Giám đốc chi nhánh có được ký hợp đồng lao động với chuyên gia nước ngoài không? Khi được Tổng giám độc ủy quyền thì Giám đốc chi nhánh có được ký hồ sơ liên quan đến nhập cảnh cho những người lao động này không? Giám đốc chi nhánh có được ký hợp đồng lao động với chuyên gia nước ngoài không? Căn cứ Điều 19 Luật Thương mại 2005 quy định về Quyền của Chi nhánh bao gồm: - Thuê trụ sở, thuê, mua các phương tiện, vật dụng cần thiết cho hoạt động của Chi nhánh. - Tuyển dụng lao động là người Việt Nam, người nước ngoài để làm việc tại Chi nhánh theo quy định của pháp luật Việt Nam. - Giao kết hợp đồng tại Việt Nam phù hợp với nội dung hoạt động được quy định trong giấy phép thành lập Chi nhánh và theo quy định của Luật này. - Mở tài khoản bằng đồng Việt Nam, bằng ngoại tệ tại ngân hàng được phép hoạt động tại Việt Nam. - Chuyển lợi nhuận ra nước ngoài theo quy định của pháp luật Việt Nam. - Có con dấu mang tên Chi nhánh theo quy định của pháp luật Việt Nam. - Thực hiện các hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động thương mại khác phù hợp với giấy phép thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. - Các quyền khác theo quy định của pháp luật. Như vậy, trong các quyền trên thì Chi nhánh có quyền tuyển dụng lao động là người nước ngoài để làm việc tại Chi nhánh. Giám đốc Chi nhánh có được quyền ký hồ sơ giấy tờ bảo lãnh người lao động nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam không? Theo khoản 1 Điều 14 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014 quy định thì Cơ quan, tổ chức, cá nhân mời, bảo lãnh người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam theo quy định tại khoản 2 Điều 10 của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014, bao gồm: - Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ; - Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước; Bộ trưởng và tương đương; Bí thư tỉnh ủy, Bí thư thành ủy, Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; - Các ban, cơ quan, đơn vị trực thuộc trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước, bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; - Tỉnh ủy, thành ủy, HĐND, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; - Cơ quan trung ương của tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; - Doanh nghiệp được thành lập theo pháp luật Việt Nam; - Cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện tổ chức quốc tế thuộc Liên hợp quốc, tổ chức liên chính phủ tại Việt Nam; - Văn phòng đại diện, chi nhánh của thương nhân nước ngoài; văn phòng đại diện tổ chức kinh tế, văn hóa và tổ chức chuyên môn khác của nước ngoài tại Việt Nam; - Tổ chức khác có tư cách pháp nhân theo quy định của pháp luật Việt Nam; - Công dân Việt Nam thường trú ở trong nước, người nước ngoài có thẻ thường trú hoặc thẻ tạm trú. Như vậy, theo quy định thì Doanh nghiệp được thành lập theo pháp luật Việt Nam và Văn phòng đại diện, chi nhánh của thương nhân nước ngoài; văn phòng đại diện tổ chức kinh tế, văn hóa và tổ chức chuyên môn khác của nước ngoài tại Việt Nam mới được quyền mời, bảo lãnh người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam. Chi nhánh của doanh nghiệp Việt Nam thì không có tư cách pháp nhân cũng như không thuộc các trường hợp bên trên. Do đó, Giám đốc Chi nhánh không có được quyền ký hồ sơ giấy tờ bảo lãnh người lao động nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam. Mặt khác, căn cứ khoản 1 Điều 44 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về Chi nhánh, văn phòng đại diện và địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp thì Chi nhánh là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, có nhiệm vụ thực hiện toàn bộ hoặc một phần chức năng của doanh nghiệp, bao gồm cả chức năng đại diện theo ủy quyền. Ngành, nghề kinh doanh của chi nhánh phải đúng với ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp. Như vậy, chi nhánh là một phần của doanh nghiệp có nhiệm vụ thực hiện toàn bộ hoặc một phần chức năng của doanh nghiệp, bao gồm cả chức năng đại diện theo ủy quyền. Đồng thời, theo Điều 84 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về Chi nhánh, văn phòng đại diện của pháp nhân như sau: - Chi nhánh, văn phòng đại diện là đơn vị phụ thuộc của pháp nhân, không phải là pháp nhân. - Chi nhánh có nhiệm vụ thực hiện toàn bộ hoặc một phần chức năng của pháp nhân. - Văn phòng đại diện có nhiệm vụ đại diện trong phạm vi do pháp nhân giao, bảo vệ lợi ích của pháp nhân. - Việc thành lập, chấm dứt chi nhánh, văn phòng đại diện của pháp nhân phải được đăng ký theo quy định của pháp luật và công bố công khai. - Người đứng đầu chi nhánh, văn phòng đại diện thực hiện nhiệm vụ theo ủy quyền của pháp nhân trong phạm vi và thời hạn được ủy quyền. - Pháp nhân có quyền, nghĩa vụ dân sự phát sinh từ giao dịch dân sự do chi nhánh, văn phòng đại diện xác lập, thực hiện Như vậy, Người đứng đầu chi nhánh có thể thực hiện nhiệm vụ theo ủy quyền của pháp nhân trong phạm vi và thời hạn được ủy quyền, do đó, để được ký hồ sơ, hoàn tất thủ tục mời, bảo lãnh cho người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam thì người đại diện theo pháp luật của công ty có thể lập văn bản ủy quyền cho Giám đốc Chi nhánh làm đại diện theo ủy quyền của công ty, nhân danh công ty ký hồ sơ liên quan.
Công dân Việt Nam dưới 14 tuổi có quyền và nghĩa vụ như thế nào về xuất nhập cảnh
Có thể thấy thì trẻ em dưới 14 tuổi đi du lịch nước ngoài rất nhiều, một câu hỏi đặt ra là công dân Việt Nam dưới 14 tuổi xuất nhập cảnh có quyền và nghĩa vụ như thế nào? Vì vậy, bài viết sau đây sẽ cung cấp một số thông tin liên quan đến vấn đề này. Công dân Việt Nam dưới 14 tuổi xuất nhập cảnh có quyền và nghĩa vụ như thế nào? Theo Điều 5 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019, thì Công dân Việt Nam dưới 14 tuổi xuất nhập cảnh có quyền và nghĩa vụ sau: - Công dân Việt Nam có các quyền sau đây: + Được cấp giấy tờ xuất nhập cảnh theo quy định của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019; + Người từ đủ 14 tuổi trở lên có quyền lựa chọn cấp hộ chiếu có gắn chíp điện tử hoặc hộ chiếu không gắn chíp điện tử; + Được xuất cảnh, nhập cảnh theo quy định của Luật Xuất nhập, cảnh của công dân Việt Nam 2019; + Được bảo đảm bí mật cá nhân, bí mật gia đình trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, trừ trường hợp phải cung cấp thông tin, tài liệu theo quy định của pháp luật; + Yêu cầu cung cấp thông tin về xuất cảnh, nhập cảnh của mình; yêu cầu cập nhật, chỉnh sửa thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, giấy tờ xuất nhập cảnh của mình để bảo đảm đầy đủ, chính xác; + Sử dụng hộ chiếu của mình để thực hiện giao dịch hoặc thủ tục khác theo quy định của pháp luật; + Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện, yêu cầu bồi thường theo quy định của pháp luật. - Công dân Việt Nam có các nghĩa vụ sau đây: + Chấp hành quy định của pháp luật Việt Nam về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và pháp luật của nước đến khi ra nước ngoài; + Thực hiện thủ tục đề nghị cấp giấy tờ xuất nhập cảnh, gia hạn hộ chiếu, khôi phục giá trị sử dụng hộ chiếu theo quy định của Luật này; + Sử dụng giấy tờ xuất nhập cảnh do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp để xuất cảnh, nhập cảnh; + Chấp hành yêu cầu của cơ quan, người có thẩm quyền trong việc kiểm tra người, hành lý, giấy tờ xuất nhập cảnh khi làm thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh; + Nộp lệ phí cấp giấy tờ xuất nhập cảnh theo quy định của pháp luật. - Người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi theo quy định của Bộ luật Dân sự, người chưa đủ 14 tuổi thông qua người đại diện hợp pháp của mình thực hiện quyền và nghĩa vụ theo quy định của Luật này. Công dân Việt Nam dưới 14 tuổi có quyền và nghĩa vụ như thế nào về xuất nhập cảnh Công dân Việt Nam dưới 14 tuổi phải đáp ứng điều kiện nào để được xuất cảnh? Theo Điều 33 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019, thì công dân Việt Nam dưới 14 tuổi xuất nhập cảnh phải đáp ứng những điều kiện sau: - Công dân Việt Nam được xuất cảnh khi có đủ các điều kiện sau đây: + Có giấy tờ xuất nhập cảnh còn nguyên vẹn, còn thời hạn sử dụng; đối với hộ chiếu phải còn hạn sử dụng từ đủ 6 tháng trở lên; + Có thị thực hoặc giấy tờ xác nhận, chứng minh được nước đến cho nhập cảnh, trừ trường hợp được miễn thị thực; + Không thuộc trường hợp bị cấm xuất cảnh, không được xuất cảnh, bị tạm hoãn xuất cảnh theo quy định của pháp luật. - Người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi theo quy định của Bộ luật Dân sự, người chưa đủ 14 tuổi ngoài các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này phải có người đại diện hợp pháp đi cùng. Công dân Việt Nam dưới 14 tuổi phải đáp ứng điều kiện nào để nhập cảnh? Theo Điều 34 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019, thì công dân Việt Nam dưới 14 tuổi phải đáp ứng điều sau để nhập cảnh vào Việt Nam Công dân Việt Nam được nhập cảnh khi có giấy tờ xuất nhập cảnh còn nguyên vẹn, còn thời hạn sử dụng.
Dẫn khách du lịch "chui" từ nước khác sang Việt Nam bị xử lý thế nào?
Trước thềm Tết Nguyên đán, các tội phạm diễn ra phức tạp và khó kiểm soát hơn. Cụ thể là tình hình vượt biên của một số đối tượng vượt biên từ nước khác sang Việt Nam hoặc thậm chí là tổ chức cho nhiều người khác vượt biên trái phép với mục đích kiếm lợi về việc dẫn du khách du lịch “chui”. Vậy hành vi này sẽ bị xử lý như thế nào? Vượt biên trái phép là hành vi trái pháp luật khi một người di chuyển qua lại giữa các quốc gia mà không làm các thủ tục về quản lý xuất nhập cảnh và xin ý kiến đồng ý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc làm giả giấy tờ để qua mắt các cơ quan kiểm tra. Việc xuất cảnh trái phép như vậy gây rất nhiều rủi ro cho an ninh Quốc gia của nơi đến và đi, làm ảnh hưởng đến sự quản lý của các cơ quan có thẩm quyền, đặc biệt là ở đợt dịch Covid vừa qua khiến tình trạng bệnh dịch lây lan rất nhiều. Ở Việt Nam, hành vi này thường hay diễn ra ở những nơi rậm rạp, khó kiểm soát tại ranh giới giữa Việt Nam với Trung Quốc, Lào, Campuchia, Thái Lan bởi ranh giới giữa các nước này là trên đường bộ, nên hành vi này diễn ra thường xuyên hơn. Xử phạt vi phạm hành chính Căn cứ theo Điều 18 Nghị định 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 quy định như sau: - Hành vi qua lại biên giới quốc gia mà không làm thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh theo quy định của pháp luật bị phạt tiền từ 03-05 triệu đồng. - Hành vi sử dụng hộ chiếu giả, giấy thông hành giả, giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế; giấy tờ cấp cho người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú tại Việt Nam giả hoặc thẻ ABTC giả bị phạt tiền từ 05-10 triệu đồng. - Hành vi giả mạo hồ sơ, giấy tờ để được cấp hộ chiếu; giấy thông hành, giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế; giấy tờ cấp cho người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú tại Việt Nam hoặc thẻ ABTC sẽ bị phạt tiền từ 15-20 triệu đồng; - Hành vi làm giả hộ chiếu, giấy thông hành, giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế; giấy tờ cấp cho người nước ngoài nhập cảnh, cư trú tại Việt Nam hoặc thẻ ABTC sẽ bị phạt tiền từ 30-40 triệu đồng. Ngoài các hình phạt tiền nêu trên, đối với việc thực hiện hành vi tại điểm a khoản 4 và điểm a khoản 7, người thực hiện hành vi vi phạm còn bị tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. Vượt biên trái phép có bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay không? Theo quy định tại Điều 347 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về Tội vi phạm quy định về xuất cảnh, nhập cảnh; tội ở lại Việt Nam trái phép, cụ thể: Người nào xuất cảnh, nhập cảnh trái phép hoặc ở lại Việt Nam trái phép, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 05-50 triệu đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Ngoài ra, đối với hành vi Tổ chức cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh trái phép cũng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép tại Điều 348 Bộ luật Hình sự 2015, quy định: Người nào vì vụ lợi mà tổ chức hoặc môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép, thì bị phạt từ từ 01-05 năm. Mức phạt cao nhất đối với hành vi này lên đến 10 năm tù. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10-50 triệu đồng hoặc cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Hướng dẫn phạm vi xuất nhập cảnh tại cửa khẩu hàng không
Ngày 07/11/2022, Chính phủ ban hành Nghị định 93/2022/NĐ-CP về quản lý, bảo đảm an ninh, trật tự tại cửa khẩu đường hàng không. Theo đó, phạm vi khu vực cửa khẩu đường hàng không bao gồm các khu vực thực hiện việc xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh của người, phương tiện, xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh của hàng hóa, có ranh giới rõ ràng, được đặt biển báo theo quy định, bao gồm: (1) Khu vực nhà ga hành khách: khu vực thực hiện thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh của người, phương tiện vận tải; khu vực thực hiện thủ tục hải quan; khu vực đảo hành lý; khu vực kho lưu giữ hàng hóa, hành lý ký gửi, hành lý thất lạc. (2) Khu vực nhà ga hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh; kho hàng hóa xuất khẩu; kho hàng hóa nhập khẩu. (3) Khu vực sân đỗ tàu bay: khu vực tàu bay xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh; khu vực xếp dỡ, chuyển tải, khu vực bãi chứa hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh. (4) Khu vực khác liên quan: Hoạt động xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh của người; xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa, phương tiện vận tải trong trường hợp chuyến bay quốc tế được cấp phép đến địa điểm không phải cảng hàng không. Bên cạnh đó, phạm vi khu vực cách ly xuất nhập cảnh nằm trong khu vực cửa khẩu đường hàng không được tính từ bục kiểm soát xuất cảnh đến cửa tàu bay và từ cửa tàu bay đến bục kiểm soát nhập cảnh. Trường hợp tàu bay đỗ tại sân đỗ, không gian phía trong phương tiện vận chuyển hành khách từ cửa khởi hành đến cửa lên tàu bay xuất cảnh và từ cửa xuống tàu bay nhập cảnh đến cửa vào khu vực làm thủ tục nhập cảnh được coi là khu vực cách ly xuất nhập cảnh. Đối với dòng lưu chuyển hành khách, hàng hóa, hành lý của hành khách tại cửa khẩu đường hàng không được thực hiện như sau: * Dòng lưu chuyển hành khách: Đối với hành khách nhập cảnh, hành khách khi xuống tàu bay thực hiện lần lượt theo trình tự thủ tục: - Kiểm dịch y tế. - Kiểm dịch động vật. - Thực vật mang theo (nếu có). - Thủ tục kiểm soát nhập cảnh. - Thủ tục hải quan. Đối với hành khách xuất cảnh, hành khách thực hiện lần lượt theo trình tự: - Thủ tục hàng không. - Thủ tục kiểm soát xuất cảnh. - Thủ tục hải quan. - Soi chiếu an ninh hàng không. Đối với hành khách quá cảnh, hành khách khi xuống tàu bay thực hiện lần lượt theo trình tự: - Thủ tục kiểm dịch. - Kiểm tra soi chiếu an ninh hàng không. Lưu ý: Trong thời điểm xảy ra dịch bệnh, dòng lưu chuyển hành khách có thể được điều chỉnh theo các quy định phòng, chống bệnh truyền nhiễm của Bộ Y tế. * Dòng lưu chuyển hàng hóa, hành lý của hành khách: Đối với hàng hóa nhập khẩu, hành lý của hành khách nhập cảnh không đi cùng hành khách khi xuống tàu bay, thực hiện lần lượt theo trình tự: - Thủ tục kiểm dịch (y tế, động vật, thực vật). - Thủ tục hải quan. Đối với hàng hóa xuất khẩu, hành lý của hành khách xuất cảnh không đi cùng hành khách, thực hiện lần lượt theo trình tự: - Thủ tục kiểm dịch (y tế, động vật, thực vật). - Thủ tục hải quan và soi chiếu an ninh hàng không. Xem thêm Nghị định 93/2022/NĐ-CP có hiệu lực ngày 22/12/2022.
Nhập điện thoại “xách tay” để bán có bị xử phạt?
Điện thoại “xách tay” hay hàng 99% là những cụm từ để miêu tả điện thoại phải mua từ một bên trung gian nhập khẩu từ nước ngoài với giá rẻ hơn hàng chính hãng thị trường trong nước. Thời gian vừa qua thương hiệu điện thoại Iphone 14 của hãng Apple vừa ra mắt với mức giá như thường lệ vẫn đắt đỏ và phải chờ đợi chính hãng tại Việt Nam rất lâu. Qua đó, nhiều người lựa chọn mua xách tay từ nước ngoài về với mức giá hợp lý và nhanh chóng. Vậy, hành vi bán điện thoại “xách tay” có bị xử phạt? Kiểm tra hải quan trước khi nhập cảnh Trước khi nhập cảnh vào Việt Nam thì người từ nước ngoài trở về phải được kiểm tra thủ tục hải quan nhằm đảm bảo các quy định về nhập cảnh tránh việc người này sẽ trốn thuế. Căn cứ Điều 54 Luật hải quan 2014 về việc kiểm tra, giám sát hải quan đối với hành lý của người xuất cảnh, nhập cảnh được thực hiện như sau: (1) Hành lý của người xuất cảnh, nhập cảnh phải chịu sự kiểm tra, giám sát hải quan tại cửa khẩu. (2) Hành lý của người xuất cảnh, nhập cảnh vượt định mức miễn thuế phải làm thủ tục hải quan như đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Người xuất cảnh, nhập cảnh có thể gửi hành lý vào kho tại cửa khẩu và được nhận lại khi nhập cảnh, xuất cảnh. (3) Tiêu chuẩn hành lý, định mức hành lý được miễn thuế thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế. Theo mục (2) thì hành lý của người xuất cảnh, nhập cảnh sẽ được miễn thuế theo điểm d khoản 1 Điều 6 Nghị định 134/2016/NĐ-CP như sau: Người nhập cảnh bằng hộ chiếu hoặc giấy tờ thay hộ chiếu, do cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam hoặc của nước ngoài cấp, có hành lý mang theo người, hành lý gửi trước hoặc gửi sau chuyến đi được miễn thuế nhập khẩu cho các vật phẩm khác ngoài hàng hóa quy định tại các điểm a, b, và c khoản 1 Điều 6 Nghị định 134/2016/NĐ-CP (không nằm trong Danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu, tạm ngừng nhập khẩu hoặc nhập khẩu có điều kiện) có tổng trị giá hải quan không quá 10 triệu đồng Việt Nam. Trường hợp vượt định mức phải nộp thuế, người nhập cảnh được chọn vật phẩm để miễn thuế trong trường hợp hành lý mang theo gồm nhiều vật phẩm. Như vậy, căn cứ các quy định trên tổng hàng hóa mang theo phải dưới 10 triệu đồng mới được miễn thuế nhập khẩu, tuy nhiên đối với các dòng Iphone mới thì đa phần đều có mức giá cao hơn 10 triệu đồng vì thế phải làm thủ tục kê khai hàng hóa nhập khẩu. Khi nào được xem là hành vi nhập lậu hàng hóa Trong trường hợp, nếu người nhập khẩu bán điện thoại xách tay mà không có chứng từ nhập khẩu, không thông qua kê khai hải quan theo quy định của pháp luật thì được coi là hành vi buôn lậu trái pháp luật. Theo đó, tại c khoản 6 Điều 3 Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định về hàng hóa nhập lậu như sau: Hàng hóa nhập khẩu không đi qua cửa khẩu quy định, không làm thủ tục hải quan theo quy định của pháp luật hoặc gian lận số lượng, chủng loại hàng hóa khi làm thủ tục hải quan. Trường hợp mà người từ nước ngoài trở về cố tình không khai hoặc khai gian số lượng điện thoại Iphone đem bán thì được xem là hành vi buôn lậu. Xử phạt hành vi nhập lậu điện thoại xách tay Người nhập lậu là cá nhân có hành vi cố ý vận chuyển hàng hóa, tàng trữ hàng hóa nhập lậu hoặc cố ý giao nhận hàng hóa nhập lậu tùy theo mức tiền vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính theo Điều 15 Nghị định 98/2020/NĐ-CP như sau: Phạt tiền từ 500 nghìn đồng - 1 triệu đồng đối với hàng hóa có trị giá dưới 3 triệu đồng; Phạt tiền từ 1 triệu - 2 triệu đồng đối với hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 3 triệu - dưới 5 triệu đồng; Phạt tiền từ 2 triệu - 4 triệu đồng đối với hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 5 triệu - dưới 10 triệu đồng; Phạt tiền từ 4 triệu - 6 triệu đồng đối với hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 10 triệu - dưới 20 triệu đồng; Phạt tiền từ 6 triệu - 10 triệu đồng đối với hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 20 triệu - dưới 30 triệu đồng; Phạt tiền từ 10 triệu - 20 triệu đồng đối với hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 30 triệu - dưới 50 triệu đồng; Phạt tiền từ 20 triệu - 30 triệu đồng đối với hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 50 triệu - dưới 70 triệu đồng; Phạt tiền từ 30 triệu - 40 triệu đồng đối với hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 70.000 triệu - dưới 100 triệu đồng; Phạt tiền từ 40 triệu - 50 triệu đồng đối với hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên. Lưu ý: đối với tổ chức có hành vi vi phạm tương tự thì mức phạt gấp 02 lần so với cá nhân. Ngoài ra, trường hợp phát hiện hành vi vi phạm còn bị tịch thu các hàng hóa vi phạm quy định thủ tục kê khai nhập khẩu. Truy cứu hình sự tội buôn lậu điện thoại xách tay Căn cứ Điều 188 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi năm 2017) quy định Người nào buôn bán qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại trái pháp luật. (1) Hàng hóa trị giá từ 100 triệu đồng - dưới 300 triệu đồng hoặc dưới 100 triệu đồng nhưng tái phạm mà chưa được xóa án tích thì bị phạt tiền từ 50 triệu - 300 triệu đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng - 03 năm. (2) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 300 triệu - 1.5 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 03 năm - 07 năm: (3) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 1.5 tỷ - 5 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 7 năm - 15 năm: - Vật phạm pháp trị giá từ 500 triệu - dưới 1 tỷ đồng. - Thu lợi bất chính từ 500 triệu - dưới 1 tỷ đồng. (4) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm - 20 năm: - Vật phạm pháp trị giá 1 tỷ đồng trở lên. - Thu lợi bất chính 1 tỷ đồng trở lên. Khi phạm tội có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp; giá trị hàng hóa từ 300 triệu - dưới 500 triệu đồng hoặc phạm tội 02 lần trở lên. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 triệu - 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 - 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Như vậy, trường hợp bán người từ nước ngoài trở về mà có mang theo điện thoại xách tay để tặng cho hay bán lại đều phải kê khai và làm thủ tục hải quan nếu số hàng hóa hay điện thoại có giá trị vượt quá tổng giá trị được miễn thuế. Trường hợp có xảy ra sai phạm thì có thể bị xử phạt hành chính lên đến 100 triệu đồng, thậm chí là truy cứu trách nhiệm hình sự đối với cá nhân từ 12 - 20 năm tù giam.
Tàu của tôi có thể làm thủ tục nhập cảnh trong điều kiện này không?
Tôi có một thắc mắc muốn trình bày với quý cơ quan như sau: Tôi hiện tại đang làm đại lý , khi tàu vào cảng chúng tôi sẽ làm thủ tục xuất nhập cảnh cho tàu. Khi làm thủ tục cho tàu, các đồng chi Biên Phòng có kiểm tra hộ chiếu của thuyền viên và phát hiện hạn hộ chiếu của thuyền viên dưới 6 tháng ( thuyền viên nước ngoài). Theo như cá nhân tôi tìm hiểu thì hạn hộ chiếu đối với người nhập cảnh phải có hạn ít nhất 6 tháng, tuy nhiên thuyền viên của chúng tôi không nhập cảnh vào Việt Nam mà chỉ đi trên tàu biển (tàu biển nhập cảnh vào việt nam). Vậy kính mong quý cơ quan hỗ trợ giải đáp,
Chứa chấp người nhập cảnh trái phép vào Việt Nam và chế tài xử lý
Có thể thấy trước đây thời điểm dịch bệnh trên thế giới và trong nước bùng phát lớn một số đối tượng vì lợi ích kinh tế cá nhân đã đưa người nhập cảnh trái phép vào Việt Nam hoặc giúp đỡ, chứa chấp, che giấu, tạo điều kiện cho người khác vào Việt Nam, ở lại Việt Nam trái phép. Tuy nhiên, vấn đề về người nhập cảnh trái phép vào Việt Nam tại thời điểm đó phần lớn lý do về ảnh hưởng của dịch bệnh, phía người bên Việt Nam có những đối tượng lợi dụng tình hình đó để chưa chấp những đối tượng này nhập cảnh trái phép qua các con đường mòn, thậm chí là qua cửa khẩu. Vậy, dưới góc độ pháp luật thì hành vi này sẽ xử lý như thế nào. Tại Khoản 7 và Khoản 8 Điều 18 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định vi phạm các quy định về xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, cư trú và đi lại như sau: … 7. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: a) Làm giả hộ chiếu, giấy thông hành, giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế; giấy tờ cấp cho người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú tại Việt Nam hoặc thẻ ABTC; b) Vào, ở lại đại sứ quán, lãnh sự quán, cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự hoặc trụ sở cơ quan, tổ chức quốc tế đóng tại Việt Nam mà không được phép của cơ quan, tổ chức đó; c) Người nước ngoài cư trú tại các khu vực cấm người nước ngoài cư trú; d) Chủ phương tiện, người quản lý phương tiện, người điều khiển các loại phương tiện vận chuyển người nhập cảnh, xuất cảnh Việt Nam trái phép; đ) Tổ chức, môi giới, giúp sức, xúi giục, chứa chấp, che giấu, tạo điều kiện cho người khác xuất cảnh, ở lại nước ngoài, nhập cảnh, ở lại Việt Nam hoặc qua lại biên giới quốc gia trái phép. e) Người nước ngoài không chấp hành quyết định buộc xuất cảnh Việt Nam của cơ quan có thẩm quyền, tiếp tục cư trú tại Việt Nam. 8. Hình thức xử phạt bổ sung: a) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại điểm b, c, d khoản 3; điểm a khoản 4; điểm a khoản 5; điểm c khoản 6; điểm a, d khoản 7 Điều này; b) Trục xuất người nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6 và 7 Điều này. Theo Khoản 2 Điều 4 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định mức phạt tiền: 2. Mức phạt tiền quy định tại Chương II Nghị định này là mức phạt được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân. Như vậy, khi chứa chấp người nhập cảnh trái phép vào Việt Nam sẽ bị phạt hành chính từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng. Ngoài ra còn trục xuất người đã nhập cảnh trái phép về lại nước. Căn cứ Điều 347 Bộ luật hình sự 2015 quy định tội vi phạm quy định về xuất cảnh, nhập cảnh; tội ở lại Việt Nam trái phép như sau: Người nào xuất cảnh, nhập cảnh trái phép hoặc ở lại Việt Nam trái phép, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Do đó, người nhập cảnh trái phép vào Việt Nam có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu như đã bị xử phạt hành chính nhưng lại vi phạm. Người có hành vi đấy có thể bị phạt tiền lên đến 50.000.000 đồng hoặc phạt tù lên đến 03 năm