Danh mục hàng hóa, dịch vụ áp dụng mua sắm tập trung cấp quốc gia
Ngày 01/10/2024, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 69/2024/TT-BTC quy định danh mục hàng hóa, dịch vụ áp dụng mua sắm tập trung cấp quốc gia. Cụ thể danh mục qua bài viết sau đây. Thông tư 69/2024/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 15/11/2024 Danh mục hàng hóa, dịch vụ áp dụng mua sắm tập trung cấp quốc gia Theo Điều 2 Thông tư 69/2024/TT-BTC quy định Danh mục hàng hóa, dịch vụ áp dụng mua sắm tập trung cấp quốc gia bao gồm: - Danh mục hàng hóa, dịch vụ áp dụng mua sắm tập trung cấp quốc gia là xe ô tô phục vụ công tác chung của cơ quan, tổ chức, đơn vị; bao gồm: + Xe ô tô phục vụ công tác chung 4-5 chỗ ngồi. + Xe ô tô phục vụ công tác chung 7-9 chỗ ngồi. + Xe ô tô phục vụ công tác chung 12-16 chỗ ngồi. + Xe ô tô phục vụ công tác chung bán tải. - Danh mục quy định trên không áp dụng đối với xe ô tô phục vụ công tác chung là: + Xe ô tô phục vụ công tác chung của cơ quan Việt Nam ở nước ngoài. + Xe ô tô 2 cầu có công suất lớn theo quy định tại khoản 2 Điều 15 Nghị định 72/2023/NĐ-CP Như vậy, từ ngày 15/11/2024 sẽ áp dụng Danh mục hàng hóa, dịch vụ áp dụng mua sắm tập trung cấp quốc gia như trên. Khi nào sẽ áp dụng mua sắm tập trung trong đấu thầu? Theo Điều 53 Luật Đấu thầu 2023 quy định về mua sắm tập trung trong đấu thầu thì mua sắm tập trung được áp dụng khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây: - Hàng hóa, dịch vụ cần mua sắm với số lượng lớn, chủng loại tương tự ở một hoặc nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị. Trường hợp mua thuốc hiếm, thuốc cần mua với số lượng ít có thể áp dụng hình thức mua sắm tập trung để bảo đảm có đủ thuốc phục vụ nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh; - Thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ áp dụng mua sắm tập trung quy định tại khoản 2 Điều 53 Luật Đấu thầu 2023. Như vậy, chỉ được mua sắm tập trung những hàng hoá, dịch vụ cần mua sắm với số lượng lớn, chủng loại tương tự và phải nằm trong danh mục hàng hóa, dịch vụ áp dụng mua sắm tập trung. Khi mua sắm tập trung trong đấu thầu phải tuân theo nguyên tắc nào? Theo Điều 87 Nghị định 24/2024/NĐ-CP quy định nguyên tắc mua sắm tập trung bao gồm: - Việc mua sắm tập trung được thực hiện thông qua đơn vị mua sắm tập trung thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, doanh nghiệp, trừ trường hợp quy định tại khoản 5 Điều 53 Luật Đấu thầu 2023. Trường hợp đơn vị mua sắm tập trung không đủ năng lực thì thuê tư vấn đấu thầu thực hiện việc lựa chọn nhà thầu. - Đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục phải áp dụng mua sắm tập trung sử dụng thỏa thuận khung, đơn vị có nhu cầu mua sắm hàng hóa, dịch vụ phải ký kết hợp đồng với nhà thầu đã được lựa chọn thông qua mua sắm tập trung. Trường hợp thỏa thuận khung còn hiệu lực mà ký kết hợp đồng với nhà thầu khác không được lựa chọn thông qua mua sắm tập trung thì không được thanh toán, trừ trường hợp quy định tại khoản 22, khoản 23 Điều 131 Nghị định 24/2024/NĐ-CP. Như vậy, khi mua sắm tập trung trong đấu thầu thì phải tuân theo những nguyên tắc quy định trên.
Kinh doanh dịch vụ trông giữ xe có cần đăng ký kinh doanh không?
Kinh doanh dịch vụ trông, giữ xe là một hoạt động khá phổ biến, đặc biệt là tại các khu vực đông dân cư, trung tâm thương mại. Vậy cá nhân kinh doanh dịch vụ trông, giữ xe có cần phải đăng ký kinh doanh hay không? (1) Kinh doanh dịch vụ trông, giữ xe có cần đăng ký kinh doanh không? Theo Điều 2 Nghị định 39/2007/NĐ-CP về hoạt động thương mại một cách độc lập thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh quy định về đối tượng áp dụng như sau: Cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên không thuộc đối tượng phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật về đăng ký kinh doanh (sau đây gọi tắt là cá nhân hoạt động thương mại). Ngoài ra, tại khoản 1 Điều 3 Nghị định 39/2007/NĐ-CP có quy định như sau: Cá nhân hoạt động thương mại là cá nhân tự mình hàng ngày thực hiện một, một số hoặc toàn bộ các hoạt động được pháp luật cho phép về mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác nhưng không thuộc đối tượng phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật về đăng ký kinh doanh và không gọi là “thương nhân” theo quy định của Luật Thương mại. Cụ thể bao gồm những cá nhân thực hiện các hoạt động thương mại sau đây: - Buôn bán rong (buôn bán dạo) là các hoạt động mua, bán không có địa điểm cố định (mua rong, bán rong hoặc vừa mua rong vừa bán rong), bao gồm cả việc nhận sách báo, tạp chí, văn hóa phẩm của các thương nhân được phép kinh doanh các sản phẩm này theo quy định của pháp luật để bán rong; - Buôn bán vặt là hoạt động mua bán những vật dụng nhỏ lẻ có hoặc không có địa điểm cố định; - Bán quà vặt là hoạt động bán quà bánh, đồ ăn, nước uống (hàng nước) có hoặc không có địa điểm cố định; - Buôn chuyến là hoạt động mua hàng hóa từ nơi khác về theo từng chuyến để bán cho người mua buôn hoặc người bán lẻ; - Thực hiện các dịch vụ: đánh giày, bán vé số, chữa khóa, sửa chữa xe, trông giữ xe, rửa xe, cắt tóc, vẽ tranh, chụp ảnh và các dịch vụ khác có hoặc không có địa điểm cố định; - Các hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh khác. Có thể thấy, cá nhân kinh doanh dịch vụ trông giữ xe là một trong những hoạt động thương mại độc lập, thường xuyên và không thuộc đối tượng phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật về đăng ký kinh doanh và không gọi là “thương nhân” theo quy định của Luật Thương mại 2005. Như vậy, cá nhân kinh doanh dịch vụ trông giữ xe không phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật. (2) Khu vực không được phép kinh doanh trông, giữ xe Theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị định 39/2007/NĐ-CP, cá nhân hoạt động thương mại (bao gồm cá nhân kinh doanh trông, giữ xe) không được thực hiện các hoạt động thương mại tại các khu vực, tuyến đường, địa điểm sau đây: - Khu vực thuộc các di tích lịch sử, văn hóa đã được xếp hạng, các danh lam thắng cảnh khác - Khu vực các cơ quan nhà nước, cơ quan ngoại giao, các tổ chức quốc tế; - Khu vực thuộc vành đai an toàn kho đạn dược, vật liệu nổ, nhà máy sản xuất đạn dược, vật liệu nổ, doanh trại Quân đội nhân dân Việt Nam; - Khu vực thuộc cảng hàng không, cảng biển, cửa khẩu quốc tế, sân ga, bến tầu, bến xe, bến phà, bến đò và trên các phương tiện vận chuyển; - Khu vực các trường học, bệnh viện, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng; - Nơi tạm dừng, đỗ của phương tiện giao thông đang tham gia lưu thông, bao gồm cả đường bộ và đường thủy; - Phần đường bộ bao gồm lối ra vào khu chung cư hoặc khu tập thể; ngõ hẻm; vỉa hè, lòng đường, lề đường của đường đô thị, đường huyện, đường tỉnh và quốc lộ dành cho người và phương tiện tham gia giao thông, trừ các khu vực, tuyến đường hoặc phần vỉa hè đường bộ được cơ quan có thẩm quyền quy hoạch hoặc cho phép sử dụng tạm thời để thực hiện các hoạt động thương mại; - Các tuyến đường, khu vực (kể cả khu du lịch) do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi tắt là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) hoặc cơ quan được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ủy quyền quy định và có biển cấm cá nhân thực hiện các hoạt động thương mại; - Khu vực thuộc quyền sử dụng của tổ chức, cá nhân tuy không phải là khu vực, tuyến đường, địa điểm cấm sử dụng làm địa điểm kinh doanh theo quy định từ điểm a đến điểm h khoản 1 Điều 6 Nghị định 39/2007/NĐ-CP nhưng không được sự đồng ý của tổ chức, cá nhân đó hoặc khu vực đó có biển cấm cá nhân thực hiện các hoạt động thương mại. Theo đó, pháp luật nghiêm cấm cá nhân hoạt động thương mại chiếm dụng trái phép, tự ý xây dựng, lắp đặt cơ sở, thiết bị, dụng cụ thực hiện các hoạt động thương mại và trưng bày hàng hóa ở bất kỳ địa điểm nào trên đường giao thông và nơi công cộng; lối ra vào, lối thoát hiểm hoặc bất kỳ khu vực nào làm cản trở giao thông, gây bất tiện cho cộng đồng và làm mất mỹ quan chung. Trường hợp tiến hành hoạt động thương mại ở các khu vực, tuyến đường hoặc phần vỉa hè đường bộ được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy hoạch hoặc cho phép sử dụng tạm thời thì ngoài việc tuân thủ quy định của Nghị định 39/2007/NĐ-CP, cá nhân hoạt động thương mại phải bảo đảm thực hiện theo đúng quy hoạch và sự cho phép đó. Ngoài ra, cá nhân hoạt động thương mại phải tuân thủ mệnh lệnh hợp pháp của người thi hành công vụ trong trường hợp được yêu cầu di chuyển hàng hóa; phương tiện, thiết bị, dụng cụ thực hiện các hoạt động thương mại để tránh làm cản trở hoặc tắc nghẽn giao thông trong trường hợp khẩn cấp hoặc vì lý do an ninh và các hoạt động xã hội khác theo quy định của pháp luật.
BHXH Việt Nam trả lời kiến nghị của cử tri gửi trước Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV
Tại Công văn 2699/BHXH-VP, BHXH đã trả lời kiến nghị của cử tri về việc đề nghị BHXH Việt Nam tiếp tục nỗ lực tạo ra ngày càng nhiều tiện ích, dịch vụ mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp. (1) Những tiện ích, dịch vụ BHXH Việt Nam đã thực hiện Trước kiến nghị của cử tri thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, BHXH Việt Nam đã có công văn gửi Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM để trả lời về việc đề nghị BHXH Việt Nam tiếp tục nỗ lực tạo ra ngày càng nhiều tiện ích, dịch vụ mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp. Theo đó, tại Công văn 2699/BHXH-VP, BHXH Việt Nam đã trả lời như sau: Những năm qua, BHXH Việt Nam luôn chủ động triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để thực hiện cải cách thủ tục hành chính (TTHC) với phương châm cải cách TTHC gắn với ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, cải cách đóng vai trò dẫn dắt, công nghệ hỗ trợ và thúc đẩy, nỗ lực không ngừng hoàn thiện các quy trình nghiệp vụ, cung cấp dịch vụ công tốt nhất, thuận lợi nhất, đáp ứng yêu cầu đảm bảo an sinh xã hội quốc gia, phục vụ người dân và doanh nghiệp toàn diện hơn trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN như: - Tăng cường cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho tổ chức, cá nhân trên nhiều nền tảng như: + Cổng DVC quốc gia + Cổng DVC của BHXH Việt Nam + Ứng dụng VssID-BHXH số + Các tổ chức IVAN + Triển khai sử dụng thẻ BHYT trên ứng dụng VssID để người dân đi khám chữa bệnh (KCB) BHYT trên phạm vi toàn quốc + Từng bước triển khai số hoá hồ sơ, giấy tờ giải quyết TTHC…v.v. Bên cạnh đó, BHXH Việt Nam cũng tích cực phối hợp với các Bộ, ngành liên quan để triển khai thực hiện các giải pháp nhằm cải cách TTHC, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ sở dữ liệu chuyên ngành để có thể tái sử dụng dữ liệu, không yêu cầu nộp bản giấy đối với thông tin BHXH đã có, chuyển từ phương thức xử lý tiền kiểm sang hậu kiểm; không làm tăng chi phí cho tổ chức, cá nhân; tận dụng tối đa thông tin dùng chung để hạn chế việc khai báo của người dân, doanh nghiệp khi tham gia, hưởng các chế độ BHXH. Với các TTHC/DVC mà ngành BHXH Việt Nam đang cung cấp, người dân, doanh nghiệp có thể đăng ký tham gia, hưởng các chế độ về BHXH, BHYT, BHTN ngày càng thuận tiện. Người dân, doanh nghiệp có thể chủ động lựa chọn phương thức gửi nhận hồ sơ trực tuyến để tiết kiệm thời gian, chi phí giao dịch; đồng thời có thể theo dõi quá trình, kết quả giải quyết, đảm bảo công khai, minh bạch. Đặc biệt, BHXH Việt Nam đã triển khai mô hình liên thông cho hai nhóm thủ tục hành chính (TTHC): Đăng ký khai sinh, thường trú, cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi và Đăng ký khai tử, xóa thường trú, giải quyết mai táng phí, tử tuất Người dân chỉ cần khai báo một lần để thực hiện ba TTHC tại ba cơ quan khác nhau, giúp cắt giảm giấy tờ và thời gian giải quyết. Mô hình này nâng cao hiệu quả quản lý cho các cơ quan nhà nước, giảm chi phí sao in hồ sơ, và khắc phục tình trạng sai lệch thông tin. Sự phối hợp giữa các cơ quan như Tư pháp, Công an và BHXH đã đảm bảo tính công khai, minh bạch trong quá trình giải quyết TTHC. Ngoài ra, BHXH cũng đã phối hợp với Văn phòng Chính phủ và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để triển khai dịch vụ công "Giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp" trên Cổng DVC quốc gia từ tháng 4/2022, hoàn thành tái cấu trúc các dịch vụ công trực tuyến thiết yếu. (2) Những kết quả đạt được Với những nỗ lực kể trên, trong thời gian qua BHXH Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, cụ thể: - Trong 6 tháng đầu năm 2024, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam đã xử lý hơn 6,8 triệu hồ sơ giao dịch điện tử, chiếm 88% tổng số hồ sơ tiếp nhận. Khoảng 74% người hưởng chế độ bảo hiểm nhận tiền qua tài khoản cá nhân, tăng 10% so với năm 2023. BHXH cũng đã tiếp nhận và xử lý nhiều giao dịch liên quan đến BHXH tự nguyện và cấp thẻ BHYT. - Tất cả cơ sở khám chữa bệnh (KCB) đã triển khai KCB bằng Căn cước công dân gắn chip, với hơn 104 triệu lượt tra cứu thông tin thẻ BHYT thành công. BHXH cũng đã xử lý hơn 1 triệu hồ sơ thông qua các thủ tục hành chính liên thông. Trong thời gian tới, BHXH sẽ tiếp tục cải thiện dịch vụ, bao gồm chi trả lương hưu qua tài khoản cá nhân, cấp thẻ BHYT điện tử, và mở rộng xác thực sinh trắc học trong tiếp nhận hồ sơ. BHXH mong nhận được sự quan tâm của Quốc hội và cử tri về chính sách an sinh xã hội. Xem nội dung chi tiết tại Công văn 2699/BHXH-VP ngày 13/8/2024 của BHXH Việt Nam.
Hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá và nguyên tắc, căn cứ, phương pháp định giá của Nhà nước
Hàng hóa là sản phẩm có thể trao đổi, mua, bán trên thị trường. Dịch vụ là hàng hóa có tính vô hình, quá trình sản xuất và tiêu dùng không thể tách rời nhau. Định giá là quá trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thực hiện xác định giá của hàng hóa, dịch vụ. 1. Hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá Căn cứ Điều 21 Luật Giá 2023: - Hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá phải đáp ứng một trong các tiêu chí sau đây: + Hàng hóa, dịch vụ thuộc lĩnh vực độc quyền Nhà nước sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật về thương mại và quy định khác của pháp luật có liên quan; + Tài nguyên quan trọng theo quy định của pháp luật về tài nguyên; + Hàng dự trữ quốc gia; sản phẩm, dịch vụ công ích và dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước; + Hàng hóa, dịch vụ thiết yếu có tính chất độc quyền trong mua, bán hoặc có thị trường cạnh tranh hạn chế và ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội, đời sống người dân, hoạt động sản xuất, kinh doanh. - Cơ quan nhà nước có thẩm quyền định giá thực hiện định giá theo các hình thức sau đây: + Giá cụ thể là mức giá mà cơ quan, tổ chức, cá nhân phải mua, bán theo đúng mức giá đó; + Giá tối thiểu là mức giá mà cơ quan, tổ chức, cá nhân không được định giá, mua, bán thấp hơn mức giá đó; + Giá tối đa là mức giá mà cơ quan, tổ chức, cá nhân không được định giá, mua, bán cao hơn mức giá đó; + Khung giá là khoảng giới hạn mức giá mà cơ quan, tổ chức, cá nhân không được định giá, mua, bán thấp hơn mức tối thiểu và cao hơn mức tối đa của khung giá đó. - Thẩm quyền, trách nhiệm định giá được quy định như sau: + Thủ tướng Chính phủ định giá đối với hàng hóa, dịch vụ đặc biệt quan trọng, có ảnh hưởng lớn đến kinh tế vĩ mô, đời sống người dân; + Bộ Tài chính định giá đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc lĩnh vực quản lý; hàng hóa, dịch vụ thuộc nhiều ngành, lĩnh vực quản lý và ảnh hưởng đến ngân sách nhà nước; + Bộ, cơ quan ngang Bộ định giá đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc lĩnh vực, phạm vi chuyên ngành quản lý theo quy định của pháp luật; + Ủy ban nhân dân cấp tỉnh định giá đối với hàng hóa, dịch vụ theo thẩm quyền thuộc phạm vi quản lý theo địa bàn. - Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, hình thức định giá và thẩm quyền, trách nhiệm định giá được quy định tại Phụ lục số 02 kèm theo Luật này. Đặc điểm kinh tế - kỹ thuật của hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan; trường hợp chưa có quy định thì các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm ban hành theo thẩm quyền. - Trường hợp cần thiết phải điều chỉnh Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh lập văn bản đề nghị điều chỉnh gửi Bộ Tài chính tổng hợp, trình Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định. - Chính phủ quy định chi tiết trình tự, thủ tục để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá quy định tại khoản 5 Điều này. 2. Nguyên tắc và căn cứ định giá hàng hóa, dịch vụ của Nhà nước Căn cứ Điều 22 Luật Giá 2023: - Nguyên tắc định giá của Nhà nước được quy định như sau: + Bảo đảm bù đắp chi phí sản xuất, kinh doanh hợp lý, hợp lệ; lợi nhuận (nếu có) hoặc tích lũy theo quy định của pháp luật (nếu có) phù hợp với mặt bằng thị trường; bảo đảm phù hợp với cung cầu hàng hóa, dịch vụ, điều kiện thị trường tại thời điểm định giá và chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước trong từng thời kỳ; + Bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, người tiêu dùng; + Xem xét, điều chỉnh giá khi các yếu tố hình thành giá thay đổi. Trường hợp điều chỉnh giá sản phẩm, dịch vụ công trong dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư được thực hiện theo từng thời kỳ quy định tại hợp đồng dự án. - Căn cứ định giá của Nhà nước được quy định như sau: + Yếu tố hình thành giá của hàng hóa, dịch vụ tại thời điểm định giá hoặc thời gian xác định yếu tố hình thành giá trong phương án giá phù hợp với đặc điểm, tính chất của hàng hóa, dịch vụ; + Quan hệ cung cầu của hàng hóa, dịch vụ, nhu cầu của thị trường và sức mua của đồng tiền; khả năng thanh toán của người tiêu dùng; + Giá thị trường trong nước, thế giới và khả năng cạnh tranh của hàng hoá, dịch vụ. 3. Phương pháp định giá hang hóa, dịch vụ của Nhà nước Căn cứ Điều 23 Luật Giá 2023: - Phương pháp định giá là cách thức để xác định giá hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá theo các hình thức định giá quy định tại khoản 2 Điều 21 của Luật này. - Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành phương pháp định giá chung đối với hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá. Trường hợp khi áp dụng phương pháp định giá chung có nội dung đặc thù cần hướng dẫn, các Bộ, cơ quan ngang Bộ quản lý ngành, lĩnh vực, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đề xuất nội dung cụ thể cần hướng dẫn gửi Bộ Tài chính xem xét, hướng dẫn thực hiện. - Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ quản lý ngành, lĩnh vực chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Tài chính, các Bộ, cơ quan liên quan ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành phương pháp định giá đối với hàng hóa, dịch vụ sau đây: + Hàng hóa, dịch vụ được quy định tại khoản 4 Điều 3 của Luật này; + Hàng hóa, dịch vụ mà pháp luật có quy định về phương pháp định giá riêng. Như vậy, hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá phải đáp ứng một trong các tiêu chí quy định tại Điều 21 Luật Giá 2023. Nguyên tắc, căn cứ và phương pháp định giá hàng hóa, dịch vụ của Nhà nước được quy định tại Điều 22, Điều 23 Luật Giá 2023.
Đã có Nghị định quy định mức phạt hành chính trong lĩnh vực quản lý giá
Chính phủ vừa mới ban hành Nghị định 87/2024/NĐ-CP để quy định về việc xử phạt các vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá Nghị định 87/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 12/7/2024 và thay thế cho các quy định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá được quy định tại Chương II Nghị định 109/2013/NĐ-CP. Theo đó, Nghị định 87/2024/NĐ-CP quy định chi tiết mức phạt đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực quản lý giá, trong đó có mức phạt của một số vi phạm nổi bật như: (1) Mức phạt hành vi vi phạm không chấp hành các biện pháp bình ổn giá Theo đó, tại Điều 6 Nghị định 87/2024/NĐ-CP quy định mức xử phạt đối với hành vi trong chấp hành các biện pháp bình ổn giá của cơ quan nhà nước có thẩm quyền như sau: - Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi chấp hành không đúng một trong những biện pháp bình ổn giá do cơ quan có thẩm quyền quy định - Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi không chấp hành một trong những biện pháp bình ổn giá do cơ quan có thẩm quyền quy định - Biện pháp khắc phục hậu quả: + Buộc chấp hành đúng biện pháp bình ổn giá do cơ quan có thẩm quyền quy định đổi với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị định 87/2024/NĐ-CP trong thời gian thực hiện biện pháp bình ổn giá do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định + Buộc chấp hành các biện pháp bình ổn giá đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 Điều 6 Nghị định 87/2024/NĐ-CP trong thời gian thực hiện biện pháp bình ổn giá do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định Như vậy, người nào có hành vi không chấp hành, chấp hành không đúng với biện pháp bình ổn giá của cơ quan có thẩm quyền đã quy định thì sẽ bị phạt tiền tối đa lên đến 30 triệu đồng và bị buộc chấp hành đúng biện pháp bình ổn giá. (2) Mức phạt hành vi vi phạm về định giá và bán hàng hóa, dịch vụ không đúng quy định Theo quy định tại Điều 10 Nghị định 87/2024/NĐ-CP, mức phạt dành cho hành vi vi phạm quy định về định giá và bán hàng hóa, dịch vụ không đúng với quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cụ thể như sau: - Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau: + Hành vi bán không đúng mức giá hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá cụ thể + Hành vi bán cao hơn mức tối đa của khung giá do Nhà nước ban hành + Hành vi bán thấp hơn mức tối thiểu của khung giá do Nhà nước ban hành + Hành vi bán cao hơn giá tối đa do Nhà nước ban hành + Hành vi bán thấp hơn giá tối thiểu do Nhà nước ban hành - Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc trả lại cho khách hàng toàn bộ tiền chênh lệch do bán cao hơn mức giá quy định do hành vi vi phạm gây ra tại điểm a, điểm b và điểm d khoản 1 Điều 10 Nghị định 87/2024/NĐ-CP Theo đó, khi bị phạt và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả, tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ phải thực hiện việc thông báo công khai nội dung biện pháp khắc phục hậu quả nêu trên lên phương tiện thông tin đại chúng trong thời hạn 30 ngày, trường hợp không xác định được khách hàng hoặc khách hàng từ chối nhận thì nộp toàn bộ số tiền chênh lệch do bán cao hơn mức giá quy định vào ngân sách nhà nước. (3) Mức phạt hành vi vi phạm về niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ Theo đó, mức phạt hành vi vi phạm quy định về việc niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ được quy định tại Điều 13 Nghị định 87/2024/NĐ-CP như sau: - Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: + Không niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ bằng một trong các hình thức theo quy định của pháp luật + Niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ không rõ ràng gây nhầm lẫn cho khách hàng + Niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ không đúng giá cụ thể do cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc tổ chức, cá nhân quyết định - Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi bán cao hơn giá niêm yết hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân định giá, kê khai giá không thuộc khoản 3 Điều này - Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi bán cao hơn giá niêm yết đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục bình ổn giá,hàng hóa, dịch vụ trong thời gian Nhà nước thực hiện bình ổn giá - Biện pháp khắc phục hậu quả: + Buộc thực hiện niêm yết giá theo đúng quy định đối với hành vi vi phạm tại khoản 1 Điều 13 Nghị định 87/2024/NĐ-CP + Buộc trả lại cho khách hàng số tiền đã thu cao hơn giá niêm yết đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 13 Nghị định 87/2024/NĐ-CP Tương tự với quy định ở mục (2), tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả phải thông báo công khai nội dung biện pháp khắc phục hậu quả nếu trên lên phương tiện thông tin đại chúng trong thời hạn 30 ngày, trường hợp không xác định được khách hàng hoặc khách hàng từ chối nhận thì nộp toàn bộ số tiền chênh lệch do bán cao hơn mức giá niêm yết vào ngân sách nhà nước. Trên đây là một số mức phạt đối với các hành vi vi phạm quy định trong lĩnh vực giá được quy định tại Nghị định 87/2024/NĐ-CP.
Danh mục 42 loại hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá
Tại Luật Giá 2023, Nhà nước đã quy định 42 loại hàng hóa, dịch vụ sẽ do nhà nước định giá, cùng với đó là bổ sung một số mặt hàng vào danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá (1) Danh mục 42 loại hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá Luật Giá 2023 đã có hiệu lực từ ngày 01/7/2024 với nhiều quy định mới được ban hành, kèm theo đó là việc củng cố, kiện toàn nhiều quy định cũ để phù hợp với thực tế hiện nay như công tác bình ổn giá, thẩm định giá, các điều kiện về thi, cấp thẻ thẩm định viên về giá, hành nghề thẩm định giá,....Trong đó, có danh mục 42 loại hàng hóa, dịch vụ sẽ do Nhà nước định giá. Cụ thể, tại Điều 21 Luật Giá 2023 quy định, các loại hàng hóa, dịch vụ có một trong những tiêu chí sau đây sẽ do Nhà nước định giá: - Hàng hóa, dịch vụ thuộc lĩnh vực độc quyền Nhà nước sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật về thương mại và quy định khác của pháp luật có liên quan - Tài nguyên quan trọng theo quy định của pháp luật về tài nguyên - Hàng dự trữ quốc gia; sản phẩm, dịch vụ công ích và dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước - Hàng hóa, dịch vụ thiết yếu có tính chất độc quyền trong mua, bán hoặc có thị trường cạnh tranh hạn chế và ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội, đời sống người dân, hoạt động sản xuất, kinh doanh Theo đó, việc định giá của cơ quan có thẩm quyền được thực hiện theo các hình thức như sau: - Giá cụ thể là mức giá mà cơ quan, tổ chức, cá nhân phải mua, bán theo đúng mức giá đó - Giá tối thiểu là mức giá mà cơ quan, tổ chức, cá nhân không được định giá, mua, bán thấp hơn mức giá đó - Giá tối đa là mức giá mà cơ quan, tổ chức, cá nhân không được định giá, mua, bán cao hơn mức giá đó - Khung giá là khoảng giới hạn mức giá mà cơ quan, tổ chức, cá nhân không được định giá, mua, bán thấp hơn mức tối thiểu và cao hơn mức tối đa của khung giá đó Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá được quy định tại Phụ lục 02 ban hành kèm theo Luật Giá 2023, theo đó, đặc điểm kinh tế - kỹ thuật của hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan. Trong trường hợp cần điều chỉnh lại Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh lập văn bản đề nghị điều chỉnh gửi Bộ Tài chính tổng hợp, trình Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định. >>> Xem danh mục 42 loại hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá tại đâyhttps://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/07/05/phu-luc-so-02.docx (2) Bổ sung một số mặt hàng vào danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá Liên quan đến nội dung bình ổn giá, hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá phải đáp ứng đồng thời các tiêu chí được quy định tại khoản 1 Điều 17 Luật Giá 2023, bao gồm: - Là hàng hóa, dịch vụ thiết yếu - Có ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội, sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân Theo đó, các loại hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá được quy định tại Phụ lục số 01 ban hành kèm theo Luật Giá 2023 bao gồm: 1- Xăng, dầu thành phẩm. 2- Khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG). 3- Sữa dành cho trẻ em dưới 06 tuổi. 4- Thóc tẻ, gạo tẻ. 5- Phân đạm; phân DAP; phân NPK. 6- Thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản. 7- Vắc - xin phòng bệnh cho gia súc, gia cầm. 8- Thuốc bảo vệ thực vật. 9- Thuốc thuộc danh mục thuốc thiết yếu được sử dụng tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Như vậy, Luật Giá 2023 đã bổ sung thêm thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản vào danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá; ngoài ra, điện, muối ăn, đường ăn bao gồm đường trắng và đường tinh luyện được đưa ra khỏi danh mục. Trong trường hợp cần thiết phải điều chỉnh Danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá, Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.
Số lần hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động có bị hạn chế trong năm 2024 không?
Người lao động có bị hạn chế số lần hưởng trợ cấp thất nghiệp trong năm 2024 không? Đối tượng bắt buộc tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định pháp luật? 1. Số lần hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động có bị hạn chế trong năm 2024 không? Căn cứ theo Điều 49 Luật Việc làm 2013 quy định về điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp cụ thể như sau: Người lao động quy định tại khoản 1 Điều 43 của Luật Việc làm 2013 đang đóng bảo hiểm thất nghiệp được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi có đủ các điều kiện sau đây: (i) Chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, trừ các trường hợp sau đây: - Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật. - Hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng. (ii) Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đối với trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 43 của Luật Việc làm 2013; đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động đối với trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 43 của Luật Việc làm 2013; (iii) Đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm theo quy định tại khoản 1 Điều 46 của Luật Việc làm 2013; (iv) Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp, trừ các trường hợp sau đây: - Thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an. - Đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên. - Chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc. - Bị tạm giam; chấp hành hình phạt tù. - Ra nước ngoài định cư; đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng. - Chết. Như vậy, theo quy định trên có thể hiểu người lao động đang đóng bảo hiểm thất nghiệp khi làm việc theo hợp đồng lao động sẽ được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi có đủ các điều kiện quy định nêu trên và pháp luật không hạn chế số lần hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động. Trợ cấp thất nghiệp của người lao động không bị hạn chế số lần hưởng năm 2024 2. Đối tượng bắt buộc tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định pháp luật? Căn cứ Điều 43 Luật Việc làm 2013, quy định về đối tượng bắt buộc tham gia bảo hiểm thất nghiệp. (i) Người lao động phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp khi làm việc theo hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc như sau: - Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc không xác định thời hạn. - Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc xác định thời hạn. - Hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng. Trong trường hợp người lao động giao kết và đang thực hiện nhiều hợp đồng lao động quy định tại khoản (i) thì người lao động và người sử dụng lao động của hợp đồng lao động giao kết đầu tiên có trách nhiệm tham gia bảo hiểm thất nghiệp. (ii) Người lao động theo quy định tại khoản (i) nêu trên đang hưởng lương hưu, giúp việc gia đình thì không phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp. (iii) Người sử dụng lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp bao gồm cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị vũ trang nhân dân; tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam; doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình, hộ kinh doanh, tổ hợp tác, tổ chức khác và cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng làm việc hoặc hợp đồng lao động quy định tại khoản (i) nêu trên. Như vậy, người lao động phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp khi làm việc theo hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc không xác định thời hạn, hợp đồng xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng. 3. Thời điểm đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động khi nào? Căn cứ khoản 1 Điều 12 Nghị định 28/2015/NĐ-CP quy định về việc đóng bảo hiểm thất nghiệp cụ thể như sau: Đóng bảo hiểm thất nghiệp 1. Thời điểm đóng bảo hiểm thất nghiệp của người sử dụng lao động và người lao động là thời điểm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc. ... Theo đó, thời điểm công ty đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động là thời điểm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc. Như vậy, theo quy định nêu trên người lao động không bị hạn chế số lần hưởng trợ cấp thất nghiệp. Đối tượng bắt buộc tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định pháp luật tại Điều 43 Luật Việc làm 2013.
Trình tự thủ tục đăng ký giá đối với hàng hóa dịch vụ thực hiện bình ổn giá
Đối với hàng hóa thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá trong thời gian Nhà nước áp dụng biện pháp bình ổn giá nếu muốn đăng ký giá phải thực hiện trình tự thủ tục như thế nào? Cần chuẩn bị hồ sơ gì và phải đáp ứng điều kiện nào để đăng ký giá? Trình tự thực hiện đăng ký giá - Bước 1: Tổ chức, cá nhân chuẩn bị hồ sơ theo quy định và nộp tại Sở Tài chính theo một trong các phương thức sau: + Nộp trực tiếp; + Gửi qua đường bưu điện; + Gửi qua thư điện tử hoặc gửi qua fax và gọi điện thoại thông báo cho Sở Tài chính. Đồng thời, gửi 02 bản qua đường bưu điện cho Sở Tài chính. - Bước 2: Sở Tài chính kiểm tra, tiếp nhận hồ sơ: * Đối với hồ sơ gửi trực tiếp: + Nếu hồ sơ đầy đủ và hợp lệ: cán bộ tiếp nhận hồ sơ đóng dấu công văn đến có ghi ngày tháng năm vào hồ sơ và trả ngay 01 bản cho tổ chức, cá nhân đến nộp trực tiếp; + Nếu hồ sơ chưa đầy đủ và chưa hợp lệ: cán bộ tiếp nhận hồ sơ ghi rõ lý do trả lại, các nội dung cần bổ sung và trả lại ngay hồ sơ cho tổ chức, cá nhân đến nộp trực tiếp. * Đối với Hồ sơ gửi qua đường công văn, fax, thư điện tử: + Nếu hồ sơ đầy đủ và hợp lệ: cán bộ tiếp nhận hồ sơ đóng dấu công văn đến có ghi ngày tháng năm vào hồ sơ và chuyển ngay theo đường bưu điện 01 bản cho tổ chức, cá nhân; + Nếu hồ sơ chưa đầy đủ và chưa hợp lệ: tối đa không quá 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Sở Tài chính thông báo qua đường công văn, fax, thư điện tử yêu cầu tổ chức, cá nhân nộp bổ sung thành phần, số lượng hồ sơ. - Bước 3: + Sở Tài chính rà soát nội dung của hồ sơ về: ngày thực hiện mức giá đăng ký, bảng đăng ký mức giá cụ thể, các khoản mục chi phí cấu thành giá, phần giải trình lý do điều chỉnh giá, kiểm tra tính hợp lý của các yếu tố hình thành giá; + Trường hợp tại phần giải trình lý do điều chỉnh giá, tổ chức, cá nhân đưa ra các lý do không phù hợp, không liên quan đến việc tăng hoặc giảm giá hàng hóa, dịch vụ thì tối đa không quá 04 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ Sở Tài chính thông báo bằng văn bản qua đường công văn hoặc fax hoặc thư điện tử yêu cầu tổ chức, cá nhân không được áp dụng mức giá đăng ký. Tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thực hiện yêu cầu này hoặc phải thực hiện lại nghĩa vụ đăng ký giá theo đúng quy định; + Trường hợp hồ sơ đăng ký giá có nội dung chưa rõ hoặc cần phải giải trình về các yếu tố hình thành giá tăng hoặc giảm làm cho mức giá đăng ký tăng hoặc giảm (trừ trường hợp tại phần giải trình lý do điều chỉnh giá, tổ chức, cá nhân đưa ra các lý do không phù hợp, không liên quan đến việc tăng hoặc giảm giá hàng hóa, dịch vụ) thì tối đa không quá 04 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ đăng ký giá Sở Tài chính thông báo bằng văn bản qua đường công văn hoặc fax hoặc thư điện tử yêu cầu tổ chức, cá nhân giải trình về các nội dung của hồ sơ đăng ký giá chưa đáp ứng yêu cầu, lý do điều chỉnh giá chưa rõ ràng, nội dung phải thực hiện lại và thông báo thời hạn gửi bản giải trình cho Sở Tài chính. Bản giải trình được nộp theo quy trình tiếp nhận tại Bước 1. - Thời hạn để tổ chức, cá nhân giải trình và gửi văn bản giải trình đến Sở Tài chính tối đa không quá 10 ngày làm việc kể từ ngày Sở Tài chính thông báo bằng văn bản yêu cầu tổ chức, cá nhân giải trình cho đến ngày Sở Tài chính nhận văn bản giải trình của tổ chức, cá nhân tính theo dấu công văn đến của Sở Tài chính hoặc ngày gửi ghi trong thư điện tử của tổ chức, cá nhân; - Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày Sở Tài chính tiếp nhận văn bản giải trình, nếu Sở Tài chính không có văn bản yêu cầu tổ chức, cá nhân giải trình lại thì tổ chức, cá nhân điều chỉnh giá theo mức giá và thời gian điều chỉnh đã đề xuất trong văn bản giải trình (nếu có); - Trường hợp tổ chức, cá nhân giải trình chưa đúng với yêu cầu của Sở Tài chính, tối đa không quá 05 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận văn bản giải trình, Sở Tài chính có văn bản yêu cầu tổ chức, cá nhân giải trình lại. Việc giải trình lại thực hiện theo quy trình của giải trình lần đầu; - Sau 03 (ba) lần giải trình nhưng tổ chức, cá nhân chưa đáp ứng yêu cầu, Sở Tài chính có văn bản yêu cầu tổ chức, cá nhân mua, bán hàng hóa, dịch vụ theo mức giá trước khi thực hiện đăng ký giá. Thành phần hồ sơ đăng ký giá + Biểu mẫu đăng ký giá thực hiện theo hướng dẫn tại Phụ lục số 1 ban hành kèm theo Thông tư 56/2014/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 233/2016/TT-BTC, gồm: Công văn gửi Biểu mẫu đăng ký giá; Bảng đăng ký mức giá bán cụ thể; Thuyết minh cơ cấu tính giá hàng hóa, dịch vụ đăng ký giá đối với mặt hàng xuất khẩu; Thuyết minh cơ cấu tính giá hàng hóa, dịch vụ đăng ký giá đối với mặt hàng sản xuất trong nước. + 01 phong bì có dán tem, ghi rõ: tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân, họ tên và số điện thoại của người trực tiếp có trách nhiệm của đơn vị. Yêu cầu và điều kiện thực hiện thủ tục hành chính đăng ký giá - Khi hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục quy định tại Luật Giá có biến động bất thường; - Khi mặt bằng giá biến động ảnh hưởng đến ổn định kinh tế - xã hội. =>> Trên đây là trình tự thủ tục cũng như hồ sơ và điều kiện để đăng ký giá đối với hàng hóa thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá trong thời gian Nhà nước áp dụng biện pháp bình ổn giá. Mọi người có thể tham khảo để thực hiện.
Bộ Nội vụ hướng dẫn xây dựng đề án VTVL nhóm công chức, viên chức chuyên ngành
Ngày 23/12/2023 Bộ Nội vụ đã ban hành Công văn 7583/BNV-TCBC năm 2023 về việc hướng dẫn một số nội dung vướng mắc trong việc xây dựng Đề án và phê duyệt vị trí việc làm. Theo đó, một số nội dung vướng mắc trong việc xây dựng Đề án và phê duyệt vị trí việc làm (VTVL) nhóm VTVL công chức, viên chức chuyên ngành được hướng dẫn như sau: (1) Thống nhất tên VTVL viên chức chuyên ngành thể dục thể thao Về thống nhất tên VTVL viên chức chuyên ngành thể dục thể thao quy định tại Thông tư 07/2022/TT-BVHTTDL và Thông tư 10/2023/TT-BVHTTDL: Tên VTVL được hướng dẫn tại 02 Thông tư nêu trên đã thống nhất (riêng nội dung Bản mô tả của VTVL “Hướng dẫn viên hạng IV” tại Thông tư 10/2023/TT-BVHTTDL bị ghi nhầm là “Huấn luyện viên hạng IV” cần sửa đổi, bổ sung cho thống nhất). Do vậy, đề nghị các địa phương căn cứ hướng dẫn tại 02 Thông tư trên và chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực thể dục, thể thao để xây dựng Đề án và phê duyệt VTVL, cơ cấu viên chức theo VTVL trong các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực này cho phù hợp. (2) VTVL về công tác nghiên cứu khoa học tại các cơ sở giáo dục, y tế Về hướng dẫn VTVL về công tác nghiên cứu khoa học tại các cơ sở giáo dục, y tế và đơn vị sự nghiệp khác: Các cơ sở giáo dục, y tế và đơn vị sự nghiệp khác được giao thực hiện chức năng, nhiệm vụ nghiên cứu khoa học thì được áp dụng VTVL “Nghiên cứu viên”, “Nghiên cứu viên chính” thuộc ngành, lĩnh vực khoa học và công nghệ (quy định tại Thông tư 17/2023/TT-BKHCN). (3) Bổ sung VTVL chức danh nghề nghiệp đối với dịch vụ lưu trú, nhà hàng, khách sạn Về bổ sung VTVL chức danh nghề nghiệp đối với các đơn vị cung cấp dịch vụ lưu trú, nhà hàng, khách sạn, Trung tâm Hội nghị, nhà khách Đề nghị các Bộ, ngành, địa phương vận dụng các VTVL thuộc lĩnh vực văn phòng và lĩnh vực kế hoạch, tài chính (gồm các VTVL: Hành chính - Văn phòng; quản trị công sở; kế toán; thủ quỹ) thuộc nhóm nghiệp vụ chuyên môn dùng chung trong đơn vị sự nghiệp công lập (quy định tại Thông tư 12/2022/TT-BNV). (4) Bổ sung VTVL đối với các cơ sở điều dưỡng người có công, trợ giúp xã hội Về bổ sung VTVL chức danh nghề nghiệp đối với các cơ sở điều dưỡng người có công, cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở cai nghiện ma túy, cơ sở chỉnh hình, phục hồi chức năng Đề nghị các Bộ, ngành, địa phương vận dụng các VTVL viên chức chuyên ngành y tế (quy định tại Thông tư 03/2023/TT-BYT), đồng thời bảo đảm phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị để thực hiện. (5) Bổ sung VTVL chức danh nghề nghiệp đối với Trung tâm Xúc tiến đầu tư, Xúc tiến Du lịch Về bổ sung VTVL chức danh nghề nghiệp đối với Trung tâm Xúc tiến đầu tư, Trung tâm Xúc tiến Du lịch: Đề nghị các Bộ, ngành, địa phương vận dụng VTVL “Xúc tiến thương mại và đầu tư” trong danh mục VTVL chức danh nghề nghiệp chuyên ngành công thương (quy định tại Thông tư 07/2023/TT-BCT) và VTVL “Hỗ trợ pháp lý” trong danh mục VTVL chức danh nghề nghiệp chuyên ngành tư pháp (quy định tại Thông tư 06/2023/TT-BTP), đồng thời bảo đảm phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của các Trung tâm để thực hiện. (6) Bổ sung VTVL lĩnh vực du lịch đối với Trung tâm Quản lý di tích và phát triển du lịch Đề nghị các Bộ, ngành, địa phương vận dụng các VTVL chức danh nghề nghiệp chuyên ngành thuộc ngành, lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch (đã được quy định tại Thông tư 10/2023/TT-BVHTTDL), đồng thời bảo đảm phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm để thực hiện. (7) Phân nhóm VTVL Thư ký y khoa thuộc ngành, lĩnh vực y tế Về phân nhóm VTVL đối với VTVL Thư ký y khoa thuộc ngành, lĩnh vực y tế: Đề nghị Bộ, ngành, địa phương xác định VTVL Thư ký y khoa thuộc danh mục VTVL chức danh nghề nghiệp chuyên ngành (đã được quy định tại Thông tư 03/2023/TT-BYT). (8) Bổ sung VTVL Điều dưỡng, Hộ sinh hạng III tại Trạm Y tế xã Đề nghị các địa phương sử dụng VTVL Điều dưỡng hạng IV, Hộ sinh hạng IV đối với Trạm Y tế xã, bảo đảm phù hợp với quy định tại Thông tư 03/2023/TT-BYT. (9) Bổ sung bản mô tả công việc đối với VTVL thuộc ngành, lĩnh vực lao động, người có công và xã hội Về hướng dẫn bổ sung bản mô tả công việc, khung cấp độ xác định yêu cầu về năng lực đối với VTVL chức danh nghề nghiệp chuyên ngành thuộc ngành, lĩnh vực lao động, người có công và xã hội. Đề nghị các địa phương thực hiện thống nhất theo Phụ lục V.5 ban hành kèm theo Thông tư 11/2023/TT-BLĐTBXH. (10) Bổ sung bản mô tả công việc của từng VTVL kèm theo Thông tư 03/2023/TT-BYT Về hướng dẫn bổ sung bản mô tả công việc của từng VTVL kèm theo Thông tư 03/2023/TT-BYT. Trước mắt, đề nghị các Bộ, ngành, địa phương căn cứ các Thông tư quy định về mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp thuộc lĩnh vực y tế để mô tả các VTVL viên chức chuyên ngành y tế cho phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của các cơ sở y tế. Theo đó, Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với Bộ Y tế bổ sung bản mô tả công việc của từng VTVL, làm cơ sở cho các Bộ, ngành, địa phương thực hiện. (11) bổ sung nhóm VTVL Cảng vụ đường thủy nội địa và VTVL công chức lĩnh vực vận tải Về hướng dẫn bổ sung nhóm VTVL Cảng vụ đường thủy nội địa (thuộc lĩnh vực giao thông vận tải) và xác định các VTVL công chức nghiệp vụ chuyên ngành thuộc ngành, lĩnh vực giao thông vận tải ở cấp tỉnh, cấp huyện - VTVL công chức nghiệp vụ chuyên ngành, lĩnh vực giao thông vận tải đã được xác định đầy đủ tại Thông tư 42/2022/TT-BGTVT, bao quát các loại hình vận tải (bao gồm đường thủy nội địa). Vì vậy, đề nghị các địa phương sử dụng VTVL công chức nghiệp vụ chuyên ngành giao thông vận tải theo hướng dẫn của Bộ Giao thông vận tải, trong đó cần cụ thể hóa nội dung bản mô tả và khung năng lực của VTVL phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cảng vụ đường thủy nội địa. - Căn cứ hướng dẫn tại Thông tư 42/2022/TT-BGTVT, đề nghị các địa phương chỉ đạo các cơ quan, tổ chức thuộc ngành, lĩnh vực giao thông vận tải ở cấp tỉnh, cấp huyện xác định VTVL công chức nghiệp vụ chuyên ngành giao thông vận tải phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao. Xem thêm Công văn 7583/BNV-TCBC năm 2023 ban hành ngày 23/12/2023.
09 loại hàng hóa, dịch vụ nằm trong diện bình ổn giá từ ngày 01/7/2024
Luật Giá 2023 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 19/6/2023 thay thế Luật Giá 2012. Theo đó, một số điểm mới trong Luật Giá 2023 vừa được thông qua, đặc biệt phải kể đến các loại hàng hóa, dịch vụ trong diện bình ổn giá được thay đổi như sau: Danh mục 09 loại hàng hóa, dịch vụ mới thực hiện bình ổn giá Cụ thể Điều 17 Luật Giá 2023 quy định hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá phải đáp ứng đồng thời các tiêu chí sau đây: - Tiêu chí thực hiện bình ổn giá: + Là hàng hóa, dịch vụ thiết yếu. + Có ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội, sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân. - Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá được quy định tại Phụ lục số 01 ban hành kèm theo Luật Giá 2023 bao gồm: + Xăng, dầu thành phẩm. + Khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG). + Sữa dành cho trẻ em dưới 06 tuổi. + Thóc tẻ, gạo tẻ. + Phân đạm; phân DAP; phân NPK. + Thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản. + Vắc - xin phòng bệnh cho gia súc, gia cầm. + Thuốc bảo vệ thực vật. + Thuốc thuộc danh mục thuốc thiết yếu được sử dụng tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. (Trước đó Luật Giá 2023 đã bổ sung thức ăn chăn nuôi, thủy sản vào danh mục bình ổn giá; loại bỏ mặt hàng điện, muối ăn, Đường ăn, đường trắng và đường tinh luyện ra khỏi danh mục bình ổn giá). - Trường hợp cần thiết phải điều chỉnh Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá, Bộ, cơ quan ngang Bộ quản lý ngành, lĩnh vực, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh lập văn bản đề nghị điều chỉnh gửi Bộ Tài chính tổng hợp, trình Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định. 05 loại hàng hóa, dịch vụ phải thực hiện kê khai giá - Giá kê khai là mức giá hàng hóa, dịch vụ do tổ chức kinh doanh hàng hóa, dịch vụ tự quyết định và được thông báo đến cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận kê khai. - Hàng hóa, dịch vụ thực hiện kê khai giá bao gồm: + Hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục bình ổn giá; + Hàng hoá, dịch vụ do Nhà nước định khung giá, giá tối đa, giá tối thiểu để các tổ chức định mức giá cụ thể bán cho người tiêu dùng; + Hàng hóa, dịch vụ do doanh nghiệp quyết định theo giá tham chiếu; + Hàng hóa, dịch vụ thiết yếu khác do Chính phủ ban hành. Bộ, cơ quan ngang Bộ quản lý ngành, lĩnh vực, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định đặc điểm kinh tế - kỹ thuật của hàng hóa, dịch vụ thực hiện kê khai giá. Quy định cụ thể việc niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ - Niêm yết giá là hình thức công khai về giá. Giá niêm yết là giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ đã bao gồm các loại thuế, phí và lệ phí (nếu có) của hàng hóa, dịch vụ đó do tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh quyết định bằng Đồng Việt Nam, trừ các trường hợp thực hiện theo quy định của pháp luật về ngoại hối. - Giá niêm yết được gắn với số lượng hoặc khối lượng hàng hóa, dịch vụ phù hợp, các thông tin khác (nếu có) về đặc điểm kỹ thuật cơ bản, xuất xứ, phương thức mua, bán. - Các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ niêm yết giá bảo đảm rõ ràng và không gây nhầm lẫn cho khách hàng về mức giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bằng các hình thức: In, dán, ghi thông tin trên bảng, giấy hoặc in trực tiếp trên bao bì của hàng hóa hoặc các hình thức phù hợp với điều kiện thực tế tại địa điểm bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ hoặc trên các trang thông tin điện tử để thuận tiện cho việc quan sát, nhận biết của khách hàng và cơ quan nhà nước có thẩm quyền. - Các tổ chức, cá nhân không được bán cao hơn giá niêm yết; đối với hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá cụ thể thì tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ phải niêm yết và bán đúng giá do cơ quan nhà nước có thẩm quyền định giá ban hành. - Đối với hàng hóa, dịch vụ đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền định giá ban hành giá tối thiểu, giá tối đa, khung giá thì phải niêm yết và bán theo giá phù hợp với giá tối thiểu, giá tối đa, khung giá. - Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ điều chỉnh mức giá niêm yết ngay khi có sự thay đổi về giá của hàng hóa, dịch vụ. Xem thêm Luật Giá 2023 có hiệu lực từ ngày 01/7/2024 thay thế Luật Giá 2012.
Tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng, định mức kinh tế - kỹ thuật ngành thư viện
Bộ trưởng Bộ VHTTDL ngày 31/5/2023 đã ban hành Thông tư 07/2023/TT-BVHTTDL tải ban hành Quy định tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng, định mức kinh tế - kỹ thuật và hướng dẫn triển khai việc thực hiện cung cấp dịch vụ hỗ trợ về chuyên môn, nghiệp vụ thư viện và dịch vụ hỗ trợ học tập, nghiên cứu. Đối với dịch vụ hỗ trợ về chuyên môn, nghiệp vụ ngành thư viện (1) Tiêu chí đối với dịch vụ hỗ trợ chuyên môn, dịch vụ thư viện -Tính thống nhất: Bảo đảm việc thống nhất về nội dung hỗ trợ, quy trình, cách thức triển khai cung cấp dịch vụ. -Tính cập nhật, kịp thời: Bảo đảm việc cập nhật, kịp thời các chủ trương, đường lối, định hướng của Đảng, văn bản quy phạm pháp luật của nhà nước trong lĩnh vực thư viện; các chuan nghiệp vụ, công nghệ mới về thư viện. -Tính khoa học: Bảo đảm các nội dung truyền đạt được xây dựng bài bản, mang tính khoa học, học thuật, dễ hiểu, dễ tiếp thu và có khả năng ứng dụng trong thực tiễn hoạt động thư viện. (2) Tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ hỗ trợ chuyên môn, dịch vụ thư viện - Bảo đảm 100% hoạt động dịch vụ được xây dựng chương trình, nội dung thống nhất, cập nhật, kịp thời và khoa học. - Bảo đảm ít nhất 90% người làm công tác thư viện có khả năng nắm bắt, lĩnh hội, cập nhật kiến thức mới trong lĩnh vực thông tin - thư viện, phục vụ hoạt động tác nghiệp chuyên môn nghiệp vụ. - Bảo đảm 80% người làm công tác thư viện sau khi được cung ứng dịch vụ có thể ứng dụng các kiến thức đã được tập huấn, tư vấn trong tác nghiệp trực tiếp hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ thư viện. (3) Hình thức cung cấp dịch vụ hỗ trợ chuyên môn, dịch vụ thư viện Dịch vụ hỗ trợ chuyên môn, nghiệp vụ thư viện được triển khai theo các hình thức sau: - Tư vấn về chuyên môn, nghiệp vụ cho thư viện hoặc người làm công tác thư viện trong triển khai thực hiện một hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ cụ thể. - Tổ chức tập huấn, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ thư viện ngắn hạn. - Tư vấn hỗ trợ xây dựng và phát triển mạng lưới thư viện. Đối với dịch vụ hỗ trợ học tập, nghiên cứu ngành thư viện (1) Tiêu chí dịch vụ hỗ trợ học tập, nghiên cứu ngành thư viện - Tính thuận tiện: Người sử dụng thư viện có thể tiếp cận, sử dụng dịch vụ hỗ trợ học tập, nghiên cứu một cách thuận tiện thông qua việc phục vụ trực tiếp hoặc gián tiếp qua các thiết bị thông tin, không gian mạng. - Tính cập nhật: Việc cung cấp thông tin, sản phẩm thông tin - thư viện mang tính cập nhật, thời sự, có khả năng đáp ứng được nhu cầu học tập, nghiên cứu của người sử dụng thư viện. - Tính sẵn sàng: Tài nguyên thông tin, các sản phẩm thông tin - thư viện luôn sẵn có để phục vụ nhu cầu khác nhau của người sử dụng thư viện. - Tính khoa học chuyên sâu: Các sản phẩm thông tin - thư viện chất lượng, có hàm lượng chất xám cao, có khả năng hỗ trợ, định hướng cho hoạt động nghiên cứu khoa học. - Tính phổ biến và đại chúng: Việc cung cấp thông tin, sản phẩm thông tin - thư viện phục vụ cho các đối tượng khác nhau, tương ứng với nhu cầu sử dụng thông tin của người sử dụng thư viện. (2) Tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ hỗ trợ học tập, nghiên cứu ngành thư viện - Bảo đảm 100% người sử dụng thư viện được tiếp cận, sử dụng thông tin, tri thức và các sản phẩm thông tin do thư viện cung cấp. - Bảo đảm 90% người sử dụng thư viện thỏa mãn và hài lòng đối với chất lượng, khả năng cập nhật, mức độ sẵn sàng, tính chuyên sâu, khoa học của tài nguyên thông tin và sản phẩm thông tin thư viện phục vụ học tập, nghiên cứu do thư viện cung cấp - Bảo đảm 80% người sử dụng thư viện có kỹ năng tiếp nhận và sử dụng thông tin, thông qua việc đọc để phục vụ học tập, nghiên cứu. (3) Hình thức cung cấp dịch vụ hỗ trợ học tập, nghiên cứu ngành thư viện Dịch vụ hỗ trợ học tập, nghiên cứu được triển khai theo các hình thức sau: - Tư vấn hỗ trợ kiến thức thông tin cho người sử dụng thư viện, bao gồm: + Bồi dưỡng kiến thức thông tin cho người sử dụng thư viện; + Tư vấn trực tiếp tại thư viện hoặc thông qua không gian mạng về nhu cầu, cách thức tiếp cận và sử dụng tài nguyên thông tin, sản phẩm thông tin - thư viện. - Cung cấp thông tin, sản phẩm thông tin - thư viện chất lượng cao phục vụ học tập và nghiên cứu khoa học, bao gồm: + Biên soạn nội dung tóm tắt, chú giải; + Tổng luận phục vụ nghiên cứu; + Tổng quan phục vụ nghiên cứu. - Truy cập internet và hỗ trợ tìm kiếm thông tin. Xem thêm Thông tư 07/2023/TT-BVHTTDL tải có hiệu lực từ ngày 01/9/2023.
Đề xuất 03 nhóm hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế GTGT 8%
Chính phủ hiện đang dự thảo Nghị định quy định chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% theo Nghị quyết số …/2023/QH15 năm 2023 trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ. Tại dự thảo Nghị định có đề xuất một số nội dung nổi bật như mức giảm thuế GTGT cho hàng hóa, dịch vụ đến 8% được quy định cụ thể như sau: Các mặt hàng không được áp dụng giảm mức thuế GTGT Giảm thuế GTGT đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10%, trừ nhóm hàng hóa, dịch vụ sau: (1) Viễn thông, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại và sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hoá chất. Chi tiết tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này. (2) Sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Chi tiết tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này. (3) Công nghệ thông tin theo pháp luật về công nghệ thông tin. Chi tiết tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này. Việc giảm thuế GTGT cho từng loại hàng hóa, dịch vụ quy định tại khoản 1 Điều này được áp dụng thống nhất tại các khâu nhập khẩu, sản xuất, gia công, kinh doanh thương mại. Đối với mặt hàng than khai thác bán ra (bao gồm cả trường hợp than khai thác sau đó qua sàng tuyển, phân loại theo quy trình khép kín mới bán ra) thuộc đối tượng giảm thuế GTGT. Mặt hàng than thuộc Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này, tại các khâu khác ngoài khâu khai thác bán ra không được giảm thuế GTGT. Trường hợp hàng hóa, dịch vụ nêu tại các Phụ lục I, II và III ban hành kèm theo Nghị định này thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT hoặc đối tượng chịu thuế GTGT 5% theo quy định của Luật Thuế giá trị gia tăng 2008 thì thực hiện theo quy định của Luật Thuế giá trị gia tăng 2008 và không được giảm thuế GTGT. Đề xuất mức giảm thuế GTGT được giảm là 8% - Cơ sở kinh doanh tính thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ được áp dụng mức thuế suất thuế GTGT 8% đối với 03 nhóm hàng hóa, dịch vụ như trên. - Cơ sở kinh doanh (bao gồm cả hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh) tính thuế GTGT theo phương pháp tỷ lệ % trên doanh thu được giảm 20% mức tỷ lệ % để tính thuế GTGT khi thực hiện xuất hóa đơn đối với hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế GTGT. Trình tự, thủ tục thực hiện xin giảm thuế GTGT - Đối với cơ sở kinh doanh quy định tại mục (1), khi lập hoá đơn giá trị gia tăng cung cấp hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng giảm thuế giá trị gia tăng, tại dòng thuế suất thuế GTGT ghi “8%”. - Tiền thuế GTGT; tổng số tiền người mua phải thanh toán. Căn cứ hóa đơn GTGT, cơ sở kinh doanh bán hàng hóa, dịch vụ kê khai thuế giá trị gia tăng đầu ra, cơ sở kinh doanh mua hàng hóa, dịch vụ kê khai khấu trừ thuế GTGT đầu vào theo số thuế đã giảm ghi trên hóa đơn GTGT. - Đối với cơ sở kinh doanh quy định tại mục (2), khi lập hoá đơn bán hàng cung cấp hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng giảm thuế giá trị gia tăng, tại cột “Thành tiền” ghi đầy đủ tiền hàng hóa, dịch vụ trước khi giảm, tại dòng “Cộng tiền hàng hóa, dịch vụ” ghi theo số đã giảm 20% mức tỷ lệ % trên doanh thu, đồng thời ghi chú: “đã giảm… (số tiền) tương ứng 20% mức tỷ lệ % để tính thuế giá trị gia tăng theo Nghị quyết số .../2023/QH15”. Xem thêm chi tiết dự thảo Nghị định tại đây.
Quy định về cách xác định thị trường sản phẩm liên quan theo Luật Cạnh tranh
Thị trường sản phẩm liên quan đóng vai trò quan trọng trong lĩnh vực cạnh tranh, đặc biệt là trong việc đánh giá tính cạnh tranh và xử lý các hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Cách xác định thị trường sản phẩm liên quan theo Luật Cạnh tranh có những quy định riêng biệt. Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây. 1. Thị trường sản phẩm liên quan là gì? Theo khoản 1 Điều 4 Nghị định 35/2020/NĐ-CP, thị trường sản phẩm liên quan là thị trường của những hàng hóa, dịch vụ có thể thay thế cho nhau về đặc tính, mục đích sử dụng và giá cả. 2. Cách xác định thị trường sản phẩm liên quan 2.1. Cách xác định thị trường sản phẩm liên quan về đặc tính Hàng hóa, dịch vụ được coi là có thể thay thế cho nhau về đặc tính nếu hàng hóa, dịch vụ đó có sự giống nhau hoặc tương tự nhau về một hoặc một số yếu tố như sau: - Đặc điểm của hàng hóa, dịch vụ; - Thành phần của hàng hóa, dịch vụ; - Tính chất vật lý, hóa học của hàng hóa; - Tính năng kỹ thuật của hàng hóa, dịch vụ; - Tác dụng phụ của hàng hóa, dịch vụ đối với người sử dụng; - Khả năng hấp thu của người sử dụng; - Tính chất riêng biệt khác của hàng hóa, dịch vụ. (Khoản 2 Điều 4 Nghị định 35/2020/NĐ-CP) 2.2. Cách xác định thị trường sản phẩm liên quan về mục đích sử dụng Căn cứ tại khoản 3 Điều 4 Nghị định 35/2020/NĐ-CP, hàng hóa, dịch vụ được coi là có thể thay thế cho nhau về mục đích sử dụng nếu hàng hóa, dịch vụ đó có mục đích sử dụng chủ yếu giống nhau. 2.3. Cách xác định thị trường sản phẩm liên quan về giá cả Cách xác định thị trường sản phẩm liên quan về giá cả được quy định như sau: - Hàng hóa, dịch vụ được coi là có thể thay thế cho nhau về giá cả khi giá của hàng hóa, dịch vụ chênh lệch nhau không quá 5% trong điều kiện giao dịch tương tự. - Trường hợp có sự chênh lệch nhau trên 5%, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia xác định hàng hóa, dịch vụ có thể thay thế cho nhau về giá cả căn cứ thêm vào một số yếu tố quy định tại mục 2.4 hoặc thực hiện theo phương pháp như sau: + Hàng hóa, dịch vụ được coi là có thể thay thế cho nhau về giá cả nếu có ít nhất 35% của một lượng mẫu ngẫu nhiên 1.000 người tiêu dùng sinh sống tại khu vực địa lý liên quan chuyển sang mua Hoặc có ý định mua hàng hóa, dịch vụ khác có đặc tính, mục đích sử dụng giống với hàng hóa, dịch vụ mà họ đang sử dụng hoặc có ý định sử dụng trong trường hợp giá của hàng hóa, dịch vụ đó tăng lên quá 10% và được duy trì trong 06 tháng liên tiếp. + Trường hợp số người tiêu dùng sinh sống tại khu vực địa lý liên quan không đủ 1.000 người thì lượng mẫu ngẫu nhiên được xác định tối thiểu bằng 50% tổng số người tiêu dùng trong khu vực địa lý đó. (Khoản 4 Điều 4 Nghị định 35/2020/NĐ-CP) 2.4. Cách xác định thị trường sản phẩm liên quan dựa vào các yếu tố khác Theo khoản 5 Điều 4 Nghị định 35/2020/NĐ-CP, trường hợp việc xác định thuộc tính có thể thay thế cho nhau của hàng hóa, dịch vụ quy định tại mục 2.1, 2.2 và 2.3 chưa đủ để kết luận về thị trường sản phẩm liên quan, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia xem xét thêm một hoặc một số yếu tố như sau: - Tỷ lệ thay đổi về cầu của một loại hàng hóa, dịch vụ khi có sự thay đổi về giá của một loại hàng hóa, dịch vụ khác; - Chi phí và thời gian cần thiết để khách hàng chuyển sang mua hoặc sử dụng hàng hóa, dịch vụ khác; - Thời gian sử dụng của hàng hóa, dịch vụ; - Tập quán tiêu dùng; - Các quy định pháp luật tác động đến khả năng thay thế của hàng hóa, dịch vụ; - Khả năng phân biệt về mức giá mua, bán đối với các nhóm khách hàng khác nhau; - Khả năng thay thế về cung của một loại hàng hóa, dịch vụ theo quy định tại Điều 5 Nghị định 35/2020/NĐ-CP. 3. Cách xác định thị trường sản phẩm liên quan trong trường hợp đặc biệt Cách xác định thị trường sản phẩm liên quan trong trường hợp đặc biệt được quy định như sau: (i) Thị trường sản phẩm liên quan trọng trường hợp đặc biệt có thể được xác định là thị trường của một hoặc một nhóm hàng hóa, dịch vụ đặc thù căn cứ vào đặc tính của hàng hóa, dịch vụ đó, tập quán tiêu dùng hoặc phương thức giao dịch đặc thù, bao gồm các phương thức có sử dụng công nghệ thông tin. (ii) Khi xác định thị trường sản phẩm liên quan trong trường hợp quy định tại (i) có thể xem xét thêm thị trường của các hàng hóa, dịch vụ bổ trợ cho sản phẩm liên quan. (iii) Sản phẩm bổ trợ cho sản phẩm liên quan là các hàng hóa, dịch vụ được sử dụng nhằm nâng cao tính năng, hiệu quả hoặc cần thiết cho việc sử dụng sản phẩm liên quan. Theo đó, khi giá của sản phẩm bổ trợ tăng hoặc giảm thì cầu đối với sản phẩm liên quan sẽ giảm hoặc tăng tương ứng. (Điều 6 Nghị định 35/2020/NĐ-CP) Như vậy, thị trường sản phẩm liên quan là thị trường của những hàng hóa, dịch vụ có thể thay thế cho nhau về đặc tính, mục đích sử dụng và giá cả.
Tổng hợp thời điểm căn cứ xuất hóa đơn khi cần lưu ý
Cá nhân, tổ chức khi thực hiện cung ứng hàng hóa, dịch vụ mà mình đang kinh doanh cần chú ý thời điểm xuất đơn, việc nắm được thời điểm xuất hóa đơn cũng cực kỳ quan trọng đối với người mua hàng hóa và sử dụng dịch vụ cho việc thanh toán lại. Sau đây là tổng hợp các trường hợp quy định về thời điểm căn cứ xuất hóa đơn. 1. Thời điểm lập hóa đơn đối với hàng hóa là khi nào? Căn cứ khoản 1 Điều 9 Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định thời điểm lập hóa đơn đối với bán hàng hóa (bao gồm cả bán tài sản nhà nước, tài sản tịch thu, sung quỹ nhà nước và bán hàng dự trữ quốc gia) là thời điểm chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hàng hóa cho người mua, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền. 2. Thời điểm lập hóa đơn đối với cung cấp dịch vụ. Là thời điểm hoàn thành việc cung cấp dịch vụ không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền. Trường hợp người cung cấp dịch vụ có thu tiền trước hoặc trong khi cung cấp dịch vụ thì thời điểm lập hóa đơn là thời điểm thu tiền (không bao gồm trường hợp thu tiền đặt cọc hoặc tạm ứng để đảm bảo thực hiện hợp đồng cung cấp các dịch vụ: kế toán, kiểm toán, tư vấn tài chính, thuế; thẩm định giá; khảo sát, thiết kế kỹ thuật; tư vấn giám sát; lập dự án đầu tư xây dựng). 3. Giao hàng nhiều lần hoặc bàn giao từng hạng mục, công đoạn dịch vụ Đối với trường hợp trên thì mỗi lần giao hàng hoặc bàn giao đều phải lập hóa đơn cho khối lượng, giá trị hàng hóa, dịch vụ được giao tương ứng. 4. Thời điểm lập hóa đơn đối với một số trường hợp cụ thể - Đối với các trường hợp cung cấp dịch vụ với số lượng lớn, phát sinh thường xuyên: Cần có thời gian đối soát số liệu giữa doanh nghiệp cung cấp dịch vụ và khách hàng, đối tác như trường hợp cung cấp dịch vụ hỗ trợ trực tiếp cho vận tải hàng không, cung ứng nhiên liệu hàng không cho các hãng hàng không, hoạt động cung cấp điện, nước, dịch vụ truyền hình, dịch vụ bưu chính chuyển phát, dịch vụ viễn thông, dịch vụ logistic, dịch vụ công nghệ thông tin được bán theo kỳ nhất định. Thời điểm lập hóa đơn là thời điểm hoàn thành việc đối soát dữ liệu giữa các bên nhưng chậm nhất không quá ngày 07 của tháng sau tháng phát sinh việc cung cấp dịch vụ hoặc không quá 07 ngày kể từ ngày kết thúc kỳ quy ước. - Đối với dịch vụ viễn thông, dịch vụ CNTT phải thực hiện đối soát dữ liệu kết nối giữa các cơ sở kinh doanh dịch vụ. Thì thời điểm lập hóa đơn là thời điểm hoàn thành việc đối soát dữ liệu về cước dịch vụ theo hợp đồng kinh tế giữa các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhưng chậm nhất không quá 2 tháng kể từ tháng phát sinh cước dịch vụ kết nối. Trường hợp cung cấp dịch vụ viễn thông thông qua bán thẻ trả trước, thu cước phí hòa mạng khi khách hàng đăng ký sử dụng dịch vụ mà khách hàng không yêu cầu xuất hóa đơn GTGT hoặc không cung cấp tên, địa chỉ, mã số thuế thì cuối mỗi ngày hoặc định kỳ trong tháng, cơ sở kinh doanh dịch vụ lập chung một hóa đơn GTGT ghi nhận tổng doanh thu phát sinh theo từng dịch vụ người mua không lấy hóa đơn hoặc không cung cấp tên, địa chỉ, mã số thuế. 5. Đối với hoạt động xây dựng, lắp đặt Thời điểm lập hóa đơn là thời điểm nghiệm thu, bàn giao công trình, hạng mục công trình, khối lượng xây dựng, lắp đặt hoàn thành, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền. 6. Kinh doanh BĐS, xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng nhà để bán, chuyển nhượng - Trường hợp chưa chuyển giao quyền sở hữu, quyền sử dụng: Có thực hiện thu tiền theo tiến độ thực hiện dự án hoặc tiến độ thu tiền ghi trong hợp đồng thì thời điểm lập hóa đơn là ngày thu tiền hoặc theo thỏa thuận thanh toán trong hợp đồng. - Trường hợp đã chuyển giao quyền sở hữu, quyền sử dụng: Thời điểm lập hóa đơn thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều này. - Thời điểm lập hóa đơn đối với các trường hợp tổ chức kinh doanh mua dịch vụ vận tải hàng không xuất qua website và hệ thống thương mại điện tử được lập theo thông lệ quốc tế chậm nhất không quá 05 ngày kế tiếp kể từ ngày chứng từ dịch vụ vận tải hàng không xuất ra trên hệ thống website và hệ thống thương mại điện tử. - Đối với hoạt động tìm kiếm thăm dò, khai thác và chế biến dầu thô: Thời điểm lập hóa đơn bán dầu thô, condensate, các sản phẩm được chế biến từ dầu thô là thời điểm bên mua và bên bán xác định được giá bán chính thức, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền. Đối với hoạt động bán khí thiên nhiên, khí đồng hành, khí than được chuyển bằng đường ống dẫn khí đến người mua, thời điểm lập hóa đơn là thời điểm bên mua, bên bán xác định khối lượng khí giao hàng tháng nhưng chậm nhất không quá 07 ngày kế tiếp kể từ ngày bên bán gửi thông báo lượng khí giao hàng tháng. 7. Đối với cơ sở kinh doanh thương mại bán lẻ, kinh doanh dịch vụ ăn uống. Theo mô hình hệ thống cửa hàng bán trực tiếp đến người tiêu dùng nhưng việc hạch toán toàn bộ hoạt động kinh doanh được thực hiện tại trụ sở chính. Hệ thống máy tính tiền kết nối với máy tính chưa đáp ứng điều kiện kết nối chuyển dữ liệu với cơ quan thuế, từng giao dịch bán hàng hóa, cung cấp đồ ăn uống có in Phiếu tính tiền cho khách hàng. Dữ liệu Phiếu tính tiền có lưu trên hệ thống và khách hàng không có nhu cầu nhận hóa đơn điện tử thì cuối ngày cơ sở kinh doanh căn cứ thông tin từ Phiếu tính tiền để tổng hợp lập hóa đơn điện tử cho các giao dịch bán hàng hóa, cung cấp đồ ăn uống trong ngày. 8. Đối với hoạt động bán điện của các công ty phát điện trên thị trường điện. Thì thời điểm lập hóa đơn điện tử được xác định căn cứ thời điểm về đối soát số liệu thanh toán giữa đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện, đơn vị phát điện và đơn vị mua điện chậm nhất là ngày cuối cùng của thời hạn kê khai, nộp thuế đối với tháng phát sinh nghĩa vụ thuế theo quy định pháp luật về thuế. Riêng hoạt động bán điện của các công ty phát điện có cam kết bảo lãnh của Chính phủ về thời điểm thanh toán thì thời điểm lập hóa đơn điện tử căn cứ theo bảo lãnh của Chính phủ, hướng dẫn và phê duyệt của Bộ Công Thương và các hợp đồng mua bán điện đã được ký kết giữa bên mua điện và bên bán điện. 9. Hóa đơn điện tử đối với trường hợp bán xăng dầu tại các cửa hàng bán lẻ Là thời điểm kết thúc việc bán xăng dầu theo từng lần bán, người bán phải đảm bảo lưu trữ đầy đủ hóa đơn điện tử đối với trường hợp bán xăng dầu cho khách hàng là cá nhân không kinh doanh, cá nhân kinh doanh và đảm bảo có thể tra cứu khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu. 10. Cung cấp dịch vụ vận tải hàng không, dịch vụ bảo hiểm qua đại lý Thì thời điểm lập hóa đơn là thời điểm hoàn thành việc đối soát dữ liệu giữa các bên nhưng chậm nhất không quá ngày 10 của tháng sau tháng phát sinh. 11. Kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi có sử dụng phần mềm tính tiền - Tại thời điểm kết thúc chuyến đi, doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi có sử dụng phần mềm tính tiền thực hiện gửi các thông tin của chuyến đi cho khách hàng và gửi về cơ quan thuế theo định dạng dữ liệu của cơ quan thuế. - Trường hợp khách hàng lấy hóa đơn điện tử thì khách hàng cập nhật hoặc gửi các thông tin đầy đủ (tên, địa chỉ, mã số thuế) vào phần mềm hoặc đơn vị cung cấp dịch vụ. Căn cứ thông tin khách hàng gửi hoặc cập nhật, doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi có sử dụng phần mềm tính tiền thực hiện gửi hóa đơn của chuyến đi cho khách hàng. 12. Cơ sở y tế kinh doanh dịch vụ khám chữa bệnh có sử dụng phần mềm quản lý Thì cuối ngày cơ sở y tế căn cứ thông tin khám, chữa bệnh và thông tin từ phiếu thu tiền để tổng hợp lập hóa đơn điện tử cho các dịch vụ y tế thực hiện trong ngày, trường hợp khách hàng yêu cầu lập hóa đơn điện tử thì cơ sở y tế lập hóa đơn điện tử giao cho khách hàng. 13. Thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử không dừng ngày lập hóa đơn điện tử Là ngày xe lưu thông qua trạm thu phí. Trường hợp khách hàng sử dụng dịch vụ thu phí đường bộ theo hình thức điện tử không dừng có một hoặc nhiều phương tiện cùng sử dụng dịch vụ nhiều lần trong tháng, đơn vị cung cấp dịch vụ có thể lập hóa đơn điện tử theo định kỳ, ngày lập hóa đơn điện tử chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng phát sinh dịch vụ thu phí. Nội dung hóa đơn liệt kê chi tiết từng lượt xe lưu thông qua các trạm thu phí (bao gồm: thời gian xe qua trạm, giá phí sử dụng đường bộ của từng lượt xe).
Chi 1,5 tỷ đồng triển khai đề án doanh nghiệp vì người tiêu dùng
Ngày 13/02/2023 Bộ Công thương vừa có Quyết định 225/QĐ-BCT năm 2023 về phê duyệt danh mục nhiệm vụ chi tiết triển khai các hoạt động năm 2023 của đề án doanh nghiệp vì người tiêu dùng giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, Bộ Công thương dự toán kinh phí thực hiện triển khai dự án doanh nghiệp vì người tiêu dùng trong năm 2023 như sau: (1) Dự kiến chi 340.000.000 triệu đồng Hoàn thiện Bộ tiêu chí “Doanh nghiệp vì người tiêu dùng”, xây dựng bộ tiêu chí riêng đánh giá “Doanh nghiệp vì người tiêu dùng” trong một số ngành, lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ đặc thù (năm 2023, dự kiến lĩnh vực thương mại điện tử): - Nghiên cứu các chuyên đề phục vụ xây dựng dự thảo Bộ tiêu chí đánh giá Doanh nghiệp vì người tiêu dùng trong lĩnh vực thương mại điện tử - Xây dựng dự thảo Bộ tiêu chí Doanh nghiệp vì người tiêu dùng trong lĩnh vực thương mại điện tử - Lấy ý kiến hoàn thiện dự thảo Bộ tiêu chí Doanh nghiệp vì người tiêu dùng trong lĩnh vực thương mại điện tử - Nghiên cứu, hoàn thiện Bộ tiêu chí Doanh nghiệp vì người tiêu dùng trong lĩnh vực thương mại điện tử (2) Dự kiến chi 90.000.000 triệu đồng Nâng cấp và phát triển hệ thống công nghệ thông tin phục vụ cho các hoạt động của Đề án: - Cập nhật, nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin phục vụ cho các hoạt động của Đề án - Thuê máy chủ, thuê dịch vụ bảo hành, bảo trì, bảo dưỡng, hỗ trợ kỹ thuật nhằm đáp ứng các nhu cầu kết nối, lưu trữ thông tin, dữ liệu; đảm bảo tính ổn định của hệ thống công nghệ thông tin phục vụ các hoạt động của Đề án (3) Dự kiến chi 420.000.000 triệu đồng Nâng cao nhận thức của doanh nghiệp, người tiêu dùng và cộng đồng xã hội về Chương trình, tổ chức hoạt động truyền thông nhằm thu hút, khuyến khích doanh nghiệp, người tiêu dùng tham gia Chương trình: - Xây dựng, đăng tải tin, bài, ảnh trên chuyên mục Doanh nghiệp vì người tiêu dùng của Báo điện tử. - Xây dựng, đăng tải tin, bài, ảnh trên trang tin điện tử của Chương trình Doanh nghiệp vì người tiêu dùng. - Xây dựng và phổ biến phóng sự tuyên truyền về Bộ tiêu chí Doanh nghiệp vì người tiêu dùng trong lĩnh vực thương mại điện tử. - Xây dựng và phổ biến video clips tuyên truyền, giới thiệu Bộ tiêu chí Doanh nghiệp vì người tiêu dùng trong lĩnh vực thương mại điện tử. (4) Dự kiến chi 250.000.000 triệu đồng Hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp tham gia Chương trình Doanh nghiệp vì người tiêu dùng, xây dựng và thực hiện các chính sách, quy trình sản xuất, kinh doanh nhằm tuân thủ pháp luật, thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp đối với người tiêu dùng, đáp ứng các tiêu chí Doanh nghiệp vì người tiêu dùng: - Tổ chức đào tạo, hướng dẫn các doanh nghiệp có liên quan tham gia, thực hiện Chương trình Doanh nghiệp vì người tiêu dùng năm 2023 - Tổ chức và phát sóng tọa đàm hướng dẫn doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực thương mại điện tử nâng cao trách nhiệm đối với người tiêu dùng (5) Dự kiến chi 400.000.000 triệu đồng Hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện khảo sát, đánh giá hiện trạng đáp ứng Bộ tiêu chí “Doanh nghiệp vì người tiêu dùng”, hoàn thiện chính sách, quy trình sản xuất, kinh doanh nhằm tuân thủ pháp luật và đạt mức đánh giá cao hơn theo Bộ tiêu chí “Doanh nghiệp vì người tiêu dùng” - Tổ chức họp xem xét, đánh giá hồ sơ đăng ký tham gia Chương trình Doanh nghiệp vì người tiêu dùng của các doanh nghiệp - Tổ chức đi công tác để khảo sát, đánh giá hiện trạng đáp ứng Bộ tiêu chí Doanh nghiệp vì người tiêu dùng trong lĩnh vực thương mại điện tử của doanh nghiệp (dự kiến khoảng 06-08 doanh nghiệp) - Tổ chức họp thẩm định, đánh giá hiện trạng đáp ứng Bộ tiêu chí Doanh nghiệp vì người tiêu dùng trong lĩnh vực thương mại điện tử của doanh nghiệp. Xem thêm Quyết định 225/QĐ-BCT có hiệu lực từ ngày 13/02/2023.
ĐĂNG KÝ GIẤY PHÉP KINH DOANH DỊCH VỤ ĂN UỐNG
Muốn đăng ký kinh doanh dịch vụ ăn uống thì cá nhân/tổ chức cần phải chuẩn bị những gì. Nắm rõ các thủ tục cũng như quy định được nhà nước ban hàng để đạt hiệu quả tốt nhất cho việc kinh doanh là gì? 1. Dịch vụ ăn uống là gì? Dịch vụ ăn uống là hoạt động kinh doanh cung cấp dịch vụ ăn uống tại một địa điểm xa xôi hoặc một địa điểm như khách sạn, bệnh viện, quán rượu, máy bay, tàu du lịch, công viên, phim trường hoặc trường quay, địa điểm giải trí hoặc địa điểm tổ chức sự kiện. Bên cạnh đó cũng có thể cung cấp một số dịch vụ khác như phục vụ đồ ăn đưa về hoặc các chương trình khuyến mãi khác. 1.2. Mã ngành dịch vụ ăn uống Căn cứ vào Quyết định ban hành hệ thống ngành kinh tế Việt Nam số 27/2018/QĐ-TTg. Trong quyết định sẽ có 11 mã ngành dịch vụ ăn uống khác nhau. 2. Thủ tục đăng ký kinh doanh dịch vụ ăn uống 2.1. Các loại hình kinh doanh dịch vụ ăn uống a. Mô hình nhà hàng Buffet Đây được xem là mô hình tự chọn, hay còn được gọi là tiệc đứng. Khi đến với mô hình kinh doanh nhà hàng này, khách hàng có thể đi lại, đứng hoặc ngồi tùy thích khi ăn uống. So với tiệc ngồi thì Buffet có thể phục vụ cho nhiều người hơn. b. Mô hình kinh doanh Casual Dining Mô hình Casual Dining thường phục vụ nhiều đối tượng khách hàng khác nhau nhưng không kém phần sang chảnh và chủ yếu giành cho nhóm đối tượng trung lưu. Do đó, chi phí bỏ ra để thưởng thức bữa ăn tại đây ở mức vừa phải. c. Mô hình kinh doanh nhà hàng nhượng quyền thương hiệu Đầu tư kinh doanh nhà hàng nhượng quyền thương hiệu là cách đơn giản để thu về nguồn lợi nhuận cao. Tất cả các vấn đề như sản phẩm, thương hiệu, thiết kế đã có sẵn,và cũng không phải lo lắng về khách hàng, chiến lược kinh doanh hay marketing nhà hàng… 2.2.Thủ tục đăng ký kinh doanh dịch vụ ăn uống hình thức Hộ gia đình Khi có nhu cầu, quý khách hàng lưu ý hồ sơ cần phải chuẩn bị, bao gồm: +Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh. +Tờ khai đăng ký thuế +Hợp đồng thuê nhà/mượn nhà, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất +Chứng minh nhân dân, căn cước công dân sao y chứng thực. +Giấy ủy quyền thực hiện đăng ký kinh doanh Khi có đủ hồ sơ, nộp đơn tại cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện để nộp và được cấp giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh về dịch vụ ăn uống 2.3. Thủ tục đăng ký kinh doanh dịch vụ ăn uống hình thức Công ty Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp, Điều lệ doanh nghiệp, Bản sao chứng minh thư nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân, Giấy ủy quyền nếu người đại diện nhờ người khác đi nộp hồ sơ đăng ký kinh doanh thành lập công ty. Sau khi công ty bạn được cấp giấy phép kinh doanh cần liên hệ cơ quan thuế của ủy ban nhân dân thì làm việc ban đầu, đóng thuế cho đúng theo quy định của pháp luật. 3. Thủ tục xin giấy phép kinh doanh ăn uống 3.1. Điều kiện xin giấy phép kinh doanh dịch vụ ăn uống hiện nay? Địa điểm, môi trường sản xuất, kinh doanh Nguồn nước và nước đá Thiết bị và dụng cụ Thức ăn sẵn phải để ở trong tủ kính và phân loại để tránh nhiễm chéo thực phẩm Người bán phải mặc trang phục sạch sẽ, gọn gàng và dùng găng tay Thùng rác phải có nắp đậy Nguyên liệu chế biến có nguồn gốc rõ ràng Đủ dụng cụ, thiết bị chứa đựng nước thải, có nắp đậy Người kinh doanh thực phẩm cần có giấy chứng nhận an toàn thực phẩm Người chế biến, phục vụ thực phẩm đường phố phải có giấy khám sức khỏe 3.2. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm cho dịch vụ ăn uống Hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm bao gồm: +Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm +Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (có ghi đăng kí ngành, nghề kinh doanh sản phẩm) +Bản thuyết minh về cơ sở vật chất trang thiết bị dụng cụ bảo đảm điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm +Giấy xác nhận đủ sức khoẻ của chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm do cơ sở y tế cấp huyện trở lên cấp +Giấy xác nhận đã được tập huấn kiến thức về an toàn vệ sinh thực phẩm của chủ cơ sở và của người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo quy định của Bộ trưởng Bộ quản lý ngành. Trong trường hợp, kinh doanh đồ ăn là thực phẩm bảo vệ sức khỏe thì làm hồ sơ cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đạt yêu cầu Thực hành sản xuất tốt (GMP) thực phẩm bảo vệ sức khỏe cần đảm bảo các giấy tờ sau: +Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đạt yêu cầu Thực hành sản xuất tốt (GMP) thực phẩm bảo vệ sức khỏe +Sơ đồ các khu vực sản xuất và dây chuyền sản xuất (có xác nhận của tổ chức, cá nhân) +Danh mục các thiết bị chính được sử dụng tại cơ sở (có xác nhận của tổ chức, cá nhân) 3.3. Trình tự cấp giấy phép đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm cho dịch vụ ăn uống Bước 1: Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm chuẩn bị và nộp hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm tại Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm hoặc cục An toàn vệ sinh thực phẩm nơi mình kinh doanh Bước 2: Khi hồ sơ đã hợp lệ, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm hoặc Cục An toàn vệ sinh thực phẩm tiến hành thẩm định cơ sở. Kết quả thẩm định cơ sở ghi vào Biên bản thẩm định cơ sở. Bước 3: Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra thực tế điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm tại cơ sở kinh doanh, sản xuất thực phẩm. Nếu đủ điều kiện thì phải cấp Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm. Trong trường hợp từ chối thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do không cấp. Bước 4: Trường hợp kết quả thẩm định không đạt, trong biên bản thẩm định phải ghi rõ thời hạn thẩm định lại (tối đa là 03 tháng), Nếu kết quả thẩm định lại vẫn không đạt thì đoàn thẩm định lập biên bản và đề xuất với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền đình chỉ hoạt động của cơ sở.
Thay đổi cách thức gửi hồ sơ đề nghị làm dịch vụ chi trả ngoại tệ
Ngày 30/12/2022, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư 24/2022/TT-NHNN sửa đổi một số thông tư quy định về thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý ngoại hối. Theo đó, thay đổi nguyên tắc lập và gửi hồ sơ đề nghị chấp thuận làm dịch vụ nhận và chi, trả ngoại tệ như sau: 1. Nguyên tắc lập và gửi hồ sơ làm dịch vụ chi trả ngoại tệ Cụ thể, sửa đổi Điều 9 Thông tư 34/2015/TT-NHNN quy định nguyên tắc lập và gửi hồ sơ đề nghị chấp thuận làm dịch vụ nhận và chi, trả ngoại tệ như sau: Nguyên tắc 1: Tổ chức gửi 01 bộ hồ sơ thực hiện thủ tục hành chính theo quy định tại Thông tư 34/2015/TT-NHNN và nhận kết quá thủ tục hành chính theo một trong ba cách thức sau: (1) Trực tuyến qua Cổng dịch vụ công quốc gia hoặc trên Công dịch vụ công Ngân hàng Nhà nước (trừ Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam). (2) Trực tiếp tại Bộ phận Một cửa NHNN hoặc Bộ phận Một cửa NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố nơi tổ chức đặt trụ sở chính. (3) Gửi qua dịch vụ bưu chính. (So với hiện hành, thì Thông tư 24/2022/TT-NHNN đã bổ sung thêm 3 cách thức gửi hồ sơ đề nghị nhận và chi, trả ngoại tệ). Nguyên tắc 2: Trường hợp gửi hồ sơ trực tuyến qua Công dịch vụ công quốc gia hoặc trên Cổng dịch vụ công NHNN, hồ sơ điện tử được sử dụng chữ ký số theo quy định của pháp luật về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử. Hệ thống cổng dịch vụ công quốc gia hoặc Công dịch vụ công NHNN gặp sự cố hoặc có lỗi thì thực hiện qua dịch vụ bưu chính hoặc trực tiếp tại Bộ phận Một cửa NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố nơi tổ chức đặt trụ sở chính. Nguyên tắc 3: Các tài liệu trong hồ sơ điện tử là bàn điện từ quét từ bản gốc, bàn chính (tập tin định dạng PDF) hoặc được khai trên Công dịch vụ công NHNN. Nguyên tắc 4: Các tài liệu trong hồ sơ giấy là bản gốc, bản chính hoặc bản sao có xác nhận của tổ chức về việc sao từ bản chính. Nguyên tắc 5: Bản dịch tiếng Việt của các tài liệu tiếng nước ngoài là bản dịch do tổ chức tự dịch hoặc thông qua một tổ chức cung cấp dịch vụ dịch thuật. Tổ chức xác nhận về tính chính xác của bản dịch tiếng Việt và nội dung bằng tiếng nước ngoài. Nguyên tắc 6: Tổ chức chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của các thông tin nêu tại hồ sơ đề nghị. 2. Gửi hồ sơ đăng ký giao dịch ngoại hối đầu tư ra nước ngoài Sửa đổi khoản 2 Điều 10 Thông tư 12/2016/TT- NHNN về trình tự thực hiện thủ tục đăng ký giao dịch ngoại hối liên quan đến hoạt động đầu tư ra nước ngoài như sau: Nhà đầu tư gửi 01 bộ hồ sơ đăng ký giao dịch ngoại hối liên quan đến hoạt động đầu tư ra nước ngoài đến cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại Điều 8, Điều 9 Thông tư 12/2016/TT- NHNN theo một trong ba cách thức sau: - Nộp trực tuyến qua Cổng dịch vụ công quốc gia hoặc trên Công dịch vụ công Ngân hàng Nhà nước (trừ trường hợp nhà đầu tư là tổ chức tín dụng). - Nộp trực tiếp tại Bộ phận Một cửa Ngân hàng Nhà nước (đối với nhà đầu tư là tổ chức tín dụng) hoặc tại Bộ phận Một cửa Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố (đổi với nhà đầu tư không phải là tổ chức tín dụng). - Gửi qua dịch vụ bưu chính. (So với hiện hành thì bên cạnh việc gửi hồ sơ bằng bưu điện thì có thể gửi qua dịch vụ công quốc gia hoặc tại Bộ phận Một cửa của NHNN). Đồng thời, bổ sung khoản 2a, 2b, 2c Thông tư 12/2016/TT- NHNN như sau: 2a. Trường hợp gửi hồ sơ trực tuyến qua cổng dịch vụ công quốc gia hoặc trên Cổng dịch vụ công Ngân hàng Nhà nước, hồ sơ điện tử được sử dụng chữ ký số theo quy định của pháp luật về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử. Trường hợp hệ thống cổng dịch vụ công quốc gia hoặc cống dịch vụ công Ngân hàng Nhà nước gặp sự cố hoặc có lỗi không thể tiếp nhận, trao đổi thông tin điện tử, việc khai, gửi, tiếp nhận, trả kết quả, trao đổi, phản hồi thông tin được thực hiện qua dịch vụ bưu chính hoặc trực tiếp tại Bộ phận Một cửa Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố theo thẩm quyền quy định tại Điều 8 Thông tư 12/2016/TT- NHNN. 2b. Các tài liệu trong hồ sơ điện tử là bản điện tử quét từ bản gốc, bản chính (tập tin định dạng PDF) hoặc được khai trên cổng dịch vụ công Ngân hàng Nhà nước. 2c. Nhà đầu tư chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của các thông tin nêu tại hồ sơ đăng ký giao dịch ngoại hối liên quan đến hoạt động đầu tư ra nước ngoài. Chi tiết Thông tư 24/2022/TT-NHNN có hiệu lực ngày 15/02/2023 sửa đổi Thông tư 34/2015/TT-NHNN, Thông tư 12/2016/TT- NHNN.
Lưu trữ thông tin thẻ tín dụng
Doanh nghiệp/cá nhân được phép lưu trữ thông tin thẻ tín dụng của khách? doanh nghiệp lưu trữ các thông tin này sau khi khách sử dụng dịch vụ/hàng hóa có được không? Căn cứ Khoản 18 Điều 3 Thông tư 19/2016/TT-NHNN quy định: “Điều 3. Giải thích từ ngữ Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau: … 18. Đơn vị chấp nhận thẻ (viết tắt là ĐVCNT) là tổ chức, cá nhân chấp nhận thanh toán hàng hóa, dịch vụ bằng thẻ theo hợp đồng thanh toán thẻ ký kết với TCTTT. …” Mặt khác, Khoản 4 Điều 18 Thông tư 19/2016/TT-NHNN quy định: “Điều 18. Đảm bảo an toàn trong sử dụng thẻ … 4. ĐVCNT phải thực hiện đầy đủ các biện pháp, quy trình kỹ thuật nghiệp vụ và bảo mật thông tin chủ thẻ, phát hiện gian lận, giả mạo trong thanh toán thẻ được TCTTT hướng dẫn và phải chịu trách nhiệm về các thiệt hại nếu ĐVCNT không thực hiện đúng các quy định của TCTTT.” Đồng thời, Điều 29 Thông tư 19/2016/TT-NHNN quy định: “Điều 29. Cung cấp thông tin 1. TCPHT, TCTTT, ĐVCNT, tổ chức chuyển mạch thẻ, tổ chức bù trừ điện tử giao dịch thẻ, TCTQT có trách nhiệm bảo mật các thông tin thẻ, chủ thẻ, giao dịch thẻ và chỉ cung cấp thông tin theo yêu cầu của chủ thẻ, của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc theo quy định của pháp luật. 2. TCPHT, TCTTT thỏa thuận với nhau về việc chia sẻ thông tin liên quan đến hoạt động thẻ theo quy định của pháp luật. 3. TCTQT có trách nhiệm cung cấp các thông tin liên quan đến giao dịch thẻ có BIN do TCTQT cấp theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước để thực hiện chức năng quản lý nhà nước.” Như vậy, đơn vị chấp nhận thẻ có nghĩa vụ thực hiện đầy đủ các biện pháp để bảo đảm bảo mật thông tin thẻ của khách hàng. Đồng thời, yêu cầu của chủ thẻ, của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc theo quy định của pháp luật thì mới được cung cấp thông tin thẻ, chủ thẻ và giao dịch thẻ. Tuy nhiên, việc lưu trữ này chỉ áp dụng đối với tổ chức, cá nhân chấp nhận thanh toán hàng hóa, dịch vụ bằng thẻ và đã ký kết hợp đồng thanh toán thẻ với tổ chức thanh toán thẻ. Bên cạnh đó, điều khoản phía trên quy định về việc cung cấp thông tin thẻ, chủ thẻ, giao dịch thẻ của đơn vị chấp nhận thẻ. Cho nên, việc doanh nghiệp lưu trữ các thông tin của thẻ tín dụng là hoàn toàn đúng luật.
Lưu trữ thông tin thẻ tín dụng
Doanh nghiệp/cá nhân được phép lưu trữ thông tin thẻ tín dụng của khách? doanh nghiệp lưu trữ các thông tin này sau khi khách sử dụng dịch vụ/hàng hóa có được không? Căn cứ Khoản 18 Điều 3 Thông tư 19/2016/TT-NHNN quy định: “Điều 3. Giải thích từ ngữ Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau: … 18. Đơn vị chấp nhận thẻ (viết tắt là ĐVCNT) là tổ chức, cá nhân chấp nhận thanh toán hàng hóa, dịch vụ bằng thẻ theo hợp đồng thanh toán thẻ ký kết với TCTTT. …” Mặt khác, Khoản 4 Điều 18 Thông tư 19/2016/TT-NHNN quy định: “Điều 18. Đảm bảo an toàn trong sử dụng thẻ … 4. ĐVCNT phải thực hiện đầy đủ các biện pháp, quy trình kỹ thuật nghiệp vụ và bảo mật thông tin chủ thẻ, phát hiện gian lận, giả mạo trong thanh toán thẻ được TCTTT hướng dẫn và phải chịu trách nhiệm về các thiệt hại nếu ĐVCNT không thực hiện đúng các quy định của TCTTT.” Đồng thời, Điều 29 Thông tư 19/2016/TT-NHNN quy định: “Điều 29. Cung cấp thông tin 1. TCPHT, TCTTT, ĐVCNT, tổ chức chuyển mạch thẻ, tổ chức bù trừ điện tử giao dịch thẻ, TCTQT có trách nhiệm bảo mật các thông tin thẻ, chủ thẻ, giao dịch thẻ và chỉ cung cấp thông tin theo yêu cầu của chủ thẻ, của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc theo quy định của pháp luật. 2. TCPHT, TCTTT thỏa thuận với nhau về việc chia sẻ thông tin liên quan đến hoạt động thẻ theo quy định của pháp luật. 3. TCTQT có trách nhiệm cung cấp các thông tin liên quan đến giao dịch thẻ có BIN do TCTQT cấp theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước để thực hiện chức năng quản lý nhà nước.” Như vậy, đơn vị chấp nhận thẻ có nghĩa vụ thực hiện đầy đủ các biện pháp để bảo đảm bảo mật thông tin thẻ của khách hàng. Đồng thời, yêu cầu của chủ thẻ, của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc theo quy định của pháp luật thì mới được cung cấp thông tin thẻ, chủ thẻ và giao dịch thẻ. Tuy nhiên, việc lưu trữ này chỉ áp dụng đối với tổ chức, cá nhân chấp nhận thanh toán hàng hóa, dịch vụ bằng thẻ và đã ký kết hợp đồng thanh toán thẻ với tổ chức thanh toán thẻ. Bên cạnh đó, điều khoản phía trên quy định về việc cung cấp thông tin thẻ, chủ thẻ, giao dịch thẻ của đơn vị chấp nhận thẻ. Cho nên, việc doanh nghiệp lưu trữ các thông tin của thẻ tín dụng là hoàn toàn đúng luật.
Dịch vụ cung cấp trong năm 2022 nhưng năm 2023 mới xuất hóa đơn thì có được giảm thuế?
Liên quan tới thời điểm kết thúc áp dụng giảm thuế xuống 8%. thì những công việc đã thực hiện xác nhận khối lượng ở năm 2022 nhưng do một số vấn đề đến năm 2023 bên mình mới xuất được hóa đơn, hoặc nhà cung cấp mới xuất được hóa đơn cho bên mình thì những trường hợp này phải xử lý như thế nào nhỉ? Trường hợp năm 2023 bên mình nhận hóa đơn đầu vào với thuế xuất 8% thì vấn đề này là đúng hay sai, cần xử lý như thế nào?
Danh mục hàng hóa, dịch vụ áp dụng mua sắm tập trung cấp quốc gia
Ngày 01/10/2024, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 69/2024/TT-BTC quy định danh mục hàng hóa, dịch vụ áp dụng mua sắm tập trung cấp quốc gia. Cụ thể danh mục qua bài viết sau đây. Thông tư 69/2024/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 15/11/2024 Danh mục hàng hóa, dịch vụ áp dụng mua sắm tập trung cấp quốc gia Theo Điều 2 Thông tư 69/2024/TT-BTC quy định Danh mục hàng hóa, dịch vụ áp dụng mua sắm tập trung cấp quốc gia bao gồm: - Danh mục hàng hóa, dịch vụ áp dụng mua sắm tập trung cấp quốc gia là xe ô tô phục vụ công tác chung của cơ quan, tổ chức, đơn vị; bao gồm: + Xe ô tô phục vụ công tác chung 4-5 chỗ ngồi. + Xe ô tô phục vụ công tác chung 7-9 chỗ ngồi. + Xe ô tô phục vụ công tác chung 12-16 chỗ ngồi. + Xe ô tô phục vụ công tác chung bán tải. - Danh mục quy định trên không áp dụng đối với xe ô tô phục vụ công tác chung là: + Xe ô tô phục vụ công tác chung của cơ quan Việt Nam ở nước ngoài. + Xe ô tô 2 cầu có công suất lớn theo quy định tại khoản 2 Điều 15 Nghị định 72/2023/NĐ-CP Như vậy, từ ngày 15/11/2024 sẽ áp dụng Danh mục hàng hóa, dịch vụ áp dụng mua sắm tập trung cấp quốc gia như trên. Khi nào sẽ áp dụng mua sắm tập trung trong đấu thầu? Theo Điều 53 Luật Đấu thầu 2023 quy định về mua sắm tập trung trong đấu thầu thì mua sắm tập trung được áp dụng khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây: - Hàng hóa, dịch vụ cần mua sắm với số lượng lớn, chủng loại tương tự ở một hoặc nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị. Trường hợp mua thuốc hiếm, thuốc cần mua với số lượng ít có thể áp dụng hình thức mua sắm tập trung để bảo đảm có đủ thuốc phục vụ nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh; - Thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ áp dụng mua sắm tập trung quy định tại khoản 2 Điều 53 Luật Đấu thầu 2023. Như vậy, chỉ được mua sắm tập trung những hàng hoá, dịch vụ cần mua sắm với số lượng lớn, chủng loại tương tự và phải nằm trong danh mục hàng hóa, dịch vụ áp dụng mua sắm tập trung. Khi mua sắm tập trung trong đấu thầu phải tuân theo nguyên tắc nào? Theo Điều 87 Nghị định 24/2024/NĐ-CP quy định nguyên tắc mua sắm tập trung bao gồm: - Việc mua sắm tập trung được thực hiện thông qua đơn vị mua sắm tập trung thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, doanh nghiệp, trừ trường hợp quy định tại khoản 5 Điều 53 Luật Đấu thầu 2023. Trường hợp đơn vị mua sắm tập trung không đủ năng lực thì thuê tư vấn đấu thầu thực hiện việc lựa chọn nhà thầu. - Đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục phải áp dụng mua sắm tập trung sử dụng thỏa thuận khung, đơn vị có nhu cầu mua sắm hàng hóa, dịch vụ phải ký kết hợp đồng với nhà thầu đã được lựa chọn thông qua mua sắm tập trung. Trường hợp thỏa thuận khung còn hiệu lực mà ký kết hợp đồng với nhà thầu khác không được lựa chọn thông qua mua sắm tập trung thì không được thanh toán, trừ trường hợp quy định tại khoản 22, khoản 23 Điều 131 Nghị định 24/2024/NĐ-CP. Như vậy, khi mua sắm tập trung trong đấu thầu thì phải tuân theo những nguyên tắc quy định trên.
Kinh doanh dịch vụ trông giữ xe có cần đăng ký kinh doanh không?
Kinh doanh dịch vụ trông, giữ xe là một hoạt động khá phổ biến, đặc biệt là tại các khu vực đông dân cư, trung tâm thương mại. Vậy cá nhân kinh doanh dịch vụ trông, giữ xe có cần phải đăng ký kinh doanh hay không? (1) Kinh doanh dịch vụ trông, giữ xe có cần đăng ký kinh doanh không? Theo Điều 2 Nghị định 39/2007/NĐ-CP về hoạt động thương mại một cách độc lập thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh quy định về đối tượng áp dụng như sau: Cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên không thuộc đối tượng phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật về đăng ký kinh doanh (sau đây gọi tắt là cá nhân hoạt động thương mại). Ngoài ra, tại khoản 1 Điều 3 Nghị định 39/2007/NĐ-CP có quy định như sau: Cá nhân hoạt động thương mại là cá nhân tự mình hàng ngày thực hiện một, một số hoặc toàn bộ các hoạt động được pháp luật cho phép về mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác nhưng không thuộc đối tượng phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật về đăng ký kinh doanh và không gọi là “thương nhân” theo quy định của Luật Thương mại. Cụ thể bao gồm những cá nhân thực hiện các hoạt động thương mại sau đây: - Buôn bán rong (buôn bán dạo) là các hoạt động mua, bán không có địa điểm cố định (mua rong, bán rong hoặc vừa mua rong vừa bán rong), bao gồm cả việc nhận sách báo, tạp chí, văn hóa phẩm của các thương nhân được phép kinh doanh các sản phẩm này theo quy định của pháp luật để bán rong; - Buôn bán vặt là hoạt động mua bán những vật dụng nhỏ lẻ có hoặc không có địa điểm cố định; - Bán quà vặt là hoạt động bán quà bánh, đồ ăn, nước uống (hàng nước) có hoặc không có địa điểm cố định; - Buôn chuyến là hoạt động mua hàng hóa từ nơi khác về theo từng chuyến để bán cho người mua buôn hoặc người bán lẻ; - Thực hiện các dịch vụ: đánh giày, bán vé số, chữa khóa, sửa chữa xe, trông giữ xe, rửa xe, cắt tóc, vẽ tranh, chụp ảnh và các dịch vụ khác có hoặc không có địa điểm cố định; - Các hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh khác. Có thể thấy, cá nhân kinh doanh dịch vụ trông giữ xe là một trong những hoạt động thương mại độc lập, thường xuyên và không thuộc đối tượng phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật về đăng ký kinh doanh và không gọi là “thương nhân” theo quy định của Luật Thương mại 2005. Như vậy, cá nhân kinh doanh dịch vụ trông giữ xe không phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật. (2) Khu vực không được phép kinh doanh trông, giữ xe Theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị định 39/2007/NĐ-CP, cá nhân hoạt động thương mại (bao gồm cá nhân kinh doanh trông, giữ xe) không được thực hiện các hoạt động thương mại tại các khu vực, tuyến đường, địa điểm sau đây: - Khu vực thuộc các di tích lịch sử, văn hóa đã được xếp hạng, các danh lam thắng cảnh khác - Khu vực các cơ quan nhà nước, cơ quan ngoại giao, các tổ chức quốc tế; - Khu vực thuộc vành đai an toàn kho đạn dược, vật liệu nổ, nhà máy sản xuất đạn dược, vật liệu nổ, doanh trại Quân đội nhân dân Việt Nam; - Khu vực thuộc cảng hàng không, cảng biển, cửa khẩu quốc tế, sân ga, bến tầu, bến xe, bến phà, bến đò và trên các phương tiện vận chuyển; - Khu vực các trường học, bệnh viện, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng; - Nơi tạm dừng, đỗ của phương tiện giao thông đang tham gia lưu thông, bao gồm cả đường bộ và đường thủy; - Phần đường bộ bao gồm lối ra vào khu chung cư hoặc khu tập thể; ngõ hẻm; vỉa hè, lòng đường, lề đường của đường đô thị, đường huyện, đường tỉnh và quốc lộ dành cho người và phương tiện tham gia giao thông, trừ các khu vực, tuyến đường hoặc phần vỉa hè đường bộ được cơ quan có thẩm quyền quy hoạch hoặc cho phép sử dụng tạm thời để thực hiện các hoạt động thương mại; - Các tuyến đường, khu vực (kể cả khu du lịch) do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi tắt là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) hoặc cơ quan được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ủy quyền quy định và có biển cấm cá nhân thực hiện các hoạt động thương mại; - Khu vực thuộc quyền sử dụng của tổ chức, cá nhân tuy không phải là khu vực, tuyến đường, địa điểm cấm sử dụng làm địa điểm kinh doanh theo quy định từ điểm a đến điểm h khoản 1 Điều 6 Nghị định 39/2007/NĐ-CP nhưng không được sự đồng ý của tổ chức, cá nhân đó hoặc khu vực đó có biển cấm cá nhân thực hiện các hoạt động thương mại. Theo đó, pháp luật nghiêm cấm cá nhân hoạt động thương mại chiếm dụng trái phép, tự ý xây dựng, lắp đặt cơ sở, thiết bị, dụng cụ thực hiện các hoạt động thương mại và trưng bày hàng hóa ở bất kỳ địa điểm nào trên đường giao thông và nơi công cộng; lối ra vào, lối thoát hiểm hoặc bất kỳ khu vực nào làm cản trở giao thông, gây bất tiện cho cộng đồng và làm mất mỹ quan chung. Trường hợp tiến hành hoạt động thương mại ở các khu vực, tuyến đường hoặc phần vỉa hè đường bộ được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy hoạch hoặc cho phép sử dụng tạm thời thì ngoài việc tuân thủ quy định của Nghị định 39/2007/NĐ-CP, cá nhân hoạt động thương mại phải bảo đảm thực hiện theo đúng quy hoạch và sự cho phép đó. Ngoài ra, cá nhân hoạt động thương mại phải tuân thủ mệnh lệnh hợp pháp của người thi hành công vụ trong trường hợp được yêu cầu di chuyển hàng hóa; phương tiện, thiết bị, dụng cụ thực hiện các hoạt động thương mại để tránh làm cản trở hoặc tắc nghẽn giao thông trong trường hợp khẩn cấp hoặc vì lý do an ninh và các hoạt động xã hội khác theo quy định của pháp luật.
BHXH Việt Nam trả lời kiến nghị của cử tri gửi trước Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV
Tại Công văn 2699/BHXH-VP, BHXH đã trả lời kiến nghị của cử tri về việc đề nghị BHXH Việt Nam tiếp tục nỗ lực tạo ra ngày càng nhiều tiện ích, dịch vụ mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp. (1) Những tiện ích, dịch vụ BHXH Việt Nam đã thực hiện Trước kiến nghị của cử tri thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, BHXH Việt Nam đã có công văn gửi Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM để trả lời về việc đề nghị BHXH Việt Nam tiếp tục nỗ lực tạo ra ngày càng nhiều tiện ích, dịch vụ mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp. Theo đó, tại Công văn 2699/BHXH-VP, BHXH Việt Nam đã trả lời như sau: Những năm qua, BHXH Việt Nam luôn chủ động triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để thực hiện cải cách thủ tục hành chính (TTHC) với phương châm cải cách TTHC gắn với ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, cải cách đóng vai trò dẫn dắt, công nghệ hỗ trợ và thúc đẩy, nỗ lực không ngừng hoàn thiện các quy trình nghiệp vụ, cung cấp dịch vụ công tốt nhất, thuận lợi nhất, đáp ứng yêu cầu đảm bảo an sinh xã hội quốc gia, phục vụ người dân và doanh nghiệp toàn diện hơn trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN như: - Tăng cường cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho tổ chức, cá nhân trên nhiều nền tảng như: + Cổng DVC quốc gia + Cổng DVC của BHXH Việt Nam + Ứng dụng VssID-BHXH số + Các tổ chức IVAN + Triển khai sử dụng thẻ BHYT trên ứng dụng VssID để người dân đi khám chữa bệnh (KCB) BHYT trên phạm vi toàn quốc + Từng bước triển khai số hoá hồ sơ, giấy tờ giải quyết TTHC…v.v. Bên cạnh đó, BHXH Việt Nam cũng tích cực phối hợp với các Bộ, ngành liên quan để triển khai thực hiện các giải pháp nhằm cải cách TTHC, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ sở dữ liệu chuyên ngành để có thể tái sử dụng dữ liệu, không yêu cầu nộp bản giấy đối với thông tin BHXH đã có, chuyển từ phương thức xử lý tiền kiểm sang hậu kiểm; không làm tăng chi phí cho tổ chức, cá nhân; tận dụng tối đa thông tin dùng chung để hạn chế việc khai báo của người dân, doanh nghiệp khi tham gia, hưởng các chế độ BHXH. Với các TTHC/DVC mà ngành BHXH Việt Nam đang cung cấp, người dân, doanh nghiệp có thể đăng ký tham gia, hưởng các chế độ về BHXH, BHYT, BHTN ngày càng thuận tiện. Người dân, doanh nghiệp có thể chủ động lựa chọn phương thức gửi nhận hồ sơ trực tuyến để tiết kiệm thời gian, chi phí giao dịch; đồng thời có thể theo dõi quá trình, kết quả giải quyết, đảm bảo công khai, minh bạch. Đặc biệt, BHXH Việt Nam đã triển khai mô hình liên thông cho hai nhóm thủ tục hành chính (TTHC): Đăng ký khai sinh, thường trú, cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi và Đăng ký khai tử, xóa thường trú, giải quyết mai táng phí, tử tuất Người dân chỉ cần khai báo một lần để thực hiện ba TTHC tại ba cơ quan khác nhau, giúp cắt giảm giấy tờ và thời gian giải quyết. Mô hình này nâng cao hiệu quả quản lý cho các cơ quan nhà nước, giảm chi phí sao in hồ sơ, và khắc phục tình trạng sai lệch thông tin. Sự phối hợp giữa các cơ quan như Tư pháp, Công an và BHXH đã đảm bảo tính công khai, minh bạch trong quá trình giải quyết TTHC. Ngoài ra, BHXH cũng đã phối hợp với Văn phòng Chính phủ và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để triển khai dịch vụ công "Giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp" trên Cổng DVC quốc gia từ tháng 4/2022, hoàn thành tái cấu trúc các dịch vụ công trực tuyến thiết yếu. (2) Những kết quả đạt được Với những nỗ lực kể trên, trong thời gian qua BHXH Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, cụ thể: - Trong 6 tháng đầu năm 2024, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam đã xử lý hơn 6,8 triệu hồ sơ giao dịch điện tử, chiếm 88% tổng số hồ sơ tiếp nhận. Khoảng 74% người hưởng chế độ bảo hiểm nhận tiền qua tài khoản cá nhân, tăng 10% so với năm 2023. BHXH cũng đã tiếp nhận và xử lý nhiều giao dịch liên quan đến BHXH tự nguyện và cấp thẻ BHYT. - Tất cả cơ sở khám chữa bệnh (KCB) đã triển khai KCB bằng Căn cước công dân gắn chip, với hơn 104 triệu lượt tra cứu thông tin thẻ BHYT thành công. BHXH cũng đã xử lý hơn 1 triệu hồ sơ thông qua các thủ tục hành chính liên thông. Trong thời gian tới, BHXH sẽ tiếp tục cải thiện dịch vụ, bao gồm chi trả lương hưu qua tài khoản cá nhân, cấp thẻ BHYT điện tử, và mở rộng xác thực sinh trắc học trong tiếp nhận hồ sơ. BHXH mong nhận được sự quan tâm của Quốc hội và cử tri về chính sách an sinh xã hội. Xem nội dung chi tiết tại Công văn 2699/BHXH-VP ngày 13/8/2024 của BHXH Việt Nam.
Hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá và nguyên tắc, căn cứ, phương pháp định giá của Nhà nước
Hàng hóa là sản phẩm có thể trao đổi, mua, bán trên thị trường. Dịch vụ là hàng hóa có tính vô hình, quá trình sản xuất và tiêu dùng không thể tách rời nhau. Định giá là quá trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thực hiện xác định giá của hàng hóa, dịch vụ. 1. Hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá Căn cứ Điều 21 Luật Giá 2023: - Hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá phải đáp ứng một trong các tiêu chí sau đây: + Hàng hóa, dịch vụ thuộc lĩnh vực độc quyền Nhà nước sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật về thương mại và quy định khác của pháp luật có liên quan; + Tài nguyên quan trọng theo quy định của pháp luật về tài nguyên; + Hàng dự trữ quốc gia; sản phẩm, dịch vụ công ích và dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước; + Hàng hóa, dịch vụ thiết yếu có tính chất độc quyền trong mua, bán hoặc có thị trường cạnh tranh hạn chế và ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội, đời sống người dân, hoạt động sản xuất, kinh doanh. - Cơ quan nhà nước có thẩm quyền định giá thực hiện định giá theo các hình thức sau đây: + Giá cụ thể là mức giá mà cơ quan, tổ chức, cá nhân phải mua, bán theo đúng mức giá đó; + Giá tối thiểu là mức giá mà cơ quan, tổ chức, cá nhân không được định giá, mua, bán thấp hơn mức giá đó; + Giá tối đa là mức giá mà cơ quan, tổ chức, cá nhân không được định giá, mua, bán cao hơn mức giá đó; + Khung giá là khoảng giới hạn mức giá mà cơ quan, tổ chức, cá nhân không được định giá, mua, bán thấp hơn mức tối thiểu và cao hơn mức tối đa của khung giá đó. - Thẩm quyền, trách nhiệm định giá được quy định như sau: + Thủ tướng Chính phủ định giá đối với hàng hóa, dịch vụ đặc biệt quan trọng, có ảnh hưởng lớn đến kinh tế vĩ mô, đời sống người dân; + Bộ Tài chính định giá đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc lĩnh vực quản lý; hàng hóa, dịch vụ thuộc nhiều ngành, lĩnh vực quản lý và ảnh hưởng đến ngân sách nhà nước; + Bộ, cơ quan ngang Bộ định giá đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc lĩnh vực, phạm vi chuyên ngành quản lý theo quy định của pháp luật; + Ủy ban nhân dân cấp tỉnh định giá đối với hàng hóa, dịch vụ theo thẩm quyền thuộc phạm vi quản lý theo địa bàn. - Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, hình thức định giá và thẩm quyền, trách nhiệm định giá được quy định tại Phụ lục số 02 kèm theo Luật này. Đặc điểm kinh tế - kỹ thuật của hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan; trường hợp chưa có quy định thì các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm ban hành theo thẩm quyền. - Trường hợp cần thiết phải điều chỉnh Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh lập văn bản đề nghị điều chỉnh gửi Bộ Tài chính tổng hợp, trình Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định. - Chính phủ quy định chi tiết trình tự, thủ tục để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá quy định tại khoản 5 Điều này. 2. Nguyên tắc và căn cứ định giá hàng hóa, dịch vụ của Nhà nước Căn cứ Điều 22 Luật Giá 2023: - Nguyên tắc định giá của Nhà nước được quy định như sau: + Bảo đảm bù đắp chi phí sản xuất, kinh doanh hợp lý, hợp lệ; lợi nhuận (nếu có) hoặc tích lũy theo quy định của pháp luật (nếu có) phù hợp với mặt bằng thị trường; bảo đảm phù hợp với cung cầu hàng hóa, dịch vụ, điều kiện thị trường tại thời điểm định giá và chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước trong từng thời kỳ; + Bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, người tiêu dùng; + Xem xét, điều chỉnh giá khi các yếu tố hình thành giá thay đổi. Trường hợp điều chỉnh giá sản phẩm, dịch vụ công trong dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư được thực hiện theo từng thời kỳ quy định tại hợp đồng dự án. - Căn cứ định giá của Nhà nước được quy định như sau: + Yếu tố hình thành giá của hàng hóa, dịch vụ tại thời điểm định giá hoặc thời gian xác định yếu tố hình thành giá trong phương án giá phù hợp với đặc điểm, tính chất của hàng hóa, dịch vụ; + Quan hệ cung cầu của hàng hóa, dịch vụ, nhu cầu của thị trường và sức mua của đồng tiền; khả năng thanh toán của người tiêu dùng; + Giá thị trường trong nước, thế giới và khả năng cạnh tranh của hàng hoá, dịch vụ. 3. Phương pháp định giá hang hóa, dịch vụ của Nhà nước Căn cứ Điều 23 Luật Giá 2023: - Phương pháp định giá là cách thức để xác định giá hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá theo các hình thức định giá quy định tại khoản 2 Điều 21 của Luật này. - Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành phương pháp định giá chung đối với hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá. Trường hợp khi áp dụng phương pháp định giá chung có nội dung đặc thù cần hướng dẫn, các Bộ, cơ quan ngang Bộ quản lý ngành, lĩnh vực, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đề xuất nội dung cụ thể cần hướng dẫn gửi Bộ Tài chính xem xét, hướng dẫn thực hiện. - Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ quản lý ngành, lĩnh vực chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Tài chính, các Bộ, cơ quan liên quan ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành phương pháp định giá đối với hàng hóa, dịch vụ sau đây: + Hàng hóa, dịch vụ được quy định tại khoản 4 Điều 3 của Luật này; + Hàng hóa, dịch vụ mà pháp luật có quy định về phương pháp định giá riêng. Như vậy, hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá phải đáp ứng một trong các tiêu chí quy định tại Điều 21 Luật Giá 2023. Nguyên tắc, căn cứ và phương pháp định giá hàng hóa, dịch vụ của Nhà nước được quy định tại Điều 22, Điều 23 Luật Giá 2023.
Đã có Nghị định quy định mức phạt hành chính trong lĩnh vực quản lý giá
Chính phủ vừa mới ban hành Nghị định 87/2024/NĐ-CP để quy định về việc xử phạt các vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá Nghị định 87/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 12/7/2024 và thay thế cho các quy định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá được quy định tại Chương II Nghị định 109/2013/NĐ-CP. Theo đó, Nghị định 87/2024/NĐ-CP quy định chi tiết mức phạt đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực quản lý giá, trong đó có mức phạt của một số vi phạm nổi bật như: (1) Mức phạt hành vi vi phạm không chấp hành các biện pháp bình ổn giá Theo đó, tại Điều 6 Nghị định 87/2024/NĐ-CP quy định mức xử phạt đối với hành vi trong chấp hành các biện pháp bình ổn giá của cơ quan nhà nước có thẩm quyền như sau: - Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi chấp hành không đúng một trong những biện pháp bình ổn giá do cơ quan có thẩm quyền quy định - Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi không chấp hành một trong những biện pháp bình ổn giá do cơ quan có thẩm quyền quy định - Biện pháp khắc phục hậu quả: + Buộc chấp hành đúng biện pháp bình ổn giá do cơ quan có thẩm quyền quy định đổi với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị định 87/2024/NĐ-CP trong thời gian thực hiện biện pháp bình ổn giá do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định + Buộc chấp hành các biện pháp bình ổn giá đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 Điều 6 Nghị định 87/2024/NĐ-CP trong thời gian thực hiện biện pháp bình ổn giá do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định Như vậy, người nào có hành vi không chấp hành, chấp hành không đúng với biện pháp bình ổn giá của cơ quan có thẩm quyền đã quy định thì sẽ bị phạt tiền tối đa lên đến 30 triệu đồng và bị buộc chấp hành đúng biện pháp bình ổn giá. (2) Mức phạt hành vi vi phạm về định giá và bán hàng hóa, dịch vụ không đúng quy định Theo quy định tại Điều 10 Nghị định 87/2024/NĐ-CP, mức phạt dành cho hành vi vi phạm quy định về định giá và bán hàng hóa, dịch vụ không đúng với quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cụ thể như sau: - Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau: + Hành vi bán không đúng mức giá hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá cụ thể + Hành vi bán cao hơn mức tối đa của khung giá do Nhà nước ban hành + Hành vi bán thấp hơn mức tối thiểu của khung giá do Nhà nước ban hành + Hành vi bán cao hơn giá tối đa do Nhà nước ban hành + Hành vi bán thấp hơn giá tối thiểu do Nhà nước ban hành - Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc trả lại cho khách hàng toàn bộ tiền chênh lệch do bán cao hơn mức giá quy định do hành vi vi phạm gây ra tại điểm a, điểm b và điểm d khoản 1 Điều 10 Nghị định 87/2024/NĐ-CP Theo đó, khi bị phạt và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả, tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ phải thực hiện việc thông báo công khai nội dung biện pháp khắc phục hậu quả nêu trên lên phương tiện thông tin đại chúng trong thời hạn 30 ngày, trường hợp không xác định được khách hàng hoặc khách hàng từ chối nhận thì nộp toàn bộ số tiền chênh lệch do bán cao hơn mức giá quy định vào ngân sách nhà nước. (3) Mức phạt hành vi vi phạm về niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ Theo đó, mức phạt hành vi vi phạm quy định về việc niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ được quy định tại Điều 13 Nghị định 87/2024/NĐ-CP như sau: - Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: + Không niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ bằng một trong các hình thức theo quy định của pháp luật + Niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ không rõ ràng gây nhầm lẫn cho khách hàng + Niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ không đúng giá cụ thể do cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc tổ chức, cá nhân quyết định - Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi bán cao hơn giá niêm yết hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân định giá, kê khai giá không thuộc khoản 3 Điều này - Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi bán cao hơn giá niêm yết đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục bình ổn giá,hàng hóa, dịch vụ trong thời gian Nhà nước thực hiện bình ổn giá - Biện pháp khắc phục hậu quả: + Buộc thực hiện niêm yết giá theo đúng quy định đối với hành vi vi phạm tại khoản 1 Điều 13 Nghị định 87/2024/NĐ-CP + Buộc trả lại cho khách hàng số tiền đã thu cao hơn giá niêm yết đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 13 Nghị định 87/2024/NĐ-CP Tương tự với quy định ở mục (2), tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả phải thông báo công khai nội dung biện pháp khắc phục hậu quả nếu trên lên phương tiện thông tin đại chúng trong thời hạn 30 ngày, trường hợp không xác định được khách hàng hoặc khách hàng từ chối nhận thì nộp toàn bộ số tiền chênh lệch do bán cao hơn mức giá niêm yết vào ngân sách nhà nước. Trên đây là một số mức phạt đối với các hành vi vi phạm quy định trong lĩnh vực giá được quy định tại Nghị định 87/2024/NĐ-CP.
Danh mục 42 loại hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá
Tại Luật Giá 2023, Nhà nước đã quy định 42 loại hàng hóa, dịch vụ sẽ do nhà nước định giá, cùng với đó là bổ sung một số mặt hàng vào danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá (1) Danh mục 42 loại hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá Luật Giá 2023 đã có hiệu lực từ ngày 01/7/2024 với nhiều quy định mới được ban hành, kèm theo đó là việc củng cố, kiện toàn nhiều quy định cũ để phù hợp với thực tế hiện nay như công tác bình ổn giá, thẩm định giá, các điều kiện về thi, cấp thẻ thẩm định viên về giá, hành nghề thẩm định giá,....Trong đó, có danh mục 42 loại hàng hóa, dịch vụ sẽ do Nhà nước định giá. Cụ thể, tại Điều 21 Luật Giá 2023 quy định, các loại hàng hóa, dịch vụ có một trong những tiêu chí sau đây sẽ do Nhà nước định giá: - Hàng hóa, dịch vụ thuộc lĩnh vực độc quyền Nhà nước sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật về thương mại và quy định khác của pháp luật có liên quan - Tài nguyên quan trọng theo quy định của pháp luật về tài nguyên - Hàng dự trữ quốc gia; sản phẩm, dịch vụ công ích và dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước - Hàng hóa, dịch vụ thiết yếu có tính chất độc quyền trong mua, bán hoặc có thị trường cạnh tranh hạn chế và ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội, đời sống người dân, hoạt động sản xuất, kinh doanh Theo đó, việc định giá của cơ quan có thẩm quyền được thực hiện theo các hình thức như sau: - Giá cụ thể là mức giá mà cơ quan, tổ chức, cá nhân phải mua, bán theo đúng mức giá đó - Giá tối thiểu là mức giá mà cơ quan, tổ chức, cá nhân không được định giá, mua, bán thấp hơn mức giá đó - Giá tối đa là mức giá mà cơ quan, tổ chức, cá nhân không được định giá, mua, bán cao hơn mức giá đó - Khung giá là khoảng giới hạn mức giá mà cơ quan, tổ chức, cá nhân không được định giá, mua, bán thấp hơn mức tối thiểu và cao hơn mức tối đa của khung giá đó Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá được quy định tại Phụ lục 02 ban hành kèm theo Luật Giá 2023, theo đó, đặc điểm kinh tế - kỹ thuật của hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan. Trong trường hợp cần điều chỉnh lại Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh lập văn bản đề nghị điều chỉnh gửi Bộ Tài chính tổng hợp, trình Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định. >>> Xem danh mục 42 loại hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá tại đâyhttps://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/07/05/phu-luc-so-02.docx (2) Bổ sung một số mặt hàng vào danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá Liên quan đến nội dung bình ổn giá, hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá phải đáp ứng đồng thời các tiêu chí được quy định tại khoản 1 Điều 17 Luật Giá 2023, bao gồm: - Là hàng hóa, dịch vụ thiết yếu - Có ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội, sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân Theo đó, các loại hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá được quy định tại Phụ lục số 01 ban hành kèm theo Luật Giá 2023 bao gồm: 1- Xăng, dầu thành phẩm. 2- Khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG). 3- Sữa dành cho trẻ em dưới 06 tuổi. 4- Thóc tẻ, gạo tẻ. 5- Phân đạm; phân DAP; phân NPK. 6- Thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản. 7- Vắc - xin phòng bệnh cho gia súc, gia cầm. 8- Thuốc bảo vệ thực vật. 9- Thuốc thuộc danh mục thuốc thiết yếu được sử dụng tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Như vậy, Luật Giá 2023 đã bổ sung thêm thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản vào danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá; ngoài ra, điện, muối ăn, đường ăn bao gồm đường trắng và đường tinh luyện được đưa ra khỏi danh mục. Trong trường hợp cần thiết phải điều chỉnh Danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá, Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.
Số lần hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động có bị hạn chế trong năm 2024 không?
Người lao động có bị hạn chế số lần hưởng trợ cấp thất nghiệp trong năm 2024 không? Đối tượng bắt buộc tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định pháp luật? 1. Số lần hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động có bị hạn chế trong năm 2024 không? Căn cứ theo Điều 49 Luật Việc làm 2013 quy định về điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp cụ thể như sau: Người lao động quy định tại khoản 1 Điều 43 của Luật Việc làm 2013 đang đóng bảo hiểm thất nghiệp được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi có đủ các điều kiện sau đây: (i) Chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, trừ các trường hợp sau đây: - Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật. - Hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng. (ii) Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đối với trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 43 của Luật Việc làm 2013; đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động đối với trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 43 của Luật Việc làm 2013; (iii) Đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm theo quy định tại khoản 1 Điều 46 của Luật Việc làm 2013; (iv) Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp, trừ các trường hợp sau đây: - Thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an. - Đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên. - Chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc. - Bị tạm giam; chấp hành hình phạt tù. - Ra nước ngoài định cư; đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng. - Chết. Như vậy, theo quy định trên có thể hiểu người lao động đang đóng bảo hiểm thất nghiệp khi làm việc theo hợp đồng lao động sẽ được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi có đủ các điều kiện quy định nêu trên và pháp luật không hạn chế số lần hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động. Trợ cấp thất nghiệp của người lao động không bị hạn chế số lần hưởng năm 2024 2. Đối tượng bắt buộc tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định pháp luật? Căn cứ Điều 43 Luật Việc làm 2013, quy định về đối tượng bắt buộc tham gia bảo hiểm thất nghiệp. (i) Người lao động phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp khi làm việc theo hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc như sau: - Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc không xác định thời hạn. - Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc xác định thời hạn. - Hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng. Trong trường hợp người lao động giao kết và đang thực hiện nhiều hợp đồng lao động quy định tại khoản (i) thì người lao động và người sử dụng lao động của hợp đồng lao động giao kết đầu tiên có trách nhiệm tham gia bảo hiểm thất nghiệp. (ii) Người lao động theo quy định tại khoản (i) nêu trên đang hưởng lương hưu, giúp việc gia đình thì không phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp. (iii) Người sử dụng lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp bao gồm cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị vũ trang nhân dân; tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam; doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình, hộ kinh doanh, tổ hợp tác, tổ chức khác và cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng làm việc hoặc hợp đồng lao động quy định tại khoản (i) nêu trên. Như vậy, người lao động phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp khi làm việc theo hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc không xác định thời hạn, hợp đồng xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng. 3. Thời điểm đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động khi nào? Căn cứ khoản 1 Điều 12 Nghị định 28/2015/NĐ-CP quy định về việc đóng bảo hiểm thất nghiệp cụ thể như sau: Đóng bảo hiểm thất nghiệp 1. Thời điểm đóng bảo hiểm thất nghiệp của người sử dụng lao động và người lao động là thời điểm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc. ... Theo đó, thời điểm công ty đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động là thời điểm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc. Như vậy, theo quy định nêu trên người lao động không bị hạn chế số lần hưởng trợ cấp thất nghiệp. Đối tượng bắt buộc tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định pháp luật tại Điều 43 Luật Việc làm 2013.
Trình tự thủ tục đăng ký giá đối với hàng hóa dịch vụ thực hiện bình ổn giá
Đối với hàng hóa thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá trong thời gian Nhà nước áp dụng biện pháp bình ổn giá nếu muốn đăng ký giá phải thực hiện trình tự thủ tục như thế nào? Cần chuẩn bị hồ sơ gì và phải đáp ứng điều kiện nào để đăng ký giá? Trình tự thực hiện đăng ký giá - Bước 1: Tổ chức, cá nhân chuẩn bị hồ sơ theo quy định và nộp tại Sở Tài chính theo một trong các phương thức sau: + Nộp trực tiếp; + Gửi qua đường bưu điện; + Gửi qua thư điện tử hoặc gửi qua fax và gọi điện thoại thông báo cho Sở Tài chính. Đồng thời, gửi 02 bản qua đường bưu điện cho Sở Tài chính. - Bước 2: Sở Tài chính kiểm tra, tiếp nhận hồ sơ: * Đối với hồ sơ gửi trực tiếp: + Nếu hồ sơ đầy đủ và hợp lệ: cán bộ tiếp nhận hồ sơ đóng dấu công văn đến có ghi ngày tháng năm vào hồ sơ và trả ngay 01 bản cho tổ chức, cá nhân đến nộp trực tiếp; + Nếu hồ sơ chưa đầy đủ và chưa hợp lệ: cán bộ tiếp nhận hồ sơ ghi rõ lý do trả lại, các nội dung cần bổ sung và trả lại ngay hồ sơ cho tổ chức, cá nhân đến nộp trực tiếp. * Đối với Hồ sơ gửi qua đường công văn, fax, thư điện tử: + Nếu hồ sơ đầy đủ và hợp lệ: cán bộ tiếp nhận hồ sơ đóng dấu công văn đến có ghi ngày tháng năm vào hồ sơ và chuyển ngay theo đường bưu điện 01 bản cho tổ chức, cá nhân; + Nếu hồ sơ chưa đầy đủ và chưa hợp lệ: tối đa không quá 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Sở Tài chính thông báo qua đường công văn, fax, thư điện tử yêu cầu tổ chức, cá nhân nộp bổ sung thành phần, số lượng hồ sơ. - Bước 3: + Sở Tài chính rà soát nội dung của hồ sơ về: ngày thực hiện mức giá đăng ký, bảng đăng ký mức giá cụ thể, các khoản mục chi phí cấu thành giá, phần giải trình lý do điều chỉnh giá, kiểm tra tính hợp lý của các yếu tố hình thành giá; + Trường hợp tại phần giải trình lý do điều chỉnh giá, tổ chức, cá nhân đưa ra các lý do không phù hợp, không liên quan đến việc tăng hoặc giảm giá hàng hóa, dịch vụ thì tối đa không quá 04 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ Sở Tài chính thông báo bằng văn bản qua đường công văn hoặc fax hoặc thư điện tử yêu cầu tổ chức, cá nhân không được áp dụng mức giá đăng ký. Tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thực hiện yêu cầu này hoặc phải thực hiện lại nghĩa vụ đăng ký giá theo đúng quy định; + Trường hợp hồ sơ đăng ký giá có nội dung chưa rõ hoặc cần phải giải trình về các yếu tố hình thành giá tăng hoặc giảm làm cho mức giá đăng ký tăng hoặc giảm (trừ trường hợp tại phần giải trình lý do điều chỉnh giá, tổ chức, cá nhân đưa ra các lý do không phù hợp, không liên quan đến việc tăng hoặc giảm giá hàng hóa, dịch vụ) thì tối đa không quá 04 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ đăng ký giá Sở Tài chính thông báo bằng văn bản qua đường công văn hoặc fax hoặc thư điện tử yêu cầu tổ chức, cá nhân giải trình về các nội dung của hồ sơ đăng ký giá chưa đáp ứng yêu cầu, lý do điều chỉnh giá chưa rõ ràng, nội dung phải thực hiện lại và thông báo thời hạn gửi bản giải trình cho Sở Tài chính. Bản giải trình được nộp theo quy trình tiếp nhận tại Bước 1. - Thời hạn để tổ chức, cá nhân giải trình và gửi văn bản giải trình đến Sở Tài chính tối đa không quá 10 ngày làm việc kể từ ngày Sở Tài chính thông báo bằng văn bản yêu cầu tổ chức, cá nhân giải trình cho đến ngày Sở Tài chính nhận văn bản giải trình của tổ chức, cá nhân tính theo dấu công văn đến của Sở Tài chính hoặc ngày gửi ghi trong thư điện tử của tổ chức, cá nhân; - Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày Sở Tài chính tiếp nhận văn bản giải trình, nếu Sở Tài chính không có văn bản yêu cầu tổ chức, cá nhân giải trình lại thì tổ chức, cá nhân điều chỉnh giá theo mức giá và thời gian điều chỉnh đã đề xuất trong văn bản giải trình (nếu có); - Trường hợp tổ chức, cá nhân giải trình chưa đúng với yêu cầu của Sở Tài chính, tối đa không quá 05 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận văn bản giải trình, Sở Tài chính có văn bản yêu cầu tổ chức, cá nhân giải trình lại. Việc giải trình lại thực hiện theo quy trình của giải trình lần đầu; - Sau 03 (ba) lần giải trình nhưng tổ chức, cá nhân chưa đáp ứng yêu cầu, Sở Tài chính có văn bản yêu cầu tổ chức, cá nhân mua, bán hàng hóa, dịch vụ theo mức giá trước khi thực hiện đăng ký giá. Thành phần hồ sơ đăng ký giá + Biểu mẫu đăng ký giá thực hiện theo hướng dẫn tại Phụ lục số 1 ban hành kèm theo Thông tư 56/2014/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 233/2016/TT-BTC, gồm: Công văn gửi Biểu mẫu đăng ký giá; Bảng đăng ký mức giá bán cụ thể; Thuyết minh cơ cấu tính giá hàng hóa, dịch vụ đăng ký giá đối với mặt hàng xuất khẩu; Thuyết minh cơ cấu tính giá hàng hóa, dịch vụ đăng ký giá đối với mặt hàng sản xuất trong nước. + 01 phong bì có dán tem, ghi rõ: tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân, họ tên và số điện thoại của người trực tiếp có trách nhiệm của đơn vị. Yêu cầu và điều kiện thực hiện thủ tục hành chính đăng ký giá - Khi hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục quy định tại Luật Giá có biến động bất thường; - Khi mặt bằng giá biến động ảnh hưởng đến ổn định kinh tế - xã hội. =>> Trên đây là trình tự thủ tục cũng như hồ sơ và điều kiện để đăng ký giá đối với hàng hóa thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá trong thời gian Nhà nước áp dụng biện pháp bình ổn giá. Mọi người có thể tham khảo để thực hiện.
Bộ Nội vụ hướng dẫn xây dựng đề án VTVL nhóm công chức, viên chức chuyên ngành
Ngày 23/12/2023 Bộ Nội vụ đã ban hành Công văn 7583/BNV-TCBC năm 2023 về việc hướng dẫn một số nội dung vướng mắc trong việc xây dựng Đề án và phê duyệt vị trí việc làm. Theo đó, một số nội dung vướng mắc trong việc xây dựng Đề án và phê duyệt vị trí việc làm (VTVL) nhóm VTVL công chức, viên chức chuyên ngành được hướng dẫn như sau: (1) Thống nhất tên VTVL viên chức chuyên ngành thể dục thể thao Về thống nhất tên VTVL viên chức chuyên ngành thể dục thể thao quy định tại Thông tư 07/2022/TT-BVHTTDL và Thông tư 10/2023/TT-BVHTTDL: Tên VTVL được hướng dẫn tại 02 Thông tư nêu trên đã thống nhất (riêng nội dung Bản mô tả của VTVL “Hướng dẫn viên hạng IV” tại Thông tư 10/2023/TT-BVHTTDL bị ghi nhầm là “Huấn luyện viên hạng IV” cần sửa đổi, bổ sung cho thống nhất). Do vậy, đề nghị các địa phương căn cứ hướng dẫn tại 02 Thông tư trên và chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực thể dục, thể thao để xây dựng Đề án và phê duyệt VTVL, cơ cấu viên chức theo VTVL trong các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực này cho phù hợp. (2) VTVL về công tác nghiên cứu khoa học tại các cơ sở giáo dục, y tế Về hướng dẫn VTVL về công tác nghiên cứu khoa học tại các cơ sở giáo dục, y tế và đơn vị sự nghiệp khác: Các cơ sở giáo dục, y tế và đơn vị sự nghiệp khác được giao thực hiện chức năng, nhiệm vụ nghiên cứu khoa học thì được áp dụng VTVL “Nghiên cứu viên”, “Nghiên cứu viên chính” thuộc ngành, lĩnh vực khoa học và công nghệ (quy định tại Thông tư 17/2023/TT-BKHCN). (3) Bổ sung VTVL chức danh nghề nghiệp đối với dịch vụ lưu trú, nhà hàng, khách sạn Về bổ sung VTVL chức danh nghề nghiệp đối với các đơn vị cung cấp dịch vụ lưu trú, nhà hàng, khách sạn, Trung tâm Hội nghị, nhà khách Đề nghị các Bộ, ngành, địa phương vận dụng các VTVL thuộc lĩnh vực văn phòng và lĩnh vực kế hoạch, tài chính (gồm các VTVL: Hành chính - Văn phòng; quản trị công sở; kế toán; thủ quỹ) thuộc nhóm nghiệp vụ chuyên môn dùng chung trong đơn vị sự nghiệp công lập (quy định tại Thông tư 12/2022/TT-BNV). (4) Bổ sung VTVL đối với các cơ sở điều dưỡng người có công, trợ giúp xã hội Về bổ sung VTVL chức danh nghề nghiệp đối với các cơ sở điều dưỡng người có công, cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở cai nghiện ma túy, cơ sở chỉnh hình, phục hồi chức năng Đề nghị các Bộ, ngành, địa phương vận dụng các VTVL viên chức chuyên ngành y tế (quy định tại Thông tư 03/2023/TT-BYT), đồng thời bảo đảm phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị để thực hiện. (5) Bổ sung VTVL chức danh nghề nghiệp đối với Trung tâm Xúc tiến đầu tư, Xúc tiến Du lịch Về bổ sung VTVL chức danh nghề nghiệp đối với Trung tâm Xúc tiến đầu tư, Trung tâm Xúc tiến Du lịch: Đề nghị các Bộ, ngành, địa phương vận dụng VTVL “Xúc tiến thương mại và đầu tư” trong danh mục VTVL chức danh nghề nghiệp chuyên ngành công thương (quy định tại Thông tư 07/2023/TT-BCT) và VTVL “Hỗ trợ pháp lý” trong danh mục VTVL chức danh nghề nghiệp chuyên ngành tư pháp (quy định tại Thông tư 06/2023/TT-BTP), đồng thời bảo đảm phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của các Trung tâm để thực hiện. (6) Bổ sung VTVL lĩnh vực du lịch đối với Trung tâm Quản lý di tích và phát triển du lịch Đề nghị các Bộ, ngành, địa phương vận dụng các VTVL chức danh nghề nghiệp chuyên ngành thuộc ngành, lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch (đã được quy định tại Thông tư 10/2023/TT-BVHTTDL), đồng thời bảo đảm phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm để thực hiện. (7) Phân nhóm VTVL Thư ký y khoa thuộc ngành, lĩnh vực y tế Về phân nhóm VTVL đối với VTVL Thư ký y khoa thuộc ngành, lĩnh vực y tế: Đề nghị Bộ, ngành, địa phương xác định VTVL Thư ký y khoa thuộc danh mục VTVL chức danh nghề nghiệp chuyên ngành (đã được quy định tại Thông tư 03/2023/TT-BYT). (8) Bổ sung VTVL Điều dưỡng, Hộ sinh hạng III tại Trạm Y tế xã Đề nghị các địa phương sử dụng VTVL Điều dưỡng hạng IV, Hộ sinh hạng IV đối với Trạm Y tế xã, bảo đảm phù hợp với quy định tại Thông tư 03/2023/TT-BYT. (9) Bổ sung bản mô tả công việc đối với VTVL thuộc ngành, lĩnh vực lao động, người có công và xã hội Về hướng dẫn bổ sung bản mô tả công việc, khung cấp độ xác định yêu cầu về năng lực đối với VTVL chức danh nghề nghiệp chuyên ngành thuộc ngành, lĩnh vực lao động, người có công và xã hội. Đề nghị các địa phương thực hiện thống nhất theo Phụ lục V.5 ban hành kèm theo Thông tư 11/2023/TT-BLĐTBXH. (10) Bổ sung bản mô tả công việc của từng VTVL kèm theo Thông tư 03/2023/TT-BYT Về hướng dẫn bổ sung bản mô tả công việc của từng VTVL kèm theo Thông tư 03/2023/TT-BYT. Trước mắt, đề nghị các Bộ, ngành, địa phương căn cứ các Thông tư quy định về mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp thuộc lĩnh vực y tế để mô tả các VTVL viên chức chuyên ngành y tế cho phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của các cơ sở y tế. Theo đó, Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với Bộ Y tế bổ sung bản mô tả công việc của từng VTVL, làm cơ sở cho các Bộ, ngành, địa phương thực hiện. (11) bổ sung nhóm VTVL Cảng vụ đường thủy nội địa và VTVL công chức lĩnh vực vận tải Về hướng dẫn bổ sung nhóm VTVL Cảng vụ đường thủy nội địa (thuộc lĩnh vực giao thông vận tải) và xác định các VTVL công chức nghiệp vụ chuyên ngành thuộc ngành, lĩnh vực giao thông vận tải ở cấp tỉnh, cấp huyện - VTVL công chức nghiệp vụ chuyên ngành, lĩnh vực giao thông vận tải đã được xác định đầy đủ tại Thông tư 42/2022/TT-BGTVT, bao quát các loại hình vận tải (bao gồm đường thủy nội địa). Vì vậy, đề nghị các địa phương sử dụng VTVL công chức nghiệp vụ chuyên ngành giao thông vận tải theo hướng dẫn của Bộ Giao thông vận tải, trong đó cần cụ thể hóa nội dung bản mô tả và khung năng lực của VTVL phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cảng vụ đường thủy nội địa. - Căn cứ hướng dẫn tại Thông tư 42/2022/TT-BGTVT, đề nghị các địa phương chỉ đạo các cơ quan, tổ chức thuộc ngành, lĩnh vực giao thông vận tải ở cấp tỉnh, cấp huyện xác định VTVL công chức nghiệp vụ chuyên ngành giao thông vận tải phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao. Xem thêm Công văn 7583/BNV-TCBC năm 2023 ban hành ngày 23/12/2023.
09 loại hàng hóa, dịch vụ nằm trong diện bình ổn giá từ ngày 01/7/2024
Luật Giá 2023 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 19/6/2023 thay thế Luật Giá 2012. Theo đó, một số điểm mới trong Luật Giá 2023 vừa được thông qua, đặc biệt phải kể đến các loại hàng hóa, dịch vụ trong diện bình ổn giá được thay đổi như sau: Danh mục 09 loại hàng hóa, dịch vụ mới thực hiện bình ổn giá Cụ thể Điều 17 Luật Giá 2023 quy định hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá phải đáp ứng đồng thời các tiêu chí sau đây: - Tiêu chí thực hiện bình ổn giá: + Là hàng hóa, dịch vụ thiết yếu. + Có ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội, sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân. - Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá được quy định tại Phụ lục số 01 ban hành kèm theo Luật Giá 2023 bao gồm: + Xăng, dầu thành phẩm. + Khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG). + Sữa dành cho trẻ em dưới 06 tuổi. + Thóc tẻ, gạo tẻ. + Phân đạm; phân DAP; phân NPK. + Thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản. + Vắc - xin phòng bệnh cho gia súc, gia cầm. + Thuốc bảo vệ thực vật. + Thuốc thuộc danh mục thuốc thiết yếu được sử dụng tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. (Trước đó Luật Giá 2023 đã bổ sung thức ăn chăn nuôi, thủy sản vào danh mục bình ổn giá; loại bỏ mặt hàng điện, muối ăn, Đường ăn, đường trắng và đường tinh luyện ra khỏi danh mục bình ổn giá). - Trường hợp cần thiết phải điều chỉnh Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá, Bộ, cơ quan ngang Bộ quản lý ngành, lĩnh vực, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh lập văn bản đề nghị điều chỉnh gửi Bộ Tài chính tổng hợp, trình Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định. 05 loại hàng hóa, dịch vụ phải thực hiện kê khai giá - Giá kê khai là mức giá hàng hóa, dịch vụ do tổ chức kinh doanh hàng hóa, dịch vụ tự quyết định và được thông báo đến cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận kê khai. - Hàng hóa, dịch vụ thực hiện kê khai giá bao gồm: + Hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục bình ổn giá; + Hàng hoá, dịch vụ do Nhà nước định khung giá, giá tối đa, giá tối thiểu để các tổ chức định mức giá cụ thể bán cho người tiêu dùng; + Hàng hóa, dịch vụ do doanh nghiệp quyết định theo giá tham chiếu; + Hàng hóa, dịch vụ thiết yếu khác do Chính phủ ban hành. Bộ, cơ quan ngang Bộ quản lý ngành, lĩnh vực, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định đặc điểm kinh tế - kỹ thuật của hàng hóa, dịch vụ thực hiện kê khai giá. Quy định cụ thể việc niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ - Niêm yết giá là hình thức công khai về giá. Giá niêm yết là giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ đã bao gồm các loại thuế, phí và lệ phí (nếu có) của hàng hóa, dịch vụ đó do tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh quyết định bằng Đồng Việt Nam, trừ các trường hợp thực hiện theo quy định của pháp luật về ngoại hối. - Giá niêm yết được gắn với số lượng hoặc khối lượng hàng hóa, dịch vụ phù hợp, các thông tin khác (nếu có) về đặc điểm kỹ thuật cơ bản, xuất xứ, phương thức mua, bán. - Các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ niêm yết giá bảo đảm rõ ràng và không gây nhầm lẫn cho khách hàng về mức giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bằng các hình thức: In, dán, ghi thông tin trên bảng, giấy hoặc in trực tiếp trên bao bì của hàng hóa hoặc các hình thức phù hợp với điều kiện thực tế tại địa điểm bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ hoặc trên các trang thông tin điện tử để thuận tiện cho việc quan sát, nhận biết của khách hàng và cơ quan nhà nước có thẩm quyền. - Các tổ chức, cá nhân không được bán cao hơn giá niêm yết; đối với hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá cụ thể thì tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ phải niêm yết và bán đúng giá do cơ quan nhà nước có thẩm quyền định giá ban hành. - Đối với hàng hóa, dịch vụ đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền định giá ban hành giá tối thiểu, giá tối đa, khung giá thì phải niêm yết và bán theo giá phù hợp với giá tối thiểu, giá tối đa, khung giá. - Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ điều chỉnh mức giá niêm yết ngay khi có sự thay đổi về giá của hàng hóa, dịch vụ. Xem thêm Luật Giá 2023 có hiệu lực từ ngày 01/7/2024 thay thế Luật Giá 2012.
Tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng, định mức kinh tế - kỹ thuật ngành thư viện
Bộ trưởng Bộ VHTTDL ngày 31/5/2023 đã ban hành Thông tư 07/2023/TT-BVHTTDL tải ban hành Quy định tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng, định mức kinh tế - kỹ thuật và hướng dẫn triển khai việc thực hiện cung cấp dịch vụ hỗ trợ về chuyên môn, nghiệp vụ thư viện và dịch vụ hỗ trợ học tập, nghiên cứu. Đối với dịch vụ hỗ trợ về chuyên môn, nghiệp vụ ngành thư viện (1) Tiêu chí đối với dịch vụ hỗ trợ chuyên môn, dịch vụ thư viện -Tính thống nhất: Bảo đảm việc thống nhất về nội dung hỗ trợ, quy trình, cách thức triển khai cung cấp dịch vụ. -Tính cập nhật, kịp thời: Bảo đảm việc cập nhật, kịp thời các chủ trương, đường lối, định hướng của Đảng, văn bản quy phạm pháp luật của nhà nước trong lĩnh vực thư viện; các chuan nghiệp vụ, công nghệ mới về thư viện. -Tính khoa học: Bảo đảm các nội dung truyền đạt được xây dựng bài bản, mang tính khoa học, học thuật, dễ hiểu, dễ tiếp thu và có khả năng ứng dụng trong thực tiễn hoạt động thư viện. (2) Tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ hỗ trợ chuyên môn, dịch vụ thư viện - Bảo đảm 100% hoạt động dịch vụ được xây dựng chương trình, nội dung thống nhất, cập nhật, kịp thời và khoa học. - Bảo đảm ít nhất 90% người làm công tác thư viện có khả năng nắm bắt, lĩnh hội, cập nhật kiến thức mới trong lĩnh vực thông tin - thư viện, phục vụ hoạt động tác nghiệp chuyên môn nghiệp vụ. - Bảo đảm 80% người làm công tác thư viện sau khi được cung ứng dịch vụ có thể ứng dụng các kiến thức đã được tập huấn, tư vấn trong tác nghiệp trực tiếp hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ thư viện. (3) Hình thức cung cấp dịch vụ hỗ trợ chuyên môn, dịch vụ thư viện Dịch vụ hỗ trợ chuyên môn, nghiệp vụ thư viện được triển khai theo các hình thức sau: - Tư vấn về chuyên môn, nghiệp vụ cho thư viện hoặc người làm công tác thư viện trong triển khai thực hiện một hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ cụ thể. - Tổ chức tập huấn, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ thư viện ngắn hạn. - Tư vấn hỗ trợ xây dựng và phát triển mạng lưới thư viện. Đối với dịch vụ hỗ trợ học tập, nghiên cứu ngành thư viện (1) Tiêu chí dịch vụ hỗ trợ học tập, nghiên cứu ngành thư viện - Tính thuận tiện: Người sử dụng thư viện có thể tiếp cận, sử dụng dịch vụ hỗ trợ học tập, nghiên cứu một cách thuận tiện thông qua việc phục vụ trực tiếp hoặc gián tiếp qua các thiết bị thông tin, không gian mạng. - Tính cập nhật: Việc cung cấp thông tin, sản phẩm thông tin - thư viện mang tính cập nhật, thời sự, có khả năng đáp ứng được nhu cầu học tập, nghiên cứu của người sử dụng thư viện. - Tính sẵn sàng: Tài nguyên thông tin, các sản phẩm thông tin - thư viện luôn sẵn có để phục vụ nhu cầu khác nhau của người sử dụng thư viện. - Tính khoa học chuyên sâu: Các sản phẩm thông tin - thư viện chất lượng, có hàm lượng chất xám cao, có khả năng hỗ trợ, định hướng cho hoạt động nghiên cứu khoa học. - Tính phổ biến và đại chúng: Việc cung cấp thông tin, sản phẩm thông tin - thư viện phục vụ cho các đối tượng khác nhau, tương ứng với nhu cầu sử dụng thông tin của người sử dụng thư viện. (2) Tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ hỗ trợ học tập, nghiên cứu ngành thư viện - Bảo đảm 100% người sử dụng thư viện được tiếp cận, sử dụng thông tin, tri thức và các sản phẩm thông tin do thư viện cung cấp. - Bảo đảm 90% người sử dụng thư viện thỏa mãn và hài lòng đối với chất lượng, khả năng cập nhật, mức độ sẵn sàng, tính chuyên sâu, khoa học của tài nguyên thông tin và sản phẩm thông tin thư viện phục vụ học tập, nghiên cứu do thư viện cung cấp - Bảo đảm 80% người sử dụng thư viện có kỹ năng tiếp nhận và sử dụng thông tin, thông qua việc đọc để phục vụ học tập, nghiên cứu. (3) Hình thức cung cấp dịch vụ hỗ trợ học tập, nghiên cứu ngành thư viện Dịch vụ hỗ trợ học tập, nghiên cứu được triển khai theo các hình thức sau: - Tư vấn hỗ trợ kiến thức thông tin cho người sử dụng thư viện, bao gồm: + Bồi dưỡng kiến thức thông tin cho người sử dụng thư viện; + Tư vấn trực tiếp tại thư viện hoặc thông qua không gian mạng về nhu cầu, cách thức tiếp cận và sử dụng tài nguyên thông tin, sản phẩm thông tin - thư viện. - Cung cấp thông tin, sản phẩm thông tin - thư viện chất lượng cao phục vụ học tập và nghiên cứu khoa học, bao gồm: + Biên soạn nội dung tóm tắt, chú giải; + Tổng luận phục vụ nghiên cứu; + Tổng quan phục vụ nghiên cứu. - Truy cập internet và hỗ trợ tìm kiếm thông tin. Xem thêm Thông tư 07/2023/TT-BVHTTDL tải có hiệu lực từ ngày 01/9/2023.
Đề xuất 03 nhóm hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế GTGT 8%
Chính phủ hiện đang dự thảo Nghị định quy định chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% theo Nghị quyết số …/2023/QH15 năm 2023 trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ. Tại dự thảo Nghị định có đề xuất một số nội dung nổi bật như mức giảm thuế GTGT cho hàng hóa, dịch vụ đến 8% được quy định cụ thể như sau: Các mặt hàng không được áp dụng giảm mức thuế GTGT Giảm thuế GTGT đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10%, trừ nhóm hàng hóa, dịch vụ sau: (1) Viễn thông, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại và sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hoá chất. Chi tiết tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này. (2) Sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Chi tiết tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này. (3) Công nghệ thông tin theo pháp luật về công nghệ thông tin. Chi tiết tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này. Việc giảm thuế GTGT cho từng loại hàng hóa, dịch vụ quy định tại khoản 1 Điều này được áp dụng thống nhất tại các khâu nhập khẩu, sản xuất, gia công, kinh doanh thương mại. Đối với mặt hàng than khai thác bán ra (bao gồm cả trường hợp than khai thác sau đó qua sàng tuyển, phân loại theo quy trình khép kín mới bán ra) thuộc đối tượng giảm thuế GTGT. Mặt hàng than thuộc Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này, tại các khâu khác ngoài khâu khai thác bán ra không được giảm thuế GTGT. Trường hợp hàng hóa, dịch vụ nêu tại các Phụ lục I, II và III ban hành kèm theo Nghị định này thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT hoặc đối tượng chịu thuế GTGT 5% theo quy định của Luật Thuế giá trị gia tăng 2008 thì thực hiện theo quy định của Luật Thuế giá trị gia tăng 2008 và không được giảm thuế GTGT. Đề xuất mức giảm thuế GTGT được giảm là 8% - Cơ sở kinh doanh tính thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ được áp dụng mức thuế suất thuế GTGT 8% đối với 03 nhóm hàng hóa, dịch vụ như trên. - Cơ sở kinh doanh (bao gồm cả hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh) tính thuế GTGT theo phương pháp tỷ lệ % trên doanh thu được giảm 20% mức tỷ lệ % để tính thuế GTGT khi thực hiện xuất hóa đơn đối với hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế GTGT. Trình tự, thủ tục thực hiện xin giảm thuế GTGT - Đối với cơ sở kinh doanh quy định tại mục (1), khi lập hoá đơn giá trị gia tăng cung cấp hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng giảm thuế giá trị gia tăng, tại dòng thuế suất thuế GTGT ghi “8%”. - Tiền thuế GTGT; tổng số tiền người mua phải thanh toán. Căn cứ hóa đơn GTGT, cơ sở kinh doanh bán hàng hóa, dịch vụ kê khai thuế giá trị gia tăng đầu ra, cơ sở kinh doanh mua hàng hóa, dịch vụ kê khai khấu trừ thuế GTGT đầu vào theo số thuế đã giảm ghi trên hóa đơn GTGT. - Đối với cơ sở kinh doanh quy định tại mục (2), khi lập hoá đơn bán hàng cung cấp hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng giảm thuế giá trị gia tăng, tại cột “Thành tiền” ghi đầy đủ tiền hàng hóa, dịch vụ trước khi giảm, tại dòng “Cộng tiền hàng hóa, dịch vụ” ghi theo số đã giảm 20% mức tỷ lệ % trên doanh thu, đồng thời ghi chú: “đã giảm… (số tiền) tương ứng 20% mức tỷ lệ % để tính thuế giá trị gia tăng theo Nghị quyết số .../2023/QH15”. Xem thêm chi tiết dự thảo Nghị định tại đây.
Quy định về cách xác định thị trường sản phẩm liên quan theo Luật Cạnh tranh
Thị trường sản phẩm liên quan đóng vai trò quan trọng trong lĩnh vực cạnh tranh, đặc biệt là trong việc đánh giá tính cạnh tranh và xử lý các hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Cách xác định thị trường sản phẩm liên quan theo Luật Cạnh tranh có những quy định riêng biệt. Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây. 1. Thị trường sản phẩm liên quan là gì? Theo khoản 1 Điều 4 Nghị định 35/2020/NĐ-CP, thị trường sản phẩm liên quan là thị trường của những hàng hóa, dịch vụ có thể thay thế cho nhau về đặc tính, mục đích sử dụng và giá cả. 2. Cách xác định thị trường sản phẩm liên quan 2.1. Cách xác định thị trường sản phẩm liên quan về đặc tính Hàng hóa, dịch vụ được coi là có thể thay thế cho nhau về đặc tính nếu hàng hóa, dịch vụ đó có sự giống nhau hoặc tương tự nhau về một hoặc một số yếu tố như sau: - Đặc điểm của hàng hóa, dịch vụ; - Thành phần của hàng hóa, dịch vụ; - Tính chất vật lý, hóa học của hàng hóa; - Tính năng kỹ thuật của hàng hóa, dịch vụ; - Tác dụng phụ của hàng hóa, dịch vụ đối với người sử dụng; - Khả năng hấp thu của người sử dụng; - Tính chất riêng biệt khác của hàng hóa, dịch vụ. (Khoản 2 Điều 4 Nghị định 35/2020/NĐ-CP) 2.2. Cách xác định thị trường sản phẩm liên quan về mục đích sử dụng Căn cứ tại khoản 3 Điều 4 Nghị định 35/2020/NĐ-CP, hàng hóa, dịch vụ được coi là có thể thay thế cho nhau về mục đích sử dụng nếu hàng hóa, dịch vụ đó có mục đích sử dụng chủ yếu giống nhau. 2.3. Cách xác định thị trường sản phẩm liên quan về giá cả Cách xác định thị trường sản phẩm liên quan về giá cả được quy định như sau: - Hàng hóa, dịch vụ được coi là có thể thay thế cho nhau về giá cả khi giá của hàng hóa, dịch vụ chênh lệch nhau không quá 5% trong điều kiện giao dịch tương tự. - Trường hợp có sự chênh lệch nhau trên 5%, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia xác định hàng hóa, dịch vụ có thể thay thế cho nhau về giá cả căn cứ thêm vào một số yếu tố quy định tại mục 2.4 hoặc thực hiện theo phương pháp như sau: + Hàng hóa, dịch vụ được coi là có thể thay thế cho nhau về giá cả nếu có ít nhất 35% của một lượng mẫu ngẫu nhiên 1.000 người tiêu dùng sinh sống tại khu vực địa lý liên quan chuyển sang mua Hoặc có ý định mua hàng hóa, dịch vụ khác có đặc tính, mục đích sử dụng giống với hàng hóa, dịch vụ mà họ đang sử dụng hoặc có ý định sử dụng trong trường hợp giá của hàng hóa, dịch vụ đó tăng lên quá 10% và được duy trì trong 06 tháng liên tiếp. + Trường hợp số người tiêu dùng sinh sống tại khu vực địa lý liên quan không đủ 1.000 người thì lượng mẫu ngẫu nhiên được xác định tối thiểu bằng 50% tổng số người tiêu dùng trong khu vực địa lý đó. (Khoản 4 Điều 4 Nghị định 35/2020/NĐ-CP) 2.4. Cách xác định thị trường sản phẩm liên quan dựa vào các yếu tố khác Theo khoản 5 Điều 4 Nghị định 35/2020/NĐ-CP, trường hợp việc xác định thuộc tính có thể thay thế cho nhau của hàng hóa, dịch vụ quy định tại mục 2.1, 2.2 và 2.3 chưa đủ để kết luận về thị trường sản phẩm liên quan, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia xem xét thêm một hoặc một số yếu tố như sau: - Tỷ lệ thay đổi về cầu của một loại hàng hóa, dịch vụ khi có sự thay đổi về giá của một loại hàng hóa, dịch vụ khác; - Chi phí và thời gian cần thiết để khách hàng chuyển sang mua hoặc sử dụng hàng hóa, dịch vụ khác; - Thời gian sử dụng của hàng hóa, dịch vụ; - Tập quán tiêu dùng; - Các quy định pháp luật tác động đến khả năng thay thế của hàng hóa, dịch vụ; - Khả năng phân biệt về mức giá mua, bán đối với các nhóm khách hàng khác nhau; - Khả năng thay thế về cung của một loại hàng hóa, dịch vụ theo quy định tại Điều 5 Nghị định 35/2020/NĐ-CP. 3. Cách xác định thị trường sản phẩm liên quan trong trường hợp đặc biệt Cách xác định thị trường sản phẩm liên quan trong trường hợp đặc biệt được quy định như sau: (i) Thị trường sản phẩm liên quan trọng trường hợp đặc biệt có thể được xác định là thị trường của một hoặc một nhóm hàng hóa, dịch vụ đặc thù căn cứ vào đặc tính của hàng hóa, dịch vụ đó, tập quán tiêu dùng hoặc phương thức giao dịch đặc thù, bao gồm các phương thức có sử dụng công nghệ thông tin. (ii) Khi xác định thị trường sản phẩm liên quan trong trường hợp quy định tại (i) có thể xem xét thêm thị trường của các hàng hóa, dịch vụ bổ trợ cho sản phẩm liên quan. (iii) Sản phẩm bổ trợ cho sản phẩm liên quan là các hàng hóa, dịch vụ được sử dụng nhằm nâng cao tính năng, hiệu quả hoặc cần thiết cho việc sử dụng sản phẩm liên quan. Theo đó, khi giá của sản phẩm bổ trợ tăng hoặc giảm thì cầu đối với sản phẩm liên quan sẽ giảm hoặc tăng tương ứng. (Điều 6 Nghị định 35/2020/NĐ-CP) Như vậy, thị trường sản phẩm liên quan là thị trường của những hàng hóa, dịch vụ có thể thay thế cho nhau về đặc tính, mục đích sử dụng và giá cả.
Tổng hợp thời điểm căn cứ xuất hóa đơn khi cần lưu ý
Cá nhân, tổ chức khi thực hiện cung ứng hàng hóa, dịch vụ mà mình đang kinh doanh cần chú ý thời điểm xuất đơn, việc nắm được thời điểm xuất hóa đơn cũng cực kỳ quan trọng đối với người mua hàng hóa và sử dụng dịch vụ cho việc thanh toán lại. Sau đây là tổng hợp các trường hợp quy định về thời điểm căn cứ xuất hóa đơn. 1. Thời điểm lập hóa đơn đối với hàng hóa là khi nào? Căn cứ khoản 1 Điều 9 Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định thời điểm lập hóa đơn đối với bán hàng hóa (bao gồm cả bán tài sản nhà nước, tài sản tịch thu, sung quỹ nhà nước và bán hàng dự trữ quốc gia) là thời điểm chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hàng hóa cho người mua, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền. 2. Thời điểm lập hóa đơn đối với cung cấp dịch vụ. Là thời điểm hoàn thành việc cung cấp dịch vụ không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền. Trường hợp người cung cấp dịch vụ có thu tiền trước hoặc trong khi cung cấp dịch vụ thì thời điểm lập hóa đơn là thời điểm thu tiền (không bao gồm trường hợp thu tiền đặt cọc hoặc tạm ứng để đảm bảo thực hiện hợp đồng cung cấp các dịch vụ: kế toán, kiểm toán, tư vấn tài chính, thuế; thẩm định giá; khảo sát, thiết kế kỹ thuật; tư vấn giám sát; lập dự án đầu tư xây dựng). 3. Giao hàng nhiều lần hoặc bàn giao từng hạng mục, công đoạn dịch vụ Đối với trường hợp trên thì mỗi lần giao hàng hoặc bàn giao đều phải lập hóa đơn cho khối lượng, giá trị hàng hóa, dịch vụ được giao tương ứng. 4. Thời điểm lập hóa đơn đối với một số trường hợp cụ thể - Đối với các trường hợp cung cấp dịch vụ với số lượng lớn, phát sinh thường xuyên: Cần có thời gian đối soát số liệu giữa doanh nghiệp cung cấp dịch vụ và khách hàng, đối tác như trường hợp cung cấp dịch vụ hỗ trợ trực tiếp cho vận tải hàng không, cung ứng nhiên liệu hàng không cho các hãng hàng không, hoạt động cung cấp điện, nước, dịch vụ truyền hình, dịch vụ bưu chính chuyển phát, dịch vụ viễn thông, dịch vụ logistic, dịch vụ công nghệ thông tin được bán theo kỳ nhất định. Thời điểm lập hóa đơn là thời điểm hoàn thành việc đối soát dữ liệu giữa các bên nhưng chậm nhất không quá ngày 07 của tháng sau tháng phát sinh việc cung cấp dịch vụ hoặc không quá 07 ngày kể từ ngày kết thúc kỳ quy ước. - Đối với dịch vụ viễn thông, dịch vụ CNTT phải thực hiện đối soát dữ liệu kết nối giữa các cơ sở kinh doanh dịch vụ. Thì thời điểm lập hóa đơn là thời điểm hoàn thành việc đối soát dữ liệu về cước dịch vụ theo hợp đồng kinh tế giữa các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhưng chậm nhất không quá 2 tháng kể từ tháng phát sinh cước dịch vụ kết nối. Trường hợp cung cấp dịch vụ viễn thông thông qua bán thẻ trả trước, thu cước phí hòa mạng khi khách hàng đăng ký sử dụng dịch vụ mà khách hàng không yêu cầu xuất hóa đơn GTGT hoặc không cung cấp tên, địa chỉ, mã số thuế thì cuối mỗi ngày hoặc định kỳ trong tháng, cơ sở kinh doanh dịch vụ lập chung một hóa đơn GTGT ghi nhận tổng doanh thu phát sinh theo từng dịch vụ người mua không lấy hóa đơn hoặc không cung cấp tên, địa chỉ, mã số thuế. 5. Đối với hoạt động xây dựng, lắp đặt Thời điểm lập hóa đơn là thời điểm nghiệm thu, bàn giao công trình, hạng mục công trình, khối lượng xây dựng, lắp đặt hoàn thành, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền. 6. Kinh doanh BĐS, xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng nhà để bán, chuyển nhượng - Trường hợp chưa chuyển giao quyền sở hữu, quyền sử dụng: Có thực hiện thu tiền theo tiến độ thực hiện dự án hoặc tiến độ thu tiền ghi trong hợp đồng thì thời điểm lập hóa đơn là ngày thu tiền hoặc theo thỏa thuận thanh toán trong hợp đồng. - Trường hợp đã chuyển giao quyền sở hữu, quyền sử dụng: Thời điểm lập hóa đơn thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều này. - Thời điểm lập hóa đơn đối với các trường hợp tổ chức kinh doanh mua dịch vụ vận tải hàng không xuất qua website và hệ thống thương mại điện tử được lập theo thông lệ quốc tế chậm nhất không quá 05 ngày kế tiếp kể từ ngày chứng từ dịch vụ vận tải hàng không xuất ra trên hệ thống website và hệ thống thương mại điện tử. - Đối với hoạt động tìm kiếm thăm dò, khai thác và chế biến dầu thô: Thời điểm lập hóa đơn bán dầu thô, condensate, các sản phẩm được chế biến từ dầu thô là thời điểm bên mua và bên bán xác định được giá bán chính thức, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền. Đối với hoạt động bán khí thiên nhiên, khí đồng hành, khí than được chuyển bằng đường ống dẫn khí đến người mua, thời điểm lập hóa đơn là thời điểm bên mua, bên bán xác định khối lượng khí giao hàng tháng nhưng chậm nhất không quá 07 ngày kế tiếp kể từ ngày bên bán gửi thông báo lượng khí giao hàng tháng. 7. Đối với cơ sở kinh doanh thương mại bán lẻ, kinh doanh dịch vụ ăn uống. Theo mô hình hệ thống cửa hàng bán trực tiếp đến người tiêu dùng nhưng việc hạch toán toàn bộ hoạt động kinh doanh được thực hiện tại trụ sở chính. Hệ thống máy tính tiền kết nối với máy tính chưa đáp ứng điều kiện kết nối chuyển dữ liệu với cơ quan thuế, từng giao dịch bán hàng hóa, cung cấp đồ ăn uống có in Phiếu tính tiền cho khách hàng. Dữ liệu Phiếu tính tiền có lưu trên hệ thống và khách hàng không có nhu cầu nhận hóa đơn điện tử thì cuối ngày cơ sở kinh doanh căn cứ thông tin từ Phiếu tính tiền để tổng hợp lập hóa đơn điện tử cho các giao dịch bán hàng hóa, cung cấp đồ ăn uống trong ngày. 8. Đối với hoạt động bán điện của các công ty phát điện trên thị trường điện. Thì thời điểm lập hóa đơn điện tử được xác định căn cứ thời điểm về đối soát số liệu thanh toán giữa đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện, đơn vị phát điện và đơn vị mua điện chậm nhất là ngày cuối cùng của thời hạn kê khai, nộp thuế đối với tháng phát sinh nghĩa vụ thuế theo quy định pháp luật về thuế. Riêng hoạt động bán điện của các công ty phát điện có cam kết bảo lãnh của Chính phủ về thời điểm thanh toán thì thời điểm lập hóa đơn điện tử căn cứ theo bảo lãnh của Chính phủ, hướng dẫn và phê duyệt của Bộ Công Thương và các hợp đồng mua bán điện đã được ký kết giữa bên mua điện và bên bán điện. 9. Hóa đơn điện tử đối với trường hợp bán xăng dầu tại các cửa hàng bán lẻ Là thời điểm kết thúc việc bán xăng dầu theo từng lần bán, người bán phải đảm bảo lưu trữ đầy đủ hóa đơn điện tử đối với trường hợp bán xăng dầu cho khách hàng là cá nhân không kinh doanh, cá nhân kinh doanh và đảm bảo có thể tra cứu khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu. 10. Cung cấp dịch vụ vận tải hàng không, dịch vụ bảo hiểm qua đại lý Thì thời điểm lập hóa đơn là thời điểm hoàn thành việc đối soát dữ liệu giữa các bên nhưng chậm nhất không quá ngày 10 của tháng sau tháng phát sinh. 11. Kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi có sử dụng phần mềm tính tiền - Tại thời điểm kết thúc chuyến đi, doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi có sử dụng phần mềm tính tiền thực hiện gửi các thông tin của chuyến đi cho khách hàng và gửi về cơ quan thuế theo định dạng dữ liệu của cơ quan thuế. - Trường hợp khách hàng lấy hóa đơn điện tử thì khách hàng cập nhật hoặc gửi các thông tin đầy đủ (tên, địa chỉ, mã số thuế) vào phần mềm hoặc đơn vị cung cấp dịch vụ. Căn cứ thông tin khách hàng gửi hoặc cập nhật, doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi có sử dụng phần mềm tính tiền thực hiện gửi hóa đơn của chuyến đi cho khách hàng. 12. Cơ sở y tế kinh doanh dịch vụ khám chữa bệnh có sử dụng phần mềm quản lý Thì cuối ngày cơ sở y tế căn cứ thông tin khám, chữa bệnh và thông tin từ phiếu thu tiền để tổng hợp lập hóa đơn điện tử cho các dịch vụ y tế thực hiện trong ngày, trường hợp khách hàng yêu cầu lập hóa đơn điện tử thì cơ sở y tế lập hóa đơn điện tử giao cho khách hàng. 13. Thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử không dừng ngày lập hóa đơn điện tử Là ngày xe lưu thông qua trạm thu phí. Trường hợp khách hàng sử dụng dịch vụ thu phí đường bộ theo hình thức điện tử không dừng có một hoặc nhiều phương tiện cùng sử dụng dịch vụ nhiều lần trong tháng, đơn vị cung cấp dịch vụ có thể lập hóa đơn điện tử theo định kỳ, ngày lập hóa đơn điện tử chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng phát sinh dịch vụ thu phí. Nội dung hóa đơn liệt kê chi tiết từng lượt xe lưu thông qua các trạm thu phí (bao gồm: thời gian xe qua trạm, giá phí sử dụng đường bộ của từng lượt xe).
Chi 1,5 tỷ đồng triển khai đề án doanh nghiệp vì người tiêu dùng
Ngày 13/02/2023 Bộ Công thương vừa có Quyết định 225/QĐ-BCT năm 2023 về phê duyệt danh mục nhiệm vụ chi tiết triển khai các hoạt động năm 2023 của đề án doanh nghiệp vì người tiêu dùng giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, Bộ Công thương dự toán kinh phí thực hiện triển khai dự án doanh nghiệp vì người tiêu dùng trong năm 2023 như sau: (1) Dự kiến chi 340.000.000 triệu đồng Hoàn thiện Bộ tiêu chí “Doanh nghiệp vì người tiêu dùng”, xây dựng bộ tiêu chí riêng đánh giá “Doanh nghiệp vì người tiêu dùng” trong một số ngành, lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ đặc thù (năm 2023, dự kiến lĩnh vực thương mại điện tử): - Nghiên cứu các chuyên đề phục vụ xây dựng dự thảo Bộ tiêu chí đánh giá Doanh nghiệp vì người tiêu dùng trong lĩnh vực thương mại điện tử - Xây dựng dự thảo Bộ tiêu chí Doanh nghiệp vì người tiêu dùng trong lĩnh vực thương mại điện tử - Lấy ý kiến hoàn thiện dự thảo Bộ tiêu chí Doanh nghiệp vì người tiêu dùng trong lĩnh vực thương mại điện tử - Nghiên cứu, hoàn thiện Bộ tiêu chí Doanh nghiệp vì người tiêu dùng trong lĩnh vực thương mại điện tử (2) Dự kiến chi 90.000.000 triệu đồng Nâng cấp và phát triển hệ thống công nghệ thông tin phục vụ cho các hoạt động của Đề án: - Cập nhật, nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin phục vụ cho các hoạt động của Đề án - Thuê máy chủ, thuê dịch vụ bảo hành, bảo trì, bảo dưỡng, hỗ trợ kỹ thuật nhằm đáp ứng các nhu cầu kết nối, lưu trữ thông tin, dữ liệu; đảm bảo tính ổn định của hệ thống công nghệ thông tin phục vụ các hoạt động của Đề án (3) Dự kiến chi 420.000.000 triệu đồng Nâng cao nhận thức của doanh nghiệp, người tiêu dùng và cộng đồng xã hội về Chương trình, tổ chức hoạt động truyền thông nhằm thu hút, khuyến khích doanh nghiệp, người tiêu dùng tham gia Chương trình: - Xây dựng, đăng tải tin, bài, ảnh trên chuyên mục Doanh nghiệp vì người tiêu dùng của Báo điện tử. - Xây dựng, đăng tải tin, bài, ảnh trên trang tin điện tử của Chương trình Doanh nghiệp vì người tiêu dùng. - Xây dựng và phổ biến phóng sự tuyên truyền về Bộ tiêu chí Doanh nghiệp vì người tiêu dùng trong lĩnh vực thương mại điện tử. - Xây dựng và phổ biến video clips tuyên truyền, giới thiệu Bộ tiêu chí Doanh nghiệp vì người tiêu dùng trong lĩnh vực thương mại điện tử. (4) Dự kiến chi 250.000.000 triệu đồng Hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp tham gia Chương trình Doanh nghiệp vì người tiêu dùng, xây dựng và thực hiện các chính sách, quy trình sản xuất, kinh doanh nhằm tuân thủ pháp luật, thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp đối với người tiêu dùng, đáp ứng các tiêu chí Doanh nghiệp vì người tiêu dùng: - Tổ chức đào tạo, hướng dẫn các doanh nghiệp có liên quan tham gia, thực hiện Chương trình Doanh nghiệp vì người tiêu dùng năm 2023 - Tổ chức và phát sóng tọa đàm hướng dẫn doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực thương mại điện tử nâng cao trách nhiệm đối với người tiêu dùng (5) Dự kiến chi 400.000.000 triệu đồng Hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện khảo sát, đánh giá hiện trạng đáp ứng Bộ tiêu chí “Doanh nghiệp vì người tiêu dùng”, hoàn thiện chính sách, quy trình sản xuất, kinh doanh nhằm tuân thủ pháp luật và đạt mức đánh giá cao hơn theo Bộ tiêu chí “Doanh nghiệp vì người tiêu dùng” - Tổ chức họp xem xét, đánh giá hồ sơ đăng ký tham gia Chương trình Doanh nghiệp vì người tiêu dùng của các doanh nghiệp - Tổ chức đi công tác để khảo sát, đánh giá hiện trạng đáp ứng Bộ tiêu chí Doanh nghiệp vì người tiêu dùng trong lĩnh vực thương mại điện tử của doanh nghiệp (dự kiến khoảng 06-08 doanh nghiệp) - Tổ chức họp thẩm định, đánh giá hiện trạng đáp ứng Bộ tiêu chí Doanh nghiệp vì người tiêu dùng trong lĩnh vực thương mại điện tử của doanh nghiệp. Xem thêm Quyết định 225/QĐ-BCT có hiệu lực từ ngày 13/02/2023.
ĐĂNG KÝ GIẤY PHÉP KINH DOANH DỊCH VỤ ĂN UỐNG
Muốn đăng ký kinh doanh dịch vụ ăn uống thì cá nhân/tổ chức cần phải chuẩn bị những gì. Nắm rõ các thủ tục cũng như quy định được nhà nước ban hàng để đạt hiệu quả tốt nhất cho việc kinh doanh là gì? 1. Dịch vụ ăn uống là gì? Dịch vụ ăn uống là hoạt động kinh doanh cung cấp dịch vụ ăn uống tại một địa điểm xa xôi hoặc một địa điểm như khách sạn, bệnh viện, quán rượu, máy bay, tàu du lịch, công viên, phim trường hoặc trường quay, địa điểm giải trí hoặc địa điểm tổ chức sự kiện. Bên cạnh đó cũng có thể cung cấp một số dịch vụ khác như phục vụ đồ ăn đưa về hoặc các chương trình khuyến mãi khác. 1.2. Mã ngành dịch vụ ăn uống Căn cứ vào Quyết định ban hành hệ thống ngành kinh tế Việt Nam số 27/2018/QĐ-TTg. Trong quyết định sẽ có 11 mã ngành dịch vụ ăn uống khác nhau. 2. Thủ tục đăng ký kinh doanh dịch vụ ăn uống 2.1. Các loại hình kinh doanh dịch vụ ăn uống a. Mô hình nhà hàng Buffet Đây được xem là mô hình tự chọn, hay còn được gọi là tiệc đứng. Khi đến với mô hình kinh doanh nhà hàng này, khách hàng có thể đi lại, đứng hoặc ngồi tùy thích khi ăn uống. So với tiệc ngồi thì Buffet có thể phục vụ cho nhiều người hơn. b. Mô hình kinh doanh Casual Dining Mô hình Casual Dining thường phục vụ nhiều đối tượng khách hàng khác nhau nhưng không kém phần sang chảnh và chủ yếu giành cho nhóm đối tượng trung lưu. Do đó, chi phí bỏ ra để thưởng thức bữa ăn tại đây ở mức vừa phải. c. Mô hình kinh doanh nhà hàng nhượng quyền thương hiệu Đầu tư kinh doanh nhà hàng nhượng quyền thương hiệu là cách đơn giản để thu về nguồn lợi nhuận cao. Tất cả các vấn đề như sản phẩm, thương hiệu, thiết kế đã có sẵn,và cũng không phải lo lắng về khách hàng, chiến lược kinh doanh hay marketing nhà hàng… 2.2.Thủ tục đăng ký kinh doanh dịch vụ ăn uống hình thức Hộ gia đình Khi có nhu cầu, quý khách hàng lưu ý hồ sơ cần phải chuẩn bị, bao gồm: +Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh. +Tờ khai đăng ký thuế +Hợp đồng thuê nhà/mượn nhà, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất +Chứng minh nhân dân, căn cước công dân sao y chứng thực. +Giấy ủy quyền thực hiện đăng ký kinh doanh Khi có đủ hồ sơ, nộp đơn tại cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện để nộp và được cấp giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh về dịch vụ ăn uống 2.3. Thủ tục đăng ký kinh doanh dịch vụ ăn uống hình thức Công ty Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp, Điều lệ doanh nghiệp, Bản sao chứng minh thư nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân, Giấy ủy quyền nếu người đại diện nhờ người khác đi nộp hồ sơ đăng ký kinh doanh thành lập công ty. Sau khi công ty bạn được cấp giấy phép kinh doanh cần liên hệ cơ quan thuế của ủy ban nhân dân thì làm việc ban đầu, đóng thuế cho đúng theo quy định của pháp luật. 3. Thủ tục xin giấy phép kinh doanh ăn uống 3.1. Điều kiện xin giấy phép kinh doanh dịch vụ ăn uống hiện nay? Địa điểm, môi trường sản xuất, kinh doanh Nguồn nước và nước đá Thiết bị và dụng cụ Thức ăn sẵn phải để ở trong tủ kính và phân loại để tránh nhiễm chéo thực phẩm Người bán phải mặc trang phục sạch sẽ, gọn gàng và dùng găng tay Thùng rác phải có nắp đậy Nguyên liệu chế biến có nguồn gốc rõ ràng Đủ dụng cụ, thiết bị chứa đựng nước thải, có nắp đậy Người kinh doanh thực phẩm cần có giấy chứng nhận an toàn thực phẩm Người chế biến, phục vụ thực phẩm đường phố phải có giấy khám sức khỏe 3.2. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm cho dịch vụ ăn uống Hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm bao gồm: +Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm +Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (có ghi đăng kí ngành, nghề kinh doanh sản phẩm) +Bản thuyết minh về cơ sở vật chất trang thiết bị dụng cụ bảo đảm điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm +Giấy xác nhận đủ sức khoẻ của chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm do cơ sở y tế cấp huyện trở lên cấp +Giấy xác nhận đã được tập huấn kiến thức về an toàn vệ sinh thực phẩm của chủ cơ sở và của người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo quy định của Bộ trưởng Bộ quản lý ngành. Trong trường hợp, kinh doanh đồ ăn là thực phẩm bảo vệ sức khỏe thì làm hồ sơ cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đạt yêu cầu Thực hành sản xuất tốt (GMP) thực phẩm bảo vệ sức khỏe cần đảm bảo các giấy tờ sau: +Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đạt yêu cầu Thực hành sản xuất tốt (GMP) thực phẩm bảo vệ sức khỏe +Sơ đồ các khu vực sản xuất và dây chuyền sản xuất (có xác nhận của tổ chức, cá nhân) +Danh mục các thiết bị chính được sử dụng tại cơ sở (có xác nhận của tổ chức, cá nhân) 3.3. Trình tự cấp giấy phép đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm cho dịch vụ ăn uống Bước 1: Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm chuẩn bị và nộp hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm tại Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm hoặc cục An toàn vệ sinh thực phẩm nơi mình kinh doanh Bước 2: Khi hồ sơ đã hợp lệ, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm hoặc Cục An toàn vệ sinh thực phẩm tiến hành thẩm định cơ sở. Kết quả thẩm định cơ sở ghi vào Biên bản thẩm định cơ sở. Bước 3: Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra thực tế điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm tại cơ sở kinh doanh, sản xuất thực phẩm. Nếu đủ điều kiện thì phải cấp Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm. Trong trường hợp từ chối thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do không cấp. Bước 4: Trường hợp kết quả thẩm định không đạt, trong biên bản thẩm định phải ghi rõ thời hạn thẩm định lại (tối đa là 03 tháng), Nếu kết quả thẩm định lại vẫn không đạt thì đoàn thẩm định lập biên bản và đề xuất với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền đình chỉ hoạt động của cơ sở.
Thay đổi cách thức gửi hồ sơ đề nghị làm dịch vụ chi trả ngoại tệ
Ngày 30/12/2022, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư 24/2022/TT-NHNN sửa đổi một số thông tư quy định về thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý ngoại hối. Theo đó, thay đổi nguyên tắc lập và gửi hồ sơ đề nghị chấp thuận làm dịch vụ nhận và chi, trả ngoại tệ như sau: 1. Nguyên tắc lập và gửi hồ sơ làm dịch vụ chi trả ngoại tệ Cụ thể, sửa đổi Điều 9 Thông tư 34/2015/TT-NHNN quy định nguyên tắc lập và gửi hồ sơ đề nghị chấp thuận làm dịch vụ nhận và chi, trả ngoại tệ như sau: Nguyên tắc 1: Tổ chức gửi 01 bộ hồ sơ thực hiện thủ tục hành chính theo quy định tại Thông tư 34/2015/TT-NHNN và nhận kết quá thủ tục hành chính theo một trong ba cách thức sau: (1) Trực tuyến qua Cổng dịch vụ công quốc gia hoặc trên Công dịch vụ công Ngân hàng Nhà nước (trừ Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam). (2) Trực tiếp tại Bộ phận Một cửa NHNN hoặc Bộ phận Một cửa NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố nơi tổ chức đặt trụ sở chính. (3) Gửi qua dịch vụ bưu chính. (So với hiện hành, thì Thông tư 24/2022/TT-NHNN đã bổ sung thêm 3 cách thức gửi hồ sơ đề nghị nhận và chi, trả ngoại tệ). Nguyên tắc 2: Trường hợp gửi hồ sơ trực tuyến qua Công dịch vụ công quốc gia hoặc trên Cổng dịch vụ công NHNN, hồ sơ điện tử được sử dụng chữ ký số theo quy định của pháp luật về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử. Hệ thống cổng dịch vụ công quốc gia hoặc Công dịch vụ công NHNN gặp sự cố hoặc có lỗi thì thực hiện qua dịch vụ bưu chính hoặc trực tiếp tại Bộ phận Một cửa NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố nơi tổ chức đặt trụ sở chính. Nguyên tắc 3: Các tài liệu trong hồ sơ điện tử là bàn điện từ quét từ bản gốc, bàn chính (tập tin định dạng PDF) hoặc được khai trên Công dịch vụ công NHNN. Nguyên tắc 4: Các tài liệu trong hồ sơ giấy là bản gốc, bản chính hoặc bản sao có xác nhận của tổ chức về việc sao từ bản chính. Nguyên tắc 5: Bản dịch tiếng Việt của các tài liệu tiếng nước ngoài là bản dịch do tổ chức tự dịch hoặc thông qua một tổ chức cung cấp dịch vụ dịch thuật. Tổ chức xác nhận về tính chính xác của bản dịch tiếng Việt và nội dung bằng tiếng nước ngoài. Nguyên tắc 6: Tổ chức chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của các thông tin nêu tại hồ sơ đề nghị. 2. Gửi hồ sơ đăng ký giao dịch ngoại hối đầu tư ra nước ngoài Sửa đổi khoản 2 Điều 10 Thông tư 12/2016/TT- NHNN về trình tự thực hiện thủ tục đăng ký giao dịch ngoại hối liên quan đến hoạt động đầu tư ra nước ngoài như sau: Nhà đầu tư gửi 01 bộ hồ sơ đăng ký giao dịch ngoại hối liên quan đến hoạt động đầu tư ra nước ngoài đến cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại Điều 8, Điều 9 Thông tư 12/2016/TT- NHNN theo một trong ba cách thức sau: - Nộp trực tuyến qua Cổng dịch vụ công quốc gia hoặc trên Công dịch vụ công Ngân hàng Nhà nước (trừ trường hợp nhà đầu tư là tổ chức tín dụng). - Nộp trực tiếp tại Bộ phận Một cửa Ngân hàng Nhà nước (đối với nhà đầu tư là tổ chức tín dụng) hoặc tại Bộ phận Một cửa Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố (đổi với nhà đầu tư không phải là tổ chức tín dụng). - Gửi qua dịch vụ bưu chính. (So với hiện hành thì bên cạnh việc gửi hồ sơ bằng bưu điện thì có thể gửi qua dịch vụ công quốc gia hoặc tại Bộ phận Một cửa của NHNN). Đồng thời, bổ sung khoản 2a, 2b, 2c Thông tư 12/2016/TT- NHNN như sau: 2a. Trường hợp gửi hồ sơ trực tuyến qua cổng dịch vụ công quốc gia hoặc trên Cổng dịch vụ công Ngân hàng Nhà nước, hồ sơ điện tử được sử dụng chữ ký số theo quy định của pháp luật về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử. Trường hợp hệ thống cổng dịch vụ công quốc gia hoặc cống dịch vụ công Ngân hàng Nhà nước gặp sự cố hoặc có lỗi không thể tiếp nhận, trao đổi thông tin điện tử, việc khai, gửi, tiếp nhận, trả kết quả, trao đổi, phản hồi thông tin được thực hiện qua dịch vụ bưu chính hoặc trực tiếp tại Bộ phận Một cửa Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố theo thẩm quyền quy định tại Điều 8 Thông tư 12/2016/TT- NHNN. 2b. Các tài liệu trong hồ sơ điện tử là bản điện tử quét từ bản gốc, bản chính (tập tin định dạng PDF) hoặc được khai trên cổng dịch vụ công Ngân hàng Nhà nước. 2c. Nhà đầu tư chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của các thông tin nêu tại hồ sơ đăng ký giao dịch ngoại hối liên quan đến hoạt động đầu tư ra nước ngoài. Chi tiết Thông tư 24/2022/TT-NHNN có hiệu lực ngày 15/02/2023 sửa đổi Thông tư 34/2015/TT-NHNN, Thông tư 12/2016/TT- NHNN.
Lưu trữ thông tin thẻ tín dụng
Doanh nghiệp/cá nhân được phép lưu trữ thông tin thẻ tín dụng của khách? doanh nghiệp lưu trữ các thông tin này sau khi khách sử dụng dịch vụ/hàng hóa có được không? Căn cứ Khoản 18 Điều 3 Thông tư 19/2016/TT-NHNN quy định: “Điều 3. Giải thích từ ngữ Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau: … 18. Đơn vị chấp nhận thẻ (viết tắt là ĐVCNT) là tổ chức, cá nhân chấp nhận thanh toán hàng hóa, dịch vụ bằng thẻ theo hợp đồng thanh toán thẻ ký kết với TCTTT. …” Mặt khác, Khoản 4 Điều 18 Thông tư 19/2016/TT-NHNN quy định: “Điều 18. Đảm bảo an toàn trong sử dụng thẻ … 4. ĐVCNT phải thực hiện đầy đủ các biện pháp, quy trình kỹ thuật nghiệp vụ và bảo mật thông tin chủ thẻ, phát hiện gian lận, giả mạo trong thanh toán thẻ được TCTTT hướng dẫn và phải chịu trách nhiệm về các thiệt hại nếu ĐVCNT không thực hiện đúng các quy định của TCTTT.” Đồng thời, Điều 29 Thông tư 19/2016/TT-NHNN quy định: “Điều 29. Cung cấp thông tin 1. TCPHT, TCTTT, ĐVCNT, tổ chức chuyển mạch thẻ, tổ chức bù trừ điện tử giao dịch thẻ, TCTQT có trách nhiệm bảo mật các thông tin thẻ, chủ thẻ, giao dịch thẻ và chỉ cung cấp thông tin theo yêu cầu của chủ thẻ, của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc theo quy định của pháp luật. 2. TCPHT, TCTTT thỏa thuận với nhau về việc chia sẻ thông tin liên quan đến hoạt động thẻ theo quy định của pháp luật. 3. TCTQT có trách nhiệm cung cấp các thông tin liên quan đến giao dịch thẻ có BIN do TCTQT cấp theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước để thực hiện chức năng quản lý nhà nước.” Như vậy, đơn vị chấp nhận thẻ có nghĩa vụ thực hiện đầy đủ các biện pháp để bảo đảm bảo mật thông tin thẻ của khách hàng. Đồng thời, yêu cầu của chủ thẻ, của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc theo quy định của pháp luật thì mới được cung cấp thông tin thẻ, chủ thẻ và giao dịch thẻ. Tuy nhiên, việc lưu trữ này chỉ áp dụng đối với tổ chức, cá nhân chấp nhận thanh toán hàng hóa, dịch vụ bằng thẻ và đã ký kết hợp đồng thanh toán thẻ với tổ chức thanh toán thẻ. Bên cạnh đó, điều khoản phía trên quy định về việc cung cấp thông tin thẻ, chủ thẻ, giao dịch thẻ của đơn vị chấp nhận thẻ. Cho nên, việc doanh nghiệp lưu trữ các thông tin của thẻ tín dụng là hoàn toàn đúng luật.
Lưu trữ thông tin thẻ tín dụng
Doanh nghiệp/cá nhân được phép lưu trữ thông tin thẻ tín dụng của khách? doanh nghiệp lưu trữ các thông tin này sau khi khách sử dụng dịch vụ/hàng hóa có được không? Căn cứ Khoản 18 Điều 3 Thông tư 19/2016/TT-NHNN quy định: “Điều 3. Giải thích từ ngữ Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau: … 18. Đơn vị chấp nhận thẻ (viết tắt là ĐVCNT) là tổ chức, cá nhân chấp nhận thanh toán hàng hóa, dịch vụ bằng thẻ theo hợp đồng thanh toán thẻ ký kết với TCTTT. …” Mặt khác, Khoản 4 Điều 18 Thông tư 19/2016/TT-NHNN quy định: “Điều 18. Đảm bảo an toàn trong sử dụng thẻ … 4. ĐVCNT phải thực hiện đầy đủ các biện pháp, quy trình kỹ thuật nghiệp vụ và bảo mật thông tin chủ thẻ, phát hiện gian lận, giả mạo trong thanh toán thẻ được TCTTT hướng dẫn và phải chịu trách nhiệm về các thiệt hại nếu ĐVCNT không thực hiện đúng các quy định của TCTTT.” Đồng thời, Điều 29 Thông tư 19/2016/TT-NHNN quy định: “Điều 29. Cung cấp thông tin 1. TCPHT, TCTTT, ĐVCNT, tổ chức chuyển mạch thẻ, tổ chức bù trừ điện tử giao dịch thẻ, TCTQT có trách nhiệm bảo mật các thông tin thẻ, chủ thẻ, giao dịch thẻ và chỉ cung cấp thông tin theo yêu cầu của chủ thẻ, của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc theo quy định của pháp luật. 2. TCPHT, TCTTT thỏa thuận với nhau về việc chia sẻ thông tin liên quan đến hoạt động thẻ theo quy định của pháp luật. 3. TCTQT có trách nhiệm cung cấp các thông tin liên quan đến giao dịch thẻ có BIN do TCTQT cấp theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước để thực hiện chức năng quản lý nhà nước.” Như vậy, đơn vị chấp nhận thẻ có nghĩa vụ thực hiện đầy đủ các biện pháp để bảo đảm bảo mật thông tin thẻ của khách hàng. Đồng thời, yêu cầu của chủ thẻ, của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc theo quy định của pháp luật thì mới được cung cấp thông tin thẻ, chủ thẻ và giao dịch thẻ. Tuy nhiên, việc lưu trữ này chỉ áp dụng đối với tổ chức, cá nhân chấp nhận thanh toán hàng hóa, dịch vụ bằng thẻ và đã ký kết hợp đồng thanh toán thẻ với tổ chức thanh toán thẻ. Bên cạnh đó, điều khoản phía trên quy định về việc cung cấp thông tin thẻ, chủ thẻ, giao dịch thẻ của đơn vị chấp nhận thẻ. Cho nên, việc doanh nghiệp lưu trữ các thông tin của thẻ tín dụng là hoàn toàn đúng luật.
Dịch vụ cung cấp trong năm 2022 nhưng năm 2023 mới xuất hóa đơn thì có được giảm thuế?
Liên quan tới thời điểm kết thúc áp dụng giảm thuế xuống 8%. thì những công việc đã thực hiện xác nhận khối lượng ở năm 2022 nhưng do một số vấn đề đến năm 2023 bên mình mới xuất được hóa đơn, hoặc nhà cung cấp mới xuất được hóa đơn cho bên mình thì những trường hợp này phải xử lý như thế nào nhỉ? Trường hợp năm 2023 bên mình nhận hóa đơn đầu vào với thuế xuất 8% thì vấn đề này là đúng hay sai, cần xử lý như thế nào?