Công bố 60 TTHC thuộc quản lý Bộ TN&MT đủ điều kiện thực hiện trực tuyến toàn trình
Ngày 14/10/2024, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (BTNMT) đã ban hành Quyết định 3290/QĐ-BTNMT công bố 19 thủ tục hành chính (TTHC) đủ điều kiện thực hiện trực tuyến toàn trình. Theo đó, thông qua Quyết định 3290/QĐ-BTNMT, Bộ trưởng BTNMT đã công bố 02 danh mục TTHC đủ điều kiện thực hiện trực tuyến toàn trình bao gồm: - Danh mục TTHC đủ điều kiện thực hiện trực tuyến toàn trình cấp Trung ương (41 TTHC) - Danh mục TTHC đủ điều kiện thực hiện trực tuyến toàn trình cấp tỉnh (19 TTHC) (1) 41 TTHC đủ điều kiện thực hiện trực tuyến toàn trình cấp Trung ương Danh mục 41 TTHC đủ điều kiện thực hiện trực tuyến toàn trình cấp Trung ương được quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Quyết định 3290/QĐ-BTNMT, bao gồm: Lĩnh vực môi trường: - Cấp Giấy chứng nhận an toàn sinh học đối với cây trồng biến đổi gen. - Cho phép đưa nguồn gen ra nước ngoài phục vụ học tập, nghiên cứu không vì mục đích thương mại. - Đăng ký tiếp cận nguồn gen - Cấp Giấy phép tiếp cận nguồn gen. - Gia hạn Giấy phép tiếp cận nguồn gen - Chấp thuận liên kết để chuyển giao chất thải nguy hại không có trong Giấy phép môi trường. - Đăng ký vận chuyển xuyên biên giới chất thải nguy hại (Chấp thuận đăng ký vận chuyển xuyên biên giới chất thải nguy hại theo Công ước Basel về kiểm soát vận chuyển xuyên biên giới chất thải nguy hại và việc tiêu hủy chúng). - Cấp đổi giấy phép môi trường. - Cấp điều chỉnh giấy phép môi trường (khi có thay đổi một trong các nội dung cấp phép không thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 3 và khoản 4 Điều 30 Nghị định 08/2022/NĐ-CP) Lĩnh vực biến đổi khí hậu: - Công nhận Bên thứ ba (TPE) của dự án JCM. - Tự nguyện rút công nhận Bên thứ ba (TPE). - Phê duyệt phương pháp luận/phê duyệt phương pháp luận sửa đổi, bổ sung. - Đăng ký, phê duyệt dự án JCM. - Phê duyệt Tài liệu thiết kế dự án (PDD) sửa đổi, bổ sung. - Hủy đăng ký hoặc thôi không tham gia dự án JCM. - Cấp tín chỉ cho dự án JCM. - Hủy yêu cầu cấp tín chỉ cho dự án JCM. - Xác nhận tín chỉ các- bon, hạn ngạch phát thải khí nhà kính được giao dịch trên sàn giao dịch của thị trường các-bon trong nước. - Đăng ký chương trình, dự án theo cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các bon. - Đăng ký sử dụng, phân bổ hạn ngạch sản xuất, nhập khẩu các chất được kiểm soát. - Điều chỉnh, bổ sung hạn ngạch sản xuất, nhập khẩu các chất được kiểm soát. - Điều chỉnh nội dung Thư phê duyệt PDD hoặc PoA-DD. Lĩnh vực khí tượng thủy văn: - Khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn. - Xin phép trao đổi thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn, giám sát biến đổi khí hậu với tổ chức quốc tế, tổ chức, cá nhân nước ngoài. - Tạm dừng hiệu lực giấy phép thăm dò nước dưới đất, giấy phép khai thác tài nguyên nước. - Trả lại giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất quy mô lớn. - Thẩm định phương án điều chỉnh quy trình vận hành liên hồ chứa. - Tính tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước đối với công trình cấp cho sinh hoạt đã đi vào vận hành và được cấp giấy phép khai thác tài nguyên nước nhưng chưa được phê duyệt tiền cấp quyền. - Cấp lại Giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất quy mô lớn. - Tính tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước đối với công trình chưa vận hành. - Tính tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước đối với công trình đã vận hành. - Điều chỉnh tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước. - Trả lại giấy phép thăm dò nước dưới đất, giấy phép khai thác tài nguyên nước. - Cấp lại giấy phép thăm dò nước dưới đất, giấy phép khai thác tài nguyên nước. Lĩnh vực đo đạc và bản đồ: - Cung cấp thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ. - Cấp lại Giấy phép hoạt động đo đạc và bản đồ. - Cấp đổi Giấy phép hoạt động đo đạc và bản đồ. - Lĩnh vực đất đai. - Cung cấp thông tin, dữ liệu đất đai. - Cung cấp thông tin, dữ liệu ảnh viễn thám. Lĩnh vực biển và hải đảo: Khai thác và sử dụng cơ sở dữ liệu tài nguyên, môi trường biển và hải đảo thông qua mạng điện tử. Lĩnh vực địa chất và khoáng sản: Cung cấp, khai thác, sử dụng dữ liệu về địa chất, khoáng sản. Như vậy, từ ngày 14/10/2024, tổ chức, cá nhân có thể thực hiện các TTHC kể trên thông qua Cổng dịch vụ công Quốc gia. (2) 19 TTHC đủ điều kiện thực hiện trực tuyến toàn trình cấp tỉnh Danh mục 19 TTHC đủ điều kiện thực hiện trực tuyến toàn trình cấp tỉnh được quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Quyết định 3290/QĐ-BTNMT, bao gồm: Lĩnh vực tài nguyên nước: - Tạm dừng hiệu lực giấy phép thăm dò nước dưới đất, giấy phép khai thác tài nguyên nước - Trả lại giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất quy mô vừa và nhỏ. - Lấy ý kiến về phương án bổ sung nhân tạo nước dưới đất. - Lấy ý kiến về kết quả vận hành thử nghiệm bổ sung nhân tạo nước dưới đất. - Tính tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước đối với công trình cấp cho sinh hoạt đã đi vào vận hành và được cấp giấy phép khai thác tài nguyên nước nhưng chưa được phê duyệt tiền cấp quyền. - Cấp lại Giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất quy mô vừa và nhỏ. - Trả lại giấy phép thăm dò nước dưới đất, giấy phép khai thác tài nguyên nước. - Tính tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước đối với công trình chưa vận hành. - Tính tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước đối với công trình đã vận hành. - Điều chỉnh tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước. - Trả lại giấy phép thăm dò nước dưới đất, giấy phép khai thác tài nguyên nước. - Cấp lại giấy phép thăm dò nước dưới đất, giấy phép khai thác tài nguyên nước. Lĩnh vực đo đạc và bản đồ: - Cung cấp thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ. Lĩnh vực đất đai: - Cung cấp thông tin, dữ liệu đất đai. - Đăng ký đất đai lần đầu đối với trường hợp được Nhà nước giao đất để quản lý. - Cấp lại Giấy chứng nhận do bị mất. Lĩnh vực Biển và Hải đảo: - Khai thác và sử dụng cơ sở dữ liệu tài nguyên, môi trường biển và hải đảo thông qua mạng điện tử. Lĩnh vực môi trường: - Cấp đổi giấy phép môi trường. - Cấp điều chỉnh giấy phép môi trường. Kể từ 14/10/2024, tổ chức, cá nhân có nhu cầu làm thủ tục 19 TTHC nêu trên đã có thể thực hiện trực tuyến toàn trinh tại Cổng Dịch vụ công.
Hướng dẫn thủ tục chứng thực bản sao điện tử từ bản chính mới nhất
Chứng thực bản sao điện tử từ bản chính là việc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền căn cứ vào bản chính dạng văn bản giấy để chứng thực bản sao bằng hình thức điện tử là đúng với bản chính. Bài viết sau đây sẽ hướng dẫn chi tiết thủ tục trên. Quy định về thủ tục chứng thực bản sao điện tử từ bản chính Theo Điều 10 Nghị định 45/2020/NĐ-CP quy định về yêu cầu cấp bản sao điện tử có giá trị pháp lý như sau: Đối với các giấy tờ, tài liệu chưa được số hóa, lưu giữ, kết nối, chia sẻ thông tin với Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công, Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh, tùy theo nhu cầu, tổ chức, cá nhân yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp bản sao điện tử theo hai cách: - Yêu cầu cấp bản sao điện tử từ sổ gốc; - Yêu cầu chứng thực bản sao điện tử từ bản chính giấy tờ, tài liệu. Theo đó, thủ tục yêu cầu chứng thực bản sao điện tử từ bản chính giấy tờ, tài liệu được quy định như sau: Trường hợp tổ chức, cá nhân yêu cầu chứng thực bản sao điện tử từ bản chính, thẩm quyền, địa điểm, giấy tờ, văn bản làm cơ sở để thực hiện, trách nhiệm của người yêu cầu chứng thực và người thực hiện chứng thực, thời hạn thực hiện và việc gia hạn thời hạn, lệ phí và các chi phí khác, chế độ lưu trữ thực hiện theo quy định của pháp luật về chứng thực bản sao từ bản chính. Thủ tục chứng thực bản sao điện tử từ bản chính được thực hiện như sau: - Tổ chức, cá nhân xuất trình bản chính giấy tờ, tài liệu làm cơ sở để chứng thực bản sao. Trong trường hợp bản chính giấy tờ, tài liệu do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài cấp, công chứng hoặc chứng nhận thì phải được hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định của pháp luật trước khi yêu cầu chứng thực bản sao; trừ trường hợp được miễn hợp pháp hóa lãnh sự theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc theo nguyên tắc có đi, có lại. - Người thực hiện chứng thực kiểm tra bản chính, chụp điện tử bản chính, nhập lời chứng chứng thực bản sao từ bản chính và thực hiện ký số của người thực hiện chứng thực, cơ quan có thẩm quyền chứng thực và cập nhật vào sổ chứng thực. Bản sao điện tử được chứng thực từ bản chính dạng văn bản giấy theo quy định tại Nghị định này có giá trị sử dụng thay cho bản chính đã dùng để đối chiếu chứng thực trong các giao dịch, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Như vậy, thủ tục chứng thực bản sao điện tử từ bản chính sẽ được thực hiện theo quy định trên. Sau đây là hướng dẫn chi tiết các bước của thủ tục chứng thực bản sao điện tử từ bản chính mới nhất. Hướng dẫn thủ tục chứng thực bản sao điện tử từ bản chính mới nhất Hiện nay, thủ tục chứng thực bản sao điện tử từ bản chính được thực hiện trên Cổng dịch vụ công quốc gia như sau: Bước 1: Truy cập vào Cổng dịch vụ công quốc gia qua trang web https://dichvucong.gov.vn/p/home/dvc-trang-chu.html và đăng nhập (hoặc đăng ký tài khoản nếu chưa có). Bước 2: Tại mục "Thông tin và dịch vụ", chọn "Dịch vụ công nổi bật". Chọn thủ tục "Thủ tục chứng thực bản sao từ bản chính giấy tờ, văn bản do cơ quan tổ chức có thẩm quyền của Việt Nam cấp hoặc chứng nhận". Bước 3: Tại màn hình hướng dẫn thông tin, chọn UBND cấp xã hoặc Phòng Tư pháp cấp huyện để đăng ký đặt lịch hẹn chứng thực, sau đó chọn "Đồng ý". Bước 4: Tại màn hình đặt lịch hẹn, chọn loại giấy tờ cần chứng thực và ngày hẹn, giờ hẹn. Đối với những ngày, giờ hẹn nào đã đủ lượt đặt lịch hẹn, hệ thống tự động ẩn đi. Bước 5: Chọn "Đặt lịch hẹn", hệ thống hiển thị thông báo thành công và mã lịch hẹn. Bước 6: Đến cơ quan đã đăng ký chứng thực theo lịch hẹn, mang theo bản chính giấy tờ cần chứng thực và nộp lệ phí chứng thực. Sau đó, nhận kết quả chứng thực bản sao điện tử. Như vậy, trên đây là hướng dẫn thủ tục chứng thực bản sao điện tử từ bản chính mới nhất, người đọc có thể tham khảo để có thể thực hiện thủ tục đễ dàng hơn.
Quy trình xử lý vi phạm giao thông đường bộ mới nhất 2024
Đi cùng với quy định về sử dụng GPLX trên VNeID, Thông tư 28/2024/TT-BCA đã sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư 32/2023/TT-BCA, theo đó bổ sung quy trình xử lý vi phạm giao thông đường bộ mới nhất. Quy trình xử lý vi phạm giao thông đường bộ mới nhất 2024 1) Xử lý vi phạm giao thông đường bộ tại trụ sở Theo khoản 1 Điều 27 Thông tư 32/2023/TT-BCA được sửa đổi bởi khoản 6 Điều 1 Thông tư 28/2024/TT-BCA, khi người vi phạm đến giải quyết vi phạm thì thực hiện như sau: Bước 1: Cán bộ có thẩm quyền tiếp nhận biên bản vi phạm hành chính - Cán bộ có thẩm quyền: + Tiếp nhận biên bản vi phạm hành chính từ người vi phạm và đối chiếu với hồ sơ vi phạm (trường hợp làm mất biên bản vi phạm hành chính, phải đối chiếu kỹ thông tin về nhân thân của người vi phạm với hồ sơ vi phạm); + Không giải quyết vụ việc đối với người trung gian (trừ trường hợp được ủy quyền theo quy định của pháp luật) hoặc ngoài vị trí quy định giải quyết vi phạm hành chính của đơn vị. - Đối với vụ việc cần xác minh làm rõ, thì báo cáo đề xuất người có thẩm quyền tổ chức xác minh; Bước 2: Thông báo mức xử phạt đến người vi phạm Sau khi đã đối chiếu hồ sơ, cán bộ có thẩm quyền tiến hành: - Thông báo hình thức, mức xử phạt, biện pháp ngăn chặn, biện pháp khác, kết quả thu thập được hành vi vi phạm bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ theo quy định; - Trường hợp giấy phép, chứng chỉ hành nghề đã được tích hợp, cập nhật trong căn cước điện tử, tài khoản định danh điện tử trên Ứng dụng định danh quốc gia, cơ sở dữ liệu do Bộ Công an quản lý: Khi áp dụng hình thức tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề, người có thẩm quyền thực hiện việc tước giấy tờ trên môi trường điện tử, cập nhật thông tin về việc tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề đó trên hệ thống cơ sở dữ liệu xử lý vi phạm hành chính và đồng bộ với Ứng dụng định danh quốc gia, cơ sở dữ liệu do Bộ Công an quản lý để người vi phạm, chủ phương tiện (đối với giấy tờ của chủ phương tiện) biết, chấp hành theo quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, phục vụ các lực lượng chức năng có thẩm quyền kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm Bước 3: Người vi phạm nhận quyết định xử phạt Cán bộ sẽ gửi quyết định xử phạt vi phạm hành chính cho người bị xử phạt hoặc người đại diện hợp pháp, người được ủy quyền của người bị xử phạt Bước 4: Người vi phạm nộp tiền phạt và giao nộp biên lai Sau khi người vi phạm đã nộp phạt theo quy định thì cán bộ sẽ tiếp nhận, kiểm tra, đối chiếu biên lai thu tiền phạt (hoặc chứng từ thu, nộp tiền phạt khác theo quy định của pháp luật) với hồ sơ vi phạm hành chính và lưu hồ sơ; Bước 5: Trả lại cho người vi phạm những đồ bị tạm giữ, tước quyền sử dụng Sau khi đã lưu hồ sơ đầy đủ, cán bộ sẽ trả lại tang vật, phương tiện, giấy tờ bị tạm giữ, tước quyền sử dụng theo thủ tục hành chính cho người bị xử phạt. Trường hợp giấy tờ đó có thông tin bị tạm giữ hoặc tước quyền sử dụng trên Ứng dụng định danh quốc gia, cơ sở dữ liệu do Bộ Công an quản lý thì người có thẩm quyền ra quyết định, lập biên bản trả lại giấy tờ cho người bị xử phạt; Hệ thống cơ sở dữ liệu xử lý vi phạm hành chính thực hiện đồng bộ thông tin với Ứng dụng định danh quốc gia, cơ sở dữ liệu do Bộ Công an quản lý để gỡ bỏ nội dung thông tin về việc tạm giữ, tước quyền sử dụng giấy tờ đó Ngoài ra, trường hợp giải quyết vụ việc theo thông báo vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ: Kiểm tra, đối chiếu các thông tin trên giấy thông báo, giấy tờ tùy thân; cho người vi phạm xem kết quả thu thập được hành vi vi phạm bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ; lập biên bản vi phạm hành chính và thực hiện xử lý vi phạm theo quy định. 2) Xử lý vi phạm giao thông đường bộ qua Cổng dịch vụ công Quốc gia, Cổng dịch vụ công Bộ Công an Theo khoản 2 Điều 27 Thông tư 32/2023/TT-BCA được sửa đổi bởi khoản 6 Điều 1 Thông tư 28/2024/TT-BCA, trường hợp người vi phạm thực hiện việc nộp tiền xử phạt vi phạm hành chính qua Cổng dịch vụ công Quốc gia, Cổng dịch vụ công Bộ Công an thì thực hiện như sau: Bước 1: Người vi phạm được thông báo xử phạt qua Cổng dịch vụ công Người có thẩm quyền xử phạt gửi thông tin xử phạt lên Cổng dịch vụ công; Cổng dịch vụ công tự động thông báo cho người vi phạm tra cứu thông tin quyết định xử phạt vi phạm hành chính thông qua số điện thoại người vi phạm đã đăng ký với cơ quan Công an tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính Bước 2: Người vi phạm truy cập vào Cổng dịch vụ công nộp phạt Sau khi nhận được thông báo, người vi phạm truy cập vào Cổng dịch vụ công thông qua số quyết định xử phạt vi phạm hành chính đã được thông báo hoặc số biên bản vi phạm hành chính để tra cứu thông tin quyết định xử phạt vi phạm hành chính; Nộp tiền xử phạt vi phạm hành chính, đăng ký nhận lại giấy tờ bị tạm giữ qua dịch vụ bưu chính công ích. Bước 3: Cán bộ có thẩm quyền tra cứu biên lai đóng tiền phạt Sau khi người vi phạm đã đóng tiền phạt, người có thẩm quyền xử phạt tra cứu biên lai điện tử thu tiền xử phạt vi phạm hành chính được hệ thống cổng dịch vụ công gửi về để in, lưu hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính và làm căn cứ trả lại giấy tờ bị tạm giữ, gỡ bỏ nội dung thông tin về việc tạm giữ trên Ứng dụng định danh quốc gia, cơ sở dữ liệu do Bộ Công an quản lý theo quy định. Bước 4: Trả lại giấy tờ bị tạm giữ, bị tước Sau khi đã lưu thành công hồ sơ của người vi phạm, người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trả lại giấy tờ bị tạm giữ, bị tước (khi hết thời hạn tước quyền sử dụng) cho người bị xử phạt qua dịch vụ bưu chính công ích. Trường hợp giấy tờ đó có thông tin về việc bị tạm giữ, tước quyền sử dụng trên Ứng dụng định danh quốc gia, cơ sở dữ liệu do Bộ Công an quản lý thì hệ thống cơ sở dữ liệu xử lý vi phạm hành chính thực hiện đồng bộ thông tin với Ứng dụng định danh quốc gia, cơ sở dữ liệu do Bộ Công an quản lý để gỡ bỏ nội dung thông tin về việc tạm giữ, tước quyền sử dụng giấy tờ đó. 3) Xử lý vi phạm giao thông đường bộ qua dịch vụ bưu chính công ích Theo khoản 3 Điều 27 Thông tư 32/2023/TT-BCA, hình thức xử lý vi phạm này không có sự thay đổi so với trước đây. Theo đó, trường hợp người vi phạm thực hiện nộp phạt vi phạm hành chính thông qua dịch vụ bưu chính công ích thì vẫn thực hiện theo quy định tại Điều 20 Nghị định 118/2021/NĐ-CP. Như vậy, kể từ ngày 01/7/2024 này thì quy trình xử lý vi phạm giao thông đường bộ mới nhất sẽ có sự thay đổi, đó là thêm trường hợp giấy tờ bị tạm giữ hoặc tước quyền sử dụng trên VNeID (Ứng dụng định danh quốc gia), cơ sở dữ liệu do Bộ Công an quản lý. Nếu người vi phạm không chấp hành quyết định xử phạt thì giải quyết thế nào? Theo khoản 4 Điều 27 Thông tư 32/2023/TT-BCA, trường hợp người vi phạm không chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính hoặc đã quá thời hạn hẹn đến giải quyết vụ việc vi phạm ghi trong biên bản vi phạm hành chính hoặc văn bản thông báo của người có thẩm quyền xử phạt mà chủ phương tiện, người vi phạm chưa đến giải quyết, xử lý (đối với phương tiện giao thông có quy định phải kiểm định) thì: Người có thẩm quyền xử phạt gửi thông báo cho cơ quan Đăng kiểm để phối hợp xử lý theo quy định tại Nghị định 139/2018/NĐ-CP và Nghị định 100/2019/NĐ-CP. Như vậy, trường hợp người vi phạm không chấp hành quyết định xử phạt vi phạm giao thông hoặc đã quá thời hạn hẹn mà không giải quyết vi phạm thì sẽ bị xử lý theo quy định về đăng kiểm và quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông.
Thủ tục cấp, cấp đổi thẻ căn cước trên VNeID từ 01/7/2024
Nghị định Nghị định 70/2024/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Căn cước 2023 sẽ có hiệu lực từ 01/7/2024. Trong đó, quy định chi tiết thủ tục cấp, cấp đổi thẻ căn cước trên VNeID. Thủ tục cấp, cấp đổi thẻ căn cước trên VNeID từ 01/7/2024 Theo khoản 2 Điều 21 Nghị định 70/2024/NĐ-CP đã quy định trình tự, thủ tục cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước thông qua Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công Bộ Công an, ứng dụng định danh quốc gia như sau: - Công dân lựa chọn thủ tục, kiểm tra thông tin của mình được khai thác trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Trường hợp thông tin chính xác: + Công dân đăng ký thời gian và cơ quan quản lý căn cước để thực hiện thủ tục, hệ thống sẽ xác nhận và tự động chuyển đề nghị của công dân đến cơ quan quản lý căn cước nơi công dân đề nghị cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước. + Công dân đến cơ quan quản lý căn cước theo thời gian, địa điểm đã đăng ký để thực hiện thủ tục cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước theo trình tự, thủ tục tại cơ quan quản lý căn cước. - Trường hợp bị mất thẻ căn cước hoặc thẻ căn cước bị hư hỏng không sử dụng được: Công dân lựa chọn thủ tục cấp lại, kiểm tra thông tin của mình được khai thác trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Trường hợp thông tin chính xác: Công dân xác nhận chuyển hồ sơ đề nghị cấp lại thẻ căn cước đến cơ quan quản lý căn cước xem xét, giải quyết việc cấp lại thẻ căn cước theo quy định tại khoản 4 Điều 25 Luật Căn cước 2023; - Trường hợp người đại diện hợp pháp thực hiện thủ tục cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước cho người dưới 06 tuổi: Công dân lựa chọn thủ tục, kiểm tra thông tin của người dưới 06 tuổi trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Trường hợp thông tin chính xác: Người đại diện hợp pháp xác nhận chuyển hồ sơ đề nghị đến cơ quan quản lý căn cước xem xét, giải quyết việc cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước. Đồng thời cần lưu ý: Trường hợp công dân không đến nơi làm thủ tục cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước theo thời gian, địa điểm đã đăng ký hẹn làm việc với cơ quan quản lý căn cước để thực hiện thủ tục cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước thì hệ thống tiếp nhận yêu cầu của công dân sẽ tự động hủy lịch hẹn công dân đã đăng ký khi hết ngày làm việc. Nếu công dân tiếp tục có nhu cầu cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước thì đăng ký hẹn lại. Như vậy, từ ngày 01/7/2024 thì người dân có thể đăng ký cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước thông qua Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công Bộ Công an hoặc ứng dụng VNeID theo thủ tục trên. Những cơ quan nào sẽ làm thủ tục cấp, cấp đổi thẻ căn cước? Theo Điều 27 Luật Căn cước 2023 quy định nơi làm thủ tục cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước như sau: - Cơ quan quản lý căn cước của Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương hoặc cơ quan quản lý căn cước của Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi công dân cư trú. - Cơ quan quản lý căn cước của Bộ Công an đối với những trường hợp do thủ trưởng cơ quan quản lý căn cước của Bộ Công an quyết định. - Trong trường hợp cần thiết, các cơ quan quản lý căn cước quy định trên tổ chức làm thủ tục cấp thẻ căn cước tại xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị hoặc tại chỗ ở của công dân. Như vậy, sẽ có 3 cơ quan làm thủ tục cấp, cấp đổi thẻ căn cước là: - Cơ quan quản lý căn cước của Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương nơi công dân cư trú - Cơ quan quản lý căn cước của Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi công dân cư trú - Cơ quan quản lý căn cước của Bộ Công an. Các trường hợp phải cấp đổi thẻ căn cước từ 01/7/2024 Theo Điều 24 Luật Căn cước 2023 quy định các trường hợp cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước như sau: - Các trường hợp cấp đổi thẻ căn cước bao gồm: + Các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 21 Luật Căn cước 2023: Công dân Việt Nam đã được cấp thẻ căn cước phải thực hiện thủ tục cấp đổi thẻ căn cước khi đủ 14 tuổi, 25 tuổi, 40 tuổi và 60 tuổi. + Thay đổi, cải chính thông tin về họ, chữ đệm, tên khai sinh; ngày, tháng, năm sinh; + Thay đổi nhân dạng; bổ sung thông tin về ảnh khuôn mặt, vân tay; xác định lại giới tính hoặc chuyển đổi giới tính theo quy định của pháp luật; + Có sai sót về thông tin in trên thẻ căn cước; + Theo yêu cầu của người được cấp thẻ căn cước khi thông tin trên thẻ căn cước thay đổi do sắp xếp đơn vị hành chính; + Xác lập lại số định danh cá nhân; + Khi người được cấp thẻ căn cước có yêu cầu. - Các trường hợp cấp lại thẻ căn cước bao gồm: + Bị mất thẻ căn cước hoặc thẻ căn cước bị hư hỏng không sử dụng được, trừ trường hợp quy định tại Điều 21 Luật Căn cước 2023: + Công dân Việt Nam đã được cấp thẻ căn cước phải thực hiện thủ tục cấp đổi thẻ căn cước khi đủ 14 tuổi, 25 tuổi, 40 tuổi và 60 tuổi; + Thẻ căn cước đã được cấp, cấp đổi, cấp lại trong thời hạn 02 năm trước độ tuổi cấp đổi thẻ căn cước quy định tại khoản 1 Điều 24 Luật Căn cước 2023 có giá trị sử dụng đến tuổi cấp đổi thẻ căn cước tiếp theo. + Được trở lại quốc tịch Việt Nam theo quy định của pháp luật về quốc tịch Việt Nam. Như vậy, từ ngày 01/7/2024 nếu công dân thuộc một trong các trường hợp trên thì phải làm thủ tục cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước. Luật Căn cước 2023 và Nghị định 70/2024/NĐ-CP sẽ chính thức có hiệu lực từ 01/7/2024.
Hướng dẫn khai báo tạm trú cho người nước ngoài online mới nhất hiện nay
Người nước ngoài khi tạm trú tại Việt Nam phải thông qua thủ tục khai báo tạm trú tại nơi có cơ sở cư trú. Bài viết này sẽ hướng dẫn khai báo tạm trú cho người nước ngoài online (1) Có bắt buộc người nước ngoài phải khai báo tạm trú không? Căn cứ Điều 33 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014 được sửa đổi bởi khoản 5 Điều 2 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam sửa đổi 2023 quy định khai báo tạm trú như sau: - Người nước ngoài tạm trú tại Việt Nam phải thông qua người trực tiếp quản lý, điều hành hoạt động của cơ sở lưu trú để khai báo tạm trú với Công an xã, phường, thị trấn hoặc đồn, trạm Công an nơi có cơ sở lưu trú - Cơ sở lưu trú có trách nhiệm yêu cầu người nước ngoài xuất trình hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế, giấy tờ liên quan đến cư trú tại Việt Nam để thực hiện khai báo tạm trú trước khi đồng ý cho người nước ngoài tạm trú - Trường hợp đồn, trạm Biên phòng tiếp nhận khai báo tạm trú của người nước ngoài theo quy định của điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên thì đồn, trạm Biên phòng có trách nhiệm thông báo ngay cho Công an xã, phường, thị trấn hoặc đồn, trạm Công an nơi người nước ngoài tạm trú. Như vậy, theo các quy định trên, việc đăng ký tạm trú cho người nước ngoài là thủ tục bắt buộc. Người trực tiếp quản lý, điều hành hoạt động của cơ sở lưu trú có trách nhiệm yêu cầu người nước ngoài xuất trình hộ chiếu hoặc các giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế, giấy tờ liên quan đến cư trú tại Việt nam và thực hiện việc khai báo tạm trú với Công an xã, hoặc đồn trạm Công an gần với mình nhất trước khi đồng ý cho người nước ngoài tạm trú. Theo đó, việc khai báo tạm trú cho người nước ngoài được thực hiện qua môi trường điện tử hoặc phiếu khai báo tạm trú. Trường hợp khai báo qua phiếu khai báo tạm trú, cơ sở lưu trú có trách nhiệm ghi đầy đủ thông tin vào phiếu khai báo tạm trú và chuyển đến Công an xã hoặc đồn, trạm Công an nơi có cơ sở lưu trú trong thời hạn 12 giờ, đối với địa bàn vùng sâu, vùng xa trong thời hạn 24 giờ kể từ khi người nước ngoài đến cơ sở lưu trú. Bên cạnh đó, khi người nước ngoài thay đổi nơi tạm trú hoặc tạm trú ngoài địa chỉ ghi trong thẻ thường trú hoặc khi có sự thay đổi thông tin trong hộ chiếu cũng phải thực hiện lại việc khai báo tạm trú. (2) Hướng dẫn khai báo tạm trú cho người nước ngoài online Hiện nay, cơ sở lưu trú có thể khai báo tạm trú cho người nước ngoài bằng hình thức online, trình tự thực hiện cụ thể như sau: Bước 1: Truy cập vào trang Thông tin điện tử của Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Link: https://evisa.xuatnhapcanh.gov.vn/web/guest/khai-bao-tam-tru Sau đó chọn tỉnh nơi đặt cơ sở lưu trú để thực hiện đăng ký tạm trú hoặc Cổng dịch vụ công quốc gia Link: https://dichvucong.gov.vn/p/home/dvc-chi-tiet-thu-tuc-nganh-doc.html?ma_thu_tuc=1.001437 Nhấp vào danh sách dịch vụ công như hình hoặc Cổng dịch vụ công Bộ Công an Link: https://dichvucong.bocongan.gov.vn/bocongan/bothutuc/tthc?matt=26265 Bấm vào Nộp hồ sơ như hình Lưu ý: Để thực hiện đăng ký tạm trú online, người đăng ký phải có tài khoản tại trang Thông tin điện tử của Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh hoặc Cổng dịch vụ công quốc gia hoặc Cổng dịch vụ công Bộ Công an Bước 2: Đăng nhập tài khoản vào Trang thông tin điện tử hoặc Cổng dịch vụ công quốc gia hoặc Cổng dịch vụ công Bộ Công an bằng tài khoản và mật khẩu đã đăng ký. Bước 3: Người khai báo tạm trú thực hiện nhập và kiểm tra các thông tin khai báo về người nước ngoài hoặc chuyển tập tin nhập đính kèm theo mẫu được đăng tải trên Trang thông tin điện tử hoặc Cổng dịch vụ công Bộ Công an. Bước 4: Kiểm tra thông tin đã khai báo tạm trú trên hệ thống và hoàn thành việc khai báo tạm trú. Thời hạn giải quyết: 24 giờ kể từ khi nhận được hồ sơ đăng ký tạm trú Giấy tờ: Thực hiện theo các trường thông tin trên Trang thông tin điện tử hoặc Cổng dịch vụ công quốc gia hoặc Cổng dịch vụ công Bộ Công an. Phí, lệ phí: Miễn phí Trên đây là hướng dẫn khai báo tạm trú cho người nước ngoài thực hiện trực tuyến, online. Chúc bạn thực hiện thành công!
Hướng dẫn thủ tục cấp sổ đỏ cho người đã đăng ký lần đầu online chi tiết nhất
Hướng dẫn các thủ tục, thành phần hồ sơ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất (sổ đỏ) online cho người đã đăng ký lần đầu chi tiết nhất. (1) Căn cứ thực hiện Theo khoản 7 Điều 1 Nghị định 10/2023/NĐ-CP sửa đổi đã bổ sung điểm mới “Thực hiện thủ tục hành chính về đất đai trên môi trường điện tử”, đánh dấu việc người dân có thể thực hiện các thủ tục đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất bằng hình thức online. Từ ngày 20/5/2023, người dân có thể thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai trên Cổng dịch vụ công. Ngoài ra, tại khoản 3 Điều 131 Luật Đất đai 2024 mới nhất có quy định rõ: "Đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất bao gồm đăng ký lần đầu và đăng ký biến động, được thực hiện bằng hình thức đăng ký trên giấy hoặc đăng ký điện tử và có giá trị pháp lý như nhau." Theo quy định của pháp luật, người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất đã kê khai đăng ký được ghi vào Sổ địa chính, được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất nếu có nhu cầu và có đủ điều kiện (khoản 5 Điều 95 Luật Đất đai 2013 và khoản 5 Điều 70 Nghị Định 43/2014/NĐ-CP). Dưới đây là hướng dẫn chi tiết thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất cho người đã đăng ký lần đầu online chi tiết nhất. (2) Hồ sơ cần chuẩn bị những gì? Để thực hiện thủ tục cấp sổ đỏ cho người đã đăng ký lần đầu trên môi trường điện tử, người dân cần chuẩn bị 1 Đơn đăng ký cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo Mẫu số 04/ĐK Tải Mẫu số 04/ĐKhttps://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/04/08/M%E1%BA%ABu%20s%E1%BB%91%2004.DK-H.doc (3) Các bước nộp hồ sơ tại Cổng dịch vụ công Quốc gia Sau khi tải và điền đầy đủ thông tin vào Mẫu số 04/ĐK, bạn thực hiện các bước sau đây để làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất cho người đã đăng ký lần đầu trên Cổng dịch vụ công Quốc gia. Bước 1: - Truy cập vào trang web Cổng dịch vụ công Quốc gia https://dichvucong.gov.vn/p/home/dvc-trang-chu.html - Đăng nhập vào hệ thống hoặc Đăng ký nếu chưa có tài khoản Bước 2: - Tại thanh tìm kiếm, nhập “cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất” - Chọn mục “Cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người đã đăng ký quyền sử dụng đất lần đầu” - Chọn Tỉnh/Thành phố có đất để thực hiện thủ tục, sau khi chọn xong bấm “Nộp trực tuyến” Bước 3: - Điền thông tin vào biểu mẫu - Số điện thoại bạn nhập vào sẽ là số điện thoại nhận thông báo về hồ sơ thông qua SMS Bước 4: - Tải lên file Đơn đăng ký cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo Mẫu số 04/ĐK mà bạn đã điền vào trước đó và một số hồ sơ kèm theo khác (nếu có) Tải Mẫu số 04/ĐKhttps://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/04/08/M%E1%BA%ABu%20s%E1%BB%91%2004.DK-H.doc - Bấm nộp hồ sơ (4) Quy trình giải quyết hồ sơ Căn cứ điều kiện cụ thể về hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai đang quản lý, cơ quan tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính về đất đai quy định tại Điều 60 của Nghị định 43/2014/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 7 Điều 1 của Nghị định 10/2023/NĐ-CP) có trách nhiệm tổ chức việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử theo quy định của Chính phủ. Quy trình giải quyết hồ sơ gồm 3 bước: Bước 1: - Người sử dụng đất nộp hồ sơ tại Văn phòng đăng ký đất đai hoặc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai hoặc cơ quan tiếp nhận hồ sơ theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc địa điểm theo nhu cầu đối với những địa phương mà Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đã ban hành quy chế tiếp nhận, luân chuyển hồ sơ, giải quyết và trả kết quả giải quyết thủ tục theo nhu cầu về địa điểm hoặc trên môi trường điện tử. - Hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư nộp hồ sơ tại Ủy ban nhân dân cấp xã nếu có nhu cầu. Bước 2: - Cơ quan tiếp nhận, giải quyết hồ sơ có trách nhiệm thực hiện các trình tự, thủ tục hành chính về đất đai theo quy định của pháp luật về đất đai; trường hợp cần phải kiểm tra, xác minh làm rõ hoặc do nguyên nhân khác mà không trả kết quả giải quyết hồ sơ theo đúng quy định về thời gian giải quyết thủ tục hành chính về đất đai thì cơ quan tiếp nhận hồ sơ, giải quyết thủ tục gửi thông báo bằng văn bản hoặc qua Cổng dịch vụ công hoặc qua tin nhắn SMS cho người yêu cầu, trong đó nêu rõ lý do. - Người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất có trách nhiệm hoàn thành nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật bằng hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến thông qua chức năng thanh toán của Cổng dịch vụ công. - Thời hạn thực hiện không quá 30 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Thời gian này không tính thời gian các ngày nghỉ, ngày lễ theo quy định của pháp luật; không tính thời gian tiếp nhận hồ sơ tại xã, thời gian thực hiện nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất; không tính thời gian xem xét xử lý đối với trường hợp sử dụng đất có vi phạm pháp luật, thời gian trưng cầu giám định. - Đối với các xã miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì thời gian thực hiện được tăng thêm 10 ngày. Bước 3: - Kết quả giải quyết thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất cho người đã đăng ký đất lần đầu được trả cho người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất trong thời hạn không quá 03 ngày làm việc kể từ ngày có kết quả giải quyết. - Đối với những địa phương mà Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đã ban hành quy chế tiếp nhận, luân chuyển hồ sơ, giải quyết và trả kết quả giải quyết thủ tục theo nhu cầu về thời gian thì thời gian giải quyết thủ tục được thực hiện theo thỏa thuận giữa người có nhu cầu và Văn phòng đăng ký đất đai, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai nhưng không quá thời gian thực hiện thủ tục do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định. Trên đây là hướng dẫn chi tiết và đơn giản nhất về thủ tục và quy trình cấp sổ đỏ lần đầu online. Chúc bạn thực hiện thủ tục thành công.
04 hình thức phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức đến Bộ Công an
Bộ Công an ban hành Thông tư 57/2023/TT-BCA quy định tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính thuộc chức năng quản lý nhà nước của Bộ Công an. Theo đó, việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về các quy định hành chính thuộc chức năng quản lý nhà nước của Bộ Công an phải tuân thủ các nguyên tắc sau: Đúng quy định của pháp luật về tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị. Quy trình, thủ tục tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị phải cụ thể, rõ ràng, đơn giản, thuận tiện. Bảo đảm đúng thẩm quyền, công khai, minh bạch, có sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan chức năng theo quy định của pháp luật về xử lý phản ánh, kiến nghị. (1) Nội dung phản ánh, kiến nghị Các nội dung phản ánh về các quy định hành chính thuộc chức năng quản lý nhà nước của Bộ Công an bao gồm các nội dung sau: - Vướng mắc, khó khăn cụ thể trong thực hiện quy định hành chính do hành vi chậm trễ, gây phiền hà hoặc không thực hiện, thực hiện không đúng quy định hành chính thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công an theo quy định của đơn vị, cán bộ, chiến sĩ Công an. - Sự không phù hợp của quy định hành chính với thực tế; - Sự không đồng bộ; không thống nhất của các quy định hành chính; - Quy định hành chính không hợp pháp; - Quy định hành chính trái với các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập. - Những vấn đề khác liên quan đến quy định hành chính. Các nội dung kiến nghị về các quy định hành chính thuộc chức năng quản lý nhà nước của Bộ Công an bao gồm: - Cung cấp thông tin, trình bày ý kiến, nguyện vọng, đề xuất giải pháp phương án xử lý đối với các quy định tại điểm a, b, c, d, đ, e nêu trên. - Sáng kiến ban hành mới quy định hành chính liên quan đến hoạt động kinh doanh, đời sống nhân dân thuộc chức năng quản lý nhà nước của Bộ Công an. (2) Hình thức phản ánh, kiến nghị Phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính được thực hiện bằng một trong các hình thức sau: - Văn bản. - Điện thoại. - Phiếu lấy ý kiến. - Thông điệp dữ liệu gửi qua Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công Bộ Công an, Cổng thông tin điện tử Bộ Công an, Cổng Thông tin điện tử Công an các đơn vị, địa phương theo quy định. Thông tư cũng quy định cụ thể quy trình tiếp nhận, phân loại, xử lý phản ánh, kiến nghị cũng như trách nhiệm của đơn vị tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị. Xem chi tiết tại Thông tư 57/2023/TT-BCA tải về có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/12/2023. Theo Chính phủ
Chỉ thị 8/CT-BGTVT năm 2023: 17 nhiệm vụ tăng cường cải cách hành chính ngành GTVT
Ngày 02/11/2023 Bộ GTVT đã ban hành Chỉ thị 8/CT-BGTVT năm 2023 về việc tăng cường công tác cải cách hành chính của Bộ Giao thông vận tải. Theo đó, nhiệm vụ chung đối với các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Giao thông vận tải thực hiện tăng cường công tác cải cách hành chính như sau: (1) CCHC là căn cứ hoàn thành nhiệm vụ hằng năm của công chức Tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong chỉ đạo điều hành và chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện công tác CCHC, cải cách TTHC, cung cấp dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp. Coi việc hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao về CCHC, cải cách TTHC và cung cấp dịch vụ công là căn cứ đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ hàng năm của công chức, viên chức, nhất là đối với người đứng đầu. (2) Mỗi nhiệm vụ phải được gắn với trách nhiệm từng cá nhân Rà soát từng nội dung, nhiệm vụ, tiến độ trong kế hoạch CCHC hàng năm và giai đoạn 2020 – 2025 của cơ quan, đơn vị; từ đó đánh giá tình hình, kết quả thực hiện, tiến độ và chất lượng cụ thể từng công việc/nhiệm vụ tính đến nay. Đối với những công việc/nhiệm vụ chưa đạt tiến độ hoặc chất lượng cần có ngay biện pháp khắc phục; đảm bảo mỗi nhiệm vụ phải được phân công rõ ràng, gắn với trách nhiệm từng cá nhân. Bố trí đủ nguồn lực con người (cả về số lượng và chất lượng) để bảo đảm thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ CCHC; tăng cường công tác tự kiểm tra trong nội bộ, đánh giá nghiêm túc, trung thực, khách quan kết quả CCHC của từng đơn vị, cá nhân. (3) Triển khai kịp thời, đầy đủ các văn bản chỉ đạo của cấp trên Triển khai kịp thời, đầy đủ các văn bản chỉ đạo của cấp trên, trong đó đẩy mạnh tập trung khắc phục ngay những tồn tại thiếu sót khi được phát hiện. (4) Giải quyết kịp thời các phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân Kiểm soát chặt chẽ việc xử lý, giải quyết các văn bản đến cơ quan, đơn vị, nhất là việc tiếp nhận, xử lý các phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân về quy định hành chính cũng như các nhiệm vụ được giao, đảm bảo thời hạn xử lý, giải quyết theo quy định; người đứng đầu thường xuyên tổ chức đối thoại với người dân, doanh nghiệp. (5) Người đứng đầu cần tăng cường kỷ luật, kỷ cương Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị cần tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao tinh thần trách nhiệm, đạo đức, văn hóa công vụ. (7) Không để tình trạng kéo dài, đùn đẩy gây ảnh hưởng tới người dân Thường xuyên rà soát, đơn giản hóa TTHC; thực hiện phân cấp, phân quyền, đánh giá tác động chính sách và tham vấn đối tượng thực hiện trong quá trình xây dựng thể chế. Kịp thời xử lý dứt điểm những phản ảnh kiến nghị do người dân, doanh nghiệp gửi đến. Không để tình trạng kéo dài, đùn đẩy gây tốn kém, lãng phí, công sức và thời gian đi lại cũng như ảnh hưởng đến cơ hội đầu tư kinh doanh của người dân, doanh nghiệp. (8) Đồng bộ 100% hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC trên Cổng Dịch vụ công quốc gia Thực hiện việc công bố, công khai TTHC theo quy định; đồng bộ 100% hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC trên Cổng Dịch vụ công quốc gia và công khai quá trình tiếp nhận, giải quyết TTHC. Số lượng hồ sơ tiếp nhận, giải quyết TTHC được tổng hợp trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC là một căn cứ để đánh giá năng suất lao động, phê duyệt biên chế và bố trí nhân sự của cơ quan, đơn vị thực hiện TTHC, cung cấp dịch vụ công. (9) Xử lý nghiêm cơ quan, cán bộ có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong tiếp nhận giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công. Thực hiện việc báo cáo giải trình của người đứng đầu và xin lỗi người dân, doanh nghiệp đối với các trường hợp để xảy ra chậm muộn, tiêu cực trong giải quyết hồ sơ TTHC của cơ quan, đơn vị theo quy định. Định kỳ công khai kết quả đánh giá Bộ chỉ số chỉ đạo, điều hành và đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện TTHC, dịch vụ công và danh sách cán bộ, công chức, viên chức, cơ quan, đơn vị để xảy ra chậm trễ theo quy định. Xử lý nghiêm các cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, làm phát sinh thêm TTHC, hồ sơ, giấy tờ, yêu cầu điều kiện không đúng quy định hoặc nhiều lần để xảy ra tình trạng chậm trễ trong tiếp nhận, giải quyết TTHC theo quy định. (10) Cung cấp dịch vụ công trực tuyến lấy người dùng làm trung tâm Thực hiện tái cấu trúc quy trình, cắt giảm, đơn giản hóa TTHC trên cơ sở liên thông điện tử và tái sử dụng dữ liệu để xây dựng, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, bảo đảm tuân thủ nguyên tắc lấy người dùng làm trung tâm. (11) Gắn việc số hóa với việc thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức Thực hiện số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC theo quy định, gắn việc số hóa với việc thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình tiếp nhận, giải quyết TTHC; tăng cường kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành với Cổng Dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin giải quyết TTHC cấp bộ. (12) Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các cơ quan trong giải quyết TTHC Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong giải quyết TTHC, nhất là các TTHC hoặc nhóm TTHC, dịch vụ công liên thông. Trong đó, phải rà soát, hoàn thành việc công bố quy trình nội bộ xác định rõ thời hạn, trách nhiệm giải quyết trong từng bước, giai đoạn đối với các TTHC liên thông giữa cơ quan trung ương và địa phương. (13) Đẩy mạnh thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh Nâng cao hiệu lực, hiệu quả, đẩy mạnh thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06). Trong đó tập trung hoàn thành việc tháo gỡ các “điểm nghẽn” theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. (14) Khuyến khích người dân, doanh nghiệp chủ động tham gia chuyển đổi số Thực hiện các giải pháp phù hợp huy động, khuyến khích người dân, doanh nghiệp chủ động tham gia thực hiện các nội dung chuyển đổi số trong thực hiện TTHC. (15) Nâng cao hiệu quả, năng suất lao động của Bộ phận Một cửa Chủ động đổi mới, nâng cao hiệu quả, năng suất lao động của Bộ phận Một cửa theo thẩm quyền, trường hợp vượt thẩm quyền báo cáo cấp thẩm quyền xem xét, quyết định. (16) Thực hiện ưu tiên bố trí đầy đủ nhân lực, kinh phí hàng năm cho cải cách TTHC Có cơ chế, chính sách phù hợp, thực hiện ưu tiên bố trí đầy đủ nhân lực, kinh phí hàng năm cho việc triển khai các nhiệm vụ cải cách TTHC, chuyển đổi số, hoàn thành các mục tiêu theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. (17) Hoàn thành việc đồng bộ thông tin tiếp nhận, xử lý hồ sơ trên Cổng dịch vụ công quốc gia Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, hoàn thành việc tích hợp, đồng bộ thông tin tiếp nhận, xử lý hồ sơ trên Cổng dịch vụ công quốc gia và Hệ thống thông tin giải quyết TTHC cấp tỉnh đối với các dịch vụ công thuộc thẩm quyền thực hiện của cơ quan nhà nước các cấp trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương do Bộ triển khai cung cấp trên môi trường mạng. Xem thêm Chỉ thị 8/CT-BGTVT năm 2023 ban hành ngày 02/11/2023.
Khai sinh nhưng chưa nhập hộ khẩu cho con có bị phạt không?
Khai sinh cho con nhưng chưa làm thủ tục nhập hộ khẩu cho con thì cha mẹ có bị phạt vi phạm hành chính hay không? Pháp luật có quy định nhập hộ khẩu cho con muộn thì xử lý thế nào không? Bài viết sẽ cung cấp một số thông tin cần thiết liên quan đến vấn đề này Khai sinh nhưng chưa nhập hộ khẩu cho con có bị phạt không? Căn cứ tại Điều 12 Luật Cư trú năm 2020 quy định nơi cư trú của người chưa thành niên Nơi cư trú của người chưa thành niên là nơi cư trú của cha, mẹ; nếu cha, mẹ có nơi cư trú khác nhau thì nơi cư trú của người chưa thành niên là nơi cư trú của cha hoặc mẹ mà người chưa thành niên thường xuyên chung sống; trường hợp không xác định được nơi thường xuyên chung sống thì nơi cư trú của người chưa thành niên là nơi do cha, mẹ thỏa thuận; trường hợp cha, mẹ không thỏa thuận được thì nơi cư trú của người chưa thành niên do Tòa án quyết định. Tuy nhiên, người chưa thành niên có thể có nơi cư trú khác, với nơi cư trú của cha, mẹ nếu được cha, mẹ đồng ý hoặc pháp luật có quy định. Đồng thời, theo khoản 6 Điều 19 Luật Cư trú năm 2020 quy định khi đủ điều kiện thì phải làm thủ tục đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú. Do đó, mặc dù không quy định thời hạn bắt buộc trẻ em phải đăng ký thường trú sau khi đăng ký khai sinh nhưng khi có đủ điều kiện đăng ký thường trú mà không thực hiện thì cha, mẹ có thể bị xử phạt vi phạm hành chính. Mức xử phạt hành chính khi khai sinh cho con nhưng chưa làm thủ tục nhập hộ khẩu Theo đó, mức phạt được quy định tại điểm a khoản 1 Điều 9 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, cụ thể: Vi phạm quy định về đăng ký và quản lý cư trú như sau: Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: - Không thực hiện đúng quy định về đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú, xóa đăng ký thường trú, xóa đăng ký tạm trú, tách hộ hoặc điều chỉnh thông tin về cư trú trong Cơ sở dữ liệu về cư trú. Mặt khác tại khoản 1 và khoản 3 Điều 5 Luật Trẻ em có quy định: Bảo đảm để trẻ em thực hiện được đầy đủ quyền và bổn phận của mình và bảo đảm lợi ích tốt nhất của trẻ em trong các quyết định liên quan đến trẻ em. Do vậy, đăng ký thường trú vừa là quyền vừa là trách nhiệm của mỗi công dân, nên khi trẻ em được sinh ra, để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của trẻ em, người có trách nhiệm nên thực hiện đăng ký thường trú sớm cho trẻ em. Thủ tục hồ sơ đăng ký thường trú Hồ sơ được quy định tại khoản 2 Điều 21 Luật Cư trú năm 2020, gồm: - Tờ khai thay đổi thông tin cư trú, trong đó ghi rõ ý kiến đồng ý cho đăng ký thường trú của chủ hộ, chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp hoặc người được ủy quyền, trừ trường hợp đã có ý kiến đồng ý bằng văn bản; - Giấy tờ, tài liệu chứng minh quan hệ nhân thân với chủ hộ, thành viên hộ gia đình, trừ trường hợp đã có thông tin thể hiện quan hệ này trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú. Thủ tục được quy định tại khoản 1 Điều 22 Luật Cư trú năm 2020, như sau: Người đăng ký thường trú nộp hồ sơ đăng ký thường trú đến cơ quan đăng ký cư trú nơi mình cư trú, nộp hồ sơ trực tuyến tại Cổng dịch vụ công Bộ Công an, Cổng dịch vụ công quốc gia.
Hướng dẫn nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp online nhanh nhất
Bảo hiểm thất nghiệp là gì? Điều kiện để hưởng trợ cấp thất nghiệp như thế nào? Bài viết sẽ hướng dẫn người lao động các bước nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp online năm 2023. (1) Quy định pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp Khái niệm: Bảo hiểm thất nghiệp là chế độ bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi bị mất việc làm, hỗ trợ người lao động học nghề, duy trì và tìm kiếm việc làm trên cơ sở đóng vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp (theo khoản 4 Điều 3 Luật Việc làm 2013). Điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp: ⇒ Xem bài viết chi tiết tại: Hướng dẫn thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp năm 2023 02 cách thức nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp: - Nộp trực tiếp. - Nộp hồ sơ online tại Cổng Dịch vụ công quốc gia. Thời hạn nộp trong 03 tháng kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc. Xem bài viết chi tiết tại: Hướng dẫn thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp năm 2023 Hướng dẫn nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp trực tiếp hoặc qua bưu chính 2023 (2) Cách nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp online Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đã có Công văn 1399/LĐTBXH-VL năm 2022 về việc tiếp nhận và giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia. Theo đó, người tham gia BHXH khi chấm dứt hợp đồng lao động/ hợp đồng làm việc và có đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp có thể làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp (TCTN) online trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia. Quy trình làm hồ sơ thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp online Quy trình làm hồ sơ thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp online trên Cổng dịch vụ công quốc gia được thực hiện như sau: Bước 1: NLĐ đăng ký tài khoản trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia tại địa chỉ https://dichvucong.gov.vn/p/home/dvc-trang-chu.html và thực hiện đăng ký theo hướng dẫn. Bước 2: Sau khi đăng ký tài khoản thành công, NLĐ đăng nhập tài khoản cá nhân trên Cổng dịch vụ công quốc gia bằng cách nhấn vào ô “Đăng nhập” và bấm chọn vào mục "Tài khoản cấp bởi cổng dịch vụ công quốc gia" Tại mục CMND/ CCCD, NLĐ điền thông tin tài khoản đăng nhập, nhập đúng mã xác thực và nhấn chọn "đăng nhập". Sau khi người lao động chọn Đăng nhập tài khoản sẽ có 1 mã OTP được gửi về số điện thoại mà người dùng vừa sử dụng để đăng ký tài khoản trước đó. Người dùng điền dãy số vào ô tương ứng và nhấn "Xác nhận" để hoàn tất việc đăng nhập. Bước 3: Tìm kiếm và chọn nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại mục “giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp” Để tìm kiếm nhanh chóng tại mục “Tìm kiếm nâng cao” bạn điền “Giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp” và nhấn vào biểu tượng “tìm kiếm” bên cạnh Kết quả hiển thị một số gợi ý các mục có liên quan đến nội dung bạn tìm kiếm, bạn chọn trong danh sách gợi ý mục “Giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp” - Sau đó người lao động chọn ô “Nộp trực tuyến”. Bước 4: Nhập thông tin đơn đề nghị trợ cấp thất nghiệp theo mẫu số 01 Tiếp đó, hệ thống sẽ hiển thị giao diện đơn đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp theo mẫu số 01, NLĐ nhập đầy đủ các thông tin cá nhân vào đơn. Các mục có dấu (*) là mục thông tin bắt buộc phải nhập nên NLĐ phải điền đầy đủ các thông tin. Sau đó, Chọn gửi Trung tâm dịch vụ việc làm thuộc Sở LĐ-TB&XH để tiếp nhận, giải quyết hồ sơ. Bước 5: Chọn nơi đề nghị nhận trợ cấp thất nghiệp Sau khi điền hết các thông tin NLĐ chọn nơi đề nghị nhận trợ cấp thất nghiệp. Ở bước này NLĐ có thể chọn nhận qua tài khoản ngân hàng hoặc nhận trực tiếp tại cơ quan BHXH quận/huyện nơi cư trú. Bước 6: Tải file đính kèm NLĐ tải file đính kèm bao gồm: Bản chụp/scan một trong các giấy tờ chứng minh việc người lao động chấm dứt hợp đồng lao động/làm việc theo quy định tại đơn vị. Bước 7: Chọn cơ quan tiếp nhận và nộp hồ sơ Sau khi tải file đính kèm, NLĐ chọn cơ quan tiếp nhận bằng cách nhập tỉnh/thành phố và Trung tâm dịch vụ việc làm tương ứng tại tỉnh/ thành phố nơi muốn nhận trợ cấp thất nghiệp. Sau đó người lao động nhấn chọn ô “Nộp hồ sơ” để hoàn tất thủ tục nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp online. Khi này hệ thống sẽ gửi thông báo nộp hồ sơ thành công để xác nhận việc hoàn tất. Sau khi NLĐ hoàn tất việc nộp hồ sơ thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp online trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia, Cổng Dịch vụ công Quốc gia sẽ tự động chuyển thông tin NLĐ (bao gồm họ và tên, số CMND/ CCCD/ hộ chiếu, số sổ BHXH, ngày chấm dứt hợp đồng lao động/hợp đồng làm việc) qua hệ thống của cơ quan BHXH. Sau khi nhận được thông tin của NLĐ từ Cổng Dịch vụ công Quốc gia chuyển đến, Cơ quan BHXH kiểm tra, giải quyết thông tin NLĐ. (3) Các trường hợp xảy ra sau khi hoàn thành thủ tục đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp online - Trường hợp 01: Nếu thông tin số sổ BHXH và một trong hai thông tin họ tên hoặc số CMND/ CCCD/ hộ chiếu không đúng với dữ liệu của cơ quan BHXH => Cơ quan BHXH trả lại kết quả không hợp lệ về Cổng Dịch vụ công Quốc gia để hiển thị thông báo ngay khi NLĐ gửi hồ sơ. - Trường hợp 02: Nếu thông tin số sổ BHXH và 1 trong 2 thông tin họ tên hoặc số CMND/ CCCD/ hộ chiếu trùng với dữ liệu của cơ quan BHXH => Trong 2 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông tin chuyển đến, Cơ quan BHXH trả lại thông tin về quá trình đóng BHXH, BHTN của NLĐ, thực hiện ký số và chuyển lại cho Cổng Dịch vụ công Quốc gia để chuyển hồ sơ trực tuyến đến trung tâm dịch vụ việc làm. - Trường hợp 03: Nếu người lao động chưa được chốt sổ BHXH => Cơ quan BHXH gửi lại thông báo về việc chưa chốt sổ cho Cổng Dịch vụ công Quốc gia để hiển thị thông báo ngay cho NLĐ khi gửi hồ sơ. (4) Thời gian giải quyết hồ sơ thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp online Trong 16 ngày làm việc kể từ ngày nhận được dữ liệu tham gia BHTN của người lao động do BHXH chuyển đến trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia, cán bộ Trung tâm Dịch vụ việc làm rà soát, gửi hồ sơ người lao động đủ điều kiện hỗ trợ trình Sở LĐ-TB&XH theo đúng quy định (tùy thuộc vào điều kiện của từng địa phương, Trung tâm Dịch vụ Việc làm và Sở LĐ-TB&XH có thể lựa chọn phương thức trình qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia hoặc trình trực tiếp). Nếu hồ sơ không đạt yêu cầu, cán bộ sẽ cập nhật thông tin từ chối hồ sơ có đính kèm theo văn bản nêu rõ lý do trên cổng Cổng dịch vụ công Quốc gia. Trong 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ do Trung tâm Dịch vụ việc làm chuyển đến, Sở LĐTB-XH sẽ phản hồi kết quả cho NLĐ: - Trường hợp hồ sơ không đạt yêu cầu, cán bộ sẽ cập nhật trạng thái từ chối hồ sơ và đính kèm văn bản trả lời lên Cổng Dịch vụ công Quốc gia để thông báo cho người lao động. - Trường hợp hồ sơ hợp lệ, cán bộ cập nhật trạng thái Duyệt hồ sơ và đính kèm quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp theo mẫu số 02 (có ký số). Khi hồ sơ được phê duyệt hoặc bị từ chối, hệ thống sẽ gửi thông báo qua tin nhắn SMS tới người lao động theo SĐT mà NLĐ đã đăng ký với dịch vụ công, đồng thời hiển thị thông tin, văn bản liên quan trên cổng Dịch vụ công Quốc gia. Như vậy, trong bài viết trên đây Bảo hiểm xã hội điện tử EFY đã hướng dẫn chi tiết các bước làm hồ sơ thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp online qua Cổng thông tin dịch vụ công quốc gia. Với cách này NLĐ đang thất nghiệp có xin hưởng trợ cấp vừa thuận tiện, nhanh chóng mà không cần phải đến trực tiếp cơ quan BHXH, cách đăng ký này cũng phù hợp với NLĐ ở xa các trung tâm giới thiệu việc làm. Xem bài viết chi tiết tại: Hướng dẫn thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp năm 2023 Hướng dẫn nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp trực tiếp hoặc qua bưu chính 2023
Cấp ứng dụng để làm thủ tục hành chính online cho người dân trong tháng 9/2023
Thủ tướng Chính phủ ban hành Công văn 452/TTg-KSTT về việc tháo gỡ các “điểm nghẽn” triển khai Đề án 06. Trong đó, nổi bật là ứng dụng làm thủ tục hành chính bằng hình thức online trong tháng 9/20223. Thời gian triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06), Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tổ trưởng Tổ Công tác đã quan tâm, quyết liệt chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc triển khai, thực hiện Đề án đến từng bộ, ngành, địa phương. Bên cạnh những kết quả đã đạt được, vẫn còn một số “điểm nghẽn” về thể chế, hạ tầng công nghệ thông tin, dịch vụ công, dữ liệu và nguồn lực, ảnh hưởng đến lộ trình triển khai Đề án 06, do đó, Thủ tướng Chính phủ có một số yêu cầu, trong đó nổi bật về dịch vụ công trực tuyến như sau: Tại Công văn 452/TTg-KSTT, Thủ tướng yêu cầu đánh giá toàn bộ các dịch vụ công trực tuyến đã được cung cấp trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của cơ quan mình và tích hợp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Từ đó lựa chọn những dịch vụ công thiết thực, tần suất sử dụng cao gắn liền nhu cầu hàng ngày của người dân, doanh nghiệp, có đầy đủ các điều kiện để cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình, tiến tới cung cấp các ứng dụng (apps) thủ tục hành chính để người dân, doanh nghiệp tương tác trực tuyến hiệu quả với chính quyền. Thời gian hoàn thành trong tháng 9 năm 2023. Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tập trung chuyển đổi quy trình, thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công từ phương thức truyền thống sang môi trường điện tử; Đồng thời, chuẩn hóa, tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ, xây dựng các biểu mẫu điện tử, phần mềm chuyên dụng, số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính để làm giàu kho dữ liệu, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp không phải cung cấp lại các thông tin đã có. Thời gian hoàn thành trong tháng 9 năm 2023. Ngoài ra, còn nêu rõ trách nhiệm của các Bộ ngành trong công tác này, cụ thể: - Đối với Bộ Thông tin và Truyền thông: Đánh giá, công bố chất lượng các nền tảng, hệ thống thông tin, phần mềm, cổng dịch vụ công, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của các bộ, ngành, địa phương và định mức, đơn giá, chi phí xây dựng các hệ thống nêu trên để các bộ, ngành, địa phương tham khảo, lựa chọn. Thời hạn hoàn thành trong tháng 9 năm 2023. - Đối với Bộ Công an: Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tích hợp, xác thực, hiển thị các thông tin, giấy tờ cá nhân trên ứng dụng VNeID, dần thay thế việc cung cấp các giấy tờ cá nhân trong thực hiện các giao dịch, thủ tục hành chính. - Đối với Văn phòng Chính phủ: Khẩn trương triển khai thực hiện nâng cấp Cổng Dịch vụ công quốc gia, bảo đảm vận hành thông suốt, tránh “tắc nghẽn” trong quá trình tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp. Ngoài ra, về dữ liệu cũng có yêu cầu đối với Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương như sau: - Chỉ đạo, tập trung nguồn lực đẩy nhanh số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính; - Thực hiện nghiêm việc ký số, gửi nhận văn bản và xử lý hồ sơ công việc trên môi trường điện tử tại các cấp chính quyền; - Đẩy mạnh xây dựng, cập nhật, kết nối, liên thông các nền tảng số, Cơ sở dữ liệu quốc gia, Cơ sở dữ liệu chuyên ngành đồng bộ, thực chất, hiệu quả bảo đảm khắc phục tình trạng “manh mún”, “cát cứ thông tin”, “chia cắt” và “co cụm dữ liệu” như hiện nay. Xem chi tiết tại Công văn 452/TTg-KSTT ngày 23/5/2023.
Thông báo 252/TB-VPCP: Cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư, kinh doanh
Ngày 29/6/2023, Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo 252/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang tại cuộc họp công tác cải cách thủ tục hành chính và nâng cao hiệu quả tư vấn chính sách cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ đối với các bộ, ngành, địa phương về nhiệm vụ cụ thể trong công tác cải cách thủ tục hành chính và nâng cao hiệu quả tư vấn như sau: - Thực hiện rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa ngay các quy định, TTHC (bao gồm cả TTHC nội bộ và phân cấp, ủy quyền trong giải quyết TTHC) liên quan đến hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân, nhất là các quy định, TTHC theo chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ tại Công văn 547/TTg- KSTT ngày 15/6/2023. - Thực hiện nghiêm việc công bố, công khai, minh bạch đầy đủ, chính xác, kịp thời thông tin về TTHC trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC và tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định, hành vi hành chính trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. - Thực hiện đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công dựa trên dữ liệu trên Cổng Dịch vụ công quốc gia; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm và công bố, công khai các cán bộ, công chức, viên chức, cơ quan, đơn vị để xảy ra chậm trễ, gây phiền hà. - Thực hiện nghiêm việc đánh giá tác động quy định, TTHC trong đề nghị xây dựng, dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, trong đó kiên quyết chỉ ban hành TTHC, quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh mới trong trường hợp thật sự cần thiết, bảo đảm tính hợp lý, hợp pháp với chi phí tuân thủ thấp. - Chủ động thực hiện các nhiệm vụ cải cách TTHC gắn với việc triển khai Đề án 06 và Chương trình chuyển đổi số quốc gia; tăng cường công tác truyền thông để nâng cao nhận thức tạo đồng thuận trong việc triển khai. - Các Bộ, cơ quan làm nhiệm vụ cơ quan thường trực của các tổ chức phối hợp liên ngành chủ động đánh giá hiệu quả hoạt động, đề xuất phương án kiện toàn, giải thể các tổ chức phối hợp liên ngành (bao gồm cả tổ chức tư vấn chính sách cho Thủ tướng Chính phủ) gửi Bộ Nội vụ trước ngày 20/7/2023 để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. - Thực hiện báo cáo điện tử về tình hình, kết quả công tác cải cách TTHC, hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành phục vụ người dân, doanh nghiệp trên Hệ thống thông tin báo cáo của Văn phòng Chính phủ theo hướng dẫn của Văn phòng Chính phủ. Ngoài ra, tại Thông báo 252/TB-VPCP còn quy rõ trách nhiệm đối với Bộ Tư pháp, Tổ chức pháp chế thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, Sở Tư pháp thuộc Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Bộ Nội vụ; Văn phòng Chính phủ. Xem chi tiết tại Thông báo 252/TB-VPCP ban hành ngày 29/6/2023.
Thủ tục cấp lại CCCD được thực hiện online, không cần làm trực tiếp
Dự thảo Luật Căn cước công dân sửa đổi dự kiến sẽ trình Quốc hội cho ý kiến tại họp thứ 5 vào tháng 5/2023 và thông qua tại kỳ họp thứ 6 và có hiệu lực từ 01/7/2024. Theo đó, đề xuất thủ tục cấp lại thẻ Căn cước công dân được thực hiện bằng hình thức online. Đề xuất đổi, cấp lại thẻ CCCD online Dự thảo Luật CCCD sửa đổi quy định về Trình tự, thủ tục đổi, cấp lại thẻ căn cước công dân như sau: Việc cấp lại thẻ căn cước công dân được thực hiện trực tuyến trên cổng dịch vụ công quốc gia. Cơ quan quản lý căn cước công dân sử dụng thông tin đã cấp thẻ căn cước công dân lần gần nhất để cấp lại thẻ căn cước công dân. Việc cấp đổi thẻ căn cước công dân thực hiện các thủ tục theo quy định tại Điều 24 của Luật Căn cước công dân. Ngoài ra, việc đổi thẻ căn cước công dân do thay đổi thông tin trong các trường hợp: thay đổi thông tin về họ, chữ đệm, tên; ngày, tháng sinh; xác định lại giới tính hoặc chuyển đổi giới tính theo quy định của luật; có sai sót về thông tin trên thẻ căn cước công dân mà thông tin đó chưa được cập nhật, chỉnh sửa trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì công dân phải xuất trình các giấy tờ hợp pháp về những thông tin đã được thay đổi để thực hiện thủ tục cập nhật, chỉnh sửa thông tin vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đối với các trường hợp cấp đổi thẻ căn cước công dân thì phải thu lại thẻ căn cước công dân đã sử dụng. Thời hạn cấp, đổi, cấp lại thẻ CCCD Về thời hạn cấp, đổi, cấp lại thẻ CCCD, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định tại Luật này, cơ quan quản lý căn cước phải cấp, đổi, cấp lại thẻ căn cước công dân cho công dân trong thời hạn 07 ngày làm việc. Nơi làm thủ tục cấp, đổi, cấp lại thẻ CCCD Thực hiện thủ tục cấp, đổi, cấp lại thẻ CCCD tại: - Cơ quan quản lý căn cước Công an cấp huyện hoặc Công an cấp tỉnh nơi công dân cư trú. - Cơ quan quản lý căn cước của Bộ Công an đối với những trường hợp do thủ trưởng Cơ quan quản lý căn cước của Bộ Công an quyết định. - Cơ quan quản lý căn cước có thẩm quyền tổ chức làm thủ tục cấp thẻ căn cước công dân tại xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị hoặc tại chỗ ở của công dân trong trường hợp cần thiết. Thẩm quyền cấp, đổi, cấp lại thẻ CCCD Thủ trưởng cơ quan quản lý căn cước của Bộ Công an có thẩm quyền cấp, đổi, cấp lại thẻ CCCD. Xem chi tiết tại Dự thảo Luật CCCD sửa đổi.
Quy định mới về thủ tục nhận BHXH 1 lần từ 01/01/2023
Căn cứ theo Quyết định 3612/QĐ-BHXH quy định về việc áp dụng thí điểm xác thực chữ ký số trong quy trình giải quyết hưởng BHXH 1 lần trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Tuy nhiên, không phải bất kì ai cũng có thể lãnh tiền BHXH 1 lần online thông qua Cổng dịch vụ quốc gia Theo khoản 1 Điều 2 Quyết định 3612/QĐ-BHXH quy định đối tượng áp dụng như sau: 1. Người lao động là người hưởng bảo hiểm xã hội một lần, đã được cấp sổ BHXH theo quy định tại Quyết định số 1188/QĐ-BHXH ngày 24/5/2022 của Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam sửa đổi, bổ sung một số điều quy trình thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; quản lý sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế ban hành kèm theo Quyết định số 595/QĐ-BHXH ngày 14/4/2017 và Quyết định số 505/QĐ-BHXH ngày 27/3/2020 của Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, có tài khoản trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia và chữ ký số tích hợp trong ứng dụng trên thiết bị di động, có yêu cầu thực hiện thủ tục hành chính trên Cổng Dịch vụ công. Do đó, thủ tục nhận BHXH 1 lần online chỉ áp dụng đối với người lao động thuộc diện hưởng BHXH mà đáp ứng đồng thời các điều kiện sau: - Đã được cấp sổ BHXH bản điện tử. - Có tài khoản trên Cổng dịch vụ công Quốc gia và chữ ký số tích hợp trong ứng dụng trên thiết bị di động.
Thay đổi cách thức gửi hồ sơ đề nghị làm dịch vụ chi trả ngoại tệ
Ngày 30/12/2022, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư 24/2022/TT-NHNN sửa đổi một số thông tư quy định về thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý ngoại hối. Theo đó, thay đổi nguyên tắc lập và gửi hồ sơ đề nghị chấp thuận làm dịch vụ nhận và chi, trả ngoại tệ như sau: 1. Nguyên tắc lập và gửi hồ sơ làm dịch vụ chi trả ngoại tệ Cụ thể, sửa đổi Điều 9 Thông tư 34/2015/TT-NHNN quy định nguyên tắc lập và gửi hồ sơ đề nghị chấp thuận làm dịch vụ nhận và chi, trả ngoại tệ như sau: Nguyên tắc 1: Tổ chức gửi 01 bộ hồ sơ thực hiện thủ tục hành chính theo quy định tại Thông tư 34/2015/TT-NHNN và nhận kết quá thủ tục hành chính theo một trong ba cách thức sau: (1) Trực tuyến qua Cổng dịch vụ công quốc gia hoặc trên Công dịch vụ công Ngân hàng Nhà nước (trừ Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam). (2) Trực tiếp tại Bộ phận Một cửa NHNN hoặc Bộ phận Một cửa NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố nơi tổ chức đặt trụ sở chính. (3) Gửi qua dịch vụ bưu chính. (So với hiện hành, thì Thông tư 24/2022/TT-NHNN đã bổ sung thêm 3 cách thức gửi hồ sơ đề nghị nhận và chi, trả ngoại tệ). Nguyên tắc 2: Trường hợp gửi hồ sơ trực tuyến qua Công dịch vụ công quốc gia hoặc trên Cổng dịch vụ công NHNN, hồ sơ điện tử được sử dụng chữ ký số theo quy định của pháp luật về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử. Hệ thống cổng dịch vụ công quốc gia hoặc Công dịch vụ công NHNN gặp sự cố hoặc có lỗi thì thực hiện qua dịch vụ bưu chính hoặc trực tiếp tại Bộ phận Một cửa NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố nơi tổ chức đặt trụ sở chính. Nguyên tắc 3: Các tài liệu trong hồ sơ điện tử là bàn điện từ quét từ bản gốc, bàn chính (tập tin định dạng PDF) hoặc được khai trên Công dịch vụ công NHNN. Nguyên tắc 4: Các tài liệu trong hồ sơ giấy là bản gốc, bản chính hoặc bản sao có xác nhận của tổ chức về việc sao từ bản chính. Nguyên tắc 5: Bản dịch tiếng Việt của các tài liệu tiếng nước ngoài là bản dịch do tổ chức tự dịch hoặc thông qua một tổ chức cung cấp dịch vụ dịch thuật. Tổ chức xác nhận về tính chính xác của bản dịch tiếng Việt và nội dung bằng tiếng nước ngoài. Nguyên tắc 6: Tổ chức chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của các thông tin nêu tại hồ sơ đề nghị. 2. Gửi hồ sơ đăng ký giao dịch ngoại hối đầu tư ra nước ngoài Sửa đổi khoản 2 Điều 10 Thông tư 12/2016/TT- NHNN về trình tự thực hiện thủ tục đăng ký giao dịch ngoại hối liên quan đến hoạt động đầu tư ra nước ngoài như sau: Nhà đầu tư gửi 01 bộ hồ sơ đăng ký giao dịch ngoại hối liên quan đến hoạt động đầu tư ra nước ngoài đến cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại Điều 8, Điều 9 Thông tư 12/2016/TT- NHNN theo một trong ba cách thức sau: - Nộp trực tuyến qua Cổng dịch vụ công quốc gia hoặc trên Công dịch vụ công Ngân hàng Nhà nước (trừ trường hợp nhà đầu tư là tổ chức tín dụng). - Nộp trực tiếp tại Bộ phận Một cửa Ngân hàng Nhà nước (đối với nhà đầu tư là tổ chức tín dụng) hoặc tại Bộ phận Một cửa Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố (đổi với nhà đầu tư không phải là tổ chức tín dụng). - Gửi qua dịch vụ bưu chính. (So với hiện hành thì bên cạnh việc gửi hồ sơ bằng bưu điện thì có thể gửi qua dịch vụ công quốc gia hoặc tại Bộ phận Một cửa của NHNN). Đồng thời, bổ sung khoản 2a, 2b, 2c Thông tư 12/2016/TT- NHNN như sau: 2a. Trường hợp gửi hồ sơ trực tuyến qua cổng dịch vụ công quốc gia hoặc trên Cổng dịch vụ công Ngân hàng Nhà nước, hồ sơ điện tử được sử dụng chữ ký số theo quy định của pháp luật về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử. Trường hợp hệ thống cổng dịch vụ công quốc gia hoặc cống dịch vụ công Ngân hàng Nhà nước gặp sự cố hoặc có lỗi không thể tiếp nhận, trao đổi thông tin điện tử, việc khai, gửi, tiếp nhận, trả kết quả, trao đổi, phản hồi thông tin được thực hiện qua dịch vụ bưu chính hoặc trực tiếp tại Bộ phận Một cửa Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố theo thẩm quyền quy định tại Điều 8 Thông tư 12/2016/TT- NHNN. 2b. Các tài liệu trong hồ sơ điện tử là bản điện tử quét từ bản gốc, bản chính (tập tin định dạng PDF) hoặc được khai trên cổng dịch vụ công Ngân hàng Nhà nước. 2c. Nhà đầu tư chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của các thông tin nêu tại hồ sơ đăng ký giao dịch ngoại hối liên quan đến hoạt động đầu tư ra nước ngoài. Chi tiết Thông tư 24/2022/TT-NHNN có hiệu lực ngày 15/02/2023 sửa đổi Thông tư 34/2015/TT-NHNN, Thông tư 12/2016/TT- NHNN.
Thí điểm giải quyết trợ cấp mai táng theo thủ tục online
Đây là nội dung tại Quy trình ban hành kèm theo Quyết định 3504/QĐ-BHXH ngày 21/11/2022 quy trình thí điểm giải quyết hưởng và chi trả trợ cấp mai táng theo thủ tục trên Cổng Dịch vụ công quốc gia Cụ thể, quy trình giải quyết hưởng và chi trả trợ cấp mai táng được theo thủ tục trên Cổng Dịch vụ công quốc gia quy định như sau: 1. Về quá trình tiếp nhận hồ sơ Cán bộ bộ phận Một cửa truy cập phần mềm Tiếp nhận và quản lý hồ sơ, nhận trích lục khai tử điện tử và Mẫu số 02 do cổng dịch vụ công Quốc gia chuyển đến qua phần mềm dịch vụ công liên thông. Kiểm tra các thông tin kê khai trên Mẫu số 02 với cơ sở dữ liệu đóng, hưởng BHXH do ngành BHXH quản lý và gửi thông báo giải quyết hồ sơ giao dịch điện tử và trả kết quả đối với hồ sơ giao dịch điện tử (mẫu số 03/TB- GDĐT) theo quy định tại Quyết định 838/QĐ-BHXH cho người dân và phản hồi trạng thái xử lý cho cổng dịch vụ công Quốc gia. Chuyển toàn bộ hồ sơ đã tiếp nhận cho Tổ Thực hiện chính sách BHXH/Phòng Chế độ BHXH nếu hồ sơ đạt yêu cầu. 2. Trả kết quả giải quyết (1) Trả kết quả là Quyết định về việc hưởng trợ cấp mai táng Bộ phận Một cửa tiếp nhận hồ sơ đã được giải quyết từ Tổ Thực hiện chính sách BHXH/Phòng chế độ BHXH để trả cho người dân gồm: - Quyết định về việc hưởng trợ cấp mai táng (mẫu số 08A-HSB hoặc 08B-HSB). - Bản điện tử được gửi vào kho quản lý dữ liệu điện tử của cá nhân trên cổng dịch vụ công Quốc gia. - Bản giấy (nếu có) được gửi theo hình thức đăng ký nhận kết quả. Trường hợp người nhận trợ cấp mai táng đăng ký nhận kết quả giải quyết tại bộ phận Một cửa của cơ quan BHXH: Cán bộ tại bộ phận Một cửa điện thoại trực tiếp và thông báo cho người hưởng đến nhận kết quả tại bộ phận Một cửa của cơ quan BHXH. Khi đến nhận kết quả mang theo CMND/CCCD để đối chiếu; khi nhận kết quả phải ký nhận trên sổ theo dõi trả kết quả. (2) Trả kết quả là tiền trợ cấp mai táng *Tổ/Phòng Kế hoạch - Tài Chính: Tiếp nhận Danh sách, thực hiện quy trình chi trả đối với trường hợp nhận trợ cấp bằng tiền mặt. Trường hợp chi trả qua tài khoản cá nhân thực hiện như sau: - Chuyển tiền ngay vào tài khoản của cá nhân đã đãng ký đối với trường hợp người nhận trợ cấp mai táng đồng thời là người kê khai. - Thực hiện chi trả tiền trợ cấp mai táng qua tài khoản cá nhân đối với trường hợp người nhận trợ cấp không phải là người kê khai sau khi người nhận trợ cấp đã được bộ phận Một cửa xác thực danh tính. *Bộ phận Một cửa: Thực hiện kiểm tra, đối chiếu khi chi trả trợ cấp mai táng như sau: - Trường hợp nhận trợ cấp mai táng trực tiếp bằng tiền mặt tại cơ quan BHXH: Cán bộ bộ phận Một cửa thực hiện đối chiếu CMND/CCCD theo các thông tin người nhận trợ cấp mai táng; nếu thông tin khớp đúng thì scan hình ảnh CMND/CCCD, lưu trữ cùng hồ sơ giải quyết hưởng trợ cấp mai táng và thực hiện chi trả bằng tiền mặt. - Trường hợp người nhận trợ cấp mai táng qua tài khoản cá nhân: Khi người hưởng đến bộ phận Một cửa để xác thực danh tính, cán bộ bộ phận Một cửa thực hiện đối chiếu CMND/CCCD với các thông tin của người nhận trợ cấp mai táng trên hồ sơ hưởng trợ cấp mai táng. Nếu thông tin khớp đúng thì scan hình ảnh CMND/CCCP, lưu trữ cùng hồ sơ giải quyết hưởng trợ cấp mai táng và thông tin cho Tổ/Phòng Kế hoạch - Tài Chính để thực hiện chuyển tiền ngay vào tài khoản cá nhân. Thời hạn giải quyết: Không quá 10 ngày, kể từ ngày nhận đủ thông tin, dữ liệu, hồ sơ hợp lệ. Xem thêm Quyết định 3504/QĐ-BHXH có hiệu lực từ 21/11/2022 đến ngày 20/11/2022.
Công bố 60 TTHC thuộc quản lý Bộ TN&MT đủ điều kiện thực hiện trực tuyến toàn trình
Ngày 14/10/2024, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (BTNMT) đã ban hành Quyết định 3290/QĐ-BTNMT công bố 19 thủ tục hành chính (TTHC) đủ điều kiện thực hiện trực tuyến toàn trình. Theo đó, thông qua Quyết định 3290/QĐ-BTNMT, Bộ trưởng BTNMT đã công bố 02 danh mục TTHC đủ điều kiện thực hiện trực tuyến toàn trình bao gồm: - Danh mục TTHC đủ điều kiện thực hiện trực tuyến toàn trình cấp Trung ương (41 TTHC) - Danh mục TTHC đủ điều kiện thực hiện trực tuyến toàn trình cấp tỉnh (19 TTHC) (1) 41 TTHC đủ điều kiện thực hiện trực tuyến toàn trình cấp Trung ương Danh mục 41 TTHC đủ điều kiện thực hiện trực tuyến toàn trình cấp Trung ương được quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Quyết định 3290/QĐ-BTNMT, bao gồm: Lĩnh vực môi trường: - Cấp Giấy chứng nhận an toàn sinh học đối với cây trồng biến đổi gen. - Cho phép đưa nguồn gen ra nước ngoài phục vụ học tập, nghiên cứu không vì mục đích thương mại. - Đăng ký tiếp cận nguồn gen - Cấp Giấy phép tiếp cận nguồn gen. - Gia hạn Giấy phép tiếp cận nguồn gen - Chấp thuận liên kết để chuyển giao chất thải nguy hại không có trong Giấy phép môi trường. - Đăng ký vận chuyển xuyên biên giới chất thải nguy hại (Chấp thuận đăng ký vận chuyển xuyên biên giới chất thải nguy hại theo Công ước Basel về kiểm soát vận chuyển xuyên biên giới chất thải nguy hại và việc tiêu hủy chúng). - Cấp đổi giấy phép môi trường. - Cấp điều chỉnh giấy phép môi trường (khi có thay đổi một trong các nội dung cấp phép không thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 3 và khoản 4 Điều 30 Nghị định 08/2022/NĐ-CP) Lĩnh vực biến đổi khí hậu: - Công nhận Bên thứ ba (TPE) của dự án JCM. - Tự nguyện rút công nhận Bên thứ ba (TPE). - Phê duyệt phương pháp luận/phê duyệt phương pháp luận sửa đổi, bổ sung. - Đăng ký, phê duyệt dự án JCM. - Phê duyệt Tài liệu thiết kế dự án (PDD) sửa đổi, bổ sung. - Hủy đăng ký hoặc thôi không tham gia dự án JCM. - Cấp tín chỉ cho dự án JCM. - Hủy yêu cầu cấp tín chỉ cho dự án JCM. - Xác nhận tín chỉ các- bon, hạn ngạch phát thải khí nhà kính được giao dịch trên sàn giao dịch của thị trường các-bon trong nước. - Đăng ký chương trình, dự án theo cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các bon. - Đăng ký sử dụng, phân bổ hạn ngạch sản xuất, nhập khẩu các chất được kiểm soát. - Điều chỉnh, bổ sung hạn ngạch sản xuất, nhập khẩu các chất được kiểm soát. - Điều chỉnh nội dung Thư phê duyệt PDD hoặc PoA-DD. Lĩnh vực khí tượng thủy văn: - Khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn. - Xin phép trao đổi thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn, giám sát biến đổi khí hậu với tổ chức quốc tế, tổ chức, cá nhân nước ngoài. - Tạm dừng hiệu lực giấy phép thăm dò nước dưới đất, giấy phép khai thác tài nguyên nước. - Trả lại giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất quy mô lớn. - Thẩm định phương án điều chỉnh quy trình vận hành liên hồ chứa. - Tính tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước đối với công trình cấp cho sinh hoạt đã đi vào vận hành và được cấp giấy phép khai thác tài nguyên nước nhưng chưa được phê duyệt tiền cấp quyền. - Cấp lại Giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất quy mô lớn. - Tính tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước đối với công trình chưa vận hành. - Tính tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước đối với công trình đã vận hành. - Điều chỉnh tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước. - Trả lại giấy phép thăm dò nước dưới đất, giấy phép khai thác tài nguyên nước. - Cấp lại giấy phép thăm dò nước dưới đất, giấy phép khai thác tài nguyên nước. Lĩnh vực đo đạc và bản đồ: - Cung cấp thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ. - Cấp lại Giấy phép hoạt động đo đạc và bản đồ. - Cấp đổi Giấy phép hoạt động đo đạc và bản đồ. - Lĩnh vực đất đai. - Cung cấp thông tin, dữ liệu đất đai. - Cung cấp thông tin, dữ liệu ảnh viễn thám. Lĩnh vực biển và hải đảo: Khai thác và sử dụng cơ sở dữ liệu tài nguyên, môi trường biển và hải đảo thông qua mạng điện tử. Lĩnh vực địa chất và khoáng sản: Cung cấp, khai thác, sử dụng dữ liệu về địa chất, khoáng sản. Như vậy, từ ngày 14/10/2024, tổ chức, cá nhân có thể thực hiện các TTHC kể trên thông qua Cổng dịch vụ công Quốc gia. (2) 19 TTHC đủ điều kiện thực hiện trực tuyến toàn trình cấp tỉnh Danh mục 19 TTHC đủ điều kiện thực hiện trực tuyến toàn trình cấp tỉnh được quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Quyết định 3290/QĐ-BTNMT, bao gồm: Lĩnh vực tài nguyên nước: - Tạm dừng hiệu lực giấy phép thăm dò nước dưới đất, giấy phép khai thác tài nguyên nước - Trả lại giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất quy mô vừa và nhỏ. - Lấy ý kiến về phương án bổ sung nhân tạo nước dưới đất. - Lấy ý kiến về kết quả vận hành thử nghiệm bổ sung nhân tạo nước dưới đất. - Tính tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước đối với công trình cấp cho sinh hoạt đã đi vào vận hành và được cấp giấy phép khai thác tài nguyên nước nhưng chưa được phê duyệt tiền cấp quyền. - Cấp lại Giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất quy mô vừa và nhỏ. - Trả lại giấy phép thăm dò nước dưới đất, giấy phép khai thác tài nguyên nước. - Tính tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước đối với công trình chưa vận hành. - Tính tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước đối với công trình đã vận hành. - Điều chỉnh tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước. - Trả lại giấy phép thăm dò nước dưới đất, giấy phép khai thác tài nguyên nước. - Cấp lại giấy phép thăm dò nước dưới đất, giấy phép khai thác tài nguyên nước. Lĩnh vực đo đạc và bản đồ: - Cung cấp thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ. Lĩnh vực đất đai: - Cung cấp thông tin, dữ liệu đất đai. - Đăng ký đất đai lần đầu đối với trường hợp được Nhà nước giao đất để quản lý. - Cấp lại Giấy chứng nhận do bị mất. Lĩnh vực Biển và Hải đảo: - Khai thác và sử dụng cơ sở dữ liệu tài nguyên, môi trường biển và hải đảo thông qua mạng điện tử. Lĩnh vực môi trường: - Cấp đổi giấy phép môi trường. - Cấp điều chỉnh giấy phép môi trường. Kể từ 14/10/2024, tổ chức, cá nhân có nhu cầu làm thủ tục 19 TTHC nêu trên đã có thể thực hiện trực tuyến toàn trinh tại Cổng Dịch vụ công.
Hướng dẫn thủ tục chứng thực bản sao điện tử từ bản chính mới nhất
Chứng thực bản sao điện tử từ bản chính là việc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền căn cứ vào bản chính dạng văn bản giấy để chứng thực bản sao bằng hình thức điện tử là đúng với bản chính. Bài viết sau đây sẽ hướng dẫn chi tiết thủ tục trên. Quy định về thủ tục chứng thực bản sao điện tử từ bản chính Theo Điều 10 Nghị định 45/2020/NĐ-CP quy định về yêu cầu cấp bản sao điện tử có giá trị pháp lý như sau: Đối với các giấy tờ, tài liệu chưa được số hóa, lưu giữ, kết nối, chia sẻ thông tin với Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công, Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh, tùy theo nhu cầu, tổ chức, cá nhân yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp bản sao điện tử theo hai cách: - Yêu cầu cấp bản sao điện tử từ sổ gốc; - Yêu cầu chứng thực bản sao điện tử từ bản chính giấy tờ, tài liệu. Theo đó, thủ tục yêu cầu chứng thực bản sao điện tử từ bản chính giấy tờ, tài liệu được quy định như sau: Trường hợp tổ chức, cá nhân yêu cầu chứng thực bản sao điện tử từ bản chính, thẩm quyền, địa điểm, giấy tờ, văn bản làm cơ sở để thực hiện, trách nhiệm của người yêu cầu chứng thực và người thực hiện chứng thực, thời hạn thực hiện và việc gia hạn thời hạn, lệ phí và các chi phí khác, chế độ lưu trữ thực hiện theo quy định của pháp luật về chứng thực bản sao từ bản chính. Thủ tục chứng thực bản sao điện tử từ bản chính được thực hiện như sau: - Tổ chức, cá nhân xuất trình bản chính giấy tờ, tài liệu làm cơ sở để chứng thực bản sao. Trong trường hợp bản chính giấy tờ, tài liệu do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài cấp, công chứng hoặc chứng nhận thì phải được hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định của pháp luật trước khi yêu cầu chứng thực bản sao; trừ trường hợp được miễn hợp pháp hóa lãnh sự theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc theo nguyên tắc có đi, có lại. - Người thực hiện chứng thực kiểm tra bản chính, chụp điện tử bản chính, nhập lời chứng chứng thực bản sao từ bản chính và thực hiện ký số của người thực hiện chứng thực, cơ quan có thẩm quyền chứng thực và cập nhật vào sổ chứng thực. Bản sao điện tử được chứng thực từ bản chính dạng văn bản giấy theo quy định tại Nghị định này có giá trị sử dụng thay cho bản chính đã dùng để đối chiếu chứng thực trong các giao dịch, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Như vậy, thủ tục chứng thực bản sao điện tử từ bản chính sẽ được thực hiện theo quy định trên. Sau đây là hướng dẫn chi tiết các bước của thủ tục chứng thực bản sao điện tử từ bản chính mới nhất. Hướng dẫn thủ tục chứng thực bản sao điện tử từ bản chính mới nhất Hiện nay, thủ tục chứng thực bản sao điện tử từ bản chính được thực hiện trên Cổng dịch vụ công quốc gia như sau: Bước 1: Truy cập vào Cổng dịch vụ công quốc gia qua trang web https://dichvucong.gov.vn/p/home/dvc-trang-chu.html và đăng nhập (hoặc đăng ký tài khoản nếu chưa có). Bước 2: Tại mục "Thông tin và dịch vụ", chọn "Dịch vụ công nổi bật". Chọn thủ tục "Thủ tục chứng thực bản sao từ bản chính giấy tờ, văn bản do cơ quan tổ chức có thẩm quyền của Việt Nam cấp hoặc chứng nhận". Bước 3: Tại màn hình hướng dẫn thông tin, chọn UBND cấp xã hoặc Phòng Tư pháp cấp huyện để đăng ký đặt lịch hẹn chứng thực, sau đó chọn "Đồng ý". Bước 4: Tại màn hình đặt lịch hẹn, chọn loại giấy tờ cần chứng thực và ngày hẹn, giờ hẹn. Đối với những ngày, giờ hẹn nào đã đủ lượt đặt lịch hẹn, hệ thống tự động ẩn đi. Bước 5: Chọn "Đặt lịch hẹn", hệ thống hiển thị thông báo thành công và mã lịch hẹn. Bước 6: Đến cơ quan đã đăng ký chứng thực theo lịch hẹn, mang theo bản chính giấy tờ cần chứng thực và nộp lệ phí chứng thực. Sau đó, nhận kết quả chứng thực bản sao điện tử. Như vậy, trên đây là hướng dẫn thủ tục chứng thực bản sao điện tử từ bản chính mới nhất, người đọc có thể tham khảo để có thể thực hiện thủ tục đễ dàng hơn.
Quy trình xử lý vi phạm giao thông đường bộ mới nhất 2024
Đi cùng với quy định về sử dụng GPLX trên VNeID, Thông tư 28/2024/TT-BCA đã sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư 32/2023/TT-BCA, theo đó bổ sung quy trình xử lý vi phạm giao thông đường bộ mới nhất. Quy trình xử lý vi phạm giao thông đường bộ mới nhất 2024 1) Xử lý vi phạm giao thông đường bộ tại trụ sở Theo khoản 1 Điều 27 Thông tư 32/2023/TT-BCA được sửa đổi bởi khoản 6 Điều 1 Thông tư 28/2024/TT-BCA, khi người vi phạm đến giải quyết vi phạm thì thực hiện như sau: Bước 1: Cán bộ có thẩm quyền tiếp nhận biên bản vi phạm hành chính - Cán bộ có thẩm quyền: + Tiếp nhận biên bản vi phạm hành chính từ người vi phạm và đối chiếu với hồ sơ vi phạm (trường hợp làm mất biên bản vi phạm hành chính, phải đối chiếu kỹ thông tin về nhân thân của người vi phạm với hồ sơ vi phạm); + Không giải quyết vụ việc đối với người trung gian (trừ trường hợp được ủy quyền theo quy định của pháp luật) hoặc ngoài vị trí quy định giải quyết vi phạm hành chính của đơn vị. - Đối với vụ việc cần xác minh làm rõ, thì báo cáo đề xuất người có thẩm quyền tổ chức xác minh; Bước 2: Thông báo mức xử phạt đến người vi phạm Sau khi đã đối chiếu hồ sơ, cán bộ có thẩm quyền tiến hành: - Thông báo hình thức, mức xử phạt, biện pháp ngăn chặn, biện pháp khác, kết quả thu thập được hành vi vi phạm bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ theo quy định; - Trường hợp giấy phép, chứng chỉ hành nghề đã được tích hợp, cập nhật trong căn cước điện tử, tài khoản định danh điện tử trên Ứng dụng định danh quốc gia, cơ sở dữ liệu do Bộ Công an quản lý: Khi áp dụng hình thức tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề, người có thẩm quyền thực hiện việc tước giấy tờ trên môi trường điện tử, cập nhật thông tin về việc tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề đó trên hệ thống cơ sở dữ liệu xử lý vi phạm hành chính và đồng bộ với Ứng dụng định danh quốc gia, cơ sở dữ liệu do Bộ Công an quản lý để người vi phạm, chủ phương tiện (đối với giấy tờ của chủ phương tiện) biết, chấp hành theo quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, phục vụ các lực lượng chức năng có thẩm quyền kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm Bước 3: Người vi phạm nhận quyết định xử phạt Cán bộ sẽ gửi quyết định xử phạt vi phạm hành chính cho người bị xử phạt hoặc người đại diện hợp pháp, người được ủy quyền của người bị xử phạt Bước 4: Người vi phạm nộp tiền phạt và giao nộp biên lai Sau khi người vi phạm đã nộp phạt theo quy định thì cán bộ sẽ tiếp nhận, kiểm tra, đối chiếu biên lai thu tiền phạt (hoặc chứng từ thu, nộp tiền phạt khác theo quy định của pháp luật) với hồ sơ vi phạm hành chính và lưu hồ sơ; Bước 5: Trả lại cho người vi phạm những đồ bị tạm giữ, tước quyền sử dụng Sau khi đã lưu hồ sơ đầy đủ, cán bộ sẽ trả lại tang vật, phương tiện, giấy tờ bị tạm giữ, tước quyền sử dụng theo thủ tục hành chính cho người bị xử phạt. Trường hợp giấy tờ đó có thông tin bị tạm giữ hoặc tước quyền sử dụng trên Ứng dụng định danh quốc gia, cơ sở dữ liệu do Bộ Công an quản lý thì người có thẩm quyền ra quyết định, lập biên bản trả lại giấy tờ cho người bị xử phạt; Hệ thống cơ sở dữ liệu xử lý vi phạm hành chính thực hiện đồng bộ thông tin với Ứng dụng định danh quốc gia, cơ sở dữ liệu do Bộ Công an quản lý để gỡ bỏ nội dung thông tin về việc tạm giữ, tước quyền sử dụng giấy tờ đó Ngoài ra, trường hợp giải quyết vụ việc theo thông báo vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ: Kiểm tra, đối chiếu các thông tin trên giấy thông báo, giấy tờ tùy thân; cho người vi phạm xem kết quả thu thập được hành vi vi phạm bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ; lập biên bản vi phạm hành chính và thực hiện xử lý vi phạm theo quy định. 2) Xử lý vi phạm giao thông đường bộ qua Cổng dịch vụ công Quốc gia, Cổng dịch vụ công Bộ Công an Theo khoản 2 Điều 27 Thông tư 32/2023/TT-BCA được sửa đổi bởi khoản 6 Điều 1 Thông tư 28/2024/TT-BCA, trường hợp người vi phạm thực hiện việc nộp tiền xử phạt vi phạm hành chính qua Cổng dịch vụ công Quốc gia, Cổng dịch vụ công Bộ Công an thì thực hiện như sau: Bước 1: Người vi phạm được thông báo xử phạt qua Cổng dịch vụ công Người có thẩm quyền xử phạt gửi thông tin xử phạt lên Cổng dịch vụ công; Cổng dịch vụ công tự động thông báo cho người vi phạm tra cứu thông tin quyết định xử phạt vi phạm hành chính thông qua số điện thoại người vi phạm đã đăng ký với cơ quan Công an tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính Bước 2: Người vi phạm truy cập vào Cổng dịch vụ công nộp phạt Sau khi nhận được thông báo, người vi phạm truy cập vào Cổng dịch vụ công thông qua số quyết định xử phạt vi phạm hành chính đã được thông báo hoặc số biên bản vi phạm hành chính để tra cứu thông tin quyết định xử phạt vi phạm hành chính; Nộp tiền xử phạt vi phạm hành chính, đăng ký nhận lại giấy tờ bị tạm giữ qua dịch vụ bưu chính công ích. Bước 3: Cán bộ có thẩm quyền tra cứu biên lai đóng tiền phạt Sau khi người vi phạm đã đóng tiền phạt, người có thẩm quyền xử phạt tra cứu biên lai điện tử thu tiền xử phạt vi phạm hành chính được hệ thống cổng dịch vụ công gửi về để in, lưu hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính và làm căn cứ trả lại giấy tờ bị tạm giữ, gỡ bỏ nội dung thông tin về việc tạm giữ trên Ứng dụng định danh quốc gia, cơ sở dữ liệu do Bộ Công an quản lý theo quy định. Bước 4: Trả lại giấy tờ bị tạm giữ, bị tước Sau khi đã lưu thành công hồ sơ của người vi phạm, người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trả lại giấy tờ bị tạm giữ, bị tước (khi hết thời hạn tước quyền sử dụng) cho người bị xử phạt qua dịch vụ bưu chính công ích. Trường hợp giấy tờ đó có thông tin về việc bị tạm giữ, tước quyền sử dụng trên Ứng dụng định danh quốc gia, cơ sở dữ liệu do Bộ Công an quản lý thì hệ thống cơ sở dữ liệu xử lý vi phạm hành chính thực hiện đồng bộ thông tin với Ứng dụng định danh quốc gia, cơ sở dữ liệu do Bộ Công an quản lý để gỡ bỏ nội dung thông tin về việc tạm giữ, tước quyền sử dụng giấy tờ đó. 3) Xử lý vi phạm giao thông đường bộ qua dịch vụ bưu chính công ích Theo khoản 3 Điều 27 Thông tư 32/2023/TT-BCA, hình thức xử lý vi phạm này không có sự thay đổi so với trước đây. Theo đó, trường hợp người vi phạm thực hiện nộp phạt vi phạm hành chính thông qua dịch vụ bưu chính công ích thì vẫn thực hiện theo quy định tại Điều 20 Nghị định 118/2021/NĐ-CP. Như vậy, kể từ ngày 01/7/2024 này thì quy trình xử lý vi phạm giao thông đường bộ mới nhất sẽ có sự thay đổi, đó là thêm trường hợp giấy tờ bị tạm giữ hoặc tước quyền sử dụng trên VNeID (Ứng dụng định danh quốc gia), cơ sở dữ liệu do Bộ Công an quản lý. Nếu người vi phạm không chấp hành quyết định xử phạt thì giải quyết thế nào? Theo khoản 4 Điều 27 Thông tư 32/2023/TT-BCA, trường hợp người vi phạm không chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính hoặc đã quá thời hạn hẹn đến giải quyết vụ việc vi phạm ghi trong biên bản vi phạm hành chính hoặc văn bản thông báo của người có thẩm quyền xử phạt mà chủ phương tiện, người vi phạm chưa đến giải quyết, xử lý (đối với phương tiện giao thông có quy định phải kiểm định) thì: Người có thẩm quyền xử phạt gửi thông báo cho cơ quan Đăng kiểm để phối hợp xử lý theo quy định tại Nghị định 139/2018/NĐ-CP và Nghị định 100/2019/NĐ-CP. Như vậy, trường hợp người vi phạm không chấp hành quyết định xử phạt vi phạm giao thông hoặc đã quá thời hạn hẹn mà không giải quyết vi phạm thì sẽ bị xử lý theo quy định về đăng kiểm và quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông.
Thủ tục cấp, cấp đổi thẻ căn cước trên VNeID từ 01/7/2024
Nghị định Nghị định 70/2024/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Căn cước 2023 sẽ có hiệu lực từ 01/7/2024. Trong đó, quy định chi tiết thủ tục cấp, cấp đổi thẻ căn cước trên VNeID. Thủ tục cấp, cấp đổi thẻ căn cước trên VNeID từ 01/7/2024 Theo khoản 2 Điều 21 Nghị định 70/2024/NĐ-CP đã quy định trình tự, thủ tục cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước thông qua Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công Bộ Công an, ứng dụng định danh quốc gia như sau: - Công dân lựa chọn thủ tục, kiểm tra thông tin của mình được khai thác trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Trường hợp thông tin chính xác: + Công dân đăng ký thời gian và cơ quan quản lý căn cước để thực hiện thủ tục, hệ thống sẽ xác nhận và tự động chuyển đề nghị của công dân đến cơ quan quản lý căn cước nơi công dân đề nghị cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước. + Công dân đến cơ quan quản lý căn cước theo thời gian, địa điểm đã đăng ký để thực hiện thủ tục cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước theo trình tự, thủ tục tại cơ quan quản lý căn cước. - Trường hợp bị mất thẻ căn cước hoặc thẻ căn cước bị hư hỏng không sử dụng được: Công dân lựa chọn thủ tục cấp lại, kiểm tra thông tin của mình được khai thác trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Trường hợp thông tin chính xác: Công dân xác nhận chuyển hồ sơ đề nghị cấp lại thẻ căn cước đến cơ quan quản lý căn cước xem xét, giải quyết việc cấp lại thẻ căn cước theo quy định tại khoản 4 Điều 25 Luật Căn cước 2023; - Trường hợp người đại diện hợp pháp thực hiện thủ tục cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước cho người dưới 06 tuổi: Công dân lựa chọn thủ tục, kiểm tra thông tin của người dưới 06 tuổi trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Trường hợp thông tin chính xác: Người đại diện hợp pháp xác nhận chuyển hồ sơ đề nghị đến cơ quan quản lý căn cước xem xét, giải quyết việc cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước. Đồng thời cần lưu ý: Trường hợp công dân không đến nơi làm thủ tục cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước theo thời gian, địa điểm đã đăng ký hẹn làm việc với cơ quan quản lý căn cước để thực hiện thủ tục cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước thì hệ thống tiếp nhận yêu cầu của công dân sẽ tự động hủy lịch hẹn công dân đã đăng ký khi hết ngày làm việc. Nếu công dân tiếp tục có nhu cầu cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước thì đăng ký hẹn lại. Như vậy, từ ngày 01/7/2024 thì người dân có thể đăng ký cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước thông qua Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công Bộ Công an hoặc ứng dụng VNeID theo thủ tục trên. Những cơ quan nào sẽ làm thủ tục cấp, cấp đổi thẻ căn cước? Theo Điều 27 Luật Căn cước 2023 quy định nơi làm thủ tục cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước như sau: - Cơ quan quản lý căn cước của Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương hoặc cơ quan quản lý căn cước của Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi công dân cư trú. - Cơ quan quản lý căn cước của Bộ Công an đối với những trường hợp do thủ trưởng cơ quan quản lý căn cước của Bộ Công an quyết định. - Trong trường hợp cần thiết, các cơ quan quản lý căn cước quy định trên tổ chức làm thủ tục cấp thẻ căn cước tại xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị hoặc tại chỗ ở của công dân. Như vậy, sẽ có 3 cơ quan làm thủ tục cấp, cấp đổi thẻ căn cước là: - Cơ quan quản lý căn cước của Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương nơi công dân cư trú - Cơ quan quản lý căn cước của Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi công dân cư trú - Cơ quan quản lý căn cước của Bộ Công an. Các trường hợp phải cấp đổi thẻ căn cước từ 01/7/2024 Theo Điều 24 Luật Căn cước 2023 quy định các trường hợp cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước như sau: - Các trường hợp cấp đổi thẻ căn cước bao gồm: + Các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 21 Luật Căn cước 2023: Công dân Việt Nam đã được cấp thẻ căn cước phải thực hiện thủ tục cấp đổi thẻ căn cước khi đủ 14 tuổi, 25 tuổi, 40 tuổi và 60 tuổi. + Thay đổi, cải chính thông tin về họ, chữ đệm, tên khai sinh; ngày, tháng, năm sinh; + Thay đổi nhân dạng; bổ sung thông tin về ảnh khuôn mặt, vân tay; xác định lại giới tính hoặc chuyển đổi giới tính theo quy định của pháp luật; + Có sai sót về thông tin in trên thẻ căn cước; + Theo yêu cầu của người được cấp thẻ căn cước khi thông tin trên thẻ căn cước thay đổi do sắp xếp đơn vị hành chính; + Xác lập lại số định danh cá nhân; + Khi người được cấp thẻ căn cước có yêu cầu. - Các trường hợp cấp lại thẻ căn cước bao gồm: + Bị mất thẻ căn cước hoặc thẻ căn cước bị hư hỏng không sử dụng được, trừ trường hợp quy định tại Điều 21 Luật Căn cước 2023: + Công dân Việt Nam đã được cấp thẻ căn cước phải thực hiện thủ tục cấp đổi thẻ căn cước khi đủ 14 tuổi, 25 tuổi, 40 tuổi và 60 tuổi; + Thẻ căn cước đã được cấp, cấp đổi, cấp lại trong thời hạn 02 năm trước độ tuổi cấp đổi thẻ căn cước quy định tại khoản 1 Điều 24 Luật Căn cước 2023 có giá trị sử dụng đến tuổi cấp đổi thẻ căn cước tiếp theo. + Được trở lại quốc tịch Việt Nam theo quy định của pháp luật về quốc tịch Việt Nam. Như vậy, từ ngày 01/7/2024 nếu công dân thuộc một trong các trường hợp trên thì phải làm thủ tục cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước. Luật Căn cước 2023 và Nghị định 70/2024/NĐ-CP sẽ chính thức có hiệu lực từ 01/7/2024.
Hướng dẫn khai báo tạm trú cho người nước ngoài online mới nhất hiện nay
Người nước ngoài khi tạm trú tại Việt Nam phải thông qua thủ tục khai báo tạm trú tại nơi có cơ sở cư trú. Bài viết này sẽ hướng dẫn khai báo tạm trú cho người nước ngoài online (1) Có bắt buộc người nước ngoài phải khai báo tạm trú không? Căn cứ Điều 33 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014 được sửa đổi bởi khoản 5 Điều 2 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam sửa đổi 2023 quy định khai báo tạm trú như sau: - Người nước ngoài tạm trú tại Việt Nam phải thông qua người trực tiếp quản lý, điều hành hoạt động của cơ sở lưu trú để khai báo tạm trú với Công an xã, phường, thị trấn hoặc đồn, trạm Công an nơi có cơ sở lưu trú - Cơ sở lưu trú có trách nhiệm yêu cầu người nước ngoài xuất trình hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế, giấy tờ liên quan đến cư trú tại Việt Nam để thực hiện khai báo tạm trú trước khi đồng ý cho người nước ngoài tạm trú - Trường hợp đồn, trạm Biên phòng tiếp nhận khai báo tạm trú của người nước ngoài theo quy định của điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên thì đồn, trạm Biên phòng có trách nhiệm thông báo ngay cho Công an xã, phường, thị trấn hoặc đồn, trạm Công an nơi người nước ngoài tạm trú. Như vậy, theo các quy định trên, việc đăng ký tạm trú cho người nước ngoài là thủ tục bắt buộc. Người trực tiếp quản lý, điều hành hoạt động của cơ sở lưu trú có trách nhiệm yêu cầu người nước ngoài xuất trình hộ chiếu hoặc các giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế, giấy tờ liên quan đến cư trú tại Việt nam và thực hiện việc khai báo tạm trú với Công an xã, hoặc đồn trạm Công an gần với mình nhất trước khi đồng ý cho người nước ngoài tạm trú. Theo đó, việc khai báo tạm trú cho người nước ngoài được thực hiện qua môi trường điện tử hoặc phiếu khai báo tạm trú. Trường hợp khai báo qua phiếu khai báo tạm trú, cơ sở lưu trú có trách nhiệm ghi đầy đủ thông tin vào phiếu khai báo tạm trú và chuyển đến Công an xã hoặc đồn, trạm Công an nơi có cơ sở lưu trú trong thời hạn 12 giờ, đối với địa bàn vùng sâu, vùng xa trong thời hạn 24 giờ kể từ khi người nước ngoài đến cơ sở lưu trú. Bên cạnh đó, khi người nước ngoài thay đổi nơi tạm trú hoặc tạm trú ngoài địa chỉ ghi trong thẻ thường trú hoặc khi có sự thay đổi thông tin trong hộ chiếu cũng phải thực hiện lại việc khai báo tạm trú. (2) Hướng dẫn khai báo tạm trú cho người nước ngoài online Hiện nay, cơ sở lưu trú có thể khai báo tạm trú cho người nước ngoài bằng hình thức online, trình tự thực hiện cụ thể như sau: Bước 1: Truy cập vào trang Thông tin điện tử của Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Link: https://evisa.xuatnhapcanh.gov.vn/web/guest/khai-bao-tam-tru Sau đó chọn tỉnh nơi đặt cơ sở lưu trú để thực hiện đăng ký tạm trú hoặc Cổng dịch vụ công quốc gia Link: https://dichvucong.gov.vn/p/home/dvc-chi-tiet-thu-tuc-nganh-doc.html?ma_thu_tuc=1.001437 Nhấp vào danh sách dịch vụ công như hình hoặc Cổng dịch vụ công Bộ Công an Link: https://dichvucong.bocongan.gov.vn/bocongan/bothutuc/tthc?matt=26265 Bấm vào Nộp hồ sơ như hình Lưu ý: Để thực hiện đăng ký tạm trú online, người đăng ký phải có tài khoản tại trang Thông tin điện tử của Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh hoặc Cổng dịch vụ công quốc gia hoặc Cổng dịch vụ công Bộ Công an Bước 2: Đăng nhập tài khoản vào Trang thông tin điện tử hoặc Cổng dịch vụ công quốc gia hoặc Cổng dịch vụ công Bộ Công an bằng tài khoản và mật khẩu đã đăng ký. Bước 3: Người khai báo tạm trú thực hiện nhập và kiểm tra các thông tin khai báo về người nước ngoài hoặc chuyển tập tin nhập đính kèm theo mẫu được đăng tải trên Trang thông tin điện tử hoặc Cổng dịch vụ công Bộ Công an. Bước 4: Kiểm tra thông tin đã khai báo tạm trú trên hệ thống và hoàn thành việc khai báo tạm trú. Thời hạn giải quyết: 24 giờ kể từ khi nhận được hồ sơ đăng ký tạm trú Giấy tờ: Thực hiện theo các trường thông tin trên Trang thông tin điện tử hoặc Cổng dịch vụ công quốc gia hoặc Cổng dịch vụ công Bộ Công an. Phí, lệ phí: Miễn phí Trên đây là hướng dẫn khai báo tạm trú cho người nước ngoài thực hiện trực tuyến, online. Chúc bạn thực hiện thành công!
Hướng dẫn thủ tục cấp sổ đỏ cho người đã đăng ký lần đầu online chi tiết nhất
Hướng dẫn các thủ tục, thành phần hồ sơ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất (sổ đỏ) online cho người đã đăng ký lần đầu chi tiết nhất. (1) Căn cứ thực hiện Theo khoản 7 Điều 1 Nghị định 10/2023/NĐ-CP sửa đổi đã bổ sung điểm mới “Thực hiện thủ tục hành chính về đất đai trên môi trường điện tử”, đánh dấu việc người dân có thể thực hiện các thủ tục đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất bằng hình thức online. Từ ngày 20/5/2023, người dân có thể thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai trên Cổng dịch vụ công. Ngoài ra, tại khoản 3 Điều 131 Luật Đất đai 2024 mới nhất có quy định rõ: "Đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất bao gồm đăng ký lần đầu và đăng ký biến động, được thực hiện bằng hình thức đăng ký trên giấy hoặc đăng ký điện tử và có giá trị pháp lý như nhau." Theo quy định của pháp luật, người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất đã kê khai đăng ký được ghi vào Sổ địa chính, được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất nếu có nhu cầu và có đủ điều kiện (khoản 5 Điều 95 Luật Đất đai 2013 và khoản 5 Điều 70 Nghị Định 43/2014/NĐ-CP). Dưới đây là hướng dẫn chi tiết thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất cho người đã đăng ký lần đầu online chi tiết nhất. (2) Hồ sơ cần chuẩn bị những gì? Để thực hiện thủ tục cấp sổ đỏ cho người đã đăng ký lần đầu trên môi trường điện tử, người dân cần chuẩn bị 1 Đơn đăng ký cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo Mẫu số 04/ĐK Tải Mẫu số 04/ĐKhttps://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/04/08/M%E1%BA%ABu%20s%E1%BB%91%2004.DK-H.doc (3) Các bước nộp hồ sơ tại Cổng dịch vụ công Quốc gia Sau khi tải và điền đầy đủ thông tin vào Mẫu số 04/ĐK, bạn thực hiện các bước sau đây để làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất cho người đã đăng ký lần đầu trên Cổng dịch vụ công Quốc gia. Bước 1: - Truy cập vào trang web Cổng dịch vụ công Quốc gia https://dichvucong.gov.vn/p/home/dvc-trang-chu.html - Đăng nhập vào hệ thống hoặc Đăng ký nếu chưa có tài khoản Bước 2: - Tại thanh tìm kiếm, nhập “cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất” - Chọn mục “Cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người đã đăng ký quyền sử dụng đất lần đầu” - Chọn Tỉnh/Thành phố có đất để thực hiện thủ tục, sau khi chọn xong bấm “Nộp trực tuyến” Bước 3: - Điền thông tin vào biểu mẫu - Số điện thoại bạn nhập vào sẽ là số điện thoại nhận thông báo về hồ sơ thông qua SMS Bước 4: - Tải lên file Đơn đăng ký cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo Mẫu số 04/ĐK mà bạn đã điền vào trước đó và một số hồ sơ kèm theo khác (nếu có) Tải Mẫu số 04/ĐKhttps://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/04/08/M%E1%BA%ABu%20s%E1%BB%91%2004.DK-H.doc - Bấm nộp hồ sơ (4) Quy trình giải quyết hồ sơ Căn cứ điều kiện cụ thể về hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai đang quản lý, cơ quan tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính về đất đai quy định tại Điều 60 của Nghị định 43/2014/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 7 Điều 1 của Nghị định 10/2023/NĐ-CP) có trách nhiệm tổ chức việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử theo quy định của Chính phủ. Quy trình giải quyết hồ sơ gồm 3 bước: Bước 1: - Người sử dụng đất nộp hồ sơ tại Văn phòng đăng ký đất đai hoặc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai hoặc cơ quan tiếp nhận hồ sơ theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc địa điểm theo nhu cầu đối với những địa phương mà Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đã ban hành quy chế tiếp nhận, luân chuyển hồ sơ, giải quyết và trả kết quả giải quyết thủ tục theo nhu cầu về địa điểm hoặc trên môi trường điện tử. - Hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư nộp hồ sơ tại Ủy ban nhân dân cấp xã nếu có nhu cầu. Bước 2: - Cơ quan tiếp nhận, giải quyết hồ sơ có trách nhiệm thực hiện các trình tự, thủ tục hành chính về đất đai theo quy định của pháp luật về đất đai; trường hợp cần phải kiểm tra, xác minh làm rõ hoặc do nguyên nhân khác mà không trả kết quả giải quyết hồ sơ theo đúng quy định về thời gian giải quyết thủ tục hành chính về đất đai thì cơ quan tiếp nhận hồ sơ, giải quyết thủ tục gửi thông báo bằng văn bản hoặc qua Cổng dịch vụ công hoặc qua tin nhắn SMS cho người yêu cầu, trong đó nêu rõ lý do. - Người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất có trách nhiệm hoàn thành nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật bằng hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến thông qua chức năng thanh toán của Cổng dịch vụ công. - Thời hạn thực hiện không quá 30 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Thời gian này không tính thời gian các ngày nghỉ, ngày lễ theo quy định của pháp luật; không tính thời gian tiếp nhận hồ sơ tại xã, thời gian thực hiện nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất; không tính thời gian xem xét xử lý đối với trường hợp sử dụng đất có vi phạm pháp luật, thời gian trưng cầu giám định. - Đối với các xã miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì thời gian thực hiện được tăng thêm 10 ngày. Bước 3: - Kết quả giải quyết thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất cho người đã đăng ký đất lần đầu được trả cho người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất trong thời hạn không quá 03 ngày làm việc kể từ ngày có kết quả giải quyết. - Đối với những địa phương mà Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đã ban hành quy chế tiếp nhận, luân chuyển hồ sơ, giải quyết và trả kết quả giải quyết thủ tục theo nhu cầu về thời gian thì thời gian giải quyết thủ tục được thực hiện theo thỏa thuận giữa người có nhu cầu và Văn phòng đăng ký đất đai, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai nhưng không quá thời gian thực hiện thủ tục do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định. Trên đây là hướng dẫn chi tiết và đơn giản nhất về thủ tục và quy trình cấp sổ đỏ lần đầu online. Chúc bạn thực hiện thủ tục thành công.
04 hình thức phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức đến Bộ Công an
Bộ Công an ban hành Thông tư 57/2023/TT-BCA quy định tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính thuộc chức năng quản lý nhà nước của Bộ Công an. Theo đó, việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về các quy định hành chính thuộc chức năng quản lý nhà nước của Bộ Công an phải tuân thủ các nguyên tắc sau: Đúng quy định của pháp luật về tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị. Quy trình, thủ tục tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị phải cụ thể, rõ ràng, đơn giản, thuận tiện. Bảo đảm đúng thẩm quyền, công khai, minh bạch, có sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan chức năng theo quy định của pháp luật về xử lý phản ánh, kiến nghị. (1) Nội dung phản ánh, kiến nghị Các nội dung phản ánh về các quy định hành chính thuộc chức năng quản lý nhà nước của Bộ Công an bao gồm các nội dung sau: - Vướng mắc, khó khăn cụ thể trong thực hiện quy định hành chính do hành vi chậm trễ, gây phiền hà hoặc không thực hiện, thực hiện không đúng quy định hành chính thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công an theo quy định của đơn vị, cán bộ, chiến sĩ Công an. - Sự không phù hợp của quy định hành chính với thực tế; - Sự không đồng bộ; không thống nhất của các quy định hành chính; - Quy định hành chính không hợp pháp; - Quy định hành chính trái với các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập. - Những vấn đề khác liên quan đến quy định hành chính. Các nội dung kiến nghị về các quy định hành chính thuộc chức năng quản lý nhà nước của Bộ Công an bao gồm: - Cung cấp thông tin, trình bày ý kiến, nguyện vọng, đề xuất giải pháp phương án xử lý đối với các quy định tại điểm a, b, c, d, đ, e nêu trên. - Sáng kiến ban hành mới quy định hành chính liên quan đến hoạt động kinh doanh, đời sống nhân dân thuộc chức năng quản lý nhà nước của Bộ Công an. (2) Hình thức phản ánh, kiến nghị Phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính được thực hiện bằng một trong các hình thức sau: - Văn bản. - Điện thoại. - Phiếu lấy ý kiến. - Thông điệp dữ liệu gửi qua Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công Bộ Công an, Cổng thông tin điện tử Bộ Công an, Cổng Thông tin điện tử Công an các đơn vị, địa phương theo quy định. Thông tư cũng quy định cụ thể quy trình tiếp nhận, phân loại, xử lý phản ánh, kiến nghị cũng như trách nhiệm của đơn vị tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị. Xem chi tiết tại Thông tư 57/2023/TT-BCA tải về có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/12/2023. Theo Chính phủ
Chỉ thị 8/CT-BGTVT năm 2023: 17 nhiệm vụ tăng cường cải cách hành chính ngành GTVT
Ngày 02/11/2023 Bộ GTVT đã ban hành Chỉ thị 8/CT-BGTVT năm 2023 về việc tăng cường công tác cải cách hành chính của Bộ Giao thông vận tải. Theo đó, nhiệm vụ chung đối với các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Giao thông vận tải thực hiện tăng cường công tác cải cách hành chính như sau: (1) CCHC là căn cứ hoàn thành nhiệm vụ hằng năm của công chức Tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong chỉ đạo điều hành và chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện công tác CCHC, cải cách TTHC, cung cấp dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp. Coi việc hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao về CCHC, cải cách TTHC và cung cấp dịch vụ công là căn cứ đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ hàng năm của công chức, viên chức, nhất là đối với người đứng đầu. (2) Mỗi nhiệm vụ phải được gắn với trách nhiệm từng cá nhân Rà soát từng nội dung, nhiệm vụ, tiến độ trong kế hoạch CCHC hàng năm và giai đoạn 2020 – 2025 của cơ quan, đơn vị; từ đó đánh giá tình hình, kết quả thực hiện, tiến độ và chất lượng cụ thể từng công việc/nhiệm vụ tính đến nay. Đối với những công việc/nhiệm vụ chưa đạt tiến độ hoặc chất lượng cần có ngay biện pháp khắc phục; đảm bảo mỗi nhiệm vụ phải được phân công rõ ràng, gắn với trách nhiệm từng cá nhân. Bố trí đủ nguồn lực con người (cả về số lượng và chất lượng) để bảo đảm thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ CCHC; tăng cường công tác tự kiểm tra trong nội bộ, đánh giá nghiêm túc, trung thực, khách quan kết quả CCHC của từng đơn vị, cá nhân. (3) Triển khai kịp thời, đầy đủ các văn bản chỉ đạo của cấp trên Triển khai kịp thời, đầy đủ các văn bản chỉ đạo của cấp trên, trong đó đẩy mạnh tập trung khắc phục ngay những tồn tại thiếu sót khi được phát hiện. (4) Giải quyết kịp thời các phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân Kiểm soát chặt chẽ việc xử lý, giải quyết các văn bản đến cơ quan, đơn vị, nhất là việc tiếp nhận, xử lý các phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân về quy định hành chính cũng như các nhiệm vụ được giao, đảm bảo thời hạn xử lý, giải quyết theo quy định; người đứng đầu thường xuyên tổ chức đối thoại với người dân, doanh nghiệp. (5) Người đứng đầu cần tăng cường kỷ luật, kỷ cương Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị cần tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao tinh thần trách nhiệm, đạo đức, văn hóa công vụ. (7) Không để tình trạng kéo dài, đùn đẩy gây ảnh hưởng tới người dân Thường xuyên rà soát, đơn giản hóa TTHC; thực hiện phân cấp, phân quyền, đánh giá tác động chính sách và tham vấn đối tượng thực hiện trong quá trình xây dựng thể chế. Kịp thời xử lý dứt điểm những phản ảnh kiến nghị do người dân, doanh nghiệp gửi đến. Không để tình trạng kéo dài, đùn đẩy gây tốn kém, lãng phí, công sức và thời gian đi lại cũng như ảnh hưởng đến cơ hội đầu tư kinh doanh của người dân, doanh nghiệp. (8) Đồng bộ 100% hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC trên Cổng Dịch vụ công quốc gia Thực hiện việc công bố, công khai TTHC theo quy định; đồng bộ 100% hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC trên Cổng Dịch vụ công quốc gia và công khai quá trình tiếp nhận, giải quyết TTHC. Số lượng hồ sơ tiếp nhận, giải quyết TTHC được tổng hợp trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC là một căn cứ để đánh giá năng suất lao động, phê duyệt biên chế và bố trí nhân sự của cơ quan, đơn vị thực hiện TTHC, cung cấp dịch vụ công. (9) Xử lý nghiêm cơ quan, cán bộ có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong tiếp nhận giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công. Thực hiện việc báo cáo giải trình của người đứng đầu và xin lỗi người dân, doanh nghiệp đối với các trường hợp để xảy ra chậm muộn, tiêu cực trong giải quyết hồ sơ TTHC của cơ quan, đơn vị theo quy định. Định kỳ công khai kết quả đánh giá Bộ chỉ số chỉ đạo, điều hành và đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện TTHC, dịch vụ công và danh sách cán bộ, công chức, viên chức, cơ quan, đơn vị để xảy ra chậm trễ theo quy định. Xử lý nghiêm các cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, làm phát sinh thêm TTHC, hồ sơ, giấy tờ, yêu cầu điều kiện không đúng quy định hoặc nhiều lần để xảy ra tình trạng chậm trễ trong tiếp nhận, giải quyết TTHC theo quy định. (10) Cung cấp dịch vụ công trực tuyến lấy người dùng làm trung tâm Thực hiện tái cấu trúc quy trình, cắt giảm, đơn giản hóa TTHC trên cơ sở liên thông điện tử và tái sử dụng dữ liệu để xây dựng, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, bảo đảm tuân thủ nguyên tắc lấy người dùng làm trung tâm. (11) Gắn việc số hóa với việc thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức Thực hiện số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC theo quy định, gắn việc số hóa với việc thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình tiếp nhận, giải quyết TTHC; tăng cường kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành với Cổng Dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin giải quyết TTHC cấp bộ. (12) Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các cơ quan trong giải quyết TTHC Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong giải quyết TTHC, nhất là các TTHC hoặc nhóm TTHC, dịch vụ công liên thông. Trong đó, phải rà soát, hoàn thành việc công bố quy trình nội bộ xác định rõ thời hạn, trách nhiệm giải quyết trong từng bước, giai đoạn đối với các TTHC liên thông giữa cơ quan trung ương và địa phương. (13) Đẩy mạnh thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh Nâng cao hiệu lực, hiệu quả, đẩy mạnh thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06). Trong đó tập trung hoàn thành việc tháo gỡ các “điểm nghẽn” theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. (14) Khuyến khích người dân, doanh nghiệp chủ động tham gia chuyển đổi số Thực hiện các giải pháp phù hợp huy động, khuyến khích người dân, doanh nghiệp chủ động tham gia thực hiện các nội dung chuyển đổi số trong thực hiện TTHC. (15) Nâng cao hiệu quả, năng suất lao động của Bộ phận Một cửa Chủ động đổi mới, nâng cao hiệu quả, năng suất lao động của Bộ phận Một cửa theo thẩm quyền, trường hợp vượt thẩm quyền báo cáo cấp thẩm quyền xem xét, quyết định. (16) Thực hiện ưu tiên bố trí đầy đủ nhân lực, kinh phí hàng năm cho cải cách TTHC Có cơ chế, chính sách phù hợp, thực hiện ưu tiên bố trí đầy đủ nhân lực, kinh phí hàng năm cho việc triển khai các nhiệm vụ cải cách TTHC, chuyển đổi số, hoàn thành các mục tiêu theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. (17) Hoàn thành việc đồng bộ thông tin tiếp nhận, xử lý hồ sơ trên Cổng dịch vụ công quốc gia Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, hoàn thành việc tích hợp, đồng bộ thông tin tiếp nhận, xử lý hồ sơ trên Cổng dịch vụ công quốc gia và Hệ thống thông tin giải quyết TTHC cấp tỉnh đối với các dịch vụ công thuộc thẩm quyền thực hiện của cơ quan nhà nước các cấp trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương do Bộ triển khai cung cấp trên môi trường mạng. Xem thêm Chỉ thị 8/CT-BGTVT năm 2023 ban hành ngày 02/11/2023.
Khai sinh nhưng chưa nhập hộ khẩu cho con có bị phạt không?
Khai sinh cho con nhưng chưa làm thủ tục nhập hộ khẩu cho con thì cha mẹ có bị phạt vi phạm hành chính hay không? Pháp luật có quy định nhập hộ khẩu cho con muộn thì xử lý thế nào không? Bài viết sẽ cung cấp một số thông tin cần thiết liên quan đến vấn đề này Khai sinh nhưng chưa nhập hộ khẩu cho con có bị phạt không? Căn cứ tại Điều 12 Luật Cư trú năm 2020 quy định nơi cư trú của người chưa thành niên Nơi cư trú của người chưa thành niên là nơi cư trú của cha, mẹ; nếu cha, mẹ có nơi cư trú khác nhau thì nơi cư trú của người chưa thành niên là nơi cư trú của cha hoặc mẹ mà người chưa thành niên thường xuyên chung sống; trường hợp không xác định được nơi thường xuyên chung sống thì nơi cư trú của người chưa thành niên là nơi do cha, mẹ thỏa thuận; trường hợp cha, mẹ không thỏa thuận được thì nơi cư trú của người chưa thành niên do Tòa án quyết định. Tuy nhiên, người chưa thành niên có thể có nơi cư trú khác, với nơi cư trú của cha, mẹ nếu được cha, mẹ đồng ý hoặc pháp luật có quy định. Đồng thời, theo khoản 6 Điều 19 Luật Cư trú năm 2020 quy định khi đủ điều kiện thì phải làm thủ tục đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú. Do đó, mặc dù không quy định thời hạn bắt buộc trẻ em phải đăng ký thường trú sau khi đăng ký khai sinh nhưng khi có đủ điều kiện đăng ký thường trú mà không thực hiện thì cha, mẹ có thể bị xử phạt vi phạm hành chính. Mức xử phạt hành chính khi khai sinh cho con nhưng chưa làm thủ tục nhập hộ khẩu Theo đó, mức phạt được quy định tại điểm a khoản 1 Điều 9 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, cụ thể: Vi phạm quy định về đăng ký và quản lý cư trú như sau: Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: - Không thực hiện đúng quy định về đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú, xóa đăng ký thường trú, xóa đăng ký tạm trú, tách hộ hoặc điều chỉnh thông tin về cư trú trong Cơ sở dữ liệu về cư trú. Mặt khác tại khoản 1 và khoản 3 Điều 5 Luật Trẻ em có quy định: Bảo đảm để trẻ em thực hiện được đầy đủ quyền và bổn phận của mình và bảo đảm lợi ích tốt nhất của trẻ em trong các quyết định liên quan đến trẻ em. Do vậy, đăng ký thường trú vừa là quyền vừa là trách nhiệm của mỗi công dân, nên khi trẻ em được sinh ra, để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của trẻ em, người có trách nhiệm nên thực hiện đăng ký thường trú sớm cho trẻ em. Thủ tục hồ sơ đăng ký thường trú Hồ sơ được quy định tại khoản 2 Điều 21 Luật Cư trú năm 2020, gồm: - Tờ khai thay đổi thông tin cư trú, trong đó ghi rõ ý kiến đồng ý cho đăng ký thường trú của chủ hộ, chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp hoặc người được ủy quyền, trừ trường hợp đã có ý kiến đồng ý bằng văn bản; - Giấy tờ, tài liệu chứng minh quan hệ nhân thân với chủ hộ, thành viên hộ gia đình, trừ trường hợp đã có thông tin thể hiện quan hệ này trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú. Thủ tục được quy định tại khoản 1 Điều 22 Luật Cư trú năm 2020, như sau: Người đăng ký thường trú nộp hồ sơ đăng ký thường trú đến cơ quan đăng ký cư trú nơi mình cư trú, nộp hồ sơ trực tuyến tại Cổng dịch vụ công Bộ Công an, Cổng dịch vụ công quốc gia.
Hướng dẫn nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp online nhanh nhất
Bảo hiểm thất nghiệp là gì? Điều kiện để hưởng trợ cấp thất nghiệp như thế nào? Bài viết sẽ hướng dẫn người lao động các bước nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp online năm 2023. (1) Quy định pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp Khái niệm: Bảo hiểm thất nghiệp là chế độ bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi bị mất việc làm, hỗ trợ người lao động học nghề, duy trì và tìm kiếm việc làm trên cơ sở đóng vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp (theo khoản 4 Điều 3 Luật Việc làm 2013). Điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp: ⇒ Xem bài viết chi tiết tại: Hướng dẫn thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp năm 2023 02 cách thức nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp: - Nộp trực tiếp. - Nộp hồ sơ online tại Cổng Dịch vụ công quốc gia. Thời hạn nộp trong 03 tháng kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc. Xem bài viết chi tiết tại: Hướng dẫn thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp năm 2023 Hướng dẫn nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp trực tiếp hoặc qua bưu chính 2023 (2) Cách nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp online Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đã có Công văn 1399/LĐTBXH-VL năm 2022 về việc tiếp nhận và giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia. Theo đó, người tham gia BHXH khi chấm dứt hợp đồng lao động/ hợp đồng làm việc và có đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp có thể làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp (TCTN) online trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia. Quy trình làm hồ sơ thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp online Quy trình làm hồ sơ thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp online trên Cổng dịch vụ công quốc gia được thực hiện như sau: Bước 1: NLĐ đăng ký tài khoản trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia tại địa chỉ https://dichvucong.gov.vn/p/home/dvc-trang-chu.html và thực hiện đăng ký theo hướng dẫn. Bước 2: Sau khi đăng ký tài khoản thành công, NLĐ đăng nhập tài khoản cá nhân trên Cổng dịch vụ công quốc gia bằng cách nhấn vào ô “Đăng nhập” và bấm chọn vào mục "Tài khoản cấp bởi cổng dịch vụ công quốc gia" Tại mục CMND/ CCCD, NLĐ điền thông tin tài khoản đăng nhập, nhập đúng mã xác thực và nhấn chọn "đăng nhập". Sau khi người lao động chọn Đăng nhập tài khoản sẽ có 1 mã OTP được gửi về số điện thoại mà người dùng vừa sử dụng để đăng ký tài khoản trước đó. Người dùng điền dãy số vào ô tương ứng và nhấn "Xác nhận" để hoàn tất việc đăng nhập. Bước 3: Tìm kiếm và chọn nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại mục “giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp” Để tìm kiếm nhanh chóng tại mục “Tìm kiếm nâng cao” bạn điền “Giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp” và nhấn vào biểu tượng “tìm kiếm” bên cạnh Kết quả hiển thị một số gợi ý các mục có liên quan đến nội dung bạn tìm kiếm, bạn chọn trong danh sách gợi ý mục “Giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp” - Sau đó người lao động chọn ô “Nộp trực tuyến”. Bước 4: Nhập thông tin đơn đề nghị trợ cấp thất nghiệp theo mẫu số 01 Tiếp đó, hệ thống sẽ hiển thị giao diện đơn đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp theo mẫu số 01, NLĐ nhập đầy đủ các thông tin cá nhân vào đơn. Các mục có dấu (*) là mục thông tin bắt buộc phải nhập nên NLĐ phải điền đầy đủ các thông tin. Sau đó, Chọn gửi Trung tâm dịch vụ việc làm thuộc Sở LĐ-TB&XH để tiếp nhận, giải quyết hồ sơ. Bước 5: Chọn nơi đề nghị nhận trợ cấp thất nghiệp Sau khi điền hết các thông tin NLĐ chọn nơi đề nghị nhận trợ cấp thất nghiệp. Ở bước này NLĐ có thể chọn nhận qua tài khoản ngân hàng hoặc nhận trực tiếp tại cơ quan BHXH quận/huyện nơi cư trú. Bước 6: Tải file đính kèm NLĐ tải file đính kèm bao gồm: Bản chụp/scan một trong các giấy tờ chứng minh việc người lao động chấm dứt hợp đồng lao động/làm việc theo quy định tại đơn vị. Bước 7: Chọn cơ quan tiếp nhận và nộp hồ sơ Sau khi tải file đính kèm, NLĐ chọn cơ quan tiếp nhận bằng cách nhập tỉnh/thành phố và Trung tâm dịch vụ việc làm tương ứng tại tỉnh/ thành phố nơi muốn nhận trợ cấp thất nghiệp. Sau đó người lao động nhấn chọn ô “Nộp hồ sơ” để hoàn tất thủ tục nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp online. Khi này hệ thống sẽ gửi thông báo nộp hồ sơ thành công để xác nhận việc hoàn tất. Sau khi NLĐ hoàn tất việc nộp hồ sơ thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp online trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia, Cổng Dịch vụ công Quốc gia sẽ tự động chuyển thông tin NLĐ (bao gồm họ và tên, số CMND/ CCCD/ hộ chiếu, số sổ BHXH, ngày chấm dứt hợp đồng lao động/hợp đồng làm việc) qua hệ thống của cơ quan BHXH. Sau khi nhận được thông tin của NLĐ từ Cổng Dịch vụ công Quốc gia chuyển đến, Cơ quan BHXH kiểm tra, giải quyết thông tin NLĐ. (3) Các trường hợp xảy ra sau khi hoàn thành thủ tục đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp online - Trường hợp 01: Nếu thông tin số sổ BHXH và một trong hai thông tin họ tên hoặc số CMND/ CCCD/ hộ chiếu không đúng với dữ liệu của cơ quan BHXH => Cơ quan BHXH trả lại kết quả không hợp lệ về Cổng Dịch vụ công Quốc gia để hiển thị thông báo ngay khi NLĐ gửi hồ sơ. - Trường hợp 02: Nếu thông tin số sổ BHXH và 1 trong 2 thông tin họ tên hoặc số CMND/ CCCD/ hộ chiếu trùng với dữ liệu của cơ quan BHXH => Trong 2 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông tin chuyển đến, Cơ quan BHXH trả lại thông tin về quá trình đóng BHXH, BHTN của NLĐ, thực hiện ký số và chuyển lại cho Cổng Dịch vụ công Quốc gia để chuyển hồ sơ trực tuyến đến trung tâm dịch vụ việc làm. - Trường hợp 03: Nếu người lao động chưa được chốt sổ BHXH => Cơ quan BHXH gửi lại thông báo về việc chưa chốt sổ cho Cổng Dịch vụ công Quốc gia để hiển thị thông báo ngay cho NLĐ khi gửi hồ sơ. (4) Thời gian giải quyết hồ sơ thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp online Trong 16 ngày làm việc kể từ ngày nhận được dữ liệu tham gia BHTN của người lao động do BHXH chuyển đến trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia, cán bộ Trung tâm Dịch vụ việc làm rà soát, gửi hồ sơ người lao động đủ điều kiện hỗ trợ trình Sở LĐ-TB&XH theo đúng quy định (tùy thuộc vào điều kiện của từng địa phương, Trung tâm Dịch vụ Việc làm và Sở LĐ-TB&XH có thể lựa chọn phương thức trình qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia hoặc trình trực tiếp). Nếu hồ sơ không đạt yêu cầu, cán bộ sẽ cập nhật thông tin từ chối hồ sơ có đính kèm theo văn bản nêu rõ lý do trên cổng Cổng dịch vụ công Quốc gia. Trong 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ do Trung tâm Dịch vụ việc làm chuyển đến, Sở LĐTB-XH sẽ phản hồi kết quả cho NLĐ: - Trường hợp hồ sơ không đạt yêu cầu, cán bộ sẽ cập nhật trạng thái từ chối hồ sơ và đính kèm văn bản trả lời lên Cổng Dịch vụ công Quốc gia để thông báo cho người lao động. - Trường hợp hồ sơ hợp lệ, cán bộ cập nhật trạng thái Duyệt hồ sơ và đính kèm quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp theo mẫu số 02 (có ký số). Khi hồ sơ được phê duyệt hoặc bị từ chối, hệ thống sẽ gửi thông báo qua tin nhắn SMS tới người lao động theo SĐT mà NLĐ đã đăng ký với dịch vụ công, đồng thời hiển thị thông tin, văn bản liên quan trên cổng Dịch vụ công Quốc gia. Như vậy, trong bài viết trên đây Bảo hiểm xã hội điện tử EFY đã hướng dẫn chi tiết các bước làm hồ sơ thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp online qua Cổng thông tin dịch vụ công quốc gia. Với cách này NLĐ đang thất nghiệp có xin hưởng trợ cấp vừa thuận tiện, nhanh chóng mà không cần phải đến trực tiếp cơ quan BHXH, cách đăng ký này cũng phù hợp với NLĐ ở xa các trung tâm giới thiệu việc làm. Xem bài viết chi tiết tại: Hướng dẫn thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp năm 2023 Hướng dẫn nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp trực tiếp hoặc qua bưu chính 2023
Cấp ứng dụng để làm thủ tục hành chính online cho người dân trong tháng 9/2023
Thủ tướng Chính phủ ban hành Công văn 452/TTg-KSTT về việc tháo gỡ các “điểm nghẽn” triển khai Đề án 06. Trong đó, nổi bật là ứng dụng làm thủ tục hành chính bằng hình thức online trong tháng 9/20223. Thời gian triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06), Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tổ trưởng Tổ Công tác đã quan tâm, quyết liệt chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc triển khai, thực hiện Đề án đến từng bộ, ngành, địa phương. Bên cạnh những kết quả đã đạt được, vẫn còn một số “điểm nghẽn” về thể chế, hạ tầng công nghệ thông tin, dịch vụ công, dữ liệu và nguồn lực, ảnh hưởng đến lộ trình triển khai Đề án 06, do đó, Thủ tướng Chính phủ có một số yêu cầu, trong đó nổi bật về dịch vụ công trực tuyến như sau: Tại Công văn 452/TTg-KSTT, Thủ tướng yêu cầu đánh giá toàn bộ các dịch vụ công trực tuyến đã được cung cấp trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của cơ quan mình và tích hợp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Từ đó lựa chọn những dịch vụ công thiết thực, tần suất sử dụng cao gắn liền nhu cầu hàng ngày của người dân, doanh nghiệp, có đầy đủ các điều kiện để cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình, tiến tới cung cấp các ứng dụng (apps) thủ tục hành chính để người dân, doanh nghiệp tương tác trực tuyến hiệu quả với chính quyền. Thời gian hoàn thành trong tháng 9 năm 2023. Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tập trung chuyển đổi quy trình, thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công từ phương thức truyền thống sang môi trường điện tử; Đồng thời, chuẩn hóa, tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ, xây dựng các biểu mẫu điện tử, phần mềm chuyên dụng, số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính để làm giàu kho dữ liệu, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp không phải cung cấp lại các thông tin đã có. Thời gian hoàn thành trong tháng 9 năm 2023. Ngoài ra, còn nêu rõ trách nhiệm của các Bộ ngành trong công tác này, cụ thể: - Đối với Bộ Thông tin và Truyền thông: Đánh giá, công bố chất lượng các nền tảng, hệ thống thông tin, phần mềm, cổng dịch vụ công, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của các bộ, ngành, địa phương và định mức, đơn giá, chi phí xây dựng các hệ thống nêu trên để các bộ, ngành, địa phương tham khảo, lựa chọn. Thời hạn hoàn thành trong tháng 9 năm 2023. - Đối với Bộ Công an: Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tích hợp, xác thực, hiển thị các thông tin, giấy tờ cá nhân trên ứng dụng VNeID, dần thay thế việc cung cấp các giấy tờ cá nhân trong thực hiện các giao dịch, thủ tục hành chính. - Đối với Văn phòng Chính phủ: Khẩn trương triển khai thực hiện nâng cấp Cổng Dịch vụ công quốc gia, bảo đảm vận hành thông suốt, tránh “tắc nghẽn” trong quá trình tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp. Ngoài ra, về dữ liệu cũng có yêu cầu đối với Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương như sau: - Chỉ đạo, tập trung nguồn lực đẩy nhanh số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính; - Thực hiện nghiêm việc ký số, gửi nhận văn bản và xử lý hồ sơ công việc trên môi trường điện tử tại các cấp chính quyền; - Đẩy mạnh xây dựng, cập nhật, kết nối, liên thông các nền tảng số, Cơ sở dữ liệu quốc gia, Cơ sở dữ liệu chuyên ngành đồng bộ, thực chất, hiệu quả bảo đảm khắc phục tình trạng “manh mún”, “cát cứ thông tin”, “chia cắt” và “co cụm dữ liệu” như hiện nay. Xem chi tiết tại Công văn 452/TTg-KSTT ngày 23/5/2023.
Thông báo 252/TB-VPCP: Cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư, kinh doanh
Ngày 29/6/2023, Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo 252/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang tại cuộc họp công tác cải cách thủ tục hành chính và nâng cao hiệu quả tư vấn chính sách cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ đối với các bộ, ngành, địa phương về nhiệm vụ cụ thể trong công tác cải cách thủ tục hành chính và nâng cao hiệu quả tư vấn như sau: - Thực hiện rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa ngay các quy định, TTHC (bao gồm cả TTHC nội bộ và phân cấp, ủy quyền trong giải quyết TTHC) liên quan đến hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân, nhất là các quy định, TTHC theo chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ tại Công văn 547/TTg- KSTT ngày 15/6/2023. - Thực hiện nghiêm việc công bố, công khai, minh bạch đầy đủ, chính xác, kịp thời thông tin về TTHC trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC và tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định, hành vi hành chính trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. - Thực hiện đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công dựa trên dữ liệu trên Cổng Dịch vụ công quốc gia; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm và công bố, công khai các cán bộ, công chức, viên chức, cơ quan, đơn vị để xảy ra chậm trễ, gây phiền hà. - Thực hiện nghiêm việc đánh giá tác động quy định, TTHC trong đề nghị xây dựng, dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, trong đó kiên quyết chỉ ban hành TTHC, quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh mới trong trường hợp thật sự cần thiết, bảo đảm tính hợp lý, hợp pháp với chi phí tuân thủ thấp. - Chủ động thực hiện các nhiệm vụ cải cách TTHC gắn với việc triển khai Đề án 06 và Chương trình chuyển đổi số quốc gia; tăng cường công tác truyền thông để nâng cao nhận thức tạo đồng thuận trong việc triển khai. - Các Bộ, cơ quan làm nhiệm vụ cơ quan thường trực của các tổ chức phối hợp liên ngành chủ động đánh giá hiệu quả hoạt động, đề xuất phương án kiện toàn, giải thể các tổ chức phối hợp liên ngành (bao gồm cả tổ chức tư vấn chính sách cho Thủ tướng Chính phủ) gửi Bộ Nội vụ trước ngày 20/7/2023 để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. - Thực hiện báo cáo điện tử về tình hình, kết quả công tác cải cách TTHC, hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành phục vụ người dân, doanh nghiệp trên Hệ thống thông tin báo cáo của Văn phòng Chính phủ theo hướng dẫn của Văn phòng Chính phủ. Ngoài ra, tại Thông báo 252/TB-VPCP còn quy rõ trách nhiệm đối với Bộ Tư pháp, Tổ chức pháp chế thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, Sở Tư pháp thuộc Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Bộ Nội vụ; Văn phòng Chính phủ. Xem chi tiết tại Thông báo 252/TB-VPCP ban hành ngày 29/6/2023.
Thủ tục cấp lại CCCD được thực hiện online, không cần làm trực tiếp
Dự thảo Luật Căn cước công dân sửa đổi dự kiến sẽ trình Quốc hội cho ý kiến tại họp thứ 5 vào tháng 5/2023 và thông qua tại kỳ họp thứ 6 và có hiệu lực từ 01/7/2024. Theo đó, đề xuất thủ tục cấp lại thẻ Căn cước công dân được thực hiện bằng hình thức online. Đề xuất đổi, cấp lại thẻ CCCD online Dự thảo Luật CCCD sửa đổi quy định về Trình tự, thủ tục đổi, cấp lại thẻ căn cước công dân như sau: Việc cấp lại thẻ căn cước công dân được thực hiện trực tuyến trên cổng dịch vụ công quốc gia. Cơ quan quản lý căn cước công dân sử dụng thông tin đã cấp thẻ căn cước công dân lần gần nhất để cấp lại thẻ căn cước công dân. Việc cấp đổi thẻ căn cước công dân thực hiện các thủ tục theo quy định tại Điều 24 của Luật Căn cước công dân. Ngoài ra, việc đổi thẻ căn cước công dân do thay đổi thông tin trong các trường hợp: thay đổi thông tin về họ, chữ đệm, tên; ngày, tháng sinh; xác định lại giới tính hoặc chuyển đổi giới tính theo quy định của luật; có sai sót về thông tin trên thẻ căn cước công dân mà thông tin đó chưa được cập nhật, chỉnh sửa trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì công dân phải xuất trình các giấy tờ hợp pháp về những thông tin đã được thay đổi để thực hiện thủ tục cập nhật, chỉnh sửa thông tin vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đối với các trường hợp cấp đổi thẻ căn cước công dân thì phải thu lại thẻ căn cước công dân đã sử dụng. Thời hạn cấp, đổi, cấp lại thẻ CCCD Về thời hạn cấp, đổi, cấp lại thẻ CCCD, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định tại Luật này, cơ quan quản lý căn cước phải cấp, đổi, cấp lại thẻ căn cước công dân cho công dân trong thời hạn 07 ngày làm việc. Nơi làm thủ tục cấp, đổi, cấp lại thẻ CCCD Thực hiện thủ tục cấp, đổi, cấp lại thẻ CCCD tại: - Cơ quan quản lý căn cước Công an cấp huyện hoặc Công an cấp tỉnh nơi công dân cư trú. - Cơ quan quản lý căn cước của Bộ Công an đối với những trường hợp do thủ trưởng Cơ quan quản lý căn cước của Bộ Công an quyết định. - Cơ quan quản lý căn cước có thẩm quyền tổ chức làm thủ tục cấp thẻ căn cước công dân tại xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị hoặc tại chỗ ở của công dân trong trường hợp cần thiết. Thẩm quyền cấp, đổi, cấp lại thẻ CCCD Thủ trưởng cơ quan quản lý căn cước của Bộ Công an có thẩm quyền cấp, đổi, cấp lại thẻ CCCD. Xem chi tiết tại Dự thảo Luật CCCD sửa đổi.
Quy định mới về thủ tục nhận BHXH 1 lần từ 01/01/2023
Căn cứ theo Quyết định 3612/QĐ-BHXH quy định về việc áp dụng thí điểm xác thực chữ ký số trong quy trình giải quyết hưởng BHXH 1 lần trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Tuy nhiên, không phải bất kì ai cũng có thể lãnh tiền BHXH 1 lần online thông qua Cổng dịch vụ quốc gia Theo khoản 1 Điều 2 Quyết định 3612/QĐ-BHXH quy định đối tượng áp dụng như sau: 1. Người lao động là người hưởng bảo hiểm xã hội một lần, đã được cấp sổ BHXH theo quy định tại Quyết định số 1188/QĐ-BHXH ngày 24/5/2022 của Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam sửa đổi, bổ sung một số điều quy trình thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; quản lý sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế ban hành kèm theo Quyết định số 595/QĐ-BHXH ngày 14/4/2017 và Quyết định số 505/QĐ-BHXH ngày 27/3/2020 của Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, có tài khoản trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia và chữ ký số tích hợp trong ứng dụng trên thiết bị di động, có yêu cầu thực hiện thủ tục hành chính trên Cổng Dịch vụ công. Do đó, thủ tục nhận BHXH 1 lần online chỉ áp dụng đối với người lao động thuộc diện hưởng BHXH mà đáp ứng đồng thời các điều kiện sau: - Đã được cấp sổ BHXH bản điện tử. - Có tài khoản trên Cổng dịch vụ công Quốc gia và chữ ký số tích hợp trong ứng dụng trên thiết bị di động.
Thay đổi cách thức gửi hồ sơ đề nghị làm dịch vụ chi trả ngoại tệ
Ngày 30/12/2022, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư 24/2022/TT-NHNN sửa đổi một số thông tư quy định về thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý ngoại hối. Theo đó, thay đổi nguyên tắc lập và gửi hồ sơ đề nghị chấp thuận làm dịch vụ nhận và chi, trả ngoại tệ như sau: 1. Nguyên tắc lập và gửi hồ sơ làm dịch vụ chi trả ngoại tệ Cụ thể, sửa đổi Điều 9 Thông tư 34/2015/TT-NHNN quy định nguyên tắc lập và gửi hồ sơ đề nghị chấp thuận làm dịch vụ nhận và chi, trả ngoại tệ như sau: Nguyên tắc 1: Tổ chức gửi 01 bộ hồ sơ thực hiện thủ tục hành chính theo quy định tại Thông tư 34/2015/TT-NHNN và nhận kết quá thủ tục hành chính theo một trong ba cách thức sau: (1) Trực tuyến qua Cổng dịch vụ công quốc gia hoặc trên Công dịch vụ công Ngân hàng Nhà nước (trừ Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam). (2) Trực tiếp tại Bộ phận Một cửa NHNN hoặc Bộ phận Một cửa NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố nơi tổ chức đặt trụ sở chính. (3) Gửi qua dịch vụ bưu chính. (So với hiện hành, thì Thông tư 24/2022/TT-NHNN đã bổ sung thêm 3 cách thức gửi hồ sơ đề nghị nhận và chi, trả ngoại tệ). Nguyên tắc 2: Trường hợp gửi hồ sơ trực tuyến qua Công dịch vụ công quốc gia hoặc trên Cổng dịch vụ công NHNN, hồ sơ điện tử được sử dụng chữ ký số theo quy định của pháp luật về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử. Hệ thống cổng dịch vụ công quốc gia hoặc Công dịch vụ công NHNN gặp sự cố hoặc có lỗi thì thực hiện qua dịch vụ bưu chính hoặc trực tiếp tại Bộ phận Một cửa NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố nơi tổ chức đặt trụ sở chính. Nguyên tắc 3: Các tài liệu trong hồ sơ điện tử là bàn điện từ quét từ bản gốc, bàn chính (tập tin định dạng PDF) hoặc được khai trên Công dịch vụ công NHNN. Nguyên tắc 4: Các tài liệu trong hồ sơ giấy là bản gốc, bản chính hoặc bản sao có xác nhận của tổ chức về việc sao từ bản chính. Nguyên tắc 5: Bản dịch tiếng Việt của các tài liệu tiếng nước ngoài là bản dịch do tổ chức tự dịch hoặc thông qua một tổ chức cung cấp dịch vụ dịch thuật. Tổ chức xác nhận về tính chính xác của bản dịch tiếng Việt và nội dung bằng tiếng nước ngoài. Nguyên tắc 6: Tổ chức chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của các thông tin nêu tại hồ sơ đề nghị. 2. Gửi hồ sơ đăng ký giao dịch ngoại hối đầu tư ra nước ngoài Sửa đổi khoản 2 Điều 10 Thông tư 12/2016/TT- NHNN về trình tự thực hiện thủ tục đăng ký giao dịch ngoại hối liên quan đến hoạt động đầu tư ra nước ngoài như sau: Nhà đầu tư gửi 01 bộ hồ sơ đăng ký giao dịch ngoại hối liên quan đến hoạt động đầu tư ra nước ngoài đến cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại Điều 8, Điều 9 Thông tư 12/2016/TT- NHNN theo một trong ba cách thức sau: - Nộp trực tuyến qua Cổng dịch vụ công quốc gia hoặc trên Công dịch vụ công Ngân hàng Nhà nước (trừ trường hợp nhà đầu tư là tổ chức tín dụng). - Nộp trực tiếp tại Bộ phận Một cửa Ngân hàng Nhà nước (đối với nhà đầu tư là tổ chức tín dụng) hoặc tại Bộ phận Một cửa Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố (đổi với nhà đầu tư không phải là tổ chức tín dụng). - Gửi qua dịch vụ bưu chính. (So với hiện hành thì bên cạnh việc gửi hồ sơ bằng bưu điện thì có thể gửi qua dịch vụ công quốc gia hoặc tại Bộ phận Một cửa của NHNN). Đồng thời, bổ sung khoản 2a, 2b, 2c Thông tư 12/2016/TT- NHNN như sau: 2a. Trường hợp gửi hồ sơ trực tuyến qua cổng dịch vụ công quốc gia hoặc trên Cổng dịch vụ công Ngân hàng Nhà nước, hồ sơ điện tử được sử dụng chữ ký số theo quy định của pháp luật về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử. Trường hợp hệ thống cổng dịch vụ công quốc gia hoặc cống dịch vụ công Ngân hàng Nhà nước gặp sự cố hoặc có lỗi không thể tiếp nhận, trao đổi thông tin điện tử, việc khai, gửi, tiếp nhận, trả kết quả, trao đổi, phản hồi thông tin được thực hiện qua dịch vụ bưu chính hoặc trực tiếp tại Bộ phận Một cửa Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố theo thẩm quyền quy định tại Điều 8 Thông tư 12/2016/TT- NHNN. 2b. Các tài liệu trong hồ sơ điện tử là bản điện tử quét từ bản gốc, bản chính (tập tin định dạng PDF) hoặc được khai trên cổng dịch vụ công Ngân hàng Nhà nước. 2c. Nhà đầu tư chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của các thông tin nêu tại hồ sơ đăng ký giao dịch ngoại hối liên quan đến hoạt động đầu tư ra nước ngoài. Chi tiết Thông tư 24/2022/TT-NHNN có hiệu lực ngày 15/02/2023 sửa đổi Thông tư 34/2015/TT-NHNN, Thông tư 12/2016/TT- NHNN.
Thí điểm giải quyết trợ cấp mai táng theo thủ tục online
Đây là nội dung tại Quy trình ban hành kèm theo Quyết định 3504/QĐ-BHXH ngày 21/11/2022 quy trình thí điểm giải quyết hưởng và chi trả trợ cấp mai táng theo thủ tục trên Cổng Dịch vụ công quốc gia Cụ thể, quy trình giải quyết hưởng và chi trả trợ cấp mai táng được theo thủ tục trên Cổng Dịch vụ công quốc gia quy định như sau: 1. Về quá trình tiếp nhận hồ sơ Cán bộ bộ phận Một cửa truy cập phần mềm Tiếp nhận và quản lý hồ sơ, nhận trích lục khai tử điện tử và Mẫu số 02 do cổng dịch vụ công Quốc gia chuyển đến qua phần mềm dịch vụ công liên thông. Kiểm tra các thông tin kê khai trên Mẫu số 02 với cơ sở dữ liệu đóng, hưởng BHXH do ngành BHXH quản lý và gửi thông báo giải quyết hồ sơ giao dịch điện tử và trả kết quả đối với hồ sơ giao dịch điện tử (mẫu số 03/TB- GDĐT) theo quy định tại Quyết định 838/QĐ-BHXH cho người dân và phản hồi trạng thái xử lý cho cổng dịch vụ công Quốc gia. Chuyển toàn bộ hồ sơ đã tiếp nhận cho Tổ Thực hiện chính sách BHXH/Phòng Chế độ BHXH nếu hồ sơ đạt yêu cầu. 2. Trả kết quả giải quyết (1) Trả kết quả là Quyết định về việc hưởng trợ cấp mai táng Bộ phận Một cửa tiếp nhận hồ sơ đã được giải quyết từ Tổ Thực hiện chính sách BHXH/Phòng chế độ BHXH để trả cho người dân gồm: - Quyết định về việc hưởng trợ cấp mai táng (mẫu số 08A-HSB hoặc 08B-HSB). - Bản điện tử được gửi vào kho quản lý dữ liệu điện tử của cá nhân trên cổng dịch vụ công Quốc gia. - Bản giấy (nếu có) được gửi theo hình thức đăng ký nhận kết quả. Trường hợp người nhận trợ cấp mai táng đăng ký nhận kết quả giải quyết tại bộ phận Một cửa của cơ quan BHXH: Cán bộ tại bộ phận Một cửa điện thoại trực tiếp và thông báo cho người hưởng đến nhận kết quả tại bộ phận Một cửa của cơ quan BHXH. Khi đến nhận kết quả mang theo CMND/CCCD để đối chiếu; khi nhận kết quả phải ký nhận trên sổ theo dõi trả kết quả. (2) Trả kết quả là tiền trợ cấp mai táng *Tổ/Phòng Kế hoạch - Tài Chính: Tiếp nhận Danh sách, thực hiện quy trình chi trả đối với trường hợp nhận trợ cấp bằng tiền mặt. Trường hợp chi trả qua tài khoản cá nhân thực hiện như sau: - Chuyển tiền ngay vào tài khoản của cá nhân đã đãng ký đối với trường hợp người nhận trợ cấp mai táng đồng thời là người kê khai. - Thực hiện chi trả tiền trợ cấp mai táng qua tài khoản cá nhân đối với trường hợp người nhận trợ cấp không phải là người kê khai sau khi người nhận trợ cấp đã được bộ phận Một cửa xác thực danh tính. *Bộ phận Một cửa: Thực hiện kiểm tra, đối chiếu khi chi trả trợ cấp mai táng như sau: - Trường hợp nhận trợ cấp mai táng trực tiếp bằng tiền mặt tại cơ quan BHXH: Cán bộ bộ phận Một cửa thực hiện đối chiếu CMND/CCCD theo các thông tin người nhận trợ cấp mai táng; nếu thông tin khớp đúng thì scan hình ảnh CMND/CCCD, lưu trữ cùng hồ sơ giải quyết hưởng trợ cấp mai táng và thực hiện chi trả bằng tiền mặt. - Trường hợp người nhận trợ cấp mai táng qua tài khoản cá nhân: Khi người hưởng đến bộ phận Một cửa để xác thực danh tính, cán bộ bộ phận Một cửa thực hiện đối chiếu CMND/CCCD với các thông tin của người nhận trợ cấp mai táng trên hồ sơ hưởng trợ cấp mai táng. Nếu thông tin khớp đúng thì scan hình ảnh CMND/CCCP, lưu trữ cùng hồ sơ giải quyết hưởng trợ cấp mai táng và thông tin cho Tổ/Phòng Kế hoạch - Tài Chính để thực hiện chuyển tiền ngay vào tài khoản cá nhân. Thời hạn giải quyết: Không quá 10 ngày, kể từ ngày nhận đủ thông tin, dữ liệu, hồ sơ hợp lệ. Xem thêm Quyết định 3504/QĐ-BHXH có hiệu lực từ 21/11/2022 đến ngày 20/11/2022.