Bộ Y tế quyết định bỏ bệnh do Covid-19 khỏi nhóm bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm
Ngày 19/10/2023 Bộ Y tế đã ban hành Quyết định 3896/QĐ-BYT năm 2023 về việc điều chỉnh bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút CORONA gây ra (Covid-19) từ bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A sang bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm 2007. Theo đó, Bộ Y tế quyết định bỏ bệnh do Covid-19 khỏi nhóm bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm theo quy định sau: Điều chuyển bệnh viêm đường hô hấp cấp từ nhóm A sang nhóm B - Điều chỉnh bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra (COVID-19) từ bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A sang bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B theo quy định tại điểm b khoản 1 và khoản 2, Điều 3 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm 2007. - Các hoạt động phòng, chống COVID-19 được thực hiện theo quy định Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm 2007 đối với bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B. - Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 20/10/2023. Quyết định 219/QĐ-BYT năm 2020 của Bộ Y tế về việc bổ sung bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (nCov) gây ra vào danh mục các bệnh truyền nhiễm nhóm A theo quy định tại Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm 2007 hết hiệu lực kể từ ngày Quyết định này có hiệu lực thi hành. Phân loại các cấp nhóm bệnh truyền nhiễm hiện nay Căn cứ khoản 1 Điều 3 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm 2007 (bổ sung bởi Quyết định 740/QĐ-BYT năm 2016) phân loại bệnh truyền nhiễm như sau: - Nhóm A gồm các bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh: + Các bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A bao gồm bệnh bại liệt. + Bệnh cúm A-H5N1; bệnh dịch hạch; bệnh đậu mùa; bệnh sốt xuất huyết do vi rút Ê - bô - la (Ebola), Lát-sa (Lassa) hoặc Mác-bớc (Marburg). + Bệnh sốt Tây sông Nin (Nile); bệnh sốt vàng; bệnh tả. + Bệnh viêm đường hô hấp cấp nặng do vi rút và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới phát sinh chưa rõ tác nhân gây bệnh; - Nhóm B gồm các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có khả năng lây truyền nhanh và có thể gây tử vong: + Các bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B bao gồm bệnh do vi rút A-đê-nô (Adeno). + Bệnh do vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS). + Bệnh bạch hầu; bệnh cúm; bệnh dại; bệnh ho gà; bệnh lao phổi; bệnh do liên cầu lợn ở người; bệnh lỵ A-míp (Amibe); bệnh lỵ trực trùng; bệnh quai bị. + Bệnh sốt Đăng gơ (Dengue), sốt xuất huyết Đăng gơ (Dengue). + Bệnh sốt rét; bệnh sốt phát ban; bệnh sởi; bệnh tay-chân-miệng; bệnh than. + Bệnh thủy đậu; bệnh thương hàn; bệnh uốn ván; bệnh Ru-bê-ôn (Rubeon). + Bệnh viêm gan vi rút; bệnh viêm màng não do não mô cầu; bệnh viêm não vi rút; bệnh xoắn khuẩn vàng da; bệnh tiêu chảy do vi rút Rô-ta (Rota); bệnh do vi rút Zika. - Nhóm C gồm các bệnh truyền nhiễm ít nguy hiểm, khả năng lây truyền không nhanh. + Các bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm C bao gồm bệnh do Cờ-la-my-đi-a (Chlamydia). + Bệnh giang mai; các bệnh do giun; bệnh lậu; bệnh mắt hột. + Bệnh do nấm Can-đi-đa-an-bi-căng (Candida albicans); bệnh Nô-ca-đi-a (Nocardia); bệnh phong; bệnh do vi rút Xi-tô-mê-ga-lô (Cytomegalo); bệnh do vi rút Héc-péc (Herpes). + Bệnh sán dây; bệnh sán lá gan; bệnh sán lá phổi; bệnh sán lá ruột; bệnh sốt mò. + Bệnh sốt do Rích-két-si-a (Rickettsia); bệnh sốt xuất huyết do vi rút Han-ta (Hanta); bệnh do Tờ-ri-cô-mô-nát (Trichomonas). + Bệnh viêm da mụn mủ truyền nhiễm; bệnh viêm họng, viêm miệng, viêm tim do vi rút Cốc-xác-ki (Coxsakie). + Bệnh viêm ruột do Giác-đi-a (Giardia); bệnh viêm ruột do Vi-bờ-ri-ô Pa-ra-hê-mô-ly-ti-cút (Vibrio Parahaemolyticus) và các bệnh truyền nhiễm khác. Xem thêm Quyết định 3896/QĐ-BYT năm 2023 có hiệu lực từ ngày 20/10/2023.
Khai gian dối thông tin để nhận tiền hỗ trợ Covid-19 thì bị phạt như thế nào?
Hiện nay, đã có quyết định chính thức về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do Covid-19 từ Chính phủ. Tuy nhiên, không phải không có những thành phần có ý định trục lợi trên tinh thần nhân ái của đất nước. Vậy nếu cá nhân có hành vi gian dối thông tin để nhận tiền hỗ trợ Covid-19 thì bị xử lý như thế nào? Theo quy định tại Điều 20 Quyết định 15/2020/QĐ-TTg quy định: “Cá nhân, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp lợi dụng chính sách quy định tại Quyết định này để trục lợi, vi phạm pháp luật thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà phải bồi thường, bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.” Như vậy, theo quy định pháp luật, cá nhân có hành vi gian dối thông tin để nhận tiền hỗ trợ Covid-19 có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự tùy mức độ hành vi, cụ thể như sau: *Xử phạt vi phạm hành chính: Căn cứ theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ-CP thì người nào có hành vi gian dối để chiếm đoạt tài sản của người khác sẽ bị phạt từ 1.000.000 đến 2.000.000 đồng *Xử lý hình sự: Nếu hành vi trục lợi này trên 2.000.000 đồng thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 174 Bộ luật hình sự 2015. Khi đó, khung hình phạt thấp nhất là bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm; bên cjanh đó, người phạm tội phải hoàn trả lại số tiền đã chiếm đoạt và bồi thường thiệt hại cho nạn nhân (nếu có) Dịch bệnh đã gây ra rất nhiều khó khăn cho đất nước, khiến hàng loạt người mất việc làm, đặc biệt là những người lao động tự do gặp rất nhiều khó khăn. Đừng vì sự tham lam nhất thời mà gây họa cho bản thân cũng như ảnh hưởng đến xã hội.
KHẨN: TP.HCM thông báo lịch đi học lại của học sinh, sinh viên
UBND TP.HCM vừa ban hành Công văn 1556/UBND-VX về việc đi học trở lại của học sinh, sinh viên, học viên các cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố. Theo đó, thời gian đi học trở lại của học sinh, sinh viên tại TP.HCM bắt đầu từ ngày 04/5/2020, được phân bổ theo từng khối lớp, không tập trung đồng loạt. Giao Sở Giáo dục và Đào tạo và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng kế hoạch cụ thể về việc đi học trở lại, trong đó phải có hướng dẫn cụ thể các giải pháp đảm bảo thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch theo Chỉ thị 19/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ tại các cơ sở giáo dục và cơ sở giáo dục nghề nghiệp; hoàn thành đúng tiến độ và đảm bảo chất lượng, chương trình năm học 2019-2020. Đối với các trường mầm non công lập, các trường mầm non ngoài công lập, nhóm trẻ độc lập tư thục, giao UBND quận, huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tổ chức kiểm tra việc phòng chống dịch trước khi trẻ mầm non đi học trở lại để đảm bảo an toàn trở lại. *Xem chi tiết văn bản tại đây:
Cơ sở kinh doanh ăn uống không đảm bảo biện pháp chống dịch khi hoạt động trở lại bị xử phạt ra sao?
Cả nước đang bước vào khoảng thời gian giãn cách ly xã hội; các cơ sở kinh doanh đang dần đi vào hoạt động. Tuy nhiên, khi hoạt động trở lại mà các cơ sở kinh doanh ăn uống không bảo đảm các biện pháp chống dịch như: không giữ khoảng cách 2m, không đeo khẩu trang và bao tay trong chế biến hay không chuẩn bị nước rửa tay diệt khuẩn thì bị xử phạt như thế nào? Ngày 23/4/2020, Cục An toàn thực phẩm đã có Công văn số 965/ATTP-NĐTT về việc hướng dẫn đảm bảo an toàn thực phẩm trong phòng, chống dịch COVID-19 đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố. Theo đó, để bảo đảm an toàn thực phẩm trong điều kiện tiếp tục phòng chống dịch COVID-19 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các cơ sở kinh doanh ăn uống và kinh doanh ăn uống đường phố phải tuân theo những điều kiện được đặt ra. >>>Xem chi tiết nội dung Công văn TẠI ĐÂY Việc các cơ sở kinh doanh ăn uống không giữ khoảng cách 2m, không đeo khẩu trang và bao tay trong chế biến hay không chuẩn bị nước rửa tay diệt khuẩn có thể bị xử lý về hành vi vi phạm các biện pháp chống dịch truyền nhiễm, cụ thể như sau: - Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế (theo quy định tại khoản 1 Điều 11 Nghị định 176/2013/NĐ-CP) - Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện hoặc từ chối thực hiện các biện pháp vệ sinh, diệt trùng, tẩy uế trong vùng có dịch (theo quy định tại khoản 1 Điều 11 Nghị định 176/2013/NĐ-CP) Những khách hàng khi ăn uống tại các cơ sở kinh doanh này sẽ bị phạt tương tự trong trường hợp bản thân khách hàng cũng không đeo khẩu trang khi ra đường để đến những nơi đây, đồng thời không giữ khoảng cách an toàn khi ăn uống ngoài hàng quán. Giãn cách ly xã hội không đồng nghĩa với hết dịch nên mọi luôn phải luôn trong tinh thần tự giác cao, không được chủ quan, lơ là để chúng ta cùng sớm vượt qua đại dịch nhé!
Lao động tự do thuộc đối tượng được hỗ trợ nhưng không được nhận thì phải làm sao?
Quyết định 15/2020/QĐ-TTg khi ban hành được đánh giá là kịp thời, tạo động lực, niềm vui cho người lao động giữa những ngày đại dịch khó khăn. Nếu bạn là lao động tự do thuộc nhóm đối tượng được nhận hỗ trợ nhưng chưa được nhận hoặc không được nhận thì hãy đọc bài viết sau đây. *Điều kiện để được nhận trợ cấp Căn cứ theo quy định tại Điều 7 Quyết định 15/2020/QĐ-TTg quy định những đối tượng NLĐ không có giao kết hợp đồng phải đủ các điều kiện sau đây để được nhận hỗ trợ, cụ thể: - Mất việc làm và có thu nhập thấp hơn mức chuẩn cận nghèo trong thời gian từ ngày 01/4/2020 đến ngày 30/6/2020; - Cư trú hợp pháp tại địa phương; - Thuộc lĩnh vực phi nông nghiệp, làm một trong những công việc sau: bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ không có địa điểm cố định; thu gom rác, phế liệu; bốc vác, vận chuyển hàng hóa; lái xe mô tô 2 bánh chở khách, xe xích lô chở khách; bán lẻ xổ số lưu động; tự làm hoặc làm việc tại các hộ kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống, lưu trú, du lịch, chăm sóc sức khỏe. *Hồ sơ cần chuẩn bị (theo quy định tại Điều 8 Quyết định 15/2020/QĐ-TTg) Để được nhận hỗ trợ, những người thuộc nhóm đối tượng trên cần chuẩn bị hồ sơ như sau: - Đề nghị hỗ trợ (Dành cho người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm) (theo Mẫu số 04) - Đối với NLĐ có nơi thường trú và tạm trú không nằm trong phạm vi một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nếu đề nghị hưởng hỗ trợ tại nơi thường trú thì phải bổ sung thêm Đơn xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi tạm trú về việc không hưởng các chính sách theo Quyết định này tại nơi tạm trú - Đối với NLĐ có nơi thường trú và tạm trú không nằm trong phạm vi một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nếu đề nghị hưởng hỗ trợ tại nơi tạm trú thì phải bổ sung thêm Đơn xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thường trú về việc không hưởng các chính sách theo Quyết định này tại nơi thường trú *Nếu đã thực hiện đầy đủ các thủ tục trên mà vẫn không được nhận trợ cấp thì NLĐ có thể liên hệ với UBND cấp xã nơi đã nộp hồ sơ nhận trợ cấp để được giải đáp thắc mắc. Vì theo quy định tại Điều 8 Quyết định 15/2020/QĐ-TTg, khi UBND cấp xã tổng hợp danh sách gửi về UBND cấp huyện thẩm định trình UBND cấp tỉnh; trường hợp UBND cấp tỉnh không phê duyệt danh sách đủ điều kiện nhận trợ cấp thì sẽ có văn bản trả lời giải thích lý do tại sao không phê duyệt. >>>TẢI MẪU ĐƠN SỐ 04 TẠI ĐÂY
Điều kiện nào để Việt Nam công bố hết dịch bệnh Covid-19?
Tính đến 06g00 sáng 24/04/2020, Việt Nam vẫn duy trì con số 0 ca nhiễm mới; như vậy, đã 08 ngày trôi qua nước ta chưa ghi nhận thêm ca nhiễm Covid-19. Việc thực hiện cách ly xã hội cũng đã được Chính phủ “nới lỏng”. Vậy câu hỏi đặt ra là khi nào thì Việt Nam mới được công bố hết dịch viêm phổi Covid-19? Việc công bố hết dịch bệnh truyền nhiễm phải đáp ứng các điều kiện theo quy định pháp luật; cụ thể theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 40 Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm và khoản 1 Điều 5 Quyết định 02/2016/QĐ-TTg phải đáp ứng 02 điều kiện sau đây: - Thứ nhất, không phát hiện thêm trường hợp mắc bệnh mới sau khoảng thời gian nhất định cho từng bệnh quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định 07/2020/QĐ-TTg; - Thứ hai, đã thực hiện các biện pháp chống dịch theo quy định. Tại phụ lục ban hành kèm theo Quyết định 07/2020/QĐ-TTg nêu rõ các khoảng thời gian như sau: Tên bệnh truyển nhiễm Nhóm Thời gian ủ bệnh trung bình (ngày) Thời gian không phát hiện thêm trường hợp mắc bệnh mới (ngày) Bệnh COVID-19 A 14 28 (*) Thời gian được tính từ ngày trường hợp mắc bệnh gần nhất được cách ly tại cơ sở y tế Cụ thể, bệnh COVID-19 thuộc nhóm A, thời gian ủ bệnh trung bình 14 ngày, thời gian không phát hiện thêm trường hợp mắc bệnh mới là 28 ngày (thời gian được tính từ ngày trường hợp mắc bệnh gần nhất được cách ly tại cơ sở y tế). Thẩm quyền công bố hết dịch thuộc về Thủ tướng Chính phủ (quy định tại Điều 38 Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm và Điều 5 Quyết định 02/2016/QĐ-TTg). Có thể thấy chúng ta đã có 08 ngày liên tiếp không phát hiện thêm trường hợp mắc bệnh mới; còn cả một chặng đường dài phía trước, hy vọng mỗi cá nhân sẽ giữ vững tinh thần cũng như tinh thần tự giác để đất nước mong chóng vượt qua dịch bệnh nhé!
INFOGRAPHIC: 05 điều tuyệt đối tránh thực hiện khi giãn cách ly xã hội
Tạm thời ngừng thực hiện cách ly xã hội không có nghĩa là chúng ta đã chiến thắng dịch bệnh. Sau đây là 05 điều cần tránh thực hiện để bảo vệ bản thân, gia đình cũng như xã hội nhé!
Đây là nội dung tại Thông báo 158/TB-VPCP về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19. Theo đó, Thủ tướng đồng ý với kiến nghị của Ban Chỉ đạo về việc phân loại nguy cơ dịch bệnh ở các địa phương để áp dụng biện pháp phòng, chống dịch phù hợp: - Nhóm địa phương có nguy cơ cao gồm 12 các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Lào Cai, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Ninh Bình, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Bình Thuận, Khánh Hoà, Tây Ninh. Các địa phương này tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ đến ngày 22 hoặc 30 tháng 4 năm 2020 và có thể xem xét kéo dài tùy thuộc vào diễn biến dịch bệnh trên địa bàn; đồng thời quan tâm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động sản xuất, xây dựng hạ tầng, bảo đảm lưu thông hàng hóa. - Nhóm địa phương có nguy cơ gồm 16 tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Cần Thơ, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Hà Nam, Nam Định, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Kiên Giang, Sóc Trăng, An Giang, Đồng Tháp, Hà Giang. Các địa phương này cần thực hiện nghiêm các biện pháp theo Chỉ thị 16/CT-TTg đến hết ngày 22 tháng 4 năm 2020 và sẽ có điều chỉnh vào ngày 22 tháng 4 tùy diễn biến dịch bệnh. - Nhóm có nguy cơ thấp gồm 35 tỉnh còn lại. Yêu cầu các địa phương tiếp tục thực hiện theo chỉ thị 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Giao Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: - Quyết định cụ thể việc thực hiện giãn cách xã hội và các biện pháp áp dụng trên địa bàn của mình một cách phù hợp theo các cấp độ: yêu cầu, hạn chế, khuyến cáo đối với các hoạt động của 3 nhóm tỉnh, thành phố là: ra khỏi nhà theo các mức độ yêu cầu, mở các cửa hàng không thiết yếu theo mức độ, việc vận chuyển hành khách bằng các phương tiện công cộng, việc tập trung đông người; - Quyết định cụ thể cơ sở kinh doanh, dịch vụ cần đóng cửa; - Chịu trách nhiệm giám sát chặt chẽ tại các dự án, công trường, cơ sở sản xuất kinh doanh và yêu cầu ngừng sản xuất, kinh doanh nếu cơ sở không đảm bảo việc phòng chống dịch; tập trung xử lý triệt để các ổ dịch đã phát hiện. Xem chi tiết thông báo tại file đính kèm:
Danh sách các tỉnh, thành cách ly xã hội đến 22/4
Chiều 15-4, tại cuộc họp giao ban trực tuyến về công tác phòng, chống COVID-19 của Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý kiến nghị kéo dài thời gian cách ly xã hội đến 22/4 trong đó có TP.HCM và Hà Nội và 10 tỉnh thành có nguy cơ lây lan cao. Trước đó, Thứ trưởng thường trực Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đề xuất Chính phủ chia các tỉnh thành làm 3 nhóm để có biện pháp phòng chống dịch bệnh phù hợp. - Nhóm nguy cơ cao gồm 12 tỉnh thành: TP HCM, Hà Nội, Lào Cai, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Ninh Bình, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Thuận, Khánh Hoà, Tây Ninh, Hà Tĩnh. - 15 tỉnh thành thuộc nhóm nguy cơ là: Bình Dương, Cần Thơ, Đồng Nai, Hà Nam, Hải Phòng, Kiên Giang, Thái Nguyên, Nam Định, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Sóc Trăng, Lạng Sơn, An Giang, Bình Phước và Đồng Tháp. Các tỉnh còn lại thuộc nhóm nguy cơ thấp. - Các địa phương còn lại được xếp vào nhóm nguy cơ thấp và không cần thiết tiếp tục cách ly xã hội. Bởi những ngày qua người dân các tỉnh không có nguy cơ lây nhiễm gặp nhiều áp lực, mong muốn được nới lỏng. Xem chi tiết: TẠI ĐÂY
TP.HCM ban hành Bộ chỉ số đánh giá tính rủi ro lây nhiễm virus Corona
Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TPHCM đã ban hành Quyết định 1203/QĐ-BCĐ về bộ chỉ số đánh giá tính rủi ro lây nhiễm virus Corona gồm 10 chỉ số thành phần tại doanh nghiệp đóng trên địa bàn TPHCM. Chủ tịch UBND TP.HCM cũng ban hành Công văn 1249/UBND-VX hướng dẫn triển khai bộ chỉ tiêu đánh giá này và yêu cầu các quận huyện, các cơ quan có liên quan như y tế, lao động thương binh xã hội, ban quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất, ban quản lý khu công nghệ cao, ban an toàn thực phẩm, liên đoàn lao động, hiệp hội doanh nghiệp thành phố, và UBND các phường xã thị trấn… khẩn trương triển khai bộ chỉ số đánh giá rủi ro lây nhiễm virus Corona tại doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM. Qua đó có cơ sở để đánh giá một cách toàn diện mức độ và nguy cơ lây nhiễm tại các doanh nghiệp sản xuất có đông người lao động. Theo đó việc khảo sát các Doanh nghiệp sẽ thực hiên từ nay đến ngày 8.4. Xem chi tiết bên dưới:
Các mức phạt và hành vi vi phạm phổ biến về quy định phòng, chống dịch Covid-19
Sở Tư pháp Hà Nội vừa ban hành văn bản số 925/STP-PBGDPL gửi cơ quan báo chí đề nghị phối hợp triển khai hình thức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật liên quan đến phòng, chống dịch COVID-19. 1. Người không đeo khẩu trang nơi công cộng bị phạt tiền tối đa đến 300.000 đồng. Điều 11. Vi phạm quy định về áp dụng biện pháp chống dịch 1. Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: a) Không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế; ---Nghị định 176/2013/NĐ-CP--- 2. Người vứt khẩu trang đã sử dụng không đúng nơi quy định tại nơi công cộng bị phạt tiền tối đa đến 5 triệu đồng; vứt ra vỉa hè, đường phố bị phạt tiền tối đa đến 7 triệu đồng. Điều 20. Vi phạm các quy định về vệ sinh nơi công cộng; thu gom, vận chuyển, chôn, lấp, xử lý, thải rác thải sinh hoạt và chất thải rắn công nghiệp thông thường; vận chuyển nguyên liệu, vật liệu, hàng hóa gây ô nhiễm môi trường c) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ rác thải sinh hoạt không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng, trừ vi phạm quy định tại điểm d khoản này; d) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với hành vi vứt, thải rác thải sinh hoạt trên vỉa hè, đường phố hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị hoặc hệ thống thoát nước mặt trong khu vực đô thị. --- Nghị định 155/2016/NĐ-CP --- 3. Người che giấu tình trạng bệnh của mình hoặc của người khác khi mắc Covid-19 bị phạt tiền tối đa đến 1 triệu đồng. Điều 11. Vi phạm quy định về áp dụng biện pháp chống dịch 2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: a) Che dấu tình trạng bệnh của mình hoặc của người khác khi mắc bệnh truyền nhiễm đã được công bố là có dịch; ---Nghị định 176/2013/NĐ-CP--- 4. Không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp tạm đình chỉ hoạt động của cơ sở dịch vụ ăn uống công cộng có nguy cơ làm lây truyền dịch bệnh tại vùng có dịch thì bị phạt tiền tối đa đến 10 triệu đồng đối với cá nhân; 20 triệu đồng đối với tổ chức. Điều 11. Vi phạm quy định về áp dụng biện pháp chống dịch 4. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: a) Không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp tạm đình chỉ hoạt động của cơ sở dịch vụ ăn uống công cộng có nguy cơ làm lây truyền bệnh dịch tại vùng có dịch; ---Nghị định 176/2013/NĐ-CP--- 5. Người không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại nơi công cộng để phòng, chống dịch Covid-19 thì bị phạt tiền tối đa đến 10 triệu đồng đối với cá nhân; 20 triệu đồng đối với tổ chức. Điều 11. Vi phạm quy định về áp dụng biện pháp chống dịch 4. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: c) Không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại nơi công cộng. ---Nghị định 176/2013/NĐ-CP--- 6. Người không thực hiện quyết định kiểm tra, giám sát, xử lý y tế trước khi ra, vào vùng dịch bị phạt tiền tối đa đến 20 triệu đồng. Điều 11. Vi phạm quy định về áp dụng biện pháp chống dịch 5. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: a) Không thực hiện quyết định kiểm tra, giám sát, xử lý y tế trước khi ra vào vùng có dịch thuộc nhóm A; ---Nghị định 176/2013/NĐ-CP--- 7. Người trốn khỏi nơi cách ly, không tuân thủ quy định về cách ly; từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly, cưỡng chế cách ly để phòng, chống dịch Covid-19 có thể bị xử phạt hành chính tối đa đến 10 triệu đồng hoặc bị xử lý theo Điều 240 Bộ luật Hình sự trong trường hợp lây truyền dịch bệnh cho người khác. Điều 10. Vi phạm quy định về cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế 2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: b) Từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng quyết định cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, đối tượng kiểm dịch y tế biên giới mắc bệnh hoặc mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A. ---Nghị định 176/2013/NĐ-CP--- 8. Hành vi trốn khỏi nơi cách ly, không tuân thủ quy định về cách ly; từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly, cưỡng chế cách ly mà gây thiệt hại từ 100 triệu đồng trở lên do phát sinh chi phí phòng, chống dịch Covid-19 thì bị xử lý theo Điều 295 Bộ luật Hình sự. 9. Người nào khai báo y tế không đầy đủ hoặc gian dối gây lây truyền dịch Covid-19 cho người khác bị xử lý theo Điều 240 Bộ luật Hình sự. 10. Người nào đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, thông tin xuyên tạc về tình hình dịch Covid-19 có thể bị phạt tiền tối đa đến 15 triệu đồng hoặc bị xử lý theo Điều 288 Bộ luật Hình sự. 11. Người có hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ trong phòng, chống dịch Covid-19 thì bị xử lý theo Điều 330 Bộ luật Hình sự. 12. Chủ cơ sở kinh doanh, người quản lý cơ sở kinh doanh dịch vụ (như quán bar, vũ trường, karaoke, dịch vụ mát-xa, cơ sở thẩm mỹ…) thực hiện hoạt động kinh doanh khi đã có quyết định tạm dừng để phòng, chống dịch bệnh mà gây thiệt hại từ 100 triệu đồng trở lên do phát sinh chi phí phòng, chống dịch, bệnh thì bị xử lý theo Điều 295 Bộ luật Hình sự. 13. Người có hành vi lợi dụng sự khan hiếm hoặc tạo sự kham hiếm giả tạo trong tình hình dịch bệnh Covid-19 để mua vét hàng hóa đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố là mặt hàng bình ổn giá hoặc hàng hóa được Nhà nước định giá nhằm bán lại để thu lợi bất chính bị xử lý về tội đầu cơ theo quy định tại Điều 196 Bộ luật Hình sự.
Hà Nội sẵn sàng ứng phó với tình huống phong tỏa diện rộng trên địa bàn thành phố khi cần thiết
Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ đã ban hành Chỉ thị số 31-CT/TU về “Thực hiện lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, tăng cường các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn Thủ đô”. Ngày 30/3/2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã ra Lời kêu gọi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài tham gia phòng, chống dịch Covid-19; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 15/CT-TTg “Về quyết liệt thực hiện đợt cao điểm phòng, chống dịch Covid-19”, Chỉ thị số 16/CT-TTg “Về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19”, Quyết định số 447/QĐ-TTg “Về việc công bố dịch Covid-19 toàn quốc”. Với vị thế là Thủ đô trái tim của cả nước, đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế, trước yêu cầu của công tác phòng, chống dịch ở vào thời điểm vô cùng quan trọng này, công tác phòng chống dịch tại Hà Nội càng trở nên cấp bách. Mặc dù một số biện pháp phòng, chống dịch bệnh sẽ ảnh hưởng nhất định đến hoạt động của các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, cũng như cuộc sống hằng ngày của nhân dân; song với ý thức trách nhiệm trước sự an toàn sức khỏe nhân dân là mục tiêu quan trọng hàng đầu; để tiếp tục giữ vững kết quả đạt được trong công tác phòng, chống dịch thời gian qua, chủ động ngăn chặn, kiểm soát dịch trong giai đoạn mới, Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội thành phố và nhân dân Thủ đô thực hiện nghiêm túc những nhiệm vụ trọng tâm sau: 1. Toàn hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, bệnh viện, trường học, các tổ chức… trên địa bàn, lực lượng vũ trang và nhân dân Thủ đô quyết tâm thực hiện tốt Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng; bám sát sự lãnh đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đoàn kết một lòng, thống nhất ý chí và hành động, thực hiện quyết liệt, trách nhiệm, hiệu quả; tập trung cao độ, ưu tiên nguồn lực, thời gian và công sức tiếp tục chủ động ngăn chặn và đẩy lùi dịch Covid-19, bảo vệ sức khỏe và tính mạng người dân. 2. Các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội từ thành phố đến cơ sở tiếp tục tuyên truyền, vận động tạo đồng thuận, thống nhất cao trong việc thực hiện giãn cách toàn xã hội theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 16. Vận động người dân nâng cao ý thức tự bảo vệ mình, thực hiện đúng quy định của pháp luật, hướng dẫn của Bộ Y tế và chính quyền địa phương; khai báo y tế tự nguyện, thông báo kịp thời với cơ sở y tế về tình hình sức khỏe nếu có yếu tố, biểu hiện nghi nhiễm Covid-19 và thực hiện cách ly theo đúng quy định; phát huy tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, tự giác chấp hành các quy định về phòng, chống dịch bệnh, với tinh thần mỗi người dân Thủ đô là một chiến sĩ trên mặt trận phòng, chống dịch bệnh vì an toàn sức khỏe của bản thân, gia đình và có trách nhiệm với cộng đồng. 3. Người đứng đầu cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, thủ trưởng cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm toàn diện về công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn phụ trách với phương châm 4 tại chỗ (lực lượng tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ). Phân công lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ứng trực để kịp thời xử lý các tình huống phát sinh. Lãnh đạo, chỉ đạo đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch, đồng thời chịu trách nhiệm về việc cán bộ, nhân viên lây nhiễm dịch bệnh do không chấp hành nghiêm quy định phòng, chống dịch tại công sở. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành; tăng cường họp trực tuyến; chủ động bố trí cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc tại nhà, trừ những trường hợp cần thiết theo yêu cầu nhiệm vụ mới đến làm việc tại công sở. Chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và tổ chức thành công đại hội đảng các cấp thực hiện Chỉ thị 35-CT/TƯ và Kế hoạch 155-KH/TU của Thành ủy. Thực hiện tiết kiệm chi phí chi thường xuyên, cắt giảm những công việc chưa thực sự cần thiết để dành nguồn lực cho công tác phòng chống dịch và hỗ trợ an sinh xã hội (các đơn vị của thành phố thực hiện cắt giảm thêm ít nhất 5% chi tiêu thường xuyên ngoài kế hoạch tiết kiệm 10% từ đầu năm). 4. Ban Cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo rà soát, cập nhật phương án, kịch bản phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn, bám sát chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, sẵn sàng ứng phó trong tình huống triển khai phong tỏa diện rộng trên địa bàn thành phố khi cần thiết. Chỉ đạo tiếp tục khẩn trương rà soát, theo dõi chặt chẽ, phát hiện và khoanh vùng, cách ly kịp thời những người đã tiếp xúc với người nghi nhiễm hoặc nhiễm bệnh, không để lây lan dịch bệnh. Tiếp tục thực hiện vệ sinh tiêu độc, khử trùng; phối hợp với Bộ Y tế để thực hiện tiêu độc, khử trùng tại các cơ quan, đơn vị thuộc bộ, ngành Trung ương trên địa bàn. Phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Công an và các đơn vị liên quan cương quyết dồn mọi nguồn lực, bằng mọi giải pháp xử lý triệt để tình hình dịch tại Bệnh viện Bạch Mai, tranh thủ từng giờ, từng phút để truy vết, áp dụng các biện pháp phù hợp đối với tất cả các trường hợp có nguy cơ tiếp xúc với người bệnh, người qua lại khu vực Bệnh viện Bạch Mai; công khai, minh bạch thông tin theo quy định. Chỉ đạo các ngành chức năng đảm bảo đầy đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, vật tư, nhân lực, lương thực, thực phẩm và nhu yếu phẩm phục vụ công tác phòng, chống dịch của toàn thành phố; cung cấp đầy đủ điện, nước phục vụ sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của người dân; xử lý nghiêm việc đầu cơ tăng giá vật tư y tế và lương thực thực phẩm. Chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ “kép” vừa phòng, chống dịch, vừa sản xuất, kinh doanh, khôi phục kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội. Kêu gọi các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp nhà nước có cổ phần chi phối thuộc thành phố thực hiện tiết giảm chi tiêu, chi phí hoạt động để dành kinh phí cho công tác phòng, chống dịch Covid-19. Rà soát, hỗ trợ những trường hợp người lao động khó khăn, mất việc làm, chịu nhiều ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 (bao gồm cả người lao động tại các doanh nghiệp ngoài nhà nước, các đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ, cơ sở giáo dục ngoài công lập…); đề xuất chính sách hỗ trợ đặc thù (ngoài các quy định của Chính phủ) đối với các trường hợp trên, chỉ đạo triển khai đảm bảo ổn định đời sống nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội để “không ai bị bỏ lại phía sau” trong cuộc chiến chống dịch bệnh và giám sát việc thực hiện đúng các quy định hiện hành. Chủ động xây dựng Kế hoạch khôi phục, phát triển kinh tế ngay sau khi hết dịch bệnh. Tăng cường các biện pháp đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phòng chống cháy nổ, đấu tranh quyết liệt phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội; đảm bảo cuộc sống bình yên của nhân dân. 5. Đảng Đoàn HĐND thành phố phối hợp với Ban Cán sự đảng UBND thành phố cân đối, phân bổ nguồn lực, đảm bảo phục vụ công tác phòng, chống dịch trên địa bàn thành phố; xem xét, quyết định kịp thời các biện pháp hỗ trợ các đối tượng yếu thế, các tổ chức, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, góp phần tháo gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội. 6. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp của thành phố tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, nhân dân nâng cao ý thức, chấp hành nghiêm các quy định về phòng, chống dịch bệnh; vận động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của các cơ quan thuộc thành phố ủng hộ tối thiểu mỗi người một ngày lương; vận động các tổ chức, nhân dân và các nhà hảo tâm, kiều bào ta ở nước ngoài tích cực ủng hộ sáng kiến, kinh phí, hàng hóa, phát huy tinh thần yêu nước, lòng nhân ái, trách nhiệm xã hội chung sức, đồng lòng, chia sẻ, giúp đỡ cùng nhau đẩy lùi dịch bệnh, ổn định cuộc sống. 7. Các ban Đảng, Văn phòng Thành ủy căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, nắm chắc tình hình, kiểm tra, đôn đốc, kịp thời tham mưu Ban Thường vụ Thành ủy lãnh đạo, chỉ đạo, giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19. Ban Tuyên giáo Thành ủy chỉ đạo các cơ quan báo chí thành phố và phối hợp với các cơ quan báo chí Trung ương tăng cường tuyên truyền về công tác phòng, chống dịch bệnh; biểu dương người tốt, việc tốt, định hướng dư luận trong quá trình tổ chức thực hiện; đồng thời đấu tranh, ngăn chặn, phản bác thông tin xuyên tạc, sai trái của các thế lực thù địch, tạo sự tin tưởng, đồng thuận của nhân dân đối với các giải pháp phòng, chống dịch của Trung ương và thành phố. Theo dõi, đôn đốc, thường xuyên hướng dẫn và tổng hợp các hoạt động, kịp thời báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy. 8. Các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội từ thành phố đến cơ sở quán triệt, triển khai nghiêm túc Chỉ thị, thường xuyên báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy kết quả thực hiện (qua Ban Tuyên giáo Thành ủy để tổng hợp). Trường hợp khó khăn, vướng mắc hoặc phát sinh vấn đề đột xuất kịp thời báo cáo Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy để được chỉ đạo giải quyết. >>> Xem toàn văn Chỉ thị 31 tại file đính kèm
Ra đường khi không thuộc trường hợp cần thiết bị phạt như thế nào?
Mới đây, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung chiều 3-4 cho biết từ ngày 4-4, các đơn vị từ quận huyện, phường xã tăng cường kiểm tra xử phạt người đi ra ngoài đường không đúng nội dung cho phép. Vậy một câu hỏi được đặt ra là trường hợp có người ra đường nhưng không thuộc trường hợp cần thiết phải ra (xem TẠI ĐÂY) thì căn cứ nào để xử lý? Quy định tại điểm a khoản 1 Điều 11 của Nghị định 176/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế: Điều 11. Vi phạm quy định về áp dụng biện pháp chống dịch 1. Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: a) Không thực hiện biện pháp bảo vệ cá đối với người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế; … Ở một số trường hợp khác liên quan đến việc ra đường mà không thuộc các trường hợp đã được quy định thì có thể áp dụng chế tài tại điểm c, khoản 4 Điều 11 Nghị định 176: 4. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: … c) Không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại nơi công cộng….” Như vậy, tùy theo tình hình và hành vi mà tổ chức có thẩm quyền có thể xử lý người vi phạm theo quy định. Với tình hình hiện tại trước những diễn biến hết sức phức tạp của đại dịch Covid-19 mỗi người dân cần có ý thức trong việc thực hiện các quy định nhằm hạn chế thấp nhất rủi ro có thể xảy ra.
INFOGRAPHIC: 10 việc cần phải làm từ đây đến ngày 15/04/2020
Dưới đây là 10 việc mà bạn cần phải ghi nhớ để thực hiện đến ngày 15/04/2020. Hãy cùng nhau chung tay để vượt qua Covid-19
Có được gia hạn trả nợ Ngân hàng khi gặp khó khăn vì Covid-19?
Khi lệnh cách ly toàn xã hội được ban bố; đồng nghĩa với việc các cá nhân kinh doanh, hộ kinh doanh hay doanh nghiệp sẽ gặp tình trạng khó khăn chồng chất khó khăn, đặc biệt là hộ kinh doanh hay cá nhân kinh doanh nhỏ lẻ khi nguồn vốn của họ xuất phát từ việc vay tốn để đầu tư sinh lợi. Câu hỏi được đặt ra trong nhiều ngày qua là có được gia hạn trả nợ Ngân hàng khi gặp khó khăn vì Covid-19 hay không? Căn cứ theo quy định tại Điều 19 Thông tư 39/2016/NHNN cụ thể như sau: Tổ chức tín dụng xem xét quyết định việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ trên cơ sở đề nghị của khách hàng, khả năng tài chính của tổ chức tín dụng và kết quả đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng, như sau: 1. Khách hàng không có khả năng trả nợ đúng kỳ hạn nợ gốc và/hoặc lãi tiền vay và được tổ chức tín dụng đánh giá là có khả năng trả đầy đủ nợ gốc và/hoặc lãi tiền vay theo kỳ hạn trả nợ được điều chỉnh, thì tổ chức tín dụng xem xét điều chỉnh kỳ hạn trả nợ gốc và/hoặc lãi tiền vay đó phù hợp với nguồn trả nợ của khách hàng; thời hạn cho vay không thay đổi. 2. Khách hàng không có khả năng trả hết nợ gốc và/hoặc lãi tiền vay đúng thời hạn cho vay đã thỏa thuận và được tổ chức tín dụng đánh giá là có khả năng trả đầy đủ nợ gốc và/hoặc lãi tiền vay trong một khoảng thời gian nhất định sau thời hạn cho vay, thì tổ chức tín dụng xem xét cho gia hạn nợ với thời hạn phù hợp với nguồn trả nợ của khách hàng. 3. Việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ được thực hiện trước hoặc trong thời hạn 10 (mười) ngày kể từ ngày đến kỳ hạn, thời hạn trả nợ đã thỏa thuận. Như vậy, có thể thấy pháp luật có quy định cho phép việc cơ cấu lại thời gian trả nợ trên đề nghị của khách hàng, khả năng tài chính của tổ chức tín dụng và kết quả đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng. Điều đó có nghĩa là không phải tất cả các đề nghị xin gia hạn thời gian trả nợ của khách hàng đều được Ngân hàng đồng ý. Việc có được duyệt yêu cầu gia hạn thời gian trả nợ hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố tại thời điểm yêu cầu gia hạn, ví dụ: mục đích vay vốn ban đầu, việc kinh doanh gặp khó khăn dẫn đến việc xin gia hạn trả nợ có thực sự xuất phát từ dịch bệnh Covid-19, lịch sử trả nợ của bản thân có tốt hay không, có nợ xấu hay không hoặc khả năng tài chính của Ngân hàng vào thời điểm đó. Về thủ tục xin gia hạn trả nợ Ngân hàng thì tùy thuộc vào từng tổ chức tín dụng sẽ có những quy định riêng; khi bạn có nhu cầu xin cơ cấu lại thời gian trả nợ thì hãy đến trực tiếp Ngân hàng để được hỗ trợ tốt nhất. Trên đây là bài viết dựa trên nghiên cứu của bản thân và thực tiễn, nếu bạn có thêm thông tin gì thì bình luận bên dưới để bài viết thêm hoàn chỉnh nhé!
Nghị quyết 37/NQ-CP quy định chế độ đặc thù cho người bị cách ly, người tham gia chống dịch Covid-19
Ngày 29/3, Chính Phủ vừa bạn hành Nghị quyết số 37/NQ-CP về một số chế độ đặc thù trong phòng, chống dịch COVID-19, theo đó chế độ hỗ trợ cho từng đối tượng được áp dụng như sau: 1. Người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế: - Tiền ăn: 80.000/ngày, dành cho người Việt Nam, người nước ngoài đang bị áp dụng biện pháp cách ly y tế tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc tại cơ sở, địa điểm khác (không áp dụng đối với hình thức cách ly tại nhà, nơi lưu trú, khách sạn, resort, doanh nghiệp). - Ngoài ra, đối tượng trên sẽ được cấp các vật dụng bao gồm: nước uống, khăn mặt, khẩu trang, nước dung dịch rửa tay, dung dịch sát khuẩn miệng, bàn chải đánh răng, xà phòng tắm gội và các vật dụng thiết yếu, các chi phí khác phục vụ nhu cầu sinh hoạt trong những ngày cách ly y tế với tổng chi phí là 40.000 đồng/ngày. - Trường hợp đang cách ly mà bị bệnh cần khám chữa bệnh: + Đối với người có thẻ bảo hiểm y tế, Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán phần chi phí khám, điều trị trong trong phạm vi được hưởng bảo hiểm y tế như trường hợp đi khám, chữa bệnh đúng tuyến. Ngân sách nhà nước chi trả phần chi phí đồng chi trả của người bệnh và các chi phí ngoài phạm vi hưởng bảo hiểm y tế. + Đối với người không có thẻ bảo hiểm y tế: Người Việt Nam thì do ngân sách nhà nước chi trả; người nước ngoài tự chi trả chi phí khám, điều trị. 2. Người lao động, cán bộ y tế tham gia chống dịch: - Người đi giám sát, điều tra, xác minh dịch; người trực tiếp khám, chẩn đoán, điều trị người mắc bệnh dịch tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh: 300.000 đồng/ngày, kể cả ngày nghỉ, ngày lễ. - Người vận chuyển người bệnh, bệnh phẩm; bảo quản tử thi người bệnh; người giặt đồ vải, quần áo bác sĩ, bệnh nhân; thu gom vỏ chai, lọ, hộp hóa chất; bảo vệ khu điều trị cách ly; vệ sinh, tẩy uế, diệt tác nhân gây bệnh trong khu cách ly tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; cán bộ y tế thực hiện giám sát dịch tễ, theo dõi y tế tại cơ sở cách ly y tế tại nhà và cơ sở cách ly y tế theo chỉ định của cơ quan quản lý nhà nước: 200.000 đồng/ngày, kể cả ngày nghỉ, ngày lễ - Người thực hiện nhiệm vụ (không phải là chuyên môn y tế) tại cơ sở cách ly tập trung (không áp dụng đối với hình thức cách ly tại nhà, nơi lưu trú, khách sạn, resort, doanh nghiệp); người tham gia cưỡng chế cách ly y tế đối với trường hợp phải áp dụng biện pháp cách ly nhưng không chấp hành biện pháp cách ly y tế; người phiên dịch, đội cấp cứu 115, kíp vận chuyển người bị cách ly: 150.000 đồng/ngày, kể cả ngày nghỉ, ngày lễ - Người tham gia thường trực chống dịch 24/24 giờ, mức phụ cấp thường trực chống dịch 24/24 giờ là 130.000 đồng/ngày, kể cả ngày nghỉ, ngày lễ; người lao động tham gia thường trực chống dịch 24/24 giờ được hỗ trợ tiền ăn mức 80.000 đồng/phiên trực - Cán bộ y tế, quân đội, công an thực hiện nhiệm vụ tại cơ sở cách ly y tế tập trung (không áp dụng đối với hình thức cách ly tại nhà, nơi lưu trú, khách sạn, resort, doanh nghiệp); người tham gia thực hiện nhiệm vụ phân luồng, làm thủ tục cho người nhập cảnh; người bảo vệ khu vực cách ly tại các địa bàn dân cư theo chỉ định của cơ quan quản lý nhà nước; cán bộ y tế thường trực 24/24 giờ tại cơ sở điều trị cách ly y tế để chăm sóc, điều trị người mắc, nghi mắc COVID-19 được hỗ trợ tiền ăn là 80.000 đồng/ngày. >>> Xem toàn văn Nghị Quyết 37 tại link bên dưới
Bí Thư Thành Ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân gửi kiến nghị cho Thủ tướng về các biện pháp chống Covid-19
Một tài liệu phân tích về các số liêu rất hay, gửi mọi người tham khảo
Ngày 25/3/2020 Bộ LĐTBXH ban hành công văn 1064/LĐTBXH-QHLĐTL về việc hướng dẫn trả lương ngừng việc và giải quyết chế độ cho người lao động trong thời gian ngừng việc liên quan đến dịch bệnh Covid 19. Tác động từ dịch Covid-19 khiến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, một số người lao động phải ngừng việc để thực hiện chế độ trả lương trong thời gian ngừng việc và giải quyết chế độ đối với người lao động theo đúng quy định của pháp luật lao động, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn các doanh nghiệp trên địa bàn thực hiện như sau: 1. Việc trả lương ngừng việc căn cứ vào quy định tại Điều 98 của Bộ luật Lao động để xem xét các trường hợp gây ra ngừng việc (do lỗi của người sử dụng lao động hay người lao động hay do nguyên nhân khách quan) để xác định trả lương ngừng việc cho người lao động. 2. Đối với trường hợp người lao động phải ngừng việc do tác động trực tiếp của dịch Covid-19 như: (i) lao động là người nước ngoài trong thời gian chưa được quay trở lại doanh nghiệp làm việc theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền; (ii) người lao động phải ngừng việc trong thời gian thực hiện cách ly theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền; (iii) người lao động phải ngừng việc do doanh nghiệp hoặc bộ phận doanh nghiệp không hoạt động được vì chủ sử dụng lao động hoặc những người lao động khác cùng doanh nghiệp, bộ phận doanh nghiệp đó đang trong thời gian phải cách ly hoặc chưa được quay trở lại doanh nghiệp làm việc thì tiền lương của người lao động trong thời gian ngừng việc thực hiện theo khoản 3 Điều 98 Bộ luật Lao động (tiền lương do hai bên thỏa thuận nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định). 3. Đối với trường hợp doanh nghiệp gặp khó khăn về nguồn nguyên vật liệu, thị trường dẫn tới không bố trí đủ việc làm, người sử dụng lao động có thể tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 31 Bộ luật Lao động; nếu thời gian ngừng việc kéo dài ảnh hưởng đến khả năng chi trả của doanh nghiệp thì người sử dụng lao động và người lao động có thể thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 32 Bộ luật Lao động; nếu doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, dẫn tới giảm chỗ làm việc thì thực hiện sắp xếp lao động theo Điều 38 hoặc Điều 44 Bộ luật Lao động. Xem chi tiết công văn: TẠI ĐÂY
Thủ tướng: Tạm dừng mọi hoạt động hội họp, tập trung trên 20 người
(Chinhphu.vn) – Phát biểu tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng chống dịch bệnh COVID-19 sáng nay, 26/3, Thủ tướng nêu rõ: Chúng ta có 2 tuần để hành động và virus sẽ lây lan nhanh hơn hành động của chúng ta nếu chúng ta không triển khai phòng chống kịp thời, quyết liệt. Sẽ xử lý nghiêm chính quyền địa phương nếu để xảy ra việc tập trung trên 20 người. Thủ tướng biểu dương ngành y tế, các cấp, các ngành, Ban chỉ đạo đã quyết liệt thực hiện nghiêm với quyết tâm cao trong triển khai các chủ trương, biện pháp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đề ra trong những ngày qua. Cho rằng việc lây nhiễm COVID-19 đang gia tăng, xuất hiện tình trạng lây nhiễm trong cộng đồng, có trường hợp nhiễm tại cộng đồng nhưng chưa được phát hiện, Thủ tướng nêu rõ, cả hệ thống chính trị, chính quyền các cấp cần tăng tốc triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch. Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần: Phát hiện sớm, cách ly kịp thời, khoanh vùng dịch và điều trị bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân là mục tiêu tối thượng hiện nay. Thủ tướng dẫn lại một ý kiến khuyến nghị nên xem tình hình dịch của Mỹ để rút kinh nghiệm cho Việt Nam, đó là đầu tháng 3, cả Việt Nam và Mỹ có 100 trường hợp bị nhiễm nhưng sau 3 tuần, Mỹ có tới 55.000 người bị nhiễm (cụ thể, 11/3 có 994 người, 18/3 có 6.411 người và ngày hôm qua là 54.808 tại 50 bang) và tuyên bố tình trạng thảm họa, đóng cửa bang California (ngày 22/3) khi đã quá muộn, đáng nhẽ nên đóng cửa vào 12/3 khi số ca dưới 1.000, Việt Nam nghiên cứu vấn đề này như thế nào. Thủ tướng đặt vấn đề về việc có nên tạm thời đóng cửa tất cả các hoạt động và đi lại của người dân khi số ca nhiễm còn thấp, không phải con số 1.000. Theo dự báo, chúng ta có 2 tuần để hành động và virus sẽ lây lan nhanh hơn hành động của chúng ta nếu chúng ta không triển khai phòng, chống kịp thời, quyết liệt. Thủ tướng yêu cầu ít nhất trong 2 tuần tới, người đứng đầu chính quyền các cấp tạm dừng tất cả các hoạt động hội họp, các sự kiện tập trung trên 20 người. Dừng triệt để các nghi lễ tôn giáo, sẽ xử lý nghiêm chính quyền địa phương nếu để xảy ra việc tập trung trên 20 người. Đóng cửa các dịch vụ không cần thiết như massage, vũ trường, các cơ sở du lịch, tham quan, các tụ điểm vui chơi, giải trí, các rạp chiếu phim, quán bia hơi, nhà hàng ăn uống… Nhân dịp này, Thủ tướng cũng nhắc nhở UBND quận Tây Hồ trong ngày mùng 1 tháng 3 âm lịch vừa qua (24/3) đã để quá đông người dân đến chùa chiền ở khu vực này. Đối với Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Cần Thơ, Đà Nẵng, cần thực hiện đóng cửa toàn bộ các cơ sở dịch vụ trừ dịch vụ cung cấp thực phẩm, dược phẩm, các cơ sở khám chữa bệnh, “như thế chúng ta bảo đảm nhu cầu cần thiết cho nhân dân, những dịch vụ không cần thiết trong lúc này thì tạm thời đóng cửa”. Tạm dừng hoặc tổ chức lại rất ít chuyến giao thông công cộng. Bộ GTVT chỉ đạo hạn chế bay từ 2 thành phố lớn đến các thành phố khác. Người dân được yêu cầu ở lại nhà trừ trường hợp thực sự cần thiết mới ra ngoài. Đối với người dân từ các thành phố, khu vực đang có dịch, các địa phương có trách nhiệm quản lý như đi từ vùng dịch. Thời gian thực hiện các biện pháp này là từ 0h ngày 28/3/2020 trong một tuần hoặc vài tuần và sẽ xem xét cụ thể sau. Cấm tụ tập nhiều hơn 10 người ở bên ngoài các công sở và trường học, bệnh viện. Với các cơ sở khám chữa bệnh, thực hiện việc xét nghiệm các nhân viên y tế ở khu vực có nguy cơ lây nhiễm. Thủ tướng giao Bộ Y tế có hướng dẫn cụ thể để làm sao không để bệnh viện thành nơi tập trung đông người dễ lây nhiễm. Tạm thời đóng cửa các cơ sở làm đẹp, phẫu thuật thẩm mỹ, vật lý trị liệu trên toàn quốc. Ngành y tế có biện pháp cách ly các bác sĩ, nhân viên y tế làm tại các cơ sở chăm sóc, điều trị bệnh nhân COVID-19. Chính quyền địa phương, các ngành, đặc biệt là ngành y tế có trách nhiệm hỗ trợ việc cách ly này để các thầy thuốc yên tâm làm việc. “Tinh thần là có phương án chăm sóc tốt hơn cho các bác sĩ, nhân viên y tế, nhất là tại các bệnh viện trực tiếp điều trị bệnh nhân COVID-19”, Thủ tướng nói, bảo toàn đội ngũ y tế để có sức chiến đấu lâu dài trong mùa dịch. Thực hiện nghiêm khắc quản lý biên giới đường bộ, đường hàng không, đường thủy. Thực hiện nghiêm việc cách ly tập trung, không được đến thăm, mang đồ ăn uống tới nơi cách ly và giám sát việc cách ly chuyên biệt. Bộ Quốc phòng, Tư lệnh các quân khu chỉ đạo mở rộng các cơ sở cách ly ở miền Trung và khu vực biên giới Tây Nam. Các ngành chức năng xử lý nghiêm, kể cả hình sự, đối với những người vi phạm, không khai báo y tế và không thực hiện cách ly theo đúng quy định. Các cấp, các ngành tiếp tục thay đổi thói quen làm việc để phù hợp với tình hình dịch bệnh. Tất cả các tỉnh, thành phố cần tập trung đầu tư máy móc, trang thiết bị phục vụ xét nghiệm, tiến hành xét nghiệm trên diện rộng. Đối với TP. Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, cần tăng thêm các cơ sở xét nghiệm, nâng công suất, bảo đảm sàng lọc được toàn bộ trường hợp nghi nhiễm. Thủ tướng yêu cầu ngành y tế mua ngay trang thiết bị y tế. Ngành y tế và ngành công thương hợp tác, có hợp đồng cụ thể để sản xuất khẩu trang y tế cũng như các khẩu trang đạt tiêu chuẩn khác để phục vụ trong nước một cách đầy đủ và đẩy mạnh hợp tác quốc tế đối với vật tư y tế mà các nước đang có nhu cầu. Nghiêm cấm đầu cơ tích trữ những nhu yếu phẩm cũng như vật tư y tế, xử lý nghiêm nạn đầu cơ nếu có và buôn lậu các vật tư y tế. Xử lý nghiêm các trường hợp đưa tin sai sự thật. Các cấp, các ngành và các địa phương liên quan bảo đảm an sinh xã hội, an toàn xã hội ở mọi nơi, mọi lúc, trong đó có việc Bộ Quốc phòng và Bộ Y tế bàn xây dựng một số bệnh viện dã chiến khi thấy cần thiết. Các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị xã hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có trách nhiệm tuyên truyền vận động và yêu cầu nhân dân nêu cao ý thức công dân, trách nhiệm với cộng đồng, tiếp tục đoàn kết, quyết tâm ngăn chặn dịch COVID-19 thành công trong những tuần đến. “Để bảo đảm an toàn, nhất là thời điểm hiện nay và thời gian tới, người dân nên ít di chuyển và thay đổi phương thức làm việc, từ trực tiếp sang trực tuyến và các hình thức phù hợp khác để tránh lây nhiễm”, Thủ tướng nói. Đức Tuân Cổng thông tin điện tử Chính phủ
Phòng, chống dịch bệnh COVID-19: Cần làm ngay 05 điều này
Đây là nội dung tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh Covid 19 chiều 25/3, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kêu gọi: Mỗi người dân phải có trách nhiệm với sức khoẻ, thậm chí là tính mạng của mình, của những người xung quanh và trách nhiệm với cộng đồng, đất nước, thực hiện thật tốt các hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. Phó thủ tướng cũng đề nghị người dân cần thực hiện tốt các hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, trong đó cần lưu ý các việc sau: 1. Hạn chế tối đa ra ngoài, chỉ ra ngoài khi thực sự cần thiết. 2. Nếu buộc phải ra ngoài luôn luôn đeo khẩu trang, hãy giữ khoảng cách tiếp xúc, tốt nhất là 2m. 3. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn. 4. Thường xuyên vệ sinh nhà cửa, lau rửa thường xuyên, để thông thoáng, sinh hoạt lành mạnh. 5. Thực hiện khai báo y tế, cập nhật tình hình sức khỏe hàng ngày, giữ liên hệ thường xuyên với cán bộ y tế, cơ sở y tế. “Làm tốt các hướng dẫn, chấp hành nghiêm các chỉ thị, nhất định chúng ta sẽ đẩy lùi và chiến thắng dịch bệnh”, Phó Thủ tướng nói.
Bộ Y tế quyết định bỏ bệnh do Covid-19 khỏi nhóm bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm
Ngày 19/10/2023 Bộ Y tế đã ban hành Quyết định 3896/QĐ-BYT năm 2023 về việc điều chỉnh bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút CORONA gây ra (Covid-19) từ bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A sang bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm 2007. Theo đó, Bộ Y tế quyết định bỏ bệnh do Covid-19 khỏi nhóm bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm theo quy định sau: Điều chuyển bệnh viêm đường hô hấp cấp từ nhóm A sang nhóm B - Điều chỉnh bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra (COVID-19) từ bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A sang bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B theo quy định tại điểm b khoản 1 và khoản 2, Điều 3 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm 2007. - Các hoạt động phòng, chống COVID-19 được thực hiện theo quy định Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm 2007 đối với bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B. - Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 20/10/2023. Quyết định 219/QĐ-BYT năm 2020 của Bộ Y tế về việc bổ sung bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (nCov) gây ra vào danh mục các bệnh truyền nhiễm nhóm A theo quy định tại Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm 2007 hết hiệu lực kể từ ngày Quyết định này có hiệu lực thi hành. Phân loại các cấp nhóm bệnh truyền nhiễm hiện nay Căn cứ khoản 1 Điều 3 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm 2007 (bổ sung bởi Quyết định 740/QĐ-BYT năm 2016) phân loại bệnh truyền nhiễm như sau: - Nhóm A gồm các bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh: + Các bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A bao gồm bệnh bại liệt. + Bệnh cúm A-H5N1; bệnh dịch hạch; bệnh đậu mùa; bệnh sốt xuất huyết do vi rút Ê - bô - la (Ebola), Lát-sa (Lassa) hoặc Mác-bớc (Marburg). + Bệnh sốt Tây sông Nin (Nile); bệnh sốt vàng; bệnh tả. + Bệnh viêm đường hô hấp cấp nặng do vi rút và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới phát sinh chưa rõ tác nhân gây bệnh; - Nhóm B gồm các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có khả năng lây truyền nhanh và có thể gây tử vong: + Các bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B bao gồm bệnh do vi rút A-đê-nô (Adeno). + Bệnh do vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS). + Bệnh bạch hầu; bệnh cúm; bệnh dại; bệnh ho gà; bệnh lao phổi; bệnh do liên cầu lợn ở người; bệnh lỵ A-míp (Amibe); bệnh lỵ trực trùng; bệnh quai bị. + Bệnh sốt Đăng gơ (Dengue), sốt xuất huyết Đăng gơ (Dengue). + Bệnh sốt rét; bệnh sốt phát ban; bệnh sởi; bệnh tay-chân-miệng; bệnh than. + Bệnh thủy đậu; bệnh thương hàn; bệnh uốn ván; bệnh Ru-bê-ôn (Rubeon). + Bệnh viêm gan vi rút; bệnh viêm màng não do não mô cầu; bệnh viêm não vi rút; bệnh xoắn khuẩn vàng da; bệnh tiêu chảy do vi rút Rô-ta (Rota); bệnh do vi rút Zika. - Nhóm C gồm các bệnh truyền nhiễm ít nguy hiểm, khả năng lây truyền không nhanh. + Các bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm C bao gồm bệnh do Cờ-la-my-đi-a (Chlamydia). + Bệnh giang mai; các bệnh do giun; bệnh lậu; bệnh mắt hột. + Bệnh do nấm Can-đi-đa-an-bi-căng (Candida albicans); bệnh Nô-ca-đi-a (Nocardia); bệnh phong; bệnh do vi rút Xi-tô-mê-ga-lô (Cytomegalo); bệnh do vi rút Héc-péc (Herpes). + Bệnh sán dây; bệnh sán lá gan; bệnh sán lá phổi; bệnh sán lá ruột; bệnh sốt mò. + Bệnh sốt do Rích-két-si-a (Rickettsia); bệnh sốt xuất huyết do vi rút Han-ta (Hanta); bệnh do Tờ-ri-cô-mô-nát (Trichomonas). + Bệnh viêm da mụn mủ truyền nhiễm; bệnh viêm họng, viêm miệng, viêm tim do vi rút Cốc-xác-ki (Coxsakie). + Bệnh viêm ruột do Giác-đi-a (Giardia); bệnh viêm ruột do Vi-bờ-ri-ô Pa-ra-hê-mô-ly-ti-cút (Vibrio Parahaemolyticus) và các bệnh truyền nhiễm khác. Xem thêm Quyết định 3896/QĐ-BYT năm 2023 có hiệu lực từ ngày 20/10/2023.
Khai gian dối thông tin để nhận tiền hỗ trợ Covid-19 thì bị phạt như thế nào?
Hiện nay, đã có quyết định chính thức về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do Covid-19 từ Chính phủ. Tuy nhiên, không phải không có những thành phần có ý định trục lợi trên tinh thần nhân ái của đất nước. Vậy nếu cá nhân có hành vi gian dối thông tin để nhận tiền hỗ trợ Covid-19 thì bị xử lý như thế nào? Theo quy định tại Điều 20 Quyết định 15/2020/QĐ-TTg quy định: “Cá nhân, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp lợi dụng chính sách quy định tại Quyết định này để trục lợi, vi phạm pháp luật thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà phải bồi thường, bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.” Như vậy, theo quy định pháp luật, cá nhân có hành vi gian dối thông tin để nhận tiền hỗ trợ Covid-19 có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự tùy mức độ hành vi, cụ thể như sau: *Xử phạt vi phạm hành chính: Căn cứ theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ-CP thì người nào có hành vi gian dối để chiếm đoạt tài sản của người khác sẽ bị phạt từ 1.000.000 đến 2.000.000 đồng *Xử lý hình sự: Nếu hành vi trục lợi này trên 2.000.000 đồng thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 174 Bộ luật hình sự 2015. Khi đó, khung hình phạt thấp nhất là bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm; bên cjanh đó, người phạm tội phải hoàn trả lại số tiền đã chiếm đoạt và bồi thường thiệt hại cho nạn nhân (nếu có) Dịch bệnh đã gây ra rất nhiều khó khăn cho đất nước, khiến hàng loạt người mất việc làm, đặc biệt là những người lao động tự do gặp rất nhiều khó khăn. Đừng vì sự tham lam nhất thời mà gây họa cho bản thân cũng như ảnh hưởng đến xã hội.
KHẨN: TP.HCM thông báo lịch đi học lại của học sinh, sinh viên
UBND TP.HCM vừa ban hành Công văn 1556/UBND-VX về việc đi học trở lại của học sinh, sinh viên, học viên các cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố. Theo đó, thời gian đi học trở lại của học sinh, sinh viên tại TP.HCM bắt đầu từ ngày 04/5/2020, được phân bổ theo từng khối lớp, không tập trung đồng loạt. Giao Sở Giáo dục và Đào tạo và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng kế hoạch cụ thể về việc đi học trở lại, trong đó phải có hướng dẫn cụ thể các giải pháp đảm bảo thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch theo Chỉ thị 19/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ tại các cơ sở giáo dục và cơ sở giáo dục nghề nghiệp; hoàn thành đúng tiến độ và đảm bảo chất lượng, chương trình năm học 2019-2020. Đối với các trường mầm non công lập, các trường mầm non ngoài công lập, nhóm trẻ độc lập tư thục, giao UBND quận, huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tổ chức kiểm tra việc phòng chống dịch trước khi trẻ mầm non đi học trở lại để đảm bảo an toàn trở lại. *Xem chi tiết văn bản tại đây:
Cơ sở kinh doanh ăn uống không đảm bảo biện pháp chống dịch khi hoạt động trở lại bị xử phạt ra sao?
Cả nước đang bước vào khoảng thời gian giãn cách ly xã hội; các cơ sở kinh doanh đang dần đi vào hoạt động. Tuy nhiên, khi hoạt động trở lại mà các cơ sở kinh doanh ăn uống không bảo đảm các biện pháp chống dịch như: không giữ khoảng cách 2m, không đeo khẩu trang và bao tay trong chế biến hay không chuẩn bị nước rửa tay diệt khuẩn thì bị xử phạt như thế nào? Ngày 23/4/2020, Cục An toàn thực phẩm đã có Công văn số 965/ATTP-NĐTT về việc hướng dẫn đảm bảo an toàn thực phẩm trong phòng, chống dịch COVID-19 đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố. Theo đó, để bảo đảm an toàn thực phẩm trong điều kiện tiếp tục phòng chống dịch COVID-19 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các cơ sở kinh doanh ăn uống và kinh doanh ăn uống đường phố phải tuân theo những điều kiện được đặt ra. >>>Xem chi tiết nội dung Công văn TẠI ĐÂY Việc các cơ sở kinh doanh ăn uống không giữ khoảng cách 2m, không đeo khẩu trang và bao tay trong chế biến hay không chuẩn bị nước rửa tay diệt khuẩn có thể bị xử lý về hành vi vi phạm các biện pháp chống dịch truyền nhiễm, cụ thể như sau: - Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế (theo quy định tại khoản 1 Điều 11 Nghị định 176/2013/NĐ-CP) - Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện hoặc từ chối thực hiện các biện pháp vệ sinh, diệt trùng, tẩy uế trong vùng có dịch (theo quy định tại khoản 1 Điều 11 Nghị định 176/2013/NĐ-CP) Những khách hàng khi ăn uống tại các cơ sở kinh doanh này sẽ bị phạt tương tự trong trường hợp bản thân khách hàng cũng không đeo khẩu trang khi ra đường để đến những nơi đây, đồng thời không giữ khoảng cách an toàn khi ăn uống ngoài hàng quán. Giãn cách ly xã hội không đồng nghĩa với hết dịch nên mọi luôn phải luôn trong tinh thần tự giác cao, không được chủ quan, lơ là để chúng ta cùng sớm vượt qua đại dịch nhé!
Lao động tự do thuộc đối tượng được hỗ trợ nhưng không được nhận thì phải làm sao?
Quyết định 15/2020/QĐ-TTg khi ban hành được đánh giá là kịp thời, tạo động lực, niềm vui cho người lao động giữa những ngày đại dịch khó khăn. Nếu bạn là lao động tự do thuộc nhóm đối tượng được nhận hỗ trợ nhưng chưa được nhận hoặc không được nhận thì hãy đọc bài viết sau đây. *Điều kiện để được nhận trợ cấp Căn cứ theo quy định tại Điều 7 Quyết định 15/2020/QĐ-TTg quy định những đối tượng NLĐ không có giao kết hợp đồng phải đủ các điều kiện sau đây để được nhận hỗ trợ, cụ thể: - Mất việc làm và có thu nhập thấp hơn mức chuẩn cận nghèo trong thời gian từ ngày 01/4/2020 đến ngày 30/6/2020; - Cư trú hợp pháp tại địa phương; - Thuộc lĩnh vực phi nông nghiệp, làm một trong những công việc sau: bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ không có địa điểm cố định; thu gom rác, phế liệu; bốc vác, vận chuyển hàng hóa; lái xe mô tô 2 bánh chở khách, xe xích lô chở khách; bán lẻ xổ số lưu động; tự làm hoặc làm việc tại các hộ kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống, lưu trú, du lịch, chăm sóc sức khỏe. *Hồ sơ cần chuẩn bị (theo quy định tại Điều 8 Quyết định 15/2020/QĐ-TTg) Để được nhận hỗ trợ, những người thuộc nhóm đối tượng trên cần chuẩn bị hồ sơ như sau: - Đề nghị hỗ trợ (Dành cho người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm) (theo Mẫu số 04) - Đối với NLĐ có nơi thường trú và tạm trú không nằm trong phạm vi một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nếu đề nghị hưởng hỗ trợ tại nơi thường trú thì phải bổ sung thêm Đơn xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi tạm trú về việc không hưởng các chính sách theo Quyết định này tại nơi tạm trú - Đối với NLĐ có nơi thường trú và tạm trú không nằm trong phạm vi một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nếu đề nghị hưởng hỗ trợ tại nơi tạm trú thì phải bổ sung thêm Đơn xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thường trú về việc không hưởng các chính sách theo Quyết định này tại nơi thường trú *Nếu đã thực hiện đầy đủ các thủ tục trên mà vẫn không được nhận trợ cấp thì NLĐ có thể liên hệ với UBND cấp xã nơi đã nộp hồ sơ nhận trợ cấp để được giải đáp thắc mắc. Vì theo quy định tại Điều 8 Quyết định 15/2020/QĐ-TTg, khi UBND cấp xã tổng hợp danh sách gửi về UBND cấp huyện thẩm định trình UBND cấp tỉnh; trường hợp UBND cấp tỉnh không phê duyệt danh sách đủ điều kiện nhận trợ cấp thì sẽ có văn bản trả lời giải thích lý do tại sao không phê duyệt. >>>TẢI MẪU ĐƠN SỐ 04 TẠI ĐÂY
Điều kiện nào để Việt Nam công bố hết dịch bệnh Covid-19?
Tính đến 06g00 sáng 24/04/2020, Việt Nam vẫn duy trì con số 0 ca nhiễm mới; như vậy, đã 08 ngày trôi qua nước ta chưa ghi nhận thêm ca nhiễm Covid-19. Việc thực hiện cách ly xã hội cũng đã được Chính phủ “nới lỏng”. Vậy câu hỏi đặt ra là khi nào thì Việt Nam mới được công bố hết dịch viêm phổi Covid-19? Việc công bố hết dịch bệnh truyền nhiễm phải đáp ứng các điều kiện theo quy định pháp luật; cụ thể theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 40 Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm và khoản 1 Điều 5 Quyết định 02/2016/QĐ-TTg phải đáp ứng 02 điều kiện sau đây: - Thứ nhất, không phát hiện thêm trường hợp mắc bệnh mới sau khoảng thời gian nhất định cho từng bệnh quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định 07/2020/QĐ-TTg; - Thứ hai, đã thực hiện các biện pháp chống dịch theo quy định. Tại phụ lục ban hành kèm theo Quyết định 07/2020/QĐ-TTg nêu rõ các khoảng thời gian như sau: Tên bệnh truyển nhiễm Nhóm Thời gian ủ bệnh trung bình (ngày) Thời gian không phát hiện thêm trường hợp mắc bệnh mới (ngày) Bệnh COVID-19 A 14 28 (*) Thời gian được tính từ ngày trường hợp mắc bệnh gần nhất được cách ly tại cơ sở y tế Cụ thể, bệnh COVID-19 thuộc nhóm A, thời gian ủ bệnh trung bình 14 ngày, thời gian không phát hiện thêm trường hợp mắc bệnh mới là 28 ngày (thời gian được tính từ ngày trường hợp mắc bệnh gần nhất được cách ly tại cơ sở y tế). Thẩm quyền công bố hết dịch thuộc về Thủ tướng Chính phủ (quy định tại Điều 38 Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm và Điều 5 Quyết định 02/2016/QĐ-TTg). Có thể thấy chúng ta đã có 08 ngày liên tiếp không phát hiện thêm trường hợp mắc bệnh mới; còn cả một chặng đường dài phía trước, hy vọng mỗi cá nhân sẽ giữ vững tinh thần cũng như tinh thần tự giác để đất nước mong chóng vượt qua dịch bệnh nhé!
INFOGRAPHIC: 05 điều tuyệt đối tránh thực hiện khi giãn cách ly xã hội
Tạm thời ngừng thực hiện cách ly xã hội không có nghĩa là chúng ta đã chiến thắng dịch bệnh. Sau đây là 05 điều cần tránh thực hiện để bảo vệ bản thân, gia đình cũng như xã hội nhé!
Đây là nội dung tại Thông báo 158/TB-VPCP về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19. Theo đó, Thủ tướng đồng ý với kiến nghị của Ban Chỉ đạo về việc phân loại nguy cơ dịch bệnh ở các địa phương để áp dụng biện pháp phòng, chống dịch phù hợp: - Nhóm địa phương có nguy cơ cao gồm 12 các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Lào Cai, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Ninh Bình, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Bình Thuận, Khánh Hoà, Tây Ninh. Các địa phương này tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ đến ngày 22 hoặc 30 tháng 4 năm 2020 và có thể xem xét kéo dài tùy thuộc vào diễn biến dịch bệnh trên địa bàn; đồng thời quan tâm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động sản xuất, xây dựng hạ tầng, bảo đảm lưu thông hàng hóa. - Nhóm địa phương có nguy cơ gồm 16 tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Cần Thơ, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Hà Nam, Nam Định, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Kiên Giang, Sóc Trăng, An Giang, Đồng Tháp, Hà Giang. Các địa phương này cần thực hiện nghiêm các biện pháp theo Chỉ thị 16/CT-TTg đến hết ngày 22 tháng 4 năm 2020 và sẽ có điều chỉnh vào ngày 22 tháng 4 tùy diễn biến dịch bệnh. - Nhóm có nguy cơ thấp gồm 35 tỉnh còn lại. Yêu cầu các địa phương tiếp tục thực hiện theo chỉ thị 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Giao Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: - Quyết định cụ thể việc thực hiện giãn cách xã hội và các biện pháp áp dụng trên địa bàn của mình một cách phù hợp theo các cấp độ: yêu cầu, hạn chế, khuyến cáo đối với các hoạt động của 3 nhóm tỉnh, thành phố là: ra khỏi nhà theo các mức độ yêu cầu, mở các cửa hàng không thiết yếu theo mức độ, việc vận chuyển hành khách bằng các phương tiện công cộng, việc tập trung đông người; - Quyết định cụ thể cơ sở kinh doanh, dịch vụ cần đóng cửa; - Chịu trách nhiệm giám sát chặt chẽ tại các dự án, công trường, cơ sở sản xuất kinh doanh và yêu cầu ngừng sản xuất, kinh doanh nếu cơ sở không đảm bảo việc phòng chống dịch; tập trung xử lý triệt để các ổ dịch đã phát hiện. Xem chi tiết thông báo tại file đính kèm:
Danh sách các tỉnh, thành cách ly xã hội đến 22/4
Chiều 15-4, tại cuộc họp giao ban trực tuyến về công tác phòng, chống COVID-19 của Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý kiến nghị kéo dài thời gian cách ly xã hội đến 22/4 trong đó có TP.HCM và Hà Nội và 10 tỉnh thành có nguy cơ lây lan cao. Trước đó, Thứ trưởng thường trực Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đề xuất Chính phủ chia các tỉnh thành làm 3 nhóm để có biện pháp phòng chống dịch bệnh phù hợp. - Nhóm nguy cơ cao gồm 12 tỉnh thành: TP HCM, Hà Nội, Lào Cai, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Ninh Bình, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Thuận, Khánh Hoà, Tây Ninh, Hà Tĩnh. - 15 tỉnh thành thuộc nhóm nguy cơ là: Bình Dương, Cần Thơ, Đồng Nai, Hà Nam, Hải Phòng, Kiên Giang, Thái Nguyên, Nam Định, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Sóc Trăng, Lạng Sơn, An Giang, Bình Phước và Đồng Tháp. Các tỉnh còn lại thuộc nhóm nguy cơ thấp. - Các địa phương còn lại được xếp vào nhóm nguy cơ thấp và không cần thiết tiếp tục cách ly xã hội. Bởi những ngày qua người dân các tỉnh không có nguy cơ lây nhiễm gặp nhiều áp lực, mong muốn được nới lỏng. Xem chi tiết: TẠI ĐÂY
TP.HCM ban hành Bộ chỉ số đánh giá tính rủi ro lây nhiễm virus Corona
Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TPHCM đã ban hành Quyết định 1203/QĐ-BCĐ về bộ chỉ số đánh giá tính rủi ro lây nhiễm virus Corona gồm 10 chỉ số thành phần tại doanh nghiệp đóng trên địa bàn TPHCM. Chủ tịch UBND TP.HCM cũng ban hành Công văn 1249/UBND-VX hướng dẫn triển khai bộ chỉ tiêu đánh giá này và yêu cầu các quận huyện, các cơ quan có liên quan như y tế, lao động thương binh xã hội, ban quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất, ban quản lý khu công nghệ cao, ban an toàn thực phẩm, liên đoàn lao động, hiệp hội doanh nghiệp thành phố, và UBND các phường xã thị trấn… khẩn trương triển khai bộ chỉ số đánh giá rủi ro lây nhiễm virus Corona tại doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM. Qua đó có cơ sở để đánh giá một cách toàn diện mức độ và nguy cơ lây nhiễm tại các doanh nghiệp sản xuất có đông người lao động. Theo đó việc khảo sát các Doanh nghiệp sẽ thực hiên từ nay đến ngày 8.4. Xem chi tiết bên dưới:
Các mức phạt và hành vi vi phạm phổ biến về quy định phòng, chống dịch Covid-19
Sở Tư pháp Hà Nội vừa ban hành văn bản số 925/STP-PBGDPL gửi cơ quan báo chí đề nghị phối hợp triển khai hình thức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật liên quan đến phòng, chống dịch COVID-19. 1. Người không đeo khẩu trang nơi công cộng bị phạt tiền tối đa đến 300.000 đồng. Điều 11. Vi phạm quy định về áp dụng biện pháp chống dịch 1. Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: a) Không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế; ---Nghị định 176/2013/NĐ-CP--- 2. Người vứt khẩu trang đã sử dụng không đúng nơi quy định tại nơi công cộng bị phạt tiền tối đa đến 5 triệu đồng; vứt ra vỉa hè, đường phố bị phạt tiền tối đa đến 7 triệu đồng. Điều 20. Vi phạm các quy định về vệ sinh nơi công cộng; thu gom, vận chuyển, chôn, lấp, xử lý, thải rác thải sinh hoạt và chất thải rắn công nghiệp thông thường; vận chuyển nguyên liệu, vật liệu, hàng hóa gây ô nhiễm môi trường c) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ rác thải sinh hoạt không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng, trừ vi phạm quy định tại điểm d khoản này; d) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với hành vi vứt, thải rác thải sinh hoạt trên vỉa hè, đường phố hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị hoặc hệ thống thoát nước mặt trong khu vực đô thị. --- Nghị định 155/2016/NĐ-CP --- 3. Người che giấu tình trạng bệnh của mình hoặc của người khác khi mắc Covid-19 bị phạt tiền tối đa đến 1 triệu đồng. Điều 11. Vi phạm quy định về áp dụng biện pháp chống dịch 2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: a) Che dấu tình trạng bệnh của mình hoặc của người khác khi mắc bệnh truyền nhiễm đã được công bố là có dịch; ---Nghị định 176/2013/NĐ-CP--- 4. Không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp tạm đình chỉ hoạt động của cơ sở dịch vụ ăn uống công cộng có nguy cơ làm lây truyền dịch bệnh tại vùng có dịch thì bị phạt tiền tối đa đến 10 triệu đồng đối với cá nhân; 20 triệu đồng đối với tổ chức. Điều 11. Vi phạm quy định về áp dụng biện pháp chống dịch 4. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: a) Không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp tạm đình chỉ hoạt động của cơ sở dịch vụ ăn uống công cộng có nguy cơ làm lây truyền bệnh dịch tại vùng có dịch; ---Nghị định 176/2013/NĐ-CP--- 5. Người không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại nơi công cộng để phòng, chống dịch Covid-19 thì bị phạt tiền tối đa đến 10 triệu đồng đối với cá nhân; 20 triệu đồng đối với tổ chức. Điều 11. Vi phạm quy định về áp dụng biện pháp chống dịch 4. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: c) Không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại nơi công cộng. ---Nghị định 176/2013/NĐ-CP--- 6. Người không thực hiện quyết định kiểm tra, giám sát, xử lý y tế trước khi ra, vào vùng dịch bị phạt tiền tối đa đến 20 triệu đồng. Điều 11. Vi phạm quy định về áp dụng biện pháp chống dịch 5. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: a) Không thực hiện quyết định kiểm tra, giám sát, xử lý y tế trước khi ra vào vùng có dịch thuộc nhóm A; ---Nghị định 176/2013/NĐ-CP--- 7. Người trốn khỏi nơi cách ly, không tuân thủ quy định về cách ly; từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly, cưỡng chế cách ly để phòng, chống dịch Covid-19 có thể bị xử phạt hành chính tối đa đến 10 triệu đồng hoặc bị xử lý theo Điều 240 Bộ luật Hình sự trong trường hợp lây truyền dịch bệnh cho người khác. Điều 10. Vi phạm quy định về cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế 2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: b) Từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng quyết định cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, đối tượng kiểm dịch y tế biên giới mắc bệnh hoặc mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A. ---Nghị định 176/2013/NĐ-CP--- 8. Hành vi trốn khỏi nơi cách ly, không tuân thủ quy định về cách ly; từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly, cưỡng chế cách ly mà gây thiệt hại từ 100 triệu đồng trở lên do phát sinh chi phí phòng, chống dịch Covid-19 thì bị xử lý theo Điều 295 Bộ luật Hình sự. 9. Người nào khai báo y tế không đầy đủ hoặc gian dối gây lây truyền dịch Covid-19 cho người khác bị xử lý theo Điều 240 Bộ luật Hình sự. 10. Người nào đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, thông tin xuyên tạc về tình hình dịch Covid-19 có thể bị phạt tiền tối đa đến 15 triệu đồng hoặc bị xử lý theo Điều 288 Bộ luật Hình sự. 11. Người có hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ trong phòng, chống dịch Covid-19 thì bị xử lý theo Điều 330 Bộ luật Hình sự. 12. Chủ cơ sở kinh doanh, người quản lý cơ sở kinh doanh dịch vụ (như quán bar, vũ trường, karaoke, dịch vụ mát-xa, cơ sở thẩm mỹ…) thực hiện hoạt động kinh doanh khi đã có quyết định tạm dừng để phòng, chống dịch bệnh mà gây thiệt hại từ 100 triệu đồng trở lên do phát sinh chi phí phòng, chống dịch, bệnh thì bị xử lý theo Điều 295 Bộ luật Hình sự. 13. Người có hành vi lợi dụng sự khan hiếm hoặc tạo sự kham hiếm giả tạo trong tình hình dịch bệnh Covid-19 để mua vét hàng hóa đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố là mặt hàng bình ổn giá hoặc hàng hóa được Nhà nước định giá nhằm bán lại để thu lợi bất chính bị xử lý về tội đầu cơ theo quy định tại Điều 196 Bộ luật Hình sự.
Hà Nội sẵn sàng ứng phó với tình huống phong tỏa diện rộng trên địa bàn thành phố khi cần thiết
Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ đã ban hành Chỉ thị số 31-CT/TU về “Thực hiện lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, tăng cường các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn Thủ đô”. Ngày 30/3/2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã ra Lời kêu gọi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài tham gia phòng, chống dịch Covid-19; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 15/CT-TTg “Về quyết liệt thực hiện đợt cao điểm phòng, chống dịch Covid-19”, Chỉ thị số 16/CT-TTg “Về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19”, Quyết định số 447/QĐ-TTg “Về việc công bố dịch Covid-19 toàn quốc”. Với vị thế là Thủ đô trái tim của cả nước, đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế, trước yêu cầu của công tác phòng, chống dịch ở vào thời điểm vô cùng quan trọng này, công tác phòng chống dịch tại Hà Nội càng trở nên cấp bách. Mặc dù một số biện pháp phòng, chống dịch bệnh sẽ ảnh hưởng nhất định đến hoạt động của các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, cũng như cuộc sống hằng ngày của nhân dân; song với ý thức trách nhiệm trước sự an toàn sức khỏe nhân dân là mục tiêu quan trọng hàng đầu; để tiếp tục giữ vững kết quả đạt được trong công tác phòng, chống dịch thời gian qua, chủ động ngăn chặn, kiểm soát dịch trong giai đoạn mới, Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội thành phố và nhân dân Thủ đô thực hiện nghiêm túc những nhiệm vụ trọng tâm sau: 1. Toàn hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, bệnh viện, trường học, các tổ chức… trên địa bàn, lực lượng vũ trang và nhân dân Thủ đô quyết tâm thực hiện tốt Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng; bám sát sự lãnh đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đoàn kết một lòng, thống nhất ý chí và hành động, thực hiện quyết liệt, trách nhiệm, hiệu quả; tập trung cao độ, ưu tiên nguồn lực, thời gian và công sức tiếp tục chủ động ngăn chặn và đẩy lùi dịch Covid-19, bảo vệ sức khỏe và tính mạng người dân. 2. Các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội từ thành phố đến cơ sở tiếp tục tuyên truyền, vận động tạo đồng thuận, thống nhất cao trong việc thực hiện giãn cách toàn xã hội theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 16. Vận động người dân nâng cao ý thức tự bảo vệ mình, thực hiện đúng quy định của pháp luật, hướng dẫn của Bộ Y tế và chính quyền địa phương; khai báo y tế tự nguyện, thông báo kịp thời với cơ sở y tế về tình hình sức khỏe nếu có yếu tố, biểu hiện nghi nhiễm Covid-19 và thực hiện cách ly theo đúng quy định; phát huy tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, tự giác chấp hành các quy định về phòng, chống dịch bệnh, với tinh thần mỗi người dân Thủ đô là một chiến sĩ trên mặt trận phòng, chống dịch bệnh vì an toàn sức khỏe của bản thân, gia đình và có trách nhiệm với cộng đồng. 3. Người đứng đầu cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, thủ trưởng cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm toàn diện về công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn phụ trách với phương châm 4 tại chỗ (lực lượng tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ). Phân công lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ứng trực để kịp thời xử lý các tình huống phát sinh. Lãnh đạo, chỉ đạo đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch, đồng thời chịu trách nhiệm về việc cán bộ, nhân viên lây nhiễm dịch bệnh do không chấp hành nghiêm quy định phòng, chống dịch tại công sở. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành; tăng cường họp trực tuyến; chủ động bố trí cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc tại nhà, trừ những trường hợp cần thiết theo yêu cầu nhiệm vụ mới đến làm việc tại công sở. Chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và tổ chức thành công đại hội đảng các cấp thực hiện Chỉ thị 35-CT/TƯ và Kế hoạch 155-KH/TU của Thành ủy. Thực hiện tiết kiệm chi phí chi thường xuyên, cắt giảm những công việc chưa thực sự cần thiết để dành nguồn lực cho công tác phòng chống dịch và hỗ trợ an sinh xã hội (các đơn vị của thành phố thực hiện cắt giảm thêm ít nhất 5% chi tiêu thường xuyên ngoài kế hoạch tiết kiệm 10% từ đầu năm). 4. Ban Cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo rà soát, cập nhật phương án, kịch bản phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn, bám sát chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, sẵn sàng ứng phó trong tình huống triển khai phong tỏa diện rộng trên địa bàn thành phố khi cần thiết. Chỉ đạo tiếp tục khẩn trương rà soát, theo dõi chặt chẽ, phát hiện và khoanh vùng, cách ly kịp thời những người đã tiếp xúc với người nghi nhiễm hoặc nhiễm bệnh, không để lây lan dịch bệnh. Tiếp tục thực hiện vệ sinh tiêu độc, khử trùng; phối hợp với Bộ Y tế để thực hiện tiêu độc, khử trùng tại các cơ quan, đơn vị thuộc bộ, ngành Trung ương trên địa bàn. Phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Công an và các đơn vị liên quan cương quyết dồn mọi nguồn lực, bằng mọi giải pháp xử lý triệt để tình hình dịch tại Bệnh viện Bạch Mai, tranh thủ từng giờ, từng phút để truy vết, áp dụng các biện pháp phù hợp đối với tất cả các trường hợp có nguy cơ tiếp xúc với người bệnh, người qua lại khu vực Bệnh viện Bạch Mai; công khai, minh bạch thông tin theo quy định. Chỉ đạo các ngành chức năng đảm bảo đầy đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, vật tư, nhân lực, lương thực, thực phẩm và nhu yếu phẩm phục vụ công tác phòng, chống dịch của toàn thành phố; cung cấp đầy đủ điện, nước phục vụ sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của người dân; xử lý nghiêm việc đầu cơ tăng giá vật tư y tế và lương thực thực phẩm. Chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ “kép” vừa phòng, chống dịch, vừa sản xuất, kinh doanh, khôi phục kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội. Kêu gọi các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp nhà nước có cổ phần chi phối thuộc thành phố thực hiện tiết giảm chi tiêu, chi phí hoạt động để dành kinh phí cho công tác phòng, chống dịch Covid-19. Rà soát, hỗ trợ những trường hợp người lao động khó khăn, mất việc làm, chịu nhiều ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 (bao gồm cả người lao động tại các doanh nghiệp ngoài nhà nước, các đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ, cơ sở giáo dục ngoài công lập…); đề xuất chính sách hỗ trợ đặc thù (ngoài các quy định của Chính phủ) đối với các trường hợp trên, chỉ đạo triển khai đảm bảo ổn định đời sống nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội để “không ai bị bỏ lại phía sau” trong cuộc chiến chống dịch bệnh và giám sát việc thực hiện đúng các quy định hiện hành. Chủ động xây dựng Kế hoạch khôi phục, phát triển kinh tế ngay sau khi hết dịch bệnh. Tăng cường các biện pháp đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phòng chống cháy nổ, đấu tranh quyết liệt phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội; đảm bảo cuộc sống bình yên của nhân dân. 5. Đảng Đoàn HĐND thành phố phối hợp với Ban Cán sự đảng UBND thành phố cân đối, phân bổ nguồn lực, đảm bảo phục vụ công tác phòng, chống dịch trên địa bàn thành phố; xem xét, quyết định kịp thời các biện pháp hỗ trợ các đối tượng yếu thế, các tổ chức, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, góp phần tháo gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội. 6. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp của thành phố tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, nhân dân nâng cao ý thức, chấp hành nghiêm các quy định về phòng, chống dịch bệnh; vận động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của các cơ quan thuộc thành phố ủng hộ tối thiểu mỗi người một ngày lương; vận động các tổ chức, nhân dân và các nhà hảo tâm, kiều bào ta ở nước ngoài tích cực ủng hộ sáng kiến, kinh phí, hàng hóa, phát huy tinh thần yêu nước, lòng nhân ái, trách nhiệm xã hội chung sức, đồng lòng, chia sẻ, giúp đỡ cùng nhau đẩy lùi dịch bệnh, ổn định cuộc sống. 7. Các ban Đảng, Văn phòng Thành ủy căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, nắm chắc tình hình, kiểm tra, đôn đốc, kịp thời tham mưu Ban Thường vụ Thành ủy lãnh đạo, chỉ đạo, giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19. Ban Tuyên giáo Thành ủy chỉ đạo các cơ quan báo chí thành phố và phối hợp với các cơ quan báo chí Trung ương tăng cường tuyên truyền về công tác phòng, chống dịch bệnh; biểu dương người tốt, việc tốt, định hướng dư luận trong quá trình tổ chức thực hiện; đồng thời đấu tranh, ngăn chặn, phản bác thông tin xuyên tạc, sai trái của các thế lực thù địch, tạo sự tin tưởng, đồng thuận của nhân dân đối với các giải pháp phòng, chống dịch của Trung ương và thành phố. Theo dõi, đôn đốc, thường xuyên hướng dẫn và tổng hợp các hoạt động, kịp thời báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy. 8. Các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội từ thành phố đến cơ sở quán triệt, triển khai nghiêm túc Chỉ thị, thường xuyên báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy kết quả thực hiện (qua Ban Tuyên giáo Thành ủy để tổng hợp). Trường hợp khó khăn, vướng mắc hoặc phát sinh vấn đề đột xuất kịp thời báo cáo Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy để được chỉ đạo giải quyết. >>> Xem toàn văn Chỉ thị 31 tại file đính kèm
Ra đường khi không thuộc trường hợp cần thiết bị phạt như thế nào?
Mới đây, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung chiều 3-4 cho biết từ ngày 4-4, các đơn vị từ quận huyện, phường xã tăng cường kiểm tra xử phạt người đi ra ngoài đường không đúng nội dung cho phép. Vậy một câu hỏi được đặt ra là trường hợp có người ra đường nhưng không thuộc trường hợp cần thiết phải ra (xem TẠI ĐÂY) thì căn cứ nào để xử lý? Quy định tại điểm a khoản 1 Điều 11 của Nghị định 176/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế: Điều 11. Vi phạm quy định về áp dụng biện pháp chống dịch 1. Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: a) Không thực hiện biện pháp bảo vệ cá đối với người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế; … Ở một số trường hợp khác liên quan đến việc ra đường mà không thuộc các trường hợp đã được quy định thì có thể áp dụng chế tài tại điểm c, khoản 4 Điều 11 Nghị định 176: 4. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: … c) Không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại nơi công cộng….” Như vậy, tùy theo tình hình và hành vi mà tổ chức có thẩm quyền có thể xử lý người vi phạm theo quy định. Với tình hình hiện tại trước những diễn biến hết sức phức tạp của đại dịch Covid-19 mỗi người dân cần có ý thức trong việc thực hiện các quy định nhằm hạn chế thấp nhất rủi ro có thể xảy ra.
INFOGRAPHIC: 10 việc cần phải làm từ đây đến ngày 15/04/2020
Dưới đây là 10 việc mà bạn cần phải ghi nhớ để thực hiện đến ngày 15/04/2020. Hãy cùng nhau chung tay để vượt qua Covid-19
Có được gia hạn trả nợ Ngân hàng khi gặp khó khăn vì Covid-19?
Khi lệnh cách ly toàn xã hội được ban bố; đồng nghĩa với việc các cá nhân kinh doanh, hộ kinh doanh hay doanh nghiệp sẽ gặp tình trạng khó khăn chồng chất khó khăn, đặc biệt là hộ kinh doanh hay cá nhân kinh doanh nhỏ lẻ khi nguồn vốn của họ xuất phát từ việc vay tốn để đầu tư sinh lợi. Câu hỏi được đặt ra trong nhiều ngày qua là có được gia hạn trả nợ Ngân hàng khi gặp khó khăn vì Covid-19 hay không? Căn cứ theo quy định tại Điều 19 Thông tư 39/2016/NHNN cụ thể như sau: Tổ chức tín dụng xem xét quyết định việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ trên cơ sở đề nghị của khách hàng, khả năng tài chính của tổ chức tín dụng và kết quả đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng, như sau: 1. Khách hàng không có khả năng trả nợ đúng kỳ hạn nợ gốc và/hoặc lãi tiền vay và được tổ chức tín dụng đánh giá là có khả năng trả đầy đủ nợ gốc và/hoặc lãi tiền vay theo kỳ hạn trả nợ được điều chỉnh, thì tổ chức tín dụng xem xét điều chỉnh kỳ hạn trả nợ gốc và/hoặc lãi tiền vay đó phù hợp với nguồn trả nợ của khách hàng; thời hạn cho vay không thay đổi. 2. Khách hàng không có khả năng trả hết nợ gốc và/hoặc lãi tiền vay đúng thời hạn cho vay đã thỏa thuận và được tổ chức tín dụng đánh giá là có khả năng trả đầy đủ nợ gốc và/hoặc lãi tiền vay trong một khoảng thời gian nhất định sau thời hạn cho vay, thì tổ chức tín dụng xem xét cho gia hạn nợ với thời hạn phù hợp với nguồn trả nợ của khách hàng. 3. Việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ được thực hiện trước hoặc trong thời hạn 10 (mười) ngày kể từ ngày đến kỳ hạn, thời hạn trả nợ đã thỏa thuận. Như vậy, có thể thấy pháp luật có quy định cho phép việc cơ cấu lại thời gian trả nợ trên đề nghị của khách hàng, khả năng tài chính của tổ chức tín dụng và kết quả đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng. Điều đó có nghĩa là không phải tất cả các đề nghị xin gia hạn thời gian trả nợ của khách hàng đều được Ngân hàng đồng ý. Việc có được duyệt yêu cầu gia hạn thời gian trả nợ hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố tại thời điểm yêu cầu gia hạn, ví dụ: mục đích vay vốn ban đầu, việc kinh doanh gặp khó khăn dẫn đến việc xin gia hạn trả nợ có thực sự xuất phát từ dịch bệnh Covid-19, lịch sử trả nợ của bản thân có tốt hay không, có nợ xấu hay không hoặc khả năng tài chính của Ngân hàng vào thời điểm đó. Về thủ tục xin gia hạn trả nợ Ngân hàng thì tùy thuộc vào từng tổ chức tín dụng sẽ có những quy định riêng; khi bạn có nhu cầu xin cơ cấu lại thời gian trả nợ thì hãy đến trực tiếp Ngân hàng để được hỗ trợ tốt nhất. Trên đây là bài viết dựa trên nghiên cứu của bản thân và thực tiễn, nếu bạn có thêm thông tin gì thì bình luận bên dưới để bài viết thêm hoàn chỉnh nhé!
Nghị quyết 37/NQ-CP quy định chế độ đặc thù cho người bị cách ly, người tham gia chống dịch Covid-19
Ngày 29/3, Chính Phủ vừa bạn hành Nghị quyết số 37/NQ-CP về một số chế độ đặc thù trong phòng, chống dịch COVID-19, theo đó chế độ hỗ trợ cho từng đối tượng được áp dụng như sau: 1. Người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế: - Tiền ăn: 80.000/ngày, dành cho người Việt Nam, người nước ngoài đang bị áp dụng biện pháp cách ly y tế tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc tại cơ sở, địa điểm khác (không áp dụng đối với hình thức cách ly tại nhà, nơi lưu trú, khách sạn, resort, doanh nghiệp). - Ngoài ra, đối tượng trên sẽ được cấp các vật dụng bao gồm: nước uống, khăn mặt, khẩu trang, nước dung dịch rửa tay, dung dịch sát khuẩn miệng, bàn chải đánh răng, xà phòng tắm gội và các vật dụng thiết yếu, các chi phí khác phục vụ nhu cầu sinh hoạt trong những ngày cách ly y tế với tổng chi phí là 40.000 đồng/ngày. - Trường hợp đang cách ly mà bị bệnh cần khám chữa bệnh: + Đối với người có thẻ bảo hiểm y tế, Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán phần chi phí khám, điều trị trong trong phạm vi được hưởng bảo hiểm y tế như trường hợp đi khám, chữa bệnh đúng tuyến. Ngân sách nhà nước chi trả phần chi phí đồng chi trả của người bệnh và các chi phí ngoài phạm vi hưởng bảo hiểm y tế. + Đối với người không có thẻ bảo hiểm y tế: Người Việt Nam thì do ngân sách nhà nước chi trả; người nước ngoài tự chi trả chi phí khám, điều trị. 2. Người lao động, cán bộ y tế tham gia chống dịch: - Người đi giám sát, điều tra, xác minh dịch; người trực tiếp khám, chẩn đoán, điều trị người mắc bệnh dịch tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh: 300.000 đồng/ngày, kể cả ngày nghỉ, ngày lễ. - Người vận chuyển người bệnh, bệnh phẩm; bảo quản tử thi người bệnh; người giặt đồ vải, quần áo bác sĩ, bệnh nhân; thu gom vỏ chai, lọ, hộp hóa chất; bảo vệ khu điều trị cách ly; vệ sinh, tẩy uế, diệt tác nhân gây bệnh trong khu cách ly tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; cán bộ y tế thực hiện giám sát dịch tễ, theo dõi y tế tại cơ sở cách ly y tế tại nhà và cơ sở cách ly y tế theo chỉ định của cơ quan quản lý nhà nước: 200.000 đồng/ngày, kể cả ngày nghỉ, ngày lễ - Người thực hiện nhiệm vụ (không phải là chuyên môn y tế) tại cơ sở cách ly tập trung (không áp dụng đối với hình thức cách ly tại nhà, nơi lưu trú, khách sạn, resort, doanh nghiệp); người tham gia cưỡng chế cách ly y tế đối với trường hợp phải áp dụng biện pháp cách ly nhưng không chấp hành biện pháp cách ly y tế; người phiên dịch, đội cấp cứu 115, kíp vận chuyển người bị cách ly: 150.000 đồng/ngày, kể cả ngày nghỉ, ngày lễ - Người tham gia thường trực chống dịch 24/24 giờ, mức phụ cấp thường trực chống dịch 24/24 giờ là 130.000 đồng/ngày, kể cả ngày nghỉ, ngày lễ; người lao động tham gia thường trực chống dịch 24/24 giờ được hỗ trợ tiền ăn mức 80.000 đồng/phiên trực - Cán bộ y tế, quân đội, công an thực hiện nhiệm vụ tại cơ sở cách ly y tế tập trung (không áp dụng đối với hình thức cách ly tại nhà, nơi lưu trú, khách sạn, resort, doanh nghiệp); người tham gia thực hiện nhiệm vụ phân luồng, làm thủ tục cho người nhập cảnh; người bảo vệ khu vực cách ly tại các địa bàn dân cư theo chỉ định của cơ quan quản lý nhà nước; cán bộ y tế thường trực 24/24 giờ tại cơ sở điều trị cách ly y tế để chăm sóc, điều trị người mắc, nghi mắc COVID-19 được hỗ trợ tiền ăn là 80.000 đồng/ngày. >>> Xem toàn văn Nghị Quyết 37 tại link bên dưới
Bí Thư Thành Ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân gửi kiến nghị cho Thủ tướng về các biện pháp chống Covid-19
Một tài liệu phân tích về các số liêu rất hay, gửi mọi người tham khảo
Ngày 25/3/2020 Bộ LĐTBXH ban hành công văn 1064/LĐTBXH-QHLĐTL về việc hướng dẫn trả lương ngừng việc và giải quyết chế độ cho người lao động trong thời gian ngừng việc liên quan đến dịch bệnh Covid 19. Tác động từ dịch Covid-19 khiến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, một số người lao động phải ngừng việc để thực hiện chế độ trả lương trong thời gian ngừng việc và giải quyết chế độ đối với người lao động theo đúng quy định của pháp luật lao động, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn các doanh nghiệp trên địa bàn thực hiện như sau: 1. Việc trả lương ngừng việc căn cứ vào quy định tại Điều 98 của Bộ luật Lao động để xem xét các trường hợp gây ra ngừng việc (do lỗi của người sử dụng lao động hay người lao động hay do nguyên nhân khách quan) để xác định trả lương ngừng việc cho người lao động. 2. Đối với trường hợp người lao động phải ngừng việc do tác động trực tiếp của dịch Covid-19 như: (i) lao động là người nước ngoài trong thời gian chưa được quay trở lại doanh nghiệp làm việc theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền; (ii) người lao động phải ngừng việc trong thời gian thực hiện cách ly theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền; (iii) người lao động phải ngừng việc do doanh nghiệp hoặc bộ phận doanh nghiệp không hoạt động được vì chủ sử dụng lao động hoặc những người lao động khác cùng doanh nghiệp, bộ phận doanh nghiệp đó đang trong thời gian phải cách ly hoặc chưa được quay trở lại doanh nghiệp làm việc thì tiền lương của người lao động trong thời gian ngừng việc thực hiện theo khoản 3 Điều 98 Bộ luật Lao động (tiền lương do hai bên thỏa thuận nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định). 3. Đối với trường hợp doanh nghiệp gặp khó khăn về nguồn nguyên vật liệu, thị trường dẫn tới không bố trí đủ việc làm, người sử dụng lao động có thể tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 31 Bộ luật Lao động; nếu thời gian ngừng việc kéo dài ảnh hưởng đến khả năng chi trả của doanh nghiệp thì người sử dụng lao động và người lao động có thể thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 32 Bộ luật Lao động; nếu doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, dẫn tới giảm chỗ làm việc thì thực hiện sắp xếp lao động theo Điều 38 hoặc Điều 44 Bộ luật Lao động. Xem chi tiết công văn: TẠI ĐÂY
Thủ tướng: Tạm dừng mọi hoạt động hội họp, tập trung trên 20 người
(Chinhphu.vn) – Phát biểu tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng chống dịch bệnh COVID-19 sáng nay, 26/3, Thủ tướng nêu rõ: Chúng ta có 2 tuần để hành động và virus sẽ lây lan nhanh hơn hành động của chúng ta nếu chúng ta không triển khai phòng chống kịp thời, quyết liệt. Sẽ xử lý nghiêm chính quyền địa phương nếu để xảy ra việc tập trung trên 20 người. Thủ tướng biểu dương ngành y tế, các cấp, các ngành, Ban chỉ đạo đã quyết liệt thực hiện nghiêm với quyết tâm cao trong triển khai các chủ trương, biện pháp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đề ra trong những ngày qua. Cho rằng việc lây nhiễm COVID-19 đang gia tăng, xuất hiện tình trạng lây nhiễm trong cộng đồng, có trường hợp nhiễm tại cộng đồng nhưng chưa được phát hiện, Thủ tướng nêu rõ, cả hệ thống chính trị, chính quyền các cấp cần tăng tốc triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch. Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần: Phát hiện sớm, cách ly kịp thời, khoanh vùng dịch và điều trị bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân là mục tiêu tối thượng hiện nay. Thủ tướng dẫn lại một ý kiến khuyến nghị nên xem tình hình dịch của Mỹ để rút kinh nghiệm cho Việt Nam, đó là đầu tháng 3, cả Việt Nam và Mỹ có 100 trường hợp bị nhiễm nhưng sau 3 tuần, Mỹ có tới 55.000 người bị nhiễm (cụ thể, 11/3 có 994 người, 18/3 có 6.411 người và ngày hôm qua là 54.808 tại 50 bang) và tuyên bố tình trạng thảm họa, đóng cửa bang California (ngày 22/3) khi đã quá muộn, đáng nhẽ nên đóng cửa vào 12/3 khi số ca dưới 1.000, Việt Nam nghiên cứu vấn đề này như thế nào. Thủ tướng đặt vấn đề về việc có nên tạm thời đóng cửa tất cả các hoạt động và đi lại của người dân khi số ca nhiễm còn thấp, không phải con số 1.000. Theo dự báo, chúng ta có 2 tuần để hành động và virus sẽ lây lan nhanh hơn hành động của chúng ta nếu chúng ta không triển khai phòng, chống kịp thời, quyết liệt. Thủ tướng yêu cầu ít nhất trong 2 tuần tới, người đứng đầu chính quyền các cấp tạm dừng tất cả các hoạt động hội họp, các sự kiện tập trung trên 20 người. Dừng triệt để các nghi lễ tôn giáo, sẽ xử lý nghiêm chính quyền địa phương nếu để xảy ra việc tập trung trên 20 người. Đóng cửa các dịch vụ không cần thiết như massage, vũ trường, các cơ sở du lịch, tham quan, các tụ điểm vui chơi, giải trí, các rạp chiếu phim, quán bia hơi, nhà hàng ăn uống… Nhân dịp này, Thủ tướng cũng nhắc nhở UBND quận Tây Hồ trong ngày mùng 1 tháng 3 âm lịch vừa qua (24/3) đã để quá đông người dân đến chùa chiền ở khu vực này. Đối với Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Cần Thơ, Đà Nẵng, cần thực hiện đóng cửa toàn bộ các cơ sở dịch vụ trừ dịch vụ cung cấp thực phẩm, dược phẩm, các cơ sở khám chữa bệnh, “như thế chúng ta bảo đảm nhu cầu cần thiết cho nhân dân, những dịch vụ không cần thiết trong lúc này thì tạm thời đóng cửa”. Tạm dừng hoặc tổ chức lại rất ít chuyến giao thông công cộng. Bộ GTVT chỉ đạo hạn chế bay từ 2 thành phố lớn đến các thành phố khác. Người dân được yêu cầu ở lại nhà trừ trường hợp thực sự cần thiết mới ra ngoài. Đối với người dân từ các thành phố, khu vực đang có dịch, các địa phương có trách nhiệm quản lý như đi từ vùng dịch. Thời gian thực hiện các biện pháp này là từ 0h ngày 28/3/2020 trong một tuần hoặc vài tuần và sẽ xem xét cụ thể sau. Cấm tụ tập nhiều hơn 10 người ở bên ngoài các công sở và trường học, bệnh viện. Với các cơ sở khám chữa bệnh, thực hiện việc xét nghiệm các nhân viên y tế ở khu vực có nguy cơ lây nhiễm. Thủ tướng giao Bộ Y tế có hướng dẫn cụ thể để làm sao không để bệnh viện thành nơi tập trung đông người dễ lây nhiễm. Tạm thời đóng cửa các cơ sở làm đẹp, phẫu thuật thẩm mỹ, vật lý trị liệu trên toàn quốc. Ngành y tế có biện pháp cách ly các bác sĩ, nhân viên y tế làm tại các cơ sở chăm sóc, điều trị bệnh nhân COVID-19. Chính quyền địa phương, các ngành, đặc biệt là ngành y tế có trách nhiệm hỗ trợ việc cách ly này để các thầy thuốc yên tâm làm việc. “Tinh thần là có phương án chăm sóc tốt hơn cho các bác sĩ, nhân viên y tế, nhất là tại các bệnh viện trực tiếp điều trị bệnh nhân COVID-19”, Thủ tướng nói, bảo toàn đội ngũ y tế để có sức chiến đấu lâu dài trong mùa dịch. Thực hiện nghiêm khắc quản lý biên giới đường bộ, đường hàng không, đường thủy. Thực hiện nghiêm việc cách ly tập trung, không được đến thăm, mang đồ ăn uống tới nơi cách ly và giám sát việc cách ly chuyên biệt. Bộ Quốc phòng, Tư lệnh các quân khu chỉ đạo mở rộng các cơ sở cách ly ở miền Trung và khu vực biên giới Tây Nam. Các ngành chức năng xử lý nghiêm, kể cả hình sự, đối với những người vi phạm, không khai báo y tế và không thực hiện cách ly theo đúng quy định. Các cấp, các ngành tiếp tục thay đổi thói quen làm việc để phù hợp với tình hình dịch bệnh. Tất cả các tỉnh, thành phố cần tập trung đầu tư máy móc, trang thiết bị phục vụ xét nghiệm, tiến hành xét nghiệm trên diện rộng. Đối với TP. Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, cần tăng thêm các cơ sở xét nghiệm, nâng công suất, bảo đảm sàng lọc được toàn bộ trường hợp nghi nhiễm. Thủ tướng yêu cầu ngành y tế mua ngay trang thiết bị y tế. Ngành y tế và ngành công thương hợp tác, có hợp đồng cụ thể để sản xuất khẩu trang y tế cũng như các khẩu trang đạt tiêu chuẩn khác để phục vụ trong nước một cách đầy đủ và đẩy mạnh hợp tác quốc tế đối với vật tư y tế mà các nước đang có nhu cầu. Nghiêm cấm đầu cơ tích trữ những nhu yếu phẩm cũng như vật tư y tế, xử lý nghiêm nạn đầu cơ nếu có và buôn lậu các vật tư y tế. Xử lý nghiêm các trường hợp đưa tin sai sự thật. Các cấp, các ngành và các địa phương liên quan bảo đảm an sinh xã hội, an toàn xã hội ở mọi nơi, mọi lúc, trong đó có việc Bộ Quốc phòng và Bộ Y tế bàn xây dựng một số bệnh viện dã chiến khi thấy cần thiết. Các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị xã hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có trách nhiệm tuyên truyền vận động và yêu cầu nhân dân nêu cao ý thức công dân, trách nhiệm với cộng đồng, tiếp tục đoàn kết, quyết tâm ngăn chặn dịch COVID-19 thành công trong những tuần đến. “Để bảo đảm an toàn, nhất là thời điểm hiện nay và thời gian tới, người dân nên ít di chuyển và thay đổi phương thức làm việc, từ trực tiếp sang trực tuyến và các hình thức phù hợp khác để tránh lây nhiễm”, Thủ tướng nói. Đức Tuân Cổng thông tin điện tử Chính phủ
Phòng, chống dịch bệnh COVID-19: Cần làm ngay 05 điều này
Đây là nội dung tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh Covid 19 chiều 25/3, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kêu gọi: Mỗi người dân phải có trách nhiệm với sức khoẻ, thậm chí là tính mạng của mình, của những người xung quanh và trách nhiệm với cộng đồng, đất nước, thực hiện thật tốt các hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. Phó thủ tướng cũng đề nghị người dân cần thực hiện tốt các hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, trong đó cần lưu ý các việc sau: 1. Hạn chế tối đa ra ngoài, chỉ ra ngoài khi thực sự cần thiết. 2. Nếu buộc phải ra ngoài luôn luôn đeo khẩu trang, hãy giữ khoảng cách tiếp xúc, tốt nhất là 2m. 3. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn. 4. Thường xuyên vệ sinh nhà cửa, lau rửa thường xuyên, để thông thoáng, sinh hoạt lành mạnh. 5. Thực hiện khai báo y tế, cập nhật tình hình sức khỏe hàng ngày, giữ liên hệ thường xuyên với cán bộ y tế, cơ sở y tế. “Làm tốt các hướng dẫn, chấp hành nghiêm các chỉ thị, nhất định chúng ta sẽ đẩy lùi và chiến thắng dịch bệnh”, Phó Thủ tướng nói.