Cha sinh mẹ dưỡng là gì? Cha mẹ sinh con ra có nghĩa vụ nuôi dưỡng con cái?
Cha sinh mẹ dưỡng nghĩa là gì? Cha mẹ sinh con ra có nghĩa vụ nuôi dưỡng con cái hay không? Con có nghĩa vụ nuôi dưỡng cha mẹ không? Cha sinh mẹ dưỡng là gì? Cha sinh mẹ dưỡng nghĩa là gì thì sinh ở đây có thể hiểu là đẻ ra (thường chỉ nói về người), dưỡng có thể hiểu là ăn uống, nghỉ ngơi để tăng hoặc khôi phục sức khoẻ (nói khái quát). Theo đó, "Cha sinh mẹ dưỡng" là một câu thành ngữ, có nghĩa là "cha mẹ sinh ra và nuôi nấng", câu thành ngữ này thể hiện lòng biết ơn và tôn trọng đối với công ơn của cha mẹ trong việc sinh thành và nuôi dưỡng con cái và thường được dùng để nhắc nhở về vai trò quan trọng của cha mẹ trong cuộc đời mỗi người. Thông thường, cha mẹ sinh con ra sẽ nuôi nấng con đến khi lớn lên và trưởng thành, cha mẹ là người chứng kiến con lớn lên từng ngày, cha mẹ chịu nhiều khó khăn, cực khổ để lo cho con ăn học thành tài. Do đó, mục đích của câu thành ngữ "Cha sinh mẹ dưỡng" không chỉ thể hiện lòng biết ơn và tôn trọng của con cái đối với cha mẹ mà còn dùng để nhắc nhở con phải hiếu thảo và phụng dưỡng cha mẹ về già hoặc khi cha mẹ ốm đau bệnh tật cũng giống như cha mẹ đã từng nuôi dưỡng con. Cha sinh mẹ dưỡng là gì? Cha mẹ sinh con ra có nghĩa vụ nuôi dưỡng con cái? (Hình từ Internet) Cha mẹ sinh con ra có nghĩa vụ nuôi dưỡng con cái? Cha mẹ sinh con ra có nghĩa vụ nuôi dưỡng con cái hay không thì căn cứ quy định tại Điều 69 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về nghĩa vụ và quyền của cha mẹ như sau: Nghĩa vụ và quyền của cha mẹ 1. Thương yêu con, tôn trọng ý kiến của con; chăm lo việc học tập, giáo dục để con phát triển lành mạnh về thể chất, trí tuệ, đạo đức, trở thành người con hiếu thảo của gia đình, công dân có ích cho xã hội. 2. Trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình. ... Đối chiếu theo quy định trên, cha mẹ sinh con ra có nghĩa vụ phải nuôi dưỡng con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình. Bên cạnh đó, không chỉ có nghĩa vụ phải nuôi dưỡng con cái mà cha mẹ còn có nghĩa vụ phải thương yêu con, tôn trọng ý kiến của con; chăm lo việc học tập, giáo dục để con phát triển lành mạnh về thể chất, trí tuệ, đạo đức, trở thành người con hiếu thảo của gia đình, công dân có ích cho xã hội; Đồng thời, cha mẹ sinh con ra phải là người Giám hộ hoặc đại diện theo quy định của Bộ luật dân sự cho con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự. Và cha mẹ không được phân biệt đối xử với con trên cơ sở giới hoặc theo tình trạng hôn nhân của cha mẹ; không được lạm dụng sức lao động của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động; không được xúi giục, ép buộc con làm việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội. Con có nghĩa vụ nuôi dưỡng cha mẹ hay không? Quyền và nghĩa vụ của con được quy định tại Điều 70 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 như sau: Quyền và nghĩa vụ của con 1. Được cha mẹ thương yêu, tôn trọng, thực hiện các quyền, lợi ích hợp pháp về nhân thân và tài sản theo quy định của pháp luật; được học tập và giáo dục; được phát triển lành mạnh về thể chất, trí tuệ và đạo đức. 2. Có bổn phận yêu quý, kính trọng, biết ơn, hiếu thảo, phụng dưỡng cha mẹ, giữ gìn danh dự, truyền thống tốt đẹp của gia đình. ... Và căn cứ quy định tại Điều 71 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 như sau: Nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng 1. Cha, mẹ có nghĩa vụ và quyền ngang nhau, cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình. 2. Con có nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ, đặc biệt khi cha mẹ mất năng lực hành vi dân sự, ốm đau, già yếu, khuyết tật; trường hợp gia đình có nhiều con thì các con phải cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ. Theo đó, con có nghĩa vụ nuôi dưỡng cha mẹ, đặc biệt khi cha mẹ mất năng lực hành vi dân sự, ốm đau, già yếu, khuyết tật; trường hợp gia đình có nhiều con thì các con phải cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ. Như vậy, con cái phải luôn nhớ rằng "công ơn sinh thành" của cha mẹ là vô bờ bến, cha mẹ sinh con ra đã phải chịu nhiều khó khăn gian khổ để nuôi con lớn từng ngày, do đó, con cái phải luôn ghi nhớ 1 điều rằng "cha mẹ sinh dưỡng" để luôn là người con tốt, hiếu thảo, là người con đáng tự hào của cha mẹ.
Cha mẹ có sổ tiết kiệm nhưng không còn minh mẫn, con có thể rút tiền thay không?
Khi cha mẹ già yếu, mất khả năng nhận thức, việc quản lý tài sản, đặc biệt là sổ tiết kiệm trở thành một vấn đề nan giải. Vậy trong trường hợp này, con cái có quyền rút tiền thay cho cha mẹ mình không? (1) Không còn minh mẫn là tình trạng pháp lý gì? "Không còn minh mẫn" thường được hiểu là tình trạng tâm lý hoặc sức khỏe không ổn định, có thể ảnh hưởng đến khả năng nhận thức và đưa ra quyết định. Tại Điều 22 Bộ Luật Dân sự 2015 có quy định, khi một người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan thì Tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần. Như vậy, trường hợp cha mẹ không còn minh mẫn, con cái cần phải thực hiện giám định pháp y tâm thần, Tòa án sẽ dựa trên kết quả giám định này để tuyên bố cha mẹ mất năng lực hành vi dân sự. Nếu trường hợp không còn căn cứ tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự thì Tòa án ra quyết định hủy bỏ quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự theo yêu cầu của chính người đó hoặc của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan. (2) Cha mẹ có sổ tiết kiệm nhưng không còn minh mẫn, con có thể rút tiền thay không? Sổ tiết kiệm hay tiền tiết kiệm là tài sản của cá nhân, việc rút tiền tiền từ sổ tiết kiệm là giao dịch dân sự liên quan trực tiếp đến tài sản của người gửi tiền. Vì vậy, giao dịch rút tiền trong sổ tiết kiệm phải do người gửi tiền thực hiện. Nếu vì lý do sức khỏe mà người gửi tiền không thể trực tiếp đến ngân hàng rút tiền thì có thể làm văn bản ủy quyền cho người khác thực hiện giao dịch thay. Tuy nhiên, trường hợp cha mẹ không còn minh mẫn, thì không thể làm văn bản ủy quyền cho người khác rút tiền được. Lúc này, để có thể rút được tiền thay cho cha mẹ, người con phải chứng minh được cha mẹ mình bị mất năng lực hành vi dân sự, các bước thực hiện như sau: Bước 1: Đưa cha mẹ đến Trung tâm pháp y để làm thủ tục giám định Bước 2: Làm đơn yêu cầu Tòa án có thẩm quyền ra quyết định tuyên bố người mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần trên. Bước 3: Lựa chọn người giám hộ. Theo quy định tại Điều 53 Bộ Luật Dân sự 2015, trong trường hợp cả cha và mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự thì con cả sẽ là người giám hộ cho cha mẹ. Trường hợp con cả không đủ điều kiện làm người giám hộ thì người con tiếp theo đủ điều kiện sẽ được làm người giám hộ. Bước 4: Người giám hộ (con) đến ngân hàng để thực hiện thủ tục rút tiền từ sổ tiết kiệm thay cha mẹ. Theo quy định tại Điều 59 Bộ Luật Dân sự 2015, người giám hộ sẽ quản lý tài sản của người được giám hộ như tài sản của chính mình; và được thực hiện giao dịch dân sự liên quan đến tài sản của người được giám hộ vì lợi ích của người được giám hộ. Như vậy, con cái có thể thay mặt cha mẹ rút tiền từ sổ tiết kiệm tại ngân hàng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho cha mẹ trong trường hợp cha mẹ không còn đủ minh mẫn, mất năng lực hành vi dân sự và được sự đồng ý của người giám sát việc giám hộ. (3) Điều kiện để làm người giám hộ Theo quy định tại Điều 49 Bộ Luật Dân sự 2015, cá nhân có đủ các điều kiện sau đây có thể làm người giám hộ: - Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ. - Có tư cách đạo đức tốt và các điều kiện cần thiết để thực hiện quyền, nghĩa vụ của người giám hộ. - Không phải là người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc người bị kết án nhưng chưa được xoá án tích về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của người khác. - Không phải là người bị Tòa án tuyên bố hạn chế quyền đối với con chưa thành niên. Các điều kiện này không chỉ nhằm bảo vệ quyền lợi của người được giám hộ mà còn nhằm xây dựng một hệ thống giám hộ đáng tin cậy. Việc có những quy định rõ ràng giúp hạn chế khả năng xảy ra các trường hợp lạm dụng quyền lực của người giám hộ, đồng thời tạo ra một khung pháp lý vững chắc để giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình giám hộ.
"Anh em trong nhà đóng cửa bảo nhau" có nghĩa là gì? Nghĩa vụ nuôi dưỡng, cấp dưỡng giữa anh chị em?
"Anh em trong nhà đóng cửa bảo nhau" có nghĩa là gì? Theo quy định pháp luật, anh chị em trong gia đình có nghĩa vụ nuôi dưỡng, cấp dưỡng nhau trong trường hợp nào? "Anh em trong nhà đóng cửa bảo nhau" có nghĩa là gì? Trong cuộc sống gia đình, chắc chắn có lúc xảy ra xung đột mâu thuẫn với anh chị em nhưng không phải vì thế mà ta giận nhau đánh nhau thậm chí là chửi, nhục mạ nhau. Anh chị em nên từ từ giải quyết mọi vấn đề trong gia đình hãy "đóng cửa bảo nhau" bởi "anh em như thể tay chân" hay "gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau". Dù là xung đột, mẫu thuẫn nào hãy từ từ giải quyết, cùng khuyên bảo nhau. Câu tục ngữ "Anh em trong nhà đóng cửa bảo nhau" nói về cách đối nhân xử thế giữa những người anh em trong nhà, cùng máu mủ ruột thịt với nhau, cần phải biết nhường nhịn và giúp đỡ nhau. Khi xảy ra tranh cãi, không nên làm lớn chuyện, mà nên đóng cửa, nói với nhau nhỏ nhẹ, rồi từ từ giải quyết vấn đề. Anh chị em trong gia đình có nghĩa vụ nuôi dưỡng, cấp dưỡng nhau trong trường hợp nào? Căn cứ theo quy định tại Điều 105 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 có quy định về quyền, nghĩa vụ của anh, chị, em như sau: Anh, chị, em có quyền, nghĩa vụ thương yêu, chăm sóc, giúp đỡ nhau; có quyền, nghĩa vụ nuôi dưỡng nhau trong trường hợp không còn cha mẹ hoặc cha mẹ không có điều kiện trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con. Theo đó, pháp luật cũng đã có những quy định về quyền và nghĩa vụ của anh, chị, em để tạo cơ sở pháp lý cho việc gắn bó trách nhiệm giữa các thành viên với nhau. Anh, chị, em có quyền và nghĩa vụ nuôi dưỡng nhau trong trường hợp không còn cha mẹ hoặc cha mẹ không có điều kiện trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con. Như vậy, chỉ khi nào không còn cha, mẹ hoặc cha, mẹ không có khả năng để nuôi dưỡng hoặc cấp dưỡng cho con thì anh, chị, em mới có nghĩa vụ nuôi dưỡng nhau. Bên cạnh đó, theo quy định tại Điều 112 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 anh, chị, em chỉ có nghĩa vụ cấp dưỡng nếu thuộc một trong hai trường hợp sau đây: - Không còn cha mẹ. - Cha mẹ không có khả năng lao động, không có tài sản để cấp dưỡng cho con. Trong trường hợp này, nếu anh, chị đã thành niên không sống chung với em thì có nghĩa vụ cấp dưỡng cho em chưa thành niên không có tài sản tự nuôi mình hoặc đã thành niên nhưng không có khả năng lao động, không có tài sản tự nuôi mình. Ngược lại, nếu em đã thành niên không chung sống với anh, chị không có khả năng lao động, không có tài sản để tự nuôi mình thì cũng có nghĩa vụ cấp dưỡng cho anh, chị. Như vậy, nghĩa vụ cấp dưỡng giữa anh, chị và em đều áp dụng với cả hai phía anh chị với em hoặc em với anh chị. Đây là mối quan hệ cấp dưỡng được ưu tiên thứ hai sau nghĩa vụ cấp dưỡng giữa cha, mẹ, con. Trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng cho anh,chị, em bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi nào? Căn cứ Điều 186 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bởi khoản 37 Điều 1 Luật Sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định tội từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng thì người nào có nghĩa vụ cấp dưỡng và có khả năng thực tế để thực hiện việc cấp dưỡng đối với người mà mình có nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định của pháp luật mà từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng, thuộc một trong hai trường hợp sau và không thuộc trường hợp quy định tại Điều 380 Bộ luật Hình sự 2015 thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm: - Có khả năng thực tế để thực hiện việc cấp dưỡng đối với người mà mình có nghĩa vụ cấp dưỡng những không thực hiện làm cho anh, chị, em lâm tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe. - Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng mà còn vi phạm. Cần lưu ý: Quy định này không áp dụng đối với trường hợp phạm tội không chấp hành án (Điều 380 Bộ luật Hình sự 2015). Tóm lại, câu tục ngữ "Anh em trong nhà đóng cửa bảo nhau" là lời nhắc nhở cho chúng ta trong việc xây dựng và giữa mối quan hệ tốt đẹp giữa anh chị em với nhau trong gia đình. Tình yêu thương, sự quý mến, đùm bọc và sự giúp đỡ giữa những người anh, chị, em là một trách nhiệm lớn để bảo vệ và nuôi dưỡng mối quan hệ gia đình. Thực tế cuộc sống còn nhiều trường hợp mất ý thức, thiếu trách nhiệm, khiến cho mối quan hệ trong gia đình trở nên khó khăn. Sự ích kỷ, tham lam, ghen tị, và tranh chấp vì lợi ích cá nhân đe dọa sự đoàn kết gia đình. Do đó, anh, chị, em trong gia đình phải đồng lòng xây dựng một cộng đồng gia đình vững mạnh và bền vững. Hãy học cách chia sẻ yêu thương, giúp đỡ anh, chị, em, đồng thời đóng góp vào việc xây dựng một cộng đồng mạnh mẽ.
Cha mẹ không tôn trọng, lắng nghe ý kiến của con cái có thể bị xử phạt
Cha mẹ không tôn trọng, lắng nghe ý kiến của trẻ có thể bị xử phạt bao nhiêu tiền? Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với trường hợp này là bao lâu? Nghĩa vụ của cha mẹ là phải tôn trọng ý kiến của con Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 69 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 về nghĩa vụ và quyền của cha mẹ như sau: - Thương yêu con, tôn trọng ý kiến của con; chăm lo việc học tập, giáo dục để con phát triển lành mạnh về thể chất, trí tuệ, đạo đức, trở thành người con hiếu thảo của gia đình, công dân có ích cho xã hội. - Trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình. - Giám hộ hoặc đại diện theo quy định của Bộ luật dân sự cho con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự. - Không được phân biệt đối xử với con trên cơ sở giới hoặc theo tình trạng hôn nhân của cha mẹ; không được lạm dụng sức lao động của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động; không được xúi giục, ép buộc con làm việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội. Đồng thời, theo quy định tại khoản 4 Điều 5 Luật Trẻ em 2016 thì một trong những nguyên tắc bảo đảm thực hiện quyền và bổn phận của trẻ em là phải tôn trọng, lắng nghe, xem xét, phản hồi ý kiến, nguyện vọng của trẻ em. Như vậy, việc tôn trọng ý kiến của con là một trong những nghĩa vụ của cha mẹ theo quy định của pháp luật. Cha mẹ không tôn trọng, lắng nghe ý kiến của con cái có thể bị xử phạt Căn cứ theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 27 Nghị định 130/2021/NĐ-CP về mức xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định về quyền được giáo dục của trẻ em như sau: - Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: + Ép buộc, trù dập khi trẻ em bày tỏ ý kiến, nguyện vọng và tham gia vào các vấn đề về trẻ em; + Không tôn trọng, lắng nghe, xem xét, phản hồi, giải thích ý kiến, nguyện vọng của trẻ em; + Không tiếp nhận, giải quyết, phản hồi ý kiến, kiến nghị, nguyện vọng của trẻ em, tổ chức đại diện tiếng nói nguyện vọng của trẻ em theo quy định; + Không công khai, công khai không chính xác thông tin về kế hoạch học tập và rèn luyện, chế độ nuôi dưỡng và các khoản đóng góp theo quy định. Như vậy, trường hợp cha mẹ không tôn trọng, lắng nghe ý kiến của con cái có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 01- 03 triệu đồng. Thời hiệu xử phạt đối với cha mẹ không tôn trọng, lắng nghe ý kiến của con cái là bao lâu? Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định 130/2021/NĐ-CP về thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính như sau: - Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo trợ, trợ giúp xã hội và trẻ em thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012. Mà theo điểm a khoản 1 Điều 6 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 (được sửa đổi bởi điểm a khoản 4 Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020) thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với trường hợp cha mẹ không tôn trọng, lắng nghe ý kiến của con cái là 01 năm. Tóm lại, trường hợp cha mẹ không tôn trọng, lắng nghe ý kiến của con cái có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 01- 03 triệu đồng.
Cha mẹ cho con đất rồi có lấy lại được không? Nếu con mất trước thì đất đó chia thế nào?
Nếu cha mẹ đã cho con đất rồi nhưng vì lý do nào đó mà muốn lấy lại thì có được không? Trường hợp đã cho nhưng con mất trước cha mẹ thì đất đó được chia thế nào? Cha mẹ cho con đất rồi có lấy lại được không? Theo Điều 459 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về tặng cho bất động sản như sau: - Tặng cho bất động sản phải được lập thành văn bản có công chứng, chứng thực hoặc phải đăng ký, nếu bất động sản phải đăng ký quyền sở hữu theo quy định của luật. - Hợp đồng tặng cho bất động sản có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký; nếu bất động sản không phải đăng ký quyền sở hữu thì hợp đồng tặng cho có hiệu lực kể từ thời điểm chuyển giao tài sản (Tức lúc này đã thực hiện đăng ký tại cơ quan đăng ký đất đai, đã được ghi vào sổ địa chính) Theo đó, kể từ thời điểm hợp đồng tặng cho có hiệu lực thì người được tặng cho đã xác lập quyền sở hữu của mình đối với bất động sản được tặng cho. Tuy nhiên, theo Điều 462 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về tặng cho tài sản có điều kiện như sau: - Bên tặng cho có thể yêu cầu bên được tặng cho thực hiện một hoặc nhiều nghĩa vụ trước hoặc sau khi tặng cho. Điều kiện tặng cho không được vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội. - Trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ trước khi tặng cho, nếu bên được tặng cho đã hoàn thành nghĩa vụ mà bên tặng cho không giao tài sản thì bên tặng cho phải thanh toán nghĩa vụ mà bên được tặng cho đã thực hiện. - Trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ sau khi tặng cho mà bên được tặng cho không thực hiện thì bên tặng cho có quyền đòi lại tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại. Như vậy, trường hợp hợp đồng tặng cho đất không có điều kiện thì kể từ khi hợp đồng tặng cho có hiệu lực thì cha mẹ sẽ không được quyền đòi lại. Tuy nhiên, nếu hợp đồng tặng cho đất có điều kiện thì nếu như con cái không thực hiện nghĩa vụ của mình theo hợp đồng thì bên tặng cho có quyền đòi lại tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại dù cho đất đã được chuyển giao. Nếu con mất trước thì đất đã cho được chia thế nào? Theo quy định tại Điều 33, Điều 43 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 và Điều 9, Điều 10, Điều 11 Nghị định 126/2014/NĐ-CP: - Nếu tài sản được cha mẹ vợ, cha mẹ chồng tặng cho chung cho vợ chồng thì tài sản đó được xem là tài sản chung của vợ chồng. Theo đó, lúc này di sản người mất để lại là 1/2 phần đất đã được cho. - Nếu tài sản được cha mẹ vợ, cha mẹ chồng tặng cho riêng cho vợ, chồng thì tài sản đó được xem là tài sản riêng của vợ, chồng. Theo đó, lúc này di sản người mất để lại là toàn bộ phần đất đã được cho. Việc phân chia di sản sẽ chia làm 2 trường hợp như sau: 1) Con mất không để lại di chúc Con mất không có di chúc thì di sản sẽ được chia theo pháp luật. Theo Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015 về người thừa kế theo pháp luật quy định: - Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây: + Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết; + Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại; + Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại. - Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau. - Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản. Theo quy định trên, người mất không để lại di chúc thì tài sản của người mất sẽ được chia theo hàng thừa kế. Như vậy, khi con mất thì phần di sản sẽ được chia đều cho những người trong hàng thừa kế thứ nhất. Nếu không còn ai ở hàng này thì sẽ xét đến hàng kế tiếp. 2) Con mất có để lại di chúc hợp pháp Nếu con mất có để lại di chúc thì việc phân chia di sản sẽ được thực hiện theo di chúc. Tuy nhiên, Điều 644 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc như sau: - Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó: + Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng; + Con thành niên mà không có khả năng lao động. - Quy định tại khoản 1 Điều 644 Bộ luật Dân sự 2015 không áp dụng đối với người từ chối nhận di sản theo quy định tại Điều 620 Bộ luật Dân sự 2015 hoặc họ là những người không có quyền hưởng di sản theo quy định tại khoản 1 Điều 621 Bộ luật Dân sự 2015. Theo quy định trên, con chưa thành niên, con thành niên mà không có khả năng lao động, cha, mẹ, vợ, chồng vẫn được hưởng phần di sản bằng 2/3 suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó. Như vậy, nếu con để lại di chúc mà không chia cho những người theo quy định trên thì họ vẫn được hưởng 2/3 suất thừa kế theo pháp luật. Phần di sản còn lại chia theo di chúc.
Dạy con bằng "roi vọt" có thể bị phạt tù
“Thương cho roi cho vọt”, tuy nhiên nếu thương con, dạy con bằng “roi vọt” có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự (1) Dạy con bằng “roi vọt” có vi phạm pháp luật không? Theo Điều 37 Hiến pháp 2013 khẳng định: “Nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em.” Đồng thời, theo quy định tại Điều 6 Luật Trẻ em 2016, thì một trong những hành vi bị nghiêm cấm làm đối với trẻ em là sử dụng bạo lực. Bên cạnh đó, tại điểm a khoản 1 Điều 3 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2022 quy định: “Hành vi bạo lực gia đình là hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập, đe dọa hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khỏe, tính mạng của thành viên trong gia đình.” Như vậy, dạy con bằng “roi vọt” là vi phạm quy định của pháp luật (2) Mức phạt đối với hành vi dùng roi vọt để dạy con Hành vi giáo dục con cái bằng roi vọt có thể bị xử phạt như sau: Theo Điều 52 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định về phạt vi phạm hành chính đối với hành vi xâm hại sức khỏe thành viên gia đình như sau: - Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi đánh đập gây thương tích cho thành viên gia đình. - Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: + Sử dụng các công cụ, phương tiện hoặc các vật dụng khác gây thương tích cho thành viên gia đình; + Không kịp thời đưa nạn nhân đi cấp cứu điều trị trong trường hợp nạn nhân cần được cấp cứu kịp thời hoặc không chăm sóc nạn nhân trong thời gian nạn nhân điều trị chấn thương do hành vi bạo lực gia đình, trừ trường hợp nạn nhân từ chối. + Đồng thời, phụ huynh vi phạm quy định nêu trên có thể phải buộc xin lỗi công khai và phải chi trả toàn bộ chi phí khám bệnh, chữa bệnh khi gây thương tích cho con. Như vậy, phụ huynh dạy con bằng “roi vọt” có thể bị phạt tiền lên đến 20 triệu đồng. Ngoài ra, nếu mức độ tổn thương của con đến mức quy định trong Bộ Luật Hình sự thì phụ huynh có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. (3) Truy cứu hình sự…đối với hành vi dạy con bằng roi vọt Khi dạy con bằng “roi vọt” mà có các yếu tố phạm tội quy định tại Bộ Luật Hình sự 2015, sửa đổi bởi Luật sửa đổi Bộ Luật Hình sự 2017 thì phụ huynh có thể bị truy cứu trách nhiệm với các tội sau 1. Tội cố ý gây thương tích (Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015) Theo Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015, người cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho người khác mà tỉ lệ tổn thương cơ thể từ 11% – 30% hoặc dưới 11% nhưng đối với người dưới 16 tuổi thì sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Hình phạt tù nặng nhất áp dụng với người phạm tội này là phạt tù 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân. 2. Tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình (Điều 185 Bộ luật Hình sự 2015) Nếu ông bà, cha mẹ có hành vi thường xuyên làm cho con, cháu (dưới 16 tuổi) bị đau đớn về thể xác, tinh thần; đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà còn vi phạm thì sẽ bị phạt tù từ 02 – 05 năm. 3. Tội hành hạ người khác (Điều 140 Bộ luật Hình sự 2015) Nếu không thuộc trường hợp của Tội ngược đãi tại Điều 185 Bộ luật Hình sự 2015, người có hành vi đối xử tàn ác hoặc làm nhục trẻ em thì sẽ bị phạt tù từ 01 – 03 năm. Lưu ý, các mức phạt trên chỉ mang tính chất tham khảo, để biết chính xác mức phạt cần phải xem xét đến hành vi, tính chất, thương tổn,... (4) Kết luận Để nuôi dạy con cái, đôi khi phụ huynh cũng cần phải sử dụng các “biện pháp trừng trị” để con cái nghe lời hơn. Tuy nhiên, việc dạy dỗ, giáo dục con cái bằng vũ lực, bạo lực ít khi nào đem lại kết quả tốt và đôi khi còn bị phản tác dụng. Trẻ con khi bị “đánh đòn” thường sẽ mang tâm lý chống đối, không phục. Những đứa trẻ thường xuyên sống trong cảnh bạo lực gia đình sẽ mang tâm lý bạo lực ra đời và xã hội, trở thành những đứa trẻ bất trị, khó sửa đổi. Do đó, khi dạy dỗ con trẻ, các bậc phụ huynh cần ưu tiên biện pháp giải thích lỗi sai, đưa ra cách giải quyết, và cho con thấy con vẫn có cơ hội được thay đổi và sửa chữa sai lầm. Khi con có biểu hiện tốt, không mắc lại các lỗi như vậy nữa thì các bậc phụ huynh cần có sự công nhận, khuyến khích, khen con để con cảm nhận được niềm vui khi làm những việc đúng đắn, từ đó hình thành nhân cách tốt cho con trẻ.
Có phải thông báo với cha mẹ khi tạm giữ người chưa thành niên theo TTHC không?
Khi người chưa thành niên bị áp dụng biện pháp tạm giữ người theo thủ tục hành chính thì có phải thông báo cho cha mẹ của họ biết không? Nếu có, phải thông báo trong thời gian bao lâu? Trường hợp nào được tạm giữ người chưa thành niên theo TTHC? Theo Khoản 1 Điều 122 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 được sửa đổi bởi Khoản 1 Điều 102 Luật Hải quan 2014 quy định: Việc tạm giữ người theo thủ tục hành chính chỉ được áp dụng trong trường hợp cần ngăn chặn, đình chỉ ngay những hành vi gây rối trật tự công cộng, gây thương tích cho người khác hoặc có căn cứ cho rằng có hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Đồng thời, mọi trường hợp tạm giữ người đều phải có quyết định bằng văn bản và phải giao cho người bị tạm giữ một bản. Theo đó, Điều 16 Nghị định 142/2021/NĐ-CP hướng dẫn rõ việc tạm giữ người theo thủ tục hành chính chỉ được áp dụng trong các trường hợp sau: - Cần ngăn chặn, đình chỉ ngay hành vi gây rối trật tự công cộng, gây thương tích cho người khác. - Cần ngăn chặn, đình chỉ ngay hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. - Để thi hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc. - Người có hành vi bạo lực gia đình vi phạm quyết định cấm tiếp xúc theo quy định của pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình. - Để xác định tình trạng nghiện ma túy đối với người sử dụng trái phép chất ma túy. Như vậy, chỉ trong các trường hợp quy định trên thì cơ quan có thẩm quyền mới được tạm giữ người theo thủ tục hành chính. Đồng thời tất cả trường hợp tạm giữ người theo thủ tục hành chính đều phải ra quyết định bằng văn bản và giao cho người bị tạm giữ 1 bản. Có phải thông báo với cha mẹ khi tạm giữ người chưa thành niên theo TTHC không? Theo Khoản 4 Điều 122 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định: Theo yêu cầu của người bị tạm giữ, người ra quyết định tạm giữ phải thông báo cho gia đình, tổ chức nơi làm việc hoặc học tập của họ biết. Trong trường hợp tạm giữ người chưa thành niên vi phạm hành chính vào ban đêm hoặc giữ trên 06 giờ, thì người ra quyết định tạm giữ phải thông báo ngay cho cha mẹ hoặc người giám hộ của họ biết. Như vậy, chỉ khi tạm giữ người chưa thành niên theo thủ tục hành chính trên 06 giờ hoặc khi họ vi phạm vào ban đêm thì mới phải thông báo ngày cho cha mẹ hoặc người giám hộ của người chưa thành niên. Ngoài ra các trường hợp khác sẽ thông báo khi người chưa thành niên có yêu cầu. Được tạm giữ người chưa thành niên theo TTHC trong bao lâu? Theo Khoản 3 Điều 122 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 61 Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020 quy định: Thời hạn tạm giữ người theo thủ tục hành chính không quá 12 giờ; trong trường hợp cần thiết, thời hạn tạm giữ có thể kéo dài hơn nhưng không quá 24 giờ, kể từ thời điểm bắt đầu giữ người vi phạm; trường hợp tạm giữ người vi phạm hành chính ở khu vực biên giới hoặc vùng rừng núi xa xôi, hẻo lánh, hải đảo thì thời hạn tạm giữ được tính từ thời điểm người vi phạm được áp giải đến nơi tạm giữ. Đối với trường hợp tạm giữ để xác định tình trạng nghiện ma túy theo quy định thì thời hạn tạm giữ có thể kéo dài hơn nhưng không quá 05 ngày, kể từ thời điểm bắt đầu giữ người vi phạm. Đối với người bị tạm giữ trên tàu bay, tàu biển thì phải chuyển ngay cho cơ quan có thẩm quyền khi tàu bay đến sân bay, tàu biển cập cảng. Như vậy, đối với người chưa thành niên cũng được áp dụng quy định này, tức là sẽ không tạm giữ quá 12 giờ hoặc trong trường hợp cần thiết thì không quá 24h hoặc các trường hợp khác như xác định tình trạng nghiệm ma tuý hay bị tạm giữ trên tàu bay, tàu biển thì sẽ có thời gian theo quy định như trên.
Một mình người mẹ có làm Giấy khai sinh cho con được không?
Mới sinh con nhưng chưa đăng ký kết hôn, gia đình nhà trai ngăn cấm không cho kết hôn, gửi con vào cô nhi viện. Người mẹ có thể tự đăng ký Giấy khai sinh cho con được không? Thủ tục như thế nào? (1) Có được làm khai sinh chỉ có thông tin của mẹ không? Theo quy định tại Điều 30 Bộ luật Dân sự 2015 quy định quyền được khai sinh như sau: - Cá nhân từ khi sinh ra có quyền được khai sinh - Cá nhân chết phải được khai tử. - Trẻ em sinh ra mà sống được từ 24 giờ trở lên mới chết thì phải được khai sinh và khai tử; nếu sinh ra mà sống dưới 24 giờ thì không phải khai sinh và khai tử, trừ trường hợp cha đẻ, mẹ đẻ có yêu cầu. - Việc khai sinh, khai tử do pháp luật về hộ tịch quy định. Như vậy, theo quy định trẻ em sinh ra sống được từ 24 giờ trở lên phải được khai sinh. Ngoài ra, căn cứ theo Điều 15 Luật Hộ tịch 2014 quy định: - Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày sinh con, cha hoặc mẹ có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho con; trường hợp cha, mẹ không thể đăng ký khai sinh cho con thì ông hoặc bà hoặc người thân thích khác hoặc cá nhân, tổ chức đang nuôi dưỡng trẻ em có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho trẻ em. - Công chức tư pháp - hộ tịch thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc đăng ký khai sinh cho trẻ em trên địa bàn trong thời hạn quy định; trường hợp cần thiết thì thực hiện đăng ký khai sinh lưu động Về Giấy khai sinh, theo Điều 14 Luật Hộ tịch 2014 quy định về nội dung đăng ký khai sinh gồm: - Thông tin của người được đăng ký khai sinh: Họ, chữ đệm và tên; giới tính; ngày, tháng, năm sinh; nơi sinh; quê quán; dân tộc; quốc tịch; - Thông tin của cha, mẹ người được đăng ký khai sinh: Họ, chữ đệm và tên; năm sinh; dân tộc; quốc tịch; nơi cư trú; - Số định danh cá nhân của người được đăng ký khai sinh. Bên cạnh đó, theo quy định tại khoản 2 Điều 15 Nghị định 123/2015/NĐ-CP, trường hợp đăng ký khai sinh cho trẻ chưa xác định được cha mẹ như sau: “2. Trường hợp chưa xác định được cha thì khi đăng ký khai sinh họ, dân tộc, quê quán, quốc tịch của con được xác định theo họ, dân tộc, quê quán, quốc tịch của mẹ; phần ghi về cha trong Sổ hộ tịch và Giấy khai sinh của trẻ để trống.” Tổng hợp các quy định trên, Giấy khai sinh không yêu cầu phải có đủ thông tin của cả cha và mẹ, đứa trẻ sẽ được đăng ký khai sinh theo diện thiếu thông tin của cha, phần thông tin về cha trong Sổ hộ tịch và Giấy khai sinh của trẻ em để trống. (2) Thủ tục nhận mẹ, con thế nào? Căn cứ vào Điều 91 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014: - Cha, mẹ có quyền nhận con, kể cả trong trường hợp con đã chết. - Trong trường hợp người đang có vợ, chồng mà nhận con thì việc nhận con không cần phải có sự đồng ý của người kia. Theo trường hợp ở mô tả, em bé đã được gửi vào cô nhi viện, như vậy, để được khai sinh cho con cũng như nhận nuôi con, trước tiên cần phải làm thủ tục công nhận mẹ, con theo quy định tại Điều 25 Luật Hộ tịch 2014, như sau: - Người yêu cầu đăng ký nhận cha, mẹ, con nộp tờ khai theo mẫu quy định và chứng cứ chứng minh quan hệ cha con hoặc mẹ con cho cơ quan đăng ký hộ tịch. Khi đăng ký nhận cha, mẹ, con các bên phải có mặt. Tải mẫu tờ khai đăng ký nhận cha, mẹ, con https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/12/To-khai-dang-ky-nhan-cha-me-con.docx - Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ giấy tờ, nếu thấy việc nhận cha, mẹ, con là đúng và không có tranh chấp, công chức tư pháp - hộ tịch ghi vào Sổ hộ tịch, cùng người đăng ký nhận cha, mẹ, con ký vào Sổ hộ tịch và báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cấp trích lục cho người yêu cầu. Trường hợp cần phải xác minh thì thời hạn được kéo dài thêm không quá 05 ngày làm việc Về chứng cứ chứng minh quan hệ mẹ con đã được hướng dẫn tại Điều 14 Thông tư 04/2020/TT-BTP, các chứng cứ chứng minh có thể là: - Văn bản của cơ quan y tế, cơ quan giám định hoặc cơ quan, tổ chức khác có thẩm quyền ở trong nước hoặc nước ngoài xác nhận quan hệ cha con, quan hệ mẹ con. - Trường hợp không có chứng cứ chứng minh quan hệ cha, mẹ, con theo quy định tại khoản 1 Điều 14 Thông tư 04/2020/TT-BTP thì các bên nhận cha, mẹ, con lập văn bản cam đoan về mối quan hệ cha, mẹ, con theo quy định tại Điều 5 Thông tư 04/2020/TT-BTP, có ít nhất hai người làm chứng về mối quan hệ cha, mẹ, con.. Sau khi hoàn thành thủ tục công nhận mẹ con thì có thể làm đăng ký khai sinh cho con. (3) Thủ tục đăng ký khai sinh cho con Bước 1: Người có yêu cầu đăng ký khai sinh nộp hồ sơ đăng ký khai sinh tại Bộ phận một cửa của UBND cấp xã có thẩm quyền. Nộp lệ phí nếu thuộc trường hợp phải nộp lệ phí đăng ký khai sinh. Nộp phí cấp bản sao Giấy khai sinh nếu có yêu cầu cấp bản sao Giấy khai sinh Tải mẫu tờ khai khi đăng ký trực tiếp https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/12/1.%20TK%20%C4%91%C4%83ng%20k%C3%BD%20khai%20sinh.doc Tải mẫu tờ khai khi đăng ký điện tử https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/12/1%20%C4%90%C4%83ng%20k%C3%BD%20khai%20sinh.docx Bước 2: Cán bộ tiếp nhận hồ sơ tại Bộ phận một cửa có trách nhiệm kiểm tra tính chính xác, đầy đủ, thống nhất, hợp lệ của hồ sơ. Trường hợp hồ sơ đầy đủ, hợp lệ thì tiếp nhận hồ sơ. Nếu tiếp nhận hồ sơ sau 15 giờ thì có Phiếu hẹn, trả kết quả cho người có yêu cầu trong ngày làm việc tiếp theo. Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, hợp lệ thì có thông báo cho người yêu cầu bổ sung, hoàn thiện hồ sơ, nêu rõ loại giấy tờ, nội dung cần bổ sung để người có yêu cầu bổ sung, hoàn thiện. Trường hợp người có yêu cầu đăng ký khai sinh không bổ sung, hoàn thiện được hồ sơ thì báo cáo Trưởng bộ phận một cửa có thông báo từ chối giải quyết yêu cầu đăng ký khai sinh. Bước 3: Công chức tư pháp - hộ tịch thẩm tra hồ sơ (thẩm tra tính thống nhất, hợp lệ của các thông tin trong hồ sơ, giấy tờ, tài liệu do người yêu cầu nộp, xuất trình hoặc đính kèm). Trường hợp hồ sơ cần bổ sung, hoàn thiện hoặc không đủ điều kiện giải quyết, phải từ chối thì gửi thông báo về tình trạng hồ sơ tới Bộ phận một cửa để thông báo cho người nộp hồ sơ. Trường hợp cần phải kiểm tra, xác minh làm rõ hoặc do nguyên nhân khác mà không thể trả kết quả đúng thời gian đã hẹn thì công chức làm công tác hộ tịch lập Phiếu xin lỗi và hẹn lại ngày trả kết quả. Trường hợp tiếp nhận hồ sơ đăng ký khai sinh theo hình thức trực tiếp, khi hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, đúng quy định, thì công chức tư pháp - hộ tịch thực hiện việc ghi vào Sổ đăng ký khai sinh, cập nhật thông tin đăng ký khai sinh trên Phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử dùng chung, lưu chính thức và chuyển thông tin đến CSDLQGVDC để lấy Số định danh cá nhân. Bước 4: Sau khi cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trả về Số định danh cá nhân, công chức tư pháp - hộ tịch in Giấy khai sinh, trình Lãnh đạo UBND ký, chuyển tới Bộ phận một cửa để trả kết quả cho người có yêu cầu. Bước 5: Người có yêu cầu đăng ký khai sinh kiểm tra thông tin trên Giấy khai sinh, trong Sổ đăng ký khai sinh và ký tên vào Sổ đăng ký khai sinh, nhận Giấy khai sinh. Ngoài ra, hiện nay bạn còn có thể làm Giấy khai sinh điện tử thông qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia hoặc Cổng Dịch vụ công cấp tỉnh. Thời gian làm Giấy khai sinh điện tử cũng sẽ tương tự với làm Giấy khai sinh trực tiếp.
Cha mẹ có được bán tài sản của con đã thành niên không?
Pháp luật có quy định về tài sản riêng của con và quyền quản lý tài sản riêng của con của cha mẹ, vậy cha mẹ có được định đoạt tài sản của con đã thành niên không? (1) Cha mẹ có được quản lý tài sản của con? Theo Điều 75 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định về tài sản riêng của con như sau: - Con có quyền có tài sản riêng. Tài sản riêng của con bao gồm tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng, thu nhập do lao động của con, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của con và thu nhập hợp pháp khác. Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của con cũng là tài sản riêng của con. Và Điều 76 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định về quyền quản lý tài sản riêng của con đối với cha mẹ: - Con từ đủ 15 tuổi trở lên có thể tự mình quản lý tài sản riêng hoặc nhờ cha mẹ quản lý. - Tài sản riêng của con dưới 15 tuổi, con mất năng lực hành vi dân sự do cha mẹ quản lý. - Cha mẹ có thể ủy quyền cho người khác quản lý tài sản riêng của con. - Tài sản riêng của con do cha mẹ hoặc người khác quản lý được giao lại cho con khi con từ đủ 15 tuổi trở lên hoặc khi con khôi phục năng lực hành vi dân sự đầy đủ, trừ trường hợp cha mẹ và con có thỏa thuận khác. - Cha mẹ không quản lý tài sản riêng của con trong trường hợp con đang được người khác giám hộ theo quy định của Bộ luật dân sự; người tặng cho tài sản hoặc để lại tài sản thừa kế theo di chúc cho người con đã chỉ định người khác quản lý tài sản đó hoặc trường hợp khác theo quy định của pháp luật. Như vậy, con cái có quyền có tài sản riêng và được pháp luật bảo vệ về quyền đối với tài sản đó. Cha mẹ được quyền quản lý hoặc ủy quyền cho người khác quản lý tài sản của con khi con dưới 15 tuổi hoặc mất năng lực hành vi dân sự và phải giao lại cho con khi con đủ 15 tuổi hoặc khôi phục năng lực hành vi dân sự. (2) Cha mẹ có được bán tài sản của con đã thành niên không? Người đã thành niên là người từ đủ 18 tuổi trở lên theo quy định của Bộ Luật Dân sự 2015. Như đã chứng minh ở trên, con cái có quyền sở hữu tài sản riêng. Về quyền sở hữu, tại Điều 158 Bộ Luật Dân sự 2015 quy định: “Quyền sở hữu bao gồm quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt tài sản của chủ sở hữu theo quy định của luật.” Bên cạnh đó, theo Điều 77 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định về quyền định đoạt tài sản của con như sau: - Trường hợp cha mẹ hoặc người giám hộ quản lý tài sản riêng của con dưới 15 tuổi thì có quyền định đoạt tài sản đó vì lợi ích của con, nếu con từ đủ 09 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con. - Con từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi có quyền định đoạt tài sản riêng, trừ trường hợp tài sản là bất động sản, động sản có đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng hoặc dùng tài sản để kinh doanh thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của cha mẹ hoặc người giám hộ. Theo các quy định trên, cha mẹ có quyền định đoạt tài sản của con dưới 15 tuổi vì lợi ích của con, tuy nhiên, trong trường hợp con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự thì việc định đoạt tài sản riêng của con lại do người giám hộ thực hiện. Theo Điều 73 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, cha mẹ là người đại diện cho con khi con chưa đủ tuổi thành niên hoặc đủ tuổi thành niên nhưng mất năng lực hành vi dân sự. Như vậy cha, mẹ không phải là người giám hộ của con. Khi con đủ tuổi thành niên sẽ được pháp luật bảo hộ về quyền sở hữu, nếu con mất năng lực hành vi dân sự thì do người giám hộ thực hiện việc định đoạt. Như vậy cha mẹ không phải chủ sở hữu của tài sản, không phải là người giám hộ thì không được quyền định đoạt tài sản của con đủ tuổi thành niên? Cũng chưa hẳn, theo khoản 2 Điều 22 Bộ Luật Dân sự 2015 quy định: "Giao dịch dân sự của người mất năng lực hành vi dân sự phải do người đại diện theo pháp luật xác lập, thực hiện." Thực tế, khái niệm người giám hộ chỉ xuất hiện khi người con không còn cha mẹ, tức là người đại diện, thì khi này mới cần vai trò của người giám hộ đối với người mất năng lực hành vi dân sự. Cùng với đó, Điều 73 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định: - Cha mẹ là người đại diện theo pháp luật của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự, trừ trường hợp con có người khác làm giám hộ hoặc có người khác đại diện theo pháp luật - Cha hoặc mẹ có quyền tự mình thực hiện giao dịch nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình. Như vậy, từ quy định Điều 22 Bộ Luật Dân sự 2015 và Điều 73 Luật Hôn Nhân gia đình 2014, có thể kết luận cha mẹ có quyền tự mình thực hiện các giao dịch tài sản của con vì mục đích đáp ứng các nhu cầu thiết yếu của con đã thành niên khi con đã thành niên bị mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động, không có khả năng tự nuôi mình. Trường hợp con đã thành niên có đầy đủ năng lực hành vi dân sự thì cha mẹ không được bán (định đoạt) tài sản của con.
Con hư tại mẹ cháu hư tại bà đúng hay sai? Quyền và nghĩa vụ của cha mẹ đối với con cái?
Trong việc giáo dục con cái, mọi người thường có câu nói rằng "Con hư tại mẹ cháu hư tại bà". Vậy câu nói này đúng hay sai? 1. Con hư tại mẹ cháu hư tại bà đúng hay sai? Câu tục ngữ "Con hư tại mẹ cháu hư tại bà" từ lâu đã trở thành một lời nhắc nhở về tầm quan trọng của việc giáo dục con cái trong gia đình. Từ 'hư' đại diện cho thái độ, đạo đức không đúng, thiếu ngoan ngoãn, lễ độ. Câu nói này mang hai ý nghĩa chính: - Vai trò của người mẹ trong việc giáo dục con: + Mẹ là người phụ nữ đầu tiên trong cuộc đời mỗi con người, là người trực tiếp nuôi dưỡng và dạy dỗ con nên người. + Mẹ có ảnh hưởng to lớn đến sự phát triển về nhân cách, đạo đức và trí tuệ của con. + Việc giáo dục con cái cần được thực hiện ngay từ khi con còn nhỏ, bởi đây là giai đoạn quan trọng để hình thành thói quen và tính cách. - Vai trò của người bà trong việc giáo dục cháu: + Bà là người có nhiều kinh nghiệm sống và hiểu biết về con người, có thể giúp đỡ con dâu trong việc giáo dục con cái. + Bà thường dành nhiều tình yêu thương và sự quan tâm cho con cháu, có thể ảnh hưởng đến cách con cháu nhìn nhận thế giới. + Tuy nhiên, sự nuông chiều quá mức của bà có thể dẫn đến việc con cháu hư hỏng. Tóm lại, câu tục ngữ "Con hư tại mẹ cháu hư tại bà" không chỉ đơn giản là lời đổ lỗi cho người mẹ và người bà khi con cháu hư hỏng mà đó còn là lời nhắc nhở về tầm quan trọng của việc giáo dục con cái trong gia đình, để con cháu trưởng thành và nên người, cha mẹ, ông bà cần phối hợp và thống nhất trong việc giáo dục, tạo môi trường sống lành mạnh và truyền cho con cháu những giá trị tốt đẹp. 2. Quyền và nghĩa vụ của cha mẹ đối với con cái? Cha mẹ có vai trò cực kỳ quan trọng trong việc nuôi dưỡng và giáo dục con cái. Theo quy định tại Điều 69 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 thì cha mẹ có các quyền và nghĩa vụ sau đây: - Thương yêu con, tôn trọng ý kiến của con; - Chăm lo việc học tập, giáo dục để con phát triển lành mạnh về thể chất, trí tuệ, đạo đức, trở thành người con hiếu thảo của gia đình, công dân có ích cho xã hội. - Trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình. - Giám hộ hoặc đại diện theo quy định của Bộ luật dân sự cho con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự. - Không được phân biệt đối xử với con trên cơ sở giới hoặc theo tình trạng hôn nhân của cha mẹ; - Không được lạm dụng sức lao động của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động; - Không được xúi giục, ép buộc con làm việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội. Bên cạnh đó, tại khoản 1 Điều 71 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 còn quy định thêm cha, mẹ có nghĩa vụ và quyền ngang nhau, cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình. Trong việc giáo dục con, cha mẹ có các quyền và nghĩa vụ được quy định tại Điều 72 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 như sau: - Cha mẹ có nghĩa vụ và quyền giáo dục con, chăm lo và tạo điều kiện cho con học tập. - Cha mẹ tạo điều kiện cho con được sống trong môi trường gia đình đầm ấm, hòa thuận; làm gương tốt cho con về mọi mặt; phối hợp chặt chẽ với nhà trường, cơ quan, tổ chức trong việc giáo dục con. - Cha mẹ hướng dẫn con chọn nghề; tôn trọng quyền chọn nghề, quyền tham gia hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của con. - Cha mẹ có thể đề nghị cơ quan, tổ chức hữu quan giúp đỡ để thực hiện việc giáo dục con khi gặp khó khăn không thể tự giải quyết được.
Cha mẹ khác dân tộc, con sinh ra theo dân tộc nào?
Có nhiều gia đình có cha và mẹ khác dân tộc với nhau sinh con ra và băn khoăn không biết con sẽ được theo dân tộc nào. Bài viết sau đây sẽ giúp người đọc giải đáp thắc mắc trên. Dân tộc có nằm trong nội dung đăng ký khai sinh không? Theo quy định tại Điều 14 Luật Hộ tịch 2014, nội dung đăng ký khai sinh bao gồm: - Các nội dung: + Thông tin của người được đăng ký khai sinh: Họ, chữ đệm và tên; giới tính; ngày, tháng, năm sinh; nơi sinh; quê quán; dân tộc; quốc tịch; + Thông tin của cha, mẹ người được đăng ký khai sinh: Họ, chữ đệm và tên; năm sinh; dân tộc; quốc tịch; nơi cư trú; + Số định danh cá nhân của người được đăng ký khai sinh. - Việc xác định quốc tịch, dân tộc, họ của người được khai sinh được thực hiện theo quy định của pháp luật về quốc tịch Việt Nam và pháp luật dân sự. - Nội dung đăng ký khai sinh là thông tin hộ tịch cơ bản của cá nhân, được ghi vào Sổ hộ tịch, Giấy khai sinh, cập nhật vào Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử và Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Hồ sơ, giấy tờ của cá nhân liên quan đến thông tin khai sinh phải phù hợp với nội dung đăng ký khai sinh của người đó. Như vậy, việc xác định dân tộc cho con cũng nằm trong nội dung đăng ký khai sinh theo quy định của Luật Hộ tịch 2014. Cha mẹ khác dân tộc thì con sinh ra sẽ được theo dân tộc nào? Theo Khoản 2 Điều 29 Bộ luật dân sự 2015 quy định: - Cá nhân khi sinh ra được xác định dân tộc theo dân tộc của cha đẻ, mẹ đẻ. + Trường hợp cha đẻ, mẹ đẻ thuộc hai dân tộc khác nhau thì dân tộc của con được xác định theo dân tộc của cha đẻ hoặc mẹ đẻ theo thỏa thuận của cha đẻ, mẹ đẻ; + Trường hợp không có thỏa thuận thì dân tộc của con được xác định theo tập quán; + Trường hợp tập quán khác nhau thì dân tộc của con được xác định theo tập quán của dân tộc ít người hơn. - Trường hợp trẻ em bị bỏ rơi, chưa xác định được cha đẻ, mẹ đẻ và được nhận làm con nuôi thì được xác định dân tộc theo dân tộc của cha nuôi hoặc mẹ nuôi theo thỏa thuận của cha mẹ nuôi. Trường hợp chỉ có cha nuôi hoặc mẹ nuôi thì dân tộc của trẻ em được xác định theo dân tộc của người đó. - Trường hợp trẻ em bị bỏ rơi, chưa xác định được cha đẻ, mẹ đẻ và chưa được nhận làm con nuôi thì được xác định dân tộc theo đề nghị của người đứng đầu cơ sở nuôi dưỡng trẻ em đó hoặc theo đề nghị của người đang tạm thời nuôi dưỡng trẻ em vào thời điểm đăng ký khai sinh cho trẻ em. Đồng thời, điểm a Khoản 1 Điều 4 Nghị định 123/2015/NĐ-CP quy định: Họ, chữ đệm, tên và dân tộc của trẻ em được xác định theo thỏa thuận của cha, mẹ theo quy định của pháp luật dân sự và được thể hiện trong Tờ khai đăng ký khai sinh; trường hợp cha, mẹ không có thỏa thuận hoặc không thỏa thuận được, thì xác định theo tập quán; Như vậy, dân tộc của con sẽ được xác định tuỳ theo thoả thuận của cha và mẹ muốn cho con theo dân tộc nào. Nếu cha và mẹ không có thoả thuận thì xác định theo tập quán của 2 dân tộc. Nếu tập quán 2 dân tộc khác nhau thì xác định theo tập quán của dân tộc có ít người hơn. Có đổi dân tộc cho con được hay không? Theo Khoản 3, Khoản 4, Khoản 4 Điều 29 Bộ luật dân sự 2015 có quy định về đổi dân tộc như sau: - Cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định lại dân tộc trong trường hợp sau đây: + Xác định lại theo dân tộc của cha đẻ hoặc mẹ đẻ trong trường hợp cha đẻ, mẹ đẻ thuộc hai dân tộc khác nhau; + Xác định lại theo dân tộc của cha đẻ hoặc mẹ đẻ trong trường hợp con nuôi đã xác định được cha đẻ, mẹ đẻ của mình. - Việc xác định lại dân tộc cho người từ đủ mười lăm tuổi đến dưới mười tám tuổi phải được sự đồng ý của người đó. - Cấm lợi dụng việc xác định lại dân tộc nhằm mục đích trục lợi hoặc gây chia rẽ, phương hại đến sự đoàn kết của các dân tộc Việt Nam. Đồng thời, tại Điều 10 Thông tư 04/2020/TT-BTP quy định về nội dung đăng ký lại khai sinh như sau: - Trường hợp người yêu cầu đăng ký lại khai sinh có giấy tờ theo quy định tại khoản 4 Điều 26 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP và khoản 1, khoản 2 Điều 9 Thông tư này thì nội dung đăng ký lại khai sinh được xác định theo giấy tờ đó. - Tại thời điểm đăng ký lại khai sinh, nếu thông tin về cha, mẹ và của bản thân người yêu cầu đăng ký lại khai sinh có thay đổi so với nội dung giấy tờ, thì người đó có trách nhiệm xuất trình giấy tờ hợp lệ chứng minh việc thay đổi. Nếu việc thay đổi thông tin là phù hợp với quy định pháp luật thì nội dung đăng ký lại khai sinh được xác định theo thông tin thay đổi; Nội dung thông tin trước khi thay đổi được ghi vào mặt sau của Giấy khai sinh và mục “Ghi chú” trong Sổ đăng ký khai sinh. Trường hợp cha, mẹ của người yêu cầu đăng ký lại khai sinh đã chết thì mục “Nơi cư trú” trong Sổ đăng ký khai sinh, Giấy khai sinh ghi: “Đã chết”. Trường hợp địa danh hành chính đã có sự thay đổi so với địa danh ghi trong giấy tờ được cấp trước đây thì ghi theo địa danh hành chính hiện tại; địa danh hành chính trước đây được ghi vào mặt sau của Giấy khai sinh và mục Ghi chú trong Sổ đăng ký khai sinh. Như vậy, có thể thay đổi dân tộc cho con theo các trường hợp nêu trên và việc thay đổi thực hiện theo quy định về nội dung đăng ký lại khai sinh tại Luật hộ tịch và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn Luật hộ tịch. Bài viết trên đây đã giải đáp cho người đọc câu hỏi cha mẹ khác dân tộc, con sinh ra theo dân tộc nào? Đồng thời, bài viết cũng cung cấp thêm thông tin về việc thay đổi dân tộc cho con. Người đọc có thể tham khảo để nắm được quy định của pháp luật về vấn đề này. Xem thêm: Thủ tục đăng ký khai sinh cho con năm 2024 Thủ tục đăng ký lại khai sinh năm 2024
"Con dại cái mang"- Con gây thiệt hại cha mẹ có phải bồi thường không ?
Ngày nay có lẽ nhiều người không quá xa lạ với câu nói “con nít thì biết gì?”. Thực tế, có nhiều tình huống xảy ra khi con trẻ nghịch ngợm, gây thiệt hại cho người khác. Khi rơi vào tình huống như vậy, trách nhiệm bồi thường thiệt hại sẽ thuộc về ai? (1) “Con dại cái mang” trong cuộc sống và pháp luật “Con dại cái mang” là câu tục ngữ của ông bà ta, ý nghĩa cùa câu tục ngữ này là con cái có những hành vi sai trái thì cha mẹ là người gánh những hậu quả mà con gây ra. Khi còn là một đứa con nít, có đôi lần mình cũng quá khích, bày những trò nghịch ngợm, quậy phá.Hậu quả của những lần quá khích như thế là lúc thì rơi vỡ đồ thủy tinh, lúc thì làm phiền tới hàng xóm xung quanh. Tuy nhiên, kết quả chung của những lần đó đều là cha mẹ đứng ra xin lỗi, giải quyết hoặc bồi thường. Những lúc vậy mình thường được nghe cha mẹ nói câu “con dại cái mang”. Khi đã trưởng thành và có hiểu biết về pháp luật, biết rõ hành vi của mình gây ra thì phải tự chịu trách nhiệm trước pháp luật. Dưới góc độ pháp lý câu nói “con dại cái mang” của ông cha ta ngày xưa, liệu có phải tất cả những cái “dại” của con cái, cha mẹ đều phải “mang” không? (2) Trách nhiệm bồi thường thiệt hại phát sinh khi nào? Căn cứ theo quy định tại Điều 584 Bộ Luật Dân sự 2015, trách nhiệm bồi thường thiệt hại phát sinh khi: - Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ khi có quy định khác - Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, hoặc trừ trường hợp có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định khác. - Trường hợp tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp thiệt hại phát sinh do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại. (3) Trách nhiệm bồi thường của cha mẹ khi con gây thiệt hại Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do con gây ra được quy định tại Điều 74 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014: “Cha mẹ phải bồi thường thiệt hại do con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự gây ra” Các điều khoản bồi thường thiệt hại được quy định chi tiết hơn ở Điều 586 Bộ Luật Dân sự 2015 như sau: - Người chưa đủ mười lăm tuổi gây thiệt hại mà còn cha, mẹ thì cha, mẹ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại; nếu tài sản của cha, mẹ không đủ để bồi thường mà con chưa thành niên gây thiệt hại có tài sản riêng thì lấy tài sản đó để bồi thường phần còn thiếu - Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi gây thiệt hại thì phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu không đủ tài sản để bồi thường thì cha, mẹ phải bồi thường phần còn thiếu bằng tài sản của mình. - Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi gây thiệt hại mà có người giám hộ thì người giám hộ đó được dùng tài sản của người được giám hộ để bồi thường; nếu người được giám hộ không có tài sản hoặc không đủ tài sản để bồi thường thì người giám hộ phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu người giám hộ chứng minh được mình không có lỗi trong việc giám hộ thì không phải lấy tài sản của mình để bồi thường. Như vậy, đúng với tinh thần của câu tục ngữ “con dại cái mang”, cha mẹ (hoặc người giám hộ) phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do con mình gây ra khi con chưa thành niên, dưới 15 tuổi hoặc liên đới chịu trách nhiệm bồi thường nếu con từ đủ 15 tuổi đên chưa đủ 18 tuổi gây thiệt hại. Cha mẹ luôn là người đầu tiên và sẵn sàng che chở cho con cái, có lẽ vì thế, đặc điểm tình mẫu tử thiêng liêng này cũng được áp dụng vào trong pháp luật.
Trường hợp không có giấy khai sinh thì xác định nhân thân thế nào?
Giấy khai sinh của một người là một trong những giấy tờ quan trọng dùng để chứng minh mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái. Qua đó, nếu hợp pháp sẽ được pháp luật công nhận và có đầy đủ các quyền như thừa kế, quyền nhận cha mẹ ruột. Vậy trong trường hợp người không có giấy khai sinh hoặc đã làm mất thì xác định nhân thân ra sao? 1. Giấy khai sinh là gì? Giấy khai sinh được quy định cụ thể tại khoản 6 Điều 4 Luật Hộ tịch 2014 là văn bản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho cá nhân khi được đăng ký khai sinh. Nội dung Giấy khai sinh bao gồm các thông tin cơ bản về cá nhân theo quy định tại khoản 1 Điều 14 Luật Hộ tịch 2014 được quy định như sau: - Thông tin của người được đăng ký khai sinh: Họ, chữ đệm và tên; giới tính; ngày, tháng, năm sinh; nơi sinh; quê quán; dân tộc; quốc tịch; - Thông tin của cha, mẹ người được đăng ký khai sinh: Họ, chữ đệm và tên; năm sinh; dân tộc; quốc tịch; nơi cư trú; - Số định danh cá nhân của người được đăng ký khai sinh. 2. Những loại giấy tờ nào có thể chứng minh quan hệ nhân thân Người muốn xác nhận nhân thân làm căn cứ chứng minh thực hiện thủ tục thừa kế thì có thể thực hiện theo Điều 6 Nghị định 62/2021/NĐ-CP quy định giấy tờ, tài liệu chứng minh quan hệ nhân thân bao gồm: - Giấy tờ, tài liệu chứng minh quan hệ nhân thân thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 2 Điều 20 Luật Cư trú 2020 của vợ về ở với chồng; chồng về ở với vợ; con về ở với cha, mẹ; cha, mẹ về ở với con, bao gồm: + Giấy tờ, tài liệu để chứng minh quan hệ vợ, chồng: Giấy chứng nhận kết hôn; giấy xác nhận tình trạng hôn nhân; xác nhận của UBND cấp xã hoặc UBND cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã nơi cư trú; + Giấy tờ, tài liệu để chứng minh quan hệ cha, mẹ, con: Giấy khai sinh; chứng nhận hoặc quyết định việc nuôi con nuôi; quyết định việc nhận cha, mẹ, con; xác nhận của UBND cấp xã hoặc UBND cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã nơi cư trú; Hộ chiếu còn thời hạn sử dụng có chứa thông tin thể hiện quan hệ nhân thân cha hoặc mẹ với con; quyết định của Tòa án, trích lục hộ tịch hoặc văn bản của cơ quan y tế, cơ quan giám định, cơ quan khác có thẩm quyền xác nhận về quan hệ cha, mẹ với con. - Giấy tờ, tài liệu chứng minh quan hệ nhân thân thuộc trường hợp quy định tại điểm b, điểm c khoản 2 Điều 20 Luật Cư trú 2020 là những đối tượng: Người cao tuổi về ở với anh ruột, chị ruột, em ruột, cháu ruột; người khuyết tật đặc biệt nặng, người khuyết tật nặng, người không có khả năng lao động, người bị bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi về ở với ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột, bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, cháu ruột, người giám hộ; Người chưa thành niên được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý hoặc không còn cha, mẹ về ở với cụ nội, cụ ngoại, ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột, bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; người chưa thành niên về ở với người giám hộ. + Giấy tờ, tài liệu để chứng minh mối quan hệ anh, chị, em ruột, cháu ruột: Giấy khai sinh, xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã nơi cư trú; + Giấy tờ, tài liệu chứng minh mối quan hệ cụ nội, cụ ngoại, ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh, chị, em ruột, cô, dì, chú, bác, cậu ruột, người giám hộ: Quyết định cử người giám hộ; xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã tại nơi cư trú về mối quan hệ nhân thân; + Giấy tờ, tài liệu chứng minh không còn cha, mẹ: Giấy chứng tử của cha, mẹ hoặc quyết định của Tòa án tuyên bố cha, mẹ mất tích, chết, xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã tại nơi cư trú về việc cha, mẹ đã chết; + Giấy tờ chứng minh người cao tuổi: Giấy khai sinh, thẻ Căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân, Hộ chiếu; Sổ Bảo hiểm xã hội, Thẻ bảo hiểm y tế hoặc xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã, Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã tại nơi cư trú về ngày, tháng, năm sinh; + Giấy tờ chứng minh người khuyết tật đặc biệt nặng, người khuyết tật nặng, người không có khả năng lao động, người bị bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi: Chứng nhận của cơ sở y tế từ cấp huyện trở lên hoặc xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã, Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã tại nơi cư trú; + Giấy tờ chứng minh người chưa thành niên gồm: Giấy khai sinh, thẻ Căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân, Hộ chiếu, Sổ Bảo hiểm xã hội, Thẻ bảo hiểm y tế hoặc xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã, Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã tại nơi cư trú về ngày, tháng, năm sinh. - Trường hợp thông tin chứng minh quan hệ nhân thân của công dân đã có trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hoặc cơ sở dữ liệu chuyên ngành thì cơ quan đăng ký cư trú không yêu cầu công dân phải cung cấp giấy tờ chứng minh quan hệ nhân thân. Như vậy, người dân không có giấy khai sinh để xác định nhân thân thì có thể dùng các loại giấy tờ khác như hội chiếu hay một số loại giấy tờ khác, hoặc đến cơ quan có thẩm quyền xin trích lục. Trường hợp bị mất hoặc hư hỏng thì thực hiện thủ tục cấp lại.
Điều kiện đăng ký giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc?
Điều kiện dăng ký giảm trừ gia cảnh cho cha mẹ. Đối với cháu ruột có đăng ký giảm trừ gia cảnh được không? Thời hạn đăng ký giảm trừ và hồ sơ chứng mình người phụ thuộc để đăng ký giảm trừ như thế nào? Điều kiện để đăng ký giảm trừ gia cảnh cho cha mẹ và cháu ruột Theo quy định tại Điều 9 Thông tư 111/2013/TT-BTC để đăng ký giảm trừ gia cảnh cho cha mẹ ruột phải đáp ứng các điều kiện sau: - Nếu cha mẹ còn trong độ tuổi lao động thì phải đáp ứng hai điều kiện: + Bị khuyết tật, không có khả năng lao động + Không có thu nhập hoặc có thu nhập bình quân tháng trong năm từ tất cả các nguồn thu nhập không vượt quá 1.000.000 đồng. - Nếu cha mẹ ngoài độ tuổi lao động thì không có thu nhập hoặc có thu nhập bình quân tháng trong năm từ tất cả các nguồn thu nhập không vượt quá 1.000.000 đồng. =>> Đối với cháu ruột để đăng ký là người phụ thuộc thì người cháu này phải là người không nơi nương tựa mà người nộp thuế đang phải trực tiếp nuôi dưỡng và đáp ứng điều kiện tương tự như đối với cha mẹ ruột nêu trên. Do đó, nếu người cháu này hiện tại đang có cha mẹ đang còn số thì sẽ không thể đăng ký người phụ thuộc được. Quy định về hồ sơ đăng ký giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc Căn cứ Điều 9 Thông tư 111/2013/TT-BTC được sửa đổi bởi Điều 1 Thông tư 79/2022/TT-BTC thì hồ sơ đăng ký người phụ thuộc bao gồm: - Hồ sơ đăng ký đối với cha mẹ: + Bản chụp Chứng minh nhân dân hoặc Căn cước công dân. + Giấy tờ hợp pháp để xác định mối quan hệ của người phụ thuộc với người nộp thuế như bản chụp Giấy xác nhận thông tin về cư trú hoặc Thông báo số định danh cá nhân và thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hoặc giấy tờ khác do cơ quan Cơ quan Công an cấp, giấy khai sinh, quyết định công nhận việc nhận cha, mẹ, con của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. + Trường hợp trong độ tuổi lao động thì ngoài các giấy tờ nêu trên, hồ sơ chứng minh cần có thêm giấy tờ chứng minh là người khuyết tật, không có khả năng lao động như bản chụp Giấy xác nhận khuyết tật theo quy định của pháp luật về người khuyết tật đối với người khuyết tật không có khả năng lao động, bản chụp hồ sơ bệnh án đối với người mắc bệnh không có khả năng lao động (như bệnh AIDS, ung thư, suy thận mãn,..). - Hồ sơ đăng ký đối với cháu: + Bản chụp Chứng minh nhân dân hoặc Căn cước công dân hoặc Giấy khai sinh. + Bản chụp giấy tờ xác định nghĩa vụ nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật (nếu có) + Bản chụp Giấy xác nhận thông tin về cư trú hoặc Thông báo số định danh cá nhân và thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hoặc giấy tờ khác do cơ quan Cơ quan Công an cấp. + Bản tự khai của người nộp thuế theo mẫu ban hành kèm theo Thông tư 80/2021/TT-BTC có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người nộp thuế cư trú về việc người phụ thuộc đang sống cùng. + Bản tự khai của người nộp thuế theo mẫu ban hành kèm theo Thông tư 80/2021/TT-BTC có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người phụ thuộc đang cư trú về việc người phụ thuộc hiện đang cư trú tại địa phương và không có ai nuôi dưỡng (trường hợp không sống cùng) Thời hạn đăng ký giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc Căn cứ điểm c Khoản 1 Điều 9 Thông tư 111/2013/TT-BTC thì trường hợp người nộp thuế chưa tính giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc trong năm tính thuế thì được tính giảm trừ cho người phụ thuộc kể từ tháng phát sinh nghĩa vụ nuôi dưỡng khi người nộp thuế thực hiện quyết toán thuế và có đăng ký giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc. Tức chỉ cần nộp hồ sơ đăng ký giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc đối với cha mẹ chậm nhất là khi thực hiện quyết toán thuế TNCN là được. - Riêng đối với người cháu thời hạn đăng ký giảm trừ gia cảnh chậm nhất là ngày 31 tháng 12 của năm tính thuế, quá thời hạn nêu trên thì không được tính giảm trừ gia cảnh cho năm tính thuế đó =>> Như vậy, người lao động cần xác định chính xác những người phụ thuộc của mình có đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của pháp luật hay không mà chuẩn bị hồ sơ nộp cho người sử dụng lao động để được hưởng quyền lợi giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc khi tính thuế TNCN.
Cha mẹ còn trong độ tuổi lao động thì có được giảm trừ gia cảnh?
Theo quy định tại tiết d.3 điểm d và điểm đ khoản 1 Điều 9 Thông tư 111/2013/TT-BTC, cha đẻ, mẹ đẻ; cha vợ, mẹ vợ (hoặc cha chồng, mẹ chồng); cha dượng, mẹ kế; cha nuôi, mẹ nuôi hợp pháp của người nộp thuế sẽ được tính giảm trừ gia cảnh khi tính thuế thu nhập cá nhân (thuế TNCN) nếu đáp ứng các điều kiện sau đây: - Đối với người trong độ tuổi lao động phải đáp ứng đồng thời các điều kiện sau: + Bị khuyết tật, không có khả năng lao động. + Không có thu nhập hoặc có thu nhập bình quân tháng trong năm từ tất cả các nguồn thu nhập không vượt quá 1.000.000 đồng. - Đối với người ngoài độ tuổi lao động phải không có thu nhập hoặc có thu nhập bình quân tháng trong năm từ tất cả các nguồn thu nhập không vượt quá 1.000.000 đồng. Lưu ý: Người trong độ tuổi lao động là người chưa đến tuổi nghỉ hưu theo quy định của pháp luật về lao động. Như vậy, cha, mẹ của người nộp thuế ngay cả khi trong hoặc ngoài độ tuổi lao động đều có thể được tính giảm trừ gia cảnh nếu đáp ứng đủ các điều kiện bên trên. Theo đó; bố, mẹ mà còn trong độ tuổi lao động sẽ vẫn được tính giảm trừ gia cảnh nếu họ bị khuyết tật, không có khả năng lao động và không thu nhập bình quân tháng trong năm từ tất cả các nguồn không vượt quá 1.000.000 đồng.
Con không nuôi dưỡng cha mẹ thì không được hưởng thừa kế?
Trường hợp con cái ngược đãi, hành hạ, đối xử tệ bạc đối với cha mẹ không còn là hiếm. Hành vi này không những sai trái với đạo đức mà còn vi phạm pháp luật. Vậy không chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ thì con có được nhận di sản thừa kế không? Con cái buộc phải chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ không? Theo Điều 71 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định cụ thể về nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng của con đã thành niên có nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ, đặc biệt khi cha mẹ mất năng lực hành vi dân sự, ốm đau, già yếu, khuyết tật. Trường hợp gia đình có nhiều con thì các con phải cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ. Ngoài ra, nếu con đã thành niên không sống chung với cha mẹ thì phải có nghĩa vụ cấp dưỡng khi cha mẹ không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình. Có thể thấy, việc chăm sóc cha mẹ đặc biệt là lúc ốm đau, bệnh tật không chỉ thể hiện sự hiếu thảo và yêu thương từ con cái mà còn là nghĩa vụ bắt buộc đối với mỗi người. Con không chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ có được hưởng thừa kế? Căn cứ theo Điều 621 Bộ luật Dân sự 2015 quy định những người sau đây không được hưởng di sản theo quy định của pháp luật, bao gồm: - Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe hoặc về hành vi ngược đãi nghiêm trọng, hành hạ người để lại di sản, xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người đó; - Người vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản; - Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng người thừa kế khác nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ phần di sản mà người thừa kế đó có quyền hưởng; - Người có hành vi lừa dối, cưỡng ép hoặc ngăn cản người để lại di sản trong việc lập di chúc; giả mạo di chúc, sửa chữa di chúc, hủy di chúc, che giấu di chúc nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản trái với ý chí của người để lại di sản. Theo đó, con vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng với cha mẹ thì thuộc một trong các đối tượng không được quyền hưởng di sản theo quy định pháp luật. Tuy nhiên, đối tượng này vẫn có thể được hưởng di sản, nếu người để lại di sản đã biết hành vi của những người đó, nhưng vẫn cho họ hưởng di sản theo di chúc. Như vậy, nếu con vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng đối với cha mẹ (người để lại di sản) nhưng cha mẹ đã biết hành vi này mà vẫn cho họ hưởng di sản theo di chúc thì họ vẫn được hưởng. Hành vi ngược đãi, hành hạ cha mẹ sẽ bị xử lý thế nào? Tại Điều 53 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định về hành vi hành hạ, ngược đãi thành viên gia đình có thể bị phạt từ 10-20 triệu đồng. Ngoài ra còn buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu. Bên cạnh đó, tùy theo tính chất và mức độ vi phạm, hành vi này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Cụ thể, theo quy định tại Điều 185 Bộ luật Hình sự 2015 thì người nào đối xử tồi tệ, bạo lực xâm phạm thân thể, khiến cha mẹ, người có công nuôi dưỡng thường xuyên bị đau đớn về thể xác và tinh thần thì có thể bị phạt đến 05 năm tù.
Liệu có được lấy họ của cha để đặt cho con khi cha mẹ chưa đăng ký kết hôn?
Có thể thấy, mỗi cá nhân sinh ra đều có một cái tên nhằm phân biệt người này với người khác và dưới góc độ cơ quan nhà nước trong công tác quản lý thông tin của từng cá nhân đó. Thông thường cha mẹ, sẽ thỏa thuận và đặt tên cho con của mình. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là khi hai người chưa đăng ký kết hôn mà muốn con của mình theo họ cha thì liệu có được mặc dù là cá nhân có quyền có họ, tên (bao gồm cả chữ đệm, nếu có). Họ, tên của một người được xác định theo họ, tên khai sinh của người đó. Căn cứ Điều 26 Bộ luật dân sự 2015 quy định như sau: Điều 26. Quyền có họ, tên 1. Cá nhân có quyền có họ, tên (bao gồm cả chữ đệm, nếu có). Họ, tên của một người được xác định theo họ, tên khai sinh của người đó. 2. Họ của cá nhân được xác định là họ của cha đẻ hoặc họ của mẹ đẻ theo thỏa thuận của cha mẹ; nếu không có thỏa thuận thì họ của con được xác định theo tập quán. Trường hợp chưa xác định được cha đẻ thì họ của con được xác định theo họ của mẹ đẻ. Trường hợp trẻ em bị bỏ rơi, chưa xác định được cha đẻ, mẹ đẻ và được nhận làm con nuôi thì họ của trẻ em được xác định theo họ của cha nuôi hoặc họ của mẹ nuôi theo thỏa thuận của cha mẹ nuôi. Trường hợp chỉ có cha nuôi hoặc mẹ nuôi thì họ của trẻ em được xác định theo họ của người đó. Trường hợp trẻ em bị bỏ rơi, chưa xác định được cha đẻ, mẹ đẻ và chưa được nhận làm con nuôi thì họ của trẻ em được xác định theo đề nghị của người đứng đầu cơ sở nuôi dưỡng trẻ em đó hoặc theo đề nghị của người có yêu cầu đăng ký khai sinh cho trẻ em, nếu trẻ em đang được người đó tạm thời nuôi dưỡng. Cha đẻ, mẹ đẻ được quy định trong Bộ luật này là cha, mẹ được xác định dựa trên sự kiện sinh đẻ; người nhờ mang thai hộ với người được sinh ra từ việc mang thai hộ theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình. 3. Việc đặt tên bị hạn chế trong trường hợp xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại Điều 3 của Bộ luật này. Tên của công dân Việt Nam phải bằng tiếng Việt hoặc tiếng dân tộc khác của Việt Nam; không đặt tên bằng số, bằng một ký tự mà không phải là chữ. 4. Cá nhân xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự theo họ, tên của mình. 5. Việc sử dụng bí danh, bút danh không được gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác. Do đó, căn cứ theo quy định hiện hành, họ của con được xác định theo cha đẻ hoặc mẹ đẻ, việc xác định cha đẻ, mẹ đẻ sẽ dựa trên sự kiện sinh đẻ. Chính vì vậy, nếu cha và mẹ chưa tiến hành đăng ký kết hôn thì vẫn có thể lấy họ của người cha đặt cho đứa bé.
Sau khi ly hôn đương nhiên tước quyền làm cha của chồng cũ
Có rất nhiều trường hợp ly hôn, cha, mẹ có thể không gặp nhau, thậm chí một trong hai bên có quyền nuôi con ngăn cấm việc này. Tuy nhiên, đặt ra vấn đề mối quan hệ đó tức là làm cha hay làm mẹ có bị tước quyền hay không, mà tại sao lại bị hạn chế những cuộc gặp mặt đó. Tại Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn như sau: 1. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan. 2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con. 3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con. Theo Điều 82 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn như sau: 1. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi. 2. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con. 3. Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó. Căn cứ Điều 83 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ trực tiếp nuôi con đối với người không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn như sau: 1. Cha, mẹ trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu người không trực tiếp nuôi con thực hiện các nghĩa vụ theo quy định tại Điều 82 của Luật này; yêu cầu người không trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình tôn trọng quyền được nuôi con của mình. 2. Cha, mẹ trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình không được cản trở người không trực tiếp nuôi con trong việc thăm nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con. Như vậy, theo những quy định trên thì sau ly hôn bạn không thể tước quyền làm cha. Dù đã ly hôn thì người không trực tiếp nuôi nuôi vẫn có quyền được thăm nom, chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục con. Việc muốn tước quyền làm cha liên quan mối qun hệ này là không thể vì điều đấy là vi phạm pháp luật.
Bạo hành con cái – cha mẹ đối diện với mức án nào?
Xử lý hành vi bạo hành con cái của cha mẹ đang ngày càng được sự quan tâm từ xã hội trước thực trạng cha mẹ có hành vi ngược đãi, đánh đập con cái với mức độ nguy hiểm và nghiêm trọng thể hiện qua các vụ án trấn động dư luận dạo gần đây. Với hành vi bạo hành, cha mẹ phải đối diện với những chế tài nào? Quyền và nghĩa vụ của cha mẹ đối với con cái Luật Hôn nhân và gia đình 2014, pháp luật cũng đặt ra những quy định rõ ràng về quyền và nghĩa vụ của cha mẹ đối với con cái. Theo đó bao gồm các hành vi, trách nhiệm. "Thương yêu, tôn trọng ý kiến của con, chăm lo, giáo dục để con được phát triển lành mạnh trên mọi phương diện. Nuôi dưỡng, chăm sóc con chưa thành niên, con đã thành niên nhưng mất năng lực hành vi dân sự hoặc không đủ điều kiện tài chính để tự nuôi mình. Thực hiện các quy định về giám hộ hoặc đại diện theo các quy định của Bộ luật Dân sự 2015 Các hành vi cấm cha mẹ thực hiện: phân biệt đối xử, lạm dụng sức lao động của con cái, xúi giục hoặc ép buộc con làm việc trái pháp luật và đạo đức xã hội” Hành vi bạo lực gia đình Căn cứ Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2007, bạo lực gia đình có thể được thể hiện ở các hình thức như: Bạo lực về thể chất, bạo lực về tinh thần, bạo lực về kinh tế, bạo lực về tình dục. Trong đó, hành vi đánh đập, ngược đãi hoặc cố ý xâm phạm sức khỏe, tính mạng (bạo lực về thể chất), xảy ra phổ biến và với mức độ nghiêm trọng nhiều hơn. Hành vi bố mẹ đánh đập con cái là hành vi bị pháp luật nghiêm cấm, do đó tùy vào tính chất, mức độ của hành vi mà bố mẹ có thể bị xử phạt hành chính hoặc nặng hơn sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Xử phạt vi phạm hành chính Đối với hành vi bạo hành con cái, người có hành vi bạo hành có thể bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 1.500.000 đồng hoặc bị phạt tiền từ 1.500.000 đồng đến 2.000.000 đồng tùy thuộc vào từng trường hợp theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 49 Nghị định 167/2013/NĐ-CP. Truy cứu trách nhiệm hình sự Ngoài việc bị xử lý theo pháp luật dân sự, pháp luật hành chính, cha mẹ có hành vi bạo hành con cái cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tùy tính chất của từng sự việc; cha mẹ bạo hành con cái có thể sẽ bị xử lý về các tội sau đây: Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (căn cứ Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015), khung hình phạt cao nhất có thể bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm. Ngoài ra, người cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng đối với người dưới 16 tuổi thì sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Tội hành hạ người khác (căn cứ Điều 140 Bộ luật Hình sự 2015), bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm đối với người dưới 16 tuổi, gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 31% trở lên; đối với 02 người trở lên. Tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con cái hoặc người có công nuôi dưỡng mình (căn cứ Điều 185 Bộ luật Hình sự 2015), người nào đối xử tồi tệ hoặc có hành vi bạo lực xâm phạm thân thể con, cháu, thường xuyên làm cho nạn nhân bị đau đớn về thể xác, tinh thần; Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Nếu phạm tội thuộc trong trường hợp đối với người dưới 16 tuổi thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm. Như vậy, khi có hành vi bạo hành con cái, cha mẹ hoàn toàn có thể bị ngồi tù do hành vi nguy hiểm dẫn đến phải truy cứu trách nhiệm hình sự.
Con lấy tiền nạp game, cha mẹ có được đòi hãng trả?
Do sự phát triển của xã hội, trẻ em hiện nay được tiếp xúc với máy tính, điện thoại thông minh và trò chơi điện tử (game) từ rất sớm. Vì tuổi nhỏ và tâm lý ganh đua cho “bằng bạn bằng bè”, không ít em đã nạp một số tiền rất lớn vào những trò chơi này, mà chưa hỏi qua ý kiến phụ huynh. Nếu rơi vào hoàn cảnh ấy, bậc cha mẹ có thể yêu cầu hãng game trả lại tiền được hay không? Nạp tiền vào game có đòi được không? - Minh họa Theo quy định tại khoản 1 Điều 117 BLDS 2015, giao dịch dân sự có hiệu lực khi đáp ứng đủ các điều kiện dưới đây: - Người tham gia có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch được xác lập; - Việc tham gia giao dịch là hoàn toàn tự nguyện; - Mục đích và nội dung của giao dịch không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội. Hiện nay, các giao dịch về nạp tiền thật mua game hoặc vật phẩm trong game thuộc những nền tảng “chính thống” như App Store, CH Play, Steam, Garena… không bị pháp luật cấm. Do đó, vấn đề duy nhất cần xét tới ở đây chính là trẻ em có được tham gia vào loại giao dịch như thế này hay không? Điều 21 và điểm a khoản 2 Điều 125 BLDS 2015 quy định về độ tuổi của người tham gia giao dịch dân sự như sau: Thứ nhất, giao dịch dân sự của người dưới 06 tuổi do người đại diện theo pháp luật của người đó xác lập, thực hiện, trừ những giao dịch nhằm phục vụ nhu cầu thiết yếu hàng ngày. Người đại diện có thể là cha, mẹ hoặc người khác do Tòa án chỉ định. Thứ hai, giao dịch dân sự của người từ đủ 06 tuổi đến dưới 15 tuổi phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý, trừ giao dịch phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi. BLDS không quy định “nhu cầu thiết yếu” hoặc “nhu cầu sinh hoạt hằng ngày” là gì. Tuy nhiên, ta có thể tham khảo từ khoản 20 Điều 3 Luật HN&GĐ 2014. Theo đó, “nhu cầu thiết yếu” được hiểu là “nhu cầu sinh hoạt” thông thường về ăn, mặc, ở, học tập, khám bệnh, chữa bệnh hoặc khác không thể thiếu cho cuộc sống của mỗi người, mỗi gia đình. Có thể thấy rõ việc giao dịch trong trò chơi điện tử thuộc về nhóm “giải trí” và không phải là thứ “không thể thiếu” trong đời sống. Chính vì vậy, việc bán thẻ nạp game cho trẻ em mà chưa thông qua bố mẹ là với quy định của pháp luật, nên sẽ bị vô hiệu. Thứ ba, người từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi được tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự, trừ giao dịch liên quan tài sản phải đăng ký với nhà nhà nước hoặc giao dịch khác mà theo quy định phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý. Như vậy, nếu người từ đủ 15 tuổi trở lên được tự mình mua thẻ nạp game thì giao dịch này không bị vô hiệu. Tuy nhiên, đấy mới chỉ là trong trường hợp mua bán thẻ vật lý, cầm nắm tận tay được. Còn đối với trường hợp trẻ dùng tài khoản ngân hàng của bố mẹ để nạp tiền qua ví điện tử hoặc cổng thanh toán trực tuyến thì sẽ khó giải quyết hơn nhiều. Thông thường, các giao dịch loại này đều yêu cầu phải có xác nhận bằng mật khẩu, vân tay. Nếu vì lý do nào đó mà trẻ thông qua được bước này thì sẽ rất khó để yêu cầu hoàn trả tiền, vì về nguyên tắc, chủ tài khoản có trách nhiệm giữ bí mật mật khẩu và vân tay của mình. Mặt khác, giao dịch tiến hành trực tuyến hoàn toàn nên rất khó để chứng minh trẻ hay phụ huynh mới là bên giao dịch thực sự. Ấy là chưa kể đến, rất nhiều nhà phát hành yêu cầu người chơi phải cam kết đồng ý điều khoản rồi mới được tham gia. Mà thông thường, nó bao gồm cả điều khoản về việc không hoàn trả tiền đã nạp vào tài khoản. Chung quy lại, để không xảy ra cảnh “dở khóc dở cười” này, tốt nhất cha mẹ nên quản lý tốt con mình chơi gì và trò chơi đó có nạp thẻ hay không, nhất là những trò chơi cho phép chi trả thông qua ứng dụng thanh toán cài đặt sẵn trên thiết bị.
Cha sinh mẹ dưỡng là gì? Cha mẹ sinh con ra có nghĩa vụ nuôi dưỡng con cái?
Cha sinh mẹ dưỡng nghĩa là gì? Cha mẹ sinh con ra có nghĩa vụ nuôi dưỡng con cái hay không? Con có nghĩa vụ nuôi dưỡng cha mẹ không? Cha sinh mẹ dưỡng là gì? Cha sinh mẹ dưỡng nghĩa là gì thì sinh ở đây có thể hiểu là đẻ ra (thường chỉ nói về người), dưỡng có thể hiểu là ăn uống, nghỉ ngơi để tăng hoặc khôi phục sức khoẻ (nói khái quát). Theo đó, "Cha sinh mẹ dưỡng" là một câu thành ngữ, có nghĩa là "cha mẹ sinh ra và nuôi nấng", câu thành ngữ này thể hiện lòng biết ơn và tôn trọng đối với công ơn của cha mẹ trong việc sinh thành và nuôi dưỡng con cái và thường được dùng để nhắc nhở về vai trò quan trọng của cha mẹ trong cuộc đời mỗi người. Thông thường, cha mẹ sinh con ra sẽ nuôi nấng con đến khi lớn lên và trưởng thành, cha mẹ là người chứng kiến con lớn lên từng ngày, cha mẹ chịu nhiều khó khăn, cực khổ để lo cho con ăn học thành tài. Do đó, mục đích của câu thành ngữ "Cha sinh mẹ dưỡng" không chỉ thể hiện lòng biết ơn và tôn trọng của con cái đối với cha mẹ mà còn dùng để nhắc nhở con phải hiếu thảo và phụng dưỡng cha mẹ về già hoặc khi cha mẹ ốm đau bệnh tật cũng giống như cha mẹ đã từng nuôi dưỡng con. Cha sinh mẹ dưỡng là gì? Cha mẹ sinh con ra có nghĩa vụ nuôi dưỡng con cái? (Hình từ Internet) Cha mẹ sinh con ra có nghĩa vụ nuôi dưỡng con cái? Cha mẹ sinh con ra có nghĩa vụ nuôi dưỡng con cái hay không thì căn cứ quy định tại Điều 69 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về nghĩa vụ và quyền của cha mẹ như sau: Nghĩa vụ và quyền của cha mẹ 1. Thương yêu con, tôn trọng ý kiến của con; chăm lo việc học tập, giáo dục để con phát triển lành mạnh về thể chất, trí tuệ, đạo đức, trở thành người con hiếu thảo của gia đình, công dân có ích cho xã hội. 2. Trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình. ... Đối chiếu theo quy định trên, cha mẹ sinh con ra có nghĩa vụ phải nuôi dưỡng con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình. Bên cạnh đó, không chỉ có nghĩa vụ phải nuôi dưỡng con cái mà cha mẹ còn có nghĩa vụ phải thương yêu con, tôn trọng ý kiến của con; chăm lo việc học tập, giáo dục để con phát triển lành mạnh về thể chất, trí tuệ, đạo đức, trở thành người con hiếu thảo của gia đình, công dân có ích cho xã hội; Đồng thời, cha mẹ sinh con ra phải là người Giám hộ hoặc đại diện theo quy định của Bộ luật dân sự cho con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự. Và cha mẹ không được phân biệt đối xử với con trên cơ sở giới hoặc theo tình trạng hôn nhân của cha mẹ; không được lạm dụng sức lao động của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động; không được xúi giục, ép buộc con làm việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội. Con có nghĩa vụ nuôi dưỡng cha mẹ hay không? Quyền và nghĩa vụ của con được quy định tại Điều 70 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 như sau: Quyền và nghĩa vụ của con 1. Được cha mẹ thương yêu, tôn trọng, thực hiện các quyền, lợi ích hợp pháp về nhân thân và tài sản theo quy định của pháp luật; được học tập và giáo dục; được phát triển lành mạnh về thể chất, trí tuệ và đạo đức. 2. Có bổn phận yêu quý, kính trọng, biết ơn, hiếu thảo, phụng dưỡng cha mẹ, giữ gìn danh dự, truyền thống tốt đẹp của gia đình. ... Và căn cứ quy định tại Điều 71 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 như sau: Nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng 1. Cha, mẹ có nghĩa vụ và quyền ngang nhau, cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình. 2. Con có nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ, đặc biệt khi cha mẹ mất năng lực hành vi dân sự, ốm đau, già yếu, khuyết tật; trường hợp gia đình có nhiều con thì các con phải cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ. Theo đó, con có nghĩa vụ nuôi dưỡng cha mẹ, đặc biệt khi cha mẹ mất năng lực hành vi dân sự, ốm đau, già yếu, khuyết tật; trường hợp gia đình có nhiều con thì các con phải cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ. Như vậy, con cái phải luôn nhớ rằng "công ơn sinh thành" của cha mẹ là vô bờ bến, cha mẹ sinh con ra đã phải chịu nhiều khó khăn gian khổ để nuôi con lớn từng ngày, do đó, con cái phải luôn ghi nhớ 1 điều rằng "cha mẹ sinh dưỡng" để luôn là người con tốt, hiếu thảo, là người con đáng tự hào của cha mẹ.
Cha mẹ có sổ tiết kiệm nhưng không còn minh mẫn, con có thể rút tiền thay không?
Khi cha mẹ già yếu, mất khả năng nhận thức, việc quản lý tài sản, đặc biệt là sổ tiết kiệm trở thành một vấn đề nan giải. Vậy trong trường hợp này, con cái có quyền rút tiền thay cho cha mẹ mình không? (1) Không còn minh mẫn là tình trạng pháp lý gì? "Không còn minh mẫn" thường được hiểu là tình trạng tâm lý hoặc sức khỏe không ổn định, có thể ảnh hưởng đến khả năng nhận thức và đưa ra quyết định. Tại Điều 22 Bộ Luật Dân sự 2015 có quy định, khi một người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan thì Tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần. Như vậy, trường hợp cha mẹ không còn minh mẫn, con cái cần phải thực hiện giám định pháp y tâm thần, Tòa án sẽ dựa trên kết quả giám định này để tuyên bố cha mẹ mất năng lực hành vi dân sự. Nếu trường hợp không còn căn cứ tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự thì Tòa án ra quyết định hủy bỏ quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự theo yêu cầu của chính người đó hoặc của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan. (2) Cha mẹ có sổ tiết kiệm nhưng không còn minh mẫn, con có thể rút tiền thay không? Sổ tiết kiệm hay tiền tiết kiệm là tài sản của cá nhân, việc rút tiền tiền từ sổ tiết kiệm là giao dịch dân sự liên quan trực tiếp đến tài sản của người gửi tiền. Vì vậy, giao dịch rút tiền trong sổ tiết kiệm phải do người gửi tiền thực hiện. Nếu vì lý do sức khỏe mà người gửi tiền không thể trực tiếp đến ngân hàng rút tiền thì có thể làm văn bản ủy quyền cho người khác thực hiện giao dịch thay. Tuy nhiên, trường hợp cha mẹ không còn minh mẫn, thì không thể làm văn bản ủy quyền cho người khác rút tiền được. Lúc này, để có thể rút được tiền thay cho cha mẹ, người con phải chứng minh được cha mẹ mình bị mất năng lực hành vi dân sự, các bước thực hiện như sau: Bước 1: Đưa cha mẹ đến Trung tâm pháp y để làm thủ tục giám định Bước 2: Làm đơn yêu cầu Tòa án có thẩm quyền ra quyết định tuyên bố người mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần trên. Bước 3: Lựa chọn người giám hộ. Theo quy định tại Điều 53 Bộ Luật Dân sự 2015, trong trường hợp cả cha và mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự thì con cả sẽ là người giám hộ cho cha mẹ. Trường hợp con cả không đủ điều kiện làm người giám hộ thì người con tiếp theo đủ điều kiện sẽ được làm người giám hộ. Bước 4: Người giám hộ (con) đến ngân hàng để thực hiện thủ tục rút tiền từ sổ tiết kiệm thay cha mẹ. Theo quy định tại Điều 59 Bộ Luật Dân sự 2015, người giám hộ sẽ quản lý tài sản của người được giám hộ như tài sản của chính mình; và được thực hiện giao dịch dân sự liên quan đến tài sản của người được giám hộ vì lợi ích của người được giám hộ. Như vậy, con cái có thể thay mặt cha mẹ rút tiền từ sổ tiết kiệm tại ngân hàng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho cha mẹ trong trường hợp cha mẹ không còn đủ minh mẫn, mất năng lực hành vi dân sự và được sự đồng ý của người giám sát việc giám hộ. (3) Điều kiện để làm người giám hộ Theo quy định tại Điều 49 Bộ Luật Dân sự 2015, cá nhân có đủ các điều kiện sau đây có thể làm người giám hộ: - Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ. - Có tư cách đạo đức tốt và các điều kiện cần thiết để thực hiện quyền, nghĩa vụ của người giám hộ. - Không phải là người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc người bị kết án nhưng chưa được xoá án tích về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của người khác. - Không phải là người bị Tòa án tuyên bố hạn chế quyền đối với con chưa thành niên. Các điều kiện này không chỉ nhằm bảo vệ quyền lợi của người được giám hộ mà còn nhằm xây dựng một hệ thống giám hộ đáng tin cậy. Việc có những quy định rõ ràng giúp hạn chế khả năng xảy ra các trường hợp lạm dụng quyền lực của người giám hộ, đồng thời tạo ra một khung pháp lý vững chắc để giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình giám hộ.
"Anh em trong nhà đóng cửa bảo nhau" có nghĩa là gì? Nghĩa vụ nuôi dưỡng, cấp dưỡng giữa anh chị em?
"Anh em trong nhà đóng cửa bảo nhau" có nghĩa là gì? Theo quy định pháp luật, anh chị em trong gia đình có nghĩa vụ nuôi dưỡng, cấp dưỡng nhau trong trường hợp nào? "Anh em trong nhà đóng cửa bảo nhau" có nghĩa là gì? Trong cuộc sống gia đình, chắc chắn có lúc xảy ra xung đột mâu thuẫn với anh chị em nhưng không phải vì thế mà ta giận nhau đánh nhau thậm chí là chửi, nhục mạ nhau. Anh chị em nên từ từ giải quyết mọi vấn đề trong gia đình hãy "đóng cửa bảo nhau" bởi "anh em như thể tay chân" hay "gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau". Dù là xung đột, mẫu thuẫn nào hãy từ từ giải quyết, cùng khuyên bảo nhau. Câu tục ngữ "Anh em trong nhà đóng cửa bảo nhau" nói về cách đối nhân xử thế giữa những người anh em trong nhà, cùng máu mủ ruột thịt với nhau, cần phải biết nhường nhịn và giúp đỡ nhau. Khi xảy ra tranh cãi, không nên làm lớn chuyện, mà nên đóng cửa, nói với nhau nhỏ nhẹ, rồi từ từ giải quyết vấn đề. Anh chị em trong gia đình có nghĩa vụ nuôi dưỡng, cấp dưỡng nhau trong trường hợp nào? Căn cứ theo quy định tại Điều 105 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 có quy định về quyền, nghĩa vụ của anh, chị, em như sau: Anh, chị, em có quyền, nghĩa vụ thương yêu, chăm sóc, giúp đỡ nhau; có quyền, nghĩa vụ nuôi dưỡng nhau trong trường hợp không còn cha mẹ hoặc cha mẹ không có điều kiện trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con. Theo đó, pháp luật cũng đã có những quy định về quyền và nghĩa vụ của anh, chị, em để tạo cơ sở pháp lý cho việc gắn bó trách nhiệm giữa các thành viên với nhau. Anh, chị, em có quyền và nghĩa vụ nuôi dưỡng nhau trong trường hợp không còn cha mẹ hoặc cha mẹ không có điều kiện trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con. Như vậy, chỉ khi nào không còn cha, mẹ hoặc cha, mẹ không có khả năng để nuôi dưỡng hoặc cấp dưỡng cho con thì anh, chị, em mới có nghĩa vụ nuôi dưỡng nhau. Bên cạnh đó, theo quy định tại Điều 112 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 anh, chị, em chỉ có nghĩa vụ cấp dưỡng nếu thuộc một trong hai trường hợp sau đây: - Không còn cha mẹ. - Cha mẹ không có khả năng lao động, không có tài sản để cấp dưỡng cho con. Trong trường hợp này, nếu anh, chị đã thành niên không sống chung với em thì có nghĩa vụ cấp dưỡng cho em chưa thành niên không có tài sản tự nuôi mình hoặc đã thành niên nhưng không có khả năng lao động, không có tài sản tự nuôi mình. Ngược lại, nếu em đã thành niên không chung sống với anh, chị không có khả năng lao động, không có tài sản để tự nuôi mình thì cũng có nghĩa vụ cấp dưỡng cho anh, chị. Như vậy, nghĩa vụ cấp dưỡng giữa anh, chị và em đều áp dụng với cả hai phía anh chị với em hoặc em với anh chị. Đây là mối quan hệ cấp dưỡng được ưu tiên thứ hai sau nghĩa vụ cấp dưỡng giữa cha, mẹ, con. Trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng cho anh,chị, em bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi nào? Căn cứ Điều 186 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bởi khoản 37 Điều 1 Luật Sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định tội từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng thì người nào có nghĩa vụ cấp dưỡng và có khả năng thực tế để thực hiện việc cấp dưỡng đối với người mà mình có nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định của pháp luật mà từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng, thuộc một trong hai trường hợp sau và không thuộc trường hợp quy định tại Điều 380 Bộ luật Hình sự 2015 thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm: - Có khả năng thực tế để thực hiện việc cấp dưỡng đối với người mà mình có nghĩa vụ cấp dưỡng những không thực hiện làm cho anh, chị, em lâm tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe. - Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng mà còn vi phạm. Cần lưu ý: Quy định này không áp dụng đối với trường hợp phạm tội không chấp hành án (Điều 380 Bộ luật Hình sự 2015). Tóm lại, câu tục ngữ "Anh em trong nhà đóng cửa bảo nhau" là lời nhắc nhở cho chúng ta trong việc xây dựng và giữa mối quan hệ tốt đẹp giữa anh chị em với nhau trong gia đình. Tình yêu thương, sự quý mến, đùm bọc và sự giúp đỡ giữa những người anh, chị, em là một trách nhiệm lớn để bảo vệ và nuôi dưỡng mối quan hệ gia đình. Thực tế cuộc sống còn nhiều trường hợp mất ý thức, thiếu trách nhiệm, khiến cho mối quan hệ trong gia đình trở nên khó khăn. Sự ích kỷ, tham lam, ghen tị, và tranh chấp vì lợi ích cá nhân đe dọa sự đoàn kết gia đình. Do đó, anh, chị, em trong gia đình phải đồng lòng xây dựng một cộng đồng gia đình vững mạnh và bền vững. Hãy học cách chia sẻ yêu thương, giúp đỡ anh, chị, em, đồng thời đóng góp vào việc xây dựng một cộng đồng mạnh mẽ.
Cha mẹ không tôn trọng, lắng nghe ý kiến của con cái có thể bị xử phạt
Cha mẹ không tôn trọng, lắng nghe ý kiến của trẻ có thể bị xử phạt bao nhiêu tiền? Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với trường hợp này là bao lâu? Nghĩa vụ của cha mẹ là phải tôn trọng ý kiến của con Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 69 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 về nghĩa vụ và quyền của cha mẹ như sau: - Thương yêu con, tôn trọng ý kiến của con; chăm lo việc học tập, giáo dục để con phát triển lành mạnh về thể chất, trí tuệ, đạo đức, trở thành người con hiếu thảo của gia đình, công dân có ích cho xã hội. - Trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình. - Giám hộ hoặc đại diện theo quy định của Bộ luật dân sự cho con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự. - Không được phân biệt đối xử với con trên cơ sở giới hoặc theo tình trạng hôn nhân của cha mẹ; không được lạm dụng sức lao động của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động; không được xúi giục, ép buộc con làm việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội. Đồng thời, theo quy định tại khoản 4 Điều 5 Luật Trẻ em 2016 thì một trong những nguyên tắc bảo đảm thực hiện quyền và bổn phận của trẻ em là phải tôn trọng, lắng nghe, xem xét, phản hồi ý kiến, nguyện vọng của trẻ em. Như vậy, việc tôn trọng ý kiến của con là một trong những nghĩa vụ của cha mẹ theo quy định của pháp luật. Cha mẹ không tôn trọng, lắng nghe ý kiến của con cái có thể bị xử phạt Căn cứ theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 27 Nghị định 130/2021/NĐ-CP về mức xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định về quyền được giáo dục của trẻ em như sau: - Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: + Ép buộc, trù dập khi trẻ em bày tỏ ý kiến, nguyện vọng và tham gia vào các vấn đề về trẻ em; + Không tôn trọng, lắng nghe, xem xét, phản hồi, giải thích ý kiến, nguyện vọng của trẻ em; + Không tiếp nhận, giải quyết, phản hồi ý kiến, kiến nghị, nguyện vọng của trẻ em, tổ chức đại diện tiếng nói nguyện vọng của trẻ em theo quy định; + Không công khai, công khai không chính xác thông tin về kế hoạch học tập và rèn luyện, chế độ nuôi dưỡng và các khoản đóng góp theo quy định. Như vậy, trường hợp cha mẹ không tôn trọng, lắng nghe ý kiến của con cái có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 01- 03 triệu đồng. Thời hiệu xử phạt đối với cha mẹ không tôn trọng, lắng nghe ý kiến của con cái là bao lâu? Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định 130/2021/NĐ-CP về thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính như sau: - Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo trợ, trợ giúp xã hội và trẻ em thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012. Mà theo điểm a khoản 1 Điều 6 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 (được sửa đổi bởi điểm a khoản 4 Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020) thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với trường hợp cha mẹ không tôn trọng, lắng nghe ý kiến của con cái là 01 năm. Tóm lại, trường hợp cha mẹ không tôn trọng, lắng nghe ý kiến của con cái có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 01- 03 triệu đồng.
Cha mẹ cho con đất rồi có lấy lại được không? Nếu con mất trước thì đất đó chia thế nào?
Nếu cha mẹ đã cho con đất rồi nhưng vì lý do nào đó mà muốn lấy lại thì có được không? Trường hợp đã cho nhưng con mất trước cha mẹ thì đất đó được chia thế nào? Cha mẹ cho con đất rồi có lấy lại được không? Theo Điều 459 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về tặng cho bất động sản như sau: - Tặng cho bất động sản phải được lập thành văn bản có công chứng, chứng thực hoặc phải đăng ký, nếu bất động sản phải đăng ký quyền sở hữu theo quy định của luật. - Hợp đồng tặng cho bất động sản có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký; nếu bất động sản không phải đăng ký quyền sở hữu thì hợp đồng tặng cho có hiệu lực kể từ thời điểm chuyển giao tài sản (Tức lúc này đã thực hiện đăng ký tại cơ quan đăng ký đất đai, đã được ghi vào sổ địa chính) Theo đó, kể từ thời điểm hợp đồng tặng cho có hiệu lực thì người được tặng cho đã xác lập quyền sở hữu của mình đối với bất động sản được tặng cho. Tuy nhiên, theo Điều 462 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về tặng cho tài sản có điều kiện như sau: - Bên tặng cho có thể yêu cầu bên được tặng cho thực hiện một hoặc nhiều nghĩa vụ trước hoặc sau khi tặng cho. Điều kiện tặng cho không được vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội. - Trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ trước khi tặng cho, nếu bên được tặng cho đã hoàn thành nghĩa vụ mà bên tặng cho không giao tài sản thì bên tặng cho phải thanh toán nghĩa vụ mà bên được tặng cho đã thực hiện. - Trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ sau khi tặng cho mà bên được tặng cho không thực hiện thì bên tặng cho có quyền đòi lại tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại. Như vậy, trường hợp hợp đồng tặng cho đất không có điều kiện thì kể từ khi hợp đồng tặng cho có hiệu lực thì cha mẹ sẽ không được quyền đòi lại. Tuy nhiên, nếu hợp đồng tặng cho đất có điều kiện thì nếu như con cái không thực hiện nghĩa vụ của mình theo hợp đồng thì bên tặng cho có quyền đòi lại tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại dù cho đất đã được chuyển giao. Nếu con mất trước thì đất đã cho được chia thế nào? Theo quy định tại Điều 33, Điều 43 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 và Điều 9, Điều 10, Điều 11 Nghị định 126/2014/NĐ-CP: - Nếu tài sản được cha mẹ vợ, cha mẹ chồng tặng cho chung cho vợ chồng thì tài sản đó được xem là tài sản chung của vợ chồng. Theo đó, lúc này di sản người mất để lại là 1/2 phần đất đã được cho. - Nếu tài sản được cha mẹ vợ, cha mẹ chồng tặng cho riêng cho vợ, chồng thì tài sản đó được xem là tài sản riêng của vợ, chồng. Theo đó, lúc này di sản người mất để lại là toàn bộ phần đất đã được cho. Việc phân chia di sản sẽ chia làm 2 trường hợp như sau: 1) Con mất không để lại di chúc Con mất không có di chúc thì di sản sẽ được chia theo pháp luật. Theo Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015 về người thừa kế theo pháp luật quy định: - Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây: + Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết; + Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại; + Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại. - Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau. - Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản. Theo quy định trên, người mất không để lại di chúc thì tài sản của người mất sẽ được chia theo hàng thừa kế. Như vậy, khi con mất thì phần di sản sẽ được chia đều cho những người trong hàng thừa kế thứ nhất. Nếu không còn ai ở hàng này thì sẽ xét đến hàng kế tiếp. 2) Con mất có để lại di chúc hợp pháp Nếu con mất có để lại di chúc thì việc phân chia di sản sẽ được thực hiện theo di chúc. Tuy nhiên, Điều 644 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc như sau: - Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó: + Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng; + Con thành niên mà không có khả năng lao động. - Quy định tại khoản 1 Điều 644 Bộ luật Dân sự 2015 không áp dụng đối với người từ chối nhận di sản theo quy định tại Điều 620 Bộ luật Dân sự 2015 hoặc họ là những người không có quyền hưởng di sản theo quy định tại khoản 1 Điều 621 Bộ luật Dân sự 2015. Theo quy định trên, con chưa thành niên, con thành niên mà không có khả năng lao động, cha, mẹ, vợ, chồng vẫn được hưởng phần di sản bằng 2/3 suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó. Như vậy, nếu con để lại di chúc mà không chia cho những người theo quy định trên thì họ vẫn được hưởng 2/3 suất thừa kế theo pháp luật. Phần di sản còn lại chia theo di chúc.
Dạy con bằng "roi vọt" có thể bị phạt tù
“Thương cho roi cho vọt”, tuy nhiên nếu thương con, dạy con bằng “roi vọt” có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự (1) Dạy con bằng “roi vọt” có vi phạm pháp luật không? Theo Điều 37 Hiến pháp 2013 khẳng định: “Nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em.” Đồng thời, theo quy định tại Điều 6 Luật Trẻ em 2016, thì một trong những hành vi bị nghiêm cấm làm đối với trẻ em là sử dụng bạo lực. Bên cạnh đó, tại điểm a khoản 1 Điều 3 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2022 quy định: “Hành vi bạo lực gia đình là hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập, đe dọa hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khỏe, tính mạng của thành viên trong gia đình.” Như vậy, dạy con bằng “roi vọt” là vi phạm quy định của pháp luật (2) Mức phạt đối với hành vi dùng roi vọt để dạy con Hành vi giáo dục con cái bằng roi vọt có thể bị xử phạt như sau: Theo Điều 52 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định về phạt vi phạm hành chính đối với hành vi xâm hại sức khỏe thành viên gia đình như sau: - Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi đánh đập gây thương tích cho thành viên gia đình. - Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: + Sử dụng các công cụ, phương tiện hoặc các vật dụng khác gây thương tích cho thành viên gia đình; + Không kịp thời đưa nạn nhân đi cấp cứu điều trị trong trường hợp nạn nhân cần được cấp cứu kịp thời hoặc không chăm sóc nạn nhân trong thời gian nạn nhân điều trị chấn thương do hành vi bạo lực gia đình, trừ trường hợp nạn nhân từ chối. + Đồng thời, phụ huynh vi phạm quy định nêu trên có thể phải buộc xin lỗi công khai và phải chi trả toàn bộ chi phí khám bệnh, chữa bệnh khi gây thương tích cho con. Như vậy, phụ huynh dạy con bằng “roi vọt” có thể bị phạt tiền lên đến 20 triệu đồng. Ngoài ra, nếu mức độ tổn thương của con đến mức quy định trong Bộ Luật Hình sự thì phụ huynh có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. (3) Truy cứu hình sự…đối với hành vi dạy con bằng roi vọt Khi dạy con bằng “roi vọt” mà có các yếu tố phạm tội quy định tại Bộ Luật Hình sự 2015, sửa đổi bởi Luật sửa đổi Bộ Luật Hình sự 2017 thì phụ huynh có thể bị truy cứu trách nhiệm với các tội sau 1. Tội cố ý gây thương tích (Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015) Theo Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015, người cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho người khác mà tỉ lệ tổn thương cơ thể từ 11% – 30% hoặc dưới 11% nhưng đối với người dưới 16 tuổi thì sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Hình phạt tù nặng nhất áp dụng với người phạm tội này là phạt tù 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân. 2. Tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình (Điều 185 Bộ luật Hình sự 2015) Nếu ông bà, cha mẹ có hành vi thường xuyên làm cho con, cháu (dưới 16 tuổi) bị đau đớn về thể xác, tinh thần; đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà còn vi phạm thì sẽ bị phạt tù từ 02 – 05 năm. 3. Tội hành hạ người khác (Điều 140 Bộ luật Hình sự 2015) Nếu không thuộc trường hợp của Tội ngược đãi tại Điều 185 Bộ luật Hình sự 2015, người có hành vi đối xử tàn ác hoặc làm nhục trẻ em thì sẽ bị phạt tù từ 01 – 03 năm. Lưu ý, các mức phạt trên chỉ mang tính chất tham khảo, để biết chính xác mức phạt cần phải xem xét đến hành vi, tính chất, thương tổn,... (4) Kết luận Để nuôi dạy con cái, đôi khi phụ huynh cũng cần phải sử dụng các “biện pháp trừng trị” để con cái nghe lời hơn. Tuy nhiên, việc dạy dỗ, giáo dục con cái bằng vũ lực, bạo lực ít khi nào đem lại kết quả tốt và đôi khi còn bị phản tác dụng. Trẻ con khi bị “đánh đòn” thường sẽ mang tâm lý chống đối, không phục. Những đứa trẻ thường xuyên sống trong cảnh bạo lực gia đình sẽ mang tâm lý bạo lực ra đời và xã hội, trở thành những đứa trẻ bất trị, khó sửa đổi. Do đó, khi dạy dỗ con trẻ, các bậc phụ huynh cần ưu tiên biện pháp giải thích lỗi sai, đưa ra cách giải quyết, và cho con thấy con vẫn có cơ hội được thay đổi và sửa chữa sai lầm. Khi con có biểu hiện tốt, không mắc lại các lỗi như vậy nữa thì các bậc phụ huynh cần có sự công nhận, khuyến khích, khen con để con cảm nhận được niềm vui khi làm những việc đúng đắn, từ đó hình thành nhân cách tốt cho con trẻ.
Có phải thông báo với cha mẹ khi tạm giữ người chưa thành niên theo TTHC không?
Khi người chưa thành niên bị áp dụng biện pháp tạm giữ người theo thủ tục hành chính thì có phải thông báo cho cha mẹ của họ biết không? Nếu có, phải thông báo trong thời gian bao lâu? Trường hợp nào được tạm giữ người chưa thành niên theo TTHC? Theo Khoản 1 Điều 122 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 được sửa đổi bởi Khoản 1 Điều 102 Luật Hải quan 2014 quy định: Việc tạm giữ người theo thủ tục hành chính chỉ được áp dụng trong trường hợp cần ngăn chặn, đình chỉ ngay những hành vi gây rối trật tự công cộng, gây thương tích cho người khác hoặc có căn cứ cho rằng có hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Đồng thời, mọi trường hợp tạm giữ người đều phải có quyết định bằng văn bản và phải giao cho người bị tạm giữ một bản. Theo đó, Điều 16 Nghị định 142/2021/NĐ-CP hướng dẫn rõ việc tạm giữ người theo thủ tục hành chính chỉ được áp dụng trong các trường hợp sau: - Cần ngăn chặn, đình chỉ ngay hành vi gây rối trật tự công cộng, gây thương tích cho người khác. - Cần ngăn chặn, đình chỉ ngay hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. - Để thi hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc. - Người có hành vi bạo lực gia đình vi phạm quyết định cấm tiếp xúc theo quy định của pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình. - Để xác định tình trạng nghiện ma túy đối với người sử dụng trái phép chất ma túy. Như vậy, chỉ trong các trường hợp quy định trên thì cơ quan có thẩm quyền mới được tạm giữ người theo thủ tục hành chính. Đồng thời tất cả trường hợp tạm giữ người theo thủ tục hành chính đều phải ra quyết định bằng văn bản và giao cho người bị tạm giữ 1 bản. Có phải thông báo với cha mẹ khi tạm giữ người chưa thành niên theo TTHC không? Theo Khoản 4 Điều 122 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định: Theo yêu cầu của người bị tạm giữ, người ra quyết định tạm giữ phải thông báo cho gia đình, tổ chức nơi làm việc hoặc học tập của họ biết. Trong trường hợp tạm giữ người chưa thành niên vi phạm hành chính vào ban đêm hoặc giữ trên 06 giờ, thì người ra quyết định tạm giữ phải thông báo ngay cho cha mẹ hoặc người giám hộ của họ biết. Như vậy, chỉ khi tạm giữ người chưa thành niên theo thủ tục hành chính trên 06 giờ hoặc khi họ vi phạm vào ban đêm thì mới phải thông báo ngày cho cha mẹ hoặc người giám hộ của người chưa thành niên. Ngoài ra các trường hợp khác sẽ thông báo khi người chưa thành niên có yêu cầu. Được tạm giữ người chưa thành niên theo TTHC trong bao lâu? Theo Khoản 3 Điều 122 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 61 Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020 quy định: Thời hạn tạm giữ người theo thủ tục hành chính không quá 12 giờ; trong trường hợp cần thiết, thời hạn tạm giữ có thể kéo dài hơn nhưng không quá 24 giờ, kể từ thời điểm bắt đầu giữ người vi phạm; trường hợp tạm giữ người vi phạm hành chính ở khu vực biên giới hoặc vùng rừng núi xa xôi, hẻo lánh, hải đảo thì thời hạn tạm giữ được tính từ thời điểm người vi phạm được áp giải đến nơi tạm giữ. Đối với trường hợp tạm giữ để xác định tình trạng nghiện ma túy theo quy định thì thời hạn tạm giữ có thể kéo dài hơn nhưng không quá 05 ngày, kể từ thời điểm bắt đầu giữ người vi phạm. Đối với người bị tạm giữ trên tàu bay, tàu biển thì phải chuyển ngay cho cơ quan có thẩm quyền khi tàu bay đến sân bay, tàu biển cập cảng. Như vậy, đối với người chưa thành niên cũng được áp dụng quy định này, tức là sẽ không tạm giữ quá 12 giờ hoặc trong trường hợp cần thiết thì không quá 24h hoặc các trường hợp khác như xác định tình trạng nghiệm ma tuý hay bị tạm giữ trên tàu bay, tàu biển thì sẽ có thời gian theo quy định như trên.
Một mình người mẹ có làm Giấy khai sinh cho con được không?
Mới sinh con nhưng chưa đăng ký kết hôn, gia đình nhà trai ngăn cấm không cho kết hôn, gửi con vào cô nhi viện. Người mẹ có thể tự đăng ký Giấy khai sinh cho con được không? Thủ tục như thế nào? (1) Có được làm khai sinh chỉ có thông tin của mẹ không? Theo quy định tại Điều 30 Bộ luật Dân sự 2015 quy định quyền được khai sinh như sau: - Cá nhân từ khi sinh ra có quyền được khai sinh - Cá nhân chết phải được khai tử. - Trẻ em sinh ra mà sống được từ 24 giờ trở lên mới chết thì phải được khai sinh và khai tử; nếu sinh ra mà sống dưới 24 giờ thì không phải khai sinh và khai tử, trừ trường hợp cha đẻ, mẹ đẻ có yêu cầu. - Việc khai sinh, khai tử do pháp luật về hộ tịch quy định. Như vậy, theo quy định trẻ em sinh ra sống được từ 24 giờ trở lên phải được khai sinh. Ngoài ra, căn cứ theo Điều 15 Luật Hộ tịch 2014 quy định: - Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày sinh con, cha hoặc mẹ có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho con; trường hợp cha, mẹ không thể đăng ký khai sinh cho con thì ông hoặc bà hoặc người thân thích khác hoặc cá nhân, tổ chức đang nuôi dưỡng trẻ em có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho trẻ em. - Công chức tư pháp - hộ tịch thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc đăng ký khai sinh cho trẻ em trên địa bàn trong thời hạn quy định; trường hợp cần thiết thì thực hiện đăng ký khai sinh lưu động Về Giấy khai sinh, theo Điều 14 Luật Hộ tịch 2014 quy định về nội dung đăng ký khai sinh gồm: - Thông tin của người được đăng ký khai sinh: Họ, chữ đệm và tên; giới tính; ngày, tháng, năm sinh; nơi sinh; quê quán; dân tộc; quốc tịch; - Thông tin của cha, mẹ người được đăng ký khai sinh: Họ, chữ đệm và tên; năm sinh; dân tộc; quốc tịch; nơi cư trú; - Số định danh cá nhân của người được đăng ký khai sinh. Bên cạnh đó, theo quy định tại khoản 2 Điều 15 Nghị định 123/2015/NĐ-CP, trường hợp đăng ký khai sinh cho trẻ chưa xác định được cha mẹ như sau: “2. Trường hợp chưa xác định được cha thì khi đăng ký khai sinh họ, dân tộc, quê quán, quốc tịch của con được xác định theo họ, dân tộc, quê quán, quốc tịch của mẹ; phần ghi về cha trong Sổ hộ tịch và Giấy khai sinh của trẻ để trống.” Tổng hợp các quy định trên, Giấy khai sinh không yêu cầu phải có đủ thông tin của cả cha và mẹ, đứa trẻ sẽ được đăng ký khai sinh theo diện thiếu thông tin của cha, phần thông tin về cha trong Sổ hộ tịch và Giấy khai sinh của trẻ em để trống. (2) Thủ tục nhận mẹ, con thế nào? Căn cứ vào Điều 91 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014: - Cha, mẹ có quyền nhận con, kể cả trong trường hợp con đã chết. - Trong trường hợp người đang có vợ, chồng mà nhận con thì việc nhận con không cần phải có sự đồng ý của người kia. Theo trường hợp ở mô tả, em bé đã được gửi vào cô nhi viện, như vậy, để được khai sinh cho con cũng như nhận nuôi con, trước tiên cần phải làm thủ tục công nhận mẹ, con theo quy định tại Điều 25 Luật Hộ tịch 2014, như sau: - Người yêu cầu đăng ký nhận cha, mẹ, con nộp tờ khai theo mẫu quy định và chứng cứ chứng minh quan hệ cha con hoặc mẹ con cho cơ quan đăng ký hộ tịch. Khi đăng ký nhận cha, mẹ, con các bên phải có mặt. Tải mẫu tờ khai đăng ký nhận cha, mẹ, con https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/12/To-khai-dang-ky-nhan-cha-me-con.docx - Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ giấy tờ, nếu thấy việc nhận cha, mẹ, con là đúng và không có tranh chấp, công chức tư pháp - hộ tịch ghi vào Sổ hộ tịch, cùng người đăng ký nhận cha, mẹ, con ký vào Sổ hộ tịch và báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cấp trích lục cho người yêu cầu. Trường hợp cần phải xác minh thì thời hạn được kéo dài thêm không quá 05 ngày làm việc Về chứng cứ chứng minh quan hệ mẹ con đã được hướng dẫn tại Điều 14 Thông tư 04/2020/TT-BTP, các chứng cứ chứng minh có thể là: - Văn bản của cơ quan y tế, cơ quan giám định hoặc cơ quan, tổ chức khác có thẩm quyền ở trong nước hoặc nước ngoài xác nhận quan hệ cha con, quan hệ mẹ con. - Trường hợp không có chứng cứ chứng minh quan hệ cha, mẹ, con theo quy định tại khoản 1 Điều 14 Thông tư 04/2020/TT-BTP thì các bên nhận cha, mẹ, con lập văn bản cam đoan về mối quan hệ cha, mẹ, con theo quy định tại Điều 5 Thông tư 04/2020/TT-BTP, có ít nhất hai người làm chứng về mối quan hệ cha, mẹ, con.. Sau khi hoàn thành thủ tục công nhận mẹ con thì có thể làm đăng ký khai sinh cho con. (3) Thủ tục đăng ký khai sinh cho con Bước 1: Người có yêu cầu đăng ký khai sinh nộp hồ sơ đăng ký khai sinh tại Bộ phận một cửa của UBND cấp xã có thẩm quyền. Nộp lệ phí nếu thuộc trường hợp phải nộp lệ phí đăng ký khai sinh. Nộp phí cấp bản sao Giấy khai sinh nếu có yêu cầu cấp bản sao Giấy khai sinh Tải mẫu tờ khai khi đăng ký trực tiếp https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/12/1.%20TK%20%C4%91%C4%83ng%20k%C3%BD%20khai%20sinh.doc Tải mẫu tờ khai khi đăng ký điện tử https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/12/1%20%C4%90%C4%83ng%20k%C3%BD%20khai%20sinh.docx Bước 2: Cán bộ tiếp nhận hồ sơ tại Bộ phận một cửa có trách nhiệm kiểm tra tính chính xác, đầy đủ, thống nhất, hợp lệ của hồ sơ. Trường hợp hồ sơ đầy đủ, hợp lệ thì tiếp nhận hồ sơ. Nếu tiếp nhận hồ sơ sau 15 giờ thì có Phiếu hẹn, trả kết quả cho người có yêu cầu trong ngày làm việc tiếp theo. Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, hợp lệ thì có thông báo cho người yêu cầu bổ sung, hoàn thiện hồ sơ, nêu rõ loại giấy tờ, nội dung cần bổ sung để người có yêu cầu bổ sung, hoàn thiện. Trường hợp người có yêu cầu đăng ký khai sinh không bổ sung, hoàn thiện được hồ sơ thì báo cáo Trưởng bộ phận một cửa có thông báo từ chối giải quyết yêu cầu đăng ký khai sinh. Bước 3: Công chức tư pháp - hộ tịch thẩm tra hồ sơ (thẩm tra tính thống nhất, hợp lệ của các thông tin trong hồ sơ, giấy tờ, tài liệu do người yêu cầu nộp, xuất trình hoặc đính kèm). Trường hợp hồ sơ cần bổ sung, hoàn thiện hoặc không đủ điều kiện giải quyết, phải từ chối thì gửi thông báo về tình trạng hồ sơ tới Bộ phận một cửa để thông báo cho người nộp hồ sơ. Trường hợp cần phải kiểm tra, xác minh làm rõ hoặc do nguyên nhân khác mà không thể trả kết quả đúng thời gian đã hẹn thì công chức làm công tác hộ tịch lập Phiếu xin lỗi và hẹn lại ngày trả kết quả. Trường hợp tiếp nhận hồ sơ đăng ký khai sinh theo hình thức trực tiếp, khi hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, đúng quy định, thì công chức tư pháp - hộ tịch thực hiện việc ghi vào Sổ đăng ký khai sinh, cập nhật thông tin đăng ký khai sinh trên Phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử dùng chung, lưu chính thức và chuyển thông tin đến CSDLQGVDC để lấy Số định danh cá nhân. Bước 4: Sau khi cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trả về Số định danh cá nhân, công chức tư pháp - hộ tịch in Giấy khai sinh, trình Lãnh đạo UBND ký, chuyển tới Bộ phận một cửa để trả kết quả cho người có yêu cầu. Bước 5: Người có yêu cầu đăng ký khai sinh kiểm tra thông tin trên Giấy khai sinh, trong Sổ đăng ký khai sinh và ký tên vào Sổ đăng ký khai sinh, nhận Giấy khai sinh. Ngoài ra, hiện nay bạn còn có thể làm Giấy khai sinh điện tử thông qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia hoặc Cổng Dịch vụ công cấp tỉnh. Thời gian làm Giấy khai sinh điện tử cũng sẽ tương tự với làm Giấy khai sinh trực tiếp.
Cha mẹ có được bán tài sản của con đã thành niên không?
Pháp luật có quy định về tài sản riêng của con và quyền quản lý tài sản riêng của con của cha mẹ, vậy cha mẹ có được định đoạt tài sản của con đã thành niên không? (1) Cha mẹ có được quản lý tài sản của con? Theo Điều 75 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định về tài sản riêng của con như sau: - Con có quyền có tài sản riêng. Tài sản riêng của con bao gồm tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng, thu nhập do lao động của con, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của con và thu nhập hợp pháp khác. Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của con cũng là tài sản riêng của con. Và Điều 76 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định về quyền quản lý tài sản riêng của con đối với cha mẹ: - Con từ đủ 15 tuổi trở lên có thể tự mình quản lý tài sản riêng hoặc nhờ cha mẹ quản lý. - Tài sản riêng của con dưới 15 tuổi, con mất năng lực hành vi dân sự do cha mẹ quản lý. - Cha mẹ có thể ủy quyền cho người khác quản lý tài sản riêng của con. - Tài sản riêng của con do cha mẹ hoặc người khác quản lý được giao lại cho con khi con từ đủ 15 tuổi trở lên hoặc khi con khôi phục năng lực hành vi dân sự đầy đủ, trừ trường hợp cha mẹ và con có thỏa thuận khác. - Cha mẹ không quản lý tài sản riêng của con trong trường hợp con đang được người khác giám hộ theo quy định của Bộ luật dân sự; người tặng cho tài sản hoặc để lại tài sản thừa kế theo di chúc cho người con đã chỉ định người khác quản lý tài sản đó hoặc trường hợp khác theo quy định của pháp luật. Như vậy, con cái có quyền có tài sản riêng và được pháp luật bảo vệ về quyền đối với tài sản đó. Cha mẹ được quyền quản lý hoặc ủy quyền cho người khác quản lý tài sản của con khi con dưới 15 tuổi hoặc mất năng lực hành vi dân sự và phải giao lại cho con khi con đủ 15 tuổi hoặc khôi phục năng lực hành vi dân sự. (2) Cha mẹ có được bán tài sản của con đã thành niên không? Người đã thành niên là người từ đủ 18 tuổi trở lên theo quy định của Bộ Luật Dân sự 2015. Như đã chứng minh ở trên, con cái có quyền sở hữu tài sản riêng. Về quyền sở hữu, tại Điều 158 Bộ Luật Dân sự 2015 quy định: “Quyền sở hữu bao gồm quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt tài sản của chủ sở hữu theo quy định của luật.” Bên cạnh đó, theo Điều 77 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định về quyền định đoạt tài sản của con như sau: - Trường hợp cha mẹ hoặc người giám hộ quản lý tài sản riêng của con dưới 15 tuổi thì có quyền định đoạt tài sản đó vì lợi ích của con, nếu con từ đủ 09 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con. - Con từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi có quyền định đoạt tài sản riêng, trừ trường hợp tài sản là bất động sản, động sản có đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng hoặc dùng tài sản để kinh doanh thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của cha mẹ hoặc người giám hộ. Theo các quy định trên, cha mẹ có quyền định đoạt tài sản của con dưới 15 tuổi vì lợi ích của con, tuy nhiên, trong trường hợp con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự thì việc định đoạt tài sản riêng của con lại do người giám hộ thực hiện. Theo Điều 73 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, cha mẹ là người đại diện cho con khi con chưa đủ tuổi thành niên hoặc đủ tuổi thành niên nhưng mất năng lực hành vi dân sự. Như vậy cha, mẹ không phải là người giám hộ của con. Khi con đủ tuổi thành niên sẽ được pháp luật bảo hộ về quyền sở hữu, nếu con mất năng lực hành vi dân sự thì do người giám hộ thực hiện việc định đoạt. Như vậy cha mẹ không phải chủ sở hữu của tài sản, không phải là người giám hộ thì không được quyền định đoạt tài sản của con đủ tuổi thành niên? Cũng chưa hẳn, theo khoản 2 Điều 22 Bộ Luật Dân sự 2015 quy định: "Giao dịch dân sự của người mất năng lực hành vi dân sự phải do người đại diện theo pháp luật xác lập, thực hiện." Thực tế, khái niệm người giám hộ chỉ xuất hiện khi người con không còn cha mẹ, tức là người đại diện, thì khi này mới cần vai trò của người giám hộ đối với người mất năng lực hành vi dân sự. Cùng với đó, Điều 73 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định: - Cha mẹ là người đại diện theo pháp luật của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự, trừ trường hợp con có người khác làm giám hộ hoặc có người khác đại diện theo pháp luật - Cha hoặc mẹ có quyền tự mình thực hiện giao dịch nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình. Như vậy, từ quy định Điều 22 Bộ Luật Dân sự 2015 và Điều 73 Luật Hôn Nhân gia đình 2014, có thể kết luận cha mẹ có quyền tự mình thực hiện các giao dịch tài sản của con vì mục đích đáp ứng các nhu cầu thiết yếu của con đã thành niên khi con đã thành niên bị mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động, không có khả năng tự nuôi mình. Trường hợp con đã thành niên có đầy đủ năng lực hành vi dân sự thì cha mẹ không được bán (định đoạt) tài sản của con.
Con hư tại mẹ cháu hư tại bà đúng hay sai? Quyền và nghĩa vụ của cha mẹ đối với con cái?
Trong việc giáo dục con cái, mọi người thường có câu nói rằng "Con hư tại mẹ cháu hư tại bà". Vậy câu nói này đúng hay sai? 1. Con hư tại mẹ cháu hư tại bà đúng hay sai? Câu tục ngữ "Con hư tại mẹ cháu hư tại bà" từ lâu đã trở thành một lời nhắc nhở về tầm quan trọng của việc giáo dục con cái trong gia đình. Từ 'hư' đại diện cho thái độ, đạo đức không đúng, thiếu ngoan ngoãn, lễ độ. Câu nói này mang hai ý nghĩa chính: - Vai trò của người mẹ trong việc giáo dục con: + Mẹ là người phụ nữ đầu tiên trong cuộc đời mỗi con người, là người trực tiếp nuôi dưỡng và dạy dỗ con nên người. + Mẹ có ảnh hưởng to lớn đến sự phát triển về nhân cách, đạo đức và trí tuệ của con. + Việc giáo dục con cái cần được thực hiện ngay từ khi con còn nhỏ, bởi đây là giai đoạn quan trọng để hình thành thói quen và tính cách. - Vai trò của người bà trong việc giáo dục cháu: + Bà là người có nhiều kinh nghiệm sống và hiểu biết về con người, có thể giúp đỡ con dâu trong việc giáo dục con cái. + Bà thường dành nhiều tình yêu thương và sự quan tâm cho con cháu, có thể ảnh hưởng đến cách con cháu nhìn nhận thế giới. + Tuy nhiên, sự nuông chiều quá mức của bà có thể dẫn đến việc con cháu hư hỏng. Tóm lại, câu tục ngữ "Con hư tại mẹ cháu hư tại bà" không chỉ đơn giản là lời đổ lỗi cho người mẹ và người bà khi con cháu hư hỏng mà đó còn là lời nhắc nhở về tầm quan trọng của việc giáo dục con cái trong gia đình, để con cháu trưởng thành và nên người, cha mẹ, ông bà cần phối hợp và thống nhất trong việc giáo dục, tạo môi trường sống lành mạnh và truyền cho con cháu những giá trị tốt đẹp. 2. Quyền và nghĩa vụ của cha mẹ đối với con cái? Cha mẹ có vai trò cực kỳ quan trọng trong việc nuôi dưỡng và giáo dục con cái. Theo quy định tại Điều 69 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 thì cha mẹ có các quyền và nghĩa vụ sau đây: - Thương yêu con, tôn trọng ý kiến của con; - Chăm lo việc học tập, giáo dục để con phát triển lành mạnh về thể chất, trí tuệ, đạo đức, trở thành người con hiếu thảo của gia đình, công dân có ích cho xã hội. - Trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình. - Giám hộ hoặc đại diện theo quy định của Bộ luật dân sự cho con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự. - Không được phân biệt đối xử với con trên cơ sở giới hoặc theo tình trạng hôn nhân của cha mẹ; - Không được lạm dụng sức lao động của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động; - Không được xúi giục, ép buộc con làm việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội. Bên cạnh đó, tại khoản 1 Điều 71 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 còn quy định thêm cha, mẹ có nghĩa vụ và quyền ngang nhau, cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình. Trong việc giáo dục con, cha mẹ có các quyền và nghĩa vụ được quy định tại Điều 72 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 như sau: - Cha mẹ có nghĩa vụ và quyền giáo dục con, chăm lo và tạo điều kiện cho con học tập. - Cha mẹ tạo điều kiện cho con được sống trong môi trường gia đình đầm ấm, hòa thuận; làm gương tốt cho con về mọi mặt; phối hợp chặt chẽ với nhà trường, cơ quan, tổ chức trong việc giáo dục con. - Cha mẹ hướng dẫn con chọn nghề; tôn trọng quyền chọn nghề, quyền tham gia hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của con. - Cha mẹ có thể đề nghị cơ quan, tổ chức hữu quan giúp đỡ để thực hiện việc giáo dục con khi gặp khó khăn không thể tự giải quyết được.
Cha mẹ khác dân tộc, con sinh ra theo dân tộc nào?
Có nhiều gia đình có cha và mẹ khác dân tộc với nhau sinh con ra và băn khoăn không biết con sẽ được theo dân tộc nào. Bài viết sau đây sẽ giúp người đọc giải đáp thắc mắc trên. Dân tộc có nằm trong nội dung đăng ký khai sinh không? Theo quy định tại Điều 14 Luật Hộ tịch 2014, nội dung đăng ký khai sinh bao gồm: - Các nội dung: + Thông tin của người được đăng ký khai sinh: Họ, chữ đệm và tên; giới tính; ngày, tháng, năm sinh; nơi sinh; quê quán; dân tộc; quốc tịch; + Thông tin của cha, mẹ người được đăng ký khai sinh: Họ, chữ đệm và tên; năm sinh; dân tộc; quốc tịch; nơi cư trú; + Số định danh cá nhân của người được đăng ký khai sinh. - Việc xác định quốc tịch, dân tộc, họ của người được khai sinh được thực hiện theo quy định của pháp luật về quốc tịch Việt Nam và pháp luật dân sự. - Nội dung đăng ký khai sinh là thông tin hộ tịch cơ bản của cá nhân, được ghi vào Sổ hộ tịch, Giấy khai sinh, cập nhật vào Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử và Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Hồ sơ, giấy tờ của cá nhân liên quan đến thông tin khai sinh phải phù hợp với nội dung đăng ký khai sinh của người đó. Như vậy, việc xác định dân tộc cho con cũng nằm trong nội dung đăng ký khai sinh theo quy định của Luật Hộ tịch 2014. Cha mẹ khác dân tộc thì con sinh ra sẽ được theo dân tộc nào? Theo Khoản 2 Điều 29 Bộ luật dân sự 2015 quy định: - Cá nhân khi sinh ra được xác định dân tộc theo dân tộc của cha đẻ, mẹ đẻ. + Trường hợp cha đẻ, mẹ đẻ thuộc hai dân tộc khác nhau thì dân tộc của con được xác định theo dân tộc của cha đẻ hoặc mẹ đẻ theo thỏa thuận của cha đẻ, mẹ đẻ; + Trường hợp không có thỏa thuận thì dân tộc của con được xác định theo tập quán; + Trường hợp tập quán khác nhau thì dân tộc của con được xác định theo tập quán của dân tộc ít người hơn. - Trường hợp trẻ em bị bỏ rơi, chưa xác định được cha đẻ, mẹ đẻ và được nhận làm con nuôi thì được xác định dân tộc theo dân tộc của cha nuôi hoặc mẹ nuôi theo thỏa thuận của cha mẹ nuôi. Trường hợp chỉ có cha nuôi hoặc mẹ nuôi thì dân tộc của trẻ em được xác định theo dân tộc của người đó. - Trường hợp trẻ em bị bỏ rơi, chưa xác định được cha đẻ, mẹ đẻ và chưa được nhận làm con nuôi thì được xác định dân tộc theo đề nghị của người đứng đầu cơ sở nuôi dưỡng trẻ em đó hoặc theo đề nghị của người đang tạm thời nuôi dưỡng trẻ em vào thời điểm đăng ký khai sinh cho trẻ em. Đồng thời, điểm a Khoản 1 Điều 4 Nghị định 123/2015/NĐ-CP quy định: Họ, chữ đệm, tên và dân tộc của trẻ em được xác định theo thỏa thuận của cha, mẹ theo quy định của pháp luật dân sự và được thể hiện trong Tờ khai đăng ký khai sinh; trường hợp cha, mẹ không có thỏa thuận hoặc không thỏa thuận được, thì xác định theo tập quán; Như vậy, dân tộc của con sẽ được xác định tuỳ theo thoả thuận của cha và mẹ muốn cho con theo dân tộc nào. Nếu cha và mẹ không có thoả thuận thì xác định theo tập quán của 2 dân tộc. Nếu tập quán 2 dân tộc khác nhau thì xác định theo tập quán của dân tộc có ít người hơn. Có đổi dân tộc cho con được hay không? Theo Khoản 3, Khoản 4, Khoản 4 Điều 29 Bộ luật dân sự 2015 có quy định về đổi dân tộc như sau: - Cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định lại dân tộc trong trường hợp sau đây: + Xác định lại theo dân tộc của cha đẻ hoặc mẹ đẻ trong trường hợp cha đẻ, mẹ đẻ thuộc hai dân tộc khác nhau; + Xác định lại theo dân tộc của cha đẻ hoặc mẹ đẻ trong trường hợp con nuôi đã xác định được cha đẻ, mẹ đẻ của mình. - Việc xác định lại dân tộc cho người từ đủ mười lăm tuổi đến dưới mười tám tuổi phải được sự đồng ý của người đó. - Cấm lợi dụng việc xác định lại dân tộc nhằm mục đích trục lợi hoặc gây chia rẽ, phương hại đến sự đoàn kết của các dân tộc Việt Nam. Đồng thời, tại Điều 10 Thông tư 04/2020/TT-BTP quy định về nội dung đăng ký lại khai sinh như sau: - Trường hợp người yêu cầu đăng ký lại khai sinh có giấy tờ theo quy định tại khoản 4 Điều 26 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP và khoản 1, khoản 2 Điều 9 Thông tư này thì nội dung đăng ký lại khai sinh được xác định theo giấy tờ đó. - Tại thời điểm đăng ký lại khai sinh, nếu thông tin về cha, mẹ và của bản thân người yêu cầu đăng ký lại khai sinh có thay đổi so với nội dung giấy tờ, thì người đó có trách nhiệm xuất trình giấy tờ hợp lệ chứng minh việc thay đổi. Nếu việc thay đổi thông tin là phù hợp với quy định pháp luật thì nội dung đăng ký lại khai sinh được xác định theo thông tin thay đổi; Nội dung thông tin trước khi thay đổi được ghi vào mặt sau của Giấy khai sinh và mục “Ghi chú” trong Sổ đăng ký khai sinh. Trường hợp cha, mẹ của người yêu cầu đăng ký lại khai sinh đã chết thì mục “Nơi cư trú” trong Sổ đăng ký khai sinh, Giấy khai sinh ghi: “Đã chết”. Trường hợp địa danh hành chính đã có sự thay đổi so với địa danh ghi trong giấy tờ được cấp trước đây thì ghi theo địa danh hành chính hiện tại; địa danh hành chính trước đây được ghi vào mặt sau của Giấy khai sinh và mục Ghi chú trong Sổ đăng ký khai sinh. Như vậy, có thể thay đổi dân tộc cho con theo các trường hợp nêu trên và việc thay đổi thực hiện theo quy định về nội dung đăng ký lại khai sinh tại Luật hộ tịch và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn Luật hộ tịch. Bài viết trên đây đã giải đáp cho người đọc câu hỏi cha mẹ khác dân tộc, con sinh ra theo dân tộc nào? Đồng thời, bài viết cũng cung cấp thêm thông tin về việc thay đổi dân tộc cho con. Người đọc có thể tham khảo để nắm được quy định của pháp luật về vấn đề này. Xem thêm: Thủ tục đăng ký khai sinh cho con năm 2024 Thủ tục đăng ký lại khai sinh năm 2024
"Con dại cái mang"- Con gây thiệt hại cha mẹ có phải bồi thường không ?
Ngày nay có lẽ nhiều người không quá xa lạ với câu nói “con nít thì biết gì?”. Thực tế, có nhiều tình huống xảy ra khi con trẻ nghịch ngợm, gây thiệt hại cho người khác. Khi rơi vào tình huống như vậy, trách nhiệm bồi thường thiệt hại sẽ thuộc về ai? (1) “Con dại cái mang” trong cuộc sống và pháp luật “Con dại cái mang” là câu tục ngữ của ông bà ta, ý nghĩa cùa câu tục ngữ này là con cái có những hành vi sai trái thì cha mẹ là người gánh những hậu quả mà con gây ra. Khi còn là một đứa con nít, có đôi lần mình cũng quá khích, bày những trò nghịch ngợm, quậy phá.Hậu quả của những lần quá khích như thế là lúc thì rơi vỡ đồ thủy tinh, lúc thì làm phiền tới hàng xóm xung quanh. Tuy nhiên, kết quả chung của những lần đó đều là cha mẹ đứng ra xin lỗi, giải quyết hoặc bồi thường. Những lúc vậy mình thường được nghe cha mẹ nói câu “con dại cái mang”. Khi đã trưởng thành và có hiểu biết về pháp luật, biết rõ hành vi của mình gây ra thì phải tự chịu trách nhiệm trước pháp luật. Dưới góc độ pháp lý câu nói “con dại cái mang” của ông cha ta ngày xưa, liệu có phải tất cả những cái “dại” của con cái, cha mẹ đều phải “mang” không? (2) Trách nhiệm bồi thường thiệt hại phát sinh khi nào? Căn cứ theo quy định tại Điều 584 Bộ Luật Dân sự 2015, trách nhiệm bồi thường thiệt hại phát sinh khi: - Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ khi có quy định khác - Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, hoặc trừ trường hợp có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định khác. - Trường hợp tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp thiệt hại phát sinh do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại. (3) Trách nhiệm bồi thường của cha mẹ khi con gây thiệt hại Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do con gây ra được quy định tại Điều 74 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014: “Cha mẹ phải bồi thường thiệt hại do con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự gây ra” Các điều khoản bồi thường thiệt hại được quy định chi tiết hơn ở Điều 586 Bộ Luật Dân sự 2015 như sau: - Người chưa đủ mười lăm tuổi gây thiệt hại mà còn cha, mẹ thì cha, mẹ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại; nếu tài sản của cha, mẹ không đủ để bồi thường mà con chưa thành niên gây thiệt hại có tài sản riêng thì lấy tài sản đó để bồi thường phần còn thiếu - Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi gây thiệt hại thì phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu không đủ tài sản để bồi thường thì cha, mẹ phải bồi thường phần còn thiếu bằng tài sản của mình. - Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi gây thiệt hại mà có người giám hộ thì người giám hộ đó được dùng tài sản của người được giám hộ để bồi thường; nếu người được giám hộ không có tài sản hoặc không đủ tài sản để bồi thường thì người giám hộ phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu người giám hộ chứng minh được mình không có lỗi trong việc giám hộ thì không phải lấy tài sản của mình để bồi thường. Như vậy, đúng với tinh thần của câu tục ngữ “con dại cái mang”, cha mẹ (hoặc người giám hộ) phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do con mình gây ra khi con chưa thành niên, dưới 15 tuổi hoặc liên đới chịu trách nhiệm bồi thường nếu con từ đủ 15 tuổi đên chưa đủ 18 tuổi gây thiệt hại. Cha mẹ luôn là người đầu tiên và sẵn sàng che chở cho con cái, có lẽ vì thế, đặc điểm tình mẫu tử thiêng liêng này cũng được áp dụng vào trong pháp luật.
Trường hợp không có giấy khai sinh thì xác định nhân thân thế nào?
Giấy khai sinh của một người là một trong những giấy tờ quan trọng dùng để chứng minh mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái. Qua đó, nếu hợp pháp sẽ được pháp luật công nhận và có đầy đủ các quyền như thừa kế, quyền nhận cha mẹ ruột. Vậy trong trường hợp người không có giấy khai sinh hoặc đã làm mất thì xác định nhân thân ra sao? 1. Giấy khai sinh là gì? Giấy khai sinh được quy định cụ thể tại khoản 6 Điều 4 Luật Hộ tịch 2014 là văn bản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho cá nhân khi được đăng ký khai sinh. Nội dung Giấy khai sinh bao gồm các thông tin cơ bản về cá nhân theo quy định tại khoản 1 Điều 14 Luật Hộ tịch 2014 được quy định như sau: - Thông tin của người được đăng ký khai sinh: Họ, chữ đệm và tên; giới tính; ngày, tháng, năm sinh; nơi sinh; quê quán; dân tộc; quốc tịch; - Thông tin của cha, mẹ người được đăng ký khai sinh: Họ, chữ đệm và tên; năm sinh; dân tộc; quốc tịch; nơi cư trú; - Số định danh cá nhân của người được đăng ký khai sinh. 2. Những loại giấy tờ nào có thể chứng minh quan hệ nhân thân Người muốn xác nhận nhân thân làm căn cứ chứng minh thực hiện thủ tục thừa kế thì có thể thực hiện theo Điều 6 Nghị định 62/2021/NĐ-CP quy định giấy tờ, tài liệu chứng minh quan hệ nhân thân bao gồm: - Giấy tờ, tài liệu chứng minh quan hệ nhân thân thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 2 Điều 20 Luật Cư trú 2020 của vợ về ở với chồng; chồng về ở với vợ; con về ở với cha, mẹ; cha, mẹ về ở với con, bao gồm: + Giấy tờ, tài liệu để chứng minh quan hệ vợ, chồng: Giấy chứng nhận kết hôn; giấy xác nhận tình trạng hôn nhân; xác nhận của UBND cấp xã hoặc UBND cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã nơi cư trú; + Giấy tờ, tài liệu để chứng minh quan hệ cha, mẹ, con: Giấy khai sinh; chứng nhận hoặc quyết định việc nuôi con nuôi; quyết định việc nhận cha, mẹ, con; xác nhận của UBND cấp xã hoặc UBND cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã nơi cư trú; Hộ chiếu còn thời hạn sử dụng có chứa thông tin thể hiện quan hệ nhân thân cha hoặc mẹ với con; quyết định của Tòa án, trích lục hộ tịch hoặc văn bản của cơ quan y tế, cơ quan giám định, cơ quan khác có thẩm quyền xác nhận về quan hệ cha, mẹ với con. - Giấy tờ, tài liệu chứng minh quan hệ nhân thân thuộc trường hợp quy định tại điểm b, điểm c khoản 2 Điều 20 Luật Cư trú 2020 là những đối tượng: Người cao tuổi về ở với anh ruột, chị ruột, em ruột, cháu ruột; người khuyết tật đặc biệt nặng, người khuyết tật nặng, người không có khả năng lao động, người bị bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi về ở với ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột, bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, cháu ruột, người giám hộ; Người chưa thành niên được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý hoặc không còn cha, mẹ về ở với cụ nội, cụ ngoại, ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột, bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; người chưa thành niên về ở với người giám hộ. + Giấy tờ, tài liệu để chứng minh mối quan hệ anh, chị, em ruột, cháu ruột: Giấy khai sinh, xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã nơi cư trú; + Giấy tờ, tài liệu chứng minh mối quan hệ cụ nội, cụ ngoại, ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh, chị, em ruột, cô, dì, chú, bác, cậu ruột, người giám hộ: Quyết định cử người giám hộ; xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã tại nơi cư trú về mối quan hệ nhân thân; + Giấy tờ, tài liệu chứng minh không còn cha, mẹ: Giấy chứng tử của cha, mẹ hoặc quyết định của Tòa án tuyên bố cha, mẹ mất tích, chết, xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã tại nơi cư trú về việc cha, mẹ đã chết; + Giấy tờ chứng minh người cao tuổi: Giấy khai sinh, thẻ Căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân, Hộ chiếu; Sổ Bảo hiểm xã hội, Thẻ bảo hiểm y tế hoặc xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã, Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã tại nơi cư trú về ngày, tháng, năm sinh; + Giấy tờ chứng minh người khuyết tật đặc biệt nặng, người khuyết tật nặng, người không có khả năng lao động, người bị bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi: Chứng nhận của cơ sở y tế từ cấp huyện trở lên hoặc xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã, Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã tại nơi cư trú; + Giấy tờ chứng minh người chưa thành niên gồm: Giấy khai sinh, thẻ Căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân, Hộ chiếu, Sổ Bảo hiểm xã hội, Thẻ bảo hiểm y tế hoặc xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã, Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã tại nơi cư trú về ngày, tháng, năm sinh. - Trường hợp thông tin chứng minh quan hệ nhân thân của công dân đã có trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hoặc cơ sở dữ liệu chuyên ngành thì cơ quan đăng ký cư trú không yêu cầu công dân phải cung cấp giấy tờ chứng minh quan hệ nhân thân. Như vậy, người dân không có giấy khai sinh để xác định nhân thân thì có thể dùng các loại giấy tờ khác như hội chiếu hay một số loại giấy tờ khác, hoặc đến cơ quan có thẩm quyền xin trích lục. Trường hợp bị mất hoặc hư hỏng thì thực hiện thủ tục cấp lại.
Điều kiện đăng ký giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc?
Điều kiện dăng ký giảm trừ gia cảnh cho cha mẹ. Đối với cháu ruột có đăng ký giảm trừ gia cảnh được không? Thời hạn đăng ký giảm trừ và hồ sơ chứng mình người phụ thuộc để đăng ký giảm trừ như thế nào? Điều kiện để đăng ký giảm trừ gia cảnh cho cha mẹ và cháu ruột Theo quy định tại Điều 9 Thông tư 111/2013/TT-BTC để đăng ký giảm trừ gia cảnh cho cha mẹ ruột phải đáp ứng các điều kiện sau: - Nếu cha mẹ còn trong độ tuổi lao động thì phải đáp ứng hai điều kiện: + Bị khuyết tật, không có khả năng lao động + Không có thu nhập hoặc có thu nhập bình quân tháng trong năm từ tất cả các nguồn thu nhập không vượt quá 1.000.000 đồng. - Nếu cha mẹ ngoài độ tuổi lao động thì không có thu nhập hoặc có thu nhập bình quân tháng trong năm từ tất cả các nguồn thu nhập không vượt quá 1.000.000 đồng. =>> Đối với cháu ruột để đăng ký là người phụ thuộc thì người cháu này phải là người không nơi nương tựa mà người nộp thuế đang phải trực tiếp nuôi dưỡng và đáp ứng điều kiện tương tự như đối với cha mẹ ruột nêu trên. Do đó, nếu người cháu này hiện tại đang có cha mẹ đang còn số thì sẽ không thể đăng ký người phụ thuộc được. Quy định về hồ sơ đăng ký giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc Căn cứ Điều 9 Thông tư 111/2013/TT-BTC được sửa đổi bởi Điều 1 Thông tư 79/2022/TT-BTC thì hồ sơ đăng ký người phụ thuộc bao gồm: - Hồ sơ đăng ký đối với cha mẹ: + Bản chụp Chứng minh nhân dân hoặc Căn cước công dân. + Giấy tờ hợp pháp để xác định mối quan hệ của người phụ thuộc với người nộp thuế như bản chụp Giấy xác nhận thông tin về cư trú hoặc Thông báo số định danh cá nhân và thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hoặc giấy tờ khác do cơ quan Cơ quan Công an cấp, giấy khai sinh, quyết định công nhận việc nhận cha, mẹ, con của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. + Trường hợp trong độ tuổi lao động thì ngoài các giấy tờ nêu trên, hồ sơ chứng minh cần có thêm giấy tờ chứng minh là người khuyết tật, không có khả năng lao động như bản chụp Giấy xác nhận khuyết tật theo quy định của pháp luật về người khuyết tật đối với người khuyết tật không có khả năng lao động, bản chụp hồ sơ bệnh án đối với người mắc bệnh không có khả năng lao động (như bệnh AIDS, ung thư, suy thận mãn,..). - Hồ sơ đăng ký đối với cháu: + Bản chụp Chứng minh nhân dân hoặc Căn cước công dân hoặc Giấy khai sinh. + Bản chụp giấy tờ xác định nghĩa vụ nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật (nếu có) + Bản chụp Giấy xác nhận thông tin về cư trú hoặc Thông báo số định danh cá nhân và thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hoặc giấy tờ khác do cơ quan Cơ quan Công an cấp. + Bản tự khai của người nộp thuế theo mẫu ban hành kèm theo Thông tư 80/2021/TT-BTC có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người nộp thuế cư trú về việc người phụ thuộc đang sống cùng. + Bản tự khai của người nộp thuế theo mẫu ban hành kèm theo Thông tư 80/2021/TT-BTC có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người phụ thuộc đang cư trú về việc người phụ thuộc hiện đang cư trú tại địa phương và không có ai nuôi dưỡng (trường hợp không sống cùng) Thời hạn đăng ký giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc Căn cứ điểm c Khoản 1 Điều 9 Thông tư 111/2013/TT-BTC thì trường hợp người nộp thuế chưa tính giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc trong năm tính thuế thì được tính giảm trừ cho người phụ thuộc kể từ tháng phát sinh nghĩa vụ nuôi dưỡng khi người nộp thuế thực hiện quyết toán thuế và có đăng ký giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc. Tức chỉ cần nộp hồ sơ đăng ký giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc đối với cha mẹ chậm nhất là khi thực hiện quyết toán thuế TNCN là được. - Riêng đối với người cháu thời hạn đăng ký giảm trừ gia cảnh chậm nhất là ngày 31 tháng 12 của năm tính thuế, quá thời hạn nêu trên thì không được tính giảm trừ gia cảnh cho năm tính thuế đó =>> Như vậy, người lao động cần xác định chính xác những người phụ thuộc của mình có đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của pháp luật hay không mà chuẩn bị hồ sơ nộp cho người sử dụng lao động để được hưởng quyền lợi giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc khi tính thuế TNCN.
Cha mẹ còn trong độ tuổi lao động thì có được giảm trừ gia cảnh?
Theo quy định tại tiết d.3 điểm d và điểm đ khoản 1 Điều 9 Thông tư 111/2013/TT-BTC, cha đẻ, mẹ đẻ; cha vợ, mẹ vợ (hoặc cha chồng, mẹ chồng); cha dượng, mẹ kế; cha nuôi, mẹ nuôi hợp pháp của người nộp thuế sẽ được tính giảm trừ gia cảnh khi tính thuế thu nhập cá nhân (thuế TNCN) nếu đáp ứng các điều kiện sau đây: - Đối với người trong độ tuổi lao động phải đáp ứng đồng thời các điều kiện sau: + Bị khuyết tật, không có khả năng lao động. + Không có thu nhập hoặc có thu nhập bình quân tháng trong năm từ tất cả các nguồn thu nhập không vượt quá 1.000.000 đồng. - Đối với người ngoài độ tuổi lao động phải không có thu nhập hoặc có thu nhập bình quân tháng trong năm từ tất cả các nguồn thu nhập không vượt quá 1.000.000 đồng. Lưu ý: Người trong độ tuổi lao động là người chưa đến tuổi nghỉ hưu theo quy định của pháp luật về lao động. Như vậy, cha, mẹ của người nộp thuế ngay cả khi trong hoặc ngoài độ tuổi lao động đều có thể được tính giảm trừ gia cảnh nếu đáp ứng đủ các điều kiện bên trên. Theo đó; bố, mẹ mà còn trong độ tuổi lao động sẽ vẫn được tính giảm trừ gia cảnh nếu họ bị khuyết tật, không có khả năng lao động và không thu nhập bình quân tháng trong năm từ tất cả các nguồn không vượt quá 1.000.000 đồng.
Con không nuôi dưỡng cha mẹ thì không được hưởng thừa kế?
Trường hợp con cái ngược đãi, hành hạ, đối xử tệ bạc đối với cha mẹ không còn là hiếm. Hành vi này không những sai trái với đạo đức mà còn vi phạm pháp luật. Vậy không chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ thì con có được nhận di sản thừa kế không? Con cái buộc phải chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ không? Theo Điều 71 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định cụ thể về nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng của con đã thành niên có nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ, đặc biệt khi cha mẹ mất năng lực hành vi dân sự, ốm đau, già yếu, khuyết tật. Trường hợp gia đình có nhiều con thì các con phải cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ. Ngoài ra, nếu con đã thành niên không sống chung với cha mẹ thì phải có nghĩa vụ cấp dưỡng khi cha mẹ không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình. Có thể thấy, việc chăm sóc cha mẹ đặc biệt là lúc ốm đau, bệnh tật không chỉ thể hiện sự hiếu thảo và yêu thương từ con cái mà còn là nghĩa vụ bắt buộc đối với mỗi người. Con không chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ có được hưởng thừa kế? Căn cứ theo Điều 621 Bộ luật Dân sự 2015 quy định những người sau đây không được hưởng di sản theo quy định của pháp luật, bao gồm: - Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe hoặc về hành vi ngược đãi nghiêm trọng, hành hạ người để lại di sản, xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người đó; - Người vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản; - Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng người thừa kế khác nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ phần di sản mà người thừa kế đó có quyền hưởng; - Người có hành vi lừa dối, cưỡng ép hoặc ngăn cản người để lại di sản trong việc lập di chúc; giả mạo di chúc, sửa chữa di chúc, hủy di chúc, che giấu di chúc nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản trái với ý chí của người để lại di sản. Theo đó, con vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng với cha mẹ thì thuộc một trong các đối tượng không được quyền hưởng di sản theo quy định pháp luật. Tuy nhiên, đối tượng này vẫn có thể được hưởng di sản, nếu người để lại di sản đã biết hành vi của những người đó, nhưng vẫn cho họ hưởng di sản theo di chúc. Như vậy, nếu con vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng đối với cha mẹ (người để lại di sản) nhưng cha mẹ đã biết hành vi này mà vẫn cho họ hưởng di sản theo di chúc thì họ vẫn được hưởng. Hành vi ngược đãi, hành hạ cha mẹ sẽ bị xử lý thế nào? Tại Điều 53 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định về hành vi hành hạ, ngược đãi thành viên gia đình có thể bị phạt từ 10-20 triệu đồng. Ngoài ra còn buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu. Bên cạnh đó, tùy theo tính chất và mức độ vi phạm, hành vi này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Cụ thể, theo quy định tại Điều 185 Bộ luật Hình sự 2015 thì người nào đối xử tồi tệ, bạo lực xâm phạm thân thể, khiến cha mẹ, người có công nuôi dưỡng thường xuyên bị đau đớn về thể xác và tinh thần thì có thể bị phạt đến 05 năm tù.
Liệu có được lấy họ của cha để đặt cho con khi cha mẹ chưa đăng ký kết hôn?
Có thể thấy, mỗi cá nhân sinh ra đều có một cái tên nhằm phân biệt người này với người khác và dưới góc độ cơ quan nhà nước trong công tác quản lý thông tin của từng cá nhân đó. Thông thường cha mẹ, sẽ thỏa thuận và đặt tên cho con của mình. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là khi hai người chưa đăng ký kết hôn mà muốn con của mình theo họ cha thì liệu có được mặc dù là cá nhân có quyền có họ, tên (bao gồm cả chữ đệm, nếu có). Họ, tên của một người được xác định theo họ, tên khai sinh của người đó. Căn cứ Điều 26 Bộ luật dân sự 2015 quy định như sau: Điều 26. Quyền có họ, tên 1. Cá nhân có quyền có họ, tên (bao gồm cả chữ đệm, nếu có). Họ, tên của một người được xác định theo họ, tên khai sinh của người đó. 2. Họ của cá nhân được xác định là họ của cha đẻ hoặc họ của mẹ đẻ theo thỏa thuận của cha mẹ; nếu không có thỏa thuận thì họ của con được xác định theo tập quán. Trường hợp chưa xác định được cha đẻ thì họ của con được xác định theo họ của mẹ đẻ. Trường hợp trẻ em bị bỏ rơi, chưa xác định được cha đẻ, mẹ đẻ và được nhận làm con nuôi thì họ của trẻ em được xác định theo họ của cha nuôi hoặc họ của mẹ nuôi theo thỏa thuận của cha mẹ nuôi. Trường hợp chỉ có cha nuôi hoặc mẹ nuôi thì họ của trẻ em được xác định theo họ của người đó. Trường hợp trẻ em bị bỏ rơi, chưa xác định được cha đẻ, mẹ đẻ và chưa được nhận làm con nuôi thì họ của trẻ em được xác định theo đề nghị của người đứng đầu cơ sở nuôi dưỡng trẻ em đó hoặc theo đề nghị của người có yêu cầu đăng ký khai sinh cho trẻ em, nếu trẻ em đang được người đó tạm thời nuôi dưỡng. Cha đẻ, mẹ đẻ được quy định trong Bộ luật này là cha, mẹ được xác định dựa trên sự kiện sinh đẻ; người nhờ mang thai hộ với người được sinh ra từ việc mang thai hộ theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình. 3. Việc đặt tên bị hạn chế trong trường hợp xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại Điều 3 của Bộ luật này. Tên của công dân Việt Nam phải bằng tiếng Việt hoặc tiếng dân tộc khác của Việt Nam; không đặt tên bằng số, bằng một ký tự mà không phải là chữ. 4. Cá nhân xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự theo họ, tên của mình. 5. Việc sử dụng bí danh, bút danh không được gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác. Do đó, căn cứ theo quy định hiện hành, họ của con được xác định theo cha đẻ hoặc mẹ đẻ, việc xác định cha đẻ, mẹ đẻ sẽ dựa trên sự kiện sinh đẻ. Chính vì vậy, nếu cha và mẹ chưa tiến hành đăng ký kết hôn thì vẫn có thể lấy họ của người cha đặt cho đứa bé.
Sau khi ly hôn đương nhiên tước quyền làm cha của chồng cũ
Có rất nhiều trường hợp ly hôn, cha, mẹ có thể không gặp nhau, thậm chí một trong hai bên có quyền nuôi con ngăn cấm việc này. Tuy nhiên, đặt ra vấn đề mối quan hệ đó tức là làm cha hay làm mẹ có bị tước quyền hay không, mà tại sao lại bị hạn chế những cuộc gặp mặt đó. Tại Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn như sau: 1. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan. 2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con. 3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con. Theo Điều 82 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn như sau: 1. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi. 2. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con. 3. Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó. Căn cứ Điều 83 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ trực tiếp nuôi con đối với người không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn như sau: 1. Cha, mẹ trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu người không trực tiếp nuôi con thực hiện các nghĩa vụ theo quy định tại Điều 82 của Luật này; yêu cầu người không trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình tôn trọng quyền được nuôi con của mình. 2. Cha, mẹ trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình không được cản trở người không trực tiếp nuôi con trong việc thăm nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con. Như vậy, theo những quy định trên thì sau ly hôn bạn không thể tước quyền làm cha. Dù đã ly hôn thì người không trực tiếp nuôi nuôi vẫn có quyền được thăm nom, chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục con. Việc muốn tước quyền làm cha liên quan mối qun hệ này là không thể vì điều đấy là vi phạm pháp luật.
Bạo hành con cái – cha mẹ đối diện với mức án nào?
Xử lý hành vi bạo hành con cái của cha mẹ đang ngày càng được sự quan tâm từ xã hội trước thực trạng cha mẹ có hành vi ngược đãi, đánh đập con cái với mức độ nguy hiểm và nghiêm trọng thể hiện qua các vụ án trấn động dư luận dạo gần đây. Với hành vi bạo hành, cha mẹ phải đối diện với những chế tài nào? Quyền và nghĩa vụ của cha mẹ đối với con cái Luật Hôn nhân và gia đình 2014, pháp luật cũng đặt ra những quy định rõ ràng về quyền và nghĩa vụ của cha mẹ đối với con cái. Theo đó bao gồm các hành vi, trách nhiệm. "Thương yêu, tôn trọng ý kiến của con, chăm lo, giáo dục để con được phát triển lành mạnh trên mọi phương diện. Nuôi dưỡng, chăm sóc con chưa thành niên, con đã thành niên nhưng mất năng lực hành vi dân sự hoặc không đủ điều kiện tài chính để tự nuôi mình. Thực hiện các quy định về giám hộ hoặc đại diện theo các quy định của Bộ luật Dân sự 2015 Các hành vi cấm cha mẹ thực hiện: phân biệt đối xử, lạm dụng sức lao động của con cái, xúi giục hoặc ép buộc con làm việc trái pháp luật và đạo đức xã hội” Hành vi bạo lực gia đình Căn cứ Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2007, bạo lực gia đình có thể được thể hiện ở các hình thức như: Bạo lực về thể chất, bạo lực về tinh thần, bạo lực về kinh tế, bạo lực về tình dục. Trong đó, hành vi đánh đập, ngược đãi hoặc cố ý xâm phạm sức khỏe, tính mạng (bạo lực về thể chất), xảy ra phổ biến và với mức độ nghiêm trọng nhiều hơn. Hành vi bố mẹ đánh đập con cái là hành vi bị pháp luật nghiêm cấm, do đó tùy vào tính chất, mức độ của hành vi mà bố mẹ có thể bị xử phạt hành chính hoặc nặng hơn sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Xử phạt vi phạm hành chính Đối với hành vi bạo hành con cái, người có hành vi bạo hành có thể bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 1.500.000 đồng hoặc bị phạt tiền từ 1.500.000 đồng đến 2.000.000 đồng tùy thuộc vào từng trường hợp theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 49 Nghị định 167/2013/NĐ-CP. Truy cứu trách nhiệm hình sự Ngoài việc bị xử lý theo pháp luật dân sự, pháp luật hành chính, cha mẹ có hành vi bạo hành con cái cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tùy tính chất của từng sự việc; cha mẹ bạo hành con cái có thể sẽ bị xử lý về các tội sau đây: Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (căn cứ Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015), khung hình phạt cao nhất có thể bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm. Ngoài ra, người cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng đối với người dưới 16 tuổi thì sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Tội hành hạ người khác (căn cứ Điều 140 Bộ luật Hình sự 2015), bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm đối với người dưới 16 tuổi, gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 31% trở lên; đối với 02 người trở lên. Tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con cái hoặc người có công nuôi dưỡng mình (căn cứ Điều 185 Bộ luật Hình sự 2015), người nào đối xử tồi tệ hoặc có hành vi bạo lực xâm phạm thân thể con, cháu, thường xuyên làm cho nạn nhân bị đau đớn về thể xác, tinh thần; Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Nếu phạm tội thuộc trong trường hợp đối với người dưới 16 tuổi thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm. Như vậy, khi có hành vi bạo hành con cái, cha mẹ hoàn toàn có thể bị ngồi tù do hành vi nguy hiểm dẫn đến phải truy cứu trách nhiệm hình sự.
Con lấy tiền nạp game, cha mẹ có được đòi hãng trả?
Do sự phát triển của xã hội, trẻ em hiện nay được tiếp xúc với máy tính, điện thoại thông minh và trò chơi điện tử (game) từ rất sớm. Vì tuổi nhỏ và tâm lý ganh đua cho “bằng bạn bằng bè”, không ít em đã nạp một số tiền rất lớn vào những trò chơi này, mà chưa hỏi qua ý kiến phụ huynh. Nếu rơi vào hoàn cảnh ấy, bậc cha mẹ có thể yêu cầu hãng game trả lại tiền được hay không? Nạp tiền vào game có đòi được không? - Minh họa Theo quy định tại khoản 1 Điều 117 BLDS 2015, giao dịch dân sự có hiệu lực khi đáp ứng đủ các điều kiện dưới đây: - Người tham gia có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch được xác lập; - Việc tham gia giao dịch là hoàn toàn tự nguyện; - Mục đích và nội dung của giao dịch không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội. Hiện nay, các giao dịch về nạp tiền thật mua game hoặc vật phẩm trong game thuộc những nền tảng “chính thống” như App Store, CH Play, Steam, Garena… không bị pháp luật cấm. Do đó, vấn đề duy nhất cần xét tới ở đây chính là trẻ em có được tham gia vào loại giao dịch như thế này hay không? Điều 21 và điểm a khoản 2 Điều 125 BLDS 2015 quy định về độ tuổi của người tham gia giao dịch dân sự như sau: Thứ nhất, giao dịch dân sự của người dưới 06 tuổi do người đại diện theo pháp luật của người đó xác lập, thực hiện, trừ những giao dịch nhằm phục vụ nhu cầu thiết yếu hàng ngày. Người đại diện có thể là cha, mẹ hoặc người khác do Tòa án chỉ định. Thứ hai, giao dịch dân sự của người từ đủ 06 tuổi đến dưới 15 tuổi phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý, trừ giao dịch phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi. BLDS không quy định “nhu cầu thiết yếu” hoặc “nhu cầu sinh hoạt hằng ngày” là gì. Tuy nhiên, ta có thể tham khảo từ khoản 20 Điều 3 Luật HN&GĐ 2014. Theo đó, “nhu cầu thiết yếu” được hiểu là “nhu cầu sinh hoạt” thông thường về ăn, mặc, ở, học tập, khám bệnh, chữa bệnh hoặc khác không thể thiếu cho cuộc sống của mỗi người, mỗi gia đình. Có thể thấy rõ việc giao dịch trong trò chơi điện tử thuộc về nhóm “giải trí” và không phải là thứ “không thể thiếu” trong đời sống. Chính vì vậy, việc bán thẻ nạp game cho trẻ em mà chưa thông qua bố mẹ là với quy định của pháp luật, nên sẽ bị vô hiệu. Thứ ba, người từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi được tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự, trừ giao dịch liên quan tài sản phải đăng ký với nhà nhà nước hoặc giao dịch khác mà theo quy định phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý. Như vậy, nếu người từ đủ 15 tuổi trở lên được tự mình mua thẻ nạp game thì giao dịch này không bị vô hiệu. Tuy nhiên, đấy mới chỉ là trong trường hợp mua bán thẻ vật lý, cầm nắm tận tay được. Còn đối với trường hợp trẻ dùng tài khoản ngân hàng của bố mẹ để nạp tiền qua ví điện tử hoặc cổng thanh toán trực tuyến thì sẽ khó giải quyết hơn nhiều. Thông thường, các giao dịch loại này đều yêu cầu phải có xác nhận bằng mật khẩu, vân tay. Nếu vì lý do nào đó mà trẻ thông qua được bước này thì sẽ rất khó để yêu cầu hoàn trả tiền, vì về nguyên tắc, chủ tài khoản có trách nhiệm giữ bí mật mật khẩu và vân tay của mình. Mặt khác, giao dịch tiến hành trực tuyến hoàn toàn nên rất khó để chứng minh trẻ hay phụ huynh mới là bên giao dịch thực sự. Ấy là chưa kể đến, rất nhiều nhà phát hành yêu cầu người chơi phải cam kết đồng ý điều khoản rồi mới được tham gia. Mà thông thường, nó bao gồm cả điều khoản về việc không hoàn trả tiền đã nạp vào tài khoản. Chung quy lại, để không xảy ra cảnh “dở khóc dở cười” này, tốt nhất cha mẹ nên quản lý tốt con mình chơi gì và trò chơi đó có nạp thẻ hay không, nhất là những trò chơi cho phép chi trả thông qua ứng dụng thanh toán cài đặt sẵn trên thiết bị.