Phát hiện hóa đơn điện tử có sai sót sau khi gửi cho người mua thì xử lý thế nào?
Sai sót trong hóa đơn điện tử có thể gây ra nhiều hệ lụy. Bài viết này sẽ hướng dẫn cách xử lý khi gặp tình huống phát hiện hóa đơn điện tử có sai sót sau khi đã gửi cho người mua (1) Hóa đơn điện tử là gì? Theo khoản 2 Điều 3 Nghị định 123/2020/NĐ-CP, hóa đơn điện tử có hai loại là: - Hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế là hóa đơn điện tử được cơ quan thuế cấp mã trước khi tổ chức, cá nhân bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ gửi cho người mua. - Hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế là hóa đơn điện tử do tổ chức bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ gửi cho người mua không có mã của cơ quan thuế. Tổ chức, cá nhân bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ lập hóa đơn điện tử bằng các phương tiện điện tử để ghi nhận thông tin bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, bao gồm cả trường hợp hóa đơn được khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế. Các hóa đơn này là tài liệu quan trọng để làm căn cứ để tính thuế và chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hóa. Do đó, khi có sai sót thông tin trên hóa đơn điện tử, người bán phải xử lý theo quy định của pháp luật. (2) Phát hiện hóa đơn điện tử có sai sót sau khi gửi cho người mua thì xử lý thế nào? Theo quy định tại khoản 2 Điều 19 Nghị định 123/2020/NĐ-CP, trường hợp hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế hoặc hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế đã gửi cho người mua mà người mua hoặc người bán phát hiện có sai sót thì xử lý như sau: Trường hợp có sai sót về tên, địa chỉ của người mua nhưng không sai mã số thuế, các nội dung khác không sai sót Người bán thông báo cho người mua về việc hóa đơn có sai sót và không phải lập lại hóa đơn. Người bán thực hiện thông báo với cơ quan thuế về hóa đơn điện tử có sai sót theo Mẫu số 04/SS-HĐĐT Phụ lục IA ban hành kèm theo Nghị định 123/2020/NĐ-CP, trừ trường hợp hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế có sai sót nêu trên chưa gửi dữ liệu hóa đơn cho cơ quan thuế. >>> Tải Mẫu số 04/SS-HĐĐT tại đây https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/8/06/Ph%E1%BB%A5%20l%E1%BB%A5c%20IA%20-%20M%E1%BA%ABu%20s%E1%BB%91%2004_SS-H%C4%90%C4%90T.doc Trường hợp có sai: mã số thuế; sai sót về số tiền ghi trên hóa đơn, sai về thuế suất, tiền thuế hoặc hàng hóa ghi trên hóa đơn không đúng quy cách, chất lượng Người bán có thể lựa chọn một trong hai cách sử dụng hóa đơn điện tử như sau: 1- Người bán lập hóa đơn điện tử điều chỉnh hóa đơn đã lập có sai sót. Trường hợp người bán và người mua có thỏa thuận về việc lập văn bản thỏa thuận trước khi lập hóa đơn điều chỉnh cho hóa đơn đã lập có sai sót thì người bán và người mua lập văn bản thỏa thuận ghi rõ sai sót, sau đó người bán lập hóa đơn điện tử điều chỉnh hóa đơn đã lập có sai sót. Hóa đơn điện tử điều chỉnh hóa đơn điện tử đã lập có sai sót phải có dòng chữ “Điều chỉnh cho hóa đơn Mẫu số... ký hiệu... số... ngày... tháng... năm”. 2- Người bán lập hóa đơn điện tử mới thay thế cho hóa đơn điện tử có sai sót trừ trường hợp người bán và người mua có thỏa thuận về việc lập văn bản thỏa thuận trước khi lập hóa đơn thay thế cho hóa đơn đã lập có sai sót thì người bán và người mua lập văn bản thỏa thuận ghi rõ sai sót, sau đó người bán lập hóa đơn điện tử thay thế hóa đơn đã lập có sai sót. Hóa đơn điện tử mới thay thế hóa đơn điện tử đã lập có sai sót phải có dòng chữ “Thay thế cho hóa đơn Mẫu số... ký hiệu... số... ngày... tháng... năm”. Theo đó, người bán ký số trên hóa đơn điện tử mới điều chỉnh hoặc thay thế cho hóa đơn điện tử đã lập có sai sót sau đó người bán gửi cho người mua (đối với trường hợp sử dụng hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế) hoặc gửi cơ quan thuế để cơ quan thuế cấp mã cho hóa đơn điện tử mới để gửi cho người mua (đối với trường hợp sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế). Đối với ngành hàng không Hóa đơn đổi, hoàn chứng từ vận chuyển hàng không được coi là hóa đơn điều chỉnh mà không cần có thông tin “Điều chỉnh tăng/giảm cho hóa đơn Mẫu số... ký hiệu... ngày... tháng... năm”. Doanh nghiệp vận chuyển hàng không được phép xuất hóa đơn của mình cho các trường hợp hoàn, đổi chứng từ vận chuyển do đại lý xuất. Như vậy, dựa vào từng trường hợp sai sót trên hóa đơn mà người bán sẽ thực hiện việc điều chỉnh tương ứng, phù hợp với quy định pháp luật như: thông báo cho khách hàng, gửi thông báo đến cơ quan thuế theo mẫu quy định, lập hóa đơn điều chỉnh hoặc hủy hóa đơn cũ và lập hóa đơn mới. (3) Thời gian gửi thông báo cho cơ quan thuế Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 7 Thông tư 78/2021/TT-BTC, trường hợp hóa đơn điện tử đã lập có sai sót phải cấp lại mã của cơ quan thuế hoặc hóa đơn điện tử có sai sót cần xử lý theo hình thức điều chỉnh hoặc thay thế thì người bán được lựa chọn sử dụng Mẫu số 04/SS-HĐĐT tại Phụ lục IA ban hành kèm theo Nghị định 123/2020/NĐ-CP để thông báo việc điều chỉnh cho từng hóa đơn có sai sót hoặc thông báo việc điều chỉnh cho nhiều hóa đơn điện tử có sai sót và gửi thông báo này đến cơ quan thuế bất cứ thời gian nào nhưng chậm nhất là ngày cuối cùng của kỳ kê khai thuế giá trị gia tăng phát sinh hóa đơn điện tử điều chỉnh. (4) Một số trường hợp khác Tại khoản 1 Điều 7 Thông tư 78/2021/TT-BTC có hướng dẫn xử lý trong một số trường hợp có sai sót trong việc lập hóa đơn điện tử, cụ thể: Trường hợp hủy, chấm dứt cung cấp dịch vụ khi đã lập hóa đơn Trường hợp người bán lập hóa đơn khi thu tiền trước hoặc trong khi cung cấp dịch vụ theo quy định tại Khoản 2 Điều 9 Nghị định 123/2020/NĐ-CP sau đó có phát sinh việc hủy hoặc chấm dứt việc cung cấp dịch vụ thì người bán thực hiện hủy hóa đơn điện tử đã lập và thông báo với cơ quan thuế về việc hủy hóa đơn theo Mẫu số 04/SS-HĐĐT. Trường hợp đã điều chỉnh, thay thế hóa đơn nhưng lại phát hiện thêm sai sót Trường hợp hóa đơn điện tử đã lập có sai sót và người bán đã xử lý theo hình thức điều chỉnh hoặc thay thế theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 19 Nghị định 123/2020/NĐ-CP, sau đó lại phát hiện hóa đơn tiếp tục có sai sót thì các lần xử lý tiếp theo người bán sẽ thực hiện theo hình thức đã áp dụng khi xử lý sai sót lần đầu; Hóa đơn điện tử không có ký hiệu mẫu số, ký hiệu hóa đơn, số hóa đơn có sai sót Trường hợp theo quy định hóa đơn điện tử được lập không có ký hiệu mẫu số hóa đơn, ký hiệu hóa đơn, số hóa đơn có sai sót thì người bán chỉ thực hiện điều chỉnh mà không thực hiện hủy hoặc thay thế. Trường hợp chỉ sai sót về giá trị ghi trên hóa đơn Đối với nội dung về giá trị trên hóa đơn có sai sót thì điều chỉnh tăng (ghi dấu dương), điều chỉnh giảm (ghi dấu âm) đúng với thực tế điều chỉnh. Phát hiện hóa đơn điện tử có sai sót sau khi gửi cho khách hàng là tình huống không mong muốn nhưng hoàn toàn có thể khắc phục, việc xử lý nhanh chóng và đúng quy định sẽ giúp doanh nghiệp duy trì uy tín và mối quan hệ tốt đẹp với khách hàng. Đồng thời, để hạn chế tình trạng sai sót khi lập hóa đơn điện tử, doanh nghiệp nên đầu tư vào phần mềm quản lý hóa đơn điện tử chuyên nghiệp và thường xuyên kiểm tra lại thông tin trước khi gửi hóa đơn.
Xử lý đối với trường hợp tên tổ hợp tác, hợp tác xã xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp?
Ngày 18 tháng 7 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định 92/2024/NĐ-CP quy định về đăng ký tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã. Theo đó, trường hợp tên tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp xử lý như sau: Quyền sở hữu công nghiệp? Quyền sở hữu công nghiệp là quyền của tổ chức, cá nhân đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu và quyền chống cạnh tranh không lành mạnh (Theo Khoản 4 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005). Theo điểm b khoản 3 Điều 6 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, quyền sở hữu công nghiệp đối với tên thương mại được xác lập trên cơ sở sử dụng hợp pháp tên thương mại đó. Tên tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp Theo Khoản 1 Điều 18 Nghị định 92/2024/NĐ-CP quy định tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã không được đặt tên xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với tên thương mại, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý của tổ chức, cá nhân khác theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ,. Trừ trường hợp được sự chấp thuận của chủ sở hữu tên thương mại, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đó. Trước khi đăng ký đặt tên, người thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoặc tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã tham khảo các nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đã đăng ký và được lưu trữ tại cơ sở dữ liệu về nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý của cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp. Tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã phải tự chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu đặt tên xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp. Việc xử lý tên tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp Theo Khoản 2 Điều 18 Nghị định 92/2024/NĐ-CP quy định việc xử lý tên tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp được thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành. Căn cứ để xác định tên tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp thực hiện theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ. Theo Khoản 3 Điều 18 Nghị định 92/2024/NĐ-CP quy định chủ thể quyền sở hữu công nghiệp có quyền gửi văn bản đề nghị đến cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện để yêu cầu tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã có tên xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp phải thay đổi tên tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã. Kèm theo văn bản đề nghị của chủ thể quyền sở hữu công nghiệp phải có bản sao các giấy tờ sau đây: - Văn bản kết luận của cơ quan có thẩm quyền về việc sử dụng tên tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã là xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp; - Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý; bản trích lục Sổ đăng ký quốc gia về nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý được bảo hộ do cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp cấp; Giấy chứng nhận nhãn hiệu đăng ký quốc tế được bảo hộ tại Việt Nam do cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp cấp; hợp đồng sử dụng đối tượng quyền sở hữu công nghiệp trong trường hợp người yêu cầu là người được chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp đó. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ giấy tờ quy định tại khoản này, cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện ra thông báo yêu cầu tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã có tên xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp phải đăng ký thay đổi tên. Kèm theo thông báo phải có các giấy tờ quy định tại khoản này. Trường hợp tên tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp thì tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã có tên vi phạm phải đăng ký thay đổi tên. Tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã có tên vi phạm phải đăng ký thay đổi tên trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện ra thông báo yêu cầu thay đổi tên hoặc cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm yêu cầu. Trường hợp tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã không đăng ký thay đổi tên xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp theo yêu cầu, cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện thông báo cho cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm để xử lý theo quy định. Việc xử lý đối với trường hợp tên chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp thực hiện theo quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 18 Nghị định 92/2024/NĐ-CP. Trên đây là quy định về Xử lý đối với trường hợp tên tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp theo Nghị định 92/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 18/07/2024.
Thí sinh gian lận khi thi tốt nghiệp THPT quốc gia bị xử lý thế nào?
Thi tốt nghiệp THPT quốc gia là một kỳ thi quan trọng đối với học sinh lớp 12 tại Việt Nam, không chỉ để xét tốt nghiệp mà còn là cơ sở để tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng. Tuy nhiên, vấn đề gian lận thi cử luôn là mối lo ngại lớn, nếu “thí sinh gian lận khi thi tốt nghiệp THPT quốc gia bị xử lý thế nào?” đã trở thành câu hỏi nhận được sự quan tâm của đông đảo mọi người. Gian lận thi cử được hiểu là hành vi thí sinh dự thi quay cóp bài, mang tài liệu vào phòng thi, nhờ người khác thi hộ,...nhằm để đạt được điểm số cao hơn khả năng của mình. Đặc biệt đối với kỳ thi quan trọng như kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia thì việc điểm số càng trở thành mối quan tâm hàng đầu, các thí sinh vì mong muốn có một điểm số cao để đậu vào trường mà mình yêu thích nên đã sẵn sàng dùng mọi cách gian lận trong thi cử. Tuy nhiên đây lại là hành vi vi phạm pháp luật (1) Các hành vi bị nghiêm cấm trong cơ sở giáo dục Căn cứ theo Điều 22 của Luật Giáo dục năm 2019 quy định các hành vi bị nghiêm cấm, bao gồm: - Xúc phạm nhân phẩm, danh dự, xâm phạm thân thể nhà giáo, cán bộ, người lao động của cơ sở giáo dục và người học. - Xuyên tạc nội dung giáo dục. - Gian lận trong học tập, kiểm tra, thi, tuyển sinh. - Hút thuốc; uống rượu, bia; gây rối an ninh, trật tự. - Ép buộc học sinh học thêm để thu tiền. - Lợi dụng việc tài trợ, ủng hộ giáo dục để ép buộc đóng góp tiền hoặc hiện vật. Như vậy, gian lận trong kỳ thi là hành vi bị nghiêm cấm theo quy định của pháp luật, các thí sinh nếu vi phạm sẽ bị xử phạt. Tùy từng hành vi gian lận, mức độ gây thiệt hại của hành vi mà sẽ có các chế tài xử lý khác nhau Xem thêm: Phúc khảo là gì? Các lưu ý về phúc khảo bài thi tốt nghiệp THPT năm 2024 (2) Thí sinh gian lận khi thi tốt nghiệp THPT quốc gia bị xử lý thế nào? Hủy bỏ kết quả bài thi Hủy bỏ kết quả thi đối với những thí sinh để người khác thi thay hoặc làm bài thay cho người khác dưới mọi hình thức; sửa chữa, thêm bớt vào bài làm sau khi đã nộp bài; dùng bài của người khác để nộp theo khoản 5 Điều 54 Quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông ban hành kèm theo Thông tư 15/2020/TT-BGDĐT Đối với các thí sinh để người khác dự thi thay, làm bài thay dưới mọi hình thức sẽ bị hủy kết quả thi và lập hồ sơ gửi cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật. Đình chỉ thi Căn cứ theo khoản 6 Điều 54 Quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông ban hành kèm theo Thông tư 15/2020/TT-BGDĐT sửa đổi bởi khoản 17 Điều 1 Thông tư 05/2021/TT-BGDĐT quy định về đình chỉ thí sinh vi phạm quy chế thi như sau: - Đối với các thí sinh vi phạm một trong các lỗi sau đây: + Đã bị xử lý bằng hình thức cảnh cáo một lần nhưng trong giờ thi bài thi đó vẫn tiếp tục vi phạm quy chế thi ở mức khiển trách hoặc cảnh cáo. + Mang vật dụng trái phép theo quy định tại Điều 14 Quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông ban hành kèm theo Thông tư 15/2020/TT-BGDĐT vào phòng thi/phòng chờ hoặc khi di chuyển giữa phòng thi và phòng chờ. + Đưa đề thi ra ngoài phòng thi hoặc nhận bài giải từ ngoài vào phòng thi. + Viết, vẽ vào tờ giấy làm bài thi của mình những nội dung không liên quan đến bài thi. + Có hành động gây gổ, đe dọa những người có trách nhiệm trong kỳ thi hay đe dọa thí sinh khác. + Không tuân thủ hướng dẫn của cán bộ giám sát hoặc người quản lý phòng chờ khi di chuyển trong khu vực thi và trong thời gian ở phòng chờ. - Thí sinh bị đình chỉ thi năm nào sẽ bị hủy kết quả toàn bộ các bài thi trong kỳ thi năm đó. Xử phạt hành chính Bên cạnh việc bị hủy kết quả và đình chỉ thi, thí sinh gian lận sẽ bị xử phạt hành chính như sau: Căn cứ theo khoản 3 Điều 14 Nghị định 04/2021/NĐ-CP, hành vi vi phạm quy định về thi sẽ bị xử lý như sau: - Phạt tiền từ 01 - 02 triệu đồng đối với hành vi vào khu vực tổ chức thi, chấm thi khi không được phép; mang tài liệu, thông tin, vật dụng không được phép vào phòng thi, khu vực chấm thi. - Phạt tiền từ 02 - 06 triệu đồng đối với hành vi làm bài hộ thí sinh hoặc trợ giúp thí sinh làm bài. - Phạt tiền từ 06 - 08 triệu đồng đối với hành vi viết thêm hoặc sửa chữa nội dung bài thi hoặc sửa điểm bài thi trái quy định nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự. - Phạt tiền từ 08- 12 triệu đồng đối với hành vi đánh tráo bài thi nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự; - Phạt tiền từ 14-16 triệu đồng đối với hành vi thi thay hoặc thi kèm người khác hoặc nhờ người khác làm bài hộ hoặc thi thay, thi kèm. Bên cạnh việc phạt tiền, các thí sinh vi phạm còn bị áp dụngcác biện pháp khắc phục hậu quả tại khoản 5 Điều 15 Nghị định 04/2021/NĐ-CP như sau: - Buộc khôi phục tình trạng ban đầu đã bị thay đổi đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm c khoản 3 Điều 14 Nghị định 04/2021/NĐ-CP - Buộc bảo đảm quyền lợi của thí sinh đối với hành vi vi phạm quy định tại các điểm c, d, đ khoản 3 và khoản 4 Điều 14 Nghị định 04/2021/NĐ-CP. Tóm lại, gian lận trong thi cử là hành vi bị nghiêm cấm và sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Tùy vào tính chất và mức độ mà các các chế tài xử phạt sẽ khác nhau, mức phạt cao nhất có thể lên đến 16 triệu đồng đối với hành vi nhờ người khác thi hộ. Xem thêm Quy tắc làm tròn điểm thi tốt nghiệp mới nhất năm 2024
Vi khuẩn Salmonella là nguyên nhân khiến hơn 500 người bị ngộ độc ở Đồng Nai
Nhiễm vi khuẩn Salmonella là tình trạng phổ biến và có thể xảy ra ở mọi độ tuổi. Nếu không được điều trị sớm có nguy cơ sẽ dẫn đến biến chứng nguy hiểm, thậm chí là tử vong. >> Xem thêm bài viết: Từ vụ ngộ độc bánh mì ở Đồng Nai, bán đồ ăn gây ngộ độc thực phẩm bị xử phạt thế nào? Tiếp nhận hơn 500 ca ngộ độc thực phẩm sau khi ăn bánh mì Tối ngày 07/5/2024, Sở Y tế Đồng Nai đã thông tin về nguyên nhân gây ngộ độc sau ăn bánh mì tại tiệm bánh Cô Băng (địa chỉ 148/18 Trần Quang Diệu, KP 2, phường Xuân Bình, TP Long Khánh). Hiện tại, đã ghi nhận có 547 trường hợp nhập viện, trong đó 466 trường hợp đã xuất viện tiếp tục theo dõi tại nhà, còn 81 trường hợp theo dõi điều trị tại bệnh viện. Ca bệnh tiên lượng rất nặng đang điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai tiếp tục có tiến triển tốt, sinh hiệu ổn định, hết sốt, dự kiến cai máy thở trong 1-2 ngày tới; các trường hợp nặng khác sức khỏe cũng đã ổn định. Kết quả kiểm nghiệm mẫu thực phẩm lấy tại cơ sở bánh mì nêu trên khi vụ ngộ độc xảy ra do Viện Y tế công cộng TPHCM thực hiện ghi nhận 04/08 mẫu thực phẩm như pate, thịt heo đã qua chế biến, chả lụa, dưa muối chua, có kết quả phát hiện vi khuẩn Salmonella. Qua phân tích các kết quả xét nghiệm trên có thể kết luận nguyên nhân ra vụ gây ngộ độc thực phẩm có liên quan đến vi khuẩn Salmonella. Vi khuẩn Salmonella nguy hiểm như thế nào? Salmonella là loại vi khuẩn đường ruột không hình thành bào tử, chủ yếu di chuyển bằng roi quanh thân. Bệnh gây ra từ loại vi sinh vật này được gọi là bệnh nhiễm khuẩn Salmonella, gây khó chịu cho dạ dày- ruột, sốt, tiêu chảy và đau quặn bụng. Người bệnh bị nhiễm vi khuẩn Salmonella thường do ăn thịt sống, gia cầm, trứng hoặc các sản phẩm từ trứng, sữa chưa tiệt trùng. Thời gian ủ bệnh (khoảng thời gian từ khi tiếp xúc đến lúc phát bệnh) có thể từ 6 giờ – 6 ngày. Thông thường, người bệnh bị nhiễm khuẩn Salmonella sẽ có xu hướng nhầm lẫn với chứng đau dạ dày thường gặp. Trong đó, một số dấu hiệu điển hình phải kể đến gồm: - Tiêu chảy - Đau quặn bụng - Sốt - Buồn nôn - Nôn mửa - Ớn lạnh - Đau đầu - Xuất hiện máu trong phân Các triệu chứng trên thường kéo dài từ vài ngày đến một tuần. Trong đó, tiêu chảy thường xuất hiện khoảng 10 ngày nhưng có thể mất vài tháng trước khi ruột trở lại thói quen đại tiện ổn định. Nguyên nhân bị nhiễm khuẩn Salmonella có thể đến từ thực phẩm và nước có chứa nguồn lây bệnh, thực phẩm xử lý không đúng cách, nguồn lây từ vật nuôi và các động vật khác, hay các yếu tố về môi trường làm việc hay tiếp xúc với nguồn nhiễm khuẩn, bị lây khi đi du lịch,... Chủ tiệm bánh mì gây ngộ độc có thể bị xử lý thế nào? Theo khoản 6, khoản 8 Điều 22 Nghị định 115/2018/NĐ-CP được sửa đổi bởi điểm đ, điểm e khoản 12 Điều 1 Nghị định 124/2021/NĐ-CP quy định về vi phạm quy định khác về bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, cung cấp thực phẩm: - Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với cá nhân và 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với tổ chức khi gây ngộ độc thực phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe của từ 01 người đến 04 người mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự; - Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối cá nhân và 160.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với tổ chức khi gây ngộ độc thực phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe của từ 05 người trở lên mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự. Bên cạnh đó, theo Điều 317 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bởi Khoản 119 Điều 1 Luật Sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định về tội vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, người bán đồ ăn gây ngộ độc thực phẩm cho người khác ngoài bị xử lý hành chính thì còn có thể bị phạt tù từ 01 năm đến 20 năm tùy theo tính chất nguy hiểm và hậu quả để lại của hành vi mà sẽ có các mức hình phạt khác nhau. Hình phạt cụ thể sẽ do Tòa án quyết định. Theo Điều 317 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bởi Khoản 119 Điều 1 Luật Sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định về tội vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm như sau: Chiều 07/5, Sở Y tế đã có buổi làm việc với đại diện lãnh đạo UBND, Phòng Y tế, Trung tâm Y tế các huyện/thành phố, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Phòng Nghiệp vụ, Thanh tra Sở Y tế để trao đổi những khó khăn, vướng mắc và đưa ra phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tới nhằm tăng cường công tác quản lý an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. >> Xem thêm bài viết: Từ vụ ngộ độc bánh mì ở Đồng Nai, bán đồ ăn gây ngộ độc thực phẩm bị xử phạt thế nào?
Xe chở VLXD làm rơi vãi, gây tai nạn giao thông bị xử lý thế nào?
Không ít lần chúng ta bắt gặp các xe chở vật liệu xây dựng dù đã được che chắn nhưng vẫn làm rơi, vãi ra đường nhìn rất không an toàn, có thể gây tai nạn giao thông. Vậy nếu xe chở VLXD làm rơi vãi, gây tai nạn giao thông thì sẽ bị xử lý thế nào? (1) Xe chở xà bần khi lưu thông trên đường phải chấp hành các quy định nào? Khi lưu thông trên đường, không ít lần chúng ta bắt gặp các xe chở VLXD (cát, xà bần,...) dù dó che chắn nhưng khi lưu thông cát vẫn bay tung bụi mù mịt ra phía sau xe, hay nước chảy ra từ sau xe làm đường trơn trượt, gây mất an toàn giao thông. Đôi lúc chúng ta sẽ tự hỏi những xe chở VLXD như vậy có được pháp luật quy định phải đảm bảo an toàn giao thông cho người đi phía sau không. Theo quy định tại Điều 72 Luật Giao thông đường bộ 2008, khi vận chuyển hàng hóa bằng ô tô phải chấp hành các quy định sau: + Hàng vận chuyển trên xe phải được xếp đặt gọn gàng và chằng buộc chắc chắn; + Khi vận chuyển hàng rời phải che đậy, không để rơi vãi. + Không được chở hàng vượt quá trọng tải thiết kế và quá kích thước giới hạn cho phép của xe; + Không được chở người trong thùng xe, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 21 của Luật Giao thông đường bộ 2008 Như vậy, các xe chở VLXD khi vận chuyển vật liệu xây dựng phải có che đậy, không để rơi vãi hàng hóa ra đường, không được chở hàng quá trọng tải và kích thước giới hạn cho phép của xe. (2) Xe chở xà bần làm rơi vãi vật liệu xây dựng ra đường bị xử lý thế nào? Theo khoản 2 Điều 20 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, người điều khiển xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm quy định về bảo vệ môi trường khi tham gia giao thông sẽ bị xử phạt như sau: Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây: - Để dầu nhờn, hóa chất rơi vãi xuống đường bộ; - Chở hàng rời, chất thải, vật liệu xây dựng dễ rơi vãi mà không có mui, bạt che đậy hoặc có mui, bạt che đậy nhưng vẫn để rơi vãi; chở hàng hoặc chất thải để nước chảy xuống mặt đường gây mất an toàn giao thông và vệ sinh môi trường; - Lôi kéo bùn, đất, cát, nguyên liệu, vật liệu hoặc chất phế thải khác ra đường bộ gây mất an toàn giao thông và vệ sinh môi trường. Bên cạnh đó, ngoài việc phạt tiền, người điều khiển phương tiện thực hiện các hành vi trên đây còn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả, cụ thể là: - Buộc phải thu dọn rác, chất phế thải, vật liệu, hàng hóa và khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra - Nếu gây ô nhiễm môi trường phải thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường do vi phạm hành chính gây ra. (khoản 6 Điều 20 Điều 20 Nghị định 100/NĐ-CP) Như vậy, người điều khiển xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô mà làm rơi vãi hàng hóa, vật liệu xây dựng dù có bạt che hay không có bạt che vẫn sẽ bị phạt theo khoản 2 và khoản 6 Điều 20 Nghị định 100/NĐ-CP. Mức phạt tiền cao nhất là 4 triệu đồng, kèm với các biện pháp như phải thu dọn chỗ xà bần bị rơi vãi, khôi phục lại ban đầu nếu có gây ra sự thay đổi do vi phạm của mình và khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường nếu gây ô nhiễm môi trường. Nhiều người té ngã vì đường trơn trượt do xe chở VLXD làm rơi vãi (3) Xe chở xà bần làm rơi vãi vật liệu gây tai nạn giao thông bị phạt ra sao? Xe chở xà bần làm rơi vãi sẽ bị xử phạt hành chính theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP. Tuy nhiên nếu gây ra tai nạn giao thông và vi phạm các quy định về an toàn giao thông được quy định trong Điều 260 Bộ Luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung bởi khoản 72 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ Luật Hình sự 2017 thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Cụ thể, các hình phạt được quy định tại Điều 260 Bộ Luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung bởi khoản 72 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ Luật Hình sự 2017 như sau: - Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm: + Làm chết người; + Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; + Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%; + Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng. - Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm: + Không có giấy phép lái xe theo quy định; + Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy hoặc chất kích thích mạnh khác; + Bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn; + Không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông; + Làm chết 02 người; + Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%; + Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng. - Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm: + Làm chết 03 người trở lên; + Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên; + Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên. - Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các điểm a, b và c khoản 3 Điều 260 Bộ Luật Hình sự 2015 nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm. - Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. Theo đó, người điều khiển xe chở VLXD dù có bạt che hay không có bạt che nếu làm rơi vãi hàng hóa mà gây tai nạn giao thông có gây thiệt hại về người và tài sản thì sẽ bị phạt lên đến 15 năm tù, bị phạt tiền đến 100 triệu đồng, ngoài ra người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định lên đến 05 năm. Do đó, người điều khiển xe vận chuyển VLXD phải kiểm tra kỹ hàng hóa, phông bạt và đảm bảo không rơi vãi ra ngoài trước và trong lúc lưu thông trên đường để đảm bảo an toàn cho những người tham gia giao thông khác.
Ép vợ/người yêu phá thai sẽ bị xử lý thế nào?
Nếu có thai ngoài ý muốn thì người nam có quyền ép vợ/người yêu của mình phá thai không? Hành vi ép vợ/người yêu phá thai sẽ bị xử lý thế nào? Người chồng có được ly hôn khi vợ đang có thai không? Phá thai có vi phạm pháp luật không? Theo Khoản 1 Điều 44 Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân 1989, phụ nữ được quyền nạo thai, phá thai theo nguyện vọng, được khám bệnh, chữa bệnh phụ khoa, được theo dõi sức khỏe trong thời kỳ thai nghén, được phục vụ y tế khi sinh con tại các cơ sở y tế. Do đó, chỉ trong trường hợp có nguyện vọng nạo, phá thai thì người phụ nữ mới được phá thai. Đồng thời, để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của phụ nữ và trẻ em, Điều 5 Luật Hôn nhân và Gia đình quy định: Thực hiện sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản vì mục đích thương mại, mang thai hộ vì mục đích thương mại, lựa chọn giới tính thai nhi, sinh sản vô tính là hành vi bị cấm. Trong hướng dẫn quốc gia về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản Ban hành kèm theo Quyết định 4128/QĐ-BYT 2020 đã quy định việc nạo phá thai tại Phần 8 của văn bản. Theo đó, văn bản chỉ quy định về nạo, phá thai cho đến khi khi thai đủ 22 tuần tuổi. Đồng nghĩa với việc phá thai dưới 22 tuần theo kỹ thuật đúng quy định thì sẽ được pháp luật công nhận. Theo đó, hiện nay pháp luật chỉ cấm việc phá thai vì lựa chọn giới tính thai nhi và chỉ nạo, phá thai dưới 22 tuần tuổi theo đúng kỹ thuật quy định. Ngoài ra hiện nay không có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định cụ thể về cấm nạo phá thai và các hình thức xử lý với hành vi này. Ép vợ/người yêu phá thai sẽ bị xử lý thế nào? Theo Khoản 7 Điều 40 Luật Bình đẳng giới 2006 có quy định các hành vi vi phạm pháp luật về bình đẳng giới trong lĩnh vực y tế bao gồm: - Cản trở, xúi giục hoặc ép buộc người khác không tham gia các hoạt động giáo dục sức khỏe vì định kiến giới; - Lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức hoặc xúi giục, ép buộc người khác phá thai vì giới tính của thai nhi. Như vậy, hiện nay, pháp luật chỉ quy định mọi hành vi phá thai và xúi giục, ép buộc để lựa chọn giới tính đều sẽ vi phạm pháp luật. Ngoài ra chưa có quy định nào khác về hình thức xử lý người ép vợ/người yêu phá thai vì mục đích khác. Xử lý hành chính người ép vợ/người yêu phá thai Theo Điều 100 Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định hành vi nạo phá thai nếu vì mục đích lựa chọn giới tính sẽ bị xử phạt hành chính như sau: - Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính của người mang thai mà không bị ép buộc phải loại bỏ thai nhi. - Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với hành vi dụ dỗ, lôi kéo người mang thai loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính. - Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi đe dọa dùng vũ lực, uy hiếp tinh thần để ép buộc người mang thai loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính. - Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với hành vi dùng vũ lực để ép buộc người mang thai phải loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính. - Phạt tiền từ 12.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: + Cung cấp hóa chất, thuốc để loại bỏ thai nhi mà biết rõ người đang mang thai muốn loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính; + Chỉ định hoặc hướng dẫn sử dụng hóa chất, thuốc hoặc các biện pháp khác để loại bỏ thai nhi mà biết rõ người đang mang thai muốn loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính. - Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi phá thai mà biết rõ người đang mang thai muốn loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính. - Ngoài ra còn các hình thức xử phạt bổ sung như: + Tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động, chứng chỉ hành nghề trong thời hạn từ 03 tháng đến 06 tháng đối với hành vi quy định tại khoản 5 Điều này; + Tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động, chứng chỉ hành nghề trong thời hạn từ 06 tháng đến 12 tháng đối với hành vi quy định tại khoản 6 Điều này; + Tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược hoặc đình chỉ hoạt động kinh doanh đối với cơ sở có hoạt động dược không vì mục đích thương mại trong thời hạn từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi quy định tại điểm a khoản 5 Điều này. Xử lý hình sự người ép vợ/người yêu phá thai Hiện nay pháp luật không có quy định về xử lý hình sự về hành vi ép người khác phá thai, tuy nhiên, nếu vì muốn ép vợ/bạn gái phá thai mà người nam: - Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của phụ nữ mà biết là có thai mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Ngoài ra, còn các khung hình phạt cao hơn tuỳ tính chất, mức độ của hành vi, được quy định tại Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015 về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác. - Xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác thì sẽ bị xử lý theo Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015 về tội làm nhục người khác. Như vậy, khi ép vợ/người yêu phá thai vì lựa chọn giới tính thì người nam sẽ bị xử lý hành chính. Đồng thời, nếu như vì muốn ép phá thai mà có những hành vi như cố ý gây thương tích hoặc làm nhục vợ/người yêu thì sẽ bị xử lý hình sự. Người chồng có được ly hôn khi vợ đang có thai không? Theo Điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về quyền yêu cầu giải quyết ly hôn như sau: - Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn. - Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ. - Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi. Như vậy, người chồng không được ly hôn vợ khi vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi. Còn nếu trong trường hợp người vợ có yêu cầu ly hôn thì vẫn được pháp luật xem xét và giải quyết. Xem thêm: Các biện pháp tránh thai phổ biến hiện nay? Phá thai trong trường hợp nào là hợp pháp?
Làm người dưới 13 tuổi có thai sẽ bị xử lý thế nào?
Theo Báo Phụ Nữ Việt Nam đưa tin, tại xã Tam Hiệp (huyện Thanh Trì, Hà Nội) vừa qua xảy ra vụ việc cháu bé 12 tuổi được gia đình thấy có biểu hiện bụng to bất thường nên đưa đi kiểm tra và phát hiện đang mang bầu ở tháng thứ 6. Vậy, người làm cho cháu bé có thai sẽ bị xử lý thế nào? Làm người dưới 13 tuổi có thai sẽ bị xử lý thế nào? Theo quy định tại Điều 142 Bộ luật Hình sự 2015, được sửa đổi bởi khoản 24 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định về tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi như sau: - Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm: + Dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi trái với ý muốn của họ; + Giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người dưới 13 tuổi. - Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm: + Có tính chất loạn luân; + Làm nạn nhân có thai; + Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%; + Đối với người mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh; + Phạm tội 02 lần trở lên; + Đối với 02 người trở lên; + Tái phạm nguy hiểm. - Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình: + Có tổ chức; + Nhiều người hiếp một người; + Đối với người dưới 10 tuổi; + Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; + Biết mình bị nhiễm HIV mà vẫn phạm tội; + Làm nạn nhân chết hoặc tự sát. - Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. Như vậy, dù quan hệ tự nguyện hay ép buộc với người dưới 13 tuổi đều sẽ bị truy cứu với tội danh hiếp dâm người dưới 16 tuổi. Theo đó, làm người dưới 13 tuổi có thai sẽ bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm và có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. Nếu gia đình không yêu cầu xử lý, người làm người dưới 13 tuổi có thai có bị khởi tố không? Theo Khoản 1 Điều 155 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, được sửa đổi bởi khoản 3 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Tố tụng hình sự 2021 quy định về các trường hợp khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại như sau: Chỉ được khởi tố vụ án hình sự về tội phạm quy định tại khoản 1 các điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155 và 156 của Bộ Luật hình sự khi có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết. Theo đó, tội phạm hiếp dâm người dưới 16 tuổi được quy định tại Điều 142 Bộ luật hình sự 2015 không nằm trong quy định trên, vì vậy dù không có yêu cầu của bị hại thì người làm người dưới 13 tuổi có thai vẫn sẽ bị khởi tố. Chưa quan hệ nhưng thực hiện các hành vi tiếp xúc về thể chất với người 16 tuổi thì bị xử lý thế nào? Theo Điều 146 Bộ luật hình sự 2015 được sửa đổi bổ sung bởi điểm e Khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định về tội dâm ô người dưới 16 tuổi như sau: - Người nào đủ 18 tuổi trở lên mà có hành vi dâm ô đối với người dưới 16 tuổi không nhằm mục đích giao cấu hoặc không nhằm thực hiện các hành vi quan hệ tình dục khác, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. - Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm: + Phạm tội có tổ chức; + Phạm tội 02 lần trở lên; + Đối với 02 người trở lên; + Đối với người mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh; + Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%; + Tái phạm nguy hiểm. - Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm: + Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; + Làm nạn nhân tự sát. - Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. Trong đó, các hành vi sau gọi là dâm ô được hướng dẫn bởi Khoản 3 Điều 3 Nghị quyết 06/2019/NQ-HĐTP như sau: Dâm ô quy định tại khoản 1 Điều 146 của Bộ luật Hình sự là hành vi của những người cùng giới tính hoặc khác giới tính tiếp xúc về thể chất trực tiếp hoặc gián tiếp qua lớp quần áo vào bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm, bộ phận khác trên cơ thể của người dưới 16 tuổi có tính chất tình dục nhưng không nhằm quan hệ tình dục, gồm một trong các hành vi sau đây: + Dùng bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm tiếp xúc (ví dụ: đụng chạm, cọ xát, chà xát...) với bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm, bộ phận khác của người dưới 16 tuổi; + Dùng bộ phận khác trên cơ thể (ví dụ: tay, chân, miệng, lưỡi...) tiếp xúc (ví dụ: vuốt ve, sờ, bóp, cấu véo, hôn, liếm...) với bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm của người dưới 16 tuổi; + Dùng dụng cụ tình dục tiếp xúc (ví dụ: đụng chạm, cọ xát, chà xát...) với bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm của người dưới 16 tuổi; + Dụ dỗ, ép buộc người dưới 16 tuổi dùng bộ phận khác trên cơ thể của họ tiếp xúc (ví dụ: vuốt ve, sờ, bóp, cấu véo, hôn, liếm...) với bộ phận nhạy cảm của người phạm tội hoặc của người khác; + Các hành vi khác có tính chất tình dục nhưng không nhằm quan hệ tình dục (ví dụ: hôn vào miệng, cổ, tai, gáy... của người dưới 16 tuổi). Theo đó, người từ đủ 18 tuổi trở lên mà có những hành vi tiếp xúc về thể chất trực tiếp hoặc gián tiếp vào bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm, bộ phận khác trên cơ thể của người dưới 16 tuổi có tính chất tình dục nhưng không nhằm quan hệ tình dục thì sẽ bị truy tố về tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi. Như vậy, dù không trực tiếp quan hệ với người dưới 16 tuổi nhưng có các hành động mang tính chất tình dục thì vẫn sẽ bị xử lý hình sự.
Có được hoàn trả bảo đảm dự thầu khi thông thầu không?
Trong đấu thầu câu chuyện “thông thầu” giữa nhà thầu và chủ đầu tư/bên mời thầu luôn là câu chuyện đau đầu của các nhà thầu thực sự có năng lực, kinh nghiệm muốn tham gia vào các gói thầu trên hệ thống đấu thầu quốc gia. (1) Thông thầu là gì? Thông thầu là một hành vi bị cấm trong hoạt động đấu thầu, căn cứ khoản 3 Điều 16 Luật Đấu thầu 2023 (Có hiệu lực từ 01/01/2024) thì thông thầu bao gồm những hành vi sau: - Dàn xếp, thỏa thuận, ép buộc để một hoặc các bên chuẩn bị hồ sơ dự thầu hoặc rút hồ sơ dự thầu để một bên trúng thầu. - Dàn xếp, thỏa thuận để từ chối cung cấp hàng hóa, dịch vụ, không ký hợp đồng thầu phụ hoặc thực hiện các hình thức thỏa thuận khác nhằm hạn chế cạnh tranh để một bên trúng thầu. - Nhà thầu, nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm đã tham dự thầu và đáp ứng yêu cầu của hồ sơ mời thầu nhưng cố ý không cung cấp tài liệu để chứng minh năng lực, kinh nghiệm khi được bên mời thầu yêu cầu làm rõ hồ sơ dự thầu hoặc khi được yêu cầu đối chiếu tài liệu nhằm tạo điều kiện để một bên trúng thầu. Nếu hồ sơ dự thầu xuất hiện một trong số những dấu hiệu sau đây bạn nên cân nhắc đến hành vi thông thầu, cụ thể: - Về thành phần của hồ sơ dự thầu: chỉ có một hồ sơ dự thầu được thành lập đáp ứng yêu cầu của hồ sơ mời thầu còn các hồ sơ dự thầu khác chỉ được lập cho có, biểu hiện cụ thể là thiếu bản chụp, thiếu đảm bảo dự thầu, thiếu tài liệu chứng minh tư cách hợp lệ của nhà thầu, thiếu tài liệu chứng minh tính hợp lệ của hàng hóa hoặc thiếu tài liệu chứng minh năng lực thực hiện hợp đồng. - Về cách thức trình bày: các hồ sơ dự thầu thường có nhiều điểm tương tự nhau hoặc giống nhau hoàn toàn từ khâu sắp xếp, định dạng tài liệu, biên tập, canh lề, xuống hàng cho đến lỗi chính tả, thậm chí từ đầu đến cuối hồ sơ dự thầu không khác nhau một dấu chấm, phẩy nào cả. - Về giá dự thầu: giá dự thầu của bên thắng thầu đưa ra so với giá dự thầu của bên dự thầu sẽ có sự chênh lệch rõ rệt hoặc giá dự thầu của các bên tham gia đấu thầu giống nhau đến đáng ngờ. - Về nội dung hồ sơ dự thầu: chỉ có duy nhất một nhà thầu tuân thủ đúng các yêu cầu trong hồ sơ mời thầu, các nhà thầu còn lại đề xuất thời gian thực hiện hợp đồng không phù hợp với đề xuất về mặt kỹ thuật hoặc có sự sai khác giữa bản gốc và bản chụp trong hồ sơ mời thầu. Có thể hiểu, thông thầu là hành vi một nhà thầu dàn xếp, thỏa thuận hoặc ép buộc nhà thầu khác thực hiện theo ý mình, mục đích của hành vi này là để một bên được trúng thầu. Nếu hồ sơ dự thầu xuất hiện một trong những dấu hiệu trên, bên mời thầu phải lưu ý và phát hiện kịp thời các hành vi thông thầu, tránh làm ảnh hưởng đến tính minh bạch, công bằng của gói thầu. (2) Có được hoàn trả bảo đảm dự thầu khi thông thầu không? Theo quy định tại khoản 9 Điều 14 Luật Đấu thầu 2023, bảo đảm dự thầu sẽ không được hoàn trả trong trường hợp: - Sau thời điểm đóng thầu và trong thời gian có hiệu lực của hồ sơ dự thầu, nhà thầu, nhà đầu tư rút hồ sơ dự thầu hoặc có văn bản từ chối thực hiện một hoặc các công việc đã đề xuất trong hồ sơ dự thầu theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu; - Nhà thầu, nhà đầu tư có hành vi vi phạm quy định tại Điều 16 của Luật Đấu thầu 2023 hoặc vi phạm pháp luật về đấu thầu dẫn đến phải hủy thầu theo quy định tại điểm d và điểm đ khoản 1, điểm d và điểm đ khoản 2 Điều 17 của Luật Đấu thầu 2023 - Nhà thầu, nhà đầu tư không thực hiện biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng theo quy định tại Điều 68 và Điều 75 của Luật Đấu thầu 2023 - Nhà thầu không tiến hành hoặc từ chối thương thảo hợp đồng (nếu có) trong thời hạn 05 ngày làm việc đối với đấu thầu trong nước và 10 ngày đối với đấu thầu quốc tế kể từ ngày nhận được thông báo mời thương thảo hợp đồng hoặc đã thương thảo hợp đồng nhưng từ chối hoàn thiện, ký kết biên bản thương thảo hợp đồng, trừ trường hợp bất khả kháng; - Nhà thầu không tiến hành hoặc từ chối hoàn thiện hợp đồng, thỏa thuận khung trong thời hạn 10 ngày đối với đấu thầu trong nước và 20 ngày đối với đấu thầu quốc tế kể từ ngày nhận được thông báo trúng thầu của bên mời thầu, trừ trường hợp bất khả kháng; - Nhà thầu không tiến hành hoặc từ chối ký kết hợp đồng, thỏa thuận khung trong thời hạn 10 ngày đối với đấu thầu trong nước và 20 ngày đối với đấu thầu quốc tế kể từ ngày hoàn thiện hợp đồng, thỏa thuận khung, trừ trường hợp bất khả kháng; - Nhà đầu tư không tiến hành hoặc từ chối hoàn thiện hợp đồng trong thời hạn 15 ngày đối với đấu thầu trong nước và 30 ngày đối với đấu thầu quốc tế kể từ ngày nhận được thông báo trúng thầu của bên mời thầu, trừ trường hợp bất khả kháng; - Nhà đầu tư không tiến hành hoặc từ chối ký kết hợp đồng trong thời hạn 15 ngày đối với đấu thầu trong nước và 30 ngày đối với đấu thầu quốc tế kể từ ngày hoàn thiện hợp đồng, trừ trường hợp bất khả kháng. Trong các trường hợp trên có trường hợp không hoàn trả bảo đảm dự thầu khi nhà thầu, nhà đầu tư có hành vi vi phạm Điều 16 Luật Đấu thầu 2023, và hành vi thông thầu là hành vi được quy định tại Điều 16 Luật Đấu thầu 2023 Như vậy, nếu nhà thầu, nhà đầu tư có hành vi thông thầu thì tiền bảo đảm dự thầu sẽ không được hoàn trả. (3) Các hậu quả khác khi có hành vi thông thầu là gì? Hậu quả đầu tiên của hành vi thông thầu là gói thầu đó sẽ bị hủy Căn cứ theo Điều 17 Luật Đấu thầu 2023 về việc hủy thầu, một trong các trường hợp khiến gói thầu sẽ bị hủy là: - Nhà thầu trúng thầu thực hiện hành vi bị cấm quy định tại Điều 16 của Luật Đấu thầu 2023 - Nhà đầu tư trúng thầu thực hiện hành vi bị cấm quy định tại Điều 16 của Luật Đấu thầu 2023 Xử phạt hành chính với hành thông thầu Theo Điều 37 Nghị định 122/2021/NĐ-CP có quy định cụ thể đối với mức xử phạt hành chính đối với tổ chức khi có hành vi thông thầu sẽ bị phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 300 triệu đồng với một trong các hành vi thông thầu mà không phải là tội phạm theo quy định tại Điều 222 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung 2017). Còn đối với cá nhân, nếu vi phạm thông thầu sẽ bị xử phạt bằng một nửa mức xử phạt so với mức xử phạt của tổ chức. Cấm tham gia hoạt động đấu thầu Theo Luật Đấu thầu 2023 thông thầu là hành vi vi phạm pháp luật và bị cấm, nếu tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi thông thầu sẽ bị cấm tham gia hoạt động đấu thầu theo quy định. Cụ thể thẩm quyền cấm tham gia hoạt động đấu thầu lên đến 5 năm được quy định tại Khoản 2 Điều 87 Luật Đấu thầu 2023. Truy cứu trách nhiệm hình sự Với những trường hợp vi phạm thông thầu nghiêm trọng, người thực hiện hành vi thông thầu có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về đấu thầu gây ra hậu quả nghiêm trọng theo Điều 222 Bộ Luật Hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung 2017) với hình phạt lên đến 20 năm tù, người phạm tội còn bị cấm đảm nhận chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 1 đến 5 năm, hoặc bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản liên quan. Xử lý kỷ luật Hình thức xử phạt kỷ luật sẽ được áp dụng đối với các cán bộ, công chức có hành vi vi phạm pháp luật về đấu thầu. Bồi thường thiệt hại (nếu có) Trong trường hợp tổ chức, cá nhân gây thiệt hại sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định pháp luật về bồi thường thiệt hại và các quy định khác của pháp luật liên quan. Đây chỉ là một số biện pháp xử lý khi nhà đầu tư, nhà thầu có hành vi thông thầu. Do đó, nhà đầu tư, nhà thầu khi tham gia đấu thầu nên loại bỏ suy nghĩ thông thầu, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, đúng pháp luật để tránh những điều không hay, vừa mất tiền, có thể bị phạt tù mà gói thầu cũng bị hủy…
Lạm dụng xe cứu thương để vận chuyển khách né giờ cao điểm có bị xử lý không?
Vào giờ cao điểm trên các tuyến đường tại TP.HCM, khi nghe còi tín hiệu của xe cứu thương đa số người dân đều nhường đường. Không ít người thắc mắc xe cứu thương có đang chở người nguy khẩn hay đi làm nhiệm vụ? Xe cứu thương có đang thực hiện đúng chức năng được cấp phép hay không? (1) Xe cứu thương vận chuyển khách né giờ cao điểm có bị phạt không? Theo quy định tại Điều 22 Luật Giao thông đường bộ năm 2008, những xe sau đây được quyền ưu tiên đi trước xe khác khi qua đường giao nhau từ bất kỳ hướng nào tới theo thứ tự: - Xe chữa cháy đi làm nhiệm vụ; - Xe quân sự, xe công an đi làm nhiệm vụ khẩn cấp, đoàn xe có xe cảnh sát dẫn đường; - Xe cứu thương đang thực hiện nhiệm vụ cấp cứu; - Xe hộ đê, xe đi làm nhiệm vụ khắc phục sự cố thiên tai, dịch bệnh hoặc xe đi làm nhiệm vụ trong tình trạng khẩn cấp theo quy định của pháp luật; - Đoàn xe tang. Xe được ưu tiên nêu trên (trừ xe tang) khi làm nhiệm vụ phải có tín hiệu còi, cờ, đèn theo quy định; không bị hạn chế tốc độ; được phép đi vào đường ngược chiều, các đường khác có thể đi được, kể cả khi có tín hiệu đèn đỏ và chỉ phải tuân theo chỉ dẫn của người điều khiển giao thông. - Khi có tín hiệu của xe được quyền ưu tiên, người tham gia giao thông phải nhanh chóng giảm tốc độ, tránh hoặc dừng lại sát lề đường bên phải để nhường đường. Không được gây cản trở xe được quyền ưu tiên. Theo đó, xe cứu thương là một trong các loại xe được quyền ưu tiên, không bị hạn chế tốc độ, được đi vào đường ngược chiều, được đi kể cả khi có đèn đỏ. Vì những quyền ưu tiên này, không ít người có thắc mắc liệu xe cứu thương có bị lạm dụng để chở người không phải bệnh nhân được đi ưu tiên khi giờ cao điểm không? Trên thực tế, đã có không ít vụ việc xe cứu thương dịch vụ không được cấp phép nhận vận chuyển hành khách không phải là bệnh nhân đã bị CSGT dừng xe, kiểm tra và xử phạt. Tuy nhiên cũng phải thừa nhận rằng, việc kiểm tra và thực hiện triệt để từng xe là rất khó, vì tâm lý là xe cứu thương, cấp cứu người nguy kịch, nên không ít CSGT ngại dừng loại xe này để kiểm tra, xử lý. Theo khoản 1 và 2 Điều 3 Thông tư 27/2017/TT-BYT về quy định tiêu chuẩn và sử dụng xe ô tô cứu thương có quy định như sau: - Xe ô tô cứu thương chỉ được sử dụng cho các mục đích sau đây: + Chở người bệnh cấp cứu hoặc đi đón người bệnh cấp cứu; + Chở thầy thuốc, nhân viên y tế, thuốc, trang thiết bị y tế phục vụ cấp cứu thảm họa, cấp cứu tai nạn giao thông và các nhu cầu cấp thiết khác của hoạt động chuyên môn khám bệnh, chữa bệnh và phòng, chống dịch bệnh. - Không được sử dụng xe ô tô cứu thương ngoài mục đích quy định tại khoản 1 Điều 3 Thông tư Thông tư 27/2017/TT-BYT Do đó, tất cả hành vi vận chuyển người trong ô tô cứu thương mà không thuộc quy định tại khoản 1 Điều 3 Thông tư 27/2017/TT-BYT thì đều là vi phạm pháp luật, sẽ bị xử lý theo pháp luật. (2) Sử dụng xe cứu thương sai mục đích bị phạt thế nào? Theo các quy định trên, xe cứu thương chỉ được ưu tiên khi đang thực hiện nhiệm vụ chở bệnh nhân cấp cứu hoặc đi đón bệnh nhân cấp cứu; khi đi làm nhiệm vụ phải có tín hiệu còi, cờ, đèn theo quy định và chỉ phải tuân theo chỉ dẫn của người điều khiển giao thông. Đối với trường hợp sử dụng xe cứu thương chở người đi làm các công việc khác sẽ không được hưởng quyền ưu tiên vì sử dụng sai mục đích. Hiện nay, pháp luật chưa có quy định xử phạt cụ thể đối với việc xe cứu thương sử dụng sai mục đích. Nếu trong lúc xe cứu thương phát tín hiệu ưu tiên nhưng sử dụng sai mục đích có những hành vi vi phạm luật giao thông sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật, cụ thể: Theo điểm h khoản 3 Điều 5 Nghị định 171/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, xe không được quyền ưu tiên mà sử dụng tín hiệu còi, cờ, đèn của xe ưu tiên thì sẽ bị phạt tiền từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng. Ngoài ra, nếu trong quá trình sử dụng sai mục đích, xe cứu thương này còn bị phát hiện mắc thêm các lỗi vi phạm quy định của Luật giao thông đường bộ như chạy quá tốc độ, đi sai làm đường, vượt đèn đỏ… thì người điều khiển, người ngồi trên xe sẽ tiếp tục bị xử phạt theo quy định tại Điều 5 Nghị định 171/2013/NĐ-CP Trong trường hợp xe cứu thương là xe của Nhà nước thì khi sử dụng sai mục đích theo quy định tại khoản 2 Điều 7 Nghị định 192/2013/NĐ-CP quy định việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, dự trữ quốc gia, kho bạc nhà nước có thể sẽ bị xử phạt hành chính từ 1 triệu đến 10 triệu đồng. Xe cứu thương của đơn vị tư nhân nếu sử dụng sai mục đích có thể bị xử phạt theo quy định của đơn vị quản lý.
Đổ hoá chất nhằm phá hoại cây xanh đô thị sẽ bị xử lý thế nào?
Cây xanh đô thị mang đến nhiều lợi ích cho con người. Pháp luật có quy định nghiêm cấm các hành vi phá hoại cây xanh, gây ảnh hưởng đến môi trường. Như vậy, hành vi đổ hoá chất nhằm phá hoại cây xanh đô thị sẽ bị xử lý thế nào? Vụ việc cây sao đen trên phố Lò Đúc chết khô Theo bảo VOV đưa tin, vừa qua người dân cả nước xôn xao thông tin về các cây sao đen trăm tuổi chết khô trên phố Lò Đúc (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) mà không rõ nguyên nhân. Vụ việc trên làm nhiều người nhớ lại trước đây năm 2019, cây sao đen ở số nhà 71 phố Lò Đúc, đang phát triển xanh tươi thì chỉ vài ngày sau khi bị đổ loại nước màu xanh xuống gốc, cây rụng lá và chết trong “nháy mắt”. Như vậy, nếu thật sự có người cố ý đổ hóa chất vào các cây xanh đô thị để phá hoại thì hành vi này sẽ bị xử lý như thế nào? Cây xanh đô thị là gì? Theo Điều 2 Nghị định 64/2010/NĐ-CP về cây xanh đô thị như sau: - Cây xanh đô thị là cây xanh sử dụng công cộng, cây xanh sử dụng hạn chế và cây xanh chuyên dụng trong đô thị. - Cây xanh sử dụng công cộng đô thị là các loại: + Cây xanh được trồng trên đường phố (gồm cây bóng mát, cây trang trí, dây leo, cây mọc tự nhiên, thảm cỏ trồng trên hè phố, dải phân cách, đảo giao thông); + Cây xanh trong công viên, vườn hoa; + Cây xanh và thảm cỏ tại quảng trường và các khu vực công cộng khác trong đô thị. - Cây xanh sử dụng hạn chế trong đô thị là cây xanh được trồng trong khuôn viên các trụ sở, trường học, bệnh viện, nghĩa trang, các công trình tín ngưỡng, biệt thự, nhà ở và các công trình công cộng khác do các tổ chức, cá nhân quản lý và sử dụng. - Cây xanh chuyên dụng trong đô thị là các loại cây trong vườn ươm hoặc phục vụ nghiên cứu. Như vậy, cây xanh đô thị là các cây được trồng ở các nơi công cộng, các vườn ươm hoặc để phục vụ nghiên cứu. Các hành vi bị cấm trong quản lý cây xanh đô thị Theo Điều 7 Nghị định 64/2010/NĐ-CP quy định nghiêm cấm các hành vi sau đây: - Trồng các loại cây trong danh mục cây cấm trồng; trồng các loại cây trong danh mục cây trồng hạn chế khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép. - Tự ý trồng cây xanh trên hè, dải phân cách, nút giao thông và các khu vực sở hữu công cộng không đúng quy định. - Tự ý chặt hạ, dịch chuyển, chặt nhánh, tỉa cành, đào gốc, chặt rễ cây xanh khi chưa được cấp phép. - Đục khoét, đóng đinh vào cây xanh, lột vỏ thân cây; đổ rác, chất độc hại và vật liệu xây dựng vào gốc cây xanh; phóng uế, đun nấu, đốt gốc, xây bục, bệ quanh gốc cây. - Treo, gắn biển quảng cáo, biển hiệu và các vật dụng khác trên cây; giăng dây, giăng đèn trang trí vào cây xanh khi chưa được phép. - Lấn chiếm, xây dựng công trình trái phép trên đất cây xanh hiện có hoặc đã được xác định trong quy hoạch đô thị và ngăn cản việc trồng cây xanh theo quy định. - Các tổ chức, cá nhân quản lý hoặc được giao quản lý cây xanh đô thị không thực hiện đúng các quy định về quản lý cây xanh đô thị. - Các hành vi vi phạm khác theo quy định của pháp luật. Đổ hóa chất nhằm phá hoại cây xanh đô thị sẽ bị xử lý thế nào? Xử lý hành chính Theo Điều 54 Nghị định 16/2022/NĐ-CP quy định xử phạt về hành vi trồng sai quy định, phá hoại cây xanh đô thị như sau: - Phạt cảnh cáo đối với một trong các hành vi sau đây: + Đục khoét, đóng đinh vào cây xanh, cắt cành cây, lột vỏ thân cây, phóng uế quanh gốc cây; + Chăm sóc, cắt tỉa cây không tuân thủ quy trình kỹ thuật. - Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: + Đổ chất độc hại, vật liệu xây dựng vào gốc cây xanh; đun nấu, đốt gốc, xây bục, bệ quanh gốc cây; + Trồng cây xanh trên hè, dải phân cách, đường phố, nút giao thông hoặc khu vực công cộng không đúng quy định; + Trồng các loại cây trong danh mục cây cấm trồng hoặc cây trong danh mục cây trồng hạn chế khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép; + Ngăn cản việc trồng cây xanh theo quy định; + Trồng cây xanh đô thị không đảm bảo đúng quy trình kỹ thuật, không đúng chủng loại, tiêu chuẩn cây và bảo đảm an toàn. - Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi tự ý chặt hạ, dịch chuyển, đào gốc cây xanh đô thị hoặc chặt rễ cây xanh khi chưa được cấp phép. - Biện pháp khắc phục hậu quả: + Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu với hành vi phá hoại cây xanh. + Buộc trồng cây xanh đô thị đảm bảo đúng quy trình kỹ thuật, chủng loại, tiêu chuẩn cây với hành vi trồng cây sai quy định. Đồng thời, theo điểm c Khoản 3 Điều 4 quy định mức phạt trên là mức phạt đối với tổ chức. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với cá nhân bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức. Như vậy, đối với hành vi đổ hóa chất vào cây nhằm mục đích phá hoại cây xanh đô thị, tổ chức sẽ bị phạt từ 20 - 30 triệu đồng, cá nhân sẽ bị phạt 10 - 15 triệu đồng. Đồng thời, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu. Xử lý hình sự Nếu cây xanh đô thị được giao cho cơ quan, đơn vị quản lý, chăm sóc thì cũng được xem là tài sản của cơ quan, đơn vị đó. Trường hợp này, nếu đổ hóa chất hay có hành vi nào khác nhằm phá hoại cây thì sẽ bị xử lý theo Điều 178 Bộ luật hình sự 2015 như sau: 1) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm đối với: - Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng - Dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây: + Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều 178 Bộ luật hình sự 2015 mà còn vi phạm; + Đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; + Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; + Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; + Tài sản là di vật, cổ vật. 2) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm: - Có tổ chức; - Gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng; - Tài sản là bảo vật quốc gia; - Dùng chất nguy hiểm về cháy, nổ hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác; - Để che giấu tội phạm khác; - Vì lý do công vụ của người bị hại; - Tái phạm nguy hiểm. 3) Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm. 4) Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm. 5) Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. Như vậy, đối với hành vi đổ hóa chất phá hoại cây xanh đô thị là tài sản của cơ quan, đơn vị có thể bị xử lý hình sự khung hình phạt thấp nhất là phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm; Khung hình phạt cao nhất là phạt tù từ 10 đến 20 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
Hành vi vận chuyển động vật rừng trái pháp luật bị xử lý như thế nào?
Buôn bán, vận chuyển trái phép lâm sản luôn là một vấn đề nhức nhối được Nhà nước và nhân dân quan tâm, mong muốn ngăn chặn, giải quyết triệt để. Như vậy, hành vi vận chuyển động vật rừng trái pháp luật sẽ bị xử lý như thế nào? Vận chuyển động vật rừng trái pháp luật là gì? Lâm sản là gì? Theo Khoản 16, 17 Điều 2 Luật Lâm nghiệp 2017 quy định: - Lâm sản là sản phẩm khai thác từ rừng bao gồm thực vật rừng, động vật rừng và các sinh vật rừng khác gồm cả gỗ, lâm sản ngoài gỗ, sản phẩm gỗ, song, mây, tre, nứa đã chế biến. - Hồ sơ lâm sản là tài liệu về lâm sản được lưu giữ tại cơ sở sản xuất, kinh doanh lâm sản và lưu hành cùng với lâm sản trong quá trình khai thác, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, vận chuyển, chế biến, cất giữ. Theo Khoản 3 Điều 3 Nghị định 35/2019/NĐ-CP được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 1 Điều 1 Nghị định 07/2022/NĐ-CP: Sản phẩm của động vật rừng; động vật nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; động vật thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IB, IIB theo Điều 4 Nghị định 06/2019/NĐ-CP; động vật thuộc các Phụ lục của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp; động vật hoang dã trên cạn khác là các loại sản phẩm có nguồn gốc từ các loại động vật đó ở dạng thô hoặc đã qua sơ chế, chế biến. Hành vi vận chuyển động vật rừng trái pháp luật là gì? Theo Điều 22 Nghị định 35/2019/NĐ-CP được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 13 Điều 1 Nghị định 07/2022/NĐ-CP, hành vi vận chuyển lâm sản (trường hợp vận chuyển lâm sản bằng phương tiện thì xác định hành vi vi phạm từ thời điểm lâm sản đã được xếp lên phương tiện vận chuyển) không có hồ sơ hợp pháp hoặc có hồ sơ hợp pháp nhưng lâm sản thực tế vận chuyển không phù hợp với hồ sơ đó là hành vi vận chuyển lâm sản trái pháp luật. Như vậy, vận chuyển động vật rừng trái pháp luật là hành vi vận chuyển động vật, sản phẩm của động vật rừng mà không có hồ sơ lâm sản hợp pháp, hoặc có hồ sơ nhưng lâm sản vận chuyển khác với hồ sơ. Đơn vị tính để xác định thiệt hại do hành vi vi phạm hành chính gây ra Theo Điều 5 Nghị định 35/2019/NĐ-CP sửa đổi bởi Khoản 3 Điều 1 Nghị định 07/2022/NĐ-CP quy định về đơn vị tính để xác định thiệt hại do hành vi vi phạm hành chính gây ra như sau: - Diện tích rừng hoặc diện tích có cây trồng chưa thành rừng tính bằng mét vuông (m2) hoặc héc ta (ha). - Khối lượng gỗ tính bằng mét khối (m3). - Đơn vị tính và phương pháp xác định số lượng, khối lượng lâm sản theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đối với tang vật vi phạm là gỗ, khi xử phạt vi phạm hành chính phải quy thành gỗ tròn. Quy đổi khối lượng các loại gỗ xẻ, gỗ đẽo thành gỗ tròn bằng cách nhân với hệ số 1,6. - Động vật rừng, bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của động vật rừng thuộc loài thông thường; động vật rừng, bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của động vật rừng thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIB Điều 4 Nghị định 06/2019/NĐ-CP; sản phẩm của động vật rừng thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IB Điều 4 Nghị định 06/2019/NĐ-CP; thực vật rừng ngoài gỗ và sản phẩm gỗ xác định trị giá bằng tiền Việt Nam, đơn vị tính là đồng. Vận chuyển động vật rừng trái pháp luật bị xử lý như thế nào? Theo Điều 22 Nghị định 35/2019/NĐ-CP được sửa đổi bởi Nghị định 07/2022/NĐ-CP quy định về xử phạt hành vi vận chuyển lâm sản trái pháp luật, trong đó hành vi vận chuyển sản phẩm của động vật rừng trái phép bị xử phạt như sau: 1) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng khi vận chuyển - Động vật rừng, bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của động vật rừng thông thường trị giá dưới 7.000.000 đồng; - Động vật rừng, bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của động vật rừng thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIB trị giá dưới 3.000.000 đồng; 2) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng khi vận chuyển - Động vật rừng, bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của động vật rừng thông thường trị giá từ 15.000.000 đồng đến dưới 25.000.000 đồng; - Động vật rừng, bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của động vật rừng thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIB trị giá từ 7.000.000 đồng đến dưới 15.000.000 đồng; - Sản phẩm của động vật rừng thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IB trị giá dưới 1.000.000 đồng; 3) Phạt tiền từ 25.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng khi vận chuyển - Động vật rừng, bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của động vật rừng thông thường trị giá từ 25.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng; - Động vật rừng, bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của động vật rừng thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIB trị giá từ 15.000.000 đồng đến dưới 25.000.000 đồng; - Sản phẩm của động vật rừng thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IB trị giá từ 1.000.000 đồng đến dưới 3.000.000 đồng; 4) Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 khi vận chuyển: - Động vật rừng, bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của động vật rừng thông thường trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 70.000.000 đồng; - Động vật rừng, bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của động vật rừng thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIB trị giá từ 25.000.000 đồng đến dưới 35.000.000 đồng; - Sản phẩm của động vật rừng thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IB trị giá từ 3.000.000 đồng đến dưới 5.000.000 đồng; 5) Phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 90.000.000 đồng khi vận chuyển - Động vật rừng, bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của động vật rừng thông thường trị giá từ 70.000.000 đồng đến dưới 90.000.000 đồng; - Động vật rừng, bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của động vật rừng thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIB trị giá từ 35.000.000 đồng đến dưới 45.000.000 đồng; - Sản phẩm của động vật rừng thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IB trị giá từ 5.000.000 đồng đến dưới 10.000.000 đồng; 6) Phạt tiền từ 90.000.000 đồng đến 120.000.000 đồng khi vận chuyển - Động vật rừng, bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của động vật rừng thông thường trị giá từ 90.000.000 đồng đến dưới 120.000.000 đồng; - Động vật rừng, bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của động vật rừng thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIB trị giá từ 45.000.000 đồng đến dưới 60.000.000 đồng; - Sản phẩm của động vật rừng thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IB trị giá từ 10.000.000 đồng đến dưới 20.000.000 đồng; 7) Phạt tiền từ 120.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng khi vận chuyển - Động vật rừng, bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của động vật rừng thông thường trị giá từ 120.000.000 đồng đến dưới 150.000.000 đồng; - Động vật rừng, bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của động vật rừng thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIB trị giá từ 60.000.000 đồng đến dưới 75.000.000 đồng; - Sản phẩm của động vật rừng thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IB trị giá từ 20.000.000 đồng đến dưới 30.000.000 đồng; 8) Phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 180.000.000 đồng khi vận chuyển - Động vật rừng, bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của động vật rừng thông thường trị giá từ 150.000.000 đồng đến dưới 180.000.000 đồng; - Động vật rừng, bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của động vật rừng thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIB trị giá từ 75.000.000 đồng đến dưới 90.000.000 đồng; - Sản phẩm của động vật rừng thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IB trị giá từ 30.000.000 đồng đến dưới 40.000.000 đồng; 9) Phạt tiền từ 180.000.000 đồng đến 210.000.000 đồng khi vận chuyển - Động vật rừng, bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của động vật rừng thông thường trị giá từ 180.000.000 đồng đến dưới 210.000.000 đồng; - Động vật rừng, bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của động vật rừng thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIB trị giá từ 90.000.000 đồng đến dưới 105.000.000 đồng; - Sản phẩm của động vật rừng thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IB trị giá từ 40.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng; - Ngà voi có khối lượng dưới 0,3 kilôgam; 10) hạt tiền từ 210.000.000 đồng đến 240.000.000 đồng khi vận chuyển - Động vật rừng, bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của động vật rừng thông thường trị giá từ 210.000.000 đồng đến dưới 240.000.000 đồng; - Động vật rừng, bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của động vật rừng thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIB trị giá từ 105.000.000 đồng đến dưới 120.000.000 đồng; - Sản phẩm của động vật rừng thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IB trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 60.000.000 đồng; - Ngà voi có khối lượng từ 0,3 kilôgam đến dưới 0,6 kilôgam; 11) Phạt tiền từ 240.000.000 đồng đến 270.000.000 đồng khi vận chuyển - Động vật rừng, bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của động vật rừng thông thường trị giá từ 240.000.000 đồng đến dưới 270.000.000 đồng; - Động vật rừng, bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của động vật rừng thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIB trị giá từ 120.000.000 đồng đến dưới 135.000.000 đồng; - Sản phẩm của động vật rừng thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IB trị giá từ 60.000.000 đồng đến dưới 70.000.000 đồng; - Ngà voi có khối lượng từ 0,6 kilôgam đến dưới 0,9 kilôgam; 12) Phạt tiền từ 270.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng khi vận chuyển - Động vật rừng, bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của động vật rừng thông thường trị giá từ 270.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng; - Động vật rừng, bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của động vật rừng thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIB trị giá từ 135.000.000 đồng đến dưới 150.000.000 đồng; - Sản phẩm của động vật rừng thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IB trị giá từ 70.000.000 đồng đến dưới 80.000.000 đồng; - Ngà voi có khối lượng từ 0,9 kilôgam đến dưới 1,2 kilôgam; - Động vật rừng hoặc bộ phận không thể tách rời sự sống của động vật rừng thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IB với số lượng dưới 03 cá thể lớp chim, bò sát hoặc động vật lớp khác; 13) hạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 330.000.000 đồng khi vận chuyển - Sản phẩm của động vật rừng thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IB trị giá từ 80.000.000 đồng đến dưới 90.000.000 đồng; - Ngà voi có khối lượng từ 1,2 kilôgam đến dưới 1,5 kilôgam; sừng tê giác có khối lượng dưới 0,03 kilôgam; - Động vật rừng hoặc bộ phận không thể tách rời sự sống của động vật rừng thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IB với số lượng 01 cá thể lớp thú hoặc từ 03 đến 04 cá thể lớp chim, bò sát hoặc từ 03 đến 05 cá thể động vật lớp khác; 14) Phạt tiền từ 330.000.000 đồng đến 360.000.000 đồng khi vận chuyển - Sản phẩm của động vật rừng thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IB trị giá từ 90.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng; - Ngà voi có khối lượng từ 1,5 kilôgam đến dưới 02 kilôgam; sừng tê giác có khối lượng từ 0,03 kilôgam đến dưới 0,05 kilôgam; - Động vật rừng hoặc bộ phận không thể tách rời sự sống của động vật rừng thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IB với số lượng 02 cá thể lớp thú hoặc từ 05 đến 06 cá thể lớp chim, bò sát hoặc từ 06 đến 09 cá thể động vật lớp khác; 15) Hình thức xử phạt bổ sung có thể có tuỳ hành vi: - Tịch thu tang vật vi phạm - Tịch thu phương tiện 16) Biện pháp khắc phục hậu quả có thể có tuỳ hành vi: - Buộc thực hiện biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh; buộc tiêu hủy hàng hóa, vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường - Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm hành chính hoặc buộc nộp lại số tiền bằng trị giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đã bị tiêu thụ, tẩu tán, tiêu hủy Trên đây là giải đáp cho câu hỏi hành vi vận chuyển động vật rừng trái pháp luật bị xử lý như thế nào? Người đọc có thể tham khảo để cập nhật cho mình những kiến thức pháp luật hữu ích.
Vô ý gây hỏa hoạn bị xử lý như thế nào?
Hỏa hoạn gây ra hậu quả vô cùng khó lường, những năm gần đây liên tiếp xảy ra nhiều vụ cháy nhà, gây hậu quả rất nghiêm trọng. Chính vì thế các hành vi gây ra hỏa hoạn dù cố ý hay vô tình đều bị xử lý theo quy định của pháp luật. Xem thêm bài viết: Có phải bồi thường khi cháy nhà lan sang người khác? (1) Hành vi bị nghiêm cấm trong phòng cháy chữa cháy Theo quy định tại Điều 13 Luật Phòng cháy chữa cháy 2001, sửa đổi bổ sung bởi Khoản 8 Điều 1 Luật phòng cháy, chữa cháy sửa đổi 2013, các hành vi bị nghiêm cấm trong việc phòng cháy chữa cháy là: - Cố ý gây cháy, nổ làm tổn hại đến tính mạng, sức khoẻ con người; gây thiệt hại tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, cá nhân; ảnh hưởng xấu đến môi trường, an ninh và trật tự an toàn xã hội - Cản trở các hoạt động phòng cháy và chữa cháy; chống người thi hành nhiệm vụ phòng cháy và chữa cháy. - Lợi dụng phòng cháy và chữa cháy để xâm hại tính mạng, sức khỏe con người; xâm phạm tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức và cá nhân - Báo cháy giả - Không báo cháy khi có điều kiện báo cháy; trì hoãn việc báo cháy. - Sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép chất nguy hiểm về cháy, nổ.. - Mang hàng và chất dễ cháy, nổ trái phép vào nơi tập trung đông người - Thi công công trình có nguy hiểm về cháy, nổ, nhà cao tầng, trung tâm thương mại mà chưa có thiết kế được duyệt về phòng cháy và chữa cháy; nghiệm thu và đưa vào sử dụng công trình có nguy hiểm về cháy, nổ, nhà cao tầng, trung tâm thương mại khi chưa đủ điều kiện bảo đảm an toàn về phòng cháy và chữa cháy - Chiếm đoạt, hủy hoại, làm hư hỏng, tự ý thay đổi, di chuyển, che khuất phương tiện, thiết bị phòng cháy và chữa cháy, biển báo, biển chỉ dẫn; cản trở lối thoát nạn. - Hành vi khác vi phạm quy định của pháp luật về phòng cháy và chữa cháy Trách nhiệm phòng cháy, chữa cháy là trách nhiệm của mỗi cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân trên lãnh thổ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Điều 5 Luật Phòng cháy chữa cháy 2001), do đó mỗi cá nhân đều có trách nhiệm nâng cao hiểu biết về phòng cháy chữa cháy. (2) Vô ý gây hỏa hoạn bị xử lý như thế nào? Về nguyên tắc, người gây ra điểm cháy đầu tiên làm đám cháy lan ra những nơi khác, gây thiệt hại về tài sản và con người thì là người phải chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, việc xác định nguyên nhân và người gây ra vụ cháy phải chờ kết quả giám định của cơ quan điều tra có thẩm quyền. Theo Điều 51 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, các hành vi gây cháy nổ sẽ bị xử lý như sau - Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định an toàn về phòng cháy và chữa cháy để xảy ra cháy, nổ gây thiệt hại về tài sản dưới 20.000.000 đồng. - Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định an toàn phòng cháy và chữa cháy để xảy ra cháy, nổ gây thiệt hại về tài sản từ 20.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng. - Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định an toàn phòng cháy và chữa cháy để xảy ra cháy, nổ gây thiệt hại về tài sản từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng. - Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: - Vi phạm quy định an toàn phòng cháy và chữa cháy để xảy ra cháy, nổ mà gây thiệt hại về tài sản trên 100.000.000 đồng; - Vi phạm quy định về phòng cháy và chữa cháy gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể dưới 61% - Vi phạm quy định về phòng cháy và chữa cháy gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này dưới 61%. Biện pháp khắc phục hậu quả: - Buộc chi trả toàn bộ chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với hành vi vi phạm quy định tại các điểm b và c khoản 4 Điều 51 Nghị định 144/2021/NĐ-CP Như vậy, dù là cố ý hay vô tình, nếu gây ra hỏa hoạn mà có thiệt hại về tài sản hoặc con người thì đều sẽ bị phạt. Tuy nhiên, nếu hậu quả của việc gây hỏa hoạn là quá lớn thì tội vi phạm quy định phòng cháy chữa cháy sẽ bị xử lý theo quy định của Bộ Luật Hình sự 2015. Cụ thể, tại Điều 313 Bộ Luật Hình sự 2015 được sửa đổi bởi Khoản 115 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định về tội vi phạm quy định phòng cháy chữa cháy như sau: - Người nào vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 02 năm đến 05 năm: + Làm chết người; + Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; + Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%; + Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng. - Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 08 năm: + Làm chết 02 người; + Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%; + Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng. - Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm: + Làm chết 03 người trở lên; + Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên; + Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên. - Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các điểm a, b và c khoản 3 Điều 313 Bộ Luật Hình sự 2015 nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm. - Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. (3) Trách nhiệm bồi thường thiệt hại như thế nào? Người gây ra hỏa hoạn do cố ý vì muốn phá hoại tài sản hoặc giết người thì chắn chắn sẽ bị xử phạt và bồi thường thiệt hại, nhưng nếu nguồn cháy bắt nguồn từ việc chập điện, rò rỉ khi gas,...thì ai là người phải bồi thường thiệt hại? Theo Khoản 1 Điều 601 Bộ luật Dân sự 2015, mạng lưới điện trong nhà và chất đốt (khí gas) là nguồn nguy hiểm cao độ. Căn cứ vào Khoản 2, Khoản 3, Khoản 4 Điều 601 Bộ luật Dân sự 2015 thì chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ hoặc chủ sở hữu giao cho người chiếm hữu nguồn nguy hiểm cao độ không đúng quy định pháp luật mà gây ra thiệt hại thì chủ sở hữu chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Trường hợp chủ sở hữu giao cho người khác chiếm hữu hợp pháp thì người đó phải chịu trách nhiệm bồi thường. Trên thực tế, việc bồi thường sau hỏa hoạn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Người có trách nhiệm bồi thường đôi khi cũng là nạn nhân của hỏa hoạn, tài sản của họ cũng đã bị cháy trong trận hỏa hoạn, không có khả năng bồi thường thiệt hại. Do đó, chúng ta cần hết sức lưu ý những đồ vật dễ cháy nổ, không để vật dễ bắt lửa gần các nguồn lửa, tuân thủ theo các quy định về an toàn phòng cháy chữa cháy của Nhà nước. Xem thêm bài viết: Có phải bồi thường khi cháy nhà lan sang người khác? (4) Kết luận Chắc hẳn chúng ta vẫn chưa hết bàng hoàng và sợ hãi khi nhắc đến các vụ hỏa hoạn như vụ cháy chung cư mini ở Hà Nội, hay cháy cơ sở Karaoke ở Bình Dương, hay vụ cháy chung cư Carina ở TPHCM. Thời khắc ngọn lửa bùng lên trong ngày đen tối đó chắc hẳn sẽ in lại trong tâm trí của rất nhiều người dân, người thân của người gặp nạn. Những hậu quả của hỏa hoạn để lại là thật, những mất mát là thật, dù cho có phạt bao nhiêu thì cũng không thể bù đắp hết được sự mất mát đó. Cho nên mỗi người dân chúng ta đều nên có cho mình ý thức phòng cháy, trang bị các kỹ năng chữa cháy và thoát hiểm để không chỉ giúp cho mình mà còn giúp cho người thân, những người xung quanh mình khi có hỏa hoạn xảy ra.
Quy trình xử lý tai nạn lao động năm 2023 như thế nào?
Trong quá trình tham gia lao động, người lao động không tránh khỏi những rủi ro về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Vậy quy trình xử lý tai nạn lao động như thế nào? Quy định về điều tra tai nạn lao động Căn cứ theo Điều 35 Luật an toàn, vệ sinh lao động năm 2015 quy định về điều tra tai nạn lao động, sự cố kỹ thuật gây mất an toàn và vệ sinh lao động. Người sử dụng lao động có trách nhiệm thành lập đoàn điều tra tai nạn lao động cấp cơ sở để tiến hành điều tra tai nạn lao động theo Điều 11 Nghị định 39/2016/NĐ-CP Đoàn điều tra tai nạn lao động điều tra tai nạn lao động theo quy định tại Điều 13 Nghị định 39/2016/NĐ-CP Thành phần của đoàn điều tra tai nạn lao động cấp cơ sở sẽ gồm có người sử dụng lao động hoặc người đại diện được người sử dụng lao động ủy quyền và các thành viên là đại diện ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc đại diện tập thể NLĐ khi chưa thành lập tổ chức công đoàn cơ sở. Quy trình xử lý tai nạn lao động Quy trình xử lý tai nạn lao động được tiến hành theo các bước sau đây: Bước 1: Sơ cứu, cấp cứu cho người bị tai nạn lao động Căn cứ theo khoản 1 Điều 38 của Luật an toàn, vệ sinh lao động năm 2015 thì cần kịp thời sơ cứu, cấp cứu, điều trị cho người lao động. Bước 2: Khai báo tai bạn lao động Căn cứ theo Điều 34 Luật an toàn, vệ sinh lao động năm 2015 và Điều 10 Nghị định 39/2016/NĐ-CP, tai nạn lao động như sau: - Nếu tai nạn lao động xảy ra tại chỗ làm việc thì người bị tai nạn hoặc người biết tin phải báo ngay cho người quản lý trực tiếp được biết - Nếu có tai nạn lao động gây chết người hoặc bị thương nặng từ 2 người trở lên thì người sử dụng lao động phải khai báo nhanh nhất tới Thanh tra sở lao động - thương binh và xã hội nơi xảy ra tai nạn. Trong trường hợp gây chết người phải báo ngay cho cơ quan công an cấp huyện. Bước 3: Giữ nguyên hiện trường nơi xảy ra tai nạn lao động nặng hoặc gây chết người Nguyên tắc giữ nguyên hiện trường lao động được quy định tại khoản 3 Điều 18 Nghị định 39/2016/NĐ-CP: - Trường hợp phải cấp cứu, ngăn chặn những thiệt hại xảy ra mà làm xáo trộn hiện trường thì cần lập biên bản, chụp ảnh, quay phim lại hiện trường. - Lưu ý chỉ được xóa bỏ hiện trường và mai táng sau khi đã hoàn thành các bước điều tra và được đoàn điều tra tai nạn lao động cấp tỉnh hoặc công an đồng ý bằng văn bản. Bước 4: Thành lập đoàn điều tra tai nạn lao động cơ sở và tiến hành các bước điều tra Căn cứ theo khoản 1 Điều 35 của bộ luật này, người sử dụng lao động thành lập đoàn điều tra tai nạn lao động cấp cơ sở đối với những vụ tai nạn bị thương nhẹ hoặc bị thương nặng 1 người lao động Các trường hợp nghiêm trọng khác do sở lao động-thương binh và xã hội thành lập đoàn điều tra cấp tỉnh hoặc cấp trung ương. Thời gian điều tra tai nạn lao động tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể: - Tai nạn lao động làm bị thương nhẹ NLĐ: Không quá 4 ngày - Tai nạn lao động làm thương nặng 1 NLĐ: Không quá 7 ngày Đoàn điều tra tai nạn lao động theo quy trình sau đây: - Thu thập dấu vết, tài liệu, chứng cứ - Lấy lời khai của nạn nhân, nhân chứng, người có liên quan - Giám định kỹ thuật, giám định pháp y (nếu cần) - Phân tích về nguyên nhân, diễn biến, kết luận vụ tai nạn - Lập biên bản điều tra tai nạn lao động - Tổ chức cuộc họp và lập biên bản cuộc họp - Gửi biên bản điều tra tai nạn lao động, biên bản cuộc họp tới nạn nhân hoặc thân nhân người bị nạn Bước 5: Thông báo thông tin về sự việc tai nạn lao động tới NLĐ Người sử dụng lao động có trách nhiệm thông báo thông tin liên quan về tai nạn lao động tới tất cả người lao động thuộc đơn vị của mình. Bước 6: Hoàn chỉnh hồ sơ và lưu trữ hồ sơ TNLĐ Thời gian lưu trữ hồ sơ sẽ căn cứ theo khoản 8 Điều 18 Nghị định 39/2016/NĐ-CP: - Nếu vụ tai nạn gây chết người: Thời gian lưu hồ sơ là 15 năm - Các trường hợp tai nạn lao động khác: Thời gian lưu trữ hồ sơ cho đến khi người bị TNLĐ nghỉ hưu. Hồ sơ vụ tai nạn lao động gồm có: - Biên bản khám nghiệm hiện trường (nếu có) - Ảnh hiện trường, ảnh nạn nhân - Biên bản khám nghiệm thương tích/ tử thi - Biên bản lấy lời khai - Biên bản điều tra tai nạn lao động - Biên bản cuộc họp công bố điều tra tai nạn lao động - Giấy chứng thương - Giấy ra viện Bước 7: Thanh toán chi phí phục vụ cho điều tra TNLĐ Chi phí điều tra tai nạn lao động do người sử dụng lao động phải chi trả gồm: Dựng lại hiện trường, chụp, in ảnh hiện trường, trưng cầu giám định, in ấn tài liệu, phương tiện đi lại phục vụ quá trình điều tra. Bước 8: Chi trả bồi thường và trợ cấp cho người bị TNLĐ NLĐ bị TNLĐ được trả đủ tiền lương trong thời gian nghỉ điều trị, được bồi thường tương ứng với tỷ lệ suy giảm khả năng lao động. Bước 9: Hướng dẫn NLĐ giám định sức khỏe Sau khi người bị tai nạn lao động bình phục vết thương, điều trị ổn định sẽ được người sử dụng lao động giới thiệu giám y xác định mức độ suy giảm khả năng lao động. Bước 10: Khắc phục và giải quyết hậu quả tai nạn lao động Người sử dụng lao động có trách nhiệm khắc phục và giải quyết hậu quả do tai nạn lao động và rút kinh nghiệm lần sau. Bước 11: Sắp xếp công việc phù hợp với NLĐ sau khi bình phục NLĐ sau khi bình phục được sắp xếp công việc phù hợp với sức khỏe.
Bộ Công an hướng dẫn những kỹ năng thoát nạn khi ô tô bị lao xuống vùng nước sâu
Không ít trường hợp tài xế ô tô khi lái xe bị lao xuống hồ, vùng nước sâu,... hoảng loạn và không biết cách xử trí, lúc này rất nguy hiểm. Bài viết sẽ cung cấp một số thông tin hướng dẫn các kỹ năng xử lý khi gặp sự cố trên. Theo đó, một người dân đã ý kiến đến Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an rằng các trung tâm dạy lái xe ô tô chưa chú trọng nhiều đến việc dạy kỹ năng xử lý khi gặp các sự cố, tai nạn xảy ra trên đường. Vì thế, người dân thắc mắc nếu trong trường hợp điều khiển ô tô không may mà bị lao xuống vùng nước sâu thì có những kỹ năng gì để thoát nạn? Dựa vào câu hỏi trên, Bộ Công an có hướng dẫn như sau: Đây là tình huống xảy ra khi các phương tiện giao thông gặp sự cố lao xuống ao, sông, hồ,… và phương tiện dần bị chìm xuống (Hình 32). Nếu người đang ở trong các phương tiện tai nạn không kịp xử lý hoặc không có các thao tác đúng thì rất có thể họ sẽ bị nguy hiểm đến tính mạng. Khi gặp tình huống sự cố này, để thoát nạn an toàn, chúng ta cần chú ý thực hiện một số thao tác cơ bản sau: - Khi xe đang lao xuống nước, mọi người hãy cố bình tĩnh, sử dụng hai tay ôm chặt hai vai, đầu cúi xuống, hơi co tròn cơ thể nhằm hạn chế tối đa trấn thương do va đập khi xe va chạm với mặt nước (nếu là lái xe thì ôm chặt vô lăng). Sau khi xe ổn định thì nhanh chóng bấm khóa (lẫy) tháo dây an toàn (Hình 33). - Sau khi lao xuống nước, thường xe không bị chìm ngay (chỉ chìm sau khoảng thời gian từ 30 giây đến 2 phút). Đồng thời, hệ thống điện có thể đảm bảo cho một số bộ phận trên xe hoạt động trong khoảng 2-3 phút. Trong thời điểm này, mọi người trong xe cần nhanh chóng bấm nút hạ cửa kính (do hệ thống điện trong các xe vẫn có thể đảm bảo cho kính hạ xuống) hoặc sử dụng tay quay hạ cửa kính; khi cửa kính đã được mở, mọi người trong xe nhanh chóng thoát ra ngoài thông qua cửa đã mở và bơi vào bờ (Hình 34). Lưu ý: Khi ô tô mới lao xuống nước, mọi người không nên cố mở cửa xe, vì lúc này rất khó mở do áp lực nước từ ngoài tác động lên cánh cửa xe rất lớn. Mặt khác, nếu mở được cửa xe thì nước sẽ tràn vào nhanh hơn, dẫn đến xe sẽ chìm nhanh, khi đó cơ hội thoát nạn cho những người còn lại trong xe sẽ ít đi. Chính vì vậy, phương án tối ưu khi xe chưa bị chìm là hãy cố gắng bình tĩnh để thoát ra ngoài thông qua các cửa sổ kính như hướng dẫn ở trên. - Trong trường hợp các cửa kính bị kẹt và không thể hạ xuống được thì hãy bằng mọi cách phá vỡ cửa kính nếu có thể (Hình 35) (dùng búa phá kính, sử dụng giày gót nhọn, tuốc-nơ-vít, hoặc đạp bằng chân…). Lưu ý, khi phá cửa kính nên tác động vào một điểm ở góc cửa thì kính sẽ dễ bị phá hơn. Không nên phá kính chắn gió phía trước xe vì đây là loại kính có cấu tạo rất chắc chắn nên rất khó phá, đồng thời khi cửa kính này bị phá, nước sẽ tràn vào mạnh hơn và làm xe chìm nhanh hơn. - Trong trường hợp xe chìm nhanh, người trong xe không thể hạ được cửa kính thì thật bình tĩnh và đợi cho đến khi nước tràn vào trong khoang xe và ngập đến ngang ngực người ngồi (trong khoảng thời gian chờ đợi hãy cởi bỏ những vật nặng, quần áo nặng, giầy dép…). Khi đó, áp lực phía trong xe và bên ngoài đã khá cân bằng, lúc này mọi người hãy mở cửa xe phía gần nhất và thoát ra ngoài (Hình 36). - Nếu trong xe có trẻ nhỏ, hãy trấn an tinh thần của bé để bé không khóc hoặc la hét, khi nước ngập đến ngực, bạn hãy nói với bé cùng hít sâu, ngậm miệng và nín thở (có thể dùng hai ngón tay bóp vào cánh mũi của trẻ em). Ngay sau đó, bạn mở cánh cửa xe và đưa bé thoát ra ngoài rồi ngoi lên mặt nước. - Khi ngoi lên mặt nước, bạn hãy bằng mọi cách kêu cứu, ra ký hiệu để mọi người đến hỗ trợ. Nếu bạn biết bơi thì chủ động giúp đỡ những người khác không biết bơi để cùng vào bờ an toàn. Trên đây là hướng dẫn của Bộ Công an hướng dẫn xử lý khi gặp trường hợp ô tô bị lao xuống vùng nước sâu. Nguồn: Cổng TTĐT Bộ Công an
Đề xuất 11 quy định đối với thí sinh thi kiểm định đầu vào công chức
Bộ Nội vụ hiện đang dự thảo Thông tư /2023/TT-BNV tải ban hành kèm theo nội quy và quy chế tổ chức kiểm định chất lượng đầu vào công chức. Trong đó, đề xuất 11 quy định đối với thí sinh tham gia kiểm định chất lượng đầu vào công chức. Quy định đối với thí sinh thi kiểm định đầu vào công chức (1) Phải có mặt tại phòng thi đúng giờ quy định. Trang phục gọn gàng, văn minh, lịch sự. Trường hợp thí sinh dự thi đến chậm sau khi thời gian bắt đầu tính giờ làm bài thi thì không được dự thi. (2) Xuất trình Giấy chứng minh nhân dân hoặc Thẻ căn cước công dân hoặc một trong các loại giấy tờ tùy thân hợp pháp khác có dán ảnh và giấy xác nhận đăng ký dự thi để giám thị đối chiếu trước khi vào phòng thi. (3) Ngồi đúng chỗ theo số báo danh, để Giấy chứng minh nhân dân hoặc Thẻ căn cước công dân hoặc một trong các loại giấy tờ tùy thân hợp pháp khác có dán ảnh và giấy xác nhận đăng ký dự thi lên mặt bàn để các giám thị phòng thi và các thành viên Hội đồng thi kiểm tra. (4) Chỉ được mang vào phòng thi bút viết và một số loại thuốc mà thí sinh dự thi có bệnh án phải mang theo; không được mang vào phòng thi điện thoại di động, máy ghi âm, máy ảnh, máy vi tính, các phương tiện kỹ thuật thu, phát truyền tin, phương tiện sao lưu dữ liệu, thiết bị chứa đựng, truyền tải thông tin khác và các loại giấy tờ, tài liệu có liên quan đến nội dung thi (trừ trường hợp đề thi có quy định khác). (5) Tuân thủ mọi hướng dẫn của giám thị phòng thi; giữ trật tự và không được hút thuốc hoặc sử dụng chất kích thích trong phòng thi. (6) Không được trao đổi với người khác trong thời gian thi, không được trao đổi giấy nháp, không được nhìn bài thi của thí sinh khác hoặc có bất kỳ một hành động gian lận nào khác. Nghiêm cấm mọi hành vi sao chép, truyền tải thông tin có liên quan đến đề thi ra ngoài phòng thi hoặc nhận thông tin từ ngoài vào phòng thi. (7) Nếu cần hỏi điều gì, phải hỏi công khai giám thị phòng thi. (8) Trong thời gian làm bài thi, thí sinh không được ra ngoài phòng thi, nếu thí sinh có đau, ốm bất thường thì phải báo cho giám thị phòng thi và giám thị phòng thi phải báo ngay cho Trưởng điểm thi, Phó trưởng điểm thi, giám sát thi xem xét, giải quyết. (9) Nghiêm cấm các hành vi làm hỏng hệ thống máy vi tính phục vụ thi; khi phát hiện máy vi tính không sử dụng được phải kịp thời báo cho giám thị phòng thi để xem xét, giải quyết. (10) Thí sinh dự thi chỉ được rời phòng thi khi đã nộp bài và ký xác nhận vào bảng kết quả thi. Trường hợp thí sinh dự thi không ký xác nhận vào bảng kết quả thi trước khi ra khỏi phòng thi thì phải nhận điểm không (0). Trường hợp giám thị phát hiện thí sinh dự thi ký thay thí sinh dự thi khác thì các thí sinh này đều phải nhận điểm không (0). Việc quyết định điểm không (0) đối với các trường hợp này do Chủ tịch Hội đồng quyết định căn cứ báo cáo của Trưởng ban coi thi. (11) Thí sinh dự thi có quyền tố giác người vi phạm nội quy, quy chế với giám thị phòng thi, Trưởng ban coi thi, Phó trưởng ban coi thi, Trưởng điểm thi, Phó trưởng điểm thi, thành viên Hội đồng thi, thành viên Ban Giám sát. Dự kiến áp dụng 5 hình thức xử lý vi phạm dự thi đầu vào công chức Xử lý vi phạm đối với thí sinh dự thi kiểm định chất lượng đầu vào công chức bao gồm các hình thức sau: - Khiển trách: Giám thị phòng thi lập biên bản, công bố công khai tại phòng thi và áp dụng đối với thí sinh vi phạm một trong các lỗi sau: + Cố ý ngồi không đúng chỗ ghi số báo danh của mình; + Trao đổi với thí sinh khác và đã bị nhắc nhở nhưng không chấp hành; + Mang vào phòng thi điện thoại di động, máy ghi âm, máy ảnh, máy vi tính, các phương tiện kỹ thuật thu, phát truyền tin, phương tiện sao lưu dữ liệu, thiết bị chứa đựng, truyền tải thông tin khác và các loại giấy tờ, tài liệu có liên quan đến nội dung thi (trừ trường hợp đề thi có quy định khác). - Cảnh cáo: Giám thị phòng thi lập biên bản, công bố công khai tại phòng thi và áp dụng đối với thí sinh vi phạm một trong các lỗi sau: + Trao đổi bài làm hoặc giấy nháp với thí sinh khác; + Sử dụng tài liệu, điện thoại di động, máy ghi âm, máy ảnh, máy vi tính và các phương tiện kỹ thuật thu, phát truyền tin, phương tiện sao lưu dữ liệu, thiết bị chứa đựng thông tin khác trong phòng thi (trừ trường hợp đề thi có quy định khác). - Đình chỉ thi: Trưởng ban coi thi quyết định đình chỉ thi đối với thí sinh vi phạm đã bị lập biên bản với hình thức cảnh cáo nhưng vẫn cố tình vi phạm nội quy thi hoặc thí sinh cố ý gây mất an toàn, trật tự làm ảnh hưởng đến phòng thi. Việc đình chỉ thi được công bố công khai tại phòng thi. - Trừ điểm bài thi: + Thí sinh bị khiển trách trong khi làm bài thi sẽ bị trừ 25% tổng số câu trả lời đúng trong kỳ thi; + Thí sinh bị cảnh cáo trong phần thi, bài thi, môn thi nào sẽ bị trừ 50% tổng số câu trả lời đúng trong kỳ thi; + Khi tổng hợp kết quả, căn cứ biên bản xử lý vi phạm do giám thị phòng thi lập, Thư ký Hội đồng thi báo cáo Chủ tịch Hội đồng thi xem xét, quyết định việc trừ điểm đối với trường hợp quy định tại điểm a, điểm b khoản này. - Thí sinh vi phạm nội quy, quy chế phải bị lập biên bản, giám thị phòng thi và thí sinh vi phạm cùng ký vào biên bản. Sau khi lập biên bản và công bố công khai tại phòng thi, giám thị phòng thi phải báo cáo ngay với Trưởng điểm thi, Phó Trưởng điểm thi. Trường hợp thí sinh vi phạm không ký biên bản vi phạm thì giám thị phòng thi mời hai thí sinh bên cạnh cùng ký xác nhận sự việc. Trường hợp có một trong hai thí sinh hoặc cả hai thí sinh được mời ký xác nhận sự việc không ký biên bản thì giám thị phòng thi vẫn lập biên bản và báo cáo Trưởng điểm thi, Phó Trưởng điểm thi hoặc Trưởng ban coi thi, Phó trưởng ban coi thi xem xét, quyết định. - Thí sinh cố ý gây mất an toàn, trật tự làm ảnh hưởng đến phòng thi, ngoài việc bị đình chỉ thi, tùy theo tính chất, mức độ còn bị xử lý theo quy định của pháp luật hình sự. Xem thêm dự thảo Thông tư /2023/TT-BNV tại đây tải
Xử lý hành vi xâm phạm quyền tác giả theo quy định của pháp luật về Sở hữu trí tuệ?
Theo khoản 2 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 định nghĩa quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu. Hành vi vi phạm quyền tác hả bao gồm xâm phạm cả về quyền nhân thân và quyền tài sản. Tổ chức, cá nhân khi khai thác, sử dụng một, một số hoặc toàn bộ các quyền nhân thân và quyền tài sản phải xin phép và trả tiền nhuận bút, thù lao, các quyền lợi vật chất khác cho chủ sở hữu quyền tác giả. 1. Các hành vi xâm phạm mà tổ chức, cá nhân thực hiện đối với quyền tác giả Theo quy định tại Điều 28 Luật sở hữu trí tuệ 2005 một số hành vi xâm phạm quyền tác giả bao gồm - Chiếm đoạt quyền tác giả đối với tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học. - Mạo danh tác giả. - Công bố, phân phối tác phẩm mà không được phép của tác giả. - Sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả. - Sao chép tác phẩm mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, - Sử dụng tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả, không trả tiền nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất khác theo quy định của pháp luật - Cho thuê tác phẩm mà không trả tiền nhuận bút, thù lao và quyền lợi vật chất khác cho tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả. - Cố ý huỷ bỏ hoặc làm vô hiệu các biện pháp kỹ thuật do chủ sở hữu quyền tác giả thực hiện để bảo vệ quyền tác giả đối với tác phẩm của mình. - Cố ý xoá, thay đổi thông tin quản lý quyền dưới hình thức điện tử có trong tác phẩm. Ngoài ra, còn các hành vi xâm phạm quyền tác giả và quyền liên quan khác. 2.Xử lý như thế nào khi vi phạm quyền tác giả? Biện pháp dân sự Căn cứ tại Điều 202 Luật sở hữu trí tuệ 2005 thì Tòa án áp dụng các biện pháp dân sự sau - Buộc chấm dứt hành vi xâm phạm; - Buộc xin lỗi, cải chính công khai; - Buộc thực hiện nghĩa vụ dân sự; - Buộc bồi thường thiệt hại; - Buộc tiêu hủy hoặc buộc phân phối hoặc đưa vào sử dụng không nhằm mục đích thương mại đối với hàng hóa, nguyên liệu, vật liệu và phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ với điều kiện không làm ảnh hưởng đến khả năng khai thác quyền của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ. Biện pháp hành chính Theo Điều 2 Nghị định 131/2013/NĐ-CP khung phạt tiền, thẩm quyền phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức - Mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan đối với cá nhân là 250.000.000 đồng, đối với tổ chức là 500.000.000 đồng -Mức phạt cụ thể đối với một số hành vi xâm phạm quyền tác giả theo Nghị định 131/2013/NĐ-CP + Đối với hành vi tự ý sửa chữa, cắt xén tác phẩm gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng + Đối với hành vi công bố tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng + Đối với hành vi sao chép tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 35.000.000 đồng + Đối với hành vi cố ý xóa hoặc thay đổi thông tin quản lý quyền tác giả dưới hình thức điện tử (áp dụng đối với bản gốc và bản sao tác phẩm phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng. - Ngoài ra, còn các hành vi khác và hình phạt bổ sung đối với từng hành vi khác nhau như: + Tịch thu, tiêu hủy, tái xuất tang vật vi phạm; + Cải chính công khai, sửa lại các nội dung sai lệch khi công bố; Truy cứu trách nhiệm hình sự Tại Điều 225 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về Tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan Theo đó, người nào cố ý thực hiện một trong các hành vi Sao chép tác phẩm, Phân phối đến công chúng bản sao tác phẩm, Xâm phạm quyền tác giả phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Vậy hành vi vi phạm do cá nhân, tổ chức xâm phạm quyền tác giả sẽ tùy vào mức độ, tính chất khác nhau thì sẽ bị xử lý về mặt hành chính, dân sự hoặc hình sự.
NHNN vào cuộc xử lý nghiêm các ngân hàng ép mua bảo hiểm
Ngày 21/02/2023, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam vừa có thông cáo báo chí phát đi về việc tổ chức tín dụng (TCTD) có hiện tượng tác động đến khách hàng để cung ứng dịch vụ bảo hiểm. Tuy nhiên, gần đây, một số phương tiện thông tin đại chúng tiếp tục phản ánh hiện tượng một số TCTD “ép” khách hàng mua bảo hiểm khi vay vốn, tăng lãi suất/ “ép” khách hàng tất toán khoản vay nếu hủy hợp đồng bảo hiểm, cung cấp thông tin chưa đầy đủ, rõ ràng về sản phẩm bảo hiểm, chuyển từ tiền tiết kiệm tại ngân hàng của khách hàng sang mua bảo hiểm nhân thọ… Do đó, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng sử dụng dịch vụ tài chính ngân hàng, đồng thời đảm bảo việc các tổ chức tín dụng (TCTD) tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật, NHNN đã thường xuyên ban hành các văn bản chỉ đạo, cảnh báo các TCTD về hoạt động cung ứng dịch vụ liên quan đến bảo hiểm. (1) Yêu cầu TCTD tuân thủ quy định pháp luật Theo đó, NHNN yêu cầu các TCTD nghiêm túc chấp hành quy định pháp luật tại Luật Các tổ chức tín dụng 2010, Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 và các văn bản có liên quan. Ngoài ra, cung cấp các thông tin về sản phẩm bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm… đầy đủ, chính xác cho bên mua bảo hiểm và giải thích đầy đủ, rõ ràng về quyền lợi bảo hiểm, điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm, quyền và nghĩa vụ của bên mua bảo hiểm. Đặc biệt, các TCTD không được tự ý kê khai thông tin cho bên mua bảo hiểm khi chưa có sự đồng ý của bên mua bảo hiểm; nghiêm cấm hành vi “ép” khách hàng mua bảo hiểm. (2) Xây dựng tiêu chí đánh giá cho nhân viên kinh doanh bảo hiểm NHNN cũng chỉ đạo các TCTD rà soát, nghiên cứu xây dựng, cập nhật các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả công việc để không gây áp lực đối với nhân viên/đơn vị kinh doanh trong việc giới thiệu bán các sản phẩm bảo hiểm. Theo đó, không để xảy ra trường hợp nhân viên/đơn vị kinh doanh “ép” khách hàng mua bảo hiểm. Tăng cường hoạt động kiểm tra, kiểm soát nội bộ để phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm trong hoạt động đại lý bảo hiểm. (3) Thực hiện sát chỉ đạo của Công văn 506/NHNN-TTGSNH Ngày 15/02/2023, NHNN đã ban hành Công văn 506/NHNN-TTGSNH về hoạt động cung ứng dịch vụ liên quan đến bảo hiểm. Tại công văn này, NHNN tiếp tục chỉ đạo các TCTD nghiêm túc chấp hành các quy định pháp luật và chỉ đạo của NHNN về hoạt động kinh doanh, đại lý bảo hiểm. Khẩn trương rà soát, nghiêm túc chấn chỉnh hoạt động cung ứng dịch vụ liên quan đến bảo hiểm trên toàn hệ thống, không để xảy ra trường hợp cán bộ/đơn vị kinh doanh “ép” khách hàng mua bảo hiểm dưới mọi hình thức. Đồng thời xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm quy định nội bộ, quy định pháp luật liên quan đến lĩnh vực bảo hiểm. (4) Xử lý nghiêm ngân hàng vi phạm kinh doanh bảo hiểm NHNN sẽ có biện pháp xử lý nghiêm trong trường hợp phát hiện nhân viên/đơn vị kinh doanh “ép” khách hàng mua bảo hiểm và TCTD chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật đối với hành vi này. Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng phối hợp với Cục Quản lý giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) tiến hành thanh tra, xử lý các vi phạm trong hoạt động đại lý bảo hiểm của TCTD. Lãnh đạo Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng và Lãnh đạo Cục Quản lý giám sát bảo hiểm cũng đã trao đổi, làm việc, thống nhất thiết lập đường dây nóng của cả hai cơ quan. Qua đó, nắm bắt và xử lý kịp thời mọi phản ánh, kiến nghị của người dân và các cơ quan, doanh nghiệp liên quan đến hoạt động cung ứng dịch vụ bảo hiểm của TCTD (trong giờ hành chính).
Tội cố ý gây nhiễu có hại bị xử lý như thế nào?
Theo Điều 294 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định: Tội cố ý gây nhiễu có hại được hiểu là: Tội cố ý gây nhiễu có hại xâm phạm trực tiếp đến hoạt động bình thường của hệ thông thông tin vô tuyến điện; xâm phạm đến trật tự công cộng, an toàn xã hội. Đối tượng tác động của tội phạm là hệ thống thông tin vô tuyến điện. Theo Luật Tần số vô tuyến điện năm 2009, Thông tin vô tuyến điện là sự truyền dẫn, phát hoặc thu ký hiệu, tín hiệu, số liệu, chữ viết, hình ảnh, âm thanh hoặc dạng thông tin khác bằng sóng vô tuyến điện. Điều 3 Luật tần số vô tuyến điện năm 2009 “Nhiễu có hại là ảnh hưởng có hại của năng lượng điện từ do việc phát xạ bức xạ hoặc cảm ứng gây mất an toàn hoặc cản trở, làm gián đoạn hoạt động của thiết bị, hệ thống thiết bị vô tuyến điện đang khai thác hợp pháp.” Tội phạm xâm phạm vào những quy định của Nhà nước về đảm bảo an toàn mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số của người khác. Tội phạm thể hiện ở các hành vi sử dụng trái phép tần số vô tuyến điện dành riêng cho mục đích cấp cứu, an toàn, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, quốc phòng, an ninh vào mục đích khác gây thiệt hại từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đông hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm. Tội phạm được xác định là hành vi sử dụng trái phép tần số vô tuyến điện dành riêng cho mục đích cấp cứu, an toàn, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, quốc phòng, an ninh vào mục đích khác gây thiệt hại. Hình phạt: Điều 294 BLHS -Khoản 1: phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm nếu có các hành vi khách quan theo quy định của khoản 1 điều này. -Khoản 2: phạt tù từ 01 năm đến 05 năm nếu có thêm một trong các tình tiết tăng nặng sau đây: + Có tổ chức; + Gây thiệt hại 500.000.000 đồng trở lên; + Tái phạm nguy hiểm. Như vây, đối với tội cố ý gây nhiễu có hại thì mức phạt tù cao nhất lên đến 05 năm.
Tấn công DDoS bị xử lý theo pháp luật như thế nào?
DDoS là viết tắt của cụm từ Distributed Denial of Service, có nghĩa là từ chối dịch vụ phân tán. Tấn công DDoS xảy ra khi số lượng yêu cầu truy cập vào trang web quá lớn, dẫn đến việc máy chủ quá tải và không còn khả năng xử lý. Tấn công DDoS được tin tặc sử dụng nhằm nhiều mục đích, có thể là “màn chắn” cho một cuộc tấn công mạng phía sau. Khi nhân sự an ninh mạng đang tập trung xử lý sự cố cho trang web bị tấn công DDoS, tin tặc sẽ lợi dụng thời cơ để tấn công backdoor và chèn vào các công cụ SQL đến khi doanh nghiệp nhận ra âm mưu này thì đã quá muộn. Theo Khoản 8 điều 2 Luật An ninh mạng năm 2018 giải thích khái niệm "Tấn công mạng" là hành vi sử dụng không gian mạng, công nghệ thông tin hoặc phương tiện điện tử để phá hoại, gây gián đoạn hoạt động của mạng viễn thông, mạng Internet, mạng máy tính, hệ thống thông tin, hệ thống xử lý và điều khiển thông tin, cơ sở dữ liệu, phương tiện điện tử. Hành vi tấn công mạng có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự Theo Điều 80 Nghị định 15/2020/NĐ-CP: - Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối hành vi bẻ khóa, trộm cắp, sử dụng mật khẩu, khóa mật mã và thông tin của tổ chức, cá nhân khác trên môi trường mạng. - Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau: + Truy cập trái phép vào mạng hoặc thiết bị số của người khác để chiếm quyền điều khiển thiết bị số hoặc thay đổi, xóa bỏ thông tin lưu trữ trên thiết bị số hoặc thay đổi tham số cài đặt thiết bị số hoặc thu thập thông tin của người khác; + Xâm nhập, sửa đổi, xóa bỏ nội dung thông tin của tổ chức, cá nhân khác trên môi trường mạng; + Cản trở hoạt động cung cấp dịch vụ của hệ thống thông tin; + Ngăn chặn việc truy nhập đến thông tin của tổ chức, cá nhân khác trên môi trường mạng, trừ trường hợp pháp luật cho phép; ... Hình thức xử phạt bổ sung: Trục xuất khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đối với người nước ngoài Hành vi tấn công mạng có thể bị xử lý về tội Cản trở hoặc gây rối loạn hoạt động của mạng máy; mạng viễn thông; phương tiện điện tử theo Điều 287 Bộ luật Hình sự 2015. Điều 287. Tội cản trở hoặc gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử 1. Người nào tự ý xóa, làm tổn hại hoặc thay đổi phần mềm, dữ liệu điện tử hoặc ngăn chặn trái phép việc truyền tải dữ liệu của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử hoặc có hành vi khác cản trở hoặc gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 286 và Điều 289 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm: a) Thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng; b) Gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; c) Làm tê liệt, gián đoạn, ngưng trệ hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử từ 30 phút đến dưới 24 giờ hoặc từ 03 lần đến dưới 10 lần trong thời gian 24 giờ; d) Làm đình trệ hoạt động của cơ quan, tổ chức từ 24 giờ đến dưới 72 giờ; đ) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 năm đến 07 năm: a) Có tổ chức; b) Lợi dụng quyền quản trị mạng máy tính, mạng viễn thông; c) Tái phạm nguy hiểm; d) Thu lợi bất chính từ 200.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng; đ) Gây thiệt hại từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng; e) Làm tê liệt, gián đoạn, ngưng trệ hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử từ 24 giờ đến dưới 168 giờ hoặc từ 10 lần đến dưới 50 lần trong thời gian 24 giờ; g) Làm đình trệ hoạt động của cơ quan, tổ chức từ 72 giờ đến dưới 168 giờ. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm: a) Đối với hệ thống dữ liệu thuộc bí mật nhà nước; hệ thống thông tin phục vụ quốc phòng, an ninh; b) Đối với cơ sở hạ tầng thông tin quốc gia; hệ thống thông tin điều hành lưới điện quốc gia; hệ thống thông tin, giao dịch tài chính, ngân hàng; hệ thống thông tin điều khiển giao thông; c) Thu lợi bất chính 1.000.000.000 đồng trở lên; d) Gây thiệt hại 1.500.000.000 đồng trở lên; đ) Làm tê liệt, gián đoạn, ngưng trệ hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử 168 giờ trở lên hoặc 50 lần trở lên trong thời gian 24 giờ; e) Làm đình trệ hoạt động của cơ quan, tổ chức 168 giờ trở lên. 4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. Như vậy; đối với hành vi tấn công mạng DDoS; tùy theo mức độ nghiêm trọng có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Nghị quyết 74/2022/QH15: Làm rõ trách nhiệm sai phạm về đất đai trong năm 2023
Ngày 15/11/2022 Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết 74/2022/QH15 đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Cụ thể, giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương, tổ chức, cơ quan thực hiện nghiêm các nhiệm vụ trọng tâm sau: Trong năm 2023: (1) Tổng hợp báo cáo liên quan đến vi phạm Hoàn thành việc rà soát, thống kê, tổng hợp đầy đủ các thông tin, số liệu liên quan đến thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021. Sau đó, báo cáo rõ kết quả rà soát, phát hiện các vi phạm, thất thoát, lãng phí của từng Bộ, ngành, địa phương, tổ chức, cơ quan hữu quan. (2) Làm rõ trách nhiệm của cá nhân, tổ chức vi phạm Đặc biệt, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, nhất là trách nhiệm giải trình của người đứng đầu để xảy ra các vi phạm, thất thoát, lãng phí đối với các dự án sử dụng vốn nhà nước có thất thoát, lãng phí. Bên cạnh đó, diện tích đất sử dụng sai mục đích, bỏ hoang hóa, vi phạm pháp luật; 79.670 ha đất các công ty nông, lâm nghiệp đã có quyết định thu hồi nhưng chưa có phương án sử dụng. Và 305.043 ha đất các công ty nông, lâm nghiệp chưa có quyết định thu hồi và chưa có phương án sử dụng đất và các tồn tại, hạn chế khác nêu trong Báo cáo số 330/BC- ĐGS cũng sẽ được xử lý (3) Xử lý sai phạm theo lộ trình Chính phủ giao các cơ quan chuyên ngành phân loại để xây dựng kế hoạch, lộ trình, làm rõ trách nhiệm, xử lý các sai phạm, tiêu cực, các tồn tại, hạn chế, thất thoát, lãng phí đối với các tổ chức, đơn vị, cá nhân liên quan đến các dự án sau: - 51 dự án, cụm dự án sử dụng vốn đầu tư công và vốn nhà nước khác không hiệu quả hoặc lãng phí (Phụ lục số 1 kèm theo Nghị quyết 74/2022/QH15). - 13 dự án, chuỗi dự án trọng điểm trong lĩnh vực điện, than, dầu khí chậm tiến độ (Phụ lục số 2 kèm theo Nghị quyết 74/2022/QH15). - 19 dự án chậm triển khai, có khó khăn vướng mắc để đất đai hoang hóa, lãng phí (Phụ lục số 3 kèm theo Nghị quyết 74/2022/QH15). - 880 dự án, công trình không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm đưa đất vào sử dụng (Phụ lục số 4 kèm theo Nghị quyết 74/2022/QH15). Và các tồn tại, hạn chế khác nêu trong Báo cáo số 330/BC-ĐGS ngày 11/10/2022 của Đoàn giám sát. Sửa đổi các văn bản luật về thực hiện tiết kiệm Ngoài ra, trong năm 2023, ban hành đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các Luật có liên quan đến công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Đồng thời, rà soát và ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia, đơn giá, định mức kinh tế - kỹ thuật trong đầu tư, xây dựng, dịch vụ công còn thiếu hoặc còn chồng chéo, mâu thuẫn. Sửa đổi, bổ sung định mức chi tiêu công, tài sản công, xe công, khoán chỉ, khoán kinh phí sử dụng tài sản công; lao động, biên chế; quản lý, sử dụng tài nguyên, đất, khoáng sản. Trước năm 2025 hoàn thành việc rà soát, tổng kết, đánh giá sự chồng chéo, chưa đồng bộ, kịp thời của hệ thống pháp luật liên quan đến công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; đề xuất sửa đổi Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và các luật, văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Sửa đổi theo thẩm quyền văn bản quy phạm pháp luật để bảo đảm đồng bộ, thống nhất hệ thống pháp luật, khắc phục tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn, nâng cao hiệu quả việc quản lý, sử dụng các nguồn lực nhà nước. Đối với những vấn đề vượt thẩm quyền trong quản lý, sử dụng đất đai, báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định xử lý tháo gỡ các điểm nghẽn cho đến khi Luật Đất đai (sửa đổi) có hiệu lực thi hành. Xem thêm Nghị quyết 74/2022/QH15 thông qua ngày 15/11/2022.
Phát hiện hóa đơn điện tử có sai sót sau khi gửi cho người mua thì xử lý thế nào?
Sai sót trong hóa đơn điện tử có thể gây ra nhiều hệ lụy. Bài viết này sẽ hướng dẫn cách xử lý khi gặp tình huống phát hiện hóa đơn điện tử có sai sót sau khi đã gửi cho người mua (1) Hóa đơn điện tử là gì? Theo khoản 2 Điều 3 Nghị định 123/2020/NĐ-CP, hóa đơn điện tử có hai loại là: - Hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế là hóa đơn điện tử được cơ quan thuế cấp mã trước khi tổ chức, cá nhân bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ gửi cho người mua. - Hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế là hóa đơn điện tử do tổ chức bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ gửi cho người mua không có mã của cơ quan thuế. Tổ chức, cá nhân bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ lập hóa đơn điện tử bằng các phương tiện điện tử để ghi nhận thông tin bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, bao gồm cả trường hợp hóa đơn được khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế. Các hóa đơn này là tài liệu quan trọng để làm căn cứ để tính thuế và chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hóa. Do đó, khi có sai sót thông tin trên hóa đơn điện tử, người bán phải xử lý theo quy định của pháp luật. (2) Phát hiện hóa đơn điện tử có sai sót sau khi gửi cho người mua thì xử lý thế nào? Theo quy định tại khoản 2 Điều 19 Nghị định 123/2020/NĐ-CP, trường hợp hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế hoặc hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế đã gửi cho người mua mà người mua hoặc người bán phát hiện có sai sót thì xử lý như sau: Trường hợp có sai sót về tên, địa chỉ của người mua nhưng không sai mã số thuế, các nội dung khác không sai sót Người bán thông báo cho người mua về việc hóa đơn có sai sót và không phải lập lại hóa đơn. Người bán thực hiện thông báo với cơ quan thuế về hóa đơn điện tử có sai sót theo Mẫu số 04/SS-HĐĐT Phụ lục IA ban hành kèm theo Nghị định 123/2020/NĐ-CP, trừ trường hợp hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế có sai sót nêu trên chưa gửi dữ liệu hóa đơn cho cơ quan thuế. >>> Tải Mẫu số 04/SS-HĐĐT tại đây https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/8/06/Ph%E1%BB%A5%20l%E1%BB%A5c%20IA%20-%20M%E1%BA%ABu%20s%E1%BB%91%2004_SS-H%C4%90%C4%90T.doc Trường hợp có sai: mã số thuế; sai sót về số tiền ghi trên hóa đơn, sai về thuế suất, tiền thuế hoặc hàng hóa ghi trên hóa đơn không đúng quy cách, chất lượng Người bán có thể lựa chọn một trong hai cách sử dụng hóa đơn điện tử như sau: 1- Người bán lập hóa đơn điện tử điều chỉnh hóa đơn đã lập có sai sót. Trường hợp người bán và người mua có thỏa thuận về việc lập văn bản thỏa thuận trước khi lập hóa đơn điều chỉnh cho hóa đơn đã lập có sai sót thì người bán và người mua lập văn bản thỏa thuận ghi rõ sai sót, sau đó người bán lập hóa đơn điện tử điều chỉnh hóa đơn đã lập có sai sót. Hóa đơn điện tử điều chỉnh hóa đơn điện tử đã lập có sai sót phải có dòng chữ “Điều chỉnh cho hóa đơn Mẫu số... ký hiệu... số... ngày... tháng... năm”. 2- Người bán lập hóa đơn điện tử mới thay thế cho hóa đơn điện tử có sai sót trừ trường hợp người bán và người mua có thỏa thuận về việc lập văn bản thỏa thuận trước khi lập hóa đơn thay thế cho hóa đơn đã lập có sai sót thì người bán và người mua lập văn bản thỏa thuận ghi rõ sai sót, sau đó người bán lập hóa đơn điện tử thay thế hóa đơn đã lập có sai sót. Hóa đơn điện tử mới thay thế hóa đơn điện tử đã lập có sai sót phải có dòng chữ “Thay thế cho hóa đơn Mẫu số... ký hiệu... số... ngày... tháng... năm”. Theo đó, người bán ký số trên hóa đơn điện tử mới điều chỉnh hoặc thay thế cho hóa đơn điện tử đã lập có sai sót sau đó người bán gửi cho người mua (đối với trường hợp sử dụng hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế) hoặc gửi cơ quan thuế để cơ quan thuế cấp mã cho hóa đơn điện tử mới để gửi cho người mua (đối với trường hợp sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế). Đối với ngành hàng không Hóa đơn đổi, hoàn chứng từ vận chuyển hàng không được coi là hóa đơn điều chỉnh mà không cần có thông tin “Điều chỉnh tăng/giảm cho hóa đơn Mẫu số... ký hiệu... ngày... tháng... năm”. Doanh nghiệp vận chuyển hàng không được phép xuất hóa đơn của mình cho các trường hợp hoàn, đổi chứng từ vận chuyển do đại lý xuất. Như vậy, dựa vào từng trường hợp sai sót trên hóa đơn mà người bán sẽ thực hiện việc điều chỉnh tương ứng, phù hợp với quy định pháp luật như: thông báo cho khách hàng, gửi thông báo đến cơ quan thuế theo mẫu quy định, lập hóa đơn điều chỉnh hoặc hủy hóa đơn cũ và lập hóa đơn mới. (3) Thời gian gửi thông báo cho cơ quan thuế Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 7 Thông tư 78/2021/TT-BTC, trường hợp hóa đơn điện tử đã lập có sai sót phải cấp lại mã của cơ quan thuế hoặc hóa đơn điện tử có sai sót cần xử lý theo hình thức điều chỉnh hoặc thay thế thì người bán được lựa chọn sử dụng Mẫu số 04/SS-HĐĐT tại Phụ lục IA ban hành kèm theo Nghị định 123/2020/NĐ-CP để thông báo việc điều chỉnh cho từng hóa đơn có sai sót hoặc thông báo việc điều chỉnh cho nhiều hóa đơn điện tử có sai sót và gửi thông báo này đến cơ quan thuế bất cứ thời gian nào nhưng chậm nhất là ngày cuối cùng của kỳ kê khai thuế giá trị gia tăng phát sinh hóa đơn điện tử điều chỉnh. (4) Một số trường hợp khác Tại khoản 1 Điều 7 Thông tư 78/2021/TT-BTC có hướng dẫn xử lý trong một số trường hợp có sai sót trong việc lập hóa đơn điện tử, cụ thể: Trường hợp hủy, chấm dứt cung cấp dịch vụ khi đã lập hóa đơn Trường hợp người bán lập hóa đơn khi thu tiền trước hoặc trong khi cung cấp dịch vụ theo quy định tại Khoản 2 Điều 9 Nghị định 123/2020/NĐ-CP sau đó có phát sinh việc hủy hoặc chấm dứt việc cung cấp dịch vụ thì người bán thực hiện hủy hóa đơn điện tử đã lập và thông báo với cơ quan thuế về việc hủy hóa đơn theo Mẫu số 04/SS-HĐĐT. Trường hợp đã điều chỉnh, thay thế hóa đơn nhưng lại phát hiện thêm sai sót Trường hợp hóa đơn điện tử đã lập có sai sót và người bán đã xử lý theo hình thức điều chỉnh hoặc thay thế theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 19 Nghị định 123/2020/NĐ-CP, sau đó lại phát hiện hóa đơn tiếp tục có sai sót thì các lần xử lý tiếp theo người bán sẽ thực hiện theo hình thức đã áp dụng khi xử lý sai sót lần đầu; Hóa đơn điện tử không có ký hiệu mẫu số, ký hiệu hóa đơn, số hóa đơn có sai sót Trường hợp theo quy định hóa đơn điện tử được lập không có ký hiệu mẫu số hóa đơn, ký hiệu hóa đơn, số hóa đơn có sai sót thì người bán chỉ thực hiện điều chỉnh mà không thực hiện hủy hoặc thay thế. Trường hợp chỉ sai sót về giá trị ghi trên hóa đơn Đối với nội dung về giá trị trên hóa đơn có sai sót thì điều chỉnh tăng (ghi dấu dương), điều chỉnh giảm (ghi dấu âm) đúng với thực tế điều chỉnh. Phát hiện hóa đơn điện tử có sai sót sau khi gửi cho khách hàng là tình huống không mong muốn nhưng hoàn toàn có thể khắc phục, việc xử lý nhanh chóng và đúng quy định sẽ giúp doanh nghiệp duy trì uy tín và mối quan hệ tốt đẹp với khách hàng. Đồng thời, để hạn chế tình trạng sai sót khi lập hóa đơn điện tử, doanh nghiệp nên đầu tư vào phần mềm quản lý hóa đơn điện tử chuyên nghiệp và thường xuyên kiểm tra lại thông tin trước khi gửi hóa đơn.
Xử lý đối với trường hợp tên tổ hợp tác, hợp tác xã xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp?
Ngày 18 tháng 7 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định 92/2024/NĐ-CP quy định về đăng ký tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã. Theo đó, trường hợp tên tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp xử lý như sau: Quyền sở hữu công nghiệp? Quyền sở hữu công nghiệp là quyền của tổ chức, cá nhân đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu và quyền chống cạnh tranh không lành mạnh (Theo Khoản 4 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005). Theo điểm b khoản 3 Điều 6 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, quyền sở hữu công nghiệp đối với tên thương mại được xác lập trên cơ sở sử dụng hợp pháp tên thương mại đó. Tên tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp Theo Khoản 1 Điều 18 Nghị định 92/2024/NĐ-CP quy định tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã không được đặt tên xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với tên thương mại, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý của tổ chức, cá nhân khác theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ,. Trừ trường hợp được sự chấp thuận của chủ sở hữu tên thương mại, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đó. Trước khi đăng ký đặt tên, người thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoặc tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã tham khảo các nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đã đăng ký và được lưu trữ tại cơ sở dữ liệu về nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý của cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp. Tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã phải tự chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu đặt tên xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp. Việc xử lý tên tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp Theo Khoản 2 Điều 18 Nghị định 92/2024/NĐ-CP quy định việc xử lý tên tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp được thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành. Căn cứ để xác định tên tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp thực hiện theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ. Theo Khoản 3 Điều 18 Nghị định 92/2024/NĐ-CP quy định chủ thể quyền sở hữu công nghiệp có quyền gửi văn bản đề nghị đến cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện để yêu cầu tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã có tên xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp phải thay đổi tên tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã. Kèm theo văn bản đề nghị của chủ thể quyền sở hữu công nghiệp phải có bản sao các giấy tờ sau đây: - Văn bản kết luận của cơ quan có thẩm quyền về việc sử dụng tên tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã là xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp; - Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý; bản trích lục Sổ đăng ký quốc gia về nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý được bảo hộ do cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp cấp; Giấy chứng nhận nhãn hiệu đăng ký quốc tế được bảo hộ tại Việt Nam do cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp cấp; hợp đồng sử dụng đối tượng quyền sở hữu công nghiệp trong trường hợp người yêu cầu là người được chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp đó. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ giấy tờ quy định tại khoản này, cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện ra thông báo yêu cầu tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã có tên xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp phải đăng ký thay đổi tên. Kèm theo thông báo phải có các giấy tờ quy định tại khoản này. Trường hợp tên tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp thì tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã có tên vi phạm phải đăng ký thay đổi tên. Tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã có tên vi phạm phải đăng ký thay đổi tên trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện ra thông báo yêu cầu thay đổi tên hoặc cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm yêu cầu. Trường hợp tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã không đăng ký thay đổi tên xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp theo yêu cầu, cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện thông báo cho cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm để xử lý theo quy định. Việc xử lý đối với trường hợp tên chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp thực hiện theo quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 18 Nghị định 92/2024/NĐ-CP. Trên đây là quy định về Xử lý đối với trường hợp tên tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp theo Nghị định 92/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 18/07/2024.
Thí sinh gian lận khi thi tốt nghiệp THPT quốc gia bị xử lý thế nào?
Thi tốt nghiệp THPT quốc gia là một kỳ thi quan trọng đối với học sinh lớp 12 tại Việt Nam, không chỉ để xét tốt nghiệp mà còn là cơ sở để tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng. Tuy nhiên, vấn đề gian lận thi cử luôn là mối lo ngại lớn, nếu “thí sinh gian lận khi thi tốt nghiệp THPT quốc gia bị xử lý thế nào?” đã trở thành câu hỏi nhận được sự quan tâm của đông đảo mọi người. Gian lận thi cử được hiểu là hành vi thí sinh dự thi quay cóp bài, mang tài liệu vào phòng thi, nhờ người khác thi hộ,...nhằm để đạt được điểm số cao hơn khả năng của mình. Đặc biệt đối với kỳ thi quan trọng như kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia thì việc điểm số càng trở thành mối quan tâm hàng đầu, các thí sinh vì mong muốn có một điểm số cao để đậu vào trường mà mình yêu thích nên đã sẵn sàng dùng mọi cách gian lận trong thi cử. Tuy nhiên đây lại là hành vi vi phạm pháp luật (1) Các hành vi bị nghiêm cấm trong cơ sở giáo dục Căn cứ theo Điều 22 của Luật Giáo dục năm 2019 quy định các hành vi bị nghiêm cấm, bao gồm: - Xúc phạm nhân phẩm, danh dự, xâm phạm thân thể nhà giáo, cán bộ, người lao động của cơ sở giáo dục và người học. - Xuyên tạc nội dung giáo dục. - Gian lận trong học tập, kiểm tra, thi, tuyển sinh. - Hút thuốc; uống rượu, bia; gây rối an ninh, trật tự. - Ép buộc học sinh học thêm để thu tiền. - Lợi dụng việc tài trợ, ủng hộ giáo dục để ép buộc đóng góp tiền hoặc hiện vật. Như vậy, gian lận trong kỳ thi là hành vi bị nghiêm cấm theo quy định của pháp luật, các thí sinh nếu vi phạm sẽ bị xử phạt. Tùy từng hành vi gian lận, mức độ gây thiệt hại của hành vi mà sẽ có các chế tài xử lý khác nhau Xem thêm: Phúc khảo là gì? Các lưu ý về phúc khảo bài thi tốt nghiệp THPT năm 2024 (2) Thí sinh gian lận khi thi tốt nghiệp THPT quốc gia bị xử lý thế nào? Hủy bỏ kết quả bài thi Hủy bỏ kết quả thi đối với những thí sinh để người khác thi thay hoặc làm bài thay cho người khác dưới mọi hình thức; sửa chữa, thêm bớt vào bài làm sau khi đã nộp bài; dùng bài của người khác để nộp theo khoản 5 Điều 54 Quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông ban hành kèm theo Thông tư 15/2020/TT-BGDĐT Đối với các thí sinh để người khác dự thi thay, làm bài thay dưới mọi hình thức sẽ bị hủy kết quả thi và lập hồ sơ gửi cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật. Đình chỉ thi Căn cứ theo khoản 6 Điều 54 Quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông ban hành kèm theo Thông tư 15/2020/TT-BGDĐT sửa đổi bởi khoản 17 Điều 1 Thông tư 05/2021/TT-BGDĐT quy định về đình chỉ thí sinh vi phạm quy chế thi như sau: - Đối với các thí sinh vi phạm một trong các lỗi sau đây: + Đã bị xử lý bằng hình thức cảnh cáo một lần nhưng trong giờ thi bài thi đó vẫn tiếp tục vi phạm quy chế thi ở mức khiển trách hoặc cảnh cáo. + Mang vật dụng trái phép theo quy định tại Điều 14 Quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông ban hành kèm theo Thông tư 15/2020/TT-BGDĐT vào phòng thi/phòng chờ hoặc khi di chuyển giữa phòng thi và phòng chờ. + Đưa đề thi ra ngoài phòng thi hoặc nhận bài giải từ ngoài vào phòng thi. + Viết, vẽ vào tờ giấy làm bài thi của mình những nội dung không liên quan đến bài thi. + Có hành động gây gổ, đe dọa những người có trách nhiệm trong kỳ thi hay đe dọa thí sinh khác. + Không tuân thủ hướng dẫn của cán bộ giám sát hoặc người quản lý phòng chờ khi di chuyển trong khu vực thi và trong thời gian ở phòng chờ. - Thí sinh bị đình chỉ thi năm nào sẽ bị hủy kết quả toàn bộ các bài thi trong kỳ thi năm đó. Xử phạt hành chính Bên cạnh việc bị hủy kết quả và đình chỉ thi, thí sinh gian lận sẽ bị xử phạt hành chính như sau: Căn cứ theo khoản 3 Điều 14 Nghị định 04/2021/NĐ-CP, hành vi vi phạm quy định về thi sẽ bị xử lý như sau: - Phạt tiền từ 01 - 02 triệu đồng đối với hành vi vào khu vực tổ chức thi, chấm thi khi không được phép; mang tài liệu, thông tin, vật dụng không được phép vào phòng thi, khu vực chấm thi. - Phạt tiền từ 02 - 06 triệu đồng đối với hành vi làm bài hộ thí sinh hoặc trợ giúp thí sinh làm bài. - Phạt tiền từ 06 - 08 triệu đồng đối với hành vi viết thêm hoặc sửa chữa nội dung bài thi hoặc sửa điểm bài thi trái quy định nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự. - Phạt tiền từ 08- 12 triệu đồng đối với hành vi đánh tráo bài thi nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự; - Phạt tiền từ 14-16 triệu đồng đối với hành vi thi thay hoặc thi kèm người khác hoặc nhờ người khác làm bài hộ hoặc thi thay, thi kèm. Bên cạnh việc phạt tiền, các thí sinh vi phạm còn bị áp dụngcác biện pháp khắc phục hậu quả tại khoản 5 Điều 15 Nghị định 04/2021/NĐ-CP như sau: - Buộc khôi phục tình trạng ban đầu đã bị thay đổi đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm c khoản 3 Điều 14 Nghị định 04/2021/NĐ-CP - Buộc bảo đảm quyền lợi của thí sinh đối với hành vi vi phạm quy định tại các điểm c, d, đ khoản 3 và khoản 4 Điều 14 Nghị định 04/2021/NĐ-CP. Tóm lại, gian lận trong thi cử là hành vi bị nghiêm cấm và sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Tùy vào tính chất và mức độ mà các các chế tài xử phạt sẽ khác nhau, mức phạt cao nhất có thể lên đến 16 triệu đồng đối với hành vi nhờ người khác thi hộ. Xem thêm Quy tắc làm tròn điểm thi tốt nghiệp mới nhất năm 2024
Vi khuẩn Salmonella là nguyên nhân khiến hơn 500 người bị ngộ độc ở Đồng Nai
Nhiễm vi khuẩn Salmonella là tình trạng phổ biến và có thể xảy ra ở mọi độ tuổi. Nếu không được điều trị sớm có nguy cơ sẽ dẫn đến biến chứng nguy hiểm, thậm chí là tử vong. >> Xem thêm bài viết: Từ vụ ngộ độc bánh mì ở Đồng Nai, bán đồ ăn gây ngộ độc thực phẩm bị xử phạt thế nào? Tiếp nhận hơn 500 ca ngộ độc thực phẩm sau khi ăn bánh mì Tối ngày 07/5/2024, Sở Y tế Đồng Nai đã thông tin về nguyên nhân gây ngộ độc sau ăn bánh mì tại tiệm bánh Cô Băng (địa chỉ 148/18 Trần Quang Diệu, KP 2, phường Xuân Bình, TP Long Khánh). Hiện tại, đã ghi nhận có 547 trường hợp nhập viện, trong đó 466 trường hợp đã xuất viện tiếp tục theo dõi tại nhà, còn 81 trường hợp theo dõi điều trị tại bệnh viện. Ca bệnh tiên lượng rất nặng đang điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai tiếp tục có tiến triển tốt, sinh hiệu ổn định, hết sốt, dự kiến cai máy thở trong 1-2 ngày tới; các trường hợp nặng khác sức khỏe cũng đã ổn định. Kết quả kiểm nghiệm mẫu thực phẩm lấy tại cơ sở bánh mì nêu trên khi vụ ngộ độc xảy ra do Viện Y tế công cộng TPHCM thực hiện ghi nhận 04/08 mẫu thực phẩm như pate, thịt heo đã qua chế biến, chả lụa, dưa muối chua, có kết quả phát hiện vi khuẩn Salmonella. Qua phân tích các kết quả xét nghiệm trên có thể kết luận nguyên nhân ra vụ gây ngộ độc thực phẩm có liên quan đến vi khuẩn Salmonella. Vi khuẩn Salmonella nguy hiểm như thế nào? Salmonella là loại vi khuẩn đường ruột không hình thành bào tử, chủ yếu di chuyển bằng roi quanh thân. Bệnh gây ra từ loại vi sinh vật này được gọi là bệnh nhiễm khuẩn Salmonella, gây khó chịu cho dạ dày- ruột, sốt, tiêu chảy và đau quặn bụng. Người bệnh bị nhiễm vi khuẩn Salmonella thường do ăn thịt sống, gia cầm, trứng hoặc các sản phẩm từ trứng, sữa chưa tiệt trùng. Thời gian ủ bệnh (khoảng thời gian từ khi tiếp xúc đến lúc phát bệnh) có thể từ 6 giờ – 6 ngày. Thông thường, người bệnh bị nhiễm khuẩn Salmonella sẽ có xu hướng nhầm lẫn với chứng đau dạ dày thường gặp. Trong đó, một số dấu hiệu điển hình phải kể đến gồm: - Tiêu chảy - Đau quặn bụng - Sốt - Buồn nôn - Nôn mửa - Ớn lạnh - Đau đầu - Xuất hiện máu trong phân Các triệu chứng trên thường kéo dài từ vài ngày đến một tuần. Trong đó, tiêu chảy thường xuất hiện khoảng 10 ngày nhưng có thể mất vài tháng trước khi ruột trở lại thói quen đại tiện ổn định. Nguyên nhân bị nhiễm khuẩn Salmonella có thể đến từ thực phẩm và nước có chứa nguồn lây bệnh, thực phẩm xử lý không đúng cách, nguồn lây từ vật nuôi và các động vật khác, hay các yếu tố về môi trường làm việc hay tiếp xúc với nguồn nhiễm khuẩn, bị lây khi đi du lịch,... Chủ tiệm bánh mì gây ngộ độc có thể bị xử lý thế nào? Theo khoản 6, khoản 8 Điều 22 Nghị định 115/2018/NĐ-CP được sửa đổi bởi điểm đ, điểm e khoản 12 Điều 1 Nghị định 124/2021/NĐ-CP quy định về vi phạm quy định khác về bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, cung cấp thực phẩm: - Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với cá nhân và 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với tổ chức khi gây ngộ độc thực phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe của từ 01 người đến 04 người mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự; - Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối cá nhân và 160.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với tổ chức khi gây ngộ độc thực phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe của từ 05 người trở lên mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự. Bên cạnh đó, theo Điều 317 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bởi Khoản 119 Điều 1 Luật Sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định về tội vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, người bán đồ ăn gây ngộ độc thực phẩm cho người khác ngoài bị xử lý hành chính thì còn có thể bị phạt tù từ 01 năm đến 20 năm tùy theo tính chất nguy hiểm và hậu quả để lại của hành vi mà sẽ có các mức hình phạt khác nhau. Hình phạt cụ thể sẽ do Tòa án quyết định. Theo Điều 317 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bởi Khoản 119 Điều 1 Luật Sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định về tội vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm như sau: Chiều 07/5, Sở Y tế đã có buổi làm việc với đại diện lãnh đạo UBND, Phòng Y tế, Trung tâm Y tế các huyện/thành phố, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Phòng Nghiệp vụ, Thanh tra Sở Y tế để trao đổi những khó khăn, vướng mắc và đưa ra phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tới nhằm tăng cường công tác quản lý an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. >> Xem thêm bài viết: Từ vụ ngộ độc bánh mì ở Đồng Nai, bán đồ ăn gây ngộ độc thực phẩm bị xử phạt thế nào?
Xe chở VLXD làm rơi vãi, gây tai nạn giao thông bị xử lý thế nào?
Không ít lần chúng ta bắt gặp các xe chở vật liệu xây dựng dù đã được che chắn nhưng vẫn làm rơi, vãi ra đường nhìn rất không an toàn, có thể gây tai nạn giao thông. Vậy nếu xe chở VLXD làm rơi vãi, gây tai nạn giao thông thì sẽ bị xử lý thế nào? (1) Xe chở xà bần khi lưu thông trên đường phải chấp hành các quy định nào? Khi lưu thông trên đường, không ít lần chúng ta bắt gặp các xe chở VLXD (cát, xà bần,...) dù dó che chắn nhưng khi lưu thông cát vẫn bay tung bụi mù mịt ra phía sau xe, hay nước chảy ra từ sau xe làm đường trơn trượt, gây mất an toàn giao thông. Đôi lúc chúng ta sẽ tự hỏi những xe chở VLXD như vậy có được pháp luật quy định phải đảm bảo an toàn giao thông cho người đi phía sau không. Theo quy định tại Điều 72 Luật Giao thông đường bộ 2008, khi vận chuyển hàng hóa bằng ô tô phải chấp hành các quy định sau: + Hàng vận chuyển trên xe phải được xếp đặt gọn gàng và chằng buộc chắc chắn; + Khi vận chuyển hàng rời phải che đậy, không để rơi vãi. + Không được chở hàng vượt quá trọng tải thiết kế và quá kích thước giới hạn cho phép của xe; + Không được chở người trong thùng xe, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 21 của Luật Giao thông đường bộ 2008 Như vậy, các xe chở VLXD khi vận chuyển vật liệu xây dựng phải có che đậy, không để rơi vãi hàng hóa ra đường, không được chở hàng quá trọng tải và kích thước giới hạn cho phép của xe. (2) Xe chở xà bần làm rơi vãi vật liệu xây dựng ra đường bị xử lý thế nào? Theo khoản 2 Điều 20 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, người điều khiển xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm quy định về bảo vệ môi trường khi tham gia giao thông sẽ bị xử phạt như sau: Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây: - Để dầu nhờn, hóa chất rơi vãi xuống đường bộ; - Chở hàng rời, chất thải, vật liệu xây dựng dễ rơi vãi mà không có mui, bạt che đậy hoặc có mui, bạt che đậy nhưng vẫn để rơi vãi; chở hàng hoặc chất thải để nước chảy xuống mặt đường gây mất an toàn giao thông và vệ sinh môi trường; - Lôi kéo bùn, đất, cát, nguyên liệu, vật liệu hoặc chất phế thải khác ra đường bộ gây mất an toàn giao thông và vệ sinh môi trường. Bên cạnh đó, ngoài việc phạt tiền, người điều khiển phương tiện thực hiện các hành vi trên đây còn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả, cụ thể là: - Buộc phải thu dọn rác, chất phế thải, vật liệu, hàng hóa và khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra - Nếu gây ô nhiễm môi trường phải thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường do vi phạm hành chính gây ra. (khoản 6 Điều 20 Điều 20 Nghị định 100/NĐ-CP) Như vậy, người điều khiển xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô mà làm rơi vãi hàng hóa, vật liệu xây dựng dù có bạt che hay không có bạt che vẫn sẽ bị phạt theo khoản 2 và khoản 6 Điều 20 Nghị định 100/NĐ-CP. Mức phạt tiền cao nhất là 4 triệu đồng, kèm với các biện pháp như phải thu dọn chỗ xà bần bị rơi vãi, khôi phục lại ban đầu nếu có gây ra sự thay đổi do vi phạm của mình và khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường nếu gây ô nhiễm môi trường. Nhiều người té ngã vì đường trơn trượt do xe chở VLXD làm rơi vãi (3) Xe chở xà bần làm rơi vãi vật liệu gây tai nạn giao thông bị phạt ra sao? Xe chở xà bần làm rơi vãi sẽ bị xử phạt hành chính theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP. Tuy nhiên nếu gây ra tai nạn giao thông và vi phạm các quy định về an toàn giao thông được quy định trong Điều 260 Bộ Luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung bởi khoản 72 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ Luật Hình sự 2017 thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Cụ thể, các hình phạt được quy định tại Điều 260 Bộ Luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung bởi khoản 72 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ Luật Hình sự 2017 như sau: - Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm: + Làm chết người; + Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; + Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%; + Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng. - Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm: + Không có giấy phép lái xe theo quy định; + Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy hoặc chất kích thích mạnh khác; + Bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn; + Không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông; + Làm chết 02 người; + Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%; + Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng. - Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm: + Làm chết 03 người trở lên; + Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên; + Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên. - Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các điểm a, b và c khoản 3 Điều 260 Bộ Luật Hình sự 2015 nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm. - Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. Theo đó, người điều khiển xe chở VLXD dù có bạt che hay không có bạt che nếu làm rơi vãi hàng hóa mà gây tai nạn giao thông có gây thiệt hại về người và tài sản thì sẽ bị phạt lên đến 15 năm tù, bị phạt tiền đến 100 triệu đồng, ngoài ra người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định lên đến 05 năm. Do đó, người điều khiển xe vận chuyển VLXD phải kiểm tra kỹ hàng hóa, phông bạt và đảm bảo không rơi vãi ra ngoài trước và trong lúc lưu thông trên đường để đảm bảo an toàn cho những người tham gia giao thông khác.
Ép vợ/người yêu phá thai sẽ bị xử lý thế nào?
Nếu có thai ngoài ý muốn thì người nam có quyền ép vợ/người yêu của mình phá thai không? Hành vi ép vợ/người yêu phá thai sẽ bị xử lý thế nào? Người chồng có được ly hôn khi vợ đang có thai không? Phá thai có vi phạm pháp luật không? Theo Khoản 1 Điều 44 Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân 1989, phụ nữ được quyền nạo thai, phá thai theo nguyện vọng, được khám bệnh, chữa bệnh phụ khoa, được theo dõi sức khỏe trong thời kỳ thai nghén, được phục vụ y tế khi sinh con tại các cơ sở y tế. Do đó, chỉ trong trường hợp có nguyện vọng nạo, phá thai thì người phụ nữ mới được phá thai. Đồng thời, để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của phụ nữ và trẻ em, Điều 5 Luật Hôn nhân và Gia đình quy định: Thực hiện sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản vì mục đích thương mại, mang thai hộ vì mục đích thương mại, lựa chọn giới tính thai nhi, sinh sản vô tính là hành vi bị cấm. Trong hướng dẫn quốc gia về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản Ban hành kèm theo Quyết định 4128/QĐ-BYT 2020 đã quy định việc nạo phá thai tại Phần 8 của văn bản. Theo đó, văn bản chỉ quy định về nạo, phá thai cho đến khi khi thai đủ 22 tuần tuổi. Đồng nghĩa với việc phá thai dưới 22 tuần theo kỹ thuật đúng quy định thì sẽ được pháp luật công nhận. Theo đó, hiện nay pháp luật chỉ cấm việc phá thai vì lựa chọn giới tính thai nhi và chỉ nạo, phá thai dưới 22 tuần tuổi theo đúng kỹ thuật quy định. Ngoài ra hiện nay không có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định cụ thể về cấm nạo phá thai và các hình thức xử lý với hành vi này. Ép vợ/người yêu phá thai sẽ bị xử lý thế nào? Theo Khoản 7 Điều 40 Luật Bình đẳng giới 2006 có quy định các hành vi vi phạm pháp luật về bình đẳng giới trong lĩnh vực y tế bao gồm: - Cản trở, xúi giục hoặc ép buộc người khác không tham gia các hoạt động giáo dục sức khỏe vì định kiến giới; - Lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức hoặc xúi giục, ép buộc người khác phá thai vì giới tính của thai nhi. Như vậy, hiện nay, pháp luật chỉ quy định mọi hành vi phá thai và xúi giục, ép buộc để lựa chọn giới tính đều sẽ vi phạm pháp luật. Ngoài ra chưa có quy định nào khác về hình thức xử lý người ép vợ/người yêu phá thai vì mục đích khác. Xử lý hành chính người ép vợ/người yêu phá thai Theo Điều 100 Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định hành vi nạo phá thai nếu vì mục đích lựa chọn giới tính sẽ bị xử phạt hành chính như sau: - Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính của người mang thai mà không bị ép buộc phải loại bỏ thai nhi. - Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với hành vi dụ dỗ, lôi kéo người mang thai loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính. - Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi đe dọa dùng vũ lực, uy hiếp tinh thần để ép buộc người mang thai loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính. - Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với hành vi dùng vũ lực để ép buộc người mang thai phải loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính. - Phạt tiền từ 12.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: + Cung cấp hóa chất, thuốc để loại bỏ thai nhi mà biết rõ người đang mang thai muốn loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính; + Chỉ định hoặc hướng dẫn sử dụng hóa chất, thuốc hoặc các biện pháp khác để loại bỏ thai nhi mà biết rõ người đang mang thai muốn loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính. - Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi phá thai mà biết rõ người đang mang thai muốn loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính. - Ngoài ra còn các hình thức xử phạt bổ sung như: + Tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động, chứng chỉ hành nghề trong thời hạn từ 03 tháng đến 06 tháng đối với hành vi quy định tại khoản 5 Điều này; + Tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động, chứng chỉ hành nghề trong thời hạn từ 06 tháng đến 12 tháng đối với hành vi quy định tại khoản 6 Điều này; + Tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược hoặc đình chỉ hoạt động kinh doanh đối với cơ sở có hoạt động dược không vì mục đích thương mại trong thời hạn từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi quy định tại điểm a khoản 5 Điều này. Xử lý hình sự người ép vợ/người yêu phá thai Hiện nay pháp luật không có quy định về xử lý hình sự về hành vi ép người khác phá thai, tuy nhiên, nếu vì muốn ép vợ/bạn gái phá thai mà người nam: - Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của phụ nữ mà biết là có thai mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Ngoài ra, còn các khung hình phạt cao hơn tuỳ tính chất, mức độ của hành vi, được quy định tại Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015 về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác. - Xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác thì sẽ bị xử lý theo Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015 về tội làm nhục người khác. Như vậy, khi ép vợ/người yêu phá thai vì lựa chọn giới tính thì người nam sẽ bị xử lý hành chính. Đồng thời, nếu như vì muốn ép phá thai mà có những hành vi như cố ý gây thương tích hoặc làm nhục vợ/người yêu thì sẽ bị xử lý hình sự. Người chồng có được ly hôn khi vợ đang có thai không? Theo Điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về quyền yêu cầu giải quyết ly hôn như sau: - Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn. - Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ. - Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi. Như vậy, người chồng không được ly hôn vợ khi vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi. Còn nếu trong trường hợp người vợ có yêu cầu ly hôn thì vẫn được pháp luật xem xét và giải quyết. Xem thêm: Các biện pháp tránh thai phổ biến hiện nay? Phá thai trong trường hợp nào là hợp pháp?
Làm người dưới 13 tuổi có thai sẽ bị xử lý thế nào?
Theo Báo Phụ Nữ Việt Nam đưa tin, tại xã Tam Hiệp (huyện Thanh Trì, Hà Nội) vừa qua xảy ra vụ việc cháu bé 12 tuổi được gia đình thấy có biểu hiện bụng to bất thường nên đưa đi kiểm tra và phát hiện đang mang bầu ở tháng thứ 6. Vậy, người làm cho cháu bé có thai sẽ bị xử lý thế nào? Làm người dưới 13 tuổi có thai sẽ bị xử lý thế nào? Theo quy định tại Điều 142 Bộ luật Hình sự 2015, được sửa đổi bởi khoản 24 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định về tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi như sau: - Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm: + Dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi trái với ý muốn của họ; + Giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người dưới 13 tuổi. - Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm: + Có tính chất loạn luân; + Làm nạn nhân có thai; + Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%; + Đối với người mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh; + Phạm tội 02 lần trở lên; + Đối với 02 người trở lên; + Tái phạm nguy hiểm. - Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình: + Có tổ chức; + Nhiều người hiếp một người; + Đối với người dưới 10 tuổi; + Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; + Biết mình bị nhiễm HIV mà vẫn phạm tội; + Làm nạn nhân chết hoặc tự sát. - Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. Như vậy, dù quan hệ tự nguyện hay ép buộc với người dưới 13 tuổi đều sẽ bị truy cứu với tội danh hiếp dâm người dưới 16 tuổi. Theo đó, làm người dưới 13 tuổi có thai sẽ bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm và có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. Nếu gia đình không yêu cầu xử lý, người làm người dưới 13 tuổi có thai có bị khởi tố không? Theo Khoản 1 Điều 155 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, được sửa đổi bởi khoản 3 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Tố tụng hình sự 2021 quy định về các trường hợp khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại như sau: Chỉ được khởi tố vụ án hình sự về tội phạm quy định tại khoản 1 các điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155 và 156 của Bộ Luật hình sự khi có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết. Theo đó, tội phạm hiếp dâm người dưới 16 tuổi được quy định tại Điều 142 Bộ luật hình sự 2015 không nằm trong quy định trên, vì vậy dù không có yêu cầu của bị hại thì người làm người dưới 13 tuổi có thai vẫn sẽ bị khởi tố. Chưa quan hệ nhưng thực hiện các hành vi tiếp xúc về thể chất với người 16 tuổi thì bị xử lý thế nào? Theo Điều 146 Bộ luật hình sự 2015 được sửa đổi bổ sung bởi điểm e Khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định về tội dâm ô người dưới 16 tuổi như sau: - Người nào đủ 18 tuổi trở lên mà có hành vi dâm ô đối với người dưới 16 tuổi không nhằm mục đích giao cấu hoặc không nhằm thực hiện các hành vi quan hệ tình dục khác, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. - Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm: + Phạm tội có tổ chức; + Phạm tội 02 lần trở lên; + Đối với 02 người trở lên; + Đối với người mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh; + Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%; + Tái phạm nguy hiểm. - Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm: + Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; + Làm nạn nhân tự sát. - Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. Trong đó, các hành vi sau gọi là dâm ô được hướng dẫn bởi Khoản 3 Điều 3 Nghị quyết 06/2019/NQ-HĐTP như sau: Dâm ô quy định tại khoản 1 Điều 146 của Bộ luật Hình sự là hành vi của những người cùng giới tính hoặc khác giới tính tiếp xúc về thể chất trực tiếp hoặc gián tiếp qua lớp quần áo vào bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm, bộ phận khác trên cơ thể của người dưới 16 tuổi có tính chất tình dục nhưng không nhằm quan hệ tình dục, gồm một trong các hành vi sau đây: + Dùng bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm tiếp xúc (ví dụ: đụng chạm, cọ xát, chà xát...) với bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm, bộ phận khác của người dưới 16 tuổi; + Dùng bộ phận khác trên cơ thể (ví dụ: tay, chân, miệng, lưỡi...) tiếp xúc (ví dụ: vuốt ve, sờ, bóp, cấu véo, hôn, liếm...) với bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm của người dưới 16 tuổi; + Dùng dụng cụ tình dục tiếp xúc (ví dụ: đụng chạm, cọ xát, chà xát...) với bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm của người dưới 16 tuổi; + Dụ dỗ, ép buộc người dưới 16 tuổi dùng bộ phận khác trên cơ thể của họ tiếp xúc (ví dụ: vuốt ve, sờ, bóp, cấu véo, hôn, liếm...) với bộ phận nhạy cảm của người phạm tội hoặc của người khác; + Các hành vi khác có tính chất tình dục nhưng không nhằm quan hệ tình dục (ví dụ: hôn vào miệng, cổ, tai, gáy... của người dưới 16 tuổi). Theo đó, người từ đủ 18 tuổi trở lên mà có những hành vi tiếp xúc về thể chất trực tiếp hoặc gián tiếp vào bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm, bộ phận khác trên cơ thể của người dưới 16 tuổi có tính chất tình dục nhưng không nhằm quan hệ tình dục thì sẽ bị truy tố về tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi. Như vậy, dù không trực tiếp quan hệ với người dưới 16 tuổi nhưng có các hành động mang tính chất tình dục thì vẫn sẽ bị xử lý hình sự.
Có được hoàn trả bảo đảm dự thầu khi thông thầu không?
Trong đấu thầu câu chuyện “thông thầu” giữa nhà thầu và chủ đầu tư/bên mời thầu luôn là câu chuyện đau đầu của các nhà thầu thực sự có năng lực, kinh nghiệm muốn tham gia vào các gói thầu trên hệ thống đấu thầu quốc gia. (1) Thông thầu là gì? Thông thầu là một hành vi bị cấm trong hoạt động đấu thầu, căn cứ khoản 3 Điều 16 Luật Đấu thầu 2023 (Có hiệu lực từ 01/01/2024) thì thông thầu bao gồm những hành vi sau: - Dàn xếp, thỏa thuận, ép buộc để một hoặc các bên chuẩn bị hồ sơ dự thầu hoặc rút hồ sơ dự thầu để một bên trúng thầu. - Dàn xếp, thỏa thuận để từ chối cung cấp hàng hóa, dịch vụ, không ký hợp đồng thầu phụ hoặc thực hiện các hình thức thỏa thuận khác nhằm hạn chế cạnh tranh để một bên trúng thầu. - Nhà thầu, nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm đã tham dự thầu và đáp ứng yêu cầu của hồ sơ mời thầu nhưng cố ý không cung cấp tài liệu để chứng minh năng lực, kinh nghiệm khi được bên mời thầu yêu cầu làm rõ hồ sơ dự thầu hoặc khi được yêu cầu đối chiếu tài liệu nhằm tạo điều kiện để một bên trúng thầu. Nếu hồ sơ dự thầu xuất hiện một trong số những dấu hiệu sau đây bạn nên cân nhắc đến hành vi thông thầu, cụ thể: - Về thành phần của hồ sơ dự thầu: chỉ có một hồ sơ dự thầu được thành lập đáp ứng yêu cầu của hồ sơ mời thầu còn các hồ sơ dự thầu khác chỉ được lập cho có, biểu hiện cụ thể là thiếu bản chụp, thiếu đảm bảo dự thầu, thiếu tài liệu chứng minh tư cách hợp lệ của nhà thầu, thiếu tài liệu chứng minh tính hợp lệ của hàng hóa hoặc thiếu tài liệu chứng minh năng lực thực hiện hợp đồng. - Về cách thức trình bày: các hồ sơ dự thầu thường có nhiều điểm tương tự nhau hoặc giống nhau hoàn toàn từ khâu sắp xếp, định dạng tài liệu, biên tập, canh lề, xuống hàng cho đến lỗi chính tả, thậm chí từ đầu đến cuối hồ sơ dự thầu không khác nhau một dấu chấm, phẩy nào cả. - Về giá dự thầu: giá dự thầu của bên thắng thầu đưa ra so với giá dự thầu của bên dự thầu sẽ có sự chênh lệch rõ rệt hoặc giá dự thầu của các bên tham gia đấu thầu giống nhau đến đáng ngờ. - Về nội dung hồ sơ dự thầu: chỉ có duy nhất một nhà thầu tuân thủ đúng các yêu cầu trong hồ sơ mời thầu, các nhà thầu còn lại đề xuất thời gian thực hiện hợp đồng không phù hợp với đề xuất về mặt kỹ thuật hoặc có sự sai khác giữa bản gốc và bản chụp trong hồ sơ mời thầu. Có thể hiểu, thông thầu là hành vi một nhà thầu dàn xếp, thỏa thuận hoặc ép buộc nhà thầu khác thực hiện theo ý mình, mục đích của hành vi này là để một bên được trúng thầu. Nếu hồ sơ dự thầu xuất hiện một trong những dấu hiệu trên, bên mời thầu phải lưu ý và phát hiện kịp thời các hành vi thông thầu, tránh làm ảnh hưởng đến tính minh bạch, công bằng của gói thầu. (2) Có được hoàn trả bảo đảm dự thầu khi thông thầu không? Theo quy định tại khoản 9 Điều 14 Luật Đấu thầu 2023, bảo đảm dự thầu sẽ không được hoàn trả trong trường hợp: - Sau thời điểm đóng thầu và trong thời gian có hiệu lực của hồ sơ dự thầu, nhà thầu, nhà đầu tư rút hồ sơ dự thầu hoặc có văn bản từ chối thực hiện một hoặc các công việc đã đề xuất trong hồ sơ dự thầu theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu; - Nhà thầu, nhà đầu tư có hành vi vi phạm quy định tại Điều 16 của Luật Đấu thầu 2023 hoặc vi phạm pháp luật về đấu thầu dẫn đến phải hủy thầu theo quy định tại điểm d và điểm đ khoản 1, điểm d và điểm đ khoản 2 Điều 17 của Luật Đấu thầu 2023 - Nhà thầu, nhà đầu tư không thực hiện biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng theo quy định tại Điều 68 và Điều 75 của Luật Đấu thầu 2023 - Nhà thầu không tiến hành hoặc từ chối thương thảo hợp đồng (nếu có) trong thời hạn 05 ngày làm việc đối với đấu thầu trong nước và 10 ngày đối với đấu thầu quốc tế kể từ ngày nhận được thông báo mời thương thảo hợp đồng hoặc đã thương thảo hợp đồng nhưng từ chối hoàn thiện, ký kết biên bản thương thảo hợp đồng, trừ trường hợp bất khả kháng; - Nhà thầu không tiến hành hoặc từ chối hoàn thiện hợp đồng, thỏa thuận khung trong thời hạn 10 ngày đối với đấu thầu trong nước và 20 ngày đối với đấu thầu quốc tế kể từ ngày nhận được thông báo trúng thầu của bên mời thầu, trừ trường hợp bất khả kháng; - Nhà thầu không tiến hành hoặc từ chối ký kết hợp đồng, thỏa thuận khung trong thời hạn 10 ngày đối với đấu thầu trong nước và 20 ngày đối với đấu thầu quốc tế kể từ ngày hoàn thiện hợp đồng, thỏa thuận khung, trừ trường hợp bất khả kháng; - Nhà đầu tư không tiến hành hoặc từ chối hoàn thiện hợp đồng trong thời hạn 15 ngày đối với đấu thầu trong nước và 30 ngày đối với đấu thầu quốc tế kể từ ngày nhận được thông báo trúng thầu của bên mời thầu, trừ trường hợp bất khả kháng; - Nhà đầu tư không tiến hành hoặc từ chối ký kết hợp đồng trong thời hạn 15 ngày đối với đấu thầu trong nước và 30 ngày đối với đấu thầu quốc tế kể từ ngày hoàn thiện hợp đồng, trừ trường hợp bất khả kháng. Trong các trường hợp trên có trường hợp không hoàn trả bảo đảm dự thầu khi nhà thầu, nhà đầu tư có hành vi vi phạm Điều 16 Luật Đấu thầu 2023, và hành vi thông thầu là hành vi được quy định tại Điều 16 Luật Đấu thầu 2023 Như vậy, nếu nhà thầu, nhà đầu tư có hành vi thông thầu thì tiền bảo đảm dự thầu sẽ không được hoàn trả. (3) Các hậu quả khác khi có hành vi thông thầu là gì? Hậu quả đầu tiên của hành vi thông thầu là gói thầu đó sẽ bị hủy Căn cứ theo Điều 17 Luật Đấu thầu 2023 về việc hủy thầu, một trong các trường hợp khiến gói thầu sẽ bị hủy là: - Nhà thầu trúng thầu thực hiện hành vi bị cấm quy định tại Điều 16 của Luật Đấu thầu 2023 - Nhà đầu tư trúng thầu thực hiện hành vi bị cấm quy định tại Điều 16 của Luật Đấu thầu 2023 Xử phạt hành chính với hành thông thầu Theo Điều 37 Nghị định 122/2021/NĐ-CP có quy định cụ thể đối với mức xử phạt hành chính đối với tổ chức khi có hành vi thông thầu sẽ bị phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 300 triệu đồng với một trong các hành vi thông thầu mà không phải là tội phạm theo quy định tại Điều 222 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung 2017). Còn đối với cá nhân, nếu vi phạm thông thầu sẽ bị xử phạt bằng một nửa mức xử phạt so với mức xử phạt của tổ chức. Cấm tham gia hoạt động đấu thầu Theo Luật Đấu thầu 2023 thông thầu là hành vi vi phạm pháp luật và bị cấm, nếu tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi thông thầu sẽ bị cấm tham gia hoạt động đấu thầu theo quy định. Cụ thể thẩm quyền cấm tham gia hoạt động đấu thầu lên đến 5 năm được quy định tại Khoản 2 Điều 87 Luật Đấu thầu 2023. Truy cứu trách nhiệm hình sự Với những trường hợp vi phạm thông thầu nghiêm trọng, người thực hiện hành vi thông thầu có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về đấu thầu gây ra hậu quả nghiêm trọng theo Điều 222 Bộ Luật Hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung 2017) với hình phạt lên đến 20 năm tù, người phạm tội còn bị cấm đảm nhận chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 1 đến 5 năm, hoặc bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản liên quan. Xử lý kỷ luật Hình thức xử phạt kỷ luật sẽ được áp dụng đối với các cán bộ, công chức có hành vi vi phạm pháp luật về đấu thầu. Bồi thường thiệt hại (nếu có) Trong trường hợp tổ chức, cá nhân gây thiệt hại sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định pháp luật về bồi thường thiệt hại và các quy định khác của pháp luật liên quan. Đây chỉ là một số biện pháp xử lý khi nhà đầu tư, nhà thầu có hành vi thông thầu. Do đó, nhà đầu tư, nhà thầu khi tham gia đấu thầu nên loại bỏ suy nghĩ thông thầu, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, đúng pháp luật để tránh những điều không hay, vừa mất tiền, có thể bị phạt tù mà gói thầu cũng bị hủy…
Lạm dụng xe cứu thương để vận chuyển khách né giờ cao điểm có bị xử lý không?
Vào giờ cao điểm trên các tuyến đường tại TP.HCM, khi nghe còi tín hiệu của xe cứu thương đa số người dân đều nhường đường. Không ít người thắc mắc xe cứu thương có đang chở người nguy khẩn hay đi làm nhiệm vụ? Xe cứu thương có đang thực hiện đúng chức năng được cấp phép hay không? (1) Xe cứu thương vận chuyển khách né giờ cao điểm có bị phạt không? Theo quy định tại Điều 22 Luật Giao thông đường bộ năm 2008, những xe sau đây được quyền ưu tiên đi trước xe khác khi qua đường giao nhau từ bất kỳ hướng nào tới theo thứ tự: - Xe chữa cháy đi làm nhiệm vụ; - Xe quân sự, xe công an đi làm nhiệm vụ khẩn cấp, đoàn xe có xe cảnh sát dẫn đường; - Xe cứu thương đang thực hiện nhiệm vụ cấp cứu; - Xe hộ đê, xe đi làm nhiệm vụ khắc phục sự cố thiên tai, dịch bệnh hoặc xe đi làm nhiệm vụ trong tình trạng khẩn cấp theo quy định của pháp luật; - Đoàn xe tang. Xe được ưu tiên nêu trên (trừ xe tang) khi làm nhiệm vụ phải có tín hiệu còi, cờ, đèn theo quy định; không bị hạn chế tốc độ; được phép đi vào đường ngược chiều, các đường khác có thể đi được, kể cả khi có tín hiệu đèn đỏ và chỉ phải tuân theo chỉ dẫn của người điều khiển giao thông. - Khi có tín hiệu của xe được quyền ưu tiên, người tham gia giao thông phải nhanh chóng giảm tốc độ, tránh hoặc dừng lại sát lề đường bên phải để nhường đường. Không được gây cản trở xe được quyền ưu tiên. Theo đó, xe cứu thương là một trong các loại xe được quyền ưu tiên, không bị hạn chế tốc độ, được đi vào đường ngược chiều, được đi kể cả khi có đèn đỏ. Vì những quyền ưu tiên này, không ít người có thắc mắc liệu xe cứu thương có bị lạm dụng để chở người không phải bệnh nhân được đi ưu tiên khi giờ cao điểm không? Trên thực tế, đã có không ít vụ việc xe cứu thương dịch vụ không được cấp phép nhận vận chuyển hành khách không phải là bệnh nhân đã bị CSGT dừng xe, kiểm tra và xử phạt. Tuy nhiên cũng phải thừa nhận rằng, việc kiểm tra và thực hiện triệt để từng xe là rất khó, vì tâm lý là xe cứu thương, cấp cứu người nguy kịch, nên không ít CSGT ngại dừng loại xe này để kiểm tra, xử lý. Theo khoản 1 và 2 Điều 3 Thông tư 27/2017/TT-BYT về quy định tiêu chuẩn và sử dụng xe ô tô cứu thương có quy định như sau: - Xe ô tô cứu thương chỉ được sử dụng cho các mục đích sau đây: + Chở người bệnh cấp cứu hoặc đi đón người bệnh cấp cứu; + Chở thầy thuốc, nhân viên y tế, thuốc, trang thiết bị y tế phục vụ cấp cứu thảm họa, cấp cứu tai nạn giao thông và các nhu cầu cấp thiết khác của hoạt động chuyên môn khám bệnh, chữa bệnh và phòng, chống dịch bệnh. - Không được sử dụng xe ô tô cứu thương ngoài mục đích quy định tại khoản 1 Điều 3 Thông tư Thông tư 27/2017/TT-BYT Do đó, tất cả hành vi vận chuyển người trong ô tô cứu thương mà không thuộc quy định tại khoản 1 Điều 3 Thông tư 27/2017/TT-BYT thì đều là vi phạm pháp luật, sẽ bị xử lý theo pháp luật. (2) Sử dụng xe cứu thương sai mục đích bị phạt thế nào? Theo các quy định trên, xe cứu thương chỉ được ưu tiên khi đang thực hiện nhiệm vụ chở bệnh nhân cấp cứu hoặc đi đón bệnh nhân cấp cứu; khi đi làm nhiệm vụ phải có tín hiệu còi, cờ, đèn theo quy định và chỉ phải tuân theo chỉ dẫn của người điều khiển giao thông. Đối với trường hợp sử dụng xe cứu thương chở người đi làm các công việc khác sẽ không được hưởng quyền ưu tiên vì sử dụng sai mục đích. Hiện nay, pháp luật chưa có quy định xử phạt cụ thể đối với việc xe cứu thương sử dụng sai mục đích. Nếu trong lúc xe cứu thương phát tín hiệu ưu tiên nhưng sử dụng sai mục đích có những hành vi vi phạm luật giao thông sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật, cụ thể: Theo điểm h khoản 3 Điều 5 Nghị định 171/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, xe không được quyền ưu tiên mà sử dụng tín hiệu còi, cờ, đèn của xe ưu tiên thì sẽ bị phạt tiền từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng. Ngoài ra, nếu trong quá trình sử dụng sai mục đích, xe cứu thương này còn bị phát hiện mắc thêm các lỗi vi phạm quy định của Luật giao thông đường bộ như chạy quá tốc độ, đi sai làm đường, vượt đèn đỏ… thì người điều khiển, người ngồi trên xe sẽ tiếp tục bị xử phạt theo quy định tại Điều 5 Nghị định 171/2013/NĐ-CP Trong trường hợp xe cứu thương là xe của Nhà nước thì khi sử dụng sai mục đích theo quy định tại khoản 2 Điều 7 Nghị định 192/2013/NĐ-CP quy định việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, dự trữ quốc gia, kho bạc nhà nước có thể sẽ bị xử phạt hành chính từ 1 triệu đến 10 triệu đồng. Xe cứu thương của đơn vị tư nhân nếu sử dụng sai mục đích có thể bị xử phạt theo quy định của đơn vị quản lý.
Đổ hoá chất nhằm phá hoại cây xanh đô thị sẽ bị xử lý thế nào?
Cây xanh đô thị mang đến nhiều lợi ích cho con người. Pháp luật có quy định nghiêm cấm các hành vi phá hoại cây xanh, gây ảnh hưởng đến môi trường. Như vậy, hành vi đổ hoá chất nhằm phá hoại cây xanh đô thị sẽ bị xử lý thế nào? Vụ việc cây sao đen trên phố Lò Đúc chết khô Theo bảo VOV đưa tin, vừa qua người dân cả nước xôn xao thông tin về các cây sao đen trăm tuổi chết khô trên phố Lò Đúc (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) mà không rõ nguyên nhân. Vụ việc trên làm nhiều người nhớ lại trước đây năm 2019, cây sao đen ở số nhà 71 phố Lò Đúc, đang phát triển xanh tươi thì chỉ vài ngày sau khi bị đổ loại nước màu xanh xuống gốc, cây rụng lá và chết trong “nháy mắt”. Như vậy, nếu thật sự có người cố ý đổ hóa chất vào các cây xanh đô thị để phá hoại thì hành vi này sẽ bị xử lý như thế nào? Cây xanh đô thị là gì? Theo Điều 2 Nghị định 64/2010/NĐ-CP về cây xanh đô thị như sau: - Cây xanh đô thị là cây xanh sử dụng công cộng, cây xanh sử dụng hạn chế và cây xanh chuyên dụng trong đô thị. - Cây xanh sử dụng công cộng đô thị là các loại: + Cây xanh được trồng trên đường phố (gồm cây bóng mát, cây trang trí, dây leo, cây mọc tự nhiên, thảm cỏ trồng trên hè phố, dải phân cách, đảo giao thông); + Cây xanh trong công viên, vườn hoa; + Cây xanh và thảm cỏ tại quảng trường và các khu vực công cộng khác trong đô thị. - Cây xanh sử dụng hạn chế trong đô thị là cây xanh được trồng trong khuôn viên các trụ sở, trường học, bệnh viện, nghĩa trang, các công trình tín ngưỡng, biệt thự, nhà ở và các công trình công cộng khác do các tổ chức, cá nhân quản lý và sử dụng. - Cây xanh chuyên dụng trong đô thị là các loại cây trong vườn ươm hoặc phục vụ nghiên cứu. Như vậy, cây xanh đô thị là các cây được trồng ở các nơi công cộng, các vườn ươm hoặc để phục vụ nghiên cứu. Các hành vi bị cấm trong quản lý cây xanh đô thị Theo Điều 7 Nghị định 64/2010/NĐ-CP quy định nghiêm cấm các hành vi sau đây: - Trồng các loại cây trong danh mục cây cấm trồng; trồng các loại cây trong danh mục cây trồng hạn chế khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép. - Tự ý trồng cây xanh trên hè, dải phân cách, nút giao thông và các khu vực sở hữu công cộng không đúng quy định. - Tự ý chặt hạ, dịch chuyển, chặt nhánh, tỉa cành, đào gốc, chặt rễ cây xanh khi chưa được cấp phép. - Đục khoét, đóng đinh vào cây xanh, lột vỏ thân cây; đổ rác, chất độc hại và vật liệu xây dựng vào gốc cây xanh; phóng uế, đun nấu, đốt gốc, xây bục, bệ quanh gốc cây. - Treo, gắn biển quảng cáo, biển hiệu và các vật dụng khác trên cây; giăng dây, giăng đèn trang trí vào cây xanh khi chưa được phép. - Lấn chiếm, xây dựng công trình trái phép trên đất cây xanh hiện có hoặc đã được xác định trong quy hoạch đô thị và ngăn cản việc trồng cây xanh theo quy định. - Các tổ chức, cá nhân quản lý hoặc được giao quản lý cây xanh đô thị không thực hiện đúng các quy định về quản lý cây xanh đô thị. - Các hành vi vi phạm khác theo quy định của pháp luật. Đổ hóa chất nhằm phá hoại cây xanh đô thị sẽ bị xử lý thế nào? Xử lý hành chính Theo Điều 54 Nghị định 16/2022/NĐ-CP quy định xử phạt về hành vi trồng sai quy định, phá hoại cây xanh đô thị như sau: - Phạt cảnh cáo đối với một trong các hành vi sau đây: + Đục khoét, đóng đinh vào cây xanh, cắt cành cây, lột vỏ thân cây, phóng uế quanh gốc cây; + Chăm sóc, cắt tỉa cây không tuân thủ quy trình kỹ thuật. - Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: + Đổ chất độc hại, vật liệu xây dựng vào gốc cây xanh; đun nấu, đốt gốc, xây bục, bệ quanh gốc cây; + Trồng cây xanh trên hè, dải phân cách, đường phố, nút giao thông hoặc khu vực công cộng không đúng quy định; + Trồng các loại cây trong danh mục cây cấm trồng hoặc cây trong danh mục cây trồng hạn chế khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép; + Ngăn cản việc trồng cây xanh theo quy định; + Trồng cây xanh đô thị không đảm bảo đúng quy trình kỹ thuật, không đúng chủng loại, tiêu chuẩn cây và bảo đảm an toàn. - Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi tự ý chặt hạ, dịch chuyển, đào gốc cây xanh đô thị hoặc chặt rễ cây xanh khi chưa được cấp phép. - Biện pháp khắc phục hậu quả: + Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu với hành vi phá hoại cây xanh. + Buộc trồng cây xanh đô thị đảm bảo đúng quy trình kỹ thuật, chủng loại, tiêu chuẩn cây với hành vi trồng cây sai quy định. Đồng thời, theo điểm c Khoản 3 Điều 4 quy định mức phạt trên là mức phạt đối với tổ chức. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với cá nhân bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức. Như vậy, đối với hành vi đổ hóa chất vào cây nhằm mục đích phá hoại cây xanh đô thị, tổ chức sẽ bị phạt từ 20 - 30 triệu đồng, cá nhân sẽ bị phạt 10 - 15 triệu đồng. Đồng thời, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu. Xử lý hình sự Nếu cây xanh đô thị được giao cho cơ quan, đơn vị quản lý, chăm sóc thì cũng được xem là tài sản của cơ quan, đơn vị đó. Trường hợp này, nếu đổ hóa chất hay có hành vi nào khác nhằm phá hoại cây thì sẽ bị xử lý theo Điều 178 Bộ luật hình sự 2015 như sau: 1) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm đối với: - Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng - Dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây: + Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều 178 Bộ luật hình sự 2015 mà còn vi phạm; + Đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; + Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; + Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; + Tài sản là di vật, cổ vật. 2) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm: - Có tổ chức; - Gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng; - Tài sản là bảo vật quốc gia; - Dùng chất nguy hiểm về cháy, nổ hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác; - Để che giấu tội phạm khác; - Vì lý do công vụ của người bị hại; - Tái phạm nguy hiểm. 3) Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm. 4) Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm. 5) Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. Như vậy, đối với hành vi đổ hóa chất phá hoại cây xanh đô thị là tài sản của cơ quan, đơn vị có thể bị xử lý hình sự khung hình phạt thấp nhất là phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm; Khung hình phạt cao nhất là phạt tù từ 10 đến 20 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
Hành vi vận chuyển động vật rừng trái pháp luật bị xử lý như thế nào?
Buôn bán, vận chuyển trái phép lâm sản luôn là một vấn đề nhức nhối được Nhà nước và nhân dân quan tâm, mong muốn ngăn chặn, giải quyết triệt để. Như vậy, hành vi vận chuyển động vật rừng trái pháp luật sẽ bị xử lý như thế nào? Vận chuyển động vật rừng trái pháp luật là gì? Lâm sản là gì? Theo Khoản 16, 17 Điều 2 Luật Lâm nghiệp 2017 quy định: - Lâm sản là sản phẩm khai thác từ rừng bao gồm thực vật rừng, động vật rừng và các sinh vật rừng khác gồm cả gỗ, lâm sản ngoài gỗ, sản phẩm gỗ, song, mây, tre, nứa đã chế biến. - Hồ sơ lâm sản là tài liệu về lâm sản được lưu giữ tại cơ sở sản xuất, kinh doanh lâm sản và lưu hành cùng với lâm sản trong quá trình khai thác, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, vận chuyển, chế biến, cất giữ. Theo Khoản 3 Điều 3 Nghị định 35/2019/NĐ-CP được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 1 Điều 1 Nghị định 07/2022/NĐ-CP: Sản phẩm của động vật rừng; động vật nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; động vật thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IB, IIB theo Điều 4 Nghị định 06/2019/NĐ-CP; động vật thuộc các Phụ lục của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp; động vật hoang dã trên cạn khác là các loại sản phẩm có nguồn gốc từ các loại động vật đó ở dạng thô hoặc đã qua sơ chế, chế biến. Hành vi vận chuyển động vật rừng trái pháp luật là gì? Theo Điều 22 Nghị định 35/2019/NĐ-CP được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 13 Điều 1 Nghị định 07/2022/NĐ-CP, hành vi vận chuyển lâm sản (trường hợp vận chuyển lâm sản bằng phương tiện thì xác định hành vi vi phạm từ thời điểm lâm sản đã được xếp lên phương tiện vận chuyển) không có hồ sơ hợp pháp hoặc có hồ sơ hợp pháp nhưng lâm sản thực tế vận chuyển không phù hợp với hồ sơ đó là hành vi vận chuyển lâm sản trái pháp luật. Như vậy, vận chuyển động vật rừng trái pháp luật là hành vi vận chuyển động vật, sản phẩm của động vật rừng mà không có hồ sơ lâm sản hợp pháp, hoặc có hồ sơ nhưng lâm sản vận chuyển khác với hồ sơ. Đơn vị tính để xác định thiệt hại do hành vi vi phạm hành chính gây ra Theo Điều 5 Nghị định 35/2019/NĐ-CP sửa đổi bởi Khoản 3 Điều 1 Nghị định 07/2022/NĐ-CP quy định về đơn vị tính để xác định thiệt hại do hành vi vi phạm hành chính gây ra như sau: - Diện tích rừng hoặc diện tích có cây trồng chưa thành rừng tính bằng mét vuông (m2) hoặc héc ta (ha). - Khối lượng gỗ tính bằng mét khối (m3). - Đơn vị tính và phương pháp xác định số lượng, khối lượng lâm sản theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đối với tang vật vi phạm là gỗ, khi xử phạt vi phạm hành chính phải quy thành gỗ tròn. Quy đổi khối lượng các loại gỗ xẻ, gỗ đẽo thành gỗ tròn bằng cách nhân với hệ số 1,6. - Động vật rừng, bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của động vật rừng thuộc loài thông thường; động vật rừng, bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của động vật rừng thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIB Điều 4 Nghị định 06/2019/NĐ-CP; sản phẩm của động vật rừng thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IB Điều 4 Nghị định 06/2019/NĐ-CP; thực vật rừng ngoài gỗ và sản phẩm gỗ xác định trị giá bằng tiền Việt Nam, đơn vị tính là đồng. Vận chuyển động vật rừng trái pháp luật bị xử lý như thế nào? Theo Điều 22 Nghị định 35/2019/NĐ-CP được sửa đổi bởi Nghị định 07/2022/NĐ-CP quy định về xử phạt hành vi vận chuyển lâm sản trái pháp luật, trong đó hành vi vận chuyển sản phẩm của động vật rừng trái phép bị xử phạt như sau: 1) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng khi vận chuyển - Động vật rừng, bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của động vật rừng thông thường trị giá dưới 7.000.000 đồng; - Động vật rừng, bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của động vật rừng thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIB trị giá dưới 3.000.000 đồng; 2) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng khi vận chuyển - Động vật rừng, bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của động vật rừng thông thường trị giá từ 15.000.000 đồng đến dưới 25.000.000 đồng; - Động vật rừng, bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của động vật rừng thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIB trị giá từ 7.000.000 đồng đến dưới 15.000.000 đồng; - Sản phẩm của động vật rừng thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IB trị giá dưới 1.000.000 đồng; 3) Phạt tiền từ 25.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng khi vận chuyển - Động vật rừng, bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của động vật rừng thông thường trị giá từ 25.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng; - Động vật rừng, bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của động vật rừng thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIB trị giá từ 15.000.000 đồng đến dưới 25.000.000 đồng; - Sản phẩm của động vật rừng thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IB trị giá từ 1.000.000 đồng đến dưới 3.000.000 đồng; 4) Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 khi vận chuyển: - Động vật rừng, bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của động vật rừng thông thường trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 70.000.000 đồng; - Động vật rừng, bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của động vật rừng thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIB trị giá từ 25.000.000 đồng đến dưới 35.000.000 đồng; - Sản phẩm của động vật rừng thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IB trị giá từ 3.000.000 đồng đến dưới 5.000.000 đồng; 5) Phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 90.000.000 đồng khi vận chuyển - Động vật rừng, bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của động vật rừng thông thường trị giá từ 70.000.000 đồng đến dưới 90.000.000 đồng; - Động vật rừng, bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của động vật rừng thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIB trị giá từ 35.000.000 đồng đến dưới 45.000.000 đồng; - Sản phẩm của động vật rừng thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IB trị giá từ 5.000.000 đồng đến dưới 10.000.000 đồng; 6) Phạt tiền từ 90.000.000 đồng đến 120.000.000 đồng khi vận chuyển - Động vật rừng, bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của động vật rừng thông thường trị giá từ 90.000.000 đồng đến dưới 120.000.000 đồng; - Động vật rừng, bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của động vật rừng thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIB trị giá từ 45.000.000 đồng đến dưới 60.000.000 đồng; - Sản phẩm của động vật rừng thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IB trị giá từ 10.000.000 đồng đến dưới 20.000.000 đồng; 7) Phạt tiền từ 120.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng khi vận chuyển - Động vật rừng, bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của động vật rừng thông thường trị giá từ 120.000.000 đồng đến dưới 150.000.000 đồng; - Động vật rừng, bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của động vật rừng thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIB trị giá từ 60.000.000 đồng đến dưới 75.000.000 đồng; - Sản phẩm của động vật rừng thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IB trị giá từ 20.000.000 đồng đến dưới 30.000.000 đồng; 8) Phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 180.000.000 đồng khi vận chuyển - Động vật rừng, bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của động vật rừng thông thường trị giá từ 150.000.000 đồng đến dưới 180.000.000 đồng; - Động vật rừng, bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của động vật rừng thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIB trị giá từ 75.000.000 đồng đến dưới 90.000.000 đồng; - Sản phẩm của động vật rừng thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IB trị giá từ 30.000.000 đồng đến dưới 40.000.000 đồng; 9) Phạt tiền từ 180.000.000 đồng đến 210.000.000 đồng khi vận chuyển - Động vật rừng, bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của động vật rừng thông thường trị giá từ 180.000.000 đồng đến dưới 210.000.000 đồng; - Động vật rừng, bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của động vật rừng thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIB trị giá từ 90.000.000 đồng đến dưới 105.000.000 đồng; - Sản phẩm của động vật rừng thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IB trị giá từ 40.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng; - Ngà voi có khối lượng dưới 0,3 kilôgam; 10) hạt tiền từ 210.000.000 đồng đến 240.000.000 đồng khi vận chuyển - Động vật rừng, bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của động vật rừng thông thường trị giá từ 210.000.000 đồng đến dưới 240.000.000 đồng; - Động vật rừng, bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của động vật rừng thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIB trị giá từ 105.000.000 đồng đến dưới 120.000.000 đồng; - Sản phẩm của động vật rừng thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IB trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 60.000.000 đồng; - Ngà voi có khối lượng từ 0,3 kilôgam đến dưới 0,6 kilôgam; 11) Phạt tiền từ 240.000.000 đồng đến 270.000.000 đồng khi vận chuyển - Động vật rừng, bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của động vật rừng thông thường trị giá từ 240.000.000 đồng đến dưới 270.000.000 đồng; - Động vật rừng, bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của động vật rừng thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIB trị giá từ 120.000.000 đồng đến dưới 135.000.000 đồng; - Sản phẩm của động vật rừng thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IB trị giá từ 60.000.000 đồng đến dưới 70.000.000 đồng; - Ngà voi có khối lượng từ 0,6 kilôgam đến dưới 0,9 kilôgam; 12) Phạt tiền từ 270.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng khi vận chuyển - Động vật rừng, bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của động vật rừng thông thường trị giá từ 270.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng; - Động vật rừng, bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của động vật rừng thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIB trị giá từ 135.000.000 đồng đến dưới 150.000.000 đồng; - Sản phẩm của động vật rừng thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IB trị giá từ 70.000.000 đồng đến dưới 80.000.000 đồng; - Ngà voi có khối lượng từ 0,9 kilôgam đến dưới 1,2 kilôgam; - Động vật rừng hoặc bộ phận không thể tách rời sự sống của động vật rừng thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IB với số lượng dưới 03 cá thể lớp chim, bò sát hoặc động vật lớp khác; 13) hạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 330.000.000 đồng khi vận chuyển - Sản phẩm của động vật rừng thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IB trị giá từ 80.000.000 đồng đến dưới 90.000.000 đồng; - Ngà voi có khối lượng từ 1,2 kilôgam đến dưới 1,5 kilôgam; sừng tê giác có khối lượng dưới 0,03 kilôgam; - Động vật rừng hoặc bộ phận không thể tách rời sự sống của động vật rừng thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IB với số lượng 01 cá thể lớp thú hoặc từ 03 đến 04 cá thể lớp chim, bò sát hoặc từ 03 đến 05 cá thể động vật lớp khác; 14) Phạt tiền từ 330.000.000 đồng đến 360.000.000 đồng khi vận chuyển - Sản phẩm của động vật rừng thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IB trị giá từ 90.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng; - Ngà voi có khối lượng từ 1,5 kilôgam đến dưới 02 kilôgam; sừng tê giác có khối lượng từ 0,03 kilôgam đến dưới 0,05 kilôgam; - Động vật rừng hoặc bộ phận không thể tách rời sự sống của động vật rừng thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IB với số lượng 02 cá thể lớp thú hoặc từ 05 đến 06 cá thể lớp chim, bò sát hoặc từ 06 đến 09 cá thể động vật lớp khác; 15) Hình thức xử phạt bổ sung có thể có tuỳ hành vi: - Tịch thu tang vật vi phạm - Tịch thu phương tiện 16) Biện pháp khắc phục hậu quả có thể có tuỳ hành vi: - Buộc thực hiện biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh; buộc tiêu hủy hàng hóa, vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường - Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm hành chính hoặc buộc nộp lại số tiền bằng trị giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đã bị tiêu thụ, tẩu tán, tiêu hủy Trên đây là giải đáp cho câu hỏi hành vi vận chuyển động vật rừng trái pháp luật bị xử lý như thế nào? Người đọc có thể tham khảo để cập nhật cho mình những kiến thức pháp luật hữu ích.
Vô ý gây hỏa hoạn bị xử lý như thế nào?
Hỏa hoạn gây ra hậu quả vô cùng khó lường, những năm gần đây liên tiếp xảy ra nhiều vụ cháy nhà, gây hậu quả rất nghiêm trọng. Chính vì thế các hành vi gây ra hỏa hoạn dù cố ý hay vô tình đều bị xử lý theo quy định của pháp luật. Xem thêm bài viết: Có phải bồi thường khi cháy nhà lan sang người khác? (1) Hành vi bị nghiêm cấm trong phòng cháy chữa cháy Theo quy định tại Điều 13 Luật Phòng cháy chữa cháy 2001, sửa đổi bổ sung bởi Khoản 8 Điều 1 Luật phòng cháy, chữa cháy sửa đổi 2013, các hành vi bị nghiêm cấm trong việc phòng cháy chữa cháy là: - Cố ý gây cháy, nổ làm tổn hại đến tính mạng, sức khoẻ con người; gây thiệt hại tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, cá nhân; ảnh hưởng xấu đến môi trường, an ninh và trật tự an toàn xã hội - Cản trở các hoạt động phòng cháy và chữa cháy; chống người thi hành nhiệm vụ phòng cháy và chữa cháy. - Lợi dụng phòng cháy và chữa cháy để xâm hại tính mạng, sức khỏe con người; xâm phạm tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức và cá nhân - Báo cháy giả - Không báo cháy khi có điều kiện báo cháy; trì hoãn việc báo cháy. - Sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép chất nguy hiểm về cháy, nổ.. - Mang hàng và chất dễ cháy, nổ trái phép vào nơi tập trung đông người - Thi công công trình có nguy hiểm về cháy, nổ, nhà cao tầng, trung tâm thương mại mà chưa có thiết kế được duyệt về phòng cháy và chữa cháy; nghiệm thu và đưa vào sử dụng công trình có nguy hiểm về cháy, nổ, nhà cao tầng, trung tâm thương mại khi chưa đủ điều kiện bảo đảm an toàn về phòng cháy và chữa cháy - Chiếm đoạt, hủy hoại, làm hư hỏng, tự ý thay đổi, di chuyển, che khuất phương tiện, thiết bị phòng cháy và chữa cháy, biển báo, biển chỉ dẫn; cản trở lối thoát nạn. - Hành vi khác vi phạm quy định của pháp luật về phòng cháy và chữa cháy Trách nhiệm phòng cháy, chữa cháy là trách nhiệm của mỗi cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân trên lãnh thổ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Điều 5 Luật Phòng cháy chữa cháy 2001), do đó mỗi cá nhân đều có trách nhiệm nâng cao hiểu biết về phòng cháy chữa cháy. (2) Vô ý gây hỏa hoạn bị xử lý như thế nào? Về nguyên tắc, người gây ra điểm cháy đầu tiên làm đám cháy lan ra những nơi khác, gây thiệt hại về tài sản và con người thì là người phải chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, việc xác định nguyên nhân và người gây ra vụ cháy phải chờ kết quả giám định của cơ quan điều tra có thẩm quyền. Theo Điều 51 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, các hành vi gây cháy nổ sẽ bị xử lý như sau - Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định an toàn về phòng cháy và chữa cháy để xảy ra cháy, nổ gây thiệt hại về tài sản dưới 20.000.000 đồng. - Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định an toàn phòng cháy và chữa cháy để xảy ra cháy, nổ gây thiệt hại về tài sản từ 20.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng. - Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định an toàn phòng cháy và chữa cháy để xảy ra cháy, nổ gây thiệt hại về tài sản từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng. - Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: - Vi phạm quy định an toàn phòng cháy và chữa cháy để xảy ra cháy, nổ mà gây thiệt hại về tài sản trên 100.000.000 đồng; - Vi phạm quy định về phòng cháy và chữa cháy gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể dưới 61% - Vi phạm quy định về phòng cháy và chữa cháy gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này dưới 61%. Biện pháp khắc phục hậu quả: - Buộc chi trả toàn bộ chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với hành vi vi phạm quy định tại các điểm b và c khoản 4 Điều 51 Nghị định 144/2021/NĐ-CP Như vậy, dù là cố ý hay vô tình, nếu gây ra hỏa hoạn mà có thiệt hại về tài sản hoặc con người thì đều sẽ bị phạt. Tuy nhiên, nếu hậu quả của việc gây hỏa hoạn là quá lớn thì tội vi phạm quy định phòng cháy chữa cháy sẽ bị xử lý theo quy định của Bộ Luật Hình sự 2015. Cụ thể, tại Điều 313 Bộ Luật Hình sự 2015 được sửa đổi bởi Khoản 115 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định về tội vi phạm quy định phòng cháy chữa cháy như sau: - Người nào vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 02 năm đến 05 năm: + Làm chết người; + Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; + Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%; + Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng. - Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 08 năm: + Làm chết 02 người; + Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%; + Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng. - Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm: + Làm chết 03 người trở lên; + Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên; + Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên. - Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các điểm a, b và c khoản 3 Điều 313 Bộ Luật Hình sự 2015 nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm. - Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. (3) Trách nhiệm bồi thường thiệt hại như thế nào? Người gây ra hỏa hoạn do cố ý vì muốn phá hoại tài sản hoặc giết người thì chắn chắn sẽ bị xử phạt và bồi thường thiệt hại, nhưng nếu nguồn cháy bắt nguồn từ việc chập điện, rò rỉ khi gas,...thì ai là người phải bồi thường thiệt hại? Theo Khoản 1 Điều 601 Bộ luật Dân sự 2015, mạng lưới điện trong nhà và chất đốt (khí gas) là nguồn nguy hiểm cao độ. Căn cứ vào Khoản 2, Khoản 3, Khoản 4 Điều 601 Bộ luật Dân sự 2015 thì chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ hoặc chủ sở hữu giao cho người chiếm hữu nguồn nguy hiểm cao độ không đúng quy định pháp luật mà gây ra thiệt hại thì chủ sở hữu chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Trường hợp chủ sở hữu giao cho người khác chiếm hữu hợp pháp thì người đó phải chịu trách nhiệm bồi thường. Trên thực tế, việc bồi thường sau hỏa hoạn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Người có trách nhiệm bồi thường đôi khi cũng là nạn nhân của hỏa hoạn, tài sản của họ cũng đã bị cháy trong trận hỏa hoạn, không có khả năng bồi thường thiệt hại. Do đó, chúng ta cần hết sức lưu ý những đồ vật dễ cháy nổ, không để vật dễ bắt lửa gần các nguồn lửa, tuân thủ theo các quy định về an toàn phòng cháy chữa cháy của Nhà nước. Xem thêm bài viết: Có phải bồi thường khi cháy nhà lan sang người khác? (4) Kết luận Chắc hẳn chúng ta vẫn chưa hết bàng hoàng và sợ hãi khi nhắc đến các vụ hỏa hoạn như vụ cháy chung cư mini ở Hà Nội, hay cháy cơ sở Karaoke ở Bình Dương, hay vụ cháy chung cư Carina ở TPHCM. Thời khắc ngọn lửa bùng lên trong ngày đen tối đó chắc hẳn sẽ in lại trong tâm trí của rất nhiều người dân, người thân của người gặp nạn. Những hậu quả của hỏa hoạn để lại là thật, những mất mát là thật, dù cho có phạt bao nhiêu thì cũng không thể bù đắp hết được sự mất mát đó. Cho nên mỗi người dân chúng ta đều nên có cho mình ý thức phòng cháy, trang bị các kỹ năng chữa cháy và thoát hiểm để không chỉ giúp cho mình mà còn giúp cho người thân, những người xung quanh mình khi có hỏa hoạn xảy ra.
Quy trình xử lý tai nạn lao động năm 2023 như thế nào?
Trong quá trình tham gia lao động, người lao động không tránh khỏi những rủi ro về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Vậy quy trình xử lý tai nạn lao động như thế nào? Quy định về điều tra tai nạn lao động Căn cứ theo Điều 35 Luật an toàn, vệ sinh lao động năm 2015 quy định về điều tra tai nạn lao động, sự cố kỹ thuật gây mất an toàn và vệ sinh lao động. Người sử dụng lao động có trách nhiệm thành lập đoàn điều tra tai nạn lao động cấp cơ sở để tiến hành điều tra tai nạn lao động theo Điều 11 Nghị định 39/2016/NĐ-CP Đoàn điều tra tai nạn lao động điều tra tai nạn lao động theo quy định tại Điều 13 Nghị định 39/2016/NĐ-CP Thành phần của đoàn điều tra tai nạn lao động cấp cơ sở sẽ gồm có người sử dụng lao động hoặc người đại diện được người sử dụng lao động ủy quyền và các thành viên là đại diện ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc đại diện tập thể NLĐ khi chưa thành lập tổ chức công đoàn cơ sở. Quy trình xử lý tai nạn lao động Quy trình xử lý tai nạn lao động được tiến hành theo các bước sau đây: Bước 1: Sơ cứu, cấp cứu cho người bị tai nạn lao động Căn cứ theo khoản 1 Điều 38 của Luật an toàn, vệ sinh lao động năm 2015 thì cần kịp thời sơ cứu, cấp cứu, điều trị cho người lao động. Bước 2: Khai báo tai bạn lao động Căn cứ theo Điều 34 Luật an toàn, vệ sinh lao động năm 2015 và Điều 10 Nghị định 39/2016/NĐ-CP, tai nạn lao động như sau: - Nếu tai nạn lao động xảy ra tại chỗ làm việc thì người bị tai nạn hoặc người biết tin phải báo ngay cho người quản lý trực tiếp được biết - Nếu có tai nạn lao động gây chết người hoặc bị thương nặng từ 2 người trở lên thì người sử dụng lao động phải khai báo nhanh nhất tới Thanh tra sở lao động - thương binh và xã hội nơi xảy ra tai nạn. Trong trường hợp gây chết người phải báo ngay cho cơ quan công an cấp huyện. Bước 3: Giữ nguyên hiện trường nơi xảy ra tai nạn lao động nặng hoặc gây chết người Nguyên tắc giữ nguyên hiện trường lao động được quy định tại khoản 3 Điều 18 Nghị định 39/2016/NĐ-CP: - Trường hợp phải cấp cứu, ngăn chặn những thiệt hại xảy ra mà làm xáo trộn hiện trường thì cần lập biên bản, chụp ảnh, quay phim lại hiện trường. - Lưu ý chỉ được xóa bỏ hiện trường và mai táng sau khi đã hoàn thành các bước điều tra và được đoàn điều tra tai nạn lao động cấp tỉnh hoặc công an đồng ý bằng văn bản. Bước 4: Thành lập đoàn điều tra tai nạn lao động cơ sở và tiến hành các bước điều tra Căn cứ theo khoản 1 Điều 35 của bộ luật này, người sử dụng lao động thành lập đoàn điều tra tai nạn lao động cấp cơ sở đối với những vụ tai nạn bị thương nhẹ hoặc bị thương nặng 1 người lao động Các trường hợp nghiêm trọng khác do sở lao động-thương binh và xã hội thành lập đoàn điều tra cấp tỉnh hoặc cấp trung ương. Thời gian điều tra tai nạn lao động tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể: - Tai nạn lao động làm bị thương nhẹ NLĐ: Không quá 4 ngày - Tai nạn lao động làm thương nặng 1 NLĐ: Không quá 7 ngày Đoàn điều tra tai nạn lao động theo quy trình sau đây: - Thu thập dấu vết, tài liệu, chứng cứ - Lấy lời khai của nạn nhân, nhân chứng, người có liên quan - Giám định kỹ thuật, giám định pháp y (nếu cần) - Phân tích về nguyên nhân, diễn biến, kết luận vụ tai nạn - Lập biên bản điều tra tai nạn lao động - Tổ chức cuộc họp và lập biên bản cuộc họp - Gửi biên bản điều tra tai nạn lao động, biên bản cuộc họp tới nạn nhân hoặc thân nhân người bị nạn Bước 5: Thông báo thông tin về sự việc tai nạn lao động tới NLĐ Người sử dụng lao động có trách nhiệm thông báo thông tin liên quan về tai nạn lao động tới tất cả người lao động thuộc đơn vị của mình. Bước 6: Hoàn chỉnh hồ sơ và lưu trữ hồ sơ TNLĐ Thời gian lưu trữ hồ sơ sẽ căn cứ theo khoản 8 Điều 18 Nghị định 39/2016/NĐ-CP: - Nếu vụ tai nạn gây chết người: Thời gian lưu hồ sơ là 15 năm - Các trường hợp tai nạn lao động khác: Thời gian lưu trữ hồ sơ cho đến khi người bị TNLĐ nghỉ hưu. Hồ sơ vụ tai nạn lao động gồm có: - Biên bản khám nghiệm hiện trường (nếu có) - Ảnh hiện trường, ảnh nạn nhân - Biên bản khám nghiệm thương tích/ tử thi - Biên bản lấy lời khai - Biên bản điều tra tai nạn lao động - Biên bản cuộc họp công bố điều tra tai nạn lao động - Giấy chứng thương - Giấy ra viện Bước 7: Thanh toán chi phí phục vụ cho điều tra TNLĐ Chi phí điều tra tai nạn lao động do người sử dụng lao động phải chi trả gồm: Dựng lại hiện trường, chụp, in ảnh hiện trường, trưng cầu giám định, in ấn tài liệu, phương tiện đi lại phục vụ quá trình điều tra. Bước 8: Chi trả bồi thường và trợ cấp cho người bị TNLĐ NLĐ bị TNLĐ được trả đủ tiền lương trong thời gian nghỉ điều trị, được bồi thường tương ứng với tỷ lệ suy giảm khả năng lao động. Bước 9: Hướng dẫn NLĐ giám định sức khỏe Sau khi người bị tai nạn lao động bình phục vết thương, điều trị ổn định sẽ được người sử dụng lao động giới thiệu giám y xác định mức độ suy giảm khả năng lao động. Bước 10: Khắc phục và giải quyết hậu quả tai nạn lao động Người sử dụng lao động có trách nhiệm khắc phục và giải quyết hậu quả do tai nạn lao động và rút kinh nghiệm lần sau. Bước 11: Sắp xếp công việc phù hợp với NLĐ sau khi bình phục NLĐ sau khi bình phục được sắp xếp công việc phù hợp với sức khỏe.
Bộ Công an hướng dẫn những kỹ năng thoát nạn khi ô tô bị lao xuống vùng nước sâu
Không ít trường hợp tài xế ô tô khi lái xe bị lao xuống hồ, vùng nước sâu,... hoảng loạn và không biết cách xử trí, lúc này rất nguy hiểm. Bài viết sẽ cung cấp một số thông tin hướng dẫn các kỹ năng xử lý khi gặp sự cố trên. Theo đó, một người dân đã ý kiến đến Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an rằng các trung tâm dạy lái xe ô tô chưa chú trọng nhiều đến việc dạy kỹ năng xử lý khi gặp các sự cố, tai nạn xảy ra trên đường. Vì thế, người dân thắc mắc nếu trong trường hợp điều khiển ô tô không may mà bị lao xuống vùng nước sâu thì có những kỹ năng gì để thoát nạn? Dựa vào câu hỏi trên, Bộ Công an có hướng dẫn như sau: Đây là tình huống xảy ra khi các phương tiện giao thông gặp sự cố lao xuống ao, sông, hồ,… và phương tiện dần bị chìm xuống (Hình 32). Nếu người đang ở trong các phương tiện tai nạn không kịp xử lý hoặc không có các thao tác đúng thì rất có thể họ sẽ bị nguy hiểm đến tính mạng. Khi gặp tình huống sự cố này, để thoát nạn an toàn, chúng ta cần chú ý thực hiện một số thao tác cơ bản sau: - Khi xe đang lao xuống nước, mọi người hãy cố bình tĩnh, sử dụng hai tay ôm chặt hai vai, đầu cúi xuống, hơi co tròn cơ thể nhằm hạn chế tối đa trấn thương do va đập khi xe va chạm với mặt nước (nếu là lái xe thì ôm chặt vô lăng). Sau khi xe ổn định thì nhanh chóng bấm khóa (lẫy) tháo dây an toàn (Hình 33). - Sau khi lao xuống nước, thường xe không bị chìm ngay (chỉ chìm sau khoảng thời gian từ 30 giây đến 2 phút). Đồng thời, hệ thống điện có thể đảm bảo cho một số bộ phận trên xe hoạt động trong khoảng 2-3 phút. Trong thời điểm này, mọi người trong xe cần nhanh chóng bấm nút hạ cửa kính (do hệ thống điện trong các xe vẫn có thể đảm bảo cho kính hạ xuống) hoặc sử dụng tay quay hạ cửa kính; khi cửa kính đã được mở, mọi người trong xe nhanh chóng thoát ra ngoài thông qua cửa đã mở và bơi vào bờ (Hình 34). Lưu ý: Khi ô tô mới lao xuống nước, mọi người không nên cố mở cửa xe, vì lúc này rất khó mở do áp lực nước từ ngoài tác động lên cánh cửa xe rất lớn. Mặt khác, nếu mở được cửa xe thì nước sẽ tràn vào nhanh hơn, dẫn đến xe sẽ chìm nhanh, khi đó cơ hội thoát nạn cho những người còn lại trong xe sẽ ít đi. Chính vì vậy, phương án tối ưu khi xe chưa bị chìm là hãy cố gắng bình tĩnh để thoát ra ngoài thông qua các cửa sổ kính như hướng dẫn ở trên. - Trong trường hợp các cửa kính bị kẹt và không thể hạ xuống được thì hãy bằng mọi cách phá vỡ cửa kính nếu có thể (Hình 35) (dùng búa phá kính, sử dụng giày gót nhọn, tuốc-nơ-vít, hoặc đạp bằng chân…). Lưu ý, khi phá cửa kính nên tác động vào một điểm ở góc cửa thì kính sẽ dễ bị phá hơn. Không nên phá kính chắn gió phía trước xe vì đây là loại kính có cấu tạo rất chắc chắn nên rất khó phá, đồng thời khi cửa kính này bị phá, nước sẽ tràn vào mạnh hơn và làm xe chìm nhanh hơn. - Trong trường hợp xe chìm nhanh, người trong xe không thể hạ được cửa kính thì thật bình tĩnh và đợi cho đến khi nước tràn vào trong khoang xe và ngập đến ngang ngực người ngồi (trong khoảng thời gian chờ đợi hãy cởi bỏ những vật nặng, quần áo nặng, giầy dép…). Khi đó, áp lực phía trong xe và bên ngoài đã khá cân bằng, lúc này mọi người hãy mở cửa xe phía gần nhất và thoát ra ngoài (Hình 36). - Nếu trong xe có trẻ nhỏ, hãy trấn an tinh thần của bé để bé không khóc hoặc la hét, khi nước ngập đến ngực, bạn hãy nói với bé cùng hít sâu, ngậm miệng và nín thở (có thể dùng hai ngón tay bóp vào cánh mũi của trẻ em). Ngay sau đó, bạn mở cánh cửa xe và đưa bé thoát ra ngoài rồi ngoi lên mặt nước. - Khi ngoi lên mặt nước, bạn hãy bằng mọi cách kêu cứu, ra ký hiệu để mọi người đến hỗ trợ. Nếu bạn biết bơi thì chủ động giúp đỡ những người khác không biết bơi để cùng vào bờ an toàn. Trên đây là hướng dẫn của Bộ Công an hướng dẫn xử lý khi gặp trường hợp ô tô bị lao xuống vùng nước sâu. Nguồn: Cổng TTĐT Bộ Công an
Đề xuất 11 quy định đối với thí sinh thi kiểm định đầu vào công chức
Bộ Nội vụ hiện đang dự thảo Thông tư /2023/TT-BNV tải ban hành kèm theo nội quy và quy chế tổ chức kiểm định chất lượng đầu vào công chức. Trong đó, đề xuất 11 quy định đối với thí sinh tham gia kiểm định chất lượng đầu vào công chức. Quy định đối với thí sinh thi kiểm định đầu vào công chức (1) Phải có mặt tại phòng thi đúng giờ quy định. Trang phục gọn gàng, văn minh, lịch sự. Trường hợp thí sinh dự thi đến chậm sau khi thời gian bắt đầu tính giờ làm bài thi thì không được dự thi. (2) Xuất trình Giấy chứng minh nhân dân hoặc Thẻ căn cước công dân hoặc một trong các loại giấy tờ tùy thân hợp pháp khác có dán ảnh và giấy xác nhận đăng ký dự thi để giám thị đối chiếu trước khi vào phòng thi. (3) Ngồi đúng chỗ theo số báo danh, để Giấy chứng minh nhân dân hoặc Thẻ căn cước công dân hoặc một trong các loại giấy tờ tùy thân hợp pháp khác có dán ảnh và giấy xác nhận đăng ký dự thi lên mặt bàn để các giám thị phòng thi và các thành viên Hội đồng thi kiểm tra. (4) Chỉ được mang vào phòng thi bút viết và một số loại thuốc mà thí sinh dự thi có bệnh án phải mang theo; không được mang vào phòng thi điện thoại di động, máy ghi âm, máy ảnh, máy vi tính, các phương tiện kỹ thuật thu, phát truyền tin, phương tiện sao lưu dữ liệu, thiết bị chứa đựng, truyền tải thông tin khác và các loại giấy tờ, tài liệu có liên quan đến nội dung thi (trừ trường hợp đề thi có quy định khác). (5) Tuân thủ mọi hướng dẫn của giám thị phòng thi; giữ trật tự và không được hút thuốc hoặc sử dụng chất kích thích trong phòng thi. (6) Không được trao đổi với người khác trong thời gian thi, không được trao đổi giấy nháp, không được nhìn bài thi của thí sinh khác hoặc có bất kỳ một hành động gian lận nào khác. Nghiêm cấm mọi hành vi sao chép, truyền tải thông tin có liên quan đến đề thi ra ngoài phòng thi hoặc nhận thông tin từ ngoài vào phòng thi. (7) Nếu cần hỏi điều gì, phải hỏi công khai giám thị phòng thi. (8) Trong thời gian làm bài thi, thí sinh không được ra ngoài phòng thi, nếu thí sinh có đau, ốm bất thường thì phải báo cho giám thị phòng thi và giám thị phòng thi phải báo ngay cho Trưởng điểm thi, Phó trưởng điểm thi, giám sát thi xem xét, giải quyết. (9) Nghiêm cấm các hành vi làm hỏng hệ thống máy vi tính phục vụ thi; khi phát hiện máy vi tính không sử dụng được phải kịp thời báo cho giám thị phòng thi để xem xét, giải quyết. (10) Thí sinh dự thi chỉ được rời phòng thi khi đã nộp bài và ký xác nhận vào bảng kết quả thi. Trường hợp thí sinh dự thi không ký xác nhận vào bảng kết quả thi trước khi ra khỏi phòng thi thì phải nhận điểm không (0). Trường hợp giám thị phát hiện thí sinh dự thi ký thay thí sinh dự thi khác thì các thí sinh này đều phải nhận điểm không (0). Việc quyết định điểm không (0) đối với các trường hợp này do Chủ tịch Hội đồng quyết định căn cứ báo cáo của Trưởng ban coi thi. (11) Thí sinh dự thi có quyền tố giác người vi phạm nội quy, quy chế với giám thị phòng thi, Trưởng ban coi thi, Phó trưởng ban coi thi, Trưởng điểm thi, Phó trưởng điểm thi, thành viên Hội đồng thi, thành viên Ban Giám sát. Dự kiến áp dụng 5 hình thức xử lý vi phạm dự thi đầu vào công chức Xử lý vi phạm đối với thí sinh dự thi kiểm định chất lượng đầu vào công chức bao gồm các hình thức sau: - Khiển trách: Giám thị phòng thi lập biên bản, công bố công khai tại phòng thi và áp dụng đối với thí sinh vi phạm một trong các lỗi sau: + Cố ý ngồi không đúng chỗ ghi số báo danh của mình; + Trao đổi với thí sinh khác và đã bị nhắc nhở nhưng không chấp hành; + Mang vào phòng thi điện thoại di động, máy ghi âm, máy ảnh, máy vi tính, các phương tiện kỹ thuật thu, phát truyền tin, phương tiện sao lưu dữ liệu, thiết bị chứa đựng, truyền tải thông tin khác và các loại giấy tờ, tài liệu có liên quan đến nội dung thi (trừ trường hợp đề thi có quy định khác). - Cảnh cáo: Giám thị phòng thi lập biên bản, công bố công khai tại phòng thi và áp dụng đối với thí sinh vi phạm một trong các lỗi sau: + Trao đổi bài làm hoặc giấy nháp với thí sinh khác; + Sử dụng tài liệu, điện thoại di động, máy ghi âm, máy ảnh, máy vi tính và các phương tiện kỹ thuật thu, phát truyền tin, phương tiện sao lưu dữ liệu, thiết bị chứa đựng thông tin khác trong phòng thi (trừ trường hợp đề thi có quy định khác). - Đình chỉ thi: Trưởng ban coi thi quyết định đình chỉ thi đối với thí sinh vi phạm đã bị lập biên bản với hình thức cảnh cáo nhưng vẫn cố tình vi phạm nội quy thi hoặc thí sinh cố ý gây mất an toàn, trật tự làm ảnh hưởng đến phòng thi. Việc đình chỉ thi được công bố công khai tại phòng thi. - Trừ điểm bài thi: + Thí sinh bị khiển trách trong khi làm bài thi sẽ bị trừ 25% tổng số câu trả lời đúng trong kỳ thi; + Thí sinh bị cảnh cáo trong phần thi, bài thi, môn thi nào sẽ bị trừ 50% tổng số câu trả lời đúng trong kỳ thi; + Khi tổng hợp kết quả, căn cứ biên bản xử lý vi phạm do giám thị phòng thi lập, Thư ký Hội đồng thi báo cáo Chủ tịch Hội đồng thi xem xét, quyết định việc trừ điểm đối với trường hợp quy định tại điểm a, điểm b khoản này. - Thí sinh vi phạm nội quy, quy chế phải bị lập biên bản, giám thị phòng thi và thí sinh vi phạm cùng ký vào biên bản. Sau khi lập biên bản và công bố công khai tại phòng thi, giám thị phòng thi phải báo cáo ngay với Trưởng điểm thi, Phó Trưởng điểm thi. Trường hợp thí sinh vi phạm không ký biên bản vi phạm thì giám thị phòng thi mời hai thí sinh bên cạnh cùng ký xác nhận sự việc. Trường hợp có một trong hai thí sinh hoặc cả hai thí sinh được mời ký xác nhận sự việc không ký biên bản thì giám thị phòng thi vẫn lập biên bản và báo cáo Trưởng điểm thi, Phó Trưởng điểm thi hoặc Trưởng ban coi thi, Phó trưởng ban coi thi xem xét, quyết định. - Thí sinh cố ý gây mất an toàn, trật tự làm ảnh hưởng đến phòng thi, ngoài việc bị đình chỉ thi, tùy theo tính chất, mức độ còn bị xử lý theo quy định của pháp luật hình sự. Xem thêm dự thảo Thông tư /2023/TT-BNV tại đây tải
Xử lý hành vi xâm phạm quyền tác giả theo quy định của pháp luật về Sở hữu trí tuệ?
Theo khoản 2 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 định nghĩa quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu. Hành vi vi phạm quyền tác hả bao gồm xâm phạm cả về quyền nhân thân và quyền tài sản. Tổ chức, cá nhân khi khai thác, sử dụng một, một số hoặc toàn bộ các quyền nhân thân và quyền tài sản phải xin phép và trả tiền nhuận bút, thù lao, các quyền lợi vật chất khác cho chủ sở hữu quyền tác giả. 1. Các hành vi xâm phạm mà tổ chức, cá nhân thực hiện đối với quyền tác giả Theo quy định tại Điều 28 Luật sở hữu trí tuệ 2005 một số hành vi xâm phạm quyền tác giả bao gồm - Chiếm đoạt quyền tác giả đối với tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học. - Mạo danh tác giả. - Công bố, phân phối tác phẩm mà không được phép của tác giả. - Sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả. - Sao chép tác phẩm mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, - Sử dụng tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả, không trả tiền nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất khác theo quy định của pháp luật - Cho thuê tác phẩm mà không trả tiền nhuận bút, thù lao và quyền lợi vật chất khác cho tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả. - Cố ý huỷ bỏ hoặc làm vô hiệu các biện pháp kỹ thuật do chủ sở hữu quyền tác giả thực hiện để bảo vệ quyền tác giả đối với tác phẩm của mình. - Cố ý xoá, thay đổi thông tin quản lý quyền dưới hình thức điện tử có trong tác phẩm. Ngoài ra, còn các hành vi xâm phạm quyền tác giả và quyền liên quan khác. 2.Xử lý như thế nào khi vi phạm quyền tác giả? Biện pháp dân sự Căn cứ tại Điều 202 Luật sở hữu trí tuệ 2005 thì Tòa án áp dụng các biện pháp dân sự sau - Buộc chấm dứt hành vi xâm phạm; - Buộc xin lỗi, cải chính công khai; - Buộc thực hiện nghĩa vụ dân sự; - Buộc bồi thường thiệt hại; - Buộc tiêu hủy hoặc buộc phân phối hoặc đưa vào sử dụng không nhằm mục đích thương mại đối với hàng hóa, nguyên liệu, vật liệu và phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ với điều kiện không làm ảnh hưởng đến khả năng khai thác quyền của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ. Biện pháp hành chính Theo Điều 2 Nghị định 131/2013/NĐ-CP khung phạt tiền, thẩm quyền phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức - Mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan đối với cá nhân là 250.000.000 đồng, đối với tổ chức là 500.000.000 đồng -Mức phạt cụ thể đối với một số hành vi xâm phạm quyền tác giả theo Nghị định 131/2013/NĐ-CP + Đối với hành vi tự ý sửa chữa, cắt xén tác phẩm gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng + Đối với hành vi công bố tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng + Đối với hành vi sao chép tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 35.000.000 đồng + Đối với hành vi cố ý xóa hoặc thay đổi thông tin quản lý quyền tác giả dưới hình thức điện tử (áp dụng đối với bản gốc và bản sao tác phẩm phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng. - Ngoài ra, còn các hành vi khác và hình phạt bổ sung đối với từng hành vi khác nhau như: + Tịch thu, tiêu hủy, tái xuất tang vật vi phạm; + Cải chính công khai, sửa lại các nội dung sai lệch khi công bố; Truy cứu trách nhiệm hình sự Tại Điều 225 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về Tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan Theo đó, người nào cố ý thực hiện một trong các hành vi Sao chép tác phẩm, Phân phối đến công chúng bản sao tác phẩm, Xâm phạm quyền tác giả phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Vậy hành vi vi phạm do cá nhân, tổ chức xâm phạm quyền tác giả sẽ tùy vào mức độ, tính chất khác nhau thì sẽ bị xử lý về mặt hành chính, dân sự hoặc hình sự.
NHNN vào cuộc xử lý nghiêm các ngân hàng ép mua bảo hiểm
Ngày 21/02/2023, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam vừa có thông cáo báo chí phát đi về việc tổ chức tín dụng (TCTD) có hiện tượng tác động đến khách hàng để cung ứng dịch vụ bảo hiểm. Tuy nhiên, gần đây, một số phương tiện thông tin đại chúng tiếp tục phản ánh hiện tượng một số TCTD “ép” khách hàng mua bảo hiểm khi vay vốn, tăng lãi suất/ “ép” khách hàng tất toán khoản vay nếu hủy hợp đồng bảo hiểm, cung cấp thông tin chưa đầy đủ, rõ ràng về sản phẩm bảo hiểm, chuyển từ tiền tiết kiệm tại ngân hàng của khách hàng sang mua bảo hiểm nhân thọ… Do đó, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng sử dụng dịch vụ tài chính ngân hàng, đồng thời đảm bảo việc các tổ chức tín dụng (TCTD) tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật, NHNN đã thường xuyên ban hành các văn bản chỉ đạo, cảnh báo các TCTD về hoạt động cung ứng dịch vụ liên quan đến bảo hiểm. (1) Yêu cầu TCTD tuân thủ quy định pháp luật Theo đó, NHNN yêu cầu các TCTD nghiêm túc chấp hành quy định pháp luật tại Luật Các tổ chức tín dụng 2010, Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 và các văn bản có liên quan. Ngoài ra, cung cấp các thông tin về sản phẩm bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm… đầy đủ, chính xác cho bên mua bảo hiểm và giải thích đầy đủ, rõ ràng về quyền lợi bảo hiểm, điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm, quyền và nghĩa vụ của bên mua bảo hiểm. Đặc biệt, các TCTD không được tự ý kê khai thông tin cho bên mua bảo hiểm khi chưa có sự đồng ý của bên mua bảo hiểm; nghiêm cấm hành vi “ép” khách hàng mua bảo hiểm. (2) Xây dựng tiêu chí đánh giá cho nhân viên kinh doanh bảo hiểm NHNN cũng chỉ đạo các TCTD rà soát, nghiên cứu xây dựng, cập nhật các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả công việc để không gây áp lực đối với nhân viên/đơn vị kinh doanh trong việc giới thiệu bán các sản phẩm bảo hiểm. Theo đó, không để xảy ra trường hợp nhân viên/đơn vị kinh doanh “ép” khách hàng mua bảo hiểm. Tăng cường hoạt động kiểm tra, kiểm soát nội bộ để phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm trong hoạt động đại lý bảo hiểm. (3) Thực hiện sát chỉ đạo của Công văn 506/NHNN-TTGSNH Ngày 15/02/2023, NHNN đã ban hành Công văn 506/NHNN-TTGSNH về hoạt động cung ứng dịch vụ liên quan đến bảo hiểm. Tại công văn này, NHNN tiếp tục chỉ đạo các TCTD nghiêm túc chấp hành các quy định pháp luật và chỉ đạo của NHNN về hoạt động kinh doanh, đại lý bảo hiểm. Khẩn trương rà soát, nghiêm túc chấn chỉnh hoạt động cung ứng dịch vụ liên quan đến bảo hiểm trên toàn hệ thống, không để xảy ra trường hợp cán bộ/đơn vị kinh doanh “ép” khách hàng mua bảo hiểm dưới mọi hình thức. Đồng thời xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm quy định nội bộ, quy định pháp luật liên quan đến lĩnh vực bảo hiểm. (4) Xử lý nghiêm ngân hàng vi phạm kinh doanh bảo hiểm NHNN sẽ có biện pháp xử lý nghiêm trong trường hợp phát hiện nhân viên/đơn vị kinh doanh “ép” khách hàng mua bảo hiểm và TCTD chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật đối với hành vi này. Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng phối hợp với Cục Quản lý giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) tiến hành thanh tra, xử lý các vi phạm trong hoạt động đại lý bảo hiểm của TCTD. Lãnh đạo Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng và Lãnh đạo Cục Quản lý giám sát bảo hiểm cũng đã trao đổi, làm việc, thống nhất thiết lập đường dây nóng của cả hai cơ quan. Qua đó, nắm bắt và xử lý kịp thời mọi phản ánh, kiến nghị của người dân và các cơ quan, doanh nghiệp liên quan đến hoạt động cung ứng dịch vụ bảo hiểm của TCTD (trong giờ hành chính).
Tội cố ý gây nhiễu có hại bị xử lý như thế nào?
Theo Điều 294 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định: Tội cố ý gây nhiễu có hại được hiểu là: Tội cố ý gây nhiễu có hại xâm phạm trực tiếp đến hoạt động bình thường của hệ thông thông tin vô tuyến điện; xâm phạm đến trật tự công cộng, an toàn xã hội. Đối tượng tác động của tội phạm là hệ thống thông tin vô tuyến điện. Theo Luật Tần số vô tuyến điện năm 2009, Thông tin vô tuyến điện là sự truyền dẫn, phát hoặc thu ký hiệu, tín hiệu, số liệu, chữ viết, hình ảnh, âm thanh hoặc dạng thông tin khác bằng sóng vô tuyến điện. Điều 3 Luật tần số vô tuyến điện năm 2009 “Nhiễu có hại là ảnh hưởng có hại của năng lượng điện từ do việc phát xạ bức xạ hoặc cảm ứng gây mất an toàn hoặc cản trở, làm gián đoạn hoạt động của thiết bị, hệ thống thiết bị vô tuyến điện đang khai thác hợp pháp.” Tội phạm xâm phạm vào những quy định của Nhà nước về đảm bảo an toàn mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số của người khác. Tội phạm thể hiện ở các hành vi sử dụng trái phép tần số vô tuyến điện dành riêng cho mục đích cấp cứu, an toàn, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, quốc phòng, an ninh vào mục đích khác gây thiệt hại từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đông hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm. Tội phạm được xác định là hành vi sử dụng trái phép tần số vô tuyến điện dành riêng cho mục đích cấp cứu, an toàn, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, quốc phòng, an ninh vào mục đích khác gây thiệt hại. Hình phạt: Điều 294 BLHS -Khoản 1: phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm nếu có các hành vi khách quan theo quy định của khoản 1 điều này. -Khoản 2: phạt tù từ 01 năm đến 05 năm nếu có thêm một trong các tình tiết tăng nặng sau đây: + Có tổ chức; + Gây thiệt hại 500.000.000 đồng trở lên; + Tái phạm nguy hiểm. Như vây, đối với tội cố ý gây nhiễu có hại thì mức phạt tù cao nhất lên đến 05 năm.
Tấn công DDoS bị xử lý theo pháp luật như thế nào?
DDoS là viết tắt của cụm từ Distributed Denial of Service, có nghĩa là từ chối dịch vụ phân tán. Tấn công DDoS xảy ra khi số lượng yêu cầu truy cập vào trang web quá lớn, dẫn đến việc máy chủ quá tải và không còn khả năng xử lý. Tấn công DDoS được tin tặc sử dụng nhằm nhiều mục đích, có thể là “màn chắn” cho một cuộc tấn công mạng phía sau. Khi nhân sự an ninh mạng đang tập trung xử lý sự cố cho trang web bị tấn công DDoS, tin tặc sẽ lợi dụng thời cơ để tấn công backdoor và chèn vào các công cụ SQL đến khi doanh nghiệp nhận ra âm mưu này thì đã quá muộn. Theo Khoản 8 điều 2 Luật An ninh mạng năm 2018 giải thích khái niệm "Tấn công mạng" là hành vi sử dụng không gian mạng, công nghệ thông tin hoặc phương tiện điện tử để phá hoại, gây gián đoạn hoạt động của mạng viễn thông, mạng Internet, mạng máy tính, hệ thống thông tin, hệ thống xử lý và điều khiển thông tin, cơ sở dữ liệu, phương tiện điện tử. Hành vi tấn công mạng có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự Theo Điều 80 Nghị định 15/2020/NĐ-CP: - Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối hành vi bẻ khóa, trộm cắp, sử dụng mật khẩu, khóa mật mã và thông tin của tổ chức, cá nhân khác trên môi trường mạng. - Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau: + Truy cập trái phép vào mạng hoặc thiết bị số của người khác để chiếm quyền điều khiển thiết bị số hoặc thay đổi, xóa bỏ thông tin lưu trữ trên thiết bị số hoặc thay đổi tham số cài đặt thiết bị số hoặc thu thập thông tin của người khác; + Xâm nhập, sửa đổi, xóa bỏ nội dung thông tin của tổ chức, cá nhân khác trên môi trường mạng; + Cản trở hoạt động cung cấp dịch vụ của hệ thống thông tin; + Ngăn chặn việc truy nhập đến thông tin của tổ chức, cá nhân khác trên môi trường mạng, trừ trường hợp pháp luật cho phép; ... Hình thức xử phạt bổ sung: Trục xuất khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đối với người nước ngoài Hành vi tấn công mạng có thể bị xử lý về tội Cản trở hoặc gây rối loạn hoạt động của mạng máy; mạng viễn thông; phương tiện điện tử theo Điều 287 Bộ luật Hình sự 2015. Điều 287. Tội cản trở hoặc gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử 1. Người nào tự ý xóa, làm tổn hại hoặc thay đổi phần mềm, dữ liệu điện tử hoặc ngăn chặn trái phép việc truyền tải dữ liệu của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử hoặc có hành vi khác cản trở hoặc gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 286 và Điều 289 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm: a) Thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng; b) Gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; c) Làm tê liệt, gián đoạn, ngưng trệ hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử từ 30 phút đến dưới 24 giờ hoặc từ 03 lần đến dưới 10 lần trong thời gian 24 giờ; d) Làm đình trệ hoạt động của cơ quan, tổ chức từ 24 giờ đến dưới 72 giờ; đ) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 năm đến 07 năm: a) Có tổ chức; b) Lợi dụng quyền quản trị mạng máy tính, mạng viễn thông; c) Tái phạm nguy hiểm; d) Thu lợi bất chính từ 200.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng; đ) Gây thiệt hại từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng; e) Làm tê liệt, gián đoạn, ngưng trệ hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử từ 24 giờ đến dưới 168 giờ hoặc từ 10 lần đến dưới 50 lần trong thời gian 24 giờ; g) Làm đình trệ hoạt động của cơ quan, tổ chức từ 72 giờ đến dưới 168 giờ. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm: a) Đối với hệ thống dữ liệu thuộc bí mật nhà nước; hệ thống thông tin phục vụ quốc phòng, an ninh; b) Đối với cơ sở hạ tầng thông tin quốc gia; hệ thống thông tin điều hành lưới điện quốc gia; hệ thống thông tin, giao dịch tài chính, ngân hàng; hệ thống thông tin điều khiển giao thông; c) Thu lợi bất chính 1.000.000.000 đồng trở lên; d) Gây thiệt hại 1.500.000.000 đồng trở lên; đ) Làm tê liệt, gián đoạn, ngưng trệ hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử 168 giờ trở lên hoặc 50 lần trở lên trong thời gian 24 giờ; e) Làm đình trệ hoạt động của cơ quan, tổ chức 168 giờ trở lên. 4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. Như vậy; đối với hành vi tấn công mạng DDoS; tùy theo mức độ nghiêm trọng có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Nghị quyết 74/2022/QH15: Làm rõ trách nhiệm sai phạm về đất đai trong năm 2023
Ngày 15/11/2022 Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết 74/2022/QH15 đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Cụ thể, giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương, tổ chức, cơ quan thực hiện nghiêm các nhiệm vụ trọng tâm sau: Trong năm 2023: (1) Tổng hợp báo cáo liên quan đến vi phạm Hoàn thành việc rà soát, thống kê, tổng hợp đầy đủ các thông tin, số liệu liên quan đến thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021. Sau đó, báo cáo rõ kết quả rà soát, phát hiện các vi phạm, thất thoát, lãng phí của từng Bộ, ngành, địa phương, tổ chức, cơ quan hữu quan. (2) Làm rõ trách nhiệm của cá nhân, tổ chức vi phạm Đặc biệt, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, nhất là trách nhiệm giải trình của người đứng đầu để xảy ra các vi phạm, thất thoát, lãng phí đối với các dự án sử dụng vốn nhà nước có thất thoát, lãng phí. Bên cạnh đó, diện tích đất sử dụng sai mục đích, bỏ hoang hóa, vi phạm pháp luật; 79.670 ha đất các công ty nông, lâm nghiệp đã có quyết định thu hồi nhưng chưa có phương án sử dụng. Và 305.043 ha đất các công ty nông, lâm nghiệp chưa có quyết định thu hồi và chưa có phương án sử dụng đất và các tồn tại, hạn chế khác nêu trong Báo cáo số 330/BC- ĐGS cũng sẽ được xử lý (3) Xử lý sai phạm theo lộ trình Chính phủ giao các cơ quan chuyên ngành phân loại để xây dựng kế hoạch, lộ trình, làm rõ trách nhiệm, xử lý các sai phạm, tiêu cực, các tồn tại, hạn chế, thất thoát, lãng phí đối với các tổ chức, đơn vị, cá nhân liên quan đến các dự án sau: - 51 dự án, cụm dự án sử dụng vốn đầu tư công và vốn nhà nước khác không hiệu quả hoặc lãng phí (Phụ lục số 1 kèm theo Nghị quyết 74/2022/QH15). - 13 dự án, chuỗi dự án trọng điểm trong lĩnh vực điện, than, dầu khí chậm tiến độ (Phụ lục số 2 kèm theo Nghị quyết 74/2022/QH15). - 19 dự án chậm triển khai, có khó khăn vướng mắc để đất đai hoang hóa, lãng phí (Phụ lục số 3 kèm theo Nghị quyết 74/2022/QH15). - 880 dự án, công trình không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm đưa đất vào sử dụng (Phụ lục số 4 kèm theo Nghị quyết 74/2022/QH15). Và các tồn tại, hạn chế khác nêu trong Báo cáo số 330/BC-ĐGS ngày 11/10/2022 của Đoàn giám sát. Sửa đổi các văn bản luật về thực hiện tiết kiệm Ngoài ra, trong năm 2023, ban hành đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các Luật có liên quan đến công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Đồng thời, rà soát và ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia, đơn giá, định mức kinh tế - kỹ thuật trong đầu tư, xây dựng, dịch vụ công còn thiếu hoặc còn chồng chéo, mâu thuẫn. Sửa đổi, bổ sung định mức chi tiêu công, tài sản công, xe công, khoán chỉ, khoán kinh phí sử dụng tài sản công; lao động, biên chế; quản lý, sử dụng tài nguyên, đất, khoáng sản. Trước năm 2025 hoàn thành việc rà soát, tổng kết, đánh giá sự chồng chéo, chưa đồng bộ, kịp thời của hệ thống pháp luật liên quan đến công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; đề xuất sửa đổi Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và các luật, văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Sửa đổi theo thẩm quyền văn bản quy phạm pháp luật để bảo đảm đồng bộ, thống nhất hệ thống pháp luật, khắc phục tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn, nâng cao hiệu quả việc quản lý, sử dụng các nguồn lực nhà nước. Đối với những vấn đề vượt thẩm quyền trong quản lý, sử dụng đất đai, báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định xử lý tháo gỡ các điểm nghẽn cho đến khi Luật Đất đai (sửa đổi) có hiệu lực thi hành. Xem thêm Nghị quyết 74/2022/QH15 thông qua ngày 15/11/2022.