Muốn sang tên sổ đỏ nhưng diện tích trên sổ ít hơn diện tích thực tế thì phải làm thủ tục gì?
Muốn sang tên sổ đỏ nhưng diện tích trên sổ ít hơn diện tích thực tế dù ranh giới không thay đổi thì phải làm thủ tục gì? Hồ sơ chuẩn bị ra sao? Muốn sang tên sổ đỏ nhưng diện tích trên sổ ít hơn diện ích thực tế thì phải làm thủ tục gì? Căn cứ Điều 38 Nghị định 101/2024/NĐ-CP quy định về các trường hợp được giải quyết cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp, trong đó có liệt kê trường hợp thay đổi kích thước các cạnh, diện tích, số hiệu của thửa đất do đo đạc lập bản đồ địa chính, trích đo địa chính thửa đất mà ranh giới thửa đất không thay đổi. => Do đó, trường hợp sổ đỏ có diện tích ít hơn so với diện tích thực tế mà ranh giới không thay đổi thì nên làm thủ tục cấp đổi giấy chứng nhận để đo đạc lại chính xác diện tích thực tế sử dụng trước khi làm thủ tục sang tên. Thủ tục cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do thay đổi diện tích so với giấy chứng nhận như thế nào? Trình tự, thủ tục cấp đổi Giấy chứng nhận đã cấp thực hiện như sau; Người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất chuẩn bị hồ sơ quy định tại khoản 2 Điều Điều 38 Nghị định 101/2024/NĐ-CP: - Đơn đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất theo Mẫu số 11/ĐK ban hành kèm theo Nghị định 101/2024/NĐ-CP và Giấy chứng nhận đã cấp. Đối với trường hợp quy định tại điểm g khoản 1 Điều 38 Nghị định 101/2024/NĐ-CP thì trong Đơn đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất theo Mẫu số 11/ĐK ban hành kèm theo Nghị định 101/2024/NĐ-CP phải thể hiện thông tin các thành viên có chung quyền sử dụng đất của hộ gia đình; - Mảnh trích đo bản đồ địa chính thửa đất đối với trường hợp trích đo địa chính thửa đất quy định tại điểm i khoản 1 Điều 38 Nghị định 101/2024/NĐ-CP. Sau đó, gửi hồ sơ đến cơ quan tiếp nhận hồ sơ quy định tại khoản 1 Điều 21 Nghị định 101/2024/NĐ-CP. Cơ quan tiếp nhận hồ sơ cấp Giấy tiếp nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả cho người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất. Trường hợp cơ quan tiếp nhận hồ sơ quy định tại điểm a khoản 1 Điều 21 của Nghị định 101/2024/NĐ-CP thì chuyển hồ sơ đến Văn phòng đăng ký đất đai. Sau đó, Văn phòng đăng ký đất đai thực hiện: - Khai thác, sử dụng thông tin về tình trạng hôn nhân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đối với trường hợp quy định tại điểm e khoản 1 Điều 38 Nghị định 101/2024/NĐ-CP. Trường hợp không khai thác được thông tin về tình trạng hôn nhân thì người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất nộp bản sao giấy đăng ký kết hôn hoặc giấy tờ khác về tình trạng hôn nhân. Trường hợp thay đổi địa chỉ của thửa đất đã được cấp Giấy chứng nhận quy định tại điểm h khoản 1 Điều 38 Nghị định 101/2024/NĐ-CP thì cơ quan giải quyết thủ tục sử dụng thông tin từ văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc thay đổi để giải quyết thủ tục; - Trường hợp quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 38 Nghị định 101/2024/NĐ-CP thì thực hiện kiểm tra thực địa và đối chiếu với hồ sơ đăng ký, cấp Giấy chứng nhận đã cấp để xác định đúng vị trí thửa đất; - Trường hợp Giấy chứng nhận đã cấp chưa sử dụng bản đồ địa chính hoặc trích đo bản đồ địa chính thửa đất thì thực hiện theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 37 Nghị định 101/2024/NĐ-CP. - Gửi Phiếu chuyển thông tin để xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai theo Mẫu số 12/ĐK ban hành kèm theo Nghị định 101/2024/NĐ-CP đến cơ quan thuế để xác định và thông báo nghĩa vụ tài chính đối với trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ tài chính; - Chỉnh lý, cập nhật biến động vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai; cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất; trao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất hoặc gửi cơ quan tiếp nhận hồ sơ để trao cho người được cấp. Trường hợp cấp đổi Giấy chứng nhận đã cấp do đo đạc lập bản đồ địa chính mà bên nhận thế chấp đang giữ Giấy chứng nhận đã cấp thì Văn phòng đăng ký đất đai thông báo danh sách các trường hợp làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất cho bên nhận thế chấp; xác nhận việc đăng ký thế chấp vào Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất được cấp. Việc trao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất được thực hiện đồng thời giữa ba bên gồm Văn phòng đăng ký đất đai, người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất và bên nhận thế chấp; người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất ký, nhận Giấy chứng nhận mới từ Văn phòng đăng ký đất đai để trao cho bên nhận thế chấp; bên nhận thế chấp có trách nhiệm nộp Giấy chứng nhận cũ đang thế chấp cho Văn phòng đăng ký đất đai để quản lý." Sau khi được cấp giấy theo diện tích thực tế thì các bên tiến hành ký kết hợp đồng và làm thủ tục sang tên.
Tính thuế sử dụng đất phi nông nghiệp căn cứ vào diện tích trong sổ đỏ hay diện tích thực tế?
Có thể thấy thuế sử dụng đất phi nông nghiệp quy định đối tượng chịu thuế bao gồm đất ở (đất ở tại nông thôn, đất ở tại đô thị); đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp; đất phi nông nghiệp sử dụng vào mục đích kinh doanh. Như vậy, đối với loại đất đó thì khi tính thuế sẽ căn cứ vào diện tích trong sổ đỏ hay diện tích thực tế? Diện tích đất tính thuế sử dụng đất phi nông nghiệp căn cứ vào diện tích trong sổ đỏ hay diện tích thực tế? Căn cứ Điểm a Khoản 2 Điều 6 Luật thuế sử dụng đất phi nông nghiệp 2010 quy định như sau: Điều 6. Giá tính thuế 1. Giá tính thuế đối với đất được xác định bằng diện tích đất tính thuế nhân với giá của 1m2 đất. 2. Diện tích đất tính thuế được quy định như sau: - Diện tích đất tính thuế là diện tích đất thực tế sử dụng. Trường hợp có quyền sử dụng nhiều thửa đất ở thì diện tích đất tính thuế là tổng diện tích các thửa đất tính thuế. Trường hợp được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để xây dựng khu công nghiệp thì diện tích đất tính thuế không bao gồm diện tích đất xây dựng kết cấu hạ tầng sử dụng chung; - Đối với đất ở nhà nhiều tầng nhiều hộ ở, nhà chung cư bao gồm cả trường hợp vừa để ở, vừa để kinh doanh thì diện tích đất tính thuế được xác định bằng hệ số phân bổ nhân với diện tích nhà của từng tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng. Hệ số phân bổ được xác định bằng diện tích đất xây dựng nhà nhiều tầng nhiều hộ ở, nhà chung cư chia cho tổng diện tích nhà của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng. Trường hợp nhà nhiều tầng nhiều hộ ở, nhà chung cư có tầng hầm thì 50% diện tích tầng hầm của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng trong tầng hầm được cộng vào diện tích nhà của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng để tính hệ số phân bổ; - Đối với công trình xây dựng dưới mặt đất thì áp dụng hệ số phân bổ bằng 0,5 diện tích đất xây dựng chia cho tổng diện tích công trình của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng. Như vậy, đối với diện tích đất tính thuế tính thuế sử dụng đất phi nông nghiệp là diện tích đất thực tế sử dụng. Trường hợp có quyền sử dụng nhiều thửa đất ở thì diện tích đất tính thuế là tổng diện tích các thửa đất tính thuế. Chính vì vậy, không căn cứ vào diện tích có trong sổ đỏ mà diện tích thực tế sử dụng. Xác định đối tượng nộp thuế sử dụng đất phi nông nghiệp khi đất đã được cấp sổ đỏ mà có tranh chấp? Căn cứ Điểm c Khoản 3 Điều 4 Luật thuế sử dụng đất phi nông nghiệp 2010 quy định như sau: Người nộp thuế 1. Người nộp thuế là tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có quyền sử dụng đất thuộc đối tượng chịu thuế quy định tại Điều 2 của Luật này. 2. Trường hợp tổ chức, hộ gia đình, cá nhân chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sau đây gọi chung là Giấy chứng nhận) thì người đang sử dụng đất là người nộp thuế. 3. Người nộp thuế trong một số trường hợp cụ thể được quy định như sau: - Trường hợp được Nhà nước cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư thì người thuê đất ở là người nộp thuế; - Trường hợp người có quyền sử dụng đất cho thuê đất theo hợp đồng thì người nộp thuế được xác định theo thỏa thuận trong hợp đồng. Trường hợp trong hợp đồng không có thỏa thuận về người nộp thuế thì người có quyền sử dụng đất là người nộp thuế; - Trường hợp đất đã được cấp Giấy chứng nhận nhưng đang có tranh chấp thì trước khi tranh chấp được giải quyết, người đang sử dụng đất là người nộp thuế. Việc nộp thuế không phải là căn cứ để giải quyết tranh chấp về quyền sử dụng đất; - Trường hợp nhiều người cùng có quyền sử dụng một thửa đất thì người nộp thuế là người đại diện hợp pháp của những người cùng có quyền sử dụng thửa đất đó; - Trường hợp người có quyền sử dụng đất góp vốn kinh doanh bằng quyền sử dụng đất mà hình thành pháp nhân mới có quyền sử dụng đất thuộc đối tượng chịu thuế quy định tại Điều 2 của Luật này thì pháp nhân mới là người nộp thuế. Theo quy định này, thì trường hợp đất đã được cấp Giấy chứng nhận nhưng đang có tranh chấp thì trước khi tranh chấp được giải quyết, người đang sử dụng đất là người nộp thuế. Việc nộp thuế không phải là căn cứ để giải quyết tranh chấp về quyền sử dụng đất.
Quét mã QR trên sổ đỏ, sổ hồng mới sẽ được phản hồi những thông tin gì?
Việc tích hợp mã QR vào sổ đỏ, sổ hồng mới đã tạo ra một cuộc cách mạng trong việc tra cứu thông tin về đất đai, nhà ở. Vậy, khi quét mã QR trên sổ đỏ, chúng ta sẽ được biết những thông tin gì? (1) Từ 01/01/2025, sổ hồng, sổ đỏ sẽ có thêm mã QR Từ ngày 01/01/2025, trên mẫu Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất mới, mã QR được in ở góc trên bên phải trang 1 của Giấy chứng nhận đối với trường hợp in lần đầu. (khoản 5 Điều 14 Thông tư 10/2024/TT-BTNMT) Trường hợp Giấy chứng nhận được cấp lại, đính chính,...thì mã QR được thể hiện ở góc bên phải của cột “Nội dung thay đổi và cơ sở pháp lý” tại mục 6 trang 2 của Giấy chứng nhận. Theo quy định Điều 14 Thông tư 10/2024/TT-BTNMT, mã QR của Giấy chứng nhận phải bảo đảm yêu cầu kỹ thuật đối với mã hình QR code 2005 theo tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 7322:2009 (ISO/IEC 18004:2006) và kích thước mã hình của QR được in trên Giấy chứng nhận là 2,0 cm x 2,0 cm. (2) Những thông tin nào được phản hồi khi quét mã QR trên sổ đỏ, sổ hồng mới? Theo quy định tại khoản 1 Điều 14 Thông tư 10/2024/TT-BTNMT, mã QR được in trên Giấy chứng nhận dùng để lưu trữ, hiển thị các thông tin chi tiết của Giấy chứng nhận và các thông tin để quản lý mã QR. Khi quét mã QR được in trên Giấy chứng nhận mới sẽ nhận được phản hồi về các thông tin sau: - Thông tin của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất hoặc của những người có chung quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất; - Thông tin của những người được thừa kế; - Thông tin về tài sản gắn liền với đất bao gồm tên tài sản, diện tích sử dụng, thời hạn sở hữu, địa chỉ; - Thông tin về số hiệu thửa đất; - Thông tin về diện tích thửa đất; - Thông tin về loại đất; - Thông tin về thời hạn sử dụng đất; - Thông tin về hình thức sử dụng đất; - Thông tin về địa chỉ thửa đất; - Thông tin về nghĩa vụ tài chính; - Thông tin về ranh giới thửa đất; - Thông tin về nguồn gốc sử dụng đất; - Thông tin về tài liệu đo đạc; - Thông tin về hạn chế quyền sử dụng đất; - Thông tin về quyền đối với thửa đất liền kề. Theo đó, thông tin phản hồi từ mã QR được quy định có giá trị như thông tin trên Giấy chứng nhận, thống nhất với thông tin trong cơ sở dữ liệu đất đai hoặc thông tin ghi nhận trong hồ sơ địa chính đối với những nơi chưa xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai.
13 trường hợp được cấp sổ đỏ mà không cần nộp tiền sử dụng đất
Có những trường hợp nào được cấp sổ đỏ mà không phải nộp tiền sử dụng đất? Thẩm quyền cấp sổ đỏ hiện nay được quy định như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết sau đây. (1) 13 trường hợp được cấp sổ đỏ mà không cần nộp tiền sử dụng đất Căn cứ khoản 1 điều 137 Luật Đất đai 2024 có quy định hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất ổn định mà có một trong các loại giấy tờ được lập trước ngày 15/10/1993 dưới đây thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và không phải nộp tiền sử dụng đất, cụ thể: - Những giấy tờ về quyền được sử dụng đất do cơ quan có thẩm quyền cấp trong quá trình thực hiện chính sách đất đai của Nhà nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. - Một trong các giấy tờ về quyền sử dụng đất do cơ quan có thẩm quyền thuộc chế độ cũ cấp cho người sử dụng đất, bao gồm: + Bằng khoán điền thổ. + Văn tự đoạn mãi bất động sản có chứng nhận của cơ quan thuộc chế độ cũ. + Văn tự mua bán nhà ở, tặng cho nhà ở, đổi nhà ở, thừa kế nhà ở mà gắn liền với đất ở có chứng nhận của cơ quan thuộc chế độ cũ. + Bản di chúc hoặc giấy thỏa thuận tương phân di sản về nhà ở được cơ quan thuộc chế độ cũ chứng nhận. + Giấy phép cho xây cất nhà ở. + Giấy phép hợp thức hóa kiến trúc của cơ quan thuộc chế độ cũ cấp. + Bản án của Tòa án thuộc chế độ cũ đã có hiệu lực thi hành; - GCN quyền sử dụng đất tạm thời được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp hoặc có tên trong Sổ đăng ký ruộng đất, Sổ địa chính. - Giấy tờ chuyển nhượng quyền sử dụng đất, mua bán nhà ở gắn liền với đất ở, nay được UBND cấp xã xác nhận đã sử dụng đất trước ngày 15/10/1993. - Sổ mục kê, sổ kiến điền lập trước 18/12/1980 mà có tên người sử dụng đất. - Một trong các giấy tờ được lập trong quá trình thực hiện đăng ký ruộng đất theo Chỉ thị 299/TTg, bao gồm: + Biên bản xét duyệt của Hội đồng đăng ký ruộng đất cấp xã xác định người đang sử dụng đất là hợp pháp. + Bản tổng hợp các trường hợp sử dụng đất hợp pháp do UBND cấp xã hoặc Hội đồng đăng ký ruộng đất cấp xã hoặc cơ quan quản lý đất đai cấp huyện, cấp tỉnh lập. + Đơn xin đăng ký quyền sử dụng ruộng đất. + Giấy tờ về việc chứng nhận đã đăng ký quyền sử dụng đất của UBND cấp xã, cấp huyện hoặc cấp tỉnh cấp cho người sử dụng đất. - Giấy tờ về việc kê khai, đăng ký nhà cửa được UBND cấp xã, cấp huyện hoặc cấp tỉnh xác nhận mà trong đó có ghi diện tích đất có nhà. - Giấy tờ của đơn vị quốc phòng giao đất cho cán bộ, chiến sĩ làm nhà ở theo Chỉ thị 282/CT-QP mà việc giao đất đó phù hợp với quy hoạch sử dụng đất làm nhà ở của cán bộ, chiến sĩ trong quy hoạch đất quốc phòng đã được phê duyệt tại thời điểm giao đất. - Dự án hoặc danh sách hoặc văn bản về việc di dân đi xây dựng khu kinh tế mới, di dân tái định cư được UBND cấp huyện, cấp tỉnh hoặc cơ quan có thẩm quyền phê duyệt mà có tên người sử dụng đất. - Giấy tờ có nội dung về quyền sở hữu nhà ở, công trình; giấy tờ về việc xây dựng, sửa chữa nhà ở, công trình được UBND cấp huyện, cấp tỉnh hoặc cơ quan quản lý nhà nước về nhà ở, xây dựng chứng nhận hoặc cho phép. - Giấy tờ tạm giao đất của UBND cấp huyện, cấp tỉnh; Đơn đề nghị được sử dụng đất được Ủy ban nhân dân cấp xã, hợp tác xã nông nghiệp phê duyệt, chấp thuận trước 01/7/1980 hoặc được UBND cấp huyện, cấp tỉnh phê duyệt, chấp thuận. - Giấy tờ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc giao đất cho cơ quan, tổ chức để bố trí đất cho cán bộ, công nhân viên tự làm nhà ở hoặc xây dựng nhà ở để phân hoặc cấp cho cán bộ, công nhân viên bằng vốn không thuộc ngân sách nhà nước hoặc do cán bộ, công nhân viên tự đóng góp xây dựng. - Giấy tờ khác về quyền sử dụng đất có trước 15/10/1993 do UBND cấp tỉnh quy định phù hợp với thực tiễn của địa phương. Theo đó, kể từ 01/8/2024, nếu thuộc một trong những trường hợp như đã nêu trên thì người dân sẽ được cấp sổ đỏ mà không cần nộp tiền sử dụng đất. (2) Thẩm quyền cấp sổ đỏ hiện nay được quy định như thế nào? Căn cứ Điều 136 Luật Đất đai 2024 có quy định về thẩm quyền cấp sổ đỏ như sau: - Thẩm quyền cấp GCN quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất lần đầu đối với các trường hợp đăng ký lần đầu mà có nhu cầu cấp GCN quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và trường hợp quy định tại điểm b khoản 7 Điều 219 Luật Đất đai 2024 được quy định như sau: + UBND cấp tỉnh cấp GCN quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất cho người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất quy định tại các khoản 1, 2, 5, 6 và 7 Điều 4 Luật Đất đai 2024. UBND cấp tỉnh được ủy quyền cho cơ quan có chức năng quản lý đất đai cùng cấp cấp GCN quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất đối với trường hợp nêu trên. + UBND cấp huyện cấp GCN quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất cho người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 4 Luật Đất đai 2024. - Thẩm quyền cấp GCN quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất, xác nhận thay đổi đối với trường hợp đăng ký biến động được quy định như sau: + Tổ chức đăng ký đất đai thực hiện cho người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất là tổ chức trong nước, tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài; cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất cho chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất là tổ chức nước ngoài, cá nhân nước ngoài. + Chi nhánh của tổ chức đăng ký đất đai hoặc tổ chức đăng ký đất đai thực hiện cho người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất là cá nhân, cộng đồng dân cư, người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài; + Tổ chức đăng ký đất đai, chi nhánh của tổ chức đăng ký đất đai được sử dụng con dấu của mình để thực hiện cấp GCN quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất hoặc xác nhận thay đổi vào GCN đã cấp. Theo đó, hiện nay, thẩm quyền cấp sổ đỏ được thực hiện theo quy định như đã nêu trên.
Từ 01/8/2024 có mẫu sổ đỏ mới thì sổ đỏ cũ còn dùng được không? Có phải đi đổi sổ đỏ mới không?
Hiện nay mẫu sổ đỏ mới từ ngày 01/8/2024 sẽ thực hiện theo mẫu tại Thông tư 10/2024/TT-BTNMT. Vậy các sổ đỏ cũ đã cấp trước ngày 01/8/2024 có phải đổi sang mẫu mới theo Thông tư 10 không? Từ 01/8/2024 có mẫu sổ đỏ mới thì sổ đỏ cũ còn dùng được không? Có phải đi đổi sổ đỏ mới không? Theo khoản 3, khoản 4 Điều 256 Luật Đất đai 2024 quy định - Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đã được cấp theo quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về nhà ở, pháp luật về xây dựng trước ngày 01/8/2024 vẫn có giá trị pháp lý và không phải cấp đổi sang Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất; Trường hợp có nhu cầu thì được cấp đổi sang Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo quy định của Luật Đất đai 2024 - Trường hợp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đã cấp cho đại diện hộ gia đình trước ngày 01/8/2024, nếu các thành viên có chung quyền sử dụng đất của hộ gia đình có nhu cầu thì được cấp đổi sang Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và ghi đầy đủ tên các thành viên có chung quyền sử dụng đất. Việc xác định các thành viên có chung quyền sử dụng đất của hộ gia đình để ghi tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất do các thành viên này tự thỏa thuận và chịu trách nhiệm trước pháp luật. Theo đó, sổ đỏ cũ đã cấp trước ngày 01/8/2024 vẫn còn được sử dụng và không phải đổi theo mẫu mới. Việc cấp đổi sổ đỏ cũ sang sổ đỏ mới được thực hiện khi có nhu cầu hoặc bị rách nát, hư hỏng, có biến động đất đai,... theo khoản 1 Điều 38 Nghị định 101/2024/NĐ-CP. Xem thêm: Thủ tục cấp đổi sổ đỏ cũ sang sổ mới từ 01/8/2024 Trên sổ đỏ mới có những thông tin gì? Theo Điều 29 Thông tư 10/2024/TT-BTNMT quy định Mẫu Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất sử dụng từ 01/8/2024 như sau: - Thiết kế: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất gồm một (01) tờ có hai (02) trang, in nền hoa văn trống đồng, màu hồng cánh sen, có kích thước 210 mm x 297 mm, có Quốc huy, Quốc hiệu, dòng chữ “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất”, số phát hành Giấy chứng nhận (số seri) gồm 02 chữ cái tiếng Việt và 08 chữ số, dòng chữ “Thông tin chi tiết được thể hiện tại mã QR”, số vào sổ cấp Giấy chứng nhận và nội dung lưu ý đối với người được cấp Giấy chứng nhận (được gọi là phôi Giấy chứng nhận). - Thông tin trong sổ đỏ: Mẫu Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất thể hiện các nội dung sau: + Trang 1 gồm: Quốc huy, Quốc hiệu; dòng chữ “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất” in màu đỏ; mã QR; mã Giấy chứng nhận; mục “1. Người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất:”; mục “2. Thông tin thửa đất:”; mục “3. Thông tin tài sản gắn liền với đất:”; địa danh, ngày tháng năm ký Giấy chứng nhận và cơ quan ký Giấy chứng nhận; số phát hành Giấy chứng nhận (số seri); dòng chữ “Thông tin chi tiết được thể hiện tại mã QR”; + Trang 2 gồm: Mục “4. Sơ đồ thửa đất, tài sản gắn liền với đất:”; mục “5. Ghi chú:”; mục “6. Những thay đổi sau khi cấp Giấy chứng nhận:”; số vào sổ cấp Giấy chứng nhận; nội dung lưu ý đối với người được cấp Giấy chứng nhận; - Mẫu sổ đỏ: Nội dung và hình thức thể hiện thông tin cụ thể trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất được thực hiện theo Mẫu số 04/ĐK-GCN của Phụ lục số 01 ban hành kèm theo Thông tư 10/2024/TT-BTNMT. Cụ thể mẫu như sau: Đổi sổ đỏ cũ sang sổ đỏ mới mất bao lâu? Theo khoản 3 Điều 22 Nghị định 101/2024/NĐ-CP về thời gian thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất. Trong đó trường hợp cấp đổi Giấy chứng nhận đã cấp thì thời gian thực hiện như sau: - Trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, e, g và h khoản 1 Điều 38 Nghị định 101/2024/NĐ-CP là không quá 05 ngày làm việc; - Trường hợp quy định tại điểm i khoản 1 Điều 38 Nghị định 101/2024/NĐ-CP là không quá 10 ngày làm việc, trừ trường hợp dưới đây. - Trường hợp cấp đổi đồng loạt cho nhiều người sử dụng đất do đo đạc lập bản đồ địa chính thì thời gian thực hiện theo dự án đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Như vậy, thủ tục đổi sổ đỏ cũ đã cấp trước ngày 01/8/2024 sang sổ đỏ mới sẽ được thực hiện trong vòng 5 ngày làm việc.
Chính thức đổi mẫu “sổ hồng, sổ đỏ” mới và điều chỉnh tên gọi từ 1/8
Mới đây, Bộ Tài Nguyên và Môi trường đã ban hành Thông tư 10/2024/TT-BTNMT có hiệu lực từ ngày 01/8/2024, chính thức điều chỉnh tên gọi và thay đổi mẫu sổ hồng, sổ đỏ mới. (1) Điều chỉnh tên gọi của sổ hồng, sổ đỏ Trước đây, người dân thường quen thuộc với hai loại giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà đất là sổ đỏ (Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) và sổ hồng (Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất). Tuy nhiên, kể từ ngày 1/8/2024, để thống nhất và đơn giản hóa thủ tục, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Thông tư 10/2024/TT-BTNMT chính thức áp dụng mẫu giấy chứng nhận mới, đó là "Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất". Mẫu giấy chứng nhận mới này sẽ thay thế hoàn toàn cho cả sổ đỏ và sổ hồng trước đây. (2) Chính thức đổi mẫu “sổ hồng, sổ đỏ” mới Điều 29 Thông tư 10/2024/TT-BTNMT quy định, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất có các đặc điểm sau đây: - Gồm 01 tờ, có 02 trang, in nền hoa văn trống đồng, màu hồng cánh sen - Kích thước 210 mm x 297 mm - Có Quốc huy, Quốc hiệu, dòng chữ “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất” - Có số phát hành Giấy chứng nhận (số seri) gồm 02 chữ cái tiếng Việt và 08 chữ số - Có dòng chữ “Thông tin chi tiết được thể hiện tại mã QR” - Có số vào sổ cấp Giấy chứng nhận và nội dung lưu ý đối với người được cấp Giấy chứng nhận Theo đó, các thông tin thể hiện trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất bao gồm: Trang 1: - Quốc huy, Quốc hiệu - Dòng chữ “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất” in màu đỏ - Mã QR - Mã Giấy chứng nhận - Mục “1. Người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất:” - Mục “2. Thông tin thửa đất:” - Mục “3. Thông tin tài sản gắn liền với đất:” - Địa danh, ngày tháng năm ký Giấy chứng nhận và cơ quan ký Giấy chứng nhận - Số phát hành Giấy chứng nhận (số seri) - Dòng chữ “Thông tin chi tiết được thể hiện tại mã QR” Trang 2: - Mục “4. Sơ đồ thửa đất, tài sản gắn liền với đất:” - Mục “5. Ghi chú:”; mục “6. Những thay đổi sau khi cấp Giấy chứng nhận:” - Số vào sổ cấp Giấy chứng nhận - Nội dung lưu ý đối với người được cấp Giấy chứng nhận Nội dung và hình thức thể hiện thông tin cụ thể trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất được thực hiện theo Mẫu số 04/ĐK-GCN (3) Mẫu giấy chứng nhận mới có gì khác so với mẫu cũ? Mẫu Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất mới có nhiều điểm khác biệt so với các mẫu sổ đỏ, sổ hồng trước đây. Đáng chú ý nhất là sự thống nhất về mẫu mã, giúp người dân dễ dàng nhận biết và quản lý. Theo đó, mẫu sổ đỏ mới chỉ còn 2 trang, thay vì 4 trang như trước đây. Tên gọi cũng đã được rút gọn lại còn 16 chữ là: "Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất". Trước đây, việc quản lý hai loại giấy chứng nhận khác nhau (sổ đỏ và sổ hồng) gây ra nhiều khó khăn trong công tác quản lý, thống kê và giao dịch. Việc thống nhất thành một mẫu giấy chứng nhận sẽ giúp đơn giản hóa các thủ tục hành chính. Đặc biệt, giấy chứng nhận mới đã loại bỏ mã vạch thay bằng tích hợp mã QR giúp người dân dễ dàng tra cứu thông tin về giấy chứng nhận của mình trên các ứng dụng di động hoặc trang web của cơ quan nhà nước, đồng thời tăng cường tính bảo mật, chống làm giả. Ngoài ra, nội dung thay đổi, biến động về đất sẽ được chuyển vào vị trí trang 02 của Giấy chứng nhận mới thay vì ở trang 04 như trước đây. Do đó, việc thay đổi mẫu sổ đỏ là một bước đi cần thiết để hiện đại hóa quản lý đất đai, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, đồng thời đảm bảo tính minh bạch, công khai và hiệu quả trong quản lý nhà nước về đất đai.
Hồ sơ cấp lại Sổ đỏ, sổ hồng đã cấp do bị mất từ ngày 01/8/2024
Nghị định 101/2024/NĐ-CP quy định về điều tra cơ bản đất đai; đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và hệ thống thông tin đất đai có hiệu lực từ ngày 01/8/2024. Trong đó thủ tục cấp lại Giấy chứng nhận đã cấp được quy định tại Điều 39. 1. Hồ sơ nộp khi thực hiện thủ tục cấp lại Giấy chứng nhận đã cấp bị mất Căn cứ tại khoản 1 Điều 39 Nghị định 101/2024/NĐ-CP quy định hồ sơ nộp khi thực hiện thủ tục cấp lại Giấy chứng nhận đã cấp bị mất như sau: Người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất nộp Đơn đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất theo Mẫu số 11/ĐK ban hành kèm theo Nghị định này đến cơ quan tiếp nhận hồ sơ quy định tại khoản 1 Điều 21 Nghị định 101/2024/NĐ-CP. Trường hợp cơ quan tiếp nhận hồ sơ quy định tại điểm a khoản 1 Điều 21 Nghị định 101/2024/NĐ-CP thì chuyển hồ sơ đến Văn phòng đăng ký đất đai. 2. Các công việc cần làm của Văn phòng đăng ký đất đai Căn cứ tại khoản 2 Điều 39 Nghị định 101/2024/NĐ-CP quy định về Văn phòng đăng ký đất đai thực hiện các công việc khi thực hiện thủ tục cấp lại Giấy chứng nhận đã cấp bị mất như sau: - Kiểm tra thông tin về Giấy chứng nhận đã cấp mà người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất khai báo bị mất trong hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai; - Trường hợp phát hiện thửa đất, tài sản gắn liền với đất được cấp Giấy chứng nhận đã được chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất hoặc đang thế chấp tại các tổ chức tín dụng, tổ chức kinh tế khác hoặc cá nhân theo quy định của pháp luật thì thông báo, trả lại hồ sơ cho người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất; - Trường hợp không thuộc quy định tại điểm b khoản này thì Văn phòng đăng ký đất đai chuyển thông tin đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất để thực hiện nội dung quy định tại khoản 3 Điều này đối với hộ gia đình, cá nhân; thực hiện đăng tin 03 lần trên phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương trong thời gian 15 ngày về việc mất Giấy chứng nhận đã cấp đối với tổ chức, người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài, chi phí đăng tin do người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất chi trả; - Thực hiện việc hủy Giấy chứng nhận đã cấp; cập nhật, chỉnh lý hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai sau khi đã thực hiện các nội dung quy định tại khoản 3 Điều này; cấp lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất cho người được cấp. Trường hợp Giấy chứng nhận đã cấp chưa sử dụng bản đồ địa chính hoặc trích đo bản đồ địa chính thửa đất thì thực hiện theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 37 của Nghị định này. 3. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã Căn cứ tại khoản 3 Điều 39 Nghị định 101/2024/NĐ-CP quy định về Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm thực hiện các công việc sau: - Niêm yết công khai về việc mất Giấy chứng nhận đã cấp tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã và điểm dân cư nơi có đất trong thời gian 15 ngày; đồng thời tiếp nhận phản ánh trong thời gian niêm yết công khai về việc mất Giấy chứng nhận đã cấp; - Trong thời hạn không quá 05 ngày kể từ ngày kết thúc thời gian niêm yết, Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm lập biên bản kết thúc niêm yết và gửi đến Văn phòng đăng ký đất đai. Lưu ý: Trường hợp Trang bổ sung của Giấy chứng nhận đã cấp theo quy định của pháp luật đất đai trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành bị mất thì người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất nộp Đơn đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất theo Mẫu số 11/ĐK ban hành kèm theo Nghị định này và bản gốc Giấy chứng nhận đã cấp. Văn phòng đăng ký đất đai kiểm tra thông tin của Trang bổ sung trong hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai; thực hiện cấp lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất với các thông tin cập nhật của Giấy chứng nhận đã cấp và thông tin trên Trang bổ sung. Theo đó, khi thực hiện thủ tục cấp lại Giấy chứng nhận đã cấp bị mất từ ngày 01/8/2024 thì người sử dụng đất cần thực hiện theo thủ tục mới quy định tại Nghị định 101/2024/NĐ-CP.
Những điểm đáng chú ý khi sang tên sổ đỏ từ 01/8
Tháng 08 sắp tới đây, hàng loạt các Luật về bất động sản sẽ chính thức có hiệu lực thi hành, trong đó có Luật Đất đai 2024. Bên cạnh những thay đổi như hộ gia đình sẽ không còn được nhận chuyển nhượng do không nằm trong danh sách về người sử dụng đất như trước đây. Hay bổ sung thêm đối tượng được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa là cá nhân/tổ chức kinh tế không trực tiếp sản xuất nông nghiệp cho phép cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa quá hạn mức thì phải thành lập tổ chức kinh tế và có phương án sử dụng đất trồng lúa và được UBND cấp huyện phê duyệt, trừ trường hợp người nhận tặng cho là người thuộc hàng thừa kế. Thì việc sang tên sổ đỏ kể từ ngày 01/8 sắp tới đây sẽ có khá nhiều thay đổi đáng chú ý. Cụ thể như sau. (1) Điều chỉnh điều kiện sang tên sổ đỏ từ 01/8 Cụ thể, tại Điểm đ Khoản 1 Điều 45 Luật Đất đai 2024 đã bổ sung thêm quy định quyền sử dụng đất không bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định của pháp luật. Trong đó, các biện pháp khẩn cấp tạm thời có thể kể đến như kê biên tài sản đang tranh chấp, cấm chuyển dịch quyền về tài sản đang tranh chấp, cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp, phong tỏa tài sản. Theo đó, điều kiện sang tên sổ đỏ từ 01/8 có một vài điều chỉnh được áp dụng với bên chuyển nhượng như sau: - Có sổ đỏ trừ trường hợp thừa kế, chuyển đổi đất nông nghiệp khi dồn điền, đổi thửa. - Không có tranh chấp hoặc có nhưng đã được giải quyết bởi cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, bản án có quyết định của tòa án, quyết định phán quyết của trọng tài đã có hiệu lực. - Quyền sử dụng đất không bị kê biên, áp dụng biện pháp khác để bảo đảm thi hành án dân sự. - Đang trong thời hạn sử dụng đất. - Quyền sử dụng đất không bị áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời. Còn đối với phía nhận chuyển nhượng, tại Khoản 8 Điều 45 Luật Đất đai 2024 quy định có 03 trường hợp mà không được nhận chuyển nhượng, cụ thể: - Không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất quy định như sau: + Tổ chức kinh tế không được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng của cá nhân, ngoại trừ trường hợp được chuyển mục đích theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. - Cá nhân không sinh sống trong khu vực rừng phòng hộ, rừng đặc dụng thì không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất ở và đất khác trong khu vực rừng phòng hộ, trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, phân khu phục hồi sinh thái thuộc rừng đặc dụng đó. - Tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư, tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài mà không được phép nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất. Theo đó, kể từ 01/8/2024, để sang tên sổ đỏ thì bên chuyển nhượng và bên nhận chuyển nhượng cần đáp ứng được đầy đủ những điều kiện như đã nêu trên. (2) Chi phí làm sổ đỏ sẽ tăng từ 01/8 Căn cứ Khoản 1 Điều 257 Luật Đất đai 2024 có quy định về giải quyết về tài chính đất đai, giá đất từ 01/8/2024 như sau: “Bảng giá đất do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành theo quy định của Luật Đất đai số 45/2013/QH13 được tiếp tục áp dụng đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2025; trường hợp cần thiết Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định điều chỉnh bảng giá đất theo quy định của Luật này cho phù hợp với tình hình thực tế về giá đất tại địa phương.” Theo đó, có thể thấy, từ ngày 01/1/2026 sẽ ban hành bảng giá đất mới theo nguyên tắc thị trường và điều chỉnh hàng năm. Có nghĩa là giá đất tại bảng giá đất sẽ sát với giá thị trường và không căn cứ theo khung giá tối thiểu, tối đa của Chính phủ như hiện nay. Mà các khoản tiền phải nộp khi làm sổ đỏ lần đầu có các khoản tiền được tính theo giá đất trên Bảng giá đất bao gồm: Tiền sử dụng đất, tiền thuê đất (nếu có), lệ phí trước bạ. Từ đó, mà chi phí làm sổ đỏ từ ngày 01/8/2024 có thể sẽ tăng theo. Xem chi tiết tại Luật Đất đai 2024 có hiệu lực thi hành từ 01/8/2024.
Có buộc phải ghi tên của cả 2 vợ chồng vào sổ đỏ từ 01/8?
Ngày 01/8 sắp tới đây, Luật Đất đai 2024 sẽ chính thức có hiệu lực thi hành. Vậy theo Luật mới thì có buộc phải ghi tên cả 2 vợ chồng vào sổ đỏ hay không? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết sau. (1) Có buộc phải ghi tên cả 2 vợ chồng vào sổ đỏ từ 01/8? Căn cứ Khoản 4 Điều 135 Luật Đất đai 2024 có quy định về nguyên tắc cấp GCN quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất như sau: Trường hợp quyền sử dụng đất hoặc quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất hoặc quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất là tài sản chung của vợ chồng thì phải: - Ghi cả họ, tên vợ và họ, tên chồng vào GCN quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất. Ngoại trừ trường hợp vợ và chồng có thỏa thuận ghi tên một người để đứng tên làm đại diện. Trường hợp quyền sử dụng đất hoặc quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất hoặc quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất là tài sản chung của vợ và chồng mà GCN quyền sử dụng đất, GCN quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, GCN quyền sở hữu nhà ở, GCN quyền sở hữu công trình xây dựng, GCN quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, GCN quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất đã cấp chỉ ghi họ, tên của vợ hoặc chồng thì được cấp đổi sang GCN có ghi cả họ, tên vợ và họ, tên chồng (nếu có yêu cầu). Đồng thời, tại Điều 34 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 cũng có nêu rõ, nếu nhà, đất là tài sản chung vợ chồng thì sổ đỏ phải có tên của cả hai vợ chồng trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Theo đó, nếu quyền sử dụng đất, sở hữu nhà ở là tài sản chung vợ chồng thì phải ghi cả họ và tên của vợ chồng vào sổ đỏ trừ trường hợp có thỏa thuận để một trong hai đứng tên đại diện. Còn trường hợp, sổ đỏ là tài sản chung của cả 2 vợ chồng mà chỉ ghi họ, tên người vợ hoặc chồng thì có thể yêu cầu cấp đổi sổ đỏ có cả tên của cả 2 chứ không có quy định bắt buộc người dân phải thực hiện thay đổi. (2) Hồ sơ đề nghị bổ sung tên của vợ, chồng vào sổ đỏ bao gồm những gì? Hiện theo Khoản 1 Điều 10 Thông tư 24/2014/TT-BTNMT thì hồ sơ cấp đổi Sổ đỏ bao gồm những giấy tờ như sau: - Đơn đề nghị cấp đổi Sổ đỏ theo mẫu số 10/ĐK. https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/07/13/mau-so-10-DK.doc Mẫu số 10/ĐK - Sổ đỏ (bản gốc). - Hợp đồng thế chấp (đối với trường hợp đất đang được thế chấp tại ngân hàng). Theo đó, sau khi đã chuẩn bị đầy đủ hồ sơ như đã nêu trên thì có thể tiến hành nộp tại: - Văn phòng đăng ký đất đai. - UBND cấp huyện trong trường hợp địa phương chưa thành lập Văn phòng đăng ký đất đai. Tại đây, nếu hồ sơ chưa đầy đủ, hợp lệ thì cán bộ tiếp nhận sẽ hướng dẫn sửa đổi, bổ sung trong thời hạn tối đa là 03 ngày, Trường hợp hồ sơ đầy đủ thì trả Phiếu tiếp nhận hồ sơ và tiến hành kiểm tra, lập hồ sơ trình cơ quan cấp Sổ đỏ, cập nhật, chỉnh lý hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai. Theo đó, sẽ trao sổ đỏ không quá 03 ngày làm việc kể từ ngày có kết quả và thời gian thực hiện sẽ không quá 07 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ hoặc không quá 17 ngày nếu ở các xã miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn.
Hợp đồng đặt cọc vô hiệu khi người nhận đặt cọc không đứng tên trên sổ đỏ?
Hợp đồng đặt cọc là hợp đồng thường xuyên được sử dụng để bảo đảm giao kết, thực hiện một hợp đồng khác. Vậy hợp đồng đặt cọc có vô hiệu khi người nhận đặt cọc không đứng tên trên sổ đỏ không? (1) Quy định của pháp luật về hợp đồng đặt cọc như thế nào? Theo Điều 328 Bộ Luật Dân sự 2015 quy định, đặt cọc là: Đặt cọc là việc một bên (sau đây gọi là bên đặt cọc) giao cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận đặt cọc) một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác (sau đây gọi chung là tài sản đặt cọc) trong một thời hạn để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng. Như vậy, hợp đồng đặt cọc là hợp đồng giao dịch dân sự, được giao kết bởi bên đặt cọc và bên nhận đặt cọc, việc đặt cọc nhằm mục đích đảm bảo thực hiện hợp đồng hoặc giao kết hợp đồng hoặc đôi khi là cả hai. Cũng theo quy định tại Điều 328 Bộ Luật Dân sự 2015, trường hợp hợp đồng được giao kết, thực hiện thì tài sản đặt cọc được trả lại cho bên đặt cọc hoặc được trừ để thực hiện nghĩa vụ trả tiền. Nếu bên đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì tài sản đặt cọc thuộc về bên nhận đặt cọc. Nếu bên nhận đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. (2) Hợp đồng đặt cọc có vô hiệu khi người nhận đặt cọc không đứng tên trên sổ đỏ không? Theo Điều 117 Bộ Luật Dân sự 2015, hợp đồng giao dịch dân sự sẽ có hiệu lực khi đáp ứng đủ các điều kiện sau: - Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập; - Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện; - Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội. Theo đó, năng lực pháp luật dân sự của chủ thể tham gia hợp đồng được quy định tại Điều 17 Bộ Luật Dân sự 2015 bao gồm: - Quyền nhân thân không gắn với tài sản và quyền nhân thân gắn với tài sản. - Quyền sở hữu, quyền thừa kế và quyền khác đối với tài sản. - Quyền tham gia quan hệ dân sự và có nghĩa vụ phát sinh từ quan hệ đó. Từ các quy định trên có thể hiểu, khi giao kết hợp đồng giao dịch dân sự (hợp đồng đặt cọc, hợp đồng chuyển nhượng,...), các chủ thể phải đảm bảo các quyền sở hữu, quyền thừa kế đối với tài sản là đối tượng của hợp đồng giao dịch dân sự đó. Do đó, khi giao kết hợp đồng đặt cọc mà người nhận đặt cọc chưa đứng tên trên sổ đỏ, tức là về mặt giấy tờ, người nhận đặt cọc chưa có quyền sở hữu đối với quyền sử dụng đất cho nên hợp đồng đặt cọc sẽ bị vô hiệu. Tuy nhiên, trên thực tế xét xử, có trường hợp người nhận đặt cọc không đứng tên sổ đỏ nhưng Tòa án vẫn tuyên bố hợp đồng không bị vô hiệu do nhiều yếu tố khác của vụ án. Như vậy, phụ thuộc vào tình tiết của vụ án, mà hợp đồng đặt cọc sẽ bị tuyên vô hiệu hoặc không vô hiệu khi người nhận đặt cọc không đứng tên trên sổ đỏ. (3) Một số ví dụ thực tế Ví dụ 1 Ông K nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất có diện tích 100m2 đứng tên bà M từ ông H. Ngày 07/10/2020, ông K (nguyên đơn) với ông H (bị đơn) ký kết hợp đồng đặt cọc để chuyển nhượng quyền sử dụng đất nêu trên với giá chuyển nhượng 1,2 tỉ đồng; phương thức thanh toán: Đặt cọc số tiền 100 triệu đồng, số tiền chuyển nhượng còn lại sẽ thanh toán khi ký kết hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại Văn phòng công chứng. Tại thời điểm đặt cọc, ông K đã được ông H cho xem giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên bà M cũng như thông tin đối với thửa đất mà hai bên thỏa thuận đặt cọc. Tuy biết ông H vừa đặt cọc mua đất của bà M và đang trong quá trình đổi sổ nhưng ông K vẫn đồng ý giao kết hợp đồng đặt cọc với ông H. Thời hạn thực hiện giao dịch tại Văn phòng công chứng trong vòng 03 tháng kể từ ngày ký hợp đồng đặt cọc. Sau khi ký hợp đồng đặt cọc, ông K đã giao cho ông H số tiền đặt cọc 100 triệu đồng và tại thời điểm ký kết hợp đồng đặt cọc thì ông H cam kết quyền sử dụng đất thỏa thuận chuyển nhượng không có tranh chấp, không quy hoạch và bao đổi sổ. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện hợp đồng, qua tìm hiểu thông tin quy hoạch trên Cổng thông tin điện tử tỉnh B, phía nguyên đơn phát hiện phần đất mình thỏa thuận chuyển nhượng nằm trong quy hoạch con đường chiếm hơn 2/3 diện tích đất. Sau khi phát hiện sự việc, nguyên đơn đã nhiều lần liên hệ ông H để yêu cầu hủy hợp đồng đặt cọc giữa hai bên đồng thời yêu cầu trả số tiền đặt cọc 100 triệu đồng đã nhận nhưng ông H không đồng ý. Nguyên đơn cho rằng, ông H đã vi phạm cam kết trong hợp đồng và tại thời điểm ký hợp đồng đặt cọc ông H không phải là chủ sử dụng đất nên ông H không có quyền ký kết hợp đồng đặt cọc để chuyển nhượng quyền sử dụng đất và yêu cầu hủy hợp đồng đặt cọc, bị đơn phải hoàn trả cho nguyên đơn số tiền đặt cọc 100 triệu đồng. Cơ quan tiến hành tố tụng cho rằng, hợp đồng đặt cọc giữa ông K và ông H vi phạm điều kiện về chủ thể (tại thời điểm ông H nhận đặt cọc của ông K thì quyền sử dụng đất do bà M đứng tên) nên vô hiệu và giải quyết hậu quả của hợp đồng vô hiệu, buộc ông H hoàn trả lại số tiền đặt cọc đã nhận cho ông K.. Ví dụ 2 Tương tự nội dung vụ án trên, khi người nhận đặt cọc (bên bán) chưa được đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lại “hứa bán” cho người khác, tuy nhiên cơ quan tiến hành tố tụng lại cho rằng hợp đồng đặt cọc không vô hiệu. Ngày 16/11/2020, nguyên đơn bà T và bị đơn ông L thỏa thuận ký hợp đồng đặt cọc về việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất đối với phần đất có diện tích 176m2 với giá chuyển nhượng là 495 triệu đồng. Nguyên đơn đặt cọc cho bị đơn 50 triệu đồng, còn lại 440 triệu đồng hẹn đến ngày ra Văn phòng công chứng để làm thủ tục chuyển nhượng thì giao hết. Đồng thời thỏa thuận nếu ngày ra văn phòng công chứng, bên A (ông L) không cung cấp giấy tờ liên quan về thửa đất hay bị tranh chấp, hoặc đổi ý không bán thì sẽ đền cọc gấp hai lần cho bên B (bà T); bên B không đúng hẹn theo thỏa thuận đặt cọc sẽ mất toàn bộ số tiền đặt cọc cho bên A. Trước khi ký kết hợp đồng đặt cọc thì bà T là người trực tiếp kiểm tra hiện trạng đất và xem xét thông tin bản photo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do ông Q đứng tên do ông L cung cấp nhưng bà T không có ý kiến phản đối. Mặt khác, trước đó, ngày 15/11/2020, thì vợ chồng ông Q đã đồng ý chuyển nhượng quyền sử dụng đất cùng với tài sản gắn liền với đất cho ông L thể hiện tại hợp đồng đặt cọc để đảm bảo thực hiện việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Tại khoản 2 Điều 5 của Hợp đồng thể hiện: “Sau khi ký hợp đồng này, bên B được phép đưa tài sản trên tham gia giao dịch mua bán”. Việc ông L chuyển nhượng lại phần đất trên cho bà H thì vợ chồng ông Q đều biết và đồng ý với giao dịch này. Đến trước ngày hẹn ra Văn phòng công chứng ký hợp đồng chuyển nhượng thì nguyên đơn khởi kiện yêu cầu tuyên bố hợp đồng đặt cọc về việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất vô hiệu, buộc bị đơn trả lại số tiền 50 triệu đồng cho nguyên đơn do phát hiện bị đơn chưa được cấp sổ đỏ đối với phần đất trên mà đang do ông Q đứng tên. Trong vụ án này, cơ quan tiến hành tố tụng nhận định rằng việc ông L nhận đặt cọc của bà T để đảm bảo việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất thì người đang đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là ông Q biết và trước đó ông Q cũng đã nhận đặt cọc của ông L, thỏa thuận sau khi ký hợp đồng đặt cọc thì ông L được quyền đưa tài sản tham gia giao dịch mua bán. Bà T cũng được ông L thông tin quyền sử dụng đất trên đang đứng tên ông Q và bà T không có ý kiến phản đối. Do đó, Tòa án đã không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà T về việc tuyên hợp đồng đặt cọc vô hiệu và buộc bị đơn hoàn trả lại số tiền đặt cọc đã nhận. >> Từ hai ví dụ trên, ta có thể thấy hợp đồng đặt cọc tuy là một hợp đồng thường xuyên được giao kết, mọi người thường nghĩ việc thực hiện hợp đồng đặt cọc sẽ khá là đơn giản. Thực tế, trong các vụ xét xử vẫn còn sự chưa thống nhất về nhận thức pháp luật, từ đó gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người tham gia giao dịch hợp đồng dân sự.
Từ ngày 01/01/2025 có thể kiểm tra Sổ đỏ bằng mã QR
Theo dự thảo Thông tư quy định về Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và hồ sơ địa chính được Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố mới đây, vào ngày 01/01/2025 thay vì mã vạch đang được sử dụng, người dân có thể kiểm tra sổ đỏ bằng mã QR. Tình trạng làm giả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đang rất phổ biến dẫn đến việc các loại sổ đỏ/sổ hồng giả đang xuất hiện rất nhiều. Thông thường, người dân muốn kiểm tra sổ đỏ thật hay giả sẽ dựa vào mã vạch được in trên sổ đỏ nhưng mã vạch truyền thống chỉ chưa được tối đa 20 ký tự và có rất nhiều loại ký tự gây khó khăn cho trong việc lưu trữ và kiểm tra. Chính vì thế, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đề xuất in mã QR trên góc phải thay cho mã vạch đang được sử dụng. Đây là một bước đổi mới quan trọng trong việc phục vụ công tác tra cứu thông tin, đồng thời ngăn ngừa việc làm giả giấy tờ. Theo Điều 17 của dự thảo Thông tư quy định về Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và hồ sơ địa chính được Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất đề cập đến mã QR trên sổ đỏ như sau: Mã QR của Giấy chứng nhận do cơ quan cấp Giấy chứng nhận in, để các đối tượng có liên quan tra cứu thông tin được in trên Giấy chứng nhận và thông tin phản hồi là như nhau, nhằm chống làm giả Giấy chứng nhận. Như vậy, người dân thay vì phải kiểm tra sổ đỏ bằng mã vạch truyền thống hay đến Văn phòng đăng ký đất đai thì sắp tới đây, người dân chỉ cần kiểm tra sổ đỏ thật giả bằng mã QR trên Giấy chứng nhận để quét xác thực tính pháp lý của Sổ đỏ. Thông thường trên sổ đỏ/sổ hồng chỉ có một mã vạch truyền thống, chứa tối đa 20 ký tự, được thể hiện bằng một dãy các vạch xếp liền nhau. Việc thay thế mã vạch bằng mã QR giúp kiểm tra tính pháp lý của Sổ đỏ thuận tiện hơn bởi vì người dân có thể trực tiếp sử dụng điện thoại cảm ứng để kiểm tra. Ngoài ra, dự thảo đề xuất thay đổi mẫu sổ đỏ/sổ hồng mới và xây dựng thêm các quy định về yếu tố chống làm giả (đặc điểm bảo an) trên phôi Giấy chứng nhận ( Điều 4 của dự thảo) Xem đầy đủ Dự thảo Thông tư quy định về Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và hồ sơ địa chính ngày 02/05/2024 tại đây: https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/05/13/du-%20thao-%20thong-tu-quy-%20dinh-ve-giay-chung-nhan-quyen-su-dung-dat.doc Xem cập nhật mới nhất tại: Dự thảo Thông tư quy định về Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và hồ sơ địa chính (2) Dự kiến mẫu sổ đỏ/sổ hồng mới nhất theo áp dụng từ 01/01/2025 Sổ đỏ/sổ hồng do Bộ Tài nguyên và Môi trường phát hành theo một mẫu thống nhất và được áp dụng trong phạm vi cả nước đối với mọi loại đất và tài sản khác gắn liền với đất ( Điều 3 của dự thảo) Một số điểm mới của sổ đỏ/sổ hồng theo Điều 3 của dự thảo như sau: Về kích thước: So với sổ đỏ/sổ hồng hiện nay gồm 04 trang với kích thước 190mm x 265mm thì sổ đỏ/sổ hồng được đề xuất sử dụng vào 01/01/2025 gồm một tờ có 02 trang in nền hoa văn trống đồng màu hồng cánh sen (được gọi là phôi Giấy chứng nhận), có kích thước 210 x 297 mm. Về tên gọi: Từ 01/01/2025, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất sẽ được đổi thành Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất. Xem thêm bài viết: Đề xuất mẫu SỔ HỒNG và SỔ ĐỎ mới? Cùng chung QSDĐ thì ghi trên sổ thế nào? Trang 01 của sổ đỏ/sổ hồng: Các thông tin trên trang 01 được quy định cụ thể tại khoản 1 Điều 3 dự thảo như sau: - Quốc hiệu. - Quốc huy. - Mã QR code. - Tên "Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất" in màu đỏ/ - Mục 1: Thông tin người sử dụng đất, chủ sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất. - Mục 2: Thông tin về thửa đất - Mục 3: Thông tin về tài sản gắn liền với đất - Mục 4: Ghi chú - Mục 5: Sơ đồ thửa đất - Địa danh, ngày tháng năm ký Giấy chứng nhận và cơ quan ký Giấy chứng nhận tại góc dưới cùng bên phải Trang 1 của Giấy chứng nhận. - Mục 6: Những thay đổi sau khi cấp Giấy chứng nhận - Số vào sổ cấp Giấy chứng nhận. (Ảnh minh họa trang 01) Thay vì mã vạch truyền thống, mã QR là điểm mới trên Giấy chứng nhận được in trên góc phải của sổ, dùng để giúp người dùng có thể tra cứu thông tin trên Giấy chứng nhận, tránh tình trạng sổ đỏ/sổ hồng bị làm giả. Hiện nay, trên trang 01 Giấy chứng nhận chỉ có Quốc hiệu, Quốc huy, tên Giấy chứng nhận, thông tin người sử dụng đất, chủ sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và số seri phát hành Giấy chứng nhận, dấu nổi của Bộ Tài nguyên môi trường. Theo dự thảo, bên cạnh những thông tin trên, trang 1 của Giấy chứng nhận sẽ bao gồm cả thông tin thửa đất, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (hiện tại nằm ở trang 2) và sơ đồ thửa đất (hiện tại nằm ở trang 3 của Giấy chứng nhận). Trang 02 của sổ đỏ/sổ hồng: Các thông tin trên trang 02 được quy định cụ thể tại khoản 2 Điều 3 dự thảo như sau: (Ảnh minh họa trang 02) Hiện nay trang 4 Giấy chứng nhận bao gồm những mục sẽ thay đổi sau khi cấp Giấy chứng nhận, các nội dung lưu ý và mã vạch sổ. Theo dự thảo, nội dung thay đổi sẽ được chuyển thành trang 02 của sổ đỏ/Sổ hồng. Như vậy, theo dự thảo được áp dụng vào 01/01/2025 sắp tới, sổ đỏ/sổ hồng gồm một tờ có 02 trang in nền hoa văn trống đồng màu hồng cánh sen với kích thước 210 x 297 mm và mã QR được in bên góc phải sổ. Xem thêm bài viết:Lỗi thường gặp khi bảo quản sổ hồng? Cách cấp đổi khi sổ hồng bị ố, nhòe, rách nát Tóm lại, từ ngày 01/01/2025, người dân có thể kiểm tra sổ đỏ/sổ hồng bằng mã QR thay vì mã vạch truyền thống hoặc tới Văn phòng đăng ký đất đai như trước kia. Ngoài ra, mẫu sổ đỏ sẽ có những thay đổi khác về nội dung, tên gọi, kích thước,...được Bộ Tài nguyên và Môi trường phát hành theo một mẫu thống nhất và được áp dụng trong phạm vi cả nước đối với mọi loại đất và tài sản khác gắn liền với đất. Xem đầy đủ Dự thảo Thông tư quy định về Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và hồ sơ địa chính ngày 02/05/2024 tại đây: https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/05/13/du-%20thao-%20thong-tu-quy-%20dinh-ve-giay-chung-nhan-quyen-su-dung-dat.doc Xem cập nhật mới nhất tại: Dự thảo Thông tư quy định về Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và hồ sơ địa chính
Vô tình làm cháy xém sổ đỏ, người dân có được cấp lại sổ mới không?
GCN quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất hay còn gọi là sổ đỏ là một loại giấy tờ quan trọng để chứng minh quyền sử dụng, quyền sở hữu tài sản đối với bất động sản và tài sản gắn liền với đất. Trường hợp sổ đỏ bị cháy xém, người dân có được cấp lại sổ mới không? Nếu lỡ vô tình làm cháy xém, rách hoặc hư hỏng sổ đỏ, người dân có quyền yêu cầu cấp lại sổ đỏ mới theo quy định điểm b Khoản 1 Điều 76 Nghị định 43/2014/NĐ-CP. Việc cấp đổi Giấy chứng nhận, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng đã cấp được thực hiện trong các trường hợp sau: - Người sử dụng đất có nhu cầu đổi Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng hoặc các loại Giấy chứng nhận đã cấp trước ngày 10/12/2009 sang loại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; - Giấy chứng nhận, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng đã cấp bị ố, nhòe, rách, hư hỏng; - Do đo đạc xác định lại diện tích, kích thước thửa đất - Trường hợp quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất là tài sản chung của vợ và chồng mà Giấy chứng nhận đã cấp chỉ ghi họ, tên của vợ hoặc của chồng, nay có yêu cầu cấp đổi Giấy chứng nhận để ghi cả họ, tên vợ và họ, tên chồng. Hồ sơ đề nghị cấp lại sổ đỏ bị cháy xém Theo khoản 1 Điều 10 Thông tư 24/2014/TT-BTNMT hồ sơ đề nghị cấp lại sổ đỏ bị cháy xem bao gồm: - Đơn đề nghị cấp đổi Giấy chứng nhận theo Mẫu số 10/ĐK - Bản gốc Giấy chứng nhận đã cấp >>Tải Đơn đề nghị cấp đổi Giấy chứng nhận theo Mẫu số 10/ĐK tại đâyhttps://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/05/09/M%E1%BA%ABu%20s%E1%BB%91%2010-%C4%90K.doc Thủ tục cấp lại sổ đỏ bị cháy xém như thế nào? Người dân chuẩn bị một bộ hồ sơ như trên và thực hiện theo trình tự sau đây: Bước 1: Nộp hồ sơ và hoàn thành nghĩa vụ tài chính Nộp hồ sơ tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện hoặc cơ quan tiếp nhận hồ sơ theo quy định của UBND cấp tỉnh. Hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư nộp hồ sơ tại UBND cấp xã nếu có nhu cầu. Bên cạnh đó, người dân có thể nộp hồ sơ trực tuyến thông qua Cổng dịch vụ công Quốc gia. Trường hợp nhận hồ sơ chưa đầy đủ, chưa hợp lệ thì trong thời gian tối đa 03 ngày, cơ quan tiếp nhận, xử lý hồ sơ sẽ thông báo và hướng dẫn người nộp hồ sơ bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ theo quy định. Nếu thực hiện việc nộp hồ sơ trực tuyến thì người dân sẽ được nhận thông báo và hướng dẫn trên thông qua tin nhắn SMS đến số điện thoại đã cung cấp. Người nộp hồ sơ có nghĩa vụ thực hiện tài chính đối với thủ tục cấp lại sổ đỏ bằng hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến thông qua chức năng thanh toán của Cổng dịch vụ công nếu nộp hồ sơ trực tuyến. Bước 2: Tiếp nhận hồ sơ - Cơ quan tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm ghi đầy đủ thông tin vào Sổ tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả và trao Phiếu tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả cho người nộp hồ sơ; chuyển hồ sơ tới Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện. - Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất có trách nhiệm: + Kiểm tra hồ sơ, xác nhận vào đơn đề nghị về lý do cấp đổi Giấy chứng nhận; + Lập hồ sơ trình cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; + Cập nhật, chỉnh lý hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai; Thời hạn thực hiện là không quá 07 ngày làm việc Bước 3: Nhận lại sổ đỏ mới Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất trao Giấy chứng nhận cho người được cấp hoặc gửi UBND cấp xã để trao đổi với trường hợp nộp hồ sơ tại cấp xã. Kết quả giải quyết thủ tục hành chính phải trả cho người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất trong thời hạn không quá 03 ngày làm việc kể từ ngày có kết quả giải quyết. Như vậy, khi sổ đỏ bị cháy xém, người dân thực hiện thủ tục cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo trình tự như trên để được cấp lại sổ đỏ mới.
Đề xuất cách ghi thông tin căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ vào mẫu sổ đỏ, sổ hồng mới
Bộ Tài Nguyên và Môi trường đang dự thảo Thông tư quy định về Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và hồ sơ địa chính. (1) Nội dung được thể hiện trên sổ đỏ, sổ hồng theo mẫu mới là gì? Dự thảo Thông tư quy định về Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ), quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và hồ sơ địa chính có các điểm nổi bật như đề xuất mẫu sổ đỏ, sổ hồng mới và cách ghi các thông tin vào sổ đỏ, sổ hồng. Theo Dự thảo Thông tư, Giấy chứng nhận QSDĐ theo mẫu mới bao gồm 2 trang , in nền hoa văn trống đồng màu hồng cánh sen ), có kích thước 210 x 297 mm. Các nội dung được thể hiện trên Giấy chứng nhận QSDĐ được quy định tại Điều 3 Dự thảo Thông tư như sau: Trang 1 của Giấy chứng nhận gồm các nội dung: - Quốc hiệu; - Quốc huy; - Mã QR code; - Tên “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất” in màu đỏ; - Mục “1. Người sử dụng đất, chủ sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất”; - Mục “2. Thông tin thửa đất”; - Mục “3. Thông tin tài sản gắn liền với đất”; - Mục “4. Ghi chú”; - Mục “5. Sơ đồ thửa đất”; - Địa danh, ngày tháng năm ký Giấy chứng nhận và cơ quan ký Giấy chứng nhận tại góc dưới cùng bên phải Trang 1 của Giấy chứng nhận; - Nội dung lưu ý đối với người được cấp Giấy chứng nhận. Trang 2 của Giấy chứng nhận gồm các nội dung: - Mục “6. Những thay đổi sau khi cấp Giấy chứng nhận:”; - Số vào sổ cấp Giấy chứng nhận. Xem và tải: Dự thảo Thông tư quy định về Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và hồ sơ địa chính https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/05/04/duthao_thongtugiaychungnhan_hosodiachinh.docx (2) Đề xuất cách ghi thông tin căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ vào sổ đỏ, sổ hồng Thông tin tài sản gắn liền với đất được thể hiện tại "Mục 3" tại trang 1 của Giấy chứng nhận QSDĐ. Theo đó Dự thảo Thông tư đã đề xuất cách ghi thông tin căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ là tài sản liền với đất vào sổ đỏ, sổ hồng tại khoản 1 và khoản 2 Điều 7 như sau: Đối với tài sản gắn liền với đất là nhà ở riêng lẻ - Loại nhà ở: ghi loại nhà ở cụ thể theo quy định của pháp luật về nhà ở Ví dụ: “Nhà ở riêng lẻ”; “Nhà biệt thự”; - Diện tích xây dựng: ghi diện tích mặt bằng chiếm đất của nhà ở tại vị trí tiếp xúc với mặt đất theo mép ngoài tường bao của nhà, bằng số Ả Rập, theo đơn vị mét vuông, được làm tròn số đến một chữ số thập phân; - Diện tích sàn: ghi bằng số Ả Rập theo đơn vị mét vuông, được làm tròn số đến một chữ số thập phân. Đối với nhà ở một tầng thì ghi diện tích mặt bằng sàn xây dựng của nhà đó. Đối với nhà ở nhiều tầng thì ghi tổng diện tích mặt bằng sàn xây dựng của các tầng; - Hình thức sở hữu: ghi “Sở hữu riêng” đối với trường hợp nhà ở thuộc sở hữu của một chủ; ghi “Sở hữu chung” đối với trường hợp nhà ở thuộc sở hữu chung của nhiều chủ; trường hợp nhà ở có phần sở hữu riêng và có phần sở hữu chung thì ghi lần lượt từng hình thức sở hữu và diện tích kèm theo. Ví dụ: “Sở hữu riêng 50m2; sở hữu chung 20m2”; - Cấp (hạng) nhà ở: xác định và ghi theo quy định phân cấp nhà ở của của pháp luật về nhà ở, pháp luật về xây dựng; - Thời hạn được sở hữu ghi đối với các trường hợp như sau: + Trường hợp mua nhà ở có thời hạn theo quy định của pháp luật về nhà ở thì ghi ngày tháng năm hết hạn được sở hữu theo hợp đồng mua bán hoặc theo quy định của pháp luật về nhà ở; + Trường hợp được sở hữu nhà ở trên đất thuê, mượn của người sử dụng đất khác thì ghi ngày tháng năm kết thúc thời hạn thuê, mượn; + Các trường hợp còn lại không xác định thời hạn và ghi bằng dấu “-/-”. Đối với tài sản gắn liền với đất là căn hộ chung cư - Loại nhà ở: ghi “Căn hộ chung cư số…”; - Tên nhà chung cư: ghi tên hoặc số hiệu của nhà chung cư, nhà hỗn hợp theo dự án đầu tư hoặc thiết kế, quy hoạch được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; - Diện tích sàn: ghi diện tích sàn xây dựng căn hộ, diện tích sử dụng căn hộ theo hợp đồng mua bán căn hộ và phù hợp với quy định của pháp luật về nhà ở; - Hình thức sở hữu: ghi “Sở hữu riêng” đối với trường hợp căn hộ thuộc sở hữu của một chủ; ghi “Sở hữu chung” đối với trường hợp căn hộ thuộc sở hữu chung của nhiều chủ; trường hợp căn hộ có phần sở hữu riêng và có phần sở hữu chung thì ghi lần lượt từng hình thức sở hữu và diện tích kèm theo. Ví dụ: “Sở hữu riêng 50m2; sở hữu chung 20m2”; - Thời hạn được sở hữu ghi đối với các trường hợp như sau: + Trường hợp mua căn hộ chung cư có thời hạn theo quy định của pháp luật về nhà ở thì ghi ngày tháng năm hết hạn được sở hữu theo hợp đồng mua bán hoặc theo quy định của pháp luật về nhà ở; + Các trường hợp còn lại không xác định thời hạn và ghi bằng dấu “-/-”; - Hạng mục được sở hữu chung ngoài căn hộ: ghi tên từng hạng mục ngoài căn hộ chung cư và diện tích kèm theo (nếu có) mà chủ sở hữu căn hộ có quyền sở hữu chung với các chủ căn hộ khác theo hợp đồng mua, bán căn hộ đã ký.. Tại các mục ghi về tài sản gắn liền với đất trên Trang 1 của sổ đỏ, sổ hồng, ghi dấu “-/-” khi có các trường hợp sau đây: - Tại thời điểm cấp sổ đỏ, sổ hồng mà thửa đất không có tài sản gắn liền với đất - Có tài sản gắn liền với đất nhưng người sử dụng đất chưa có nhu cầu chứng nhận quyền sở hữu tài sản - Có tài sản gắn liền với đất thuộc quyền sở hữu của người khác - Có đề nghị chứng nhận quyền sở hữu tài sản nhưng không đủ điều kiện chứng nhận Trên đây là một số nội dung nổi bật trong Dự thảo Thông tư quy định về Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và hồ sơ địa chính. Xem và tải: Dự thảo Thông tư quy định về Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và hồ sơ địa chính https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/05/04/duthao_thongtugiaychungnhan_hosodiachinh.docx
Luật Đất đai 2024 có cho phép cầm sổ đỏ không chính chủ không?
Sắp tới đây Luật Đất đai 2024 sẽ có hiệu lực từ ngày 01/8/2024 với nhiều quy định mới về đất đai và tài sản gắn liền với đất. Vậy, theo quy định mới, có được cầm sổ đỏ không chính chủ không? Nếu cầm sổ đỏ không chính chủ có bị phạt không? Có được cầm sổ đỏ không? Sổ đỏ là gì? Hiện nay, không có văn bản nào quy định về khái niệm sổ đỏ. Sổ đỏ là thuật ngữ được sử dụng để gọi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, dựa vào màu sắc bên ngoài của Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (màu đỏ). Trước ngày 10/12/2009 Nhà nước ban hành 2 loại giấy chứng nhận như sau: - Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, có bìa màu đỏ nên hay gọi là sổ đỏ được Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành (sổ đỏ). - Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, có bìa màu hồng nên hay gọi là sổ hồng được Bộ Xây dựng ban hành (sổ hồng). Sau ngày 10/12/2009, khi Nghị định 88/2009/NĐ-CP có hiệu lực. Hai loại sổ này được gọi là Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất được áp dụng trong phạm vi cả nước đối với mọi loại đất, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (Mặc dù Nghị định 88/2009/NĐ-CP đã được thay thế bởi Nghị định 43/2014/NĐ-CP nhưng quy định này vẫn giữ nguyên cho đến nay) . Cụ thể Luật Đất đai 2013 quy định: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất. Nay Luật Đất đai 2024 (có hiệu lực từ ngày 01/8/2024) quy định: - Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất. - Tài sản gắn liền với đất được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất là nhà ở, công trình xây dựng gắn liền với đất theo quy định của pháp luật. - Giấy chứng nhận về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của các luật có liên quan được thực hiện theo quy định Luật Đất đai 2024 có giá trị pháp lý tương đương như Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất tại Luật Đất đai 2024. Đồng thời Điều 105 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về tài sản thì tài sản là: - Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản. - Tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai. Như vậy, dù theo Luật Đất đai 2013 hay Luật Đất đai 2024, sổ đỏ không phải là tài sản mà là một loại chứng thư pháp lý để thể hiện quyền tài sản. Có được cầm sổ đỏ không? Theo Điều 309 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: Cầm cố tài sản là việc một bên (sau đây gọi là bên cầm cố) giao tài sản thuộc quyền sở hữu của mình cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận cầm cố) để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ. Như vậy, căn cứ vào các quy định pháp luật nêu trên, sổ đỏ không phải là tài sản mà là chứng thư pháp lý. Do không phải là tài sản nên không thể cầm cố. Có được phép cầm sổ đỏ không chính chủ không? Theo như đã phân tích, không thể thực hiện cầm cố đối với sổ đỏ theo quy định pháp luật. Và đương nhiên, cầm sổ đỏ không chính chủ cũng là hành vi vi phạm pháp luật. Tuy nhiên trên thực tế, nhiều người vẫn chấp nhận nhận cầm cố bằng sổ đỏ, tuy nhiên bản chất giao dịch này được xem là giao dịch thế chấp quyền sử dụng đất. Theo Điều 317 Bộ luật Dân sự 2015, thế chấp tài sản là việc một bên (sau đây gọi là bên thế chấp) dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và không giao tài sản cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận thế chấp). Tài sản thế chấp do bên thế chấp giữ. Các bên có thể thỏa thuận giao cho người thứ ba giữ tài sản thế chấp. Như vậy, hành vi tự ý lấy sổ đỏ không phải của mình (không chính chủ) để thế chấp được xem là hành vi vi phạm pháp luật, bởi lẽ khi thực hiện giao dịch thế chấp tài sản, bên thế chấp phải dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ. Nếu sử dụng sổ đỏ không chính chủ dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ (thế chấp sổ đỏ) thì cần có sự cho phép, ủy quyền của chủ sở hữu. Cầm sổ đỏ không chính chủ bị xử lý thế nào? Theo Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định về vi phạm quy định về gây thiệt hại đến tài sản của tổ chức, cá nhân khác. Trong đó, phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng, mua, bán, thế chấp, cầm cố trái phép hoặc chiếm giữ tài sản của người khác. Đồng thời buộc trả lại tài sản do chiếm giữ trái phép đối với hành vi vi phạm. Như vậy, dù cho cầm cố hay thế chấp mà đó không phải là tài sản chính chủ thì đều bị xử phạt từ 3 - 5 triệu đồng và phải trả lại sổ đỏ đã chiếm giữ trái phép. Sổ đỏ đã bị cầm có được xin cấp lại không? Theo Điều 77 Nghị định 43/2014/NĐ-CP quy định về cấp lại Giấy chứng nhận, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng do bị mất: Hộ gia đình và cá nhân, cộng đồng dân cư phải khai báo với Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất về việc bị mất Giấy chứng nhận, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng, Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm niêm yết thông báo mất Giấy chứng nhận tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã, trừ trường hợp mất giấy do thiên tai, hỏa hoạn. Theo đó, chỉ được cấp lại sổ đỏ khi bị mất, quy định hiện hành không đề cập đến việc cấp lại sổ đỏ khi đã mang đi cầm cố. Trường hợp này nếu muốn lấy lại sổ đỏ trả cho chính chủ thì bên cầm cố có thể khởi kiện yêu cầu bên nhận cầm cố trả lại sổ đỏ. Do việc cầm cố sổ đỏ là giao dịch không được pháp luật công nhận nên trường hợp xảy ra tranh chấp thì giao dịch cầm cố này có thể được Tòa án tuyên bố vô hiệu và các bên có nghĩa vụ hoàn trả cho nhau những gì đã nhận. Xem thêm: Luật Đất đai 2024 có hiệu lực từ 01/8/2024.
Sổ đỏ không đúng diện tích thực tế thì phải làm gì?
Tôi hiên nay đang ở nhà đất mặt đường tỉnh lộ 16 thuộc xã Phù lỗ, h. sóc sơn, TP hà nội xin hỏi tư vấn pháp luật như sau: Nhà tôi có diện tích thật lớn hơn diện tích trên sổ đỏ là 150m2/ 116m2. đứng tên có mình vợ tôi, nay tôi muốn đính chính hoặc làm lại sổ đỏ thì cần các thủ tục pháp lý gì, nộp những loại thuế, phí gì và có phải ghi tên của hai vợ chồng vào không khi đính chính hoặc làm sổ đỏ mới.
Luật Đất đai 2024: Khi nào người dân sẽ bị thu hồi sổ đỏ?
Theo quy định của Luật Đất đai 2024 có hiệu lực từ 01/8/2024, các trường hợp nào người dân sẽ bị thu hồi sổ đỏ (Giấy chứng nhận QSDĐ)? Quy định này có gì khác biệt so với Luật Đất đai 2013 hiện hành? Bài viết sau đây sẽ giải đáp các vấn đề trên. Các trường hợp người dân bị thu hồi sổ đỏ theo Luật Đất đai 2024 Theo Khoản 2 Điều 152 Luật Đất đai 2024, Nhà nước thu hồi giấy chứng nhận đã cấp trong những trường hợp sau đây: Trường hợp 1: Nhà nước thu hồi toàn bộ diện tích đất ghi trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất đã cấp; Quy định này tương tự so với quy định hiện hành, tuy nhiên đối tượng bị thu hồi được quy định chi tiết hơn, cụ thể: - Giấy chứng nhận theo Luật Đất đai 2013 chỉ bao gồm Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất - Giấy chứng nhận theo Luật Đất đai 2024 ngoài loại trên còn các loại như: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất đã cấp; Trường hợp 2: Cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất đã cấp; Quy định này cũng tương tự so với Luật Đất đai 2013, tuy nhiên phần đối tượng cũng được mở rộng hơn như đã phân tích. Trường hợp 3: Người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất mà phải cấp mới Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất; Quy định này vẫn giữ nguyên so với Luật Đất đai 2013. Trường hợp 4: Giấy chứng nhận đã cấp không đúng thẩm quyền, không đúng đối tượng sử dụng đất, không đúng diện tích đất, không đủ điều kiện được cấp, không đúng mục đích sử dụng đất hoặc thời hạn sử dụng đất hoặc nguồn gốc sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai tại thời điểm cấp giấy chứng nhận; Quy định này so với quy định hiện hành có sự khác biệt, cụ thể: - Theo Luật Đất đai 2013 quy định Nhà nước sẽ thu hồi khi Giấy chứng nhận đã cấp không đúng các tiêu chí trên, trừ trường hợp người được cấp Giấy chứng nhận đó đã thực hiện chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo quy định của pháp luật đất đai, không nhắc tới thời điểm xác định. - Theo Luật Đất đai 2024, Nhà nước sẽ thu hồi khi Giấy chứng nhận được cấp không đúng các tiêu chí trên, tuy nhiên thời điểm xác định các tiêu chí là thời điểm cấp giấy chứng nhận. Có thể thấy, việc xác định thời điểm theo Luật Đất đai 2024 sẽ bao quát hơn, bao gồm luôn cả trường hợp loại trừ của Luật Đất đai 2013. Trường hợp 5: Giấy chứng nhận đã cấp bị Tòa án có thẩm quyền tuyên hủy; Trường hợp 6: Trường hợp đấu giá, giao quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất theo yêu cầu của Tòa án, cơ quan thi hành án mà người phải thi hành án không nộp giấy chứng nhận đã cấp. Hai trường hợp 5 và 6 này hoàn toàn mới so với Luật Đất đai 2013. Như vậy, có thể thấy các trường hợp thu hồi sổ đỏ (giấy chứng nhận QSDĐ) tại Luật Đất đai 2024 so với quy định Luật đất đai 2013 hiện hành có sự thay đổi, bao quát hầu hết các trường hợp thu hồi theo quy định hiện hành và nhằm hoàn thiện, rõ ràng hóa các quy định pháp lý liên quan đến việc thu hồi sổ đỏ. Khi nào phải đính chính sổ đỏ theo Luật Đất đai 2024? Theo Khoản 1 Điều 152 Luật Đất đai 2024, Cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất quy định tại Điều 136 Luật Đất đai 2024 có trách nhiệm đính chính giấy chứng nhận đã cấp có sai sót trong các trường hợp sau đây: - Có sai sót thông tin của người được cấp giấy chứng nhận so với thông tin tại thời điểm đính chính; - Có sai sót thông tin về thửa đất, tài sản gắn liền với đất so với hồ sơ kê khai đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất đã được tổ chức đăng ký đất đai kiểm tra xác nhận hoặc được thể hiện trong văn bản có hiệu lực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về giải quyết tranh chấp đất đai. Như vậy, sổ đỏ (giấy chứng nhận QSDĐ) sẽ được cơ quan Nhà nước đính chính trong các trường hợp trên. Ai có thẩm quyền cấp sổ đỏ? Theo Điều 136 Luật Đất đai 2024 thẩm quyền cấp sổ đỏ (Giấy chứng nhận QSDĐ) như sau: Đăng ký lần đầu Thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất lần đầu đối với các trường hợp đăng ký lần đầu mà có nhu cầu cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và trường hợp cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo phương án góp quyền sử dụng đất, điều chỉnh lại đất đai được phê duyệt được quy định như sau: - Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất cho người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất bao gồm: Tổ chức trong nước; Tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc; Tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao; Người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài; Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được ủy quyền cho cơ quan có chức năng quản lý đất đai cùng cấp cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất đối với trường hợp này; - Ủy ban nhân dân cấp huyện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất cho người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất bao gồm: Cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam; Cộng đồng dân cư. Đăng ký biến động Thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất, xác nhận thay đổi đối với trường hợp đăng ký biến động được quy định như sau: - Tổ chức đăng ký đất đai thực hiện cho người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất là tổ chức trong nước, tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài; cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất cho chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất là tổ chức nước ngoài, cá nhân nước ngoài; - Chi nhánh của tổ chức đăng ký đất đai hoặc tổ chức đăng ký đất đai thực hiện cho người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất là cá nhân, cộng đồng dân cư, người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài; - Tổ chức đăng ký đất đai, chi nhánh của tổ chức đăng ký đất đai được sử dụng con dấu của mình để thực hiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất hoặc xác nhận thay đổi vào giấy chứng nhận đã cấp. Như vậy, thẩm quyền cấp sổ đỏ sẽ được chia thành hai trường hợp, đối với đăng ký lần đầu và đối với đăng ký biến động đất đai. Xem thêm các quy định mới tại: Luật Đất đai 2024 có hiệu lực từ 01/8/2024
Hướng dẫn thủ tục cấp sổ đỏ cho người đã đăng ký lần đầu online chi tiết nhất
Hướng dẫn các thủ tục, thành phần hồ sơ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất (sổ đỏ) online cho người đã đăng ký lần đầu chi tiết nhất. (1) Căn cứ thực hiện Theo khoản 7 Điều 1 Nghị định 10/2023/NĐ-CP sửa đổi đã bổ sung điểm mới “Thực hiện thủ tục hành chính về đất đai trên môi trường điện tử”, đánh dấu việc người dân có thể thực hiện các thủ tục đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất bằng hình thức online. Từ ngày 20/5/2023, người dân có thể thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai trên Cổng dịch vụ công. Ngoài ra, tại khoản 3 Điều 131 Luật Đất đai 2024 mới nhất có quy định rõ: "Đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất bao gồm đăng ký lần đầu và đăng ký biến động, được thực hiện bằng hình thức đăng ký trên giấy hoặc đăng ký điện tử và có giá trị pháp lý như nhau." Theo quy định của pháp luật, người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất đã kê khai đăng ký được ghi vào Sổ địa chính, được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất nếu có nhu cầu và có đủ điều kiện (khoản 5 Điều 95 Luật Đất đai 2013 và khoản 5 Điều 70 Nghị Định 43/2014/NĐ-CP). Dưới đây là hướng dẫn chi tiết thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất cho người đã đăng ký lần đầu online chi tiết nhất. (2) Hồ sơ cần chuẩn bị những gì? Để thực hiện thủ tục cấp sổ đỏ cho người đã đăng ký lần đầu trên môi trường điện tử, người dân cần chuẩn bị 1 Đơn đăng ký cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo Mẫu số 04/ĐK Tải Mẫu số 04/ĐKhttps://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/04/08/M%E1%BA%ABu%20s%E1%BB%91%2004.DK-H.doc (3) Các bước nộp hồ sơ tại Cổng dịch vụ công Quốc gia Sau khi tải và điền đầy đủ thông tin vào Mẫu số 04/ĐK, bạn thực hiện các bước sau đây để làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất cho người đã đăng ký lần đầu trên Cổng dịch vụ công Quốc gia. Bước 1: - Truy cập vào trang web Cổng dịch vụ công Quốc gia https://dichvucong.gov.vn/p/home/dvc-trang-chu.html - Đăng nhập vào hệ thống hoặc Đăng ký nếu chưa có tài khoản Bước 2: - Tại thanh tìm kiếm, nhập “cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất” - Chọn mục “Cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người đã đăng ký quyền sử dụng đất lần đầu” - Chọn Tỉnh/Thành phố có đất để thực hiện thủ tục, sau khi chọn xong bấm “Nộp trực tuyến” Bước 3: - Điền thông tin vào biểu mẫu - Số điện thoại bạn nhập vào sẽ là số điện thoại nhận thông báo về hồ sơ thông qua SMS Bước 4: - Tải lên file Đơn đăng ký cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo Mẫu số 04/ĐK mà bạn đã điền vào trước đó và một số hồ sơ kèm theo khác (nếu có) Tải Mẫu số 04/ĐKhttps://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/04/08/M%E1%BA%ABu%20s%E1%BB%91%2004.DK-H.doc - Bấm nộp hồ sơ (4) Quy trình giải quyết hồ sơ Căn cứ điều kiện cụ thể về hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai đang quản lý, cơ quan tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính về đất đai quy định tại Điều 60 của Nghị định 43/2014/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 7 Điều 1 của Nghị định 10/2023/NĐ-CP) có trách nhiệm tổ chức việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử theo quy định của Chính phủ. Quy trình giải quyết hồ sơ gồm 3 bước: Bước 1: - Người sử dụng đất nộp hồ sơ tại Văn phòng đăng ký đất đai hoặc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai hoặc cơ quan tiếp nhận hồ sơ theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc địa điểm theo nhu cầu đối với những địa phương mà Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đã ban hành quy chế tiếp nhận, luân chuyển hồ sơ, giải quyết và trả kết quả giải quyết thủ tục theo nhu cầu về địa điểm hoặc trên môi trường điện tử. - Hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư nộp hồ sơ tại Ủy ban nhân dân cấp xã nếu có nhu cầu. Bước 2: - Cơ quan tiếp nhận, giải quyết hồ sơ có trách nhiệm thực hiện các trình tự, thủ tục hành chính về đất đai theo quy định của pháp luật về đất đai; trường hợp cần phải kiểm tra, xác minh làm rõ hoặc do nguyên nhân khác mà không trả kết quả giải quyết hồ sơ theo đúng quy định về thời gian giải quyết thủ tục hành chính về đất đai thì cơ quan tiếp nhận hồ sơ, giải quyết thủ tục gửi thông báo bằng văn bản hoặc qua Cổng dịch vụ công hoặc qua tin nhắn SMS cho người yêu cầu, trong đó nêu rõ lý do. - Người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất có trách nhiệm hoàn thành nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật bằng hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến thông qua chức năng thanh toán của Cổng dịch vụ công. - Thời hạn thực hiện không quá 30 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Thời gian này không tính thời gian các ngày nghỉ, ngày lễ theo quy định của pháp luật; không tính thời gian tiếp nhận hồ sơ tại xã, thời gian thực hiện nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất; không tính thời gian xem xét xử lý đối với trường hợp sử dụng đất có vi phạm pháp luật, thời gian trưng cầu giám định. - Đối với các xã miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì thời gian thực hiện được tăng thêm 10 ngày. Bước 3: - Kết quả giải quyết thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất cho người đã đăng ký đất lần đầu được trả cho người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất trong thời hạn không quá 03 ngày làm việc kể từ ngày có kết quả giải quyết. - Đối với những địa phương mà Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đã ban hành quy chế tiếp nhận, luân chuyển hồ sơ, giải quyết và trả kết quả giải quyết thủ tục theo nhu cầu về thời gian thì thời gian giải quyết thủ tục được thực hiện theo thỏa thuận giữa người có nhu cầu và Văn phòng đăng ký đất đai, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai nhưng không quá thời gian thực hiện thủ tục do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định. Trên đây là hướng dẫn chi tiết và đơn giản nhất về thủ tục và quy trình cấp sổ đỏ lần đầu online. Chúc bạn thực hiện thủ tục thành công.
Ông bà tặng bất động sản, cháu có được đứng tên sổ hồng, sổ đỏ không?
Một trẻ em được sinh ra đời là niềm vui và hạnh phúc của một gia đình. Nhiều gia đình yêu thương con, ông bà yêu thương cháu đã không tiếc khi tặng con cháu mình nhiều tài sản có giá như tiền, nhà cửa, quyền sử dụng đất,...Tiền thì còn có thể để dành ống heo, đưa ba mẹ giữ, còn đất đai, nhà cửa thể hiện quyền sở hữu trên sổ hồng, sổ đỏ thì thế nào? Trẻ em có được đứng tên sổ hồng, sổ đỏ không? (1) Trẻ em có được công nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất không? Theo quy định tại Điều 134 Luật Đất đai 2024, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất hay còn gọi là sổ đỏ, sổ hồng là: - Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất được cấp cho người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, quyền sở hữu công trình xây dựng gắn liền với đất theo mẫu thống nhất trong cả nước. - Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất. Cũng theo khoản 1 Điều 5 Thông tư 23/2014/TT-BTNMT, sửa đổi bởi khoản 1 Điều 1 Thông tư 14/2023, quy định về thông tin của người sử dụng đất tại trang 1 của giấy chứng nhận là: - Cá nhân trong nước thì ghi “Ông” (hoặc “Bà”), sau đó ghi họ tên, năm sinh, tên và số giấy tờ nhân thân (nếu có), địa chỉ thường trú. Giấy tờ nhân thân là Giấy chứng minh nhân dân thì ghi “CMND số:…”; trường hợp Giấy chứng minh quân đội nhân dân thì ghi “CMQĐ số:…”; trường hợp thẻ Căn cước công dân thì ghi “CCCD số:…”; trường hợp chưa có Giấy chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân thì ghi “Giấy khai sinh số…” hoặc “số định danh cá nhân:… Ta có thêm quy định tại Điều 4 Luật Đất đai 2024 quy định về những người được Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất tại Việt Nam là: - Tổ chức trong nước gồm: +Cơ quan nhà nước, cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam, đơn vị vũ trang nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập và tổ chức khác theo quy định của pháp luật + Tổ chức kinh tế theo quy định của Luật Đầu tư (sau đây gọi là tổ chức kinh tế) - Tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc - Cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam; - Cộng đồng dân cư - Tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao gồm cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện khác của nước ngoài có chức năng ngoại giao được Chính phủ Việt Nam thừa nhận; cơ quan đại diện của tổ chức thuộc Liên hợp quốc, cơ quan hoặc tổ chức liên chính phủ, cơ quan đại diện của tổ chức liên chính phủ; - Người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài - Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài Như vậy, các quy định trên không có cái nào nhắc về độ tuổi của người sử dụng đất, người được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất. Ngoài ra, trong các thông tin ghi tại trang đầu tiên của Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất cũng có quy định khi chưa có Giấy chứng minh nhân dân hay thẻ CCCD thì sử dụng Giấy Khai sinh hoặc mã số định danh của cá nhân. Tất cả những điều trên cho thấy trẻ em hoàn toàn không bị cấm hoặc điều chỉnh trong việc được quyền sử dụng đất và sở hữu tài sản gắn liền với đất. (2) Trẻ em có được đứng tên trên sổ hồng, sổ đỏ không? Theo nhận định ở trên, trẻ em hoàn toàn được công nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất, tuy nhiên, việc đứng tên sổ hồng, sổ đỏ lại là chuyện khác. Việc chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở phải được xác lập bằng hợp đồng, vì vậy đây là một giao dịch dân sự. Theo khoản 1 Điều 117 Bộ Luật Dân sự 2015, điều kiện để giao dịch dân sự có hiệu lực là: - Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập; - Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện; - Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội. Theo bài viết, đối tượng được nói đến là trẻ em, trẻ em theo quy định của pháp luật là những người dưới 16 tuổi, do đó, việc xác lập giao dịch dân sự trong trường hợp này là giao dịch dân sự với người chưa thành niên. Theo quy định Điều 21 Bộ Luật Dân sự 2015, người chưa thành niên là: - Người chưa thành niên là người chưa đủ mười tám tuổi. - Giao dịch dân sự của người chưa đủ sáu tuổi do người đại diện theo pháp luật của người đó xác lập, thực hiện. - Người từ đủ sáu tuổi đến chưa đủ mười lăm tuổi khi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý, trừ giao dịch dân sự phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi - Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự, trừ giao dịch dân sự liên quan đến bất động sản, động sản phải đăng ký và giao dịch dân sự khác theo quy định của luật phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý. Căn cứ vào quy định trên, trẻ em khi được nhận tặng cho động sản, bất động sản thì từ 0 đến chưa đủ 18 tuổi đều phải thông qua người đại diện theo pháp luật. Như vậy, trẻ em được đứng tên sổ đỏ, tuy nhiên khi làm thủ tục thì phải có sự đồng ý của cha mẹ hoặc người đại diện. (3) Ông bà tặng đất, cháu có phải đóng thuế không? Quy định tại khoản 4 Điều 4 Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007 như sau “4. Thu nhập từ nhận thừa kế, quà tặng là bất động sản giữa vợ với chồng; cha đẻ, mẹ đẻ với con đẻ; cha nuôi, mẹ nuôi với con nuôi; cha chồng, mẹ chồng với con dâu; cha vợ, mẹ vợ với con rể; ông nội, bà nội với cháu nội; ông ngoại, bà ngoại với cháu ngoại; anh, chị, em ruột với nhau.” Và tại khoản 10 Điều 10 Nghị định 10/2022/NĐ-CP quy định về miễn lệ phí trước bạ như sau: “10. Nhà, đất nhận thừa kế hoặc là quà tặng giữa: Vợ với chồng; cha đẻ, mẹ đẻ với con đẻ; cha nuôi, mẹ nuôi với con nuôi; cha chồng, mẹ chồng với con dâu; cha vợ, mẹ vợ với con rể; ông nội, bà nội với cháu nội; ông ngoại, bà ngoại với cháu ngoại; anh, chị, em ruột với nhau nay được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.” Theo đó, trường hợp này sẽ được miễn thuế thu nhập cá nhân và lệ phí trước bạ.
Có được từ chối hồ sơ hưởng thừa kế vì không có quy định hướng dẫn?
Khi nào người sử dụng đất được thực hiện quyền thừa kế? Có được từ chối hồ sơ hưởng thừa kế quyền sử dụng đất sau ngày 01/07/2014 mà không có GCNQSDĐ không? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết sau. (1) Khi nào người sử dụng đất được thực hiện quyền thừa kế? Căn cứ theo Khoản 1 Điều 168 Luật Đất đai 2013 có quy định về thời điểm thực hiện quyền của người sử dụng đất như sau: - Người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất khi có Giấy chứng nhận. Đối với trường hợp chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp thì người sử dụng đất được thực hiện quyền sau khi có quyết định giao đất, cho thuê đất; trường hợp nhận thừa kế quyền sử dụng đất thì người sử dụng đất được thực hiện quyền khi có Giấy chứng nhận hoặc đủ điều kiện để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. - Trường hợp người sử dụng đất được chậm thực hiện nghĩa vụ tài chính hoặc được ghi nợ nghĩa vụ tài chính thì phải thực hiện xong nghĩa vụ tài chính trước khi thực hiện các quyền. Theo đó, người sử dụng đất chỉ được thực hiện quyền thừa kế khi có Giấy chứng nhận hoặc đủ điều kiện để cấp Giấy chứng nhận. (2) Có được từ chối hồ sơ hưởng thừa kế quyền sử dụng đất sau ngày 01/07/2014 mà không có GCNQSDĐ không? Căn cứ theo Điều 11a Thông tư 33/2017/TT-BTNMT quy định về việc từ chối hồ sơ đề nghị đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất như sau: - Không thuộc thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ. - Hồ sơ không có đủ thành phần để thực hiện thủ tục theo quy định. - Nội dung kê khai của hồ sơ không đảm bảo tính đầy đủ, thống nhất và hợp lệ theo quy định của pháp luật. - Thông tin trong hồ sơ không phù hợp với thông tin được lưu giữ tại cơ quan đăng ký hoặc có giấy tờ giả mạo. - Khi nhận được văn bản của cơ quan thi hành án dân sự hoặc Văn phòng Thừa phát lại yêu cầu tạm dừng hoặc dừng việc cấp Giấy chứng nhận đối với tài sản là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất của người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất là đối tượng phải thi hành án theo quy định của pháp luật thi hành án dân sự hoặc văn bản thông báo về việc kê biên tài sản thi hành án; khi nhận được văn bản của cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai về việc đã tiếp nhận đơn đề nghị giải quyết tranh chấp đất đai, tài sản gắn liền với đất - Không đủ điều kiện thực hiện quyền theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật khác có liên quan. Để tổng kết lại, có thể căn cứ theo những gì đã giải thích tại mục (1) và quy định nêu trên thì hồ sơ hưởng thừa kế quyền sử dụng đất sau ngày 01/07/2014 mà không có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất bị từ chối là hoàn toàn có cơ sở.
Lưu ý: Cách gọi chính xác sổ đỏ, sổ hồng từ năm 2025
Từ ngày 01/01/2025 Luật Đất đai 2024 sẽ bắt đầu có hiệu lực, đi kèm theo đó là nhiều vấn đề pháp lý liên quan đến đất đai, nhà cửa. Đặc biệt là từ năm 2025 sổ đỏ, sổ hồng sẽ có tên gọi mới. 1. Cách gọi chính xác sổ đỏ, sổ hồng từ năm 2025 Theo khoản 16 Điều 3 Luật Đất đai 2013 giải thích Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất. Theo đó, sổ đỏ, sổ hồng chính là Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Thuật ngữ sổ đỏ, sổ hồng không được pháp luật quy định mà đây là tên gọi thông dụng của người dân dựa trên màu sắc của các loại giấy tờ chứng nhận quyền sử dụng đất và sở hữu nhà ở. Trong đó: - Sổ đỏ: Là tên gọi chứng minh Quyền sử dụng đất. - Sổ hồng: Là tên gọi chứng minh Quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở/Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở/Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng. Tuy nhiên, khoản 21 Điều 3 Luật Đất đai 2024 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2025) đã có giải thích khác về tên gọi các loại giấy tờ liên quan đến đất đai, nhà ở như sau: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất. Tài sản gắn liền với đất được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất là nhà ở, công trình xây dựng gắn liền với đất theo quy định của pháp luật. Từ quy định mới từ năm 2025 thì sổ đỏ, sổ hồng sẽ có tên gọi là Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất. Quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất bao gồm: Nhà ở, công trình xây dựng gắn liền với đất. Như vậy, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất sẽ được đổi thành Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất. 2. Quy định cụ thể việc giao đất, cho thuê đất thông qua đấu giá QSDĐ Để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với quy định của Chương VIII về “phát triển, quản lý và khai thác quỹ đất”, Chương IX Luật Đất đai 2024 đã quy định cụ thể việc: - “Giao đất, cho thuê đất thông qua đấu giá quyền sử dụng đất” (Điều 125) đối với “đất sạch” do Nhà nước tạo lập; hoặc - “Giao đất, cho thuê đất thông qua đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất” (Điều 126) đối với “đất chưa giải phóng mặt bằng” mà “nhà đầu tư trúng đấu thầu có trách nhiệm ứng vốn để thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền” và trong thời hạn 36 tháng kể từ ngày ban hành quyết định công nhận kết quả trúng đấu thầu hoặc thời hạn khác theo hợp đồng đã ký kết với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. UBND cấp có thẩm quyền phải thực hiện xong việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để giao đất, cho thuê đất đối với nhà đầu tư trúng đấu thầu.
Muốn sang tên sổ đỏ nhưng diện tích trên sổ ít hơn diện tích thực tế thì phải làm thủ tục gì?
Muốn sang tên sổ đỏ nhưng diện tích trên sổ ít hơn diện tích thực tế dù ranh giới không thay đổi thì phải làm thủ tục gì? Hồ sơ chuẩn bị ra sao? Muốn sang tên sổ đỏ nhưng diện tích trên sổ ít hơn diện ích thực tế thì phải làm thủ tục gì? Căn cứ Điều 38 Nghị định 101/2024/NĐ-CP quy định về các trường hợp được giải quyết cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp, trong đó có liệt kê trường hợp thay đổi kích thước các cạnh, diện tích, số hiệu của thửa đất do đo đạc lập bản đồ địa chính, trích đo địa chính thửa đất mà ranh giới thửa đất không thay đổi. => Do đó, trường hợp sổ đỏ có diện tích ít hơn so với diện tích thực tế mà ranh giới không thay đổi thì nên làm thủ tục cấp đổi giấy chứng nhận để đo đạc lại chính xác diện tích thực tế sử dụng trước khi làm thủ tục sang tên. Thủ tục cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do thay đổi diện tích so với giấy chứng nhận như thế nào? Trình tự, thủ tục cấp đổi Giấy chứng nhận đã cấp thực hiện như sau; Người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất chuẩn bị hồ sơ quy định tại khoản 2 Điều Điều 38 Nghị định 101/2024/NĐ-CP: - Đơn đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất theo Mẫu số 11/ĐK ban hành kèm theo Nghị định 101/2024/NĐ-CP và Giấy chứng nhận đã cấp. Đối với trường hợp quy định tại điểm g khoản 1 Điều 38 Nghị định 101/2024/NĐ-CP thì trong Đơn đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất theo Mẫu số 11/ĐK ban hành kèm theo Nghị định 101/2024/NĐ-CP phải thể hiện thông tin các thành viên có chung quyền sử dụng đất của hộ gia đình; - Mảnh trích đo bản đồ địa chính thửa đất đối với trường hợp trích đo địa chính thửa đất quy định tại điểm i khoản 1 Điều 38 Nghị định 101/2024/NĐ-CP. Sau đó, gửi hồ sơ đến cơ quan tiếp nhận hồ sơ quy định tại khoản 1 Điều 21 Nghị định 101/2024/NĐ-CP. Cơ quan tiếp nhận hồ sơ cấp Giấy tiếp nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả cho người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất. Trường hợp cơ quan tiếp nhận hồ sơ quy định tại điểm a khoản 1 Điều 21 của Nghị định 101/2024/NĐ-CP thì chuyển hồ sơ đến Văn phòng đăng ký đất đai. Sau đó, Văn phòng đăng ký đất đai thực hiện: - Khai thác, sử dụng thông tin về tình trạng hôn nhân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đối với trường hợp quy định tại điểm e khoản 1 Điều 38 Nghị định 101/2024/NĐ-CP. Trường hợp không khai thác được thông tin về tình trạng hôn nhân thì người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất nộp bản sao giấy đăng ký kết hôn hoặc giấy tờ khác về tình trạng hôn nhân. Trường hợp thay đổi địa chỉ của thửa đất đã được cấp Giấy chứng nhận quy định tại điểm h khoản 1 Điều 38 Nghị định 101/2024/NĐ-CP thì cơ quan giải quyết thủ tục sử dụng thông tin từ văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc thay đổi để giải quyết thủ tục; - Trường hợp quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 38 Nghị định 101/2024/NĐ-CP thì thực hiện kiểm tra thực địa và đối chiếu với hồ sơ đăng ký, cấp Giấy chứng nhận đã cấp để xác định đúng vị trí thửa đất; - Trường hợp Giấy chứng nhận đã cấp chưa sử dụng bản đồ địa chính hoặc trích đo bản đồ địa chính thửa đất thì thực hiện theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 37 Nghị định 101/2024/NĐ-CP. - Gửi Phiếu chuyển thông tin để xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai theo Mẫu số 12/ĐK ban hành kèm theo Nghị định 101/2024/NĐ-CP đến cơ quan thuế để xác định và thông báo nghĩa vụ tài chính đối với trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ tài chính; - Chỉnh lý, cập nhật biến động vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai; cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất; trao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất hoặc gửi cơ quan tiếp nhận hồ sơ để trao cho người được cấp. Trường hợp cấp đổi Giấy chứng nhận đã cấp do đo đạc lập bản đồ địa chính mà bên nhận thế chấp đang giữ Giấy chứng nhận đã cấp thì Văn phòng đăng ký đất đai thông báo danh sách các trường hợp làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất cho bên nhận thế chấp; xác nhận việc đăng ký thế chấp vào Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất được cấp. Việc trao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất được thực hiện đồng thời giữa ba bên gồm Văn phòng đăng ký đất đai, người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất và bên nhận thế chấp; người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất ký, nhận Giấy chứng nhận mới từ Văn phòng đăng ký đất đai để trao cho bên nhận thế chấp; bên nhận thế chấp có trách nhiệm nộp Giấy chứng nhận cũ đang thế chấp cho Văn phòng đăng ký đất đai để quản lý." Sau khi được cấp giấy theo diện tích thực tế thì các bên tiến hành ký kết hợp đồng và làm thủ tục sang tên.
Tính thuế sử dụng đất phi nông nghiệp căn cứ vào diện tích trong sổ đỏ hay diện tích thực tế?
Có thể thấy thuế sử dụng đất phi nông nghiệp quy định đối tượng chịu thuế bao gồm đất ở (đất ở tại nông thôn, đất ở tại đô thị); đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp; đất phi nông nghiệp sử dụng vào mục đích kinh doanh. Như vậy, đối với loại đất đó thì khi tính thuế sẽ căn cứ vào diện tích trong sổ đỏ hay diện tích thực tế? Diện tích đất tính thuế sử dụng đất phi nông nghiệp căn cứ vào diện tích trong sổ đỏ hay diện tích thực tế? Căn cứ Điểm a Khoản 2 Điều 6 Luật thuế sử dụng đất phi nông nghiệp 2010 quy định như sau: Điều 6. Giá tính thuế 1. Giá tính thuế đối với đất được xác định bằng diện tích đất tính thuế nhân với giá của 1m2 đất. 2. Diện tích đất tính thuế được quy định như sau: - Diện tích đất tính thuế là diện tích đất thực tế sử dụng. Trường hợp có quyền sử dụng nhiều thửa đất ở thì diện tích đất tính thuế là tổng diện tích các thửa đất tính thuế. Trường hợp được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để xây dựng khu công nghiệp thì diện tích đất tính thuế không bao gồm diện tích đất xây dựng kết cấu hạ tầng sử dụng chung; - Đối với đất ở nhà nhiều tầng nhiều hộ ở, nhà chung cư bao gồm cả trường hợp vừa để ở, vừa để kinh doanh thì diện tích đất tính thuế được xác định bằng hệ số phân bổ nhân với diện tích nhà của từng tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng. Hệ số phân bổ được xác định bằng diện tích đất xây dựng nhà nhiều tầng nhiều hộ ở, nhà chung cư chia cho tổng diện tích nhà của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng. Trường hợp nhà nhiều tầng nhiều hộ ở, nhà chung cư có tầng hầm thì 50% diện tích tầng hầm của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng trong tầng hầm được cộng vào diện tích nhà của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng để tính hệ số phân bổ; - Đối với công trình xây dựng dưới mặt đất thì áp dụng hệ số phân bổ bằng 0,5 diện tích đất xây dựng chia cho tổng diện tích công trình của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng. Như vậy, đối với diện tích đất tính thuế tính thuế sử dụng đất phi nông nghiệp là diện tích đất thực tế sử dụng. Trường hợp có quyền sử dụng nhiều thửa đất ở thì diện tích đất tính thuế là tổng diện tích các thửa đất tính thuế. Chính vì vậy, không căn cứ vào diện tích có trong sổ đỏ mà diện tích thực tế sử dụng. Xác định đối tượng nộp thuế sử dụng đất phi nông nghiệp khi đất đã được cấp sổ đỏ mà có tranh chấp? Căn cứ Điểm c Khoản 3 Điều 4 Luật thuế sử dụng đất phi nông nghiệp 2010 quy định như sau: Người nộp thuế 1. Người nộp thuế là tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có quyền sử dụng đất thuộc đối tượng chịu thuế quy định tại Điều 2 của Luật này. 2. Trường hợp tổ chức, hộ gia đình, cá nhân chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sau đây gọi chung là Giấy chứng nhận) thì người đang sử dụng đất là người nộp thuế. 3. Người nộp thuế trong một số trường hợp cụ thể được quy định như sau: - Trường hợp được Nhà nước cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư thì người thuê đất ở là người nộp thuế; - Trường hợp người có quyền sử dụng đất cho thuê đất theo hợp đồng thì người nộp thuế được xác định theo thỏa thuận trong hợp đồng. Trường hợp trong hợp đồng không có thỏa thuận về người nộp thuế thì người có quyền sử dụng đất là người nộp thuế; - Trường hợp đất đã được cấp Giấy chứng nhận nhưng đang có tranh chấp thì trước khi tranh chấp được giải quyết, người đang sử dụng đất là người nộp thuế. Việc nộp thuế không phải là căn cứ để giải quyết tranh chấp về quyền sử dụng đất; - Trường hợp nhiều người cùng có quyền sử dụng một thửa đất thì người nộp thuế là người đại diện hợp pháp của những người cùng có quyền sử dụng thửa đất đó; - Trường hợp người có quyền sử dụng đất góp vốn kinh doanh bằng quyền sử dụng đất mà hình thành pháp nhân mới có quyền sử dụng đất thuộc đối tượng chịu thuế quy định tại Điều 2 của Luật này thì pháp nhân mới là người nộp thuế. Theo quy định này, thì trường hợp đất đã được cấp Giấy chứng nhận nhưng đang có tranh chấp thì trước khi tranh chấp được giải quyết, người đang sử dụng đất là người nộp thuế. Việc nộp thuế không phải là căn cứ để giải quyết tranh chấp về quyền sử dụng đất.
Quét mã QR trên sổ đỏ, sổ hồng mới sẽ được phản hồi những thông tin gì?
Việc tích hợp mã QR vào sổ đỏ, sổ hồng mới đã tạo ra một cuộc cách mạng trong việc tra cứu thông tin về đất đai, nhà ở. Vậy, khi quét mã QR trên sổ đỏ, chúng ta sẽ được biết những thông tin gì? (1) Từ 01/01/2025, sổ hồng, sổ đỏ sẽ có thêm mã QR Từ ngày 01/01/2025, trên mẫu Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất mới, mã QR được in ở góc trên bên phải trang 1 của Giấy chứng nhận đối với trường hợp in lần đầu. (khoản 5 Điều 14 Thông tư 10/2024/TT-BTNMT) Trường hợp Giấy chứng nhận được cấp lại, đính chính,...thì mã QR được thể hiện ở góc bên phải của cột “Nội dung thay đổi và cơ sở pháp lý” tại mục 6 trang 2 của Giấy chứng nhận. Theo quy định Điều 14 Thông tư 10/2024/TT-BTNMT, mã QR của Giấy chứng nhận phải bảo đảm yêu cầu kỹ thuật đối với mã hình QR code 2005 theo tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 7322:2009 (ISO/IEC 18004:2006) và kích thước mã hình của QR được in trên Giấy chứng nhận là 2,0 cm x 2,0 cm. (2) Những thông tin nào được phản hồi khi quét mã QR trên sổ đỏ, sổ hồng mới? Theo quy định tại khoản 1 Điều 14 Thông tư 10/2024/TT-BTNMT, mã QR được in trên Giấy chứng nhận dùng để lưu trữ, hiển thị các thông tin chi tiết của Giấy chứng nhận và các thông tin để quản lý mã QR. Khi quét mã QR được in trên Giấy chứng nhận mới sẽ nhận được phản hồi về các thông tin sau: - Thông tin của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất hoặc của những người có chung quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất; - Thông tin của những người được thừa kế; - Thông tin về tài sản gắn liền với đất bao gồm tên tài sản, diện tích sử dụng, thời hạn sở hữu, địa chỉ; - Thông tin về số hiệu thửa đất; - Thông tin về diện tích thửa đất; - Thông tin về loại đất; - Thông tin về thời hạn sử dụng đất; - Thông tin về hình thức sử dụng đất; - Thông tin về địa chỉ thửa đất; - Thông tin về nghĩa vụ tài chính; - Thông tin về ranh giới thửa đất; - Thông tin về nguồn gốc sử dụng đất; - Thông tin về tài liệu đo đạc; - Thông tin về hạn chế quyền sử dụng đất; - Thông tin về quyền đối với thửa đất liền kề. Theo đó, thông tin phản hồi từ mã QR được quy định có giá trị như thông tin trên Giấy chứng nhận, thống nhất với thông tin trong cơ sở dữ liệu đất đai hoặc thông tin ghi nhận trong hồ sơ địa chính đối với những nơi chưa xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai.
13 trường hợp được cấp sổ đỏ mà không cần nộp tiền sử dụng đất
Có những trường hợp nào được cấp sổ đỏ mà không phải nộp tiền sử dụng đất? Thẩm quyền cấp sổ đỏ hiện nay được quy định như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết sau đây. (1) 13 trường hợp được cấp sổ đỏ mà không cần nộp tiền sử dụng đất Căn cứ khoản 1 điều 137 Luật Đất đai 2024 có quy định hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất ổn định mà có một trong các loại giấy tờ được lập trước ngày 15/10/1993 dưới đây thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và không phải nộp tiền sử dụng đất, cụ thể: - Những giấy tờ về quyền được sử dụng đất do cơ quan có thẩm quyền cấp trong quá trình thực hiện chính sách đất đai của Nhà nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. - Một trong các giấy tờ về quyền sử dụng đất do cơ quan có thẩm quyền thuộc chế độ cũ cấp cho người sử dụng đất, bao gồm: + Bằng khoán điền thổ. + Văn tự đoạn mãi bất động sản có chứng nhận của cơ quan thuộc chế độ cũ. + Văn tự mua bán nhà ở, tặng cho nhà ở, đổi nhà ở, thừa kế nhà ở mà gắn liền với đất ở có chứng nhận của cơ quan thuộc chế độ cũ. + Bản di chúc hoặc giấy thỏa thuận tương phân di sản về nhà ở được cơ quan thuộc chế độ cũ chứng nhận. + Giấy phép cho xây cất nhà ở. + Giấy phép hợp thức hóa kiến trúc của cơ quan thuộc chế độ cũ cấp. + Bản án của Tòa án thuộc chế độ cũ đã có hiệu lực thi hành; - GCN quyền sử dụng đất tạm thời được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp hoặc có tên trong Sổ đăng ký ruộng đất, Sổ địa chính. - Giấy tờ chuyển nhượng quyền sử dụng đất, mua bán nhà ở gắn liền với đất ở, nay được UBND cấp xã xác nhận đã sử dụng đất trước ngày 15/10/1993. - Sổ mục kê, sổ kiến điền lập trước 18/12/1980 mà có tên người sử dụng đất. - Một trong các giấy tờ được lập trong quá trình thực hiện đăng ký ruộng đất theo Chỉ thị 299/TTg, bao gồm: + Biên bản xét duyệt của Hội đồng đăng ký ruộng đất cấp xã xác định người đang sử dụng đất là hợp pháp. + Bản tổng hợp các trường hợp sử dụng đất hợp pháp do UBND cấp xã hoặc Hội đồng đăng ký ruộng đất cấp xã hoặc cơ quan quản lý đất đai cấp huyện, cấp tỉnh lập. + Đơn xin đăng ký quyền sử dụng ruộng đất. + Giấy tờ về việc chứng nhận đã đăng ký quyền sử dụng đất của UBND cấp xã, cấp huyện hoặc cấp tỉnh cấp cho người sử dụng đất. - Giấy tờ về việc kê khai, đăng ký nhà cửa được UBND cấp xã, cấp huyện hoặc cấp tỉnh xác nhận mà trong đó có ghi diện tích đất có nhà. - Giấy tờ của đơn vị quốc phòng giao đất cho cán bộ, chiến sĩ làm nhà ở theo Chỉ thị 282/CT-QP mà việc giao đất đó phù hợp với quy hoạch sử dụng đất làm nhà ở của cán bộ, chiến sĩ trong quy hoạch đất quốc phòng đã được phê duyệt tại thời điểm giao đất. - Dự án hoặc danh sách hoặc văn bản về việc di dân đi xây dựng khu kinh tế mới, di dân tái định cư được UBND cấp huyện, cấp tỉnh hoặc cơ quan có thẩm quyền phê duyệt mà có tên người sử dụng đất. - Giấy tờ có nội dung về quyền sở hữu nhà ở, công trình; giấy tờ về việc xây dựng, sửa chữa nhà ở, công trình được UBND cấp huyện, cấp tỉnh hoặc cơ quan quản lý nhà nước về nhà ở, xây dựng chứng nhận hoặc cho phép. - Giấy tờ tạm giao đất của UBND cấp huyện, cấp tỉnh; Đơn đề nghị được sử dụng đất được Ủy ban nhân dân cấp xã, hợp tác xã nông nghiệp phê duyệt, chấp thuận trước 01/7/1980 hoặc được UBND cấp huyện, cấp tỉnh phê duyệt, chấp thuận. - Giấy tờ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc giao đất cho cơ quan, tổ chức để bố trí đất cho cán bộ, công nhân viên tự làm nhà ở hoặc xây dựng nhà ở để phân hoặc cấp cho cán bộ, công nhân viên bằng vốn không thuộc ngân sách nhà nước hoặc do cán bộ, công nhân viên tự đóng góp xây dựng. - Giấy tờ khác về quyền sử dụng đất có trước 15/10/1993 do UBND cấp tỉnh quy định phù hợp với thực tiễn của địa phương. Theo đó, kể từ 01/8/2024, nếu thuộc một trong những trường hợp như đã nêu trên thì người dân sẽ được cấp sổ đỏ mà không cần nộp tiền sử dụng đất. (2) Thẩm quyền cấp sổ đỏ hiện nay được quy định như thế nào? Căn cứ Điều 136 Luật Đất đai 2024 có quy định về thẩm quyền cấp sổ đỏ như sau: - Thẩm quyền cấp GCN quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất lần đầu đối với các trường hợp đăng ký lần đầu mà có nhu cầu cấp GCN quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và trường hợp quy định tại điểm b khoản 7 Điều 219 Luật Đất đai 2024 được quy định như sau: + UBND cấp tỉnh cấp GCN quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất cho người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất quy định tại các khoản 1, 2, 5, 6 và 7 Điều 4 Luật Đất đai 2024. UBND cấp tỉnh được ủy quyền cho cơ quan có chức năng quản lý đất đai cùng cấp cấp GCN quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất đối với trường hợp nêu trên. + UBND cấp huyện cấp GCN quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất cho người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 4 Luật Đất đai 2024. - Thẩm quyền cấp GCN quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất, xác nhận thay đổi đối với trường hợp đăng ký biến động được quy định như sau: + Tổ chức đăng ký đất đai thực hiện cho người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất là tổ chức trong nước, tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài; cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất cho chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất là tổ chức nước ngoài, cá nhân nước ngoài. + Chi nhánh của tổ chức đăng ký đất đai hoặc tổ chức đăng ký đất đai thực hiện cho người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất là cá nhân, cộng đồng dân cư, người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài; + Tổ chức đăng ký đất đai, chi nhánh của tổ chức đăng ký đất đai được sử dụng con dấu của mình để thực hiện cấp GCN quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất hoặc xác nhận thay đổi vào GCN đã cấp. Theo đó, hiện nay, thẩm quyền cấp sổ đỏ được thực hiện theo quy định như đã nêu trên.
Từ 01/8/2024 có mẫu sổ đỏ mới thì sổ đỏ cũ còn dùng được không? Có phải đi đổi sổ đỏ mới không?
Hiện nay mẫu sổ đỏ mới từ ngày 01/8/2024 sẽ thực hiện theo mẫu tại Thông tư 10/2024/TT-BTNMT. Vậy các sổ đỏ cũ đã cấp trước ngày 01/8/2024 có phải đổi sang mẫu mới theo Thông tư 10 không? Từ 01/8/2024 có mẫu sổ đỏ mới thì sổ đỏ cũ còn dùng được không? Có phải đi đổi sổ đỏ mới không? Theo khoản 3, khoản 4 Điều 256 Luật Đất đai 2024 quy định - Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đã được cấp theo quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về nhà ở, pháp luật về xây dựng trước ngày 01/8/2024 vẫn có giá trị pháp lý và không phải cấp đổi sang Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất; Trường hợp có nhu cầu thì được cấp đổi sang Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo quy định của Luật Đất đai 2024 - Trường hợp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đã cấp cho đại diện hộ gia đình trước ngày 01/8/2024, nếu các thành viên có chung quyền sử dụng đất của hộ gia đình có nhu cầu thì được cấp đổi sang Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và ghi đầy đủ tên các thành viên có chung quyền sử dụng đất. Việc xác định các thành viên có chung quyền sử dụng đất của hộ gia đình để ghi tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất do các thành viên này tự thỏa thuận và chịu trách nhiệm trước pháp luật. Theo đó, sổ đỏ cũ đã cấp trước ngày 01/8/2024 vẫn còn được sử dụng và không phải đổi theo mẫu mới. Việc cấp đổi sổ đỏ cũ sang sổ đỏ mới được thực hiện khi có nhu cầu hoặc bị rách nát, hư hỏng, có biến động đất đai,... theo khoản 1 Điều 38 Nghị định 101/2024/NĐ-CP. Xem thêm: Thủ tục cấp đổi sổ đỏ cũ sang sổ mới từ 01/8/2024 Trên sổ đỏ mới có những thông tin gì? Theo Điều 29 Thông tư 10/2024/TT-BTNMT quy định Mẫu Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất sử dụng từ 01/8/2024 như sau: - Thiết kế: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất gồm một (01) tờ có hai (02) trang, in nền hoa văn trống đồng, màu hồng cánh sen, có kích thước 210 mm x 297 mm, có Quốc huy, Quốc hiệu, dòng chữ “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất”, số phát hành Giấy chứng nhận (số seri) gồm 02 chữ cái tiếng Việt và 08 chữ số, dòng chữ “Thông tin chi tiết được thể hiện tại mã QR”, số vào sổ cấp Giấy chứng nhận và nội dung lưu ý đối với người được cấp Giấy chứng nhận (được gọi là phôi Giấy chứng nhận). - Thông tin trong sổ đỏ: Mẫu Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất thể hiện các nội dung sau: + Trang 1 gồm: Quốc huy, Quốc hiệu; dòng chữ “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất” in màu đỏ; mã QR; mã Giấy chứng nhận; mục “1. Người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất:”; mục “2. Thông tin thửa đất:”; mục “3. Thông tin tài sản gắn liền với đất:”; địa danh, ngày tháng năm ký Giấy chứng nhận và cơ quan ký Giấy chứng nhận; số phát hành Giấy chứng nhận (số seri); dòng chữ “Thông tin chi tiết được thể hiện tại mã QR”; + Trang 2 gồm: Mục “4. Sơ đồ thửa đất, tài sản gắn liền với đất:”; mục “5. Ghi chú:”; mục “6. Những thay đổi sau khi cấp Giấy chứng nhận:”; số vào sổ cấp Giấy chứng nhận; nội dung lưu ý đối với người được cấp Giấy chứng nhận; - Mẫu sổ đỏ: Nội dung và hình thức thể hiện thông tin cụ thể trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất được thực hiện theo Mẫu số 04/ĐK-GCN của Phụ lục số 01 ban hành kèm theo Thông tư 10/2024/TT-BTNMT. Cụ thể mẫu như sau: Đổi sổ đỏ cũ sang sổ đỏ mới mất bao lâu? Theo khoản 3 Điều 22 Nghị định 101/2024/NĐ-CP về thời gian thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất. Trong đó trường hợp cấp đổi Giấy chứng nhận đã cấp thì thời gian thực hiện như sau: - Trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, e, g và h khoản 1 Điều 38 Nghị định 101/2024/NĐ-CP là không quá 05 ngày làm việc; - Trường hợp quy định tại điểm i khoản 1 Điều 38 Nghị định 101/2024/NĐ-CP là không quá 10 ngày làm việc, trừ trường hợp dưới đây. - Trường hợp cấp đổi đồng loạt cho nhiều người sử dụng đất do đo đạc lập bản đồ địa chính thì thời gian thực hiện theo dự án đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Như vậy, thủ tục đổi sổ đỏ cũ đã cấp trước ngày 01/8/2024 sang sổ đỏ mới sẽ được thực hiện trong vòng 5 ngày làm việc.
Chính thức đổi mẫu “sổ hồng, sổ đỏ” mới và điều chỉnh tên gọi từ 1/8
Mới đây, Bộ Tài Nguyên và Môi trường đã ban hành Thông tư 10/2024/TT-BTNMT có hiệu lực từ ngày 01/8/2024, chính thức điều chỉnh tên gọi và thay đổi mẫu sổ hồng, sổ đỏ mới. (1) Điều chỉnh tên gọi của sổ hồng, sổ đỏ Trước đây, người dân thường quen thuộc với hai loại giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà đất là sổ đỏ (Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) và sổ hồng (Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất). Tuy nhiên, kể từ ngày 1/8/2024, để thống nhất và đơn giản hóa thủ tục, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Thông tư 10/2024/TT-BTNMT chính thức áp dụng mẫu giấy chứng nhận mới, đó là "Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất". Mẫu giấy chứng nhận mới này sẽ thay thế hoàn toàn cho cả sổ đỏ và sổ hồng trước đây. (2) Chính thức đổi mẫu “sổ hồng, sổ đỏ” mới Điều 29 Thông tư 10/2024/TT-BTNMT quy định, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất có các đặc điểm sau đây: - Gồm 01 tờ, có 02 trang, in nền hoa văn trống đồng, màu hồng cánh sen - Kích thước 210 mm x 297 mm - Có Quốc huy, Quốc hiệu, dòng chữ “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất” - Có số phát hành Giấy chứng nhận (số seri) gồm 02 chữ cái tiếng Việt và 08 chữ số - Có dòng chữ “Thông tin chi tiết được thể hiện tại mã QR” - Có số vào sổ cấp Giấy chứng nhận và nội dung lưu ý đối với người được cấp Giấy chứng nhận Theo đó, các thông tin thể hiện trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất bao gồm: Trang 1: - Quốc huy, Quốc hiệu - Dòng chữ “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất” in màu đỏ - Mã QR - Mã Giấy chứng nhận - Mục “1. Người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất:” - Mục “2. Thông tin thửa đất:” - Mục “3. Thông tin tài sản gắn liền với đất:” - Địa danh, ngày tháng năm ký Giấy chứng nhận và cơ quan ký Giấy chứng nhận - Số phát hành Giấy chứng nhận (số seri) - Dòng chữ “Thông tin chi tiết được thể hiện tại mã QR” Trang 2: - Mục “4. Sơ đồ thửa đất, tài sản gắn liền với đất:” - Mục “5. Ghi chú:”; mục “6. Những thay đổi sau khi cấp Giấy chứng nhận:” - Số vào sổ cấp Giấy chứng nhận - Nội dung lưu ý đối với người được cấp Giấy chứng nhận Nội dung và hình thức thể hiện thông tin cụ thể trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất được thực hiện theo Mẫu số 04/ĐK-GCN (3) Mẫu giấy chứng nhận mới có gì khác so với mẫu cũ? Mẫu Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất mới có nhiều điểm khác biệt so với các mẫu sổ đỏ, sổ hồng trước đây. Đáng chú ý nhất là sự thống nhất về mẫu mã, giúp người dân dễ dàng nhận biết và quản lý. Theo đó, mẫu sổ đỏ mới chỉ còn 2 trang, thay vì 4 trang như trước đây. Tên gọi cũng đã được rút gọn lại còn 16 chữ là: "Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất". Trước đây, việc quản lý hai loại giấy chứng nhận khác nhau (sổ đỏ và sổ hồng) gây ra nhiều khó khăn trong công tác quản lý, thống kê và giao dịch. Việc thống nhất thành một mẫu giấy chứng nhận sẽ giúp đơn giản hóa các thủ tục hành chính. Đặc biệt, giấy chứng nhận mới đã loại bỏ mã vạch thay bằng tích hợp mã QR giúp người dân dễ dàng tra cứu thông tin về giấy chứng nhận của mình trên các ứng dụng di động hoặc trang web của cơ quan nhà nước, đồng thời tăng cường tính bảo mật, chống làm giả. Ngoài ra, nội dung thay đổi, biến động về đất sẽ được chuyển vào vị trí trang 02 của Giấy chứng nhận mới thay vì ở trang 04 như trước đây. Do đó, việc thay đổi mẫu sổ đỏ là một bước đi cần thiết để hiện đại hóa quản lý đất đai, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, đồng thời đảm bảo tính minh bạch, công khai và hiệu quả trong quản lý nhà nước về đất đai.
Hồ sơ cấp lại Sổ đỏ, sổ hồng đã cấp do bị mất từ ngày 01/8/2024
Nghị định 101/2024/NĐ-CP quy định về điều tra cơ bản đất đai; đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và hệ thống thông tin đất đai có hiệu lực từ ngày 01/8/2024. Trong đó thủ tục cấp lại Giấy chứng nhận đã cấp được quy định tại Điều 39. 1. Hồ sơ nộp khi thực hiện thủ tục cấp lại Giấy chứng nhận đã cấp bị mất Căn cứ tại khoản 1 Điều 39 Nghị định 101/2024/NĐ-CP quy định hồ sơ nộp khi thực hiện thủ tục cấp lại Giấy chứng nhận đã cấp bị mất như sau: Người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất nộp Đơn đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất theo Mẫu số 11/ĐK ban hành kèm theo Nghị định này đến cơ quan tiếp nhận hồ sơ quy định tại khoản 1 Điều 21 Nghị định 101/2024/NĐ-CP. Trường hợp cơ quan tiếp nhận hồ sơ quy định tại điểm a khoản 1 Điều 21 Nghị định 101/2024/NĐ-CP thì chuyển hồ sơ đến Văn phòng đăng ký đất đai. 2. Các công việc cần làm của Văn phòng đăng ký đất đai Căn cứ tại khoản 2 Điều 39 Nghị định 101/2024/NĐ-CP quy định về Văn phòng đăng ký đất đai thực hiện các công việc khi thực hiện thủ tục cấp lại Giấy chứng nhận đã cấp bị mất như sau: - Kiểm tra thông tin về Giấy chứng nhận đã cấp mà người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất khai báo bị mất trong hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai; - Trường hợp phát hiện thửa đất, tài sản gắn liền với đất được cấp Giấy chứng nhận đã được chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất hoặc đang thế chấp tại các tổ chức tín dụng, tổ chức kinh tế khác hoặc cá nhân theo quy định của pháp luật thì thông báo, trả lại hồ sơ cho người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất; - Trường hợp không thuộc quy định tại điểm b khoản này thì Văn phòng đăng ký đất đai chuyển thông tin đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất để thực hiện nội dung quy định tại khoản 3 Điều này đối với hộ gia đình, cá nhân; thực hiện đăng tin 03 lần trên phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương trong thời gian 15 ngày về việc mất Giấy chứng nhận đã cấp đối với tổ chức, người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài, chi phí đăng tin do người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất chi trả; - Thực hiện việc hủy Giấy chứng nhận đã cấp; cập nhật, chỉnh lý hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai sau khi đã thực hiện các nội dung quy định tại khoản 3 Điều này; cấp lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất cho người được cấp. Trường hợp Giấy chứng nhận đã cấp chưa sử dụng bản đồ địa chính hoặc trích đo bản đồ địa chính thửa đất thì thực hiện theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 37 của Nghị định này. 3. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã Căn cứ tại khoản 3 Điều 39 Nghị định 101/2024/NĐ-CP quy định về Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm thực hiện các công việc sau: - Niêm yết công khai về việc mất Giấy chứng nhận đã cấp tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã và điểm dân cư nơi có đất trong thời gian 15 ngày; đồng thời tiếp nhận phản ánh trong thời gian niêm yết công khai về việc mất Giấy chứng nhận đã cấp; - Trong thời hạn không quá 05 ngày kể từ ngày kết thúc thời gian niêm yết, Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm lập biên bản kết thúc niêm yết và gửi đến Văn phòng đăng ký đất đai. Lưu ý: Trường hợp Trang bổ sung của Giấy chứng nhận đã cấp theo quy định của pháp luật đất đai trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành bị mất thì người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất nộp Đơn đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất theo Mẫu số 11/ĐK ban hành kèm theo Nghị định này và bản gốc Giấy chứng nhận đã cấp. Văn phòng đăng ký đất đai kiểm tra thông tin của Trang bổ sung trong hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai; thực hiện cấp lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất với các thông tin cập nhật của Giấy chứng nhận đã cấp và thông tin trên Trang bổ sung. Theo đó, khi thực hiện thủ tục cấp lại Giấy chứng nhận đã cấp bị mất từ ngày 01/8/2024 thì người sử dụng đất cần thực hiện theo thủ tục mới quy định tại Nghị định 101/2024/NĐ-CP.
Những điểm đáng chú ý khi sang tên sổ đỏ từ 01/8
Tháng 08 sắp tới đây, hàng loạt các Luật về bất động sản sẽ chính thức có hiệu lực thi hành, trong đó có Luật Đất đai 2024. Bên cạnh những thay đổi như hộ gia đình sẽ không còn được nhận chuyển nhượng do không nằm trong danh sách về người sử dụng đất như trước đây. Hay bổ sung thêm đối tượng được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa là cá nhân/tổ chức kinh tế không trực tiếp sản xuất nông nghiệp cho phép cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa quá hạn mức thì phải thành lập tổ chức kinh tế và có phương án sử dụng đất trồng lúa và được UBND cấp huyện phê duyệt, trừ trường hợp người nhận tặng cho là người thuộc hàng thừa kế. Thì việc sang tên sổ đỏ kể từ ngày 01/8 sắp tới đây sẽ có khá nhiều thay đổi đáng chú ý. Cụ thể như sau. (1) Điều chỉnh điều kiện sang tên sổ đỏ từ 01/8 Cụ thể, tại Điểm đ Khoản 1 Điều 45 Luật Đất đai 2024 đã bổ sung thêm quy định quyền sử dụng đất không bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định của pháp luật. Trong đó, các biện pháp khẩn cấp tạm thời có thể kể đến như kê biên tài sản đang tranh chấp, cấm chuyển dịch quyền về tài sản đang tranh chấp, cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp, phong tỏa tài sản. Theo đó, điều kiện sang tên sổ đỏ từ 01/8 có một vài điều chỉnh được áp dụng với bên chuyển nhượng như sau: - Có sổ đỏ trừ trường hợp thừa kế, chuyển đổi đất nông nghiệp khi dồn điền, đổi thửa. - Không có tranh chấp hoặc có nhưng đã được giải quyết bởi cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, bản án có quyết định của tòa án, quyết định phán quyết của trọng tài đã có hiệu lực. - Quyền sử dụng đất không bị kê biên, áp dụng biện pháp khác để bảo đảm thi hành án dân sự. - Đang trong thời hạn sử dụng đất. - Quyền sử dụng đất không bị áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời. Còn đối với phía nhận chuyển nhượng, tại Khoản 8 Điều 45 Luật Đất đai 2024 quy định có 03 trường hợp mà không được nhận chuyển nhượng, cụ thể: - Không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất quy định như sau: + Tổ chức kinh tế không được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng của cá nhân, ngoại trừ trường hợp được chuyển mục đích theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. - Cá nhân không sinh sống trong khu vực rừng phòng hộ, rừng đặc dụng thì không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất ở và đất khác trong khu vực rừng phòng hộ, trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, phân khu phục hồi sinh thái thuộc rừng đặc dụng đó. - Tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư, tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài mà không được phép nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất. Theo đó, kể từ 01/8/2024, để sang tên sổ đỏ thì bên chuyển nhượng và bên nhận chuyển nhượng cần đáp ứng được đầy đủ những điều kiện như đã nêu trên. (2) Chi phí làm sổ đỏ sẽ tăng từ 01/8 Căn cứ Khoản 1 Điều 257 Luật Đất đai 2024 có quy định về giải quyết về tài chính đất đai, giá đất từ 01/8/2024 như sau: “Bảng giá đất do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành theo quy định của Luật Đất đai số 45/2013/QH13 được tiếp tục áp dụng đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2025; trường hợp cần thiết Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định điều chỉnh bảng giá đất theo quy định của Luật này cho phù hợp với tình hình thực tế về giá đất tại địa phương.” Theo đó, có thể thấy, từ ngày 01/1/2026 sẽ ban hành bảng giá đất mới theo nguyên tắc thị trường và điều chỉnh hàng năm. Có nghĩa là giá đất tại bảng giá đất sẽ sát với giá thị trường và không căn cứ theo khung giá tối thiểu, tối đa của Chính phủ như hiện nay. Mà các khoản tiền phải nộp khi làm sổ đỏ lần đầu có các khoản tiền được tính theo giá đất trên Bảng giá đất bao gồm: Tiền sử dụng đất, tiền thuê đất (nếu có), lệ phí trước bạ. Từ đó, mà chi phí làm sổ đỏ từ ngày 01/8/2024 có thể sẽ tăng theo. Xem chi tiết tại Luật Đất đai 2024 có hiệu lực thi hành từ 01/8/2024.
Có buộc phải ghi tên của cả 2 vợ chồng vào sổ đỏ từ 01/8?
Ngày 01/8 sắp tới đây, Luật Đất đai 2024 sẽ chính thức có hiệu lực thi hành. Vậy theo Luật mới thì có buộc phải ghi tên cả 2 vợ chồng vào sổ đỏ hay không? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết sau. (1) Có buộc phải ghi tên cả 2 vợ chồng vào sổ đỏ từ 01/8? Căn cứ Khoản 4 Điều 135 Luật Đất đai 2024 có quy định về nguyên tắc cấp GCN quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất như sau: Trường hợp quyền sử dụng đất hoặc quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất hoặc quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất là tài sản chung của vợ chồng thì phải: - Ghi cả họ, tên vợ và họ, tên chồng vào GCN quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất. Ngoại trừ trường hợp vợ và chồng có thỏa thuận ghi tên một người để đứng tên làm đại diện. Trường hợp quyền sử dụng đất hoặc quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất hoặc quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất là tài sản chung của vợ và chồng mà GCN quyền sử dụng đất, GCN quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, GCN quyền sở hữu nhà ở, GCN quyền sở hữu công trình xây dựng, GCN quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, GCN quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất đã cấp chỉ ghi họ, tên của vợ hoặc chồng thì được cấp đổi sang GCN có ghi cả họ, tên vợ và họ, tên chồng (nếu có yêu cầu). Đồng thời, tại Điều 34 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 cũng có nêu rõ, nếu nhà, đất là tài sản chung vợ chồng thì sổ đỏ phải có tên của cả hai vợ chồng trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Theo đó, nếu quyền sử dụng đất, sở hữu nhà ở là tài sản chung vợ chồng thì phải ghi cả họ và tên của vợ chồng vào sổ đỏ trừ trường hợp có thỏa thuận để một trong hai đứng tên đại diện. Còn trường hợp, sổ đỏ là tài sản chung của cả 2 vợ chồng mà chỉ ghi họ, tên người vợ hoặc chồng thì có thể yêu cầu cấp đổi sổ đỏ có cả tên của cả 2 chứ không có quy định bắt buộc người dân phải thực hiện thay đổi. (2) Hồ sơ đề nghị bổ sung tên của vợ, chồng vào sổ đỏ bao gồm những gì? Hiện theo Khoản 1 Điều 10 Thông tư 24/2014/TT-BTNMT thì hồ sơ cấp đổi Sổ đỏ bao gồm những giấy tờ như sau: - Đơn đề nghị cấp đổi Sổ đỏ theo mẫu số 10/ĐK. https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/07/13/mau-so-10-DK.doc Mẫu số 10/ĐK - Sổ đỏ (bản gốc). - Hợp đồng thế chấp (đối với trường hợp đất đang được thế chấp tại ngân hàng). Theo đó, sau khi đã chuẩn bị đầy đủ hồ sơ như đã nêu trên thì có thể tiến hành nộp tại: - Văn phòng đăng ký đất đai. - UBND cấp huyện trong trường hợp địa phương chưa thành lập Văn phòng đăng ký đất đai. Tại đây, nếu hồ sơ chưa đầy đủ, hợp lệ thì cán bộ tiếp nhận sẽ hướng dẫn sửa đổi, bổ sung trong thời hạn tối đa là 03 ngày, Trường hợp hồ sơ đầy đủ thì trả Phiếu tiếp nhận hồ sơ và tiến hành kiểm tra, lập hồ sơ trình cơ quan cấp Sổ đỏ, cập nhật, chỉnh lý hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai. Theo đó, sẽ trao sổ đỏ không quá 03 ngày làm việc kể từ ngày có kết quả và thời gian thực hiện sẽ không quá 07 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ hoặc không quá 17 ngày nếu ở các xã miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn.
Hợp đồng đặt cọc vô hiệu khi người nhận đặt cọc không đứng tên trên sổ đỏ?
Hợp đồng đặt cọc là hợp đồng thường xuyên được sử dụng để bảo đảm giao kết, thực hiện một hợp đồng khác. Vậy hợp đồng đặt cọc có vô hiệu khi người nhận đặt cọc không đứng tên trên sổ đỏ không? (1) Quy định của pháp luật về hợp đồng đặt cọc như thế nào? Theo Điều 328 Bộ Luật Dân sự 2015 quy định, đặt cọc là: Đặt cọc là việc một bên (sau đây gọi là bên đặt cọc) giao cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận đặt cọc) một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác (sau đây gọi chung là tài sản đặt cọc) trong một thời hạn để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng. Như vậy, hợp đồng đặt cọc là hợp đồng giao dịch dân sự, được giao kết bởi bên đặt cọc và bên nhận đặt cọc, việc đặt cọc nhằm mục đích đảm bảo thực hiện hợp đồng hoặc giao kết hợp đồng hoặc đôi khi là cả hai. Cũng theo quy định tại Điều 328 Bộ Luật Dân sự 2015, trường hợp hợp đồng được giao kết, thực hiện thì tài sản đặt cọc được trả lại cho bên đặt cọc hoặc được trừ để thực hiện nghĩa vụ trả tiền. Nếu bên đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì tài sản đặt cọc thuộc về bên nhận đặt cọc. Nếu bên nhận đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. (2) Hợp đồng đặt cọc có vô hiệu khi người nhận đặt cọc không đứng tên trên sổ đỏ không? Theo Điều 117 Bộ Luật Dân sự 2015, hợp đồng giao dịch dân sự sẽ có hiệu lực khi đáp ứng đủ các điều kiện sau: - Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập; - Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện; - Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội. Theo đó, năng lực pháp luật dân sự của chủ thể tham gia hợp đồng được quy định tại Điều 17 Bộ Luật Dân sự 2015 bao gồm: - Quyền nhân thân không gắn với tài sản và quyền nhân thân gắn với tài sản. - Quyền sở hữu, quyền thừa kế và quyền khác đối với tài sản. - Quyền tham gia quan hệ dân sự và có nghĩa vụ phát sinh từ quan hệ đó. Từ các quy định trên có thể hiểu, khi giao kết hợp đồng giao dịch dân sự (hợp đồng đặt cọc, hợp đồng chuyển nhượng,...), các chủ thể phải đảm bảo các quyền sở hữu, quyền thừa kế đối với tài sản là đối tượng của hợp đồng giao dịch dân sự đó. Do đó, khi giao kết hợp đồng đặt cọc mà người nhận đặt cọc chưa đứng tên trên sổ đỏ, tức là về mặt giấy tờ, người nhận đặt cọc chưa có quyền sở hữu đối với quyền sử dụng đất cho nên hợp đồng đặt cọc sẽ bị vô hiệu. Tuy nhiên, trên thực tế xét xử, có trường hợp người nhận đặt cọc không đứng tên sổ đỏ nhưng Tòa án vẫn tuyên bố hợp đồng không bị vô hiệu do nhiều yếu tố khác của vụ án. Như vậy, phụ thuộc vào tình tiết của vụ án, mà hợp đồng đặt cọc sẽ bị tuyên vô hiệu hoặc không vô hiệu khi người nhận đặt cọc không đứng tên trên sổ đỏ. (3) Một số ví dụ thực tế Ví dụ 1 Ông K nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất có diện tích 100m2 đứng tên bà M từ ông H. Ngày 07/10/2020, ông K (nguyên đơn) với ông H (bị đơn) ký kết hợp đồng đặt cọc để chuyển nhượng quyền sử dụng đất nêu trên với giá chuyển nhượng 1,2 tỉ đồng; phương thức thanh toán: Đặt cọc số tiền 100 triệu đồng, số tiền chuyển nhượng còn lại sẽ thanh toán khi ký kết hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại Văn phòng công chứng. Tại thời điểm đặt cọc, ông K đã được ông H cho xem giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên bà M cũng như thông tin đối với thửa đất mà hai bên thỏa thuận đặt cọc. Tuy biết ông H vừa đặt cọc mua đất của bà M và đang trong quá trình đổi sổ nhưng ông K vẫn đồng ý giao kết hợp đồng đặt cọc với ông H. Thời hạn thực hiện giao dịch tại Văn phòng công chứng trong vòng 03 tháng kể từ ngày ký hợp đồng đặt cọc. Sau khi ký hợp đồng đặt cọc, ông K đã giao cho ông H số tiền đặt cọc 100 triệu đồng và tại thời điểm ký kết hợp đồng đặt cọc thì ông H cam kết quyền sử dụng đất thỏa thuận chuyển nhượng không có tranh chấp, không quy hoạch và bao đổi sổ. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện hợp đồng, qua tìm hiểu thông tin quy hoạch trên Cổng thông tin điện tử tỉnh B, phía nguyên đơn phát hiện phần đất mình thỏa thuận chuyển nhượng nằm trong quy hoạch con đường chiếm hơn 2/3 diện tích đất. Sau khi phát hiện sự việc, nguyên đơn đã nhiều lần liên hệ ông H để yêu cầu hủy hợp đồng đặt cọc giữa hai bên đồng thời yêu cầu trả số tiền đặt cọc 100 triệu đồng đã nhận nhưng ông H không đồng ý. Nguyên đơn cho rằng, ông H đã vi phạm cam kết trong hợp đồng và tại thời điểm ký hợp đồng đặt cọc ông H không phải là chủ sử dụng đất nên ông H không có quyền ký kết hợp đồng đặt cọc để chuyển nhượng quyền sử dụng đất và yêu cầu hủy hợp đồng đặt cọc, bị đơn phải hoàn trả cho nguyên đơn số tiền đặt cọc 100 triệu đồng. Cơ quan tiến hành tố tụng cho rằng, hợp đồng đặt cọc giữa ông K và ông H vi phạm điều kiện về chủ thể (tại thời điểm ông H nhận đặt cọc của ông K thì quyền sử dụng đất do bà M đứng tên) nên vô hiệu và giải quyết hậu quả của hợp đồng vô hiệu, buộc ông H hoàn trả lại số tiền đặt cọc đã nhận cho ông K.. Ví dụ 2 Tương tự nội dung vụ án trên, khi người nhận đặt cọc (bên bán) chưa được đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lại “hứa bán” cho người khác, tuy nhiên cơ quan tiến hành tố tụng lại cho rằng hợp đồng đặt cọc không vô hiệu. Ngày 16/11/2020, nguyên đơn bà T và bị đơn ông L thỏa thuận ký hợp đồng đặt cọc về việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất đối với phần đất có diện tích 176m2 với giá chuyển nhượng là 495 triệu đồng. Nguyên đơn đặt cọc cho bị đơn 50 triệu đồng, còn lại 440 triệu đồng hẹn đến ngày ra Văn phòng công chứng để làm thủ tục chuyển nhượng thì giao hết. Đồng thời thỏa thuận nếu ngày ra văn phòng công chứng, bên A (ông L) không cung cấp giấy tờ liên quan về thửa đất hay bị tranh chấp, hoặc đổi ý không bán thì sẽ đền cọc gấp hai lần cho bên B (bà T); bên B không đúng hẹn theo thỏa thuận đặt cọc sẽ mất toàn bộ số tiền đặt cọc cho bên A. Trước khi ký kết hợp đồng đặt cọc thì bà T là người trực tiếp kiểm tra hiện trạng đất và xem xét thông tin bản photo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do ông Q đứng tên do ông L cung cấp nhưng bà T không có ý kiến phản đối. Mặt khác, trước đó, ngày 15/11/2020, thì vợ chồng ông Q đã đồng ý chuyển nhượng quyền sử dụng đất cùng với tài sản gắn liền với đất cho ông L thể hiện tại hợp đồng đặt cọc để đảm bảo thực hiện việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Tại khoản 2 Điều 5 của Hợp đồng thể hiện: “Sau khi ký hợp đồng này, bên B được phép đưa tài sản trên tham gia giao dịch mua bán”. Việc ông L chuyển nhượng lại phần đất trên cho bà H thì vợ chồng ông Q đều biết và đồng ý với giao dịch này. Đến trước ngày hẹn ra Văn phòng công chứng ký hợp đồng chuyển nhượng thì nguyên đơn khởi kiện yêu cầu tuyên bố hợp đồng đặt cọc về việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất vô hiệu, buộc bị đơn trả lại số tiền 50 triệu đồng cho nguyên đơn do phát hiện bị đơn chưa được cấp sổ đỏ đối với phần đất trên mà đang do ông Q đứng tên. Trong vụ án này, cơ quan tiến hành tố tụng nhận định rằng việc ông L nhận đặt cọc của bà T để đảm bảo việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất thì người đang đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là ông Q biết và trước đó ông Q cũng đã nhận đặt cọc của ông L, thỏa thuận sau khi ký hợp đồng đặt cọc thì ông L được quyền đưa tài sản tham gia giao dịch mua bán. Bà T cũng được ông L thông tin quyền sử dụng đất trên đang đứng tên ông Q và bà T không có ý kiến phản đối. Do đó, Tòa án đã không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà T về việc tuyên hợp đồng đặt cọc vô hiệu và buộc bị đơn hoàn trả lại số tiền đặt cọc đã nhận. >> Từ hai ví dụ trên, ta có thể thấy hợp đồng đặt cọc tuy là một hợp đồng thường xuyên được giao kết, mọi người thường nghĩ việc thực hiện hợp đồng đặt cọc sẽ khá là đơn giản. Thực tế, trong các vụ xét xử vẫn còn sự chưa thống nhất về nhận thức pháp luật, từ đó gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người tham gia giao dịch hợp đồng dân sự.
Từ ngày 01/01/2025 có thể kiểm tra Sổ đỏ bằng mã QR
Theo dự thảo Thông tư quy định về Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và hồ sơ địa chính được Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố mới đây, vào ngày 01/01/2025 thay vì mã vạch đang được sử dụng, người dân có thể kiểm tra sổ đỏ bằng mã QR. Tình trạng làm giả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đang rất phổ biến dẫn đến việc các loại sổ đỏ/sổ hồng giả đang xuất hiện rất nhiều. Thông thường, người dân muốn kiểm tra sổ đỏ thật hay giả sẽ dựa vào mã vạch được in trên sổ đỏ nhưng mã vạch truyền thống chỉ chưa được tối đa 20 ký tự và có rất nhiều loại ký tự gây khó khăn cho trong việc lưu trữ và kiểm tra. Chính vì thế, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đề xuất in mã QR trên góc phải thay cho mã vạch đang được sử dụng. Đây là một bước đổi mới quan trọng trong việc phục vụ công tác tra cứu thông tin, đồng thời ngăn ngừa việc làm giả giấy tờ. Theo Điều 17 của dự thảo Thông tư quy định về Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và hồ sơ địa chính được Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất đề cập đến mã QR trên sổ đỏ như sau: Mã QR của Giấy chứng nhận do cơ quan cấp Giấy chứng nhận in, để các đối tượng có liên quan tra cứu thông tin được in trên Giấy chứng nhận và thông tin phản hồi là như nhau, nhằm chống làm giả Giấy chứng nhận. Như vậy, người dân thay vì phải kiểm tra sổ đỏ bằng mã vạch truyền thống hay đến Văn phòng đăng ký đất đai thì sắp tới đây, người dân chỉ cần kiểm tra sổ đỏ thật giả bằng mã QR trên Giấy chứng nhận để quét xác thực tính pháp lý của Sổ đỏ. Thông thường trên sổ đỏ/sổ hồng chỉ có một mã vạch truyền thống, chứa tối đa 20 ký tự, được thể hiện bằng một dãy các vạch xếp liền nhau. Việc thay thế mã vạch bằng mã QR giúp kiểm tra tính pháp lý của Sổ đỏ thuận tiện hơn bởi vì người dân có thể trực tiếp sử dụng điện thoại cảm ứng để kiểm tra. Ngoài ra, dự thảo đề xuất thay đổi mẫu sổ đỏ/sổ hồng mới và xây dựng thêm các quy định về yếu tố chống làm giả (đặc điểm bảo an) trên phôi Giấy chứng nhận ( Điều 4 của dự thảo) Xem đầy đủ Dự thảo Thông tư quy định về Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và hồ sơ địa chính ngày 02/05/2024 tại đây: https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/05/13/du-%20thao-%20thong-tu-quy-%20dinh-ve-giay-chung-nhan-quyen-su-dung-dat.doc Xem cập nhật mới nhất tại: Dự thảo Thông tư quy định về Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và hồ sơ địa chính (2) Dự kiến mẫu sổ đỏ/sổ hồng mới nhất theo áp dụng từ 01/01/2025 Sổ đỏ/sổ hồng do Bộ Tài nguyên và Môi trường phát hành theo một mẫu thống nhất và được áp dụng trong phạm vi cả nước đối với mọi loại đất và tài sản khác gắn liền với đất ( Điều 3 của dự thảo) Một số điểm mới của sổ đỏ/sổ hồng theo Điều 3 của dự thảo như sau: Về kích thước: So với sổ đỏ/sổ hồng hiện nay gồm 04 trang với kích thước 190mm x 265mm thì sổ đỏ/sổ hồng được đề xuất sử dụng vào 01/01/2025 gồm một tờ có 02 trang in nền hoa văn trống đồng màu hồng cánh sen (được gọi là phôi Giấy chứng nhận), có kích thước 210 x 297 mm. Về tên gọi: Từ 01/01/2025, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất sẽ được đổi thành Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất. Xem thêm bài viết: Đề xuất mẫu SỔ HỒNG và SỔ ĐỎ mới? Cùng chung QSDĐ thì ghi trên sổ thế nào? Trang 01 của sổ đỏ/sổ hồng: Các thông tin trên trang 01 được quy định cụ thể tại khoản 1 Điều 3 dự thảo như sau: - Quốc hiệu. - Quốc huy. - Mã QR code. - Tên "Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất" in màu đỏ/ - Mục 1: Thông tin người sử dụng đất, chủ sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất. - Mục 2: Thông tin về thửa đất - Mục 3: Thông tin về tài sản gắn liền với đất - Mục 4: Ghi chú - Mục 5: Sơ đồ thửa đất - Địa danh, ngày tháng năm ký Giấy chứng nhận và cơ quan ký Giấy chứng nhận tại góc dưới cùng bên phải Trang 1 của Giấy chứng nhận. - Mục 6: Những thay đổi sau khi cấp Giấy chứng nhận - Số vào sổ cấp Giấy chứng nhận. (Ảnh minh họa trang 01) Thay vì mã vạch truyền thống, mã QR là điểm mới trên Giấy chứng nhận được in trên góc phải của sổ, dùng để giúp người dùng có thể tra cứu thông tin trên Giấy chứng nhận, tránh tình trạng sổ đỏ/sổ hồng bị làm giả. Hiện nay, trên trang 01 Giấy chứng nhận chỉ có Quốc hiệu, Quốc huy, tên Giấy chứng nhận, thông tin người sử dụng đất, chủ sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và số seri phát hành Giấy chứng nhận, dấu nổi của Bộ Tài nguyên môi trường. Theo dự thảo, bên cạnh những thông tin trên, trang 1 của Giấy chứng nhận sẽ bao gồm cả thông tin thửa đất, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (hiện tại nằm ở trang 2) và sơ đồ thửa đất (hiện tại nằm ở trang 3 của Giấy chứng nhận). Trang 02 của sổ đỏ/sổ hồng: Các thông tin trên trang 02 được quy định cụ thể tại khoản 2 Điều 3 dự thảo như sau: (Ảnh minh họa trang 02) Hiện nay trang 4 Giấy chứng nhận bao gồm những mục sẽ thay đổi sau khi cấp Giấy chứng nhận, các nội dung lưu ý và mã vạch sổ. Theo dự thảo, nội dung thay đổi sẽ được chuyển thành trang 02 của sổ đỏ/Sổ hồng. Như vậy, theo dự thảo được áp dụng vào 01/01/2025 sắp tới, sổ đỏ/sổ hồng gồm một tờ có 02 trang in nền hoa văn trống đồng màu hồng cánh sen với kích thước 210 x 297 mm và mã QR được in bên góc phải sổ. Xem thêm bài viết:Lỗi thường gặp khi bảo quản sổ hồng? Cách cấp đổi khi sổ hồng bị ố, nhòe, rách nát Tóm lại, từ ngày 01/01/2025, người dân có thể kiểm tra sổ đỏ/sổ hồng bằng mã QR thay vì mã vạch truyền thống hoặc tới Văn phòng đăng ký đất đai như trước kia. Ngoài ra, mẫu sổ đỏ sẽ có những thay đổi khác về nội dung, tên gọi, kích thước,...được Bộ Tài nguyên và Môi trường phát hành theo một mẫu thống nhất và được áp dụng trong phạm vi cả nước đối với mọi loại đất và tài sản khác gắn liền với đất. Xem đầy đủ Dự thảo Thông tư quy định về Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và hồ sơ địa chính ngày 02/05/2024 tại đây: https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/05/13/du-%20thao-%20thong-tu-quy-%20dinh-ve-giay-chung-nhan-quyen-su-dung-dat.doc Xem cập nhật mới nhất tại: Dự thảo Thông tư quy định về Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và hồ sơ địa chính
Vô tình làm cháy xém sổ đỏ, người dân có được cấp lại sổ mới không?
GCN quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất hay còn gọi là sổ đỏ là một loại giấy tờ quan trọng để chứng minh quyền sử dụng, quyền sở hữu tài sản đối với bất động sản và tài sản gắn liền với đất. Trường hợp sổ đỏ bị cháy xém, người dân có được cấp lại sổ mới không? Nếu lỡ vô tình làm cháy xém, rách hoặc hư hỏng sổ đỏ, người dân có quyền yêu cầu cấp lại sổ đỏ mới theo quy định điểm b Khoản 1 Điều 76 Nghị định 43/2014/NĐ-CP. Việc cấp đổi Giấy chứng nhận, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng đã cấp được thực hiện trong các trường hợp sau: - Người sử dụng đất có nhu cầu đổi Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng hoặc các loại Giấy chứng nhận đã cấp trước ngày 10/12/2009 sang loại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; - Giấy chứng nhận, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng đã cấp bị ố, nhòe, rách, hư hỏng; - Do đo đạc xác định lại diện tích, kích thước thửa đất - Trường hợp quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất là tài sản chung của vợ và chồng mà Giấy chứng nhận đã cấp chỉ ghi họ, tên của vợ hoặc của chồng, nay có yêu cầu cấp đổi Giấy chứng nhận để ghi cả họ, tên vợ và họ, tên chồng. Hồ sơ đề nghị cấp lại sổ đỏ bị cháy xém Theo khoản 1 Điều 10 Thông tư 24/2014/TT-BTNMT hồ sơ đề nghị cấp lại sổ đỏ bị cháy xem bao gồm: - Đơn đề nghị cấp đổi Giấy chứng nhận theo Mẫu số 10/ĐK - Bản gốc Giấy chứng nhận đã cấp >>Tải Đơn đề nghị cấp đổi Giấy chứng nhận theo Mẫu số 10/ĐK tại đâyhttps://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/05/09/M%E1%BA%ABu%20s%E1%BB%91%2010-%C4%90K.doc Thủ tục cấp lại sổ đỏ bị cháy xém như thế nào? Người dân chuẩn bị một bộ hồ sơ như trên và thực hiện theo trình tự sau đây: Bước 1: Nộp hồ sơ và hoàn thành nghĩa vụ tài chính Nộp hồ sơ tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện hoặc cơ quan tiếp nhận hồ sơ theo quy định của UBND cấp tỉnh. Hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư nộp hồ sơ tại UBND cấp xã nếu có nhu cầu. Bên cạnh đó, người dân có thể nộp hồ sơ trực tuyến thông qua Cổng dịch vụ công Quốc gia. Trường hợp nhận hồ sơ chưa đầy đủ, chưa hợp lệ thì trong thời gian tối đa 03 ngày, cơ quan tiếp nhận, xử lý hồ sơ sẽ thông báo và hướng dẫn người nộp hồ sơ bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ theo quy định. Nếu thực hiện việc nộp hồ sơ trực tuyến thì người dân sẽ được nhận thông báo và hướng dẫn trên thông qua tin nhắn SMS đến số điện thoại đã cung cấp. Người nộp hồ sơ có nghĩa vụ thực hiện tài chính đối với thủ tục cấp lại sổ đỏ bằng hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến thông qua chức năng thanh toán của Cổng dịch vụ công nếu nộp hồ sơ trực tuyến. Bước 2: Tiếp nhận hồ sơ - Cơ quan tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm ghi đầy đủ thông tin vào Sổ tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả và trao Phiếu tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả cho người nộp hồ sơ; chuyển hồ sơ tới Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện. - Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất có trách nhiệm: + Kiểm tra hồ sơ, xác nhận vào đơn đề nghị về lý do cấp đổi Giấy chứng nhận; + Lập hồ sơ trình cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; + Cập nhật, chỉnh lý hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai; Thời hạn thực hiện là không quá 07 ngày làm việc Bước 3: Nhận lại sổ đỏ mới Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất trao Giấy chứng nhận cho người được cấp hoặc gửi UBND cấp xã để trao đổi với trường hợp nộp hồ sơ tại cấp xã. Kết quả giải quyết thủ tục hành chính phải trả cho người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất trong thời hạn không quá 03 ngày làm việc kể từ ngày có kết quả giải quyết. Như vậy, khi sổ đỏ bị cháy xém, người dân thực hiện thủ tục cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo trình tự như trên để được cấp lại sổ đỏ mới.
Đề xuất cách ghi thông tin căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ vào mẫu sổ đỏ, sổ hồng mới
Bộ Tài Nguyên và Môi trường đang dự thảo Thông tư quy định về Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và hồ sơ địa chính. (1) Nội dung được thể hiện trên sổ đỏ, sổ hồng theo mẫu mới là gì? Dự thảo Thông tư quy định về Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ), quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và hồ sơ địa chính có các điểm nổi bật như đề xuất mẫu sổ đỏ, sổ hồng mới và cách ghi các thông tin vào sổ đỏ, sổ hồng. Theo Dự thảo Thông tư, Giấy chứng nhận QSDĐ theo mẫu mới bao gồm 2 trang , in nền hoa văn trống đồng màu hồng cánh sen ), có kích thước 210 x 297 mm. Các nội dung được thể hiện trên Giấy chứng nhận QSDĐ được quy định tại Điều 3 Dự thảo Thông tư như sau: Trang 1 của Giấy chứng nhận gồm các nội dung: - Quốc hiệu; - Quốc huy; - Mã QR code; - Tên “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất” in màu đỏ; - Mục “1. Người sử dụng đất, chủ sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất”; - Mục “2. Thông tin thửa đất”; - Mục “3. Thông tin tài sản gắn liền với đất”; - Mục “4. Ghi chú”; - Mục “5. Sơ đồ thửa đất”; - Địa danh, ngày tháng năm ký Giấy chứng nhận và cơ quan ký Giấy chứng nhận tại góc dưới cùng bên phải Trang 1 của Giấy chứng nhận; - Nội dung lưu ý đối với người được cấp Giấy chứng nhận. Trang 2 của Giấy chứng nhận gồm các nội dung: - Mục “6. Những thay đổi sau khi cấp Giấy chứng nhận:”; - Số vào sổ cấp Giấy chứng nhận. Xem và tải: Dự thảo Thông tư quy định về Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và hồ sơ địa chính https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/05/04/duthao_thongtugiaychungnhan_hosodiachinh.docx (2) Đề xuất cách ghi thông tin căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ vào sổ đỏ, sổ hồng Thông tin tài sản gắn liền với đất được thể hiện tại "Mục 3" tại trang 1 của Giấy chứng nhận QSDĐ. Theo đó Dự thảo Thông tư đã đề xuất cách ghi thông tin căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ là tài sản liền với đất vào sổ đỏ, sổ hồng tại khoản 1 và khoản 2 Điều 7 như sau: Đối với tài sản gắn liền với đất là nhà ở riêng lẻ - Loại nhà ở: ghi loại nhà ở cụ thể theo quy định của pháp luật về nhà ở Ví dụ: “Nhà ở riêng lẻ”; “Nhà biệt thự”; - Diện tích xây dựng: ghi diện tích mặt bằng chiếm đất của nhà ở tại vị trí tiếp xúc với mặt đất theo mép ngoài tường bao của nhà, bằng số Ả Rập, theo đơn vị mét vuông, được làm tròn số đến một chữ số thập phân; - Diện tích sàn: ghi bằng số Ả Rập theo đơn vị mét vuông, được làm tròn số đến một chữ số thập phân. Đối với nhà ở một tầng thì ghi diện tích mặt bằng sàn xây dựng của nhà đó. Đối với nhà ở nhiều tầng thì ghi tổng diện tích mặt bằng sàn xây dựng của các tầng; - Hình thức sở hữu: ghi “Sở hữu riêng” đối với trường hợp nhà ở thuộc sở hữu của một chủ; ghi “Sở hữu chung” đối với trường hợp nhà ở thuộc sở hữu chung của nhiều chủ; trường hợp nhà ở có phần sở hữu riêng và có phần sở hữu chung thì ghi lần lượt từng hình thức sở hữu và diện tích kèm theo. Ví dụ: “Sở hữu riêng 50m2; sở hữu chung 20m2”; - Cấp (hạng) nhà ở: xác định và ghi theo quy định phân cấp nhà ở của của pháp luật về nhà ở, pháp luật về xây dựng; - Thời hạn được sở hữu ghi đối với các trường hợp như sau: + Trường hợp mua nhà ở có thời hạn theo quy định của pháp luật về nhà ở thì ghi ngày tháng năm hết hạn được sở hữu theo hợp đồng mua bán hoặc theo quy định của pháp luật về nhà ở; + Trường hợp được sở hữu nhà ở trên đất thuê, mượn của người sử dụng đất khác thì ghi ngày tháng năm kết thúc thời hạn thuê, mượn; + Các trường hợp còn lại không xác định thời hạn và ghi bằng dấu “-/-”. Đối với tài sản gắn liền với đất là căn hộ chung cư - Loại nhà ở: ghi “Căn hộ chung cư số…”; - Tên nhà chung cư: ghi tên hoặc số hiệu của nhà chung cư, nhà hỗn hợp theo dự án đầu tư hoặc thiết kế, quy hoạch được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; - Diện tích sàn: ghi diện tích sàn xây dựng căn hộ, diện tích sử dụng căn hộ theo hợp đồng mua bán căn hộ và phù hợp với quy định của pháp luật về nhà ở; - Hình thức sở hữu: ghi “Sở hữu riêng” đối với trường hợp căn hộ thuộc sở hữu của một chủ; ghi “Sở hữu chung” đối với trường hợp căn hộ thuộc sở hữu chung của nhiều chủ; trường hợp căn hộ có phần sở hữu riêng và có phần sở hữu chung thì ghi lần lượt từng hình thức sở hữu và diện tích kèm theo. Ví dụ: “Sở hữu riêng 50m2; sở hữu chung 20m2”; - Thời hạn được sở hữu ghi đối với các trường hợp như sau: + Trường hợp mua căn hộ chung cư có thời hạn theo quy định của pháp luật về nhà ở thì ghi ngày tháng năm hết hạn được sở hữu theo hợp đồng mua bán hoặc theo quy định của pháp luật về nhà ở; + Các trường hợp còn lại không xác định thời hạn và ghi bằng dấu “-/-”; - Hạng mục được sở hữu chung ngoài căn hộ: ghi tên từng hạng mục ngoài căn hộ chung cư và diện tích kèm theo (nếu có) mà chủ sở hữu căn hộ có quyền sở hữu chung với các chủ căn hộ khác theo hợp đồng mua, bán căn hộ đã ký.. Tại các mục ghi về tài sản gắn liền với đất trên Trang 1 của sổ đỏ, sổ hồng, ghi dấu “-/-” khi có các trường hợp sau đây: - Tại thời điểm cấp sổ đỏ, sổ hồng mà thửa đất không có tài sản gắn liền với đất - Có tài sản gắn liền với đất nhưng người sử dụng đất chưa có nhu cầu chứng nhận quyền sở hữu tài sản - Có tài sản gắn liền với đất thuộc quyền sở hữu của người khác - Có đề nghị chứng nhận quyền sở hữu tài sản nhưng không đủ điều kiện chứng nhận Trên đây là một số nội dung nổi bật trong Dự thảo Thông tư quy định về Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và hồ sơ địa chính. Xem và tải: Dự thảo Thông tư quy định về Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và hồ sơ địa chính https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/05/04/duthao_thongtugiaychungnhan_hosodiachinh.docx
Luật Đất đai 2024 có cho phép cầm sổ đỏ không chính chủ không?
Sắp tới đây Luật Đất đai 2024 sẽ có hiệu lực từ ngày 01/8/2024 với nhiều quy định mới về đất đai và tài sản gắn liền với đất. Vậy, theo quy định mới, có được cầm sổ đỏ không chính chủ không? Nếu cầm sổ đỏ không chính chủ có bị phạt không? Có được cầm sổ đỏ không? Sổ đỏ là gì? Hiện nay, không có văn bản nào quy định về khái niệm sổ đỏ. Sổ đỏ là thuật ngữ được sử dụng để gọi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, dựa vào màu sắc bên ngoài của Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (màu đỏ). Trước ngày 10/12/2009 Nhà nước ban hành 2 loại giấy chứng nhận như sau: - Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, có bìa màu đỏ nên hay gọi là sổ đỏ được Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành (sổ đỏ). - Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, có bìa màu hồng nên hay gọi là sổ hồng được Bộ Xây dựng ban hành (sổ hồng). Sau ngày 10/12/2009, khi Nghị định 88/2009/NĐ-CP có hiệu lực. Hai loại sổ này được gọi là Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất được áp dụng trong phạm vi cả nước đối với mọi loại đất, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (Mặc dù Nghị định 88/2009/NĐ-CP đã được thay thế bởi Nghị định 43/2014/NĐ-CP nhưng quy định này vẫn giữ nguyên cho đến nay) . Cụ thể Luật Đất đai 2013 quy định: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất. Nay Luật Đất đai 2024 (có hiệu lực từ ngày 01/8/2024) quy định: - Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất. - Tài sản gắn liền với đất được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất là nhà ở, công trình xây dựng gắn liền với đất theo quy định của pháp luật. - Giấy chứng nhận về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của các luật có liên quan được thực hiện theo quy định Luật Đất đai 2024 có giá trị pháp lý tương đương như Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất tại Luật Đất đai 2024. Đồng thời Điều 105 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về tài sản thì tài sản là: - Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản. - Tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai. Như vậy, dù theo Luật Đất đai 2013 hay Luật Đất đai 2024, sổ đỏ không phải là tài sản mà là một loại chứng thư pháp lý để thể hiện quyền tài sản. Có được cầm sổ đỏ không? Theo Điều 309 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: Cầm cố tài sản là việc một bên (sau đây gọi là bên cầm cố) giao tài sản thuộc quyền sở hữu của mình cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận cầm cố) để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ. Như vậy, căn cứ vào các quy định pháp luật nêu trên, sổ đỏ không phải là tài sản mà là chứng thư pháp lý. Do không phải là tài sản nên không thể cầm cố. Có được phép cầm sổ đỏ không chính chủ không? Theo như đã phân tích, không thể thực hiện cầm cố đối với sổ đỏ theo quy định pháp luật. Và đương nhiên, cầm sổ đỏ không chính chủ cũng là hành vi vi phạm pháp luật. Tuy nhiên trên thực tế, nhiều người vẫn chấp nhận nhận cầm cố bằng sổ đỏ, tuy nhiên bản chất giao dịch này được xem là giao dịch thế chấp quyền sử dụng đất. Theo Điều 317 Bộ luật Dân sự 2015, thế chấp tài sản là việc một bên (sau đây gọi là bên thế chấp) dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và không giao tài sản cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận thế chấp). Tài sản thế chấp do bên thế chấp giữ. Các bên có thể thỏa thuận giao cho người thứ ba giữ tài sản thế chấp. Như vậy, hành vi tự ý lấy sổ đỏ không phải của mình (không chính chủ) để thế chấp được xem là hành vi vi phạm pháp luật, bởi lẽ khi thực hiện giao dịch thế chấp tài sản, bên thế chấp phải dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ. Nếu sử dụng sổ đỏ không chính chủ dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ (thế chấp sổ đỏ) thì cần có sự cho phép, ủy quyền của chủ sở hữu. Cầm sổ đỏ không chính chủ bị xử lý thế nào? Theo Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định về vi phạm quy định về gây thiệt hại đến tài sản của tổ chức, cá nhân khác. Trong đó, phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng, mua, bán, thế chấp, cầm cố trái phép hoặc chiếm giữ tài sản của người khác. Đồng thời buộc trả lại tài sản do chiếm giữ trái phép đối với hành vi vi phạm. Như vậy, dù cho cầm cố hay thế chấp mà đó không phải là tài sản chính chủ thì đều bị xử phạt từ 3 - 5 triệu đồng và phải trả lại sổ đỏ đã chiếm giữ trái phép. Sổ đỏ đã bị cầm có được xin cấp lại không? Theo Điều 77 Nghị định 43/2014/NĐ-CP quy định về cấp lại Giấy chứng nhận, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng do bị mất: Hộ gia đình và cá nhân, cộng đồng dân cư phải khai báo với Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất về việc bị mất Giấy chứng nhận, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng, Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm niêm yết thông báo mất Giấy chứng nhận tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã, trừ trường hợp mất giấy do thiên tai, hỏa hoạn. Theo đó, chỉ được cấp lại sổ đỏ khi bị mất, quy định hiện hành không đề cập đến việc cấp lại sổ đỏ khi đã mang đi cầm cố. Trường hợp này nếu muốn lấy lại sổ đỏ trả cho chính chủ thì bên cầm cố có thể khởi kiện yêu cầu bên nhận cầm cố trả lại sổ đỏ. Do việc cầm cố sổ đỏ là giao dịch không được pháp luật công nhận nên trường hợp xảy ra tranh chấp thì giao dịch cầm cố này có thể được Tòa án tuyên bố vô hiệu và các bên có nghĩa vụ hoàn trả cho nhau những gì đã nhận. Xem thêm: Luật Đất đai 2024 có hiệu lực từ 01/8/2024.
Sổ đỏ không đúng diện tích thực tế thì phải làm gì?
Tôi hiên nay đang ở nhà đất mặt đường tỉnh lộ 16 thuộc xã Phù lỗ, h. sóc sơn, TP hà nội xin hỏi tư vấn pháp luật như sau: Nhà tôi có diện tích thật lớn hơn diện tích trên sổ đỏ là 150m2/ 116m2. đứng tên có mình vợ tôi, nay tôi muốn đính chính hoặc làm lại sổ đỏ thì cần các thủ tục pháp lý gì, nộp những loại thuế, phí gì và có phải ghi tên của hai vợ chồng vào không khi đính chính hoặc làm sổ đỏ mới.
Luật Đất đai 2024: Khi nào người dân sẽ bị thu hồi sổ đỏ?
Theo quy định của Luật Đất đai 2024 có hiệu lực từ 01/8/2024, các trường hợp nào người dân sẽ bị thu hồi sổ đỏ (Giấy chứng nhận QSDĐ)? Quy định này có gì khác biệt so với Luật Đất đai 2013 hiện hành? Bài viết sau đây sẽ giải đáp các vấn đề trên. Các trường hợp người dân bị thu hồi sổ đỏ theo Luật Đất đai 2024 Theo Khoản 2 Điều 152 Luật Đất đai 2024, Nhà nước thu hồi giấy chứng nhận đã cấp trong những trường hợp sau đây: Trường hợp 1: Nhà nước thu hồi toàn bộ diện tích đất ghi trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất đã cấp; Quy định này tương tự so với quy định hiện hành, tuy nhiên đối tượng bị thu hồi được quy định chi tiết hơn, cụ thể: - Giấy chứng nhận theo Luật Đất đai 2013 chỉ bao gồm Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất - Giấy chứng nhận theo Luật Đất đai 2024 ngoài loại trên còn các loại như: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất đã cấp; Trường hợp 2: Cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất đã cấp; Quy định này cũng tương tự so với Luật Đất đai 2013, tuy nhiên phần đối tượng cũng được mở rộng hơn như đã phân tích. Trường hợp 3: Người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất mà phải cấp mới Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất; Quy định này vẫn giữ nguyên so với Luật Đất đai 2013. Trường hợp 4: Giấy chứng nhận đã cấp không đúng thẩm quyền, không đúng đối tượng sử dụng đất, không đúng diện tích đất, không đủ điều kiện được cấp, không đúng mục đích sử dụng đất hoặc thời hạn sử dụng đất hoặc nguồn gốc sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai tại thời điểm cấp giấy chứng nhận; Quy định này so với quy định hiện hành có sự khác biệt, cụ thể: - Theo Luật Đất đai 2013 quy định Nhà nước sẽ thu hồi khi Giấy chứng nhận đã cấp không đúng các tiêu chí trên, trừ trường hợp người được cấp Giấy chứng nhận đó đã thực hiện chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo quy định của pháp luật đất đai, không nhắc tới thời điểm xác định. - Theo Luật Đất đai 2024, Nhà nước sẽ thu hồi khi Giấy chứng nhận được cấp không đúng các tiêu chí trên, tuy nhiên thời điểm xác định các tiêu chí là thời điểm cấp giấy chứng nhận. Có thể thấy, việc xác định thời điểm theo Luật Đất đai 2024 sẽ bao quát hơn, bao gồm luôn cả trường hợp loại trừ của Luật Đất đai 2013. Trường hợp 5: Giấy chứng nhận đã cấp bị Tòa án có thẩm quyền tuyên hủy; Trường hợp 6: Trường hợp đấu giá, giao quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất theo yêu cầu của Tòa án, cơ quan thi hành án mà người phải thi hành án không nộp giấy chứng nhận đã cấp. Hai trường hợp 5 và 6 này hoàn toàn mới so với Luật Đất đai 2013. Như vậy, có thể thấy các trường hợp thu hồi sổ đỏ (giấy chứng nhận QSDĐ) tại Luật Đất đai 2024 so với quy định Luật đất đai 2013 hiện hành có sự thay đổi, bao quát hầu hết các trường hợp thu hồi theo quy định hiện hành và nhằm hoàn thiện, rõ ràng hóa các quy định pháp lý liên quan đến việc thu hồi sổ đỏ. Khi nào phải đính chính sổ đỏ theo Luật Đất đai 2024? Theo Khoản 1 Điều 152 Luật Đất đai 2024, Cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất quy định tại Điều 136 Luật Đất đai 2024 có trách nhiệm đính chính giấy chứng nhận đã cấp có sai sót trong các trường hợp sau đây: - Có sai sót thông tin của người được cấp giấy chứng nhận so với thông tin tại thời điểm đính chính; - Có sai sót thông tin về thửa đất, tài sản gắn liền với đất so với hồ sơ kê khai đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất đã được tổ chức đăng ký đất đai kiểm tra xác nhận hoặc được thể hiện trong văn bản có hiệu lực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về giải quyết tranh chấp đất đai. Như vậy, sổ đỏ (giấy chứng nhận QSDĐ) sẽ được cơ quan Nhà nước đính chính trong các trường hợp trên. Ai có thẩm quyền cấp sổ đỏ? Theo Điều 136 Luật Đất đai 2024 thẩm quyền cấp sổ đỏ (Giấy chứng nhận QSDĐ) như sau: Đăng ký lần đầu Thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất lần đầu đối với các trường hợp đăng ký lần đầu mà có nhu cầu cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và trường hợp cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo phương án góp quyền sử dụng đất, điều chỉnh lại đất đai được phê duyệt được quy định như sau: - Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất cho người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất bao gồm: Tổ chức trong nước; Tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc; Tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao; Người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài; Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được ủy quyền cho cơ quan có chức năng quản lý đất đai cùng cấp cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất đối với trường hợp này; - Ủy ban nhân dân cấp huyện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất cho người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất bao gồm: Cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam; Cộng đồng dân cư. Đăng ký biến động Thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất, xác nhận thay đổi đối với trường hợp đăng ký biến động được quy định như sau: - Tổ chức đăng ký đất đai thực hiện cho người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất là tổ chức trong nước, tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài; cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất cho chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất là tổ chức nước ngoài, cá nhân nước ngoài; - Chi nhánh của tổ chức đăng ký đất đai hoặc tổ chức đăng ký đất đai thực hiện cho người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất là cá nhân, cộng đồng dân cư, người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài; - Tổ chức đăng ký đất đai, chi nhánh của tổ chức đăng ký đất đai được sử dụng con dấu của mình để thực hiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất hoặc xác nhận thay đổi vào giấy chứng nhận đã cấp. Như vậy, thẩm quyền cấp sổ đỏ sẽ được chia thành hai trường hợp, đối với đăng ký lần đầu và đối với đăng ký biến động đất đai. Xem thêm các quy định mới tại: Luật Đất đai 2024 có hiệu lực từ 01/8/2024
Hướng dẫn thủ tục cấp sổ đỏ cho người đã đăng ký lần đầu online chi tiết nhất
Hướng dẫn các thủ tục, thành phần hồ sơ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất (sổ đỏ) online cho người đã đăng ký lần đầu chi tiết nhất. (1) Căn cứ thực hiện Theo khoản 7 Điều 1 Nghị định 10/2023/NĐ-CP sửa đổi đã bổ sung điểm mới “Thực hiện thủ tục hành chính về đất đai trên môi trường điện tử”, đánh dấu việc người dân có thể thực hiện các thủ tục đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất bằng hình thức online. Từ ngày 20/5/2023, người dân có thể thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai trên Cổng dịch vụ công. Ngoài ra, tại khoản 3 Điều 131 Luật Đất đai 2024 mới nhất có quy định rõ: "Đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất bao gồm đăng ký lần đầu và đăng ký biến động, được thực hiện bằng hình thức đăng ký trên giấy hoặc đăng ký điện tử và có giá trị pháp lý như nhau." Theo quy định của pháp luật, người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất đã kê khai đăng ký được ghi vào Sổ địa chính, được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất nếu có nhu cầu và có đủ điều kiện (khoản 5 Điều 95 Luật Đất đai 2013 và khoản 5 Điều 70 Nghị Định 43/2014/NĐ-CP). Dưới đây là hướng dẫn chi tiết thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất cho người đã đăng ký lần đầu online chi tiết nhất. (2) Hồ sơ cần chuẩn bị những gì? Để thực hiện thủ tục cấp sổ đỏ cho người đã đăng ký lần đầu trên môi trường điện tử, người dân cần chuẩn bị 1 Đơn đăng ký cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo Mẫu số 04/ĐK Tải Mẫu số 04/ĐKhttps://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/04/08/M%E1%BA%ABu%20s%E1%BB%91%2004.DK-H.doc (3) Các bước nộp hồ sơ tại Cổng dịch vụ công Quốc gia Sau khi tải và điền đầy đủ thông tin vào Mẫu số 04/ĐK, bạn thực hiện các bước sau đây để làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất cho người đã đăng ký lần đầu trên Cổng dịch vụ công Quốc gia. Bước 1: - Truy cập vào trang web Cổng dịch vụ công Quốc gia https://dichvucong.gov.vn/p/home/dvc-trang-chu.html - Đăng nhập vào hệ thống hoặc Đăng ký nếu chưa có tài khoản Bước 2: - Tại thanh tìm kiếm, nhập “cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất” - Chọn mục “Cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người đã đăng ký quyền sử dụng đất lần đầu” - Chọn Tỉnh/Thành phố có đất để thực hiện thủ tục, sau khi chọn xong bấm “Nộp trực tuyến” Bước 3: - Điền thông tin vào biểu mẫu - Số điện thoại bạn nhập vào sẽ là số điện thoại nhận thông báo về hồ sơ thông qua SMS Bước 4: - Tải lên file Đơn đăng ký cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo Mẫu số 04/ĐK mà bạn đã điền vào trước đó và một số hồ sơ kèm theo khác (nếu có) Tải Mẫu số 04/ĐKhttps://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/04/08/M%E1%BA%ABu%20s%E1%BB%91%2004.DK-H.doc - Bấm nộp hồ sơ (4) Quy trình giải quyết hồ sơ Căn cứ điều kiện cụ thể về hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai đang quản lý, cơ quan tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính về đất đai quy định tại Điều 60 của Nghị định 43/2014/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 7 Điều 1 của Nghị định 10/2023/NĐ-CP) có trách nhiệm tổ chức việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử theo quy định của Chính phủ. Quy trình giải quyết hồ sơ gồm 3 bước: Bước 1: - Người sử dụng đất nộp hồ sơ tại Văn phòng đăng ký đất đai hoặc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai hoặc cơ quan tiếp nhận hồ sơ theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc địa điểm theo nhu cầu đối với những địa phương mà Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đã ban hành quy chế tiếp nhận, luân chuyển hồ sơ, giải quyết và trả kết quả giải quyết thủ tục theo nhu cầu về địa điểm hoặc trên môi trường điện tử. - Hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư nộp hồ sơ tại Ủy ban nhân dân cấp xã nếu có nhu cầu. Bước 2: - Cơ quan tiếp nhận, giải quyết hồ sơ có trách nhiệm thực hiện các trình tự, thủ tục hành chính về đất đai theo quy định của pháp luật về đất đai; trường hợp cần phải kiểm tra, xác minh làm rõ hoặc do nguyên nhân khác mà không trả kết quả giải quyết hồ sơ theo đúng quy định về thời gian giải quyết thủ tục hành chính về đất đai thì cơ quan tiếp nhận hồ sơ, giải quyết thủ tục gửi thông báo bằng văn bản hoặc qua Cổng dịch vụ công hoặc qua tin nhắn SMS cho người yêu cầu, trong đó nêu rõ lý do. - Người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất có trách nhiệm hoàn thành nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật bằng hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến thông qua chức năng thanh toán của Cổng dịch vụ công. - Thời hạn thực hiện không quá 30 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Thời gian này không tính thời gian các ngày nghỉ, ngày lễ theo quy định của pháp luật; không tính thời gian tiếp nhận hồ sơ tại xã, thời gian thực hiện nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất; không tính thời gian xem xét xử lý đối với trường hợp sử dụng đất có vi phạm pháp luật, thời gian trưng cầu giám định. - Đối với các xã miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì thời gian thực hiện được tăng thêm 10 ngày. Bước 3: - Kết quả giải quyết thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất cho người đã đăng ký đất lần đầu được trả cho người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất trong thời hạn không quá 03 ngày làm việc kể từ ngày có kết quả giải quyết. - Đối với những địa phương mà Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đã ban hành quy chế tiếp nhận, luân chuyển hồ sơ, giải quyết và trả kết quả giải quyết thủ tục theo nhu cầu về thời gian thì thời gian giải quyết thủ tục được thực hiện theo thỏa thuận giữa người có nhu cầu và Văn phòng đăng ký đất đai, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai nhưng không quá thời gian thực hiện thủ tục do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định. Trên đây là hướng dẫn chi tiết và đơn giản nhất về thủ tục và quy trình cấp sổ đỏ lần đầu online. Chúc bạn thực hiện thủ tục thành công.
Ông bà tặng bất động sản, cháu có được đứng tên sổ hồng, sổ đỏ không?
Một trẻ em được sinh ra đời là niềm vui và hạnh phúc của một gia đình. Nhiều gia đình yêu thương con, ông bà yêu thương cháu đã không tiếc khi tặng con cháu mình nhiều tài sản có giá như tiền, nhà cửa, quyền sử dụng đất,...Tiền thì còn có thể để dành ống heo, đưa ba mẹ giữ, còn đất đai, nhà cửa thể hiện quyền sở hữu trên sổ hồng, sổ đỏ thì thế nào? Trẻ em có được đứng tên sổ hồng, sổ đỏ không? (1) Trẻ em có được công nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất không? Theo quy định tại Điều 134 Luật Đất đai 2024, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất hay còn gọi là sổ đỏ, sổ hồng là: - Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất được cấp cho người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, quyền sở hữu công trình xây dựng gắn liền với đất theo mẫu thống nhất trong cả nước. - Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất. Cũng theo khoản 1 Điều 5 Thông tư 23/2014/TT-BTNMT, sửa đổi bởi khoản 1 Điều 1 Thông tư 14/2023, quy định về thông tin của người sử dụng đất tại trang 1 của giấy chứng nhận là: - Cá nhân trong nước thì ghi “Ông” (hoặc “Bà”), sau đó ghi họ tên, năm sinh, tên và số giấy tờ nhân thân (nếu có), địa chỉ thường trú. Giấy tờ nhân thân là Giấy chứng minh nhân dân thì ghi “CMND số:…”; trường hợp Giấy chứng minh quân đội nhân dân thì ghi “CMQĐ số:…”; trường hợp thẻ Căn cước công dân thì ghi “CCCD số:…”; trường hợp chưa có Giấy chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân thì ghi “Giấy khai sinh số…” hoặc “số định danh cá nhân:… Ta có thêm quy định tại Điều 4 Luật Đất đai 2024 quy định về những người được Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất tại Việt Nam là: - Tổ chức trong nước gồm: +Cơ quan nhà nước, cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam, đơn vị vũ trang nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập và tổ chức khác theo quy định của pháp luật + Tổ chức kinh tế theo quy định của Luật Đầu tư (sau đây gọi là tổ chức kinh tế) - Tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc - Cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam; - Cộng đồng dân cư - Tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao gồm cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện khác của nước ngoài có chức năng ngoại giao được Chính phủ Việt Nam thừa nhận; cơ quan đại diện của tổ chức thuộc Liên hợp quốc, cơ quan hoặc tổ chức liên chính phủ, cơ quan đại diện của tổ chức liên chính phủ; - Người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài - Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài Như vậy, các quy định trên không có cái nào nhắc về độ tuổi của người sử dụng đất, người được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất. Ngoài ra, trong các thông tin ghi tại trang đầu tiên của Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất cũng có quy định khi chưa có Giấy chứng minh nhân dân hay thẻ CCCD thì sử dụng Giấy Khai sinh hoặc mã số định danh của cá nhân. Tất cả những điều trên cho thấy trẻ em hoàn toàn không bị cấm hoặc điều chỉnh trong việc được quyền sử dụng đất và sở hữu tài sản gắn liền với đất. (2) Trẻ em có được đứng tên trên sổ hồng, sổ đỏ không? Theo nhận định ở trên, trẻ em hoàn toàn được công nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất, tuy nhiên, việc đứng tên sổ hồng, sổ đỏ lại là chuyện khác. Việc chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở phải được xác lập bằng hợp đồng, vì vậy đây là một giao dịch dân sự. Theo khoản 1 Điều 117 Bộ Luật Dân sự 2015, điều kiện để giao dịch dân sự có hiệu lực là: - Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập; - Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện; - Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội. Theo bài viết, đối tượng được nói đến là trẻ em, trẻ em theo quy định của pháp luật là những người dưới 16 tuổi, do đó, việc xác lập giao dịch dân sự trong trường hợp này là giao dịch dân sự với người chưa thành niên. Theo quy định Điều 21 Bộ Luật Dân sự 2015, người chưa thành niên là: - Người chưa thành niên là người chưa đủ mười tám tuổi. - Giao dịch dân sự của người chưa đủ sáu tuổi do người đại diện theo pháp luật của người đó xác lập, thực hiện. - Người từ đủ sáu tuổi đến chưa đủ mười lăm tuổi khi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý, trừ giao dịch dân sự phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi - Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự, trừ giao dịch dân sự liên quan đến bất động sản, động sản phải đăng ký và giao dịch dân sự khác theo quy định của luật phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý. Căn cứ vào quy định trên, trẻ em khi được nhận tặng cho động sản, bất động sản thì từ 0 đến chưa đủ 18 tuổi đều phải thông qua người đại diện theo pháp luật. Như vậy, trẻ em được đứng tên sổ đỏ, tuy nhiên khi làm thủ tục thì phải có sự đồng ý của cha mẹ hoặc người đại diện. (3) Ông bà tặng đất, cháu có phải đóng thuế không? Quy định tại khoản 4 Điều 4 Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007 như sau “4. Thu nhập từ nhận thừa kế, quà tặng là bất động sản giữa vợ với chồng; cha đẻ, mẹ đẻ với con đẻ; cha nuôi, mẹ nuôi với con nuôi; cha chồng, mẹ chồng với con dâu; cha vợ, mẹ vợ với con rể; ông nội, bà nội với cháu nội; ông ngoại, bà ngoại với cháu ngoại; anh, chị, em ruột với nhau.” Và tại khoản 10 Điều 10 Nghị định 10/2022/NĐ-CP quy định về miễn lệ phí trước bạ như sau: “10. Nhà, đất nhận thừa kế hoặc là quà tặng giữa: Vợ với chồng; cha đẻ, mẹ đẻ với con đẻ; cha nuôi, mẹ nuôi với con nuôi; cha chồng, mẹ chồng với con dâu; cha vợ, mẹ vợ với con rể; ông nội, bà nội với cháu nội; ông ngoại, bà ngoại với cháu ngoại; anh, chị, em ruột với nhau nay được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.” Theo đó, trường hợp này sẽ được miễn thuế thu nhập cá nhân và lệ phí trước bạ.
Có được từ chối hồ sơ hưởng thừa kế vì không có quy định hướng dẫn?
Khi nào người sử dụng đất được thực hiện quyền thừa kế? Có được từ chối hồ sơ hưởng thừa kế quyền sử dụng đất sau ngày 01/07/2014 mà không có GCNQSDĐ không? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết sau. (1) Khi nào người sử dụng đất được thực hiện quyền thừa kế? Căn cứ theo Khoản 1 Điều 168 Luật Đất đai 2013 có quy định về thời điểm thực hiện quyền của người sử dụng đất như sau: - Người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất khi có Giấy chứng nhận. Đối với trường hợp chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp thì người sử dụng đất được thực hiện quyền sau khi có quyết định giao đất, cho thuê đất; trường hợp nhận thừa kế quyền sử dụng đất thì người sử dụng đất được thực hiện quyền khi có Giấy chứng nhận hoặc đủ điều kiện để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. - Trường hợp người sử dụng đất được chậm thực hiện nghĩa vụ tài chính hoặc được ghi nợ nghĩa vụ tài chính thì phải thực hiện xong nghĩa vụ tài chính trước khi thực hiện các quyền. Theo đó, người sử dụng đất chỉ được thực hiện quyền thừa kế khi có Giấy chứng nhận hoặc đủ điều kiện để cấp Giấy chứng nhận. (2) Có được từ chối hồ sơ hưởng thừa kế quyền sử dụng đất sau ngày 01/07/2014 mà không có GCNQSDĐ không? Căn cứ theo Điều 11a Thông tư 33/2017/TT-BTNMT quy định về việc từ chối hồ sơ đề nghị đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất như sau: - Không thuộc thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ. - Hồ sơ không có đủ thành phần để thực hiện thủ tục theo quy định. - Nội dung kê khai của hồ sơ không đảm bảo tính đầy đủ, thống nhất và hợp lệ theo quy định của pháp luật. - Thông tin trong hồ sơ không phù hợp với thông tin được lưu giữ tại cơ quan đăng ký hoặc có giấy tờ giả mạo. - Khi nhận được văn bản của cơ quan thi hành án dân sự hoặc Văn phòng Thừa phát lại yêu cầu tạm dừng hoặc dừng việc cấp Giấy chứng nhận đối với tài sản là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất của người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất là đối tượng phải thi hành án theo quy định của pháp luật thi hành án dân sự hoặc văn bản thông báo về việc kê biên tài sản thi hành án; khi nhận được văn bản của cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai về việc đã tiếp nhận đơn đề nghị giải quyết tranh chấp đất đai, tài sản gắn liền với đất - Không đủ điều kiện thực hiện quyền theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật khác có liên quan. Để tổng kết lại, có thể căn cứ theo những gì đã giải thích tại mục (1) và quy định nêu trên thì hồ sơ hưởng thừa kế quyền sử dụng đất sau ngày 01/07/2014 mà không có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất bị từ chối là hoàn toàn có cơ sở.
Lưu ý: Cách gọi chính xác sổ đỏ, sổ hồng từ năm 2025
Từ ngày 01/01/2025 Luật Đất đai 2024 sẽ bắt đầu có hiệu lực, đi kèm theo đó là nhiều vấn đề pháp lý liên quan đến đất đai, nhà cửa. Đặc biệt là từ năm 2025 sổ đỏ, sổ hồng sẽ có tên gọi mới. 1. Cách gọi chính xác sổ đỏ, sổ hồng từ năm 2025 Theo khoản 16 Điều 3 Luật Đất đai 2013 giải thích Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất. Theo đó, sổ đỏ, sổ hồng chính là Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Thuật ngữ sổ đỏ, sổ hồng không được pháp luật quy định mà đây là tên gọi thông dụng của người dân dựa trên màu sắc của các loại giấy tờ chứng nhận quyền sử dụng đất và sở hữu nhà ở. Trong đó: - Sổ đỏ: Là tên gọi chứng minh Quyền sử dụng đất. - Sổ hồng: Là tên gọi chứng minh Quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở/Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở/Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng. Tuy nhiên, khoản 21 Điều 3 Luật Đất đai 2024 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2025) đã có giải thích khác về tên gọi các loại giấy tờ liên quan đến đất đai, nhà ở như sau: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất. Tài sản gắn liền với đất được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất là nhà ở, công trình xây dựng gắn liền với đất theo quy định của pháp luật. Từ quy định mới từ năm 2025 thì sổ đỏ, sổ hồng sẽ có tên gọi là Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất. Quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất bao gồm: Nhà ở, công trình xây dựng gắn liền với đất. Như vậy, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất sẽ được đổi thành Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất. 2. Quy định cụ thể việc giao đất, cho thuê đất thông qua đấu giá QSDĐ Để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với quy định của Chương VIII về “phát triển, quản lý và khai thác quỹ đất”, Chương IX Luật Đất đai 2024 đã quy định cụ thể việc: - “Giao đất, cho thuê đất thông qua đấu giá quyền sử dụng đất” (Điều 125) đối với “đất sạch” do Nhà nước tạo lập; hoặc - “Giao đất, cho thuê đất thông qua đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất” (Điều 126) đối với “đất chưa giải phóng mặt bằng” mà “nhà đầu tư trúng đấu thầu có trách nhiệm ứng vốn để thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền” và trong thời hạn 36 tháng kể từ ngày ban hành quyết định công nhận kết quả trúng đấu thầu hoặc thời hạn khác theo hợp đồng đã ký kết với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. UBND cấp có thẩm quyền phải thực hiện xong việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để giao đất, cho thuê đất đối với nhà đầu tư trúng đấu thầu.