Đơn vị sự nghiệp được nhà nước cấp ngân sách hoạt động có đóng thuế TNDN không?
Đơn vị sự nghiệp công lập được thành lập với mục tiêu cung cấp các dịch vụ công, hoạt động bằng ngân sách nhà nước. Vậy liệu các đơn vị này có phải chịu nghĩa vụ đóng thuế thu nhập doanh nghiệp như các doanh nghiệp khác hay không? (1) Đơn vị sự nghiệp có phải nộp thuế TNDN không? Căn cứ theo quy định tại Điều 2 Văn bản hợp nhất 01/VBHN-VPQH 2023, người nộp thuế thu nhập doanh nghiệp là tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), bao gồm: - Doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam; - Doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật nước ngoài (sau đây gọi là doanh nghiệp nước ngoài) có cơ sở thường trú hoặc không có cơ sở thường trú tại Việt Nam; - Tổ chức được thành lập theo Luật Hợp tác xã; - Đơn vị sự nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam; - Tổ chức khác có hoạt động sản xuất, kinh doanh có thu nhập. Như vậy, đơn vị sự nghiệp cũng là trong các đối tượng phải đóng thuế TNDN khi có thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ Điều này có nghĩa là nếu đơn vị sự nghiệp thực hiện các hoạt động kinh doanh và tạo ra thu nhập, họ sẽ phải kê khai và nộp thuế TNDN theo quy định của pháp luật. (2) Đơn vị sự nghiệp được nhà nước cấp ngân sách hoạt động có đóng thuế TNDN không? Theo đó, Điều 3 Nghị định 218/2013/NĐ-CP quy định, thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp bao gồm: thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ và thu nhập khác quy định tại khoản 2 Điều 3 Nghị định 218/2013/NĐ-CP. Cụ thể, các khoản thu nhập khác tại khoản 2 Điều 3 Nghị định 218/2013/NĐ-CP bao gồm: - Thu nhập từ chuyển nhượng vốn bao gồm thu nhập từ việc chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ số vốn đã đầu tư vào doanh nghiệp, kể cả trường hợp bán doanh nghiệp, chuyển nhượng chứng khoán, chuyển nhượng quyền góp vốn và các hình thức chuyển nhượng vốn khác theo quy định của pháp luật; - Thu nhập từ chuyển nhượng dự án đầu tư, thu nhập từ chuyển nhượng quyền tham gia dự án đầu tư, thu nhập từ chuyển nhượng quyền thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản theo quy định của pháp luật; thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản theo quy định tại Điều 13 và Điều 14 Nghị định 218/2013/NĐ-CP; - Thu nhập từ quyền sử dụng, quyền sở hữu tài sản kể cả thu nhập từ quyền sở hữu trí tuệ, thu nhập từ chuyển giao công nghệ theo quy định của pháp luật; - Thu nhập từ chuyển nhượng, cho thuê, thanh lý tài sản (trừ bất động sản), trong đó có các loại giấy tờ có giá khác; - Thu nhập từ lãi tiền gửi, lãi cho vay vốn, bán ngoại tệ bao gồm: Lãi tiền gửi tại các tổ chức tín dụng, lãi cho vay vốn dưới mọi hình thức theo quy định của pháp luật bao gồm cả tiền lãi trả chậm, lãi trả góp, phí bảo lãnh tín dụng và các khoản phí khác trong hợp đồng cho vay vốn; thu nhập từ bán ngoại tệ; khoản chênh lệch tỷ giá do đánh giá lại các khoản nợ phải trả có gốc ngoại tệ cuối năm tài chính; khoản chênh lệch tỷ giá hối đoái phát sinh trong kỳ (riêng chênh lệch tỷ giá phát sinh trong quá trình đầu tư xây dựng cơ bản để hình thành tài sản cố định của doanh nghiệp mới thành lập mà tài sản cố định này chưa đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính). Đối với khoản nợ phải thu, khoản cho vay có gốc ngoại tệ phát sinh trong kỳ thì chênh lệch tỷ giá hối đoái của các khoản nợ phải thu, khoản cho vay này là khoản chênh lệch giữa tỷ giá hối đoái tại thời điểm thu hồi nợ với tỷ giá hối đoái tại thời điểm ghi nhận khoản nợ phải thu hoặc khoản cho vay ban đầu; - Các khoản trích trước vào chi phí nhưng không sử dụng hoặc sử dụng không hết theo kỳ hạn trích lập mà doanh nghiệp không hạch toán điều chỉnh giảm chi phí; - Khoản nợ khó đòi đã xóa nay đòi được; - Khoản nợ phải trả không xác định được chủ nợ; - Khoản thu nhập từ kinh doanh của những năm trước bị bỏ sót phát hiện ra; - Chênh lệch giữa thu về tiền phạt, tiền bồi thường do vi phạm hợp đồng kinh tế hoặc thưởng do thực hiện tốt cam kết theo hợp đồng (không bao gồm các khoản tiền phạt, tiền bồi thường được ghi giảm giá trị công trình trong giai đoạn đầu tư) trừ (-) đi khoản bị phạt, trả bồi thường do vi phạm hợp đồng theo quy định của pháp luật; - Các khoản tài trợ bằng tiền hoặc hiện vật nhận được; - Chênh lệch do đánh giá lại tài sản theo quy định của pháp luật để góp vốn, điều chuyển khi chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp, trừ trường hợp cổ phần hóa, sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100 % vốn điều lệ. - Các khoản thu nhập khác bao gồm cả thu nhập được miễn thuế quy định tại Khoản 6, Khoản 7 Điều 4 Nghị định 218/2013/NĐ-CP. Như vậy, theo quy định trên thì khoản ngân sách được nhà nước cấp cho đơn vị sự nghiệp thường không thuộc trường hợp thu nhập chịu thuế TNDN. Tuy nhiên, nếu đơn vị sự nghiệp có các hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ và tạo ra thu nhập từ những hoạt động này, thì thu nhập từ các hoạt động đó sẽ bị tính thuế TNDN theo quy định của pháp luật. Do đó, trong trường hợp đơn vị sự nghiệp có thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, họ cần phải thực hiện nghĩa vụ thuế TNDN, còn các khoản dó ngân sách nhà nước cấp sẽ không bị đánh thuế.
Đất chuyên trồng lúa là gì? NSNN hỗ trợ lên đến 1.500.000 đồng đối với đất chuyên trồng lúa?
Đất chuyên trồng lúa là gì theo quy định pháp luật? Ngân sách Nhà nước hỗ trợ lên đến 1.500.000 đồng đối với đất chuyên trồng lúa? Đất chuyên trồng lúa là gì? Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định 112/2024/NĐ-CP có quy định giải thích đất trồng lúa là đất trồng từ một vụ lúa trở lên hoặc trồng lúa kết hợp với các mục đích sử dụng đất khác được pháp luật cho phép nhưng trồng lúa là chính, đất trồng lúa bao gồm đất chuyên trồng lúa và đất trồng lúa còn lại. Trong đó, đất chuyên trồng lúa được hiểu là đất trồng hai vụ lúa nước trở lên trong năm và đất trồng lúa còn lại là đất trồng một vụ lúa nước trong năm và đất trồng lúa nương. Ngân sách Nhà nước hỗ trợ lên đến 1.500.000 đồng đối với đất chuyên trồng lúa? Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 14 Nghị định 112/2024/NĐ-CP quy định ngân sách nhà nước hỗ trợ sản xuất lúa như sau: - Hỗ trợ 1.500.000 đồng/ha/năm đối với đất chuyên trồng lúa; - Hỗ trợ 750.000 đồng/ha/năm đối với đất trồng lúa còn lại, trừ đất lúa nương được mở rộng tự phát không theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trồng lúa; - Hỗ trợ thêm 1.500.000 đồng/ha/năm đối với đất chuyên trồng lúa tại vùng quy hoạch trồng lúa có năng suất, chất lượng cao. Theo khoản 1 Điều 19 Nghị định 112/2024/NĐ-CP quy định như sau: Chính sách hỗ trợ cho địa phương, người sản xuất lúa theo quy định tại khoản 2, khoản 4 Điều 7 Nghị định 35/2015/NĐ-CP ngày 13 tháng 4 năm 2015 của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa; chính sách sử dụng kinh phí theo quy định tại Điều 8 Nghị định 35/2015/NĐ-CP ngày 13 tháng 4 năm 2015 của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 4 Điều 1 Nghị định 62/2019/NĐ-CP) được tiếp tục thực hiện đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2024. Bên cạnh đó, tại Điều 7 Nghị định 35/2015/NĐ-CP (Hết hiệu lực từ ngày 11/9/2024) quy định hỗ trợ địa phương sản xuất lúa: (1) Căn cứ vào diện tích đất trồng lúa, ngân sách nhà nước ưu tiên hỗ trợ sản xuất lúa cho các địa phương (gồm chi đầu tư và chi thường xuyên) thông qua định mức phân bổ ngân sách nhà nước được cấp có thẩm quyền quyết định theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước. (2) Ngoài hỗ trợ từ ngân sách nhà nước theo quy định hiện hành địa phương sản xuất lúa còn được ngân sách nhà nước hỗ trợ như sau: - Hỗ trợ 1.000.000 đồng/ha/năm đối với đất chuyên trồng lúa nước; - Hỗ trợ 500.000 đồng/ha/năm đối với đất trồng lúa khác, trừ đất lúa nương được mở rộng tự phát không theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trồng lúa. Như vậy, so với quy định trước đây thì đất chuyên trồng lúa nước được ngân sách nhà nước hỗ trợ là 1.000.000 đồng thì từ ngày 01/01/2025 ngân sách nhà nước hỗ trợ sản xuất lúa đối với đất chuyên trồng lúa theo quy định tại Nghị định 112/2024/NĐ-CP như sau: - Hỗ trợ 1.500.000 đồng/ha/năm đối với đất chuyên trồng lúa - Hỗ trợ thêm 1.500.000 đồng/ha/năm đối với đất chuyên trồng lúa tại vùng quy hoạch trồng lúa có năng suất, chất lượng cao. Hồ sơ xin xây dựng công trình trên đất được chuyển đổi từ đất chuyên trồng lúa sang đất phi nông nghiệp gồm? Theo khoản 1 Điều 11 Nghị định 112/2024/NĐ-CP, người được nhà nước giao đất, cho thuê đất có nhu cầu xây dựng công trình trên đất được chuyển đổi từ đất chuyên trồng lúa sang đất phi nông nghiệp cần chuẩn bị hồ sơ gồm: - Đơn đề nghị thẩm định phương án sử dụng tầng đất mặt theo mẫu; - Phương án sử dụng tầng đất mặt theo mẫu; - Sơ đồ mô tả vị trí sử dụng khối lượng đất mặt sau khi bóc tách. Tóm lại, đất chuyên trồng lúa được hiểu là đất trồng hai vụ lúa nước trở lên trong năm. Từ ngày 01/01/2025 ngân sách nhà nước hỗ trợ sản xuất lúa 1.500.000 đồng/ha/năm đối với đất chuyên trồng lúa; hỗ trợ thêm 1.500.000 đồng/ha/năm đối với đất chuyên trồng lúa tại vùng quy hoạch trồng lúa có năng suất, chất lượng cao.
Ráng mỡ gà có nhà thì giữ là gì? Nguồn ngân sách cho phòng, chống thiên tai từ đâu?
Ráng mỡ gà có nhà thì giữ có nghĩa là gì? Nguồn ngân sách nhà nước cho phòng, chống thiên tai từ đâu? Dự phòng ngân sách nhà nước cho phòng, chống thiên tai sử dụng thế nào? Ráng mỡ gà có nhà thì giữ là gì? Thời điểm chưa có dự báo thời tiết, người dân thường dự đoán tình hình thời tiết dựa vào mây trời, khung cảnh và vạn vật xung quanh. Ráng mỡ gà có nhà thì giữ là câu tục ngữ cảnh báo mưa to, gió lớn và thậm chí là giông bão, được người dân ngày xưa đúc kết từ kinh nghiệm dân gian. Câu tục ngữ này được sử dụng để dự báo tình hình thời tiết xấu, cụ thể là giông gió, bão nhằm giúp người dân có sự phòng bị, tránh hoặc giảm thiểu những thiệt hại về người và tài sản khi có thiên tai, giông bão. Câu tục ngữ "Ráng mỡ gà có nhà thì giữ" được gieo vần “a” bởi các từ "gà" và "nhà". Trong đó, “Ráng” là cách gọi màu sắc ở phía cuối chân trời, được tạo thành bởi ánh sáng mặt trời chiếu vào những đám mây. Ráng mỡ gà” có thể được hiểu là khi chân trời xuất hiện những đám mây có màu vàng óng như mỡ gà thông thường là dấu hiệu thời tiết chuẩn bị có mưa to, bão. Hiện tượng “ráng mỡ gà” không thường xuyên xảy ra, chính vì vậy, mỗi khi xuất hiện màu sắc này trên bầu trời, ông cha ta sẽ nhận biết được có thể sắp có mưa to, gió lớn hay thậm chí là giông bão.“ Cụm “có nhà thì giữ” nghĩa là đang nhắc nhở mọi người cần phải có sự chuẩn bị trước cơn bão, như là gia cố, sửa sang nhà cửa, xung quanh nhà để đảm bảo ngôi nhà chắc chắn, kiên cố khi có mưa bão kéo đến. "Ráng mỡ gà có nhà thì giữ" giúp chúng ta có thêm kinh nghiệm để dự đoán trước được mưa to, bão lũ, từ đó có biện pháp phòng tránh, ngăn chặn để bảo vệ tính mạng và nhà cửa, tài sản. Không chỉ vậy, câu tục ngữ này còn là nhắc nhở con người cần đề phòng, chú ý trước sự biến đổi bất thường của thời tiết từ cảnh vật xung quanh từ đó có sự phòng bị cho tình huống nếu có thời tiết xấu xảy đến. Theo đó, phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả khi xảy ra thiên tai là nguyên tắc cơ bản trong phòng, chống thiên tai. Pháp luật nước ta cũng có các chính sách cũng như nguồn ngân sách dùng cho phòng, chống thiên tai. Như thế nào là thiên tai, rủi ro thiên tai và phòng, chống thiên tai? Theo khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều 3 Luật Phòng, chống thiên tai 2013 (được sửa đổi, bổ sung bởi điểm a khoản 1 Điều 1 Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều sửa đổi 2020) thì thiên tai và phòng, chống thiên tai được quy định như sau: (i) Thiên tai là hiện tượng tự nhiên bất thường có thể gây thiệt hại về người, tài sản, môi trường, điều kiện sống và các hoạt động kinh tế - xã hội, bao gồm bão, áp thấp nhiệt đới, gió mạnh trên biển, lốc, sét, mưa lớn, lũ, lũ quét, ngập lụt; sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy hoặc hạn hán; nước dâng, xâm nhập mặn, nắng nóng, hạn hán, cháy rừng do tự nhiên, rét hại, mưa đá, sương mù, sương muối, động đất, sóng thần và các loại thiên tai khác. (ii) Rủi ro thiên tai là thiệt hại mà thiên tai có thể gây ra về người, tài sản, môi trường, điều kiện sống và hoạt động kinh tế - xã hội. (iii) Phòng, chống thiên tai là quá trình mang tính hệ thống, bao gồm hoạt động phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai. Nguồn ngân sách cho phòng, chống thiên tai từ đâu? Căn cứ Điều 9 Luật Phòng, chống thiên tai 2013 (được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 6 Điều 1 Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều sửa đổi 2020 và điểm o khoản 4 Điều 54 Luật Phòng thủ dân sự 2023) quy định về ngân sách nhà nước cho phòng, chống thiên tai với những nội dung sau đây: (i) Ngân sách nhà nước cho phòng, chống thiên tai bao gồm ngân sách hằng năm, dự phòng ngân sách nhà nước, quỹ dự trữ tài chính. (ii) Ngân sách nhà nước cho phòng, chống thiên tai được sử dụng cho xây dựng và thực hiện chiến lược, kế hoạch, điều tra cơ bản phòng, chống thiên tai; đầu tư xây dựng, tu bổ, nâng cấp công trình phòng, chống thiên tai; hoạt động phòng, chống thiên tai; hoạt động thường xuyên của cơ quan quản lý nhà nước về phòng, chống thiên tai các cấp. Việc lập dự toán, phân bổ, quản lý và sử dụng ngân sách nhà nước cho phòng, chống thiên tai được thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước và quy định khác của pháp luật có liên quan. (iii) Dự phòng ngân sách nhà nước cho phòng, chống thiên tai được sử dụng theo quy định sau đây: - Hỗ trợ cho công tác ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai. - Căn cứ vào hoạt động ứng phó, mức độ thiệt hại, nhu cầu cứu trợ và chế độ, chính sách, Ủy ban nhân dân các cấp quyết định sử dụng dự phòng ngân sách của địa phương để xử lý nhu cầu khẩn cấp cho ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai ngoài dự toán chi hằng năm đã được phê duyệt. - Trường hợp dự phòng ngân sách địa phương đã sử dụng nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đề nghị Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ. Ban chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia tổng hợp tình hình thiệt hại, nhu cầu hỗ trợ của địa phương và đề xuất Thủ tướng Chính phủ quyết định. (iv) Quỹ dự trữ tài chính được sử dụng để thực hiện nhiệm vụ phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai với mức độ nghiêm trọng, phát sinh ngoài dự toán mà sau khi sắp xếp lại ngân sách, sử dụng hết dự phòng ngân sách mà vẫn chưa đủ nguồn theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước. Như vậy, câu tục ngữ "Ráng mỡ gà có nhà thì giữ" giúp con người nhận biết thiên tai dựa vào màu sắc của mây. Từ đó có biện pháp phòng tránh, ngăn chặn để bảo vệ tính mạng và tài sản trước khi thiên tai xảy đến. Vì phòng, chống thiên tai là trách nhiệm của Nhà nước, tổ chức, cá nhân nên tất cả mọi người đều cần có ý thức và hành động cụ thể để phòng, ngừa và giảm thiểu thiệt hịa khi có thiên tai. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng có nguồn ngân sách cho phòng, chống thiên tai bao gồm ngân sách nhà nước theo dự toán chi hằng năm và dự phòng ngân sách nhà nước theo quy định nêu trên.
Giao quyền đăng ký đối với giống cây trồng là kết quả nhiệm vụ KH-CN sử dụng NSNN
Đối với trường hợp muốn được giao quyền quyền đăng ký đối với giống cây trồng là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước phải thực hiện như thế nào? Cần chuẩn bị hồ sơ và giấy tờ gì để có thể thực hiện được? Căn cứ mục 3 phần II Quyết định 4953/QĐ-BNN-TT năm 2023 trình tự thủ tục cũng như hồ sơ và điều kiện để thực hiện giao quyền đăng ký đối với giống cây trồng là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước được hướng dẫn như sau: Trình tự thực hiện giao quyền đăng ký đối với giống cây trồng là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước Bước 1: Kết thúc thời hạn 12 tháng kể từ thời điểm nhiệm vụ khoa học và công nghệ được nghiệm thu mà tổ chức chủ trì nhiệm vụ khoa học và công nghệ không nộp đơn đăng ký quyền đối với giống cây trồng hoặc có văn bản báo cáo đại diện chủ sở hữu nhà nước giao quyền đăng ký đối với giống cây trồng; Đại diện chủ sở hữu nhà nước thông báo trên Cổng thông tin điện tử hoặc Trang thông tin điện tử của cơ quan quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ trong thời hạn 90 ngày về việc nộp hồ sơ đề nghị giao quyền đăng ký đối với giống cây trồng. Bước 2: Trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày Đại diện chủ sở hữu nhà nước thông báo trên Cổng thông tin điện tử hoặc Trang thông tin điện tử của cơ quan quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ; tổ chức, cá nhân nộp Đơn đề nghị giao quyền đăng ký trực tiếp hoặc gửi qua dịch vụ bưu chính hoặc qua môi trường điện tử đến đơn vị tiếp nhận đăng ký giao quyền. Bước 3: Trả lời tính đầy đủ của thành phần hồ sơ - Trường hợp nộp trực tiếp: Đại diện chủ sở hữu nhà nước kiểm tra và trả lời ngay tính đầy đủ của thành phần hồ sơ; - Trường hợp nộp hồ sơ qua dịch vụ bưu chính: Trong thời hạn không quá 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Đại diện chủ sở hữu nhà nước xem xét tính đầy đủ của thành phần hồ sơ; trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ theo quy định, thông báo bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân; - Trường hợp nộp hồ sơ qua môi trường điện tử: Trong thời hạn không quá 01 ngày làm việc kể từ thời điểm nhận được hồ sơ, Đại diện chủ sở hữu nhà nước xem xét tính đầy đủ của thành phần hồ sơ; trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ theo quy định, thông báo cho tổ chức, cá nhân. Bước 4: Thẩm định hồ sơ và trả kết quả: Trong thời hạn 12 ngày, kể từ ngày kết thúc nhận hồ sơ, đại diện chủ sở hữu nhà nước đăng tải trên Cổng thông tin điện tử hoặc Trang thông tin điện tử của cơ quan quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ danh sách tổ chức, cá nhân nộp đơn hợp lệ và dự định giao cho các tổ chức, cá nhân đó cùng thực hiện quyền đăng ký, cùng đứng tên là người đăng ký đối với Đơn đăng ký bảo hộ giống cây trồng được giao quyền, ấn định thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày đăng tải để các tổ chức, cá nhân có ý kiến về nội dung trên. Nếu kết thúc thời hạn nêu trên mà tổ chức, cá nhân nộp đơn đề nghị giao quyền có văn bản phản hồi đồng ý cùng đứng tên người đăng ký hoặc không có văn bản phản hồi thì trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc thời hạn nêu trên, đại diện chủ sở hữu nhà nước ban hành quyết định giao quyền đăng ký bảo hộ giống cây trồng cho tổ chức, cá nhân này. Thành phần hồ sơ thực hiện giao quyền đăng ký đối với giống cây trồng là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước Đơn đề nghị giao quyền đăng ký theo quy định tại Mẫu số 15 ban hành kèm theo Nghị định 79/2023/NĐ-CP ngày 15/11/2023 của Chính phủ Điều kiện thực hiện giao quyền đăng ký đối với giống cây trồng là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước - Tổ chức được thành lập theo pháp luật Việt Nam. - Cá nhân là công dân Việt Nam và thường trú tại Việt Nam. =>> Trên đây là trình tự thủ tục cũng như hồ sơ và điều kiện cần có để thực hiện giao quyền đăng ký đối với giống cây trồng là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước
Như thế nào là vi phạm thủ tục, thời hạn thanh toán tạm ứng ngân sách nhà nước?
Vi phạm thủ tục, thời hạn thanh toán tạm ứng ngân sách nhà nước là gì? Bị xử phạt như thế nào? Thời hiệu xử phạt hành chính của hành vi này là bao lâu? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết sau đây. (1) Như thế nào là vi phạm thủ tục, thời hạn thanh toán tạm ứng ngân sách nhà nước? Căn cứ khoản 1 Điều 8 Thông tư 87/2019/TT-BTC có quy định như sau: “1. Hành vi vi phạm thủ tục, thời hạn thanh toán tạm ứng ngân sách nhà nước là các hành vi vi phạm thủ tục, thời hạn thanh toán tạm ứng đối với các khoản chi thường xuyên ngân sách nhà nước và các hành vi vi phạm thủ tục, thời hạn thu hồi tạm ứng đối với các khoản chi vốn đầu tư xây dựng cơ bản thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước và nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước thực hiện các chương trình mục tiêu hoặc chi thực hiện các công trình sửa chữa, bảo trì, cải tạo, nâng cấp, mở rộng cơ sở vật chất từ nguồn kinh phí chi thường xuyên ngân sách nhà nước và nguồn phí được để lại theo chế độ quy định để chi thường xuyên có tổng mức đầu tư trên 500.000.000 đồng.” Theo đó, hiểu một cách đơn giản, đây là trường hợp các cơ quan, tổ chức sử dụng ngân sách không tuân thủ đúng quy định về thủ tục và thời hạn khi thực hiện việc thanh toán hoặc thu hồi tạm ứng ngân sách. (2) Vi phạm thủ tục, thời hạn thanh toán tạm ứng ngân sách nhà nước bị xử phạt thế nào? Căn cứ Điều 59 Nghị định 63/2019/NĐ-CP có quy định về mức xử phạt đối với vi phạm thủ tục, thời hạn thanh toán tạm ứng ngân sách nhà nước như sau: - Phạt tiền từ 01 đến 02 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây: + Làm thủ tục thanh toán tạm ứng sau thời hạn cuối cùng phải thực hiện thanh toán tạm ứng đối với các khoản chi thường xuyên không có hợp đồng mua bán hàng hóa, dịch vụ hoặc khoản chi không phải gửi hợp đồng mua bán hàng hóa, dịch vụ đến Kho bạc Nhà nước theo quy định. + Không làm thủ tục thanh toán tạm ứng đối với các khoản chi vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước và nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước thực hiện các chương trình mục tiêu hoặc chi thực hiện các công trình sửa chữa, bảo trì, cải tạo, nâng cấp, mở rộng cơ sở vật chất từ nguồn kinh phí chi thường xuyên ngân sách nhà nước và nguồn phí được để lại theo chế độ quy định để chi thường xuyên có tổng mức đầu tư trên 500 triệu đồng qua các lần thanh toán khối lượng hoàn thành của hợp đồng. - Phạt tiền từ 02 đến 04 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây: + Không làm thủ tục thanh toán hết tạm ứng đối với các khoản chi thường xuyên, có hợp đồng mua bán hàng hóa dịch vụ theo chế độ quy định trong lần thanh toán cuối cùng của hợp đồng. + Không làm thủ tục thanh toán hết tạm ứng đối với các khoản chi vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước và nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước thực hiện các chương trình mục tiêu hoặc chi thực hiện các công trình sửa chữa, bảo trì, cải tạo, nâng cấp, mở rộng cơ sở vật chất từ nguồn kinh phí chi thường xuyên ngân sách nhà nước và nguồn phí được để lại theo chế độ quy định để chi thường xuyên có tổng mức đầu tư trên 500 triệu đồng khi giá trị thanh toán (bao gồm cả tạm ứng và thanh toán khối lượng hoàn thành) đạt đến 80% giá trị hợp đồng. + Không làm hoặc làm thủ tục thanh toán tạm ứng đối với khoản chi bồi thường, hỗ trợ và tái định cư sau thời hạn theo quy định phải thanh toán vốn tạm ứng. Bên cạnh đó, trường hợp vi phạm còn bị buộc phải làm thủ tục thanh toán tạm ứng đối với các hành vi nêu trên. (3) Thời hiệu xử phạt VPHC đối với vi phạm thủ tục, thời hạn thanh toán tạm ứng ngân sách nhà nước là bao lâu? Căn cứ Điều 3 Nghị định 63/2019/NĐ-CP được sửa đổi bởi Nghị định 102/2021/NĐ-CP có quy định như sau: “1. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; dự trữ quốc gia; kho bạc nhà nước quy định tại Nghị định này là 01 năm. Riêng các hành vi vi phạm hành chính đối với tài sản công là nhà, đất và tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý thì thời hiệu xử phạt là 02 năm. … 5. Thời điểm các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực kho bạc nhà nước được xác định là đã kết thúc được quy định như sau: a) Đối với các hành vi vi phạm hành chính quy định tại Điều 54, Điều 57, Điều 58, Điều 59, Điều 60 Nghị định này: thời điểm kết thúc là thời điểm nộp hồ sơ, chứng từ tại Kho bạc Nhà nước; b) Đối với các hành vi vi phạm hành chính quy định tại Điều 55, Điều 56, Điều 61 Nghị định này: thời điểm kết thúc là thời điểm Kho bạc Nhà nước nhận được kết luận của cơ quan tiến hành tố tụng hình sự về vụ việc vi phạm không có dấu hiệu tội phạm.” Từ dẫn chiếu quy định nêu trên, có thể thấy, thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm thủ tục, thời hạn thanh toán tạm ứng ngân sách nhà nước là 1 năm. Riêng đối với các hành vi vi phạm hành chính về tài sản công là nhà, đất và tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý thì thời hiệu xử phạt là 02 năm.
Công điện 85/CĐ-TTg: Phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP cả năm 2024 đạt khoảng 7%
Ngày 2/9/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 85/CĐ-TTg về điều hành dự toán NSNN gửi Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Cụ thể, tại Công điện 85/CĐ-TTg nêu rõ, qua kết quả giám sát của Quốc hội, kết luận của cơ quan Thanh tra, Kiểm toán Nhà nước và công tác quyết toán NSNN hằng năm cho thấy việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương tài chính ở một số nơi còn chưa nghiêm, vẫn còn tình trạng vi phạm, gian lận, trốn thuế, quản lý, sử dụng ngân sách, tài sản công sai chế độ quy định, thất thoát, lãng phí tại một số Bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị. Trong các tháng tới đây, dự báo tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, tác động không thuận lợi đến nền kinh tế nước ta. Ở trong nước, nền kinh tế phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, với quyết tâm phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ dự toán ngân sách năm 2024 theo Kết luận của Trung ương và các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, để bảo đảm giữ vững cân đối NSNN các cấp trong mọi tình huống, tăng cường tiết kiệm chi thường xuyên NSNN, tập trung nguồn lực tăng chi đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, phòng, chống khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ, ứng phó biến đổi khí hậu; siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính - NSNN, Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra các cơ quan, đơn vị và cấp dưới trực thuộc tiếp tục nỗ lực, quyết liệt thực hiện các giải pháp, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và NSNN đã đề ra, phấn đấu tăng thu, tăng cường tiết kiệm chi, chủ động cân đối NSNN trong những tháng còn lại của năm 2024. Trong đó, tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như sau: (1) Phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP cả năm 2024 đạt khoảng 7% Cụ thể, tại Công điện 85/CĐ-TTg yêu cầu tiếp tục thực hiện có hiệu quả các giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm để thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội theo các Nghị quyết 01/NQ-CP, Nghị quyết 93/NQ-CP và các Nghị quyết phiên họp thường kỳ của Chính phủ; các Chỉ thị 12/CT-TTg, 14/CT-TTg, Công điện 71/CĐ-TTg. Tập trung thực hiện các giải pháp chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác đã ban hành để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, kiểm soát lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì đà tăng trưởng và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP cả năm 2024 đạt khoảng 7%, vượt mục tiêu đã đề ra, tạo tiền đề, khí thế cho năm 2025 và giai đoạn 2026-2030. (2) Phấn đấu thu NSNN 2024 vượt trên 10% dự toán Quốc hội giao, thu năm 2025 cao hơn khoảng 5% Cụ thể, yêu cầu các Bộ, cơ quan, địa phương tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách về thu NSNN, thực hiện đồng bộ các giải pháp, biện pháp quản lý thu, chống thất thu, đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời các khoản thu phát sinh theo quy định. Tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện quy định thuế đối với nhà, đất; mở rộng và chống xói mòn cơ sở thuế, khai thác các nguồn thu còn dư địa, mở rộng cơ sở thu mới. Đồng thời, đẩy mạnh và hiệu quả hơn nữa chuyển đổi số, ứng dụng CNTT, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý thu, nhất là thu các giao dịch thương mại điện từ, nhà cung cấp nước ngoài, triển khai cổng dữ liệu thông tin về sàn TMĐT và mở rộng triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh hoạt động, cung cấp hàng hóa, dịch vụ trực tiếp đến người tiêu dùng, nhất là dịch vụ ăn uống... Theo đó, phấn đấu thu NSNN năm 2024 vượt trên 10% dự toán Quốc hội giao, thu năm 2025 cao hơn khoảng 5% so với ước thực hiện năm 2024 để đảm bảo nguồn lực đáp ứng các nhiệm vụ chi theo dự toán, tăng chi tạo nguồn cải cách tiền lương và xử lý các nhiệm vụ đột xuất phát sinh. Ngoài ra, Công điện 85/CĐ-TTg cũng yêu cầu tăng cường phòng, chống gian lận thương mại, chuyển giá, gian lận giá nhập khẩu và buôn lậu qua biên giới, nhất là các hoạt động kinh doanh trên nền tảng số, chuyển nhượng bất động sản. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện quy định về quản lý giá, thuế, phí, ổn định giá nguyên vật liệu, mặt hàng thiết yếu cho sản xuất và đời sống của nhân dân. (3) Tập trung nguồn lực thực hiện chính sách cải cách tiền lương, các chính sách, chế độ an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo Cụ thể, yêu cầu triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, chủ động rà soát, sắp xếp các nhiệm vụ chi; cắt giảm, tiết kiệm 5% dự toán chi thường xuyên được giao theo Chỉ thị 01/CT-TTg và Nghị quyết 119/NQ-CP. Đối với năm 2025, ngoài số tiết kiệm 10% chi thường xuyên để tạo nguồn cải cách tiền lương theo quy định, trong tổ chức thực hiện thì các Bộ, cơ quan, địa phương phải thực hiện đồng bộ các giải pháp rà soát, cơ cấu, sắp xếp các nhiệm vụ chi, phấn đấu tiết kiệm thêm khoảng 10% chi thường xuyên tăng thêm của dự toán năm 2025 so với dự toán năm 2024 (sau khi loại trừ các khoản chi tương tự như năm 2024) để dành nguồn giảm bội chi NSNN hoặc cho các nhiệm vụ cấp thiết, phát sinh, thực hiện nhiệm vụ an sinh xã hội của từng Bộ, cơ quan, địa phương hoặc bổ sung cho chi đầu tư phát triển. Bên cạnh đó, thực hiện chi ngân sách theo đúng chế độ quy định, trong phạm vi được giao, đảm bảo chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả; tập trung nguồn lực thực hiện chính sách cải cách tiền lương, các chính sách, chế độ an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo; cắt giảm dự toán chi thường xuyên đã giao cho các bộ, cơ quan trung ương nhưng đến hết ngày 30/6/2024 chưa phân bổ cho các đơn vị sử dụng ngân sách (trừ trường hợp Thủ tướng Chính phủ cho phép) theo Nghị quyết 82/NQ-CP. Đồng thời, tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm theo Chỉ thị 26/CT-TTg, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các công trình, dự án trọng điểm quốc gia, các chương trình mục tiêu quốc gia; kịp thời điều chuyển vốn từ các nhiệm vụ, dự án không đủ điều kiện để giải ngân hoặc giải ngân chậm để bổ sung cho các nhiệm vụ, dự án có khả năng giải ngân nhanh và có nhu cầu bổ sung vốn theo quy định. Phấn đấu giải ngân trên 95% số kế hoạch vốn năm 2024 được giao, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đầu tư xây dựng, mua sắm tài sản công theo đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức, đảm bảo tiết kiệm. Tổ chức rà soát, sắp xếp lại tài sản công, xử lý tài sản không còn nhu cầu sử dụng đúng quy định; kiên quyết thu hồi các tài sản sử dụng sai đối tượng, sai mục đích, vượt tiêu chuẩn, định mức; không để lãng phí thất thoát tài sản công. Khẩn trương thực hiện các quy định tại Nghị quyết 104/2023/QH15, Nghị quyết 142/2024/QH15, rà soát toàn bộ khung khổ pháp lý để trình cấp thẩm quyền xem xét, quyết định việc sửa đổi hoặc bãi bỏ cơ chế tài chính và thu nhập đặc thù của các cơ quan, đơn vị đang được thực hiện cho phù hợp trước ngày 31/12/2024. Trong quá trình thực hiện việc sửa đổi, bãi bỏ cơ chế tài chính, thu nhập đặc thù, các Bộ, cơ quan trung ương có trách nhiệm đảm bảo duy trì hoạt động của cơ quan, đơn vị theo chế độ chung do Nhà nước quy định. Xem chi tiết tại Công điện 85/CĐ-TTg ban hành ngày 02/9/2024
Mức đóng BHYT học sinh, sinh viên năm học 2024 - 2025? Nhà nước hỗ trợ bao nhiêu %?
Năm học 2024 - 2025 mức đóng BHYT học sinh, sinh viên là bao nhiêu? Trong đó Nhà nước hỗ trợ bao nhiêu %, học sinh, sinh viên đóng bao nhiêu%? Mức đóng BHYT học sinh, sinh viên năm học 2024 - 2025? Nhà nước hỗ trợ bao nhiêu %? Theo khoản 3 Điều 4 Nghị định 146/2018/NĐ-CP quy định học sinh, sinh viên nằm trong nhóm được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng BHYT. Theo điểm đ khoản 1 Điều 7 Nghị định 146/2018/NĐ-CP, mức đóng bảo hiểm y tế hàng tháng của học sinh, viên viên bằng 4,5% mức lương cơ sở. Theo điểm c khoản 1 Điều 8 Nghị định 146/2018/NĐ-CP quy định Ngân sách Nhà nước hỗ trợ tối thiểu 30% mức đóng bảo hiểm y tế. Mà theo khoản 2 Điều 3 Nghị định 73/2024/NĐ-CP từ 01/7/2024 sẽ tăng lương cơ sở lên thành 2,34 triệu đồng/tháng. Như vậy, ta có mức đóng BHYT học sinh, sinh viên năm học 2024 - 2025 như sau: Số tháng đóng Học sinh - sinh viên (đóng 70%) Ngân sách nhà nước (hỗ trợ 30%) Tổng mức đóng BHYT năm học 2024 - 2025 (4,5% mức lương cơ sở) 3 tháng 221,130 94,770 315,900 6 tháng 442,260 189,540 631,800 9 tháng 663,390 284,310 947,700 12 tháng 884,520 379,080 1,263,600 Phương thức đóng BHYT học sinh, sinh viên năm học 2024 - 2025 Theo khoản 5 Điều 9 Nghị định 146/2018/NĐ-CP quy định phương thức đóng BHYT học sinh, sinh viên như sau: - Định kỳ 03 tháng, 06 tháng hoặc 12 tháng, học sinh, sinh viên hoặc cha, mẹ, người giám hộ của học sinh, sinh viên có trách nhiệm đóng bảo hiểm y tế phần thuộc trách nhiệm đóng theo quy định cho cơ quan bảo hiểm xã hội; - Ngân sách nhà nước hỗ trợ như sau: + Học sinh, sinh viên đang theo học tại cơ sở giáo dục hoặc cơ sở giáo dục nghề nghiệp trực thuộc bộ, cơ quan trung ương thì do ngân sách trung ương hỗ trợ. Định kỳ 03 tháng, 06 tháng hoặc 12 tháng, Bảo hiểm xã hội cấp tỉnh tổng hợp số thẻ bảo hiểm y tế đã phát hành, số tiền thu của học sinh, sinh viên và số tiền ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng gửi Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổng hợp, gửi Bộ Tài chính để chuyển kinh phí vào quỹ bảo hiểm y tế theo quy định. + Học sinh, sinh viên đang theo học tại cơ sở giáo dục hoặc cơ sở giáo dục nghề nghiệp khác thì ngân sách địa phương, bao gồm cả phần ngân sách trung ương hỗ trợ (nếu có), nơi cơ sở giáo dục đó đặt trụ sở hỗ trợ, không phân biệt hộ khẩu thường trú của học sinh, sinh viên. Định kỳ 03 tháng, 06 tháng hoặc 12 tháng, cơ quan bảo hiểm xã hội tổng hợp số thẻ bảo hiểm y tế đã phát hành, số tiền thu của học sinh, sinh viên và số tiền ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng gửi cơ quan tài chính để chuyển kinh phí vào quỹ bảo hiểm y tế theo quy định. Như vậy, năm học 2024 - 2025 cũng sẽ có các phương thức đóng BHYT học sinh, sinh viên là 3 tháng, 6 tháng, 12 tháng. Đối với phần tự đóng thì sẽ do học sinh, sinh viên hoặc cha, mẹ, người giám hộ của học sinh, sinh viên đóng, đối với phần được NSNN hỗ trợ thì có thể sẽ được ngân sách trung ương hoặc ngân sách địa phương hỗ trợ. Thời hạn thẻ BHYT học sinh, sinh viên có giá trị sử dụng là khi nào? Theo khoản 7 Điều 13 Nghị định 146/2018/NĐ-CP, thời hạn thẻ BHYT học sinh, sinh viên có giá trị sử dụng là: - Thẻ bảo hiểm y tế được cấp hàng năm cho học sinh của cơ sở giáo dục phổ thông, trong đó: + Đối với học sinh lớp 1: Giá trị sử dụng bắt đầu từ ngày 01/10 năm đầu tiên của cấp tiểu học; + Đối với học sinh lớp 12: Thẻ có giá trị sử dụng đến hết ngày 30/9 của năm đó. - Thẻ bảo hiểm y tế được cấp hàng năm cho học sinh, sinh viên của cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó: + Đối với học sinh, sinh viên năm thứ nhất của khóa học: Thẻ có giá trị sử dụng từ ngày nhập học, trừ trường hợp thẻ của học sinh lớp 12 đang còn giá trị sử dụng; + Đối với học sinh, sinh viên năm cuối của khóa học: Thẻ có giá trị sử dụng đến ngày cuối của tháng kết thúc khóa học. Như vậy, thẻ BHYT của học sinh lớp 1 sẽ có giá trị sử dụng từ ngày 01/10 năm đầu tiên của cấp tiểu học và học sinh lớp 12 sẽ dùng đến hết ngày 30/9 năm đó. Đối với học sinh, sinh viên học nghề và đại học năm nhất thì có giá trị sử dụng từ ngày nhập học, năm cuối thì dùng đến ngày cuối của tháng kết thúc khóa học.
Có được chi bằng tiền mặt cho công chức cơ quan đi du lịch không?
Các khoản chi du lịch cho công chức cơ quan là một trong những khoản chi từ Kho bạc Nhà nước. Vậy khi chi tiền cho công chức cơ quan đi du lịch có được chi bằng tiền mặt không? Có được chi bằng tiền mặt cho công chức cơ quan đi du lịch không? Theo khoản 1 Điều 6 Thông tư 13/2017/TT-BTC được sửa đổi bởi Thông tư 136/2018/TT-BTC quy định nội dung chi bằng tiền mặt qua hệ thống Kho bạc Nhà nước bao gồm: Các khoản chi thanh toán cá nhân, bao gồm: tiền lương; tiền công; tiền công tác phí; phụ cấp lương; học bổng học sinh, sinh viên; tiền thưởng; phúc lợi tập thể; chi cho cán bộ xã, thôn, bản đương chức; chi thực hiện chế độ chính sách người có công với cách mạng; chi công tác xã hội; chi lương hưu và trợ cấp xã hội; chi tiền ăn trưa cho trẻ em mầm non, học sinh; các khoản thanh toán khác cho cá nhân. Như vậy, tiền thưởng đi du lịch là một trong những khoản chi phúc lợi tập thể cho công chức. Vậy khoản chi này vẫn được chi bằng tiền mặt. Cơ quan muốn rút tiền mặt từ bao nhiêu thì phải đăng ký? Theo khoản 1 Điều 7 Thông tư 13/2017/TT-BTC quy định về đăng ký rút tiền mặt như sau: Các đơn vị sử dụng NSNN có nhu cầu rút tiền mặt trong một ngày (một hoặc nhiều lần thanh toán) vượt mức quy định dưới đây phải đăng ký với KBNN nơi mở tài khoản trước ít nhất một ngày làm việc về số lượng và thời điểm rút tiền để KBNN có kế hoạch chuẩn bị và cung ứng tiền mặt đầy đủ, kịp thời cho đơn vị sử dụng NSNN. Cụ thể mức rút tiền mặt phải đăng ký với KBNN: - Từ 200 triệu đồng trở lên đối với các đơn vị sử dụng NSNN thực hiện giao dịch với KBNN cấp tỉnh. - Từ 100 triệu đồng trở lên đối với các đơn vị sử dụng NSNN thực hiện giao dịch với KBNN cấp huyện. Như vậy, nếu cơ quan muốn rút tiền mặt từ Kho bạc Nhà nước từ 200 triệu trở lên đối với cấp tỉnh và từ 100 triệu trở lên đối với cấp huyện thì sẽ phải đăng ký với Kho bạc Nhà nước trước ít nhất một ngày trước khi rút. Thủ tục đăng ký rút tiền mặt tại Kho bạc Nhà nước Theo khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều 7 Thông tư 13/2017/TT-BTC được sửa đổi bởi Thông tư 136/2018/TT-BTC quy định thủ tục đăng ký rút tiền mặt tại Kho bạc Nhà nước như sau: - Các đơn vị sử dụng NSNN đăng ký nhu cầu rút tiền mặt cho từng ngày thanh toán hoặc đăng ký cho nhiều ngày thanh toán khác nhau, song phải nêu rõ số lượng và thời điểm rút tiền mặt tại từng ngày thanh toán. Việc đăng ký rút tiền mặt với KBNN được thực hiện theo một trong các hình thức sau: + Đăng ký qua điện thoại với cán bộ có thẩm quyền của KBNN nơi giao dịch (Trưởng phòng Kế toán hoặc người được ủy quyền đối với KBNN cấp tỉnh; Kế toán trưởng hoặc người được ủy quyền đối với KBNN cấp huyện). + Đăng ký qua Trang thông tin dịch vụ công điện tử của KBNN (trường hợp KBNN đã triển khai tiện ích đăng ký rút tiền mặt qua dịch vụ công). + Đăng ký bằng văn bản với KBNN (theo Mẫu 01 ban hành kèm theo Thông tư 13/2017/TT-BTC https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/07/30/mau-dang-ky-rut-tien.docx). - Cuối ngày, cán bộ KBNN nhận đăng ký rút tiền mặt của các đơn vị tổng hợp, báo cáo Giám đốc KBNN hoặc người được ủy quyền phê duyệt; đồng thời, thông báo số lượng và thời gian dự kiến rút tiền mặt tại ngân hàng cho ngân hàng thương mại nơi KBNN mở tài khoản. Các đơn vị KBNN phải mở sổ theo dõi việc đăng ký rút tiền mặt của các đơn vị sử dụng NSNN theo Mẫu 02 ban hành kèm theo Thông tư 13/2017/TT-BTC https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/07/30/mau-dang-ky-rut-tien.docx. Như vậy, cơ quan có thể đăng ký rút tiền mặt cho từng ngày hoặc nhiều ngày thanh toán khác nhau và đăng ký qua các phương thức qua điện thoại, Trang thông tin dịch vụ công điện tử của KBNN hoặc bằng văn bản.
Đề xuất nộp số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu vào ngân sách nhà nước
Chính phủ đang dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu, thay thế Nghị định 83/2014/NĐ-CP, Nghị định 95/2021/NĐ-CP và Nghị định 80/2023/NĐ-CP. Trong đó có đề xuất về việc quản lý Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Xem toàn văn dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu (Dự thảo 3) https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/07/23/Khongso_604368.doc Xem cập nhật mới nhất dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu Quỹ bình ổn giá xăng dầu hiện nay do ai quản lý? Theo khoản 1 Điều 37 Nghị định 83/2014/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 26 Điều 1 Nghị định 95/2021/NĐ-CP quy định như sau: - Quỹ bình ổn giá xăng dầu là Quỹ tài chính không nằm trong cân đối ngân sách nhà nước (sau đây gọi chung là Quỹ bình ổn giá); toàn bộ nguồn trích lập, chi sử dụng để tham gia điều tiết, hỗ trợ cho mục tiêu bình ổn giá bán xăng dầu trong nước. - Thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu có nghĩa vụ trích lập Quỹ bình ổn giá; hạch toán và theo dõi riêng Quỹ bình ổn giá bằng tài khoản mở tại ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoạt động hợp pháp tại Việt Nam (sau đây gọi chung là ngân hàng) theo quy định tại Nghị định 83/2014/NĐ-CP và hướng dẫn của Bộ Tài chính. Thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật về việc lựa chọn ngân hàng, quản lý và đảm bảo bảo toàn số dư Quỹ bình ổn giá. Như vậy, theo quy định hiện hành thì Quỹ bình ổn giá xăng dầu hiện nay sẽ do chính thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu trích lập, chi sử dụng và quản lý, nằm ngoài ngân sách nhà nước. Đề xuất nộp số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu vào ngân sách nhà nước Theo khoản 2 Điều 36 dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu (Dự thảo 3) quy định về trách nhiệm của các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân thì Bộ Tài chính có trách nhiệm:: - Chủ trì, phối hợp Bộ Công Thương và các Bộ ngành có liên quan hướng dẫn việc sử dụng các công cụ tài chính phù hợp để khuyến khích sử dụng nhiên liệu sinh học, bảo đảm nguyên tắc thị trường, có sự quản lý của Nhà nước. - Ban hành các văn bản hướng dẫn về hóa đơn điện tử phù hợp với quy định của Luật Quản lý thuế và các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành. - Chỉ đạo cơ quan hải quan cung cấp tình hình nhập khẩu xăng dầu của thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, theo nội dung chi tiết do Bộ Công Thương đề nghị, định kỳ theo tháng, quý, năm. - Hướng dẫn thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu chuyển, nộp số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu vào ngân sách nhà nước. - Bố trí ngân sách để Bộ Công Thương mua thông tin giá xăng dầu thế giới và Premium nhằm công bố, áp dụng trong tính giá bán xăng dầu. Như vậy, theo đề xuất mới tại Dự thảo 3 thì thương nhân sẽ nộp số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu vào ngân sách nhà nước. Theo đó, nếu đề xuất được thông qua thì số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu sẽ không còn do thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu quản lý nữa mà sẽ do nhà nước quản lý. Hiện nay Quỹ bình ổn giá xăng dầu hoạt động thế nào? Theo Điều 3 Thông tư 103/2021/TT-2021 quy định nguyên tắc hoạt động của Quỹ bình ổn giá xăng dầu như sau: - Quỹ bình ổn giá xăng dầu là Quỹ tài chính không nằm trong cân đối ngân sách nhà nước; Toàn bộ nguồn trích lập, chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu để tham gia điều tiết, hỗ trợ cho mục tiêu bình ổn giá xăng dầu trong nước theo điều hành giá xăng dầu của Bộ Công Thương. Quỹ bình ổn giá xăng dầu hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, không phát sinh cơ chế quản lý tập trung và không phát sinh tổ chức bộ máy, không có cơ chế tài chính riêng. - Việc trích lập và chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu chỉ thực hiện một lần đối với một thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu bán ra đầu tiên tính trên một lít, kg xăng, dầu ở nhiệt độ thực tế tiêu thụ tại thị trường nội địa trong thời gian trích lập, chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu theo quy định. Khi có thông báo điều hành giá xăng dầu của Bộ Công Thương về mức trích lập, mức chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu, thời gian thực hiện, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu chủ động thực hiện trích lập, chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu đối với sản lượng xăng, dầu ở nhiệt độ thực tế tiêu thụ tại thị trường nội địa theo quy định. - Tại kỳ điều hành giá xăng dầu theo quy định tại Nghị định 95/2021/NĐ-CP, trường hợp tổng số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu (số ước tính) của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu ở mức lớn hơn hoặc bằng bảy nghìn tỷ đồng (≥ 7.000 tỷ đồng), Bộ Công Thương xem xét, điều chỉnh giảm mức trích lập hoặc tạm dừng trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Như vậy, hiện nay toàn bộ Quỹ bình ổn giá xăng dầu sẽ dùng để điều tiết, hỗ trợ cho mục tiêu bình ổn giá xăng dầu trong nước theo điều hành giá xăng dầu của Bộ Công Thương. Xem toàn văn dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu (Dự thảo 3) https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/07/23/Khongso_604368.doc Xem cập nhật mới nhất dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu
Ngân sách nhà nước chi thường xuyên cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong trường hợp nào?
Theo quy định mới, ngân sách nhà nước chi thường xuyên cho cơ sở khám chữa bệnh trong trường hợp nào? (1) Ngân sách nhà nước có phải là nguồn tài chính cho hoạt động khám chữa bệnh? Theo quy định tại Điều 106 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023, các nguồn tài chính cho hoạt động khám bệnh, chữa bệnh bao gồm: - Ngân sách nhà nước - Quỹ bảo hiểm y tế - Kinh phí chi trả của người bệnh - Viện trợ, tài trợ, hỗ trợ của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài theo quy định của pháp luật - Nguồn tài chính hợp pháp khác theo quy định của pháp luật Như vậy, ngân sách nhà nước là một trong 5 nguồn tài chính chính của hoạt động khám, chữa bệnh tại nước ta. (2) Ngân sách nhà nước chi thường xuyên cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong trường hợp nào? Liên quan đến việc chi thường xuyên, khoản 6 Điều 4 Luật Ngân sách nhà nước 2015 quy định về việc chi thường xuyên như sau: Chi thường xuyên là nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước nhằm bảo đảm hoạt động của bộ máy nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, hỗ trợ hoạt động của các tổ chức khác và thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên của Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Theo đó, hoạt động khám chữa bệnh được ngân sách Nhà nước chi thường xuyên để hỗ trợ việc hoạt động khám chữa bệnh được diễn ra thuận lợi, có đầy đủ cơ sở vật chất phục vụ cho người dân đến khám bệnh, chữa bệnh. Từ đó, có một thắc mắc được đặt ra đó là Ngân sách nhà nước chi thường xuyên cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong các trường hợp nào? Tại Điều 107 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 có quy định ngân sách Nhà nước sẽ chi cho khám bệnh, chữa bệnh trong các trường hợp sau đây: - Chi cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện việc cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh thuộc danh mục dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh sử dụng ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật và thực hiện nhiệm vụ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền đặt hàng, giao nhiệm vụ. - Chi hỗ trợ cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước, pháp luật về cơ chế tự chủ về tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập, bao gồm bảo đảm chi thường xuyên cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước trong trường hợp không cân đối được chi thường xuyên. - Chi đầu tư phát triển cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp luật. - Chi đóng, hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm y tế cho đối tượng được Nhà nước đóng hoặc hỗ trợ theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế. Như vậy, khoản ngân sách nhà nước chi thường xuyên cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước trong trường hợp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đó không cân đối được chi thường xuyên. (3) Kết luận Sức khỏe là tài sản quý giá nhất của mỗi con người. Chính vì vậy, việc đảm bảo an sinh xã hội trong lĩnh vực y tế luôn là mối quan tâm hàng đầu của Đảng và Nhà nước. Ngân sách Nhà nước đóng vai trò then chốt trong việc hỗ trợ các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Tuy nhiên, việc chi ngân sách phải đảm bảo tuân thủ các nguyên tắc và sử dụng đúng mục đích, trường hợp để tránh lãng phí, thất thoát tài nguyên của quốc gia. Với những thông tin mà bài viết mang lại, hy vọng sẽ mang đến cho người đọc cái nhìn toàn diện về chính sách chi thường xuyên cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Ngân sách Nhà nước.
Đề xuất Nhà nước sẽ chi mua tin phòng chống tham nhũng lên đến 50 triệu
Bộ Tài chính đang dự thảo Thông tư quy định việc quản lý, sử dụng kinh phí phục vụ hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực các cấp. Trong đó có quy định sẽ chi mua tin, tài liệu phục vụ công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Xem toàn văn dự thảo Thông tư quy định việc quản lý, sử dụng kinh phí phục vụ hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực các cấp (Dự thảo tháng 6/2024): https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/06/19/bcd-tt-20240617164424.pdf Đề xuất Nhà nước sẽ chi mua tin, tài liệu phục vụ công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực Theo Điều 3 dự thảo Thông tư quy định việc quản lý, sử dụng kinh phí phục vụ hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực các cấp (Dự thảo tháng 6/2024) quy định nội dung chi từ các nguồn ngân sách nhà nước và nguồn kinh phí khác bao gồm: - Chi phụ cấp trách nhiệm của các thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương và Ban Chỉ đạo cấp tỉnh (nếu có). - Chi thù lao đối với các trường hợp được biệt phái từ nơi khác đến Ban Nội chính Trung ương hoặc Ban Nội chính tỉnh ủy, thành ủy để thực hiện nhiệm vụ phục vụ công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương hoặc Ban Chỉ đạo cấp tỉnh theo quyết định của cấp có thẩm quyền (nếu có). - Chi thanh toán dịch vụ công cộng, chi vật tư văn phòng, thông tin, tuyên truyền, liên lạc; chi mua sách báo, tài liệu phục vụ cho công tác chuyên môn; chi hội nghị, tiếp khách; chi tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ chuyên môn; chi công tác phí cho các đoàn kiểm tra, giám sát do Ban Chỉ đạo Trung ương hoặc Ban Chỉ đạo cấp tỉnh thành lập. - Các khoản chi phục vụ hoạt động đặc thù của Ban Chỉ đạo Trung ương và Ban Chỉ đạo cấp tỉnh: + Chi mua tin, tài liệu phục vụ công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; + Chi khen thưởng, biểu dương các tập thể, cá nhân có thành tích đặc biệt xuất sắc trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hàng năm hoặc đột xuất. - Chi mua sắm, sửa chữa tài sản chuyên dùng. - Các khoản chi khác phục vụ cho hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương và Ban Chỉ đạo cấp tỉnh do Trường Ban hoặc Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương hoặc Ban Chỉ đạo cấp tỉnh phê duyệt (nếu có). Như vậy, chi mua tin, tài liệu phục vụ công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là một trong những nội dung chi của ngân sách nhà nước và các nguồn kinh phí khác do Ban Chỉ đạo Trung ương và Ban Chỉ đạo cấp tỉnh quản lý, sử dụng. Mức chi mua tin phục vụ công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đến 50 triệu/tin Tại Điều 4 Dự thảo tháng 6/2024 quy định mức chi cho các nội dung chi trên được thực hiện theo chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi tiêu tài chính hiện hành do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định. Trong đó, cụ thể một số mức chi như sau: - Chi phụ cấp trách nhiệm của các thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương và Ban Chỉ đạo cấp tỉnh: Thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ; - Chi thù lao quy định tại khoản 2 Điều 3 Dự thảo tháng 6/2024: Thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ; - Chi thanh toán dịch vụ công cộng, chi vật tư văn phòng, thông tin, tuyên truyền, liên lạc; chi mua sách báo, tài liệu phục vụ cho công tác chuyên môn: Theo hóa đơn, chứng từ hợp pháp và phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt trong phạm vi dự toán đã được giao; - Chi hội nghị, tiếp khách; chi tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ chuyên môn, chi công tác phí cho các đoàn kiểm tra, giám sát cho Ban Chỉ đạo Trung ương hoặc Ban Chỉ đạo cấp tỉnh thành lập: Thực hiện theo quy định tại Thông tư 40/2017/TT-BTC; - Chi mua tin tối đa 50.000.000 (năm mươi triệu) đồng/tin. Căn cứ nội dung, tính chất của tin được cung cấp, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương quyết định mức chi đối với từng trường hợp cụ thể; trường hợp đặc biệt, Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương báo cáo tập thể Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương xem xét, quyết định. Việc quản lý, sử dụng kinh phí mua tin theo chế độ mật; - Chi khen thưởng, biểu dương các tập thể, cá nhân có thành tích đặc biệt xuất sắc trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hàng năm hoặc đột xuất: Áp dụng mức chi tiền thưởng theo quy định tại Nghị định 98/2023/NĐ- CP; - Các khoản chi khác theo yêu cầu của Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương hoặc Ban Chỉ đạo cấp tỉnh (nếu có): Mức chi thực hiện theo quy định hiện hành đối với từng nội dung chi. - Đối với nội dung chưa có quy định về mức chi: Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương hoặc Ban Chỉ đạo cấp tỉnh báo cáo tập thể thưởng trực Ban Chỉ đạo Trung ương hoặc Ban Chỉ đạo cấp tỉnh xem xét, thực hiện theo Kết luận của Trưởng Ban Ban Chỉ đạo Trung ương hoặc Ban Chỉ đạo cấp tỉnh. Các khoản chi phải có hóa đơn, chứng tử chi thực tế hợp pháp và trong phạm vi dự toán được cấp có thẩm quyền giao. Như vậy, nếu Dự thảo tháng 6/2024 được thông qua thì nhà nước sẽ chi từ nguồn ngân sách nhà nước và các nguồn kinh phí khác tối đa 50 triệu đồng/tin đối với tin, tài liệu phục vụ công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Lưu ý việc quản lý và sử dụng kinh phí cho nội dung này theo chế độ mật. Kinh phí chi mua tin, tài liệu phục vụ công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực sẽ được quyết toán thế nào? Theo khoản 3 Điều 5 Dự thảo tháng 6/2024 quy định về việc quyết toán đối với kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước như sau: - Kinh phí hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương được tổng hợp chung vào quyết toán ngân sách nhà nước hàng năm của Ban Nội chính Trung ương và Văn phòng Trung ương Đảng. Kinh phí hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh được tổng hợp chung vào quyết toán ngân sách nhà nước hàng năm của Ban Nội chính thành ủy, tỉnh ủy và Văn phòng tỉnh ủy, thành ủy; - Trình tự lập, mẫu biểu báo cáo, thời gian nộp và xét duyệt báo cáo quyết toán thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn. Như vậy, đối với Ban Chỉ đạo Trung ương sẽ được tổng hợp với quyết toán ngân sách nhà nước hằng năm của Ban Nội chính Trung ương và Văn phòng Trung ương Đảng; đối với Ban Chỉ đạo cấp tỉnh được tổng hợp với quyết toán ngân sách nhà nước hàng năm của Ban Nội chính thành ủy, tỉnh ủy và Văn phòng tỉnh ủy, thành ủy. Xem toàn văn dự thảo Thông tư quy định việc quản lý, sử dụng kinh phí phục vụ hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực các cấp (Dự thảo tháng 6/2024): https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/06/19/bcd-tt-20240617164424.pdf
MỚI: 4 khoản thu nhập được đề xuất miễn thuế thu nhập doanh nghiệp
Vừa qua ngày 12/6/2024, Chính phủ đã công bố, lấy ý kiến dự thảo Luật thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) do Bộ Tài chính soạn thảo. Dự thảo có nhiều quy định mới, trong đó nổi bật là bổ sung thêm 4 khoản thu nhập được miễn thuế. 4 khoản thu nhập được đề xuất miễn thuế thu nhập doanh nghiệp Theo đó, tại Điều 4 dự thảo Luật thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) (Dự thảo ngày 12/6/2024) đã sửa đổi các khoản thu nhập miễn thuế, đồng thời bổ sung 4 khoản thu nhập mới được miễn thuế bao gồm: 1) Khoản hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách nhà nước Theo khoản 8 Điều 4 Dự thảo ngày 12/6/2024 đã quy định miễn thuế đối với khoản tài trợ nhận được để sử dụng cho hoạt động giáo dục, nghiên cứu khoa học, văn hóa, nghệ thuật, từ thiện, nhân đạo và hoạt động xã hội khác tại Việt Nam; khoản hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách nhà nước, khoản bồi thường của nhà nước theo quy định của pháp luật. Theo đó so với quy định hiện hành tại Luật thuế thu nhập doanh nghiệp 2008, quy định mới đã bổ sung khoản hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách, khoản bồi thường của nhà nước theo quy định của pháp luật cũng sẽ được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp. 2) Khoản chênh lệch do đánh giá lại tài sản Dự thảo ngày 12/6/2024 đã bổ sung mới tại khoản 9 Điều 4, theo đó khoản chênh lệch do đánh giá lại tài sản theo quy định của pháp luật để cổ phần hóa, đổi mới, sắp xếp doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ cũng sẽ được miễn thuế. 3) Thu nhập từ tín chỉ các-bon, trái phiếu xanh Tại khoản 10 Điều 4 Dự thảo ngày 12/6/2024 quy định miễn thuế thu nhập doanh nghiệp đối với: Thu nhập từ chuyển nhượng chứng chỉ giảm phát thải, chuyển nhượng tín chỉ các-bon lần đầu sau khi phát hành của doanh nghiệp được cấp chứng chỉ giảm phát thải, tín chỉ các-bon; thu nhập từ tiền lãi trái phiếu xanh; thu nhập từ chuyển nhượng trái phiếu xanh lần đầu sau khi phát hành. Theo đó, quy định mới đã bổ sung thu nhập từ chuyển nhượng tín chỉ các-bon lần đầu sau khi phát hành, thu nhập từ tiền lãi và từ chuyển nhượng trái phiếu xanh lần đầu sau khi phát hành; đồng thời, bỏ cụm từ viết tắt "CERs" tại khoản 10 Điều 4 Luật thuế thu nhập doanh nghiệp 2008 để đảm bảo việc miễn thuế được áp dụng đối với thu nhập từ chuyển nhượng của các loại chứng chỉ giảm phát thải, không giới hạn chỉ là chứng chỉ CERs như quy định hiện hành. 4) Thu nhập của đơn vị sự nghiệp công lập từ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công Tại khoản 14 Điều 4 Dự thảo ngày 12/6/2024 đã bổ sung mới quy định miễn thuế thu nhập doanh nghiệp đối với thu nhập của đơn vị sự nghiệp công lập từ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công trong các trường hợp: - Dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu thuộc danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN do cơ quan có thẩm quyền ban hành; - Dịch vụ sự nghiệp công mà Nhà nước phải hỗ trợ, đảm bảo kinh phí hoạt động do chưa tính đủ chi phí cung cấp dịch vụ trong giá dịch vụ; - Dịch vụ sự nghiệp công tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Như vậy, Dự thảo ngày 12/6/2024 đã sửa đổi các khoản được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, đồng thời bổ sung 4 khoản thu nhập như trên. Xem toàn văn dự thảo Luật thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) ngày 12/6/2024: https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/06/13/du-thao-luat-thue-tndn.pdf Tín chỉ các-bon, trái phiếu xanh là gì? Theo khoản 35 Điều 3 Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định về tín chỉ các-bon như sau: Tín chỉ các-bon là chứng nhận có thể giao dịch thương mại và thể hiện quyền phát thải một tấn khí carbon dioxide (CO2) hoặc một tấn khí carbon dioxide (CO2) tương đương. Theo khoản 1 Điều 21 Nghị định 95/2018/NĐ-CP quy định về trái phiếu xanh như sau: Trái phiếu xanh là một loại trái phiếu Chính phủ được phát hành để đầu tư cho các dự án liên quan đến hoạt động bảo vệ môi trường theo quy định tại Luật bảo vệ môi trường (dự án xanh) và nằm trong danh mục dự án được phân bổ vốn đầu tư công theo quy định của Luật đầu tư công, Luật ngân sách nhà nước. Như vậy, tín chỉ các-bon là chứng nhận có thể giao dịch thương mại và thể hiện quyền phát thải một tấn khí CO2 hoặc một tấn khí CO2 tương đương. Trái phiếu xanh là một loại trái phiếu Chính phủ được phát hành để đầu tư cho các dự án liên quan đến hoạt động bảo vệ môi trường theo quy định và nằm trong danh mục dự án được phân bổ vốn đầu tư công. Theo đó, dự thảo Luật thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) ngày 12/6/2024 đã đề xuất thu nhập hoạt động chuyển nhượng tín chỉ các-bon, trái phiếu xanhlần đầu sau khi phát hành sẽ được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp. Danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN mới nhất Theo khoản 2 Điều 4 Nghị định 60/2020/NĐ-CP quy định về danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước như sau: - Các dịch vụ công cơ bản, thiết yếu theo quy định của pháp luật chuyên ngành và pháp luật về ngân sách nhà nước, gồm: + Các dịch vụ giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông; y tế dự phòng, y tế cơ sở, bệnh viện ở vùng khó khăn, biên giới, hải đảo; + Khám, chữa các bệnh phong, lao, tâm thần; + Nghiên cứu khoa học cơ bản; + Văn hóa, nghệ thuật dân gian truyền thống, đào tạo huấn luyện vận động viên, huấn luyện viên thể thao quốc gia; + Chăm sóc người có công và bảo trợ xã hội và các dịch vụ thuộc danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước theo các lĩnh vực quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 60/2020/NĐ-CP. Xem toàn bộ khung danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước: https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/06/13/danh-muc-dich-su-nghiep-cong-sd-nsnn.doc - Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (sau đây gọi là các bộ, cơ quan trung ương); Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh): + Tiếp tục thực hiện danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước đã được cấp có thẩm quyền ban hành trong trường hợp danh mục hiện hành phù hợp với quy định; + Đồng thời, rà soát để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Như vậy, theo khung danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước các cơ quan có thẩm quyền sẽ ban hành danh mục cụ thể. Theo đó, dự thảo Luật thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) ngày 12/6/2024 đã đề xuất quy định miễn thuế việc dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu thuộc danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước do cơ quan có thẩm quyền ban hành. Xem toàn văn dự thảo Luật thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) ngày 12/6/2024: https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/06/13/du-thao-luat-thue-tndn.pdf
Cán bộ đi du học bằng ngân sách nhà nước nhưng không trở về thì bị xử lý thế nào?
Cán bộ, công chức, viên chức được cử đi du học nước ngoài bằng ngân sách nhà nước nhưng có một số lượng nhỏ không quay trở về đất nước thì sẽ bị xử lý thế nào? Ai sẽ đền bù phần ngân sách này? Cán bộ đi du học bằng ngân sách nước nhưng không trở về có vi phạm pháp luật không? Theo Khoản 2 Điều 6 Nghị định 86/2021/NĐ-CP quy định về trách nhiệm của du học sinh học bổng ngân sách nhà nước, trong đó: Phải bồi hoàn chi phí đào tạo theo quy định tại Điều 12 và Điều 13 Nghị định 86/2021/NĐ-CP nếu không hoàn thành nghĩa vụ học tập hoặc không chấp hành sự điều động làm việc của cơ quan nhà nước có thẩm quyền sau khi tốt nghiệp đối với du học sinh quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 3 Nghị định 86/2021/NĐ-CP; Theo đó, du học sinh học bổng ngân sách nhà nước được quy định như sau: Du học sinh học bổng ngân sách nhà nước là công dân Việt Nam ra nước ngoài học tập được nhận toàn phần hoặc một phần chi phí đào tạo, chi phí đi lại, sinh hoạt phí và các chi phí khác liên quan đến học tập từ một hoặc nhiều nguồn trong các nguồn kinh phí sau đây: + Học bổng ngân sách nhà nước cấp trong khuôn khổ hiệp định, thỏa thuận hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam với Chính phủ nước ngoài; + Học bổng ngân sách nhà nước cấp thông qua các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập; Như vậy, việc cán bộ, công chức, viên chức là du học sinh được cử đi du học bằng ngân sách nhà nước nhưng không trở về theo quy định là hành vi vi phạm pháp luật và sẽ bị xử lý. Đi du học bằng ngân sách nhà nước nhưng không trở về thì bị xử lý thế nào? 1) Xử phạt hành chính Theo Khoản 2,3 Điều 21 Nghị định 88/2022/NĐ-CP quy định về xử lý vi phạm quy định về ra nước ngoài học tập, giảng dạy, nghiên cứu khoa học và trao đổi học thuật các trình độ đào tạo trong giáo dục nghề nghiệp như sau: - Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi tự ý bỏ học, bỏ việc hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng trong thời gian được cử đi đào tạo ở nước ngoài hoặc không được cơ sở đào tạo ở nước ngoài cấp văn bằng, chứng chỉ tốt nghiệp. - Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng việc đi học tập, giảng dạy, nghiên cứu khoa học và trao đổi học thuật để thực hiện mục đích đi lao động hoặc ở lại nước ngoài trái pháp luật mà không bị đe dọa, ép buộc dưới bất kỳ hình thức nào và không thuộc trường hợp bị truy cứu trách nhiệm hình sự. - Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc bồi hoàn các khoản kinh phí đã được hưởng và chịu mọi chi phí bồi hoàn theo quy định đối với hành vi vi phạm. 2) Bồi thường chi phí đào tạo được ngân sách nhà nước chi trả Theo Điều 8 Nghị định 101/2017/NĐ-CP, chi phí đền bù bao gồm học phí và tất cả các khoản chi khác phục vụ cho khóa học, không tính lương và các khoản phụ cấp (nếu có). Cách tính chi phí đền bù như sau: - Cán bộ, công chức, viên chức phải trả 100% chi phí đền bù trong các trường hợp sau: + Tự ý bỏ học, bỏ việc hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc trong thời gian đào tạo. + Không được cơ sở đào tạo cấp văn bằng tốt nghiệp. - Đối với các trường hợp đã hoàn thành và được cấp văn bằng tốt nghiệp khóa học nhưng bỏ việc hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc khi chưa phục vụ đủ thời gian cam kết quy định tại Điều 5 hoặc Điều 6 Nghị định 101/2017/NĐ-CP thì chi phí đền bù được tính theo công thức sau: S = F x (T1 - T2) T1 Trong đó: + S là chi phí đền bù; + F là tổng chi phí do cơ quan, đơn vị cử cán bộ, công chức, viên chức đi học chi trả theo thực tế cho 01 người tham gia khóa học; + T1 là thời gian yêu cầu phải phục vụ sau khi đã hoàn thành khóa học (hoặc các khóa học) được tính bằng số tháng làm tròn; + T2 là thời gian đã phục vụ sau đào tạo được tính bằng số tháng làm tròn. Như vậy, cán bộ được cử đi du học nước ngoài nhưng không về, tự ý bỏ việc phải trả 100% chi phí đền bù bao gồm học phí và tất cả các khoản chi khác phục vụ cho khóa học. Đồng thời, người vi phạm còn bị xử phạt lên đến 60.000.000 khi đi du học bằng ngân sách nhà nước nhưng không trở về theo thoả thuận. Để được đi du học bằng ngân sách nhà nước phải đáp ứng điều kiện gì? 1) Điều kiện chung Theo Điều 3 Quyết định 02-QĐ/BCĐ, cán bộ được cử đi bồi dưỡng phải đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn chung như sau: - Hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. - Không trong thời gian xem xét, xử lý kỷ luật hoặc trong thời gian thi hành kỷ luật từ khiển trách trở lên; không thuộc trường hợp chưa được xuất cảnh, nhập cảnh theo quy định của pháp luật. - Nội dung của khóa bồi dưỡng phù hợp với chuyên môn, nghiệp vụ đang công tác hoặc vị trí lãnh đạo, quản lý được quy hoạch. - Có đủ sức khỏe đáp ứng yêu cầu khóa bồi dưỡng. - Được cử đi bồi dưỡng không quá 02 lần một năm, không bố trí tham gia bồi dưỡng trong 02 năm liên tiếp theo kinh phí thực hiện Kết luận 39-KL/TW năm 2022. Đối với bồi dưỡng ngắn hạn, cán bộ chỉ được tham gia một lần. Trường hợp cần thiết do Lãnh đạo Ban Chỉ đạo thực hiện Kết luận 39-KL/TW năm 2022, quyết định. - Có cam kết trước khi được cử đi bồi dưỡng theo mẫu quy định. Mẫu cam kết: https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/05/11/mau-cam-ket-du-hoc.docx 2) Điều kiện cụ thể Ngoài các điều kiện, tiêu chuẩn chung quy định như trên, cán bộ được cử đi bồi dưỡng cần đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn cụ thể tại Điều 3 Quyết định 02-QĐ/BCĐ như sau: - Đối với cán bộ được cử đi bồi dưỡng ngắn hạn: Cán bộ còn đủ thời gian công tác là lãnh đạo, quản lý ít nhất 18 tháng tính từ khi khóa bồi dưỡng bắt đầu. - Đối với cán bộ được cử đi bồi dưỡng trung hạn: + Còn đủ thời gian công tác là lãnh đạo, quản lý ít nhất 24 tháng tính từ khi khóa bồi dưỡng bắt đầu. + Có năng lực học trực tiếp bằng ngoại ngữ. + Phải đạt yêu cầu của vòng phỏng vấn tuyển chọn của cơ sở đào tạo thực hiện chương trình bồi dưỡng trung hạn. - Đối với cán bộ được cử đi bồi dưỡng ngoại ngữ: + Còn đủ thời gian công tác ít nhất 24 tháng tính từ khi khóa bồi dưỡng bắt đầu. + Phải đáp ứng yêu cầu về trình độ ngoại ngữ đầu vào, đầu ra thực hiện theo thông báo tuyển sinh hằng năm hoặc của từng khóa học. Ngoài ra, khoản 1 Điều 6 Nghị định 101/2017/NĐ-CP quy định điều kiện đào tạo sau đại học đối với cán bộ, công chức như sau: - Có thời gian công tác từ đủ 03 năm trở lên (không kể thời gian tập sự) và 02 năm liên tục liền kề trước thời điểm được cử đi đào tạo hoàn thành tốt nhiệm vụ; - Không quá 40 tuổi tính từ thời điểm được cử đi đào tạo sau đại học lần đầu; - Có cam kết thực hiện nhiệm vụ, công vụ tại cơ quan, đơn vị sau khi hoàn thành chương trình đào tạo trong thời gian ít nhất gấp 02 lần thời gian đào tạo; - Chuyên ngành đào tạo phù hợp với vị trí việc làm. Như vậy, để được cử đi du học bằng ngân sách nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức phải đáp ứng các điều kiện chung và các điều kiện cụ thể theo từng loại hình đào tạo.
Chính phủ chỉ đạo triệt để tiết kiệm chi, dành nguồn cải cách tiền lương
Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 65/NQ-CP ngày 07/5/2024 phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4 năm 2024. Trong đó, Chính phủ chỉ đạo kiểm soát chặt chẽ, triệt để tiết kiệm chi để dành nguồn lực cho đầu tư phát triển và nguồn thực hiện cải cách tiền lương, an sinh xã hội. Chính phủ chỉ đạo triệt để tiết kiệm chi, dành nguồn cải cách tiền lương Trong Nghị quyết 65/NQ-CP ngày 07/5/2024, Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục quán triệt phương châm chỉ đạo, điều hành đã được xác định từ đầu năm và tinh thần "5 quyết tâm", "5 bảo đảm", "5 đẩy mạnh" đã đề ra tại Nghị quyết 44/NQ-CP ngày 05/4/2024. Theo đó, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, theo dõi sát diễn biến tình hình quốc tế, khu vực; làm tốt công tác phân tích, dự báo; phối hợp chặt chẽ, hài hòa giữa chính sách tiền tệ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác, có phản ứng chính sách kịp thời, phù hợp, hiệu quả đối với các vấn đề mới phát sinh. Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi tối đa, giảm chi phí tiếp cận vốn tín dụng cho doanh nghiệp, người dân. Có giải pháp khơi thông gói tín dụng nhà ở xã hội 120 nghìn tỷ đồng; xử lý hiệu quả nợ xấu, các tổ chức tín dụng yếu kém, các ngân hàng kiểm soát đặc biệt để góp phần bảo đảm sự ổn định, an toàn của hệ thống các tổ chức tín dụng. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, ngân sách nhà nước; triển khai các giải pháp thu đúng, thu đủ, thu kịp thời, mở rộng cơ sở thu, khai thác các nguồn thu còn dư địa; tiếp tục duy trì, phát huy kết quả đạt được trong việc thực hiện các quy định về hóa đơn điện tử. Phấn đấu tăng thu, đồng thời kiểm soát chặt chẽ, triệt để tiết kiệm chi, nhất là chi thường xuyên để dành nguồn lực cho đầu tư phát triển, nhất là cho các dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia và nguồn thực hiện cải cách tiền lương, an sinh xã hội. “5 quyết tâm”, “5 bảo đảm” và “5 đẩy mạnh” bao gồm những nội dung gì? Theo Nghị quyết 44/NQ-CP ngày 05/4/2024, Chính phủ nêu quan điểm chỉ đạo điều hành và đề nghị các bộ, ngành, địa phương thực hiện với quyết tâm cao nhất, tốt nhất, phấn đấu đạt và vượt các mục tiêu, chỉ tiêu trong năm 2024, nhất là chỉ tiêu về tăng trưởng với tinh thần "5 quyết tâm", "5 bảo đảm" và "5 đẩy mạnh". Trong đó: "5 quyết tâm" là: (1) Quyết tâm khắc phục mọi khó khăn, vượt qua mọi thách thức. (2) Quyết tâm thực hiện, không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm; không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác với phương châm "thắng không kiêu, bại không nản". (3) Quyết tâm bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung; đồng thời đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. (4) Quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tăng cường phân cấp, phân quyền, cắt giảm thủ tục hành chính, giảm chi phí, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. (5) Quyết tâm nỗ lực phấn đấu cao nhất để đạt kết quả tốt nhất trong năm 2024, nhất là thúc đẩy các động lực tăng trưởng. Thực hiện tốt "5 bảo đảm" là: (1) Bảo đảm thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Lãnh đạo chủ chốt, Quốc hội, Chính phủ. (2) Bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế và kiểm soát lạm phát, tạo nền tảng và điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững. (3) Bảo đảm phát triển lành mạnh, công khai, minh bạch các loại thị trường. (4) Bảo đảm đầy đủ điều kiện để triển khai chế độ tiền lương mới từ ngày 01/7/2024. (5) Bảo đảm ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, an sinh xã hội, an ninh, an toàn, an dân; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ. Tập trung thực hiện "5 đẩy mạnh" là: (1) Đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế trên các ngành, lĩnh vực chủ yếu. (2) Đẩy mạnh huy động mọi nguồn lực để thúc đẩy sản xuất, tạo công ăn việc làm, tạo sinh kế cho người dân, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. (3) Đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược. (4) Đẩy mạnh hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế, củng cố và nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Khẩn trương cụ thể hóa, khai thác có hiệu quả các điều ước quốc tế, thỏa thuận của Lãnh đạo cấp cao. (5) Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp từ Trung ương đến tất cả các địa phương. Có thể thấy, cải cách tiền lương là một trong những mục tiêu được nhà nước quan tâm sâu sắc. Chính sách tiền lương là một bộ phận đặc biệt quan trọng của hệ thống chính sách kinh tế - xã hội, liên quan trực tiếp đến các cân đối lớn của nền kinh tế, thị trường lao động và đời sống người hưởng lương, góp phần xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, trong sạch, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Xem thêm: Từ 1/7/2024 thực hiện chế độ tiền lương mới sẽ có 9 loại phụ cấp nào? Từ 01/7/2024, 03 loại tiền lương nào sẽ được tăng và tăng bao nhiêu? Từ 01/5/2024, nhà nước tăng cường kiểm soát khoản chi lương và phụ cấp theo lương
Chủ thể nào bắt buộc công khai ngân sách nhà nước?
Cơ quan mình là đơn vị sự nghiệp sử dụng ngân sách của nhà nước thực hiện một số dự án. Vậy đơn vị mình có phải công khai ngân sách nhà nước không và một số thông tin phải công khai ngân sách nhà nước quy định như thế nào? Nhờ Cộng đồng giải đáp. Chủ thể bắt buộc công khai ngân sách nhà nước? Căn cứ Theo khoản 1 Điều 46 Nghị định 163/2016/NĐ-CP: “Đối tượng và phạm vi thực hiện công khai ngân sách - Đối tượng phải thực hiện công khai ngân sách, gồm: + Các cấp ngân sách nhà nước; + Đơn vị dự toán ngân sách; + Tổ chức được ngân sách nhà nước hỗ trợ; + Chương trình, dự án đầu tư xây dựng cơ bản có sử dụng vốn ngân sách nhà nước. - Đối tượng phải công khai thủ tục ngân sách nhà nước gồm: Cơ quan thu, cơ quan tài chính và Kho bạc Nhà nước.” Theo quy định trên, nếu đơn vị bạn được cấp ngân sách nhà nước thực hiện dự án thì đơn vị bạn sẽ thuộc đối tượng bắt buộc phải thực hiện công khai ngân sách. Nội dung công khai ngân sách nhà nước như thế nào? Theo quy định tại Điều 47 Nghị định 163/2016/NĐ-CP thì nội dung công khai ngân sách nhà nước theo từng cấp có thẩm quyền cần có như sau: - Đối với nội dung công khai ngân sách nhà nước và ngân sách trung ương: + Công khai số liệu, thuyết minh dự toán ngân sách nhà nước trình Quốc hội, dự toán ngân sách nhà nước được Quốc hội quyết định; quyết toán ngân sách nhà nước được Quốc hội phê chuẩn; gồm: ++ Cân đối thu, chi ngân sách nhà nước; ++ Thu ngân sách nhà nước theo lĩnh vực và theo từng loại thuế; ++ Chi ngân sách nhà nước, trong đó chi đầu tư phát triển, chi thường xuyên, chi trả nợ lãi, chi viện trợ, chi bổ sung quỹ dự trữ tài chính, dự phòng ngân sách; ++ Bội chi ngân sách nhà nước; tổng mức vay của ngân sách nhà nước, bao gồm vay bù đắp bội chi và vay để trả nợ gốc của ngân sách nhà nước; ++ Chi ngân sách trung ương theo từng lĩnh vực; tổng số và chi tiết theo từng lĩnh vực chi ngân sách trung ương cho từng bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc ++ Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương; chi ngân sách trung ương cho các chương trình mục tiêu quốc gia; ++ Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn, chi ngân sách địa phương, số bổ sung cân đối ngân sách, bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách từng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; tỷ lệ phần trăm (%) phân chia các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách từng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; + Công khai số liệu, thuyết minh tình hình thực hiện dự toán thu, chi ngân sách nhà nước, bao gồm cân đối thu, chi ngân sách nhà nước, thu ngân sách nhà nước theo từng lĩnh vực, chi ngân sách nhà nước chi tiết theo chi đầu tư phát triển, chi thường xuyên. - Đối với nội dung công khai ngân sách các cấp ở địa phương: + Công khai số liệu, thuyết minh dự toán ngân sách địa phương trình Hội đồng nhân dân, dự toán ngân sách địa phương được Hội đồng nhân dân quyết định; quyết toán ngân sách được Hội đồng nhân dân phê chuẩn; gồm: ++ Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn theo từng lĩnh vực và theo từng loại thuế; ++ Cân đối thu, chi ngân sách địa phương; ++ Thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp; ++ Chi ngân sách địa phương, trong đó chi đầu tư phát triển, chi thường xuyên; chi trả nợ lãi và chi bổ sung quỹ dự trữ tài chính đối với ngân sách cấp tỉnh, dự phòng ngân sách; ++ Chi ngân sách cấp mình theo từng lĩnh vực; tổng số và chi tiết theo từng lĩnh vực chi ngân sách cấp mình cho từng cơ quan, đơn vị thuộc cấp mình; chi xây dựng cơ bản từ ngân sách cấp mình cho từng dự án, công trình; chi cho các dự án, chương trình mục tiêu quốc gia; ++ Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn từng địa phương cấp dưới, chi ngân sách cấp dưới, số bổ sung cân đối và bổ sung có mục tiêu từ ngân sách cấp mình cho từng ngân sách cấp dưới; ++ Tỷ lệ phần trăm (%) phân chia các khoản thu phân chia giữa ngân sách các cấp chính quyền địa phương cho từng cấp ngân sách cho các năm trong thời kỳ ổn định ngân sách; + Công khai số liệu, thuyết minh tình hình thực hiện dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn, dự toán thu ngân sách địa phương, dự toán chi ngân sách địa phương. - Đối với số liệu chi tiết, báo cáo thuyết minh ngân sách của lĩnh vực quốc phòng, an ninh, dự trữ quốc gia thực hiện theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 15 Luật ngân sách nhà nước. - Nội dung công khai thủ tục ngân sách nhà nước thực hiện theo điểm b khoản 2 Điều 15 Luật ngân sách nhà nước. Thời điểm công khai ngân sách nhà nước? Theo quy định tại Điều 49 Nghị định 163/2016/NĐ-CP về thời điểm công khai ngân sách nêu rõ: - Báo cáo dự toán ngân sách nhà nước phải được công khai chậm nhất là 05 ngày làm việc kể từ ngày Chính phủ gửi đến các đại biểu Quốc hội, Ủy ban nhân dân gửi đại biểu Hội đồng nhân dân. - Báo cáo dự toán ngân sách nhà nước đã được cấp có thẩm quyền quyết định, báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước đã được cấp có thẩm quyền phê chuẩn, phải được công khai chậm nhất là 30 ngày, kể từ ngày văn bản được ban hành. - Báo cáo tình hình thực hiện ngân sách nhà nước hằng quý, 06 tháng phải được công khai chậm nhất là 15 ngày, kể từ ngày kết thúc quý và 06 tháng. - Báo cáo tình hình thực hiện ngân sách nhà nước hằng năm được công khai khi Chính phủ, Ủy ban nhân dân trình Quốc hội, Hội đồng nhân dân. - Công khai dự toán các đơn vị dự toán ngân sách và các tổ chức được ngân sách nhà nước hỗ trợ chậm nhất là 15 ngày, kể từ ngày được cấp có thẩm quyền giao; công khai tình hình thực hiện ngân sách cả năm của các đơn vị dự toán ngân sách chậm nhất là 05 ngày làm việc, kể từ ngày đơn vị báo cáo đơn vị dự toán ngân sách cấp trên trực tiếp; công khai quyết toán ngân sách của các đơn vị dự toán ngân sách chậm nhất là 15 ngày, kể từ ngày được cấp có thẩm quyền phê duyệt, thẩm định. - Công khai thủ tục ngân sách nhà nước chậm nhất là 05 ngày làm việc, kể từ ngày cấp có thẩm quyền ban hành quy định. Theo đó, tùy vào các nội dung công khai ngân sách nhà nước mà đơn vị bạn cần thực hiện khia báo theo đúng nội dung phù hợp trong khoản thời gian cụ thể cho từng nội dung ngân sách nhà nước trên.
Kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện chính sách tinh giản biên chế
Thông tư 13/2024/TT-BTC quy định việc xác định nguồn kinh phí và việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện chính sách tinh giản biên chế quy định tại Nghị định số 29/2023/NĐ-CP ngày 03 tháng 6 năm 2023 của Chính phủ quy định về tinh giản biên chế (sau đây viết tắt là Nghị định số 29/2023/NĐ-CP). Việc lập dự toán, phân bổ, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện chính sách tinh giản biên chế thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước 2015 và các văn bản hướng dẫn Luật. 1. Lập dự toán kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện chính sách tinh giản biên chế - Đối với các bộ, cơ quan ở trung ương: Hàng năm, căn cứ tình hình thực hiện chính sách tinh giản biên chế (bao gồm số đối tượng tinh giản biên chế và số tiền trợ cấp cho từng đối tượng tinh giản biên chế do người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp quản lý đối tượng tinh giản biên chế lập và được cấp có thẩm quyền phê duyệt quy định tại khoản 3 Điều 12 Nghị định số 29/2023/NĐ-CP); kế hoạch thực hiện tinh giản biên chế năm sau liền kề theo quy định tại khoản 2 Điều 12 Nghị định số 29/2023/NĐ-CP, chỉ đạo bộ phận kế hoạch tài chính trực thuộc xây dựng dự toán kinh phí thực hiện chính sách tinh giản biên chế để tổng hợp trong dự toán ngân sách nhà nước hàng năm gửi cơ quan tài chính cùng cấp trình cấp có thẩm quyền bố trí, giao dự toán kinh phí thực hiện tinh giản biên chế trong dự toán hàng năm của các bộ, cơ quan ở trung ương. - Đối với các địa phương: Căn cứ tình hình thực hiện chính sách tinh giản biên chế (bao gồm số đối tượng tinh giản biên chế và số tiền trợ cấp cho từng đối tượng tinh giản biên chế do người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp quản lý đối tượng tinh giản biên chế lập và được cấp có thẩm quyền phê duyệt quy định tại khoản 3 Điều 12 Nghị định số 29/2023/NĐ-CP), kế hoạch thực hiện tinh giản biên chế năm sau liền kề theo quy định tại khoản 2 Điều 12 Nghị định số 29/2023/NĐ-CP, các địa phương xây dựng dự toán kinh phí thực hiện chính sách tinh giản biên chế năm kế hoạch tổng hợp chung vào nhu cầu thực hiện cải cách tiền lương trong dự toán ngân sách nhà nước hàng năm. 2. Phân bổ, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện chính sách tinh giản biên chế Việc phân bổ, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước bố trí thực hiện chính sách tinh giản biên chế thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước 2015 và các văn bản hướng dẫn Luật. - Đối với các bộ, cơ quan ở trung ương: Kinh phí ngân sách nhà nước bố trí thực hiện chính sách tinh giản biên chế được phân bổ vào nguồn kinh phí không thực hiện tự chủ của các đơn vị sử dụng ngân sách. Trên cơ sở danh sách tinh giản biên chế đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, các bộ, cơ quan trung ương thực hiện chi trả các chế độ, chính sách cho các đối tượng tinh giản biên chế theo quy định. - Đối với các địa phương: Trên cơ sở danh sách tinh giản biên chế đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; các cơ quan, đơn vị ở địa phương thực hiện chi trả các chế độ, chính sách cho các đối tượng tinh giản biên chế theo quy định. - Trường hợp các bộ, cơ quan ở trung ương, địa phương thực hiện tinh giản biên chế không đúng quy định thì thực hiện thu hồi nộp ngân sách kinh phí thực hiện tinh giản biên chế, thu hồi các quyết định giải quyết tinh giản biên chế và bố trí cho những người không thuộc đối tượng tinh giản biên chế trở lại làm việc; đồng thời, xem xét trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan và chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật về việc thực hiện không đúng quy định về tinh giản biên chế. 3. Về quyết toán kinh phí thực hiện chính sách tinh giản biên chế Kinh phí thực hiện chính sách tinh giản biên chế được tổng hợp chung vào báo cáo tài chính và báo cáo quyết toán của cơ quan, đơn vị hàng năm theo quy định tại Luật Ngân sách nhà nước 2015, Luật Kế toán 2015 và các văn bản hướng dẫn. 4. Đối tượng áp dụng - Các cơ quan, tổ chức của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội từ Trung ương đến cấp xã; - Các đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội từ Trung ương đến cấp huyện; - Các đối tượng khác theo quy định tại Điều 18 Nghị định số 29/2023/NĐ-CP. Như vậy, việc lập dự toán, phân bổ, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện chính sách tinh giản biên chế thực hiện theo quy định tại Điều 5 Thông tư 13/2024/TT-BTC.
Giao quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ ngân sách cấp
Các đơn vị muốn thực hiện giao quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ ngân sách cấp cần thực hiện các bước nào? Chuẩn bị hồ sơ gồm những giấy tờ gì và thời gian thực hiện thủ tục này là bao lâu? Thủ tục giao quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ ngân sách cấp Bước 1. Trong vòng 60 ngày, kể từ ngày được Hội đồng đánh giá, nghiệm thu kết quả đạt trở lên, tổ chức, cá nhân chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ có trách nhiệm lập báo cáo về tài sản (trong đó mô tả cụ thể thông tin về tài sản và chi phí tạo lập tài sản) kèm theo các hồ sơ có liên quan, gửi cơ quan được giao quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ. Trường hợp tổ chức, cá nhân chủ trì thực hiện nhiệm vụ có nhu cầu nhận giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng tài sản thì lập 01 bộ hồ sơ gửi cơ quan được giao quản lý nhiệm vụ đồng thời với báo cáo về tài sản. Bước 2. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận đầy đủ hồ sơ hợp lệ của tổ chức, cá nhân chủ trì, cơ quan được giao quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ có trách nhiệm: a) Lập báo cáo kê khai để đăng nhập thông tin về tài sản vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công; b) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan thẩm định đối với đề nghị của tổ chức, cá nhân chủ trì; trình cơ quan, người có thẩm quyền xem xét, quyết định giao quyền sở hữu, quyền sử dụng cho tổ chức, cá nhân chủ trì. Trường hợp tổ chức, cá nhân chủ trì không có đề nghị giao quyền sở hữu, quyền sử dụng, hoặc không có khả năng nghiên cứu, phát triển công nghệ, sản phẩm công nghệ, ứng dụng, thương mại hóa kết quả nghiên cứu thì báo cáo cơ quan, người có thẩm quyền để giao cho tổ chức, cá nhân khác có nhu cầu theo quy định. Bước 3. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được đề nghị của cơ quan được giao quản lý nhiệm vụ, cơ quan, người có thẩm quyền xem xét, quyết định giao quyền sở hữu, quyền sử dụng cho tổ chức, cá nhân chủ trì đủ điều kiện được giao. Bước 4. Căn cứ quyết định giao quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản của cơ quan, người có thẩm quyền, cơ quan được giao quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ lập báo cáo kê khai bổ sung để điều chỉnh thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công. Thành phần giao quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ ngân sách cấp - Văn bản đề nghị giao quyền sở hữu hoặc giao quyền sử dụng tài sản của tổ chức chủ trì: 01 bản chính; - Phương án nghiên cứu, phát triển công nghệ, sản phẩm công nghệ, ứng dụng, thực hiện thương mại hóa kết quả nghiên cứu để tiếp tục phát huy, ứng dụng, thương mại hóa kết quả nghiên cứu theo quy định của pháp luật về khoa học công nghệ (sau đây gọi là phương án phát triển, thương mại hóa kết quả) theo Mẫu do Bộ Tài chính ban hành: 01 bản chính; - Biên bản đánh giá, nghiệm thu nhiệm vụ của Hội đồng: 01 bản sao; - Hợp đồng khoa học và công nghệ: 01 bản sao; - Thuyết minh nhiệm vụ khoa học và công nghệ được phê duyệt: 01 bản sao; - Các tài liệu có liên quan khác (nếu có): 01 bản sao. Thời hạn giải quyết giao quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ ngân sách cấp Bước 1. Trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày được Hội đồng đánh giá, nghiệm thu kết quả đạt trở lên Bước 2. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận đầy đủ hồ sơ hợp lệ của tổ chức, cá nhân chủ trì Bước 3. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được đề nghị của cơ quan được giao quản lý nhiệm vụ =>> Trên đây là trình tự thủ tục cũng như hồ sơ và thời gian giải quyết giao quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ ngân sách cấp để tham khảo. Nguồn: Cổng thông tin điện tử Bộ tài chính
Cơ sở vật chất để hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghệ thông tin phải đảm bảo như thế nào?
Với sự phát triển của khoa học công nghệ như hiện nay thì những cơ sở vật chất để hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghệ thông tin sẽ được nhà nước đảm bảo như thế nào? Đồng thời thì chất lượng trong hoạt động ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin được quản lý thông qua hình thức nào? Cơ sở vật chất để hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghệ thông tin phải đảm bảo như thế nào? Căn cứ theo quy định tại Điều 39 Luật Công nghệ thông tin 2006 về cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ cho hoạt động nghiên cứu - phát triển công nghệ thông tin như sau: Nhà nước huy động các nguồn vốn để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật của các tổ chức nghiên cứu - phát triển công nghệ thông tin; khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ nghiên cứu - phát triển công nghệ thông tin; đầu tư một số phòng thí nghiệm trọng điểm về công nghệ thông tin đạt tiêu chuẩn quốc tế; ban hành quy chế sử dụng phòng thí nghiệm trọng điểm về công nghệ thông tin. Như vậy, những cơ sở hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghệ thông tin sẽ được Nhà nước quan tâm đầu tư và trang bị về cơ sở vật chất cũng như kỹ thuật để phục vụ nghiên cứu. Chất lượng trong hoạt động ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin được quản lý thông qua hình thức nào? Căn cứ theo quy định tại Điều 41 Luật Công nghệ thông tin 2006 về tiêu chuẩn, chất lượng trong hoạt động ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin như sau: - Chất lượng sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin được quản lý thông qua các hình thức sau đây: + Chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; + Công bố phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; + Kiểm định chất lượng. Như vậy, chất lượng trong hoạt động ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin được quản lý thông qua hình thức như: Chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; Công bố phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; Kiểm định chất lượng. Ngân sách nhà nước chi cho sự nghiệp ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin bao gồm những gì? Căn cứ theo quy định tại Điều 63 Luật Công nghệ thông tin 2006 quy định về đầu tư cho sự nghiệp ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin như sau: - Ngân sách nhà nước chi cho sự nghiệp ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin được sử dụng vào các mục đích sau đây: + Phổ cập ứng dụng công nghệ thông tin, hỗ trợ dự án ứng dụng công nghệ thông tin có hiệu quả; + Phát triển nguồn thông tin số; + Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu của bộ, ngành, địa phương; + Xây dựng cơ sở hạ tầng thông tin phục vụ công ích và cơ quan nhà nước; + Điều tra, nghiên cứu, xây dựng, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật về công nghệ thông tin, cơ chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế - kỹ thuật, mô hình ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin; + Phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin; + Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về công nghệ thông tin, đào tạo, tập huấn chuyên môn, quản lý về công nghệ thông tin; + Trao giải thưởng công nghệ thông tin; + Các hoạt động khác cho sự nghiệp ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin. - Hằng năm, Bộ Bưu chính, Viễn thông chịu trách nhiệm tổng hợp dự toán kinh phí chi cho sự nghiệp ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin quy định tại khoản 1 Điều 63 Luật Công nghệ thông tin 2006 của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để Chính phủ trình Quốc hội. Như vậy, ngân sách nhà nước chi cho sự nghiệp ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin bao gồm 9 mục cụ thể như quy định trên.
Thân nhân người đi NVQS có được hoàn tiền nếu đã tự đóng BHYT không?
Nhiều gia đình có con em tham gia nghĩa vụ quân sự nằm trong nhóm đối tượng được Ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng BHYT nhưng không biết hoặc biết nhưng trước đó đã tham gia BHYT theo hộ gia đình. Như vậy, họ có được hoàn trả lại số tiền đã đóng BHYT trước khi được hỗ trợ hay không? Bài viết sau đây sẽ giải đáp các thắc mắc trên. Thân nhân của người đi nghĩa vụ quân sự có được cấp BHYT không? Theo Khoản 13.5 Điều 17 Văn bản hợp nhất 2089/VBHN-BHXH (*) quy định về nhóm do ngân sách nhà nước đóng bảo hiểm y tế, trong đó có nhân thân của người đang làm việc trong quân đội. Cụ thể như sau: Thân nhân của sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sỹ quan, binh sỹ quân đội đang tại ngũ, sỹ quan, hạ sỹ quan nghiệp vụ và sỹ quan, hạ sỹ quan chuyên môn, kỹ thuật đang công tác trong lực lượng công an nhân dân, học viên công an nhân dân, hạ sỹ quan, người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân, học viên cơ yếu được hưởng chế độ, chính sách theo chế độ, chính sách đối với học viên ở các trường quân đội, công an, gồm: - Cha đẻ, mẹ đẻ; cha đẻ, mẹ đẻ của vợ hoặc chồng; người nuôi dưỡng hợp pháp của bản thân, của vợ hoặc của chồng; - Vợ hoặc chồng; - Con đẻ, con nuôi hợp pháp từ trên 6 tuổi đến dưới 18 tuổi; con đẻ, con nuôi hợp pháp từ đủ 18 tuổi trở lên nếu còn tiếp tục đi học phổ thông. Theo quy định tại Khoản 5 Điều 3 Luật Nghĩa vụ quân sự 2015, hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ là công dân đang phục vụ trong lực lượng thường trực của Quân đội nhân dân và lực lượng Cảnh sát biển. Như vậy, người đi nghĩa vụ quân sự chính là hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ. Thân nhân của họ cũng sẽ được ngân sách nhà nước đóng BHYT theo quy định trên. Nếu đã tham gia BHYT hộ gia đình thì thân nhân người đi nghĩa vụ có được hoàn lại không? Thân nhân người đi nghĩa vụ ưu tiên đóng BHYT theo đối tượng nào? Theo Khoản 15 Điều 1 Luật BHYT sửa đổi 2014 quy định như sau: Trường hợp một người thuộc nhiều đối tượng tham gia bảo hiểm y tế thì được hưởng quyền lợi bảo hiểm y tế theo đối tượng có quyền lợi cao nhất. Vậy, thân nhân của người tham gia nghĩa vụ quân sự sẽ được hưởng quyền lợi BHYT theo đối tượng được ngân sách nhà nước đóng, không phải tham gia BHYT theo đối tượng hộ gia đình. Tuy nhiên, trong trường hợp đã đóng BHYT theo hộ gia đình thì xử lý như sau: Theo quy định tại Điều 20 Văn bản hợp nhất 2089/VBHN-BHXH quy định về hoàn trả tiền đóng bảo hiểm y tế: 1) Người đang tham gia BHYT theo đối tượng tại Khoản 4, 5 Điều 17 được hoàn trả tiền đóng BHYT trong các trường hợp sau: Thứ nhất, người tham gia được cấp thẻ BHYT theo nhóm đối tượng mới, nay báo giảm giá trị sử dụng thẻ đã cấp trước đó (có thứ tự đóng xếp sau đối tượng mới theo quy định tại Điều 12 Luật BHYT). Thứ hai, được ngân sách nhà nước điều chỉnh tăng hỗ trợ mức đóng BHYT; Thứ ba, bị chết trước khi thẻ BHYT có giá trị sử dụng. Theo đó, thân nhân của người đi NVQS đã tham gia BHYT theo hộ gia đình thuộc trường hợp tại khoản 5 Điều 17 sẽ được hoàn trả tiền đóng BHYT theo trường hợp thứ nhất. Cụ thể, thân nhân của người đi NVQS thuộc trường hợp người tham gia được cấp thẻ BHYT theo nhóm đối tượng mới (được Ngân sách nhà nước cấp theo Khoản 13.5 Điều 17 Văn bản hợp nhất 2089/VBHN-BHXH (*)) sẽ được hoàn tiền đóng BHYT (do nhóm đối tượng tham gia BHYT theo hộ gia đình xếp sau nhóm được Ngân sách nhà nước cấp). Tóm lại, thân nhân của người đi NVQS sẽ được hoàn trả lại số tiền đã đóng nếu đóng trùng. 2) Số tiền hoàn trả Số tiền hoàn trả tính theo mức đóng BHYT và thời gian đã đóng tiền nhưng chưa sử dụng thẻ. Thời gian đã đóng tiền nhưng chưa sử dụng thẻ trong trường hợp này được tính từ thời điểm thẻ BHYT được cấp theo nhóm mới bắt đầu có giá trị sử dụng đối với đối tượng được cấp thẻ BHYT theo nhóm đối tượng mới, nay báo giảm giá trị sử dụng thẻ đã cấp trước đó.
Thân nhân người đi NVQS có được hoàn tiền nếu đã tự đóng BHYT không?
Nhiều gia đình có con em tham gia nghĩa vụ quân sự nằm trong nhóm đối tượng được Ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng BHYT nhưng không biết hoặc biết nhưng trước đó đã tham gia BHYT theo hộ gia đình. Như vậy, họ có được hoàn trả lại số tiền đã đóng BHYT trước khi được hỗ trợ hay không? Bài viết sau đây sẽ giải đáp các thắc mắc trên. Thân nhân của người đi nghĩa vụ quân sự có được cấp BHYT không? Theo khoản 13 Điều 3 Nghị định 146/2018/NĐ-CP quy định về nhóm do ngân sách nhà nước đóng bảo hiểm y tế, trong đó có nhân thân của người đang làm việc trong quân đội. Cụ thể như sau: Thân nhân của sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sỹ quan, binh sỹ quân đội đang tại ngũ, sỹ quan, hạ sỹ quan nghiệp vụ và sỹ quan, hạ sỹ quan chuyên môn, kỹ thuật đang công tác trong lực lượng công an nhân dân, học viên công an nhân dân, hạ sỹ quan, người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân, học viên cơ yếu được hưởng chế độ, chính sách theo chế độ, chính sách đối với học viên ở các trường quân đội, công an, gồm: - Cha đẻ, mẹ đẻ; cha đẻ, mẹ đẻ của vợ hoặc chồng; người nuôi dưỡng hợp pháp của bản thân, của vợ hoặc của chồng; - Vợ hoặc chồng; - Con đẻ, con nuôi hợp pháp từ trên 6 tuổi đến dưới 18 tuổi; con đẻ, con nuôi hợp pháp từ đủ 18 tuổi trở lên nếu còn tiếp tục đi học phổ thông. Theo quy định tại Khoản 5 Điều 3 Luật Nghĩa vụ quân sự 2015, hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ là công dân đang phục vụ trong lực lượng thường trực của Quân đội nhân dân và lực lượng Cảnh sát biển. Như vậy, người đi nghĩa vụ quân sự chính là hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ. Nhân thân của họ cũng sẽ được ngân sách nhà nước đóng BHYT theo quy định trên. Nếu đã tham gia BHYT hộ gia đình thì thân nhân người đi nghĩa vụ có được hoàn lại không? Nhân thân người đi nghĩa vụ ưu tiên đóng BHYT theo đối tượng nào? Theo Khoản 15 Điều 1 Luật BHYT sửa đổi 2014 quy định như sau: Trường hợp một người thuộc nhiều đối tượng tham gia bảo hiểm y tế thì được hưởng quyền lợi bảo hiểm y tế theo đối tượng có quyền lợi cao nhất. Vậy, nhân thân của người tham gia nghĩa vụ quân sự sẽ được hưởng quyền lợi BHYT theo đối tượng được ngân sách nhà nước đóng, không phải tham gia BHYT theo đối tượng hộ gia đình. Tuy nhiên, trong trường hợp đã đóng BHYT theo hộ gia đình thì xử lý như sau: Theo quy định tại Điều 20 Văn bản hợp nhất 2089/VBHN-BHXH quy định về hoàn trả tiền đóng bảo hiểm y tế: 1) Người đang tham gia BHYT theo đối tượng tại Khoản 4, 5 Điều 17 được hoàn trả tiền đóng BHYT trong các trường hợp sau: Thứ nhất, người tham gia được cấp thẻ BHYT theo nhóm đối tượng mới, nay báo giảm giá trị sử dụng thẻ đã cấp trước đó (có thứ tự đóng xếp sau đối tượng mới theo quy định tại Điều 12 Luật BHYT). Thứ hai, được ngân sách nhà nước điều chỉnh tăng hỗ trợ mức đóng BHYT; Thứ ba, bị chết trước khi thẻ BHYT có giá trị sử dụng. 2) Số tiền hoàn trả Số tiền hoàn trả tính theo mức đóng BHYT và thời gian đã đóng tiền nhưng chưa sử dụng thẻ. Thời gian đã đóng tiền nhưng chưa sử dụng thẻ được tính từ thời điểm sau đây: Thứ nhất, từ thời điểm thẻ BHYT được cấp theo nhóm mới bắt đầu có giá trị sử dụng đối với đối tượng được cấp thẻ BHYT theo nhóm đối tượng mới, nay báo giảm giá trị sử dụng thẻ đã cấp trước đó. Thứ hai, từ thời điểm quyết định của cơ quan có thẩm quyền có hiệu lực đối với đối tượng được ngân sách nhà nước điều chỉnh tăng mức hỗ trợ. Thứ ba, từ thời điểm thẻ có giá trị sử dụng đối với đối tượng chết trước khi thẻ BHYT có giá trị sử dụng. Như vậy, việc nhân thân người đi nghĩa vụ quân sự nằm trong đối tượng được ngân sách nhà nước đóng BHYT nhưng trước đó đã tham gia BHYT hộ gia đình thì sẽ thuộc trường hợp thứ nhất, là được cấp lại theo nhóm mới. Điều này nằm trong quy định được hoàn trả lại số tiền đã đóng. Cho nên, họ được hoàn tiền nếu đóng trùng.
Đơn vị sự nghiệp được nhà nước cấp ngân sách hoạt động có đóng thuế TNDN không?
Đơn vị sự nghiệp công lập được thành lập với mục tiêu cung cấp các dịch vụ công, hoạt động bằng ngân sách nhà nước. Vậy liệu các đơn vị này có phải chịu nghĩa vụ đóng thuế thu nhập doanh nghiệp như các doanh nghiệp khác hay không? (1) Đơn vị sự nghiệp có phải nộp thuế TNDN không? Căn cứ theo quy định tại Điều 2 Văn bản hợp nhất 01/VBHN-VPQH 2023, người nộp thuế thu nhập doanh nghiệp là tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), bao gồm: - Doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam; - Doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật nước ngoài (sau đây gọi là doanh nghiệp nước ngoài) có cơ sở thường trú hoặc không có cơ sở thường trú tại Việt Nam; - Tổ chức được thành lập theo Luật Hợp tác xã; - Đơn vị sự nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam; - Tổ chức khác có hoạt động sản xuất, kinh doanh có thu nhập. Như vậy, đơn vị sự nghiệp cũng là trong các đối tượng phải đóng thuế TNDN khi có thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ Điều này có nghĩa là nếu đơn vị sự nghiệp thực hiện các hoạt động kinh doanh và tạo ra thu nhập, họ sẽ phải kê khai và nộp thuế TNDN theo quy định của pháp luật. (2) Đơn vị sự nghiệp được nhà nước cấp ngân sách hoạt động có đóng thuế TNDN không? Theo đó, Điều 3 Nghị định 218/2013/NĐ-CP quy định, thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp bao gồm: thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ và thu nhập khác quy định tại khoản 2 Điều 3 Nghị định 218/2013/NĐ-CP. Cụ thể, các khoản thu nhập khác tại khoản 2 Điều 3 Nghị định 218/2013/NĐ-CP bao gồm: - Thu nhập từ chuyển nhượng vốn bao gồm thu nhập từ việc chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ số vốn đã đầu tư vào doanh nghiệp, kể cả trường hợp bán doanh nghiệp, chuyển nhượng chứng khoán, chuyển nhượng quyền góp vốn và các hình thức chuyển nhượng vốn khác theo quy định của pháp luật; - Thu nhập từ chuyển nhượng dự án đầu tư, thu nhập từ chuyển nhượng quyền tham gia dự án đầu tư, thu nhập từ chuyển nhượng quyền thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản theo quy định của pháp luật; thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản theo quy định tại Điều 13 và Điều 14 Nghị định 218/2013/NĐ-CP; - Thu nhập từ quyền sử dụng, quyền sở hữu tài sản kể cả thu nhập từ quyền sở hữu trí tuệ, thu nhập từ chuyển giao công nghệ theo quy định của pháp luật; - Thu nhập từ chuyển nhượng, cho thuê, thanh lý tài sản (trừ bất động sản), trong đó có các loại giấy tờ có giá khác; - Thu nhập từ lãi tiền gửi, lãi cho vay vốn, bán ngoại tệ bao gồm: Lãi tiền gửi tại các tổ chức tín dụng, lãi cho vay vốn dưới mọi hình thức theo quy định của pháp luật bao gồm cả tiền lãi trả chậm, lãi trả góp, phí bảo lãnh tín dụng và các khoản phí khác trong hợp đồng cho vay vốn; thu nhập từ bán ngoại tệ; khoản chênh lệch tỷ giá do đánh giá lại các khoản nợ phải trả có gốc ngoại tệ cuối năm tài chính; khoản chênh lệch tỷ giá hối đoái phát sinh trong kỳ (riêng chênh lệch tỷ giá phát sinh trong quá trình đầu tư xây dựng cơ bản để hình thành tài sản cố định của doanh nghiệp mới thành lập mà tài sản cố định này chưa đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính). Đối với khoản nợ phải thu, khoản cho vay có gốc ngoại tệ phát sinh trong kỳ thì chênh lệch tỷ giá hối đoái của các khoản nợ phải thu, khoản cho vay này là khoản chênh lệch giữa tỷ giá hối đoái tại thời điểm thu hồi nợ với tỷ giá hối đoái tại thời điểm ghi nhận khoản nợ phải thu hoặc khoản cho vay ban đầu; - Các khoản trích trước vào chi phí nhưng không sử dụng hoặc sử dụng không hết theo kỳ hạn trích lập mà doanh nghiệp không hạch toán điều chỉnh giảm chi phí; - Khoản nợ khó đòi đã xóa nay đòi được; - Khoản nợ phải trả không xác định được chủ nợ; - Khoản thu nhập từ kinh doanh của những năm trước bị bỏ sót phát hiện ra; - Chênh lệch giữa thu về tiền phạt, tiền bồi thường do vi phạm hợp đồng kinh tế hoặc thưởng do thực hiện tốt cam kết theo hợp đồng (không bao gồm các khoản tiền phạt, tiền bồi thường được ghi giảm giá trị công trình trong giai đoạn đầu tư) trừ (-) đi khoản bị phạt, trả bồi thường do vi phạm hợp đồng theo quy định của pháp luật; - Các khoản tài trợ bằng tiền hoặc hiện vật nhận được; - Chênh lệch do đánh giá lại tài sản theo quy định của pháp luật để góp vốn, điều chuyển khi chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp, trừ trường hợp cổ phần hóa, sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100 % vốn điều lệ. - Các khoản thu nhập khác bao gồm cả thu nhập được miễn thuế quy định tại Khoản 6, Khoản 7 Điều 4 Nghị định 218/2013/NĐ-CP. Như vậy, theo quy định trên thì khoản ngân sách được nhà nước cấp cho đơn vị sự nghiệp thường không thuộc trường hợp thu nhập chịu thuế TNDN. Tuy nhiên, nếu đơn vị sự nghiệp có các hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ và tạo ra thu nhập từ những hoạt động này, thì thu nhập từ các hoạt động đó sẽ bị tính thuế TNDN theo quy định của pháp luật. Do đó, trong trường hợp đơn vị sự nghiệp có thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, họ cần phải thực hiện nghĩa vụ thuế TNDN, còn các khoản dó ngân sách nhà nước cấp sẽ không bị đánh thuế.
Đất chuyên trồng lúa là gì? NSNN hỗ trợ lên đến 1.500.000 đồng đối với đất chuyên trồng lúa?
Đất chuyên trồng lúa là gì theo quy định pháp luật? Ngân sách Nhà nước hỗ trợ lên đến 1.500.000 đồng đối với đất chuyên trồng lúa? Đất chuyên trồng lúa là gì? Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định 112/2024/NĐ-CP có quy định giải thích đất trồng lúa là đất trồng từ một vụ lúa trở lên hoặc trồng lúa kết hợp với các mục đích sử dụng đất khác được pháp luật cho phép nhưng trồng lúa là chính, đất trồng lúa bao gồm đất chuyên trồng lúa và đất trồng lúa còn lại. Trong đó, đất chuyên trồng lúa được hiểu là đất trồng hai vụ lúa nước trở lên trong năm và đất trồng lúa còn lại là đất trồng một vụ lúa nước trong năm và đất trồng lúa nương. Ngân sách Nhà nước hỗ trợ lên đến 1.500.000 đồng đối với đất chuyên trồng lúa? Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 14 Nghị định 112/2024/NĐ-CP quy định ngân sách nhà nước hỗ trợ sản xuất lúa như sau: - Hỗ trợ 1.500.000 đồng/ha/năm đối với đất chuyên trồng lúa; - Hỗ trợ 750.000 đồng/ha/năm đối với đất trồng lúa còn lại, trừ đất lúa nương được mở rộng tự phát không theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trồng lúa; - Hỗ trợ thêm 1.500.000 đồng/ha/năm đối với đất chuyên trồng lúa tại vùng quy hoạch trồng lúa có năng suất, chất lượng cao. Theo khoản 1 Điều 19 Nghị định 112/2024/NĐ-CP quy định như sau: Chính sách hỗ trợ cho địa phương, người sản xuất lúa theo quy định tại khoản 2, khoản 4 Điều 7 Nghị định 35/2015/NĐ-CP ngày 13 tháng 4 năm 2015 của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa; chính sách sử dụng kinh phí theo quy định tại Điều 8 Nghị định 35/2015/NĐ-CP ngày 13 tháng 4 năm 2015 của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 4 Điều 1 Nghị định 62/2019/NĐ-CP) được tiếp tục thực hiện đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2024. Bên cạnh đó, tại Điều 7 Nghị định 35/2015/NĐ-CP (Hết hiệu lực từ ngày 11/9/2024) quy định hỗ trợ địa phương sản xuất lúa: (1) Căn cứ vào diện tích đất trồng lúa, ngân sách nhà nước ưu tiên hỗ trợ sản xuất lúa cho các địa phương (gồm chi đầu tư và chi thường xuyên) thông qua định mức phân bổ ngân sách nhà nước được cấp có thẩm quyền quyết định theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước. (2) Ngoài hỗ trợ từ ngân sách nhà nước theo quy định hiện hành địa phương sản xuất lúa còn được ngân sách nhà nước hỗ trợ như sau: - Hỗ trợ 1.000.000 đồng/ha/năm đối với đất chuyên trồng lúa nước; - Hỗ trợ 500.000 đồng/ha/năm đối với đất trồng lúa khác, trừ đất lúa nương được mở rộng tự phát không theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trồng lúa. Như vậy, so với quy định trước đây thì đất chuyên trồng lúa nước được ngân sách nhà nước hỗ trợ là 1.000.000 đồng thì từ ngày 01/01/2025 ngân sách nhà nước hỗ trợ sản xuất lúa đối với đất chuyên trồng lúa theo quy định tại Nghị định 112/2024/NĐ-CP như sau: - Hỗ trợ 1.500.000 đồng/ha/năm đối với đất chuyên trồng lúa - Hỗ trợ thêm 1.500.000 đồng/ha/năm đối với đất chuyên trồng lúa tại vùng quy hoạch trồng lúa có năng suất, chất lượng cao. Hồ sơ xin xây dựng công trình trên đất được chuyển đổi từ đất chuyên trồng lúa sang đất phi nông nghiệp gồm? Theo khoản 1 Điều 11 Nghị định 112/2024/NĐ-CP, người được nhà nước giao đất, cho thuê đất có nhu cầu xây dựng công trình trên đất được chuyển đổi từ đất chuyên trồng lúa sang đất phi nông nghiệp cần chuẩn bị hồ sơ gồm: - Đơn đề nghị thẩm định phương án sử dụng tầng đất mặt theo mẫu; - Phương án sử dụng tầng đất mặt theo mẫu; - Sơ đồ mô tả vị trí sử dụng khối lượng đất mặt sau khi bóc tách. Tóm lại, đất chuyên trồng lúa được hiểu là đất trồng hai vụ lúa nước trở lên trong năm. Từ ngày 01/01/2025 ngân sách nhà nước hỗ trợ sản xuất lúa 1.500.000 đồng/ha/năm đối với đất chuyên trồng lúa; hỗ trợ thêm 1.500.000 đồng/ha/năm đối với đất chuyên trồng lúa tại vùng quy hoạch trồng lúa có năng suất, chất lượng cao.
Ráng mỡ gà có nhà thì giữ là gì? Nguồn ngân sách cho phòng, chống thiên tai từ đâu?
Ráng mỡ gà có nhà thì giữ có nghĩa là gì? Nguồn ngân sách nhà nước cho phòng, chống thiên tai từ đâu? Dự phòng ngân sách nhà nước cho phòng, chống thiên tai sử dụng thế nào? Ráng mỡ gà có nhà thì giữ là gì? Thời điểm chưa có dự báo thời tiết, người dân thường dự đoán tình hình thời tiết dựa vào mây trời, khung cảnh và vạn vật xung quanh. Ráng mỡ gà có nhà thì giữ là câu tục ngữ cảnh báo mưa to, gió lớn và thậm chí là giông bão, được người dân ngày xưa đúc kết từ kinh nghiệm dân gian. Câu tục ngữ này được sử dụng để dự báo tình hình thời tiết xấu, cụ thể là giông gió, bão nhằm giúp người dân có sự phòng bị, tránh hoặc giảm thiểu những thiệt hại về người và tài sản khi có thiên tai, giông bão. Câu tục ngữ "Ráng mỡ gà có nhà thì giữ" được gieo vần “a” bởi các từ "gà" và "nhà". Trong đó, “Ráng” là cách gọi màu sắc ở phía cuối chân trời, được tạo thành bởi ánh sáng mặt trời chiếu vào những đám mây. Ráng mỡ gà” có thể được hiểu là khi chân trời xuất hiện những đám mây có màu vàng óng như mỡ gà thông thường là dấu hiệu thời tiết chuẩn bị có mưa to, bão. Hiện tượng “ráng mỡ gà” không thường xuyên xảy ra, chính vì vậy, mỗi khi xuất hiện màu sắc này trên bầu trời, ông cha ta sẽ nhận biết được có thể sắp có mưa to, gió lớn hay thậm chí là giông bão.“ Cụm “có nhà thì giữ” nghĩa là đang nhắc nhở mọi người cần phải có sự chuẩn bị trước cơn bão, như là gia cố, sửa sang nhà cửa, xung quanh nhà để đảm bảo ngôi nhà chắc chắn, kiên cố khi có mưa bão kéo đến. "Ráng mỡ gà có nhà thì giữ" giúp chúng ta có thêm kinh nghiệm để dự đoán trước được mưa to, bão lũ, từ đó có biện pháp phòng tránh, ngăn chặn để bảo vệ tính mạng và nhà cửa, tài sản. Không chỉ vậy, câu tục ngữ này còn là nhắc nhở con người cần đề phòng, chú ý trước sự biến đổi bất thường của thời tiết từ cảnh vật xung quanh từ đó có sự phòng bị cho tình huống nếu có thời tiết xấu xảy đến. Theo đó, phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả khi xảy ra thiên tai là nguyên tắc cơ bản trong phòng, chống thiên tai. Pháp luật nước ta cũng có các chính sách cũng như nguồn ngân sách dùng cho phòng, chống thiên tai. Như thế nào là thiên tai, rủi ro thiên tai và phòng, chống thiên tai? Theo khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều 3 Luật Phòng, chống thiên tai 2013 (được sửa đổi, bổ sung bởi điểm a khoản 1 Điều 1 Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều sửa đổi 2020) thì thiên tai và phòng, chống thiên tai được quy định như sau: (i) Thiên tai là hiện tượng tự nhiên bất thường có thể gây thiệt hại về người, tài sản, môi trường, điều kiện sống và các hoạt động kinh tế - xã hội, bao gồm bão, áp thấp nhiệt đới, gió mạnh trên biển, lốc, sét, mưa lớn, lũ, lũ quét, ngập lụt; sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy hoặc hạn hán; nước dâng, xâm nhập mặn, nắng nóng, hạn hán, cháy rừng do tự nhiên, rét hại, mưa đá, sương mù, sương muối, động đất, sóng thần và các loại thiên tai khác. (ii) Rủi ro thiên tai là thiệt hại mà thiên tai có thể gây ra về người, tài sản, môi trường, điều kiện sống và hoạt động kinh tế - xã hội. (iii) Phòng, chống thiên tai là quá trình mang tính hệ thống, bao gồm hoạt động phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai. Nguồn ngân sách cho phòng, chống thiên tai từ đâu? Căn cứ Điều 9 Luật Phòng, chống thiên tai 2013 (được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 6 Điều 1 Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều sửa đổi 2020 và điểm o khoản 4 Điều 54 Luật Phòng thủ dân sự 2023) quy định về ngân sách nhà nước cho phòng, chống thiên tai với những nội dung sau đây: (i) Ngân sách nhà nước cho phòng, chống thiên tai bao gồm ngân sách hằng năm, dự phòng ngân sách nhà nước, quỹ dự trữ tài chính. (ii) Ngân sách nhà nước cho phòng, chống thiên tai được sử dụng cho xây dựng và thực hiện chiến lược, kế hoạch, điều tra cơ bản phòng, chống thiên tai; đầu tư xây dựng, tu bổ, nâng cấp công trình phòng, chống thiên tai; hoạt động phòng, chống thiên tai; hoạt động thường xuyên của cơ quan quản lý nhà nước về phòng, chống thiên tai các cấp. Việc lập dự toán, phân bổ, quản lý và sử dụng ngân sách nhà nước cho phòng, chống thiên tai được thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước và quy định khác của pháp luật có liên quan. (iii) Dự phòng ngân sách nhà nước cho phòng, chống thiên tai được sử dụng theo quy định sau đây: - Hỗ trợ cho công tác ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai. - Căn cứ vào hoạt động ứng phó, mức độ thiệt hại, nhu cầu cứu trợ và chế độ, chính sách, Ủy ban nhân dân các cấp quyết định sử dụng dự phòng ngân sách của địa phương để xử lý nhu cầu khẩn cấp cho ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai ngoài dự toán chi hằng năm đã được phê duyệt. - Trường hợp dự phòng ngân sách địa phương đã sử dụng nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đề nghị Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ. Ban chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia tổng hợp tình hình thiệt hại, nhu cầu hỗ trợ của địa phương và đề xuất Thủ tướng Chính phủ quyết định. (iv) Quỹ dự trữ tài chính được sử dụng để thực hiện nhiệm vụ phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai với mức độ nghiêm trọng, phát sinh ngoài dự toán mà sau khi sắp xếp lại ngân sách, sử dụng hết dự phòng ngân sách mà vẫn chưa đủ nguồn theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước. Như vậy, câu tục ngữ "Ráng mỡ gà có nhà thì giữ" giúp con người nhận biết thiên tai dựa vào màu sắc của mây. Từ đó có biện pháp phòng tránh, ngăn chặn để bảo vệ tính mạng và tài sản trước khi thiên tai xảy đến. Vì phòng, chống thiên tai là trách nhiệm của Nhà nước, tổ chức, cá nhân nên tất cả mọi người đều cần có ý thức và hành động cụ thể để phòng, ngừa và giảm thiểu thiệt hịa khi có thiên tai. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng có nguồn ngân sách cho phòng, chống thiên tai bao gồm ngân sách nhà nước theo dự toán chi hằng năm và dự phòng ngân sách nhà nước theo quy định nêu trên.
Giao quyền đăng ký đối với giống cây trồng là kết quả nhiệm vụ KH-CN sử dụng NSNN
Đối với trường hợp muốn được giao quyền quyền đăng ký đối với giống cây trồng là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước phải thực hiện như thế nào? Cần chuẩn bị hồ sơ và giấy tờ gì để có thể thực hiện được? Căn cứ mục 3 phần II Quyết định 4953/QĐ-BNN-TT năm 2023 trình tự thủ tục cũng như hồ sơ và điều kiện để thực hiện giao quyền đăng ký đối với giống cây trồng là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước được hướng dẫn như sau: Trình tự thực hiện giao quyền đăng ký đối với giống cây trồng là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước Bước 1: Kết thúc thời hạn 12 tháng kể từ thời điểm nhiệm vụ khoa học và công nghệ được nghiệm thu mà tổ chức chủ trì nhiệm vụ khoa học và công nghệ không nộp đơn đăng ký quyền đối với giống cây trồng hoặc có văn bản báo cáo đại diện chủ sở hữu nhà nước giao quyền đăng ký đối với giống cây trồng; Đại diện chủ sở hữu nhà nước thông báo trên Cổng thông tin điện tử hoặc Trang thông tin điện tử của cơ quan quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ trong thời hạn 90 ngày về việc nộp hồ sơ đề nghị giao quyền đăng ký đối với giống cây trồng. Bước 2: Trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày Đại diện chủ sở hữu nhà nước thông báo trên Cổng thông tin điện tử hoặc Trang thông tin điện tử của cơ quan quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ; tổ chức, cá nhân nộp Đơn đề nghị giao quyền đăng ký trực tiếp hoặc gửi qua dịch vụ bưu chính hoặc qua môi trường điện tử đến đơn vị tiếp nhận đăng ký giao quyền. Bước 3: Trả lời tính đầy đủ của thành phần hồ sơ - Trường hợp nộp trực tiếp: Đại diện chủ sở hữu nhà nước kiểm tra và trả lời ngay tính đầy đủ của thành phần hồ sơ; - Trường hợp nộp hồ sơ qua dịch vụ bưu chính: Trong thời hạn không quá 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Đại diện chủ sở hữu nhà nước xem xét tính đầy đủ của thành phần hồ sơ; trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ theo quy định, thông báo bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân; - Trường hợp nộp hồ sơ qua môi trường điện tử: Trong thời hạn không quá 01 ngày làm việc kể từ thời điểm nhận được hồ sơ, Đại diện chủ sở hữu nhà nước xem xét tính đầy đủ của thành phần hồ sơ; trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ theo quy định, thông báo cho tổ chức, cá nhân. Bước 4: Thẩm định hồ sơ và trả kết quả: Trong thời hạn 12 ngày, kể từ ngày kết thúc nhận hồ sơ, đại diện chủ sở hữu nhà nước đăng tải trên Cổng thông tin điện tử hoặc Trang thông tin điện tử của cơ quan quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ danh sách tổ chức, cá nhân nộp đơn hợp lệ và dự định giao cho các tổ chức, cá nhân đó cùng thực hiện quyền đăng ký, cùng đứng tên là người đăng ký đối với Đơn đăng ký bảo hộ giống cây trồng được giao quyền, ấn định thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày đăng tải để các tổ chức, cá nhân có ý kiến về nội dung trên. Nếu kết thúc thời hạn nêu trên mà tổ chức, cá nhân nộp đơn đề nghị giao quyền có văn bản phản hồi đồng ý cùng đứng tên người đăng ký hoặc không có văn bản phản hồi thì trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc thời hạn nêu trên, đại diện chủ sở hữu nhà nước ban hành quyết định giao quyền đăng ký bảo hộ giống cây trồng cho tổ chức, cá nhân này. Thành phần hồ sơ thực hiện giao quyền đăng ký đối với giống cây trồng là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước Đơn đề nghị giao quyền đăng ký theo quy định tại Mẫu số 15 ban hành kèm theo Nghị định 79/2023/NĐ-CP ngày 15/11/2023 của Chính phủ Điều kiện thực hiện giao quyền đăng ký đối với giống cây trồng là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước - Tổ chức được thành lập theo pháp luật Việt Nam. - Cá nhân là công dân Việt Nam và thường trú tại Việt Nam. =>> Trên đây là trình tự thủ tục cũng như hồ sơ và điều kiện cần có để thực hiện giao quyền đăng ký đối với giống cây trồng là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước
Như thế nào là vi phạm thủ tục, thời hạn thanh toán tạm ứng ngân sách nhà nước?
Vi phạm thủ tục, thời hạn thanh toán tạm ứng ngân sách nhà nước là gì? Bị xử phạt như thế nào? Thời hiệu xử phạt hành chính của hành vi này là bao lâu? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết sau đây. (1) Như thế nào là vi phạm thủ tục, thời hạn thanh toán tạm ứng ngân sách nhà nước? Căn cứ khoản 1 Điều 8 Thông tư 87/2019/TT-BTC có quy định như sau: “1. Hành vi vi phạm thủ tục, thời hạn thanh toán tạm ứng ngân sách nhà nước là các hành vi vi phạm thủ tục, thời hạn thanh toán tạm ứng đối với các khoản chi thường xuyên ngân sách nhà nước và các hành vi vi phạm thủ tục, thời hạn thu hồi tạm ứng đối với các khoản chi vốn đầu tư xây dựng cơ bản thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước và nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước thực hiện các chương trình mục tiêu hoặc chi thực hiện các công trình sửa chữa, bảo trì, cải tạo, nâng cấp, mở rộng cơ sở vật chất từ nguồn kinh phí chi thường xuyên ngân sách nhà nước và nguồn phí được để lại theo chế độ quy định để chi thường xuyên có tổng mức đầu tư trên 500.000.000 đồng.” Theo đó, hiểu một cách đơn giản, đây là trường hợp các cơ quan, tổ chức sử dụng ngân sách không tuân thủ đúng quy định về thủ tục và thời hạn khi thực hiện việc thanh toán hoặc thu hồi tạm ứng ngân sách. (2) Vi phạm thủ tục, thời hạn thanh toán tạm ứng ngân sách nhà nước bị xử phạt thế nào? Căn cứ Điều 59 Nghị định 63/2019/NĐ-CP có quy định về mức xử phạt đối với vi phạm thủ tục, thời hạn thanh toán tạm ứng ngân sách nhà nước như sau: - Phạt tiền từ 01 đến 02 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây: + Làm thủ tục thanh toán tạm ứng sau thời hạn cuối cùng phải thực hiện thanh toán tạm ứng đối với các khoản chi thường xuyên không có hợp đồng mua bán hàng hóa, dịch vụ hoặc khoản chi không phải gửi hợp đồng mua bán hàng hóa, dịch vụ đến Kho bạc Nhà nước theo quy định. + Không làm thủ tục thanh toán tạm ứng đối với các khoản chi vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước và nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước thực hiện các chương trình mục tiêu hoặc chi thực hiện các công trình sửa chữa, bảo trì, cải tạo, nâng cấp, mở rộng cơ sở vật chất từ nguồn kinh phí chi thường xuyên ngân sách nhà nước và nguồn phí được để lại theo chế độ quy định để chi thường xuyên có tổng mức đầu tư trên 500 triệu đồng qua các lần thanh toán khối lượng hoàn thành của hợp đồng. - Phạt tiền từ 02 đến 04 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây: + Không làm thủ tục thanh toán hết tạm ứng đối với các khoản chi thường xuyên, có hợp đồng mua bán hàng hóa dịch vụ theo chế độ quy định trong lần thanh toán cuối cùng của hợp đồng. + Không làm thủ tục thanh toán hết tạm ứng đối với các khoản chi vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước và nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước thực hiện các chương trình mục tiêu hoặc chi thực hiện các công trình sửa chữa, bảo trì, cải tạo, nâng cấp, mở rộng cơ sở vật chất từ nguồn kinh phí chi thường xuyên ngân sách nhà nước và nguồn phí được để lại theo chế độ quy định để chi thường xuyên có tổng mức đầu tư trên 500 triệu đồng khi giá trị thanh toán (bao gồm cả tạm ứng và thanh toán khối lượng hoàn thành) đạt đến 80% giá trị hợp đồng. + Không làm hoặc làm thủ tục thanh toán tạm ứng đối với khoản chi bồi thường, hỗ trợ và tái định cư sau thời hạn theo quy định phải thanh toán vốn tạm ứng. Bên cạnh đó, trường hợp vi phạm còn bị buộc phải làm thủ tục thanh toán tạm ứng đối với các hành vi nêu trên. (3) Thời hiệu xử phạt VPHC đối với vi phạm thủ tục, thời hạn thanh toán tạm ứng ngân sách nhà nước là bao lâu? Căn cứ Điều 3 Nghị định 63/2019/NĐ-CP được sửa đổi bởi Nghị định 102/2021/NĐ-CP có quy định như sau: “1. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; dự trữ quốc gia; kho bạc nhà nước quy định tại Nghị định này là 01 năm. Riêng các hành vi vi phạm hành chính đối với tài sản công là nhà, đất và tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý thì thời hiệu xử phạt là 02 năm. … 5. Thời điểm các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực kho bạc nhà nước được xác định là đã kết thúc được quy định như sau: a) Đối với các hành vi vi phạm hành chính quy định tại Điều 54, Điều 57, Điều 58, Điều 59, Điều 60 Nghị định này: thời điểm kết thúc là thời điểm nộp hồ sơ, chứng từ tại Kho bạc Nhà nước; b) Đối với các hành vi vi phạm hành chính quy định tại Điều 55, Điều 56, Điều 61 Nghị định này: thời điểm kết thúc là thời điểm Kho bạc Nhà nước nhận được kết luận của cơ quan tiến hành tố tụng hình sự về vụ việc vi phạm không có dấu hiệu tội phạm.” Từ dẫn chiếu quy định nêu trên, có thể thấy, thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm thủ tục, thời hạn thanh toán tạm ứng ngân sách nhà nước là 1 năm. Riêng đối với các hành vi vi phạm hành chính về tài sản công là nhà, đất và tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý thì thời hiệu xử phạt là 02 năm.
Công điện 85/CĐ-TTg: Phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP cả năm 2024 đạt khoảng 7%
Ngày 2/9/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 85/CĐ-TTg về điều hành dự toán NSNN gửi Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Cụ thể, tại Công điện 85/CĐ-TTg nêu rõ, qua kết quả giám sát của Quốc hội, kết luận của cơ quan Thanh tra, Kiểm toán Nhà nước và công tác quyết toán NSNN hằng năm cho thấy việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương tài chính ở một số nơi còn chưa nghiêm, vẫn còn tình trạng vi phạm, gian lận, trốn thuế, quản lý, sử dụng ngân sách, tài sản công sai chế độ quy định, thất thoát, lãng phí tại một số Bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị. Trong các tháng tới đây, dự báo tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, tác động không thuận lợi đến nền kinh tế nước ta. Ở trong nước, nền kinh tế phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, với quyết tâm phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ dự toán ngân sách năm 2024 theo Kết luận của Trung ương và các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, để bảo đảm giữ vững cân đối NSNN các cấp trong mọi tình huống, tăng cường tiết kiệm chi thường xuyên NSNN, tập trung nguồn lực tăng chi đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, phòng, chống khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ, ứng phó biến đổi khí hậu; siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính - NSNN, Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra các cơ quan, đơn vị và cấp dưới trực thuộc tiếp tục nỗ lực, quyết liệt thực hiện các giải pháp, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và NSNN đã đề ra, phấn đấu tăng thu, tăng cường tiết kiệm chi, chủ động cân đối NSNN trong những tháng còn lại của năm 2024. Trong đó, tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như sau: (1) Phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP cả năm 2024 đạt khoảng 7% Cụ thể, tại Công điện 85/CĐ-TTg yêu cầu tiếp tục thực hiện có hiệu quả các giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm để thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội theo các Nghị quyết 01/NQ-CP, Nghị quyết 93/NQ-CP và các Nghị quyết phiên họp thường kỳ của Chính phủ; các Chỉ thị 12/CT-TTg, 14/CT-TTg, Công điện 71/CĐ-TTg. Tập trung thực hiện các giải pháp chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác đã ban hành để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, kiểm soát lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì đà tăng trưởng và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP cả năm 2024 đạt khoảng 7%, vượt mục tiêu đã đề ra, tạo tiền đề, khí thế cho năm 2025 và giai đoạn 2026-2030. (2) Phấn đấu thu NSNN 2024 vượt trên 10% dự toán Quốc hội giao, thu năm 2025 cao hơn khoảng 5% Cụ thể, yêu cầu các Bộ, cơ quan, địa phương tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách về thu NSNN, thực hiện đồng bộ các giải pháp, biện pháp quản lý thu, chống thất thu, đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời các khoản thu phát sinh theo quy định. Tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện quy định thuế đối với nhà, đất; mở rộng và chống xói mòn cơ sở thuế, khai thác các nguồn thu còn dư địa, mở rộng cơ sở thu mới. Đồng thời, đẩy mạnh và hiệu quả hơn nữa chuyển đổi số, ứng dụng CNTT, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý thu, nhất là thu các giao dịch thương mại điện từ, nhà cung cấp nước ngoài, triển khai cổng dữ liệu thông tin về sàn TMĐT và mở rộng triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh hoạt động, cung cấp hàng hóa, dịch vụ trực tiếp đến người tiêu dùng, nhất là dịch vụ ăn uống... Theo đó, phấn đấu thu NSNN năm 2024 vượt trên 10% dự toán Quốc hội giao, thu năm 2025 cao hơn khoảng 5% so với ước thực hiện năm 2024 để đảm bảo nguồn lực đáp ứng các nhiệm vụ chi theo dự toán, tăng chi tạo nguồn cải cách tiền lương và xử lý các nhiệm vụ đột xuất phát sinh. Ngoài ra, Công điện 85/CĐ-TTg cũng yêu cầu tăng cường phòng, chống gian lận thương mại, chuyển giá, gian lận giá nhập khẩu và buôn lậu qua biên giới, nhất là các hoạt động kinh doanh trên nền tảng số, chuyển nhượng bất động sản. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện quy định về quản lý giá, thuế, phí, ổn định giá nguyên vật liệu, mặt hàng thiết yếu cho sản xuất và đời sống của nhân dân. (3) Tập trung nguồn lực thực hiện chính sách cải cách tiền lương, các chính sách, chế độ an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo Cụ thể, yêu cầu triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, chủ động rà soát, sắp xếp các nhiệm vụ chi; cắt giảm, tiết kiệm 5% dự toán chi thường xuyên được giao theo Chỉ thị 01/CT-TTg và Nghị quyết 119/NQ-CP. Đối với năm 2025, ngoài số tiết kiệm 10% chi thường xuyên để tạo nguồn cải cách tiền lương theo quy định, trong tổ chức thực hiện thì các Bộ, cơ quan, địa phương phải thực hiện đồng bộ các giải pháp rà soát, cơ cấu, sắp xếp các nhiệm vụ chi, phấn đấu tiết kiệm thêm khoảng 10% chi thường xuyên tăng thêm của dự toán năm 2025 so với dự toán năm 2024 (sau khi loại trừ các khoản chi tương tự như năm 2024) để dành nguồn giảm bội chi NSNN hoặc cho các nhiệm vụ cấp thiết, phát sinh, thực hiện nhiệm vụ an sinh xã hội của từng Bộ, cơ quan, địa phương hoặc bổ sung cho chi đầu tư phát triển. Bên cạnh đó, thực hiện chi ngân sách theo đúng chế độ quy định, trong phạm vi được giao, đảm bảo chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả; tập trung nguồn lực thực hiện chính sách cải cách tiền lương, các chính sách, chế độ an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo; cắt giảm dự toán chi thường xuyên đã giao cho các bộ, cơ quan trung ương nhưng đến hết ngày 30/6/2024 chưa phân bổ cho các đơn vị sử dụng ngân sách (trừ trường hợp Thủ tướng Chính phủ cho phép) theo Nghị quyết 82/NQ-CP. Đồng thời, tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm theo Chỉ thị 26/CT-TTg, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các công trình, dự án trọng điểm quốc gia, các chương trình mục tiêu quốc gia; kịp thời điều chuyển vốn từ các nhiệm vụ, dự án không đủ điều kiện để giải ngân hoặc giải ngân chậm để bổ sung cho các nhiệm vụ, dự án có khả năng giải ngân nhanh và có nhu cầu bổ sung vốn theo quy định. Phấn đấu giải ngân trên 95% số kế hoạch vốn năm 2024 được giao, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đầu tư xây dựng, mua sắm tài sản công theo đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức, đảm bảo tiết kiệm. Tổ chức rà soát, sắp xếp lại tài sản công, xử lý tài sản không còn nhu cầu sử dụng đúng quy định; kiên quyết thu hồi các tài sản sử dụng sai đối tượng, sai mục đích, vượt tiêu chuẩn, định mức; không để lãng phí thất thoát tài sản công. Khẩn trương thực hiện các quy định tại Nghị quyết 104/2023/QH15, Nghị quyết 142/2024/QH15, rà soát toàn bộ khung khổ pháp lý để trình cấp thẩm quyền xem xét, quyết định việc sửa đổi hoặc bãi bỏ cơ chế tài chính và thu nhập đặc thù của các cơ quan, đơn vị đang được thực hiện cho phù hợp trước ngày 31/12/2024. Trong quá trình thực hiện việc sửa đổi, bãi bỏ cơ chế tài chính, thu nhập đặc thù, các Bộ, cơ quan trung ương có trách nhiệm đảm bảo duy trì hoạt động của cơ quan, đơn vị theo chế độ chung do Nhà nước quy định. Xem chi tiết tại Công điện 85/CĐ-TTg ban hành ngày 02/9/2024
Mức đóng BHYT học sinh, sinh viên năm học 2024 - 2025? Nhà nước hỗ trợ bao nhiêu %?
Năm học 2024 - 2025 mức đóng BHYT học sinh, sinh viên là bao nhiêu? Trong đó Nhà nước hỗ trợ bao nhiêu %, học sinh, sinh viên đóng bao nhiêu%? Mức đóng BHYT học sinh, sinh viên năm học 2024 - 2025? Nhà nước hỗ trợ bao nhiêu %? Theo khoản 3 Điều 4 Nghị định 146/2018/NĐ-CP quy định học sinh, sinh viên nằm trong nhóm được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng BHYT. Theo điểm đ khoản 1 Điều 7 Nghị định 146/2018/NĐ-CP, mức đóng bảo hiểm y tế hàng tháng của học sinh, viên viên bằng 4,5% mức lương cơ sở. Theo điểm c khoản 1 Điều 8 Nghị định 146/2018/NĐ-CP quy định Ngân sách Nhà nước hỗ trợ tối thiểu 30% mức đóng bảo hiểm y tế. Mà theo khoản 2 Điều 3 Nghị định 73/2024/NĐ-CP từ 01/7/2024 sẽ tăng lương cơ sở lên thành 2,34 triệu đồng/tháng. Như vậy, ta có mức đóng BHYT học sinh, sinh viên năm học 2024 - 2025 như sau: Số tháng đóng Học sinh - sinh viên (đóng 70%) Ngân sách nhà nước (hỗ trợ 30%) Tổng mức đóng BHYT năm học 2024 - 2025 (4,5% mức lương cơ sở) 3 tháng 221,130 94,770 315,900 6 tháng 442,260 189,540 631,800 9 tháng 663,390 284,310 947,700 12 tháng 884,520 379,080 1,263,600 Phương thức đóng BHYT học sinh, sinh viên năm học 2024 - 2025 Theo khoản 5 Điều 9 Nghị định 146/2018/NĐ-CP quy định phương thức đóng BHYT học sinh, sinh viên như sau: - Định kỳ 03 tháng, 06 tháng hoặc 12 tháng, học sinh, sinh viên hoặc cha, mẹ, người giám hộ của học sinh, sinh viên có trách nhiệm đóng bảo hiểm y tế phần thuộc trách nhiệm đóng theo quy định cho cơ quan bảo hiểm xã hội; - Ngân sách nhà nước hỗ trợ như sau: + Học sinh, sinh viên đang theo học tại cơ sở giáo dục hoặc cơ sở giáo dục nghề nghiệp trực thuộc bộ, cơ quan trung ương thì do ngân sách trung ương hỗ trợ. Định kỳ 03 tháng, 06 tháng hoặc 12 tháng, Bảo hiểm xã hội cấp tỉnh tổng hợp số thẻ bảo hiểm y tế đã phát hành, số tiền thu của học sinh, sinh viên và số tiền ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng gửi Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổng hợp, gửi Bộ Tài chính để chuyển kinh phí vào quỹ bảo hiểm y tế theo quy định. + Học sinh, sinh viên đang theo học tại cơ sở giáo dục hoặc cơ sở giáo dục nghề nghiệp khác thì ngân sách địa phương, bao gồm cả phần ngân sách trung ương hỗ trợ (nếu có), nơi cơ sở giáo dục đó đặt trụ sở hỗ trợ, không phân biệt hộ khẩu thường trú của học sinh, sinh viên. Định kỳ 03 tháng, 06 tháng hoặc 12 tháng, cơ quan bảo hiểm xã hội tổng hợp số thẻ bảo hiểm y tế đã phát hành, số tiền thu của học sinh, sinh viên và số tiền ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng gửi cơ quan tài chính để chuyển kinh phí vào quỹ bảo hiểm y tế theo quy định. Như vậy, năm học 2024 - 2025 cũng sẽ có các phương thức đóng BHYT học sinh, sinh viên là 3 tháng, 6 tháng, 12 tháng. Đối với phần tự đóng thì sẽ do học sinh, sinh viên hoặc cha, mẹ, người giám hộ của học sinh, sinh viên đóng, đối với phần được NSNN hỗ trợ thì có thể sẽ được ngân sách trung ương hoặc ngân sách địa phương hỗ trợ. Thời hạn thẻ BHYT học sinh, sinh viên có giá trị sử dụng là khi nào? Theo khoản 7 Điều 13 Nghị định 146/2018/NĐ-CP, thời hạn thẻ BHYT học sinh, sinh viên có giá trị sử dụng là: - Thẻ bảo hiểm y tế được cấp hàng năm cho học sinh của cơ sở giáo dục phổ thông, trong đó: + Đối với học sinh lớp 1: Giá trị sử dụng bắt đầu từ ngày 01/10 năm đầu tiên của cấp tiểu học; + Đối với học sinh lớp 12: Thẻ có giá trị sử dụng đến hết ngày 30/9 của năm đó. - Thẻ bảo hiểm y tế được cấp hàng năm cho học sinh, sinh viên của cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó: + Đối với học sinh, sinh viên năm thứ nhất của khóa học: Thẻ có giá trị sử dụng từ ngày nhập học, trừ trường hợp thẻ của học sinh lớp 12 đang còn giá trị sử dụng; + Đối với học sinh, sinh viên năm cuối của khóa học: Thẻ có giá trị sử dụng đến ngày cuối của tháng kết thúc khóa học. Như vậy, thẻ BHYT của học sinh lớp 1 sẽ có giá trị sử dụng từ ngày 01/10 năm đầu tiên của cấp tiểu học và học sinh lớp 12 sẽ dùng đến hết ngày 30/9 năm đó. Đối với học sinh, sinh viên học nghề và đại học năm nhất thì có giá trị sử dụng từ ngày nhập học, năm cuối thì dùng đến ngày cuối của tháng kết thúc khóa học.
Có được chi bằng tiền mặt cho công chức cơ quan đi du lịch không?
Các khoản chi du lịch cho công chức cơ quan là một trong những khoản chi từ Kho bạc Nhà nước. Vậy khi chi tiền cho công chức cơ quan đi du lịch có được chi bằng tiền mặt không? Có được chi bằng tiền mặt cho công chức cơ quan đi du lịch không? Theo khoản 1 Điều 6 Thông tư 13/2017/TT-BTC được sửa đổi bởi Thông tư 136/2018/TT-BTC quy định nội dung chi bằng tiền mặt qua hệ thống Kho bạc Nhà nước bao gồm: Các khoản chi thanh toán cá nhân, bao gồm: tiền lương; tiền công; tiền công tác phí; phụ cấp lương; học bổng học sinh, sinh viên; tiền thưởng; phúc lợi tập thể; chi cho cán bộ xã, thôn, bản đương chức; chi thực hiện chế độ chính sách người có công với cách mạng; chi công tác xã hội; chi lương hưu và trợ cấp xã hội; chi tiền ăn trưa cho trẻ em mầm non, học sinh; các khoản thanh toán khác cho cá nhân. Như vậy, tiền thưởng đi du lịch là một trong những khoản chi phúc lợi tập thể cho công chức. Vậy khoản chi này vẫn được chi bằng tiền mặt. Cơ quan muốn rút tiền mặt từ bao nhiêu thì phải đăng ký? Theo khoản 1 Điều 7 Thông tư 13/2017/TT-BTC quy định về đăng ký rút tiền mặt như sau: Các đơn vị sử dụng NSNN có nhu cầu rút tiền mặt trong một ngày (một hoặc nhiều lần thanh toán) vượt mức quy định dưới đây phải đăng ký với KBNN nơi mở tài khoản trước ít nhất một ngày làm việc về số lượng và thời điểm rút tiền để KBNN có kế hoạch chuẩn bị và cung ứng tiền mặt đầy đủ, kịp thời cho đơn vị sử dụng NSNN. Cụ thể mức rút tiền mặt phải đăng ký với KBNN: - Từ 200 triệu đồng trở lên đối với các đơn vị sử dụng NSNN thực hiện giao dịch với KBNN cấp tỉnh. - Từ 100 triệu đồng trở lên đối với các đơn vị sử dụng NSNN thực hiện giao dịch với KBNN cấp huyện. Như vậy, nếu cơ quan muốn rút tiền mặt từ Kho bạc Nhà nước từ 200 triệu trở lên đối với cấp tỉnh và từ 100 triệu trở lên đối với cấp huyện thì sẽ phải đăng ký với Kho bạc Nhà nước trước ít nhất một ngày trước khi rút. Thủ tục đăng ký rút tiền mặt tại Kho bạc Nhà nước Theo khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều 7 Thông tư 13/2017/TT-BTC được sửa đổi bởi Thông tư 136/2018/TT-BTC quy định thủ tục đăng ký rút tiền mặt tại Kho bạc Nhà nước như sau: - Các đơn vị sử dụng NSNN đăng ký nhu cầu rút tiền mặt cho từng ngày thanh toán hoặc đăng ký cho nhiều ngày thanh toán khác nhau, song phải nêu rõ số lượng và thời điểm rút tiền mặt tại từng ngày thanh toán. Việc đăng ký rút tiền mặt với KBNN được thực hiện theo một trong các hình thức sau: + Đăng ký qua điện thoại với cán bộ có thẩm quyền của KBNN nơi giao dịch (Trưởng phòng Kế toán hoặc người được ủy quyền đối với KBNN cấp tỉnh; Kế toán trưởng hoặc người được ủy quyền đối với KBNN cấp huyện). + Đăng ký qua Trang thông tin dịch vụ công điện tử của KBNN (trường hợp KBNN đã triển khai tiện ích đăng ký rút tiền mặt qua dịch vụ công). + Đăng ký bằng văn bản với KBNN (theo Mẫu 01 ban hành kèm theo Thông tư 13/2017/TT-BTC https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/07/30/mau-dang-ky-rut-tien.docx). - Cuối ngày, cán bộ KBNN nhận đăng ký rút tiền mặt của các đơn vị tổng hợp, báo cáo Giám đốc KBNN hoặc người được ủy quyền phê duyệt; đồng thời, thông báo số lượng và thời gian dự kiến rút tiền mặt tại ngân hàng cho ngân hàng thương mại nơi KBNN mở tài khoản. Các đơn vị KBNN phải mở sổ theo dõi việc đăng ký rút tiền mặt của các đơn vị sử dụng NSNN theo Mẫu 02 ban hành kèm theo Thông tư 13/2017/TT-BTC https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/07/30/mau-dang-ky-rut-tien.docx. Như vậy, cơ quan có thể đăng ký rút tiền mặt cho từng ngày hoặc nhiều ngày thanh toán khác nhau và đăng ký qua các phương thức qua điện thoại, Trang thông tin dịch vụ công điện tử của KBNN hoặc bằng văn bản.
Đề xuất nộp số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu vào ngân sách nhà nước
Chính phủ đang dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu, thay thế Nghị định 83/2014/NĐ-CP, Nghị định 95/2021/NĐ-CP và Nghị định 80/2023/NĐ-CP. Trong đó có đề xuất về việc quản lý Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Xem toàn văn dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu (Dự thảo 3) https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/07/23/Khongso_604368.doc Xem cập nhật mới nhất dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu Quỹ bình ổn giá xăng dầu hiện nay do ai quản lý? Theo khoản 1 Điều 37 Nghị định 83/2014/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 26 Điều 1 Nghị định 95/2021/NĐ-CP quy định như sau: - Quỹ bình ổn giá xăng dầu là Quỹ tài chính không nằm trong cân đối ngân sách nhà nước (sau đây gọi chung là Quỹ bình ổn giá); toàn bộ nguồn trích lập, chi sử dụng để tham gia điều tiết, hỗ trợ cho mục tiêu bình ổn giá bán xăng dầu trong nước. - Thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu có nghĩa vụ trích lập Quỹ bình ổn giá; hạch toán và theo dõi riêng Quỹ bình ổn giá bằng tài khoản mở tại ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoạt động hợp pháp tại Việt Nam (sau đây gọi chung là ngân hàng) theo quy định tại Nghị định 83/2014/NĐ-CP và hướng dẫn của Bộ Tài chính. Thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật về việc lựa chọn ngân hàng, quản lý và đảm bảo bảo toàn số dư Quỹ bình ổn giá. Như vậy, theo quy định hiện hành thì Quỹ bình ổn giá xăng dầu hiện nay sẽ do chính thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu trích lập, chi sử dụng và quản lý, nằm ngoài ngân sách nhà nước. Đề xuất nộp số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu vào ngân sách nhà nước Theo khoản 2 Điều 36 dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu (Dự thảo 3) quy định về trách nhiệm của các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân thì Bộ Tài chính có trách nhiệm:: - Chủ trì, phối hợp Bộ Công Thương và các Bộ ngành có liên quan hướng dẫn việc sử dụng các công cụ tài chính phù hợp để khuyến khích sử dụng nhiên liệu sinh học, bảo đảm nguyên tắc thị trường, có sự quản lý của Nhà nước. - Ban hành các văn bản hướng dẫn về hóa đơn điện tử phù hợp với quy định của Luật Quản lý thuế và các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành. - Chỉ đạo cơ quan hải quan cung cấp tình hình nhập khẩu xăng dầu của thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, theo nội dung chi tiết do Bộ Công Thương đề nghị, định kỳ theo tháng, quý, năm. - Hướng dẫn thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu chuyển, nộp số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu vào ngân sách nhà nước. - Bố trí ngân sách để Bộ Công Thương mua thông tin giá xăng dầu thế giới và Premium nhằm công bố, áp dụng trong tính giá bán xăng dầu. Như vậy, theo đề xuất mới tại Dự thảo 3 thì thương nhân sẽ nộp số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu vào ngân sách nhà nước. Theo đó, nếu đề xuất được thông qua thì số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu sẽ không còn do thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu quản lý nữa mà sẽ do nhà nước quản lý. Hiện nay Quỹ bình ổn giá xăng dầu hoạt động thế nào? Theo Điều 3 Thông tư 103/2021/TT-2021 quy định nguyên tắc hoạt động của Quỹ bình ổn giá xăng dầu như sau: - Quỹ bình ổn giá xăng dầu là Quỹ tài chính không nằm trong cân đối ngân sách nhà nước; Toàn bộ nguồn trích lập, chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu để tham gia điều tiết, hỗ trợ cho mục tiêu bình ổn giá xăng dầu trong nước theo điều hành giá xăng dầu của Bộ Công Thương. Quỹ bình ổn giá xăng dầu hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, không phát sinh cơ chế quản lý tập trung và không phát sinh tổ chức bộ máy, không có cơ chế tài chính riêng. - Việc trích lập và chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu chỉ thực hiện một lần đối với một thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu bán ra đầu tiên tính trên một lít, kg xăng, dầu ở nhiệt độ thực tế tiêu thụ tại thị trường nội địa trong thời gian trích lập, chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu theo quy định. Khi có thông báo điều hành giá xăng dầu của Bộ Công Thương về mức trích lập, mức chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu, thời gian thực hiện, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu chủ động thực hiện trích lập, chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu đối với sản lượng xăng, dầu ở nhiệt độ thực tế tiêu thụ tại thị trường nội địa theo quy định. - Tại kỳ điều hành giá xăng dầu theo quy định tại Nghị định 95/2021/NĐ-CP, trường hợp tổng số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu (số ước tính) của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu ở mức lớn hơn hoặc bằng bảy nghìn tỷ đồng (≥ 7.000 tỷ đồng), Bộ Công Thương xem xét, điều chỉnh giảm mức trích lập hoặc tạm dừng trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Như vậy, hiện nay toàn bộ Quỹ bình ổn giá xăng dầu sẽ dùng để điều tiết, hỗ trợ cho mục tiêu bình ổn giá xăng dầu trong nước theo điều hành giá xăng dầu của Bộ Công Thương. Xem toàn văn dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu (Dự thảo 3) https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/07/23/Khongso_604368.doc Xem cập nhật mới nhất dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu
Ngân sách nhà nước chi thường xuyên cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong trường hợp nào?
Theo quy định mới, ngân sách nhà nước chi thường xuyên cho cơ sở khám chữa bệnh trong trường hợp nào? (1) Ngân sách nhà nước có phải là nguồn tài chính cho hoạt động khám chữa bệnh? Theo quy định tại Điều 106 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023, các nguồn tài chính cho hoạt động khám bệnh, chữa bệnh bao gồm: - Ngân sách nhà nước - Quỹ bảo hiểm y tế - Kinh phí chi trả của người bệnh - Viện trợ, tài trợ, hỗ trợ của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài theo quy định của pháp luật - Nguồn tài chính hợp pháp khác theo quy định của pháp luật Như vậy, ngân sách nhà nước là một trong 5 nguồn tài chính chính của hoạt động khám, chữa bệnh tại nước ta. (2) Ngân sách nhà nước chi thường xuyên cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong trường hợp nào? Liên quan đến việc chi thường xuyên, khoản 6 Điều 4 Luật Ngân sách nhà nước 2015 quy định về việc chi thường xuyên như sau: Chi thường xuyên là nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước nhằm bảo đảm hoạt động của bộ máy nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, hỗ trợ hoạt động của các tổ chức khác và thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên của Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Theo đó, hoạt động khám chữa bệnh được ngân sách Nhà nước chi thường xuyên để hỗ trợ việc hoạt động khám chữa bệnh được diễn ra thuận lợi, có đầy đủ cơ sở vật chất phục vụ cho người dân đến khám bệnh, chữa bệnh. Từ đó, có một thắc mắc được đặt ra đó là Ngân sách nhà nước chi thường xuyên cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong các trường hợp nào? Tại Điều 107 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 có quy định ngân sách Nhà nước sẽ chi cho khám bệnh, chữa bệnh trong các trường hợp sau đây: - Chi cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện việc cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh thuộc danh mục dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh sử dụng ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật và thực hiện nhiệm vụ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền đặt hàng, giao nhiệm vụ. - Chi hỗ trợ cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước, pháp luật về cơ chế tự chủ về tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập, bao gồm bảo đảm chi thường xuyên cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước trong trường hợp không cân đối được chi thường xuyên. - Chi đầu tư phát triển cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp luật. - Chi đóng, hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm y tế cho đối tượng được Nhà nước đóng hoặc hỗ trợ theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế. Như vậy, khoản ngân sách nhà nước chi thường xuyên cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước trong trường hợp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đó không cân đối được chi thường xuyên. (3) Kết luận Sức khỏe là tài sản quý giá nhất của mỗi con người. Chính vì vậy, việc đảm bảo an sinh xã hội trong lĩnh vực y tế luôn là mối quan tâm hàng đầu của Đảng và Nhà nước. Ngân sách Nhà nước đóng vai trò then chốt trong việc hỗ trợ các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Tuy nhiên, việc chi ngân sách phải đảm bảo tuân thủ các nguyên tắc và sử dụng đúng mục đích, trường hợp để tránh lãng phí, thất thoát tài nguyên của quốc gia. Với những thông tin mà bài viết mang lại, hy vọng sẽ mang đến cho người đọc cái nhìn toàn diện về chính sách chi thường xuyên cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Ngân sách Nhà nước.
Đề xuất Nhà nước sẽ chi mua tin phòng chống tham nhũng lên đến 50 triệu
Bộ Tài chính đang dự thảo Thông tư quy định việc quản lý, sử dụng kinh phí phục vụ hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực các cấp. Trong đó có quy định sẽ chi mua tin, tài liệu phục vụ công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Xem toàn văn dự thảo Thông tư quy định việc quản lý, sử dụng kinh phí phục vụ hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực các cấp (Dự thảo tháng 6/2024): https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/06/19/bcd-tt-20240617164424.pdf Đề xuất Nhà nước sẽ chi mua tin, tài liệu phục vụ công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực Theo Điều 3 dự thảo Thông tư quy định việc quản lý, sử dụng kinh phí phục vụ hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực các cấp (Dự thảo tháng 6/2024) quy định nội dung chi từ các nguồn ngân sách nhà nước và nguồn kinh phí khác bao gồm: - Chi phụ cấp trách nhiệm của các thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương và Ban Chỉ đạo cấp tỉnh (nếu có). - Chi thù lao đối với các trường hợp được biệt phái từ nơi khác đến Ban Nội chính Trung ương hoặc Ban Nội chính tỉnh ủy, thành ủy để thực hiện nhiệm vụ phục vụ công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương hoặc Ban Chỉ đạo cấp tỉnh theo quyết định của cấp có thẩm quyền (nếu có). - Chi thanh toán dịch vụ công cộng, chi vật tư văn phòng, thông tin, tuyên truyền, liên lạc; chi mua sách báo, tài liệu phục vụ cho công tác chuyên môn; chi hội nghị, tiếp khách; chi tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ chuyên môn; chi công tác phí cho các đoàn kiểm tra, giám sát do Ban Chỉ đạo Trung ương hoặc Ban Chỉ đạo cấp tỉnh thành lập. - Các khoản chi phục vụ hoạt động đặc thù của Ban Chỉ đạo Trung ương và Ban Chỉ đạo cấp tỉnh: + Chi mua tin, tài liệu phục vụ công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; + Chi khen thưởng, biểu dương các tập thể, cá nhân có thành tích đặc biệt xuất sắc trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hàng năm hoặc đột xuất. - Chi mua sắm, sửa chữa tài sản chuyên dùng. - Các khoản chi khác phục vụ cho hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương và Ban Chỉ đạo cấp tỉnh do Trường Ban hoặc Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương hoặc Ban Chỉ đạo cấp tỉnh phê duyệt (nếu có). Như vậy, chi mua tin, tài liệu phục vụ công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là một trong những nội dung chi của ngân sách nhà nước và các nguồn kinh phí khác do Ban Chỉ đạo Trung ương và Ban Chỉ đạo cấp tỉnh quản lý, sử dụng. Mức chi mua tin phục vụ công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đến 50 triệu/tin Tại Điều 4 Dự thảo tháng 6/2024 quy định mức chi cho các nội dung chi trên được thực hiện theo chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi tiêu tài chính hiện hành do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định. Trong đó, cụ thể một số mức chi như sau: - Chi phụ cấp trách nhiệm của các thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương và Ban Chỉ đạo cấp tỉnh: Thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ; - Chi thù lao quy định tại khoản 2 Điều 3 Dự thảo tháng 6/2024: Thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ; - Chi thanh toán dịch vụ công cộng, chi vật tư văn phòng, thông tin, tuyên truyền, liên lạc; chi mua sách báo, tài liệu phục vụ cho công tác chuyên môn: Theo hóa đơn, chứng từ hợp pháp và phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt trong phạm vi dự toán đã được giao; - Chi hội nghị, tiếp khách; chi tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ chuyên môn, chi công tác phí cho các đoàn kiểm tra, giám sát cho Ban Chỉ đạo Trung ương hoặc Ban Chỉ đạo cấp tỉnh thành lập: Thực hiện theo quy định tại Thông tư 40/2017/TT-BTC; - Chi mua tin tối đa 50.000.000 (năm mươi triệu) đồng/tin. Căn cứ nội dung, tính chất của tin được cung cấp, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương quyết định mức chi đối với từng trường hợp cụ thể; trường hợp đặc biệt, Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương báo cáo tập thể Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương xem xét, quyết định. Việc quản lý, sử dụng kinh phí mua tin theo chế độ mật; - Chi khen thưởng, biểu dương các tập thể, cá nhân có thành tích đặc biệt xuất sắc trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hàng năm hoặc đột xuất: Áp dụng mức chi tiền thưởng theo quy định tại Nghị định 98/2023/NĐ- CP; - Các khoản chi khác theo yêu cầu của Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương hoặc Ban Chỉ đạo cấp tỉnh (nếu có): Mức chi thực hiện theo quy định hiện hành đối với từng nội dung chi. - Đối với nội dung chưa có quy định về mức chi: Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương hoặc Ban Chỉ đạo cấp tỉnh báo cáo tập thể thưởng trực Ban Chỉ đạo Trung ương hoặc Ban Chỉ đạo cấp tỉnh xem xét, thực hiện theo Kết luận của Trưởng Ban Ban Chỉ đạo Trung ương hoặc Ban Chỉ đạo cấp tỉnh. Các khoản chi phải có hóa đơn, chứng tử chi thực tế hợp pháp và trong phạm vi dự toán được cấp có thẩm quyền giao. Như vậy, nếu Dự thảo tháng 6/2024 được thông qua thì nhà nước sẽ chi từ nguồn ngân sách nhà nước và các nguồn kinh phí khác tối đa 50 triệu đồng/tin đối với tin, tài liệu phục vụ công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Lưu ý việc quản lý và sử dụng kinh phí cho nội dung này theo chế độ mật. Kinh phí chi mua tin, tài liệu phục vụ công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực sẽ được quyết toán thế nào? Theo khoản 3 Điều 5 Dự thảo tháng 6/2024 quy định về việc quyết toán đối với kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước như sau: - Kinh phí hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương được tổng hợp chung vào quyết toán ngân sách nhà nước hàng năm của Ban Nội chính Trung ương và Văn phòng Trung ương Đảng. Kinh phí hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh được tổng hợp chung vào quyết toán ngân sách nhà nước hàng năm của Ban Nội chính thành ủy, tỉnh ủy và Văn phòng tỉnh ủy, thành ủy; - Trình tự lập, mẫu biểu báo cáo, thời gian nộp và xét duyệt báo cáo quyết toán thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn. Như vậy, đối với Ban Chỉ đạo Trung ương sẽ được tổng hợp với quyết toán ngân sách nhà nước hằng năm của Ban Nội chính Trung ương và Văn phòng Trung ương Đảng; đối với Ban Chỉ đạo cấp tỉnh được tổng hợp với quyết toán ngân sách nhà nước hàng năm của Ban Nội chính thành ủy, tỉnh ủy và Văn phòng tỉnh ủy, thành ủy. Xem toàn văn dự thảo Thông tư quy định việc quản lý, sử dụng kinh phí phục vụ hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực các cấp (Dự thảo tháng 6/2024): https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/06/19/bcd-tt-20240617164424.pdf
MỚI: 4 khoản thu nhập được đề xuất miễn thuế thu nhập doanh nghiệp
Vừa qua ngày 12/6/2024, Chính phủ đã công bố, lấy ý kiến dự thảo Luật thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) do Bộ Tài chính soạn thảo. Dự thảo có nhiều quy định mới, trong đó nổi bật là bổ sung thêm 4 khoản thu nhập được miễn thuế. 4 khoản thu nhập được đề xuất miễn thuế thu nhập doanh nghiệp Theo đó, tại Điều 4 dự thảo Luật thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) (Dự thảo ngày 12/6/2024) đã sửa đổi các khoản thu nhập miễn thuế, đồng thời bổ sung 4 khoản thu nhập mới được miễn thuế bao gồm: 1) Khoản hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách nhà nước Theo khoản 8 Điều 4 Dự thảo ngày 12/6/2024 đã quy định miễn thuế đối với khoản tài trợ nhận được để sử dụng cho hoạt động giáo dục, nghiên cứu khoa học, văn hóa, nghệ thuật, từ thiện, nhân đạo và hoạt động xã hội khác tại Việt Nam; khoản hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách nhà nước, khoản bồi thường của nhà nước theo quy định của pháp luật. Theo đó so với quy định hiện hành tại Luật thuế thu nhập doanh nghiệp 2008, quy định mới đã bổ sung khoản hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách, khoản bồi thường của nhà nước theo quy định của pháp luật cũng sẽ được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp. 2) Khoản chênh lệch do đánh giá lại tài sản Dự thảo ngày 12/6/2024 đã bổ sung mới tại khoản 9 Điều 4, theo đó khoản chênh lệch do đánh giá lại tài sản theo quy định của pháp luật để cổ phần hóa, đổi mới, sắp xếp doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ cũng sẽ được miễn thuế. 3) Thu nhập từ tín chỉ các-bon, trái phiếu xanh Tại khoản 10 Điều 4 Dự thảo ngày 12/6/2024 quy định miễn thuế thu nhập doanh nghiệp đối với: Thu nhập từ chuyển nhượng chứng chỉ giảm phát thải, chuyển nhượng tín chỉ các-bon lần đầu sau khi phát hành của doanh nghiệp được cấp chứng chỉ giảm phát thải, tín chỉ các-bon; thu nhập từ tiền lãi trái phiếu xanh; thu nhập từ chuyển nhượng trái phiếu xanh lần đầu sau khi phát hành. Theo đó, quy định mới đã bổ sung thu nhập từ chuyển nhượng tín chỉ các-bon lần đầu sau khi phát hành, thu nhập từ tiền lãi và từ chuyển nhượng trái phiếu xanh lần đầu sau khi phát hành; đồng thời, bỏ cụm từ viết tắt "CERs" tại khoản 10 Điều 4 Luật thuế thu nhập doanh nghiệp 2008 để đảm bảo việc miễn thuế được áp dụng đối với thu nhập từ chuyển nhượng của các loại chứng chỉ giảm phát thải, không giới hạn chỉ là chứng chỉ CERs như quy định hiện hành. 4) Thu nhập của đơn vị sự nghiệp công lập từ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công Tại khoản 14 Điều 4 Dự thảo ngày 12/6/2024 đã bổ sung mới quy định miễn thuế thu nhập doanh nghiệp đối với thu nhập của đơn vị sự nghiệp công lập từ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công trong các trường hợp: - Dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu thuộc danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN do cơ quan có thẩm quyền ban hành; - Dịch vụ sự nghiệp công mà Nhà nước phải hỗ trợ, đảm bảo kinh phí hoạt động do chưa tính đủ chi phí cung cấp dịch vụ trong giá dịch vụ; - Dịch vụ sự nghiệp công tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Như vậy, Dự thảo ngày 12/6/2024 đã sửa đổi các khoản được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, đồng thời bổ sung 4 khoản thu nhập như trên. Xem toàn văn dự thảo Luật thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) ngày 12/6/2024: https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/06/13/du-thao-luat-thue-tndn.pdf Tín chỉ các-bon, trái phiếu xanh là gì? Theo khoản 35 Điều 3 Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định về tín chỉ các-bon như sau: Tín chỉ các-bon là chứng nhận có thể giao dịch thương mại và thể hiện quyền phát thải một tấn khí carbon dioxide (CO2) hoặc một tấn khí carbon dioxide (CO2) tương đương. Theo khoản 1 Điều 21 Nghị định 95/2018/NĐ-CP quy định về trái phiếu xanh như sau: Trái phiếu xanh là một loại trái phiếu Chính phủ được phát hành để đầu tư cho các dự án liên quan đến hoạt động bảo vệ môi trường theo quy định tại Luật bảo vệ môi trường (dự án xanh) và nằm trong danh mục dự án được phân bổ vốn đầu tư công theo quy định của Luật đầu tư công, Luật ngân sách nhà nước. Như vậy, tín chỉ các-bon là chứng nhận có thể giao dịch thương mại và thể hiện quyền phát thải một tấn khí CO2 hoặc một tấn khí CO2 tương đương. Trái phiếu xanh là một loại trái phiếu Chính phủ được phát hành để đầu tư cho các dự án liên quan đến hoạt động bảo vệ môi trường theo quy định và nằm trong danh mục dự án được phân bổ vốn đầu tư công. Theo đó, dự thảo Luật thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) ngày 12/6/2024 đã đề xuất thu nhập hoạt động chuyển nhượng tín chỉ các-bon, trái phiếu xanhlần đầu sau khi phát hành sẽ được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp. Danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN mới nhất Theo khoản 2 Điều 4 Nghị định 60/2020/NĐ-CP quy định về danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước như sau: - Các dịch vụ công cơ bản, thiết yếu theo quy định của pháp luật chuyên ngành và pháp luật về ngân sách nhà nước, gồm: + Các dịch vụ giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông; y tế dự phòng, y tế cơ sở, bệnh viện ở vùng khó khăn, biên giới, hải đảo; + Khám, chữa các bệnh phong, lao, tâm thần; + Nghiên cứu khoa học cơ bản; + Văn hóa, nghệ thuật dân gian truyền thống, đào tạo huấn luyện vận động viên, huấn luyện viên thể thao quốc gia; + Chăm sóc người có công và bảo trợ xã hội và các dịch vụ thuộc danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước theo các lĩnh vực quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 60/2020/NĐ-CP. Xem toàn bộ khung danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước: https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/06/13/danh-muc-dich-su-nghiep-cong-sd-nsnn.doc - Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (sau đây gọi là các bộ, cơ quan trung ương); Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh): + Tiếp tục thực hiện danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước đã được cấp có thẩm quyền ban hành trong trường hợp danh mục hiện hành phù hợp với quy định; + Đồng thời, rà soát để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Như vậy, theo khung danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước các cơ quan có thẩm quyền sẽ ban hành danh mục cụ thể. Theo đó, dự thảo Luật thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) ngày 12/6/2024 đã đề xuất quy định miễn thuế việc dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu thuộc danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước do cơ quan có thẩm quyền ban hành. Xem toàn văn dự thảo Luật thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) ngày 12/6/2024: https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/06/13/du-thao-luat-thue-tndn.pdf
Cán bộ đi du học bằng ngân sách nhà nước nhưng không trở về thì bị xử lý thế nào?
Cán bộ, công chức, viên chức được cử đi du học nước ngoài bằng ngân sách nhà nước nhưng có một số lượng nhỏ không quay trở về đất nước thì sẽ bị xử lý thế nào? Ai sẽ đền bù phần ngân sách này? Cán bộ đi du học bằng ngân sách nước nhưng không trở về có vi phạm pháp luật không? Theo Khoản 2 Điều 6 Nghị định 86/2021/NĐ-CP quy định về trách nhiệm của du học sinh học bổng ngân sách nhà nước, trong đó: Phải bồi hoàn chi phí đào tạo theo quy định tại Điều 12 và Điều 13 Nghị định 86/2021/NĐ-CP nếu không hoàn thành nghĩa vụ học tập hoặc không chấp hành sự điều động làm việc của cơ quan nhà nước có thẩm quyền sau khi tốt nghiệp đối với du học sinh quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 3 Nghị định 86/2021/NĐ-CP; Theo đó, du học sinh học bổng ngân sách nhà nước được quy định như sau: Du học sinh học bổng ngân sách nhà nước là công dân Việt Nam ra nước ngoài học tập được nhận toàn phần hoặc một phần chi phí đào tạo, chi phí đi lại, sinh hoạt phí và các chi phí khác liên quan đến học tập từ một hoặc nhiều nguồn trong các nguồn kinh phí sau đây: + Học bổng ngân sách nhà nước cấp trong khuôn khổ hiệp định, thỏa thuận hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam với Chính phủ nước ngoài; + Học bổng ngân sách nhà nước cấp thông qua các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập; Như vậy, việc cán bộ, công chức, viên chức là du học sinh được cử đi du học bằng ngân sách nhà nước nhưng không trở về theo quy định là hành vi vi phạm pháp luật và sẽ bị xử lý. Đi du học bằng ngân sách nhà nước nhưng không trở về thì bị xử lý thế nào? 1) Xử phạt hành chính Theo Khoản 2,3 Điều 21 Nghị định 88/2022/NĐ-CP quy định về xử lý vi phạm quy định về ra nước ngoài học tập, giảng dạy, nghiên cứu khoa học và trao đổi học thuật các trình độ đào tạo trong giáo dục nghề nghiệp như sau: - Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi tự ý bỏ học, bỏ việc hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng trong thời gian được cử đi đào tạo ở nước ngoài hoặc không được cơ sở đào tạo ở nước ngoài cấp văn bằng, chứng chỉ tốt nghiệp. - Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng việc đi học tập, giảng dạy, nghiên cứu khoa học và trao đổi học thuật để thực hiện mục đích đi lao động hoặc ở lại nước ngoài trái pháp luật mà không bị đe dọa, ép buộc dưới bất kỳ hình thức nào và không thuộc trường hợp bị truy cứu trách nhiệm hình sự. - Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc bồi hoàn các khoản kinh phí đã được hưởng và chịu mọi chi phí bồi hoàn theo quy định đối với hành vi vi phạm. 2) Bồi thường chi phí đào tạo được ngân sách nhà nước chi trả Theo Điều 8 Nghị định 101/2017/NĐ-CP, chi phí đền bù bao gồm học phí và tất cả các khoản chi khác phục vụ cho khóa học, không tính lương và các khoản phụ cấp (nếu có). Cách tính chi phí đền bù như sau: - Cán bộ, công chức, viên chức phải trả 100% chi phí đền bù trong các trường hợp sau: + Tự ý bỏ học, bỏ việc hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc trong thời gian đào tạo. + Không được cơ sở đào tạo cấp văn bằng tốt nghiệp. - Đối với các trường hợp đã hoàn thành và được cấp văn bằng tốt nghiệp khóa học nhưng bỏ việc hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc khi chưa phục vụ đủ thời gian cam kết quy định tại Điều 5 hoặc Điều 6 Nghị định 101/2017/NĐ-CP thì chi phí đền bù được tính theo công thức sau: S = F x (T1 - T2) T1 Trong đó: + S là chi phí đền bù; + F là tổng chi phí do cơ quan, đơn vị cử cán bộ, công chức, viên chức đi học chi trả theo thực tế cho 01 người tham gia khóa học; + T1 là thời gian yêu cầu phải phục vụ sau khi đã hoàn thành khóa học (hoặc các khóa học) được tính bằng số tháng làm tròn; + T2 là thời gian đã phục vụ sau đào tạo được tính bằng số tháng làm tròn. Như vậy, cán bộ được cử đi du học nước ngoài nhưng không về, tự ý bỏ việc phải trả 100% chi phí đền bù bao gồm học phí và tất cả các khoản chi khác phục vụ cho khóa học. Đồng thời, người vi phạm còn bị xử phạt lên đến 60.000.000 khi đi du học bằng ngân sách nhà nước nhưng không trở về theo thoả thuận. Để được đi du học bằng ngân sách nhà nước phải đáp ứng điều kiện gì? 1) Điều kiện chung Theo Điều 3 Quyết định 02-QĐ/BCĐ, cán bộ được cử đi bồi dưỡng phải đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn chung như sau: - Hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. - Không trong thời gian xem xét, xử lý kỷ luật hoặc trong thời gian thi hành kỷ luật từ khiển trách trở lên; không thuộc trường hợp chưa được xuất cảnh, nhập cảnh theo quy định của pháp luật. - Nội dung của khóa bồi dưỡng phù hợp với chuyên môn, nghiệp vụ đang công tác hoặc vị trí lãnh đạo, quản lý được quy hoạch. - Có đủ sức khỏe đáp ứng yêu cầu khóa bồi dưỡng. - Được cử đi bồi dưỡng không quá 02 lần một năm, không bố trí tham gia bồi dưỡng trong 02 năm liên tiếp theo kinh phí thực hiện Kết luận 39-KL/TW năm 2022. Đối với bồi dưỡng ngắn hạn, cán bộ chỉ được tham gia một lần. Trường hợp cần thiết do Lãnh đạo Ban Chỉ đạo thực hiện Kết luận 39-KL/TW năm 2022, quyết định. - Có cam kết trước khi được cử đi bồi dưỡng theo mẫu quy định. Mẫu cam kết: https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/05/11/mau-cam-ket-du-hoc.docx 2) Điều kiện cụ thể Ngoài các điều kiện, tiêu chuẩn chung quy định như trên, cán bộ được cử đi bồi dưỡng cần đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn cụ thể tại Điều 3 Quyết định 02-QĐ/BCĐ như sau: - Đối với cán bộ được cử đi bồi dưỡng ngắn hạn: Cán bộ còn đủ thời gian công tác là lãnh đạo, quản lý ít nhất 18 tháng tính từ khi khóa bồi dưỡng bắt đầu. - Đối với cán bộ được cử đi bồi dưỡng trung hạn: + Còn đủ thời gian công tác là lãnh đạo, quản lý ít nhất 24 tháng tính từ khi khóa bồi dưỡng bắt đầu. + Có năng lực học trực tiếp bằng ngoại ngữ. + Phải đạt yêu cầu của vòng phỏng vấn tuyển chọn của cơ sở đào tạo thực hiện chương trình bồi dưỡng trung hạn. - Đối với cán bộ được cử đi bồi dưỡng ngoại ngữ: + Còn đủ thời gian công tác ít nhất 24 tháng tính từ khi khóa bồi dưỡng bắt đầu. + Phải đáp ứng yêu cầu về trình độ ngoại ngữ đầu vào, đầu ra thực hiện theo thông báo tuyển sinh hằng năm hoặc của từng khóa học. Ngoài ra, khoản 1 Điều 6 Nghị định 101/2017/NĐ-CP quy định điều kiện đào tạo sau đại học đối với cán bộ, công chức như sau: - Có thời gian công tác từ đủ 03 năm trở lên (không kể thời gian tập sự) và 02 năm liên tục liền kề trước thời điểm được cử đi đào tạo hoàn thành tốt nhiệm vụ; - Không quá 40 tuổi tính từ thời điểm được cử đi đào tạo sau đại học lần đầu; - Có cam kết thực hiện nhiệm vụ, công vụ tại cơ quan, đơn vị sau khi hoàn thành chương trình đào tạo trong thời gian ít nhất gấp 02 lần thời gian đào tạo; - Chuyên ngành đào tạo phù hợp với vị trí việc làm. Như vậy, để được cử đi du học bằng ngân sách nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức phải đáp ứng các điều kiện chung và các điều kiện cụ thể theo từng loại hình đào tạo.
Chính phủ chỉ đạo triệt để tiết kiệm chi, dành nguồn cải cách tiền lương
Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 65/NQ-CP ngày 07/5/2024 phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4 năm 2024. Trong đó, Chính phủ chỉ đạo kiểm soát chặt chẽ, triệt để tiết kiệm chi để dành nguồn lực cho đầu tư phát triển và nguồn thực hiện cải cách tiền lương, an sinh xã hội. Chính phủ chỉ đạo triệt để tiết kiệm chi, dành nguồn cải cách tiền lương Trong Nghị quyết 65/NQ-CP ngày 07/5/2024, Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục quán triệt phương châm chỉ đạo, điều hành đã được xác định từ đầu năm và tinh thần "5 quyết tâm", "5 bảo đảm", "5 đẩy mạnh" đã đề ra tại Nghị quyết 44/NQ-CP ngày 05/4/2024. Theo đó, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, theo dõi sát diễn biến tình hình quốc tế, khu vực; làm tốt công tác phân tích, dự báo; phối hợp chặt chẽ, hài hòa giữa chính sách tiền tệ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác, có phản ứng chính sách kịp thời, phù hợp, hiệu quả đối với các vấn đề mới phát sinh. Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi tối đa, giảm chi phí tiếp cận vốn tín dụng cho doanh nghiệp, người dân. Có giải pháp khơi thông gói tín dụng nhà ở xã hội 120 nghìn tỷ đồng; xử lý hiệu quả nợ xấu, các tổ chức tín dụng yếu kém, các ngân hàng kiểm soát đặc biệt để góp phần bảo đảm sự ổn định, an toàn của hệ thống các tổ chức tín dụng. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, ngân sách nhà nước; triển khai các giải pháp thu đúng, thu đủ, thu kịp thời, mở rộng cơ sở thu, khai thác các nguồn thu còn dư địa; tiếp tục duy trì, phát huy kết quả đạt được trong việc thực hiện các quy định về hóa đơn điện tử. Phấn đấu tăng thu, đồng thời kiểm soát chặt chẽ, triệt để tiết kiệm chi, nhất là chi thường xuyên để dành nguồn lực cho đầu tư phát triển, nhất là cho các dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia và nguồn thực hiện cải cách tiền lương, an sinh xã hội. “5 quyết tâm”, “5 bảo đảm” và “5 đẩy mạnh” bao gồm những nội dung gì? Theo Nghị quyết 44/NQ-CP ngày 05/4/2024, Chính phủ nêu quan điểm chỉ đạo điều hành và đề nghị các bộ, ngành, địa phương thực hiện với quyết tâm cao nhất, tốt nhất, phấn đấu đạt và vượt các mục tiêu, chỉ tiêu trong năm 2024, nhất là chỉ tiêu về tăng trưởng với tinh thần "5 quyết tâm", "5 bảo đảm" và "5 đẩy mạnh". Trong đó: "5 quyết tâm" là: (1) Quyết tâm khắc phục mọi khó khăn, vượt qua mọi thách thức. (2) Quyết tâm thực hiện, không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm; không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác với phương châm "thắng không kiêu, bại không nản". (3) Quyết tâm bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung; đồng thời đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. (4) Quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tăng cường phân cấp, phân quyền, cắt giảm thủ tục hành chính, giảm chi phí, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. (5) Quyết tâm nỗ lực phấn đấu cao nhất để đạt kết quả tốt nhất trong năm 2024, nhất là thúc đẩy các động lực tăng trưởng. Thực hiện tốt "5 bảo đảm" là: (1) Bảo đảm thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Lãnh đạo chủ chốt, Quốc hội, Chính phủ. (2) Bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế và kiểm soát lạm phát, tạo nền tảng và điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững. (3) Bảo đảm phát triển lành mạnh, công khai, minh bạch các loại thị trường. (4) Bảo đảm đầy đủ điều kiện để triển khai chế độ tiền lương mới từ ngày 01/7/2024. (5) Bảo đảm ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, an sinh xã hội, an ninh, an toàn, an dân; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ. Tập trung thực hiện "5 đẩy mạnh" là: (1) Đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế trên các ngành, lĩnh vực chủ yếu. (2) Đẩy mạnh huy động mọi nguồn lực để thúc đẩy sản xuất, tạo công ăn việc làm, tạo sinh kế cho người dân, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. (3) Đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược. (4) Đẩy mạnh hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế, củng cố và nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Khẩn trương cụ thể hóa, khai thác có hiệu quả các điều ước quốc tế, thỏa thuận của Lãnh đạo cấp cao. (5) Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp từ Trung ương đến tất cả các địa phương. Có thể thấy, cải cách tiền lương là một trong những mục tiêu được nhà nước quan tâm sâu sắc. Chính sách tiền lương là một bộ phận đặc biệt quan trọng của hệ thống chính sách kinh tế - xã hội, liên quan trực tiếp đến các cân đối lớn của nền kinh tế, thị trường lao động và đời sống người hưởng lương, góp phần xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, trong sạch, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Xem thêm: Từ 1/7/2024 thực hiện chế độ tiền lương mới sẽ có 9 loại phụ cấp nào? Từ 01/7/2024, 03 loại tiền lương nào sẽ được tăng và tăng bao nhiêu? Từ 01/5/2024, nhà nước tăng cường kiểm soát khoản chi lương và phụ cấp theo lương
Chủ thể nào bắt buộc công khai ngân sách nhà nước?
Cơ quan mình là đơn vị sự nghiệp sử dụng ngân sách của nhà nước thực hiện một số dự án. Vậy đơn vị mình có phải công khai ngân sách nhà nước không và một số thông tin phải công khai ngân sách nhà nước quy định như thế nào? Nhờ Cộng đồng giải đáp. Chủ thể bắt buộc công khai ngân sách nhà nước? Căn cứ Theo khoản 1 Điều 46 Nghị định 163/2016/NĐ-CP: “Đối tượng và phạm vi thực hiện công khai ngân sách - Đối tượng phải thực hiện công khai ngân sách, gồm: + Các cấp ngân sách nhà nước; + Đơn vị dự toán ngân sách; + Tổ chức được ngân sách nhà nước hỗ trợ; + Chương trình, dự án đầu tư xây dựng cơ bản có sử dụng vốn ngân sách nhà nước. - Đối tượng phải công khai thủ tục ngân sách nhà nước gồm: Cơ quan thu, cơ quan tài chính và Kho bạc Nhà nước.” Theo quy định trên, nếu đơn vị bạn được cấp ngân sách nhà nước thực hiện dự án thì đơn vị bạn sẽ thuộc đối tượng bắt buộc phải thực hiện công khai ngân sách. Nội dung công khai ngân sách nhà nước như thế nào? Theo quy định tại Điều 47 Nghị định 163/2016/NĐ-CP thì nội dung công khai ngân sách nhà nước theo từng cấp có thẩm quyền cần có như sau: - Đối với nội dung công khai ngân sách nhà nước và ngân sách trung ương: + Công khai số liệu, thuyết minh dự toán ngân sách nhà nước trình Quốc hội, dự toán ngân sách nhà nước được Quốc hội quyết định; quyết toán ngân sách nhà nước được Quốc hội phê chuẩn; gồm: ++ Cân đối thu, chi ngân sách nhà nước; ++ Thu ngân sách nhà nước theo lĩnh vực và theo từng loại thuế; ++ Chi ngân sách nhà nước, trong đó chi đầu tư phát triển, chi thường xuyên, chi trả nợ lãi, chi viện trợ, chi bổ sung quỹ dự trữ tài chính, dự phòng ngân sách; ++ Bội chi ngân sách nhà nước; tổng mức vay của ngân sách nhà nước, bao gồm vay bù đắp bội chi và vay để trả nợ gốc của ngân sách nhà nước; ++ Chi ngân sách trung ương theo từng lĩnh vực; tổng số và chi tiết theo từng lĩnh vực chi ngân sách trung ương cho từng bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc ++ Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương; chi ngân sách trung ương cho các chương trình mục tiêu quốc gia; ++ Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn, chi ngân sách địa phương, số bổ sung cân đối ngân sách, bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách từng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; tỷ lệ phần trăm (%) phân chia các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách từng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; + Công khai số liệu, thuyết minh tình hình thực hiện dự toán thu, chi ngân sách nhà nước, bao gồm cân đối thu, chi ngân sách nhà nước, thu ngân sách nhà nước theo từng lĩnh vực, chi ngân sách nhà nước chi tiết theo chi đầu tư phát triển, chi thường xuyên. - Đối với nội dung công khai ngân sách các cấp ở địa phương: + Công khai số liệu, thuyết minh dự toán ngân sách địa phương trình Hội đồng nhân dân, dự toán ngân sách địa phương được Hội đồng nhân dân quyết định; quyết toán ngân sách được Hội đồng nhân dân phê chuẩn; gồm: ++ Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn theo từng lĩnh vực và theo từng loại thuế; ++ Cân đối thu, chi ngân sách địa phương; ++ Thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp; ++ Chi ngân sách địa phương, trong đó chi đầu tư phát triển, chi thường xuyên; chi trả nợ lãi và chi bổ sung quỹ dự trữ tài chính đối với ngân sách cấp tỉnh, dự phòng ngân sách; ++ Chi ngân sách cấp mình theo từng lĩnh vực; tổng số và chi tiết theo từng lĩnh vực chi ngân sách cấp mình cho từng cơ quan, đơn vị thuộc cấp mình; chi xây dựng cơ bản từ ngân sách cấp mình cho từng dự án, công trình; chi cho các dự án, chương trình mục tiêu quốc gia; ++ Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn từng địa phương cấp dưới, chi ngân sách cấp dưới, số bổ sung cân đối và bổ sung có mục tiêu từ ngân sách cấp mình cho từng ngân sách cấp dưới; ++ Tỷ lệ phần trăm (%) phân chia các khoản thu phân chia giữa ngân sách các cấp chính quyền địa phương cho từng cấp ngân sách cho các năm trong thời kỳ ổn định ngân sách; + Công khai số liệu, thuyết minh tình hình thực hiện dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn, dự toán thu ngân sách địa phương, dự toán chi ngân sách địa phương. - Đối với số liệu chi tiết, báo cáo thuyết minh ngân sách của lĩnh vực quốc phòng, an ninh, dự trữ quốc gia thực hiện theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 15 Luật ngân sách nhà nước. - Nội dung công khai thủ tục ngân sách nhà nước thực hiện theo điểm b khoản 2 Điều 15 Luật ngân sách nhà nước. Thời điểm công khai ngân sách nhà nước? Theo quy định tại Điều 49 Nghị định 163/2016/NĐ-CP về thời điểm công khai ngân sách nêu rõ: - Báo cáo dự toán ngân sách nhà nước phải được công khai chậm nhất là 05 ngày làm việc kể từ ngày Chính phủ gửi đến các đại biểu Quốc hội, Ủy ban nhân dân gửi đại biểu Hội đồng nhân dân. - Báo cáo dự toán ngân sách nhà nước đã được cấp có thẩm quyền quyết định, báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước đã được cấp có thẩm quyền phê chuẩn, phải được công khai chậm nhất là 30 ngày, kể từ ngày văn bản được ban hành. - Báo cáo tình hình thực hiện ngân sách nhà nước hằng quý, 06 tháng phải được công khai chậm nhất là 15 ngày, kể từ ngày kết thúc quý và 06 tháng. - Báo cáo tình hình thực hiện ngân sách nhà nước hằng năm được công khai khi Chính phủ, Ủy ban nhân dân trình Quốc hội, Hội đồng nhân dân. - Công khai dự toán các đơn vị dự toán ngân sách và các tổ chức được ngân sách nhà nước hỗ trợ chậm nhất là 15 ngày, kể từ ngày được cấp có thẩm quyền giao; công khai tình hình thực hiện ngân sách cả năm của các đơn vị dự toán ngân sách chậm nhất là 05 ngày làm việc, kể từ ngày đơn vị báo cáo đơn vị dự toán ngân sách cấp trên trực tiếp; công khai quyết toán ngân sách của các đơn vị dự toán ngân sách chậm nhất là 15 ngày, kể từ ngày được cấp có thẩm quyền phê duyệt, thẩm định. - Công khai thủ tục ngân sách nhà nước chậm nhất là 05 ngày làm việc, kể từ ngày cấp có thẩm quyền ban hành quy định. Theo đó, tùy vào các nội dung công khai ngân sách nhà nước mà đơn vị bạn cần thực hiện khia báo theo đúng nội dung phù hợp trong khoản thời gian cụ thể cho từng nội dung ngân sách nhà nước trên.
Kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện chính sách tinh giản biên chế
Thông tư 13/2024/TT-BTC quy định việc xác định nguồn kinh phí và việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện chính sách tinh giản biên chế quy định tại Nghị định số 29/2023/NĐ-CP ngày 03 tháng 6 năm 2023 của Chính phủ quy định về tinh giản biên chế (sau đây viết tắt là Nghị định số 29/2023/NĐ-CP). Việc lập dự toán, phân bổ, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện chính sách tinh giản biên chế thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước 2015 và các văn bản hướng dẫn Luật. 1. Lập dự toán kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện chính sách tinh giản biên chế - Đối với các bộ, cơ quan ở trung ương: Hàng năm, căn cứ tình hình thực hiện chính sách tinh giản biên chế (bao gồm số đối tượng tinh giản biên chế và số tiền trợ cấp cho từng đối tượng tinh giản biên chế do người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp quản lý đối tượng tinh giản biên chế lập và được cấp có thẩm quyền phê duyệt quy định tại khoản 3 Điều 12 Nghị định số 29/2023/NĐ-CP); kế hoạch thực hiện tinh giản biên chế năm sau liền kề theo quy định tại khoản 2 Điều 12 Nghị định số 29/2023/NĐ-CP, chỉ đạo bộ phận kế hoạch tài chính trực thuộc xây dựng dự toán kinh phí thực hiện chính sách tinh giản biên chế để tổng hợp trong dự toán ngân sách nhà nước hàng năm gửi cơ quan tài chính cùng cấp trình cấp có thẩm quyền bố trí, giao dự toán kinh phí thực hiện tinh giản biên chế trong dự toán hàng năm của các bộ, cơ quan ở trung ương. - Đối với các địa phương: Căn cứ tình hình thực hiện chính sách tinh giản biên chế (bao gồm số đối tượng tinh giản biên chế và số tiền trợ cấp cho từng đối tượng tinh giản biên chế do người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp quản lý đối tượng tinh giản biên chế lập và được cấp có thẩm quyền phê duyệt quy định tại khoản 3 Điều 12 Nghị định số 29/2023/NĐ-CP), kế hoạch thực hiện tinh giản biên chế năm sau liền kề theo quy định tại khoản 2 Điều 12 Nghị định số 29/2023/NĐ-CP, các địa phương xây dựng dự toán kinh phí thực hiện chính sách tinh giản biên chế năm kế hoạch tổng hợp chung vào nhu cầu thực hiện cải cách tiền lương trong dự toán ngân sách nhà nước hàng năm. 2. Phân bổ, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện chính sách tinh giản biên chế Việc phân bổ, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước bố trí thực hiện chính sách tinh giản biên chế thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước 2015 và các văn bản hướng dẫn Luật. - Đối với các bộ, cơ quan ở trung ương: Kinh phí ngân sách nhà nước bố trí thực hiện chính sách tinh giản biên chế được phân bổ vào nguồn kinh phí không thực hiện tự chủ của các đơn vị sử dụng ngân sách. Trên cơ sở danh sách tinh giản biên chế đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, các bộ, cơ quan trung ương thực hiện chi trả các chế độ, chính sách cho các đối tượng tinh giản biên chế theo quy định. - Đối với các địa phương: Trên cơ sở danh sách tinh giản biên chế đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; các cơ quan, đơn vị ở địa phương thực hiện chi trả các chế độ, chính sách cho các đối tượng tinh giản biên chế theo quy định. - Trường hợp các bộ, cơ quan ở trung ương, địa phương thực hiện tinh giản biên chế không đúng quy định thì thực hiện thu hồi nộp ngân sách kinh phí thực hiện tinh giản biên chế, thu hồi các quyết định giải quyết tinh giản biên chế và bố trí cho những người không thuộc đối tượng tinh giản biên chế trở lại làm việc; đồng thời, xem xét trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan và chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật về việc thực hiện không đúng quy định về tinh giản biên chế. 3. Về quyết toán kinh phí thực hiện chính sách tinh giản biên chế Kinh phí thực hiện chính sách tinh giản biên chế được tổng hợp chung vào báo cáo tài chính và báo cáo quyết toán của cơ quan, đơn vị hàng năm theo quy định tại Luật Ngân sách nhà nước 2015, Luật Kế toán 2015 và các văn bản hướng dẫn. 4. Đối tượng áp dụng - Các cơ quan, tổ chức của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội từ Trung ương đến cấp xã; - Các đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội từ Trung ương đến cấp huyện; - Các đối tượng khác theo quy định tại Điều 18 Nghị định số 29/2023/NĐ-CP. Như vậy, việc lập dự toán, phân bổ, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện chính sách tinh giản biên chế thực hiện theo quy định tại Điều 5 Thông tư 13/2024/TT-BTC.
Giao quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ ngân sách cấp
Các đơn vị muốn thực hiện giao quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ ngân sách cấp cần thực hiện các bước nào? Chuẩn bị hồ sơ gồm những giấy tờ gì và thời gian thực hiện thủ tục này là bao lâu? Thủ tục giao quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ ngân sách cấp Bước 1. Trong vòng 60 ngày, kể từ ngày được Hội đồng đánh giá, nghiệm thu kết quả đạt trở lên, tổ chức, cá nhân chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ có trách nhiệm lập báo cáo về tài sản (trong đó mô tả cụ thể thông tin về tài sản và chi phí tạo lập tài sản) kèm theo các hồ sơ có liên quan, gửi cơ quan được giao quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ. Trường hợp tổ chức, cá nhân chủ trì thực hiện nhiệm vụ có nhu cầu nhận giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng tài sản thì lập 01 bộ hồ sơ gửi cơ quan được giao quản lý nhiệm vụ đồng thời với báo cáo về tài sản. Bước 2. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận đầy đủ hồ sơ hợp lệ của tổ chức, cá nhân chủ trì, cơ quan được giao quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ có trách nhiệm: a) Lập báo cáo kê khai để đăng nhập thông tin về tài sản vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công; b) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan thẩm định đối với đề nghị của tổ chức, cá nhân chủ trì; trình cơ quan, người có thẩm quyền xem xét, quyết định giao quyền sở hữu, quyền sử dụng cho tổ chức, cá nhân chủ trì. Trường hợp tổ chức, cá nhân chủ trì không có đề nghị giao quyền sở hữu, quyền sử dụng, hoặc không có khả năng nghiên cứu, phát triển công nghệ, sản phẩm công nghệ, ứng dụng, thương mại hóa kết quả nghiên cứu thì báo cáo cơ quan, người có thẩm quyền để giao cho tổ chức, cá nhân khác có nhu cầu theo quy định. Bước 3. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được đề nghị của cơ quan được giao quản lý nhiệm vụ, cơ quan, người có thẩm quyền xem xét, quyết định giao quyền sở hữu, quyền sử dụng cho tổ chức, cá nhân chủ trì đủ điều kiện được giao. Bước 4. Căn cứ quyết định giao quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản của cơ quan, người có thẩm quyền, cơ quan được giao quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ lập báo cáo kê khai bổ sung để điều chỉnh thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công. Thành phần giao quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ ngân sách cấp - Văn bản đề nghị giao quyền sở hữu hoặc giao quyền sử dụng tài sản của tổ chức chủ trì: 01 bản chính; - Phương án nghiên cứu, phát triển công nghệ, sản phẩm công nghệ, ứng dụng, thực hiện thương mại hóa kết quả nghiên cứu để tiếp tục phát huy, ứng dụng, thương mại hóa kết quả nghiên cứu theo quy định của pháp luật về khoa học công nghệ (sau đây gọi là phương án phát triển, thương mại hóa kết quả) theo Mẫu do Bộ Tài chính ban hành: 01 bản chính; - Biên bản đánh giá, nghiệm thu nhiệm vụ của Hội đồng: 01 bản sao; - Hợp đồng khoa học và công nghệ: 01 bản sao; - Thuyết minh nhiệm vụ khoa học và công nghệ được phê duyệt: 01 bản sao; - Các tài liệu có liên quan khác (nếu có): 01 bản sao. Thời hạn giải quyết giao quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ ngân sách cấp Bước 1. Trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày được Hội đồng đánh giá, nghiệm thu kết quả đạt trở lên Bước 2. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận đầy đủ hồ sơ hợp lệ của tổ chức, cá nhân chủ trì Bước 3. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được đề nghị của cơ quan được giao quản lý nhiệm vụ =>> Trên đây là trình tự thủ tục cũng như hồ sơ và thời gian giải quyết giao quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ ngân sách cấp để tham khảo. Nguồn: Cổng thông tin điện tử Bộ tài chính
Cơ sở vật chất để hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghệ thông tin phải đảm bảo như thế nào?
Với sự phát triển của khoa học công nghệ như hiện nay thì những cơ sở vật chất để hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghệ thông tin sẽ được nhà nước đảm bảo như thế nào? Đồng thời thì chất lượng trong hoạt động ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin được quản lý thông qua hình thức nào? Cơ sở vật chất để hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghệ thông tin phải đảm bảo như thế nào? Căn cứ theo quy định tại Điều 39 Luật Công nghệ thông tin 2006 về cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ cho hoạt động nghiên cứu - phát triển công nghệ thông tin như sau: Nhà nước huy động các nguồn vốn để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật của các tổ chức nghiên cứu - phát triển công nghệ thông tin; khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ nghiên cứu - phát triển công nghệ thông tin; đầu tư một số phòng thí nghiệm trọng điểm về công nghệ thông tin đạt tiêu chuẩn quốc tế; ban hành quy chế sử dụng phòng thí nghiệm trọng điểm về công nghệ thông tin. Như vậy, những cơ sở hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghệ thông tin sẽ được Nhà nước quan tâm đầu tư và trang bị về cơ sở vật chất cũng như kỹ thuật để phục vụ nghiên cứu. Chất lượng trong hoạt động ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin được quản lý thông qua hình thức nào? Căn cứ theo quy định tại Điều 41 Luật Công nghệ thông tin 2006 về tiêu chuẩn, chất lượng trong hoạt động ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin như sau: - Chất lượng sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin được quản lý thông qua các hình thức sau đây: + Chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; + Công bố phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; + Kiểm định chất lượng. Như vậy, chất lượng trong hoạt động ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin được quản lý thông qua hình thức như: Chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; Công bố phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; Kiểm định chất lượng. Ngân sách nhà nước chi cho sự nghiệp ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin bao gồm những gì? Căn cứ theo quy định tại Điều 63 Luật Công nghệ thông tin 2006 quy định về đầu tư cho sự nghiệp ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin như sau: - Ngân sách nhà nước chi cho sự nghiệp ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin được sử dụng vào các mục đích sau đây: + Phổ cập ứng dụng công nghệ thông tin, hỗ trợ dự án ứng dụng công nghệ thông tin có hiệu quả; + Phát triển nguồn thông tin số; + Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu của bộ, ngành, địa phương; + Xây dựng cơ sở hạ tầng thông tin phục vụ công ích và cơ quan nhà nước; + Điều tra, nghiên cứu, xây dựng, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật về công nghệ thông tin, cơ chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế - kỹ thuật, mô hình ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin; + Phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin; + Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về công nghệ thông tin, đào tạo, tập huấn chuyên môn, quản lý về công nghệ thông tin; + Trao giải thưởng công nghệ thông tin; + Các hoạt động khác cho sự nghiệp ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin. - Hằng năm, Bộ Bưu chính, Viễn thông chịu trách nhiệm tổng hợp dự toán kinh phí chi cho sự nghiệp ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin quy định tại khoản 1 Điều 63 Luật Công nghệ thông tin 2006 của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để Chính phủ trình Quốc hội. Như vậy, ngân sách nhà nước chi cho sự nghiệp ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin bao gồm 9 mục cụ thể như quy định trên.
Thân nhân người đi NVQS có được hoàn tiền nếu đã tự đóng BHYT không?
Nhiều gia đình có con em tham gia nghĩa vụ quân sự nằm trong nhóm đối tượng được Ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng BHYT nhưng không biết hoặc biết nhưng trước đó đã tham gia BHYT theo hộ gia đình. Như vậy, họ có được hoàn trả lại số tiền đã đóng BHYT trước khi được hỗ trợ hay không? Bài viết sau đây sẽ giải đáp các thắc mắc trên. Thân nhân của người đi nghĩa vụ quân sự có được cấp BHYT không? Theo Khoản 13.5 Điều 17 Văn bản hợp nhất 2089/VBHN-BHXH (*) quy định về nhóm do ngân sách nhà nước đóng bảo hiểm y tế, trong đó có nhân thân của người đang làm việc trong quân đội. Cụ thể như sau: Thân nhân của sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sỹ quan, binh sỹ quân đội đang tại ngũ, sỹ quan, hạ sỹ quan nghiệp vụ và sỹ quan, hạ sỹ quan chuyên môn, kỹ thuật đang công tác trong lực lượng công an nhân dân, học viên công an nhân dân, hạ sỹ quan, người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân, học viên cơ yếu được hưởng chế độ, chính sách theo chế độ, chính sách đối với học viên ở các trường quân đội, công an, gồm: - Cha đẻ, mẹ đẻ; cha đẻ, mẹ đẻ của vợ hoặc chồng; người nuôi dưỡng hợp pháp của bản thân, của vợ hoặc của chồng; - Vợ hoặc chồng; - Con đẻ, con nuôi hợp pháp từ trên 6 tuổi đến dưới 18 tuổi; con đẻ, con nuôi hợp pháp từ đủ 18 tuổi trở lên nếu còn tiếp tục đi học phổ thông. Theo quy định tại Khoản 5 Điều 3 Luật Nghĩa vụ quân sự 2015, hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ là công dân đang phục vụ trong lực lượng thường trực của Quân đội nhân dân và lực lượng Cảnh sát biển. Như vậy, người đi nghĩa vụ quân sự chính là hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ. Thân nhân của họ cũng sẽ được ngân sách nhà nước đóng BHYT theo quy định trên. Nếu đã tham gia BHYT hộ gia đình thì thân nhân người đi nghĩa vụ có được hoàn lại không? Thân nhân người đi nghĩa vụ ưu tiên đóng BHYT theo đối tượng nào? Theo Khoản 15 Điều 1 Luật BHYT sửa đổi 2014 quy định như sau: Trường hợp một người thuộc nhiều đối tượng tham gia bảo hiểm y tế thì được hưởng quyền lợi bảo hiểm y tế theo đối tượng có quyền lợi cao nhất. Vậy, thân nhân của người tham gia nghĩa vụ quân sự sẽ được hưởng quyền lợi BHYT theo đối tượng được ngân sách nhà nước đóng, không phải tham gia BHYT theo đối tượng hộ gia đình. Tuy nhiên, trong trường hợp đã đóng BHYT theo hộ gia đình thì xử lý như sau: Theo quy định tại Điều 20 Văn bản hợp nhất 2089/VBHN-BHXH quy định về hoàn trả tiền đóng bảo hiểm y tế: 1) Người đang tham gia BHYT theo đối tượng tại Khoản 4, 5 Điều 17 được hoàn trả tiền đóng BHYT trong các trường hợp sau: Thứ nhất, người tham gia được cấp thẻ BHYT theo nhóm đối tượng mới, nay báo giảm giá trị sử dụng thẻ đã cấp trước đó (có thứ tự đóng xếp sau đối tượng mới theo quy định tại Điều 12 Luật BHYT). Thứ hai, được ngân sách nhà nước điều chỉnh tăng hỗ trợ mức đóng BHYT; Thứ ba, bị chết trước khi thẻ BHYT có giá trị sử dụng. Theo đó, thân nhân của người đi NVQS đã tham gia BHYT theo hộ gia đình thuộc trường hợp tại khoản 5 Điều 17 sẽ được hoàn trả tiền đóng BHYT theo trường hợp thứ nhất. Cụ thể, thân nhân của người đi NVQS thuộc trường hợp người tham gia được cấp thẻ BHYT theo nhóm đối tượng mới (được Ngân sách nhà nước cấp theo Khoản 13.5 Điều 17 Văn bản hợp nhất 2089/VBHN-BHXH (*)) sẽ được hoàn tiền đóng BHYT (do nhóm đối tượng tham gia BHYT theo hộ gia đình xếp sau nhóm được Ngân sách nhà nước cấp). Tóm lại, thân nhân của người đi NVQS sẽ được hoàn trả lại số tiền đã đóng nếu đóng trùng. 2) Số tiền hoàn trả Số tiền hoàn trả tính theo mức đóng BHYT và thời gian đã đóng tiền nhưng chưa sử dụng thẻ. Thời gian đã đóng tiền nhưng chưa sử dụng thẻ trong trường hợp này được tính từ thời điểm thẻ BHYT được cấp theo nhóm mới bắt đầu có giá trị sử dụng đối với đối tượng được cấp thẻ BHYT theo nhóm đối tượng mới, nay báo giảm giá trị sử dụng thẻ đã cấp trước đó.
Thân nhân người đi NVQS có được hoàn tiền nếu đã tự đóng BHYT không?
Nhiều gia đình có con em tham gia nghĩa vụ quân sự nằm trong nhóm đối tượng được Ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng BHYT nhưng không biết hoặc biết nhưng trước đó đã tham gia BHYT theo hộ gia đình. Như vậy, họ có được hoàn trả lại số tiền đã đóng BHYT trước khi được hỗ trợ hay không? Bài viết sau đây sẽ giải đáp các thắc mắc trên. Thân nhân của người đi nghĩa vụ quân sự có được cấp BHYT không? Theo khoản 13 Điều 3 Nghị định 146/2018/NĐ-CP quy định về nhóm do ngân sách nhà nước đóng bảo hiểm y tế, trong đó có nhân thân của người đang làm việc trong quân đội. Cụ thể như sau: Thân nhân của sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sỹ quan, binh sỹ quân đội đang tại ngũ, sỹ quan, hạ sỹ quan nghiệp vụ và sỹ quan, hạ sỹ quan chuyên môn, kỹ thuật đang công tác trong lực lượng công an nhân dân, học viên công an nhân dân, hạ sỹ quan, người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân, học viên cơ yếu được hưởng chế độ, chính sách theo chế độ, chính sách đối với học viên ở các trường quân đội, công an, gồm: - Cha đẻ, mẹ đẻ; cha đẻ, mẹ đẻ của vợ hoặc chồng; người nuôi dưỡng hợp pháp của bản thân, của vợ hoặc của chồng; - Vợ hoặc chồng; - Con đẻ, con nuôi hợp pháp từ trên 6 tuổi đến dưới 18 tuổi; con đẻ, con nuôi hợp pháp từ đủ 18 tuổi trở lên nếu còn tiếp tục đi học phổ thông. Theo quy định tại Khoản 5 Điều 3 Luật Nghĩa vụ quân sự 2015, hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ là công dân đang phục vụ trong lực lượng thường trực của Quân đội nhân dân và lực lượng Cảnh sát biển. Như vậy, người đi nghĩa vụ quân sự chính là hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ. Nhân thân của họ cũng sẽ được ngân sách nhà nước đóng BHYT theo quy định trên. Nếu đã tham gia BHYT hộ gia đình thì thân nhân người đi nghĩa vụ có được hoàn lại không? Nhân thân người đi nghĩa vụ ưu tiên đóng BHYT theo đối tượng nào? Theo Khoản 15 Điều 1 Luật BHYT sửa đổi 2014 quy định như sau: Trường hợp một người thuộc nhiều đối tượng tham gia bảo hiểm y tế thì được hưởng quyền lợi bảo hiểm y tế theo đối tượng có quyền lợi cao nhất. Vậy, nhân thân của người tham gia nghĩa vụ quân sự sẽ được hưởng quyền lợi BHYT theo đối tượng được ngân sách nhà nước đóng, không phải tham gia BHYT theo đối tượng hộ gia đình. Tuy nhiên, trong trường hợp đã đóng BHYT theo hộ gia đình thì xử lý như sau: Theo quy định tại Điều 20 Văn bản hợp nhất 2089/VBHN-BHXH quy định về hoàn trả tiền đóng bảo hiểm y tế: 1) Người đang tham gia BHYT theo đối tượng tại Khoản 4, 5 Điều 17 được hoàn trả tiền đóng BHYT trong các trường hợp sau: Thứ nhất, người tham gia được cấp thẻ BHYT theo nhóm đối tượng mới, nay báo giảm giá trị sử dụng thẻ đã cấp trước đó (có thứ tự đóng xếp sau đối tượng mới theo quy định tại Điều 12 Luật BHYT). Thứ hai, được ngân sách nhà nước điều chỉnh tăng hỗ trợ mức đóng BHYT; Thứ ba, bị chết trước khi thẻ BHYT có giá trị sử dụng. 2) Số tiền hoàn trả Số tiền hoàn trả tính theo mức đóng BHYT và thời gian đã đóng tiền nhưng chưa sử dụng thẻ. Thời gian đã đóng tiền nhưng chưa sử dụng thẻ được tính từ thời điểm sau đây: Thứ nhất, từ thời điểm thẻ BHYT được cấp theo nhóm mới bắt đầu có giá trị sử dụng đối với đối tượng được cấp thẻ BHYT theo nhóm đối tượng mới, nay báo giảm giá trị sử dụng thẻ đã cấp trước đó. Thứ hai, từ thời điểm quyết định của cơ quan có thẩm quyền có hiệu lực đối với đối tượng được ngân sách nhà nước điều chỉnh tăng mức hỗ trợ. Thứ ba, từ thời điểm thẻ có giá trị sử dụng đối với đối tượng chết trước khi thẻ BHYT có giá trị sử dụng. Như vậy, việc nhân thân người đi nghĩa vụ quân sự nằm trong đối tượng được ngân sách nhà nước đóng BHYT nhưng trước đó đã tham gia BHYT hộ gia đình thì sẽ thuộc trường hợp thứ nhất, là được cấp lại theo nhóm mới. Điều này nằm trong quy định được hoàn trả lại số tiền đã đóng. Cho nên, họ được hoàn tiền nếu đóng trùng.