Ngân hàng không được khuyến mại khi nhận tiền gửi dưới mọi hình thức từ ngày 20/11/2024
Các tổ chức tín dụng khi tiếp nhận tiền gửi không được phép thực hiện khuyến mại dưới bất kỳ hình thức nào (bao gồm tiền, lãi suất và các hình thức khác) trái với quy định của pháp luật. Ngày 30/9/2024 vừa qua, Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư 48/2024/TT-NHNN quy định về việc áp dụng lãi suất tiền gửi bằng đồng Việt Nam của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Theo đó, Thông tư 48/2024/TT-NHNN quy định việc áp dụng lãi suất tiền gửi bằng đồng Việt Nam của tổ chức (không bao gồm tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài), cá nhân tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Trong đó, tiền gửi bao gồm các hình thức nhận tiền gửi theo quy định tại khoản 27 Điều 4 Luật Các tổ chức tín dụng 2024. (1) Ngân hàng không được khuyến mại khi nhận tiền gửi dưới mọi hình thức Theo đó, tại khoản 4 Điều 3 Thông tư 48/2024/TT-NHNN quy định, các tổ chức tín dụng có trách nhiệm niêm yết công khai lãi suất tiền gửi bằng đồng Việt Nam tại những địa điểm giao dịch hợp pháp trong mạng lưới hoạt động của mình. Điều này tạo điều kiện cho khách hàng dễ dàng tiếp cận thông tin về lãi suất, từ đó đưa ra quyết định tài chính phù hợp. Ngoài ra, việc yêu cầu tổ chức tín dụng phải đăng tải thông tin lãi suất trên trang thông tin điện tử (nếu có) cũng góp phần tăng cường khả năng tiếp cận thông tin cho người gửi tiền. Đặc biệt, Thông tư 48/2024/TT-NHNN quy định cấm tổ chức tín dụng thực hiện khuyến mại dưới mọi hình thức khi nhận tiền gửi, bao gồm cả khuyến mại bằng tiền, lãi suất và các hình thức khác không đúng với quy định của pháp luật. Quy định này nhằm bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền, tránh tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các tổ chức tín dụng, đồng thời đảm bảo sự ổn định và an toàn của hệ thống tài chính. Những quy định trên không chỉ hướng tới việc nâng cao tính minh bạch và công bằng trong hoạt động của các tổ chức tín dụng mà còn bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, góp phần xây dựng một môi trường tài chính ổn định và bền vững. (2) Áp dụng lãi suất tiền gửi bằng đồng Việt Nam tại các tổ chức tín dụng Theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Thông tư 48/2024/TT-NHNN, các tổ chức tín dụng có trách nhiệm áp dụng lãi suất tiền gửi bằng đồng Việt Nam cho các tổ chức và cá nhân theo những nguyên tắc nhất định. Cụ thể, tổ chức tín dụng không được phép áp dụng lãi suất vượt quá mức tối đa do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định cho các loại tiền gửi khác nhau, bao gồm: tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi có kỳ hạn dưới 1 tháng và tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng. Đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên, Ngân hàng nhà nước cho phép các tổ chức tín dụng áp dụng lãi suất dựa trên cung cầu vốn thị trường. Theo đó, lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam quy định tại Thông tư 48/2024/TT-NHNN bao gồm cả khoản chi khuyến mại dưới mọi hình thức, áp dụng đối với phương thức trả lãi cuối kỳ và các phương thức trả lãi khác được quy đổi theo phương thức trả lãi cuối kỳ. Cuối cùng, Thông tư 48/2024/TT1-NHNN bắt đầu có hiệu lực từ ngày 20/11/2024, do đó, đối với các thỏa thuận lãi suất tiền gửi bằng đồng Việt Nam trước ngày Thông tư 48/2024/TT-NHNN có hiệu lực thi hành, tổ chức tín dụng và khách hàng tiếp tục thực hiện theo thỏa thuận cho đến hết thời hạn. Trường hợp hết thời hạn đã thỏa thuận, khách hàng không đến lĩnh tiền gửi, tổ chức tín dụng áp dụng lãi suất tiền gửi theo quy định tại Thông tư 48/2024/TT-NHNN.
Có được yêu cầu người khác làm việc cho mình để cấn trừ nợ không?
Trong cuộc sống, việc có nợ nần là điều không thể tránh khỏi. Khi xảy ra tranh chấp về nợ nần, việc giải quyết cần tuân thủ đúng quy định của pháp luật. (1) Có được yêu cầu người khác làm việc cho mình để cấn trừ nợ không? Theo quy định tại Điều 17 Bộ Luật Lao động 2019, có một số hành vi mà người sử dụng lao động không được phép thực hiện khi giao kết và thực hiện hợp đồng lao động, cụ thể bao gồm: - Giữ bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động. - Yêu cầu người lao động phải thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng lao động. - Buộc người lao động thực hiện hợp đồng lao động để trả nợ cho người sử dụng lao động. Theo quy định này, rõ ràng rằng việc yêu cầu người lao động làm việc để cấn trừ nợ là hành vi không hợp pháp. Điều này phù hợp với nguyên tắc cơ bản khi giao kết hợp đồng lao động được quy định tại Điều 15 Bộ Luật Lao động 2019, bao gồm các yếu tố như tự nguyện, bình đẳng, thiện chí, hợp tác và trung thực. Việc ép buộc người lao động thực hiện hợp đồng để cấn trừ nợ, nếu không xuất phát từ nguyện vọng của họ, sẽ vi phạm những nguyên tắc này. Như vậy, việc yêu cầu người lao động làm việc để cấn trừ nợ không chỉ là một hành vi vi phạm pháp luật mà còn đi ngược lại với các giá trị đạo đức trong quan hệ lao động. Vì thế, người sử dụng lao động không được phép yêu cầu người lao động làm việc, thực hiện hợp đồng lao động để cấn trừ, trả nợ cho mình. (2) Nếu người lao động vay tiền mà không trả thì xử lý thế nào? Đã có quan hệ vay nợ thì phải có nghĩa vụ trả nợ đúng hạn và trả thêm lãi suất nếu hai bên có thỏa thuận về lãi suất (Điều 463 Bộ Luật dân sự 2015). Người sử dụng lao động tuy không được yêu cầu, ép buộc người lao động thực hiện hợp đồng lao động để trả nợ cho mình nhưng có thể áp dụng các quy định tại Điều 466 Bộ Luật dân sự 2015 để yêu cầu người lao động thực hiện đúng nghĩa vụ trả nợ cho mình. Cụ thể, trường hợp cho vay không có lãi mà đến hạn trả nợ, bên vay nợ không trả hoặc trả không đầy đủ số tiền đã vay thì bên cho vay có quyền yêu cầu trả tiền lãi với mức lãi suất theo quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ Luật dân sự 2015 trên số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả. Trường hợp cho vay có tính lãi suất mà đến hạn trả nợ, bên vay nợ không trả hoặc trả không đầy đủ số tiền đã vay thì bên vay nợ phải trả lãi như sau: - Lãi trên nợ gốc theo lãi suất thỏa thuận trong hợp đồng tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả; trường hợp chậm trả thì còn phải trả lãi theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ Luật dân sự 2015; - Lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả bằng 150% lãi suất vay theo hợp đồng tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Tóm lại, việc xử lý khi người lao động không trả nợ phải tuân thủ đúng các quy định pháp luật, bảo đảm quyền lợi cho cả hai bên và duy trì sự công bằng trong quan hệ vay mượn. (3) Lãi suất cho vay tối đa là bao nhiêu? Theo quy định tại Điều 468 Bộ Luật dân sự 2015, lãi suất vay do các bên thỏa thuận, tuy nhiên phải tuân thủ theo các quy định về lãi suất như sau: - Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác - Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn 20%/năm thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực. - Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn (tức 10%) tại thời điểm trả nợ. Theo đó, căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất. Như vậy, mức lãi suất cho vay tối đa được tính là 20%/năm, nếu hai bên thỏa thuận mức lãi suất cao hơn mức giới hạn này thì phần vượt quá sẽ không có hiệu lực.
Bên cho vay nặng lãi bị bắt thì bên vay tiền có phải trả nợ không?
Hiện nay pháp luật cấm hoạt động cho vay nặng lãi nên người nào cho vay nặng lãi sẽ bị phạt hành chính hoặc hình sự tuỳ mức độ. Vậy nếu bên cho vay nặng lãi đã bị công an bắt thì bên vay tiền có cần phải trả nợ nữa không? Bên cho vay nặng lãi bị bắt thì bên vay tiền có phải trả nợ không? Theo Điều 463 Bộ luật dân sự 2015 quy định hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định. Đồng thời, theo khoản 2 Điều 14 Hiến pháp 2013, quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng. Ngoài ra, Điều 44 Bộ luật Hình sự 2015 quy định thời hạn tước một số quyền công dân là từ 01 năm đến 05 năm, kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù hoặc kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật trong trường hợp người bị kết án được hưởng án treo. Như vậy, người phạm tội cho vay nặng lãi dù cho đang bị bắt, đang chấp hành án phạt tù thì cũng không bị tước quyền công dân, theo đó bên cho vay vẫn có quyền được bên có nghĩa vụ thực hiện hợp đồng, tức bên vay vẫn phải trả nợ theo đúng như đã giao kết trong hợp đồng vay. Khoản lãi vay vượt quá quy định pháp luật thì bên vay tiền có phải trả không? Theo Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về lãi suất như sau: - Lãi suất vay do các bên thỏa thuận. Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất. Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực. - Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015 tại thời điểm trả nợ. Như vậy, nếu cho vay nặng lãi thì bên vay sẽ không phải trả số tiền lãi vượt quá mức lãi suất theo quy định (quá 20%/năm của khoản tiền vay) nhưng vẫn phải trả đầy đủ số tiền đã mượn và phần lãi nằm trong quy định. Cho vay nặng lãi từ bao nhiêu sẽ bị bắt? Theo Điều 201 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bới điểm i khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự như sau: - Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 05 lần mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm. - Phạm tội mà thu lợi bất chính 100.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. - Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. Như vậy, nếu cho vay với mức lãi suất 100%/năm của khoản tiền vay hoặc số tiền lãi vượt quá 20%/năm của khoảng tiền vay từ 30 triệu đồng trở lên thì sẽ bị bắt
Điều kiện được vay Quỹ tín dụng nhân dân và mức lãi suất vay hiện nay
Quỹ tín dụng nhân dân là gì? Được lập ra để làm gì? Điều kiện được vay quỹ tín dụng nhân dân và mức lãi suất vay hiện nay thế nào? Bài viết sau đây sẽ phân tích cụ thể để người dân có thể hiểu rõ hơn trước khi vay vốn tại Quỹ này. Quỹ tín dụng nhân dân là gì? Theo khoản 6, khoản 7 Điều 3 Luật Các tổ chức tín dụng 2010 quy định: - Quỹ tín dụng nhân dân là tổ chức tín dụng do các pháp nhân, cá nhân và hộ gia đình tự nguyện thành lập dưới hình thức hợp tác xã để thực hiện một số hoạt động ngân hàng theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng 2010 và Luật hợp tác xã 2023 nhằm mục tiêu chủ yếu là tương trợ nhau phát triển sản xuất, kinh doanh và đời sống. - Ngân hàng hợp tác xã là ngân hàng của tất cả các quỹ tín dụng nhân dân do các quỹ tín dụng nhân dân và một số pháp nhân góp vốn thành lập theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng 2010 nhằm mục tiêu chủ yếu là liên kết hệ thống, hỗ trợ tài chính, điều hòa vốn trong hệ thống các quỹ tín dụng nhân dân. Theo khoản 5 Điều 6 Luật Các tổ chức tín dụng 2010 quy định ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân được thành lập, tổ chức dưới hình thức hợp tác xã. Như vậy, quỹ tín dụng nhân dân được tổ chức dưới hình thức hợp tác xã do cá nhân, pháp nhân, hộ gia đình tự nguyện thành lập để tương trợ nhau phát triển đời sống, quỹ tín dụng nhân dân và quỹ tín dụng nhân dân là thành viên của ngân hàng hợp tác xã. Điều kiện được vay Quỹ tín dụng nhân dân hiện nay? Vì Quỹ tín dụng nhân dân cũng là tổ chức tín dụng nên khi vay vốn tại Quỹ tín dụng nhân dân cũng phải đáp ứng điều kiện theo quy định tại Điều 7 Thông tư 39/2016/TT-NHNN được sửa đổi bởi khoản 3 Điều 1 Thông tư 12/2024/TT-NHNN bao gồm: - Khách hàng là pháp nhân có năng lực pháp luật dân sự theo quy định của pháp luật. Khách hàng là cá nhân từ đủ 18 tuổi trở lên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật hoặc từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi không bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật. - Nhu cầu vay vốn để sử dụng vào mục đích hợp pháp. Có phương án sử dụng vốn khả thi. Điều kiện này không bắt buộc đối với khoản cho vay có mức giá trị nhỏ. - Có khả năng tài chính để trả nợ. Như vậy, vay vốn tại Quỹ tín dụng nhân dân phải đáp ứng các điều kiện theo quy định trên. Xem thêm: MỚI: Vay ngân hàng dưới 100 triệu không bắt buộc có phương án sử dụng vốn Mức lãi suất vay Quỹ tín dụng nhân dân hiện nay? Theo khoản 2 Điều 13 Thông tư 39/2016/TT-NHNN được sửa đổi bởi khoản 4 Điều 1 Thông tư 06/2023/TT-NHNN quy định trường hợp khách hàng được tổ chức tín dụng đánh giá là có tình hình tài chính minh bạch, lành mạnh, tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận về lãi suất cho vay ngắn hạn bằng đồng Việt Nam nhưng không vượt quá mức lãi suất cho vay tối đa do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quyết định trong từng thời kỳ nhằm đáp ứng một số nhu cầu vốn: - Phục vụ lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn theo quy định của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; - Thực hiện phương án kinh doanh hàng xuất khẩu theo quy định của Luật Thương mại và các văn bản hướng dẫn Luật Thương mại; - Phục vụ kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và quy định của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; - Phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ theo quy định của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ; - Phục vụ kinh doanh của doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao thuộc Danh mục công nghệ cao ưu tiên đầu tư phát triển được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, doanh nghiệp công nghệ cao theo quy định của Luật Công nghệ cao và các văn bản hướng dẫn Luật Công nghệ cao. Mà theo khoản 2 Điều 1 Quyết định 1125/QĐ-NHNN năm 2023, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam theo quy định tại khoản 2 Điều 13 Thông tư 39/2016/TT-NHNN đối với Quỹ tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô áp dụng mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam là 5,0%/năm. Như vậy, Quỹ tín dụng nhân dân và khách hàng thỏa thuận về lãi suất cho vay ngắn hạn bằng đồng Việt Nam nhưng không vượt quá mức lãi suất cho vay tối đa là 5,0%/năm đối với một số nhu cầu vốn nhất định.
Mẫu giấy mượn tiền cá nhân mới nhất 2024
Hiện nay mẫu giấy mượn tiền cá nhân mới nhất hiện nay là mẫu nào? Nếu cho mượn tính lãi thì lãi suất tối đa hợp pháp là bao nhiêu? Có được đòi lại tiền đã cho mượn trước thời hạn không? Mẫu giấy mượn tiền cá nhân mới nhất 2024 Vay, mượn tiền là các giao dịch dân sự. Mà theo Điều 116 Bộ luật Dân sự 2015 quy định giao dịch dân sự là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự. Theo đó, giấy mượn tiền có thể xem là một hợp đồng vay tài sản. Theo Điều 463 Bộ luật Dân sự 2015 quy định hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định. Hiện nay pháp luật không có quy định cụ thể về mẫu hợp đồng vay tài sản, người đọc có thể tham khảo Mẫu giấy mượn tiền cá nhân mới nhất 2024 tại đây: https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/07/25/giay-muon-tien.docx Như vậy, giấy mượn tiền cá nhân là một trong những căn cứ để thiết lập quyền và nghĩa vụ của các bên. Nếu các bên không thực hiện đúng theo thỏa thuận trong giấy mượn tiền thì có thể dùng giấy mượn tiền làm căn cứ để khởi kiện. Tuy nhiên cũng cần lưu ý là giấy mượn tiền phải đáp ứng các điều kiện có hiệu lực theo quy định tại Bộ luật Dân sự 2015. Cá nhân được cho mượn có lãi suất bao nhiêu? Theo Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về lãi suất như sau: - Lãi suất vay do các bên thỏa thuận. + Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. + Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất. + Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực. - Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn. Như vậy, hiện nay cá nhân được cho vay/mượn có lãi với mức lãi suất tối đa là từ 0 - 20%/năm của khoản tiền vay. Nếu cho vay vượt quá mức này thì khi có tranh chấp phần lãi suất vượt quá sẽ vô hiệu. Có được đòi lại tiền đã cho mượn trước thời hạn không? Theo Điều 470 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về thực hiện hợp đồng vay có kỳ hạn - Đối với hợp đồng vay có kỳ hạn và không có lãi thì bên vay có quyền trả lại tài sản bất cứ lúc nào, nhưng phải báo trước cho bên cho vay một thời gian hợp lý, còn bên cho vay chỉ được đòi lại tài sản trước kỳ hạn, nếu được bên vay đồng ý. - Đối với hợp đồng vay có kỳ hạn và có lãi thì bên vay có quyền trả lại tài sản trước kỳ hạn, nhưng phải trả toàn bộ lãi theo kỳ hạn, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác. Như vậy, đối với cho mượn tiền có thời hạn mà không có lãi thì có thể đòi lại tiền cho mượn trước thời hạn nhưng phải được bên mượn đồng ý còn bên mượn có thể trả lại tiền bất cứ lúc nào nhưng phải báo trước với bên cho mượn. Người mượn tiền dùng tiền khác với mục đích mượn đã báo thì được đòi lại không? Theo Điều 467 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về sử dụng tài sản vay như sau: Các bên có thể thỏa thuận về việc tài sản vay phải được sử dụng đúng mục đích vay. Bên cho vay có quyền kiểm tra việc sử dụng tài sản và có quyền đòi lại tài sản vay trước thời hạn nếu đã nhắc nhở mà bên vay vẫn sử dụng tài sản trái mục đích. Như vậy, nếu người mượn tiền dùng tiền khác với mục đích ban đầu để hỏi mượn thì người cho mượn có quyền kiểm tra và đòi lại tiền trước thời hạn nếu như đã nhắc nhở mà bên mượn tiền vẫn làm trái.
Cho vay nặng lãi trong mùa Euro có bị phạt tù không?
Trong những dịp sự kiện lớn như mùa giải Euro, không ít người vì muốn có tiền để cá cược, cá độ đá banh mà tìm đến vay nặng lãi. Vậy những người cho vay nặng lãi trong mùa Euro có bị phạt tù không? Bài viết này sẽ cung cấp thông tin chi tiết về quy định pháp luật về việc cho vay nặng lãi và mức xử phạt liên quan. Cho vay nặng lãi là cho vay tiền với lãi suất cao hơn mức lãi suất tối đa do pháp luật quy định. Đây là hành vi vi phạm pháp luật và có thể bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự tùy theo mức độ vi phạm. (1) Lãi suất bao nhiêu thì được xem là cho vay nặng lãi? Căn cứ khoản 1 Điều 2 Nghị quyết 01/2021/NQ-HĐTP quy định như sau: “Cho vay lãi nặng” là trường hợp bên cho vay cho bên vay vay tiền với mức lãi suất gấp 05 lần trở lên mức lãi suất cao nhất quy định tại khoản 1 Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015. Trường hợp cho vay bằng tài sản khác (không phải là tiền) thì khi giải quyết phải quy đổi giá trị tài sản đó thành tiền tại thời điểm chuyển giao tài sản vay. Theo Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015 đề cập mức lãi suất như sau: Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất. Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực. Như vậy, hành vi cho vay nặng lãi là việc cho vay tiền với mức lãi suất gấp 05 lần mức lãi suất cao nhất theo quy định BLDS năm 2015. Các bên được phép thỏa thuận về lãi suất vay nhưng không được vượt quá 20%/ năm khoản tiền vay. Xem thêm bài: Cá độ bóng đá mùa Euro qua mạng bị xử phạt thế nào? (2) Cho vay nặng lãi trong mùa Euro có bị phạt tù không? Hành vi cho vay nặng lãi trong mùa Euro là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy theo tính chất, mức độ mà mức xử phạt sẽ khác nhau. Xử phạt hành chính Căn cứ theo quy định tại điểm d, đ khoản 4 Điều 12 Nghị định 144/2021/NĐ-CP người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây thì có thể bị phạt tiền từ 10 -20 triệu đồng: - Hành vi kinh doanh dịch vụ cầm đồ cho vay tiền có cầm cố tài sản nhưng lãi suất cho vay vượt quá tỷ lệ lãi suất theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015. - Không đăng ký ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự mà cho vay tiền có cầm cố tài sản hoặc không cầm cố tài sản nhưng lãi suất cho vay vượt quá tỷ lệ lãi suất theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015. Mức phạt tiền quy định tại Chương II Nghị định 144/2021/NĐ-CP là mức phạt được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân căn cứ theo khoản 2 Điều 4 Nghị định 144/2021/NĐ-CP Bên cạnh việc bị phạt tiền, người cho vay nặng lãi trong mùa Euro còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được đối với hành vi cho vay lãi vượt mức quy định theo điểm a khoản 7 Điều 12 Nghị định 144/2021/NĐ-CP. Truy cứu trách nhiệm hình sự Việc cho vay nặng lãi trong mùa Euro có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự được quy định tại Điều 201 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) như sau: - Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật dân sự 2015, thu lợi bất chính từ 30 -100 triệu đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50 - 200 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm. - Phạm tội mà thu lợi bất chính 100 triệu đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 200 triệu - 01 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. - Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30 -100 triệu, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 - 05 năm. Bên cạnh đó, Điều 6 Nghị quyết 01/2021/NQ-HĐTP hướng dẫn Điều 201 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 về việc xác định số tiền thu lợi bất chính để xử lý trách nhiệm hình sự như sau: - Trường hợp cho vay lãi nặng đã hết thời hạn vay theo thỏa thuận thì số tiền thu lợi bất chính để xác định trách nhiệm hình sự bao gồm tiền lãi và các khoản thu trái pháp luật khác mà người vay phải trả cho người cho vay sau khi trừ đi số tiền lãi tương ứng với mức lãi suất cao nhất theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015 trong cả kỳ hạn vay. - Trường hợp cho vay lãi nặng chưa hết thời hạn vay theo thỏa thuận mà bị phát hiện thì số tiền thu lợi bất chính để xác định trách nhiệm hình sự bao gồm tiền lãi và các khoản thu trái pháp luật khác mà người vay phải trả cho người cho vay sau khi trừ đi số tiền lãi tương ứng với mức lãi suất cao nhất theo quy định của Bộ luật dân sự 2015 tính đến thời điểm cơ quan có thẩm quyền phát hiện và ngăn chặn. Trường hợp bên vay đã trả tiền lãi trước hạn và các khoản thu trái pháp luật khác thì số tiền thu lợi bất chính để xác định trách nhiệm hình sự bao gồm tiền lãi và các khoản thu trái pháp luật khác mà người vay thực tế đã trả cho người cho vay sau khi trừ đi số tiền lãi tương ứng với mức lãi suất cao nhất theo quy định của Bộ luật dân sự 2015. Tóm lại, việc cho vay nặng lãi trong mùa Euro là hành vi vi phạm pháp luật và sẽ bị xử phạt theo quy định. Người vi phạm không chỉ bị xử phạt hành chính mà còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự. Tùy theo tính chất, mức độ hành vi mà mức xử phạt sẽ khác nhau. Xem thêm bài Lịch thi đấu Euro 2024 file excel đầy đủ nhất? Xem và tải lịch thi đấu Euro 2024 file excel đầy đủ nhất:https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/06/15/uefa_euro_2024.xlsx
Hiện nay cá nhân được cho vay mức lãi suất tối đa là bao nhiêu?
Pháp luật không cho phép hoạt động cho vay nặng lãi. Vậy hiện nay mức lãi suất tối đa mà cá nhân được cho vay là bao nhiêu? Cho vay quá mức đó mà bị giật thì có đòi được không? Cá nhân có được thực hiện hoạt động cho vay tính lãi không? Theo Điều 105 Bộ luật Dân sự 2015 quy định tài sản bao gồm: - Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản. - Tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai. Đồng thời, Điều 463 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về hợp đồng vay tài sản như sau: Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định. Như vậy, tiền cũng là một loại tài sản, theo đó cá nhân sẽ được phép cho vay tiền và lấy lãi. Tuy nhiên, phải đáp ứng điều kiện có hiệu lực của hợp đồng vay tài sản và nằm trong mức lãi mà pháp luật quy định. Hiện nay cá nhân được cho vay mức lãi suất tối đa là bao nhiêu? Mức lãi suất cho vay tối đa Theo Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về lãi suất vay như sau: - Lãi suất vay do các bên thỏa thuận. + Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. + Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất. + Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực. - Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Bộ luật Dân sự 2015 tại thời điểm trả nợ. Như vậy, mức lãi suất cho vay cá nhân hiện nay là tối đa 20% khoản tiền vay/năm. Nếu cho vay với mức lãi suất quá quy định nhưng bị giật nợ thì có kiện đòi được không? Theo Điều 280 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về thực hiện nghĩa vụ trả tiền như sau: - Nghĩa vụ trả tiền phải được thực hiện đầy đủ, đúng thời hạn, đúng địa điểm và phương thức đã thỏa thuận. - Nghĩa vụ trả tiền bao gồm cả tiền lãi trên nợ gốc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Đồng thời, như đã phân tích ở phần trên, trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực. Như vậy, người cho vay với mức lãi suất cao hơn quy định thì chỉ được đòi lại khoản tiền gốc và phần lãi trong mức quy định (20% khoản tiền vay/năm). Cho vay nặng lãi bị xử lý thế nào? Xử phạt hành chính Theo quy định tại Điểm đ, Khoản 4 Điều 12 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm các quy định về quản lý ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự như sau: Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: - Kinh doanh dịch vụ cầm đồ cho vay tiền có cầm cố tài sản nhưng lãi suất cho vay vượt quá tỷ lệ lãi suất theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015; - Không đăng ký ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự mà cho vay tiền có cầm cố tài sản hoặc không cầm cố tài sản nhưng lãi suất cho vay vượt quá tỷ lệ lãi suất theo quy định của Bộ luật Dân sự. Đồng thời, theo khoản 2 Điều 4 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định mức phạt tiền này là mức phạt được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân. Như vậy, nếu cá nhân cho vay với mức lãi suất quá 20%/năm của khoản tiền vay thì sẽ bị xử phạt từ 10 - 20 triệu đồng, tổ chức sẽ bị phạt 20 - 40 triệu đồng. Xử lý hình sự Theo Điều 201 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi điểm i khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự như sau: - Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm. - Phạm tội mà thu lợi bất chính 100.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. - Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. Như vậy, nếu cho vay với lãi suất cao vượt quá mức xử phạt hành chính thì người cho vay sẽ bị xử lý hình sự. Theo đó, người cho vay nặng lãi sẽ bị phạt tiền từ 50 - 200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Ngân hàng có cho vay tín chấp không? Cách tính lãi suất vay tín chấp?
Vay tín chấp là một phương thức cho vay của các công ty tài chính, không yêu cầu dùng tài sản bảo đảm. Công ty tài chính sẽ xét duyệt khoản vay dựa vào uy tín và mức thu nhập, lịch sử tín dụng của người vay. Như vậy, ngân hàng có cho vay tín chấp không? Cách tính lãi suất vay tín chấp? Ngân hàng có cho vay tín chấp không? Hiện nay pháp luật không có quy định định nghĩa về vay tín chấp. Tuy nhiên, ta có thể hiểu vay tín chấp là hình thức cho vay của ngân hàng hoặc tổ chức tài chính không yêu cầu tài sản thế chấp (vay không thế chấp). Thay vào đó, khoản vay được đảm bảo bằng độ uy tín, thu nhập, lịch sử tín dụng,... của cá nhân hoặc doanh nghiệp vay. Vay tín chấp chủ yếu được áp dụng cho các khoản vay tiêu dùng. Trong đó, tại khoản 1 Điều 3 Thông tư số 43/2016/TT-NHNN quy định: - Cho vay tiêu dùng là việc công ty tài chính cho vay bằng đồng Việt Nam đối với khách hàng là cá nhân nhằm đáp ứng nhu cầu vốn mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng của khách hàng, gia đình của khách hàng đó với tổng dư nợ cho vay tiêu dùng đối với một khách hàng tại công ty tài chính đó không vượt quá 100.000.000 đồng. - Mức tổng dư nợ quy định tại khoản này không áp dụng đối với cho vay tiêu dùng để mua ôtô và sử dụng ôtô đó làm tài sản bảo đảm cho chính khoản vay đó theo quy định của pháp luật. Vậy, ngân hàng có hoạt động cho vay tín chấp. Có thể kể đến một số ngân hàng với các hạn mức vay tín chấp như sau: - Agribank: Hạn mức vay cao lên đến 30 triệu đồng tương đương 12 lần thu nhập hàng tháng đối với gói vay tiêu dùng tín chấp và hạn mức vay 100 triệu đồng đối với gói vay thấu chi. - BIDV: + Đối với gói vay tiêu dùng tín chấp BIDV: Hạn mức vay hỗ trợ rất cao lên tới 500 triệu đồng với lãi suất khoảng 11,9%/năm. Để được vay với gói vay này, khách hàng phải có thu nhập từ 7 triệu đồng/tháng trở lên. + Gói thấu chi tín chấp BIDV: Hạn mức thấp, lên tới 100 triệu đồng lãi suất 11,9%/năm dành cho khách hàng có thu nhập kiều hối trên 7 triệu đồng/tháng. - Vietcombank: Hạn mức lớn lên đến 1 tỷ đồng. - MB Bank: Hạn mức đa dạng, lên đến 500 triệu đồng. Lưu ý: các thông tin được ghi nhận trên website của ngân hàng, tùy từng thời điểm và chính sách mà các ngân hàng sẽ có thay đổi. Người đọc có thể liên hệ trực tiếp với ngân hàng để có thông tin chính xác và cụ thể nhất cho trường hợp của mình. Cách tính lãi suất vay tín chấp? Hiện nay, có 2 cách tính lãi suất vay ngân hàng phổ biến là tính trên dư nợ gốc và tính trên dư nợ giảm dần. Tính lãi vay tín chấp dựa trên dư nợ gốc Lãi suất trên dư nợ gốc được tính trên khoản tiền gốc mà quý khách vay ban đầu cho suốt quá trình vay. Như vậy, mỗi tháng khách hàng phải trả cho ngân hàng một khoản tiền được tính như sau: Tiền trả ngân hàng hàng tháng = tiền gốc cố định hàng tháng + tiền lãi cố định hàng tháng Ví dụ: Khách hàng vay tín chấp 50.000.000 đồng, thời hạn vay 12 tháng, lãi suất cho vay 14%/năm, lãi suất tính trên dư nợ gốc. Như vậy: - Tiền gốc cố định hàng tháng: 50.000.000/12 = 4.167.000 (đồng) - Tiền lãi cố định hàng tháng: 50.000.000 x (14%/12) = 583.000 (đồng) - Tiền trả ngân hàng hàng tháng: 4.167.000 + 583.000 = 4.750.000 (đồng) Tính lãi vay tín chấp dựa trên dư nợ giảm dần Ở hình thức này, tiễn lãi hàng tháng được tính dựa trên dư nợ còn lại. Như vậy, mỗi tháng khách hàng phải trả ngân hàng một khoản được tính như sau: Tiền trả ngân hàng hàng tháng = tiền gốc cố định hàng tháng + tiền lãi tính trên dư nợ còn lại Ví dụ: Khách hàng vay tín chấp 50.000.000 đồng, thời hạn vay 12 tháng, lãi suất cho vay 14%/năm, lãi suất tính trên dư nợ giảm dần. Như vậy, tiền gốc cố định hàng tháng phải trả là 50.000.000/12 = 4.167.000 (đồng). - Tháng thứ nhất, khách hàng phải trả thêm số tiền lãi là: 50.000.000 x (14%/12) = 583.000 (đồng) - Tháng thứ hai, khách hàng phải trả thêm số tiền lãi là: (50.000.000 - 4.167.000) x (14%/12) = 535.000 (đồng) - Tháng thứ ba, khách hàng phải trả thêm số tiền lãi là: (50.000.000 - 4.167.000 - 4.167.000) x (14%/12) = 486.000 (đồng) Ưu, nhược điểm của vay tín chấp? Ưu điểm - Không yêu cầu tài sản thế chấp: Do đó, dù không có tài sản khách hàng vẫn có thể làm thủ tục vay. - Hồ sơ và thủ tục đơn giản: Chỉ gồm hồ sơ nhân thân và chứng minh thu nhập cá nhân. - Giải ngân nhanh: Chỉ cần hoàn thiện và nộp đầy đủ hồ sơ vay ngay từ ban đầu là trong vòng 1-2 ngày sau khách hàng đã có thể nhận được tiền vay. - Khoản tiền vay được hỗ trợ hình thức trả góp và lãi suất được tính giảm dần theo số dư nợ hàng tháng, điều này không tạo nhiều áp lực cho khách hàng. Nhược điểm - Lãi suất vay tín chấp cao hơn rất nhiều so với lãi suất vay các sản phẩm khác. - Do tính đơn giản và nhanh chóng dẫn tới nảy sinh tâm lý vay dễ, tiêu dùng nhiều hơn và dẫn tới không có khả năng chi trả. - Nếu như khách hàng vay không trả nợ đúng hạn hoặc mất khả năng chi trả sẽ làm xấu lịch sử tín dụng, điểm tín dụng thấp và có thể bị ngân hàng kiện. - Khách hàng muốn thanh toán khoản vay trước hạn cũng sẽ phải chịu mức phí phạt từ vài % tùy theo chính sách ngân hàng đối với số tiền trả trước thời hạn thanh lý hợp đồng. Chính vì vậy, người dùng cần tìm hiểu kỹ các hình thức vay, cân đối tài chính, lựa chọn ngân hàng phù hợp, khả năng trả nợ của bản thân cũng như cẩn trọng với các điều khoản trong hợp đồng trước khi vay tín chấp.
Phân biệt vay ngắn hạn, trung hạn, dài hạn ngân hàng
Ngân hàng ngoài hoạt động nhận tiền gửi còn thực hiện các hoạt động khác như cho vay, dịch vụ thanh toán, góp vốn, mua cổ phần,... Vậy, vay ngắn hạn, trung hạn, dài hạn tại ngân hàng có gì khác nhau? Bài viết sau đây sẽ giải đáp thắc mắc trên. Các ngân hàng nào được thực hiện hoạt động cho vay? Cho vay là gì? Theo Khoản 1 Điều 2 Thông tư 39/2016/TT-NHNN quy định cho vay là hình thức cấp tín dụng, theo đó tổ chức tín dụng giao hoặc cam kết giao cho khách hàng một khoản tiền để sử dụng vào mục đích xác định trong một thời gian nhất định theo thỏa thuận với nguyên tắc có hoàn trả cả gốc và lãi. Các ngân hàng được thực hiện hoạt động cho vay Theo Khoản 2 Điều 2 Thông tư 39/2016/TT-NHNN, tổ chức tín dụng cho vay là tổ chức tín dụng được thành lập và hoạt động theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng, bao gồm: - Ngân hàng thương mại; - Ngân hàng hợp tác xã; - Tổ chức tín dụng phi ngân hàng; - Tổ chức tài chính vi mô; - Quỹ tín dụng nhân dân; - Chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Ai là người đi vay? Theo Khoản 3 Điều 2 Thông tư 39/2016/TT-NHNN, khách hàng vay vốn tại tổ chức tín dụng (sau đây gọi là khách hàng) là pháp nhân, cá nhân, bao gồm: - Pháp nhân được thành lập và hoạt động tại Việt Nam, pháp nhân được thành lập ở nước ngoài và hoạt động hợp pháp tại Việt Nam; - Cá nhân có quốc tịch Việt Nam, cá nhân có quốc tịch nước ngoài. Theo Khoản 4, Khoản 5 Điều 2 Thông tư 39/2016/TT-NHNN: - Cho vay phục vụ nhu cầu đời sống là việc tổ chức tín dụng cho vay đối với khách hàng là cá nhân để thanh toán các chi phí cho mục đích tiêu dùng, sinh hoạt của cá nhân đó, gia đình của cá nhân đó. - Cho vay phục vụ hoạt động kinh doanh, hoạt động khác (sau đây gọi là hoạt động kinh doanh) là việc tổ chức tín dụng cho vay đối với khách hàng là pháp nhân, cá nhân nhằm đáp ứng nhu cầu vốn ngoài phục vụ nhu cầu đời sống, bao gồm nhu cầu vốn của pháp nhân, cá nhân đó và nhu cầu vốn của hộ kinh doanh, doanh nghiệp tư nhân mà cá nhân đó là chủ hộ kinh doanh, chủ doanh nghiệp tư nhân. Như vậy, ngân hàng cũng có thể thực hiện hoạt động cho vay. Các ngân hàng này bao gồm ngân hàng thương mại và ngân hàng hợp tác xã. Ngân hàng có mấy loại cho vay? Theo Điều 10 Thông tư 39/2016/TT-NHNN quy định các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có 03 loại cho vay như sau: - Cho vay ngắn hạn là các khoản vay có thời hạn cho vay tối đa 01 (một) năm. - Cho vay trung hạn là các khoản vay có thời hạn cho vay trên 01 (một) năm và tối đa 05 (năm) năm. - Cho vay dài hạn là các khoản vay có thời hạn cho vay trên 05 (năm) năm. Như vậy, ngân hàng sẽ có ba loại cho vay là ngắn hạn, trung hạn, dài hạn. Phân biệt vay ngắn hạn, trung hạn, dài hạn ngân hàng STT Tiêu chí Vay ngắn hạn Vay trung hạn Vay dài hạn 1 Thời hạn cho vay Điều 10 Thông tư 39/2016/TT-NHNN Tối đa 01 (một) năm Trên 01 (một) năm và tối đa 05 (năm) năm Trên 05 (năm) năm 2 Đối tượng vay Điều 2 Thông tư 39/2016/TT-NHNN Cá nhân, pháp nhân Cá nhân, pháp nhân Cá nhân, pháp nhân 3 Mục đích vay Thông thường là vay vì cần vốn gấp Thông thường là vay tiêu dùng tín chấp, vay đầu tư kinh doanh Thông thường là mua nhà, mua bất động sản, kinh doanh sản xuất 4 Rủi ro Ít rủi ro về khả năng thanh toán và chuyển đổi kỳ hạn. Rủi ro cao nếu bị biến động thị trường/hoạt động đầu tư kinh doanh có tiến độ chậm Rủi ro cao vì thời gian nợ kéo dài và có thể chịu lãi suất cao hơn, người vay có thể gặp khó khăn trong việc trả nợ và quản lý tài chính. 5 Hình thức vay Ứng tiền mặt, thẻ tín dụng, vay tiêu dùng ngắn hạn, vay trả góp trực tuyến, vay theo hoá đơn Vay theo dự án đầu tư, vay tín dụng để thuê mua Vay thế chấp, vay cầm cố, vay theo dự án/mức cho vay, vay hợp vốn 6 Lãi suất - Thỏa thuận nhưng không vượt quá mức lãi suất tối đa do Thống đốc NHNN quyết định trong từng thời kỳ (Khoản 4 Điều 1 Thông tư 06/2023/TT-NHNN) - Tối đa hiện nay bằng đồng Việt Nam là 4,0%/năm (Điều 1 Quyết định 1125/QĐ-NHNN năm 2023) - Thỏa thuận về lãi suất cho vay theo cung cầu vốn thị trường, nhu cầu vay vốn và mức độ tín nhiệm của khách hàng - Tùy từng ngân hàng và thời hạn cụ thể mà mức lãi suất có thể dao động từ 6,5 - 11%/năm (Khoản 1 Điều 13 Thông tư 39/2016/TT-NHNN) Thỏa thuận về lãi suất cho vay theo cung cầu vốn thị trường, nhu cầu vay vốn và mức độ tín nhiệm của khách hàng - Tùy từng ngân hàng và thời hạn cụ thể mà mức lãi suất có thể dao động từ 13 - 15%/năm (Khoản 1 Điều 13 Thông tư 39/2016/TT-NHNN) 7 Điều kiện vay Đơn giản, có các điều kiện cơ bản như: - Công dân quốc tịch Việt Nam có độ tuổi trên 18 tuổi trở lên. - Giấy tờ tùy thân (CMND/CCCD/hộ chiếu) còn thời hạn trên 6 tháng. - Không có nợ xấu, lịch sử tín dụng tốt. - Bên cạnh đó, khách hàng có thể sẽ cần đáp ứng những điều kiện cũng như cung cấp một số giấy tờ khác tùy theo quy định của mỗi ngân hàng Ngoài các điều kiện cơ bản, tuỳ theo ngân hàng còn có các điều kiện như: + Có kinh nghiệm sản xuất kinh doanh sản phẩm của dự án. + Vốn chủ sở hữu tham gia đầu tư TSCĐ/dự án. + Có khả năng tài chính bảo đảm trả nợ trong thời hạn cam kết. + Có phương án sản xuất, kinh doanh khả thi, có hiệu quả. Ngoài các điều kiện cơ bản cần: - Đảm bảo đối vật: Là hình thức đảm bảo tín dụng, trong đó tổ chức vay có vai trò là chủ nợ. - Tài sản thế chấp sẽ được sử dụng để gán nợ nếu khách hàng không có khả năng trả nợ. - Thế chấp: Phải có tài sản thế chấp. Điều này đảm bảo khả năng trả nợ của khách hàng đối với ngân hàng. - Hình thức cầm cố: Người vay phải giao tài sản cho đơn vị cho vay để chứng minh, trường hợp không trả được nợ sẽ bán đi và trừ nợ. 8 Thời gian giải ngân Thường 3 - 5 ngày Thường 5 - 10 ngày Thường 10 - 14 ngày Như vậy, có thể nhận thấy vay ngắn hạn có điều kiện vay dễ nhất, lãi suất thấp nhất, rủi ro phát sinh thấp. Tuy nhiên, kỳ hạn vay ngắn hạn lại ngắn hơn các loại vay khác. Vì vậy, tùy thuộc vào nhu cầu mà người khách hàng chọn loại vay phù hợp với mình. Xem thêm: Thẻ ngân hàng không dùng nữa có bị tính phí không? Phân biệt Ngân hàng Nhà nước và ngân hàng thương mại Phí rút tiền thẻ tín dụng của các ngân hàng năm 2024
Phí rút tiền thẻ tín dụng của các ngân hàng năm 2024
Hiện nay có nhiều người có nhu cầu sử dụng thẻ tín dụng nhưng vẫn chưa nắm hết bản chất và cách hoạt động của loại hình này. Vậy, thẻ tín dụng là gì, có giống với thẻ ghi nợ không? Thẻ tín dụng có rút được tiền không? Cách rút tiền tại thẻ tín dụng như thế nào? Phí rút tiền thẻ tín dụng năm 2024 của các ngân hàng là bao nhiêu? Bài viết sau đây sẽ giải đáp các thắc mắc trên. Thẻ tín dụng là gì? Thẻ tín dụng (credit card) là thẻ cho phép chủ thẻ thực hiện giao dịch thẻ trong phạm vi hạn mức tín dụng đã được cấp theo thỏa thuận với tổ chức phát hành thẻ. Theo đó, ngân hàng sẽ cấp cho chủ thẻ một hạn mức giao dịch nhất định dựa trên căn cứ uy tín tín dụng, thu nhập hằng tháng hoặc số tiền ký quỹ, tài sản đảm bảo của chủ thẻ tại ngân hàng. Định kỳ đến một ngày nhất định theo quy định của từng ngân hàng, ngân hàng gửi một bảng kê cụ thể các khoản chi tiêu trong tháng trước đó của chủ thẻ tín dụng và yêu cầu chủ thẻ thanh toán. Chủ thẻ có thể chọn thanh toán số tiền trước thời hạn ghi trong thông báo, khi đó chủ thẻ không phải trả lãi. Nếu không, chủ thẻ có thể lựa chọn trả số tiền tối thiểu, phần còn lại có thể trả từ từ và sẽ bị tính lãi theo quy định của ngân hàng. Như vậy, khi sử dụng thẻ tín dụng người dùng không cần phải nộp tiền vào tài khoản trước mà sẽ ứng trước một số tiền trong hạn mức cho phép rồi sau đó trả lại ngân hàng trong thời hạn và lãi suất theo quy định. Rút tiền thẻ tín dụng là gì? Rút tiền thẻ tín dụng là sử dụng thẻ tín dụng của mình để ứng tiền mặt tại cây ATM hoặc yêu cầu rút tiền qua tổng đài ngân hàng, là khoản tạm vay trong thẻ tín dụng. Thực chất, việc rút tiền từ thẻ tín dụng cũng giống như thực hiện các giao dịch thanh toán online trên thẻ tín dụng, tuy nhiên ngoài lãi suất như thông thường, chủ thẻ sẽ tốn thêm một khoản phí gọi là phí rút tiền. Cần phân biệt rút tiền thẻ tín dụng với rút tiền thẻ ghi nợ. Thẻ ghi nợ hay được gọi là thẻ ATM bởi đây là loại thẻ được sử dụng phổ biến nhất tại các cây ATM. Tuy nhiên, theo cách gọi đúng thì thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ đều là thẻ ATM vì đều có thể giao dịch với các cây ATM. Đồng thời, việc rút tiền từ thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ đều khác nhau: - Rút tiền thẻ tín dụng tức là mình đang ứng trước một số tiền để sử dụng, phải đảm bảo số tiền này nằm trong hạn mức tín dụng, người rút phải trả một khoản phí rút tiền và lãi suất tín dụng theo quy định. - Rút tiền thẻ ghi nợ tức là đang rút số tiền mình đã gửi vào tài khoản ngân hàng của bản thân. Số tiền giao dịch sẽ chỉ được nằm trong khoảng tiền mình đã gửi vào tài khoản, người rút tiền sẽ chỉ chịu phí rút tiền, ngoài ra không chịu khoản chi phí nào khác. Hiện nay, hầu hết các thẻ tín dụng đều cho phép người dùng rút tiền mặt từ các cây ATM hoặc qua tổng đài của ngân hàng.Tùy theo chính sách của ngân hàng mà sẽ có mức phí rút tiền thẻ tín dụng khác nhau. Cách rút tiền từ thẻ tín dụng Có 2 cách rút tiền thẻ tín dụng hiện nay là rút trực tiếp tại các cây ATM hoặc rút qua tổng đài của ngân hàng mở thẻ. Rút tiền thẻ tín dụng tại cây ATM Bước 1: Đưa thẻ tín dụng vào khe đọc thẻ của cây ATM (có thể rút tại cây ATM của ngân hàng phát hành thẻ hoặc ngân hàng có liên kết với ngân hàng phát hành). Bước 2: Nhập mã PIN của thẻ. Bước 3: Lựa chọn ngôn ngữ hiển thị Bước 4: Nhập số tiền mặt cần rút từ thẻ tín dụng. Bước 5: Nhận lại thẻ tín dụng và tiền từ cây ATM. Rút tiền thẻ tín dụng qua tổng đài ngân hàng Bước 1: Liên hệ hotline ngân hàng và yêu cầu rút tiền mặt từ thẻ tín dụng. Bước 2: Cung cấp thông tin thẻ tín dụng, số tài khoản nhận tiền (tài khoản liên kết với thẻ ghi nợ). Bước 3: Số tiền yêu cầu rút được chuyển vào tài khoản thanh toán của thẻ ATM vừa cung cấp. Bước 4: Sử dụng thẻ ATM ngân hàng để rút tiền tại cây ATM. Phí rút tiền thẻ tín dụng các ngân hàng 2024 Rút tiền thẻ tín dụng có tốn phí không? Việc rút tiền tại các ngân hàng phải chịu một số khoản phí nhất định: - Chi phí rút tiền mặt: Khi rút tiền mặt bằng thẻ tín dụng tại các cây ATM sẽ bị tính phí rút tiền. Thông thường, phí rút tiền rơi vào khoảng 2% đến 4% trên tổng số tiền rút cho 1 giao dịch. Vì vậy, số tiền muốn rút càng nhiều thì phí rút tiền càng cao. - Lãi suất rút tiền mặt từ thẻ tín dụng: Khi rút tiền từ thẻ tín dụng, chủ thẻ phải chịu lãi suất rút tiền mặt khá cao (từ 20% - 40%). Tiền lãi bắt đầu tính ngay tại thời điểm rút đến khi hoàn trả cho ngân hàng (bao gồm phí và lãi suất phát sinh). Công thức tính tiền lãi rút tiền mặt: Tiền lãi = Số tiền rút x Lãi suất/365 x Số ngày rút Bảng phí rút tiền thẻ tín dụng 2024 Người đọc có thể tham khảo bảng phí rút tiền thẻ tín dụng các ngân hàng mới nhất năm 2024 dưới đây (tuy nhiên các khoản phí có thể thay đổi tuỳ theo thời điểm và chính sách của ngân hàng, để chắc chắn, người dùng có thể liên hệ đến ngân hàng phát hành thẻ để nắm thông tin) Ngân hàng Mức phí Số tiền rút tối thiểu OCB 2% 100.000đ SCB 3% 60.000đ HDbank 2% 55.000đ Agribank 2% 20.000đ FE Credit 1% 10.000đ Viet Capital Bank Miễn phí Vietcombank 4% 50.000đ VPbank 4% 50.000đ Eximbank 4% 60.000đ Sacombank 4% 60.000đ SHB 4% 60.000đ VIB 4% 60.000đ ACB 4% 100.000đ TPbank 4% 100.000đ Techcombank 4% 100.000đ Lưu ý: Số tiền rút tối thiểu tức là khi rút tiền người dùng phải đảm bảo số tiền rút ra sẽ chịu mức phí từ khoản đó trở lên. Ví dụ: mức phí rút tiền mặt ngân hàng OCB là 2% (tối thiểu 100.000đ/giao dịch) có nghĩa: Khi chủ thẻ rút 2 triệu đồng từ thẻ tín dụng, mức phí rút tiền mặt 2% là 40.000 VND. Tuy nhiên, mức phí tối thiểu theo quy định là 100.000đ/giao dịch. Vậy, chủ thẻ vẫn phải trả số tiền lãi là 100.000đ cho 2 triệu đồng mình đã rút ra. Trên đây là bài viết về phí rút tiền thẻ tín dụng 2024, người đọc có thể tham khảo để nắm được quyền lợi của mình khi tham gia giao dịch thẻ tín dụng tại các ngân hàng. Xem thêm: Thẻ ngân hàng không dùng nữa có bị tính phí không? Kể tên các loại phí phải trả khi sử dụng thẻ tín dụng!
Bộ Công an trả lời về kiến nghị tăng nặng các hình phạt về tội phạm tham nhũng, tín dụng đen, ma túy
Vừa qua, một cử tri đã gửi kiến nghị đến Cổng TTĐT Bộ Công an về vấn việc tăng nặng các hình phạt nghiêm khắc đối với các tội phạm tham nhũng, ma túy, buôn lậu, “tín dụng đen”. Vậy Bộ Công an có câu trả lời như thế nào về vấn đề này? Ngày 14/11/2023, một cử tri đã đề nghị đến Bộ Công an cần ăng nặng các biện pháp chế tài, bảo đảm tính nghiêm khắc và đủ sức răn đe hơn đối với các hành vi vi phạm liên quan đến tham nhũng, ma túy, buôn lậu (thuốc lá,…), tín dụng đen. Theo đó, Bộ Công an trả lời như sau: Theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) mức hình phạt áp dụng đối với các nhóm tội danh cụ thể như sau: Tội phạm về ma túy có 9/13 tội danh có khung hình phạt cao nhất là tù chung thân, tử hình; 03 tội danh có khung hình phạt cao nhất từ 10 đến 15 năm tù giam; 01 tội danh có khung hình phạt cao nhất đến 7 năm tù giam. Tội phạm về tham nhũng, chức vụ có 4/15 tội danh có khung hình phạt cao nhất là tù chung thân, tử hình; 06 tội danh có khung hình phạt cao nhất từ 10 đến 20 năm tù giam; 05 tội danh có khung hình phạt cao nhất từ 5 đến 7 năm tù giam. Tội phạm buôn lậu, khung hình phạt cao nhất là 20 năm tù. Tội phạm, vi phạm pháp luật hoạt động liên quan “tín dụng đen”: căn cứ hành vi, tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi vi phạm..., các cơ quan tư pháp có thể xử lý hình sự về tội giết người, cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng, cưỡng đoạt tài sản, cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản... Theo đó, nhiều tội danh có mức hình phạt nghiêm khắc như tù chung thân hoặc tử hình (tội giết người), tù chung thân (tội cố ý gây thương tích), 20 năm tù (tội cưỡng đoạt tài sản)... Như vậy, có thể khẳng định tội phạm tham nhũng, ma túy, buôn lậu, “tín dụng đen” phải chịu các hình phạt rất nghiêm khắc của Bộ luật Hình sự. Hình phạt trong các vụ án cụ thể, các cơ quan tố tụng căn cứ quy định của pháp luật, hành vi, tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi vi phạm, nhân thân người phạm tội, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự... để xem xét, quyết định. Trên đây là câu trả lời của Bộ Công an về việc có hay không tăng nặng các hình phạt đối với tội phạm tham nhũng, ma túy, buôn lậu, “tín dụng đen”. Tham khảo: Trong trường hợp nào, người phạm tội vận chuyển trái phép chất ma túy đối diện với án tử hình? Căn cứ tại khoản 4 Điều 250 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bởi khoản 67 Điều 1 Luật sửa đổi bổ sung Bộ luật Hình sự 2017 quy định: Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình: - Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng 05 kilôgam trở lên; - Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng 100 gam trở lên; - Lá cây côca; lá khát (lá cây Catha edulis); lá, rễ, thân, cành, hoa, quả của cây cần sa hoặc bộ phận của cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định có khối lượng 75 kilôgam trở lên; - Quả thuốc phiện khô có khối lượng 600 kilôgam trở lên; - Quả thuốc phiện tươi có khối lượng 150 kilôgam trở lên; - Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng 300 gam trở lên; - Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích 750 mililit trở lên; - Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm trên. Xử phạt đối với hoạt động tín dụng đen Phạt vi phạm hành chính Căn cứ tại điểm đ khoản 4 Điều 12 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định phạt vi phạm như sau: Phạt tiền từ 10-20 triệu đồng đối với hành vi không đăng ký ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự mà cho vay tiền có cầm cố tài sản hoặc không cầm cố tài sản nhưng lãi suất cho vay vượt quá tỷ lệ lãi suất theo quy định của Bộ luật Dân sự. Như vậy tại điểm đ quy định lãi suất cho vay vượt quá tỷ lệ lãi suất theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015 sự sẽ chịu phạt vi phạm phạt tiền từ 10-20 triệu đồng. Ngoài ra tại điểm a khoản 7 Điều 12 12 Nghị định 144/2021/NĐ-CP thì vi phạm sẽ phải buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được đối với hành vi cho vay lãi vượt mức quy định. Truy cứu trách nhiệm hình sự Căn cứ tại Điều 201 Bộ luật Dân sự 2015 được sửa đổi bởi điểm i khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định về tội cho vay nặng lãi như sau: - Đối tượng nào mà cho vay với mức lãi suất gấp 5 lần trở lên so với mức quy định tại Bộ luật dân sự tức là 100% mức lãi suất thu lợi bất chính từ 30-100 triệu đồng hoặc dưới 30 triệu nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50-200 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm. - Phạm tội mà thu lợi bất chính 100 triệu đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 200 triệu-1 tỉ đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. - Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30-100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01-05 năm. Xem bài viết liên quan: Người nghiện ma túy có phải là tội phạm không? Phân biệt tội phạm vận chuyển ma túy và tàng trữ trái phép chất ma túy Mua bán, vận chuyển bao nhiêu ma túy thì sẽ đối diện với mức án tử hình? Nhận diện tín dụng đen và mức xử phạt vi phạm
Giấy cầm đồ có giá trị pháp lý không? Không ghi lãi suất thì có được tính lãi không?
Cầm đồ không còn quá xa lạ đối với chúng ta, nhiều thắc mắc của người dân xoay quanh vấn đề này như: giấy cầm đồ có giá trị pháp lý không? Không ghi lãi suất trên giấy cầm đồ thì có được tính lãi không? Bài viết sẽ cung cấp một số thông tin liên quan đến vấn đề này. Cầm đồ là cầm cố tài sản tại cửa hàng cầm đồ để giao kết hợp đồng vay tiền. Đây là phương thức bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, theo đó người cầm đồ giao tài sản cho hiệu cầm đồ để được vay một số tiền nhất định. Việc cầm cố tài sản tại cửa hàng cầm đồ được thực hiện theo quy định của Bộ luật dân sự và các văn bản pháp luật khác của cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định về hoạt động của cửa hàng cầm đồ. Vậy giấy cầm đồ có giá trị pháp lý hay không? Giấy cầm đồ có giá trị pháp lý không? Căn cứ tại Điều 401 Bộ Luật Dân sự 2015 quy định về tính hiệu lực của hợp đồng, quyền và nghĩa vụ của bên cầm cố và bên nhận cầm cố như sau: Hợp đồng được giao kết hợp pháp có hiệu lực từ thời điểm giao kết, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật liên quan có quy định khác. Từ thời điểm hợp đồng có hiệu lực, các bên phải thực hiện quyền và nghĩa vụ đối với nhau theo cam kết. Hợp đồng chỉ có thể bị sửa đổi hoặc hủy bỏ theo thỏa thuận của các bên hoặc theo quy định của pháp luật. Như vậy, giấy cầm đồ là một hợp đồng giao kết có hiệu lực pháp lý kể từ thời điểm giao kết. Bên cầm đồ và bên nhận cầm đồ phải thực hiện quyền và nghĩa vụ theo Bộ luật dân sự 2015 về cầm cố tài sản như cam kết trong giấy cầm đồ. Nếu giấy cầm đồ không ghi lãi suất thì có được tính lãi không? Căn cứ tại khoản 1 Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về Lãi suất như sau: Lãi suất vay do các bên thỏa thuận. Đồng thời, theo Bộ luật dân sự 2015, công nhận hợp đồng bằng lời nói, có thể trao đổi trực tiếp hay gián tiếp qua điện thoại. (căn cứ tại khoản 3 Điều 394 Bộ Luật Dân sự 2015) Như vậy, không phụ thuộc có ghi hay không lãi suất trong giấy cầm đồ, lãi suất sẽ được thỏa thuận bởi bên cầm đồ và bên nhận cầm đồ và phù hợp với quy định của pháp luật. Lãi suất cầm đồ theo quy định pháp luật hiện nay là bao nhiêu? Căn cứ tại Điều 29 Nghị định 96/2016/NĐ-CP quy định về lãi suất cầm đồ như sau: Tỷ lệ lãi suất vay tiền thông qua dịch vụ cầm đồ để cầm cố tài sản, sẽ không được vượt quá tỷ lệ lãi suất mà Bộ luật dân sự quy định. Theo đó, căn cứ tại Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015: Lãi suất khi vay tiền sẽ do các bên tự nguyện thỏa thuận với nhau, nhưng không vượt quá 20% trên một năm của khoản tiền vay đó, trừ trường hợp luật có quy định khác. - Nếu các bên tự thỏa thuận lãi suất, nhưng vượt quá lãi suất giới hạn mà luật quy định thì mức lãi suất vượt sẽ không có hiệu lực. - Nếu các bên dù có thỏa thuận về trả lãi vay, tuy nhiên không có sự xác định rõ mức lãi suất là bao nhiêu phần trăm và có tranh chấp xảy ra, thì lãi suất sẽ xác định bằng 50% mức lãi suất luật quy định tại thời điểm trả nợ.
Mẫu hợp đồng cho vay tiền giữa các cá nhân mới nhất 2023
Vay tiền là hình thức giao dịch trả lãi nhằm vay mượn một khoản tiền lớn. Người vay có thể vay tiền qua ngân hàng, tổ chức tín dụng hoặc vay tiền giữa các cá nhân. Tuy nhiên, khi vay tiền giữa cá nhân với nhau vẫn cần phải được lập thành hợp đồng để đảm bảo tính chất pháp lý để tránh gặp phải những rủi ro không mong muốn. 1. Hợp đồng vay tiền được quy định ra sao? Căn cứ Điều 463 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định. Theo đó, bên cho vay phải có nghĩa vụ giao đủ số tiền mà hai bên thỏa thuận cho bên vay tại địa điểm và theo thời gian đã thỏa thuận. Ngoài ra, bên cho vay không được yêu cầu bên vay phải trả lại tiền trước thời hạn trừ phi có thỏa thuận hoặc: - Với Hợp đồng vay có kỳ hạn và không có lãi: Bên vay có thể trả lại tiền vay cho bên kia bất cứ lúc nào nhưng phải báo trước; Bên cho vay được đòi lại tiền nếu được bên vay đồng ý; - Với Hợp đồng vay có kỳ hạn và có lãi: Bên vay có quyền trả lại tiền vay trước kỳ hạn nhưng phải trả toàn bộ lãi theo kỳ hạn. tải Hợp đồng vay mới nhất 2023 2. Lãi suất cho vay trong hợp đồng cho vay của cá nhân quy định thế nào? Lãi suất trong hợp đồng vay sẽ phụ thuộc vào thỏa thuận giữa các bên, tuy nhiên không được vượt quá mức lãi suất tối đa mà Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015 quy định. - Lãi suất vay do các bên thỏa thuận: + Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. + Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất. + Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực. - Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015 tại thời điểm trả nợ. Lưu ý: Trường hợp mà các bên có thỏa thuận về lãi suất vượt quá 20%/năm thì hợp đồng này sẽ không có hiệu lực thậm chí lãi nặng còn có thể chịu trách nhiệm hình sự. 3. Nghĩa vụ của bên cho vay và bên trả nợ (1) Nghĩa vụ của bên cho vay - Giao tài sản cho bên vay đầy đủ, đúng chất lượng, số lượng vào thời điểm và địa điểm đã thỏa thuận. - Bồi thường thiệt hại cho bên vay, nếu bên cho vay biết tài sản không bảo đảm chất lượng mà không báo cho bên vay biết, trừ trường hợp bên vay biết mà vẫn nhận tài sản đó. - Không được yêu cầu bên vay trả lại tài sản trước thời hạn, trừ trường hợp quy định tại Điều 470 Bộ luật Dân sự 2015 hoặc luật khác có liên quan quy định khác. (2) Nghĩa vụ trả nợ của bên vay - Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. - Trường hợp bên vay không thể trả vật thì có thể trả bằng tiền theo trị giá của vật đã vay tại địa điểm và thời điểm trả nợ, nếu được bên cho vay đồng ý. - Địa điểm trả nợ là nơi cư trú hoặc nơi đặt trụ sở của bên cho vay, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. - Trường hợp vay không có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả nợ hoặc trả không đầy đủ thì bên cho vay có quyền yêu cầu trả tiền lãi với mức lãi suất theo quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015 trên số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác. - Trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi như sau: + Lãi trên nợ gốc theo lãi suất thỏa thuận trong hợp đồng tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả; trường hợp chậm trả thì còn phải trả lãi theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015. + Lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả bằng 150% lãi suất vay theo hợp đồng tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Tiếp tục giảm lãi suất cho vay tối thiểu từ 1,5 - 2%/năm hỗ trợ phục hồi kinh tế
Ngày 14/8/2023 NHNN Việt Nam đã có Công văn 6385/NHNN-CSTT năm 2023 về việc giảm lãi suất cho vay, theo đó tiếp tục giảm lãi suất cho vay tối thiểu từ 1,5 - 2%/năm hỗ trợ phục hồi kinh tế. (1) Căn cứ thực hiện giảm lãi suất cho vay tối thiểu - Cụ thể, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại Nghị quyết 97/NQ-CP năm 2023. - Nghị quyết 105/NQ-CP năm 2023 về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, siết chặt kỷ luật, kỷ cương. - Nghị quyết 124/NQ-CP năm 2023 phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7 năm 2023. (2) Các ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất cho vay từ 1,5 - 2%/năm Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nhà nước (TCTD) thực hiện một số nội dung sau: - TCTD tiếp tục thực hiện các giải pháp để giảm mặt bằng lãi suất, nhất là giảm lãi suất cho vay đối với các khoản cho vay đang còn dư nợ hiện hữu và các khoản cho vay mới (phấn đấu mức giảm lãi suất tối thiểu từ 1,5-2%/năm) theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh. - TCTD gửi các báo cáo lãi suất cho vay, cụ thể: + Báo cáo cam kết giảm lãi suất cho vay trong năm 2023 đối với các khoản cho vay đang còn dư nợ hiện hữu (theo Biểu 1 đính kèm) và các khoản cho vay mới gửi NHNN trước ngày 25/8/2023; + Báo cáo kết quả thực hiện cam kết giảm lãi suất cho vay trong năm 2023 đối với các khoản cho vay đang còn dư nợ hiện hữu (theo Biểu 2 đính kèm) và các khoản cho vay mới gửi NHNN trước ngày 08/01/2024. (3) Mức lãi suất cho vay tại các ngân hàng hiện nay Căn cứ Điều 1 Quyết định 1125/QĐ-NHNN năm 2023 quy định mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam theo quy định tại khoản 2 Điều 13 Thông tư 39/2016/TT-NHNN như sau: - Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (trừ Quỹ tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô) áp dụng mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam là 4,0%/năm. - Quỹ tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô áp dụng mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam là 5,0%/năm. Chi tiết Công văn 6385/NHNN-CSTT năm 2023 ban hành ngày 14/8/2023.
Chính phủ tiếp tục cho phép giảm lãi suất cho vay ít nhất từ 1,5 - 2%
Đây là nội dung đáng chú ý tại Nghị quyết 97/NQ-CP năm 2023 được ban hành bởi Chính phủ ngày 08/7/2023 về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 năm 2023 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương. Theo đó, Chính phủ giao các bộ, cơ quan ngang bộ phối hợp với cơ quan, địa phương thực hiện tiếp tục giảm lãi suất cho vay cho người dân như sau: (1) Quyết liệt để giảm mặt bằng lãi suất, nhất là giảm lãi suất cho vay - Tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ, quyết liệt để giảm mặt bằng lãi suất, nhất là giảm lãi suất cho vay (phấn đấu giảm ít nhất khoảng từ 1,5 - 2%) nghiên cứu, thực hiện áp dụng đối với cả khoản vay mới và đang còn dư nợ. - Xác định hạn mức tăng trưởng tín dụng phù hợp với tình hình thực tiễn (cả năm khoảng 13 - 15%, trường hợp thuận lợi thì có thể tăng cao hơn) và công bố ngay bằng biện pháp, hình thức phù hợp, hiệu quả chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng thương mại đến hết năm 2023, bảo đảm đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế. - Rà soát các điều kiện, tiêu chí cho vay để điều chỉnh phù hợp, thuận lợi hơn cho người vay, bảo đảm tăng khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp, người dân. - Tập trung, khẩn trương xử lý các ngân hàng thương mại yếu kém, bảo đảm thanh khoản, an toàn hệ thống, chú trọng xử lý nợ xấu; có các giải pháp hiệu quả đẩy mạnh triển khai thực hiện gói tín dụng 40 nghìn tỷ đồng hỗ trợ lãi suất và 120 nghìn tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội. (2) Khẩn trương sửa đổi các quy định ban hành khung giá đất - Khẩn trương hoàn thành việc kiểm tra, đánh giá việc triển khai kế hoạch sử dụng đất của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội vào kỳ họp tới. - Đẩy nhanh các thủ tục trong khai thác vật liệu xây dựng theo đúng yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện 573/CĐ-TTg năm 2023; theo dõi, đôn đốc các địa phương thực hiện đúng hướng dẫn của Bộ TN&MT, không đặt thêm các điều kiện, yêu cầu, thủ tục hành chính, gây khó khăn cho nhà thầu. - Nghiên cứu, đề xuất việc sửa đổi các quy định liên quan của pháp luật, nhất là Luật Khoáng sản 2010 để tạo thuận lợi cho việc cấp phép, khai thác đất, đá làm vật liệu san lấp, phù hợp mục đích sử dụng và đáp ứng yêu cầu thực tế, phục vụ xây dựng các công trình giao thông. - Khẩn trương hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 44/2014/NĐ-CP quy định về giá đất theo đúng chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 74/NQ-CP năm 2023. (3) Thực hiện nhiều chính sách an sinh xã hội trong tháng 7 năm 2023 - Thực hiện hiệu quả các chính sách ưu đãi người có công, bảo trợ xã hội, chính sách an sinh xã hội, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. - Kịp thời điều tiết cung cầu lao động. - Chủ động có phương án hỗ trợ người lao động gặp khó khăn. - Khẩn trương nghiên cứu, trình Chính phủ trong tháng 7 năm 2023 Nghị định sửa đổi Nghị định 152/2020/NĐ-CP về quản lý lao động nước ngoài. - Tổ chức các hoạt động ý nghĩa, thiết thực tri ân, đền ơn đáp nghĩa nhân dịp 76 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ. - Xây dựng kế hoạch đào tạo nghề chất lượng cao trình Chính phủ trong tháng 8 năm 2023. (4) Bộ Công an chủ động đấu tranh đối với các thế lực thù địch - Chủ động nắm tình hình, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động. - Bảo vệ tuyệt đối an toàn các mục tiêu, công trình trọng điểm, các sự kiện chính trị, văn hóa, xã hội quan trọng của đất nước, trọng tâm là Quốc khánh 2/9, Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII, Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV và các đoàn khách, hội nghị quốc tế tổ chức tại Việt Nam. - Tập trung trấn áp các loại tội phạm và tệ nạn xã hội, góp phần xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh. - Chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng tiếp tục rà soát xong trước ngày 31/7/2023 các dự án, công trình hiện hữu đang gặp khó khăn, vướng mắc về điều kiện, quy định phòng cháy, chữa cháy để hướng dẫn kịp thời các giải pháp khắc phục giúp người dân, doanh nghiệp sớm ổn định sản xuất, kinh doanh. Xem thêm Nghị quyết 97/NQ-CP năm 2023 ban hành ngày 08/7/2023.
10 nhu cầu vay vốn không được ngân hàng cho vay
Đây là nội dung tại Thông tư 06/2023/TT-NHNN ngày 28/6/2023 ban hành bởi Thống đốc NHNN Việt Nam sửa đổi Thông tư 39/2016/TT-NHNN về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng. Theo đó, Thông tư 06/2023/TT-NHNN sửa đổi một số quy định mới về hoạt động cho vay của ngân hàng đối với khách hàng như sau: Tổ chức tín dụng không được cho vay đối với các nhu cầu vốn (1) Để thực hiện các hoạt động đầu tư kinh doanh thuộc ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh theo quy định của Luật Đầu tư 2020. (2) Để thanh toán các chi phí, đáp ứng các nhu cầu tài chính của hoạt động đầu tư kinh doanh thuộc ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh theo quy định của Luật Đầu tư 2020 và các giao dịch, hành vi khác mà pháp luật cấm. (3) Để mua, sử dụng các hàng hóa, dịch vụ thuộc ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh theo quy định của Luật Đầu tư 2020. (4) Để mua vàng miếng. (5) Để trả nợ khoản cấp tín dụng tại chính tổ chức tín dụng cho vay, trừ trường hợp cho vay để thanh toán lãi tiền vay phát sinh trong quá trình thi công xây dựng công trình, mà chi phí lãi tiền vay được tính trong tổng mức đầu tư xây dựng được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật. (6) Để trả nợ khoản vay nước ngoài (không bao gồm khoản vay nước ngoài dưới hình thức mua bán hàng hóa trả chậm), khoản cấp tín dụng tại tổ chức tín dụng khác, trừ trường hợp cho vay để trả nợ trước hạn khoản vay đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau: - Thời hạn cho vay không vượt quá thời hạn cho vay còn lại của khoản vay cũ; - Là khoản vay chưa thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ. (7) Để gửi tiền. (8) Đề thanh toán tiền góp vốn, mua, nhận chuyển nhượng phần vốn góp của công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; góp vốn, mua, nhận chuyển nhượng cổ phần của công ty cổ phần chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán hoặc chưa đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch Upcom. (9) Để thanh toán tiền góp vốn theo hợp đồng góp vốn, hợp đồng hợp tác đầu tư hoặc hợp đồng hợp tác kinh doanh để thực hiện dự án đầu tư không đủ điều kiện đưa vào kinh doanh theo quy định của pháp luật tại thời điểm tổ chức tín dụng quyết định cho vay. (10) Để bù đắp tài chính, trừ trường hợp khoản vay đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau: - Khách hàng đã ứng vốn của chính khách hàng để thanh toán, chi trả chi phí thực hiện dự án hoạt động kinh doanh, mà các chi phí thực hiện dự án hoạt động kinh doanh này phát sinh dưới 12 tháng tính đến thời điểm tổ chức tín dụng quyết định cho vay. - Các chi phí đã thanh toán, chi trả bằng vốn của chính khách hàng nhằm thực hiện dự án hoạt động kinh doanh là các chi phí có sử dụng nguồn vốn vay của tổ chức tín dụng theo phương án sử dụng vốn đã gửi tổ chức tín dụng để được xem xét cho vay trung, dài hạn nhằm thực hiện dự án hoạt động kinh doanh đó. (So với hiện hành thì Thông tư 06/2023/TT-NHNN đã bổ sung thêm 4 trường hợp không được ngân hàng cho vay bao gồm vay để gửi tiền, để góp vốn doanh nghiệp chưa niêm yết, hợp tác kinh doanh chưa đủ điều kiện và để bù đắp tài chính). Trường hợp khách hàng được ngân hàng đánh giá có tình hình tài chính minh bạch Trường hợp khách hàng được tổ chức tín dụng đánh giá là có tình hình tài chính minh bạch, lành mạnh, tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận về lãi suất cho vay ngắn hạn bằng đồng Việt Nam nhưng không vượt quá mức lãi suất cho vay tối đa do Thống đốc NHNN Việt Nam quyết định trong từng thời kỳ nhằm đáp ứng một số nhu cầu vốn: - Phục vụ lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn theo quy định của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; - Thực hiện phương án kinh doanh hàng xuất khẩu theo quy định của Luật Thương mại 2005 và các văn bản hướng dẫn. - Phục vụ kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa 2017 và quy định của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. - Phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ theo quy định của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ. - Phục vụ kinh doanh của doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao thuộc Danh mục công nghệ cao ưu tiên đầu tư phát triển được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, doanh nghiệp công nghệ cao theo quy định của Luật Công nghệ cao 2008 và các văn bản hướng dẫn. (Các trường hợp trên đây sẽ được tổ chức tín dụng, ngân hàng xem xét là có tình hình tài chính minh bạch, lành mạnh). Xem thêm Thông tư 06/2023/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 01/9/2023 sửa đổi Thông tư 39/2016/TT-NHNN.
Vẫn tiếp tục giảm mức lãi suất tái cấp vốn còn 4,5% từ ngày 19/6/2023
Ngày 16/6/2023, Ngân hàng Nhà nước ban hành Quyết định 1123/QĐ-NHNN về lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Theo đó, Quyết định 1123/QĐ-NHNN quy định các mức lãi suất của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam như sau: - Lãi suất tái cấp vốn: 4,5%/năm. So với quy định hiện hành, mức lãi suất tái cấp vốn giảm 0,5%. Tại Quyết định 950/QĐ-NHNN là 5,0%/năm. - Lãi suất tái chiết khấu: 3,0%/năm. So với quy định hiện hành, mức lãi suất tái chiết khấu giảm 0,5%. Tại Quyết định 950/QĐ-NHNN là 3,0%/năm. - Lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài: 5,0%/năm. So với quy định hiện hành, mức lãi suất giảm 0,5%. Quyết định 950/QĐ-NHNN là 5,5%/năm. Xem bài viết liên quan: Giảm lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam còn 4% từ ngày 19/6/2023 Tiếp tục giảm lãi suất tối đa với tiền gửi bằng đồng Việt Nam từ ngày 19/6/2023 Tham khảo: Lãi suất tái cấp vốn là gì? Theo Luật Ngân hàng Nhà nước 2010, tái cấp vốn là hình thức cấp tín dụng của Ngân hàng Nhà nước nhằm cung ứng vốn ngắn hạn và phương tiện thanh toán cho tổ chức tín dụng. Ngân hàng Nhà nước quy định và thực hiện việc tái cấp vốn cho tổ chức tín dụng theo các hình thức sau đây: - Cho vay có bảo đảm bằng cầm cố giấy tờ có giá; - Chiết khấu giấy tờ có giá; - Các hình thức tái cấp vốn khác. Lãi suất tái cấp vốn là lãi suất ngân hàng nhà nước áp dụng cho các nghiệp vụ tái cấp vốn cho ngân hàng thương mại Ngân hàng Nhà nước công bố lãi suất tái cấp vốn, lãi suất cơ bản và các loại lãi suất khác để điều hành chính sách tiền tệ, chống cho vay nặng lãi. Trong trường hợp thị trường tiền tệ có diễn biến bất thường, Ngân hàng Nhà nước quy định cơ chế điều hành lãi suất áp dụng trong quan hệ giữa các tổ chức tín dụng với nhau và với khách hàng, các quan hệ tín dụng khác. Lãi suất tái cấp vốn khác gì so với lãi suất tái chiết khấu? Lãi suất tái chiết khấu là lãi suất cho vay ngắn hạn của ngân hàng trung ương với các ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng khác, được áp dụng dưới hình thức tái chiết khấu. Tại Luật Các tổ chức tín dụng 2010 giải thích cụm từ cấp tín dụng, chiết khấu và tái chiết khấu như sau: Cấp tín dụng là việc thỏa thuận để tổ chức, cá nhân sử dụng một khoản tiền hoặc cam kết cho phép sử dụng một khoản tiền theo nguyên tắc có hoàn trả bằng nghiệp vụ cho vay, chiết khấu, cho thuê tài chính, bao thanh toán, bảo lãnh ngân hàng và các nghiệp vụ cấp tín dụng khác. Chiết khấu là việc mua có kỳ hạn hoặc mua có bảo lưu quyền truy đòi các công cụ chuyển nhượng, giấy tờ có giá khác của người thụ hưởng trước khi đến hạn thanh toán. Tái chiết khấu là việc chiết khấu các công cụ chuyển nhượng, giấy tờ có giá khác đã được chiết khấu trước khi đến hạn thanh toán. Giữa lãi suất tái chiết khấu và lãi suất tái cấp vốn có sự khác biệt như sau: - Về đối tượng áp dụng: + Lãi suất tái chiết khấu: Các giấy tờ có giá. + Lãi suất tái cấp vốn: Các khoản cho vay của các ngân hàng thương mại. - Về tài sản thế chấp: Tài sản thế chấp đều là giấy tờ có giá, nhưng lãi suất tái chiết khấu áp dụng với các giấy tờ có giá có độ rủi ro thấp hơn như: Tín phiếu Ngân hàng Nhà nước, Trái phiếu Chính phủ,… Còn lãi suất tái cấp vốn áp dụng đối với các giấy tờ có giá có độ rủi ro cao hơn trái phiếu Chính quyền địa phương. Xem chi tiết tại Quyết định 1123/QĐ-NHNN có hiệu lực từ ngày 19/6/2023 và thay thế Quyết định 950/QĐ-NHNN ngày 23/5/2023. Xem bài viết liên quan: Giảm lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam còn 4% từ ngày 19/6/2023 Tiếp tục giảm lãi suất tối đa với tiền gửi bằng đồng Việt Nam từ ngày 19/6/2023
Tiếp tục giảm lãi suất tối đa với tiền gửi bằng đồng Việt Nam từ ngày 19/6/2023
Ngày 16/6/2023, Ngân hàng nhà nước Việt Nam ban hành Quyết định 1124/QĐ-NHNN về mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Theo đó, mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam của tổ chức (trừ tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài) và cá nhân tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định tại Thông tư 07/2014/TT-NHNN ngày 17/3/2014 như sau: - Mức lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng là 0,5%/năm. - Mức lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng là 4,75%/năm; Theo đó, so với quy định hiện hành, mức lãi suất giảm 0,25%. (Tại Quyết định 951/QĐ-NHNN ngày 23/5/2023, mức lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng là 0,5%/năm; đối với mức lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng là 5,0%/năm.) Xem bài viết liên quan: Giảm lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam còn 4% từ ngày 19/6/2023 Vẫn tiếp tục giảm mức lãi suất tái cấp vốn còn 4,5% từ ngày 19/6/2023 Riêng Quỹ tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô, theo Quyết định 1124/QĐ-NHNN áp dụng mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng là 5,25%/năm. Theo đó, giảm 0,25% so với mức lãi suất hiện hành. (Tại Quyết định 951/QĐ-NHNN ngày 23/5/2023, Quỹ tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô áp dụng mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng là 5,5%/năm) Lưu ý: Đối với lãi suất tiền gửi bằng đồng Việt Nam có kỳ hạn của tổ chức, cá nhân tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phát sinh trước ngày 19/6/2023, thì được thực hiện cho đến hết thời hạn. Đối với trường hợp hết thời hạn đã thỏa thuận, tổ chức, cá nhân không đến lĩnh tiền gửi, thì tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài áp dụng lãi suất đối với tiền gửi theo quy định tại Quyết định 1124/QĐ-NHNN.. Ngoài ra, tại Thông tư 07/2014/TT-NHNN quy định lãi suất tối đa đối với tiền gửi bao gồm cả khoản chi khuyến mại dưới mọi hình thức, áp dụng đối với phương thức trả lãi cuối kỳ và các phương thức trả lãi khác được quy đổi theo phương thức trả lãi cuối kỳ. Tổ chức tín dụng niêm yết công khai lãi suất tiền gửi bằng đồng Việt Nam tại các địa điểm nhận tiền gửi theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Nghiêm cấm tổ chức tín dụng khi nhận tiền gửi thực hiện khuyến mại dưới mọi hình thức (bằng tiền, lãi suất và các hình thức khác) không đúng với quy định của pháp luật và Thông tư 07/2014/TT-NHNN. Xem chi tiết tại Quyết định 1124/QĐ-NHNN có hiệu lực từ ngày 19/6/2023 và thay thế Quyết định 951/QĐ-NHNN ngày 23/5/2023. Xem bài viết liên quan: Giảm lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam còn 4% từ ngày 19/6/2023 Vẫn tiếp tục giảm mức lãi suất tái cấp vốn còn 4,5% từ ngày 19/6/2023
Tiền lãi cho cá nhân vay có tính thuế thu nhập cá nhân hay không?
Thu nhập cá nhân (TNCN) thông thường được tính vào thu nhập từ tiền lương, tiền công của người lao động (NLĐ) thì trong trường hợp NLĐ cho vay có lãi suất thì số tiền phát sinh từ việc cho vay có phải tính thuế TNCN? 1. Lãi suất phát sinh từ việc cho vay có phải đóng thuế TNCN? Người cho vay có lãi suất để biết mình có đóng thuế TNCN không thì căn cứ khoản 3 Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC quy định thu nhập từ đầu tư vốn là khoản thu nhập cá nhân nhận được dưới các hình thức sau đây: - Tiền lãi nhận được từ việc cho các tổ chức, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân kinh doanh, nhóm cá nhân kinh doanh vay theo hợp đồng vay hoặc thỏa thuận vay, trừ lãi tiền gửi nhận được từ các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo hướng dẫn tại tiết g.1, điểm g, khoản 1, Điều 3 Thông tư 111/2013/TT-BTC. - Cổ tức nhận được từ việc góp vốn mua cổ phần. - Lợi tức nhận được do tham gia góp vốn vào công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh, hợp tác xã, liên doanh, hợp đồng hợp tác kinh doanh và các hình thức kinh doanh khác theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2020 và Luật Hợp tác xã 2012; lợi tức nhận được do tham gia góp vốn thành lập tổ chức tín dụng theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng 2010; góp vốn vào Quỹ đầu tư chứng khoán và quỹ đầu tư khác được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật. Không tính vào thu nhập chịu thuế từ đầu tư vốn đối với lợi tức của doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do cá nhân làm chủ. - Phần tăng thêm của giá trị vốn góp nhận được khi giải thể doanh nghiệp, chuyển đổi mô hình hoạt động, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất doanh nghiệp hoặc khi rút vốn. - Thu nhập nhận được từ lãi trái phiếu, tín phiếu và các giấy tờ có giá khác do các tổ chức trong nước phát hành, trừ thu nhập theo hướng dẫn tại tiết g.1 và g.3, điểm g, khoản 1, Điều 3 Thông tư 111/2013/TT-BTC. - Các khoản thu nhập nhận được từ đầu tư vốn dưới các hình thức khác kể cả trường hợp góp vốn đầu tư bằng hiện vật, bằng danh tiếng, bằng quyền sử dụng đất, bằng phát minh, sáng chế. - Thu nhập từ cổ tức trả bằng cổ phiếu, thu nhập từ lợi tức ghi tăng vốn. 2. Căn cứ tính thuế TNCN đối với người có thu nhập từ lãi suất cho vay Cụ thể tại Điều 10 Thông tư 111/2013/TT-BTC quy định căn cứ tính thuế TNCN đối với thu nhập từ việc cho vay có lãi suất thì tính thuế đối với thu nhập từ cho vay là thu nhập tính thuế và thuế suất. - Thu nhập tính thuế: Thu nhập tính thuế từ đầu tư vốn là thu nhập chịu thuế mà cá nhân nhận được theo hướng dẫn tại khoản 3, Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC. - Thuế suất đối với thu nhập từ đầu tư vốn áp dụng theo Biểu thuế toàn phần với thuế suất là 5%. - Thời điểm xác định thu nhập tính thuế đối với thu nhập từ đầu tư vốn là thời điểm tổ chức, cá nhân trả thu nhập cho người nộp thuế. Riêng thời điểm xác định thu nhập tính thuế đối với một số trường hợp như sau: + Đối với thu nhập từ giá trị phần vốn góp tăng thêm theo hướng dẫn tại điểm d, khoản 3, Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC thì thời điểm xác định thu nhập từ đầu tư vốn là thời điểm cá nhân thực nhận thu nhập khi giải thể doanh nghiệp, chuyển đổi mô hình hoạt động, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất doanh nghiệp hoặc khi rút vốn. - Đối với thu nhập từ lợi tức ghi tăng vốn theo hướng dẫn tại điểm g, khoản 3, Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC thì thời điểm xác định thu nhập từ đầu tư vốn là thời điểm cá nhân chuyển nhượng vốn, rút vốn. - Đối với thu nhập từ cổ tức trả bằng cổ phiếu theo hướng dẫn tại điểm g, khoản 3, Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC thì thời điểm xác định thu nhập từ đầu tư vốn là thời điểm cá nhân chuyển nhượng cổ phiếu. - Trường hợp cá nhân nhận được thu nhập do việc đầu tư vốn ra nước ngoài dưới mọi hình thức thì thời điểm xác định thu nhập tính thuế là thời điểm cá nhân nhận thu nhập. - Cách tính thuế: Số thuế thu nhập cá nhân phải nộp = Thu nhập tính thuế × Thuế suất 5% Như vậy, tiền lãi nhận được từ việc cho các tổ chức, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân kinh doanh, nhóm cá nhân kinh doanh vay theo hợp đồng vay hoặc thỏa thuận vay thì phải đóng thuế TNCN, trừ lãi tiền gửi nhận ngân hàng thì không phải đóng thuế TNCN.
Vay ngân hàng để mua nhà chung cư cần đáp ứng điều kiện gì?
Tại các thành phố lớn thì nhà chung cư dần trở thành loại nhà ở thông dụng và phổ biến cho người lao động (NLĐ) có thu nhập không quá cao. Thì hiện nay, vay vốn ngân hàng để mua nhà chung cư là một giải pháp tốt, vậy cần đáp ứng những điều kiện gì để được vay vốn ngân hàng mua nhà chung cư? 1. Điều kiện về chung cư để vay vốn ngân hàng Căn cứ Điều 118 Luật Nhà ở 2014 thì người có nhu cầu vay vốn để mua nhà chung cư thì cần phải đáp ứng được điều kiện của nhà ở tham gia giao dịch như sau: (1) Giao dịch về mua bán, cho thuê mua, tặng cho, đổi, thế chấp, góp vốn bằng nhà ở thì nhà ở phải có đủ điều kiện sau đây: - Có Giấy chứng nhận theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp quy định tại mục (2) - Không thuộc diện đang có tranh chấp, khiếu nại, khiếu kiện về quyền sở hữu; đang trong thời hạn sở hữu nhà ở đối với trường hợp sở hữu nhà ở có thời hạn. - Không bị kê biên để thi hành án hoặc không bị kê biên để chấp hành quyết định hành chính đã có hiệu lực pháp luật của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. - Không thuộc diện đã có quyết định thu hồi đất, có thông báo giải tỏa, phá dỡ nhà ở của cơ quan có thẩm quyền. Các điều kiện quy định tại điểm b và điểm c khoản này không áp dụng đối với trường hợp mua bán, thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai. (2) Giao dịch về nhà ở sau đây thì nhà ở không bắt buộc phải có Giấy chứng nhận: - Mua bán, thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai; - Tổ chức thực hiện tặng cho nhà tình nghĩa, nhà tình thương; - Mua bán, thuê mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước; mua bán, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở để phục vụ tái định cư không thuộc sở hữu nhà nước; bán nhà ở quy định tại khoản 4 Điều 62 Luật Nhà ở 2014. - Cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ, ủy quyền quản lý nhà ở. - Nhận thừa kế nhà ở. - Chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở thương mại được xây dựng trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở bao gồm cả trường hợp đã nhận bàn giao nhà ở từ chủ đầu tư nhưng chưa nộp hồ sơ đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đối với nhà ở đó. Các giấy tờ chứng minh điều kiện nhà ở tham gia giao dịch quy định tại khoản này thực hiện theo quy định của Chính phủ. Ngoài ra, trường hợp nhà ở cho thuê thì ngoài các điều kiện quy định tại các điểm b, c và d khoản 1 Điều 118 Luật Nhà ở 2014, nhà ở còn phải bảo đảm chất lượng, an toàn cho bên thuê nhà ở, có đầy đủ hệ thống điện, cấp, thoát nước, bảo đảm vệ sinh môi trường. 2. Điều kiện về tài chính của chủ thể để vay vốn ngân hàng Bên cạnh việc đáp ứng các điều kiện về nhà chung cư thì chủ thể vay vốn ngân hàng còn phải đáp ứng được điều kiện tài chính được quy định tại Điều 7 Thông tư 39 2016/TT-NHNN về điều kiện vay vốn như sau: Tổ chức tín dụng xem xét, quyết định cho vay khi khách hàng có đủ các điều kiện sau đây: Thứ nhất: Khách hàng là pháp nhân có năng lực pháp luật dân sự theo quy định của pháp luật. Khách hàng là cá nhân từ đủ 18 tuổi trở lên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật hoặc từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi không bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật. Thứ hai: Khách hàng có nhu cầu vay vốn để sử dụng vào mục đích hợp pháp, là các giao dịch được pháp luật cho phép được làm như vay mua nhà, mua xe, đầu tư kinh doanh,... Thứ ba: Khách hàng có phương án sử dụng vốn khả thi, là việc chủ thể phải chứng minh với ngân hàng về thời gian trả nợ khả thi. Thứ tư: Khách hàng có khả năng tài chính để trả nợ, qua đó chủ thể vay vốn phải chứng minh về tài sản mà mình có, công việc đang làm có đủ khả năng trả nợ và lãi hay không. Thứ năm: Trường hợp khách hàng vay vốn của tổ chức tín dụng theo lãi suất cho vay quy định tại khoản 2 Điều 13 Thông tư 39 2016/TT-NHNN, thì khách hàng được tổ chức tín dụng đánh giá là có tình hình tài chính minh bạch, lành mạnh. Như vậy, người vay vốn cần đáp ứng hai điều kiện về giao dịch chung cư vay vốn trả góp với ngân hàng và điều kiện về chứng minh tài chính, phương thức trả nợ thì NLĐ vay vốn đã có thể đáp ứng thành công điều kiện vay vốn ngân hàng để mua chung cư.
Ngân hàng không được khuyến mại khi nhận tiền gửi dưới mọi hình thức từ ngày 20/11/2024
Các tổ chức tín dụng khi tiếp nhận tiền gửi không được phép thực hiện khuyến mại dưới bất kỳ hình thức nào (bao gồm tiền, lãi suất và các hình thức khác) trái với quy định của pháp luật. Ngày 30/9/2024 vừa qua, Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư 48/2024/TT-NHNN quy định về việc áp dụng lãi suất tiền gửi bằng đồng Việt Nam của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Theo đó, Thông tư 48/2024/TT-NHNN quy định việc áp dụng lãi suất tiền gửi bằng đồng Việt Nam của tổ chức (không bao gồm tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài), cá nhân tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Trong đó, tiền gửi bao gồm các hình thức nhận tiền gửi theo quy định tại khoản 27 Điều 4 Luật Các tổ chức tín dụng 2024. (1) Ngân hàng không được khuyến mại khi nhận tiền gửi dưới mọi hình thức Theo đó, tại khoản 4 Điều 3 Thông tư 48/2024/TT-NHNN quy định, các tổ chức tín dụng có trách nhiệm niêm yết công khai lãi suất tiền gửi bằng đồng Việt Nam tại những địa điểm giao dịch hợp pháp trong mạng lưới hoạt động của mình. Điều này tạo điều kiện cho khách hàng dễ dàng tiếp cận thông tin về lãi suất, từ đó đưa ra quyết định tài chính phù hợp. Ngoài ra, việc yêu cầu tổ chức tín dụng phải đăng tải thông tin lãi suất trên trang thông tin điện tử (nếu có) cũng góp phần tăng cường khả năng tiếp cận thông tin cho người gửi tiền. Đặc biệt, Thông tư 48/2024/TT-NHNN quy định cấm tổ chức tín dụng thực hiện khuyến mại dưới mọi hình thức khi nhận tiền gửi, bao gồm cả khuyến mại bằng tiền, lãi suất và các hình thức khác không đúng với quy định của pháp luật. Quy định này nhằm bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền, tránh tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các tổ chức tín dụng, đồng thời đảm bảo sự ổn định và an toàn của hệ thống tài chính. Những quy định trên không chỉ hướng tới việc nâng cao tính minh bạch và công bằng trong hoạt động của các tổ chức tín dụng mà còn bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, góp phần xây dựng một môi trường tài chính ổn định và bền vững. (2) Áp dụng lãi suất tiền gửi bằng đồng Việt Nam tại các tổ chức tín dụng Theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Thông tư 48/2024/TT-NHNN, các tổ chức tín dụng có trách nhiệm áp dụng lãi suất tiền gửi bằng đồng Việt Nam cho các tổ chức và cá nhân theo những nguyên tắc nhất định. Cụ thể, tổ chức tín dụng không được phép áp dụng lãi suất vượt quá mức tối đa do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định cho các loại tiền gửi khác nhau, bao gồm: tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi có kỳ hạn dưới 1 tháng và tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng. Đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên, Ngân hàng nhà nước cho phép các tổ chức tín dụng áp dụng lãi suất dựa trên cung cầu vốn thị trường. Theo đó, lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam quy định tại Thông tư 48/2024/TT-NHNN bao gồm cả khoản chi khuyến mại dưới mọi hình thức, áp dụng đối với phương thức trả lãi cuối kỳ và các phương thức trả lãi khác được quy đổi theo phương thức trả lãi cuối kỳ. Cuối cùng, Thông tư 48/2024/TT1-NHNN bắt đầu có hiệu lực từ ngày 20/11/2024, do đó, đối với các thỏa thuận lãi suất tiền gửi bằng đồng Việt Nam trước ngày Thông tư 48/2024/TT-NHNN có hiệu lực thi hành, tổ chức tín dụng và khách hàng tiếp tục thực hiện theo thỏa thuận cho đến hết thời hạn. Trường hợp hết thời hạn đã thỏa thuận, khách hàng không đến lĩnh tiền gửi, tổ chức tín dụng áp dụng lãi suất tiền gửi theo quy định tại Thông tư 48/2024/TT-NHNN.
Có được yêu cầu người khác làm việc cho mình để cấn trừ nợ không?
Trong cuộc sống, việc có nợ nần là điều không thể tránh khỏi. Khi xảy ra tranh chấp về nợ nần, việc giải quyết cần tuân thủ đúng quy định của pháp luật. (1) Có được yêu cầu người khác làm việc cho mình để cấn trừ nợ không? Theo quy định tại Điều 17 Bộ Luật Lao động 2019, có một số hành vi mà người sử dụng lao động không được phép thực hiện khi giao kết và thực hiện hợp đồng lao động, cụ thể bao gồm: - Giữ bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động. - Yêu cầu người lao động phải thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng lao động. - Buộc người lao động thực hiện hợp đồng lao động để trả nợ cho người sử dụng lao động. Theo quy định này, rõ ràng rằng việc yêu cầu người lao động làm việc để cấn trừ nợ là hành vi không hợp pháp. Điều này phù hợp với nguyên tắc cơ bản khi giao kết hợp đồng lao động được quy định tại Điều 15 Bộ Luật Lao động 2019, bao gồm các yếu tố như tự nguyện, bình đẳng, thiện chí, hợp tác và trung thực. Việc ép buộc người lao động thực hiện hợp đồng để cấn trừ nợ, nếu không xuất phát từ nguyện vọng của họ, sẽ vi phạm những nguyên tắc này. Như vậy, việc yêu cầu người lao động làm việc để cấn trừ nợ không chỉ là một hành vi vi phạm pháp luật mà còn đi ngược lại với các giá trị đạo đức trong quan hệ lao động. Vì thế, người sử dụng lao động không được phép yêu cầu người lao động làm việc, thực hiện hợp đồng lao động để cấn trừ, trả nợ cho mình. (2) Nếu người lao động vay tiền mà không trả thì xử lý thế nào? Đã có quan hệ vay nợ thì phải có nghĩa vụ trả nợ đúng hạn và trả thêm lãi suất nếu hai bên có thỏa thuận về lãi suất (Điều 463 Bộ Luật dân sự 2015). Người sử dụng lao động tuy không được yêu cầu, ép buộc người lao động thực hiện hợp đồng lao động để trả nợ cho mình nhưng có thể áp dụng các quy định tại Điều 466 Bộ Luật dân sự 2015 để yêu cầu người lao động thực hiện đúng nghĩa vụ trả nợ cho mình. Cụ thể, trường hợp cho vay không có lãi mà đến hạn trả nợ, bên vay nợ không trả hoặc trả không đầy đủ số tiền đã vay thì bên cho vay có quyền yêu cầu trả tiền lãi với mức lãi suất theo quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ Luật dân sự 2015 trên số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả. Trường hợp cho vay có tính lãi suất mà đến hạn trả nợ, bên vay nợ không trả hoặc trả không đầy đủ số tiền đã vay thì bên vay nợ phải trả lãi như sau: - Lãi trên nợ gốc theo lãi suất thỏa thuận trong hợp đồng tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả; trường hợp chậm trả thì còn phải trả lãi theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ Luật dân sự 2015; - Lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả bằng 150% lãi suất vay theo hợp đồng tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Tóm lại, việc xử lý khi người lao động không trả nợ phải tuân thủ đúng các quy định pháp luật, bảo đảm quyền lợi cho cả hai bên và duy trì sự công bằng trong quan hệ vay mượn. (3) Lãi suất cho vay tối đa là bao nhiêu? Theo quy định tại Điều 468 Bộ Luật dân sự 2015, lãi suất vay do các bên thỏa thuận, tuy nhiên phải tuân thủ theo các quy định về lãi suất như sau: - Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác - Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn 20%/năm thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực. - Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn (tức 10%) tại thời điểm trả nợ. Theo đó, căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất. Như vậy, mức lãi suất cho vay tối đa được tính là 20%/năm, nếu hai bên thỏa thuận mức lãi suất cao hơn mức giới hạn này thì phần vượt quá sẽ không có hiệu lực.
Bên cho vay nặng lãi bị bắt thì bên vay tiền có phải trả nợ không?
Hiện nay pháp luật cấm hoạt động cho vay nặng lãi nên người nào cho vay nặng lãi sẽ bị phạt hành chính hoặc hình sự tuỳ mức độ. Vậy nếu bên cho vay nặng lãi đã bị công an bắt thì bên vay tiền có cần phải trả nợ nữa không? Bên cho vay nặng lãi bị bắt thì bên vay tiền có phải trả nợ không? Theo Điều 463 Bộ luật dân sự 2015 quy định hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định. Đồng thời, theo khoản 2 Điều 14 Hiến pháp 2013, quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng. Ngoài ra, Điều 44 Bộ luật Hình sự 2015 quy định thời hạn tước một số quyền công dân là từ 01 năm đến 05 năm, kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù hoặc kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật trong trường hợp người bị kết án được hưởng án treo. Như vậy, người phạm tội cho vay nặng lãi dù cho đang bị bắt, đang chấp hành án phạt tù thì cũng không bị tước quyền công dân, theo đó bên cho vay vẫn có quyền được bên có nghĩa vụ thực hiện hợp đồng, tức bên vay vẫn phải trả nợ theo đúng như đã giao kết trong hợp đồng vay. Khoản lãi vay vượt quá quy định pháp luật thì bên vay tiền có phải trả không? Theo Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về lãi suất như sau: - Lãi suất vay do các bên thỏa thuận. Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất. Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực. - Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015 tại thời điểm trả nợ. Như vậy, nếu cho vay nặng lãi thì bên vay sẽ không phải trả số tiền lãi vượt quá mức lãi suất theo quy định (quá 20%/năm của khoản tiền vay) nhưng vẫn phải trả đầy đủ số tiền đã mượn và phần lãi nằm trong quy định. Cho vay nặng lãi từ bao nhiêu sẽ bị bắt? Theo Điều 201 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bới điểm i khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự như sau: - Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 05 lần mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm. - Phạm tội mà thu lợi bất chính 100.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. - Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. Như vậy, nếu cho vay với mức lãi suất 100%/năm của khoản tiền vay hoặc số tiền lãi vượt quá 20%/năm của khoảng tiền vay từ 30 triệu đồng trở lên thì sẽ bị bắt
Điều kiện được vay Quỹ tín dụng nhân dân và mức lãi suất vay hiện nay
Quỹ tín dụng nhân dân là gì? Được lập ra để làm gì? Điều kiện được vay quỹ tín dụng nhân dân và mức lãi suất vay hiện nay thế nào? Bài viết sau đây sẽ phân tích cụ thể để người dân có thể hiểu rõ hơn trước khi vay vốn tại Quỹ này. Quỹ tín dụng nhân dân là gì? Theo khoản 6, khoản 7 Điều 3 Luật Các tổ chức tín dụng 2010 quy định: - Quỹ tín dụng nhân dân là tổ chức tín dụng do các pháp nhân, cá nhân và hộ gia đình tự nguyện thành lập dưới hình thức hợp tác xã để thực hiện một số hoạt động ngân hàng theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng 2010 và Luật hợp tác xã 2023 nhằm mục tiêu chủ yếu là tương trợ nhau phát triển sản xuất, kinh doanh và đời sống. - Ngân hàng hợp tác xã là ngân hàng của tất cả các quỹ tín dụng nhân dân do các quỹ tín dụng nhân dân và một số pháp nhân góp vốn thành lập theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng 2010 nhằm mục tiêu chủ yếu là liên kết hệ thống, hỗ trợ tài chính, điều hòa vốn trong hệ thống các quỹ tín dụng nhân dân. Theo khoản 5 Điều 6 Luật Các tổ chức tín dụng 2010 quy định ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân được thành lập, tổ chức dưới hình thức hợp tác xã. Như vậy, quỹ tín dụng nhân dân được tổ chức dưới hình thức hợp tác xã do cá nhân, pháp nhân, hộ gia đình tự nguyện thành lập để tương trợ nhau phát triển đời sống, quỹ tín dụng nhân dân và quỹ tín dụng nhân dân là thành viên của ngân hàng hợp tác xã. Điều kiện được vay Quỹ tín dụng nhân dân hiện nay? Vì Quỹ tín dụng nhân dân cũng là tổ chức tín dụng nên khi vay vốn tại Quỹ tín dụng nhân dân cũng phải đáp ứng điều kiện theo quy định tại Điều 7 Thông tư 39/2016/TT-NHNN được sửa đổi bởi khoản 3 Điều 1 Thông tư 12/2024/TT-NHNN bao gồm: - Khách hàng là pháp nhân có năng lực pháp luật dân sự theo quy định của pháp luật. Khách hàng là cá nhân từ đủ 18 tuổi trở lên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật hoặc từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi không bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật. - Nhu cầu vay vốn để sử dụng vào mục đích hợp pháp. Có phương án sử dụng vốn khả thi. Điều kiện này không bắt buộc đối với khoản cho vay có mức giá trị nhỏ. - Có khả năng tài chính để trả nợ. Như vậy, vay vốn tại Quỹ tín dụng nhân dân phải đáp ứng các điều kiện theo quy định trên. Xem thêm: MỚI: Vay ngân hàng dưới 100 triệu không bắt buộc có phương án sử dụng vốn Mức lãi suất vay Quỹ tín dụng nhân dân hiện nay? Theo khoản 2 Điều 13 Thông tư 39/2016/TT-NHNN được sửa đổi bởi khoản 4 Điều 1 Thông tư 06/2023/TT-NHNN quy định trường hợp khách hàng được tổ chức tín dụng đánh giá là có tình hình tài chính minh bạch, lành mạnh, tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận về lãi suất cho vay ngắn hạn bằng đồng Việt Nam nhưng không vượt quá mức lãi suất cho vay tối đa do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quyết định trong từng thời kỳ nhằm đáp ứng một số nhu cầu vốn: - Phục vụ lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn theo quy định của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; - Thực hiện phương án kinh doanh hàng xuất khẩu theo quy định của Luật Thương mại và các văn bản hướng dẫn Luật Thương mại; - Phục vụ kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và quy định của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; - Phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ theo quy định của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ; - Phục vụ kinh doanh của doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao thuộc Danh mục công nghệ cao ưu tiên đầu tư phát triển được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, doanh nghiệp công nghệ cao theo quy định của Luật Công nghệ cao và các văn bản hướng dẫn Luật Công nghệ cao. Mà theo khoản 2 Điều 1 Quyết định 1125/QĐ-NHNN năm 2023, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam theo quy định tại khoản 2 Điều 13 Thông tư 39/2016/TT-NHNN đối với Quỹ tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô áp dụng mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam là 5,0%/năm. Như vậy, Quỹ tín dụng nhân dân và khách hàng thỏa thuận về lãi suất cho vay ngắn hạn bằng đồng Việt Nam nhưng không vượt quá mức lãi suất cho vay tối đa là 5,0%/năm đối với một số nhu cầu vốn nhất định.
Mẫu giấy mượn tiền cá nhân mới nhất 2024
Hiện nay mẫu giấy mượn tiền cá nhân mới nhất hiện nay là mẫu nào? Nếu cho mượn tính lãi thì lãi suất tối đa hợp pháp là bao nhiêu? Có được đòi lại tiền đã cho mượn trước thời hạn không? Mẫu giấy mượn tiền cá nhân mới nhất 2024 Vay, mượn tiền là các giao dịch dân sự. Mà theo Điều 116 Bộ luật Dân sự 2015 quy định giao dịch dân sự là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự. Theo đó, giấy mượn tiền có thể xem là một hợp đồng vay tài sản. Theo Điều 463 Bộ luật Dân sự 2015 quy định hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định. Hiện nay pháp luật không có quy định cụ thể về mẫu hợp đồng vay tài sản, người đọc có thể tham khảo Mẫu giấy mượn tiền cá nhân mới nhất 2024 tại đây: https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/07/25/giay-muon-tien.docx Như vậy, giấy mượn tiền cá nhân là một trong những căn cứ để thiết lập quyền và nghĩa vụ của các bên. Nếu các bên không thực hiện đúng theo thỏa thuận trong giấy mượn tiền thì có thể dùng giấy mượn tiền làm căn cứ để khởi kiện. Tuy nhiên cũng cần lưu ý là giấy mượn tiền phải đáp ứng các điều kiện có hiệu lực theo quy định tại Bộ luật Dân sự 2015. Cá nhân được cho mượn có lãi suất bao nhiêu? Theo Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về lãi suất như sau: - Lãi suất vay do các bên thỏa thuận. + Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. + Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất. + Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực. - Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn. Như vậy, hiện nay cá nhân được cho vay/mượn có lãi với mức lãi suất tối đa là từ 0 - 20%/năm của khoản tiền vay. Nếu cho vay vượt quá mức này thì khi có tranh chấp phần lãi suất vượt quá sẽ vô hiệu. Có được đòi lại tiền đã cho mượn trước thời hạn không? Theo Điều 470 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về thực hiện hợp đồng vay có kỳ hạn - Đối với hợp đồng vay có kỳ hạn và không có lãi thì bên vay có quyền trả lại tài sản bất cứ lúc nào, nhưng phải báo trước cho bên cho vay một thời gian hợp lý, còn bên cho vay chỉ được đòi lại tài sản trước kỳ hạn, nếu được bên vay đồng ý. - Đối với hợp đồng vay có kỳ hạn và có lãi thì bên vay có quyền trả lại tài sản trước kỳ hạn, nhưng phải trả toàn bộ lãi theo kỳ hạn, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác. Như vậy, đối với cho mượn tiền có thời hạn mà không có lãi thì có thể đòi lại tiền cho mượn trước thời hạn nhưng phải được bên mượn đồng ý còn bên mượn có thể trả lại tiền bất cứ lúc nào nhưng phải báo trước với bên cho mượn. Người mượn tiền dùng tiền khác với mục đích mượn đã báo thì được đòi lại không? Theo Điều 467 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về sử dụng tài sản vay như sau: Các bên có thể thỏa thuận về việc tài sản vay phải được sử dụng đúng mục đích vay. Bên cho vay có quyền kiểm tra việc sử dụng tài sản và có quyền đòi lại tài sản vay trước thời hạn nếu đã nhắc nhở mà bên vay vẫn sử dụng tài sản trái mục đích. Như vậy, nếu người mượn tiền dùng tiền khác với mục đích ban đầu để hỏi mượn thì người cho mượn có quyền kiểm tra và đòi lại tiền trước thời hạn nếu như đã nhắc nhở mà bên mượn tiền vẫn làm trái.
Cho vay nặng lãi trong mùa Euro có bị phạt tù không?
Trong những dịp sự kiện lớn như mùa giải Euro, không ít người vì muốn có tiền để cá cược, cá độ đá banh mà tìm đến vay nặng lãi. Vậy những người cho vay nặng lãi trong mùa Euro có bị phạt tù không? Bài viết này sẽ cung cấp thông tin chi tiết về quy định pháp luật về việc cho vay nặng lãi và mức xử phạt liên quan. Cho vay nặng lãi là cho vay tiền với lãi suất cao hơn mức lãi suất tối đa do pháp luật quy định. Đây là hành vi vi phạm pháp luật và có thể bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự tùy theo mức độ vi phạm. (1) Lãi suất bao nhiêu thì được xem là cho vay nặng lãi? Căn cứ khoản 1 Điều 2 Nghị quyết 01/2021/NQ-HĐTP quy định như sau: “Cho vay lãi nặng” là trường hợp bên cho vay cho bên vay vay tiền với mức lãi suất gấp 05 lần trở lên mức lãi suất cao nhất quy định tại khoản 1 Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015. Trường hợp cho vay bằng tài sản khác (không phải là tiền) thì khi giải quyết phải quy đổi giá trị tài sản đó thành tiền tại thời điểm chuyển giao tài sản vay. Theo Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015 đề cập mức lãi suất như sau: Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất. Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực. Như vậy, hành vi cho vay nặng lãi là việc cho vay tiền với mức lãi suất gấp 05 lần mức lãi suất cao nhất theo quy định BLDS năm 2015. Các bên được phép thỏa thuận về lãi suất vay nhưng không được vượt quá 20%/ năm khoản tiền vay. Xem thêm bài: Cá độ bóng đá mùa Euro qua mạng bị xử phạt thế nào? (2) Cho vay nặng lãi trong mùa Euro có bị phạt tù không? Hành vi cho vay nặng lãi trong mùa Euro là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy theo tính chất, mức độ mà mức xử phạt sẽ khác nhau. Xử phạt hành chính Căn cứ theo quy định tại điểm d, đ khoản 4 Điều 12 Nghị định 144/2021/NĐ-CP người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây thì có thể bị phạt tiền từ 10 -20 triệu đồng: - Hành vi kinh doanh dịch vụ cầm đồ cho vay tiền có cầm cố tài sản nhưng lãi suất cho vay vượt quá tỷ lệ lãi suất theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015. - Không đăng ký ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự mà cho vay tiền có cầm cố tài sản hoặc không cầm cố tài sản nhưng lãi suất cho vay vượt quá tỷ lệ lãi suất theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015. Mức phạt tiền quy định tại Chương II Nghị định 144/2021/NĐ-CP là mức phạt được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân căn cứ theo khoản 2 Điều 4 Nghị định 144/2021/NĐ-CP Bên cạnh việc bị phạt tiền, người cho vay nặng lãi trong mùa Euro còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được đối với hành vi cho vay lãi vượt mức quy định theo điểm a khoản 7 Điều 12 Nghị định 144/2021/NĐ-CP. Truy cứu trách nhiệm hình sự Việc cho vay nặng lãi trong mùa Euro có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự được quy định tại Điều 201 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) như sau: - Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật dân sự 2015, thu lợi bất chính từ 30 -100 triệu đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50 - 200 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm. - Phạm tội mà thu lợi bất chính 100 triệu đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 200 triệu - 01 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. - Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30 -100 triệu, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 - 05 năm. Bên cạnh đó, Điều 6 Nghị quyết 01/2021/NQ-HĐTP hướng dẫn Điều 201 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 về việc xác định số tiền thu lợi bất chính để xử lý trách nhiệm hình sự như sau: - Trường hợp cho vay lãi nặng đã hết thời hạn vay theo thỏa thuận thì số tiền thu lợi bất chính để xác định trách nhiệm hình sự bao gồm tiền lãi và các khoản thu trái pháp luật khác mà người vay phải trả cho người cho vay sau khi trừ đi số tiền lãi tương ứng với mức lãi suất cao nhất theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015 trong cả kỳ hạn vay. - Trường hợp cho vay lãi nặng chưa hết thời hạn vay theo thỏa thuận mà bị phát hiện thì số tiền thu lợi bất chính để xác định trách nhiệm hình sự bao gồm tiền lãi và các khoản thu trái pháp luật khác mà người vay phải trả cho người cho vay sau khi trừ đi số tiền lãi tương ứng với mức lãi suất cao nhất theo quy định của Bộ luật dân sự 2015 tính đến thời điểm cơ quan có thẩm quyền phát hiện và ngăn chặn. Trường hợp bên vay đã trả tiền lãi trước hạn và các khoản thu trái pháp luật khác thì số tiền thu lợi bất chính để xác định trách nhiệm hình sự bao gồm tiền lãi và các khoản thu trái pháp luật khác mà người vay thực tế đã trả cho người cho vay sau khi trừ đi số tiền lãi tương ứng với mức lãi suất cao nhất theo quy định của Bộ luật dân sự 2015. Tóm lại, việc cho vay nặng lãi trong mùa Euro là hành vi vi phạm pháp luật và sẽ bị xử phạt theo quy định. Người vi phạm không chỉ bị xử phạt hành chính mà còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự. Tùy theo tính chất, mức độ hành vi mà mức xử phạt sẽ khác nhau. Xem thêm bài Lịch thi đấu Euro 2024 file excel đầy đủ nhất? Xem và tải lịch thi đấu Euro 2024 file excel đầy đủ nhất:https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/06/15/uefa_euro_2024.xlsx
Hiện nay cá nhân được cho vay mức lãi suất tối đa là bao nhiêu?
Pháp luật không cho phép hoạt động cho vay nặng lãi. Vậy hiện nay mức lãi suất tối đa mà cá nhân được cho vay là bao nhiêu? Cho vay quá mức đó mà bị giật thì có đòi được không? Cá nhân có được thực hiện hoạt động cho vay tính lãi không? Theo Điều 105 Bộ luật Dân sự 2015 quy định tài sản bao gồm: - Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản. - Tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai. Đồng thời, Điều 463 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về hợp đồng vay tài sản như sau: Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định. Như vậy, tiền cũng là một loại tài sản, theo đó cá nhân sẽ được phép cho vay tiền và lấy lãi. Tuy nhiên, phải đáp ứng điều kiện có hiệu lực của hợp đồng vay tài sản và nằm trong mức lãi mà pháp luật quy định. Hiện nay cá nhân được cho vay mức lãi suất tối đa là bao nhiêu? Mức lãi suất cho vay tối đa Theo Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về lãi suất vay như sau: - Lãi suất vay do các bên thỏa thuận. + Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. + Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất. + Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực. - Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Bộ luật Dân sự 2015 tại thời điểm trả nợ. Như vậy, mức lãi suất cho vay cá nhân hiện nay là tối đa 20% khoản tiền vay/năm. Nếu cho vay với mức lãi suất quá quy định nhưng bị giật nợ thì có kiện đòi được không? Theo Điều 280 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về thực hiện nghĩa vụ trả tiền như sau: - Nghĩa vụ trả tiền phải được thực hiện đầy đủ, đúng thời hạn, đúng địa điểm và phương thức đã thỏa thuận. - Nghĩa vụ trả tiền bao gồm cả tiền lãi trên nợ gốc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Đồng thời, như đã phân tích ở phần trên, trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực. Như vậy, người cho vay với mức lãi suất cao hơn quy định thì chỉ được đòi lại khoản tiền gốc và phần lãi trong mức quy định (20% khoản tiền vay/năm). Cho vay nặng lãi bị xử lý thế nào? Xử phạt hành chính Theo quy định tại Điểm đ, Khoản 4 Điều 12 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm các quy định về quản lý ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự như sau: Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: - Kinh doanh dịch vụ cầm đồ cho vay tiền có cầm cố tài sản nhưng lãi suất cho vay vượt quá tỷ lệ lãi suất theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015; - Không đăng ký ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự mà cho vay tiền có cầm cố tài sản hoặc không cầm cố tài sản nhưng lãi suất cho vay vượt quá tỷ lệ lãi suất theo quy định của Bộ luật Dân sự. Đồng thời, theo khoản 2 Điều 4 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định mức phạt tiền này là mức phạt được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân. Như vậy, nếu cá nhân cho vay với mức lãi suất quá 20%/năm của khoản tiền vay thì sẽ bị xử phạt từ 10 - 20 triệu đồng, tổ chức sẽ bị phạt 20 - 40 triệu đồng. Xử lý hình sự Theo Điều 201 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi điểm i khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự như sau: - Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm. - Phạm tội mà thu lợi bất chính 100.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. - Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. Như vậy, nếu cho vay với lãi suất cao vượt quá mức xử phạt hành chính thì người cho vay sẽ bị xử lý hình sự. Theo đó, người cho vay nặng lãi sẽ bị phạt tiền từ 50 - 200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Ngân hàng có cho vay tín chấp không? Cách tính lãi suất vay tín chấp?
Vay tín chấp là một phương thức cho vay của các công ty tài chính, không yêu cầu dùng tài sản bảo đảm. Công ty tài chính sẽ xét duyệt khoản vay dựa vào uy tín và mức thu nhập, lịch sử tín dụng của người vay. Như vậy, ngân hàng có cho vay tín chấp không? Cách tính lãi suất vay tín chấp? Ngân hàng có cho vay tín chấp không? Hiện nay pháp luật không có quy định định nghĩa về vay tín chấp. Tuy nhiên, ta có thể hiểu vay tín chấp là hình thức cho vay của ngân hàng hoặc tổ chức tài chính không yêu cầu tài sản thế chấp (vay không thế chấp). Thay vào đó, khoản vay được đảm bảo bằng độ uy tín, thu nhập, lịch sử tín dụng,... của cá nhân hoặc doanh nghiệp vay. Vay tín chấp chủ yếu được áp dụng cho các khoản vay tiêu dùng. Trong đó, tại khoản 1 Điều 3 Thông tư số 43/2016/TT-NHNN quy định: - Cho vay tiêu dùng là việc công ty tài chính cho vay bằng đồng Việt Nam đối với khách hàng là cá nhân nhằm đáp ứng nhu cầu vốn mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng của khách hàng, gia đình của khách hàng đó với tổng dư nợ cho vay tiêu dùng đối với một khách hàng tại công ty tài chính đó không vượt quá 100.000.000 đồng. - Mức tổng dư nợ quy định tại khoản này không áp dụng đối với cho vay tiêu dùng để mua ôtô và sử dụng ôtô đó làm tài sản bảo đảm cho chính khoản vay đó theo quy định của pháp luật. Vậy, ngân hàng có hoạt động cho vay tín chấp. Có thể kể đến một số ngân hàng với các hạn mức vay tín chấp như sau: - Agribank: Hạn mức vay cao lên đến 30 triệu đồng tương đương 12 lần thu nhập hàng tháng đối với gói vay tiêu dùng tín chấp và hạn mức vay 100 triệu đồng đối với gói vay thấu chi. - BIDV: + Đối với gói vay tiêu dùng tín chấp BIDV: Hạn mức vay hỗ trợ rất cao lên tới 500 triệu đồng với lãi suất khoảng 11,9%/năm. Để được vay với gói vay này, khách hàng phải có thu nhập từ 7 triệu đồng/tháng trở lên. + Gói thấu chi tín chấp BIDV: Hạn mức thấp, lên tới 100 triệu đồng lãi suất 11,9%/năm dành cho khách hàng có thu nhập kiều hối trên 7 triệu đồng/tháng. - Vietcombank: Hạn mức lớn lên đến 1 tỷ đồng. - MB Bank: Hạn mức đa dạng, lên đến 500 triệu đồng. Lưu ý: các thông tin được ghi nhận trên website của ngân hàng, tùy từng thời điểm và chính sách mà các ngân hàng sẽ có thay đổi. Người đọc có thể liên hệ trực tiếp với ngân hàng để có thông tin chính xác và cụ thể nhất cho trường hợp của mình. Cách tính lãi suất vay tín chấp? Hiện nay, có 2 cách tính lãi suất vay ngân hàng phổ biến là tính trên dư nợ gốc và tính trên dư nợ giảm dần. Tính lãi vay tín chấp dựa trên dư nợ gốc Lãi suất trên dư nợ gốc được tính trên khoản tiền gốc mà quý khách vay ban đầu cho suốt quá trình vay. Như vậy, mỗi tháng khách hàng phải trả cho ngân hàng một khoản tiền được tính như sau: Tiền trả ngân hàng hàng tháng = tiền gốc cố định hàng tháng + tiền lãi cố định hàng tháng Ví dụ: Khách hàng vay tín chấp 50.000.000 đồng, thời hạn vay 12 tháng, lãi suất cho vay 14%/năm, lãi suất tính trên dư nợ gốc. Như vậy: - Tiền gốc cố định hàng tháng: 50.000.000/12 = 4.167.000 (đồng) - Tiền lãi cố định hàng tháng: 50.000.000 x (14%/12) = 583.000 (đồng) - Tiền trả ngân hàng hàng tháng: 4.167.000 + 583.000 = 4.750.000 (đồng) Tính lãi vay tín chấp dựa trên dư nợ giảm dần Ở hình thức này, tiễn lãi hàng tháng được tính dựa trên dư nợ còn lại. Như vậy, mỗi tháng khách hàng phải trả ngân hàng một khoản được tính như sau: Tiền trả ngân hàng hàng tháng = tiền gốc cố định hàng tháng + tiền lãi tính trên dư nợ còn lại Ví dụ: Khách hàng vay tín chấp 50.000.000 đồng, thời hạn vay 12 tháng, lãi suất cho vay 14%/năm, lãi suất tính trên dư nợ giảm dần. Như vậy, tiền gốc cố định hàng tháng phải trả là 50.000.000/12 = 4.167.000 (đồng). - Tháng thứ nhất, khách hàng phải trả thêm số tiền lãi là: 50.000.000 x (14%/12) = 583.000 (đồng) - Tháng thứ hai, khách hàng phải trả thêm số tiền lãi là: (50.000.000 - 4.167.000) x (14%/12) = 535.000 (đồng) - Tháng thứ ba, khách hàng phải trả thêm số tiền lãi là: (50.000.000 - 4.167.000 - 4.167.000) x (14%/12) = 486.000 (đồng) Ưu, nhược điểm của vay tín chấp? Ưu điểm - Không yêu cầu tài sản thế chấp: Do đó, dù không có tài sản khách hàng vẫn có thể làm thủ tục vay. - Hồ sơ và thủ tục đơn giản: Chỉ gồm hồ sơ nhân thân và chứng minh thu nhập cá nhân. - Giải ngân nhanh: Chỉ cần hoàn thiện và nộp đầy đủ hồ sơ vay ngay từ ban đầu là trong vòng 1-2 ngày sau khách hàng đã có thể nhận được tiền vay. - Khoản tiền vay được hỗ trợ hình thức trả góp và lãi suất được tính giảm dần theo số dư nợ hàng tháng, điều này không tạo nhiều áp lực cho khách hàng. Nhược điểm - Lãi suất vay tín chấp cao hơn rất nhiều so với lãi suất vay các sản phẩm khác. - Do tính đơn giản và nhanh chóng dẫn tới nảy sinh tâm lý vay dễ, tiêu dùng nhiều hơn và dẫn tới không có khả năng chi trả. - Nếu như khách hàng vay không trả nợ đúng hạn hoặc mất khả năng chi trả sẽ làm xấu lịch sử tín dụng, điểm tín dụng thấp và có thể bị ngân hàng kiện. - Khách hàng muốn thanh toán khoản vay trước hạn cũng sẽ phải chịu mức phí phạt từ vài % tùy theo chính sách ngân hàng đối với số tiền trả trước thời hạn thanh lý hợp đồng. Chính vì vậy, người dùng cần tìm hiểu kỹ các hình thức vay, cân đối tài chính, lựa chọn ngân hàng phù hợp, khả năng trả nợ của bản thân cũng như cẩn trọng với các điều khoản trong hợp đồng trước khi vay tín chấp.
Phân biệt vay ngắn hạn, trung hạn, dài hạn ngân hàng
Ngân hàng ngoài hoạt động nhận tiền gửi còn thực hiện các hoạt động khác như cho vay, dịch vụ thanh toán, góp vốn, mua cổ phần,... Vậy, vay ngắn hạn, trung hạn, dài hạn tại ngân hàng có gì khác nhau? Bài viết sau đây sẽ giải đáp thắc mắc trên. Các ngân hàng nào được thực hiện hoạt động cho vay? Cho vay là gì? Theo Khoản 1 Điều 2 Thông tư 39/2016/TT-NHNN quy định cho vay là hình thức cấp tín dụng, theo đó tổ chức tín dụng giao hoặc cam kết giao cho khách hàng một khoản tiền để sử dụng vào mục đích xác định trong một thời gian nhất định theo thỏa thuận với nguyên tắc có hoàn trả cả gốc và lãi. Các ngân hàng được thực hiện hoạt động cho vay Theo Khoản 2 Điều 2 Thông tư 39/2016/TT-NHNN, tổ chức tín dụng cho vay là tổ chức tín dụng được thành lập và hoạt động theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng, bao gồm: - Ngân hàng thương mại; - Ngân hàng hợp tác xã; - Tổ chức tín dụng phi ngân hàng; - Tổ chức tài chính vi mô; - Quỹ tín dụng nhân dân; - Chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Ai là người đi vay? Theo Khoản 3 Điều 2 Thông tư 39/2016/TT-NHNN, khách hàng vay vốn tại tổ chức tín dụng (sau đây gọi là khách hàng) là pháp nhân, cá nhân, bao gồm: - Pháp nhân được thành lập và hoạt động tại Việt Nam, pháp nhân được thành lập ở nước ngoài và hoạt động hợp pháp tại Việt Nam; - Cá nhân có quốc tịch Việt Nam, cá nhân có quốc tịch nước ngoài. Theo Khoản 4, Khoản 5 Điều 2 Thông tư 39/2016/TT-NHNN: - Cho vay phục vụ nhu cầu đời sống là việc tổ chức tín dụng cho vay đối với khách hàng là cá nhân để thanh toán các chi phí cho mục đích tiêu dùng, sinh hoạt của cá nhân đó, gia đình của cá nhân đó. - Cho vay phục vụ hoạt động kinh doanh, hoạt động khác (sau đây gọi là hoạt động kinh doanh) là việc tổ chức tín dụng cho vay đối với khách hàng là pháp nhân, cá nhân nhằm đáp ứng nhu cầu vốn ngoài phục vụ nhu cầu đời sống, bao gồm nhu cầu vốn của pháp nhân, cá nhân đó và nhu cầu vốn của hộ kinh doanh, doanh nghiệp tư nhân mà cá nhân đó là chủ hộ kinh doanh, chủ doanh nghiệp tư nhân. Như vậy, ngân hàng cũng có thể thực hiện hoạt động cho vay. Các ngân hàng này bao gồm ngân hàng thương mại và ngân hàng hợp tác xã. Ngân hàng có mấy loại cho vay? Theo Điều 10 Thông tư 39/2016/TT-NHNN quy định các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có 03 loại cho vay như sau: - Cho vay ngắn hạn là các khoản vay có thời hạn cho vay tối đa 01 (một) năm. - Cho vay trung hạn là các khoản vay có thời hạn cho vay trên 01 (một) năm và tối đa 05 (năm) năm. - Cho vay dài hạn là các khoản vay có thời hạn cho vay trên 05 (năm) năm. Như vậy, ngân hàng sẽ có ba loại cho vay là ngắn hạn, trung hạn, dài hạn. Phân biệt vay ngắn hạn, trung hạn, dài hạn ngân hàng STT Tiêu chí Vay ngắn hạn Vay trung hạn Vay dài hạn 1 Thời hạn cho vay Điều 10 Thông tư 39/2016/TT-NHNN Tối đa 01 (một) năm Trên 01 (một) năm và tối đa 05 (năm) năm Trên 05 (năm) năm 2 Đối tượng vay Điều 2 Thông tư 39/2016/TT-NHNN Cá nhân, pháp nhân Cá nhân, pháp nhân Cá nhân, pháp nhân 3 Mục đích vay Thông thường là vay vì cần vốn gấp Thông thường là vay tiêu dùng tín chấp, vay đầu tư kinh doanh Thông thường là mua nhà, mua bất động sản, kinh doanh sản xuất 4 Rủi ro Ít rủi ro về khả năng thanh toán và chuyển đổi kỳ hạn. Rủi ro cao nếu bị biến động thị trường/hoạt động đầu tư kinh doanh có tiến độ chậm Rủi ro cao vì thời gian nợ kéo dài và có thể chịu lãi suất cao hơn, người vay có thể gặp khó khăn trong việc trả nợ và quản lý tài chính. 5 Hình thức vay Ứng tiền mặt, thẻ tín dụng, vay tiêu dùng ngắn hạn, vay trả góp trực tuyến, vay theo hoá đơn Vay theo dự án đầu tư, vay tín dụng để thuê mua Vay thế chấp, vay cầm cố, vay theo dự án/mức cho vay, vay hợp vốn 6 Lãi suất - Thỏa thuận nhưng không vượt quá mức lãi suất tối đa do Thống đốc NHNN quyết định trong từng thời kỳ (Khoản 4 Điều 1 Thông tư 06/2023/TT-NHNN) - Tối đa hiện nay bằng đồng Việt Nam là 4,0%/năm (Điều 1 Quyết định 1125/QĐ-NHNN năm 2023) - Thỏa thuận về lãi suất cho vay theo cung cầu vốn thị trường, nhu cầu vay vốn và mức độ tín nhiệm của khách hàng - Tùy từng ngân hàng và thời hạn cụ thể mà mức lãi suất có thể dao động từ 6,5 - 11%/năm (Khoản 1 Điều 13 Thông tư 39/2016/TT-NHNN) Thỏa thuận về lãi suất cho vay theo cung cầu vốn thị trường, nhu cầu vay vốn và mức độ tín nhiệm của khách hàng - Tùy từng ngân hàng và thời hạn cụ thể mà mức lãi suất có thể dao động từ 13 - 15%/năm (Khoản 1 Điều 13 Thông tư 39/2016/TT-NHNN) 7 Điều kiện vay Đơn giản, có các điều kiện cơ bản như: - Công dân quốc tịch Việt Nam có độ tuổi trên 18 tuổi trở lên. - Giấy tờ tùy thân (CMND/CCCD/hộ chiếu) còn thời hạn trên 6 tháng. - Không có nợ xấu, lịch sử tín dụng tốt. - Bên cạnh đó, khách hàng có thể sẽ cần đáp ứng những điều kiện cũng như cung cấp một số giấy tờ khác tùy theo quy định của mỗi ngân hàng Ngoài các điều kiện cơ bản, tuỳ theo ngân hàng còn có các điều kiện như: + Có kinh nghiệm sản xuất kinh doanh sản phẩm của dự án. + Vốn chủ sở hữu tham gia đầu tư TSCĐ/dự án. + Có khả năng tài chính bảo đảm trả nợ trong thời hạn cam kết. + Có phương án sản xuất, kinh doanh khả thi, có hiệu quả. Ngoài các điều kiện cơ bản cần: - Đảm bảo đối vật: Là hình thức đảm bảo tín dụng, trong đó tổ chức vay có vai trò là chủ nợ. - Tài sản thế chấp sẽ được sử dụng để gán nợ nếu khách hàng không có khả năng trả nợ. - Thế chấp: Phải có tài sản thế chấp. Điều này đảm bảo khả năng trả nợ của khách hàng đối với ngân hàng. - Hình thức cầm cố: Người vay phải giao tài sản cho đơn vị cho vay để chứng minh, trường hợp không trả được nợ sẽ bán đi và trừ nợ. 8 Thời gian giải ngân Thường 3 - 5 ngày Thường 5 - 10 ngày Thường 10 - 14 ngày Như vậy, có thể nhận thấy vay ngắn hạn có điều kiện vay dễ nhất, lãi suất thấp nhất, rủi ro phát sinh thấp. Tuy nhiên, kỳ hạn vay ngắn hạn lại ngắn hơn các loại vay khác. Vì vậy, tùy thuộc vào nhu cầu mà người khách hàng chọn loại vay phù hợp với mình. Xem thêm: Thẻ ngân hàng không dùng nữa có bị tính phí không? Phân biệt Ngân hàng Nhà nước và ngân hàng thương mại Phí rút tiền thẻ tín dụng của các ngân hàng năm 2024
Phí rút tiền thẻ tín dụng của các ngân hàng năm 2024
Hiện nay có nhiều người có nhu cầu sử dụng thẻ tín dụng nhưng vẫn chưa nắm hết bản chất và cách hoạt động của loại hình này. Vậy, thẻ tín dụng là gì, có giống với thẻ ghi nợ không? Thẻ tín dụng có rút được tiền không? Cách rút tiền tại thẻ tín dụng như thế nào? Phí rút tiền thẻ tín dụng năm 2024 của các ngân hàng là bao nhiêu? Bài viết sau đây sẽ giải đáp các thắc mắc trên. Thẻ tín dụng là gì? Thẻ tín dụng (credit card) là thẻ cho phép chủ thẻ thực hiện giao dịch thẻ trong phạm vi hạn mức tín dụng đã được cấp theo thỏa thuận với tổ chức phát hành thẻ. Theo đó, ngân hàng sẽ cấp cho chủ thẻ một hạn mức giao dịch nhất định dựa trên căn cứ uy tín tín dụng, thu nhập hằng tháng hoặc số tiền ký quỹ, tài sản đảm bảo của chủ thẻ tại ngân hàng. Định kỳ đến một ngày nhất định theo quy định của từng ngân hàng, ngân hàng gửi một bảng kê cụ thể các khoản chi tiêu trong tháng trước đó của chủ thẻ tín dụng và yêu cầu chủ thẻ thanh toán. Chủ thẻ có thể chọn thanh toán số tiền trước thời hạn ghi trong thông báo, khi đó chủ thẻ không phải trả lãi. Nếu không, chủ thẻ có thể lựa chọn trả số tiền tối thiểu, phần còn lại có thể trả từ từ và sẽ bị tính lãi theo quy định của ngân hàng. Như vậy, khi sử dụng thẻ tín dụng người dùng không cần phải nộp tiền vào tài khoản trước mà sẽ ứng trước một số tiền trong hạn mức cho phép rồi sau đó trả lại ngân hàng trong thời hạn và lãi suất theo quy định. Rút tiền thẻ tín dụng là gì? Rút tiền thẻ tín dụng là sử dụng thẻ tín dụng của mình để ứng tiền mặt tại cây ATM hoặc yêu cầu rút tiền qua tổng đài ngân hàng, là khoản tạm vay trong thẻ tín dụng. Thực chất, việc rút tiền từ thẻ tín dụng cũng giống như thực hiện các giao dịch thanh toán online trên thẻ tín dụng, tuy nhiên ngoài lãi suất như thông thường, chủ thẻ sẽ tốn thêm một khoản phí gọi là phí rút tiền. Cần phân biệt rút tiền thẻ tín dụng với rút tiền thẻ ghi nợ. Thẻ ghi nợ hay được gọi là thẻ ATM bởi đây là loại thẻ được sử dụng phổ biến nhất tại các cây ATM. Tuy nhiên, theo cách gọi đúng thì thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ đều là thẻ ATM vì đều có thể giao dịch với các cây ATM. Đồng thời, việc rút tiền từ thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ đều khác nhau: - Rút tiền thẻ tín dụng tức là mình đang ứng trước một số tiền để sử dụng, phải đảm bảo số tiền này nằm trong hạn mức tín dụng, người rút phải trả một khoản phí rút tiền và lãi suất tín dụng theo quy định. - Rút tiền thẻ ghi nợ tức là đang rút số tiền mình đã gửi vào tài khoản ngân hàng của bản thân. Số tiền giao dịch sẽ chỉ được nằm trong khoảng tiền mình đã gửi vào tài khoản, người rút tiền sẽ chỉ chịu phí rút tiền, ngoài ra không chịu khoản chi phí nào khác. Hiện nay, hầu hết các thẻ tín dụng đều cho phép người dùng rút tiền mặt từ các cây ATM hoặc qua tổng đài của ngân hàng.Tùy theo chính sách của ngân hàng mà sẽ có mức phí rút tiền thẻ tín dụng khác nhau. Cách rút tiền từ thẻ tín dụng Có 2 cách rút tiền thẻ tín dụng hiện nay là rút trực tiếp tại các cây ATM hoặc rút qua tổng đài của ngân hàng mở thẻ. Rút tiền thẻ tín dụng tại cây ATM Bước 1: Đưa thẻ tín dụng vào khe đọc thẻ của cây ATM (có thể rút tại cây ATM của ngân hàng phát hành thẻ hoặc ngân hàng có liên kết với ngân hàng phát hành). Bước 2: Nhập mã PIN của thẻ. Bước 3: Lựa chọn ngôn ngữ hiển thị Bước 4: Nhập số tiền mặt cần rút từ thẻ tín dụng. Bước 5: Nhận lại thẻ tín dụng và tiền từ cây ATM. Rút tiền thẻ tín dụng qua tổng đài ngân hàng Bước 1: Liên hệ hotline ngân hàng và yêu cầu rút tiền mặt từ thẻ tín dụng. Bước 2: Cung cấp thông tin thẻ tín dụng, số tài khoản nhận tiền (tài khoản liên kết với thẻ ghi nợ). Bước 3: Số tiền yêu cầu rút được chuyển vào tài khoản thanh toán của thẻ ATM vừa cung cấp. Bước 4: Sử dụng thẻ ATM ngân hàng để rút tiền tại cây ATM. Phí rút tiền thẻ tín dụng các ngân hàng 2024 Rút tiền thẻ tín dụng có tốn phí không? Việc rút tiền tại các ngân hàng phải chịu một số khoản phí nhất định: - Chi phí rút tiền mặt: Khi rút tiền mặt bằng thẻ tín dụng tại các cây ATM sẽ bị tính phí rút tiền. Thông thường, phí rút tiền rơi vào khoảng 2% đến 4% trên tổng số tiền rút cho 1 giao dịch. Vì vậy, số tiền muốn rút càng nhiều thì phí rút tiền càng cao. - Lãi suất rút tiền mặt từ thẻ tín dụng: Khi rút tiền từ thẻ tín dụng, chủ thẻ phải chịu lãi suất rút tiền mặt khá cao (từ 20% - 40%). Tiền lãi bắt đầu tính ngay tại thời điểm rút đến khi hoàn trả cho ngân hàng (bao gồm phí và lãi suất phát sinh). Công thức tính tiền lãi rút tiền mặt: Tiền lãi = Số tiền rút x Lãi suất/365 x Số ngày rút Bảng phí rút tiền thẻ tín dụng 2024 Người đọc có thể tham khảo bảng phí rút tiền thẻ tín dụng các ngân hàng mới nhất năm 2024 dưới đây (tuy nhiên các khoản phí có thể thay đổi tuỳ theo thời điểm và chính sách của ngân hàng, để chắc chắn, người dùng có thể liên hệ đến ngân hàng phát hành thẻ để nắm thông tin) Ngân hàng Mức phí Số tiền rút tối thiểu OCB 2% 100.000đ SCB 3% 60.000đ HDbank 2% 55.000đ Agribank 2% 20.000đ FE Credit 1% 10.000đ Viet Capital Bank Miễn phí Vietcombank 4% 50.000đ VPbank 4% 50.000đ Eximbank 4% 60.000đ Sacombank 4% 60.000đ SHB 4% 60.000đ VIB 4% 60.000đ ACB 4% 100.000đ TPbank 4% 100.000đ Techcombank 4% 100.000đ Lưu ý: Số tiền rút tối thiểu tức là khi rút tiền người dùng phải đảm bảo số tiền rút ra sẽ chịu mức phí từ khoản đó trở lên. Ví dụ: mức phí rút tiền mặt ngân hàng OCB là 2% (tối thiểu 100.000đ/giao dịch) có nghĩa: Khi chủ thẻ rút 2 triệu đồng từ thẻ tín dụng, mức phí rút tiền mặt 2% là 40.000 VND. Tuy nhiên, mức phí tối thiểu theo quy định là 100.000đ/giao dịch. Vậy, chủ thẻ vẫn phải trả số tiền lãi là 100.000đ cho 2 triệu đồng mình đã rút ra. Trên đây là bài viết về phí rút tiền thẻ tín dụng 2024, người đọc có thể tham khảo để nắm được quyền lợi của mình khi tham gia giao dịch thẻ tín dụng tại các ngân hàng. Xem thêm: Thẻ ngân hàng không dùng nữa có bị tính phí không? Kể tên các loại phí phải trả khi sử dụng thẻ tín dụng!
Bộ Công an trả lời về kiến nghị tăng nặng các hình phạt về tội phạm tham nhũng, tín dụng đen, ma túy
Vừa qua, một cử tri đã gửi kiến nghị đến Cổng TTĐT Bộ Công an về vấn việc tăng nặng các hình phạt nghiêm khắc đối với các tội phạm tham nhũng, ma túy, buôn lậu, “tín dụng đen”. Vậy Bộ Công an có câu trả lời như thế nào về vấn đề này? Ngày 14/11/2023, một cử tri đã đề nghị đến Bộ Công an cần ăng nặng các biện pháp chế tài, bảo đảm tính nghiêm khắc và đủ sức răn đe hơn đối với các hành vi vi phạm liên quan đến tham nhũng, ma túy, buôn lậu (thuốc lá,…), tín dụng đen. Theo đó, Bộ Công an trả lời như sau: Theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) mức hình phạt áp dụng đối với các nhóm tội danh cụ thể như sau: Tội phạm về ma túy có 9/13 tội danh có khung hình phạt cao nhất là tù chung thân, tử hình; 03 tội danh có khung hình phạt cao nhất từ 10 đến 15 năm tù giam; 01 tội danh có khung hình phạt cao nhất đến 7 năm tù giam. Tội phạm về tham nhũng, chức vụ có 4/15 tội danh có khung hình phạt cao nhất là tù chung thân, tử hình; 06 tội danh có khung hình phạt cao nhất từ 10 đến 20 năm tù giam; 05 tội danh có khung hình phạt cao nhất từ 5 đến 7 năm tù giam. Tội phạm buôn lậu, khung hình phạt cao nhất là 20 năm tù. Tội phạm, vi phạm pháp luật hoạt động liên quan “tín dụng đen”: căn cứ hành vi, tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi vi phạm..., các cơ quan tư pháp có thể xử lý hình sự về tội giết người, cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng, cưỡng đoạt tài sản, cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản... Theo đó, nhiều tội danh có mức hình phạt nghiêm khắc như tù chung thân hoặc tử hình (tội giết người), tù chung thân (tội cố ý gây thương tích), 20 năm tù (tội cưỡng đoạt tài sản)... Như vậy, có thể khẳng định tội phạm tham nhũng, ma túy, buôn lậu, “tín dụng đen” phải chịu các hình phạt rất nghiêm khắc của Bộ luật Hình sự. Hình phạt trong các vụ án cụ thể, các cơ quan tố tụng căn cứ quy định của pháp luật, hành vi, tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi vi phạm, nhân thân người phạm tội, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự... để xem xét, quyết định. Trên đây là câu trả lời của Bộ Công an về việc có hay không tăng nặng các hình phạt đối với tội phạm tham nhũng, ma túy, buôn lậu, “tín dụng đen”. Tham khảo: Trong trường hợp nào, người phạm tội vận chuyển trái phép chất ma túy đối diện với án tử hình? Căn cứ tại khoản 4 Điều 250 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bởi khoản 67 Điều 1 Luật sửa đổi bổ sung Bộ luật Hình sự 2017 quy định: Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình: - Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng 05 kilôgam trở lên; - Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng 100 gam trở lên; - Lá cây côca; lá khát (lá cây Catha edulis); lá, rễ, thân, cành, hoa, quả của cây cần sa hoặc bộ phận của cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định có khối lượng 75 kilôgam trở lên; - Quả thuốc phiện khô có khối lượng 600 kilôgam trở lên; - Quả thuốc phiện tươi có khối lượng 150 kilôgam trở lên; - Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng 300 gam trở lên; - Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích 750 mililit trở lên; - Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm trên. Xử phạt đối với hoạt động tín dụng đen Phạt vi phạm hành chính Căn cứ tại điểm đ khoản 4 Điều 12 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định phạt vi phạm như sau: Phạt tiền từ 10-20 triệu đồng đối với hành vi không đăng ký ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự mà cho vay tiền có cầm cố tài sản hoặc không cầm cố tài sản nhưng lãi suất cho vay vượt quá tỷ lệ lãi suất theo quy định của Bộ luật Dân sự. Như vậy tại điểm đ quy định lãi suất cho vay vượt quá tỷ lệ lãi suất theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015 sự sẽ chịu phạt vi phạm phạt tiền từ 10-20 triệu đồng. Ngoài ra tại điểm a khoản 7 Điều 12 12 Nghị định 144/2021/NĐ-CP thì vi phạm sẽ phải buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được đối với hành vi cho vay lãi vượt mức quy định. Truy cứu trách nhiệm hình sự Căn cứ tại Điều 201 Bộ luật Dân sự 2015 được sửa đổi bởi điểm i khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định về tội cho vay nặng lãi như sau: - Đối tượng nào mà cho vay với mức lãi suất gấp 5 lần trở lên so với mức quy định tại Bộ luật dân sự tức là 100% mức lãi suất thu lợi bất chính từ 30-100 triệu đồng hoặc dưới 30 triệu nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50-200 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm. - Phạm tội mà thu lợi bất chính 100 triệu đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 200 triệu-1 tỉ đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. - Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30-100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01-05 năm. Xem bài viết liên quan: Người nghiện ma túy có phải là tội phạm không? Phân biệt tội phạm vận chuyển ma túy và tàng trữ trái phép chất ma túy Mua bán, vận chuyển bao nhiêu ma túy thì sẽ đối diện với mức án tử hình? Nhận diện tín dụng đen và mức xử phạt vi phạm
Giấy cầm đồ có giá trị pháp lý không? Không ghi lãi suất thì có được tính lãi không?
Cầm đồ không còn quá xa lạ đối với chúng ta, nhiều thắc mắc của người dân xoay quanh vấn đề này như: giấy cầm đồ có giá trị pháp lý không? Không ghi lãi suất trên giấy cầm đồ thì có được tính lãi không? Bài viết sẽ cung cấp một số thông tin liên quan đến vấn đề này. Cầm đồ là cầm cố tài sản tại cửa hàng cầm đồ để giao kết hợp đồng vay tiền. Đây là phương thức bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, theo đó người cầm đồ giao tài sản cho hiệu cầm đồ để được vay một số tiền nhất định. Việc cầm cố tài sản tại cửa hàng cầm đồ được thực hiện theo quy định của Bộ luật dân sự và các văn bản pháp luật khác của cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định về hoạt động của cửa hàng cầm đồ. Vậy giấy cầm đồ có giá trị pháp lý hay không? Giấy cầm đồ có giá trị pháp lý không? Căn cứ tại Điều 401 Bộ Luật Dân sự 2015 quy định về tính hiệu lực của hợp đồng, quyền và nghĩa vụ của bên cầm cố và bên nhận cầm cố như sau: Hợp đồng được giao kết hợp pháp có hiệu lực từ thời điểm giao kết, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật liên quan có quy định khác. Từ thời điểm hợp đồng có hiệu lực, các bên phải thực hiện quyền và nghĩa vụ đối với nhau theo cam kết. Hợp đồng chỉ có thể bị sửa đổi hoặc hủy bỏ theo thỏa thuận của các bên hoặc theo quy định của pháp luật. Như vậy, giấy cầm đồ là một hợp đồng giao kết có hiệu lực pháp lý kể từ thời điểm giao kết. Bên cầm đồ và bên nhận cầm đồ phải thực hiện quyền và nghĩa vụ theo Bộ luật dân sự 2015 về cầm cố tài sản như cam kết trong giấy cầm đồ. Nếu giấy cầm đồ không ghi lãi suất thì có được tính lãi không? Căn cứ tại khoản 1 Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về Lãi suất như sau: Lãi suất vay do các bên thỏa thuận. Đồng thời, theo Bộ luật dân sự 2015, công nhận hợp đồng bằng lời nói, có thể trao đổi trực tiếp hay gián tiếp qua điện thoại. (căn cứ tại khoản 3 Điều 394 Bộ Luật Dân sự 2015) Như vậy, không phụ thuộc có ghi hay không lãi suất trong giấy cầm đồ, lãi suất sẽ được thỏa thuận bởi bên cầm đồ và bên nhận cầm đồ và phù hợp với quy định của pháp luật. Lãi suất cầm đồ theo quy định pháp luật hiện nay là bao nhiêu? Căn cứ tại Điều 29 Nghị định 96/2016/NĐ-CP quy định về lãi suất cầm đồ như sau: Tỷ lệ lãi suất vay tiền thông qua dịch vụ cầm đồ để cầm cố tài sản, sẽ không được vượt quá tỷ lệ lãi suất mà Bộ luật dân sự quy định. Theo đó, căn cứ tại Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015: Lãi suất khi vay tiền sẽ do các bên tự nguyện thỏa thuận với nhau, nhưng không vượt quá 20% trên một năm của khoản tiền vay đó, trừ trường hợp luật có quy định khác. - Nếu các bên tự thỏa thuận lãi suất, nhưng vượt quá lãi suất giới hạn mà luật quy định thì mức lãi suất vượt sẽ không có hiệu lực. - Nếu các bên dù có thỏa thuận về trả lãi vay, tuy nhiên không có sự xác định rõ mức lãi suất là bao nhiêu phần trăm và có tranh chấp xảy ra, thì lãi suất sẽ xác định bằng 50% mức lãi suất luật quy định tại thời điểm trả nợ.
Mẫu hợp đồng cho vay tiền giữa các cá nhân mới nhất 2023
Vay tiền là hình thức giao dịch trả lãi nhằm vay mượn một khoản tiền lớn. Người vay có thể vay tiền qua ngân hàng, tổ chức tín dụng hoặc vay tiền giữa các cá nhân. Tuy nhiên, khi vay tiền giữa cá nhân với nhau vẫn cần phải được lập thành hợp đồng để đảm bảo tính chất pháp lý để tránh gặp phải những rủi ro không mong muốn. 1. Hợp đồng vay tiền được quy định ra sao? Căn cứ Điều 463 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định. Theo đó, bên cho vay phải có nghĩa vụ giao đủ số tiền mà hai bên thỏa thuận cho bên vay tại địa điểm và theo thời gian đã thỏa thuận. Ngoài ra, bên cho vay không được yêu cầu bên vay phải trả lại tiền trước thời hạn trừ phi có thỏa thuận hoặc: - Với Hợp đồng vay có kỳ hạn và không có lãi: Bên vay có thể trả lại tiền vay cho bên kia bất cứ lúc nào nhưng phải báo trước; Bên cho vay được đòi lại tiền nếu được bên vay đồng ý; - Với Hợp đồng vay có kỳ hạn và có lãi: Bên vay có quyền trả lại tiền vay trước kỳ hạn nhưng phải trả toàn bộ lãi theo kỳ hạn. tải Hợp đồng vay mới nhất 2023 2. Lãi suất cho vay trong hợp đồng cho vay của cá nhân quy định thế nào? Lãi suất trong hợp đồng vay sẽ phụ thuộc vào thỏa thuận giữa các bên, tuy nhiên không được vượt quá mức lãi suất tối đa mà Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015 quy định. - Lãi suất vay do các bên thỏa thuận: + Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. + Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất. + Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực. - Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015 tại thời điểm trả nợ. Lưu ý: Trường hợp mà các bên có thỏa thuận về lãi suất vượt quá 20%/năm thì hợp đồng này sẽ không có hiệu lực thậm chí lãi nặng còn có thể chịu trách nhiệm hình sự. 3. Nghĩa vụ của bên cho vay và bên trả nợ (1) Nghĩa vụ của bên cho vay - Giao tài sản cho bên vay đầy đủ, đúng chất lượng, số lượng vào thời điểm và địa điểm đã thỏa thuận. - Bồi thường thiệt hại cho bên vay, nếu bên cho vay biết tài sản không bảo đảm chất lượng mà không báo cho bên vay biết, trừ trường hợp bên vay biết mà vẫn nhận tài sản đó. - Không được yêu cầu bên vay trả lại tài sản trước thời hạn, trừ trường hợp quy định tại Điều 470 Bộ luật Dân sự 2015 hoặc luật khác có liên quan quy định khác. (2) Nghĩa vụ trả nợ của bên vay - Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. - Trường hợp bên vay không thể trả vật thì có thể trả bằng tiền theo trị giá của vật đã vay tại địa điểm và thời điểm trả nợ, nếu được bên cho vay đồng ý. - Địa điểm trả nợ là nơi cư trú hoặc nơi đặt trụ sở của bên cho vay, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. - Trường hợp vay không có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả nợ hoặc trả không đầy đủ thì bên cho vay có quyền yêu cầu trả tiền lãi với mức lãi suất theo quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015 trên số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác. - Trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi như sau: + Lãi trên nợ gốc theo lãi suất thỏa thuận trong hợp đồng tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả; trường hợp chậm trả thì còn phải trả lãi theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015. + Lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả bằng 150% lãi suất vay theo hợp đồng tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Tiếp tục giảm lãi suất cho vay tối thiểu từ 1,5 - 2%/năm hỗ trợ phục hồi kinh tế
Ngày 14/8/2023 NHNN Việt Nam đã có Công văn 6385/NHNN-CSTT năm 2023 về việc giảm lãi suất cho vay, theo đó tiếp tục giảm lãi suất cho vay tối thiểu từ 1,5 - 2%/năm hỗ trợ phục hồi kinh tế. (1) Căn cứ thực hiện giảm lãi suất cho vay tối thiểu - Cụ thể, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại Nghị quyết 97/NQ-CP năm 2023. - Nghị quyết 105/NQ-CP năm 2023 về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, siết chặt kỷ luật, kỷ cương. - Nghị quyết 124/NQ-CP năm 2023 phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7 năm 2023. (2) Các ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất cho vay từ 1,5 - 2%/năm Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nhà nước (TCTD) thực hiện một số nội dung sau: - TCTD tiếp tục thực hiện các giải pháp để giảm mặt bằng lãi suất, nhất là giảm lãi suất cho vay đối với các khoản cho vay đang còn dư nợ hiện hữu và các khoản cho vay mới (phấn đấu mức giảm lãi suất tối thiểu từ 1,5-2%/năm) theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh. - TCTD gửi các báo cáo lãi suất cho vay, cụ thể: + Báo cáo cam kết giảm lãi suất cho vay trong năm 2023 đối với các khoản cho vay đang còn dư nợ hiện hữu (theo Biểu 1 đính kèm) và các khoản cho vay mới gửi NHNN trước ngày 25/8/2023; + Báo cáo kết quả thực hiện cam kết giảm lãi suất cho vay trong năm 2023 đối với các khoản cho vay đang còn dư nợ hiện hữu (theo Biểu 2 đính kèm) và các khoản cho vay mới gửi NHNN trước ngày 08/01/2024. (3) Mức lãi suất cho vay tại các ngân hàng hiện nay Căn cứ Điều 1 Quyết định 1125/QĐ-NHNN năm 2023 quy định mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam theo quy định tại khoản 2 Điều 13 Thông tư 39/2016/TT-NHNN như sau: - Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (trừ Quỹ tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô) áp dụng mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam là 4,0%/năm. - Quỹ tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô áp dụng mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam là 5,0%/năm. Chi tiết Công văn 6385/NHNN-CSTT năm 2023 ban hành ngày 14/8/2023.
Chính phủ tiếp tục cho phép giảm lãi suất cho vay ít nhất từ 1,5 - 2%
Đây là nội dung đáng chú ý tại Nghị quyết 97/NQ-CP năm 2023 được ban hành bởi Chính phủ ngày 08/7/2023 về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 năm 2023 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương. Theo đó, Chính phủ giao các bộ, cơ quan ngang bộ phối hợp với cơ quan, địa phương thực hiện tiếp tục giảm lãi suất cho vay cho người dân như sau: (1) Quyết liệt để giảm mặt bằng lãi suất, nhất là giảm lãi suất cho vay - Tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ, quyết liệt để giảm mặt bằng lãi suất, nhất là giảm lãi suất cho vay (phấn đấu giảm ít nhất khoảng từ 1,5 - 2%) nghiên cứu, thực hiện áp dụng đối với cả khoản vay mới và đang còn dư nợ. - Xác định hạn mức tăng trưởng tín dụng phù hợp với tình hình thực tiễn (cả năm khoảng 13 - 15%, trường hợp thuận lợi thì có thể tăng cao hơn) và công bố ngay bằng biện pháp, hình thức phù hợp, hiệu quả chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng thương mại đến hết năm 2023, bảo đảm đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế. - Rà soát các điều kiện, tiêu chí cho vay để điều chỉnh phù hợp, thuận lợi hơn cho người vay, bảo đảm tăng khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp, người dân. - Tập trung, khẩn trương xử lý các ngân hàng thương mại yếu kém, bảo đảm thanh khoản, an toàn hệ thống, chú trọng xử lý nợ xấu; có các giải pháp hiệu quả đẩy mạnh triển khai thực hiện gói tín dụng 40 nghìn tỷ đồng hỗ trợ lãi suất và 120 nghìn tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội. (2) Khẩn trương sửa đổi các quy định ban hành khung giá đất - Khẩn trương hoàn thành việc kiểm tra, đánh giá việc triển khai kế hoạch sử dụng đất của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội vào kỳ họp tới. - Đẩy nhanh các thủ tục trong khai thác vật liệu xây dựng theo đúng yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện 573/CĐ-TTg năm 2023; theo dõi, đôn đốc các địa phương thực hiện đúng hướng dẫn của Bộ TN&MT, không đặt thêm các điều kiện, yêu cầu, thủ tục hành chính, gây khó khăn cho nhà thầu. - Nghiên cứu, đề xuất việc sửa đổi các quy định liên quan của pháp luật, nhất là Luật Khoáng sản 2010 để tạo thuận lợi cho việc cấp phép, khai thác đất, đá làm vật liệu san lấp, phù hợp mục đích sử dụng và đáp ứng yêu cầu thực tế, phục vụ xây dựng các công trình giao thông. - Khẩn trương hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 44/2014/NĐ-CP quy định về giá đất theo đúng chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 74/NQ-CP năm 2023. (3) Thực hiện nhiều chính sách an sinh xã hội trong tháng 7 năm 2023 - Thực hiện hiệu quả các chính sách ưu đãi người có công, bảo trợ xã hội, chính sách an sinh xã hội, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. - Kịp thời điều tiết cung cầu lao động. - Chủ động có phương án hỗ trợ người lao động gặp khó khăn. - Khẩn trương nghiên cứu, trình Chính phủ trong tháng 7 năm 2023 Nghị định sửa đổi Nghị định 152/2020/NĐ-CP về quản lý lao động nước ngoài. - Tổ chức các hoạt động ý nghĩa, thiết thực tri ân, đền ơn đáp nghĩa nhân dịp 76 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ. - Xây dựng kế hoạch đào tạo nghề chất lượng cao trình Chính phủ trong tháng 8 năm 2023. (4) Bộ Công an chủ động đấu tranh đối với các thế lực thù địch - Chủ động nắm tình hình, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động. - Bảo vệ tuyệt đối an toàn các mục tiêu, công trình trọng điểm, các sự kiện chính trị, văn hóa, xã hội quan trọng của đất nước, trọng tâm là Quốc khánh 2/9, Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII, Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV và các đoàn khách, hội nghị quốc tế tổ chức tại Việt Nam. - Tập trung trấn áp các loại tội phạm và tệ nạn xã hội, góp phần xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh. - Chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng tiếp tục rà soát xong trước ngày 31/7/2023 các dự án, công trình hiện hữu đang gặp khó khăn, vướng mắc về điều kiện, quy định phòng cháy, chữa cháy để hướng dẫn kịp thời các giải pháp khắc phục giúp người dân, doanh nghiệp sớm ổn định sản xuất, kinh doanh. Xem thêm Nghị quyết 97/NQ-CP năm 2023 ban hành ngày 08/7/2023.
10 nhu cầu vay vốn không được ngân hàng cho vay
Đây là nội dung tại Thông tư 06/2023/TT-NHNN ngày 28/6/2023 ban hành bởi Thống đốc NHNN Việt Nam sửa đổi Thông tư 39/2016/TT-NHNN về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng. Theo đó, Thông tư 06/2023/TT-NHNN sửa đổi một số quy định mới về hoạt động cho vay của ngân hàng đối với khách hàng như sau: Tổ chức tín dụng không được cho vay đối với các nhu cầu vốn (1) Để thực hiện các hoạt động đầu tư kinh doanh thuộc ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh theo quy định của Luật Đầu tư 2020. (2) Để thanh toán các chi phí, đáp ứng các nhu cầu tài chính của hoạt động đầu tư kinh doanh thuộc ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh theo quy định của Luật Đầu tư 2020 và các giao dịch, hành vi khác mà pháp luật cấm. (3) Để mua, sử dụng các hàng hóa, dịch vụ thuộc ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh theo quy định của Luật Đầu tư 2020. (4) Để mua vàng miếng. (5) Để trả nợ khoản cấp tín dụng tại chính tổ chức tín dụng cho vay, trừ trường hợp cho vay để thanh toán lãi tiền vay phát sinh trong quá trình thi công xây dựng công trình, mà chi phí lãi tiền vay được tính trong tổng mức đầu tư xây dựng được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật. (6) Để trả nợ khoản vay nước ngoài (không bao gồm khoản vay nước ngoài dưới hình thức mua bán hàng hóa trả chậm), khoản cấp tín dụng tại tổ chức tín dụng khác, trừ trường hợp cho vay để trả nợ trước hạn khoản vay đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau: - Thời hạn cho vay không vượt quá thời hạn cho vay còn lại của khoản vay cũ; - Là khoản vay chưa thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ. (7) Để gửi tiền. (8) Đề thanh toán tiền góp vốn, mua, nhận chuyển nhượng phần vốn góp của công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; góp vốn, mua, nhận chuyển nhượng cổ phần của công ty cổ phần chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán hoặc chưa đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch Upcom. (9) Để thanh toán tiền góp vốn theo hợp đồng góp vốn, hợp đồng hợp tác đầu tư hoặc hợp đồng hợp tác kinh doanh để thực hiện dự án đầu tư không đủ điều kiện đưa vào kinh doanh theo quy định của pháp luật tại thời điểm tổ chức tín dụng quyết định cho vay. (10) Để bù đắp tài chính, trừ trường hợp khoản vay đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau: - Khách hàng đã ứng vốn của chính khách hàng để thanh toán, chi trả chi phí thực hiện dự án hoạt động kinh doanh, mà các chi phí thực hiện dự án hoạt động kinh doanh này phát sinh dưới 12 tháng tính đến thời điểm tổ chức tín dụng quyết định cho vay. - Các chi phí đã thanh toán, chi trả bằng vốn của chính khách hàng nhằm thực hiện dự án hoạt động kinh doanh là các chi phí có sử dụng nguồn vốn vay của tổ chức tín dụng theo phương án sử dụng vốn đã gửi tổ chức tín dụng để được xem xét cho vay trung, dài hạn nhằm thực hiện dự án hoạt động kinh doanh đó. (So với hiện hành thì Thông tư 06/2023/TT-NHNN đã bổ sung thêm 4 trường hợp không được ngân hàng cho vay bao gồm vay để gửi tiền, để góp vốn doanh nghiệp chưa niêm yết, hợp tác kinh doanh chưa đủ điều kiện và để bù đắp tài chính). Trường hợp khách hàng được ngân hàng đánh giá có tình hình tài chính minh bạch Trường hợp khách hàng được tổ chức tín dụng đánh giá là có tình hình tài chính minh bạch, lành mạnh, tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận về lãi suất cho vay ngắn hạn bằng đồng Việt Nam nhưng không vượt quá mức lãi suất cho vay tối đa do Thống đốc NHNN Việt Nam quyết định trong từng thời kỳ nhằm đáp ứng một số nhu cầu vốn: - Phục vụ lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn theo quy định của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; - Thực hiện phương án kinh doanh hàng xuất khẩu theo quy định của Luật Thương mại 2005 và các văn bản hướng dẫn. - Phục vụ kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa 2017 và quy định của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. - Phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ theo quy định của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ. - Phục vụ kinh doanh của doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao thuộc Danh mục công nghệ cao ưu tiên đầu tư phát triển được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, doanh nghiệp công nghệ cao theo quy định của Luật Công nghệ cao 2008 và các văn bản hướng dẫn. (Các trường hợp trên đây sẽ được tổ chức tín dụng, ngân hàng xem xét là có tình hình tài chính minh bạch, lành mạnh). Xem thêm Thông tư 06/2023/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 01/9/2023 sửa đổi Thông tư 39/2016/TT-NHNN.
Vẫn tiếp tục giảm mức lãi suất tái cấp vốn còn 4,5% từ ngày 19/6/2023
Ngày 16/6/2023, Ngân hàng Nhà nước ban hành Quyết định 1123/QĐ-NHNN về lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Theo đó, Quyết định 1123/QĐ-NHNN quy định các mức lãi suất của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam như sau: - Lãi suất tái cấp vốn: 4,5%/năm. So với quy định hiện hành, mức lãi suất tái cấp vốn giảm 0,5%. Tại Quyết định 950/QĐ-NHNN là 5,0%/năm. - Lãi suất tái chiết khấu: 3,0%/năm. So với quy định hiện hành, mức lãi suất tái chiết khấu giảm 0,5%. Tại Quyết định 950/QĐ-NHNN là 3,0%/năm. - Lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài: 5,0%/năm. So với quy định hiện hành, mức lãi suất giảm 0,5%. Quyết định 950/QĐ-NHNN là 5,5%/năm. Xem bài viết liên quan: Giảm lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam còn 4% từ ngày 19/6/2023 Tiếp tục giảm lãi suất tối đa với tiền gửi bằng đồng Việt Nam từ ngày 19/6/2023 Tham khảo: Lãi suất tái cấp vốn là gì? Theo Luật Ngân hàng Nhà nước 2010, tái cấp vốn là hình thức cấp tín dụng của Ngân hàng Nhà nước nhằm cung ứng vốn ngắn hạn và phương tiện thanh toán cho tổ chức tín dụng. Ngân hàng Nhà nước quy định và thực hiện việc tái cấp vốn cho tổ chức tín dụng theo các hình thức sau đây: - Cho vay có bảo đảm bằng cầm cố giấy tờ có giá; - Chiết khấu giấy tờ có giá; - Các hình thức tái cấp vốn khác. Lãi suất tái cấp vốn là lãi suất ngân hàng nhà nước áp dụng cho các nghiệp vụ tái cấp vốn cho ngân hàng thương mại Ngân hàng Nhà nước công bố lãi suất tái cấp vốn, lãi suất cơ bản và các loại lãi suất khác để điều hành chính sách tiền tệ, chống cho vay nặng lãi. Trong trường hợp thị trường tiền tệ có diễn biến bất thường, Ngân hàng Nhà nước quy định cơ chế điều hành lãi suất áp dụng trong quan hệ giữa các tổ chức tín dụng với nhau và với khách hàng, các quan hệ tín dụng khác. Lãi suất tái cấp vốn khác gì so với lãi suất tái chiết khấu? Lãi suất tái chiết khấu là lãi suất cho vay ngắn hạn của ngân hàng trung ương với các ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng khác, được áp dụng dưới hình thức tái chiết khấu. Tại Luật Các tổ chức tín dụng 2010 giải thích cụm từ cấp tín dụng, chiết khấu và tái chiết khấu như sau: Cấp tín dụng là việc thỏa thuận để tổ chức, cá nhân sử dụng một khoản tiền hoặc cam kết cho phép sử dụng một khoản tiền theo nguyên tắc có hoàn trả bằng nghiệp vụ cho vay, chiết khấu, cho thuê tài chính, bao thanh toán, bảo lãnh ngân hàng và các nghiệp vụ cấp tín dụng khác. Chiết khấu là việc mua có kỳ hạn hoặc mua có bảo lưu quyền truy đòi các công cụ chuyển nhượng, giấy tờ có giá khác của người thụ hưởng trước khi đến hạn thanh toán. Tái chiết khấu là việc chiết khấu các công cụ chuyển nhượng, giấy tờ có giá khác đã được chiết khấu trước khi đến hạn thanh toán. Giữa lãi suất tái chiết khấu và lãi suất tái cấp vốn có sự khác biệt như sau: - Về đối tượng áp dụng: + Lãi suất tái chiết khấu: Các giấy tờ có giá. + Lãi suất tái cấp vốn: Các khoản cho vay của các ngân hàng thương mại. - Về tài sản thế chấp: Tài sản thế chấp đều là giấy tờ có giá, nhưng lãi suất tái chiết khấu áp dụng với các giấy tờ có giá có độ rủi ro thấp hơn như: Tín phiếu Ngân hàng Nhà nước, Trái phiếu Chính phủ,… Còn lãi suất tái cấp vốn áp dụng đối với các giấy tờ có giá có độ rủi ro cao hơn trái phiếu Chính quyền địa phương. Xem chi tiết tại Quyết định 1123/QĐ-NHNN có hiệu lực từ ngày 19/6/2023 và thay thế Quyết định 950/QĐ-NHNN ngày 23/5/2023. Xem bài viết liên quan: Giảm lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam còn 4% từ ngày 19/6/2023 Tiếp tục giảm lãi suất tối đa với tiền gửi bằng đồng Việt Nam từ ngày 19/6/2023
Tiếp tục giảm lãi suất tối đa với tiền gửi bằng đồng Việt Nam từ ngày 19/6/2023
Ngày 16/6/2023, Ngân hàng nhà nước Việt Nam ban hành Quyết định 1124/QĐ-NHNN về mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Theo đó, mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam của tổ chức (trừ tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài) và cá nhân tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định tại Thông tư 07/2014/TT-NHNN ngày 17/3/2014 như sau: - Mức lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng là 0,5%/năm. - Mức lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng là 4,75%/năm; Theo đó, so với quy định hiện hành, mức lãi suất giảm 0,25%. (Tại Quyết định 951/QĐ-NHNN ngày 23/5/2023, mức lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng là 0,5%/năm; đối với mức lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng là 5,0%/năm.) Xem bài viết liên quan: Giảm lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam còn 4% từ ngày 19/6/2023 Vẫn tiếp tục giảm mức lãi suất tái cấp vốn còn 4,5% từ ngày 19/6/2023 Riêng Quỹ tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô, theo Quyết định 1124/QĐ-NHNN áp dụng mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng là 5,25%/năm. Theo đó, giảm 0,25% so với mức lãi suất hiện hành. (Tại Quyết định 951/QĐ-NHNN ngày 23/5/2023, Quỹ tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô áp dụng mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng là 5,5%/năm) Lưu ý: Đối với lãi suất tiền gửi bằng đồng Việt Nam có kỳ hạn của tổ chức, cá nhân tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phát sinh trước ngày 19/6/2023, thì được thực hiện cho đến hết thời hạn. Đối với trường hợp hết thời hạn đã thỏa thuận, tổ chức, cá nhân không đến lĩnh tiền gửi, thì tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài áp dụng lãi suất đối với tiền gửi theo quy định tại Quyết định 1124/QĐ-NHNN.. Ngoài ra, tại Thông tư 07/2014/TT-NHNN quy định lãi suất tối đa đối với tiền gửi bao gồm cả khoản chi khuyến mại dưới mọi hình thức, áp dụng đối với phương thức trả lãi cuối kỳ và các phương thức trả lãi khác được quy đổi theo phương thức trả lãi cuối kỳ. Tổ chức tín dụng niêm yết công khai lãi suất tiền gửi bằng đồng Việt Nam tại các địa điểm nhận tiền gửi theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Nghiêm cấm tổ chức tín dụng khi nhận tiền gửi thực hiện khuyến mại dưới mọi hình thức (bằng tiền, lãi suất và các hình thức khác) không đúng với quy định của pháp luật và Thông tư 07/2014/TT-NHNN. Xem chi tiết tại Quyết định 1124/QĐ-NHNN có hiệu lực từ ngày 19/6/2023 và thay thế Quyết định 951/QĐ-NHNN ngày 23/5/2023. Xem bài viết liên quan: Giảm lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam còn 4% từ ngày 19/6/2023 Vẫn tiếp tục giảm mức lãi suất tái cấp vốn còn 4,5% từ ngày 19/6/2023
Tiền lãi cho cá nhân vay có tính thuế thu nhập cá nhân hay không?
Thu nhập cá nhân (TNCN) thông thường được tính vào thu nhập từ tiền lương, tiền công của người lao động (NLĐ) thì trong trường hợp NLĐ cho vay có lãi suất thì số tiền phát sinh từ việc cho vay có phải tính thuế TNCN? 1. Lãi suất phát sinh từ việc cho vay có phải đóng thuế TNCN? Người cho vay có lãi suất để biết mình có đóng thuế TNCN không thì căn cứ khoản 3 Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC quy định thu nhập từ đầu tư vốn là khoản thu nhập cá nhân nhận được dưới các hình thức sau đây: - Tiền lãi nhận được từ việc cho các tổ chức, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân kinh doanh, nhóm cá nhân kinh doanh vay theo hợp đồng vay hoặc thỏa thuận vay, trừ lãi tiền gửi nhận được từ các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo hướng dẫn tại tiết g.1, điểm g, khoản 1, Điều 3 Thông tư 111/2013/TT-BTC. - Cổ tức nhận được từ việc góp vốn mua cổ phần. - Lợi tức nhận được do tham gia góp vốn vào công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh, hợp tác xã, liên doanh, hợp đồng hợp tác kinh doanh và các hình thức kinh doanh khác theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2020 và Luật Hợp tác xã 2012; lợi tức nhận được do tham gia góp vốn thành lập tổ chức tín dụng theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng 2010; góp vốn vào Quỹ đầu tư chứng khoán và quỹ đầu tư khác được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật. Không tính vào thu nhập chịu thuế từ đầu tư vốn đối với lợi tức của doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do cá nhân làm chủ. - Phần tăng thêm của giá trị vốn góp nhận được khi giải thể doanh nghiệp, chuyển đổi mô hình hoạt động, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất doanh nghiệp hoặc khi rút vốn. - Thu nhập nhận được từ lãi trái phiếu, tín phiếu và các giấy tờ có giá khác do các tổ chức trong nước phát hành, trừ thu nhập theo hướng dẫn tại tiết g.1 và g.3, điểm g, khoản 1, Điều 3 Thông tư 111/2013/TT-BTC. - Các khoản thu nhập nhận được từ đầu tư vốn dưới các hình thức khác kể cả trường hợp góp vốn đầu tư bằng hiện vật, bằng danh tiếng, bằng quyền sử dụng đất, bằng phát minh, sáng chế. - Thu nhập từ cổ tức trả bằng cổ phiếu, thu nhập từ lợi tức ghi tăng vốn. 2. Căn cứ tính thuế TNCN đối với người có thu nhập từ lãi suất cho vay Cụ thể tại Điều 10 Thông tư 111/2013/TT-BTC quy định căn cứ tính thuế TNCN đối với thu nhập từ việc cho vay có lãi suất thì tính thuế đối với thu nhập từ cho vay là thu nhập tính thuế và thuế suất. - Thu nhập tính thuế: Thu nhập tính thuế từ đầu tư vốn là thu nhập chịu thuế mà cá nhân nhận được theo hướng dẫn tại khoản 3, Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC. - Thuế suất đối với thu nhập từ đầu tư vốn áp dụng theo Biểu thuế toàn phần với thuế suất là 5%. - Thời điểm xác định thu nhập tính thuế đối với thu nhập từ đầu tư vốn là thời điểm tổ chức, cá nhân trả thu nhập cho người nộp thuế. Riêng thời điểm xác định thu nhập tính thuế đối với một số trường hợp như sau: + Đối với thu nhập từ giá trị phần vốn góp tăng thêm theo hướng dẫn tại điểm d, khoản 3, Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC thì thời điểm xác định thu nhập từ đầu tư vốn là thời điểm cá nhân thực nhận thu nhập khi giải thể doanh nghiệp, chuyển đổi mô hình hoạt động, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất doanh nghiệp hoặc khi rút vốn. - Đối với thu nhập từ lợi tức ghi tăng vốn theo hướng dẫn tại điểm g, khoản 3, Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC thì thời điểm xác định thu nhập từ đầu tư vốn là thời điểm cá nhân chuyển nhượng vốn, rút vốn. - Đối với thu nhập từ cổ tức trả bằng cổ phiếu theo hướng dẫn tại điểm g, khoản 3, Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC thì thời điểm xác định thu nhập từ đầu tư vốn là thời điểm cá nhân chuyển nhượng cổ phiếu. - Trường hợp cá nhân nhận được thu nhập do việc đầu tư vốn ra nước ngoài dưới mọi hình thức thì thời điểm xác định thu nhập tính thuế là thời điểm cá nhân nhận thu nhập. - Cách tính thuế: Số thuế thu nhập cá nhân phải nộp = Thu nhập tính thuế × Thuế suất 5% Như vậy, tiền lãi nhận được từ việc cho các tổ chức, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân kinh doanh, nhóm cá nhân kinh doanh vay theo hợp đồng vay hoặc thỏa thuận vay thì phải đóng thuế TNCN, trừ lãi tiền gửi nhận ngân hàng thì không phải đóng thuế TNCN.
Vay ngân hàng để mua nhà chung cư cần đáp ứng điều kiện gì?
Tại các thành phố lớn thì nhà chung cư dần trở thành loại nhà ở thông dụng và phổ biến cho người lao động (NLĐ) có thu nhập không quá cao. Thì hiện nay, vay vốn ngân hàng để mua nhà chung cư là một giải pháp tốt, vậy cần đáp ứng những điều kiện gì để được vay vốn ngân hàng mua nhà chung cư? 1. Điều kiện về chung cư để vay vốn ngân hàng Căn cứ Điều 118 Luật Nhà ở 2014 thì người có nhu cầu vay vốn để mua nhà chung cư thì cần phải đáp ứng được điều kiện của nhà ở tham gia giao dịch như sau: (1) Giao dịch về mua bán, cho thuê mua, tặng cho, đổi, thế chấp, góp vốn bằng nhà ở thì nhà ở phải có đủ điều kiện sau đây: - Có Giấy chứng nhận theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp quy định tại mục (2) - Không thuộc diện đang có tranh chấp, khiếu nại, khiếu kiện về quyền sở hữu; đang trong thời hạn sở hữu nhà ở đối với trường hợp sở hữu nhà ở có thời hạn. - Không bị kê biên để thi hành án hoặc không bị kê biên để chấp hành quyết định hành chính đã có hiệu lực pháp luật của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. - Không thuộc diện đã có quyết định thu hồi đất, có thông báo giải tỏa, phá dỡ nhà ở của cơ quan có thẩm quyền. Các điều kiện quy định tại điểm b và điểm c khoản này không áp dụng đối với trường hợp mua bán, thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai. (2) Giao dịch về nhà ở sau đây thì nhà ở không bắt buộc phải có Giấy chứng nhận: - Mua bán, thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai; - Tổ chức thực hiện tặng cho nhà tình nghĩa, nhà tình thương; - Mua bán, thuê mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước; mua bán, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở để phục vụ tái định cư không thuộc sở hữu nhà nước; bán nhà ở quy định tại khoản 4 Điều 62 Luật Nhà ở 2014. - Cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ, ủy quyền quản lý nhà ở. - Nhận thừa kế nhà ở. - Chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở thương mại được xây dựng trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở bao gồm cả trường hợp đã nhận bàn giao nhà ở từ chủ đầu tư nhưng chưa nộp hồ sơ đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đối với nhà ở đó. Các giấy tờ chứng minh điều kiện nhà ở tham gia giao dịch quy định tại khoản này thực hiện theo quy định của Chính phủ. Ngoài ra, trường hợp nhà ở cho thuê thì ngoài các điều kiện quy định tại các điểm b, c và d khoản 1 Điều 118 Luật Nhà ở 2014, nhà ở còn phải bảo đảm chất lượng, an toàn cho bên thuê nhà ở, có đầy đủ hệ thống điện, cấp, thoát nước, bảo đảm vệ sinh môi trường. 2. Điều kiện về tài chính của chủ thể để vay vốn ngân hàng Bên cạnh việc đáp ứng các điều kiện về nhà chung cư thì chủ thể vay vốn ngân hàng còn phải đáp ứng được điều kiện tài chính được quy định tại Điều 7 Thông tư 39 2016/TT-NHNN về điều kiện vay vốn như sau: Tổ chức tín dụng xem xét, quyết định cho vay khi khách hàng có đủ các điều kiện sau đây: Thứ nhất: Khách hàng là pháp nhân có năng lực pháp luật dân sự theo quy định của pháp luật. Khách hàng là cá nhân từ đủ 18 tuổi trở lên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật hoặc từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi không bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật. Thứ hai: Khách hàng có nhu cầu vay vốn để sử dụng vào mục đích hợp pháp, là các giao dịch được pháp luật cho phép được làm như vay mua nhà, mua xe, đầu tư kinh doanh,... Thứ ba: Khách hàng có phương án sử dụng vốn khả thi, là việc chủ thể phải chứng minh với ngân hàng về thời gian trả nợ khả thi. Thứ tư: Khách hàng có khả năng tài chính để trả nợ, qua đó chủ thể vay vốn phải chứng minh về tài sản mà mình có, công việc đang làm có đủ khả năng trả nợ và lãi hay không. Thứ năm: Trường hợp khách hàng vay vốn của tổ chức tín dụng theo lãi suất cho vay quy định tại khoản 2 Điều 13 Thông tư 39 2016/TT-NHNN, thì khách hàng được tổ chức tín dụng đánh giá là có tình hình tài chính minh bạch, lành mạnh. Như vậy, người vay vốn cần đáp ứng hai điều kiện về giao dịch chung cư vay vốn trả góp với ngân hàng và điều kiện về chứng minh tài chính, phương thức trả nợ thì NLĐ vay vốn đã có thể đáp ứng thành công điều kiện vay vốn ngân hàng để mua chung cư.