“Chồng tổ lái, vợ gà mái nuôi con” là gì? Chạy vượt quá tốc độ quy định bị phạt bao nhiêu?
Câu tục ngữ “Chồng tổ lái, vợ gà mái nuôi con” có nghĩa là gì? Pháp luật quy định mức xử phạt đối với hành vi chạy vượt quá tốc độ quy định là bao nhiêu tiền? "Chồng tổ lái, vợ gà mái nuôi con" là gì? “Chồng tổ lái, vợ gà mái nuôi con” là một trong những ca dao, tục ngữ nói về an toàn giao thông. Câu nói này mang ý nghĩa là lái xe với tốc độ cao và không tập trung, chú ý khi tham gia giao thông sẽ rất dễ gây tai nạn và hậu quả xảy đến có thể là mạng người. Cụ thể trong đó, câu nói “Chồng tổ lái, vợ gà mái nuôi con” sử dụng người "chồng", người "vợ" và đứa con để khắc họa nên hình ảnh một gia đình. Từ "tổ lái" thường được sử dụng trong lĩnh vực giao thông, trong ngữ cảnh này "tổ lái" mang ý nghĩa châm biếm những người điều khiển phương tiện giao thông, như ô tô, xe máy, hoặc các loại xe khác mà phóng nhanh, vượt ẩu, lạng lách khi tham gia giao thông. Và "gà mái nuôi con" thường được dùng để chỉ người vợ đơn độc trong hoàn cảnh gia đình đơn chiếc, phải một mình gồng gánh gia đình, nuôi con khôn lớn. “Chồng tổ lái, vợ gà mái nuôi con” dùng để chỉ những người điều khiển phương tiện giao thông không chú ý an toàn, không tuân thủ quy định pháp luật để rồi phải trả giá bằng sức khỏe, thậm chí là tính mạng của mình và mang lại gánh nặng cho gia đình và người thân. Đặc biệt còn dùng để nhắc nhở những người chồng, người cha khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông cần chú ý an toàn không chỉ vì bảo vệ chính bản thân mình mà còn vì trách nhiệm với vợ và con và gia đình mình. Không để xảy ra hậu qua đáng tiếc, vợ con sẽ không phải rơi vào cảnh đơn độc, gia đình tan vỡ. Theo quy định pháp luật về tham gia giao thông thì hành động điều khiển phương tiện giao thông, vượt nhanh, phóng ẩu với tốc độ cao hơn mức cho phép trên đoạn đường là một trong những hành vi bị nghiêm cấm, có thể dẫn đến nguy hiểm cho bản thân và người khác. Đối với trường hợp vi phạm sẽ bị phạt tiền theo mức xử phạt tương ứng. Qua đó, câu tục ngữ “Chồng tổ lái, vợ gà mái nuôi con” nhắc nhở người điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông phải luôn luôn chú ý đến tốc độ, quan sát cẩn thận trong mọi tình huống, tránh vội vàng phóng nhanh vượt ẩu sẽ dễ gây tai nạn đáng tiếc. Khuyên chúng ta cần phải biết kiểm soát tốc độ khi tham gia giao thông, tránh trường hợp vượt quá tốc độ cho phép sẽ dẫn đến bị xử phạt hoặc nặng hơn là gây nguy hiểm cho tính mạng của chính người điều khiển phương tiện và những người tham gia giao thông khác. Không chỉ vậy, chú ý an toàn khi tham gia giao thông còn thể hiện trách nhiệm của mình với gia đình và người thân. Chạy vượt quá tốc độ quy định bị phạt bao nhiêu? Căn cứ khoản 11 Điều 8 Luật Giao thông đường bộ 2008, điều khiển ô tô, xe máy chạy quá tốc độ quy định là hành vi bị nghiêm cấm khi tham gia giao thông. Trường hợp vi phạm sẽ bị xử phạt theo quy định pháp luật hiện hành. Mức xử phạt đối với xe ô tô có hành vi chạy vượt quá tốc độ quy định - Phạt tiền từ 8 trăm nghìn đồng đến 1 triệu đồng đối với người điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định từ 05 km/h đến dưới 10 km/h (điểm a khoản 3 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP). - Phạt tiền từ 4 triệu đồng đến 6 triệu đồng đối với người điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định từ 10 km/h đến 20 km/h (điểm i khoản 5 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại điểm đ khoản 34 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP). Ngoài ra, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 đến 03 tháng (điểm b khoản 11 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP). - Phạt tiền từ 6 triệu đồng đến 8 triệu đồng đối với người điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định trên 20 km/h đến 35 km/h (điểm a khoản 6 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP). Ngoài ra, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 đến 04 tháng (điểm c khoản 11 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP). - Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 12 triệu đồng đối với người điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định trên 35 km/h (điểm c khoản 7 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP). Ngoài ra, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 đến 04 tháng (điểm c khoản 11 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP). Mức phạt lỗi chạy quá tốc độ với với mô tô, xe gắn máy - Phạt tiền từ 3 trăm nghìn đồng đến 4 trăm nghìn đồng đối với người điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định từ 05 km/h đến dưới 10 km/h (điểm c khoản 2 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi điểm k khoản 34 Nghị định 123/2021/NĐ-CP). - Phạt tiền từ 8 trăm nghìn đồng đến 1 triệu đồng đối với người điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định từ 10 km/h đến 20 km/h (điểm a khoản 4 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi điểm g khoản 34 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP). - Phạt tiền từ 4 triệu đồng đến 5 triệu đồng đối với người điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định trên 20 km/h (điểm a khoản 7 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP). Ngoài ra, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 đến 04 tháng (điểm c khoản 10 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP). Mức phạt lỗi chạy quá tốc độ với máy kéo, xe máy chuyên dùng - Phạt tiền từ 4 trăm nghìn đồng đến 6 trăm nghìn đồng đối với người điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định từ 5km/h đến 10km/h (điểm a khoản 3 Điều 7 Nghị định 100/2019/NĐ-CP). - Phạt tiền từ 8 trăm nghìn đồng đến 1 triệu đồng đối với người điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định từ 10km/h đến 20km/h (điểm a khoản 4 Điều 7 Nghị định 100/2019/NĐ-CP). Ngoài ra, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe (khi điều khiển máy kéo), chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ (khi điều khiển xe máy chuyên dùng) từ 01 tháng đến 03 tháng (điểm a khoản 10 Điều 7 Nghị định 100/2019/NĐ-CP). - Phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng đối với người điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định trên 20km/h (điểm b khoản 6 Điều 7 Nghị định 100/2019/NĐ-CP). Ngoài ra, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe (khi điều khiển máy kéo), chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ (khi điều khiển xe máy chuyên dùng) từ 02 tháng đến 04 tháng (điểm b khoản 10 Điều 7 Nghị định 100/2019/NĐ-CP). Như vậy, "Chồng tổ lái, vợ gà mái nuôi con” nhằm phản ánh hành vi phóng nhanh vượt ẩu, không chú ý an toàn khi tham gia giao thông để gây ra hậu quả nặng nề. Người có hành vi vi phạm khi tham gia giao thông, cụ thể là chạy vượt quá tốc độ cho phép sẽ bị xử phạt theo quy định pháp luật.
Người đã đủ 16 tuổi đến 18 tuổi được chạy những loại xe gì?
Hiện nay, người từ đủ 16 cho đến 18 tuổi được điều khiển những phương tiện nào? Việc xử phạt người chưa đủ 16 tuổi vi phạm giao thông được quy định như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết sau. (1) Người đã đủ 16 tuổi đến 18 tuổi được chạy những loại xe gì? Căn cứ Khoản 1 Điều 60 Luật Giao thông đường bộ 2008 có quy định về độ tuổi của người lái xe như sau: “1. Độ tuổi của người lái xe quy định như sau: a) Người đủ 16 tuổi trở lên được lái xe gắn máy có dung tích xi-lanh dưới 50 cm3; b) Người đủ 18 tuổi trở lên được lái xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh có dung tích xi-lanh từ 50 cm3 trở lên và các loại xe có kết cấu tương tự; xe ô tô tải, máy kéo có trọng tải dưới 3.500 kg; xe ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi; …” Từ dẫn chiếu quy định nêu trên, có thể thấy, hiện nay người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi thì chỉ được lái xe gắn máy có dung tích xi-lanh dưới 50 cm3. Còn đối với những loại xe có dung tích xi-lanh từ 50cm3 trở lên thì yêu cầu người điều khiển phương tiện phải từ đủ 18 tuổi trở lên. (2) Xử phạt người chưa đủ 16 tuổi vi phạm giao thông như thế nào? Căn cứ Điều 21 Nghị định 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP có quy định về xử phạt các hành vi vi phạm quy định về điều kiện của người điều khiển xe cơ giới như sau: - Phạt cảnh cáo đối với những người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự xe mô tô hoặc điều khiển xe mô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô. - Phạt tiền từ 400 đến 600 nghìn đồng đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi điều khiển xe mô tô có dung tích xi-lanh từ 50cm3 trở lên. - Phạt tiền từ 02 đến 04 triệu đồng đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi điều khiển xe ô tô, máy kéo, các loại xe tương tự xe ô tô. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý tại Điểm a Khoản 1 Điều 5 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 có quy định đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính bao gồm cả người có độ tuổi từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi nhưng có hành vi vi phạm hành chính do cố ý. Theo đó, tại Khoản 3 Điều 134 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 được sửa đổi bởi Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020 đối với trường hợp người từ dưới 16 tuổi hay cụ thể hơn là từ đủ 14 đến 16 tuổi thì sẽ không áp dụng hình thức phạt tiền. Còn đối với trường hợp người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi vi phạm hành chính bị phạt tiền thì mức tiền phạt không quá 1/2 mức tiền phạt áp dụng đối với người thành niên. Trường hợp không có tiền nộp phạt hoặc không có khả năng thực hiện biện pháp khắc, phục hậu quả thì cha mẹ hoặc người giám hộ của người này sẽ phải thực hiện thay. Theo đó, khi không phạt tiền người chưa thành niên thì sẽ áp dụng Điều 22 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 về phạt cảnh cáo như sau: Cảnh cáo (bằng văn bản) được áp dụng đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính không nghiêm trọng, có tình tiết giảm nhẹ và theo quy định thì bị áp dụng hình thức xử phạt cảnh cáo hoặc đối với mọi hành vi vi phạm hành chính do người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện. Theo đó, việc xử phạt vi phạm giao thông đối với người dưới 16 tuổi theo quy định như đã nêu trên. Còn đối với người từ đủ 16 đến 18 tuổi vi phạm thì người điều khiển xe chưa đủ tuổi có thể bị phạt tiền từ 200.000 đến 300.000 đồng. Trường hợp không có tiền nộp phạt thì cha mẹ hoặc người giám hộ sẽ là người phải thực hiện thay.
Xe ô tô đậu ở đường tàu hỏa bị tông hư hỏng thì có được bảo hiểm bồi thường không?
Tình huống ở đây là xe ô tô đậu sai chỗ dẫn đến bị tàu hỏa đâm vào dẫn đến hư hỏng nặng phần đầu xe. Vậy trong trường hợp này có thể được bảo hiểm chi trả cho phần thiệt hại đó không? Xe ô tô đậu ở đường tàu hỏa bị tông hư hỏng thì có được bảo hiểm bồi thường không? Bên cạnh bảo hiểm bắt buộc ô tô hay còn gọi là bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới được quy định tại Nghị định 67/2023/NĐ-CP thì người sử dụng ô tô thường tham gia thêm bảo hiểm vật chất xe cơ giới hay gọi tắt là bảo hiểm thân vỏ (tự nguyện). Theo đó, loại bảo hiểm này sẽ giúp chủ xe được đền bù khi xe gặp phải hư hại trong một số trường hợp. Tuy nhiên, loại bảo hiểm này không được pháp luật hiện hành quy định cụ thể. Thông thường, quy tắc của loại bảo hiểm này sẽ do công ty bảo hiểm tự quyết định. Theo đó, sẽ còn tùy vào chính sách của từng hãng bảo hiểm mà chi tiết hợp đồng sẽ khác nhau. Mặc dù tại Điều 19 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 đã có quy định về điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm. Tuy nhiên, điều khoản này vẫn cần phải được thể hiện cụ thể, chi tiết và rõ ràng trong hợp đồng bảo hiểm được ký kết thì mới có thể xác định được. Chính vì thế, để xác định được người chủ xe trong trường hợp này có được bảo hiểm chi trả cho phần thiệt hại hay không thì còn phải căn cứ vào quy định cụ thể trong hợp đồng bảo hiểm. Người chủ xe đậu xe gần đường tàu hỏa bị xử phạt như thế nào? Trước tiên, tại Phụ lục II Nghị định 56/2018/NĐ-CP có nêu rõ cách xác định phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt, trong đó có đề cập đến hành lang an toàn giao thông đường sắt. Cụ thể, chiều rộng hành lang an toàn giao thông đường sắt được tính từ mép ngoài phạm vi bảo vệ đường sắt trở ra mỗi bên và được xác định như sau: - Đường sắt tốc độ cao: trong khu vực đô thị là 5m, ngoài khu vực đô thị là 15m. - Đường sắt đô thị đi trên mặt đất, đường sắt còn lại là 3m. Theo đó, tại Điểm k Khoản 4 Điều 18 Luật Giao thông đường bộ 2008 có nêu rõ người điều khiển phương tiện không được dừng xe, đỗ xe trong phạm vi an toàn của đường sắt. Tùy vào tính chất và mức độ của hành vi mà người vi phạm có thể bị xử lý vi phạm hành chính thậm chí là truy cứu trách nhiệm hình sự và bồi thường thiệt hại nếu có. Đồng thời, tại Điểm a Khoản 7 Nghị định 100/2019/NĐ-CP được bổ sung bởi có quy định Nghị định 123/2021/NĐ-CP thì trường hợp người chủ phương tiện có hành vi dừng, đỗ xe thì người điều khiển xe ô tô có hành vi dừng, đỗ xe không đúng quy định gây mà gây tai nạn giao thông có thể bị phạt tiền từ 10 đến 12 triệu đồng. Bên cạnh đó, người vi phạm còn bị áp dụng hình thức phạt bổ sung là tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 đến 04 tháng. Ngoài ra, trường hợp xác định được hành vi dừng, đỗ xe tại đường tàu này có đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì người điều khiển còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 260 Bộ Luật Hình sự 2015 được sửa đổi bổ sung bởi Luật sửa đổi Bộ Luật Hình sự 2017 về tội Vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ. Theo đó, mức xử phạt cho hành vi này thấp nhất là phạt tiền từ 30 triệu đồng, còn cao nhất là 15 năm tù giam. Thêm nữa, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. Tổng kết lại, trường hợp người chủ xe ô tô có hành vi dừng, đỗ xe tại đường tàu hỏa là vi phạm pháp luật và sẽ tùy vào mức độ thiệt hại mà sẽ có những mức xử phạt khác nhau cho trường hợp này.
Dừng xe trên đường cao tốc chụp hình có bị phạt?
Chiều ngày 17/3, mạng xã hội Facebook xuất hiện hình ảnh một ô tô dừng trên cầu Mỹ Thuận 2, đoạn qua tỉnh Vĩnh Long. Đáng chú ý, có 6 người (5 nữ, 1 nam) đứng trước đầu xe để chụp ảnh. Nhiều người đã bày tỏ bức xúc với vấn đề trên, và câu hỏi đặt ra ở đây là hành vi dừng xe trên cầu cao tốc chụp hình như trên có bị phạt? 1. Đường cao tốc theo quy định của pháp luật? Căn cứ Điều 3 luật Luật giao thông đường bộ 2008, quy định: - Đường cao tốc là đường dành cho xe cơ giới, có dải phân cách chia đường cho xe chạy hai chiều riêng biệt; không giao nhau cùng mức với một hoặc các đường khác; được bố trí đầy đủ trang thiết bị phục vụ, bảo đảm giao thông liên tục, an toàn, rút ngắn thời gian hành trình và chỉ cho xe ra, vào ở những điểm nhất định. Ngoài ra, căn cứ theo Điều 9 Thông tư 31/2019/TT-BGTVT quy định về tốc độ của các loại xe cơ giới trên đường cao tốc như sau: - Tốc độ tối đa cho phép khai thác trên đường; cao tốc không vượt quá 120 km/h. - Khi tham gia giao thông trên đường cao tốc, người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng phải tuân thủ tốc độ tối đa, tốc độ tối thiểu ghi trên biển báo hiệu đường bộ, sơn kẻ mặt đường trên các làn xe. Xét trên thực tế, thông thường các tuyến đường cao tốc sẽ có mức tốc độ tối thiểu là 60 còn mức tối đa thì từ 80-120. Riêng trong trường hợp của cầu Mỹ Thuận 2 là 80 km/h tối đa và tối thiểu là 60 km/h. 2. Có được dừng xe trên đường cao tốc? Căn cứ Điều 26 Luật giao thông đường bộ 2008, về quy định giao thông trên đường cao tốc: - Người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng trên đường cao tốc ngoài việc tuân thủ các quy tắc giao thông quy định tại Luật giao thông đường bộ 2008 còn phải thực hiện các quy định sau đây: + Khi vào đường cao tốc phải có tín hiệu xin vào và phải nhường đường cho xe đang chạy trên đường, khi thấy an toàn mới cho xe nhập vào dòng xe ở làn đường sát mép ngoài, nếu có làn đường tăng tốc thì phải cho xe chạy trên làn đường đó trước khi vào làn đường của đường cao tốc; + Khi ra khỏi đường cao tốc phải thực hiện chuyển dần sang làn đường phía bên phải, nếu có làn đường giảm tốc thì phải cho xe chạy trên làn đường đó trước khi rời khỏi đường cao tốc; + Không được cho xe chạy ở làn dừng xe khẩn cấp và phần lề đường; + Không được cho xe chạy quá tốc độ tối đa và dưới tốc độ tối thiểu ghi trên biển báo hiệu, sơn kẻ trên mặt đường. - Người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng phải cho xe chạy cách nhau một khoảng cách an toàn ghi trên biển báo hiệu. - Chỉ được dừng xe, đỗ xe ở nơi quy định; trường hợp buộc phải dừng xe, đỗ xe không đúng nơi quy định thì người lái xe phải đưa xe ra khỏi phần đường xe chạy, nếu không thể được thì phải báo hiệu để người lái xe khác biết. - Người đi bộ, xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô và máy kéo; xe máy chuyên dùng có tốc độ thiết kế nhỏ hơn 70 km/h không được đi vào đường cao tốc, trừ người, phương tiện, thiết bị phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc. Xét theo quy định trên, tài xế chỉ được dừng xe ở những nơi quy định trong những trường hợp có lý do chính đáng. Thông thường các trường hợp đó là: + Xe bị hư hỏng, gặp phải sự cố: Khi đó tài xế cần lái xe về tay phải khỏi phần đường dành cho xe di chuyển hoặc nếu xe không thể di chuyển thì người điều khiển phương tiện cần đặt các vật dụng, cành cây trên đường để báo hiệu cho phương tiện khác biết và tìm kiếm sự hỗ trợ từ đội cứu hộ giao thông. + Trên xe có người cần được cứu hộ y tế khẩn cấp: Có thể tài xế có vấn đề về sức khỏe, cần được cấp cứu gấp. Khi đó người lái xe cần dừng xe về tay phải của cao tốc, đưa ra các dấu hiệu thông báo cho xe khác. Xét thấy việc chụp hình không phải là lí do chính đáng, thì hành vi dừng xe trên đường cao tốc để chụp hình là vi phạm pháp luật và có thể bị xử phạt theo pháp luật. 3. Xử phạt hành vi dừng xe trên đường cao tốc không đúng quy định. Căn cứ khoản 7 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP, quy định xử phạt người điều khiển ô tô vi phạm các quy tắc giao thông đường bộ như sau: Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây: - Không chú ý quan sát, điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định gây tai nạn giao thông; dừng xe, đỗ xe, quay đầu xe, lùi xe, tránh xe, vượt xe, chuyển hướng, chuyển làn đường không đúng quy định gây tai nạn giao thông; không đi đúng phần đường, làn đường, không giữ khoảng cách an toàn giữa hai xe theo quy định gây tai nạn giao thông hoặc đi vào đường có biển báo hiệu có nội dung cấm đi vào đối với loại phương tiện đang điều khiển, đi ngược chiều của đường một chiều, đi ngược chiều trên đường có biển “Cấm đi ngược chiều” gây tai nạn giao thông, trừ các hành vi vi phạm quy định; - Điều khiển xe lạng lách, đánh võng; chạy quá tốc độ đuổi nhau trên đường bộ; dùng chân điều khiển vô lăng xe khi xe đang chạy trên đường; - Điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định trên 35 km/h. - Dừng xe, đỗ xe trên đường cao tốc không đúng nơi quy định; không có báo hiệu để người lái xe khác biết khi buộc phải dừng xe, đỗ xe trên đường cao tốc không đúng nơi quy định; quay đầu xe trên đường cao tốc;”. Ngoài ra, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm trên còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung là bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng. Như vậy, hành vi dừng xe trên cầu cao tốc để chụp hình có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng - 12.000.000 đồng và có thể bị tước giấy sử dụng giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng. Chưa kể đến, hành vi này tiềm ẩn nguy hiểm và có thể khiến người vi phạm đối mặt với nhiều án khác theo quy định. Tổng kết lại, hành vi dừng xe trên cầu cao tốc để chụp hình là hành vi vi phạm pháp luật và có thể bị xử phạt quy định. Chưa kể, hành vi trên còn gây nguy hiểm cho người vi phạm và cả những người xung quanh. Do đó, người tham gia giao thông hãy hết sức cẩn thận.
Xe máy có bắt buộc đủ 2 gương chiếu hậu?
Việt Nam là nước có tỉ lệ người dân sử dụng xe máy nhiều nhất Đông Nam Á, vì thế các quy định áp dụng cho luật giao thông là rất nhiều và phức tạp. Đơn cử trường hợp “xe máy phải có đủ 2 gương chiếu hậu” được quy định như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu. 1. Pháp luật quy định về gương chiếu hậu như thế nào? Gương chiếu hậu, còn được gọi là gương chắn bùn, gương cửa, gương chiếu hậu bên ngoài hoặc gương nhìn bên, là gương được tìm thấy ở bên ngoài xe cơ giới với mục đích giúp người lái nhìn thấy các khu vực phía sau và hai bên nằm bên ngoài tầm nhìn ngoại vi của người lái xe (điểm mù). Để đảm bảo an toàn dành cho người tham gia giao thông, căn cứ khoản 2 Điều 53 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định về điều kiện tham gia giao thông của xe cơ giới, xe gắn máy phải có đủ gương chiếu hậu và các trang bị, thiết bị khác bảo đảm tầm nhìn cho người điều khiển. Ngoài ra căn cứ tiểu mục 1.3 Mục 1 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 14:2015/BGTVT, quy định như sau: Nhóm L1: Xe gắn máy hai bánh; Nhóm L2: Xe gắn máy ba bánh; Nhóm L3: Xe mô tô hai bánh; Nhóm L4: Xe mô tô ba bánh được bố trí không đối xứng qua mặt phẳng trung tuyến dọc xe (xe có thùng bên); Nhóm L5: Xe mô tô ba bánh được bố trí đối xứng qua mặt phẳng trung tuyến dọc xe. Bên cạnh đó, ta căn cứ tiểu mục 2.11 Mục 2 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 14:2015/BGTVT về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với gương chiếu hậu của xe mô tô, xe gắn máy như sau: - Đối với xe nhóm L1, L2 phải lắp ít nhất một gương chiếu hậu ở bên trái của người lái. Đối với xe nhóm L3, L4, L5 phải lắp gương chiếu hậu ở bên trái và bên phải của người lái. - Gương chiếu hậu sử dụng lắp trên xe là loại gương phải đáp ứng các yêu cầu được quy định trong Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia QCVN 28:2010/BGTVT. - Gương chiếu hậu phải được lắp đặt chắc chắn. Người lái có thể điều chỉnh dễ dàng tại vị trí lái và có thể nhận rõ hình ảnh ở phía sau với khoảng cách tối thiểu 50 m về phía bên phải và bên trái. - Trong trường hợp gương tròn, đường kính của bề mặt phản xạ không được nhỏ hơn 94 mm và không được lớn hơn 150 mm. - Trong trường hợp gương không tròn kích thước của bề mặt phản xạ phải đủ lớn để chứa được một hình tròn nội tiếp có đường kính 78 mm, nhưng phải nằm được trong một hình chữ nhật có kích thước 120 mm x 200 mm. Xét theo các quy định trên, xe máy hai hoặc ba bánh chỉ bắt buộc lắp gương chiếu hậu bên trái, không bắt buộc phải lắp 2 gương. 2. Tiêu chuẩn của gương chiếu hậu Căn cứ tiểu mục 2.2 Mục 2 Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia QCVN 28:2010/BGTVT về gương chiếu hậu xe mô tô, xe gắn máy do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành như sau: Tất cả các gương phải điều chỉnh được vùng quan sát. - Mép của bề mặt phản xạ gương phải nằm trong vỏ bảo vệ (đế gương) và mép của vỏ bảo vệ phải có bán kính cong “c” có giá trị không nhỏ hơn 2,5 mm tại mọi điểm và theo mọi hướng. Nếu bề mặt phản xạ nhô ra khỏi vỏ bảo vệ thì bán kính cong “c” của mép biên của phần nhô ra không được nhỏ hơn 2,5 mm và phải di chuyển được vào phía trong của vỏ bảo vệ khi tác dụng một lực 50 N vào điểm ngoài cùng của phần nhô ra lớn nhất so với vỏ bảo vệ theo hướng vuông góc với mặt phản xạ gương. - Tất cả các bộ phận của gương phải có bán kính cong “c” không nhỏ hơn 2,5 mm. - Mép của các lỗ để lắp đặt hay là các chỗ lõm có chiều rộng nhỏ hơn 12 mm thì không cần phải áp dụng các yêu cầu về bán kính trên nhưng phải được làm cùn cạnh sắc. - Các bộ phận của gương chiếu hậu được làm bằng vật liệu có độ cứng không lớn hơn 60 Shore A thì không phải áp dụng các yêu cầu nêu trên. Quy định về kích thước - Diện tích của bề mặt phản xạ không được nhỏ hơn 69 cm2. - Trong trường hợp gương tròn, đường kính của bề mặt phản xạ không được nhỏ hơn 94 mm và không được lớn hơn 150 mm. - Trong trường hợp gương không tròn kích thước của bề mặt phản xạ phải đủ lớn để chứa được một hình tròn nội tiếp có đường kính 78 mm, nhưng phải nằm được trong một hình chữ nhật có kích thước 120 mm x 200 mm. Quy định về hệ số phản xạ và bề mặt phản xạ - Giá trị hệ số phản xạ của bề mặt phản xạ (quang học) được xác định theo phương pháp mô tả trong phụ lục A của quy chuẩn này không được nhỏ hơn 40%. - Bề mặt phản xạ của gương phải có dạng hình cầu lồi. - Giá trị “r” được xác định theo phương pháp mô tả trong phụ lục B của quy chuẩn này không được nhỏ hơn 1000 mm và không lớn hơn 1500 mm. - Sự khác nhau giữa ri hoặc ri ’ và rpi tại mỗi điểm khảo sát không được vượt quá 0,15 r. Sự khác nhau giữa các bán kính cong (rp1, r p2 và r p3) và r không được vượt quá 0,15 r. Như vậy, gương chiếu hậu nếu không đạt chuẩn theo những quy định trên thì cũng không được chấp nhận và sẽ bị áp dụng biện pháp xử phạt. 3. Nguy hiểm tiềm ẩn đối với xe máy không có kính chiếu hậu Đầu tiên, không có kính chiếu hậu hoặc kính chiếu hậu không đủ tiêu chuẩn như đã đề cập sẽ khiến người tham gia giao thông đối mặt với nguy cơ bị xử phạt. Căn cứ khoản 1 Điều 17 Nghị định 100/2019/NĐ-CP sửa đổi bởi khoản 36 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP quy định như sau: Xử phạt người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm quy định về điều kiện của phương tiện khi tham gia giao thông - Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây: + Điều khiển xe không có còi; đèn soi biển số; đèn báo hãm; gương chiếu hậu bên trái người điều khiển hoặc có nhưng không có tác dụng; + Điều khiển xe không có đèn tín hiệu hoặc có nhưng không có tác dụng; + Sử dụng còi không đúng quy chuẩn kỹ thuật cho từng loại xe; + Điều khiển xe không có bộ phận giảm thanh, giảm khói hoặc có nhưng không bảo đảm quy chuẩn môi trường về khí thải, tiếng ồn; + Điều khiển xe không có đèn chiếu sáng gần, xa hoặc có nhưng không có tác dụng, không đúng tiêu chuẩn thiết kế; + Điều khiển xe không có hệ thống hãm hoặc có nhưng không có tác dụng, không bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật; + Điều khiển xe lắp đèn chiếu sáng về phía sau xe. Thứ hai, khi qua đường hoặc quay đầu xe, người điều khiển sẽ phải quay đầu về phía sau để quan sát, khi đó, khoảng không gian phía trước là điểm mù, người điều khiển sẽ bị mất thăng bằng và những nguy hiểm ở phía trước xuất hiện vào thời điểm này họ sẽ không xử lý kịp vì đang tập trung quan sát phía sau. Thứ ba, nguy cơ bị cướp giật trên đường. Phần lớn những vụ cướp giật tài sản cá nhân trên đường như túi xách, dây chuyền, vòng cổ… thì các đối tượng thường rình rập ở phía sau người điều khiển một thời gian, quan sát kĩ rồi mới hành động. Nếu không có kính hoặc kính không hoạt động đúng công dụng, người tham gia giao thông sẽ không nhận biết kịp để xử lý. Tóm lại, pháp luật quy định không bắt buộc xe máy phải có hai gương chiếu hậu, chỉ gương bên trái là bắt buộc có và phải đúng theo tiêu chuẩn pháp luật. Vì sự an toàn, người tham gia giao thông hãy chấp hành nghiêm túc các quy định theo pháp luật.
Có bắt buộc nhường đường cho đoàn xe tang không?
Bên cạnh những xe được ưu tiên như xe cứu thương, cứu hỏa, đoàn xe tang cũng được pháp luật trao cho quyền lợi ấy. Vậy việc nhường đường đoàn xe tang là luôn luôn bắt buộc? 1. Người tham gia giao thông phải nhường đường đoàn xe tang? Căn cứ Điều 22 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định những xe sau đây được quyền ưu tiên đi trước xe khác khi qua đường giao nhau từ bất kỳ hướng nào tới theo thứ tự: - Xe chữa cháy đi làm nhiệm vụ; - Xe quân sự, xe công an đi làm nhiệm vụ khẩn cấp, đoàn xe có xe cảnh sát dẫn đường; - Xe cứu thương đang thực hiện nhiệm vụ cấp cứu; - Xe hộ đê, xe đi làm nhiệm vụ khắc phục sự cố thiên tai, dịch bệnh hoặc xe đi làm nhiệm vụ trong tình trạng khẩn cấp theo quy định của pháp luật; - Đoàn xe tang. Đầu tiên, ta cần xác định đúng những trường hợp trên. Xe chữa cháy, xe quân sự, xe cứu thương, xe hộ đê là những xe được ưu tiên nhưng là khi chúng đang trên đường thực hiện nhiệm vụ. Đối với đoàn xe tang cũng vậy. Nếu chỉ là xe tang bình thường, sẽ không có quyền ưu tiên. Nhưng nếu là xe tang của đoàn xe tang đang thực hiện nhiệm vụ “đưa tang” thì có quyền ưu tiên như trên. Thứ hai, xét theo quy định trên, quyền ưu tiên của đoàn xe tang là được đi trước các xe khác (không phải những xe có trong quy định trên) khi qua đường, đồng nghĩa với việc những xe đó phải nhường đường cho đoàn xe tang. Thứ ba, cũng theo quy định trên, không chỉ có đoàn xe tang là trường hợp duy nhất được ưu tiên. Căn cứ quy định trên, quyền ưu tiên được quy định từ cao xuống thấp là xe chữa cháy, xe quân sự, xe công an, xe cứu thương, xe hộ đê rồi đến cuối là đoàn xe tang. Như vậy, quyền của đoàn xe tang là thấp nhất. Nếu giả sử, trong cùng một thời điểm, cùng một con đường có xe cứu thương đang làm nhiệm vụ cấp cứu và đoàn xe tang đang thực hiện nhiệm vụ “đưa tang” thì xe cứu thương được ưu tiên và sẽ không nhường đường cho đoàn xe tang. 2. Người tham gia giao thông không nhường đường cho xe tang bị xử phạt như thế nào? Căn cứ khoản 2 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP (bị thay thế, bãi bỏ bởi Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP) quy định về xử phạt người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm quy tắc giao thông đường bộ như sau: - Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây: + Dừng xe, đỗ xe trên phần đường xe chạy ở đoạn đường ngoài đô thị nơi có lề đường; + Không giảm tốc độ và nhường đường khi điều khiển xe chạy từ trong ngõ, đường nhánh ra đường chính; + Điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định từ 05 km/h đến dưới 10 km/h; + Điều khiển xe chạy tốc độ thấp mà không đi bên phải phần đường xe chạy gây cản trở giao thông; + Dừng xe, đỗ xe ở lòng đường đô thị gây cản trở giao thông; tụ tập từ 03 xe trở lên ở lòng đường, trong hầm đường bộ; đỗ, để xe ở lòng đường đô thị, hè phố trái quy định của pháp luật; + Không nhường đường cho xe xin vượt khi có đủ điều kiện an toàn; không nhường đường cho xe đi trên đường ưu tiên, đường chính từ bất kỳ hướng nào tới tại nơi đường giao nhau; + Xe không được quyền ưu tiên lắp đặt, sử dụng thiết bị phát tín hiệu của xe được quyền ưu tiên; + Dừng xe, đỗ xe trên đường xe điện, điểm dừng đón trả khách của xe buýt, nơi đường bộ giao nhau, trên phần đường dành cho người đi bộ qua đường; dừng xe nơi có biển “Cấm dừng xe và đỗ xe”; đỗ xe tại nơi có biển “Cấm đỗ xe” hoặc biển “Cấm dừng xe và đỗ xe”; không tuân thủ các quy định về dừng xe, đỗ xe tại nơi đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt; dừng xe, đỗ xe trong phạm vi an toàn của đường sắt, trừ hành vi vi phạm quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP; + Chở theo 02 người trên xe, trừ trường hợp chở người bệnh đi cấp cứu, trẻ em dưới 14 tuổi, áp giải người có hành vi vi phạm pháp luật; + Ngồi phía sau vòng tay qua người ngồi trước để điều khiển xe, trừ trường hợp chở trẻ em ngồi phía trước." Ngoài ra, căn cứ khoản 10 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định về hình thức phạt bổ sung như sau: - Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung sau đây: + Thực hiện hành vi quy định tại điểm a khoản 6; điểm a, điểm b khoản 7; điểm a, điểm b, điểm c, điểm d khoản 8 Điều này bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng; tái phạm hoặc vi phạm nhiều lần hành vi quy định tại điểm a, điểm b, điểm c, điểm d khoản 8 Điều này bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 03 tháng đến 05 tháng, tịch thu phương tiện. Thực hiện hành vi quy định tại một trong các điểm, khoản sau của Điều này mà gây tai nạn giao thông thì bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng: Điểm a, điểm g, điểm h, điểm k, điểm l, điểm m, điểm n, điểm q khoản 1; điểm b, điểm d, điểm e, điểm g, điểm l, điểm m khoản 2; điểm b, điểm c, điểm k, điểm m khoản 3; điểm đ, điểm e, điểm g, điểm khoản 4 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP Như đã trình bày, đoàn xe tang là xe có quyền ưu tiên theo pháp luật. Xét theo quy định trên, nếu người tham gia giao thông có hành vi cố ý không nhường đường cho đoàn xe tang, có thể bị phạt từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng. Ngoài ra, còn có thể bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng nếu gây ra tai nạn giao thông. 3. Đoàn xe tang có được vượt đèn đỏ không? Căn cứ khoản 2, 3 Điều 22 Luật Giao thông đường bộ 2008, quy định: - Xe quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này khi đi làm nhiệm vụ phải có tín hiệu còi, cờ, đèn theo quy định; không bị hạn chế tốc độ; được phép đi vào đường ngược chiều, các đường khác có thể đi được, kể cả khi có tín hiệu đèn đỏ và chỉ phải tuân theo chỉ dẫn của người điều khiển giao thông. - Khi có tín hiệu của xe được quyền ưu tiên, người tham gia giao thông phải nhanh chóng giảm tốc độ, tránh hoặc dừng lại sát lề đường bên phải để nhường đường. Không được gây cản trở xe được quyền ưu tiên. Các xe được nêu theo quy định trên là xe chữa cháy, xe quân sự, xe cứu thương, xe hộ đê, không có đoàn xe tang. Như vậy đoàn xe tang dù có quyền ưu tiên nhưng vẫn không được vượt đèn đỏ. Tổng kết lại, đoàn xe tang thực hiện nghĩa vụ “đưa tang” là xe có quyền ưu tiên và những người tham gia giao thông phải nhường đường ( trừ một số trường hợp đã nêu trên).
Xử lý trường hợp bán xe máy cho người chưa đủ 18 tuổi như thế nào?
Xe máy được xếp vào loại động sản có giá trị tương đối lớn, vì thế việc mua bán xe máy cần phải đảm bảo đúng quy định pháp luật. Vậy nếu có trường hợp người bán giao dịch xe máy với người chưa đủ 18 tuổi thì sẽ bị xử lý như thế nào? 1. Pháp luật quy định như thế nào về cá nhân chưa đủ 18 tuổi? Căn cứ khoản 4 Điều 21 Bộ luật dân sự 2015, quy định về người chưa đủ 18 tuổi: - Người chưa thành niên là người chưa đủ mười tám tuổi. - Giao dịch dân sự của người chưa đủ sáu tuổi do người đại diện theo pháp luật của người đó xác lập, thực hiện. - Người từ đủ sáu tuổi đến chưa đủ mười lăm tuổi khi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý, trừ giao dịch dân sự phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi. - Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự, trừ giao dịch dân sự liên quan đến bất động sản, động sản phải đăng ký và giao dịch dân sự khác theo quy định của luật phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý. 2. Xử lý trường hợp bán xe máy cho người chưa đủ 18 tuổi như thế nào? Xem xét quy định trên, đồng thời tại khoản 9 Điều 3 Thông tư 24/2023/TT-BCA có quy định về việc người từ đủ 15 tuổi đăng ký xe như sau: Cá nhân từ đủ 15 tuổi trở lên thì được đăng ký xe. Trường hợp cá nhân từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi đăng ký xe thì phải được cha hoặc mẹ hoặc người giám hộ đồng ý và ghi nội dung “đồng ý”, ký, ghi rõ họ tên, mối quan hệ với người được giám hộ trong giấy khai đăng ký xe. Như vậy, theo quy định nêu trên, người từ đủ 15 tuổi trở lên thuộc đối tượng được đăng ký xe. Tuy nhiên, xe máy là động sản phải đăng ký, do đó đối với người từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi thì việc đăng ký xe phải được sự đồng ý của cha, mẹ hoặc người giám hộ thì mới được đứng tên xe máy. Vì thế, nếu người mua xe được sự đồng ý của người giám hộ thì giao dịch dân sự này được pháp luật công nhận. Nhưng, nếu trong trường hợp người mua xe không được sự đồng ý của người giám hộ, lúc này họ sẽ không đủ điều kiện để tự mình mua xe. Do đó, căn cứ Điều 117 Bộ luật dân sự 2015, có quy định các điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự gồm: + Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập; + Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện; + Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội. Như đã nói, người mua xe không đủ điều kiện tham gia giao dịch dân sự, do đó, giao dịch mua xe này sẽ bị vô hiệu. Đồng thời, căn cứ khoản 2 Điều 131 Bộ luật dân sự 2015: khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận. Người mua xe phải trả xe còn người bán phải trả lại tiền. 3. Người chưa đủ 18 tuổi có thể chạy được loại xe máy nào? Căn cứ Điều 60 Luật giao thông đường bộ 2008, quy định độ tuổi của người lái xe như sau: - Người đủ 16 tuổi trở lên được lái xe gắn máy có dung tích xi-lanh dưới 50 cm3; - Người đủ 18 tuổi trở lên được lái xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh có dung tích xi-lanh từ 50cm3 trở lên và các loại xe có kết cấu tương tự; xe ô tô tải, máy kéo có trọng tải dưới 3.500 kg; xe ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi; - Người đủ 21 tuổi trở lên được lái xe ô tô tải, máy kéo có trọng tải từ 3.500 kg trở lên; lái xe hạng B2 kéo rơ moóc (FB2); - Người đủ 24 tuổi trở lên được lái xe ô tô chở người từ 10 đến 30 chỗ ngồi; lái xe hạng C kéo rơ moóc, sơ mi rơ moóc (FC); - Người đủ 27 tuổi trở lên được lái xe ô tô chở người trên 30 chỗ ngồi; lái xe hạng D kéo rơ moóc (FD); - Tuổi tối đa của người lái xe ô tô chở người trên 30 chỗ ngồi là 50 tuổi đối với nữ và 55 tuổi đối với nam. Xét theo quy định trên, người chưa đủ 18 tuổi chỉ có thể lái xe gắn máy có dung tích xi-lanh dưới 50cm3. Tổng kết lại, trường hợp bán xe cho người dưới 18 tuổi, cụ thể là từ đủ 15-18 tuổi đúng pháp luật nếu được người giám hộ đồng ý. Những trường hợp còn lại là vi phạm pháp luật và giao dịch ấy sẽ vô hiệu.
Người dân có được buôn bán trên vỉa hè? Bán hàng trên vỉa hè có phải nộp thuế không?
Vỉa hè là nơi người dân đi bộ và hỗ trợ giao thông. Vậy người dân có được bán trên vỉa hè? Bán trên vỉa hè có phải nộp thuế không? 1. Người dân có được bán trên vỉa hè? Vỉa hè hay “lối đi bộ” là phần đường đi bộ dọc bên cạnh một con đường. Thông thường, vỉa hè sẽ nhô cao hơn so với phần đường đi, tùy theo mức độ và thường được ngăn cách với phần đường bằng lề đường. Tại khoản khoản 1 Điều 36 Luật Giao thông đường bộ 2008 có nói rõ: - Lòng đường và hè phố chỉ được sử dụng cho mục đích giao thông. Cũng tại khoản 2 Điều Luật Giao thông đường bộ 2008, có quy định rõ về những hành vi không được làm trên đường bộ như sau: - Họp chợ, mua, bán hàng hóa trên đường bộ; - Tụ tập đông người trái phép trên đường bộ; - Thả rông súc vật trên đường bộ; - Phơi thóc, lúa, rơm rạ, nông sản hoặc để vật khác trên đường bộ; - Đặt biển quảng cáo trên đất của đường bộ; - Lắp đặt biển hiệu, biển quảng cáo hoặc thiết bị khác làm giảm sự chú ý, gây nhầm lẫn nội dung biển báo hiệu hoặc gây cản trở người tham gia giao thông; - Che khuất biển báo hiệu, đèn tín hiệu giao thông; - Sử dụng bàn trượt, pa-tanh, các thiết bị tương tự trên phần đường xe chạy; - Hành vi khác gây cản trở giao thông. Như vậy, có thể thấy, hành vi buôn bán trên vỉa hè của người dân về cơ bản là sai và bị pháp luật ngăn cấm. Tuy nhiên, căn cứ khoản 2 Điều 36 Luật Giao thông đường bộ 2008 có đề cập: Các hoạt động khác trên đường phố phải thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 35 Luật Giao thông đường bộ 2008, trường hợp đặc biệt, việc sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố vào mục đích khác do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định nhưng không được làm ảnh hưởng đến trật tự, an toàn giao thông. Do đó, dẫu rất ít, nhưng vẫn có trường hợp, được bán trên vỉa hè theo sự đồng ý của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nhưng phải tuân thủ chặt chẽ những quy định của pháp luật. 2. Bán trên vỉa hè có phải nộp thuế không? Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 79 Nghị định 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp, quy định: Hộ gia đình sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, làm muối và những người bán hàng rong, quà vặt, buôn chuyến, kinh doanh lưu động, kinh doanh thời vụ, làm dịch vụ có thu nhập thấp không phải đăng ký hộ kinh doanh, trừ trường hợp kinh doanh các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định mức thu nhập thấp áp dụng trên phạm vi địa phương. Như vậy, đối với trường hợp kinh doanh mua bán hàng quán vỉa hè nếu thu nhập thấp không cần phải đăng ký kinh doanh. Tuy nhiên, khi thực hiện hoạt động kinh doanh tạo ra thu nhập, hoạt động kinh doanh có đăng ký kinh doanh hay không đăng ký kinh doanh thì người tiến hành hoạt động kinh doanh vẫn phải tiến hành nộp lệ “phí môn bài”. Căn cứ vào Nghị định 22/2020/NĐ-CP sửa đổi bổ sung Nghị định 139/2016/NĐ-CP, quy định về các trường hợp được miễn phí môn bài: - Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất, kinh doanh có doanh thu hàng năm từ 100 triệu đồng trở xuống. - Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất, kinh doanh không thường xuyên; không có địa điểm cố định theo hướng dẫn của Bộ Tài chính. - Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình sản xuất muối. - Tổ chức, cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình nuôi trồng, đánh bắt thủy, hải sản và dịch vụ hậu cần nghề cá. - Điểm bưu điện văn hóa xã; cơ quan báo chí (báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử). - Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã (bao gồm cả chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh) hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp theo quy định của pháp luật về hợp tác xã nông nghiệp.” - Quỹ tín dụng nhân dân; chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và của doanh nghiệp tư nhân kinh doanh tại địa bàn miền núi. Địa bàn miền núi được xác định theo quy định của Ủy ban Dân tộc.” - Miễn lệ phí môn bài trong năm đầu thành lập hoặc ra hoạt động sản xuất, kinh doanh (từ ngày 01 tháng 01 đến ngày 31 tháng 12) đối với: + Tổ chức thành lập mới (được cấp mã số thuế mới, mã số doanh nghiệp mới). + Hộ gia đình, cá nhân, nhóm cá nhân lần đầu ra hoạt động sản xuất, kinh doanh. + Trong thời gian miễn lệ phí môn bài, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, nhóm cá nhân thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh thì chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh được miễn lệ phí môn bài trong thời gian tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, nhóm cá nhân được miễn lệ phí môn bài. - Doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển từ hộ kinh doanh (theo quy định tại Điều 16 Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa) được miễn lệ phí môn bài trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu. + Trong thời gian miễn lệ phí môn bài, doanh nghiệp nhỏ và vừa thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh thì chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh được miễn lệ phí môn bài trong thời gian doanh nghiệp nhỏ và vừa được miễn lệ phí môn bài. + Chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa (thuộc diện miễn lệ phí môn bài theo quy định tại Điều 16 Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa) được thành lập trước thời điểm Nghị định này có hiệu lực thi hành thì thời gian miễn lệ phí môn bài của chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh được tính từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành đến hết thời gian doanh nghiệp nhỏ và vừa được miễn lệ phí môn bài. + Doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi từ hộ kinh doanh trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành thực hiện miễn lệ phí môn bài theo quy định tại Điều 16 và Điều 35 Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. + Cơ sở giáo dục phổ thông công lập và cơ sở giáo dục mầm non công lập”. Nếu trường hợp buôn bán trên vỉa hè được cho phép và không thuộc bất cứ trường hợp "miễn thuế" nào được đề cập như trên thì phải đóng “thuế môn bài” 3. Mức đóng “thuế môn bài” Căn cứ khoản 2 Điều 4 Nghị định 22/2020/NĐ-CP sửa đổi bổ sung Nghị định 139/2016/NĐ-CP, quy định: - Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình có doanh thu trên 500 triệu đồng/năm: 1.000.000 đồng/năm; - Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình có doanh thu trên 300 đến 500 triệu đồng/năm: 500.000 đồng/năm; - Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình có doanh thu trên 100 đến 300 triệu đồng/năm: 300.000 đồng/năm. - Doanh thu để làm căn cứ xác định mức thu lệ phí môn bài đối với cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình theo hướng dẫn của Bộ Tài chính Thông thường, do mức độ kinh doanh của bán trên vỉa hè không quá lớn, nên chiếu theo quy định trên, mức đóng thuế môn bài của bán trên vỉa hè cao nhất là 300.000 đồng/năm.
Xe đạp, xe đạp điện có được chạy trên cao tốc không?
Vừa qua, vụ việc đoàn xe đạp đi vào đường cấm bị tài xế ô tô nhắc nhở thì bao vây đe dọa khiến người dân bức xúc. Trước đó, không ít những vụ đoàn xe đạp lấn xe ô tô hay đi vào đường cấm, vậy trường hợp xe đạp chạy vào đường cao tốc thì như thế nào? (1) Xe đạp có được chạy trên cao tốc không? Căn cứ tại khoản 12 Điều 3 Luật giao thông đường bộ 2008 quy định: “Đường cao tốc là đường dành cho xe cơ giới, có dải phân cách chia đường cho xe chạy hai chiều riêng biệt; không giao nhau cùng mức với một hoặc các đường khác; được bố trí đầy đủ trang thiết bị phục vụ, bảo đảm giao thông liên tục, an toàn, rút ngắn thời gian hành trình và chỉ cho xe ra, vào ở những điểm nhất định” Đồng thời, khoản 4 Điều 26 Luật giao thông đường bộ 2008 quy định các phương tiện không được lưu thông trên đường cao tốc, bao gồm: người đi bộ, xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô và máy kéo; xe máy chuyên dùng có tốc độ thiết kế nhỏ hơn 70 km/h không được đi vào đường cao tốc, trừ người, phương tiện, thiết bị phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc. Như vậy, theo quy định pháp luật xe đạp được phân vào loại phương tiện giao thông thô sơ đường bộ (khoản 19 Điều 3 Luật giao thông đường bộ 2008), có thể thấy người tham gia giao thông sử dụng xe đạp không được phép đi vào đường cao tốc (ngoại trừ trường hợp phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc. (2) Xe đạp điện có được chạy trên cao tốc không? Căn cứ tại khoản 19 Điều 3 Luật giao thông đường bộ 2008 quy định phương tiện giao thông thô sơ đường bộ (sau đây gọi là xe thô sơ) gồm xe đạp (kể cả xe đạp máy), xe xích lô, xe lăn dùng cho người khuyết tật, xe súc vật kéo và các loại xe tương tự. Như vậy theo phân tích tại mục (1) thì xe thô sơ không được đi vào đường cao tốc, trừ người, phương tiện, thiết bị phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc. Theo đó, xe đạp điện cũng không được chạy trên đường cao tốc. (3) Mức xử phạt hành vi đi xe đạp vào đường cao tốc Căn cứ Điểm a, Khoản 4, Điều 8 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định: Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với người điều khiển xe đạp, xe đạp máy (kể cả xe đạp điện), người điều khiển xe thô sơ khác vi phạm quy tắc giao thông đường bộ đi vào đường cao tốc, trừ phương tiện phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc. Ngoài ra, nếu có căn cứ chứng minh rằng người thực hiện hành vi này gây ra thiệt hại nghiêm trọng thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Vi phạm quy định về giao thông đường bộ” tại Điều 260 Bộ Luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 và phải bồi thường thiệt hại nếu có. Tham khảo: Xe đạp lấn làn xe ô tô, đi vào đường cấm phạt bao nhiêu? Theo Khoản 3 Điều 8 Nghị định 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi bởi điểm k Khoản 34 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP, mức phạt tiền 300.000 - 400.000 đồng đối với người lái xe đạp đi vào khu vực cấm, đường có biển báo hiệu nội dung cấm đi vào; đi ngược chiều đường của đường một chiều, đường có biển "Cấm đi ngược chiều". Xem bài viết liên quan: Chạy xe đạp thể thao lấn làn ô tô bị xử lý ra sao?
Trường hợp nào sử dụng đèn khẩn cấp để dừng, đỗ xe không bị phạt?
Đèn khẩn cấp là gì? Trong một số trường hợp đậu xe tại nơi cấm dừng, cấm đỗ thì có bật đèn khẩn cấp có bị phạt hay không? Bài viết sẽ cung cấp một số thông tin liên quan đến vấn đề này. Đèn khẩn cấp được sử dụng trong những trường hợp nào? Đèn khẩn cấp trang bị cho ô tô để sử dụng khi xe gặp sự cố phải dừng/đỗ trên đường. Đèn khẩn cấp hay còn gọi là đèn cảnh báo nguy hiểm được dùng trong một số trường hợp nhất định. Khi ô tô bật đèn khẩn cấp đồng nghĩa, xe đó đang gặp sự cố nên các xe khác cần chú ý, chủ động tránh xe để không xảy ra va chạm. Ngoài ra, đèn khẩn cấp còn có tác dụng thu hút sự chú ý và giúp đỡ của những lái xe hay người đi đường khác. Hơn nữa, khi gặp thời tiết xấu, lái xe cũng có thể bật đèn khẩn cấp để các phương tiện có thể nhận diện nhằm tránh xảy ra va chạm. Hiện chưa có quy định pháp luật về các trường hợp sử dụng đèn khẩn cấp, tuy nhiên, các nhà sản xuất khuyến cáo người điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông nên bật đèn khẩn cấp nếu: - Xe gặp sự cố phải dừng, đỗ trên đường: Khi đi trên đường mà xe gặp sự cố bất ngờ, không thể di chuyển đến nơi dừng, đỗ theo quy định, bắt buộc phải đỗ trên đường, lái xe cần bật đèn khẩn cấp để các xe khác chủ động tránh. - Xe đang trong tình trạng nguy hiểm: Trường hợp xe gặp trục trặc mà không thể tấp vào lề dừng đỗ, lái xe nên bật đèn cảnh báo khẩn cấp để thông báo cho các phương tiện khác biết rằng để xử lý tình huống. - Thời tiết quá xấu: Nếu trời mưa, sương mù bình thường thì có thể chỉ cần bật đèn sương mù/đèn chiếu gần là được, không nên bật đèn khẩn cấp vì phương tiện phía sau sẽ không biết khi nào xe phía trước sẽ rẽ, chuyển làn… Dừng, đỗ xe có bật đèn khẩn cấp thì có bị phạt không? Căn cứ tại khoản 1 Điều 11 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định người tham gia giao thông phải chấp hành hiệu lệnh và chỉ dẫn của hệ thống báo hiệu đường bộ, trong đó có hệ thống biển báo. Người điều khiển phương tiện khi dừng, đỗ xe trên đường bộ và trên đường phố phải tuân thủ các quy định tại Điều 18, Điều 19 Luật Giao thông đường bộ 2008, không được để phương tiện ở lòng đường, hè phố trái quy định; nơi có biển cấm dừng, cấm đỗ xe Trường hợp các phương tiện khi tham gia giao thông gặp sự cố kỹ thuật, phải dừng, đỗ xe ở những tuyến đường có biển cấm phương tiện dừng, đỗ và bật đèn khẩn cấp; người điều khiển phương tiện cần nhanh chóng liên lạc với các đơn vị cứu hộ tiến hành di chuyển phương tiện đến vị trí thích hợp, tránh gây ùn, tắc giao thông. Lợi dụng việc sử dụng đèn khẩn cấp bị phạt như thế nào? Trường hợp các phương tiện mặc dù không bị sự cố kỹ thuật nhưng vẫn lợi dụng bật đèn khẩn cấp để dừng, đỗ xe ở những tuyến đường có biển cấm phương tiện dừng, đỗ là vi phạm quy định tại điểm e, Khoản 3 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ và bị phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng với hành vi đỗ xe tại nơi có biển “Cấm đỗ xe” hoặc biển “Cấm dừng xe và đỗ xe”.
Xe chạy quá tốc độ để chở người cấp cứu có được miễn phạt không?
Trong một số trường hợp khẩn cấp như chở người đi cấp cứu mà người tham gia giao thông phạm lỗi theo Luật giao thông đường bộ. Liệu trong những trường hợp này CSGT có phạt người vi phạm không? Nếu bị phạt nguội thì trong trường hợp này cần làm gì? Mức phạt vi phạm với lỗi chạy quá tốc độ cho phép Điều khiển ô tô, xe máy chạy quá tốc độ quy định là hành vi bị nghiêm cấm tại khoản 11 Điều 8 Luật Giao thông đường bộ 2008, nếu vi phạm sẽ bị xử phạt theo quy định. Đối với ô tô: Cụ thể theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP (được sửa đổi tại Nghị định 123/2021/NĐ-CP) thì mức phạt đối với hành vi điều khiển xe cơ giới giao thông chạy quá tốc độ được quy định như sau: Mức phạt lỗi chạy quá tốc độ với ô tô - Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định từ 05 km/h đến dưới 10 km/h (Điểm a Khoản 3 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP). - Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với người điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định từ 10 km/h đến 20 km/h (Điểm i Khoản 5 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi tại điểm đ Khoản 34 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP). Ngoài ra, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 đến 03 tháng (Điểm b Khoản 11 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP); - Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với người điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định trên 20 km/h đến 35 km/h (Điểm a Khoản 6 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP). Ngoài ra, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 đến 04 tháng (Điểm c Khoản 11 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP). - Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với người điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định trên 35 km/h (Điểm c Khoản 7 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP). Ngoài ra, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 đến 04 tháng (Điểm c Khoản 11 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP). Đối với xe máy: - Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng đối với người điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định từ 05 km/h đến dưới 10 km/h (Điểm c Khoản 2 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP (được sửa đổi tại điểm k khoản 34 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP)). - Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định từ 10 km/h đến 20 km/h (Điểm a Khoản 4 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP (được sửa đổi tại điểm g khoản 34 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP)). - Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với người điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định trên 20 km/h (Điểm a Khoản 7 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP). Ngoài ra, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 đến 04 tháng (Điểm c Khoản 10 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP). Chạy quá tốc độ đưa người đi cấp cứu có bị phạt không? Tại Điều 11 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định về những trường hợp không xử phạt vi phạm hành chính như sau: - Thực hiện hành vi vi phạm hành chính trong tình thế cấp thiết; - Thực hiện hành vi vi phạm hành chính do phòng vệ chính đáng; - Thực hiện hành vi vi phạm hành chính do sự kiện bất ngờ; - Thực hiện hành vi vi phạm hành chính do sự kiện bất khả kháng; Do đó, có thể thấy trường hợp chạy quá tốc độ để đưa người đi cấp cứu thì có thể được xem là tình thế cấp thiết. Nếu chứng minh được với cơ quan chức năng, khi đó sẽ được miễn phạt. Nếu CSGT tiến hành phạt nguội thì bạn có thể cung cấp một số giấy tờ của bệnh viện, hoặc của người được chở đi cấp cứu để làm bằng chứng chứng minh cho cơ quan công an để được xem xét miễn trừ xử phạt khi vi phạm.
Cần làm gì với hiện trạng "ngại" cứu người bị tai nạn giao thông?
Hiện trạng e ngại khi giúp đỡ người bị tai nạn khi tham gia giao thông đang là tâm lý chung của rất nhiều người. Bởi vì không ít trường hợp khi giúp đỡ người bị tai nạn nhưng lại bị người nhà nạn nhân hiểu lầm là người gây tai nạn lao vào chửi mắng, nặng thì có thể bị hành hung. Vậy cần làm gì nếu sau khi giúp đỡ người gặp tai nạn giao thông nhưng lại bị tố cáo là người gây tai nạn? Cơ quan Công an có giải pháp gì để tránh xảy oan sai trong các vụ việc như thế này? Những điều cần làm khi xảy ra tai nạn giao thông Để trả lời câu hỏi này, Bộ Công an đã đưa ra một số hướng dẫn như sau: Theo Điều 38 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định về trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, tổ chức khi xảy ra tai nạn giao thông như sau: (1) Người điều khiển phương tiện và những người liên quan trực tiếp đến vụ tai nạn có trách nhiệm sau đây: - Dừng ngay phương tiện; giữ nguyên hiện trường; cấp cứu người bị nạn và phải có mặt khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu; - Ở lại nơi xảy ra tai nạn cho đến khi người của cơ quan Công an đến, trừ trường hợp người điều khiển phương tiện cũng bị thương phải đưa đi cấp cứu hoặc phải đưa người bị nạn đi cấp cứu hoặc vì lý do bị đe dọa đến tính mạng, nhưng phải đến trình bảo ngay với cơ quan Công an nơi gần nhất; - Cung cấp thông tin xác thực về vụ tai nạn cho cơ quan có thẩm quyền. (2) Những người có mặt tại nơi xảy ra vụ tai nạn có trách nhiệm sau đây: - Bảo vệ hiện trường; - Giúp đỡ, cứu chữa kịp thời người bị nạn; - Báo tin ngay cho cơ quan Công an, y tế hoặc Ủy ban nhân dân nơi gần nhất; - Bảo vệ tài sản của người bị nạn; - Cung cấp thông tin xác thực về vụ tai nạn theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền. (3) Người điều khiển phương tiện khác khi đi qua nơi xảy ra vụ tai nạn có trách nhiệm chở người bị nạn đi cấp cứu. Các xe được quyền ưu tiên, xe chở người được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao, lãnh sự không bắt buộc thực hiện quy định tại khoản này. (4) Cơ quan Công an khi nhận được tin về vụ tai nạn có trách nhiệm cử người tới ngay hiện trường để điều tra vụ tai nạn, phối hợp với cơ quan quản lý đường bộ và Ủy ban nhân dân địa phương bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn... Như vậy, căn cứ quy định trên, người điều khiển phương tiện và những người liên quan trực tiếp đến vụ tai nạn hoặc người có mặt tại nơi xảy ra vụ tai nạn giao thông phải báo ngay thông tin vụ tai nạn giao thông cho cơ quan Công an, cơ quan Y tế hoặc Uỷ ban nhân dân nơi gần nhất, đồng thời có trách nhiệm phối hợp cung cấp thông tin xác thực về vụ tai nạn giao thông cho cơ quan có thẩm quyền (cơ quan Công an thụ lý, điều tra giải quyết vụ tai nạn giao thông. Cơ quan Công an khi nhận được tin về vụ tai nạn có trách nhiệm cử người tới ngay hiện trường để điều tra vụ tai nạn. Việc điều tra, giải quyết tai nạn giao thông của cơ quan Công an được tiến hành theo quy định của pháp luật, quy định của Bộ Công an về công tác điều tra, giải quyết tai nạn giao thông. Trong quá trình điều tra, xác minh, giải quyết vụ tai nạn giao thông mà phát hiện người có hành vi vu khống cho người khác với mục đích xấu thì căn cứ vào mức độ gây hậu quả của hành vi vi phạm để tiến hành xử lý theo quy định của pháp luật. Trường hợp nhìn thấy người bị tai nạn giao thông mà không cứu giúp thì theo quy định sẽ bị xử lý như thế nào? Theo Khoản 18 Điều 8 và Điều 38 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định về việc cứu giúp người bị tai nạn giao thông. Căn cứ cụ thể vào mức độ gây ra thiệt hại của hành vi vi phạm cứu giúp người bị tai nạn giao thông để tiến hành xử lý như sau: + Phạt tiền từ 500 nghìn đến 1 triệu đồng đối với cá nhân, từ 1-2 triệu đồng đối với tổ chức không cứu giúp người bị tai nạn giao thông khi có yêu cầu (điểm a khoản 7 Điều 11 Nghị định 100/2019/NĐ-CP). + Việc không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng còn có thể bị xử lý theo pháp luật hình sự (Điều 132 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định về Tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng). Nguồn Cổng TTĐT Bộ Công an
Tài xế ô tô có được dừng, đỗ xe trên cao tốc?
Vừa qua trên mạng xã hội đang xôn xao về vụ việc người tài xế bị đánh vì không dừng xe trên cao tốc. Cụ thể, hành vi dừng xe trên cao tốc là hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ, trừ một số trường hợp có lý do chính đáng được pháp luật quy định. Xử phạt hành vi dừng, đỗ xe ô tô trên cao tốc Theo Nghị định 123/2021/NĐ-CP mức xử phạt đối với hành vi dừng, đỗ xe trên đường cao tốc không đúng quy định đã được tăng lên so với mức phạt đặt ra trước đây. Theo đó, nghị định mới này đã bổ sung điểm d vào sau điểm c khoản 7 Điều 5 của Nghị định 100/2019/NĐ-CP, quy định mức xử phạt từ 10-12 triệu đồng đối với người điều khiển xe ô tô thực hiện các hành vi: - Dừng, đỗ xe trên đường cao tốc sai quy định - Khi buộc phải dừng, đỗ xe trên đường cao tốc, người điều khiển không có báo hiệu để thông báo - Quay đầu xe khi đang di chuyển trên đường cao tốc Ngoài ra, Nghị định cũng bổ sung khoản 7a vào sau khoản 7 Điều 23, quy định phạt tiền đối với hành vi đón, trả khách trên đường cao tốc từ 10-12 triệu đồng. Đồng thời tại khoản 11 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định: Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung là bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02-04 tháng Như vậy, người điều khiển xe ô tô có thể sẽ bị phạt từ 10-12 triệu đồng và bị tước 02-04 tháng nếu có hành vi dừng, đỗ xe sai quy định khi lưu thông trên đường cao tốc. Những trường hợp được dừng xe trên đường cao tốc Theo quy định tại khoản 3 Điều 26 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định, người điều khiển xe cơ giới di chuyển trên đường cao tốc chỉ được dừng xe, đỗ xe ở nơi quy định. Trường hợp buộc phải dừng xe, đỗ xe không đúng nơi quy định thì người lái xe phải đưa xe ra khỏi phần đường xe chạy, nếu không thì cần phải báo hiệu để lái xe khác biết. Theo đó, xe được dừng trong các trường hợp: - Bị hư hỏng, người trên xe cần được cứu hộ y tế khẩn cấp... Cũng theo quy định này, người điều khiển phương tiện nếu dừng xe trên đường cao tốc phải dừng xe ở vị trí đã được quy định là lề đường bên phải hoặc làn xe dừng khẩn cấp trên đường cao tốc. Như vậy, chỉ khi rơi vào tình trạng khẩn cấp, tài xế mới được dừng xe trên đường cao tốc. Nếu người điều khiển phương tiện cố tình dừng xe trên đường cao tốc mà không có lý do chính đáng sẽ bị xử phạt hành chính và tước giấy phép lái xe như phân tích ở mục trên. Trong tình huống này, người lái cần quan sát cẩn thận tình hình xung quanh và bật đèn xi nhan báo hiệu cho các phương tiện khác biết. Đồng thời, người lái cần dừng xe tại lề đường bên phải hoặc ở làn xe dừng khẩn cấp nhằm bảo đảm an toàn cho mình và những người tham gia giao thông xung quanh.
Ngày Tết, tài xế xe khách chở quá số người quy định bị phạt bao nhiêu?
Cận kề ngày Tết, các hãng xe khách luôn bận rộn sắp xếp các chuyến để đáp ứng được nhu cầu của hành khách. Tuy nhiên, một số nhà xe không đáp ứng đủ xe cho số lượng hành khách của mình nên nhiều trường hợp chở quá số người cho phép theo quy định pháp luật, thậm chí là nhồi nhét hành khách. Theo điểm d khoản 1 Điều 68 Luật giao thông đường bộ 2008 nêu ra một số quy định mà người vận tải, người lái xe khách phải chấp hành, trong đó quy định không chở hành khách, hành lý, hàng hóa vượt quá trọng tải, số người theo quy định. Như vậy, theo quy định nêu trên thì dù ngày lễ tết xe ô tô chở khách cũng phải chở đúng số người mà luật quy định, không được phép chở quá. Xử phạt vi phạm đối với tài xế xe khách chở quá số người quy định? Căn cứ tại khoản 2 Điều 23 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt người điều khiển xe ô tô chở hành khách, ô tô chở người và các loại xe tương tự xe ô tô chở hành khách, chở người vi phạm quy định về vận tải đường bộ, như sau: Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng trên mỗi người vượt quá quy định được phép chở của phương tiện nhưng tổng mức phạt tiền tối đa không vượt quá 40 triệu đồng đối với người điều khiển xe ô tô chở hành khách, ô tô chở người (trừ xe buýt) thực hiện hành vi vi phạm: - Chở quá từ 02 người trở lên trên xe đến 9 chỗ; - Chở quá từ 03 người trở lên trên xe 10 chỗ đến xe 15 chỗ; - Chở quá từ 04 người trở lên trên xe 16 chỗ đến xe 30 chỗ; - Chở quá từ 05 người trở lên trên xe trên 30 chỗ. Đối với xe chạy tuyến có cự ly lớn hơn 300 km thì: Phạt tiền từ 01-02 triệu đồng trên mỗi người vượt quá quy định được phép chở của phương tiện nhưng tổng mức phạt tiền tối đa không vượt quá 40 triệu đồng đối với người điều khiển xe ô tô chở hành khách thực hiện hành vi vi phạm: - Chở quá từ 02 người trở lên trên xe đến 9 chỗ; - Chở quá từ 03 người trở lên trên xe 10 chỗ đến xe 15 chỗ; - Chở quá từ 04 người trở lên trên xe 16 chỗ đến xe 30 chỗ; - Chở quá từ 05 người trở lên trên xe trên 30 chỗ. Như vậy, theo quy định trên, không phải trong mọi trường hợp chở người vượt quá số lượng quy định sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính. Tài xế xe khách được phép chở quá bao nhiêu người? Theo như phân tích trên, thì tài xế xe khách chở quá số người thuộc một trong các trường hợp sau sẽ không bị xử phạt: - Đối với xe đến 9 chỗ: được phép chở quá số lượng 01 người trên xe; - Đối với xe từ 10 chỗ đến xe 15 chỗ: được phép chở vượt quá số lượng 02 người trên xe; - Đối với xe từ 16 chỗ đến xe 30 chỗ: được phép chở vượt quá số lượng 03 người trên xe; - Đối với xe trên 30 chỗ: được phép chở vượt quá số lượng 04 người trên xe. Đối với nhà xe giao cho tài xế sẽ bị xử phạt bao nhiêu? Căn cứ tại khoản 6 Điều 23 Nghị định 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi bởi điểm đ khoản 17 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP quy định: Phạt tiền từ 01-02 triệu đồng trên mỗi người vượt quá quy định được phép chở của phương tiện nhưng tổng mức phạt tiền tối đa không vượt quá 75 triệu đồng đối với chủ phương tiện là cá nhân. Đối với chủ phương tiện là tổ chức giao phương tiện hoặc để cho người làm công, người đại diện điều khiển phương tiện vi phạm hoặc trực tiếp điều khiển phương tiện vi phạm phạt từ 02-04 triệu đồng trên mỗi người vượt quá quy định được phép chở của phương tiện nhưng tổng mức phạt tiền tối đa không vượt quá 150 triệu đồng.
Ô tô lấn làn xe máy có bị phạt hay không?
Hiện nay, tình trạng xe lấn làn không còn là hiếm gặp, không chỉ xe máy, mà cả ô tô cũng vậy, nhất là nơi đô thị đông đúc vào giờ cao điểm. Không khó bắt gặp nạn kẹt xe ở các thành phố lớn, theo đó vì để kịp giờ đi làm hay tan làm về nhà, hoặc những ngày cuối tuần xe cộ nhộn nhịp ra đường vui chơi thì nạn lấn làn càng phổ biến. Hành vi lấn làn của xe ô tô là hành vi nguy hiểm và vi phạm điều cấm trong Luật Giao thông đường bộ. Trong khi đó, Điều 13 Luật Giao thông đường bộ 2008 đã quy định rõ về việc sử dụng làn đường như sau: - Trên đường có nhiều làn đường cho xe đi cùng chiều được phân biệt bằng vạch kẻ phân làn đường, người điều khiển phương tiện phải cho xe đi trong một làn đường và chỉ được chuyển làn đường ở những nơi cho phép; khi chuyển làn đường phải có tín hiệu báo trước và phải bảo đảm an toàn. - Trên đường một chiều có vạch kẻ phân làn đường, xe thô sơ phải đi trên làn đường bên phải trong cùng, xe cơ giới, xe máy chuyên dùng đi trên làn đường bên trái. - Phương tiện tham gia giao thông đường bộ di chuyển với tốc độ thấp hơn phải đi về bên phải. Ô tô lấn làn xe máy bị phạt bao nhiêu? Mỗi phương tiện tham gia giao thông phải đi đúng làn đường quy định. Nếu vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính theo Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP. Cụ thể, việc lái xe ô tô lấn sang làn xe máy sẽ bị phạt theo các mức sau: - Hành vi chuyển làn đường không đúng nơi cho phép bị phạt từ 400.000 - 600.000 đồng (điểm a Khoản 2 Điều 5). - Hành vi đi không đúng phần đường hoặc làn đường quy định bị phạt từ 04-06 triệu đồng (điểm đ Khoản 5 Điều 5). Ngoài ra còn tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01-03 tháng (điểm c Khoản 11 Điều 5). So với quy định trước đây tại Nghị định 46/2016/NĐ-CP, mức phạt đối với việc ô tô lấn làn xe máy đã tăng gấp nhiều lần. Với hành vi chuyển làn không đúng nơi cho phép mức phạt tăng khoảng 1,5 lần (trước đó phạt 300.000 - 400.000 đồng). Đặc biệt, hành vi đi không đúng phần đường, làn đường quy định, mức phạt đã tăng gấp 5 lần (mức cũ là từ 800.000 - 1,2 triệu đồng). Việc tăng mức phạt sẽ góp phần răn đe, hạn chế tình trạng ô tô lấn làn xe máy khi tham gia giao thông trên đường. Ô tô lấn làn gây tai nạn bị xử lý thế nào? Như đã phân tích, việc lái ô tô lấn làn xe máy sẽ bị xử phạt hành chính lên đến 05 triệu đồng. Trường hợp gây ra tai nạn, người điều khiển phải có trách nhiệm bồi thường cho người bị thiệt hại do tai nạn gây ra. Cụ thể, theo quy định tại Điều 589, Điều 590 và Điều 591 Bộ luật Dân sự 2015, người lái xe lấn làn gây tai nạn sẽ phải bồi thường những thiệt hại sau: - Thiệt hại về tài sản: Tài sản bị mất, bị huỷ hoại hoặc bị hư hỏng; giá trị sử dụng, khai thác tài sản bị mất, giảm sút; chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại,… - Thiệt hại về sức khỏe: chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khoẻ và thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại; mức bù đắp tổn thất tinh thần… - Thiệt hại về tính mạng (làm chết người): chi phí mai táng, tiền cấp dưỡng cho người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng; mức bồi thường bù đắp tính thần,… Đặc biệt, hành vi lái ô tô lấn làn xe máy còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ tại Điều 260 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi năm 2017. Mức phạt nhẹ nhất đối với tội này là phạt tiền từ 30 - 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 - 05 năm nếu: Làm chết người; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;… Nói tóm lại, ô tô lấn làn xe máy sẽ bị phạt hành chính lên đến 05 triệu đồng. Trường hợp lấn làn gây tai nạn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Mức xử phạt đối với hành vi đỗ xe máy dưới lòng đường
Vừa qua, có một số trường hợp CSGT lập biên bản xử phạt người điều khiển xe mấy đỗ xe dưới lòng đường. Theo đó, nhiều người dân thắc mắc rằng lòng đường rộng nhưng đậu xe vẫn bị phạt vì lý do gì? Theo đó, có nhiều quy định về việc người điều khiển xe máy dừng, đỗ xe dưới lòng đường, bởi người dân chưa nắm rõ luật định nên còn nhiều vướng mắc. Bài viết sẽ cung cấp cho người đọc một số thông tin liên quan đến vấn đề này. Như thế nào là dừng, đỗ xe theo luât định? Căn cứ Điều 18 Luật giao thông đường bộ 2008 quy định - Dừng xe là trạng thái đứng yên tạm thời của phương tiện giao thông trong một khoảng thời gian cần thiết đủ để cho người lên, xuống phương tiện, xếp dỡ hàng hóa hoặc thực hiện công việc khác. - Đỗ xe là trạng thái đứng yên của phương tiện giao thông không giới hạn thời gian. Quy định về dừng, đỗ xe Căn cứ khoản 3 Điều 18 Luật Giao thông đường bộ 2008 có quy định: Người điều khiển phương tiện khi dừng, đỗ xe trên đường bộ phải thực hiện quy định sau đây: - Có tín hiệu báo cho người điều khiển phương tiện khác biết; - Cho xe dừng, đỗ ở nơi có lề đường rộng hoặc khu đất ở bên ngoài phần đường xe chạy; trường hợp lề đường hẹp hoặc không có lề đường thì phải cho xe dừng, đỗ sát mép đường phía bên phải theo chiều đi của mình; - Trường hợp trên đường đã xây dựng nơi dừng xe, đỗ xe hoặc quy định các điểm dừng xe, đỗ xe thì phải dừng, đỗ xe tại các vị trí đó; - Sau khi đỗ xe, chỉ được rời khỏi xe khi đã thực hiện các biện pháp an toàn; nếu xe đỗ chiếm một phần đường xe chạy phải đặt ngay biển báo hiệu nguy hiểm ở phía trước và phía sau xe để người điều khiển phương tiện khác biết; - Không mở cửa xe, để cửa xe mở hoặc bước xuống xe khi chưa bảo đảm điều kiện an toàn; - Khi dừng xe, không được tắt máy và không được rời khỏi vị trí lái; - Xe đỗ trên đoạn đường dốc phải được chèn bánh. Theo đó, khi dừng, đỗ xe cần phải thực hiện theo quy định trên. Ngoài ra, Luật giao thông đường bộ 2008 còn quy định về những vị trí không được đỗ xe như sau: Người điều khiển phương tiện không được đỗ xe tại các vị trí: - Bên trái đường một chiều; - Trên các đoạn đường cong và gần đầu dốc tầm nhìn bị che khuất; - Trên cầu, gầm cầu vượt; - Song song với một xe khác đang dừng, đỗ; - Trên phần đường dành cho người đi bộ qua đường; - Nơi đường giao nhau và trong phạm vi 5 mét tính từ mép đường giao nhau; - Nơi dừng của xe buýt; - Trước cổng và trong phạm vi 5 mét hai bên cổng trụ sở cơ quan, tổ chức; - Tại nơi phần đường có bề rộng chỉ đủ cho một làn xe; - Trong phạm vi an toàn của đường sắt; - Che khuất biển báo hiệu đường bộ. Như vậy, khi dừng, đỗ xe, người điều khiển phương tiện giao thông phải thực hiện theo các quy định tại Điều 18 về những hành vi được dừng, đỗ xe và các vị trí không được dừng, đỗ xe. Bên cạnh đó, tại Điều 19 Luật giao thông đường bộ 2008 cũng quy định về hành vi đỗ xe trên đường phố như sau: Người điều khiển phương tiện khi dừng, đỗ xe trên đường phố phải tuân theo quy định tại Điều 18 Luật GTĐT 2008 và các quy định sau đây: - Phải cho xe đỗ sát theo lề đường, hè phố phía bên phải theo chiều đi của mình; bánh xe gần nhất không được cách xa lề đường, hè phố quá 0,25 mét và không gây cản trở, nguy hiểm cho giao thông. Trường hợp đường phố hẹp, phải đỗ xe ở vị trí cách xe ô tô đang đỗ bên kia đường tối thiểu 20 mét. - Không được đỗ xe trên đường xe điện, trên miệng cống thoát nước, miệng hầm của đường điện thoại, điện cao thế, chỗ dành riêng cho xe chữa cháy lấy nước. Không được để phương tiện giao thông ở lòng đường, hè phố trái quy định. Vì vậy, nếu người điều khiển phương tiện giao thông mà vi phạm một trong các quy định trên của Luật GTĐB 2008 thì sẽ bị xử lý ra sao? Xử phạt vi phạm hành chính đối với người điều khiển xe máy dừng, đỗ xe dưới lòng đường vi phạm một trong các quy định: Căn cứ Nghị định 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/01/2022, người điều khiển xe gắn máy dừng xe, đỗ xe ở lòng đường đô thị gây cản trở giao thông sẽ bị xử phạt như sau: Phạt tiền từ 300.000-400.000 đồng: - Dừng xe, đỗ xe trên phần đường xe chạy ở đoạn đường ngoài đô thị nơi có lề đường; - Dừng xe, đỗ xe ở lòng đường đô thị gây cản trở giao thông; tụ tập từ 03 xe trở lên ở lòng đường, trong hầm đường bộ; đỗ, để xe ở lòng đường đô thị, hè phố trái quy định của pháp luật; - Dừng xe, đỗ xe trên đường xe điện, điểm dừng đón trả khách của xe buýt, nơi đường bộ giao nhau, trên phần đường dành cho người đi bộ qua đường; dừng xe nơi có biển “Cấm dừng xe và đỗ xe”; đỗ xe tại nơi có biển “Cấm đỗ xe” hoặc biển “Cấm dừng xe và đỗ xe”; không tuân thủ các quy định về dừng xe, đỗ xe tại nơi đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt; dừng xe, đỗ xe trong phạm vi an toàn của đường sắt, trừ hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 2, điểm b khoản 3 Điều 49 Nghị định 100/2019/NĐ-CP; Phạt tiền từ 400.000-600.000 đồng: - Dừng xe, đỗ xe trên cầu; Phạt tiền từ 800.000-1.000.000 đồng: - Dừng xe, đỗ xe trong hầm đường bộ không đúng nơi quy định; Phạt tiền từ 4-5 triệu đồng: - Dừng xe, đỗ xe không đúng quy định gây tai nạn giao thông. Ngoài ra tại hành vi vi phạm này không chỉ xử phạt tiền mà người điều khiển xe còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng
“Chồng tổ lái, vợ gà mái nuôi con” là gì? Chạy vượt quá tốc độ quy định bị phạt bao nhiêu?
Câu tục ngữ “Chồng tổ lái, vợ gà mái nuôi con” có nghĩa là gì? Pháp luật quy định mức xử phạt đối với hành vi chạy vượt quá tốc độ quy định là bao nhiêu tiền? "Chồng tổ lái, vợ gà mái nuôi con" là gì? “Chồng tổ lái, vợ gà mái nuôi con” là một trong những ca dao, tục ngữ nói về an toàn giao thông. Câu nói này mang ý nghĩa là lái xe với tốc độ cao và không tập trung, chú ý khi tham gia giao thông sẽ rất dễ gây tai nạn và hậu quả xảy đến có thể là mạng người. Cụ thể trong đó, câu nói “Chồng tổ lái, vợ gà mái nuôi con” sử dụng người "chồng", người "vợ" và đứa con để khắc họa nên hình ảnh một gia đình. Từ "tổ lái" thường được sử dụng trong lĩnh vực giao thông, trong ngữ cảnh này "tổ lái" mang ý nghĩa châm biếm những người điều khiển phương tiện giao thông, như ô tô, xe máy, hoặc các loại xe khác mà phóng nhanh, vượt ẩu, lạng lách khi tham gia giao thông. Và "gà mái nuôi con" thường được dùng để chỉ người vợ đơn độc trong hoàn cảnh gia đình đơn chiếc, phải một mình gồng gánh gia đình, nuôi con khôn lớn. “Chồng tổ lái, vợ gà mái nuôi con” dùng để chỉ những người điều khiển phương tiện giao thông không chú ý an toàn, không tuân thủ quy định pháp luật để rồi phải trả giá bằng sức khỏe, thậm chí là tính mạng của mình và mang lại gánh nặng cho gia đình và người thân. Đặc biệt còn dùng để nhắc nhở những người chồng, người cha khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông cần chú ý an toàn không chỉ vì bảo vệ chính bản thân mình mà còn vì trách nhiệm với vợ và con và gia đình mình. Không để xảy ra hậu qua đáng tiếc, vợ con sẽ không phải rơi vào cảnh đơn độc, gia đình tan vỡ. Theo quy định pháp luật về tham gia giao thông thì hành động điều khiển phương tiện giao thông, vượt nhanh, phóng ẩu với tốc độ cao hơn mức cho phép trên đoạn đường là một trong những hành vi bị nghiêm cấm, có thể dẫn đến nguy hiểm cho bản thân và người khác. Đối với trường hợp vi phạm sẽ bị phạt tiền theo mức xử phạt tương ứng. Qua đó, câu tục ngữ “Chồng tổ lái, vợ gà mái nuôi con” nhắc nhở người điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông phải luôn luôn chú ý đến tốc độ, quan sát cẩn thận trong mọi tình huống, tránh vội vàng phóng nhanh vượt ẩu sẽ dễ gây tai nạn đáng tiếc. Khuyên chúng ta cần phải biết kiểm soát tốc độ khi tham gia giao thông, tránh trường hợp vượt quá tốc độ cho phép sẽ dẫn đến bị xử phạt hoặc nặng hơn là gây nguy hiểm cho tính mạng của chính người điều khiển phương tiện và những người tham gia giao thông khác. Không chỉ vậy, chú ý an toàn khi tham gia giao thông còn thể hiện trách nhiệm của mình với gia đình và người thân. Chạy vượt quá tốc độ quy định bị phạt bao nhiêu? Căn cứ khoản 11 Điều 8 Luật Giao thông đường bộ 2008, điều khiển ô tô, xe máy chạy quá tốc độ quy định là hành vi bị nghiêm cấm khi tham gia giao thông. Trường hợp vi phạm sẽ bị xử phạt theo quy định pháp luật hiện hành. Mức xử phạt đối với xe ô tô có hành vi chạy vượt quá tốc độ quy định - Phạt tiền từ 8 trăm nghìn đồng đến 1 triệu đồng đối với người điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định từ 05 km/h đến dưới 10 km/h (điểm a khoản 3 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP). - Phạt tiền từ 4 triệu đồng đến 6 triệu đồng đối với người điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định từ 10 km/h đến 20 km/h (điểm i khoản 5 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại điểm đ khoản 34 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP). Ngoài ra, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 đến 03 tháng (điểm b khoản 11 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP). - Phạt tiền từ 6 triệu đồng đến 8 triệu đồng đối với người điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định trên 20 km/h đến 35 km/h (điểm a khoản 6 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP). Ngoài ra, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 đến 04 tháng (điểm c khoản 11 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP). - Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 12 triệu đồng đối với người điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định trên 35 km/h (điểm c khoản 7 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP). Ngoài ra, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 đến 04 tháng (điểm c khoản 11 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP). Mức phạt lỗi chạy quá tốc độ với với mô tô, xe gắn máy - Phạt tiền từ 3 trăm nghìn đồng đến 4 trăm nghìn đồng đối với người điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định từ 05 km/h đến dưới 10 km/h (điểm c khoản 2 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi điểm k khoản 34 Nghị định 123/2021/NĐ-CP). - Phạt tiền từ 8 trăm nghìn đồng đến 1 triệu đồng đối với người điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định từ 10 km/h đến 20 km/h (điểm a khoản 4 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi điểm g khoản 34 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP). - Phạt tiền từ 4 triệu đồng đến 5 triệu đồng đối với người điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định trên 20 km/h (điểm a khoản 7 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP). Ngoài ra, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 đến 04 tháng (điểm c khoản 10 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP). Mức phạt lỗi chạy quá tốc độ với máy kéo, xe máy chuyên dùng - Phạt tiền từ 4 trăm nghìn đồng đến 6 trăm nghìn đồng đối với người điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định từ 5km/h đến 10km/h (điểm a khoản 3 Điều 7 Nghị định 100/2019/NĐ-CP). - Phạt tiền từ 8 trăm nghìn đồng đến 1 triệu đồng đối với người điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định từ 10km/h đến 20km/h (điểm a khoản 4 Điều 7 Nghị định 100/2019/NĐ-CP). Ngoài ra, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe (khi điều khiển máy kéo), chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ (khi điều khiển xe máy chuyên dùng) từ 01 tháng đến 03 tháng (điểm a khoản 10 Điều 7 Nghị định 100/2019/NĐ-CP). - Phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng đối với người điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định trên 20km/h (điểm b khoản 6 Điều 7 Nghị định 100/2019/NĐ-CP). Ngoài ra, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe (khi điều khiển máy kéo), chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ (khi điều khiển xe máy chuyên dùng) từ 02 tháng đến 04 tháng (điểm b khoản 10 Điều 7 Nghị định 100/2019/NĐ-CP). Như vậy, "Chồng tổ lái, vợ gà mái nuôi con” nhằm phản ánh hành vi phóng nhanh vượt ẩu, không chú ý an toàn khi tham gia giao thông để gây ra hậu quả nặng nề. Người có hành vi vi phạm khi tham gia giao thông, cụ thể là chạy vượt quá tốc độ cho phép sẽ bị xử phạt theo quy định pháp luật.
Người đã đủ 16 tuổi đến 18 tuổi được chạy những loại xe gì?
Hiện nay, người từ đủ 16 cho đến 18 tuổi được điều khiển những phương tiện nào? Việc xử phạt người chưa đủ 16 tuổi vi phạm giao thông được quy định như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết sau. (1) Người đã đủ 16 tuổi đến 18 tuổi được chạy những loại xe gì? Căn cứ Khoản 1 Điều 60 Luật Giao thông đường bộ 2008 có quy định về độ tuổi của người lái xe như sau: “1. Độ tuổi của người lái xe quy định như sau: a) Người đủ 16 tuổi trở lên được lái xe gắn máy có dung tích xi-lanh dưới 50 cm3; b) Người đủ 18 tuổi trở lên được lái xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh có dung tích xi-lanh từ 50 cm3 trở lên và các loại xe có kết cấu tương tự; xe ô tô tải, máy kéo có trọng tải dưới 3.500 kg; xe ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi; …” Từ dẫn chiếu quy định nêu trên, có thể thấy, hiện nay người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi thì chỉ được lái xe gắn máy có dung tích xi-lanh dưới 50 cm3. Còn đối với những loại xe có dung tích xi-lanh từ 50cm3 trở lên thì yêu cầu người điều khiển phương tiện phải từ đủ 18 tuổi trở lên. (2) Xử phạt người chưa đủ 16 tuổi vi phạm giao thông như thế nào? Căn cứ Điều 21 Nghị định 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP có quy định về xử phạt các hành vi vi phạm quy định về điều kiện của người điều khiển xe cơ giới như sau: - Phạt cảnh cáo đối với những người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự xe mô tô hoặc điều khiển xe mô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô. - Phạt tiền từ 400 đến 600 nghìn đồng đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi điều khiển xe mô tô có dung tích xi-lanh từ 50cm3 trở lên. - Phạt tiền từ 02 đến 04 triệu đồng đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi điều khiển xe ô tô, máy kéo, các loại xe tương tự xe ô tô. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý tại Điểm a Khoản 1 Điều 5 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 có quy định đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính bao gồm cả người có độ tuổi từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi nhưng có hành vi vi phạm hành chính do cố ý. Theo đó, tại Khoản 3 Điều 134 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 được sửa đổi bởi Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020 đối với trường hợp người từ dưới 16 tuổi hay cụ thể hơn là từ đủ 14 đến 16 tuổi thì sẽ không áp dụng hình thức phạt tiền. Còn đối với trường hợp người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi vi phạm hành chính bị phạt tiền thì mức tiền phạt không quá 1/2 mức tiền phạt áp dụng đối với người thành niên. Trường hợp không có tiền nộp phạt hoặc không có khả năng thực hiện biện pháp khắc, phục hậu quả thì cha mẹ hoặc người giám hộ của người này sẽ phải thực hiện thay. Theo đó, khi không phạt tiền người chưa thành niên thì sẽ áp dụng Điều 22 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 về phạt cảnh cáo như sau: Cảnh cáo (bằng văn bản) được áp dụng đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính không nghiêm trọng, có tình tiết giảm nhẹ và theo quy định thì bị áp dụng hình thức xử phạt cảnh cáo hoặc đối với mọi hành vi vi phạm hành chính do người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện. Theo đó, việc xử phạt vi phạm giao thông đối với người dưới 16 tuổi theo quy định như đã nêu trên. Còn đối với người từ đủ 16 đến 18 tuổi vi phạm thì người điều khiển xe chưa đủ tuổi có thể bị phạt tiền từ 200.000 đến 300.000 đồng. Trường hợp không có tiền nộp phạt thì cha mẹ hoặc người giám hộ sẽ là người phải thực hiện thay.
Xe ô tô đậu ở đường tàu hỏa bị tông hư hỏng thì có được bảo hiểm bồi thường không?
Tình huống ở đây là xe ô tô đậu sai chỗ dẫn đến bị tàu hỏa đâm vào dẫn đến hư hỏng nặng phần đầu xe. Vậy trong trường hợp này có thể được bảo hiểm chi trả cho phần thiệt hại đó không? Xe ô tô đậu ở đường tàu hỏa bị tông hư hỏng thì có được bảo hiểm bồi thường không? Bên cạnh bảo hiểm bắt buộc ô tô hay còn gọi là bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới được quy định tại Nghị định 67/2023/NĐ-CP thì người sử dụng ô tô thường tham gia thêm bảo hiểm vật chất xe cơ giới hay gọi tắt là bảo hiểm thân vỏ (tự nguyện). Theo đó, loại bảo hiểm này sẽ giúp chủ xe được đền bù khi xe gặp phải hư hại trong một số trường hợp. Tuy nhiên, loại bảo hiểm này không được pháp luật hiện hành quy định cụ thể. Thông thường, quy tắc của loại bảo hiểm này sẽ do công ty bảo hiểm tự quyết định. Theo đó, sẽ còn tùy vào chính sách của từng hãng bảo hiểm mà chi tiết hợp đồng sẽ khác nhau. Mặc dù tại Điều 19 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 đã có quy định về điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm. Tuy nhiên, điều khoản này vẫn cần phải được thể hiện cụ thể, chi tiết và rõ ràng trong hợp đồng bảo hiểm được ký kết thì mới có thể xác định được. Chính vì thế, để xác định được người chủ xe trong trường hợp này có được bảo hiểm chi trả cho phần thiệt hại hay không thì còn phải căn cứ vào quy định cụ thể trong hợp đồng bảo hiểm. Người chủ xe đậu xe gần đường tàu hỏa bị xử phạt như thế nào? Trước tiên, tại Phụ lục II Nghị định 56/2018/NĐ-CP có nêu rõ cách xác định phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt, trong đó có đề cập đến hành lang an toàn giao thông đường sắt. Cụ thể, chiều rộng hành lang an toàn giao thông đường sắt được tính từ mép ngoài phạm vi bảo vệ đường sắt trở ra mỗi bên và được xác định như sau: - Đường sắt tốc độ cao: trong khu vực đô thị là 5m, ngoài khu vực đô thị là 15m. - Đường sắt đô thị đi trên mặt đất, đường sắt còn lại là 3m. Theo đó, tại Điểm k Khoản 4 Điều 18 Luật Giao thông đường bộ 2008 có nêu rõ người điều khiển phương tiện không được dừng xe, đỗ xe trong phạm vi an toàn của đường sắt. Tùy vào tính chất và mức độ của hành vi mà người vi phạm có thể bị xử lý vi phạm hành chính thậm chí là truy cứu trách nhiệm hình sự và bồi thường thiệt hại nếu có. Đồng thời, tại Điểm a Khoản 7 Nghị định 100/2019/NĐ-CP được bổ sung bởi có quy định Nghị định 123/2021/NĐ-CP thì trường hợp người chủ phương tiện có hành vi dừng, đỗ xe thì người điều khiển xe ô tô có hành vi dừng, đỗ xe không đúng quy định gây mà gây tai nạn giao thông có thể bị phạt tiền từ 10 đến 12 triệu đồng. Bên cạnh đó, người vi phạm còn bị áp dụng hình thức phạt bổ sung là tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 đến 04 tháng. Ngoài ra, trường hợp xác định được hành vi dừng, đỗ xe tại đường tàu này có đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì người điều khiển còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 260 Bộ Luật Hình sự 2015 được sửa đổi bổ sung bởi Luật sửa đổi Bộ Luật Hình sự 2017 về tội Vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ. Theo đó, mức xử phạt cho hành vi này thấp nhất là phạt tiền từ 30 triệu đồng, còn cao nhất là 15 năm tù giam. Thêm nữa, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. Tổng kết lại, trường hợp người chủ xe ô tô có hành vi dừng, đỗ xe tại đường tàu hỏa là vi phạm pháp luật và sẽ tùy vào mức độ thiệt hại mà sẽ có những mức xử phạt khác nhau cho trường hợp này.
Dừng xe trên đường cao tốc chụp hình có bị phạt?
Chiều ngày 17/3, mạng xã hội Facebook xuất hiện hình ảnh một ô tô dừng trên cầu Mỹ Thuận 2, đoạn qua tỉnh Vĩnh Long. Đáng chú ý, có 6 người (5 nữ, 1 nam) đứng trước đầu xe để chụp ảnh. Nhiều người đã bày tỏ bức xúc với vấn đề trên, và câu hỏi đặt ra ở đây là hành vi dừng xe trên cầu cao tốc chụp hình như trên có bị phạt? 1. Đường cao tốc theo quy định của pháp luật? Căn cứ Điều 3 luật Luật giao thông đường bộ 2008, quy định: - Đường cao tốc là đường dành cho xe cơ giới, có dải phân cách chia đường cho xe chạy hai chiều riêng biệt; không giao nhau cùng mức với một hoặc các đường khác; được bố trí đầy đủ trang thiết bị phục vụ, bảo đảm giao thông liên tục, an toàn, rút ngắn thời gian hành trình và chỉ cho xe ra, vào ở những điểm nhất định. Ngoài ra, căn cứ theo Điều 9 Thông tư 31/2019/TT-BGTVT quy định về tốc độ của các loại xe cơ giới trên đường cao tốc như sau: - Tốc độ tối đa cho phép khai thác trên đường; cao tốc không vượt quá 120 km/h. - Khi tham gia giao thông trên đường cao tốc, người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng phải tuân thủ tốc độ tối đa, tốc độ tối thiểu ghi trên biển báo hiệu đường bộ, sơn kẻ mặt đường trên các làn xe. Xét trên thực tế, thông thường các tuyến đường cao tốc sẽ có mức tốc độ tối thiểu là 60 còn mức tối đa thì từ 80-120. Riêng trong trường hợp của cầu Mỹ Thuận 2 là 80 km/h tối đa và tối thiểu là 60 km/h. 2. Có được dừng xe trên đường cao tốc? Căn cứ Điều 26 Luật giao thông đường bộ 2008, về quy định giao thông trên đường cao tốc: - Người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng trên đường cao tốc ngoài việc tuân thủ các quy tắc giao thông quy định tại Luật giao thông đường bộ 2008 còn phải thực hiện các quy định sau đây: + Khi vào đường cao tốc phải có tín hiệu xin vào và phải nhường đường cho xe đang chạy trên đường, khi thấy an toàn mới cho xe nhập vào dòng xe ở làn đường sát mép ngoài, nếu có làn đường tăng tốc thì phải cho xe chạy trên làn đường đó trước khi vào làn đường của đường cao tốc; + Khi ra khỏi đường cao tốc phải thực hiện chuyển dần sang làn đường phía bên phải, nếu có làn đường giảm tốc thì phải cho xe chạy trên làn đường đó trước khi rời khỏi đường cao tốc; + Không được cho xe chạy ở làn dừng xe khẩn cấp và phần lề đường; + Không được cho xe chạy quá tốc độ tối đa và dưới tốc độ tối thiểu ghi trên biển báo hiệu, sơn kẻ trên mặt đường. - Người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng phải cho xe chạy cách nhau một khoảng cách an toàn ghi trên biển báo hiệu. - Chỉ được dừng xe, đỗ xe ở nơi quy định; trường hợp buộc phải dừng xe, đỗ xe không đúng nơi quy định thì người lái xe phải đưa xe ra khỏi phần đường xe chạy, nếu không thể được thì phải báo hiệu để người lái xe khác biết. - Người đi bộ, xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô và máy kéo; xe máy chuyên dùng có tốc độ thiết kế nhỏ hơn 70 km/h không được đi vào đường cao tốc, trừ người, phương tiện, thiết bị phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc. Xét theo quy định trên, tài xế chỉ được dừng xe ở những nơi quy định trong những trường hợp có lý do chính đáng. Thông thường các trường hợp đó là: + Xe bị hư hỏng, gặp phải sự cố: Khi đó tài xế cần lái xe về tay phải khỏi phần đường dành cho xe di chuyển hoặc nếu xe không thể di chuyển thì người điều khiển phương tiện cần đặt các vật dụng, cành cây trên đường để báo hiệu cho phương tiện khác biết và tìm kiếm sự hỗ trợ từ đội cứu hộ giao thông. + Trên xe có người cần được cứu hộ y tế khẩn cấp: Có thể tài xế có vấn đề về sức khỏe, cần được cấp cứu gấp. Khi đó người lái xe cần dừng xe về tay phải của cao tốc, đưa ra các dấu hiệu thông báo cho xe khác. Xét thấy việc chụp hình không phải là lí do chính đáng, thì hành vi dừng xe trên đường cao tốc để chụp hình là vi phạm pháp luật và có thể bị xử phạt theo pháp luật. 3. Xử phạt hành vi dừng xe trên đường cao tốc không đúng quy định. Căn cứ khoản 7 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP, quy định xử phạt người điều khiển ô tô vi phạm các quy tắc giao thông đường bộ như sau: Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây: - Không chú ý quan sát, điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định gây tai nạn giao thông; dừng xe, đỗ xe, quay đầu xe, lùi xe, tránh xe, vượt xe, chuyển hướng, chuyển làn đường không đúng quy định gây tai nạn giao thông; không đi đúng phần đường, làn đường, không giữ khoảng cách an toàn giữa hai xe theo quy định gây tai nạn giao thông hoặc đi vào đường có biển báo hiệu có nội dung cấm đi vào đối với loại phương tiện đang điều khiển, đi ngược chiều của đường một chiều, đi ngược chiều trên đường có biển “Cấm đi ngược chiều” gây tai nạn giao thông, trừ các hành vi vi phạm quy định; - Điều khiển xe lạng lách, đánh võng; chạy quá tốc độ đuổi nhau trên đường bộ; dùng chân điều khiển vô lăng xe khi xe đang chạy trên đường; - Điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định trên 35 km/h. - Dừng xe, đỗ xe trên đường cao tốc không đúng nơi quy định; không có báo hiệu để người lái xe khác biết khi buộc phải dừng xe, đỗ xe trên đường cao tốc không đúng nơi quy định; quay đầu xe trên đường cao tốc;”. Ngoài ra, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm trên còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung là bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng. Như vậy, hành vi dừng xe trên cầu cao tốc để chụp hình có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng - 12.000.000 đồng và có thể bị tước giấy sử dụng giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng. Chưa kể đến, hành vi này tiềm ẩn nguy hiểm và có thể khiến người vi phạm đối mặt với nhiều án khác theo quy định. Tổng kết lại, hành vi dừng xe trên cầu cao tốc để chụp hình là hành vi vi phạm pháp luật và có thể bị xử phạt quy định. Chưa kể, hành vi trên còn gây nguy hiểm cho người vi phạm và cả những người xung quanh. Do đó, người tham gia giao thông hãy hết sức cẩn thận.
Xe máy có bắt buộc đủ 2 gương chiếu hậu?
Việt Nam là nước có tỉ lệ người dân sử dụng xe máy nhiều nhất Đông Nam Á, vì thế các quy định áp dụng cho luật giao thông là rất nhiều và phức tạp. Đơn cử trường hợp “xe máy phải có đủ 2 gương chiếu hậu” được quy định như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu. 1. Pháp luật quy định về gương chiếu hậu như thế nào? Gương chiếu hậu, còn được gọi là gương chắn bùn, gương cửa, gương chiếu hậu bên ngoài hoặc gương nhìn bên, là gương được tìm thấy ở bên ngoài xe cơ giới với mục đích giúp người lái nhìn thấy các khu vực phía sau và hai bên nằm bên ngoài tầm nhìn ngoại vi của người lái xe (điểm mù). Để đảm bảo an toàn dành cho người tham gia giao thông, căn cứ khoản 2 Điều 53 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định về điều kiện tham gia giao thông của xe cơ giới, xe gắn máy phải có đủ gương chiếu hậu và các trang bị, thiết bị khác bảo đảm tầm nhìn cho người điều khiển. Ngoài ra căn cứ tiểu mục 1.3 Mục 1 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 14:2015/BGTVT, quy định như sau: Nhóm L1: Xe gắn máy hai bánh; Nhóm L2: Xe gắn máy ba bánh; Nhóm L3: Xe mô tô hai bánh; Nhóm L4: Xe mô tô ba bánh được bố trí không đối xứng qua mặt phẳng trung tuyến dọc xe (xe có thùng bên); Nhóm L5: Xe mô tô ba bánh được bố trí đối xứng qua mặt phẳng trung tuyến dọc xe. Bên cạnh đó, ta căn cứ tiểu mục 2.11 Mục 2 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 14:2015/BGTVT về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với gương chiếu hậu của xe mô tô, xe gắn máy như sau: - Đối với xe nhóm L1, L2 phải lắp ít nhất một gương chiếu hậu ở bên trái của người lái. Đối với xe nhóm L3, L4, L5 phải lắp gương chiếu hậu ở bên trái và bên phải của người lái. - Gương chiếu hậu sử dụng lắp trên xe là loại gương phải đáp ứng các yêu cầu được quy định trong Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia QCVN 28:2010/BGTVT. - Gương chiếu hậu phải được lắp đặt chắc chắn. Người lái có thể điều chỉnh dễ dàng tại vị trí lái và có thể nhận rõ hình ảnh ở phía sau với khoảng cách tối thiểu 50 m về phía bên phải và bên trái. - Trong trường hợp gương tròn, đường kính của bề mặt phản xạ không được nhỏ hơn 94 mm và không được lớn hơn 150 mm. - Trong trường hợp gương không tròn kích thước của bề mặt phản xạ phải đủ lớn để chứa được một hình tròn nội tiếp có đường kính 78 mm, nhưng phải nằm được trong một hình chữ nhật có kích thước 120 mm x 200 mm. Xét theo các quy định trên, xe máy hai hoặc ba bánh chỉ bắt buộc lắp gương chiếu hậu bên trái, không bắt buộc phải lắp 2 gương. 2. Tiêu chuẩn của gương chiếu hậu Căn cứ tiểu mục 2.2 Mục 2 Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia QCVN 28:2010/BGTVT về gương chiếu hậu xe mô tô, xe gắn máy do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành như sau: Tất cả các gương phải điều chỉnh được vùng quan sát. - Mép của bề mặt phản xạ gương phải nằm trong vỏ bảo vệ (đế gương) và mép của vỏ bảo vệ phải có bán kính cong “c” có giá trị không nhỏ hơn 2,5 mm tại mọi điểm và theo mọi hướng. Nếu bề mặt phản xạ nhô ra khỏi vỏ bảo vệ thì bán kính cong “c” của mép biên của phần nhô ra không được nhỏ hơn 2,5 mm và phải di chuyển được vào phía trong của vỏ bảo vệ khi tác dụng một lực 50 N vào điểm ngoài cùng của phần nhô ra lớn nhất so với vỏ bảo vệ theo hướng vuông góc với mặt phản xạ gương. - Tất cả các bộ phận của gương phải có bán kính cong “c” không nhỏ hơn 2,5 mm. - Mép của các lỗ để lắp đặt hay là các chỗ lõm có chiều rộng nhỏ hơn 12 mm thì không cần phải áp dụng các yêu cầu về bán kính trên nhưng phải được làm cùn cạnh sắc. - Các bộ phận của gương chiếu hậu được làm bằng vật liệu có độ cứng không lớn hơn 60 Shore A thì không phải áp dụng các yêu cầu nêu trên. Quy định về kích thước - Diện tích của bề mặt phản xạ không được nhỏ hơn 69 cm2. - Trong trường hợp gương tròn, đường kính của bề mặt phản xạ không được nhỏ hơn 94 mm và không được lớn hơn 150 mm. - Trong trường hợp gương không tròn kích thước của bề mặt phản xạ phải đủ lớn để chứa được một hình tròn nội tiếp có đường kính 78 mm, nhưng phải nằm được trong một hình chữ nhật có kích thước 120 mm x 200 mm. Quy định về hệ số phản xạ và bề mặt phản xạ - Giá trị hệ số phản xạ của bề mặt phản xạ (quang học) được xác định theo phương pháp mô tả trong phụ lục A của quy chuẩn này không được nhỏ hơn 40%. - Bề mặt phản xạ của gương phải có dạng hình cầu lồi. - Giá trị “r” được xác định theo phương pháp mô tả trong phụ lục B của quy chuẩn này không được nhỏ hơn 1000 mm và không lớn hơn 1500 mm. - Sự khác nhau giữa ri hoặc ri ’ và rpi tại mỗi điểm khảo sát không được vượt quá 0,15 r. Sự khác nhau giữa các bán kính cong (rp1, r p2 và r p3) và r không được vượt quá 0,15 r. Như vậy, gương chiếu hậu nếu không đạt chuẩn theo những quy định trên thì cũng không được chấp nhận và sẽ bị áp dụng biện pháp xử phạt. 3. Nguy hiểm tiềm ẩn đối với xe máy không có kính chiếu hậu Đầu tiên, không có kính chiếu hậu hoặc kính chiếu hậu không đủ tiêu chuẩn như đã đề cập sẽ khiến người tham gia giao thông đối mặt với nguy cơ bị xử phạt. Căn cứ khoản 1 Điều 17 Nghị định 100/2019/NĐ-CP sửa đổi bởi khoản 36 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP quy định như sau: Xử phạt người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm quy định về điều kiện của phương tiện khi tham gia giao thông - Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây: + Điều khiển xe không có còi; đèn soi biển số; đèn báo hãm; gương chiếu hậu bên trái người điều khiển hoặc có nhưng không có tác dụng; + Điều khiển xe không có đèn tín hiệu hoặc có nhưng không có tác dụng; + Sử dụng còi không đúng quy chuẩn kỹ thuật cho từng loại xe; + Điều khiển xe không có bộ phận giảm thanh, giảm khói hoặc có nhưng không bảo đảm quy chuẩn môi trường về khí thải, tiếng ồn; + Điều khiển xe không có đèn chiếu sáng gần, xa hoặc có nhưng không có tác dụng, không đúng tiêu chuẩn thiết kế; + Điều khiển xe không có hệ thống hãm hoặc có nhưng không có tác dụng, không bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật; + Điều khiển xe lắp đèn chiếu sáng về phía sau xe. Thứ hai, khi qua đường hoặc quay đầu xe, người điều khiển sẽ phải quay đầu về phía sau để quan sát, khi đó, khoảng không gian phía trước là điểm mù, người điều khiển sẽ bị mất thăng bằng và những nguy hiểm ở phía trước xuất hiện vào thời điểm này họ sẽ không xử lý kịp vì đang tập trung quan sát phía sau. Thứ ba, nguy cơ bị cướp giật trên đường. Phần lớn những vụ cướp giật tài sản cá nhân trên đường như túi xách, dây chuyền, vòng cổ… thì các đối tượng thường rình rập ở phía sau người điều khiển một thời gian, quan sát kĩ rồi mới hành động. Nếu không có kính hoặc kính không hoạt động đúng công dụng, người tham gia giao thông sẽ không nhận biết kịp để xử lý. Tóm lại, pháp luật quy định không bắt buộc xe máy phải có hai gương chiếu hậu, chỉ gương bên trái là bắt buộc có và phải đúng theo tiêu chuẩn pháp luật. Vì sự an toàn, người tham gia giao thông hãy chấp hành nghiêm túc các quy định theo pháp luật.
Có bắt buộc nhường đường cho đoàn xe tang không?
Bên cạnh những xe được ưu tiên như xe cứu thương, cứu hỏa, đoàn xe tang cũng được pháp luật trao cho quyền lợi ấy. Vậy việc nhường đường đoàn xe tang là luôn luôn bắt buộc? 1. Người tham gia giao thông phải nhường đường đoàn xe tang? Căn cứ Điều 22 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định những xe sau đây được quyền ưu tiên đi trước xe khác khi qua đường giao nhau từ bất kỳ hướng nào tới theo thứ tự: - Xe chữa cháy đi làm nhiệm vụ; - Xe quân sự, xe công an đi làm nhiệm vụ khẩn cấp, đoàn xe có xe cảnh sát dẫn đường; - Xe cứu thương đang thực hiện nhiệm vụ cấp cứu; - Xe hộ đê, xe đi làm nhiệm vụ khắc phục sự cố thiên tai, dịch bệnh hoặc xe đi làm nhiệm vụ trong tình trạng khẩn cấp theo quy định của pháp luật; - Đoàn xe tang. Đầu tiên, ta cần xác định đúng những trường hợp trên. Xe chữa cháy, xe quân sự, xe cứu thương, xe hộ đê là những xe được ưu tiên nhưng là khi chúng đang trên đường thực hiện nhiệm vụ. Đối với đoàn xe tang cũng vậy. Nếu chỉ là xe tang bình thường, sẽ không có quyền ưu tiên. Nhưng nếu là xe tang của đoàn xe tang đang thực hiện nhiệm vụ “đưa tang” thì có quyền ưu tiên như trên. Thứ hai, xét theo quy định trên, quyền ưu tiên của đoàn xe tang là được đi trước các xe khác (không phải những xe có trong quy định trên) khi qua đường, đồng nghĩa với việc những xe đó phải nhường đường cho đoàn xe tang. Thứ ba, cũng theo quy định trên, không chỉ có đoàn xe tang là trường hợp duy nhất được ưu tiên. Căn cứ quy định trên, quyền ưu tiên được quy định từ cao xuống thấp là xe chữa cháy, xe quân sự, xe công an, xe cứu thương, xe hộ đê rồi đến cuối là đoàn xe tang. Như vậy, quyền của đoàn xe tang là thấp nhất. Nếu giả sử, trong cùng một thời điểm, cùng một con đường có xe cứu thương đang làm nhiệm vụ cấp cứu và đoàn xe tang đang thực hiện nhiệm vụ “đưa tang” thì xe cứu thương được ưu tiên và sẽ không nhường đường cho đoàn xe tang. 2. Người tham gia giao thông không nhường đường cho xe tang bị xử phạt như thế nào? Căn cứ khoản 2 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP (bị thay thế, bãi bỏ bởi Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP) quy định về xử phạt người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm quy tắc giao thông đường bộ như sau: - Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây: + Dừng xe, đỗ xe trên phần đường xe chạy ở đoạn đường ngoài đô thị nơi có lề đường; + Không giảm tốc độ và nhường đường khi điều khiển xe chạy từ trong ngõ, đường nhánh ra đường chính; + Điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định từ 05 km/h đến dưới 10 km/h; + Điều khiển xe chạy tốc độ thấp mà không đi bên phải phần đường xe chạy gây cản trở giao thông; + Dừng xe, đỗ xe ở lòng đường đô thị gây cản trở giao thông; tụ tập từ 03 xe trở lên ở lòng đường, trong hầm đường bộ; đỗ, để xe ở lòng đường đô thị, hè phố trái quy định của pháp luật; + Không nhường đường cho xe xin vượt khi có đủ điều kiện an toàn; không nhường đường cho xe đi trên đường ưu tiên, đường chính từ bất kỳ hướng nào tới tại nơi đường giao nhau; + Xe không được quyền ưu tiên lắp đặt, sử dụng thiết bị phát tín hiệu của xe được quyền ưu tiên; + Dừng xe, đỗ xe trên đường xe điện, điểm dừng đón trả khách của xe buýt, nơi đường bộ giao nhau, trên phần đường dành cho người đi bộ qua đường; dừng xe nơi có biển “Cấm dừng xe và đỗ xe”; đỗ xe tại nơi có biển “Cấm đỗ xe” hoặc biển “Cấm dừng xe và đỗ xe”; không tuân thủ các quy định về dừng xe, đỗ xe tại nơi đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt; dừng xe, đỗ xe trong phạm vi an toàn của đường sắt, trừ hành vi vi phạm quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP; + Chở theo 02 người trên xe, trừ trường hợp chở người bệnh đi cấp cứu, trẻ em dưới 14 tuổi, áp giải người có hành vi vi phạm pháp luật; + Ngồi phía sau vòng tay qua người ngồi trước để điều khiển xe, trừ trường hợp chở trẻ em ngồi phía trước." Ngoài ra, căn cứ khoản 10 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định về hình thức phạt bổ sung như sau: - Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung sau đây: + Thực hiện hành vi quy định tại điểm a khoản 6; điểm a, điểm b khoản 7; điểm a, điểm b, điểm c, điểm d khoản 8 Điều này bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng; tái phạm hoặc vi phạm nhiều lần hành vi quy định tại điểm a, điểm b, điểm c, điểm d khoản 8 Điều này bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 03 tháng đến 05 tháng, tịch thu phương tiện. Thực hiện hành vi quy định tại một trong các điểm, khoản sau của Điều này mà gây tai nạn giao thông thì bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng: Điểm a, điểm g, điểm h, điểm k, điểm l, điểm m, điểm n, điểm q khoản 1; điểm b, điểm d, điểm e, điểm g, điểm l, điểm m khoản 2; điểm b, điểm c, điểm k, điểm m khoản 3; điểm đ, điểm e, điểm g, điểm khoản 4 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP Như đã trình bày, đoàn xe tang là xe có quyền ưu tiên theo pháp luật. Xét theo quy định trên, nếu người tham gia giao thông có hành vi cố ý không nhường đường cho đoàn xe tang, có thể bị phạt từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng. Ngoài ra, còn có thể bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng nếu gây ra tai nạn giao thông. 3. Đoàn xe tang có được vượt đèn đỏ không? Căn cứ khoản 2, 3 Điều 22 Luật Giao thông đường bộ 2008, quy định: - Xe quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này khi đi làm nhiệm vụ phải có tín hiệu còi, cờ, đèn theo quy định; không bị hạn chế tốc độ; được phép đi vào đường ngược chiều, các đường khác có thể đi được, kể cả khi có tín hiệu đèn đỏ và chỉ phải tuân theo chỉ dẫn của người điều khiển giao thông. - Khi có tín hiệu của xe được quyền ưu tiên, người tham gia giao thông phải nhanh chóng giảm tốc độ, tránh hoặc dừng lại sát lề đường bên phải để nhường đường. Không được gây cản trở xe được quyền ưu tiên. Các xe được nêu theo quy định trên là xe chữa cháy, xe quân sự, xe cứu thương, xe hộ đê, không có đoàn xe tang. Như vậy đoàn xe tang dù có quyền ưu tiên nhưng vẫn không được vượt đèn đỏ. Tổng kết lại, đoàn xe tang thực hiện nghĩa vụ “đưa tang” là xe có quyền ưu tiên và những người tham gia giao thông phải nhường đường ( trừ một số trường hợp đã nêu trên).
Xử lý trường hợp bán xe máy cho người chưa đủ 18 tuổi như thế nào?
Xe máy được xếp vào loại động sản có giá trị tương đối lớn, vì thế việc mua bán xe máy cần phải đảm bảo đúng quy định pháp luật. Vậy nếu có trường hợp người bán giao dịch xe máy với người chưa đủ 18 tuổi thì sẽ bị xử lý như thế nào? 1. Pháp luật quy định như thế nào về cá nhân chưa đủ 18 tuổi? Căn cứ khoản 4 Điều 21 Bộ luật dân sự 2015, quy định về người chưa đủ 18 tuổi: - Người chưa thành niên là người chưa đủ mười tám tuổi. - Giao dịch dân sự của người chưa đủ sáu tuổi do người đại diện theo pháp luật của người đó xác lập, thực hiện. - Người từ đủ sáu tuổi đến chưa đủ mười lăm tuổi khi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý, trừ giao dịch dân sự phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi. - Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự, trừ giao dịch dân sự liên quan đến bất động sản, động sản phải đăng ký và giao dịch dân sự khác theo quy định của luật phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý. 2. Xử lý trường hợp bán xe máy cho người chưa đủ 18 tuổi như thế nào? Xem xét quy định trên, đồng thời tại khoản 9 Điều 3 Thông tư 24/2023/TT-BCA có quy định về việc người từ đủ 15 tuổi đăng ký xe như sau: Cá nhân từ đủ 15 tuổi trở lên thì được đăng ký xe. Trường hợp cá nhân từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi đăng ký xe thì phải được cha hoặc mẹ hoặc người giám hộ đồng ý và ghi nội dung “đồng ý”, ký, ghi rõ họ tên, mối quan hệ với người được giám hộ trong giấy khai đăng ký xe. Như vậy, theo quy định nêu trên, người từ đủ 15 tuổi trở lên thuộc đối tượng được đăng ký xe. Tuy nhiên, xe máy là động sản phải đăng ký, do đó đối với người từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi thì việc đăng ký xe phải được sự đồng ý của cha, mẹ hoặc người giám hộ thì mới được đứng tên xe máy. Vì thế, nếu người mua xe được sự đồng ý của người giám hộ thì giao dịch dân sự này được pháp luật công nhận. Nhưng, nếu trong trường hợp người mua xe không được sự đồng ý của người giám hộ, lúc này họ sẽ không đủ điều kiện để tự mình mua xe. Do đó, căn cứ Điều 117 Bộ luật dân sự 2015, có quy định các điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự gồm: + Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập; + Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện; + Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội. Như đã nói, người mua xe không đủ điều kiện tham gia giao dịch dân sự, do đó, giao dịch mua xe này sẽ bị vô hiệu. Đồng thời, căn cứ khoản 2 Điều 131 Bộ luật dân sự 2015: khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận. Người mua xe phải trả xe còn người bán phải trả lại tiền. 3. Người chưa đủ 18 tuổi có thể chạy được loại xe máy nào? Căn cứ Điều 60 Luật giao thông đường bộ 2008, quy định độ tuổi của người lái xe như sau: - Người đủ 16 tuổi trở lên được lái xe gắn máy có dung tích xi-lanh dưới 50 cm3; - Người đủ 18 tuổi trở lên được lái xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh có dung tích xi-lanh từ 50cm3 trở lên và các loại xe có kết cấu tương tự; xe ô tô tải, máy kéo có trọng tải dưới 3.500 kg; xe ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi; - Người đủ 21 tuổi trở lên được lái xe ô tô tải, máy kéo có trọng tải từ 3.500 kg trở lên; lái xe hạng B2 kéo rơ moóc (FB2); - Người đủ 24 tuổi trở lên được lái xe ô tô chở người từ 10 đến 30 chỗ ngồi; lái xe hạng C kéo rơ moóc, sơ mi rơ moóc (FC); - Người đủ 27 tuổi trở lên được lái xe ô tô chở người trên 30 chỗ ngồi; lái xe hạng D kéo rơ moóc (FD); - Tuổi tối đa của người lái xe ô tô chở người trên 30 chỗ ngồi là 50 tuổi đối với nữ và 55 tuổi đối với nam. Xét theo quy định trên, người chưa đủ 18 tuổi chỉ có thể lái xe gắn máy có dung tích xi-lanh dưới 50cm3. Tổng kết lại, trường hợp bán xe cho người dưới 18 tuổi, cụ thể là từ đủ 15-18 tuổi đúng pháp luật nếu được người giám hộ đồng ý. Những trường hợp còn lại là vi phạm pháp luật và giao dịch ấy sẽ vô hiệu.
Người dân có được buôn bán trên vỉa hè? Bán hàng trên vỉa hè có phải nộp thuế không?
Vỉa hè là nơi người dân đi bộ và hỗ trợ giao thông. Vậy người dân có được bán trên vỉa hè? Bán trên vỉa hè có phải nộp thuế không? 1. Người dân có được bán trên vỉa hè? Vỉa hè hay “lối đi bộ” là phần đường đi bộ dọc bên cạnh một con đường. Thông thường, vỉa hè sẽ nhô cao hơn so với phần đường đi, tùy theo mức độ và thường được ngăn cách với phần đường bằng lề đường. Tại khoản khoản 1 Điều 36 Luật Giao thông đường bộ 2008 có nói rõ: - Lòng đường và hè phố chỉ được sử dụng cho mục đích giao thông. Cũng tại khoản 2 Điều Luật Giao thông đường bộ 2008, có quy định rõ về những hành vi không được làm trên đường bộ như sau: - Họp chợ, mua, bán hàng hóa trên đường bộ; - Tụ tập đông người trái phép trên đường bộ; - Thả rông súc vật trên đường bộ; - Phơi thóc, lúa, rơm rạ, nông sản hoặc để vật khác trên đường bộ; - Đặt biển quảng cáo trên đất của đường bộ; - Lắp đặt biển hiệu, biển quảng cáo hoặc thiết bị khác làm giảm sự chú ý, gây nhầm lẫn nội dung biển báo hiệu hoặc gây cản trở người tham gia giao thông; - Che khuất biển báo hiệu, đèn tín hiệu giao thông; - Sử dụng bàn trượt, pa-tanh, các thiết bị tương tự trên phần đường xe chạy; - Hành vi khác gây cản trở giao thông. Như vậy, có thể thấy, hành vi buôn bán trên vỉa hè của người dân về cơ bản là sai và bị pháp luật ngăn cấm. Tuy nhiên, căn cứ khoản 2 Điều 36 Luật Giao thông đường bộ 2008 có đề cập: Các hoạt động khác trên đường phố phải thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 35 Luật Giao thông đường bộ 2008, trường hợp đặc biệt, việc sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố vào mục đích khác do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định nhưng không được làm ảnh hưởng đến trật tự, an toàn giao thông. Do đó, dẫu rất ít, nhưng vẫn có trường hợp, được bán trên vỉa hè theo sự đồng ý của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nhưng phải tuân thủ chặt chẽ những quy định của pháp luật. 2. Bán trên vỉa hè có phải nộp thuế không? Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 79 Nghị định 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp, quy định: Hộ gia đình sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, làm muối và những người bán hàng rong, quà vặt, buôn chuyến, kinh doanh lưu động, kinh doanh thời vụ, làm dịch vụ có thu nhập thấp không phải đăng ký hộ kinh doanh, trừ trường hợp kinh doanh các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định mức thu nhập thấp áp dụng trên phạm vi địa phương. Như vậy, đối với trường hợp kinh doanh mua bán hàng quán vỉa hè nếu thu nhập thấp không cần phải đăng ký kinh doanh. Tuy nhiên, khi thực hiện hoạt động kinh doanh tạo ra thu nhập, hoạt động kinh doanh có đăng ký kinh doanh hay không đăng ký kinh doanh thì người tiến hành hoạt động kinh doanh vẫn phải tiến hành nộp lệ “phí môn bài”. Căn cứ vào Nghị định 22/2020/NĐ-CP sửa đổi bổ sung Nghị định 139/2016/NĐ-CP, quy định về các trường hợp được miễn phí môn bài: - Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất, kinh doanh có doanh thu hàng năm từ 100 triệu đồng trở xuống. - Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất, kinh doanh không thường xuyên; không có địa điểm cố định theo hướng dẫn của Bộ Tài chính. - Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình sản xuất muối. - Tổ chức, cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình nuôi trồng, đánh bắt thủy, hải sản và dịch vụ hậu cần nghề cá. - Điểm bưu điện văn hóa xã; cơ quan báo chí (báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử). - Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã (bao gồm cả chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh) hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp theo quy định của pháp luật về hợp tác xã nông nghiệp.” - Quỹ tín dụng nhân dân; chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và của doanh nghiệp tư nhân kinh doanh tại địa bàn miền núi. Địa bàn miền núi được xác định theo quy định của Ủy ban Dân tộc.” - Miễn lệ phí môn bài trong năm đầu thành lập hoặc ra hoạt động sản xuất, kinh doanh (từ ngày 01 tháng 01 đến ngày 31 tháng 12) đối với: + Tổ chức thành lập mới (được cấp mã số thuế mới, mã số doanh nghiệp mới). + Hộ gia đình, cá nhân, nhóm cá nhân lần đầu ra hoạt động sản xuất, kinh doanh. + Trong thời gian miễn lệ phí môn bài, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, nhóm cá nhân thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh thì chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh được miễn lệ phí môn bài trong thời gian tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, nhóm cá nhân được miễn lệ phí môn bài. - Doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển từ hộ kinh doanh (theo quy định tại Điều 16 Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa) được miễn lệ phí môn bài trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu. + Trong thời gian miễn lệ phí môn bài, doanh nghiệp nhỏ và vừa thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh thì chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh được miễn lệ phí môn bài trong thời gian doanh nghiệp nhỏ và vừa được miễn lệ phí môn bài. + Chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa (thuộc diện miễn lệ phí môn bài theo quy định tại Điều 16 Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa) được thành lập trước thời điểm Nghị định này có hiệu lực thi hành thì thời gian miễn lệ phí môn bài của chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh được tính từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành đến hết thời gian doanh nghiệp nhỏ và vừa được miễn lệ phí môn bài. + Doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi từ hộ kinh doanh trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành thực hiện miễn lệ phí môn bài theo quy định tại Điều 16 và Điều 35 Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. + Cơ sở giáo dục phổ thông công lập và cơ sở giáo dục mầm non công lập”. Nếu trường hợp buôn bán trên vỉa hè được cho phép và không thuộc bất cứ trường hợp "miễn thuế" nào được đề cập như trên thì phải đóng “thuế môn bài” 3. Mức đóng “thuế môn bài” Căn cứ khoản 2 Điều 4 Nghị định 22/2020/NĐ-CP sửa đổi bổ sung Nghị định 139/2016/NĐ-CP, quy định: - Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình có doanh thu trên 500 triệu đồng/năm: 1.000.000 đồng/năm; - Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình có doanh thu trên 300 đến 500 triệu đồng/năm: 500.000 đồng/năm; - Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình có doanh thu trên 100 đến 300 triệu đồng/năm: 300.000 đồng/năm. - Doanh thu để làm căn cứ xác định mức thu lệ phí môn bài đối với cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình theo hướng dẫn của Bộ Tài chính Thông thường, do mức độ kinh doanh của bán trên vỉa hè không quá lớn, nên chiếu theo quy định trên, mức đóng thuế môn bài của bán trên vỉa hè cao nhất là 300.000 đồng/năm.
Xe đạp, xe đạp điện có được chạy trên cao tốc không?
Vừa qua, vụ việc đoàn xe đạp đi vào đường cấm bị tài xế ô tô nhắc nhở thì bao vây đe dọa khiến người dân bức xúc. Trước đó, không ít những vụ đoàn xe đạp lấn xe ô tô hay đi vào đường cấm, vậy trường hợp xe đạp chạy vào đường cao tốc thì như thế nào? (1) Xe đạp có được chạy trên cao tốc không? Căn cứ tại khoản 12 Điều 3 Luật giao thông đường bộ 2008 quy định: “Đường cao tốc là đường dành cho xe cơ giới, có dải phân cách chia đường cho xe chạy hai chiều riêng biệt; không giao nhau cùng mức với một hoặc các đường khác; được bố trí đầy đủ trang thiết bị phục vụ, bảo đảm giao thông liên tục, an toàn, rút ngắn thời gian hành trình và chỉ cho xe ra, vào ở những điểm nhất định” Đồng thời, khoản 4 Điều 26 Luật giao thông đường bộ 2008 quy định các phương tiện không được lưu thông trên đường cao tốc, bao gồm: người đi bộ, xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô và máy kéo; xe máy chuyên dùng có tốc độ thiết kế nhỏ hơn 70 km/h không được đi vào đường cao tốc, trừ người, phương tiện, thiết bị phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc. Như vậy, theo quy định pháp luật xe đạp được phân vào loại phương tiện giao thông thô sơ đường bộ (khoản 19 Điều 3 Luật giao thông đường bộ 2008), có thể thấy người tham gia giao thông sử dụng xe đạp không được phép đi vào đường cao tốc (ngoại trừ trường hợp phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc. (2) Xe đạp điện có được chạy trên cao tốc không? Căn cứ tại khoản 19 Điều 3 Luật giao thông đường bộ 2008 quy định phương tiện giao thông thô sơ đường bộ (sau đây gọi là xe thô sơ) gồm xe đạp (kể cả xe đạp máy), xe xích lô, xe lăn dùng cho người khuyết tật, xe súc vật kéo và các loại xe tương tự. Như vậy theo phân tích tại mục (1) thì xe thô sơ không được đi vào đường cao tốc, trừ người, phương tiện, thiết bị phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc. Theo đó, xe đạp điện cũng không được chạy trên đường cao tốc. (3) Mức xử phạt hành vi đi xe đạp vào đường cao tốc Căn cứ Điểm a, Khoản 4, Điều 8 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định: Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với người điều khiển xe đạp, xe đạp máy (kể cả xe đạp điện), người điều khiển xe thô sơ khác vi phạm quy tắc giao thông đường bộ đi vào đường cao tốc, trừ phương tiện phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc. Ngoài ra, nếu có căn cứ chứng minh rằng người thực hiện hành vi này gây ra thiệt hại nghiêm trọng thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Vi phạm quy định về giao thông đường bộ” tại Điều 260 Bộ Luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 và phải bồi thường thiệt hại nếu có. Tham khảo: Xe đạp lấn làn xe ô tô, đi vào đường cấm phạt bao nhiêu? Theo Khoản 3 Điều 8 Nghị định 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi bởi điểm k Khoản 34 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP, mức phạt tiền 300.000 - 400.000 đồng đối với người lái xe đạp đi vào khu vực cấm, đường có biển báo hiệu nội dung cấm đi vào; đi ngược chiều đường của đường một chiều, đường có biển "Cấm đi ngược chiều". Xem bài viết liên quan: Chạy xe đạp thể thao lấn làn ô tô bị xử lý ra sao?
Trường hợp nào sử dụng đèn khẩn cấp để dừng, đỗ xe không bị phạt?
Đèn khẩn cấp là gì? Trong một số trường hợp đậu xe tại nơi cấm dừng, cấm đỗ thì có bật đèn khẩn cấp có bị phạt hay không? Bài viết sẽ cung cấp một số thông tin liên quan đến vấn đề này. Đèn khẩn cấp được sử dụng trong những trường hợp nào? Đèn khẩn cấp trang bị cho ô tô để sử dụng khi xe gặp sự cố phải dừng/đỗ trên đường. Đèn khẩn cấp hay còn gọi là đèn cảnh báo nguy hiểm được dùng trong một số trường hợp nhất định. Khi ô tô bật đèn khẩn cấp đồng nghĩa, xe đó đang gặp sự cố nên các xe khác cần chú ý, chủ động tránh xe để không xảy ra va chạm. Ngoài ra, đèn khẩn cấp còn có tác dụng thu hút sự chú ý và giúp đỡ của những lái xe hay người đi đường khác. Hơn nữa, khi gặp thời tiết xấu, lái xe cũng có thể bật đèn khẩn cấp để các phương tiện có thể nhận diện nhằm tránh xảy ra va chạm. Hiện chưa có quy định pháp luật về các trường hợp sử dụng đèn khẩn cấp, tuy nhiên, các nhà sản xuất khuyến cáo người điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông nên bật đèn khẩn cấp nếu: - Xe gặp sự cố phải dừng, đỗ trên đường: Khi đi trên đường mà xe gặp sự cố bất ngờ, không thể di chuyển đến nơi dừng, đỗ theo quy định, bắt buộc phải đỗ trên đường, lái xe cần bật đèn khẩn cấp để các xe khác chủ động tránh. - Xe đang trong tình trạng nguy hiểm: Trường hợp xe gặp trục trặc mà không thể tấp vào lề dừng đỗ, lái xe nên bật đèn cảnh báo khẩn cấp để thông báo cho các phương tiện khác biết rằng để xử lý tình huống. - Thời tiết quá xấu: Nếu trời mưa, sương mù bình thường thì có thể chỉ cần bật đèn sương mù/đèn chiếu gần là được, không nên bật đèn khẩn cấp vì phương tiện phía sau sẽ không biết khi nào xe phía trước sẽ rẽ, chuyển làn… Dừng, đỗ xe có bật đèn khẩn cấp thì có bị phạt không? Căn cứ tại khoản 1 Điều 11 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định người tham gia giao thông phải chấp hành hiệu lệnh và chỉ dẫn của hệ thống báo hiệu đường bộ, trong đó có hệ thống biển báo. Người điều khiển phương tiện khi dừng, đỗ xe trên đường bộ và trên đường phố phải tuân thủ các quy định tại Điều 18, Điều 19 Luật Giao thông đường bộ 2008, không được để phương tiện ở lòng đường, hè phố trái quy định; nơi có biển cấm dừng, cấm đỗ xe Trường hợp các phương tiện khi tham gia giao thông gặp sự cố kỹ thuật, phải dừng, đỗ xe ở những tuyến đường có biển cấm phương tiện dừng, đỗ và bật đèn khẩn cấp; người điều khiển phương tiện cần nhanh chóng liên lạc với các đơn vị cứu hộ tiến hành di chuyển phương tiện đến vị trí thích hợp, tránh gây ùn, tắc giao thông. Lợi dụng việc sử dụng đèn khẩn cấp bị phạt như thế nào? Trường hợp các phương tiện mặc dù không bị sự cố kỹ thuật nhưng vẫn lợi dụng bật đèn khẩn cấp để dừng, đỗ xe ở những tuyến đường có biển cấm phương tiện dừng, đỗ là vi phạm quy định tại điểm e, Khoản 3 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ và bị phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng với hành vi đỗ xe tại nơi có biển “Cấm đỗ xe” hoặc biển “Cấm dừng xe và đỗ xe”.
Xe chạy quá tốc độ để chở người cấp cứu có được miễn phạt không?
Trong một số trường hợp khẩn cấp như chở người đi cấp cứu mà người tham gia giao thông phạm lỗi theo Luật giao thông đường bộ. Liệu trong những trường hợp này CSGT có phạt người vi phạm không? Nếu bị phạt nguội thì trong trường hợp này cần làm gì? Mức phạt vi phạm với lỗi chạy quá tốc độ cho phép Điều khiển ô tô, xe máy chạy quá tốc độ quy định là hành vi bị nghiêm cấm tại khoản 11 Điều 8 Luật Giao thông đường bộ 2008, nếu vi phạm sẽ bị xử phạt theo quy định. Đối với ô tô: Cụ thể theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP (được sửa đổi tại Nghị định 123/2021/NĐ-CP) thì mức phạt đối với hành vi điều khiển xe cơ giới giao thông chạy quá tốc độ được quy định như sau: Mức phạt lỗi chạy quá tốc độ với ô tô - Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định từ 05 km/h đến dưới 10 km/h (Điểm a Khoản 3 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP). - Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với người điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định từ 10 km/h đến 20 km/h (Điểm i Khoản 5 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi tại điểm đ Khoản 34 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP). Ngoài ra, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 đến 03 tháng (Điểm b Khoản 11 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP); - Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với người điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định trên 20 km/h đến 35 km/h (Điểm a Khoản 6 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP). Ngoài ra, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 đến 04 tháng (Điểm c Khoản 11 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP). - Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với người điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định trên 35 km/h (Điểm c Khoản 7 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP). Ngoài ra, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 đến 04 tháng (Điểm c Khoản 11 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP). Đối với xe máy: - Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng đối với người điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định từ 05 km/h đến dưới 10 km/h (Điểm c Khoản 2 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP (được sửa đổi tại điểm k khoản 34 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP)). - Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định từ 10 km/h đến 20 km/h (Điểm a Khoản 4 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP (được sửa đổi tại điểm g khoản 34 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP)). - Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với người điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định trên 20 km/h (Điểm a Khoản 7 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP). Ngoài ra, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 đến 04 tháng (Điểm c Khoản 10 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP). Chạy quá tốc độ đưa người đi cấp cứu có bị phạt không? Tại Điều 11 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định về những trường hợp không xử phạt vi phạm hành chính như sau: - Thực hiện hành vi vi phạm hành chính trong tình thế cấp thiết; - Thực hiện hành vi vi phạm hành chính do phòng vệ chính đáng; - Thực hiện hành vi vi phạm hành chính do sự kiện bất ngờ; - Thực hiện hành vi vi phạm hành chính do sự kiện bất khả kháng; Do đó, có thể thấy trường hợp chạy quá tốc độ để đưa người đi cấp cứu thì có thể được xem là tình thế cấp thiết. Nếu chứng minh được với cơ quan chức năng, khi đó sẽ được miễn phạt. Nếu CSGT tiến hành phạt nguội thì bạn có thể cung cấp một số giấy tờ của bệnh viện, hoặc của người được chở đi cấp cứu để làm bằng chứng chứng minh cho cơ quan công an để được xem xét miễn trừ xử phạt khi vi phạm.
Cần làm gì với hiện trạng "ngại" cứu người bị tai nạn giao thông?
Hiện trạng e ngại khi giúp đỡ người bị tai nạn khi tham gia giao thông đang là tâm lý chung của rất nhiều người. Bởi vì không ít trường hợp khi giúp đỡ người bị tai nạn nhưng lại bị người nhà nạn nhân hiểu lầm là người gây tai nạn lao vào chửi mắng, nặng thì có thể bị hành hung. Vậy cần làm gì nếu sau khi giúp đỡ người gặp tai nạn giao thông nhưng lại bị tố cáo là người gây tai nạn? Cơ quan Công an có giải pháp gì để tránh xảy oan sai trong các vụ việc như thế này? Những điều cần làm khi xảy ra tai nạn giao thông Để trả lời câu hỏi này, Bộ Công an đã đưa ra một số hướng dẫn như sau: Theo Điều 38 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định về trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, tổ chức khi xảy ra tai nạn giao thông như sau: (1) Người điều khiển phương tiện và những người liên quan trực tiếp đến vụ tai nạn có trách nhiệm sau đây: - Dừng ngay phương tiện; giữ nguyên hiện trường; cấp cứu người bị nạn và phải có mặt khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu; - Ở lại nơi xảy ra tai nạn cho đến khi người của cơ quan Công an đến, trừ trường hợp người điều khiển phương tiện cũng bị thương phải đưa đi cấp cứu hoặc phải đưa người bị nạn đi cấp cứu hoặc vì lý do bị đe dọa đến tính mạng, nhưng phải đến trình bảo ngay với cơ quan Công an nơi gần nhất; - Cung cấp thông tin xác thực về vụ tai nạn cho cơ quan có thẩm quyền. (2) Những người có mặt tại nơi xảy ra vụ tai nạn có trách nhiệm sau đây: - Bảo vệ hiện trường; - Giúp đỡ, cứu chữa kịp thời người bị nạn; - Báo tin ngay cho cơ quan Công an, y tế hoặc Ủy ban nhân dân nơi gần nhất; - Bảo vệ tài sản của người bị nạn; - Cung cấp thông tin xác thực về vụ tai nạn theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền. (3) Người điều khiển phương tiện khác khi đi qua nơi xảy ra vụ tai nạn có trách nhiệm chở người bị nạn đi cấp cứu. Các xe được quyền ưu tiên, xe chở người được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao, lãnh sự không bắt buộc thực hiện quy định tại khoản này. (4) Cơ quan Công an khi nhận được tin về vụ tai nạn có trách nhiệm cử người tới ngay hiện trường để điều tra vụ tai nạn, phối hợp với cơ quan quản lý đường bộ và Ủy ban nhân dân địa phương bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn... Như vậy, căn cứ quy định trên, người điều khiển phương tiện và những người liên quan trực tiếp đến vụ tai nạn hoặc người có mặt tại nơi xảy ra vụ tai nạn giao thông phải báo ngay thông tin vụ tai nạn giao thông cho cơ quan Công an, cơ quan Y tế hoặc Uỷ ban nhân dân nơi gần nhất, đồng thời có trách nhiệm phối hợp cung cấp thông tin xác thực về vụ tai nạn giao thông cho cơ quan có thẩm quyền (cơ quan Công an thụ lý, điều tra giải quyết vụ tai nạn giao thông. Cơ quan Công an khi nhận được tin về vụ tai nạn có trách nhiệm cử người tới ngay hiện trường để điều tra vụ tai nạn. Việc điều tra, giải quyết tai nạn giao thông của cơ quan Công an được tiến hành theo quy định của pháp luật, quy định của Bộ Công an về công tác điều tra, giải quyết tai nạn giao thông. Trong quá trình điều tra, xác minh, giải quyết vụ tai nạn giao thông mà phát hiện người có hành vi vu khống cho người khác với mục đích xấu thì căn cứ vào mức độ gây hậu quả của hành vi vi phạm để tiến hành xử lý theo quy định của pháp luật. Trường hợp nhìn thấy người bị tai nạn giao thông mà không cứu giúp thì theo quy định sẽ bị xử lý như thế nào? Theo Khoản 18 Điều 8 và Điều 38 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định về việc cứu giúp người bị tai nạn giao thông. Căn cứ cụ thể vào mức độ gây ra thiệt hại của hành vi vi phạm cứu giúp người bị tai nạn giao thông để tiến hành xử lý như sau: + Phạt tiền từ 500 nghìn đến 1 triệu đồng đối với cá nhân, từ 1-2 triệu đồng đối với tổ chức không cứu giúp người bị tai nạn giao thông khi có yêu cầu (điểm a khoản 7 Điều 11 Nghị định 100/2019/NĐ-CP). + Việc không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng còn có thể bị xử lý theo pháp luật hình sự (Điều 132 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định về Tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng). Nguồn Cổng TTĐT Bộ Công an
Tài xế ô tô có được dừng, đỗ xe trên cao tốc?
Vừa qua trên mạng xã hội đang xôn xao về vụ việc người tài xế bị đánh vì không dừng xe trên cao tốc. Cụ thể, hành vi dừng xe trên cao tốc là hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ, trừ một số trường hợp có lý do chính đáng được pháp luật quy định. Xử phạt hành vi dừng, đỗ xe ô tô trên cao tốc Theo Nghị định 123/2021/NĐ-CP mức xử phạt đối với hành vi dừng, đỗ xe trên đường cao tốc không đúng quy định đã được tăng lên so với mức phạt đặt ra trước đây. Theo đó, nghị định mới này đã bổ sung điểm d vào sau điểm c khoản 7 Điều 5 của Nghị định 100/2019/NĐ-CP, quy định mức xử phạt từ 10-12 triệu đồng đối với người điều khiển xe ô tô thực hiện các hành vi: - Dừng, đỗ xe trên đường cao tốc sai quy định - Khi buộc phải dừng, đỗ xe trên đường cao tốc, người điều khiển không có báo hiệu để thông báo - Quay đầu xe khi đang di chuyển trên đường cao tốc Ngoài ra, Nghị định cũng bổ sung khoản 7a vào sau khoản 7 Điều 23, quy định phạt tiền đối với hành vi đón, trả khách trên đường cao tốc từ 10-12 triệu đồng. Đồng thời tại khoản 11 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định: Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung là bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02-04 tháng Như vậy, người điều khiển xe ô tô có thể sẽ bị phạt từ 10-12 triệu đồng và bị tước 02-04 tháng nếu có hành vi dừng, đỗ xe sai quy định khi lưu thông trên đường cao tốc. Những trường hợp được dừng xe trên đường cao tốc Theo quy định tại khoản 3 Điều 26 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định, người điều khiển xe cơ giới di chuyển trên đường cao tốc chỉ được dừng xe, đỗ xe ở nơi quy định. Trường hợp buộc phải dừng xe, đỗ xe không đúng nơi quy định thì người lái xe phải đưa xe ra khỏi phần đường xe chạy, nếu không thì cần phải báo hiệu để lái xe khác biết. Theo đó, xe được dừng trong các trường hợp: - Bị hư hỏng, người trên xe cần được cứu hộ y tế khẩn cấp... Cũng theo quy định này, người điều khiển phương tiện nếu dừng xe trên đường cao tốc phải dừng xe ở vị trí đã được quy định là lề đường bên phải hoặc làn xe dừng khẩn cấp trên đường cao tốc. Như vậy, chỉ khi rơi vào tình trạng khẩn cấp, tài xế mới được dừng xe trên đường cao tốc. Nếu người điều khiển phương tiện cố tình dừng xe trên đường cao tốc mà không có lý do chính đáng sẽ bị xử phạt hành chính và tước giấy phép lái xe như phân tích ở mục trên. Trong tình huống này, người lái cần quan sát cẩn thận tình hình xung quanh và bật đèn xi nhan báo hiệu cho các phương tiện khác biết. Đồng thời, người lái cần dừng xe tại lề đường bên phải hoặc ở làn xe dừng khẩn cấp nhằm bảo đảm an toàn cho mình và những người tham gia giao thông xung quanh.
Ngày Tết, tài xế xe khách chở quá số người quy định bị phạt bao nhiêu?
Cận kề ngày Tết, các hãng xe khách luôn bận rộn sắp xếp các chuyến để đáp ứng được nhu cầu của hành khách. Tuy nhiên, một số nhà xe không đáp ứng đủ xe cho số lượng hành khách của mình nên nhiều trường hợp chở quá số người cho phép theo quy định pháp luật, thậm chí là nhồi nhét hành khách. Theo điểm d khoản 1 Điều 68 Luật giao thông đường bộ 2008 nêu ra một số quy định mà người vận tải, người lái xe khách phải chấp hành, trong đó quy định không chở hành khách, hành lý, hàng hóa vượt quá trọng tải, số người theo quy định. Như vậy, theo quy định nêu trên thì dù ngày lễ tết xe ô tô chở khách cũng phải chở đúng số người mà luật quy định, không được phép chở quá. Xử phạt vi phạm đối với tài xế xe khách chở quá số người quy định? Căn cứ tại khoản 2 Điều 23 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt người điều khiển xe ô tô chở hành khách, ô tô chở người và các loại xe tương tự xe ô tô chở hành khách, chở người vi phạm quy định về vận tải đường bộ, như sau: Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng trên mỗi người vượt quá quy định được phép chở của phương tiện nhưng tổng mức phạt tiền tối đa không vượt quá 40 triệu đồng đối với người điều khiển xe ô tô chở hành khách, ô tô chở người (trừ xe buýt) thực hiện hành vi vi phạm: - Chở quá từ 02 người trở lên trên xe đến 9 chỗ; - Chở quá từ 03 người trở lên trên xe 10 chỗ đến xe 15 chỗ; - Chở quá từ 04 người trở lên trên xe 16 chỗ đến xe 30 chỗ; - Chở quá từ 05 người trở lên trên xe trên 30 chỗ. Đối với xe chạy tuyến có cự ly lớn hơn 300 km thì: Phạt tiền từ 01-02 triệu đồng trên mỗi người vượt quá quy định được phép chở của phương tiện nhưng tổng mức phạt tiền tối đa không vượt quá 40 triệu đồng đối với người điều khiển xe ô tô chở hành khách thực hiện hành vi vi phạm: - Chở quá từ 02 người trở lên trên xe đến 9 chỗ; - Chở quá từ 03 người trở lên trên xe 10 chỗ đến xe 15 chỗ; - Chở quá từ 04 người trở lên trên xe 16 chỗ đến xe 30 chỗ; - Chở quá từ 05 người trở lên trên xe trên 30 chỗ. Như vậy, theo quy định trên, không phải trong mọi trường hợp chở người vượt quá số lượng quy định sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính. Tài xế xe khách được phép chở quá bao nhiêu người? Theo như phân tích trên, thì tài xế xe khách chở quá số người thuộc một trong các trường hợp sau sẽ không bị xử phạt: - Đối với xe đến 9 chỗ: được phép chở quá số lượng 01 người trên xe; - Đối với xe từ 10 chỗ đến xe 15 chỗ: được phép chở vượt quá số lượng 02 người trên xe; - Đối với xe từ 16 chỗ đến xe 30 chỗ: được phép chở vượt quá số lượng 03 người trên xe; - Đối với xe trên 30 chỗ: được phép chở vượt quá số lượng 04 người trên xe. Đối với nhà xe giao cho tài xế sẽ bị xử phạt bao nhiêu? Căn cứ tại khoản 6 Điều 23 Nghị định 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi bởi điểm đ khoản 17 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP quy định: Phạt tiền từ 01-02 triệu đồng trên mỗi người vượt quá quy định được phép chở của phương tiện nhưng tổng mức phạt tiền tối đa không vượt quá 75 triệu đồng đối với chủ phương tiện là cá nhân. Đối với chủ phương tiện là tổ chức giao phương tiện hoặc để cho người làm công, người đại diện điều khiển phương tiện vi phạm hoặc trực tiếp điều khiển phương tiện vi phạm phạt từ 02-04 triệu đồng trên mỗi người vượt quá quy định được phép chở của phương tiện nhưng tổng mức phạt tiền tối đa không vượt quá 150 triệu đồng.
Ô tô lấn làn xe máy có bị phạt hay không?
Hiện nay, tình trạng xe lấn làn không còn là hiếm gặp, không chỉ xe máy, mà cả ô tô cũng vậy, nhất là nơi đô thị đông đúc vào giờ cao điểm. Không khó bắt gặp nạn kẹt xe ở các thành phố lớn, theo đó vì để kịp giờ đi làm hay tan làm về nhà, hoặc những ngày cuối tuần xe cộ nhộn nhịp ra đường vui chơi thì nạn lấn làn càng phổ biến. Hành vi lấn làn của xe ô tô là hành vi nguy hiểm và vi phạm điều cấm trong Luật Giao thông đường bộ. Trong khi đó, Điều 13 Luật Giao thông đường bộ 2008 đã quy định rõ về việc sử dụng làn đường như sau: - Trên đường có nhiều làn đường cho xe đi cùng chiều được phân biệt bằng vạch kẻ phân làn đường, người điều khiển phương tiện phải cho xe đi trong một làn đường và chỉ được chuyển làn đường ở những nơi cho phép; khi chuyển làn đường phải có tín hiệu báo trước và phải bảo đảm an toàn. - Trên đường một chiều có vạch kẻ phân làn đường, xe thô sơ phải đi trên làn đường bên phải trong cùng, xe cơ giới, xe máy chuyên dùng đi trên làn đường bên trái. - Phương tiện tham gia giao thông đường bộ di chuyển với tốc độ thấp hơn phải đi về bên phải. Ô tô lấn làn xe máy bị phạt bao nhiêu? Mỗi phương tiện tham gia giao thông phải đi đúng làn đường quy định. Nếu vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính theo Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP. Cụ thể, việc lái xe ô tô lấn sang làn xe máy sẽ bị phạt theo các mức sau: - Hành vi chuyển làn đường không đúng nơi cho phép bị phạt từ 400.000 - 600.000 đồng (điểm a Khoản 2 Điều 5). - Hành vi đi không đúng phần đường hoặc làn đường quy định bị phạt từ 04-06 triệu đồng (điểm đ Khoản 5 Điều 5). Ngoài ra còn tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01-03 tháng (điểm c Khoản 11 Điều 5). So với quy định trước đây tại Nghị định 46/2016/NĐ-CP, mức phạt đối với việc ô tô lấn làn xe máy đã tăng gấp nhiều lần. Với hành vi chuyển làn không đúng nơi cho phép mức phạt tăng khoảng 1,5 lần (trước đó phạt 300.000 - 400.000 đồng). Đặc biệt, hành vi đi không đúng phần đường, làn đường quy định, mức phạt đã tăng gấp 5 lần (mức cũ là từ 800.000 - 1,2 triệu đồng). Việc tăng mức phạt sẽ góp phần răn đe, hạn chế tình trạng ô tô lấn làn xe máy khi tham gia giao thông trên đường. Ô tô lấn làn gây tai nạn bị xử lý thế nào? Như đã phân tích, việc lái ô tô lấn làn xe máy sẽ bị xử phạt hành chính lên đến 05 triệu đồng. Trường hợp gây ra tai nạn, người điều khiển phải có trách nhiệm bồi thường cho người bị thiệt hại do tai nạn gây ra. Cụ thể, theo quy định tại Điều 589, Điều 590 và Điều 591 Bộ luật Dân sự 2015, người lái xe lấn làn gây tai nạn sẽ phải bồi thường những thiệt hại sau: - Thiệt hại về tài sản: Tài sản bị mất, bị huỷ hoại hoặc bị hư hỏng; giá trị sử dụng, khai thác tài sản bị mất, giảm sút; chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại,… - Thiệt hại về sức khỏe: chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khoẻ và thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại; mức bù đắp tổn thất tinh thần… - Thiệt hại về tính mạng (làm chết người): chi phí mai táng, tiền cấp dưỡng cho người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng; mức bồi thường bù đắp tính thần,… Đặc biệt, hành vi lái ô tô lấn làn xe máy còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ tại Điều 260 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi năm 2017. Mức phạt nhẹ nhất đối với tội này là phạt tiền từ 30 - 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 - 05 năm nếu: Làm chết người; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;… Nói tóm lại, ô tô lấn làn xe máy sẽ bị phạt hành chính lên đến 05 triệu đồng. Trường hợp lấn làn gây tai nạn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Mức xử phạt đối với hành vi đỗ xe máy dưới lòng đường
Vừa qua, có một số trường hợp CSGT lập biên bản xử phạt người điều khiển xe mấy đỗ xe dưới lòng đường. Theo đó, nhiều người dân thắc mắc rằng lòng đường rộng nhưng đậu xe vẫn bị phạt vì lý do gì? Theo đó, có nhiều quy định về việc người điều khiển xe máy dừng, đỗ xe dưới lòng đường, bởi người dân chưa nắm rõ luật định nên còn nhiều vướng mắc. Bài viết sẽ cung cấp cho người đọc một số thông tin liên quan đến vấn đề này. Như thế nào là dừng, đỗ xe theo luât định? Căn cứ Điều 18 Luật giao thông đường bộ 2008 quy định - Dừng xe là trạng thái đứng yên tạm thời của phương tiện giao thông trong một khoảng thời gian cần thiết đủ để cho người lên, xuống phương tiện, xếp dỡ hàng hóa hoặc thực hiện công việc khác. - Đỗ xe là trạng thái đứng yên của phương tiện giao thông không giới hạn thời gian. Quy định về dừng, đỗ xe Căn cứ khoản 3 Điều 18 Luật Giao thông đường bộ 2008 có quy định: Người điều khiển phương tiện khi dừng, đỗ xe trên đường bộ phải thực hiện quy định sau đây: - Có tín hiệu báo cho người điều khiển phương tiện khác biết; - Cho xe dừng, đỗ ở nơi có lề đường rộng hoặc khu đất ở bên ngoài phần đường xe chạy; trường hợp lề đường hẹp hoặc không có lề đường thì phải cho xe dừng, đỗ sát mép đường phía bên phải theo chiều đi của mình; - Trường hợp trên đường đã xây dựng nơi dừng xe, đỗ xe hoặc quy định các điểm dừng xe, đỗ xe thì phải dừng, đỗ xe tại các vị trí đó; - Sau khi đỗ xe, chỉ được rời khỏi xe khi đã thực hiện các biện pháp an toàn; nếu xe đỗ chiếm một phần đường xe chạy phải đặt ngay biển báo hiệu nguy hiểm ở phía trước và phía sau xe để người điều khiển phương tiện khác biết; - Không mở cửa xe, để cửa xe mở hoặc bước xuống xe khi chưa bảo đảm điều kiện an toàn; - Khi dừng xe, không được tắt máy và không được rời khỏi vị trí lái; - Xe đỗ trên đoạn đường dốc phải được chèn bánh. Theo đó, khi dừng, đỗ xe cần phải thực hiện theo quy định trên. Ngoài ra, Luật giao thông đường bộ 2008 còn quy định về những vị trí không được đỗ xe như sau: Người điều khiển phương tiện không được đỗ xe tại các vị trí: - Bên trái đường một chiều; - Trên các đoạn đường cong và gần đầu dốc tầm nhìn bị che khuất; - Trên cầu, gầm cầu vượt; - Song song với một xe khác đang dừng, đỗ; - Trên phần đường dành cho người đi bộ qua đường; - Nơi đường giao nhau và trong phạm vi 5 mét tính từ mép đường giao nhau; - Nơi dừng của xe buýt; - Trước cổng và trong phạm vi 5 mét hai bên cổng trụ sở cơ quan, tổ chức; - Tại nơi phần đường có bề rộng chỉ đủ cho một làn xe; - Trong phạm vi an toàn của đường sắt; - Che khuất biển báo hiệu đường bộ. Như vậy, khi dừng, đỗ xe, người điều khiển phương tiện giao thông phải thực hiện theo các quy định tại Điều 18 về những hành vi được dừng, đỗ xe và các vị trí không được dừng, đỗ xe. Bên cạnh đó, tại Điều 19 Luật giao thông đường bộ 2008 cũng quy định về hành vi đỗ xe trên đường phố như sau: Người điều khiển phương tiện khi dừng, đỗ xe trên đường phố phải tuân theo quy định tại Điều 18 Luật GTĐT 2008 và các quy định sau đây: - Phải cho xe đỗ sát theo lề đường, hè phố phía bên phải theo chiều đi của mình; bánh xe gần nhất không được cách xa lề đường, hè phố quá 0,25 mét và không gây cản trở, nguy hiểm cho giao thông. Trường hợp đường phố hẹp, phải đỗ xe ở vị trí cách xe ô tô đang đỗ bên kia đường tối thiểu 20 mét. - Không được đỗ xe trên đường xe điện, trên miệng cống thoát nước, miệng hầm của đường điện thoại, điện cao thế, chỗ dành riêng cho xe chữa cháy lấy nước. Không được để phương tiện giao thông ở lòng đường, hè phố trái quy định. Vì vậy, nếu người điều khiển phương tiện giao thông mà vi phạm một trong các quy định trên của Luật GTĐB 2008 thì sẽ bị xử lý ra sao? Xử phạt vi phạm hành chính đối với người điều khiển xe máy dừng, đỗ xe dưới lòng đường vi phạm một trong các quy định: Căn cứ Nghị định 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/01/2022, người điều khiển xe gắn máy dừng xe, đỗ xe ở lòng đường đô thị gây cản trở giao thông sẽ bị xử phạt như sau: Phạt tiền từ 300.000-400.000 đồng: - Dừng xe, đỗ xe trên phần đường xe chạy ở đoạn đường ngoài đô thị nơi có lề đường; - Dừng xe, đỗ xe ở lòng đường đô thị gây cản trở giao thông; tụ tập từ 03 xe trở lên ở lòng đường, trong hầm đường bộ; đỗ, để xe ở lòng đường đô thị, hè phố trái quy định của pháp luật; - Dừng xe, đỗ xe trên đường xe điện, điểm dừng đón trả khách của xe buýt, nơi đường bộ giao nhau, trên phần đường dành cho người đi bộ qua đường; dừng xe nơi có biển “Cấm dừng xe và đỗ xe”; đỗ xe tại nơi có biển “Cấm đỗ xe” hoặc biển “Cấm dừng xe và đỗ xe”; không tuân thủ các quy định về dừng xe, đỗ xe tại nơi đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt; dừng xe, đỗ xe trong phạm vi an toàn của đường sắt, trừ hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 2, điểm b khoản 3 Điều 49 Nghị định 100/2019/NĐ-CP; Phạt tiền từ 400.000-600.000 đồng: - Dừng xe, đỗ xe trên cầu; Phạt tiền từ 800.000-1.000.000 đồng: - Dừng xe, đỗ xe trong hầm đường bộ không đúng nơi quy định; Phạt tiền từ 4-5 triệu đồng: - Dừng xe, đỗ xe không đúng quy định gây tai nạn giao thông. Ngoài ra tại hành vi vi phạm này không chỉ xử phạt tiền mà người điều khiển xe còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng