Bộ Chính trị xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên
Ngày 11/10, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị đã xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm, khuyết điểm. Sau khi xem xét đề nghị của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Bộ Chính trị nhận thấy: 1. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Giang nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy định của Đảng, Quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát để Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh và nhiều tổ chức, cá nhân vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong tổ chức thực hiện Gói thầu xây lắp số 4, Dự án Cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang do Công ty cổ phần Tập đoàn Thuận An thực hiện; một số cán bộ, đảng viên, trong đó có cán bộ chủ chốt của tỉnh vi phạm quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương. 2. Đồng chí Đặng Quốc Khánh, trong thời gian giữ cương vị Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang đã vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi phạm Quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương, gây hậu quả nghiêm trọng, nguy cơ thất thoát, lãng phí lớn tiền, tài sản của Nhà nước, gây dư luận xấu, làm giảm uy tín của tổ chức đảng, chính quyền địa phương. 3. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tuyên Quang nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy định của Đảng; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát để Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh và nhiều tổ chức, cá nhân vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong tổ chức thực hiện Gói thầu 26, Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ do Công ty cổ phần Tập đoàn Thuận An thực hiện; một số cán bộ, đảng viên, trong đó có cán bộ chủ chốt của tỉnh vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi phạm Quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương. 4. Đồng chí Chẩu Văn Lâm trong thời gian giữ cương vị Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang đã vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi phạm Quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương; gây hậu quả nghiêm trọng, nguy cơ thất thoát, lãng phí lớn tiền, tài sản của Nhà nước, gây dư luận xấu, làm giảm uy tín của tổ chức đảng và chính quyền địa phương. 5. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Thọ nhiệm kỳ 2010 - 2015 đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy định của Đảng, Quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát để Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh và nhiều tổ chức, cá nhân vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong tổ chức thực hiện các dự án, gói thầu tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng do Công ty cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn thực hiện; một số cán bộ, đảng viên, trong đó có cán bộ chủ chốt của tỉnh vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi phạm Quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương. 6. Các đồng chí: Ngô Đức Vượng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ; Nguyễn Doãn Khánh, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ; Hoàng Dân Mạc, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ trong thời gian giữ cương vị lãnh đạo tại Đảng bộ tỉnh đã suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi phạm Quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương; gây hậu quả rất nghiêm trọng, dư luận bức xúc, ảnh hưởng rất xấu đến uy tín của tổ chức đảng và chính quyền địa phương. 7. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi các nhiệm kỳ 2010 - 2015, 2015 - 2020 đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy định của Đảng, Quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát để Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh và nhiều tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong thực hiện một số dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh, trong đó có dự án do Công ty cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn thực hiện, gây hậu quả nghiêm trọng, nguy cơ thất thoát, lãng phí lớn tiền, tài sản của Nhà nước; một số cán bộ, đảng viên trong đó có cán bộ chủ chốt vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi phạm Quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương, bị kỷ luật, xử lý hình sự, gây dư luận xấu, làm giảm uy tín của tổ chức đảng và chính quyền địa phương. Căn cứ nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả, nguyên nhân vi phạm của tổ chức đảng và đảng viên nêu trên, theo quy định của Đảng về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm, Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật Cảnh cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi nhiệm kỳ 2010 - 2015, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Thọ nhiệm kỳ 2010 - 2015, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Giang nhiệm kỳ 2020 - 2025, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tuyên Quang nhiệm kỳ 2020 - 2025 và các đồng chí: Đặng Quốc Khánh, Chẩu Văn Lâm; Khiển trách Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi nhiệm kỳ 2015 - 2020. Đề nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng xem xét, xử lý kỷ luật các đồng chí Ngô Đức Vượng, Nguyễn Doãn Khánh, chưa xem xét kỷ luật đồng chí Hoàng Dân Mạc do bị bệnh nặng. Đề nghị các cơ quan chức năng thi hành kỷ luật hành chính kịp thời, đồng bộ với kỷ luật đảng./. (Nguồn: Cổng Thông tin điện tử Chính phủ) Link bài viết: https://baochinhphu.vn/bo-chinh-tri-xem-xet-thi-hanh-ky-luat-to-chuc-dang-dang-vien-10224101115141645.htm
Báo tin giả cho lực lượng chức năng sẽ bị xử lý thế nào?
Báo tin giả là một trong những hành vi vi phạm pháp luật, trường hợp cố tình báo tin giả để nhằm hạ uy tín, xúc phạm danh dự của người khác thì còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Cụ thể qua bài viết sau đây. Báo tin giả cho lực lượng chức năng có bị phạt không? Điều 144 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định về việc tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố như sau: - Tố giác về tội phạm là việc cá nhân phát hiện và tố cáo hành vi có dấu hiệu tội phạm với cơ quan có thẩm quyền. - Tin báo về tội phạm là thông tin về vụ việc có dấu hiệu tội phạm do cơ quan, tổ chức, cá nhân thông báo với cơ quan có thẩm quyền hoặc thông tin về tội phạm trên phương tiện thông tin đại chúng. - Kiến nghị khởi tố là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiến nghị bằng văn bản và gửi kèm theo chứng cứ, tài liệu liên quan cho Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát có thẩm quyền xem xét, xử lý vụ việc có dấu hiệu tội phạm. - Tố giác, tin báo về tội phạm có thể bằng lời hoặc bằng văn bản. - Người nào cố ý tố giác, báo tin về tội phạm sai sự thật thì tuỳ tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của luật. Như vậy, việc báo tin giả cho lực lượng chức năng sẽ bị kỷ luật, phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự tùy theo tính chất, mức độ vi phạm. Báo tin giả cho lực lượng chức năng sẽ bị xử lý thế nào? (1) Xử lý kỷ luật Đối với xử lý kỷ luật sẽ áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức, theo Điều 23 Nghị định 31/2019/NĐ-CP quy định xử lý kỷ luật đối với người tố cáo là cán bộ, công chức, viên chức như sau: Cán bộ, công chức, viên chức biết rõ việc tố cáo là không đúng sự thật nhưng vẫn tố cáo nhiều lần hoặc biết vụ việc đã được cơ quan, người có thẩm quyền giải quyết đúng chính sách, pháp luật nhưng vẫn tố cáo nhiều lần mà không có bằng chứng chứng minh nội dung tố cáo; cưỡng ép, lôi kéo, kích động, dụ dỗ, mua chuộc người khác tố cáo sai sự thật; sử dụng họ tên của người khác để tố cáo gây mất đoàn kết nội bộ hoặc ảnh hưởng đến uy tín, hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, đơn vị thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. (2) Xử phạt hành chính Theo điểm c khoản 3 Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi báo thông tin giả, không đúng sự thật đến các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. (3) Truy cứu trách nhiệm hình sự Trường hợp báo tin giả cho lực lượng chức năng còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vu khống theo Điều 156 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017 như sau: - Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm: + Bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác; + Bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền. - Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm: + Có tổ chức; + Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; + Đối với 02 người trở lên; + Đối với ông, bà, cha, mẹ, người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh cho mình; + Đối với người đang thi hành công vụ; + Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội; + Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%; + Vu khống người khác phạm tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng. - Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm: + Vì động cơ đê hèn; + Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; + Làm nạn nhân tự sát. - Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. Như vậy, người báo tin giả sẽ bị xử lý theo các quy định trên. Báo tin giả cho lực lượng chức năng nhằm hạ uy tín của người khác thì có phải bồi thường? Theo khoản 1 Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015 quy định người có hành vi xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật Dân sự, luật khác có liên quan quy định khác. Trong đó, Điều 592 Bộ luật Dân sự 2015 quy định như sau: - Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm bao gồm: + Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại; + Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút; +Thiệt hại khác do luật quy định. - Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác bị xâm phạm phải bồi thường các thiệt hại trên và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm không quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định. Như vậy, người cố ý tố giác, báo tin giả cho lực lượng chức năng mà xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác thì có thể phải bồi thường nếu người bị thiệt hại có yêu cầu.
Đề nghị cử đi đào tạo sau đại học với chuyên ngành dự kiến chuyển đổi?
Tình huống phát sinh là viên chức hành chính dự kiến sắp tới được chuyển sang làm kế toán, chưa có quyết định chuyển cụ thể. Vậy viên chức có được đề nghị cử đi đào tạo sau đại học với chuyên ngành dự kiến chuyển đổi hay không? Điều kiện được cử đi đào tạo sau đại học Liên quan vấn đề này, tại Điều 6 Nghị định 101/2017/NĐ-CP về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức có hướng dẫn về điều kiện được cán bộ, công chức, viên chức được cử đi đào tạo như sau: - Đối với cán bộ, công chức: Có thời gian công tác từ đủ 03 năm trở lên (không kể thời gian tập sự) và 02 năm liên tục liền kề trước thời điểm được cử đi đào tạo hoàn thành tốt nhiệm vụ; Không quá 40 tuổi tính từ thời điểm được cử đi đào tạo sau đại học lần đầu; Có cam kết thực hiện nhiệm vụ, công vụ tại cơ quan, đơn vị sau khi hoàn thành chương trình đào tạo trong thời gian ít nhất gấp 02 lần thời gian đào tạo; Chuyên ngành đào tạo phù hợp với vị trí việc làm. - Đối với viên chức: Đã kết thúc thời gian tập sự (nếu có); Có cam kết thực hiện nhiệm vụ, hoạt động nghề nghiệp tại cơ quan, đơn vị sau khi hoàn thành chương trình đào tạo trong thời gian ít nhất gấp 02 lần thời gian đào tạo; Chuyên ngành đào tạo phù hợp với vị trí việc làm. - Cán bộ, công chức, viên chức được cử đi học theo các chương trình hợp tác với nước ngoài được ký kết hoặc gia nhập nhân danh Nhà nước, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, ngoài các quy định nêu trên còn phải đáp ứng yêu cầu khác của chương trình hợp tác. Căn cứ theo hướng dẫn trên thì một trong các điều kiện để được cử đi đào tạo sau đại học của viên chức là chuyên ngành đào tạo phù hợp với vị trí việc làm. Do đó, khi vị trí việc làm hiện tại của viên chức là công việc hành chính, không phải kế toán thì không đủ căn cứ, cơ sở để được cử đi đào tạo sau đại học. Đang trong thời gian xem xét kỷ luật có được cử đi đào tạo Đối với nội dung này, tại Điều 56 Văn bản hợp nhất 26/VBHN-VPQH năm 2019 do Văn phòng Quốc hội ban hành có nêu một số quy định đặc thù liên quan đến việc kỷ luật viên chức như sau: - Viên chức bị khiển trách thì thời hạn nâng lương bị kéo dài 03 tháng; bị cảnh cáo thì thời hạn nâng lương bị kéo dài 06 tháng. Trường hợp viên chức bị cách chức thì thời hạn nâng lương bị kéo dài 12 tháng, đồng thời đơn vị sự nghiệp công lập bố trí vị trí việc làm khác phù hợp. - Viên chức bị kỷ luật thì xử lý như sau: Trường hợp bị kỷ luật bằng hình thức khiển trách hoặc cảnh cáo thì không thực hiện việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm vào chức vụ cao hơn trong thời hạn 12 tháng, kể từ ngày quyết định kỷ luật có hiệu lực; Trường hợp bị kỷ luật bằng hình thức cách chức thì không thực hiện việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm trong thời hạn 24 tháng, kể từ ngày quyết định kỷ luật có hiệu lực. - Viên chức đang trong thời hạn xử lý kỷ luật, đang bị điều tra, truy tố, xét xử thì không được bổ nhiệm, biệt phái, đào tạo, bồi dưỡng hoặc thôi việc. - Viên chức quản lý đã bị kỷ luật cách chức do tham nhũng hoặc bị Tòa án kết án về hành vi tham nhũng thì không được bổ nhiệm vào vị trí quản lý. - Viên chức bị cấm hành nghề hoặc bị hạn chế hoạt động nghề nghiệp trong một thời hạn nhất định theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền, nếu không bị xử lý kỷ luật buộc thôi việc thì đơn vị sự nghiệp công lập phải bố trí viên chức vào vị trí việc làm khác không liên quan đến hoạt động nghề nghiệp bị cấm hoặc bị hạn chế. - Viên chức bị xử lý kỷ luật, bị tạm đình chỉ công tác hoặc phải bồi thường, hoàn trả theo quyết định của đơn vị sự nghiệp công lập nếu thấy không thỏa đáng thì có quyền khiếu nại, khởi kiện hoặc yêu cầu giải quyết theo trình tự do pháp luật quy định. Theo đó, viên chức đang trong thời hạn xử lý kỷ luật thì không được cử đi đào tạo. Đơn vị và viên chức có nhu cầu thì phải đợi trải qua thời gian này.
Mẫu bản kiểm điểm cá nhân học sinh đơn giản, dễ viết
Nếu vi phạm nội quy, quy định của nhà trường thì học sinh phải viết bản kiểm điểm nhằm mục đích giúp các em nhận thức và tự ý thức về trách nhiệm của mình. Sau đây sẽ là mẫu bản kiểm điểm cá nhân học sinh đơn giản, dễ viết cho các em. Mẫu bản kiểm điểm cá nhân học sinh đơn giản, dễ viết Tuỳ thuộc vào nội quy của mỗi trường sẽ quy định cụ thể các trường hợp học sinh phải viết bản kiểm điểm. Tuy nhiên thì học sinh sẽ phải viết bản kiểm điểm cá nhân trong các trường hợp phổ biến sau đây: - Bản kiểm điểm sau vi phạm Học sinh cần viết bản kiểm điểm khi vi phạm nội quy, quy chế của nhà trường. Mục đích là để tự nhận lỗi và nhận thức trách nhiệm về hành vi của mình. - Cuối học kỳ/năm học Ngoài ra, học sinh cũng phải viết bản kiểm điểm khi kết thúc học kỳ hoặc năm học, nhằm tổng kết lại những gì đã xảy ra trong thời gian đó Hiện nay đối với bản kiểm điểm của học sinh thì không có quy định mẫu cụ thể, theo đó các em học sinh có thể tham khảo mẫu bản kiểm điểm cá nhân học sinh đơn giản, dễ viết sau đây: Như vậy, tùy thuộc vào nội quy của trường sẽ quy định khi nào học sinh phải viết bản kiểm điểm. Khi viết bản kiểm điểm cá nhân, học sinh cần thành thật, thể hiện sự nhận thức về lỗi lầm của bản thân và lý do vì sao hành vi đó không đúng và các biện pháp khắc phục, sửa đổi. Học sinh vi phạm thì sẽ có những hình thức kỷ luật nào? (1) Học sinh tiểu học vi phạm Theo khoản 3 Điều 38 Điều lệ Trường tiểu học ban hành kèm theo Thông tư 28/2020/TT-BGDĐT quy định: Học sinh có khuyết điểm trong quá trình học tập, rèn luyện và các phong trào thi đua, tuỳ theo mức độ vi phạm có thể thực hiện các biện pháp kỷ luật sau: - Nhắc nhở, hỗ trợ giúp đỡ trực tiếp để học sinh tiến bộ hơn; - Thông báo với cha mẹ học sinh nhằm phối hợp giúp đỡ học sinh khắc phục khuyết điểm. Lưu ý: Giáo viên không được phê bình học sinh trước cả lớp, trước toàn trường hoặc trong cuộc họp chung với cha mẹ học sinh. (2) Học sinh THCS, THPT vi phạm Theo khoản 2 Điều 38 Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học ban hành kèm theo Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT quy định: Học sinh vi phạm khuyết điểm trong quá trình học tập, rèn luyện được giáo dục hoặc xử lý kỷ luật theo các hình thức sau đây: - Nhắc nhở, hỗ trợ, giúp đỡ trực tiếp để học sinh khắc phục khuyết điểm. - Khiển trách, thông báo với cha mẹ học sinh nhằm phối hợp giúp đỡ học sinh khắc phục khuyết điểm. - Tạm dừng học ở trường có thời hạn và thực hiện các biện pháp giáo dục khác theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Như vậy, đối với học sinh tiểu học vi phạm sẽ bị kỷ luật theo hình thức nhắc nhở, hỗ trợ khắc phục khuyết điểm, thông báo với cha mẹ còn đối với học sinh THCS, THPT sẽ bị kỷ luật theo hình thức nhắc nhở, hỗ trợ khắc phục khuyết điểm, khiển trách, thông báo với cha mẹ, tạm dừng học ở trường có thời hạn… Trường tiểu học được phân cấp quản lý như thế nào? Theo Điều 6 Điều lệ Trường tiểu học ban hành kèm theo Thông tư 28/2020/TT-BGDĐT quy định về phân cấp quản lý như sau: - Trường tiểu học do Ủy ban nhân dân cấp huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp huyện) thành lập và quản lý. Các lớp tiểu học, cơ sở giáo dục khác thực hiện chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 4 Thông tư 28/2020/TT-BGDĐT do cấp có thẩm quyền thành lập quản lý. - Phòng giáo dục và đào tạo giúp Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giáo dục đối với các loại hình trường, lớp tiểu học trên địa bàn. Như vậy, trường tiểu học sẽ do UBND cấp huyện thành lập và quản lý.
Học sinh vi phạm gì sẽ bị nhà trường đuổi học?
Học sinh khi đi học phải tuân thủ quy định pháp luật và nội quy của trường, lớp. Vậy học sinh vi phạm những quy định nào sẽ bị nhà trường đuổi học và thời gian đuổi học là bao lâu? Học sinh vi phạm gì sẽ bị nhà trường đuổi học? Theo khoản 2 Điều 38 Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học ban hành kèm theo Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT thì học sinh vi phạm khuyết điểm trong quá trình học tập, rèn luyện được giáo dục hoặc xử lý kỷ luật theo các hình thức sau đây: - Nhắc nhở, hỗ trợ, giúp đỡ trực tiếp để học sinh khắc phục khuyết điểm. - Khiển trách, thông báo với cha mẹ học sinh nhằm phối hợp giúp đỡ học sinh khắc phục khuyết điểm. - Tạm dừng học ở trường có thời hạn và thực hiện các biện pháp giáo dục khác theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Như vậy, học sinh vi phạm khuyết điểm trong quá trình học tập, rèn luyện tuỳ vào mức độ thì sẽ được xử lý kỷ luật nặng nhất là tạm dừng học ở trường có thời hạn (đuổi học có thời hạn). Học sinh vi phạm sẽ bị nhà trường đuổi học trong bao lâu? Theo Mục 4 Chương 3 Thông tư 08/TT năm 1988 hướng dẫn về khen thưởng và thi hành kỷ luật học sinh các trường phổ thông do Bộ Giáo dục ban hành thì có 2 hình thức kỷ luật đuổi học học sinh: (1) Đuổi học một tuần lễ: - Những học sinh vi phạm các khuyết điểm đã bị cảnh cáo trước toàn trường nhưng không biết hối lỗi và sửa chữa khuyết điểm, có ảnh hưởng xấu tới những học sinh khác; Hoặc phạm khuyết điểm lần đầu nhưng có tính chất và mức độ nghiêm trọng, làm tổn thương nhiều đến danh dự của nhà trường, của thầy cô giáo và tập thể học sinh như: trộm cắp, chấn lột, gây gổ đánh nhau có tổ chức và gây thương tích cho người khác, … Hoặc mắc những khuyết điểm sai phạm khác có tính chất và mức độ tác hại tương đương thì Hội đồng kỉ luật nhà trường xét đề nghị Hiệu trưởng quyết định và thi hành, đồng thời báo cáo lên cơ quan quản lí giáo dục cấp trên trực tiếp để biết và theo dõi - Hình thức kỉ luật này sẽ ghi vào học bạ của học sinh và thông báo cho gia đình biết để phối hợp giáo dục - Trong thời gian 1 tuần sẽ bị đuổi học, học sinh này phải kiểm điểm và suy nghĩ một cách sâu sắc về những khuyết điểm sai phạm của mình, nếu tỏ ra thành khẩn ăn năn, hối lỗi, có quyết tâm sửa chữa khuyết điểm để tiến bộ thì sau thời gian bị đuổi học Hiệu trưởng có thể xét và quyết định cho tiếp tục học. Thời gian học sinh bị đuổi học sẽ được coi là nghỉ học có phép nếu được học lại. - Nếu trong thời gian bị đuổi học 1 tuần lễ, học sinh mắc khuyết điểm sai phạm không tỏ ra thành khẩn hối lỗi và quyết tâm sửa chữa, thậm chí còn phạm thêm nhiều khuyết điểm sai phạm khác thì Hội đồng kỉ luật nhà trường sẽ đề nghị Hiệu trưởng quyết định đuổi học 1 năm - Gia đình học sinh có trách nhiệm quản lí và giáo dục con cái trong thời gian học sinh bị đuổi học (2) Đuổi học 1 năm: - Những học sinh mắc 1 trong các khuyết điểm sai phạm sau đây sẽ bị Hội đồng kỉ luật của nhà trường đề nghị Hiệu trưởng quyết định thi hành kỉ luật đuổi học 1 năm, có ghi học bạ và thông báo cho gia đình, đồng thời giao cho gia đình, đoàn đội và chính quyền địa phương tiếp tục giáo dục - Mắc khuyết điểm sai phạm đã bị Hội đồng kỉ luật nhà trường thông qua Hiệu trưởng đuổi học 1 tuần lễ mà không chịu sửa chữa, vẫn còn tái phạm, thậm chí còn phạm thêm những khuyết điểm sai phạm khác - Mắc khuyết điểm sai phạm rất nghiêm trọng, tuy chỉ là lần đầu, song hành động sai phạm này là có ý thức và chủ động (không phải bị lôi kéo, a tòng), gây nên những tác hại rất lớn, rất nguy hiểm đến tài sản của xã hội và tính mạng của con người như: tham gia các tổ chức trộm cắp, trấn lột, trụy lạc, phản động,… dùng vũ khí (dao găm, lưỡi lê, súng lục, lựu đạn, …) đánh nhau có tổ chức, gây thương tích cho người khác, can án ngoài nhà trường bị công an bắt giữ hoặc mắc những khuyết điểm sai phạm khác mà tính chất và mức độ tác hại tương đương - Sau khi thi hành kỉ luật đuổi học 1 năm, nhà trường phải lập đầy đủ hồ sơ, báo cáo ngay lên cơ quan giáo dục cấp trên trực tiếp quản lí là Phòng giáo dục (đối với học sinh cấp 2) và Sở giáo dục (đối với học sinh PTTH) để biết và theo dõi - Những học sinh sau 1 năm bị đuổi học, nếu có đủ điều kiện về tuổi và muốn học lại thì phải làm đơn xin trường cũ xét cho học lại và phải có giấy xác nhận của chính quyền địa phương (phường, xã, thị xã, thị trấn, …) về sự tiến bộ của bản thân, giấy cam kết của gia đình về việc giáo dục con mình - Ngoài hình thức thi hành kỉ luật trên đây, để đảm bảo tính sư phạm và tính nghiêm túc của việc giảng dạy và học tập trong giờ lên lớp, giáo viên bộ môn có thể tạm thời đình chỉ việc học tập và đưa lên để Hiệu trưởng giáo dục những học sinh mắc phải một trong các sai phạm như: Nói năng hoặc có thái độ vô lễ đối với thầy cô giáo; gây gổ đánh nhau với bạn bè trong lớp; gây mất trật tự làm ảnh hưởng đến việc học tập của tập thể lớp, mặc dù đã được thầy cô giáo khuyên răn, nhắc nhở, … Các học sinh này được vào lớp tiếp tục học trong tiết học sau Như vậy, tuỳ mức độ vi phạm mà học sinh sẽ bị đuổi học từ 1 tuần đến 1 năm, nếu học sinh đã bị đuổi học 1 tuần lễ mà không chịu sửa chữa, vẫn còn tái phạm, thậm chí còn phạm thêm những khuyết điểm sai phạm khác thì sẽ tiếp tục bị đuổi thêm 1 năm. Các hành vi nào học sinh không được làm? Theo Điều 37 Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học ban hành kèm theo Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT quy định các hành vi học sinh không được làm như sau: - Xúc phạm nhân phẩm, danh dự, xâm phạm thân thể giáo viên, cán bộ, nhân viên của nhà trường, người khác và học sinh khác. - Gian lận trong học tập, kiểm tra, thi, tuyển sinh. - Mua bán, sử dụng rượu, bia, thuốc lá, chất gây nghiện, các chất kích thích khác và pháo, các chất gây cháy nổ. - Sử dụng điện thoại di động, các thiết bị khác khi đang học tập trên lớp không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên cho phép. - Đánh nhau, gây rối trật tự, an ninh trong nhà trường và nơi công cộng. - Sử dụng, trao đổi sản phẩm văn hóa có nội dung kích động bạo lực, đồi trụy; sử dụng đồ chơi hoặc chơi trò chơi có hại cho sự phát triển lành mạnh của bản thân. - Học sinh không được vi phạm những hành vi bị nghiêm cấm khác theo quy định của pháp luật. Như vậy, học sinh sẽ không được làm các hành vi quy định trên, nếu vẫn làm sẽ bị xử lý kỷ luật theo quy định.
Giáo viên đang nghỉ thai sản thì đơn vị có được ra quyết định kỷ luật không?
Giáo viên khi vi phạm những quy định nào sẽ bị xử lý kỷ luật? Trường hợp giáo viên đang nghỉ thai sản thì đơn vị có được ra quyết định kỷ luật giáo viên đó không? Giáo viên vi phạm gì sẽ bị xử lý kỷ luật? Theo Điều 6 Nghị định 112/2020/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 5 Điều 1 Nghị định 71/2023/NĐ-CP quy định: - Cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm các quy định về nghĩa vụ của cán bộ, công chức, viên chức; những việc cán bộ, công chức, viên chức không được làm; nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức, đơn vị; vi phạm đạo đức, lối sống, vi phạm pháp luật khi thi hành công vụ hoặc có hành vi vi phạm khác liên quan đến hoạt động công vụ bị xử lý kỷ luật về đảng, đoàn thể thì bị xem xét xử lý kỷ luật hành chính. - Mức độ của hành vi vi phạm được xác định như sau: + Vi phạm gây hậu quả ít nghiêm trọng là vi phạm có tính chất, mức độ tác hại không lớn, tác động trong phạm vi nội bộ, làm ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan, tổ chức, đơn vị công tác. + Vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng là vi phạm có tính chất, mức độ, tác hại lớn, tác động ngoài phạm vi nội bộ, gây dư luận xấu trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân, làm giảm uy tín của cơ quan, tổ chức, đơn vị công tác. + Vi phạm gây hậu quả rất nghiêm trọng là vi phạm có tính chất, mức độ, tác hại rất lớn, phạm vi tác động đến toàn xã hội, gây dư luận rất bức xúc trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân, làm mất uy tín của cơ quan, tổ chức, đơn vị công tác. + Vi phạm gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng là vi phạm có tính chất, mức độ, tác hại đặc biệt lớn, phạm vi tác động sâu rộng đến toàn xã hội, gây dư luận đặc biệt bức xúc trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân, làm mất uy tín của cơ quan, tổ chức, đơn vị công tác. Như vậy, giáo viên sẽ bị xử lý kỷ luật khi vi phạm các quy định như trên, trong đó hành vi vi phạm được chia thành 4 mức độ là gây hậu quả ít nghiêm trọng, gây hậu quả nghiêm trọng, gây hậu quả rất nghiêm trọng và gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Giáo viên đang nghỉ thai sản thì đơn vị có được ra quyết định kỷ luật không? Theo Điều 3 Nghị định 112/2020/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 3 Điều 1 Nghị định 71/2023/NĐ-CP quy định các trường hợp chưa xem xét xử lý kỷ luật bao gồm: - Cán bộ, công chức, viên chức đang trong thời gian nghỉ hàng năm, nghỉ theo chế độ, nghỉ việc riêng được cấp có thẩm quyền cho phép. - Cán bộ, công chức, viên chức đang trong thời gian điều trị bệnh hiểm nghèo hoặc đang mất khả năng nhận thức; bị ốm nặng đang điều trị nội trú tại bệnh viện có xác nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền. - Cán bộ, công chức, viên chức là nữ giới đang trong thời gian mang thai, nghỉ thai sản, đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi hoặc cán bộ, công chức, viên chức là nam giới (trong trường hợp vợ chết hoặc vì lý do khách quan, bất khả kháng khác) đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, trừ trường hợp người có hành vi vi phạm có văn bản đề nghị xem xét xử lý kỷ luật. - Cán bộ, công chức, viên chức đang bị khởi tố, tạm giữ, tạm giam chờ kết luận của cơ quan có thẩm quyền điều tra, truy tố, xét xử về hành vi vi phạm pháp luật, trừ trường hợp theo quyết định của cấp có thẩm quyền. Như vậy, trường hợp giáo viên đang nghỉ thai sản (chỉ áp dụng với nữ) thì sẽ nằm trong các trường hợp chưa xem xét kỷ luật, theo đó đơn vị sẽ chưa được ra quyết định kỷ luật giáo viên nữ đang nghỉ thai sản, trừ khi giáo viên đó có văn bản đề nghị xem xét xử lý kỷ luật. Khi nào giáo viên được miễn trách nhiệm kỷ luật? Theo Điều 4 Nghị định 112/2020/NĐ-CP quy định các trường hợp được miễn trách nhiệm kỷ luật bao gồm: - Được cơ quan có thẩm quyền xác nhận tình trạng mất năng lực hành vi dân sự khi có hành vi vi phạm. - Phải chấp hành quyết định của cấp trên theo quy định tại khoản 5 Điều 9 Luật Cán bộ, công chức 2008. - Được cấp có thẩm quyền xác nhận vi phạm trong tình thế cấp thiết, do sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015 khi thi hành công vụ. - Cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm đến mức bị xử lý kỷ luật nhưng đã qua đời. Như vậy, giáo viên sẽ được miễn trách nhiệm kỷ luật khi được xác nhận mất năng lực hành vi dân sự khi vi phạm, vi phạm trong tình thế cấp thiết, sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan khi thi hành công vụ hoặc đã qua đời.
Giáo viên sinh con lần thứ 4 có bị xử lý kỷ luật không?
Giáo viên được sinh mấy con? Nếu giáo viên sinh con lần thứ 4 thì có bị xử lý kỷ luật không? Hình thức kỷ luật là gì? Có trường hợp nào giáo viên sinh quá 2 con mà vẫn không bị kỷ luật không? Giáo viên sinh con lần thứ 4 có bị xử lý kỷ luật không? Theo Điều 10 Pháp lệnh Dân số năm 2003 được sửa đổi bởi Điều 1 Pháp lệnh 08/2008/PL-UBTVQH12 quy định quyền và nghĩa vụ của mỗi cặp vợ chồng, cá nhân trong việc thực hiện cuộc vận động dân số và kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản như sau: - Quyết định thời gian và khoảng cách sinh con; - Sinh một hoặc hai con, trừ trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định; - Bảo vệ sức khỏe, thực hiện các biện pháp phòng ngừa bệnh nhiễm khuẩn đường sinh sản, bệnh lây truyền qua đường tình dục, HIV/AIDS và thực hiện các nghĩa vụ khác liên quan đến sức khỏe sinh sản. Đồng thời, theo khoản 1 Điều 6 Nghị định 112/2020/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 5 Điều 1 Nghị định 71/2023/NĐ-CP quy định cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm các quy định về nghĩa vụ của cán bộ, công chức, viên chức; những việc cán bộ, công chức, viên chức không được làm; nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức, đơn vị; vi phạm đạo đức, lối sống, vi phạm pháp luật khi thi hành công vụ hoặc có hành vi vi phạm khác liên quan đến hoạt động công vụ bị xử lý kỷ luật về đảng, đoàn thể thì bị xem xét xử lý kỷ luật hành chính. Mà theo khoản 1 Điều 16 Luật viên chức 2010 quy định một trong những nghĩa vụ chung của viên chức là chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng Cộng sản Việt Nam và pháp luật của Nhà nước. Như vậy, giáo viên là viên chức mà vi phạm quy định về dân số và kế hoạch hoá gia đình (sinh quá 2 con mà không thuộc trường hợp đặc biệt) là đang vi phạm quy định về nghĩa vụ của viên chức. Theo đó, giáo viên sinh con lần thứ 4 sẽ bị xử lý kỷ luật. Xem thêm: Giáo viên đang nghỉ thai sản thì đơn vị có được ra quyết định kỷ luật không? Hình thức xử lý kỷ luật giáo viên sinh con lần thứ 4? Theo khoản 9 Điều 16 Nghị định 112/2020/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 7 Điều 1 Nghị định 71/2023/NĐ-CP thì đối với hành vi vi phạm lần đầu, gây hậu quả ít nghiêm trọng vi phạm quy định của pháp luật về: phòng, chống bạo lực gia đình; dân số, hôn nhân và gia đình; bình đẳng giới; an sinh xã hội; quy định khác của Đảng và của pháp luật liên quan đến viên chức sẽ áp dụng hình thức kỷ luật khiển trách đối với viên chức. Theo khoản 1, khoản 2 Điều 17 Nghị định 112/2020/NĐ-CP thì hình thức kỷ luật cảnh cáo áp dụng đối với viên chức có hành vi vi phạm thuộc một trong các trường hợp sau đây: - Đã bị xử lý kỷ luật bằng hình thức khiển trách về hành vi vi phạm quy định tại Điều 16 Nghị định 112/2020/NĐ-CP mà tái phạm; - Có hành vi vi phạm lần đầu, gây hậu quả nghiêm trọng thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 16 Nghị định 112/2020/NĐ-CP; Mà theo điểm b khoản 2 Điều 6 Nghị định 112/2020/NĐ-CP quy định vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng là vi phạm có tính chất, mức độ, tác hại lớn, tác động ngoài phạm vi nội bộ, gây dư luận xấu trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân, làm giảm uy tín của cơ quan, tổ chức, đơn vị công tác. Như vậy, giáo viên sinh con lần thứ 3 đã bị kỷ luật bằng hình thức khiển trách mà tiếp tục sinh con lần thứ 4 hoặc việc sinh con lần thứ 4 gây hậu quả nghiêm trọng thì sẽ bị xử lý kỷ luật cảnh cáo. Trường hợp nào giáo viên sinh quá 2 con mà không bị kỷ luật? Theo Điều 2 Nghị định 20/2010/NĐ-CP được sửa đổi bởi Điều 1 Nghị định 18/2011/NĐ-CP quy định có 7 trường hợp không vi phạm quy định sinh một hoặc hai con bao gồm: - Cặp vợ chồng sinh con thứ ba, nếu cả hai hoặc một trong hai người thuộc dân tộc có số dân dưới 10.000 người hoặc thuộc dân tộc có nguy cơ suy giảm số dân (tỷ lệ sinh nhỏ hơn hoặc bằng tỷ lệ chết) theo công bố chính thức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. - Cặp vợ chồng sinh con lần thứ nhất mà sinh ba con trở lên. - Cặp vợ chồng đã có một con đẻ, sinh lần thứ hai mà sinh hai con trở lên. - Cặp vợ chồng sinh lần thứ ba trở lên, nếu tại thời điểm sinh chỉ có một con đẻ còn sống, kể cả con đẻ đã cho làm con nuôi. - Cặp vợ chồng sinh con thứ ba, nếu đã có hai con đẻ nhưng một hoặc cả hai con bị dị tật hoặc mắc bệnh hiểm nghèo không mang tính di truyền, đã được Hội đồng Giám định y khoa cấp tỉnh hoặc cấp Trung ương xác nhận. - Cặp vợ chồng đã có con riêng (con đẻ): + Sinh một con hoặc hai con, nếu một trong hai người đã có con riêng (con đẻ); + Sinh một con hoặc hai con trở lên trong cùng một lần sinh, nếu cả hai người đã có con riêng (con đẻ). Quy định này không áp dụng cho trường hợp hai người đã từng có hai con chung trở lên và các con hiện đang còn sống. - Phụ nữ chưa kết hôn sinh một hoặc hai con trở lên trong cùng một lần sinh. Như vậy, giáo viên nếu sinh con thứ 4 nhưng thuộc 1 trong 7 trường hợp quy định trên thì sẽ không bị kỷ luật. Xem thêm: Giáo viên đang nghỉ thai sản thì đơn vị có được ra quyết định kỷ luật không?
Cấm Thượng tọa Thích Chân Quang thuyết giảng dưới mọi hình thức trong 02 năm
Mới đây, GHPGVN đã ký Thông báo 244/TB-HĐTS-VP2 kết luận của Ban Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN về việc xử lý kỷ luật đối với Thượng tọa Thích Chân Quang (1) Quyết định kỷ luật Thượng tọa Thích Chân Quang Thông báo 244/TB-HĐTS-VP2 nêu rõ, Văn phòng Trung ương GHPGVN (VP1 và VP2) đã nhận được các thông tin phản hồi và đơn thưa của cộng đồng Phật tử, Nhân dân cũng như những thông tin trên phương tiện thông tin đại chúng, báo chí và mạng xã hội phản ánh về nội dung những bài giảng pháp của Thượng toạ Thích Chân Quang, Trụ trì Thiền tôn Phật Quang, xã Tân Hải, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu gây hoang mang trong xã hội, phản ứng của cộng đồng làm suy giảm niềm tin Phật pháp và ảnh hưởng đến uy tín của Giáo hội. Theo đó,sau khi thẩm tra báo cáo của Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu về các nội dung thuyết giảng của Thượng tọa Thích Chân Quang, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự khẳng định một số nội dung thuyết giảng về giáo lý nhân quả của Thượng tọa Thích Chân Quang không đúng chánh pháp, gây hoang mang trong xã hội. Ban Thường trực Hội đồng Trị sự quyết định kỷ luật Thượng tọa Thích Chân Quang. (2) Cấm Thượng tọa Thích Chân Quang thuyết giảng dưới mọi hình thức trong 02 năm Theo nội dung của Thông báo 244/TB-HĐTS-VP2, các hình thức kỷ luật mà Ban Thường trực Hội đồng Trị sự áp dụng đối với Thượng tọa Thích Chân Quang bao gồm: - Không được thuyết giảng dưới mọi hình thức, không chủ trì tổ chức các sự kiện tập trung đông người tại Thiền tôn Phật Quang và các địa điểm khác trong thời gian 02 năm. - Thiền tôn Phật Quang và Thượng toạ Thích Chân Quang phải thu hồi tất cả các Phái Quy y Tam bảo có nội dung tự sửa 1 trong 5 giới không đúng với Ngũ giới do Đức Phật chế trong giới luật Phật giáo. Gỡ bỏ tất cả các bài giảng có nội dung gây hoang mang xã hội. - Thượng tọa Thích Chân Quang và Ban quản lý Thiền tôn Phật Quang phải chấn chỉnh sinh hoạt của các đạo tràng, chúng thanh niên Phật Quang tại các tỉnh, thành phố. Không đưa các bài giảng của Thượng tọa Thích Chân Quang lên các nền tảng mạng xã hội trong thời gian Thượng tọa Thích Chân Quang nhập thất sám hối tại Thiền tôn Phật Quang. Theo các ý kiến bình luận, nhiều người cho rằng GHPGVN đã ra quyết định kịp thời, đúng vào thời điểm mà các clip và lời thuyết pháp của Thượng tọa Thích Chân Quang đang gây sốt trên mạng xã hội, tránh làm ảnh hưởng tới uy tín của GHPGVN. Theo đó, Thượng tọa Thích Chân Quang ngoài việc không được thuyết pháp trong 02 năm còn phải gỡ các bài giảng có nội dung gây hoang mang cho xã hội thời gian gần đây và không được đưa các bài giảng lên các trang mạng xã hội trong thời gian Thượng tọa Thích Chân Quang nhập thất sám hối. GHPGVN giao cho Ban Tăng sự Trung ương, Ban Pháp chế Trung ương, Ban Kiểm soát Trung ương GHPGVN và Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu giám sát việc thi hành kỷ luật trong thời gian 02 năm. Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có trách nhiệm hướng dẫn và tạo điều kiện thuận lợi cho các Tăng, Ni đang tu tập tại Thiền tôn Phật Quang được ổn định theo đúng Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam và pháp luật Nhà nước.
Thông cáo báo chí Kỳ họp thứ 42 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương
Từ ngày 12 đến ngày 14/6/2024, tại Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã họp Kỳ thứ 42. Đồng chí Trần Cẩm Tú, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương chủ trì Kỳ họp. Tại Kỳ họp này, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Trung ương đã xem xét, kết luận một số nội dung sau: I- Thực hiện các kết luận, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, sau khi xem xét kết quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm và kết quả kiểm điểm, đề nghị thi hành kỷ luật Ban cán sự đảng Bộ Tài chính, UBKT Trung ương nhận thấy: Ban cán sự đảng Bộ Tài chính đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo để Bộ Tài chính và một số tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong công tác quản lý nhà nước và tham mưu, ban hành cơ chế, chính sách về phát hành, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, trong đó có các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Tập đoàn An Đông; trong quản lý nhà nước về ngân sách có liên quan đến Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC) và các doanh nghiệp trong hệ sinh thái AIC. Những vi phạm nêu trên đã gây hậu quả nghiêm trọng, khó khắc phục, nguy cơ thất thoát, lãng phí lớn ngân sách nhà nước và thiệt hại cho nhà đầu tư trái phiếu, ảnh hưởng xấu đến môi trường đầu tư, kinh doanh và trật tự an toàn xã hội, gây dư luận xấu, bức xúc, làm giảm uy tín của tổ chức đảng và cơ quan quản lý nhà nước, đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật. Trách nhiệm chính đối với những vi phạm, khuyết điểm nêu trên thuộc về Ban cán sự đảng Bộ Tài chính nhiệm kỳ 2016 - 2021 và các đồng chí: Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính; Võ Thành Hưng, Ủy viên Ban cán sự đảng, Thứ trưởng; các đồng chí nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, Thứ trưởng: Huỳnh Quang Hải, Đỗ Hoàng Anh Tuấn, Vũ Thị Mai và một số tổ chức đảng, đảng viên khác. Xét nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả, nguyên nhân vi phạm; căn cứ quy định của Đảng, 1- UBKT Trung ương quyết định thi hành kỷ luật: - Cảnh cáo Ban Thường vụ Đảng ủy Cơ quan Tổng cục Hải quan nhiệm kỳ 2015 - 2020; Đảng ủy Cục Kế hoạch - Tài chính nhiệm kỳ 2015 - 2020; Chi bộ Vụ Tài chính hành chính sự nghiệp, Chi bộ Vụ Ngân sách nhà nước các nhiệm kỳ 2015 - 2017, 2017 - 2020, 2020 - 2022 và các đồng chí: Huỳnh Quang Hải; đồng chí Phạm Văn Trường, Bí thư Chi bộ, Vụ trưởng Vụ Ngân sách nhà nước; Nguyễn Trường Giang, Bí thư Chi bộ, Vụ trưởng Vụ Tài chính hành chính sự nghiệp; Nguyễn Dương Thái, nguyên Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan; Phạm Văn Việt, nguyên Bí thư Chi bộ, Cục trưởng Cục Tài vụ - Quản trị, Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính. - Khiển trách Chi bộ Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính các nhiệm kỳ 2017 - 2020, 2020 - 2022 và các đồng chí: Đỗ Hoàng Anh Tuấn, Vũ Thị Mai, Võ Thành Hưng; đồng chí Phan Thị Thu Hiền, Bí thư Chi bộ, Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính; Lê Ngọc Khoa, nguyên Bí thư Đảng ủy, Cục trưởng Cục Kế hoạch - Tài chính, Bộ Tài chính. 2- UBKT Trung ương đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, thi hành kỷ luật Ban cán sự đảng Bộ Tài chính nhiệm kỳ 2016 - 2021 và đồng chí Đinh Tiến Dũng. 3- UBKT Trung ương yêu cầu Ban cán sự đảng Bộ Tài chính lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục kịp thời các vi phạm, khuyết điểm được chỉ ra; phối hợp xem xét, xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân có vi phạm theo thẩm quyền. II- Sau khi xem xét kết quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm và kết quả kiểm điểm, đề nghị thi hành kỷ luật Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Ninh Thuận, UBKT Trung ương nhận thấy: Ban cán sự đảng UBND tỉnh Ninh Thuận đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo để UBND tỉnh và nhiều tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong triển khai thực hiện các dự án điện gió, điện năng lượng mặt trời và các dự án đầu tư xây dựng. Những vi phạm nêu trên đã gây hậu quả nghiêm trọng, nguy cơ thất thoát lớn ngân sách nhà nước, gây dư luận xấu, làm giảm uy tín của tổ chức đảng và chính quyền địa phương, đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật. Trách nhiệm chính đối với những vi phạm, khuyết điểm nêu trên thuộc về Ban cán sự đảng UBND tỉnh Ninh Thuận nhiệm kỳ 2016 - 2021 và các đồng chí: Lưu Xuân Vĩnh, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch UBND tỉnh; Phạm Văn Hậu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Phan Tấn Cảnh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Huyện ủy Ninh Hải, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Phạm Đồng, nguyên Tỉnh ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư; Nguyễn Văn Trường, nguyên Tỉnh ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Tài chính; Bùi Anh Tuấn, nguyên Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường và một số tổ chức đảng, đảng viên khác. Xét nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả, nguyên nhân vi phạm; căn cứ quy định của Đảng, 1- UBKT Trung ương quyết định thi hành kỷ luật: - Cảnh cáo Ban cán sự đảng UBND tỉnh Ninh Thuận nhiệm kỳ 2016 - 2021 và đồng chí Lưu Xuân Vĩnh. - Khiển trách Đảng ủy các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường nhiệm kỳ 2015 - 2020 và các đồng chí: Phạm Văn Hậu, Phan Tấn Cảnh, Phạm Đồng, Nguyễn Văn Trường, Bùi Anh Tuấn; đồng chí Lê Ngọc Thạch, nguyên Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường. 2- UBKT Trung ương yêu cầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Thuận kiểm điểm nghiêm túc, rút kinh nghiệm sâu sắc; lãnh đạo, chỉ đạo Ban cán sự đảng UBND tỉnh khắc phục kịp thời các vi phạm, khuyết điểm được chỉ ra; xem xét, xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân có vi phạm theo thẩm quyền. III- Xem xét Báo cáo kết quả thẩm tra, xác minh và đề nghị thi hành kỷ luật đồng chí Nguyễn Văn Yên, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Cơ quan Ban Nội chính Trung ương, UBKT Trung ương nhận thấy: Đồng chí Nguyễn Văn Yên đã thiếu tu dưỡng, rèn luyện, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; vi phạm các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; vi phạm quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương, gây hậu quả rất nghiêm trọng, dư luận bức xúc, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị công tác, đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật. Căn cứ quy định của Đảng, UBKT Trung ương đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, thi hành kỷ luật đồng chí Nguyễn Văn Yên. IV- Xem xét Báo cáo đề nghị thi hành kỷ luật một số đảng viên vi phạm tại Đảng bộ các tỉnh: Bình Định, Bình Dương, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu, UBKT Trung ương nhận thấy: Đồng chí Nguyễn Đình Kim, nguyên Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định đã suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; vi phạm quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương; gây hậu quả rất nghiêm trọng, dư luận bức xúc, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng và chính quyền địa phương, đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật. Các đồng chí: Lê Thanh Cung, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương; Trần Văn Cần, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch UBND tỉnh Long An; Nguyễn Văn Trình, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các gói thầu do Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC) và các doanh nghiệp trong hệ sinh thái AIC thực hiện; vi phạm quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương; gây hậu quả nghiêm trọng, dư luận xấu, làm giảm uy tín của tổ chức đảng và chính quyền địa phương, đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật. Căn cứ quy định của Đảng, UBKT Trung ương quyết định thi hành kỷ luật Cảnh cáo các đồng chí: Lê Thanh Cung, Trần Văn Cần, Nguyễn Văn Trình. UBKT Trung ương đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, thi hành kỷ luật đồng chí Nguyễn Đình Kim. V- Xem xét kết quả kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật trong Đảng, kiểm tra tài chính Đảng đối với Ban Thường vụ Tỉnh ủy và UBKT Tỉnh ủy; kiểm tra việc kê khai tài sản, thu nhập đối với các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy các tỉnh: Tuyên Quang, Hòa Bình, Bắc Giang, UBKT Trung ương nhận thấy: Bên cạnh những ưu điểm là cơ bản, các tổ chức đảng, đảng viên được kiểm tra còn có một số vi phạm, khuyết điểm trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng; trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản của Đảng; việc kê khai tài sản, thu nhập. UBKT Trung ương yêu cầu các tổ chức đảng và đảng viên được kiểm tra tiếp tục phát huy ưu điểm; nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm, khắc phục kịp thời những vi phạm, khuyết điểm đã được chỉ ra, báo cáo kết quả về UBKT Trung ương. VI- Cũng tại Kỳ họp này, UBKT Trung ương đã xem xét, giải quyết tố cáo 02 trường hợp và xem xét, kết luận một số nội dung quan trọng khác./. (Nguồn: Trang thông tin điện tử Ủy ban Kiểm tra Trung ương) Link bài viết: https://ubkttw.vn/danh-muc/tin-tuc-thoi-su/thong-cao-bao-chi-ky-hop-thu-42-cua-uy-ban-kiem-tra-trung-uong.html
Công ty có được xử lý kỷ luật nhân viên khi không có nội quy lao động?
Xử lý kỷ luật lao động là một trong những biện pháp nhằm đảm bảo trật tự, kỷ tự và hiệu quả trong doanh nghiệp. Tuy nhiên, nhiều người băn khoăn liệu công ty có được xử lý kỷ luật nhân viên khi không có nội quy lao động? Nội quy lao động là văn bản quy định các quy tắc, quy định về hành vi, công việc và trật tự trong doanh nghiệp. Đây là cơ sở pháp lý để doanh nghiệp áp dụng các biện pháp xử lý kỷ luật khi nhân viên vi phạm. (1) Công ty có được xử lý kỷ luật nhân viên khi không có nội quy lao động? Theo khoản 1 Điều 188 Bộ luật Lao động 2019 và khoản 1 Điều 69 Nghị định số 145/2020/NĐ-CP về nội quy lao động như sau: Người sử dụng lao động phải ban hành nội quy lao động, nếu sử dụng từ 10 người lao động trở lên thì nội quy lao động phải bằng văn bản, nếu sử dụng dưới 10 người lao động thì không bắt buộc ban hành nội quy lao động bằng văn bản nhưng phải thỏa thuận nội dung về kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất trong hợp đồng lao động. Nếu công ty có 10 người lao động trở lên thì người sử dụng lao động phải ban hành nội quy lao động bằng văn bản. Bên cạnh đó, theo quy định tại khoản 3 Điều 127 Bộ luật Lao động 2019 quy định nghiêm cấm xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động như sau: - Xâm phạm sức khỏe, danh dự, tính mạng, uy tín, nhân phẩm của người lao động. - Phạt tiền, cắt lương thay việc xử lý kỷ luật lao động. - Xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động có hành vi vi phạm không được quy định trong nội quy lao động hoặc không thỏa thuận trong hợp đồng lao động đã giao kết hoặc pháp luật về lao động không có quy định. Như vậy, trong trường hợp không có nội quy lao động, công ty chỉ được xử phạt kỷ luật nhân viên khi đã có thỏa thuận trong hợp đồng lao động. Ngoài ra, công ty chỉ được xử lý kỷ luật theo hình thức sa thải nếu người lao động mắc phải một trong các lỗi được quy định tại Điều 125 Bộ luật Lao động 2019, bao gồm: - Người lao động trộm cắp, tham ô, đánh bạc, cố ý gây thương tích, sử dụng ma tuý tại nơi làm việc. - Người lao động tiết lộ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp, gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe dọa gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của doanh nghiệp hoặc có hành quấy rối tình dục tại nơi làm việc được quy định trong nội quy lao động. - Người lao động bị xử lý kỷ luật kéo dài thời hạn nâng lương hoặc cách chức mà còn tái phạm khi chưa được xóa kỷ luật. - Người lao động tự ý bỏ việc 05 ngày cộng dồn trong 30 ngày hoặc 20 ngày cộng dồn trong 365 ngày mà không có lý do chính đáng. (2) Công ty xử lý kỷ luật không đúng quy định sẽ bị xử phạt thế nào? Trường hợp tự ý xử lý kỷ luật lao động đối với nhân viên khi không có nội quy lao động cũng như không có thỏa thuận trong hợp đồng thì đây được xem là hành vi bị nghiêm cấm và sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật. Cụ thể, căn cứ theo khoản 3 Điều 19 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, phạt tiền từ 20 - 40 triệu đồng đối với người sử dụng lao động khi có một trong các hành vi sau đây: - Xâm phạm sức khỏe, danh dự, tính mạng, uy tín hoặc nhân phẩm của người lao động khi xử lý kỷ luật lao động nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự. - Dùng hình thức phạt tiền hoặc cắt lương thay việc xử lý kỷ luật lao động. - Xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động có hành vi vi phạm không được quy định trong nội quy lao động hoặc không thỏa thuận trong hợp đồng lao động đã giao kết hoặc pháp luật về lao động không quy định. - Áp dụng nhiều hình thức kỷ luật lao động đối với một hành vi vi phạm kỷ luật lao động. - Xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động đang trong thời gian sau đây: nghỉ ốm đau; nghỉ điều dưỡng; nghỉ việc được sự đồng ý của người sử dụng lao động; đang bị tạm giữ; đang bị tạm giam; đang chờ kết quả của cơ quan có thẩm quyền điều tra, xác minh và kết luận đối với hành vi vi phạm được quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 125 Bộ luật Lao động 2019. Ngoài xử phạt hành chính, người sử dụng lao động có thể bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc người sử dụng lao động nhận người lao động trở lại làm việc và trả đủ tiền lương theo hợp đồng lao động cho người lao động tương ứng với những ngày nghỉ việc khi người sử dụng lao động áp dụng hình thức xử lý kỷ luật sa thải thuộc hành vi vi phạm quy định tại điểm đ khoản 2, điểm c khoản 3 Điều 19. Tóm lại, trong trường hợp không có nội quy lao động, công ty chỉ được xử phạt kỷ luật nhân viên khi đã có thỏa thuận trong hợp đồng lao động. Trường hợp tự ý xử lý kỷ luật lao động đối với nhân viên khi không có nội quy lao động cũng như không có thỏa thuận trong hợp đồng thì đây được xem là hành vi bị nghiêm cấm và sẽ bị xử phạt theo tiền từ 20 - 40 triệu đồng và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả.
Đảng viên vi phạm gì sẽ bị khai trừ ra khỏi Đảng?
Được đứng vào hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam là một niềm tự hào của mỗi công dân Việt Nam. Vậy, nếu người đảng viên mắc phải những vi phạm nào thì sẽ bị khai trừ ra khỏi Đảng? Đảng viên vi phạm gì sẽ bị khai trừ ra khỏi Đảng? Theo khoản 9 Điều 2 Quy định 69-QĐ/TW năm 2022 nguyên tắc xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm như sau: - Đảng viên vi phạm pháp luật phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật; - Đảng viên vi phạm pháp luật đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự, bị truy nã, bị toà án tuyên phạt từ hình phạt cải tạo không giam giữ trở lên thì khai trừ ra khỏi Đảng; - Nếu hình phạt nhẹ hơn cải tạo không giam giữ thì tùy nội dung, tính chất, mức độ hậu quả, nguyên nhân vi phạm và các tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ để thi hành kỷ luật đảng tương xứng. - Nếu làm thất thoát tài chính, tài sản của Đảng, Nhà nước, của tổ chức, cá nhân thì phải xem xét trách nhiệm và bồi thường. Đồng thời, Quy định 69-QĐ/TW năm 2022 cũng có quy định những trường hợp cụ thể sẽ bị khai trừ ra khỏi Đảng như sau: - Vi phạm quan điểm chính trị và chính trị nội bộ tại Khoản 3 Điều 25 Quy định 69-QĐ/TW năm 2022 - Vi phạm nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng tại Khoản 3 Điều 26 Quy định 69-QĐ/TW năm 2022 - Vi phạm quy định bầu cử tại Khoản 3 Điều 27 Quy định 69-QĐ/TW năm 2022 gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc vi phạm một trong các trường hợp sau thì kỷ luật bằng hình thức khai trừ: - Vi phạm quy định tuyên truyền, phát ngôn tại Khoản 3 Điều 28 Quy định 69-QĐ/TW năm 2022 - Vi phạm quy định công tác tổ chức, cán bộ tại Khoản 3 Điều 29 Quy định 69-QĐ/TW năm 2022 - Vi phạm quy định về chống chạy chức, chạy quyền tại Khoản 3 Điều 30 Quy định 69-QĐ/TW năm 2022 - Vi phạm khi thực hiện chức trách, nhiệm vụ, công vụ tại Khoản 3 Điều 31 Quy định 69-QĐ/TW năm 2022 - Vi phạm trong công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành tại Khoản 3 Điều 32 Quy định 69-QĐ/TW năm 2022 - Vi phạm quy định bảo vệ bí mật của Đảng, Nhà nước tại Khoản 3 Điều 33 Quy định 69-QĐ/TW năm 2022 - Vi phạm quy định quan hệ với tổ chức, cá nhân người nước ngoài tại Khoản 3 Điều 34 Quy định 69-QĐ/TW năm 2022 - Vi phạm quy định quản lý, cấp phát, sử dụng văn bằng, chứng chỉ tại Khoản 3 Điều 35 Quy định 69-QĐ/TW năm 2022 - Vi phạm quy định phòng, chống tội phạm tại Khoản 3 Điều 36 Quy định 69-QĐ/TW năm 2022 - Vi phạm quy định kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán tại Khoản 3 Điều 37 Quy định 69-QĐ/TW năm 2022 - Vi phạm quy định khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo tại Khoản 3 Điều 38 Quy định 69-QĐ/TW năm 2022 - Vi phạm quy định phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại Khoản 3 Điều 39 Quy định 69-QĐ/TW năm 2022 - Vi phạm quy định đầu tư, xây dựng tại Khoản 3 Điều 40 Quy định 69-QĐ/TW năm 2022 - Vi phạm quy định lĩnh vực tài chính, ngân hàng tại Khoản 3 Điều 41 Quy định 69-QĐ/TW năm 2022 - Vi phạm quy định quản lý, sử dụng đất đai, nhà ở tại Khoản 3 Điều 42 Quy định 69-QĐ/TW năm 2022 - Vi phạm quy định trong lĩnh vực y tế tại Khoản 3 Điều 43 Quy định 69-QĐ/TW năm 2022 - Vi phạm quy định quản lý tài nguyên tại Khoản 3 Điều 44 Quy định 69-QĐ/TW năm 2022 - Vi phạm quy định bảo vệ môi trường tại Khoản 3 Điều 45 Quy định 69-QĐ/TW năm 2022 - Vi phạm quy định khoa học công nghệ, chuyển giao công nghệ tại Khoản 3 Điều 46 Quy định 69-QĐ/TW năm 2022 - Vi phạm quản lý, sử dụng các loại quỹ hỗ trợ, tài trợ, nhân đạo, từ thiện tại Khoản 3 Điều 47 Quy định 69-QĐ/TW năm 2022 - Vi phạm quy định thực hiện chính sách an sinh xã hội tại Khoản 3 Điều 48 Quy định 69-QĐ/TW năm 2022 - Vi phạm quy định về phòng, chống tệ nạn xã hội tại Khoản 3 Điều 49 Quy định 69-QĐ/TW năm 2022 - Vi phạm quy định về phòng, chống bạo lực gia đình tại Khoản 3 Điều 50 Quy định 69-QĐ/TW năm 2022 - Vi phạm quy định hôn nhân và gia đình tại Khoản 3 Điều 51 Quy định 69-QĐ/TW năm 2022 - Vi phạm quy định chính sách dân số tại Khoản 3 Điều 52 Quy định 69-QĐ/TW năm 2022 - Vi phạm quy định về kết hôn với người nước ngoài tại Khoản 3 Điều 53 Quy định 69-QĐ/TW năm 2022 - Vi phạm quy định về đạo đức, nếp sống văn minh tại Khoản 3 Điều 54 Quy định 69-QĐ/TW năm 2022 - Vi phạm quy định về tín ngưỡng, tôn giáo tại Khoản 3 Điều 55 Quy định 69-QĐ/TW năm 2022 - Vi phạm quy định lập hội và hoạt động của hội; tập trung đông người gây mất an ninh, trật tự tại Khoản 3 Điều 56 Quy định 69-QĐ/TW năm 2022 Như vậy, đảng viên có thể bị xử lý kỷ luật Đảng với hình thức là khai trừ Đảng nếu như vi phạm các nội dung được nêu trên. Đã bị khai trừ ra khỏi Đảng có được kết nạp lại không? Theo Tiểu mục 3.5 Mục 3 Quy định 24-QĐ/TW năm 2021 về về kết nạp lại người vào Đảng như sau: Người được xét kết nạp lại phải có đủ các điều kiện sau: - Có đủ điều kiện và tiêu chuẩn của người vào Đảng theo quy định tại Điều 1 Điều lệ Đảng. - Ít nhất là 36 tháng kể từ khi ra khỏi Đảng (riêng người bị án hình sự về tội ít nghiêm trọng thì phải sau 60 tháng kể từ khi được xoá án tích; đảng viên đã bị đưa ra khỏi Đảng do vi phạm chính sách dân số và kế hoạch hoá gia đình thì thực hiện theo quy định của Ban Bí thư), làm đơn xin kết nạp lại vào Đảng; phải được ban thường vụ tỉnh uỷ, thành uỷ (hoặc tương đương) đồng ý bằng văn bản, cấp uỷ có thẩm quyền (huyện uỷ và tương đương) xem xét, quyết định. - Thực hiện đúng các thủ tục nêu ở các Khoản 1, 2, 3 Điều 4 Điều lệ Đảng. Như vậy, đảng viên đã bị khai trừ ra khỏi Đảng vẫn có thể kết nạp lại nhưng phải đảm bảo đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định trên. Hình thức khai trừ ra khỏi đảng có áp dụng thời hiệu không? Theo Điều 4 Quy định 69-QĐ/TW năm 2022 quy định về thời hiệu thời hiệu kỷ luật Đảng như sau: - Thời hiệu kỷ luật là thời hạn được quy định trong Quy định 69-QĐ/TW năm 2022 mà khi hết thời hạn đó thì tổ chức đảng, đảng viên vi phạm không bị kỷ luật. - Thời hiệu kỷ luật được tính từ thời điểm xảy ra hành vi vi phạm đến khi tổ chức đảng có thẩm quyền kết luận vi phạm đến mức phải thi hành kỷ luật. Nếu tổ chức đảng hoặc đảng viên có hành vi vi phạm mới trong thời hạn được quy định tại Điểm a, b Khoản này thì thời hiệu kỷ luật đối với vi phạm cũ được tính lại kể từ thời điểm xảy ra hành vi vi phạm mới. + Thời hiệu kỷ luật tổ chức đảng vi phạm như sau: 5 năm (60 tháng) đối với vi phạm đến mức phải áp dụng hình thức khiển trách. 10 năm (120 tháng) đối với vi phạm đến mức phải áp dụng hình thức cảnh cáo. Không áp dụng thời hiệu kỷ luật đối với những vi phạm đến mức phải áp dụng hình thức kỷ luật giải tán; vi phạm về chính trị nội bộ; về quốc phòng, an ninh, đối ngoại xâm hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc. - Thời hiệu kỷ luật đảng viên vi phạm như sau: 5 năm (60 tháng) đối với vi phạm đến mức phải áp dụng hình thức khiển trách. 10 năm (120 tháng) đối với vi phạm đến mức phải áp dụng hình thức cảnh cáo hoặc cách chức. Không áp dụng thời hiệu kỷ luật đối với vi phạm đến mức phải áp dụng hình thức khai trừ; vi phạm chính trị nội bộ; vi phạm quốc phòng, an ninh, đối ngoại có xâm hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc; việc sử dụng văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận không hợp pháp. Như vậy, hình thức kỷ luật khai trừ ra khỏi Đảng sẽ không áp dụng thời hiệu kỷ luật Đảng. Theo đó, đảng viên vi phạm bất kỳ nội dung nào đến mức bị khai trừ ra khỏi Đảng thì sẽ bị xử lý khai trừ ra khỏi Đảng bất cứ khi nào vi phạm bị phát hiện, không giới hạn thời gian, thời điểm vi phạm.
Cán bộ bị xử lý kỷ luật Đảng bằng hình thức khiển trách có bị xử lý kỷ luật hành chính không?
Có nhiều người băn khoăn nếu cán bộ đã bị xử lý kỷ luật Đảng bằng hình thức khiển trách thì có bị xử lý kỷ luật hành chính đồng thời luôn không, và những vi phạm nào sẽ bị kỷ luật ở mức độ khiển trách? Bài viết sau đây sẽ giải đáp những thắc mắc trên. Hình thức khiển trách là gì? Khiển trách có phải là một hình thức kỷ luật Theo quy định tại Điều 35 Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam năm 2011 quy định: - Tổ chức đảng và đảng viên vi phạm kỷ luật phải xử lý công minh, chính xác, kịp thời. - Hình thức kỷ luật: + Đối với tổ chức đảng: khiển trách, cảnh cáo, giải tán; + Đối với đảng viên chính thức: khiển trách, cảnh cáo, cách chức, khai trừ; + Đối với đảng viên dự bị: khiển trách, cảnh cáo. Theo đó, khiển trách là một hình thức kỷ luật đối với đảng viên vi phạm kỷ luật. Điều này đồng nghĩa với việc khi cán bộ là đảng viên vi phạm kỷ luật thì sẽ bị xử lý kỷ luật Đảng bằng hình thức khiển trách. Cán bộ vi phạm gì sẽ bị xử lý kỷ luật khiển trách? Theo quy định tại Điều 8 Nghị định 112/2020/NĐ-CP sửa đổi bởi Khoản 6 Điều 1 Nghị định 71/2023/NĐ-CP quy định hình thức kỷ luật khiển trách áp dụng đối với cán bộ, công chức có hành vi vi phạm lần đầu, gây hậu quả ít nghiêm trọng, thuộc một trong các trường hợp sau đây: - Vi phạm: + Quy định về đạo đức, văn hóa giao tiếp của cán bộ, công chức; + Quy định của pháp luật về thực hiện chức trách, nhiệm vụ của cán bộ, công chức; + Kỷ luật lao động; + Nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức, đơn vị; - Lợi dụng vị trí công tác nhằm mục đích vụ lợi + Có thái độ hách dịch, cửa quyền hoặc gây khó khăn, phiền hà đối với cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân trong thi hành công vụ; + Xác nhận hoặc cấp giấy tờ pháp lý cho người không đủ điều kiện; + Né tránh, đùn đẩy, không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ chức trách, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật, nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền giao mà không có lý do chính đáng; + Không chấp hành quyết định điều động, phân công công tác của cấp có thẩm quyền; + Gây mất đoàn kết trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; - Vi phạm quy định của pháp luật về: + Phòng, chống tội phạm; + Phòng, chống tệ nạn xã hội; + Trật tự, an toàn xã hội; + Phòng, chống tham nhũng; + Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; - Vi phạm quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước; - Vi phạm quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo; - Vi phạm quy định về quy chế tập trung dân chủ, quy định về tuyên truyền, phát ngôn, quy định về bảo vệ chính trị nội bộ; - Vi phạm quy định của pháp luật về: + Đầu tư, xây dựng; + Đất đai, tài nguyên môi trường; + Tài chính, kế toán, ngân hàng; + Quản lý, sử dụng tài sản công trong quá trình thực thi công vụ; - Vi phạm quy định của pháp luật về: + Phòng, chống bạo lực gia đình; + Dân số, hôn nhân và gia đình; + Bình đẳng giới; + An sinh xã hội; + Quy định khác của Đảng và của pháp luật liên quan đến cán bộ, công chức. Tuy nhiên, theo Khoản 3 Điều 9 Nghị định 112/2020/NĐ-CP quy định ngoại lệ khi áp dụng biện pháp khiển trách, tức là các hành vi sau đây dù vi phạm lần đầu, gây hậu quả ít nghiêm trọng nhưng không khiển trách mà sẽ kỷ luật cảnh cáo: - Cán bộ, công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý không thực hiện đúng, đầy đủ chức trách, nhiệm vụ quản lý, điều hành theo sự phân công; - Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong phạm vi phụ trách mà không có biện pháp ngăn chặn. Như vậy, khi cán bộ có những hành vi vi phạm lần đầu và hậu quả của các hành vi đó ít nghiêm trọng, không thuộc các trường hợp phải bị cảnh cáo thì cán bộ sẽ bị xử lý kỷ luật bằng hình thức khiển trách. Cán bộ bị xử lý kỷ luật Đảng bằng hình thức khiển trách có bị xử lý kỷ luật hành chính không? Theo Khoản 6 Điều 2 Nghị định 112/2020/NĐ-CP sửa đổi bởi Khoản 2 Điều 1 Nghị định 71/2023/NĐ-CP quy định như sau: - Cán bộ, công chức, viên chức bị xử lý kỷ luật về đảng thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày công bố quyết định kỷ luật về đảng, cơ quan, tổ chức, đơn vị phải thực hiện quy trình xử lý kỷ luật hành chính (nếu có), trừ trường hợp chưa xem xét xử lý kỷ luật tại Điều 3 Nghị định 112/2020/NĐ-CP. - Hình thức kỷ luật hành chính phải bảo đảm tương xứng với kỷ luật về đảng. + Trường hợp bị xử lý kỷ luật về đảng bằng hình thức cao nhất thì cơ quan tham mưu về tổ chức, cán bộ báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý kỷ luật xem xét, quyết định xử lý kỷ luật hành chính bằng hình thức cao nhất nếu thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 13, Điều 14, Điều 19 Nghị định 112/2020/NĐ-CP; + Nếu không thuộc một trong các trường hợp nêu trên thì báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định xử lý kỷ luật bằng hình thức cách chức đối với cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý; + Hạ bậc lương đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý hoặc cảnh cáo đối với viên chức không giữ chức vụ quản lý. + Trường hợp còn có ý kiến khác nhau về việc xác định hình thức kỷ luật hành chính tương xứng với hình thức xử lý kỷ luật về đảng cao nhất thì cấp có thẩm quyền quyết định việc thành lập Hội đồng xử lý kỷ luật để tham mưu; + Tham khảo ý kiến bằng văn bản của tổ chức Đảng ra quyết định xử lý kỷ luật đảng viên trước khi quyết định. + Trường hợp có thay đổi về hình thức xử lý kỷ luật về đảng thì phải thay đổi hình thức xử lý kỷ luật hành chính tương xứng. Thời gian đã thi hành quyết định xử lý kỷ luật cũ được trừ vào thời gian thi hành quyết định xử lý kỷ luật mới (nếu còn). + Trường hợp cấp có thẩm quyền của Đảng quyết định xóa bỏ quyết định xử lý kỷ luật về đảng thì cấp có thẩm quyền xử lý kỷ luật hành chính phải ban hành quyết định hủy bỏ quyết định xử lý kỷ luật hành chính. Như vậy, khi cán bộ đã bị xử lý kỷ luật Đảng bằng hình thức khiển trách thì vẫn sẽ bị xử lý kỷ luật hành chính. Đồng thời, mức xử lý kỷ luật hành chính phải tương đương với mức khiển trách. Nếu cán bộ được xoá bỏ quyết định xử lý kỷ luật khiển trách thì cũng phải được huỷ bỏ quyết định xử lý kỷ luật hành chính.
Đảng viên thiếu trách nhiệm để địa phương do mình trực tiếp quản lý có tiêu cực được hiểu ra sao?
Đảng viên thiếu trách nhiệm để địa phương do mình trực tiếp quản lý có tiêu cực được hiểu ra sao? Hình thức kỷ luật của Đảng đối với đảng viên chính thức là gì? Đảng viên thiếu trách nhiệm để địa phương do mình trực tiếp quản lý có tiêu cực được hiểu ra sao? Theo quy định tại Điều 11 Phần I Quy định 37-QĐ/TW năm 2021 thì 01 trong 19 Điều Đảng viên trong được làm là: Vi phạm đạo đức công vụ, bao che, báo cáo sai sự thật khi thực hiện nhiệm vụ; thiếu trách nhiệm để cơ quan, đơn vị, địa phương, cá nhân do mình trực tiếp quản lý xảy ra tình trạng mất đoàn kết, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và các vi phạm khác. - Không báo cáo, không xử lý các hành vi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. - Can thiệp, tác động hoặc để vợ (chồng), con, bố, mẹ, anh, chị, em ruột mình, bên vợ (chồng) và người khác lợi dụng chức vụ, vị trí công tác của mình để trục lợi. - Lợi dụng chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung để thực hiện hoặc bao che hành vi vụ lợi, tham nhũng, tiêu cực, vi phạm quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Và Điều này được Ủy ban Kiểm tra Trung ương hướng dẫn thực hiện bởi Điều 11 Hướng dẫn 02-HD/UBKTTW năm 2021, theo đó, Đảng viên thiếu trách nhiệm để địa phương do mình trực tiếp quản lý có tiêu cực được hiểu rằng: (1) Vi phạm các quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức; quy tắc, chuẩn mực đạo đức của ngành, nghề mình đang làm việc, công tác. Không chấp hành sự phân công của tổ chức, kén chọn chức danh, vị trí công tác, chọn việc dễ, né tránh hoặc bỏ việc khó; làm việc qua loa, đại khái, kém hiệu quả; gây khó khăn, phiền hà, vòi vĩnh, kéo dài thời gian xử lý công việc để trục lợi; không khách quan trong việc sử dụng các nguồn lực, đánh giá các vấn đề thuộc quyền quản lý. (2) Là người đứng đầu cơ quan, tổ chức, địa phương, đơn vị nhưng thiếu trách nhiệm, không nắm chắc, nắm rõ tình hình nội bộ; không giao hoặc giao việc cho cấp dưới không cụ thể rõ ràng; thiếu kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện công việc, nhiệm vụ được phân công; không có các biện pháp cần thiết để phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi vi phạm có thể xảy ra. (3) Biết mà không báo cáo hoặc cố tình báo cáo, phản ánh không đúng, không đầy đủ, không khách quan, không kịp thời các vi phạm; để xảy ra mất đoàn kết tại cơ quan, đơn vị, địa bàn được phân công theo dõi, phụ trách; không xử lý, ngăn chặn kịp thời các hành vi tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; bao che, dung túng, tiếp tay cho cấp dưới vi phạm. (4) Có hành vi can thiệp, tác động, đe dọa, gây sức ép... để giúp bố, mẹ, vợ (chồng), con (con đẻ, con nuôi), anh, chị, em ruột mình, bên vợ (chồng) và người khác được tham gia, thực hiện các chương trình, đề án, dự án, kinh doanh và các ưu đãi không đúng quy định (thuế, thủ tục sản xuất, kinh doanh, mua bán cổ phần...). (5) Lợi dụng chủ trương của Đảng về khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung để tham mưu, đề xuất, quyết định, thực hiện thí điểm các đề án nhằm mục đích tham nhũng, tiêu cực hoặc bao che cho việc làm sai trái của tổ chức, cá nhân. Hình thức kỷ luật của Đảng đối với đảng viên chính thức thiếu trách nhiệm là gì? Theo quy định tại Điều 10 Quy định 22-QĐ/TW năm 2021 thì hình thức kỷ luật của Đảng được quy định như sau: (1) Đối với tổ chức đảng: Khiển trách, cảnh cáo, giải tán. (2) Đối với đảng viên chính thức: Khiển trách, cảnh cáo, cách chức, khai trừ. (3) Đối với đảng viên dự bị: Khiển trách, cảnh cáo. Theo đó, hình thức kỷ luật của Đảng đối với đảng viên chính thức thiếu trách nhiệm có thể là: - Khiển trách - Cảnh cáo - Cách chức - Khai trừ ra khỏi Đảng. Tóm lại, Đảng viên thiếu trách nhiệm để địa phương do mình trực tiếp quản lý có tiêu cực được hiểu theo những hướng dẫn cụ thể như đã trình bày ở trên.
Tổ chức đảng không xử lý kỷ luật đối với Đảng viên vi phạm kỷ luật đã qua đời đúng không?
Tổ chức đảng không xử lý kỷ luật đối với Đảng viên vi phạm kỷ luật đã qua đời đúng không? Một số những lưu ý khi thi hành kỷ luật trong Đảng? Tổ chức đảng không xử lý kỷ luật đối với Đảng viên vi phạm kỷ luật đã qua đời đúng không? Một số những lưu ý khi thi hành kỷ luật trong Đảng? Theo quy định tại khoản 7 Điều 9 Quy định 22-QĐ/TW năm 2021 về nguyên tắc thi hành kỷ luật trong Đảng: Theo đó, Đảng viên vi phạm đang trong thời gian mang thai hoặc đang nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi, bị bệnh nặng thì chưa xem xét, xử lý kỷ luật. Trường hợp đảng viên vi phạm đã qua đời tổ chức đảng xem xét, không xử lý kỷ luật, trừ trường hợp có vi phạm đặc biệt nghiêm trọng. Như vậy, có thể thấy rằng, tổ chức đảng sẽ tiến hành xem xét, không xử lý kỷ luật đối với Đảng viên vi phạm kỷ luật đã qua đời, trừ trường hợp có vi phạm đặc biệt nghiêm trọng. Hay nói cách khác, Đảng viên vi phạm kỷ luật đặc biệt nghiêm trọng thì mặc dù đã qua đời, thì vẫn sẽ bị xử lý kỷ luật theo quy định. Một số những lưu ý khi thi hành kỷ luật trong Đảng: (1) Tổ chức đảng quyết định kỷ luật oan, sai đối với đảng viên phải thay đổi hoặc hủy bỏ quyết định đó, đồng thời tự phê bình, kiểm điểm, rút kinh nghiệm; nếu vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật thì cấp ủy hoặc ủy ban kiểm tra cấp trên xem xét, quyết định. (2) Đảng viên chính thức vi phạm nghiêm trọng đến mức phải khai trừ thì phải kỷ luật khai trừ, không áp dụng biện pháp xoá tên, không chấp nhận việc xin ra khỏi Đảng. (3) Đảng viên dự bị vi phạm đến mức phải kỷ luật thì kỷ luật khiển trách hoặc cảnh cáo, khi hết thời hạn dự bị, chi bộ vẫn tiến hành xét công nhận đảng viên chính thức. Nếu vi phạm đến mức không còn đủ tư cách đảng viên thì xoá tên trong danh sách đảng viên. (4) Khi kỷ luật một tổ chức đảng phải xem xét trách nhiệm, xử lý kỷ luật đối với những đảng viên vi phạm, nhất là trách nhiệm người đứng đầu tổ chức đảng. (5) Đảng viên bị kỷ luật oan, sai phải được xin lỗi và phục hồi quyền lợi. Việc xin lỗi và phục hồi quyền lợi thực hiện theo quy định của Bộ Chính trị. Nội dung kiểm tra việc thi hành kỷ luật trong Đảng của Ủy ban kiểm tra các cấp là gì? Theo quy định tại điểm a khoản 3.2.3 Điều 8 Quy định 22-QĐ/TW năm 2021 thì nội dung kiểm tra việc thi hành kỷ luật trong Đảng của Ủy ban kiểm tra các cấp là: (1) Đối với tổ chức đảng - Việc thực hiện phương hướng, phương châm, nguyên tắc, quy trình, thủ tục, thẩm quyền thi hành kỷ luật đối với tổ chức đảng, đảng viên và việc giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng. - Xem xét các vụ vi phạm đến mức phải xử lý nhưng không xử lý hoặc xử lý không đúng mức. - Việc chấp hành các quyết định, chỉ thị, kết luận, thông báo của tổ chức đảng cấp trên có liên quan đến việc thi hành kỷ luật và giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng. (2) Đối tượng kiểm tra Các tổ chức đảng cấp dưới có thẩm quyền thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên và giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng. Ngoài ra, theo quy định tại khoản 1.1 Điều 8 Quy định 22-QĐ/TW năm 2021 thì nguyên tắc tổ chức của Ủy ban kiểm tra các cấp như sau: (1) Ủy ban kiểm tra được lập từ đảng ủy cơ sở trở lên, do cấp ủy cùng cấp bầu, bầu ủy viên ủy ban kiểm tra trước, sau đó bầu chủ nhiệm ủy ban kiểm tra trong số ủy viên ủy ban kiểm tra. Phó chủ nhiệm ủy ban kiểm tra do ủy ban kiểm tra bầu trong số ủy viên ủy ban kiểm tra. Việc bầu cử được thực hiện theo Quy chế bầu cử trong Đảng. (2) Nhiệm kỳ hoạt động của ủy ban kiểm tra theo nhiệm kỳ của cấp ủy cùng cấp. Ủy ban kiểm tra khoá mới điều hành công việc ngay sau khi được bầu và nhận bàn giao từ ủy ban kiểm tra khoá trước. Chủ nhiệm ủy ban kiểm tra được ký ban hành văn bản ngay sau khi được bầu. (3) Các thành viên ủy ban kiểm tra và chủ nhiệm, phó chủ nhiệm ủy ban kiểm tra cấp dưới phải được cấp ủy cấp trên trực tiếp chuẩn y, nếu điều động chủ nhiệm ủy ban kiểm tra sang công tác khác phải được cấp ủy cấp trên trực tiếp đồng ý. (4) Ủy ban kiểm tra phối hợp với ban tổ chức của cấp ủy cùng cấp và cấp ủy cấp dưới chuẩn bị nhân sự ủy ban kiểm tra cấp dưới; giúp cấp ủy xây dựng, ban hành quy chế làm việc của ủy ban kiểm tra; tham mưu kiện toàn cơ quan ủy ban kiểm tra về tổ chức bộ máy, đào tạo, bồi dưỡng, thực hiện chế độ, chính sách, xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm tra. (5) Ban Tổ chức Trung ương chủ trì, phối hợp với Ủy ban Kiểm tra Trung ương tham mưu Ban Bí thư quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của cơ quan ủy ban kiểm tra cấp dưới. Tóm lại, tổ chức đảng sẽ tiến hành xem xét, không xử lý kỷ luật đối với Đảng viên vi phạm kỷ luật đã qua đời, trừ trường hợp có vi phạm đặc biệt nghiêm trọng.
Miễn nhiệm là gì? Phân biệt miễn nhiệm, bãi nhiệm và cách chức
Miễn nhiệm là gì? Bài viết sẽ cung cấp một số thông tin liên quan đến vấn đề này. Vậy, miễn nhiệm là gì? Phân biệt miễn nhiệm, bãi nhiệm và cách chức như thế nào? Miễn nhiệm là gì? Theo khoản 6 Điều 7 Luật Cán bộ, công chức 2008 quy định như sau: Miễn nhiệm là việc cán bộ, công chức được thôi giữ chức vụ, chức danh khi chưa hết nhiệm kỳ hoặc chưa hết thời hạn bổ nhiệm. Tại Khoản 1 Điều 2 Quy định 41-QĐ/TW năm 2021 quy định miễn nhiệm là việc cấp có thẩm quyền quyết định cho cán bộ thôi giữ chức vụ khi chưa hết nhiệm kỳ hoặc chưa hết thời hạn bổ nhiệm do không đáp ứng được yêu cầu công việc, uy tín giảm sút, có vi phạm nhưng chưa đến mức xử lý kỷ luật cách chức. Như vậy, miễn nhiệm được thể hiện qua hình thức thôi giữ chức vụ, chức danh. Phân biệt miễn nhiệm, bãi nhiệm và cách chức Tiêu chí phân biệt Miễn nhiệm Bãi nhiệm Cách chức Về khái niệm Theo Khoản 6 Điều 7 Luật Cán bộ, công chức 2008 là cán bộ, công chức được thôi giữ chức vụ, chức danh khi chưa hết nhiệm kỳ hoặc chưa hết thời hạn bổ nhiệm. Theo Khoản 7 Điều 7 Luật Cán bộ, công chức 2008 là việc cán bộ không được tiếp tục giữ chức vụ, chức danh khi chưa hết nhiệm kỳ. Theo Khoản 8 Điều 7 Luật Cán bộ, công chức 2008 là việc công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý bị hạ xuống chức vụ thấp hơn. Về chủ thể cán bộ, công chức cán bộ công chức Về ý chí cán bộ, công chức tự xin miễn nhiệm hoặc bị miễn nhiệm cán bộ bị bãi nhiệm công chức bị cách chức Căn cứ xem xét, ra quyết định - Theo Khoản 1 Điều 30 Luật Cán bộ, công chức 2008, cán bộ, công chức xin miễn nhiệm khi: + Không đủ sức khỏe; + Không đủ năng lực, uy tín; + Theo yêu cầu nhiệm vụ; + Vì lý do khác. - Theo Khoản 3 Điều 29 Luật Cán bộ, công chức 2008: cán bộ 02 năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ thì cơ quan, tổ chức có thẩm quyền miễn nhiệm, cho thôi làm nhiệm vụ. - Theo Điều 54 Luật Cán bộ, công chức 2008 quy định miễn nhiệm đối với công chức khi: + Bị kỷ luật cảnh cáo hoặc khiển trách nhưng uy tín giảm sút không thể đảm nhiệm chức vụ được giao. + Bị kỷ luật khiển trách hai lần trở lên trong cùng một nhiệm kỳ hoặc trong thời hạn bổ nhiệm. + Có trên 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp tại kỳ lấy phiếu theo quy định. + Có hai năm liên tiếp được xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ. + Bị cơ quan có thẩm quyền kết luận suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa"; + Vi phạm những điều đảng viên không được làm; vi phạm trách nhiệm nêu gương, ảnh hưởng xấu đến uy tín của bản thân và cơ quan, đơn vị nơi đang công tác. - Bị cơ quan có thẩm quyền kết luận vi phạm tiêu chuẩn chính trị theo quy định về bảo vệ chính trị nội bộ của Đảng đến mức phải miễn nhiệm. Vi phạm các quy định của Luật cán bộ, công chức năm 2008 và một số quy định khác của pháp luật tùy theo mức độ. - Do có hành vi vi phạm pháp luật - Vi phạm về phẩm chất đạo đức - Không còn xứng đáng giữ chức vụ được giao - Chỉ áp dụng với cán bộ được phê chuẩn giữ chức vụ theo nhiệm kỳ Có phải là hình thức kỷ luật? Căn cứ theo Điều 78 Luật Cán bộ, công chức 2008 không phải phải Hậu quả pháp lý - Cán bộ sẽ thôi không còn làm việc tại cơ quan, đơn vị nhà nước nữa. - Công chức lãnh đạo, quản lý sau khi từ chức hoặc miễn nhiệm được bố trí công tác phù hợp với chuyên môn, nghiệp vụ được đào tạo hoặc nghỉ hưu, thôi việc. - Công chức lãnh đạo, quản lý xin miễn nhiệm nhưng chưa được cấp có thẩm quyền đồng ý vẫn phải tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình. Không được tiếp tục giữ chức vụ, chức danh - Cán bộ, công chức bị kéo dài thời gian lương 12 tháng - Cán bộ, công chức không được nâng ngạch, đào tạo, bổ nhiệm trong thời hạn 12 tháng - Cán bộ, công chức bị cách chức do tham nhũng thì không được bổ nhiệm vào vị trí lãnh đạo Bổ nhiệm công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý Việc bổ nhiệm công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý được thực hiện theo quy định tại Điều 51 Luật Cán bộ, công chức 2008 như sau: - Việc bổ nhiệm công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý phải căn cứ vào: + Nhu cầu, nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị; + Tiêu chuẩn, điều kiện của chức vụ lãnh đạo, quản lý. Thẩm quyền, trình tự, thủ tục bổ nhiệm công chức lãnh đạo, quản lý được thực hiện theo quy định của pháp luật và của cơ quan có thẩm quyền. - Thời hạn bổ nhiệm công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý là 05 năm; khi hết thời hạn, cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền phải xem xét bổ nhiệm lại hoặc không bổ nhiệm lại. - Công chức được điều động đến cơ quan, tổ chức, đơn vị khác hoặc được bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý mới thì đương nhiên thôi giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý đang đảm nhiệm, trừ trường hợp kiêm nhiệm. Sau khi được bổ nhiệm, công chức lãnh đạo, quản lý nếu xét thấy mình đáp ứng các điều kiện miễn nhiệm thì có thể tự xin hoặc cơ quan có thẩm quyền xét thấy công chức thuộc một trong các trường hợp bị miễn nhiệm thì sẽ xem xét miễn nhiệm, quy trình cụ thể như sau: Quy trình xem xét miễn nhiệm đối với công chức lãnh đạo, quản lý Theo Khoản 2 Điều 66 Nghị định Nghị định 138/2020/NĐ-CP, quy trình xem xét miễn nhiệm đối với công chức lãnh đạo, quản lý được quy định như sau: - Khi có đủ căn cứ miễn nhiệm đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý quy định tại khoản 1 Điều này, người đứng cơ quan trực tiếp sử dụng công chức hoặc cơ quan tham mưu về tổ chức cán bộ đề xuất với cấp có thẩm quyền theo phân cấp quản lý cán bộ; - Chậm nhất sau 30 ngày kể từ ngày nhận được văn bản đề xuất việc miễn nhiệm, tập thể lãnh đạo cơ quan, tổ chức có thẩm quyền phải thảo luận, biểu quyết bằng phiếu kín. Việc quyết định miễn nhiệm đối với công chức phải được trên 50% tổng số thành viên tập thể lãnh đạo đồng ý; Trường hợp nhân sự đạt tỷ lệ 50% thì do người đứng đầu quyết định. - Công chức lãnh đạo, quản lý sau khi bị miễn nhiệm, người đứng đầu cơ quan, tổ chức bố trí công tác phù hợp; Công chức có trách nhiệm chấp hành quyết định phân công của cấp có thẩm quyền. Trường hợp công chức bị miễn nhiệm do xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ trong hai năm liên tiếp thì cơ quan có thẩm quyền cho thôi việc theo quy định của pháp luật. Trên đây là thông tin về miễn nhiệm và phân biệt miễn nhiệm với các hình thức kỷ luật như bãi nhiệm, cách chức cũng như quy định về bổ nhiệm, miễn nhiệm công chức giữ chức vụ quản lý. Người đọc có thể tham khảo để tìm hiểu thêm những quy định của pháp luật.
Cán bộ tham nhũng nhưng chỉ bị xử lý kỷ luật, đúng hay sai?
Tham nhũng là quốc nạn của bất kỳ đất nước nào trên thế giới. Cán bộ tham nhũng là nhũng nhiễu dân, tham lam, vơ vét quyền lực, lợi ích về mình và là tội đáng lên án hàng đầu tại nước ta. Tuy nhiên, có phải cán bộ nào tham nhũng cũng sẽ phải bị trừng trị thật nặng, hay có những trường hợp chỉ bị xử lý kỷ luật. Hãy cùng nhau tìm hiểu. 1. Pháp luật quy định về cán bộ như thế nào? Theo khoản 1 Điều 4 Luật cán bộ, công chức 2008, cán bộ được giải thích như sau: Cán bộ là công dân Việt Nam, được bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm giữ chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương, ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh), ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là cấp huyện), trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó, căn cứ Điều 18 Luật cán bộ công chức quy định những việc cán bộ, công chức không được làm liên quan đến đạo đức công vụ: - Trốn tránh trách nhiệm, thoái thác nhiệm vụ được giao; gây bè phái, mất đoàn kết; tự ý bỏ việc hoặc tham gia đình công. - Sử dụng tài sản của Nhà nước và của nhân dân trái pháp luật. - Lợi dụng, lạm dụng nhiệm vụ, quyền hạn; sử dụng thông tin liên quan đến công vụ để vụ lợi. - Phân biệt đối xử dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo dưới mọi hình thức Như vậy, không chỉ là vấn đề đạo đức, pháp luật cũng đã quy định, cán bộ không được lợi dụng, lạm dụng nhiệm vụ, quyền hạn để vụ lợi. 2. Tham nhũng được quy định như thế nào? Chúng ta có hẳn một luật riêng về tham nhũng. Căn cứ khoản 1,2 Điều 3 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, quy định về tham nhũng: - Tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi. - Cán bộ, công chức, viên chức là người có chức vụ, quyền hạn là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do tuyển dụng, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ đó, Qua đó, ta có thể nói, cán bộ là một trong những đối tượng được Luật tham nhũng điều chỉnh. Căn cứ, khoản 1 Điều 92 Luật Phòng, chống tham nhũng nêu rõ: Người có hành vi tham nhũng giữ bất kỳ chức vụ, vị trí công tác nào đều phải bị xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật, kể cả người đã nghỉ hưu, thôi việc, chuyển công tác. Ngoài ra, căn cứ khoản 1 khoản 2 Điều 9 Nghị định 112/2020/NĐ-CP quy định áp dụng hình thức kỷ luật cảnh cáo đối với cán bộ, công chức: “Có hành vi vi phạm lần đầu.” Bên cạnh đó, căn cứ Điều 78 Luật cán bộ công chức 2008, quy định về xử lý kỷ luật cán bộ, khi cán bộ vi phạm các quy định tại Luật này: + Khiển trách. + Cảnh cáo. + Cách chức. + Bãi nhiệm. - Việc cách chức chỉ áp dụng đối với cán bộ được phê chuẩn giữ chức vụ theo nhiệm kỳ. - Cán bộ phạm tội bị tòa án kết án và bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật thì đương nhiên thôi giữ chức vụ do bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm; trường hợp bị tòa án phạt tù mà không được hưởng án treo thì đương nhiên bị thôi việc. Như vậy, các quy định trên áp dụng cho cán bộ khi họ vi phạm hành vi tham nhũng ở mức độ nhẹ và lần đầu. Cán bộ có thể bị khiển trách, cảnh cáo, cách chức, bãi nhiệm, bị thôi việc. 3. Luật hình sự quy định tội danh tham nhũng Bộ luật hình sự 2015, quy định về mức phạt của các tội danh liên quan đến tham nhũng từ Điều 353-359: Mức phạt nhẹ nhất Mức phạt nặng nhất Tội tham ô tài sản 2 năm tù 20 năm tù, chung thân, tử hình Tội nhận hối lộ 2 năm tù 20 năm tù, chung thân, tử hình Tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản 1 năm 20 năm tù, chung thân Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm 15 năm. Tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ 1 năm. 20 năm. Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi 1 năm. 20 năm hoặc tù chung thân Tội giả mạo trong công tác 1 năm. 20 năm Xem chi tiết tại: Bộ luật hình sự 2015 Không phải tự nhiên mà Bộ luật hình sự 2015 dành hẳn một mục để quy định các tội danh về tham nhũng, đặc biệt là tham nhũng của những người có chức vụ như các cán bộ. Như đã nói, tham nhũng là tội danh cực kỳ nguy hiểm ảnh hưởng đến cả an ninh, trật tự xã hội, làm lung lay cán cân quyền lực quản lý của nhà nước, do đó tội danh tham nhũng bị xử phạt rất nâng, các mức phạt lớn nhất đều từ 15 năm đến cả tử hình. Do đó, cán bộ tham nhũng nhưng chỉ bị xử lý kỷ luật là không đúng, vì thực tế hành vi này bị xử lý rất nghiêm ngặt và khi bị xử lý hình sự chắc chắn họ cũng sẽ bị thôi việc hoặc cách chức như đã đề cập ở xử lý kỷ luật. Tổng kết lại, tham nhũng là hành vi nguy hiểm, gây mất trật tự xã hội và có thể đối diện các án tù cực nặng, đặc biệt là đối với các cán bộ.
Vợ chồng là viên chức, không phải Đảng viên có được sinh con thứ ba không?
Viên chức là gì? Vợ chồng đều là viên chức, không phải Đảng viên có được sinh con thứ ba không? Đã xử lý kỷ luật người vợ rồi có xử lý người chồng không? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết sau đây. (1) Viên chức là gì? Căn cứ theo Điều 2 Luật Viên chức 2010 quy định về viên chức như sau: - Là công dân Việt Nam: viên chức phải có quốc tịch Việt Nam và không có quốc tịch khác. - Được tuyển dụng theo vị trí việc làm: viên chức được tuyển dụng dựa trên các yêu cầu cụ thể của vị trí việc làm, chứ không phải dựa vào chức danh. - Làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập: viên chức làm việc tại các đơn vị sự nghiệp công lập như trường học, bệnh viện, viện nghiên cứu,... - Theo chế độ hợp đồng làm việc: viên chức ký hợp đồng lao động với đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó ghi rõ các quyền và nghĩa vụ của hai bên. - Hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập: viên chức được hưởng lương từ ngân sách nhà nước, chứ không phải từ nguồn thu của đơn vị. Như vậy, công dân Việt Nam được tuyển dụng theo vị trí việc làm, làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập theo chế độ hợp đồng làm việc, hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật thì được xem là viên chức. (2) Vợ chồng đều là viên chức, không phải Đảng viên có được sinh con thứ ba không? Căn cứ theo Điều 2 Nghị định 20/2010/NĐ-CP và Nghị định 18/2011/NĐ-CP có quy định về những trường hợp không vi phạm quy định như sau: - Cặp vợ chồng sinh con thứ ba, nếu cả hai hoặc một trong hai người thuộc dân tộc có số dân dưới 10.000 người hoặc thuộc dân tộc có nguy cơ suy giảm số dân (tỷ lệ sinh nhỏ hơn hoặc bằng tỷ lệ chết) theo công bố chính thức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. - Cặp vợ chồng sinh con lần thứ nhất mà sinh ba con trở lên. - Cặp vợ chồng đã có một con đẻ, sinh lần thứ hai mà sinh hai con trở lên. - Cặp vợ chồng sinh lần thứ ba trở lên, nếu tại thời điểm sinh chỉ có một con đẻ còn sống, kể cả con đẻ đã cho làm con nuôi. - Cặp vợ chồng sinh con thứ ba, nếu đã có hai con đẻ nhưng một hoặc cả hai con bị dị tật hoặc mắc bệnh hiểm nghèo không mang tính di truyền, đã được Hội đồng Giám định y khoa cấp tỉnh hoặc cấp Trung ương xác nhận. - Cặp vợ chồng đã có con riêng (con đẻ): + Sinh một con hoặc hai con, nếu một trong hai người đã có con riêng (con đẻ); + Sinh một con hoặc hai con trở lên trong cùng một lần sinh, nếu cả hai người đã có con riêng (con đẻ). Quy định này không áp dụng cho trường hợp hai người đã từng có hai con chung trở lên và các con hiện đang còn sống. - Phụ nữ chưa kết hôn sinh một hoặc hai con trở lên trong cùng một lần sinh. Như vậy, vợ, chồng là viên chức chỉ được phép sinh con thứ ba khi thuộc một trong những trường hợp nêu trên. (3) Trường hợp vi phạm đã xử lý kỷ luật người vợ rồi thì người chồng có bị kỷ luật không? Căn cứ theo quy định tại Điều 8 Nghị định 112/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung bởi Khoản 6 Điều 1 Nghị định 71/2023/NĐ-CP như sau: “Vi phạm quy định của pháp luật về: phòng, chống bạo lực gia đình; dân số, hôn nhân và gia đình; bình đẳng giới; an sinh xã hội; quy định khác của Đảng và của pháp luật liên quan đến cán bộ, công chức.” Có thể thấy, pháp luật hiện hành chỉ không thực hiện xử phạt hành chính đối với cặp vợ chồng có vợ hoặc chồng hoặc cả hai người là viên chức cũng như các cặp vợ chồng khác khi sinh con thứ ba nếu thuộc các trường hợp như đã nêu tại mục (2). Tuy nhiên, với vai trò là viên chức mà vi phạm Điều 8 nêu trên thì vẫn sẽ bị kỷ luật. Như vậy, trường hợp cả hai vợ chồng cùng là viên chức (không phải Đảng viên) vi phạm chính sách dân số sẽ đồng thời kỷ luật cả hai vợ chồng. Để tổng kết lại, cặp vợ chồng là viên chức, không phải Đảng viên chỉ có thể được sinh con thứ 3 nếu thuộc một trong những trường hợp không vi phạm do pháp luật quy định. Trường hợp vi phạm thì cả 02 vợ chồng sẽ bị xử lý kỷ luật theo quy định.
Chỉ dẫn Quy trình Giải quyết khiếu nại kỷ luật Đảng viên?
Để chuẩn bị cho công tác tổ chức rà soát kỷ luật Đảng viên, bài viết này cung cấp thông tin cho người đọc các bước trong quá trình giải quyết khiếu nại kỷ luật Đảng viên đang có hiệu lực áp dụng theo Quyết định 354-QĐ/UBKTTW năm 2021 như sau: (1) CHUẨN BỊ - Căn cứ đơn khiếu nại quyết định kỷ luật đảng, kết quả làm việc với đảng viên khiếu nại (sau đây gọi là đối tượng khiếu nại); cán bộ theo dõi địa bàn đề xuất, báo cáo (bằng văn bản) với thường trực ủy ban: Đảng viên khiếu nại; tóm tắt nội dung khiếu nại; kế hoạch và dự kiến thành viên đoàn (tổ) giải quyết khiếu nại (gọi tắt là đoàn kiểm tra). - Thường trực ủy ban xem xét, ban hành quyết định và kế hoạch giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng (mẫu theo quy định). - Đoàn kiểm tra xây dựng lịch làm việc của đoàn; họp đoàn để thông báo kế hoạch, phân công nhiệm vụ cho từng thành viên đoàn; chuẩn bị văn bản, tài liệu liên quan phục vụ việc giải quyết khiếu nại. (2) BƯỚC TIẾN HÀNH - Thành viên ủy ban được phân công chỉ đạo và đại diện đoàn kiểm tra làm việc với (đối tượng khiếu nại; đại diện tổ chức đảng đã quyết định kỷ luật hoặc đã giải quyết khiếu nại kỷ luật) để triển khai quyết định, kế hoạch; thống nhất lịch làm việc; yêu cầu đối tượng khiếu nại cung cấp tài liệu (nếu có); đề nghị chỉ đạo tổ chức đảng và đảng viên có liên quan phối hợp thực hiện. Trường hợp cần thiết, triển khai theo hình thức họp trực tuyến hoặc gửi văn bản theo đường công văn. + Đoàn kiểm tra tiến hành thẩm tra, xác minh; làm việc với: + Đối tượng khiếu nại, tổ chức đảng đã quyết định kỷ luật hoặc đã giải quyết khiếu nại kỷ luật, tổ chức đảng liên quan để làm rõ nội dung khiếu nại. - Cấp ủy trực tiếp quản lý đối tượng khiếu nại để xác minh về tư cách, phẩm chất của đối tượng khiếu nại từ sau khi bị kỷ luật đến thời điểm giải quyết khiếu nại. + Các tổ chức, cá nhân có liên quan để bổ sung, thu thập tài liệu. + Nếu có tình tiết mới làm thay đổi bản chất vụ việc; cần phải điều chỉnh, bổ sung nội dung, thời gian, thành phần đoàn kiểm tra, giám định kỹ thuật, chuyên môn thì trưởng đoàn kiểm tra báo cáo thành viên ủy ban chỉ đạo để báo cáo thường trực ủy ban xem xét, quyết định. + Đoàn kiểm tra trao đổi với đối tượng khiếu nại những nội dung cần giải trình, bổ sung, làm rõ. Xây dựng dự thảo báo cáo kết quả giải quyết khiếu nại (mẫu theo quy định). - Các tổ chức đảng có liên quan tổ chức hội nghị: Cấp ủy hoặc ban thường vụ cấp ủy đã quyết định kỷ luật hoặc giải quyết khiếu nại kỷ luật tổ chức và chủ trì, ghi biên bản hội nghị để đoàn kiểm tra thông qua dự thảo báo cáo kết quả giải quyết khiếu nại và trao đổi các nội dung liên quan; hội nghị thảo luận thống nhất về đề nghị giữ nguyên hình thức kỷ luật đã áp dụng hoặc quyết định giải quyết khiếu nại; biểu quyết bằng phiếu kín về đề nghị thay đổi hoặc xóa bỏ hình thức kỷ luật đã áp dụng đối với trường hợp có tình tiết mới dẫn đến thay đổi bản chất của vụ việc. - Đoàn kiểm tra làm việc với đối tượng khiếu nại; tiếp tục thẩm tra, xác minh những nội dung chưa rõ (nếu có); hoàn chỉnh dự thảo báo cáo kết quả giải quyết khiếu nại; trao đổi ý kiến với người đứng đầu (đơn vị theo dõi địa bàn; không phải là trưởng đoàn hoặc thành viên đoàn kiểm tra) về kết quả giải quyết khiếu nại; báo cáo xin ý kiến đồng chí thành viên ủy ban chỉ đạo đoàn, thường trực ủy ban (nếu cần) trước khi trình ủy ban kiểm tra. (3) BƯỚC KẾT THÚC - Ủy ban kiểm tra xem xét, kết luận: - Đoàn kiểm tra báo cáo kết quả giải quyết khiếu nại; trình bày đầy đủ ý kiến của đối tượng khiếu nại, ý kiến và đề nghị của tổ chức đảng có liên quan; báo cáo về tư cách, phẩm chất của đối tượng khiếu nại từ sau khi bị kỷ luật đến thời điểm giải quyết khiếu nại. + Ủy ban kết luận, biểu quyết quyết định chuẩn y, thay đổi hình thức kỷ luật hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền quyết định thay đổi hình thức kỷ luật (nếu có). + Đơn vị theo dõi địa bàn có ý kiến bằng văn bản báo cáo ủy ban về kết quả và hoạt động của đoàn kiểm tra. + Đoàn kiểm tra hoàn chỉnh báo cáo kết quả giải quyết khiếu nại; phối hợp với (đơn vị hoặc cán bộ tổng hợp) hoàn chỉnh thông báo kết luận, quyết định giải quyết khiếu nại hoặc báo cáo đề nghị cấp có thẩm quyền quyết định thay đổi hình thức kỷ luật đối với đối tượng khiếu nại, báo cáo thành viên ủy ban chỉ đạo đoàn kiểm tra trước khi trình thường trực ủy ban ký, ban hành. + Thành viên ủy ban chỉ đạo và đại diện đoàn kiểm tra công bố thông báo kết luận, quyết định giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng đến đối tượng khiếu nại và tổ chức đảng đã quyết định kỷ luật hoặc giải quyết khiếu nại, Trường hợp cần thiết, triển khai theo hình thức họp trực tuyến hoặc gửi văn bản theo đường công văn; hoặc ủy quyền cho tổ chức đảng có thẩm quyền thông báo quyết định giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng đến đối tượng và tổ chức đảng có liên quan. + Đoàn kiểm tra họp rút kinh nghiệm; trưởng đoàn có văn bản nhận xét, đánh giá từng thành viên đoàn kiểm tra, gửi người đứng đầu các đơn vị có cán bộ tham gia đoàn; lập hồ sơ và nộp lưu trữ theo quy định. + Vụ địa bàn, đơn vị, cán bộ theo dõi địa bàn giám sát việc chấp hành kết luận, quyết định của Ủy ban. Theo đó, Đảng viên đang làm việc tại cơ quan, đơn vị nhà nước bị xử lý kỷ luật Đảng trước đó khi cảm thấy không đồng ý với quyết định xử lý khiếu nại của cơ quan có thẩm quyền thì có thể khiếu nại quyết định này và quyết định xử lý kỷ luật Đảng phải được thực hiện theo các bước như trên nhằm giải quyết thỏa đáng quyền lợi khiếu nại của Đảng viên.
Hình thức kỷ luật theo Quy định 124, ngày 04/10/2023 của Ban Chấp hành Trung ương
Xin chào Thư viện pháp luật. Tôi có 01 câu hỏi về công tác đánh giá xếp loại năm 2023 như sau: Cơ quan tôi có 01 đồng chí chuyển về năm 2021. Năm 2020 đồng chí có vi phạm tại đơn vị cũ (hình thức khiển trách), tuy nhiên đến năm 2023 mới có quyết định thi hành kỷ luật. Căn cứ Điểm 4.5, Khoản 4, Điều 12 Quy định 124, ngày 04/10/2023 của BCH Trung ương có quy định: "Trường hợp tập thể, cá nhân có khuyết điểm, vi phạm xảy ra từ năm trước, thời điểm trước nhưng đến thời điểm năm đánh giá, xếp loại mới bị cấp có thẩm quyền quyết định thi hành kỷ luật hoặc tập thể, cá nhân bị cấp có thẩm quyền quyết định tăng nặng hình thức kỷ luật trong năm đánh giá, xếp loại thì tổ chức đảng cấp trên có thẩm quyền căn cứ vào hình thức kỷ luật, nội dung, động cơ, tính chất, mức độ, hậu quả, nguyên nhân vi phạm, hoàn cảnh cụ thể để xem xét, đánh giá xếp loại lại tại thời điểm xảy ra khuyết điểm, vi phạm". Vậy xin hỏi là đồng chí này năm 2023 có được đánh giá xếp loại "Hoàn thành tốt nhiệm vụ" không? (năm 2023 không vi phạm gì và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao) rất mong nhận được câu trả lời từ Thư viện pháp luật. Cám ơn!
Viên chức có hành vi vi phạm pháp luật về giao thông có bị buộc thôi việc?
Viên chức có hành vi vi phạm pháp luật về giao thông có bị buộc thôi việc? Tình huống phát sinh: Chào luật sư đơn vị tôi có viên chức bình thường không phải viên chức quản lý 04 tháng nay đã vi phạm 02 lần về nồng độ cồn khi tham gia giao thông, thì trường hợp này nếu áp dụng cho thôi việc được không? Không có hậu quả gì về người và tài sản. Xin chân thành cảm ơn. Căn cứ Điều 19 Nghị định 112/2020/NĐ-CP quy định áp dụng hình thức kỷ luật buộc thôi việc đối với viên chức như sau: Hình thức kỷ luật buộc thôi việc áp dụng đối với viên chức có hành vi vi phạm thuộc một trong các trường hợp sau đây: 1. Đã bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cách chức đối với viên chức quản lý hoặc cảnh cáo đối với viên chức không giữ chức vụ quản lý mà tái phạm; 2. Có hành vi vi phạm lần đầu, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 16 Nghị định này; 3. Viên chức quản lý có hành vi vi phạm lần đầu, gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 17 Nghị định này; 4. Sử dụng văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận, xác nhận giả hoặc không hợp pháp để được tuyển dụng vào cơ quan, tổ chức, đơn vị; 5. Nghiện ma túy; đối với trường hợp này phải có xác nhận của cơ sở y tế hoặc thông báo của cơ quan có thẩm quyền. Thẩm quyền xử lý kỷ luật đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý? Căn cứ Khoản 10 Điều 1 Nghị định 71/2023/NĐ-CP quy định về Thẩm quyền xử lý kỷ luật đối với công chức như sau: 1. Đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền bổ nhiệm hoặc được phân cấp thẩm quyền bổ nhiệm tiến hành xử lý kỷ luật và quyết định hình thức kỷ luật. 2. Đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu cơ quan quản lý hoặc người đứng đầu cơ quan được phân cấp thẩm quyền quản lý công chức tiến hành xử lý kỷ luật và quyết định hình thức kỷ luật, trừ trường hợp quy định tại khoản 6 Điều 28 Nghị định này. Đối với công chức cấp xã, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện tiến hành xử lý kỷ luật và quyết định hình thức kỷ luật. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện trước khi chủ trì tổ chức họp kiểm điểm theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 26 Nghị định này. 3. Đối với công chức biệt phái, người đứng đầu cơ quan nơi công chức được cử đến biệt phái tiến hành xử lý kỷ luật, thống nhất hình thức kỷ luật với cơ quan cử biệt phái trước khi quyết định hình thức kỷ luật. Trường hợp kỷ luật bằng hình thức buộc thôi việc thì căn cứ vào đề xuất của Hội đồng xử lý kỷ luật, cơ quan cử biệt phái ra quyết định buộc thôi việc. Hồ sơ, quyết định kỷ luật công chức biệt phái phải được gửi về cơ quan quản lý công chức biệt phái. 4. Đối với công chức làm việc trong Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân thì thẩm quyền xử lý kỷ luật được thực hiện theo quy định của cơ quan có thẩm quyền quản lý công chức.”. Thẩm quyền và trình tự xử lý kỷ luật đối với người đã nghỉ việc, nghỉ hưu ? Căn cứ Điều 22, Điều 23 Nghị định 112/2020/NĐ-CP quy định thẩm quyền và trình tự xử lý kỷ luật đối với người đã nghỉ việc, nghỉ hưu như sau: Thẩm quyền xử lý kỷ luật đối với người đã nghỉ việc, nghỉ hưu được quy định như sau: 1. Trường hợp bị xử lý kỷ luật bằng hình thức xóa tư cách chức vụ, chức danh thì cấp có thẩm quyền phê chuẩn, quyết định phê duyệt kết quả bầu cử, bổ nhiệm vào chức vụ, chức danh cao nhất ra quyết định xử lý kỷ luật, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này. Trong trường hợp này, cấp có thẩm quyền quyết định việc xử lý đối với các chức vụ, chức danh khác có liên quan. 2. Trường hợp bị xử lý kỷ luật bằng hình thức khiển trách hoặc cảnh cáo thì cấp có thẩm quyền phê chuẩn, quyết định phê duyệt kết quả bầu cử, bổ nhiệm vào chức vụ, chức danh ra quyết định xử lý kỷ luật, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này. 3. Đối với người giữ chức vụ, chức danh trong cơ quan hành chính nhà nước do Quốc hội phê chuẩn thì Thủ tướng Chính phủ ra quyết định xử lý kỷ luật. Trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật đối với người đã nghỉ việc, nghỉ hưu 1. Căn cứ vào quyết định xử lý kỷ luật của cấp có thẩm quyền, cơ quan tham mưu về công tác cán bộ của cấp có thẩm quyền xử lý kỷ luật đề xuất hình thức kỷ luật, thời điểm xử lý kỷ luật và thời gian thi hành kỷ luật. Trường hợp thuộc thẩm quyền xử lý kỷ luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ thì cơ quan có thẩm quyền quản lý, sử dụng đề xuất hình thức kỷ luật, thời điểm xử lý kỷ luật và thời gian thi hành kỷ luật. Trường hợp thuộc thẩm quyền xử lý của Thủ tướng Chính phủ thì đề xuất được gửi đồng thời tới Bộ Nội vụ để thẩm định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Trường hợp chưa có quyết định xử lý kỷ luật của cấp có thẩm quyền đối với người đã nghỉ việc, nghỉ hưu có hành vi vi phạm trong quá trình công tác, cấp có thẩm quyền xử lý kỷ luật quy định tại Điều 22 Nghị định này quyết định việc xử lý kỷ luật và chịu trách nhiệm về quyết định của mình. 2. Cấp có thẩm quyền ra quyết định xử lý kỷ luật. Do đó, một trong những hành vi vi phạm nêu trên thì có thể buộc thôi việc. tuy nhiên, qua rà soát thì trường hợp đã vi phạm về nồng độ cồn khi tham gia giao thông, cũng không gây hậu quả gì thì trường hợp này nếu áp dụng cho thôi việc là chưa có cơ sở và đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền bổ nhiệm hoặc được phân cấp thẩm quyền bổ nhiệm tiến hành xử lý kỷ luật và quyết định hình thức kỷ luật.
Bộ Chính trị xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên
Ngày 11/10, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị đã xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm, khuyết điểm. Sau khi xem xét đề nghị của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Bộ Chính trị nhận thấy: 1. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Giang nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy định của Đảng, Quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát để Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh và nhiều tổ chức, cá nhân vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong tổ chức thực hiện Gói thầu xây lắp số 4, Dự án Cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang do Công ty cổ phần Tập đoàn Thuận An thực hiện; một số cán bộ, đảng viên, trong đó có cán bộ chủ chốt của tỉnh vi phạm quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương. 2. Đồng chí Đặng Quốc Khánh, trong thời gian giữ cương vị Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang đã vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi phạm Quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương, gây hậu quả nghiêm trọng, nguy cơ thất thoát, lãng phí lớn tiền, tài sản của Nhà nước, gây dư luận xấu, làm giảm uy tín của tổ chức đảng, chính quyền địa phương. 3. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tuyên Quang nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy định của Đảng; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát để Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh và nhiều tổ chức, cá nhân vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong tổ chức thực hiện Gói thầu 26, Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ do Công ty cổ phần Tập đoàn Thuận An thực hiện; một số cán bộ, đảng viên, trong đó có cán bộ chủ chốt của tỉnh vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi phạm Quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương. 4. Đồng chí Chẩu Văn Lâm trong thời gian giữ cương vị Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang đã vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi phạm Quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương; gây hậu quả nghiêm trọng, nguy cơ thất thoát, lãng phí lớn tiền, tài sản của Nhà nước, gây dư luận xấu, làm giảm uy tín của tổ chức đảng và chính quyền địa phương. 5. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Thọ nhiệm kỳ 2010 - 2015 đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy định của Đảng, Quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát để Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh và nhiều tổ chức, cá nhân vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong tổ chức thực hiện các dự án, gói thầu tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng do Công ty cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn thực hiện; một số cán bộ, đảng viên, trong đó có cán bộ chủ chốt của tỉnh vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi phạm Quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương. 6. Các đồng chí: Ngô Đức Vượng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ; Nguyễn Doãn Khánh, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ; Hoàng Dân Mạc, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ trong thời gian giữ cương vị lãnh đạo tại Đảng bộ tỉnh đã suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi phạm Quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương; gây hậu quả rất nghiêm trọng, dư luận bức xúc, ảnh hưởng rất xấu đến uy tín của tổ chức đảng và chính quyền địa phương. 7. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi các nhiệm kỳ 2010 - 2015, 2015 - 2020 đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy định của Đảng, Quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát để Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh và nhiều tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong thực hiện một số dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh, trong đó có dự án do Công ty cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn thực hiện, gây hậu quả nghiêm trọng, nguy cơ thất thoát, lãng phí lớn tiền, tài sản của Nhà nước; một số cán bộ, đảng viên trong đó có cán bộ chủ chốt vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi phạm Quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương, bị kỷ luật, xử lý hình sự, gây dư luận xấu, làm giảm uy tín của tổ chức đảng và chính quyền địa phương. Căn cứ nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả, nguyên nhân vi phạm của tổ chức đảng và đảng viên nêu trên, theo quy định của Đảng về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm, Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật Cảnh cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi nhiệm kỳ 2010 - 2015, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Thọ nhiệm kỳ 2010 - 2015, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Giang nhiệm kỳ 2020 - 2025, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tuyên Quang nhiệm kỳ 2020 - 2025 và các đồng chí: Đặng Quốc Khánh, Chẩu Văn Lâm; Khiển trách Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi nhiệm kỳ 2015 - 2020. Đề nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng xem xét, xử lý kỷ luật các đồng chí Ngô Đức Vượng, Nguyễn Doãn Khánh, chưa xem xét kỷ luật đồng chí Hoàng Dân Mạc do bị bệnh nặng. Đề nghị các cơ quan chức năng thi hành kỷ luật hành chính kịp thời, đồng bộ với kỷ luật đảng./. (Nguồn: Cổng Thông tin điện tử Chính phủ) Link bài viết: https://baochinhphu.vn/bo-chinh-tri-xem-xet-thi-hanh-ky-luat-to-chuc-dang-dang-vien-10224101115141645.htm
Báo tin giả cho lực lượng chức năng sẽ bị xử lý thế nào?
Báo tin giả là một trong những hành vi vi phạm pháp luật, trường hợp cố tình báo tin giả để nhằm hạ uy tín, xúc phạm danh dự của người khác thì còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Cụ thể qua bài viết sau đây. Báo tin giả cho lực lượng chức năng có bị phạt không? Điều 144 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định về việc tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố như sau: - Tố giác về tội phạm là việc cá nhân phát hiện và tố cáo hành vi có dấu hiệu tội phạm với cơ quan có thẩm quyền. - Tin báo về tội phạm là thông tin về vụ việc có dấu hiệu tội phạm do cơ quan, tổ chức, cá nhân thông báo với cơ quan có thẩm quyền hoặc thông tin về tội phạm trên phương tiện thông tin đại chúng. - Kiến nghị khởi tố là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiến nghị bằng văn bản và gửi kèm theo chứng cứ, tài liệu liên quan cho Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát có thẩm quyền xem xét, xử lý vụ việc có dấu hiệu tội phạm. - Tố giác, tin báo về tội phạm có thể bằng lời hoặc bằng văn bản. - Người nào cố ý tố giác, báo tin về tội phạm sai sự thật thì tuỳ tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của luật. Như vậy, việc báo tin giả cho lực lượng chức năng sẽ bị kỷ luật, phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự tùy theo tính chất, mức độ vi phạm. Báo tin giả cho lực lượng chức năng sẽ bị xử lý thế nào? (1) Xử lý kỷ luật Đối với xử lý kỷ luật sẽ áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức, theo Điều 23 Nghị định 31/2019/NĐ-CP quy định xử lý kỷ luật đối với người tố cáo là cán bộ, công chức, viên chức như sau: Cán bộ, công chức, viên chức biết rõ việc tố cáo là không đúng sự thật nhưng vẫn tố cáo nhiều lần hoặc biết vụ việc đã được cơ quan, người có thẩm quyền giải quyết đúng chính sách, pháp luật nhưng vẫn tố cáo nhiều lần mà không có bằng chứng chứng minh nội dung tố cáo; cưỡng ép, lôi kéo, kích động, dụ dỗ, mua chuộc người khác tố cáo sai sự thật; sử dụng họ tên của người khác để tố cáo gây mất đoàn kết nội bộ hoặc ảnh hưởng đến uy tín, hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, đơn vị thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. (2) Xử phạt hành chính Theo điểm c khoản 3 Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi báo thông tin giả, không đúng sự thật đến các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. (3) Truy cứu trách nhiệm hình sự Trường hợp báo tin giả cho lực lượng chức năng còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vu khống theo Điều 156 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017 như sau: - Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm: + Bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác; + Bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền. - Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm: + Có tổ chức; + Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; + Đối với 02 người trở lên; + Đối với ông, bà, cha, mẹ, người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh cho mình; + Đối với người đang thi hành công vụ; + Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội; + Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%; + Vu khống người khác phạm tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng. - Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm: + Vì động cơ đê hèn; + Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; + Làm nạn nhân tự sát. - Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. Như vậy, người báo tin giả sẽ bị xử lý theo các quy định trên. Báo tin giả cho lực lượng chức năng nhằm hạ uy tín của người khác thì có phải bồi thường? Theo khoản 1 Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015 quy định người có hành vi xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật Dân sự, luật khác có liên quan quy định khác. Trong đó, Điều 592 Bộ luật Dân sự 2015 quy định như sau: - Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm bao gồm: + Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại; + Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút; +Thiệt hại khác do luật quy định. - Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác bị xâm phạm phải bồi thường các thiệt hại trên và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm không quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định. Như vậy, người cố ý tố giác, báo tin giả cho lực lượng chức năng mà xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác thì có thể phải bồi thường nếu người bị thiệt hại có yêu cầu.
Đề nghị cử đi đào tạo sau đại học với chuyên ngành dự kiến chuyển đổi?
Tình huống phát sinh là viên chức hành chính dự kiến sắp tới được chuyển sang làm kế toán, chưa có quyết định chuyển cụ thể. Vậy viên chức có được đề nghị cử đi đào tạo sau đại học với chuyên ngành dự kiến chuyển đổi hay không? Điều kiện được cử đi đào tạo sau đại học Liên quan vấn đề này, tại Điều 6 Nghị định 101/2017/NĐ-CP về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức có hướng dẫn về điều kiện được cán bộ, công chức, viên chức được cử đi đào tạo như sau: - Đối với cán bộ, công chức: Có thời gian công tác từ đủ 03 năm trở lên (không kể thời gian tập sự) và 02 năm liên tục liền kề trước thời điểm được cử đi đào tạo hoàn thành tốt nhiệm vụ; Không quá 40 tuổi tính từ thời điểm được cử đi đào tạo sau đại học lần đầu; Có cam kết thực hiện nhiệm vụ, công vụ tại cơ quan, đơn vị sau khi hoàn thành chương trình đào tạo trong thời gian ít nhất gấp 02 lần thời gian đào tạo; Chuyên ngành đào tạo phù hợp với vị trí việc làm. - Đối với viên chức: Đã kết thúc thời gian tập sự (nếu có); Có cam kết thực hiện nhiệm vụ, hoạt động nghề nghiệp tại cơ quan, đơn vị sau khi hoàn thành chương trình đào tạo trong thời gian ít nhất gấp 02 lần thời gian đào tạo; Chuyên ngành đào tạo phù hợp với vị trí việc làm. - Cán bộ, công chức, viên chức được cử đi học theo các chương trình hợp tác với nước ngoài được ký kết hoặc gia nhập nhân danh Nhà nước, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, ngoài các quy định nêu trên còn phải đáp ứng yêu cầu khác của chương trình hợp tác. Căn cứ theo hướng dẫn trên thì một trong các điều kiện để được cử đi đào tạo sau đại học của viên chức là chuyên ngành đào tạo phù hợp với vị trí việc làm. Do đó, khi vị trí việc làm hiện tại của viên chức là công việc hành chính, không phải kế toán thì không đủ căn cứ, cơ sở để được cử đi đào tạo sau đại học. Đang trong thời gian xem xét kỷ luật có được cử đi đào tạo Đối với nội dung này, tại Điều 56 Văn bản hợp nhất 26/VBHN-VPQH năm 2019 do Văn phòng Quốc hội ban hành có nêu một số quy định đặc thù liên quan đến việc kỷ luật viên chức như sau: - Viên chức bị khiển trách thì thời hạn nâng lương bị kéo dài 03 tháng; bị cảnh cáo thì thời hạn nâng lương bị kéo dài 06 tháng. Trường hợp viên chức bị cách chức thì thời hạn nâng lương bị kéo dài 12 tháng, đồng thời đơn vị sự nghiệp công lập bố trí vị trí việc làm khác phù hợp. - Viên chức bị kỷ luật thì xử lý như sau: Trường hợp bị kỷ luật bằng hình thức khiển trách hoặc cảnh cáo thì không thực hiện việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm vào chức vụ cao hơn trong thời hạn 12 tháng, kể từ ngày quyết định kỷ luật có hiệu lực; Trường hợp bị kỷ luật bằng hình thức cách chức thì không thực hiện việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm trong thời hạn 24 tháng, kể từ ngày quyết định kỷ luật có hiệu lực. - Viên chức đang trong thời hạn xử lý kỷ luật, đang bị điều tra, truy tố, xét xử thì không được bổ nhiệm, biệt phái, đào tạo, bồi dưỡng hoặc thôi việc. - Viên chức quản lý đã bị kỷ luật cách chức do tham nhũng hoặc bị Tòa án kết án về hành vi tham nhũng thì không được bổ nhiệm vào vị trí quản lý. - Viên chức bị cấm hành nghề hoặc bị hạn chế hoạt động nghề nghiệp trong một thời hạn nhất định theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền, nếu không bị xử lý kỷ luật buộc thôi việc thì đơn vị sự nghiệp công lập phải bố trí viên chức vào vị trí việc làm khác không liên quan đến hoạt động nghề nghiệp bị cấm hoặc bị hạn chế. - Viên chức bị xử lý kỷ luật, bị tạm đình chỉ công tác hoặc phải bồi thường, hoàn trả theo quyết định của đơn vị sự nghiệp công lập nếu thấy không thỏa đáng thì có quyền khiếu nại, khởi kiện hoặc yêu cầu giải quyết theo trình tự do pháp luật quy định. Theo đó, viên chức đang trong thời hạn xử lý kỷ luật thì không được cử đi đào tạo. Đơn vị và viên chức có nhu cầu thì phải đợi trải qua thời gian này.
Mẫu bản kiểm điểm cá nhân học sinh đơn giản, dễ viết
Nếu vi phạm nội quy, quy định của nhà trường thì học sinh phải viết bản kiểm điểm nhằm mục đích giúp các em nhận thức và tự ý thức về trách nhiệm của mình. Sau đây sẽ là mẫu bản kiểm điểm cá nhân học sinh đơn giản, dễ viết cho các em. Mẫu bản kiểm điểm cá nhân học sinh đơn giản, dễ viết Tuỳ thuộc vào nội quy của mỗi trường sẽ quy định cụ thể các trường hợp học sinh phải viết bản kiểm điểm. Tuy nhiên thì học sinh sẽ phải viết bản kiểm điểm cá nhân trong các trường hợp phổ biến sau đây: - Bản kiểm điểm sau vi phạm Học sinh cần viết bản kiểm điểm khi vi phạm nội quy, quy chế của nhà trường. Mục đích là để tự nhận lỗi và nhận thức trách nhiệm về hành vi của mình. - Cuối học kỳ/năm học Ngoài ra, học sinh cũng phải viết bản kiểm điểm khi kết thúc học kỳ hoặc năm học, nhằm tổng kết lại những gì đã xảy ra trong thời gian đó Hiện nay đối với bản kiểm điểm của học sinh thì không có quy định mẫu cụ thể, theo đó các em học sinh có thể tham khảo mẫu bản kiểm điểm cá nhân học sinh đơn giản, dễ viết sau đây: Như vậy, tùy thuộc vào nội quy của trường sẽ quy định khi nào học sinh phải viết bản kiểm điểm. Khi viết bản kiểm điểm cá nhân, học sinh cần thành thật, thể hiện sự nhận thức về lỗi lầm của bản thân và lý do vì sao hành vi đó không đúng và các biện pháp khắc phục, sửa đổi. Học sinh vi phạm thì sẽ có những hình thức kỷ luật nào? (1) Học sinh tiểu học vi phạm Theo khoản 3 Điều 38 Điều lệ Trường tiểu học ban hành kèm theo Thông tư 28/2020/TT-BGDĐT quy định: Học sinh có khuyết điểm trong quá trình học tập, rèn luyện và các phong trào thi đua, tuỳ theo mức độ vi phạm có thể thực hiện các biện pháp kỷ luật sau: - Nhắc nhở, hỗ trợ giúp đỡ trực tiếp để học sinh tiến bộ hơn; - Thông báo với cha mẹ học sinh nhằm phối hợp giúp đỡ học sinh khắc phục khuyết điểm. Lưu ý: Giáo viên không được phê bình học sinh trước cả lớp, trước toàn trường hoặc trong cuộc họp chung với cha mẹ học sinh. (2) Học sinh THCS, THPT vi phạm Theo khoản 2 Điều 38 Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học ban hành kèm theo Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT quy định: Học sinh vi phạm khuyết điểm trong quá trình học tập, rèn luyện được giáo dục hoặc xử lý kỷ luật theo các hình thức sau đây: - Nhắc nhở, hỗ trợ, giúp đỡ trực tiếp để học sinh khắc phục khuyết điểm. - Khiển trách, thông báo với cha mẹ học sinh nhằm phối hợp giúp đỡ học sinh khắc phục khuyết điểm. - Tạm dừng học ở trường có thời hạn và thực hiện các biện pháp giáo dục khác theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Như vậy, đối với học sinh tiểu học vi phạm sẽ bị kỷ luật theo hình thức nhắc nhở, hỗ trợ khắc phục khuyết điểm, thông báo với cha mẹ còn đối với học sinh THCS, THPT sẽ bị kỷ luật theo hình thức nhắc nhở, hỗ trợ khắc phục khuyết điểm, khiển trách, thông báo với cha mẹ, tạm dừng học ở trường có thời hạn… Trường tiểu học được phân cấp quản lý như thế nào? Theo Điều 6 Điều lệ Trường tiểu học ban hành kèm theo Thông tư 28/2020/TT-BGDĐT quy định về phân cấp quản lý như sau: - Trường tiểu học do Ủy ban nhân dân cấp huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp huyện) thành lập và quản lý. Các lớp tiểu học, cơ sở giáo dục khác thực hiện chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 4 Thông tư 28/2020/TT-BGDĐT do cấp có thẩm quyền thành lập quản lý. - Phòng giáo dục và đào tạo giúp Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giáo dục đối với các loại hình trường, lớp tiểu học trên địa bàn. Như vậy, trường tiểu học sẽ do UBND cấp huyện thành lập và quản lý.
Học sinh vi phạm gì sẽ bị nhà trường đuổi học?
Học sinh khi đi học phải tuân thủ quy định pháp luật và nội quy của trường, lớp. Vậy học sinh vi phạm những quy định nào sẽ bị nhà trường đuổi học và thời gian đuổi học là bao lâu? Học sinh vi phạm gì sẽ bị nhà trường đuổi học? Theo khoản 2 Điều 38 Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học ban hành kèm theo Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT thì học sinh vi phạm khuyết điểm trong quá trình học tập, rèn luyện được giáo dục hoặc xử lý kỷ luật theo các hình thức sau đây: - Nhắc nhở, hỗ trợ, giúp đỡ trực tiếp để học sinh khắc phục khuyết điểm. - Khiển trách, thông báo với cha mẹ học sinh nhằm phối hợp giúp đỡ học sinh khắc phục khuyết điểm. - Tạm dừng học ở trường có thời hạn và thực hiện các biện pháp giáo dục khác theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Như vậy, học sinh vi phạm khuyết điểm trong quá trình học tập, rèn luyện tuỳ vào mức độ thì sẽ được xử lý kỷ luật nặng nhất là tạm dừng học ở trường có thời hạn (đuổi học có thời hạn). Học sinh vi phạm sẽ bị nhà trường đuổi học trong bao lâu? Theo Mục 4 Chương 3 Thông tư 08/TT năm 1988 hướng dẫn về khen thưởng và thi hành kỷ luật học sinh các trường phổ thông do Bộ Giáo dục ban hành thì có 2 hình thức kỷ luật đuổi học học sinh: (1) Đuổi học một tuần lễ: - Những học sinh vi phạm các khuyết điểm đã bị cảnh cáo trước toàn trường nhưng không biết hối lỗi và sửa chữa khuyết điểm, có ảnh hưởng xấu tới những học sinh khác; Hoặc phạm khuyết điểm lần đầu nhưng có tính chất và mức độ nghiêm trọng, làm tổn thương nhiều đến danh dự của nhà trường, của thầy cô giáo và tập thể học sinh như: trộm cắp, chấn lột, gây gổ đánh nhau có tổ chức và gây thương tích cho người khác, … Hoặc mắc những khuyết điểm sai phạm khác có tính chất và mức độ tác hại tương đương thì Hội đồng kỉ luật nhà trường xét đề nghị Hiệu trưởng quyết định và thi hành, đồng thời báo cáo lên cơ quan quản lí giáo dục cấp trên trực tiếp để biết và theo dõi - Hình thức kỉ luật này sẽ ghi vào học bạ của học sinh và thông báo cho gia đình biết để phối hợp giáo dục - Trong thời gian 1 tuần sẽ bị đuổi học, học sinh này phải kiểm điểm và suy nghĩ một cách sâu sắc về những khuyết điểm sai phạm của mình, nếu tỏ ra thành khẩn ăn năn, hối lỗi, có quyết tâm sửa chữa khuyết điểm để tiến bộ thì sau thời gian bị đuổi học Hiệu trưởng có thể xét và quyết định cho tiếp tục học. Thời gian học sinh bị đuổi học sẽ được coi là nghỉ học có phép nếu được học lại. - Nếu trong thời gian bị đuổi học 1 tuần lễ, học sinh mắc khuyết điểm sai phạm không tỏ ra thành khẩn hối lỗi và quyết tâm sửa chữa, thậm chí còn phạm thêm nhiều khuyết điểm sai phạm khác thì Hội đồng kỉ luật nhà trường sẽ đề nghị Hiệu trưởng quyết định đuổi học 1 năm - Gia đình học sinh có trách nhiệm quản lí và giáo dục con cái trong thời gian học sinh bị đuổi học (2) Đuổi học 1 năm: - Những học sinh mắc 1 trong các khuyết điểm sai phạm sau đây sẽ bị Hội đồng kỉ luật của nhà trường đề nghị Hiệu trưởng quyết định thi hành kỉ luật đuổi học 1 năm, có ghi học bạ và thông báo cho gia đình, đồng thời giao cho gia đình, đoàn đội và chính quyền địa phương tiếp tục giáo dục - Mắc khuyết điểm sai phạm đã bị Hội đồng kỉ luật nhà trường thông qua Hiệu trưởng đuổi học 1 tuần lễ mà không chịu sửa chữa, vẫn còn tái phạm, thậm chí còn phạm thêm những khuyết điểm sai phạm khác - Mắc khuyết điểm sai phạm rất nghiêm trọng, tuy chỉ là lần đầu, song hành động sai phạm này là có ý thức và chủ động (không phải bị lôi kéo, a tòng), gây nên những tác hại rất lớn, rất nguy hiểm đến tài sản của xã hội và tính mạng của con người như: tham gia các tổ chức trộm cắp, trấn lột, trụy lạc, phản động,… dùng vũ khí (dao găm, lưỡi lê, súng lục, lựu đạn, …) đánh nhau có tổ chức, gây thương tích cho người khác, can án ngoài nhà trường bị công an bắt giữ hoặc mắc những khuyết điểm sai phạm khác mà tính chất và mức độ tác hại tương đương - Sau khi thi hành kỉ luật đuổi học 1 năm, nhà trường phải lập đầy đủ hồ sơ, báo cáo ngay lên cơ quan giáo dục cấp trên trực tiếp quản lí là Phòng giáo dục (đối với học sinh cấp 2) và Sở giáo dục (đối với học sinh PTTH) để biết và theo dõi - Những học sinh sau 1 năm bị đuổi học, nếu có đủ điều kiện về tuổi và muốn học lại thì phải làm đơn xin trường cũ xét cho học lại và phải có giấy xác nhận của chính quyền địa phương (phường, xã, thị xã, thị trấn, …) về sự tiến bộ của bản thân, giấy cam kết của gia đình về việc giáo dục con mình - Ngoài hình thức thi hành kỉ luật trên đây, để đảm bảo tính sư phạm và tính nghiêm túc của việc giảng dạy và học tập trong giờ lên lớp, giáo viên bộ môn có thể tạm thời đình chỉ việc học tập và đưa lên để Hiệu trưởng giáo dục những học sinh mắc phải một trong các sai phạm như: Nói năng hoặc có thái độ vô lễ đối với thầy cô giáo; gây gổ đánh nhau với bạn bè trong lớp; gây mất trật tự làm ảnh hưởng đến việc học tập của tập thể lớp, mặc dù đã được thầy cô giáo khuyên răn, nhắc nhở, … Các học sinh này được vào lớp tiếp tục học trong tiết học sau Như vậy, tuỳ mức độ vi phạm mà học sinh sẽ bị đuổi học từ 1 tuần đến 1 năm, nếu học sinh đã bị đuổi học 1 tuần lễ mà không chịu sửa chữa, vẫn còn tái phạm, thậm chí còn phạm thêm những khuyết điểm sai phạm khác thì sẽ tiếp tục bị đuổi thêm 1 năm. Các hành vi nào học sinh không được làm? Theo Điều 37 Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học ban hành kèm theo Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT quy định các hành vi học sinh không được làm như sau: - Xúc phạm nhân phẩm, danh dự, xâm phạm thân thể giáo viên, cán bộ, nhân viên của nhà trường, người khác và học sinh khác. - Gian lận trong học tập, kiểm tra, thi, tuyển sinh. - Mua bán, sử dụng rượu, bia, thuốc lá, chất gây nghiện, các chất kích thích khác và pháo, các chất gây cháy nổ. - Sử dụng điện thoại di động, các thiết bị khác khi đang học tập trên lớp không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên cho phép. - Đánh nhau, gây rối trật tự, an ninh trong nhà trường và nơi công cộng. - Sử dụng, trao đổi sản phẩm văn hóa có nội dung kích động bạo lực, đồi trụy; sử dụng đồ chơi hoặc chơi trò chơi có hại cho sự phát triển lành mạnh của bản thân. - Học sinh không được vi phạm những hành vi bị nghiêm cấm khác theo quy định của pháp luật. Như vậy, học sinh sẽ không được làm các hành vi quy định trên, nếu vẫn làm sẽ bị xử lý kỷ luật theo quy định.
Giáo viên đang nghỉ thai sản thì đơn vị có được ra quyết định kỷ luật không?
Giáo viên khi vi phạm những quy định nào sẽ bị xử lý kỷ luật? Trường hợp giáo viên đang nghỉ thai sản thì đơn vị có được ra quyết định kỷ luật giáo viên đó không? Giáo viên vi phạm gì sẽ bị xử lý kỷ luật? Theo Điều 6 Nghị định 112/2020/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 5 Điều 1 Nghị định 71/2023/NĐ-CP quy định: - Cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm các quy định về nghĩa vụ của cán bộ, công chức, viên chức; những việc cán bộ, công chức, viên chức không được làm; nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức, đơn vị; vi phạm đạo đức, lối sống, vi phạm pháp luật khi thi hành công vụ hoặc có hành vi vi phạm khác liên quan đến hoạt động công vụ bị xử lý kỷ luật về đảng, đoàn thể thì bị xem xét xử lý kỷ luật hành chính. - Mức độ của hành vi vi phạm được xác định như sau: + Vi phạm gây hậu quả ít nghiêm trọng là vi phạm có tính chất, mức độ tác hại không lớn, tác động trong phạm vi nội bộ, làm ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan, tổ chức, đơn vị công tác. + Vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng là vi phạm có tính chất, mức độ, tác hại lớn, tác động ngoài phạm vi nội bộ, gây dư luận xấu trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân, làm giảm uy tín của cơ quan, tổ chức, đơn vị công tác. + Vi phạm gây hậu quả rất nghiêm trọng là vi phạm có tính chất, mức độ, tác hại rất lớn, phạm vi tác động đến toàn xã hội, gây dư luận rất bức xúc trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân, làm mất uy tín của cơ quan, tổ chức, đơn vị công tác. + Vi phạm gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng là vi phạm có tính chất, mức độ, tác hại đặc biệt lớn, phạm vi tác động sâu rộng đến toàn xã hội, gây dư luận đặc biệt bức xúc trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân, làm mất uy tín của cơ quan, tổ chức, đơn vị công tác. Như vậy, giáo viên sẽ bị xử lý kỷ luật khi vi phạm các quy định như trên, trong đó hành vi vi phạm được chia thành 4 mức độ là gây hậu quả ít nghiêm trọng, gây hậu quả nghiêm trọng, gây hậu quả rất nghiêm trọng và gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Giáo viên đang nghỉ thai sản thì đơn vị có được ra quyết định kỷ luật không? Theo Điều 3 Nghị định 112/2020/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 3 Điều 1 Nghị định 71/2023/NĐ-CP quy định các trường hợp chưa xem xét xử lý kỷ luật bao gồm: - Cán bộ, công chức, viên chức đang trong thời gian nghỉ hàng năm, nghỉ theo chế độ, nghỉ việc riêng được cấp có thẩm quyền cho phép. - Cán bộ, công chức, viên chức đang trong thời gian điều trị bệnh hiểm nghèo hoặc đang mất khả năng nhận thức; bị ốm nặng đang điều trị nội trú tại bệnh viện có xác nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền. - Cán bộ, công chức, viên chức là nữ giới đang trong thời gian mang thai, nghỉ thai sản, đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi hoặc cán bộ, công chức, viên chức là nam giới (trong trường hợp vợ chết hoặc vì lý do khách quan, bất khả kháng khác) đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, trừ trường hợp người có hành vi vi phạm có văn bản đề nghị xem xét xử lý kỷ luật. - Cán bộ, công chức, viên chức đang bị khởi tố, tạm giữ, tạm giam chờ kết luận của cơ quan có thẩm quyền điều tra, truy tố, xét xử về hành vi vi phạm pháp luật, trừ trường hợp theo quyết định của cấp có thẩm quyền. Như vậy, trường hợp giáo viên đang nghỉ thai sản (chỉ áp dụng với nữ) thì sẽ nằm trong các trường hợp chưa xem xét kỷ luật, theo đó đơn vị sẽ chưa được ra quyết định kỷ luật giáo viên nữ đang nghỉ thai sản, trừ khi giáo viên đó có văn bản đề nghị xem xét xử lý kỷ luật. Khi nào giáo viên được miễn trách nhiệm kỷ luật? Theo Điều 4 Nghị định 112/2020/NĐ-CP quy định các trường hợp được miễn trách nhiệm kỷ luật bao gồm: - Được cơ quan có thẩm quyền xác nhận tình trạng mất năng lực hành vi dân sự khi có hành vi vi phạm. - Phải chấp hành quyết định của cấp trên theo quy định tại khoản 5 Điều 9 Luật Cán bộ, công chức 2008. - Được cấp có thẩm quyền xác nhận vi phạm trong tình thế cấp thiết, do sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015 khi thi hành công vụ. - Cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm đến mức bị xử lý kỷ luật nhưng đã qua đời. Như vậy, giáo viên sẽ được miễn trách nhiệm kỷ luật khi được xác nhận mất năng lực hành vi dân sự khi vi phạm, vi phạm trong tình thế cấp thiết, sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan khi thi hành công vụ hoặc đã qua đời.
Giáo viên sinh con lần thứ 4 có bị xử lý kỷ luật không?
Giáo viên được sinh mấy con? Nếu giáo viên sinh con lần thứ 4 thì có bị xử lý kỷ luật không? Hình thức kỷ luật là gì? Có trường hợp nào giáo viên sinh quá 2 con mà vẫn không bị kỷ luật không? Giáo viên sinh con lần thứ 4 có bị xử lý kỷ luật không? Theo Điều 10 Pháp lệnh Dân số năm 2003 được sửa đổi bởi Điều 1 Pháp lệnh 08/2008/PL-UBTVQH12 quy định quyền và nghĩa vụ của mỗi cặp vợ chồng, cá nhân trong việc thực hiện cuộc vận động dân số và kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản như sau: - Quyết định thời gian và khoảng cách sinh con; - Sinh một hoặc hai con, trừ trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định; - Bảo vệ sức khỏe, thực hiện các biện pháp phòng ngừa bệnh nhiễm khuẩn đường sinh sản, bệnh lây truyền qua đường tình dục, HIV/AIDS và thực hiện các nghĩa vụ khác liên quan đến sức khỏe sinh sản. Đồng thời, theo khoản 1 Điều 6 Nghị định 112/2020/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 5 Điều 1 Nghị định 71/2023/NĐ-CP quy định cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm các quy định về nghĩa vụ của cán bộ, công chức, viên chức; những việc cán bộ, công chức, viên chức không được làm; nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức, đơn vị; vi phạm đạo đức, lối sống, vi phạm pháp luật khi thi hành công vụ hoặc có hành vi vi phạm khác liên quan đến hoạt động công vụ bị xử lý kỷ luật về đảng, đoàn thể thì bị xem xét xử lý kỷ luật hành chính. Mà theo khoản 1 Điều 16 Luật viên chức 2010 quy định một trong những nghĩa vụ chung của viên chức là chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng Cộng sản Việt Nam và pháp luật của Nhà nước. Như vậy, giáo viên là viên chức mà vi phạm quy định về dân số và kế hoạch hoá gia đình (sinh quá 2 con mà không thuộc trường hợp đặc biệt) là đang vi phạm quy định về nghĩa vụ của viên chức. Theo đó, giáo viên sinh con lần thứ 4 sẽ bị xử lý kỷ luật. Xem thêm: Giáo viên đang nghỉ thai sản thì đơn vị có được ra quyết định kỷ luật không? Hình thức xử lý kỷ luật giáo viên sinh con lần thứ 4? Theo khoản 9 Điều 16 Nghị định 112/2020/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 7 Điều 1 Nghị định 71/2023/NĐ-CP thì đối với hành vi vi phạm lần đầu, gây hậu quả ít nghiêm trọng vi phạm quy định của pháp luật về: phòng, chống bạo lực gia đình; dân số, hôn nhân và gia đình; bình đẳng giới; an sinh xã hội; quy định khác của Đảng và của pháp luật liên quan đến viên chức sẽ áp dụng hình thức kỷ luật khiển trách đối với viên chức. Theo khoản 1, khoản 2 Điều 17 Nghị định 112/2020/NĐ-CP thì hình thức kỷ luật cảnh cáo áp dụng đối với viên chức có hành vi vi phạm thuộc một trong các trường hợp sau đây: - Đã bị xử lý kỷ luật bằng hình thức khiển trách về hành vi vi phạm quy định tại Điều 16 Nghị định 112/2020/NĐ-CP mà tái phạm; - Có hành vi vi phạm lần đầu, gây hậu quả nghiêm trọng thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 16 Nghị định 112/2020/NĐ-CP; Mà theo điểm b khoản 2 Điều 6 Nghị định 112/2020/NĐ-CP quy định vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng là vi phạm có tính chất, mức độ, tác hại lớn, tác động ngoài phạm vi nội bộ, gây dư luận xấu trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân, làm giảm uy tín của cơ quan, tổ chức, đơn vị công tác. Như vậy, giáo viên sinh con lần thứ 3 đã bị kỷ luật bằng hình thức khiển trách mà tiếp tục sinh con lần thứ 4 hoặc việc sinh con lần thứ 4 gây hậu quả nghiêm trọng thì sẽ bị xử lý kỷ luật cảnh cáo. Trường hợp nào giáo viên sinh quá 2 con mà không bị kỷ luật? Theo Điều 2 Nghị định 20/2010/NĐ-CP được sửa đổi bởi Điều 1 Nghị định 18/2011/NĐ-CP quy định có 7 trường hợp không vi phạm quy định sinh một hoặc hai con bao gồm: - Cặp vợ chồng sinh con thứ ba, nếu cả hai hoặc một trong hai người thuộc dân tộc có số dân dưới 10.000 người hoặc thuộc dân tộc có nguy cơ suy giảm số dân (tỷ lệ sinh nhỏ hơn hoặc bằng tỷ lệ chết) theo công bố chính thức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. - Cặp vợ chồng sinh con lần thứ nhất mà sinh ba con trở lên. - Cặp vợ chồng đã có một con đẻ, sinh lần thứ hai mà sinh hai con trở lên. - Cặp vợ chồng sinh lần thứ ba trở lên, nếu tại thời điểm sinh chỉ có một con đẻ còn sống, kể cả con đẻ đã cho làm con nuôi. - Cặp vợ chồng sinh con thứ ba, nếu đã có hai con đẻ nhưng một hoặc cả hai con bị dị tật hoặc mắc bệnh hiểm nghèo không mang tính di truyền, đã được Hội đồng Giám định y khoa cấp tỉnh hoặc cấp Trung ương xác nhận. - Cặp vợ chồng đã có con riêng (con đẻ): + Sinh một con hoặc hai con, nếu một trong hai người đã có con riêng (con đẻ); + Sinh một con hoặc hai con trở lên trong cùng một lần sinh, nếu cả hai người đã có con riêng (con đẻ). Quy định này không áp dụng cho trường hợp hai người đã từng có hai con chung trở lên và các con hiện đang còn sống. - Phụ nữ chưa kết hôn sinh một hoặc hai con trở lên trong cùng một lần sinh. Như vậy, giáo viên nếu sinh con thứ 4 nhưng thuộc 1 trong 7 trường hợp quy định trên thì sẽ không bị kỷ luật. Xem thêm: Giáo viên đang nghỉ thai sản thì đơn vị có được ra quyết định kỷ luật không?
Cấm Thượng tọa Thích Chân Quang thuyết giảng dưới mọi hình thức trong 02 năm
Mới đây, GHPGVN đã ký Thông báo 244/TB-HĐTS-VP2 kết luận của Ban Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN về việc xử lý kỷ luật đối với Thượng tọa Thích Chân Quang (1) Quyết định kỷ luật Thượng tọa Thích Chân Quang Thông báo 244/TB-HĐTS-VP2 nêu rõ, Văn phòng Trung ương GHPGVN (VP1 và VP2) đã nhận được các thông tin phản hồi và đơn thưa của cộng đồng Phật tử, Nhân dân cũng như những thông tin trên phương tiện thông tin đại chúng, báo chí và mạng xã hội phản ánh về nội dung những bài giảng pháp của Thượng toạ Thích Chân Quang, Trụ trì Thiền tôn Phật Quang, xã Tân Hải, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu gây hoang mang trong xã hội, phản ứng của cộng đồng làm suy giảm niềm tin Phật pháp và ảnh hưởng đến uy tín của Giáo hội. Theo đó,sau khi thẩm tra báo cáo của Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu về các nội dung thuyết giảng của Thượng tọa Thích Chân Quang, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự khẳng định một số nội dung thuyết giảng về giáo lý nhân quả của Thượng tọa Thích Chân Quang không đúng chánh pháp, gây hoang mang trong xã hội. Ban Thường trực Hội đồng Trị sự quyết định kỷ luật Thượng tọa Thích Chân Quang. (2) Cấm Thượng tọa Thích Chân Quang thuyết giảng dưới mọi hình thức trong 02 năm Theo nội dung của Thông báo 244/TB-HĐTS-VP2, các hình thức kỷ luật mà Ban Thường trực Hội đồng Trị sự áp dụng đối với Thượng tọa Thích Chân Quang bao gồm: - Không được thuyết giảng dưới mọi hình thức, không chủ trì tổ chức các sự kiện tập trung đông người tại Thiền tôn Phật Quang và các địa điểm khác trong thời gian 02 năm. - Thiền tôn Phật Quang và Thượng toạ Thích Chân Quang phải thu hồi tất cả các Phái Quy y Tam bảo có nội dung tự sửa 1 trong 5 giới không đúng với Ngũ giới do Đức Phật chế trong giới luật Phật giáo. Gỡ bỏ tất cả các bài giảng có nội dung gây hoang mang xã hội. - Thượng tọa Thích Chân Quang và Ban quản lý Thiền tôn Phật Quang phải chấn chỉnh sinh hoạt của các đạo tràng, chúng thanh niên Phật Quang tại các tỉnh, thành phố. Không đưa các bài giảng của Thượng tọa Thích Chân Quang lên các nền tảng mạng xã hội trong thời gian Thượng tọa Thích Chân Quang nhập thất sám hối tại Thiền tôn Phật Quang. Theo các ý kiến bình luận, nhiều người cho rằng GHPGVN đã ra quyết định kịp thời, đúng vào thời điểm mà các clip và lời thuyết pháp của Thượng tọa Thích Chân Quang đang gây sốt trên mạng xã hội, tránh làm ảnh hưởng tới uy tín của GHPGVN. Theo đó, Thượng tọa Thích Chân Quang ngoài việc không được thuyết pháp trong 02 năm còn phải gỡ các bài giảng có nội dung gây hoang mang cho xã hội thời gian gần đây và không được đưa các bài giảng lên các trang mạng xã hội trong thời gian Thượng tọa Thích Chân Quang nhập thất sám hối. GHPGVN giao cho Ban Tăng sự Trung ương, Ban Pháp chế Trung ương, Ban Kiểm soát Trung ương GHPGVN và Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu giám sát việc thi hành kỷ luật trong thời gian 02 năm. Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có trách nhiệm hướng dẫn và tạo điều kiện thuận lợi cho các Tăng, Ni đang tu tập tại Thiền tôn Phật Quang được ổn định theo đúng Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam và pháp luật Nhà nước.
Thông cáo báo chí Kỳ họp thứ 42 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương
Từ ngày 12 đến ngày 14/6/2024, tại Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã họp Kỳ thứ 42. Đồng chí Trần Cẩm Tú, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương chủ trì Kỳ họp. Tại Kỳ họp này, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Trung ương đã xem xét, kết luận một số nội dung sau: I- Thực hiện các kết luận, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, sau khi xem xét kết quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm và kết quả kiểm điểm, đề nghị thi hành kỷ luật Ban cán sự đảng Bộ Tài chính, UBKT Trung ương nhận thấy: Ban cán sự đảng Bộ Tài chính đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo để Bộ Tài chính và một số tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong công tác quản lý nhà nước và tham mưu, ban hành cơ chế, chính sách về phát hành, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, trong đó có các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Tập đoàn An Đông; trong quản lý nhà nước về ngân sách có liên quan đến Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC) và các doanh nghiệp trong hệ sinh thái AIC. Những vi phạm nêu trên đã gây hậu quả nghiêm trọng, khó khắc phục, nguy cơ thất thoát, lãng phí lớn ngân sách nhà nước và thiệt hại cho nhà đầu tư trái phiếu, ảnh hưởng xấu đến môi trường đầu tư, kinh doanh và trật tự an toàn xã hội, gây dư luận xấu, bức xúc, làm giảm uy tín của tổ chức đảng và cơ quan quản lý nhà nước, đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật. Trách nhiệm chính đối với những vi phạm, khuyết điểm nêu trên thuộc về Ban cán sự đảng Bộ Tài chính nhiệm kỳ 2016 - 2021 và các đồng chí: Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính; Võ Thành Hưng, Ủy viên Ban cán sự đảng, Thứ trưởng; các đồng chí nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, Thứ trưởng: Huỳnh Quang Hải, Đỗ Hoàng Anh Tuấn, Vũ Thị Mai và một số tổ chức đảng, đảng viên khác. Xét nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả, nguyên nhân vi phạm; căn cứ quy định của Đảng, 1- UBKT Trung ương quyết định thi hành kỷ luật: - Cảnh cáo Ban Thường vụ Đảng ủy Cơ quan Tổng cục Hải quan nhiệm kỳ 2015 - 2020; Đảng ủy Cục Kế hoạch - Tài chính nhiệm kỳ 2015 - 2020; Chi bộ Vụ Tài chính hành chính sự nghiệp, Chi bộ Vụ Ngân sách nhà nước các nhiệm kỳ 2015 - 2017, 2017 - 2020, 2020 - 2022 và các đồng chí: Huỳnh Quang Hải; đồng chí Phạm Văn Trường, Bí thư Chi bộ, Vụ trưởng Vụ Ngân sách nhà nước; Nguyễn Trường Giang, Bí thư Chi bộ, Vụ trưởng Vụ Tài chính hành chính sự nghiệp; Nguyễn Dương Thái, nguyên Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan; Phạm Văn Việt, nguyên Bí thư Chi bộ, Cục trưởng Cục Tài vụ - Quản trị, Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính. - Khiển trách Chi bộ Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính các nhiệm kỳ 2017 - 2020, 2020 - 2022 và các đồng chí: Đỗ Hoàng Anh Tuấn, Vũ Thị Mai, Võ Thành Hưng; đồng chí Phan Thị Thu Hiền, Bí thư Chi bộ, Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính; Lê Ngọc Khoa, nguyên Bí thư Đảng ủy, Cục trưởng Cục Kế hoạch - Tài chính, Bộ Tài chính. 2- UBKT Trung ương đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, thi hành kỷ luật Ban cán sự đảng Bộ Tài chính nhiệm kỳ 2016 - 2021 và đồng chí Đinh Tiến Dũng. 3- UBKT Trung ương yêu cầu Ban cán sự đảng Bộ Tài chính lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục kịp thời các vi phạm, khuyết điểm được chỉ ra; phối hợp xem xét, xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân có vi phạm theo thẩm quyền. II- Sau khi xem xét kết quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm và kết quả kiểm điểm, đề nghị thi hành kỷ luật Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Ninh Thuận, UBKT Trung ương nhận thấy: Ban cán sự đảng UBND tỉnh Ninh Thuận đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo để UBND tỉnh và nhiều tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong triển khai thực hiện các dự án điện gió, điện năng lượng mặt trời và các dự án đầu tư xây dựng. Những vi phạm nêu trên đã gây hậu quả nghiêm trọng, nguy cơ thất thoát lớn ngân sách nhà nước, gây dư luận xấu, làm giảm uy tín của tổ chức đảng và chính quyền địa phương, đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật. Trách nhiệm chính đối với những vi phạm, khuyết điểm nêu trên thuộc về Ban cán sự đảng UBND tỉnh Ninh Thuận nhiệm kỳ 2016 - 2021 và các đồng chí: Lưu Xuân Vĩnh, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch UBND tỉnh; Phạm Văn Hậu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Phan Tấn Cảnh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Huyện ủy Ninh Hải, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Phạm Đồng, nguyên Tỉnh ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư; Nguyễn Văn Trường, nguyên Tỉnh ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Tài chính; Bùi Anh Tuấn, nguyên Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường và một số tổ chức đảng, đảng viên khác. Xét nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả, nguyên nhân vi phạm; căn cứ quy định của Đảng, 1- UBKT Trung ương quyết định thi hành kỷ luật: - Cảnh cáo Ban cán sự đảng UBND tỉnh Ninh Thuận nhiệm kỳ 2016 - 2021 và đồng chí Lưu Xuân Vĩnh. - Khiển trách Đảng ủy các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường nhiệm kỳ 2015 - 2020 và các đồng chí: Phạm Văn Hậu, Phan Tấn Cảnh, Phạm Đồng, Nguyễn Văn Trường, Bùi Anh Tuấn; đồng chí Lê Ngọc Thạch, nguyên Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường. 2- UBKT Trung ương yêu cầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Thuận kiểm điểm nghiêm túc, rút kinh nghiệm sâu sắc; lãnh đạo, chỉ đạo Ban cán sự đảng UBND tỉnh khắc phục kịp thời các vi phạm, khuyết điểm được chỉ ra; xem xét, xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân có vi phạm theo thẩm quyền. III- Xem xét Báo cáo kết quả thẩm tra, xác minh và đề nghị thi hành kỷ luật đồng chí Nguyễn Văn Yên, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Cơ quan Ban Nội chính Trung ương, UBKT Trung ương nhận thấy: Đồng chí Nguyễn Văn Yên đã thiếu tu dưỡng, rèn luyện, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; vi phạm các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; vi phạm quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương, gây hậu quả rất nghiêm trọng, dư luận bức xúc, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị công tác, đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật. Căn cứ quy định của Đảng, UBKT Trung ương đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, thi hành kỷ luật đồng chí Nguyễn Văn Yên. IV- Xem xét Báo cáo đề nghị thi hành kỷ luật một số đảng viên vi phạm tại Đảng bộ các tỉnh: Bình Định, Bình Dương, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu, UBKT Trung ương nhận thấy: Đồng chí Nguyễn Đình Kim, nguyên Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định đã suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; vi phạm quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương; gây hậu quả rất nghiêm trọng, dư luận bức xúc, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng và chính quyền địa phương, đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật. Các đồng chí: Lê Thanh Cung, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương; Trần Văn Cần, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch UBND tỉnh Long An; Nguyễn Văn Trình, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các gói thầu do Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC) và các doanh nghiệp trong hệ sinh thái AIC thực hiện; vi phạm quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương; gây hậu quả nghiêm trọng, dư luận xấu, làm giảm uy tín của tổ chức đảng và chính quyền địa phương, đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật. Căn cứ quy định của Đảng, UBKT Trung ương quyết định thi hành kỷ luật Cảnh cáo các đồng chí: Lê Thanh Cung, Trần Văn Cần, Nguyễn Văn Trình. UBKT Trung ương đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, thi hành kỷ luật đồng chí Nguyễn Đình Kim. V- Xem xét kết quả kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật trong Đảng, kiểm tra tài chính Đảng đối với Ban Thường vụ Tỉnh ủy và UBKT Tỉnh ủy; kiểm tra việc kê khai tài sản, thu nhập đối với các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy các tỉnh: Tuyên Quang, Hòa Bình, Bắc Giang, UBKT Trung ương nhận thấy: Bên cạnh những ưu điểm là cơ bản, các tổ chức đảng, đảng viên được kiểm tra còn có một số vi phạm, khuyết điểm trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng; trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản của Đảng; việc kê khai tài sản, thu nhập. UBKT Trung ương yêu cầu các tổ chức đảng và đảng viên được kiểm tra tiếp tục phát huy ưu điểm; nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm, khắc phục kịp thời những vi phạm, khuyết điểm đã được chỉ ra, báo cáo kết quả về UBKT Trung ương. VI- Cũng tại Kỳ họp này, UBKT Trung ương đã xem xét, giải quyết tố cáo 02 trường hợp và xem xét, kết luận một số nội dung quan trọng khác./. (Nguồn: Trang thông tin điện tử Ủy ban Kiểm tra Trung ương) Link bài viết: https://ubkttw.vn/danh-muc/tin-tuc-thoi-su/thong-cao-bao-chi-ky-hop-thu-42-cua-uy-ban-kiem-tra-trung-uong.html
Công ty có được xử lý kỷ luật nhân viên khi không có nội quy lao động?
Xử lý kỷ luật lao động là một trong những biện pháp nhằm đảm bảo trật tự, kỷ tự và hiệu quả trong doanh nghiệp. Tuy nhiên, nhiều người băn khoăn liệu công ty có được xử lý kỷ luật nhân viên khi không có nội quy lao động? Nội quy lao động là văn bản quy định các quy tắc, quy định về hành vi, công việc và trật tự trong doanh nghiệp. Đây là cơ sở pháp lý để doanh nghiệp áp dụng các biện pháp xử lý kỷ luật khi nhân viên vi phạm. (1) Công ty có được xử lý kỷ luật nhân viên khi không có nội quy lao động? Theo khoản 1 Điều 188 Bộ luật Lao động 2019 và khoản 1 Điều 69 Nghị định số 145/2020/NĐ-CP về nội quy lao động như sau: Người sử dụng lao động phải ban hành nội quy lao động, nếu sử dụng từ 10 người lao động trở lên thì nội quy lao động phải bằng văn bản, nếu sử dụng dưới 10 người lao động thì không bắt buộc ban hành nội quy lao động bằng văn bản nhưng phải thỏa thuận nội dung về kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất trong hợp đồng lao động. Nếu công ty có 10 người lao động trở lên thì người sử dụng lao động phải ban hành nội quy lao động bằng văn bản. Bên cạnh đó, theo quy định tại khoản 3 Điều 127 Bộ luật Lao động 2019 quy định nghiêm cấm xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động như sau: - Xâm phạm sức khỏe, danh dự, tính mạng, uy tín, nhân phẩm của người lao động. - Phạt tiền, cắt lương thay việc xử lý kỷ luật lao động. - Xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động có hành vi vi phạm không được quy định trong nội quy lao động hoặc không thỏa thuận trong hợp đồng lao động đã giao kết hoặc pháp luật về lao động không có quy định. Như vậy, trong trường hợp không có nội quy lao động, công ty chỉ được xử phạt kỷ luật nhân viên khi đã có thỏa thuận trong hợp đồng lao động. Ngoài ra, công ty chỉ được xử lý kỷ luật theo hình thức sa thải nếu người lao động mắc phải một trong các lỗi được quy định tại Điều 125 Bộ luật Lao động 2019, bao gồm: - Người lao động trộm cắp, tham ô, đánh bạc, cố ý gây thương tích, sử dụng ma tuý tại nơi làm việc. - Người lao động tiết lộ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp, gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe dọa gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của doanh nghiệp hoặc có hành quấy rối tình dục tại nơi làm việc được quy định trong nội quy lao động. - Người lao động bị xử lý kỷ luật kéo dài thời hạn nâng lương hoặc cách chức mà còn tái phạm khi chưa được xóa kỷ luật. - Người lao động tự ý bỏ việc 05 ngày cộng dồn trong 30 ngày hoặc 20 ngày cộng dồn trong 365 ngày mà không có lý do chính đáng. (2) Công ty xử lý kỷ luật không đúng quy định sẽ bị xử phạt thế nào? Trường hợp tự ý xử lý kỷ luật lao động đối với nhân viên khi không có nội quy lao động cũng như không có thỏa thuận trong hợp đồng thì đây được xem là hành vi bị nghiêm cấm và sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật. Cụ thể, căn cứ theo khoản 3 Điều 19 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, phạt tiền từ 20 - 40 triệu đồng đối với người sử dụng lao động khi có một trong các hành vi sau đây: - Xâm phạm sức khỏe, danh dự, tính mạng, uy tín hoặc nhân phẩm của người lao động khi xử lý kỷ luật lao động nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự. - Dùng hình thức phạt tiền hoặc cắt lương thay việc xử lý kỷ luật lao động. - Xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động có hành vi vi phạm không được quy định trong nội quy lao động hoặc không thỏa thuận trong hợp đồng lao động đã giao kết hoặc pháp luật về lao động không quy định. - Áp dụng nhiều hình thức kỷ luật lao động đối với một hành vi vi phạm kỷ luật lao động. - Xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động đang trong thời gian sau đây: nghỉ ốm đau; nghỉ điều dưỡng; nghỉ việc được sự đồng ý của người sử dụng lao động; đang bị tạm giữ; đang bị tạm giam; đang chờ kết quả của cơ quan có thẩm quyền điều tra, xác minh và kết luận đối với hành vi vi phạm được quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 125 Bộ luật Lao động 2019. Ngoài xử phạt hành chính, người sử dụng lao động có thể bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc người sử dụng lao động nhận người lao động trở lại làm việc và trả đủ tiền lương theo hợp đồng lao động cho người lao động tương ứng với những ngày nghỉ việc khi người sử dụng lao động áp dụng hình thức xử lý kỷ luật sa thải thuộc hành vi vi phạm quy định tại điểm đ khoản 2, điểm c khoản 3 Điều 19. Tóm lại, trong trường hợp không có nội quy lao động, công ty chỉ được xử phạt kỷ luật nhân viên khi đã có thỏa thuận trong hợp đồng lao động. Trường hợp tự ý xử lý kỷ luật lao động đối với nhân viên khi không có nội quy lao động cũng như không có thỏa thuận trong hợp đồng thì đây được xem là hành vi bị nghiêm cấm và sẽ bị xử phạt theo tiền từ 20 - 40 triệu đồng và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả.
Đảng viên vi phạm gì sẽ bị khai trừ ra khỏi Đảng?
Được đứng vào hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam là một niềm tự hào của mỗi công dân Việt Nam. Vậy, nếu người đảng viên mắc phải những vi phạm nào thì sẽ bị khai trừ ra khỏi Đảng? Đảng viên vi phạm gì sẽ bị khai trừ ra khỏi Đảng? Theo khoản 9 Điều 2 Quy định 69-QĐ/TW năm 2022 nguyên tắc xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm như sau: - Đảng viên vi phạm pháp luật phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật; - Đảng viên vi phạm pháp luật đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự, bị truy nã, bị toà án tuyên phạt từ hình phạt cải tạo không giam giữ trở lên thì khai trừ ra khỏi Đảng; - Nếu hình phạt nhẹ hơn cải tạo không giam giữ thì tùy nội dung, tính chất, mức độ hậu quả, nguyên nhân vi phạm và các tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ để thi hành kỷ luật đảng tương xứng. - Nếu làm thất thoát tài chính, tài sản của Đảng, Nhà nước, của tổ chức, cá nhân thì phải xem xét trách nhiệm và bồi thường. Đồng thời, Quy định 69-QĐ/TW năm 2022 cũng có quy định những trường hợp cụ thể sẽ bị khai trừ ra khỏi Đảng như sau: - Vi phạm quan điểm chính trị và chính trị nội bộ tại Khoản 3 Điều 25 Quy định 69-QĐ/TW năm 2022 - Vi phạm nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng tại Khoản 3 Điều 26 Quy định 69-QĐ/TW năm 2022 - Vi phạm quy định bầu cử tại Khoản 3 Điều 27 Quy định 69-QĐ/TW năm 2022 gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc vi phạm một trong các trường hợp sau thì kỷ luật bằng hình thức khai trừ: - Vi phạm quy định tuyên truyền, phát ngôn tại Khoản 3 Điều 28 Quy định 69-QĐ/TW năm 2022 - Vi phạm quy định công tác tổ chức, cán bộ tại Khoản 3 Điều 29 Quy định 69-QĐ/TW năm 2022 - Vi phạm quy định về chống chạy chức, chạy quyền tại Khoản 3 Điều 30 Quy định 69-QĐ/TW năm 2022 - Vi phạm khi thực hiện chức trách, nhiệm vụ, công vụ tại Khoản 3 Điều 31 Quy định 69-QĐ/TW năm 2022 - Vi phạm trong công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành tại Khoản 3 Điều 32 Quy định 69-QĐ/TW năm 2022 - Vi phạm quy định bảo vệ bí mật của Đảng, Nhà nước tại Khoản 3 Điều 33 Quy định 69-QĐ/TW năm 2022 - Vi phạm quy định quan hệ với tổ chức, cá nhân người nước ngoài tại Khoản 3 Điều 34 Quy định 69-QĐ/TW năm 2022 - Vi phạm quy định quản lý, cấp phát, sử dụng văn bằng, chứng chỉ tại Khoản 3 Điều 35 Quy định 69-QĐ/TW năm 2022 - Vi phạm quy định phòng, chống tội phạm tại Khoản 3 Điều 36 Quy định 69-QĐ/TW năm 2022 - Vi phạm quy định kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán tại Khoản 3 Điều 37 Quy định 69-QĐ/TW năm 2022 - Vi phạm quy định khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo tại Khoản 3 Điều 38 Quy định 69-QĐ/TW năm 2022 - Vi phạm quy định phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại Khoản 3 Điều 39 Quy định 69-QĐ/TW năm 2022 - Vi phạm quy định đầu tư, xây dựng tại Khoản 3 Điều 40 Quy định 69-QĐ/TW năm 2022 - Vi phạm quy định lĩnh vực tài chính, ngân hàng tại Khoản 3 Điều 41 Quy định 69-QĐ/TW năm 2022 - Vi phạm quy định quản lý, sử dụng đất đai, nhà ở tại Khoản 3 Điều 42 Quy định 69-QĐ/TW năm 2022 - Vi phạm quy định trong lĩnh vực y tế tại Khoản 3 Điều 43 Quy định 69-QĐ/TW năm 2022 - Vi phạm quy định quản lý tài nguyên tại Khoản 3 Điều 44 Quy định 69-QĐ/TW năm 2022 - Vi phạm quy định bảo vệ môi trường tại Khoản 3 Điều 45 Quy định 69-QĐ/TW năm 2022 - Vi phạm quy định khoa học công nghệ, chuyển giao công nghệ tại Khoản 3 Điều 46 Quy định 69-QĐ/TW năm 2022 - Vi phạm quản lý, sử dụng các loại quỹ hỗ trợ, tài trợ, nhân đạo, từ thiện tại Khoản 3 Điều 47 Quy định 69-QĐ/TW năm 2022 - Vi phạm quy định thực hiện chính sách an sinh xã hội tại Khoản 3 Điều 48 Quy định 69-QĐ/TW năm 2022 - Vi phạm quy định về phòng, chống tệ nạn xã hội tại Khoản 3 Điều 49 Quy định 69-QĐ/TW năm 2022 - Vi phạm quy định về phòng, chống bạo lực gia đình tại Khoản 3 Điều 50 Quy định 69-QĐ/TW năm 2022 - Vi phạm quy định hôn nhân và gia đình tại Khoản 3 Điều 51 Quy định 69-QĐ/TW năm 2022 - Vi phạm quy định chính sách dân số tại Khoản 3 Điều 52 Quy định 69-QĐ/TW năm 2022 - Vi phạm quy định về kết hôn với người nước ngoài tại Khoản 3 Điều 53 Quy định 69-QĐ/TW năm 2022 - Vi phạm quy định về đạo đức, nếp sống văn minh tại Khoản 3 Điều 54 Quy định 69-QĐ/TW năm 2022 - Vi phạm quy định về tín ngưỡng, tôn giáo tại Khoản 3 Điều 55 Quy định 69-QĐ/TW năm 2022 - Vi phạm quy định lập hội và hoạt động của hội; tập trung đông người gây mất an ninh, trật tự tại Khoản 3 Điều 56 Quy định 69-QĐ/TW năm 2022 Như vậy, đảng viên có thể bị xử lý kỷ luật Đảng với hình thức là khai trừ Đảng nếu như vi phạm các nội dung được nêu trên. Đã bị khai trừ ra khỏi Đảng có được kết nạp lại không? Theo Tiểu mục 3.5 Mục 3 Quy định 24-QĐ/TW năm 2021 về về kết nạp lại người vào Đảng như sau: Người được xét kết nạp lại phải có đủ các điều kiện sau: - Có đủ điều kiện và tiêu chuẩn của người vào Đảng theo quy định tại Điều 1 Điều lệ Đảng. - Ít nhất là 36 tháng kể từ khi ra khỏi Đảng (riêng người bị án hình sự về tội ít nghiêm trọng thì phải sau 60 tháng kể từ khi được xoá án tích; đảng viên đã bị đưa ra khỏi Đảng do vi phạm chính sách dân số và kế hoạch hoá gia đình thì thực hiện theo quy định của Ban Bí thư), làm đơn xin kết nạp lại vào Đảng; phải được ban thường vụ tỉnh uỷ, thành uỷ (hoặc tương đương) đồng ý bằng văn bản, cấp uỷ có thẩm quyền (huyện uỷ và tương đương) xem xét, quyết định. - Thực hiện đúng các thủ tục nêu ở các Khoản 1, 2, 3 Điều 4 Điều lệ Đảng. Như vậy, đảng viên đã bị khai trừ ra khỏi Đảng vẫn có thể kết nạp lại nhưng phải đảm bảo đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định trên. Hình thức khai trừ ra khỏi đảng có áp dụng thời hiệu không? Theo Điều 4 Quy định 69-QĐ/TW năm 2022 quy định về thời hiệu thời hiệu kỷ luật Đảng như sau: - Thời hiệu kỷ luật là thời hạn được quy định trong Quy định 69-QĐ/TW năm 2022 mà khi hết thời hạn đó thì tổ chức đảng, đảng viên vi phạm không bị kỷ luật. - Thời hiệu kỷ luật được tính từ thời điểm xảy ra hành vi vi phạm đến khi tổ chức đảng có thẩm quyền kết luận vi phạm đến mức phải thi hành kỷ luật. Nếu tổ chức đảng hoặc đảng viên có hành vi vi phạm mới trong thời hạn được quy định tại Điểm a, b Khoản này thì thời hiệu kỷ luật đối với vi phạm cũ được tính lại kể từ thời điểm xảy ra hành vi vi phạm mới. + Thời hiệu kỷ luật tổ chức đảng vi phạm như sau: 5 năm (60 tháng) đối với vi phạm đến mức phải áp dụng hình thức khiển trách. 10 năm (120 tháng) đối với vi phạm đến mức phải áp dụng hình thức cảnh cáo. Không áp dụng thời hiệu kỷ luật đối với những vi phạm đến mức phải áp dụng hình thức kỷ luật giải tán; vi phạm về chính trị nội bộ; về quốc phòng, an ninh, đối ngoại xâm hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc. - Thời hiệu kỷ luật đảng viên vi phạm như sau: 5 năm (60 tháng) đối với vi phạm đến mức phải áp dụng hình thức khiển trách. 10 năm (120 tháng) đối với vi phạm đến mức phải áp dụng hình thức cảnh cáo hoặc cách chức. Không áp dụng thời hiệu kỷ luật đối với vi phạm đến mức phải áp dụng hình thức khai trừ; vi phạm chính trị nội bộ; vi phạm quốc phòng, an ninh, đối ngoại có xâm hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc; việc sử dụng văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận không hợp pháp. Như vậy, hình thức kỷ luật khai trừ ra khỏi Đảng sẽ không áp dụng thời hiệu kỷ luật Đảng. Theo đó, đảng viên vi phạm bất kỳ nội dung nào đến mức bị khai trừ ra khỏi Đảng thì sẽ bị xử lý khai trừ ra khỏi Đảng bất cứ khi nào vi phạm bị phát hiện, không giới hạn thời gian, thời điểm vi phạm.
Cán bộ bị xử lý kỷ luật Đảng bằng hình thức khiển trách có bị xử lý kỷ luật hành chính không?
Có nhiều người băn khoăn nếu cán bộ đã bị xử lý kỷ luật Đảng bằng hình thức khiển trách thì có bị xử lý kỷ luật hành chính đồng thời luôn không, và những vi phạm nào sẽ bị kỷ luật ở mức độ khiển trách? Bài viết sau đây sẽ giải đáp những thắc mắc trên. Hình thức khiển trách là gì? Khiển trách có phải là một hình thức kỷ luật Theo quy định tại Điều 35 Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam năm 2011 quy định: - Tổ chức đảng và đảng viên vi phạm kỷ luật phải xử lý công minh, chính xác, kịp thời. - Hình thức kỷ luật: + Đối với tổ chức đảng: khiển trách, cảnh cáo, giải tán; + Đối với đảng viên chính thức: khiển trách, cảnh cáo, cách chức, khai trừ; + Đối với đảng viên dự bị: khiển trách, cảnh cáo. Theo đó, khiển trách là một hình thức kỷ luật đối với đảng viên vi phạm kỷ luật. Điều này đồng nghĩa với việc khi cán bộ là đảng viên vi phạm kỷ luật thì sẽ bị xử lý kỷ luật Đảng bằng hình thức khiển trách. Cán bộ vi phạm gì sẽ bị xử lý kỷ luật khiển trách? Theo quy định tại Điều 8 Nghị định 112/2020/NĐ-CP sửa đổi bởi Khoản 6 Điều 1 Nghị định 71/2023/NĐ-CP quy định hình thức kỷ luật khiển trách áp dụng đối với cán bộ, công chức có hành vi vi phạm lần đầu, gây hậu quả ít nghiêm trọng, thuộc một trong các trường hợp sau đây: - Vi phạm: + Quy định về đạo đức, văn hóa giao tiếp của cán bộ, công chức; + Quy định của pháp luật về thực hiện chức trách, nhiệm vụ của cán bộ, công chức; + Kỷ luật lao động; + Nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức, đơn vị; - Lợi dụng vị trí công tác nhằm mục đích vụ lợi + Có thái độ hách dịch, cửa quyền hoặc gây khó khăn, phiền hà đối với cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân trong thi hành công vụ; + Xác nhận hoặc cấp giấy tờ pháp lý cho người không đủ điều kiện; + Né tránh, đùn đẩy, không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ chức trách, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật, nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền giao mà không có lý do chính đáng; + Không chấp hành quyết định điều động, phân công công tác của cấp có thẩm quyền; + Gây mất đoàn kết trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; - Vi phạm quy định của pháp luật về: + Phòng, chống tội phạm; + Phòng, chống tệ nạn xã hội; + Trật tự, an toàn xã hội; + Phòng, chống tham nhũng; + Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; - Vi phạm quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước; - Vi phạm quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo; - Vi phạm quy định về quy chế tập trung dân chủ, quy định về tuyên truyền, phát ngôn, quy định về bảo vệ chính trị nội bộ; - Vi phạm quy định của pháp luật về: + Đầu tư, xây dựng; + Đất đai, tài nguyên môi trường; + Tài chính, kế toán, ngân hàng; + Quản lý, sử dụng tài sản công trong quá trình thực thi công vụ; - Vi phạm quy định của pháp luật về: + Phòng, chống bạo lực gia đình; + Dân số, hôn nhân và gia đình; + Bình đẳng giới; + An sinh xã hội; + Quy định khác của Đảng và của pháp luật liên quan đến cán bộ, công chức. Tuy nhiên, theo Khoản 3 Điều 9 Nghị định 112/2020/NĐ-CP quy định ngoại lệ khi áp dụng biện pháp khiển trách, tức là các hành vi sau đây dù vi phạm lần đầu, gây hậu quả ít nghiêm trọng nhưng không khiển trách mà sẽ kỷ luật cảnh cáo: - Cán bộ, công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý không thực hiện đúng, đầy đủ chức trách, nhiệm vụ quản lý, điều hành theo sự phân công; - Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong phạm vi phụ trách mà không có biện pháp ngăn chặn. Như vậy, khi cán bộ có những hành vi vi phạm lần đầu và hậu quả của các hành vi đó ít nghiêm trọng, không thuộc các trường hợp phải bị cảnh cáo thì cán bộ sẽ bị xử lý kỷ luật bằng hình thức khiển trách. Cán bộ bị xử lý kỷ luật Đảng bằng hình thức khiển trách có bị xử lý kỷ luật hành chính không? Theo Khoản 6 Điều 2 Nghị định 112/2020/NĐ-CP sửa đổi bởi Khoản 2 Điều 1 Nghị định 71/2023/NĐ-CP quy định như sau: - Cán bộ, công chức, viên chức bị xử lý kỷ luật về đảng thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày công bố quyết định kỷ luật về đảng, cơ quan, tổ chức, đơn vị phải thực hiện quy trình xử lý kỷ luật hành chính (nếu có), trừ trường hợp chưa xem xét xử lý kỷ luật tại Điều 3 Nghị định 112/2020/NĐ-CP. - Hình thức kỷ luật hành chính phải bảo đảm tương xứng với kỷ luật về đảng. + Trường hợp bị xử lý kỷ luật về đảng bằng hình thức cao nhất thì cơ quan tham mưu về tổ chức, cán bộ báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý kỷ luật xem xét, quyết định xử lý kỷ luật hành chính bằng hình thức cao nhất nếu thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 13, Điều 14, Điều 19 Nghị định 112/2020/NĐ-CP; + Nếu không thuộc một trong các trường hợp nêu trên thì báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định xử lý kỷ luật bằng hình thức cách chức đối với cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý; + Hạ bậc lương đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý hoặc cảnh cáo đối với viên chức không giữ chức vụ quản lý. + Trường hợp còn có ý kiến khác nhau về việc xác định hình thức kỷ luật hành chính tương xứng với hình thức xử lý kỷ luật về đảng cao nhất thì cấp có thẩm quyền quyết định việc thành lập Hội đồng xử lý kỷ luật để tham mưu; + Tham khảo ý kiến bằng văn bản của tổ chức Đảng ra quyết định xử lý kỷ luật đảng viên trước khi quyết định. + Trường hợp có thay đổi về hình thức xử lý kỷ luật về đảng thì phải thay đổi hình thức xử lý kỷ luật hành chính tương xứng. Thời gian đã thi hành quyết định xử lý kỷ luật cũ được trừ vào thời gian thi hành quyết định xử lý kỷ luật mới (nếu còn). + Trường hợp cấp có thẩm quyền của Đảng quyết định xóa bỏ quyết định xử lý kỷ luật về đảng thì cấp có thẩm quyền xử lý kỷ luật hành chính phải ban hành quyết định hủy bỏ quyết định xử lý kỷ luật hành chính. Như vậy, khi cán bộ đã bị xử lý kỷ luật Đảng bằng hình thức khiển trách thì vẫn sẽ bị xử lý kỷ luật hành chính. Đồng thời, mức xử lý kỷ luật hành chính phải tương đương với mức khiển trách. Nếu cán bộ được xoá bỏ quyết định xử lý kỷ luật khiển trách thì cũng phải được huỷ bỏ quyết định xử lý kỷ luật hành chính.
Đảng viên thiếu trách nhiệm để địa phương do mình trực tiếp quản lý có tiêu cực được hiểu ra sao?
Đảng viên thiếu trách nhiệm để địa phương do mình trực tiếp quản lý có tiêu cực được hiểu ra sao? Hình thức kỷ luật của Đảng đối với đảng viên chính thức là gì? Đảng viên thiếu trách nhiệm để địa phương do mình trực tiếp quản lý có tiêu cực được hiểu ra sao? Theo quy định tại Điều 11 Phần I Quy định 37-QĐ/TW năm 2021 thì 01 trong 19 Điều Đảng viên trong được làm là: Vi phạm đạo đức công vụ, bao che, báo cáo sai sự thật khi thực hiện nhiệm vụ; thiếu trách nhiệm để cơ quan, đơn vị, địa phương, cá nhân do mình trực tiếp quản lý xảy ra tình trạng mất đoàn kết, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và các vi phạm khác. - Không báo cáo, không xử lý các hành vi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. - Can thiệp, tác động hoặc để vợ (chồng), con, bố, mẹ, anh, chị, em ruột mình, bên vợ (chồng) và người khác lợi dụng chức vụ, vị trí công tác của mình để trục lợi. - Lợi dụng chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung để thực hiện hoặc bao che hành vi vụ lợi, tham nhũng, tiêu cực, vi phạm quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Và Điều này được Ủy ban Kiểm tra Trung ương hướng dẫn thực hiện bởi Điều 11 Hướng dẫn 02-HD/UBKTTW năm 2021, theo đó, Đảng viên thiếu trách nhiệm để địa phương do mình trực tiếp quản lý có tiêu cực được hiểu rằng: (1) Vi phạm các quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức; quy tắc, chuẩn mực đạo đức của ngành, nghề mình đang làm việc, công tác. Không chấp hành sự phân công của tổ chức, kén chọn chức danh, vị trí công tác, chọn việc dễ, né tránh hoặc bỏ việc khó; làm việc qua loa, đại khái, kém hiệu quả; gây khó khăn, phiền hà, vòi vĩnh, kéo dài thời gian xử lý công việc để trục lợi; không khách quan trong việc sử dụng các nguồn lực, đánh giá các vấn đề thuộc quyền quản lý. (2) Là người đứng đầu cơ quan, tổ chức, địa phương, đơn vị nhưng thiếu trách nhiệm, không nắm chắc, nắm rõ tình hình nội bộ; không giao hoặc giao việc cho cấp dưới không cụ thể rõ ràng; thiếu kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện công việc, nhiệm vụ được phân công; không có các biện pháp cần thiết để phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi vi phạm có thể xảy ra. (3) Biết mà không báo cáo hoặc cố tình báo cáo, phản ánh không đúng, không đầy đủ, không khách quan, không kịp thời các vi phạm; để xảy ra mất đoàn kết tại cơ quan, đơn vị, địa bàn được phân công theo dõi, phụ trách; không xử lý, ngăn chặn kịp thời các hành vi tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; bao che, dung túng, tiếp tay cho cấp dưới vi phạm. (4) Có hành vi can thiệp, tác động, đe dọa, gây sức ép... để giúp bố, mẹ, vợ (chồng), con (con đẻ, con nuôi), anh, chị, em ruột mình, bên vợ (chồng) và người khác được tham gia, thực hiện các chương trình, đề án, dự án, kinh doanh và các ưu đãi không đúng quy định (thuế, thủ tục sản xuất, kinh doanh, mua bán cổ phần...). (5) Lợi dụng chủ trương của Đảng về khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung để tham mưu, đề xuất, quyết định, thực hiện thí điểm các đề án nhằm mục đích tham nhũng, tiêu cực hoặc bao che cho việc làm sai trái của tổ chức, cá nhân. Hình thức kỷ luật của Đảng đối với đảng viên chính thức thiếu trách nhiệm là gì? Theo quy định tại Điều 10 Quy định 22-QĐ/TW năm 2021 thì hình thức kỷ luật của Đảng được quy định như sau: (1) Đối với tổ chức đảng: Khiển trách, cảnh cáo, giải tán. (2) Đối với đảng viên chính thức: Khiển trách, cảnh cáo, cách chức, khai trừ. (3) Đối với đảng viên dự bị: Khiển trách, cảnh cáo. Theo đó, hình thức kỷ luật của Đảng đối với đảng viên chính thức thiếu trách nhiệm có thể là: - Khiển trách - Cảnh cáo - Cách chức - Khai trừ ra khỏi Đảng. Tóm lại, Đảng viên thiếu trách nhiệm để địa phương do mình trực tiếp quản lý có tiêu cực được hiểu theo những hướng dẫn cụ thể như đã trình bày ở trên.
Tổ chức đảng không xử lý kỷ luật đối với Đảng viên vi phạm kỷ luật đã qua đời đúng không?
Tổ chức đảng không xử lý kỷ luật đối với Đảng viên vi phạm kỷ luật đã qua đời đúng không? Một số những lưu ý khi thi hành kỷ luật trong Đảng? Tổ chức đảng không xử lý kỷ luật đối với Đảng viên vi phạm kỷ luật đã qua đời đúng không? Một số những lưu ý khi thi hành kỷ luật trong Đảng? Theo quy định tại khoản 7 Điều 9 Quy định 22-QĐ/TW năm 2021 về nguyên tắc thi hành kỷ luật trong Đảng: Theo đó, Đảng viên vi phạm đang trong thời gian mang thai hoặc đang nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi, bị bệnh nặng thì chưa xem xét, xử lý kỷ luật. Trường hợp đảng viên vi phạm đã qua đời tổ chức đảng xem xét, không xử lý kỷ luật, trừ trường hợp có vi phạm đặc biệt nghiêm trọng. Như vậy, có thể thấy rằng, tổ chức đảng sẽ tiến hành xem xét, không xử lý kỷ luật đối với Đảng viên vi phạm kỷ luật đã qua đời, trừ trường hợp có vi phạm đặc biệt nghiêm trọng. Hay nói cách khác, Đảng viên vi phạm kỷ luật đặc biệt nghiêm trọng thì mặc dù đã qua đời, thì vẫn sẽ bị xử lý kỷ luật theo quy định. Một số những lưu ý khi thi hành kỷ luật trong Đảng: (1) Tổ chức đảng quyết định kỷ luật oan, sai đối với đảng viên phải thay đổi hoặc hủy bỏ quyết định đó, đồng thời tự phê bình, kiểm điểm, rút kinh nghiệm; nếu vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật thì cấp ủy hoặc ủy ban kiểm tra cấp trên xem xét, quyết định. (2) Đảng viên chính thức vi phạm nghiêm trọng đến mức phải khai trừ thì phải kỷ luật khai trừ, không áp dụng biện pháp xoá tên, không chấp nhận việc xin ra khỏi Đảng. (3) Đảng viên dự bị vi phạm đến mức phải kỷ luật thì kỷ luật khiển trách hoặc cảnh cáo, khi hết thời hạn dự bị, chi bộ vẫn tiến hành xét công nhận đảng viên chính thức. Nếu vi phạm đến mức không còn đủ tư cách đảng viên thì xoá tên trong danh sách đảng viên. (4) Khi kỷ luật một tổ chức đảng phải xem xét trách nhiệm, xử lý kỷ luật đối với những đảng viên vi phạm, nhất là trách nhiệm người đứng đầu tổ chức đảng. (5) Đảng viên bị kỷ luật oan, sai phải được xin lỗi và phục hồi quyền lợi. Việc xin lỗi và phục hồi quyền lợi thực hiện theo quy định của Bộ Chính trị. Nội dung kiểm tra việc thi hành kỷ luật trong Đảng của Ủy ban kiểm tra các cấp là gì? Theo quy định tại điểm a khoản 3.2.3 Điều 8 Quy định 22-QĐ/TW năm 2021 thì nội dung kiểm tra việc thi hành kỷ luật trong Đảng của Ủy ban kiểm tra các cấp là: (1) Đối với tổ chức đảng - Việc thực hiện phương hướng, phương châm, nguyên tắc, quy trình, thủ tục, thẩm quyền thi hành kỷ luật đối với tổ chức đảng, đảng viên và việc giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng. - Xem xét các vụ vi phạm đến mức phải xử lý nhưng không xử lý hoặc xử lý không đúng mức. - Việc chấp hành các quyết định, chỉ thị, kết luận, thông báo của tổ chức đảng cấp trên có liên quan đến việc thi hành kỷ luật và giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng. (2) Đối tượng kiểm tra Các tổ chức đảng cấp dưới có thẩm quyền thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên và giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng. Ngoài ra, theo quy định tại khoản 1.1 Điều 8 Quy định 22-QĐ/TW năm 2021 thì nguyên tắc tổ chức của Ủy ban kiểm tra các cấp như sau: (1) Ủy ban kiểm tra được lập từ đảng ủy cơ sở trở lên, do cấp ủy cùng cấp bầu, bầu ủy viên ủy ban kiểm tra trước, sau đó bầu chủ nhiệm ủy ban kiểm tra trong số ủy viên ủy ban kiểm tra. Phó chủ nhiệm ủy ban kiểm tra do ủy ban kiểm tra bầu trong số ủy viên ủy ban kiểm tra. Việc bầu cử được thực hiện theo Quy chế bầu cử trong Đảng. (2) Nhiệm kỳ hoạt động của ủy ban kiểm tra theo nhiệm kỳ của cấp ủy cùng cấp. Ủy ban kiểm tra khoá mới điều hành công việc ngay sau khi được bầu và nhận bàn giao từ ủy ban kiểm tra khoá trước. Chủ nhiệm ủy ban kiểm tra được ký ban hành văn bản ngay sau khi được bầu. (3) Các thành viên ủy ban kiểm tra và chủ nhiệm, phó chủ nhiệm ủy ban kiểm tra cấp dưới phải được cấp ủy cấp trên trực tiếp chuẩn y, nếu điều động chủ nhiệm ủy ban kiểm tra sang công tác khác phải được cấp ủy cấp trên trực tiếp đồng ý. (4) Ủy ban kiểm tra phối hợp với ban tổ chức của cấp ủy cùng cấp và cấp ủy cấp dưới chuẩn bị nhân sự ủy ban kiểm tra cấp dưới; giúp cấp ủy xây dựng, ban hành quy chế làm việc của ủy ban kiểm tra; tham mưu kiện toàn cơ quan ủy ban kiểm tra về tổ chức bộ máy, đào tạo, bồi dưỡng, thực hiện chế độ, chính sách, xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm tra. (5) Ban Tổ chức Trung ương chủ trì, phối hợp với Ủy ban Kiểm tra Trung ương tham mưu Ban Bí thư quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của cơ quan ủy ban kiểm tra cấp dưới. Tóm lại, tổ chức đảng sẽ tiến hành xem xét, không xử lý kỷ luật đối với Đảng viên vi phạm kỷ luật đã qua đời, trừ trường hợp có vi phạm đặc biệt nghiêm trọng.
Miễn nhiệm là gì? Phân biệt miễn nhiệm, bãi nhiệm và cách chức
Miễn nhiệm là gì? Bài viết sẽ cung cấp một số thông tin liên quan đến vấn đề này. Vậy, miễn nhiệm là gì? Phân biệt miễn nhiệm, bãi nhiệm và cách chức như thế nào? Miễn nhiệm là gì? Theo khoản 6 Điều 7 Luật Cán bộ, công chức 2008 quy định như sau: Miễn nhiệm là việc cán bộ, công chức được thôi giữ chức vụ, chức danh khi chưa hết nhiệm kỳ hoặc chưa hết thời hạn bổ nhiệm. Tại Khoản 1 Điều 2 Quy định 41-QĐ/TW năm 2021 quy định miễn nhiệm là việc cấp có thẩm quyền quyết định cho cán bộ thôi giữ chức vụ khi chưa hết nhiệm kỳ hoặc chưa hết thời hạn bổ nhiệm do không đáp ứng được yêu cầu công việc, uy tín giảm sút, có vi phạm nhưng chưa đến mức xử lý kỷ luật cách chức. Như vậy, miễn nhiệm được thể hiện qua hình thức thôi giữ chức vụ, chức danh. Phân biệt miễn nhiệm, bãi nhiệm và cách chức Tiêu chí phân biệt Miễn nhiệm Bãi nhiệm Cách chức Về khái niệm Theo Khoản 6 Điều 7 Luật Cán bộ, công chức 2008 là cán bộ, công chức được thôi giữ chức vụ, chức danh khi chưa hết nhiệm kỳ hoặc chưa hết thời hạn bổ nhiệm. Theo Khoản 7 Điều 7 Luật Cán bộ, công chức 2008 là việc cán bộ không được tiếp tục giữ chức vụ, chức danh khi chưa hết nhiệm kỳ. Theo Khoản 8 Điều 7 Luật Cán bộ, công chức 2008 là việc công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý bị hạ xuống chức vụ thấp hơn. Về chủ thể cán bộ, công chức cán bộ công chức Về ý chí cán bộ, công chức tự xin miễn nhiệm hoặc bị miễn nhiệm cán bộ bị bãi nhiệm công chức bị cách chức Căn cứ xem xét, ra quyết định - Theo Khoản 1 Điều 30 Luật Cán bộ, công chức 2008, cán bộ, công chức xin miễn nhiệm khi: + Không đủ sức khỏe; + Không đủ năng lực, uy tín; + Theo yêu cầu nhiệm vụ; + Vì lý do khác. - Theo Khoản 3 Điều 29 Luật Cán bộ, công chức 2008: cán bộ 02 năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ thì cơ quan, tổ chức có thẩm quyền miễn nhiệm, cho thôi làm nhiệm vụ. - Theo Điều 54 Luật Cán bộ, công chức 2008 quy định miễn nhiệm đối với công chức khi: + Bị kỷ luật cảnh cáo hoặc khiển trách nhưng uy tín giảm sút không thể đảm nhiệm chức vụ được giao. + Bị kỷ luật khiển trách hai lần trở lên trong cùng một nhiệm kỳ hoặc trong thời hạn bổ nhiệm. + Có trên 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp tại kỳ lấy phiếu theo quy định. + Có hai năm liên tiếp được xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ. + Bị cơ quan có thẩm quyền kết luận suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa"; + Vi phạm những điều đảng viên không được làm; vi phạm trách nhiệm nêu gương, ảnh hưởng xấu đến uy tín của bản thân và cơ quan, đơn vị nơi đang công tác. - Bị cơ quan có thẩm quyền kết luận vi phạm tiêu chuẩn chính trị theo quy định về bảo vệ chính trị nội bộ của Đảng đến mức phải miễn nhiệm. Vi phạm các quy định của Luật cán bộ, công chức năm 2008 và một số quy định khác của pháp luật tùy theo mức độ. - Do có hành vi vi phạm pháp luật - Vi phạm về phẩm chất đạo đức - Không còn xứng đáng giữ chức vụ được giao - Chỉ áp dụng với cán bộ được phê chuẩn giữ chức vụ theo nhiệm kỳ Có phải là hình thức kỷ luật? Căn cứ theo Điều 78 Luật Cán bộ, công chức 2008 không phải phải Hậu quả pháp lý - Cán bộ sẽ thôi không còn làm việc tại cơ quan, đơn vị nhà nước nữa. - Công chức lãnh đạo, quản lý sau khi từ chức hoặc miễn nhiệm được bố trí công tác phù hợp với chuyên môn, nghiệp vụ được đào tạo hoặc nghỉ hưu, thôi việc. - Công chức lãnh đạo, quản lý xin miễn nhiệm nhưng chưa được cấp có thẩm quyền đồng ý vẫn phải tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình. Không được tiếp tục giữ chức vụ, chức danh - Cán bộ, công chức bị kéo dài thời gian lương 12 tháng - Cán bộ, công chức không được nâng ngạch, đào tạo, bổ nhiệm trong thời hạn 12 tháng - Cán bộ, công chức bị cách chức do tham nhũng thì không được bổ nhiệm vào vị trí lãnh đạo Bổ nhiệm công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý Việc bổ nhiệm công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý được thực hiện theo quy định tại Điều 51 Luật Cán bộ, công chức 2008 như sau: - Việc bổ nhiệm công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý phải căn cứ vào: + Nhu cầu, nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị; + Tiêu chuẩn, điều kiện của chức vụ lãnh đạo, quản lý. Thẩm quyền, trình tự, thủ tục bổ nhiệm công chức lãnh đạo, quản lý được thực hiện theo quy định của pháp luật và của cơ quan có thẩm quyền. - Thời hạn bổ nhiệm công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý là 05 năm; khi hết thời hạn, cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền phải xem xét bổ nhiệm lại hoặc không bổ nhiệm lại. - Công chức được điều động đến cơ quan, tổ chức, đơn vị khác hoặc được bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý mới thì đương nhiên thôi giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý đang đảm nhiệm, trừ trường hợp kiêm nhiệm. Sau khi được bổ nhiệm, công chức lãnh đạo, quản lý nếu xét thấy mình đáp ứng các điều kiện miễn nhiệm thì có thể tự xin hoặc cơ quan có thẩm quyền xét thấy công chức thuộc một trong các trường hợp bị miễn nhiệm thì sẽ xem xét miễn nhiệm, quy trình cụ thể như sau: Quy trình xem xét miễn nhiệm đối với công chức lãnh đạo, quản lý Theo Khoản 2 Điều 66 Nghị định Nghị định 138/2020/NĐ-CP, quy trình xem xét miễn nhiệm đối với công chức lãnh đạo, quản lý được quy định như sau: - Khi có đủ căn cứ miễn nhiệm đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý quy định tại khoản 1 Điều này, người đứng cơ quan trực tiếp sử dụng công chức hoặc cơ quan tham mưu về tổ chức cán bộ đề xuất với cấp có thẩm quyền theo phân cấp quản lý cán bộ; - Chậm nhất sau 30 ngày kể từ ngày nhận được văn bản đề xuất việc miễn nhiệm, tập thể lãnh đạo cơ quan, tổ chức có thẩm quyền phải thảo luận, biểu quyết bằng phiếu kín. Việc quyết định miễn nhiệm đối với công chức phải được trên 50% tổng số thành viên tập thể lãnh đạo đồng ý; Trường hợp nhân sự đạt tỷ lệ 50% thì do người đứng đầu quyết định. - Công chức lãnh đạo, quản lý sau khi bị miễn nhiệm, người đứng đầu cơ quan, tổ chức bố trí công tác phù hợp; Công chức có trách nhiệm chấp hành quyết định phân công của cấp có thẩm quyền. Trường hợp công chức bị miễn nhiệm do xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ trong hai năm liên tiếp thì cơ quan có thẩm quyền cho thôi việc theo quy định của pháp luật. Trên đây là thông tin về miễn nhiệm và phân biệt miễn nhiệm với các hình thức kỷ luật như bãi nhiệm, cách chức cũng như quy định về bổ nhiệm, miễn nhiệm công chức giữ chức vụ quản lý. Người đọc có thể tham khảo để tìm hiểu thêm những quy định của pháp luật.
Cán bộ tham nhũng nhưng chỉ bị xử lý kỷ luật, đúng hay sai?
Tham nhũng là quốc nạn của bất kỳ đất nước nào trên thế giới. Cán bộ tham nhũng là nhũng nhiễu dân, tham lam, vơ vét quyền lực, lợi ích về mình và là tội đáng lên án hàng đầu tại nước ta. Tuy nhiên, có phải cán bộ nào tham nhũng cũng sẽ phải bị trừng trị thật nặng, hay có những trường hợp chỉ bị xử lý kỷ luật. Hãy cùng nhau tìm hiểu. 1. Pháp luật quy định về cán bộ như thế nào? Theo khoản 1 Điều 4 Luật cán bộ, công chức 2008, cán bộ được giải thích như sau: Cán bộ là công dân Việt Nam, được bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm giữ chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương, ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh), ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là cấp huyện), trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó, căn cứ Điều 18 Luật cán bộ công chức quy định những việc cán bộ, công chức không được làm liên quan đến đạo đức công vụ: - Trốn tránh trách nhiệm, thoái thác nhiệm vụ được giao; gây bè phái, mất đoàn kết; tự ý bỏ việc hoặc tham gia đình công. - Sử dụng tài sản của Nhà nước và của nhân dân trái pháp luật. - Lợi dụng, lạm dụng nhiệm vụ, quyền hạn; sử dụng thông tin liên quan đến công vụ để vụ lợi. - Phân biệt đối xử dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo dưới mọi hình thức Như vậy, không chỉ là vấn đề đạo đức, pháp luật cũng đã quy định, cán bộ không được lợi dụng, lạm dụng nhiệm vụ, quyền hạn để vụ lợi. 2. Tham nhũng được quy định như thế nào? Chúng ta có hẳn một luật riêng về tham nhũng. Căn cứ khoản 1,2 Điều 3 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, quy định về tham nhũng: - Tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi. - Cán bộ, công chức, viên chức là người có chức vụ, quyền hạn là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do tuyển dụng, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ đó, Qua đó, ta có thể nói, cán bộ là một trong những đối tượng được Luật tham nhũng điều chỉnh. Căn cứ, khoản 1 Điều 92 Luật Phòng, chống tham nhũng nêu rõ: Người có hành vi tham nhũng giữ bất kỳ chức vụ, vị trí công tác nào đều phải bị xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật, kể cả người đã nghỉ hưu, thôi việc, chuyển công tác. Ngoài ra, căn cứ khoản 1 khoản 2 Điều 9 Nghị định 112/2020/NĐ-CP quy định áp dụng hình thức kỷ luật cảnh cáo đối với cán bộ, công chức: “Có hành vi vi phạm lần đầu.” Bên cạnh đó, căn cứ Điều 78 Luật cán bộ công chức 2008, quy định về xử lý kỷ luật cán bộ, khi cán bộ vi phạm các quy định tại Luật này: + Khiển trách. + Cảnh cáo. + Cách chức. + Bãi nhiệm. - Việc cách chức chỉ áp dụng đối với cán bộ được phê chuẩn giữ chức vụ theo nhiệm kỳ. - Cán bộ phạm tội bị tòa án kết án và bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật thì đương nhiên thôi giữ chức vụ do bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm; trường hợp bị tòa án phạt tù mà không được hưởng án treo thì đương nhiên bị thôi việc. Như vậy, các quy định trên áp dụng cho cán bộ khi họ vi phạm hành vi tham nhũng ở mức độ nhẹ và lần đầu. Cán bộ có thể bị khiển trách, cảnh cáo, cách chức, bãi nhiệm, bị thôi việc. 3. Luật hình sự quy định tội danh tham nhũng Bộ luật hình sự 2015, quy định về mức phạt của các tội danh liên quan đến tham nhũng từ Điều 353-359: Mức phạt nhẹ nhất Mức phạt nặng nhất Tội tham ô tài sản 2 năm tù 20 năm tù, chung thân, tử hình Tội nhận hối lộ 2 năm tù 20 năm tù, chung thân, tử hình Tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản 1 năm 20 năm tù, chung thân Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm 15 năm. Tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ 1 năm. 20 năm. Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi 1 năm. 20 năm hoặc tù chung thân Tội giả mạo trong công tác 1 năm. 20 năm Xem chi tiết tại: Bộ luật hình sự 2015 Không phải tự nhiên mà Bộ luật hình sự 2015 dành hẳn một mục để quy định các tội danh về tham nhũng, đặc biệt là tham nhũng của những người có chức vụ như các cán bộ. Như đã nói, tham nhũng là tội danh cực kỳ nguy hiểm ảnh hưởng đến cả an ninh, trật tự xã hội, làm lung lay cán cân quyền lực quản lý của nhà nước, do đó tội danh tham nhũng bị xử phạt rất nâng, các mức phạt lớn nhất đều từ 15 năm đến cả tử hình. Do đó, cán bộ tham nhũng nhưng chỉ bị xử lý kỷ luật là không đúng, vì thực tế hành vi này bị xử lý rất nghiêm ngặt và khi bị xử lý hình sự chắc chắn họ cũng sẽ bị thôi việc hoặc cách chức như đã đề cập ở xử lý kỷ luật. Tổng kết lại, tham nhũng là hành vi nguy hiểm, gây mất trật tự xã hội và có thể đối diện các án tù cực nặng, đặc biệt là đối với các cán bộ.
Vợ chồng là viên chức, không phải Đảng viên có được sinh con thứ ba không?
Viên chức là gì? Vợ chồng đều là viên chức, không phải Đảng viên có được sinh con thứ ba không? Đã xử lý kỷ luật người vợ rồi có xử lý người chồng không? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết sau đây. (1) Viên chức là gì? Căn cứ theo Điều 2 Luật Viên chức 2010 quy định về viên chức như sau: - Là công dân Việt Nam: viên chức phải có quốc tịch Việt Nam và không có quốc tịch khác. - Được tuyển dụng theo vị trí việc làm: viên chức được tuyển dụng dựa trên các yêu cầu cụ thể của vị trí việc làm, chứ không phải dựa vào chức danh. - Làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập: viên chức làm việc tại các đơn vị sự nghiệp công lập như trường học, bệnh viện, viện nghiên cứu,... - Theo chế độ hợp đồng làm việc: viên chức ký hợp đồng lao động với đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó ghi rõ các quyền và nghĩa vụ của hai bên. - Hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập: viên chức được hưởng lương từ ngân sách nhà nước, chứ không phải từ nguồn thu của đơn vị. Như vậy, công dân Việt Nam được tuyển dụng theo vị trí việc làm, làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập theo chế độ hợp đồng làm việc, hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật thì được xem là viên chức. (2) Vợ chồng đều là viên chức, không phải Đảng viên có được sinh con thứ ba không? Căn cứ theo Điều 2 Nghị định 20/2010/NĐ-CP và Nghị định 18/2011/NĐ-CP có quy định về những trường hợp không vi phạm quy định như sau: - Cặp vợ chồng sinh con thứ ba, nếu cả hai hoặc một trong hai người thuộc dân tộc có số dân dưới 10.000 người hoặc thuộc dân tộc có nguy cơ suy giảm số dân (tỷ lệ sinh nhỏ hơn hoặc bằng tỷ lệ chết) theo công bố chính thức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. - Cặp vợ chồng sinh con lần thứ nhất mà sinh ba con trở lên. - Cặp vợ chồng đã có một con đẻ, sinh lần thứ hai mà sinh hai con trở lên. - Cặp vợ chồng sinh lần thứ ba trở lên, nếu tại thời điểm sinh chỉ có một con đẻ còn sống, kể cả con đẻ đã cho làm con nuôi. - Cặp vợ chồng sinh con thứ ba, nếu đã có hai con đẻ nhưng một hoặc cả hai con bị dị tật hoặc mắc bệnh hiểm nghèo không mang tính di truyền, đã được Hội đồng Giám định y khoa cấp tỉnh hoặc cấp Trung ương xác nhận. - Cặp vợ chồng đã có con riêng (con đẻ): + Sinh một con hoặc hai con, nếu một trong hai người đã có con riêng (con đẻ); + Sinh một con hoặc hai con trở lên trong cùng một lần sinh, nếu cả hai người đã có con riêng (con đẻ). Quy định này không áp dụng cho trường hợp hai người đã từng có hai con chung trở lên và các con hiện đang còn sống. - Phụ nữ chưa kết hôn sinh một hoặc hai con trở lên trong cùng một lần sinh. Như vậy, vợ, chồng là viên chức chỉ được phép sinh con thứ ba khi thuộc một trong những trường hợp nêu trên. (3) Trường hợp vi phạm đã xử lý kỷ luật người vợ rồi thì người chồng có bị kỷ luật không? Căn cứ theo quy định tại Điều 8 Nghị định 112/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung bởi Khoản 6 Điều 1 Nghị định 71/2023/NĐ-CP như sau: “Vi phạm quy định của pháp luật về: phòng, chống bạo lực gia đình; dân số, hôn nhân và gia đình; bình đẳng giới; an sinh xã hội; quy định khác của Đảng và của pháp luật liên quan đến cán bộ, công chức.” Có thể thấy, pháp luật hiện hành chỉ không thực hiện xử phạt hành chính đối với cặp vợ chồng có vợ hoặc chồng hoặc cả hai người là viên chức cũng như các cặp vợ chồng khác khi sinh con thứ ba nếu thuộc các trường hợp như đã nêu tại mục (2). Tuy nhiên, với vai trò là viên chức mà vi phạm Điều 8 nêu trên thì vẫn sẽ bị kỷ luật. Như vậy, trường hợp cả hai vợ chồng cùng là viên chức (không phải Đảng viên) vi phạm chính sách dân số sẽ đồng thời kỷ luật cả hai vợ chồng. Để tổng kết lại, cặp vợ chồng là viên chức, không phải Đảng viên chỉ có thể được sinh con thứ 3 nếu thuộc một trong những trường hợp không vi phạm do pháp luật quy định. Trường hợp vi phạm thì cả 02 vợ chồng sẽ bị xử lý kỷ luật theo quy định.
Chỉ dẫn Quy trình Giải quyết khiếu nại kỷ luật Đảng viên?
Để chuẩn bị cho công tác tổ chức rà soát kỷ luật Đảng viên, bài viết này cung cấp thông tin cho người đọc các bước trong quá trình giải quyết khiếu nại kỷ luật Đảng viên đang có hiệu lực áp dụng theo Quyết định 354-QĐ/UBKTTW năm 2021 như sau: (1) CHUẨN BỊ - Căn cứ đơn khiếu nại quyết định kỷ luật đảng, kết quả làm việc với đảng viên khiếu nại (sau đây gọi là đối tượng khiếu nại); cán bộ theo dõi địa bàn đề xuất, báo cáo (bằng văn bản) với thường trực ủy ban: Đảng viên khiếu nại; tóm tắt nội dung khiếu nại; kế hoạch và dự kiến thành viên đoàn (tổ) giải quyết khiếu nại (gọi tắt là đoàn kiểm tra). - Thường trực ủy ban xem xét, ban hành quyết định và kế hoạch giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng (mẫu theo quy định). - Đoàn kiểm tra xây dựng lịch làm việc của đoàn; họp đoàn để thông báo kế hoạch, phân công nhiệm vụ cho từng thành viên đoàn; chuẩn bị văn bản, tài liệu liên quan phục vụ việc giải quyết khiếu nại. (2) BƯỚC TIẾN HÀNH - Thành viên ủy ban được phân công chỉ đạo và đại diện đoàn kiểm tra làm việc với (đối tượng khiếu nại; đại diện tổ chức đảng đã quyết định kỷ luật hoặc đã giải quyết khiếu nại kỷ luật) để triển khai quyết định, kế hoạch; thống nhất lịch làm việc; yêu cầu đối tượng khiếu nại cung cấp tài liệu (nếu có); đề nghị chỉ đạo tổ chức đảng và đảng viên có liên quan phối hợp thực hiện. Trường hợp cần thiết, triển khai theo hình thức họp trực tuyến hoặc gửi văn bản theo đường công văn. + Đoàn kiểm tra tiến hành thẩm tra, xác minh; làm việc với: + Đối tượng khiếu nại, tổ chức đảng đã quyết định kỷ luật hoặc đã giải quyết khiếu nại kỷ luật, tổ chức đảng liên quan để làm rõ nội dung khiếu nại. - Cấp ủy trực tiếp quản lý đối tượng khiếu nại để xác minh về tư cách, phẩm chất của đối tượng khiếu nại từ sau khi bị kỷ luật đến thời điểm giải quyết khiếu nại. + Các tổ chức, cá nhân có liên quan để bổ sung, thu thập tài liệu. + Nếu có tình tiết mới làm thay đổi bản chất vụ việc; cần phải điều chỉnh, bổ sung nội dung, thời gian, thành phần đoàn kiểm tra, giám định kỹ thuật, chuyên môn thì trưởng đoàn kiểm tra báo cáo thành viên ủy ban chỉ đạo để báo cáo thường trực ủy ban xem xét, quyết định. + Đoàn kiểm tra trao đổi với đối tượng khiếu nại những nội dung cần giải trình, bổ sung, làm rõ. Xây dựng dự thảo báo cáo kết quả giải quyết khiếu nại (mẫu theo quy định). - Các tổ chức đảng có liên quan tổ chức hội nghị: Cấp ủy hoặc ban thường vụ cấp ủy đã quyết định kỷ luật hoặc giải quyết khiếu nại kỷ luật tổ chức và chủ trì, ghi biên bản hội nghị để đoàn kiểm tra thông qua dự thảo báo cáo kết quả giải quyết khiếu nại và trao đổi các nội dung liên quan; hội nghị thảo luận thống nhất về đề nghị giữ nguyên hình thức kỷ luật đã áp dụng hoặc quyết định giải quyết khiếu nại; biểu quyết bằng phiếu kín về đề nghị thay đổi hoặc xóa bỏ hình thức kỷ luật đã áp dụng đối với trường hợp có tình tiết mới dẫn đến thay đổi bản chất của vụ việc. - Đoàn kiểm tra làm việc với đối tượng khiếu nại; tiếp tục thẩm tra, xác minh những nội dung chưa rõ (nếu có); hoàn chỉnh dự thảo báo cáo kết quả giải quyết khiếu nại; trao đổi ý kiến với người đứng đầu (đơn vị theo dõi địa bàn; không phải là trưởng đoàn hoặc thành viên đoàn kiểm tra) về kết quả giải quyết khiếu nại; báo cáo xin ý kiến đồng chí thành viên ủy ban chỉ đạo đoàn, thường trực ủy ban (nếu cần) trước khi trình ủy ban kiểm tra. (3) BƯỚC KẾT THÚC - Ủy ban kiểm tra xem xét, kết luận: - Đoàn kiểm tra báo cáo kết quả giải quyết khiếu nại; trình bày đầy đủ ý kiến của đối tượng khiếu nại, ý kiến và đề nghị của tổ chức đảng có liên quan; báo cáo về tư cách, phẩm chất của đối tượng khiếu nại từ sau khi bị kỷ luật đến thời điểm giải quyết khiếu nại. + Ủy ban kết luận, biểu quyết quyết định chuẩn y, thay đổi hình thức kỷ luật hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền quyết định thay đổi hình thức kỷ luật (nếu có). + Đơn vị theo dõi địa bàn có ý kiến bằng văn bản báo cáo ủy ban về kết quả và hoạt động của đoàn kiểm tra. + Đoàn kiểm tra hoàn chỉnh báo cáo kết quả giải quyết khiếu nại; phối hợp với (đơn vị hoặc cán bộ tổng hợp) hoàn chỉnh thông báo kết luận, quyết định giải quyết khiếu nại hoặc báo cáo đề nghị cấp có thẩm quyền quyết định thay đổi hình thức kỷ luật đối với đối tượng khiếu nại, báo cáo thành viên ủy ban chỉ đạo đoàn kiểm tra trước khi trình thường trực ủy ban ký, ban hành. + Thành viên ủy ban chỉ đạo và đại diện đoàn kiểm tra công bố thông báo kết luận, quyết định giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng đến đối tượng khiếu nại và tổ chức đảng đã quyết định kỷ luật hoặc giải quyết khiếu nại, Trường hợp cần thiết, triển khai theo hình thức họp trực tuyến hoặc gửi văn bản theo đường công văn; hoặc ủy quyền cho tổ chức đảng có thẩm quyền thông báo quyết định giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng đến đối tượng và tổ chức đảng có liên quan. + Đoàn kiểm tra họp rút kinh nghiệm; trưởng đoàn có văn bản nhận xét, đánh giá từng thành viên đoàn kiểm tra, gửi người đứng đầu các đơn vị có cán bộ tham gia đoàn; lập hồ sơ và nộp lưu trữ theo quy định. + Vụ địa bàn, đơn vị, cán bộ theo dõi địa bàn giám sát việc chấp hành kết luận, quyết định của Ủy ban. Theo đó, Đảng viên đang làm việc tại cơ quan, đơn vị nhà nước bị xử lý kỷ luật Đảng trước đó khi cảm thấy không đồng ý với quyết định xử lý khiếu nại của cơ quan có thẩm quyền thì có thể khiếu nại quyết định này và quyết định xử lý kỷ luật Đảng phải được thực hiện theo các bước như trên nhằm giải quyết thỏa đáng quyền lợi khiếu nại của Đảng viên.
Hình thức kỷ luật theo Quy định 124, ngày 04/10/2023 của Ban Chấp hành Trung ương
Xin chào Thư viện pháp luật. Tôi có 01 câu hỏi về công tác đánh giá xếp loại năm 2023 như sau: Cơ quan tôi có 01 đồng chí chuyển về năm 2021. Năm 2020 đồng chí có vi phạm tại đơn vị cũ (hình thức khiển trách), tuy nhiên đến năm 2023 mới có quyết định thi hành kỷ luật. Căn cứ Điểm 4.5, Khoản 4, Điều 12 Quy định 124, ngày 04/10/2023 của BCH Trung ương có quy định: "Trường hợp tập thể, cá nhân có khuyết điểm, vi phạm xảy ra từ năm trước, thời điểm trước nhưng đến thời điểm năm đánh giá, xếp loại mới bị cấp có thẩm quyền quyết định thi hành kỷ luật hoặc tập thể, cá nhân bị cấp có thẩm quyền quyết định tăng nặng hình thức kỷ luật trong năm đánh giá, xếp loại thì tổ chức đảng cấp trên có thẩm quyền căn cứ vào hình thức kỷ luật, nội dung, động cơ, tính chất, mức độ, hậu quả, nguyên nhân vi phạm, hoàn cảnh cụ thể để xem xét, đánh giá xếp loại lại tại thời điểm xảy ra khuyết điểm, vi phạm". Vậy xin hỏi là đồng chí này năm 2023 có được đánh giá xếp loại "Hoàn thành tốt nhiệm vụ" không? (năm 2023 không vi phạm gì và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao) rất mong nhận được câu trả lời từ Thư viện pháp luật. Cám ơn!
Viên chức có hành vi vi phạm pháp luật về giao thông có bị buộc thôi việc?
Viên chức có hành vi vi phạm pháp luật về giao thông có bị buộc thôi việc? Tình huống phát sinh: Chào luật sư đơn vị tôi có viên chức bình thường không phải viên chức quản lý 04 tháng nay đã vi phạm 02 lần về nồng độ cồn khi tham gia giao thông, thì trường hợp này nếu áp dụng cho thôi việc được không? Không có hậu quả gì về người và tài sản. Xin chân thành cảm ơn. Căn cứ Điều 19 Nghị định 112/2020/NĐ-CP quy định áp dụng hình thức kỷ luật buộc thôi việc đối với viên chức như sau: Hình thức kỷ luật buộc thôi việc áp dụng đối với viên chức có hành vi vi phạm thuộc một trong các trường hợp sau đây: 1. Đã bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cách chức đối với viên chức quản lý hoặc cảnh cáo đối với viên chức không giữ chức vụ quản lý mà tái phạm; 2. Có hành vi vi phạm lần đầu, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 16 Nghị định này; 3. Viên chức quản lý có hành vi vi phạm lần đầu, gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 17 Nghị định này; 4. Sử dụng văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận, xác nhận giả hoặc không hợp pháp để được tuyển dụng vào cơ quan, tổ chức, đơn vị; 5. Nghiện ma túy; đối với trường hợp này phải có xác nhận của cơ sở y tế hoặc thông báo của cơ quan có thẩm quyền. Thẩm quyền xử lý kỷ luật đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý? Căn cứ Khoản 10 Điều 1 Nghị định 71/2023/NĐ-CP quy định về Thẩm quyền xử lý kỷ luật đối với công chức như sau: 1. Đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền bổ nhiệm hoặc được phân cấp thẩm quyền bổ nhiệm tiến hành xử lý kỷ luật và quyết định hình thức kỷ luật. 2. Đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu cơ quan quản lý hoặc người đứng đầu cơ quan được phân cấp thẩm quyền quản lý công chức tiến hành xử lý kỷ luật và quyết định hình thức kỷ luật, trừ trường hợp quy định tại khoản 6 Điều 28 Nghị định này. Đối với công chức cấp xã, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện tiến hành xử lý kỷ luật và quyết định hình thức kỷ luật. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện trước khi chủ trì tổ chức họp kiểm điểm theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 26 Nghị định này. 3. Đối với công chức biệt phái, người đứng đầu cơ quan nơi công chức được cử đến biệt phái tiến hành xử lý kỷ luật, thống nhất hình thức kỷ luật với cơ quan cử biệt phái trước khi quyết định hình thức kỷ luật. Trường hợp kỷ luật bằng hình thức buộc thôi việc thì căn cứ vào đề xuất của Hội đồng xử lý kỷ luật, cơ quan cử biệt phái ra quyết định buộc thôi việc. Hồ sơ, quyết định kỷ luật công chức biệt phái phải được gửi về cơ quan quản lý công chức biệt phái. 4. Đối với công chức làm việc trong Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân thì thẩm quyền xử lý kỷ luật được thực hiện theo quy định của cơ quan có thẩm quyền quản lý công chức.”. Thẩm quyền và trình tự xử lý kỷ luật đối với người đã nghỉ việc, nghỉ hưu ? Căn cứ Điều 22, Điều 23 Nghị định 112/2020/NĐ-CP quy định thẩm quyền và trình tự xử lý kỷ luật đối với người đã nghỉ việc, nghỉ hưu như sau: Thẩm quyền xử lý kỷ luật đối với người đã nghỉ việc, nghỉ hưu được quy định như sau: 1. Trường hợp bị xử lý kỷ luật bằng hình thức xóa tư cách chức vụ, chức danh thì cấp có thẩm quyền phê chuẩn, quyết định phê duyệt kết quả bầu cử, bổ nhiệm vào chức vụ, chức danh cao nhất ra quyết định xử lý kỷ luật, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này. Trong trường hợp này, cấp có thẩm quyền quyết định việc xử lý đối với các chức vụ, chức danh khác có liên quan. 2. Trường hợp bị xử lý kỷ luật bằng hình thức khiển trách hoặc cảnh cáo thì cấp có thẩm quyền phê chuẩn, quyết định phê duyệt kết quả bầu cử, bổ nhiệm vào chức vụ, chức danh ra quyết định xử lý kỷ luật, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này. 3. Đối với người giữ chức vụ, chức danh trong cơ quan hành chính nhà nước do Quốc hội phê chuẩn thì Thủ tướng Chính phủ ra quyết định xử lý kỷ luật. Trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật đối với người đã nghỉ việc, nghỉ hưu 1. Căn cứ vào quyết định xử lý kỷ luật của cấp có thẩm quyền, cơ quan tham mưu về công tác cán bộ của cấp có thẩm quyền xử lý kỷ luật đề xuất hình thức kỷ luật, thời điểm xử lý kỷ luật và thời gian thi hành kỷ luật. Trường hợp thuộc thẩm quyền xử lý kỷ luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ thì cơ quan có thẩm quyền quản lý, sử dụng đề xuất hình thức kỷ luật, thời điểm xử lý kỷ luật và thời gian thi hành kỷ luật. Trường hợp thuộc thẩm quyền xử lý của Thủ tướng Chính phủ thì đề xuất được gửi đồng thời tới Bộ Nội vụ để thẩm định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Trường hợp chưa có quyết định xử lý kỷ luật của cấp có thẩm quyền đối với người đã nghỉ việc, nghỉ hưu có hành vi vi phạm trong quá trình công tác, cấp có thẩm quyền xử lý kỷ luật quy định tại Điều 22 Nghị định này quyết định việc xử lý kỷ luật và chịu trách nhiệm về quyết định của mình. 2. Cấp có thẩm quyền ra quyết định xử lý kỷ luật. Do đó, một trong những hành vi vi phạm nêu trên thì có thể buộc thôi việc. tuy nhiên, qua rà soát thì trường hợp đã vi phạm về nồng độ cồn khi tham gia giao thông, cũng không gây hậu quả gì thì trường hợp này nếu áp dụng cho thôi việc là chưa có cơ sở và đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền bổ nhiệm hoặc được phân cấp thẩm quyền bổ nhiệm tiến hành xử lý kỷ luật và quyết định hình thức kỷ luật.