Bị tai nạn giao thông, tài xế dẫn xe vào lề chờ CSGT để không kẹt xe thì có sai quy định?
Hai xe tông nhau, sau đó tài xế tự ý dời xe vào lề để tránh gây ùn tắc giao thông trong thời gian chờ lực lượng chức năng đến giải quyết. Khi CSGT đến thì bị lập biên bản xử phạt về hành vi không giữ nguyên hiện trường thì có đúng không? Bị tai nạn giao thông, tài xế dẫn xe vào lề chờ CSGT để không kẹt xe thì có sai quy định? Theo khoản 3 Điều 7 Thông tư 63/2020/TT-BCA quy định về giải quyết ban đầu khi cán bộ Cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát phát hiện vụ tai nạn giao thông hoặc được phân công đến hiện trường vụ tai nạn giao thông, trong đó: Một trong những nhiệm vụ mà cán bộ Cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát phát hiện vụ tai nạn giao thông hoặc được lãnh đạo có thẩm quyền phân công đến hiện trường phải thực hiện là tổ chức, hướng dẫn giao thông không để xảy ra ùn tắc: - Trường hợp phương tiện giao thông liên quan đến vụ tai nạn giao thông có thể gây ùn tắc giao thông thì phải đánh dấu vị trí của phương tiện, vị trí các dấu vết trên phương tiện, chụp ảnh, ghi hình phương tiện và vị trí phương tiện rồi nhanh chóng đưa phương tiện vào vị trí thích hợp để bảo vệ (trừ trường hợp quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 7 Thông tư 63/2020/TT-BCA); - Trường hợp vụ tai nạn giao thông đã gây ùn tắc giao thông phải báo cáo lãnh đạo đơn vị để có phương án tăng cường lực lượng, phương tiện, phân luồng giao thông, giải quyết ùn tắc từ xa. Như vậy, trách nhiệm di chuyển phương tiện để bảo vệ cũng như tránh ùn tắc giao thông là thuộc về cán bộ CSGT, người bị tai nạn, người dân phải giữ nguyên hiện trường để lực lượng chức năng xử lý. Như vậy khi bị tai nạn giao thông mà tài xế tự ý dẫn xe vào lề chờ CSGT để không bị kẹt xe là sai quy định. Bị tai nạn giao thông mà không giữ nguyên hiện trường bị phạt bao nhiêu? (1) Đối với xe ô tô Theo khoản 2, khoản 8 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô như sau: - Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng và tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng đối với người điều khiển xe có liên quan trực tiếp đến vụ tai nạn giao thông mà không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, không tham gia cấp cứu người bị nạn, trừ hành vi dưới đây - Phạt tiền từ 16.000.000 đồng đến 18.000.000 đồng và tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 05 tháng đến 07 tháng đối với người điều khiển xe gây tai nạn giao thông không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, bỏ trốn không đến trình báo với cơ quan có thẩm quyền, không tham gia cấp cứu người bị nạn. (2) Đối với xe máy Theo khoản 3, khoản 8 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy như sau: - Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng và tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng đối với người điều khiển xe có liên quan trực tiếp đến vụ tai nạn giao thông mà không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, không tham gia cấp cứu người bị nạn, trừ hành vi dưới đây. - Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng và tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 03 tháng đến 05 tháng đối với người điều khiển xe gây tai nạn giao thông không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, bỏ trốn không đến trình báo với cơ quan có thẩm quyền, không tham gia cấp cứu người bị nạn. (3) Đối với máy kéo, xe máy chuyên dùng Theo khoản 3, khoản 8 Điều 7 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt người điều khiển máy kéo, xe máy chuyên dùng (sau đây gọi chung là xe) như sau: - Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng, tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe (khi điều khiển máy kéo), chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ (khi điều khiển xe máy chuyên dùng) từ 01 tháng đến 03 tháng đối với người điều khiển xe có liên quan trực tiếp đến vụ tai nạn giao thông mà không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, không tham gia cấp cứu người bị nạn, trừ hành vi vi phạm dưới đây. - Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng, tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe (khi điều khiển máy kéo), chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ (khi điều khiển xe máy chuyên dùng) từ 05 tháng đến 07 tháng đối với người điều khiển xe gây tai nạn giao thông không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, bỏ trốn không đến trình báo với cơ quan có thẩm quyền, không tham gia cấp cứu người bị nạn. (4) Đối với xe đạp, xe đạp máy (kể cả xe đạp điện) Theo khoản 4 Điều 8 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt người điều khiển xe đạp, xe đạp máy (kể cả xe đạp điện), người điều khiển xe thô sơ khác như sau: Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với người điều khiển xe gây tai nạn giao thông không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, bỏ trốn không đến trình báo với cơ quan có thẩm quyền, không tham gia cấp cứu người bị nạn. Như vậy, tùy theo loại phương tiện đang điều khiển mà người bị tai nạn giao thông mà không giữ nguyên hiện trường sẽ bị phạt từ 400 nghìn (đối với xe đạp) - 18 triệu (đối với ô tô).
Từ 15/11/2024, CSGT chỉ còn phải công khai 05 nội dung khi tuần tra, xử lý VPHC
Ngày 30/9/2024, Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Thông tư 46/2024/TT-BCA sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 67/2019/TT-BCA quy định về thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Theo đó, bãi bỏ 1 trong 6 nội dung mà CSGT phải công khai khi tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính, cụ thể: Căn cứ tại Điều 2 Thông tư 46/2024/TT-BCA của Bộ Công an (có hiệu lực từ ngày 15/11/2024) quy định bãi bỏ điểm d khoản 1, điểm c khoản 2 và điểm b, khoản 3 Điều 5 Thông tư 67/2019/TT-BCA của Bộ Công an về quy định về thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông như sau: “Điều 5. Nội dung công khai của Công an nhân dân trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông 1. Trong công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính: a) Quy trình tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính; b) Tên cơ quan, địa chỉ, số điện thoại trực ban, hòm thư góp ý của cơ quan Công an có nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính; c) Trang phục, số hiệu Công an nhân dân và các phương tiện, thiết bị kỹ thuật, công cụ hỗ trợ được công khai theo quy định; d) Kế hoạch tổng kiểm soát phương tiện giao thông, Kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề về giao thông, kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm thường xuyên, gồm các nội dung cụ thể sau: Tên đơn vị; tuyến đường; các loại phương tiện và các hành vi vi phạm tiến hành kiểm soát, xử lý; thời gian thực hiện; đ) Nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ, chiến sĩ khi làm nhiệm vụ tuần tra kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính; e) Quyền và nghĩa vụ của công dân khi cán bộ, chiến sĩ thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính.” Theo đó, tại Điều 2 Thông tư 46/2024/TT-BCA (có hiệu lực từ 15/11/2024) đã bãi bỏ điểm d khoản 1 Điều 5 Thông tư 67/2019/TT-BCA. Vậy nên, từ 15/11/2024, CSGT sẽ không phải công khai Kế hoạch tổng kiểm soát phương tiện giao thông, kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề về giao thông, kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm thường xuyên, gồm các nội dung cụ thể sau: Tên đơn vị; tuyến đường; các loại phương tiện và các hành vi vi phạm tiến hành kiểm soát, xử lý; thời gian thực hiện trong khi thực hiện công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính. Lý giải việc này, Cục CSGT cho biết, hoạt động của lực lượng CSGT ngoài việc bảo đảm trật tự an toàn giao thông còn trực tiếp hoặc phối hợp với lực lượng nghiệp vụ thực hiện công tác phòng, chống tội phạm trên các tuyến giao thông. Vì vậy, kế hoạch công tác là tài liệu mật hoặc nội bộ trong lực lượng. Thực tiễn quá trình thực thi nhiệm vụ của lực lượng CSGT, nhiều người dân đã yêu cầu lực lượng CSGT xuất trình kế hoạch tuần tra, kiểm soát và chia sẻ lên mạng xã hội nhằm mục đích quấy rối, gây khó khăn cho công tác thi hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông và đấu tranh phòng chống tội phạm trên tuyến giao thông. Thay vào đó, CSGT sẽ phải công khai trong công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính, 05 nội dung sau: - Quy trình tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính; - Tên, địa chỉ, số điện thoại trực ban, hòm thư góp ý, tài khoản mạng xã hội, thời gian tiếp công dân giải quyết xử lý vi phạm hành chính của cơ quan Công an có nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính; (được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 2 Điều 1 Thông tư 46/2024/TT-BCA) - Các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ dùng để phát hiện vi phạm hành chính theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính (được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 2 Điều 1 Thông tư 46/2024/TT-BCA) - Nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ, chiến sỹ khi làm nhiệm vụ tuần tra kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính; - Quyền và nghĩa vụ của công dân khi cán bộ, chiến sỹ thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính.
Từ 15/11, bỏ hình thức giám sát CSGT bằng thiết bị ghi âm, ghi hình
Bộ Công an mới đây đã ban hành Thông tư 46/2024/TT-BCA sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 67/2019/TT-BCA quy định về thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. (1) Từ 15/11, bỏ hình thức giám sát CSGT bằng thiết bị ghi âm, ghi hình Cụ thể, Thông tư 46/2024/TT-BCA đã sửa đổi quy định tại Điều 11 Thông tư 67/2019/TT-BCA về hình thức giám sát của nhân dân trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Theo đó, kể từ ngày 15/11/2024, chỉ còn những hình thức giám sát như sau: - Tiếp cận thông tin công khai của lực lượng công an và trên các phương tiện thông tin đại chúng. - Qua các chủ thể giám sát theo quy định của pháp luật. - Tiếp xúc, giải quyết trực tiếp công việc với cán bộ, chiến sĩ. - Kết quả giải quyết các vụ việc, đơn thư, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. - Quan sát trực tiếp công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Bên cạnh đó, quy định cũng có nêu rõ, trong quá trình giám sát, nhân dân phải đảm bảo các điều kiện bao gồm: Không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cán bộ, chiến sĩ khi đang thực thi nhiệm vụ; ở ngoài khu vực thực thi công vụ. Đồng thời, cũng phải tuân thủ các quy định pháp luật khác có liên quan. Theo đó, có thể thấy, hình thức giám sát thông qua thiết bị ghi âm, ghi hình ở Thông tư 67/2019/TT-BCA đã được loại bỏ. (2) Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 67/2019/TT-BCA về thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông Cụ thể, tại Thông tư 46/2024/TT-BCA đã sửa đổi, bổ sung khoản 2, khoản 3 Điều 4 Thông tư 67/2019/TT-BCA như sau: - Khu vực thực thi công vụ là nơi được giới hạn bằng cọc tiêu hình chóp nón hoặc dây căng để cán bộ, chiến sĩ thực thi nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và an ninh, trật tự. Khu vực thực thi công vụ phải tuân thủ các quy định pháp luật khác có liên quan. - Dây căng là dây có nền màu đỏ, viền màu vàng, chiều rộng từ 5cm đến 10cm; trên dây có in dòng chữ “HÀNG RÀO CẢNH SÁT. CẢM VƯỢT QUA - POLICE LINE. DO NOT CROSS” màu vàng có phản quang. Bên cạnh đó, cũng sửa đổi, bổ sung điểm b, điểm c khoản 1, điểm b, điểm d khoản 2 và bổ sung điểm d vào sau điểm c khoản 4 Điều 5 Thông tư 67/2019/TT-BCA như sau: - Tên, địa chỉ, số điện thoại trực ban, hòm thư góp ý, tài khoản mạng xã hội, thời gian tiếp công dân giải quyết xử lý vi phạm hành chính của cơ quan Công an có nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính. - Các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ dùng để phát hiện vi phạm hành chính theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012. Thêm nữa, Thông tư 46/2024/TT-BCA cũng sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 1 Điều 5 Thông tư 67/2019/TT-BCA thành các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ dùng để phát hiện vi phạm hành chính theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012. Đồng thời, sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 2 Điều 5 Thông tư 67/2019/TT-BCA như sau: “b) Tên, địa chỉ, thời gian làm việc, số điện thoại trực ban, hòm thư góp ý, tài khoản mạng xã hội của cơ quan Công an có nhiệm vụ đăng ký, cấp biển số xe;”. Ngoài ra, cũng sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 6 Thông tư 67/2019/TT-BCA thành Đăng tải trên Cổng thông tin điện tử, Trang thông tin điện tử, tài khoản mạng xã hội của cơ quan Công an. Xem chi tiết tại Thông tư 46/2024/TT-BCA có hiệu lực từ ngày 12/11/2024.
Bỏ chạy khi CSGT yêu cầu dừng xe kiểm tra bị phạt bao nhiêu?
Khi người dân được CSGT yêu cầu dừng xe kiểm tra nhưng không chấp hành mà bỏ chạy thì sẽ bị phạt bao nhiêu? Bỏ chạy có phải là chống người thi hành công vụ không? Bỏ chạy khi CSGT yêu cầu dừng xe có phải là chống người thi hành công vụ? Theo Điều 3 Nghị định 208/2013/NĐ-CP quy định: Hành vi chống người thi hành công vụ là hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc không chấp hành hiệu lệnh, yêu cầu của người thi hành công vụ hoặc có hành vi khác nhằm cản trở người thi hành công vụ thực hiện nhiệm vụ được giao hoặc ép buộc người thi hành công vụ không thực hiện nhiệm vụ được giao. Trong đó, người thi hành công vụ là cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ lực lượng vũ trang nhân dân được cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân có thẩm quyền giao thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật và được pháp luật bảo vệ nhằm phục vụ lợi ích của Nhà nước, nhân dân và xã hội. Mà theo Điều 330 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về tội chống người thi hành công vụ sẽ áp dụng khi có người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật. Như vậy, việc người dân bỏ chạy khi CSGT yêu cầu dừng xe kiểm tra là đang không chấp hành hiệu lệnh, theo đó cũng là một dạng chống người thi hành công vụ. Tuy nhiên, hành vi này chỉ nằm ở mức xử phạt vi phạm hành chính chứ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Bỏ chạy khi CSGT yêu cầu dừng xe kiểm tra bị phạt bao nhiêu? Theo Điều 5, 6, 7, 8, 9 Nghị định 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 123/2021/NĐ-CP thì có các mức xử phạt cho hành vi không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông như sau: - Người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô: 04 - 06 triệu đồng, tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 - 03 tháng. - Người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy: 800.000 - 01 triệu đồng, tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 - 03 tháng. - Người điều khiển máy kéo, xe máy chuyên dùng: 02 - 03 triệu đồng, tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 - 03 tháng đối với người điều khiển máy kéo và tước quyền sử dụng chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ từ 01 - 03 tháng đối với người điều khiển xe máy chuyên dùng. - Người điều khiển xe đạp, xe đạp máy (kể cả xe đạp điện), người điều khiển xe thô sơ khác: 100.000 - 200.000 đồng - Người đi bộ: 60.000 - 100.000 đồng - Người điều khiển, dẫn dắt súc vật, điều khiển xe súc vật kéo: 100.000 - 200.000 đồng. Như vậy, tùy theo phương tiện đang điều khiển mà người bỏ chạy khi CSGT yêu cầu dừng xe kiểm tra sẽ bị xử phạt về hành vi không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông theo các mức phạt tiền như trên. Những trường hợp nào CSGT được yêu cầu dừng xe kể cả không phát hiện vi phạm? Theo khoản 1 Điều 16 Thông tư 32/2023/TT-BCA quy định cán bộ Cảnh sát giao thông thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát theo kế hoạch được dừng phương tiện giao thông để kiểm soát trong các trường hợp sau: - Trực tiếp phát hiện hoặc thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, thu thập được các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ và các hành vi vi phạm pháp luật khác; - Thực hiện mệnh lệnh, kế hoạch tổng kiểm soát phương tiện giao thông bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, trật tự xã hội; kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, trật tự xã hội đã được cấp có thẩm quyền ban hành; - Có văn bản đề nghị của Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan điều tra; văn bản đề nghị của cơ quan chức năng liên quan về dừng phương tiện giao thông để kiểm soát phục vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự; đấu tranh phòng, chống tội phạm; phòng, chống thiên tai, cháy nổ; phòng, chống dịch bệnh; cứu nạn, cứu hộ và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Văn bản đề nghị phải ghi cụ thể thời gian, tuyến đường, phương tiện giao thông dừng để kiểm soát, xử lý, lực lượng tham gia phối hợp; - Có tin báo, phản ánh, kiến nghị, tố giác của tổ chức, cá nhân về hành vi vi phạm pháp luật của người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ. Như vậy, CSGT vẫn được yêu cầu dừng xe kể cả không phát hiện vi phạm khi đang thực hiện mệnh lệnh, kế hoạch tổng kiểm soát, kế hoạch tuần tra theo chuyên đề hoặc có văn bản đề nghị của cơ quan có thẩm quyền.
Giấy tờ xe photo công chứng có giá trị không? Sử dụng có bị CSGT phạt không?
Theo quy định, khi lái xe phải mang theo đầy đủ các loại giấy tờ như: giấy đăng ký xe, bằng lái xe,.... Vậy nếu lỡ không mang theo bản chính mà chỉ có bản photo công chứng các loại giấy tờ kể trên thì có thể dùng thay bản gốc khi CSGT kiểm tra được không? Giấy tờ xe photo công chứng có giá trị không? Sử dụng có bị CSGT phạt không? Theo Điều 3 Nghị định 23/2015/NĐ-CP Giá trị pháp lý của bản sao được cấp từ sổ gốc, bản sao được chứng thực từ bản chính, chữ ký được chứng thực và hợp đồng, giao dịch được chứng thực - Bản sao được cấp từ sổ gốc có giá trị sử dụng thay cho bản chính trong các giao dịch, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. - Bản sao được chứng thực từ bản chính theo quy định tại Nghị định 23/2015/NĐ-CP có giá trị sử dụng thay cho bản chính đã dùng để đối chiếu chứng thực trong các giao dịch, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. - Chữ ký được chứng thực theo quy định tại Nghị định 23/2015/NĐ-CP có giá trị chứng minh người yêu cầu chứng thực đã ký chữ ký đó, là căn cứ để xác định trách nhiệm của người ký về nội dung của giấy tờ, văn bản. - Hợp đồng, giao dịch được chứng thực theo quy định của Nghị định này có giá trị chứng cứ chứng minh về thời gian, địa điểm các bên đã ký kết hợp đồng, giao dịch; năng lực hành vi dân sự, ý chí tự nguyện, chữ ký hoặc dấu điểm chỉ của các bên tham gia hợp đồng, giao dịch. Theo đó, mặc dù bản sao giấy tờ được công chứng chỉ có giá trị thay thế bản chính nhưng chỉ trong các giao dịch dân sự. Còn trong quan hệ pháp luật hành chính như việc kiểm tra giấy tờ tùy thân, giấy tờ xe, bằng lái xe thì bản sao công chứng sẽ không được thay thế bản chính. Trường hợp sử dụng bản sao giấy tờ xe photo công chứng mà không có bản gốc khi CSGT kiểm tra sẽ bị xử phạt như hành vi không mang giấy tờ xe. Trường hợp đặc biệt được sử dụng giấy tờ xe photo công chứng? Theo khoản 13 Điều 80 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định về thủ tục xử phạt đối với chủ phương tiện, người điều khiển phương tiện vi phạm quy định liên quan đến giao thông đường bộ, đường sắt thì: Người điều khiển phương tiện tham gia giao thông được sử dụng bản sao chứng thực Giấy đăng ký xe (đối với phương tiện tham gia giao thông đường bộ), bản sao chứng thực Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện giao thông đường sắt (đối với phương tiện tham gia giao thông đường sắt) kèm bản gốc Giấy biên nhận của tổ chức tín dụng còn hiệu lực, thay cho bản chính Giấy đăng ký xe, Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện giao thông đường sắt trong thời gian tổ chức tín dụng giữ bản chính Giấy đăng ký xe, Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện giao thông đường sắt. Như vậy, trường hợp đặc biệt là trong thời gian tổ chức tín dụng giữ bản chính giấy đăng ký xe nhằm bảo đảm các nghĩa vụ dân sự như thế chấp hay mua trả góp… thì người điều khiển phương tiện tham gia giao thông có thể sử dụng bản sao chứng thực giấy đăng ký xe kèm bản gốc giấy biên nhận của tổ chức tín dụng còn hiệu lực để thay cho bản chính giấy đăng ký xe Mức xử phạt hành vi không mang giấy tờ xe? Theo khoản 2,3,4,5 Điều 21 Nghị định 100/2019/NĐ-CP sửa đổi bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP phạt tiền đối với lỗi không mang giấy tờ xe như sau: (1) Đối với xe mô tô, xe gắn máy Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với hành vi sau: - Người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy không có hoặc không mang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực; - Người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy không mang theo Giấy đăng ký xe; (2) Đối với xe ô tô, máy kéo - Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây: + Người điều khiển xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô không mang theo Giấy đăng ký xe (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc); + Người điều khiển xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô không mang theo Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (đối với loại xe có quy định phải kiểm định, kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc). - Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với hành vi người điều khiển xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô không có hoặc không mang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực. (3) Đối với xe máy chuyên dùng Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây: - Người điều khiển xe máy chuyên dùng không mang theo bằng (hoặc chứng chỉ) điều khiển, chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ; - Người điều khiển xe máy chuyên dùng không mang theo Giấy đăng ký xe; - Người điều khiển xe máy chuyên dùng không mang theo Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (đối với loại xe có quy định phải kiểm định). Như vậy, tùy vào loại phương tiện đang điều khiển mà người lái xe tham gia giao thông không mang giấy tờ xe sẽ bị xử phạt theo quy định trên,
Quyền hạn của CSGT khi làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát là gì?
Việc nắm rõ những quy định về quyền hạn của lực lượng CSGT khi thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát sẽ giúp chúng ta hợp tác tốt hơn với lực lượng chức năng và góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông. (1) Quyền hạn của CSGT khi làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát là gì? Theo quy định tại khoản 5 Điều 65 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024, Quyền hạn của Cảnh sát giao thông khi thực hiện tuần tra, kiểm soát được quy định như sau: - Dừng phương tiện tham gia giao thông đường bộ theo quy định tại Điều 66 của Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 để kiểm tra việc chấp hành các quy định về quy tắc giao thông đường bộ; điều kiện của phương tiện tham gia giao thông đường bộ; điều kiện của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ; các quy định về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan; - Xử lý vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ và vi phạm pháp luật khác theo quy định của pháp luật; - Huy động người, phương tiện, thiết bị dân sự trong trường hợp cấp bách; di chuyển phương tiện vi phạm dừng, đỗ trên đường bộ gây cản trở, ùn tắc giao thông hoặc nguy cơ dẫn đến tai nạn giao thông đường bộ theo quy định tại Điều 68 và Điều 69 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024; - Vận hành, sử dụng hệ thống, phương tiện, thiết bị, dữ liệu theo quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 67 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 và vũ khí, công cụ hỗ trợ theo quy định tại Điều 70 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024; - Quyền hạn khác theo quy định của Luật Công an nhân dân và quy định khác của pháp luật có liên quan. Quyền hạn của CSGT khi tuần tra, kiểm soát là rất đa dạng và quan trọng trong việc duy trì trật tự an toàn giao thông. Những quyền hạn này không chỉ giúp CSGT thực hiện nhiệm vụ một cách hiệu quả mà còn bảo vệ an toàn cho người tham gia giao thông. Qua đó, góp phần xây dựng một môi trường giao thông an toàn, văn minh và hiệu quả. (2) Nguyên tắc khi thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát Theo quy định tại khoản 6 Điều 65 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024, Khi thực hiện nhiệm vụ, lực lượng thực hiện tuần tra, kiểm soát phải tuân thủ các nguyên tắc sau đây: - Chấp hành quy định của pháp luật và mệnh lệnh, kế hoạch tuần tra, kiểm soát của cấp có thẩm quyền; - Tôn trọng và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; - Kiên quyết đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ và vi phạm pháp luật khác; - Chịu trách nhiệm về quyết định, hành vi của mình theo quy định của pháp luật. Có thể thấy, các nguyên tắc được quy định tại khoản 6 Điều 65 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 là nền tảng quan trọng cho hoạt động của lực lượng tuần tra, kiểm soát. Những nguyên tắc này không chỉ đảm bảo tính hợp pháp và trách nhiệm trong công việc mà còn nâng cao hiệu quả trong việc bảo vệ trật tự an toàn giao thông. Qua đó, tạo dựng niềm tin và sự hợp tác từ phía cộng đồng, góp phần xây dựng một xã hội an toàn và văn minh hơn. (3) Hoạt động, hình thức hoạt động khi thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát là gì? Liên quan đến vấn đề này, theo khoản 1 Điều 65 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 hoạt động tuần tra, kiểm soát bao gồm: - Bố trí lực lượng, phương tiện thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát; - Kiểm tra, kiểm soát người, phương tiện tham gia giao thông đường bộ; - Phát hiện, ngăn chặn và xử lý vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ và vi phạm pháp luật khác. Theo đó, hình thức để thực hiện các hoạt động tuần tra, kiểm soát là: - Tổ chức lực lượng trực tiếp tuần tra, kiểm soát trên tuyến giao thông đường bộ; - Kiểm soát thông qua hệ thống, phương tiện, thiết bị, dữ liệu quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 67 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024. Lực lượng thực hiện các nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát là lực lượng Cảnh sát giao thông. Trong trường hợp cần thiết, trên cơ sở quyết định của cấp có thẩm quyền và phù hợp với thực tế nhiệm vụ, được huy động các lực lượng, đơn vị khác trong Công an nhân dân tham gia phối hợp với Cảnh sát giao thông thực hiện tuần tra, kiểm soát. Hoạt động tuần tra, kiểm soát của lực lượng CSGT là một quá trình đa dạng và phức tạp, bao gồm nhiều bước và hình thức khác nhau. Việc bố trí lực lượng, kiểm tra phương tiện và xử lý vi phạm đều nhằm mục tiêu duy trì trật tự an toàn giao thông. Sự kết hợp giữa các hình thức hoạt động truyền thống và hiện đại, cùng với sự phối hợp của các lực lượng khác, sẽ tạo ra hiệu quả cao hơn trong công tác bảo đảm an toàn giao thông, góp phần xây dựng một môi trường giao thông an toàn và văn minh.
Người dân có thể gửi video vi phạm giao thông cho CSGT qua đâu?
Hiện nay, người dân nếu quay được video hành vi vi phạm giao thông thì có thể gửi đến cơ quan chức năng có thẩm quyền để xử phạt người vi phạm. Vậy, người dân có thể gửi video vi phạm giao thông cho CSGT qua đâu? Xem thêm: Báo tin vi phạm giao thông được thưởng bao nhiêu tiền? Những cơ quan nào có thẩm quyền tiếp nhận video vi phạm giao thông của người dân? Theo khoản 1, khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều 18 Nghị định 135/2021/NĐ-CP quy định về cơ quan, đơn vị tiếp nhận, thu thập dữ liệu, trong đó: (1) Cơ quan, đơn vị tiếp nhận, thu thập dữ liệu phản ánh vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt: - Cảnh sát giao thông, Cảnh sát cơ động, Cảnh sát trật tự, Cảnh sát phản ứng nhanh, Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an cấp xã; - Thanh tra chuyên ngành và cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về giao thông vận tải đường bộ, đường sắt. (2) Cơ quan, đơn vị tiếp nhận, thu thập dữ liệu phản ánh vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa: - Cảnh sát giao thông, Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự, xã hội, Công an cấp xã; - Thanh tra chuyên ngành và cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành đường thủy nội địa, Cảng vụ đường thủy nội địa; - Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển. (3) Cơ quan, đơn vị tiếp nhận, thu thập dữ liệu phản ánh vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông hàng hải: - Thanh tra chuyên ngành và cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành hàng hải, Cảng vụ hàng hải; - Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển; - Kiểm ngư; - Cảnh sát giao thông. (4) Cơ quan, đơn vị thực hiện tiếp nhận, thu thập dữ liệu phản ánh vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông hàng không dân dụng: - Thanh tra chuyên ngành và cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành hàng không; - Cảng vụ hàng không; - Quản lý xuất nhập cảnh; Công an cấp xã; Đồn Công an. Như vậy, đối với video vi phạm giao thông đường bộ thì các cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận là CSGT, Cảnh sát cơ động, Cảnh sát trật tự, Cảnh sát phản ứng nhanh, Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an cấp xã; Thanh tra chuyên ngành và cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra. Người dân có thể gửi video vi phạm giao thông cho CSGT qua đâu? Theo khoản 1 Điều 16 Nghị định 135/2021/NĐ-CP quy định về cung cấp dữ liệu thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật. Theo đó, dữ liệu do cá nhân, tổ chức thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật cung cấp cho cơ quan, đơn vị, người có thẩm quyền xử phạt bằng một trong các hình thức sau: - Trực tiếp đến trụ sở cơ quan, đơn vị của người có thẩm quyền hoặc hiện trường xảy ra vụ việc để cung cấp; - Thư điện tử, cổng thông tin điện tử hoặc trang thông tin điện tử, số điện thoại đường dây nóng; - Dịch vụ bưu chính; - Kết nối, chia sẻ dữ liệu. Như vậy, người dân có thể gửi video vi phạm giao thông trực tiếp tại trụ sở CSGT nơi xảy ra vi phạm, qua thư điện tử, cổng thông tin, trang thông tin điện tử, qua hotline, gửi bưu điện, kết nối, chia sẻ dữ liệu với cơ quan CSGT. Ví dụ, hiện nay người dân TPHCM có thể phản ánh, gửi video vi phạm giao thông cho CSGT qua: Địa chỉ trụ sở Phòng CSGT: số 341 Trần Hưng Đạo, phường Cầu Kho, quận 1, TP.HCM; số điện thoại trực ban Phòng CSGT: 069.318.7521; số điện thoại đường dây nóng (hotline): 0326 08.08.08; địa chỉ hộp thư điện tử của Phòng CSGT: csgt-dbds.ca@tphcm.gov.vn. Video vi phạm giao thông phải đáp ứng điều kiện gì? Theo Điều 17 Nghị định 135/2021/NĐ-CP quy định yêu cầu và giá trị sử dụng của dữ liệu thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật như sau: - Yêu cầu về dữ liệu thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật: + Thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước theo quy định tại khoản 1 Điều 64 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012; + Không xâm phạm quyền tự do, danh dự, nhân phẩm, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, các quyền, lợi ích hợp pháp khác của cá nhân và tổ chức theo quy định của pháp luật; + Phản ánh khách quan, chính xác, trung thực về hành vi vi phạm, thời gian, địa điểm xảy ra vi phạm; + Đáp ứng yêu cầu về thời hạn sử dụng theo quy định tại khoản 3 Điều 14 Nghị định 135/2021/NĐ-CP. - Dữ liệu thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật do cá nhân, tổ chức cung cấp, nếu đáp ứng được yêu cầu quy định trên thì được sử dụng làm căn cứ xác minh, phát hiện vi phạm và xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật. Như vậy, video vi phạm giao thông mà người dân quay được phải đáp ứng các yêu cầu, điều kiện trên thì mới có giá trị sử dụng để làm căn cứ xử phạt người vi phạm.
Vụ lái xe đâm vào CSGT thành Án lệ tội giết người
Thay vì xử tội chống người thi hành công vụ như trước đây, thì theo Án lệ 18, những vụ lái xe đâm CSGT tương tự có thể bị xét xử tội giết người. (1) Vụ lái xe đâm vào CSGT thành Án lệ tội giết người Án lệ là các phán quyết của Tòa án (hay còn gọi là bản án) được dùng làm cơ sở cho việc giải quyết các vụ việc tương tự về sau. Tính đến nay, Việt Nam đã có 63 án lệ được công bố và áp dụng. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu Án lệ số 18/2018/AL về hành vi giết người đang thi hành công vụ trong tội “Giết người”. Theo Án lệ số 18/2018/AL Khoảng 16 giờ ngày 30/6/2017, Tổ Tuần tra kiểm soát Phòng CSGT Công an tỉnh Hà Tĩnh ra tín hiệu dừng xe để xử lý lỗi chạy quá tốc độ với xe container BKS 77C - 016.47 kéo theo rơ-moóc BKS 77R - 001.37 do Phan Thành H (SN 1995, Bình Định) cầm lái. Sau khi thông báo lỗi và cho xem hình ảnh vi phạm, tổ công tác yêu cầu H xuất trình giấy tờ để kiểm tra. Tuy nhiên, H cho rằng xe mình không vi phạm tốc độ, nên không xuất trình giấy tờ rồi tranh cãi với Tổ tuần tra. Dù được giải thích nhưng nhưng H vẫn không chấp nhận mà tiếp tục tranh cãi, rồi lên xe đóng cửa lại, lúc này xe vẫn đang nổ máy. Thấy vậy, đồng chí Lê Hồ Việt A đang đứng phía trước bên phải đầu xe, còn đồng chí Nguyễn Anh Đ đang đứng phía trước bên trái cách đầu xe khoảng 1 mét, ra hiệu cho H không được di chuyển. Tuy nhiên, H không chấp hành hiệu lệnh mà bất ngờ điều khiển xe lao thẳng vào đồng chí A và đồng chí Đ đang đứng phía trước đầu xe để bỏ chạy. Nhận thấy tình hình nguy hiểm, đồng chí A nhảy ra lề đường phía bên phải tránh được, còn đồng chí Đ không kịp tránh nên buộc phải bám vào gọng gương chiếu hậu phía trước, bên trái trên nắp capo của xe. Dù đã thấy đồng chí Đ đang bám phía trước nhưng Phan Thành H vẫn tiếp tục điều khiển xe tăng tốc. Đi được khoảng 400 mét thì H bất ngờ đánh lái mạnh về phía bên trái, chuyển hướng đầu xe vào sát dải phân cách cứng giữa đường. Do lúc này đồng chí Đ chỉ bám hai tay vào gọng gương chiếu hậu của xe, hai chân không có điểm tựa nên khi xe đánh lái đột ngột đã bị văng khỏi xe va vào dải phân cách cứng, rồi rơi xuống mặt đường. Hậu quả, đồng chí Đ bị thương nặng được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa thị xã Hồng Lĩnh, sau đó chuyển đến điều trị tại Bệnh viện hữu nghị Việt Đức, đến ngày 10-7-2017 được chuyển về điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Tĩnh cho đến ngày 18-7-2017 thì ra viện. H bị bắt và bị khởi tố về tội Chống người thi hành công vụ. Tuy nhiên, khi xem xét hành vi và quá trình phạm tội của H, ngày 22/7/2017, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hà Tĩnh quyết định khởi tố bị can H tội Giết người. Tại phiên tòa xét xử, sau khi xem xét các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, TAND tỉnh Hà Tĩnh tuyên phạt Phan Thành H 8 năm tù về tội Giết người và 2 năm tù về tội “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức” (làm giả bằng lái hạng FC). Mặc dù có kháng cáo, H vẫn bị Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội tuyên phạt 7 năm tù về tội “Giết người”. Sau khi được Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao thông qua, ngày 6/11/2018, Chánh án TAND Tối cao đã công bố Án lệ số 18/2018/AL về hành vi giết người đang thi hành công vụ trong tội “Giết người”. Việc TAND Tối cao đưa vụ án này thành án lệ là một bước tiến quan trọng, tạo tiền đề cho các tòa cấp dưới xét xử những vụ án tương tự. Đồng thời, tăng tính răn đe, giáo dục và cảnh tỉnh người tham gia giao thông về việc chấp hành các quy định của pháp luật nói chung và pháp luật ATGT nói riêng. (2) Tội Giết người bị phạt như thế nào? Theo quy định tại Điều 123 Bộ Luật Hình sự 2015, người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình: - Giết 02 người trở lên - Giết người dưới 16 tuổi - Giết phụ nữ mà biết là có thai - Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân - Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình - Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại thực hiện một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng - Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác - Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân - Thực hiện tội phạm một cách man rợ - Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp - Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người - Thuê giết người hoặc giết người thuê - Có tính chất côn đồ - Có tổ chức - Tái phạm nguy hiểm - Vì động cơ đê hèn Người phạm tội nhưng không thuộc các trường hợp trên thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm. Người nào chuẩn bị phạm tội Giết người thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.
Đề xuất: Trích 70-85% tiền phạt để hiện đại hóa cơ sở vật chất cho lực lượng công an
Bộ Công an đang lấy ý kiến Dự thảo Nghị định Quy định quản lý, sử dụng kinh phí thu từ xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ và đấu giá biển số xe. https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/8/07/dt-nghi-dinh-kinh-phi.docx Dự thảo Nghị định (1) Những cơ quan được sử dụng kinh phí thu từ xử phạt vi phạm giao thông và đấu giá biển số Cụ thể, Dự thảo Nghị định đề xuất những cơ quan sau đây được sử dụng kinh phí thu từ xử phạt vi phạm giao thông và đấu giá biển số, cụ thể: - Đối với kinh phí thu từ xử phạt vi phạm giao thông, bao gồm: + Ủy ban An toàn giao thông quốc gia. + Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an, Hội đồng nhân dân và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. + Ban An toàn giao thông tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Ban An toàn giao thông quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương. + Các lực lượng khác tham gia bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn giao thông thuộc lực lượng CAND, Bộ Giao thông vận tải và UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. - Đối với kinh phí thu được từ đấu giá biển số xe, bao gồm: + Bộ Công an. + Các lực lượng khác tham gia bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn giao thông thuộc lực lượng CAND. Bên cạnh đó, tại Dự thảo Nghị định cũng có nêu rõ, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc quản lý, sử dụng kinh phí thu từ xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đấu giá biển số xe. (2) Trích 70-85% tiền phạt để hiện đại hóa cơ sở vật chất cho lực lượng công an Cụ thể, tại Điều 3 Dự thảo Nghị định có đề xuất về những nguyên tắc bố trí kinh phí, lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thu từ xử phạt vi phạm hành chính về trật tự ATGT đường bộ và đấu giá biển số xe. Theo đó, tại khoản 2 có nêu rõ: “2. Lực lượng Công an nhân dân được ngân sách nhà nước bố trí kinh phí để thực hiện hoạt động tăng cường, hiện đại hóa cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị phục vụ bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn giao thông từ 70% đến 85% khoản thu từ xử phạt vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông đường bộ và 30% khoản thu từ đấu giá biển số xe.” Theo đó, dự kiến sắp tới, lực lượng công an sẽ được ngân sách nhà nước bố trí kinh phí để thực hiện hoạt động tăng cường, hiện đại hóa cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị phục vụ đảm bảo an ninh, trật tự, ATGT từ 70 đến 85% khoản thu từ xử phạt vi phạm và 30% khoản thu từ đấu giá biển số xe. Thêm nữa, Dự thảo Nghị định cũng có đề xuất, cơ quan khác được sử dụng thu từ xử phạt vi phạm giao thông không thuộc lực lượng công an được ngân sách nhà nước bố trí từ 15 đến 30% khoản thu từ xử phạt vi phạm giao thông. Bên cạnh đó, Dự thảo Nghị định cũng có những đề xuất khác về nội dung chi và mức chi kinh phí thu từ xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông như: Chi đặc thù bảo đảm trật tự, ATGT của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, Bộ Giao thông vận tải; chi đặc thù bảo đảm trật tự, ATGT cho lực lượng công an; chi đặc thù bảo đảm trật tự, ATGT cho địa phương,… (3) Tăng mức mức chi hỏi thăm và hỗ trợ nạn nhân gặp tai nạn giao thông Cụ thể, tại Điều 5 Dự thảo Nghị định có đề xuất dự thảo hỗ trợ không quá 10 triệu đồng/người bị tử vong, không quá 5 triệu đồng/người bị thương nặng trong các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng. Đối với dịp Tết Nguyên đán, ngày thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông, thăm hỏi không quá 5 triệu đồng/người với nạn nhân bị thương nặng, gia đình nạn nhân bị chết do tai nạn giao thông có hoàn cảnh khó khăn. Ngoài ra, mức chi bồi dưỡng cho cán bộ, chiến sĩ tham gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông ban đêm, theo Dự thảo Nghị định tối đa là 200.000 đồng/người/ca (1 ca từ đủ 4 giờ trở lên, thời gian làm đêm từ 22 giờ đêm hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau), tối đa không quá 10 ca/tháng. Xem thêm: Đề xuất trích tiền phạt để bồi dưỡng CSGT xử lý kẹt xe giờ cao điểm tại thành phố trực thuộc TW
Đề xuất trích tiền phạt để bồi dưỡng CSGT xử lý kẹt xe giờ cao điểm tại thành phố trực thuộc TW
Bộ Công an đang dự thảo Nghị định quy định quản lý, sử dụng kinh phí thu từ xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ và đấu giá biển số xe. Trong đó có đề xuất sẽ chi bồi dưỡng CSGT xử lý kẹt xe giờ cao điểm tại thành phố trực TW. Dự thảo Nghị định quy định quản lý, sử dụng kinh phí thu từ xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ và đấu giá biển số xe (Dự thảo tháng 8/2024): https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/8/06/chuan.-dt-nghi-dinh-kinh-phi.docx Đề xuất trích tiền phạt vi phạm giao thông bồi dưỡng CSGT xử lý kẹt xe giờ cao điểm tại thành phố trực thuộc TW Theo điểm d khoản Điều 4 Thông tư 01/2018/TT-BTC quy định về mức chi trong lĩnh vực bảo đảm trật tự an toàn giao thông, trong đó: Mức chi bồi dưỡng cho cán bộ, chiến sỹ trực tiếp tham gia bảo đảm TTATGT ban đêm (bao gồm cả lực lượng cảnh sát khác tham gia trực tiếp cho nhiệm vụ bảo đảm TTATGT theo quy định tại Nghị định 27/2010/NĐ-CP): tối đa 100.000 đồng/người/ca (01 ca từ đủ 04 giờ trở lên). Theo đó, hiện nay chỉ quy định chi cho CSGT tham gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông vào ban đêm. Đến Dự thảo tháng 8/2024, tại khoản 3 dự thảo, Bộ công an đã đề xuất các nội dung chi đặc thù bảo đảm trật tự, an toàn giao thông cho lực lượng Công an nhân dân. Trong đó, đối với chi bồi dưỡng CSGT có các nội dung chi sau: - Chi bồi dưỡng cho cán bộ, chiến sỹ tham gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông ban đêm; - Chi bồi dưỡng cán bộ, chiến sĩ trực tiếp xử lý ùn tắc giao thông và bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong giờ cao điểm (buổi sáng từ 6h30 đến 8h30, buổi chiều từ 16h30 đến 18h30) tại các thành phố trực thuộc trung ương; Như vậy, so với quy định hiện hành thì Bộ công an đã đề xuất thêm nội dung chi bồi dưỡng đối với CSGT trực tiếp xử lý kẹt xe vào giờ cao điểm tại các thành phố trực thuộc TW. Việc trích tiền phạt vi phạm giao thông cho nội dung chi bồi dưỡng đã có từ trước đây Theo Điều 2 Thông tư 01/2018/TT-BTC quy định về nguồn kinh phí bảo đảm TTATGT sẽ bao gồm: - Ngân sách nhà nước bố trí từ nguồn chi các hoạt động kinh tế theo phân cấp quản lý ngân sách hiện hành trong dự toán chi thường xuyên của các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương; - Ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương. Giai đoạn 2018-2020, ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho địa phương 70% số thu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn giao thông phần ngân sách trung ương được hưởng phát sinh trên địa bàn từng địa phương năm trước liền kề năm hiện hành (dự toán năm 2018 sẽ căn cứ vào số thực hiện năm 2016; dự toán năm 2019 sẽ căn cứ vào số thực hiện năm 2017 và dự toán năm 2020 sẽ căn cứ vào số thực hiện năm 2018). - Các khoản hỗ trợ, viện trợ của các tổ chức cá nhân trong và ngoài nước cho hoạt động đảm bảo TTATGT; - Các nguồn thu khác theo quy định của pháp luật. Như vậy, từ quy định hiện hành thì số tiền thu từ xử phạt vi phạm an toàn giao thông nộp vào NSNN đã được bổ sung có mục tiêu cho địa phương để chi bảo đảm an toàn giao thông. Trong đó, nội dung chi bồi dưỡng cán bộ, chiến sỹ tham gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông nằm từ trước đến nay cũng đã nằm trong nội dung chi này. Dự thảo Nghị định quy định quản lý, sử dụng kinh phí thu từ xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ và đấu giá biển số xe (Dự thảo tháng 8/2024): https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/8/06/chuan.-dt-nghi-dinh-kinh-phi.docx
Ngoài CSGT thì còn ai có quyền xử phạt vi phạm giao thông?
Hiện nay, ngoài CSGT thì còn lực lượng, cơ quan nào có thẩm quyền xử phạt vi phạm giao thông nữa không? Bài viết sau đây sẽ có câu trả lời cho thắc mắc trên. Ngoài CSGT thì còn ai có quyền xử phạt vi phạm giao thông? Theo Điều 74 Nghị định 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP đã phân định thẩm quyền xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt, theo đó sẽ có các lực lượng, cơ quan sau đây sẽ có quyền xử phạt vi phạm giao thông: (1) Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp (2) Cảnh sát giao thông (3) Cảnh sát trật tự, Cảnh sát phản ứng nhanh, Cảnh sát cơ động, Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (4) Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (5) Trưởng Công an cấp xã, Trưởng đồn Công an, Trưởng trạm Công an cửa khẩu, khu chế xuất (6) Thanh tra giao thông vận tải, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành đường bộ (7) Cảng vụ hàng hải, Cảng vụ hàng không, Cảng vụ đường thủy nội địa, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành đường sắt, hàng không, hàng hải, đường thủy nội địa (8) Thanh tra giao thông vận tải, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành đường sắt (9) Thanh tra chuyên ngành bảo vệ môi trường, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành bảo vệ môi trường Như vậy, ngoài CSGT thì sẽ còn 8 lực lượng, cơ quan theo quy định trên có quyền xử phạt vi phạm giao thông. Tuy nhiên, về phạm vi được quyền xử phạt thì đối với mỗi lực lượng, cơ quan sẽ được giới hạn, người đọc có thể xem chi tiết tại Điều 74 Nghị định 100/2019/NĐ-CP. Việc xác định thẩm quyền xử phạt vi phạm giao thông được thực hiện theo nguyên tắc nào? Theo Điều 78 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định nguyên tắc xác định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả như sau: - Nguyên tắc xác định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt thực hiện theo quy định tại Điều 52 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012. - Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của những chức danh được quy định tại các Điều 75, 76 và 77 Nghị định 100/2019/NĐ-CP là thẩm quyền áp dụng đối với một hành vi vi phạm hành chính của cá nhân; trong trường hợp phạt tiền, thẩm quyền xử phạt tổ chức gấp 02 lần thẩm quyền xử phạt cá nhân tương ứng với từng lĩnh vực. - Đối với những hành vi vi phạm có quy định áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn thì trong các chức danh quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 75; khoản 4, khoản 5, khoản 6 Điều 76; khoản 2, khoản 3, khoản 4, khoản 6 Điều 77 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, chức danh nào có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi đó cũng có quyền xử phạt tước quyền sử dụng giấy phép hoặc chứng chỉ hành nghề đối với người vi phạm. Như vậy, việc xử phạt vi phạm giao thông đường bộ cũng được thực hiện theo nguyên tắc chung đối với xử lý vi phạm hành chính tại Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012. Lực lượng, cơ quan nào có thẩm quyền lập biên bản vi phạm giao thông đường bộ? Theo khoản 1 Điều 79 Nghị định 100/2019/NĐ-CP được bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP quy định thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ bao gồm: (1) Các chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ được quy định tại các Điều 75, 76 và 77 Nghị định 100/2019/NĐ-CP; (2) Công chức, viên chức được giao nhiệm vụ tuần kiểm có quyền lập biên bản đối với các hành vi xâm phạm kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; lấn chiếm, sử dụng trái phép đất của đường bộ và hành lang an toàn giao thông đường bộ; (3) Công an viên có thẩm quyền lập biên bản đối với các hành vi vi phạm xảy ra trong phạm vi quản lý của địa phương; (4) Công chức thuộc Thanh tra Sở Giao thông vận tải đang thi hành công vụ, nhiệm vụ có thẩm quyền lập biên bản đối với các hành vi vi phạm xảy ra trong phạm vi địa bàn quản lý của Thanh tra Sở Giao thông vận tải; (5) Công chức, viên chức thuộc Cảng vụ hàng hải, Cảng vụ hàng không, Cảng vụ đường thủy nội địa đang thi hành công vụ, nhiệm vụ có thẩm quyền lập biên bản đối với các hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 1, điểm a khoản 3, khoản 5 Điều 28 Nghị định 100/2019/NĐ-CP khi xảy ra trong phạm vi địa bàn quản lý của cảng vụ. Như vậy, không chỉ CSGT mà các chức vụ theo quy định trên cũng có quyền lập biên bản vi phạm giao thông trong phạm vi thẩm quyền đã phân công.
CSGT mặc thường phục được kiểm tra, xử lý vi phạm nồng độ cồn không?
Mặc thường phục để tăng cường hiệu quả tuần tra, kiểm soát giao thông, đặc biệt là đối với các lỗi vi phạm như nồng độ cồn, là một giải pháp được nhiều nước trên thế giới áp dụng (1) CSGT mặc thường phục được xử lý vi phạm nồng độ cồn không? Việc CSGT mặc thường phục để kiểm tra, xử lý vi phạm giao thông, đặc biệt là vi phạm nồng độ cồn, đang là vấn đề gây nhiều tranh cãi. Liệu việc làm này có đúng quy định pháp luật và có đảm bảo quyền lợi của người dân hay không? Theo khoản 4 Điều 11 Thông tư 32/2023/TT-BCA quy định: Nhiệm vụ của bộ phận cán bộ hóa trang là trực tiếp quan sát, sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ giám sát tình hình trật tự, an toàn giao thông, phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ và hành vi vi phạm pháp luật khác. Khi phát hiện vi phạm, cán bộ hóa trang phải thông báo ngay cho bộ phận tuần tra, kiểm soát công khai để tiến hành dừng phương tiện, kiểm soát, xử lý theo quy định Từ đó có thể hiểu, khi thực hiện nhiệm vụ thì lực lượng CSGT hóa trang sẽ không trực tiếp xử lý vi phạm về giao thông nói chung hay vi phạm về nồng độ cồn nói riêng mà chỉ âm thầm giám sát, mật phục, trường hợp phát hiện hành vi vi phạm thì sẽ báo cho lực lượng mặc cảnh phục (tức bộ phận tuần tra, kiểm soát công khai) để xử lý theo quy định. (2) Trường hợp nào CSGT hóa trang được trực tiếp xử lý vi phạm? Cũng theo quy định tại khoản 4 Điều 11 Thông tư 32/2023/TT-BCA, trong trường hợp cán bộ CSGT đang hóa trang mà phát hiện hành vi vi phạm nghiêm trọng về giao thông đường bộ, an ninh, trật tự xã hội, nếu không ngăn chặn kịp thời sẽ gây hậu quả nguy hiểm cho xã hội,... thì cán bộ hóa trang sử dụng Giấy chứng minh Công an nhân dân để thông báo, vận động người dân phối hợp, ngăn chặn ngay hành vi vi phạm Đồng thời thông báo và phối hợp với bộ phận cán bộ tuần tra, kiểm soát công khai để giải quyết tại nơi phát hiện vi phạm hoặc đưa đối tượng vi phạm về trụ sở cơ quan công an nơi gần nhất để giải quyết theo quy định Như vậy, trong một số trường hợp cần thiết thì lực lượng CSGT hóa trang sẽ sử dụng “thẻ ngành” của mình để chứng minh thân phận, đồng thời phối hợp với người dân hoặc lực lượng chức năng khác để giải quyết tình huống theo đúng quy định. (3) Mức phạt vi phạm có nồng độ cồn khi tham gia giao thông Căn cứ theo quy định tại Điều 5, Điều 6 và Điều 8 Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 123/2021/NĐ-CP), mức phạt đối với việc vi phạm có nồng độ cồn khi tham gia giao thông đối với xe ô tô, xe gắn máy và xe đạp được quy định như sau: Mức nồng độ cồn Đối tượng Mức phạt tiền Xử phạt bổ sung Mức 1: Chưa vượt quá 50 mg/100 ml máu hoặc 0,25 mg/1l khí thở Ô tô 06 - 08 triệu đồng Tước Bằng từ 10 - 12 tháng Xe máy 02 - 03 triệu đồng Xe đạp, xe đạp điện 80.000 - 100.000 đồng Mức 2: Vượt quá 50mg đến 80mg/100ml máu hoặc quá 0,25mg đến 0,4mg/1l khí thở Ô tô 16 - 18 triệu đồng Tước Bằng từ 16 - 18 tháng Xe máy 04 - 05 triệu đồng Xe đạp, xe đạp điện 200.000 - 400.000 đồng Mức 3: Vượt quá 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg/1l khí thở Ô tô 30 - 40 triệu đồng Tước Bằng 22 - 24 tháng Xe máy 06 - 08 triệu đồng Xe đạp 600 - 800.000 đồng Việc uống rượu bia khi lái xe là một trong những nguyên nhân chính gây ra tai nạn giao thông, gây hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản. Thông qua việc cho phép CSGT mặc thường phục kiểm tra nồng độ cồn, cơ quan chức năng đã tạo ra một rào cản tâm lý đối với những người có ý định vi phạm, góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông. Việc quy định mức phạt thật nặng đối với vi phạm có nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông là một thông điệp rõ ràng gửi đến toàn xã hội về sự nghiêm khắc của pháp luật đối với hành vi này.
Đề xuất dùng thiết bị thông minh hỗ trợ CSGT chỉ huy, điều khiển giao thông
Hiện nay Bộ Công an đang dự thảo Thông tư quy định về chỉ huy, điều khiển giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông. Trong đó, có đề xuất CSGT được dùng thiết bị thông minh hỗ trợ chỉ huy, điều khiển giao thông. Xem toàn văn Dự thảo Thông tư quy định về chỉ huy, điều khiển giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông (Dự thảo tháng 7/2024): https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/07/31/du-thao-thong-tu-chi-huy-dieu-khien-giao-thong.doc Đề xuất dùng thiết bị thông minh hỗ trợ CSGT chỉ huy, điều khiển giao thông Theo đó, tại Điều 11 Dự thảo Thông tư quy định về chỉ huy, điều khiển giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông (Dự thảo tháng 7/2024) quy định về sử dụng thiết bị thông minh hỗ trợ chỉ huy, điều khiển giao thông như sau: - Thiết bị thông minh hỗ trợ chỉ huy, điều khiển giao thông được sử dụng phải đảm bảo đáp ứng được các yêu cầu về nghiệp vụ của Cảnh sát giao thông và bảo đảm các yêu cầu về an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội; an toàn cho người tham gia giao thông. - Các thiết bị thông minh hỗ trợ chỉ huy, điều khiển giao thông có thể nhận và truyền tải thông tin cần được kết nối với trung tâm chỉ huy giao thông. - Khi tiếp nhận các thông tin, dữ liệu về tình hình giao thông trên các tuyến giao thông như: Ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông, sự cố giao thông, lưu lượng, mật độ phương tiện tham gia giao thông đông, mất trật tự an toàn giao thông…lực lượng Cảnh sát giao thông phải chỉ đạo kịp thời việc điều chỉnh hoạt động của hệ thống đèn tín hiệu hoặc triển khai phương án bố trí lực lượng, phương tiện tổ chức phân luồng, phân tuyến giao thông; xử lý, khắc phục kịp thời. Như vậy, nếu Dự thảo tháng 7/2024 được thông qua thì CSGT sẽ được sử dụng thêm thiết bị thông minh để hỗ trợ chỉ huy, điều khiển giao thông. Điều này sẽ hỗ trợ nhiều cho CSGT trong các tình huống cấp thiết. CSGT phải được tập huấn sử dụng thiết bị thông minh mới được chỉ huy, điều khiển giao thông Tại Điều 4 Dự thảo tháng 7/2024 quy định về yêu cầu, tiêu chuẩn của Cảnh sát chỉ huy, điều khiển giao thông như sau: - Yêu cầu: + Nắm vững và thực hiện đúng các quy định của Thông tư này và các quy định khác của pháp luật có liên quan; + Thực hiện đúng, đầy đủ và có trách nhiệm đối với nhiệm vụ được phân công; quy chế dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và Điều lệnh Công an nhân dân. - Tiêu chuẩn: + Có trình độ Trung cấp Công an nhân dân hoặc tương đương trở lên. Đối với sĩ quan, hạ sĩ quan tốt nghiệp các trường ngoài ngành Công an phải đã qua lớp bồi dưỡng pháp luật và nghiệp vụ Công an nhân dân theo quy định; + Đã được tập huấn nghiệp vụ công tác chỉ huy, điều khiển giao thông theo chương trình, nội dung của Cục Cảnh sát giao thông. Cán bộ chiến sỹ quản lý, vận hành, khai thác hệ thống đèn tín hiệu, thiết bị thông minh hỗ trợ chỉ huy giao thông phải được tập huấn về cách thức sử dụng, bảo dưỡng, quy trình vận hành do đơn vị sản xuất, lắp đặt tổ chức hoặc hướng dẫn. Như vậy, đi cùng với đề xuất dùng thiết bị thông minh hỗ trợ CSGT chỉ huy, điều khiển giao thông thì Bộ Công an cũng đã đề xuất thêm tiêu chuẩn của CSGT tham gia chỉ huy, điều khiển giao thông cũng phải được tập huấn sử dụng các thiết bị này trước khi làm nhiệm vụ. CSGT được chỉ huy, điều khiển giao thông tại những nơi nào? Theo Điều 7 Dự thảo tháng 7/2024 quy định phương thức hoạt động của Cảnh sát chỉ huy, điều khiển giao thông bao gồm: - Chỉ huy, điều khiển giao thông tại nút giao thông. - Chỉ huy, điều khiển giao thông tại một vị trí hoặc một khu vực trên đường giao thông khi xảy ra ùn tắc giao thông. - Chỉ huy, điều khiển giao thông tại khu vực diễn ra các sự kiện, lễ hội, hội nghị. Như vậy, CSGT sẽ chỉ huy, điều khiển giao thông tại nút giao thông, tại một ví trí trên đường giao thông khi kẹt xe và tại khu vực sự kiện,... Xem toàn văn Dự thảo Thông tư quy định về chỉ huy, điều khiển giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông (Dự thảo tháng 7/2024: https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/07/31/du-thao-thong-tu-chi-huy-dieu-khien-giao-thong.doc
Đề xuất: CSGT không lập chốt kiểm soát ở nơi che khuất tầm nhìn
Bộ Công an đang lấy ý kiến đóng góp về Dự thảo thông tư quy định quy trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ của CSGT. https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/07/31/du-thao-kiem-tra-kiem-soat-cua-CSGT.doc Dự thảo Thông tư (1) CSGT không lập chốt kiểm soát ở nơi che khuất tầm nhìn Cụ thể, tại Khoản 2 Điều 6 Dự thảo Thông tư có đề xuất về việc tuần tra, kiểm soát công khai tại một điểm trên đường giao thông, tại trạm CSGT như sau: - CSGT tổ chức lực lượng tại một điểm trên đường giao thông, tại Trạm Cảnh sát giao thông theo kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền ban hành để thực hiện kiểm soát, phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm giao thông và các hành vi vi phạm pháp luật khác theo quy định. - Tại một điểm trên đường giao thông, lựa chọn địa điểm, mặt đường rộng, thoáng, không che khuất tầm nhìn và đúng quy định của pháp luật giao thông đường bộ. - Khi tuần tra, kiểm soát, Cảnh sát giao thông sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ (camera) được trang bị để ghi hình quá trình kiểm soát. Kiểm soát vào buổi tối, ban đêm phải có đèn chiếu sáng và bảo đảm đủ ánh sáng. Theo đó, trường hợp Dự thảo Thông tư nêu trên được thông qua thì việc lập chốt kiểm soát của CSGT cần phải đảm bảo lựa chọn địa điểm, mặt đường rộng, thoáng, không che khuất tầm nhìn và đúng quy định của pháp luật giao thông đường bộ. (2) CSGT phải có lễ tiết, tác phong, thái độ, văn hóa ứng xử đúng mực và phù hợp với Nhân dân Theo Điều 5 Dự thảo Thông tư, CSGT khi thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm cần phải đáp ứng được những yêu cầu như sau: - Thực hiện đúng quy định của pháp luật giao thông đường bộ; pháp luật xử lý vi phạm hành chính; Dự thảo Thông tư này và các quy định khác của pháp luật có liên quan. - Thực hiện đúng, đầy đủ, có trách nhiệm đối với nhiệm vụ được phân công theo quy định, kế hoạch tuần tra, kiểm soát đã được cấp có thẩm quyền ban hành; thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và Điều lệnh Công an nhân dân. - Khi tiếp xúc với Nhân dân và người có hành vi vi phạm pháp luật phải có lễ tiết, tác phong, thái độ, văn hóa ứng xử đúng mực và phù hợp. - Phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ và hành vi vi phạm pháp luật khác theo đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền quy định. Ngoài ra, Dự thảo Thông tư cũng có nêu rõ, ngoài những yêu cầu đã nêu trên thì cán bộ CSGT còn phải bảo đảm các yêu cầu, quy định khác của Bộ Công an. (3) Trình tự kiểm soát các điều kiện tham gia giao thông của phương tiện Theo Điều 8 Dự thảo Thông tư, việc kiểm soát các điều kiện tham gia giao thông của phương tiện được đề xuất thực hiện theo trình tự như sau: Thực hiện kiểm soát theo trình tự từ trước ra sau, từ trái qua phải, từ ngoài vào trong, từ trên xuống dưới, trong đó, bao gồm các nội dung như sau: - Hình dáng. - Kích thước bên ngoài. - Màu sơn. - Biển số phía trước, phía sau. - Hai bên thành phương tiện giao thông. - Điều kiện an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, xe máy chuyên dùng theo quy định. Bên cạnh đó, Dự thảo Thông tư cũng đã bỏ quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của CSGT trong tuần tra, kiểm soát và các trường hợp CSGT được dừng xe để kiểm soát bởi những nội dung nêu trên đã được quy định cụ thể tại Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024. Đồng thời, cũng đề xuất bổ sung các quy định thiết bị kỹ thuật, phần mềm ứng dụng giao thông trên thiết bị di động để hỗ trợ CSGT khi thực hiện tuần tra, kiểm soát. Kèm theo đó là xây dựng, phê duyệt, quản lý lưu trữ kế hoạch tuần tra, kiểm soát trên môi trường điện tử, triển khai thực hiện kế hoạch tuần tra, kiểm soát, ghi nhật ký tuần tra trên phần mềm ứng dụng giao thông trên thiết bị di động. Ngoài ra, Dự thảo Thông tư cũng có đề xuất gửi thông báo cho người vi phạm trong trường hợp không dừng được phương tiện qua phần mềm ứng dụng giao thông trên thiết bị di động. Thêm nữa, người dân cũng có thể gửi thông tin phản ánh về tình hình trật tự, ATGT thông qua phần mềm ứng dụng giao thông trên thiết bị di động.
Dự kiến có thêm 01 App thông báo vi phạm giao thông
Bộ Công an đang lấy ý kiến về Dự thảo Thông tư xử lý vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông. Theo đó, tại đây có đề xuất bổ sung thông báo vi phạm giao thông qua App VneTraffic. https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/07/29/du-thao-tt-thay-tt32.doc Dự thảo Thông tư (Lần 02) (1) Dự kiến có thêm 01 App thông báo vi phạm giao thông Cụ thể, tại Điều 24 Dự thảo Thông tư có nêu rõ, việc gửi thông báo yêu cầu chủ phương tiện, tổ chức, cá nhân có liên quan đến vi phạm hành chính đến trụ sở cơ quan Công an nơi phát hiện vi phạm hành chính hoặc đến trụ sở Công an xã, phường, thị trấn, Công an cấp huyện nơi cư trú, đóng trụ sở để giải quyết vụ việc vi phạm hành chính nếu việc đi lại gặp khó khăn và không có điều kiện trực tiếp đến trụ sở cơ quan Công an nơi phát hiện vi phạm theo quy định tại khoản 2 Điều 15 Nghị định 135/2021/NĐ-CP sẽ được thực hiện theo các hình thức như sau: - Bằng văn bản giấy. - Bằng phương thức điện tử, thông qua ứng dụng giao thông trên thiết bị di động phân hệ dành cho công dân (sau đây gọi là App VneTraffic) khi đáp ứng điều kiện về cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, thông tin). Đồng thời, tại Điều 25 Dự thảo Thông tư cũng có nêu, Đơn vị CSGT có trách nhiệm thông báo công khai địa điểm, địa chỉ bưu chính, hộp thư điện tử, cổng thông tin điện tử hoặc trang thông tin điện tử, số điện thoại đường dây nóng của đơn vị, thông tin về cài đặt, sử dụng App VNeTraffic để cá nhân, tổ chức biết cung cấp thông tin; tổ chức trực ban 24/24 giờ để tiếp nhận, thu thập dữ liệu (thông tin, hình ảnh). Theo đó, trường hợp Dự thảo Thông tư nêu trên được thông qua thì tới đây, việc thông báo vi phạm giao thông cho những trường hợp phát hiện hành vi vi phạm giao thông đường bộ nhưng không dừng được phương tiện giao thông để kiểm soát, xử lý vi phạm sẽ được thực hiện trên App VNeTraffic. Đồng thời, Dự thảo Thông tư cũng có nêu, người dân cũng có thể cung cấp hình ảnh, thông tin về các vi phạm giao thông qua ứng dụng VneTraffic. Việc cài đặt, sử dụng sẽ được các đơn bị CSGT cung cấp hướng dẫn chi tiết. (2) Quy trình tiến hành kiểm soát phương tiện giao thông Theo Điều 14 Dự thảo Thông tư, khi phương tiện giao thông cần kiểm soát đã dừng vào vị trí theo hướng dẫn, cán bộ CSGT được phân công làm nhiệm vụ kiểm soát đứng ở vị trí phù hợp, an toàn và thực hiện như sau: - Đề nghị người điều khiển phương tiện thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn và xuống phương tiện. - Thực hiện chào theo Điều lệnh Công an nhân dân (trừ trường hợp biết trước người đó thực hiện hành vi có dấu hiệu của tội phạm, phạm tội quả tang, đang có lệnh truy nã). Khi tiếp xúc với người có hành vi vi phạm pháp luật, cán bộ CSGT phải giữ đúng tư thế, lễ tiết, tác phong, có thái độ ứng xử đúng mực. - Thông báo cho người điều khiển, những người trên phương tiện biết lý do kiểm soát; đề nghị người điều khiển xuất trình các giấy tờ liên quan theo quy định tại Khoản 1 Điều 8 Thông tư Dự thảo Thông tư để kiểm soát như sau: + Trường hợp các giấy tờ đã được tích hợp, cập nhật trong tài khoản định danh điện tử trên VNeID, trong CSDL do Bộ Công an quản lý thì thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát thông qua thông tin trong tài khoản định danh điện tử trên VNeID, CSDL. + Trường hợp xuất trình bản giấy các giấy tờ thì tiến hành kiểm tra, đối chiếu trực tiếp các giấy tờ đó và thực hiện tra cứu thông tin liên quan đến giấy tờ đó trong hệ thống cơ sở dữ liệu xử lý vi phạm hành chính, CSDL khác. + Thực hiện kiểm soát các nội dung theo quy định tại Điều 8 Dự thảo thông tư đối với trường hợp chở người từ 10 chỗ trở lên, phương tiện giao thông chở người có kích thước tương đương với phương tiện giao thông chở người từ 10 chỗ trở lên thì phải trực tiếp lên khoang chở người để thực hiện kiểm soát và thông báo kết quả kiểm soát. Theo đó, khi kết thúc kiểm soát, cán bộ CSGT phải báo cáo Tổ trưởng về kết quả kiểm soát, thông báo cho người điều khiển, những người trên phương tiện biết kết quả kiểm soát, hành vi vi phạm (nếu có) và biện pháp xử lý. Ngoài ra, khi có căn cứ cho rằng trong người tham gia giao thông, phương tiện vận tải, đồ vật có cất giấu tang vật, phương tiện, tài liệu được sử dụng để vi phạm hành chính thì được khám người, khám phương tiện vận tải, đồ vật theo quy định của pháp luật xử lý vi phạm hành chính. Trường hợp phát hiện có dấu hiệu tội phạm thì thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự.
Người dân có quyền kiểm tra chuyên đề của CSGT không?
Khi CSGT tuần tra theo chuyên đề thì có quyền yêu cầu người dân dừng xe để kiểm tra, kể cả khi không phát hiện vi phạm. Vậy người dân bị CSGT kiểm tra có được quyền yêu cầu kiểm tra chuyên đề của CSGT không? CSGT tuần tra theo chuyên đề là gì? Theo Điều 16 Thông tư 32/2023/TT-BCA quy định cán bộ CSGT thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát theo kế hoạch được dừng phương tiện giao thông để kiểm soát trong các trường hợp sau: - Trực tiếp phát hiện hoặc thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, thu thập được các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ và các hành vi vi phạm pháp luật khác; - Thực hiện mệnh lệnh, kế hoạch tổng kiểm soát phương tiện giao thông bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, trật tự xã hội; kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, trật tự xã hội đã được cấp có thẩm quyền ban hành; - Có văn bản đề nghị của Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan điều tra; văn bản đề nghị của cơ quan chức năng liên quan về dừng phương tiện giao thông để kiểm soát phục vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự; đấu tranh phòng, chống tội phạm; phòng, chống thiên tai, cháy nổ; phòng, chống dịch bệnh; cứu nạn, cứu hộ và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Văn bản đề nghị phải ghi cụ thể thời gian, tuyến đường, phương tiện giao thông dừng để kiểm soát, xử lý, lực lượng tham gia phối hợp; - Có tin báo, phản ánh, kiến nghị, tố giác của tổ chức, cá nhân về hành vi vi phạm pháp luật của người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ. Như vậy, tuần tra theo chuyên đề là việc CSGT tiến hành tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm giao thông theo chuyên đề do cấp có thẩm quyền ban hành. Khi tuần tra theo chuyên đề thì CSGT có quyền yêu cầu người dân dừng xe để kiểm tra, kể cả khi không phát hiện vi phạm. Người dân có quyền kiểm tra chuyên đề của CSGT không? Theo quy định trước đây tại Điều 14 Thông tư 65/2020/TT-BCA thì sẽ có các hình thức thông báo công khai chuyên đề tuần tra, kiểm soát của CSGT như sau: - Niêm yết tại trụ sở tiếp công dân của đơn vị; - Đăng tải trên Trang thông tin điện tử của Cục Cảnh sát giao thông hoặc Cổng thông tin điện tử của Công an cấp tỉnh, Phòng Cảnh sát giao thông; - Công khai trên phương tiện thông tin đại chúng; - Áp dụng các hình thức công khai khác theo quy định của pháp luật. Theo đó, người dân sẽ không được kiểm tra chuyên đề của CSGT trong lúc đang được CSGT yêu cầu dừng xe mà có thể tìm hiểu nội dung chuyên đề qua các hình thức trên. Tuy nhiên, Thông tư 32/2023/TT-BCA thay thế Thông tư 65/2020/TT-BCA đã bãi bỏ quy định thông báo công khai kế hoạch tuần tra, kiểm soát. Vì vậy, từ ngày Thông tư 32/2023/TT-BCA có hiệu lực (15/9/2023), người dân không được kiểm tra chuyên đề của CSGT với bất kỳ hình thức nào. Trang phục của CSGT khi thực hiện tuần tra, kiểm soát Theo khoản 1 Điều 13 Thông tư 32/2023/TT-BCA quy định về trang phục của Cảnh sát giao thông như sau: Khi tuần tra, kiểm soát công khai, cán bộ Cảnh sát giao thông sử dụng trang phục Cảnh sát, đeo số hiệu Công an nhân dân, dây lưng chéo theo quy định của pháp luật và của Bộ Công an. Khi kiểm soát vào buổi tối, ban đêm hoặc ban ngày trong điều kiện thời tiết sương mù, thời tiết xấu làm hạn chế tầm nhìn phải mặc áo phản quang. Như vậy, khi tuần tra theo chuyên đề thì CSGT sẽ phải mặc trang phục Cảnh sát, đeo số hiệu, dây lưng chéo và nếu vào buổi tối hoặc có sương mù, thời tiết xấu thì phải mặc áo phản quang.
04 trường hợp CSGT được dừng xe để kiểm tra từ tháng 1/2025
Quốc hội vừa thông qua Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ có hiệu lực từ ngày 01/01/2025. Bài viết sẽ điểm qua một số điểm mới nổi bật, trong đó nêu rõ 4 trường hợp cảnh sát giao thông được dừng phương tiện. Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ 2024 đã được Quốc hội thông qua vào ngày 27/6/2024 tại Kỳ họp thứ 7 (thực hiện đúng theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 được nêu tại Nghị quyết 89/2023/QH15). (1) 04 trường hợp CSGT được dừng phương tiện từ 01/01/2025 Cụ thể, tại Điều 66 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ quy định căn cứ dừng phương tiện tham gia giao thông đường bộ để kiểm tra, kiểm soát khi có một trong các căn cứ sau đây: - Khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật hoặc có căn cứ xác định có hành vi vi phạm pháp luật về trật an, an toàn giao thông đường bộ hoặc vi phạm pháp luật khác; - Thực hiện theo mệnh lệnh, kế hoạch tuần tra, kiểm soát của cấp có thẩm quyền để phát hiện hành vi vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ mà buộc phải dừng phương tiện để kiểm soát mới phát hiện được; - Phục vụ bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội và đấu tranh phòng, chống tội phạm; phòng, chống thiên tai; phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống dịch bệnh; - Có tin báo, tố giác, phản ánh, kiến nghị, đề nghị của cơ quan, tổ chức, cá nhân về tội phạm, hành vi vi phạm pháp luật khác. (2) Kiểm định khí thải mô tô, xe gắn máy Căn cứ tại Điều 42 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ quy định việc kiểm định đối với xe mô tô, xe gắn máy chỉ thực hiện kiểm định khí thải. Việc này thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, phải được thực hiện tại các cơ sở kiểm định khí thải đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Tuy nhiên, không đồng nghĩa tất cả mô tô, xe gắn máy trên cả nước sẽ phải kiểm định khí thải từ ngày 01/01/2025. Cụ thể, luật đưa ra quy định nhưng thời điểm thực hiện còn phụ thuộc vào lộ trình áp dụng mà Chính phủ ban hành. Lộ trình này sẽ do Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan chủ trì, phối hợp cùng Bộ GTVT xây dựng, trình Chính phủ để Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định. (3) 02 trường hợp sẽ bị thu hồi giấy phép lái xe Theo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ sẽ bị thu hồi giấy phép lái xe nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây: - Người được cấp giấy phép lái xe không đủ điều kiện sức khỏe theo kết luận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đối với từng hạng giấy phép lái xe. - Giấy phép lái xe được cấp sai quy định. Như vậy, từ 01/01/2025 nếu thuộc 1 trong 2 trường hợp trên thì người vi phạm sẽ bị thu hồi giấy phép lái xe. (4) Đấu giá biển số mô tô, xe máy với mức khởi điểm ít nhất 5 triệu đồng Căn cứ tại Điều 37 của Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ quy định: Biển số xe đưa ra đấu giá là biển số xe ô tô, xe mô tô, xe gắn máy được công khai để tổ chức, cá nhân lựa chọn đăng ký tham gia đấu giá. Giá khởi điểm của một biển số ô tô đưa ra đấu giá không thấp hơn 40 triệu đồng, và không thấp hơn 5 triệu đồng với biển số xe mô tô, xe gắn máy. Khi hết thời hạn đăng ký tham gia mà chỉ có một người đăng ký tham gia đấu giá, hoặc có nhiều người đăng ký tham gia đấu giá nhưng chỉ có một người tham gia đấu giá, hoặc có nhiều người tham gia đấu giá nhưng chỉ có một người trả giá ít nhất bằng giá khởi điểm của một biển số xe đưa ra đấu giá, thì người đó được xác định là người trúng đấu giá biển số xe. Người trúng đấu giá biển số xe phải nộp đủ số tiền trúng đấu giá trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày có thông báo kết quả trúng đấu giá. Sau thời hạn quy định, người trúng đấu giá biển số xe không nộp hoặc nộp không đủ tiền trúng đấu giá thì biển số xe trúng đấu giá được đấu giá lại hoặc chuyển vào hệ thống đăng ký, quản lý xe và người trúng đấu giá không được hoàn trả số tiền đặt trước, số tiền đã nộp, không được tham gia đấu giá biển số xe trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày có thông báo kết quả trúng đấu giá. Ngoài ra, người trúng đấu giá phải thực hiện thủ tục đăng ký xe để gắn biển số xe trúng đấu giá trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày được cấp quyết định xác nhận biển số xe trúng đấu giá. Trường hợp sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan thì thời hạn này được kéo dài thêm nhưng tối đa không quá 6 tháng. Sau thời hạn quy định, người trúng đấu giá biển số xe không thực hiện thủ tục đăng ký xe để gắn biển số xe trúng đấu giá thì biển số xe trúng đấu giá được đấu giá lại hoặc chuyển vào hệ thống đăng ký, quản lý xe và người trúng đấu giá không được hoàn trả số tiền trúng đấu giá đã nộp. Xem thêm chi tiết tại Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2025. Riêng khoản 3 Điều 10 có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2026.
CSGT có được mặc thường phục để bắn tốc độ không?
Khi nào thì bố trí CSGT mặc thường phục? CSGT có được mặc thường phục để bắn tốc độ không? Chạy xe quá tốc độ bị xử phạt như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết sau. (1) Khi nào thì bố trí CSGT mặc thường phục? Căn cứ Khoản 1 Điều 11 Thông tư 32/2023/TT-BCA có quy định về việc tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang của CSGT như sau: Tổ CSGT được phép bố trí một bộ phận cán bộ hóa trang (mặc thường phục), phối hợp với lực lượng tuần tra, kiểm soát công khai theo kế hoạch để thực hiện tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trên tuyến, địa bàn được phân công. Theo đó, các trường hợp tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang, gồm: - Sử dụng các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ. - Đấu tranh phòng, chống tội phạm; tình hình an ninh, trật tự hoặc trật tự, ATGT đường bộ phức tạp. Như vậy, khi có sử dụng máy bắn tốc độ để phục vụ công tác tuần tra, kiểm soát giao thông thì tổ CSGT thực hiện nhiệm vụ được bố trí một bộ phận mặc thường phục để sử dụng máy bắn tốc độ theo kế hoạch được cấp có thẩm quyền ban hành. Cấp thẩm quyền trong trường hợp này bao gồm: - Cục trưởng Cục CSGT. - Giám đốc Công an cấp tỉnh. - Trưởng phòng Hướng dẫn tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ, đường sắt. - Trưởng phòng CSGT. - Trưởng Công an cấp huyện có thẩm quyền quyết định kế hoạch CSGT tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với CSGT mặc thường phục bắn tốc độ trong địa phận thuộc phạm vi thẩm quyền quản lý của mình. (2) CSGT có được mặc thường phục để bắn tốc độ không? Như đã có nêu tại mục (1) trường hợp sử dụng máy bắn tốc độ để phục vụ công tác tuần tra, kiểm soát giao thông thì tổ CSGT được phép bố trí một bộ phận mặc thường phục để sử dụng máy bắn tốc độ theo kế hoạch được cấp có thẩm quyền ban hành. Đồng thời, tại Điểm b Khoản 4 Điều 11 Thông tư 32/2023/TT-BCA cũng có nêu rõ, bộ phận CSGT mặc thường phục có nhiệm vụ trực tiếp quan sát, sử dụng máy bắn tốc độ để giám sát tình hình giao thông, phát hiện các hành vi vi phạm giao thông đường bộ và hành vi vi phạm khác. Tuy nhiên, khi phát hiện ra vi phạm, CSGT mặc thường phục sẽ không được trực tiếp xử phạt vi phạm giao thông mà phải thông báo ngay cho CSGT tuần tra, kiểm soát công khai để tiến hành dừng xe kiểm soát và xử lý theo quy định của pháp luật. Từ dẫn chiếu những quy định nêu trên, có thể thấy, khi thực hiện nhiệm vụ thì CSGT mặc thường phục được phép bắn tốc độ để phát hiện vi phạm, nhưng phải giữ một khoảng cách thích hợp với bộ phận cán bộ tuần tra, kiểm soát công khai để bảo đảm việc xử lý vi phạm kịp thời, đúng pháp luật. (3) Mức xử phạt chạy xe quá tốc độ năm 2024 là bao nhiêu? Căn cứ Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP có quy định về mức phạt lỗi chạy quá tốc độ với ô tô như sau: - Phạt tiền từ 800 đến 01 triệu đồng đối với người điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định từ 05 km/h đến dưới 10 km/h. hạt tiền từ 04 đến 06 triệu đồng đối với người điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định từ 10km đến 20 km/h. Ngoài ra, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 đến 03 tháng. - Phạt tiền từ 06 đến 08 triệu đồng đối với người điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định trên 20 km/h đến 35 km/h. Bên cạnh đó, người điều khiển xe còn thực hiện hành vi vi phạm còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 đến 04 tháng. - Phạt tiền từ 10 đến 12 triệu đồng đối với người điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định trên 35 km/h. Tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 đến 04 tháng. Trường hợp chạy quá tốc độ với với mô tô, xe gắn máy thì sẽ bị áp dụng mức xử phạt theo quy định Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP, cụ thể: - Phạt tiền từ 300 đến 400 nghìn đồng đối với người điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định từ 05 km/h đến dưới 10km. - Phạt tiền từ 800 đến 01 triệu đồng đối với người điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định từ 10 km/h đến 20 km/hn. - Phạt tiền từ 04 đến 05 triệu đồng đối với người điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định trên 20 km/h. Bên cạnh đó, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm nêu trên còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 đến 04 tháng. Theo đó, hiện nay, người nào điều khiển xe máy, ô tô vượt quá tốc độ cho phép thì bị xử phạt theo quy định như đã nêu trên.
Không uống rượu, bia nhưng thổi có nồng độ cồn thì cần làm gì?
Pháp luật hiện hành cấm tuyệt đối điều khiển phương tiện TGGGT mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn, theo đó công cuộc kiểm soát của lực lượng chức năng cũng ngày càng nghiêm ngặt hơn. Tuy nhiên, một số trường hợp khi người dân không uống rượu, bia mà kết quả thổi có nồng độ cồn thì phải làm sao? Thổi có nồng độ cồn mặc dù không uống rượu, bia có quyền yêu cầu đi xét nghiệm Căn cứ tại khoản 8 Điều 8 Luật Giao thông đường bộ 2008 được sửa đổi bởi khoản 1 Điều 35 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia 2019 quy định cấm tuyệt đối điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Theo đó, người dân cần nghiêm chỉnh chấp hành khi lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra nồng độ cồn. Trường hợp thổi có nồng độ cồn mặc dù không uống, người dân cần bình tĩnh và thực hiện theo các hướng dẫn sau: Trong các tình huống này, lực lượng chức năng sẽ có các biện pháp nghiệp vụ để xác minh rằng bạn có vi phạm nồng độ cồn hay không. Cụ thể, tại các chốt kiểm tra nồng độ cồn, tài xế thường sẽ được kiểm tra tuần tự theo hai bước là định tính và định lượng. Theo đó, trường hợp người dân không sử dụng rượu, bia nhưng thiết bị đo vẫn báo vi phạm thì bạn có thể đề nghị CSGT cho mình thổi lại lần nữa, đổi thiết bị khác hoặc cũng có thể chờ trong khoảng thời gian nhất định (từ 10 - 15 phút) để kiểm tra lại Ngoài ra, cũng có thể uống nước, súc miệng trước khi kiểm tra lại bằng thiết bị đo nồng độ cồn để chứng minh bản thân không sử dụng rượu, bia. Nếu người dân đã thực hiện các biện pháp trên, tuy nhiên kết quả đo qua hơi thở vẫn chưa rõ ràng thì có thể yêu cầu CSGT đưa đi xét nghiệm máu tại cơ sở y tế đủ điều kiện theo quy định. Cơ sở y tế như thế nào đủ điều kiện xét nghiệm nồng độ cồn trong máu? Cơ sở y tế đủ điều kiện trong trường hợp này là cơ sở y tế được quy định tại Điều 4 Thông tư liên tịch 26/2014/TTLT-BYT-BCA, cụ thể: Cơ sở y tế được xét nghiệm nồng độ cồn trong máu của người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ khi đủ các điều kiện sau đây: - Có khoa xét nghiệm hoặc phòng xét nghiệm hoặc bộ phận xét nghiệm đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt danh mục kỹ thuật định lượng nồng độ cồn trong máu - Có máy sinh hóa xét nghiệm nồng độ cồn trong máu, thiết bị bảo quản và lưu mẫu máu xét nghiệm - Có cán bộ xét nghiệm đã có văn bằng đào tạo hoặc giấy chứng nhận về chuyên ngành xét nghiệm, nắm vững được quy trình xét nghiệm định lượng nồng độ cồn trong máu Lưu ý: Lực lượng chức năng sẽ không công nhận kết quả mà người điều khiển phương tiện tự đi xét nghiệm. Kết quả xét nghiệm không vi phạm thì không phải thanh toán chi phí Sau khi thực hiện xét nghiệm nồng độ cồn trong máu, mà kết quả xét nghiệm vẫn thể hiện trong máu có nồng độ cồn thì ngoài việc bị xử phạt rất nặng về lỗi nồng độ cồn, người dân còn phải thanh toán chi phí xét nghiệm theo giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh hiện hành do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước theo khoản 1 Điều 6 Thông tư liên tịch 26/2014/TTLT-BCA. Người dân có thể tìm hiểu về việc thanh toán chi chi phí xét nghiệm nồng độ cồn trong máu cho người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ vi phạm và không vi phạm luật Giao thông đường bộ được quy định tại khoản 1, 2 Điều 6 Thông tư liên tịch 26/2014/TTLT-BCA. Còn nếu người dân hoàn toàn không sử dụng rượu bia, đồng thời kết quả xét nghiệm thể hiện không có vi phạm về nồng độ cồn thì sẽ không bị lập biên bản vi phạm và cơ quan công an sẽ thanh toán chi phí xét nghiệm đó. Xem thêm bài viết: Tổng hợp mức xử phạt vi phạm nồng độ cồn đối với xe ô tô, xe máy, xe đạp
CSGT được lập chốt kiểm tra nồng độ cồn ở những nơi nào?
Khi tham gia giao thông ta thường thấy những chốt kiểm tra nồng độ cồn do CSGT lập. Có phải nơi nào CSGT cũng sẽ được lập chốt kiểm tra nồng độ cồn không? Ai có quyền lập chốt này? CSGT được lập chốt kiểm tra nồng độ cồn ở những nơi nào? Theo Điều 10 Thông tư 32/2023/TT-BCA quy định về hoạt động tuần tra, kiểm soát công khai sẽ có các hình thức sau: - Tuần tra, kiểm soát cơ động trên tuyến, địa bàn được phân công - Kiểm soát tại một điểm trên đường giao thông, tại Trạm Cảnh sát giao thông - Tuần tra, kiểm soát cơ động kết hợp với kiểm soát tại một điểm trên đường giao thông, tại Trạm Cảnh sát giao thông. Trong đó, lập chốt kiểm tra nồng độ cồn là hình thức kiểm soát tại một điểm trên đường giao thông, tại Trạm Cảnh sát giao thông. Hình thức này được quy định như sau: - Cảnh sát giao thông tổ chức lực lượng tại một điểm trên đường giao thông, tại Trạm Cảnh sát giao thông theo kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền ban hành để thực hiện kiểm soát, phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm hành chính về giao thông đường bộ và các hành vi vi phạm pháp luật khác theo quy định; - Tại một điểm trên đường giao thông, lựa chọn địa điểm, mặt đường rộng, thoáng, không che khuất tầm nhìn và đúng quy định của pháp luật giao thông đường bộ; - Khi tuần tra, kiểm soát, Cảnh sát giao thông sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ (camera) được trang bị để ghi hình quá trình kiểm soát. Kiểm soát vào buổi tối, ban đêm phải có đèn chiếu sáng và bảo đảm đủ ánh sáng. Như vậy, CSGT hoàn toàn có thể lập chốt kiểm tra nồng độ cồn tại bất kỳ đâu khi đã đáp ứng các điều kiện kể trên và phải đảm bảo việc lập chốt kiểm tra này phải được ghi rõ trong kế hoạch tuần tra, kiểm soát đã được cấp có thẩm quyền ban hành. Ai có thẩm quyền lập kế hoạch tuần tra, kiểm soát công khai? Theo khoản 4 Điều 10 Thông tư 32/2023/TT-BCA quy định: Khi tổ chức tuần tra, kiểm soát công khai theo quy định phải có kế hoạch của Trưởng phòng Hướng dẫn tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ, đường sắt thuộc Cục Cảnh sát giao thông (sau đây viết gọn là Trưởng phòng Hướng dẫn tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ, đường sắt), Trưởng phòng Cảnh sát giao thông, Trưởng Công an cấp huyện trở lên và bảo đảm các quy định sau: - Sử dụng trang phục Cảnh sát theo quy định tại khoản 1 Điều 13 Thông tư 32/2023/TT-BCA; - Sử dụng phương tiện giao thông theo quy định tại khoản 2 Điều 13 Thông tư 32/2023/TT-BCA hoặc đi bộ để tuần tra, kiểm soát trong phạm vi tuyến, địa bàn được phân công; - Sử dụng các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ; vũ khí, công cụ hỗ trợ và phương tiện kỹ thuật khác theo quy định của Thông tư 32/2023/TT-BCA. Như vậy, Trưởng phòng Hướng dẫn tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ, đường sắt, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông, Trưởng Công an cấp huyện trở lên sẽ có thẩm quyền lập kế hoạch tuần tra, kiểm soát công khai. Trang phục, phương tiện khi tuần tra, kiểm soát công khai của CSGT bao gồm những gì? Theo khoản 1, khoản 2 Điều 13 Thông tư 32/2023/TT-BCA quy định như sau: - Trang phục của Cảnh sát giao thông: Khi tuần tra, kiểm soát công khai, cán bộ Cảnh sát giao thông sử dụng trang phục Cảnh sát, đeo số hiệu Công an nhân dân, dây lưng chéo theo quy định của pháp luật và của Bộ Công an. Khi kiểm soát vào buổi tối, ban đêm hoặc ban ngày trong điều kiện thời tiết sương mù, thời tiết xấu làm hạn chế tầm nhìn phải mặc áo phản quang. - Phương tiện giao thông, gồm: Xe ô tô, mô tô tuần tra, kiểm soát; xe chuyên dùng + Xe ô tô, mô tô tuần tra, kiểm soát (màu sơn trắng); xe chuyên dùng: Có dòng chữ Cảnh sát giao thông song ngữ (tiếng Việt và tiếng Anh), lắp đặt đèn, cờ hiệu Công an, còi phát tín hiệu ưu tiên theo quy định của pháp luật; + Xe ô tô tuần tra, kiểm soát: ++ Hai bên thành xe có vạch sơn phản quang màu xanh nước biển, ở giữa có dòng chữ “CẢNH SÁT GIAO THÔNG” màu trắng (bằng chất liệu phản quang), kích thước chữ 10cm x 10cm, nét chữ 03cm, cân đối hai bên thành xe; ++ Hai bên cánh cửa phía trước có dòng chữ “TRAFFIC POLICE” màu xanh (bằng chất liệu phản quang), kích thước khổ chữ tối đa bằng hai phần ba khổ chữ “CẢNH SÁT GIAO THÔNG” và hình phù hiệu Cảnh sát giao thông ở giữa hai chữ “TRAFFIC” và “POLICE”. ++ Tùy từng loại xe được bố trí khoảng cách giữa các chữ, các từ cho cân đối và phù hợp; + Xe mô tô tuần tra, kiểm soát: ++ Hai bên bình xăng hoặc hai bên sườn hoặc ở hai bên cốp xe, bên trên có dòng chữ “C.S.G.T”, bên dưới có dòng chữ “TRAFFIC POLICE” màu xanh (bằng chất liệu phản quang); ++ Kích thước khổ chữ “TRAFFIC POLICE” tối đa bằng hai phần ba khổ chữ “C.S.G.T”. ++ Tùy từng loại xe được bố trí kích thước chữ và khoảng cách giữa các chữ cho cân đối và phù hợp; + Xe chuyên dùng: ++ Hai bên thành thùng hoặc sườn xe có dòng chữ “CẢNH SÁT GIAO THÔNG” bằng chất liệu phản quang, kích thước chữ 10cm x 10cm, nét chữ 03cm; ++ Hai bên cánh cửa phía trước có dòng chữ “TRAFFIC POLICE” bằng chất liệu phản quang, kích thước khổ chữ tối đa bằng hai phần ba khổ chữ “CẢNH SÁT GIAO THÔNG” và hình phù hiệu Cảnh sát giao thông ở giữa hai chữ “TRAFFIC” và “POLICE”. ++ Tùy từng loại xe, màu sơn của xe được bố trí khoảng cách giữa các chữ, các từ, màu của chữ (trắng hoặc xanh) cho cân đối và phù hợp; + Còi phát tín hiệu ưu tiên được sử dụng theo quy định của pháp luật. Đèn phát tín hiệu ưu tiên được sử dụng liên tục trong các trường hợp sau: Tuần tra, kiểm soát cơ động; kiểm soát tại một điểm vào buổi tối, ban đêm hoặc ban ngày trong điều kiện thời tiết sương mù, thời tiết xấu làm hạn chế tầm nhìn. Như vậy, khi tuần tra, kiểm soát công khai thì CSGT sẽ được trang bị trang phục và phương tiện theo quy định trên để hỗ trợ cho quá trình công tác.
Bị tai nạn giao thông, tài xế dẫn xe vào lề chờ CSGT để không kẹt xe thì có sai quy định?
Hai xe tông nhau, sau đó tài xế tự ý dời xe vào lề để tránh gây ùn tắc giao thông trong thời gian chờ lực lượng chức năng đến giải quyết. Khi CSGT đến thì bị lập biên bản xử phạt về hành vi không giữ nguyên hiện trường thì có đúng không? Bị tai nạn giao thông, tài xế dẫn xe vào lề chờ CSGT để không kẹt xe thì có sai quy định? Theo khoản 3 Điều 7 Thông tư 63/2020/TT-BCA quy định về giải quyết ban đầu khi cán bộ Cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát phát hiện vụ tai nạn giao thông hoặc được phân công đến hiện trường vụ tai nạn giao thông, trong đó: Một trong những nhiệm vụ mà cán bộ Cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát phát hiện vụ tai nạn giao thông hoặc được lãnh đạo có thẩm quyền phân công đến hiện trường phải thực hiện là tổ chức, hướng dẫn giao thông không để xảy ra ùn tắc: - Trường hợp phương tiện giao thông liên quan đến vụ tai nạn giao thông có thể gây ùn tắc giao thông thì phải đánh dấu vị trí của phương tiện, vị trí các dấu vết trên phương tiện, chụp ảnh, ghi hình phương tiện và vị trí phương tiện rồi nhanh chóng đưa phương tiện vào vị trí thích hợp để bảo vệ (trừ trường hợp quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 7 Thông tư 63/2020/TT-BCA); - Trường hợp vụ tai nạn giao thông đã gây ùn tắc giao thông phải báo cáo lãnh đạo đơn vị để có phương án tăng cường lực lượng, phương tiện, phân luồng giao thông, giải quyết ùn tắc từ xa. Như vậy, trách nhiệm di chuyển phương tiện để bảo vệ cũng như tránh ùn tắc giao thông là thuộc về cán bộ CSGT, người bị tai nạn, người dân phải giữ nguyên hiện trường để lực lượng chức năng xử lý. Như vậy khi bị tai nạn giao thông mà tài xế tự ý dẫn xe vào lề chờ CSGT để không bị kẹt xe là sai quy định. Bị tai nạn giao thông mà không giữ nguyên hiện trường bị phạt bao nhiêu? (1) Đối với xe ô tô Theo khoản 2, khoản 8 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô như sau: - Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng và tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng đối với người điều khiển xe có liên quan trực tiếp đến vụ tai nạn giao thông mà không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, không tham gia cấp cứu người bị nạn, trừ hành vi dưới đây - Phạt tiền từ 16.000.000 đồng đến 18.000.000 đồng và tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 05 tháng đến 07 tháng đối với người điều khiển xe gây tai nạn giao thông không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, bỏ trốn không đến trình báo với cơ quan có thẩm quyền, không tham gia cấp cứu người bị nạn. (2) Đối với xe máy Theo khoản 3, khoản 8 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy như sau: - Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng và tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng đối với người điều khiển xe có liên quan trực tiếp đến vụ tai nạn giao thông mà không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, không tham gia cấp cứu người bị nạn, trừ hành vi dưới đây. - Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng và tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 03 tháng đến 05 tháng đối với người điều khiển xe gây tai nạn giao thông không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, bỏ trốn không đến trình báo với cơ quan có thẩm quyền, không tham gia cấp cứu người bị nạn. (3) Đối với máy kéo, xe máy chuyên dùng Theo khoản 3, khoản 8 Điều 7 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt người điều khiển máy kéo, xe máy chuyên dùng (sau đây gọi chung là xe) như sau: - Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng, tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe (khi điều khiển máy kéo), chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ (khi điều khiển xe máy chuyên dùng) từ 01 tháng đến 03 tháng đối với người điều khiển xe có liên quan trực tiếp đến vụ tai nạn giao thông mà không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, không tham gia cấp cứu người bị nạn, trừ hành vi vi phạm dưới đây. - Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng, tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe (khi điều khiển máy kéo), chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ (khi điều khiển xe máy chuyên dùng) từ 05 tháng đến 07 tháng đối với người điều khiển xe gây tai nạn giao thông không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, bỏ trốn không đến trình báo với cơ quan có thẩm quyền, không tham gia cấp cứu người bị nạn. (4) Đối với xe đạp, xe đạp máy (kể cả xe đạp điện) Theo khoản 4 Điều 8 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt người điều khiển xe đạp, xe đạp máy (kể cả xe đạp điện), người điều khiển xe thô sơ khác như sau: Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với người điều khiển xe gây tai nạn giao thông không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, bỏ trốn không đến trình báo với cơ quan có thẩm quyền, không tham gia cấp cứu người bị nạn. Như vậy, tùy theo loại phương tiện đang điều khiển mà người bị tai nạn giao thông mà không giữ nguyên hiện trường sẽ bị phạt từ 400 nghìn (đối với xe đạp) - 18 triệu (đối với ô tô).
Từ 15/11/2024, CSGT chỉ còn phải công khai 05 nội dung khi tuần tra, xử lý VPHC
Ngày 30/9/2024, Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Thông tư 46/2024/TT-BCA sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 67/2019/TT-BCA quy định về thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Theo đó, bãi bỏ 1 trong 6 nội dung mà CSGT phải công khai khi tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính, cụ thể: Căn cứ tại Điều 2 Thông tư 46/2024/TT-BCA của Bộ Công an (có hiệu lực từ ngày 15/11/2024) quy định bãi bỏ điểm d khoản 1, điểm c khoản 2 và điểm b, khoản 3 Điều 5 Thông tư 67/2019/TT-BCA của Bộ Công an về quy định về thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông như sau: “Điều 5. Nội dung công khai của Công an nhân dân trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông 1. Trong công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính: a) Quy trình tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính; b) Tên cơ quan, địa chỉ, số điện thoại trực ban, hòm thư góp ý của cơ quan Công an có nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính; c) Trang phục, số hiệu Công an nhân dân và các phương tiện, thiết bị kỹ thuật, công cụ hỗ trợ được công khai theo quy định; d) Kế hoạch tổng kiểm soát phương tiện giao thông, Kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề về giao thông, kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm thường xuyên, gồm các nội dung cụ thể sau: Tên đơn vị; tuyến đường; các loại phương tiện và các hành vi vi phạm tiến hành kiểm soát, xử lý; thời gian thực hiện; đ) Nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ, chiến sĩ khi làm nhiệm vụ tuần tra kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính; e) Quyền và nghĩa vụ của công dân khi cán bộ, chiến sĩ thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính.” Theo đó, tại Điều 2 Thông tư 46/2024/TT-BCA (có hiệu lực từ 15/11/2024) đã bãi bỏ điểm d khoản 1 Điều 5 Thông tư 67/2019/TT-BCA. Vậy nên, từ 15/11/2024, CSGT sẽ không phải công khai Kế hoạch tổng kiểm soát phương tiện giao thông, kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề về giao thông, kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm thường xuyên, gồm các nội dung cụ thể sau: Tên đơn vị; tuyến đường; các loại phương tiện và các hành vi vi phạm tiến hành kiểm soát, xử lý; thời gian thực hiện trong khi thực hiện công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính. Lý giải việc này, Cục CSGT cho biết, hoạt động của lực lượng CSGT ngoài việc bảo đảm trật tự an toàn giao thông còn trực tiếp hoặc phối hợp với lực lượng nghiệp vụ thực hiện công tác phòng, chống tội phạm trên các tuyến giao thông. Vì vậy, kế hoạch công tác là tài liệu mật hoặc nội bộ trong lực lượng. Thực tiễn quá trình thực thi nhiệm vụ của lực lượng CSGT, nhiều người dân đã yêu cầu lực lượng CSGT xuất trình kế hoạch tuần tra, kiểm soát và chia sẻ lên mạng xã hội nhằm mục đích quấy rối, gây khó khăn cho công tác thi hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông và đấu tranh phòng chống tội phạm trên tuyến giao thông. Thay vào đó, CSGT sẽ phải công khai trong công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính, 05 nội dung sau: - Quy trình tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính; - Tên, địa chỉ, số điện thoại trực ban, hòm thư góp ý, tài khoản mạng xã hội, thời gian tiếp công dân giải quyết xử lý vi phạm hành chính của cơ quan Công an có nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính; (được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 2 Điều 1 Thông tư 46/2024/TT-BCA) - Các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ dùng để phát hiện vi phạm hành chính theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính (được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 2 Điều 1 Thông tư 46/2024/TT-BCA) - Nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ, chiến sỹ khi làm nhiệm vụ tuần tra kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính; - Quyền và nghĩa vụ của công dân khi cán bộ, chiến sỹ thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính.
Từ 15/11, bỏ hình thức giám sát CSGT bằng thiết bị ghi âm, ghi hình
Bộ Công an mới đây đã ban hành Thông tư 46/2024/TT-BCA sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 67/2019/TT-BCA quy định về thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. (1) Từ 15/11, bỏ hình thức giám sát CSGT bằng thiết bị ghi âm, ghi hình Cụ thể, Thông tư 46/2024/TT-BCA đã sửa đổi quy định tại Điều 11 Thông tư 67/2019/TT-BCA về hình thức giám sát của nhân dân trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Theo đó, kể từ ngày 15/11/2024, chỉ còn những hình thức giám sát như sau: - Tiếp cận thông tin công khai của lực lượng công an và trên các phương tiện thông tin đại chúng. - Qua các chủ thể giám sát theo quy định của pháp luật. - Tiếp xúc, giải quyết trực tiếp công việc với cán bộ, chiến sĩ. - Kết quả giải quyết các vụ việc, đơn thư, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. - Quan sát trực tiếp công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Bên cạnh đó, quy định cũng có nêu rõ, trong quá trình giám sát, nhân dân phải đảm bảo các điều kiện bao gồm: Không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cán bộ, chiến sĩ khi đang thực thi nhiệm vụ; ở ngoài khu vực thực thi công vụ. Đồng thời, cũng phải tuân thủ các quy định pháp luật khác có liên quan. Theo đó, có thể thấy, hình thức giám sát thông qua thiết bị ghi âm, ghi hình ở Thông tư 67/2019/TT-BCA đã được loại bỏ. (2) Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 67/2019/TT-BCA về thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông Cụ thể, tại Thông tư 46/2024/TT-BCA đã sửa đổi, bổ sung khoản 2, khoản 3 Điều 4 Thông tư 67/2019/TT-BCA như sau: - Khu vực thực thi công vụ là nơi được giới hạn bằng cọc tiêu hình chóp nón hoặc dây căng để cán bộ, chiến sĩ thực thi nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và an ninh, trật tự. Khu vực thực thi công vụ phải tuân thủ các quy định pháp luật khác có liên quan. - Dây căng là dây có nền màu đỏ, viền màu vàng, chiều rộng từ 5cm đến 10cm; trên dây có in dòng chữ “HÀNG RÀO CẢNH SÁT. CẢM VƯỢT QUA - POLICE LINE. DO NOT CROSS” màu vàng có phản quang. Bên cạnh đó, cũng sửa đổi, bổ sung điểm b, điểm c khoản 1, điểm b, điểm d khoản 2 và bổ sung điểm d vào sau điểm c khoản 4 Điều 5 Thông tư 67/2019/TT-BCA như sau: - Tên, địa chỉ, số điện thoại trực ban, hòm thư góp ý, tài khoản mạng xã hội, thời gian tiếp công dân giải quyết xử lý vi phạm hành chính của cơ quan Công an có nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính. - Các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ dùng để phát hiện vi phạm hành chính theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012. Thêm nữa, Thông tư 46/2024/TT-BCA cũng sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 1 Điều 5 Thông tư 67/2019/TT-BCA thành các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ dùng để phát hiện vi phạm hành chính theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012. Đồng thời, sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 2 Điều 5 Thông tư 67/2019/TT-BCA như sau: “b) Tên, địa chỉ, thời gian làm việc, số điện thoại trực ban, hòm thư góp ý, tài khoản mạng xã hội của cơ quan Công an có nhiệm vụ đăng ký, cấp biển số xe;”. Ngoài ra, cũng sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 6 Thông tư 67/2019/TT-BCA thành Đăng tải trên Cổng thông tin điện tử, Trang thông tin điện tử, tài khoản mạng xã hội của cơ quan Công an. Xem chi tiết tại Thông tư 46/2024/TT-BCA có hiệu lực từ ngày 12/11/2024.
Bỏ chạy khi CSGT yêu cầu dừng xe kiểm tra bị phạt bao nhiêu?
Khi người dân được CSGT yêu cầu dừng xe kiểm tra nhưng không chấp hành mà bỏ chạy thì sẽ bị phạt bao nhiêu? Bỏ chạy có phải là chống người thi hành công vụ không? Bỏ chạy khi CSGT yêu cầu dừng xe có phải là chống người thi hành công vụ? Theo Điều 3 Nghị định 208/2013/NĐ-CP quy định: Hành vi chống người thi hành công vụ là hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc không chấp hành hiệu lệnh, yêu cầu của người thi hành công vụ hoặc có hành vi khác nhằm cản trở người thi hành công vụ thực hiện nhiệm vụ được giao hoặc ép buộc người thi hành công vụ không thực hiện nhiệm vụ được giao. Trong đó, người thi hành công vụ là cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ lực lượng vũ trang nhân dân được cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân có thẩm quyền giao thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật và được pháp luật bảo vệ nhằm phục vụ lợi ích của Nhà nước, nhân dân và xã hội. Mà theo Điều 330 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về tội chống người thi hành công vụ sẽ áp dụng khi có người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật. Như vậy, việc người dân bỏ chạy khi CSGT yêu cầu dừng xe kiểm tra là đang không chấp hành hiệu lệnh, theo đó cũng là một dạng chống người thi hành công vụ. Tuy nhiên, hành vi này chỉ nằm ở mức xử phạt vi phạm hành chính chứ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Bỏ chạy khi CSGT yêu cầu dừng xe kiểm tra bị phạt bao nhiêu? Theo Điều 5, 6, 7, 8, 9 Nghị định 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 123/2021/NĐ-CP thì có các mức xử phạt cho hành vi không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông như sau: - Người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô: 04 - 06 triệu đồng, tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 - 03 tháng. - Người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy: 800.000 - 01 triệu đồng, tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 - 03 tháng. - Người điều khiển máy kéo, xe máy chuyên dùng: 02 - 03 triệu đồng, tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 - 03 tháng đối với người điều khiển máy kéo và tước quyền sử dụng chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ từ 01 - 03 tháng đối với người điều khiển xe máy chuyên dùng. - Người điều khiển xe đạp, xe đạp máy (kể cả xe đạp điện), người điều khiển xe thô sơ khác: 100.000 - 200.000 đồng - Người đi bộ: 60.000 - 100.000 đồng - Người điều khiển, dẫn dắt súc vật, điều khiển xe súc vật kéo: 100.000 - 200.000 đồng. Như vậy, tùy theo phương tiện đang điều khiển mà người bỏ chạy khi CSGT yêu cầu dừng xe kiểm tra sẽ bị xử phạt về hành vi không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông theo các mức phạt tiền như trên. Những trường hợp nào CSGT được yêu cầu dừng xe kể cả không phát hiện vi phạm? Theo khoản 1 Điều 16 Thông tư 32/2023/TT-BCA quy định cán bộ Cảnh sát giao thông thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát theo kế hoạch được dừng phương tiện giao thông để kiểm soát trong các trường hợp sau: - Trực tiếp phát hiện hoặc thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, thu thập được các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ và các hành vi vi phạm pháp luật khác; - Thực hiện mệnh lệnh, kế hoạch tổng kiểm soát phương tiện giao thông bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, trật tự xã hội; kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, trật tự xã hội đã được cấp có thẩm quyền ban hành; - Có văn bản đề nghị của Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan điều tra; văn bản đề nghị của cơ quan chức năng liên quan về dừng phương tiện giao thông để kiểm soát phục vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự; đấu tranh phòng, chống tội phạm; phòng, chống thiên tai, cháy nổ; phòng, chống dịch bệnh; cứu nạn, cứu hộ và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Văn bản đề nghị phải ghi cụ thể thời gian, tuyến đường, phương tiện giao thông dừng để kiểm soát, xử lý, lực lượng tham gia phối hợp; - Có tin báo, phản ánh, kiến nghị, tố giác của tổ chức, cá nhân về hành vi vi phạm pháp luật của người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ. Như vậy, CSGT vẫn được yêu cầu dừng xe kể cả không phát hiện vi phạm khi đang thực hiện mệnh lệnh, kế hoạch tổng kiểm soát, kế hoạch tuần tra theo chuyên đề hoặc có văn bản đề nghị của cơ quan có thẩm quyền.
Giấy tờ xe photo công chứng có giá trị không? Sử dụng có bị CSGT phạt không?
Theo quy định, khi lái xe phải mang theo đầy đủ các loại giấy tờ như: giấy đăng ký xe, bằng lái xe,.... Vậy nếu lỡ không mang theo bản chính mà chỉ có bản photo công chứng các loại giấy tờ kể trên thì có thể dùng thay bản gốc khi CSGT kiểm tra được không? Giấy tờ xe photo công chứng có giá trị không? Sử dụng có bị CSGT phạt không? Theo Điều 3 Nghị định 23/2015/NĐ-CP Giá trị pháp lý của bản sao được cấp từ sổ gốc, bản sao được chứng thực từ bản chính, chữ ký được chứng thực và hợp đồng, giao dịch được chứng thực - Bản sao được cấp từ sổ gốc có giá trị sử dụng thay cho bản chính trong các giao dịch, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. - Bản sao được chứng thực từ bản chính theo quy định tại Nghị định 23/2015/NĐ-CP có giá trị sử dụng thay cho bản chính đã dùng để đối chiếu chứng thực trong các giao dịch, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. - Chữ ký được chứng thực theo quy định tại Nghị định 23/2015/NĐ-CP có giá trị chứng minh người yêu cầu chứng thực đã ký chữ ký đó, là căn cứ để xác định trách nhiệm của người ký về nội dung của giấy tờ, văn bản. - Hợp đồng, giao dịch được chứng thực theo quy định của Nghị định này có giá trị chứng cứ chứng minh về thời gian, địa điểm các bên đã ký kết hợp đồng, giao dịch; năng lực hành vi dân sự, ý chí tự nguyện, chữ ký hoặc dấu điểm chỉ của các bên tham gia hợp đồng, giao dịch. Theo đó, mặc dù bản sao giấy tờ được công chứng chỉ có giá trị thay thế bản chính nhưng chỉ trong các giao dịch dân sự. Còn trong quan hệ pháp luật hành chính như việc kiểm tra giấy tờ tùy thân, giấy tờ xe, bằng lái xe thì bản sao công chứng sẽ không được thay thế bản chính. Trường hợp sử dụng bản sao giấy tờ xe photo công chứng mà không có bản gốc khi CSGT kiểm tra sẽ bị xử phạt như hành vi không mang giấy tờ xe. Trường hợp đặc biệt được sử dụng giấy tờ xe photo công chứng? Theo khoản 13 Điều 80 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định về thủ tục xử phạt đối với chủ phương tiện, người điều khiển phương tiện vi phạm quy định liên quan đến giao thông đường bộ, đường sắt thì: Người điều khiển phương tiện tham gia giao thông được sử dụng bản sao chứng thực Giấy đăng ký xe (đối với phương tiện tham gia giao thông đường bộ), bản sao chứng thực Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện giao thông đường sắt (đối với phương tiện tham gia giao thông đường sắt) kèm bản gốc Giấy biên nhận của tổ chức tín dụng còn hiệu lực, thay cho bản chính Giấy đăng ký xe, Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện giao thông đường sắt trong thời gian tổ chức tín dụng giữ bản chính Giấy đăng ký xe, Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện giao thông đường sắt. Như vậy, trường hợp đặc biệt là trong thời gian tổ chức tín dụng giữ bản chính giấy đăng ký xe nhằm bảo đảm các nghĩa vụ dân sự như thế chấp hay mua trả góp… thì người điều khiển phương tiện tham gia giao thông có thể sử dụng bản sao chứng thực giấy đăng ký xe kèm bản gốc giấy biên nhận của tổ chức tín dụng còn hiệu lực để thay cho bản chính giấy đăng ký xe Mức xử phạt hành vi không mang giấy tờ xe? Theo khoản 2,3,4,5 Điều 21 Nghị định 100/2019/NĐ-CP sửa đổi bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP phạt tiền đối với lỗi không mang giấy tờ xe như sau: (1) Đối với xe mô tô, xe gắn máy Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với hành vi sau: - Người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy không có hoặc không mang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực; - Người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy không mang theo Giấy đăng ký xe; (2) Đối với xe ô tô, máy kéo - Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây: + Người điều khiển xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô không mang theo Giấy đăng ký xe (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc); + Người điều khiển xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô không mang theo Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (đối với loại xe có quy định phải kiểm định, kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc). - Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với hành vi người điều khiển xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô không có hoặc không mang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực. (3) Đối với xe máy chuyên dùng Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây: - Người điều khiển xe máy chuyên dùng không mang theo bằng (hoặc chứng chỉ) điều khiển, chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ; - Người điều khiển xe máy chuyên dùng không mang theo Giấy đăng ký xe; - Người điều khiển xe máy chuyên dùng không mang theo Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (đối với loại xe có quy định phải kiểm định). Như vậy, tùy vào loại phương tiện đang điều khiển mà người lái xe tham gia giao thông không mang giấy tờ xe sẽ bị xử phạt theo quy định trên,
Quyền hạn của CSGT khi làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát là gì?
Việc nắm rõ những quy định về quyền hạn của lực lượng CSGT khi thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát sẽ giúp chúng ta hợp tác tốt hơn với lực lượng chức năng và góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông. (1) Quyền hạn của CSGT khi làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát là gì? Theo quy định tại khoản 5 Điều 65 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024, Quyền hạn của Cảnh sát giao thông khi thực hiện tuần tra, kiểm soát được quy định như sau: - Dừng phương tiện tham gia giao thông đường bộ theo quy định tại Điều 66 của Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 để kiểm tra việc chấp hành các quy định về quy tắc giao thông đường bộ; điều kiện của phương tiện tham gia giao thông đường bộ; điều kiện của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ; các quy định về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan; - Xử lý vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ và vi phạm pháp luật khác theo quy định của pháp luật; - Huy động người, phương tiện, thiết bị dân sự trong trường hợp cấp bách; di chuyển phương tiện vi phạm dừng, đỗ trên đường bộ gây cản trở, ùn tắc giao thông hoặc nguy cơ dẫn đến tai nạn giao thông đường bộ theo quy định tại Điều 68 và Điều 69 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024; - Vận hành, sử dụng hệ thống, phương tiện, thiết bị, dữ liệu theo quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 67 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 và vũ khí, công cụ hỗ trợ theo quy định tại Điều 70 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024; - Quyền hạn khác theo quy định của Luật Công an nhân dân và quy định khác của pháp luật có liên quan. Quyền hạn của CSGT khi tuần tra, kiểm soát là rất đa dạng và quan trọng trong việc duy trì trật tự an toàn giao thông. Những quyền hạn này không chỉ giúp CSGT thực hiện nhiệm vụ một cách hiệu quả mà còn bảo vệ an toàn cho người tham gia giao thông. Qua đó, góp phần xây dựng một môi trường giao thông an toàn, văn minh và hiệu quả. (2) Nguyên tắc khi thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát Theo quy định tại khoản 6 Điều 65 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024, Khi thực hiện nhiệm vụ, lực lượng thực hiện tuần tra, kiểm soát phải tuân thủ các nguyên tắc sau đây: - Chấp hành quy định của pháp luật và mệnh lệnh, kế hoạch tuần tra, kiểm soát của cấp có thẩm quyền; - Tôn trọng và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; - Kiên quyết đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ và vi phạm pháp luật khác; - Chịu trách nhiệm về quyết định, hành vi của mình theo quy định của pháp luật. Có thể thấy, các nguyên tắc được quy định tại khoản 6 Điều 65 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 là nền tảng quan trọng cho hoạt động của lực lượng tuần tra, kiểm soát. Những nguyên tắc này không chỉ đảm bảo tính hợp pháp và trách nhiệm trong công việc mà còn nâng cao hiệu quả trong việc bảo vệ trật tự an toàn giao thông. Qua đó, tạo dựng niềm tin và sự hợp tác từ phía cộng đồng, góp phần xây dựng một xã hội an toàn và văn minh hơn. (3) Hoạt động, hình thức hoạt động khi thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát là gì? Liên quan đến vấn đề này, theo khoản 1 Điều 65 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 hoạt động tuần tra, kiểm soát bao gồm: - Bố trí lực lượng, phương tiện thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát; - Kiểm tra, kiểm soát người, phương tiện tham gia giao thông đường bộ; - Phát hiện, ngăn chặn và xử lý vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ và vi phạm pháp luật khác. Theo đó, hình thức để thực hiện các hoạt động tuần tra, kiểm soát là: - Tổ chức lực lượng trực tiếp tuần tra, kiểm soát trên tuyến giao thông đường bộ; - Kiểm soát thông qua hệ thống, phương tiện, thiết bị, dữ liệu quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 67 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024. Lực lượng thực hiện các nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát là lực lượng Cảnh sát giao thông. Trong trường hợp cần thiết, trên cơ sở quyết định của cấp có thẩm quyền và phù hợp với thực tế nhiệm vụ, được huy động các lực lượng, đơn vị khác trong Công an nhân dân tham gia phối hợp với Cảnh sát giao thông thực hiện tuần tra, kiểm soát. Hoạt động tuần tra, kiểm soát của lực lượng CSGT là một quá trình đa dạng và phức tạp, bao gồm nhiều bước và hình thức khác nhau. Việc bố trí lực lượng, kiểm tra phương tiện và xử lý vi phạm đều nhằm mục tiêu duy trì trật tự an toàn giao thông. Sự kết hợp giữa các hình thức hoạt động truyền thống và hiện đại, cùng với sự phối hợp của các lực lượng khác, sẽ tạo ra hiệu quả cao hơn trong công tác bảo đảm an toàn giao thông, góp phần xây dựng một môi trường giao thông an toàn và văn minh.
Người dân có thể gửi video vi phạm giao thông cho CSGT qua đâu?
Hiện nay, người dân nếu quay được video hành vi vi phạm giao thông thì có thể gửi đến cơ quan chức năng có thẩm quyền để xử phạt người vi phạm. Vậy, người dân có thể gửi video vi phạm giao thông cho CSGT qua đâu? Xem thêm: Báo tin vi phạm giao thông được thưởng bao nhiêu tiền? Những cơ quan nào có thẩm quyền tiếp nhận video vi phạm giao thông của người dân? Theo khoản 1, khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều 18 Nghị định 135/2021/NĐ-CP quy định về cơ quan, đơn vị tiếp nhận, thu thập dữ liệu, trong đó: (1) Cơ quan, đơn vị tiếp nhận, thu thập dữ liệu phản ánh vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt: - Cảnh sát giao thông, Cảnh sát cơ động, Cảnh sát trật tự, Cảnh sát phản ứng nhanh, Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an cấp xã; - Thanh tra chuyên ngành và cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về giao thông vận tải đường bộ, đường sắt. (2) Cơ quan, đơn vị tiếp nhận, thu thập dữ liệu phản ánh vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa: - Cảnh sát giao thông, Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự, xã hội, Công an cấp xã; - Thanh tra chuyên ngành và cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành đường thủy nội địa, Cảng vụ đường thủy nội địa; - Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển. (3) Cơ quan, đơn vị tiếp nhận, thu thập dữ liệu phản ánh vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông hàng hải: - Thanh tra chuyên ngành và cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành hàng hải, Cảng vụ hàng hải; - Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển; - Kiểm ngư; - Cảnh sát giao thông. (4) Cơ quan, đơn vị thực hiện tiếp nhận, thu thập dữ liệu phản ánh vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông hàng không dân dụng: - Thanh tra chuyên ngành và cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành hàng không; - Cảng vụ hàng không; - Quản lý xuất nhập cảnh; Công an cấp xã; Đồn Công an. Như vậy, đối với video vi phạm giao thông đường bộ thì các cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận là CSGT, Cảnh sát cơ động, Cảnh sát trật tự, Cảnh sát phản ứng nhanh, Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an cấp xã; Thanh tra chuyên ngành và cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra. Người dân có thể gửi video vi phạm giao thông cho CSGT qua đâu? Theo khoản 1 Điều 16 Nghị định 135/2021/NĐ-CP quy định về cung cấp dữ liệu thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật. Theo đó, dữ liệu do cá nhân, tổ chức thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật cung cấp cho cơ quan, đơn vị, người có thẩm quyền xử phạt bằng một trong các hình thức sau: - Trực tiếp đến trụ sở cơ quan, đơn vị của người có thẩm quyền hoặc hiện trường xảy ra vụ việc để cung cấp; - Thư điện tử, cổng thông tin điện tử hoặc trang thông tin điện tử, số điện thoại đường dây nóng; - Dịch vụ bưu chính; - Kết nối, chia sẻ dữ liệu. Như vậy, người dân có thể gửi video vi phạm giao thông trực tiếp tại trụ sở CSGT nơi xảy ra vi phạm, qua thư điện tử, cổng thông tin, trang thông tin điện tử, qua hotline, gửi bưu điện, kết nối, chia sẻ dữ liệu với cơ quan CSGT. Ví dụ, hiện nay người dân TPHCM có thể phản ánh, gửi video vi phạm giao thông cho CSGT qua: Địa chỉ trụ sở Phòng CSGT: số 341 Trần Hưng Đạo, phường Cầu Kho, quận 1, TP.HCM; số điện thoại trực ban Phòng CSGT: 069.318.7521; số điện thoại đường dây nóng (hotline): 0326 08.08.08; địa chỉ hộp thư điện tử của Phòng CSGT: csgt-dbds.ca@tphcm.gov.vn. Video vi phạm giao thông phải đáp ứng điều kiện gì? Theo Điều 17 Nghị định 135/2021/NĐ-CP quy định yêu cầu và giá trị sử dụng của dữ liệu thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật như sau: - Yêu cầu về dữ liệu thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật: + Thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước theo quy định tại khoản 1 Điều 64 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012; + Không xâm phạm quyền tự do, danh dự, nhân phẩm, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, các quyền, lợi ích hợp pháp khác của cá nhân và tổ chức theo quy định của pháp luật; + Phản ánh khách quan, chính xác, trung thực về hành vi vi phạm, thời gian, địa điểm xảy ra vi phạm; + Đáp ứng yêu cầu về thời hạn sử dụng theo quy định tại khoản 3 Điều 14 Nghị định 135/2021/NĐ-CP. - Dữ liệu thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật do cá nhân, tổ chức cung cấp, nếu đáp ứng được yêu cầu quy định trên thì được sử dụng làm căn cứ xác minh, phát hiện vi phạm và xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật. Như vậy, video vi phạm giao thông mà người dân quay được phải đáp ứng các yêu cầu, điều kiện trên thì mới có giá trị sử dụng để làm căn cứ xử phạt người vi phạm.
Vụ lái xe đâm vào CSGT thành Án lệ tội giết người
Thay vì xử tội chống người thi hành công vụ như trước đây, thì theo Án lệ 18, những vụ lái xe đâm CSGT tương tự có thể bị xét xử tội giết người. (1) Vụ lái xe đâm vào CSGT thành Án lệ tội giết người Án lệ là các phán quyết của Tòa án (hay còn gọi là bản án) được dùng làm cơ sở cho việc giải quyết các vụ việc tương tự về sau. Tính đến nay, Việt Nam đã có 63 án lệ được công bố và áp dụng. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu Án lệ số 18/2018/AL về hành vi giết người đang thi hành công vụ trong tội “Giết người”. Theo Án lệ số 18/2018/AL Khoảng 16 giờ ngày 30/6/2017, Tổ Tuần tra kiểm soát Phòng CSGT Công an tỉnh Hà Tĩnh ra tín hiệu dừng xe để xử lý lỗi chạy quá tốc độ với xe container BKS 77C - 016.47 kéo theo rơ-moóc BKS 77R - 001.37 do Phan Thành H (SN 1995, Bình Định) cầm lái. Sau khi thông báo lỗi và cho xem hình ảnh vi phạm, tổ công tác yêu cầu H xuất trình giấy tờ để kiểm tra. Tuy nhiên, H cho rằng xe mình không vi phạm tốc độ, nên không xuất trình giấy tờ rồi tranh cãi với Tổ tuần tra. Dù được giải thích nhưng nhưng H vẫn không chấp nhận mà tiếp tục tranh cãi, rồi lên xe đóng cửa lại, lúc này xe vẫn đang nổ máy. Thấy vậy, đồng chí Lê Hồ Việt A đang đứng phía trước bên phải đầu xe, còn đồng chí Nguyễn Anh Đ đang đứng phía trước bên trái cách đầu xe khoảng 1 mét, ra hiệu cho H không được di chuyển. Tuy nhiên, H không chấp hành hiệu lệnh mà bất ngờ điều khiển xe lao thẳng vào đồng chí A và đồng chí Đ đang đứng phía trước đầu xe để bỏ chạy. Nhận thấy tình hình nguy hiểm, đồng chí A nhảy ra lề đường phía bên phải tránh được, còn đồng chí Đ không kịp tránh nên buộc phải bám vào gọng gương chiếu hậu phía trước, bên trái trên nắp capo của xe. Dù đã thấy đồng chí Đ đang bám phía trước nhưng Phan Thành H vẫn tiếp tục điều khiển xe tăng tốc. Đi được khoảng 400 mét thì H bất ngờ đánh lái mạnh về phía bên trái, chuyển hướng đầu xe vào sát dải phân cách cứng giữa đường. Do lúc này đồng chí Đ chỉ bám hai tay vào gọng gương chiếu hậu của xe, hai chân không có điểm tựa nên khi xe đánh lái đột ngột đã bị văng khỏi xe va vào dải phân cách cứng, rồi rơi xuống mặt đường. Hậu quả, đồng chí Đ bị thương nặng được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa thị xã Hồng Lĩnh, sau đó chuyển đến điều trị tại Bệnh viện hữu nghị Việt Đức, đến ngày 10-7-2017 được chuyển về điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Tĩnh cho đến ngày 18-7-2017 thì ra viện. H bị bắt và bị khởi tố về tội Chống người thi hành công vụ. Tuy nhiên, khi xem xét hành vi và quá trình phạm tội của H, ngày 22/7/2017, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hà Tĩnh quyết định khởi tố bị can H tội Giết người. Tại phiên tòa xét xử, sau khi xem xét các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, TAND tỉnh Hà Tĩnh tuyên phạt Phan Thành H 8 năm tù về tội Giết người và 2 năm tù về tội “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức” (làm giả bằng lái hạng FC). Mặc dù có kháng cáo, H vẫn bị Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội tuyên phạt 7 năm tù về tội “Giết người”. Sau khi được Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao thông qua, ngày 6/11/2018, Chánh án TAND Tối cao đã công bố Án lệ số 18/2018/AL về hành vi giết người đang thi hành công vụ trong tội “Giết người”. Việc TAND Tối cao đưa vụ án này thành án lệ là một bước tiến quan trọng, tạo tiền đề cho các tòa cấp dưới xét xử những vụ án tương tự. Đồng thời, tăng tính răn đe, giáo dục và cảnh tỉnh người tham gia giao thông về việc chấp hành các quy định của pháp luật nói chung và pháp luật ATGT nói riêng. (2) Tội Giết người bị phạt như thế nào? Theo quy định tại Điều 123 Bộ Luật Hình sự 2015, người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình: - Giết 02 người trở lên - Giết người dưới 16 tuổi - Giết phụ nữ mà biết là có thai - Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân - Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình - Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại thực hiện một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng - Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác - Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân - Thực hiện tội phạm một cách man rợ - Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp - Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người - Thuê giết người hoặc giết người thuê - Có tính chất côn đồ - Có tổ chức - Tái phạm nguy hiểm - Vì động cơ đê hèn Người phạm tội nhưng không thuộc các trường hợp trên thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm. Người nào chuẩn bị phạm tội Giết người thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.
Đề xuất: Trích 70-85% tiền phạt để hiện đại hóa cơ sở vật chất cho lực lượng công an
Bộ Công an đang lấy ý kiến Dự thảo Nghị định Quy định quản lý, sử dụng kinh phí thu từ xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ và đấu giá biển số xe. https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/8/07/dt-nghi-dinh-kinh-phi.docx Dự thảo Nghị định (1) Những cơ quan được sử dụng kinh phí thu từ xử phạt vi phạm giao thông và đấu giá biển số Cụ thể, Dự thảo Nghị định đề xuất những cơ quan sau đây được sử dụng kinh phí thu từ xử phạt vi phạm giao thông và đấu giá biển số, cụ thể: - Đối với kinh phí thu từ xử phạt vi phạm giao thông, bao gồm: + Ủy ban An toàn giao thông quốc gia. + Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an, Hội đồng nhân dân và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. + Ban An toàn giao thông tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Ban An toàn giao thông quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương. + Các lực lượng khác tham gia bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn giao thông thuộc lực lượng CAND, Bộ Giao thông vận tải và UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. - Đối với kinh phí thu được từ đấu giá biển số xe, bao gồm: + Bộ Công an. + Các lực lượng khác tham gia bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn giao thông thuộc lực lượng CAND. Bên cạnh đó, tại Dự thảo Nghị định cũng có nêu rõ, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc quản lý, sử dụng kinh phí thu từ xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đấu giá biển số xe. (2) Trích 70-85% tiền phạt để hiện đại hóa cơ sở vật chất cho lực lượng công an Cụ thể, tại Điều 3 Dự thảo Nghị định có đề xuất về những nguyên tắc bố trí kinh phí, lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thu từ xử phạt vi phạm hành chính về trật tự ATGT đường bộ và đấu giá biển số xe. Theo đó, tại khoản 2 có nêu rõ: “2. Lực lượng Công an nhân dân được ngân sách nhà nước bố trí kinh phí để thực hiện hoạt động tăng cường, hiện đại hóa cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị phục vụ bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn giao thông từ 70% đến 85% khoản thu từ xử phạt vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông đường bộ và 30% khoản thu từ đấu giá biển số xe.” Theo đó, dự kiến sắp tới, lực lượng công an sẽ được ngân sách nhà nước bố trí kinh phí để thực hiện hoạt động tăng cường, hiện đại hóa cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị phục vụ đảm bảo an ninh, trật tự, ATGT từ 70 đến 85% khoản thu từ xử phạt vi phạm và 30% khoản thu từ đấu giá biển số xe. Thêm nữa, Dự thảo Nghị định cũng có đề xuất, cơ quan khác được sử dụng thu từ xử phạt vi phạm giao thông không thuộc lực lượng công an được ngân sách nhà nước bố trí từ 15 đến 30% khoản thu từ xử phạt vi phạm giao thông. Bên cạnh đó, Dự thảo Nghị định cũng có những đề xuất khác về nội dung chi và mức chi kinh phí thu từ xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông như: Chi đặc thù bảo đảm trật tự, ATGT của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, Bộ Giao thông vận tải; chi đặc thù bảo đảm trật tự, ATGT cho lực lượng công an; chi đặc thù bảo đảm trật tự, ATGT cho địa phương,… (3) Tăng mức mức chi hỏi thăm và hỗ trợ nạn nhân gặp tai nạn giao thông Cụ thể, tại Điều 5 Dự thảo Nghị định có đề xuất dự thảo hỗ trợ không quá 10 triệu đồng/người bị tử vong, không quá 5 triệu đồng/người bị thương nặng trong các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng. Đối với dịp Tết Nguyên đán, ngày thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông, thăm hỏi không quá 5 triệu đồng/người với nạn nhân bị thương nặng, gia đình nạn nhân bị chết do tai nạn giao thông có hoàn cảnh khó khăn. Ngoài ra, mức chi bồi dưỡng cho cán bộ, chiến sĩ tham gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông ban đêm, theo Dự thảo Nghị định tối đa là 200.000 đồng/người/ca (1 ca từ đủ 4 giờ trở lên, thời gian làm đêm từ 22 giờ đêm hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau), tối đa không quá 10 ca/tháng. Xem thêm: Đề xuất trích tiền phạt để bồi dưỡng CSGT xử lý kẹt xe giờ cao điểm tại thành phố trực thuộc TW
Đề xuất trích tiền phạt để bồi dưỡng CSGT xử lý kẹt xe giờ cao điểm tại thành phố trực thuộc TW
Bộ Công an đang dự thảo Nghị định quy định quản lý, sử dụng kinh phí thu từ xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ và đấu giá biển số xe. Trong đó có đề xuất sẽ chi bồi dưỡng CSGT xử lý kẹt xe giờ cao điểm tại thành phố trực TW. Dự thảo Nghị định quy định quản lý, sử dụng kinh phí thu từ xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ và đấu giá biển số xe (Dự thảo tháng 8/2024): https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/8/06/chuan.-dt-nghi-dinh-kinh-phi.docx Đề xuất trích tiền phạt vi phạm giao thông bồi dưỡng CSGT xử lý kẹt xe giờ cao điểm tại thành phố trực thuộc TW Theo điểm d khoản Điều 4 Thông tư 01/2018/TT-BTC quy định về mức chi trong lĩnh vực bảo đảm trật tự an toàn giao thông, trong đó: Mức chi bồi dưỡng cho cán bộ, chiến sỹ trực tiếp tham gia bảo đảm TTATGT ban đêm (bao gồm cả lực lượng cảnh sát khác tham gia trực tiếp cho nhiệm vụ bảo đảm TTATGT theo quy định tại Nghị định 27/2010/NĐ-CP): tối đa 100.000 đồng/người/ca (01 ca từ đủ 04 giờ trở lên). Theo đó, hiện nay chỉ quy định chi cho CSGT tham gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông vào ban đêm. Đến Dự thảo tháng 8/2024, tại khoản 3 dự thảo, Bộ công an đã đề xuất các nội dung chi đặc thù bảo đảm trật tự, an toàn giao thông cho lực lượng Công an nhân dân. Trong đó, đối với chi bồi dưỡng CSGT có các nội dung chi sau: - Chi bồi dưỡng cho cán bộ, chiến sỹ tham gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông ban đêm; - Chi bồi dưỡng cán bộ, chiến sĩ trực tiếp xử lý ùn tắc giao thông và bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong giờ cao điểm (buổi sáng từ 6h30 đến 8h30, buổi chiều từ 16h30 đến 18h30) tại các thành phố trực thuộc trung ương; Như vậy, so với quy định hiện hành thì Bộ công an đã đề xuất thêm nội dung chi bồi dưỡng đối với CSGT trực tiếp xử lý kẹt xe vào giờ cao điểm tại các thành phố trực thuộc TW. Việc trích tiền phạt vi phạm giao thông cho nội dung chi bồi dưỡng đã có từ trước đây Theo Điều 2 Thông tư 01/2018/TT-BTC quy định về nguồn kinh phí bảo đảm TTATGT sẽ bao gồm: - Ngân sách nhà nước bố trí từ nguồn chi các hoạt động kinh tế theo phân cấp quản lý ngân sách hiện hành trong dự toán chi thường xuyên của các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương; - Ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương. Giai đoạn 2018-2020, ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho địa phương 70% số thu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn giao thông phần ngân sách trung ương được hưởng phát sinh trên địa bàn từng địa phương năm trước liền kề năm hiện hành (dự toán năm 2018 sẽ căn cứ vào số thực hiện năm 2016; dự toán năm 2019 sẽ căn cứ vào số thực hiện năm 2017 và dự toán năm 2020 sẽ căn cứ vào số thực hiện năm 2018). - Các khoản hỗ trợ, viện trợ của các tổ chức cá nhân trong và ngoài nước cho hoạt động đảm bảo TTATGT; - Các nguồn thu khác theo quy định của pháp luật. Như vậy, từ quy định hiện hành thì số tiền thu từ xử phạt vi phạm an toàn giao thông nộp vào NSNN đã được bổ sung có mục tiêu cho địa phương để chi bảo đảm an toàn giao thông. Trong đó, nội dung chi bồi dưỡng cán bộ, chiến sỹ tham gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông nằm từ trước đến nay cũng đã nằm trong nội dung chi này. Dự thảo Nghị định quy định quản lý, sử dụng kinh phí thu từ xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ và đấu giá biển số xe (Dự thảo tháng 8/2024): https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/8/06/chuan.-dt-nghi-dinh-kinh-phi.docx
Ngoài CSGT thì còn ai có quyền xử phạt vi phạm giao thông?
Hiện nay, ngoài CSGT thì còn lực lượng, cơ quan nào có thẩm quyền xử phạt vi phạm giao thông nữa không? Bài viết sau đây sẽ có câu trả lời cho thắc mắc trên. Ngoài CSGT thì còn ai có quyền xử phạt vi phạm giao thông? Theo Điều 74 Nghị định 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP đã phân định thẩm quyền xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt, theo đó sẽ có các lực lượng, cơ quan sau đây sẽ có quyền xử phạt vi phạm giao thông: (1) Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp (2) Cảnh sát giao thông (3) Cảnh sát trật tự, Cảnh sát phản ứng nhanh, Cảnh sát cơ động, Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (4) Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (5) Trưởng Công an cấp xã, Trưởng đồn Công an, Trưởng trạm Công an cửa khẩu, khu chế xuất (6) Thanh tra giao thông vận tải, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành đường bộ (7) Cảng vụ hàng hải, Cảng vụ hàng không, Cảng vụ đường thủy nội địa, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành đường sắt, hàng không, hàng hải, đường thủy nội địa (8) Thanh tra giao thông vận tải, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành đường sắt (9) Thanh tra chuyên ngành bảo vệ môi trường, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành bảo vệ môi trường Như vậy, ngoài CSGT thì sẽ còn 8 lực lượng, cơ quan theo quy định trên có quyền xử phạt vi phạm giao thông. Tuy nhiên, về phạm vi được quyền xử phạt thì đối với mỗi lực lượng, cơ quan sẽ được giới hạn, người đọc có thể xem chi tiết tại Điều 74 Nghị định 100/2019/NĐ-CP. Việc xác định thẩm quyền xử phạt vi phạm giao thông được thực hiện theo nguyên tắc nào? Theo Điều 78 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định nguyên tắc xác định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả như sau: - Nguyên tắc xác định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt thực hiện theo quy định tại Điều 52 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012. - Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của những chức danh được quy định tại các Điều 75, 76 và 77 Nghị định 100/2019/NĐ-CP là thẩm quyền áp dụng đối với một hành vi vi phạm hành chính của cá nhân; trong trường hợp phạt tiền, thẩm quyền xử phạt tổ chức gấp 02 lần thẩm quyền xử phạt cá nhân tương ứng với từng lĩnh vực. - Đối với những hành vi vi phạm có quy định áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn thì trong các chức danh quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 75; khoản 4, khoản 5, khoản 6 Điều 76; khoản 2, khoản 3, khoản 4, khoản 6 Điều 77 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, chức danh nào có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi đó cũng có quyền xử phạt tước quyền sử dụng giấy phép hoặc chứng chỉ hành nghề đối với người vi phạm. Như vậy, việc xử phạt vi phạm giao thông đường bộ cũng được thực hiện theo nguyên tắc chung đối với xử lý vi phạm hành chính tại Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012. Lực lượng, cơ quan nào có thẩm quyền lập biên bản vi phạm giao thông đường bộ? Theo khoản 1 Điều 79 Nghị định 100/2019/NĐ-CP được bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP quy định thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ bao gồm: (1) Các chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ được quy định tại các Điều 75, 76 và 77 Nghị định 100/2019/NĐ-CP; (2) Công chức, viên chức được giao nhiệm vụ tuần kiểm có quyền lập biên bản đối với các hành vi xâm phạm kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; lấn chiếm, sử dụng trái phép đất của đường bộ và hành lang an toàn giao thông đường bộ; (3) Công an viên có thẩm quyền lập biên bản đối với các hành vi vi phạm xảy ra trong phạm vi quản lý của địa phương; (4) Công chức thuộc Thanh tra Sở Giao thông vận tải đang thi hành công vụ, nhiệm vụ có thẩm quyền lập biên bản đối với các hành vi vi phạm xảy ra trong phạm vi địa bàn quản lý của Thanh tra Sở Giao thông vận tải; (5) Công chức, viên chức thuộc Cảng vụ hàng hải, Cảng vụ hàng không, Cảng vụ đường thủy nội địa đang thi hành công vụ, nhiệm vụ có thẩm quyền lập biên bản đối với các hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 1, điểm a khoản 3, khoản 5 Điều 28 Nghị định 100/2019/NĐ-CP khi xảy ra trong phạm vi địa bàn quản lý của cảng vụ. Như vậy, không chỉ CSGT mà các chức vụ theo quy định trên cũng có quyền lập biên bản vi phạm giao thông trong phạm vi thẩm quyền đã phân công.
CSGT mặc thường phục được kiểm tra, xử lý vi phạm nồng độ cồn không?
Mặc thường phục để tăng cường hiệu quả tuần tra, kiểm soát giao thông, đặc biệt là đối với các lỗi vi phạm như nồng độ cồn, là một giải pháp được nhiều nước trên thế giới áp dụng (1) CSGT mặc thường phục được xử lý vi phạm nồng độ cồn không? Việc CSGT mặc thường phục để kiểm tra, xử lý vi phạm giao thông, đặc biệt là vi phạm nồng độ cồn, đang là vấn đề gây nhiều tranh cãi. Liệu việc làm này có đúng quy định pháp luật và có đảm bảo quyền lợi của người dân hay không? Theo khoản 4 Điều 11 Thông tư 32/2023/TT-BCA quy định: Nhiệm vụ của bộ phận cán bộ hóa trang là trực tiếp quan sát, sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ giám sát tình hình trật tự, an toàn giao thông, phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ và hành vi vi phạm pháp luật khác. Khi phát hiện vi phạm, cán bộ hóa trang phải thông báo ngay cho bộ phận tuần tra, kiểm soát công khai để tiến hành dừng phương tiện, kiểm soát, xử lý theo quy định Từ đó có thể hiểu, khi thực hiện nhiệm vụ thì lực lượng CSGT hóa trang sẽ không trực tiếp xử lý vi phạm về giao thông nói chung hay vi phạm về nồng độ cồn nói riêng mà chỉ âm thầm giám sát, mật phục, trường hợp phát hiện hành vi vi phạm thì sẽ báo cho lực lượng mặc cảnh phục (tức bộ phận tuần tra, kiểm soát công khai) để xử lý theo quy định. (2) Trường hợp nào CSGT hóa trang được trực tiếp xử lý vi phạm? Cũng theo quy định tại khoản 4 Điều 11 Thông tư 32/2023/TT-BCA, trong trường hợp cán bộ CSGT đang hóa trang mà phát hiện hành vi vi phạm nghiêm trọng về giao thông đường bộ, an ninh, trật tự xã hội, nếu không ngăn chặn kịp thời sẽ gây hậu quả nguy hiểm cho xã hội,... thì cán bộ hóa trang sử dụng Giấy chứng minh Công an nhân dân để thông báo, vận động người dân phối hợp, ngăn chặn ngay hành vi vi phạm Đồng thời thông báo và phối hợp với bộ phận cán bộ tuần tra, kiểm soát công khai để giải quyết tại nơi phát hiện vi phạm hoặc đưa đối tượng vi phạm về trụ sở cơ quan công an nơi gần nhất để giải quyết theo quy định Như vậy, trong một số trường hợp cần thiết thì lực lượng CSGT hóa trang sẽ sử dụng “thẻ ngành” của mình để chứng minh thân phận, đồng thời phối hợp với người dân hoặc lực lượng chức năng khác để giải quyết tình huống theo đúng quy định. (3) Mức phạt vi phạm có nồng độ cồn khi tham gia giao thông Căn cứ theo quy định tại Điều 5, Điều 6 và Điều 8 Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 123/2021/NĐ-CP), mức phạt đối với việc vi phạm có nồng độ cồn khi tham gia giao thông đối với xe ô tô, xe gắn máy và xe đạp được quy định như sau: Mức nồng độ cồn Đối tượng Mức phạt tiền Xử phạt bổ sung Mức 1: Chưa vượt quá 50 mg/100 ml máu hoặc 0,25 mg/1l khí thở Ô tô 06 - 08 triệu đồng Tước Bằng từ 10 - 12 tháng Xe máy 02 - 03 triệu đồng Xe đạp, xe đạp điện 80.000 - 100.000 đồng Mức 2: Vượt quá 50mg đến 80mg/100ml máu hoặc quá 0,25mg đến 0,4mg/1l khí thở Ô tô 16 - 18 triệu đồng Tước Bằng từ 16 - 18 tháng Xe máy 04 - 05 triệu đồng Xe đạp, xe đạp điện 200.000 - 400.000 đồng Mức 3: Vượt quá 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg/1l khí thở Ô tô 30 - 40 triệu đồng Tước Bằng 22 - 24 tháng Xe máy 06 - 08 triệu đồng Xe đạp 600 - 800.000 đồng Việc uống rượu bia khi lái xe là một trong những nguyên nhân chính gây ra tai nạn giao thông, gây hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản. Thông qua việc cho phép CSGT mặc thường phục kiểm tra nồng độ cồn, cơ quan chức năng đã tạo ra một rào cản tâm lý đối với những người có ý định vi phạm, góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông. Việc quy định mức phạt thật nặng đối với vi phạm có nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông là một thông điệp rõ ràng gửi đến toàn xã hội về sự nghiêm khắc của pháp luật đối với hành vi này.
Đề xuất dùng thiết bị thông minh hỗ trợ CSGT chỉ huy, điều khiển giao thông
Hiện nay Bộ Công an đang dự thảo Thông tư quy định về chỉ huy, điều khiển giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông. Trong đó, có đề xuất CSGT được dùng thiết bị thông minh hỗ trợ chỉ huy, điều khiển giao thông. Xem toàn văn Dự thảo Thông tư quy định về chỉ huy, điều khiển giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông (Dự thảo tháng 7/2024): https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/07/31/du-thao-thong-tu-chi-huy-dieu-khien-giao-thong.doc Đề xuất dùng thiết bị thông minh hỗ trợ CSGT chỉ huy, điều khiển giao thông Theo đó, tại Điều 11 Dự thảo Thông tư quy định về chỉ huy, điều khiển giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông (Dự thảo tháng 7/2024) quy định về sử dụng thiết bị thông minh hỗ trợ chỉ huy, điều khiển giao thông như sau: - Thiết bị thông minh hỗ trợ chỉ huy, điều khiển giao thông được sử dụng phải đảm bảo đáp ứng được các yêu cầu về nghiệp vụ của Cảnh sát giao thông và bảo đảm các yêu cầu về an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội; an toàn cho người tham gia giao thông. - Các thiết bị thông minh hỗ trợ chỉ huy, điều khiển giao thông có thể nhận và truyền tải thông tin cần được kết nối với trung tâm chỉ huy giao thông. - Khi tiếp nhận các thông tin, dữ liệu về tình hình giao thông trên các tuyến giao thông như: Ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông, sự cố giao thông, lưu lượng, mật độ phương tiện tham gia giao thông đông, mất trật tự an toàn giao thông…lực lượng Cảnh sát giao thông phải chỉ đạo kịp thời việc điều chỉnh hoạt động của hệ thống đèn tín hiệu hoặc triển khai phương án bố trí lực lượng, phương tiện tổ chức phân luồng, phân tuyến giao thông; xử lý, khắc phục kịp thời. Như vậy, nếu Dự thảo tháng 7/2024 được thông qua thì CSGT sẽ được sử dụng thêm thiết bị thông minh để hỗ trợ chỉ huy, điều khiển giao thông. Điều này sẽ hỗ trợ nhiều cho CSGT trong các tình huống cấp thiết. CSGT phải được tập huấn sử dụng thiết bị thông minh mới được chỉ huy, điều khiển giao thông Tại Điều 4 Dự thảo tháng 7/2024 quy định về yêu cầu, tiêu chuẩn của Cảnh sát chỉ huy, điều khiển giao thông như sau: - Yêu cầu: + Nắm vững và thực hiện đúng các quy định của Thông tư này và các quy định khác của pháp luật có liên quan; + Thực hiện đúng, đầy đủ và có trách nhiệm đối với nhiệm vụ được phân công; quy chế dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và Điều lệnh Công an nhân dân. - Tiêu chuẩn: + Có trình độ Trung cấp Công an nhân dân hoặc tương đương trở lên. Đối với sĩ quan, hạ sĩ quan tốt nghiệp các trường ngoài ngành Công an phải đã qua lớp bồi dưỡng pháp luật và nghiệp vụ Công an nhân dân theo quy định; + Đã được tập huấn nghiệp vụ công tác chỉ huy, điều khiển giao thông theo chương trình, nội dung của Cục Cảnh sát giao thông. Cán bộ chiến sỹ quản lý, vận hành, khai thác hệ thống đèn tín hiệu, thiết bị thông minh hỗ trợ chỉ huy giao thông phải được tập huấn về cách thức sử dụng, bảo dưỡng, quy trình vận hành do đơn vị sản xuất, lắp đặt tổ chức hoặc hướng dẫn. Như vậy, đi cùng với đề xuất dùng thiết bị thông minh hỗ trợ CSGT chỉ huy, điều khiển giao thông thì Bộ Công an cũng đã đề xuất thêm tiêu chuẩn của CSGT tham gia chỉ huy, điều khiển giao thông cũng phải được tập huấn sử dụng các thiết bị này trước khi làm nhiệm vụ. CSGT được chỉ huy, điều khiển giao thông tại những nơi nào? Theo Điều 7 Dự thảo tháng 7/2024 quy định phương thức hoạt động của Cảnh sát chỉ huy, điều khiển giao thông bao gồm: - Chỉ huy, điều khiển giao thông tại nút giao thông. - Chỉ huy, điều khiển giao thông tại một vị trí hoặc một khu vực trên đường giao thông khi xảy ra ùn tắc giao thông. - Chỉ huy, điều khiển giao thông tại khu vực diễn ra các sự kiện, lễ hội, hội nghị. Như vậy, CSGT sẽ chỉ huy, điều khiển giao thông tại nút giao thông, tại một ví trí trên đường giao thông khi kẹt xe và tại khu vực sự kiện,... Xem toàn văn Dự thảo Thông tư quy định về chỉ huy, điều khiển giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông (Dự thảo tháng 7/2024: https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/07/31/du-thao-thong-tu-chi-huy-dieu-khien-giao-thong.doc
Đề xuất: CSGT không lập chốt kiểm soát ở nơi che khuất tầm nhìn
Bộ Công an đang lấy ý kiến đóng góp về Dự thảo thông tư quy định quy trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ của CSGT. https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/07/31/du-thao-kiem-tra-kiem-soat-cua-CSGT.doc Dự thảo Thông tư (1) CSGT không lập chốt kiểm soát ở nơi che khuất tầm nhìn Cụ thể, tại Khoản 2 Điều 6 Dự thảo Thông tư có đề xuất về việc tuần tra, kiểm soát công khai tại một điểm trên đường giao thông, tại trạm CSGT như sau: - CSGT tổ chức lực lượng tại một điểm trên đường giao thông, tại Trạm Cảnh sát giao thông theo kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền ban hành để thực hiện kiểm soát, phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm giao thông và các hành vi vi phạm pháp luật khác theo quy định. - Tại một điểm trên đường giao thông, lựa chọn địa điểm, mặt đường rộng, thoáng, không che khuất tầm nhìn và đúng quy định của pháp luật giao thông đường bộ. - Khi tuần tra, kiểm soát, Cảnh sát giao thông sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ (camera) được trang bị để ghi hình quá trình kiểm soát. Kiểm soát vào buổi tối, ban đêm phải có đèn chiếu sáng và bảo đảm đủ ánh sáng. Theo đó, trường hợp Dự thảo Thông tư nêu trên được thông qua thì việc lập chốt kiểm soát của CSGT cần phải đảm bảo lựa chọn địa điểm, mặt đường rộng, thoáng, không che khuất tầm nhìn và đúng quy định của pháp luật giao thông đường bộ. (2) CSGT phải có lễ tiết, tác phong, thái độ, văn hóa ứng xử đúng mực và phù hợp với Nhân dân Theo Điều 5 Dự thảo Thông tư, CSGT khi thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm cần phải đáp ứng được những yêu cầu như sau: - Thực hiện đúng quy định của pháp luật giao thông đường bộ; pháp luật xử lý vi phạm hành chính; Dự thảo Thông tư này và các quy định khác của pháp luật có liên quan. - Thực hiện đúng, đầy đủ, có trách nhiệm đối với nhiệm vụ được phân công theo quy định, kế hoạch tuần tra, kiểm soát đã được cấp có thẩm quyền ban hành; thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và Điều lệnh Công an nhân dân. - Khi tiếp xúc với Nhân dân và người có hành vi vi phạm pháp luật phải có lễ tiết, tác phong, thái độ, văn hóa ứng xử đúng mực và phù hợp. - Phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ và hành vi vi phạm pháp luật khác theo đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền quy định. Ngoài ra, Dự thảo Thông tư cũng có nêu rõ, ngoài những yêu cầu đã nêu trên thì cán bộ CSGT còn phải bảo đảm các yêu cầu, quy định khác của Bộ Công an. (3) Trình tự kiểm soát các điều kiện tham gia giao thông của phương tiện Theo Điều 8 Dự thảo Thông tư, việc kiểm soát các điều kiện tham gia giao thông của phương tiện được đề xuất thực hiện theo trình tự như sau: Thực hiện kiểm soát theo trình tự từ trước ra sau, từ trái qua phải, từ ngoài vào trong, từ trên xuống dưới, trong đó, bao gồm các nội dung như sau: - Hình dáng. - Kích thước bên ngoài. - Màu sơn. - Biển số phía trước, phía sau. - Hai bên thành phương tiện giao thông. - Điều kiện an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, xe máy chuyên dùng theo quy định. Bên cạnh đó, Dự thảo Thông tư cũng đã bỏ quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của CSGT trong tuần tra, kiểm soát và các trường hợp CSGT được dừng xe để kiểm soát bởi những nội dung nêu trên đã được quy định cụ thể tại Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024. Đồng thời, cũng đề xuất bổ sung các quy định thiết bị kỹ thuật, phần mềm ứng dụng giao thông trên thiết bị di động để hỗ trợ CSGT khi thực hiện tuần tra, kiểm soát. Kèm theo đó là xây dựng, phê duyệt, quản lý lưu trữ kế hoạch tuần tra, kiểm soát trên môi trường điện tử, triển khai thực hiện kế hoạch tuần tra, kiểm soát, ghi nhật ký tuần tra trên phần mềm ứng dụng giao thông trên thiết bị di động. Ngoài ra, Dự thảo Thông tư cũng có đề xuất gửi thông báo cho người vi phạm trong trường hợp không dừng được phương tiện qua phần mềm ứng dụng giao thông trên thiết bị di động. Thêm nữa, người dân cũng có thể gửi thông tin phản ánh về tình hình trật tự, ATGT thông qua phần mềm ứng dụng giao thông trên thiết bị di động.
Dự kiến có thêm 01 App thông báo vi phạm giao thông
Bộ Công an đang lấy ý kiến về Dự thảo Thông tư xử lý vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông. Theo đó, tại đây có đề xuất bổ sung thông báo vi phạm giao thông qua App VneTraffic. https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/07/29/du-thao-tt-thay-tt32.doc Dự thảo Thông tư (Lần 02) (1) Dự kiến có thêm 01 App thông báo vi phạm giao thông Cụ thể, tại Điều 24 Dự thảo Thông tư có nêu rõ, việc gửi thông báo yêu cầu chủ phương tiện, tổ chức, cá nhân có liên quan đến vi phạm hành chính đến trụ sở cơ quan Công an nơi phát hiện vi phạm hành chính hoặc đến trụ sở Công an xã, phường, thị trấn, Công an cấp huyện nơi cư trú, đóng trụ sở để giải quyết vụ việc vi phạm hành chính nếu việc đi lại gặp khó khăn và không có điều kiện trực tiếp đến trụ sở cơ quan Công an nơi phát hiện vi phạm theo quy định tại khoản 2 Điều 15 Nghị định 135/2021/NĐ-CP sẽ được thực hiện theo các hình thức như sau: - Bằng văn bản giấy. - Bằng phương thức điện tử, thông qua ứng dụng giao thông trên thiết bị di động phân hệ dành cho công dân (sau đây gọi là App VneTraffic) khi đáp ứng điều kiện về cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, thông tin). Đồng thời, tại Điều 25 Dự thảo Thông tư cũng có nêu, Đơn vị CSGT có trách nhiệm thông báo công khai địa điểm, địa chỉ bưu chính, hộp thư điện tử, cổng thông tin điện tử hoặc trang thông tin điện tử, số điện thoại đường dây nóng của đơn vị, thông tin về cài đặt, sử dụng App VNeTraffic để cá nhân, tổ chức biết cung cấp thông tin; tổ chức trực ban 24/24 giờ để tiếp nhận, thu thập dữ liệu (thông tin, hình ảnh). Theo đó, trường hợp Dự thảo Thông tư nêu trên được thông qua thì tới đây, việc thông báo vi phạm giao thông cho những trường hợp phát hiện hành vi vi phạm giao thông đường bộ nhưng không dừng được phương tiện giao thông để kiểm soát, xử lý vi phạm sẽ được thực hiện trên App VNeTraffic. Đồng thời, Dự thảo Thông tư cũng có nêu, người dân cũng có thể cung cấp hình ảnh, thông tin về các vi phạm giao thông qua ứng dụng VneTraffic. Việc cài đặt, sử dụng sẽ được các đơn bị CSGT cung cấp hướng dẫn chi tiết. (2) Quy trình tiến hành kiểm soát phương tiện giao thông Theo Điều 14 Dự thảo Thông tư, khi phương tiện giao thông cần kiểm soát đã dừng vào vị trí theo hướng dẫn, cán bộ CSGT được phân công làm nhiệm vụ kiểm soát đứng ở vị trí phù hợp, an toàn và thực hiện như sau: - Đề nghị người điều khiển phương tiện thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn và xuống phương tiện. - Thực hiện chào theo Điều lệnh Công an nhân dân (trừ trường hợp biết trước người đó thực hiện hành vi có dấu hiệu của tội phạm, phạm tội quả tang, đang có lệnh truy nã). Khi tiếp xúc với người có hành vi vi phạm pháp luật, cán bộ CSGT phải giữ đúng tư thế, lễ tiết, tác phong, có thái độ ứng xử đúng mực. - Thông báo cho người điều khiển, những người trên phương tiện biết lý do kiểm soát; đề nghị người điều khiển xuất trình các giấy tờ liên quan theo quy định tại Khoản 1 Điều 8 Thông tư Dự thảo Thông tư để kiểm soát như sau: + Trường hợp các giấy tờ đã được tích hợp, cập nhật trong tài khoản định danh điện tử trên VNeID, trong CSDL do Bộ Công an quản lý thì thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát thông qua thông tin trong tài khoản định danh điện tử trên VNeID, CSDL. + Trường hợp xuất trình bản giấy các giấy tờ thì tiến hành kiểm tra, đối chiếu trực tiếp các giấy tờ đó và thực hiện tra cứu thông tin liên quan đến giấy tờ đó trong hệ thống cơ sở dữ liệu xử lý vi phạm hành chính, CSDL khác. + Thực hiện kiểm soát các nội dung theo quy định tại Điều 8 Dự thảo thông tư đối với trường hợp chở người từ 10 chỗ trở lên, phương tiện giao thông chở người có kích thước tương đương với phương tiện giao thông chở người từ 10 chỗ trở lên thì phải trực tiếp lên khoang chở người để thực hiện kiểm soát và thông báo kết quả kiểm soát. Theo đó, khi kết thúc kiểm soát, cán bộ CSGT phải báo cáo Tổ trưởng về kết quả kiểm soát, thông báo cho người điều khiển, những người trên phương tiện biết kết quả kiểm soát, hành vi vi phạm (nếu có) và biện pháp xử lý. Ngoài ra, khi có căn cứ cho rằng trong người tham gia giao thông, phương tiện vận tải, đồ vật có cất giấu tang vật, phương tiện, tài liệu được sử dụng để vi phạm hành chính thì được khám người, khám phương tiện vận tải, đồ vật theo quy định của pháp luật xử lý vi phạm hành chính. Trường hợp phát hiện có dấu hiệu tội phạm thì thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự.
Người dân có quyền kiểm tra chuyên đề của CSGT không?
Khi CSGT tuần tra theo chuyên đề thì có quyền yêu cầu người dân dừng xe để kiểm tra, kể cả khi không phát hiện vi phạm. Vậy người dân bị CSGT kiểm tra có được quyền yêu cầu kiểm tra chuyên đề của CSGT không? CSGT tuần tra theo chuyên đề là gì? Theo Điều 16 Thông tư 32/2023/TT-BCA quy định cán bộ CSGT thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát theo kế hoạch được dừng phương tiện giao thông để kiểm soát trong các trường hợp sau: - Trực tiếp phát hiện hoặc thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, thu thập được các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ và các hành vi vi phạm pháp luật khác; - Thực hiện mệnh lệnh, kế hoạch tổng kiểm soát phương tiện giao thông bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, trật tự xã hội; kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, trật tự xã hội đã được cấp có thẩm quyền ban hành; - Có văn bản đề nghị của Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan điều tra; văn bản đề nghị của cơ quan chức năng liên quan về dừng phương tiện giao thông để kiểm soát phục vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự; đấu tranh phòng, chống tội phạm; phòng, chống thiên tai, cháy nổ; phòng, chống dịch bệnh; cứu nạn, cứu hộ và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Văn bản đề nghị phải ghi cụ thể thời gian, tuyến đường, phương tiện giao thông dừng để kiểm soát, xử lý, lực lượng tham gia phối hợp; - Có tin báo, phản ánh, kiến nghị, tố giác của tổ chức, cá nhân về hành vi vi phạm pháp luật của người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ. Như vậy, tuần tra theo chuyên đề là việc CSGT tiến hành tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm giao thông theo chuyên đề do cấp có thẩm quyền ban hành. Khi tuần tra theo chuyên đề thì CSGT có quyền yêu cầu người dân dừng xe để kiểm tra, kể cả khi không phát hiện vi phạm. Người dân có quyền kiểm tra chuyên đề của CSGT không? Theo quy định trước đây tại Điều 14 Thông tư 65/2020/TT-BCA thì sẽ có các hình thức thông báo công khai chuyên đề tuần tra, kiểm soát của CSGT như sau: - Niêm yết tại trụ sở tiếp công dân của đơn vị; - Đăng tải trên Trang thông tin điện tử của Cục Cảnh sát giao thông hoặc Cổng thông tin điện tử của Công an cấp tỉnh, Phòng Cảnh sát giao thông; - Công khai trên phương tiện thông tin đại chúng; - Áp dụng các hình thức công khai khác theo quy định của pháp luật. Theo đó, người dân sẽ không được kiểm tra chuyên đề của CSGT trong lúc đang được CSGT yêu cầu dừng xe mà có thể tìm hiểu nội dung chuyên đề qua các hình thức trên. Tuy nhiên, Thông tư 32/2023/TT-BCA thay thế Thông tư 65/2020/TT-BCA đã bãi bỏ quy định thông báo công khai kế hoạch tuần tra, kiểm soát. Vì vậy, từ ngày Thông tư 32/2023/TT-BCA có hiệu lực (15/9/2023), người dân không được kiểm tra chuyên đề của CSGT với bất kỳ hình thức nào. Trang phục của CSGT khi thực hiện tuần tra, kiểm soát Theo khoản 1 Điều 13 Thông tư 32/2023/TT-BCA quy định về trang phục của Cảnh sát giao thông như sau: Khi tuần tra, kiểm soát công khai, cán bộ Cảnh sát giao thông sử dụng trang phục Cảnh sát, đeo số hiệu Công an nhân dân, dây lưng chéo theo quy định của pháp luật và của Bộ Công an. Khi kiểm soát vào buổi tối, ban đêm hoặc ban ngày trong điều kiện thời tiết sương mù, thời tiết xấu làm hạn chế tầm nhìn phải mặc áo phản quang. Như vậy, khi tuần tra theo chuyên đề thì CSGT sẽ phải mặc trang phục Cảnh sát, đeo số hiệu, dây lưng chéo và nếu vào buổi tối hoặc có sương mù, thời tiết xấu thì phải mặc áo phản quang.
04 trường hợp CSGT được dừng xe để kiểm tra từ tháng 1/2025
Quốc hội vừa thông qua Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ có hiệu lực từ ngày 01/01/2025. Bài viết sẽ điểm qua một số điểm mới nổi bật, trong đó nêu rõ 4 trường hợp cảnh sát giao thông được dừng phương tiện. Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ 2024 đã được Quốc hội thông qua vào ngày 27/6/2024 tại Kỳ họp thứ 7 (thực hiện đúng theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 được nêu tại Nghị quyết 89/2023/QH15). (1) 04 trường hợp CSGT được dừng phương tiện từ 01/01/2025 Cụ thể, tại Điều 66 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ quy định căn cứ dừng phương tiện tham gia giao thông đường bộ để kiểm tra, kiểm soát khi có một trong các căn cứ sau đây: - Khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật hoặc có căn cứ xác định có hành vi vi phạm pháp luật về trật an, an toàn giao thông đường bộ hoặc vi phạm pháp luật khác; - Thực hiện theo mệnh lệnh, kế hoạch tuần tra, kiểm soát của cấp có thẩm quyền để phát hiện hành vi vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ mà buộc phải dừng phương tiện để kiểm soát mới phát hiện được; - Phục vụ bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội và đấu tranh phòng, chống tội phạm; phòng, chống thiên tai; phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống dịch bệnh; - Có tin báo, tố giác, phản ánh, kiến nghị, đề nghị của cơ quan, tổ chức, cá nhân về tội phạm, hành vi vi phạm pháp luật khác. (2) Kiểm định khí thải mô tô, xe gắn máy Căn cứ tại Điều 42 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ quy định việc kiểm định đối với xe mô tô, xe gắn máy chỉ thực hiện kiểm định khí thải. Việc này thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, phải được thực hiện tại các cơ sở kiểm định khí thải đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Tuy nhiên, không đồng nghĩa tất cả mô tô, xe gắn máy trên cả nước sẽ phải kiểm định khí thải từ ngày 01/01/2025. Cụ thể, luật đưa ra quy định nhưng thời điểm thực hiện còn phụ thuộc vào lộ trình áp dụng mà Chính phủ ban hành. Lộ trình này sẽ do Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan chủ trì, phối hợp cùng Bộ GTVT xây dựng, trình Chính phủ để Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định. (3) 02 trường hợp sẽ bị thu hồi giấy phép lái xe Theo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ sẽ bị thu hồi giấy phép lái xe nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây: - Người được cấp giấy phép lái xe không đủ điều kiện sức khỏe theo kết luận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đối với từng hạng giấy phép lái xe. - Giấy phép lái xe được cấp sai quy định. Như vậy, từ 01/01/2025 nếu thuộc 1 trong 2 trường hợp trên thì người vi phạm sẽ bị thu hồi giấy phép lái xe. (4) Đấu giá biển số mô tô, xe máy với mức khởi điểm ít nhất 5 triệu đồng Căn cứ tại Điều 37 của Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ quy định: Biển số xe đưa ra đấu giá là biển số xe ô tô, xe mô tô, xe gắn máy được công khai để tổ chức, cá nhân lựa chọn đăng ký tham gia đấu giá. Giá khởi điểm của một biển số ô tô đưa ra đấu giá không thấp hơn 40 triệu đồng, và không thấp hơn 5 triệu đồng với biển số xe mô tô, xe gắn máy. Khi hết thời hạn đăng ký tham gia mà chỉ có một người đăng ký tham gia đấu giá, hoặc có nhiều người đăng ký tham gia đấu giá nhưng chỉ có một người tham gia đấu giá, hoặc có nhiều người tham gia đấu giá nhưng chỉ có một người trả giá ít nhất bằng giá khởi điểm của một biển số xe đưa ra đấu giá, thì người đó được xác định là người trúng đấu giá biển số xe. Người trúng đấu giá biển số xe phải nộp đủ số tiền trúng đấu giá trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày có thông báo kết quả trúng đấu giá. Sau thời hạn quy định, người trúng đấu giá biển số xe không nộp hoặc nộp không đủ tiền trúng đấu giá thì biển số xe trúng đấu giá được đấu giá lại hoặc chuyển vào hệ thống đăng ký, quản lý xe và người trúng đấu giá không được hoàn trả số tiền đặt trước, số tiền đã nộp, không được tham gia đấu giá biển số xe trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày có thông báo kết quả trúng đấu giá. Ngoài ra, người trúng đấu giá phải thực hiện thủ tục đăng ký xe để gắn biển số xe trúng đấu giá trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày được cấp quyết định xác nhận biển số xe trúng đấu giá. Trường hợp sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan thì thời hạn này được kéo dài thêm nhưng tối đa không quá 6 tháng. Sau thời hạn quy định, người trúng đấu giá biển số xe không thực hiện thủ tục đăng ký xe để gắn biển số xe trúng đấu giá thì biển số xe trúng đấu giá được đấu giá lại hoặc chuyển vào hệ thống đăng ký, quản lý xe và người trúng đấu giá không được hoàn trả số tiền trúng đấu giá đã nộp. Xem thêm chi tiết tại Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2025. Riêng khoản 3 Điều 10 có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2026.
CSGT có được mặc thường phục để bắn tốc độ không?
Khi nào thì bố trí CSGT mặc thường phục? CSGT có được mặc thường phục để bắn tốc độ không? Chạy xe quá tốc độ bị xử phạt như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết sau. (1) Khi nào thì bố trí CSGT mặc thường phục? Căn cứ Khoản 1 Điều 11 Thông tư 32/2023/TT-BCA có quy định về việc tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang của CSGT như sau: Tổ CSGT được phép bố trí một bộ phận cán bộ hóa trang (mặc thường phục), phối hợp với lực lượng tuần tra, kiểm soát công khai theo kế hoạch để thực hiện tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trên tuyến, địa bàn được phân công. Theo đó, các trường hợp tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang, gồm: - Sử dụng các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ. - Đấu tranh phòng, chống tội phạm; tình hình an ninh, trật tự hoặc trật tự, ATGT đường bộ phức tạp. Như vậy, khi có sử dụng máy bắn tốc độ để phục vụ công tác tuần tra, kiểm soát giao thông thì tổ CSGT thực hiện nhiệm vụ được bố trí một bộ phận mặc thường phục để sử dụng máy bắn tốc độ theo kế hoạch được cấp có thẩm quyền ban hành. Cấp thẩm quyền trong trường hợp này bao gồm: - Cục trưởng Cục CSGT. - Giám đốc Công an cấp tỉnh. - Trưởng phòng Hướng dẫn tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ, đường sắt. - Trưởng phòng CSGT. - Trưởng Công an cấp huyện có thẩm quyền quyết định kế hoạch CSGT tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với CSGT mặc thường phục bắn tốc độ trong địa phận thuộc phạm vi thẩm quyền quản lý của mình. (2) CSGT có được mặc thường phục để bắn tốc độ không? Như đã có nêu tại mục (1) trường hợp sử dụng máy bắn tốc độ để phục vụ công tác tuần tra, kiểm soát giao thông thì tổ CSGT được phép bố trí một bộ phận mặc thường phục để sử dụng máy bắn tốc độ theo kế hoạch được cấp có thẩm quyền ban hành. Đồng thời, tại Điểm b Khoản 4 Điều 11 Thông tư 32/2023/TT-BCA cũng có nêu rõ, bộ phận CSGT mặc thường phục có nhiệm vụ trực tiếp quan sát, sử dụng máy bắn tốc độ để giám sát tình hình giao thông, phát hiện các hành vi vi phạm giao thông đường bộ và hành vi vi phạm khác. Tuy nhiên, khi phát hiện ra vi phạm, CSGT mặc thường phục sẽ không được trực tiếp xử phạt vi phạm giao thông mà phải thông báo ngay cho CSGT tuần tra, kiểm soát công khai để tiến hành dừng xe kiểm soát và xử lý theo quy định của pháp luật. Từ dẫn chiếu những quy định nêu trên, có thể thấy, khi thực hiện nhiệm vụ thì CSGT mặc thường phục được phép bắn tốc độ để phát hiện vi phạm, nhưng phải giữ một khoảng cách thích hợp với bộ phận cán bộ tuần tra, kiểm soát công khai để bảo đảm việc xử lý vi phạm kịp thời, đúng pháp luật. (3) Mức xử phạt chạy xe quá tốc độ năm 2024 là bao nhiêu? Căn cứ Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP có quy định về mức phạt lỗi chạy quá tốc độ với ô tô như sau: - Phạt tiền từ 800 đến 01 triệu đồng đối với người điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định từ 05 km/h đến dưới 10 km/h. hạt tiền từ 04 đến 06 triệu đồng đối với người điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định từ 10km đến 20 km/h. Ngoài ra, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 đến 03 tháng. - Phạt tiền từ 06 đến 08 triệu đồng đối với người điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định trên 20 km/h đến 35 km/h. Bên cạnh đó, người điều khiển xe còn thực hiện hành vi vi phạm còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 đến 04 tháng. - Phạt tiền từ 10 đến 12 triệu đồng đối với người điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định trên 35 km/h. Tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 đến 04 tháng. Trường hợp chạy quá tốc độ với với mô tô, xe gắn máy thì sẽ bị áp dụng mức xử phạt theo quy định Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP, cụ thể: - Phạt tiền từ 300 đến 400 nghìn đồng đối với người điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định từ 05 km/h đến dưới 10km. - Phạt tiền từ 800 đến 01 triệu đồng đối với người điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định từ 10 km/h đến 20 km/hn. - Phạt tiền từ 04 đến 05 triệu đồng đối với người điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định trên 20 km/h. Bên cạnh đó, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm nêu trên còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 đến 04 tháng. Theo đó, hiện nay, người nào điều khiển xe máy, ô tô vượt quá tốc độ cho phép thì bị xử phạt theo quy định như đã nêu trên.
Không uống rượu, bia nhưng thổi có nồng độ cồn thì cần làm gì?
Pháp luật hiện hành cấm tuyệt đối điều khiển phương tiện TGGGT mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn, theo đó công cuộc kiểm soát của lực lượng chức năng cũng ngày càng nghiêm ngặt hơn. Tuy nhiên, một số trường hợp khi người dân không uống rượu, bia mà kết quả thổi có nồng độ cồn thì phải làm sao? Thổi có nồng độ cồn mặc dù không uống rượu, bia có quyền yêu cầu đi xét nghiệm Căn cứ tại khoản 8 Điều 8 Luật Giao thông đường bộ 2008 được sửa đổi bởi khoản 1 Điều 35 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia 2019 quy định cấm tuyệt đối điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Theo đó, người dân cần nghiêm chỉnh chấp hành khi lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra nồng độ cồn. Trường hợp thổi có nồng độ cồn mặc dù không uống, người dân cần bình tĩnh và thực hiện theo các hướng dẫn sau: Trong các tình huống này, lực lượng chức năng sẽ có các biện pháp nghiệp vụ để xác minh rằng bạn có vi phạm nồng độ cồn hay không. Cụ thể, tại các chốt kiểm tra nồng độ cồn, tài xế thường sẽ được kiểm tra tuần tự theo hai bước là định tính và định lượng. Theo đó, trường hợp người dân không sử dụng rượu, bia nhưng thiết bị đo vẫn báo vi phạm thì bạn có thể đề nghị CSGT cho mình thổi lại lần nữa, đổi thiết bị khác hoặc cũng có thể chờ trong khoảng thời gian nhất định (từ 10 - 15 phút) để kiểm tra lại Ngoài ra, cũng có thể uống nước, súc miệng trước khi kiểm tra lại bằng thiết bị đo nồng độ cồn để chứng minh bản thân không sử dụng rượu, bia. Nếu người dân đã thực hiện các biện pháp trên, tuy nhiên kết quả đo qua hơi thở vẫn chưa rõ ràng thì có thể yêu cầu CSGT đưa đi xét nghiệm máu tại cơ sở y tế đủ điều kiện theo quy định. Cơ sở y tế như thế nào đủ điều kiện xét nghiệm nồng độ cồn trong máu? Cơ sở y tế đủ điều kiện trong trường hợp này là cơ sở y tế được quy định tại Điều 4 Thông tư liên tịch 26/2014/TTLT-BYT-BCA, cụ thể: Cơ sở y tế được xét nghiệm nồng độ cồn trong máu của người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ khi đủ các điều kiện sau đây: - Có khoa xét nghiệm hoặc phòng xét nghiệm hoặc bộ phận xét nghiệm đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt danh mục kỹ thuật định lượng nồng độ cồn trong máu - Có máy sinh hóa xét nghiệm nồng độ cồn trong máu, thiết bị bảo quản và lưu mẫu máu xét nghiệm - Có cán bộ xét nghiệm đã có văn bằng đào tạo hoặc giấy chứng nhận về chuyên ngành xét nghiệm, nắm vững được quy trình xét nghiệm định lượng nồng độ cồn trong máu Lưu ý: Lực lượng chức năng sẽ không công nhận kết quả mà người điều khiển phương tiện tự đi xét nghiệm. Kết quả xét nghiệm không vi phạm thì không phải thanh toán chi phí Sau khi thực hiện xét nghiệm nồng độ cồn trong máu, mà kết quả xét nghiệm vẫn thể hiện trong máu có nồng độ cồn thì ngoài việc bị xử phạt rất nặng về lỗi nồng độ cồn, người dân còn phải thanh toán chi phí xét nghiệm theo giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh hiện hành do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước theo khoản 1 Điều 6 Thông tư liên tịch 26/2014/TTLT-BCA. Người dân có thể tìm hiểu về việc thanh toán chi chi phí xét nghiệm nồng độ cồn trong máu cho người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ vi phạm và không vi phạm luật Giao thông đường bộ được quy định tại khoản 1, 2 Điều 6 Thông tư liên tịch 26/2014/TTLT-BCA. Còn nếu người dân hoàn toàn không sử dụng rượu bia, đồng thời kết quả xét nghiệm thể hiện không có vi phạm về nồng độ cồn thì sẽ không bị lập biên bản vi phạm và cơ quan công an sẽ thanh toán chi phí xét nghiệm đó. Xem thêm bài viết: Tổng hợp mức xử phạt vi phạm nồng độ cồn đối với xe ô tô, xe máy, xe đạp
CSGT được lập chốt kiểm tra nồng độ cồn ở những nơi nào?
Khi tham gia giao thông ta thường thấy những chốt kiểm tra nồng độ cồn do CSGT lập. Có phải nơi nào CSGT cũng sẽ được lập chốt kiểm tra nồng độ cồn không? Ai có quyền lập chốt này? CSGT được lập chốt kiểm tra nồng độ cồn ở những nơi nào? Theo Điều 10 Thông tư 32/2023/TT-BCA quy định về hoạt động tuần tra, kiểm soát công khai sẽ có các hình thức sau: - Tuần tra, kiểm soát cơ động trên tuyến, địa bàn được phân công - Kiểm soát tại một điểm trên đường giao thông, tại Trạm Cảnh sát giao thông - Tuần tra, kiểm soát cơ động kết hợp với kiểm soát tại một điểm trên đường giao thông, tại Trạm Cảnh sát giao thông. Trong đó, lập chốt kiểm tra nồng độ cồn là hình thức kiểm soát tại một điểm trên đường giao thông, tại Trạm Cảnh sát giao thông. Hình thức này được quy định như sau: - Cảnh sát giao thông tổ chức lực lượng tại một điểm trên đường giao thông, tại Trạm Cảnh sát giao thông theo kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền ban hành để thực hiện kiểm soát, phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm hành chính về giao thông đường bộ và các hành vi vi phạm pháp luật khác theo quy định; - Tại một điểm trên đường giao thông, lựa chọn địa điểm, mặt đường rộng, thoáng, không che khuất tầm nhìn và đúng quy định của pháp luật giao thông đường bộ; - Khi tuần tra, kiểm soát, Cảnh sát giao thông sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ (camera) được trang bị để ghi hình quá trình kiểm soát. Kiểm soát vào buổi tối, ban đêm phải có đèn chiếu sáng và bảo đảm đủ ánh sáng. Như vậy, CSGT hoàn toàn có thể lập chốt kiểm tra nồng độ cồn tại bất kỳ đâu khi đã đáp ứng các điều kiện kể trên và phải đảm bảo việc lập chốt kiểm tra này phải được ghi rõ trong kế hoạch tuần tra, kiểm soát đã được cấp có thẩm quyền ban hành. Ai có thẩm quyền lập kế hoạch tuần tra, kiểm soát công khai? Theo khoản 4 Điều 10 Thông tư 32/2023/TT-BCA quy định: Khi tổ chức tuần tra, kiểm soát công khai theo quy định phải có kế hoạch của Trưởng phòng Hướng dẫn tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ, đường sắt thuộc Cục Cảnh sát giao thông (sau đây viết gọn là Trưởng phòng Hướng dẫn tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ, đường sắt), Trưởng phòng Cảnh sát giao thông, Trưởng Công an cấp huyện trở lên và bảo đảm các quy định sau: - Sử dụng trang phục Cảnh sát theo quy định tại khoản 1 Điều 13 Thông tư 32/2023/TT-BCA; - Sử dụng phương tiện giao thông theo quy định tại khoản 2 Điều 13 Thông tư 32/2023/TT-BCA hoặc đi bộ để tuần tra, kiểm soát trong phạm vi tuyến, địa bàn được phân công; - Sử dụng các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ; vũ khí, công cụ hỗ trợ và phương tiện kỹ thuật khác theo quy định của Thông tư 32/2023/TT-BCA. Như vậy, Trưởng phòng Hướng dẫn tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ, đường sắt, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông, Trưởng Công an cấp huyện trở lên sẽ có thẩm quyền lập kế hoạch tuần tra, kiểm soát công khai. Trang phục, phương tiện khi tuần tra, kiểm soát công khai của CSGT bao gồm những gì? Theo khoản 1, khoản 2 Điều 13 Thông tư 32/2023/TT-BCA quy định như sau: - Trang phục của Cảnh sát giao thông: Khi tuần tra, kiểm soát công khai, cán bộ Cảnh sát giao thông sử dụng trang phục Cảnh sát, đeo số hiệu Công an nhân dân, dây lưng chéo theo quy định của pháp luật và của Bộ Công an. Khi kiểm soát vào buổi tối, ban đêm hoặc ban ngày trong điều kiện thời tiết sương mù, thời tiết xấu làm hạn chế tầm nhìn phải mặc áo phản quang. - Phương tiện giao thông, gồm: Xe ô tô, mô tô tuần tra, kiểm soát; xe chuyên dùng + Xe ô tô, mô tô tuần tra, kiểm soát (màu sơn trắng); xe chuyên dùng: Có dòng chữ Cảnh sát giao thông song ngữ (tiếng Việt và tiếng Anh), lắp đặt đèn, cờ hiệu Công an, còi phát tín hiệu ưu tiên theo quy định của pháp luật; + Xe ô tô tuần tra, kiểm soát: ++ Hai bên thành xe có vạch sơn phản quang màu xanh nước biển, ở giữa có dòng chữ “CẢNH SÁT GIAO THÔNG” màu trắng (bằng chất liệu phản quang), kích thước chữ 10cm x 10cm, nét chữ 03cm, cân đối hai bên thành xe; ++ Hai bên cánh cửa phía trước có dòng chữ “TRAFFIC POLICE” màu xanh (bằng chất liệu phản quang), kích thước khổ chữ tối đa bằng hai phần ba khổ chữ “CẢNH SÁT GIAO THÔNG” và hình phù hiệu Cảnh sát giao thông ở giữa hai chữ “TRAFFIC” và “POLICE”. ++ Tùy từng loại xe được bố trí khoảng cách giữa các chữ, các từ cho cân đối và phù hợp; + Xe mô tô tuần tra, kiểm soát: ++ Hai bên bình xăng hoặc hai bên sườn hoặc ở hai bên cốp xe, bên trên có dòng chữ “C.S.G.T”, bên dưới có dòng chữ “TRAFFIC POLICE” màu xanh (bằng chất liệu phản quang); ++ Kích thước khổ chữ “TRAFFIC POLICE” tối đa bằng hai phần ba khổ chữ “C.S.G.T”. ++ Tùy từng loại xe được bố trí kích thước chữ và khoảng cách giữa các chữ cho cân đối và phù hợp; + Xe chuyên dùng: ++ Hai bên thành thùng hoặc sườn xe có dòng chữ “CẢNH SÁT GIAO THÔNG” bằng chất liệu phản quang, kích thước chữ 10cm x 10cm, nét chữ 03cm; ++ Hai bên cánh cửa phía trước có dòng chữ “TRAFFIC POLICE” bằng chất liệu phản quang, kích thước khổ chữ tối đa bằng hai phần ba khổ chữ “CẢNH SÁT GIAO THÔNG” và hình phù hiệu Cảnh sát giao thông ở giữa hai chữ “TRAFFIC” và “POLICE”. ++ Tùy từng loại xe, màu sơn của xe được bố trí khoảng cách giữa các chữ, các từ, màu của chữ (trắng hoặc xanh) cho cân đối và phù hợp; + Còi phát tín hiệu ưu tiên được sử dụng theo quy định của pháp luật. Đèn phát tín hiệu ưu tiên được sử dụng liên tục trong các trường hợp sau: Tuần tra, kiểm soát cơ động; kiểm soát tại một điểm vào buổi tối, ban đêm hoặc ban ngày trong điều kiện thời tiết sương mù, thời tiết xấu làm hạn chế tầm nhìn. Như vậy, khi tuần tra, kiểm soát công khai thì CSGT sẽ được trang bị trang phục và phương tiện theo quy định trên để hỗ trợ cho quá trình công tác.