Án Tây - Luật ta: Bí ẩn đằng sau chiếc kim tiêm tử thần của bác sĩ
Một bác sĩ, người được xã hội tin tưởng, lại trở thành nghi phạm trong một vụ án mạng bí ẩn. Chiếc kim tiêm, vốn là công cụ cứu người, nay lại trở thành hung khí gây chết người. (1) Bí ẩn đằng sau chiếc kim tiêm tử thần của bác sĩ Tòa án Newcastle (Anh) đang tiến hành phiên xét xử bác sĩ T.K, người bị cáo buộc âm mưu sát hại ông P.O, 72 tuổi. Tại tòa, bác sĩ K đã thừa nhận hành vi của mình. Bà J (mẹ của bác sĩ K) đã quyết định để lại ngôi nhà của mình cho ông O, người tình 20 năm qua của bà. Khi biết tin này, K đã rất tức giận. Vào tháng 11/2022, bác sĩ này đã gây ra một cuộc tranh cãi với mẹ về di chúc và bị cảnh sát can thiệp. Ông ta thậm chí còn cài đặt phần mềm theo dõi trên laptop của mẹ mình. Theo cáo trạng, K đã mạo danh Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS) để gửi thư thông báo rằng sẽ có y tá đến tiêm vắc xin Covid-19 cho ông O vào ngày 22/1. Thực tế, K đã cải trang bằng tóc giả, râu giả, và đeo khẩu trang để tự mình tiêm chất độc vào nạn nhân. Ông ta còn làm giả thẻ căn cước, biển số xe và bịa đặt thông tin để đặt phòng tại địa phương. Sau khi được tiêm, ông O đã bị sưng viêm, da đổi màu và đau đớn tại vị trí tiêm, tình trạng ngày càng nghiêm trọng. Khi nhập viện, ông được chẩn đoán viêm cân mạc hoại tử, một loại nhiễm trùng sâu dưới da rất nguy hiểm, và phải nằm trong phòng chăm sóc đặc biệt, cắt bỏ một phần thịt ở bắp tay. Hiện tại, ông vẫn đang điều trị tại bệnh viện. Ông O bắt đầu nghi ngờ về một số tình tiết trước đó. Bạn gái của ông, bà J, đã nhận xét rằng nam y tá "cao gần bằng" con trai của K. Ban đầu, bác sĩ K đã phủ nhận mọi cáo buộc. Tuy nhiên, cảnh sát đã thu thập đủ bằng chứng chứng minh tội ác của ông. Bồi thẩm đoàn đã xem video từ camera an ninh ghi lại cảnh K đến Premier Inn, gần nhà mẹ mình ở Newcastle. Sau đó, ông ta đã đeo khẩu trang phẫu thuật, găng tay, mũ và kính râm khi đến nhà để tiêm cho ông O. Các chuyên gia cho rằng K đã sử dụng iodomethane, một loại thuốc trừ sâu. Đại diện Bộ Quốc phòng Anh cho biết chưa từng có trường hợp nào liên quan đến việc tiêm loại hóa chất này. Công tố viên Peter Makepeace KC nhận định: "Bị cáo T.K là một bác sĩ có uy tín và nhiều kinh nghiệm tại một phòng khám ở Sunderland. Trước tháng 11/2023, ông ta đã lập kế hoạch phức tạp để giết bạn đời của mẹ mình, lợi dụng kiến thức của mình về chất độc để thực hiện âm mưu này ngay trước mặt nạn nhân." Hiện tại, bác sĩ K đang sống cùng vợ và con trai nhỏ trong một ngôi nhà trị giá gần 400.000 USD. Tại đây, cảnh sát đã tịch thu được nhiều loại thuốc độc và hướng dẫn sử dụng, bao gồm thông tin chi tiết về liều lượng cần thiết để giết người. (2) Án Tây - Luật ta Ở nước ta, tội Giết người được quy định tại Điều 123 Bộ Luật Hình sự 2015. Tại điểm k khoản 1 Điều 123 Bộ Luật Hình sự 2015 quy định rằng tình tiết tăng nặng đối với tội phạm này là việc giết người bằng cách lợi dụng nghề nghiệp. Ví dụ, bác sĩ có thể giết bệnh nhân nhưng lại lập hồ sơ bệnh án cho rằng nạn nhân đã qua đời do bệnh hiểm nghèo, hay bảo vệ bắn chết người rồi vu oan cho họ là kẻ cướp. Việc lợi dụng nghề nghiệp để sát hại người khác được đánh giá là một thủ đoạn rất tinh vi. Đơn cử như trường hợp trên, bác sĩ K đã lợi dụng nghề nghiệp của mình để thực hiện hành vi giết người một cách dễ dàng và kín đáo. Tuy nhiên, cảnh sát cần xác định và chứng minh rằng K đã lợi dụng công việc của mình để thực hiện tội ác thì mới có thể xem xét trường hợp phạm tội này có tình tiết tăng nặng. Theo đó, mức xử phạt đối với tội phạm giết người được quy định tại Điều 123 Bộ Luật Hình sự 2015 như sau: Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình: - Giết 02 người trở lên; - Giết người dưới 16 tuổi; - Giết phụ nữ mà biết là có thai; - Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân; - Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình; - Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại thực hiện một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng; - Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác; - Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân; - Thực hiện tội phạm một cách man rợ; - Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp; - Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người; - Thuê giết người hoặc giết người thuê; - Có tính chất côn đồ; - Có tổ chức; - Tái phạm nguy hiểm; - Vì động cơ đê hèn. Đối với việc phạm tội nhưng không thuộc các trường hợp nêu trên thì người phạm tội có thể bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. Ngoài ra. người phạm tội còn có thể bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.
Vàng non là gì? Bán vàng non có thể bị phạt tù?
Vàng non xuất hiện rất nhiều trên thị trường hiện nay. Vàng non có phải là vàng thật và bán vàng non có thể bị phạt tù? Hãy cùng nhau tìm hiểu. 1. Vàng non là gì? Vàng non là khái niệm chỉ mới xuất hiện vào những năm gần đây, ngay cả khái niệm về vàng non cũng gây ra sự tranh cải. Nhiều người cho rằng vàng non là loại vàng ít tuổi (dưới 7 tuổi), tỷ lệ vàng nguyên chất rất thấp, chỉ từ 25% - 75%. Các cửa hàng trang sức đã giảm tỷ lệ vàng nguyên chất xuống và pha thêm nhiều kim loại khác để bán ra với giá trị thấp. Không ai xác định được các hợp kim pha thêm vào là gì nên loại vàng này không được đảm bảo về chất lượng và định giá. Ở trường hợp còn lại, nhiều người, trong đó có nhiều chuyên gia vàng bạc không chấp nhận khái niệm vàng non. Đối với họ, những sản phẩm vàng non trên thị trường thực chất chỉ là mạ vàng hoặc “vàng mĩ kí” (tức vàng 2 lớp). Những sản phẩm trên không thể thay thế cho vàng, không được mua bán như vàng và chắc chắn không thể là vàng. Ngay trong quy định quản lý chất lượng vàng tại khoản 1 Điều 6 Thông tư 22/2013/TT-BKHCN, chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ được phân hạng theo độ tinh khiết của vàng tương ứng với hàm lượng vàng cũng được quy định như sau: Kara (K) Độ tinh khiết, ‰ không nhỏ hơn Hàm lượng vàng, % không nhỏ hơn 24K 999 99,9 23K 958 95,8 22K 916 91,6 21K 875 87,5 20K 833 83,3 19K 791 79,1 18K 750 75,0 17K 708 70,8 16K 667 66,6 15K 625 62,5 14K 585 58,3 13K 541 54,1 12K 500 50,0 11K 458 45,8 10K 416 41,6 9K 375 37,5 8K 333 33,3 - Hàm lượng vàng trong sản phẩm (hoặc trong thành phần có chứa vàng) của vàng trang sức, mỹ nghệ không được thấp hơn giá trị hàm lượng đã công bố. Giới hạn sai số của kết quả thử nghiệm xác định hàm lượng vàng được quy định tại khoản 3 Điều 5 Thông tư 22/2013/TT-BKHCN. Như vậy, nếu vàng non đạt dưới hàm lượng vàng theo quy định này thì sẽ được xem là vàng kém chất lượng và việc mua bán chúng có thể sẽ bị xử phạt. 2. Bán vàng non có thể bị phạt tù? Như đã phân tích, sản phẩm dưới hàm lượng vàng quy định tối thiểu thì không thể được xem là vàng và không thể mua bán như vàng thông thường. Vì vàng vốn dĩ mang giá trị rất lớn, mà như đã phân tích, nếu vàng non đạt dưới hàm lượng vàng theo quy định mà những người bán vàng vẫn sử dụng chúng như sản phẩm vàng truyền thống để mua bán trục lợi thì hoàn toàn có thể bị truy cứu hình sự tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản được quy định tại Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung 2017). - Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm: + Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm; + Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung 2017), chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; + Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; + Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ. - Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm: + Có tổ chức; + Có tính chất chuyên nghiệp; + Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng; + Tái phạm nguy hiểm; + Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; + Dùng thủ đoạn xảo quyệt; - Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm: + Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; + Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh. - Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân: + Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên; + Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp. - Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Như vậy, bán vàng non chứa hàm lượng vàng dưới quy định tối thiểu để mua bán trục lợi thì hoàn toàn có thể bị truy cứu hình sự hay còn hiểu là bị phạt tù.
Sản xuất vàng giả bị phạt như thế nào?
Vàng là một trong những kim loại quý hiếm bậc nhất trên thế giới, có giá trị kinh tế cao. Song song với giá trị cao là những tiềm tàng về mối nguy nếu vàng không được sản xuất, buôn bán đúng pháp luật. Do đó, hãy cùng tìm hiểu, sản xuất vàng giả có thể bị phạt như thế nào? 1. Pháp luật quy định về sản xuất vàng như thế nào? Căn cứ khoản 3, 4 Điều 4 Nghị định 24/2012/NĐ-CP quy định về sản xuất vàng như sau: - Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, xuất khẩu vàng nguyên liệu và nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng. - Hoạt động kinh doanh mua, bán vàng miếng; sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ là hoạt động kinh doanh có điều kiện và phải được Ngân hàng Nhà nước cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng hoặc Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ. Như vậy, để sản xuất vàng phải được nhà nước cấp phép và phải tuân thủ đúng các điều kiện khác của pháp luật. Vàng là sản phẩm có giá trị rất lớn, do đó hành vi sản xuất vàng giả chắc chắn gây tổn hại rất nhiều cho người tiêu dùng và công tác quản lý của nhà nước. Vì thế hành vi sản xuất hàng giả sẽ bị truy cứu hình sự. 2. Sản xuất vàng giả bị phạt như thế nào? Thứ nhất, đối với cá nhân sản xuất vàng giả Căn cứ Điều 192 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung 2017) có quy định về, tội sản xuất buôn bán hàng giả. - Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 193, 194 và 195 của Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung 2017), thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm: + Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 30.000.000 đồng đến dưới 150.000.000 đồng hoặc dưới 30.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều 192 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung 2017) hoặc tại một trong các điều 188, 189, 190, 191, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung 2017) hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; + Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%; + Thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng; + Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng. - Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm: + Có tổ chức; + Có tính chất chuyên nghiệp; + Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; + Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; + Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 150.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; + Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; + Làm chết người; + Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; + Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%; + Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng; + Buôn bán qua biên giới; + Tái phạm nguy hiểm. - Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm: + Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá 500.000.000 đồng trở lên; + Thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên; + Làm chết 02 người trở lên; + Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên; + Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.”; - Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Thứ hai, đối với pháp nhân thương mại sản xuất vàng giả Căn cứ khoản 5 Điều 192 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung 2017) quy định về, tội sản xuất buôn bán hàng giả. - Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 192 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung 2017), thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng; - Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, đ, e, g, h, i, k, l và m khoản 2 Điều 192 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung 2017), thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 6.000.000.000 đồng;”. - Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 192 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung 2017), thì bị phạt tiền từ 6.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm; - Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung 2017), thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn; - Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm. Cần hiểu rằng, vàng là sản phẩm có giá trị kinh tế rất cao, do đó hậu quả mà nó đem lại từ những hành vi phạm pháp là rất nguy cấp. Nên, hành vi sản xuất vàng giả hoàn toàn có thể bị truy cứu hình sự và có thể đối diện với án tù lên đến 15 năm.
Sử dụng đèn pha ô tô gây tai nạn giao thông thì bị phạt như thế nào?
Giao thông tại nước ta luôn tiềm ẩn nhiều tai nạn đối với những người tham gia. Một trong những vấn đề nan giải nhất là việc sử dụng đèn pha ô tô gây tai nạn giao thông. Vậy khi người tham gia giao thông, sử dụng đèn pha ô tô gây tai nạn thì bị phạt như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu. 1. Đèn pha là gì? Hệ thống đèn chiếu sáng của xe máy và ô tô đều được thiết kế với hai chế độ là đèn pha (đèn chiếu xa) và đèn cos, hay còn gọi là cốt (đèn chiếu gần). Đèn pha là chế độ đèn chiếu xa với cường độ ánh sáng mạnh và tầm chiếu cao hơn, vì thế giúp người điều khiển xe có thể nhìn thấy các chướng ngại vật, biển báo… từ xa. Điểm hạn chế của loại đèn này nằm ở chỗ có thể cản trở tầm nhìn hoặc gây loá mắt cho những người đi ngược chiều ở phía trước nếu được sử dụng thiếu hợp lý. Ngoài ra, căn cứ khoản 1 Điều 53 Luật Giao thông đường bộ 2008, luật có quy định về điều kiện tham gia giao thông của xe cơ giới bao gồm: - Có đủ hệ thống hãm có hiệu lực; - Có hệ thống chuyển hướng có hiệu lực; - Tay lái của xe ô tô ở bên trái của xe; trường hợp xe ô tô của người nước ngoài đăng ký tại nước ngoài có tay lái ở bên phải tham gia giao thông tại Việt Nam thực hiện theo quy định của Chính phủ; - Có đủ đèn chiếu sáng gần và xa, đèn soi biển số, đèn báo hãm, đèn tín hiệu; - Có bánh lốp đúng kích cỡ và đúng tiêu chuẩn kỹ thuật của từng loại xe; - Có đủ gương chiếu hậu và các trang bị, thiết bị khác bảo đảm tầm nhìn cho người điều khiển; - Kính chắn gió, kính cửa là loại kính an toàn; - Có còi với âm lượng đúng quy chuẩn kỹ thuật; - Có đủ bộ phận giảm thanh, giảm khói và các trang bị, thiết bị khác bảo đảm khí thải, tiếng ồn theo quy chuẩn môi trường; - Các kết cấu phải đủ độ bền và bảo đảm tính năng vận hành ổn định. Như vậy, có đầy đủ đèn pha và hoạt động tốt khi tham gia giao thông là quy định của pháp luật. Do đó, nếu những cá nhân tham gia giao thông không đảm bảo đèn pha và sử dụng đèn pha không đúng quy định thì sẽ bị xử phạt. 2. Sử dụng đèn pha ô tô gây tai nạn giao thông bị xử phạt như thế nào? Căn cứ khoản 3 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện hành vi: + Bấm còi, rú ga liên tục; bấm còi hơi, sử dụng đèn chiếu xa trong đô thị, khu đông dân cư, trừ các xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ theo quy định; + Không sử dụng hoặc sử dụng không đủ đèn chiếu sáng trong thời gian từ 19 giờ ngày hôm trước đến 05 giờ ngày hôm sau, khi sương mù, thời tiết xấu hạn chế tầm nhìn; sử dụng đèn chiếu xa khi tránh xe đi ngược chiều. Ngoài số tiền phạt trên, căn cứ khoản 11 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, nếu gây tai nạn giao thông thì người vi phạm còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng. Ngoài ra, căn cứ Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung 2017) nếu hành vi sử dụng đèn pha gây hậu quả nghiệm trọng, hoàn toàn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự như sau: - Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm: + Làm chết người; + Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; + Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%; + Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng. - Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm: + Không có giấy phép lái xe theo quy định; + Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy hoặc chất kích thích mạnh khác; + Bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn; + Không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông; + Làm chết 02 người; + Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%; + Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng. - Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm: + Làm chết 03 người trở lên; + Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên; + Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên. - Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các điểm a, b và c khoản 3 Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung 2017) nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm. - Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. Cần biết, tai nạn giao thông vì sử dụng đèn pha ô tô là lỗi không hiếm gặp, tuy nhiên nguy cơ tổn thương cơ thể, thậm chí cả tính mạng khi tham gia giao thông là rất lớn. Do đó, khi tham gia giao thông, đèn pha cần được sử dụng một cách chính xác và có trách nhiệm.
Các tội phạm liên quan đến mệnh lệnh trong Quân đội
“Tuyệt đối phục tùng mệnh lệnh cấp trên; khi nhận bất cứ nhiệm vụ gì đều tận tâm, tận lực thi hành nhanh chóng và chính xác” là 1 trong 10 lời thề danh dự của quân nhân trong Quân đội nhân dân Việt Nam. Vậy, có các tội phạm nào liên quan đến mệnh lệnh trong Quân đội? Các tội phạm liên quan đến mệnh lệnh trong Quân đội Mệnh lệnh là một nét đặc trưng trong môi trường quân đội. Mệnh lệnh đưa ra phải tuân thủ đúng các quy định của pháp luật và được đảm bảo thi hành. Các trường hợp ra mệnh lệnh trái pháp luật hoặc chống đối mệnh lệnh hoặc không chấp hành nghiêm chỉnh đều sẽ bị xử lý theo quy định của quân đội hoặc nặng hơn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Để đảm bảo tính nghiêm minh của mệnh lệnh trong Quân đội, Bộ luật Hình sự 2015 đã quy định 03 tội danh liên quan tại Điều 393, Điều 394 và Điều 395 sau đây: (1) Tội ra mệnh lệnh trái pháp luật - Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn ra mệnh lệnh trái pháp luật gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 05 năm. - Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm: + Trong chiến đấu; + Trong khu vực có chiến sự; + Trong thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn; + Trong tình trạng khẩn cấp; + Gây hậu quả rất nghiêm trọng. - Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng hoặc trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm. (2) Tội chống mệnh lệnh - Người nào từ chối chấp hành hoặc cố ý không thực hiện mệnh lệnh của người có thẩm quyền, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 05 năm. - Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm: + Là chỉ huy hoặc sĩ quan; + Lôi kéo người khác phạm tội; + Dùng vũ lực; + Gây hậu quả nghiêm trọng. - Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm: + Trong chiến đấu; + Trong khu vực có chiến sự; + Trong thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn; + Trong tình trạng khẩn cấp; + Gây hậu quả rất nghiêm trọng. - Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân. (3) Tội chấp hành không nghiêm chỉnh mệnh lệnh - Người nào chấp hành mệnh lệnh của người có thẩm quyền một cách lơ là, chậm trễ, tùy tiện gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. - Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm: + Trong chiến đấu; + Trong khu vực có chiến sự; + Trong thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn; + Trong tình trạng khẩn cấp; + Gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng. "Quân lệnh như sơn", một khi nhận được mệnh lệnh quân sự của người chỉ huy hoặc cấp trên thì phải tuyệt đối tuân theo và thi hành một cách đúng đắn. Theo đó, sẽ có 03 tội danh liên quan đến mệnh lệnh trong Quân đội theo quy định trên. Những ai phải chịu trách nhiệm về những tội danh liên quan đến mệnh lệnh trong Quân đội? Theo Điều 392 Bộ luật Hình sự 2015 quy định những người phải chịu trách nhiệm hình sự về các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân - Quân nhân tại ngũ, công nhân, viên chức quốc phòng. - Quân nhân dự bị trong thời gian tập trung huấn luyện. - Dân quân, tự vệ trong thời gian phối thuộc với quân đội trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu. - Công dân được trưng tập vào phục vụ trong quân đội. Như vậy, Quân nhân, công nhân, viên chức quốc phòng, dân quân, tự vệ và công dân được trưng tập sẽ là những người phải chịu trách nhiệm khi vi phạm các tội phạm liên quan đến mệnh lệnh trong quân đội nói riêng và các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân nói chung.
Các tội cưỡng bức trong Bộ luật Hình sự 2015
Cưỡng bức là hành vi sử dụng quyền lực, đe dọa hoặc dùng sức mạnh để buộc một người phải hành động trái với ý muốn của họ. Vậy hiện nay tại Bộ luật Hình sự 2015 quy định về tội cưỡng bức như thế nào? Các tội cưỡng bức trong Bộ luật Hình sự 2015 Trong Bộ luật Hình sự 2015, cưỡng bức không chỉ nói về các tội phạm tình dục mà còn bao gồm tội phạm lao động, ma tuý. Cụ thể như sau: (1) Cưỡng bức người khác sử dụng trái phép chất ma túy Theo Điều 257 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về tội cưỡng bức người khác sử dụng trái phép chất ma túy như sau: - Khung hình phạt 1: Phạt tù từ 02 năm đến 07 năm Đối với người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần của người khác để buộc họ phải sử dụng trái phép chất ma túy trái với ý muốn của họ. - Khung hình phạt 2: Phạt tù từ 07 năm đến 15 năm Khi phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây: + Có tổ chức; + Phạm tội 02 lần trở lên; + Vì động cơ đê hèn hoặc vì tư lợi; + Đối với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 18 tuổi; + Đối với phụ nữ mà biết là có thai; + Đối với 02 người trở lên; + Đối với người đang cai nghiện; + Gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%; + Gây bệnh nguy hiểm cho người khác; + Tái phạm nguy hiểm. - Khung hình phạt 3: Phạt tù từ 15 năm đến 20 năm Khi phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây: + Gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên hoặc gây chết người; + Gây bệnh nguy hiểm cho 02 người trở lên; + Đối với người dưới 13 tuổi. - Khung hình phạt 4: Phạt tù 20 năm hoặc tù chung thân Khi phạm tội trong trường hợp làm chết 02 người trở lên. - Hình phạt bổ sung: Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng. Như vậy, đối với người phạm tội cưỡng bức người khác sử dụng trái phép chất ma túy có thể bị phạt tù từ 2 - 20 năm, phạt tiền từ 5 - 100 triệu đồng. (2) Cưỡng bức lao động Theo Điều 297 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi 2017 quy định về tội cưỡng bức lao động như sau: - Khung hình phạt 1: Phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác ép buộc người khác phải lao động thuộc một trong các trường hợp sau đây: + Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; + Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%; + Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60%. - Khung hình phạt 2: Phạt tù từ 02 năm đến 07 năm Khi phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây: + Có tổ chức; + Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng; + Làm chết người; + Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; + Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%; + Tái phạm nguy hiểm. - Khung hình phạt 3: Phạt tù từ 05 năm đến 12 năm Khi phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây: + Làm chết 02 người trở lên; + Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên. - Hình phạt bổ sung: Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. Như vậy, đối với người phạm tội cưỡng bức lao động có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng - 12 năm, phạt tiền từ 30 - 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định trong thời hạn quy định. (3) Cưỡng bức mại dâm Theo Điều 327 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi 2017 quy định về tội chứa mại dâm, trong đó có trường hợp cưỡng bức mại dâm như sau: - Khung hình phạt 1: Phạt tù từ 01 năm đến 05 năm Đối với người nào chứa mại dâm. - Khung hình phạt 2: Phạt tù từ 05 năm đến 10 năm Khi phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây: + Có tổ chức; + Cưỡng bức mại dâm; + Phạm tội 02 lần trở lên; + Chứa mại dâm 04 người trở lên; + Đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi; + Gây rối loạn tâm thần và hành vi của người bán dâm mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%; + Thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng; + Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm: - Khung hình phạt 3: Phạt tù từ 10 năm đến 15 năm Khi phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây: + Đối với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi; + Thu lợi bất chính từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; + Gây rối loạn tâm thần và hành vi của người bán dâm mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên. - Khung hình phạt 4: Phạt tù từ 15 năm đến 20 năm Khi phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây: + Đối với 02 người trở lên từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi; + Thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên; + Cưỡng bức mại dâm dẫn đến người đó chết hoặc tự sát. - Hình phạt bổ sung: Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt quản chế từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Như vậy, người phạm tội cưỡng bức mại dâm có thể bị phạt tù từ 5 - 20 năm, phạt tiền từ 10 - 100 triệu đồng, phạt quản chế từ 1 - 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Có thể thấy, khi nhắc đến các tội cưỡng bức thì không chỉ là về tội phạm tình dục mà còn về các tội phạm khác, khi đã có điều luật ngăn cấm việc làm đó, hoặc quy định người bị ép có quyền từ chối nhưng chủ thể phạm tội vẫn dùng thủ đoạn ép buộc trái ý muốn người khác làm. Tại Bộ luật Hình sự 2015, có 3 tội phạm liên quan đến cưỡng bức như phân tích trên.
Một số trường hợp giảm mức hình phạt đã tuyên theo hướng dẫn của TAND Tối cao (P2)
Bài viết này là phần tiếp theo của các quy định tại Điều 5 Nghị quyết 03/2024/NQ-HĐTP về một số trường hợp giảm mức hình phạt đã tuyên theo hướng dẫn của TAND Tối cao (3) Trường hợp người bị kết án chung thân Theo khoản 3 Điều 5 Nghị quyết 03/2024/NQ-HĐTP, trường hợp người bị kết án phạt tù chung thân, người bị kết án về nhiều tội trong đó có tội bị kết án phạt tù chung thân có thể được Tòa án xem xét, quyết định giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù chung thân xuống hình phạt tù có thời hạn. Theo đó, người bị kết án phạt tù chung thân lần đầu được giảm xuống 30 năm tù. Thời hạn 30 năm tù này được tính kể từ ngày thi hành án phạt tù chung thân và dù được giảm nhiều lần cũng phải bảo đảm thời gian thực tế chấp hành hình phạt là 20 năm tù đối với người bị kết án phạt tù chung thân; 25 năm tù đối với người bị kết án về nhiều tội trong đó có tội bị kết án phạt tù chung thân. (4) Các trường hợp đặc biệt trong việc xếp loại chấp hành án phạt tù Theo khoản 4 Điều 5 Nghị quyết 03/2024/NQ-HĐTP quy định, người bị kết án phạt tù đang chấp hành hình phạt được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù trong trường hợp đặc biệt hoặc người dưới 18 tuổi phạm tội, nếu chưa đủ thời gian chấp hành án tại cơ sở giam giữ nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây thì cũng được coi là có đủ số kỳ xếp loại: - Đối với người bị kết án phạt tù từ trên 15 năm trở lên được thiếu 04 quý đầu tiên xếp loại từ khá trở lên của thời gian liền kề thời điểm xét giảm - Đối với người bị kết án phạt tù từ trên 05 năm đến 15 năm được thiếu 02 quý đầu tiên xếp loại từ khá trở lên; - Đối với người bị kết án phạt tù từ trên 03 năm đến 05 năm được thiếu 01 quý đầu tiên xếp loại từ khá trở lên; - Đối với người bị kết án phạt tù từ 03 năm trở xuống chưa được xếp loại chấp hành án phạt tù. Đối với các trường hợp nêu trên, thời gian bị tạm giữ, tạm giam hoặc thời gian ở trại giam phải được nhận xét là chấp hành nghiêm chỉnh nội quy cơ sở giam giữ. Bên cạnh đó, tại khoản 5 Điều 5 Nghị quyết 03/2024/NQ-HĐTP cũng quy định, người bị kết án phạt tù từ trên 05 năm nhưng không liên tục được xếp loại khá trở lên, nếu có đủ các điều kiện khác và thuộc một trong các trường hợp sau đây thì vẫn có thể được xét giảm: - Có tổng số quý xếp loại khá trở lên nhiều hơn từ 02 quý trở lên so với các quy định đối với người bị kết án phạt tù từ trên 10 năm và có ít nhất 04 quý liền kề thời điểm xét giảm được xếp loại từ khá trở lên - Có tổng số quý xếp loại khá trở lên nhiều hơn 01 quý trở lên so với các quy định đối với người bị kết án phạt tù từ trên 05 năm đến 10 năm và có ít nhất 02 quý liền kề thời điểm xét giảm được xếp loại từ khá trở lên. Đối với trường hợp người bị kết án có tiền án phải có số kỳ xếp loại từ khá trở lên nhiều hơn so với những người bị kết án chưa có tiền án, ứng với mỗi tiền án là 02 quý xếp loại từ khá trở lên. Trường hợp người bị kết án bị phạt tù từ 03 năm trở xuống thì ứng với mỗi tiền án là 01 quý xếp loại từ khá trở lên. Cuối cùng, người đã được giảm thời hạn chấp hành án phạt tù phải liên tục được xếp loại chấp hành án phạt tù từ khá trở lên mới được tiếp tục xem xét, đề nghị giảm thời hạn đúng đợt. Trường hợp không đủ điều kiện để được xét giảm đúng đợt thì có thể được xét giảm thời hạn khi có đủ 04 quý xếp loại chấp hành án phạt tù từ khá trở lên (trong đó phải có ít nhất 02 quý liền kề thời điểm xét giảm). (5) Hướng dẫn xử lý khi người được giảm mức hình phạt tái phạm, vi phạm nội quy Theo quy định tại khoản 8 Điều 5 Nghị quyết 03/2024/NQ-HĐTP, đối với người bị kết án đã được giảm thời hạn chấp hành án phạt tù mà vi phạm nội quy cơ sở giam giữ bị xử lý kỷ luật, sau khi được Giám thị trại giam, trại tạm giam, Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện công nhận đã cải tạo tiến bộ và có đủ 04 quý liền kề (đối với người bị kết án bị kỷ luật khiển trách 02 lần hoặc kỷ luật cảnh cáo) hoặc 05 quý liền kề (đối với người bị kết án bị giam tại buồng kỷ luật) được xếp loại chấp hành án phạt tù từ khá trở lên thì mới được tiếp tục xem xét, đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt tù. Đối với người bị kết án đã được giảm thời hạn chấp hành án phạt tù mà lại phạm tội mới ít nghiêm trọng do cố ý thì phải chấp hành được ít nhất một phần hai mức hình phạt chung và phải có đủ điều kiện hướng dẫn tại các điểm b, c và d khoản 1 và khoản 6 Điều 5 Nghị quyết 03/2024/NQ-HĐTP thì có thể được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù. Trường hợp người bị kết án đã được giảm thời hạn chấp hành án phạt tù mà lại phạm tội mới nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng thì phải chấp hành được ít nhất hai phần ba mức hình phạt chung, hoặc 25 năm nếu là tù chung thân và phải có đủ các điều kiện hướng dẫn tại các điểm b, c và d khoản 1 và khoản 6 Điều 5 Nghị quyết 03/2024/NQ-HĐTP thì có thể được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù. Cuối cùng, khoản 11 Điều 5 Nghị quyết 03/2024/NQ-HĐTP quy định, người đang được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù hoặc người đang được áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh được bảo lưu kết quả chấp hành án phạt tù và được tính liên tục liền kề với thời gian sau khi trở lại trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện để tiếp tục chấp hành án. Khi những người này trở lại trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện để tiếp tục chấp hành án, nếu có đủ điều kiện quy định tại các khoản của Điều 5 Nghị quyết 03/2024/NQ-HĐTP và trong thời gian được tạm đình chỉ hoặc áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật, được chính quyền địa phương nơi người được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù về cư trú hoặc cơ sở y tế điều trị cho người được áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh xác nhận thì mới được xem xét, đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt tù. Trên đây là toàn bộ hướng dẫn của TAND Tối cao về quy định giảm mức hình phạt đã tuyên tại Điều 63 Bộ Luật Hình sự 2015. Nhìn chung, quy định về việc giảm mức hình phạt đã tuyên trong Bộ Luật Hình sự 2015 là một quy định mang tính nhân đạo, tiến bộ, góp phần đảm bảo tính công bằng trong việc áp dụng hình phạt, đồng thời giáo dục, răn đe người phạm tội, góp phần phòng ngừa tội phạm hiệu quả. >>> Mời bạn đọc xem lại phần 1: Điều kiện được giảm mức hình phạt đã tuyên theo hướng dẫn mới nhất của TAND Tối cao (P1)
Điều kiện được giảm mức hình phạt đã tuyên theo hướng dẫn mới nhất của TAND Tối cao (P1)
Mới đây, Hội đồng thẩm phán của TAND Tối cao đã ban hành Nghị quyết 03/2024/NQ-HĐTP để hướng dẫn thi hành một số quy định của Bộ Luật Hình sự 2015 (1) Điều kiện được giảm mức hình phạt đã tuyên Theo quy định tại khoản 1 Điều 63 Bộ Luật Hình sự 2015, người bị kết án cải tạo không giam giữ, phạt tù có thời hạn hoặc phạt tù chung thân, nếu đã chấp hành hình phạt được một thời gian nhất định, có nhiều tiến bộ và đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự, thì theo đề nghị của cơ quan thi hành án hình sự có thẩm quyền, Tòa án có thể quyết định giảm thời hạn chấp hành hình phạt. Tuy nhiên, việc giảm mức hình phạt đã tuyên cũng gặp phải một số khó khăn trong việc đánh giá, xác định đối tượng được giảm mức hình phạt và tội phạm được giảm mức hình phạt có nguy cơ tái phạm cao. Do đó, Hội đồng thẩm phán của TAND Tối cao đã ban hành Nghị quyết 03/2024/NQ-HĐTP để hướng dẫn một số quy định trong Bộ Luật Hình sự 2015, trong đó có hướng dẫn về điều kiện được giảm mức hình phạt đã tuyên. Theo quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị quyết 03/2024/NQ-HĐTP, người bị kết án cải tạo không giam giữ, phạt tù có thời hạn hoặc phạt tù chung thân được xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt lần đầu khi có đủ các điều kiện sau đây: 1- Đã chấp hành được một phần ba thời hạn đối với hình phạt cải tạo không giam giữ, hình phạt tù có thời hạn; 12 năm đối với tù chung thân; 15 năm đối với người bị kết án về nhiều tội trong đó có tội bị kết án tù chung thân 2- Đối với người bị kết án cải tạo không giam giữ phải chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật, thành thật hối cải, tích cực lao động, học tập. 3- Đối với người bị kết án phạt tù có thời hạn hoặc phạt tù chung thân phải có nhiều tiến bộ, thể hiện ở việc chấp hành tốt nội quy cơ sở giam giữ, tích cực học tập, lao động, cải tạo và phải có đủ kỳ xếp loại chấp hành án phạt tù từ khá trở lên, cụ thể như sau: - Người bị kết án phạt tù chung thân phải có ít nhất 16 quý liền kề thời điểm xét giảm được xếp loại từ khá trở lên. Trường hợp người bị kết án tử hình được Chủ tịch nước ân giảm xuống tù chung thân phải có ít nhất 20 quý liền kề thời điểm xét giảm được xếp loại từ khá trở lên. - Người bị kết án phạt tù từ trên 20 năm đến 30 năm phải có ít nhất 14 quý liền kề thời điểm xét giảm được xếp loại từ khá trở lên. - Người bị kết án phạt tù từ trên 15 năm đến 20 năm phải có ít nhất 12 quý liền kề thời điểm xét giảm được xếp loại từ khá trở lên. - Người bị kết án phạt tù từ trên 10 năm đến 15 năm phải có ít nhất 08 quý liền kề thời điểm xét giảm được xếp loại từ khá trở lên. - Người bị kết án phạt tù từ trên 05 năm đến 10 năm phải có ít nhất 04 quý liền kề thời điểm xét giảm được xếp loại từ khá trở lên. - Người bị kết án phạt tù từ trên 03 năm đến 05 năm phải có ít nhất 02 quý liền kề thời điểm xét giảm được xếp loại từ khá trở lên. - Người bị kết án phạt tù từ 03 năm trở xuống phải có ít nhất 01 quý liền kề thời điểm xét giảm được xếp loại từ khá trở lên. Trường hợp chưa có kết quả xếp loại quý liền kề do chưa đến thời điểm xếp loại quý nhưng có 03 tháng liền kề thời điểm xét giảm được xếp loại khá thì vẫn có thể được xét giảm. 4- Đã bồi thường được ít nhất một phần hai nghĩa vụ dân sự theo bản án, quyết định của Tòa án: - Người bị kết án bồi thường được ít hơn một phần hai nghĩa vụ dân sự theo bản án, quyết định của Tòa án nhưng có văn bản miễn giảm một phần nghĩa vụ dân sự hoặc có thỏa thuận khác của người được thi hành án, người đại diện hợp pháp của người được thi hành án (có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền) thể hiện người bị kết án đã bồi thường được một phần hai nghĩa vụ dân sự thì cũng được coi là đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự. - Người bị kết án có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn hướng dẫn tại khoản 8 Điều 2 của Nghị quyết 03/2024/NQ-HĐTP được UBND cấp xã nơi họ cư trú hoặc cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền xác nhận thì mức bồi thường nghĩa vụ dân sự có thể thấp hơn một phần hai nghĩa vụ dân sự theo bản án, quyết định của Tòa án nhưng Tòa án phải ghi rõ trong quyết định. - Người bị kết án về tội tham nhũng, chức vụ thì phải bồi thường được ít nhất một phần hai nghĩa vụ dân sự. 5- Được cơ quan thi hành án hình sự có thẩm quyền đề nghị bằng văn bản xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt. Theo đó, khi phạm nhân đáp ứng được các yêu cầu theo hướng dẫn nêu trên sẽ được xem xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt theo quy định của pháp luật. (2) Mức giảm thời hạn chấp hành hình phạt Cũng theo hướng dẫn tại Điều 5 Nghị quyết 03/2024/NQ-HĐTP, mức giảm thời hạn chấp hành hình phạt được thực hiện như sau: - Người bị kết án cải tạo không giam giữ thì mỗi lần có thể được giảm từ 03 tháng đến 09 tháng - Người bị kết án phạt tù từ 30 năm trở xuống hoặc người bị kết án phạt tù chung thân đã được giảm xuống 30 năm tù thì mỗi lần có thể được giảm từ 01 tháng đến 03 năm. Trường hợp giảm đến 03 năm thì phải là người có thành tích đặc biệt xuất sắc. Lưu ý: Khi giảm thời gian được giảm phải bảo đảm thời gian thực tế chấp hành hình phạt quy định tại các khoản 2, 3, 4, 5 và 6 Điều 63 của Bộ Luật Hình sự 2015. Trên đây là một số hướng dẫn của TAND Tối cao liên quan đến quy định giảm mức hình phạt đã tuyên tại Điều 63 Bộ Luật Hình sự 2015 >>> Mời bạn đọc xem tiếp phần 2: Một số trường hợp giảm mức hình phạt đã tuyên theo hướng dẫn của TAND Tối cao (P2)
Mức phạt tội sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức
Việc làm giả con dấu, tài liệu là hành vi vi phạm pháp luật, gây ảnh hưởng đến trật tự an ninh xã hội, cùng tìm hiểu mức phạt đối với tội danh này thông qua bài viết dưới đây nhé (1) Hành vi sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức là gì? Tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” được quy định tại Điều 341 Bộ Luật Hình sự 2015. Theo đó, việc làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức có thể hiểu là việc một người không có thẩm quyền được cấp con con dấu, tài liệu đó nhưng đã cố tình tạo ra các con dấu, tài liệu bằng nhiều cách khác nhau (khắc, in ấn, chỉnh sửa) để làm giả con dấu, tài liệu thật của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. Về hành vi sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức có thể hiểu là việc một người dùng con dấu, tài liệu, giấy tờ giả không phải do mình làm ra để thực hiện hành vi trái pháp luật (lừa dối cơ quan, tổ chức nhà nước hoặc công dân). Ví du: A không phải là cán bộ công tác trong lực lượng Công an Nhân dân, một hôm A lướt mạng xã hội thấy có người bán Chứng minh nhân dân (CMND) Công an làm giả, A liên hệ với người bán và đặt mua một CMND Công an có tên mình. Sau đó người bán đã gửi cho A một CMND Công an làm giả có hình và tên của A được in trên đó. Khi tham gia giao thông, A bị CSGT thổi phạt nên đã xuất trình CMND Công an giả để xin được bỏ qua lỗi vi phạm, tuy nhiên lực lượng CSGT đã nhận ra đây là CMND Công an làm giả nên đã giao cho Cơ quan Cảnh sát điều tra để xử lý. Sau khi điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra khởi tố và truy tố A với tội danh “Sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”. Qua ví dụ trên, chúng ta đã hình dung được thế nào là tội làm giả con dấu, tài liệu và tội sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức là gì. Tiếp sau đây là mức phạt hình sự đối với hành vi sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức. (2) Mức phạt hình sự đối với tội sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức Theo quy định tại Điều 341 Bộ Luật Hình sự 2015, người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ đó thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Bên cạnh đó, nếu hành vi phạm tội mà thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm: - Có tổ chức - Phạm tội 02 lần trở lên - Làm từ 02 đến 05 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác - Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm - Thu lợi bất chính 10.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng - Tái phạm nguy hiểm Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm: - Làm 06 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác trở lên - Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng - Thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng nếu vi phạm tội danh này. Như vậy, tùy theo tính chất từng vụ việc và mức độ gây ảnh hưởng đến an ninh, trật tự xã hội, người vi phạm tội sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức sẽ bị xử phạt tối đa lên đến 07 năm tù và phạt tiền lên đến 50 triệu đồng. (3) Kết luận Việc sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, xâm phạm trật tự quản lý hành chính, gây ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội và quyền lợi hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Việc sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan tổ chức còn tiềm ẩn nguy cơ kéo theo hành vi dùng con dấu, tài liệu giả để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người khác. Do đó, việc xử lý nghiêm minh hành vi này đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ trật tự pháp lý và đảm bảo an ninh xã hội. Chỉ khi có sự chung tay góp sức của mỗi cá nhân, tổ chức, cơ quan chức năng, việc sử dụng con dấu, tài liệu giả mới được đẩy lùi hiệu quả, góp phần xây dựng môi trường pháp lý lành mạnh, đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội và quyền lợi hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Cười người hôm trước hôm sau người cười là gì? Miệt thị ngoại hình người khác bị xử lý ra sao?
Câu ca dao “Cười người chớ vội cười lâu, cười người hôm trước hôm sau người cười” có nghĩa là gì? Miệt thị ngoại hình người khác bị xử phạt như thế nào? “Cười người chớ vội cười lâu, cười người hôm trước hôm sau người cười” là gì? Trước tiên, "cười" trong câu ca dao này được hiểu là hành vi cười cợt, chê bai, mỉa mai, hả hê khi thấy người khác gặp khó khăn, hoạn nạn. Ngoài thái độ cười cợt, mỉa mai người khác, một số người còn dùng những lời lẽ châm chọc, thêm bớt từ ngữ, biến câu chuyện trở nên không đúng sự thật, nhằm hạ thấp, bôi nhọ người được nhắm đến. Tuy nhiên, nên nhớ rằng, bản thân mình vào một lúc nào đó cũng sẽ rơi vào những tình cảnh khó khăn, khốn đốn và có thể cũng sẽ bị người khác cười cợt, mỉa mai. Chính vì thế, câu ca dao “Cười người chớ vội cười lâu, cười người hôm trước hôm sau người cười” khuyên răn chúng ta phải biết tôn trọng người khác, không được kinh thường bất cứ ai nhất là khi họ rơi vào hoàn cảnh khó khăn, hoạn nạn. Vì bất cứ ai trong cuộc sống này cũng sẽ có lúc rơi vào tình cảnh khó khăn, rơi vào những tình huống éo le. Thay vì có thái độ hả hê, hài lòng trước tình cảnh của người khác, chúng ta nên có thái độ đồng cảm, không phán xét. Liên hệ câu ca dao trên với quy định của pháp luật, hành vi chê bai, miệt thị ngoại hình người khác có thể bị xử lý theo quy định, cụ thể: Miệt thị ngoại hình người khác bị xử lý ra sao? Miệt thị người khác được hiểu là những hành động bằng ngôn ngữ như đánh giá, phán xét, chê bai ác ý về vẻ bề ngoài của một người nào đó. Miệt thị ngoại hình người khác tùy từng trường hợp có thể bị xử lý như sau: * Xử phạt vi phạm hành chính Hành vi miệt thị ngoại hình người khác nếu chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì có thể bị xử phạt hành chính theo điểm a khoản 3 Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, cụ thể như sau: Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: Có hành vi khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm, lăng mạ, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của người khác, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 2 Điều 21 và Điều 54 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, cụ thể: - Có lời nói, hành động đe dọa, lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người thi hành công vụ; - Hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của thành viên gia đình. Lưu ý: theo khoản 2 Điều 4 Nghị định 144/2021/NĐ-CP thì mức phạt trên là mức phạt áp dụng đối với cá nhân vi phạm, đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân. * Truy cứu trách nhiệm hình sự Người có hành vi miệt thị người khác dẫn đến nhân phẩm, danh dự của họ bị xúc phạm nghiêm trọng nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm nhục người khác theo quy định tại Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bởi điểm e khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017. Cụ thể, các khung hình phạt của tội làm nhục người khác như sau: Khung hình phạt 1: Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm. Khung hình phạt 2: Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm: - Phạm tội 02 lần trở lên; - Đối với 02 người trở lên; - Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; - Đối với người đang thi hành công vụ; - Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình; - Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội; - Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%. Khung hình phạt 3: Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm: - Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; - Làm nạn nhân tự sát. * Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. Tóm lại, câu da dao “Cười người chớ vội cười lâu, cười người hôm trước hôm sau người cười” nhắc nhở chúng ta rằng không nên cao ngạo, khinh thường, chê bai người khác dù bản thân mình là ai, đang ở vị trí nào trong xã hội. Một trong số đó là không được có hành vi miệt thị ngoại hình người khác. Miệt thị ngoại hình người khác không chỉ là hành vi sai trái, khiến người khác tổn thương mà còn là hành vi vi phạm pháp luật. Theo đó, tùy theo tính chất và mức độ vi phạm của hành vi mà cá nhân, tổ chức vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Cuồng tín gây ảnh hưởng xấu đến xã hội có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự đến 10 năm tù
Tôn giáo, tín ngưỡng xuất phát từ điều tốt, mong muốn hỗ trợ con người vững chắc về mặt tinh thần, có thêm niềm tin, có thêm động lực để phấn đấu và phát triển. Bên cạnh ý nghĩa to lớn ấy, một số người vịn vào niềm tin tôn giáo mà gây ra những hành vi trái pháp luật, bất chấp việc đó có thể khiến họ vướng vào vòng lao lý của pháp luật. 1. Pháp Luật Việt Nam nghiêm cấm hành vi cuồng tín Cụm từ “Thiên Triều Nam Quốc" trở nên “hot” hơn bao giờ hết khi những tưởng về sự lạc hậu, cuồng tín từ những giáo phái, tín ngưỡng sai lệch đã không còn trong xã hội hiện đại nay lại xuất hiện và trở thành nỗi ám ảnh của nhiều người. Ngày 9/6/2024 vừa qua, 4 người trong vụ việc bắt giữ, đánh đập, hành hạ chị D (con dâu) trong gia đình vì lý do “trừ tà” đã bị khởi tố. Vụ việc trên vào ngày được “phanh phui” đã tạo ra một làn sóng gây hoang mang cho cả xã hội nói chung. Căn cứ Điều 24 Hiến pháp 2013 quy định: - Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. - Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. - Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật. Theo đó, việc cuồng tín hoặc lợi dụng tôn giáo để đánh đập, ép buộc người khác như tình huống trên là đi ngược với kim chỉ nam của pháp luật Việt Nam, là hành vi vi phạm pháp luật. 2. Cuồng tín gây ảnh hưởng xấu đến xã hội có thể bị truy cứu hình sự đến 10 năm tù Căn cứ Điều 261 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung 2017) có quy định tội hành nghề mê tín, dị đoan như sau: - Người nào dùng bói toán, đồng bóng hoặc các hình thức mê tín, dị đoan khác đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. - Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm: + Làm chết người; + Thu lợi bất chính 200.000.000 đồng trở lên; + Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội. - Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng. Như tình huống trên, cội nguồn của hành vi đó xuất phát từ những suy nghĩ lệch lạc về mê tín, dẫn đến những hành động vi phạm pháp luật. Không chỉ gây thiệt hại nặng nề cả tinh thần lẫn thể xác cho nạn nhân, tiêu tốn nguồn tài lực của các đất nước, mà còn là tiếng vang xấu tác động lên cả xã hội về một vấn nạn cuồng tín. Do đó, hành vi cuồng tín có yếu tố nặng nề, gây ảnh hưởng xấu đến xã hội hoàn toàn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự lên đến 10 năm tù. Ngoài ra, với những trường hợp gây thiệt hại nặng nề về thể xác như vụ việc trên, còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác theo Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung 2017) như sau: - Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm: + Dùng vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn có khả năng gây nguy hại cho nhiều người; + Dùng a-xít nguy hiểm hoặc hóa chất nguy hiểm; + Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ; + Đối với ông, bà, cha, mẹ, thầy giáo, cô giáo của mình, người nuôi dưỡng, chữa bệnh cho mình; + Có tổ chức; + Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; + Trong thời gian đang bị giữ, tạm giữ, tạm giam, đang chấp hành án phạt tù, đang chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng hoặc đang chấp hành biện pháp xử lý vi phạm hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng hoặc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; + Thuê gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do được thuê; + Có tính chất côn đồ; + Đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân. Mức phạt cao nhất của tội này có thể lên đến 20 năm tù hoặc chung thân. Xem đầy đủ tại: Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung 2017) Chung quy lại, hành vi cuồng tín, ngược đãi, đánh đập người khác là hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm nhân quyền, sức khỏe, sự tự do tín ngưỡng của người khác, thậm chí còn là sự coi thường và không tôn trọng pháp luật. Những người thực hiện hành vi đó, chắc chắn sẽ bị pháp luật xử lý, để trả lại công bằng cho nạn nhân và trả lại sự yên ổn của xã hội.
MỚI: Đã có hướng dẫn về truy cứu TNHS người gây ra đám cháy
Trong tháng 6 này, Nghị quyết 02/2024/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng Điều 313 Bộ luật Hình sự 2015 về tội vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy sẽ chính thức có hiệu lực. Tội vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy theo Bộ luật Hình sự 2015 Theo Điều 313 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bởi Khoản 115 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định về tội vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy như sau: Khoản 1: Người nào vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 02 năm đến 05 năm: - Làm chết người; - Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; - Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%; - Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng. Khoản 2: Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 08 năm: - Làm chết 02 người; - Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%; - Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng. Khoản 3: Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm: - Làm chết 03 người trở lên; - Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên; - Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên. Khoản 4: Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các điểm a, b và c Khoản 3 nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm. Khoản 5: Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. Như vậy, theo quy định hiện nay người gây ra đám cháy do vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 02 năm đến 12 năm. Ngoài ra còn bị phạt tiền từ 10 đến 50 triệu đồng và cấm đảm nhiệm chức vụ, hành nghề hoặc công việc nhất định 1 đến 5 năm. Đã có hướng dẫn về truy cứu TNHS người gây ra đám cháy Ngày 24/5/2024, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Nghị quyết 02/2024/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Điều 313 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bởi Khoản 115 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 về tội vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy. Nghị quyết 02/2024/NQ-HĐTP sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 18/6/2024. Theo đó, Nghị quyết đã hướng dẫn như sau: 1) Hành vi vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy là những hành vi nào? Theo Điều 2 Nghị quyết 02/2024/NQ-HĐTP xác định vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy quy định tại Điều 313 Bộ luật Hình sự 2015 bao gồm: - Hành vi vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy theo quy định của Luật Phòng cháy, chữa cháy; - Hành vi vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy theo quy định của pháp luật khác có liên quan. 2) Truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại các khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Người nào vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 313 Bộ luật Hình sự 2015 khi có đủ các điều kiện sau đây: - Thực hiện một hoặc nhiều hành vi vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy. - Có thiệt hại xảy ra theo quy định tại một trong các khoản 1, 2 và 3 Điều 313 Bộ luật Hình sự 2015; - Hành vi vi phạm phải có mối quan hệ nhân quả với thiệt hại xảy ra. Thiệt hại xảy ra phải là hậu quả tất yếu của hành vi vi phạm và ngược lại hành vi vi phạm là nguyên nhân gây ra thiệt hại. 3) Truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 4 Theo Điều 4 Nghị quyết 02/2024/NQ-HĐTP quy định truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 4 Điều 313 Bộ luật Hình sự 2015 như sau: - “Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các điểm a, b và c khoản 3 Điều này nếu không được ngăn chặn kịp thời” quy định tại khoản 4: Là hành vi vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy mà thuộc một trong các trường hợp sau đây: + Chưa xảy ra cháy nhưng nếu không được ngăn chặn kịp thời thì chắc chắn sẽ cháy và dẫn đến thiệt hại quy định tại một trong các điểm a, b và c khoản 3; + Đã xảy ra cháy và tất yếu sẽ dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các điểm a, b và c khoản 3 nhưng do được ngăn chặn kịp thời nên thiệt hại dưới mức quy định tại khoản 1. - “Ngăn chặn kịp thời”: Là trường hợp cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện các biện pháp ngăn chặn ngay sau khi có hành vi vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy như: dập tắt đám cháy, di chuyển chất nguy hiểm về cháy ra khỏi nơi đông người, mang nguồn lửa, nguồn nhiệt ra khỏi nơi có quy định cấm,... để không xảy ra cháy hoặc đã xảy ra cháy nhưng thiệt hại dưới mức quy định tại khoản 1. Ví dụ: khi vào đổ xăng, A đang hút thuốc lá (lúc này tại cây xăng có 10 người). B yêu cầu A ra ngoài dập tắt thuốc nhưng A không thực hiện mà còn ném điếu thuốc lá đang cháy xuống đất làm lửa bùng cháy, ngay lập tức B đã dùng bình cứu hỏa để dập tắt đám cháy nên chưa có hậu quả xảy ra. Hành vi của A vi phạm quy định về “mang nguồn lửa vào nơi có quy định cấm lửa” và bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 4. 4) Truy cứu trách nhiệm hình sự trong một số trường hợp cụ thể Theo Điều 5 Nghị quyết 02/2024/NQ-HĐTP quy định hướng dẫn việc truy cứu trách nhiệm hình sự trong một số trường hợp cụ thể như sau: Trường hợp 1: Trường hợp người phạm tội thực hiện công việc bắt buộc phải tuân theo quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người nhưng trong quá trình thực hiện họ vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người xảy ra cháy và gây thiệt hại: Thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 313 Bộ luật Hình sự 2015 (Tội vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy) mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 295 Bộ luật Hình sự 2015 (Tội vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người). Ví dụ: A được B thuê hàn mái nhà các phòng Karaoke. Trong quá trình hàn, A không trang bị tấm chắn tia kim loại nóng chảy bắn ra, đồng thời không theo dõi quá trình hàn một cách an toàn nên khi các hạt kim loại nóng mang nhiệt độ cao bắn ra xung quanh đã hình thành các đám cháy lớn gây thiệt hại về tài sản 1.000.000.000 đồng. Hành vi của A đã vi phạm quy định tại Mục 2.2.12 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 03:2011/BLĐTBXH ngày 29/7/2011 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về an toàn lao động đối với máy hàn điện và công việc hàn điện. => Trường hợp này, A bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 313 Bộ luật Hình sự 2015. Trường hợp 2: Trường hợp người phạm tội thực hiện nhiều lần hành vi phạm tội, nếu mỗi lần phạm tội có đủ yếu tố cấu thành tội phạm nhưng đều chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự và chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự: Thì ngoài việc bị áp dụng khung hình phạt tương ứng với tổng số thiệt hại của các lần phạm tội, còn bị áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “phạm tội từ 02 lần trở lên” quy định tại điểm g khoản 1 Điều 52 Bộ luật Hình sự 2015. Như vậy, Nghị quyết 02/2024/NQ-HĐTP đã hướng dẫn cụ thể việc thực hiện các quy định xử lý tội phạm vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy. Theo đó, việc truy cứu TNHS người gây ra đám cháy do vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy sẽ được áp dụng rõ ràng và đúng người, đúng tội hơn. Nghị quyết 02/2024/NQ-HĐTP sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 18/6/2024.
Ăn một miếng, tiếng để đời là gì? Nhận hối lộ bị xử lý thế nào?
“Ăn một miếng, tiếng để đời" là một câu tục ngữ Việt Nam tuy ngắn gọn nhưng chứa đựng một ý nghĩa sâu sắc về đạo đức, cách ứng xử trong cuộc sống. Câu tục ngữ này cảnh báo về hậu quả lâu dài của những hành vi nhỏ nhặt nhưng sai trái, thiếu suy nghĩ. Để hiểu rõ hơn về ý nghĩa và hàm ý của câu tục ngữ trên chúng ta cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây. 1. Ăn một miếng, tiếng để đời là gì? "Ăn một miếng" là một động tác vô cùng đơn giản, thường nhật. Tuy nhiên, từ "miếng" ở đây mang tính ẩn dụ, ám chỉ bất cứ hành động nhỏ nhoi nào vi phạm đạo đức, lẽ phải. Dù chỉ là "một miếng" nhỏ, nhưng nếu đó là hành động sai trái thì "tiếng để đời" - hậu quả lâu dài về mặt danh dự, uy tín vẫn xảy ra. Câu tục ngữ “ Ăn một miếng, tiếng để đời” muốn nói dù là những việc làm nhỏ bé nhưng không phù hợp chuẩn mực đạo đức xã hội vẫn có thể để lại dấu ấn xấu, khó xóa trong lòng người khác. Nó khuyên chúng ta cần cẩn trọng, thận trọng ngay cả trong những việc nhỏ nhặt hàng ngày. Một khi đã mắc phải sai lầm, dù nhỏ, danh dự sẽ bị tổn hại nghiêm trọng và khó lòng phục hồi. Câu tục ngữ cũng đề cao đạo đức, kỷ luật bản thân. Nó nhấn mạnh rằng con người luôn phải giữ gìn phẩm hạnh, tuân thủ các nguyên tắc đạo đức ngay cả trong những việc nhỏ nhất, tránh sai phạm để không đánh mất danh dự, uy tín của mình. "Ăn một miếng, tiếng để đời" còn mang ý nghĩa ẩn dụ nói đến vấn đề tham nhũng, đặc biệt là hành vi nhận hối lộ của cán bộ, công chức trong xã hội hiện nay. Dù chỉ là khoản hối lộ "ăn một miếng" nhỏ nhặt, nhưng hậu quả để lại cho danh dự, uy tín của những người này lại vô cùng nghiêm trọng và lâu dài. Hành vi tham nhũng, nhận hối lộ không chỉ là vi phạm pháp luật mà còn đi ngược lại những chuẩn mực đạo đức cơ bản của một xã hội lành mạnh. Khi bị phát hiện, bên cạnh hình phạt từ luật pháp, những cá nhân liên quan còn phải đối mặt với "tiếng để đời" - sự lên án gay gắt của dư luận, xã hội. Điều này khiến họ mất đi uy tín, danh dự và khó có thể phục hồi sự nghiệp, vị thế trong cộng đồng. Những trường hợp tham nhũng lớn càng gây ra tổn hại nghiêm trọng hơn cho xã hội, không chỉ làm thất thoát nguồn lực quốc gia mà còn phá hoại niềm tin của nhân dân. Vì vậy, cần có những biện pháp xử lý nghiêm khắc, không chỉ trừng phạt mà còn giáo dục, phòng ngừa tham nhũng từ gốc rễ. Xã hội cần thúc đẩy tinh thần minh bạch, trách nhiệm giải trình và kiểm soát quyền lực để răn đe, ngăn chặn tệ nạn này. Như vậy, câu tục ngữ "Ăn một miếng, tiếng để đời" là câu tục ngữ sâu sắc, đề cao đạo đức, nhắc nhở con người hãy cẩn trọng trong mọi việc làm, dù lớn hay nhỏ, để giữ gìn danh dự, nhân phẩm và uy tín của mình. Là lời cảnh tỉnh thiết thực về hậu quả nghiêm trọng của tham nhũng nói chung và nhận hối lộ nói riêng. 2. Nhận hối lộ bị xử lý thế nào? Người nhận hối lộ có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự tùy thuộc vào tính chất và mức độ vi phạm. Cụ thể: Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi nhận hối lộ Thực tế cho thấy, có người đưa hối lộ nên mới có người nhận hối lộ hoặc ngược lại. Vì vậy, theo quy định tại điểm d, khoản 2 Điều 9 và điểm c khoản 3 Điều 21 Nghị định 144/2021/NĐ-CP thì người có hành vi đưa, nhận hối lộ có thể bị xử lý hành chính với các mức như sau: - Phạt tiền từ 02 triệu đồng đến 04 triệu đồng đối với hành vi đưa, môi giới, nhận hối lộ trong việc đăng ký, quản lý cư trú. - Phạt tiền từ 06 triệu đồng đến 08 triệu đồng đối với hành vi đưa tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác hoặc lợi ích phi vật chất hối lộ cho người thi hành công vụ. Truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội nhận hối lộ Theo Điều 354 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi 2017 thì hình phạt đối với người nhận hối lộ, người phạm tội nhận hối lộ sẽ bị xử lý như sau: Khung 1: Phạt tù từ 02 năm đến 07 năm đối với hành vi sau: - Nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 02 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng hoặc dưới 02 triệu đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm hoặc đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục 1 Chương XXIII về các tội phạm tham nhũng của Bộ luật Hình sự 2015, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; - Lợi ích phi vật chất. Khung 2: Phạt tù từ 07 năm đến 15 năm đối với người phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau: - Có tổ chức; - Lạm dụng chức vụ, quyền hạn; - Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng; - Gây thiệt hại về tài sản từ 01 tỷ đồng đến dưới 03 tỷ đồng; - Phạm tội 02 lần trở lên; - Biết rõ của hối lộ là tài sản của Nhà nước; - Đòi hối lộ, sách nhiễu hoặc dùng thủ đoạn xảo quyệt. Khung 3: Phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình đối với người phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau: - Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá 01 tỷ đồng trở lên; - Gây thiệt hại về tài sản 05 tỷ đồng trở lên. Hình phạt bổ sung: - Người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước mà nhận hối lộ, thì bị xử lý theo quy định tại Điều 354 Bộ luật Hình sự năm 2015. - Ngoài ra người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 100 triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Đồng thời, theo quy định tại Khoản 4 Điều 8, khoản 5 Điều 16, khoản 2 Điều 30 và khoản 2 Điều 37 Nghị định 112/2020/NĐ-CP thì cán bộ, công chức, viên chức có hành vi đưa, nhận hối lộ bị xử lý như sau: - Cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm quy định về phòng, chống tham nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì bị áp dụng thức thức kỷ luật khiển trách hoặc cảnh cáo. - Đối với cán bộ, công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý thì có thể bị áp dụng hình thức kỷ luật giáng chức hoặc cách chức. - Trường hợp công chức, viên chức bị Tòa án kết án về hành vi tham nhũng, trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định, bản án có hiệu lực pháp luật của Tòa án, cấp có thẩm quyền xử lý kỷ luật ra quyết định kỷ luật buộc thôi việc. Như vậy, hàm ý của câu tục ngữ "Ăn một miếng, tiếng để đời" giúp chúng ta có thể rút ra bài học về hành vi nhận hối lộ dù chỉ là một việc làm nhỏ nhưng lại gây ra những hậu quả pháp lý nghiêm trọng. Theo đó, người nhận hối lộ có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 02 triệu đồng đến 04 triệu đồng, bị xử lý hình sự về tội nhận hối lộ với mức án thấp nhất là 02 năm tù và cao nhất là tử hình. Ngoài ra còn áp dụng hình thức xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức vi phạm hành vi trên.
Diễm My là ai? Vì sao nhiều người tìm kiếm Diễm My đang ở đâu?
Trong vụ án tại Tịnh thất Bồng Lai có xuất hiện một nhân vật tên là Diễm My. Vậy Diễm My là ai và vì sao nhiều người tìm kiếm cô đang ở đâu? – Tuấn Nhã (Hà Nội) 1. Diễm My là ai? Vì sao nhiều người tìm kiếm Diễm My đang ở đâu? Võ Thị Diễm My là cô gái gắn liền với "Tịnh thất Bồng Lai" (sau được đổi tên thành Thiền am bên bờ vũ trụ) ở huyện Đức Hòa, tỉnh Long An. Cuối năm 2019, dư luận ở Long An dậy sóng vì hàng trăm người đại náo Tịnh thất Bồng Lai để tìm Diễm My. Cuộc "giải cứu" đã biến thành ẩu đả giữa nhóm của ông Võ Văn Thắng (cha ruột của Diễm My) và nhóm sinh sống ở Tịnh thất Bồng Lai do ông Lê Tùng Vân đứng đầu. Vào ngày 19/12/2019, sau một khoảng thời gian sinh sống tại Tịnh Thất Bồng Lai thì Diễm My đã trở về nhà ba mẹ để sinh sống trong thời gian 6 tháng. Sau đó, Diễm My đã bỏ nhà đi. Từ khi Diễm My bỏ nhà ra đi cho đến nay, cha mẹ không gặp lại Diễm My, cũng không liên lạc được. Đến nay, Diễm My vẫn mất tích bí ẩn, chưa một lần lên tiếng về các sự việc liên quan tới mình. Kể cả khi được tòa triệu tập làm nhân chứng ở phiên sơ thẩm, phúc thẩm, cô gái chưa từng xuất hiện. 2. Những tội danh trong vụ án tại Tịnh thất Bồng Lai? (1) Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân Tháng 7/2021, TAND huyện Đức Hòa tuyên án sơ thẩm đối với 6 bị cáo về tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân: - Bị cáo Lê Tùng Vân bị phạt 5 năm tù; - Các bị cáo Lê Thanh Hoàn Nguyên, Lê Thanh Nhất Nguyên và Lê Thanh Trùng Dương, mỗi người bị phạt 4 năm tù. - Bị cáo Lê Thanh Nhị Nguyên bị phạt 3 năm 6 tháng tù, bị cáo Cúc 3 năm tù. Sau đó, tất cả 6 bị cáo đã làm đơn kháng cáo. Tháng 11/2022, TAND tỉnh đã xét xử phúc thẩm và tuyên án y án bản án sơ thẩm. Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân theo Điều 331 Bộ luật Hình sự 2015 như sau: - Người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. - Phạm tội gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm. (2) Tội loạn luân Ngày 19/4/2024, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Long An ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Lê Tùng Vân (SN 1932; ngụ ấp Lập Thành, xã Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) về tội loạn luân. Tội loạn luân theo Điều 184 Bộ luật Hình sự 2015 như sau: Người nào giao cấu với người mà biết rõ người đó cùng dòng máu về trực hệ, là anh chị em cùng cha mẹ, anh chị em cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. 3. Khi nào một người bị tuyên bố mất tích? - Khi một người biệt tích 02 năm liền trở lên, mặc dù đã áp dụng đầy đủ các biện pháp thông báo, tìm kiếm theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự nhưng vẫn không có tin tức xác thực về việc người đó còn sống hay đã chết thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan, Tòa án có thể tuyên bố người đó mất tích. Thời hạn 02 năm được tính từ ngày biết được tin tức cuối cùng về người đó; nếu không xác định được ngày có tin tức cuối cùng thì thời hạn này được tính từ ngày đầu tiên của tháng tiếp theo tháng có tin tức cuối cùng; nếu không xác định được ngày, tháng có tin tức cuối cùng thì thời hạn này được tính từ ngày đầu tiên của năm tiếp theo năm có tin tức cuối cùng. - Trường hợp vợ hoặc chồng của người bị tuyên bố mất tích xin ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình. - Quyết định của Tòa án tuyên bố một người mất tích phải được gửi cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú cuối cùng của người bị tuyên bố mất tích để ghi chú theo quy định của pháp luật về hộ tịch. (Điều 68 Bộ luật Dân sự 2015)
Quất ngựa truy phong là gì? Làm bạn gái có bầu rồi chối bỏ trách nhiệm có bị xử lý hình sự?
Khi nhắc tới câu thành ngữ “Quất ngựa truy phong” chắc hẳn ai cũng nghĩ tới là đánh con ngựa để chạy thật nhanh, có thể đuổi theo gió (truy phong = đuổi gió). Nhưng có thật là sử dụng như vậy không và nguồn gốc của từ “truy phong” là từ đâu, chúng ta cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây. 1. Quất ngựa truy phong là gì? Trong tiếng Hán Quất ngựa truy phong là “Truy phong nhiếp ảnh”. Thành ngữ bắt nguồn từ tên của hai con ngựa giỏi của Tần Thuỷ Hoàng. Thành ngữ này được “Hán Đại thành ngữ đại từ điển (Thượng hải,1997) giảng như sau: “Theo sách Cổ Kim chú của Thôi Báo đời nhà Tần thì Tần Thuỷ Hoàng có hai con tuấn mã là Truy Phong và Nhiếp Cảnh. Về sau người ta dùng mấy tiếng “truy phong nhiếp cảnh” để miêu tả (động tác) ngựa chạy mau lẹ. Ngoài ra, thành ngữ “Quất ngựa truy phong” còn mang một ý nghĩa ẩn dụ khác đó là phản ánh hiện thực của xã hội về hành vi của một người đã gây ra một việc gì đó sai trái rồi bỏ chạy mất hút, không chịu trách nhiệm với những gì mình đã làm. Ví dụ như trường hợp nhiều cặp đôi yêu nhau thường muốn trao cho nhau tất cả ví như một câu hát trong bài “Hãy trao cho anh - Sơn Tùng MTP”: ”Hãy trao anh trao cho anh đi những yêu thương nồng cháy Trao anh ái ân nguyên vẹn đong đầy” Để rồi, khi trao nhau hết tất cả đến khi người con gái có bầu thì bạn trai lại “Quất ngựa truy phong” chối bỏ trách nhiệm không chịu nhận con của mình. Đây là một hành vi đáng lên án của xã hội hiện nay. 2. Làm bạn gái có bầu rồi chối bỏ trách nhiệm có bị xử lý hình sự? Hiện nay, quan hệ tình cảm yêu đương giữa nam và nữ là sự tự nguyện của hai bên và pháp luật không điều chỉnh. Làm bạn gái có bầu rồi chối bỏ trách nhiệm chỉ vi phạm về mặt đạo đức, chuẩn mực xã hội; còn dưới góc độ pháp luật, đây không được coi là hành vi vi phạm pháp luật. Do đó, không thể xử phạt hành chính cũng như không thể truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi này. Tuy nhiên, hành vi làm bạn gái có bầu rồi chối bỏ trách nhiệm có thể bị xử lý trong 05 trường hợp sau đây: Trường hợp 1: Phạm tội hiếp dâm người dưới 16 Người nào thực hiện hành vi giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người dưới 13 tuổi, làm nạn nhân có bầu thì có thể chịu mức án từ 07 đến 20 năm tù. (Theo Điểm b Khoản 1 và Điểm b Khoản 2 Điều 142 Bộ luật Hình sự 2015). Trường hợp 2: Phạm tội hiếp dâm Người nào thực hiện hành vi phạm tội đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, làm nạn nhân có bầu thì có thể bị phạt tù từ 05 đến 15 năm. (Theo Điểm g Khoản 2 và Khoản 4 Điều 141 Bộ luật Hình sự 2015) Trường hợp 3: Phạm tội cưỡng dâm Người nào thực hiện hành vi cưỡng dâm người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, làm nạn nhân có bầu thì có thể chịu mức án từ thì bị phạt tù từ 02 đến 10 năm tù. (Theo Điểm đ Khoản 2 và Khoản 4 Điều 143 Bộ luật Hình sự 2015) - Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. Trường hợp 4: Phạm tội Giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi Người nào đủ 18 tuổi trở lên mà giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, làm nạn nhân có bầu, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 142 và Điều 144 Bộ luật Hình sự 2015, thì có thể chịu mức án từ 01 năm đến 10 năm tù. (Theo Khoản 1 và Điểm đ Khoản 2 Điều 145 Bộ luật Hình sự 2015) Như vậy, tùy theo tính chất mức độ nghiêm trọng của hành vi, người phạm tội có thể bị phạt tù từ 01 năm đến 20 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến 5 năm. Trường hợp 5: Trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng Thời điểm giao cấu dẫn đến kết quả có bầu của người nữ, cả hai người đã đủ tuổi theo quy định của luật là đã trên 16 tuổi. Trong trường hợp này, người nam không bị truy cứu trách nhiệm hình sự mà chỉ chịu trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình 2014. Theo đó, tại Điều 110 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định nghĩa vụ cấp dưỡng của cha mẹ như sau: “Cha, mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên, con đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình trong trường hợp không sống chung với con hoặc sống chung với con nhưng vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng con.” Như vậy, sau khi bạn gái sinh con, nếu xác định chính xác quan hệ cha - con, thì dù không đăng ký kết hôn, người cha phải có trách nhiệm cấp dưỡng cho con. Đồng thời, nếu đã có quyết định của Tòa án mà người cha cố tình không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng thì có thể sẽ bị phạt hành chính từ 03 triệu đồng - 05 triệu đồng (theo điểm a, khoản 3 Điều 64 Nghị định 82/2020/NĐ-CP). Nghiêm trọng hơn, việc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng làm cho con bị lâm tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm (theo Điều 186 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi 2017). Như vậy, pháp luật không điều chỉnh hành vi làm bạn gái có bầu rồi chối bỏ trách nhiệm phải chịu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, nếu hành vi này dẫn đến hậu quả khác thuộc các trường hợp được pháp luật điều chỉnh thì có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Người mang thai đang được hoãn thi hành án tiếp tục phạm tội thì xử lý thế nào?
Phụ nữ đang mang thai là một chủ thể đặc biệt trong việc tố tụng hình sự, pháp luật có những chính sách khoan hồng đối với phụ nữ đang mang thai mà phạm tội. Nhiều ý kiến cho rằng sẽ có nhiều người lợi dụng điều này để trốn tránh thực hiện thi hành án phạt, tiếp tục phạm tội khi đang được hoãn thi hành án. Vậy người mang thai đang được hoãn thi hành án tiếp tục phạm tội thì có bị xử lý không? (1) Phụ nữ mang thai được hưởng những chế độ khoan hồng nào của pháp luật? Theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 67 Bộ Luật Hình sự 2015, người bị phạt tù mà là phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, thì được hoãn chấp hành hình phạt cho đến khi con đủ 36 tháng tuổi Căn cứ theo khoản 4 Điều 36 Bộ Luật Hình sự 2015 quy định cải tạo không giam giữ, người phụ nữ mang thai cũng được pháp luật cho hưởng khoan hồng: “Không áp dụng biện pháp lao động phục vụ cộng đồng đối với phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 06 tháng tuổi, người già yếu, người bị bệnh hiểm nghèo, người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng.” Người bị kết án cải tạo không giam giữ vẫn phải thực hiện những nghĩa vụ quy định tại Luật thi hành án hình sự. Hay tại khoản 2 Điều 40 Bộ luật Hình sự 2015 quy định tử hình: ”Không áp dụng hình phạt tử hình đối với người dưới 18 tuổi khi phạm tội, phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi hoặc người đủ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử.” Phụ nữ đang mang thai còn được xét là một tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, theo điểm n khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự 2015 quy định như sau: “1. Các tình tiết sau đây là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự: … n) Người phạm tội là phụ nữ có thai” Như vậy, đối với phụ nữ mang thai, pháp luật có các sự khoan hồng sau: - Được hoãn chấp hành hình phạt tù tới khi con đủ 36 tháng tuổi - Không áp dụng biện pháp lao động phục vụ cộng đồng đối với phụ nữ mang thai. - Không áp dụng hình phạt tử hình đối với phụ nữ mang thai. - Người phạm tội là phụ nữ có thai được xem là một trong các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. (2) Người phạm tội cố tình mang thai để trốn thực hiện nghĩa vụ thì xử lí ra sao? Pháp luật có nhiều điều khoản khoan hồng dành cho tội phạm là phụ nữ đang mang thai, do đó, nhiều phạm nhân nữ lợi dụng những Điều luật này, mang thai liên tục nhằm tránh né việc chấp hành án thì sao? Theo Công văn 01/2017/GĐ-TANDTC của TAND tối cao đã trả lời vấn đề này như sau: Nếu phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi bị kết án tù thì có thể được hoãn chấp hành hình phạt tù cho đến khi con đủ 36 tháng tuổi, không phân biệt họ cố tình có thai và sinh con liên tục để trốn tránh nghĩa vụ thi hành án phạt tù hay không. Do đó, phụ nữ đang mang thai sẽ được hoãn thi hành án, bất kể người đó cố tình mang thai để trốn tránh nghĩa vụ. (3) Người mang thai đang được hoãn thi hành án tiếp tục phạm tội thì xử lý thế nào? Ta có thể thấy, trong các điều khoản kết tội đều giảm nhẹ cho phụ nữ mang thai, nhưng nếu người này đang được hoãn chấp hành án phạt mà tiếp tục phạm tội thì sao? Tại khoản 2 Điều 67 Bộ Luật Hình sự 2015 có quy định về việc tiếp tục phạm tội khi đang được hoãn thi hành án như sau: “Trong thời gian được hoãn chấp hành hình phạt tù, nếu người được hoãn chấp hành hình phạt lại thực hiện hành vi phạm tội mới, thì Tòa án buộc người đó phải chấp hành hình phạt trước và tổng hợp với hình phạt của bản án mới theo quy định tại Điều 56 của Bộ Luật Hình sự 2015” Ngoài ra, có thể áp dụng biện pháp ngăn chặn Tạm giam theo khoản 4 Điều 119 Bộ Luật Tố tụng Hình sự 2015 quy định đối với bị can, bị cáo là phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, là người già yếu, người bị bệnh nặng mà có nơi cư trú và lý lịch rõ ràng thì không tạm giam mà áp dụng biện pháp ngăn chặn khác, trừ các trường hợp: - Bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã; - Tiếp tục phạm tội; - Có hành vi mua chuộc, cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật; tiêu hủy, giả mạo chứng cứ, tài liệu, đồ vật của vụ án, tẩu tán tài sản liên quan đến vụ án; đe dọa, khống chế, trả thù người làm chứng, bị hại, người tố giác tội phạm hoặc người thân thích của những người này; - Bị can, bị cáo về tội xâm phạm an ninh quốc gia và có đủ căn cứ xác định nếu không tạm giam đối với họ thì sẽ gây nguy hại đến an ninh quốc gia. (4) Kết luận Có thể thấy, pháp luật Việt Nam khá ưu ái cho đối tượng là phụ nữ đang mang thai, đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi khi có nhiều các tình tiết giảm nhẹ, hoãn các hình phạt cho phụ nữ phạm tội trong lúc đang mang thai, bất kể người đó mang thai là do cố tình hay không. Chính sách này của pháp luật không chỉ thể hiện sự khoan hồng mà còn bảo đảm quyền được sinh con của phụ nữ, quyền được chăm sóc của trẻ em. Tuy nhiên, nếu người phạm tội tiếp tục phạm tội khi đang được hoãn chấp hành án thì pháp luật vẫn có các Điều khoản để điều chỉnh như buộc phải chấp hành hình phạt, hay sử dụng biện pháp tạm giam nhằm không bỏ lọt tội phạm gây hại cho xã hội.
Ngựa quen đường cũ là gì? Tái phạm có phải là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự không?
Ngựa quen đường cũ là gì? Tái phạm có phải là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự không? Ngựa quen đường cũ là gì? Ngựa quen đường cũ là một thành ngữ tiếng Việt được sử dụng trong văn nói hằng ngày. Ngựa quen đường cũ có nghĩa sau: (1) Theo nghĩa đen: Con ngựa đã từng đi qua một con đường nhiều lần sẽ quen thuộc với con đường đó và có thể tự đi mà không cần người dẫn dắt. (2) Theo nghĩa bóng: Con người có xu hướng lặp lại những thói quen, hành vi đã quen thuộc, dù cho những thói quen, hành vi đó có thể là tốt hay xấu. Ví dụ về ngựa quen đường cũ: Một người đã từng nghiện ma túy, sau khi cai nghiện thành công, nếu quay lại môi trường cũ, tiếp xúc với những người bạn nghiện cũ thì rất dễ tái nghiện. Thành ngữ "ngựa quen đường cũ" thường được dùng để: - Khuyên răn mọi người nên tránh xa những thói quen, hành vi xấu. - Nhắc nhở mọi người cần thay đổi bản thân để có một cuộc sống tốt đẹp hơn. Thành ngữ ngựa quen đường cũ là một lời nhắc nhở con người về tầm quan trọng của việc thay đổi và phát triển bản thân. Để có một cuộc sống tốt đẹp hơn, con người cần thoát khỏi vòng luân hồi của những thói quen cũ và hướng đến những điều mới mẻ, tốt đẹp hơn. Lưu ý: Thông tin trên chỉ mang tính chất tham khảo Ngựa quen đường cũ và tái phạm có một số điểm tương đồng như sau: - Cả hai đều thể hiện sự lặp lại hành vi: + Ngựa quen đường cũ là con ngựa đã từng đi qua một con đường nhiều lần sẽ quen thuộc và tự đi mà không cần người dẫn dắt. + Tái phạm là người đã bị kết án về tội phạm do cố ý, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội do cố ý. - Cả hai đều có thể dẫn đến hậu quả tiêu cực: + Ngựa quen đường cũ có thể dẫn đến việc con ngựa đi lạc hoặc gặp nguy hiểm. + Tái phạm có thể dẫn đến việc người phạm tội bị phạt tù nặng hơn. Tái phạm có phải là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự không? Căn cứ Điều 52 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bởi điểm b khoản 2 Điều 2 Luật Sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự: - Chỉ các tình tiết sau đây mới là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự: + Phạm tội có tổ chức; + Phạm tội có tính chất chuyên nghiệp; + Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội; + Phạm tội có tính chất côn đồ; + Phạm tội vì động cơ đê hèn; + Cố tình thực hiện tội phạm đến cùng; + Phạm tội 02 lần trở lên; + Tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm; + Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ có thai hoặc người đủ 70 tuổi trở lên; + Phạm tội đối với người ở trong tình trạng không thể tự vệ được, người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng, người bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc người lệ thuộc mình về mặt vật chất, tinh thần, công tác hoặc các mặt khác; + Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp, thiên tai, dịch bệnh hoặc những khó khăn đặc biệt khác của xã hội để phạm tội; + Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt hoặc tàn ác để phạm tội; + Dùng thủ đoạn hoặc phương tiện có khả năng gây nguy hại cho nhiều người để phạm tội; + Xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội; + Có hành động xảo quyệt hoặc hung hãn nhằm trốn tránh hoặc che giấu tội phạm. - Các tình tiết đã được Bộ luật này quy định là dấu hiệu định tội hoặc định khung hình phạt thì không được coi là tình tiết tăng nặng. Theo quy định trên, tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, tình tiết tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm là dấu hiệu định tội hoặc định khung hình phạt thì không được coi là tình tiết tăng nặng. Những trường hợp nào được coi là tái phạm nguy hiểm? Căn cứ Điều 53 Bộ luật Hình sự 2015 quy định tái phạm, tái phạm nguy hiểm - Tái phạm là trường hợp đã bị kết án, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội do cố ý hoặc thực hiện hành vi phạm tội về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do vô ý. - Những trường hợp sau đây được coi là tái phạm nguy hiểm: + Đã bị kết án về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý; + Đã tái phạm, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội do cố ý. Theo quy định trên, những trường hợp sau được coi là tái phạm nguy hiểm: - Đã bị kết án về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý; - Đã tái phạm, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội do cố ý.
Bắt cá hai tay là gì? Ngoại tình có phải là bắt cá hai tay không?
Tôi muốn hỏi bắt cá hai tay là gì? Bắt nguồn từ đâu? Ngoại tình có phải là bắt cá hai tay không?_Thu Hằng(Hà Nội) Chào chị, Ban biên tập xin giải đáp như sau: 1. Bắt cá hai tay là gì? Bắt nguồn từ đâu? “Bắt cá hai tay” là một trong những thành ngữ thuộc kho tàng ca dao, thành ngữ - tục ngữ Việt Nam. Hình ảnh “bắt cá” là một hoạt động trong đời sống thường ngày của người dân Việt Nam xưa. Thời xưa, đời sống còn khó khăn, người dân thường đi đánh bắt cá dưới các sông, suối, ao, hồ để phục vụ bữa ăn gia đình. Lễ hội bắt cá cũng như thi bắt cá bằng tay đã trở thành một phần của văn hóa Việt Nam. Theo đó, Lễ hội đánh cá truyền thống ở Việt Nam còn lưu giữ được đến ngày nay (thường được tổ vào ngày 12-13 tháng 07 âm lịch để người dân cầu gặp nhiều may mắn, mùa màng tốt tươi). Ví dụ: Hàng nghìn người dân mang theo dụng cụ như nơm, vó, lưới... lao xuống đầm đánh bắt cá tại các lễ hội như: lễ hội đánh cá thờ ở Phong Châu - Phú Thọ; lễ hội đánh cá làng Me ở huyện Phúc Thọ - Hà Nội; Lễ hội đánh cá Đồng Hoa hay còn gọi là lễ hội Vực Rào, tồn tại ở địa phương này gần 300 năm. Từ đó, ông cha ta đã mượn hình ảnh “bắt cá” để tạo nên câu thành ngữ “Bắt cá hai tay” với ý nghĩa như sau: - Theo nghĩa đen, câu thành ngữ "Bắt cá hai tay" chỉ việc con người dùng tay để bắt cá. Tuy nhiên, nếu dùng hai tay để bắt một con cá thì là chuyện bình thường, dễ dàng nhưng mỗi tay bắt một con cá thì lại rất khó thực hiện. Đây là một hình ảnh thực tế trong đời sống thường ngày mà ta dễ dàng bắt gặp. - Theo nghĩa bóng, câu thành ngữ "Bắt cá hai tay" muốn nói đến hành động khôn lỏi, tham lam, ôm đồm, muốn có nhiều thứ, muốn làm nhiều việc cùng một lúc. Như vậy, theo như những lý giải trên, ông cha ta đã dùng câu thành ngữ "Bắt cá hai tay" để mỉa mai, phê phán hành động tham lam, không biết lượng sức mình mà muốn làm nhiều việc cùng lúc, cuối cùng chẳng được gì, mất hết tất cả. Đây cũng là một hành động gây nên những ảnh hưởng tiêu cực cho bản thân và người khác. 2. Ngoại tình có phải là bắt cá hai tay không? Hiện nay, khi nhắc đến việc “Bắt cá hai tay” người ta thường nghĩ đó là hành vi ngoại tình. “Bắt cá hai tay” là câu thành ngữ được sử dụng rộng rãi cho đến ngày nay không chỉ nói về lòng tham của con người mà còn phê phán hành vi phản bội lòng chung thủy trong tình yêu. Theo đó, ngoại tình là hành vi có mối quan hệ tình cảm, thân mật với người khác ngoài mối quan hệ chính thức của mình, điển hình là mối quan hệ vợ chồng. Một số đặc điểm điển hình cho hành vi ngoại tình: - Có mối quan hệ tình cảm với người khác ngoài vợ/chồng của mình, phản bội lòng tin và cam kết trong hôn nhân; - Đối tượng của ngoại tình có thể là bạn bè, đồng nghiệp, người quen hoặc người lạ; - Ngoại tình bao gồm những hành vi như hẹn hò, tán tỉnh, quan hệ thân mật với người khác; ... Như vậy, ngoại tình là một ví dụ điển hình cho câu thành ngữ “Bắt cá hai tay” nói đến sự tham lam về mặt tình cảm, tình yêu, là hành vi không chung thủy với vợ/chồng hoặc người bạn đời. Đồng thời, ngoại tình là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến ly hôn và tan vỡ hạnh phúc gia đình. Vì vậy, mọi hành vi ngoại tình đều bị lên án về mặt đạo đức và pháp luật. 3. Vợ hoặc chồng ngoại tình có vi phạm pháp luật không? Ngoại tình là hành vi vi phạm pháp luật, trái đạo đức xã hội và thuần phong mĩ tục dân tộc Việt Nam, xâm phạm đến chế độ hôn nhân và gia đình được pháp luật bảo vệ. Theo đó, tùy thuộc vào tính chất, mức độ vi phạm mà vợ hoặc chồng ngoại tình có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự như sau: Xử phạt vi phạm hành chính hành vi ngoại tình Theo quy định tại khoản 1 Điều 59 Nghị định 82/2020/NĐ-CP, phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau: - Đang có vợ hoặc đang có chồng mà kết hôn với người khác, chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà kết hôn với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ; - Đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác; - Chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ; - Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng; - Cản trở kết hôn, yêu sách của cải trong kết hôn hoặc cản trở ly hôn. Như vậy, người có hành vi ngoại tình với người đã có gia đình hoặc đã có gia đình mà ngoại tình với người khác, nếu bị phát hiện có thể bị xử phạt hành chính từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng. Truy cứu trách nhiệm hình sự hành vi ngoại tình Hành vi ngoại tình có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 182 Bộ Luật Hình sự 2015 về tội vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng cụ thể: - Người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm: + Làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn; + Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm. - Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm: + Làm cho vợ, chồng hoặc con của một trong hai bên tự sát; + Đã có quyết định của Tòa án hủy việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó. Như vậy, người có hành vi ngoại tình có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với khung hình phạt đến 03 năm tù. Tuy nhiên trong thực tế hành vi ngoại tình thường chỉ được giải quyết theo phương pháp dân sự là chấm dứt hôn nhân, hoặc chỉ được xử lý ở mức độ hành chính, hiếm khi có vụ án nào liên quan đến vấn đề hình sự, trừ trường hợp nghiêm trọng liên quan đến nguyên nhân dẫn đến chết người.
Trôn Việt Nam là gì? Trôn Việt Nam có thể phạm tội gì?
Dạo gần đây, trên nền tảng TikTok xuất hiện trend trôn Việt Nam và được nhiều Tiktoker hưởng ứng. Vậy cho tôi hỏi trôn Việt Nam là gì? Và trôn Việt Nam có thể phạm tội gì? - Khánh Duy (Hậu Giang) 1. Trôn Việt Nam là gì? Dạo gần đây thì trên nền tảng TikTok đã xuất hiện trend với chủ đề là trôn Việt Nam hay troll Việt Nam. Theo đó, các nhân vật trong video sẽ thực hiện một hành động bất ngờ với một nhân vật và sau khi nhân vật bị bất ngờ phản kháng thì sẽ chỉ tay vào điện thoại và nói câu “trôn Việt Nam” với ý đồ tiết lộ rằng đây chỉ là một trò đùa. "Trôn Việt Nam" vốn xuất phát từ chữ troll trong tiếng Anh, được hiểu là tình huống chơi khăm. Trend "trôn Việt Nam" bắt nguồn từ chương trình truyền hình thực tế Just For Laughs Gags. Trong chương trình, họ sẽ thực hiện những trò đùa hay tạo lập những tình huống ngớ ngẩn, bất ngờ để trêu và quay lại phản ứng của những người lạ. Ở cuối mỗi tình huống, họ sẽ tiết lộ đây chỉ là một trò đùa và chỉ về phía camera ẩn. 2. Trôn Việt Nam có thể phạm tội gì? Trong trường hợp việc quay trend trôn Việt Nam chỉ mang tính giải trí, diễn xuất, có sự thỏa thuận về sử dụng hình ảnh diễn viên và không gây hậu quả thì sẽ không phải là hành vi vi phạm pháp luật. Trong trường hợp việc quay trend trôn Việt Nam mà có hành vi vi phạm pháp luật và gây ra hậu quả thì có thể bị truy cứu về một trong các tội sau đây: (1) Tội cướp giật tài sản theo Điều 171 Bộ luật Hình sự 2015 như sau: - Người nào cướp giật tài sản của người khác, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. - Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm: + Có tổ chức; + Có tính chất chuyên nghiệp; + Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng; + Dùng thủ đoạn nguy hiểm; + Hành hung để tẩu thoát; + Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30%; + Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ; + Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; + Tái phạm nguy hiểm. - Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm: + Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; + Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%; + Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh. - Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân: + Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên; + Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 31% trở lên; + Làm chết người; + Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp. - Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng. (2) Tội trộm cắp tài sản theo Điều 173 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017) như sau: - Người nào trộm cắp tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm: + Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm; + Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các Điều 168, 169, 170, 171, 172, 174, 175 và 290 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017), chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; + Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; + Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; + Tài sản là di vật, cổ vật. - Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm: + Có tổ chức; + Có tính chất chuyên nghiệp; + Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng; + Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm; + Hành hung để tẩu thoát; + Tài sản là bảo vật quốc gia; + Tái phạm nguy hiểm. - Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm: + Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; + Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh. - Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm: + Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên; + Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp. - Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng. (3) Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017) như sau: - Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm: + Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm; + Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các Điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017), chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; + Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; + Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ. - Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm: + Có tổ chức; + Có tính chất chuyên nghiệp; + Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng; + Tái phạm nguy hiểm; + Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; + Dùng thủ đoạn xảo quyệt; - Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm: + Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; + Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh. - Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân: + Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên; + Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp. - Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Lấy ý kiến dự thảo Hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLHS về các tội phạm ma túy
Tòa án nhân dân tối cao đang lấy ý kiến của nhân dân đối với dự thảo Nghị quyết hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự về các tội phạm về ma túy. Dự thảo Nghị quyết này hướng dẫn áp dụng một số quy định của các điều 247, 248, 249, 250, 251, 252, 253, 254, 255, 256, 257, 258 và 259 của Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 về các tội phạm về ma túy. (1) Tội tàng trữ trái phép chất ma túy (Điều 249) Theo dự thảo, "Tàng trữ trái phép chất ma túy" quy định tại Điều 249 của Bộ luật Hình sự là cất giữ, cất giấu bất hợp pháp chất ma túy ở bất cứ nơi nào (như trong nhà, ngoài vườn, chôn dưới đất, thùng xăng xe, trong người như cho vào túi áo, túi quần, nuốt vào trong bụng, để trong hành lý như vali, túi xách,…) mà không nhằm mục đích mua bán, vận chuyển, sản xuất trái phép chất ma túy. Thời gian tàng trữ dài hay ngắn không ảnh hưởng đến việc xác định tội này. Người nào đã bị kết án về tội tàng trữ, sản xuất, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy hoặc tội chiếm đoạt chất ma túy chưa được xóa án tích mà lại tiếp tục tàng trữ một trong các chất ma túy có khối lượng, thể tích chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều 249 của Bộ luật Hình sự. Trường hợp chất ma túy có khối lượng, thể tích đủ yếu tố cấu thành tội phạm theo quy định tại khoản 1 Điều 249 của Bộ luật Hình sự thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 2 Điều 249 của Bộ luật Hình sự 2015. Người có hành vi mua heroine mang về nhà để sử dụng một phần và cất giữ một phần (1,3 gam) sau đó lại có hành vi mua heroine mang về nhà để sử dụng dần (04 gam) thì bị bắt giữ thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tàng trữ trái phép chất ma túy với tình tiết định khung quy định tại điểm g khoản 2 Điều 249 của Bộ luật Hình sự, với tổng khối lượng là 5,3 gam heroine. (2) Tội vận chuyển trái phép chất ma túy (Điều 250) "Vận chuyển trái phép chất ma túy" quy định tại Điều 250 của Bộ luật Hình sự là hành vi chuyển dịch bất hợp pháp chất ma túy từ nơi này đến nơi khác, từ quốc gia này sang quốc gia khác dưới bất kỳ hình thức nào (có thể bằng các phương tiện khác nhau như ô tô, tàu bay, tàu thủy…; trên các tuyến đường khác nhau như đường bộ, đường sắt, đường hàng không, đường thủy, đường bưu điện…; trong người như cho vào túi áo, túi quần, nuốt vào trong bụng, để trong hành lý như vali, túi xách,…) mà không nhằm mục đích sản xuất, mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy khác. Cũng được coi là vận chuyển trái phép chất ma túy đối với người thực hiện kinh doanh dịch vụ vận chuyển nhưng vi phạm quy định về điều cấm trong hoạt động vận chuyển dẫn đến người phạm tội vận chuyển được chất ma túy. Trường hợp cá nhân được giao nhiệm vụ vận chuyển hoặc công việc khác liên quan đến dịch vụ vận chuyển mà thiếu trách nhiệm trong việc thực hiện nhiệm vụ bắt buộc phải thực hiện để cho việc vận chuyển trái phép chất ma túy được thực hiện thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 250 của Bộ luật Hình sự 2015 mà bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm tương ứng nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm (ví dụ: tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 360 của Bộ luật Hình sự 2015, …). Người nào đã bị kết án về tội tàng trữ, sản xuất, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy hoặc tội chiếm đoạt chất ma túy chưa được xóa án tích mà lại tiếp tục vận chuyển một trong các chất ma túy có khối lượng, thể tích chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều 250 của Bộ luật Hình sự. Trường hợp chất ma túy có khối lượng, thể tích đủ yếu tố cấu thành tội phạm theo quy định tại khoản 1 Điều 250 của Bộ luật Hình sự 2015 thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 2 Điều 250 của Bộ luật Hình sự 2015. (3) Tội chiếm đoạt chất ma túy (Điều 252) "Chiếm đoạt chất ma túy" quy định tại Điều 252 của Bộ luật Hình sự 2015 là một trong các hành vi trộm cắp, lừa đảo, tham ô, lạm dụng tín nhiệm, cưỡng đoạt, cướp, cướp giật, công nhiên chiếm đoạt chất ma túy của người khác. Khi truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chiếm đoạt chất ma túy cần phân biệt: a) Trường hợp người có hành vi chiếm đoạt chất ma túy nhằm mục đích bán lại chất ma túy đó cho người khác, thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chiếm đoạt trái phép chất ma túy. b) Người nào đã bị kết án về tội chiếm đoạt chất ma túy, chưa được xóa án tích mà lại tiếp tục chiếm đoạt một trong các chất ma túy có khối lượng, thể tích dưới mức quy định từ điểm b đến điểm h khoản 1 Điều 252 của Bộ luật Hình sự 2015, nếu không thuộc trường hợp tái phạm nguy hiểm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 252 của Bộ luật Hình sự 2015. Nếu là tái phạm nguy hiểm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2 Điều 252 của Bộ luật Hình sự 2015. Xem và tải Dự thảo https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2023/10/09/duthaotoaan.docx Theo Chính phủ
Án Tây - Luật ta: Bí ẩn đằng sau chiếc kim tiêm tử thần của bác sĩ
Một bác sĩ, người được xã hội tin tưởng, lại trở thành nghi phạm trong một vụ án mạng bí ẩn. Chiếc kim tiêm, vốn là công cụ cứu người, nay lại trở thành hung khí gây chết người. (1) Bí ẩn đằng sau chiếc kim tiêm tử thần của bác sĩ Tòa án Newcastle (Anh) đang tiến hành phiên xét xử bác sĩ T.K, người bị cáo buộc âm mưu sát hại ông P.O, 72 tuổi. Tại tòa, bác sĩ K đã thừa nhận hành vi của mình. Bà J (mẹ của bác sĩ K) đã quyết định để lại ngôi nhà của mình cho ông O, người tình 20 năm qua của bà. Khi biết tin này, K đã rất tức giận. Vào tháng 11/2022, bác sĩ này đã gây ra một cuộc tranh cãi với mẹ về di chúc và bị cảnh sát can thiệp. Ông ta thậm chí còn cài đặt phần mềm theo dõi trên laptop của mẹ mình. Theo cáo trạng, K đã mạo danh Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS) để gửi thư thông báo rằng sẽ có y tá đến tiêm vắc xin Covid-19 cho ông O vào ngày 22/1. Thực tế, K đã cải trang bằng tóc giả, râu giả, và đeo khẩu trang để tự mình tiêm chất độc vào nạn nhân. Ông ta còn làm giả thẻ căn cước, biển số xe và bịa đặt thông tin để đặt phòng tại địa phương. Sau khi được tiêm, ông O đã bị sưng viêm, da đổi màu và đau đớn tại vị trí tiêm, tình trạng ngày càng nghiêm trọng. Khi nhập viện, ông được chẩn đoán viêm cân mạc hoại tử, một loại nhiễm trùng sâu dưới da rất nguy hiểm, và phải nằm trong phòng chăm sóc đặc biệt, cắt bỏ một phần thịt ở bắp tay. Hiện tại, ông vẫn đang điều trị tại bệnh viện. Ông O bắt đầu nghi ngờ về một số tình tiết trước đó. Bạn gái của ông, bà J, đã nhận xét rằng nam y tá "cao gần bằng" con trai của K. Ban đầu, bác sĩ K đã phủ nhận mọi cáo buộc. Tuy nhiên, cảnh sát đã thu thập đủ bằng chứng chứng minh tội ác của ông. Bồi thẩm đoàn đã xem video từ camera an ninh ghi lại cảnh K đến Premier Inn, gần nhà mẹ mình ở Newcastle. Sau đó, ông ta đã đeo khẩu trang phẫu thuật, găng tay, mũ và kính râm khi đến nhà để tiêm cho ông O. Các chuyên gia cho rằng K đã sử dụng iodomethane, một loại thuốc trừ sâu. Đại diện Bộ Quốc phòng Anh cho biết chưa từng có trường hợp nào liên quan đến việc tiêm loại hóa chất này. Công tố viên Peter Makepeace KC nhận định: "Bị cáo T.K là một bác sĩ có uy tín và nhiều kinh nghiệm tại một phòng khám ở Sunderland. Trước tháng 11/2023, ông ta đã lập kế hoạch phức tạp để giết bạn đời của mẹ mình, lợi dụng kiến thức của mình về chất độc để thực hiện âm mưu này ngay trước mặt nạn nhân." Hiện tại, bác sĩ K đang sống cùng vợ và con trai nhỏ trong một ngôi nhà trị giá gần 400.000 USD. Tại đây, cảnh sát đã tịch thu được nhiều loại thuốc độc và hướng dẫn sử dụng, bao gồm thông tin chi tiết về liều lượng cần thiết để giết người. (2) Án Tây - Luật ta Ở nước ta, tội Giết người được quy định tại Điều 123 Bộ Luật Hình sự 2015. Tại điểm k khoản 1 Điều 123 Bộ Luật Hình sự 2015 quy định rằng tình tiết tăng nặng đối với tội phạm này là việc giết người bằng cách lợi dụng nghề nghiệp. Ví dụ, bác sĩ có thể giết bệnh nhân nhưng lại lập hồ sơ bệnh án cho rằng nạn nhân đã qua đời do bệnh hiểm nghèo, hay bảo vệ bắn chết người rồi vu oan cho họ là kẻ cướp. Việc lợi dụng nghề nghiệp để sát hại người khác được đánh giá là một thủ đoạn rất tinh vi. Đơn cử như trường hợp trên, bác sĩ K đã lợi dụng nghề nghiệp của mình để thực hiện hành vi giết người một cách dễ dàng và kín đáo. Tuy nhiên, cảnh sát cần xác định và chứng minh rằng K đã lợi dụng công việc của mình để thực hiện tội ác thì mới có thể xem xét trường hợp phạm tội này có tình tiết tăng nặng. Theo đó, mức xử phạt đối với tội phạm giết người được quy định tại Điều 123 Bộ Luật Hình sự 2015 như sau: Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình: - Giết 02 người trở lên; - Giết người dưới 16 tuổi; - Giết phụ nữ mà biết là có thai; - Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân; - Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình; - Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại thực hiện một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng; - Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác; - Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân; - Thực hiện tội phạm một cách man rợ; - Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp; - Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người; - Thuê giết người hoặc giết người thuê; - Có tính chất côn đồ; - Có tổ chức; - Tái phạm nguy hiểm; - Vì động cơ đê hèn. Đối với việc phạm tội nhưng không thuộc các trường hợp nêu trên thì người phạm tội có thể bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. Ngoài ra. người phạm tội còn có thể bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.
Vàng non là gì? Bán vàng non có thể bị phạt tù?
Vàng non xuất hiện rất nhiều trên thị trường hiện nay. Vàng non có phải là vàng thật và bán vàng non có thể bị phạt tù? Hãy cùng nhau tìm hiểu. 1. Vàng non là gì? Vàng non là khái niệm chỉ mới xuất hiện vào những năm gần đây, ngay cả khái niệm về vàng non cũng gây ra sự tranh cải. Nhiều người cho rằng vàng non là loại vàng ít tuổi (dưới 7 tuổi), tỷ lệ vàng nguyên chất rất thấp, chỉ từ 25% - 75%. Các cửa hàng trang sức đã giảm tỷ lệ vàng nguyên chất xuống và pha thêm nhiều kim loại khác để bán ra với giá trị thấp. Không ai xác định được các hợp kim pha thêm vào là gì nên loại vàng này không được đảm bảo về chất lượng và định giá. Ở trường hợp còn lại, nhiều người, trong đó có nhiều chuyên gia vàng bạc không chấp nhận khái niệm vàng non. Đối với họ, những sản phẩm vàng non trên thị trường thực chất chỉ là mạ vàng hoặc “vàng mĩ kí” (tức vàng 2 lớp). Những sản phẩm trên không thể thay thế cho vàng, không được mua bán như vàng và chắc chắn không thể là vàng. Ngay trong quy định quản lý chất lượng vàng tại khoản 1 Điều 6 Thông tư 22/2013/TT-BKHCN, chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ được phân hạng theo độ tinh khiết của vàng tương ứng với hàm lượng vàng cũng được quy định như sau: Kara (K) Độ tinh khiết, ‰ không nhỏ hơn Hàm lượng vàng, % không nhỏ hơn 24K 999 99,9 23K 958 95,8 22K 916 91,6 21K 875 87,5 20K 833 83,3 19K 791 79,1 18K 750 75,0 17K 708 70,8 16K 667 66,6 15K 625 62,5 14K 585 58,3 13K 541 54,1 12K 500 50,0 11K 458 45,8 10K 416 41,6 9K 375 37,5 8K 333 33,3 - Hàm lượng vàng trong sản phẩm (hoặc trong thành phần có chứa vàng) của vàng trang sức, mỹ nghệ không được thấp hơn giá trị hàm lượng đã công bố. Giới hạn sai số của kết quả thử nghiệm xác định hàm lượng vàng được quy định tại khoản 3 Điều 5 Thông tư 22/2013/TT-BKHCN. Như vậy, nếu vàng non đạt dưới hàm lượng vàng theo quy định này thì sẽ được xem là vàng kém chất lượng và việc mua bán chúng có thể sẽ bị xử phạt. 2. Bán vàng non có thể bị phạt tù? Như đã phân tích, sản phẩm dưới hàm lượng vàng quy định tối thiểu thì không thể được xem là vàng và không thể mua bán như vàng thông thường. Vì vàng vốn dĩ mang giá trị rất lớn, mà như đã phân tích, nếu vàng non đạt dưới hàm lượng vàng theo quy định mà những người bán vàng vẫn sử dụng chúng như sản phẩm vàng truyền thống để mua bán trục lợi thì hoàn toàn có thể bị truy cứu hình sự tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản được quy định tại Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung 2017). - Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm: + Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm; + Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung 2017), chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; + Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; + Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ. - Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm: + Có tổ chức; + Có tính chất chuyên nghiệp; + Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng; + Tái phạm nguy hiểm; + Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; + Dùng thủ đoạn xảo quyệt; - Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm: + Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; + Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh. - Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân: + Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên; + Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp. - Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Như vậy, bán vàng non chứa hàm lượng vàng dưới quy định tối thiểu để mua bán trục lợi thì hoàn toàn có thể bị truy cứu hình sự hay còn hiểu là bị phạt tù.
Sản xuất vàng giả bị phạt như thế nào?
Vàng là một trong những kim loại quý hiếm bậc nhất trên thế giới, có giá trị kinh tế cao. Song song với giá trị cao là những tiềm tàng về mối nguy nếu vàng không được sản xuất, buôn bán đúng pháp luật. Do đó, hãy cùng tìm hiểu, sản xuất vàng giả có thể bị phạt như thế nào? 1. Pháp luật quy định về sản xuất vàng như thế nào? Căn cứ khoản 3, 4 Điều 4 Nghị định 24/2012/NĐ-CP quy định về sản xuất vàng như sau: - Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, xuất khẩu vàng nguyên liệu và nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng. - Hoạt động kinh doanh mua, bán vàng miếng; sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ là hoạt động kinh doanh có điều kiện và phải được Ngân hàng Nhà nước cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng hoặc Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ. Như vậy, để sản xuất vàng phải được nhà nước cấp phép và phải tuân thủ đúng các điều kiện khác của pháp luật. Vàng là sản phẩm có giá trị rất lớn, do đó hành vi sản xuất vàng giả chắc chắn gây tổn hại rất nhiều cho người tiêu dùng và công tác quản lý của nhà nước. Vì thế hành vi sản xuất hàng giả sẽ bị truy cứu hình sự. 2. Sản xuất vàng giả bị phạt như thế nào? Thứ nhất, đối với cá nhân sản xuất vàng giả Căn cứ Điều 192 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung 2017) có quy định về, tội sản xuất buôn bán hàng giả. - Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 193, 194 và 195 của Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung 2017), thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm: + Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 30.000.000 đồng đến dưới 150.000.000 đồng hoặc dưới 30.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều 192 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung 2017) hoặc tại một trong các điều 188, 189, 190, 191, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung 2017) hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; + Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%; + Thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng; + Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng. - Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm: + Có tổ chức; + Có tính chất chuyên nghiệp; + Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; + Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; + Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 150.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; + Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; + Làm chết người; + Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; + Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%; + Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng; + Buôn bán qua biên giới; + Tái phạm nguy hiểm. - Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm: + Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá 500.000.000 đồng trở lên; + Thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên; + Làm chết 02 người trở lên; + Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên; + Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.”; - Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Thứ hai, đối với pháp nhân thương mại sản xuất vàng giả Căn cứ khoản 5 Điều 192 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung 2017) quy định về, tội sản xuất buôn bán hàng giả. - Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 192 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung 2017), thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng; - Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, đ, e, g, h, i, k, l và m khoản 2 Điều 192 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung 2017), thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 6.000.000.000 đồng;”. - Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 192 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung 2017), thì bị phạt tiền từ 6.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm; - Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung 2017), thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn; - Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm. Cần hiểu rằng, vàng là sản phẩm có giá trị kinh tế rất cao, do đó hậu quả mà nó đem lại từ những hành vi phạm pháp là rất nguy cấp. Nên, hành vi sản xuất vàng giả hoàn toàn có thể bị truy cứu hình sự và có thể đối diện với án tù lên đến 15 năm.
Sử dụng đèn pha ô tô gây tai nạn giao thông thì bị phạt như thế nào?
Giao thông tại nước ta luôn tiềm ẩn nhiều tai nạn đối với những người tham gia. Một trong những vấn đề nan giải nhất là việc sử dụng đèn pha ô tô gây tai nạn giao thông. Vậy khi người tham gia giao thông, sử dụng đèn pha ô tô gây tai nạn thì bị phạt như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu. 1. Đèn pha là gì? Hệ thống đèn chiếu sáng của xe máy và ô tô đều được thiết kế với hai chế độ là đèn pha (đèn chiếu xa) và đèn cos, hay còn gọi là cốt (đèn chiếu gần). Đèn pha là chế độ đèn chiếu xa với cường độ ánh sáng mạnh và tầm chiếu cao hơn, vì thế giúp người điều khiển xe có thể nhìn thấy các chướng ngại vật, biển báo… từ xa. Điểm hạn chế của loại đèn này nằm ở chỗ có thể cản trở tầm nhìn hoặc gây loá mắt cho những người đi ngược chiều ở phía trước nếu được sử dụng thiếu hợp lý. Ngoài ra, căn cứ khoản 1 Điều 53 Luật Giao thông đường bộ 2008, luật có quy định về điều kiện tham gia giao thông của xe cơ giới bao gồm: - Có đủ hệ thống hãm có hiệu lực; - Có hệ thống chuyển hướng có hiệu lực; - Tay lái của xe ô tô ở bên trái của xe; trường hợp xe ô tô của người nước ngoài đăng ký tại nước ngoài có tay lái ở bên phải tham gia giao thông tại Việt Nam thực hiện theo quy định của Chính phủ; - Có đủ đèn chiếu sáng gần và xa, đèn soi biển số, đèn báo hãm, đèn tín hiệu; - Có bánh lốp đúng kích cỡ và đúng tiêu chuẩn kỹ thuật của từng loại xe; - Có đủ gương chiếu hậu và các trang bị, thiết bị khác bảo đảm tầm nhìn cho người điều khiển; - Kính chắn gió, kính cửa là loại kính an toàn; - Có còi với âm lượng đúng quy chuẩn kỹ thuật; - Có đủ bộ phận giảm thanh, giảm khói và các trang bị, thiết bị khác bảo đảm khí thải, tiếng ồn theo quy chuẩn môi trường; - Các kết cấu phải đủ độ bền và bảo đảm tính năng vận hành ổn định. Như vậy, có đầy đủ đèn pha và hoạt động tốt khi tham gia giao thông là quy định của pháp luật. Do đó, nếu những cá nhân tham gia giao thông không đảm bảo đèn pha và sử dụng đèn pha không đúng quy định thì sẽ bị xử phạt. 2. Sử dụng đèn pha ô tô gây tai nạn giao thông bị xử phạt như thế nào? Căn cứ khoản 3 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện hành vi: + Bấm còi, rú ga liên tục; bấm còi hơi, sử dụng đèn chiếu xa trong đô thị, khu đông dân cư, trừ các xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ theo quy định; + Không sử dụng hoặc sử dụng không đủ đèn chiếu sáng trong thời gian từ 19 giờ ngày hôm trước đến 05 giờ ngày hôm sau, khi sương mù, thời tiết xấu hạn chế tầm nhìn; sử dụng đèn chiếu xa khi tránh xe đi ngược chiều. Ngoài số tiền phạt trên, căn cứ khoản 11 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, nếu gây tai nạn giao thông thì người vi phạm còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng. Ngoài ra, căn cứ Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung 2017) nếu hành vi sử dụng đèn pha gây hậu quả nghiệm trọng, hoàn toàn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự như sau: - Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm: + Làm chết người; + Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; + Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%; + Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng. - Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm: + Không có giấy phép lái xe theo quy định; + Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy hoặc chất kích thích mạnh khác; + Bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn; + Không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông; + Làm chết 02 người; + Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%; + Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng. - Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm: + Làm chết 03 người trở lên; + Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên; + Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên. - Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các điểm a, b và c khoản 3 Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung 2017) nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm. - Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. Cần biết, tai nạn giao thông vì sử dụng đèn pha ô tô là lỗi không hiếm gặp, tuy nhiên nguy cơ tổn thương cơ thể, thậm chí cả tính mạng khi tham gia giao thông là rất lớn. Do đó, khi tham gia giao thông, đèn pha cần được sử dụng một cách chính xác và có trách nhiệm.
Các tội phạm liên quan đến mệnh lệnh trong Quân đội
“Tuyệt đối phục tùng mệnh lệnh cấp trên; khi nhận bất cứ nhiệm vụ gì đều tận tâm, tận lực thi hành nhanh chóng và chính xác” là 1 trong 10 lời thề danh dự của quân nhân trong Quân đội nhân dân Việt Nam. Vậy, có các tội phạm nào liên quan đến mệnh lệnh trong Quân đội? Các tội phạm liên quan đến mệnh lệnh trong Quân đội Mệnh lệnh là một nét đặc trưng trong môi trường quân đội. Mệnh lệnh đưa ra phải tuân thủ đúng các quy định của pháp luật và được đảm bảo thi hành. Các trường hợp ra mệnh lệnh trái pháp luật hoặc chống đối mệnh lệnh hoặc không chấp hành nghiêm chỉnh đều sẽ bị xử lý theo quy định của quân đội hoặc nặng hơn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Để đảm bảo tính nghiêm minh của mệnh lệnh trong Quân đội, Bộ luật Hình sự 2015 đã quy định 03 tội danh liên quan tại Điều 393, Điều 394 và Điều 395 sau đây: (1) Tội ra mệnh lệnh trái pháp luật - Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn ra mệnh lệnh trái pháp luật gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 05 năm. - Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm: + Trong chiến đấu; + Trong khu vực có chiến sự; + Trong thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn; + Trong tình trạng khẩn cấp; + Gây hậu quả rất nghiêm trọng. - Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng hoặc trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm. (2) Tội chống mệnh lệnh - Người nào từ chối chấp hành hoặc cố ý không thực hiện mệnh lệnh của người có thẩm quyền, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 05 năm. - Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm: + Là chỉ huy hoặc sĩ quan; + Lôi kéo người khác phạm tội; + Dùng vũ lực; + Gây hậu quả nghiêm trọng. - Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm: + Trong chiến đấu; + Trong khu vực có chiến sự; + Trong thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn; + Trong tình trạng khẩn cấp; + Gây hậu quả rất nghiêm trọng. - Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân. (3) Tội chấp hành không nghiêm chỉnh mệnh lệnh - Người nào chấp hành mệnh lệnh của người có thẩm quyền một cách lơ là, chậm trễ, tùy tiện gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. - Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm: + Trong chiến đấu; + Trong khu vực có chiến sự; + Trong thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn; + Trong tình trạng khẩn cấp; + Gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng. "Quân lệnh như sơn", một khi nhận được mệnh lệnh quân sự của người chỉ huy hoặc cấp trên thì phải tuyệt đối tuân theo và thi hành một cách đúng đắn. Theo đó, sẽ có 03 tội danh liên quan đến mệnh lệnh trong Quân đội theo quy định trên. Những ai phải chịu trách nhiệm về những tội danh liên quan đến mệnh lệnh trong Quân đội? Theo Điều 392 Bộ luật Hình sự 2015 quy định những người phải chịu trách nhiệm hình sự về các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân - Quân nhân tại ngũ, công nhân, viên chức quốc phòng. - Quân nhân dự bị trong thời gian tập trung huấn luyện. - Dân quân, tự vệ trong thời gian phối thuộc với quân đội trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu. - Công dân được trưng tập vào phục vụ trong quân đội. Như vậy, Quân nhân, công nhân, viên chức quốc phòng, dân quân, tự vệ và công dân được trưng tập sẽ là những người phải chịu trách nhiệm khi vi phạm các tội phạm liên quan đến mệnh lệnh trong quân đội nói riêng và các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân nói chung.
Các tội cưỡng bức trong Bộ luật Hình sự 2015
Cưỡng bức là hành vi sử dụng quyền lực, đe dọa hoặc dùng sức mạnh để buộc một người phải hành động trái với ý muốn của họ. Vậy hiện nay tại Bộ luật Hình sự 2015 quy định về tội cưỡng bức như thế nào? Các tội cưỡng bức trong Bộ luật Hình sự 2015 Trong Bộ luật Hình sự 2015, cưỡng bức không chỉ nói về các tội phạm tình dục mà còn bao gồm tội phạm lao động, ma tuý. Cụ thể như sau: (1) Cưỡng bức người khác sử dụng trái phép chất ma túy Theo Điều 257 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về tội cưỡng bức người khác sử dụng trái phép chất ma túy như sau: - Khung hình phạt 1: Phạt tù từ 02 năm đến 07 năm Đối với người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần của người khác để buộc họ phải sử dụng trái phép chất ma túy trái với ý muốn của họ. - Khung hình phạt 2: Phạt tù từ 07 năm đến 15 năm Khi phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây: + Có tổ chức; + Phạm tội 02 lần trở lên; + Vì động cơ đê hèn hoặc vì tư lợi; + Đối với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 18 tuổi; + Đối với phụ nữ mà biết là có thai; + Đối với 02 người trở lên; + Đối với người đang cai nghiện; + Gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%; + Gây bệnh nguy hiểm cho người khác; + Tái phạm nguy hiểm. - Khung hình phạt 3: Phạt tù từ 15 năm đến 20 năm Khi phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây: + Gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên hoặc gây chết người; + Gây bệnh nguy hiểm cho 02 người trở lên; + Đối với người dưới 13 tuổi. - Khung hình phạt 4: Phạt tù 20 năm hoặc tù chung thân Khi phạm tội trong trường hợp làm chết 02 người trở lên. - Hình phạt bổ sung: Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng. Như vậy, đối với người phạm tội cưỡng bức người khác sử dụng trái phép chất ma túy có thể bị phạt tù từ 2 - 20 năm, phạt tiền từ 5 - 100 triệu đồng. (2) Cưỡng bức lao động Theo Điều 297 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi 2017 quy định về tội cưỡng bức lao động như sau: - Khung hình phạt 1: Phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác ép buộc người khác phải lao động thuộc một trong các trường hợp sau đây: + Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; + Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%; + Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60%. - Khung hình phạt 2: Phạt tù từ 02 năm đến 07 năm Khi phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây: + Có tổ chức; + Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng; + Làm chết người; + Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; + Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%; + Tái phạm nguy hiểm. - Khung hình phạt 3: Phạt tù từ 05 năm đến 12 năm Khi phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây: + Làm chết 02 người trở lên; + Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên. - Hình phạt bổ sung: Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. Như vậy, đối với người phạm tội cưỡng bức lao động có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng - 12 năm, phạt tiền từ 30 - 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định trong thời hạn quy định. (3) Cưỡng bức mại dâm Theo Điều 327 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi 2017 quy định về tội chứa mại dâm, trong đó có trường hợp cưỡng bức mại dâm như sau: - Khung hình phạt 1: Phạt tù từ 01 năm đến 05 năm Đối với người nào chứa mại dâm. - Khung hình phạt 2: Phạt tù từ 05 năm đến 10 năm Khi phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây: + Có tổ chức; + Cưỡng bức mại dâm; + Phạm tội 02 lần trở lên; + Chứa mại dâm 04 người trở lên; + Đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi; + Gây rối loạn tâm thần và hành vi của người bán dâm mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%; + Thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng; + Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm: - Khung hình phạt 3: Phạt tù từ 10 năm đến 15 năm Khi phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây: + Đối với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi; + Thu lợi bất chính từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; + Gây rối loạn tâm thần và hành vi của người bán dâm mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên. - Khung hình phạt 4: Phạt tù từ 15 năm đến 20 năm Khi phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây: + Đối với 02 người trở lên từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi; + Thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên; + Cưỡng bức mại dâm dẫn đến người đó chết hoặc tự sát. - Hình phạt bổ sung: Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt quản chế từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Như vậy, người phạm tội cưỡng bức mại dâm có thể bị phạt tù từ 5 - 20 năm, phạt tiền từ 10 - 100 triệu đồng, phạt quản chế từ 1 - 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Có thể thấy, khi nhắc đến các tội cưỡng bức thì không chỉ là về tội phạm tình dục mà còn về các tội phạm khác, khi đã có điều luật ngăn cấm việc làm đó, hoặc quy định người bị ép có quyền từ chối nhưng chủ thể phạm tội vẫn dùng thủ đoạn ép buộc trái ý muốn người khác làm. Tại Bộ luật Hình sự 2015, có 3 tội phạm liên quan đến cưỡng bức như phân tích trên.
Một số trường hợp giảm mức hình phạt đã tuyên theo hướng dẫn của TAND Tối cao (P2)
Bài viết này là phần tiếp theo của các quy định tại Điều 5 Nghị quyết 03/2024/NQ-HĐTP về một số trường hợp giảm mức hình phạt đã tuyên theo hướng dẫn của TAND Tối cao (3) Trường hợp người bị kết án chung thân Theo khoản 3 Điều 5 Nghị quyết 03/2024/NQ-HĐTP, trường hợp người bị kết án phạt tù chung thân, người bị kết án về nhiều tội trong đó có tội bị kết án phạt tù chung thân có thể được Tòa án xem xét, quyết định giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù chung thân xuống hình phạt tù có thời hạn. Theo đó, người bị kết án phạt tù chung thân lần đầu được giảm xuống 30 năm tù. Thời hạn 30 năm tù này được tính kể từ ngày thi hành án phạt tù chung thân và dù được giảm nhiều lần cũng phải bảo đảm thời gian thực tế chấp hành hình phạt là 20 năm tù đối với người bị kết án phạt tù chung thân; 25 năm tù đối với người bị kết án về nhiều tội trong đó có tội bị kết án phạt tù chung thân. (4) Các trường hợp đặc biệt trong việc xếp loại chấp hành án phạt tù Theo khoản 4 Điều 5 Nghị quyết 03/2024/NQ-HĐTP quy định, người bị kết án phạt tù đang chấp hành hình phạt được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù trong trường hợp đặc biệt hoặc người dưới 18 tuổi phạm tội, nếu chưa đủ thời gian chấp hành án tại cơ sở giam giữ nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây thì cũng được coi là có đủ số kỳ xếp loại: - Đối với người bị kết án phạt tù từ trên 15 năm trở lên được thiếu 04 quý đầu tiên xếp loại từ khá trở lên của thời gian liền kề thời điểm xét giảm - Đối với người bị kết án phạt tù từ trên 05 năm đến 15 năm được thiếu 02 quý đầu tiên xếp loại từ khá trở lên; - Đối với người bị kết án phạt tù từ trên 03 năm đến 05 năm được thiếu 01 quý đầu tiên xếp loại từ khá trở lên; - Đối với người bị kết án phạt tù từ 03 năm trở xuống chưa được xếp loại chấp hành án phạt tù. Đối với các trường hợp nêu trên, thời gian bị tạm giữ, tạm giam hoặc thời gian ở trại giam phải được nhận xét là chấp hành nghiêm chỉnh nội quy cơ sở giam giữ. Bên cạnh đó, tại khoản 5 Điều 5 Nghị quyết 03/2024/NQ-HĐTP cũng quy định, người bị kết án phạt tù từ trên 05 năm nhưng không liên tục được xếp loại khá trở lên, nếu có đủ các điều kiện khác và thuộc một trong các trường hợp sau đây thì vẫn có thể được xét giảm: - Có tổng số quý xếp loại khá trở lên nhiều hơn từ 02 quý trở lên so với các quy định đối với người bị kết án phạt tù từ trên 10 năm và có ít nhất 04 quý liền kề thời điểm xét giảm được xếp loại từ khá trở lên - Có tổng số quý xếp loại khá trở lên nhiều hơn 01 quý trở lên so với các quy định đối với người bị kết án phạt tù từ trên 05 năm đến 10 năm và có ít nhất 02 quý liền kề thời điểm xét giảm được xếp loại từ khá trở lên. Đối với trường hợp người bị kết án có tiền án phải có số kỳ xếp loại từ khá trở lên nhiều hơn so với những người bị kết án chưa có tiền án, ứng với mỗi tiền án là 02 quý xếp loại từ khá trở lên. Trường hợp người bị kết án bị phạt tù từ 03 năm trở xuống thì ứng với mỗi tiền án là 01 quý xếp loại từ khá trở lên. Cuối cùng, người đã được giảm thời hạn chấp hành án phạt tù phải liên tục được xếp loại chấp hành án phạt tù từ khá trở lên mới được tiếp tục xem xét, đề nghị giảm thời hạn đúng đợt. Trường hợp không đủ điều kiện để được xét giảm đúng đợt thì có thể được xét giảm thời hạn khi có đủ 04 quý xếp loại chấp hành án phạt tù từ khá trở lên (trong đó phải có ít nhất 02 quý liền kề thời điểm xét giảm). (5) Hướng dẫn xử lý khi người được giảm mức hình phạt tái phạm, vi phạm nội quy Theo quy định tại khoản 8 Điều 5 Nghị quyết 03/2024/NQ-HĐTP, đối với người bị kết án đã được giảm thời hạn chấp hành án phạt tù mà vi phạm nội quy cơ sở giam giữ bị xử lý kỷ luật, sau khi được Giám thị trại giam, trại tạm giam, Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện công nhận đã cải tạo tiến bộ và có đủ 04 quý liền kề (đối với người bị kết án bị kỷ luật khiển trách 02 lần hoặc kỷ luật cảnh cáo) hoặc 05 quý liền kề (đối với người bị kết án bị giam tại buồng kỷ luật) được xếp loại chấp hành án phạt tù từ khá trở lên thì mới được tiếp tục xem xét, đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt tù. Đối với người bị kết án đã được giảm thời hạn chấp hành án phạt tù mà lại phạm tội mới ít nghiêm trọng do cố ý thì phải chấp hành được ít nhất một phần hai mức hình phạt chung và phải có đủ điều kiện hướng dẫn tại các điểm b, c và d khoản 1 và khoản 6 Điều 5 Nghị quyết 03/2024/NQ-HĐTP thì có thể được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù. Trường hợp người bị kết án đã được giảm thời hạn chấp hành án phạt tù mà lại phạm tội mới nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng thì phải chấp hành được ít nhất hai phần ba mức hình phạt chung, hoặc 25 năm nếu là tù chung thân và phải có đủ các điều kiện hướng dẫn tại các điểm b, c và d khoản 1 và khoản 6 Điều 5 Nghị quyết 03/2024/NQ-HĐTP thì có thể được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù. Cuối cùng, khoản 11 Điều 5 Nghị quyết 03/2024/NQ-HĐTP quy định, người đang được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù hoặc người đang được áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh được bảo lưu kết quả chấp hành án phạt tù và được tính liên tục liền kề với thời gian sau khi trở lại trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện để tiếp tục chấp hành án. Khi những người này trở lại trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện để tiếp tục chấp hành án, nếu có đủ điều kiện quy định tại các khoản của Điều 5 Nghị quyết 03/2024/NQ-HĐTP và trong thời gian được tạm đình chỉ hoặc áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật, được chính quyền địa phương nơi người được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù về cư trú hoặc cơ sở y tế điều trị cho người được áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh xác nhận thì mới được xem xét, đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt tù. Trên đây là toàn bộ hướng dẫn của TAND Tối cao về quy định giảm mức hình phạt đã tuyên tại Điều 63 Bộ Luật Hình sự 2015. Nhìn chung, quy định về việc giảm mức hình phạt đã tuyên trong Bộ Luật Hình sự 2015 là một quy định mang tính nhân đạo, tiến bộ, góp phần đảm bảo tính công bằng trong việc áp dụng hình phạt, đồng thời giáo dục, răn đe người phạm tội, góp phần phòng ngừa tội phạm hiệu quả. >>> Mời bạn đọc xem lại phần 1: Điều kiện được giảm mức hình phạt đã tuyên theo hướng dẫn mới nhất của TAND Tối cao (P1)
Điều kiện được giảm mức hình phạt đã tuyên theo hướng dẫn mới nhất của TAND Tối cao (P1)
Mới đây, Hội đồng thẩm phán của TAND Tối cao đã ban hành Nghị quyết 03/2024/NQ-HĐTP để hướng dẫn thi hành một số quy định của Bộ Luật Hình sự 2015 (1) Điều kiện được giảm mức hình phạt đã tuyên Theo quy định tại khoản 1 Điều 63 Bộ Luật Hình sự 2015, người bị kết án cải tạo không giam giữ, phạt tù có thời hạn hoặc phạt tù chung thân, nếu đã chấp hành hình phạt được một thời gian nhất định, có nhiều tiến bộ và đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự, thì theo đề nghị của cơ quan thi hành án hình sự có thẩm quyền, Tòa án có thể quyết định giảm thời hạn chấp hành hình phạt. Tuy nhiên, việc giảm mức hình phạt đã tuyên cũng gặp phải một số khó khăn trong việc đánh giá, xác định đối tượng được giảm mức hình phạt và tội phạm được giảm mức hình phạt có nguy cơ tái phạm cao. Do đó, Hội đồng thẩm phán của TAND Tối cao đã ban hành Nghị quyết 03/2024/NQ-HĐTP để hướng dẫn một số quy định trong Bộ Luật Hình sự 2015, trong đó có hướng dẫn về điều kiện được giảm mức hình phạt đã tuyên. Theo quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị quyết 03/2024/NQ-HĐTP, người bị kết án cải tạo không giam giữ, phạt tù có thời hạn hoặc phạt tù chung thân được xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt lần đầu khi có đủ các điều kiện sau đây: 1- Đã chấp hành được một phần ba thời hạn đối với hình phạt cải tạo không giam giữ, hình phạt tù có thời hạn; 12 năm đối với tù chung thân; 15 năm đối với người bị kết án về nhiều tội trong đó có tội bị kết án tù chung thân 2- Đối với người bị kết án cải tạo không giam giữ phải chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật, thành thật hối cải, tích cực lao động, học tập. 3- Đối với người bị kết án phạt tù có thời hạn hoặc phạt tù chung thân phải có nhiều tiến bộ, thể hiện ở việc chấp hành tốt nội quy cơ sở giam giữ, tích cực học tập, lao động, cải tạo và phải có đủ kỳ xếp loại chấp hành án phạt tù từ khá trở lên, cụ thể như sau: - Người bị kết án phạt tù chung thân phải có ít nhất 16 quý liền kề thời điểm xét giảm được xếp loại từ khá trở lên. Trường hợp người bị kết án tử hình được Chủ tịch nước ân giảm xuống tù chung thân phải có ít nhất 20 quý liền kề thời điểm xét giảm được xếp loại từ khá trở lên. - Người bị kết án phạt tù từ trên 20 năm đến 30 năm phải có ít nhất 14 quý liền kề thời điểm xét giảm được xếp loại từ khá trở lên. - Người bị kết án phạt tù từ trên 15 năm đến 20 năm phải có ít nhất 12 quý liền kề thời điểm xét giảm được xếp loại từ khá trở lên. - Người bị kết án phạt tù từ trên 10 năm đến 15 năm phải có ít nhất 08 quý liền kề thời điểm xét giảm được xếp loại từ khá trở lên. - Người bị kết án phạt tù từ trên 05 năm đến 10 năm phải có ít nhất 04 quý liền kề thời điểm xét giảm được xếp loại từ khá trở lên. - Người bị kết án phạt tù từ trên 03 năm đến 05 năm phải có ít nhất 02 quý liền kề thời điểm xét giảm được xếp loại từ khá trở lên. - Người bị kết án phạt tù từ 03 năm trở xuống phải có ít nhất 01 quý liền kề thời điểm xét giảm được xếp loại từ khá trở lên. Trường hợp chưa có kết quả xếp loại quý liền kề do chưa đến thời điểm xếp loại quý nhưng có 03 tháng liền kề thời điểm xét giảm được xếp loại khá thì vẫn có thể được xét giảm. 4- Đã bồi thường được ít nhất một phần hai nghĩa vụ dân sự theo bản án, quyết định của Tòa án: - Người bị kết án bồi thường được ít hơn một phần hai nghĩa vụ dân sự theo bản án, quyết định của Tòa án nhưng có văn bản miễn giảm một phần nghĩa vụ dân sự hoặc có thỏa thuận khác của người được thi hành án, người đại diện hợp pháp của người được thi hành án (có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền) thể hiện người bị kết án đã bồi thường được một phần hai nghĩa vụ dân sự thì cũng được coi là đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự. - Người bị kết án có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn hướng dẫn tại khoản 8 Điều 2 của Nghị quyết 03/2024/NQ-HĐTP được UBND cấp xã nơi họ cư trú hoặc cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền xác nhận thì mức bồi thường nghĩa vụ dân sự có thể thấp hơn một phần hai nghĩa vụ dân sự theo bản án, quyết định của Tòa án nhưng Tòa án phải ghi rõ trong quyết định. - Người bị kết án về tội tham nhũng, chức vụ thì phải bồi thường được ít nhất một phần hai nghĩa vụ dân sự. 5- Được cơ quan thi hành án hình sự có thẩm quyền đề nghị bằng văn bản xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt. Theo đó, khi phạm nhân đáp ứng được các yêu cầu theo hướng dẫn nêu trên sẽ được xem xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt theo quy định của pháp luật. (2) Mức giảm thời hạn chấp hành hình phạt Cũng theo hướng dẫn tại Điều 5 Nghị quyết 03/2024/NQ-HĐTP, mức giảm thời hạn chấp hành hình phạt được thực hiện như sau: - Người bị kết án cải tạo không giam giữ thì mỗi lần có thể được giảm từ 03 tháng đến 09 tháng - Người bị kết án phạt tù từ 30 năm trở xuống hoặc người bị kết án phạt tù chung thân đã được giảm xuống 30 năm tù thì mỗi lần có thể được giảm từ 01 tháng đến 03 năm. Trường hợp giảm đến 03 năm thì phải là người có thành tích đặc biệt xuất sắc. Lưu ý: Khi giảm thời gian được giảm phải bảo đảm thời gian thực tế chấp hành hình phạt quy định tại các khoản 2, 3, 4, 5 và 6 Điều 63 của Bộ Luật Hình sự 2015. Trên đây là một số hướng dẫn của TAND Tối cao liên quan đến quy định giảm mức hình phạt đã tuyên tại Điều 63 Bộ Luật Hình sự 2015 >>> Mời bạn đọc xem tiếp phần 2: Một số trường hợp giảm mức hình phạt đã tuyên theo hướng dẫn của TAND Tối cao (P2)
Mức phạt tội sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức
Việc làm giả con dấu, tài liệu là hành vi vi phạm pháp luật, gây ảnh hưởng đến trật tự an ninh xã hội, cùng tìm hiểu mức phạt đối với tội danh này thông qua bài viết dưới đây nhé (1) Hành vi sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức là gì? Tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” được quy định tại Điều 341 Bộ Luật Hình sự 2015. Theo đó, việc làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức có thể hiểu là việc một người không có thẩm quyền được cấp con con dấu, tài liệu đó nhưng đã cố tình tạo ra các con dấu, tài liệu bằng nhiều cách khác nhau (khắc, in ấn, chỉnh sửa) để làm giả con dấu, tài liệu thật của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. Về hành vi sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức có thể hiểu là việc một người dùng con dấu, tài liệu, giấy tờ giả không phải do mình làm ra để thực hiện hành vi trái pháp luật (lừa dối cơ quan, tổ chức nhà nước hoặc công dân). Ví du: A không phải là cán bộ công tác trong lực lượng Công an Nhân dân, một hôm A lướt mạng xã hội thấy có người bán Chứng minh nhân dân (CMND) Công an làm giả, A liên hệ với người bán và đặt mua một CMND Công an có tên mình. Sau đó người bán đã gửi cho A một CMND Công an làm giả có hình và tên của A được in trên đó. Khi tham gia giao thông, A bị CSGT thổi phạt nên đã xuất trình CMND Công an giả để xin được bỏ qua lỗi vi phạm, tuy nhiên lực lượng CSGT đã nhận ra đây là CMND Công an làm giả nên đã giao cho Cơ quan Cảnh sát điều tra để xử lý. Sau khi điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra khởi tố và truy tố A với tội danh “Sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”. Qua ví dụ trên, chúng ta đã hình dung được thế nào là tội làm giả con dấu, tài liệu và tội sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức là gì. Tiếp sau đây là mức phạt hình sự đối với hành vi sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức. (2) Mức phạt hình sự đối với tội sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức Theo quy định tại Điều 341 Bộ Luật Hình sự 2015, người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ đó thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Bên cạnh đó, nếu hành vi phạm tội mà thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm: - Có tổ chức - Phạm tội 02 lần trở lên - Làm từ 02 đến 05 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác - Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm - Thu lợi bất chính 10.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng - Tái phạm nguy hiểm Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm: - Làm 06 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác trở lên - Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng - Thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng nếu vi phạm tội danh này. Như vậy, tùy theo tính chất từng vụ việc và mức độ gây ảnh hưởng đến an ninh, trật tự xã hội, người vi phạm tội sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức sẽ bị xử phạt tối đa lên đến 07 năm tù và phạt tiền lên đến 50 triệu đồng. (3) Kết luận Việc sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, xâm phạm trật tự quản lý hành chính, gây ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội và quyền lợi hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Việc sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan tổ chức còn tiềm ẩn nguy cơ kéo theo hành vi dùng con dấu, tài liệu giả để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người khác. Do đó, việc xử lý nghiêm minh hành vi này đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ trật tự pháp lý và đảm bảo an ninh xã hội. Chỉ khi có sự chung tay góp sức của mỗi cá nhân, tổ chức, cơ quan chức năng, việc sử dụng con dấu, tài liệu giả mới được đẩy lùi hiệu quả, góp phần xây dựng môi trường pháp lý lành mạnh, đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội và quyền lợi hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Cười người hôm trước hôm sau người cười là gì? Miệt thị ngoại hình người khác bị xử lý ra sao?
Câu ca dao “Cười người chớ vội cười lâu, cười người hôm trước hôm sau người cười” có nghĩa là gì? Miệt thị ngoại hình người khác bị xử phạt như thế nào? “Cười người chớ vội cười lâu, cười người hôm trước hôm sau người cười” là gì? Trước tiên, "cười" trong câu ca dao này được hiểu là hành vi cười cợt, chê bai, mỉa mai, hả hê khi thấy người khác gặp khó khăn, hoạn nạn. Ngoài thái độ cười cợt, mỉa mai người khác, một số người còn dùng những lời lẽ châm chọc, thêm bớt từ ngữ, biến câu chuyện trở nên không đúng sự thật, nhằm hạ thấp, bôi nhọ người được nhắm đến. Tuy nhiên, nên nhớ rằng, bản thân mình vào một lúc nào đó cũng sẽ rơi vào những tình cảnh khó khăn, khốn đốn và có thể cũng sẽ bị người khác cười cợt, mỉa mai. Chính vì thế, câu ca dao “Cười người chớ vội cười lâu, cười người hôm trước hôm sau người cười” khuyên răn chúng ta phải biết tôn trọng người khác, không được kinh thường bất cứ ai nhất là khi họ rơi vào hoàn cảnh khó khăn, hoạn nạn. Vì bất cứ ai trong cuộc sống này cũng sẽ có lúc rơi vào tình cảnh khó khăn, rơi vào những tình huống éo le. Thay vì có thái độ hả hê, hài lòng trước tình cảnh của người khác, chúng ta nên có thái độ đồng cảm, không phán xét. Liên hệ câu ca dao trên với quy định của pháp luật, hành vi chê bai, miệt thị ngoại hình người khác có thể bị xử lý theo quy định, cụ thể: Miệt thị ngoại hình người khác bị xử lý ra sao? Miệt thị người khác được hiểu là những hành động bằng ngôn ngữ như đánh giá, phán xét, chê bai ác ý về vẻ bề ngoài của một người nào đó. Miệt thị ngoại hình người khác tùy từng trường hợp có thể bị xử lý như sau: * Xử phạt vi phạm hành chính Hành vi miệt thị ngoại hình người khác nếu chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì có thể bị xử phạt hành chính theo điểm a khoản 3 Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, cụ thể như sau: Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: Có hành vi khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm, lăng mạ, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của người khác, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 2 Điều 21 và Điều 54 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, cụ thể: - Có lời nói, hành động đe dọa, lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người thi hành công vụ; - Hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của thành viên gia đình. Lưu ý: theo khoản 2 Điều 4 Nghị định 144/2021/NĐ-CP thì mức phạt trên là mức phạt áp dụng đối với cá nhân vi phạm, đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân. * Truy cứu trách nhiệm hình sự Người có hành vi miệt thị người khác dẫn đến nhân phẩm, danh dự của họ bị xúc phạm nghiêm trọng nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm nhục người khác theo quy định tại Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bởi điểm e khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017. Cụ thể, các khung hình phạt của tội làm nhục người khác như sau: Khung hình phạt 1: Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm. Khung hình phạt 2: Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm: - Phạm tội 02 lần trở lên; - Đối với 02 người trở lên; - Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; - Đối với người đang thi hành công vụ; - Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình; - Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội; - Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%. Khung hình phạt 3: Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm: - Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; - Làm nạn nhân tự sát. * Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. Tóm lại, câu da dao “Cười người chớ vội cười lâu, cười người hôm trước hôm sau người cười” nhắc nhở chúng ta rằng không nên cao ngạo, khinh thường, chê bai người khác dù bản thân mình là ai, đang ở vị trí nào trong xã hội. Một trong số đó là không được có hành vi miệt thị ngoại hình người khác. Miệt thị ngoại hình người khác không chỉ là hành vi sai trái, khiến người khác tổn thương mà còn là hành vi vi phạm pháp luật. Theo đó, tùy theo tính chất và mức độ vi phạm của hành vi mà cá nhân, tổ chức vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Cuồng tín gây ảnh hưởng xấu đến xã hội có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự đến 10 năm tù
Tôn giáo, tín ngưỡng xuất phát từ điều tốt, mong muốn hỗ trợ con người vững chắc về mặt tinh thần, có thêm niềm tin, có thêm động lực để phấn đấu và phát triển. Bên cạnh ý nghĩa to lớn ấy, một số người vịn vào niềm tin tôn giáo mà gây ra những hành vi trái pháp luật, bất chấp việc đó có thể khiến họ vướng vào vòng lao lý của pháp luật. 1. Pháp Luật Việt Nam nghiêm cấm hành vi cuồng tín Cụm từ “Thiên Triều Nam Quốc" trở nên “hot” hơn bao giờ hết khi những tưởng về sự lạc hậu, cuồng tín từ những giáo phái, tín ngưỡng sai lệch đã không còn trong xã hội hiện đại nay lại xuất hiện và trở thành nỗi ám ảnh của nhiều người. Ngày 9/6/2024 vừa qua, 4 người trong vụ việc bắt giữ, đánh đập, hành hạ chị D (con dâu) trong gia đình vì lý do “trừ tà” đã bị khởi tố. Vụ việc trên vào ngày được “phanh phui” đã tạo ra một làn sóng gây hoang mang cho cả xã hội nói chung. Căn cứ Điều 24 Hiến pháp 2013 quy định: - Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. - Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. - Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật. Theo đó, việc cuồng tín hoặc lợi dụng tôn giáo để đánh đập, ép buộc người khác như tình huống trên là đi ngược với kim chỉ nam của pháp luật Việt Nam, là hành vi vi phạm pháp luật. 2. Cuồng tín gây ảnh hưởng xấu đến xã hội có thể bị truy cứu hình sự đến 10 năm tù Căn cứ Điều 261 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung 2017) có quy định tội hành nghề mê tín, dị đoan như sau: - Người nào dùng bói toán, đồng bóng hoặc các hình thức mê tín, dị đoan khác đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. - Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm: + Làm chết người; + Thu lợi bất chính 200.000.000 đồng trở lên; + Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội. - Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng. Như tình huống trên, cội nguồn của hành vi đó xuất phát từ những suy nghĩ lệch lạc về mê tín, dẫn đến những hành động vi phạm pháp luật. Không chỉ gây thiệt hại nặng nề cả tinh thần lẫn thể xác cho nạn nhân, tiêu tốn nguồn tài lực của các đất nước, mà còn là tiếng vang xấu tác động lên cả xã hội về một vấn nạn cuồng tín. Do đó, hành vi cuồng tín có yếu tố nặng nề, gây ảnh hưởng xấu đến xã hội hoàn toàn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự lên đến 10 năm tù. Ngoài ra, với những trường hợp gây thiệt hại nặng nề về thể xác như vụ việc trên, còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác theo Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung 2017) như sau: - Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm: + Dùng vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn có khả năng gây nguy hại cho nhiều người; + Dùng a-xít nguy hiểm hoặc hóa chất nguy hiểm; + Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ; + Đối với ông, bà, cha, mẹ, thầy giáo, cô giáo của mình, người nuôi dưỡng, chữa bệnh cho mình; + Có tổ chức; + Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; + Trong thời gian đang bị giữ, tạm giữ, tạm giam, đang chấp hành án phạt tù, đang chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng hoặc đang chấp hành biện pháp xử lý vi phạm hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng hoặc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; + Thuê gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do được thuê; + Có tính chất côn đồ; + Đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân. Mức phạt cao nhất của tội này có thể lên đến 20 năm tù hoặc chung thân. Xem đầy đủ tại: Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung 2017) Chung quy lại, hành vi cuồng tín, ngược đãi, đánh đập người khác là hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm nhân quyền, sức khỏe, sự tự do tín ngưỡng của người khác, thậm chí còn là sự coi thường và không tôn trọng pháp luật. Những người thực hiện hành vi đó, chắc chắn sẽ bị pháp luật xử lý, để trả lại công bằng cho nạn nhân và trả lại sự yên ổn của xã hội.
MỚI: Đã có hướng dẫn về truy cứu TNHS người gây ra đám cháy
Trong tháng 6 này, Nghị quyết 02/2024/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng Điều 313 Bộ luật Hình sự 2015 về tội vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy sẽ chính thức có hiệu lực. Tội vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy theo Bộ luật Hình sự 2015 Theo Điều 313 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bởi Khoản 115 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định về tội vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy như sau: Khoản 1: Người nào vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 02 năm đến 05 năm: - Làm chết người; - Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; - Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%; - Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng. Khoản 2: Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 08 năm: - Làm chết 02 người; - Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%; - Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng. Khoản 3: Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm: - Làm chết 03 người trở lên; - Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên; - Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên. Khoản 4: Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các điểm a, b và c Khoản 3 nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm. Khoản 5: Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. Như vậy, theo quy định hiện nay người gây ra đám cháy do vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 02 năm đến 12 năm. Ngoài ra còn bị phạt tiền từ 10 đến 50 triệu đồng và cấm đảm nhiệm chức vụ, hành nghề hoặc công việc nhất định 1 đến 5 năm. Đã có hướng dẫn về truy cứu TNHS người gây ra đám cháy Ngày 24/5/2024, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Nghị quyết 02/2024/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Điều 313 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bởi Khoản 115 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 về tội vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy. Nghị quyết 02/2024/NQ-HĐTP sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 18/6/2024. Theo đó, Nghị quyết đã hướng dẫn như sau: 1) Hành vi vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy là những hành vi nào? Theo Điều 2 Nghị quyết 02/2024/NQ-HĐTP xác định vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy quy định tại Điều 313 Bộ luật Hình sự 2015 bao gồm: - Hành vi vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy theo quy định của Luật Phòng cháy, chữa cháy; - Hành vi vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy theo quy định của pháp luật khác có liên quan. 2) Truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại các khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Người nào vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 313 Bộ luật Hình sự 2015 khi có đủ các điều kiện sau đây: - Thực hiện một hoặc nhiều hành vi vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy. - Có thiệt hại xảy ra theo quy định tại một trong các khoản 1, 2 và 3 Điều 313 Bộ luật Hình sự 2015; - Hành vi vi phạm phải có mối quan hệ nhân quả với thiệt hại xảy ra. Thiệt hại xảy ra phải là hậu quả tất yếu của hành vi vi phạm và ngược lại hành vi vi phạm là nguyên nhân gây ra thiệt hại. 3) Truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 4 Theo Điều 4 Nghị quyết 02/2024/NQ-HĐTP quy định truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 4 Điều 313 Bộ luật Hình sự 2015 như sau: - “Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các điểm a, b và c khoản 3 Điều này nếu không được ngăn chặn kịp thời” quy định tại khoản 4: Là hành vi vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy mà thuộc một trong các trường hợp sau đây: + Chưa xảy ra cháy nhưng nếu không được ngăn chặn kịp thời thì chắc chắn sẽ cháy và dẫn đến thiệt hại quy định tại một trong các điểm a, b và c khoản 3; + Đã xảy ra cháy và tất yếu sẽ dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các điểm a, b và c khoản 3 nhưng do được ngăn chặn kịp thời nên thiệt hại dưới mức quy định tại khoản 1. - “Ngăn chặn kịp thời”: Là trường hợp cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện các biện pháp ngăn chặn ngay sau khi có hành vi vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy như: dập tắt đám cháy, di chuyển chất nguy hiểm về cháy ra khỏi nơi đông người, mang nguồn lửa, nguồn nhiệt ra khỏi nơi có quy định cấm,... để không xảy ra cháy hoặc đã xảy ra cháy nhưng thiệt hại dưới mức quy định tại khoản 1. Ví dụ: khi vào đổ xăng, A đang hút thuốc lá (lúc này tại cây xăng có 10 người). B yêu cầu A ra ngoài dập tắt thuốc nhưng A không thực hiện mà còn ném điếu thuốc lá đang cháy xuống đất làm lửa bùng cháy, ngay lập tức B đã dùng bình cứu hỏa để dập tắt đám cháy nên chưa có hậu quả xảy ra. Hành vi của A vi phạm quy định về “mang nguồn lửa vào nơi có quy định cấm lửa” và bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 4. 4) Truy cứu trách nhiệm hình sự trong một số trường hợp cụ thể Theo Điều 5 Nghị quyết 02/2024/NQ-HĐTP quy định hướng dẫn việc truy cứu trách nhiệm hình sự trong một số trường hợp cụ thể như sau: Trường hợp 1: Trường hợp người phạm tội thực hiện công việc bắt buộc phải tuân theo quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người nhưng trong quá trình thực hiện họ vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người xảy ra cháy và gây thiệt hại: Thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 313 Bộ luật Hình sự 2015 (Tội vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy) mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 295 Bộ luật Hình sự 2015 (Tội vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người). Ví dụ: A được B thuê hàn mái nhà các phòng Karaoke. Trong quá trình hàn, A không trang bị tấm chắn tia kim loại nóng chảy bắn ra, đồng thời không theo dõi quá trình hàn một cách an toàn nên khi các hạt kim loại nóng mang nhiệt độ cao bắn ra xung quanh đã hình thành các đám cháy lớn gây thiệt hại về tài sản 1.000.000.000 đồng. Hành vi của A đã vi phạm quy định tại Mục 2.2.12 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 03:2011/BLĐTBXH ngày 29/7/2011 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về an toàn lao động đối với máy hàn điện và công việc hàn điện. => Trường hợp này, A bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 313 Bộ luật Hình sự 2015. Trường hợp 2: Trường hợp người phạm tội thực hiện nhiều lần hành vi phạm tội, nếu mỗi lần phạm tội có đủ yếu tố cấu thành tội phạm nhưng đều chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự và chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự: Thì ngoài việc bị áp dụng khung hình phạt tương ứng với tổng số thiệt hại của các lần phạm tội, còn bị áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “phạm tội từ 02 lần trở lên” quy định tại điểm g khoản 1 Điều 52 Bộ luật Hình sự 2015. Như vậy, Nghị quyết 02/2024/NQ-HĐTP đã hướng dẫn cụ thể việc thực hiện các quy định xử lý tội phạm vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy. Theo đó, việc truy cứu TNHS người gây ra đám cháy do vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy sẽ được áp dụng rõ ràng và đúng người, đúng tội hơn. Nghị quyết 02/2024/NQ-HĐTP sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 18/6/2024.
Ăn một miếng, tiếng để đời là gì? Nhận hối lộ bị xử lý thế nào?
“Ăn một miếng, tiếng để đời" là một câu tục ngữ Việt Nam tuy ngắn gọn nhưng chứa đựng một ý nghĩa sâu sắc về đạo đức, cách ứng xử trong cuộc sống. Câu tục ngữ này cảnh báo về hậu quả lâu dài của những hành vi nhỏ nhặt nhưng sai trái, thiếu suy nghĩ. Để hiểu rõ hơn về ý nghĩa và hàm ý của câu tục ngữ trên chúng ta cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây. 1. Ăn một miếng, tiếng để đời là gì? "Ăn một miếng" là một động tác vô cùng đơn giản, thường nhật. Tuy nhiên, từ "miếng" ở đây mang tính ẩn dụ, ám chỉ bất cứ hành động nhỏ nhoi nào vi phạm đạo đức, lẽ phải. Dù chỉ là "một miếng" nhỏ, nhưng nếu đó là hành động sai trái thì "tiếng để đời" - hậu quả lâu dài về mặt danh dự, uy tín vẫn xảy ra. Câu tục ngữ “ Ăn một miếng, tiếng để đời” muốn nói dù là những việc làm nhỏ bé nhưng không phù hợp chuẩn mực đạo đức xã hội vẫn có thể để lại dấu ấn xấu, khó xóa trong lòng người khác. Nó khuyên chúng ta cần cẩn trọng, thận trọng ngay cả trong những việc nhỏ nhặt hàng ngày. Một khi đã mắc phải sai lầm, dù nhỏ, danh dự sẽ bị tổn hại nghiêm trọng và khó lòng phục hồi. Câu tục ngữ cũng đề cao đạo đức, kỷ luật bản thân. Nó nhấn mạnh rằng con người luôn phải giữ gìn phẩm hạnh, tuân thủ các nguyên tắc đạo đức ngay cả trong những việc nhỏ nhất, tránh sai phạm để không đánh mất danh dự, uy tín của mình. "Ăn một miếng, tiếng để đời" còn mang ý nghĩa ẩn dụ nói đến vấn đề tham nhũng, đặc biệt là hành vi nhận hối lộ của cán bộ, công chức trong xã hội hiện nay. Dù chỉ là khoản hối lộ "ăn một miếng" nhỏ nhặt, nhưng hậu quả để lại cho danh dự, uy tín của những người này lại vô cùng nghiêm trọng và lâu dài. Hành vi tham nhũng, nhận hối lộ không chỉ là vi phạm pháp luật mà còn đi ngược lại những chuẩn mực đạo đức cơ bản của một xã hội lành mạnh. Khi bị phát hiện, bên cạnh hình phạt từ luật pháp, những cá nhân liên quan còn phải đối mặt với "tiếng để đời" - sự lên án gay gắt của dư luận, xã hội. Điều này khiến họ mất đi uy tín, danh dự và khó có thể phục hồi sự nghiệp, vị thế trong cộng đồng. Những trường hợp tham nhũng lớn càng gây ra tổn hại nghiêm trọng hơn cho xã hội, không chỉ làm thất thoát nguồn lực quốc gia mà còn phá hoại niềm tin của nhân dân. Vì vậy, cần có những biện pháp xử lý nghiêm khắc, không chỉ trừng phạt mà còn giáo dục, phòng ngừa tham nhũng từ gốc rễ. Xã hội cần thúc đẩy tinh thần minh bạch, trách nhiệm giải trình và kiểm soát quyền lực để răn đe, ngăn chặn tệ nạn này. Như vậy, câu tục ngữ "Ăn một miếng, tiếng để đời" là câu tục ngữ sâu sắc, đề cao đạo đức, nhắc nhở con người hãy cẩn trọng trong mọi việc làm, dù lớn hay nhỏ, để giữ gìn danh dự, nhân phẩm và uy tín của mình. Là lời cảnh tỉnh thiết thực về hậu quả nghiêm trọng của tham nhũng nói chung và nhận hối lộ nói riêng. 2. Nhận hối lộ bị xử lý thế nào? Người nhận hối lộ có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự tùy thuộc vào tính chất và mức độ vi phạm. Cụ thể: Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi nhận hối lộ Thực tế cho thấy, có người đưa hối lộ nên mới có người nhận hối lộ hoặc ngược lại. Vì vậy, theo quy định tại điểm d, khoản 2 Điều 9 và điểm c khoản 3 Điều 21 Nghị định 144/2021/NĐ-CP thì người có hành vi đưa, nhận hối lộ có thể bị xử lý hành chính với các mức như sau: - Phạt tiền từ 02 triệu đồng đến 04 triệu đồng đối với hành vi đưa, môi giới, nhận hối lộ trong việc đăng ký, quản lý cư trú. - Phạt tiền từ 06 triệu đồng đến 08 triệu đồng đối với hành vi đưa tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác hoặc lợi ích phi vật chất hối lộ cho người thi hành công vụ. Truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội nhận hối lộ Theo Điều 354 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi 2017 thì hình phạt đối với người nhận hối lộ, người phạm tội nhận hối lộ sẽ bị xử lý như sau: Khung 1: Phạt tù từ 02 năm đến 07 năm đối với hành vi sau: - Nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 02 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng hoặc dưới 02 triệu đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm hoặc đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục 1 Chương XXIII về các tội phạm tham nhũng của Bộ luật Hình sự 2015, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; - Lợi ích phi vật chất. Khung 2: Phạt tù từ 07 năm đến 15 năm đối với người phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau: - Có tổ chức; - Lạm dụng chức vụ, quyền hạn; - Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng; - Gây thiệt hại về tài sản từ 01 tỷ đồng đến dưới 03 tỷ đồng; - Phạm tội 02 lần trở lên; - Biết rõ của hối lộ là tài sản của Nhà nước; - Đòi hối lộ, sách nhiễu hoặc dùng thủ đoạn xảo quyệt. Khung 3: Phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình đối với người phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau: - Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá 01 tỷ đồng trở lên; - Gây thiệt hại về tài sản 05 tỷ đồng trở lên. Hình phạt bổ sung: - Người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước mà nhận hối lộ, thì bị xử lý theo quy định tại Điều 354 Bộ luật Hình sự năm 2015. - Ngoài ra người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 100 triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Đồng thời, theo quy định tại Khoản 4 Điều 8, khoản 5 Điều 16, khoản 2 Điều 30 và khoản 2 Điều 37 Nghị định 112/2020/NĐ-CP thì cán bộ, công chức, viên chức có hành vi đưa, nhận hối lộ bị xử lý như sau: - Cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm quy định về phòng, chống tham nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì bị áp dụng thức thức kỷ luật khiển trách hoặc cảnh cáo. - Đối với cán bộ, công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý thì có thể bị áp dụng hình thức kỷ luật giáng chức hoặc cách chức. - Trường hợp công chức, viên chức bị Tòa án kết án về hành vi tham nhũng, trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định, bản án có hiệu lực pháp luật của Tòa án, cấp có thẩm quyền xử lý kỷ luật ra quyết định kỷ luật buộc thôi việc. Như vậy, hàm ý của câu tục ngữ "Ăn một miếng, tiếng để đời" giúp chúng ta có thể rút ra bài học về hành vi nhận hối lộ dù chỉ là một việc làm nhỏ nhưng lại gây ra những hậu quả pháp lý nghiêm trọng. Theo đó, người nhận hối lộ có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 02 triệu đồng đến 04 triệu đồng, bị xử lý hình sự về tội nhận hối lộ với mức án thấp nhất là 02 năm tù và cao nhất là tử hình. Ngoài ra còn áp dụng hình thức xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức vi phạm hành vi trên.
Diễm My là ai? Vì sao nhiều người tìm kiếm Diễm My đang ở đâu?
Trong vụ án tại Tịnh thất Bồng Lai có xuất hiện một nhân vật tên là Diễm My. Vậy Diễm My là ai và vì sao nhiều người tìm kiếm cô đang ở đâu? – Tuấn Nhã (Hà Nội) 1. Diễm My là ai? Vì sao nhiều người tìm kiếm Diễm My đang ở đâu? Võ Thị Diễm My là cô gái gắn liền với "Tịnh thất Bồng Lai" (sau được đổi tên thành Thiền am bên bờ vũ trụ) ở huyện Đức Hòa, tỉnh Long An. Cuối năm 2019, dư luận ở Long An dậy sóng vì hàng trăm người đại náo Tịnh thất Bồng Lai để tìm Diễm My. Cuộc "giải cứu" đã biến thành ẩu đả giữa nhóm của ông Võ Văn Thắng (cha ruột của Diễm My) và nhóm sinh sống ở Tịnh thất Bồng Lai do ông Lê Tùng Vân đứng đầu. Vào ngày 19/12/2019, sau một khoảng thời gian sinh sống tại Tịnh Thất Bồng Lai thì Diễm My đã trở về nhà ba mẹ để sinh sống trong thời gian 6 tháng. Sau đó, Diễm My đã bỏ nhà đi. Từ khi Diễm My bỏ nhà ra đi cho đến nay, cha mẹ không gặp lại Diễm My, cũng không liên lạc được. Đến nay, Diễm My vẫn mất tích bí ẩn, chưa một lần lên tiếng về các sự việc liên quan tới mình. Kể cả khi được tòa triệu tập làm nhân chứng ở phiên sơ thẩm, phúc thẩm, cô gái chưa từng xuất hiện. 2. Những tội danh trong vụ án tại Tịnh thất Bồng Lai? (1) Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân Tháng 7/2021, TAND huyện Đức Hòa tuyên án sơ thẩm đối với 6 bị cáo về tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân: - Bị cáo Lê Tùng Vân bị phạt 5 năm tù; - Các bị cáo Lê Thanh Hoàn Nguyên, Lê Thanh Nhất Nguyên và Lê Thanh Trùng Dương, mỗi người bị phạt 4 năm tù. - Bị cáo Lê Thanh Nhị Nguyên bị phạt 3 năm 6 tháng tù, bị cáo Cúc 3 năm tù. Sau đó, tất cả 6 bị cáo đã làm đơn kháng cáo. Tháng 11/2022, TAND tỉnh đã xét xử phúc thẩm và tuyên án y án bản án sơ thẩm. Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân theo Điều 331 Bộ luật Hình sự 2015 như sau: - Người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. - Phạm tội gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm. (2) Tội loạn luân Ngày 19/4/2024, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Long An ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Lê Tùng Vân (SN 1932; ngụ ấp Lập Thành, xã Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) về tội loạn luân. Tội loạn luân theo Điều 184 Bộ luật Hình sự 2015 như sau: Người nào giao cấu với người mà biết rõ người đó cùng dòng máu về trực hệ, là anh chị em cùng cha mẹ, anh chị em cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. 3. Khi nào một người bị tuyên bố mất tích? - Khi một người biệt tích 02 năm liền trở lên, mặc dù đã áp dụng đầy đủ các biện pháp thông báo, tìm kiếm theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự nhưng vẫn không có tin tức xác thực về việc người đó còn sống hay đã chết thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan, Tòa án có thể tuyên bố người đó mất tích. Thời hạn 02 năm được tính từ ngày biết được tin tức cuối cùng về người đó; nếu không xác định được ngày có tin tức cuối cùng thì thời hạn này được tính từ ngày đầu tiên của tháng tiếp theo tháng có tin tức cuối cùng; nếu không xác định được ngày, tháng có tin tức cuối cùng thì thời hạn này được tính từ ngày đầu tiên của năm tiếp theo năm có tin tức cuối cùng. - Trường hợp vợ hoặc chồng của người bị tuyên bố mất tích xin ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình. - Quyết định của Tòa án tuyên bố một người mất tích phải được gửi cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú cuối cùng của người bị tuyên bố mất tích để ghi chú theo quy định của pháp luật về hộ tịch. (Điều 68 Bộ luật Dân sự 2015)
Quất ngựa truy phong là gì? Làm bạn gái có bầu rồi chối bỏ trách nhiệm có bị xử lý hình sự?
Khi nhắc tới câu thành ngữ “Quất ngựa truy phong” chắc hẳn ai cũng nghĩ tới là đánh con ngựa để chạy thật nhanh, có thể đuổi theo gió (truy phong = đuổi gió). Nhưng có thật là sử dụng như vậy không và nguồn gốc của từ “truy phong” là từ đâu, chúng ta cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây. 1. Quất ngựa truy phong là gì? Trong tiếng Hán Quất ngựa truy phong là “Truy phong nhiếp ảnh”. Thành ngữ bắt nguồn từ tên của hai con ngựa giỏi của Tần Thuỷ Hoàng. Thành ngữ này được “Hán Đại thành ngữ đại từ điển (Thượng hải,1997) giảng như sau: “Theo sách Cổ Kim chú của Thôi Báo đời nhà Tần thì Tần Thuỷ Hoàng có hai con tuấn mã là Truy Phong và Nhiếp Cảnh. Về sau người ta dùng mấy tiếng “truy phong nhiếp cảnh” để miêu tả (động tác) ngựa chạy mau lẹ. Ngoài ra, thành ngữ “Quất ngựa truy phong” còn mang một ý nghĩa ẩn dụ khác đó là phản ánh hiện thực của xã hội về hành vi của một người đã gây ra một việc gì đó sai trái rồi bỏ chạy mất hút, không chịu trách nhiệm với những gì mình đã làm. Ví dụ như trường hợp nhiều cặp đôi yêu nhau thường muốn trao cho nhau tất cả ví như một câu hát trong bài “Hãy trao cho anh - Sơn Tùng MTP”: ”Hãy trao anh trao cho anh đi những yêu thương nồng cháy Trao anh ái ân nguyên vẹn đong đầy” Để rồi, khi trao nhau hết tất cả đến khi người con gái có bầu thì bạn trai lại “Quất ngựa truy phong” chối bỏ trách nhiệm không chịu nhận con của mình. Đây là một hành vi đáng lên án của xã hội hiện nay. 2. Làm bạn gái có bầu rồi chối bỏ trách nhiệm có bị xử lý hình sự? Hiện nay, quan hệ tình cảm yêu đương giữa nam và nữ là sự tự nguyện của hai bên và pháp luật không điều chỉnh. Làm bạn gái có bầu rồi chối bỏ trách nhiệm chỉ vi phạm về mặt đạo đức, chuẩn mực xã hội; còn dưới góc độ pháp luật, đây không được coi là hành vi vi phạm pháp luật. Do đó, không thể xử phạt hành chính cũng như không thể truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi này. Tuy nhiên, hành vi làm bạn gái có bầu rồi chối bỏ trách nhiệm có thể bị xử lý trong 05 trường hợp sau đây: Trường hợp 1: Phạm tội hiếp dâm người dưới 16 Người nào thực hiện hành vi giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người dưới 13 tuổi, làm nạn nhân có bầu thì có thể chịu mức án từ 07 đến 20 năm tù. (Theo Điểm b Khoản 1 và Điểm b Khoản 2 Điều 142 Bộ luật Hình sự 2015). Trường hợp 2: Phạm tội hiếp dâm Người nào thực hiện hành vi phạm tội đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, làm nạn nhân có bầu thì có thể bị phạt tù từ 05 đến 15 năm. (Theo Điểm g Khoản 2 và Khoản 4 Điều 141 Bộ luật Hình sự 2015) Trường hợp 3: Phạm tội cưỡng dâm Người nào thực hiện hành vi cưỡng dâm người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, làm nạn nhân có bầu thì có thể chịu mức án từ thì bị phạt tù từ 02 đến 10 năm tù. (Theo Điểm đ Khoản 2 và Khoản 4 Điều 143 Bộ luật Hình sự 2015) - Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. Trường hợp 4: Phạm tội Giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi Người nào đủ 18 tuổi trở lên mà giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, làm nạn nhân có bầu, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 142 và Điều 144 Bộ luật Hình sự 2015, thì có thể chịu mức án từ 01 năm đến 10 năm tù. (Theo Khoản 1 và Điểm đ Khoản 2 Điều 145 Bộ luật Hình sự 2015) Như vậy, tùy theo tính chất mức độ nghiêm trọng của hành vi, người phạm tội có thể bị phạt tù từ 01 năm đến 20 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến 5 năm. Trường hợp 5: Trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng Thời điểm giao cấu dẫn đến kết quả có bầu của người nữ, cả hai người đã đủ tuổi theo quy định của luật là đã trên 16 tuổi. Trong trường hợp này, người nam không bị truy cứu trách nhiệm hình sự mà chỉ chịu trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình 2014. Theo đó, tại Điều 110 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định nghĩa vụ cấp dưỡng của cha mẹ như sau: “Cha, mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên, con đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình trong trường hợp không sống chung với con hoặc sống chung với con nhưng vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng con.” Như vậy, sau khi bạn gái sinh con, nếu xác định chính xác quan hệ cha - con, thì dù không đăng ký kết hôn, người cha phải có trách nhiệm cấp dưỡng cho con. Đồng thời, nếu đã có quyết định của Tòa án mà người cha cố tình không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng thì có thể sẽ bị phạt hành chính từ 03 triệu đồng - 05 triệu đồng (theo điểm a, khoản 3 Điều 64 Nghị định 82/2020/NĐ-CP). Nghiêm trọng hơn, việc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng làm cho con bị lâm tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm (theo Điều 186 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi 2017). Như vậy, pháp luật không điều chỉnh hành vi làm bạn gái có bầu rồi chối bỏ trách nhiệm phải chịu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, nếu hành vi này dẫn đến hậu quả khác thuộc các trường hợp được pháp luật điều chỉnh thì có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Người mang thai đang được hoãn thi hành án tiếp tục phạm tội thì xử lý thế nào?
Phụ nữ đang mang thai là một chủ thể đặc biệt trong việc tố tụng hình sự, pháp luật có những chính sách khoan hồng đối với phụ nữ đang mang thai mà phạm tội. Nhiều ý kiến cho rằng sẽ có nhiều người lợi dụng điều này để trốn tránh thực hiện thi hành án phạt, tiếp tục phạm tội khi đang được hoãn thi hành án. Vậy người mang thai đang được hoãn thi hành án tiếp tục phạm tội thì có bị xử lý không? (1) Phụ nữ mang thai được hưởng những chế độ khoan hồng nào của pháp luật? Theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 67 Bộ Luật Hình sự 2015, người bị phạt tù mà là phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, thì được hoãn chấp hành hình phạt cho đến khi con đủ 36 tháng tuổi Căn cứ theo khoản 4 Điều 36 Bộ Luật Hình sự 2015 quy định cải tạo không giam giữ, người phụ nữ mang thai cũng được pháp luật cho hưởng khoan hồng: “Không áp dụng biện pháp lao động phục vụ cộng đồng đối với phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 06 tháng tuổi, người già yếu, người bị bệnh hiểm nghèo, người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng.” Người bị kết án cải tạo không giam giữ vẫn phải thực hiện những nghĩa vụ quy định tại Luật thi hành án hình sự. Hay tại khoản 2 Điều 40 Bộ luật Hình sự 2015 quy định tử hình: ”Không áp dụng hình phạt tử hình đối với người dưới 18 tuổi khi phạm tội, phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi hoặc người đủ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử.” Phụ nữ đang mang thai còn được xét là một tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, theo điểm n khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự 2015 quy định như sau: “1. Các tình tiết sau đây là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự: … n) Người phạm tội là phụ nữ có thai” Như vậy, đối với phụ nữ mang thai, pháp luật có các sự khoan hồng sau: - Được hoãn chấp hành hình phạt tù tới khi con đủ 36 tháng tuổi - Không áp dụng biện pháp lao động phục vụ cộng đồng đối với phụ nữ mang thai. - Không áp dụng hình phạt tử hình đối với phụ nữ mang thai. - Người phạm tội là phụ nữ có thai được xem là một trong các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. (2) Người phạm tội cố tình mang thai để trốn thực hiện nghĩa vụ thì xử lí ra sao? Pháp luật có nhiều điều khoản khoan hồng dành cho tội phạm là phụ nữ đang mang thai, do đó, nhiều phạm nhân nữ lợi dụng những Điều luật này, mang thai liên tục nhằm tránh né việc chấp hành án thì sao? Theo Công văn 01/2017/GĐ-TANDTC của TAND tối cao đã trả lời vấn đề này như sau: Nếu phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi bị kết án tù thì có thể được hoãn chấp hành hình phạt tù cho đến khi con đủ 36 tháng tuổi, không phân biệt họ cố tình có thai và sinh con liên tục để trốn tránh nghĩa vụ thi hành án phạt tù hay không. Do đó, phụ nữ đang mang thai sẽ được hoãn thi hành án, bất kể người đó cố tình mang thai để trốn tránh nghĩa vụ. (3) Người mang thai đang được hoãn thi hành án tiếp tục phạm tội thì xử lý thế nào? Ta có thể thấy, trong các điều khoản kết tội đều giảm nhẹ cho phụ nữ mang thai, nhưng nếu người này đang được hoãn chấp hành án phạt mà tiếp tục phạm tội thì sao? Tại khoản 2 Điều 67 Bộ Luật Hình sự 2015 có quy định về việc tiếp tục phạm tội khi đang được hoãn thi hành án như sau: “Trong thời gian được hoãn chấp hành hình phạt tù, nếu người được hoãn chấp hành hình phạt lại thực hiện hành vi phạm tội mới, thì Tòa án buộc người đó phải chấp hành hình phạt trước và tổng hợp với hình phạt của bản án mới theo quy định tại Điều 56 của Bộ Luật Hình sự 2015” Ngoài ra, có thể áp dụng biện pháp ngăn chặn Tạm giam theo khoản 4 Điều 119 Bộ Luật Tố tụng Hình sự 2015 quy định đối với bị can, bị cáo là phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, là người già yếu, người bị bệnh nặng mà có nơi cư trú và lý lịch rõ ràng thì không tạm giam mà áp dụng biện pháp ngăn chặn khác, trừ các trường hợp: - Bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã; - Tiếp tục phạm tội; - Có hành vi mua chuộc, cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật; tiêu hủy, giả mạo chứng cứ, tài liệu, đồ vật của vụ án, tẩu tán tài sản liên quan đến vụ án; đe dọa, khống chế, trả thù người làm chứng, bị hại, người tố giác tội phạm hoặc người thân thích của những người này; - Bị can, bị cáo về tội xâm phạm an ninh quốc gia và có đủ căn cứ xác định nếu không tạm giam đối với họ thì sẽ gây nguy hại đến an ninh quốc gia. (4) Kết luận Có thể thấy, pháp luật Việt Nam khá ưu ái cho đối tượng là phụ nữ đang mang thai, đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi khi có nhiều các tình tiết giảm nhẹ, hoãn các hình phạt cho phụ nữ phạm tội trong lúc đang mang thai, bất kể người đó mang thai là do cố tình hay không. Chính sách này của pháp luật không chỉ thể hiện sự khoan hồng mà còn bảo đảm quyền được sinh con của phụ nữ, quyền được chăm sóc của trẻ em. Tuy nhiên, nếu người phạm tội tiếp tục phạm tội khi đang được hoãn chấp hành án thì pháp luật vẫn có các Điều khoản để điều chỉnh như buộc phải chấp hành hình phạt, hay sử dụng biện pháp tạm giam nhằm không bỏ lọt tội phạm gây hại cho xã hội.
Ngựa quen đường cũ là gì? Tái phạm có phải là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự không?
Ngựa quen đường cũ là gì? Tái phạm có phải là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự không? Ngựa quen đường cũ là gì? Ngựa quen đường cũ là một thành ngữ tiếng Việt được sử dụng trong văn nói hằng ngày. Ngựa quen đường cũ có nghĩa sau: (1) Theo nghĩa đen: Con ngựa đã từng đi qua một con đường nhiều lần sẽ quen thuộc với con đường đó và có thể tự đi mà không cần người dẫn dắt. (2) Theo nghĩa bóng: Con người có xu hướng lặp lại những thói quen, hành vi đã quen thuộc, dù cho những thói quen, hành vi đó có thể là tốt hay xấu. Ví dụ về ngựa quen đường cũ: Một người đã từng nghiện ma túy, sau khi cai nghiện thành công, nếu quay lại môi trường cũ, tiếp xúc với những người bạn nghiện cũ thì rất dễ tái nghiện. Thành ngữ "ngựa quen đường cũ" thường được dùng để: - Khuyên răn mọi người nên tránh xa những thói quen, hành vi xấu. - Nhắc nhở mọi người cần thay đổi bản thân để có một cuộc sống tốt đẹp hơn. Thành ngữ ngựa quen đường cũ là một lời nhắc nhở con người về tầm quan trọng của việc thay đổi và phát triển bản thân. Để có một cuộc sống tốt đẹp hơn, con người cần thoát khỏi vòng luân hồi của những thói quen cũ và hướng đến những điều mới mẻ, tốt đẹp hơn. Lưu ý: Thông tin trên chỉ mang tính chất tham khảo Ngựa quen đường cũ và tái phạm có một số điểm tương đồng như sau: - Cả hai đều thể hiện sự lặp lại hành vi: + Ngựa quen đường cũ là con ngựa đã từng đi qua một con đường nhiều lần sẽ quen thuộc và tự đi mà không cần người dẫn dắt. + Tái phạm là người đã bị kết án về tội phạm do cố ý, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội do cố ý. - Cả hai đều có thể dẫn đến hậu quả tiêu cực: + Ngựa quen đường cũ có thể dẫn đến việc con ngựa đi lạc hoặc gặp nguy hiểm. + Tái phạm có thể dẫn đến việc người phạm tội bị phạt tù nặng hơn. Tái phạm có phải là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự không? Căn cứ Điều 52 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bởi điểm b khoản 2 Điều 2 Luật Sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự: - Chỉ các tình tiết sau đây mới là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự: + Phạm tội có tổ chức; + Phạm tội có tính chất chuyên nghiệp; + Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội; + Phạm tội có tính chất côn đồ; + Phạm tội vì động cơ đê hèn; + Cố tình thực hiện tội phạm đến cùng; + Phạm tội 02 lần trở lên; + Tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm; + Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ có thai hoặc người đủ 70 tuổi trở lên; + Phạm tội đối với người ở trong tình trạng không thể tự vệ được, người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng, người bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc người lệ thuộc mình về mặt vật chất, tinh thần, công tác hoặc các mặt khác; + Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp, thiên tai, dịch bệnh hoặc những khó khăn đặc biệt khác của xã hội để phạm tội; + Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt hoặc tàn ác để phạm tội; + Dùng thủ đoạn hoặc phương tiện có khả năng gây nguy hại cho nhiều người để phạm tội; + Xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội; + Có hành động xảo quyệt hoặc hung hãn nhằm trốn tránh hoặc che giấu tội phạm. - Các tình tiết đã được Bộ luật này quy định là dấu hiệu định tội hoặc định khung hình phạt thì không được coi là tình tiết tăng nặng. Theo quy định trên, tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, tình tiết tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm là dấu hiệu định tội hoặc định khung hình phạt thì không được coi là tình tiết tăng nặng. Những trường hợp nào được coi là tái phạm nguy hiểm? Căn cứ Điều 53 Bộ luật Hình sự 2015 quy định tái phạm, tái phạm nguy hiểm - Tái phạm là trường hợp đã bị kết án, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội do cố ý hoặc thực hiện hành vi phạm tội về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do vô ý. - Những trường hợp sau đây được coi là tái phạm nguy hiểm: + Đã bị kết án về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý; + Đã tái phạm, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội do cố ý. Theo quy định trên, những trường hợp sau được coi là tái phạm nguy hiểm: - Đã bị kết án về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý; - Đã tái phạm, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội do cố ý.
Bắt cá hai tay là gì? Ngoại tình có phải là bắt cá hai tay không?
Tôi muốn hỏi bắt cá hai tay là gì? Bắt nguồn từ đâu? Ngoại tình có phải là bắt cá hai tay không?_Thu Hằng(Hà Nội) Chào chị, Ban biên tập xin giải đáp như sau: 1. Bắt cá hai tay là gì? Bắt nguồn từ đâu? “Bắt cá hai tay” là một trong những thành ngữ thuộc kho tàng ca dao, thành ngữ - tục ngữ Việt Nam. Hình ảnh “bắt cá” là một hoạt động trong đời sống thường ngày của người dân Việt Nam xưa. Thời xưa, đời sống còn khó khăn, người dân thường đi đánh bắt cá dưới các sông, suối, ao, hồ để phục vụ bữa ăn gia đình. Lễ hội bắt cá cũng như thi bắt cá bằng tay đã trở thành một phần của văn hóa Việt Nam. Theo đó, Lễ hội đánh cá truyền thống ở Việt Nam còn lưu giữ được đến ngày nay (thường được tổ vào ngày 12-13 tháng 07 âm lịch để người dân cầu gặp nhiều may mắn, mùa màng tốt tươi). Ví dụ: Hàng nghìn người dân mang theo dụng cụ như nơm, vó, lưới... lao xuống đầm đánh bắt cá tại các lễ hội như: lễ hội đánh cá thờ ở Phong Châu - Phú Thọ; lễ hội đánh cá làng Me ở huyện Phúc Thọ - Hà Nội; Lễ hội đánh cá Đồng Hoa hay còn gọi là lễ hội Vực Rào, tồn tại ở địa phương này gần 300 năm. Từ đó, ông cha ta đã mượn hình ảnh “bắt cá” để tạo nên câu thành ngữ “Bắt cá hai tay” với ý nghĩa như sau: - Theo nghĩa đen, câu thành ngữ "Bắt cá hai tay" chỉ việc con người dùng tay để bắt cá. Tuy nhiên, nếu dùng hai tay để bắt một con cá thì là chuyện bình thường, dễ dàng nhưng mỗi tay bắt một con cá thì lại rất khó thực hiện. Đây là một hình ảnh thực tế trong đời sống thường ngày mà ta dễ dàng bắt gặp. - Theo nghĩa bóng, câu thành ngữ "Bắt cá hai tay" muốn nói đến hành động khôn lỏi, tham lam, ôm đồm, muốn có nhiều thứ, muốn làm nhiều việc cùng một lúc. Như vậy, theo như những lý giải trên, ông cha ta đã dùng câu thành ngữ "Bắt cá hai tay" để mỉa mai, phê phán hành động tham lam, không biết lượng sức mình mà muốn làm nhiều việc cùng lúc, cuối cùng chẳng được gì, mất hết tất cả. Đây cũng là một hành động gây nên những ảnh hưởng tiêu cực cho bản thân và người khác. 2. Ngoại tình có phải là bắt cá hai tay không? Hiện nay, khi nhắc đến việc “Bắt cá hai tay” người ta thường nghĩ đó là hành vi ngoại tình. “Bắt cá hai tay” là câu thành ngữ được sử dụng rộng rãi cho đến ngày nay không chỉ nói về lòng tham của con người mà còn phê phán hành vi phản bội lòng chung thủy trong tình yêu. Theo đó, ngoại tình là hành vi có mối quan hệ tình cảm, thân mật với người khác ngoài mối quan hệ chính thức của mình, điển hình là mối quan hệ vợ chồng. Một số đặc điểm điển hình cho hành vi ngoại tình: - Có mối quan hệ tình cảm với người khác ngoài vợ/chồng của mình, phản bội lòng tin và cam kết trong hôn nhân; - Đối tượng của ngoại tình có thể là bạn bè, đồng nghiệp, người quen hoặc người lạ; - Ngoại tình bao gồm những hành vi như hẹn hò, tán tỉnh, quan hệ thân mật với người khác; ... Như vậy, ngoại tình là một ví dụ điển hình cho câu thành ngữ “Bắt cá hai tay” nói đến sự tham lam về mặt tình cảm, tình yêu, là hành vi không chung thủy với vợ/chồng hoặc người bạn đời. Đồng thời, ngoại tình là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến ly hôn và tan vỡ hạnh phúc gia đình. Vì vậy, mọi hành vi ngoại tình đều bị lên án về mặt đạo đức và pháp luật. 3. Vợ hoặc chồng ngoại tình có vi phạm pháp luật không? Ngoại tình là hành vi vi phạm pháp luật, trái đạo đức xã hội và thuần phong mĩ tục dân tộc Việt Nam, xâm phạm đến chế độ hôn nhân và gia đình được pháp luật bảo vệ. Theo đó, tùy thuộc vào tính chất, mức độ vi phạm mà vợ hoặc chồng ngoại tình có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự như sau: Xử phạt vi phạm hành chính hành vi ngoại tình Theo quy định tại khoản 1 Điều 59 Nghị định 82/2020/NĐ-CP, phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau: - Đang có vợ hoặc đang có chồng mà kết hôn với người khác, chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà kết hôn với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ; - Đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác; - Chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ; - Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng; - Cản trở kết hôn, yêu sách của cải trong kết hôn hoặc cản trở ly hôn. Như vậy, người có hành vi ngoại tình với người đã có gia đình hoặc đã có gia đình mà ngoại tình với người khác, nếu bị phát hiện có thể bị xử phạt hành chính từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng. Truy cứu trách nhiệm hình sự hành vi ngoại tình Hành vi ngoại tình có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 182 Bộ Luật Hình sự 2015 về tội vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng cụ thể: - Người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm: + Làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn; + Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm. - Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm: + Làm cho vợ, chồng hoặc con của một trong hai bên tự sát; + Đã có quyết định của Tòa án hủy việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó. Như vậy, người có hành vi ngoại tình có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với khung hình phạt đến 03 năm tù. Tuy nhiên trong thực tế hành vi ngoại tình thường chỉ được giải quyết theo phương pháp dân sự là chấm dứt hôn nhân, hoặc chỉ được xử lý ở mức độ hành chính, hiếm khi có vụ án nào liên quan đến vấn đề hình sự, trừ trường hợp nghiêm trọng liên quan đến nguyên nhân dẫn đến chết người.
Trôn Việt Nam là gì? Trôn Việt Nam có thể phạm tội gì?
Dạo gần đây, trên nền tảng TikTok xuất hiện trend trôn Việt Nam và được nhiều Tiktoker hưởng ứng. Vậy cho tôi hỏi trôn Việt Nam là gì? Và trôn Việt Nam có thể phạm tội gì? - Khánh Duy (Hậu Giang) 1. Trôn Việt Nam là gì? Dạo gần đây thì trên nền tảng TikTok đã xuất hiện trend với chủ đề là trôn Việt Nam hay troll Việt Nam. Theo đó, các nhân vật trong video sẽ thực hiện một hành động bất ngờ với một nhân vật và sau khi nhân vật bị bất ngờ phản kháng thì sẽ chỉ tay vào điện thoại và nói câu “trôn Việt Nam” với ý đồ tiết lộ rằng đây chỉ là một trò đùa. "Trôn Việt Nam" vốn xuất phát từ chữ troll trong tiếng Anh, được hiểu là tình huống chơi khăm. Trend "trôn Việt Nam" bắt nguồn từ chương trình truyền hình thực tế Just For Laughs Gags. Trong chương trình, họ sẽ thực hiện những trò đùa hay tạo lập những tình huống ngớ ngẩn, bất ngờ để trêu và quay lại phản ứng của những người lạ. Ở cuối mỗi tình huống, họ sẽ tiết lộ đây chỉ là một trò đùa và chỉ về phía camera ẩn. 2. Trôn Việt Nam có thể phạm tội gì? Trong trường hợp việc quay trend trôn Việt Nam chỉ mang tính giải trí, diễn xuất, có sự thỏa thuận về sử dụng hình ảnh diễn viên và không gây hậu quả thì sẽ không phải là hành vi vi phạm pháp luật. Trong trường hợp việc quay trend trôn Việt Nam mà có hành vi vi phạm pháp luật và gây ra hậu quả thì có thể bị truy cứu về một trong các tội sau đây: (1) Tội cướp giật tài sản theo Điều 171 Bộ luật Hình sự 2015 như sau: - Người nào cướp giật tài sản của người khác, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. - Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm: + Có tổ chức; + Có tính chất chuyên nghiệp; + Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng; + Dùng thủ đoạn nguy hiểm; + Hành hung để tẩu thoát; + Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30%; + Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ; + Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; + Tái phạm nguy hiểm. - Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm: + Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; + Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%; + Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh. - Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân: + Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên; + Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 31% trở lên; + Làm chết người; + Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp. - Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng. (2) Tội trộm cắp tài sản theo Điều 173 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017) như sau: - Người nào trộm cắp tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm: + Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm; + Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các Điều 168, 169, 170, 171, 172, 174, 175 và 290 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017), chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; + Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; + Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; + Tài sản là di vật, cổ vật. - Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm: + Có tổ chức; + Có tính chất chuyên nghiệp; + Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng; + Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm; + Hành hung để tẩu thoát; + Tài sản là bảo vật quốc gia; + Tái phạm nguy hiểm. - Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm: + Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; + Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh. - Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm: + Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên; + Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp. - Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng. (3) Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017) như sau: - Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm: + Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm; + Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các Điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017), chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; + Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; + Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ. - Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm: + Có tổ chức; + Có tính chất chuyên nghiệp; + Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng; + Tái phạm nguy hiểm; + Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; + Dùng thủ đoạn xảo quyệt; - Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm: + Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; + Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh. - Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân: + Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên; + Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp. - Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Lấy ý kiến dự thảo Hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLHS về các tội phạm ma túy
Tòa án nhân dân tối cao đang lấy ý kiến của nhân dân đối với dự thảo Nghị quyết hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự về các tội phạm về ma túy. Dự thảo Nghị quyết này hướng dẫn áp dụng một số quy định của các điều 247, 248, 249, 250, 251, 252, 253, 254, 255, 256, 257, 258 và 259 của Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 về các tội phạm về ma túy. (1) Tội tàng trữ trái phép chất ma túy (Điều 249) Theo dự thảo, "Tàng trữ trái phép chất ma túy" quy định tại Điều 249 của Bộ luật Hình sự là cất giữ, cất giấu bất hợp pháp chất ma túy ở bất cứ nơi nào (như trong nhà, ngoài vườn, chôn dưới đất, thùng xăng xe, trong người như cho vào túi áo, túi quần, nuốt vào trong bụng, để trong hành lý như vali, túi xách,…) mà không nhằm mục đích mua bán, vận chuyển, sản xuất trái phép chất ma túy. Thời gian tàng trữ dài hay ngắn không ảnh hưởng đến việc xác định tội này. Người nào đã bị kết án về tội tàng trữ, sản xuất, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy hoặc tội chiếm đoạt chất ma túy chưa được xóa án tích mà lại tiếp tục tàng trữ một trong các chất ma túy có khối lượng, thể tích chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều 249 của Bộ luật Hình sự. Trường hợp chất ma túy có khối lượng, thể tích đủ yếu tố cấu thành tội phạm theo quy định tại khoản 1 Điều 249 của Bộ luật Hình sự thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 2 Điều 249 của Bộ luật Hình sự 2015. Người có hành vi mua heroine mang về nhà để sử dụng một phần và cất giữ một phần (1,3 gam) sau đó lại có hành vi mua heroine mang về nhà để sử dụng dần (04 gam) thì bị bắt giữ thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tàng trữ trái phép chất ma túy với tình tiết định khung quy định tại điểm g khoản 2 Điều 249 của Bộ luật Hình sự, với tổng khối lượng là 5,3 gam heroine. (2) Tội vận chuyển trái phép chất ma túy (Điều 250) "Vận chuyển trái phép chất ma túy" quy định tại Điều 250 của Bộ luật Hình sự là hành vi chuyển dịch bất hợp pháp chất ma túy từ nơi này đến nơi khác, từ quốc gia này sang quốc gia khác dưới bất kỳ hình thức nào (có thể bằng các phương tiện khác nhau như ô tô, tàu bay, tàu thủy…; trên các tuyến đường khác nhau như đường bộ, đường sắt, đường hàng không, đường thủy, đường bưu điện…; trong người như cho vào túi áo, túi quần, nuốt vào trong bụng, để trong hành lý như vali, túi xách,…) mà không nhằm mục đích sản xuất, mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy khác. Cũng được coi là vận chuyển trái phép chất ma túy đối với người thực hiện kinh doanh dịch vụ vận chuyển nhưng vi phạm quy định về điều cấm trong hoạt động vận chuyển dẫn đến người phạm tội vận chuyển được chất ma túy. Trường hợp cá nhân được giao nhiệm vụ vận chuyển hoặc công việc khác liên quan đến dịch vụ vận chuyển mà thiếu trách nhiệm trong việc thực hiện nhiệm vụ bắt buộc phải thực hiện để cho việc vận chuyển trái phép chất ma túy được thực hiện thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 250 của Bộ luật Hình sự 2015 mà bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm tương ứng nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm (ví dụ: tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 360 của Bộ luật Hình sự 2015, …). Người nào đã bị kết án về tội tàng trữ, sản xuất, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy hoặc tội chiếm đoạt chất ma túy chưa được xóa án tích mà lại tiếp tục vận chuyển một trong các chất ma túy có khối lượng, thể tích chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều 250 của Bộ luật Hình sự. Trường hợp chất ma túy có khối lượng, thể tích đủ yếu tố cấu thành tội phạm theo quy định tại khoản 1 Điều 250 của Bộ luật Hình sự 2015 thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 2 Điều 250 của Bộ luật Hình sự 2015. (3) Tội chiếm đoạt chất ma túy (Điều 252) "Chiếm đoạt chất ma túy" quy định tại Điều 252 của Bộ luật Hình sự 2015 là một trong các hành vi trộm cắp, lừa đảo, tham ô, lạm dụng tín nhiệm, cưỡng đoạt, cướp, cướp giật, công nhiên chiếm đoạt chất ma túy của người khác. Khi truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chiếm đoạt chất ma túy cần phân biệt: a) Trường hợp người có hành vi chiếm đoạt chất ma túy nhằm mục đích bán lại chất ma túy đó cho người khác, thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chiếm đoạt trái phép chất ma túy. b) Người nào đã bị kết án về tội chiếm đoạt chất ma túy, chưa được xóa án tích mà lại tiếp tục chiếm đoạt một trong các chất ma túy có khối lượng, thể tích dưới mức quy định từ điểm b đến điểm h khoản 1 Điều 252 của Bộ luật Hình sự 2015, nếu không thuộc trường hợp tái phạm nguy hiểm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 252 của Bộ luật Hình sự 2015. Nếu là tái phạm nguy hiểm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2 Điều 252 của Bộ luật Hình sự 2015. Xem và tải Dự thảo https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2023/10/09/duthaotoaan.docx Theo Chính phủ