DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

Sự thật về giá trị pháp lý của "Tiền"

Tiền là công cụ trao đổi đa năng, trong đại đa số các quan hệ tài sản có thể thay thế cho bất kỳ tài sản có giá trị tương đương nào khác. Hay nói cách khác, tiền có thể sử dụng để thực hiện đại đa số các nghĩa vụ có liên quan đến tài sản, nếu như điều đó không vi phạm pháp luật và nếu như bên có quyền không phản đối.

Hợp đồng mua bán tài sản là hệ quả trực tiếp nhất của việc sử dụng tiền tệ. Với việc phát minh ra tiền tệ thì giao dịch mua bán mới được xác lập, tức là việc trao đổi tài sản để lấy một số tiền có giá trị tương đương. Với số tiền đó do bán được vật, người bán lại có thể trở thành người mua trong quan hệ mua bán khác, dùng số tiền do bán vật để lại mua lấy các tài sản cần thiết cho bản thân. Từ thời điểm đó hợp đồng mua bán trở thành một loại hợp đồng thông dụng nhất cho đến tận ngày này.

Tiền giấy được hình thành muộn hơn rất nhiều (Trung Quốc vào thế kỷ 11, Pháp 1718, Thụy Điển 1661, Na-uy 1695, Italia 1786) và có nguồn gốc xuất xứ khác so với tiền đồng. Tiền giấy được hình thành đầu tiên dưới dạng các chứng thư do các thương gia lập nên và được giao cho nhau nhằm thực hiện việc thanh toán. Về sau chính Nhà nước thâu tóm việc phát hành tiền giấy đó và được chính thức lưu hành như tiền. Chính Nhà nước chuẩn hóa các chứng thư khác nhau dưới dạng mệnh giá của tiền giấy.

Tại Việt Nam, để điều chỉnh về việc phát hành tiền, ngày 02/5/2012, Chính phủ đã ban hành Nghị định 40/2012/NĐ-CP về nghiệp vụ phát hành tiền, bảo quản, vận chuyển tài sản quý và giấy tờ có giá trong hệ thống Ngân hàng Nhà nước, tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài 

                   

Các đặc điểm pháp lý và chức năng của tiền

Tiền có những đặc điểm pháp lý cơ bản sau đây:

- Không thể khai thác các giá trị vật chất của tiền theo các đặc tính cấu tạo vật chất tự nhiên của nó.

- Do Nhà nước độc quyền phát hành, thể hiện chủ quyền độc lập của mỗi quốc gia.

- Chủ sở hữu tiền mặt chỉ có quyền định đoạt số phận pháp lý của tiền chứ không được định đoạt số phận thực tế của nó. Cụ thể là không được tiêu hủy dưới mọi hình thức khác nhau (xé, đốt, sửa chữa, thay đổi hình dạng, kích thước, làm giả…).

- Nhà nước chỉ quy định mệnh giá của tiền chứ không quy định cho giá trị thực tế của chúng. Giá trị thực tế của tiền do thị trường quyết định.

- Khi chuyển giao tiền luôn luôn đi kèm theo việc chấm dứt quyền sở hữu của người chuyển giao, xác lập quyền sở hữu cho người nhận chuyển giao.

- Chủ sở hữu tiền chỉ có thể chiếm hữu và định đoạt tiền chứ không thể thực hiện quyền sử dụng chúng (không thể khai khác công dụng hữu ích của tiền). (Nguồn: Tổng hợp).

Các chức năng chính của tiền bao gồm:

-Công cụ trao đổi (thanh toán) đa năng.

- Công cụ tích lũy tài sản.

- Công cụ định giá trị các loại tài sản khác.

Lưu ý: Cần phân biệt tiền mặt với tiền trong tài khoản. Nếu như tiền mặt có bản chất gần với vật cùng loại, thì tiền trong tài khoản có bản chất gần với quyền tài sản hơn, cụ thể là quyền yêu cầu của người nắm giữ tài khoản với tổ chức tín dụng ngân hàng đối với một lượng tài sản trị giá bằng lượng tiền trong tài khoản. Quyền tài sản đó được thực hiện bằng việc người có quyền rút tiền trong tài khoản ra thành tiền mặt, hoặc chuyển khoản để chi trả cho các nhu cầu khác nhau. Nếu như tiền mặt do Nhà nước trực tiếp ban hành, thì tiền trong tài khoản là sự thỏa thuận giữa bên chủ tài khoản với tổ chức tài chính ngân hàng.

  •  2700
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

0 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…