DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

Sự khác biệt về yếu tố “LỖI” giữa pháp luật dân sự và pháp luật hình sự

Để xác định trách nhiệm cũng như mức độ trách nhiệm của người vi phạm thì trong pháp luật dân sự và pháp luật hình sự đều quy định về yếu tố “LỖI”. Cụ thể:

Theo quy định của pháp luật hình sự: Để được xem là tội phạm và bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì người phạm tội bắt buộc phải thỏa mãn yếu tố “có lỗi”. Trong đó, lỗi cũng được xem là một trong 04 đặc điểm của tội phạm, đó là: 

(1) Tính nguy hiểm cho xã hội,

(2) Tính trái pháp luật hình sự;

(3) Tính có lỗi;

(4) Tính phải chịu hình phạt.

Theo quy định của pháp luật dân sự: Lỗi cũng được xem là một trong các căn cứ để xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại và mức độ bồi thường thiệt hại. Mặc dù theo quy định tại Bộ luật dân sự 2015 hiện hành tại khoản 1 Điều 584 thì về nguyên tắc chung mà nói, yếu tố lỗi không còn là một trong các căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng nữa (đây là điểm mới so với Bộ luật dân sự 2005 trước đó):

Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác”.

Tuy nhiên, yếu tố “lỗi” vẫn được xem làm căn cứ để xét xét mức độ thiệt hại được bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng và ngay cả đối với bồi thường thiệt hại trong hợp đồng cũng có quy định nội dung này. Cụ thể, vấn đề này thể hiện qua Điều 363 và khoản 2 Điều 585 Bộ luật dân sự 2015:

Điều 363. Bồi thường thiệt hại trong trường hợp bên bị vi phạm có lỗi

Trường hợp vi phạm nghĩa vụ và có thiệt hại là do một phần lỗi của bên bị vi phạm thì bên vi phạm chỉ phải bồi thường thiệt hại tương ứng với mức độ lỗi của mình.

Điều 585. Nguyên tắc bồi thường thiệt hại

2. Người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường nếu không có lỗi hoặc có lỗi vô ý và thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của mình.

Hiện nay, yếu tố lỗi được quy định tại Bộ luật dân sự 2015 và Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) cụ thể như sau:

Bộ luật dân sự 2015

Bộ luật hình sự 2015

Điều 364. Lỗi trong trách nhiệm dân sự

Lỗi trong trách nhiệm dân sự bao gồm lỗi cố ý, lỗi vô ý.

Lỗi cố ý là trường hợp một người nhận thức rõ hành vi của mình sẽ gây thiệt hại cho người khác mà vẫn thực hiện và mong muốn hoặc tuy không mong muốn nhưng để mặc cho thiệt hại xảy ra.

Lỗi vô ý là trường hợp một người không thấy trước hành vi của mình có khả năng gây thiệt hại, mặc dù phải biết hoặc có thể biết trước thiệt hại sẽ xảy ra hoặc thấy trước hành vi của mình có khả năng gây thiệt hại, nhưng cho rằng thiệt hại sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn chặn được.

 

 

Điều 10. Cố ý phạm tội

Cố ý phạm tội là phạm tội trong những trường hợp sau đây:

1. Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra; (Lỗi cố ý trực tiếp)

2. Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra. (Lỗi cố ý gián tiếp)

Điều 11. Vô ý phạm tội

Vô ý phạm tội là phạm tội trong những trường hợp sau đây:

1. Người phạm tội tuy thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được. (Lỗi vô ý vì quá tự tin)

2. Người phạm tội không thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó. (Lỗi vô ý do cẩu thả).

Như vậy:

Thứ nhất: Nhìn nhận chung thì giữa pháp luật hình sự và pháp luật dân sự yếu tố “lỗi” đều được chia thành 02 hình thức lỗi là: (1) Lỗi cố ý và (2) Lỗi vô ý.

Ngoài ra, cụ thể hơn so với pháp luật dân sự, pháp luật hình sự còn chia từng hình thức lỗi vô ý và lỗi cố ý thành 04 hình thức lỗi cụ thể: Lỗi cố ý trực tiếp, lỗi cố ý gián tiếp, lỗi vô ý vì quá tự tin, lỗi vô ý do cẩu thả.

- Thứ hai: Theo quy định pháp luật dân sự tại Bộ luật dân sự 2015 thì đối với bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, nguyên tắc chung là dù người gây thiệt hại có lỗi vô ý hay cố ý hay không có lỗi thì đều phải bồi thường thiệt hại cho người có thiệt hại.

Trái lại, trong pháp luật hình sự thì lỗi lại là dấu hiệu bắt buộc trong mọi trường hợp để xác định tội phạm, nếu không có lỗi thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Ngoài ra, có thể nói việc phân chia thành lỗi vô ý hay lỗi cố ý trong pháp luật hình sự có ý nghĩa vô cùng quan trọng bởi yếu tố lỗi là căn cứ ảnh hưởng trực tiếp tới việc xác định tội danh.

Ví dụ: Nếu cũng gây ra hậu quả chết người nhưng người phạm tội với lỗi cố ý thì sẽ bị truy cứu về Tội giết người (Điều 123 Bộ luật hình sự 2015). Tuy nhiên nếu phạm tội với lỗi vô ý thì lại bị truy cứ về Tội vô ý làm chết người (Điều 128 Bộ luật hình sự 2015). Như vậy, với yếu tố lỗi khác nhau thì việc xác định tội danh cũng sẽ hoàn toàn khác nhau.

Kết luận: Yếu tố lỗi trong pháp luật dân sự và pháp luật hình sự có những sự khác biệt về:

 (1) Hình thức phân loại lỗi và;

 (2) Giá trị lỗi trong việc xác định trách nhiệm dân sự và hình sự.

như mình đã phân tích ở phía trên. Sở dĩ tồn tại khác biệt này là để phù hợp với đặc thù, bản chất của từng ngành luật nói riêng và từ đó góp phần làm căn cứ giúp pháp luật hình sự và dân sự đạt được mục đích riêng đề ra đối với từng ngành luật.

  •  13615
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

0 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…