DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

Quyết định giám đốc thẩm xét xử vụ án hình sự đối với Trần Văn Á về tội Lừa đảo và chiếm đoạt tài sản

Số hiệu

03/2011/HS-GĐT

Tiêu đề

Quyết định giám đốc thẩm xét xử vụ án hình sự đối với Trần Văn Á về tội Lừa đảo và chiếm đoạt tài sản

Ngày ban hành

17/03/2011

Cấp xét xử

Giám đốc thẩm

Lĩnh vực

Hình sự

 

Ngày 17-3-2011 , tại trụ sở Toà án nhân dân tối cao mở phiên toà giám đốc thẩm xét xử vụ án hình sự đốivới:

1. Trần Văn Á (tên gọi khác là Đá Hòn) sinh năm 1952; trú tại khu phố 7, phường Mũi Né, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận; nghề nghiệp: buôn bán; trình độ văn hóa: 6/12; con ông Trần Đàng và bà Phan Thị Tiết (đều đã chết); có vợ và 08 người con (lớn nhất sinh năm 1977, nhỏ nhất sinh năm 1992); bị bắt giam ngày 13-3-2009 đến ngày 26-3-2009.

2. Lê Văn Cư sinh năm 1954; trú tại khu phố 8, phường Mũi Né, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận; nghề nghiệp: buôn bán trình độ văn hóa: 5/12; con ông Lê Văn Tâm và bà Phạm Thị Cường (đều đã chết); có vợ và 03 người con (lớn nhất sinh năm 1984, nhỏ nhất sinh năm 1991); bị bắt giam ngày 13-3-2009 đến ngày 26-3-2009.

3. Nguyễn Văn Siêng sinh năm 1967; trú tại khu phố 6, phường Mũi Né, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận; nghề nghiệp: buôn bán; trình độ văn hoá: 5/12; con ông Nguyễn Ngọc Tồn (đã chết) và bà Nguyễn Thị Kia; có vợ và 04 người con (lớn nhất sinh năm 1985, nhỏ nhất sinh năm 1993); bị bắt giam ngày 16-3-2009 đến ngày 26-3-2009.

4.PhạmNgọc Hùng sinh năm 1965; trú tại khu phố 9, phường Mũi Né thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận; nghề nghiệp: buôn bản; trình độ văn hoá: 2/12; con ông Phạm Ngọc Chẳng (đã chết) và bà Nguyễn Thị Ly; có vợ và 04 người con (lớn nhất sinh năm 1988, nhỏ nhất sinh năm 1995); bị bắt giam ngày 13/3/2009 đến ngày 26-3-2009.

5. Phạm Văn Đây sinh năm 1952; trú tại khu phố 4, phường Mũi Né, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận; nghề nghiệp: kinh doanh dịch vụ du lịch; trình độ văn hoá:8/12; con ông Phạm Bé và bà Đinh Thị Tân (đã chết); có vợ và 04 người con (lớn nhất sinh năm 1984, nhỏ nhất sinh năm 1990); bị bắt giam từ ngày 23-3-2007 đến ngày 15-8-2008 được Cơ quan điều tra thay đổi biện pháp ngăn chặn "Cấm đi khỏi nơi cư trú” và bị bắt giam lại từ ngày 13-3-2009 đến ngày 26-3-2009.

6. Phan Văn Ngọc (tên gọi khác là Tư) sinh năm 1965; trú tại khu phố 1, phường Mũi Né, thành phố Phan Thiết; tỉnh Bình Thuận; nghề nghiệp: làm biển; trình độ văn hoá: 5/12; con ông Phan Văn Trọng và bà Đoàn Thị Nhỏ (đã chết); có vợ và 05 người con (lớn nhất sinh năm 1982, nhỏ nhất sinh năm 1997); bị bắt giam từ ngày 23-3-2007 đến ngày 15-8-2008 được Cơ quan điều tra thay đổi biện pháp ngăn chặn " Cấm đi khỏi nơi cư trú” và bị bắt giam lại ngày 16-3-2009 đến ngày 26-3-2009.

7.Trần Văn Dạo sinh năm 1969; trú tại khu phố 1, phường Mũi Né, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận; nghề nghiệp: làm biển; trình độ văn hoá: 4/12; con ông Trần Văn Châu và bà Nguyễn Thị Phúc (đều đã chết); có vợ và 04 người con ( lớn nhất sinh năm 1992, nhỏ nhất sinh năm 1997); bị bắt giam ngày 13-3-2009 đến ngày 26-3-2009.

(Trong vụ án này còn có các bị cáo: Phạm Văn Tân, Hồ Thanh Tâm, Bùi Văn Duyên, Nguyễn Văn Năm, Cao Phi Hùng).

NHẬN THẤY:

Trong các năm từ năm 2002 đến năm 2004 Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận có các quyết định số 289 và 291 ngày 31-01-2002, số 1820 ngày 18-7-2002, số 4016 ngày 15-9-2004 về việc thu hồi đất ở phường Mũi Né để giao cho các chủ đầu tư xây dựng các dự án du lịch. Khi triển khai thực hiện chính sách đền bù đất cho các hộ dân bị thu hồi đất thì có một số người dân ở phường Mũi Né, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận đã có hành vi lừa đảo để chiếm đoạt tiền của nhà nước cụ thể như sau:

1. Nhóm Trần Văn Á, Lê Văn Cư, Phạm Ngọc Hùng, Nguyễn Văn Siêng

Năm 2000 Trần Văn á, Lê Văn Cư, Phạm Ngọc Hùng và Nguyễn Văn Siêng đã góp tiền mua chung một mảnh đất có diện tích khoảng 700m2 của Trần Bòn (đây là mảnh đất do Trần Bòn lấn chiếm trái phép tại Bãi Sau khu phố 14 - Mũi Né - Phan Thiết vào năm 1995). Trần Văn Á đại diện cho 4 người đứng tên lập giấy tay sang nhượng đất với Trần Bòn đề ngày 23-7-1998, ghi diện tích là 5.300m2, giá 10.000.000đồng. Để hợp thức hóa việc sử dụng mảnh đất mua bán bất hợp pháp nói trên, bốn người thống nhất để Trần Văn Á đứng tên làm đơn xin xác nhận quyền sử dụng đất với diện tích ghi là 4.000m2, có nguồn gốc do khai hoang năm 1990. Đơn này không được cán bộ địa chính phường Mũi Né kiểm tra xác minh, Hội đồng đăng ký đất đai phường Mũi Né không họp xét duyệt. Nhưng ngày 28-5-2001 Hồ Thanh Tâm là Chủ tịch UBND phường Mũi Né đã ký tên đóng dấu xác nhận nội dung đúng như kê khai. Tháng 6-2001 Á, Cư Hùng, Siêng đã chặt phá rừng dương phòng hộ ven biển trên mảnh đất này để đào ao nuôi tôm thì bị UBND thành phố Phan Thiết phát hiện ra Quyết định xử phạt hành chính 8.100.000đồng về hành vi lấn chiếm đất đai, tự tiện sử dụng 4.000m2 đất nông nghiệp để đào ao nuôi tôm, buộc phải khôi phục hiện trạng ban đầu và giao toàn bộ diện tích đất trên cho UBND thành phố Mũi Né quản lý. Á, Cư, Siêng, Hùng bàn nhau làm đơn xin giảm tiền phạt. Ngày 15-8-2001 UBND thành phố Phan Thiết ra Quyết định số 735 chấp nhận giảm mức tiền phạt còn 6.200.000đồng, các khoản khác vẫn giữ nguyên. Sau khi nhận được quyết định xử phạt hành chính các bị cáo đã tự nguyện góp tiền nộp phạt và chấm dứt hành vi sử dụng diện tích nói trên.

Năm 2002 UBND tỉnh Bình Thuận có chủ trương thu hồi đất tại tiểu khu 14 phường Mũi Né giao cho chủ dự án Nguyên Sa xây dựng khu du lịch. Á, Hùng, Siêng và Cư đã thống nhất để Á đứng tên làm thủ tục đền bù. Á không nộp các quyết định tài liệu liên quan đã việc xử phạt hành chính của UBND thành phố Phan Thiết mà chỉ nộp giấy sang nhượng đất bất hợp pháp với Trần Bòn, giấy xác nhận 4.000m2 là đất khai hoang năm 1990 do Hồ Thanh Tâm ký xác nhận. Tiếp đến năm 2004 UBND thành phố Phan Thiết có quyết định thu hồi 3 .272m2 đất của hộ Á để giao cho dự án Biển Vọng. Hùng, Siêng, Cư lại thống nhất để Á tham gia chỉ ranh giới đất cho Ban đền bù giải tỏa tỉnh Bình Thuận (tổng diện tích đất nhóm Á bị thu hồi là 8.096m2). Khi xét duyệt tính pháp lý về nguồn gốc đất để xác định đất có thuộc diện được đền bù hay không thì Hồ Thanh Tâm làm chủ tịch Hội đồng xét duyệt và Phạm Văn Tấn là cán bồ địa chính xã đã xác nhận đất của ông Á đủ điều kiện để được đền bù. Đến khi áp giá đền bù, Ban đền bù giải tỏa tỉnh Bình Thuận không xác minh, kiểm tra lại đã đền bù cho Á tổng số tiền cho hai dự án là l.052.959.200đồng. Sau khi nhận được tiền thì Á, Hùng mỗi người được chia 350.986.400đồng còn Cư, Siêng mỗi người được chia 175.493.200đồng:

2. Nhóm Phan Văn Ngọc, Mai Văn Tuyết, Trần Văn Dạo, Phạm Văn Đây

Năm 2001 Phan Văn Ngọc, Mai Văn Tuyết, Trần Văn Dạo và Phạm Văn Đây góp 25.000.000đồng mua hai mảnh đất liền kề nhau của ông Châu Thanh Hiển (Châu Vy) khoảng 400m2 và ông Lâm khoảng 3.000m2 ở khu vực Bãi sau thuộc khu phố 14, phường Mũi Né (toàn bộ diện tích đất này không có giấy tờ hợp pháp về nguồn gốc). Ngày 02-5-2001 Phan Văn Ngọc đại diện cho bốn người đứng tên làm hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất với ông Châu Thanh Hiển diện tích ghi 7.200m2. Ngày 04-5-2001 Hồ Thanh Tâm là Chủ tịch UBND phường Mũi Né đã ký xác nhận việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa ông Hiển và ông Ngọc với diện tích 7.200m2 có nguồn gốc khai hoang từ năm 1978. Sau khi được ký giấy xác nhận nhóm Ngọc, Đây, Tuyết và Dạo tiếp tục lấn chiếm mở rộng thêm diện tích đất, tiến hành đào ao nuôi tôm. Ngày 20-6-2001 UBND thành phố Phan Thiết ra Quyết định số518/QĐ-UBPT xử phạt Phan Văn Ngọc số tiền 8.100.000đồng về hành vi tự tiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất chưa có giấy tờ hợp pháp, tự tiện sử dụng 7.200m2 đất nông nghiệp, lâm nghiệp để đào ao nuôi tôm, đồng thời huỷ bỏ hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất trái pháp luật ngày 04-5-2001 giữa ông Hiển và ông Ngọc. Buộc ông Ngọc thực hiện các biện pháp khôi phục hiện trạng ban đầu đối với 7.200m2 đất và giao toàn bộ điện tích trên cho UBND phường Mũi Né quản lý. Ngày 03-7-2001 Phan Văn Ngọc đại diện cho Đây, Tuyết làm đơn xin giảm nhẹ mức tiền phạt. Ngày 15-8-2001 UBND thành phố Phan Thiết ra Quyết định số 734 về việc giải quyết khiếu nại đối với Phan Văn Ngọc, trong đó giảm mức phạt tiền xuống còn 6.200.000đồng, các điều khoản khác vẫn giữ nguyên như đã giữ tại Quyết định số 518 ngày 20-6-2001 của UBND thành phố Phan Thiết. Sau đó Ngọc, Đây, Dạo và Tuyết chỉ nộp phạt, không thực hiện các biện pháp khôi phục lại tình trạng ban đầu, cũng như không giao đất cho UBND phường Mũi Né quản lý mà tiếp tục sử dụng ao để nuôi tôm.

Ngày 20-4-2003 ông Georges Phút Leuba Tổng giám đốc và ông Bùi Xuân Bật phó tổng giám đốc Công ty TNHH HOTE RESORT LE ROYEME DES DAUPHINS đến vị trí đất tại khu phố 14, Mũi Né nơi Công ty xin lập dự án xây dựng khu du lịch Dauphins. Phạm Văn Đây trực tiếp đến gặp ông Leuba giới thiệu Đây có mảnh đất diện tích 7200m2 nguồn gốc hợp pháp, trước đây đã xin lập dự án xây dựng khu du lịch Biển Ngà nhưng nay không làm nữa muốn chuyển nhượng lại. Ông Leuba và ông Bật đã đồng ý ký hợp đồng chuyển nhượng đất vĩnh viễn (Do Phan Văn Ngọc không cho ông Leuba và ông Bật biết sự thật về diện tích đất nói trên của Đây, Ngọc, Tuyết và Dạo là đất đã bị Uỷ ban nhân dân thành phố Phan Thiết xử phạt hành chính, phải giao lại cho UBND phường Mũi Né quản lý). Ngày 09/8/2003 tại làng du lịch Thuỵ Sỹ, Phạm Văn Đây, Phan Văn Ngọc, Trần Văn Dạo và Mai Văn Tuyết đã sử dụng giấy nhượng quyền sử dụng đất bất hợp pháp giữa Ngọc và ông Châu Vy có xác nhận của UBND phường Mũi Né để sang nhượng cho ông Leuba với giá 713.000.000đồng. Ông Leuba đã giao đủ 713.000.000đồng cho Đây, Ngọc, Dạo và Tuyết.

Ngày 15-9-2004 UBND tỉnh Bình Thuận có Quyết định thu hồi đất ở phường Mũi Né để xây dựng dự án du lịch Biển Vọng, trong đó có 2.011m2 là đất của nhóm Phan Văn Ngọc. Đây, Dạo, Tuyết và Ngọc đều biết diện tích đất này là đất lấn chiếm trái phép đã bị xử phạt hành chính và phải giao lại cho UBND phường Mũi Né quản lý không còn thuộc quyền sử dụng của mình nhưng vẫn thống nhất để Phan Văn Ngọc đứng tên kê khai làm thủ tục đền bù. Phan Văn Ngọc chỉ nộp cho Phạm Văn Tân là cán bộ địa chính phường giấy chuyển nhượng sử dụng đất giữa Châu Thanh Hiển với Phan Văn Ngọc do ông Hồ Thanh Tâm ký xác nhận ngày 04-5-2001, sau đó Ngọc chỉ ranh giới đất cho Ban đền bù giải toả tỉnh Bình Thuận tiến hành kiểm kê. Ngày 14-01-2005 Phan Văn Ngọc đã nhận số tiền 235.475.000đồng do ban đền bù giải phóng mặt bằng của tỉnh chi trả.

Bằng những thủ đoạn gian dối nêu trên Ngọc, Đây, Dạo và Tuyết đã chiếm đoạt được tổng số tiền là 948.475.000đồng (Đây, Tuyết mỗi người được chia 276.638.542đồng; Dạo được 273.118.750đồng; Ngọc được 158.079.165đồng) Ngày 17-3-2008 Cơ quan điều tra đã trả lại cho ông Bùi Xuân Bật (được ông Leuba uỷ quyền) số tiền 713.000.000đồng.

Tại bản án hình sự sơ thẩm số 09/2009/HSST ngày 26-03-2009; Toà án nhân dân tỉnh Bình Thuận áp dụng điểm a khoản 4 Điều 139, điểm i khoản 1 Điều 48, các điểm b, p khoản 1 và khoản 2 Điều 46, Điều 47, Điều 60 Bộ luật hình sự; xử phạt các bị cáo về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản"; cụ thể hình phạt như sau:

1. Trần Văn Á 03 (ba) năm tù, được khấu trừ thời gian tạm giam 14 ngày (từ ngày 13-3-2009 đến ngày 26-3-2009), thời gian còn phải chấp hành là 02 (hai) năm 11 (mười một) tháng 16 (mười sáu) ngày, nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 05 năm được tính từ ngày tuyên án;

2. Lê Văn Cư 02( hai) năm 06 (sáu) tháng tù, được khấu trừ thời gian tạm giam 14 ngày ( từ ngày 13-3-2009 đến ngày 26-3-2009), thời gian còn phải chấp hành là 02 (hai) năm 05 (năm) tháng 16 (mười sáu) ngày, nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 04 năm được tính từ ngày tuyên án.

3. Nguyễn Văn Siêng 02( hai) năm 06 (sáu) tháng tù, được khấu trừ thời gian tạm giam 11 ngày (từ ngày 16-3-2009 đến ngày 26-3-2009), thời gian còn phải chấp hành là 02 (hai) năm 05 (năm) tháng 19 (mười chín) ngày, nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 04 năm được tính từ ngày tuyên án;

 4. Phạm Ngọc Hùng 03 (ba) năm tù, được khấu trừ thời gian tạm giam 14 ngày (từ ngày 13-3-2009 đến ngày 26-3-2009), thời gian còn phải chấp hành là 02 (hai) năm 11  (mười một) tháng 16 (mười sáu) ngày, nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 05 năm được tính từ ngày tuyên án;

5. Phạm Văn Đây 03 (ba) năm tù, được khấu trừ thời gian tạm giam 01 (một) năm 05 (năm) tháng 06 (sáu) ngày (từ ngày 23-3-2007 đến ngày 15-8-2008 và từ ngày 13-3-2009 đến ngày 26-3-2009) thời gian còn phải chấp hành là 01 (một) năm 06 (sáu) tháng 24 (hai mươi bốn) ngày, nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 03 (ba) năm được tính từ ngày tuyên án;

6. Phan Văn Ngọc 03 (ba) năm tù, được khấu trừ thời gian tạm giam 01 (một) năm 05 (năm) tháng 03 (ba) ngày (từ ngày 23-3-2007 đến ngày 15-8-2008 và từ ngày 16-3-2009 đến ngày 26-3-2009) thời gian còn phải chấp hành là 01 (một) năm 06 (sán) tháng 27 (hai mươi bảy) ngày, nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 03 (ba) năm được tính từ ngày tuyên án;

7. Trần Văn Dạo 02( hai) năm 06 (sáu) tháng tù, được khấu trừ thời gian tạm giam 14 ngày ( từ ngày 13-3-2009. đến ngày 26-3-2009), thời gian còn phải chấp hành là 02 (hai) năm 05 (năm) tháng 16 (mười sáu) ngày, nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 04 năm được tính từ ngày tuyên án.

Áp dụng khoản 1 Điều 42 Bộ luật hình sự, khoản 2 Điều 599 Bộ luật dân sự buộc Trần Văn Á, Phạm Ngọc Hùng, Lê Văn Cư và Nguyễn Văn Siêng liên đới nộp lại Ngân sách Nhà nước số tiền đã chiếm đoạt theo phần cụ thể như sau:

1. Trần Văn Á 350.986.400đồng ( Á đã nộp đủ);

2. Phạm Ngọc Hùng 350.986.400đồng ( Hùng đã nộp đủ);

3. Lê Văn Cư 175.493.200đồng (Cư đã nộp 125.000.000đồng, còn lại phải nộp tiếp 50.493.200đồng);

4. Nguyễn Văn Siêng 175.493.200đồng (Siêng đã nộp 90.000.000đồng, còn lại phải nộp tiếp 85.493 .200đồng).

Buộc Phan Văn Ngọc, Phạm Văn Đây, Mai Văn Tuyết và Trần Văn Dạo trên đối nộp Ngân sách Nhà nước số tiền 235.475.000đồng (các bị cáo này đã nộp 243.001.958đồng, còn thừa 7.526.958đồng, nên trả lại số tiền thừa cho các bị cáo).

Ngoài ra, Toà án cấp sơ thẩm còn áp dụng khoản 3 Điều 281 Bộ luật hình sự xử phạt Hồ Thanh Tâm 05 năm 06 tháng tù, Phạm Văn Tân 05 năm tù, Bùi Văn Duyên 05 năm tù đều về tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ” ; áp dụng khoản 2 Điều 285 Bộ luật hình sự, xử phạt Nguyễn Văn Năm 03 năm tù, Cao Phi Hùng 03 năm tù đều về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”

Trong hạn luật định các bị cáo Bùi Văn Duyên, Hồ Thanh Tâm, Nguyễn Văn Năm và Cao Phi Hùng đều có đơn kháng cáo kêu oan và xin giảm án; Phan Văn Ngọc và Phạm Văn Đây có đơn kháng cáo kêu oan và xin xem xét lại trách nhiệm dân sự; Phạm Văn Tân có đơn kháng cáo xin xem xét tội danh và giảm án.

Tại bản án hình sự phúc thẩm số 764/2009/HSPT ngày 24-9-2009, Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh áp dụng điểm a khoản 4 Điều 139, điểm i khoản 1 Điều 48, điểm b khoản 1, khoản 2 Điều 46, Điều 47, Điều 60 Bộ luật hình sự; xử phạt:

1. Phạm Văn Đây 03 (ba) năm tù về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", được khấu trừ thời gian tạm giam trước từ ngày 23-3-2007 đến ngày 15-8-2008 và từ ngày 13-3-2009 đến ngày 26-3-2009 nhưng cho bị cáo Đây được hưởng án treo, thời gian thử thách là 03 (ba) năm được tính từ ngày tuyên án sơ thẩm (26- 3-2009).

2. Phan Văn Ngọc 03 (ba) năm tù về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", được khấu trừ thời gian tạm giam trước từ ngày 23-3-2007 đến ngày 15-8-2008 và từ ngày 16-3-2009 đến ngày 26-3-2009 nhưng cho bị cáo Ngọc được hưởng án treo, thời gian thử thẩm là 03 (ba) năm được tính từ ngày tuyên án sơ thẩm (26-3-2009).

Tòa án cấp phúc thẩm giữ nguyên hình phạt đối với các bị cáo Hồ Thanh Tâm, Bùi Văn Duyên, Phạm Văn Tân; sửa án sơ thẩm, giảm hình phạt cho hai bị cáo Nguyễn Văn Năm và Cao Phi Hùng (phạt Nguyễn Văn Năm 02 năm 06 tháng tù, Cao Phi Hùng 01 năm 06 tháng tù về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng").

Toà án cấp phúc thẩm kiến nghị Chánh án Toà án nhân dân tối cao xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm đối với bản án sơ thẩm và bản án phúc thẩm về việc đã xét xử các bị cáo: Trần Văn Á, Phạm Ngọc Hùng, Lê Văn Cư, Nguyễn Văn Siêng, Trần Văn Dạo, Phạm Văn Đây và Phan Văn Ngọc về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" theo hướng áp dụng đúng tinh thần Điều 47 Bộ luật hình sự năm 1999 đối với các bị cáo trên để bảo đảm sự nghiêm minh của pháp luật.

Tại Kháng nghị giám đốc thẩm số12/2010/HS-TK ngày 22-4-2010, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quyết định kháng nghị bản án hình sự sơ thẩm số 09/2009/HSST ngày 26-3-2009 của Toà án nhân dân tỉnh Bình Thuận về phần quyết định hình phạt đối với các bị cáo Trần Văn Á, Lê Văn Cư, Nguyễn Văn Siêng, Phạm Ngọc Hùng, Trần Văn Dạo và bản án hình sự phúc thẩm số 764/2009/HSPT ngày 24- 09-2009 của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh về phần quyết định hình phạt đối với các bị cáo Phạm Văn Đây và Phan Văn Ngọc; đề nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm huỷ bản án hình sự phúc thẩm số 764/2009/HSPT ngày 24- 09-2009 của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh về phần quyết định hình phạt đối với các bị cáo Phạm Văn Đây, Phan Văn Ngọc và bản án hình sự sơ thẩm số 09/2009/HSST ngày 26-3-2009 của Toà án nhân dân tỉnh Bình Thuận về phần quyết định hình phạt đối với các bị cáo. Trần Văn Á, Lê Văn Cư, Phạm Ngọc Hùng, Nguyễn Văn Siêng, Trần Văn Dạo, Phạm Văn Đây và Phan Văn Ngọc để xét xử sơ thẩm lại.

Tại phiên toà giám đốc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao nhất trí với kháng nghị của Chánh án tòa án nhân dân tối cao.

XÉT THẤY:

Tòa án cấp sơ thẩm áp dụng điểm a khoản 4 Điều 139 Bộ luật hình sự kết án các bị cáo Trần Văn Á, Lê Văn Cư, Nguyễn Văn Siêng, Phạm Ngọc Hùng, Phạm Văn Đây, Phan Văn Ngọc và Trần Văn Dạo đều về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; phạt Trần Văn Á, Phạm Ngọc Hùng, Phạm Văn Đây và Phan Văn Ngọc, mỗi bị cáo 03 (ba) năm tù; phạt Lê Văn Cư và Trần Văn Dạo, mỗi bị cáo là 02 (hai) năm 06 (sáu) tháng tù, đồng thời cho cả 7 bị cáo này đều được hưởng án treo.

Ngoài ra, Toà án cấp sơ thẩm còn áp dụng khoản 3 Điều 281 Bộ luật hình sự xử phạt các bị cáo Hồ Thanh Tâm 05 năm 06 tháng tù, Phạm Văn Tân và Bùi Văn Duyên mỗi bị cáo 05 năm tù đều vè tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ”; áp dụng khoản 2 Điều 285 Bộ luật hình sự, xử phạt Nguyễn Văn Năm và Cao Phi Hùng, mỗi bị cáo 03 năm tù đều về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".

 Sau khi xét xử sơ thẩm thì các bị cáo Trần Văn Á, Lê Văn Cư, Phạm Ngọc Hùng, Nguyễn Văn Siêng và Trần Văn Dạo không bị kháng nghị và cũng không có kháng cáo nên bản án sơ thẩm đối với các bị cáo này đã có hiệu lực pháp luật.

Xét Toà án cấp sơ thẩm cho rằng các bị cáo thực hiện được hành vi lừa đảo trót lọt cùng một phần do cách giải quyết công việc tuỳ tiện, thiếu trách nhiệm của một số cán bộ có chức vụ, quyền hạn của Uỷ ban nhân dân phường như Hồ Thanh Tâm, Bùi Văn Duyên, Phạm Văn Tân, Nguyễn Văn Năm và Cao Phi Hùng. Đồng thời quá nhấn mạnh việc các bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải tự nguyện nộp lại tiền đã chiếm đoạt cũng như việc các bị cáo xuất thân từ thành phần nhân dân lao động, nhất thời phạm tội, hoàn cảnh gia đình khó khăn, là lao động chính trong gia đình để từ đó áp dụng hình phạt mà theo đó bị cáo bị xử phạt mức án cao nhất là 03 (ba) năm tù, bị cáo có mức án thấp nhất là 02 (hai) năm 06 (sáu) tháng tù và đều cho tất cả các bị cáo này được hưởng án treo là không đúng quy định pháp luật. Mặc dù các bị cáo đã bị Chính quyền địa phương xử phạt hành chính, thu hồi toàn bộ diện tích đất mà các bị cáo sử dụng trái phép nhưng do tham lam nên các bị cáo này đã có hành vi thông đồng, câu kết với nhau để chiếm đoạt tiền của Nhà nước và của công dân. Trong vụ án này, tổng số tiền nhóm của Trần Văn Á chiếm đoạt là 1.052.959.200đồng, nhóm của Phan Văn Ngọc chiếm đoạt là 948.475.000 đồng. Hành vi phạm tội của bản bị cáo nêu trên là đặc biệt nghiêm trọng, thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 139 Bộ luật hình sự với khung hình phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân. Theo hướng dẫn tại điểm a tiểu mục 2.2 mục 2 Nghị Quyết01/2001/NQ-HĐTP ngày 15-3-2001 của Hội đồng Thẩm phán hướng dẫn áp dựng Điều 139 của Bộ luật hình sự đã nêu rõ: "Trong trường hợp có nhiều tình tiết giảm nhẹ mà không có tình tiết tăng nặng hoặc có ít tình tiết tăng nặng hơn, đồng thời đánh giá tính chất giảm nhẹ và tính chất tăng nặng xét thấy có thể giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho người phạm tội, thì có thể xử phạt tù từ bảy năm đến dưới mười hai năm nếu tài sản bị chiếm đoạt có giá trị từ năm trăm triệu đồng đến dưới một tỷ năm trăm triệu đồng (trong trường hợp này phải có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 46 BLHS)". Trong vụ án này các bị cáo phải chịu một tình tiết tăng nặng quy định tại điểm i khoản 1 Điều 48 BLHS và chỉ có hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại các điểm b, p khoản 1 Điều 46 BLHS. Như vậy, mức hình phạt thấp nhất đối với 07 bị cáo nêu trên phải là 7 năm tù, nhưng Toà án cấp sơ thẩm xử phạt các bị cáo Trần Văn Á, Lê Văn Cư, Phạm Ngọc Hùng và Nguyễn Văn Siêng với mức hình phạt như đã nêu trên đây là sai lầm nghiêm trọng, không tuân thủ quy định tại Điều 139, Điều 47 của Bộ luật hình sựvà Nghị Quyết số 01 ngày 15-3-2001 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao. Không những xử phạt nhẹ, không đúng pháp luật mà Toà án cấp sơ thẩm còn cho cả 7 bị cáo này được hưởng án treo lại càng sai lầm nghiêm trọng (các bị cáo đã bị xử phạt hành chính về việc sử dụng đất trái pháp luật).

2) Đối với các bị cáo Phan Văn Ngọc và Phạm Văn Đây sau khi xét xử sơ thẩm không bị kháng nghị, nhưng có kháng cáo kêu oan và xin xem xét lại trách nhiệm dân sự. Toà án cấp phúc thẩm qua xét xử phát hiện thấy hành vi phạm tội của hai bị cáo này cũng tương tự như hành vi phạm tội của Trần Văn Á, Lê Văn Cư, Nguyễn Văn Siêng, Phạm Ngọc Hùng, Trần Văn Dạo và thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng được quy định tại khoản 4 Điều 139 Bộ luật hình sự. Việc Toà án cấp sơ thẩm xử phạt Phan Văn Ngọc, Phạm Văn Đây, mỗi bị cáo 03 (ba) năm tù và cho cả hai bị cáo được hưởng án treo cũng là không đúng pháp luật nhưng do phạm vi xét xử phúc thẩm nên đã giữ nguyên tội danh và hình phạt đối với hai bị cáo này, đồng thời kiến nghị xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm đối với hai bị cáo này là đúng.

3) Đối với các bị cáo Hồ Thanh Tâm, Bùi Văn Duyên, Phạm Văn Tân, Nguyễn Văn Năm và Cao Phi Hùng sau khi xét xử sơ thẩm cũng không bị kháng nghị nhưng có kháng cáo kêu oan và xin giảm án. Toà án cấp phúc thẩm quyết định giữ nguyên tội danh và hình phạt đối với Hồ Thanh Tâm, Bùi Văn Duyên và Phạm Văn Tân; sửa án sơ thẩm giảm hình phạt cho Nguyễn Văn Năm và Cao Phi Hùng (phạt Nguyễn Văn Năm 02 (hai) năm 06 (sáu) tháng tù, Cao Phi Hùng 01(một) năm 06 (sáu) tháng tù về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" là có căn cứ.

Bởi các lẽ trên, căn cứ vào khoản 3 Điều 285 ; Điều 287 và Điều 289 Bộ luật tố tụng hình sự;

QUYẾT ĐỊNH:

Huỷ bản án hình sự phúc thẩm số 764/2009/HSPT ngày 24- 09-2009 của và phúc thẩm Toà án nhâ dận tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh về phần quyết định hình phạt đối với các bị cáo Phạm Văn Đây, Phan Văn Ngọc và bản án hình sự sơ thẩm số 09/2009/HSST ngày 26-3 -2009 của Toà ân nhân dân tỉnh Bình Thuận về phần quyết định hình phạt đối với các bị cáo trần Văn Á, Lê Văn Cư, Phạm Ngọc Hùng, Nguyễn Văn Siêng, Trần Văn Dạo, Phạm Văn Đây và Phan Văn Ngọc; giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân tỉnh Bình Thuận để xét xử sơ thẩm lại theo đứng quy định của pháp luật.

 

  •  10309
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

0 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…