DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

Quyết định giám đốc thẩm xét xử vụ án dân sự về việc tranh chấp quyền sử dụng đất giữa bà Phạm Thị Tuyên và anh Đàm Văn Trang

Số hiệu

09/2011/DS-GĐT

Tiêu đề

Quyết định giám đốc thẩm xét xử vụ án dân sự về việc tranh chấp quyền sử dụng đất giữa bà Phạm Thị Tuyên và anh Đàm Văn Trang

Ngày ban hành

21/03/2011

Cấp xét xử

Giám đốc thẩm

Lĩnh vực

Dân sự

 

….

Ngày 21 tháng 3 năm 2011, tại trụ sở Toà án nhân dân tối cao mở phiên toà giám đốc thẩm xét xử vụ án dân sự tranh chấp quyền sử dụng đất giữa các đương sự:

Nguyên đơn: Bà Phạm Thị Tuyên sinh năm 1953.

Bị đơn: Anh Đàm Văn Trang sinh năm 1958.

Bà Tuyên và anh Trang cùng tru tại thôn Hoà Bình Hạ, xã Tân Tiến, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên.

Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan:

1. Bà Phạm Thị Mai sinh năm 1934.

2. Anh Đàm Quang Hưng sinh năm 1962.

3 . Chị Đàm Thị Quyên sinh năm 1965.

Bà Mai, anh Hưng và chị Quyên cùng trú tại phường Noong Bua, thành phố Điện Biên, tỉnh Điện Biên.

4. Chị Hoàng Thị Biềng sinh năm 1957 (vợ anh Trang); trú tại thôn Hoà Bình Hạ, xã Tân Tiến, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên.

5. Chị Đàm Thị Biên sinh năm 196l; trú tại nhà số 29 tổ 1, Đức Giang, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội.

6. Chị Đàm Thị Uyên sinh năm 1967; trú tại phường Sông Hiến, thị xã Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng.

7. Cháu Đàm Thị Hoàng Thảo sinh năm 1996; người giám hộ là bà Phạm Thị Tuyên (mẹ cháu Thảo).

NHẬN THẤY:

* Theo đơn khởi kiện đề ngày 09-11-2006 và các lời khai trong quá trình giải quyết vụ án, nguyên đơn là bà Phạm Thị Tuyên trình bày: Ngày 27-8-1993, ông Đàm Quang Tư và bà Phạm Thị Mai thuận tình ly hôn. Ngày 10-11-1993, bà Tuyên và ông Tư kết hôn tại Uỷ ban nhân dân xã Noong Bua (nay là phường Noong Bua, thành phố Điện Biên). Sau khi hết hôn bà Tuyên được ông Tư cho biết tháng 7-1992 ông Tư vay của bà Toán 4.000.000 đồng để về quê tại xã Tân Tiến, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên mua đất ở. Ngày 15-12-1993, bà Tuyên trực tiếp trả bà Toán khoản vay trên cho ông Tư. Quá trình chung sống, bà Tuyên được ông Tư cho biết: tháng 8-1992 ông Tư mua của anh Lê Văn Sơn thửa đất 200 m2 tại thôn Hoà Bình Thượng, xã Tân Tiến với giá 2.400.000 đồng, ông Tư nhờ anh Đàm Văn Trang là cháu ở quê trông coi hộ. Năm l996, Ủy ban nhân dân xã Tân Tiến và thôn Hoà Bình Thượng có chủ trương chuyển nhượng đất phía sau cho các hộ có đất mặt đường 207 nên Trang báo cho ông Từ về mua đất. Khi ông Tư về quê mua đất bà có đưa cho ông Tư 4.000.000 đồng và 1,5 cây vàng, anh Trang cùng ông Tư trực tiếp liên hệ với ông Ngô Văn Tuất là trưởng thôn lúc bấy giờ và được thôn bán cho ông Tư 101 m2 đất với giá 2.620.000 đồng, anh Trang là người nhận đất và trả tiền cho thôn. Do thưa đất mua thêm nằm phía sau đất ở của ông Hoàng Văn Lũng và ông Lũng lại có thửa ruộng 175 m2 nằm phía sau thửa đất 200 m2 của ông Tư nên hai ông có thoả thuận đổi vị trí đất cho nhau và ông Tư phải trả cho ông Lũng 1.800.000 đồng tiền chênh lệch diện tích đất. Việc thanh toán và nhận đất vợ chồng bà nhờ anh Trang giao dịch. Toàn bộ số tiền mua đặt trên là của gia đình bà, ông Tư đã đưa cho anh Trang tổng số là 7.000.000 đồng.

Năm 1993 ông Tư có về quê làm đơn xin mua đất ở. Năm 1994, Uỷ ban nhân dân xã Tân Tiến duyệt và nhất trí bán cho ông Tư thửa đất ao 91m2 tại thôn Hoà Bình Hạ (dài 11 m, rộng 8 m và lưu không 5 m thuộc thửa 470 tờ bản đồ số 6). Ông Tư trực tiếp gửi tiền qua đường bưu điện về cho anh Trang 3.000.000 đồng để anh Trang nộp hộ. Anh Trang là người nhận đất và giấy tờ mang tên ông Tư. Gia đình bà cũng gọi anh Trang trông nom và nộp thuế hộ vì bà và ông Tư vẫn sinh sống tại Điện Biên.

Năm 2004, gia đình bà chuyển về xã Tân Tiến, huyện Văn Giang sinh sống và chồng bà làm nhà trên thửa đất 375 m2 tại thôn Hoà Bình Thượng. Gia đình anh Trang đứng ra thuê thợ, trông nom, chi phí làm nhà cho gia đình bà. Trong thời gian làm nhà ông Tư ốm phải nằm viện nên bà phải trông nom, mọi việc xây dựng nhà vợ chồng bà nhờ anh Trang quản lý.

Tháng 12-2004 ông Tư chết, sau khi ông Tư chết chưa đầy 100 ngày thì phát sinh tranh chấp đất giữa anh Trang và bà Tuyên. Qua tìm hiểu bà Tuyên mới biết thửa đất 375 m2 (gia đình bà Tuyên làm nhất đứng tên anh Trang, thửa đất ao 91 m2 mang tên ông Tư. Bà yêu cầu anh Trang giải quyết bằng tình cảm trả lại quyền sử dụng thửa đất 375 m2 cho gia đình bà nhưng không có kết quả. Ngày 6-7-2005, bà Tuyên mời họ hàng gia đình ông Tư và anh Trang họp để giải quyết. Tại cuộc họp này anh Trang thừa nhận thửa đất 375 m2 là của ông Tư và nhất trí trả lại quyền sử dụng cho ông Tư, còn thửa đất ao 91 m2 vẫn đứng tên ông Tư chứ không phải đã chuyển tên cho con anh Trang. Khi đang tranh thấp, anh Trang đã tự ý san lấp thửa đất ao. Nay bà Tuyên yêu cầu Toà án giải quyết buộc anh Trang trả lại quyền sử dụng đối với hai thửa đất trên.

Theo bị đơn là anh Đàm Văn Trang trình bày thì: ông Tư (là chú ruột anh Trang) công tác và cư trú tại tỉnh Điện Biên muốn về quê nên có nhờ anh Trang liên hệ mua hộ đất để làm nhà ở. Tháng 8-1992, ông Tư nhờ anh Trang mua hộ thửa đất 200 m2 giáp đường 207 tại thôn Hoà Bình Thượng của ông Lê Văn Sơn với giá 2.400.000 đồng (ông Tư có 1.200.000 đồng còn lại là của con gái ông Tư là chị Đàm Thị Biên). Năm 1995, anh Trang đứng ra mua của thôn Hoà Bình Thượng 101 m2 đất sau đó có đổi phần đất này cho ông Lũng và mua thêm của ông Lũng tổng cộng là 175 m2 (phần đất này giáp thửa đất 200 m2 mua của anh Sơn). Toàn bộ tiền chi phí mua 175 m2 đất này là của gia đình anh Trang bỏ ra. Sau khi mua thửa đất 200 m2, ông Tư nhờ anh Trang trông nom và nộp thuế, sau đó còn nhờ (miệng) anh Trang đứng tên hộ (vì ông Tư sợ anh Hưng là con trai về đòi bán đất) nên năm 1999 anh Trang đã kê khai toàn bộ hai phần đất này là 375 m2 đứng tên anh.

Về thửa đất ao 91 m2: Năm 1992 ông Tư có đơn xin mua diện tích đất “ao hàng” (khoảng 300 m2) để về quê sinh sống, chính quyền xã Tân Tiến đã đồng ý bán cho ông Tư, nhưng sau đó có một số hộ cũng muốn mua nên chính quyền chỉ duyệt bán cho ông Tư 91 m2 (phần còn lại bán cho hai người khác), ông Tư chê hẹp không mua nên anh Trang xin nộp tiền mua xuất ao của ông Tư. Khi chính quyền xã báo nộp tiền, vợ anh Trang là chị Biềng có đưa 2.000.000 đồng cho anh Tiến (là anh trai) đi nộp hộ. Khi giao đất (năm 1994), gia đình anh Trang còn phải bồi thường tiền hoa màu ở bờ ao cho ông Kỷ là 600.000 đồng, gia đình anh đã sử dụng ao để làm dịch vụ ngâm tre gỗ từ đó đến năm 2003 thì san lấp ao và làm lán đựng vật liệu kinh doanh (chi phí san lấp ao và xây lán là 23.000.000 đồng). Tháng 02-2005, gia đình anh tiếp tục san lấp phần đuôi ao thì bà Tuyên ngăn cản và đã phát sinh tranh chấp. Anh Trang khẳng định phần đất này đứng tên ông Tư nhưng là của gia đình anh. Tại bản di chúc do ông Tư và bà Tuyên lập cũng không có thửa đất ao này.

Anh Trang cho rằng phần 200 m2 trong thửa đất 375 m2 là của ông Tư và bà Mai (bà Tuyên không có quyền gì ở phần đất này), còn phần 175 m2 trong thửa đất 375 m2 và thửa đất ao 91 m2 là của gia đình anh Trang nên không chấp nhận yêu cầu của bà Tuyên.

* Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là chị Hoàng Thị Biềng (vợ anh Trang) nhất trí với trình bày của anh Trang. Chị Đàm Thị Biên (con ông Tư, bà Mai và là đại điện cho bà Mai, anh Hưng, chị Uyên, chị Quyên) trình bày: Tháng 8-1993 bố mẹ chị là ông Tư và bà Mai ly hôn, hai bên đã phân chia tài sản chung nhưng thửa đất 200 m2 mua năm 1992 chưa được giải quyết, khi mua thửa đất này chị có đưa cho ông Tư 1.200.000 đồng. Năm 1995 ông Tư lại nhờ anh Trang mua tiếp l75 m2 đất nhưng việc thanh toán tiền cụ thể thế nào chị không nắm được. Còn thửa đất ao chị có nghe ông Tư nói do cái ao sâu, diện tích hẹp nên không lấy mà để cho anh Trang mua. Nay phát sinh việc tranh chấp đất giữa bà Tuyên và anh Trang chị đề nghị Toà án giải quyết theo pháp luật, phần quyền lợi của gia đình chị với bà Tuyên sẽ yêu cầu giải quyết sau.

Tại bản án dân sự sơ thẩm số 13/2007/DSST ngày 06 - 4 - 2007, Toà án nhân dân huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên quyết định:

Chấp nhận yêu cầu khởi kiện cua bà Phạm Thị Tuyên.

Xác định thừa đại diện tích 200 m2 mua tháng 8-1992 (thừa 236 tờ bản đồ số 4) tại thôn Hoà Bình Thượng thuộc quyền sử dụng hợp pháp của ông Đàm Quang Tư. Giao cho bà Tuyên thuộc hàng thừa kế thứ nhất của ông Tư quản lý.

Xác định thửa đất diện tích 176 m2(gồm 101 m2 mua của thôn và 75 m2 mua của ông Lũng) nằm trong thửa 236 tờ bản đồ số 4 tại thôn Hoà Bình Thượng và tài sản trên đất là căn nhà 3 tầng thuộc tài sản chung của ông Tư và bà Tuyên. Giao cho bà Tuyên đựơc quyền quản lý sử dụng.

Xác định thừa đất 470, tờ bản đồ 6 có diện tích 91m2 tại thôn Hoà Bình Hạ là tài sản chung thuộc quyền sử dụng hợp pháp của ông Tư và bà Tuyên. Giao cho bà Tuyên đựơc quyền quản lý sử dụng.

Đối với quyền lợi của gia đình chị Đàm Thị Biên không đặt ra giải quyết trong vụ kiện này.

Buộc anh Đàm Văn Trang và chị Hoàng Thị Biềng trong thời hạn một tháng sau khi án có hiệu lực pháp luật phải có trách nhiệm di dời toàn bộ tài sản (gỗ) trên thửa ao đã san lấp để trả lại quyền sử dụng đất cho bà Tuyên. Mọi chi phí di dời anh Trang và chị Biêng phải chịu trách nhiệm.

Đối về vấn đề công sức trông nom, quản lý đất cho anh Trang và chị Biêng không yêu cầu giải quyết nên không đặt ra xem xét.

Ghi nhận sự tự nguyện của bà Phạm Thị Tuyên bồi thường toàn bộ giá trị san lấp ao cho anh Trang số tiền 16. 177. 000 đồng.

Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn tuyên về án phí và điều kiện thi hành án và quyền kháng cáo của các đương sự.

Ngày 16 - 4 - 2007, anh Đàm Văn Trang kháng cáo bản án sơ thẩm.

Tại bản án dân sự phúc thẩm số 33/2007/DSPT ngày 15-6-2007, Tòa án nhân dân tỉnh Hưng Yên quyết định về cơ bản giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Ngoài ra, bản án phúc thẩm còn tuyên về án phí, điều kiện thi hành án.

Sau khi xét xử phúc thẩm, anh Đàm Văn Trang có nhiều đơn khiếu nại đối với bản án phúc thẩm nêu trên.

Ngày 17-9-2007, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hưng Yên có Báo cáo số 787/BC (kèm theo các tài liệu liên quan) gửi Viện kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm bản án phúc thẩm nêu trên.

Tại Quyết định số43/QĐ-KNGĐT-V5 ngày 07-4-2008, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao kháng nghị bản án phúc thẩm nêu trên; đề nghị Toà dân sự Toà án nhân dân tối cao xét xử huỷ bản án phúc thẩm và giao hồ sơ về cho Toà án cấp phúc thẩm xét xử phúc thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.

Tại Quyết định giám đốc thẩm số197/2008/DS-GĐT ngày 12-8-2008, Toà dân sự Toà án nhân dân tối cao quyết định không chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, giữ nguyên hiệu lực pháp luật của bản án phúc thẩm.

Tại Quyết định số664/2010/KN-DS-TK ngày 23-8-2010, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao kháng nghị quyết định giám đốc thẩm nêu trên và đề nghị Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao xét xử huỷ quyết định giám đốc thẩm, huỷ bản án dân sự phúc thẩm về phần quyết định liên quan đến thửa đất 91 m2 tại thôn Hoà Bình Hạ; giao hồ sơ vụ án về cho Tòa án cấp phúc thẩm xét xử phúc thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.

Tại phiên tòa giám đốc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao chấp nhận kháng nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.

XÉT THẤY:

Trong vụ án này các đương sự tranh chấp quyền sử dụng đối với hai thửa đất gồm: thửa 236 tờ bản đồ số 4 tại thôn Hoà Bình Thượng, xã Tân Tiến, huyện Văn Giang diện tích là 375 m2 và thửa 470 tờ bản đồ số 6 tại thôn Hoà Bình Hạ, xã Tân Tiến, huyện Văn Giang diện tích 91 m2.

Đối với thửa đất 375 m2 tại thôn Hoà Bình Thượng: sau khi Toà án cấp phúc thẩm quyết định các đương sự không khiếu nại về phần này.

Đối với thửa đất (ao) 91 m2 tại thôn Hoà Bình Hạ thì: Các đương sự thừa nhận thửa đất này chưa được cấp “sổ đỏ" nhưng các giấy tờ liên quan đến thửa đất đều đứng tên ông Đàm Quang Tư (chồng bà Tuyên). Theo bà Tuyên thửa đất trên là của ông Tư và bà Tuyên mua của xã Tân Tiến năm 1994 , anh Trang chỉ là người quản lý trông nom hộ. Anh Trang cho rằng thửa đất này ông Tư được chính quyền xã duyệt cho mua ông Tư không mua mà để anh Trang mua nên giấy tờ vẫn đứng tên ông Tư nhưng thửa đất này là của vợ chồng anh Trang.

Các tài liệu có trong hồ sơ vụ án cho thấy:

Năm 1992, ông Đàm Quang Tư (quê tại xã Tân Tiến, huyện Văn Giang) công tác và ở tại tỉnh Điện Biên có nguyện vọng về quê mua đất để chuyển về quê ở nên chính quyền xã Tân Tiến đã duyệt đồng ý bán cho ông Tư khu đất “ao hàng” (khoảng 300 m2) tại thôn Hoà Bình Hạ. Khi thực hiện thì có các hộ đang sử dụng ao cũng có đơn xin mua nên việc mua bán này bị đình lại. Năm 1994 chính quyền xã duyệt bán thửa đất ao trên cho ông Tư cùng hai hộ đang sử dụng ao, ông Tư được duyệt mua 91 m2 nên thửa đất này đứng tên ông Tư. Như vậy, lời khai của anh Trang về nội dung này là có cơ sở và nếu anh Trang được ông Tư cho mua tiêu chuẩn của mình (như anh Trang khai) thì người đứng tên mua thửa đất này vẫn phải là ông Tư (vì chính quyền xã duyệt bán cho ông Tư)

Anh Đàm Văn Trang khai khi được chính quyền xã Tân Tiến duyệt cho mua thửa đất ao này, ông Tư chê diện tích hẹp, ao sâu nên không mua và để anh Trang mua phần của mình. Khi nộp tiền mua đất vợ chồng anh Trang đưa tiền 2.000.000 đồng cho anh Đàm Văn Tiến (là anh trai anh Trang) đi nộp hộ, khi nhận đất anh Trang còn phải bồi thường tiền hoa màu cho anh Phan Văn Kỷ là 600.000 đồng. Lời khai này của anh Trang phù hợp với lời khai của anh Đàm Văn Tiến (là anh trai anh Trang và là bí thư chi bộ, kiêm trưởng thôn lúc bấy giờ) là người trực tiếp nộp tiền mua đất cho anh Trang (bút lục số 94), phù hợp với lời khai của con gái ông Tư là chị Đàm Thị Biên và chị Đàm Thị Minh Uyên xác định ông Tư không mua phần đất ao mà để cho anh Trang mua (bút lục số 93, số 297 và số 44), phù hợp với xác nhận của ông Phan Văn Kỷ xác định anh Trang là người bồi thường hoa màu trên đất cho ông Kỷ (bút lục số 30) và phù hợp với các tình tiết khác có trong hồ sơ vụ án.

Tại biên bản xác định mốc giới ngày 26-4-1999 (bút lục số 22) đối với thửa đất ao này thể hiện chủ sử dụng đất là ông Đàm Văn Tư nhưng theo lời khai của một sô nhân chứng liên quan thì chính anh Trang là người tham gia và viết chữ Đàm Văn Tư tại biên bản này (theo anh Trang khai thì do giấy tờ mua đất đứng tên ông Tư nên anh Trang vẫn khai chủ sử dụng đất đứng tên ông Tư). Trên thực tế thì từ khi mua thửa đất này đến khi tranh chấp gia đình anh Trang là người quản lý, sử dụng và nộp thuế đất, các giấy tờ liên quan đến thửa đất này vẫn do gia đình anh Trang giữ. Ngay sau khi nhận đất (năm 1994) gia đình anh Trang đã sử dụng ao để ngâm tre, gỗ để kinh doanh. Năm 2003 (lúc đó ông Tư còn sống) gia đình anh Trang đã san lấp ao và xây dựng lán để kinh doanh nhưng ông Tư và bà Tuyên không có ý kiến phản đối, chỉ sau khi ông Tư chết (năm 2005) thì mới phát sinh tranh chấp.

Bà Tuyên khai gia đình bà gửi tiền qua đường bưu điện cho anh Trang mua thửa đất này nhưng bà không có tài liệu chứng cứ gì để chứng minh. Tại “Di chúc" đề ngày 17-5-2004 (bút lục số 142) do ông Tư viết, có chữ ký của bà Tuyên thể hiện ông Tư và bà Tuyên có mua được hai thổ đất ở xã Tân Tiến, thổ 1 mua của anh Sơn và xã, thổ 2 mua của ông Thọ có nhà xây cấp 4. . . (thửa đất này sau đó bà Tuyên bán cho anh Trang), mà không thể hiện hay đề cập đến thửa đất ao mà gia đình anh Trang đang sử dụng.

Các nhân chứng là ông Nguyễn Văn Ước nguyên Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã Tân Tiên, ông Nguyễn Hữu Kỷ nguyên là cán bộ địa chính xã (thời kỳ năm 1992-1995) đều chỉ xác nhận thửa đất ao này xã duyệt bán cho ông Tư và ông Tư đứng tên người mua, anh Trang là người nhận đất, còn việc thoả thuận giữa ông Tư và anh Trang như thế nào, thực chất tiền mua đất là của ai thì các ông không biết (bút lục số 88 và số 159).

Như vậy, mặc dù bà Phạm Thị Tuyên cho rằng thửa đất 91 m2 này là của ông Tư và bà Tuyên, các giấy tờ liên quan đến thửa đất (như: giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do Ủy ban nhân dân xã cấp, phiếu thu tiền đất, biên bản xác định mốc giới) đều đứng tên người sử dụng đất là ông Tư; nhóm tổng hợp các tài liệu chứng cứ nêu trên cho thấy anh Trang là người trực tiếp mua và quản lý, sử dụng đối với thửa đất 91 m2 này. Khi giải quyết vụ án, Tòa án các cấp chưa xác minh tại chính quyền địa phương để làm rõ thêm ở thời điểm xét “bán” phần đất này cho ông Tư thì anh Trang có thể đứng tên mua phần đất này được hay không? Toà án cấp sơ thẩm, Tòa án cấp phúc thẩm và Tòa án cấp giám đốc thẩm chỉ căn cứ vào lời khai của bà Tuyên và việc ông Tư đứng tên các giây tờ liên quan đến thửa đất để công nhận thửa đất 91 m2 này thuộc quyền sử dụng hợp pháp của ông Tư và bà Tuyên, đồng thời buộc vợ chồng anh Đàm Văn Trang phải di dời tài sản trên đất để trả lại quyền sử dụng đất cho bà Tuyên là chưa đủ căn cứ, chưa xem xét đầy đủ các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án.

Bản án phúc thẩm đã được thi hành án (anh Trang đã phải giao đất cho bà Tuyên), sau khi xét xử phúc thẩm anh Trang có cung cấp thêm một số tài liệu, Viện kiểm sát nhân dân có thu thập thêm một số tài liệu, chứng cứ mới nên khi giải quyết lại vụ án cũng cần xem xét thêm các tài liệu chừng cứ này và thực tế hiện trạng sử dụng đặt để giải quyết.

Vì các lẽ trên căn cứ vào khoản 3 Điều 297 và khoản 2 Điều 299 Bộ luật tố tụng dân sự;

QUYẾT ĐỊNH:

Hủy Quyết định giám đốc thẩm số197/2008/DS-GĐT ngày 12-8-2008 của Tòa dân sự Tòa án nhân dân tối cao, bản án dân sự phúc thẩm số 33/2007/DSPT ngày 15-6-2007 của Tòa án nhân dân tỉnh Hưng Yên và bản án dân sự sơ thẩm số 13/2007/DSST ngày 06 - 4 - 2007 của Tòa án nhân dân huyện Văn Giang về phần giải quyết vụ án liên quan đến thửa đất 91 m2 tại thôn Hoà Bình Hạ, xã Tân Tiến, huyện Văn Giang trong vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất giữa nguyên đơn là bà Phạm Thị Tuyên với bị đơn là anh Đàm Văn Trang, cùng người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.

Giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.

 

  •  5370
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

0 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…