DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

Quyết định giám đốc thẩm xét xử vụ án dân sự về tranh chấp hợp đồng vay tài sản

Số hiệu

44/2006/DS-GĐT

Tiêu đề

Quyết định giám đốc thẩm xét xử vụ án dân sự về tranh chấp hợp đồng vay tài sản

Ngày ban hành

08/11/2006

Cấp xét xử

Giám đốc thẩm

Lĩnh vực

Dân sự

 

QUYẾT ĐỊNH GIÁM ĐỐC THẨM SỐ44/2006/DS-GĐT /> NGÀY 08-11-2006 VỀ VỤ ÁN “TRANH CHẤP 
VỀ HỢP ĐỒNG VAY TÀI SẢN”

HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
...

Ngày 08 tháng 11 năm 2006, tại trụ sở Toà án nhân dân tối cao đã mở phiên toà giám đốc thẩm xét xử vụ án dân sự về tranh chấp hợp đồng vay tài sản giữa các đương sự:

Nguyên đơn: Ông Lê Văn Niềm; trú tại nhà số 678A xa lộ Hà Nội, phường Thảo Điền, quận 2, thành phố Hồ Chí Minh.

Bị đơn: Công ty trách nhiệm hữu hạn Bào chế Đông dược Thiên Hưng; địa chỉ: nhà số 59/1D Phạm Văn Chiêu, phường 12, quận Gò Vấp, thành phố Hồ Chí Minh; do ông Phạm Thiên Long (Chủ tịch Hội đồng thành viên) và sau đó là bà Trương Ba (Giám đốc) đại diện.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

- Ông Phạm Quốc Thịnh; trú tại nhà số 361 Nguyễn Thượng Hiền, phường 11, quận 10, thành phố Hồ Chí Minh (theo lời khai của nhân thân thì đã xuất cảnh sang định cư ở Mỹ từ cuối tháng 7-2004);

- Bà Lê Thị Hoàng Yến; trú tại nhà số 15/8/1 Lý Thường Kiệt, phường 4, quận Gò Vấp, thành phố Hồ Chí Minh;

- Bà Phạm Thị Tuyết Hường; trú tại nhà số 159/2 Nguyễn Thái Sơn, phường 4, quận Gò Vấp, thành phố Hồ Chí Minh;

- Bà Trần Thị Thanh Thảo; trú tại nhà số 516/33B Thống Nhất, phường 16, quận Gò Vấp, thành phố Hồ Chí Minh.

NHẬN THẤY:

Ngày 16-6-2003, ông Lê Văn Niềm có đơn gửi Viện kiểm sát nhân dân quận Gò Vấp, thành phố Hồ Chí Minh, đề nghị can thiệp buộc ông Phạm Thiên Long và bà Trương Tú Ba phải thanh toán cho ông 500.000.000 đồng và lãi chậm trả, với lý do: Ngày 30-01-2002, ông Phạm Thiên Long - Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Bào chế Đông dược Thiên Hưng (sau đây gọi tắt là Công ty Thiên Hưng) đã ký hợp đồng vay của ông 500.000.000 đồng để sử d��ng vào việc sản xuất thuốc đông dược, lãi suất thoả thuận là 1%/tháng, thời hạn thanh toán là ngày 30-01-2003. Ông Long đã nhận đủ tiền và giao cho bà Phạm Thị Tuyết Hường cất giữ. Hàng tháng, Công ty Thiên Hưng có trả lãi đầy đủ cho ông như đã thoả thuận. Ngày 24-5-2003, ông đã gửi Đơn thông báo rút tiền đến Ban giám đốc Công ty Thiên Hưng, ông Long đã xem và có bút phê đề nghị Phòng Tài chánh của Công ty xem xét giải quyết. Nhưng sau đó bà Trương Tú Ba (vợ ông Long và thời điểm đó là Phó giám đốc điều hành Công ty Thiên Hưng) đã không chấp nhận hoàn trả vốn cho ông với lý do chưa tìm được phiếu thu tiền.

Ngày 19-6-2003, Viện kiểm sát nhân dân quận Gò Vấp đã chuyển đơn của ông Lê Văn Niềm cho Toà án nhân dân quận Gò Vấp giải quyết theo thẩm quyền. Ngày 03-7-2003, ông Niềm có Đơn kiện bổ sung gửi Toà án nhân dân quận Gò Vấp, đề nghị thụ lý và giải quyết vụ án; đồng thời ông Niềm cũng đã nộp tạm ứng án phí sơ thẩm theo quy định của pháp luật. Ngày 04-7-2003, Toà án nhân dân quận Gò Vấp đã thụ lý vụ án.

Ngày 26-02-2004, Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh quyết định lấy vụ án lên giải quyết theo thủ tục sơ thẩm. Quá trình Toà án nhân dân quận Gò Vấp và sau đó là Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh giải quyết vụ án theo thủ tục sơ thẩm, ông Niềm thống nhất trình bày và yêu cầu như nội dung đơn đề ngày 16-6-2003 nêu trên. Ông Niềm còn xuất trình: Hợp đồng vay vốn đề ngày 30-01-2002; Giấy biên nhận tạm đề ngày 04-4-2001 có nội dung ông Long ký nhận vay của ông 100.000.000đ; phiếu thu đề ngày 30-01-2002 có nội dung Công ty Thiên Hưng thu của ông 400.000.000đ và nhiều phiếu chi tiền lãi hàng tháng.

Ông Phạm Thiên Long trình bày: Chữ ký ở phần đại diện bên A trong hợp đồng vay vốn đề ngày 30-01-2002 là của ông, dấu là của Công ty Thiên Hưng, bút phê “Đề nghị Phòng Tài chánh xem và lo giải quyết” tại Đơn thông báo rút tiền vào ngày 01-6-2003 là do ông viết. Tuy nhiên, thực tế ông chỉ vay của ông Niềm 100.000.000 đồng, không nhớ ngày tháng, thời hạn vay là 1 tháng và hết hạn vay thì kế toán là bà Thảo phải chi trả. Ông Niềm đã lợi dụng sự tin tưởng của ông khi giao tiếp công việc hàng ngày, soạn thảo sẵn hợp đồng vay vốn 500.000.000 đồng, để xen lẫn các công văn trình ông ký và do sơ suất nên ông đã ký vào hợp đồng.

Ngày 25-8-2003, ông Long uỷ quyền cho bà Trương Ba đại diện cho Công ty Thiên Hưng tham gia tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án. Đến 
ngày 05-01-2006, Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hồ Chí Minh đã chấp nhận phê chuẩn yêu cầu của Công ty Thiên Hưng xin thay đổi thành viên, theo đó bà Trương Ba là Giám đốc Công ty Thiên Hưng. Ngày 01-02-2006, ông Long qua đời do tuổi già.

Bà Trương Ba (Giám đốc Công ty Thiên Hưng) không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Niềm với lý do: Ông Phạm Thiên Long không vay tiền, vàng của ông Niềm. Chứng cứ ông Niềm xuất trình chỉ là nợ khống. Thực tế ông Long có cho các con gồm bà Hiền, bà Hường, ông Thái, ông Thanh mỗi người 50.000.000 đồng, cho cháu ngoại là Duy 190.000.000 đồng trong phần vốn của Công ty. Sau đó, ông Long thêm 110.000.000 đồng để đủ thành 500.000.000 đồng. Đến năm 2001 thì chuyển phần vốn này sang tên ông Niềm để hàng tháng ông Niềm được hưởng 5.000.000 đồng tiền lãi. Tất cả các phiếu thu, chứng từ đều có thật nhưng vốn là của ông Long.

Tại bản án dân sự sơ thẩm số 1686/DSST ngày 05-8-2005, Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã căn cứ vào khoản 1 Điều 467 và khoản 5 
Điều 471 BLDS năm 1995, quyết định:

Buộc Công ty trách nhiệm hữu hạn Bào chế Đông dược Thiên Hưng do ông Phạm Thiên Long làm Chủ tịch hội đồng thành viên có trách nhiệm phải trả cho ông Lê Văn Niềm 149.725.000 đồng (trong đó bao gồm vốn 100.000.000 đồng và lãi 49.725.000 đồng), trả ngay sau khi án có hiệu lực pháp luật.

Huỷ hợp đồng vay tiền số 07-2002/HĐVV ngày 30-01-2002 giữa Công ty trách nhiệm hữu hạn Bào chế Đông dược Thiên Hưng với ông Lê Văn Niềm.

Ngoài ra, tại bản án sơ thẩm còn có các quyết định khác về trách nhiệm do chậm thi hành án, về án phí và quyền kháng cáo theo luật định.

Tại đơn kháng cáo đề ngày 10-8-2005 và Đơn kháng cáo bổ sung đề 
ngày 15-8-2005, ông Lê Văn Niềm đề nghị Toà án cấp phúc thẩm buộc Công ty Thiên Hưng phải trả cho ông số nợ gốc là 500.000.000 đồng và tiền nợ lãi chậm trả phát sinh theo quy định của pháp luật.

Tại đơn kháng cáo đề ngày 16-8-2005, Công ty Thiên Hưng đề nghị Toà án cấp phúc thẩm bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông Niềm.

Tại bản án dân sự phúc thẩm số 69/DSPT ngày 06-3-2006, Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh đã căn cứ vào khoản 1 
Điều 467 và khoản 5 Điều 471 Bộ luật dân sự năm 1995, quyết định:

Chấp nhận yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn, không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bị đơn. Sửa bản án sơ thẩm.

Xử: Buộc Công ty trách nhiệm hữu hạn Bào chế Đông dược Thiên Hưng do bà Trương Ba làm giám đốc có trách nhiệm trả ông Lê Văn Niềm 621.875.000 đồng (sáu trăm hai mươi mốt triệu, tám trăm bảy mươi lăm ngàn). Trong đó bao gồm 500.000.000 đồng tiền vốn và 121.875.000 đồng tiền lãi.

Ngoài ra, tại bản án phúc thẩm còn có các quyết định khác về án phí và trách nhiệm do chậm thi hành án.

Tại Đơn khiếu nại đề ngày 22-3-2006, Công ty Thiên Hưng cho rằng Toà án cấp phúc thẩm buộc Công ty phải trả cho ông Niềm 500.000.000 đồng và lãi chậm trả là không đúng, bởi lẽ: Trong quá trình giải quyết vụ án, chính ông Niềm thừa nhận hợp đồng vay vốn ngày 30-01-2002 chỉ là để hợp thức hoá các khoản ông đã cho ông Long vay trước đó. Nếu có việc vay nợ thì đó là quan hệ cá nhân giữa ông Long và ông Niềm. Bên cạnh đó, các khoản chi tiền lãi cho ông Niềm không được phản ánh tại sổ sách kế toán của Công ty Thiên Hưng.

Tại Quyết định kháng nghị số80/QĐKNGĐT-DS ngày 28-8-2006, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã quyết định: Kháng nghị bản án dân sự phúc thẩm số 69/2006/DSPT ngày 06-3-2006 của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh và đề nghị Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm huỷ bản án phúc thẩm nêu trên và huỷ bản án dân sự sơ thẩm số 1686/2005/DSST ngày 05-8-2005 của Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, giao hồ sơ vụ án cho Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh xét xử sơ thẩm lại, với nhận định: “Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh dựa vào các tài liệu do ông Niềm xuất trình gồm Hợp đồng vay vốn ngày 30-01-2002; Giấy biên nhận tạm đề ngày 04-4-2001; phiếu thu tiền đề ngày 30-01-2002 và các phiếu chi tiền lãi trả ông Niềm hàng tháng để buộc Công ty Thiên Hưng phải trả cho ông Niềm tổng cộng 621.875.000đ là chưa có căn cứ vững chắc, cần được xem xét lại”.

Tại phiên toà giám đốc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao vẫn giữ nguyên quan điểm như đã nêu trong kháng nghị.

XÉT THẤY:

Ông Lê Văn Niềm xuất trình Hợp đồng vay vốn số 07-2002/HĐVV 
ngày 30-01-2002 có nội dung bên B (ông Niềm) đồng ý cho bên A (Công ty Thiên Hưng) vay 500.000.000 đồng để sử dụng sản xuất thuốc đông dược, lãi suất 1%/tháng, nhưng thừa nhận ngày 30-01-2002 ông không giao tiền cho Công ty Thiên Hưng; hợp đồng vay vốn là để hợp thức hoá nhiều khoản vay trước đó. Ngoài bản hợp đồng vay vốn nói trên, ông Niềm còn xuất trình: Đơn thông báo rút tiền vào ngày 01-6-2003, có nội dung xin Ban giám đốc cho tôi được rút số vốn mà tôi đã cho Công ty vay số tiền là 500.000.000 đồng, và ông Long đã có bút phê là “Đề nghị Phòng Tài chánh xem và lo giải quyết” và một số phiếu chi tiền lãi từ tháng 01-2002 đến hết tháng 4-2003. Các tài liệu do ông Niềm xuất trình phù hợp với lời khai xác nhận của bà Phạm Thị Tuyết Hường (con riêng của ông Phạm Thiên Long, nguyên thủ quỹ Công ty Thiên Hưng), có nội dung là ông Long nhiều lần nhận tiền của ông Niềm và giao cho bà cất vào két của Công ty và khi ông Niềm có đơn xin rút tiền thì ông Long đã hỏi bà về khả năng tiền mặt ở quỹ của Công ty. Bà Lê Thị Hoàng Yến (nguyên kế toán Công ty Thiên Hưng) và bà Trần Thị Thanh Thảo (nguyên kế toán trưởng Công ty Thiên Hưng) cũng xác nhận nhiều lần chi trả tiền lãi cho ông Niềm mỗi tháng 5.000.000 đồng theo lệnh của ông Long. Nhiều nhân viên khác của Công ty Thiên Hưng khẳng định Công ty có chủ trương huy động vốn của nhân viên và có trả lãi. Ông Phạm Quốc Thịnh (con riêng của ông Phạm Thiên Long, nguyên thành viên Công ty Thiên Hưng) và ông Phạm Quốc Thái (con riêng của ông Phạm Thiên Long, nguyên Phó Giám đốc điều hành Công ty Thiên Hưng) đều có lời khai xác nhận tuy không trực tiếp chứng kiến nhưng có nghe ông Long nói lại việc Công ty Thiên Hưng vay tiền của ông Niềm và khi tổng hợp số liệu tài chính thì thấy có phản ánh việc Công ty Thiên Hưng vay tiền của ông Niềm. Như vậy, Toà án cấp phúc thẩm xác định tuy ngày 30-01-2002, ông Niềm không giao cho ông Long 400.000.000 đồng như nội dung phiếu thu tiền cùng ngày, nhưng có đủ cơ sở xác định Công ty Thiên Hưng có vay tiền của ông Niềm 500.000.000 đồng và có trả lãi cho ông Niềm trong một khoảng thời gian dài theo thoả thuận là có căn cứ. Việc ông Phạm Thiên Long cho rằng ông Niềm đã lợi dụng sự tin tưởng của ông để trình ký khống hợp đồng hay việc bà Trương Ba cho rằng số tiền 500.000.000 đồng là phần vốn của ông Long cho các con, cháu và để ông Niềm đứng tên trong hợp đồng để hàng tháng ông Niềm được hưởng 5.000.000đ tiền lãi đều là không có cơ sở để chấp nhận.

Tại phiên toà sơ thẩm, ông Niềm vẫn khai như đã trình bày trong quá trình tố tụng là Công ty Thiên Hưng vay lần đầu 100.000.000 đồng (đã phản ánh tại giấy biên nhận tạm ngày 04-4-2001), phiếu thu ngày 30-01-2002 chỉ ghi 400.000.000 đồng vì số này ông đưa vay sau; không hề khai 400.000.000 đồng là đưa bằng vàng như kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã nêu ra.

Ông Niềm chỉ có nghĩa vụ chứng minh là đã cho Công ty Thiên Hưng vay 500.000.000 đồng, chứ không phải chứng minh số tiền đã cho Công ty Thiên Hưng vay có được phản ánh trong hệ thống sổ sách kế toán của Công ty Thiên Hưng hay không?. Bà Ba cho rằng Công ty Thiên Hưng không vay tiền của ông Niềm vì trong sổ sách kế toán của Công ty không phản ánh số nợ gốc cũng như số tiền lãi đã trả. Tuy nhiên, vấn đề bà Ba trình bày thuộc phạm vi quản lý tài chính nội bộ của Công ty Thiên Hưng; việc Công ty Thiên Hưng có một hệ thống sổ sách kế toán (như bà Ba khẳng định) hay có hai hệ thống sổ sách kế toán (như bà Yến, bà Hường đã khai) đều không làm thay đổi nghĩa vụ trả nợ của Công ty Thiên Hưng đối với ông Niềm.

Bản án phúc thẩm chấp nhận yêu cầu đòi nợ của ông Niềm đối với Công ty Thiên Hưng là có căn cứ, đúng pháp luật. Vì vậy, không có cơ sở chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Bởi các lẽ trên, căn cứ vào khoản 3 Điều 291; khoản 1 Điều 297 Bộ luật tố tụng dân sự.

QUYẾT ĐỊNH:

- Không chấp nhận Quyết định kháng nghị số80/QĐ-KNGĐT-V5 /> ngày 28-8-2006 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, giữ nguyên bản án dân sự phúc thẩm số 69/DSPT ngày 06-3-2006 của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh.

- Bản án dân sự phúc thẩm số 69/DSPT ngày 06-3-2006 của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục có hiệu lực pháp luật.

____________________________________________

- Lý do không chấp nhận kháng nghị:

Quyết định của bản án phúc thẩm là đúng pháp luật, phù hợp với các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án.

 

  •  4557
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

0 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…