DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

Quyết định giám đốc thẩm xét xử vụ án dân sự về "Đòi tài sản" giữa ông Bảo Hoài và bà Nguyễn Thị Thạnh

Số hiệu

30/2010/DS-GĐT

Tiêu đề

Quyết định giám đốc thẩm xét xử vụ án dân sự về "Đòi tài sản" giữa ông Bảo Hoài và bà Nguyễn Thị Thạnh

Ngày ban hành

12/07/2010

Cấp xét xử

Giám đốc thẩm

Lĩnh vực

Dân sự

 

Ngày 12 tháng 7 năm 2010, tại trụ sở Tòa án nhân dân tối cao đã mở phiên tòa giám đốc thẩm xét xử vụ án dân sự về “Đòi tài sản” giữa các đương sự:

Nguyên đơn: Ông Bảo Hoài sinh năm 1951, định cư tại Hoa Kỳ (địa chỉ: 10772 Capital Ave Garden Grove CA 92843, USA), ủy quyền cho ông Nguyễn Phước Bảo Huy sinh năm 1950, trú tại tổ 8/1, phường Vĩnh Trung, quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng đại diện (văn bản ủy quyền ngày 21-10-2002).

Bị đơn: Bà Nguyễn Thị Thạnh sinh năm 1965; trú tại 376A Lê Văn Hiến, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng.

NHẬN THẤY:

Tại đêm khởi kiện ngày 10-7-2002 và trong quá trình tố tụng, nguyên đơn là ông Bảo Hoài (do ông Nguyễn Phước Bảo Huy đại diện theo ủy quyền) trình bày:

Ông Bảo Hoài và bà Nguyễn Thị Thạnh có quan hệ tình cảm với nhau từ năm 1996; ngày 11-10-1997 hai người tổ chức lễ đính hôn và ngày 20-6-1998 tổ chức lễ thành hôn, nhưng chưa đăng ký kết hôn.

Từ năm 1998 đến năm 2001, ông Bảo Hoài (từ Mỹ) gửi tiền về Việt Nam cho bà Nguyễn Thị Thạnh khoảng 70.000 USD (có lúc khai là gửi 63.382 USD BL149) để bà Thạnh mua 3 căn nhà và đứng tên, cụ thể như sau:

- Mua căn nhà 34 Phan Tứ, thành phố Đà Nẵng, giá 8 lượng vàng; sau khi mua đã chi phí cho việc sửa chữa nhà hết 4 lượng vàng; tổng cộng 12 lượng vàng, nhưng bà Thạnh để cho ông Nguyễn Văn Cường (là anh ruột của bà Thạnh) đứng tên chủ quyền nhà này.

- Mua căn nhà 412 Lê Văn Hiến, giá 44 lượng vàng để mở nhà hàng “Hoài Thanh” cho bà Thạnh buôn bán. Ông Bảo Hoài còn gửi thêm 2000 USD cho bà Thạnh để làm chủ quyền nhà này (bà Thạnh đứng tên nhà này) .

- Mua căn nhà 376A Lê Văn Hiến, giá 90 lượng vàng để làm nhà hàng “Như Ý”, nhưng bà Thạnh để cho cụ Huỳnh Thị Bán (là mẹ bà Thạnh) đứng tên nhà đất này.

Ngoài ra, ông Bảo Hoài còn gửi về cho bà Thạnh các tài sản: như ti vi, xe máy (xe Wave của Thái Lan) và gửi qua người quen đưa trực tiếp cho bà Thạnh khoảng 30.000 USD. Bà Thạnh có gửi cho ông Bảo Hoài một số bức ảnh chụp các căn nhà bà Thạnh đã mua.

Do bà Nguyễn Thị Thạnh không làm thủ tục xác lập quan hệ hôn nhân hợp pháp với ông Bảo Hoài, để người thân trong gia đình bà Thạnh đứng tên hai trong ba căn nhà mà ông Bảo Hoài gửi tiền về để mua nêu trên và cắt liên lạc với ông Bảo Hoài từ tháng 8-2001 đến nay, nên yêu cầu bà Nguyễn Thị Thạnh trả cho ông Bảo Hoài 3 căn nhà nêu trên; ti vi, xe máy nêu trên và yêu cầu kê biên các nhà này để đảm bảo thi hành án.

Tại phiên tòa sơ thẩm ngày 27-12-2005, ông Bảo Huy (đại diện theo uỷ quyền của ông Bảo Hoài) chỉ yêu cầu bà Nguyễn Thị Thạnh trả cho ông Bảo Hoài 46.422 USD và kê biên 3 căn nhà nêu trên để bảo đảm thi hành án (số tiền còn lại thì ông Bảo Hoài chưa đủ điều kiện chứng minh, nên chưa yêu cầu giải quyết trong vụ án này) .

Bị đơn là bà Nguyễn Thị Thạnh trình bày:

- Bà thừa nhận đã đính hôn với ông Bảo Hoài và đã làm lễ thành hôn với ông Bảo Hoài, nhưng chưa đăng ký kết hôn. Sau lễ thành hôn, ông Bảo Hoài trở lại Mỹ. Trong thời gian ở Mỹ, ông Bảo Hoài đã nhiều lần gửi tiền (đô la Mỹ) về Việt Nam cho bà, nhưng bà không nhớ tổng số tiền ông Hoài gửi về là bao nhiêu. Mục đích ông Bảo Hoài gửi tiền về là để xây mộ cho gia tộc ông Bảo Hoài ở Đà Nẵng và ở Huế, đồng thời gửi cho mẹ và chị em ruột của ông Bảo Hoài. Sau khi nhận tiền, bà đã giao tiền lại cho những người theo đúng yêu cầu của ông Bảo Hoài; bà chỉ giữ lại khoản tiền nào mà ông Hoài gửi về cho riêng bà và con của bà (con riêng của bà với chồng cũ).

- Ông Bảo Hoài không gửi tiền về cho bà mua nhà. Nhà 34 đường Phan Tứ, thành phố Đà Nẵng của cụ Huỳnh Thị Bán (mẹ của bà) và cụ đã bán cho người khác. Nhà 376A Lê Văn Hiến (Nhà hàng “Như Ý”) cũng là tài sản của cụ Huỳnh Thị Bán. Căn nhà 412 Lê Văn Hiến (Nhà hàng “Hoài Thanh”): đây là nhà của ông Nguyễn Văn Trung (anh ruột bà); trước đây ông Bảo Hoài làm thủ tục bảo lãnh bà sang Mỹ du lịch, nhưng với điều kiện phải có tài sản ở Việt Nam, nên ông Nguyễn Văn Trung đã sang tên nhà này cho bà; do không đi Mỹ du lịch được nên bà đã đứng tên bán nhà này cho người khác (có lúc bà Thạnh khai là ông Trung lấy lại nhà và bán cho người khác BL 13).

Bà có gửi cho ông Bảo Hoài một số bức ảnh chụp nhà 376A Lê Văn Hiến và nhà 34 Phan Tứ (hai căn nhà của cụ Huỳnh Thị Bán), để ông Bảo Hoài gửi tiền về cho bà sửa chữa nhà để buôn bán, nhưng ông Bảo Hoài không gửi tiền về.

Bà không đồng ý yêu cầu đòi lại tiền của ông Bảo Hoài.

Tại bản án dân sự sơ thẩm số 10/2005/DSST ngày 27/12/2005, Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng quyết định:

Áp dụng Điều 312 Bộ luật dân sự và Nghị định số 70/CP ngày 12-6-1997 của Chính Phủ, chấp nhận yêu cầu đòi lại tài sản do vi phạm nghĩa vụ của ông Bảo Hoài đối với bà Nguyễn Thị Thạnh.

Tuyên xử:

Buộc bà Thạnh phải hoàn trả cho ông Hoài 46.422 USD đã nhận (quy ra tiền Việt Nam là 737.181.360 đồng).

Kể từ ngày ông Bảo Hoài có đơn yêu cầu thi hành án. Bà Nguyễn Thị Thạnh không tự nguyện thi hành thì hàng tháng phải chịu thêm khoản tiền lãi theo mức lãi suất nợ quá hạn do Ngân hàng nhà nước quy định đối với khoản tiền phải thi hành tương ứng với thời gian chậm thực hiện nghĩa vụ.

Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn quyết định về án phí.

Ngày 29/12/2005 bà Nguyễn Thị Thạnh kháng cáo với nội dung: bà không vay mượn tiền của ông Bảo Hoài, nên không đồng ý trả tiền cho ông Bảo Hoài.

Tại quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm số 45/2006/ĐSPT/QĐ ngày 11-7-2006, Tòa Phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Đà Nẵng quyết định:

1- Đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với kháng cáo của bà Nguyễn Thị Thạnh.

2- Bản án dân sự sơ thẩm số 10/2005/DSST ngày 27-12-2005 của Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng có hiệu lực pháp luật kể từ ngày ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm.

3- Sung công tạm ứng án phí phúc thẩm bà Nguyễn Thị Thạnh đã nộp theo biên lai số 001357 ngày 06-01-2006 tại Thi hành án dân sự thành phố Đà Nẵng.

San đó, bà Nguyễn Thị Thạnh có đơn khiếu nại Quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm nêu trên.

Tại Quyết định số307/2009/KN-DS ngày 25 tháng 6 năm 2009, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao kháng nghị Quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm số 45/2006/DSPT/QQĐ ngày 11-7-2006 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Đà Nẵng; đề nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm hủy Quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm nêu trên; giao hồ sơ vụ án cho Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Đà Nẵng xét xử phúc thẩm lại theo quy định của pháp luật.

Tại phiên tòa giám đốc thẩm, Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao nhất trí với Quyết định kháng nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.

XÉT THẤY:

Ngày 6-4-2006, Tòa án cấp phúc thẩm ra Quyết định đưa vụ án ra xét xử vào ngày 21-4-2006. Ngày 17-4-2006, bà Nguyễn Thị Thạnh có đơn xin hoãn phiên tòa. Tòa án cấp phúc thẩm chấp nhận đơn xin hoãn phiên tòa của bà Nguyễn Thị Thạnh và đã ra Quyết định hoãn phiên tòa ngày 21-4-2006.

Ngày 21-4-2006 Tòa án cấp phúc thẩm ra Quyết định đưa vụ án ra xét xử vào hồi 7 giờ 30 phút ngày 26-4-2006, nhưng trong hồ sơ vụ án không có bản lưu giấy triệu tập phiên tòa và không có bản lưu biên bản giao giấy triệu tập phiên tòa cho bà Nguyễn Thị Thạnh hoặc người thân thích của bà Nguyễn Thị Thạnh nên chưa có cơ sở xác định bà Thạnh đã nhận được giấy triệu tập phiên tòa này hay không.

Ngày 25-5-2006 Tòa án cấp phúc thẩm lại ra Quyết định đưa vụ án ra xét xử vào ngày 01-6-2006. Phiên tòa phúc thẩm được mở ngày 01-6-2006, hai bên đương sự có mặt tại phiên tòa. Hội đồng xét xử phúc thẩm quyết định hoãn phiên tòa để làm rõ một số tình tiết của vụ án.

Ngày 28-6-2006 Tòa án cấp phúc thẩm ra Quyết định đưa vụ án ra xét xử vào hồi 7 giờ 30 phút ngày 1-6-2006 là nhầm ngày mở phiên tòa, nên không thể quy lỗi cho đương sự về việc vắng mặt tại phiên tòa lần này.

Tại giấy báo phiên tòa số 2054/TPT ngày 23-6-2006, Tòa án cấp phúc thẩm yêu cầu bà Nguyễn Thị Thạnh (địa chỉ lô 105 khu B6 - Dũng Sỹ Thanh Khê, phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng) có mặt tại “23 Trần Phú, thành phố Đà Nẵng” để tham dự phiên tòa vào lúc 7 giờ 30 phút ngày 11-7-2006. Tại giấy báo phiên tòa số 2054/TPT ngày 23-6-2006, Tòa án cấp phúc thẩm yêu cầu bà Nguyễn Thị Thạnh (địa chỉ số 376A Lê Văn Hiến, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng) có mặt tại “23 Trần Phú, thành phố Đà Nẵng” để dự phiên tòa vào hồi 7 giờ 30 phút ngày 11-7-2006. Trong hồ sơ vụ án có “Giấy xác nhận” ngày 26-7-2006 (sau ngày Tòa án cấp phúc thẩm ra Quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm) gửi Bưu điện hệ 1 thành phố Đà Nẵng (không ghi tên cơ quan hoặc cá nhân đề nghị xác nhận) có nội dung. “Tòa phúc thẩm tại Đà Nẵng có gửi công văn theo địa chỉ sau: 1) Công văn số 2058 ngày 28-6-2006, Nguyễn Thị Thạnh, địa chỉ 367A Lê Văn Hiến, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng; 2) Công văn số 2058 ngày 28-6-2006, bà Nguyễn Thị Thạnh lô l05B, đường Dũng Sỹ Thanh Khê, Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng; đề nghị Bưu điện hệ 1 thành phố Đà Nẵng xác nhận đã chuyển hai công văn trên đến địa chỉ người nhận”. Cũng tại "Giấy xác nhận” này, ngày 27-7-2006 Bưu điện hệ 1 thành phố Đà Nẵng xác nhận rằng: “ngày 28/6 có nhận của Tòa phúc thẩm tại Đà Nẵng: 1 công văn EMS; 2 bưu kiện; 95 công văn thường”. Tuy nhiên không có cơ sở xác định bà Nguyễn Thị Thành đã nhận được các giấy báo để tham gia phiên tòa phúc thẩm vào hồi 7 giờ 30 phút ngày 11-7-2006 nêu trên. 

Từ sự phân tích nêu trên cho thấy chỉ có cơ sở xác định Tòa án cấp phúc thẩm đã 2 lần triệu tập phiên tòa hợp lệ vào ngày 21-4-2006 và ngày 25-5-2006; trong đó một lần Tòa án cấp phúc thẩm chấp nhận yêu cầu của bà Nguyễn Thị Thạnh và đã ra Quyết định hoãn phiên tòa, một lần Tòa án cấp phúc thẩm chủ động hoãn phiên tòa để làm rõ một số tình tiết của vụ án. Quyết định đưa vụ án ra xét xử ngày 28-6-2006, nhưng lại triệu tập phiên tòa phúc thẩm vào hồi 7 giờ 30 phút ngày 1-6-2006, là nhầm ngày mở phiên tòa, nên coi như Tòa án cấp phúc thẩm không triệu tập đương sự hoặc triệu tập không hợp lệ.

Tòa án cấp phúc thẩm cho rằng bà Nguyễn Thị Thạnh (người kháng cáo) đã được triệu tập hợp lệ, nhưng vắng mặt nhiều lần và bị coi là từ bỏ việc kháng cáo để ra Quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm vào ngày 11-7-2006 là vi phạm nghiêm trọng tố tụng.

Vì các lẽ trên, căn cứ khoản 3 Điều 291, khoản 3 Điều 297 và khoản 3 Điều 299 Bộ luật tố tụng dân sự;

QUYẾT ĐỊNH:

1. Hủy Quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm số 45/2006/DSPT/QĐ ngày 11-7-2006 của Tòa Phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Đà Nẵng về vụ án dân sự “Đòi tài sản” giữa nguyên đơn là ông Bảo Hoài với bị đơn là bà Nguyễn Thị Thạnh.

2. Giao hồ sơ vụ án cho Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Đà Nẵng xét xử phúc thẩm lại theo quy định của pháp luật.

 

  •  4719
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

0 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…