DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

Quyết định giám đốc thẩm vụ án dân sự Tranh chấp về thừa kế tài sản giữa các đương sự Nguyễn Quốc Bảo và bà Nguyễn Thị Tập

Số hiệu

13/2011/DS-GĐT

Tiêu đề

Quyết định giám đốc thẩm vụ án dân sự Tranh chấp về thừa kế tài sản giữa các đương sự Nguyễn Quốc Bảo và bà Nguyễn Thị Tập

Ngày ban hành

23/03/2011

Cấp xét xử

Giám đốc thẩm

Lĩnh vực

Dân sự

 

.....

Ngày 23 tháng 3. năm 2011, tại trụ sở Tòa án nhân dân tối cao mở phiên tòa xét xử giám đốc thẩm vụ án dân sự “Tranh chấp về thừa kế tài sản” giữa các đương sự:

Nguyên đơn: ông Nguyễn Quốc Bảo sinh năm 1942; trú tại thôn Nhồi Dưới, xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội.

Bị đơn: Bà Nguyễn Thị Tập sinh năm 1959; trú tại thôn Nhồi Dưới xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội.

Nguời có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

1. Chị Hoàng Thị Mỹ, sinh năm 1980.

2. Anh Hoàng Công Đức sinh năm 1983.

3. Anh Hoàng Công Điệp sinh năm 1986.

4. Bà Hoàng Thị Luyến sinh năm 1936.

5 . Ông Hoàng Công Viêm sinh năm 1939.

Tất cả những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trên đều trú tại thôn Nhồi Dưới, xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội.

6. Bà Hoàng Thị Luân sinh năm 1949; trú tại thôn Nội An, xã Đại Yên, huyện Chương Mỹ, tỉnh Hà Tây (nay là thành phố Hà Nội).

7. Bà Hoàng Thị Luận sinh năm 1951; trú tại thôn Cầu Cả, xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội.

8. Bà Hoàng Thị Tám sinh năm 1954, trú tại Cổ Dương, Tiên Dương, Đông Anh, Hà Nội.

NHẬN THẤY:

Tại đơn khởi kiện ngày 06/01/2005 và trong quá trình giải quyết vụ án, ông Nguyễn Quốc Bảo trình bày:

Cụ Hoàng Công Viu (chết năm 1971) có 3 người vợ:

- Vợ thứ nhất (không rõ tên) chết khi chưa có con;

- Vợ thứ hai là cụ Nguyễn Thị Sáu (chết năm 1946) có hai người con chung là ông Hoàng Công Viêm và bà Hoàng Thị Luyến;

- Vợ thứ ba là cụ Nguyễn Thị Lai (chết năm 1999) có 5 người con chung là bà Hoàng Thị Luân, bà Hoàng Thị Luận, bà Hoàng Thị Tám, bà Hoàng Thị Bảy (chết không có chồng con) và ông Hoàng Công Vỹ (chết năm 1990 có vợ là bà Nguyễn Thị Tập và 3 con là các anh, chị Hoàng Thị Mỹ, Hoàng Công Điệp và Hoàng Công Đức).

Trước khi chung sống với cụ Viu, cụ Lai đã có một người con riêng là ông Nguyễn Quốc Bảo (nguyên đơn trong vụ án).

Cụ Viu được thừa kế của cha, mẹ nhiều nhà, đất. Khi còn sống cụ Viu, cụ Lai đã phân chia nhà, đất cho các con, những người được cho đã nhận nhà đất sử dụng không có tranh chấp nên cụ Viu và cụ Lai chỉ quản lý, sử dụng nhà trên diện tích 424m2 đất. Năm 1993 cụ Lai đăng ký kê khai được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Ngày 30/12/1994 cụ Lai lập di chúc để lại cho ông (Bảo) toàn quyền sử dụng nhà đất của hai cụ (hiện nay do mẹ con bà Tập chiếm giữ, sử dụng) nên đề nghị công nhận ông có quyền sử dụng nhà đất nêu trên.

Bị đơn là bà Tập cho rằng diện tích đất tranh chấp khi còn sống cụ Viu đã cho chồng bà là ông Hoàng Công Vỹ. Năm 1984 ông Vỹ kê khai đứng tên trên bản đồ của xã: Sau khi cụ Viu chết, cụ Lai đến sống chung với vợ chồng bà. Năm 1990 chồng bà chết, nên cụ Lai về ở với ông Bảo, nhà đất có tranh chấp vẫn do mẹ con bà quản lý, sử dụng đến nay. Năm 1993 cụ Lai kê khai, được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là không đúng, vì đất vợ chồng bà sử dụng liên tục nên mẹ con bà có quyền sử dụng; do đó, không chấp nhận yêu cầu của ông Bảo.

Những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (là các con của cụ Viu với cụ Sáu cụ Lai) trình bày: cụ Viu có nhiều nhà đất và khi còn sống đã chia cho các con, làm nhà sử dụng ổn định không tranh chấp, cụ thể là: chia cho ông Bảo 214m2 đất, hiện nay ông Bảo đang sử dụng làm nhà ở; chia cho ông Vỹ 887m2 đất ở và 250m2 đất vườn, năm 1974 ông Vỹ bán đất vườn cho bà Nhị phần còn lại gia đình xây dựng nhà 2 tầng hiện mẹ con bà Tập quản lý, sử dụng; chia cho ông Viêm 760m2 đất ở có nhà cổ và 300m2 đất ao liền kề, hiện ông Viêm quản lý, sử dụng; do đó, không yêu cầu chia thừa kế mà yêu cầu bà Tập trả 424m2 đất cho ông Bảo theo di chúc của cụ Lai.

Tại bản án dân sự sơ thẩm số 07/2006/DSST ngày 27/02/2006, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội quyết định:

Xác định tài sản chung của cụ Hoàng Công Viu, cụ Nguyễn Thị Sáu và cụ Nguyễn Thị Lai gồm:

+ 424m2 đất ở thửa số 126 tờ bản đồ 6A đứng tên chủ sử dụng là cụ Nguyên Thị Lai tại xã Cổ Loa, Đông Anh, Hà Nội, hiện nay bà Nguyễn Thị Tập đang quản lý. Giá trị là 424m2 đất x 2.000.000 đồng/m2=848.000.000 đồng.

+ Một nhà cổ 5 gian xây gạch khung gỗ lợp ngói hiện nay ông Hoàng Công Viêm đang quản lý làm nơi thờ cúng. Các thừa kế không yêu cầu chia.

Ghi nhận sự tự nguyện thỏa thuận của các thừa kế (các con cụ Viu, cụ Sáu, cụ Lai) giao cho ông Hoàng Công Viêm quản lý nhà cổ 5 gian làm nơi thờ cúng (là tài sản thuộc sở hữu chung của các thừa kế chưa chia).

- Xác định cụ Nguyễn Thị Lai có công sức duy trì khối tài sản chung bằng 1/4 khối tài sản.

- Thanh toán tài sản chung cua vợ chồng 424m2 : 4= 106m2 đất.

Cụ Viu có 106m2 đất; cụ Sáu có 106m2 đất; cụ Lai có 106m2 đất kỷ phần + 106m2 đất công sức= 212m2 đất.

- Xác định cụ Nguyễn Thị Sáu chết năm 1946, cụ Hoàng Công Viu chết năm 1971 cụ Viu, cụ Sáu chết không để lại di chúc; thời hiệu khởi kiện chia thừa kế đã chết.

- Xác định di sản của cụ Sáu có 106m2 đất và cụ Viu có 106m2 đất. Cộng của cụ Sáu và cụ Viu có 212m2 đất, trên đất không có tài sản, hiện nay bà Nguyễn Thị Tập đang quản lý, nay tiếp tục giao cho bà Tập và các con bà Tập quản lý, sử dụng 212m2 đất của cụ Viu, cụ Sáu.

- Xác định thời điểm mở thừa kế của cụ Nguyễn Thị Lai năm 1999. Di sản của cụ Nguyễn Thị Lai có 212m2 đất thửa số 126 tờ ban đồ số 6A xã Cổ Loa đứng tên chủ sử dụng Nguyễn Thị Lai, hiện nay bà Nguyễn Thị Tập đang quản lý.

- Xác định di chúc của cụ Lai cho ông Bảo sử dụng đất lập ngày 30/7/1994 hộ pháp một phần. Giao cho ông Bảo sử dụng 212m2 đất thửa số 126 tờ bản đồ 6A xã Cổ Loa được chia làm hai phần bằng nhau. Lấy điểm A nằm giữa cạnh tiếp giáp với đường xóm và lấy điểm B nằm giữa cạnh tiếp giáp đất nhà ông Lương. Kéo một đường thẳng nối điểm A với điểm B chia thửa đất làm hai phần bằng nhau (mỗi phần có diện tích 212m2). Phần đất phía tay phải từ đường xóm nhìn vào (có nhà do bà Tập làm) được giao cho mẹ con bà Nguyễn Thị Tập sử dụng. Phần đất còn lại phía tay trái từ đường xóm nhìn vào giao cho ông Nguyễn Quốc Bảo sử dụng (có sơ đồ kèm theo).

- Ông Nguyễn Quốc Bảo được sở hữu cây cối, tường bao, nằm trên phần đất được chia sử dụng và phải có trách nhiệm thanh toán giá trị cây cối, tường bao, công san lấp cho bà Nguyễn Thị Tập là 8.082.500 đồng.

Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn quyết định về án phí và tuyên quyền kháng cáo của các đương sự.

Ngày 06/3/2006 bà Tập kháng cáo cho rằng Tòa án cấp sơ thẩm xét xử vắng mặt bà là vi phạm tố tụng và đề nghị xem xét lại toàn bộ bản án sơ thẩm.

Ngày 11/6/2006 những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (là các con của bà Tập) kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.

Ngày 13/3/2006 ông Bảo kháng cáo đề nghị công nhận ông được quyền sử dụng toàn bộ nhà đất tranh chấp theo di chúc của cụ Lai.

Tại bản án dân sự phúc thẩm số 212/2006/DSPT ngày 18/10/2006, Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội sửa bản án sơ thẩm số 07/2006/DSST ngày 27/02/2006 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội như sau:

1. Xác định thửa đất ở có diện tích 424m2, số thửa 126 tờ bản đồ 6A xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội (hiện do bà Nguyễn Thị Tập quản lý) là thuộc quyền sử dụng hợp pháp của cụ Nguyên Thị Lai từ năm 1993, trị giá quyền sử dụng đất là 848.000.000 đồng.

2. Xác định di chúc ngày 30/12/1994 của cụ Nguyễn Thị Lai về việc giao quyền sử dụng 424m2 đất nói trên cho ông Nguyễn Quốc Bảo là di chúc hợp pháp.

3. Buộc bà Nguyễn Thị Tập phải giao lại toàn bộ thửa đất diện tích 424m2 số thửa 126 tờ bản đồ 6A xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội là bà đang quản lý cho ông Bảo là người được hưởng quyền sử dụng đất theo di chúc của cụ Lai.

4. Ông Bảo phải thanh toán trả bà Tập toàn bộ phần giá trị xây dựng, cây cối hoa màu, công sức san lấp..vv tổng cộng là 27.914.000 đồng.

Ngoài ra, Tòa án cấp phúc thẩm còn quyết định về án phí và trách nhiệm do chậm thi hành án.

Sau khi xét xử phúc thẩm, bà Nguyễn Thi Tập khiếu nại yêu cầu công nhận diện tích đất có tranh chấp mẹ con bà có quyền sử dụng.

Tại Quyết định số586/2009/DN-DS ngày 15/10/2009, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao kháng nghị bản án dân sự phúc thẩm nêu trên, đề nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm hủy bản án dân sự phúc thẩm nêu trên; hủy bản án sơ thẩm số 07/2006/DSST ngày 27/02/2006 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội; giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội xét xử sơ thẩm lại.

Tại phiên tòa giám đốc thẩm, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao chấp nhận kháng nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.

XÉT THẤY:

Kháng nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao là có căn cứ bởi các lý do sau:

- Căn cứ các tài liệu có trong hồ sơ vụ án thì các đương sự đều thừa nhận cụ Hoàng Công Viu (chết năm 1971) và vợ là cụ Nguyễn Thị Lai (chết năm 1999) có 5 người con chung là bà Hoàng Thị Luân, bà Hoàng Thị Luận, bà Hoàng Thị Tám, bà Hoàng Thị Bảy (chết không có chồng con) và ông Hoàng Công Vỹ (chết năm 1990 có vợ là Nguyễn Thị Tập và 3 con là các anh, chị Hoàng Thị Mỹ, Hoàng Công Điệp và Hoàng Công Đức). Trước khi chung sống với cụ Viu, cụ Lai có 1 người con riêng là ông Nguyễn Quốc Bảo còn cụ Viu đã có 2 người vợ, người vợ thứ nhất (không rõ tên) chết không có con, người vợ thứ hai là cụ Nguyễn Thị Sáu (chết năm 1946) có hai người con chung là ông Hoàng Công Viêm và bà Hoàng Thị Luyến.

- Cụ Hoàng Công Viu được thừa kế của cha mẹ nhiều nhà đất. Khi còn sống cụ Viu đã phân chia nhà đất cho các con của hai cụ, những người được cho là đã nhận đất xây dựng nhà riêng ở ổn định và không tranh chấp về các diện tích đất này. Phần còn lại diện tích 424m2 đất tại thửa số 126 tờ bản đồ 6A xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội hai người quản lý sử dụng. Năm 1971 cụ Viu chết không để lại di chúc, sau đó trên đất này cụ Lai xây dựng nhà để ở cùng với vợ chồng ông Vỹ, và Tập. Năm 1990 ông Vỹ chết, sau đó cụ Lai chuyển đến ở cùng gia đình ông Bảo, nhà đất trên mẹ con bà Tập quản lý, nhưng cụ Lai kê khai và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng diện tích đất năm 1993. Năm 1994, cụ Lai lập di chúc để lại cho ông Bảo toàn bộ diện tích đất trên. Hiện nay trong số những người thừa kế tài sản của vợ chồng cụ Viu, cụ Lai chỉ có ông Bảo và bà Tập tranh chấp thừa kế diện tích đất nêu trên, những người thừa kế còn lại không tranh chấp.

- Trong thực tế, tại Đơn xin chia thừa kế cụ Nguyễn Thị Lai xác lập (không ghi ngày) thể hiện diện tích đất cụ Lai đề nghị các ban ngành công nhận cụ có quyền sử dụng là 314m2, Đơn xin chia thừa kế trên được ông Hoàng Văn Kỹ (Đội trưởng đội sản xuất số 3) xác nhận ngày 15/01/1990, nhưng tại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do Ủy ban nhân dân huyện Đông Anh cấp ngày 12/10/1993 thì cụ Lai có quyền sử dụng 424m2 đất, còn diện tích đất đo đạc thực tế hiện nay là 414m2. Trong quá trình giải quyết vụ án bà Tập cho rằng một phần diện tích đất nêu trên là đất do ông Vỹ (chồng bà) đổi đất gò lấy đất ao liền kề của ông Lương, sau đó, ông Vỹ thuê người hạ gò lấy đất san lấp ao và xây tường bao. Lời khai của bà Tập phù hợp với lời khai của nhiều người làm chứng như cụ Trần Thanh Hải, cụ Hoàng Công Phiêu, cụ Hoàng Văn Quảng, cụ Nguyễn Thị Tình và ông Nguyễn Văn Lương là có việc ông Vỹ đổi đất gò lấy đất ao của ông Lương, tỷ lệ trao đổi là 1m2 đất gò lấy 3m2 đất ao, sau đó, ông Vỹ thuê người bạt đất gò san lấp ao thành thửa đất như hiện nay.

Trong trường hợp này, cần xác minh làm rõ trình tự, thủ tục cụ Lai kê khai đăng ký xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vì gia đình bà Tập đang trực tiếp quản lý, sử dụng đất; xác minh làm rõ diện tích đất vợ chồng cụ Viu, cụ Lai quản lý, sử dụng từ đó xác định diện tích này là tài sản chung của cụ Viu, cụ Lai (nếu không có đủ căn cứ xác định chính xác vấn đề này thì cần xác định tài sản chung của cụ Viu, cụ Lai là 314m2 đất, phần của vụ Viu nhiều hơn vì nguồn gốc đất là của cha, mẹ cụ Viu cho cụ Viu). Sau khi xác minh làm rõ những vấn đề trên thì xác định phần tài sản của cụ Viu đã hết thời hiệu khởi kiện về thừa kế, trong khi mẹ con bà Tập đang quản lý sử dụng nên được tiếp tục sử dụng, còn phần tài sản của cụ Lai thì trên cơ sở xem xét di chúc đề tên cụ Lai ngày 30/12/1994 (nếu hợp pháp thì ông Bảo được thừa kế) để giải quyết mới đúng.

Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm chưa xác minh làm rõ những vấn đề trên, nhưng Tòa án cấp sơ thẩm xác định toàn bộ diện tích 424m2 đất tranh chấp là tài sản chung của cụ Viu, cụ Lai và cụ Sáu, từ đó công nhận ông bảo được thừa kế phần tài sản của cụ Lai theo di chúc đề tên cụ Lai ngày 30/4/1994; còn Tòa án cấp phúc thẩm lại xác định toàn bộ diện tích đất trên là tài sản riêng của cụ Lai và xác định ông Bảo được thừa kế toàn bộ theo di chúc của cụ Lai là chưa đủ cơ sở và không phù hợp với quy định của pháp luật.

Bởi các lẽ trên, căn cứ khoản 3 điều 297 và Điều 299 Bộ luật tố tụng dân sự,

QUYẾT ĐỊNH:

1- Hủy bản án dân sự phúc thẩm số 212/2006/DSPT ngày 18/10/2006 của của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội và bản án dân sự sơ thẩm số 07/2006/DSST ngày 27/02/2006 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội về vụ án “Tranh chấp về thừa kế tài sản” giữa nguyên đơn là ông Nguyễn Quốc Bảo với bị đơn là bà Nguyễn Thị Tám người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là chị Hoàng Thị Mỹ, anh Hoàng Công Đức, anh Hoàng Công Điệp, bà Hoàng Thị Luân, bà Hoàng Thị Luyến, ông Hoàng Công Viêm, bà Hoàng Thị Luận và bà Hoàng Thị Tám.

2- Giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội xét xử sơ thẩm lại theo đúng qui định của pháp luật.

 

  •  8074
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

0 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…