DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

Quyết định giám đốc thẩm về vụ án Vũ Hoàng Lâm phạm tội "Cố ý gây thương tích"

Số hiệu

16/2008/HS-GĐT

Tiêu đề

Quyết định giám đốc thẩm về vụ án Vũ Hoàng Lâm phạm tội "Cố ý gây thương tích"

Ngày ban hành

06/10/2008

Cấp xét xử

Giám đốc thẩm

Lĩnh vực

Hình sự

 

……..

Ngày 06 tháng 10 năm 2008, tại trụ sở Toà án nhân dân tối cao đã mở phiên toà giám đốc thẩm xét xử vụ án hình sự đối với:

 Vũ Hoàng Lâm (tên gọi khác Cọp) sinh ngày 06-6-1986; thư­ờng trú tại 5/63, khu phố 10, phường Hố Nai, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai; trình độ văn hoá 10/12; chưa có nghề nghiệp; con ông Vũ Đức Hiển và bà Nguyễn Thị Thanh Vân; bị bắt giam ngày 02-8-2006.

Ngư­ời bị hại: anh Nguyễn Hải Đăng sinh năm 1967 (Quốc tịch Thuỵ Điển); tạm trú tại số nhà 14/67, khu phố 10, ph­ường Hố Nai, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.

NHẬN THẤY:

Khoảng 15 giờ ngày 16-01-2005, Vũ Hoàng Sơn và cô họ là Nguyễn Phương Quỳnh Như đang đứng chơi ở ngõ thì anh Nguyễn Hải Đăng và anh Nguyễn Minh Luân  đi xe máy qua. Thấy anh Đăng đi xe rú ga, Sơn nói “hai thằng này làm gì dữ vậy” và nhặt đá ném trúng vào máy xe. Anh Đăng dừng xe để hỏi lý do thì Sơn chửi lại rồi bỏ chạy. Lúc này, Vũ Hoàng Lâm đang ở trong nhà nhìn thấy Sơn đang chạy, cho rằng anh Đăng đánh em trai mình, nên Lâm vào bếp lấy một con dao (loại dao dùng để chẻ củi) dài khoảng 50 cm chạy ra chém nhiều nhát trúng vào vùng mặt và hai tay anh Đăng. Anh Đăng bỏ chạy thì Lâm đuổi theo chém tiếp hai nhát vào vùng lưng rồi vứt dao tại hẻm trước nhà và vào nhà lấy xe máy bỏ trốn. Ngày 02-8-2006, Lâm đến Công an phường Hố Nai, thành phố Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai đầu thú.

Sau khi bị chém, anh Đăng được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện Đa Khoa khu vực Thống Nhất rồi chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy, thành phố Hồ Chí Minh. Thời gian điều trị thương tích là 10 ngày, chi phí điều trị 36.358.716 đồng.

Tại bản giám định pháp y số 115/GĐPY/05 ngày 28-01-2005, Tổ chức giám định pháp y tỉnh Đồng Nai kết luận đối với anh Nguyễn Hải Đăng: “Đa vết thư­ơng do vật sắc; vết th­ương má trái 05 cm thành sẹo. Tay (P): vết thư­ơng lòng bàn tay 05 cm đứt gân gấp sâu nông ngón 3, 4. Tay (T): vết th­ương 03 cm 1/3 giữa đứt cơ thần kinh trụ; đứt mạch trụ; gãy x­ương trụ; vết thư­ơng 12 cm bàn tay (T) và cổ tay (T). Đứt gân gấp nông sâu các ngón cổ tay quay, đứt thần kinh giữa; gãy hở x­ương thuyền, xư­ơng cả. Tỷ lệ thư­ơng tật toàn bộ là 58% tạm thời”.

Tại bản án hình sự sơ thẩm số 81/2007/HSST ngày 21-3-2007, Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Nai áp dụng các điểm a, i khoản 1; khoản 3 Điều 104; khoản 2 Điều 46  Bộ luật hình sự; xử phạt Vũ Hoàng Lâm 10 (mư­ời) năm tù về tội “Cố  ý gây thư­ơng tích”, thời hạn tù tính từ ngày 02-8-2006.

Áp dụng Điều 609 Bộ luật dân sự, buộc Vũ Hoàng Lâm phải bồi thư­ờng cho anh Vũ Hải Đăng số tiền 45.658.716 đồng.

Ngày 27-3-2007, Vũ Hoàng Lâm kháng cáo đề nghị xem xét lại toàn bộ bản án.

Ngày 03-4-2007, anh Nguyễn Hải Đăng kháng cáo đề nghị xét xử bị cáo về tội “Giết ng­ười” và xem xét lại phần bồi thư­ờng dân sự.

Tại bản án hình sự phúc thẩm số 1075/2007/HSPT ngày 30-7-2007, Tòa phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh giữ nguyên bản án hình sự sơ thẩm.

Tại Kháng nghị giám đốc thẩm số14/QĐ-VKSTC-V3 ngày 08-7-2008, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm huỷ bản án hình sự phúc thẩm số 1075/2007/HSPT ngày 30-7-2007 của Tòa phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh và bản án hình sự sơ thẩm số 81/2007/HSST ngày 21-3-2007 của Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Nai để điều tra, truy tố, xét xử lại với lý do:

Hành vi phạm tội của Vũ Hoàng Lâm phải truy tố và xét xử về tội “Giết ngư­ời” đ­ược quy định tại Điều 93 Bộ luật hình sự và trong vụ án này còn có Vũ Đức Hiển, Vũ Ngọc Tuân đã có những hành vi kích động, xúi giục hô hào “chém chết nó đi”; Vũ Đức Hiển còn cầm xẻng đuổi theo nạn nhân, các nhân chứng và ngư­ời bị hại khai rất rõ về hành vi này nhưng chư­a được đối chất làm rõ.

Tại phiên tòa giám đốc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

XÉT THẤY:

Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm kết án Vũ Hoàng Lâm về tội “Cố ý gây thương tích” là có căn cứ, mặc dù Vũ Hoàng Lâm dùng dao (loại dao dùng để chẻ củi) chém anh Nguyễn Hải Đăng nhiều nhát là rất nguy hiểm, nhưng về ý thức bị cáo không cố ý tước đoạt tính mạng của người bị hại. Sau khi chém anh Đăng bị thương, anh Đăng bỏ chạy, bị cáo có đuổi theo chém với hai nhát vào lưng (nhưng không gây thương tích) rồi vứt dao tại hẻm trước nhà. Mặc dù, lúc này người thân của bị cáo (ông nội, bố và em trai) có ra hô la, nhưng bị cáo không tiếp tục thực hiện hành vi phạm tội. Thực tế, anh Nguyễn Hải Đăng bị thương ở tay, điều trị thời gian 10 ngày, tỷ lệ thương tật là 58 % tạm thời. Xét tính chất nguy hiểm của hành vi phạm tội, nhân thân của bị cáo thì mức án 10 năm tù mà Toà án cấp sơ thẩm và Toà án cấp phúc thẩm xử phạt bị cáo là đúng pháp luật.

Về hành vi của ông Vũ Ngọc Tuân, anh Vũ Đức Hiển và Vũ Hoàng Sơn thì theo lời khai của những người làm chứng (anh Nguyễn Minh Luân, anh Vũ Duy, anh Lê Quang Trung và anh Lê Hồng Long) đều có lời khai xác định sau khi bị Lâm chém, anh Đăng bỏ chạy thì ngoài bị cáo Lâm cầm dao, còn có anh Vũ Đức Hiển (là bố của bị cáo), Vũ Hoàng Sơn (là em trai của bị cáo) cầm xẻng đuổi theo để đánh anh Đăng, như­ng chư­a đánh đ­ược, ông Vũ Ngọc Tuân (là ông nội của bị cáo) có hành vi hô hào, kích động. Tuy nhiên, các hành vi này đều xảy ra sau khi Lâm đã dừng việc thực hiện hành vi phạm tội và không trực tiếp gây thương tích cho anh Đăng, nên không phải là đồng phạm với bị cáo.

Bởi các lẽ trên, căn cứ vào khoản 1 Điều 285 Bộ luật tố tụng hình sự;

QUYẾT ĐỊNH:

Không chấp nhận kháng nghị giám đốc thẩm số14/QĐ-VKSTC-V3 ngày 08-7-2008 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và giữ nguyên bản án hình sự phúc thẩm số 1075/2007/HSPT ngày 30-7-2007 của Tòa phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh.

Lý do không chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng VKSNDTC:

Mặc dù bị cáo dùng dao chẻ củi chém người bị hại, nhưng không có ý thức cố ý tước đoạt sinh mạng của người bị hại, thực tế người bị hại chỉ bị thương ở tay. Do đó, các Tòa án xét xử bị cáo về tội “cố ý gây thương tích” là có căn cứ.

 

  •  3977
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

0 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…