DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

Quyết định giám đốc thẩm về vụ án Triệu Trường Sa và Nguyễn Anh Tuấn bị xét xử về tội "Cố ý gây thương tích"

Số hiệu

13/2010/HS-GĐT

Tiêu đề

Quyết định giám đốc thẩm về vụ án Triệu Trường Sa và Nguyễn Anh Tuấn bị xét xử về tội "Cố ý gây thương tích"

Ngày ban hành

04/05/2010

Cấp xét xử

Giám đốc thẩm

Lĩnh vực

Hình sự

Ngày 04-5-2010, tại trụ sở Tòa án nhân dân tối cao mở phiên tòa giám đốc thẩm đối với:

Triệu Trường Sa sinh năm 1979; trú tại tổ 17, phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên; văn hóa lớp 12/12; khi phạm tội là công nhân của Bưu điện tỉnh Thái Nguyên; con ông Triệu Xuân Thu (đã chết) và bà Hứa Thị Nhủng; chưa có tiền án, tiền sự.

* Những người bị hại:

1. Anh Phạm Quang Thành sinh năm 1972; trú tại tổ 1, phường Thịnh Đán, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên.

2. Anh Nguyễn Văn Bình sinh năm 1969 (bị bệnh tâm thần); trú tại tổ 15, phường Quang Trung, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên; có người đại diện hợp pháp là bà Trần Thị Quế (mẹ đẻ) .

(Trong vụ án này còn có bị cáo Nguyễn Anh Tuấn bị xử phạt 07 năm tù về tội “Cố ý gây thương tích”).

NHẬN THẤY:

Tối ngày 15-01-2007, Triệu Trường Sa, Nguyễn Anh Tuấn cùng với một nhóm bạn vào ăn đêm tại quán Hiền Lương gần khách sạn 5 tầng thuộc tổ 19, phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Thái Nguyên thì gặp Phạm Việt An (là người quen của Sa) đang ăn tại quán bên cạnh. An sang ngồi uống rượu cùng với nhóm của Sa và kể chuyện có em vợ tên là Tú bị nghiện ma túy, bỏ nhà đi đã mấy hôm và nhờ cả nhóm tìm giúp, Sa nhận lời. Khoảng 02 giờ 30 phút ngày 16-01-2007, sau khi ăn uống xong, Sa, Tuấn, An và các bạn của Sa đi trên 2 xe ô tô đến khu vực bến xe khách Thái Nguyên để tìm Tú. Khi đi đến đầu ngõ 108 giáp với đường Lương Ngọc Quyến, thấy có 2 người lái xe ôm đang chờ khách, Sa dừng xe lại và hỏi nơi bán hêrôin. Anh Phạm Quang Thành (là người lái xe ôm) trả lời là không biết và bảo Sa đi lên phía dốc mà hỏi thì Sa chửi anh Thành, dẫn đến hai bên cãi nhau. Sa xuống xe xông vào đấm, đá anh Thành, đồng thời hô to “đánh chết mẹ nó đi”; Tuấn cũng xuống xe và xông vào đánh anh Thành. Anh Thành chống đỡ lại, Tuấn liền rút dao nhọn (loại dao gấp, cả cán và lưỡi dao dài khoảng 20 cm) ở trong túi quần ra đâm nhiều nhát vào bụng anh Thành. Anh Thành bỏ chạy về phía chợ Đồng Quang. Cùng lúc này, Trung (người trong nhóm bạn của Sa) nhìn thấy anh Nguyễn Văn Bình (bị bệnh tâm thần) đang ngồi cạnh trạm điện thoại công cộng phía cổng bến xe khách Thái Nguyên, trên tay cầm 1 viên gạch nhìn về phía bọn Sa, Trung liền nói “thằng kia cầm gạch kìa” thì Sa hô “đánh chết mẹ nó đi”. Tuấn chạy đến chỗ anh Bình thì anh Bình bỏ chạy; Sa cầm gạch ném trúng vào vùng đầu anh Bình, còn Tuấn đuổi kịp anh Bình và dùng dao đâm vào bụng anh Bình.

Anh Phạm Quang Thành và anh Nguyễn Văn Bình bị thương nặng, được đưa đi cấp cứu và điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Thái Nguyên, đến ngày 25-01-2007 thì ra viện.

Tại các Bản giám định pháp y số 51 ngày 14-02-2007 và số 76 ngày 21-3-2007, Tổ chức giám định pháp y tỉnh Thái Nguyên kết luận: anh Nguyễn Văn Bình bị thương tích với tỷ lệ thương tật là 61%, anh Phạm Quang Thành bị thương tích với tỷ lệ thương tật là 64%.

Trong quá trình điều tra vụ án, Triệu Trường Sa đã bồi thường cho anh Nguyễn Văn Bình 13.000.000 đồng.

Tại bản án hình sự sơ thẩm số 46/2008/HSST ngày 29-4-2008, Tòa án nhân dân tỉnh Thái Nguyên áp dụng khoản 3 Điều 104; các điểm b, p khoản 1 và khoản 2 Điều 461 Điều 47; các điểm d, h khoản 1 Điều 48 Bộ luật hình sự, xử phạt Triệu Trường Sa 04 năm tù về tội “Cố ý gây thương tích”.

Ngày 05-5-2008, Triệu Trường Sa kháng cáo xin giảm hình phạt và được hưởng án treo.

Tại bản án hình sự phúc thẩm số 549/2008/HSPT ngày 01-8-2008, Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội giữ nguyên Điều luật áp dụng; giảm hình phạt cho Triệu Trường Sa xuống 03 năm tù và áp dụng thêm Điều 60 Bộ luật hình sự, cho bị cáo được hưởng án treo, thời gian thử thách là 05 năm.

Tại Kháng nghị giám đốc thẩm số26/2009/HS-TK ngày 30-7-2009, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã kháng nghị bản án hình sự phúc thẩm số 549/2008/HSPT ngày 01-8-2008 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội; đề nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm hủy bản án hình sự phúc thẩm nêu trên về phần quyết định hình phạt đối với Triệu Trường Sa để xét xử phúc thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.

Tại phiên tòa giám đốc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao nhất trí với Kháng nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.

XÉT THẤY:

Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm kết án Triệu Trường Sa về tội “Cố ý gây thương tích” theo khoản 3 Điều 104 Bộ luật hình sự là có căn cứ, vì mặc dù các thương tích của anh Phạm Quang Thành và anh Nguyễn Văn Bình chủ yếu do các vết dao đâm của Nguyễn Anh Tuấn gây ra nhưng Triệu Trường Sa là người đã vô cớ gây sự và đánh anh Thành, anh Bình; hô hào, kích động Nguyễn Anh Tuấn dùng dao đâm anh Thành và tiếp đó là đâm anh Nguyễn Văn Bình; gây thương tích cho anh Thành với tỷ lệ thương tật là 64%, gây thương tích cho anh Bình với tỷ lệ thương tật là 61%; vì thế, Triệu Trường Sa phải chịu trách nhiệm cùng Nguyễn Anh Tuấn về hậu quả của vụ án.

Ngoài 2 tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự là “phạm tội có tính chất côn đồ”, “phạm tội đối với người ở trong tình trạng không thể tự vệ được” được quy định tại các điểm đ, h khoản 1 Điều 48 Bộ luật hình sự, Triệu Trường Sa đã kích động, xúi giục Nguyễn Anh Tuấn (mới 17 tuổi 6 tháng 18 ngày) phạm tội nên còn phạm vào tình tiết tăng nặng “xúi giục người chưa thành niên phạm tội”. Tòa án cấp sơ thẩm không áp dụng điểm n khoản 1 Điều 48 Bộ luật hình sự đối với bị cáo là thiếu sót.

Theo quy định của pháp luật thì chỉ riêng hành vi gây thương tích cho một người với tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên thì các bị cáo đã bị xử phạt theo khoản 3 Điều 104 Bộ luật hình sự, có mức hình phạt từ 05 năm đến 15 năm tù Tòa án cấp sơ thẩm xử phạt Nguyễn Anh Tuấn 07 năm tù đã là chưa đủ mức nghiêm khắc cần thiết; trong vụ án này, Triệu Trường Sa có vai trò, mức độ phạm tội cao hơn, nhiều tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự hơn Nguyễn Anh Tuấn, lẽ ra phải xử phạt Triệu Trường Sa mức hình phạt bằng hoặc cao hơn mức hình phạt của Nguyễn Anh Tuấn nhưng Tòa án cấp sơ thẩm chỉ xử phạt Triệu Trường Sa 04 năm tù là quá nhẹ, không tương xứng với tính chất, vai trò, mức độ phạm tội của bị cáo.

Mặc dù tại phiên tòa phúc thẩm, Triệu Trường Sa tự nguyện bồi thường thêm cho người bị hại nhưng việc Tòa án cấp phúc thẩm giam hình phạt và cho bị cáo hưởng án treo là sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng Bộ luật hình sự về việc xác định tính chất, hậu quả của vụ án; vai trò, mức độ phạm tội của người thực hiện tội phạm; căn cứ và nguyên tắc xử lý khi giải quyết vụ án hình sự; không đúng với quy định của Bộ luật hình sự về chế định án treo và trái với hướng dẫn tại điểm c, mục 6.1 Nghị quyết01/2007/NQ-HĐTP ngày 02-10-2007 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về điều kiện cho hưởng án treo.

Vì các lẽ trên, căn cứ vào Điều 284, Điều 285, Điều 287 và Điều 289 Bộ luật tố tụng hình sự,

QUYẾT ĐỊNH:

Hủy bản án hình sự phúc thẩm số 549/2008/HSPT ngày 01-8-2008 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội và bản án hình sự sơ thẩm số 46/2008/HSST ngày 29-4-2008 của Tòa án nhân dân tỉnh Thái Nguyên về phần trách nhiệm hình sự và án phí hình sự sơ thẩm đối với Triệu Trường Sa; giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân tỉnh Thái Nguyên để xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.

Các quyết định khác của bản án phúc thẩm không bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm có hiệu lực pháp luật.

 

  •  4660
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

0 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…