DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

Quyết định giám đốc thẩm về vụ án "Tranh chấp về thừa kế tài sản"

Số hiệu

40/2007/DS-GĐT

Tiêu đề

Quyết định giám đốc thẩm về vụ án "Tranh chấp về thừa kế tài sản"

Ngày ban hành

14/12/2007

Cấp xét xử

Giám đốc thẩm

Lĩnh vực

Dân sự

 

……..

Ngày 14 tháng 12 năm 2007, tại trụ sở Tòa án nhân dân tối cao đã mở phiên tòa đã mở phiên tòa giám đốc thẩm xét xử vụ án dân sự “tranh chấp về thừa kế tài sản” giữa:

Nguyên đơn: Bà Trần Thị Biết, sinh năm 1951; trú tại: số 9 đường Mỹ Thuỷ (nay là 1089/6 Nguyễn Thị Định), phường Cát Lái, quận 2, thành phố Hồ Chí Minh.

Bị đơn: Ông Trần Thanh Thiên, sinh năm 1929; trú tại: số 8 đường Mỹ Thuỷ, phường Cát Lái, quận 2, thành phố Hồ Chí Minh.

NHẬN THẤY:

Tại đơn khởi kiện ngày 27-4-2004 và các lời khai trong quá trình tố tụng nguyên đơn bà Trần Thị Biết trình bày:

Vợ chồng cụ Trần Văn Ngàn và Nguyễn Thị Tho, sinh được 6 người con gồm ông Trần Thanh Thiên, ông Trần Văn Cải (cư trú tại Pháp), bà Trần Thị Biết, bà Trần Thị Vàng (cư trú tại  Hoa Kỳ), ông Trần Văn Nhiều (cư trú tại Úc), ông Trần Văn Quá (cư trú tại Hoa Kỳ). Cụ Ngàn chết ngày 10-02-1987, cụ Tho chết 12-02-1996, đều không có di chúc.

Di sản do vợ chồng cụ Ngàn và cụ Tho để lại là căn nhà cấp 4 cùng diện tích đất gắn liền khoảng 5.000m2 tại số 8 đường Mỹ Thuỷ, phường Cát Lái, quận 2, thành phố Hồ Chí Minh, hiện do ông Thiên quản lý, sử dụng. Năm 2002, các anh em họp lại và phân chia đất trên giấy nhưng sau đó ông Thiên không thực hiện mà còn lấy đất đem bán và cất nhà cho các con ở. Bà yêu cầu chia thừa kế di sản của cha mẹ bà và xin nhận bằng hiện vật.

Bị đơn ông Trần Thanh Thiên trình bày thống nhất với bà Biết về quan hệ huyết thống và khối di sản do cụ Ngàn, cụ Tho để lại nhưng ông không đồng ý phân chia phần đất theo yêu cầu khởi kiện của bà Biết.

Tại Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự sơ thẩm số340/QĐ-ĐCDSST ngày 18-4-2006, Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh quyết định:

1. Đình chỉ giải quyết vụ án dân sự đã thụ lý số 1941/DSST ngày 01 tháng 10 năm 2004 của Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh về việc thừa kế giữa:

Nguyên đơn: Trần Thị Biết, sinh năm 1951;

Trú tại:  số 9 Mỹ Thuỷ, phường Cát Lái, quận 2.

Bị đơn: ông Trần Thanh Thiên, sinh năm 1929;

Trú tại: số 8 Mỹ Thuỷ, phường Cát Lái, quận 2.

2. Sung công quỹ Nhà nước 6.000.000đ (sáu triệu đồng) mà bà Biết đã nộp tạm ứng án phí theo biên lai số 032437 ngày 24-5-2004 của Thi hành án dân sự quận 2, thành phố Hồ Chí Minh.

Ngày 15-5-2006, bà Trần Thị Biết kháng cáo đề nghị huỷ quyết định đình chỉ số340/QĐ-ĐCDSST ngà18-4-2006 của Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh.

Tại quyết định phúc thẩm số 304/2006 ngày 31-7-2006, Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chi Minh quyết định:

1. Giữ nguyên quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án số340/QĐ-ĐCDSST ngày 18-4-2006 của Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh về việc “tranh chấp thừa kế”.

Nguyên đơn: Bà Trần Thị Biết, sinh năm 1951; địa chỉ: số 9, Mỹ Thủy, phường Cát Lái, quận 2, thành phố Hồ Chí Minh.

Bị đơn: ông Trần Thanh Thiên, sinh năm 1929; địa chỉ: số 8 Mỹ Thuỷ, phường Cát Lái, quận 2, thành phố Hồ Chí Minh.

2. Bà Trần Thị Biết phải chịu 50.000đ án phí dân sự phúc thẩm (đã nộp theo biên lai số 002221 ngày 31-5-2006 tại Thi hành án dân sự thành phố Hồ Chí Minh).

Ngày 12-8-2006 bà Trần Thị Biết khiếu nại đề nghị xét lại Quyết định phúc thẩm theo thủ tục giám đốc thẩm.

Tại Quyết định số129/2007/KN-DS ngày 09-07-2007, Chánh án Toà án nhân dân tối cao kháng nghị bản án dân sự phúc thẩm nêu trên với nhận định:

Chưa có căn cứ rõ ràng xác định bà Trần Thị Biết đã được triệu tập hợp lệ đến Toà án cấp sơ thẩm vào các ngày 07-4-2006 và 17-4-2006 nhưng đều vắng mặt. Bà Biết còn xuất trình xác nhận của ông Trần Quốc Toản - cảnh sát khu vực Công an phường Cát Lái vào giấy triệu tập lần thứ 2 cho bà, với nội dung: “Lần đầu giấy mời cho đương sự không đến tay”. Toà án cấp sơ thẩm và Toà án cấp phúc thẩm đều đình chỉ giải quyết vụ án là chưa có căn cứ.

Ngoài ra, theo đơn khiếu nại của bà  Biết thì bà Biết nộp 20.000.000đ tiền tạm ứng cho việc định giá tài sản tranh chấp (ngày 27-7-2005 nộp 3.000.000đ, ngày 18-4-2006 nộp 17.000.000đ) nhưng khi quyết định đỉnh chỉ việc giải quyết vụ án, Toà án các cấp không giải quyết trả lại bà. Bà Biết có cung cấp bản photocopy Phiếu thu đề ngày 27-7-2005 có đóng dấu Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ở góc bên phải với nội dung là bà Biết nộp 3.000.000đ, với lý do nộp là để đo vẽ, định giá nhà. Như vậy, khi giải quyết vụ án, Toà án cấp sơ thẩm và Toà án cấp phúc thẩm không xem xét giải quyết về các khoản tiền mà bà Biết nộp là có thiếu sót.

Tại phiên toà giám đốc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao chấp nhận kháng nghị của Chánh án Toà án nhân dân tối cao.

XÉT THẤY:

Toà án cấp sơ thẩm căn cứ vào Biên bản tống đạt giấy triệu tập lập ngày 13-4-2006 để xác định là bà Trần Thị Biết đã được triệu tập hợp lệ hai lần nhưng vẫn không có mặt tại Toà án theo giấy triệu tập, nên đã căn cứ điểm c khoản 1 Điều 192 Bộ luật tố tụng dân sự để quyết định đình chỉ giải quyết vụ án.

Tuy nhiên, theo đơn khiếu nại của bà Biết thì chỉ có ông Trần Quốc Toản (Cảnh sát khu vực Công an phường Cát Lái) tống đạt giấy triệu tập cho bà Biết chứ không có mặt ông Lê Hữu Hạnh (Thư ký Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh) như nêu trong biên bản tống đạt; khi ông Toản tống đạt giấy triệu tập cho bà, bà thấy một giấy đã quá ngày phải có mặt tại Toà án 6 ngày, nên bà không nhận, chỉ nhận một giấy triệu tập ghi ngày 13-4-2006 có nội dung triệu tập bà đúng 8h00 ngày 17-4-2006 có mặt tại Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh để nộp chi phí đo vẽ hiện trạng; khi đó, ông Toản nói do quên đưa giấy triệu tập lần 1 nên bà đã yêu cầu ông Toản xác nhận và ông Toản đã ghi bên lề giấy triệu tập lần 2 nội dung: “lần đầu giấy mời cho đương sự không đến tay”.

Theo nội dung Biên bản tống đạt giấy triệu tập lập ngày 13-4-2006 thì ngày 13-4-2006 ông Toản và ông Hạnh giao cho bà Biết 2 giấy triệu tập, nhưng ở cuối biên bản này lại có ghi thêm: “Bà xác nhận lần 1 đã nhận giấy triệu tập nhưng không đến toà, không có lý do”. Tại biên bản xác minh ngày 25-9-2007 và biên bản xác minh ngày ngày 16-10-2007 (do Văn phòng II Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh thực hiện), ông Trần Quốc Toản (Cảnh sát khu vực Công an phường Cát Lái) xác định là ông chỉ giao giấy triệu tập cho bà Biết 01 lần; tại biên bản xác minh ngày 18-10-2007 ông Toản thừa nhận ngày 13-4-2007 ông có giao cùng một lúc 2 giấy triệu tập cho bà Biết trong đó có cả giấy triệu tập lần 1 triệu tập bà Biết đến Toà án vào ngày 07-4-2006 nên ông đã có viết xác nhận ở bên lề giấy triệu tập lần 2 là “lần đầu giấy mời cho đương sự không đến tay”. Như vậy, không đủ căn cứ để xác định bà Biết đã hai lần được tống đạt hợp lệ giấy triệu tập mà không đến Toà án. Do đó, Toà án cấp sơ thẩm căn cứ vào Biên bản tống đạt ngày 13-4-2006 để quyết định đình chỉ giải quyết vụ án là không phù hợp tình tiết khách quan của vụ án; Toà án cấp phúc thẩm cũng vẫn căn cứ vào nội dung Biên bản tống đạt giấy triệu tập ngày 13-4-2006 nêu trên để quyết định giữ nguyên quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án của Toà án cấp sơ thẩm là không đúng pháp luật.

Ngoài ra, bà Biết khiếu nại cho rằng, bà đã nộp cho Toà án tiền tạm ứng chi phí đo đạc nhà đất là 20.000.000đ (ngày 27-7-2005 nộp 3.000.000đ và ngày 18-4-2006 nộp cho Thư ký Lê Hữu Hạnh 17.000.000đ). Thực tế đã có phiếu thu ngày 27-7-2005, với số tiền 3.000.000đ có đóng dấu của Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, với lý do nộp tiền để “đo, vẽ, định giá nhà”. Toà án cấp sơ thẩm và Toà án cấp phúc thẩm không xem xét giải quyết về số tiền 3.000.000đ theo Phiếu thu ngày 27-7-2005 nêu trên là không đúng các quy định tại mục 2 chương IX, Phần thứ nhất, Bộ luật tố tụng dân sự.

Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án của Toà án cấp sơ thẩm và Quyết định phúc thẩm của Toà án cấp phúc thẩm là không đúng, cần phải huỷ các quyết định này để tiếp tục giải quyết lại vụ án theo trình tự sơ thẩm. Do phần cuối của “Biên bản tống đạt” ngày 13-4-2006 có dấu hiệu bị ghi thêm nội dung “Bà xác nhận lần 1 đã nhận giấy triệu tập nhưng không đến Toà, không có lý do” và do việc bà Biết phải nộp số tiền 17.000.000đ có thể đã xảy ra như nội dung đĩa ghi âm mà bà Biết xuất trình nên có thể có dấu hiệu việc cán bộ Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh có hành vi phạm tội cố ý làm sai lệch hồ sơ vụ án và lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản. Do đó, khi giải quyết lại vụ án, Toà án cấp sơ thẩm cần trưng cầu giám định để xác định có hay không việc ghi thêm biên bản như đã nêu ở trên và giám định nội dung và giọng nói trong đĩa ghi âm mà bà Biết đã xuất trình để nếu có dấu hiệu phạm tội thì phải chuyển kết quả giám định cho cơ quan điều tra hình sự xem xét theo thủ tục tố tụng hình sự.

Vì các lẽ trên;

Căn cứ vào khoản 3 Điều 297, khoản 2 Điều 229 Bộ luật tố tụng dân sự,

QUYẾT ĐỊNH:

1. Huỷ quyết định phúc thẩm số 304/2006 ngày 31-7-2006 của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh và hủy quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự sơ thẩm số340/QĐ-ĐCDSST ngày 18-4-2006 của Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh về vụ án tranh chấp về thừa kế tài sản giữa nguyên đơn là bà Trần Thị Biết với bị đơn là ông Trần Thanh Thiên.

2. Giao hồ sơ cho Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.

Lý do quyết định phúc thẩm và quyết định sơ thẩm bị hủy:

Không đủ căn cứ để xác định nguyên đơn đã được triệu tập hợp lệ 2 lần mà không đến Toà án. Do đó, Toà án cấp sơ thẩm và Toà án cấp phúc thẩm ra quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án là không đúng pháp luật.

  •  3986
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

0 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…