DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

Quyết định giám đốc thẩm về vụ án "Tranh chấp hợp đồng trồng cây xanh"

Số hiệu

11/2008/DS-GĐT

Tiêu đề

Quyết định giám đốc thẩm về vụ án "Tranh chấp hợp đồng trồng cây xanh"

Ngày ban hành

18/06/2008

Cấp xét xử

Giám đốc thẩm

Lĩnh vực

Dân sự

……..

Ngày 18 tháng 6 năm 2008, tại trụ sở Toà án nhân dân tối cao mở phiên toà giám đốc thẩm xét xử vụ án dân sự  “tranh chấp hợp đồng trồng cây xanh” giữa:

Nguyên đơn: Ông Phạm Đức Thắng, sinh năm 1955 (do bà Vũ Thị Hòa là vợ của ông Thắng đại diện theo pháp luật); trú tại xóm 14, xã Hải Phúc, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định.

Bị đơn: Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định do ông Lưu Hồng Thái Trưởng phòng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nghĩa Hưng đại diện.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Ông Ngô Mạnh Hồng, sinh năm 1952; trú tại nhà số 68, khu phố 3, thị trấn Liễu Đề, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định.

NHẬN THẤY:

Tại đơn khởi kiện đề ngày 30-6-2003 và quá trình tố tụng ông Phạm Văn Thắng trình bày:

Ngày 01-01-2003 Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nghĩa Hưng do ông Ngô Mạnh Hồng đại diện (bên A) và ông (bên B) ký hợp đồng trồng cây xanh hai bên hành lang trung tâm thị trấn Liễu Đề, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định với nội dung:

- Bên B nhận thầu trồng 690 cây phượng có hoa màu xanh đỏ, đào hố trồng cây, chăm sóc cây và các chi phí khác tổng cộng bằng 69.000.000 đồng.

- Sau khi trồng xong bên A và bên B nghiệm thu đợt 1, bên B được ứng 30% số tiền theo hợp đồng; đợt 2 khi bên B thực hiện đạt hiệu quả cây sống 100%, bên A, B, Ban điều hành dự án đầu tư 661 tiến hành nghiệm thu, bên A có trách nhiệm trả tiền đầy đủ cho bên B sau 15 ngày kể từ ngày nghiệm thu.

- Thời gian đào hố từ ngày 15 đến ngày 20-01-2003, trồng cây ngày 20-02-2003; bên nào vi phạm sẽ phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Để thực hiện hợp đồng nêu trên, ngày 05-01-2003 ông đã ký hợp đồng mua cây giống của Công ty TNHH giống cây ăn quả Hưng Yên, với nội dung: ông mua 690 cây giống gồm 390 cây phượng hoa màu vàng và 300 cây phượng hoa màu đỏ, có chiều cao từ 2,8m đến 3m trị giá 36.570.000 đồng (bao gồm tiền cây giống và chi phí đánh đôn vào bầu). Ngày 02-02-2003 ông  nhận toàn bộ số cây giống và thanh toán tiền cho Công ty TNHH giống cây ăn quả Hưng Yên, đồng thời nhờ một số hộ dân (là thành viên của công ty) chăm sóc số cây giống trên và hẹn ngày 15-02-2003 sẽ đến lấy cây.

Ngày 12-02-2003, khi đến huyện Nghĩa Hưng thì thấy các hố do ông thuê người đào để trồng cây đã bị người khác sử dụng để trồng cây, nên ngày 14-02-2003 ông và ông Hồng lập cam kết thỏa thuận hủy bỏ hợp đồng đã ký ngày 01-01-2003 và ông Hồng trả tiền công đào hố cho ông là 1.650.000 đồng.

Do bên A vi phạm hợp đồng trồng cây nên toàn bộ số cây giống ông mua của Công ty giống cây ăn quả Hưng Yên bị chết. Ngày 30-3-2003 ông và đại diện Công ty TNHH giống cây ăn quả Hưng Yên đã thanh lý hợp đồng mua bán cây giống. Việc hợp đồng ngày 01-01-2003 không thực hiện được là do Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nghĩa Hưng đơn phương chấm dứt hợp đồng nên ông Thắng và bà Hòa yêu cầu Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nghĩa Hưng bồi thường thiệt hại tổng cộng 68.090.000 đồng, cụ thể:

- Tiền mua cây giống là: 34.500.000 đồng.

- Tiền chi phí khác là: 10.350.000 đồng,

- Lãi: 44.850.000 đồng x 1,5%/tháng x 24 tháng =16.046.000 đồng;

- Chi phí rủi ro (mỗi ngày 10.000 đồng): 24 tháng x 30 ngày x 10.000 đồng/ngày =7.200.000 đ.

Tại phiên tòa sơ thẩm ông Thắng yêu cầu Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nghĩa Hưng bồi thường 70.141.000 đồng.

Đại diện Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nghĩa Hưng trình bày:

Huyện ủy, Uỷ ban nhân dân huyện, Ban điều hành dự án 661 không chỉ đạo cho Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nghĩa Hưng ký hợp đồng trồng cây xanh với ông Thắng và Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nghĩa Hưng cũng không ủy quyền cho ông Hồng đại diện ký hợp đồng trồng cây xanh với ông Thắng; hơn nữa ông Hồng đã chuyển công tác khác từ ngày 01-01-2003; việc ông Hồng ký hợp đồng với ông Thắng là do cá nhân ông Hồng không liên quan đến Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nghĩa Hưng nên Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nghĩa Hưng không chấp nhận yêu cầu đòi bồi thường của ông Thắng.

Ông Ngô Mạnh Hồng trình bày: Huyện ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân huyện không chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nghĩa Hưng ký hợp đồng trồng cây xanh và Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nghĩa Hưng cũng không ủy quyền cho ông ký hợp đồng trồng cây với ông Thắng, ông sẽ tự chịu trách nhiệm cá nhân về việc ký kết này. Tuy nhiên, do ông Thắng vi phạm, không thực hiện đúng hợp đồng, trồng cây không đúng chủng loại cây đã thỏa thuận trong hợp đồng nên chiều ngày 14-02-2003 ông và ông Thắng đã thỏa thuận hủy bỏ hợp đồng và thanh lý hợp đồng ngày 01-01-2003, ông đã trả cho ông Thắng 1.650.000 đồng tiền công đào hố. Vì vậy, ông không chấp nhận yêu cầu đòi bồi thường của ông Thắng.

Tại bản án dân sự sơ thẩm số 01/STDS ngày 25-3-2005 Tòa án nhân dân tỉnh Nam Định:

 Tuyên bố giao dịch dân sự về việc ký kết hợp đồng trồng cây xanh ngày 01-01-2003 giữa ông Phạm Đức Thắng và ông Ngô Mạnh Hồng là hợp đồng vô hiệu.

Bác yêu cầu đòi bồi thường của ông Phạm Đức Thắng do bà Vũ Thị Hòa (là người đại diện) đối  với Phòng Nông nghiệp huyện và Phát triển nông thôn huyện Nghĩa Hưng với số tiền là 70.141.000 đồng

Chấp nhận việc ông Ngô Mạnh Hồng đã thanh toán cho ông Phạm Đức  Thắng tiền đào hố trồng cây là 1.650.000 đồng (ông Thắng đã nhận đủ số tiền công đào hố vào ngày 14-02-2003) .

Chấp nhận sự tự nguyện của ông Ngô Mạnh Hồng nộp toàn bộ số tiền chi phí giám định

Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn có quyết định về án phí, tuyên quyền kháng cáo và điều kiện thi hành án.

Ngày 26-3-2005 ông Phạm Đức Thắng và bà Vũ Thị Hòa kháng cáo không đồng ý bản án sơ thẩm.

Tại bản án dân sự phúc thẩm số 155/2005/DSPT ngày 26-7-2005 Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội quyết định:

Không chấp nhận kháng cáo và giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Áp dụng Điều 131; Điều 136; Điều 143; Điều 146 Bộ luật dân sự; khoản 1 Điều 131 Bộ luật Tố tụng dân sự; Nghị định 70/CP ngày 12-6-1997 quy định về án phí, quyết định:

- Giao dịch dân sự về việc ký kết hợp đồng trồng cây xanh ngày 01-01-2003 giữa ông Phạm Đức Thắng và ông Ngô Mạnh Hồng là hợp đồng vô hiệu.

- Bác yêu cầu đòi bồi thường của ông Phạm Đức Thắng đối với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định với số tiền 70.141.000 đồng.

- Chấp nhận ông Ngô Mạnh Hồng đó thanh toỏn cho ụng Phạm Đức Thắng tiền công đào hố trồng cây là 1.650.000 đồng (ông Thắng đó nhận đủ số tiền vào ngày 14-02-2003).

Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị tiếp tục có hiệu lực pháp luật.

Ngoài ra, Tòa án cấp phúc thẩm còn quyết định về án phí phúc thẩm và điều kiện thi hành án.

Sau khi xét xử phúc thẩm, ông Phạm Đức Thắng có đơn khiếu nại đề nghị xem xét bản án phúc thẩm nêu trên theo trình tự giám đốc thẩm.

Tại Quyết định số46/2008/KN-DS ngày 17-3-2008 Chánh án Toà án nhân dân tối cao kháng nghị bản án dân sự phúc thẩm nêu trên;đề nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm huỷ bản án dân sự phúc thẩm nêu trên và bản án dân sự sơ thẩm số 01/STDS ngày 25-3-2005 của Tũa ỏn nhõn dõn tỉnh Nam Định; giao hồ sơ vụ án cho Toà án nhân dân tỉnh Nam Định xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật với nhận định:

Ngày 01-01-2003 ông Ngô Mạnh Hồng đại diện Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nghĩa Hưng (bên A) và ông Phạm Đức Thắng (bên B) ký hợp đồng trồng cây xanh hai bên hành lang trung tâm thị trấn Liễu Đề, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định với nội dung: ông Thắng nhận thầu trồng 690 cây phượng có hoa màu xanh đỏ, đào hố trồng cây, chăm sóc cây và các chi phí khác tổng cộng bằng 69.000.000 đồng; sau khi trồng xong bên A và bên B nghiệm thu đợt 1, bên B được ứng 30% số tiền theo hợp đồng; đợt 2 khi bên B thực hiện đạt hiệu quả cây sống 100%, bên A, B, ban điều hành dự án đầu tư 661 tiến hành nghiệm thu, bên A có trách nhiệm trả tiền đầy đủ cho bên B sau 15 ngày kể từ ngày nghiệm thu; thời gian đào hố từ ngày 15 đến ngày 20-01-2003, trồng cây đến ngày 20-02-2003; bên nào vi phạm sẽ phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Thực hiện hợp đồng nêu trên, ngày 05-01-2003 ông Thắng đã ký hợp đồng mua cây giống của Công ty TNHH giống cây ăn quả Hưng Yên, với nội dung: ông Thắng mua 690 cây giống gồm 390 cây phượng hoa màu vàng và 300 cây phượng hoa màu đỏ, có chiều cao từ 2,8m-3m trị giá 36.570.000 đồng (bao gồm tiền cây giống và chi phí đánh đôn vào bầu). Ngày 02-02-2003 ông Thắng đến nhận toàn bộ số cây giống và thanh toán tiền cây giống cho Công ty TNHH giống cây ăn quả Hưng Yên, đồng thời nhờ một số hộ dân (là thành viên của công ty) chăm sóc số cây giống trên và hẹn ngày 15-02-2003 sẽ đến lấy cây.

Ngày 12-02-2003, khi ông Thắng đến huyện Nghĩa Hưng thì thấy các hố do ông thuê người đào để trồng cây đã bị người khác sử dụng để trồng cây, nên ngày 14-02-2003 ông Thắng và ông Hồng viết bản cam kết thỏa thuận hủy bỏ hợp đồng đã ký ngày 01-01-2003 và ông Hồng trả tiền công đào hố cho ông Thắng là 1.650.000 đồng.

Do hợp đồng trồng cây bị hủy bỏ nên cây giống mà ông Thắng mua của Công ty TNHH giống cây ăn quả Hưng yên đã bị chết, nên ông Thắng khởi kiện yêu cầu Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nghĩa Hưng bồi thường thiệt hại vì cho rằng Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Nghĩa Hưng vi phạm hợp đồng.

Theo biên bản giám định lại khả năng lao động số 317/GĐYK ngày 15-5-2002 của Hội đồng giám định y khoa tỉnh Nam Định thì ông Phạm Đức Thắng bị tâm thần phân liệt thể không biệt định có giảm sút trí tuệ; do đó Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm xác định ông Thắng không có đủ năng lực hành vi dân sự, xác định việc giao kết hợp đồng trồng cây xanh giữa ông Ngô Mạnh Hồng với ông Thắng vô hiệu là đúng. Tuy nhiên Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm lại công nhận thỏa thuận cam kết” giữa ông Hồng với ông Thắng ngày 14-02-2003 có hiệu lực và căn cứ và nội dung cam kết” này để giải quyết tranh chấp là không đúng.

Mặt khác, theo quy định của pháp luật thì khi hợp đồng trồng cây xanh giữa ông Thắng với ông Hồng vô hiệu, thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận, bên có lỗi gây thiệt hại phải bồi thường; Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm chưa xác định về lỗi làm cho hợp đồng vô hiệu và chưa xác minh thu thập chứng cứ để xác định thiệt hại thực tế như số hố trồng cây mà ông Thắng đã đào, số cây mà ông Thắng đã mua nhưng phải hủy bỏ do hợp đồng không được thực hiện (chưa lấy lời khai của những hộ gia đình mà ông Thắng đã mua cây và nhờ họ chăm sóc cây...) nhưng lại cho rằng ông Thắng không xuất trình được chứng cứ, từ đó bác yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại của ông Thắng là không đúng.

Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm cần làm rõ trách nhiệm của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định, vì theo hợp đồng thì Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nghĩa Hưng là một bên tham gia giao kết hợp đồng (có đóng dấu).

Tại phiên toà giám đốc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao chấp nhận Kháng nghị của Chánh án Toà án nhân dân tối cao.

XÉT THẤY:

Theo nội dung hợp đồng trồng cây xanh ngày 01-01-2003 thì ông Ngô Mạnh Hồng đại diện cho Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nghĩa Hưng ký hợp đồng trồng cây xanh tại Thị trấn Liễu Đề với ông Phạm Đức Thắng. Trong quá trình giải quyết vụ án, Uỷ ban nhân dân huyện Nghĩa Hưng, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nghĩa Hưng đều xác định Huyện ủy, Uỷ ban nhân dân huyện, Ban điều hành dự án 661 tỉnh Nam Định không chỉ đạo cho Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nghĩa Hưng ký hợp đồng và Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nghĩa Hưng cũng không ủy quyền cho ông Hồng ký hợp đồng trồng cây xanh với ông Thắng, vì tại thời điểm này dự án 661 tỉnh Nam Định chưa được triển khai và ngày 31-12-2002 Uỷ ban nhân dân huyện Nghĩa Hưng đã có Quyết định số202/2002/QĐ-UB điều động ông Hồng đến nhận công tác tại Trạm khuyến nông huyện Nghĩa Hưng từ ngày 01-01-2003. Tuy nhiên,  ngày 14-02-2003, khi lập bản cam kết thanh lý hợp đồng ngày 01-01-2003 với ông Thắng, ông Hồng vẫn ký tên (có đóng dấu) với tư cách Phó trưởng phòng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nghĩa Hưng và đến ngày 06-02-2003 ông Hồng, vẫn với danh nghĩa là Phó trưởng phòng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nghĩa Hưng, tham gia hợp đồng mua cây với Trại Giống cây ăn quả thành phố Nam Định. Như vậy, tuy đã có quyết định điều động sang làm công tác khác, nhưng sau đó ông Hồng vẫn đại diện Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nghĩa Hưng tham gia các giao dịch khác (có đóng dấu của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nghĩa Hưng); do đó, nên cần xác minh làm rõ khi ông Hồng được điều động sang làm công tác khác thì có còn giữ chức vụ Phó trưởng phòng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nghĩa Hưng và ông Hồng có phải là đại diện theo ủy quyền của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nghĩa Hưng để giao kết các hợp đồng dân sự hay không. Ngoài ra, theo quy định của pháp luật thì Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nghĩa Hưng là cơ quan giúp việc của Ủy ban nhân dân huyện Nghĩa Hưng nên cũng cần xác định rõ tư cách pháp lý của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nghĩa Hưng. Trong trường hợp Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nghĩa Hưng không có tư cách pháp nhân thì phải xác định Ủy ban nhân dân huyện Nghĩa Hưng là bị đơn trong vụ án mới đúng. Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm chưa xác minh làm rõ các vấn đề nêu trên, nhưng lại xác định Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nghĩa Hưng là bị đơn để giải quyết vụ án là chưa đủ căn cứ.

Ông Thắng cho rằng quyền lợi của ông bị xâm hại nên khởi kiện yêu cầu Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nghĩa Hưng bồi thường. Tuy nhiên, trong thực tế ông Thắng là người trực tiếp ký kết, thực hiện và cam kết thanh lý hợp đồng trồng cây xanh với ông Hồng, ngoài ra ông Thắng còn khai ông trực tiếp ký hợp đồng và thanh toán tiền mua giống cây của Công ty TNHH Giống cây ăn quả Hưng Yên. Hơn nữa, quá trình giải quyết vụ án ông Thắng có nhiều lời khai và trực tiếp tham gia phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm. Trong khi đó tại hồ sơ vụ án chỉ có kết luận “giám định lại khả năng lao động” số 317 ngày 15-5-2002 của Hội đồng giám định y khoa tỉnh Nam Định xác định tình trạng sức khỏe của ông Thắng là “tâm thần phân liệt thể không biệt định có sa sút trí tuệ”. Trong trường hợp này lẽ ra phải yêu cầu Hội đồng giám định y khoa tỉnh Nam Định giải thích kết quả nêu trên về năng lực hành vi dân sự của ông Thắng tại thời điểm giao kết hợp đồng, hoặc phải trưng cầu giám định tâm thần của ông Thắng, thì mới xác định được năng lực hành vi dân sự của ông Thắng. Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm chỉ căn cứ vào kết luận “giám định lại khả năng lao động” nêu trên để từ đó xác định ông Thắng bị tâm thần nên không đủ năng lực hành vi dân sự là chưa đủ cơ sở.

Ông Hồng cho rằng nguyên nhân chính dẫn đến hợp đồng trồng cây xanh ngày 01-01-2003 không được thực hiện là do ông Thắng mang cây nhãn đến để trồng là sai chủng loại cây, nên đã đình chỉ thực hiện hợp đồng với ông Thắng. Tuy nhiên, theo thỏa thuận tại hợp đồng trồng cây ngày 01-01-2003 thì đến ngày 20-02-2003 ông Thắng mới trồng cây; ông Thắng thừa nhận có gửi một số cây nhãn giống ở Ban chỉ huy quân sự huyện nhưng cho rằng ông không trồng nhãn và thực tế ông cũng chưa trồng nhãn nên việc ông Hồng cho rằng do ông Thắng trồng cây không đúng chủng loại theo hợp đồng là chưa đủ cơ sở. Mặt khác, theo lời khai của ông Thắng thì để thực hiện hợp đồng ngày 01-01-2003, ông Thắng đã thuê đào khoảng 500 hố từ ngày 20-01-2003 đến ngày 25-01-2003 và ngày 05-01-2003 ông Thắng ký hợp đồng mua 690 cây phượng giống của Công ty TNHH giống cây ăn quả Hưng Yên với giá 36.570.000 đồng (bao gồm tiền cây giống và chi phí đánh đôn vào bầu), sau khi ký hợp đồng ông đã ứng trước cho công ty 50% giá trị hợp đồng là 17.250.000 đồng, ngày 08-02-2003 ông đến nhận cây và thanh toán toàn bộ số tiền cho Công ty TNHH giống cây trồng Hưng Yên. Trong trường hợp này, lẽ ra phải xác minh thu thập chứng cứ làm rõ thực tế ông Thắng đã thuê đào bao nhiêu hố, có hay không có việc ông Thắng trả tiền mua cây giống của Công ty TNHH Giống cây ăn quả Hưng Yên, thì mới có đủ căn cứ xác định thiệt hại thực tế. Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm chưa xác minh thực tế, nhưng lại căn cứ vào lời khai của ông Hồng và bản cam kết thanh lý hợp đồng ngày 14-02-2003 để cho rằng không có thiệt hại là không đúng.

Vì các lẽ trên, căn cứ khoản 3 Điều 297 và Điều 299 Bộ luật tố tụng dân sự,

QUYẾT ĐỊNH:

1. Hủy bản án dân sự phúc thẩm số 155/2005/DSPT ngày 26-7-2005 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội và hủy bản án dân sự sơ thẩm số 01/STDS ngày 25-3-2005 của Tòa án nhân dân tỉnh Nam Định về vụ án tranh chấp “hợp đồng trồng cây xanh” giữa ông Phạm Đức Thắng và Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định.

2. Giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân tỉnh Nam Định xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.

Lý do bản án phúc thẩm và bản án sơ thẩm bị hủy:

Việc xác định bị đơn trong vụ án chưa đúng; chưa đủ cơ sở để xác định nguyên đơn không đủ năng lực hành vi dân sự; các Tòa án cũng chưa xác minh thực tế mà chỉ căn cứ vào lời khai của đương sự nên xác định chưa đúng thiệt hại xảy ra.

  •  4965
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

0 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…