DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

Quyết định giám đốc thẩm về vụ án Trần Công Khải phạm tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản"

Số hiệu

04/2008/HS-GĐT

Tiêu đề

Quyết định giám đốc thẩm về vụ án Trần Công Khải phạm tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản"

Ngày ban hành

01/04/2008

Cấp xét xử

Giám đốc thẩm

Lĩnh vực

Hình sự

 

……..

Ngày 01 tháng 4 năm 2008, tại trụ sở Tòa án nhân dân tối cao đã mở phiên tòa giám đốc thẩm xét xử vụ án hình sự đối với:

1. Trần Công Khải sinh năm 1943 tại Thái Bình; thường trú tại E10, K300 Cộng Hòa, phường 12, quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh; khi phạm tội là Giám đốc Công ty TNHH tư vấn đầu tư xây dựng K-N; con ông Trần Công Vũ và bà Hoàng Thị Huê (đều đã chết); có vợ và 01 con; bị bắt giam từ ngày 30-3-2004 đến ngày 18-3-2005.

2. Nguyễn Thị Minh Thúy sinh năm 1965; thường trú tại thôn Kênh, xã Tân Hòa, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình; tạm trú tại 248/4 Nguyễn Thái Bình, phường 12, quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh; khi phạm tội là Kế toán trưởng Công ty TNHH tư vấn đầu tư xây dựng K-N; con ông Nguyễn Văn Tiền và bà Nguyễn Thị Thái; bị bắt giam từ ngày 14-6-2004 đến ngày 10-6-2005.

Người bị hại:

Chị Nguyễn Thị Thu Thủy; trú tại Block 6, lầu 8.6, chung cư Mỹ Phước, số 280 đường Bùi Hữu Nghĩa, phường 2, quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh.

Ngoài ra còn có 10 người bị hại khác, nhưng không trực tiếp liên quan đến kháng nghị.

NHẬN THẤY:

Công ty TNHH tư vấn đầu tư xây dựng K-N (sau đây gọi tắt là Công ty K-N) được thành lập theo giấy phép số22666/GP-TLDN ngày 27-9-1999 của UBND thành phố Hồ Chí Minh, do Trần Công Khải làm Giám đốc và Nguyễn Thị Minh Thúy làm Kế toán trưởng.

Ngày 02-7-2001 và ngày 04-9-2001, Trần Công Khải có đơn gửi UBND quận 2 và Văn phòng Kiến trúc sư trưởng thành phố Hồ Chí Minh xin đăng ký sử dụng đất để xây dựng khu dân cư có diện tích từ 02 đến 04 ha tại phường Bình An, quận 2, thành phố Hồ Chí Minh. Đồng thời Khải thuê Công ty TNHH Điền Địa vẽ bản đồ vị trí hiện trạng khu đất tại phường Bình An có diện tích 20.067m2 rồi Khải ký tên, đóng dấu Công ty K-N.

Do khu đất mà Công ty K-N xin lập dự án trùng ranh với dự án xây dựng nhà ở của Công ty thương mại Sài Gòn 5 và Công ty nông lâm thủy hải sản Thạch Phú, nên ngày 08-10-2001 Văn phòng Kiến trúc sư trưởng thành phố có văn bản số3448/KTST-QH và ngày 22-10-2002 UBND quận 2 có Công văn số2544/UB-QLĐT yêu cầu Công ty K-N bổ sung hồ sơ. Đồng thời cùng thời gian này, Trần Công Khải đã sử dụng bản đồ vị trí đất do Khải tự phân lô và thuê Công ty TNHH Điền Địa vẽ đưa cho khách hàng để rao bán đất nền nhà. Khải giao cho Nguyễn Thị Minh Thúy soạn thảo và ký nháy vào các hợp đồng rồi chuyển cho Khải ký tên, đóng dấu Công ty K-N. Khi khách hàng ký hợp đồng mua đất, Khải cam kết là đất thuộc quyền sở hữu hợp pháp của Công ty K-N, không có tranh chấp, nên 43 người đã đã ký hợp đồng và nộp tiền đặt cọc cho Khải. Do thấy lâu không được nhận đất nên 32 người đã lấy lại tiền, còn lại 11 người ký với Khải 12 hợp đồng có tổng giá trị 10.500.000.000 đồng, đã nộp cho Khải tổng số tiền 6.700.000.000 đồng. Số tiền thu được Khải sử dụng mua đất xây khách sạn ở Đà Lạt, mua trang trại ở Bình Phước và chi phí hoạt động của Công ty K-N.

Cuối năm 2003, biết dự án không thể thực hiện được, một số người yêu cầu Khải trả lại tiền đặt cọc và lãi Khải đề nghị đổi sang dự án khác hoặc trả lại tiền, nhưng do hai bên không thống nhất được với nhau về khoản tiền lãi nên một số người đã làm đơn tố cáo Khải lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ngày 30-3-2004 và ngày 04-6-2004 Trần Công Khải và Nguyễn Thị Minh Thúy bị khởi tố về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Tại bản Cáo trạng số166/KSĐT-XXKT ngày 19-01-2006, Viện kiểm sát  nhân dân thành phố Hồ Chí Minh truy tố Trần Công Khải và Nguyễn Thị Minh Thúy về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo điểm a khoản 4 Điều 139 Bộ luật hình sự.

Tại bản án hình sự sơ thẩm số 753/2006/HSST ngày 15-6-2006, Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh áp dụng điểm a khoản 4 Điều 139; điểm b và điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 47 Bộ luật hình sự; xử phạt Trần Công Khải 04 (bốn) năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; thời hạn tù tính từ ngày bị bắt để chấp hành hình phạt, nhưng được khấu trừ thời gian đã bị tạm giam từ ngày 30-3-2004 đến ngày 18-3-2005; áp dụng điểm a khoản 4 Điều 139; các điểm b, h và p khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 47; Điều 53 và Điều 60 Bộ luật hình sự; xử phạt Nguyễn Thị Minh Thúy 02 (hai) năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, nhưng cho hưởng án treo; thời gian thử thách là 03 (ba) năm tính từ ngày tuyên án.

Về trách nhiệm dân sự: do Trần Công Khải đã bồi thường toàn bộ cho 11 người bị hại trước khi xét xử, nên Tòa án cấp sơ thẩm không xem xét, giải quyết.

Ngày 19-6-2006, Trần Công Khải và Nguyễn Thị Minh Thúy đều kháng cáo kêu oan. Tại phiên tòa phúc thẩm các bị cáo cho rằng khi ký hợp đồng những người bị hại đều biết rõ là Công ty K-N mới đang xin đất dự án chứ thực tế chưa có đất, nhưng vẫn mua vì giá rẻ. Việc ghi trong hợp đồng nội dung “Công ty đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất” là do các bị hại buộc phải ghi để ràng buộc trách nhiệm của Công ty.

Tại bản án hình sự phúc thẩm số 2085/2006/HSPT ngày 26-12-2006, Tòa  phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh áp dụng điểm a khoản 2 Điều 142; điểm b và điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 46 và Điều 47 Bộ luật hình sự; xử phạt Trần Công Khải 11 (mười một) tháng 18 (mười tám) ngày tù về tội “Sử dụng trái phép tài sản”; áp dụng điểm a khoản 2 Điều 142; các điểm b, h và p khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 47 và Điều 60 Bộ luật hình sự; xử phạt Nguyễn Thị Minh Thúy 06 (sáu) tháng tù về tội “Sử dụng trái phép tài sản”, nhưng cho hưởng án treo; thời gian thử thách là 12 (mười hai) tháng tính từ ngày tuyên án sơ thẩm.

Tại Kháng nghị giám đốc thẩm số35/QĐ-VKSTC-V3 ngày 20-12-2007, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao kháng nghị bản án hình sự phúc thẩm số 2085/2006/HSPT ngày 26-12-2006 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh và đề nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm, hủy bản án hình sự phúc thẩm nêu trên và bản án hình sự sơ thẩm số 753/2006/HSST ngày 15-6-2006 của Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh để xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật,  với các lý do chính sau đây:

- Tòa án cấp phúc thẩm kết án Trần Công Khải và Nguyễn Thị Minh Thúy về tội “Sử dụng trái phép tài sản” là không đúng về tội danh. Hành vi của Trần Công Khải và Nguyễn Thị Minh Thúy chiếm đoạt của 11 người bị hại 6.700.000.000 đồng thông qua việc ký kết 11 hợp đồng bán nền nhà đã phạm vào tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm còn sử dụng một số chứng cứ giả là các giấy biên nhận tiền để nhận định rằng Trần Công Khải đã khắc phục xong hậu quả nên đã áp dụng mức hình phạt quá nhẹ đối với bị cáo.

- Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng vì đã không triệu tập người bị hại là chị Nguyễn Thị Thu Thủy đến phiên tòa theo đúng quy định của pháp luật.

- Việc chị Nguyễn Thị Thu Thủy yêu cầu Trần Công Khải bồi thường cho chị và gia đình số tiền 3.216.129.300 đồng là tiền lãi (tính theo lãi suất quá hạn của ngân hàng quy định) phát sinh do gia đình chị đã nộp cho Khải 3,7 tỷ đồng từ năm 2001, nhưng không nhận được đất là yêu cầu chính đáng cần xem xét.

Tại phiên tòa giám đốc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

XÉT THẤY:

1. Về tội danh.

Trong vụ án này, Trần Công Khải đã có văn bản xin đất dự án tại quận 2, thành phố Hồ Chí Minh và ký hợp đồng, nhận tiền đặt cọc mua đất của 43 người. Do thấy lâu không được nhận đất, nên có 32 người yêu cầu được lấy lại tiền thì Khải đã trả, còn 11 người do muốn được tiếp tục mua đất hoặc chưa thống nhất được với Khải khoản tiền lãi khi thực hiện việc trả lại tiền, cho nên đến thời điểm khởi tố vụ án và khởi tố bị can, Khải chưa trả lại được tiền cho họ. Số tiền thu được, Khải đã sử dụng trái phép bằng việc dùng để mua đất xây khách sạn, mua trang trại và chi phí hoạt động của Công ty K-N mà chưa chứng minh được ý thức chiếm đoạt của Khải.

Sau khi khởi tố vụ án thì Khải vẫn thừa nhận có thu tiền của 11 người còn lại, công ty của Khải vẫn đang thực hiện một số dự án xây dựng nhà ở khác trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh. Trong quá trình giải quyết vụ án, Khải và gia đình đã thỏa thuận được với những người bị hại về việc hoàn trả số tiền mà Khải đã nhận, những người bị hại đã viết giấy biên nhận tiền và thanh lý hợp đồng. Như vậy, Khải và Thúy không có ý thức chiếm đoạt tài sản của những người bị hại, nên hành vi chỉ có dấu hiệu của tội “Sử dụng trái phép tài sản”. Việc Tòa án cấp phúc thẩm áp dụng Điều 142 Bộ luật hình sự, kết án Trần Công Khải và Nguyễn Thị Minh Thúy về tội “Sử dụng trái phép tài sản” là có căn cứ.

Khi xét xử, Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm căn cứ vào các giấy biên nhận tiền và thanh lý hợp đồng để xem xét, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho các bị cáo là có căn cứ, vì các giấy này do chính những người bị hại trực tiếp viết ra và đều có nội dung là Trần Công Khải và gia đình đã trả đủ tiền, Khải không lừa đảo, đồng thời cam kết sau này không khiếu kiện gì nữa.

2. Về thủ tục tố tụng.

Trong hồ sơ vụ án có tài liệu chứng minh ngày 25-5-2006, Tòa án cấp sơ thẩm đã có văn bản triệu tập tất cả những người bị hại và người liên quan đến trụ sở Tòa án để thông báo lịch xét xử vụ án. Ngày 31-5-2006 chị Nguyễn Thị Thu Thủy đại diện cho chồng là anh Nguyễn Văn Thủy và em là anh Nguyễn Văn Trung đến trụ sở Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh nhận quyết định đưa vụ án ra xét xử vào ngày 09-6-2006. Vụ án được xét xử vào ngày 09-6-2006, nhưng được tuyên án vào ngày 15-6-2006, thì chị Thủy vắng mặt không có lí do chính đáng. Tòa án cấp sơ thẩm vẫn tiến hành xét xử vắng mặt chị Thủy là không vi phạm thủ tục tố tụng. Trong giai đoạn xét xử phúc thẩm, do chị Thủy và những người bị hại khác không có kháng cáo và nội dung kháng cáo của các bị cáo không ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp những người bị hại, nên Tòa án cấp phúc thẩm không triệu tập đến phiên tòa là cũng không vi phạm thủ tục tố tụng.

3. Về khoản tiền lãi đối với số tiền đã nộp.

 Chị Nguyễn Thị Thu Thủy khiếu nại đòi bồi thường số tiền 3.216.129.300 đồng là tiền lãi (tính theo lãi suất quá hạn của ngân hàng quy định) phát sinh do gia đình chị đã nộp cho Khải 3,7 tỷ đồng từ năm 2001 nhưng không nhận được đất. Đây là yêu cầu mới, trước đó Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm chưa xem xét giải quyết nên cấp giám đốc thẩm không xét. Nếu có căn cứ, chị Thủy có thể yêu cầu tòa án có thẩm quyền giải quyết bằng vụ kiện dân sự khác.

Vì các lẽ trên và căn cứ vào khoản 3 Điều 279, khoản 1 Điều 285 Bộ luật tố tụng hình sự,

QUYẾT ĐỊNH:

Không chấp nhận Kháng nghị số35/QĐ-VKSTC-V3 ngày 20-12-2007 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và giữ nguyên bản án hình sự phúc thẩm số 2085/2006/HSPT ngày 26-12-2006 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh.

Lý do không chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng VKSNDTC:

Do bị cáo không có ý thức chiếm đoạt nên Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm kết án bị cáo về tội “sử dụng trái phép tài sản” là có căn cứ. Các Tòa án cũng không vi phạm tố tụng khi xét xử vắng mặt người bị hại ở giai đoạn sơ thẩm và không triệu tập họ ở giai đoạn phúc thẩm.

 

  •  4691
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

0 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…